Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thương Mại : Mỹ tấn công mạnh để dễ thương thuyết với Trung Quốc

Đòn tấn công thương mại của Mỹ nhắm vào 200 tỉ đô la hàng Trung Quốc là chủ đề quốc tế hàng đầu của hầu hết các báo Pháp hôm nay, 19/09/2018. Tuyên bố chuẩn bị giã từ chính phủ của bộ trưởng Nội Vụ, được coi là một trụ cột của tổng thống Macron, cũng là tựa lớn của nhiều nhật báo.

my1

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, ai sẽ thắng ai ? Trong ảnh : Đô la Mỹ và đồng Nhân dân tệ Trung Quốc Reuters

Bài phân tích "Thương mại : Trump tấn công, đe dọa… rồi thương thuyết" của Le Monde tìm cách lý giải chiến lược của Washington. Thứ nhất là tại sao chính quyền Trump lại chọn ồ ạt tấn công Trung Quốc đúng vào thời điểm này ? Theo Le Monde, nếu như khủng hoảng của nửa đầu năm nay chủ yếu là giữa Hoa Kỳ và các nước đồng minh, thì kể từ đó đến nay, Washington đã đạt được thỏa thuận hưu chiến với Liên Hiệp Châu Âu, với Mexico, hay Canada. Đối thủ chính của Mỹ hiện chỉ là Trung Quốc. Washington tỏ ra không khoan nhượng, trong thông báo hôm 17/09, Mỹ cảnh báo sẽ tiếp tục áp thuế mới với 256 tỉ đô la hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, có nghĩa là toàn bộ hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, nếu Bắc Kinh trả đũa.

Điều đáng chú ý thứ hai là, lượng hàng hóa 200 tỉ đô la nói trên trước mắt sẽ "chỉ" bị tăng thuế 10%, kể từ 24/9/2018, và mức thuế 25% sẽ chỉ có hiệu lực từ đầu năm tới. Vậy tại sao lại có khoản thời gian hơn 2 tháng cách biệt này ? Theo Le Monde, điều này có ít nhất ba lý do.

Khi làm như vậy, chính quyền có dụng ý để ngỏ cơ hội cho việc các nhà đàm phán Mỹ, Trung có thể đạt được một thỏa hiệp, trước khi Donald Trump và Tập Cận Bình gặp nhau tại thượng đỉnh khối G20 tháng 11 tới. Lý do thứ hai là cho phép các doanh nghiệp Mỹ thời gian chuẩn bị tìm nguồn cung cấp khác ngoài Trung Quốc. Và lý do thứ ba hạn chế nguy cơ giá cả tiêu dùng tại Mỹ tăng vọt vào trước thời điểm Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) và đặc biệt là trước cuộc bầu cử giữa kỳ, đầu tháng 11.

Theo Le Monde, đưa ra quyết định tăng thuế này, chính quyền Trump cảm thấy đang ở thế thượng phong trong tương quan lực lượng với Trung Quốc. Nền kinh tế Mỹ trong qúy hai vừa qua giữ được mức tăng trưởng cao (4,2%), thấp nghiệp ở tỉ lệ thấp, trong lúc tăng trưởng Trung Quốc chậm lại, còn nợ thì tăng cao.

Tác động của các biện pháp tăng thuế hàng Trung Quốc là không lớn với nền kinh tế Mỹ, với khoảng từ 0,1 đến 0,2% GDP sụt giảm. Về phía các doanh nghiệp Mỹ, thiệt hại do việc phải mua hàng Trung Quốc với giá cao hơn, do bị biểu thuế nhập khẩu tăng, không phải là đáng kể, so với các khoản tiền cắt giảm thuế doanh nghiệp của chính quyền Trump (với 1.400 tỉ đô la trong vòng 10 năm).

Doanh nhân Châu Âu lên án Trung Quốc trì hoãn cải cách

Không hẹn mà gặp, chỉ vài giờ sau thông báo của chính quyền Trump, hôm qua, 18/09, Phòng Thương Mại Châu Âu tại Trung Quốc, đã công bố một bản báo cáo lên án tình trạng thiếu vắng cải cách trong kinh tế tại Trung Quốc. Vẫn theo Le Monde, cho dù "khác hẳn về dung lượng" (báo cáo dài 394 trang so với các thông điệp Twitter vài chữ của Donald Trump), báo cáo của Châu Âu cũng chung một thông điệp với Mỹ : Lên án chính quyền Trung Quốc trong hiện tại đã không thực sự cải cách kinh tế để hội nhập quốc tế. Cho dù trong hơn 40 năm qua, nhiều tiến bộ rất lớn đã được thực hiện.

Giới doanh nhân Châu Âu đã chọn vị trí, đứng về phía Mỹ, nhưng không chỉ có vậy. Bản báo cáo của các tập đoàn kinh tế lớn của Châu Âu nhấn mạnh là, trong nội bộ Tổ Chức Thương Mại thế giới, đã có "hơn 1.900 câu hỏi mà các thành viên khác đặt ra" về Trung Quốc, điều này cho thấy những lo ngại của cộng đồng quốc tế nói chung, chứ không chỉ có các nước phương Tây, về vai trò thực sự của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay.

Ba lo ngại lớn được nêu ra. Thứ nhất là vấn đề bị Trung Quốc cưỡng bức chuyển giao công nghệ, mà có đến 19% doanh nghiệp Châu Âu khẳng định chính họ bị đặt vào tình trạng này, riêng trong năm ngoái 2017. Vấn đề thứ hai là việc thiếu quan hệ có đi có lại trong lĩnh vực đầu tư. Trung Quốc bị tố cáo là nơi mà tệ nạn quan liêu hoành hành, các quy định không rõ ràng, bị đối xử bất bình đẳng, doanh nghiệp vừa và nhỏ khó thâm nhập vào thị trường… Lo ngại lớn thứ ba liên quan đến kế hoạch mang tên "Made in 2025", đặt mục tiêu đưa Trung Quốc lên đứng đầu thế giới trong 10 lĩnh vực công nghệ mũi nhọn. Giới doanh nhân lo ngại, mục tiêu đầy tham vọng này sẽ tạo điều kiện cho phía Trung Quốc có thêm nhiều hành động cạnh tranh bất chính.

Tuyên bố chính thức của Trung Quốc khác xa với hiện thực là nhận đinh xuyên suốt của báo cáo nói trên (cụ thể là giữa tuyên bố ủng hộ toàn cầu hóa mà ông Tập Cận Bình đưa ra tại hội nghị Davos hồi năm ngoái với những điều mà Trung Quốc đang làm). Báo cáo của Phòng Thương Mại Châu Âu ghi nhận : "các dự án mang tên Con Đường Tơ Lụa Mới bị phản đối mạnh mẽ khắp nơi trên thế giới", chính bởi mâu thuẫn lớn này.

Theo Le Monde, không có gì chứng minh rõ ràng hơn cho nhận định này bằng dự án Con Đường Tơ Lụa Mới của Bắc Kinh, dự án đầu tư tại hơn 100 quốc gia, một kế hoạch được quảng bá là sẽ đem lại lợi ích to lớn cho thế giới. Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế CSIS cho biết có đến 89% dự án trong khuôn khổ sáng kiến này là về tay các doanh nghiệp Trung Quốc.

Mỹ : Bê bối bạo hành tình dục ra Thượng Viện

Tuyên bố tăng thuế với hàng Trung Quốc gây chấn động nhưng tại Mỹ, thông tin về đòn tấn công này, được đưa ra hôm thứ Hai đầu tuần, gần như bị chìm khuất sau chủ đề người được tổng thống Trump đề cử làm thẩm phán Tòa Án Tối Cao, bị cáo buộc bạo hành tình dục.

Bài "Tối Cao Pháp Viện : Trump khó xử" của Le Figaro nhận xét "thiên hướng thích trình diễn, xì-căng-đan của chính trị Mỹ sẽ được thỏa mãn", với việc vào thứ Hai tuần tới, ứng cử viên vào chức vụ thẩm phán Tòa Án Tối Cao, ông Brett Kavanaugh đối mặt với một phụ nữ, người buộc tội ông đã mưu toan cưỡng hiếp bà, trong một phiên điều trần tại Thượng Viện. Đây là điều chưa từng thấy tại nước Mỹ từ hơn nửa thế kỷ nay.

Bà Christine Blasey Ford tố cáo bà đã bị nhân vật nói trên bạo hành tình dục, vào năm 1982, khi bà 15 tuối, và đương sự thì 17 tuổi. Vào lúc hay bên gặp nhau trong một cuộc hội hè tại một vùng ngoại ô Washington.

Vào đầu mùa hè này, người tố cáo ứng cử viên thẩm phán tối cao đã viết một lá thư cho nữ thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, thành viên Ủy ban Tư Pháp Thượng Viện, bày tỏ nỗi lo sợ có thể bị ông Brett Kavanaugh giết hại, đề bịt đầu mối.

Thẩm phán Kavanaugh bác bỏ hoàn toàn vụ việc. Trong lúc một ủy ban của Thượng Viện dự kiến sẽ bỏ phiếu thông qua việc ứng cử của vị thẩm phán nói trên dự kiến sẽ diễn ra ngày mai, thứ Năm, 20/9, phe Cộng hòa chấp nhận nhân nhượng dưới áp lực của công luận, với việc tổ chức phiên điều trần về vấn đề này vào thứ Hai tới.

Tổng thống Trump, thông thường vốn đứng về phía những người thân cận, trong vụ này đã tỏ ra thận trọng hiếm có. Donald Trump một mặt ca ngợi thẩm phán Brett Kavanaugh, là một người xuất sắc, và vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào nhân vật này, nhưng mặt khác cũng cổ vũ Thượng Viện "đi đến cùng", bởi điều quan trọng, theo ông, là mọi việc phải diễn ra hoàn hảo, cho dù thời hạn có thể không bảo đảm. Mục tiêu của Nhà Trắng là bổ nhiệm thẩm phán mới tại Tòa Án Tối Cao sẽ được tiến hành, từ đây đến tháng 10, và nếu việc bổ nhiệm thành công, phe Cộng hòa sẽ có thêm thế mạnh trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ, ngày 6/11 tới.

Hiện tại, ở Thượng Viện, phe Cộng hòa chỉ nhiều hơn phía Dân Chủ có hai ghế. Nếu trong buổi điều trần tới, ứng cử viên vào chức thẩm phán Tòa Án Tối Cao thể hiện là người nói dối, sẽ có nhiều nghị sĩ Cộng hòa chống lại ông. Như vậy, mục tiêu đưa người vào Tối Cao Pháp Viện của tổng thống Trump sẽ không thành.

Thượng đỉnh Liên Triều : Viễn cảnh tái thống nhất khiến dân Hàn lo ngại

Thượng đỉnh Liên Triều tại Bình Nhưỡng là một chủ đề thời sự quốc tế lớn khác hôm nay. Le Monde có hai bài viết về Triều Tiên trước cuộc hội kiến giữa tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un ở Bình Nhưỡng. Bài "Tái thống nhất, chủ đề rất nhạy cảm tại Hàn Quốc" nhận xét là tiến trình xích lại gần với miền Bắc đang diễn ra gây nhiều hy vọng, cũng như sợ hãi tại miền Nam.

Trong một thăm dò dư luận hồi tháng Tư, trong bối cảnh thượng đỉnh Moon-Kim đầu tiên, 70% người dân xứ Hàn tin tưởng vào lãnh đạo họ Kim, 10% không tin. Tuy nhiên, tình hình từ đó đến nay đã có nhiều thay đổi.

Nhiều người cho rằng mong muốn tái thống nhất chỉ là một giấc mơ lãng mạn, phi hiện thực, sau bao nhiêu thử nghiệm bất thành. Nhiều thanh niên cho rằng hơn 60 năm chia cách đã khiến hai miền trở nên vô cùng khác biệt về văn hóa, cho dù ngôn ngữ vẫn còn là "tài sản chung". Nhiều người trẻ khác rất sợ hãi trước cái giá phải trả cho việc tái thống nhất đất nước, như kinh nghiệm thống nhất nước Đức.

Một sinh viên 26 tuổi bày tỏ hy vọng là tái thống nhất sẽ đến, nhưng chỉ sau khi anh không còn trên cõi đời này. Quá trình tái thống nhất, nếu diễn ra, sẽ phải kéo dài hàng chục năm, cũng là nhận định của giáo sư Cheong Seong-chang, Viện Sejong. Theo ông, giới trẻ hiện nay thiên về quan điểm hai miền cùng tồn tại hòa bình, và một quá trình tái thống nhất xảy ra quá nhanh, sẽ không tránh khỏi tạo ra những cú sốc "không thể chấp nhận nổi" với người dân Hàn Quốc.

Về chủ đề Triều Tiên, bài Le Monde "Sau bom hạt nhân, Kim đặt cược vào phát triển kinh tế" nhận xét là lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un ý thức được là tình trạng khốn khó hiện nay tại miền Bắc không thể kéo dài. Theo Liên Hiệp Quốc, 10 triệu trên tổng số 25 triệu dân Bắc Triều Tiên bị suy dinh dưỡng, một phần năm trẻ em bị chậm phát triển. Tuy nhiên, khó khăn của xã hội Bắc Triều Tiên là các động lực cho thay đổi, như ý thức phê phán đã bị triệt tiêu sau hơn nửa thế kỷ sống trong chế độ toàn trị.

Khu phi quân sự Idlib : Thỏa thuận Nga - Thổ đầy bất trắc

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đạt thỏa thuận lập vùng đệm phi quân sự tại tỉnh Idlib. Viễn cảnh quân đội Damascus mở chiến dịch phản công lớn vào vùng đất của phe nổi dậy tạm thời được gạt qua một bên. Đây là một tin vui với hàng triệu cư dân Idlib, tạm thời tránh được một chiến dịch tấn công hứa hẹn sẽ rất khốc liệt. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại là thỏa thuận này sẽ không kéo dài. Le Figaro có bài : "Những bất trắc của thỏa thuận Putin – Erdogan về Idlib".

Pháp : Bộ trưởng nội vụ ra đi gây khó cho tổng thống

Quyết định rời chính phủ của bộ trưởng nội vụ Gerard Collomb là chủ đề thời sự trong nước hàng đầu. Báo Le Monde ghi nhận, sau vụ từ chức của bộ trưởng Môi Trường Nicolas Hulot, việc bộ trưởng Collomb báo trước sẽ ra đi vào năm tới, là một "đòn đau" mới đối với tổng thống Macron. Trong chính phủ Pháp, sau thủ tướng, ông Collomb được coi là trợ thủ số một của tổng thống. Bất đồng với tổng thống thể hiện rõ qua một phê phán của bộ trưởng Collomb nhắm vào chính phủ hồi đầu tháng 9/2018, trách các nhà lãnh đạo đã "thiếu khiêm tốn". Les Echos cho biết bộ trưởng nội vụ từng là một trong những người rất gắn bó với Macron.

Về phần mình, báo Le Figaro chỉ trích chính phủ đã cố tình không thừa nhận tầm nghiêm trọng của việc ông Collomb quyết định ra đi. Bất đồng sâu xa, theo Le Figaro, là cách xử lý vụ Benalla, người từng được coi là cận vệ thân tín của tổng thống Macron, bị cáo buộc hành hung người biểu tình hồi đầu mùa hè năm nay. Hôm nay, nhân vật này chấp nhận ra điều trần trước Thượng Viện. Libération chạy tựa trang nhất : "Benalla ra Thượng Viện, Điện Elysée bị hở sườn".

