Sau năm tháng bất ổn ở Hong Kong, người biểu tình vẫn đang chiến đấu vì cái gì ? Nhiều người tự hào nói rằng các cuộc biểu tình phi bạo lực và bạo lực là vì dân chủ. "Tự do cho Hong Kong". "Giải phóng Hong Kong". Nhưng điều đó thực sự có nghĩa là gì ?
Cuộc biểu tình ở Hồng Kông vào ngày 27 tháng 9 năm 2019 (Ảnh : Wikimedia Commons)
Điều mà người Hong Kong không thể nói, điều họ bị cấm nói, đó là biểu tình là vì độc lập, để trở thành một quốc gia-thành phố tự quản như Singapore hoặc Monaco. Được tự quản như Đài Loan. Không ai có thể nói như thế, vì ở Hong Kong đây là hành động vi phạm pháp luật.
Lí do để người Hong Kong không thể công khai thừa nhận là họ đang đấu tranh vì độc lập hoặc quyền tự quyết là vì làm như vậy là vi phạm pháp luật. Ở Hong Kong, ủng hộ, thúc đẩy hoặc diễu hành vì độc lập là phạm luật. "Tự do ngôn luận" ở trung tâm tài chính Châu Á là như thế đấy.
Năm ngoái, chính phủ Hong Kong, được Bắc Kinh hậu thuẫn, đã cấm một đảng ủng hộ li khai và tiếp tục cấm các chính trị gia và tổ chức bàn về độc lập. Trong hai năm qua, chính phủ Hong Kong và Đảng cộng sản Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố "tự do ngôn luận không phải là vô giới hạn".
Năm 2017, Trung Quốc đã coi những lời nói hoặc hành động kêu gọi độc lập hoặc quyền tự quyết ở Hong Kong đều là vi phạm chủ quyền quốc gia của Trung Quốc. Luật hình sự của Hong Kong giải thích rằng những người có "ý định bạo loạn" là phạm tội và có thể bị phạt tù tới hai năm và phạt tiền tới 5.000 HK$ (638 USD). Những tội được qui định trong Điều 23, nói về lật đổ và bạo loạn. Đây là lí do chính vì sao người Hong Kong phủ nhận biểu tình là vì độc lập. Họ không muốn bị bỏ tù.
Thay vào đó, các chính trị gia và người dân ủng hộ dân chủ nói rằng họ ủng hội chế độ dân chủ thực sự thông qua phổ thông đầu phiếu, quyền được ghi trong bản hiến pháp-mini, nhưng người dân chưa được hưởng. Nhiều đảng chính trị ở Hong Kong đồng ý rằng Điều 45 của Bộ luật cơ bản ủng hộ và nói về quyền phổ thong đầu phiếu, như là mục tiêu của thành phố này.
Trong hai năm qua, những người muốn tham gia bầu cử đều phải được Bắc Kinh sát hạch. Những người muốn được bầu làm quan chức đều phải phủ nhận quyền tự quyết và chứng minh rằng họ không ủng hộ độc lập.
Mới đây Hoàng Chí Phong (Joshua Wong) đã bị sát hạch và bị cấm vận động trong cuộc bầu cử vào tháng 11 này. Thú vị là, các quan chức bầu cử đã từ chối đưa ra quyết định suốt mấy tuần liền. Dorothy Ma Chau Pui-fun, người quản lý các ứng cử viên quận Nam, bất ngờ nghỉ ốm mà không đưa ra quyết định. Ba quan chức bầu cử không rõ danh tính thậm chí còn từ chối nhận vai trò phán xét Hoàng Chí Phong trên cơ sở lập trường chính trị anh này.
Khi thời hạn chót là ngày 31 tháng 10 đến gấn, quan chức bầu cử thay thế, Laura Liang Aron, người gốc Trung Quốc lục địa, cuối cùng quyết định cấm Hoàng Chí Phong tham gia ứng cử. Chính quyền viện dẫn lời ủng hộ quyền tự quyết mà nhà hoạt động dân chủ này từng đưa ra trong quá khứ là lí do chính để không cho Hoàng Chí Phong tham gia.
Người Hong Kong liên tục đòi quyền phổ thông đầu phiếu suốt năm năm qua. Công dân và người biểu tình Hong Kong hiện đang đấu tranh để được bầu một cách dân chủ các quan chức chính quyền, ví dụ, Đặc khu trưởng, mà không cần Trung Quốc sàng lọc.
Sau khi các quan chức được bầu một cách công khai nắm chức vụ trong chính quyền theo kiểu của mình tách khỏi đại lục, thì Hong Kong có thể bắt đầu lèo lài để giành nền độc lập. Hãy suy nghĩ như sau : Bước 1 : quyền phổ thông đầu phiếu ; Bước 10 : độc lập. Chưa đạt được bước 1 một cách hòa bình thì không thể đạt được bước 10. Vì vậy, người Hong Kong đang đấu tranh đòi bước 1, đòi quyền phổ thong đầu phiếu, thậm chí trước khi có thể bắt đầu xem xét những thay đổi trong tương lai.
Tuy nhiên, chính quyền Hong Kong nằm do Bắc Kinh kiểm soát sẽ không bao giờ cho phép phổ thông đầu phiếu vì họ biết chắc chắn nó sẽ dẫn đến đâu trong tương lai.
Không những không tiến hành cách kinh tế và cho người dân quyền phổ thông đầu phiếu, chính quyền và cảnh sát tiếp tục đàn áp dữ dội các cuộc tụ họp và biểu tình quần chúng.
Trong một cuộc biểu tình hỗn loạn khác vào ngày chủ nhật, 27 tháng 10 năm 2019, cảnh sát Hong Kong thể hiện thái độ coi thường báo chí bằng cách bắt giữ May James, phóng nhiếp viên ảnh khi cô này đang theo dõi cuộc biểu tình ở Mong Kok. Mới đây, trong tháng 10 vừa qua, May James đã có buổi nói chuyện tại Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài, Câu lạc bộ này đã công khai lên án vụ bắt giữ cô.
Một số phóng viên cũng đã bị cảnh sát gây thương tích hoặc phải nhập viện trong khi họ đang theo dõi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ kéo dài 21 tuần qua. Cảnh sát thừa nhận rằng đã sử dụng các chiến thuật bạo lực hơn đối với báo chí, cảnh sát cũng bị cáo buộc là đã tấn công và bắt giữ những người quan sát, du khách và các nhà báo.
Hiệp hội nhiếp ảnh báo chí Hong Kong, Hiệp hội nhà báo Hong Kong và Hiệp hội những người điều hành tin tức Hong Kong cũng đã tung ra các bản tuyên bố công khai lên án những hành động bạo lực của cảnh sát nhằm chống lại các phóng viên. Trong khi đó, thành phố tiếp tục cháy cùng với lệnh giới nghiêm có hiệu lực trên thực tế.
Không bên nào sẵn sàng nhượng bộ và không thấy điểm cuối trong việc giải quyết các vấn đề xã hội ; không có gì ngạc nhiên là, sau năm tháng biểu tình, Hong Kong đã rơi vào tình trạng suy thoái.
C.G. Fewston
Nguyên tác : What Hongkongers Think but Cannot Say, American Thinker, 30/10/2019
Phạm Nguyên Trường dịch
Nguồn : VNTB, 03/11/2019
Cuộc chiến Hồng Kông : Tiền tuyến và đội quân trong bóng tối
Bên cạnh những nhóm trinh sát, còn có những nhóm chuyên tạo áp-phích, quyên góp gây quỹ, sơ cứu người bị thương hay viết bài biện hộ cho những người phải ra tòa. Đó là một đội quân trong bóng tối mà không ai rõ số lượng nhưng quyết tâm thì rất rõ, họ làm tất cả để bảo vệ cho tự do của Hồng Kông.
Một thanh niên chụp lựu đạn cay quăng trở lại, trong cuộc biểu tình ở Hồng Kông ngày 20/10/2019. Rzeuters/Kim Kyung-Hoon
Tựa trang nhất của Le Figaro và Les Echos đều dành cho sự kiện hai hãng xe hơi PSA và Fiat Chrysler loan báo sáp nhập hôm nay 31/10/2019, tạo thành một tập đoàn quốc tế khổng lồ. Về mặt xã hội, Libération chú ý đến việc hôm nay thủ tướng Pháp công bố các biện pháp hỗ trợ cho vùng dân cư nghèo Seine-Saint-Denis ở ngoại ô Paris. Le Monde nói lên "Mối lo ngại của người đạo Hồi tại Pháp", còn La Croix nhìn sang vùng Cận Đông, nói về "Giấc mơ một Lebanon mới".
Về phong trào phản kháng ở Hồng Kông, Libération có bài điều tra về những đường dây phía sau để hỗ trợ cho "tiền tuyến" : trinh sát, truyền thông, cấp cứu… Bảy tháng sau khi khởi động, từ trong bóng tối xuất hiện những chiến thuật tự vệ mới, trong đó mỗi người giúp một tay tùy theo khả năng và phương tiện của mình.
Từ thế giới ảo bước ra thực địa
Bài báo mở đầu bằng cuộc hẹn đầu tiên trên thực địa của Paul với nhóm trên Telegram của anh. Đúng giờ hẹn, khoảng hai mươi người tiến lại gần nhau trong bóng đêm. "Zacharie ?" "Tôi đây" (đó là bí danh của Paul). Sau khi vắn tắt tự giới thiệu, cả nhóm tỏa ra khắp khu phố để tìm kiếm những nơi người biểu tình có thể ẩn nấp, hay những con ngõ giúp họ có thể tẩu thoát trong trường hợp bị cảnh sát tấn công.
Bên cạnh những nhóm trinh sát, còn có những nhóm chuyên tạo áp-phích, quyên góp gây quỹ, sơ cứu người bị thương hay viết bài biện hộ cho những người phải ra tòa. Đó là một đội quân trong bóng tối mà không ai rõ số lượng nhưng quyết tâm thì rất rõ, họ làm tất cả để bảo vệ cho tự do của Hồng Kông.
Paul, khoảng 40 tuổi, làm trong ngành quảng cáo, giải thích : "Biểu tình ôn hòa trên đường phố chưa đủ, cần phải dấn thân hơn". Chỉ mới tham gia nhóm Telegram gần đây, anh xây dựng chi nhánh với những người thật tin cậy, rồi đi vào hoạt động, ban đầu là trên mạng, sau mới đến các hoạt động thực tế. "Nhóm của chúng tôi phải tìm hiểu thực địa vì nhiều người biểu tình lẫn người qua đường không biết làm sao ra khỏi khu phố, nhiều lần họ bị cảnh sát hoặc bọn xã hội đen Phúc Kiến tấn công".
Nancy, vừa rời bỏ công việc trên đất Mỹ, nhận định Hồng Kông không còn như xưa nữa. Cô không đi biểu tình, nhưng chuyên rình trên đường phố để thông tin cho người biểu tình các vị trí của cảnh sát – một kiểu hoạt động "du kích".
Mạng xã hội, trái tim của phong trào phản kháng
Theo những cuộc thăm dò hiếm hoi có được, cuộc đấu tranh ở Hồng Kông tập hợp đủ mọi thế hệ, mọi giai cấp. Tuy các cuộc xuống đường lúc sau này đã thưa người hơn, nhưng mạng xã hội vẫn luôn là trung tâm chỉ huy của cuộc chiến.
Heung Shing khoảng hơn 20 tuổi, tốt nghiệp ngành thiết kế, không hề quan tâm đến chính trị, cho tới khi đọc được một thông điệp hôm 8/6 : "Bây giờ hoặc không bao giờ". Cảm thấy ray rứt vì lâu nay không làm gì, kể cả trong cuộc Cách mạng Dù, nay anh mỗi ngày đăng lên mạng một tấm áp-phích do mình thiết kế, cho tự do tải về. Anh thổ lộ ban đầu cũng sợ bị bắt với cáo buộc "xúi giục nổi dậy", nhưng sau nghĩ lại, nếu các thanh niên trên tuyến đầu không sợ hãi thì sao mình lại phải sợ.
