Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hồng Kông : Thất bại của "Một đất nước, hai chế độ"

Le Mondesố đề ngày hôm nay nói về "Trung Quốc và Hồng Kông : Thất bại của ‘một đất nước, hai chế độ’". Sắp đến dịp kỷ niệm 20 năm Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc với sự tham dự của ông Tập Cận Bình vào ngày 1/7 tới, bàn tay can thiệp của Bắc Kinh ngày càng lộ liễu. Ngày càng nhiều người dân Hồng Kông đặt câu hỏi về tương lai của đặc khu hành chính (RAS) này.

hongkong2

Hoàng Chi Phong (giữa) và các bạn hô khẩu hiệu sau khi trùm vải đen lên "Hoa lan vàng", biểu tượng việc trao trả Hồng Kông để đòi dân chủ, 26/06/2017. REUTERS/Tyrone Siu

Cách đây vài tuần, luật sư Lý Trụ Minh (Martin Lee), 79 tuổi, người khai sinh ra phong trào dân chủ Hồng Kông có mặt tại Washington cùng với lãnh tụ sinh viên Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), 20 tuổi trong buổi điều trần trước Hạ Viện Hoa Kỳ. Từ Luân Đôn, thống đốc người Anh cuối cùng của Hồng Kông là ông Chris Patten, 73 tuổi, cũng tham gia. Ba khuôn mặt biểu tượng của lịch sử Hồng Kông đều bày tỏ cùng một mối quan ngại sâu sắc : quyền tự trị và nhà nước pháp quyền của Hồng Kông sẽ bị đè bẹp dưới búa liềm của Trung Quốc cộng sản.

Dịp kỷ niệm 20 năm Hồng Kông được trao trả, sau 150 năm dưới quyền quản lý của Anh quốc, là thời điểm quan trọng đối với 7 triệu dân tại đây : lần đầu tiên chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến thăm cựu thuộc địa.

Lập luận của Đặng Tiểu Bình về thời hạn 50 năm

Theo Tuyên bố chung Anh-Trung năm 1984, Hồng Kông được duy trì hệ thống chính trị, kinh tế và tư pháp riêng cho đến năm 2047, có được "quyền tự trị ở mức độ cao" trừ ngoại giao và quân sự. Đó là công thức "Một đất nước, hai chế độ" do Đặng Tiểu Bình đưa ra. Theo các biên bản được giải mật năm 2014 về cuộc hội đàm giữa ông Đặng và thủ tướng Anh Margaret Thatcher tại Bắc Kinh ngày 19/12/1984, "bà đầm thép" cho rằng đây là "một cú bậc thầy".

Ông Đặng giải thích với bà rằng kỳ hạn 50 năm là để Trung Quốc có thời gian hiện đại hóa, sau những năm dài bị cô lập vì chủ nghĩa mao-ít. Sau đó, "Trung Quốc và các nước khác có thể trở nên lệ thuộc lẫn nhau, thế nên không có lý do gì để thay đổi hệ thống ở Hồng Kông".

Luật sư Lý Trụ Minh giải thích : "Đặng Tiểu Bình coi Hồng Kông là một mô hình tư bản chủ nghĩa ổn định và thành công, ông ta muốn Trung Quốc cũng đi theo. Đó là thời kỳ Trung Quốc mở cửa cho đầu tư nước ngoài". Sự thực dụng của ông Đặng khiến những ai sợ cộng sản trở nên an tâm. "Tuyên bố chung Anh-Trung ngày 26/09/1984 đã tái lập lòng tin nơi người dân Hồng Kông, sau nhiều năm lo ngại và nhiều người đã chọn lựa di cư sang các nước khác".

Hồng Kông : "Một đất nước, một chế độ rưỡi"

Nhưng ngày nay Hồng Kông đang lo sợ. Phe thân Hoa lục thao túng chính quyền Hồng Kông, chiếm đa số trong Quốc hội (Legco), và Bắc Kinh toàn quyền chọn trưởng đặc khu. Một trong những điểm nóng là điều 23 Hiến Pháp (tức Basic Law, Luật căn bản) về các luật trừng phạt tội phản quốc, ly khai và tiết lộ bí mật nhà nước. Nửa triệu người Hồng Kông đã xuống đường hôm 01/07/2003 để phản đối dự luật đầu tiên về "mưu toan lật đổ chế độ" và "sự can thiệp của các thế lực thù địch".

Hai mươi năm sau khi trao trả, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế thứ nhì thế giới, và tỉ trọng nền kinh tế Hồng Kông từ 18% chỉ còn 3% GDP. Trung Quốc của Tập Cận Bình lao vào cuộc tranh giành ảnh hưởng toàn cầu, không ngần ngại tung hô mô hình toàn trị của mình. Hồng Kông với các ngân hàng lớn và các tập đoàn đa quốc gia vẫn là một tủ kính trưng bày, nhưng ông Tập muốn duy trì sự thống trị của đảng Cộng Sản, không hề có ý định cho Hồng Kông vượt thoát khỏi tầm tay mình.