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Hồ sơ Triều Tiên : Bắc Kinh tìm cách lấy lại vai trò trung tâm

Thượng đỉnh Moon-Kim lần thứ ba nhằm tìm ra một lối thoát về phi hạt nhân hóa là đề tài được nhiều báo Pháp quan tâm. Đáng chú ý là bài viết trên trang Quốc tế của báo Le Figaro : "Bắc Kinh tìm cách trở lại vị trí trung tâm trên bàn cờ bán đảo Triều Tiên".

trieutien1

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un (T) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc). Ảnh minh họa do THX công bố ngày 08/05/2018 Reuters

Báo Le Figaro giới thiệu nhiều bài về chủ đề Triều Tiên : "Hai nước Triều Tiên trên con đường hòa giải", "Tại Bình Nhưỡng, hai nước Triều Tiên muốn thoát khỏi ngõ cụt", "Trump và Kim đoàn kết để giữ thể diện" và "Một đường biên giới kinh tế mới". Trong khi đó, báo công giáo La Croix nhận định : "Kim và Moon muốn hòa bình trước khi phi hạt nhân hóa" và "Để thuyết phục miền Bắc, Seoul làm Bình Nhưỡng lóa mắt vì các dự án đầu tư". Còn báo Libération nói về"Vai trò hòa bình của Kim và Moon tại thượng đỉnh hai nước Triều Tiên".

Đáng chú ý là bài viết trên trang Quốc Tế của báo Le Figaro : "Bắc Kinh tìm cách trở lại vị trí trung tâm trên bàn cờ bán đảo Triều Tiên".

Vào cuối buổi diễu binh mới đây ở Bình Nhưỡng nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập chế độ Bắc Triều Tiên, đứng trên trên khán đài, lãnh đạo Kim Jong-un nắm tay chủ tịch Quốc Hội Trung Quốc Lưu Vân Sơn. Sự hiện diện của nhân vật quan trọng thứ ba trong chế độ Cộng Sản Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh không lơ là trong mối quan hệ với Bắc Triều Tiên.

Nhưng việc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không đích thân sang Bình Nhưỡng như trước đó người ta vẫn đồn đoán, mà cử một quan chức cấp cao đi thay cho thấy Bắc Kinh muốn cân bằng trong quan hệ với Washington và Bình Nhưỡng trên hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Tuy lo ngại về khả năng nước láng giềng Bắc Triều Tiên ngả sang quỹ đạo của Mỹ, nhưng Bắc Kinh cũng không muốn liều lĩnh chấp nhận rủi ro khi xích lại quá gần với Bình Nhưỡng. Trung Quốc không được lợi gì khi làm hỏng quan hệ với Mỹ, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung không ngừng gia tăng. Theo báo chí Mỹ, tổng thống Donald Trump đã sẵn sàng tăng thuế suất lên thêm 200 tỉ đô la hàng hóa nhập từ Trung Quốc.

Chủ nhân Nhà Trắng cũng quy trách nhiệm cho Trung Quốc, chỉ trích Bắc Kinh đã khiến các bên không tìm được lối thoát cho hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Donald Trump cũng chỉ đích danh Trung Quốc đã cung cấp cho chế độ Kim Jong-un "tiền, nhiên liệu, phân bón và nhiều mặt hàng khác".

Đáp lại, Trung Quốc gọi đó là "một cáo buộc vô trách nhiệm và phi lý" của Washington. Còn theo một báo cáo mật của Liên Hiệp Quốc, Bắc Triều Tiên đã chống đỡ được các lệnh trừng phạt quốc tế nhờ hậu thuẫn của Nga và Trung Quốc.

Thượng đỉnh Trump-Kim hồi tháng 06/2018 khiến Bắc Kinh lo ngại bị gạt ra ngoài lề. Nhưng Tập Cận Bình, vốn luôn bảo vệ các lợi ích chiến lược của Trung Quốc trong khu vực, đã làm mọi việc để điều đó không xảy ra. Trước và sau khi diễn ra thượng đỉnh Trump-Kim, ông Tập đã ba lần tiếp đón Kim Jong-un. Quan hệ Bắc Kinh-Bình Nhưỡng đã nồng ấm trở lại sau một thời gian nguội lạnh.

Một bằng chứng cho thấy là tiếng nói của Trung Quốc vẫn có trọng lượng trong hồ sơ Bắc Triều Tiên: hồi tháng Sáu, Washington đã thông báo hủy các cuộc tập trận chung với Seoul. Đây chính là giải pháp mà Bắc Kinh đã đề xuất trước đó : Mỹ - Hàn ngưng tập trận chung. Đổi lại, Bắc Triều Tiên ngưng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Thực ra, Bắc Kinh sẽ được hưởng lợi từ việc phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên, vì điều này sẽ kéo theo việc Mỹ sẽ giảm bớt sự hiện diện quân sự tại Hàn Quốc. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng muốn tránh nguy cơ như hồi năm ngoái, Mỹ dọa tấn công Bắc Triều Tiên để đáp trả thái độ khiêu khích của Bình Nhưỡng. Sự sụp đổ của chế độ Bình Nhưỡng sẽ làm dấy lên làn sóng di cư sang Trung Quốc.

Cũng chính vì những lý do đó, Bắc Kinh ủng hộ kế hoạch ký hiệp ước hòa bình, chính thức chấm dứt chiến Liên Triều cho dù Washington vẫn phản đối. Từng tham gia chiến tranh Triều Tiên, Trung Quốc muốn là một trong những nước ký hiệp ước này.

Hiện Bình Nhưỡng và Washington đang bế tắc trong đàm phán. Đây là thời điểm để tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thể hiện vai trò hòa giải. Theo nhiều nhà quan sát, dường như Trung Quốc đang lui lại phía sau để hai miền Nam - Bắc Triều Tiên tự tìm kiếm giải pháp.

Là đồng minh ngoại giao và thương mại chính của Bình Nhưỡng, Bắc Kinh luôn kêu gọi quốc tế giảm nhẹ trừng phạt Bắc Triều Tiên. Ủng hộ Bình Nhưỡng, Bắc Kinh cho rằng Bắc Triều Tiên phải có tiến triển trong giải trừ hạt nhân, nhưng phía Mỹ cũng phải nhượng bộ.

Trung Quốc, nhất là vùng biên giới với Bắc Triều Tiên, cũng được hưởng lợi nếu kinh tế Bắc Triều Tiên phát triển. Nhưng chừng nào mà các lệnh trừng phạt của quốc tế không được nới lỏng hay bãi bỏ, Trung Quốc không thể hợp tác kinh tế với Bắc Triều Tiên trên quy mô lớn. Bài báo kết luận "Trung Quốc có lẽ sẽ còn phải chờ lâu" …

Nam Mỹ rung chuyển vì khủng hoảng

Trên trang Kinh Tế, báo Le Figaro có bài viết "Nam Mỹ rung chuyển vì khủng hoảng". Các nền kinh tế lớn của Châu Mỹ La Tinh đều lâm vào khó khăn. Argentina phải thực hiện kế hoạch "thắt lưng, buộc bụng" và lệ thuộc rất nhiều vào sự trợ giúp của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Brazil đang đứng trước một cuộc bầu cử tổng thống phức tạp và sau giai đoạn suy thoái lịch sử, hiện vẫn chưa thể vực dậy nền kinh tế vốn chiếm tới 50% GDP của Châu Mỹ La Linh. Trong khi đó, Venezuela đang bị nghèo đói nhấn chìm.

Báo kinh tế Les Echos cũng chú ý đến tình trạng lạm phát ở Argentina. Lạm phát đang khiến đồng peso mất giá, đời sống sinh hoạt hàng ngày ngày càng đắt đỏ. Giá điện nước, ga đều tăng vọt, trong khi lương thì không tăng kịp. Argentina đang rơi vào "vòng xoáy lạm phát không thể kiểm soát được".

Dầu lửa và than đá : Hoạt động khai thác sẽ còn kéo dài

Vẫn trong lĩnh vực kinh tế, báo La Croix dự báo "Dầu lửa và than đá : Hoạt động khai thác sẽ còn kéo dài". Bấp chấp những lo ngại về tình trạng biến đổi khí hậu, bất chấp mục tiêu giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, quá trình chuyển đổi năng lượng trên thế giới sẽ phải mất rất nhiều thời gian.

Khai thác dầu lửa trên thế giới đã đạt kỷ lục mới hồi tháng 08/2018. Chưa bao giờ thế giới lại khai thác dầu lửa nhiều đến vậy : 100 triệu thùng/ngày. Và nhu cầu dầu lửa trên thế giới vẫn không ngừng tăng. Theo các chuyên gia, nguyên nhân tăng trưởng kinh tế thế giới, nhất là tại các nước có nền kinh tế mới nổi, sự thiếu hụt các loại nhiên liệu thay thế dầu lửa trong nhiều lĩnh vực như giao thông, công nghiệp hóa học.

Còn về than đá, chẳng hạn tại Đức, kế hoạch ngưng vĩnh viễn hoạt động khai thác than có thể sẽ phải hoãn lại. Đức hiện phụ thuộc nhiều vào nhiệt điện: 40% tổng sản lượng điện trong cả nước được sản xuất từ các nhà máy nhiệt điện.

Biến đổi khí hậu sẽ làm thay đổi bản đồ lương thực thế giới

"Biến đổi khí hậu sẽ vẽ lại bản đồ lương thực thế giới" là nhận định trên trang Tài chính - Thị trường của báo kinh tế Les Echos. Hoạt động sản xuất nông nghiệp sẽ bị đe dọa tại nhiều vùng trên hành tinh.

Thiệt hại do biến đổi khí hậu mà các khu vực trên thế giới phải gánh chịu sẽ không đồng đều. Theo báo cáo Tổ Chức Lương Nông Thế Giới (FAO) công bố hôm qua, sản xuất lương thực, chăn nuôi ở Châu Phi, Đông Nam Á và một phần Châu Mỹ La Tinh sẽ bị tàn phá nặng nề nhất, chủ yếu do nhiệt độ tăng, mực nước biển cũng dâng cao, nhiều dịch bệnh phát sinh… Ngược lại, tại một số nơi, nhất là những vùng có khí hậu ôn đới, điều kiện tự nhiên sẽ được cải thiện. FAO kết luận : "Kẻ được, người mất" !

Và rất có thể, một bản đồ lương thực mới sẽ dần dần hình thành. Khoảng cách về an ninh lương thực - thực phẩm giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển ngày càng gia tăng. Tổ Chức FAO nhận định : Trong bối cảnh đó, thương mại quốc tế sẽ giữ vai trò chủ chốt để ổn định thị trường lương thực, phân phối thực phẩm từ các nơi dồi dào sang các vùng thiếu hụt lương thực, đảm bảo nuôi sống cả hành tinh.

Châu Âu bị ô nhiễm bởi 43 triệu xe hơi diesel

Trong lĩnh vực môi trường, báo Le Monde cho biết "Châu Âu đang bị ô nhiễm bởi 43 triệu xe hơi chạy bằng dầu diesel". 3 năm sau khi vụ tai tiếng "Dieselgate" được phát giác, một báo cáo cho thấy khoảng cách chênh lệch giữa định mức xả thải trên lý thuyết và lượng khí thải xả ra trên thực tế ngày càng tăng.

Với 8.741.000 xe, Pháp là nước có nhiều xe hơi diesel gây ô nhiễm không khí nhất Châu Âu, nhiều hơn Đức, Anh và Ý. Khí độc hại do xe hơi động cơ diesel xả thải là thủ phạm khiến 400.000 người chết sớm mỗi năm tại Liên Hiệp Châu Âu. Điều đáng nói là con số trên mới chỉ liên quan tới những chiếc xe hơi đời mới được lưu hành từ năm 2009 trở lại đây. Nếu tính cả những chiếc xe diesel đời cũ hơn thì tổn thất còn nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Điều đáng nói khác là số "xe hơi diesel bẩn" đã tăng 14 triệu trong 3 năm qua, và ngay cả đối với những chiếc xe diesel đời mới nhất theo chuẩn Euro 6, lượng khí độc xả ra trên thực tế cũng cao hơn gấp nhiều lần so với quy định. Có những loại xe còn xả thải khí gây ô nhiễm nhiều gấp 18 lần so với quy định.

Một thực tế đáng buồn được tổ chức phi chính phủ Transport & Environment ghi nhận là các quy định về lượng khí ga xe hơi thải ra càng được siết chặt thì lượng khí phát thải độc hại ra môi trường trên thực tế lại càng cao. Chẳng hạn, trong khi xe hơi theo chuẩn Euro 3 (lưu thông từ năm 2000) chỉ phát nhiều khí thải độc hại gấp 2 lần quy định thì xe hơi theo chuẩn Euro 6 (lưu thông từ năm 2014) lại vượt ngưỡng phát thải 5-6 lần.

Một dân biểu Châu Âu than phiền : "Châu Âu khước từ rút bài học kinh nghiệm từ vụ tai tiếng Dieselgate. Các hãng xe hơi vẫn tiếp tục vận động hành lang mạnh mẽ ở Ủy Ban Châu Âu, để giảm nhẹ tiêu chuẩn phát thải khí độc hại, nhằm bán hết số xe còn tồn đọng ở Châu Âu và làm hỏng lá phổi của chúng ta".

Trang nhất các báo Pháp

Thời sự trong nước hôm nay được nhiều báo Pháp quan tâm, đặc biệt là về chính sách cải cách của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Liên quan tới dự án cải cách y tế, báo Libération chơi chữ qua hàng tựa : "Phác đồ điều trị của bác sĩ Macron". Báo kinh tế Les Echos quan tâm tới cải cách thuế của vị tổng thống trẻ tuổi : "Thuế : Macron vạch lằn ranh đỏ". Còn báo La Croix đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi : "Tại sao kinh tế dậm chân tại chỗ ?"

Trong khi đó, báo Le Monde chạy tựa trang nhất : "Chính quyền Paris : Thị trưởng Anne Hidalgo trong cơn bão táp". Ông Bruno Julliard, trợ lý thứ nhất của thị trưởng Hidalgo, đồng thời là người được bà Hidalgo rất mực tin tưởng, đã từ chức vào ngày hôm qua 17/09/2018, vì những "bất đồng gay gắt" với thị trưởng Paris, cả về phương pháp làm việc và sự thiếu nhất quán của bà Hidalgo.

Le Monde nhận định việc ra đi của ông Bruno Julliard là một cú đánh mạnh vào thị trưởng Paris, người đang bị chỉ trích nặng nề sau những thất bại liên quan đến việc đổi mới Vélib’- hệ thống xe đạp cho thuê tự động, vụ phá sản của chương trình ô tô điện cho thuê tự động Autolib’, những tranh cãi quanh việc quy hoạch đường dành cho người đi bộ dọc bờ sông Seine.

Thùy Dương

Published in Châu Á
lundi, 17 septembre 2018 20:39

Điểm báo Pháp - Chủ nghĩa dân túy

Chủ nghĩa dân túy : Hệ quả từ cú sốc tài chính 2008

Trang nhất báo Le Monde (17/09/2018) có hàng tít đáng chú ý. "Cuộc khủng hoảng 2008 đã nuôi dưỡng chủ nghĩa dân túy Châu Âu". Các chính sách thắt lưng buộc bụng sau cú sốc tài chính, tình trạng không bị trừng phạt và thói tham lam của giới tài chính đã làm dấy lên mối oán giận nhắm vào tầng lớp lãnh đạo, những người hưởng lợi nhiều nhất từ hiện tượng toàn cầu hóa, đủ để nuôi dưỡng làn sóng chống hệ thống tại Châu Âu cũng như tại Mỹ.

dantuy0

Thủ tướng Hungary Viktor Orbán (trái) và bộ trưởng Nội Vụ Ý, Matteo Salvini, những lãnh đạo có tư tưởng chủ nghĩa dân túy mạnh nhất trong Liên Hiệp Châu Âu hiện nay. Ảnh chụp ngày 28/08/2018 tại Milano, Ý. Reuters/Massimo Pinca

Trên phụ san kinh tế, Le Monde khẳng định chủ nghĩa dân túy chính là sự "kế thừa từ cú sốc tài chính 2008". Mười năm sau sự sụp đổ của ngân hàng Mỹ Lehman Brother và khởi đầu cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, các đảng chính trị chống hệ thống, những làn sóng dân túy chủ nghĩa đã tràn ngập Châu Âu và lên như diều gặp gió.

