Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thụy Điển : Một nước Châu Âu như bao quốc gia khác

Kết quả bầu cử lập pháp tại Thụy Điển hôm nay 11/09/2018 vẫn được một số báo Pháp quan tâm đến. Le Monde trên trang nhất lo ngại đưa tít lớn "Thụy Điển, mô hình chính trị suy yếu trước sự trỗi dậy của phe cực hữu".

thuydien1

Stefan Löfven, thủ tướng mãn nhiệm tìm kiếm một liên minh cầm quyền sau thắng lợi bầu cử sít sao của đảng Xã hội - Dân chủ ngày 09/09/2018. Claudio BRESCIANI / TT NEWS AGENCY / AFP

Kết quả bầu cử lập pháp hôm Chủ nhật 09/9 không đưa ra được một đa số nào ở Nghị viện để thành lập chính phủ. Phe cực hữu tuy chỉ được 17,6% lá phiếu cử tri, nhưng cho thấy một sự tiến triển mạnh mẽ so với tỷ lệ 12,9% hồi năm 2014. Sự trỗi dậy này đang làm chao đảo thế cân bằng truyền thống. Trong khi đó, khối cánh tả, do phe Xã hội – Dân chủ dẫn đầu, chỉ có được 144 ghế trong tổng số 349, xấp xỉ với con số 143 ghế của phe hữu.

Xã luận của Le Monde nhận định, với kết quả này, các chính đảng lớn đã cứu được "sĩ diện" của mình, nhưng sự việc không che giấu được những gì đang diễn ra tại nhiều nước dân chủ phương Tây : Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy - cực hữu và sự suy yếu của các đảng cầm quyền truyền thống.

Chuyển động này đang làm nổi rõ sự phân chia địa lý đông – tây và năm – bắc, chia rẽ về kinh tế giữa những nước giàu – ít giàu hơn, hay khác biệt về văn hóa đôi khi cũng được đề cập đến chẳng hạn như phân biệt giữa những nước có truyền thống Tin lành với các nước theo Công giáo.

Giờ đây, chính trường Thụy Điển có nguy cơ rơi vào bế tắc. Đảng về đầu Xã hội – Dân chủ chỉ nhỉnh hơn cánh hữu một ghế. Với 62 ghế ở Nghị viện, đảng cực hữu Dân chủ Thụy Điển ở vị thế trọng tài. Thế nhưng, không một chính đảng nào muốn thành lập chính phủ với họ. Người dân Thụy Điển có nguy cơ phải chờ đợi thêm nhiều tuần mới có được một chính phủ.

Vậy chuyện gì đang xảy ra cho Thụy Điển, một đất nước luôn đi đầu về mô hình xã hội dân chủ nổi tiếng là khoan dung ? Đương nhiên, cuộc khủng hoảng người tị nạn năm 2015 là yếu tố không thể chối cãi dẫn đến sự trỗi dậy của phe cực hữu.

Nhưng Thụy Điển đâu phải là trường hợp duy nhất. Chẳng phải quốc gia Bắc Âu láng giềng Na Uy, với 15% người nhập cư, họ cũng đã ngăn chặn thành công đà tiến của phe cực hữu đó hay sao ? Do vậy, theo nhật báo, chủ nghĩa lý tưởng của Thụy Điển đã gặp phải cú sốc toàn cầu hóa, mà khi đối mặt, đảng Xã hội – Dân chủ đã tỏ ra hụt hơi, không có khả năng tìm được lời giải về sự bất an và cuộc khủng hoảng bản sắc đang len lỏi trong lòng cử tri.

Tóm lại, theo như nhận định của cựu thủ tướng Carl Bildt trên mạng xã hội Twitter ngày thứ Hai 10/9, "Thụy Điển đã trở thành một nước Châu Âu như bao quốc gia khác". Một quan điểm cũng được tờ Le Figaro, trong một bài phân tích, đồng chia sẻ cho rằng "sự trỗi dậy của phe cực hữu tại Thụy Điển cũng cho thấy là giờ không một nước nào được miễn dịch trước làn sóng chủ nghĩa dân túy".

Nga - Trung phô trương sự đồng thuận

Nhìn sang nước Nga, nhân việc nước này tổ chức một cuộc tập trận trên quy mô lớn nhất trong lịch sử đương đại, với sự tham gia của 3.200 binh sĩ Trung Quốc, báo La Croix có bài : "Nga - Trung phô trương sự đồng thuận".

Tờ báo trích nhận định của chuyên gia Mathieu Duchatel, phụ trách khu vực Châu Á, thuộc Hội đồng Nghiên cứu Chiến lược Châu Âu : trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, Nga và Trung Quốc hiện nay đang ở trong thời kỳ trăng mật.

Còn theo bà Isabelle Facon, chuyên gia về Nga tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược, thì vào lúc quan hệ Nga-Trung được xây dựng, căng thẳng đang gia tăng giữa Nga và phương Tây. Bắc Kinh và Moskva cho rằng các cường quốc phương Tây làm mọi cách để duy trì sự lãnh đạo của họ. Mặt khác, Nga và Trung Quốc cũng chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược và ý thức hệ trước cái gọi là sự hung hăng của Hoa Kỳ.

Là hai nhà lãnh đạo toàn trị, Vladimir Putin và Tập Cận Bình duy trì mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau và điều này được thể hiện qua các cuộc bỏ phiếu tại Hội Đồng Bảo An. Trung Quốc có thái độ gọi là trung lập đồng lõa trong hồ sơ Syria và Ukraine – mặc dù Bắc Kinh chưa thừa nhận việc Moskva sáp nhập bán đảo Crimée. Còn Nga chưa bao giờ lên án lập trường bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Mối quan hệ hữu hảo này còn thể hiện ở các cấp đại sứ, quân sự và giữa các trường đại học.

Nga và Trung Quốc cùng thảo luận các vấn đề an ninh, tiến hành tập trận chung trong khuôn khổ Tổ Chức An Ninh Thượng Hải, nhưng không hề có liên minh quân sự song phương. Theo chuyên gia Duchatel, vấn đề liên minh quân sự đã được thảo luận khi Tập Cận Bình mới lên nắm quyền, nhưng cuối cùng, ý tưởng này đã bị bác bỏ. Trung Quốc có lập trường thực dụng, chỉ muốn phối hợp với Nga trên một số hồ sơ chung.

Kim Jong-un vật vã đối phó với sóng ngầm K-Pop

Bắc Triều Tiên ngày Chủ Nhật 09/09/2018 mừng quốc khánh lần thứ 70. Nhân sự kiện này, báo Pháp có các bài phóng sự về tình hình kinh tế - xã hội đất nước dưới sự lãnh đạo của Kim Jong-un. Le Monde có bài viết đề tựa "Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa cuộc diễu binh".

Lễ duyệt binh mừng 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên không còn những hình ảnh hiếu chiến như tên lửa liên lục địa. Mọi tham chiếu về vũ khí hạt nhân cũng biến mất. Theo nhận định của nhà báo Harold Thibault, lễ mừng quốc khánh năm nay, Bắc Triều Tiên đặt ưu tiên phát triển kinh tế.

Báo Le Figaro có bài phóng sự dài của đặc phái viên Sébastien Falletti cho biết "Tại Bình Nhưỡng, cách mạng nhạc ʺpopʺ ngầm phá hoại dấu ấn của Kim".

Bất chấp lệnh cấm nghiêm ngặt, các cuộc truy lùng gắt gao của cảnh sát và các án phạt nghiêm khắc, các sản phẩm văn hóa của Hàn Quốc và Trung Quốc như phim truyện tình cảm nhiều tập, các vũ điệu nóng bỏng hay những đĩa nhạc K-Pop vẫn được lén lút đưa vào bán trái phép ở Bắc Triều Tiên.

Những sản phẩm này len lỏi vào đời sống của một bộ phận lớn người dân đô thị, thậm chí cả những cán bộ đảng Lao động. Đến mức, tác giả bài viết cho rằng một làn sóng nhạc pop ngầm đang sinh sôi nảy nở tại vương quốc Kim Jong-un, và làn sóng này đang âm thầm phá hủy các dấu ấn chuyên chế của triều đại cộng sản duy nhất trên hành tinh này.

Làn sóng "văn hóa ngầm" này đang thách thức thế độc quyền tư tưởng của chế độ xã hội thần quyền, có tham vọng bảo vệ người dân "từ lúc còn nằm nôi cho đến lúc xuống mồ". Thế nhưng, cùng với sự phát triển công nghệ và sự xuất hiện khóa USB từ năm 2010, những sản phẩm văn hóa đó đã lẩn tránh được sự kiểm duyệt và tăng tốc xâm nhập xã hội Bắc Triều Tiên.

Trung Quốc : Đầu tầu ngành năng lượng hạt nhân thế giới

Trong lĩnh vực kinh tế, Le Figaro trên trang nhất phụ san kinh tế nhận định "Ngành hạt nhân thụt lùi trên thế giới ngoại trừ Trung Quốc".

Theo World Nuclear Industry Status Report ấn bản năm 2018, từ ba năm nay, nếu như mức sản xuất điện hạt nhân tiếp tục tăng trên thế giới (+1% trong năm 2017), đó là nhờ vào Bắc Kinh. Tại Trung Quốc, mức sản xuất nguồn năng lượng này trong năm qua đã tăng thêm 18%.

Với 41 lò phản ứng hạt nhân, Trung Quốc xếp hàng thứ ba, đứng sau Mỹ và Pháp. Tổng cộng trong năm 2017, thế giới có thêm 4 lò phản ứng hạt nhân, 3 tại Trung Quốc và một tại Pakistan, nhưng do Trung Quốc xây dựng. Và trong năm 2018, trong số 7 trung tâm khai thác điện hạt nhân được đưa vào hoạt động, có 5 trung tâm tại Trung Quốc và hai ở Nga.

Từ những ghi nhận này, "Trung Quốc tiếp tục thống lĩnh ngành năng lượng hạt nhân nhờ vào các quyết định được đưa ra cách nay nhiều năm", theo như ghi nhận của cơ quan cố vấn có uy tín này của Mỹ. Trung Quốc là quốc gia duy nhất đầu tư nhiều vào lĩnh vực này từ 15 năm nay.

Trong khi đó, trên thế giới, lĩnh vực năng lượng hạt nhân đang có xu hướng thụt lùi. Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế AIEA, từ đây đến năm 2030, số lượng lò phản ứng hạt nhân có thể sụt giảm đến 10%, do nhiều nguyên nhân như lò phản ứng quá cũ phải ngưng hoạt động và sự xuất hiện của nhiều nguồn năng lượng tái tạo khác như khí tự nhiên, điện gió hay năng lượng mặt trời.

Trang nhất các báo Pháp

Tình hình chính trị - xã hội nước Pháp là chủ đề chính trên một số nhật báo Pháp ngày 11/09/2018. Le Figaro trên trang nhất đề tựa "Elysée, Quốc Hội : Những nhân vật thân cận của Macron trên tuyến đầu".

Libération nặng nề chỉ trích "Macron chống người về hưu". Nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến "Cải cách lao động và những thành quả đầu tiên".

Riêng nhật báo công giáo La Croix chú ý đến khu vực Châu Mỹ Latinh. Tờ báo đau đáu nhìn sang đất nước "Nicaragua với một cuộc trấn áp không hồi kết".

Minh Anh

Published in Quốc tế

Cường quốc hải quân Trung Quốc mạnh đến mức nào ?

Trung Quốc, Nga và Mỹ vẫn là những tâm điểm thời sự của các báo Pháp. Báo Le Monde đặc biệt chú ý đến Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự. Nhật báo Pháp có bài viết dài về sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc, nhất là lực lượng hải quân, khiến Mỹ không thể không quan tâm.

haiquan1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) phát biểu trong cuộc tập trận hải quân ở Biển Đông, ngày 12/04/2018 - Li Gang/Xinhua via Reuters

Thực sự thì sức mạnh trên biển của Trung Quốc đã tiến đến đâu và mục đích để làm gì ? Đặc phái viên của Le Monde, Brice Pedroletti, trong bài "Trung Quốc, cường quốc hải quân nổi lên ở phương Đông", cho thấy "hải quân Trung Quốc đã được hiện đại hóa đáng kể từ năm 2010. Tại Thái Bình Dương cũng như Ấn Độ Dương, hải quân Trung Quốc liên tục tiến hành các cuộc tập trận ngày càng quy mô và hiện đại. Đó là điều báo động Washington".

Nhắc lại hình ảnh Trung Quốc phô trương sức mạnh hải quân gần đây, hồi tháng 4/2018, chủ tịch Tập Cận Bình trong bộ đồ lính rằn ri, có mặt trên chiến hạm Trường Sa, trực tiếp phát lệnh mở màn cuộc tập trận quy mô lớn chưa từng có ngoài khơi đảo Hải Nam. Những hình ảnh đó đã được truyền hình trực tiếp cùng với lời tuyên bố đầy tự đắc của ông Tập trên cương vị tổng chỉ huy quân đội rằng : "Giờ đây hải quân Trung Quốc đã trỗi dậy với một hình ảnh mới hoàn toàn". Tác giả bài báo nhận định "tham vọng cường quốc hải quân của Trung Quốc đang vượt ra ngoài lĩnh vực phòng thủ bờ biển hay kiểm soát vùng biển của họ, mà bao gồm cả nhiệm vụ bảo vệ các lợi ích Trung Quốc ở nước ngoài".

Theo Le Monde, những tiến bộ nhanh chóng của hải quân Trung Quốc được thúc đẩy mạnh từ năm 2012, năm ông Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo tối cao trong đảng và quân đội. Từ đó đến nay hạm đội tàu chiến Trung Quốc đã được bổ sung thêm hơn 20 chiếc, trong đó đặc biệt có tàu sân bay Liêu Ninh, được tân trang từ tàu cũ mua lại của Ukraine.

Hơn chục ngày sau cuộc tập trận khổng lồ nói trên, ngày 23/04/2018, một chiếc tàu sân bay thứ 2, lần này do Trung Quộc tự đóng, được chạy thử ngoài khơi thành phố Đại Liên (đông Trung Quốc). Hiện tại Hải quân Trung Quốc đã có hơn 300 chiến hạm. Không chỉ tăng trưởng về số lượng, đội tàu này đang được hiện đại hóa, khiến giới quan sát phải sửng sốt.

