Hồng Kông : Cảnh sát bị tố cáo gây tội ác theo lệnh Bắc Kinh
Iran, Libya, Bắc Triều Tiên… những lò lửa quốc tế cũng như vụ đào thoát ngoạn mục của cựu chủ tịch tập đoàn Renault-Nissan tiếp tục chiếm trang nhất báo chí Pháp ngày thứ ba của năm mới, 03/01/2020.
Đông đảo người Hồng Kông xuống đường biểu tình phản đối chính phủ ngày Tết Dương Lịch 01/01/2020. Reuters/Navesh Chitrakar
Về Châu Âu, Le Monde đặc biệt chú ý vào phương cách mà Paris và Minsk đương đầu với áp lực của Moskva. Trong khi đó, La Croix tìm hiểu vì sao tại Hồng Kông, cảnh sát và người dân biến thành hai kẻ tử thù.
Hồng Kông : Hòa giải bất khả thi
Theo La Croix, tinh thần động viên của người dân rất cao sau 7 tháng tranh đấu chống bàn tay can thiệp của Bắc Kinh. Tình hình sẽ không bao giờ lắng dịu trừ phi chính quyền chấp nhận điều tra các hành vi bạo lực của cảnh sát. Đâu là sóng, đâu là gió ? Nhật báo công giáo tìm hiểu cội nguồn.
Bài phóng sự "Bạo lực cảnh sát gây nên mối căm hờn của dân Hồng Kông" được thực hiện sau cuộc biểu tình huy động hơn một triệu người trưa ngày đầu năm dương lịch, 01/01/2020, nhằm bảo vệ các quyền tự do và đòi bầu cử dân chủ. Một nhân chứng phụ nữ cho biết trong cuộc đàn áp ngày 12/06/2019, bà đã thấy cảnh sát bắn hàng loạt lựu đạn cay vào đoàn biểu tình ôn hòa. Điều "không thể chấp nhận được" này càng ngày càng tệ hại hơn từ khi khi cảnh sát đàn áp bằng đạn thật.
Theo đặc phái viên Dorian Malovic, từ sáu tháng nay, tâm lý căm giận cảnh sát được 7 triệu dân Hồng Kông chia sẻ là chuyện tự nhiên. Nhưng phản ứng này đến từ một nữ cảnh sát từ nhiệm sau 10 năm nghề nghiệp mang ý nghĩa đặc biệt. Cathy Yau, nay là ủy viên hành chánh quận mới đắc cử, cho biết là "trong trường cảnh sát Hồng Kông không có dạy môn đàn áp dân".
Toàn xã hội Hồng Kông bị "chấn thương tâm thần" vì không ngờ cảnh sát Hồng Kông, từ danh tiếng vang lừng Châu Á nghiêm túc với dân biến thành mối nguy hiểm của dân. Súng thật đạn thật thay thế dùi cui ở phía cảnh sát thì phía người biểu tình cũng dùng bom xăng thay vì dùng dù.
Nhà báo, nhân viên thiện nguyện, nhà giáo được La Croix đặt câu hỏi đều lên án thái độ "độc ác" của cảnh sát. Linde Yeung, trợ lý xã hội trong một trường trung học kể lại trường hợp những học sinh bị đánh gẫy tay, mặt mày sưng vù đẫm máu, tinh thần hoảng loạn. Bà nói đến "hàng trăm thi thể bị chôn giấu trên khắp lãnh thổ, hàng trăm vụ tự tử, 6.000 người bị bắt, nhiều vụ cưỡng hiếp trong cơ quan cảnh sát".
Những cáo buộc này rất nghiêm trọng nhưng không thể kiểm chứng. Cảnh sát bị tố cáo "xóa dẹp chứng tích". Các "thông tin" đó, theo La Croix, tràn ngập trên mạng xã hội phản ánh tâm trạng hoài nghi cảnh sát Hồng Kông tuân lệnh Bắc Kinh.
Hệ quả là người biểu tình dù chủ trương bất bạo động, vẫn không thể không thông cảm thái độ bạo lực của giới trẻ ném đá vào cảnh sát và tấn công cơ sở thương mại dính líu với Bắc Kinh. "Họ là những người trẻ tranh đấu vì tương lai của họ như thế hệ chúng tôi tranh đấu cho dân chủ sau vụ thảm sát Thiên An Môn 1989", một giáo sư Sử Địa 60 tuổi chia sẻ như thế.
Mỗi buổi trưa trong tuần, mỗi ngày cuối tuần, dân Hồng Kông ở mọi lứa tuổi, mọi nghề nghiệp, bác sĩ hay cán bộ ngân hàng đều tận dụng mọi cơ hội để xuống đường. Một sĩ quan cảnh sát thú nhận ông đã hết sức khuyến cáo nhân viên dưới quyền, nhưng "quan hệ giữa dân và chính quyền đã hoàn toàn bị cắt đứt".
Nhà báo Shirley Yam cho rằng "chính quyền Hồng Kông, theo lệnh của Bắc Kinh, sẽ không lùi bước". Linh mục Pháp Paul Vallet, thuộc phái bộ truyền giáo hoạt động từ 44 năm nay tại Hồng Kông, trong bài phỏng vấn riêng, tỏ ra bi quan : trừ phi Bắc Kinh nhượng bộ, phong trào phản kháng sẽ không giảm cường độ trong năm 2020 này.
Donald Trump trong ngõ cụt ?
Quân đội Mỹ bị Iran cầm chân ở Iraq, Bình Nhưỡng hủy bỏ lời hứa ngưng thử nghiệm hạt nhân. Gây căng thẳng với Mỹ, kinh tế Bắc Triều Tiên bị đe dọa. Ngoài các tựa lớn về thời sự quốc tế, Le Monde dành hai bài phân tích về chiến lược của nhà độc tài Belarus và tổng thống Pháp Emmanuel Macron, không hẹn mà nên, cùng đối đầu với tham vọng gây ảnh hưởng của Moskva.
Nhà độc tài Belarus mượn oai NATO để "thoát Nga"
Trước hết, trong bài "Belarus kháng cự áp lực Nga", Le Monde cho biết nhà độc tài Alexander Lukachenko không muốn kết thân chặt chẽ với Moskva. Chính tổng thống Putin nhìn nhận là trong các thỏa thuận giữa hai nước, trừ giao dịch điện thoại, 90% lãnh vực còn lại không được Minsk thi hành. Sau thượng đỉnh song phương ngày 20/12/2019, lãnh đạo hai nước cố gắng che giấu phần nào sự thật : gặp nhau chỉ làm tăng thêm căng thẳng, nguyện vọng của Moskva muốn Belarus "hội nhập" vào Nga đã thất bại.
Lukachenko không muốn bị Nga kềm tỏa, kéo dài thời giờ để chờ cơ hội "thoát Nga". Năm 2024, theo luật bầu cử, tổng thống Putin không thể tái tranh cử. Theo báo chí thân Kremlin, tổng thống Nga có ý nhắm chiếc ghế chủ tịch Liên hiệp kinh tế Á – Âu, gồm năm nước là Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan và Kirghistan.
Nhưng theo Le Monde, thái độ lãnh đạm của Lukachenko càng làm cho mưu tính này khó thực hiện. Để hạ hỏa tham vọng của Nga, nhà độc tài Belarus khôn ngoan đánh lá bài Châu Âu và Mỹ từ năm 2015, cải thiện quan hệ với Bruxelles và Washington.
Lần lượt, nhiều nhà ly khai được trả tự do và mới đây, ngày 29/12/2019, chỉ một tuần sau thượng đỉnh Putin-Lukachenko tại Saint Petersburg, một cuộc biểu tình ở thủ đô Minsk huy động nhiều trăm người mà không bị đàn áp. Khẩu hiệu của họ là "chống sáp nhập". Khác với các chế độ Trung Á, Minsk không bao giờ công nhận hành động Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine là hợp pháp.
Để cảnh báo Moskva, nhân vật bị Washington vào năm 2005 gọi là nhà độc tài cuối cùng tại Châu Âu đã chơi đòn thấu cáy. Trên đài phát thanh Tiếng Vọng Moskva, Lukachenko đem NATO ra làm thần hộ mệnh : "Nếu nước Nga vi phạm chủ quyền của Belarus, phương Tây và Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO sẽ không tha thứ. Họ xem hành động (xâm lấn) đó đe dọa an ninh phương Tây và họ có lý".
Trong khi đó, tại Paris, tổng thống Pháp bằng phương cách riêng của ông, tìm cách xét lại quan hệ với Nga, xóa bớt xung khắc, để tập trung vào quyền lợi mỗi bên.
Theo Le Monde, trước Macron, nhiều nhà lãnh đạo Mỹ từ Bill Clinton, George W. Bush, Barack Obama cũng đã tìm cách đối thoại với Nga, nhưng không thành công. Tuy vậy, không nên trách Macron ngây thơ. Nhiều nhà chính trị Pháp khác đổ lỗi cho phương Tây sỉ nhục Moskva, cho NATO bao vây nước Nga, để biện minh cho thái độ khiêu khích của Nga. Họ quên đi vụ Nga sáp nhập Crimea, họ quên đi các vụ ám sát ở Châu Âu. Macron không ngây thơ chút nào khi ưu tiên đối thoại với Putin. Bởi vì, tình hình hiện nay buộc nước Pháp không thể trông cậy ở nước Mỹ của Donald Trump.
Tuy nhiên, Le Monde khuyến cáo : Công nhận quyền lợi của các nước độc tài như Nga hay Trung Quốc không có nghĩa là không lên án chính sách đàn áp phản dân chủ của hai chế độ này. Từ một năm nay, phong trào phản kháng nổi dậy khắp nơi từ Hồng Kông, Chile, Iran, Algeria… Liệu Macron có thể nhẫn tâm bỏ rơi nhân quyền nhân danh chính sách ngoại giao không can thiệp ?
Libya : Xung đột leo thang sát cửa Châu Âu
Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị đưa quân vào Tripoli chống lực lượng của tướng Haftar, đồng minh của Moskva. Nhưng các quân cờ thù địch này đều là những kẻ chống Châu Âu, theo nhận định của nhật báo Le Figaro.
Đối đầu với lực lượng lính Nga đánh thuê ủng hộ tướng Haftar ở miền đông Lybia, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đưa quân vào Tripoli cùng với các đơn vị chiến binh Syria được Ankara trả lương. Đổi lại, chính phủ hợp pháp của Libya sẽ cho Thổ Nhĩ Kỳ khai thác một vùng tài nguyên rộng lớn ở Địa Trung Hải. Nga cảm thấy quyền lợi trong khu vực bị đe dọa nhưng Châu Âu phải coi chừng. Dự đoán được nguy hiểm, Hy Lạp, Chyprus và Israel, bước tới sẽ có Ý, nhanh chóng ký thỏa thuận lập ống dẫn khí EstMed, khai thác và cung cấp nhiên liệu cho Nam Âu và Israel mà không qua đường ống của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Le Figaro, chỉ cần nhìn vào cung cách của Erdogan uy hiếp Châu Âu qua "cánh cửa di dân" thì đủ hiểu nguy cơ đến mức độ nào nếu lệ thuộc vào nhiên liệu của Thổ.
Hỏa hoạn, lũ lụt, dịch lợn
Về môi trường và thiên tai, thông tín viên của Les Echos tại Sydney mô tả mức độ nguy kịch của nạn cháy rừng tại Úc, tình trạng khẩn cấp được ban hành trong 7 ngày tại bang New South Wells. Trong khi đó Libération dành một trang cho Djakarta : thủ đô Indonesia bị mưa lũ nhiệt đới nhấn chìm. Nhật báo thiên tả còn dành bài phóng sự về đại nạn dịch tả lợn đang gây hoảng loạn ở Trung Quốc.
Vấn đề là, cho dù dịch xảy ra từ năm 2018, nông dân Trung Quốc cố giấu không khai báo để tiếp tục bán lợn bệnh kiếm sống. Dịch lợn đã làm cho mức sản xuất thịt của Trung Quốc giảm đến 9 tỉ tấn trong năm 2019 và sẽ còn tiếp tục giảm. Hậu quả là giá thịt leo thang trên thế giới. Họa người phước ta, dân chăn nuôi ở Pháp xuất khẩu thịt heo sang Trung Quốc xoa tay hưởng lợi.
Interpol truy nã "007" Carlos Goshn
Vụ cựu chủ tịch tập đoàn Renault-Nissan đào thoát khỏi bàn tay tư pháp Nhật Bản như kịch bản phim gián điệp được Le Monde và Libération phân tích rộng rãi từ diễn tiến cho đến nguyên nhân và hệ quả pháp lý. Khác với các đồng nghiệp, Les Echos dự báo "vòng vây đang siết lại", tương lai Carlos Goshn không sáng sủa. Cho dù không trục xuất công dân của mình, Lebanon buộc phải tuân thủ Interpol, tạm giam nghi can trong khi chờ đợi áp dụng các thủ tục điều tra.
Tú Anh
Đón năm mới 2020 : Một triệu người Hồng Kông biểu tình dưới hơi cay (RFI, 01/01/2020)
Trên một triệu người hôm 01/01/2020 đã biểu tình đòi dân chủ theo lời kêu gọi của Mặt trận Nhân dân về Nhân quyền Hồng Kông (FCDH). Sau nhiều tiếng đồng hồ tuần hành ôn hòa, đã xảy ra một số vụ đụng độ. Cảnh sát xịt hơi cay và vòi rồng, người biểu tình đối phó bằng bom xăng và tấn công vào các cơ sở thương mại thân Bắc Kinh. Đến tối, các phóng viên AFP chứng kiến cảnh sát bao vây, bắt giữ khoảng 100 người.
Người Hồng Kông tuần hành vì dân chủ trong ngày đầu năm mới 2020, 01/01/2020. Reuters/Navesh Chitrakar
Tối qua đông đảo người dân đã biểu tình tự phát với những chuỗi người nắm tay nhau kéo dài nhiều cây số. Khi vừa bước qua những giây phút đầu của năm mới 2020, họ cùng hô khẩu hiệu "Giải phóng Hồng Kông, cách mạng thời đại", và hát bài "Nguyện vinh quang quy Hương Cảng". Cảnh sát dùng hơi cay và bắn đạn cao su vào đám đông để giải tỏa một số trục đường.
Thông tín viên Stéphane Lagarde có bài phóng sự về đêm giao thừa ở Hồng Kông :
"Những chiếc loa tái xuất, và những câu khẩu hiệu lại nở rộ trên những bức tường ở Hồng Kông : hai con số 1 trên nền đen trắng với câu "Không có việc từ bỏ cuộc chiến đấu". Những áp-phích mời gọi xuống đường trong ngày đầu năm 1 tháng Giêng – cuộc biểu tình đầu tiên của năm 2020.
Ở lối ra trạm xe điện ngầm Tây Loan Hà (Sai Wan Ho) tối qua, những bàn tay nắm chặt lấy nhau, hè phố hòa thành một. Trong chuỗi người này có ông Choi cùng hai con trai 8 và 10 tuổi. Ông cho biết : "Chúng tôi lại biểu tình vì sau sáu tháng qua chẳng có được nhượng bộ nào cả, cần phải nhớ lại những gì đã phải chịu đựng trong nửa cuối năm 2019. Cha con tôi đến từ một khu phố khác, ở đó có rất nhiều cảnh sát, các con tôi sợ hãi".
Họ sợ bị bắt ! Tại khu Vượng Giác (Mongkok), hơi cay và vòi rồng tấn công những nhóm nhỏ người biểu tình. Nhà văn nữ Hilda, khoảng 40 tuổi, khẳng định chẳng có gì phải ăn mừng cả, mà cần phải ủng hộ những người đang bị giam cầm. Bà nói : "Chúng tôi hy vọng những người bị bắt sẽ nhìn thấy chúng tôi trong các chương trình tin tức, và biết rằng phong trào phản kháng vẫn tiếp tục, họ không bị bỏ quên".
Đã sắp nửa đêm. Lần đầu tiên kể từ 10 năm qua, cuộc tập hợp truyền thống trên con đường dọc theo vịnh Victoria bị chính quyền cấm đoán. Những chiếc điện thoại di động được giơ lên như những ngọn nến, những bàn tay vươn cao, năm ngón tay xòe ra tượng trưng cho năm yêu sách của phong trào, trước khi những tia laser có hiệu ứng như pháo bông tỏa sáng rực phía trên những tòa nhà chọc trời".
Thụy My
****************
Hong Kong khởi đầu 2020 với đợt biểu tình mới (BBC, 01/01/2020)
Người biểu tình Hong Kong chào đón thập kỷ mới bằng một cuộc tuần hành ngày Tết Dương lịch, với hàng chục ngàn người tham gia xuống đường ủng hộ dân chủ.
Hàng ngàn người biểu tình Hong Kong tập trung tuần hành trong ngày đầu năm mới
Mặc dù cuộc tuần hành nhìn chung là ôn hòa, bạo lực nổ ra ở một vài nơi và cảnh sát đã dùng hơi cay.
Vào đêm giao thừa, người biểu tình nối tay nhau thành những mắt xích người trải dài hàng cây số trên các con phố tấp nập ở khu mua sắm.
Hơn sáu tháng sau khi các cuộc biểu tình đầu tiên diễn ra, người biểu tình tập trung đếm ngược đón giao thừa ở Cảng Victoria.
Họ hô to : "Mười ! Chín ! Giải phóng Hong Kong, cách mạng bây giờ !"
Ở quận Mong Kok sầm uất, có người châm lửa đốt các rào chắn khi trời tối và đốt pháo hoa, làm gián đoạn giao thông.
