Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề nghị Tòa án Tối cao tạm hoãn phán quyết của tòa cấp dưới rằng ông không được hưởng quyền miễn truy tố mà một tổng thống được hưởng.
Ông Donald Trump đang vướng vào các vụ kiện tụng nhưng vẫn là ứng viên sáng giá của Đảng Cộng hòa cho kỳ bầu cử tổng thống sắp tới
Ông Trump đã tuyên bố rằng, trong vụ án can thiệp bầu cử của mình, ông không thể bị xử tội vì những hành vi ông thực hiện với tư cách là tổng thống.
Ba thẩm phán tòa án cấp dưới không đồng ý và đưa ra phán quyết rằng ông Trump có thể bị truy tố như bất kỳ công dân nào khác.
Nhưng các luật sư của ông lập luận rằng ông không nên bị xét xử khi chiến dịch bầu cử đang diễn ra.
"Mở một phiên tòa hình sự kéo dài nhiều tháng trời đối với Tổng thống Trump vào mùa cao điểm bầu cử sẽ đập tan hoàn toàn khả năng vận động tranh cử của Tổng thống Trump trong cuộc chạy đua với Tổng thống Biden", các luật sư của Trump viết trong hồ sơ.
Tòa án Tối cao sẽ quyết định liệu có tạm hoãn phán quyết để cho phép ông Trump kháng cáo hay không.
Việc tòa án cấp cao với đa số theo phe bảo thủ chấp thuận yêu cầu này sẽ dẫn đến một sự chậm trễ kéo dài, có thể phải đến sau bầu cử tháng 11, trong vụ án hình sự chấn động - cáo buộc ông Trump âm mưu lật ngược cuộc bầu cử năm 2020 một cách bất hợp pháp.
Tuy nhiên, nếu Tòa án Tối cao bác bỏ việc tạm dừng phán quyết, phiên tòa liên bang do Thẩm phán Tanya Chutkan giám sát sẽ được lên lịch, có thể là vào mùa xuân này.
Trong khi đang tranh cử vào Nhà Trắng, ông Trump phải đối mặt với ba phiên tòa hình sự khác ngoài phiên nói trên.
Ông Trump phải đối mặt với cáo buộc ở bang Georgia vì được cho là cố gắng lật ngược kết quả bầu cử năm 2020 ở bang này. Vụ thứ hai là bản cáo trạng bảy tội danh ở Florida về chuyện ông xử lý các tài liệu mật sau khi rời Nhà Trắng.
Vụ thứ ba, tại New York, liên quan đến cáo buộc che giấu khoản thanh toán cho ngôi sao phim người lớn Stormy Daniels. Ông đã không nhận tội trước các cáo buộc trong tất cả các vụ án.
Đội ngũ pháp lý của ông Trump cũng đã nhiều lần cố gắng trì hoãn các phiên tòa hình sự này cho đến sau cuộc bầu cử năm 2024.
Trong phiên tòa xét xử can thiệp bầu cử liên bang, ông Trump bị cáo buộc bốn tội danh : âm mưu lừa gạt nước Mỹ, âm mưu cản trở thủ tục tố tụng, cản trở thủ tục tố tụng chính thức và âm mưu chống lại quyền của công dân.
Ông đã nhiều lần phủ nhận những sai phạm và các luật sư của ông lập luận rằng tổng thống được miễn truy tố đối với những hành vi phạm tội có thể xảy ra lúc đương chức, ngay cả sau khi họ rời Nhà Trắng.
Tuần trước, lập luận này đã bị một hội đồng gồm ba thẩm phán từ Tòa án phúc thẩm Hoa Kỳ khu vực DC bác bỏ, gồm một người được Đảng Cộng hòa bổ nhiệm và hai người do Đảng Dân chủ bổ nhiệm. Họ đã ra phán quyết rằng "bất kỳ quyền miễn trừ pháp lý nào có thể đã bảo vệ ông ta khi đang làm tổng thống đều không còn bảo vệ ông ta trước truy tố này".
Giờ đây, các luật sư của ông Trump đang yêu cầu Tòa án Tối cao cân nhắc việc tạm hoãn phán quyết của tòa cấp dưới để có thời gian cho tất cả các thẩm phán đang phục vụ tại tòa án khu vực DC xem xét lại vụ việc.
Trong hồ sơ của mình, họ cảnh báo rằng việc bác bỏ quyền miễn trừ của cựu tổng thống sẽ tạo tiền lệ dẫn tới việc "các vụ truy tố như vậy sẽ tái diễn và ngày càng trở nên phổ biến".
Các luật sư của ông Trump lập luận : "Nếu không có quyền miễn trừ truy tố hình sự, chức vị Tổng thống như chúng ta biết sẽ không còn tồn tại".
Nếu tòa án cấp dưới từ chối xem xét lại, ông Trump đã yêu cầu tạm ngưng thực thi phán quyết trong khi ông nộp đơn kháng cáo chính thức lên Tòa án Tối cao.
Ông Trump vận động tranh cử tại Conway, South Carolina vào hôm 10/2
Tòa án Tối cao có thể hồi đáp yêu cầu của ông Trump theo một số cách.
Họ có thể từ chối yêu cầu của ông trong việc tạm hoãn phán quyết, dẫn đến phiên tòa liên bang sẽ tiếp tục. Tòa án Tối cao có thể từ chối yêu cầu xem xét lại của ông Trump, điều này sẽ dập tắt một cách triệt để lập luận về quyền miễn trừ của ông.
Tòa án cũng có thể quyết định xử vụ kháng cáo của ông Trump ngay lập tức, bỏ qua sự xem xét lại từ tòa án cấp dưới. Họ có thể làm vậy một cách nhanh chóng, tương tự một vụ việc khác mà Tòa án Tối cao hiện đang cân nhắc là liệu ông Trump có đủ điều kiện để có tên trong lá phiếu trong cuộc bầu cử năm 2024 hay không.
Tòa án Tối cao cũng có thể quyết định xét xử theo lịch thông thường của tòa, điều này có thể hoãn việc xét xử vụ án cho tới sau ngày bầu cử vào tháng 11.
Vào cuối năm ngoái, Tòa án Tối cao từng từ chối yêu cầu của Công tố viên đặc biệt Jack Smith về việc xem xét nhanh tuyên bố miễn trừ truy tố của ông Trump.
Hiện chưa rõ khi nào Tòa án Tối cao có thể ra phán quyết về yêu cầu của ông Trump.
Chloe Kim & Nadine Yousif
Nguồn : BBC, 13/02/2024
Gần như chắc suất đề cử chính thức của Đảng Cộng hòa, ông Donald Trump vẫn không quên chỉ trích các đối thủ Nikki Haley và Joe Biden.
Ông Donald Trump vận động tranh cử tại Las Vegas, Nevada hôm 27/1
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nói vào hôm thứ Bảy rằng ông cảm thấy "khỏe mạnh và sắc bén hơn so với 20 năm trước", một phát biểu nhằm đáp trả những chỉ trích mới đây từ ứng viên đối thủ trong Đảng Cộng hòa, bà Nikki Haley, người từng nói rằng ông đã già và hay nói hớ, theo Reuters.
Ông Trump nói rằng các ứng cử viên tổng thống nên thực hiện bài kiểm tra nhận thức, một phản ứng rõ ràng là nhằm đáp lại thách thức từ bà Haley, người cũng ủng hộ việc nên có quy định như vậy, khi phát biểu rằng ông Trump đã 77 tuổi và Tổng thống thuộc Đảng Dân chủ Joe Biden đã 81 tuổi.
Trump đưa ra phát biểu trên khi đang nói chuyện tại một cuộc mít tinh ở Nevada, trước vòng bỏ phiếu sơ bộ tiếp theo nhằm chọn ra ứng viên tổng thống chính thức của Đảng Cộng hòa, lần này được tiến hành theo hình thức hội nghị kín (caucus) vào ngày 8/2 tại bang này.
Trong những ngày gần đây, bà Haley đã tố cáo cựu Tổng thống Trump hay nhầm lẫn và đã đặt ra câu hỏi rằng liệu ông Trump có thể làm tổng thống khi tuổi đã cao như vậy.
Mới đây, ông Trump lại có vài lần lỡ lời. Trong một lần đăng đàn vào ngày 19/1, ông đã nhầm bà Haley với cựu Chủ tịch Hạ viện thuộc Đảng Cộng hòa, bà Nancy Pelosi. Thỉnh thoảng ông bị líu lưỡi và có lần nói rằng cựu Tổng thống thuộc Đảng Dân chủ Barack Obama còn tại nhiệm.
Trump gần như sẽ chắc chắn chiếm được 26 phiếu cử tri đoàn tại Nevada vì bà Haley không tham gia cạnh tranh trong hội nghị kín này.
Ông đã tấn công cả bà Haley lẫn ông Biden, tìm cách loại bà Haley ra khỏi cuộc chiến đề cử của Đảng Cộng hòa khi đang kiếm được những điểm số đầu tiên để hướng tới một cuộc tái đấu có thể xảy ra giữa ông ta và Biden vào tháng 11.
Bà Haley hầu như không có cơ hội thắng ông Trump ở vòng sơ bộ của Đảng Cộng hòa. Ảnh chụp năm 2018, thời điểm ông Trump còn làm tổng thống còn bà Haley sắp từ chức Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc.
Hai chiến thắng liên tiếp trong các vòng sơ bộ của Đảng Cộng hòa tại Iowa và New Hampshire gần như chắc chắn đảm bảo cho ông Trump giành được tư cách ứng cử viên của Đảng Cộng hòa cho chiếc ghế chủ nhân Nhà Trắng. Nhưng Trump cay cú vì bà Haley, đối thủ Cộng hòa cuối cùng của ông ta, vẫn chưa chịu bỏ cuộc.
Trump và các đồng minh của ông đã bắt đầu một chiến dịch để ép buộc Haley rút lui trước cuộc bầu cử lớn tiếp theo trong cuộc đua sơ bộ, tại quê nhà của bà này ở South Carolina vào ngày 24/2.
Trump đã dọa sẽ đuổi ra khỏi quỹ đạo chính trị của ông ta bất kỳ nhà tài trợ nào tiếp tục góp tiền cho Haley.
Bà Haley thì tuyên bố sẽ tiếp tục chạy đua ở South Carolina và sau đó nữa.
Không lâu sau bài phát biểu của Trump, bà Haley đã xuất hiện tại một cuộc mít tinh ở South Carolina. Một lần nữa bà lại nói rằng Trump gần đây đã "nhầm lẫn" và nếu muốn làm bài kiểm tra nhận thức thì "ông ta không nên gặp khó khăn khi tham gia một cuộc tranh luận với tôi, vì đó là bài kiểm tra tư duy tối hậu cho bất kỳ ai muốn chạy đua vào vị trí Tổng thống".
Ông Trump đã từ chối tham gia vào bất kỳ cuộc tranh luận nào trong các cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa và từ chối tranh luận với bà Haley.
Trong bài phát biểu tại Nevada, Trump một lần nữa đề cập tới một biệt danh mang tính miệt thị đối với bà Haley, gọi bà là "não chim". Ông ta cũng buộc tội Haley - một đảng viên Cộng hòa cánh hữu - rằng bà này "gần như là một đảng viên Dân chủ cánh tả".
Trump tuyên bố : "Đã đến lúc kết thúc điều này rồi," ý nói về cuộc chạy đua giành tư cách ứng viên chính thức của Đảng Cộng hòa.
Ông Trump vượt bà Haley trong các cuộc khảo sát ý kiến tại South Carolina và bà này cũng không có đường hướng rõ ràng để giành đề cử.
Sau chiến thắng của Trump tại vòng sơ bộ ở New Hampshire vào ngày 23/1, ban vận động của Biden đã phát đi thông cáo rằng : "Hiện đã rõ là ông Donald Trump sẽ là ứng cử viên của Đảng Cộng hòa."
Nhiều khả năng ông Trump sẽ tái đấu với Tổng thống Biden trong cuộc bầu cử tháng 11 tới đây
Chuyển sự chú ý về phía Biden, Trump tập trung phần lớn bài phát biểu của mình vào vấn đề biên giới phía nam.
Số người di cư bị bắt giữ khi vượt biên bất hợp pháp qua biên giới Mỹ-Mexico đã lên mức kỷ lục kể từ khi Biden nhậm chức vào năm 2021, và các cuộc khảo sát ý kiến cho thấy nhập cư và biên giới là những vấn đề quan trọng hàng đầu trong cuộc bầu cử năm nay.
Trump mô tả tình trạng vượt biên trái phép là "thảm họa", là "cuộc xâm lăng" và biên giới phía nam là một "vết thương hở".
Trong khi đó, Biden và các cố vấn chiến dịch của ông đã đẩy mạnh tấn công Trump trong những ngày gần đây, gọi ông là mối đe dọa đối với nền dân chủ Hoa Kỳ và gán ông với quyết định của Tòa án Tối cao Mỹ năm 2022 về việc chấm dứt quyền phá thai liên bang, một vấn đề bị coi là đã làm tổn thương Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022.