Bài báo dẫn nhà sử học hải quân thuộc Bộ Quốc phòng Pháp, Alexandre Sheldon-Duplaix, nhận định, trong lĩnh vực hải quân, "người Mỹ luôn nói rằng người Trung Quốc đi chậm hơn hai chục năm. Nhưng giờ không phải thế. Kết hợp hiện đại hóa với tăng số lượng, ta có thể nói hải quân Trung Quốc đang đứng thứ 2 thế giới, trên cả hải quân Nga". Nhà nghiên cứu này giải thích thêm : "Trung Quốc vẫn còn yếu về hạng mục tàu ngầm hạt nhân các loại so với Mỹ cũng như Nga cả về công nghệ cũng như số lượng.Tuy nhiên trong hạng mục khu trục hạm, tuần dương hạm, tàu tác chiến, hải quân Trung Quốc đã đạt trình độ gần như ngang bằng với các nước phương Tây". Trong những thập kỷ tới, Trung Quốc có kế hoạch tiếp tục đóng thêm tới 4 -5 chiếc hàng không mẫu hạm, dựa trên mô hình của Mỹ hiện tại.

Theo tác giả bài báo, điều đáng báo động đối với Mỹ không phải là những tiến bộ về kỹ thuật, công nghệ của hải quân Trung Quốc, mà là ở chiến lược bành trướng quốc tế. Điều này đã được Bắc Kinh nêu rõ trong sách trắng về chiến lược quân sự, theo đó "mối quan tâm lớn" của Trung Quốc là "lợi ích của họ ở nước ngoài và bảo đảm an toàn các tuyến đường thông thương chiến lược trên biển". Trung Quốc đang khẩn trương triển khai việc mở căn cứ quân sự ở Djibouti. Tất cả mới chỉ là những bước chuẩn bị cho các chiến dịch ở xa biên giới của họ trong tương lai.

Trang bị ồ ạt và lỗ hổng kinh nghiệm

Mặc dù vậy theo các chuyên gia, "mặc dù có sự lột xác kỳ diệu như hiện tại, hải quân Trung Quốc vẫn thiếu nghiêm trọng kinh nghiệm tác chiến". "Trung Quốc cho đóng các tàu chiến lớn, hiện đại, nhưng thường là không có đủ kiến thức để sử dụng các công nghệ mà họ đang sở hữu",một chuyên gia về hải quân Châu Âu nhận định.

Hồi tháng 5 vừa qua, tổng thống Mỹ, Donald Trump quyết định không mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân quốc tế Rimpac, để cảnh cáo việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. Hải quân Trung Quốc như vậy đã mất đi một cơ hội lớn để tích lũy kinh nghiệm tác chiến quy mô quốc tế. Trung Quốc chỉ còn có hải quân Nga, để có thể tập dượt cùng ở trình độ chuyên môn cao. Hai nước này vẫn thường xuyên có các cuộc diễn tập chung, như tại Địa Trung Hải năm 2015, Biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông) vào năm 2016 hay 2017 ở biển Baltic và biển Nhật Bản.

Theo bài báo, hải quân Trung Quốc đẩy mạnh các chuyến hoạt động xa khơi và các cuộc diễn tập ngày càng hiện đại trong vùng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Từ năm 2012, Bắc Kinh đã dựng lên một tuyến phòng thủ hải quân ngoài khơi xa, bằng việc bồi đắp, biến 7 bãi đá trong khu vực quần đảo Trường Sa thành các cơ sở quân sự phục vụ cho hải quân. Mục đích là trong trường hợp xảy ra khủng hoảng, đó sẽ là các chốt ngăn chặn Mỹ vào Biển Đông, đặc biệt là tiếp cận với Đài Loan.

Đáp lại, hải quân Mỹ củng cố mối liên minh trong vùng. Năm nay bộ chỉ huy quân sự Thái Bình Dương của Mỹ (Pacom) đổi tên thành USS-Indopacom, tức thêm phần Ấn Độ Dương. Hải quân Mỹ vẫn trêu ngươi Trung Quốc bằng những chiến dịch nhân danh "tự do lưu thông hàng hải" trên Biển Đông, đưa tàu tuần tra trong vùng biển, mà Mỹ coi là của quốc tế nhưng Trung Quốc đòi chủ quyền.

Trong cuộc cạnh tranh ở Châu Á này, hải quân Mỹ vẫn còn tiến trước xa so với Trung Quốc. Hải quân Mỹ hiện diện trên quy mô toàn cầu với các hạm đội cùng 18 nghìn lính triển khai ở nhiều vùng biển. Mỹ vẫn còn nhiều căn cứ quân sự lớn ở nước ngoài, với một lực lượng không quân hùng hậu có thể hỗ trợ cho tác chiến trên biển.

Le Monde rút ra nhận xét : "Thực tế, Bắc Kinh chắc chắn không lao vào cuộc đấu để thay thế Washington trong vai trò sen đầm thế giới, nhưng họ đã cho thấy rõ ý đồ muốn phổ biến các chuẩn mực, giá trị theo mô hình toàn trị của họ".

Nga mời Trung Quốc tập trận lớn để chứng tỏ không đơn độc

Vẫn liên quan đến các cuộc tập trận phô trương sức mạnh quân sự, nhật báo Le Monde còn có bài "Trò chơi chiến tranh Nga-Trung tại Siberi". Bài báo đề cập đến sự kiện bắt đầu từ ngày 11/9 đến 15/9, Matxcơva phối hợp với Bắc Kinh tổ chức cuộc tập trận có quy mô lớn nhất kể từ sau khi Liên Xô tan rã.

Theo như thông báo của quân đội Nga từ đầu tháng này, cuộc tập trận năm nay huy động 1000 máy bay các loại, 36 nghìn chiến xa gồm xe tăng, xe bọc thép, xe pháo binh, 80 tàu chiến. Trung Quốc cử 3200 quân cùng hàng chục máy bay tham gia tập trận chung với Nga.

Mặc dù cả Trung Quốc và Nga đều khẳng định đây là hoạt động hợp tác quân sự thường kỳ giữa hai nước. Nhưng theo Le Monde, "với Kremlin, điều quan trọng nhất là chứng minh rằng nước Nga không bị cô cập trên phương diện ngoại giao cũng như quân sự".

Từ khi bị phương Tây trừng phạt vì can thiệp vào cuộc xung đột ở Ukraine, tổng thống Vladimir Putin không ngừng tăng cường hợp tác nhiều mặt với láng giềng Trung Quốc.

Bắc Triều Tiên : Lễ kỷ niệm mang nhiều thông điệp

Liên quan đến bán đảo Triều Tiên, nhiều tờ báo Pháp ra hôm nay đều chú ý đến sự kiện "diễu binh không tên lửa" trong lễ kỷ niệm 70 ngày thành lập chế độ Bình Nhưỡng hôm qua (09/09/2018) với cùng một nhận xét là Kim Jong-un đã tỏ "khiêm nhường" hơn.

Le Figaro ghi nhận không giống như vào các dịp kỷ niệm trọng đại trước, lần này Bình Nhưỡng đã tỏ ra kiềm chế không phô trương sức mạnh hạt nhân với các đầu đạn tên lửa liên lục địa, các vũ khí hủy diệt hạng nặng trong cuộc diễu binh truyền thống. Động thái này của giới lãnh đạo Bình Nhưỡng được cho là phù hợp với những biến chuyển tình hình trên hồ sơ Bắc Triều Tiên, đặc biệt trong bối cảnh các cuộc đàm phán với Mỹ về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đang có chiều hướng bế tắc.

Theo Le Figaro, với việc tạm cất các vũ khí răn đe vào kho, chế độ Kim Jong Un một lần nữa cho thấy họ làm chủ về truyền thông và tiến trình sự việc, tránh gây tổn hại đến hình ảnh một chế độ đang thiện chí giải quyết hồ sơ hạt nhân.

Điểm mới nữa của lễ kỷ niệm lần này là lãnh tụ Bắc Triều Tiên có mặt trên khán đài, nhưng nhường quyền đọc diễn văn cho nhân vật thứ 2 Kim Yong-nam, chủ tịch Quốc Hội, với nội dung đặt trọng tâm ưu tiên phát triển kinh tế. Một hình ảnh khác mang nhiều hàm ý được tờ báo ghi nhận đó việc ông Kim Jong-un, giương cao tay nắm với ông Lật Chiến Thư (Li Zhanshu), nhân vật được coi là số 3 của chế độ Bắc Kinh, sang Bình Nhưỡng dự kỷ niệm. Giới quan sát đánh giá đó là hành động chứng tỏ quan hệ với láng giềng lớn đã ấm lại nhanh chóng, vì mục đích kinh tế cấp bách đồng thời gửi một thông điệp đến Mỹ rằng Bắc Triều Tiên không để bị cô lập hoàn toàn.

Le Figaro nhận định, sự suy yếu về kinh tế sẽ khiến cho phạm vi hành động ngoại giao của Bình Nhưỡng bị co hẹp lại và như vậy sẽ góp phần làm các cuộc đàm phán hạt nhân lâm vào bế tắc hơn. Bình Nhưỡng muốn nhanh chóng gỡ bỏ trừng phạt để giải tỏa nền kinh tế, nhưng vẫn vấp phải "bức tường" mang tên Donald Trump. Biết được điểm yếu và để đề phòng khủng hoảng, lãnh tụ Bắc Triều Tiên hiểu phải chú trọng quan hệ với tổng thống Mỹ, đồng thời cũng rất rắn trong thương lượng. Thứ Tư vừa rồi, Kim Jong-un khi tiếp đặc sứ của tổng thống Hàn Quốc, vẫn khẳng định lại cam kết ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. "Nhưng ông cũng kêu gọi Washington cũng phải dịu xuống, để đáp lại các nỗ lực của Bắc Triều Tiên từ đầu năm đến giờ. Điểm mấu chốt của vấn đề là ở Washington và Bình Nhưỡng", Le Figaro kết luận.

Anh Vũ

Published in Châu Á
dimanche, 09 septembre 2018 13:52

Tin tức thời sự truyền hình 09/09/2018

Nguồn : RFI, 09/09/2018

Published in Video

Châu Âu và giấc mơ tự chủ

Mở đầu bài xã luận mang tựa đề "Sự tự chủ mà Châu Âu mơ ước", Le Point nhận định Liên Hiệp Châu Âu đã biết rằng họ chỉ là một "chú lùn trên chính trường". Qua hồ sơ Iran, giờ đây Châu Âu biết thêm rằng họ cũng chỉ là "một chú lùn" trong lĩnh vực tài chính. Do sự thống trị của đồng đô la Mỹ, Châu Âu không thể cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran. Tác giả Luc De Barochez nhận định Liên Âu đã không làm những điều cần làm, nên cho đến giờ Châu Âu tự chủ vẫn chỉ là một giấc mơ.

eu1

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Châu Âu tại FrankfurtReuters

Mùa hè vừa qua, các tập đoàn Châu Âu như Total, Peugeot, Siemens, Daimler, Air France-KLM, British Airways… đã đồng loạt thông báo rút khỏi thị trường Iran, cho dù Liên Hiệp đã "nài nỉ" các doanh nghiệp tiếp tục giao thương với Iran.

Trước đây, Liên Hiệp tin rằng có thể giúp cho các công ty Châu Âu không bị Mỹ trừng phạt nếu tiếp tục làm ăn với Iran. Ngày 07/08/2018, bà Federica Mogherini, lãnh đạo ngoại giao Châu Âu, thậm chí còn khẳng định : "Chính Châu Âu mới có quyền quyết định giao thương với ai". Thế nhưng, chỉ một tháng sau đó, các ngân hàng Châu Âu đã từ chối giao dịch với Iran, vì họ chưa quên vụ BNP Paribas do vi phạm lệnh cấm của Mỹ mà bị phạt tới 8,9 tỉ đô la hồi năm 2015.

Để gia tăng áp lực lên các nhà băng, Mỹ còn yêu cầu SWIFT, công ty viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế loại Iran ra khỏi danh sách dịch vụ kể từ ngày 04/11/2018. Nhưng trên thực tế, trong giai đoạn 2012 - 2016, các ngân hàng Iran đã gặp trở ngại khi sử dụng dịch vụ của SWIFT, khiến xuất khẩu dầu lửa của nước này giảm 50% : không có SWIFT, ngay lập tức Iran đã mất đáng kể khách hàng. Tất cả những điều đó cho thấy Mỹ sẽ lại đạt được mục đích trong những tuần sắp tới.

Thế nhưng, theo tác giả Luc De Barochez, thủ phạm thực sự không phải là SWIFT, mà là sự thống trị của đồng đô la Mỹ. Đã đến lúc Liên Hiệp Châu Âu phải nâng cao vị thế của đồng euro trên thị trường quốc tế, điều mà từ trước tới nay Châu Âu không làm vì họ cảm thấy "thoải mái khi phục tùng một nước Mỹ bảo trợ nhân từ". Giờ đây, Liên Âu đã nhận ra chính sách đó tai hại đến mức nào.

Nhà báo Luc De Barochez cho rằng để đối phó với chính sách hung hăng của Donald Trump, Liên Hiệp Châu Âu cần chú trọng phát triển để tự chủ trên mọi lĩnh vực. Không thể ngồi chờ Donald Trump mãn nhiệm để lấy lại "quan hệ lệ thuộc một cách thoải mái" với Mỹ có từ năm 1945. Xu hướng chia rẽ giữa Mỹ và Châu Âu thực ra đã có thể thấy rõ từ thời George W. Bush với cuộc chiến Irak và ở thời Barack Obama với sự xoay trục sang Châu Á. Có lẽ sự chia rẽ đó sẽ tiếp tục ngay cả sau khi ông Donald Trump hết nhiệm kỳ tổng thống. Châu Âu cũng không nên vì chống Mỹ mà ngả sang Trung Quốc và Nga nhằm tạo đối trọng với Hoa Kỳ, vì chắc chắn sẽ không có lợi.

Đi tìm sự tự chủ cho Châu Âu là nhiệm vụ dài hạn, không chỉ là xây dựng nền tài chính tự chủ dựa trên đồng euro, mà còn phải xem xét lại cơ cấu an ninh và phòng vệ cho Châu Âu, nếu Liên Âu không muốn mãi là "một chú lùn".