Cảnh sát dùng vòi rồng để giải tán người biểu tình ở đường Nathan Road ở Mong Kok và xịt hơi cay và bắn đạn cao su, tờ South China Morning Post đưa tin.
Chừng 40 dân biểu và các vị chức sắc từ 18 quốc gia gửi một bức thư ngỏ tới lãnh đạo Hong Kong bà Carrie Lam vào đêm giao thừa, thúc giục bà "tìm con đường ra thực sự cho cuộc khủng hoảng bằng cách giải quyết nỗi bất bình của người Hong Kong".
Các cuộc biểu tình chống chính phủ bắt đầu hồi tháng Sáu do dự luật dẫn độ, nhưng từ đó đã trở thành một phong trào rộng hơn đòi dân chủ toàn diện.
Một số người biểu tình theo khẩu hiệu : "Năm yêu cầu, không kém !"
Các yêu cầu của họ gồm : ân xá cho những người bị bắt, một cuộc điều tra độc lập về việc cảnh sát dùng bạo lực, phổ thông đầu phiếu và không coi các cuộc biểu tình là 'bạo động'. Yêu cầu thứ năm - việc rút lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi - đã được đáp ứng.
Cuộc tuần hành ngày đầu năm do Mặt trận Nhân quyền Dân sự CHRF tổ chức
Cho tới nay, hơn 6.500 người đã bị bắt sau các cuộc biểu tình.
'Tự do không miễn phí'
Vào lúc 14h00 ngày đầu năm mới, người dân đủ các độ tuổi tập trung để tuần hành từ Công viên Victorria. Có người đeo mặt nạ, bất chấp lệnh cấm che mặt, và mang biểu ngữ với dòng chữ "Tự do không miễn phí".
"Thật khó mà nói câu 'Chúc mừng năm mới' vì người Hong Kong không vui", một người đàn ông tên Tung nói, hãng tin Reuters tường thuật.
"Trừ khi cả năm yêu cầu của chúng tôi được đáp ứng, và cảnh sát nhận trách nhiệm về bạo lực họ gây ra, lúc đó chúng tôi mới thực sự có một năm mới vui vẻ".
Cuộc tuần hành ủng hộ dân chủ do Mặt trận Nhân quyền Dân sự (Civil Human Rights Front-CHRF) tổ chức. Mặt trận này đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình có sự tham gia của hàng triệu người.
"Chính phủ đã bắt đầu đàn áp từ trước khi Năm Mới đến... ai bị đàn áp, chúng tôi sẽ sát cánh bên họ", ông Jimmy Sham, một lãnh đạo của CHRF và nhà hoạt động chính trị lâu năm, nói.
Bản thân ông Sham phải nhập viện hồi tháng Mười sau khi ông bị một nhóm người cầm búa rìu tấn công.
Trong bài phát biểu ngày đầu năm, Chủ tịch Tập Cận Bình nói Bắc Kinh sẽ "kiên quyết gìn giữ sự thịnh vượng và ổn định" của Hong Kong.
*****************
Cảnh sát Hong Kong bắn hơi cay trong cuộc tuần hành đầu năm 2020 (VOA, 01/01/2020)
Ngày 01/01, cảnh sát Hong Kong đã bắn hơi cay vào đám đông tuần hành ngay vào ngày đầu năm mới 2020 với hàng chục ngàn người tham gia, bao gồm cả gia đình và trẻ em, theo Reuters.
Ngày 01/01, cảnh sát Hong Kong đã bắn hơi cay vào đám đông tuần hành ngay vào ngày đầu năm mới 2020.
Được biết đây là một cuộc tuần hành ôn hòa yêu cầu chính quyền nhượng bộ nhiều hơn sau hơn nửa năm biểu tình, nhưng tình hình lại trở nên xấu đi khi diễn ra căng thẳng giữa cuộc tuần hành. Reuters cho biết cảnh sát bắn hơi cay giải tán người biểu tình ở quận Wanchai.
Các phóng viên của Reuters tại hiện trường cho biết trong số những người biểu tình, nhiều người đeo mặt nạ và mặc đồ đen, tập hợp lại và thành lập một vòng dây, ném một vài quả bom xăng và bung những chiếc ô để che chắn.
Cuộc tuần hành ủng hộ dân chủ ở Hong Kong hiện do Mặt trận Nhân quyền Dân sự (Civil Human Rights Front) tổ chức. Đây cũng chính là nhóm đã tổ chức một số cuộc tuần hành vào năm ngoái thu hút hàng triệu người tham gia.
"Chính phủ bắt đầu đàn áp trước khi năm mới bắt đầu ... bất cứ ai bị áp bức, chúng tôi sẽ sát cánh cùng họ", ông James Sham, một trong những người lãnh đạo Mặt trận Nhân quyền Dân sự, cho Reuters biết.
Tính đến nay tại Hong Kong đã diễn ra sáu tháng biểu tình chống chính phủ và đã kéo dài sang năm 2020, theo đó người biểu tình yêu cầu chính quyền thực thi nền dân chủ đầy đủ và tiến hành một cuộc điều tra độc lập về cáo buộc cảnh sát đàn áp người biểu tình.
Trong diễn văn đầu năm mới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói Bắc Kinh "sẽ kiên quyết bảo vệ sự thịnh vượng và ổn định" của Hong Kong dưới cái gọi là khuôn khổ "một quốc gia, hai hệ thống".
Nhiều người ở Hong Kong tức giận vì Bắc Kinh kiểm soát quá chặt chẽ thành phố này. Khi được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, Hong Kong được hứa hẹn sẽ có quyền tự trị cao theo khuôn khổ trên.
Một nhóm gồm 40 nghị sĩ và chức sắc từ 18 quốc gia đã viết một bức thư ngỏ tới Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam vào đêm giao thừa (31/12), thúc giục bà tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng bằng cách giải quyết sự bất bình của người dân.
***************
Khảo sát : 59% dân Hong Kong ủng hộ phong trào biểu tình chống chính quyền (VOA, 31/12/2019)
Kết quả một cuộc khảo sát cho biết có đến 59% người dân Hong Kong ủng hộ phong trào biểu tình đòi dân chủ, và hơn 1/3 số người được khảo sát cho biết họ đã từng tham gia một cuộc biểu tình chống chính quyền, theo Reuters hôm 31/12.
Biểu tình dân chủ ở Hong Kong.
Cuộc khảo sát trên do Viện Nghiên cứu Dư luận Hong Kong (Hong Kong Public Opinion Research Institute), phối hợp với hãng tin Reuters.
Kết quả khảo sát cho biết chỉ có 30% phản đối các cuộc biểu tình.
57% trong số những người tham gia cuộc khảo sát cho biết họ ủng hộ việc Đặc khu trưởng Hong Kong cần phải từ chức. Bà Lam là một mục tiêu cụ thể của các cuộc biểu tình chống chính quyền đã làm đình trệ thành phố này trong gần suốt cả năm 2019 sau khi bà cố gắng thúc đẩy dự luật dẫn độ gây tranh cãi.
Tuy nhiên, chỉ có 17% số người tham gia khảo sát bày tỏ ủng hộ việc tiến tới Hong Kong độc lập khỏi Trung Quốc và 20% phản đối chính sách "một quốc gia, hai chế độ" hiện hành.
Nhiều người biểu tình nói rằng Bắc Kinh đã tận dụng thẩm quyền của mình theo cơ chế trên để dần dần phá hoại các quyền tự do nhất định - như quyền tư pháp độc lập và tự do ngôn luận - đáng lẽ phải được đảm bảo ít nhất cho đến năm 2047 theo thỏa thuận.
Cuộc thăm dò này lấy ý kiến của 1.021 người, được thực hiện từ ngày 17-20/12, cho thấy phần đông nói rằng cuộc khủng hoảng đang diễn ra chủ yếu do chính quyền Hong Kong, chứ không phải chính phủ trung ương ở Bắc Kinh, gây ra.
******************
Lãnh đạo Đài Loan từ chối đề nghị thống nhất của Trung Quốc theo mô hình Hong Kong (BBC, 01/01/2020)
Ngày 1/1, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cho biết, nước này sẽ không chấp nhận mô hình "một quốc gia, hai chế độ" mà Bắc Kinh đề xuất nhằm thống nhất hòn đảo này. Bà nói rằng, thỏa thuận như vậy đã thất bại ở Hong Kong.
Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh thống nhất hoàn toàn đất nước Trung Quốc là nhiệm vụ lịch sử, còn Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn phản đối
Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ không thể tách rời của mình và sẽ dùng vũ lực để thống nhất nếu cần thiết. Đài Loan thì nói họ là một quốc gia độc lập, tên chính thức là Trung Hoa Dân Quốc.
Bà Thái, người sẽ tái tranh cử trong cuộc bầu cử vào ngày 11/1 tới, cũng tuyên bố trong một bài phát biểu năm mới rằng, để bảo vệ chủ quyền của Đài Loan, chính phủ của bà sẽ xây dựng một cơ chế để bảo vệ tự do và nền dân chủ, khi Bắc Kinh tăng áp lực.
Nỗi sợ hãi với sự cai trị của Trung Quốc đã trở thành một yếu tố chính trong chiến dịch tranh cử của bà Thái, và ngày càng được củng cố bởi cáccuộc biểu tình chống chính phủ ở Hong Kong đã diễn ra trong nhiều tháng qua.
Bà Thái nhấn mạnh rằng, người dân Hong Kong đã cho thấy rằng, mô hình "một quốc gia, hai chế độ" chắc chắn không khả thi.
Tình hình Hong Kong ngày càng xấu đi. Và niềm tin vào mô hình "một quốc gia, hai chế độ" đã bị suy giảm bởi sự lạm quyền của chính quyền - bà Thái nói.
Hong Kong đã bị ảnh hưởng bởi nhiều tháng biểu tình chống chính phủ, do phẫn nộ lan rộng trước những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kiểm soát Hong Kong, bất chấp những lời hứa duy trì sự tự trị của hòn đảo nguyên là thuộc địa cũ này của Anh.
Hôm 31/12, Quốc hội Đài Loan cũng đã thông qua một đạo luật chống xâm nhập, nhằm chống lại các ảnh hưởng chính trị từ Trung Quốc, khiến căng thẳng trong mối quan hệ giữa Đài Loan và Bắc Kinh gia tăng.
Bà Thái khẳng định rằng, luật này sẽ bảo vệ nền dân chủ Đài Loan và giao thương sẽ không bị ảnh hưởng giữa bối cảnh có những lo ngại rằng một luật mới có thể gây tổn hại tới mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Trung Quốc cho rằng bà Thái và Đảng Dân Tiến của bà đang thúc đẩy việc hòn đảo này có nền độc lập chính thức. Bắc Kinh đe doạ sẽ có chiến tranh nếu bất kỳ động thái nào như vậy diễn ra.
Bà Thái nhắc lại rằng bà sẽ không đơn phương thay đổi hiện trạng với Trung Quốc.
Đài Loan thông qua luật chặn ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc (VOA, 31/12/2019)
Hôm 31/12, Quốc hội Đài Loan đã thông qua luật chống xâm nhập để chặn các mối đe dọa từ Trung Quốc, chưa đầy hai tuần trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 11/1 tại đảo quốc, theo Reuters.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.
Đạo luật này là một phần trong nỗ lực kéo dài nhiều năm để chống lại những gì nhiều người ở Đài Loan coi là những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tác động đến tình hình chính trị và tiến trình dân chủ, thông qua tài trợ bất hợp pháp cho các chính trị gia, giới truyền thông và các phương thức ngầm khác.
Động thái này có thể sẽ làm trầm trọng thêm đối với mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Đài Loan và Bắc Kinh, khi mà Bắc Kinh cho rằng Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn muốn tiến tới nền độc lập chính thức cho hòn đảo và Bắc Kinh đã gây áp lực tới bà kể từ khi bà nhậm chức năm 2016.
Ông Chen Ou-po thuộc Đảng Dân Tiến (DPP) đang nắm thế đa số của Đài Loan, phát biểu trước quốc hội sau khi dự luật được thông qua : "Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã gây ra mối đe dọa cho tất cả các nước và Đài Loan đang phải đối mặt với mối đe dọa lớn nhất".
"Đài Loan đang là tiền tuyến trước sự xâm nhập của Trung Quốc và rất cần luật chống xâm nhập để bảo vệ người dân", ông Chen nói thêm.
Các nhà lập pháp thuộc đảng DPP của bà Thái ủng hộ dự luật này 100% với cả 67 phiếu, bất chấp sự chỉ trích của phe đối lập cho rằng đây là một "công cụ chính trị" để giành phiếu bầu trước cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội.
Các nhà lập pháp của phe đối lập chính, Quốc Dân Đảng, phe ủng hộ mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, đã không tham gia bỏ phiếu luật này.
Luật này tạo ra những công cụ hợp pháp nhằm ngăn chặn các hoạt động tài trợ của Trung Quốc tại Đài Loan, như vận động hành lang hoặc vận động tranh cử. Luật này áp dụng mức hình phạt tối đa là bảy năm tù và sẽ có hiệu lực sau khi bà Thái ký ban hành vào tháng 1.
******************
Hồng Kông khởi động cuộc biểu tình Năm Mới "Dấn tới 2020" (RFI, 31/12/2019)
Những người đấu tranh Hồng Kông hôm nay 31/12/2019 bắt đầu cuộc biểu tình nhân dịp giao thừa tết dương lịch tại nhiều nơi trong thành phố, cổ vũ người dân không từ bỏ cuộc chiến vì dân chủ trong năm 2020. Trong khi đó chính quyền huy động trên 6.000 cảnh sát để đối phó.
Người biểu tình xuống đường để tưởng nhớ những người chết, bị thương trong những tháng đấu tranh tại Hồng Kông. Ảnh tai Quảng trường Edinburgh, Hồng Kông, 30/12/2019. Reuters/Lucy Nicholson
Reuters dẫn thông tin từ mạng xã hội cho biết người biểu tình được kêu gọi mang mặt nạ trong cuộc tập họp mang tên "Không quên 2019 – Dấn tới 2020". Một số sự kiện khác như "Suck the Eve" (Con đường đêm trừ tịch), "Shop with You" (Mua sắm với bạn) dự kiến diễn ra tại quận Lan Quế Phường (Lan Kwai Fong) ở khu trung tâm tài chính, gần cảng Victoria, và tại nhiều trung tâm mua sắm lớn.
Trong một thông điệp video giao thừa, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) nói rằng hơn sáu tháng phản kháng đã gây ra những buồn phiền, lo lắng, thất vọng và giận dữ. Bà kêu gọi : "Hãy khởi đầu năm 2020 với một giải pháp mới, tái lập trật tự và hòa hợp trong xã hội. Chúng ta có thể cùng nhau bắt đầu lại".
Tuy nhiên một người biểu tình nói với hãng tin Anh : "Giải phóng Hồng Kông, cách mạng thời đại là lời chúc Năm Mới của tôi. Chúng tôi đã đấu tranh suốt một thời gian dài như thế nhưng chính quyền vẫn không chịu lắng nghe. Nếu không tham gia phong trào, chúng tôi sẽ mắc nợ những người đồng chí hướng đang ở trong tù".
Theo South China Morning Post, hơn 6.000 cảnh sát được huy động hôm nay. Người biểu tình và các tổ chức nhân quyền luôn chỉ trích cảnh sát sử dụng bạo lực, từ đầu phong trào đến nay đã có hơn 6.500 người bị bắt.
Ngày mai đầu năm dương lịch, dự kiến khoảng mấy chục ngàn người sẽ tham gia một cuộc biểu tình lớn, đã được cảnh sát cho phép. Ban tổ chức hy vọng duy trì sức bật của phong trào khi bước sang năm mới.
Cuộc biểu tình trước đó cũng do Mặt trận Nhân dân về Nhân quyền tổ chức vào đầu tháng 12 đã thu hút được ít nhất 800.000 người xuống đường. Ông Sầm Tử Kiệt (Jimmy Sham), một trong những lãnh đạo của Mặt trận tuyên bố : "Vào ngày đầu năm mới, cần phải chứng tỏ tình liên đới để chống lại chính quyền. Chúng tôi hy vọng người dân Hồng Kông sẽ xuống đường vì tương lai của Hồng Kông".
Trong bối cảnh phong trào phản kháng rục rịch biểu tình nhân dịp Năm Mới, South China Morning Post và Newsweek hôm qua cho biết quân Trung Quốc trú đóng hôm thứ Sáu đã tập trận tại cảng Hồng Kông. Chiến hạm, khinh hạm, trực thăng vũ trang, bộ binh và lính đặc nhiệm cùng tham gia cuộc tập trận trên không và trên biển, mà theo các nhà phân tích, nhằm chứng tỏ sẵn sàng đối phó với "các cuộc tấn công khủng bố".
Thụy My
******************
Tổng thống Đài Loan đọc thư của thanh niên Hong Kong : ‘Đừng tin cộng sản’ (VOA, 29/12/2019)
Trích dẫn một lá thư của một thanh niên Hong Kong với nội dung kêu gọi mọi người "không tin vào Cộng sản", Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm 29/12 nói rằng Trung Quốc có thể gây ra mối nguy hại cho đời sống dân chủ của hòn đảo, theo Reuters.
Nhiều tháng biểu tình chống chính phủ ở Hong Kong đã trở thành vấn đề gây chú ý ở Đài Loan trước cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống vào ngày 11/1.
