Ethiopia : Biểu tượng của đầu tư ồ ạt Trung Quốc ở Châu Phi
Trang nhất các nhật báo Pháp ra ngày 18/06/2018 tiếp tục đề cập đến việc Liên Hiệp Châu Âu bị chia rẽ sâu sắc và tỏ ra bất lực trước làn sóng di dân, đặc biệt sau sự kiện con tầu Aquarius chở 630 người phiêu bạt từ Ý sang Tây Ban Nha.
Tuyến đường sắt Addis-Abeba đến Djibouti do Trung Quốc xây dựng được khánh thành ngày 05/10/2016 tại Ethiopia. AFP/Zacharias ABUBEKER
Kỳ thi tú tài tại Pháp, bắt đầu từ hôm nay, trong bối cảnh cải cách đầu vào đại học là chủ đề nổi bật của thời sự Pháp, cùng với luật Khế ước Cải cách doanh nghiệp, được bộ trưởng kinh tế Bruno Le Maire trình lên Hội đồng Bộ trưởng trước khi được đưa ra thảo luận ở Nghị Viện, cũng như việc đảng Cộng Hòa Tiến Bước bắt đầu bị chia rẽ sau một năm cầm quyền.
Ethiopia rộng tay đón đầu tư Trung Quốc
Riêng nhật báo Le Monde có bài phóng sự thú vị về sự hiện diện khắp nơi của Trung Quốc tại Châu Phi, trong đó Ethiopia là biểu tượng đặc trưng của làn sóng đầu tư ồ ạt, đặc biệt là lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ethiopia và đầu tư ồ ạt vào quốc gia có khoảng 100 triệu dân này vì Ethiopia muốn gia nhập vào các nước có thu nhập trung bình từ nay đến năm 2025. Từ năm 2005 đến 2012, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tham gia vào hơn 700 dự án, đã đi vào hoạt động hoặc đang thực hiện, và sử dụng khoảng 165.000 nhân công.
Hàng loạt tập đoàn xây dựng Trung Quốc (CCECC, CSCEC, CCCC…) có ít nhất một dự án khổng lồ tại quốc gia rộng lớn ở vùng sừng Châu Phi : tuyến đường cao tốc đầu tiên, một tuyến tầu điện, trụ sở của Liên Hiệp Châu Phi (một món quà của Bắc Kinh, được khánh thành tháng 01/2012) và hiện là dự án mở rộng sân bay quốc tế Bole với tổng chi phí lên đến 345 triệu đô la hoàn toàn do ngân hàng xuất nhập khẩu Exim Bank của Trung Quốc tài trợ.
Dự án tiêu biểu nhất chính là tuyến đường sắt nối liền thủ đô Addis-Abeba của Ethiopia với nước Djibouti nhỏ bé có hải cảng, từng được xây trong thời Pháp thuộc. Một công ty Trung Quốc được phép khai thác tuyến đường sắt, đào tạo nhân viên địa phương tại các toa tầu trong vòng sáu năm và trên lý thuyết, người Ethiopia sẽ đảm nhiệm công việc này từ năm 2024.
Với Trung Quốc, tuyến đường sắt Addis-Abeba - Djibouti còn là một chặng của dự án "Con đường tơ lụa mới", biểu tượng cho chính sách bành trướng toàn cầu của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trung Quốc : Chỉ quan tâm đầu tư kinh tế, không đòi hỏi dân chủ
"Ethiopia giao phần lớn dự án này cho Trung Quốc vì quốc gia Châu Á này còn sẵn sàng cung cấp tài chính, trong khi phương Tây không làm điều đó", theo phân tích của Yunnan Chen, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc-Châu Phi tại đại học Johns-Hopkins ở Washington DC. "Bắc Kinh chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế, trái ngược với Washington thường tập trung về vấn đề an ninh và chính trị", theo nhận định của một kinh tế gia ẩn danh thuộc Hội Đồng đầu tư Ethiopia.
Chính vì vậy, Trung Quốc thường được chính quyền quốc gia Châu Phi này ưu ái. Thực vậy, một mặt vì muốn theo mô hình phát triển của Trung Quốc, mặt khác Ethiopia cũng đánh giá cao chính sách đối ngoại không can thiệp của Bắc Kinh, không đặt điều kiện về các vấn đề nhân quyền hay chỉ trích các chế độ chuyên quyền… trong khi phương Tây thường gây sức ép về mặt dân chủ.
Chiến lược "đôi bên cùng có lợi"
Quan hệ "đôi bên cùng có lợi" giữa Bắc Kinh và Addis-Abeba được tăng cường từ những năm 2000. Trung Quốc là đầu tầu cho dự án tăng tốc công nghiệp hóa của Ethiopia với mô hình thiên về xuất khẩu để trữ ngoại tệ.
Chính vì vậy, Ethiopia cần phát triển hạ tầng, còn Trung Quốc cũng thấy phần bánh trong đó. Ethiopia không có nguồn tài nguyên dồi dào, nhưng lại có đông đảo nhân công giá rẻ, thường được ví như "Trung Quốc của Châu Phi".
Bắc Kinh được lợi rất nhiều trong chiến lược hợp tác thương mại "mất cân đối" này : Năm 2016, Ethiopia xuất khẩu 88,7 triệu đô la sang Trung Quốc nhưng nhập đến 3,21 tỉ đô la, chủ yếu phục vụ các dự án hạ tầng do Exim Bank tài trợ, tiếp theo là dệt may, thuộc da hoặc dược phẩm.
Thị trường Ethiopia tràn ngập hàng Trung Quốc, từ quần áo đến đồ gia dụng bằng nhựa hoặc thiết bị điện tử và máy móc… Nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đau đầu vì khối lượng hàng hóa dư thừa, giá bán rẻ, bỗng tìm được đầu ra mới ở quốc gia Châu Phi này.
Sau 6 năm bị chiếm đóng dưới thời Mussolini (1935-1941), Ethiopia vẫn tự hào chưa từng khuất phục trước thế lực nước ngoài nào. Thế nhưng, vì cần tăng trưởng để cải thiện đời sống người dân, Ethiopia tìm đến Trung Quốc như một đối tác không thể thiếu, trong khi các doanh nghiệp Ethiopia chưa đủ sức cạnh tranh với người Hoa.