Ngày mà Châu Âu chao đảo vì di dân

Liên quan tới hồ sơ di dân, trên trang Thế giới, tuần báo Le Point có bài "Ngày mà Châu Âu chao đảo vì di dân". Đó là ngày 04/09/2015, cách nay vừa tròn 3 năm. Trước làn sóng di dân quốc tế tìm cách vượt biên giới Hungary sang Áo, để rồi sang Đức, thủ tướng Áo đã điện đàm với bà Merkel về việc có nên đóng cửa biên giới với Hungary để ngăn làn sóng di dân hay không. Câu trả lời của thủ tướng Đức Angela Merkel là không. Bà hứa với thủ tướng Áo là sẽ tiếp nhận di dân tới từ ngả nước Áo, cho dù nhiều đến đâu đi chăng nữa.

Trong vòng nhiều tuần lễ, bà Merkel được hoan nghênh, khâm phục vì quyết định rộng lượng nói trên đối với di dân. Nhiều thành phố của Đức huy động các sáng kiến, tình nguyện viên, tổ chức các hoạt động đón tiếp, cứu giúp di dân, phân phát quần áo, dạy tiếng Đức… Một số gia đình còn cho di dân ở nhờ trong nhà. Các chủ doanh nghiệp lạc quan thậm chí còn khẳng định di dân sẽ là nguồn nhân công tuyệt vời, đẩy mạnh sự cạnh tranh trong nước. Không ai có thể ngờ quyết định của bà Merkel mở cửa biên giới đón tiếp di dân sẽ làm đảo lộn đời sống chính trị tại nước Đức và cả Châu Âu.

2 năm sau, AfD, đảng dân túy bài di dân, chiếm được 93 ghế tại Quốc Hội. Phe dân túy bài di dân cũng lên nắm quyền ở Ý. Tại Hungary, thủ tướng Orban, nổi tiếng với các chính sách khắc nghiệt với người xin tị nạn, đã tái đắc cử. Còn chiếc ghế thủ tướng của bà Angela Merkel thì vẫn đang bị đe dọa.

Một hệ thống bấp bênh 10 năm sau khủng hoảng

Ngày 15/09/2018 là tròn 10 năm ngân hàng Mỹ Lehman Brothers phá sản. Tuần báo L’Obs giới thiệu bài viết của giáo sư Daniel Cohen, trưởng khoa Kinh tế của Đại học sư phạm ENS. Bài viết có tiêu đề "Một hệ thống bấp bênh 10 năm sau khủng hoảng".

Nếu so sánh Đại suy thoái 2008 do sự sụp đổ của Lehman Brothers gây ra với cuộc Đại khủng hoảng 1930, giáo sư Daniel Cohen đánh giá là Đại suy thoái 2008 ít nghiêm trọng hơn. Phần nào đó là nhờ các nhà quản lý đã rút ra bài học kinh nghiệm, nhất là nhờ chủ tịch ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) - thời đó là giáo sư kinh tế Ben Bernanke - là chuyên gia về Đại khủng hoảng 1929. Các công trình nghiên cứu của ông đều liên quan đến tác động của sự sụp đổ của các nhà băng đối với sự lây lan của cuộc khủng hoảng. Dưới sự điều hành của Ben Bernanke, Fed đã can thiệp liên tục để cứu các ngân hàng. Còn tại khu vực đồng tiền chung Châu Âu, chủ tịch ngân hàng trung ương Châu Âu, với đầu óc thực tế tuyệt vời, đã mở van tín dụng, ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng tiền tệ trầm trọng tại Châu Âu.

Trong Đại suy thoái 2008, nhất là với nhóm G20, hợp tác quốc tế ban đầu diễn ra tốt đẹp. Nhưng sau này, mọi chuyện dần xấu đi. Chính phủ các nước thành viên khu vực đồng euro vội vã thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng khiến cuộc khủng hoảng kéo dài hơn, thậm chí nền kinh tế Hy Lạp sụp đổ, tương tự như trong thập niên 1930.

Về hợp tác quốc tế, ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ và đã thay đổi các thỏa thuận đã có từ trước đó, đẩy thế giới vào cuộc chạy đua tăng thuế suất mà hiện chúng ta chưa biết sẽ được dẫn tới đâu.

Từng chút, từng chút một, những sai lầm trong thập niên 1930 đã lặp lại. Những sai lầm đó không chỉ là do chẩn đoán không tốt mà còn là hệ quả do chính cuộc khủng hoảng gây ra. Chính sách bảo hộ của tổng thống Mỹ Donald Trump thực ra cũng xuất phát từ tư tưởng bài ngoại.

Trong lĩnh vực ngân hàng, hiện nay, việc cứu một nhà băng lớn khỏi bị phá sản lại gặp nhiều khó khăn hơn hồi năm 2008, do lập luận "tại sao lại phải dùng tiền thuế của dân để cứu các chủ ngân hàng thiếu năng lực ?". Người ta cũng không chấp nhận việc bắt dân chúng đóng thêm thuế để trả những món nợ cũ. Quyết tâm chính trị để khắc phục hậu quả của vụ ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ cũng suy giảm. Cuộc khủng hoảng đã tạo ra sự lớn mạnh cho các lực lượng chống hệ thống và chính các lực lượng này sẽ cản trở việc vực dậy hệ thống nếu một cuộc khủng hoảng mới nổ ra.

Syria, hành động cuối cùng

Trên mục Ý kiến, tuần báo L’Express giới thiệu bài viết của Christian Makarian "Syria, hành động cuối cùng". Tại Idlib, cứ địa cuối cùng của quân nổi dậy tại Syria, sẽ diễn ra một trong những trận đánh phức tạp nhất trong cuộc nội chiến thảm khốc đã tàn phá đất nước Syria.

Trên bình diện quân sự, các đội quân của chính phủ Syria với sự hậu thuẫn của quân đội Nga và sự tham gia của binh lính Iran, sẽ phải đối đầu với phe nổi dậy dạn dày kinh nghiệm chiến đấu, trong đó, theo đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Staffan de Mistura, có khoảng 10.000 chiến binh thuộc các phong trào Hồi giáo cực đoan.

Các cuộc tấn công sẽ khủng khiếp tới mức nhiều người nghi ngờ là các loại vũ khí hóa học sẽ được sử dụng. Để tránh nguy cơ phương Tây tấn công quân chính phủ Syria với lý do chế độ Damascus sử dụng vũ khí hóa học, Nga khẳng định nhiều chất hóa học đã được lực lượng Mũ Trắng - lực lượng cứu hộ tình nguyện Syria do phương Tây hỗ trợ - chuyển tới Idlib.

Trong những ngày qua, Hải quân Nga đã được tăng cường tới phía đông Địa Trung Hải, ngoài 30 chiến đấu cơ Nga đặt tại căn cứ ở Syria. Về phía Mỹ, USS Ross, khu trục hạm được trang bị tên lửa Tomahawk, cũng được triển khai tới gần khu vực.

Trong lĩnh vực cứu trợ nhân đạo, gần 3 triệu thường dân đang mắc kẹt tại vùng sắp có giao tranh, đa số sống sót được trong nhiều tháng qua nhờ vào sự trợ giúp của quốc tế và các tổ chức phi chính phủ.

Về mặt chiến lược, điều đáng lo ngại nhất là quan hệ phức tạp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga tại khu vực vốn nằm dọc biên giới giữa Syria với Thổ Nhĩ Kỳ. Từ nhiều năm nay, Ankara ủng hộ phe đối lập với tổng thống Syria Bachar al-Assad và hỗ trợ phe đối lập Syria tạo dựng thành trì ở Idlib, chủ yếu để phe này chặn đường không cho người Kurdistan kiểm soát miền bắc Syria. Để hậu thuẫn chế độ Damascus, một mặt, Nga tấn công các nhóm đối lập được Ankara ủng hộ, mặt khác Matxcơva vẫn phải dàn xếp với Ankara vì trên danh nghĩa, Nga vẫn cần có Thổ Nhĩ Kỳ làm đồng minh trên bàn đàm phán quốc tế để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.

Tác giả Christian Makarian cho rằng "sự nhập nhằng không tên" đó ở Idleb liên quan đến các lợi ích trái ngược nhau của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Đối với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, không thể để các lực lượng nổi dậy Syria, vốn xuất thân từ các phần tử Hồi giáo cực đoan nguy hiểm, tan rã rồi lọt vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, đối với Nga, điều quan trọng là đánh đuổi các phần tử Hồi giáo cực đoan khỏi vùng Idlib, lấy lại quyền kiểm soát khu vực này cho chế độ Damascus, để từ đó kết thúc các hoạt động quân sự, chuyển sang bước tiếp theo. Theo nhà báo Christian Makarian, có lẽ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải nhượng bộ Nga, từ bỏ mục tiêu ở Syria.

Idlib sẽ trở thành ván bài cuối cùng trong tay tất cả các cường quốc đang sa lầy trong cuộc khủng hoảng Syria. Ít ra thì tổng thống Syria Bachar al-Assad cũng đã chiến thắng khi đưa cả các đồng minh, đối tác và đối thủ vào một tình thế rối ren, khó gỡ.

Du khách muôn năm !

Trong bài xã luận "Du khách muôn năm", Courrier international cho biết Tổ chức thế giới về du lịch thống kê trong cả năm 2017, số du khách trên toàn thế giới là 1 tỉ 323 triệu người, tăng 7% so với năm 2016. Lượng du khách quốc tế tăng mạnh do tầng lớp trung lưu trên thế giới tăng và chi phí các chuyến đi giảm, dẫn đến hiện tượng bài du khách.

Tuy nhiên, Courrier international lưu ý là sự bùng nổ du lịch kéo theo sự phát triển kinh tế và tạo nhiều công ăn việc làm. Hy Lạp là một ví dụ điển hình. Trong vòng 20 năm, lượng du khách tới Hy Lạp đã tăng gấp 5 lần. Doanh thu từ du lịch chiếm 10% GDP toàn cầu. Thay vì hạn chế lượng du khách đến một số thành phố hay quốc gia, nên khuyến khích du khách khám phá các điểm đến mới, tránh mùa cao điểm, và đặc biệt tránh phản ứng thái quá với việc bùng nổ du khách quốc tế.

Tái chế thiết bị điện tử cũ : thách thức chiến lược

Trong lĩnh vực Môi trường, tuần báo Courrier International giới thiệu bài viết "Những thứ bỏ đi tốt hơn các loại quặng" trên tạp chí Ensia, do Viện môi trường thuộc đại học Minesota tài trợ. Việc tái chế máy tính và thiết bị điện tử cũ là một thách thức mang tính chiến lược vì dù phép thu được các kim loại với chi phí thấp hơn khai thác quặng nhưng lại có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Mỗi năm, khoảng 20-50 triệu tấn máy tính, ti vi, máy điều hòa nhiệt độ, điện thoại di động, tủ lạnh, bóng đèn và các loại rác thải điện tử khác bị thải ra trên toàn thế giới. Nhưng những "đồ bỏ đi" nói trên lại có nhiều kim loại có giá trị quý, như vàng, bạc, đồng, chì… có thể phân tách, thu gom để tái sử dụng. Nhiều doanh nghiệp chuyên về tái chế rác thải điện tử từ Mỹ, tới Trung Quốc làm ăn rất phát đạt. Nhà nghiên cứu Mỹ Cornelis Baldé ước tính trong năm 2016, tổng giá trị các nguyên liệu thu được từ rác thải điện tử đạt khoảng 55 tỉ đô la, cao hơn GDP của phần lớn các quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, nếu không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường và sức khỏe thì lĩnh vực tái chế rác thải điện tử và điện gia dụng cũng gây ra một cơn ác mộng về cả phương diện môi trường và xã hội. Một ví dụ điển hình là tại các khu gia công ở Mandoli, ngoại ô New Delhi, Ấn Độ. Axit được sử dụng để thu tách đồng khiến cả nguồn nước và không khí bị ô nhiễm nặng. Người ta sử dụng nhiều trẻ em làm công việc nguy hiểm khiến sức khỏe các em bị tàn phá.

Trang nhất các tuần báo Pháp

Trên trang nhất, tuần báo L’Express kêu gọi độc giả học hỏi cách học nhân mùa tựu trường. Tuần báo Le Point tôn vinh rượu vang, còn tuần báo Courrier International lại dành trang nhất cho đề tài du lịch. Trong khi đó, tuần báo L’Obs tiết lộ về Dubai Papers, một vụ bê bối trốn thuế mới liên quan quan tới nhiều chủ doanh nghiệp Pháp, nhiều lãnh đạo chính trị Nga, các nhân vật quý phái ở Châu Âu …

Thùy Dương

Published in Quốc tế

Miến Điện : Tòa án Hình sự quốc tế đồng ý thụ lý hồ sơ Rohingya (RFI, 07/09/2018)

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Miến Điện và Liên Hiệp Quốc, Tòa án Hình sự quốc tế (CPI hay ICC theo tiếng Anh) hôm qua 06/09/2018 cho biết sẵn sàng điều tra về vụ người thiểu số Rohingya bị xua đuổi, bức hại, có thể coi là tội ác chống nhân loại.

myanmar1

Người tị nạn Rohingya ngã quỵ trên bãi biển Shah Porir Dwip, gần Cox's Bazar, Bangladesh. Ảnh 1/10/2017. Reuters/Damir Sagolj/File Photo

Thông báo trên đây của tòa án có trụ sở tại La Haye được đưa ra sau khi các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng Tám đã đề nghị khởi tố tổng tham mưu trưởng quân đội Miến Điện và năm sĩ quan cao cấp khác về tội "diệt chủng", "tội ác chống nhân loại", "tội ác chiến tranh". Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH) cho rằng quyết định của CPI mang lại "một tia hy vọng mong manh" cho người tị nạn Rohingya.

Năm 2017, trên 700.000 người Rohingya theo đạo Hồi bị quân đội Miến Điện và dân quân Phật giáo truy bức đã phải chạy trốn khỏi Miến Điện, sống chen chúc trong các trại tị nạn ở Bangladesh. Theo Y Sĩ Không Biên Giới (MSF), chỉ riêng trong hai tháng 8 và 9/2017, có ít nhất 6.700 người Rohingya đã bị sát hại trong đợt trấn áp mà Liên Hiệp Quốc gọi là "thanh lọc chủng tộc".

Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt hôm thứ Ba 4/9 cho biết muốn đề nghị triệu tập một "cuộc họp cấp cao" tại Liên Hiệp Quốc về các vụ thảm sát người Rohingya, cho rằng các thủ phạm phải trả lời trước tòa án quốc tế. Trước đó một hôm, thứ Hai 3/9, hai nhà báo người Miến Điện của hãng tin Reuters điều tra về vụ quân đội sát hại người Rohingya, hôm đã bị kết án bảy năm tù - một vụ án làm xấu thêm hình ảnh của giải Nobel hòa bình Aung San Suu Kyi.