Báo chí Hoa lục không bỏ lỡ một cơ hội nào để đả kích các lực lượng ly khai. Tuổi trẻ Hồng Kông, đang trong cơn sốt xác định bản sắc, bị mô tả là "ngốc nghếch và vô ơn". Hôm 27/5 tại Bắc Kinh, ông Trương Đức Giang (Zhang Dejiang) tuyên bố việc Hồng Kông được tự trị rộng rãi "không thể được dùng làm cái cớ để chống lại chính quyền trung ương, trong bất kỳ tình huống nào".

Cũng như những người trẻ khác cùng thế hệ, Chu Đình (Agnès Chow), 20 tuổi, một trong những lãnh đạo đảng Hương Cảng Chúng Chí (Demosisto) của Hoàng Chi Phong, nhận định : "Không còn là một đất nước, hai chế độ nữa mà một đất nước, một chế độ rưỡi". Cô nói với Le Monde : "Chính quyền Trung Quốc đã chọn thay chúng tôi, trong khi chúng tôi có quyền chọn lựa định mệnh của mình".

Chính quyền Hồng Kông bis

Sau "cái tát" năm 2003, Bắc Kinh áp dụng chiến lược mới, một "đội ngũ cán bộ đảng" nằm trong Văn phòng liên lạc tại Hồng Kông, đã trở thành một "chính quyền Hồng Kông bis" - theo tiết lộ của một nhà nghiên cứu Trung Quốc trong một cuốn sách của Trường Đảng Trung ương. Văn phòng này có đến hàng mấy chục ban bệ, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc chọn lựa các ứng cử viên. Các đảng thân Bắc Kinh như đảng Dân Chủ Hiệp Tiến (DAB), một loại "đảng Cộng Sản ủy nhiệm" giựt dây các mạng lưới từ giới bình dân đến doanh nhân. Bị cấm hoạt động dưới thời Anh cai trị, đảng Cộng Sản Trung Quốc đến nay vẫn không hiện diện hợp pháp tại Hồng Kông.

Trong những năm 2000, Trung Quốc đã giúp vực dậy Hồng Kông sau đại dịch SARS, nhưng tuần trăng mật đã kết thúc khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền. Còn ông Lương Chấn Anh, được cho là đảng viên cộng sản bí mật, ngay trước khi trở thành trưởng đặc khu đã công bố ý định áp đặt chương trình "giáo dục ái quốc". Một học sinh mới 14 tuổi là Hoàng Chi Phong đã thành lập phong trào Học Dân Tư Triều (Scholarism) để tố cáo việc "tẩy não". Chỉ trong vài tháng, hàng mấy chục ngàn người biểu tình phản đối khiến Lương Chấn Anh phải rút lại quyết định.

Từ Cách mạng Dù vàng, đến những khuôn mặt trẻ trong Quốc hội

Hai năm sau, trước phong trào đòi phổ thông đầu phiếu đe dọa "chiếm lĩnh Trung Hoàn", Bắc Kinh công bố "Sách Trắng" tháng 6/2014 cứng rắn với Hồng Kông : chỉ có hai, ba ứng cử viên do Trung Quốc lựa chọn mới được ứng cử. Dân chủ "theo kiểu Trung Quốc" này khiến nổ ra phong trào "Cách mạng Dù vàng", làm tê liệt nhiều khu phố trung tâm Hồng Kông suốt 79 ngày – một sự kiện chưa từng thấy.

Rốt cuộc, Hồng Kông vẫn phải theo chế độ bầu cử cũ. Nhưng các đảng dân chủ vẫn giữ được quyền phủ quyết trong Quốc hội. Trong cuộc bầu cử lập pháp tháng 9/2016, có những khuôn mặt trẻ đã vào được Legco, tuy nhiên đa số bị đe dọa sẽ bị loại vì không chịu tuyên thệ trung thành với Trung Quốc.

Trước Hạ Viện Mỹ, Hoàng Chi Phong khẳng định : "Cho dù phong trào phản kháng có ra sao đi nữa, chúng tôi sẽ giành lại được nền dân chủ và tiếp tục cuộc chiến. Bởi vì thời gian là người bạn tốt nhất của chúng tôi". Le Monde nhắc nhở, đến năm 2047, lãnh tụ sinh viên này chỉ mới có 50 tuổi.

Macron và Brexit giúp thu hút đầu tư vào Pháp

Cũng về Châu Á nhưng liên quan với Pháp, Libération cho biết "Dự án Grand Paris (tạm dịch Đại Paris) muốn thu hút đầu tư Hàn Quốc". Từ 2005, các doanh nghiệp công và tư tham gia chương trình này, đi khắp thế giới để giới thiệu những ưu điểm của kế hoạch mở rộng Paris cho các nhà đầu tư địa ốc. Đối với Seoul, Paris không phải là ưu tiên nhưng việc Emmanuel Macron đắc cử tổng thống và Brexit là hai yếu tố khiến thủ đô nước Pháp trở nên hấp dẫn.