Những người khác tự bỏ tiền ra in áp-phích và đem dán, ngoài ra còn có những công ty in giúp miễn phí hoặc chỉ lấy giá tượng trưng. Song song đó, ê-kíp truyền thông thay nhau phổ biến các truyền đơn trên nhiều mạng xã hội, dịch các thông cáo hay bài báo ra nhiều thứ tiếng. Họ chọn một chủ đề theo thời sự, gởi các thông tin để giải thích, thuyết phục cộng đồng quốc tế về chính nghĩa cuộc đấu tranh của người Hồng Kông.
Mạng lưới hậu cần đa dạng cho các cuộc biểu tình
Còn các cuộc biểu tình thực sự có cả một mạng lưới hỗ trợ. Ngoài các cửa hàng và cư dân để sẵn các chai nước, khẩu trang cho người biểu tình lấy sử dụng, còn có các nhóm chuyên sản xuất những "áo giáp chống đạn" dã chiến với những lớp sợi thủy tinh – mà nguyên liệu ngày càng hiếm vì bị hải quan chặn lại.
Robert, 27 tuổi, sở hữu một chiếc xe sang, tham gia một nhóm tài xế tình nguyện, mang đến cho người biểu tình những thứ cần thiết, và cứ mỗi cuộc xuống đường lại đưa về được 20-30 người chạy thoát. Anh cho biết, những thanh niên trẻ măng này rất lịch sự, xin lỗi và cảm ơn trước khi bước lên xe. Đôi khi phải đưa người bị thương đến bác sĩ quen thay vì bệnh viện để tránh bị bắt – những bác sĩ tự nguyện trực chiến trong ngày biểu tình, đôi khi phải làm việc với những chiếc kềm y tế được tiệt trùng bằng quẹt gaz.
Các đơn vị liên lạc với nhau như thế nào ? Đôi khi chẳng có liên lạc nào cả. Không ai biết được ai lãnh đạo ai. Có khi người biểu tình là thành viên của nhiều nhóm, thực hiện các nhiệm vụ đa dạng. Một nhà hoạt động chính trị chủ trương độc lập cho biết đã lập một diễn đàn giúp người biểu tình tham khảo các luật sư một cách an toàn và vô danh, nhóm này đã lập tiếp một mạng lưới cấp cứu và tài xế thiện nguyện. Cũng có những nhóm nhỏ chủ trương bạo lực.
Cuộc bầu cử địa phương ngày 24/11 sẽ cho thấy thành phần nào nhiều hơn : quá khích, ôn hòa hay thân Bắc Kinh.
Cuối thế kỷ 21 mới gỡ hết mìn ở Lào !
Cũng về Châu Á, La Croix có bài phóng sự "Chiến tranh luôn là bẫy rập ở Lào". Hơn 50 năm sau chiến dịch oanh kích hàng loạt của Mỹ, đất Lào vẫn còn nhiều bom bi và nhiều quả bom chưa nổ khác. Tại tỉnh Houaphan, có hàng ngàn hecta cần phải rà phá mìn – mối đe dọa cho cuộc sống người nông dân.
Tại địa điểm ở làng Nasam, miền bắc Lào giáp với Việt Nam, gần như hàng ngày đều tìm thấy những quả bom chưa nổ và mỗi ngày đều có những vụ phá mìn, nhưng mỗi vụ đều là thách thức. Đạn moọc-chê, rốc-kết, hỏa tiễn, bom bi, lựu đạn… khoảng hai chục bãi mìn đã được nhận ra.
Từ năm 1964 đến 1973, người Mỹ đã thả xuống Lào gần hai triệu tấn bom, chưa kể của CIA vốn bí mật, trong đó có 5 đến 30% chưa nổ, trong chiến lược bom rải thảm của Mỹ nhằm cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh. Chỉ riêng từ đầu năm đến nay, đã phá được hơn 1.700 quả bom bi tại Nasam. Thời gian sau này có nhiều nạn nhân của bom bi là trẻ em vì chúng trông giống như những món đồ chơi. Tuy nhiên với nguồn tài trợ eo hẹp và nhịp độ hiện nay, việc phá toàn bộ bom mìn trên đất Lào được ước tính đến… cuối thế kỷ này mới hoàn tất.
Lần đầu tiên Đức xử cựu tình báo Syria về tội ác chống nhân loại
Liên quan đến Châu Âu, Le Monde nói về việc hai cựu nhân viên tình báo Syria bị truy tố tại Đức vì tội ác chống nhân loại. Phiên tòa chưa có tiền lệ này sẽ diễn ra tại Koblenz (Coblence) vào đầu năm tới.
Lần đầu tiên có những tay sai của Bachar al-Assad bị xét xử vì các tội ác của chế độ kể từ năm 2011. Hai nghi can bị bắt tại Đức hồi tháng Hai. Anwar Raslan bị tố cáo tra tấn tù nhân tại một trại giam của tình báo Syria. Trên 4.000 người phải chịu những cực hình và ít nhất 58 người đã chết. Người thứ hai là Eyad al-Gharib, lãnh đạo một đơn vị đặc biệt chuyên bắt các nhà đối lập chính trị, dưới quyền của Raslan.
Một trong những bằng chứng là hồ sơ "César", bí danh được đặt cho một nhà nhiếp ảnh của quân cảnh Syria đã bỏ trốn mang theo trên 50.000 ảnh chụp các xác chết tù nhân bị thiệt mạng vì đói, bệnh hay tra tấn ở Syria. Bên cạnh đó là đơn kiện của khoảng 30 người Syria sống sót đang tị nạn tại Đức.
"Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới" chỉ có quyền hành hạn chế
Trên lãnh vực kinh tê, xã luận của Le Monde cho rằng tân chủ tịch Ngân hàng Châu Âu (BCE), bà Christine Lagarde chỉ có khả năng hành động hạn chế.
Mang danh là người phụ nữ quyền lực nhất hành tinh, nhưng bà thừa hưởng một chính sách tiền tệ dường như đã dùng đến những viên đạn cuối cùng. Hơn nữa người ta tự hỏi những biện pháp như giảm tỉ lệ dự trữ, mua lại nợ công… nay có trở thành lợi bất cập hại, trong khi nguy cơ bong bóng đầu tư trong địa ốc hay chứng khoán ngày càng đe dọa. Tân chủ tịch BCE còn đối mặt với với Brexit, thương chiến Mỹ-Trung, và khó thể quay ngược lại với chính sách bảo hộ đầu tư của người tiền nhiệm Mario Draghi.
Lịch sử và bức tường Berlin
Cũng tại Châu Âu, trong bối cảnh sắp đến ngày kỷ niệm 30 năm bức tường Berlin sụp đổ, tác giả Sylvie Kauffmann trên Le Monde nhận xét "Cuộc cách mạng năm 1989 chỉ là khởi đầu của lịch sử". Còn Jean-Christophe Buisson trên Le Figaro cho rằng những người chống cộng bị lịch sử lãng quên.
Theo bà Kauffmann, có hai sai lầm trong việc nhìn nhận sự kiện bức tường Berlin. Sai lầm thứ nhất là tin rằng tất cả đã xong xuôi, thế giới đã đảo lộn từ những nhát búa đóng xuống bức tường bê-tông chia cắt Đông và Tây Berlin. Sai lầm thứ hai là quan điểm tiêu cực cho đây là một thất bại, vì 30 năm sau Đông Âu lại xuất hiện những khuôn mặt của chủ nghĩa "tự do không dân chủ" như Orban ở Hungary, Kaczynski ở Ba Lan. Tác giả Kauffmann phản bác, cuộc cách mạng 1989 không phải là hồi cuối của lịch sử, mà chỉ mới khởi đầu.
Về chủ nghĩa cộng sản, nhà báo Jean-Christopne Buisson nhắc lại câu của triết gia Jean-Paul Sartre trong thời kỳ trí thức thiên tả ngự trị tại Pháp "Những người chống cộng đều là chó". Nhưng ngày nay, khi biết những gì đã diễn ra sau bức màn sắt, màn tre, cần phải vinh danh những vị tướng bạch vệ, Soljenitsyne, Walesa, các cuộc nổi dậy ở Đông Berlin, Budapest, Praha, Bắc Kinh…trước đây.
"Không Marx, không Jesus, mà là Greta !"
Trên trang Ý kiến của Le Figaro, tác giả Luc Ferry có bài viết mang tựa đề "Không Marx, không Jesus, mà là Greta !". Theo tác giả, nếu Công giáo đang đi xuống - ít nhất là về số lượng, chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ, thì một bộ phận giới trẻ đã tìm ra một "tín ngưỡng" mới, đó là sinh thái, mà cô bé người Thụy Điển Greta Thunberg là đại diện.
"Tôn giáo" mới này dựa trên năm cột trụ : nỗi sợ, sự tìm kiếm hạnh phúc, lòng căm ghét chủ nghĩa tự do kinh tế, tình cảm toàn cầu, và mối ưu tư cho các thế hệ tương lai. Thế nhưng tác giả cho rằng không phải hỗn hợp này sẽ cứu vãn được hành tinh.
Người ta khóc cho khí hậu nhưng trên mạng xã hội, bằng smartphone và máy tính – những vật dụng công nghệ từ chủ nghĩa tư bản Mỹ, tiêu thụ đất hiếm mà việc sản xuất gây ô nhiễm cho "những ngôi làng ung thư" ở Trung Quốc.
Những người trẻ mặc theo thời trang, tiêu thụ thức uống có cồn, hút thuốc, ăn món burger ở McDo, đi máy bay, dán mắt vào màn hình bốn tiếng đồng hồ mỗi ngày. Và mỗi khi có vấn đề nho nhỏ về sức khỏe lại tìm đến các bệnh viện hiện đại, mà công nghệ có được từ các lãnh vực sáng tạo nhất, dùng thuốc của các hãng bào chế tư nhân giàu có. Tóm lại, họ sống với chủ nghĩa tiêu thụ và tự do tư tưởng của xã hội tư bản, nhưng muốn tỏ ra có lương tâm bằng cách đi theo những ý tưởng cực đoan.
Theo tác giả, chính chủ nghĩa tư bản mới cứu vãn hành tinh chứ không phải "tín ngưỡng xanh" mang màu sắc chính trị. Khi Philips cho ra đời loại bóng đèn LED thay cho đèn dây tóc, khi các nhà sản xuất chế ra xe hơi chạy điện và tìm cách giải quyết vấn đề đất hiếm, họ đã hành động cho Trái Đất nhiều hơn là những cô cậu đi làm cách mạng bằng cách chiếm đóng một trung tâm thương mại.
Thụy My
Cuộc tranh đấu chống luật dẫn độ tại Hồng Kông biến thành phong trào đòi dân chủ với nhiều mục tiêu mới mà cụ thể là tôn trọng dân chủ theo hiệp định 1984. Mặc dù có những hành động bạo lực do một số người biểu tình gây ra trong hai tuần lễ gần đây, phong trào đã bước vào tháng thứ năm với quyết tâm không lay chuyển.
Người biểu tình chống chính quyền Hồng Kông đối mặt với cảnh sát, ngày 20/10/2019. Reuters/Kim Kyung-Hoon
Lòng phẫn nộ lan rộng, phẫn nộ chống chính quyền địa phương, chống bàn tay của Bắc Kinh và chống hành động thô bạo của cảnh sát. Phong trào phản kháng sẽ đi đến đâu ?
RFI đặt câu hỏi với giáo sư Antoine Bondaz, đại học chính trị Paris, chuyên gia Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp.
Tuổi trẻ dấn thân
Sau khi nhượng bộ yêu sách đầu tiên, rút bỏ dự luật dẫn độ, chính quyền Hồng Kông từ chối các yêu sách kế tiếp là trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga phải từ chức, không được chụp mũ người biểu tình là nổi loạn, cảnh sát phải thả hết những người bị bắt, truy tố những cảnh sát viên nổ súng bắn người biểu tình.
Để trấn áp, chính quyền Hồng Kông sử dụng lại luật thời thực dân cấm đeo mặt nạ đi biểu tình. Còn Bắc Kinh cấm xuất khẩu quần áo, vải đen sang Hồng Kông vì đó là đồng phục của người xuống đường.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn đe dọa "đập tan" mọi ý đồ ly khai.
Thế nhưng vì sao phong trào tranh đấu không suy giảm ?