Theo Reuters, bà Thái cũng lên tiếng cảnh báo rằng Đài Loan sẽ trở thành mục tiêu kế tiếp nếu hòn đảo này gục ngã trước áp lực của Trung Quốc và chấp thuận sự cai trị của Bắc Kinh.
Lên tiếng tại một cuộc tranh luận được phát trên truyền hình của các ứng viên tổng thống, bà Thái đọc một phần nội dung của một bức thư mà bà nói là bà nhận được từ một thanh niên ở Hong Kong.
Theo Reuters, bà không cho biết tên của người viết thư cũng như thời điểm lá thư được viết.
Bà Thái đọc nội dung lá thư : "Tôi kêu gọi người dân Đài Loan không tin Cộng sản Trung Quốc, không tin bất kỳ quan chức thân Cộng sản nào và không rơi vào bẫy tiền của Trung Quốc".
Bà Thái nói rằng bà muốn đọc lá thư để nhắc mọi người về tầm quan trọng của lá phiếu của họ vào tháng tới.
****************
Quốc hội Mỹ kiên quyết vạch mặt Trung Quốc trên vấn đề Tân Cương (RFI, 31/12/2019)
Sau khi đã thành công trong việc "thúc ép" tổng thống Mỹ Donald Trump ký luật mà họ đã thông qua, cho phép trừng phạt các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông chịu trách nhiệm về những vụ vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông, Quốc Hội Mỹ đang chuẩn bị một ngón đòn thứ hai đánh vào Bắc Kinh, lần này trên vấn đề Tân Cương. Cách thức tiến hành cũng giống như trường hợp bộ luật về Hồng Kông, tức là đảm bảo sao cho dự luật được thông qua với một đa số rộng rãi đến mức mà dù muốn phủ quyết, nhưng tổng thống Trump sẽ không thể làm nếu không muốn lâm vào cảnh quyết định của ông bị Quốc Hội bác bỏ đúng theo quy định của luật pháp Hoa Kỳ.
Ảnh minh họa : Biểu tình đòi Trung Quốc trả tự do cho người Duy Ngô Nhĩ bị giam cầm. Ảnh tại Vancouver Canada, ngày 08/05/2019. Reuters/Lindsey Wasson/File Photo
Trong bài phân tích mang tựa đề "Quốc Hội (Mỹ) muốn buộc ông Trump mạnh tay trên vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc và xa hơn nữa", nhật báo Mỹ The New York Times ngày 27/12/2019 đã nêu bật kế hoạch của giới lập pháp Mỹ là sẽ thông qua một đạo luật - mà tổng thống không thể phủ quyết - ngay vào năm 2020 nhằm trừng phạt Trung Quốc về việc đối xử vô nhân đạo với người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Cả hai đảng đều đồng lòng chống Trung Quốc
Theo tờ báo Mỹ, trong một động thái thể hiện sự đồng thuận lưỡng đảng hiếm hoi, các nghị sĩ thuộc cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đang lên một kế hoạch nhằm cố gắng buộc tổng thống Trump có lập trường cứng rắn hơn về nhân quyền ở Trung Quốc, và sẵn sàng ký luật trừng phạt các quan chức hàng đầu Trung Quốc về tội đã giam giữ hơn một triệu người Hồi Giáo trong các trại giam được gọi một cách mỹ miều là trại huấn nghệ.
Sở dĩ Quốc Hội Mỹ phải suy tính đến việc thúc ép và trói buộc ông Trump, đó là vì họ càng lúc càng thất vọng trước việc đương kim tổng thống Mỹ không sẵn sàng thách thức Trung Quốc về các vi phạm nhân quyền, mặc dù trong năm đã có biết báo báo cáo, phúc trình cụ thể, nêu rõ các hành vi tàn bạo của Bắc Kinh đối với người Hồi Giáo ở Tân Cương. Thậm chí ông Trump còn không muốn nêu những vấn đề này ở cấp độ thế giới.
Để thúc đẩy ông Trump hành động đối với Trung Quốc, các nhà lập pháp có kế hoạch thông qua đạo luật trừng phạt Bắc Kinh về tội đàn áp người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ, với một đa số ủng hộ rộng rãi để buộc tổng thống phải ký nếu không muốn bị Quốc hội qua mặt trước cuộc bầu cử năm 2020.
Một phiên bản của dự luật, mang tên Đạo luật Chính Sách Nhân Quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ (Uighur Human Rights Policy Act), đã được cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện thông qua trong năm nay, nhưng con đường đến Nhà Trắng đã gặp trở ngại do vấn đề thủ tục.
Theo New York Times, vấn đề nhân quyền giành được sự đồng thuận lưỡng đảng hiếm có trong Quốc hội Mỹ, và nhiều nghị sĩ thuộc đảng Cộng Hòa đã bất đồng ý kiến với tổng thống Trump về vấn đề này, cho dù họ luôn luôn ủng hộ ông trên gần như mọi vấn đề khác, kể cả viêc bảo vệ ông chống lại thủ tục luận tội để truất phế.
Theo ghi nhận của thượng nghị sĩ Marco Rubio, thuộc đảng Cộng Hòa ở bang Florida, thì một số người cho rằng chính quyền đã lơ là vấn đề nhân quyền trong chính sách đối ngoại rộng lớn hơn. Suy nghĩ đó có thể là không đúng, nhưng rõ ràng là số người nghĩ như vậy đã tăng lên và họ cho rằng Quốc hội cần phải can dự vào hồ sơ này.
Vào tháng 11 vừa qua, Quốc hội đã nhất trí thông qua luật ủng hộ các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, buộc ông Trump phải ký dự luật. Là người từng nói rằng ông là người "đứng bên" lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Trump có nguy cơ bị Quốc hội phản bác và bị chỉ trích là yếu kém đối với Trung Quốc nếu ông phủ quyết luật về Hồng Kông.
Ông Trump do đó đã phải ký ban hành dự luật, tuy nhiên, ông đã đưa ra một tuyên bố cho biết rằng ông sẽ vận dụng đặc quyền của hành pháp trong việc thực thi các điều khoản của đạo luật mà ông buộc phải ký.
Nhân quyền Trung Quốc : Vấn đề mà tổng thống Mỹ xem nhẹ
Một số vấn đề nhân quyền thu hút sự ủng hộ của lưỡng đảng mạnh hơn là những vấn đề khác, và Trung Quốc nằm trong diện này. Số người cứng rắn với Trung Quốc ngày càng đông cả ở trong Quốc Hội lẫn trong chính quyền, trong lúc tỷ lệ người dân coi Trung Quốc là mối đe dọa ngày càng tăng.
Mặc dù Phó Tổng thống Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về cuộc đàn áp người Hồi Giáo, bản thân ông Trump hầu như không nói gì.
Vào tháng 7 vừa qua, Jewher Ilham, con gái của Ilham Tohti, một giáo sư người Duy Ngô Nhĩ bị Trung Quốc kết án tù năm 2014, đã cùng với các nạn nhân bị đàn áp tôn giáo khác đến gặp ông Trump trong Phòng Bầu Dục. Khi cô cố gắng giải thích các trại cho ông Trump, ông tỏ ra không biết gì về tình hình…
Bà Sophie Richardson, giám đốc phụ trách Trung Quốc tại tổ chức bảo vệ nhân quyền HRW châm biếm : "Tìm được bằng chứng về mối quan tâm thực thụ của ông Trump đối với vấn đề nhân quyền thật là khó". Theo chuyên gia này, về Trung Quốc, tối thiểu ra là tổng thống Trump nên ngừng việc mô tả một lãnh đạo độc đoán, hà khắc như là một "anh chàng tuyệt vời" vì làm như vậy tức là cho chính quyền Trung Quốc cơ hội lựa chọn giữa đặc tính được ông Trump mô tả với những nhận xét nghiêm khắc hơn đến từ các quan chức cấp cao khác của Hoa Kỳ.
Ông Trump, người đã chỉ trích Trung Quốc về các hoạt động kinh tế của mình, đã kiềm chế không áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm về các trại giam ở Tân Cương vì sợ gây nguy hiểm cho cơ hội đạt được thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh.
Nhiều cộng sự viên hàng đầu và các nhà lập pháp từ cả hai đảng đã thúc đẩy các biện pháp trừng phạt, nhưng Bộ Tài Chính đã phản đối. Đạo luật Duy Ngô Nhĩ, do thượng nghị sĩ Rubio và dân biểu Christopher H. Smith (đảng Cộng Hòa ở bang New Jersey) bảo trợ, sẽ buộc ông Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ông Trần Toàn Quốc, quan chức hàng đầu của Đảng cộng sản ở Tân Cương, nơi có các trại.
Vào tháng 10, chính quyền Trump đã đưa một số doanh nghiệp và tổ chức an ninh Trung Quốc vào danh sách đen về thương mại vì vai trò của họ trong các vụ truy bức người Hồi Giáo, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng đó là một hình phạt quá nhẹ.
Mai Vân
Đảng cộng sản Trung Quốc đã tạo nên Hồng Kông hiện đại, và họ cũng có thể hủy hoại nó.
Quang cảnh Hồng Kông từ đỉnh Victoria. Nhiếp ảnh gia : Justin Chin / Bloomberg
Vào năm 1940, chỉ có một ứng viên cho vai trò thủ phủ tài chính của Châu Á, đó là Thượng Hải. Với tổng kim ngạch thương mại và đầu tư gấp 10 lần Hồng Kông, đó là một "trung tâm quốc tế lớn" so với "ngôi làng nhỏ " ở phía nam, theo lời một nguyên thống đốc của cựu thuộc địa Anh này.
Những năm cuối đầy hỗn loạn của cuộc nội chiến Trung Quốc đã thay đổi mọi chuyện. Đến lúc Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được tuyên bố thành lập vào năm 1949, chiến tranh và siêu lạm phát đã tạo nên một làn sóng 1,5 triệu người vượt qua sông Thâm Quyến. Họ đem theo nguồn vốn và chuyên môn để tạo nên sự tăng trưởng chóng mặt của nền kinh tế Hồng Kông hậu chiến tranh. Nhiều người trong số những tài phiệt nổi tiếng của thành phố, bao gồm ông Chen Yu-tung quá cố, và các đại gia bất động sản như Lee Shau Kee, Peter Woo và dòng họ Kwok đã đến thành phố này trong thời kỳ biến động đó.
Những người dân địa phương giờ đang tự hỏi liệu điều tương tự có thể xảy đến với Hồng Kông hay không. Khi các cuộc biểu tình phản đối một dự luật cho phép dẫn độ người dân sang Đại lục mùa hè này biến thành những cuộc đụng độ giữa cảnh sát chống bạo động và những người biểu tình ném bom xăng, mọi thứ đang thay đổi. Một thành phố từng tự hào với danh tiếng là nơi vừa phóng khoáng và vừa tuân thủ pháp luật nhất hành tinh, nơi có thể được coi là một ngôi nhà phù hợp cho dòng vốn thế giới, bây giờ đang ngày càng trở nên một nơi đầy xung đột tại một Trung Quốc ngày càng hà khắc.
Một cảng "không an toàn"
Tổng số khách không phải người Đại lục thăm Hồng Kông hồi tháng 9 đã ở mức thấp nhất trong 15 năm.
Theo Logan Wright, một giám đốc tại Rhodium Group phụ trách bộ phận phân tích Trung Quốc, "bây giờ thì chúng ta không thể quay về môi trường trước tháng 6 nữa". Nếu tổng thống Donald Trump hủy quy chế đặc biệt của thành phố (như đe dọa trong một đạo luật mà ông ký tuần trước), Hồng Kông "sẽ trở thành bình thường như những cảng khác của Trung Quốc mà thôi", theo lời Nicole Bivens Collinson, chủ tịch thương mại quốc tế và quan hệ với chính quyền của Sandler, Travis & Rosenberg P.A.
Nếu như vậy, thì trọng tâm tài chính của Châu Á sẽ đi đâu, nếu nó rời Hồng Kông ?
Nếu định nghĩa trung tâm tài chính Châu Á như là một nơi mà các quyết định quan trọng về phân bổ dòng vốn được đưa ra, thì Hồng Kông không hẳn là một trung tâm của các thị trường tự do. Tổng kim ngạch FDI ra nước ngoài ở mức 1.940 tỉ của Trung Quốc đã vượt qua Hồng Kông để đứng thứ ba thế giới vào năm ngoái, chỉ sau Mỹ và Hà Lan [1]. Nếu xét vai trò lớn của chính phủ Trung Quốc trong nền kinh tế, Bắc Kinh đã vượt mặt London và Hồng Kông và có thể thách thức ngay cả New York, trở thành nơi mà tương lai của đầu tư toàn cầu sẽ được quyết định.
Nhưng đó không hẳn là định nghĩa mà chúng tôi muốn nhắc đến khi nói về một trung tâm tài chính. Một bộ khung tham chiếu thích hợp có thể là 11 đặc điểm tiêu biểu của Hồng Kông được liệt kê trong một bài diễn văn của Andrew Sheng, lúc đó là phó chủ tịch của Ngân hàng Trung ương Hồng Kông. Nếu xét những điểm này thì Hồng Kông có lý do phải lo lắng.
4 đặc điểm được nêu tên – gồm mức độ sử dụng tiếng Anh, người dân có kỹ năng, tự do thông tin, và cơ sở hạ tầng hiệu quả – giờ hiện diện ở nhiều nơi ở Châu Á hơn so với trước kia
5 đặc điểm khác – chính quyền tốt, tự do kinh tế, ổn định xã hội, pháp quyền, và được đối xử như là một đất nước trên khía cạnh kinh tế và tài chính – cũng bị xói mòn dữ dội bởi vì khủng hoảng gần đây. Hai điều cuối cùng, mức thuế thấp và quản lý không quá hà khắc, chỉ là những cái cột yếu ớt để xây dựng một đế chế cho dòng vốn, đặc biệt khi Singapore cũng có những đặc điểm tương tự.
Hiện vẫn chưa có dấu hiệu của một làn sóng bỏ đi, nhưng nếu nó xảy ra, thì nó sẽ diễn ra nhanh một cách bất ngờ. Mặc cho sự hiện diện đông đảo trong các phòng họp ở khu Central hay các quán bar ở khu Lan Kwai Fong, tổng số các chuyên gia nước ngoài đến từ các nước giàu vốn áp đảo ngành tài chính Hồng Kông lại rất nhỏ, ít hơn 100 ngàn người trong một thành phố có 7,5 triệu dân [2], và bộ phận dân số này có đặc trưng là tính cách xê dịch quốc tế của họ.
Nếu suy thoái kinh tế khiến tiền thưởng giảm mạnh vào năm sau, thì việc thu hút người nước ngoài đến một thành phố đắt đỏ, và bất ngờ trở nên bạo lực, sẽ giảm mạnh.
"Nếu có người nghỉ việc ở văn phòng Hồng Kông của một tập đoàn đa quốc gia, bây giờ họ sẽ tìm cách bù người ở Thượng Hải hay Singapore, chứ không đưa người đến đây", theo lời John Mullaly, giám đốc khu vực phía nam Trung Quốc và Hồng Kông của công ty Robert Walters, một công ty tuyển dụng lao động văn phòng.
Công thức để "lấy cắp" danh hiệu trung tâm tài chính của Hồng Kông không phải là một điều bí ẩn. Các đối thủ tiềm năng cần có thị trường tài chính năng động và sáng tạo với chất lượng cuộc sống có thể lôi kéo những người làm tài chính di cư. Đó là nơi cần có nền tảng tiếng Anh tốt (cho dù Hồng Kông không thuộc nhóm dẫn đầu), hệ thống giao thông và dịch vụ công tốt, đặc biệt là trường quốc tế, và nhất là mức thuế thấp và người giúp việc nhà giá rẻ mà nhiều cư dân thừa nhận là điều cần thiết để cảm thấy rằng mình giàu có khi sống ở một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới.
Hệ thống thông luật tương tự như hệ thống làm nền tảng cho các hợp đồng pháp lý ở phần lớn các nước nói tiếng Anh cũng sẽ có vai trò lớn, nhưng điều này chỉ có thể được áp dụng ở những nơi đã sử dụng nó, như Singapore.
Quân bài quan trọng nhất của Hồng Kông là điều mà không thành phố nào khác có thể địch lại. Đó là Trung Quốc vẫn cần Hồng Kông trong vai trò là cửa ngõ ra thế giới, và là nơi để các đại gia đại lục có thể "trữ tiền". Gần 2/3 tổng kim ngạch đầu tư vào và ra khỏi Trung Quốc đều đi qua Hồng Kông theo cách này hay cách khác. Vai trò này thậm chí có thể còn trở nên quan trọng hơn khi Trung Quốc tìm cách thu hút vốn ngoại để tái cân bằng cán cân vốn. Làm tắc dòng chảy vốn đó sẽ tạo nên những rủi ro cho nền kinh tế Trung Quốc còn nguy hiểm hơn nhiều so với những vấn đề ở Hồng Kông hiện tại.
"Có một quan điểm cơ bản cho rằng người ta chỉ có thể làm ăn với Trung Quốc nếu chấp nhận làm ngơ vấn đề nhân quyền, các quyền tự do cơ bản và tự do dân sự", theo Anson Chan, quan chức dân sự cao cấp nhất của vùng lãnh thổ này trong 4 năm cả trước lẫn sau năm 1997. "Đó hoàn toàn không phải là sự thật".