Chính phủ Miến Điện từ chối trả lời AFP về thông báo của CPI.

Thụy My

*******************

Miến Điện vỡ mộng sau hai năm Aung San Suu Kyi cầm quyền (RFI, 06/09/2018)

Nhà báo kị kết án tù vì điều tra sự thật ; hơn 700.000 người Rohingya phải sống tị nạn nơi đất khách quê người để tránh các đợt trấn áp đẫm máu của quân đội… Trước những tấn thảm kịch, lãnh đạo Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi vẫn giữ thái độ im lặng lạnh lùng. Với giới quan sát, cuộc cách mạng "Mùa xuân Miến Điện" đấu tranh vì dân chủ đã lụi tàn.

aung1

Cố vấn Nhà nước Miến Điện Aung San Suu Kyi (G) tại sân bay Sittwe ngày 02/11/2017 khi đến thăm thị trấn Maungdaw, bang Rakhine. KHINE HTOO MRATT / AFP

Thắng lợi bầu cử ngày 08/11/2015 đã cho phép bà Aung San Suu Kyi cùng với đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ LNP vào tháng Ba năm 2016, chính thức bước vào nghị trường, cùng lãnh đạo đất nước với giới quân nhân. Thế giới ca tụng "một thời kỳ dân chủ mới" cho đất nước Miến Điện sau nhiều thập niên dưới chế độ quân sự độc tài hà khắc.

Thế nhưng, hai năm sau, giải Nobel Hòa Bình năm 1991 đã khiến giới đấu tranh dân chủ và cộng đồng quốc tế thất vọng. Họ cho rằng bà đã phản bội niềm tin của những ai đã từng ủng hộ bà. Lãnh đạo Miến Điện phủ nhận bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc, tố cáo quân đội Miến Điện phạm tội ác "diệt chủng" nhắm vào sắc dân thiểu số Rohingya theo Hồi Giáo, bất chấp các bằng chứng về các hành động hãm hiếp và giết người do giới báo chí và các tổ chức phi chính phủ thu thập.

Bà "im hơi lặng tiếng" trước bản án 7 năm tù dành cho hai nhà báo Miến Điện làm việc cho hãng tin Reuters. Tội của hai người này là đã dám điều tra các hành vi thảm sát người Rohingya của quân đội ở miền Tây Miến Điện.

Điều trớ trêu bà đã từng là một nhà bất đồng chính kiến, từng trải qua nhiều năm bị quản thúc tại gia dưới thời chế độ độc tài quân sự. Bà cũng từng kêu gọi đấu tranh cho tự do ngôn luận và dân chủ. Hình ảnh của bà được thế giới ngưỡng mộ, ví bà như là một Đạt Lai Lạt Ma, một Nelson Mandela hay như là một Martin Luther King của Miến Điện.

Ngày nay, bà bị lên án là "phát ngôn viên cho quân đội Miến Điện". Bà bị chỉ trích bóp nghẹt tự do ngôn luận khi lên án hai nhà báo trên là những "kẻ phản bội", tố cáo truyền thông phương Tây "bóp méo thông tin", những cơ quan đã từng bảo vệ bà trước các hành động trấn áp, sách nhiễu bà của chính quyền quân sự.

Theo giới quan sát, bản án 7 năm tù cho hai nhà báo trên là một đòn cảnh cáo mà quân đội và đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ LND, dành cho cả giới báo chí. Đó sẽ là một bất hạnh cho những ai muốn điều tra về các hành động của quân đội tại bang Rakhine. Mọi chỉ trích nhắm vào quân đội hay một bài phát biểu chính thức nào đều bị xem như là một cuộc tấn công chống lại lợi ích quốc gia.

Trước thái độ này của bà Aung San Suu Kyi, một cựu tù nhân chính trị, ông Khin Zaw Win, đã có những nhận xét nặng nề về lãnh đạo Miến Điện khi trả lời phỏng vấn báo Le Figaro : "Thế giới giờ mới khám phá bộ mặt thật của Aung San Suu Kyi : một nhà lãnh đạo chuyên chế, tự phụ và thích cho mình là trung tâm". Báo chí phương Tây cũng không kiệm lời khi cho rằng "thái độ im lặng tội lỗi của bà" (Le Figaro) đã làm "sụp đổ huyền thoại Aung San Suu Kyi" (La Croix).

Nhìn lại hai năm cầm quyền của bà Aung San Suu Kyi và một năm tấn thảm kịch Rohingya xảy ra, ông Guillaume Pajot, phóng viên độc lập, chuyên nghiên cứu về Miến Điện, khi trả lời ban tiếng Pháp đài Phát thanh Quốc tế Pháp RFI, cho rằng chính sự ham muốn quyền lực đã làm mờ mắt bà Aung San Suu Kyi, bất chấp quyền hạn rất hạn chế trong nhiều hồ sơ lớn, nhất là trong vấn đề người Rohingya.

"Tôi nghĩ là giờ đây, chúng ta có thể đánh giá được cái giá mà bà Aung San Suu Kyi phải trả để lên nắm quyền một cách đơn giản nhất. Ngay từ năm 2010, bà đã nhiều lần nhắc lại rằng tôi không phải là một nhà tranh đấu cho nhân quyền. Tôi là một chính trị gia, hoạt động vì mục đích chính trị.

Năm nay, Aung San Suu Kyi 73 tuổi và điều mà bà đạt được vào lúc cuối đời là lên nắm quyền. Để làm được việc này, thì cần phải có những nhượng bộ, từ bỏ. Và sự im lặng của bà là một nhượng bộ, để có thể tham gia hệ thống chính trị Miến Điện, một hệ thống do quân đội hoàn toàn kiểm soát. Hay nói đúng hơn là để có được một phần quyền lực, Aung San Suu Kyi đã phải có những nhượng bộ to lớn và từ bỏ rất nhiều lý tưởng của mình trong quá khứ".

RFI : Như vậy theo ông, quyền lực của bà Aung San Suu Kyi là cực kỳ hạn chế ở Miến Điện ?

Guillaume Pajot : Hiện nay, chính phủ của bà Aung San Suu Kyi có quyền lực rất hạn chế. Tại Quốc Hội, 25% số ghế được dành cho quân đội, không cần thông qua bầu cử và nhóm dân biểu này có quyền phủ quyết. Ba bộ rất quan trọng là Nội Vụ, Biên Giới và Tư Pháp nằm trong tay quân đội.

Ngoài ra, khả năng hành động của Aung San Suu Kyi cũng rất hạn chế. Tại bang Rakhine, đã xẩy ra các vụ trấn áp, sách nhiễu nhắm vào người Hồi Giáo Rohingya, tình trạng này cũng diễn ra ở các vùng khác tại Miến Điện. Quân đội muốn làm gì thì làm và không có trách nhiệm phải báo cáo với bà Aung San Suu Kyi.

RFI : Dù là quyền lực hạn chế, nhưng phải chăng với bà điều đó mang một hình ảnh rất quan trọng ?

Guillaume Pajot : Bà Aung San Suu Kyi chỉ có quyền lực mang tính biểu tượng. Tuy vậy, bà vẫn có thể lên tiếng, nhưng bà đã không làm. Bà có thể bày tỏ sự cảm thông với hoàn cảnh của người Hồi Giáo Rohingya hiện đang phải tị nạn ở bên kia biên giới, tại Bangladesh. Thế nhưng, bà cũng không làm và giữ im lặng. Aung San Suu Kyi tuy chỉ có quyền lực biểu tượng, nhưng bà cũng có những ánh hào quang, uy tín, bà có thể nói vài câu để giải tỏa tình trạng bế tắc hiện nay.

Aung San Suu Kyi dường như cũng hòa nhịp cùng công luận. Có tới 90% dân Miến Điện cho rằng người Rohingya là dân nhập cư bất hợp pháp, từ Bangladesh chạy sang. Do vậy, họ phải quay lại Bangladesh. Aung San Suu Kyi dường như cũng có cùng quan điểm dân tộc chủ nghĩa cực đoan này.

RFI : Người ta cũng thấy bà Aung San Suu Kyi không phát biểu gì về các hoạt động của phe Phật Giáo cực đoan, hiện đang lan rộng tại Miến Điện. Liệu đó cũng là do áp lực của quân đội ?

Guillaume Pajot : Miến Điện là quốc gia có đa số là phật tử - 90% theo đạo Phật. Sắc tộc chiếm đa số là Bamar - Aung San Suu Kyi thuộc sắc tộc này - gần như thống trị chính trường Miến Điện từ khá lâu. Aung San Suu Kyi không có lợi ích gì khi quay lại thọc gậy bánh xe vào cỗ máy đã đưa bà lên nắm quyền. Nếu muốn làm một việc gì đó, bà phải chấp nhận các điều kiện do quân đội áp đặt và tuân thủ "luật chơi". Trò chơi này có thể đi rất xa. Ngày nay người ta mới phát hiện ra trò chơi này và Aung San Suu Kyi phải trả giá đắt.

RFI : Bà Aung San Suu Kyi đã từng đề nghị cố tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan chủ trì một ủy ban nhằm tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề người Rohingya, một năm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng. Tại sao những báo cáo đó chưa bao giờ được đưa ra thực hiện cụ thể ?

Guillaume Pajot : Không, không hẳn là như vậy. Aung San Suu Kyi đã đề nghị Kofi Annan lãnh đạo một tiểu ban quốc tế mà bà cho thành lập cách nay hai năm, để tìm ra các giải pháp cho tình hình tại bang Rakhine như vãn hồi hòa bình, các cộng đồng chung sống hòa thuận và phát triển kinh tế.

Rakhine đứng hàng thứ hai trong số các bang nghèo khó nhất Miến Điện. Bang này sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, rất ít phát triển, khó tiếp cận được các dịch vụ y tế, giáo dục. Do vậy, ông Kofi Annan có nhiệm vụ đưa ra các đề xuất.

Ngày 24/08/2017, Kofi Annan đã đưa ra các đề xuất. Ngày hôm sau, mọi người đều biết chuyện gì đã xẩy ra : Các nhóm có vũ trang tự nhận là bảo vệ quyền của người Rohingya đã tấn công các trạm kiểm soát biên giới và quân đội đã tiến hành trấn áp đẫm máu. Từ đó, báo cáo của tiểu ban Kofi Annan bị chôn vùi.

Sau đó, Miến Điện lại cho thành lập một tiểu ban thứ hai. Tiểu ban này đã đưa ra báo cáo hồi mùa xuân 2018 và cho đến lúc này, báo cáo đó không hề tạo ra được một sự thay đổi nào.

Đầu tháng 07/2018, dưới áp lực của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Liên Hiệp Quốc, Aung San Suu Kyi nói là sẽ lập một tiểu ban quốc tế, rằng Miến Điện sẽ xem xét tình hình và tìm ra giải pháp. Dường như đây chỉ là một giải pháp để kéo dài thời gian.

RFI : Thế nhưng, vãn hồi hòa bình từng là một trong số các cam kết của bà Aung San Suu Kyi trước khi bước lên cầm quyền. Vậy phải chăng Miến Điện ngày nay không mấy yên ổn hơn lúc trước, bởi vì có nhiều sắc tộc cũng đang bị quân đội trấn áp ?

Guillaume Pajot : Đúng như vậy. Miến Điện là một quốc gia bị chia rẽ kể từ khi giành được độc lập, chính quyền trung ương luôn luôn đấu tranh với các sắc tộc thiểu số. Aung San Suu Kyi đã coi việc vãn hồi hòa bình giữa các dân tộc là lá chủ bài hàng đầu, một giấc mơ lâu đời kể từ khi đất nước được độc lập. Mục tiêu này trở nên rất xa vời. Chưa bao giờ, tình hình tại bang Rakhine lại tồi tệ đến như vậy.

Năm 2017, khoảng 700 nghìn đã phải chạy đi lánh nạn. Ở phía bắc, sắc tộc Kachin, theo đạo Cơ Đốc, vẫn đang chống lại chính quyền trung ương. Rồi các sắc tộc Shan, Karen… Có rất nhiều vấn đề nghiêm trọng trong quan hệ giữa chính quyền trung ương và các sắc tộc, các cộng đồng tôn giáo khác.

Hiện nay, triển vọng hòa bình rất xa vời và đây là một thách thức to lớn. Người ta tự hỏi tại sao Aung San Suu Kyi lại đề ra mục tiêu này vào thời điểm đắc cử và lên nắm quyền. Bởi vì ngay từ đầu, người ta thấy rõ là mục tiêu này rất khó được thực hiện, một lĩnh vực khó thu được các kết quả.

Minh Anh

Published in Châu Á

Trung Quốc chuẩn bị chiến tranh lạnh với Donald Trump

"Đối phó với Trump, Trung Quốc chuẩn bị chiến tranh lạnh", đó là tựa đề bài phân tích của thông tín viên nhật báo Les Echos tại Bắc Kinh. Bị bất ngờ trước chiến tranh thương mại do Hoa Kỳ khởi xướng, nay Trung Quốc chuẩn bị cho một cuộc xung đột trường kỳ và đa dạng.

lanh1

Chiến tranh lạnh Mỹ-Trung, ai sẽ thắng ai ? ( Ảnh mang tính minh họa) Reuters/Thomas Peter/File Photo

Les Echos nhắc lại, mùa hè vừa qua ông Tập Cận Bình vốn xuất hiện thường xuyên trên báo chí, bỗng biến mất trong suốt hai tuần lễ. Nhà lãnh đạo mà mức độ tôn sùng cá nhân tương đương với thời kỳ Mao Trạch Đông, bận dự hội nghị Bắc Đới Hà. Một hội nghị về mặt chính thức không hiện hữu, nhưng mọi người đều biết rằng các đường hướng kinh tế, chính trị quan trọng được vạch ra tại đây. Tuy không có gì được tiết lộ, nhưng chắc chắn chương trình thảo luận tập trung cho cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ.

Bắc Kinh ngỡ rằng đã "dỗ dành" được Donald Trump với lời hứa sẽ mua hàng tỉ đô la hàng hóa của Mỹ, nhưng nay đành phải từ bỏ hy vọng nhanh chóng kết thúc xung đột. Ngược lại, cuộc chiến tranh thương mại sẽ còn leo thang trong những ngày tới : Washington cho biết muốn đánh thuế thêm 200 tỉ đô la hàng Trung Quốc.