Thương mại : Mỹ-Trung cùng nhau tăng thuế
Mỹ và Trung Quốc đồng loạt tăng thuế nhập khẩu 25% nhắm vào nhiều mặt hàng của nhau kể từ ngày 06/07 tới là chủ đề được hai nhật báo Le Monde và Les Echos cùng đề cập.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông qua quyết định đánh thuế 50 tỉ đô la đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc. Theo Le Monde, danh sách đầu tiên gồm hơn 800 loại mặt hàng, trên khoảng 1.102 sản phẩm, sẽ chịu khoản thuế bổ sung 25%. Bắc Kinh ngay lập tức cũng thông báo biện pháp đáp trả, trước mắt đối với 659 sản phẩm và chủ yếu tập trung vào nông phẩm Mỹ, đặc biệt là đậu nành, để đánh vào tầng lớp cử tri ủng hộ tổng thống Trump.
Bộ thương mại Trung Quốc cho biết "mọi điểm được hai bên ký kết trong các cuộc đàm phán trước từ giờ trở nên vô hiệu". Như vậy, theo Les Echos, bất chấp mọi nỗ lực đàm phán trước đây và vai trò của Trung Quốc trong hồ sơ Bắc Triều Tiên, tổng thống Mỹ vẫn thẳng tay áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại.
Nhập cư : Độc dược chia rẽ Liên Hiệp Châu Âu
Chủ đề chính của các nhật báo Pháp là sự kiện con tầu Aquarius chở 630 di dân được cứu ngoài khơi Địa Trung Hải đã cập cảng Valencia, Tây Ban Nha, ngày 17/06/2018.
Với Libération, "cuối cùng Aquarius đã cập cảng". "Châu Âu tìm giải pháp để tránh một cuộc khủng hoảng di dân mới" là hàng tựa trên trang nhất của Le Figaro với hình ảnh con tầu mầu cam, cập cảng Valencia, Tây Ban Nha, sau khi tân chính phủ Ý từ chối tiếp nhận.
Các nhật báo đều có cùng nhận định là sự kiện này cho thấy những rạn nứt trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu đối với việc quản lý làn sóng di cư. Trong bài viết "Merkel, Macron và Liên Hiệp Châu Âu trước làn sóng chống nhập cư", Le Monde đánh giá "việc cánh hữu cứng rắn và phe cực hữu xích lại gần nhau làm rung chuyển thêm sự gắn kết của Châu Âu".
Les Echos nhận định ở trang trong : "Với tầu Aquarius, Tây Ban Nha muốn gây chấn động chính trị" và "kêu gọi đừng để các nước Nam Âu một mình cáng đáng sức ép di dân".
Xã luận của nhật báo công giáo La Croix cũng cho rằng quyết định đón 630 di dân của Madrid chỉ là một khoảnh khắc tạm thở phào trước cuộc khủng hoảng di dân, được ví như một "độc dược" đang có nguy cơ làm bùng nổ Châu Âu. Vì tại Đức, đảng liên minh chính phủ với thủ tướng Merkel dọa rút lui bằng cách gây sức ép để có thể trục xuất một người từng xin tị nạn tại một nước khác thuộc Liên Hiệp Châu Âu. Tương tự, một "trục" chống di dân bất hợp pháp đã được hình thành theo lời kêu gọi của bộ trưởng nội vụ các nước Đức, Áo và Ý.
Với xã luận của Le Monde, con tầu "Aquarius là cái bẫy của phe cực hữu" Ý đang tìm cách chứng tỏ cho Bruxelles là họ không đoái hoài đến mối đe dọa đang đè nặng lên Liên Hiệp. Họ giăng ra chiếc bẫy đáng gờm này ngay trước thềm bầu cử Nghị Viện Châu Âu, dự kiến vào tháng 05/2019.
Hai ngày thượng đỉnh Châu Âu, 28-29/06, theo xã luận của La Croix, hẳn là cơ hội để các nước xem xét lại quy định, cách thức đón tiếp di dân và nền tảng của Hiến chương Liên Hiệp : "Ý thức được di sản tinh thần và đạo đức, Liên Hiệp dựa trên các giá trị không chia rẽ được và phổ quát về nhân phẩm, tự do, công bằng và tương ái".
Bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ : Đối lập lo sợ gian lận hàng loạt
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức bầu cử tổng thống và Nghị Viện vào ngày 24/06 tới, phe đối lập tỏ ra quan ngại về nguy cơ gian lận hàng loạt và có tổ chức.
Theo thông tín viên của La Croix, luật bầu cử mới được thông qua vào tháng 03/2018, đặt ra nhiều nghi vấn, như các lá phiếu không được chính quyền đóng dấu vẫn được tính ; lực lượng cảnh sát có thể can thiệp tại phòng phiếu mà chỉ cần một cử tri yêu cầu miệng ; các phòng phiếu có thể được di chuyển từ nơi này sang nơi khác.
Hai biện pháp cuối cùng đặc biệt liên quan đến vùng đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có đa số dân là người Kurdistan, thường có tác động đến mầu sắc chính trị ở tân Nghị Viện. Chỉ có những đảng thu được 10% số phiếu có thể cử nghị sĩ đến Ankara và theo một số thăm dò gần đây, cánh tả thân Kurdistan của đảng HDP có thể đạt được con số này và như vậy, tân chính phủ sẽ không có đa số.
Nhật báo Le Monde đánh giá "cuộc vận động tranh cử không dễ dàng gì cho Erdogan" vì "tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không khích lệ được đông đảo cử tri cho cuộc bầu cử ngày 24/06". Ngoài ra, chưa bao giờ, kể từ 15 năm qua, "ông Erdogan lại có vẻ suy yếu về mặt chính trị như vậy", thêm vào đó là tình hình ảm đạm của nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ : lạm phát tăng theo hai con số, đồng tiền mất 15% trị giá so với đô la Mỹ từ đầu năm 2018, chảy máu nguồn vốn…
Thu Hằng
Thượng đỉnh Singapore : "Chiến tranh", mặc cả và một màn trình diễn
Chính sách đón nhận người nhập cư gây chia rẽ sâu đậm trong Liên Hiệp Châu Âu và đẩy nội các Đức sát đến bên bờ vực thẳm, là chủ đề chính được các báo Paris quan tâm trong ngày. Dù vậy, thượng đỉnh tại Singapore giữa Donald Trump và Kim Jong-un vẫn đọng lại dư âm trên các tờ báo Pháp.
Ttổng thống Mỹ Donald Trump trưng trên văn bản được ký kết trong cuộc gặp lịch sử tại Singapore ngày 12/06/2018. SAUL LOEB / AFP
Nhà báo Laure Mandeville trên Le Figaro trong một bài phân tích nhắc lại : năm 2016, vài ngày sau khi Donald Trump đắc cử, cựu ngoại trưởng Mỹ, Henry Kissinger đã nhắc nhở công luận là chớ nên xem thường Trump. Sau thượng đỉnh Singapore vừa qua, có lẽ lời khuyên của Kissinger không thừa.