Nhật báo điểm lại một số sự kiện : Thắng lợi của phe Brexit tại Anh Quốc, tỷ phú địa ốc Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, rồi bộ đôi Matteo Salvini – Luigi Di Maio lên cầm quyền tại Ý, cũng như là sự trỗi dậy mạnh mẽ của các phong trào cực hữu tại Đức và Pháp…

Trong khuôn khổ cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu hiện nay, sự đối đầu giữa tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Hungary Viktor Orban chẳng khác gì như là một cuộc chiến giữa hai thế giới đang tồn tại song song trong lòng Liên Hiệp, giữa một bên là Châu Âu theo xu hướng tự do và bên kia là một Châu Âu dân tộc chủ nghĩa, bài di dân. Do vậy, với nhà nghiên cứu chính trị người Bulgari, Ivan Krastev, cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu lần này chính là "một phép thử cho Châu Lục Già".

Trong lúc chờ một cuộc khủng hoảng sắp tới

Xã luận của Le Monde không chút nhẹ nhàng, thẳng thắn chỉ trích thói tham lam của một nhóm ít nhà tài chính, thái độ thờ ơ của một nhóm chính trị gia đã đẩy hàng triệu con người rơi vào cảnh bần hàn. Mười năm đã trôi qua, cuộc khủng hoảng đã chấm dứt, tăng trưởng đã hồi sinh, nhưng giới ngân hàng không những không bị trừng phạt, mà giờ còn mạnh hơn bao giờ hết. Người giàu thì càng giàu hơn.

Thế nhưng, theo Le Monde đó chưa phải là điều chính yếu. Sau một thập niên bị thắt lưng buộc bụng, những người bị ảnh hưởng nhiều nhất từ cuộc khủng hoảng đã xoay lưng lại với giới lãnh đạo và lao vào vòng tay của những ai hứa hẹn làm đảo lộn trật tự được thiết lập.

Năm 2008 đã gieo rắc mối nghi ngờ về khả năng siêu việt của các nền dân chủ theo xu hướng tự do, hiệu quả của việc mở cửa biên giới và thực tâm giảm bất bình đẳng. Chính sự hụt hẫng đã nuôi dưỡng những đòi hỏi về bản sắc, xu hướng phản đối chủ nghĩa tự do đang dần chiếm lĩnh địa bàn, đẩy lùi sự toàn cầu hóa. Niềm tin vào hệ thống vì thế đã tan vỡ.

Câu hỏi đặt ra : Liệu các quy định mới nghiêm ngặt hơn được đưa ra có sẽ cho phép giảm nhẹ được cú sốc của một cuộc khủng hoảng mới hay không ? Câu trả lời dường như là "Không". Bởi vì hơn bao giờ hết, khối nợ hiện nay còn cao hơn cách đây 10 năm, thị trường tài chính ngầm không thể kiểm soát được và đang dần len lỏi vào các định chế tài chính chính thống, hiện tượng bong bóng đầu cơ vẫn đang hình thành.

Đáng lo ngại nhất là các giải pháp đề ra năm 2008 có nguy cơ không thể vận hành được cho cuộc khủng hoảng sắp tới. Công cụ tiền tệ không đủ thời gian để tái khởi động. Lãi suất quá thấp để mà các ngân hàng trung ương có thể dùng cho việc điều chỉnh tín dụng để tái thúc đẩy kinh tế.

Công cụ chính trị cũng có những điểm bất cập. Cách đây 10 năm, sự điều phối quốc tế đã cho phép tránh được những sai lầm của năm 1929, bắt đầu bằng chính sách bảo hộ mậu dịch. Còn hiện nay thì cuộc chiến thương mại đe dọa, chủ nghĩa đa phương bị tan rã.

Cuối cùng bài viết kết luận : Thiếu sự can đảm tái thiết hệ thống, nền kinh tế thế giới có nguy cơ lại rơi vào tình trạng cạn kiệt, vào lúc mà sắp có thêm một vụ "Lehman Brothers" mới.

Mỹ - Trung tiếp tục leo thang chiến tranh thương mại ?

Chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có nguy cơ tiếp tục leo thang. Bởi vì theo Les Echos, "Donald Trump đang hoàn tất một chuỗi thuế quan mới nhắm vào Trung Quốc".

Nhật báo kinh tế Pháp trích dẫn nguồn tin từ tờ báo Mỹ Wall Street Journal, cho hay chính quyền Washington dự kiến đánh thuế thêm 200 tỷ đô la nhắm vào hàng nhập khẩu Trung Quốc. Tuy nhiên, mức thuế mới chỉ tăng có 10%, thay vì là 25% như dự kiến.

Nếu thông tin này được xác nhận, quyết định này có thể gây trở ngại cho các cuộc đàm phán, vào lúc mà Bắc Kinh dự tính gởi phó thủ tướng Lưu Hạc (Liu He) đến thương lượng với bộ trưởng Tài Chính Steve Mnuchin tại Washington. Bên cạnh đó, người tiêu dùng Mỹ cũng sẽ bị tác động. Một số mặt hàng nhập khẩu như đồ điện tử, hải sản hay xe đạp sẽ bị tăng giá.

Vẫn theo Les Echos, dường như tổng thống Mỹ chưa có ý định dừng ở đây. Ngoài mức thuế vừa nêu trên, ông Donald Trump còn dự tính đánh thuế vào 275 tỷ đô la hàng hóa nhập khẩu còn lại. Điều này tương đương với toàn bộ số hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ hàng năm.

Trung Quốc : Tự do tín ngưỡng bị siết chặt

Nhìn sang Trung Quốc, báo Le Figaro quan tâm đến vấn đề tự do tín ngưỡng tại nước này với câu hỏi lớn "Lệnh cấm tự do tôn giáo tại Trung Quốc sẽ còn đi đến đâu ?"

Theo nội dung lệnh cấm sắp được áp dụng, các tín đồ không được phép phát tán các hình ảnh hay video lễ rửa tội, lễ cầu nguyện, hay các buổi lễ Phật giáo trên các mạng xã hội. Đảng cộng sản Trung Quốc không ngừng siết chặt gọng kềm nhắm vào các tôn giáo kể từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền hồi cuối năm 2012.

Lãnh đạo Trung Quốc, vị lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông, nghi kị tất cả các tổ chức có thể phản đối uy quyền chế độ, nhất là những tổ chức nào có liên hệ với nước ngoài. Áp lực không ngừng gia tăng nhắm vào Giáo hội Công giáo, không được đảng công nhận, khiến nhiều giáo hội và nhà thờ phải bị giải thể hay phá hủy.

Còn tại Tân Cương, rất đông người Hồi giáo bị gởi đến các trại cải tạo "khủng khiếp", theo như cáo buộc của nhiều báo cáo.

Tây Ban Nha : Cuộc chiến bằng cấp giả làm chao đảo chính trường

Trở lại với thời sự Châu Âu, Le Figaro có bài viết khá kỳ lạ cho biết "tại Madrid, nóng bỏng cuộc chiến bằng cấp giả". Chính trường Tây Ban Nha trở nên sôi bỏng vì những cáo buộc sao chép hay gian lận trong việc viết luận án tiến sĩ.

Đầu tiên hết, Le Figaro nhắc lại thứ Ba 11/9, bà bộ trưởng y tế phải từ chức vì bị nghi ngờ có bằng thạc sĩ, nhưng không hoàn tất chương trình học cần thiết. Cuối tuần, lãnh đạo chính phủ Tây Ban Nha, ông Pedro Sanchez, phải công bố trên mạng Internet bài luận án tiến sĩ kinh tế nhằm dập tắt các cáo buộc sao chép.

Trước đó, lãnh đạo đảng đối lập, đảng Nhân dân (thuộc cánh hữu), ông Pablo Casado, bị tố cáo có bằng thạc sĩ trong những điều kiện quá thuận lợi. Bằng cấp của ông do Viện Luật công, trường đại học Rey Juan Carlos đóng dấu. Đây cũng chính là cơ sở đã cấp bằng thạc sĩ cho bà bộ trưởng đảng Xã hội vừa từ chức, và trước đó là chủ tịch đảng PP vùng Madrid.

Trở lại với luận văn tiến sĩ của ông Pedro Sanchez, truyền thông Tây Ban Nha sau khi đã lọc qua luận án bằng một phần mềm khẳng định 13% nội dung luận án đã được đăng trong nhiều bài viết trước đó. Các kênh truyền thông theo phe hữu phê phán luận án của lãnh đạo chính phủ là "trung bình", được bảo vệ trước một hội đồng "tầm thường" tại một trường đại học tư "xoàng xĩnh".

Cáo buộc khác đang ngầm lan truyền tại Tây Ban Nha là ông Sanchez viết luận án tiến sĩ trong vòng có một năm, rằng ông không phải là tác giả thật sự. Trên mạng xã hội Twitter, nhiều người đặt câu hỏi : "Ai là người đã viết cho ông luận án này ?".

Câu hỏi đặt ra : Vì sao người dân Tây Ban Nha bỗng nhiên chĩa mũi dùi vào một mình ông Sanchez ? Ông Pablo Simon, chuyên gia chính trị học giải thích : "ông Sanchez lên cầm quyền nhờ vào cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chống lại ông Rajoy, bị cáo buộc tham nhũng. Do đó, mức độ đòi hỏi của người dân đối với ông Sanchez là cao hơn. Hơn nữa, họ yêu cầu các lãnh đạo Tây Ban Nha vừa phải xuất chúng và vừa phải gần gũi với dân. Do vậy, các vị lãnh đạo đó đáp ứng những đòi hỏi này bằng việc hợp thức hóa kỹ nghệ cầm quyền : Họ có bằng cấp để bảo vệ quyền giữ vị trí của mình"…

Trang nhất các báo Pháp

Tình hình chính trị, kinh tế và xã hội nước Pháp là chủ đề chính trên trang nhất nhiều nhật báo lớn Paris số ra ngày 17/09/2018. Les Echos thông báo "Một lãnh đạo mới để cứu vãn Air France – KLM". Ông Benjamin Smith, người Canada, hôm nay chính thức trở thành lãnh đạo hãng hàng không lớn nhất của Pháp. Nhật báo kinh tế hy vọng sự xuất hiện của ông chấm dứt giai đoạn bất định tại Air France, kéo dài từ nhiều tháng qua bằng các cuộc đình công. Ông Benjamin Smith không chỉ là lãnh đạo trẻ nhất của hãng hàng không này, mà còn là người được cho là có nhiều kinh nghiệm. Ông là người duy nhất có một sự nghiệp liên tục trong ngành hàng không.

Trong lĩnh vực xã hội, Le Figaro ghi nhận "Bị sụt giảm tín nhiệm trong công luận, Macron tìm kiếm một chiến lược". 60% số người dân Pháp được hỏi cho biết không hài lòng về kết quả điều hành đất nước của tổng thống Pháp trong vòng 16 tháng qua. Đây là kết quả một cuộc thăm dò do viện thống kê Kantar Sofre-Onepoint thực hiện cho đài phát thanh RTL, báo Le Figaro và kênh truyền hình LCI.

Cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu là mối ưu tư của Libération. Trên nền ảnh tổng thống Macron nét mặt đăm chiêu, nhật báo thiên tả đặt câu hỏi lớn "Tại sao cánh hữu vẫn kháng cự được". Ông Macron đã làm nổ tung đảng Xã Hội trong kỳ bầu cử tổng thống, nhưng tổng thống Pháp buộc phải liên kết với cánh hữu trong kỳ bầu cử Châu Âu vào mùa xuân tới đây. Chỉ có điều, theo ghi nhận của Libération, nguyên thủ Pháp đang gặp khó khăn trong việc thành lập danh sách ứng cử viên.

Về thời sự quốc tế, La Croix lưu ý "Bán vũ khí, thế lưỡng nan". Đối mặt với thảm kịch từ cuộc chiến ở Yemen, việc bán vũ khí cho các nước có tham gia vào cuộc xung đột ngày càng làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận tại Châu Âu.

Minh Anh

Published in Quốc tế
dimanche, 16 septembre 2018 19:59

Tin tức thời sự truyền hình 16/09/2018

Nguồn : RFI, 16/09/2018

Published in Video
samedi, 15 septembre 2018 00:30

Ô nhiễm kỳ lạ trên bán đảo Crimea

Ô nhiễm kỳ lạ trên bán đảo Crimea ; Serbia và Kosovo, tranh cãi dữ dội vì ý tưởng muốn hoạch định lại biên giới chung ; Nước Ý tranh luận vì cà phê Starbucks của Mỹ ; và Thái Lan tìm kiếm anh hùng vì khủng hoảng bản sắc dân tộc. Trên đây là những chủ đề chính mục tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.

crimea1

Thành phố Sébastopol, bán đảo Crimea. (Ảnh minh họa). © Etienne Bouche

Từ cuối tháng Tám, bán đảo Crimea phải hứng chịu một thảm họa môi trường có thể rất nguy hiểm đối với cư dân địa phương. Bán đảo này đã bị tách ra khỏi Ukraine và bị sáp nhập vào Nga năm 2014. Hiện nay, chính quyền Nga đang cố làm giảm nhẹ vụ việc nhưng giới chuyên gia và các nhà đấu tranh bảo vệ môi trường lên tiếng báo động.

Thông tín viên Sebastien Gobert tại Ukraine cho biết thông tin :

"Bên phía Nga, tại Armiansk, ngay ở phía nam đường phân định ranh giới với Ukraine, người ta nhìn thấy một trong những nhà máy hóa chất lớn nhất ở Đông Âu, nhà máy "Titan de Crimea". Nhà máy sản xuất dioxyde titane, được sử dụng cho sơn công nghiệp. Hoạt động sản xuất này tiêu thụ rất nhiều nước, nhất là để làm nguội lò. Thế nhưng, vào khoảng ngày 24/08, hồ nước của nhà máy bị khô cạn. Và có điều gì đó đã xẩy ra nhưng người ta không biết một cách chính xác là gì.

Thế nhưng, có một việc đã rõ, đó là cư dân ở vùng xung quanh nhà máy bắt đầu nhìn thấy sương mù có mầu sắc, trên đường phố có một lớp dầu mỏng, lá cây rụng, các cây trồng trên cánh đồng bị chết rụi. Một trong các đồng nghiệp của tôi có mặt ở đó cách nay 10 ngày kể lại rằng tất cả đàn gà tây trong trang trại mà anh ta trú ngụ, trong một đêm đã bị chết sạch. Và từ ngày 24/08 đến nay, có nhiều thông tin, đồn đoán trái ngược khác nhau do không có những câu trả lời rõ ràng".

Vậy chính quyền Crimea giải thích như thế nào ?

"Chính quyền chỉ lên tiếng ba ngày sau khi có những dấu hiệu ô nhiễm đầu tiên, tức là vào ngày 27/08. Ban đầu họ thừa nhận là có vấn đề nhưng đồng thời cố tìm cách giảm thiểu tầm mức nghiêm trọng. Các lễ hội nhân ngày tựu trường, 01/09, vẫn được duy trì, cho dù được tổ chức ngắn gọn. Và cho đến tận ngày 04/09, thì khoảng 4.000 người, chủ yếu là trẻ em, sống trong khu vực xung quanh nhà máy mới được đưa đi sơ tán.

