Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Pháp : Bộ trưởng nội vụ từ chức, tổng thống Macron chao đảo

Việc bộ trưởng nội vụ Gérard Collomb dứt áo ra đi, bất chấp lời kêu gọi ở lại của tổng thống Emmanuel Macron, gây chấn động chính trường Pháp. Le Monde chạy tựa lớn "Collomb kiên quyết ra đi, Macron chao đảo", trang nhất Libération : "Collomb từ nhiệm : Về địa phương hơn ở trung ương". Le Figaro nhận xét : tại Pháp "Kỷ niệm dịp 60 năm thành lập Đệ Ngũ Cộng Hòa trong không khí hoài nghi".

macron1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và lão tướng Gérard Collomb (phải), tại Paris, ngày 20/06/2017. Benjamin CREMEL / AFP

Xã luận Le Monde, với hàng tựa "Một sự sỉ nhục, một thách đố nan giải", nhận xét, với hành động từ chức của lãnh đạo bộ nội vụ, nhân vật được coi là trợ thủ hàng đầu của tổng thống Macron, chính phủ Pháp đang tiếp tục lún sâu hơn vào cuộc khủng hoảng, kéo dài từ hơn hai tháng nay, kể từ sau vụ một người phụ trách an ninh của tổng thống bị cáo buộc lạm quyền, hành hung người biểu tình.

Bộ trưởng Collomb đã chọn cách từ chức không theo lệ thường, gây choáng váng cho cả tổng thống, lẫn thủ tướng. Đó là đưa ra tuyên bố tái khẳng định việc từ chức ngay tức khắc, trước báo giới, không cần bàn trước với tổng thống. Lời tuyên bố được đưa ra đúng vào lúc thủ tướng đang có buổi giải trình trước Quốc Hội.

Đây là lần thứ ba liên tiếp, tổng thống Pháp đã hoàn toàn tỏ ra bị động, kể từ đầu mùa hè này. Lần thứ nhất là vụ viên cận vệ tin cẩn Benalla bị tố giác, mà tổng thống Macron đã không có cách giải quyết dứt khoát ngay từ đầu. Lần thứ hai là vụ bộ trưởng sinh thái Nicolas Hulot, nhân vật số ba trong chính phủ, bất ngờ từ chức hồi cuối tháng 8, cũng không báo trước với tổng thống.

Khác với bộ trưởng sinh thái, bộ trưởng nội vụ Collomb, nhà chính trị lão luyện 71 tuổi, được coi là người gắn bó với sự nghiệp chính trị của tổng thống Pháp, ngay từ khi chính trị gia trẻ Macron mới chính thức ra ứng cử tổng thống. Cựu thị trưởng Lyon chính là người đã giúp cho Emmanuel Macron rất nhiều về kinh nghiệm, chỗ dựa cũng như mạng lưới cộng sự.

Theo Le Monde, sự ra đi của Gérard Collomb phơi bày một trong những điểm yếu lớn của nguyên thủ Pháp : thiếu những cộng sự nặng ký cho các vị trí chủ chốt của Nhà nước.

Nhật báo phổ thông Le Parisien nói đến "Thời kỳ cô đơn" của tổng thống Pháp. Tờ báo dẫn lời một thành viên chính phủ, theo đó tổng thống Macron đã hoàn toàn bị động trước sự ra đi của hai cây đại thụ trong chính phủ.

Chỉ là "những khó khăn lớn đầu tiên"

Trả lời Les Echos, nhà nghiên cứu Bruno Cautrès, Viện nghiên cứu chính trị Cevipof, Học viện Siences Po, lưu ý sự bị động của tổng thống Macron trước các biến cố liên tiếp vừa qua cho thấy đây chỉ là "những khó khăn lớn đầu tiên". Tổng thống Macron chắc chắn sẽ phải có những thay đổi về "phong cách và phương pháp", nếu không muốn xảy ra những điều tồi tệ hơn. Người dân Pháp hiện tại đặt rất nhiều hy vọng vào tổng thống, sẽ có những thay đổi lớn, kiểu như "tuần nghỉ phép thứ năm", được cố tổng thống Mitterrand lập ra trước đây. Vấn đề là tình hình kinh tế và các áp lực Châu Âu hiện nay khó cho phép Emmanuel Macron có được đủ phương tiện.

Bài xã luận của Le Figaro, mang tựa đề "Hoài nghi", còn nhấn mạnh hơn đến các hậu quả mà vụ từ chức này gây ra. Le Figaro so sánh chính phủ Pháp hiện nay với các chính phủ của nền Cộng Hòa Đệ Tứ (sau Thế chiến Hai đến 1958), liên tục rơi vào tình trạng bất ổn. Tuy nhiên, so sánh như vậy cũng là để Le Figaro khẳng định rằng chính các định chế của nền Cộng Hòa Đệ Ngũ, do tướng de Gaulle sáng lập, đã giúp cho nền chính trị Pháp hiện nay duy trì được sự ổn định.

60 năm sau, Đệ Ngũ Cộng Hòa vẫn là điểm tựa

Báo La Croix chú ý đến việc tổng thống Pháp đến Colombey-les-Deux-Eglises, nơi Charles de Gaulle yên nghỉ, nhân dịp 60 năm ngày ra đời nền Đệ Ngũ Cộng Hòa. La Croix so sánh những tương đồng và khác biệt giữa hai nguyên thủ Pháp. Điểm tương đồng là cả hai đều có khát vọng tiến hành các cải cách lớn. Năm 1958, cũng như thời điểm hiện nay, đời sống chính trị Pháp đều đi vào giai đoạn đảo lộn lớn, với sự ra đời của "một đa số chưa từng có, tập hợp xung quanh một cá nhân, với các lực lượng ủng hộ mới".

Tuy nhiên, khác biệt lớn mà La Croix chỉ ra là tổng thống de Gaulle trước đây chủ trương một nền kinh tế dưới sự chỉ đạo của Nhà nước, trong lúc tổng thống Macron hiện nay đi theo con đường hoàn toàn khác. Về phía Châu Âu, de Gaulle ủng hộ quan hệ mang tính liên chính phủ, trong lúc lập trường của Macron là hướng đến một Liên Hiệp Châu Âu liên bang.

Vẫn về nền Đệ Ngũ Cộng Hòa, một điều tra của Odoxa cho Le Figaro cho thấy, chỉ có 44% người Pháp hiện nay là còn gắn bó với các thể chế của tướng de Gaulle. Và tuy 53% ủng hộ việc bầu cử trực tiếp tổng thống, nhưng 62% cho rằng nền Đệ Ngũ Cộng Hòa mang lại cho cá nhân tổng thống quá nhiều quyền lực, so với các thể chế như Đức, Ý và Tây Ban Nha, nơi Quốc Hội có quyền hạn nhiều hơn. Nhìn chung, theo Le Figaro, một bộ phận lớn người Pháp hoài nghi về tính hiệu quả của nền Đệ Ngũ Cộng Hòa hiện nay, so với "các nền dân chủ lớn khác của Châu Âu".

Chính phủ giảm nhẹ tầm mức

Les Echos cho biết tổng thống Pháp tìm cách giảm nhẹ tầm mức nghiêm trọng của vụ việc. Chủ tịch quốc hội Richard Ferrand tỏ ra hài hước, với nhận xét : ông Collomb đã chọn "một cách ra đi khác thường". Tổng thống Macron thì nhấn mạnh, điều quan trọng là phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, theo đường lối mà ông đã xác định, còn những chuyện còn lại chỉ là trò diễn.

Vẫn theo Les Echos, trong buổi bàn giao hôm qua, thủ tướng Pháp và bộ trưởng nội vụ từ chức đều thừa nhận một điều là, ngân sách cũng như nhân sự dành cho bộ nội vụ đã được tăng mạnh, so với các bộ khác. Trong lúc, nhiều bộ bị cắt giảm công chức, bộ nội vụ sẽ có thêm 10.000 nhân viên trong 5 năm tới.

Trước khi chia tay bộ, cựu bộ trưởng Collomb cũng thừa nhận rằng bộ này hiện có nhiều nhà lãnh đạo xuất sắc, tuy nhiên ông Collomb cũng cho biết thêm, vấn đề mà ông lo ngại hiện tại là tình trạng an ninh tại nhiều khu dân cư ở mức báo động, với sự hoành hành của nhiều băng nhóm buôn lậu ma túy, hay sự trỗi dậy của các phần tử Hồi giáo cực đoan. Đây có lẽ cũng chính là một lý do khiến ông quyết định trở về tiếp tục sự nghiệp lãnh đạo thành phố Lyon, nơi ông từng là thị trưởng, rồi lãnh đạo vùng Lyon, kể từ gần 20 năm nay.

Paris và "tỉnh lẻ" : Cuộc chia tay được báo trước

Về các lý do ra đi của bộ trưởng nội vụ, Libération dành hồ sơ chính để nhấn mạnh đến những khác biệt, thậm chí quan hệ nhiều khi đối kháng giữa thủ đô Paris với các địa phương, trong suốt chiều dài lịch sử, từ thời La Mã cho đến nay, mà Lyon - nơi ông Collomb là thủ lĩnh - là một vùng đất tiêu biểu, với nhiều truyền thống riêng.

Le Monde cũng tìm cách giải mã sự ra đi của ông Collomb qua bài viết "Sự chia tay từ từ của một cặp đôi chính trị", với rất nhiều chi tiết ít được biết đến, được thuật lại như một câu chuyện tình cảm, cho thấy những gì đã từng gắn bó họ với nhau, những gì dẫn đến hiểu lầm, và cuộc chia tay đầy kịch tính.

Tố cáo Iran âm mưu khủng bố, nhưng Pháp tránh quan hệ đóng băng

Về thời sự quốc tế, báo chí Pháp đặc biệt chú ý đến cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Paris và Tehran, tiếp sau vụ Pháp cáo buộc tình báo Iran tổ chức khủng bố trên đất Pháp. Âm mưu khủng bố nhắm vào phong trào Moudjahidin của Nhân dân, đối thủ của chế độ Hồi giáo Iran, tại một vùng ngoại ô Paris, bị phá vỡ hồi tháng 6.

Về phía Pháp, Paris tìm cách giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của vụ việc, và không muốn chuyện này dẫn đến việc quan hệ ngoại giao song phương bị đóng băng. Quan điểm của tổng thống Pháp là cương quyết duy trì đối thoại với Tehran, để Iran tiếp tục ở lại với thỏa thuận hạt nhân, mà tổng thống Mỹ vừa quyết định rút ra. Vấn đề quan trọng, theo nguyên thủ Pháp, là không thể để cho Iran có cơ hội sở hữu vũ khí nguyên tử.

Quan hệ Pháp-Iran trong những tuần gần đây căng thẳng hơn. Theo Reuters, một thông báo nội bộ của bộ ngoại giao Pháp, hồi cuối tháng 8, yêu cầu các nhân viên ngoại giao, công chức Pháp hoãn đi Iran, nếu đã lên kế hoạch.

Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục - khủng hoảng kinh tế cận kề

Trong lĩnh vực kinh tế, báo Les Echos đặc biệt chú ý đến tình trạng chứng khoán Mỹ tăng giá liên tục từ gần 3.500 ngày (114 tháng), tức trong gần 10 năm, với tỉ lệ tăng tổng cộng 333%. Đây là đợt tăng chứng khoán chưa từng có. Lần tăng dài nhất trước đó là từ 1990 - 2000, trong vòng 113 tháng.

Trong khi dòng vốn đầu tư ồ ạt chảy vào Hoa Kỳ, Les Echos có một bài phân tính khác về "Năm yếu tố có thể dẫn đến khủng hoảng vào năm 2020". Nhật báo kinh tế Pháp nhấn mạnh là, khác với cuộc khủng hoảng tài chính 2008, lần này, các quốc gia nợ nần è cổ sẽ không còn đủ phương tiện chính trị để đối mặt. Trong số năm yếu tố nói trên, có các căng thẳng thương mại quốc tế khiến tăng trưởng toàn cầu sụt giảm.

Pháp lo quá tải khách du lịch

Lập kỷ lục về lượng khách du lịch, với 90 triệu du khách, mang lại cho đất nước hơn 150 tỉ đô la hàng năm, nhưng chính quyền Pháp lo ngại viễn cảnh quá tải, và đang tìm biện pháp đối phó. Theo Le Figaro, mục tiêu của chính phủ là tìm cách hướng du khách không tập trung quá mức tại các tụ điểm du lịch vốn rất nổi tiếng, cụ thể như tháp Eiffel hay bảo tàng Louvre.

Xe hơi : "Viên thuốc đắng" môi trường

Trong lĩnh vực môi trường, Les Echos chú ý đến quyết định hôm qua của Nghị Viện Châu Âu, buộc ngành xe hơi giảm lượng khí CO2 là 40%, kể từ 2030, để bảo vệ môi trường không khí tại các thành phố, và theo đúng cam kết Khí hậu Paris 2015. Theo nhật báo kinh tế Pháp, đây là một "viên thuốc đắng" cho ngành sản xuất ô tô Pháp. Nhiều tập đoàn sản xuất xe hơi lên án đây là một quyết định "phi thực tế".

Các nhà sản xuất xe hơi đặc biệt lo ngại về biện pháp buộc các doanh nghiệp phải sản xuất 20% xe không phát thải từ đây đến 2025, và 35% vào 2030. Một nghị sĩ phản đối quyết định nói trên thì tỏ ý tiếc là đa số dân biểu Châu Âu đã quá ưu tiên xe hơi chạy điện, mà không chú ý đúng mức đến các phương án thay thế khác, như xe chạy hydrogene, hay xe hỗn hợp điện xăng.

Trong khi đó, tại Triển lãm xe hơi tại Paris vừa khai mạc, nhiều người lo ngại viễn cảnh đầy bất trắc của ngành công nghiệp ôtô, trong bối cảnh chiến tranh thương mại. Theo một số chuyên gia, dự kiến lượng xe bán ra năm tới sẽ sụt 1,4%, riêng tại Mỹ và Trung Quốc giảm 4%.

Để thích ứng với hoàn cảnh mới, khi cuộc chiến bảo vệ môi trường đang ngày càng được công chúng tham gia nhiều hơn, nhiều sáng kiến mới vẫn tiếp tục được đưa ra. Theo Le Monde, riêng hãng PSA Pháp - Peugeot Citroën trước đây, dự kiến sẽ bố trí khoảng 500 xe hơi chạy điện, sử dụng chung, trên đường phố Paris, để thay thế cho dịch vụ Autolib. PSA cũng là hãng xe Pháp đầu tiên triển khai sáng kiến xe hơi dùng chung tại Mỹ. Lần này là tại thủ đô Washington, với đội xe chạy xăng 600 chiếc.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Theo tin từ báo chí trong nước, chiều nay, 03/10/2018, Văn phòng Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam vừa thông báo là Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương với tỷ lệ phiếu thuận 100% đã quyết định "giới thiệu" tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng để Quốc Hội Việt Nam bầu vào chức chủ tịch nước.

kekhai1

Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Ảnh chụp ngày 28/01/2016, sau khi ông Trọng tái đắc cử tại Đại hội 12. Reuters/Luong Thai Linh/Pool

Quốc Hội Việt Nam sẽ chính thức bầu chủ tịch nước mới thay thế ông Trần Đại Quang trong kỳ họp tới, sẽ khai mạc ngày 22/10. Sau khi ông Trần Đại Quang qua đời vào ngày 21/9, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh đã được phân công giữ quyền chủ tịch nước cho đến khi Quốc Hội bầu ra chủ tịch nước mới. Nhưng trong thời gian qua đã có nhiều lời đồn đoán về khả năng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ kiêm nhiệm luôn chủ tịch nước, chức vụ lãnh đạo quan trọng hàng thứ hai ở Việt Nam.