Trước hết, những người tranh đấu là ai, họ muốn gì ? Thông tín viên Vincent Sureau từ Hồng Kông cho biết :
"Các nhóm trẻ có tinh thần tranh đấu rất cao với một guồng máy hoạt động tuy không nói tên nhưng đúng nghĩa là một đoàn thể có tổ chức, có phối hợp. Trên các mạng xã hội, họ gồm những người rất linh hoạt và kiên định vì từ tháng Sáu đến nay phong trào đã giành được một số nhượng bộ từ phía chính quyền nhưng toàn bộ yêu sách chưa thỏa mãn hết.
Do vậy, họ tiếp tục đòi hỏi phần còn lại và tiếp tục tranh đấu một cách triệt để cho đến khi nào thành công".
Trong tinh thần dấn thân này, giới trẻ Hồng Kông bước qua một hình thức tranh đấu mới : phản công vào mục tiêu có chọn lựa, những quán ăn, cửa hiệu của người Hoa lục, tẩy chay hoặc đập phá nhưng không cướp bóc. Họ cho biết "cuộc tranh đấu đã đi khá xa". Không ai còn ở vị thế trung lập : hoặc theo Bắc Kinh chống biểu tình, hoặc theo phong trào dân chủ chống Bắc Kinh. Chính Trung Quốc đã ra tay trước, bắt chẹt các công ty Hồng Kông từ Cathay Pacific cho đến công ty quản lý xe điện ngầm, sa thải nhân viên ủng hộ phong trào chống dẫn độ.
Tuổi trẻ Hồng Kông còn một mục tiêu cụ thể và gần gũi nữa : chống thái độ thụ động của chính quyền Hồng Kông mà nhiệm vụ lẽ ra là phải tích cực bảo vệ dân thay vì tuân lệnh Bắc Kinh.
Theo chuyên gia Antoine Bondaz, cần nhìn lại lịch sử của phong trào phản kháng, với hai điểm mốc quan trọng có thắng có bại, sẽ hiểu vì sao có tình trạng quyết liệt ngày nay :
"Đầu năm 2014 xuất hiện phong trào học sinh tranh đấu đầu tiên trong đó có nhóm Hoàng Chi Phong. Mục tiêu của phong trào này là chống lại một đạo luật mới về giáo dục, đưa vào chương trình môn học "lòng ái quốc". Ái quốc theo nghĩa yêu Bắc Kinh. Chiến dịch kéo dài nhiều tuần lễ và cuối cùng phong trào học sinh chiến thắng bởi vì trưởng đặc khu Hồng Kông lúc đó là Lương Chấn Anh quyết định không áp dụng đạo luật gây chống đối đó.
Từ chiến thắng này, phong trào Dù Vàng lan rộng ra với mục tiêu tranh đấu bảo vệ dân chủ và nhất là kêu gọi thực thi quyền bầu cử, ứng cử tự do, theo lối phổ thông đầu phiếu. Vào thời điểm đó, chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh không nhượng bộ nữa.
Cuối cùng chiến dịch chiếm đóng trung tâm thành phố bị thất bại. Trong bốn năm kế tiếp, phong trào tranh đấu giảm xuống nhưng trái lại, Bắc Kinh siết lại dần dần các quyền tự do của Hồng Kông. Cụ thể là cấm một số đảng chính trị, cấm một số nhà hoạt động ứng cử và bắt cóc kẻ trước người sau, 5 nhân viên và chủ nhân một nhà xuất bản sách phê phán Tập Cận Bình và đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Những thủ đoạn này của Bắc Kinh đưa đến hệ quả là năm 2019, một phong trào nổi dậy chống luật dẫn độ, bắt công dân Hồng Kông, nơi có luật pháp riêng, đem qua tòa án ở Hoa lục xét xử.
Tại sao dự luật này bị đông đảo dân chúng phản đối và huy động người dân xuống đường ?
Bởi vì, thứ nhất, dự luật này tấn công thẳng vào một nét đặc thù của Hồng Kông mà Trung Quốc không có : đó là Nhà nước thượng tôn pháp luật. Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa Hồng Kông và chế độ cộng sản Hoa lục.
Lý do thứ hai, dự luật dẫn độ ,nếu được áp dụng, có thể liên quan đến mọi người, dù là du khách đi thăm Trung Quốc hay doanh nhân buôn bán với Hoa lục. Đây là giọt nước làm tràn ly đầy, dân Hồng Kông xuống đường hàng triệu người là do vậy".
Đối sách của Trung Quốc : hù dọa tinh thần và mượn tay côn đồ
Không ít nhà quan sát lo ngại Trung Quốc sẽ dùng biện pháp mạnh như đã cho quân đội tiêu diệt cuộc tranh đấu chống tham ô và đòi dân chủ của sinh viên và công nhân Trung Quốc trong phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh 1989 ở quảng trường Thiên An Môn.
Người dân Hồng Kông ý thức rủi ro này nhưng hiện nay họ nghĩ rằng Bắc Kinh còn ở trên mặt trận pháp lý, với dụng ý dùng luật Trung Quốc khủng bố tinh thần dân Hồng Kông. Ít nhất 600 người bị bắt trong năm tháng qua, trong đó có nhiều thiếu niên. Tám nhà hoạt động bị xã hội đen phục kích đánh trọng thương.
Chuyên gia Antoine Bondaz phân tích :
"Cho đến bây giờ, hệ thống luật pháp Hồng Kông hoạt động tương đối độc lập. Nếu luật pháp bị Trung Quốc làm thay đổi, thì hệ thống tư pháp bớt áp dụng luật Hồng Kông. Đó chính là mối lo âu của người dân. Không ít người biểu tình lo ngại khi thấy chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh dùng vũ khí pháp lý để hù dọa, để khủng bố tinh thần.
Cho đến tháng 8, Bắc Kinh tưởng lầm là chiến thuật này sẽ mang lại kết quả. Thực tế là chính quyền Hồng Kông thất bại nặng nề : 75% dân Hồng Kông không tín nhiệm trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Từ năm 1997 đến nay, đây là lần đầu tiên uy tín một trưởng đặc khu bị xuống thấp kỷ lục như vậy.
Hơn thế nữa, cả một loạt định chế từ cảnh sát, tầng lớp chính trị gia và chính quyền hoàn toàn không còn được dân xem trọng. Đây là một vấn đề nghiêm trọng vì có liên quan đến tính chính đáng của bộ máy chính quyền và vai trò của đặc khu trưởng".
Công cụ đàn áp : cảnh sát
Cảnh sát Hồng Kông bị dân khinh ghét là một nỗi đau của nhiều người. Họ có phải là dân Hồng Kông hay an ninh Trung Quốc tăng cường. Công luận nghi ngờ nhưng chưa có bằng chứng. Điều chắc chắn là cảnh sát Hồng Kông đã để yên cho côn đồ xã hội đen Hoa lục tấn công người biểu tình trên đường về nhà. Một sĩ quan cảnh sát về hưu than thở : "Tại sao phải đánh người biểu tình sau khi đã bắt họ ? Đánh để làm gì ? Đạo đức nghề nghiệp ở đâu ?"
Hệ quả là mỗi cuối tuần là có xung đột, ném bom xăng vào đồn cảnh sát, nhất là để trừng phạt hành động thô bạo ngày hôm trước.
Antoine Bondaz nhận định :
"Tôi nghĩ có thể nói một cách tương đối khách quan là cảnh sát Hồng Kông đã nhúng tay vào bạo lực mà dân Hồng Kông gọi là Khủng bố trắng theo nghĩa hù dọa tinh thần cha mẹ học sinh để họ khuyên con cái ngưng tranh đấu.
Từ một lực lượng được xem là "gương mẫu" nhất Châu Á, được đào tạo theo khuôn mẫu cảnh sát Anh, bảo vệ trật tự, tôn trọng phẩm giá con người , lịch sự với dân, cảnh sát Hồng Kông biến thành một lực lượng trấn áp. Một đoàn biểu tình đang tuần hành một cách ôn hoà đến một đoạn đường thì bị chận lại. Cảnh sát căng hàng ngang bảo dân quay trở lại. Dân quay lui, đi thêm một đoạn thì bị một toán cảnh sát khác chặn lại, bảo không được đi tiếp, phải quay lui. Thế là ở khúc giữa bị dồn cục, không biết phải đi ngã nào. Đã không làm nhiệm vụ hướng dẫn mà còn cố tình làm dân chúng hoang mang, không rõ là có cố ý hay không, nhưng rõ ràng là cảnh sát Hồng Kông có hành động thiếu chuyên nghiệp, làm người dân hoang mang để ghi hình phục vụ cho tuyên truyền của chính quyền".
Cũng theo chuyên gia Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Pháp, Bắc Kinh nói một đường làm một nẻo. Đảng Cộng Sản Trung Quốc không hề có ý định tôn trọng thỏa thuận ký với Luân Đôn năm 1984, để cho Hồng Kông tự trị đến năm 2047 rồi sáp nhập.
Công thức "nhất quốc lưỡng chế" mất dần ý nghĩa từng ngày, theo mưu tính của Bắc Kinh, tức là siết dần dần các quyền tự do để đến năm 2047, Hồng Kông cũng không khác gì Hoa lục.
Thế nhưng, một lần nữa, Bắc Kinh tính lầm vì xem thường quyết tâm của giới trẻ Hồng Kông. Thế hệ trẻ đã quen cuộc sống tự do cho nên họ âu lo cho tương lai của chính họ và thế hệ con cái sau này. Do vậy, các yêu sách đòi Trung Quốc tôn trọng tự do và dân chủ là những điều kiện không thể đàm phán, không thể thỏa hiệp.
Xét cho cùng, theo Antoine Bondaz, người dân Hồng Kông đâu có đòi hỏi gì xa xôi hay quá đáng. Họ chỉ mong Trung Quốc giữ lời hứa «nhất quốc lưỡng chế" từ nay đến 2047.
Tranh đấu là một hình thức đánh động quốc tế và nhờ quốc tế gây sức ép với Bắc Kinh. Nhà phân tích Dominique Moisi, cố vấn đặc biệt của Trung Tâm Quan Hệ Quốc Tế Pháp, mô tả phong trào tranh đấu Hồng Kông là "ngọn gió căm phẫn còn tự chủ".
Tú Anh
Nguồn : RFI, 24/10/2019
Hồng Kông : Lần đầu tiên cảnh sát chính thức lên tiếng xin lỗi (RFI, 22/10/2019)
Lần đầu tiên kể từ tháng 06/2019, cảnh sát Hồng Kông chính thức lên tiếng xin lỗi, hôm 20/10/2019, nhưng không phải về các biện pháp bạo lực nhắm vào người biểu tình, mà vì đã xịt sơn xanh vào một đền thờ Hồi Giáo trong đợt trấn áp người biểu tình Chủ Nhật 20/10.
Cảnh sát Hồng Kông dùng vòi rồng để giải tán người biểu tình. Reuters/ANUSHREE FADNAVIS
Ông Cheuk Hau Yip, chỉ huy cấp vùng của lực lượng cảnh sát ở quận Cửu Long (Kowloon), khẳng định trước báo giới : "Ngay sau sự cố, đại diện ngành cảnh sát đã thành thật gửi lời xin lỗi đến vị giáo chủ chính, cũng như các lãnh đạo cộng đồng Hồi Giáo".
Trước đó, trong thông cáo ngày 20/10, cảnh sát khẳng định đền thờ Hồi Giáo lớn nhất Hồng Kông bị xịt sơn là do vô tình, song không xin lỗi.
Theo AFP, lãnh đạo đền thờ Hồi Giáo đã chấp nhận lời xin lỗi từ phía cảnh sát, cũng như của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) trong chuyến thăm đền hôm 21/10.
Đền thờ Hồi Giáo ở Cửu Long được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX để phục vụ quân nhân theo đạo Hồi của Ấn Độ bị Anh đô hộ. Được tái thiết vào đầu những năm 1980, đền thờ trở thành một trung tâm quan trọng của cộng đồng người Hồi Giáo Hồng Kông, hiện có khoảng 300.000 tín đồ.