Sau chiến thắng áp đảo của các lực lượng ủng hộ dân chủ trong cuộc bầu cử chính quyền địa phương vào tháng trước, phần lớn người dân Hồng Kông có thể hài lòng quay trở về không khí bình thường nếu thắng lợi này đi cùng với các bước đi tiến đến việc bầu cử tự do và việc giám sát cảnh sát chặt chẽ hơn. Nhưng khả năng Trung Quốc tiến hành đàn áp một cách vụng về đến mức làm các doanh nghiệp nước ngoài bỏ đi đang ở mức đáng lo. Giết chết con ngỗng đẻ trứng vàng cho Trung Quốc có thể là tự sát, nhưng đó không phải là lần đầu tiên chính trị lấn lướt kinh tế ở Bắc Kinh. Như thống đốc cuối cùng của Hồng Kông Chris Patten nói, "lịch sử đầy rẫy xác những con ngỗng mất đầu".
Chúng ta sẽ xem xét ba đối thủ tiềm năng của Hồng Kông và đặt câu hỏi liệu những điểm mạnh của Hồng Kông có thể được lặp lại ở chỗ khác không ? Chúng tôi đã loại bỏ một vài thành phố ngay từ đầu. Thượng Hải chắc chắn rất muốn lấy lại ánh hào quang đã mất vào tay Hồng Kông vào năm 1949, và ở bên kia biên giới Thâm Quyến đã tăng trưởng từ lúc mới thành lập vào năm 1980 để trở thành thành phố lớn hơn cả Hồng Kông về phương diện dân số và GDP. Tuy rằng họ sẽ được hưởng lợi từ vị thế suy yếu của Hồng Kông, dòng vốn và nhân lực quốc tế sẽ không đổ đến bất kỳ một thành phố nào ở đại lục với số lượng lớn.
Biểu đồ Giá thuê cao ốc thương mại
Giá thuê thương mại ở Hồng Kông ít nhất gấp đôi so với các đối thủ trong khu vực
Nguồn: Knight Frank Lưu ý: Giá thuê bao gồm chi phí xây dựng trung bình theo thời hạn thuê.
Sydney và đối thủ trường kỳ Melbourne cũng có thể là ứng viên, nhưng bất kỳ ai phải bay 10 tiếng mới đến Đông Á đều biết rằng Úc quá xa xôi. Ở phía Tây, Mumbai và Dubai cũng có chung vấn đề, và chỉ nên được xem là cửa ngõ đến Ấn Độ và Trung Đông. Seoul, Bangkok và Kuala Lumpur là những nơi tuyệt vời để viếng thăm, nhưng cơ sở hạ tầng của ngành tài chính ở những nơi này có quy mô quá nhỏ để có thể cạnh tranh với những trung tâm khu vực khác.
Thực tế có thể là không một thành phố nào ở Châu Á có thể lặp lại được những gì đã làm Hồng Kông trở nên đặc biệt, nhưng các lao động nước ngoài đã sống ở Hồng Kông giờ cũng đang hỏi câu hỏi tương tự như những đồng nghiệp của họ ở Luân Đôn khi đối mặt với Brexit, chúng ta phải đi đâu bây giờ ?
Các thành phố ở rìa Thái Bình Dương đã nhắm đến vương miện của Hồng Kông trước kia và bỏ lỡ cơ hội. Cuộc khủng hoảng hiện tại của Hồng Kông chính là cơ hội mới của họ.
David Fickling
Nguyên tác : "Hong Kong’s Dimming Light Poses an Urgent Question", Bloomberg, 2/12/2019.
Ngô Việt Nguyên biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 30/12/2019
[1] Vị trí cao của Hà Lan chủ yếu vì vai trò của Hà Lan như là một trung tâm giúp các công ty né mức thuế cao.
[2] Dựa theo thống kê dân số năm 2016 của Hồng Kông. Con số này có thể chưa đầy đủ vì các quy định của Hồng Kông về định nghĩa quốc tịch khác mơ hồ và có thể bao gồm cả các yếu tố như sắc tộc. Bộ Ngoại giao Mỹ ước tính có 85.000 người Mỹ sinh sống tại thành phố năm 2018, so với con số khoảng 15.000 người theo thống kê dân số của Hồng Kông năm 2016.
Quân đồn trú Trung Quốc tại Hồng Kông tập trận bắn đạn thật tại Biển Đông (RFI, 25/12/2019)
Truyền thông nhà nước Trung Quốc vào đêm Giáng sinh 2019 phát một đoạn video cho thấy lực lượng quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đồn trú ở Hồng Kông đang tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông.
Tàu Khâm Châu (Qinzhou), lớp 056 của hải quân Trung Quốc, neo đậu tại cảng Hồng Kông, vịnh Victoria, ngày 24/09/2019. Nicolas ASFOURI / AFP
Theo trang South China Morning Post, đoạn vidéo được phát trên tài khoản mạng xã hội của kênh truyền hình quân sự thuộc Đài truyền hình trung ương Trung Quốc. Đoạn băng cho biết cuộc tập trận được thực hiện "trong những ngày qua", nhưng không nói cụ thể ngày giờ, địa điểm và các kỹ thuật có liên quan.
Trong vidéo, có thể thấy hình ảnh của tàu hộ tống lên lửa Khâm Châu (Qinzhou) thuộc lớp tàu Type 056, từng được quân đội Trung Quốc sử dụng trong các cuộc tập trận Hải quân đồn trú ở Hồng Kông. Tàu chiến Trung Quốc bắn tên lửa mồi để chặn tên lửa của đối phương và khai hỏa pháo cận chiến để phá thủy lôi. Các binh lính trên tàu mặc quân phục và trang thiết bị được cho là của Hải quân Trung Quốc.
Năm 2018, tàu hộ tống lên lửa Khâm Châu đã thực hiện một cuộc tập trận gồm hoạt động tìm kiếm cứu nạn và một cuộc tập trận liên lạc với tàu khu trục Vendemiaire của Hải quân Pháp ở vùng biển cách Hồng Kông khoảng 20 hải lý. Chiến dịch này được cho là nâng cao khả năng phòng thủ của quân đội đồn trú Trung Quốc tại Hồng Kông.
Vào tháng 07/2019, lực lượng đồn trú của quân đội Trung Quốc tại Hồng Kông cũng tiến hành các cuộc tập trận tuần tra phối hợp giữa Hải quân và Không Quân, hai ngày sau khi những người biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông xông vào trụ sở Nghị viện đặc khu hành chính.
Thùy Dương
****************
Phong trào phản kháng Hồng Kông : Giáo phận bị chia rẽ (RFI, 24/12/2019)
Báo công giáo La Croix hướng về giáo phận Hồng Kông và phong trào đấu tranh dân chủ tại đặc khu hành chính Trung Quốc. Trong bài viết "Người Công giáo Hồng Kông bị chia rẽ trước các cuộc phản kháng", đặc phái viên Dorian Malovic của La Croix cho biết mặc dù đông đảo thanh niên Công giáo rất hăng hái tham gia các cuộc biểu tình chống chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh trong suốt 6 tháng qua, nhưng các chức sắc Giáo phận Hồng Kông vẫn cực kỳ thận trọng, dè dặt, do sợ Bắc Kinh mếch lòng.
Phong trào dân chủ Hồng Kông đấu tranh ngay cả trong đêm Giáng sinh. Ảnh ngày 24/12/2019. Reuters
Hồi giữa tháng 11/2019, vào ngày thứ 15 Đại học Bách khoa Hồng Kông bị cảnh sát bao vây, các nhà báo, những nhà làm công tác xã hội và cứu hộ đã có ấn tượng mạnh mẽ về lòng can đảm của giám mục phụ tá Giáo phận Hồng Kông Giuse Hạ Chí Thành, người khi đó hết sức bình tĩnh thương lượng với lực lượng cảnh sát đang vây quanh ông để giải cứu những sinh viên cuối cùng còn bám trụ trong trường, không để họ bị cảnh sát bạo hành hay bắt đi.
Giám mục phụ tá Giuse Hạ Chí Thành chưa bao giờ ngần ngại lên tuyến đầu kể từ khi nổ ra phong trào phản kháng xã hội chống chính phủ hồi cuối tháng 06. Một nhà hoạt động xã hội tích cực ca ngợi Cha Giuse Hạ Chí Thành là một người hùng, một người tốt, gần gũi với nhân dân, thậm chí một số người còn muốn theo Công giáo khi thấy ông ngược xuôi trên địa bàn suốt 6 tháng qua.
Nhiều tín đồ Công giáo và Tin Lành thường có mặt trong đoàn người biểu tình. Qua tiếng hát, họ xoa dịu cả những người tuần hành và cảnh sát. Thế nhưng, sự tham gia của họ không nhận được sự đồng tình tuyệt đối trong nội bộ Giáo phận Hồng Kông. Giáo phận Hồng Kông không dám tham gia chính thức vào phong trào. Mặc dù nhiều tu sĩ trẻ đứng về phía người biểu tình bằng cách mở cửa nhà thờ cho họ vào ẩn náu khi cảnh sát đi vây bắt người biểu tình, nhưng nhiều cha xứ cao tuổi hơn lại từ chối để người biểu tình ẩn náu, nhiều tín đồ Công giáo cũng không muốn Giáo phận chỉ trích chính phủ.
Trong khi rất nhiều cha xứ cho phép các tín đồ hát "quốc ca" của người biểu tình "Vinh quang cho Hồng Kông" sau các buổi lễ, nhưng giáo phận Hồng Kông thì nghiêm cấm. Nhiều cha xứ trẻ tuổi sợ phải phát biểu công khai về quan điểm của họ vì lo sợ bị Giáo phận khiển trách, mặc dù họ rất tích cực "bên trong hậu trường", ngầm bảo vệ các học sinh, quyên góp quần áo và thực phẩm cho người biểu tình.
Một số tín đồ Công giáo Hồng Kông tỏ ra thất vọng về Giáo phận, nhiều tín đồ trẻ tuổi rất có cảm tình với hình mẫu giáo phận Hàn Quốc đã tham gia tích cực vào chiến dịch lật đổ chế độ độc tài năm 1987.
1979, năm ma trận của thế giới
Chỉ còn vài ngày nữa là năm 2019 khép lại, báo Le Monde nhìn lại các sự kiện năm 1979, cách nay tròn 40 năm. Trong mục Ý tưởng, Le Monde giới thiệu bài viết của sử gia Justin Vaïsse, tổng giám đốc Diễn đàn Paris về hòa bình : "1979, năm ma trận của thế giới".
Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 trong bối cảnh có nhiều thay đổi đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, nhưng theo sử gia Justin Vaïsse, những biến chuyển đó thực chất bắt nguồn từ trước đó cả chục năm, tức là vào năm 1979.
Vào năm 1979, Margaret Thatcher được bầu lên làm thủ tướng Anh, đánh dấu bước khởi đầu của các chính sách tân tự do ở nhiều nước phát triển, đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa, nhưng cũng khoét sâu bất bình đẳng xã hội. Còn tại Châu Á, các chính sách kinh tế do Đặng Tiểu Bình phát động hồi cuối năm 1978 đã "đánh thức" Trung Quốc, mang lại cho quốc gia này tỉ lệ tăng trưởng kinh tế gần 10% hàng năm, làm xáo trộn thế cân bằng thế giới, kéo theo sự trỗi dậy của các quốc gia mới nổi, nhất là trong những năm 2000.
Về địa chính trị, cuộc cách mạng Iran và cuộc xâm lược Iraq cho Liên Xô tiến hành đã làm đảo lộn thế cân bằng trong thế giới Hồi giáo, đẩy nhanh sự sụp đổ của đế chế Xô Viết và đưa thế giới vào thời kỳ tái khẳng định, củng cố bản sắc, nhất là trong thế giới Hồi giáo. Sự thách thức Giáo chủ Khomeyni của Iran nhắm vào Saudi Arabia trở thành cuộc đua về vị trí lãnh đạo thế giới Hồi giáo. Chính điều này đã kích thích sự phát triển của Hồi giáo cực đoan. Đương nhiên, Hồi giáo cực đoan đã tồn tại từ trước đó, trong các cuộc đấu tranh giải phóng thuộc địa, nhưng từ năm 1979 Hồi giáo cực đoan vượt lên trên cả chủ nghĩa liên ả rập hay cộng sản.
Hệ quả thứ hai là cuộc Cách Mạng Iran 1979 đã biến sự đối lập giữa hệ phái Shia và hệ phái Sunni thành một ván bài địa chiến lược. Kể từ năm 2003, chiến dịch xâm lược Iraq của Mỹ làm đất nước vốn do hệ phái Sunni lãnh đạo gia nhập phe của các nước theo hệ phái Shia, làm trầm trọng thêm mối thâm thù giữa Riyadh và Tehran, hai nước có vai trò lãnh đạo lớn nhất Trung Cận Đông hiện nay.
Liên quan tới Afghanistan, vào Giáng sinh năm 1979, khi tấn công quân sự vào nước này, Liên Xô vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của cả đất nước Hồi giáo, vốn được sự hậu thuẫn về cả vũ khí và tiền bạc từ các kẻ thù của Moskva là Mỹ, Saudi Arabia, Pakistan, và dần dần Liên Xô phải đối phó với cả hàng chục ngàn người Hồi giáo của các nước Trung Cận Đông tình nguyện chiến đấu chống lại lực lượng xâm lược vô thần.
Công cuộc kháng cự của những người Hồi giáo cực đoan chiến đấu vì đức tin và của những người Ả Rập tự nguyện chiến đấu đã tạo ra ma trận chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan hiện đại, thông qua những người như Abdallah Azzam, người truyền bá tư tưởng Hồi giáo cực đoan, Usama bin Laden, người đã đổi hướng quay lại chống Tây phương, những người tình nguyện chiến đấu từ khắp nơi trên thế giới đến Afghanistan, rồi đến các vùng đất Hồi giáo cực đoan khác như Algeria, Bosnia, Tchetchenia… Al-Qaeda, tổ chức của Usama bin Laden, bắt nguồn từ Hồi giáo cực đoan Afghanistan, đã nhiều lần chống lại các lợi ích của Mỹ, cho đến ngày tấn công khủng bố nước Mỹ vào ngày 11/09/2001.
Cỗ máy khủng khiếp khởi động : việc Mỹ đáp trả quân sự bằng các cuộc tấn công Afghanistan (2001) và Iraq (2003) khiến Hồi giáo cực đoan tăng cường chiêu mộ chiến binh, đẩy mạnh việc tái khẳng định bản sắc và cứ như vậy tạo thành một vòng luẩn quẩn. Sau Al-Qaeda là đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo, và các miền đất mới của Hồi giáo cực đoan xuất hiện : Iraq, Syria, Libya, Sahel, Châu Phi cận Sahara.
Thế nhưng, ai phải chịu trách nhiệm cho những gì xảy ra vào năm 1979 ? Theo sử gia Justin Vaïsse, phải kể tới cuộc cách mạng Iran, các chính sách hiện đại hóa chuyên quyền độc đoán. Liên quan đến Afghanistan, cuộc xâm lược của Moskva, rồi cuộc chiến tranh chống nổi loạn là điểm khởi đầu. Nhưng trách nhiệm cũng thuộc về chính quyền Mỹ và một nhân vật "rất diều hâu", Zbigniew Brzezinski, cố vấn an ninh của tổng thống Jimmy Carter. Không chỉ ủng hộ những chiến binh chiến đấu vì đức tin Hồi giáo cực đoan để làm suy yếu Liên Xô, ông ta còn tạo ra cái bẫy Afghan bằng kích thích các phe đối lập của chế độ thân Xô Viết.
Về phía Afghanistan, năng lực yếu kém và sự tàn bạo của các nhà lãnh đạo nối tiếp nhau (Taraki và Amin) khiến điện Kremlin lo ngại về việc sẽ đánh mất chế độ thân Xô Viết này, và quyết định phải can thiệp quân sự. Về phía Mỹ, Brzezinski ngày càng ủng hộ sự hậu thuẫn của tình báo Mỹ CIA dành cho các chiến binh Hồi giáo cực đoan chiến đấu vì đức tin tôn giáo, thông qua tình báo Pakistan và tiền của Saudi Arabia. Sau này, vào thời tổng thống Ronald Reagan, Quốc hội Mỹ thông qua việc chi thêm rất nhiều ngân sách giúp Afghanistan kháng cự Liên Xô và chuyển giao cho họ cả tên lửa phòng không Stinger.
Liệu có nên trách cứ các nhà hoạch định chính sách hồi năm 1979 đã tạo ra thế giới như bây giờ ? Sử gia Justin Vaïsse kết luận, không thể có chuyện chỉ có một người, cho dù có quyền lực cao đến thế nào đi chăng nữa, có thể làm thay đổi dòng chảy của lịch sử, điểm giao nhau của nhiều sự thay đổi cơ bản mới có ý nghĩa quyết định.
Hàng giả và những con số cao "chóng mặt"
Giáng sinh là dịp người dân bận rộn mua sắm quà cáp tặng cho gia đình, người thân. Nhưng không phải ai cũng chắc chắn món hàng mình mua không phải là hàng giả, hàng nhái. "Bao nhiêu món quà Giáng sinh là hàng giả "made in Fake Economy ?"" là tiêu đề một bài viết trong mục Ý kiến và Tranh luận của báo kinh tế Les Echos.
Theo số liệu mới đây của Cơ quan Châu Âu về sở hữu trí tuệ, mỗi năm, số lượng hàng nhái, hàng giả nhập vào Liên Hiệp Châu Âu có tổng giá trị lên đến 85 tỉ euro. Các nạn nhân lớn nhất Châu Âu chính là Pháp, Ý và Tây Ban Nha. Hàng giả làm PIB hàng năm của Liên Âu thiệt hại tới 60 tỉ euro, làm mất tới 434.000 việc làm. Riêng Pháp mất gần 30.000 việc làm vì Fake Economy.