Khác với Trung Quốc, cho tới nay chức tổng bí thư đảng và chức chủ tịch nước do hai người nắm giữ (trước đây ông Hồ Chí Minh đã từng kiêm nhiệm chức chủ tịch nước, nhưng lúc đó ông là chủ tịch đảng). Theo Nikkei Asian Review ngày 02/10, những người ủng hộ việc tổng bí thư kiêm nhiệm chủ tịch nước lập luận rằng làm như vậy sẽ tránh những rối rắm về ngoại giao và giúp cắt giảm chi phí của Nhà nước. Nhưng những người chống thì cho rằng một người mà kiêm nhiệm hai chức vụ này sẽ nắm quá nhiều quyền lực trong tay.

Kể từ khi tái đắc cử tổng bí thư đảng năm 2016, ông Nguyễn Phú Trọng đã không ngừng củng cố vị thế trong và ngoài nước. Trong chuyến viếng thăm Pháp năm nay, ông đã hội kiến tổng thống Emmanuel Macron, như là với tư cách một vị nguyên thủ quốc gia.

Thanh Phương

Published in Việt Nam

Nga chiếm lĩnh Châu Phi trước mũi Pháp

Nhật báo công giáo La Croix có bài viết với tựa đề khá hấp dẫn : "Trung Phi, bàn tay thâu tóm của Moskva" cho thấy, người Nga ngày càng hiện diện nhiều tại đất nước này. Một trong các mục tiêu của Moskva là làm suy yếu sự hiện diện của Pháp ở Châu Phi.

nga1

Lực lượng Nga bảo vệ tổng thống Trung Phi Touadera, Berengo, ngày 4/8/2018. FLORENT VERGNES / AFP

Theo ghi nhận của phóng viên La Croix : Tại Bangui, thủ đô Trung Phi, người Nga có mặt ở khắp nơi làm các nhiệm vụ như huấn luyện cho quân đội Trung Phi (Faca), bảo vệ tổng thống Faustin Archange Touadéra. Người ta có thể bắt gặp lá cờ Nga ở khắp nơi trong thành phố. Trên các phố nhiều tấm biển quảng bá, cổ vũ cho hoạt động của người Nga ở đất nước Trung Phi. Người Nga còn ra cả sân bay đón tổng thống Trung Phi trong những lần công cán.

La Croix cho biết : Biến chuyển ngoạn mục đó bắt bầu từ tháng 12/2017, khi Moskva được Liên Hiệp Quốc cho phép đưa vũ khí và các chuyên gia huấn luyện quân đội đến Trung Phi. Đầu năm nay, 170 nhân viên dân sự cùng 5 quân sự đã tới nước này. Cho đến tháng 7 đã có khoảng 300 đến 400 người Nga mới tới. Họ là các cựu quân nhân đến làm việc cho một công ty bảo vệ an ninh và những quân nhân thực thụ thuộc lực lượng đặc nhiệm Nga.

Công ty bảo vệ an ninh thực chất là nơi tuyển mộ lính đánh thuê như kiểu ở Syria. Các chuyên gia huấn luyện quân sự thì có nhiệm vụ theo sát các đơn vị Faca ở khắp đất nước.

Moskva còn đặt cả một nhân vật làm việc giữa phủ tổng thống Trung Phi. Đó là Valery Zakharov, được giới thiệu như là cố vấn phụ trách vấn đề an ninh cho tổng thống.

Nhưng theo tác giả bài viết, người Nga không triển khai ở Cộng Hòa Trung Phi chỉ để bán kỹ năng trong lĩnh vực an ninh. Họ đã mở hai căn cứ ở vùng đông bắc nước này : Bria và Ouata, vùng mỏ kim cương. Với cái cớ trợ giúp nhân đạo, họ đặt ở đó một vài nhóm quân nhân, những người có liên hệ với giới khai thác kim cương.

Nhưng điều quan trọng là việc người Nga tới đây đã kéo theo một chiến dịch chống Pháp trong truyền thông Trung Phi. Việc này gợi lại những gì mà người Nga đã làm tại Ukraine và Syria.

Julien Nocetti, chuyên gia về Nga thuộc viện nghiên cứu quốc tế Pháp IFRI phân tích : "Chắc chắn động cơ thực sự của người Nga ở Trung Phi là nuôi dưỡng và tăng cường tình cảm chống Pháp tại Cộng hòa Trung Phi, làm suy yếu ảnh hưởng của Pháp ở Châu Phi và rồi cả trên trường quốc tế. Với Moskva, đây là một mục tiêu dài hạn".

Hồi đầu năm nay, một nhà báo của RFI bị tố cáo làm gián điệp trong các cơ quan truyền thông Trung Phi đã buộc phải rời khỏi đất nước này. Từ đó đến nay, nhiều nhà báo Pháp khác cũng đã bị sách nhiễu và hành xử tương tự.

Tàu sân bay Charles de Gaulle, cuộc chơi tốn kém

Nhật báo Le Figaro, trên trang phóng sự điều tra có bài viết khá thú vị về "Hậu trường nâng cấp tàu sân bay Charles de Gaulle" để cho thấy chi phí tốn kém thế nào cho một chiếc hàng không mẫu hạm.

Theo Le Figaro, "trong vòng 18 tháng, 2.000 người gồm cả thủy thủ và dân sự tại căn cứ hải quân Pháp ở Toulon đã tham gia vào công việc hiện đại hóa chiếc tàu sân bay được đưa vào sử dụng năm 2001. Con tàu vừa ra khơi để thử nghiệm trước khi được trở lại làm nhiệm vụ trong năm 2019".

Tàu sân bay Charles de Gaulle bắt đầu được khởi công đóng từ ngày 24/11/1987 nhưng đến 18/05/2001 mới đi vào hoạt động . Từ đó đến nay con tàu sân bay Pháp đã tham gia 5 chuyến tác chiến hỗ trợ, trinh sát và không kích trong các cuộc xung đột mà Pháp can dự.

Trong 5 chuyến làm nhiệm vụ đó, từ tàu Charles de Gaulle đã có 40 nghìn lần chiến đấu cơ Super Etandard và Rafal cất cánh. Từ năm 2015, tàu sân bay này đã thực hiện ba chiến dịch trong vòng 14 tháng để tấn công tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo. Đầu năm 2017 Charles de Gaulle được đưa về căn cứ Toulon để nâng cấp hiện đại hóa. Đây là một công trường khổng lồ, nâng cấp trang bị cho tàu những công nghệ chiến đấu mới nhất, đáp ứng cho nhu cầu chuẩn mực tác chiến hiện đại. Le Figaro cho biết là công trình hiện đại hóa tàu sân bay Charles de Gaulles bao gồm 200 nghìn hạng mục công việc với 2000 lần thử nghiệm. Công việc này được giao cho Naval Group, một tập đoàn công nghệ cao cấp chuyên về hàng hải quốc phòng.

Tất cả các chi tiết thay thế đều ngoại cỡ. Thí dụ như ông François Xavier, phụ trách mảng cơ khí của Naval Group, cho biết, chiếc cánh quạt bánh lái bằng hợp kim đồng - thép của tàu do hãng Rolls-Royce chế tạo riêng nặng 20 tấn và chỉ riêng một con vít định vị nó đã nặng 300 kg.

Về phần thiết bị thông tin, hầu như được thay thế hoàn toàn bằng công nghệ tin học mới. 400 km cáp dẫn cũ được thay thế hoàn toàn bàng hệ thống cáp quang. Các màn hình cảm ứng 3 chiều được thay thế các màn hình điện tử cổ điển.

Hạng mục cuối cùng cũng là quan trọng nhất là nâng cấp hai lò phản ứng hạt nhân Adyton và Xena, công suất 83 nghìn mã lực có thể sản xuất ra 16 megawat điện. Lò phản ứng hạt nhân có nhiệm vụ sản sinh ra hơi nước để đẩy con tàu và cũng để phục vụ hệ thống cất cánh máy bay. Charles de Gaulle được trang bị đường băng cất cánh theo công nghệ Mỹ, dài 75 m. Nhờ hệ thống này mà trung tâm chỉ huy tác chiến có thể cho cất cánh cứ 30 giây mỗi lần và một chiếc Rafale nặng 20 tấn có thể đạt vận tốc 250km/h trong vòng 1 giây rưỡi.

Chi phí cho lần nâng cấp tàu Charles de Gaulle lần này là 1,3 tỷ euros. Tốn kém, nhưng đó là số tiền đã được đầu tư vào công nghệ Pháp.

Theo Le Figaro, hôm 14/9 vừa qua, tàu Charles de Gaulles đã rời cảng Toulon chạy thử nghiệm với hệ thống trang thiết bị điện tử, kỹ thuật số hoàn toàn mới. Khi đợt thử nghiệm kết thúc vào khoảng cuối năm nay, tiếp đó đến các công đoạn huấn luyện. Nếu tất cả hoàn hảo thì khi đó tàu mới được bàn giao cho hải quân làm nhiệm vụ trong năm 2019.

Hồng Kông : Hồng y chống đến cùng thỏa thuận Vatican – Bắc Kinh

Liên quan đến Châu Á, trở lại trang quốc tế nhật báo Le Figaro với bài viết : "Hồng Kông : Hồng y Trần kháng cự với Bắc Kinh đến cùng". Vị cựu giám mục của vùng đất bán tự trị, một nhà bảo vệ các quyền tự do, quyết đứng lên chống lại thỏa thuận giữa Vatican và chế độ cộng sản Bắc Kinh.

Đó là Hồng y Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen Ze-kiun), nay đã 86 tuổi. Để thuyết phục Tòa Thánh La Mã, Hồng y Trần Nhật Quân dùng mọi cách. Trước tiên ông bày tỏ trên blog cá nhân tất cả nỗi đau mà ông dự cảm trong sự xích lại gần nhau giữa Vatican và Bắc Kinh. Ông lên tiếng với báo chí. Ông vừa xuất bản một cuốn sách bằng tiếng Ý, có tiêu đề "Vì tình yêu với dân tộc mình, tôi sẽ không im lặng".

Mặc dù từ 9 năm nay, vị hồng y này không còn cai quản giáo phận Hồng Kông nữa, nhưng ông vẫn là một tiếng nói có uy tín được lắng nghe trong vùng đất bán tự trị này. Ông dấn thân vào tất cả các cuộc đấu tranh chống lại xâm phạm quyền tự do, bảo vệ phong trào của giáo phái Pháp Luân Công cũng như phong trào dân chủ "Cách mạng dù" hồi năm 2014.

Bây giờ bất chấp tuổi đã cao, ông Trần Nhật Quân lại tiếp tục lao vào cuộc chiến đấu chống lại thỏa thuận sắp tới giữa Vatican và Bắc Kinh về việc bổ nhiệm giám mục, theo đó chính phủ được chọn ứng viên. Theo Hồng y Trần Nhật Quân thì "một ứng viên do chính phủ đề cử không thể là một lựa chọn tốt. Chính quyền cộng sản chỉ chọn những người mà họ có thể tin tưởng, mà không hiểu thế nào là một vị giám mục tốt".

Pháp : Chính phủ chao đảo vì bộ trưởng nội vụ từ chức

Thời sự chính của hầu hết các tờ báo pháp ra hôm nay là bộ trưởng nội vụ Pháp Gérard Collomb, một trụ cột của chính phủ và là một trong số các nhân vật thân cận nhất của tổng thống Macron nhất quyết từ chức cho dù một hôm trước đơn xin rút khỏi chính phủ của ông đã bị tổng thống từ chối. Le Figaro chạy tựa trang nhất : "Collomb từ chức kéo hành pháp vào khủng hoảng". Theo tờ báo thì đó là hệ quả của những căng thẳng bất đồng giữa vị bộ trưởng nội vụ với tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng Edouard Philippe, kéo dài từ vài tuần nay.

Nhật báo Libération dành nhiều trang cho sự kiện với các bài viết phân tích về nguyên nhân và hệ quả của việc ông Gérard Collomb nhất định dứt áo ra đi khỏi chính phủ sẽ làm suy yếu nội bộ chính phủ hiện nay. Tờ báo kinh tế Les Echos cũng có chung nhận định : "Collomb buộc phải ra đi làm Macron suy yếu".

Theo nhật báo kinh tế : "Việc ra đi (của ông Collomb) đánh dấu sự rạn nứt sâu sắc giữa hai nhân vật trong quá khứ từng rất gần gũi này đã làm nảy sinh cuộc khủng hoảng chưa từng có". Tổng thống Pháp Macron cho biết sẽ nhanh chóng tìm người thay thế , tuy nhiên việc làm này có vẻ không mấy dễ dàng vào thời điểm mà chính phủ của ông đang gặp nhiều khó khăn như lúc này.

Anh Vũ

Published in Quốc tế

Biển Đông : Đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ngày càng bị thách thức (RFI, 02/10/2018)

Kể từ ngày 02/10/2018, cuộc tập trận thường niên của 5 nước trong khối Ngũ Cường bao gồm Anh, Úc, New Zealand, Malaysia và Singapore bắt đầu diễn ra tại vùng Biển Đông. Nhân sự kiện này, các nước ngoài khu vực đã đưa chiến hạm vào khu vực, một sự kiện được nhiều nhà phân tích cho là sẽ tạo áp lực trên Trung Quốc, nước đã đòi hỏi chủ quyền trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông, và muốn các nước khác phải xin phép khi đi vào trong khu vực.

bd1

Tầu chiến Nhật Bản trong một đợt tham gia tập trận với hải quân Anh ở Ấn Độ Dương, ngày 26/09/2018. Reuters/Kim Kyung-Hoon

Cuộc diễn tập quân sự của nhóm 5 nước trong khối Hiệp Ước Phòng Thủ Ngũ Cường (Five Power Defence Arrangements FPDA) sẽ kéo dài cho đến ngày 19/10, và theo hãng tin Úc AAP, sẽ diễn ra tại Biển Đông.

Điểm mà giới quan sát chú ý là các nước như Úc, New Zealand, và cả Anh Quốc đã loan báo gởi tàu và máy bay đến tham gia diễn tập. Úc chẳng hạn, cho biết sẽ phái hai tàu Hải Quân, 9 chiến đấu cơ F/A-18 Hornet, cùng 4 máy bay quân sự khác đến tham gia. New Zealand cũng góp mặt với khu trục hạm Te Mana, trong lúc chiến hạm Anh Argyll, trên đường đến cuộc tập huấn, đã cùng luyện tập với chiến hạm Nhật Bản ngoài Ấn Độ Dương.

Dĩ nhiên là nội dung thao diễn của các quốc gia trong khối Ngũ Cường không liên can gì tới tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc với 4 nước ASEAN quanh Biển Đông, nhưng mật độ cao của chiến hạm ngoài khu vực trong vùng được cho là sẽ làm Trung Quốc bất an, trong bối cảnh Bắc Kinh tự nhận mình là chủ nhân của hầu hết Biển Đông, và luôn luôn dọa nạt nước khác mỗi khi lên án tàu thuyền nước họ đi vào vùng mà Trung Quốc cho là lãnh hải của mình.

Theo ghi nhận của nhật báo Hồng Kông South China Morning Post trong số ra ngày 01/10, bối cảnh hiện nay không mấy thuận lợi cho Trung Quốc và "Bắc Kinh đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng nhiều đối với các yêu sách chủ quyền của họ trên Biển Đông", vì các cường quốc lớn ngoài vùng đang càng lúc càng tăng cường sự hiện diện trong khu vực.

Đi đầu vẫn là Mỹ, đã tăng cường các chiến dịch không quân và hải quân để thách thức các "yêu sách quá đáng" của Trung Quốc. Ví dụ rõ nhất là chuyến tuần tra hôm Chủ Nhật 30/09 của khu trục hạm USS Decatur vào bên trong vùng 12 hải lý của đá Ga Ven và Gạc Ma.