Theo hiệp hội Paris-Ile-de-France Thủ đô Kinh tế, có hai thời kỳ, trước và sau Macron. Hầu như cả 20 nhà đầu tư hàng đầu Hàn Quốc đều chấp nhận lời mời tham gia "roadshow", từ Dongbu Insurance cho đến Samsung, Huyndai. Việc Macron đắc cử đã làm dấy lên một làn sóng lạc quan về Châu Âu, và chừng như nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu coi Paris - thành phố tình yêu là một thành phố của công việc, của kinh doanh.

Modi, người bạn tốt của ông Trump ?

"Narendra Modi, người bạn tốt nhất của Hoa Kỳ ?", đó là tựa đề bài phân tích của Libération, về cuộc gặp đầu tiên giữa thủ tướng Ấn Độ và tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo tờ báo, trong cuộc gặp vừa đáng ngạc nhiên vừa mang tính quyết định này, hai nhà lãnh đạo tuy có nhiều điểm chung nhưng vẫn có một số chủ đề nhạy cảm cần được làm rõ.

Ngoài thói quen phát biểu thắng thắn, cả hai đều là "tay mơ" trước khi bước lên địa vị cao nhất - một người là tỉ phú, ngôi sao truyền hình thực tế, người kia xuất thân là người bán trà khiêm tốn. Hai ông Donald Trump và Narendra Modi sẽ bàn bạc về việc hợp tác trong các lãnh vực an ninh, đấu tranh chống khủng bố, quốc phòng và kinh tế.

Trong số các chủ đề gây bất đồng, có việc Mỹ nhập siêu 23 tỉ đô la từ Ấn Độ. Bên cạnh đó là một số chương trình visa như H-1B mà nhiều công dân Ấn đang hưởng lợi, nhất là các kỹ sư vi tính làm việc tại thung lũng Silicon. Cam kết của Ấn Độ tiếp tục tôn trọng hiệp định khí hậu Paris cũng khiến ông Trump bực tức.

Một điểm chung : cái bóng của Trung Quốc. Ân Độ và Hoa Kỳ có cùng lợi ích chung trước Bắc Kinh, và sự ổn định của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Dự án khổng lồ "Con đường tơ lụa mới" của Bắc Kinh liên quan đến 70 nước, tạo nên một hành lang nối Trung Quốc với Pakistan, kẻ thù của Ấn Độ, và là nước luôn ủng hộ Taliban tại Afghanistan khiến Washington phải đau đầu. Và dù sao đi nữa, ông Trump vẫn gây được cảm tình tại Ấn Độ : thứ Sáu tuần trước, một ngôi làng ở bang Haryana đã được đổi tên thành "Làng Trump".

California trên tuyến đầu chống Trump

"California trên tuyến đầu cuộc chiến chống lại Donald Trump", Le Figaro nhận định. Nhờ phe Dân Chủ chiếm đa số trên mọi thiết chế, cuộc đấu tranh chống lại tổng thống Trump huy động được sức mạnh từ cơ sở cho đến thượng tầng. Không chủ đề nào không được đề cập đến, từ nhập cư, y tế, môi trường đến việc bảo vệ các cộng đồng thiểu số, giáo dục, nhà ở.

Ngay sau khi Donald Trump tuyên bố rút khỏi hiệp định khí hậu Paris, thống đốc California Jerry Brown đã bay sang Trung Quốc. Sau khi ký các thỏa thuận hợp tác với nhiều địa phương, ông được Tập Cận Bình tiếp, trong khi bộ trưởng Năng Lượng của chính quyền Trump là Rick Perry cũng đang hiện diện tại Bắc Kinh lại không được trọng thị như vậy.

Tại tiểu bang mà bà Hillary Clinton từng giành được đến 62% số phiếu, cao hơn ông Trump 3,5 triệu phiếu, thống đốc và hai phần ba lưỡng viện thuộc đảng Dân Chủ. Cuối tháng Ba, California trở thành tiểu bang đi đầu trong việc bảo vệ di dân, tổng thống bèn đe dọa sẽ cắt ngân sách liên bang, nhưng thực tế tiểu bang này đóng góp cho trung ương nhiều hơn là nhận tài trợ.

Cũng liên quan đến tổng thống Mỹ, giáo sư Anne Deysine trên trang diễn đàn của La Croix trong bài phân tích mang tựa đề "Cây với rừng, hay là việc phải hành xử thế nào dưới thời của tổng thống Trump" cho rằng, trong hai mươi năm tới, người kế nhiệm của ông Trump sẽ tự hỏi vì sao đất nước mình không còn là chiếc nôi của sáng tạo và khoa học.

Venezuela đi về đâu ?

Tại Châu Mỹ la-tinh, theo Les Echos, "Venezuela đang rơi xuống địa ngục", còn Le Monde nói về "Cuộc chiến đấu của thành phố San Cristobal chống lại ông Nicolas Maduro".

Mặc cho 2.000 quân nhân của Vệ binh quốc gia Bolivar (GNB) và 600 quân đặc nhiệm tăng cường, người dân địa phương vẫn cứng cỏi trước chế độ. Theo một câu châm ngôn tại đây, thì "Nếu Dinh tổng thống đặt tại San Cristobal thì chế độ đã bị sụp đổ từ lâu".