Thu Hằng
*****************
Chính quyền Hồng Kông khó có giải pháp cho khủng hoảng (21/10/2019)
Cuộc khủng hoảng xã hội tại Hồng Kông sắp bước qua tháng thứ năm. Trưởng đặc khu hành chính vật vã tìm kiếm một lối thoát. Một số chuyên gia cho rằng khó khăn này xuất phát từ việc chính quyền chính quyền Hồng Kông không có quyền lực thật sự cũng như là các kinh nghiệm cần thiết để chấm dứt.
Người biểu tình chống chính quyền Hồng Kông đối mặt với cảnh sát, ngày 20/10/2019. Reuters/Kim Kyung-Hoon
Bùng nổ vào tháng Sáu, các cuộc biểu tình tại Hồng Kông cho đến lúc này chưa cho thấy có dấu hiệu suy giảm và gần như là chuyện thường nhật. Bạo lực gia tăng mức độ từ cả hai phía người biểu tình và cảnh sát. Họ phản đối quyền tự do ngày càng bị hạn hẹp và sự can dự ngày càng lớn từ phía Bắc Kinh. Và dự luật dẫn độ như là ngòi thuốc nổ làm bùng lên những "ấm ức" từ khi phong trào Dù Vàng đòi dân chủ bị dập tắt.
Thế nhưng, mọi giải pháp do bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, trưởng đặc khu hành chính đề ra đều không thể hạ nhiệt cơn phẫn nộ của người biểu tình. Việc chính quyền Hồng Kông dùng đến một đạo luật có từ thời thuộc địa Anh Quốc cấm biểu tình đeo mặt nạ còn gây ra những vụ đập phá dữ dội hơn chưa từng có, làm tê liệt một phần lớn thành phố.
Nhận định về sự bất lực thực sự của chính quyền Hồng Kông trước phong trào phản đối, ông Ben Bland, giám đốc bộ phận Đông Nam Á, thuộc Lowy Institute, nói với AFP rằng đó là vì "chính quyền Hồng Kông đang có vấn đề về tính chính đáng". Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga không do dân bầu lên mà được một ủy ban bầu cử gồm 1.200 thành viên, đa phần thân Bắc Kinh chỉ định.
Trong một đoạn ghi âm, mà nội dung đã bị rò rỉ hồi tháng 09/2019, trưởng đặc khu hành chính giải thích rằng bà phải phục vụ "hai chủ nhân" : Bắc Kinh và Hồng Kông, nên phạm vi hoạt động để có thể giải quyết khủng hoảng rất "hạn hẹp".
Do vậy vẫn theo ông Bland, "vì chính quyền Hồng Kông không có tính chính đáng và các thẩm quyền chính trị mà các cuộc bầu cử tự do trao cho, nên giới chức Hồng Kông rõ ràng là gặp khó khăn trong việc điều hành".
Còn theo ông Jeffrey A. Bader, nhà nghiên cứu tại Brookings Institution từng nhận định rằng hệ thống chính trị mà Anh Quốc trao lại cho Bắc Kinh năm 1997 chỉ làm cho người dân thêm lo lắng, không tin rằng "những mối bận tâm của họ có thể sẽ được một chính quyền hiệu quả hay có trách nhiệm xử lý, vì người dân xem chính quyền này hoàn toàn thần phục Bắc Kinh".
Nhìn từ Trung Quốc, làn sóng phản đối này là một điều sỉ nhục không thể chấp nhận, thậm chí không thể chịu được. Bắc Kinh nhiều lần lên án đó là âm mưu của phương Tây nhằm áp đặt bằng sức mạnh nền dân chủ tại vùng lãnh thổ tự trị.
Nếu Bắc Kinh ra tay can thiệp trực tiếp vào Hồng Kông, hành động này có nguy cơ ảnh hưởng nặng nề đến hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế. Còn nếu phó mặc cho bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga tự xoay sở, không đưa ra giải pháp nào khác ngoài việc ra lệnh trấn áp người biểu tình, thì tình trạng này sẽ gây chia rẽ thêm giữa người biểu tình ôn hòa với những kẻ cực đoan.
Trong bài xã luận trên báo Les Echos, ngày 21/10/2019, nhà báo Dominique Moisi nhận định, Trung Quốc sẽ phải trả giá cho chiến lược nói trên. Nếu Bắc Kinh cứ để cho tình hình tại Hồng Kông ngày thêm xấu đi, tìm cách xóa bỏ quy chế "một đất nước hai chế độ", thì điều này chỉ giúp củng cố thêm vị thế các thị trường chứng khoán Châu Âu và bất lợi cho thị trường Hồng Kông. Chẳng lẽ Tập Cận Bình lại muốn như vậy.
Minh Anh
*****************
Lãnh đạo Hồng Kông xin lỗi vì vụ xịt vòi rồng vào đền thờ Hồi giáo (RFI, 21/10/2019)
Trưởng đặc khu Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) hôm nay 21/10/2019 đến thăm một đền thờ Hồi giáo và ngỏ lời xin lỗi về việc cảnh sát đã dùng vòi rồng tấn công hôm qua.
Bàn Lâm Trịnh Nguyệt Nga (giữa) gặp gỡ để xin lỗi các chức sắc Hồi giáo tại đền thờ ở Cửu Long ngày 21/10/2019. Reuters
Lối vào đền thờ Hồi giáo lớn nhất Hồng Kông nằm ở bán đảo Cửu Long (Kowloon), hôm Chủ Nhật đã bị xe cảnh sát xịt nước màu xanh pha lẫn với một hóa chất làm phỏng da. Thứ nước này nhằm nhận diện người biểu tình, nhưng khiến cho đường phố và các tòa nhà bị nhuộm màu xanh da trời.
Các hình ảnh video cho thấy một xe cảnh sát dừng lại bên ngoài đền thờ vào lúc lực lượng an ninh đang xung đột với người biểu tình. Vòi rồng được phun vào năm, sáu nhà báo và những người đang tập hợp trước đền thờ này đến hai lần, và lối vào cũng như các bậc thềm bị nước vòi rồng nhuộm thành màu xanh.
Trong thông cáo hôm qua, cảnh sát nhìn nhận đã tấn công nhầm vào đền thờ Hồi giáo nhưng không xin lỗi. Hôm nay bà Lâm và cảnh sát trưởng Lư Vĩ Thông (Stephen Lo) đến thăm khoảng 20 phút cùng với lực lượng bảo vệ hùng hậu, nhưng không tuyên bố gì với báo chí. AP và AFP dẫn lời các đại diện đền thờ cho biết chính quyền Hồng Kông đã xin lỗi, và họ đã chấp nhận.
Đền thờ Hồi giáo ở Cửu Long được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 để phục vụ các quân nhân theo đạo Hồi của Ấn Độ đang bị Anh đô hộ. Được tái thiết vào đầu thập niên 80, địa điểm này trở thành nơi thờ tự quan trọng của cộng đồng người Hồi giáo Hồng Kông, được ước tính có khoảng 300.000 tín đồ.
Các vụ đụng độ với người biểu tình đã diễn ra suốt đêm hôm qua, báo chí tố cáo một số phóng viên đã bị cảnh sát cố tình tấn công bằng vòi rồng, ngay cả khi xung quanh không có người biểu tình nào. Chiều nay (21/10) những người phản kháng dự kiến tổ chức một cuộc biểu tình ngồi tại một nhà ga ngoại ô, đúng ba tháng sau vụ các băng xã hội đen dùng gậy sắt đánh đập dã man những người xuống đường ôn hòa tại đây. Công ty đường sắt Hồng Kông loan báo sẽ đóng cửa nhà ga này vào đầu giờ chiều để ngăn cản cuộc biểu tình.
Giải Nobel Hòa bình cho cảnh sát Hồng Kông ?
Vài ngày sau khi một dân biểu Na Uy đề nghị tặng thưởng Nobel Hòa bình 2020 cho người dân Hồng Kông, một nhóm thân Bắc Kinh mang tên Politihk Social Strategic (Hương Cảng Chính Nghiên Hội) đã đòi hỏi tặng giải thưởng cao quý này cho cảnh sát Hồng Kông. Thủ lãnh nhóm là Đặng Đức Thành (Tang Takshing) nói với Global Times, sẽ đòi hỏi Nghị Viện Hồng Kông đưa ra đề nghị này trước cuối tháng Giêng sang năm.
Trang web Hong Kong Free Press khi đưa lại tin trên đã kể ra : trong mùa hè vừa qua cảnh sát Hồng Kông đã bắn ra trên 3.000 phát súng hơi cay, 3 vụ bắn đạn thật, 600 phát đạn cao su. Một báo cáo của Amnesty International tháng trước tố cáo cảnh sát Hồng Kông sử dụng các chiến thuật vô trách nhiệm, trả thù thô bạo khiến một số người biểu tình bị gãy xương và xuất huyết nội. Báo cáo dựa trên 38 cuộc phỏng vấn những người bị bắt, y bác sĩ và luật sư, cũng như các video clip, chứng tỏ cảnh sát Hồng Kông đã lạm dụng vũ lực.
Thụy My
Phải chăng Hồng Kông đang sống những ngày tự do cuối cùng ?
Cuộc đình công bất ngờ trong ngành xe lửa Pháp SNCF từ thứ Sáu tuần trước, gây trở ngại đáng kể cho đông đảo người Pháp nhân dịp nghỉ lễ Chư Thánh (Toussaint), là chủ đề được hầu hết các báo hôm 21/10/2019 đưa lên trang nhất. Bên cạnh đó, trở ngại mới trong tiến trình Brexit tại Anh và các cuộc biểu tình rầm rộ của phe đòi độc lập cho vùng Catalunya tại Tây Ban Nha, là hai chủ đề quốc tế được quan tâm.
Cảnh tượng ở một khu phố trong Hồng Kông ngày 21/10/2019. Reuters/Kim Kyung-Hoon
Về Châu Á, rất đáng chú ý là nhận định rất bi quan của giáo sư Dominique Moisi, cố vấn đặc biệt tại Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp Ifri trên báo Les Echos theo đó "Hồng Kông đang sống những ngày tự do cuối cùng".
Mở đầu bài nhận định mang tựa đề "Hồng Kông : Giờ của Trung Quốc sắp điểm", giáo sư Moisi đã đặt ngay câu hỏi : "Phải chăng chúng ta đang sống những ngày cuối cùng của Hồng Kông, với tư cách là một đô thị thế giới nằm tại Châu Á, nơi mà luật pháp vẫn còn ngự trị ? Câu hỏi được đặt ra là vì vùng lãnh thổ tự do đó đang ngày càng cảm thấy tính chất Trung Quốc của mình ít đi, càng lúc càng thấy mình đơn độc trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm duy trì bản sắc của chính mình".
Đối với ông Moisi, chỉ mới đây thội, khi tìm kiếm tự do, sáng tạo, tức là tìm nguồn dưỡng khí, người phương Tây đã đến trú ẩn tại vùng lãnh thổ này, vào dịp cuối tuần, để thoát khỏi bầu không khí "trật tự" ở Singapore hoặc Thượng Hải nơi họ phải làm việc. Ngày nay, thì những công dân giàu có của Hồng Kông tìm cách mở tài khoản ngân hàng ở Singapore.
Trước đây, khi đi phà để đi đến Hồng Kông, người ta thấy mùi Hồng Kông gợi lên mùi của các kênh đào của thành phố ý Venise. Ngày nay, thành phố dường như bị ám mùi khói cay mà cảnh sát tung ra một cách không kềm chế.
Theo giáo sư Moisi, sự gia tăng của bạo lực, sự bất lực của chính quyền Hồng Kông trong việc khôi phục trật tự, sau khi cố tình gieo rắc rối loạn bằng cách mưu toan thay đổi hiện trạng, chẳng phải là khúc dạo đầu cho hành động của Bắc Kinh, dùng võ lực trực tiếp chiếm lại vùng lãnh thổ này hay sao ?
Đối với chuyên gia Pháp, làm sao mà một chế độ chuyên chế như của ông Tập Cận Bình có thể chấp nhận một cuộc nổi dậy, mà với thời gian, đã trở thành một cuộc cách mạng ? Mỗi ngày qua đi là mỗi ngày người dân Hồng Kông có dấu hiệu chế nhạo thêm vị hoàng đế cộng sản cuối cùng bằng cách thách thức tính hợp pháp của chính quyền thành phố.