Bên cạnh đó, trong khu vực thì Úc, và nhất là Nhật Bản, đều tỏ thái độ ủng hộ việc thực thi quyền tự do hàng hải tại Biển Đông. Ngoài khu vực, phải kể đến các động thái của Pháp và mới đây là của Anh.

Theo SCMP, nhiều chuyên gia phân tích nghĩ rằng trong bối cảnh Hoa Kỳ cứng rắn hơn với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, các đồng minh, đối tác của Mỹ khó có thể đứng ngoài.

Chuyên gia an ninh hàng hải Collin Koh thuộc Đại Học Kỹ Thuật Nanyang tại Singapore nhận định :

"Sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông không phải là điều đáng chú ý duy nhất nữa. Ta có thể thấy rằng các cường quốc khác cũng tăng cường sự hiện diện quân sự của mình tại đây".

Chuyên gia Trung Quốc Ngô Sĩ Tồn, viện trưởng Viện Nghiên Cứu Nam Hải (tức Biển Đông) của Trung Quốc cho rằng chính thái độ quyết đoán hẳn lên của Trung Quốc trong việc khẳng định chủ quyền, được các đảo nhân tạo mới bồi đắp ở Biển Đông hỗ trợ, đã khiến Mỹ cứng rắn hơn :

"Điều đó đã gây áp lực lên Mỹ, và Washington đã kêu gọi các đồng minh như Nhật Bản và Anh, thậm chí là cả Úc, cùng tham gia vào việc đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông".

Trọng Nghĩa

****************

Biển Đông : Tàu Trung Quốc bị tố gây nguy hiểm cho tàu Mỹ (RFI, 02/10/2018)

Ngày 02/10/2018, Bắc Kinh đã lớn tiếng đả kích Mỹ "xâm phạm chủ quyền lãnh thổ" Trung Quốc khi cho chiến hạm áp sát hai hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.

bd2

Chiến hạm Mỹ USS Decatur tuần tra Biển Đông. Ảnh chụp ngày 13/10/2016. Reuters

Lời đả kích được đưa ra ít lâu sau khi một chiến hạm Trung Quốc bị phía Mỹ tố cáo là đã có hành vi gây nguy hiểm cho khu trục hạm Mỹ USS Decatur khi chiếc tàu này di chuyển ở vùng Trường Sa hôm 30/09 vừa qua.

Một phát ngôn viên của Hạm Đội Thái Bình Dương của Mỹ đã xác nhận với hãng tin Pháp AFP rằng hôm 30/09, chiếc USS Decatur đã tiến hành một chiến dịch "bảo vệ tự do hàng hải" khi đi vào tuần tra bên trong vùng 12 hải lý bao quanh các rạn san hô Ga Ven và Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa.

Khi tàu Mỹ đang di chuyển gần đá Ga Ven thì một khu trục hạm Trung Quốc lớp Lữ Dương (Luyang) đã xông đến một cách "hung hăng", "nguy hiểm và không chuyên nghiệp", chỉ cách mũi chiếc Decatur khoảng 45 yard (tức là 41 mét). Hành vi của tàu Trung Quốc đã buộc tàu Mỹ phải chuyển hướng để tránh va chạm.

Sau đó, chiếc tàu Trung Quốc đã có một loạt thao tác "càng lúc càng hung hăng" và đòi tàu Mỹ phải rời khỏi khu vực.

Về phía Bắc Kinh, lập luận dĩ nhiên khác hẳn. Trong một thông báo vào hôm nay, bộ quốc phòng Trung Quốc đã giận dữ khẳng định trở lại chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông, và tố cáo phía Mỹ cho tàu đi vào lãnh hải của Trung Quốc quanh các đảo ở Biển Đông mà "không xin phép", buộc Trung Quốc phải cho tàu ra để yêu cầu rời khỏi khu vực.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde phân tích thêm về những lý do khiến Trung Quốc tức giận :

Giọng điệu của bản thông cáo không thể kém cứng rắn hơn : Bộ quốc phòng Trung Quốc khẳng định rằng việc Mỹ gởi chiến hạm đến vùng Biển Đông đe dọa chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, và gây tổn hại nghiêm trọng cho quan hệ quân sự Mỹ-Trung.

Phải nói là quan hệ Trung-Mỹ trong lãnh vực quốc phòng lúc này đã rơi xuống mức gần như là ngang bằng với quan hệ thương mại : Hôm chủ nhật vừa qua, khu trục hạm Mỹ USS Decatur đã đi được khoảng hơn 10 hải lý trong vùng biển sát một hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông, trước khi bị tàu Trung Quốc xông đến đuổi đi.

Sự kiện đó như một giọt nước làm tràn ly. Đối với chính quyền Trung Quốc, hoạt động này của chiến hạm Mỹ đã cộng thêm vào các phi vụ của oanh tạc cơ B-52 trên Biển Đông và Biển Hoa Đông được Lầu Năm Góc loan báo.

Theo Washington, phản ứng cản trở tàu Mỹ của Trung Quốc một lần nữa chứng tỏ quyết tâm của Bắc Kinh muốn hạn chế sự tự do đi lại trong một vùng biển chiến lược, nơi hoạt động của nhiều quốc gia khu vực.

Bắc Kinh thì đả kích lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào quân đội Trung Quốc vì đã mua vũ khí của Nga. Trung Quốc cũng chống lại việc Hoa Kỳ ủng hộ Đài Loan.

Hệ quả là cuộc họp an ninh dự trù với Bộ trưởng quốc phòng Mỹ tại Bắc Kinh vào tháng 10 này đã bị hủy bỏ.

Trọng Nghĩa

*******************

Tranh chấp Mỹ-Trung lan sang lãnh vực an ninh Biển Đông và Hoa Đông (RFI, 01/10/2018)

Từ ngày tổng thống Mỹ Donald Trump lên cầm quyền đến nay, chưa bao giờ quan hệ Washington-Bắc Kinh lại căng thẳng như hiện nay. Hôm 30/09/2018, một quan chức Hoa Kỳ cao cấp đã xác nhận việc Trung Quốc hủy bỏ một cuộc họp Mỹ-Trung về an ninh đã được lên kế hoạch từ trước. Đây là hành vi trả đũa mới nhất của Bắc Kinh sau một loạt động thái cứng rắn của Washington nhắm vào Trung Quốc, thoạt đầu trong địa hạt thương mại, và trong một vài tuần lễ nay, đã mở rộng hẳn ra để bao hàm cả lãnh vực an ninh quốc phòng, trong đó có vấn đề Biển Đông và Biển Hoa Đông.

bd3

Chiến đấu cơ Mỹ F-35B đáp xuống boong tàu đổ bộ USS Wasp ở ngoài khơi Biển Hoa Đông ngày 05/03/2018. Michael Molina/U.S. Navy/Handout via Reuters

Đối với nhiều nhà quan sát, sau khi khởi động cuộc chiến tranh thương mại đánh vào hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Hoa Kỳ, và trước các đòn phản công từ phía Bắc Kinh, tổng thống Mỹ Donald Trump như đã áp dụng chiến thuật "gây sức ép tối đa" để buộc đối phương đàm phán.

Donald Trump mở thêm mặt trận tấn công Trung Quốc

Chính trong chiến thuật – được cho là đã thành công trong trường hợp Bắc Triều Tiên – mà ông Trump đã không ngần ngại mở thêm một loạt mặt trận khác, về mặt ngoại giao, và nhất là trong địa hạt an ninh quốc phòng.

Về ngoại giao, đòn được cho là dữ dội và bất ngờ nhất của tổng thống Mỹ là công khai cáo buộc ngay tại diễn đàn Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ngày 26/09 là Trung Quốc đã tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ 2018 để gây hại cho đảng Cộng Hòa của ông.

Trước đó, trong lãnh vực quốc phòng, cũng trong một động thái bất ngờ và cứng rắn lạ thường nhắm vào Bắc Kinh, ngày 20/09, chính quyền Mỹ đã ban hành lệnh trừng phạt quân đội Trung Quốc về "tội" mua vũ khí của Nga.

Gây sức ép bằng Đài Loan và B-52 trên Biển Đông và Hoa Đông

Động thái cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc còn được thấy một cách cụ thể ngay trên các vùng biển bao quanh Trung Quốc, từ Biển Đông lên đến Biển Hoa Đông.

Trước hết là tăng cường bán vũ khí cho Đài Loan, trên nguyên tắc là đối thủ sát cạnh Trung Quốc.

Bốn ngày sau khi loan báo trừng phạt một cơ quan quân sự Trung Quốc vì đã mua vũ khí của Nga, vi phạm luật của Mỹ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã thông qua quyết định bán cho Đài Loan 330 triệu đô la thiết bị quân sự dùng cho các chiến đấu cơ F-16 và các loại máy bay khác.

Kế đến Quân Đội Mỹ đã cho oanh tạc cơ chiến lược B-52 bay ngang Biển Đông hôm 25/09, và tham gia tập trận trên Biển Hoa Đông với không quân Nhật Bản, một đối thủ khác của Trung Quốc trong khu vực.

Dù phía Mỹ đã tuyên bố rằng các hoạt động của siêu pháo đài bay của họ chỉ là "bình thường", nhưng các nhà phân tích đều ghi nhận tần suất cao bất thường của các phi vụ B-52 tại Biển Đông : Vào tháng 8/2018, một chiếc B-52 đã thực hiện một phi vụ tương tự ở vùng Biển Đông, hai tháng sau khi khi hai chiếc B-52 khác đã bay gần các đảo đang có tranh chấp ở Biển Đông.

Mặt khác, việc B-52 Mỹ liên tiếp xẻ dọc Biển Đông diễn ra vào thời điểm quan hệ Mỹ-Trung đang căng thẳng trong cả lãnh vực thương mại, lẫn trên hồ sơ Đài Loan.

Và ngón đòn mới nhất là cho khu trục hạm USS Decatur, hôm 30/09, tiến vào bên trong vùng 12 hải lý quanh hai đảo nhân tạo Gạc Ma và Ga Ven ở Trường Sa (Biển Đông), được Bắc Kinh biến thành tiền đồn quân sự.

Bắc Kinh trả đũa bằng cách cắt đối thoại quốc phòng

Cũng như trong cuộc chiến tranh thương mại, chỉ sau khi bị Mỹ tấn công, Trung Quốc mới có biện pháp trả đũa.

Ngoài các tuyên bố lớn tiếng, hay các bài bình luận dữ dội, Bắc Kinh lần này đã phản ứng thêm bằng cách hủy bỏ một số chương trình đã được dự kiến với Washington, như cấm không cho tàu đổ bộ USS Wasp thăm Hồng Kông, hủy bỏ chuyến thăm Mỹ của tư lệnh Hải Quân Trung Quốc Trầm Kim Long, và mới đây là hủy cuộc đối thoại an ninh từng được dự kiến tại Bắc Kinh với Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis.

Trên hiện trường Biển Đông, quân đội Trung Quốc cũng tung chiến đấu cơ và oanh tạc cơ vào những cuộc tập trận bắn đạn thật, dù như thông lệ, không cho biết thời gian và địa điểm của sự kiện.

Nhìn chung, tất cả các quan sát viên đều nhất trí với nhau rằng vào thời điểm hiện tại cuộc tranh chấp thương mại Mỹ Trung đã lan sang những lãnh vực phi mậu dịch.

Bộ trưởng Hải quân Mỹ : Bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông "bằng mọi giá"

Việc Bắc Kinh chủ động hủy bỏ các cuộc đối thoại an ninh từng được lên kế hoạch với Mỹ đã tạo ra một thái độ quan ngại nhất định về khả năng xẩy ra sự cố do tính toán sai lầm giữa lực lượng hai bên có thể nói là đang gườm nhau tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Trên vấn đề này, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã tỏ rõ thái độ không mấy quan ngại. Theo kênh truyền hình Mỹ CNN, phát biểu hôm 26/09 vừa qua về những căng thẳng phi mậu dịch nẩy sinh trong quan hệ Mỹ-Trung, ông Mattis cho rằng ông không thấy một thay đổi cơ bản nào trong quan hệ quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Theo ông, quả là lúc này hai bên đang trải qua một giai đoạn căng thẳng, nhưng đó là điều tất yếu khi hai bên đang học cách quản lý những khác biệt và bất đồng.

Riêng Bộ trưởng bộ Hải Quân Hoa Kỳ, ông Richard Spencer thì tiếp tục lên tiếng bênh vực cho các hoạt động tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng không và hàng hải trên Biển Đông mà Mỹ liên tiếp thực hiện bất chấp những phản đối của Bắc Kinh, cũng như những loại vũ khí phòng không hay chống hạm mà Trung Quốc được cho là đã triển khai tại Trường Sa..

Trả lời phỏng vấn của kênh truyền thông Mỹ CNBC ngày 27/09 vừa qua, ông Spencer khẳng định vai trò của Hải Quân Mỹ là sẽ bảo vệ các tuyến hàng hải đi qua Biển Đông "bằng mọi giá" :

Hoa Kỳ, theo ông "sẽ cho chiến hạm qua lại mọi vùng biển tự do được quốc tế công nhận vào mọi lúc để đảm bảo nền thương mại và các tuyến giao thương luôn rộng mở".

Đối với Bộ trưởng Hải Quân Mỹ :

"Nếu Trung Quốc hòa nhập vào thế giới và công nhận các quy tắc và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, thì quan hệ Mỹ-Trung sẽ tuyệt vời. Những nếu họ chọn việc sử dụng luật lệ của riêng họ và cách hiểu của họ về thương mại và bảo vệ không gian của họ, chúng ta sẽ phải có một cuộc thảo luận với họ trên các điểm đó trong tương lai".

Cho đến nay, Trung Quốc luôn cho là hầu như toàn bộ Biển Đông thuộc chủ quyền của họ, bất chấp các tuyên bố chủ quyền của nước khác. Họ cũng biện minh rằng các cơ sở của họ ở Trường Sa không nhắm mục tiêu quân sự.

Có điều là, theo kênh CNBC, các thiết bị gây nhiễu và hệ thống tên lửa trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây tại Trường Sa hoàn toàn không có một mục đích nào khác ngoài quân sự.

Trọng Nghĩa

****************

5 nước tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông (RFI, 02/10/2018)

Lực lượng Hải quân của Singpore, Malaysia, Australia, New Zealand và Anh đang tiến hành cuộc diễn tập bắn đạn thật tại khu vực Biển Đông từ ngày 2/10 và kéo dài 18 ngày.

bd4

Ảnh minh họa - AFP

Mạng báo Thanh Niên vào ngày 2/10 trích dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Australia cho biết như vừa nêu

Cuộc tập trận mang tên BERSAMA LIMA 18 sẽ bao gồm diễn tập bắn đạn thật và huấn luyện thực tế nhằm nâng cao sự hiểu biết về chiến thuật và quy trình hoạt động của các nước tham gia tập trận.

5 nước tham gia tập trận như vừa nêu nằm trong Hiệp ước Phòng thủ Ngũ cường (FPDA) được ký vào năm 1971.

Bộ Quốc phòng Australia cho biết trong lần tập trận này, Australia điều 9 chiến đấu cơ, máy bay săn tàu ngầm và tiếp nhiên liệu, 2 tàu hải quân và một trung đội lục quân. Ngoài Australia, hiện chưa có thông tin về thành phần tham gia tập trận của 4 nước còn lại.

Trong thời gian gần đây, các cường quốc thế giới đang tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông, thách thức mọi hoạt động trái phép của Trung Quốc tại khu vực này.

Hồi giữa tháng trước, tàu ngầm Nhật Bản lần đầu tiên đã tham gia diễn tập cùng tàu chiến Mỹ ở Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng sau đó lên tiếng kêu gọi Nhật Bản phải tôn trọng các nỗ lực xử lý ổn thỏa những bất đồng giữa Trung Quốc và các nước ASEAN ở vùng nước tranh chấp, kiềm chế các hành động gây tổn hại đến hòa bình và ổn định khu vực.