Năm 2018, chỉ riêng Hải quan Pháp tịch biên 1,8 triệu món hàng thời trang, đồ trang sức giả, nhưng Les Echos nhấn mạnh hàng hóa của tất cả các lĩnh vực đều bị làm nhái : từ phần mềm máy tính, thuốc men, đồ chơi, phụ tùng xe hơi, cho đến những loại hàng cực kỳ nhạy cảm như thiết bị liên quan đến vũ khí, hạ tầng năng lượng, thậm chí cả hạt nhân. Fake Economy không chỉ gây tác hại với tăng trưởng kinh tế và việc làm mà còn liên quan đến vấn đề an toàn cho người sử dụng.
"Nền kinh tế hàng giả" đứng đầu thế giới là Trung Quốc (hơn 80%), nhất là miền tây nước này. Tác giả bài viết, Emmanuel Maurel, nhấn mạnh đã đến lúc Châu Âu cần phản ứng chống "nền kinh tế hàng giả" đang ngầm phá hoại Liên Hiệp, cần mở rộng quyền của Hải quan, trao cho họ nhiều phương tiện phù hợp hơn nữa, cả về pháp lý và tài chính. Các mối quan hệ thương mại giữa Liên Âu và Trung Quốc cũng phải kèm theo mục đích phá hủy Fake Economy, tức là Trung Quốc phải đóng cửa các "nhà máy sao chép".
"Nền kinh tế hàng giả" phát triển mạnh cũng là nhờ phương thức bán hàng trực tiếp trên mạng internet, qua các trang như Alibaba và nhất là Amazon và các dịch vụ chuyển phát hàng. Vì thế, "các tòng phạm" này không thể không bị trừng phạt.
Trang nhất các báo Pháp
Nhìn sang Châu Á, Le Monde quan tâm đến phong trào phản kháng xã hội tại Ấn Độ sau khi New Delhi cho thông qua luật mới về quyền công dân, bị cho là nhắm vào người Hồi giáo. Le Monde chạy tựa trang nhất : "Ấn Độ : Xã hội dân sự thức tỉnh để đối phó với thủ tướng Modi". Trong khi đó, báo kinh tế Les Echos nói tới cuộc khủng hoảng lịch sử của Boeing mang tên 737MAX : "Tập đoàn Boeing hy sinh chủ doanh nghiệp khi đang ở giữa tâm bão".
Báo Le Figaro lại quan tâm đến người theo Công giáo tại Trung Đông qua hàng tựa : "Làn sóng di cư đáng lo ngại của người Công giáo Trung Đông". Từ Iraq, qua miền Đất Thánh, tới Syria, hàng loạt Giáo dân ngoan đoạn ở Trung Đông phải ra đi, vì lo sợ về sự bất ổn, mất an toàn do Hồi giáo cực đoan và các vụ khủng bố bài Công giáo. Tại Iraq, hiện nay chỉ còn 300.000 Giáo dân, so với con số 1,5 triệu hồi năm 2003, thời điểm trước khi chế độ độc tài Saddam Hussein bị Mỹ lật đổ. Trong vòng một thế kỷ, tỉ lệ dân Trung Đông theo Công giáo giảm từ 20% xuống còn 2-3%. Hàng năm, nước Pháp vẫn đón tiếp vài ngàn Giáo dân từ Trung Đông, nhất là từ Iraq.
Thùy Dương
*******************
Hồng Kông : Tọa kháng "Đêm im lặng" trong lễ Giáng sinh (RFI, 24/12/2019)
Người biểu tình Hồng Kông đòi dân chủ tiếp tục đợt tọa kháng "Đêm im lặng" (Silent Night) ngày 24/12/2019 tại nhiều trung tâm thương mại lớn ở khu du lịch nổi tiếng Tiêm Sa Chủy (Tsim Sha Tsui) bất chấp cảnh báo của cảnh sát.
Phe dân chủ Hồng Kông trong cuộc tuần hành tại Tiêm Sa Chủy. Ảnh ngày 28/11/2019. Reuters/Thomas Peter
Các diễn đàn trên internet của người biểu tình cho biết nhiều cuộc tập hợp được dự kiến tổ chức tại các trung tâm thương mại, một ngày trước lễ Giáng sinh, một số khác dự kiến tuần hành đến Tiêm Sa Chủy và tập hợp tại đây cho đến lúc đếm ngược thời khắc Giáng sinh.
Tiêm Sa Chủy là địa điểm tập trung dịp lễ Giáng sinh và Năm Mới của người dân Hồng Kông để ngắm ánh sáng và đèn chiếu trên những tòa nhà phía đảo Hồng Kông, bên kia vịnh Victoria. Cảnh sát thông báo nhiều trục đường dẫn đến Tiêm Sa Chủy bị cấm giao thông, nhưng "sẽ không có đông đảo lực lượng cảnh sát", trừ khi xảy ra rắc rối.
Theo Reuters, một cuộc tập hợp khác, có thể huy động được hơn 1 triệu người, do hội Mặt trận Dân quyền và Nhân quyền (Civil Humain Right Front) khởi xướng dự kiến sẽ diễn ra vào ngày đầu Năm Mới 2020.
Ngày 24/12, tròn một tháng sau chiến thắng tại 17 trên 18 quận, 117 dân biểu mới ủng hộ dân chủ, phần lớn chưa từng làm chính trị, tiếp tục theo học các lớp bồi dưỡng cấp tốc ngay tại địa phương trước khi chính thức nhậm chức ngày 01/01/2020.
Phe ủng hộ dân chủ có 117 phiếu trong đoàn đại cử tri gồm 1.200 người, do Bắc Kinh kiểm soát. Dù số lượng này không đủ để đảo ngược các quyết định, nhưng họ muốn tận dụng nhiệm kỳ để gây sức ép tối đa với chính quyền Hồng Kông và trung ương trong cuộc bầu cử trưởng đặc khu sẽ được tổ chức năm 2022.
Liên đoàn Bóng đá Hồng Kông lại bị FIFA phạt tiền
Ngày 23/12/2019, FIFA thông báo khoản tiền phạt 27.500 euro do cổ động viên Hồng Kông đã gây rối loạn khi quốc ca Trung Quốc được phát lên trong trận đấu Hồng Kông-Bahrein (0-0) ngày 14/11 và đã quay lưng trong nghi lễ quốc ca Trung Quốc trong trận đấu với Cam Bốt ngày 19/11.
AFP nhắc lại, trước đó, FIFA đã phạt Liên đoàn Bóng đá Hồng Kông 13.700 euro sau trận Hồng Kông-Iran ngày 10/09 vì "mất trật tự khi cử quốc ca" và "sử dụng đồ vật để truyền tải thông điệp không phù hợp trong một sự kiện thể thao". Đội tuyển Hồng Kông thuộc bảng C khu vực Châu Á trong vòng loại Cúp Thế Giới 2022.
Thu Hằng
******************
Hong Kong : Cảnh sát đụng độ người biểu tình ủng hộ người Uighur (VOA, 22/12/2019)
Cảnh sát chống bạo động đã xịt hơi cay để giải tán các đám đông người chống đối tập trung ở trung tâm tài chính của thành phố hôm Chủ nhật sau khi cuộc biểu tình ôn hòa ủng hộ người Uighur trở nên hỗn loạn.
Cảnh sát bắt một người biểu tình ở Hong Kong vì đã hạ lá cờ Trung Quốc xuống trong cuộc biểu tình ủng hộ người Uighur hôm 22/12/2019.
Nhiều cảnh sát được triển khai đến quảng trường nhìn ra bến cảng Hong Kong để đối mặt với người biểu tình. Những người chống đối đã ném chai lọ và gạch đá vào cảnh sát.
Đầu giờ chiều, đám đông khoảng hơn một ngàn người đã bình tĩnh lại. Họ vẫy cờ và áp phích ủng hộ người Uighur.
Một đám đông có cả thanh niên lẫn người lớn tuổi, mặc đồ đen và đeo mặt nạ, giơ cao các biễu ngữ với nội dung "Tự do cho người Uyghur", "Tự do cho Hong Kong" và "Tự trị giả tạo ở Trung Quốc dẫn đến diệt chủng".
"Tôi nghĩ rằng tự do và độc lập cơ bản cần phải có cho tất cả mọi người, không chỉ với riêng Hong Kong", một phụ nữ 41 tuổi tên là Wong cùng với chồng đi biểu tình nói.
Các giới chức của Liên Hợp Quốc và các nhà hoạt động cho biết ít nhất một triệu người Uighur và thành viên của các nhóm thiểu số Hồi giáo khác đã bị giam giữ tại các trại cải tạo ở Tân Cương kể từ năm 2017 trong một chiến dịch bị Hoa Kỳ và các nước khác lên án.
Bắc Kinh cho biết họ đang dạy nghề cho những người thiểu số đó để họ quên đi tư tưởng ly khai và học những kỹ năng mới. Trung Quốc phủ nhận bất kỳ sự ngược đãi nào đối với người Uighur.
Phong trào biểu tình ở Hồng Kông hiện bước sang tháng thứ bảy, mặc dù đã tương đối lắng dịu xuống trong những tuần lễ cuối năm. Nhiều người dân Hong Kong tức giận với những gì họ thấy khi Trung Quốc can thiệp vào các quyền tự do đã hứa với thuộc địa cũ của Anh khi lãnh thổ này được trả lại cho Trung Quốc cai trị vào năm 1997.
Theo Reuters
Chị Thảo, một người Hồng Kông gốc Việt có con trai là một trong những người luôn ở tuyến đầu trong các cuộc biểu tình đòi tự do, dân chủ ở trung tâm tài chính quốc tế 6 tháng vừa qua nói về lý do con chị quyết định từ bỏ du học ở nước ngoài và trở về tham gia cùng các bạn.
Các phụ huynh Hong Kong cầm biển yêu cầu cảnh sát không bắn vào các sinh viên hôm 19/11/2019 - AP
Chan, con trai chị, nhận mình là người Hồng Kông đã bị kẹt ở Đại học Bách Khoa trong những ngày "nóng bỏng" nhất, cảnh sát chống bạo động đột kích, sau đó bao vây tứ phía và Chan chỉ chịu rời đi vì bị các bạn ép khi thấy dấu hiệu bị nhiễm độc trên cơ thể lan rộng.
Tên tuổi và một số địa danh trong bài phóng viên Đài Á Châu Tự Do đã thay đổi để giữ an toàn cho người trong cuộc.
Chị Thảo là thuyền nhân, rời Việt Nam đến trại cấm Hồng Kông năm 1988 và mãi gần 10 năm sau chị mới được ra ngoài tự do.
Chan là đứa con trai duy nhất của chị, lớn lên trong vòng tay yêu thương, dạy dỗ của mẹ nên Chan nói được tiếng Việt.
"Chị nuôi nó từ nhỏ nên nó bị ảnh hưởng ở đây, nó nói được tiếng Việt nhưng không biết viết. Nhưng mà xem chữ Việt thì vẫn có những cái nó đoán được, những từ khó ví dụ viết tắt thì nó không biết đâu !
Từ khi bắt đầu nó lên trung học lên lớp 8 là là nó không muốn về Việt Nam nữa vì nó không có bạn vì thế cho nên cuộc sống đi sâu vào chính trị ở Việt Nam thì nó không biết" - chị Thảo kể về đứa con mà chị đặt hết vào niềm hy vọng.
Rồi biểu tình nổ ra ở trung tâm tài chính quốc tế từ đầu tháng 6 với số lượng có khi lên đến hai triệu người nhưng đều là các cuộc biểu tình ôn hòa.
Bạo lực leo thang kể từ ngày 12 tháng 6 và cao điểm từ tháng 8 năm 2019 khi cảnh sát dùng hơi cay, đạn túi đậu… và cả đạn thật để giải tán người biểu tình và người dân thì phản kháng bằng những gì có trong tay.
Chan khi đó thấy những người bạn mình bị đánh đập bởi cảnh sát chống bạo động và những tên côn đồ trong các cuộc biểu tình đã không thể ngồi yên.
Chan nói dối mẹ, lặng lẽ về nước khi đang du học và quyết định trở thành một người ở tuyến đầu.
("Người ở tuyến đầu" là một thuật ngữ mới, chỉ những nhóm người biểu tình Hồng Kông đeo mặt nạ phòng độc, mũ bảo hiểm luôn sẵn sàng ở phía trước đoàn biểu tình để đối đầu với cảnh sát.)
Chị Thảo không hề biết về việc này, chị cứ ngỡ rằng con trai mình vẫn đang học tập ở nước ngoài. Cho đến một ngày Hiệu trưởng ngôi trường Chan đang học ở nước ngoài liên lạc với chị để thông báo về việc nghỉ học đột ngột của Chan.
Cảnh sát khống chế người biểu tình Hong Kong hôm 18/11/2019 - Reuters - Ảnh minh họa
Chị tìm cách liên lạc với những người bạn của con trai và biết được cháu đã nói dối để quay về đồng hành cùng các bạn trong cuộc chiến đòi tự do, dân chủ cho Hồng Kông :
"Những người bạn của nó cũng đi biểu tình, cũng bị người ta bắt và bị đánh đập. Cho nên tâm trạng của nó là không thể ngồi yên được, nên nó đành phải xin lỗi…
Nó biết rằng chị sẽ không vui thế nhưng mà những điều con làm nó nghĩ rằng là có ý nghĩa, và vì nó biết rằng chị thương yêu nó nên cũng sẽ chia sẻ cùng với nó, hiểu được cho nó", chị Thảo kể về quyết định táo bạo của Chan.
Kể từ khi cuộc biểu tình diễn ra cho đến nay, đã có ít nhất 6 ngàn người biểu tình bị cảnh sát bắt giữ và con lại ở tuyến đầu, cho nên những lần Chan chuẩn bị bước ra khỏi nhà là mỗi lần chị Thảo thót tim.
Chị chỉ thở phào khi nghe tiếng con mình mở cửa trở về trong đêm khuya sau các cuộc biểu tình.
Khủng hoảng không chỉ gặp ở người trực tiếp bị đàn áp, ở lực lượng chống bạo động… mà nó còn nằm ở gia đình của những người tham gia biểu tình.
Chị Thảo là một người như vậy !
"Chị phải đi khám bác sĩ và phải uống thuốc trong những ngày rơi vào khủng hoảng, nhất là khoảng thời gian mà ở Hồng Kông… trong một hai ngày liên tục có những xác chết, mà lại cho là tự tử ở biển nữa.
Nói chung là rồi những ngày con ba, bốn ngày không về, không liên lạc được tự nhiên bị rơi vào cái tình trạng bất an", chị Thảo kể lại giọng chậm rãi.
Chị ban đầu đã định hạn chế cho Chan tiếp tục tham gia biểu tình vì sự khốc liệt của các cuộc biểu tình khi những cột mốc về bạo động cứ vượt qua đến nỗi người ta không còn nhớ chính xác ngày tháng năm của sự kiện.
"Lúc đầu cũng không nghĩ là nên ngăn cấm mà chỉ muốn hạn chế thôi !
Nhưng mà về sau này thì chị chứng kiến quá nhiều cảnh mà những đứa cùng trang lứa với con mình bị đánh, bị tra tấn, rồi lại có những cái xác chết không minh bạch.
Tự nhiên thông tin đó rơi ngay vào những ngày trường kỳ kháng chiến như thế, mà cứ kêu là tự tử, báo chí đưa tin là không rõ nguồn gốc thì tim mình nó thắt lại và càng sợ.
Nhưng mà nghĩ đến những đứa trẻ nó bằng với con mình nó cũng có can đảm để làm như vậy thì mình không thể ép buộc con mình mà giữ con mình ở nhà được". chị Thảo nói về lý do đồng hành cùng con.
Người biểu tình Hong Kong đòi chính phủ phải đáp ứng đủ 5 yêu cầu. Hình chụp hôm 25/11/2019 - Reuters - Ảnh minh họa
Có nghĩa là khi chị biết Chan đi ở đâu thì chị thu xếp công việc đến gần đấy, rồi cũng có khi hòa vào dòng người biểu tình, chưa kể chị còn nghe ngóng thông tin của cảnh sát để báo cho con, hay rời đi để bảo đảm an toàn tính mạng.
"Chị vừa qua phải đi khám bác sĩ tâm lý vì máu không lưu thông được.
Bác sĩ cũng nói là, ai sống trong đời sống này cũng đều có một sứ mệnh riêng của người ta và nếu như một ai đó đã quyết định ở một cái vị trí nào đấy rồi thì không thể ngăn cản được.
Có lo nữa thì cái người bị tổn hại sức khỏe là chính mình và mình cần phải có sức khỏe để lo cho con nữa, cho nên là sau khi đi khám bác sĩ thì tinh thần của có đỡ thêm chút ít".
Chan là một trong số ít người cố thủ ở đại học Bách Khoa Hương Cảng đến những ngày cuối cùng. Cảnh sát khi đó đã dùng đòn tâm lý chiến khi liên tục bắc loa kêu gọi ‘hạ vũ khí, đầu hàng' và Chan đã đành đưa ra một quyết định quan trọng. Rời đi !
Cảnh sát Hồng Kông hôm 29 tháng 11 năm 2019 tuyên bố trao trả quyền kiểm soát trường Đại học Bách Khoa Hương Cảng cho ban quản trị nhà trường sau 12 ngày vây hãm với hơn 1000 người biểu tình bị bắt giữ.