Nguồn : BBC, 28/01/2024
Thế nào là bạo loạn chống chính quyền, thế nào là tham gia bạo loạn, có cần bản án của tòa hay không, tổng thống có nằm trong diện bị chế tài và tòa án có thể quyết định về quyền tranh cử của ứng viên hay là để cho cử tri quyết định – đó là những câu hỏi mà Tối cao Pháp viện sẽ cân nhắc khi ra phán quyết về việc ông Donald Trump bị xóa tên khỏi phiếu bầu.
Ông Trump đối mặt nguy cơ bị một số tiểu bang gạch tên khỏi lá phiếu
Thụ lý kháng cáo
Tòa án tối cao của Hoa Kỳ hôm 5/1 thông báo họ sẽ xem xét hồ sơ kháng cáo của cựu Tổng thống Donald Trump về việc tên của ông bị xóa trên phiếu bầu trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ của Đảng Cộng hòa ở bang Colorado và lên lịch cho cuộc tranh tụng bằng đối thoại vào ngày 8/2.
Trong một thông cáo gửi đến ABC News, phát ngôn nhân chiến dịch tranh cử của ông Trump nói họ ‘tin tưởng’ Tối cao Pháp viện sẽ ‘khẳng định quyền công dân của Tổng thống Trump và quyền bỏ phiếu của tất cả người dân Mỹ với phán quyết sẽ một lần và mãi mãi dập tắt tất cả các trò lừa bịp còn lại về xóa tên khỏi lá phiếu’.
Tòa án Tối cao Colorado hôm 19/12/2023 ra phán quyết chưa từng có tiền lệ khi không cho ông Trump tham gia cuộc bỏ phiếu sơ bộ của Đảng Cộng hòa năm 2024 với lý do rằng rằng cựu tổng thống đã vi phạm Mục 3, Tu chính án 14 của Hiến pháp Mỹ.
Phán quyết của tòa ghi rằng ông Trump ‘đã tham gia vào cuộc nổi loạn’ hôm 6/1/2021 và đảo ngược phán quyết của tòa án cấp dưới rằng ông Trump vẫn có thể được ghi tên trên lá phiếu vì tổng thống Mỹ không phải là ‘viên chức của nước Mỹ’.
"Phán quyết của Tòa án Tối cao Colorado đã tước quyền bầu cử của hàng triệu cử tri ở Colorado một cách vi hiến và có khả năng được sử dụng như hình mẫu để tước quyền bầu cử của hàng chục triệu cử tri trên toàn quốc", đội ngũ của ông Trump viết trong đơn kháng nghị.
Ông Trump cũng đang đối mặt với hơn 30 lời kêu gọi từ các bang là cần cấm ông tham gia bầu cử sơ bộ theo Tu chính án thứ 14.
Theo sau Colorado, Maine hôm 28/12/2023 đã trở thành bang thứ hai tuyên bố ông Trump không đủ điều kiện ra tranh cử khi bà Shenna Bellows, Tổng Thư ký tiểu bang, quan chức cấp cao nhất phụ trách công việc bầu cử của bang, loại ông ra khỏi cuộc bỏ phiếu sơ bộ với kết luận rằng ông Trump ‘tham gia vào cuộc nổi loạn’ ngày 6/1.
"Người dân Colorado và người dân Mỹ đáng được biết rõ liệu một người tham gia nổi dậy có thể tranh cử vào chức vụ cao nhất của đất nước hay không. Tôi kêu gọi Tối cao Pháp viện ưu tiên vụ án này và đưa ra phán quyết càng sớm càng tốt", Tổng Thư ký tiểu bang Colorado Jena Griswold ra tuyên bố nói.
Điều khoản ‘rất chung chung’
Trao đổi với VOA từ Quận Cam, bang California, Luật sư Nguyễn Quốc Lân cho biết điều khoản cấm một ai đó ra ứng cử chức vụ công quyền nếu họ đã tham gia bạo loạn chống chính quyền ‘có ghi trong Hiến pháp Mỹ và Hiến pháp nhiều tiểu bang’.
Tuy nhiên, về vấn đề này, các bang khác nhau có cách xử lý khác nhau, ông lưu ý. Có bang cấm ghi tên ông Trump trên lá phiếu vì tham gia bạo loạn, có bang thì cho rằng việc này không nằm trong thẩm quyền của tòa án mà hãy để cho cử tri quyết định.
Do đó, Tối cao Pháp viện rất cần thụ lý vụ việc này để từ đó giải quyết tranh cãi giữa các bang, cũng theo lời luật sư này.
Ông Trump hiện đang bị đại bồi thẩm đoàn liên bang ở thủ đô Washington truy tố về nỗ lực lật ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 mà ông đã thua trước ông Joe Biden liên quan đến cuộc bạo loạn tấn công vào Điện Capitol hôm 6/1/2021.
Luật sư Lân cho rằng cho đến khi tòa án ra phán quyết về cáo trạng này thì ông Trump ‘mặc định được xem như vô tội’. Mà nếu ông Trump được xem là vô tội thì không có cơ sở áp dụng Tu chính án thứ 14.
Tuy nhiên, một khi ông Trump đã bị bồi thẩm đoàn kết tội rồi, Tối cao Pháp viện sẽ ‘phán quyết việc này rất dễ dàng’ vì ‘họ không thể nào coi thường quy định của Hiến pháp’.
Một vấn đề hóc búa nữa đối với Tối cao Pháp viện là Mục 3, Tu chính án 14, ‘ghi rất chung chung’ mà không có diễn giải gì rõ ràng nên rất khó áp dụng, ông Lân nhận định.
"Hành động như thế mới được gọi là bạo loạn ? Thế nào là chống lại chính quyền ? Thế nào là tham gia bạo loạn ? Chỉ cần có mặt ở đó kêu gọi hay là chỉ đi theo đám đông hay là trực tiếp xung đột với cảnh sát ?" ông đặt vấn đề.
Ngoài ra, câu chữ ‘viên chức chính quyền liên bang’ trong Tu chính án cũng có thể được diễn giải là ‘không nhằm vào tổng thống’ vì ‘tổng thống là do dân bầu, chứ không phải như bộ trưởng, thứ trưởng do được bổ nhiệm’.
"Người dân bầu ra tổng thống nên người dân có quyền quyết định tối cao đối với tổng thống chứ không phải là tòa án ở bang Colorado", ông nói.
Tuy nhiên, ông Lân nói nếu lập luận là ông Trump cũng làm việc cho chính quyền liên bang, được lãnh lương như mọi viên chức liên bang khác thì bản thân ông Trump cũng là một ‘nhân viên liên bang’.
Ông xác nhận có những tiêu chuẩn mà Hiến pháp đặt ra đối với người ra tranh cử tổng thống, chẳng hạn như ít nhất phải 35 tuổi, sinh ra ở Mỹ, phải sống ở Mỹ ít nhất 14 năm và không tham gia chống chính quyền là ‘những tiêu chuẩn chính đáng để ra tranh cử chức lãnh đạo quốc gia’ và điều này đã được ghi rõ ra giấy trắng mực đen trong Hiến pháp.
"Nhưng vì đang trong kỳ tranh cử nên có ý kiến cho rằng hãy để quyền quyết định cho người dân chứ không thể để cho vài thẩm phán quyết định về quyền bầu cử của người dân", ông nói. "Đó không phải là ý định của những người lập ra tu chính án đó".
Khi được hỏi hành động của ông Trump trong ngày 6/1 kêu gọi người ủng hộ mình tiến về Điện Capitol và ‘chiến đấu hết mình’ có được xem là ‘tham gia bạo loạn’ hay không, luật sư nói ‘có thể diễn giải khác nhau’ tùy theo cách nhìn.
"Có thể lập luận rằng ông Trump chỉ phát biểu vì ông thật sự tin tưởng cuộc bầu cử bị gian lận nên ông kêu gọi người ủng hộ ông thể hiện cho các vị đại biểu của họ biết, chứ còn họ bạo loạn hay làm gì thì ông ấy không biết", Luật sư Lân nhận định.
Như nhiều hãng tin đã tường thuật, khi đám đông ùn ùn kéo đến Điện Capitol với tâm lý giận dữ, thay vì kêu gọi họ trở về nhà để cho Quốc hội làm việc, ông Trump kêu gọi họ tiến về phía Quốc hội, và khi bạo loạn diễn ra, ông chỉ ngồi yên để xem mà không có hành động gì để chấm dứt bạo loạn. Người ủng hộ ông Trump chỉ làm theo lệnh của của ông mà thôi, Luật sư Lân đưa ra quan sát của ông.
Luật sư Lân nhận định Tối cao Pháp viện khi ra phán quyết về việc này phải tránh làm sao bị người dân nhìn nhận là ‘mang tính đảng phái’ hay ‘can thiệp vào bầu cử’.
Khi được hỏi 9 vị thẩm phán trong Tòa án Tối cao liệu có xét đến phản ứng của dư luận khi ra phán quyết hay không, Luật sư Nguyễn Quốc Lân cho rằng ‘trên nguyên tắc, thẩm phán không nên cân nhắc phản ứng của người dân vì vai trò của họ ghi trong Hiến pháp chỉ là giải thích điều luật Hiến pháp nói gì’.
"Họ chỉ có thể quyết định luật nói sao thì làm y chang vậy. Đúng là đúng mà sai là sai. Họ không cần nghĩ đến việc phán quyết làm sao cho yên ổn đất nước", ông lưu ý.
‘Không phải chính trị’
Theo ghi nhận của VOA, trong các cuộc trả lời phỏng vấn với các cơ quan báo chí khác nhau, nhiều học giả Mỹ chuyên về hiến pháp nhận định rằng phán quyết của Tòa án Tối cao Colorado có thể chính đáng về mặt pháp lý, nhưng áp dụng nó sẽ đầy rủi ro về mặt chính trị, nhất là ở đất nước đã bị chia rẽ sâu sắc và suy giảm lòng tin vào các thể chế dân chủ.
"Cựu Tổng thống Trump không chỉ đơn thuần kích động nổi loạn", phán quyết của Tòa án Tối cao Colorado ghi, được các báo Mỹ dẫn lại. Ngay cả khi cuộc tấn công Điện Capitol đang lên cao trào, ông ấy vẫn tiếp tục hậu thuẫn bạo loạn với việc liên tục yêu cầu phó Tổng thống Mike Pence không thực hiện nghĩa vụ hiến định của mình và gọi điện cho các Thượng nghị sĩ thuyết phục họ ngừng xác nhận phiếu đại cử tri. "Những hành động này cấu thành sự tham gia công khai, tự nguyện và trực tiếp vào cuộc nổi loạn", theo trích dẫn của Washington Post.
Ông J. Michael Luttig, thẩm phán Tòa phúc thẩm Mỹ và là một đảng viên Cộng hòa, nói Tối cao Pháp viện phải xem xét việc này theo đúng Hiến pháp mà không bị chi phối bởi bất kỳ cân nhắc chính trị nào. "Đây không phải là chính trị", ông Luttig được Washington Post dẫn lời nói. "Chính Hiến pháp sẽ loại cựu tổng thống nếu ông ta đáng bị loại".
"Tòa án nên hành động mà không xem xét hậu quả chính trị của các quyết định của họ", Mark Graber, học giả luật hiến pháp tại Đại học Maryland, nói với Washington Post.
Điều then chốt của Tu chính án thứ 14 là ‘có những hạn chế trong các tiến trình dân chủ nhân danh dân chủ, ông Graber nói thêm.
Kim Lane Scheppele, giáo sư xã hội học và quan hệ quốc tế tại Đại học Princeton, nói rằng ở các nước khác việc loại ứng cử viên khỏi lá phiếu dễ dàng hơn. Nhiều nước Châu Âu, bà cho biết, loại bỏ những đảng nào không cam kết ủng hộ Hiến pháp. Bản thân ông Trump còn đi xa hơn nữa, bà lưu ý, khi ông trực tiếp đe dọa trật tự Hiến pháp Hoa Kỳ.
"Các lập luận pháp lý rất thuyết phục, và vì vậy câu hỏi duy nhất là liệu Tối cao Pháp viện có đủ ý chí chính trị để giữ nguyên phán quyết của Tòa án Tối cao Colorado hay không", bà được Washington Post dẫn lời nói.
‘Hãy để cử tri phán quyết’
Tuy nhiên, trên Washington Post, có học giả cho rằng việc xóa tên ông Trump khỏi lá phiếu qua tiến trình pháp lý mặc dù sẽ ngăn ông trở lại Nhà Trắng - mà ông dọa là nếu trở lại được, ông sẽ đình chỉ Hiến pháp và sử dụng các phương tiện của chính quyền để trả thù các đối thủ - nhưng đồng thời nó cũng ngăn cử tri thực hiện quyền phán quyết của họ.