Trung Quốc cũng lên tiếng chỉ trích các cường quốc thời gian qua đã gây bất ổn cho khu vực khi điều tàu chiến đến vùng nước này.

Trọng Thành

Published in Châu Á

Rút ruột thiên nhiên, kẻ bất lương chóng giàu

Những kẻ bất lương buôn gì chóng giàu nhất ? Căn cứ vào báo cáo gần đây của Cảnh sát Quốc tế Interpol và hai tổ chức phi chính phủ vừa được công bố, Les Echos trả lời : Khai thác vàng, bạc đá quý, kim cương, gỗ quý, dầu hỏa chóng giàu hơn buôn lậu ma túy hay buôn người.

nature1

Một khu rừng tại Masoala, miền đông bắc Madagascar, một trong những nạn nhân của tình trạng buôn lậu gỗ quý. Laetitia Bezain/RFI

Các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang trở thành một con bò sữa của các băng đảng tội phạm, các nhóm nổi dậy và quân khủng bố. Báo cáo nói trên đưa ra một khái niệm mới là "tội hình sự môi trường". Số tiền thu về từ các hoạt động bất hợp pháp này ước tính lên tới khoảng từ 110 đến 281 tỷ đô la, bảo đảm 38% thu nhập cho các tổ chức tội phạm. Để so sánh, các hoạt động buôn người hay đưa người nhập cư từ Syria và Irak sang Châu Âu cho phép thu về khoảng 5 tỷ đô la năm ngoái. Đưa ma túy từ Colombia vào Mỹ là 8 tỷ đô la, đưa thuốc phiện từ Afghanistan sang Châu Âu là 1,4 tỷ đô la.

Nguy hiểm ở đây là các đường dây bất hợp pháp đó thường có lợi mỗi khi các cuộc xung đột võ trang kéo dài... vì có như thế các băng đảng này mới dễ khai thác tài nguyên. Nói một cách dễ hiểu hơn, ở bất cứ chỗ nào trên thế giới mà sự hiện diện của nhà nước lỏng lẻo, thì đấy là những mảnh đất màu mỡ cho các băng đảng mafia, nhóm khủng bố làm ăn.

Indonesia không rút được bài học nào từ sóng thần 2004 ?

La Croix đăng ảnh nhân viên cứu hộ Indonesia len lỏi giữa đống gạch đổ nát, sau động đất và sóng thần. Tờ báo chú trọng đến công cuộc tái thiết Sulawesi. Nhưng làm thế nào để xây dựng lại tại một vùng đất mà thiên tai ngày càng xảy ra thường xuyên ? Đó là câu hỏi khó giải đáp. Indonesia là một quốc gia nằm trên "vành đai lửa" Thái Bình Dương.

Bên cạnh đe dọa động đất sóng thần, núi lửa phun, quốc gia với 17.000 hòn đảo này còn là một trong những nạn nhân đầu tiên của hiện tượng biến đổi khí hậu. Hàng trăm hòn đảo bị đe dọa nhận chìm. Quần đảo Nam Dương là vùng đất "có rủi ro bị thiên tai cao nhất". Báo cáo của Ngân Hàng Phát Triển Châu Á tháng 7/2017 gióng tiếng chuông báo động : Trước năm 2050 sẽ có tới 42 triệu ngôi nhà ở Indonesia bị ngập nước, 2.000 hòn đảo bị nhận chìm vì mực nước biển dâng cao.

Le Monde ấn bản được cập nhật trên mạng chạy tựa lớn : "Indonesia, tiêu điều và hỗn loạn sau sóng thần". Ngay phía dưới bức ảnh với những ngôi nhà đổ nát, xác tàu, xác xe hơi hay những đống gạch vụn trải dài hai bên đường, tờ báo chú thích : "Hơn 830 người chết và số nạn nhân còn có thể cao hơn thế nữa, nhưng tại chỗ, công tác phòng ngừa thiên tai đã quá kém cỏi".

Le Figaro nhắc lại Indonesia từng phải đối mặt với sóng thần cuối năm 2004, 168.000 người thiệt mạng. Chắc chắn là trong những ngày tới, dân tình sẽ đòi chính quyền Indonesia giải thích về sự quản lý kém cỏi mà Le Monde vừa nói tới.

Les Echos cố gắng đem lại một tia hy vọng từ những hình ảnh điêu tàn trên đảo Sulawesi. Tờ báo kể lại câu chuyện của một nhân viên kiểm soát không lưu 21 tuổi : vào lúc mà đất trời đang rung chuyển Anthonius Gunawan Agung đã rất bình tĩnh, tiếp tục thi hành nhiệm vụ, cho phép một chiếc máy bay dân sự cất cánh từ phi trường Palu. Khi chiếc máy bay này không còn chạm đất thì tình hình đã xấu đi, đất rung càng lúc càng mạnh. Trung tâm kiểm soát không lưu sụp đổ, Anthonius Gunawan Agung nhảy từ lầu 4 để thoát thân, anh bị gẫy hai chân và mang thương tích cùng mình, được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng đã không qua khỏi. Sự hy sinh và tinh thần trách nhiệm của chàng trai 21 tuổi này khiến báo chí Indonesia ngưỡng mộ, xem Anthonius là người hùng trong cơn tai biến.

Đến lượt Giáo hội Công giáo Pháp phải trả lời về nạn ấu dâm ?

Sau những tai tiếng đã được phơi bày ra ánh sáng tại Đức, Áo, hay Chile, phần trang xã hội của nhiều tờ báo Paris trong ngày trở lại với sự kiện nhiều nhân sĩ trí thức và một nhóm các con chiên kêu gọi cho mở điều tra về những cáo buộc một số tu sĩ Pháp xâm hại tình dục trẻ em.

Công cuộc điều tra đó phải do một ủy ban Quốc hội tiến hành. Le Figaro chạy tựa : "Giáo hội Công giáo Pháp bị điều tra về nạn ấu dâm ?". Tờ báo thân hữu này không bênh, không chống lời kêu gọi nói trên, mà chỉ nêu lên câu hỏi, hồ sơ này có thuộc thẩm quyền Quốc hội Pháp hay không ?

Nhật báo công giáo La Croix trong bài xã luận mang tựa đề "Ngờ vực" lấy làm tiếc là hành vi đơn lẻ của một số các tu sĩ làm mang tiếng cả Giáo hội và làm sáng tỏ sự thật là điều cần thiết, tránh để cho cả cộng đồng người Công giáo bị tổn thương.

Mỹ và sự thật của một bức tranh kinh tế tươi sáng

Libération trên trang nhất, với bức hí họa vẽ Donald Trump, quan tâm đến bộ mặt kinh tế của nước Mỹ với những thành công "bề ngoài".

Tờ báo không vòng vo : Về "bề ngoài", kinh tế Mỹ chưng ra những con số tốt đẹp, từ tỷ lệ tăng trưởng đến số người thất nghiệp, lãi của doanh nghiệp cao ngất, chỉ số chứng khoán bay bổng từ kỷ lục này đến kỷ lục khác. Mức tiêu thụ của các hộ gia đình cũng tăng lên trong suốt thời gian từ tháng Giêng 2017 cho đến giờ. Những thành tích đó đủ làm các nước Châu Âu phải ganh tị và trái ngược hẳn với những dự phóng bi quan của giới phân tích khi ông Donald Trump trúng cử tổng thống Hoa Kỳ.

Dù vậy, Libération cho rằng những thành tích đó chỉ "phản ánh một phần sự thật". Thứ nhất, tổng thống Trump không bỏ lỡ một cơ hội nào để nhắc nhở dân tình về công lao của ông, để Hoa Kỳ có được tăng trưởng 3%. Các chuyên gia nhìn nhận, chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp và tư nhân của Trump đã, bơm thêm 160 tỷ đô la vào cỗ xe kinh tế. Thêm vào đó Washington tăng ngân sách 270 tỷ. Hiệu quả của các biện pháp kích cầu này đã được trông thấy trõ trong năm nay và sẽ còn kéo dài thêm vào năm 2019.

Có điều như ghi nhận của giải Nobel Kinh Tế 2006, Edmund Phelps, chính quyền Trump đã tăng các khoản chi tiêu, để lại một mức thâm hụt khổng lồ cho ngân sách Liên bang. Một chuyên gia Pháp bồi thêm "chính sách kinh tế của Donald Trump rất thiển cận".

Nhược điểm thứ nhì trong cỗ xe kinh tế đang rất ngon trớn hiện nay của Mỹ là chứng khoán. Chỉ số Dow Jones đã tăng 19% kể từ ngày Donald Trump bước vào Nhà Trắng nhưng đấy là một sự thổi phồng giả tạo. Khi biết rằng có tới 5% cổ phiếu được mua đi bán lại trên sàn chứng khoán Mỹ do các công ty mua lại cổ phiếu của chính mình. Một chuyên gia trong ngành được Libération trích dẫn bình luận : "Chỉ một sự cố rất nhỏ, cũng đủ làm cho thế giới tài chính lao đao".

Trong bức tranh kinh tế tươi sáng của Mỹ đó, điểm thứ ba gây nghi ngờ là chỉ số về mãi lực của các hộ gia đình. Thống kê thường nói tới mức lương trung bình tại Mỹ tăng 3,3% trong 18 tháng qua, nhưng cùng lúc, nợ của các hộ gia đình ngày càng lớn. Trước khủng hoảng tín dụng địa ốc 2007, dân Mỹ nợ 12.680 tỷ đô la. Năm 2018, con số này vừa vượt ngưỡng 13.000 tỷ. Hai quả bong bóng tín dụng mua xe hơi và tín dụng cấp cho giới sinh viên sớm muộn gì cũng sẽ vỡ.

Hội chợ xe hơi Paris 2018

Hai năm một lần, hội chợ xe hơi Paris là sự kiện đáng chú ý trong những tuần lễ đầu mùa khai giảng. Các báo Pháp đưa ra nhiều khía cạnh khác nhau về ấn bản 2018 sắp mở ra cho giới báo chí vào ngày 02/10/2018 và cho công chúng kể từ ngày 04/10/2018.

Le Figaro nói đến "sự trở lại ngoạn mục" của các hiệu xe Pháp. Les Echos xoáy vào xe hơi điện đang "khẳng định vị trí trên thị trường". Le Monde nói tới một mùa triển lãm xe hơi tại Paris đang bị "mất đà" : khoảng một chục hãng xe của thế giới vắng mặt. Trong số này có những tên tuổi như Volkswagen hay Opel của Đức, Alfa Romeo của Ý, Ford của Mỹ hay Nissan, Mitsubishi của Nhật ...

Phải chăng Paris, một điểm hẹn của giới yêu xe từ 120 năm nay, không còn sức hấp dẫn ?

Le Monde trích lời một người trong cuộc cho rằng, hội chợ Paris không là một ngoại lệ. Cái chính là các hội chợ xe quốc tế đang mất đà. Hãng Audi vẫn xem Paris là một chiếc tủ kính, nhưng báo trước là sẽ vắng mặt tại hội chợ Detroit – Mỹ vào năm tới. Cả BMW lẫn Daimler cũng dự trù không đến Detroit.

Còn hãng xe Hoa Kỳ Ford thì sẽ vắng mặt tại hội chợi xe ở Genève Thụy Sĩ năm 2019.

Ngoại trừ hai cuộc triển lãm ở Bắc Kinh và Thượng Hải, phần lớn các nhà sản xuất xe Âu Mỹ dường như không còn xem các cuộc triển lãm kiểu này là phương tiện hiệu quả nhất để đến gần với khách hàng. Một nghịch lý khác là các hãng xe tẩy chay hội chợ xe để dành tiền tham gia các hội chợ công nghệ cao. Ưu tiên của họ hướng về CES ở Las Vegas ! Đấy mới là sàn đấu để các hãng xe tên tuổi trên thế giới tranh hùng với những chiếc xe ngày càng thông minh, được ghép không biết bao nhiêu trang thiết bị điện tử.

Có một thực tế không thể chối cãi khác là mỗi lần tham dự một hội chợ xe hơi đều vô cùng tốn kém. Ở Paris chẳng hạn giá thuê gian trưng bày là từ 155 đến 177 euro một thước vuông. Trung bình, một gian triển lãm của một hãng xe tốn khoảng 600.000 euro trong suốt gần 2 tuần lễ triển lãm. Nhưng tiền thuê chỗ chỉ là chuyện nhỏ, vì bên cạnh đó còn phải tính đến những khoản chi tiêu cho việc trang bị từ màn ảnh ti vi, máy quay phim, chiếu phim... và đài thọ cho phần nhân sự...

Tóm lại mỗi lần mang xe đi triển lãm ở các hội chợ quốc tế, chi phí dễ dàng vượt ngưỡng 1 triệu euro. Còn muốn gian hàng được lộng lẫy hơn nữa thì 4 hay 5 triệu là chuyện thường tình.

Thanh Hà

Published in Quốc tế

Công nghệ : Bắc Kinh nếm đòn do ảo tưởng bắt kịp Mỹ

Cuộc chiến thuế Mỹ-Trung dữ dội đang diễn ra chỉ là màn mở đầu cho cuộc đọ sức toàn diện. Đó là nhận định của Courrier International tuần này. Tuần báo quốc tế Pháp, số ra cuối tháng 9/2018, giới thiệu một tổng thuật về cuộc chạy đua công nghệ số, mà Bắc Kinh đang nếm đòn, do ảo tưởng có thể nhanh chóng đuổi kịp Hoa Kỳ, trích từ báo South China Morning Post (SCMP) (1).

ao1

Hồ sơ "Mỹ - Trung, thời điểm đụng độ", tuần báo Courrier International, 27/09/2018. Ảnh chụp màn hình

Trong cuộc chạy đua dành vị trí thống trị thế giới về công nghệ cao, chính tham vọng bị đánh giá là "hung hãn" của Trung Quốc đã đẩy Bắc Kinh vào tình thế "lẩy bẩy như Cao Biền dậy non".

SCMP nêu một ví dụ tiêu biểu. Đó là trường hợp công ty tin học khởi nghiệp Redcore Trung Quốc, hồi tháng 08/2018 vừa qua đã kiêu hãnh tuyên bố "phá vỡ được thế độc quyền của Hoa Kỳ", nhờ một phần mềm trình duyệt chưa từng có. Tuy nhiên, ngay sau đó Redcore đã buộc phải cải chính, sau khi phát hiện ra rằng trong sản phẩm này có chứa nhiều dấu ấn của phần mềm trình duyệt Google Chrome nổi tiếng của Mỹ.

Thất bại lồ lộ nói trên có thể được hiểu theo hai cách. Về phía phương Tây, điều này thể hiện rõ chiến lược đánh cắp công nghệ của Bắc Kinh trong tham vọng trở thành siêu cường công nghệ số. Về phía Trung Quốc, vụ Redcore một lần nữa cho thấy "vực thẳm" mà Bắc Kinh phải vượt qua, nếu muốn đuổi kịp Mỹ.

Tham vọng của Redcore, cùng rất nhiều công ty tin học Trung Quốc khác, bắt nguồn từ chương trình MIC 2025, được chính quyền Bắc Kinh khởi sự vào năm 2015. Bắc Kinh đặt mục tiêu trong 10 năm sau đó đưa Trung Quốc lên vị trí ngang hàng với các tập đoàn phương Tây hàng đầu, trong hàng loạt lĩnh vực công nghệ mũi nhọn, như robot, công nghệ không gian, vật liệu mới hay xe chạy bằng các loại năng lượng mới. Công nghệ tin học là một trong 10 lĩnh vực mũi nhọn này (1).