Người dân mang thức ăn, nước uống tiếp tế cho người biểu tình, khi dân quân vũ trang tiến gần các khu phố "kháng chiến", các nữ tu ở tu viện làng bên gióng chuông báo động. Những hành động "bất tuân dân sự" rất đa dạng, từ người bác sĩ chăm sóc người biểu tình bị thương cho đến bà cụ già làm ra các miguelito, một loại chông để làm bể bánh xe cảnh sát.

Nhìn chung, Les Echos khi nêu ra thực tế có đến ba phần tư dân số đã bị sụt mất 9 kí lô vì thiếu thực phẩm, cho rằng chế độ ông Maduro đang đi vào đường cùng.

Thiết bị cấp cứu không người lái trên bãi biển

Mùa hè đang đến, Le Figaro cho biết "Các thiết bị cấp cứu không người lái sẵn sàng hoạt động trên các bãi biển nước Pháp", vì những cuộc thử nghiệm vào mùa hè năm ngoái đã thành công.

Được những nhân viên cứu hộ Biscarosse sử dụng trên các bãi biển vùng Landes, những thiết bị này đã "xuất kích" khoảng 50 lần, cứu được ba mạng người. Loại thiết bị cấp cứu mới được đặt tên là Helper, đã giành được giải thưởng trong cuộc thi sáng tạo Lépine, có thể mang phao lại cho những người có nguy cơ chết đuối trong thời gian kỷ lục, kể cả khi sức gió rất mạnh.

Tựa chính báo Pháp

Le Figarođặt câu hỏi "Sau thất bại lịch sử, đảng Xã Hội sẽ biến mất ?". La Croix dành 8 trang báo để giải thích "Luật lao động từ A đến Z" : thứ Tư tới Tham Chính Viện sẽ xem xét dự án luật này.

Le Monde quan tâm đến giáo dục, chạy tựa  "Vấn đề khó giải quyết : Sĩ số lớp 1 được giới hạn 12 học sinh". Nhật báo kinh tế Les Echos nói đến một vấn đề đau đầu khác nhưng về thuế khóa, đối với tân tổng thống Macron, đó là việc giảm mức đóng góp của các doanh nghiệp.

Libérationdành số chuyên đề cho ma túy tổng hợp, với bài phóng sự nói về nạn sử dụng các chất gây nghiện, với sự đồng lõa của các viện bào chế và bác sĩ thiếu lương tâm. Nạn dịch này cũng có nguy cơ lan tràn đến Châu Âu.

Thụy My

Published in Châu Á

Một số nhà dân chủ Hồng Kông phủ vải đen lên tượng đài "hoa lan Hồng Kông", biểu tượng nhượng địa được Anh Quốc trao trả cho Trung Quốc ngày 01/07/1997 . Đây là một trong những phản ứng của phong trào dân chủ trong bối cảnh có tin chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ sang Hồng Kông trong ba ngày, vào cuối tuần.

hongkong1

Tượng đài "Hoa Lan Hồng Kông", biểu tượng ngày Anh Quốc trao trả thuộc địa về Trung Quốc, bị trùm vải đen, ngày 26/06/2017. REUTERS/Tyrone Siu

Thứ Hai 26/06/2017, tại Hồng Kông, Hoàng Chí Phong (Joshua Wong), lãnh đạo phong trào dân chủ Demosito cùng với hơn một chục thành viên dùng tấm vải đen phủ lên đóa hoa Dương tử kinh (bauhinia), nằm ở trung tâm thành phố.

Bức tượng mạ vàng do Bắc Kinh tặng Hồng Kông vào năm 1997 được đặt tại quảng trường mà vào ngày 01/07 tới, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham dự lễ ghi dấu 20 năm ngày nhượng địa được trao trả.

Theo AFP, cảnh sát nhanh chóng can thiệp tháo gỡ tấm vải đen trong lúc người biểu tình hô các khẩu hiệu : Quyền tự quyết dân chủ vì tương lai Hồng Kông. Hai mươi năm "một quốc gia, hai chế độ" là 20 năm dối trá.

Trong bản thông cáo báo chí, đảng Demosito giải thích hành động này là nhằm biểu lộ nỗi "căm giận và thất vọng" đối với các chính quyền Hồng Kông từ 20 năm qua, đã không bảo vệ quyền tự do dân chủ tại Hồng Kông theo như thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Luân Đôn.