"Tôi tin vào nền dân chủ", Giáo sư luật Tom Ginsburg của Đại học Chicago nói với Washington Post. "Và tôi không nghĩ có lựa chọn nào khác cho việc người dân bỏ phiếu".
Với việc ông Trump được ưa chuộng trong nội bộ đảng Cộng hòa, lệnh cấm ra tranh cử do tòa áp đặt có thể gây ra bất bình từ phía công chúng, sẽ làm suy yếu thêm niềm tin của nhiều người dân Mỹ vào các định chế, Giáo sư Ginsburg phân tích.
Ngay cả những đối thủ chính trị gay gắt nhất của ông Trump trong đảng Cộng hòa cũng không ủng hộ việc loại ông khỏi phiếu bầu. Chris Christie, cựu thống đốc bang New Jersey và là công tố viên liên bang, nói rằng ông đang ra tranh cử tổng thống để ngăn ông Trump trở lại Nhà Trắng. Nhưng Christie chỉ trích quyết định của Tòa án Tối cao Colorado, nói rằng nó sẽ ‘gây ra rất nhiều tức giận’ nếu cử tri không thể đưa ra phán quyết về ông Trump.
Rick Esenberg, chủ tịch và là tổng cố vấn của Viện Luật & Tự do Wisconsin, cũng không đồng ý với phán quyết của Colorado mặc dù ông là đảng viên Cộng hòa kiên quyết nói không với Trump.
Esenberg cho rằng bài phát biểu của ông Trump trước những người ủng hộ mà sau đó đã dẫn đến bạo loạn cấu thành quyền tự do ngôn luận được Hiến pháp bảo vệ.
Trên trang ABC News nhiều nhà quan sát pháp lý nói rằng nếu có thể được, các thẩm phán Tối cao Pháp viện sẽ muốn né tránh áp dụng Mục 3 của Tu chính án 14 cho một ứng cử viên tổng thống.
"Có nhiều khả năng họ sẽ tìm ra cách nào đó để né tránh", ông Laurence Tribe, giáo sư danh dự Trường Luật Đại học Harvard và học giả Hiến pháp, nói với ABC News. "Họ sẽ nói rằng đó là vấn đề chính trị, không phải cho chúng tôi, mà là cho các cử tri. Hoặc họ có thể tìm cách lập luận rằng chung quy đó là vấn đề về Hiến pháp nên để cử tri quyết định".
Mặc dù Tối cao Pháp viện có thể đi thẳng vào vấn đề không né tránh - hoặc tán thành phán quyết của Tòa án Tối cao Colorado rằng ông Trump ‘đã tham gia nổi loạn’ vào ngày 6/1 hoặc lật ngược phán quyết đó với phân tích về dữ kiện trái ngược, việc nhanh chóng ra phán quyết hẹp hoặc phán quyết mang tính kỹ thuật có thể là cách làm có lợi nhất cho Tối cao Pháp viện nếu họ muốn tránh bị coi là can thiệp bầu cử.
Ông Noel Francisco, cựu quan chức Bộ Tư pháp dưới thời Tổng thống Trump, đã đệ đơn lên tòa kêu gọi các thẩm phán áp dụng một lối thoát khả dĩ mà ông cho là có ghi giấy trắng mực đen trong Tu chính án 14.
Mục 3 của Tu chính án 14 cấm cựu ‘viên chức Hoa Kỳ’ đã tuyên thệ và đã tham gia nổi loạn nắm giữ bất kỳ chức vụ nào, dân sự hoặc quân sự, trong chính quyền Mỹ’, nhưng nó không nói gì về việc tranh cử hay có tên trên lá phiếu, ông Francisco lập luận.
"Ngay cả khi Tòa án Tối cao Colorado đúng khi nói rằng Tổng thống Trump không thể nhận nhiệm sở vào Ngày nhậm chức, họ không có cơ sở cho rằng ông ấy không thể ứng cử vào Ngày bầu cử", ông Francisco viết trong lá đơn thay mặt cho Ủy ban Thượng nghị sĩ Cộng hòa Quốc gia.
Nguồn : VOA, 13/01/2024
Tòa án Tối cao của Hoa Kỳ sẽ xem xét tư cách ứng cử viên tổng thống của Trump
Thanh Phương, RFI, 06/01/2024
Tòa án Tối cao của Hoa Kỳ hôm qua, 05/01/2024, đã chấp nhận xem xét tư cách ứng cử viên tổng thống của ông Donald Trump, sau khi tòa án tối cao bang Colorado ra một quyết định chưa từng có : Cấm để tên ông Trump trên các lá phiếu trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa tại bang này.
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump vận động tranh cử tại Mason City, bang Iowa, Hoa Kỳ, ngày 05/01/2024. AP - Charlie Neibergall
Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình:
"Chính vì vai trò của ông cuộc vụ bạo loạn ngày 06/01/2021 mà tòa án tối cao bang Colorado đã quyết định cấm cựu tổng thống Mỹ tham gia bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa tại bang này vào ngày 05/03.
Tòa án cho rằng Donald Trump đã tham gia vào một cuộc nổi loạn và như vậy phải bị cấm giữ các chức vụ chính thức. Các luật sư của ông đã kháng cáo lên định chế tư pháp cao cấp nhất ở Hoa Kỳ. Và, không có gì đáng ngạc nhiên, Tòa án Tối cao đã quyết định thụ lý vụ này. Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra ngày 08/02, trước khi tòa ra phán quyết vào một thời điểm chưa được ấn định, những chắc chắn sẽ là ngay giữa lúc các ứng viên đang đẩy mạnh chiến dịch tranh cử tổng thống.
Phe của Trump rất tin tưởng vào thành công, vì có đến 6 thành viên của Tòa án Tối cao, chiếm đa số, là các thẩm phán theo xu hướng bảo thủ, trong đó có phân nữa do chính ông Trump bổ nhiệm trước đây.
Trong lúc đó, cựu tổng thống Mỹ tiếp tục vận động tranh cử cho cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Iowa, bước đầu tiên trong tiến trình bầu chọn ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hòa.
Với hai cuộc họp mỗi ngày, Donald Trump sẽ gặp gỡ các đảng viên Cộng Hòa, mà tuyệt đại đa số ủng hộ ông hết mình, bất chấp vai trò của cựu tổng thống trong vụ tấn công tòa nhà Quốc Hội ngày 06/01/2021.
Hôm qua, trong một bài phát biểu tại bang Pennsylvania, Joe Biden đã đả kích trực diện đối thủ của ông. Tổng thống Dân Chủ cáo buộc người tiền nhiệm sẵn sàng hy sinh nền dân của của Mỹ để có thể trở lại nắm quyền và thỏa mãn mong muốn báo thù."
Thanh Phương
*****************************
Donald Trump bị tước quyền tranh cử tổng thống tại bang Colorado
Minh Phương, RFI, 20/12/2024
Hôm qua, 19/12/2024, Tòa án Tối cao bang Colorado đã tuyên bố ông Donald Trump không đủ tư cách tranh cử tổng thống, đồng thời loại tên ông khỏi phiếu bầu trong cuộc bầu cử sơ bộ tại bang này. Đây là một quyết định chưa từng có trong lịch sử chính trị - tư pháp Mỹ.
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc mít-tinh, tại Wateloo, bang Iowa, Hoa Kỳ, ngày 19/12/2023. AP - Charlie Neibergall
Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin giải thích thêm :
Tên của ông Donald Trump không nên xuất hiện trên lá phiếu bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa ở Colorado. Theo phán quyết của tòa án tối cao Colorado, vị cựu tổng thống này đã tham gia vào cuộc nổi loạn ngày 06/01/2021. Vì vậy ông không thể ứng cử vào một vị trí đòi hỏi phải tuyên thệ theo Hiến pháp.
Tòa đã ra phán quyết như trên đã căn cứ vào tu chính án thứ 14, được thông qua sau Nội chiến và đã không được sử dụng kể từ năm 1919. Toà án Colorado sẽ tạm hoãn việc thi hành phán quyết cho đến ngày 4/1/2024, trong khi chờ đơn kháng cáo lên Tòa án Tối cao của Hoa Kỳ, cơ quan tư pháp cao nhất của nước này.
Nếu quyết định thụ lý vụ việc, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, với đa số thành viên theo xu hướng bảo thủ, trong đó có 3 thẩm phán do Donald Trump bổ nhiệm, sẽ thiết lập một án lệ cho cả nước. Nói cách khác, có thể ông Donald Trump sẽ bị tuyên bố không đủ tư cách ứng cử. Đây sẽ là một sự kiện chưa từng có.
Đây là lần đầu tiên một tòa án quyết định loại ông Donald Trump khỏi cuộc bầu cử tổng thống, mặc dù nhiều nỗ lực trước đó đều đã thất bại vì tu chính án thứ 14 không đề cập cụ thể chức vụ tổng thống.
Ban vận động tranh cử của Donald Trump ngay lập tức có phản ứng, tuyên bố sẽ kháng cáo quyết định này, đồng thời cho rằng "các nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ đang bấn loạn khi thấy Tổng thống Trump ngày càng dẫn đầu và chiếm ưu thế trong các cuộc thăm dò".
Minh Phương
Donald Trump từ lâu đã thể hiện bản năng của một nhà độc tài, nhưng các chính sách của ông đang trở nên phức tạp hơn, trong khi các cơ chế để kiểm soát ông lại dần yếu đi.
Fani Willis, Chưởng lý Hạt Fulton, Georgia, trình bày một trong những bản cáo trạng mà Trump phải đối mặt. © Kenny Holston/New York Times
Mùa xuân năm 1989, Đảng cộng sản Trung Quốc sử dụng xe tăng và quân đội để đàn áp cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Hầu hết người phương Tây, thuộc mọi đảng phái, đều kinh hoàng trước cuộc đàn áp khiến hàng trăm nhà hoạt động sinh viên thiệt mạng. Nhưng một người Mỹ lại cảm thấy ấn tượng.
"Khi sinh viên đổ vào Quảng trường Thiên An Môn, chính phủ Trung Quốc gần như đã thổi bay quảng trường", Donald J. Trump nói trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Playboy một năm sau vụ thảm sát. "Đúng là họ hung ác, tàn bạo, nhưng họ đã dập tắt cuộc biểu tình bằng sức mạnh. Điều đó cho thấy giá trị của sức mạnh. Đất nước chúng ta hiện đang bị cho là yếu".
Đó là một câu nói ít được để ý trong một cuộc phỏng vấn gồm rất nhiều chủ đề, được thực hiện bởi một nhà báo đang cố gắng giới thiệu khái quát về một doanh nhân 43 tuổi nổi tiếng, người lúc đó chưa tham gia vào chính trị quốc gia hay các vấn đề thế giới. Nhưng xét đến con đường sau này của Trump, việc ông ca ngợi hành động đàn áp tàn nhẫn những người biểu tình dân chủ chính là một điềm báo.
Những lập luận bạo lực và độc đoán của Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2024 đã khiến người ta ngày càng cảnh giác, và bắt đầu so sánh ông với những nhà độc tài phát xít trong lịch sử hoặc những lãnh đạo dân túy cứng rắn đương thời. Trong những tuần gần đây, ông thậm chí còn gọi đối thủ của mình là "lũ sâu bọ" phải bị "nhổ bỏ tận gốc" ; tuyên bố rằng những người nhập cư đang "đầu độc dòng máu của đất nước chúng ta", đồng thời kêu gọi xử bắn những tên trộm vặt, và đề nghị xử tử cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Mark Milley, vì tội phản quốc.
Khi ra tái tranh cử tổng thống trong lúc phải đối mặt với bốn cáo buộc hình sự, Trump dường như đã trở nên tức giận, tuyệt vọng, và nguy hiểm hơn đối với nền dân chủ Mỹ so với nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Nhưng vấn đề thực chất đã xuất hiện từ rất lâu : Ông đã tôn vinh bạo lực chính trị và ca ngợi những kẻ độc tài suốt hàng chục năm qua.
Với tư cách là ứng viên tổng thống hồi tháng 7/2016, Trump từng ca ngợi nhà độc tài Iraq Saddam Hussein là người "rất giỏi" trong việc tiêu diệt khủng bố. Vài tháng sau khi nhậm chức, ông nói với nhà lãnh đạo cứng rắn của Philippines, Rodrigo Duterte, rằng chiến dịch tàn bạo của Duterte, với hàng nghìn vụ giết người ngoài tư pháp dưới danh nghĩa chống ma túy, là "một công việc phi thường". Và suốt 4 năm ở Phòng Bầu dục, Trump đã nhiều lần vượt quá giới hạn và vi phạm các chuẩn mực dân chủ.
Điều khác biệt của chính quyền Trump thứ hai không nằm ở tính cách của ông, mà ở môi trường xung quanh ông. Các lực lượng đã phần nào kiềm chế xu hướng độc tài của Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên – những nhân viên coi công việc của họ là kiềm chế ông, một số nghị sĩ Đảng Cộng hòa sẵn sàng chỉ trích hoặc phản đối ông trong những thời điểm nhất định, Tối cao Pháp viện có sự cân bằng đảng phái, đôi khi sẽ ra phán quyết chống lại ông – tất cả những lực lượng này đều sẽ yếu đi.