Cho dù Bắc Kinh dọa sẽ ăn miếng trả miếng, đây là một đòn nặng cho người khổng lồ Châu Á. Vẫn rất lệ thuộc vào xuất khẩu, Trung Quốc thiệt thòi nhiều trong trò chơi đánh thuế qua lại hàng hóa của nhau. Lý do hết sức đơn giản : lượng hàng nhập từ Mỹ chỉ bằng một phần tư so với số 506 tỉ đô la hàng Trung Quốc xuất sang Hoa Kỳ hàng năm, và ông Donald Trump không loại trừ khả năng đánh thuế toàn bộ.

Thị trường tài chính hoang mang, đồng nhân dân tệ sụt giá, Bắc Kinh đành phải thay đổi chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng. Mục tiêu chống rủi ro tài chính đành trở thành thứ yếu, và một số nhà quan sát lo ngại nền kinh tế Trung Quốc sẽ nóng lên trở lại, khi nợ nần đã vượt quá 260% GDP.

Ban đầu bị bất ngờ trước quyết tâm của Donald Trump, nay Trung Quốc chấp nhận một cuộc chiến lâu dài và mở rộng với Hoa Kỳ. Báo chí nhà nước Trung Quốc lâu nay vẫn đắc chí xỏ xiên sự bất nhất, tự làm hại mình của tổng thống Mỹ ; nay coi sự tấn công của Washington không chỉ có mục đích làm giảm thâm hụt thương mại, mà nằm trong một chiến lược tổng thể nhằm ngăn chặn đà tiến của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Long Quốc Cường (Long Guoqiang), một trong những nhà kinh tế nhiều ảnh hưởng nhất, trong một bài viết đăng trên Nhân dân Nhật báo nhận định Hoa Kỳ coi Trung Quốc là người "cạnh tranh chiến lược", như trước đây từng chận bước Liên Xô. Bắc Kinh nay cho rằng xung đột thương mại chỉ là cái cớ, đây là tiền đề của một cuộc chiến tranh lạnh mới mà Trung Quốc phải đối phó và không thể nhường bước. Cơ quan tư vấn Trivium ở Bắc Kinh nhận xét : "Các lãnh đạo không còn coi đây là cuộc đấu đá thương mại, mà là sự tấn công vào mô hình kinh tế chính trị Trung Quốc".

Kế hoạch Made in China 2025 nhằm nâng Trung Quốc lên hàng đầu thế giới về công nghệ mới, bị Washington coi là biểu tượng của tham vọng hất cẳng Thung lũng Silicon. Và bao trùm lên tất cả : trong khi Donald Trump hứa làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, thì Tập Cận Bình khẳng định "giấc mơ Trung Hoa" và mục tiêu "đại phục hưng". Ông Tập liên tục nhấn mạnh ngôi vị hàng đầu thế giới của Trung Quốc, trong lúc quyền lực cá nhân của ông đã được tăng cường.

Giờ đây tại Trung Quốc đã có một số tiếng nói cho rằng sự huênh hoang về sức mạnh kinh tế và địa chính trị chỉ làm Hoa Kỳ thêm nghi ngại. Báo chí Hoa lục đã được chỉ thị không nhắc đến kế hoạch Made in China 2025 – một động thái mà theo Les Echos là chưa đủ để làm dịu bớt căng thẳng với Mỹ.

Tập Cận Bình ra sức dụ dỗ Châu Phi

Cũng về Trung Quốc, Le Monde nói về "Chiến dịch khuyến dụ Châu Phi của Tập Cận Bình". Các nhà lãnh đạo Châu Phi vừa được Bắc Kinh tiếp đón như những ông hoàng, để tỏ ra khác biệt với phương Tây. Và nhất là với tổng thống Mỹ, người mà hồi tháng Giêng đã gây sốc khi gọi là các nước này là "thối tha".

Tại thượng đỉnh Trung-Phi lần thứ ba diễn ra trong ngày 3 và 4/9, 53 nhà lãnh đạo Châu Phi cùng với các bà phu nhân được tiếp đãi long trọng, trong đó có dạ yến khoản đãi của ông Tập Cận Bình với phần trình diễn văn nghệ. Chủ tịch Trung Quốc đọc một bài diễn văn nghe rất êm tai : "Chúng tôi luôn theo đuổi chính sách ‘năm không’ trong quan hệ với Châu Phi. Đó là không can dự vào nỗ lực phát triển của từng nước cũng như công việc nội bộ Châu Phi, không áp đặt ý định, không đặt điều kiện khi cấp viện trợ, không theo đuổi những lợi ích chính trị ích kỷ".

Kèm theo đó là lời hứa viện trợ 60 tỉ đô la trong ba năm tới, và đối với những nước Châu Phi nghèo nhất, Trung Quốc hứa xóa nợ, liên quan đến những món cho vay không lãi sắp phải thanh toán từ cuối 2018. Theo Viện nghiên cứu Trung Quốc-Châu Phi thuộc đại học John-Hopkins, đó là ba nước Cộng hòa Congo, Zambia và Djibouti. Djibouti cũng chính là nơi mà Bắc Kinh thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài. Le Monde đặt câu hỏi, đến bao giờ nơi này không còn là căn cứ ở ngoại quốc duy nhất của Trung Quốc ?

eSwatini, khách Châu Phi duy nhất không được mời

Trong bài "eSwatini, đồng minh cuối cùng của Đài Loan tại Châu Phi", Le Monde ghi nhận ông Tập Cận Bình đã thành công trong việc mời được toàn bộ lãnh đạo Châu lục này đến dự hội nghị thượng đỉnh, ngoại trừ đất nước nhỏ bé nằm giữa Mozambique và Nam Phi, tên cũ là Swaziland.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã đến thăm eSwatini hồi tháng Tư. Tại đây, Đài Bắc đã tài trợ xây dựng một bệnh viện và một sân bay mới. Hai đồng minh cũ của Đài Loan là Sao Tomé và nhất là Burkina Faso đã cắt đứt thâm tình để bắt tay với Trung Quốc.

Đài Bắc chỉ còn biết phê phán nước đồng minh từ 24 năm qua đã "chạy theo chính sách ngoại giao đô la", bên cạnh đó nhiều chính khách Burkina Faso cũng công khai chỉ trích đề nghị viện trợ của Bắc Kinh, cao gấp bốn lần GDP của nước này. Tuy nhiên sự trung thành của eSwatini cũng khiến Đài Loan bối rối đôi chút, vì đó là một vương quốc không cho phép bất kỳ đảng chính trị nào được hiện diện.

Trung Quốc âm thầm chiếm vũ đài

Nhìn từ góc độ Châu Âu, cây bút bình luận Sylvie Kauffmann nhận định, viện trợ của Pháp không thể so sánh nổi với 60 tỉ đô la mà ông Tập Cận Bình hứa hẹn cho Châu Phi, nhưng phải đặt trong tổng thể Liên Hiệp Châu Âu cung cấp đến 55% viện trợ phát triển trên thế giới. Điểm khác biệt lớn là Trung Quốc bất chấp vấn đề nhân quyền, Nhà nước pháp quyền, dân chủ… Business is business.

Trước những hồ sơ lớn về địa chính trị, Trung Quốc im lặng, nhưng tích cực hành động có lợi cho mình. Các doanh nghiệp ở Hoa lục sẵn sàng nhảy vào tái thiết Syria. Tại các định chế quốc tế mà Donald Trump muốn rút lui, Bắc Kinh triển khai nhân sự có trình độ và gia tăng đóng góp vào ngân quỹ. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc tuy là sân khấu đối đầu Nga-Mỹ, nhưng trên thực tế đã dần dà trở thành sân chơi Nga-Trung, và Bắc Kinh đã qua mặt Moskva.

"Con đường tơ lụa mới" giúp ảnh hưởng Trung Quốc trải rộng lên phân nửa số quốc gia trên hành tinh, đến tận Đông Âu. Con đường tơ lụa thế kỷ 21 không chỉ bao trùm trên đất liền và trên biển, mà cả trên internet. Một cách muộn màng, Châu Âu bắt đầu tìm cách bảo vệ những lãnh vực chiến lược. Nhưng cú đòn nặng nhất lại từ Malaysia : thủ tướng 93 tuổi vừa quay lại nắm quyền đã hủy ngay các dự án 23 tỉ đô la của Bắc Kinh, tố cáo chủ nghĩa thực dân mới. Pakistan và Miến Điện cũng đã nhận ra rằng nguy cơ Trung Quốc làm bá chủ là hiển hiện.

"Truyền hình Putin" chiếm giờ vàng

Nhìn sang nước Nga, Le Monde cho biết "Truyền hình Putin xuất hiện trong giờ vàng hàng tuần". Khán giả Nga kể từ Chủ nhật 02/09/2018 được thưởng thức một chương trình mới với tên gọi không thể rõ ràng hơn : "Moskva. Kremlin. Putin", hoàn toàn dành riêng cho các hoạt động – tất nhiên là rất ấn tượng – của tổng thống.

Ông Vladimir Putin vốn đã xuất hiện thường xuyên trong chương trình thời sự của nhiều kênh khác nhau, nay hoạt động hàng tuần của ông được tường thuật lại trên kênh truyền hình công Rossia-1. Chương trình đầu tiên do nhà báo vơ-đét Vladimir Soloviev dẫn chuyện, kéo dài một tiếng đồng hồ, nói về kỳ nghỉ hè của Putin ở Siberie, với những "hình ảnh độc quyền".

Vẫn giữ truyền thống dàn dựng một tổng thống khỏe mạnh, trong bối cảnh hoang dã, nhưng được nhấn mạnh với những lời chứng. Tuy ông Putin nói đây chỉ là một cuộc tập thể dục bình thường, một trong những người đồng hành với ông trên 8 kilomet đường núi phàn nàn rằng đôi chân "vẫn còn đau nhiều ngày sau đó".

Trong lúc các hình ảnh của tổng thống Nga trên truyền thanh, truyền hình đã bão hòa, chương trình "Moskva. Kremlin. Putin" xuất hiện vào một thời điểm tế nhị. Cải cách hưu bổng, được loan báo sơ sài đúng vào ngày khai mạc Cúp bóng đá thế giới, đã làm tỉ lệ tín nhiệm của tổng thống Putin sụt xuống mức thấp nhất kể từ bốn năm qua.

Thách thức bầu cử giữa kỳ của ông Trump : Hồ sơ chính báo Pháp

Về chính trị nước Pháp, Le Monde nhận xét "Macron xáo trộn lại bộ máy chính phủ nhưng không thay đổi mục tiêu". Trên lãnh vực xã hội, Libération chơi chữ "Y khoa : Numerus claurus terminus ?" : chính phủ Pháp đang cân nhắc có nên hủy bỏ kỳ thi cuối năm thứ nhất của sinh viên khoa Y với tỉ lệ bị loại rất cao, một kỳ thi mà tờ báo cho là bất công và ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống y tế. Về kinh tế, nhật báo Les Echos giải thích "Đánh thuế các tập đoàn internet : Vì sao Châu Âu do dự".

La Croixhôm nay 06/09/2018 chạy tựa "Trump trước thách thức của cuộc bầu cử". Tương tự, Le Figaro nhấn mạnh cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 6/11 tới mang tính quyết định đối với tổng thống Mỹ. Trong bài xã luận mang tựa đề "Một cuộc trưng cầu dân ý Mỹ", Le Figaro nhận định cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11 tới sẽ giúp đo lường hiện tượng Donald Trump. Trong giới bảo thủ, uy tín ông Trump không hề suy suyển, trong bối cảnh kinh tế đang màu hồng, tuy nhiên bầu cử giữa nhiệm kỳ lại thường bất lợi cho đảng cầm quyền.

Thụy My

Published in Quốc tế

Pháp : Macron tiến về thuế, lùi về môi trường

Thời sự Pháp với hai quyết định đối nội được đánh giá là quan trọng của tổng thống Macron hôm qua dĩ nhiên là đề tài chính được báo giới Pháp ra ngày 05/08/2018 phân tích và bình luận rộng rãi. Đó là bật đèn xanh cho biện pháp khấu trừ tiền thuế ngay trên tiền lương hàng tháng, và đưa đương kim chủ tịch Quốc hội qua làm bộ trưởng bộ Chuyển Đổi Sinh Thái, thay thế ông Nicolas Hulot vừa từ chức.

macron1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp chính phủ ngày 05/09/2018. LUDOVIC MARIN/ AFP

Trên hồ sơ này có lẽ nhật báo thiên tả Libération là tờ đã tóm lược đầy đủ và ngắn gọn nhất toàn cảnh với tựa lớn trang nhất : "Thuế và cải tổ nội các : Một bước tiến và một bước lùi".

Libération giải thích : "Tổng thống Macron đã gỡ được thể diện khi duy trì chủ trương thu thuế tận gốc, nhưng việc bổ nhiệm ông De Rugy (nguyên chủ tịch Quốc hội) dự báo cho việc hạ thấp cao vọng về mặt sinh thái". Xã luận của tờ báo thiên tả với tựa ngắn gọn : "Yên ổn - Confort", cho rằng tổng thống Pháp đã tránh được một thảm họa chính trị với hai quyết định vào hôm qua.

Theo Libération, đèn xanh cho việc thu thuế tận gốc phù hợp hơn với đường lối cải cách mà ông Macron chủ trương, trái hẳn với thái độ dè dặt mà ông đã thể hiện trong những ngày trước đó. Đối với tờ báo, bản thân cải cách này không có gì là cơ bản, người nộp sẽ phải trả thuế chẳng khác gì trước đây, chỉ khác là nhịp độ trả thuế có thay đổi, sắp tới đây sẽ là hàng tháng. Tuy nhiên, giả dụ là ông Macron đẩy lùi một kế hoạch đã được bộ Kinh Tế chuẩn bị từ lâu, điều đó sẽ tạo ra hình ảnh của một chính phủ "nhát gan", thiếu quyết tâm thay đổi và sẵn sàng lùi bước trước bầu cử để khỏi mất lòng cử tri.

Tóm lại, việc thúc đẩy biện pháp cải cách phương thức thu thuế là một quyết định đúng đắn, miễn cho người nộp thuế phải nhức đầu để dành tiền để trả thuế sau, theo từng kỳ.