Tú Anh

Published in Châu Á

Tập Cận Bình đến Hồng Kông nhân 20 năm nhượng địa được trao trả (RFI, 23/06/2017)

Cách nay 20 năm, vào ngày 01/07/1997, sau 99 năm nhượng địa, Anh Quốc trả lại Hồng Kông cho Trung Quốc. Một nhật báo địa phương cho biết nhân lễ kỷ niệm vào tuần tới, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến Hồng Kông. Chuyến viếng thăm có thể gây thêm căng thẳng trong quan hệ "một đất nước hai chế độ".

hongkong1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chờ đón khách tại Đại Lễ Đường Nhân Dân, Bắc Kinh, ngày 14/06/2017. Reuters

Theo AFP, cho đến hôm nay, 23/06, chưa một quan chức nào xác nhận là chủ tịch Tập Cận Bình có nhân lễ kỷ niệm "nhị thập chu niên" để thực hiện chuyến viếng thăm Hồng Kông lần đầu tiên, kể từ khi nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc vào năm 2013. Một phát ngôn viên chính phủ Trung Quốc vẫn từ chối trả lời câu hỏi của AFP.

Tuy nhiên, nhật báo South China Morning Post, phát hành thứ Sáu 23/06/2017, cho biết chuyến viếng thăm của ông Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viên đã được "xác nhận", cho dù không ghi xuất xứ nguồn tin. Chủ tịch Trung Quốc sẽ thăm đồn binh của Hoa lục, thăm một dự án hạ tầng cơ sở đang xây dựng và lễ nhậm chức của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), tân trưởng đặc khu hành chánh.

Các biện pháp an ninh sẽ được tăng cường đề phòng các cuộc biểu tình chống chủ tịch Trung Quốc. Vụ chủ nhân và nhân viên một nhà xuất bản sách ở Hồng Kông, phát hành sách "nhạy cảm" đối với chế độ Bắc Kinh, tổng cộng 5 người bị "cưỡng chế mất tích" vào năm 2015 làm cho công luận Hồng Kông thêm hãi hùng.

Các biện pháp đàn áp phong trào dân chủ Dù Vàng năm 2014 và gần đây nhất là ngăn cản hai dân biểu theo xu hướng độc lập vào nghị viện cho thấy Bắc Kinh không tôn trọng lời hứa "một đất nước hai chế độ", xâm phạm quyền tự do của dân Hồng Kông.

Theo giáo sư chính trị Lâm Lập Hòa (Willy Lam), chuyến viếng thăm của lãnh đạo đảng Cộng Sản và quân đội Trung Quốc chứng tỏ là trong nguyên tắc "một nước, hai chế độ" thì "một nước" là yếu tố áp đảo.

Về phần chính quyền Hồng Kông, trả lời phỏng vấn đài CNN về trường hợp các nhân viên nhà sách, công dân Hồng Kông bị giữ ở Hoa lục sau thời gian dài "mất tích", lãnh đạo mới, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố : "Chúng tôi sẽ sai trái nếu phản đối những gì xảy ra tại lục địa vì vụ án này phải xử theo luật của chế độ Trung Quốc".

Tú Anh

**********************

Chủ tịch Tập Cận Bình sắp thăm Hong Kong (RFA, 23/06/2017)

Chủ tịch Trung Quốc sẽ thăm lãnh thổ Hồng Kong vào tuần tới để kỷ niệm 20 năm ngày cựu thuộc địa Anh Quốc này được trao trả lại cho Trung Quốc.

hongkong2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. AFP photo

Tin này được báo chí tại Hồng Kong loan đi vào ngày 23 tháng 6, tuy nhiên vẫn chưa có tin chính thức về chuyến thăm ông Tập từ Bắc Kinh.

Đây sẽ là chuyến thăm Hồng Kong đầu tiên của ông Tập trên cương vị Chủ tịch nước Trung Quốc, kể từ khi ông nắm chức vụ này vào năm 2013.

Ông sẽ cùng phu nhân là bà Bành Lệ Quân đến Hồng Kong vào ngày thứ năm 29 tháng sáu, và ở lại cho đến ngày 1 tháng bảy, ngày mà 20 năm trước Trung Quốc tiếp quản Hồng Kong từ Anh Quốc.

Chương trình thăm viếng Hồng kong của ông Tập cũng sẽ bao gồm việc tham dự vào buổi lễ nhậm chức của Tân đặc khu trưởng Hồng Kong, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga.

Các nhà hoạt động xã hội tại Hồng Kong cho biết là họ đang chuẩn bị tổ chức biểu tình nhân chuyến thăm của ông Tập và điều này chắc chắn sẽ dẫn đến việc tăng cường các biện pháp an ninh tại Hồng Kong.

Hồng Kong hiện được xem là một lãnh thổ thuộc Trung Quốc, nhưng theo qui chế ‘một quốc gia, hai thể chế’ với hiến pháp riêng và duy trì một số quyền tự do báo chí, ngôn luận riêng.

Đó là thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Luân Đôn khi thuộc địa này được trao lại cho Hoa Lục vào năm 1997.