Nhờ đó, những kế hoạch và ý tưởng chính sách cực đoan hơn mà Trump và các cố vấn đang chuẩn bị cho nhiệm kỳ hai nhiều khả năng sẽ trở thành hiện thực.
Một chương trình nghị sự cực đoan
Chắc chắn, một số mục tiêu mà Trump và các đồng minh của ông đang lên kế hoạch chỉ đơn giản là phản ứng tiêu chuẩn của bất kỳ tổng thống Cộng hòa nào. Chẳng hạn, Trump rất có thể sẽ hủy bỏ nhiều chính sách của Tổng thống Biden nhằm hạn chế lượng khí thải carbon và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xe điện. Việc đảo ngược các quy tắc và chính sách này sẽ làm suy yếu đáng kể các biện pháp bảo vệ môi trường, nhưng phần lớn những thay đổi này đều phản ánh thái độ hoài nghi bảo thủ đã có từ lâu đối với các quy định về môi trường.
Tuy nhiên, các phần còn lại trong chương trình nghị sự của Trump lại rất khác thường. Không có tổng thống Mỹ nào trước ông từng đùa giỡn với việc rút khỏi NATO, liên minh quân sự của Mỹ với các nền dân chủ phương Tây. Ông cho biết về cơ bản, ông sẽ đánh giá lại "mục đích của NATO và sứ mệnh của NATO" trong nhiệm kỳ hai.
Ông còn nói sẽ ra lệnh cho quân đội tấn công các cartel ma túy ở Mexico, điều sẽ vi phạm luật pháp quốc tế, trừ phi chính phủ Mexico đồng ý. Nhưng khả năng cao là họ sẽ không đồng ý.
Ông cũng sẽ sử dụng quân đội ngay trên đất Mỹ. Dù việc sử dụng quân đội để thực thi pháp luật trong nước nhìn chung là bất hợp pháp, nhưng Đạo luật Chống Nổi dậy vẫn cho phép các trường hợp ngoại lệ. Sau khi một số cuộc biểu tình phản đối bạo lực của cảnh sát vào năm 2020 trở thành bạo loạn, Trump đã cho soạn thảo một sắc lệnh cho phép sử dụng quân đội để trấn áp người biểu tình ở Washington, D.C., nhưng cuối cùng không ký. Còn trong năm nay, ông từng nói bóng gió tại một cuộc biểu tình ở Iowa rằng ông có ý định đơn phương gửi quân đến các thành phố do Đảng Dân chủ nắm quyền, để thực thi trật tự công cộng nói chung.
"Cứ nhìn vào bất kỳ bang nào do Đảng Dân chủ điều hành, chúng đều không còn như xưa – chúng không hoạt động", Trump nói với đám đông, gọi các thành phố như New York, Chicago, Los Angeles, và San Francisco là ổ tội phạm. "Chúng ta không thể để chuyện này xảy ra nữa. Đó là một trong những điều tôi sẽ làm – bởi người ta cho rằng tổng thống không liên quan đến việc này, họ phải được thống đốc hoặc thị trưởng yêu cầu đến – nhưng lần sau, tôi sẽ không chờ đợi nữa".
Các kế hoạch thanh trừng những người nhập cư không có giấy tờ của Trump bao gồm các cuộc truy quét sâu rộng, các trại tạm giam khổng lồ, các đợt trục xuất với quy mô hàng triệu người mỗi năm, ngừng quy chế tị nạn, cố gắng chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh đối với những đứa trẻ sinh ra trên đất Mỹ có cha mẹ là người nhập cư không có giấy tờ, và viện dẫn Đạo luật Nổi loạn để cho phép quân đội đảm nhiệm việc quản lý nhập cư ở gần biên giới phía Nam.
Trump có một kế hoạch sâu rộng nhằm đối phó với những người nhập cư không có giấy tờ. © Verónica G. Cárdenas/New York Times
Trump sẽ cố gắng mở rộng quyền lực tổng thống theo vô số cách – tập trung quyền lực lớn hơn vào nhánh hành pháp trong Nhà Trắng, chấm dứt sự độc lập của các cơ quan mà Quốc hội thành lập để hoạt động ngoài tầm kiểm soát của tổng thống, và giảm bớt các biện pháp bảo vệ công chức để có thể dễ dàng sa thải và thay thế hàng chục nghìn nhân viên chính phủ.
Trên hết, lời thề của Trump về việc sử dụng Bộ Tư pháp để trả thù những kẻ thù của ông là một thách thức trắng trợn đối với các giá trị dân chủ. Ông từng cố gắng thuyết phục các công tố viên truy lùng kẻ thù của mình khi còn đương chức, và lời thề của Trump sẽ chấm dứt chuẩn mực hậu Watergate về điều tra độc lập, nằm ngoài sự kiểm soát chính trị của Nhà Trắng.
Với tất cả những nỗ lực này, Trump sẽ được hỗ trợ trong nhiệm kỳ hai nhờ một hệ thống tư vấn với nguồn tài chính dồi dào. Năm 2016, nhiều viện nghiên cứu chính sách bảo thủ vẫn là pháo đài của Chủ nghĩa Cộng hòa kiểu George W. Bush. Nhưng những tổ chức mới do những thành viên kỳ cựu trong chính quyền Trump điều hành đã xuất hiện và Quỹ Di sản (Heritage Foundation) nổi tiếng đã nhanh chóng điều chỉnh để theo kịp Chủ nghĩa Trump.
Một liên minh đang soạn thảo các kế hoạch chính sách kiểu "Nước Mỹ trên hết", được đặt biệt danh là Dự án 2025. (Chiến dịch tranh cử của Trump đã đánh giá cao nỗ lực này, nhưng cho biết chỉ những kế hoạch do ông hoặc chiến dịch tranh cử của ông công bố mới có tính chính thức). Trong khi một số đề xuất được phát triển trong Dự án 2025 sẽ thúc đẩy các mục tiêu lâu dài của các nhà tài trợ hàng đầu của Đảng Cộng hòa, ví dụ như hạn chế các quy định đối với doanh nghiệp, thì những đề xuất khác lại phù hợp hơn với lợi ích cá nhân của Trump.
Chẳng hạn, Trung tâm Đổi mới Nước Mỹ đã xuất bản một bài báo có tựa đề "Bộ Tư pháp Mỹ không độc lập". Bài báo được viết bởi Jeffrey Clark, người suýt chút nữa đã được Trump đưa lên làm quyền tổng chưởng lý để hỗ trợ nỗ lực lật đổ kết quả bầu cử 2020, và Clark hiện đang phải đối mặt với cáo buộc hình sự ở Georgia vì có liên quan đến nỗ lực đó.
Khi được yêu cầu bình luận, người phát ngôn của Trump không trả lời cụ thể, mà thay vào đó lại chỉ trích New York Times, đồng thời nói rằng Trump luôn "cứng rắn trước bọn tội phạm".
Hành lang phòng vệ bị suy yếu
Ngay từ khi tranh cử vào năm 2016, Trump đã coi thường các chuẩn mực dân chủ.
Ông đổ lỗi cho thất bại của mình trong kỳ bầu cử sơ bộ ở Iowa là do gian lận, và gợi ý rằng ông sẽ chỉ coi kết quả của cuộc tổng tuyển cử là hợp pháp nếu ông thắng. Ông đe dọa bỏ tù Hillary Clinton, bôi nhọ người nhập cư Mexico là những kẻ hiếp dâm, và hứa sẽ cấm người Hồi giáo vào Mỹ. Ông còn đề nghị thanh toán các hóa đơn pháp lý cho bất kỳ người ủng hộ nào đánh đập người biểu tình phản đối tại các cuộc mít tinh của ông, và kích động lòng căm thù đối với các phóng viên đưa tin về các sự kiện của ông.
Khi còn đương chức, Trump đã từ chối thoái vốn khỏi các công ty kinh doanh của mình, và những người muốn lấy lòng ông đã đặt những dãy phòng đắt tiền trong khách sạn của ông. Bất chấp luật chống gia đình trị, ông vẫn giao công việc ở Nhà Trắng cho con gái và con rể. Ông còn sử dụng quyền khẩn cấp của tổng thống để chi nhiều hơn cho bức tường biên giới so với mức mà Quốc hội cho phép. Các luật sư của ông đã xin ân xá cho người đứng đầu chiến dịch tranh cử của ông, người được Trump khen ngợi vì đã không "phản bội" khi các công tố viên cố gắng thuyết phục ông hợp tác với tư cách nhân chứng trong cuộc điều tra về Nga, nhưng không thành công. Sau cùng, Trump đã ân xá cho người này.
Con gái Trump, Ivanka Trump, và con rể Jared Kushner, đảm nhiệm các chức vụ ở Nhà Trắng bất chấp luật chống gia đình trị. © Al Drago/New York Times
Thật may, một số hành vi vi phạm chuẩn mực nghiêm trọng nhất của ông đã bị ngăn cản.
Trump đã gây áp lực buộc Bộ Tư pháp phải truy tố các đối thủ của mình. Bộ Tư pháp đã mở một số cuộc điều tra hình sự, từ việc giám sát cựu Ngoại trưởng John Kerry và cựu giám đốc FBI James B. Comey Jr., cho đến nỗ lực của công tố viên đặc biệt John Durham nhằm tìm cơ sở để buộc tội các quan chức an ninh quốc gia thời Obama hay buộc tội Hillary Clinton với tội danh liên quan đến nguồn gốc cuộc điều tra Nga. Nhưng sau cùng, các công tố viên lại quyết định không đưa ra cáo buộc và điều đó đã làm Trump nổi giận.
Trump cũng không thành công trong hai nỗ lực mà vì chúng ông đã bị luận tội. Ông từng cố ép Ukraine mở một cuộc điều tra hình sự đối với Biden bằng cách từ chối viện trợ quân sự nhưng Ukraine không hợp tác. Ông cũng tìm cách lật ngược thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020 và gây ra một cuộc bạo loạn ở Điện Capitol, nhưng Phó Tổng thống Mike Pence và đa số trong Quốc hội đã bác bỏ nỗ lực duy trì quyền lực của ông.
Có lý do để tin rằng nhiều trở ngại và rào cản đã hạn chế Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên sẽ không còn trong nhiệm kỳ hai.
Một số mục tiêu mà Trump cố gắng thực hiện đã bị cản trở bởi chính sự kém cỏi và hỗn loạn trong chính quyền ban đầu của ông. Nhưng sau bốn năm, những người ở lại với ông đã học được cách sử dụng quyền lực hiệu quả hơn. Chẳng hạn, sau khi các tòa án chặn lệnh cấm nhập cảnh được soạn thảo một cách cẩu thả của ông, đội ngũ của Trump đã phát triển một phiên bản mà Tối cao Pháp viện cho phép có hiệu lực.
Bốn năm đương nhiệm của Trump đã tạo ra một Tối cao Pháp viện có đa số theo Cộng hòa, những người giờ đây có lẽ sẽ đứng về phía ông trong một số vụ kiện mà ông đã thua, ví dụ như phán quyết với tỷ lệ 5 :4 vào tháng 6/2020, vốn đã ngăn cản ông kết thúc một chương trình cấm trục xuất những người không có giấy tờ hợp lệ đã đến Mỹ khi còn nhỏ và lớn lên như người Mỹ.
Các nghị sĩ của Đảng Cộng hòa trong Quốc hội thường là đối tác và người hỗ trợ Trump – bắt tay với ông để bổ nhiệm các thẩm phán tối cao và cắt giảm thuế doanh nghiệp, nhưng lại hiếm khi giám sát tổng thống. Tuy nhiên, một số nghị sĩ chủ chốt của Đảng Cộng hòa trong Quốc hội vẫn thỉnh thoảng lên án những luận điệu của Trump hoặc phản biện những đề xuất cực đoan của ông.
Năm 2017, Thượng nghị sĩ Bob Corker đã chỉ trích Trump vì đã đe doạ Triều Tiên một cách liều lĩnh trên Twitter, trong khi Thượng nghị sĩ John McCain đã bỏ lá phiếu mang tính quyết định để ngăn Trump hủy bỏ một đạo luật về phổ biến bảo hiểm y tế, mà không có kế hoạch thay thế nào.
Nhiều khả năng các đảng viên Cộng hòa tại Quốc hội sẽ nghe lời Trump hơn nếu Trump đắc cử nhiệm kỳ hai. Đảng này đã trở nên thích nghi hơn với Trump và thậm chí nhiệt tình ủng hộ việc Trump sẵn sàng vượt giới hạn. Và Trump đã làm suy yếu, hoặc đe dọa buộc phải phục tùng, hoặc sa thải nhiều nhà lập pháp hàng đầu của Đảng Cộng hòa, những người có lập trường độc lập và đôi khi sẵn sàng thể hiện thái độ chống lại ông.