Lực lượng biên phòng Nga cũng đóng cửa hai trạm kiểm soát để bảo vệ sức khỏe của nhân viên. Việc phản ứng dè dặt như vậy gây lo ngại trong một vùng mà chính quyền có thói quen che giấu các thảm họa. Người ta còn nhớ đến những lời nói dối trong vụ nổ nhà máy điện nguyên tử Tchernobyl, năm 1986.

Về phía nhà máy, cũng không có giải đáp gì. Cần nói rõ là nhà máy này thuộc sở hữu của ông Dmytro Firtash, một nhà tài phiệt Ukraine, thường có những phát biểu ồn ào, có quan hệ với Matxcơva, và có hành tung không rõ ràng. Do vậy, hiện nay, không thể đánh giá được những tác động của tình trạng ô nhiễm đối với sức khỏe người dân ở đây".

Vẫn theo thông tín viên Sébastien Gobert, dường như trong vụ việc này có sự can dự của chính quyền Ukraine.

"Đúng vậy, chính quyền Ukraine cung cấp nước cho toàn bán đảo qua một con kênh lớn. Sau vụ sáp nhập năm 2014, phía Ukraine đã đóng cửa nguồn cung ứng này. Một phần do người Nga không muốn trả tiền nước. Mặt khác, Kiev cũng muốn gây sức ép đối với Crimea.

Từ đó đến nay, bán đảo bị cạn kiệt nước, nông nghiệp gặp khó khăn và nhà máy Tian chỉ có được lượng nước ít hơn 30 lần so với trước. Và tình trạng này không dễ gì sớm thay đổi. Tại thủ đô Kiev, Tổng thống Petro Porochenko chỉ trích thảm họa môi trường trên bán đảo Crimea bị Nga chiếm đóng và đề xuất là Ukraine sẽ đứng ra chữa trị cho những người Crimea bị ốm đau, bệnh tật do ô nhiễm. Nhưng ông không nói đến việc mở lại nguồn cung ứng nước. Thêm một bằng chứng cho thấy việc sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 gây ra những hậu quả cụ thể và có thể trở thành thảm họa".

Serbia và Kosovo căng thẳng vì muốn hoạch định lại biên giới chung

Còn tại Kosovo và Serbia, từ giữa mùa hè này, người dân tranh luận dữ dội về việc nên chăng vẽ lại đường biên giới giữa hai nước, cho dù cuộc gặp gần đây nhất trong tuần trước, tại Bruxelles, giữa hai Tổng thống Serbia và Kosovo đã thất bại.

Thông tín viên trong khu vực Jean-Arnault cho biết thêm chi tiết :

"Từ đầu tháng Tám đến nay, có tin nói rằng Kosovo và Serbia đạt được thỏa thuận cuối cùng thông qua việc chỉnh sửa đường biên giới giữa hai nước. Thực ra, ý tưởng này đã được Tổng thống Kosovo Hashil Thaçi và Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic công khai tuyên bố, nhất là trong cuộc gặp song phương tại Thượng đỉnh Châu Âu ở Alpbach, Áo, ngày 25/08. Thế nhưng, không một ai rõ vấn đề chính là gì.

Theo một giả thuyết được nói đến nhiều nhất, có thể Kosovo nhượng cho Serbia vùng phía bắc, nơi có đa số là người Serbia và đổi lại, Kosovo có được một phần thung lũng Presevo, ở phía nam Serbia, nơi có đa số người Albani. Vừa mới được nêu ra, ý tưởng này được coi như là một sự trao đổi những kẻ khủng bố và đã bị gạt bỏ, do vấp phải các chống đối mạnh mẽ, nhất là tại Kosovo và người ta lại thiên về một ý tưởng khiêm tốn hơn, đó là điều chỉnh đường biên giới".

Nguy cơ mở đường cho những đòi hỏi khác ?

"Chắc chắn là như vậy. Nếu như tiền lệ này được tạo ra tại Kosovo, thì tất cả các đường biên giới trong vùng có thể sẽ bị xem xét lại, người Albani sống tập trung ở vùng phía tây bắc Macédonia có thể sẽ đòi sáp nhập với Kosovo, cũng như cộng đồng người Hungary tại Rumani hay ở phía bắc Serbia có thể sẽ đòi sáp nhập với "mẫu quốc".

Quốc gia bị đe dọa trực tiếp nhất, đương nhiên là Bosnia-Hezégovina, hiện vẫn bị chia cắt thành nhiều thực thể, kể từ thời chiến tranh. Tổng thống của nước Cộng Hòa Srspka, thực thể Serbia, đang đòi quyền tự quyết và đòi hỏi này có thể khuyến khích các vùng có đa số là người Croatia đưa ra yêu sách tương tự.

Trong giả thuyết này, người ta sẽ quay lại các dự án phân chia lãnh thổ chồng chéo lên nhau trong thời kỳ chiến tranh những năm 1990, chỉ để lại cho người Bosnia một dải đất nhỏ hẹp ở miền trung Bosnia, tạo ra một dạng dải Gaza ở giữa lòng Châu Âu".

Chia cắt lãnh thổ : Nỗi sợ của cộng đồng quốc tế ?

"Thực vậy, nhất là ý tưởng có các đường biên giới theo sắc tộc tại vùng Balkan. Điều này có thể khuyến khích các đòi hỏi tương tự trên toàn Châu Âu. Các nước phương Tây luôn luôn khẳng định không muốn có sự thay đổi các đường biên giới, đây là lập trường chính thức của Ủy Ban Châu Âu và của nhiều nước, ví dụ Đức. Tuy nhiên, trường hợp đặc biệt của Kosovo có thể làm thay đổi nội dung cuộc tranh luận, nhằm đạt được một thỏa thuận cho phép bình thường hóa hoàn toàn mối quan hệ giữa Béograd và Pristina.

Hoa Kỳ là nước đầu tiên lên tiếng, chính thức tuyên bố không phản đối khả năng điều chỉnh đuờng biên giới. Tuy nhiên, thất bại của cuộc gặp giữa Thaçi và Vucic, ngày 07/09 tại Bruxelles cho thấy rõ là việc đạt được một thỏa thuận như vậy còn rất xa vời. Các bên liên quan đang lao vào một cuộc chơi đánh lừa ngoại giao phức tạp - với nguy cơ làm tan vỡ sự thống nhất của các nước Châu Âu trước những thách thức mà các nước vùng Balkan đang phải đối mặt, trong lúc tất cả những nước này đều là ứng viên gia nhập Liên Hiệp Châu Âu".

Người Ý bị "sỉ nhục" vì Starbucks

Còn tại Ý, một cuộc tranh cãi dữ dội cũng đang diễn ra trên các trang mạng xã hội. Nguyên nhân là hôm 06/09/2018, một cửa hàng cà phê hiệu Starbucks của Mỹ đầu tiên đã khai trương tại Milano. Những người ủng hộ và chống Starbucks đấu khẩu nhau bằng những dòng tweet hào hứng.

Từ Roma, thông tín viên đài RFI, Anne Treca tường thuật :

"Chủ đề nóng bỏng như là một tách cà phê expresso. Cả một lợi ích quốc gia bị thách thức. Nước Ý, quốc gia của cà phê với các kiểu pha chế ngon nhất, dành cho cà phê tách, cà phê ly, đặc, loãng, pha sữa, pha cacao, nóng hay lạnh.

Thế nhưng, việc khai trương ngay giữa lòng thủ phủ xứ Lombardi một điểm bán rộng đến 2.400m2 dưới thương hiệu của Mỹ các loại cà phê ly giấy, "đấy là một sự sỉ nhục", tờ Corriere Della Sera viết, một vụ "tai tiếng", những người bảo vệ truyền thống la to, hay "ăn cắp", như cáo buộc của hiệp hội những người tiêu thụ, tổ chức đã đệ đơn kiện Starbucks.

Cà phê capuccino của hiệu Mỹ đắt đến 4 euro. Mắc hơn gấp hai lần so với các quán cà phê truyền thống của Ý vốn đậm mùi cà phê hơn. Và chính vì thế mà cả nước tranh luận để biết xem nên hay không nên uống cà phê Mỹ bán với giá cao gấp 3 lần".

Dù sao đi nữa thương hiệu cà phê này vẫn nhận được sự ủng hộ của chính quyền Milano. Bởi vì, doanh nghiệp Mỹ này không chỉ khai trương một quá bar tầm thường mà là cả một xí nghiệp cà phê tại chỗ. Một cỗ máy có thể chế biến đến 3.450 kilo cà phê mỗi ngày. Đủ để sản xuất cà phê cung cấp cho các điểm bán khác tại Châu Âu. Doanh nghiệp này còn mang đến 300 việc làm và cam kết tuyển dụng người trẻ tuổi không có tay nghề và cả di dân. Nhiều người xem đấy như là một cơ hội để phát triển kinh tế.

Vậy những người ủng hộ Starbucks cảm thấy thế nào ? Thông tín viên Anne Treca cho biết tiếp :

"Nếu như những người phản đối Starbucks đang tuôn trào trên các mạng xã hội cho rằng bản sắc Ý đã bị phản bội, thì những người hâm mộ các tách cà phê moccacino to lớn đã có mặt tại chỗ. Họ sẵn sàng xếp hàng từ 3 đến 4 giờ dưới trời mưa để được vào "ngôi đền" cà phê Mỹ ở Milano và chính lúc đó điều ngạc nhiên đã xảy ra : một mùi thơm bánh mì nướng lò tại chỗ.

Không có bánh donut mà cũng không có muffin (một dạng bánh bông lan), giống như ở New York hay Luân Đôn. Thay vào đó là pizza và focacce (một dạng bánh mặn) do một thợ làm bánh mì nổi tiếng chế biến tại chỗ. Tách cà phê làm bằng giấy carton mầu đen có dòng chữ mầu vàng. Trên lầu, người ta còn phục vụ các loại cocktail và nhiều thức uống pha rượu khác.

Về ghế ngồi, chuỗi cửa hàng của Mỹ đã phá cách của mình và đưa ra một kiểu thiết kế mới, theo kiểu Ý. Điều đó dường như rất hợp lòng khách. Cửa hàng không lúc nào ngớt khách".

Thái Lan tìm kiếm người hùng mới giữa chốn sương mù

Từ hơn bốn năm qua, Thái Lan nằm dưới sự điều hành của giới quân nhân kể từ sau cú đảo chính hồi tháng 5/2014. Đây là giai đoạn chế độ quân sự dài nhất tính từ năm 1970. Song song đó, mô hình xã hội được thiết lập từ đầu thế kỷ XX không còn vận hành nữa. Sự ra đi của một vị vua rất được người dân tôn kính cách nay hai năm đã tạo ra một sự bất an ngay trong lòng xã hội Thái Lan. Trong giai đoạn chuyển tiếp này, người dân Thái đang tự tìm kiếm cho mình những anh hùng để nhóm lên niềm hy vọng.

Từ Bangkok, thông tín viên Arnaud Dubus giải thích :

"Thái Lan gần như đang rơi vào khủng hoảng bản sắc. Đất nước bì bõm trong vũng lầy do giới quân sự đào ra. Sự ra đi của quốc vương Bhumibol hồi cuối năm 2016 là một cú sốc to lớn, bởi vì ông là yếu tố hợp nhất chính yếu trong một xã hội bị chia rẽ sâu sắc. Người dân Thái đau khổ và thường trong kiểu tình huống này, họ tìm kiếm những nhân vật anh hùng.

Những anh hùng mới đây mà họ khám phá có đến 13 người. Đó là 12 đứa trẻ và vị huấn luyện viên bóng đá, những người bị kẹt trong một hang động ở phía bắc Thái Lan hồi tháng Bảy vừa qua trong vòng hai tuần không có thức ăn.

Cuối cùng, số người này đã có thể được sơ tán an toàn trong một chiến dịch lớn với sự phối hợp giữa các nhân viên cứu hộ Thái Lan và các chuyên gia quốc tế. Thứ Năm, 06/09/2018, quốc vương hiện nay, Vajiralongkorn - con trai vua Bhumibol - đã cho mở đại tiệc trong khu phố lịch sử Bangkok để khen ngợi sức chịu đựng bền bỉ và cảm ơn những ai đã tham gia chiến dịch cứu hộ".

Nhu cầu tìm kiếm một niềm tin

"Vụ hang động Tham Luang, đó là một câu chuyện kết thúc có hậu, nhưng không phải là không có khó khăn. Ban đầu, nhiều người nghĩ rằng bọn trẻ sẽ không sống sót, hầu như tất cả đều nghĩ thế. Đấy quả thật là một cuộc thử thách dài và đau đớn, niềm hy vọng đôi khi tưởng lụi tàn.

Nhưng điều quan trọng, chính là cuối cùng, người dân Thái Lan dựa vào những phẩm chất vốn có (cởi mở với người ngoài, linh hoạt, bền chí và đức tính hy sinh) đã vượt qua được thử thách này. Họ đã đau khổ, nhưng họ đã chiến thắng. Bất chấp các rào cản, thắng lợi này đã biến những đứa trẻ và các nhân viên cứu hộ thành người hùng, một kiểu câu chuyện ngụ ngôn, có thể mang lại hy vọng cho đất nước".

Minh Anh

Published in Quốc tế
samedi, 15 septembre 2018 23:20

Điểm báo Pháp - Ngài Trump đáng sợ

Ngài Trump đáng sợ

"Ngài Trump bất khả". Đó là hàng tựa trên trang nhất của tờ Courrier International tuần này. Sau những tiết lộ của nhà báo kỳ cựu Bob Woodward về những chuyện điên rồ trong Nhà Trắng, tờ báo đặt câu hỏi : Donald Trump còn có thể trụ lại ?

ngai1

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một buổi tiếp tân tại Nhà Trắng ngày 12/09/2018. Reuters

Một vị Tổng thống bất ổn định và nguy hiểm. Một Nhà Trắng lúc nào cũng căng thẳng thần kinh. Đó là những gì mà nhà báo kỳ cựu Bob Woodward mô tả trong một cuốn sách gây sốc, "Fear" (Nỗi sợ). Courrier International trích dịch một số đoạn trên tờ Washington Post về cuốn sách này.

Theo Washington Post, Wooward giải thích cuốn "Fear" được viết dựa trên hàng trăm giờ trò chuyện với những nhân vật đã trực tiếp hoặc gián tiếp can dự vào những sự kiện được kể trong cuốn sách. Toàn bộ những người cung cấp thông tin đều xin được ẩn danh. Cuốn sách của Woodward cũng dựa trên những biên bản cuộc họp, các nhật ký và những tài liệu chính thức.

Theo mô tả của Woodward, Donald Trump vẫn luôn tức giận về cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ và thái độ này đôi khi đã làm tê liệt Nhà Trắng trong suốt nhiều ngày. Vào tháng 05/2017, khi biết Robert Mueller được bổ nhiệm làm công tố viên đặc biệt, Trump đã nổi cơn thịnh nộ : "Ai cũng muốn làm thịt tôi !". Những trận lôi đình thường xuyên của Trump khiến các cố vấn của ông hoảng loạn, tưởng như đang sống lại những ngày cuối cùng Nixon nắm quyền.

Nhiều lần trong cuốn sách của ông, Woodward kể lại mối lo ngại tột cùng của êkíp đặc trách an ninh quốc gia trước sự thờ ơ của Trump đối với thời sự quốc tế, trước sự thiếu hiểu biết của ông trong lĩnh vực này, cũng như thái độ xem thường những phân tích của các lãnh đạo quân đội và tình báo Mỹ.