Đánh giá của Libération về việc bổ nhiệm người chịu trách nhiệm về môi trường tuy nhiên lại nghiêm khắc hơn. Việc bổ nhiệm này chỉ nhằm tìm kiếm sự yên ổn, tránh gây xáo động, do đó đã gởi đi thông điệp là không nên mong đợi chính phủ có những quyết định táo bạo về mặt sinh thái như cựu bộ trưởng Nicolas Hulot từng mong muốn.

Theo Libération, tất cả các thành phần "hoài nghi ích lợi của việc bảo vệ sinh thái" tại Pháp đã không nhầm lẫn chút nào khi đồng thanh lên tiếng ca ngợi đức tính gọi là "thực tế" của François De Rugy, vị tân bộ trưởng môi trường, một người xuất thân từ đảng Xanh, từng cho rằng sinh thái phải quan tâm đến các giới hạn mà kinh tế đặt ra.

Đối với tờ báo, những hạn chế kinh tế là có thật, nhưng trong bối cảnh vấn đề khí hậu đã trở thành khẩn cấp, tính thực tế đúng nghĩa phải chăng là phải làm nhiều hơn cho hành tinh, thay vì làm ít đi ?

Thay vì cải tổ cách thu thuế, nên giảm thuế thì hơn

Trên cùng một sự kiện, nhật báo Le Figaro thiên hữu nhấn mạnh trên vế liên quan đến thuế trong tựa lớn trang nhất : "Thu thuế tận gốc : Rốt cuộc thì sẽ thu". Xã luận của tờ báo đã tỏ ý tiếc rằng chính phủ Pháp đã làm cho tình hình rối ren một cách vô ích : "Làm lớn chuyện chỉ vì thế thôi sao !".

Cũng như đồng nghiệp Libération, Le Figaro cho rằng chuyện thay đổi phương thức thu thuế chẳng có gì là quan trọng, thế mà chính phủ của ông Macron lại khuấy động truyền thông, trong lúc chuyện cần làm là phải ưu tiên thúc đẩy việc giảm thiểu chi tiêu công cộng.

Khi dùng lại một biện pháp được chính quyền tiền nhiệm của ông Hollande khởi sự, ông Macron đã chấp nhận một rủi ro là nếu chẳng may sự việc không suông sẻ thì ông sẽ là người duy nhất phải chịu trách nhiệm.

Đối với Le Figaro, giá mà ông Macron tập trung cho việc tìm cách giảm thuế cho dân, thay vì cải tổ cách thu thuế, thì có lẽ điều đó sẽ hữu ích hơn và có lợi hơn cho uy tín của ông.

Cải tổ thuế tốn kém gần 200 triệu euro

Le Figaro cũng nêu lên hai số liệu thú vị về biên pháp thu thuế tận gốc sắp được áp dụng. Trước hết, việc chuẩn bị và thông tin, tuyên truyền cho biện pháp này tốn kém cho ngân sách nhà nước gần 200 triệu euro, chính xác là 195 triệu, theo nữ dân biểu Cendra Motin, tác giả một bản phúc trình về biện pháp này.

Số liệu thứ hai là đã có đến 63% người được hỏi tán đồng việc thu thuế tận gốc, căn cứ theo một cuộc điều tra dư luận của hãng Odoxa vừa được công bố. Tỉ lệ đồng ý cao này có lẽ đã góp phần thúc đẩy tổng thống Pháp bật đèn xanh cho việc áp dụng chủ trương đó.

Miến Điện : Uy tín quốc tế của Aung San Suu Kyi sụp đổ hoàn toàn

Thời sự Châu Á bị đẩy lùi xuống hàng thứ yếu, nhưng rất đáng chú ý có lẽ là bài phân tích trên nhật báo công giáo La Croix : "Huyền thoại Aung San Suu Kyi sụp đổ".

Đối với Dorian Malovic, phóng viên báo La Croix, vốn đã bị sứt mẻ nghiêm trọng vì thái độ bênh vực chiến dịch thanh lọc người Rohingya do quân đội Miến Điện tiến hành, sự im lặng của bà Aung San Suu Kyi sau bản án 7 năm tù đối với hai nhà báo người Miến Điện của hãng tin Reuters, lại càng phá thêm uy tín ở nước ngoài của nhân vật ly khai được tôn trọng trước đây.

Khi lên cầm quyền ở Miến Điện cách nay hai năm, giải Nobel Hòa bình 1991 đã từng được đón mừng như người khai mở "một thời đại mới cho dân chủ". Thế nhưng, từ đó đến nay bà đã không ngừng gây thất vọng, có thể nói là đã phản bội lại sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế.

Sau khi phủ nhận vào tuần trước những tố cáo trong bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc về vụ tàn sát người Rohingya, bà lại im tiếng cho đến nay sau vụ kết án hai nhà báo Reuters, vốn đã điều tra về những vụ thảm sát người Rohingya do quân đội tiến hành.

Vào tuần qua, cựu Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Zeid Ra’ad Al-Hussein đã không ngần ngại gọi bà là "phát ngôn viên của quân đội Miến Điện". Bà Michelle Bachelet, người lên thay thế ông Al-Hussein, đã kêu gọi trả "tự do ngay và vô điều kiện" cho hai nhà báo Reuters.

Maung Zarni, một nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền và đấu tranh cho người Rohingya, còn tiết lộ rằng bà Aung San Suu Kyi đã không hề im tiếng về trường hợp hai nhà báo : Khi trả lời một kênh truyền hình Nhật Bản, bà gọi hai người này là những kẻ phản bội.

Nhà ly khai trước đây đã từng bị quản thúc nhiều năm dài thời chế độ quân phiệt, từng kêu gọi tự do ngôn luận và dân chủ, gần đây còn được ví với đức Đạt Lai Lạt Ma, Nelson Mandela hay Martin Luther King. Nhưng bây giờ thì bà bảo vệ chiến dịch tuyên truyền của quân đội và tố cáo "tảng băng sơn về tin thất thiệt" của truyền thông phương Tây đã từng bảo vệ bà một cách mạnh mẽ trước đây khi tố cáo chế độ quân phiệt Miến Điện.

Theo Maung Zarni, "Hiện cũng có một thành phần đối lập nhỏ chống bà Aung San Suu Kyi ở Miến Điện, nhưng tư tưởng phong kiến Miến Điện ngăn cản mọi sự chống đối thực sự nhắm vào quân đội cũng như bà, người vẫn còn được xem là Quốc Mẫu".

Nhưng ở nước ngoài thì huyền thoại Aung San Suu Kyi đã sụp đổ.

Thảm kịch sắp xẩy ra ở Syria, phương Tây vô phương ngăn chặn

Về tình hình Syria, hầu như tất cả các báo đều lên tiếng báo động về một thảm kịch mới sắp đổ lên đầu của khoảng 2,5 triệu cư dân tại tỉnh Idlib, trong bối cảnh liên quân Nga và chế độ Damascus chuẩn bị tấn công vào cứ địa cuối cùng của phiến quân ở miền đông bắc Syria, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhật báo La Croix đã nêu bật nỗi lo trong bài viết mang tựa đề "Vùng Idlib tại Syria, đối tượng của mọi nỗi lo ngại". Tờ báo cho rằng một cuộc tấn công vào khu vực này của lực lượng chế độ Damascus và các đồng minh của họ, chủ yếu là Nga, đã cận kề, bất chấp số phận bấp bênh của khoảng 2,5 triệu thường dân, vốn đã phải sống trong những điều kiện khắc nghiệt.

Bài xã luận của tờ báo lên tiếng báo động về một "bi kịch" sắp diễn ra, và kêu gọi quốc tế nói với Nga rằng nếu muốn hòa giải với Châu Âu và Hoa Kỳ, họ không được quyền giúp Damascus tấn công chiếm lại vùng Idlib nếu số phận các thường dân không được chú ý.

Trong bài xã luận của mình mang tựa : "Syria, Nga đối mặt với thùng thuốc súng Idlib", báo Le Monde nêu bật vai trò then chốt của Nga trong chiến dịch Idlib.

Châu Âu vẫn còn khả năng thuyết phục Nga

Theo Le Monde, một cách có hệ thống, chế độ Damascus với hậu thuẫn của hai đồng minh Nga và Iran, đã lần lượt chiếm lại tất cả các nơi kháng cự với họ ở Syria. Hiện chỉ còn sót lại Idlib, nơi gần 3 triệu thường dân sinh sống, trong đó 1 triệu là người di tản.

Cuộc tấn công vào Idlib, hồi chót của chiến dịch tái chiếm lãnh thổ này xem ra không thể tránh khỏi. Quân lính đã tập trung, thông báo rất cứng rắn, nhưng tầm quan trọng của những gì diễn ra đối với Idlib đi xa hơn là việc di dời chiến tuyến. Idlib không chỉ là biểu tượng trận đánh cuối cùng của một cuộc chiến rất tàn khốc, mà còn là cuộc khủng hoảng đầu tiên của thời hậu chiến tại Syria với Nga nắm vai trò then chốt.

Theo Le Monde, tổng thống Nga Vladimir Putin nắm chủ bài. Ông có thể cho mở một cuộc tấn công ồ ạt, hay ngược lại giới hạn cuộc tấn công của lực lượng Damascus ở ngoài rìa Idlib. Việc gây hỗn loạn ở quy mô lớn hay là tạo ra một cuộc chiến tranh cân não, hoàn toàn tùy thuộc vào quyết định của ông.

Châu Âu sẽ bị tác động trực tiếp nếu kịch bản hỗn loạn diễn ra ở Idlib, không tốn kém gì nhiều đối với Moskva, nhưng hậu quả nhân đạo sẽ không tránh khỏi.

Người dân Idlib sẽ tháo chạy lánh nạn. Thổ Nhĩ Kỳ đã đón 3 triệu người tị nạn Syria sẽ không kham nổi nữa. Một làn sóng di dân mới sẽ đe dọa Châu Âu trước cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu.

Ghi nhận về tình hình cũng đơn giản thôi : Mỹ rút lui, Nga làm trọng tài khu vực. Ông Putin chờ đợi Châu Âu tài trợ tái thiết một Syria kiệt quệ mà ông Bachar Al-Assad, người giết hại dân của mình, sẽ lãnh đạo. Châu Âu có đòn bẩy tài chính, nhưng phải biết sử dụng để tránh kịch bản này và đòi một sự chuyển tiếp chính trị ở Damascus.

Phe cực tả đầy tham vọng tại Đức

Tại Châu Âu, phong trào bài ngoại, chống người nhập cư tại Đức tiếp tục là mối quan ngại của báo chí Pháp, nhất là khi xu hướng này không còn là độc quyền của các thành phần cực hữu, mà đã lan sang cánh cực tả, với sự xuất hiện của phong trào Đứng Dậy (Aufstehen) do bà Sahra Wagenknecht, thủ lãnh đảng cực tả Die Linke khởi xướng.

Báo La Croix ghi nhận tham vọng của người được mệnh danh là "Mélenchon của nước Đức" này, một nữ kinh tế gia 49 tuổi, là tập hợp được toàn bộ cảnh tả Đức dưới trướng của mình.

Bản thân bà Wagenknecht cũng không che giấu việc bà đã lấy cảm hứng từ phong trào Nước Pháp Bất Khuất của ông Jean-Luc Mélenchon cũng như phong trào Podemos tại Tây Ban Nha.

Báo kinh tế Les Echos cũng chú ý đến phong trào "Đứng Dậy" của bà Wagenknecht, xác định rằng thành viên hiện tại của phong trào bao gồm những người từ đảng Dân Chủ Xã Hội (SPD), đảng Xanh, và Đảng Die Linke.

Phong trào này chủ trương gây sức ép trên các đảng truyền thống để khởi động một chính sách xã hội mới. Theo Les Echos, phong trào này hiện đã có hơn 100.000 người ủng hộ… trên mạng.

Âm mưu khủng bố của một nhóm "siêu" cực hữu Pháp

Cũng về nước Pháp, trái với các đồng nghiệp báo Le MondeLa Croix không dành tựa đầu trang nhất cho chính trị, mà chú ý đến vấn đề xã hội.

Le Monde đã chạy tựa lớn : "Cuộc điều tra về dự án khủng bố của các phần tử cực hữu cực đoan (Ultradroite)". Hai tháng sau vụ câu lưu 13 người thuộc nhóm cực hữu này, báo Le Monde đã tìm hiểu thêm về những dự án khủng bố của họ.

Trong lần thẩm tra đầu tiên của ngành tư pháp, thành viên của nhóm Lực lượng Tác chiến Hành động (Action des forces opérationnelles - AFO), đã mô tả việc chuẩn bị như thế nào, xác định mục tiêu ra sao… với những vụ dự kiến là ám sát giáo sĩ Hồi giáo cực đoan, tấn công đền thờ Hồi giáo, đầu độc thực phẩm Halal bán ở siêu thị.

Những người bị truy tố không phải những kẻ đầu trọc hay là thành phần cá biệt, bị gạt ra bên lề xã hội. Tuổi từ 32 đến 69, họ là những cựu quân nhân hay cảnh sát, giáo viên, y tá... Họ khẳng định kế hoạch của họ chỉ là những ý tưởng vu vơ, chứ không hề có ý định hành động thực sự.

Công cuộc tái thiết chậm chạp trên lãnh thổ hải ngoại bị bão Irma

Báo La Croix cũng nhìn về Pháp, nhưng dành tựa trang nhất cho một vùng lãnh thổ Pháp ở hải ngoại xa xôi : "Một năm sau, công cuộc tái thiết vẫn chậm chạp tại đảo Saint Martin".

Tờ báo nhắc lại là trong đêm 05, rạng ngày 06 tháng 9 năm 2017, bão Irma đã tàn phá vùng biển Caribbean, giết chết 11 người ở Saint-Martin.

Sau cơn bão, 95% nhà cửa đã bị hư hại ở các mức độ khác nhau ở Saint-Martin và Saint-Barthélemy. Tái thiết đã bắt đầu nhưng phải đối mặt với một số vấn đề liên quan đến đặc thù địa phương. Các công trường thường bị chậm trễ, và một phần dân số vẫn sống trong những điều kiện bấp bênh.

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế

Ai giết thủ lĩnh Ukraine ly khai tại Donbass ?