Tại Bắc Kinh, chính phủ có thể bắn tin cho rằng chỉ có số phận của Đài Loan mới thực sự làm họ lo lắng, nhưng đó chỉ là một động thái lừa bịp. Trung Quốc đang chuẩn bị trả thù khi thời cơ đến. Giờ đây, lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Cộng Hòa Nhân Dân đã trôi qua, thời cơ này đang đến gần mà không ai có thể cưỡng lại.
Đình công ngành hỏa xa, dân Pháp lại nếm mùi khổ sở
Cuộc đình công không báo trước của công nhân đường sắt Pháp đã xuất hiện trên trang nhất, dạng tựa lớn trên ba tờ báo Le Figaro, Les Echos và La Croix, và dưới một tựa đậm nhỏ trên Le Monde.
Dưới hàng tựa : "Đình công tại công ty SNCF : Cú lấn lướt của các công đoàn", tờ báo cánh hữu Pháp Le Figaro không tránh khỏi bất bình hộ cho các hành khách sử dụng xe lửa tại Pháp.
Theo tờ báo, những người này từng tưởng lầm là đã chạm đỉnh khổ sở vào mùa xuân năm ngoái 2018, với chuỗi đình công kéo dài ba tháng của ngành đường sắt. Thế nhưng họ đã lầm. Phát động một cách bất ngờ hôm thứ Sáu tuần trước, cuộc đình công được rất nhiều tài xế xe lửa của công ty hỏa xa SNCF tham gia, đã đẩy biết bao hành khách vào tình cảnh khốn khổ, đúng vào lúc mọi người đổ xô đi nghỉ nhân dịp lễ Chư Thánh.
Nhật báo kinh tế Les Echos cũng dành tựa chính trang nhất cho cuộc đình công, nhưng nhận định rằng đây là tiếng chuông "Báo động về mặt xã hội trước kế hoạch cải tổ hưu bổng". Theo tờ báo, ngày hôm nay, tình trạng lưu thông trên các tuyến đường sắt chính tại Pháp sẽ trở lại bình thường.
Les Echos ghi nhận là sau khi đình công bộc phát, nhiều công đoàn đã cố gắng thuyết phục những người tham gia là nên làm việc trở lại vì biết rằng cuộc đình công này hết sức mất lòng dân, đặc biệt là đối với tầng lớp bình dân vì hầu như tất cả các tuyến xe lửa giá hạ đều bị hủy bỏ hôm thứ Bảy vừa qua.
Tuy nhiên, dù hoạt động đã trở lại bình thường, nhưng theo một cán bộ công đoàn được tờ báo trích dẫn, cuộc đình công bất ngờ và bất hợp pháp vừa kết thúc là dấu hiệu phản ánh một tâm lý bất bình rộng lớn có thể bùng lên bất cứ lúc nào nếu không được xử lý kịp thời : "Với việc chấm dứt thu nhận tài xế xe lửa theo quy chế độ đặc biệt, kế hoạch cải tổ công ty đường sắt, việc tìm kiếm tiết kiệm bằng cách tinh giản nhân sự, kế hoạch cải tổ các chế độ hưu bổng đặc biệt, khả năng mở rộng ngành đường sắt cho tự do cạnh tranh, tất cả những yếu tố này gộp lại đang trở thành một thùng thuốc nổ".
Quyền dừng việc vì nguy cấp hay đình công trái phép ?
Nhật báo công giáo La Croix cũng cùng quan điểm với Les Echos. Tựa lớn trang nhất tờ báo nêu bật "Một vụ trật đường rầy nhỏ, một nỗi bất bình lớn".
Theo La Croix, nguyên nhân dẫn đến cuộc đình công là một tai nạn xẩy ra với một chuyến tàu địa phương TER, với tài xế là nhân viên duy nhất trên tàu. Việc để cho tài xế một mình chịu trách nhiệm cả con tàu, không có ai phụ giúp, đã bị các công đoàn phê phán, xem đấy là một điều nguy hiểm, không chỉ cho tài xế mà cho cả hành khách. Các công đoàn đã sử dụng "quyền dừng việc khi gặp nguy hiểm" để giải thích quyết định đình công. Chính quyền ngược lại xem đấy là một cuộc đình công bất hợp pháp vì không báo trước.
Đối với La Croix, khi tỏ thái độ cứng rắn, chính quyền có nguy cơ lao vào một cuộc đọ sức mới với giới công nhân hỏa xa, dẫn đến những cuộc đình công có thể làm đất nước tê liệt.
Còn Le Monde chạy tựa một cách khách quan : Đình công bất ngờ nhân ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ (Chư Thánh). Tờ báo ghi nhận tình trạng rối loạn tàu xe nặng nề ở các nhà ga do việc nhân viên đường sắt áp dụng "quyền dừng việc" sau một tai nạn.
Brexit : Boris Johnson chưa đủ tinh ranh
Như nói ở trên, chuyện dài Brexit ở Anh Quốc, tưởng đã đến hồi kết, nhưng lại bị kéo dài thêm, đã thu hút sự chú ý của tất cả các báo.
Nhật báo La Croix đã ghi nhận trong hàng tựa trang quốc tế là "Các dân biểu Anh duy trì sự hoài nghi trên vấn đề Brexit". Việc Hạ Viện Anh từ chối thông qua thỏa thuận, trước khi có được toàn bộ luật áp dụng thỏa thuận quy định việc chia tay với Liên Hiệp Châu Âu sẽ có tác dụng lùi ngày Brexit.
Vấn đề, theo tờ báo, là trong khi chờ đợi, nhiều phong trào chống Brexit mới có khả năng xuất hiện làm tình hình thêm phức tạp
La Croix đã giành bài xã luận cho hồ sơ Brexit, cho rằng thủ tướng Anh Boris Johnson "Tinh ranh nhưng chưa đủ mức", và hệ quả là đã lãnh thêm một cái tát tai mới vào hôm thứ Bảy vừa qua.
Bị vố đau mới đó, để thoát ra khỏi bế tắc trong hồ sơ Brexit, thủ tướng Anh một lần nữa sẽ lại phải dựa vào lòng nhân từ của giới lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu, và câu hỏi đặt ra là liệu họ sẽ cho Anh Quốc thêm một thời hạn hay không ?
Thủ tướng Anh thì vẫn cứng giọng cho rằng ông không cần đến điều đó, cho rằng ông đủ sức thúc đẩy Hạ Viện xác nhận thỏa thuận trong hạn định.
Đối với La Croix, "những ai đánh cuộc quá đáng trên sự táo bạo thường hay dựa vào các đối tác kiên nhẫn và thông minh hơn. Do vậy, Boris Johnson sẽ có thể lặp lại cách làm lung tung của ông vì người Châu Âu hiện vẫn suy xét hợp lý… Vấn đề là là liệu thái độ kiên nhẫn của Châu Âu có thể kéo dài mãi mãi hay không ?"
Báo Libération cũng ghi nhận thực tế là câu chuyên "Brexit mãi không thấy kết thúc".
Tờ báo không ngần ngại tóm lược "hồi mới nhất của chuyện dài nhiều tập như sau : "Boris Johnson, bị Nghị Viện của ông thúc bách, một mặt xin Bruxelles một thời hạn mới, nhưng một mặt khác vẫn khẳng định rằng Vương Quốc Anh sẽ nhổ neo vào đúng ngày 31/10."
Cataluyna : Phong trào đòi độc lập cực đoan hóa ?
Về tình hình nóng bỏng tại vùng Catalunya ở Tây Ban Nha, các báo Pháp đều ghi nhận xu hướng cực đoan hóa của phong trào đòi độc lập cho vùng lãnh thổ này.
Báo Le Monde đã dành tựa lớn thứ hai trên trang nhất cho tình hình này để nêu bật "Tại Catalunya, một nửa triệu người xuống đường", kèm theo bức ảnh rừng người biểu tình ở Barcelona hôm 18/10/2019 với ở giữa là một lá cờ lớn của vùng Catalunya.
Tờ báo nêu bật sự kiện là ban ngày thì đám đông khổng lồ đã biểu tình một cách ôn hòa, hô vang các khẩu hiệu như "Hãy trả tự do cho các tù nhân chính trị", nhưng khi đêm xuống thì các vụ bạo loạn đã bùng lên, đặc biệt dữ dội.
Đối với Le Monde, "Tại vùng Catalunya, xu hướng đòi độc lập cực đoan đang tổ chức lại", tựa bài phân tích bên trong.
Indonesia : Jokowi làm thế nào để phát huy dân chủ
Như nói ở trên, liên quan đến Châu Á, báo Le Monde đã có bài phân tích về những thách thức đã chờ đón tổng thống Indonesia, Joko Widodo, đã chính thức bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai kể từ hôm qua, 20/10.
Theo Le Monde, 5 năm sắp tới có thể rất phức tạp đối với tổng thống Widodo, được bầu lại vào ngày 17 tháng 4 vừa qua.
Nhiều cuộc biểu tình của sinh viên vào cuối tháng 9 đã phản ánh, đôi khi một cách tàn bạo, tâm trạng bất mãn phổ biến ở quần đảo ngay cả trước khi tổng thống chính thức bắt dầu nhiệm kỳ thứ hai.
Vào thời điểm khó khăn hiện nay, tại Indonesia, nơi mà nền dân chủ sinh động của những năm đầu tiên thoát khỏi chế độ độc tài vào đầu thế kỷ, nhiều lúc đã có dấu hiệu thụt lùi, ngày càng có nhiều người ủng hộ vị tổng thống 58 tuổi đặt nghi vấn về sự chân thành trong các cam kết của ông.
Theo Hiến Pháp, ông Joko Widodo sẽ không được ra ứng cử nhiệm kỳ thứ ba, do đó trong nhiệm kỳ này, ông sẽ được rảnh tay hành động.
Câu hỏi đặt ra là ông sẽ chọn lựa các ưu tiên nào với chủ trương dung hòa giải chủ nghĩa thực dụng kinh tế với nhu cầu bảo vệ các thành tựu dân chủ ? Ở Jakarta, người ta đang tự hỏi về di sản mà tổng thống muốn để lại cho 260 triệu công dân của mình tại đất nước rộng lớn có khả năng trở thành cường quốc kinh tế thế giới thứ tư vào giữa thế kỷ.
Trọng Nghĩa
Hồng Kông : Hơi cay và vòi rồng đối phó biển người biểu tình phẫn nộ (RFI, 20/10/2019)
Cảnh sát Hồng Kông hôm 20/10/2019 dùng hơi cay và vòi rồng để giải tán hàng chục ngàn người đã xuống đường bất chấp lệnh cấm. Người dân phẫn nộ trước việc hai người biểu tình đòi dân chủ bị hành hung dã man trong tuần này.
Người biểu tình tức giận phản đối sau khi bị cảnh sát Hồng Kông xịt hơi cay, ngày 20/10/2019. Reuters/Kim Kyung-Hoon
Chính quyền cấm tụ tập tại Tiêm Sa Chủy (Tsim Sha Tsui), một khu phố rất đông dân có nhiều cửa hàng sang trọng, lấy lý do an ninh. Nhưng trưa nay một biển người đã tràn ngập các đường phố chính của Hồng Kông. Đây là weekend thứ 20 liên tiếp, phong trào phản kháng tiếp tục gây áp lực lên chính quyền đặc khu thân Bắc Kinh.
Cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa cho đến khi những nhóm nhỏ cực đoan mặc đồ màu đen quăng bom xăng vào một đồn cảnh sát, các trạm métro và các ngân hàng Trung Quốc. Cảnh sát bắn hơi cay, dùng vòi rồng phun nước màu xanh trộn với hóa chất làm phỏng da, tấn công đám đông biểu tình tại Nathan Road - một trong những tuyến đường thương mại nhộn nhịp nhất Hồng Kông. Người biểu tình bỏ chạy nhưng những thanh niên cứng rắn nhất vẫn ở lại, nổi lửa ở một số nơi để chận đà tiến của cảnh sát.
Sau khi chính quyền đặc khu cấm biểu tình che mặt vào đầu tháng 10, bạo lực đã nổi lên tại Hồng Kông với nhiều vụ phá hoại nhắm vào các công ty được cho là ủng hộ Trung Quốc. Nhiều người cho biết càng bị đàn áp, họ càng quyết đấu tranh, nhất là sau hai vụ tấn công bạo lực trong tuần này.