McCain, ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa năm 2008, đã qua đời vào năm 2018. Cựu Hạ nghị sĩ Liz Cheney, người đã bỏ phiếu luận tội Trump vì kích động cuộc bạo loạn ngày 06/01/2021 và giúp lãnh đạo ủy ban điều tra sự kiện đó, đã để mất ghế vào tay một đối thủ chính ủng hộ Trump. Thượng nghị sĩ Mitt Romney, ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa năm 2012, đồng thời là Thượng nghị sĩ Cộng hòa duy nhất đã bỏ phiếu kết tội Trump trong phiên tòa luận tội đầu tiên của ông, sắp nghỉ hưu.
Hạ nghị sĩ Liz Cheney (chính giữa bên phải) đã lãnh đạo cuộc điều tra về vụ tấn công vào Điện Capitol ngày 06/01/2021, rồi sau đó đã thua trước một ứng viên ủng hộ Trump. © Doug Mills/New York Times
Nỗi lo về bạo lực từ những người ủng hộ Trump cũng giúp Trump siết chặt kiểm soát. Trong những cuốn sách gần đây của mình, cả Romney và Cheney đều nói rằng một số đồng nghiệp thuộc Đảng Cộng hòa, những người được giấu tên, nói rằng họ muốn bỏ phiếu chống lại Trump trong quy trình luận tội liên quan đến vụ ngày 06/01, nhưng không làm vậy vì lo cho sự an toàn của chính bản thân và gia đình họ.
Nhân sự là chính sách
Có lẽ đối trọng quan trọng nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump là sự phản kháng từ nội bộ chính quyền đối với một số yêu cầu cực đoan của ông. Từ đó đến nay, một loạt quan chức cấp cao trong chính quyền của ông đã cảnh báo rằng Trump không thích hợp để làm tổng thống, bao gồm cả cựu chánh văn phòng Nhà Trắng John F. Kelly, cựu bộ trưởng quốc phòng Jim Mattis và Mark T. Esper, cựu cố vấn an ninh quốc gia John R. Bolton, cựu tổng chưởng lý William P. Barr, và nhiều người khác.
Về phần mình, Trump chỉ trích tất cả những người này là yếu đuối, ngu ngốc, và không trung thành. Ông từng chia sẻ một cách riêng tư với những người thân cận rằng sai lầm lớn nhất của ông liên quan đến những người ông bổ nhiệm, cụ thể là lựa chọn của ông cho chức tổng chưởng lý. Các cố vấn đang gắn bó với ông đều tự tin rằng nếu ông thắng cử một nhiệm kỳ mới, sẽ không còn quan chức nào cố tình cản trở chương trình nghị sự của ông.
Ngoài việc phát triển các tài liệu chính sách, liên minh các viện chính sách do những người có liên hệ với Trump điều hành đã xây dựng một cơ sở dữ liệu gồm hàng nghìn tân binh tiềm năng đã vượt qua vòng kiểm duyệt để giao cho một nhóm chuyển tiếp nếu Trump thắng cử. Những nỗ lực tương tự đang được các cựu quan chức cấp cao của chính quyền Trump tiến hành nhằm chuẩn bị cung cấp cho chính phủ những luật sư có thể tìm ra cách ủng hộ những ý tưởng cấp tiến của Nhà Trắng, thay vì cản trở chúng về mặt pháp lý.
Những nỗ lực nhân sự như vậy xuất phát từ một thay đổi trong năm cuối cùng của Trump trên cương vị tổng thống. Năm 2020, ông đã thay thế các cố vấn dám cản đường mình, và bổ nhiệm một trợ lý trẻ, John McEntee, để loại bỏ tận gốc những quan chức được cho là không đủ trung thành.
Tùy thuộc vào tiến trình bầu cử Thượng viện, việc bổ nhiệm những ứng viên đặc biệt gây tranh cãi vào các vị trí quan trọng có thể là một thách thức. Nhưng một hành vi vi phạm chuẩn mực khác của Trump là việc lạm dụng quyền lực của tổng thống để tạm thời lấp chỗ trống bằng những "quyền" (acting) lãnh đạo cho những vị trí phải được Thượng viện xác nhận.
Chẳng hạn, năm 2020, Trump đã bổ nhiệm Richard Grenell – một đồng minh hiếu chiến và là cựu đại sứ tại Đức – làm quyền giám đốc tình báo quốc gia. Hai nhà lãnh đạo tình báo trước thời Trump đã chọc giận ông khi đứng ra bảo vệ lập luận rằng Nga đã ngấm ngầm cố gắng giúp đỡ chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông, và bằng cách thông báo cho các nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ rằng họ sẽ làm như vậy một lần nữa vào năm 2020. Thay vào đó, Grenell đã giành được sự khen ngợi của Trump bằng cách sử dụng chức vụ của mình để giải mật các tài liệu nhạy cảm mà Đảng Cộng hòa sẽ dùng để miêu tả cuộc điều tra Nga là đáng ngờ.
Richard Grenell được Trump bổ nhiệm làm quyền giám đốc tình báo quốc gia, một trong những vị trí đáng lẽ phải chờ được Thượng viện xác nhận. ©Pete Marovich/New York Times
Sau khi Trump rời nhiệm sở, đã có nhiều đề xuất luật hóa các chuẩn mực dân chủ mà ông vi phạm. Các ý tưởng bao gồm thắt chặt các giới hạn đối với quyền khẩn cấp của tổng thống, yêu cầu tiết lộ các khoản thuế của họ, củng cố một lệnh cấm được quy định bởi hiến pháp nhằm cấm các khoản thanh toán ngoài luồng, và khiến việc lạm dụng quyền ân xá và thẩm quyền của tổng thống đối với các công tố viên trở nên khó khăn hơn.
Tháng 12/2021, khi Đảng Dân chủ vẫn còn kiểm soát Hạ viện, họ đã thông qua nhiều đề xuất như vậy trong Đạo luật Bảo vệ Nền Dân chủ của Nước Mỹ. Mọi đảng viên Cộng hòa, ngoại trừ một người – Hạ nghị sĩ Adam Kinzinger, vốn đã nghỉ hưu sau khi bỏ phiếu luận tội Trump sau cuộc bạo loạn ngày 6/1 – đã bỏ phiếu chống lại dự luật này. Sau đó, nó đã chết yểu tại Thượng viện.
Cuộc tranh luận tại Hạ viện phần lớn diễn ra dựa trên một tiền đề đã làm giảm tính cấp bách của vấn đề : Trump đã rời nhiệm sở. Đảng Dân chủ lập luận rằng những cải cách này là dành cho các tổng thống tương lai, trong khi Đảng Cộng hòa coi nó như một đòn tấn công không cần thiết nhắm vào Trump.
"Thật không may, Donald Trump không còn là tổng thống nữa", Rick Crawford, Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa đại diện cho bang Arkansas, phát biểu. "Đã đến lúc ngừng sống trong quá khứ".
Charlie Savage, Jonathan Swan và Maggie Haberman
Nguyên tác : "Why a Second Trump Presidency May Be More Radical Than His First", New York Times, 04/12/2023
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 18/12/2023
Charlie Savage là nhà báo trong hơn hai thập niên qua. Ông chuyên viết về an ninh quốc gia và chính sách pháp lý.
Jonathan Swan là phóng viên chính trị, phụ trách đưa tin về cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 và chiến dịch tranh cử của Donald Trump.
Maggie Haberman là phóng viên chính trị cấp cao, và là tác giả cuốn sách "Confidence Man : The Making of Donald Trump and the Breaking of America". Bà là thành viên của nhóm phóng viên đã giành được Giải Pulitzer năm 2018 vì đưa tin về các cố vấn của Tổng thống Trump và mối liên hệ của họ với Nga.
"Cuộc chiến sinh tồn" của Donald Trump
Tình hình chính trị ở Hoa Kỳ, chiến tranh Ukraine, biến đổi khí hậu là những chủ đề được các tờ báo Pháp quan tâm nhất vào hôm nay 07/09/2023.
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tại Atlanta sau khi bị tạm giữ ngày 24/08/2023. © Alex Brandon / AP
Tờ Le Figaro dành trang nhất và bài xã luận để nói về cựu tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang coi cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 như một "cuộc chiến sinh tồn". Trước sự ngạc nhiên của mọi người, ông Trump đang tiến hành một "chiến dịch tranh cử" đáng kinh ngạc trong lịch sử của nền dân chủ hiện đại. Bị truy tố với 91 tội danh tại bốn tòa án khác nhau, cựu tổng thống vẫn là ứng viên sáng giá nhất trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa. Những rắc rối với pháp luật đã làm tăng ý định bỏ phiếu cho ông lên 10 điểm kể từ mùa xuân, các đối thủ chính của Trump đang kém ông 40 điểm. Vẫn theo các cuộc thăm dò, ông đang ngang bằng với tổng thống Joe Biden về ý định bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2024.
Mặc dù các phiên xử có thể sẽ gây tác động đến việc vận động tranh cử, Donald Trump, cho đến thời điểm hiện tại, đã thành công trong việc biến những rắc rối pháp lý thành một lợi thế không thể bàn cãi. Ông đã huy động được hơn 20 triệu đô la vào tháng 8, đặc biệt với bức ảnh nhận dạng tù nhân. Phí trả cho các luật sư được lấy từ quỹ tranh cử của ông. Không xuất hiện ở những "đấu trường chính trị", ông "tranh cử" và tự biện hộ từ phòng xử án.
Nhật báo thiên hữu nhận định rằng dường như không có ranh giới nào mà Donald Trump không dám vượt qua. Ông xúc phạm các thẩm phán, phát tán những lời dối trá, và dường như các biện pháp này mang lại hiệu quả, khi tỷ lệ những người ủng hộ ông không hề thuyên giảm, và thậm chí còn tăng. Tuy nhiên, những người dân "thấp cổ bé họng" ủng hộ ông dường như phải chịu những kết cục không mấy suôn sẻ. Đã có hơn một nghìn người bị xét xử về vụ nổi loạn ở điện Capitol vào ngày 06/01/2021. Các thủ lĩnh của nhóm dân quân cực hữu Proud Boys phải lĩnh từ 10 đến 22 năm tù vì đã điều khiển từ xa cuộc tấn công vào tòa nhà Quốc hội.
Những bản án này báo trước những gì cựu tổng thống sẽ phải đối mặt nếu ông bị kết án về những tội danh tương tự. Do vậy, Donald Trump "không sai" khi coi cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo là "cuộc chiến sinh tồn". Le Figaro kết luận : ngay cả khi Trump giành chiến thắng, đảng Cộng hòa cũng sẽ bị suy yếu, chưa kể đến nền dân chủ Hoa Kỳ.
Đảng Cộng Hòa muốn phế truất tổng thống Biden
Vẫn tại Hoa Kỳ, Le Figaro nói về việc đảng Cộng hòa đang tìm cách phế truất tổng thống Joe Biden. Được đưa vào Hiến pháp Hoa Kỳ như một giải pháp cuối cùng, việc luận tội và phế truất tổng thống đang trở thành một vũ khí chính trị giống như bất kỳ biện pháp nào khác. Sau hai nỗ lực của đảng Dân chủ nhằm luận tội Donald Trump vào các năm 2019 và 2021, đã được Hạ Viện thông qua, nhưng Thượng Viện bác bỏ, giờ đây, đảng Cộng hòa đang muốn "phục thù", dùng biện pháp tương tự đối với ông Biden.
Nhóm cực đoan của đảng Cộng hòa tại Quốc hội đang nung nấu ý định mở thủ tục luận tội tổng thống Dân Chủ, mà họ cáo buộc tham nhũng. Đồng thời, nhóm dân biểu này đe dọa sẽ không bỏ phiếu ủng hộ dự luật cắt giảm ngân sách mà Quốc hội phải thông qua trước ngày 30/09 để chính phủ liên bang không bị vỡ nợ.
Marjorie Taylor Greene, dân biểu Hạ Viện đảng Cộng hòa tại bang Georgia và là một trong những nhân vật cực đoan nhất của đảng, cách đây vài tuần đã cảnh báo trước Quốc hội rằng bà sẽ chỉ bỏ phiếu cắt ngân sách chính phủ một khi đã bỏ phiếu mở cuộc điều tra luận tội Biden.
Những nhân vật cực đoan này được Donald Trump khích lệ một cách công khai. Cựu tổng thống, bị truy tố trong bốn vụ án riêng biệt, tố cáo đảng Dân chủ sử dụng tư pháp như một công cụ chính trị, giờ đây kêu gọi đảng Cộng hòa thực hiện các biện pháp tương tự đối với Joe Biden. "Lũ khốn này (đảng Dân chủ) đã truy tố tôi bốn lần. Hoặc mọi người truy tố kẻ khốn này (Joe Biden), hoặc mọi người sẽ rơi vào quên lãng", Donald Trump phản ứng như vậy trên mạng xã hội Truth Social của ông.