Trong một cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia, ngày 19/01, Trump đã chỉ trích việc duy trì một sự hiện diện quân sự rất quan trọng của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên, thậm chí còn hỏi là tại sao phải huy động nhiều phương tiện như thế ở khu vực đó. Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đã trả lời : "Đó là để tránh một cuộc Thế chiến thứ ba". Theo lời kể của Woodward, sau khi Trump rời phòng họp, "Mattis vô cùng bực bội và lo ngại, ông nói với các cộng sự viên thân tín rằng Tổng thống hành xử như một đứa trẻ 11 hay 12 tuổi, và trình độ của ông cũng bằng một đứa trẻ".

Theo Washington Post, cuốn "Fear" chủ yếu đề cập đến những quyết định quan trọng và những bất đồng nội bộ, nhất là về những căng thẳng với Bắc Triều Tiên và chính sách của Mỹ ở Afghanistan.

Woodward kể rằng các thành viên chính phủ Mỹ thường xuyên lo ngại về cách thức mà Trump đối phó với mối đe dọa Bắc Triều Tiên. Chỉ một tháng sau khi lên cầm quyền, Trump đã yêu cầu Tổng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ Joseph Dunford vạch kế hoạch oanh kích ngăn ngừa vào Bắc Triều Tiên, khiến tướng Dunford toát mồ hôi hột.

Cuốn sách cũng giải thích thái độ sốt ruột của Trump đối với chiến tranh ở Afghanistan. Vào tháng 07/2017, trong một cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia, Trump đã trút cơn giận lên các tướng lãnh và các cố vấn của ông, trách họ là khiến cho Hoa Kỳ bị thua trong cuộc chiến tranh này.

Trong một bài báo khác cũng được Courrier Internatinonal trích dịch, tờ Washington Post ghi nhận một điểm ở Trump : nếu chọc tức, ông sẽ nổi cơn thịnh nộ, nhưng nói vuốt ve, thì ông sẽ dịu ngay. Vị Tổng thống này lừa những người xung quanh, nhưng không phải là một cách nham hiểm giống như Richard Nixon hay một cách đạo đức giả giống như Bill Clinton. Trump không theo một chiến lược sâu sắc hay tinh tế nào. Thậm chí không phải lúc nào ông cũng hành động vì những lợi ích của riêng ông. Ông phản ứng giống như một đứa trẻ. Đó là lý do vì sao các luật sư của Trump từ chối để cho công tố viên Robert Mueller thẩm vấn ông. Bởi vì làm như thế chẳng khác gì bắt một đứa bé 9 tuổi trình luận án tiến sĩ.

Thụy Điển, đảng cực hữu bài ngoại bành trướng thế lực

Về thời sự Châu Âu, L’Express tuần này quan tâm đặc biệt đến tình hình Thụy Điển, với sự kiện đảng cực hữu bài ngoại bành trướng thế lực qua cuộc bầu cử Quốc hội ngày 09/09/2018.

Tuy chưa phải là "trận động đất" như hy vọng của Jimmie Akesson, người đã mơ đến chuyện vượt qua bức tường tâm lý 20%, đưa đảng "Những Người Dân chủ Thụy Điển" của ông trở thành đảng thứ hai, thậm chí đảng hàng đầu ở nước này, nhưng với 17,6% số phiếu, lãnh đạo cực hữu nay có một trọng lượng lớn chưa từng có trong lịch sử vương quốc vùng Scandinave.

Là một diễn giả rất khéo léo và dè dặt, khác hẳn với những tuyên bố nẩy lửa của lãnh đạo đảng cực hữu Ý Matteo Salvini, Jimmie Akesson, 39 tuổi, biết khai thác mối lo ngại của dân Thụy Điển trước những thay đổi do sự hiện diện quá lớn, theo cái nhìn của họ, của những người nhập cư. Lập luận của ông rất đơn giản : Mô hình Bắc Âu đang suy thoái do tình trạng nhập cư không được kiểm soát chặt chẽ.

Từ năm 2013 đến nay, Thụy Điển, quốc gia chỉ có 10,5 triệu dân, đã đón nhận đến 400 ngàn người tị nạn. Đây là một con số kỷ lục ở Châu Âu : tính trên dân số, chưa có quốc gia nào đón nhận nhiều như thế, kể cả nước Đức. Nhưng thật ra, làn sóng nhập cư không phải là hiện tượng gì mới mẻ ở Thụy Điển. Với 1 phần 5 dân số là người gốc nước ngoài, trong vòng 4 thập niên, quốc gia Bắc Âu này đã thay đổi hẳn. Sau những đợt nhập cư từ Nam Mỹ, Châu Phi và Nam Tư củ, nay đến làn sóng nhập cư Afghanistan, Iraq và Syria. Kể từ nay, trên đường phố Thụy Điển, với rất nhiều phụ nữ đội khăn chùm kín mặt, tính đa văn hóa ngày càng rõ rệt.

Theo L’Express, tuy hiện không có đảng nào, dù là cánh tả hay cánh hữu, chấp nhận thương lượng với đảng của Jimmie Akesson, thậm chí họ có thể sẽ liên minh với nhau để ngăn đảng cực hữu tham gia cầm quyền, nhưng đà lớn mạnh của xu hướng dân túy ở Thụy Điển sẽ không dừng ở đó.

Tuy Thụy Điển hiện vẫn đạt mức tăng trưởng 2% và tỷ lệ thất nghiệp ở nước này chỉ là khoảng 6%, nhưng chính phủ mới sẽ đối đầu với nhiều thách thức : cải thiện hoạt động của hệ thống bệnh viện, nâng cao giáo dục và nhất là giải quyết khủng hoảng về nhà ở, nhất là nhà xã hội (nhà giá rẻ). Tuần báo Pháp trích lời một nữ hộ lý về hưu đã bầu cho "Jimmie" lo ngại nói : "Một số người dân Thụy Điển chờ được cấp nhà từ 3 năm nay, thế mà đùng một cái, cả một gia đình người Afghanistan được cấp trước họ".

Nhà viết xã luận của tờ nhật báo lớn Dagens Nyheter, Erik Helmerson, nhận xét : "Cách đây vài năm, các chiến dịch tranh cử thường xoay quanh vấn đề nam nữ bình quyền hay tăng ngân sách giáo dục, nhưng nay, các ứng cử viên chỉ đề cập đến vấn đề biên giới, tội phạm". Một điều chắc chắn là chưa bao giờ xã hội Thụy Điển bị chia rẽ đến như thế. Trong một quốc gia nổi tiếng là luôn có sự đồng thuận, đang có một sự thay đổi sâu rộng. Một điều không thể tưởng tượng được chỉ cách đây 4 năm, đó là vào tháng trước một phóng sự điều tra truyền hình đã đề cập đến một chủ đề cấm kỵ : nguồn gốc sắc tộc của những người bị kết án vì tội hiếp dâm. Kết quả điều tra : trên 843 kẻ hiếp dâm, có đến 85% sinh ở nước ngoài. Kể từ nay, 1/4 số phụ nữ Thụy Điển tuyên bố không cảm thấy an toàn vào một số thời điểm nào đó trong ngày.

Một phần năm dân Pháp sẽ mắc bệnh tâm thần

Một phần năm dân Pháp, tức tổng cộng 12 triệu người, đã hoặc sẽ mắc một chứng bệnh tâm thần trong cuộc đời của mình. Đó là thực tế được tuần báo L’Express ghi nhận trên trang nhất số ra tuần này.

Chi phí cho việc điều trị các chứng bệnh tâm thần hiện đã trở thành khoản chi tiêu lớn nhất của Quỹ Bảo hiểm Y tế. Hàng năm tại Pháp, có đến 10 ngàn người tự tử do bệnh tâm thần, cao gấp ba lần số nạn nhân chết vì tai nạn giao thông.

Thế mà, theo L’Express, nước Pháp hầu như không có một chính sách để ngăn ngừa bệnh tâm thần. Bệnh nhân thường phải mất nhiều thời gian mới được chẩn đoán và trong số những người đã được chẩn đoán, có rất ít người được chữa trị đàng hoàng. Đối với tuần báo này, đúng là các phương tiện của các bệnh viện đang giảm đi, nhưng việc không thể chữa trị đàng hoàng các bệnh nhân tâm thần bên ngoài bệnh viện là một điều không thể chấp nhận được.

Cho nên tờ L’Express đã giới thiệu đến độc giả một cuốn sách mới được xuất bản gần đây, trình bày kết quả một cuộc điều tra rất tỷ mỷ, cho thấy là hoàn toàn có thể đảo ngược tình thế, nhất là vì những tiến bộ của khoa học có thể giúp nhiều bệnh nhân cải thiện bệnh tình, thậm chí được chữa khỏi.

Bên cạnh các bác sĩ, y tá, nay các điện thoại thông minh và máy tính bảng, thông qua các ứng dụng tin học, cũng đã trở thành những trợ thủ đắc lực trong việc chữa trị các chứng bệnh như trầm cảm, thậm chí ngăn ngừa tự tử.

Theo lời bác sĩ Marion Leboyer, bệnh viện Henri Mondor, ngoại ô Paris, trong tương lai, thay vì kê toa thuốc, các bác sĩ có thể nói với bệnh nhân : "Hãy cầm lấy ứng dụng này và trở lại gặp tôi để nói cho biết có khá hơn không".

Riêng các bệnh nhân có nguy cơ tự tử cao, chẳng hạn như những người đã từng toan kết liễu đời mình, thì được đề nghị trang bị một ứng dụng để họ có thể tự đánh giá những cảm xúc đang có và ứng dụng sẽ thu thập những thông tin đó, nếu cần sẽ báo động ngay cho các nhân viên y tế để họ ngăn chặn kịp thời, không để cho bệnh nhân thực hiện hành vi tự tử.

Alzheimer : "căn bệnh của thế kỷ

Tuần báo L’Obs trong tuần này cũng dành một hồ sơ cho bệnh mà tờ báo này gọi là "căn bệnh của thế kỷ", đó là Alzheimer. Vào lúc mà hầu như gia đình nào cũng có người mắc bệnh này, ngành y tế vẫn thường bất lực. Nhưng bên cạnh điều trị bằng thuốc, nhiều phương pháp trị liệu khác đang được áp dụng, chú trọng nhiều hơn đến tình trạng của bệnh nhân.

Trên thế giới hiện có ít nhất 35 triệu người bị Alzheimer, trong đó có 900 ngàn người ở Pháp. Hầu như nhà nào cũng có người bị bệnh này, khiến cuộc sống các gia đình bị đảo lộn. Thậm chí theo kết quả một cuộc điều tra vào năm 2015, Alzheimer hiện là căn bệnh mà dân Pháp sợ nhất, chỉ sau ung thư. Họ sợ nhìn thấy vợ hay chồng mình, bố hay mẹ mình mắc căn bệnh quái ác, gặm nhấm từ từ trí nhớ, làm thay đổi tính tình và đẩy họ vào trạng thái lú lẫn hoàn toàn.

Nỗi lo Alzheimer càng lớn vì sau hàng mấy thập niên nghiên cứu, căn bệnh này vẫn đầy bí hiểm, khoa học vẫn chưa hiểu rõ được nguồn gốc của nó, và nhất là chưa biết làm cách nào để ngăn chặn đà phát triển của căn bệnh.

Càng về già thì nguy cơ mắc Alzheimer càng cao : trong độ tuổi từ 65 đến 85 tuổi, số ca bệnh cứ mỗi 5 năm lại tăng gấp đôi. Khoảng 40% người trong độ tuổi 80 mắc bệnh này, theo sách trắng của Tổ chức Médéric Alzheimer, vừa được xuất bản. Số ca bệnh bùng nổ đến mức mà các chuyên gia tự hỏi không biết tuổi già và Alzheimer có phải là một hay không.

Nhưng có phải vì thế mà chúng ta buông tay ? Rất may là không, theo tuần báo L’Obs. Bởi vì, tuy hiện chưa có thuốc nào thật sự hiệu nghiệm, các phát hiện gần đây về tính co dãn của bộ não cho thấy là có thể làm chậm sự xuất hiện của căn bệnh nếu chăm sóc tốt bộ não.

Trước hết phải kích thích hoạt động trí tuệ của bộ não vì kể từ nay người ta biết được rằng trình độ học vấn là một yếu tố bảo vệ. Dĩ nhiên là không thể đòi hỏi các cụ học đến trình độ đại học, nhưng đọc sách, tham gia các trò chơi xã hội là những thú vui tích cực tốt hơn là những thú vui thụ động, như xem truyền hình. Các chuyên gia nhấn mạnh là những người lớn tuổi nên có những hoạt động mới, đòi hỏi sự suy nghĩ, tập trung và ghi nhớ : học một ngoại ngữ, chơi một môn thể thao mới.

Hoạt động thể lực thậm chí là rất cần thiết. Phải tạo thói quen mỗi ngày hoạt động khoảng 30 phút : đi bộ, bơi lội, đi xe đạp. Dĩ nhiên là phải tránh những môn thể thao mà bộ não có thể bị va chạm : quyền Anh, rugby… Về chế độ ăn uống thì theo chế độ ăn uống của người dân vùng Địa Trung Hải : ít thịt, dùng dầu olive, nhiều rau cải, tránh tối đa rượu, thuốc lá, thuốc ngủ, thuốc phiện.

Mặt khác, cũng cần có một đời sống xã hội càng rộng càng tốt, nhất là trong giai đoạn mới phát bệnh Alzheimer. Những nước như Anh Quốc, Bỉ, hay Thụy Sĩ từ lâu đã hiểu điều đó, cho nên họ tạo điều kiện tối đa cho bệnh nhân hòa nhập hoàn toàn vào xã hội. Tại Hà Lan, bệnh nhân Alzheimer được sống tự do, nhưng một cách an toàn, trong một trung tâm rộng lớn, được thiết kế như một ngôi làng. Roma cũng đã khánh thành ngôi làng tương tự vào năm ngoái. Ngôi làng thứ ba loại này sẽ ra đời vào năm tới ở thành phố Dax của Pháp. Các nước Bắc Âu thì thiên về các cấu trúc nhỏ, theo kiểu nhà gia đình.

Thanh Phương

Published in Quốc tế

Nhật-Nga : Shinzo Abe bác đề nghị ký hòa ước vô điều kiện của Putin (RFI, 14/09/2018)

Tokyo đón tiếp lạnh lùng lời kêu gọi của tổng thống Nga Putin ký "hòa ước chấm dứt chiến tranh vô điều kiện". Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố "Nhật Bản muốn giải quyết trước hồ sơ quần đảo Kuril bị Hồng quân Liên xô đánh chiếm ngay khi Thế Chiến Thứ Hai kết thúc".

nganhat2

Tổng thống Nga, Vladimir Putin và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đối thoại bên lề Diễn đàn Kinh tế Vladivostok, Nga, ngày 10/09/2018. Mikhail Metzel/TASS Host Photo Agency/Pool via Reuters

Nhân diễn đàn kinh tế Vladivostok trong tuần, tổng thống Nga Putin đề nghị với thủ tướng Nhật là hai nước nên ký một hiệp định chấm dứt chiến tranh ngay trong năm nay mà không đặt điều kiện tiên quyết.

Ngay lập tức, phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản Yoshihide Suga bác bỏ đề nghị của chủ nhân điện Kremlin : Tokyo tuân thủ một nguyên tắc đơn giản đó là chỉ ký một thỏa thuận hòa bình với Nga sau khi đạt được thảo thuận về chủ quyền ở quần đảo Kuril mà Nhật gọi là lãnh thổ phương bắc.

Trở về Tokyo, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 14/09/2018 cũng nhấn mạnh lập trường này. Ông cho biết sẽ gặp lại tổng thống Nga trong năm nay để thảo luận thêm về đề nghị ký hiệp định hòa bình nhưng "muốn giải quyết tranh chấp lãnh thổ" trước đã.