"Đại nhảy vọt" thời công nghệ số ?

Vấn đề là : 10 năm, thời gian quá ngắn để Trung Quốc thực hiện được tham vọng ghê gớm như vậy.

Bộ trưởng Công nghiệp và công nghệ tin học Trung Quốc, hồi 2015, cũng thừa nhận là Trung Quốc phải cần đến 30 năm nữa mới có thể trở thành một siêu cường về công nghiệp. Hiện tại, Trung Quốc rất phụ thuộc vào "các công nghệ cơ bản", mà nước này chủ yếu phải mua của nước ngoài. Sau hơn 20 năm tồn tại, và cho dù đã có hàng tỉ đô la đầu tư, ngành tin học Trung Quốc vẫn không đưa ra được thị trường một "hệ điều hành" máy tính riêng, hay tự chế được các vi mạch tích hợp (2).

SCMP nhận xét là : Dự án MIC 2025 – được triển khai từ ba năm nay, với tham vọng nhanh chóng đưa Trung Quốc lên đỉnh cao thế giới – đã gây ra một cơn sốt săn lùng công nghệ mới, với việc các công ty Trung Quốc tăng cường mua lại các doanh nghiệp mũi nhọn nước ngoài, hay cưỡng bức công ty nước ngoài làm việc tại Trung Quốc phải "chuyển giao" công nghệ… Nhiều cường quốc cũng có những dự án đầy tham vọng trong các công nghệ đỉnh cao, nhưng riêng trường hợp Trung Quốc, các can thiệp trực tiếp, và thô bạo của Bắc Kinh khiến các cường quốc công nghệ, trước hết là Hoa Kỳ, rất cảnh giác.

Muốn lên đỉnh, nhưng thiếu "cơ bản"

Nhà nghiên cứu Lô Tuấn Vĩ (Lu Jiun-wei), làm việc tại một viện kinh tế Đài Loan, chỉ ra một điểm yếu sâu xa trong chiến lược phát triển công nghệ cao của Trung Quốc. Đó là Bắc Kinh chủ yếu trông chờ vào việc lấy lại các công nghệ sẵn có của nước ngoài, mà không tự đầu tư đúng mức cho "các nghiên cứu cơ bản". Theo Lô Tuấn Vĩ, trong kế hoạch MIC 2025, chỉ có 5% số tiền được dùng cho nghiên cứu cơ bản, tỉ lệ chỉ bằng một phần ba, một phần tư so với các nền kinh tế phát triển.

Bị chỉ trích mạnh, Trung Quốc đã buộc phải tỏ ra bớt hung hăng hơn. Hồi tháng 06/2018, Bắc Kinh chỉ đạo báo chí ngừng nói đến kế hoạch MIC 2025. Tổng biên tập một tờ báo của Bộ Khoa học và công nghệ thừa nhận Trung Quốc đã "tự dối mình" khi nghĩ rằng có thể nhanh chóng đuổi kịp Mỹ.

Chiến thuật của "Bình đầu cá"

MIC 2025 tạm thời bị Bắc Kinh cho vào hậu trường, nhưng tham vọng chạy đua công nghệ của Trung Quốc không vì thế mà ngừng lại. Tập đoàn Alibaba vừa quyết định cho ra đời một doanh nghiệp sản xuất vi mạch điện tử riêng, để không phụ thuộc vào Hoa Kỳ.

Xã luận Courrier International tóm lược không khí cuộc chiến Mỹ-Trung với hình ảnh : "Vũ điệu chiến tranh của loài lửng mật Trung Quốc". "Lửng mật" hay "lửng mật ong" (tiếng Trung là Bình đầu cá/Pingtouge) là tên gọi mà tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc Alibaba đặt cho một doanh nghiệp sản xuất vi mạch, vừa được khai trương rầm rộ, đúng vào lúc ông chủ Alibaba tuyên bố sẽ không thực hiện kế hoạch tạo thêm một triệu chỗ làm mới cho nước Mỹ, như đã hứa với Donald Trump hồi mới đắc cử.

Là một động vật ăn thịt nhỏ bé, nhưng hết sức dữ tợn, lửng mật ong không ngại huyết chiến với các loài ăn thịt to lớn như hổ báo. Trong cuộc đọ sức với các động vật to hơn gấp bội, loài chồn mê mật ong có cách tấn công riêng : Đó là lùi một bước, để tiến hai bước. Chiến thuật này được so với điều mà Bắc Kinh đang làm.

Sự ra đời của công ty sản xuất vi mạch mang tên "Bình đầu cá" được Courrier International coi là một "phát súng mới nhất" từ phía Bắc Kinh, trong cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ. Cho dù, đòn đánh thuế mới đây của chính quyền Trump nhắm vào hàng xuất khẩu Trung Quốc trị giá 200 tỉ đô la đang "bóp nghẹt" kinh tế nước này, nhưng tuần báo Pháp dự kiến là, kể từ giờ, Bắc Kinh sẽ không chấp nhận "nhìn Trái đất quay theo giờ Washington" nữa, và sẵn sàng cho cuộc đấu lâu dài với Hoa Kỳ, theo chiến thuật của loài lửng.

Còn tờ The Atlantic, được Courrier International trích dẫn, dự báo quan hệ Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện nay đang đi đến "một vùng xám", không hoàn toàn là sự đoạn tuyệt về kinh tế, giống như quan hệ Mỹ-Xô thời Chiến tranh Lạnh, nhưng cũng khác xa với giai đoạn mật thiết đầu thế kỷ XXI. Giờ đây, mỗi bên sẽ tìm cách ngày càng ít phụ thuộc nhau hơn.

Kinh tế Mỹ sung mãn : Phải thừa nhận công Trump

Về phía nước Mỹ, Le Point có bài xã luận "Khi Trump làm nên phép lạ", ca ngợi kinh tế Hoa Kỳ đang trong tình trạng sung mãn. Tổng thống Donald Trump cách đây ít hôm đưa ra nhận xét là "tăng trưởng kinh tế (4,2%) còn cao hơn tỉ lệ thất nghiệp (3,9%)". Donald Trump khoe đây là điều chưa từng có từ hơn một thế kỷ nay. Le Point khẳng định ngay nhận định này là hoàn toàn sai trái (fake news) (tình hình tương tự đã xảy ra lần gần nhất là vào năm 2006), nhưng không thể không thừa nhận tình trạng tốt đẹp về nhiều mặt của nền kinh tế Mỹ, với tỉ lệ thất nghiệp rất thấp, lợi nhuận doanh nghiệp tăng mạnh, lương bổng cũng tăng trở lại, tỉ lệ dân cư nghèo sụt mạnh…

Le Point cho rằng, cho dù chính quyền tiền nhiệm Obama đã đặt nhiều nền tảng cho tình trạng kinh tế khỏe mạnh của nước Mỹ hiện nay, nhưng không thể phủ nhận các đóng góp của Donald Trump, với các biện pháp giảm mạnh thuế cho doanh nghiệp, tăng đầu tư công. Le Point nhấn mạnh là kinh tế Mỹ vững mạnh khiến toàn thế giới, vì không có giải pháp tốt hơn, tiếp tục mua nhiều trái phiếu của bộ Tài Chính Mỹ, "cho dù toàn thế giới có thể ghét Donald Trump". Và điều này góp phần làm nên "phép mầu" của nền kinh tế Mỹ hiện nay.

Amazon : Ông chủ mới của thế giới

Cũng về Hoa Kỳ, L’Obs dành hồ sơ chính tuần này cho chủ đề : "Ông chủ mới của thế giới. Jeff Bezos đã lập trình để Amazon xâm nhập vào đời sống của chúng ta như thế nào". Từ chủ một hiệu sách nhỏ bán hàng qua mạng, hơn 20 năm sau, Jeff Bezos đã biến Amazon thành tập đoàn thương mại hàng đầu thế giới.

Đối với ông chủ Amazon, thế giới hiện nay cũng giống như miền trung tây Hoa Kỳ cuối thế kỷ 19, với cuộc đua chinh phục các miền đất mới. "Tất cả đều có thể. Tất cả đều mong manh. Tất cả đều cần phải làm lại". Một trong các bí quyết thành công của doanh nhân được người Mỹ rất hâm mộ này, là phục vụ khách hàng đến mức tối đa.

Amazon không chỉ là công ty chuyển phát nhanh với tốc độ kỉ lục, mà còn buộc chân khách hàng bằng nhiều ưu đãi, quà tặng. Để chinh phục được khách hàng, thì phải nắm được tối đa các thông tin về họ. Dịch vụ lưu giữ thông tin của Amazon trên đám mây điện toán, Amazon Web Service, chỉ chiếm 20% doanh số của tập đoàn, nhưng đem lại hơn 50% lợi nhuận cho Amazon.

Ủy Ban Châu Âu vừa mở điều tra về nghi án Amazon lợi dụng các dữ liệu về khách hàng, để khẳng định vị thế độc quyền.

Trong bài "Những gói hàng bị đặt bẫy", L’Obs đưa ra một giải thích khác về nguyên nhân thành công kỳ lạ của Amazon. Đó là việc tập đoàn Mỹ khai thác triệt để sức lao động của nhân viên, với "áp lực thường trực", "nhịp độ làm việc hết sức căng thẳng", đồng lương rẻ mạt (theo một điều tra đầu năm nay, có đến 10% nhân viên Amazon phải vắng mặt vì ốm đau, hay bệnh nghề nghiệp). Tuổi trung bình của nhân viên Amazon (làm việc tại hãng) là 32, thời gian làm việc trung bình tại công ty là... "một năm", đứng cuối bảng trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ.

Làm thế nào kháng cự lại yêu tinh Mỹ ?

Về Amazon, L’Obs có một bài khác mô tả nỗ lực tự vệ của các tập đoàn phân phối Pháp, với tựa đề : "Làm thế nào để kháng cự lại yêu tinh Mỹ ?". Sau một thời gian choáng váng vì uy lực áp đảo của Amazon, các công ty Pháp đã quyết định phản công để giành lại vị trí trên sân nhà.

Tập đoàn phân phối hàng hóa đa chủng Casino Cdiscount chọn cách cạnh tranh trực diện, và giữ được vị trí thứ hai trong số các địa chỉ bán hàng điện tử được nhiều người lui tới nhất. Trong khi đó, tập đoàn siêu thị Monoprix chọn cách hợp tác với Amazon, để hãm bớt đà tiến của "yêu tinh Mỹ". Về phần mình, Fnac-Darty chọn cách liên minh với Google. Kể từ năm tới khách hàng Fnac-Darty có thể ra lệnh mua hàng, với loa thông minh Google Home.

"Con Đường Tơ Lụa" chọn Marseille : Cơ hội hay cạm bẫy ?

Sự kiện Marseille, hải cảng miền nam nước Pháp đang trở thành một "đầu cầu chiến lược" của Trung Quốc tại châu Âu gây lo ngại là chủ đề của phóng sự điều tra của nhật báo hàng đầu nước Áo Der Standard, được Courrier International dẫn lại (3).

Sau nhiều năm cân nhắc, Trung Quốc quyết định đầu tư vào Marseille, thay vì Barcelona. Tập đoàn vận tải biển số một của Trung Quốc Cosco Shipping, thuộc sở hữu Nhà nước, nắm trong tay hơn 100 tàu hàng chở contenơ, mùa xuân năm nay, đã chính thức chọn Marseille làm căn cứ chính tại khu vục Địa Trung Hải.

Pháp : Lo ngại xử sự thô lỗ nở rộ

Lo ngại về các liên hệ cộng đồng, có vẻ đang trở nên xấu đi tại Pháp, là chủ đề lớn của Le Point. Tuần báo chú ý trước hết đến các xử sự "mất lịch sự" (incivilité) trong đời sống hàng ngày, với hàng tựa trang nhất : "Đồ bẩn thỉu !". Tuần báo liệt kê trước hết các hành động văng tục, phá phách, phóng uế bừa bãi, bật nhạc ồn ĩ, gian lận hay đặt chân lên ghế nơi công cộng….

Theo Insee hồi năm ngoái, nơi ở của hơn 600.000 người Pháp, xe hơi của hơn một triệu người bị xâm hại ở các mức độ khác nhau. Năm ngoái, cảnh sát Paris đã tăng cường xử phạt, với tổng cộng hơn 1.200 trường hợp để chó phóng uế lên vỉa hè, hơn 1.000 người vứt đầu lọc thuốc lá xuống đường, hơn 4.500 trường hợp vứt rác sai chỗ. Le Point cũng đưa ra nhiều con số đầy ấn tượng, theo một điều tra, có đến 42% người làm công ăn lương gặp phải các ứng xử bất lịch sự nơi làm việc, 81% bị đồng nghiệp làm ồn, 77% không chào hỏi…

Thực ra theo Le Point, hiện tại chưa có đủ số liệu thống kê để khẳng định tất cả những con số nói trên cho thấy nạn ứng xử không văn hóa đang tăng lên hay giảm xuống tại Pháp. Nhà xã hội học Laurent Mucchielli (CNRS) khẳng định có nhiều hành động phá phách bị xử phạt hơn trên toàn quốc, cũng như tại nhiều thành phố lớn, nhưng đồng thời ông cho rằng cần nhìn vấn đề một cách công bằng và toàn diện hơn, bởi tại những xã hội như Pháp, "hiện nay chúng ta đang được an toàn chưa từng có".

Còn nhà xã hội học Sebastian Roché (CNRS) lưu ý các chuẩn mực, mà dựa trên đó, người ta đánh giá các ứng xử thế nào thì bị coi là "mất lịch sự", cũng thay đổi rất nhiều theo thời gian, theo hoàn cảnh, hay môi trường xã hội. Ví dụ, trong những năm 1970, tại một khu phố công nhân, việc một bà mẹ lớn tiếng gọi con qua cửa sổ được coi là chuyện rất bình thường, thì hiện nay không phải vậy. Hay tại trung tâm Paris, do áp lực giao thông, việc đỗ xe tại một số điểm bị cấm giờ được nhiều người cho là có thể chấp nhận được…

Tuy nhiên, theo một chuyên gia khác (nhà xã hội học Julien Damon), "các dấu hiệu (đáng lo ngại) này cần được xử lý khẩn cấp".

"21 bài học cho thế kỷ XXI": Con người ngày càng liên đới

Tiếp theo hai cuốn sách bán rất chạy, được dịch ra hơn 30 thứ tiếng ("Sapiens" và "Homo deus", nói về quá khứ và tương lai của nhân loại), nhà sử học Israel Yuval Noah Harari vừa ra mắt cuốn sách thứ ba, mang tựa đề "21 bài học cho thế kỷ 21". Trả lời phỏng vấn L'Obs, Yuval Noah Harari nói ông muốn đưa ra một cái nhìn với hy vọng giúp làm "sáng tỏ" các xu thế của thế giới hiện nay. Một thế giới vốn đang bị chìm ngập trong vô số thông tin "vô bổ".

Tác giả cuốn "21 bài học cho thế kỷ XXI" lưu ý đến ba thách thức chủ yếu đe dọa sự sống còn của nhân loại : chiến tranh hạt nhânbiến đổi khí hậu và đảo lộn công nghệ. Theo ông, cho dù có tránh được hai hiểm họa đầu, thì trí thông minh nhân tạo và công nghệ y sinh học (thách thức thứ ba) sẽ làm biến đổi sâu sắc thị trường lao động, trật tự thế giới, cũng như chính cơ thể và tâm hồn con người (4).

Theo Yuval Noah Harari, cho dù "nền dân chủ tự do" (démocratie libérale) hiện nay đang bị thách thức nghiêm trọng, cũng như bất lực trước thách thức lớn thứ ba nói trên, thì đây vẫn là phương tiện tốt nhất trong hiện tại, để bảo vệ trật tự thế giới. Nền dân chủ tự do là một trong ba thể chế chủ yếu của nhân loại thế kỷ 20, cùng với chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản. Hai học thuyết kia đều đã phá sản: chủ nghĩa phát xít với Thế chiến Hai, và chủ nghĩa cộng sản với sự sụp đổ của khối Liên Xô.