Ngoài ra, đảng Cộng hòa cũng khẳng định có bằng chứng cho thấy Joe Biden dính líu đến các thương vụ làm ăn đáng ngờ của con trai ông, Hunter Biden. Nhân vật này bị cáo buộc dùng ảnh hưởng của cha phục vụ việc làm ăn cá nhân. Các email thu được từ máy tính cá nhân của Hunter Biden, đi kèm với lời khai của một cựu cộng sự của anh, cho thấy rằng người cha đã từng thảo luận với con trai về những thương vụ làm ăn đáng ngờ này. Đồng thời, một số nhân viên làm việc trong cơ quan thuế Hoa Kỳ cũng nhận định rằng cuộc điều tra về Hunter Biden đã bị bộ Tư Pháp cố tình làm đình trệ.
Nhiệm vụ khó khăn của những lính rà phá bom mìn Ukraine
Về chiến tranh Ukraine, tờ Le Monde dành trang nhất cho các binh lính rà phá bom mìn của Ukraine. Đó là một đêm tháng 7, có ba hoặc bốn lính rà phá bom mìn và rất nhiều trinh sát Ukraine "bò" về phía ngôi làng Piatykhatky bị quân đội Nga chiếm đóng ở vùng Zaporijjia, phía nam Ukraine. Vào lúc bình minh, một hành lang hướng tới các vị trí của quân địch đã được dọn sạch mìn : quân Ukraine có thể tiến vào và chiếm lại ngôi làng này. Bogdan, 48 tuổi, chuyên gia rà phá bom mìn của lữ đoàn 128, thuật lại rằng quân đội Nga đã chuẩn bị cho một chiến dịch đối phó với các thiết bị hạng nặng như xe bọc thép và một đội quân hùng hậu. Do đó, "chiến dịch âm thầm" này đã khiến Nga bị bất ngờ.
Đối với bộ tham mưu ở Kiev, bước đột phá xung quanh Piatykhatky, tuy khiêm tốn, nhưng lại là một trong những bước tiến quan trọng trong cuộc phản công của Ukraine. Trái với dự đoán, hầu hết các cuộc phản công của Ukraine ở phía nam đều giành thắng lợi, những khu vực mà thiết bị hạng nặng của phương Tây, những thứ mà Kiev đang muốn nhận thêm, không được sử dụng. Do đó, một số tiểu đoàn đã được lệnh "để dành" những vũ khí hạng nặng và ưu tiên triển khai các đơn vị nhỏ, được hỗ trợ bởi các đội rà phá bom mìn.
Kể từ đó, cuộc phản công trở thành một cuộc hành quân chậm chạp, giữa đồng bằng trống trải và không có nơi để ẩn náu. Vào ngày 29/08, việc Ukraine tuyên bố giải phóng Robotyne, một ngôi làng khác trong khu vực Zaporijjia, thể hiện một bước đột phá thực sự vào tuyến phòng thủ của Nga. Giờ đây, trở ngại chính trong cuộc phản công của Ukraine là các bãi mìn.
Đối với những người làm nhiệm vụ rà phá bom mìn, các binh lính phải rời trại vào khoảng 2 giờ 30 sáng, để tới được vùng xám vào lúc bình minh. Đó là khoảng thời gian rất đặc biệt giữa đêm và ngày, khi quân địch bị "mù" : quá sáng để sử dụng kính nhìn ban đêm, nhưng không đủ sáng để bị drone phát hiện. Đi khom người, đôi khi bò trườn, đặc công Ukraine không rời mắt khỏi mặt đất. "Chúng tôi nhìn xuống đất, và chỉ nhìn xuống đất, điều đó rất quan trọng. Đôi khi có tiếng súng nổ từ các trạm canh gác của Nga. Điều quan trọng là không bắn trả. Quân địch có thể bắn ngẫu nhiên, chỉ để kiểm tra", Bogdan nói.
Nga bắt giữ những "kẻ khủng bố" trẻ tuổi
Trang nhất của Le Monde cũng chú ý đến một chàng trai trẻ bị cảnh sát Nga bắt sau khi định phóng hỏa một văn phòng tuyển quân. Xuất thân từ một gia đình Nga "không quan tâm đến chính trị", chàng trai Egor Balazeykin, 16 tuổi, đã trở thành một nhà hoạt động phản đối chiến tranh sau cái chết của người chú ở mặt trận Ukraine. Bị bắt vào tháng 2 sau khi ném bom xăng vào một cơ sở tuyển quân ở Kirovsk, Egor đang bị giam giữ và chờ xét xử với tội danh "âm mưu tấn công khủng bố".
Bố mẹ Egor được thông báo về việc con trai bị bắt vào tối muộn ngày 28/02. Một nhân vật khả nghi đã bị phát hiện ở gần văn phòng tuyển quân ở Kirovsk, cách Saint Petersburg một tiếng lái xe. Cảnh sát nhận định rằng dường như đã có ai đó toan đốt tòa nhà, khi phát hiện một chai thủy tinh bị vỡ với những chất gây cháy được tìm thấy ở gần đó. Một chiếc xe cảnh sát đã phát hiện ra Egor, đang đợi lên xe buýt để về nhà.
Kể từ đó, Egor bị nhốt tại trung tâm giam giữ tạm thời dành cho trẻ vị thành niên ở Saint Petersburg. Ngay từ phiên thẩm vấn đầu tiên, Egor đã không che giấu động cơ của mình : "Tôi phản đối chiến tranh, tôi không muốn binh lính tiếp tục bỏ mạng ở Ukraine".
Ngoài ra, Egor bị thẩm vấn mà không có sự có mặt của cha mẹ, không luật sư. Đó là hành động bất hợp pháp, nhưng nó cho phép các điều tra viên buộc Egor nhắc lại những câu "họ muốn nghe". Đúng vậy, bằng hành động của mình, Egor Balazeïkine đã vi phạm Hiến pháp của Liên Bang Nga. Lời khai này đã thay đổi tội danh của Egor. Thay vì chỉ là "tìm cách làm tổn hại tài sản Nhà nước", Egor sẽ bị xét xử với tội danh "âm mưu tấn công khủng bố".
Egor Balazeïkine không phải là "kẻ khủng bố" nhỏ tuổi duy nhất ở Nga. Đã có vài nhân vật trước chiến tranh, như Nikita Ouvarov, bị bỏ tù ở tuổi 14 vì đã tỏ ý định cho nổ tung bản sao của tòa nhà Tổng cục An ninh Liên Bang Nga (FSB) trong một trò chơi điện tử. Hiện nay, tại Nga, có hàng chục thanh niên bị buộc tội hoặc bị kết án đốt các cơ sở hạ tầng đường sắt hoặc văn phòng tuyển quân.
"Đại khủng hoảng về khí hậu đã bắt đầu"
Trang nhất và bài xã luận của tờ Libération thì chú ý đến vấn đề môi trường. Mọi người đã quá quen thuộc với những cảnh báo về tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, António Guterres, hôm qua, 06/09, đã nhắc lại rằng "đại khủng hoảng về khí hậu đã bắt đầu" sau khi đài quan sát khí hậu Châu Âu, Copernicus kết luận rằng các tháng 6, 7 và 8 vừa qua là "3 tháng nóng nhất trong khoảng 120.000 năm qua, tức là kể từ khi lịch sử loài người bắt đầu". Rất có thể năm 2023 sẽ "soán ngôi" năm 2016 để trở thành năm nóng kỷ lục.
Nhật báo thiên tả chú ý đến việc các quốc gia trên thế giới giờ đây phải đồng lòng trong việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tại hội nghị G20 khai mạc vào cuối tuần này ở Ấn Độ, chủ đề này chắc chắn sẽ được nêu ra, nhưng liệu các bên có đạt được thỏa thuận nào không ? Trong cuộc trò chuyện với một Youtuber hôm 04/09, tổng thống Emmanuel Macron đã khẳng định Pháp không thể một mình giải quyết vấn đề này, rằng tất cả các nước phải đồng lòng, đặc biệt là các nước đang phát triển.
Quan hệ Nga – Armenia lục đục
Nhật báo công giáo La Croix có bài viết về quan hệ giữa Armenia và Nga đang căng thẳng. Trong cuộc phỏng vấn với nhật báo La Repubblica của Ý, thủ tướng Armenia Nikol Pashinian đã chỉ trích các binh sĩ Nga được triển khai tại Nagorno-Karabakh về việc không bảo đảm việc lưu thông ở hành lang Lachin, con đường duy nhất nối Armenia với khu vực ly khai này của Azerbaijan. Ngoài ra, thủ tướng Pashinian cũng muốn giữ khoảng cách với Nga và bày tỏ mong muốn đa dạng hóa quan hệ đối tác an ninh.
"99,9% kiến trúc quân sự của Armenia dính líu đến Nga, đặc biệt trong việc cung cấp vũ khí và đạn dược. Nhưng giờ đây, Nga cần vũ khí và đạn dược cho chính bản thân và họ sẽ không thể cung cấp cho chúng tôi ngay cả khi họ muốn", thủ tướng Armenia phát biểu, ám chỉ đến cuộc chiến ở Ukraine.
Về phần mình, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov đã có phản ứng : "Chúng tôi không thể đồng tình với các luận điểm của thủ tướng Armenia. Nga tiếp tục đóng vai trò là một quốc gia bảo đảm an ninh trong khu vực".
Phan Minh
Ông Trump tìm cách tận dụng bức ảnh nhận dạng tù nhân chụp ở Georgia
Đây là bức ảnh nhận dạng tù nhân (mugshot) đầu tiên của một cựu tổng thống Mỹ được chụp sau khi ông bị tạm giữ lần thứ tư trong năm tháng qua.
Bức ảnh chụp ông Donald Trump gườm gườm đầy bất chấp nhìn thẳng vào ống kính tại văn phòng Cảnh sát Quận Fulton sẽ đi vào lịch sử.
Ông Trump trở lại mạng xã hội X, lần đầu kể từ tháng 1/2021, để chia sẻ địa chỉ website, và ảnh mugshot của ông với dòng chữ viết hoa : "Can thiệp bầu cử. Không bao giờ đầu hàng !"
Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, website vận động tranh cử của Trump đã bán cốc sứ, áo phông và túi giữ lạnh có in mugshot của ông.
John Bolton, người từng là cố vấn an ninh quốc gia dưới thời ông Trump, nói bức ảnh này đã được dàn dựng cẩn thận. "Tôi nghĩ nó được dàn dựng như một dấu hiệu đe dọa các công tố viên và thẩm phán viên", ông nói với CNN.
"Ông ta có thể cười, ông ta có thể nhìn hiền lành", ông Bolton nói thêm. "Thay vào đó, ông ta nhìn như một kẻ côn đồ".
Từ góc trái phía trên cùng theo chiều kim đồng hồ : Ray Smith, Cathy Latham, Rudy Giuliani, Kenneth Chesebro, Harrison Floyd, Sidney Powell, Mark Meadows, Jenna Ellis
Ông Trump bị truy tố hồi tuần trước cùng 18 người khác vì âm mưu đảo ngược kết quả bầu cử 2020 tại bang Georgia.
Tới giờ, ít nhất 11 đồng phạm - Trump, Rudy Giuliani, Sidney Powell, Jenna Ellis, Kenneth Chesebro, Cathy Latham, Harrison Floyd, Mark Meadows, Ray Smith, Harrison Floyd và Scott Hall - đã bị tạm giam và làm thủ tục tại một nhà tù địa phương tại Atlanta.
Mặc dù vị cựu tổng thống và những người ủng hộ ông rõ ràng là hài lòng với ảnh mugshot của ông, ảnh của những đồng minh cùng bị truy tố với ông không được đón nhận nồng nhiệt.
"Lúc đầu tôi tưởng chúng là meme", Jake Olson, nhiếp ảnh gia từ Columbus, Ohio nói. "Chúng có đủ các yếu tố của các bức ảnh tồi. Có rất nhiều nguyên tắc cơ bản của nhiếp ảnh mà họ không làm theo".
"Chúng đều có ánh sáng kiểu thẩm vấn, bạn có thể họ đều có highlight trên trán", nhiếp ảnh gia kiêm giáo sư Ray Mantle từ Pittsburg nhận xét.
"Tất cả họ đều trông không đẹp… họ đều nhìn rất mệt mỏi".
Vẻ mặt của họ rất khác nhau. Luật sư Jenna Ellis tươi cười trước ống kính còn Ray Smith, cũng là một luật sư thì càu quạu - hai sự lựa chọn khác nhau cho một bức ảnh sẽ được đăng rộng rãi.
"Đối với nhiều người trong số này, đây sẽ là lần xuất hiện trước công chúng quan trọng", ông Mantle nói. "Họ biết rằng tất cả mọi người sẽ xem các bức ảnh này".