Trong buổi làm việc ngắn ngủi này, lãnh đạo Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên đã mở ra một con đường mới, dẫn tới viễn cảnh "phi hạt nhân hóa toàn diện" bán đảo Triều Tiên. Lập tức nhiều chuyên gia cảnh cáo rằng "nhà độc tài Bắc Triều Tiên" đã gài bẫy tổng thống Mỹ, một người "ngây thơ và mù quáng vì cái Tôi quá lớn của ông".
Trên thực tế, không một ai biết rằng chuyện gì sẽ xảy ra sau thượng đỉnh Singapore ngày 12/06/2018.
Không có gì bảo đảm là Mỹ sẽ chiều lòng Bắc Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Trump có đề cập đến khả năng rút quân khỏi Hàn Quốc, nhưng cũng tổng thống Hoa Kỳ trên đài Fox News đã nhắc lại, "trước mắt" kịch bản đó chưa thể xảy ra.
Có một điều chắc chắn là hai ông Trump và Kim đã "mở ra viễn cảnh một thế giới mới". Nhìn lại chính sách của tổng thống Mỹ trên hồ sơ Bắc Triều Tiên trong thời gian qua thì ta thấy rõ là thoạt đầu Donald Trump mang lá bài chiến tranh ra uy hiếp đối phương, chơi đòn chiến tranh tâm lý. Trò hù dọa đó đã khiến các cường quốc khu vực run sợ, từ Trung Quốc đến Nhật Bản, Hàn Quốc. Cùng với màn hù dọa đó là một cuộc khẩu chiến khi hai ông Trump và Kim thóa mạ lẫn nhau. Ở bước thứ hai, tổng thống Mỹ dồn Liên Hiệp Quốc tăng cường các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên, qua đó "siết chặt thêm gọng kềm" nhắm vào ông Kim. Ở hồi thứ ba, Donald Trump tung đòn chiêu dụ chế độ Bình Nhưỡng và không hề đả động tới vế nhân quyền tại quốc gia có hàng ngàn tù nhân chính trị.
Chẳng những thế tổng thống Mỹ còn ca ngợi đồng sự Bắc Triều Tiên là một người "yêu nước, yêu dân". Cũng trong cuộc họp thượng đỉnh Singapore, hai nguyên thủ đã cùng nhau xem một đoạn băng video, vẽ ra một viễn cảnh đẹp đẽ trên một đất nước Bắc Triều Tiên phát triển...
Tác giả bài báo, Laure Mandeville, nhìn nhận, đành rằng cách hành xử ấu trĩ và thô thiển của tổng thống Hoa Kỳ đã khiến các nhà ngoại giao Mỹ choáng váng, nhưng Trump là như vậy... để đạt được điều mà ông muốn nhắm tới.
Thẩm định tai họa Trump
Trong mọi trường hợp, sau 18 tháng dưới chính quyền Trump, các chuyên gia vẫn chưa giải mã được chính sách đối ngoại của chủ nhân Nhà Trắng.
Alain Frachon trên Le Monde thắc mắc : Trên vế hạt nhân, rõ ràng là nguyên thủ Mỹ tung bài chiêu dụ một Kim Jong-un đang có vũ khí nguyên tử trong tay và ông lại xử tệ với Iran, một quốc gia chưa có loại vũ khí nguy hiểm này.
Với NATO Liên Minh Bắc Đại Tây Dương hay nước Nga và cả trên hồ sơ chống biến đổi khí hậu cũng vậy, tổng thống tuyên bố bừa bãi để rồi các cố vấn của ông chạy theo sau chữa cháy và đôi khi là đưa ra những nhận định trái ngược lại với quan điểm của chủ nhân Nhà Trắng. Cho dù mạnh miệng đả kích Liên Minh Bắc Đại Tây Dương nhưng tác giả bài báo nhìn nhận cho tới giờ phút này, Hoa Kỳ vẫn gánh vác lấy trách nhiệm, đóng góp tài chính nhiều nhất cho đại gia đình NATO. Có điều, sự tin tưởng lẫn nhau giữa Mỹ và các đồng minh phương Tây đã sứt mẻ. Phải chăng Donald Trump thoải mái khi chơi với Kim Jong-un hơn là với các đối tác Châu Âu hay Canada ? Đó là một trong những bí ẩn trong chính sách đối ngoại của Donald Trump.
Khai thác lá bài Bắc Triều Tiên, đảng cầm quyền tại Hàn Quốc "bội thu"
Về nội tình bán đảo Triều Tiên, cũng Le Monde cho biết, đảng dân chủ của tổng thống Moon Jae-in đã thắng lớn trong cuộc bầu cử cấp địa phương hôm 13/06/2018. Chính sách thân thiện với Bình Nhưỡng, thượng đỉnh Bàn Môn Điếm với Kim Jong-un, thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên tại Singapore là những yếu tố làm nên thắng lợi.
Nhiều cử tri đã bỏ phiếu cho đảng Minju của tổng thống Moon Jae-in bởi họ muốn thực sự "hai miền nam bắc trong tương lai sẽ mở rộng các chương trình hợp tác, giao lưu ở tất cả mọi cấp, để người dân Triều Tiên biết rõ nhau hơn, bước đầu tiến tới một tiến trình hòa giải".
Một điểm bất ngờ là ngay cả công luận Hàn Quốc cũng có cảm tình với lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Phụ nữ Hàn Quốc ngoài 50 tuổi đánh giá Kim Jong-un là một người "có giáo dục, biết tôn kính bề trên, ăn nói chững chạc và duyên dáng".
Châu Âu lao đao về số phận các thuyền nhân
"Châu Âu xâu xé vì vấn đề nhập cư", tựa lớn trên báo Le Figaro. Bài xã luận mang tựa đề "rạn nứt", tờ báo nhắc lại : hồ sơ này đã thách thức các nước Châu Âu từ ba năm nay, nhưng các thành viên Liên Hiệp Châu Âu cố tình nhắm mắt làm ngơ.
Nhưng tình thế đã thay đổi từ khi cử tri Ý đã bầu lên một chính phủ mạnh tay đóng cửa các hải cảng của Ý, từ chối tiếp nhận thuyền nhân. Vấn đề càng thêm nghiêm trọng khi biết rằng thái độ của tân chính quyền Roma không là một hành động riêng lẻ. Một trục Áo-Ý và một phần trong chính phủ liên hiệp của thủ tướng Đức đang hình thành. Xã luận trên Le Figaro kết luận : "Chính sách tiếp nhận người nhập cư không còn là một hồ sơ bình thường, đợi nguyên thủ các nước đưa vào chương trình nghị sự của các thượng đỉnh Châu Âu. Đã đến lúc cần hành động khẩn cấp".