Hiện tại, cho dù có những bất đồng, xung đột ghê gớm ở nơi này, nơi khác, theo nhà sử học Israel, nhân loại hiện nay đã thuộc về "cùng một hệ thống chính trị, kinh tế, khoa học". Trong thế giới đang toàn cầu hóa, số phận con người ngày càng liên hệ mật thiết với nhau.

Người ở đầu này của hành tinh làm nên thực phẩm, quần áo, cho người ở đầu kia, trong khi cuộc sống của chính họ lại bị đe dọa trong một cuộc chiến vì giá cả xăng dầu, mặt hàng mà chúng ta tiêu thụ. Cuộc sống của họ cũng có thể lâm nguy, khi chúng ta thờ ơ trong việc bảo vệ môi trường. Không ai có thể phủ nhận trách nhiệm của mình với người khác, với lý do những con người ấy chẳng liên quan gì đến ta, vì họ sống ở một nơi nào đó xa tít tắp.

Ghi chú

1. Việc tập đoàn Alibaba Trung Quốc, năm 2006, mua lại nhật báo Anh ngữ Hồng Kông vốn có truyền thống hơn một thế kỷ, đã gây nhiều lo ngại lớn: tính độc lập và chất lượng bài sẽ bị suy yếu, và thậm chí tờ báo có thể biến mất (ghi nhận của Courrier International).

Trọng Thành

(1) xem thêm : Trí thông minh nhân tạo : "Bước đại nhảy vọt mới" của Trung Quốc ?

(2) SCMP : tính dễ tổn thương của Trung Quốc về công nghệ có thể thấy rõ qua vụ công ty viễn thông Trung Quốc ZTE phải ngừng hoạt động, vì bị Mỹ cắt nguồn linh kiện. Xem thêm : ZTE, yếu tố chính trị trong cuộc đọ sức kinh tế Mỹ-Trung

(3) mời xem thêm : LHCA đề ra chiến lược cạnh tranh với Con Đường Tơ Lụa Trung Quốc

(4) mời đọc thêm : Trí thông minh nhân tạo sẽ còn đi đến đâu ?

Published in Châu Á
dimanche, 30 septembre 2018 15:06

Tin tức thời sự truyền hình 30/09/2018

Nguồn : RFI, 30/09/2018

Published in Video

Tại Liên Hiệp Quốc, Mỹ nhường sân chơi cho Trung Quốc (RFI, 28/09/2018)

Mỹ rút lui khỏi nhiều định chế đa quốc gia để nhường sân chơi lại cho Trung Quốc. Khóa họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 73 liệu có tạo cho Bắc Kinh thêm một cơ hội nữa để áp đặt một mô hình thế giới đa cực mới ?

lhq1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) tham dự thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - Châu Phi, Bắc Kinh, ngày 04/09/2018 - Lintao Zhang/Pool via Reuters

Vào lúc tổng thống Mỹ Donald Trump trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã có những lời đả kích kịch liệt nhắm vào Iran, Trung Quốc và mô hình thế giới đa cực, thì ở hậu trường phái đoàn ngoại giao Trung Quốc không ngừng mở các cuộc đối thoại bên lề với các đối tác Ấn Độ, Nhật Bản, Úc hay Canada và Châu Âu... Tại Bắc Kinh, hãng thông tấn Tân Hoa Xã công bố bản đồ với những thông tin được cập nhật thường xuyên liên quan đến các định chế đa quốc gia mà Hoa Kỳ đã từng bước "rút lui" kể từ khi Donald Trump bước vào Nhà Trắng.

Mỹ đã ra khỏi Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương TPP (tháng 1/2017), từ bỏ thỏa thuận khí hậu Paris, rút lui khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, chia tay tổ chức UNESCO hay quyết định hôm 19/06/2018 quay lưng lại với Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ... Gần đây nhất là khả năng trừng phạt Tòa Án Hình Sự Quốc Tế đã được cố vấn an ninh của Nhà Trắng, John Bolton nêu lên.

Trong lúc nước Mỹ của Donald Trump liên tục để lại những chiếc ghế trống ấy, thì Bắc Kinh tận dụng thời cơ để chen chân vào bằng nhiều cách. Qua những tuyên bố ở mọi cấp các lãnh đạo, Bắc Kinh luôn tìm cách chứng minh rằng, Trung Quốc tôn trọng mô hình một thế giới mở và đa cực, là một đối tác đáng tin cậy của cộng đồng quốc tế, là một quốc gia có trách nhiệm với thế giới.

Một phương tiện thứ nhì cho phép Trung Quốc lấp vào chỗ trống mà Hoa Kỳ để lại là "sức mạnh của đồng tiền". Một nhà báo Ấn Độ trực thuộc cơ quan nghiên cứu độc lập Observer Research Foundation nhận xét : khi Washington thông báo giảm đóng góp vào các chương trình "Gìn Giữ Hòa Bình", thì lập tức Bắc Kinh tỏ ra hào phóng. Trung Quốc hứa rót 1 tỷ đô la trong 5 năm sắp tới để chung sức với Liên Hiệp Quốc gìn giữ hòa bình. Bắc Kinh chuẩn bị đào tạo 8.000 binh sĩ để tham gia lực lượng Lính Mũ Xanh.

Thái độ sốt sắng nói trên của Trung Quốc gây nhiều lo ngại.

Richard Gowan một chuyên gia về an ninh và quốc phòng, thuộc Hội Đồng Đối Ngoại Châu Âu (ECFR), được báo Le Figaro trích dẫn cho biết tại tổ chức quan trọng trực thuộc Liên Hiệp Quốc là UNESCO và Hội Đồng Nhân Quyền, các nhà ngoại giao Trung Quốc ngày càng áp đặt tiếng nói của mình. Sự bành trướng của Trung Quốc tại New York ngày càng rõ nét. Mùa hè vừa qua, Bắc Kinh đã mời rất nhiều các phái đoàn ngoại giao quốc tế đến trụ sở của văn phòng đại diện của Trung Quốc bên cạnh Liên Hiệp Quốc để bàn thảo về những "chuyện đại sự", trình bày về tầm nhìn của Bắc Kinh chung quanh các dự án vĩ đại, từ Con Đường Tơ Lụa Thế Kỷ 21 đến chiến lược "Made in China 2025" mà ở đó Bắc Kinh có tham vọng áp đặt những chuẩn mực của Trung Quốc với toàn thế giới.

Nói một cách khác, giới phân tích cho rằng, từ khi tổng thống Donald Trump lên cầm quyền với khẩu hiệu "nước Mỹ trước tiên", thì Bắc Kinh không còn e dè hay kín đáo tung những đòn ngoạn mục để củng cố sức mạnh của mình trên bàn cờ thế giới.

Thái độ này của Trung Quốc đã khiến nhiều chuyên gia về quan hệ quốc tế ngạc nhiên. Một chuyên gia thuộc trung tâm nghiên cứu độc lập của Mỹ, Stimson Center, trụ sở tại Washington, thậm chí còn cho rằng, ông "Tập Cận Bình đã đi quá đà" và có một sự "ngạo mạn" trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh. Thái độ đó theo chuyên gia này, trái ngược hẳn với chiến lược của ông Đặng Tiểu Bình xưa kia, vốn chủ trương kiên nhẫn và từng bước bộc lộ sức mạnh thật sự của mình.

Cựu thủ tướng Úc Kevin Rudd bình luận : logic của họ Đặng không còn tính thời sự trong mắt giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay. Điều đó được thể hiện qua cách hành xử của Bắc Kinh với Liên Hiệp Quốc và ngay cả trong cuộc đọ sức với Hoa Kỳ.

Thanh Hà

********************

Trung Quốc – Hoa Kỳ : Một cuộc chiến công nghệ gay gắt (RFI, 28/09/2018)

Phải chăng cuộc chiến thương mại mà Hoa Kỳ và Trung Quốc đang đối đầu với các biện pháp áp thuế lẫn nhau chỉ là bề nổi ? Ẩn sau cuộc chiến này là một cuộc tấn công khác, hệ quả còn nặng nề hơn đang lặng lẽ diễn ra từ nhiều tháng qua.

lhq2

Ảnh minh họa bài viết trên báo Le Figaro

Đó chính là "Tech war", một cuộc chiến công nghệ có khả năng làm đảo lộn địa chính trị thế giới cũng như bản chất sâu đậm của xã hội ngày mai. Về chủ đề này báo Le Figaro số ra ngày 24/09/2018 có bài viết đề tựa "Trung Quốc và Hoa Kỳ, một cuộc chiến công nghệ không chút nương tay". RFI Tiếng Việt lược dịch.

Trung Quốc và Hoa Kỳ : Những thủ lĩnh công nghệ

Đó sẽ là một cuộc đối đầu dữ dội giữa hai cường quốc duy nhất có khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ. Và các hãng công nghệ lớn là những con át chủ bài hàng đầu. Nếu so về tương quan lực lượng, Hoa Kỳ và Trung Quốc, "kẻ tám lạng người nửa cân".

Bảng báo cáo Mary Meeker Internet Trends 2018 cho thấy trong số 20 doanh nghiệp Web có giá trị hàng đầu, có 11 hãng là của Mỹ và 9 hãng Trung Quốc. Châu Âu hầu như vắng mặt mặc dù khu vực này cũng có nhiều doanh nghiệp hiện diện trên sàn chứng khoán.

Bên cạnh các hãng lớn, những doanh nghiệp khởi nghiệp không niêm yết giá chứng khoán và có giá trị hơn một tỷ đô la cũng là những cánh tay đắc lực khác cho hai cường quốc công nghệ này. Trong số 260 doanh nghiệp loại này, gần phân nửa (125) là của Mỹ, 77 của Trung Quốc, còn Châu Âu chỉ có khoảng 30.

Kết quả có được không phải ngẫu nhiên. Trung Quốc và Hoa Kỳ đã đầu tư rất nhiều để hỗ trợ cho các doanh nghiệp hàng đầu của mình, nhất là trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo Artificial Intelligence - AI. Mức đầu tư cho AI của đôi bên xấp xỉ tương đương trong khoảng 165-170 tỷ đô la, kể cả trong khối tư nhân.

Theo Le Figaro, sở dĩ ngần ấy phương tiện được đầu tư vào lĩnh vực này là vì cả hai cường quốc đều xem AI như là một công cụ mới cho sức mạnh quân sự và chính trị. Ngay từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, Hoa Kỳ đã hiểu được tầm quan trọng của AI, một công cụ gần như bí hiểm nhằm gia tăng ưu thế quân sự của Mỹ trên thế giới.

Bên cạnh đó, nước Mỹ cũng hiểu được giá trị của công nghệ này trong xã hội loài người tương lai : Từ công tác tổ chức hành chính cho đến chẩn đoán bệnh tật, nhất là trong việc dự đoán kinh tế. Tóm lại, công nghệ AI có vai trò như là phương tiện gây ảnh hưởng, một công cụ của quyền lực mềm.

Về phần mình, Bắc Kinh tin rằng trí thông minh nhân tạo sẽ giúp cải thiện khả năng ra quyết định và hành động khi có chiến tranh. Trong sản xuất, máy móc tự chủ có thể thay thế con người thực hiện nhiều nhiệm vụ với hiệu quả cao và nhanh hơn. Đặc biệt là trong chính trị, AI bảo đảm sự trường tồn của mô hình siêu tập trung quyền lực, độc quyền lãnh đạo. Đó sẽ là một công cụ hữu ích giúp kiểm soát người dân và dự đoán các hiệu quả về chính sách của nhà nước.

Hơn nữa, trí thông minh nhân tạo được cho là có khả năng khôi phục tầm vĩ đại xưa kia cho đế chế Trung Hoa để có thể đi từ "Made in China" (Sản xuất tại Trung Quốc) sang "Created in China" (Sáng chế ở Trung Quốc).

"Tám chiến binh gác cổng"

Thách thức liên quan đến trí thông minh nhân tạo lớn đến mức mọi thủ đoạn đều được cho phép. Chính quyền Bắc Kinh áp dụng đủ mọi phương cách : Len lỏi tham gia vào các doanh nghiệp chiến lược, ồ ạt gởi sinh viên ra nước ngoài, hạn chế cổng vào thị trường của mình và thậm chí cả dọ thám.

Đầu tư gián tiếp của Trung Quốc vào lĩnh vực công nghệ Mỹ cũng khá lớn. Số liệu của CB Insight cho thấy trong giai đoạn 2015-2017, đầu tư của Bắc Kinh tại Mỹ có lẽ đã lên đến 24 tỷ đô la.

Một công cụ khác không thể thiếu trong hành trình thâu tóm công nghệ : Giáo dục. Bộ quốc phòng Mỹ ước tính ¼ số sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học và công nghệ là người Trung Quốc.

Tệ hơn, một báo cáo của ủy ban tình báo Thượng Viện Mỹ năm 2013 khẳng định Trung Quốc là thủ phạm của 96% các vụ gián điệp mạng. Một điều tra khác của tờ Politico hồi tháng 3/2018 tiết lộ sự hiện diện đông đảo của nhiều điệp viên và người cung cấp thông tin Trung Quốc tại thung lũng Silicon Valley.

Trong khi mà trên lãnh thổ của mình, Trung Quốc áp đặt các doanh nghiệp nước ngoài làm việc với các hãng trong nước phải lưu trữ dữ liệu tại chỗ và nhượng quyền bằng sáng chế công nghệ… bằng không những doanh nghiệp đó bị cấm cửa thâm nhập nền thị trường lớn thứ hai trên thế giới. Song song đó, chính quyền Bắc Kinh còn nghiêm cấm các công sở sử dụng một số sản phẩm của Microsoft, Apple và Intel !

Từ lâu vẫn kín tiếng, nay Hoa Kỳ bắt đầu gia tăng hành động đáp trả. Washington nắm trong tay nhiều lá chủ bài. Được mệnh danh là "tám chiến binh gác cổng", Apple, Cisco, Google, IBM, Intel, Microsoft, Oracle và Qualcomm bị truyền thông Trung Quốc tố cáo là "đã thâm nhập quá sâu trong cơ sở hạ tầng tin học của Trung Quốc".

Hoa Kỳ còn đi xa hơn khi cấm bán các linh kiện điện tử cho tập đoàn viễn thông Trung Quốc ZTE và cản trở các tập đoàn Trung Quốc thực hiện một số thương vụ mua lại các doanh nghiệp nhà nước (MoneyGram, Qualcomm).

Các quyết định áp thuế của tổng thống Mỹ cho thấy quyết tâm của ông xoay lưng lại với một trào lưu hướng đến mở cửa thị trường từ nhiều thập niên qua để rồi dựng lên các hàng rào bao quanh một pháo đài Mỹ. Thậm chí chấp nhận tự cô lập mình với các đồng minh.

Thắng lợi của AlphaGo năm 2016 : Một cú sốc mạnh thực sự tại Trung Quốc

Câu hỏi đặt ra, từ lúc nào trí thông minh nhân tạo trở thành vấn đề mấu chốt tại Trung Quốc ? Trả lời báo Le Figaro, ông Charles Thibout, nhà nghiên cứu tại Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS), chuyên gia về các thách thức địa chính trị của các nền công nghệ đang trỗi dậy trong đó có trí thông minh nhân tạo, cho rằng sự ganh đua giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể dẫn đến một sự đối đầu giữa Trung Quốc và tập đoàn khổng lồ có thế lực như Nhà nước, GAFAM (Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft).