"Dấu hiệu báo động" là tựa bài xã luận trên Le Figaro cảnh giác tổng thống Macron trong mùa học sinh tựu trường và chính phủ trở lại làm việc. Từ Châu Âu cho đến Châu Mỹ, nhiều hồ sơ nóng bỏng khác có thể dẫn đến bất ổn định chính trị và địa-chính trị chiếm các trang quan trọng trên báo chí Pháp ngày 03/09/2018. Liên quan đến Châu Âu, cột trụ cuối cùng của phong trào ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine bị ám sát. Ai là thủ phạm ?

lykhai1

Lãnh đạo nước Cộng Hòa Donesk tự phong, Alexander Zakharchenko, tại Donetsk, 11/8/2014. Reuters/Sergei Karpukhin/File Photo

Ai giết "tổng thống" Cộng hòa Donetsk tự phong Alexander Zakharchenko ?

Tất cả báo Pháp đều đặt câu hỏi này và về hệ quả sau vụ lãnh tụ Ukraine ly khai cuối cùng ở miền đông Ukraine bị ám sát bằng chất nổ trong một quán caphê cạnh "phủ tổng thống" Cộng hòa Nhân dân Donetsk hôm thứ sáu 31/08/2018.

Trước hết, Alexander Zakharchenko là nhân vật như thế nào ?

Theo Le Monde, Alexander Zakharchenko, 42 tuổi, không phải là thủ lĩnh phe ly khai đầu tiên bị ám sát. Từ khi miền đông Ukraine, với sự ủng hộ của Nga, tuyên bố ly khai vào mùa xuân 2014, ít nhất 15 thủ lĩnh quân sự và chính trị bị giết chết. Phe ly khai lên án "khủng bố" và "bọn phá hoại" người Ukraine. Moskva cũng gián tiếp cáo buộc Kiev giựt dây. Một trong những cận vệ của "tổng thống" quá cố biến mất. Biên giới với Nga và phần lãnh thổ còn lại của Ukraine đã được phong tỏa. Tuy nhiên, tại Kiev, Igor Gouskov, một trong những chỉ huy của tình báo (SBU) tuyên bố "vô can" : Alexander Zakharchenko là nạn nhân của tình trạng tranh giành quyền lợi nội bộ và của người bảo hộ Nga.

Báo chí Kiev, hồi tháng 6 năm nay, cho biết ngôi sao của thủ lĩnh phe ky khai đã mờ nhạt vì hậu thuẫn chính ở điện Kremlin là Vlasdilov Sourkov cũng bị hạ tầng công tác, bị Mỹ và Châu Âu trừng phạt như Alexander Zakharchenko. Cũng theo Le Monde, Alexander Zakharchenko, là một thủ lĩnh liều lĩnh, cứng rắn và thủ đoạn. Ông thành công trong việc loại hết những đối thủ có thế lực trong phe ly khai thân Nga kể cả đồng sự "tổng thống Cộng hòa Luhansk" vào tháng 11/2017.

Từ một thợ máy và tham gia vào một đường dây buôn lậu với Nga, Alexander Zakharchenko trở thành doanh nhân thân cận với cựu tổng thống (bị lật đổ) Viktor Yanukovitch, rồi trở thành thủ lĩnh quân sự đứng đầu một tiểu đoàn dân quân, chiếm được lòng tin của điện Kremlin, kiểm soát tất cả các nguồn thu nhập từ viện trợ kinh tế của Nga cho đến "tiền hoa hồng" của doanh nghiệp.

La Croix, cũng thiên về giả thuyết của giới quan sát cuộc chiến Ukraine, theo đó thủ lĩnh ly khai bị nội bộ thanh toán. Le Figaro, trích lời bình luận của một doanh nhân Donetsk cũng nghi ngờ đây là một vụ thanh toán nội bộ hoặc là một cuộc thanh trừng do Moskva chủ trương. Nhưng điều chắc chắn, theo ba nhật báo Pháp, tình hình bất ổn sẽ bất ổn thêm, thỏa thuận hòa bình ký năm 2015 tại Minsk khó có thể tồn tại.

Ống dẫn khí đốt gây căng thẳng ở Châu Âu

Dòng Bắc hải lưu số 2 bắt đầu được xây dựng để cung cấp khí đốt cho Châu Âu vào cuối năm 2019. Nhưng vì liên quan đến Ukraine, hồ sơ này gây căng thẳng giữa Nga và một số nước Liên Hiệp Châu Âu. Mỹ dọa sẽ không đứng ngoài.

Theo Les Echos, vào giữa mùa hè nắng cháy, và 8 năm sau dòng Bắc hải lưu số 1, đường ống dẫn khí đốt thứ hai vận chuyển khí đốt từ Nga cho Châu Âu, không qua Ukraine, bắt đầu được xây dựng. Một chiếc "bắc" của một công ty Ý khởi công đặt móng cho con đường 1.230 cây số dưới đáy biển : dự án trị giá 10 tỷ đôla của tập đoàn Nga Gazprom.

Tuy nhiên, nếu bốn nước Nga, Phần Lan, Thụy Điển và Đức cấp giấy phép thì Đan Mạch từ chối cho đi ngang qua lãnh hải. Hệ quả là đường ống phải dài hơn. Dự án cung cấp nhiên liệu cho 26 triệu hộ gia đình trên thực tế không phải nước nào cũng ủng hộ. Đức và Áo rất muốn dòng Bắc lưu số hai, nhưng Ý chống lại, Pháp không ý kiến, có lẽ để trao đổi gì đó với Đức. Bruxelles cũng có ý riêng : khối lượng khí đốt, 77 tỷ mét khối, từ Nga chuyển đến Châu Âu trong năm 2017, đã giúp cho Ukraine thu được 3 tỷ đôla tiền thuế trung chuyển. Với hệ thống thứ hai, và nếu nhu cầu tiêu thụ của Châu Âu không tăng, thì Ukraine không có đồng nào, theo nhận định của một chuyên gia. Ủy Ban Châu Âu muốn Ukraine có tiền cho ngân sách, thu của Gazprom, thay vì lấy từ ngân sách viện trợ của Bruxelles.

Hoa Kỳ cũng đang "phục kích". Theo Les Echos, Quốc hội Mỹ sẽ chụp lấy dòng Bắc hải lưu số 2 để bài Nga còn Donald Trump sẽ chụp cơ hội này để làm khó chính phủ Đức, bị chỉ trích là không đóng góp nhiều cho NATO và không ưu tiên mua khí đốt hóa lỏng của Mỹ.

Trung Quốc muốn nhạc "rap" khen đảng

Thời sự Châu Á nổi bật nhất là chuyến công du Israel của tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Le Figaro quan tâm bởi vị tổng thống thích cường điệu này buộc phải xin lỗi quốc gia Do Thái từng bị ông đụng chạm cách nay hai năm với lời so sánh : Hitler giết "3 triệu" người Do Thái, nếu Philippines có 3 triệu con nghiện ma túy thì tôi cũng rất sung sướng giết hết. Thực ra thì thủ tướng Israel không quên ơn tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vì trong thời gian qua, ở Liên Hiệp Quốc, Manila nhiều lần không bỏ phiếu bất lợi cho Israel.

Trung Quốc muốn nhạc "rap" không vượt ra khỏi chủ trương của đảng cộng sản : cấm nhạc sĩ, ca sĩ xâm mình, bắt buộc trong lời ca phải tôn vinh đảng. Theo phóng sự của nhật báo cánh tả Libération, nhạc "rap" và các ban nhạc "rap" ở Trung Quốc bị kiểm duyệt làm phong trào "mất trớn". Năm 2017 là năm vàng son.

Chương tình China Has Hip Hop "tài năng mới" thành công vượt mức với 100 triệu khán giả xem trực tuyến hôm đầu tiên và 2,94 tỷ lượt người xem trong tháng tranh tài. Thế nhưng những lời lẽ của ban nhạc chiến thắng là PG One ở Hắc Long Giang như "bột trắng trên bàn" hay là "đây là tiền mặt quà cho bạn" không làm cho đảng cộng sản bằng lòng. Nhạc "rap" bị phê bình là tuyên truyền cho "văn hóa đồi trụy" phương tây, ban nhạc PG One "dẹp tiệm". Một ban nhạc khác ở Tứ Xuyên "nối nghiệp", nhưng chấp nhận tự kiểm duyệt "thích nghi với thời đại, với Đảng".

Đĩa nhạc "Đây là Trung Quốc", do đảng cộng sản bảo trợ biến ban nhạc "CD Rew" thành phát ngôn viên cho các chính sách "lợi ích" của chính quyền. Lời dịch sang tiếng Anh cũng được thu để "tác động" đến công luận quốc tế. Libération kết luận hóm hỉnh : không phải giới lãnh đạo Bắc Kinh chướng tai vì nhạc "rap", mà chính là "những giá trị bị xem là đồi trụy" của Tây phương làm họ khó chịu.

Brazil trước tương lai bất định

Lula bị bác đơn ứng cử, chính trường tái phối trí. Còn năm tuần là đến bầu cử tổng thống tại Brazil. Đảng Người Lao động phải đề cử một ứng cử viên mới gần như vô danh, vì cựu tổng thống Lula ngồi tù và bị bác đơn tranh cử. Theo Le Figaro, cánh tả Brazil đã trù liệu giải pháp B, còn nước còn tát dùng uy tín của Lula để giúp cho nhân vật mới Haddad cơ may vào được vòng hai. Khẩu hiệu "Lula là Haddad, Haddad là Lula" đánh cược vào tâm lý "hoài cổ" của một phần công luận mà theo thăm dò ý kiến, vẫn còn 39% ủng hộ cựu tổng thống cho dù tai tiếng tham ô. Còn theo Le Monde, ứng cử viên mới của cánh tả có ít nhiều cơ may chiến thắng, nếu chinh phục được cử tri cánh trung với diễn văn ôn hòa chừng mực.

Trái đất có thể hồi sinh, nhưng loài người thì không

Trong hồ sơ môi trường, Le Monde dành nhiều trang để mở đầu loạt phóng sự "7 vùng bị ô nhiễm vĩnh viễn" trên địa cầu : Dấu hiệu một hành tinh không sự sống.

Trong phần mở đầu, hai sử gia lịch sử khoa học phát họa diễn tiến của tệ nạn con người gây ô nhiễm từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay. Thoạt đầu, những phát minh công nghệ mới gây hưng phấn. Đời sống được cải thiện, mức sống lên cao nhưng không ai ngờ là những hóa chất, những hợp chất mang lại tiện nghi từ quần áo, giày dép là những hàng hóa cơ bản nhất cho đến thuốc diệt cỏ trừ sâu, thực sự là chất độc hoặc thải ra chất độc trong quá trình điều chế. Tiếp theo đó dã tâm che giấu sự thật cúa giới doanh nghiệp với sự tiếp tay của một số khoa học gia bị mua chuộc, giới luật sư chỉ biết có tiền… đã làm cho tình hình nghiêm trọng thêm mà nạn nhân đầu tiên là các thành phố nghèo của người Mỹ da đen, theo bài phóng sự đầu tiên của Le Monde. Nhật báo độc lập trong các số tới sẽ đưa độc giả đến nhiều nước khác.

Tựu trường năm nay có gì lạ ?

Tại Pháp, hôm nay 12 triệu học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12 đi học trở lại sau hai tháng nghỉ hè. Báo chí khen chê chính phủ :

La Croix hoan nghênh chương trình mới, học sinh tiểu học phải viết chính tả mỗi ngày : đó là bài tập xưa nhất có tương lai hứa hẹn nhất, bởi vì cho phép học sinh đạt được khả năng viết đúng một cách tự nhiên và thói quen đọc lại mỗi khi làm bài.

Trái lại Libération "lật tẩy" chính phủ : bên cạnh chính tả, bộ giáo dục cũng nói đến biện pháp "khảo sát" trình độ học sinh thường xuyên. Nghe qua thì lý tưởng, nhưng ngay trước tựu trường, bộ trưởng giáo dục nói đến "tưởng thưởng giáo chức xứng đáng". Tờ báo đặt câu hỏi : phải chăng khảo sát trình độ học sinh là một cách để khảo sát khả năng giáo viên ?

Tú Anh

Published in Quốc tế
dimanche, 02 septembre 2018 17:54

Tin tức thời sự truyền hình 02/09/2018

Nguồn : RFI, 02/09/2018

Published in Video

Chiến tranh thương mại : Trump thắng hiệp đầu, Tập chờ phục hận

Trong bài "Khi con rồng Trung Quốc lấy lại sức", Le Point nhận định, cuộc tấn công của Donald Trump đã mang lại kết quả trong trận chiến thương mại giữa hai cường quốc. Tuy nhiên Bắc Kinh vẫn đang ra sức triển khai kế hoạch bành trướng của mình.

trade1

Donald Trump đang dẫn trước trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Ảnh minh họa. Reuters/Damir Sagolj/File Photo

Hôm 23/08/2018, Hoa Kỳ loan báo tăng thuế hải quan 25% lên 279 mặt hàng Trung Quốc, có tổng giá trị 16 tỉ đô la. Mục tiêu tấn công là kế hoạch "Made in China 2025" tập trung vào chất bán dẫn, lãnh vực công nghệ và phụ tùng thay thế. Bắc Kinh lập tức ăn miếng trả miếng, nhắm vào các sản phẩm có thể gây tác động chính trị. Tổng cộng 100 tỉ đô la hàng hóa bị ảnh hưởng, thương mại quốc tế bị sụt giảm 0,5%. Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét tăng thuế 10% lên 200 tỉ đô la hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào mùa thu này.

Le Point nêu ra ba vấn đề. Thứ nhất là công nghệ : Hoa Kỳ sống lại cú sốc như hồi năm 1957 - Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik lên vũ trụ - khi phát hiện những tiến bộ của Trung Quốc trong lãnh vực không gian, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo. Thứ hai là tài chính, khi Broadcom muốn mua Qualcomm. Vấn đề thứ ba mang tính chiến lược : kế hoạch bành trướng thông qua việc tài trợ các dự án đầu tư, giúp Bắc Kinh kiểm soát được nhiều cơ sở hạ tầng và tài sản quan trọng, thậm chí nắm trong tay được cả một đất nước, nhờ lượng ngoại hối dự trữ lên đến 3.200 tỉ đô la.