Libération dành hai trang để trả lời câu hỏi : trong Liên Hiệp Châu Âu tới nay, nước nào đã đón người nhập cư và đón bao nhiêu ?
Báo kinh tế Les Echos đặc biết chú ý đến trường hợp của nước Đức khi nhận định "thủ tướng Merkel bị cuốn vào vòng xoáy vì hồ sơ nhập cư" trước khi giải thích : cuộc đọ sức tay đôi giữa bà Angela Merkel với đồng minh thân thiết trong liên minh Dân Chủ Thiên Chúa Giáo là bộ trưởng Nội Vụ Horst Seehofer. Bà Merkel chủ trương một chính sách nhân đạo hơn với người nhập cư, còn ông Seehofer thì ngay từ năm 2015 đã tỏ ra rất cứng rắn trên chuyện này. Căng thẳng dâng cao tới nỗi có thể đe dọa đến sự tồn tại của nội các mà bà Merkel đã mất nhiều tháng để lập được.
Cúp Bóng Đá Thế Giới : Nga khởi đầu tốt đẹp
Về sự kiện thể thao được chú ý nhất vừa mở ra hôm qua, Libération chú ý tới trận đấu quyết liệt chiều nay giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, hai đội bóng lớn của Châu Âu : "Cú sốc" đầu tiên mùa hội bóng đá 2018.
Các tờ báo Paris đương nhiên không quên ca ngợi đội tuyển Nga, trong trận đấu khai mạc World Coup 2018 đã "đè bẹp" Saudi Arabia với tỉ số 5-0. Tờ báo này cho rằng, tổng thống Vladimir Putin đã thở phào nhẹ nhõm, bởi vì trong những tuần lễ gần đây, ông cũng như là phần còn lại của giới hâm mộ bóng đá Nga, không mấy tin tưởng vào đội nhà.
Le Figaro bình luận : thua Nga, là một vố đau với hoàng tử Saudi Arabia. Mohamad Ben Salman là người muốn biến bóng đá thành một công cụ ngoại giao trong lúc mà trên sân cỏ Saudi Arabia đang bị Qatar bỏ lại xa phía sau.
Le Monde bên cạnh các bài phân tích về tầm mức quan trọng của Cúp bóng đá đối với Putin, trong bài xã luận đã nhấn mạnh rằng, đây trước hết là lễ hội thể thao của các ngôi sao bóng đá, của những người hâm mộ quả bóng tròn.
Về đội tuyển Pháp, ngày mai trong trận đầu đối mặt với đội Úc, La Croix nhấn mạnh : "huấn luyện viên Didier Deschamp đánh cược vào đội ngũ trẻ". Le Figaro nói tới một bộ ba Mbappé, Griezmann và Dembélé đem lại một làn gió mới cho hàng tiền đạo của đội tuyển "Les Bleus".
Cá độ vào mỗi mùa bóng đá
Thi đấu và các cuộc cá cược, gần như là hai hoạt động đi kèm với nhau. Les Echos tiết lộ : công ty xổ số quốc gia Pháp FDJ trong mùa bóng Cúp Châu Âu 2016 đã thu về 300 triệu tiền cá cược, lần này, tối thiểu các vụ đánh cá cũng phải lên tới 200 triệu. Tờ báo nhận định : các hoạt động cá cược, nhất là trên mạng hiện đang rất thịnh hành. Năm ngoái, doanh thu trong lĩnh vực này tăng 21 %.
Một bức tường kính bao quanh tháp Eiffel
Báo Le Figaro lưu ý độc giả, trong một tháng nữa dưới chân tháp Eiffel có thêm một bức tường bằng kính. Công trình vừa được khởi động hôm qua 14/06/2018. Sau loạt khủng bố tại Pháp năm 2015, công ty quản lý ngọn tháp nổi tiếng này quyết định tăng cường an ninh cho "La Dame de Fer" ngự trị trên quảng trường Trocadero này và cả từ 6 đến 7 triệu khách tham quan công trình nổi tiếng nhất của Gustave Eiffel.
450 tấm kính nặng hơn 1 tấn mỗi tấm, cao 3 mét, dầy 6 phân rưỡi, đang được dựng lên. Sở cảnh sát và văn phòng kiến trúc Dietmar Feichtinger đã phối hợp chặt chẽ để mục tiêu tăng cường an ninh cho biểu tượng của nước Pháp này không ảnh hưởng đến toàn cảnh chung với tầm nhìn từ quảng trường Trocadéro đến tận trường võ bị Ecole Militaire.
Thanh Hà
World Cup 2018, cuộc đua chóng mặt giữa các vì sao
Hôm 14/06/2018, tổng thống Nga Vladimir Putin chính thức khai mạc Cúp Bóng Đá Thế Giới 2018, với trận đấu mở màn giữa đội Nga và Ả Rập Xê Út. World Cup 2018 hứa hẹn một mùa bóng sôi nổi nhưng không kém phần mầu sắc chính trị là nhận định chung của các báo Pháp.
Một cổ động viên đội tuyển Nga trước hôm khai mạc World Cup 2018, bên ngoài sân vận động Luzhniki ở Moskva, ngày 14/06/2018. Reuters/Maxim Shemetov
Le Figaro trên trang nhất chạy tít : "Cúp Thế Giới, nước Nga của Putin đón tiếp hành tinh bóng đá". Libération, đăng ảnh lớn cầu thủ Pháp Antoine Griezmann, đề tựa : "Bóng đá thế giới : Nụ hôn nồng thắm từ Nga". Nhật báo thiên tả này cũng tự hỏi : Liệu Griezmann và đội tuyển Pháp có lại đạt đỉnh cúp hay không ?
Một cuộc tranh đua chóng mặt
Nhưng trước hết Cúp Bóng Đá Thế Giới là một lễ hội lớn của toàn cầu. Bởi vì đây là nơi diễn ra "Các cuộc tranh tài đến chóng mặt của các ngôi sao thế giới". Tổng cộng, có 32 đội bóng tham dự và 64 trận cầu sẽ diễn ra. Libération khai trận với những dự đoán các đội được cho là có ưu thế nhất.
Những màn ghi bàn, các cảm xúc, trong vòng một tháng từ ngày 14/06 đến hết ngày 15/07, thế giới sống theo nhịp quả bóng lăn theo gót chân của các ngôi sao bóng đá Ronaldo, Messi hay là Neymar.
Trong cuộc chơi tuy nhỏ mà lớn này, một số đội dường như có ưu thế hơn số khác mà điển hình là đội Brazil, luôn có mặt trong lễ hội lớn được tổ chức mỗi 4 năm/lần và có từ năm 1934. Dù đã 5 lần vô địch thế giới, nhưng đội bóng Seleçao năm nay sẽ bắt đầu cuộc tranh tài với đội Thụy Sĩ vào ngày Chủ Nhật 17/06, với mục tiêu xóa tan nỗi nhục 7-1 mà Brazil đã hứng chịu trong vòng bán kết cách nay 4 năm.