Những ngày đó chị Thảo như ngồi trên đống lửa !
Các tin tức về cuộc vây hãm của cảnh sát chống bạo động xung quanh Đại học Bách Khoa là thông tin đáng chú ý nhất trên các mặt báo những ngày cuối tháng 11 năm 2019.
Chị vẫn liên lạc được với Chan qua ứng dụng chat trên điện thoại từ Đại học Trung Văn về tới Đại học PolyU. Chan luôn bảo : "Con vẫn ổn mẹ không phải lo, ở đây vẫn có cơm ăn".
Tuy vậy, như một bản năng của người mẹ bảo vệ con của mình, chị đến cổng PolyU nghe ngóng, đưa vào bên trong từng hộp cơm mong đến được tay Chan.
"Tại vì ở trong trường Đại học Bách khoa lúc bấy giờ còn khoảng tầm hai chục đứa, nó tản mác khắp nơi.
Bọn chị đứng ở ngoài hàng rào thép muốn đưa đồ ăn vào thì cũng không thể nào đến tận nơi đưa được.
Chỉ có là ném vào hoặc gửi những nhân viên y tế họ mang vào. Họ vào tận nơi khuôn viên gọi nhưng chúng nó không chịu ra, có những đứa rơi vào tình trạng hoảng loạn tinh thần…"
Những người biểu tình tìm cách thoát ra ngoài hôm 18/11/2019 - AP - Ảnh minh họa
Đến ngày cảnh sát mở chiến dịch tấn công mạnh mẽ nhất vào trường, chị Thảo mất liên lạc với con hoàn toàn.
"Lúc đó tinh thần chị hoảng loạn !" - chị Thảo nói xong và im lặng một lúc lâu.
Người mẹ Hồng Kông gốc Việt kể về quyết định của Chan :
"Lúc ở trong đấy thì nó luôn nghĩ là phải cùng đồng đội thoát khỏi biến cố của Hồng Kông. Chúng nó không nghĩ gì nhiều đâu…
Lúc đấy chúng nó chỉ nghĩ làm sao tự chế ra cái để kháng cự lại, tại vì chúng nó chỉ nghĩ phải quyết liệt cho đến ngày chiến thắng.
Cho đến lúc từng đội, từng đội tan rã để tìm đường trốn ra ngoài. Nhiều người cũng đẩy nó ra ngoài, bảo rằng đi đi !
Nhưng mà nó và các đồng đội quyết tâm lắm, chúng nó nhìn thấy nhau thương quá. Nó cũng không muốn ra nhưng vì nó bị ngấm độc nặng rồi, chân tay nó bủn rủn rồi, không còn biện pháp nào khác nên là người đi cùng ép nó đi".
Chan và các chiến hữu cùng lứa tuổi đã bằng cách nào đó ra ngoài một cách an toàn, tuy nhiên phải mất vài ngày sau anh mới tỉnh lại…
Khi đó Chan nhờ người báo tin cho mẹ mình. Chị Thảo ngay lập tức chạy đến nơi, mặc dù thấy con vẫn đang trong tình trạng chưa ổn định, chị vẫn cảm thấy yên tâm phần nào vì giờ có gì cũng có hai mẹ con.
Sau 6 tháng biểu tình, cuộc bầu cử các Ủy viên Hội đồng 18 Quận của đặc khu hành chính sôi nổi hơn lúc nào hết khi lần đầu tiên trong lịch sử có tới gần 3 triệu cử tri xếp hành đi bỏ phiếu vào hôm 24 tháng 11 vừa qua.
Chị Thảo mặc dù gần ba mươi năm ở Hồng Kông tuy nhiên đây có lẽ là lần chị cảm thấy háo hức nhất và ý nghĩa nhất với việc bỏ lá phiếu của mình vào thùng phiếu.
Những sinh viên tham gia biểu tình tìm cách thoát ra ngoài theo đường ống cống. Hình chụp ngày 19/11/2019 - Reuters - Ảnh minh họa
"Năm nay tại sao nhiều người đi bầu là do bạn bọn trẻ mới vừa trưởng thành, vừa đủ 18 tuổi là chúng nó kéo nhau đi hết. Chứ nhiều năm khác là không có đâu, thậm chí là chị cũng chả đi vì nó chẳng liên quan gì đến mình.
Chị trước đó cảm thấy rằng những người được bầu chẳng có ý nghĩa gì cả vì mình chưa nhận thức được là công việc của họ có thể làm gì để giúp được mình hoặc giúp được gì cho xã hội.
Mình cũng nghĩ như kiểu ở Việt Nam là bầu Tổ trưởng khu phố cũng chỉ là hô hào đóng góp này kia chả làm được cái gì. Mình luôn nghĩ như thế !
Nhưng không, phải sau những cuộc biểu tình này tất cả mọi người đều ý thức ra rằng, những ai được bầu cử ở khu phố này họ đều có trách nhiệm và đòi hỏi quyền dân chủ cho mình và những cái gì mà người dân đòi hỏi", chị Thảo chia sẻ trải nghiệm của mình.
Kết quả kiểm phiếu sau ngày 24 tháng 11 cho thấy, phe ủng hộ phong trào dân chủ tại Hồng Kông giành thắng lợi áp đảo ở 17/18 Hội đồng quận, chiếm 347/452 ghế so với chỉ 60 ghế của các Ủy viên thân Bắc Kinh.
Chị Thảo nói chị cảm thấy vui với kết quả như một cuộc trưng cầu ý dân vì "những ứng cử viên sáng giá hầu như là thanh niên trẻ tuổi và đều có những tiếng nói chung với người dân".
Những thanh niên Hồng Kông như Chan sau nửa năm trải qua các cuộc biểu tình vẫn kiên định với "năm yêu cầu, thiếu một cũng không được" đối với chính quyền của bà Carrie Lam.
Cậu thanh niên mang dòng máu Việt Nam giờ đã ổn hơn sau khi được các nhân viên y tế tình nguyện điều trị tích cực. Anh bị phơi nhiễm hơi cay, hóa chất từ vòi rồng xanh và những ngày vất vả trong Đại học Bách khoa Hương Cảng.
Việc sẽ tiếp tục ở tiền tuyến sẵn sàng đối đầu bạo lực với cảnh sát, lui về phía sau hậu cần hay chỉ là người tham gia biểu tình ôn hòa vẫn còn để ngỏ. Riêng phần chị Thảo, chị sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chan, cùng những thanh niên mang hoài bão "Quang phục Hồng Kông, Cách mạng Thời đại".
Cao Nguyên
Nguồn : RFA, 10/12/2019
Chris Wong, nữ sinh viên 19 tuổi, là một trong số hàng ngàn cô gái Hồng Kông tham gia các cuộc biểu tình đòi dân chủ, và không ngần ngại đương đầu với cảnh sát. Cô giải thích với AFP : "Đó là cuộc chiến đấu của tất cả mọi người, dù là nam hay nữ".
Nữ sinh viên có biệt danh là "Chris Wong", từ một cô gái sống nội tâm trở thành chiến binh xung kích trong các cuộc biểu tình ở Hồng Kông. Ảnh chụp ngày 03/12/2019. Anthony WALLACE / AFP
Sinh ra trong một gia đình công nhân không quan tâm đến chính trị, Chris Wong dần dần đã sáng mắt ra cùng với cuộc khủng hoảng làm rung chuyển Hồng Kông từ sáu tháng qua.
Trường hợp của cô chứng tỏ vai trò quan trọng của phụ nữ, trong những cuộc biểu tình diễn ra hầu như hàng ngày kể từ tháng Sáu, kể cả trên tuyến đầu mỗi khi nổ ra các cuộc đụng độ với cảnh sát. Phụ nữ chiếm trên 25% trong số 5.900 người bị bắt từ tháng 6/2019, và có tỉ lệ tương tự trong tổng số người nhập viện, khoảng 28%.
Trong những vụ đối đầu với cảnh sát xảy ra thường xuyên lúc gần đây, các cô thiếu nữ hiện diện khá nhiều trong số lực lượng xung kích chuyên tác chiến ở tiền phương. Mặc trang phục toàn màu đen giống như các đồng đội nam, các cô cũng tung bom xăng và ném gạch đá vào cảnh sát, và bị đáp trả bằng hơi cay và đạn cao su.
Chris Wong tự mô tả là một người sống nội tâm. Trước khi nổ ra phong trào phản kháng, cô chẳng bao giờ dám qua đường khi đèn đỏ, hay phát biểu trước lớp. Tuy tham gia phong trào dân chủ rất sớm, nhưng cô tránh đi hàng đầu trong những cuộc biểu tình, mà chỉ giúp thực hiện các tờ rơi hay tổ chức những cuộc tập họp.
Thiếu dân chủ, thế hệ chúng tôi không thấy tương lai
Đến tháng Tám cô trở nên cứng rắn hơn, khi Bắc Kinh và chính quyền Hồng Kông không nhượng bộ bất kỳ yêu cầu nào của người biểu tình, và cảnh sát gia tăng đàn áp. Một hôm, giữa hơi cay mịt mù, cô bất lực nhìn thấy một người bị bắt một cách thô bạo. Chris nhớ lại : "Lúc đó tôi cảm thấy mình thật vô dụng, không thể cứu được ai cả. Thế là tôi bắt đầu tập luyện".
Việc nữ giới tham gia sẽ giúp phá vỡ hình ảnh của "gong nui" ("Cảng nữ", tức các cô gái Hồng Kông) phi chính trị, hời hợt, chỉ thích đăng lên Instagram hình ảnh những món ăn ưa thích hay đi du lịch ngoại quốc.
Giữa tháng 11, tại Đại học Bách Khoa (PolyU), cô nằm trong số hàng trăm người biểu tình kiên cường nhất, tham gia trận đối đầu dữ dội và kéo dài với cảnh sát. Động cơ duy nhất : cô tin rằng Bắc Kinh đang siết dần các quyền tự do mà người Hồng Kông đang có được. "Thành phố đang trong tình trạng tệ hại, không có tương lai nào cho thế hệ chúng tôi nếu không chiến đấu".
Các diễn đàn trên mạng được phong trào dân chủ sử dụng tràn ngập các cuộc thảo luận liên quan đến sự tham gia của phụ nữ. Nhiều người ủng hộ, cho rằng việc nữ giới tham gia sẽ giúp phá vỡ hình ảnh của "gong nui" ("Cảng nữ", tức các cô gái Hồng Kông) phi chính trị, hời hợt, chỉ thích đăng lên Instagram hình ảnh những món ăn ưa thích hay đi du lịch ngoại quốc.
Tuy vậy một số lời bình trên các diễn đàn tỏ ra phân biệt giới tính. Và trên các bích chương, tờ rơi của người biểu tình, chịu ảnh hưởng của manga, các cô gái thường có khuôn mặt ngây thơ và đôi mắt to tròn, cần được sự che chở của các nam thanh niên đấu tranh. Hoặc được diễn đạt bằng hình ảnh các nữ chiến binh sexy.
"Phái yếu" đôi khi là ưu thế
Cô sinh viên Chris Wong khẳng định trong những cuộc biểu tình, cô khám phá rằng không có giới hạn nào cả. "Tôi chưa bao giờ có cảm giác là con gái không nên làm điều này hay điều nọ, và tôi chẳng quan tâm trong xã hội người ta nói gì".
Quan niệm "phái yếu" thậm chí có thể trở thành ưu thế. Cô nói : "Điều này giúp tôi có thể dễ dàng thay đổi vai trò, chẳng hạn từ xung kích tiến công thành một người qua đường bình thường, nhưng thực chất là nhằm trinh sát những nơi cảnh sát đặt rào cản".
Susan Choi, giảng viên trường đại học Trung Văn ở Hồng Kông, đã nghiên cứu sự tham gia của nữ giới trong các cuộc biểu tình. Bà nói với AFP : "Tính chất không lãnh tụ và phi tập trung của phong trào giúp cho phụ nữ - và nói chung là tất cả mọi người - đóng một vai trò tùy theo quyết tâm và khả năng của mình".
Tuy vậy bà không nghĩ rằng các cuộc biểu tình có thể tạo ra được phong trào nữ quyền trong xã hội Hồng Kông vốn bảo thủ. Bà tỏ ý tiếc : "Nhiều người tham gia có khuynh hướng coi sự bất bình đẳng trong các cuộc biểu tình là chuyện bình thường".
Chris Wong cho biết, cô cũng như nhiều thiếu nữ đi biểu tình khác đều lo sợ bị tấn công tình dục. Trong một vụ được lan truyền rộng rãi trên internet, một thiếu nữ khẳng định đã bị buộc phá thai sau khi bị các cảnh sát hãm hiếp tập thể trong đồn hồi tháng Chín. Cảnh sát nói rằng đang điều tra vụ này.
Hiệp hội đấu tranh chống bạo lực tình dục với nữ giới tuyên bố, đã tập hợp đầy đủ bằng chứng về các trường hợp quấy rối tình dục, tấn công và hãm hiếp trong các đợt biểu tình.
Thụy My
Nguồn : RFI, 10/12/2019
Sau gần sáu tháng bất ổn ở Hồng Kông, bao gồm các cuộc biểu tình ngày càng bạo lực, phá hoại và giao thông hỗn loạn, chính phủ có lý do để hy vọng rằng dư luận có thể quay lưng lại với người biểu tình. Nhưng may mắn đó đã không xảy ra. Thay vào đó, các cử tri đã trao một chiến thắng chấn động cho các ứng cử viên ủng hộ dân chủ trong cuộc bầu cử cấp quận vào ngày 24 tháng 11. Thông điệp rất đơn giản : bất chấp tình trạng hỗn loạn gần đây, người dân Hồng Kông rất ghét chính quyền của họ và những người ủng hộ ở Bắc Kinh. Kết quả bầu cử là một sự hậu thuẫn mạnh mẽ cho chiến dịch của những người biểu tình đòi quyền tự do chính trị.
Hồng Kông đi về đâu sau cuộc bầu cử cấp quận gây chấn động ?
Bề ngoài thì đây là cuộc bầu cử nhằm chọn hơn 450 đại diện cho các hội đồng cấp quận, cơ quan phụ trách các chính sách liên quan đến các vấn đề địa phương buồn tẻ. Tuy nhiên, lần này, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là rất lớn, một kỷ lục đối với bất kỳ cuộc bầu cử nào ở Hồng Kông liên quan đến bỏ phiếu công khai. Gần 3 triệu cử tri, tức hơn 71% số người đăng ký đã tham gia, đã tham gia bỏ phiếu, so với mức 47% bốn năm trước. Sau khi bỏ lá phiếu của mình, Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam đã bác bỏ ý kiến cho rằng đây là một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với sự lãnh đạo của bà. Có lẽ bà đã cảm nhận được kết quả bầu cử bất lợi đang đến gần. Các chính trị gia ủng hộ dân chủ đã giành được gần 90% số ghế và nắm quyền kiểm soát 17 trong số 18 hội đồng. Trước đây họ chưa từng kiểm soát một hội đồng nào.
Bà Lam hứa sẽ nghiêm túc suy ngẫm về kết quả này. Nhiều người mong đợi bà sẽ làm được nhiều hơn thế, ít nhất là bằng cách thay đổi nội các và các ban cố vấn để bổ sung tiếng nói từ bên ngoài chính quyền, và bằng cách tiến hành các cuộc điều tra độc lập về nguyên nhân dẫn tới biểu tình và cách xử lý của cảnh sát. Tuy nhiên, kể từ sau cuộc bầu cử, bà Lam không đưa ra gợi ý nào cho thấy bà sẽ đồng ý làm như vậy.
Điều này gây ngạc nhiên cho vài người biểu tình. Bà Lam, có lẽ vì sự chỉ đạo của các quan chức ở Bắc Kinh, đã tỏ ra sẽ không nhượng bộ thêm chút nào sau quyết định rút dự luật dẫn độ trước đây, thứ châm ngòi cho tình trạng bất ổn (luật này sẽ cho phép các nghi phạm bị xét xử bởi tòa án ở Trung Quốc đại lục). Tuy nhiên, những người ủng hộ dân chủ sẽ càng thêm quyết tâm. Họ hy vọng kết quả bầu cử sẽ giúp phe của họ giành được thêm sức mạnh tại các cơ quan khác quan trọng hơn.
Một trong số đó là Hội đồng Lập pháp (Legco), cơ quan sẽ tổ chức bầu cử lần tiếp theo vào tháng 9 năm tới. Chỉ một nửa trong số 70 thành viên của Legco được bầu trực tiếp, sử dụng một hệ thống đại diện theo tỷ lệ cho phép các ứng cử viên ủng hộ chính quyền giành được ghế dù không giành được nhiều phiếu chứ chưa nói đến thế đa số. Các ghế khác hầu hết được trao cho cái gọi là các "đơn vị bầu cử chức năng" của thành phố, trong đó các cử tri được giới hạn trong số những người làm những công việc nhất định. Các ứng cử viên thân chính quyền có kết quả tốt trong những đơn vị bầu cử này. Nhưng sáu ghế trong Legco được dành cho các ủy viên hội đồng quận. Phe dân chủ giờ đây có thể hy vọng giành được những ghế này cũng như thêm nhiều ghế khác. Họ thậm chí có thể giành được đa số ghế trong Legco.