Published in Châu Á

Hồng Kông : Tỷ phú Tiêu Kiến Hoa bị Trung Quốc bắt cóc (RFI, 02/02/2017)

achau1

Khách sạn Four Seasons, Hồng Kông, nơi nhà tỷ phú Tiêu Kiến Hoa được nhìn thấy lần cuối ngày 27/01/2017. REUTERS/Bobby Yip

Theo báo chí Hồng Kông, nhà tỷ phú Tiêu Kiến Hoa đột nhiên mất tích cách nay một tuần, thật ra đã bị an ninh Trung Quốc bắt cóc đưa về Hoa lục để điều tra một vụ đầu cơ chứng khoán. Đây là trường hợp tiêu biểu Bắc Kinh can thiệp vào nội tình Hồng Kông một cách thô bạo từ sau vụ bắt cóc chủ nhân và bốn nhân viên một nhà xuất bản sách bị Trung Quốc xem là nhạy cảm.

Theo South China Morning Post được AFP trích dẫn trong bản tin 02/02/2017, nhà tỷ phú Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua) hiện đang ở Hoa lục "để giúp điều tra" về vụ chỉ số thị trường chứng khoán Thượng Hải bị rơi tự do vào năm 2015, trong vòng hai tháng, mất 40% trị giá. Vấn đề là trong vụ này, chính quyền Trung Quốc đã góp phần khuyến khích đầu cơ cho đến khi "bong bóng" chứng khoán bị vỡ thì tìm cách qui tội cho người khác để phủi tay trốn trách nhiệm.

Như vậy, "thông tin" đầu tiên của báo chí thân Bắc Kinh nói rằng tỷ phú Tiêu Kiến Hoa "tự ý" về Trung Quốc trị bệnh, không còn đứng vững.

Sự kiện ông Tiêu Kiến Hoa mất tích cũng diễn ra tương tự như trường hợp 5 nhân viên một nhà sách Hồng Kông "mất tích" năm 2015 và sau đó sự thật được phơi bày khi Bắc Kinh biết không thể tiếp tục giấu diếm.

Hồng Kông được Anh Quốc trao trả lại Trung Quốc với quy chế bán tự trị từ năm 1997 theo đó công an Hoa lục không có quyền sang Hồng Kông bắt người.

Cũng theo South China Morning Post, không rõ tỷ phú Tiêu Kiến Hoa có trách nhiệm gì trong vụ thị trường chứng khoán mất giá. Tuy nhiên, Bắc Kinh đang nhắm vào một loạt các đại gia Trung Quốc và cuộc điều tra này có liên quan đến cựu chỉ huy cơ quan phản gián, Mã Kiến, bị buộc tội tham ô, bị cách chức và khai trừ khỏi đảng Cộng sản.

Theo một số nhà bình luận, tỷ phú Tiêu Kiến Hoa chỉ là người thừa hành của ban lãnh đạo Trung Quốc trong vụ khủng hoảng chứng khoán. Nhưng một số tờ báo lại cho rằng nhà tài chính này có quan hệ với những thế lực chống lại chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và trở thành nạn nhân của chiêu bài chống tham nhũng.

Tú Anh

*********************

Báo chí Thái Lan chống luật hạn chế hoạt động của nhà báo (RFI, 02/02/2017)

achau2

Thủ tướng Thái Prayuth Chan-ocha đến họp nội các hàng tuần ngày 10/01/2017. Reuters

Ngày 02/02/2017, dự luật giới hạn quyền hoạt động của các phóng viên Thái Lan được thảo luận tại một ủy ban Quốc hội. Liên đoàn các phóng viên Thái viết thư ngỏ phản đối mọi ý đồ bịt miệng báo chí của chính quyền quân sự Bangkok.

Theo hãng tin Mỹ AP, dự luật về báo chí của Thái Lan quy định các phóng viên phải được chính phủ cấp giấy phép hành nghề, và dự trù thành lập một hội đồng kỷ luật để trừng phạt những phương tiện truyền thông "phao tin thất thiệt" hay "vi phạm đạo đức báo chí". Phía chính quyền giải thích, dự luật này nhằm "trong sạch hóa các cơ quan thông tin và tránh để một số phương tiện truyền thông đưa tin thất thiệt".

Thủ tướng Thái, tướng Chan Ô Cha, trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây đã tuyên bố : "Tất cả mọi ngành nghề đều phải được kiểm soát và tuân thủ luật pháp quốc gia, ngành báo chí không là một ngoại lệ"

Ngược lại, Hiệp hội các nhà báo Thái Lan coi đây là phương tiện để Bangkok tăng cường kiểm duyệt, trực tiếp kiểm soát các hành vi của các phóng viên độc lập. Trong bức thư ngỏ gửi tới Quốc hội Thái ngày 02/02/2017, Hiệp hội các phóng viên Thái Lan cho rằng dự luật nói trên "đưa Thái Lan trở về với thời kỳ đen tối, khi báo chí nằm trong tay chính quyền".

Theo giới quan sát, từ khi tập đoàn quân sự Thái Lan lên cầm quyền hồi tháng 5/2014 tới nay, quyền tự do thông tin đã bị giới hạn đáng kể. Tránh để bị ghép vào tội khi quân, nhiều tờ báo Bangkok đã phải tự kiểm duyệt. Tháng 7/2016, nhiều đài phát thanh đã bị đóng cửa với lý do "đe dọa an ninh quốc gia". Tháng 12/2016, tập đoàn quân sự cầm quyền tại Thái Lan đã dùng luật chống tội phạm tin học để tăng cường các biện pháp kiểm duyệt thông tin trên mạng.