Theo AP, thủ tướng Nhật cho biết như trên trong cuộc họp của đảng Tự Do Dân Chủ. Trong dịp này, ông cũng gián tiếp thông báo ý định tiếp tục lãnh đạo đảng và chính phủ thêm một nhiệm kỳ nữa để hoàn tất kế hoạch tu chính Hiến Pháp theo xu hướng chủ hòa từ sau Thế Chiến Thứ Hai, cho thích ứng với tình hình mới trong khu vực và vai vế của Tokyo trên trường quốc tế. Đại hội đảng Tự Do Dân Chủ khai mạc vào ngày 20 tháng 09 này.

Tú Anh

***************

Nga đề nghị Nhật ký hiệp định hòa bình trong năm nay (RFI, 12/09/2018)

Hôm 12/09/2018, tổng thống Nga gây bất ngờ khi đề nghị Nhật Bản ký hiệp định hòa bình, từ đây đến cuối năm, để khép lại trang sử Thế chiến Hai, mà không kèm theo bất cứ điều kiện nào.

nganhat1

Tổng thống Nga Vladimir Putin và thủ tướng Nhật Shinzo Abe gặp nhau bên lề Diễn đàn Kinh tế Vladivostok, Nga, ngày 11/09/2018. Mikhail Metzel/TASS /Pool via Reuters

Theo AFP, đề nghị được tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế ở thành phố miền Viễn Đông Vladivostok, một sự kiện do Nga tổ chức, nhằm thắt chặt quan hệ với các cường quốc châu Á.

Tuyên bố của ông Putin được đưa ra trong bối cảnh, cũng ngay tại Diễn đàn này, thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe kêu gọi Nga - Nhật cùng thay đổi cách tiếp cận, với nhận định : "Đã 70 năm nay chúng ta đã tìm kiếm cách giải quyết các bất đồng song phương, đã 70 năm chúng ta tiến hành thương thuyết". Đáp lời lãnh đạo Nhật, tổng thống Nga nói : "Vậy thì chúng ta hãy cùng nhau ký kết một hiệp ước hòa bình từ nay đến cuối năm, không kèm theo điều kiện !".

Đề nghị của ông Putin gây ngạc nhiên, bởi trước đó Moskva vốn có lập trường rất dè dặt về vấn đề này. Ngay thứ Hai, 10/09, ông Putin còn khẳng định : "thật ngây thơ khi nghĩ là có thể giải quyết được trong một giờ" tranh chấp này.

Tranh chấp lãnh thổ giữa Nga và Nhật tại khu vực quần đảo Kuril, mà Tokyo gọi là vùng lãnh thổ phương Bắc của Nhật, là trở ngại chính trong việc ký một thỏa thuận hòa bình, giữa hai cựu thù.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Trung Quốc "hô biến", ngôi sao Phạm Băng Băng mất tích

"Trung Quốc ‘hô biến’ ngôi sao Phạm Băng Băng" (Fan Bingbing), đó là tựa đề bài viết của thông tín viên Le Figaro tại Bắc Kinh. Ngôi sao màn bạc được thế giới biết đến, bị cáo buộc trốn thuế, đã "mất tích" từ hơn hai tháng qua.

fan1

Nữ diễn viên Trung Quốc Phạm Băng Băng tại Liên hoan điện ảnh Cannes lần thứ 71 ở Pháp, ngày 11/05/2018. Reuters/Stephane Mahe/File

Nữ diễn viên kiêm nhà sản xuất phim nổi tiếng, hai tháng rưỡi qua không hề xuất hiện. Không có lời giải thích chính thức nào được đưa ra, nhưng các fan nghi rằng Phạm Băng Băng đã bị bí mật giam giữ ở một nơi nào đó, tại đất nước mà những vụ "mất tích" như thế vẫn thường xảy ra. Tuần trước Securities Daily, một tờ báo nhà nước khẳng định Phạm Băng Băng đã được đặt "trong vòng kiểm soát", và cô "chấp nhận" các thủ tục tư pháp. Bài báo này đã bị rút xuống hầu như ngay sau khi đăng.

Tài khoản Vi Bác của nữ diễn viên vốn hoạt động thường xuyên, đã im lặng từ đầu tháng Sáu. Định mệnh của cô đã thay đổi từ tháng Năm, khi một cựu bình luận viên truyền hình đăng tải trên internet các hợp đồng, theo đó Phạm Băng Băng được trả 10 triệu nhân dân tệ (1,3 triệu euro) cho bốn ngày làm việc, nhưng trên thực tế đã nhận thêm 50 triệu nhân dân tệ mà không khai báo. Báo chí chính thức tố cáo hệ thống "âm dương" tức làm hai hợp đồng song song, một để khai thuế, và phần lớn chạy vào túi riêng.

Tệ hơn nữa là Phạm Băng Băng chỉ được 0 điểm trên thang điểm 100 về trách nhiệm xã hội của người nổi tiếng trong lãnh vực điện ảnh và truyền hình, do cơ quan chức năng đánh giá. Theo Securities Daily, hợp đồng "âm dương" trên đây chỉ là phần nổi của tảng băng. Diễn viên vedette này còn bị nghi ngờ "tham gia các hoạt động tín dụng bất chính và các vụ tham nhũng khác". Phạm Băng Băng có thu nhập đến 300 triệu nhân dân tệ (38 triệu euro) trong năm 2017, theo Forbes, cao hơn nhiều nữ diễn viên Mỹ hàng đầu.

Chế độ Bắc Kinh nhanh chóng đả kích xu hướng "tôn thờ tiền bạc", kích thích giới trẻ "theo đuôi thần tượng một cách mù quáng". Các hãng phim bị buộc không được trả thù lao cho các ngôi sao quá 70% tổng chi. Đồng thời Đảng cộng sản Trung Quốc cũng tìm cách sử dụng các thần tượng để gây ảnh hưởng, tránh việc giới trẻ thoát khỏi vòng kiềm tỏa của đảng. Về số phận của Phạm Băng Băng, dư luận có người cho rằng cô quá giàu mà lại trốn thuế, như vậy là "đáng kiếp", người khác lại tỏ ra thương cảm khi bị lâm vào vòng lao lý một cách mờ ám, trong lúc chưa có bằng chứng nào chống lại cô được công bố.

Miến Điện, đất nước khó thể trở thành dân chủ

Cũng về Châu Á, La Croix phỏng vấn nhà văn Naw Ja Gawlu, người thiểu số Kachin ở Miến Điện. Ông nói về một đất nước nội chiến liên miên với các tộc người thiểu số, và bị nạn tham nhũng hoành hành, mà bà Aung San Suu Kyi chừng như bất lực.

Theo Gawlu, người thiểu số Kachin ở miền bắc Miến Điện thường xuyên sống trong tình trạng chiến tranh từ nhiều thập niên qua, trên 100.000 người đã phải di tản và vẫn chưa thể quay về làng cũ. Vùng này đầy dẫy những bãi mìn, thường xảy ra các vụ mìn nổ chết người, quân đội Miến Điện kiểm tra khắp nơi và tìm cách chia rẽ sáu dân tộc ở bang Kachin. Đây cũng là thực tế tại tất cả các bang có tộc người Karen, Kachin, Shan… sinh sống.

Nhà văn này tỏ ra thành kiến với người Rohingya, và cho rằng nếu bà Aung San Suu Kyi ưu tiên cho sắc dân này, thì tất cả các sắc tộc thiểu số khác sẽ chống lại bà, vì họ cũng đã xung đột với quân đội Miến Điện suốt nửa thế kỷ qua. Cũng theo Naw Ja Gawlu, Miến Điện là một đất nước phức tạp với nhiều cộng đồng sắc tộc khác nhau, quân đội nắm trọn quyền, giới tăng lữ Phật giáo cũng đầy quyền hành, tham nhũng lan tràn, mất an ninh. Giải Nobel hòa bình đã lớn tuổi, chỉ có thể làm những gì có thể làm được trước khi chết, để cố gắng xây dựng một nền dân chủ cho tương lai.

Vì sao Orban bị các đồng minh Châu Âu bỏ rơi ?

Tại Châu Âu, "Orban bị các đồng minh bỏ rơi", đó là tựa đề bài xã luận của Le Monde. Hôm thứ Tư 12/9, với 448 phiếu thuận và 197 phiếu chống, Nghị viện Châu Âu đã khởi động tiến trình trừng phạt Hungary vì không tôn trọng Nhà nước pháp quyền. Theo tờ báo, dù muộn vẫn còn hơn không. Đây là lời cảnh báo mạnh mẽ cho sự vi phạm các giá trị dân chủ nền tảng của Liên Hiệp Châu Âu (EU).

Trong cuộc chiến đang chia rẽ Châu Âu từ khi xu hướng dân túy dâng lên, cuộc bỏ phiếu này là sự kiện lịch sử, với việc phe bảo vệ các giá trị cơ bản lấy lại thế tiến công – về mặt chính trị hơn là pháp lý.

Mặc dù được mệnh danh là "giải pháp nguyên tử", điều 7 của hiệp ước EU – đã được kích hoạt lần đầu hôm 20/12/2017 đối với Ba Lan, là một tiến trình lâu dài, khó đoán được kết quả. Nhưng một hôm trước cuộc bỏ phiếu, thủ tướng Hungary Victor Orban trước Nghị viện Châu Âu đã khẳng định rõ chủ trương dân tộc chủ nghĩa, và chỉ có được sự ủng hộ của phe cực hữu.

Chìa khóa nằm trong tay những người lãnh đạo đảng PPE, tập trung cánh hữu và trung hữu ở Nghị viện, trong đó có đảng Fidesz của ông Orban. Suốt một thời gian dài PPE từ chối đối mặt với thực tế về chính sách phản dân chủ của thủ tướng Hungary, vì muốn duy trì vị thế hàng đầu ở Nghị viện. Vì sao gió lại đổi chiều ? Theo Le Monde, động cơ của PPE chẳng phải cao cả như người ta tưởng.

Trước hết, Manfred Weber, chủ tịch PPE đang dòm ngó chiếc ghế chủ tịch Ủy ban Châu Âu của ông Jean-Claude Juncker, không muốn đeo thêm gánh nặng Orban. Tiếp đến là cuộc vận động bầu cử Châu Âu tháng 5/2019. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang tích cực tìm kiếm đồng minh để thành lập một phong trào mới đối phó với phe dân tộc chủ nghĩa trên toàn Châu lục, PPE sợ liên minh của mình sẽ bị tan rã.

Thế giới đang ở đâu, 10 năm sau đại khủng hoảng ?

Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos đặt câu hỏi : "Mười năm sau cuộc khủng hoảng, liệu chúng ta đang ở vào tình trạng như hồi năm 1939 ?".

Trong thế kỷ 20, Wall Street sụp đổ ngày 24/10/1929 và nước Đức của Hitler xâm lăng Ba Lan hôm 01/09/1939. Chưa đầy một thập niên sau khủng hoảng tài chính, là đại chiến thế giới, suy thoái kinh tế.

Đầu thế kỷ 21 có vẻ an lành hơn. Nhưng cũng như trong những năm 30, cử tri ngày càng có xu hướng ngả theo dân tộc chủ nghĩa hoặc bảo hộ. Không chỉ Hungary hay Nga, mà cả ở Tây Âu, Hoa Kỳ. Tăng trưởng chựng lại, khiến các nhà kinh tế lại phải đưa ra giả thiết "tăng trưởng yếu kéo dài" của tiền bối Alvin Hansen năm 1938. Về ngân sách, cũng như trong thập niên 30, các Nhà nước đã siết lại nợ công quá sớm ; về thương mại, thế giới đang bên bờ vực một cuộc chiến thuế quan.

Ngày nay, có quá nhiều nợ nần, nhiều dân tộc thua thiệt sau một thập kỷ bị mất đi nhiều việc làm, thu nhập giảm sút. Những kẻ mị dân đang có một đại lộ thênh thang trước mặt, họ mang lại những giải pháp giản đơn, sai lạc để đối phó với những vấn đề phức tạp. Tác giả nhận định, may mắn thay, chúng ta không phải ở vào năm 1939 với một trận chiến vừa khởi phát, nhưng đang ở đâu đó trong thập niên 30. Và trách nhiệm của chúng ta là viết nên một lịch sử khác.

Chiến dịch bóp méo thông tin về Syria của Nga

Nhìn sang Trung Đông, La Croix cho biết "Cuộc chiến Idlib cũng diễn ra trên mặt trận truyền thông Nga". Moskva cáo buộc phe nổi dậy Syria ở Idlib chuẩn bị tấn công bằng vũ khí hóa học, tuy nhiên bộ quốc phòng và ngoại giao Pháp tố cáo chính sách "bóp méo thông tin"của Nga.

Từ thứ Ba 12/9, các kênh truyền hình trong và ngoài nước của Nga đồng loạt nói rằng phe nổi dậy chuẩn bị một vụ tấn công hóa học giả tạo tại Idlib, vùng đất cuối cùng ở Syria còn do phe thánh chiến kiểm soát, rồi sau đó đổ cho chế độ Damascus. Theo quân đội Nga, các ê-kíp truyền hình Trung Đông đã hiện diện tại chỗ, vùng với "một kênh thông tin quan trọng của Mỹ", ám chỉ CNN. Những người tình nguyện Mũ Trắng "sẽ đến giúp dân" sau vụ được cho là sử dụng khí chlor. Phương Tây sẽ dùng cái cớ này để cáo buộc Damascus, và oanh kích các vị trí quân chính phủ.

"Kịch bản" do quân đội Nga mô tả cũng tương tự như một loạt tuyên bố của chính quyền từ một năm qua. Ông Igor Delanoe, phó giám đốc Đài quan sát Pháp-Nga ghi nhận : "Các thông tin kiểu này nhằm chuẩn bị dư luận ở Nga trước khả năng Mỹ oanh kích, chận đầu trước những chứng lý của phương Tây".

Một chuyên gia Châu Âu nhận định : "Để củng cố câu chuyện của mình, người Nga dựa vào những tin giả, tin đồn hoặc các bài báo một chiều, tràn ngập trên các phương tiện truyền thông Nga phổ biến ở nước ngoài bằng các thứ tiếng Anh, Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Ả Rập". Theo một nghiên cứu của Keir Giles cho NATO, mục tiêu không còn như thời Liên Xô cũ là xúc tiến một mô hình, mà là "phá hoại khái niệm sự thật khách quan, thậm chí cả nghề báo". Và ý đồ về lâu dài là làm giảm uy tín những nền dân chủ, đánh bóng các chế độ toàn trị.

Xóa nghèo, khủng hoảng tài chính : Tựa chính báo Pháp

Kế hoạch xóa đói giảm nghèo của tổng thống Emmanuel Macron, Pháp nhìn nhận trách nhiệm về cái chết của nhà hoạt động cộng sản Maurice Audin trong chiến tranh Algérie, những bài học được rút ra 10 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, đó là những chủ đề chính của các nhật báo Paris hôm nay 14/09/2018.

Nếu nhật báo công giáo La Croix nhấn mạnh đến "Những vũ khí mới chống lại nạn nghèo khó", thì tờ báo thiên tả Libération có phần mỉa mai : "Nghèo khó : Macron chìa ra bàn tay trái".Theo Libération, tuy ngân sách 8 tỉ đô la là chưa đủ, nhưng các biện pháp đề ra là cụ thể và hữu ích ; với ý định ngăn ngừa nạn nghèo khổ từ gốc rễ. Có điều những bất bình đẳng hãy còn quá lớn. Tờ báo ví von, muốn đặt mọi người ở cùng vạch xuất phát là một tiến bộ, nhưng một số người phải mang một ba lô đá nặng trên lưng. Cần có một xã hội bớt bất bình đẳng hơn, có nghĩa là ít tự do chủ nghĩa về kinh tế hơn. Le Figaro thì cho rằng ông Macron đã ngả sang phía tả một chút, nhưng không muốn nhìn nhận đây là một "bước ngoặt".