Các chính trị gia đối lập cũng hy vọng sẽ gia tăng ảnh hưởng, vốn trước giờ rất nhỏ, trong việc lựa chọn trưởng đặc khu. Việc bầu trưởng đặc khu được thực hiện bởi một "ủy ban bầu cử" bao gồm 1.200 người được lựa chọn theo các phương pháp nhằm loại bỏ những người ủng hộ dân chủ, vốn trước đây chiếm chưa đến 30% số thành viên Legco. Nhưng gần 10% số ghế trong ủy ban này được dành cho các ủy viên hội đồng quận. Khối này bây giờ sẽ được kiểm soát bởi những người ủng hộ dân chủ. Phe dân chủ vẫn sẽ chưa đạt được đa số, và những người chỉ trích Đảng cộng sản sẽ không thể có cơ hội trở thành ứng viên cho vị trí trưởng đặc khu. Nhưng bây giờ nhiều khả năng các nhà dân chủ có thể đóng vai trò người quyết định kết quả cuộc bầu cử nếu họ liên kết với các phe khác để ủng hộ một đối thủ nào đó.
Các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh nên lo lắng. Không giống như tình trạng hỗn loạn trong vài tháng qua, cuộc bỏ phiếu trật tự và phán quyết rõ ràng mà nó đưa lại đã gây ra bất lợi cho Đảng cộng sản. Các phương tiện truyền thông đại lục đã tránh nêu bật các kết quả. Thay vào đó, họ đã cố gắng miêu tả các cuộc bầu cử là không công bằng, với việc các ứng cử viên thân chính quyền không thể đi vận động cử tri một cách phù hợp vì tình trạng "khủng bố đen" gây ra bởi những người biểu tình ủng hộ phương Tây, những người đã lấy màu đen làm biểu tượng. Vào ngày 27 tháng 11, việc Tổng thống Donald Trump ký ban hành một đạo luật ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông đã tạo thêm cớ để Trung Quốc tố cáo các âm mưu của phương Tây. Kết quả bầu cử có thể càng khẳng định niềm tin của các quan chức Trung Quốc rằng Hồng Kông cần phải được cai trị với một bàn tay cứng rắn hơn.
Bà Lam có vẻ vẫn tạm thời an toàn. Bà nói rằng chính phủ trung ương không đổ lỗi cho bà về kết quả cuộc bầu cử. Nhưng bà sẽ thấy khó mà giữ được ghế của mình trong bối cảnh phe ủng hộ chính quyền ngày càng phàn nàn rằng các thất bại của bà, bao gồm cả việc xử lý dự luật dẫn độ, đã dẫn tới kết quả bầu cử chấn động này. Nhiệm kỳ của bà sẽ kết thúc vào năm 2022. Một số người ủng hộ chính quyền ngầm nói rằng họ muốn bà ra đi trước thời hạn đó.
Một số nhà dân chủ muốn mở lại cuộc thảo luận về một đề xuất hồi năm 2014 của chính phủ Trung Quốc cho phép công chúng bỏ phiếu bầu trưởng đặc khu tiếp theo, nhưng dựa trên một danh sách ứng cử viên được ủy ban bầu cử chấp thuận. Đề xuất này đã bị các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ bác bỏ hồi năm 2015 bởi họ cảm thấy cách làm đó sẽ cho phép Đảng cộng sản kiểm soát kết quả. Một số người giờ đây thấy một cải cách như vậy cũng có điểm tích cực nếu xét việc Đảng cộng sản kiên quyết không cho phép dân chủ hoàn toàn. Nhưng Benny Tai, một luật sư và nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng, nói rằng ngay cả khi đề xuất này được hồi sinh thì công chúng vẫn sẽ không chấp nhận nó.
Các cuộc bầu cử đã chỉ ra rằng bất chấp sự phản đối kiên quyết của Đảng cộng sản và những tổn thất kinh tế mà các cuộc biểu tình gây ra, người Hồng Kông vẫn rất khao khát dân chủ. Khi số tạp chí này chuẩn bị được in, một tuần đã trôi qua mà không có những cuộc biểu tình lớn trên đường phố. Nhưng các nhà hoạt động nói rằng sự yên tĩnh chỉ là tạm thời. Trừ khi bà Lam thực hiện một động thái thuyết phục để đáp ứng yêu cầu của họ, họ sẽ sớm quay lại biểu tình.
The Economist
Nguyên tác : "Hong Kong’s democracy movement has gained a big electoral boost", The Economist, 28/11/2019.
Phan Nguyên biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 02/12/2019
Làn sóng biểu tình đòi dân chủ cho Hong Kong, phản đối sự can thiệp của Trung Quốc đã kéo dài được 6 tháng. Những cuộc biểu tình đã dẫn đến những bạo động và hàng ngàn người, trong đó rất đông sinh viên đã bị bắt, có người bị thương do đạn của cảnh sát hoặc bị đánh đập.
Hình minh họa. Người dân Hong Kong tập trung vào ngày 29/11/2019 - AFP
Hong Kong cũng là vùng đất có nhiều người Việt, bao gồm cả các bạn sinh viên đang sinh sống và học tập tại đây.
Khuyên người dân không nên tham gia biểu tình
Theo thông tin từ báo chí Nhà nước, ngày 18/11, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong và Macau đã hỗ trợ 40 sinh viên đang du học tại Hong Kong về nước an toàn.
Bộ Ngoại giao cũng đã chỉ đạo Tổng lãnh sự tiếp tục theo dõi sát tình hình, giữ liên lạc chặt chẽ với cơ quan chức năng sở tại và công dân Việt Nam, sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.
Trước thông tin trên, một bạn du học sinh yêu cầu được giấu tên đang ở Hong Kong cho biết thêm về thực trạng công tác hỗ trợ của Tổng lãnh sự Việt Nam qua email rằng :
"Lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong có cố gắng liên lạc với sinh viên Việt Nam đang du học tại Hong Kong, tuy nhiên việc hỗ trợ về đi lại hay chỗ ở không được thông báo một cách chính thức.
Việc Tổng lãnh sự tuyên bố hỗ trợ đưa năm sinh viên từ Đại học Trung Văn (Chinese Unversity) ra sân bay là có thật. Tuy nhiên sự hỗ trợ chỉ dừng lại ở việc đưa ra sân bay, ngoài ra không có gì hơn.
Bộ ngoại giao và Tổng lãnh sự tuyên bố đã "đưa 40 sinh viên Việt Nam ở Hong Kong về nước" là chưa xảy ra. Vì ngoại trừ năm sinh viên được hỗ trợ đưa ra sân bay, các bạn còn lại đều tự về (bao gồm tự đi ra sân bay và tự chi trả kinh phí chuyến bay).
Thậm chí ngày hôm 21/11, khi bộ ngoại giao tổ chức họp báo, hơn 10 bạn đã quay trở lại Hong Kong để tiếp tục công việc tại đại học Khoa học kỹ thuật Hong Kong từ ngày thứ Ba (19/11)".
Những sinh viên tham gia biểu tình thăm một quầy cung cấp đồ ở Trường đại học Trung Văn ở Hong Kong hôm 13/11/2019 - AFP - Hình minh họa.
Ngoài ra, bạn này chia sẻ thêm là hiện nay bạn vẫn chưa quyết định trở về Việt Nam vì công việc cá nhân ở Hong Kong còn nhiều và quan trọng hơn là bạn vẫn cảm thấy an toàn khi ở lại Hong Kong.
Trong khi đó, linh mục Nguyễn Kim Sơn, người đã sinh sống và làm việc tại Hong Kong hơn 10 năm cho RFA biết một quan chức làm việc ở Tổng lãnh sự Việt Nam có nhờ ông vận động giáo dân Việt không nên tham gia vào các cuộc biểu tình :
"Trước đây mình có quen với một anh làm trong lãnh sự quán ở Việt Nam. Ảnh có hỏi mình tình hình như thế nào, nhưng họ chỉ hỏi vậy thôi.
Ông ấy nói với mình là lấy tư cách là linh mục thì nên khuyên ngăn các anh chị giáo dân đừng có đi biểu tình, đừng dính dáng đến các vụ việc đó, chứ họ cũng không đến thẳng với người dân để nói chuyện".
Trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 12/9/2019, trả lời tờ Tân Hoa Xã của Trung Quốc về thái độ của Việt Nam đối với tình hình ở Hong Kong, người phát ngôn Bộ Ngoại giao bà Lê Thị Thu Hằng nói "Việt Nam tôn trọng chính sách "một quốc gia, hai chế độ", các quy chế liên quan của Hong Kong và hi vọng tình hình Hong Kong sớm trở lại bình thường, tiếp tục ổn định, phồn vinh, duy trì vị trí là trung tâm tài chính, thương mại quan trọng của khu vực và thế giới".
Ủng hộ phong trào dân chủ Hong Kong, nhưng…
Chị Hương, một người Hong Kong gốc Việt thường nhập hàng hoá Hong Kong về bán ở Việt Nam nhiều năm nay khẳng định vẫn luôn ủng hộ các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong :
"Mình cũng luôn luôn đồng hành với những người dân biểu tình ở đây. Thực ra thì mình cũng không phải là hiểu được nhiều lắm đâu nhưng vẫn phân biệt được giữa cái ác và cái thiện và nền dân chủ nó làm cho mình như thế nào để có quyền được độc lập như thế".
Bạn du học sinh giấu tên thẳng thắn nêu quan điểm ủng hộ việc người dân Hong Kong xuống đường biểu tình đòi quyền cơ bản. Và việc chính quyền đáp ứng chậm các yêu cầu của người dân đã tạo ra bạo lực, bất ổn ở Hong Kong trong nhiều tháng gần đây :
Những người bị cảnh sát bắt giữ gần Đại học Bách khoa Hong Kong hôm 18/11/2019 - AFP - Hình minh họa.
"Đứng ở góc độ cá nhân, việc biểu tình của người dân Hong Kong là cần thiết để đưa ra quan điểm của người dân trước những chính sách về mặt luật pháp và chính trị của chính quyền Hong Kong.
Tuy nhiên việc leo thang bạo lực ở cả hai phía người biểu tình và cảnh sát là đáng lên án. Các cuộc biểu tình này cho thấy luật biểu tình là cần thiết để hỗ trợ người dân biểu đạt suy nghĩ và chính kiến của mình đối với chính quyền.
Chính quyền cần nhanh chóng ứng phó và trả lời các yêu cầu của người dân nhằm tránh xung đột leo thang. Đây là điều mà chính phủ Hong Kong đã không làm được trong thời gian vừa qua.
Theo quan sát của cá nhân, xung đột giữa người biểu tình và chính quyền Hong Kong gần như không thể giải quyết do một trong các yêu sách của người biểu tình đòi hỏi phổ thông đầu phiếu, việc mà Bắc Kinh sẽ không bao giờ cho phép nhằm tạo ảnh hưởng chính trị nhất định lên Hong Kong".
Linh mục Nguyễn Kim Sơn phân tích rằng vấn đề ở Hong Kong hiện nay rất là phức tạp và sâu rộng. Ông cho biết cá nhân cũng như đa số người dân Hong Kong đều ủng hộ phong trào dân chủ nhưng cũng không hài lòng về các hành động tấn công bạo lực.
Còn về ý kiến chỉ trích các cuộc tuần hành, phản đối người biểu tình vì cho rằng chính những người này gây nên nên bất ổn, kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng ở Hong Kong, linh mục Sơn lý giải rằng Hong Kong hiện nay có thể nhìn có vẻ như ổn định chứ lâu dài thì chưa chắc :
"Nhưng vấn đề biểu tình thì một nửa ủng hộ, một nửa thì không. Họ muốn một xã hội ổn định. Nhưng trước mắt thì ổn định chứ về lâu dai thì chưa chắc nó đã ổn định. Chỉ là trước mắt thôi, còn về lâu về dài thì người Hong Kong đều ủng hộ vấn đề dân chủ mà".
Cuộc sống có bị ảnh hưởng nhưng không nhiều
Những cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng đã ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế của Hong Kong. Theo hãng tin Reuters, Chính phủ Hong Kong xác nhận vào ngày 15/11 vừa qua rằng GDP của Hong Kong giảm 3,2% từ tháng Sáu đến tháng Chín. Các ngành kinh doanh, dịch vụ và du lịch đều bị ảnh hưởng nặng nề. Cuộc sống người Việt ở Hong Kong vì vậy cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.
Linh lục Nguyễn Kim Sơn nói rằng những cuộc biểu tình kéo dài có ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật nhưng ông không thấy quá phiền hà vì đây là tình hình chung :
"Trước mắt không có ảnh hưởng trực tiếp vì tình hình đang xảy ra thì ảnh hưởng chung đến tình hình của Hong Kong.
Thứ nhất là vấn đề giao thông bởi vì người biểu tình trong vấn đề phản đối thì họ cũng có làm thiệt hại đến các tuyến đường xe điện ngầm, các trạm xe điện ngầm. Chính vì vậy, các trạm xe điện ngầm phải điều chỉnh lại giờ hoạt động, rút ngắn thời gian hoạt động. các chuyến xe sẽ ít hơn, một số trạm ngưng hoạt động luôn.
Thứ 2 là ở một số địa điểm gọi là địa điểm nóng người đi lại cũng bị hạn chế.
Tình hình biểu tình kéo dài như vậy thì một số ngành nghề bị giảm thiểu, như là lĩnh vực phục vụ nhà hàng ăn uống không có khách nhiều, cho nên là công ăn việc làm của họ cũng bị ảnh hưởng luôn. Đó là những cái cơ bản.
Nhân viên văn phòng tập trung ủng hộ những người biểu tình đòi dân chủ trong một khu trung tâm mua bán ở Hong Kong hôm 26/11/2019 - AFP - Hình minh họa.
Bạn sinh viên giấu tên cũng cho rằng việc biểu tình ở Hong Kong có ảnh hưởng đến cuộc sống của du học sinh Việt Nam nhưng không nhiều, chủ yếu vẫn là giao thông bị gián đoạn, ách tắc tàu điện khiến việc đi lại khó khăn hơn.
Có thời điểm, việc biểu tình còn khiến các trường đại học phải đóng cửa :
"Các trường đại học phải đóng cửa khiến các bạn sinh viên không còn môi trường để làm việc. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh an ninh thì xã hội Hong Kong vẫn vận hành bình thường.
Các bạn sinh viên nước ngoài gần như được đảm bảo an toàn nếu không trực tiếp tham gia biểu tình hoặc tranh cãi với người biểu tình".
Chị Hương cho biết về những khó khăn mà một người buôn bán như chị đang gặp phải khi những cuộc biểu tình vẫn đang tiếp diễn :
"Ảnh hưởng là thu nhập không đều đặn như trước bởi vì nghỉ hẳn mà nghỉ thì đâu có lương. Rơi vào những thời điểm như thế này thì mình đâu có làm được cái gì đâu, rồi là bên hải quan họ cũng không làm cho nên mình cũng không đánh được hàng về thì mọi thứ tắc nghẽn hết".
Theo tờ South China Morning Post, nhân dịp lễ Tạ ơn năm 2019, hàng ngàn người dân Hong Kong đã xuống đường tuần hành để cảm ơn nước Mỹ vì Tổng thống Trump đã thông qua hai dự luật ủng hộ dân chủ ở Hong Kong vào ngày 27/11/2019.
Theo đó, điều luật này cho phép Hoa Kỳ có thể áp dụng cấm vận đối với các quan chức Trung Quốc và Hong Kong bị xác định là vi phạm nhân quyền. Luật cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hàng năm phải xem xét tình hình Hong Kong, đảm bảo khu vực này có được các tự do đặc biệt, nếu không Washington sẽ rút lại quy chế đặc biệt dành cho Hong Kong.
Cao Nguyên
Nguồn : RFA, 29/11/2019
Người cao tuổi Hong Kong đổ ra đường biểu tình ủng hộ học sinh (VOA, 01/12/2019)
Học sinh trung học cấp hai và người về hưu cùng nhau biểu tình ở Hong Kong vào thứ Bảy. Đây là cuộc biểu tình đầu tiên trong số nhiều cuộc biểu tình cuối tuần được lên kế hoạch diễn ra khắp thành phố trong khi các nhà hoạt động dân chủ tuyên bố sẽ chiến đấu chống lại điều mà họ nói là sự tàn bạo của cảnh sát và những vụ bắt giữ bất hợp pháp.
Người biểu tình giơ tay trong khi họ hát theo ca khúc biểu tình "Glory to Hong Kong" trong một cuộc tập hợp ở khu Trung Hoàn của Hong Kong, ngày 30/11/2019.
Một quan chức hàng đầu của Hong Kong cho biết chính phủ đang xem xét thành lập một ủy ban độc lập để thẩm xét việc xử lí cuộc khủng hoảng này mà trong đó các cuộc biểu tình ngày càng trở nên bạo lực kể từ khi bùng lên hơn năm tháng trước.
Hong Kong tương đối yên ổn mấy ngày qua kể từ khi các cuộc bầu cử địa phương vào tuần trước mang về chiến thắng áp đảo cho các ứng cử viên ủng hộ dân chủ. Nhưng các nhà hoạt động dường như muốn duy trì động lực của phong trào biểu tình.
Người biểu tình tức giận về điều mà họ xem là sự can thiệp của Trung Quốc vào các quyền tự do đã được hứa hẹn khi Anh trao trả lại Hong Kong cho Bắc Kinh cai trị vào năm 1997.
Mặc dù các cuộc biểu tình được khơi mào bởi một dự luật dẫn độ mà sau đó đã bị hủy bỏ, những người biểu tình giờ đang đưa ra "ngũ đại tố cầu" (năm đòi hỏi lớn) bao gồm quyền phổ thông đầu phiếu trong việc lựa chọn người lãnh đạo thành phố và một cuộc điều tra độc lập về việc cảnh sát sử dụng vũ lực.