Thanh Hà

***********************

Tổng thống Philippines "sẽ giết thêm" và huy động quân đội chống ma túy (RFI, 02/02/2017)

achau3

Tổng thống Rodrigo Duterte trưng ảnh những kẻ dính líu đến ma túy tại một cuộc họp ở Davao ngày 02/02/2017. REUTERS/Lean Daval Jr

Tổng thống Rodrigo Duterte, hôm nay, 02/02/2017, thông báo là quân đội sẽ đóng vai trò hàng đầu trong cuộc chiến chống ma túy và ông còn cam kết sẽ giết thêm những kẻ buôn lậu và tiêu thụ ma túy.

Ông Duterte, được AFP trích dẫn, tuyên bố : "Tôi huy động quân đội Philippines và tôi coi vấn đề ma túy là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, do vậy, tôi sẽ kêu gọi sự giúp đỡ của toàn bộ các binh chủng". Nguyên thủ Philippines còn bổ sung là ông sẽ ra lệnh giết chết thêm những con nghiện mà ông gọi là "đồ súc sinh".

Đây là phản ứng đầu tiên của ông Duterte kể từ khi Ân Xá Quốc Tế, vào hôm qua, đã công bố một báo cáo cho rằng các vụ giết người như vậy ở Philippines có thể coi là những tội ác chống nhân loại.

Ông Duterte đã bác bỏ những cáo buộc vi phạm nhân quyền, với những lời lẽ thô tục nguyền rủa những người tố cáo ông và cho rằng họ đã thương xót 3000 "kẻ súc sinh", tức 3000 con nghiện bị giết chết. Nguyên thủ Philippines tuyên bố, "tôi sẽ cho giết thêm, để xóa bỏ tệ nạn ma túy".

Trong tuần, ông Duterte đã thừa nhận là tệ nạn tham nhũng ngấm sâu vào tận xương tủy cảnh sát, lực lượng hiện đang đóng vai trò hàng đầu trong cuộc chiến chống ma túy. Trong thời gian qua, một loạt vụ bê bối đã bị phát giác, cho thấy nhiều sĩ quan cảnh sát dính líu đến các vụ giết người, bắt cóc, tống tiền. Những kẻ này lộng hành nhân danh cuộc chiến chống ma túy.

Theo số liệu chính thức, kể từ khi ông Duterte nhậm chức tổng thống Philippines cuối tháng 06/2016 đến nay, 6500 người đã thiệt mạng, trong đó cảnh sát thông báo bắn chết 2555 người, còn gần 4000 trường hợp khác chưa được làm rõ.

RFI tiếng Việt 

Published in Châu Á

Một đề án bảo tàng theo mô hình Bắc Kinh gây phẫn nộ (RFI, 11/01/2017)

hongkong1

Biểu tình ở Hồng Kông phản đối dự án xây bảo tàng theo kiểu Cấm Thành, Bắc Kinh. Ảnh ngày 10/01/2017. Reuters

Hồng Kông đang muốn mở một chi nhánh của một viện bảo tàng nổi tiếng ở Bắc Kinh hầu củng cố tính ‘văn hóa’ của đặc khu hành chính. Tuy nhiên, theo hãng tin Pháp AFP ngày 11/01/2017, dự án đã bị nhiều người phản đối cho đấy là thêm một dấu hiệu đi theo Trung Quốc trong lãnh vực văn hóa nghệ thuật và trong bối cảnh người dân Hồng Kông ngày càng bực bội trước việc Bắc Kinh siết chặt quyền kiểm soát đối với họ.

Với các bộ sưu tầm đồ gốm, tranh, nữ trang, ngọc, đồng hồ từ hàng thế kỷ qua nhiều triều đại, bảo tàng chiếm một khoảng diện tích lớn ở Cấm Thành, Bắc Kinh, thu hút hàng triệu khách đến xem hàng năm. Đây là bảo tàng mà lãnh đạo Hồng Kông nhòm ngó và muốn có một phiên bản trên lãnh thổ này.

Những người chủ trương, theo AFP, giải thích là nhánh bảo tàng này sẽ tô điểm thêm nét văn hóa cho Hồng Kông, một nơi chỉ được biết qua các tòa nhà chọc trời và ngân hàng. Khách đến đây sẽ có thể xem những vật quý báu mà Bắc Kinh cho mượn dài hạn.

Những người chống đối dự án lại nhìn dưới gốc độ khác, đó là Hồng Kông muốn làm vui lòng Bắc Kinh.

Trả lời AFP, Avery Ng, chủ tịch Liên Đoàn Xã Hội Dân Chủ, nhận thấy là dự án không chú ý đến tính cách của Hồng Kông, lịch sử của vùng đất này và những khía cạnh đen tối của lịch sử Trung Quốc.

Những ý kiến khác cho là bảo tàng mới này có thể là một điều tốt, nếu dự án được đề cập một cách minh bạch.