Là đội bóng đầu tiên đoạt vé đi dự vòng chung kết Cúp Thế Giới tại Nga, cùng với huấn luyện viên trưởng Tite và ngôi sao bóng đá Neymar, đội tuyển Brazil dường như đang có trong tay vũ khí để xóa sạch điều sỉ nhục, đưa đội bóng huyền thoại trở lại với đỉnh cao nghệ thuật bóng tròn.
Tây Ban Nha, cách nay bốn năm, bị loại ngay từ đầu, năm nay cũng phải phục thù. Vấn đề là đội bóng vô địch năm 2010, khởi động mùa giải Nga năm nay cùng với tai biến. Chỉ còn hai ngày nữa đến kỳ tranh giải, huấn luyện viên trưởng là Julen Lopetegui đã bị sa thải. Nguyên nhân chỉ là vì đã âm thầm thương lượng với Real Madrid để thế chỗ của Zinedine Zidane.
Lần này đến Nga, đội tuyển bóng đá Tây Ban Nha với tân huấn luyện viên trưởng Fernando Hierro, trông cậy vào kinh nghiệm của Ramos, Piqué, Busquets hay Iniesta để không bị tan vỡ. Cuộc đấu trí đầu tiên của đội sẽ là trận cầu với Bồ Đào Nha. Ngày thứ hai của giải, nhưng là cú sốc đầu tiên. Liệu Ronaldo và đội vô địch Châu Âu này có đủ sức để thực hiện thành công cú đúp Euro và Thế giới hay không ? Hạ hồi phân giải !
Bốn lần vô địch mà giải gần nhất là năm 2014, đội bóng Đức đến với người hâm mộ với hy vọng gặp lại Brazil ở vòng chung kết. Lá chủ bài của Mannschaft là gì ? Đó chính là sự ổn định nhân sự đáng kinh ngạc dưới sự dẫn dắt của Joachim Low, huấn luyện viên trưởng của đội từ 2006. Đội bóng quy tụ những ngôi sao dày dạn kinh nghiệm như Neuer, Hummels, Ozil, Khedira hay Muller, và có một tinh thần tập thể cao độ. Nhờ vào yếu tố này mà Đức đã hạ gục được đội Argentina của ngôi sao Messi cách nay 4 năm trong trận chung kết, giành chức vô địch thế giới lần thứ 4.
Bóng đá : Thể thao và sợi dây ràng buộc chính trị
Ngoài không khí hừng hực thể thao đó, báo chí Pháp cũng nhận thấy ít nhiều hơi hướm chính trị trong lần World Cup này. Nhật báo Le Monde trên trang nhất cho rằng : "Nga 2018 : Sự cuồng nhiệt của bóng đá và những lý lẽ của Putin".
Điều đầu tiên nhật báo Le Monde ghi nhận bầu không khí hâm mộ bóng đá tại Nga không như cách nay 4 năm tại Brazil. Bất chấp sự hiện diện của hàng triệu người hâm mộ, nhưng cảm giác phấn khích của những người đam mê ngay cả ở những người trong nước cũng không dữ dội.
Lễ hội bóng đá năm nay đặc biệt diễn ra trong bầu không khí địa chính trị căng thẳng. Do đó, đối với điện Kremlin, đây là một cơ hội quan trọng, để xóa tan các vết hoen ố trong thể thao như việc dùng doping, nạn hooligan, tình trạng bài người đồng tính hay như phân biệt chủng tộc. Chỉ cần một sự cố xảy ra sẽ làm còn làm xói mòn thêm hình ảnh một nước Nga hùng cường mà ông Putin muốn đưa ra.
Cúp Bóng Đá năm nay cũng là dịp để cho FIFA tạo dựng lại uy tín của mình, kể từ sau vụ tai tiếng tham nhũng liên quan đến các quyết định trao quyền tổ chức World Cup 2018 tại Nga và World Cup 2022 ở Qatar. Tóm lại, theo Le Monde, sự kiện thể thao quốc tế lần thứ 21 này nặng đầy thách thức cho FIFA và Nga. Tờ báo kết luận, "World Cup 2018, một lịch sử cần viết nên".
World Cup : Công cụ chính trị của Putin ?
Le Figaro trong bài viết có tựa đề "Putin trên địa bàn chính trị với Cúp Thế Giới" cho rằng chủ nhân điện Kremlin muốn biến Russia 2018 thành một công cụ "quyền lực mềm" để thu hút sự chú ý của người dân trong nước và thế giới.
Le Figaro viết là nước Nga có một tháng lễ hội để thu hút trở lại sự quan tâm của người dân trong nước, cũng như là cả thế giới, về một cựu cường quốc thời chiến tranh lạnh và một nguyên thủ gây nhiều tranh cãi. Lễ khai mạc diễn ra tại Loujniki, sân vận động đã từng đón Thế Vận Hội Olympic năm 1980, dưới thời Xô Viết.
Nhưng khác với năm xưa, Thế Vận Hội bị nhiều nước tẩy chay nhằm phản đối Liên Xô xâm chiếm Afghanistan, năm nay ngoại trừ Anh quốc vì vụ Skripal, không một lãnh đạo phương Tây nào từ chối tham gia cuộc hẹn lớn này.
Điều Le Figaro muốn nói đến chính là bầu không khí chính trị. Nước Nga năm 2010, thời điểm được FIFA trao quyền đăng cai World Cup khác hẳn với nước Nga 2018. Nga năm 2010 còn là thành viên của khối G8, khối 8 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Do đó, theo nhận xét của ông Alexei Makarkine, phó chủ tịch Trung Tâm Công Nghệ Chính trị Moskva, "Cúp Bóng Đá Thế Giới khi ấy được xem như là một phương cách để củng cố uy tín của Nga trên chính trường ngoại giao".
Nhưng theo phân tích của ông Vitali Gorokhov, lãnh đạo trung tâm nghiên cứu "Chính trị, Thể Thao và Xã Hội" thì World Cup năm nay còn là một thách thức chính trị của Putin, chủ yếu nhắm vào người dân trong nước.
"Lượng khán giả theo dõi mà cuộc tranh tài này mang lại sẽ là một công cụ dùng để chứng tỏ với người dân trong nước : Chỉ cần ông Gianni Infantino (chủ tịch FIFA) tuyên bố là Cúp Thế Giới được tổ chức tốt đẹp, người dân Nga sẽ tự cho là : "Mình quá giỏi, cả thế giới đang nói về mình".