Tối qua 19/10, một thanh niên 19 tuổi phân phát truyền đơn kêu gọi biểu tình đã bị thương nặng vì một người lạ mặt đâm loạn xạ vào cổ và bụng một cách tàn nhẫn.
Trước đó vào hôm thứ Tư 16/10, nhà hoạt động Sầm Tử Kiệt (Jimmy Sham), phát ngôn viên Mặt trận Dân quyền Hồng Kông (FCDH) - hiệp hội chủ trương phi bạo lực từng tổ chức những cuộc biểu tình ôn hòa hàng triệu người - đã bị những kẻ vô danh dùng búa tấn công phải nhập viện.
Từ giữa tháng Tám đến nay, có tám khuôn mặt của phong trào dân chủ đã bị những kẻ vô danh ám hại. Đó là những cuộc tấn công có mục tiêu cụ thể, bị người biểu tình tố cáo là "khủng bố trắng", từ các nhóm xã hội đen được Bắc Kinh giựt dây.
Thụy My
**********************
Hồng Kông : Lãnh đạo đặc khu biện minh cho việc cảnh sát dùng vũ lực (RFI, 19/10/2019)
Lãnh đạo đặc khu hành chính Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Carie Lam, hôm 19/10/2019 đã biện minh cho việc cảnh sát sử dụng vũ lực nhắm vào người biểu tình, trong bối cảnh một cuộc biểu tình mới chống chính quyền được tổ chức hôm nay và ngày mai, sau một tuần được coi là khá yên ắng.
Hồng Kông : Biểu tình chống bạo lực cảnh sát. Ảnh ngày 18/10/2019. Reuters/Ammar Awad
Trả lời phỏng vấn trên đài RTHK, lãnh đạo Hồng Kông phát biểu là lực lượng cảnh sát đã buộc phải sử dụng biện pháp vũ lực phù hợp để đối phó với các cuộc biểu tình bạo lực. Theo Reuters, chính quyền Hồng Kông không cho phép dân chúng tập hợp vào ngày Chủ Nhật 20/10, với lý do có nguy cơ xảy ra các vụ người biểu tình đập phá hay xô xát bạo lực.
Trong những tuần qua, nhiều vụ đập phá, phóng hỏa các bến tàu, ngân hàng và cửa hàng, cửa hiệu đã xảy ra. Kể từ khi phong trào phản kháng bùng nổ tại Hồng Kông hồi tháng 06/2019, tổng cộng hơn 2.600 người đã bị bắt giữ. Trong khi đó, những người tham gia phong trào đấu tranh chỉ trích lực lượng cảnh sát đã sử dụng vũ lực một cách thái quá.
Các nghị sĩ Hoa Kỳ kêu gọi Apple khôi phục ứng dụng HKMap tạiHồng Kông
Một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng, trong đó có thượng nghị sĩ Ted Cruz, Ron Wyden và Marco … hôm thứ Sáu 18/10 kêu gọi chủ tịch Tim Cook của tập đoàn Apple cho khôi phục ứng dụng HKMap từng được sử dụng tại Hồng Kông.
Ứng dụng HKMap, vốn giúp người biểu tình Hồng Kông nắm được sự di chuyển của cảnh sát, đã bị Apple gỡ bỏ hồi đầu tháng 10.
Apple cho rằng ứng dụng được người biểu tình sử dụng để theo dõi cảnh sát Hồng Kông. Tập đoàn Mỹ đã thông báo cho điều tra về việc HKMap có thể gây nguy hiểm cho những người thực thi pháp luật và cả công dân Hồng Kông. Việc này khiến Apple bị chỉ trích là nhượng bộ chính quyền Trung Quốc trước sức ép của Bắc Kinh.
Thùy Dương
Theo Le Monde hôm nay 18/10/2019, Đảng cộng sản Trung Quốc không hề có ý định nhượng bộ trước các đòi hỏi dân chủ của người Hồng Kông, và không chịu nhận ra bản chất của cuộc khủng hoảng. Trong bài "Hồng Kông : Điều mà Bắc Kinh không thể hiểu", được Courrier International dịch lại từ báo The Initium tuần này, nhà nghiên cứu Ray Yep Kinman phân tích về ngõ cụt của chính quyền Trung Quốc.
Biểu tình tại Kowloon ngày 02/10/2019 phản đối việc bắt giữ 96 người tham gia xuống đường tại Hồng Kông. Reuters/Athit Perawongmetha
Thủ phạm của khủng hoảng Hồng Kông chỉ là vấn đề nhà ở ?
Bắc Kinh muốn diễn dịch các sự kiện ở Hồng Kông như một cuộc khủng hoảng xã hội, đặc biệt là khủng hoảng nhà ở, trong một thành phố có giá một mét vuông nhà thuộc loại đắt đỏ nhất thế giới. Và nếu phải tìm ra các thủ phạm cho chủ đề này, thì đó là bốn đại gia địa ốc – có nghĩa là giới địa chủ mà Mao từng cho đấu tố vào thời trước.
Tại Hồng Kông, bốn gia tộc lớn sở hữu đa số các bất động sản nhà ở và thương mại là gia đình Quách Đắc Thắng (Kwok Takseng) với tập đoàn Tân Hồng Cơ (Sun Hung Kai), tỉ phú Lý Gia Thành (Li Kashing) với CK Hutchinson, tập đoàn Henderson của Lý Triệu Cơ (Lee Shaukee) và tập đoàn New World của gia đình Trịnh Dụ Đồng (Cheng Yutung). Trong khi đó phân nửa dân số Hồng Kông ở nhà thuê. Các tỉ phú này giờ đây phải chống chọi với những chỉ trích của báo chí Hoa lục và dư luận viên, dù họ đã cố thu mình lại ngay từ đầu phong trào phản kháng.
Nhưng theo ông Kinman, chính Đảng cộng sản Trung Quốc đã gây ra thảm họa trong thời gian khoảng 100 ngày vừa qua, khi sử dụng một chiến lược làm thiệt hại nặng nề cho nguyên tắc "nhất quốc lưỡng chế" (Một đất nước, hai chế độ). Bắc Kinh tìm cách bôi xấu người dân Hồng Kông, gây ra căng thẳng giữa dân Hoa lục và đặc khu. Và thay vì bảo đảm cơ chế thị trường như đã cam kết, chính quyền Trung Quốc lại tấn công vào những căn bản của hệ thống tư bản Hồng Kông.
Chính Bắc Kinh làm lung lay nguyên tắc "Một đất nước, hai chế độ"
Từ đầu tháng Bảy, Bắc Kinh cố gắng bóp nghẹt công luận Hồng Kông, gây áp lực lên các đại công ty để họ ngăn cản nhân viên ủng hộ phong trào phản kháng. Hãng hàng không Cathay Pacific là đích nhắm đấu tiên, tiếp đến là MTR, công ty quản lý hệ thống xe điện ngầm Hồng Kông bị yêu cầu đóng cửa métro để người dân không thể đi biểu tình. Nền kinh tế Hồng Kông chừng như bắt đầu giống với Hoa lục, nơi sinh mệnh của một công ty không tùy thuộc vào hiệu quả hoạt động, mà là khả năng chiều theo những đòi hỏi của chính quyền.
Theo nhà nghiên cứu, lẽ ra trước một tình hình trầm trọng như thế, ê-kíp lãnh đạo Hồng Kông phải được thay đổi hẳn, và trưởng đặc khu phải từ chức. Tuy nhiên họ vẫn khẳng định sẽ tại vị cho đến hết nhiệm kỳ. Cách giải thích duy nhất là Bắc Kinh đã quyết định mọi thứ, đơn giản hóa vấn đề bằng cách lý giải là có bàn tay của "thế lực thù địch".
Liệu Bắc Kinh có từ bỏ nguyên tắc "Một đất nước, hai chế độ" ? Giả thiết này hoàn toàn là ảo tưởng. "Nhất quốc, lưỡng chế" đã được ghi vào điều lệ Đảng, luôn được coi là sáng kiến tuyệt vời của Đặng Tiểu Bình, và hiện nay vẫn là cơ sở để chiêu dụ Đài Loan. Nếu nguyên tắc này chết yểu, thì những nỗ lực của nhiều thế hệ lãnh đạo để khiến quốc tế công nhận Hồng Kông, Macao, Đài Loan đều là lãnh thổ Trung Quốc, sẽ trở thành công cốc.
Tính chất quốc tế và tự trị của Hồng Kông
Từ xưa đến nay, mỗi lần xảy ra xung đột giữa Hồng Kông và đại lục, thì Đảng cộng sản đều siết chặt gọng kềm. Tuy nhiên sau hơn 100 ngày biểu tình liên miên, họ đã nhận ra rằng Hồng Kông không còn như xưa nữa. Người Hồng Kông tỏ ra quyết tâm hơn bao giờ hết. Hàng triệu công dân đã đối đầu với bạo quyền bằng vô vàn sáng kiến và lòng kiên nhẫn đáng khâm phục, mỗi người góp phần nhỏ bé của mình vào phong trào. Trước sự dấn thân hết mình của mọi thế hệ, mọi tầng lớp dân chúng ở Hồng Kông, Đảng cộng sản biết rằng khó thể đàn áp nổi.
Theo nhà nghiên cứu trên, trước hết Bắc Kinh phải ý thức được tính chất quốc tế của Hồng Kông. Trung tâm tài chính thế giới này rất quan trọng cho việc thu hút vốn đầu tư và quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, thế nhưng tất cả đều dựa trên sự tôn trọng Nhà nước pháp quyền, tự do thông tin, tôn trọng quyền sở hữu và quan hệ với nhiều quốc gia trên thế giới. Nhờ đồng cảm, các doanh nhân và chuyên gia quốc tế mới đến sống và làm việc tại Hồng Kông. Trong mối quan hệ chồng chéo này, chỉ cần rút đi một sợi dây là cả hệ thống rung chuyển, vai trò một thành phố quốc tế bị sút giảm.
Chính quyền Trung Quốc còn đánh giá sai lầm về quan hệ của các nhà lãnh đạo Hồng Kông trước đây với Luân Đôn. Trong lịch sử 150 năm thuộc địa, các viên toàn quyền Hồng Kông thường chống lại Anh quốc để bảo vệ lợi ích của người dân tại chỗ. Hoặc là họ câu giờ, báo cáo sai lạc, đặt Luân Đôn trước việc đã rồi, hoặc chơi trò nước đôi, thậm chí ra mặt chống đối. Trong thập niên 60-70, chính quyền Hồng Kông thời đó xung khắc với Luân Đôn về việc hạ giá đồng bảng Anh, quota hàng dệt may, và cả chi phí cho quân đội Anh trú đóng. Họ không phải là bù nhìn như chính quyền hiện nay.
Mang dòng máu Hoa thì đương nhiên là người Trung Quốc ?
Đặc biệt Bắc Kinh cần xem lại quan điểm về bản sắc dân tộc. Họ cho rằng người dân Hồng Kông "có dòng máu Hoa trong huyết quản, da vàng, tóc đen, nói và viết tiếng Hoa" nên đương nhiên là người Trung Quốc. Tuy nhiên bản sắc quốc gia phản ánh một sự chọn lựa sau thời gian dài cân nhắc, chứ không chỉ dựa trên các tiêu chí ngoại hình và văn hóa ; nếu dùng vũ lực để cưỡng bức chỉ gây phản tác dụng.
Đối với người Hồng Kông, "chủ nghĩa ái quốc" đang được Bắc Kinh đề cao, có đại diện là những người như Hà Quân Nghiêu (Junius Ho), dân biểu thân Bắc Kinh bị căm ghét vì thái độ cực kỳ khiêu khích ; hoặc các thành viên của hội đồng hương Phúc Kiến, là những kẻ mặc áo trắng đã dùng gậy sắt chận đánh dã man người biểu tình. Có cư dân Hồng Kông nào muốn con cái họ trở thành những người như thế ?