Người dân đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối đề án bảo tàng dự kiến xây ở Kowloon (bán đảo Cửu Long). Một số người còn ném hình xe tăng bằng giấy vào lãnh đạo Hông Kông nhắc lại vụ đàn áp phong trào sinh viên Thiên An Môn.

Theo ông Lee Cheuk–Yan, người tổ chức các lễ tưởng niệm hàng năm phong trào Thiên An Môn thì "quyết định mà không tham khảo ý kiến là cách tiếp cận độc tài".

Theo dự kiến của những người chủ trương, viện bảo tàng sẽ mở cửa vào năm 2022 và sẽ được Jokey Club, quản lý đua ngựa, cá độ, vé số, tài trợ ở mức 3,5 tỷ đô la Hồng Kông.

Trước làn sóng chỉ trích, chính quyền vào hôm nay đã mở chiến dịch tham khảo ý kiến quần chúng về dự án, cấu trúc, chương trình của bảo tàng. Cuộc tham khảo ý kiến sẽ kéo dài trong 6 tuần lễ, tuy nhiên không hỏi ý kiến về việc có nên xây bảo tàng này hay không, về tính chính đáng, hợp lý của nó.

Trả lời AFP nhiều người dân rất dè dặt không mấy tán đồng, xem đây là một nỗ lực "lục địa hóa Hồng Kông, xóa nhòa văn hóa" của đặc khu hành chính.

Mai Vân

****************

Giới luật gia Hồng Kông phản đối Bắc Kinh can thiệp vào tư pháp (RFI, 10/01/2017)

hongkong2

Luật gia Mã Đạo Lập (bên trái), người đứng đầu ngành tòa án Hồng Kông, phát biểu nhân dịp đầu năm mới ngày 09/01/2017. REUTERS/Bobby Yip

Giới luật gia Hồng Kông hôm qua, thứ Hai 9 tháng Giêng 2017, đồng loạt bày tỏ thái độ lo ngại trước việc chính quyền Trung Quốc can thiệp vào hệ thống tư pháp của đặc khu trong thời gian gần đây, đặc biệt với các áp lực nhằm phê truất hai dân biểu, đắc cử hồi tháng 9/2016.

Ngày 07/11/2016, Thường Vụ Quốc Hội Trung Quốc dựa vào điều 104 của Luật Căn Bản, tức Hiến pháp Hồng Kông, yêu cầu tư pháp đặc khu loại trừ các nghị sĩ có quan điểm ly khai với Trung Quốc. Hai nghị sĩ Du Huệ Trinh (Yau Wai-ching) và Lương Tụng Hằng (Baggio Leung), có quan điểm đòi độc lập cho Hồng Kông, bị một tòa án cấp dưới của Hồng Kông phế truất, với lý do không tuân thủ các quy định về tuyên thệ, khi giương khẩu hiệu "Hồng Kông không phải là Trung Quốc" trong buổi lễ nhậm chức ngày 12/10/2016.

Phát buổi trong buổi lễ khai mạc năm mới hành chính, chủ tịch Hiệp hội Luật Gia Hồng Kông, nữ luật gia Winnie Tam khẳng định việc Quốc Hội Trung Quốc can thiệp trực tiếp giải thích luật như trên là "không cần thiết". Bà cũng khuyến cáo chính giới Hồng Kông không để cho thể chế nhà nước pháp quyền bị xâm phạm.

Về phần mình, người đứng đầu ngành tòa án Hồng Kông, ông Geffroy Ma, tức Mã Đạo Lập (Ma Tao-li), không trực tiếp nhắc đến việc Quốc Hội Trung Quốc diễn giải luật Hồng Kông nói trên, nhưng nhấn mạnh rằng điều quan trọng là ngành tư pháp và các thẩm phán, khi thực thi các phận sự trên cơ sở Hiến pháp, phải tuân thủ những nguyên tắc hết sức căn bản, trong đó có nguyên tắc "độc lập tư pháp". Ông Mã Đạo Lập là người đứng đầu Tòa án chung thẩm, tức tòa án cấp cao nhất của Hồng Kông.

Phát biểu trước các luật sư, người phụ trách tư pháp của chính quyền Hồng Kông, ông Rimsky Yuen, tức Viên Quốc Cường (Yuen Kwok-keung), cũng nhấn mạnh rằng Bắc Kinh không nên can thiệp vào vụ việc các nghị sĩ có những phát biểu chống lại Trung Quốc trong lễ tuyên thệ. Theo người phụ trách tư pháp Hồng Kông, những vấn đề này tốt nhất là nên được xử lý "trong nội bộ hệ thống tư pháp hay hệ thống pháp lý Hồng Kông".

"Phản đối việc diễn giải điều 104 Luật Căn Bản" cũng là một khẩu hiệu chính trong cuộc tuần hành đòi dân chủ, đòi quyền tự quyết, nhân ngày đầu năm mới, mùng một tháng Giêng 2017, được hàng ngàn người dân Hồng Kông tham gia.

Trọng Thành

Published in Châu Á
Trang 14 đến 14