Một quan điểm cũng được ông Dmitri Travin, giáo sư trường Đại học Châu Âu tại Saint-Petersbourg chia sẻ : "Chắc chắn là người ta có thể nghe trên các kênh truyền hình Nga đây sẽ là World Cup hay nhất trong lịch sử bóng đá trên phương diện tổ chức và người ta có quyền tự hào về điều này".
Theo một kết quả thăm dò do viện FOM thực hiện hồi tháng 4/2018, 74% số người Nga được hỏi tỏ ra lạc quan về sự kiện này, trong đó đại đa số khẳng định sự kiện "sẽ nâng cao uy tín của đất nước trên trường quốc tế".
World Cup : Một thảm kịch đối với người dân Moskva
Vậy người dân Moskva năm nay đón World Cup thế nào ? Báo Libération có bài phóng sự cho hay "Tại Moskva : Lễ hội ư ? Đối với chúng tôi, đó là một bi kịch".
Bi kịch là vì tại thủ đô, các cuộc lễ hội thâu đêm suốt sáng đang được chuẩn bị. Các cổ động viên đến ồ ạt gây ồn ào, an ninh bị siết chặt. Còn ở ngoại ô, công việc cải tạo cơ sở hạ tầng được thực hiện vội vã, bất chấp việc gây thiệt hại cho người dân do việc đền bù không thỏa đáng.
World Cup : Trung Quốc hưởng lợi
Cuối cùng, báo Le Monde khép lại mục điểm báo hôm nay với một chi tiết khá thú vị "Trung Quốc không dự World Cup, nhưng các thương hiệu hàng hóa thì có".
Le Monde cảnh báo, vào giờ nghỉ giữa các hiệp đấu, các fan hâm mộ nếu muốn thưởng thức một món kem thì phải chấp nhận cởi mở tư tưởng về ẩm thực cũng như là ngôn ngữ. Bởi vì khán giả hâm mộ có nguy cơ chỉ tìm thấy các hiệu kem của Trung Quốc, được độc quyền phân phối trong suốt mùa bóng này.
Minh Anh
Hội nghị Singapore : Trump đẩy Bắc Kinh ra bên lề hồ sơ Bắc Triều Tiên
Cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim hôm qua 12/06/2018 tại Singapore tất nhiên là đề tài chính của các báo Paris ra ngày hôm nay. Trang nhất báo chí Pháp đồng loạt đăng ảnh tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un với nhiều góc độ khác nhau.
Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un bên cạnh chiếc Boeing của Air China tại Singapore. Bộ Truyền thông và thông tin, Singapore/Handout vi
Le Monde chạy tựa "Trump-Kim, cuộc gặp lịch sử", với tấm ảnh hai ông đang bắt tay nhau, phía sau là những lá cờ của hai nước. La Croix chụp cận cảnh hơn, với câu hỏi "Một cuộc gặp thượng đỉnh, và sau đó thì sao ?". Tương tự, Le Figaro đăng ảnh ông Trump và ông Kim giơ cao văn bản đã ký kết, với dòng tựa "Sau thượng đỉnh, là lúc để đặt ra những câu hỏi". Libération nhận định "Thượng đỉnh Kim-Trump, một lịch sử mơ hồ".
Đa số bài báo đều nhấn mạnh đến kết quả còn mông lung của cuộc gặp, với cùng nhận định là Kim Jong-un đã được ông Donald Trump tặng cho một món quà quan trọng, còn phía Mỹ chẳng được gì.
Ngoài những cái bắt tay, những nụ cười và tuyên bố hữu nghị, chỉ có hai loan báo mang tính cụ thể. Một là việc phá hủy địa điểm thử nguyên tử của Bắc Triều Tiên, hai là tuyên bố ngưng các cuộc tập trận Mỹ-Hàn của ông Trump, mà không báo trước cho đồng minh Hàn Quốc. Các báo ghi nhận thậm chí tổng thống Mỹ còn gọi hoạt động tập trận này là "khiêu khích" - từ ngữ mà Bình Nhưỡng vẫn sử dụng lâu nay !
Còn lại là sự dàn cảnh nhằm đánh dấu tính chất lịch sử. Từ những lời trao đổi đầu tiên, đến việc đi dạo và giới thiệu cho lãnh đạo Bình Nhưỡng chiếc xe "Quái thú"…các phương tiện truyền thông đã trực tiếp đưa những hình ảnh liên tục năm tiếng đồng hồ. Kênh ABC còn cho ngưng chương trình truyền hình thực tế "The Bachelorette" để chiếu cái bắt tay đầu tiên giữa Donald Trump và Kim Jong-un, kéo dài 13 giây.
Hơi sớm cho "Nobel hòa bình" !
Trong bài xã luận, cây bút Arnaud De La Grange của Le Figaro cho rằng có lẽ ông Donald Trump coi sự kiện lịch sử này không khác cái bắt tay giữa Mao Trạch Đông và Richard Nixon năm 1972, và từ "ngoại giao bóng bàn" nay đã thành "ngoại giao bóng rổ". Thượng đỉnh Singapore có phải là một sự đột phá như Nixon thời đó ? Hiện chưa ai có thể khẳng định, nhưng "thỏa thuận lịch sử" lần này giống như một bản tuyên bố ý định hơn, mang tính biểu tượng nhiều hơn là thực tiễn.
Chú ý đến ý nghĩa của ngôn từ, tác giả ghi nhận, văn bản được ký kết chỉ có từ "hướng về" - về việc phi hạt nhân hóa - nhưng không có lịch trình cũng như khẳng định cụ thể. Còn những từ "toàn bộ, không thể đảo ngược và phải được kiểm tra" lại chẳng thấy đâu. Ông Trump đã trao cho Kim Jong-un rất nhiều thứ, trước hết là tư cách một nhà lãnh đạo không còn bị ruồng bỏ, nhưng phía Washington nhận lại chẳng bao nhiêu.
Danh sách những lời hứa bị chối bỏ trong quá khứ của Bình Nhưỡng rất dài, tuy nhiên có thể hiểu được. Bắc Triều Tiên không có bom nguyên tử cũng giống như Miến Điện của tập đoàn quân sự. Có nghĩa là chẳng có mấy sức nặng trên trường quốc tế. Với Kadhafi, Kim Jong-un đã cảm nhận được số phận đang rình rập các nhà độc tài không có vũ khí hạt nhân. Và với việc ông Trump quẳng hiệp định nguyên tử Iran vào sọt rác, Bắc Triều Tiên cũng thấy được giá trị các cam kết Mỹ của như thế nào, khi không còn bị hỏa tiễn đe dọa. Tác giả kết luận, có lẽ hơi sớm để đề nghị giải Nobel hòa bình cho những người bạn mới của Singapore.