Sau "mùa hè tự do" vừa qua, người Hồng Kông quyết tâm muốn được đối xử bình đẳng. Phong trào chủ yếu nhắm vào chính quyền Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) và lực lượng cảnh sát, nhưng nay hiện có hai khuynh hướng : tự trị và ly khai. Xu hướng thứ hai đang lan rộng trong giới trẻ với câu khẩu hiệu "Quang phục Hương Cảng", muốn lật đổ tất cả để lập nên một trật tự mới.
Nobel Hòa bình cho Hồng Kông ? Lại là "thế lực thù địch" !
Bắc Kinh cần phải hiểu rằng trái tim của hàng triệu người Hồng Kông không thể được chinh phục bằng viễn cảnh phồn vinh vật chất và đại cường thế giới – lý lẽ rất thuyết phục ở Hoa lục. Tất nhiên đòi hỏi Trung Quốc tôn trọng các giá trị phổ quát sẽ là ảo tưởng, nhưng nếu muốn tiếp tục ngân nga điệp khúc "Một đất nước, hai chế độ", Bắc Kinh phải tìm kiếm sự ủng hộ của những người chịu thỏa hiệp với chính quyền trung ương để duy trì quyền tự trị của đặc khu, như lời hứa lúc trao trả.
Nhưng liệu chính quyền Trung Quốc vốn ngạo mạn, có chịu hiểu thấu khát vọng dân chủ của người dân Hồng Kông, mà theo họ là "những đứa trẻ trái tính được nuông chiều" ?
Những người dân Hoa lục đã thoát khỏi đói nghèo, có thể hài lòng khi nay được cơm no áo ấm, chấp nhận sự khống chế của chính quyền. Nhưng người Hồng Kông sau 150 năm sống dưới chế độ dân chủ, nay kiên quyết bảo vệ các quyền tự do mà lâu nay họ vẫn được thụ hưởng.
Hôm 17/10/2019, Bắc Kinh tố cáo đề xuất của một dân biểu Na Uy - tặng thưởng Nobel Hòa bình 2020 cho "người dân Hồng Kông" - là "can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc". Một chính thể độc tài khó thể hiểu được vì sao sống ở một vùng đất có GDP thuộc loại cao nhất thế giới, hơn gấp nhiều lần Hoa lục, mà người dân cứ vẫn đòi hỏi những khái niệm "xa vời" như tự do dân chủ. Nhất định phải có một "thế lực thù địch" nào đó giựt dây : Mỹ, Anh, Pháp… và bây giờ là Na Uy !
Thụy My
Nguồn : RFI, 20/10/2019
Ngôi sao quá cố gốc Hong Kong Lý Tiểu Long lúc sinh thời từng nói về bí quyết để giành phần thắng trong mỗi trận đấu : "Đừng để tâm trí vướng bận gì, hãy vô hình, vô dạng – giống như nước vậy.
Lý Tiểu Long lúc sinh thời từng nói về bí quyết để giành phần thắng trong mỗi trận đấu : "Đừng để tâm trí vướng bận gì, hãy vô hình, vô dạng – giống như nước vậy
"Bạn bỏ nước vào chén, nó thành cái chén. Bạn bỏ nước vào chai nó thành cái chai. Bạn bỏ nước và ấm trà nó thành ấm trà.
"Nước có thể chảy, có thể trườn tới, có thể nhỏ giọt hay có thể nghiền nát. Hãy như nước bạn ạ".
Gần 50 năm sau khi Lý Tiểu Long nói những lời này, hàng triệu người Hong Kong đang dùng đúng phương châm ‘hãy như nước’ trong cuộc đấu tranh đòi tự do suốt năm tháng qua.
Phương châm này được hai cựu sinh viên thạc sỹ học ngành Truyền thông Chính trị tại trường Goldsmiths, University of London trình bày rõ ràng hơn trong buổi thuyết trình hôm 16/10.
Hai sinh viên vừa tốt nghiệp, Janet Lui và Siushan Cheng, cũng tham gia các cuộc biểu tình kéo dài từ tháng sáu tới nay và nói rằng những đợt xuống đường thực sự không có thủ lĩnh nhưng được dẫn dắt bởi phương châm luôn bình thản, đổi mới và sáng tạo trong cách hành động.
Hai cô nói hầu hết người biểu tình đều chủ động suy nghĩ xem phải làm gì và làm như thế nào khi xuống đường.
"Điều căn bản là mọi người ủng hộ cuộc đấu tranh trong mọi tình huống và làm tất cả những gì có thể, dù là bằng cách thức ôn hoà hay quyết liệt", cô Janet Lui nói tại buổi thuyết trình.
Một ví dụ được đưa ra là cách tổ chức sự kiện hàng vạn người nắm tay nhau tạo ra chuỗi người dài 40km để ủng hộ cuộc đấu tranh đòi tự do và dân chủ hồi tháng Tám.
Những người tham gia dùng chức năng bỏ phiếu của mạng xã hội Telegram để chọn địa điểm diễn ra sự kiện, làm video để quảng cáo rồi cập nhật từng phút khi sự kiện diễn ra tại những nơi họ có mặt.
Một ví dụ khác là chuyện 20.000 người đã tình nguyện đóng góp tổng cộng 1,5 triệu đô la để chạy quảng cáo trên gần 20 báo quốc tế tại trên 10 nước nhân hội nghị thượng đỉnh của 20 nền kinh tế lớn trên thế giới ở Nhật Bản hồi tháng Sáu. Cô Siushan Cheng nói thông điệp chính của các quảng cáo là những gì mà Trung Quốc làm ở Hong Kong ngày hôm nay cũng chính là những gì họ sẽ làm ở các nơi khác trên thế giới về sau này.
Hai thạc sỹ nói các cuộc phản kháng trong hơn 130 ngày qua được sự ủng hộ đông đảo nhất của giới trẻ ở độ tuổi 20-30, những người sẽ thấy ngày Hong Kong hoàn toàn thuộc về Trung Quốc vào năm 2047. Đó chính là năm mà thoả thuận giữa Anh và Trung Quốc để Hong Kong được tự do trong 50 năm sẽ không còn hiệu lực.
Nhưng cũng có những cuộc ‘Tuần hành Đầu Bạc’ của những người ở độ tuổi 70-80. Họ xuống đường ủng hộ giới trẻ và làm trung gian hoà giải giữa thanh niên đi biểu tình và cảnh sát.
Trước câu hỏi vì sao những người biểu tình sẵn hàng làm ảnh hưởng tới kinh tế của Hong Kong, vốn là thế mạnh của hòn đảo này, hai cựu sinh viên của Goldsmiths, University of London nói nên hỏi người đứng đầu Hong Kong, Carrie Lam, tại sao bà lại phản ứng chậm chạp và có những hành động đổ thêm dầu vào lửa trong thời gian dài.
Sau nhiều tháng biểu tình và nhiều tình huống bạo lực diễn ra, bà Carrie Lam cuối cùng đã rút lại dự luật dẫn độ người Hong Kong về Trung Quốc, nơi người ta có thể bị bỏ tù cả năm mà không cần xét xử. Nhưng sự chậm trễ của bà đồng nghĩa với việc người biểu tình yêu cầu bà phải từ chức. Họ cũng đòi phải có điều tra về hành vi bạo lực của cảnh sát với những người biểu tình ôn hoà. Họ nói các cuộc xuống đường còn tiếp diễn nếu hai điều này không được chấp nhận.
Nhưng đòi hỏi lớn hơn của giới trẻ Hong Kong là học có quyền bầu cử tự do thực sự. Hiện tại cử tri Hong Kong chỉ có thể bầu lãnh đạo từ vài ứng viên đã được một hội đồng, được cho là do Bắc Kinh kiểm soát, chọn sẵn.
Họ cũng chỉ được tự do bầu ra một nửa trong số 70 ghế của cơ quan lập pháp. Nửa còn lại do các ngành nghề và hội đồng địa phương, vốn chỉ chiếm chưa tới 10% dân số, chọn ra.
Đây được cho là cách mà Trung Quốc dùng để thao túng chính trường Hong Kong.
Hai cựu sinh viên người Hong Kong nói xã hội dân sự tại hòn đảo này ngày càng lớn mạnh trước chính sách cứng tay của Bắc Kinh. Người dân cũng "thức tỉnh" và nhận ra rằng "nếu không phải mình thì ai" và "nếu không phải là bây giờ thì tới bao giờ" mới đến lúc xuống đường đòi tự do.
Hai cô cũng nói người dân Hong Kong muốn tự do 100% chứ không muốn tự do kiểu Bắc Kinh muốn ban cho. Khi nắm tay nhau tạo ra chuỗi người kéo dài hàng chục cây số, họ có ý nhắc lại sự kiện hai triệu người nắm tay nhau dọc ba nước Estonia, Latvia và Lítva 30 năm về trước, vốn nằm trong chuỗi sự kiện khiến Liên Xô sụp đổ.
Hai thạc sỹ truyền thông chính trị nói thêm có tới một nửa người biểu tình được hỏi ý kiến nói rằng họ không còn tin vào cảnh sát và cũng không tin biểu tình ôn hoà sẽ đạt được kết quả.
Nếu còn sống, Lý Tiểu Long năm nay đang ở tuổi 79 và không loại trừ khả năng ông sẽ tham gia nhóm ‘Tuần hành Đầu Bạc’ để ủng hộ giới trẻ. Còn những người trẻ tuổi có lẽ nghĩ rằng giai đoạn họ là nước tuôn chảy, trườn tới hay nhỏ giọt đã qua. Nhiều người nghĩ rằng cần phải nghiền nát sự tàn bạo chính trị vốn đang tước đi các quyền tự do căn bản trong đó có tự do bỏ phiếu và tự do ngôn luận. Đó là lý do họ viết lên tường khẩu hiệu : "Khi độc tài hiện hữu, cách mạng là nghĩa vụ của chúng ta".
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 17/10/2019
Người biểu tình Hong Kong kêu gọi chế tài từ Mỹ (VOA, 16/10/2019)
Các nhà hoạt động cổ súy dân chủ cho Hong Kong thúc giục Quốc hội Mỹ thông qua một dự luật nhân quyền qua đó có thể áp đặt chế tài thương mại lên trung tâm tài chính quốc tế này, một biện pháp mà những người chỉ trích cho rằng lợi bất cập hại.
Ngưởi biểu tình Hong Kong giương cờ Mỹ trong một cuộc tập họp tối ngày 15/10/2019.
Tại một cuộc tập họp lớn đòi dân chủ, ủng hộ Mỹ tối 14/10 ở trung tâm Hong Kong, người biểu tình kêu gọi thông qua Luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong. Dự luật này đề ra rủi ro cho quy chế đặc biệt về kinh tế của Hong Kong với Mỹ và ban hành trừng phạt lên các giới chức bị coi là đàn áp quyền tự do căn bản của nhân dân. Dự luật vừa kể được cả hai đảng ở Mỹ hậu thuẫn và dự kiến sẽ được mang ra Hạ viện xem xét sớm nhất là trong tuần này.
Một sinh viên 18 tuổi không muốn nêu tên tại buổi tập họp chia sẻ với VOA rằng dự luật sẽ "là vũ khí hùng mạnh nhất chúng tôi có được tới nay chống lại những người cộng sản Trung Quốc".
Người biểu tình Hong Kong kêu gọi chế tài từ Mỹ (VOA, 16/10/2019)
Các nhà hoạt động cổ súy dân chủ cho Hong Kong thúc giục Quốc hội Mỹ thông qua một dự luật nhân quyền qua đó có thể áp đặt chế tài thương mại lên trung tâm tài chính quốc tế này, một biện pháp mà những người chỉ trích cho rằng lợi bất cập hại.
1111111111111111
Ngưởi biểu tình Hong Kong giương cờ Mỹ trong một cuộc tập họp tối ngày 15/10/2019.
Hồng Kông lại chuẩn bị hàng loạt cuộc biểu tình cuối tuần RFI, 11/10/2019)
Bất chấp lệnh cấm đeo mặt nạ, trưa ngày 11/10/2019, vài trăm người biểu tình Hồng Kông vẫn mang mặt nạ tuần hành tại khu trung tâm tài chính. Họ chiếm một trục đường quan trọng, làm rối loạn giao thông, trong bối cảnh hàng loạt cuộc biểu tình, được cho là căng thẳng, sẽ diễn ra trong hai ngày cuối tuần.