"Khi AlphaGo, chương trình tin học do công ty Google DeepMind phát triển, đánh bại nhà vô định cờ vây Hàn Quốc Lee Sedol vào tháng 03/2016, điều này tạo ra một cú sốc mạnh thực sự tại Trung Quốc, nơi mà cờ vây có âm hưởng văn hóa rất lớn. Cho đến lúc đó, các quan chức Trung Quốc đã quan tâm đến trí thông minh nhân tạo. Thế nhưng thắng lợi này của một tập đoàn Hoa Kỳ đã thúc đẩy nhanh chương trình về trí thông minh nhân tạo của Trung Quốc, vì lo sợ bị tụt hậu về công nghệ. Thậm chí người ta coi đó như "thời điểm Spoutnik" tức là khi Liên Xô phóng thành công vệ tinh Spoutnik".

Tại sao một công nghệ như trí thông minh nhân tạo lại hội tụ các căng thẳng chính trị với Hoa Kỳ ?

"Đối với nước Trung Quốc đương đại, trí thông minh nhân tạo là phương tiện trả lại cho chế độ vị thế được coi như là đương nhiên trên bàn cờ quốc tế. Đáp lại sự huyễn hoặc của Trung Quốc là "tư duy chuyên gia" Mỹ, như cách gọi của nhà phân tích chính trị Stanley Hoffmann, theo đó mọi vấn đề chính trị, hiểu theo nghĩa rộng của từ này, có thể được giải quyết thông qua kỹ thuật.

Hai siêu cường đều có những suy nghĩ huyễn hoặc về trí thông minh nhân tạo và mỗi bên đều chạy đua để có thể vượt lên trên những tiến bộ mà bên kia đạt được. Hoa Kỳ đối đầu với Trung Quốc về trí thông minh nhân tạo, giống như trước kia Mỹ đối đầu với Liên Xô trong lĩnh vực chinh phục không gian. Do vậy, trí thông minh tạo là một vấn đề chính trị".

Trong cuộc đối đầu này, bên nào giành thắng lợi ?

"Trung Quốc có một nền kinh tế được chỉ đạo và đó là một lợi thế để điều phối việc thực hiện một chiến lược quốc gia. Thế nhưng, Trung Quốc cũng cần đến những nhân tài Mỹ để phát triển các ngành công nghệ riêng của họ. Còn Hoa Kỳ thì phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và các đầu tư Trung Quốc. Ngoài ra, chính sách kinh tế của Mỹ chỉ có vai trò khuyến khích. Mỹ mong muốn là các doanh nghiệp mũi nhọn trong lĩnh vực phát minh có thể trang bị cho quân đội các khả năng công nghệ thông qua các thị trường.

Thế nhưng hiện nay, các nhân viên của tập đoàn Google chống lại các dự án quân sự Mỹ, buộc tập đoàn này phải hủy các hợp đồng ký với quân đội. Do có khả năng chống lại Nhà nước, các tập đoàn công nghệ như Google có một vai trò ngoại giao thực sự. Đầu tư tư nhân trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo cao hơn rất nhiều so với đầu tư của các quốc gia và các doanh nghiệp có thế lực như những Nhà nước này sẽ có một tầm quan trọng chủ chốt khi đối mặt với Trung Quốc".

Tiếc rằng trong cuộc đọ sức này, Châu Âu bị đứng ngoài cuộc, đóng vai khán giả. Châu Âu bất lực nhìn dòng chất xám chảy qua nước Mỹ và chỉ biết nhìn việc chuyển giao công nghệ dồn sang Trung Quốc.

Minh Anh

*****************

Mỹ - Trung : Tình bạn Trump – Tập đã chấm dứt ? (RFI, 27/09/2018)

Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề cuộc họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 26/09/2018 phát biểu rằng "tình bạn" của ông với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "đã chấm dứt".

lhq3

Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) bắt tay chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, ngày 09/11/2017 Fred DUFOUR / AFP

Nguyên thủ Mỹ cáo buộc Bắc Kinh tìm cách can thiệp vào kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới đây. Giới chuyên gia quan ngại leo thang căng thẳng Mỹ - Trung để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Chưa có lúc nào quan hệ Mỹ - Trung xuống đến mức thấp nhất như hiện nay. Cách nay hơn một năm, tổng thống Mỹ còn xem chủ tịch Trung Quốc là "bạn". Tuy lãnh đạo Trung Quốc đã tiếp đón long trọng Donald Trump tại Bắc Kinh nhưng chưa bao giờ ông Tập có những phát biểu "dạt dào" về mối quan hệ này.

Theo quan điểm của ông Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington với AFP, thì hai ông "Trump và Kim chưa bao giờ là bạn cả".

Còn theo nhận xét của Bill Bishop, chủ nhà xuất bản Sinocism China Newsletter, tuần trăng mật Trump – Tập không còn, có thể có "một mức độ suy thoái hoàn toàn khác nữa trong mối quan hệ Mỹ - Trung, vượt xa khuôn khổ cuộc chiến thương mại".

Quả thật, chỉ trong vòng một tuần, gần như ngày nào cũng bùng lên căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Hoa Kỳ thông báo trừng phạt một cơ quan quân đội Trung Quốc vì đã mua vũ khí của Nga. Chính quyền Bắc Kinh giận dữ đáp lại cho triệu đại sứ Mỹ lên bộ Ngoại Giao để chính thức phản đối, đồng thời rút ngắn thời hạn thăm Mỹ của một đô đốc Trung Quốc.

Thứ Sáu ngày 21/09, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên án Bắc Kinh "ngược đãi khủng khiếp" người Duy Ngô Nhĩ.

Trong khi đó, xung đột thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang. Washington thông báo áp thuế thêm 200 tỷ đô la hàng nhập khẩu Trung Quốc. Ngay lập tức, Bắc Kinh phản công hủy chuyến đi Mỹ của một phái đoàn đàm phán và của phó thủ tướng Lưu Hạc vì không chấp nhận thương thuyết trong thế "dao kề cổ".

Cũng trong tuần này, Lầu Năm Góc còn cho nhiều chiếc oanh tạc cơ B-52 bay trên không phận Biển Đông có tranh chấp mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên 80% diện tích. Ngược lại, Bắc Kinh cực lực phản đối kế hoạch Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan mà Trung Quốc xem là một tỉnh của nước này.

Căng thẳng mới nhất là hôm qua, trong cuộc họp báo ngắn, tổng thống Trump cáo buộc Trung Quốc dùng mọi "thủ đoạn" can thiệp vào bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ sắp tới đây. Một trong số các ví dụ được nguyên thủ Hoa Kỳ nêu ra là tờ Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận đảng Cộng Sản Trung Quốc đã đăng quảng cáo trên The Des Moines Register – một tờ báo của bang Iowa, nơi có vai trò quan trọng trong các kỳ bầu cử Mỹ.

Từ những quan sát trên, có một câu hỏi đặt ra : Phải chăng trong nhãn quan của Donald Trump, một người "bạn tốt" phải là một người dễ bảo ?

Minh Anh

Published in Quốc tế

Mỹ - Trung đối đầu trên nhiều mặt trận

Đáng chú ý trên báo Pháp hôm nay là bài viết "Mâu thuẫn ngày càng nhiều giữa Bắc Kinh và Washington" trên trang Thế Giới, báo kinh tế Les Echos.

mytrung1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự dạ tiệc tại Đại lễ đường Nhân Dân ở Bắc Kinh ngày 09/11/2017. Reuters/Jonathan Ernst

Thông tín viên báo Les Echos tại Bắc Kinh, Frédéric Schaeffer, nhận định, căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh đang gia tăng. Trong khi hai cường quốc hàng đầu thế giới đang lún sâu vào chiến tranh thương mại, tổng thống Donald Trump mới đây tố cáo Trung Quốc can dự vào chính trị Mỹ, cụ thể là kỳ bầu cử Quốc Hội giữa nhiệm kỳ.

Hôm 26/09, tại Hồi Đồng Bảo An, chủ nhân Nhà Trắng chỉ trích Bắc Kinh : "Họ không muốn tôi thắng hay chúng tôi thắng, bởi vì tôi là tổng thống đầu tiên thách thức Trung Quốc về thương mại". Về quan hệ cá nhân với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Trump phát biểu : "Có thể ông ấy không còn là bạn tôi nữa"

Trung Quốc đáp trả nhanh chóng và gay gắt. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gọi đó là "các cáo buộc vô căn cứ" và khẳng định Trung Quốc luôn tôn trọng nguyên tắc không can dự vào vấn đề nội bộ của nước khác và hy vọng các quốc gia khác cũng làm như vậy.

Trong khi mức thuế suất mới bắt đầu được áp dụng hôm thứ Hai 24/09 và hai bên không tìm ra lối thoát giải quyết mâu thuẫn, Bắc Kinh từ chối thương lượng trong thế "dao kề cổ" và ra Sách trắng tố cáo Mỹ dùng "các phương pháp côn đồ".

Ngoài ra, cũng phải kể tới các căng thẳng quân sự. Trong những ngày qua, nhiều oanh tạc cơ của Mỹ đã bay qua khu vực có tranh chấp ở Biển Đông, trong khi bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis chỉ trích Bắc Kinh củng cố các tiền đồn quân sự trên các đảo đang có tranh chấp.

Trước đó, Bắc Kinh đã đả kích thương vụ Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và chỉ trích quyết định của Washington trừng phạt tài chính một cơ quan quân sự Trung Quốc vì đã mua vũ khí của Nga. Đáp lại, Trung Quốc mới đây từ chối cho phép một chiến hạm Mỹ ghé thăm cảng Hồng Kông và triệu hồi tư lệnh Hải quân Trung Quốc đang trong chuyến thăm Mỹ.

Chính quyền Donald Trump cũng mở nhiều mặt trận khác, chẳng hạn công khai chỉ trích với một sự cứng rắn khác thường về việc Trung Quốc "cưỡng chế bắt giam" nhiều người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương, hay đả kích Trung Quốc "làm phức tạp hóa nhiều điều" trên hồ sơ Bắc Triều Tiên.

Theo ông Jean-Pierre Cabestan, một nhà nghiên cứu về Trung Hoa, "rõ ràng là tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm cách tăng áp lực lên Trung Quốc nhiều nhất có thể. Nhiều mặt trận được mở, bởi vì sự cạnh tranh trùm lên tất cả các lĩnh vực. Mỹ tìm cách kìm chế sức mạnh đang lên của Trung Quốc. Ngoài chiến tranh thương mại, hai nước cũng đang hướng tới một cuộc chiến tranh lạnh, nước nào cũng muốn bảo vệ hệ tư tưởng của mình".

Dải Gaza : 70% thanh niên thất nghiệp

Nhìn sang Trung Đông, báo Le Monde có bài viết "Dải Gaza : 70% thanh niên thất nghiệp".Theo báo cáo Ngân Hàng Thế giới công bố hôm qua 27/09/2018, nền kinh tế ở dải Gaza đang sụp đổ. Từ khi lực lượng Hamas lên nắm quyền lãnh đạo vào năm 2007, dải Gaza bị Israel và Ai Cập cấm vận. Ba cuộc chiến, lần gần đây nhất là vào mùa hè năm 2014, đã tàn phá dải đất này.

Những hậu quả về tâm lý, vệ sinh y tế, sinh thái và kinh tế khiến những vấn đề ở dải Gaza trở nên không thể giải quyết nổi. Tỉ lệ thất nghiệp tăng lên tới mức lịch sử, 53%, thậm chí là 70% ở giới trẻ. Từ năm 2011 đến năm 2017, tỉ lệ nghèo đói tăng thêm 38,8%, lên thành 53%. Bị cấm vận, kinh tế Gaza trở nên kiệt quệ. Sản xuất nông nghiệp và công nghiệp giảm từ 23% vào năm 1994 xuống còn 13%, trong khi các công nghệ mới không phát triển được vì thiếu mạng 3G.

Le Monde ví dải Gaza như "một người bệnh chỉ sống nhờ máy trợ hô hấp và đường truyền thức ăn". Vào năm 2017, 79% dân số sống nhờ trợ cấp. Những toan tính chính trị từ nhiều phía đã đẩy dải Gaza tới bờ vực thẳm. Thu nhập của hàng trăm ngàn gia đình sụt giảm 30-50%.

Mới đây chính quyền Washington quyết định cắt viện trợ trực tiếp cho cơ quan quyền lực Palestine, đồng thời không đóng góp tài chính cho Cơ quan Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Palestine, tổ chức có sứ mệnh cứu giúp 5 triệu người tị nạn Palestine tại nhiều nước Trung Cận Đông. Tại Gaza, cơ quan Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Palestine có những hỗ trợ quan trọng cho hệ thống giáo dục và trợ giúp khẩn cấp cho những người trong hoàn cảnh khó khăn. Việc tổ chức này bị cắt giảm về nhân lực và tài chính khiến nhiều người lo lắng.

Điều phối viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tiến trình hòa bình Trung Đông Nikolai Mladenov cách nay nhiều tháng đã xem xét, cân nhắc những đề xuất khẩn cấp, có thể thực hiện trong vòng chỉ dưới 1 năm, trên vài lĩnh vực quan trọng như hệ thống điện, hệ thống thoát nước thải… Ngân Hàng Thế Giới cũng đưa ra một số gợi ý để cải thiện tình tình kinh tế ở Gaza. Thế nhưng, Le Monde kết luận, tất cả các dự án kinh tế mang đầy ý nghĩa tốt đẹp đó đều vấp phải những thực tế chính trị bất lợi : các lực lượng Palestine bị chia rẽ, chính quyền Donald Trump thờ ơ trước các vấn đề nhân đạo và cả các kỳ bầu cử tới đây ở Israel.

Không sử dụng internet, người già càng đơn độc trong xã hội

Trong lĩnh vực xã hội, báo công giáo La Croix cho biết theo thống kê của một hiệp hội trợ giúp người nghèo, tại Pháp, trong khi internet là một kênh quan trọng để duy trì các mối liên hệ xã hội, 27% người trên 60 tuổi không bao giờ sử dụng mạng internet. Tỉ lệ này là 59% đối với các cụ già trên 85 tuổi và 60% đối với những người trên 60 tuổi có thu nhập dưới 1000 euro/tháng. Chính điều này khiến "trong một thế giới siêu kết nối", nhiều người cao tuổi "ngày càng bị gạt ra bên lề xã hội".

Trả lời cho câu hỏi tại sao họ không dùng internet, 68% số người được hỏi cho rằng internet không có ích lợi, 47% gặp khó khăn về kỹ thuật. Chi phí đắt đỏ để lắp đặt máy móc và nối mạng cũng là một rào cản, nhất là đối những người có hoàn cảnh khó khăn.

2/3 số người được hỏi cho biết internet được họ sử dụng nhiều nhất để liên lạc với người thân, gửi thư hoặc ảnh, tiếp đến mới là để tìm kiếm thông tin. Hơn 1/3 số người trên 60 tuổi không thể thực hiện được các thủ tục hành chính qua mạng internet.

Hiệp hội Les petits frères des Pauvres đề xuất 14 giải pháp để hỗ trợ người già sử dụng internet, chẳng hạn cung cấp dịch vụ internet với chi phí phải chăng cho người cao tuổi, khuyến khích các doanh nghiệp sửa chữa lại các máy tính mà họ không dùng và tặng lại cho các cụ già …

Hệ thống chăm sóc y tế của Pháp không phải tốt nhất Châu Âu

Liên quan đến Y tế, báo kinh tế Les Echos cho biết "hệ thống chăm sóc sức khỏe của Pháp còn lâu mới được coi là hệ thống tốt nhất Châu Âu".