Bắc Kinh sợ Bình Nhưỡng xích gần với phương Tây
Đối với thông tín viên Cyrille Pluyette của Le Figaro tại Bắc Kinh, đây là một tin tốt đẹp cho Trung Quốc, vốn bị ám ảnh bởi giả thiết Hoa Kỳ tấn công Bắc Triều Tiên khiến chế độ sụp đổ. Đất nước Triều Tiên thống nhất, đồng minh Hàn Quốc và quân đội Mỹ bỗng ở sát cạnh biên giới. Tuy nhiên các nhà quan sát vẫn tỏ ra thận trọng.
Theo nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan ở Hồng Kông : "Bắc Kinh rất sợ Bắc Triều Tiên tiến quá gần Hoa Kỳ, và giữ khoảng cách với Trung Quốc. Điều này đe dọa sự thống trị của Trung Quốc tại Đông Bắc Á". Nhà nghiên cứu Triệu Thông (Zhao Tong) ở Trung tâm Carnegie-Thanh Hoa nhận định : "Trung Quốc sẽ tiếp tục xích lại gần Bắc Triều Tiên, để Bình Nhưỡng khỏi nghiêng sang Hoa Kỳ".
Sự bùng nổ hoạt động thương mại với Bắc Triều Tiên đã kiến kinh tế vùng biên giới Trung-Triều thịnh vượng. Nhưng theo ông Cabestan : "Song song đó, Trung Quốc cũng sợ khi dành ưu tiên cho phát triển kinh tế, Bình Nhưỡng sẽ mở cửa cho Nhật Bản, Hàn Quốc và phương Tây, trở nên ít lệ thuộc hơn vào người láng giềng khổng lồ".
Le Mondeghi nhận, tuy Trung Quốc không được mời tham dự thượng đỉnh, nhưng chính là một chiếc Boeing 747 của Air China đã đưa Kim Jong-un đến Singapore. Được lọt vào ống kính toàn thế giới, logo của hãng hàng không Trung Quốc như một biểu tượng cho tình hữu nghị vừa tìm lại giữa ông anh lớn Bắc Kinh với đàn em Bình Nhưỡng.
Món quà của ông Trump cho Bắc Triều Tiên
Nhà phân tích Pierre Rigoulot trên Le Figaro nhận định : "Nhờ ông Trump mà Trung Quốc không còn là thẩm phán trong hồ sơ Bắc Triều Tiên".
Cuộc gặp Donald Trump và Kim Jong-un không đạt đến một thỏa thuận thực sự về giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên, cho dù các tuyên bố chính thức được đưa ra với giọng điệu chiến thắng. Tổng thống Mỹ muốn Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí nguyên tử "toàn bộ, không thể đảo ngược và phải được kiểm tra". Nhưng bằng cách nào ? Đem các quả bom ra khỏi lãnh thổ Triều Tiên hay vô hiệu hóa chúng, cho phép các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) vào thanh tra trên toàn quốc ?
Phía Kim Jong-un chỉ nói là kho vũ khí của mình sẽ không còn được sử dụng nếu "an ninh"Bắc Triều Tiên được bảo đảm. Tác giả đặt câu hỏi, có nên hiểu là người Mỹ sẽ phải từ bỏ liên minh quân sự với Nhật Bản và Hàn Quốc ? Seoul có phải nói không với số vũ khí của mình hay không ? Bình Nhưỡng vẫn mập mờ.
Nhưng tệ hơn nữa là bản thân các đề nghị của Mỹ đã lỗi thời. Bắc Triều Tiên nay biết chế tạo cả bom A lẫn bom H, chẳng có ủy ban kiểm soát nào tước đi được của họ kiến thức này. Bình Nhưỡng đã đạt đến ngưỡng chẳng thể quay lại. Phá hủy vũ khí hạt nhân, thì chẳng bao lâu họ lại sản xuất ra được. Không phải ngẫu nhiên mà Bắc Triều Tiên ghi trong Hiến pháp đất nước mình là cường quốc nguyên tử.
Tuy nhiên cả Donald Trump lẫn Kim Jong-un đều có lợi khi duy trì cuộc gặp ở Singapore. Đối với Bắc Triều Tiên, đây là việc "câu giờ". Với hàng loạt hành động nhằm chứng tỏ thiện chí (trả tự do cho tù nhân Mỹ, phá hủy địa điểm nguyên tử trước ống kính truyền thông, thanh trừng các cá nhân cứng rắn…), Bình Nhưỡng tránh được nguy cơ Mỹ tấn công. Tuy vậy có thể nghi ngờ là các kỹ thuật viên Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục tìm cách thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn vào hỏa tiễn.
Một lợi ích khác : Bắc Triều Tiên của Kim Jong-un được nhìn nhận là một Nhà nước quan trọng, và người đứng đầu trở thành một chính khách có thể tiếp xúc được. Bên cạnh đó, cuộc gặp Singapore còn mang lại thuận lợi về kinh tế, tài chính cho chế độ. Những người ngây thơ nghĩ đến việc đền bù thiện chí của Bình Nhưỡng, thậm chí viện trợ ; còn Nga, Trung Quốc đã ít nhiều làm ngơ cho các vụ buôn lậu ở biên giới Triều Tiên, và kêu gọi bỏ cấm vận.
Donald Trump đẩy Trung Quốc ra ngoài lề hồ sơ Bắc Triều Tiên
Còn đối với Donald Trump, từ nay nhiều người sẽ coi ông là nhân vật đã làm tiến triển tình hình, ngược với "sự kiên nhẫn chiến lược" của Obama. Nhưng đặc biệt, cuộc họp tay đôi ở Singapore đã giúp Trump bỏ Trung Quốc ra ngoài lề.
Tổng thống Mỹ lâu nay vẫn trông cậy vào Tập Cận Bình, nhưng Trung Quốc vẫn chỉ hạn chế ở những lời chỉ trích, bỏ phiếu cho trừng phạt giới hạn và áp dụng cho có lệ. Donald Trump trả thù bằng cách từ chối vai trò "thẩm phán hòa bình" của Bắc Kinh, một vai trò mà Trung Quốc vẫn đóng một cách thích chí trong các cuộc họp sáu bên thời gian qua.
Kim Jong-un tuy đã làm an tâm Bắc Kinh qua hai chuyến viếng thăm gần đây, nhưng thượng đỉnh Singapore là một sự chứng tỏ tính độc lập với nhà bảo hộ Trung Quốc. Bắc Triều Tiên với chủ nghĩa dân tộc cao độ, đã chán ngán với quan hệ chư hầu mà Trung Quốc đang duy trì với nhiều nước láng giềng khác nhau.