Có được một mugshot đẹp là điều khó, theo Cooper Lawrence, một nhà báo từng viết nhiều về văn hóa của người nổi tiếng. Thật khó để có sự cân bằng hợp lý, một thách thức mà các nhân vật nổi tiếng như Justin Bieber, Lindsay Lohan và Paris Hilton đều từng gặp.
"Đừng nên cười tươi. Nụ cười sẽ khiến bức ảnh trông quá ngạo mạn", bà Lawrence nói. "Bạn nên cười mỉm như Lindsay Lohan hay Paris Hilton. Nụ cười mỉm nói 'vâng, thật chán nhưng tôi sẽ ổn".
Tóc, trang điểm và cách ăn mặc - ngay cả khi bạn bị giới chức Quận Fulton tạm giam - là điều tối quan trọng, bà nói. Nhưng bạn nên "giữ đơn giản thôi. Bạn đi tù, chứ không phải đi diễn thử", bà nói thêm.
Tuy nhiên, ông Trump là một người hiểu quá rõ về sức mạnh hình ảnh trước công chúng của mình.
Hồi đầu năm nay, ông phàn nàn rằng các nhà sản xuất trên Fox News chọn cách "cố tình chọn những bức ảnh tệ nhất của tôi, đặc biệt là cái 'màu da cam' với cằm tôi xệ xuống".
Với một số người, bức mugshot ở Quận Fulton với độ phân giải thấp nhìn quá lạ lùng với một cựu tổng thống, cho dù nó có giá trị làm màu hình ảnh.
"Thật buồn cười khi thấy một ảnh chân dung chụp xấu như vậy đối với một người có sự hiện diện lớn", ông Olson nói.
Nhưng dù có độ phân giải thấp, Edd Mair, giảng viên môn Lịch sử Hiện đại Hoa Kỳ tại Đại học York, cho rằng ban vận động tranh cử của ông Trump "rõ rằng nghĩ rằng họ có thể tận dụng bức ảnh này rất nhiều".
"Điều nổi bật là bức này rất khớp với brand của Donald Trump. Ngay cả với mugshot, có cách chuyển nó thành khoản vốn chính trị và làm nức lòng người ủng hộ".
Một số nhà bình luận cánh hữu đã so sánh ông Trump với Nelson Mandela và Dr Martin Luther King Jr, những người đã chụp ảnh mugshot, trong đó có tấm ảnh mang tính biểu tượng chụp hồi 1963 ở Nhà tù Birmingham.
"Họ cũng làm điều đó với Martin Luther King Jr", diễn viên hài và người ủng hộ ông Terrence K Williams nói.
"Họ tấn công những người tốt và đặc biệt là những người đấu tranh cho tự do và đưa cái ác và tham nhũng ra ánh sáng. Tôi ủng hộ Tổng thống Trump và tấm mugshot này muốn tôi bỏ phiếu cho ông ấy hơn nữa".
Giáo sư Mair nói những người ủng hộ ông Trump sẽ muốn nhìn vào tấm mugshot theo hướng này. "Đây [Nelson Mandela và Dr Martin Luther King Jr] là những người từng bị coi là các cá nhân nguy hiểm chống lại quan điểm chính thống, nhưng cuối cùng họ đã chứng tỏ được mình đúng. Đây là điều mà Donald Trump và người ủng hộ ông muốn đạt được qua bức mugshot này".
Nhưng những người cánh tả và trung dung sẽ nhìn nhận bức ảnh rất khác, ông nói.
"Tôi nghĩ những người cánh tả và trung dung sẽ coi đây là một khoảnh khắc thấp hèn cho vị cựu tổng thống".
George Wright & Holly Honderich
Nguồn : BBC, 26/08/2023
Donald Trump trở thành cựu Tổng thống Mỹ đầu tiên phải vào tù và chụp ảnh nhận dạng tù nhân
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump vào hôm 24/08/2023 đã phải đến trình diện tại một nhà tù ở thành phố Atlanta, bang Georgia (Hoa Kỳ) và bị cầm tù trong một thời gian ngắn trong khuôn khổ lệnh truy tố ông về tội gây sức ép nhằm lật ngược kết quả của bầu cử tổng thống năm 2020 ở bang này.
Ảnh chụp nhận dạng tù nhân cựu tổng thống Mỹ Donald Trump do Văn phòng cảnh sát trưởng quận Fulton công bố ngày 24/08/2023. via Reuters - Fulton County Sheriff's Office
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, một cựu tổng thống Mỹ bị tạm giam, dù chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, để bị cân, đo và chụp ảnh nhận dạng tù nhân. Ông Trump đã phải nộp tiền bảo lãnh để được tại ngoại.
Theo ghi nhận của đặc phái viên RFI David Thomson tại Atlanta, trong bức ảnh nhận dạng tư pháp gọi là mugshot chụp trong nhà tù hạt Fulton, thành phố Atlanta, ông Donald Trump đã để lộ một khuôn mặt cau có, đôi mày nhíu hẳn lại, ánh mắt đầy thách thức. Tuy nhiên, điều đáng nói là Donald Trump và giới thân cận của ông đã lên kế hoạch lợi dụng được một bức hình lẽ ra là rất nhục nhã để đẩy mạnh chiến dịch vận động tranh cử.
"Cảnh sát trưởng hạt Fulton đã hứa đối xử với ông Trump như một tù nhân bình thường. Ở trong tù, vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ phải nhận số tù nhân là PO 11 35 809, bị lấy dấu vân tay, phải lên cân, và quan trọng hơn cả là phải trải qua thủ tục chụp ảnh lưu hồ sơ đầy nhục nhã gọi là mugshot.
Thế nhưng đối với những người ủng hộ cựu tổng thống, bức hình chụp nhận dạng tư pháp này là một huy chương, một lá cờ hiệu triệu.
Biểu tình trước cổng nhà tù Atlanta, bà Laura Loomer, một người ủng hộ ông Trump đến từ bang Florida khẳng định : Nó sẽ trở thành bức ảnh nổi tiếng nhất thế giới. Tôi nghĩ nó thậm chí sẽ vượt qua cả bức chân dung Mona Lisa (tức là bức La Joconde của họa sĩ Leonardo Da Vinci) về mức độ nổi tiếng ! Bức mugshot này sẽ được in trên áo phông, trên cốc cà phê và ban vận động tranh cử của ông Trump sẽ có thể kiếm tiền từ bức hình này và kiếm được hàng triệu đô la tiền quyên góp từ những người ủng hộ, những người như tôi, cho rằng ông ấy không làm gì sai !
Một bức ảnh nhận dạng tù nhân cho phép cựu tổng thống Trump chơi lá bài tử vì đạo về mặt chính trị : Vừa ra tù sau khi nộp khoản tiền bảo lãnh 200.000 đô la, cựu tổng thống đã khởi động trở lại tài khoản Twitter của mình bằng cách đăng bức mugshot đó, một tin nhắn đầu tiên của ông trên mạng xã hội (giờ đây được gọi là X) kể từ khi ông bị mạng này loại bỏ, sau một ngày 06/01/2021 nào đó".
Trước khi lên máy bay riêng rời Atlanta, ông Trump nhắc lại rằng vụ truy tố ông là kết quả của một thủ đoạn chính trị, và những gì xảy ra ở nhà tù Fulton là một trò hề công lý. Ông nói thêm "Tôi không làm gì sai và mọi người đều biết điều đó", và tiếp tục tố cáo hành vi "can thiệp vào cuộc bầu cử".
Trọng Nghĩa
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đang phải đối mặt với một bản cáo trạng mới, liên quan đến vụ bạo loạn tại trụ sở Quốc hội Mỹ - Capitol, Washington, xảy ra hôm 06/01/2021. Ông Trump, hôm qua 18/07/2023, đã nhận được một bức thư từ công tố viên đặc biệt Jack Smith, thông báo rằng ông là đối tượng xét xử của một đại bồi thẩm đoàn.
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tham gia một cuộc mít tinh tại Council Bluffs, Iowa, Hoa Kỳ, ngày 07/07/2023. Reuters - Scott Morgan
Từ Miami, thông tín viên David Thomson cho biết cụ thể :
Bức thư của công tố viên đặc biệt có thể coi như là một vụ bắt giữ hoặc một bản cáo trạng. Chính Donald Trump đã viết như vậy trên mạng xã hội của mình. Các thủ tục được tiến hành giống như lần trước. Vào tháng trước là bản cáo trạng liên bang đầu tiên dành cho cựu tổng thống trong vụ FBI tìm thấy các tài liệu mật tại nơi ở của ông ở Palm Beach, Florida. Lần này thì liên quan đến cuộc điều tra về vai trò của Trump trong việc những người ủng hộ ông xông vào điện Capitol ở Washington vào ngày 06/01/2021, đi kèm với một mối lo trong vụ này, cựu tổng thống phải đối mặt với cáo trạng về âm mưu nổi loạn, một cáo buộc sẽ khiến ông không đủ điều kiện ra tranh cử tổng thống, theo quy định của Điều 14 của Hiến pháp Hoa Kỳ.
Donald Trump như thường lệ tố cáo một âm mưu chính trị của đảng Dân Chủ nhằm cản đường ông vào Nhà Trắng. Những người ủng hộ Trump đồng tình với quan điểm này. Marjorie Taylor Green, đại diện của Georgia, cho biết đây là cách duy nhất mà đảng Dân Chủ tìm ra để đánh bại Trump. Kevin McCarthy, lãnh đạo đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện thì tố cáo rằng đảng Dân Chủ tấn công đối thủ chính của họ. Ngay cả đối thủ nặng ký nhất của Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa cũng bênh vực cựu tổng thống. Ron DeSantis tố cáo việc bộ Tư pháp dàn xếp mọi chuyện để hãm hại Trump, còn Donald Junior, con trai của Trump, coi đây là sự kết thúc của nền văn minh.
Chiến lược bào chữa giải thích này củng cố sự được lòng dân của Trump trong các cuộc thăm dò vì nó càng khẳng định ông là một nạn nhân. Những người ủng hộ Trump coi ông như một người tử vì đạo chính trị và kể từ tháng 3, hai bản cáo trạng trước đó đã cho phép Donald Trump quyên góp được nhiều triệu đô la, chủ yếu từ các nhà tài trợ nhỏ. Cử tri trung thành của Trump sẵn sàng theo ông đến cùng.
Phan Minh
Minh Anh, RFI, 11/06/2023
Hai ngày sau khi bị tư truy tố trong vụ lưu giữ tài liệu mật tại tư dinh, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, hôm 10/06/2023, tại hội nghị của đảng Cộng Hòa tổ chức ở bang Georgia đã lên tiếng chỉ trích gay gắt một cuộc săn lùng phù thủy.
Donald Trump trong một cuộc họp của bên đảng Cộng hòa tại Colombus, bang Georgia ngày 10/06/2023. AP - John Bazemore
Từ New York, thông tín viên đài RFI Loubna Anaki tường thuật :
"Hơn một tiếng rưỡi của bài phát biểu, Donadl Trump dành đến hơn một giờ để nói về những rắc rối của ông với tư pháp Mỹ. Cáo trạng gian lận từ Viện công tố New York, cuộc điều tra về sự can dự của ông trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, cuộc điều tra về vai trò của ông trong vụ tấn công đồi Capitol… và tất nhiên bản cáo trạng gần đây về việc sở hữu các tài liệu mật, tất cả những điều này đều được Donald Trump phản hồi.
"Ở đây không có tội ác", Donald Trump – như thường lệ, không ngần ngại tấn công các thẩm phán và chính quyền – đã khẳng định như thế. Ông nói tiếp : "Bản cáo trạng này lố bịch và không có cơ sở. Việc buộc tội là do một bộ tư pháp trong tay chính quyền Biden tiến hành. Điều này sẽ đi vào lịch sử như là một trong những vụ lạm quyền nghiêm trọng nhất ở Mỹ".
Cựu tổng thống Mỹ, ứng viên cho cuộc bầu cử tổng thống 2024, đã phát biểu như thế tại đại hội đảng Cộng hòa ở bang Georgia. Ông khẳng định rằng ông là nạn nhân của một âm mưu chính trị.
Theo ông, "Biden đang cố tống đối thủ nặng ký nhất vào tù, giống y như những gì người ta làm tại Nga thời Stalin hay tại Trung Quốc cộng sản ! Chẳng có gì khác cả !"
Hôm qua, Donald Trump đã được hai trong số các đối thủ cạnh tranh cho cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa ủng hộ. Đó là Mike Pence và Ron DeSantis, cả hai đều lên án một sự lạm quyền".
Minh Anh
***********************
Giữ tài liệu mật trái phép, Donald Trump bị cáo buộc gây nguy hiểm cho Hoa Kỳ
Thanh Hà, RFI, 10/06/2023
Trong bảng cáo trạng 49 trang công bố hôm 09/07/2023 cựu tổng thống Mỹ Donald Trump bị khởi tố với 37 tội danh do cất giữ nhiều tài liệu mật quốc gia tại nhà riêng ở Mar-a-Lago, Florida. Trong đó có nhiều thông tin liên quan đến nhân viên tình báo Mỹ và kế hoạch tấn công Iran.