Theo một thăm dò ý kiến người dân của năm nước Pháp, Đức, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Ý, do Ipsos thực hiện, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Thụy Điển được đánh giá tốt nhất (36%), tiếp theo là Đức (21%). Pháp đứng cuối bảng (9%). Gần một nửa số người được hỏi đánh giá hệ thống y tế của đất nước họ yếu kém hơn trong 10 năm qua, chỉ có 21% cho rằng lĩnh vực chăm sóc sức khỏe được cải thiện. 59% số người Pháp được hỏi tỏ ra bi quan về hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước nhà, nhưng họ cho rằng dẫu sao hệ thống của Pháp vẫn có chất lượng cao hơn nhiều so với mức trung bình ở Châu Âu.

Theo khảo sát của Ipsos, những người được hỏi tỏ ra nghi ngờ về các phương tiện mà Liên Hiệp Châu Âu hiện có để cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Liên Âu. Tuy nhiên, họ ủng hộ việc các nước thành viên Liên Hiệp tăng cường hợp tác, nhất là về nghiên cứu và đào tạo Y khoa.

Các vùng đất ngập nước đang biến mất nhanh chóng

Chuyển sang lĩnh vực môi trường, sinh thái, Le Monde cho biết "Nhiều hồ, sông, ao đang biến mất nhanh chóng". Các vùng đất ngập nước bị tàn phá nhanh gấp ba lần so với các khu rừng. Nguyên nhân chủ yếu là các hoạt động nông nghiệp, quá trình công nghiệp hóa và sức ép dân số.

Không chỉ giàu về đa dạng sinh học, các vùng đất ngập nước góp phần giảm ảnh hưởng của các cơn bão, giữ vai trò quan trọng về giao thông, du lịch, với nhiều giá trị văn hóa và tinh thần…

Từ năm 1970 cho tới nay, 35% diện tích khu vực này trên toàn thế giới đã bị phá hủy. Dưới tác động của hiện tượng Trái Đất nóng dần lên, từ năm 2000, tốc độ sông ngòi ao hồ… biến mất là từ 0,85 đến 1,6%/năm, trong khi đó, từ năm 1990 đến năm 2015, tỉ lệ biến mất của các khu rừng là 0,24%/năm.

Ban thư ký Công ước Ramsar về các vùng đất ngập nước hôm qua 27/09/2018 ra một báo cáo báo động tình trạng hiện nay và kêu gọi 170 Nhà nước và tổ chức ký công ước Ramsar năm 1971 "bảo vệ và sử dụng hợp lý các vùng đất ngập nước" và góp phần vào sự phát triển bền vững của thế giới.

Trang nhất các báo Pháp

Về trang nhất các báo Pháp, Le Monde nhận xét : "Luật đạo lý sinh học : Hồ sơ mang tính rủi ro cao của tổng thống Macron". Báo Libération lại quan tâm đến quyền nạo phá thai của phụ nữ Pháp. Còn báo kinh tế Les Echos chạy tít : "Nợ : những mối nguy hiểm đang rình rập nước Pháp".

Nhìn ra Châu Âu,báo La Croix nói về Brexit : Đồng hồ bắt đầu đếm ngược, chỉ còn 6 tháng nữa là đến thời điểm nước Anh phải rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu (ngày 29/03/2019), các hậu quả của Brexit khó có thể đo lường. Còn báo Le Figaro đặt câu hỏi : "Đạo Hồi : Erdogan làm thế nào để thiết lập mạng lưới ở Châu Âu ?".

Thùy Dương

Published in Quốc tế

Liên Triều : thỏa thuận quân sự song phương, bước quan trọng để giảm căng thẳng

Thời sự Châu Á đáng chú ý với bài "Hai nước Triều Tiên hướng tới hòa dịu", trên Le Monde. Khi tập trung vào vấn đề hạt nhân, người ta có nguy cơ lãng quên một yếu tố tác động đến các cuộc đàm phán trong tương lai : đó là sự xích lại gần nhau giữa hai nước Triều Tiên.

lien1

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đi dạo sau bữa ăn trưa. Ảnh do KCNA công bố ngày 21/09/2018 Reuters

Cuộc gặp thượng đỉnh Liên Triều 3 vừa qua tại Bình Nhưỡng cho thấy rõ hình ảnh về sự hòa giải giữa hai miền, và ít kết quả cụ thể trong hồ sơ hạt nhân. Tuy nhiên, trong quan hệ Liên Triều, hai nước đạt được một bước tiến quan trọng : đó là việc ký kết một thỏa thuận về quân sự nhằm làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Cũng trong thượng đỉnh Liên Triều 3, hai bên còn ký một thỏa thuận hợp tác kinh tế đầy hứa hẹn. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, mọi bước tiến trong lĩnh vực hợp tác kinh tế với Bắc Triều Tiên có nguy cơ vi phạm lệnh trừng phạt.

Theo giải thích của báo Le Monde, thỏa thuận quân sự Liên Triều thể hiện quyết tâm của hai nước muốn từng bước tái lập hòa bình trên bán đảo.

Cho đến nay, Hoa Kỳ chưa chấp thuận ký một hiệp định hòa bình vì đây là phương tiện gây áp lực buộc Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Mặt khác, Washington lo ngại là sau khi ký hiệp định hòa bình, chế độ Bình Nhưỡng sẽ đòi giải thể bộ chỉ huy quân sự Liên Hiệp Quốc chịu trách nhiệm theo dõi, bảo đảm đình chiến. Thậm chí không loại trừ khả năng Bắc Triều Tiên đòi Mỹ rút quân ra khỏi Hàn Quốc, làm suy yếu liên minh quân sự của Hoa Kỳ tại Châu Á.

Chính vì con đường hướng tới hiệp định hòa bình bị chặn, Seoul và Bình Nhưỡng tiến hành từng bước nhỏ để làm giảm căng thẳng. Mục tiêu của thỏa thuận quân sự song phương là ngừng đối đầu quân sự, đặc biệt là trong khu vực phi quân sự hóa, xóa bỏ nguy cơ chiến tranh trên toàn bán đảo và chấm dứt quan hệ thù địch. Thỏa thuận đề ra nhiều biện pháp để thực hiện mục tiêu này.

Báo Le Monde nhấn mạnh đến chính sách ngoại giao khéo léo, thực tế của Hàn Quốc. Tại thượng đỉnh Liên Triều 3 ở Bình Nhưỡng, ký được thỏa thuận quân sự với Bắc Triều Tiên là ưu tiên số một của Hàn Quốc, trước cả các sáng kiến tái thúc đẩy đàm phán về hạt nhân, vì giảm căng thẳng sẽ tạo thuận lợi cho tiến trình phi hạt nhân hóa.

Thỏa thuận về quân sự là kết quả đàm phán công phu giữa các bộ tham mưu của quân đội hai nước. Không dễ dàng gì thuyết phục được các quân nhân đám phán. Theo chuyên gia Cheong Seong-chang, thuộc viện Sejong, ở Seoul, "tỉ lệ được lòng dân của tổng thống Moon Jae-in rất cao, ngăn cản mọi biểu hiện chống đối từ phía quân đội, vốn là thành trì của tư tưởng bảo thủ". Còn ở Bình Nhưỡng, sau các vụ thanh trừng liên tiếp, dường như Kim Jong-un đã nắm trong tay quân đội.

Tình trạng chiến tranh chưa chấm dứt trên bán đảo Triều Tiên, nhưng theo báo Mỹ New York Times, thỏa thuận về quân sự cho thấy quyết tâm của hai chính phủ muốn tự quyết định tương lai của mình. Và mong muốn độc lập, tự quyết này đã được thể hiện rõ dưới thời tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung (1998-2003), Ro Moo-hyun (2003-2008) và càng mạnh mẽ hơn với đương kim tổng thống, Moon Jae-in.

Trung Quốc : Gian lận thống kê

Phụ trương Kinh tế và Doanh nghiệp báo Le Monde có bài "Tại Trung Quốc, các tiểu xảo về số liệu thống kê".

Ngày 18/09 vừa qua, nhật báo China Daily cho biết ban lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc vừa ban hành 20 biện pháp ngăn ngừa và trừng phạt gian lận thống kê. Văn phòng thống kê quốc gia Trung Quốc còn lập ra một ban chuyên trách chống gian lận thống kê.

Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh thông báo các biện pháp này. Trong các năm 2016, 2017, Trung Quốc đã thông qua nhiều quy định. Thế nhưng, dường như mọi việc không thay đổi. Le Monde trích dẫn câu nói nổi tiếng của cựu thủ tướng Anh Benjamin Disraeli (1804-1881) : Có ba loại nói dối : đó là nói dối, nói dối rất nhiều và thống kê. Đây có thể coi là khẩu hiệu của nước Trung Hoa dưới thời Tập Cận Bình.

Theo tờ báo Pháp, từ lâu, các chuyên gia Trung Quốc tin rằng gian lận và sai lầm trong thống kê có thể ảnh hưởng đến việc tập hợp đánh giá kinh tế, do vậy, họ chuyển sang dùng các chỉ số khác, thí dụ, thay vì theo dõi tổng sản phẩm quốc nội, họ theo dõi mức tiêu thụ nhiên liệu. Thế nhưng, trong tháng Bẩy vừa qua, các số liệu tiêu thụ nhiên liệu do các cơ quan chức trách công bố lại khác hẳn nhau. Hay gần đây hơn, chính quyền ba tỉnh công khai thừa nhận đã gian lận thống kê trong những năm vừa qua.

Theo báo Le Monde, chống gian lận, khai man thống kê không phải là dễ dàng trong một đất nước vốn coi tăng trưởng là ưu tiên tuyệt đối, mỗi quan chức của đảng phải có trách nhiệm đóng góp vào sự nghiệp này, và ông Tập Cận Bình tập trung quyền lực hơn tất cả các lãnh đạo Trung Quốc trước đó, kể từ thời Mao Trạch Đông. Chính vì thế, Le Monde mỉa mai, cựu thủ tướng Anh Disraeli chưa chết.

Iran : Châu Âu tìm cách lách trừng phạt của Mỹ

Báo Le Monde có bài đánh giá : "Iran : tranh cãi về hiệu quả của cơ chế Châu Âu chống trừng phạt".

Ngày 24/09, bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, đại diện cao cấp về ngoại giao Châu Âu Federica Moghenini cùng ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ra thông cáo về việc thành lập một "Cơ chế đặc biệt", giúp cho các doanh nghiệp Châu Âu tiếp tục làm ăn với Iran và tránh được trừng phạt của Hoa Kỳ, ví dụ lập cơ chế trao đổi hàng hóa trực tiếp, không giao dịch bằng đô la Mỹ, mà thông qua các ngân hàng Châu Âu hoặc theo mô hình phòng thanh toán bù trừ…

Tuy nhiên, còn có quá nhiều điểm không rõ ràng trong dự án này. Trước tiên chưa ai rõ là cơ quan phụ trách cơ chế này sẽ được đặt ở đâu, lúc nào thì cơ chế này được thành lập. Chính vì vậy, thông báo thành lập cơ chế đặc biệt mang tính chính trị nhiều hơn là kinh tế.

Mặt khác, Hoa Kỳ đã lên tiếng đe dọa và sẽ điều chỉnh các biện pháp trừng phạt nhằm ngăn chặn cơ chế này hoạt động. Ngày 25/09, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ John Bolton đã cảnh cáo : Liên Hiệp Châu Âu nói mạnh nhưng làm yếu. Washington sẽ theo dõi sát cơ chế chưa được thành lập này và không để cho Châu Âu tránh được trừng phạt của Hoa Kỳ.

Các trụ cột trong chính sách ngoại giao của Trump

Đương nhiên, các báo Pháp đều chú ý đến ngày đầu tiên khóa họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc với các phát biểu của tổng thống Mỹ và nguyên thủ Pháp. Le Monde chạy trên trang Nhất : "Tại Liên Hiệp Quốc, Macron chỉ trích chính sách uy lực của kẻ mạnh của Trump".

Les Echos nhận định : "Donald Trum bị cô lập tại Liên Hiệp Quốc khi kết tội Iran". Còn La Croix có bài xã luận "Khi Trump gây cười" và nhấn mạnh, việc mất lòng tin đối với tổng thống Mỹ gây mất ổn định trong quan hệ quốc tế.

Qua phát biểu của tổng thống Mỹ, báo Le Figaro tóm tắt "Năm quy luật trong chính sách ngoại giao của Trump".

Thứ nhất là chủ trương đặt chủ quyền quốc gia lên trên hết. Thứ hai là đơn phương hành động, chứ không co cụm. Thứ ba, là tiền : Donald Trump cân nhắc mọi quyết định trên cơ sở chi phí tốn kém ra sao. Quy luật thứ tư là chính sách ngoại giao của Trump chú trọng đến khu vực thay vì toàn cầu và cuối cùng, ngoại giao cũng như chính sách chung của Donald Trump là trong chừng mực có thể thì đoạn tuyệt với các phương pháp trong quá khứ.

Brexit và Công Đảng Anh

Đại hội Công Đảng Anh và Brexit cũng được báo chí Pháp quan tâm : Libération cho biết "Brexit : cuối cùng Corbyn ló dạng ra khỏi sương mù". Sau hai năm tranh cãi, chia rẽ sâu sắc trong nội bộ, tại đại hội ở Liverpool, Công Đảng Anh kêu gọi tổ chức bầu cử lập pháp trước thời hạn, ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về hồ sơ Brexit.

Le Figaro có cùng nhận định này : "Jeremy Corbyn cảm thấy sẵn sàng lãnh đạo và xử lý hồ sơ Brexit". Lãnh đạo Công Đảng Anh tự khẳng định vai trò có thể thay thế thủ tướng Theresa May.

Les Echos nói thẳng : "Brexit : Corbyn đề nghị May nhường chỗ". Trong khi đó, Le Monde cho biết, khi ủng hộ khả năng tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai về Brexit, "Công Đảng Anh không loại trừ việc tiếp tục ở lại Liên Hiệp Châu Âu".

Báo động khẩn cấp về bệnh lao

Báo Le Monde cho biết "Bệnh lao, tình trạng khẩn cấp trên thế giới". Hôm qua, bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, ở New York, Tổ Chức Y Tế Thế Giới – WHO, lần đầu tiên, đã lên tiếng báo động về quy mô bệnh lao trên toàn cầu và kêu gọi các quốc gia tăng cường đấu tranh phòng chống căn bệnh này.

Theo giới chuyên gia, tình hình hiện nay đáng lo ngại và khẩn cấp vì bệnh lao gây ra nhiều nạn nhân hơn là Sida. Trong năm 2017, khoảng 1,6 triệu người đã qua đời do bệnh này, trong đó có 300 ngàn nạn nhân vừa bị lao vừa bị nhiễm HIV.

Trên toàn thế giới, tổng số người mới mắc bệnh lao chỉ giảm mỗi năm có 2%. Trong số này, có tới hai phần ba là tại 8 quốc gia bao gồm 6 nước Châu Á và 2 nước Châu Phi. Cao nhất là tại Ấn Độ, 27%.

Nếu xu hướng này tiếp tục thì cộng đồng quốc tế có thể không đạt được mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hiệp Quốc đề ra : đó là xóa sổ bệnh lao trên toàn thế giới vào năm 2030.

Trang Nhất báo Pháp

Trang nhất các báo Pháp hôm nay khá tản mạn, nếu như Le Monde chú ý đến phát biểu của tổng thống Emmanuel Macron tại Liên Hiệp Quốc, thì Le Figaro cho biết "Uy quyền của thủ tướng Đức Merkel bị thách thức ngay trong phe của bà". Còn Libération quan tâm đến phương tiện di chuyển mới, đang trên đà phát triển tại Pháp : "Xe trượt – Trottinette – tự do tung hoành".

Trong khi đó, theo báo kinh tế Les Echos, "Chiến tranh giá cả dữ dội trong lĩnh vực viễn thông" ở Pháp. Còn báo Công giáo La Croix có bài "Các linh mục đang ở tâm bão".

Đức Tâm

Published in Châu Á