(Ảnh minh họa) - Cảnh sát Hồng Kông sử dụng hơi cay chống lại những người biểu tình che mặt. Ảnh chụp ngày 06/10/2019. Reuters/Jorge Silva
Đến sáng ngày 11/10, công ty quản lý hệ thống tầu điện ngầm Hồng Kông, MTR Corp, đã mở cửa trở lại tất cả các bến tầu sau một tuần bạo lực, nhưng sẽ đóng cửa vào 22 giờ (sớm hơn hai tiếng so với thông thường). Trước đó, người biểu tình đã nhắm phá hệ thống tầu điện ngầm vì công ty MTR Corp cho đóng cửa một số bến, theo lệnh của chính quyền Kồng Kông, để ngăn chặn người biểu tình.
Bên trong Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, hai phe dân biểu Hồng Kông, một bên ủng hộ Bắc Kinh, một bên ủng hộ dân chủ, đã thóa mạ nhau trước phiên họp ngày 11/10. Một số dân biểu đeo mặt nạ đen, một số khác mang tấm biển ghi : "Sự tàn bạo của cảnh sát vẫn còn, làm thế nào chúng ta có thể họp được ?". Theo Reuters, điều này cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội và chính trường Hồng Kông.
Trong khi đó, trên trang Facebook ngày 10/10, đại sứ quán Trung Quốc tại Bangkok đã cảnh cáo việc một số chính trị gia Thái Lan ủng hộ các nhà đấu tranh Hồng Kông có thể "gây tổn hại đến quan hệ giữa hai nước". Trước đó, Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), nhà đấu tranh trẻ Hồng Kông đã đăng bức ảnh chụp chung với nhà tỉ phú Thái Lan Thanathorn Juangroongruangkit, người sáng lập đảng Tương Lai Mới, đối lập với chính quyền quân sự. Phía Bangkok chưa đưa ra bình luận.
Bắc Kinh liên tục gây sức ép với các công ty công nghệ nước ngoài
Ngoài ra, Trung Quốc liên tục gây sức ép đối với các tập đoàn công nghệ nước ngoài bị chính quyền Bắc Kinh nghi ngờ ủng hộ người biểu tình đòi dân chủ Hồng Kông. Tập đoàn Apple của Mỹ đã phải chịu khuất phục trước sức ép của chính quyền Bắc Kinh khi xóa ứng dụng định vị cảnh sát ở Hồng Kông. Lý do được ông Tim Cook giải thích trong thư gửi nhân viên của Apple ngày 10/10, là để "bảo vệ người sử dụng", tránh để người biểu tình quá khích tấn công "những cảnh sát bị cô lập", "những cá nhân hoặc tài sản tại những nơi không có cảnh sát bảo vệ".
Trước đó, Google cũng phải xóa ứng dụng trò chơi điện tử, được đặt tên là "Cuộc cách mạng thời đại chúng ta" theo một khẩu hiệu của người biểu tình Hồng Kông. Trong trò chơi này, người chơi có thể đóng vai một người biểu tình Hồng Kông. Theo trang thông tin Hong Kong Free Press, được AFP trích dẫn, "80% doanh thu từ trò chơi, dường như được chuyển cho Spark Alliance, một quỹ hợp pháp hỗ trợ người biểu tình bị bắt".
Thu Hằng
****************
Hong Kong nói chỉ muốn ngăn bạo lực chứ không ngăn biểu tình (VOA, 11/10/2019)
Chính quyền Hong Kong hôm 10/10 nói rằng họ sẽ không áp dụng thêm bất kỳ biện pháp nào để ngăn cản các cuộc biểu tình bạo lực và phủ nhận những tin đồn rằng các lực lượng an ninh của Đại lục tham gia vào việc ngăn chặn biểu tình ở thành phố này.
Cảnh sát chống bạo động nhìn những người cầm cờ Đài Loan khi họ tham gia một cuộc tuần hành kỷ niệm quốc khánh Đài Loan ở quận Tsim Sha Tsui district của Hong Kong hôm 10/10.
Các trung tâm mua sắm đóng cửa sớm hôm 10/10 để tránh trở thành các mục tiêu đập phá của các cuộc biểu tình đã lên kế hoạch và hệ thống tàu điện ngầm của thành phố, nơi đã chứng kiến tình trạng bất ổn dữ dội, đóng cửa sớm ba tiếng.
Cho tới nửa đêm, không có cuộc biểu tình nào diễn ra với quy mô lớn đáng kể. Khoảng 60 người tụ tập bên ngoài một đồn cảnh sát. Trái ngược với các cuộc biểu tình rầm rộ vào ban ngày, các cuộc biểu tình ban đêm thường chỉ có vài trăm người tham gia ở các sự kiện rải rác, chủ yếu vào đêm khuya.
Hong Kong là một trong những trung tâm mua sắm hàng đầu thế giới, nhưng trong bốn tháng qua các cuộc biểu tình bạo lực đã làm sứt mẻ danh tiếng đó khi hàng loạt cửa hàng bị hư hại và các trung tâm mua sắm đang trở thành địa điểm cho những người biểu tình.
Trung tâm tài chính Châu Á đang phải đối mặt với suy thoái đầu tiên trong một thập kỷ qua do tình trạng bất ổn, với ngành du lịch và bán lẻ bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề.
Tình trạng bất ổn bắt đầu từ hơn bốn tháng trước để phản đối dự luật dẫn độ, hiện đã bị rút lại, nhưng đã mở rộng thành một phong trào dân chủ trong bối cảnh có những lo ngại rằng Trung Quốc đang xâm phạm các quyền tự do của Hong Kong.
Những quyền tự do đó được bảo đảm dưới phương thức một quốc gia, hai chế độ khi Anh trả lại Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997, cho phép người Hong Kong được hưởng các quyền tự chủ mà người dân Đại lục không được hưởng.
Tuy nhiên, tình trạng bất ổn đã đẩy đặc khu hành chính vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ năm 1997 và đặt ra thách thức lớn nhất đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2012.
Chính phủ Hong Kong hôm 10/10 cho biết rằng một bài phát biểu về chính sách của trưởng đặc khu Carrie Lam, dự kiến được đưa ra vào ngày 16/10 khi Hội đồng Lập pháp nhóm họp, sẽ không đề cập đến bất kỳ biện pháp nào khác để chống lại bạo lực.
Tổng thư ký hành chính Matthew Cheung nói tại một cuộc họp báo rằng các hoạt động của chính phủ không nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình, mà là nhằm ngăn chặn bạo lực. "Chúng tôi không bao giờ kiềm chế các cuộc biểu tình, chúng tôi chỉ kiềm chế bạo lực," ông nói.
Ông Cheung nói thêm rằng : "Một cuộc biểu tình nếu nó hợp pháp, nếu nó đúng luật, nếu nó hòa bình... ở Hong Kong, thì các cuộc tập hợp và các cuộc biểu tình là một phần của Hong Kong, một phần của giá trị cốt lõi của chúng tôi".
******************
Cảnh sát Hong Kong mua bình hơi cay có tác dụng mạnh hơn từ Trung Quốc (RFA, 11/10/2019)
Cảnh sát Hong Kong vừa mua một loạt bình hơi cay mới từ Trung Quốc, trang South China Morning Post trích các nguồn tin cho biết như vậy hôm 11/10.
Hình minh họa. Người biểu tình phản ứng lại hơi cay từ cảnh sát ở Hong Kong hôm 6/10/2019 - AFP
Theo SCMP, các bình hơi cay loại mới có tác dụng mạnh hơn so với các loại lựu đạn cay cũ, và được đội chống bạo động của Trung Quốc sử dụng.
Theo các nguồn tin mà SCMP có được, loại bình mới được phân phát cho cảnh sát chống bạo động hồi tuần trước có thể phát nổ và bắn ra hơi cay trong khoảng thời gian là 1,2 giây sau khi được ném ra, nhanh hơn so với khoảng thời gian là 1,5 giây mà lựu đạn cay kiểu cũ có. Với thời gian ngắn như vậy, người biểu tình sẽ không kịp để phản ứng tránh.
Ngoài ra, loại bình hơi cay này có thể bắn ra từ loại súng có tầm xa lên đến 100 mét, xa hơn mức bắn của loại súng cũ vốn chỉ có 80m.
Các nguồn tin không cho biết cụ thể số lượng bình hơi cay mới được cảnh sát Hong Kong nhập về là bao nhiêu.
Từ khi những cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong nổ ra vào tháng 6 đến nay, cảnh sát Hong Kong đã phải dùng gần 5.000 bình hơi cay đối với người biểu tình.
Để tránh tác động của hơi cay, người biểu tình Hong Kong đeo mặt nạ chống hơi cay. Nguồn tin của SCMP cho rằng việc sử dụng hơi cay thực sự không có tác dụng giải tán biểu tình vì những mặt nạ chống hơi cay mà người biểu tình sử dụng.
******************
Lãnh đạo Hồng Kông để ngỏ kịch bản Bắc Kinh can thiệp chống biểu tình (RFI, 08/10/2019)
Hủy bỏ dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, ra sắc lệnh cấm che mặt khi biểu tình : Dù xoa hay đấm, các quyết định của lãnh đạo đặc khu Hồng Kông chỉ càng khiến làn sóng đòi dân chủ tại Hồng Kông thêm dữ dội. Hôm nay, 08/10/2019, lãnh đạo đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) tuyên bố không loại trừ việc Bắc Kinh can thiệp vũ trang, nếu khủng hoảng trầm trọng hơn.
Lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) trong cuộc họp báo ngày 8/10/2019. Reuters/Tyrone Siu
Theo hãng tin Pháp AFP, trong cuộc trả lời họp báo hôm nay tại trụ sở chính quyền đặc khu, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga khẳng định : "Trong giai đoạn hiện tại, tôi vẫn tin tưởng là chúng ta có thể tự mình tìm ra giải pháp. Và đây cũng là lập trường của chính quyền trung ương, khi cho rằng Hồng Kông phải tự mình đối diện với khủng hoảng… Tuy nhiên nếu tình hình trở nên quá mức nghiêm trọng, sẽ không có bất cứ giải pháp nào bị gạt sang một bên, nếu như chúng ta muốn Hồng Kông thoát hiểm".
Theo hãng tin Bloomberg, lãnh đạo đặc khu cũng thừa nhận không thể đọc bản báo cáo thường niên tại Nghị Viện Hồng Kông vào tuần tới, vì lo ngại trụ sở cơ quan một lần nữa sẽ bị bao vây. Trụ sở Nghị Viện Hồng Kông từng bị nhiều người biểu tình xâm nhập, đập phá, hôm 01/07.
Khả năng Bắc Kinh triển khai quân đội tại Hồng Kông, trấn áp những người đòi dân chủ, bị chính quyền nhiều nước như Hoa Kỳ, Anh Quốc, lên án. Hôm qua, tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Bắc Kinh là các đàm phán về thương mại song phương để tìm lối thoát cho cuộc chiến thương mại có thể đổ vỡ, nếu Trung Quốc dùng vũ lực chống lại người dân Hồng Kông.
Khi được hỏi về việc liệu biện pháp cấm che mặt trong khi biểu tình có hiệu quả hay không, lãnh đạo Hồng Kông trả lời "còn quá sớm" để đưa ra nhận định.
Sắc lệnh cấm che mặt của chính quyền, thứ Sáu tuần trước, bị những người biểu tình lên án mạnh mẽ. Bạo động bùng lên khắp thành phố trong đêm thứ Sáu và ngày thứ Bảy, khiến toàn bộ hệ thống xe điện ngầm tê liệt. Cho đến hôm nay vẫn còn 13 trạm xe điện ngầm bị đóng cửa. Công ty quản lý tầu điện ngầm thông báo tối nay, toàn bộ hệ thống metro sẽ đóng cửa vào lúc 20 giờ, tức sớm hơn 5 giờ so với thường lệ.
Suốt ba ngày liền, cho đến hôm nay, hàng chục nghìn người tiếp tục xuống đường, với mặt nạ hay khẩu trang, để khẳng định họ không chấp nhận biện pháp này. Hôm qua, 14 người biểu tình che mặt bị bắt giữ và bị truy tố.
Trọng Thành