Ảnh trong cáo trạng nhằm vào Donald Trump cho thấy các thùng tài liệu mật của Mỹ được để trong nhà vệ sinh, tư dinh của ông Mar-a-Lago, Florida, Hoa Kỳ © AP
Thông tín viên đài RFI từ Miami David Thomson cho biết thêm :
"Có lẽ công luận Mỹ bị sốc hơn cả vì những hình ảnh đi kèm với bản cáo trạng nhắm vào Donald Trump. Hàng trăm thùng các-tông chứa đầy tài liệu, trong đó có tài liệu mật, xếp thành từng chồng trong tác phòng tiếp khách và cả nhà vệ sinh ở Mar-a-Lago.
Trong số đó có những tài liệu liên quan đến những thông tin tuyệt mật về khả năng quân sự của Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ, về chương trình hạt nhân. Thậm chí là có cả những thông tin về nhân nhân viên tình báo Hoa Kỳ. Tất cả được chứa chất trong khu dinh thự sang trọng của ông Trump, nơi người ta thường xuyên tổ chức hội hè đình đám với cả ngàn khách mời.
Theo các nhà điều tra đây thực sự là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Bản cáo trạng cũng đã đi sâu vào chi tiết những nỗ lực của Trump ngăn cản công việc của Cục Điều tra Liên bang – FBI. Cũng trong bản cáo trạng này có cả những trích đoạn các văn bản được thu âm cho thấy cựu tổng thống Mỹ khoe là ông nắm giữ một số tài liệu mật của Lầu Năm Góc mà đây lại chính là thông tin về kế hoạch quân sự của Mỹ tấn công Iran.
Để chống chế, ông Trump từng khẳng định là ông đã cho "giải mật" những tài liệu đó. Nhưng đoạn thu âm được trích lại trong bản cáo trạng chứng minh điều ngược lại.
Trong cuộc họp báo, chưởng lý Jack Smith cho biết ông muốn rằng phiên tòa xét xử Donald Trump nhanh chóng được mở ra, và có thể là ngay từ năm tới, đúng vào mùa bầu cử sơ bộ của bên đảng Cộng hòa".
Thanh Hà
***************************
Vụ tài liệu mật : Chuyện gì xảy ra tiếp theo sau khi Trump bị truy tố ?
Reuters, VOA, 10/06/2023
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị truy tố vì lưu giữ bất hợp pháp hồ sơ bảo mật của chính phủ tại khu tư dinh của ông ở bang Florida sau khi rời Nhà Trắng vào năm 2021 và cản trở công lý. Đây là những điều cần biết sắp tới khi vụ án được xúc tiến.
Cựu Tổng thống Donald Trump, đã bị một đại bồi thẩm đoàn liên bang truy tố về vụ việc liên quan tới tài liệu mật, phủ nhận hành vi sai trái và nói ông bị truy bức chính trị.
Rồi sao nữa ?
Ông Trump, ngày thứ Năm đã tuyên bố mình vô tội, dự kiến sẽ xuất hiện lần đầu tiên tại tòa án liên bang ở Florida vào ngày thứ Ba.
Ngày thứ Sáu, các công tố viên liên bang công bố bản cáo trạng nhắm vào ông Trump cáo buộc ông gây nguy hiểm cho một số bí mật an ninh nhạy cảm nhất của đất nước qua cách mà ông xử lý các tài liệu mật. Bản cáo trạng cáo buộc ông phạm 37 tội danh. Một cựu phụ tá của ông, Walt Nauta, cũng đối mặt với các cáo buộc trong vụ án.
Ngay sau khi ông Trump xuất hiện trước tòa, các công tố viên sẽ bắt đầu giao bằng chứng cho các luật sư của ông Trump. Nó có thể bao gồm những thư từ qua lại giữa các luật sư của ông Trump, Cơ quan Lưu trữ và Hồ sơ Quốc gia Hoa Kỳ và các công tố viên liên bang trong những năm qua khi các bên bàn bạc về các tài liệu này.
Vào một lúc nào đó, các luật sư của ông Trump dự kiến sẽ đệ đơn yêu cầu bác bỏ vụ án vì nhiều lý do, bao gồm cả tuyên bố của ông rằng ông đã giải mật các tài liệu trước khi lấy chúng. Họ cũng có phần chắc sẽ lập luận rằng vụ án nên được hủy bỏ vì những điều mà họ cáo buộc là hành vi sai trái của các công tố viên, bao gồm cả cáo buộc vi phạm học thuyết pháp lý cho phép người ta giữ kín những trao đổi liên lạc với luật sư của họ.
Kiến nghị bác bỏ trong các vụ án hình sự là việc bình thường nhưng hiếm khi thành công vì bị cáo đối mặt với gánh nặng lớn là phải thuyết phục được thẩm phán rằng vụ án của họ có quá nhiều sai sót không thể đưa ra trước bồi thẩm đoàn được. Lập luận của các công tố viên cũng tạm thời được chấp nhận là đúng ở giai đoạn đó.
Vụ án sẽ tác động ra sao tới chiến dịch vận động tranh cử của Trump ?
Các cáo buộc bao gồm vi phạm Đạo luật Gián điệp, cản trở công lý, đưa ra lời khai sai trái với các nhà điều tra và âm mưu, theo bản cáo trạng.
Không có điều nào trong số những điều kể trên sẽ tự động ngăn cản ông Trump vận động tranh cử hoặc nhậm chức nếu ông bị kết tội.
Không rõ tác động của vụ việc ra sao đối với vị thế của ông Trump trong mắt cử tri. Tỉ lệ ủng hộ dành cho ông đã tăng lên sau khi ông bị truy tố trong một vụ án riêng biệt ở New York vào tháng 4, và ông hiện là ứng cử viên hàng đầu cho đề cử tổng thống của Đảng Cộng hòa.
Ông đã sử dụng các vụ án và các cuộc điều tra mà ông đối mặt làm công cụ vận động gây quỹ, nói với những người ủng hộ rằng ông đang bị tấn công và cần họ giúp đỡ. Ban vận động tranh cử của ông Trump cho biết vào tháng 4 rằng các khoản quyên góp đã tăng vọt sau khi ông bị truy tố ở New York.
Khi nào sẽ đưa ra xét xử ?
Bất cứ phiên tòa xét xử tiềm năng nào cũng phải nhiều tháng nữa mới diễn ra.
Ông Trump đã phủ nhận hành vi sai trái và gọi vụ việc là "săn phù thủy" có động cơ chính trị. Ông có quyền được ra tòa xét xử trong vòng 100 ngày, nhưng điều đó hiếm khi xảy ra trong các vụ án phức tạp. Các bên có thể sẽ đồng ý gia hạn thời hạn khi họ nghiên cứu bằng chứng và tranh luận về các tranh chấp pháp lý trước thẩm phán.
Liệu Trump sẽ khai chứng ?
Điều đó sẽ tùy thuộc vào ông. Các bị cáo hình sự không bắt buộc phải khai chứng và hiếm khi khai chứng vì để mình đối mặt với sự truy vấn của các công tố viên là một việc đầy rủi ro.
Ông Trump đã không khai chứng tại một phiên tòa dân sự gần đây về các cáo buộc xâm hại tình dục và phỉ báng do nhà văn E. Jean Carroll đưa ra chống lại ông. Một bồi thẩm đoàn kết luận ông Trump phải chịu trách nhiệm pháp lý trong vụ kiện đó vào tháng 5.
Chuyện gì xảy ra trong trường hợp Trump thắng cử ?
Có phần chắc việc truy tố sẽ không được tiến hành nếu ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ là một phần của nhánh hành pháp và tổng thống là quan chức thực thi pháp luật liên bang hàng đầu trong nước. Tổng thống có thể giữ lại hoặc sa thải các công tố viên liên bang theo ý muốn của mình.
Bộ Tư pháp có một chính sách đã tồn tại hàng chục năm qua nói rằng một tổng thống đương nhiệm không thể bị truy tố. Bộ có thể đi chệch khỏi chính sách này trong "những trường hợp hết sức bất thường" với sự chấp thuận của bộ trưởng tư pháp Hoa Kỳ, là quan chức thực thi pháp luật hàng đầu của đất nước.
Một bộ trưởng tư pháp "vịt què" phục vụ dưới thời Tổng thống Joe Biden, trong trường hợp này là Merrick Garland, có thể phớt lờ chính sách đó và vẫn tiến hành truy tố, nhưng ông Trump, với tư cách là tổng thống, có thể sa thải ông và thuê một người thay thế tạm quyền do ông lựa chọn trước khi chỉ định người kế nhiệm lâu dài được Thượng viện Hoa Kỳ chuẩn thuận.
(Reuters)
***************************
Ông Donald Trump bị truy tố trong vụ để lộ tài liệu mật
George Bowden, BBC, 09/06/2023
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị truy tố vì cách ông xử lý tài liệu mật sau khi ông rời Nhà Trắng.
Ông Trump tại resort Mar-a-Lago hồi tháng 4/2023
Ông Trump, 76 tuổi, đối mặt với bảy tội danh trong đó có tội giữ các tài liệu mật trái phép, truyền thông Mỹ đưa tin. Các tội danh khác hiện chưa được công bố.
Đây là cáo trạng thứ hai đối với ông Trump và cáo trạng liên bang đầu tiên đối với một cựu tổng thống.
Ông hiện đang vận động để trở lại Nhà Trắng vào 2024.
Các chuyên gia pháp lý nói cáo trạng này không hạn chế khả năng tranh cử tổng thống của ông Trump.
Trong một tin đăng trên mạng xã hội Truth Social hôm thứ Năm, ông Trump nói ông vô tội và ông đã bị gọi tới hầu tòa liên bang ở Miami, Florida chiều thứ Ba tuần tới, nơi ông sẽ bị bắt và nghe các tội danh cáo buộc ông.
"Tôi không bao giờ nghĩ là một chuyện như vậy lại có thể xảy ra đối với một cựu tổng thống Hoa Kỳ", ông viết.
Ông nói thêm : "Đây thực sự là một ngày đen tối cho Hoa Kỳ. Chúng ta là một đất nước đang suy yếu nhanh và nghiêm trọng, nhưng cùng nhau chúng ta sẽ Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại !".
Jim Trusty, luật sư của ông Trump, nói với đài CNN vị cựu tổng thống rằng vị cựu tổng thống đã nhận chi tiết các tội danh trong một tài liệu tòa gửi.
Ông nói chúng gồm các tội âm mưu, phát biểu sai sự thật, cản trở công lý và lưu giữ trái phép các tài liệu mật theo Đạo luật Gián điệp.
Bộ Tư pháp từ chối bình luận và cáo trạng hiện chưa được cho công chúng biết.
Công tố viên Đặc biệt Jack Smith đã cân nhắc các bằng chứng trong hồ sơ kể từ khi ông được Tổng chưởng lý Merrick Garland bổ nhiệm thụ lý vụ điều tra này.
Năm ngoái, khu resort Mar-a-Lago của ông Trump ở Florida bị lục soát và 11.000 tài liệu bị tịch thu, trong đó có khoảng 100 tài liệu mật.
Tuần trước, có tin rằng các công tố đã có được một file thu âm trong đó ông Trump nói ông thừa nhận đã giữ một tài liệu mật sau khi rời Nhà Trắng hồi tháng 1/2021.
Xóa hay giữ các tài liệu mật ở các địa điểm trái phép là hành động trái luật đối với các quan chức liên bang ở Mỹ - kể cả tổng thống.
Nhà tài phiệt bất động sản và truyền hình thực tế hiện đang là ứng viên dẫn đầu trong số các ứng cử viên Đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng, theo các cuộc thăm dò ý kiến.
Thượng nghị sĩ Kevin McCarthy, chủ tịch Hạ viện, nói "chuyện một tổng thống ra cáo trạng với đối thủ dẫn đầu của ông ta là không có lương tâm".
"Các nghị sĩ đảng Cộng hòa sẽ làm ra nhẽ chuyện vũ khí hóa quyền lực trắng trợn này", ông viết trên Twitter.
Đối thủ của ông Trump, Thống đốc bang Florida Ron DeSanti nói : "Chúng tôi đã có nhiều năm chứng kiến việc áp dụng luật pháp không công bằng dựa trên các ý kiến chính trị.
"Chính quyền DeSantis sẽ mang lại tính trung thực cho đảng Cộng hòa, xóa bỏ thiên vị chính trị và chấm dứt hoàn toàn việc vũ khí hóa chính trị", ông nói thêm.
Ông Trump là cựu tổng thống đầu tiên bị truy tố hồi tháng Tư, sau khi ông nói ông vô tội với 34 tội danh thay đổi chứng từ kinh doanh trong vụ trả tiền bịt miệng cho một sao khiêu dâm.
George Bowden
Nguồn : BBC, 09/06/2023