Le Monde quan tâm đến "Chiến tranh Algérie : Hành động lịch sử của Macron", còn Le Figaro nói về "Bầu cử Châu Âu : Macron chuẩn bị song đấu với Le Pen". Nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa "Lehman : Những bài học của cuộc khủng hoảng thế kỷ". Ở trang trong, là bài phỏng vấn độc quyền ba nhân vật quan trọng của Mỹ vào thời đó.

Thụy My

Published in Châu Á

Bảo vệ pháp quyền và tác quyền : Hai quyết định lớn của Nghị Viện Liên Âu

Nghị Viện Châu Âu cảnh báo Hungary, vì xâm phạm các định chế pháp quyền và tổng thống Pháp tung ra chính sách mới hỗ trợ người nghèo, với tổng trị giá 8 tỉ euro, là hai tựa lớn trang nhất của nhiều nhật báo Pháp hôm nay, 13/09/2018.

baove1

Nghị Viện Châu Âu biểu quyết về thủ tục trừng phạt Hungary. Ảnh ngày 12/09/2018. REUTERS/Vincent Kessler

Về thời sự Châu Âu, nhật báo công giáo La Croix có bài "Nghị Viện Châu Âu hôm qua có hai quyết định quan trọng", ghi nhận một chuyển biến đáng mừng.

"Phải chăng đây là điểm khởi đầu cho một sự thức tỉnh ?", xã luận La Croix mở đầu với một câu hỏi. "Còn quá sớm để kết luận, nhưng chúng ta có thể ghi nhận một điều là : chỉ trong cùng một ngày Nghị Viện Strasbourg đã thông qua hai quyết định, thể hiện sứ mạng của Liên Hiệp Châu Âu".

- Quyết định thứ nhất là bỏ phiếu thông qua dự án cải cách luật tác quyền, nhằm buộc các tập đoàn kiếm lời qua internet phải nộp thuế. Đích nhắm chủ yếu là các đại gia internet, như Google hay Facebook.

- Quyết định thứ hai là khởi sự thủ tục tước quyền bỏ phiếu của Hungary, bởi chính quyền Orban liên tục xâm phạm các giá trị nền tảng của Liên Âu : độc lập tư pháp, tự do báo chí, hiệp hội và quyền tị nạn.

Mùa xuân năm tới, cử tri Châu Âu sẽ bầu nghị viện mới. Hiểm họa lớn là nghị viện tương lai sẽ nằm dưới sự kiểm soát của các đảng phái dân tộc chủ nghĩa, muốn thu hẹp tối đa các định chế Liên Âu. Với hai quyết định nói trên, Nghị Viện Châu Âu cho thấy "điều ngược lại", đó là các định chế Châu Âu có thể là một "đòn bẩy" cho phép các quốc gia của Liên Hiệp đối mặt với các thách thức không của riêng đất nước nào : thất nghiệp, di cư, biến đổi khí hậu. Trong vấn đề Hungary, Nghị Viện muốn chứng tỏ là Liên Hiệp Châu Âu không chỉ là một không gian tự do thương mại, mà còn dựa trên các nền tảng, mà các thành viên cần tôn trọng, nếu muốn được hưởng các lợi ích từ không gian này.

Thủ tướng Hung hay Liên Âu : Cánh hữu phải lựa chọn

Bài "Nghị Viện Châu Âu mở cuộc chiến chống Orban" của Les Echos cũng phấn khởi với hai quyết định hôm qua. Tờ báo thốt lên : "Thật là một ngày khác thường !". Các nghị sĩ đã bỏ phiếu đông đảo (với 448 phiếu thuận, 197 phiếu chống - vượt quá con số hai phần ba nghị sĩ, theo quy định), để khởi sự tiến trình nhắm tới việc tước quyền bỏ phiếu của Budapest. "Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của Liên Hiệp Châu Âu"Nghị Viện đã đưa ra quyết định như vậy đối với một quốc gia thành viên.

Cho đến trước cuộc bỏ phiếu này, một kịch bản như trên được coi là khó xảy ra, vì đảng cầm quyền Hungary vốn được sự ủng hộ của liên đảng cánh hữu Châu Âu PPE. Tuy nhiên, trong bài phát biểu hôm thứ Ba trước Nghị Viện, thủ tướng Victor Orban đã không chấp nhận bất cứ một thỏa hiệp nào, cho dù Budapest bị lên án mạnh mẽ, đặc biệt trong việc xâm phạm tự do báo chí, tham nhũng và độc tài. Tối hôm đó, chủ tịch đảng PPE Manfred Weber tuyên bố cá nhân ông sẽ bỏ phiếu khởi sự điều 7, cho phép tước quyền bỏ phiếu của Hung.

Les Echos nêu một lý do khác đã dẫn đến "biến chuyển chính trị quan trọng này". Đó là, trước thềm bầu cử Nghị Viện mới, phe hữu PPE - vốn bao gồm cánh trung hữu và cánh hữu ôn hòa - đứng trước đòi hỏi phải làm sáng tỏ lập trường. PPE bị tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ trích là "chơi trò hai mặt", vừa hô hào ủng hộ Châu Âu, lại vừa dung túng ông Orban. Trong bối cảnh này, ngay cả thủ tướng Áo, một người có quan điểm chống nhập cư, khá gần gũi với thủ tướng Hung, cũng khẳng định bỏ phiếu chống lại Budapest.

Tuy nhiên, Les Echos cũng lưu ý là khả năng Hungary bị tước quyền bỏ phiếu thực sự là rất thấp, bởi đề xuất này còn phải được sự phê chuẩn của toàn bộ các quốc gia thành viên. Mà, Hungary có được sự hậu thuẫn vững chắc của Ba Lan, một quốc gia cũng rất bị lên án về các xâm phạm định chế pháp quyền trong những năm gần đây.

Còn Le Figaro, với bài "Châu Âu muốn đặt Orban vào thế việt vị", thì cảnh báo, bất chấp quyết định nói trên, tiếng nói của thủ tướng Hung sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các cuộc tranh luận về vấn đề nhập cư, trong giai đoạn tranh cử nghị viện.

Chiến thắng của báo chí Châu Âu trước GAFA

Về quyết định quan trọng thứ hai của Nghị Viện Châu Âu hôm qua, phụ trương kinh tế Le Figaro chạy tít lớn "Chiến thắng của báo chí Châu Âu trước GAFA", cho biết với 438 phiếu thuận (226 chống và 39 vắng mặt), Nghị Viện đã thông qua chỉ thị về tác quyền, mở đường cho việc thảo luận về việc các đại gia Internet (trước hết là Google, Facebook và Twitter) phải chia sẻ lợi nhuận cho tác giả các xuất bản được công bố trên mạng. Chỉ thị của Châu Âu không liên quan đến các mạng internet nhỏ.

Quyết định được đưa ra tại Strasbourg được toàn bộ các hiệp hội báo chí Châu Âu, ENPA và Emma, đánh giá là "một cuộc bỏ phiếu lịch sử vì báo chí và nền dân chủ". Theo chủ tịch ENPA Carlo Perrone, quyền này sẽ mở ra khả năng tìm được một mô hình kinh tế mới cho phép các phương tiện truyền thông sống được, trong kỷ nguyên công nghệ số. Chỉ thị Voss, mang tên nghị sĩ đảng PPE người Đức, Axel Voss, cũng mở đường cho phép các nghệ sĩ (ca sĩ, nhà soạn nhạc, nhà làm phim…) được thù lao cao hơn hiện nay.

Le Figaro lược thuật lại cuộc chiến khốc liệt giữa phe ủng hộ và phe chống. Chỉ thị Voss bị phe chống tố cáo là "kiểm duyệt nội dung", đe dọa việc tự do chia sẻ thông tin… Áp lực của các lobby phe chống dẫn đến việc Nghị Viện từng bỏ phiếu không thông qua chỉ thị này hồi tháng 7.

Tuy nhiên, theo Les Echos, việc đánh thuế tác quyền với các đại công ty Internet chưa ngã ngũ. Trong những tuần tới, bộ ba Nghị Viện, Ủy Ban và Hội Đồng Châu Âu sẽ thảo luận về chỉ thị này, để ra một quyết định cuối cùng trước bầu cử Nghị Viện tháng 5/2019. Các quốc gia thành viên Châu Âu đã tỏ ý ủng hộ.

Putin muốn ký hiệp ước hòa bình ngay với Nhật

Quan hệ khởi sắc hơn giữa Nga và Nhật là chủ đề chính về thời sự Châu Á của Les Echos, với bài "Putin đề nghị hòa bình với Nhật Bản". Hôm qua, tại Diễn đàn kinh tế ở Vladivostok, còn được mệnh danh là "thượng đỉnh Davos của Châu Á", tổng thống Nga đã có một tuyên bố được đánh giá là "bất ngờ", khi tỏ ý sẵn sàng ký hiệp định hòa bình với Nhật Bản, ngay trước cuối năm nay, mà không cần điều kiện tiên quyết. Tuyên bố của ông Putin liệu có phải chỉ là một lời lẽ mang tính tuyên truyền ?

Cho đến nay, phía Nhật Bản vẫn gắn liền việc chính thức ký kết hiệp ước hòa bình (khép lại hoàn toàn trang sử Thế chiến Hai), với việc giải quyết các tranh chấp về cụm đảo Kuril, mà Nhật Bản gọi là vùng lãnh thổ phương Bắc, hiện do quân đội Nga kiểm soát. Các đàm phán giữa hai bên không có kết quả, cho dù thủ tướng Nhật đã 22 lần hội kiến tổng thống Nga.

Tuy nhiên, các hợp tác kinh tế Nhật - Nga đang phát triển mạnh có thể khiến tình hình thay đổi. Tại Diễn đàn kinh tế Vladivostok, thủ tướng Nhật khẳng định viễn cảnh hợp tác song phương là "vô giới hạn", ông Abe trực tiếp giới thiệu với công chúng các đoạn video về các đóng góp của doanh nghiệp Nhật tại Nga trong hàng loạt lĩnh vực : xây dựng hải cảng, lắp đặt trang thiết bị mới cho bệnh viện, tái tổ chức giao thông đô thị như tin học…

Cũng tại Diễn đàn kinh tế này, tổng thống Nga và chủ tịch Trung Quốc thể hiện như là hai người bạn ý hợp tâm đầu. Ông Putin và ông Tập Cận Bình cùng làm bánh crếp trong vai đầu bếp, và cùng nhau nhấm nháp vodka. Nguyên thủ Nga ca ngợi "phong cách thực tế của các đối tác Châu Á", còn lãnh đạo Trung Quốc thì hoan hỉ nói : "Một làn gió mát từ phương Đông đang đến". Tổng thống Nga gián tiếp lên án chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của tổng thống Mỹ.

Doanh nhân Mỹ khởi động phong trào chống chủ nghĩa bảo hộ của Trump

Hôm qua, gần 2 tháng trước cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ, nhiều nhóm doanh nghiệp Hoa Kỳ có thế lực đã phát động một phong trào mới để đánh động công luận trong nước về những hiểm họa của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của tổng thống Donald Trump.

Chiến dịch mang tên "Tariffs Hurt the Heartland" (tạm dịch là "Chính sách bảo hộ thuế quan gây hại cho vùng trung tâm nước Mỹ"). Tham gia vào phong trào có Hiệp hội quốc gia các chủ doanh nghiệp chế tạo Mỹ (National Association of Manufacturers), Phòng thương mại Mỹ, Business Roundtable - hiệp hội tập trung giới tinh hoa của doanh nghiệp Mỹ, Liên đoàn ngành bán lẻ (National Retail Federation), nằm trong số các thành viên nặng ký của phong trào. Chủ tịch Liên đoàn bán lẻ quốc gia, Matthew Shay, cảnh báo là tất cả các khu vực của nền kinh tế Mỹ đều sẽ thua thiệt trong một chiến tranh thương mại.

Theo Le Figaro, rất hiếm khi nào các doanh nghiệp Mỹ, vốn hết sức khác biệt nhau - từ các nhà khổng lồ trong ngành phân phối, như Walmart, Target, cho đến các nhà sản xuất táo tại tiểu bang Washington, các nhà đánh bắt tôm hùm ở Maine, các tập đoàn dầu mỏ, chế tạo xe hơi General Motors - lại tham gia vào một phong trào chung như vậy. Nếu như năm ngoái, các doanh nhân Hoa Kỳ hoan nghênh nhiệt liệt quyết định giảm thuế của tổng thống Mỹ, thì giờ đây họ kêu gọi Donald Trump không thực thi đe dọa đánh thuế nhập khẩu lên 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc, cũng như các biệp pháp khác chống lại Liên Hiệp Châu Âu, Canada. Nhiều hoạt động của phong trào dự kiến sẽ diễn ra trước ngày bầu cử tại các Ohio, Pennsylvanie, Illinois, Indiana et Tennessee, các tiểu bang có nhiều cử tri ủng hộ Donald Trump.

Liệu có tránh được "tắm máu" tại Idlib, Syria ?

Về tình hình tại Syria, cộng đồng quốc tế đang lo ngại, quân đội Syria gây ra cuộc tắm máu, khi tấn công tỉnh Idlib, với sự hậu thuẫn của không quân Nga. La Croix có hồ sơ : "Liệu có thể tránh được cuộc tắm máu ở Idlib ?". 

Theo ông Joost Hiltermann, giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi của trung tâm nghiên cứu về khủng hoảng quốc tế (International Crisis Group), thì tất cả phụ thuộc vào quyết định của Nga. Nếu nước Nga muốn lấy lại Idlib bằng mọi giá, chỉ để giao cho chính quyền Damascus, bất chấp các kêu gọi của quốc tế, thì họ hoàn toàn có thể làm được điều này (Hiện tại "các nước Châu Âu bó tay", vì không có lực lượng tại chỗ). Ngược lại, nếu Moskva quan tâm đến tình hình tại Syria về dài hạn, về việc tái thiết Syria, thì Nga phải hành động khác.

Trong khi đó, theo ông Fabrizio Carboni, giám đốc khu vực Trung Cận Đông của Hội Chữ Thập Đỏ Quốc Tế, đặc điểm của tình hình tại Idlib là dân chúng ở đây đa số là người tị nạn, và đối lập vũ trang, từ các vùng khác, được đưa dồn về đây trong những năm gần đây, theo các thỏa thuận giữa quân đội Damascus, và các nhóm vũ trang đối lập. Tuy nhiên, sau Idlib, sẽ không còn nơi nào tại Syria có thể trở thành nơi trú ẩn cho người tị nạn. Đối với hai bên tham chiến, Idlib là một ngõ cụt. Với tư cách là một người hoạt động nhân đạo, theo sát tình hình Syria từ bảy năm nay, ông Fabrizio Carboni cho biết rất bi quan về tương lai Idlib, bởi rất có khả năng phương án dùng bạo lực ồ ạt sẽ được Nga và Damascus tiến hành.

Theo đại diện Hồng Thập Tự, hiện tại, tổ chức này đã chuẩn bị sẵn nhu yếu phẩm cho 250.000 đến 300.000 người tị nạn Idlib, tại các khu vực xung quanh. Và tổ chức nhân đạo này vẫn tiếp tục kín đáo làm rất nhiều việc để trợ giúp cho dân cư Idlib trong vòng vây, nhờ có nhiều quan hệ với các bên tham chiến. Nhưng các trợ giúp của họ là rất nhỏ nhau so với nỗi đau khổ của dân chúng Idlib, và nhất là họ không thể làm gì để ngặn chặn một cuộc tấn công quy mô lớn.