Trung Quốc phủ nhận việc can thiệp và nói rằng họ cam kết tuân theo công thức "nhất quốc lưỡng chế" được áp dụng cho trung tâm tài chính Châu Á này vào năm 1997. Bắc Kinh quy trách các lực lượng nước ngoài kích động bất ổn.
Người dân tụ tập để tưởng niệm vào ngày thứ Bảy bên ngoài nhà ga đường sắt Prince Edward, nơi một số người dân tin rằng những người biểu tình đã bị cảnh sát giết chết ba tháng trước. Cảnh sát phủ nhận điều này.
Trong khu vực vịnh Cửu Long, vài trăm người biểu tình đứng cạnh nhau thành một hàng và nắm tay nhau.
Hôm thứ Bảy, tờ báo của Đảng cộng sản ở thành phố Quảng Châu thuộc miền nam Trung Quốc cho biết cảnh sát đã bắt giữ một công dân Belize vì cáo buộc thông đồng với những người ở Mỹ để can thiệp vào những việc ở Hong Kong.
Chính quyền thành phố Hong Kong đang cân nhắc thành lập một ủy ban độc lập để duyệt lại cách thức họ xử lí cuộc khủng hoảng, Matthew Cheung, Ti trưởng Ti Chính vụ, nói với các phóng viên khi được hỏi về một ủy ban thẩm xét độc lập.
Một số người chỉ trích trên mạng xã hội nói rằng một ủy ban như vậy chưa đáp ứng được đòi hỏi của họ về một cuộc điều tra độc lập.
Trưởng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Michelle Bachelet, cũng kêu gọi một cuộc điều tra về các cáo buộc cảnh sát sử dụng vũ lực thái quá trong một bài bình luận đăng trên báo The South China Morning Post vào ngày thứ Bảy.
******************
Hồng Kông : Người về hưu xuống đường ủng hộ sinh viên (RFI, 30/11/2019)
Những người về hưu Hồng Kông hôm nay 30/11/2019 tham gia cuộc biểu tình tố cáo bạo lực cảnh sát và các vụ bắt người trái phép.
Người già Hồng Kông xuống đường ủng hộ giới trẻ đòi tự do và dân chủ ngày 08/09/2019. BFMTV
Sau một tuần lễ tương đối yên tĩnh với chiến thắng lịch sử của các ứng cử viên dân chủ trong cuộc bầu cử địa phương Chủ nhật tuần trước, Hồng Kông chuẩn bị biểu tình ngày cuối tuần. Một phụ nữ 71 tuổi nói với Reuters : "Tôi đã tham gia cuộc biểu tình ôn hòa hồi tháng Sáu với hơn một triệu người, nhưng chính quyền không lắng nghe các đòi hỏi của người dân".
Bà mang theo một chiếc ghế nhựa để hòa vào cuộc biểu tình nhiều thế hệ tại Charter Garden. Những người về hưu, một số chống gậy, đứng cạnh những người biểu tình trẻ hơn mặc toàn đồ đen, lắng nghe những bài diễn văn ủng hộ dân chủ trong không khí lễ hội vui tươi.
Ông Ponn, đi biểu tình cùng với con gái và con rể, tâm sự : "Tôi chứng kiến rất nhiều vụ cảnh sát sử dụng bạo lực, bắt bớ vô cớ. Đó không phải là Hồng Kông của chúng tôi lâu nay. Tôi đến đây hôm nay vì muốn chính quyền biết rằng người dân không hài lòng trước những gì họ đã làm với thế hệ chúng tôi".
Từ hơn năm tháng qua, Hồng Kông rúng động với phong trào phản kháng nhằm tố cáo ảnh hưởng của Trung Quốc, đòi hỏi phải tôn trọng các nguyên tắc dân chủ. Người biểu tình cũng đòi điều tra độc lập về bạo lực cảnh sát. Tuần trước khoảng 1.100 người đã bị bắt tại trường đại học Bách Khoa trên bán đảo Cửu Long, nơi diễn ra những vụ đối đầu vào giữa tháng 11.
Cựu tổng thống Chile nay là cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, bà Michelle Bachelet, hôm nay cho rằng một cuộc điều tra độc lập là cần thiết nhằm tái lập lòng tin. Chính quyền Hồng Kông tuyên bố đang chuẩn bị thành lập một ủy ban điều tra về việc xử lý khủng hoảng.
Tờ báo của Đảng cộng sản Quảng Đông cho biết Trung Quốc đã bắt một công dân của nước Trung Mỹ Belize, vì nghi ngờ đã âm mưu với những người ở Hoa Kỳ để can thiệp vào Hồng Kông. Báo này cũng xác nhận vụ bắt giữ công dân Đài Loan Lý Mạnh Cư (Lee Meng Chu) hôm 31/10 vì cáo buộc đánh cắp và tiết lộ bí mật nhà nước cho nước ngoài. Ông Lý là một tình nguyện viên đã mất tích sau khi công bố các hình ảnh quân đội Trung Quốc tập trung đông đảo gần biên giới Hồng Kông.
Thụy My
******************
Ngày mà "Bác Tập" bị Hồng Kông làm mất mặt (RFI, 30/11/2019)
Trên tuần báo Le Point số ghi ngày 28/11/2019, nhà bình luậnLuc de Barochez đã phân tích tác động của tình hình Hồng Kông trên Trung Quốc trong một bài phân tích dài mang tựa đề "Ngày mà "Bác Tập" bị mất mặt" và ghi nhận rằng uy quyền của nhân vật số 1 Trung Quốc Tập Cận Bình đã bị thách thức nghiêm trọng sau gần sáu tháng biểu tình ở Hồng Kông, và nhất là sau chiến thắng áp đảo của phe dân chủ trong cuộc bầu cử cấp huyện ngày 24/11.
Dân Hồng Kông nô nức đi bầu và sẽ giáng cho Bắc Kinh một đòn đau. Ảnh chụp ngày 24/11/2019. Reuters/Athit Perawongmetha
Theo Le Point, sự bất lực của ông Tập Cận Bình trong việc áp đặt quyền khống chế của Bắc Kinh trên vùng lãnh thổ bán tự trị này khiến ông có nguy cơ không hoàn thành được những mục tiêu đề ra.
Hồng Kông là thất bại đầu tiên của ông Tập từ khi lên nắm quyền năm 2012. Giấc mơ của ông về sự "hồi sinh vĩ đại của đất nước Trung Hoa" đã bị lu mờ, thậm chí bất thành. Đối với nhà bình luận của Le Point, "Bác Tâp", như ông thích người ta gọi ông, đã bị rơi xuống khỏi tượng đài của mình.
Bầu cử cấp huyện tại Hồng Kông : Cái tát chưa từng thấy
Tác giả bài viết nhắc lại khá gay gắt: Vào đầu năm 2017, lãnh đạo Trung Quốc được hoan nghênh ở Diễn Đàn Kinh Tế Davos, Thụy Sĩ, được chào đón như một cột trụ của trật tự quốc tế, có năng lực giúp giảm nhẹ cú sốc sau cơn "địa chấn" phát sinh từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ với thắng lợi của ông Trump.
Thế nhưng không đầy 3 năm sau thì người dân Hồng Kông đã giáng cho ông một cái tát tai chưa từng thấy khi ồ ạt bỏ phiếu cho phe đối lập hôm 24/11. Hệ quả chính trị của sự kiên này chỉ giới hạn thôi vì đó chỉ là một cuộc bầu cử địa phương, ở một vùng lãnh thổ đã trở về dưới trướng Trung Quốc từ 22 năm nay. Nhưng giá trị biểu tượng của sự kiện thì rất to lớn.
Chuyên gia Pháp Philippe le Corre mà bài viết trích dẫn, đã nhận định như sau : "Khi người ta cho dân chúng quyền được phát biểu, thì họ bỏ phiếu chống chính quyền trung ương. Đa số ứng cử viên của Bắc Kinh đều bị mất ghế và gần 3 triệu người Hồng Kông đi bỏ phiếu : Quả là điều chưa từng thấy. Kết quả này cho thấy thế mong manh của guồng máy Tập Cận Bình tại các vùng phiên trấn của Trung Quốc".
Các cuộc biểu tình liên tục tại Hồng Kông đã làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc trên thế giới, không kém gì chính sách bành trướng mọi mặt của Tập Cận Bình, cũng như việc kiểm soát dân chúng và chính sách đồng hóa "không thương tiếc" nhắm vào thiểu số Hồi Giáo ở Tân Cương.
Bài viết nhắc rằng đề án lớn của Tập Cận Bình là hoàn toàn hòa nhập Hồng Kông và Macao, mở màn cho việc kéo Đài Loan về dưới trướng Trung Quốc chậm lắm là nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tức vào năm 2049.
Tại Đại hội Đảng vào tháng 10/2017, chủ tịch Trung Quốc đã khoe rằng : Từ khi Hồng Kông và Macao trở về với Tổ Quốc, việc áp dụng nguyên tắc "một đất nước hai chế độ" ở hai vùng lãnh thổ này là một thành công vang dội".
Le Point nhận thấy là thực tế đã phủ nhận những lời này. Người dân Hông Kông, trên đường phố và bằng lá phiếu, đã cho thấy là sự tự do chính trị của họ quý báu hơn là việc sát nhập với Hoa Lục. Và nếu Đảng cộng sản Trung Quốc không nắm được Hồng Kông thì làm sao có thể một ngày nào đó thôn tính được Đài Loan và số 24 triệu dân tại đó, trừ phi là dùng đến vũ lực ?
Hồng Kông củng cố quan điểm của Đài Loan
Khủng hoảng ở Hồng Kông càng làm cho người Đài Loan cảm nhận rằng họ có bản sắc riêng biệt, đồng thời thêm củi thêm lửa cho những người muốn độc lập như tổng thống Thái Anh Văn đang ra tranh cử một nhiệm kỳ thứ hai. Theo chuyên gia Philippe Le Corre, những gì đang xẩy ra rất thuận lợi cho bà Thái Anh Văn.
Bắc Kinh thì ngược lại đang ở trong một tình thế rất tế nhị. Bài học có thể rút ra được từ các diễn biến ở Hồng Kông, là nước Trung Quốc của ông Tập Cận Bình không còn làm ai mơ tưởng nữa, kể cả những người dân của Trung Quốc.
Trước tình hình này chọn lựa của Bắc Kinh khá giới hạn. Chính quyền trung ương không muốn rơi vào vết xe đổ của vụ thảm sát Thiên An Môn, cách đây 30 năm, đã làm cả thế giới phẫn nộ. Hậu thuẫn của Quốc Hội Mỹ dành cho sinh viên Hồng Kông có trọng lượng trên bàn cân cho dù ông Trump có tính khí khó lường và Châu Âu thì im hơi lặng tiếng.
Ngoài ra, sự phồn thịnh của kinh tế Trung Quốc cũng dựa vào sức khỏe của Hồng Kông, nơi tiếp xúc giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới. Gần một nửa đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc năm 2018, là qua ngã Hồng Kông. Cho nên Bắc Kinh phải thận trọng. Thế nhưng, mặt khác, chính quyền trung ương không thể cho virus dân chủ lan qua Hoa Lục.
Bài báo cho là Tập Cận Bình nên đọc lại Tôn Tử, thế kỷ III trước công nguyên, thời Chiến Quốc, vốn đã viết rằng : "Vua là thuyền, dân là nước. Nước nâng thuyền lên nhưng cũng có thể làm lật thuyền".
Và nhà bình luận của Le Point kết luận: Kể từ giờ, chính quyền Trung Quốc đang đi vào vùng sóng to gió lớn.
Thụy My
******************
Cảnh sát Hong Kong rút khỏi Đại học Bách khoa (VOA, 29/11/2019)
Cảnh sát Hong Kong hôm 29/11 đã rút khỏi đống đổ nát trong khuôn viên Đại học Bách khoa vốn đã bị hư hại sau nhiều tuần đụng độ, trong khi các nhà hoạt động dân chủ đã thảo luận trên mạng xã hội để kêu gọi sự ủng hộ cho các cuộc biểu tình nữa vào mỗi cuối tuần.
Một viên cảnh sát đang thu thập bằng chứng trong khuôn viên Đại học Bách khoa Hong Kong
Các giảng viên cao cấp của Đại học Bách khoa Hong Kong đã đi thăm khuôn viên trường sau khi cảnh sát rời đi, ghé qua căng-tin, vận động trường và kiểm tra các cửa sổ bị vỡ và đống rào chắn bị cháy thành than.
Sau hơn năm tháng biểu tình ngày càng bạo lực, Hong Kong đã tương đối tĩnh lặng kể từ cuộc bầu cử địa phương hôm 24/11 mà khi đó các ứng cử viên thuộc phe dân chủ đã giành chiến thắng áp đảo.
Các nhà hoạt động đang cố gắng giữ nhiệt cho phong trào, sau khi giành được sự ủng hộ từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Sự hậu thuẫn này đã làm cho thế giới quan tâm trở lại tình hình của trung tâm tài chính Châu Á và khiến Bắc Kinh đưa ra những cảnh báo gay gắt.
"Nhiều phòng học, phòng thí nghiệm và thư viện đã bị phá hủy. Mặc dù vậy, không có tổn thất nhân mạng. Chúng tôi nhấn mạnh việc giải quyết cuộc khủng hoảng một cách nhân đạo", hiệu trưởng trường, ông Đằng Cẩm Quang, nói với các phóng viên.
Ông cho biết hơn 1.000 người biểu tình đã rời khỏi trường trong hai tuần qua. Mặc dù chịu thiệt hại rất lớn, ông nói ông tự tin rằng học kỳ tiếp theo sẽ bắt đầu đúng lịch trình.
Bắc Kinh cảnh báo Washington họ sẽ có ‘các biện pháp đáp trả mạnh mẽ’ sau khi ông Trump hôm 27/11 đã ký thành luật dự luật ủng hộ người biểu tình Hong Kong đã được Quốc hội thông qua.
Trong chuyến thăm tới Bangkok hôm 29/11, Đặc khu trưởng Hong Kong, bà Carrie Lam đã cố gắng trấn an chính phủ và các doanh nghiệp Thái Lan rằng Hong Kong vẫn là một trung tâm tài chính hấp dẫn.
Các cuộc biểu tình chống chính phủ kể từ tháng 6 đã làm rung chuyển thuộc địa cũ của Anh này, có khi đã buộc các doanh nghiệp, cơ quan chính quyền, trường học và thậm chí là sân bay quốc tế phải đóng cửa.
Những người biểu tình có kế hoạch tập trung tại lãnh sự quán Anh lúc 7 giờ tối hôm 29/11 để kêu gọi chính phủ Anh bảo vệ công dân của họ làm việc tại Hong Kong.
Trước đó, một cựu nhân viên lãnh sự quán Anh, ông Simon Cheng, cho biết ông đã bị cảnh sát chìm của Trung Quốc đánh, không cho ông ngủ và xiềng xích ông để nhằm buộc ông cung cấp thông tin về các nhà hoạt động dẫn đầu các cuộc biểu tình.
Áp phích kêu gọi cuộc tập hợp vào ngày 29/11 bao gồm những khẩu hiệu như "Tất cả chúng ta có thể là Simon". Cheng là một công dân Hong Kong làm việc cho chính phủ Anh trong gần hai năm.
"Tự do đang trong tình thế hiểm nghèo. Hãy bảo vệ tự do bằng tất cả sức lực. Chiến đấu cho tự do. Sát cánh với Hong Kong", một băng rôn khác ghi.
Các cuộc biểu tình khác được lên kế hoạch cho dịp cuối tuần bao gồm một cuộc tập hợp của học sinh cấp hai, một cuộc tuần hành để phản đối cảnh sát phun hơi cay gần trẻ em và một ‘cuộc tuần hành biết ơn’ tiến đến lãnh sự quán Hoa Kỳ.
Một cuộc tuần hành đã được Mặt trận Nhân quyền Dân sự, nhóm đứng ra tổ chức các cuộc tuần hành với hàng triệu người tham gia vào tháng 6, lên kế hoạch vào ngày 8/12. Cuộc tuần hành này được cho sẽ là ‘thước đo tốt nhất’ về mức độ ủng hộ mà phong trào dân chủ vẫn còn duy trì được.
Trước đó, hàng trăm cảnh sát đã vào khuôn viên trường để thu thập chứng cứ cũng như tháo dỡ các món đồ nguy hiểm, trong đó có hàng ngàn bom xăng, tên bắn và hóa chất vương vãi khắp nơi.
"Môi trường hiện tại trong khuôn viên trường vẫn không an toàn, và công việc dọn dẹp, kiểm tra và phục hồi hàng sẽ mất thời gian", Đại học Bách khoa ra thông cáo nói và cho biết hàng rào cảnh sát đã được dỡ bỏ.
Nằm trên bán đảo Cửu Long, ngôi trường này đã trở thành bãi chiến trường vào giữa tháng 11, khi những người biểu tình dựng rào chắn và đụng độ với cảnh sát chống bạo động với bom xăng, vòi rồng và hơi cay đã được sử dụng. Khoảng 1.100 người đã bị bắt hồi tuần trước, một số người trong số đó bị bắt trong khi tìm cách trốn thoát.
Cảnh sát cho biết họ đã tìm thấy hơn 3.000 bom xăng và hàng trăm chai chất lỏng ăn mòn ở trong khuôn viên trường.