Cuộc tiến công của Donald Trump đã đạt hiệu quả. Tăng trưởng Trung Quốc không thể vượt mức 6%, thị trường chứng khoán Thượng Hải sụt mất 20%, vốn đầu tư đổ xô chạy ra khỏi Hoa lục. Nhiều dự án trong khuôn khổ "Con đường tơ lụa mới", nhất là ở Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ethiopia vấp phải khó khăn tài chính. Trong nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc, nổi lên những chỉ trích đối với Tập Cận Bình về tham vọng trở thành siêu cường lãnh đạo thế giới, và bộ mặt đế quốc không che giấu.

Ông Tập không còn có thể theo đuổi mục tiêu cải cách mô hình kinh tế, giảm bớt công nợ, mà buộc lòng phải nới lỏng chính sách tiền tệ, mở van tín dụng cho các chính quyền địa phương và doanh nghiệp quốc doanh. Những món vay mới tăng lên 75% chỉ trong vòng một năm, trong khi nợ công Trung Quốc đã vượt quá 250% GDP.

Hiện thời Trung Quốc vẫn chưa dùng đến những vũ khí khác như trả đũa các công ty Mỹ, bán ra trái phiếu Mỹ, không bán đất hiếm… Bắc Kinh vẫn bị lệ thuộc vào công nghệ Mỹ, mà vụ ZTE là bằng chứng.

Tuy nhiên theo L’Express, chưa hẳn là Bắc Kinh thua cuộc trong trận chiến thương mại Mỹ-Trung. Nền kinh tế nước này chiếm 19% GDP toàn cầu, sở hữu những tài sản khổng lồ trên thế giới, và đang thống trị khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Về địa chính trị, Trung Quốc nhảy vào thay chân ở những nơi bị ông Trump trừng phạt, và xây dựng một trục thù địch với Mỹ, thông qua liên kết với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran.

Tờ báo kết luận, trong một thế giới tăng trưởng chậm hơn, bất ổn hơn, chiến lược của ông Donald Trump đi ngược lại với Nixon và Kissinger trong thập niên 70. Tổng thống Mỹ hiện nay làm phương Tây chia rẽ, tách rời nước Mỹ khỏi các đồng minh. Bắc Kinh thích ứng ngay, đẩy nhanh tiến trình trở thành đệ nhất đại cường của thế kỷ 21. Phía sau "One Belt, One Road" (Một vành đai, một con đường) hơn bao giờ hết là một mưu đồ đế quốc "One world, one China, China number one" (Một thế giới, một Trung Quốc, Trung Quốc là số một).

Pháp Luân Công : Nỗi lo thường trực của Trung Quốc

Cũng liên quan đến Trung Quốc, tuần báo The Economist nhận định "Pháp Luân Công luôn làm Trung Quốc lo sợ, dù đã nỗ lực đàn áp".

Một trong những nỗi lo lớn nhất của Bắc Kinh là Pháp Luân Công được điều khiển bởi một nhân vật sống bên ngoài Hoa lục, không thể kiểm soát được. Đó là ông Lý Hồng Chí (Li Hongzhi), 67 tuổi, một cựu công chức ở miền đông bắc. Ông thành lập Pháp Luân Công năm 1992, ban đầu chỉ là một phong trào khí công mang màu sắc Phật giáo. "Lý giáo chủ" sang Mỹ vài năm trước khi Pháp Luân Công bị cấm hoạt động. Bắc Kinh ra tay định dẹp bỏ giáo phái này, khiến Pháp Luân Công mới trở thành chống cộng.

Tháng 4/1999, hàng ngàn học viên Pháp Luân Công biểu tình ngay trước Trung Nam Hải để phản đối việc bắt giữ một số đồng môn ở Thiên Tân. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất xảy ra tại thủ đô Trung Quốc, kể từ sau vụ thảm sát Thiên An Môn 1989. Dù không mang mục đích chính trị, sự kiện này làm đảng lo sợ bị cạnh tranh về ý thức hệ. Tất cả các nhà ngoại giao Trung Quốc ở nước ngoài đều được chỉ thị đấu tranh với ảnh hưởng Pháp Luân Công, tuần nào báo chí Hoa lục cũng đưa tin bắt bớ các học viên của giáo phái này.

Tuy nhiên Pháp Luân Công vẫn được ủng hộ ở ngoại quốc, các phương tiện truyền thông riêng như Epoch Times (Đại Kỷ Nguyên) đã lớn mạnh để cạnh tranh với báo chí Nhà nước. Theo David Ownby, đại học Montréal, chiến dịch chống Pháp Luân Công của Trung Quốc có thể là một chiến tranh hao mòn không có hồi kết.

Rohingya : Facebook hiệu quả hơn Hội đồng Bảo an !

Về Miến Điện, The Economist cho biết Liên Hiệp Quốc tố cáo quân đội nước này diệt chủng người Rohingya, trong bài viết mang tựa đề "Tệ hơn cả những gì người ta có thể hình dung".

Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tuần này đã công bố một báo cáo cho thấy quân đội Miến Điện đã phạm những tội ác nặng nề hơn cả ước đoán, và con số 10.000 người chết còn dưới mức sự thật. "Có những người bị bắn chết hoặc bị thương dưới lằn đạn, bị nhắm bắn hay hú họa, thường là lúc đang chạy trốn. Số khác chết cháy vì nhà họ bị đốt, các vụ hãm hiếp hoặc bạo hành tình dục xảy ra với số lượng lớn, trẻ em bị giết ngay trước mặt cha mẹ… Có ít nhất 392 ngôi làng bị đốt sạch hoặc phá hủy một phần".

Trầm trọng hơn nữa, có những bằng chứng cho thấy các tội phạm này là có dự mưu : các nhóm quân tăng viện được điều tới bang Rakhine ít lâu trước khi xảy ra bạo động. Bản báo cáo kết luận, cần phải đưa ra tòa tổng tham mưu trưởng Min Aung Hlang và các tướng lãnh Miến Điện khác về tội diệt chủng.

Nhưng theo The Economist, việc này không dễ. Quân đội chỉ chịu trừng phạt bảy người lính liên can đến một vụ thảm sát có bằng chứng rất đầy đủ, còn chính phủ dân sự Miến Điện không có quyền hành gì với phía quân đội, và còn đứng về phe các quân nhân. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có thể đưa Miến Điện ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế, nhưng hai thành viên thường trực Nga và Trung Quốc có thể phủ quyết. Ngay cả khi đồng thuận, cũng khó đưa được các tướng lãnh này ra trước vành móng ngựa.

Cho đến nay, lời đáp trả cứng rắn nhất là từ… Facebook. Mạng xã hội này đã xóa tài khoản của tổng tham mưu trưởng quân đội Miến Điện và hứa lưu trữ những dữ liệu về ông ta. Christopher Sidoti, một trong các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc nhận xét : "Facebook còn hữu hiệu hơn cả Hội đồng Bảo an, trong lúc này".

Nhà sử học Úc chứng minh tội diệt chủng của Khmer Đỏ

Cũng về tội diệt chủng, Le Monde cuối tuần viết về nhà sử học Úc Ben Kiernan, đã nghiên cứu về tội ác của Khmer Đỏ từ năm 1994. Nhờ tài trợ của Mỹ, ông đã khai quật được các hồ sơ lưu trữ, để có thể chứng minh những vụ thảm sát hàng loạt tại Cam Bốt từ năm 1975 đến 1979 có thể được tư pháp quốc tế công nhận là tội ác diệt chủng.

Sau khi hỏi chuyện người vợ gốc Khmer và hàng trăm người tị nạn tại Thái Lan, ở Châu Âu và ngay tại Cam Bốt, năm 1978 Ben Kiernan lên tiếng tô cáo "những vụ thanh trừng hàng loạt"của Pôn Pốt. Sau đó ông mới biết được từ 1975 đến 1979, Khmer Đỏ đã sát hại 1,7 triệu người, trong đó có cả thân nhân vợ ông. Đó là lúc ông khởi đầu cuộc đấu tranh để những kẻ cầm đầu chế độ khát máu này phải bị đưa ra trước tòa án quốc tế.

Nhờ số tiền tài trợ 2 triệu đô la của Nhà nước Mỹ, ông có thể dựa vào một ê-kíp tận tâm làm việc. Năm 1996, họ phát hiện tại Phnom Penh 100.000 trang tài liệu của Santebal, tức mật vụ Khmer Đỏ. Tuy các vụ thảm sát của Khmer Đỏ Liên Hiệp Quốc không công nhận có một trong bốn tính chất của tội diệt chủng (liên quan đến một nhóm người, một chủng tộc, sắc tộc hay tôn giáo), nhưng theo nhà sử học Kiernan, rõ ràng đây là diệt chủng. Ông nhấn mạnh việc Khmer Đỏ tàn sát theo nhóm tôn giáo (người Chàm theo đạo Hồi), chủng tộc (người gốc Việt) và nhóm người ("kẻ thù giai cấp").

Nga không còn mơ về Châu Âu

Le Monde Diplomatiquenhìn lại lịch sử đương đại với bài viết mang tựa đề "Khi Nga mơ về Châu Âu". Vừa ra khỏi cuộc chiến tranh lạnh, người Nga thấy tương lai mình trong một Châu Âu hòa giải, với một cơ chế an ninh chung. Nhưng khi mở rộng NATO đến cửa ngõ nước Nga, phương Tây đã nhận lấy rủi ro kích thích chủ nghĩa dân tộc.

Trong chuyến công du đầu tiên với tư cách tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô, mùa thu năm 1985 tại Paris, ông Mikhail Gorbatchev đã đưa ra công thức "ngôi nhà chung Châu Âu". Một trong các động cơ là nhằm tách rời Washington với các đồng minh Châu Âu để dễ thương lượng. Moskva muốn nhanh chóng kết thúc cuộc chạy đua vũ trang quá tốn kém, và với hiệp ước tháng 12/1987, ông Gorbatchev đã đơn phương nhượng bộ : Liên Xô tiêu hủy 1.846 hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử, gấp đôi so với Hoa Kỳ.

Việc NATO can thiệp của vào Nam Tư cũ năm 1999 mà không có sự đồng ý của Liên Hiệp Quốc khiến Nga phải cảnh giác, và đến sự kiện Nga sáp nhập Crimea của Ukraine năm 2014 đã đặt dấu chấm hết cho hy vọng hội nhập Châu Âu. Giờ đây, Moskva chấp nhận một sự "cô đơn về địa chính trị".

Obama bỏ rơi Syria khiến bàn cờ thế giới thay đổi

Nhìn sang Trung Đông, trong bài điều tra "Ngày mà Obama đã bỏ rơi Syria", L’Obs quay lại với thời điểm cách đây đúng 5 năm, ngày 31/08/2013, tổng thống Mỹ đổi ý, không muốn cùng với Pháp không kích Syria sau vụ tấn công hóa học quy mô tại ngoại ô Damascus. Một quyết định đã làm đảo lộn thăng bằng địa chính trị thế giới.

Tờ báo cho biết, lúc 18 giờ ngày hôm đó, định mệnh của phương Tây đã thay đổi. Tổng thống Pháp François Hollande vừa kết thúc cuộc nói chuyện với đồng nhiệm Mỹ Barack Obama. Bộ trưởng quốc phòng Jean-Yves Le Drian và ngoại trưởng Laurent Fabius đều ngạc nhiên với vẻ mặt thất vọng của tổng thống. Hollande cho biết : "Rốt cuộc Obama muốn đưa qua Quốc hội. Chúng ta ngưng lại hết".

Hội đồng Quốc phòng Pháp họp khẩn hôm đó đều sững sờ và phẫn nộ, trong khi đã sẵn sàng cho cuộc không kích Syria vài tiếng đồng hồ sau đó. Các chiến đấu cơ đã được gắn bom, những hỏa tiễn đã sẵn sàng, các phi công đã nhận lệnh, với những mục tiêu cụ thể, chỉ còn đợi đèn xanh cuối cùng được bật lên.

Từ giây phút Obama bất thần quay ngoắt ấy, thế giới không còn như xưa nữa. Hậu quả của sự phản bội rất to lớn, cả trước mắt lẫn về lâu về dài. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo nhờ đó đã trỗi dậy, hoành hành trong khu vực suốt nhiều năm trời. Putin chộp lấy cơ hội Mỹ đứng ngoài cuộc để chiếm Crimea, rồi đến lượt Bắc Kinh tranh thủ bành trướng trên Biển Đông, thống trị Châu Á. Đành rằng đến ngày 13/04/2018, sau một vụ tấn công hóa học mới, hai tổng thống Donald Trump và Emmanuel Macron đã trả đũa, nhưng sự can thiệp muộn màng này không làm thay đổi được gì, cả trên thực địa lẫn bàn cờ thế giới.

Tranh giành ảnh hưởng trên Syria điêu tàn

Cũng về Syria, xã luận của Courrier International nói về "Những người gác đền mới trên điêu tàn Syria".

Những người bảo hộ Bachar al-Assad đang mơ mở rộng ảnh hưởng tại Trung Đông. Các nhà lãnh đạo Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ họp lại ngày 07/09/2018 về Syria, đang mơ đến viễn cảnh này, trong lúc vẫn đòi phương Tây chi tiền. Châu Âu có sẵn sàng tài trợ cho nhà độc tài Damascus, nhân danh sự ổn định khu vực - và cũng cho Châu Âu - hay không. Như Vladimir Putin đã cynique nhắc nhở, việc tái thiết Syria phải đi kèm với hồi hương người tị nạn.

Chẳng có gì chắc chắn cả, khi các đồng minh của Assad chẳng hề muốn Hoa Kỳ hay Châu Âu có vai trò gì tại đây. Trong khi đó, một cường quốc khác đang rình rập : hồi tháng Bảy, Trung Quốc hứa hẹn 20 tỉ đô la cho các nước Ả Rập. Hòa bình chưa đến, mà cuộc chiến nhằm tranh giành ảnh hưởng đã bắt đầu.

Tựa chính các tuần báo Pháp

L’Obstuần này chú ý đến "Cú đòn sấm sét của Hulot", bộ trưởng môi trường Pháp mới vừa từ chức mà tờ báo cho là "nhằm thay đổi hệ thống". Le Point dành nhiều trang cho chủ đề "Hướng dẫn về các loại thuốc chống trầm cảm", những loại thuốc nào hiệu quả và loại nào nguy hiểm, còn L’Express ra số chuyên đề về địa ốc. Riêng Courrier International chạy tựa "Trung Đông, tình hình lại hỗn loạn", điều tra về một khu vực bị xâu xé bởi những cuộc xung đột và bất ổn bởi những thế lực muốn gây ảnh hưởng.

Thụy My

Published in Quốc tế