Pháp : Chương trình chống nghèo "tận gốc" của Macron

Về tình hình nước Pháp, Libération chú ý đến chương trình chống nghèo mới của tổng thống Macron, với hàng tựa ấn tượng trên trang nhất : "Tổng thống của những người giàu quan tâm đến dân nghèo". Libération trước hết khẳng định tỉ lệ dân nghèo ở Pháp thuộc loại thấp nhất Châu Âu, và khoảng cách giàu nghèo đã có xu hướng thu hẹp những năm gần đây. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn 9 triệu người Pháp thuộc nhóm người nghèo (dưới thu nhập tối thiểu), trong đó có ba triệu trẻ em.

Chính trong bối cảnh này, mà Libération khen ngợi kế hoạch mới của tổng thống Pháp – bị nhiều người chỉ trích là không cần thiết - có mục tiêu tấn công vào "gốc rễ của vấn đề" : chống lại việc nạn nghèo khổ được duy trì từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Chương trình của chính phủ bao gồm hàng loạt lĩnh vực, từ trợ giúp trực tiếp về mặt tài chính cho các gia đình, đến hỗ trợ về giáo dục tại các khu vực khó khăn, từ trợ cấp cho căng-tin học đường cho học sinh nghèo, đến chính sách theo sát các thanh thiếu niên trong đào tạo, cho đến khâu tìm việc làm. Hai mảng quan trọng khác của chương trình hỗ trợ này là nhằm giúp người lao động nghèo được tăng thêm thu nhập, khoảng 80 euro/tháng, và hỗ trợ tài chính các doanh nghiệp, hiệp hội đưa người nghèo tham gia làm kinh tế.

Tuy nhiên, Libération cũng cho rằng, kế hoạch quy mô lớn này vẫn chưa đủ, và thật khó mà tất cả mọi người đều có thể có thu nhập ở mức trung lưu. Nhật báo thiên tả đặt vấn đề là nên chăng đặt mục tiêu làm sao để "tất cả mọi công dân có đủ phương tiện để có được một cuộc sống xứng với nhân phẩm", cho dù hoàn cảnh kinh tế của nhiều người không thay đổi ?

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Châu Âu chia rẽ trong việc trừng phạt Hungary

Thời sự quốc tế nổi bật trên các báo Pháp ngày hôm nay là việc Nghị Viện Châu Âu tiến hành bỏ phiếu dự thảo nghị quyết cho phép khởi động tiến trình áp dụng điều 7 Hiệp định Châu Âu, tước quyền bỏ phiếu của Hungary do nguy cơ nước này vi phạm nghiêm trọng các giá trị của Châu Âu.

orban1

Thủ tướng Hungary Viktor Orban phát biểu tại Nghị Viện Châu Âu, Strasbourg, Pháp, ngày 11/09/2018 Reuters/Vincent Kessler

Trong bối cảnh trào lưu dân túy và cực hữu đang trỗi dậy, hồ sơ Hungary gây chia rẽ Châu Âu. Le Figaro chạy trên trang nhất : "Trường hợp Viktor Orban nằm ở tâm điểm chia rẽ, giằng xé Châu Âu". Trong bài phát biểu hôm qua, trước Nghị Viện Châu Âu, thủ tướng Hungary Viktor Orban tố cáo sự "bắt chẹt" của phe ủng hộ chính sách nhập cư bên trong Liên Hiệp Châu Âu đối với Budapest.

Đối với La Croix, cuộc bỏ phiếu về hồ sơ Hungary giống như một sự "bắt mạch" về tình hình tại Châu Âu. Nghị Viện Châu Âu bị chia rẽ trước thái độ của ông Viktor Orban, được đánh giá là chính trị gia cực kỳ bảo thủ. Một bên là xu hướng ủng hộ lập trường chủ quyền quốc gia trên hết của thủ tướng Hungary, cho dù có phải đưa ra những đạo luật đe dọa sự độc lập của tư pháp, quyền tự do hiệp hội, tự do ngôn luận và tôn giáo. Còn bên kia là phe "tiến bộ", theo như cách gọi của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, luôn luôn tin rằng Châu Âu vững mạnh sẽ làm được nhiều việc tốt hơn cho người dân. Với hai phe rõ rệt như vậy, các nghị sĩ còn lại buộc phải lựa chọn đứng về bên này hay bên kia.

Trong bối cảnh đó, Libération nhận định : "Trường hợp Viktor Orban nằm trong tay các nghị sĩ Châu Âu". Câu hỏi đặt ra là liệu Đảng Nhân Dân Châu Âu – PPE – cánh hữu, có bỏ rơi ông Orban hay không vì cho đến nay, đảng này luôn luôn bảo vệ thủ tướng Hungary, cho dù ông đang tìm cách thiết lập một thể chế dân chủ phi tự do, bài ngoại, bài Do Thái và chống Châu Âu. Nếu không có sự ủng hộ đông đảo của cánh hữu, dự thảo nghị quyết của Nghị Viện Châu Âu không có cơ may được thông qua. Vì theo điều 354 Hiệp định về hoạt động của Liên Hiệp Châu Âu, việc khởi động điều 7 đình chỉ quyền bỏ phiếu của một thành viên phải có được sự chấp thuận của hai phần ba số nghị sĩ.

Mỹ không ưa thích sự ràng buộc của các hiệp định quốc tế

Một thời sự quốc tế khác được báo La Croix quan tâm, nhân việc Mỹ công khai đe dọa trừng phạt Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (CPI), nếu định chế này thụ lý, xét xử các công dân Hoa Kỳ hoặc Israel. Tờ báo giải mã câu hỏi: "Tại sao Hoa Kỳ không chấp nhận các hiệp ước quốc tế".

Ngày 11/09 vừa qua, phát biểu tại Hiệp hội nghiên cứu về luật pháp và chính sách công Liên Bang, ở Washington, một tổ chức vận động hành lang của phe siêu bảo thủ, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ John Bolton tuyên bố thẳng thừng : Chúng ta sẽ cấm các thẩm phán và công tố viên này vào Hoa Kỳ. Chúng ta sẽ đưa ra các trừng phạt nhắm vào tài sản của họ nằm trong hệ thống tài chính Mỹ và chúng ta sẽ tiến hành khởi tố họ. Đồng thời, ông còn đe dọa cắt viện trợ của Mỹ cho các nước hợp tác với định chế quốc tế này trong các cuộc điều tra nhắm vào công dân Mỹ và Israel.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ đã có phản ứng mạnh sau khi bà Fatou Bensouda, chưởng lý tại Tòa Án Hình Sự Quốc Tế, muốn tiến hành điều tra và khởi tố các quan chức Hoa Kỳ. Tháng 11/2017, bà chưởng lý đã khẳng định là quân đội Mỹ và CIA, trong giai đoạn 2003-2004, có thể đã phạm các tội ác chiến tranh tại Afghanistan khi tiến hành tra tấn, đối xử tàn bạo với tù nhân.

Báo La Croix nhắc lại chính sách của Mỹ đối với các hiệp ước quốc tế. Đã từ lâu, Hoa Kỳ vẫn có tiếng là chậm chạp phê chuẩn các công ước quốc tế. Cho đến nay, chỉ có hai nước, Hoa Kỳ và Somalia, chưa chấp nhận Công ước quốc tế về quyền của trẻ em. Mỹ cũng không tham gia Tòa Án Hình Sự Quốc Tế, Công ước quốc tế về Luật Biển, Công ước về quyền của người tàn tật, xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ, hiệp ước cấm mìn sát thương cá nhân. Tổ Chức Lao Động Quốc Tế vẫn chờ chữ ký của Washington…

Việc Mỹ rút khỏi các hiệp định quốc tế không phải là điều gì mới mẻ. Trước khi Donald Trump quyết định rút Mỹ ra khỏi Hiệp định khí hậu Paris, Quốc hội Mỹ đã từ chối phê chuẩn Công ước Kyoto về khí hậu trong những năm 1990. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, tổng thống Mỹ, vào năm 1971, đã từ bỏ hiệp định Bretton Woods, đơn phương hủy bỏ khả năng chuyển đổi đô la sang vàng.

Vậy cơ sở của của chủ thuyết đơn phương hành động của Mỹ là gì ? Theo báo La Croix, việc tấn công, đe dọa Tòa Án Hình Sự Quốc Tế nằm trong khuôn khổ chủ trương "Nước Mỹ trước tiên" của Donald Trump. Kể từ khi vào Nhà Trắng, ông đã nhiều lần đe dọa rút nước Mỹ ra khỏi nhiều tổ chức và định chế quốc tế. Theo bà Marie-Cécile Naves, thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược, qua việc chứng tỏ là Hoa Kỳ ra các quyết định tùy theo lợi ích của mình, tổng thống Trump tìm cách ve vãn, làm hài lòng các cử tri đã ủng hộ ông.

Vẫn theo La Croix, đã từ lâu, trước thời Donald Trump, Hoa Kỳ đã luôn luôn tỏ ra không hề sẵn sàng từ bỏ một phần chủ quyền quốc gia để chấp nhận các ràng buộc của các hiệp định quốc tế. Các lãnh đạo của Mỹ, từ trước tới nay, luôn luôn nhắc lại rằng không có gì cao hơn Hiến Pháp 1787 và luật pháp quốc tế không thể thay thế luật pháp quốc gia. Chính cách thức hành xử này của các nước lớn làm triệt tiêu sự năng động của cơ chế đa phương và Nga cũng như Trung Quốc đã dùng luận điểm này để biện minh cho các hành động của mình, không đoái hoài tới các quốc gia khác.

Thất vọng về Aung San Suu Kyi

Về thời sự Châu Á, báo Le Monde có bài "Aung San Suu Kyi, biểu tượng gây thất vọng". Tờ báo nhắc lại là giải Nobel Hòa Bình năm 1991, trong một thời gian dài được phương Tây coi như biểu tượng của cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài quân sự, nay, bà phải trả giá về sự thụ động trước các hành động bạo lực, trấn áp của quân đội nhắm vào sắc tộc thiểu số Hồi giáo Rohingya.

Theo một quan chức nước ngoài, trước đây làm việc tại Rangoon và thường xuyên gặp bà Aung San Suu Kyi thì kể từ khi lên nắm quyền, dường như bà đã thay đổi, ham mê với trò chơi chính trị. Nếu như thần tượng Aung San Suu Kyi đã sụp đổ tại Châu Âu và Hoa Kỳ thì tại Miến Điện, bà vẫn rất có uy tín, được lòng dân. Ngoại trừ một vài chỉ trích của giới trí thức hoặc các nhà tranh đấu cho nhân quyền, ánh hào quang của bà Aung San Suu Kyi vẫn tỏa sáng tại Miến Điện. Trong bầu không khí dân tộc chủ nghĩa ngự trị tại một quốc gia ngày càng có thái độ bài Hồi giáo, đa số dân chúng thù ghét người Rohingya, cách thức hành xử của bà Aung San Suu Kyi trong hồ sơ Rohingya dường như lại càng thúc đẩy đông đảo người dân có thái độ cứng rắn hơn, cực đoan hơn. Trước mặt một số nhà ngoại giao, bà đã coi sắc tộc Hồi giáo thiểu số Rohingya là người nước ngoài. Cho dù không dám nói công khai, nhưng đa số dân gốc Miến Điện biết được bà Aung San Suu Kyi nghĩ gì và họ ủng hộ thái độ này.

Theo Le Monde, với lập trường và cách hành xử trong hồ sơ Rohingya, bà Aung San Suu Kyi đã không thực hiện được tham vọng là hòa giải với giới tướng lãnh để thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa đất nước. Đầu tư nước ngoài và lượng du khách phương Tây đang sụt giảm và uy tín của bà, người trước đây được ca tụng như một anh hùng đấu tranh cho dân chủ, đã bị hoen ố.

Trung Quốc : Phá sản mô hình cho vay P2P

Trong phụ trương Kinh Tế và Doanh Nghiệp, Le Monde có bài "Khi Bắc Kinh bóp nghẹt sự tức giận của hàng ngàn người gửi tiết kiệm bị khuynh gia bại sản", phóng sự dài của Simon Leplatre mô tả sự phá sản của mô hình công ty cho vay ngang hàng trực tuyến (P2P) và trong vụ này, Nhà nước Trung Quốc có phần trách nhiệm.

Để thu hút vốn trong dân, tạo nguồn tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính phủ Trung Quốc đã cho phép ra đời nhiều công ty cho vay ngang hàng, tức là người gửi tiền tiết kiệm - người cho vay, có quan hệ với người đi vay-doanh nghiệp cần vốn, thông qua một website. Thay vì gửi tiền vào các ngân hàng truyền thống với lãi suất rất thấp, khoảng 1%, thì gửi theo mô hình P2P, lãi suất có khi lên tới 10%, một số dự án còn hứa hẹn mức lãi lên tới 20-30%. Lĩnh vực này đã phát triển mạnh, có tới 50 triệu khách hàng với tổng sống tiền huy động được lên tới 1300 tỷ nhân dân tệ.

Năm năm sau, vào 2016, khi xẩy ra loạt phá sản đầu tiên, chính quyền Trung Quốc mới ra tay quản lý lĩnh vực này. Sở dĩ chính quyền chậm can thiệp vì luật pháp Trung Quốc không có quy định nào về mô hình cho vay P2P. Đến khi người dân bất bình vì bị mất tiền thì chính quyền lại không ngần ngại dọa nạt, ngăn chặn các cuộc biểu tình phản đối.

Khí hậu và nạn đói trên thế giới

Trang nhất báo Le Monde hôm nay cảnh báo "Cú sốc về khí hậu làm trầm trọng thêm nạn đói trên thế giới". Theo báo cáo của Tổ Chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), được công bố ngày 11/09, nạn hạn hán tại Châu Phi, lũ lụt và giông bão tại Châu Á… các hiện tượng bất thường về khí hậu ngày càng nhiều và dồn dập, ảnh hưởng đến khả năng tự túc về lương thực của nhiều nhóm dân cư, de dọa các tiến bộ đã đạt được trong cuộc đấu tranh chống nạn đói trên thế giới, kể từ đầu năm 2000.

Vẫn theo tổ chức quốc tế này, cùng với các cuộc xung đột bạo lực, khủng hoảng kinh tế, tình trạng biến đổi đa dạng về khí hậu, với các thiên tai nghiêm trọng, là những nguyên nhân chính gây ra nạn suy dinh dưỡng và mất an ninh lương thực.

Trong khi đó, số người phải hứng chịu nạn đói tăng liên tục trong ba năm liền và lên tới mức của thời điểm cách nay một thập niên. Năm 2016, số người không đủ ăn trên toàn thế giới là 804 triệu. Sang năm 2017, con số này tăng lên thành 821 triệu.

Như vậy, mục tiêu phát triển bền vững số hai, không còn nạn đói vào năm 2030, được Liên Hiệp Quốc thông qua hồi tháng 09/2015, dường như khó đạt được.

Báo cáo của Tổ Chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc được công bố như một thông điệp gửi tới cộng đồng quốc tế trước kỳ khai mạc khóa họp lần thứ 73 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. FAO kêu gọi tăng cường hỗ trợ tài chính trên quy mô lớn cho các chương trình giải thiểu và quản lý các rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thời sự nước Pháp

Các báo đều có bài nói đến việc bầu chủ tịch Quốc hội, báo Le Monde quay lại hồ sơ nguồn tài trợ của Libya cho chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của ông Nicolas Sarkozy năm 2017. Lần này, Saif Al Islam Kadhafi, con trai của nhà cố độc tài Libya, lên tiếng khẳng định. Bài viết không có nhiều tình tiết mới, và các tố cáo của Saif Al Islam cần phải được xem xét thận trọng vì khó kiểm chứng.

RFI tiếng Việt

Published in Quốc tế