Tác giả kết luận, tuy không ai muốn củng cố sức mạnh một Nhà nước toàn trị, nhưng đây là sự khởi đầu đáng mừng cho nhân dân Bắc Triều Tiên cũng như thế giới. Và cũng là một trận đấu Mỹ-Trung đầu tiên, dù ít người nhận ra.
Bà Ngụy Thị Khanh, người Việt được giải Goldman môi trường 2018
Cuối cùng xin dành cho chân dung một người Việt trên báo Libération : bà Ngụy Thị Khanh, 42 tuổi, người được trao giải Goldman về môi trường năm 2018.
Bà Khanh thành lập tổ chức phi chính phủ (NGO) Green ID năm 2011, vào lúc chính phủ Việt Nam công bố kế hoạch năng lượng 2020-2030. Để đáp ứng nhu cầu tăng cao về điện năng, các chuyên gia của đảng muốn gia tăng việc sử dụng than đá và nguyên tử, còn năng lượng tái tạo chỉ chiếm tỉ lệ khiêm tốn. Green ID là một trong những NGO hiếm hoi ở Việt Nam điều tra về sự cạn kiệt năng lượng hóa thạch, và là người đầu tiên báo động "sự nguy hiểm của than đá".
Bà Khanh đấu tranh với những bằng chứng cụ thể, các xì-căng-đan ô nhiễm, liên tục tổ chức những cuộc hội thảo. Đồng thời nhắm vào những người phụ nữ trong gia đình – những bà mẹ khi hiểu được vấn đề sẽ hành động và giáo dục con cái. Đến năm 2015, một báo cáo của đại học Havard được công bố : nếu Việt Nam duy trì các dự án sử dụng than đá, mỗi năm có 20.000 người sẽ bị chết sớm. Đến đầu năm 2016, Hà Nội giảm số nhà máy nhiệt điện được xây dựng, bà Ngụy Thị Khanh kể lại, "chúng tôi đã khóc vì vui mừng".
Thụy My
Thượng đỉnh Trump – Kim : Mỹ xuống nước, Trung Quốc ló dạng ?
Tâm điểm thời sự quốc tế trên các nhật báo lớn của Pháp ngày 12/06/2018 đương nhiên vẫn là thượng đỉnh Singapore. Kết quả cuộc gặp ra sao, tác động của Trung Quốc như thế nào và tương lai nào cho nền kinh tế Bắc Triều Tiên là những mảng chủ đề được khai thác nhiều nhất.
Cái bắt tay lịch sử giữa tổng thống Mỹ, Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong-un tại Singapore ngày 12/06/2018. Reuters/Jonathan Ernst
Vào thời điểm lên khuôn các bài để chuẩn bị ra sạp ngày hôm nay, cái bắt tay lịch sử giữa Kim Jong-un và Donald Trump vẫn chưa diễn ra. Do đó, nhiều bài viết trên các nhật báo đa phần đều đưa các nhận định mang tính dự báo.
Dù vậy, các nhật báo cũng kịp đưa hình ảnh cái bắt tay lịch sử giữa tổng thống Mỹ và lãnh đạo Bắc Triều Tiên trên trang mạng của mình. Le Figaro thốt lên : "Bắt tay lịch sử giữa Donald Trump và Kim Jong-un tại Singapore". Les Echos thông báo : "Trump và Kim cam kết bước vào một kỷ nguyên mới".
Le Monde cho biết rõ hơn : "Kim Jong-un hứa một tiến trình phi hạt nhân hóa toàn diện bán đảo Triều Tiên". La Croix trưng ảnh chụp tài liệu có chữ ký của hai nguyên thủ, trích nhận xét lạc quan của tổng thống Mỹ về cuộc gặp này : "Donald Trump, cuộc gặp với Kim Jong-un là xứng đáng và có kết quả". Để giúp độc giả theo dõi dễ dàng thượng đỉnh, hầu hết trang mạng các nhật báo đều để chế độ Live, tường thuật trực tiếp, cập nhật liên tục các thông tin.
Riêng tờ báo thiên tả Libération trong số báo ra hôm nay, trên nền ảnh ghép khuôn mặt một bên là của Donald Trump và bên kia là Kim Jong-un, chạy tít lớn : "Thượng đỉnh Trump – Kim, Lịch sử và Cuồng loạn, hãy chọn ô đúng".
Lịch sử bởi vì sự kiện mang lại hy vọng chấm dứt "gần 70 năm đối đầu giữa Washington và Bình Nhưỡng" như tựa một bài viết trên Le Figaro và La Croix. "Cuồng loạn" vì đây là một thượng đỉnh giữa hai nhân vật đều có tính khí khó đoán khó lường.
Cuộc họp thượng đỉnh này là kết quả sau nhiều tháng chửi rủa và dọa dẫm lẫn nhau, để rồi giờ đây lại ngồi tươi cười bắt tay. Libération chơi chữ Fol Amour (nếu viết dính liền là tên một nhân vật trong phim Folamour) đặt câu hỏi : "Trump – Kim : Tình yêu điên loạn tại Singapore ?".
Phi hạt nhân hóa : Hoa Kỳ đổi ý ?
Trước khi hai lãnh đạo Mỹ và Bắc Triều Tiên đặt bút ký một tài liệu, hầu hết các tờ báo Pháp đều dự báo kết quả cuộc hẹn này là "mù mờ". Bởi vì, theo Le Monde, tổng thống Mỹ đang lao vào một cuộc "phiêu lưu ngoại giao".
Ngay từ đầu vụ việc, Donald Trump không đi theo một quy ước ngoại giao nào. Ông bất ngờ nhận lời mời gặp của lãnh đạo Bắc Triều Tiên, do đặc sứ Hàn Quốc chuyển đến. Tổng thống Mỹ đoạn tuyệt với các phương pháp ngoại giao truyền thống, ông bỏ qua mọi hình thức cẩn trọng và ông đã hành động cũng như ra quyết định theo bản năng của mình.
Trong khi đó, lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã khôn khéo sử dụng "quyền lực mềm" của mình. Les Echos trong bài viết đề tựa "Kim Jong-un và Donald Trump trình làng một cuộc hẹn ngoạn mục với kết quả bất định" có nhận định rằng "Kim Jong-un sẽ không tỏ ra mềm mỏng trong các cuộc đối thoại với Donald Trump".
Nhận xét này được minh chứng bằng việc ngoại trưởng Mỹ trong chiều tối thứ Hai 11/06 cho biết là "thượng đỉnh thật ra chỉ là màn khởi động một tiến trình đàm phán dài hơn rất nhiều". Nhằm có thể mang lại ấn tượng thành công cho thượng đỉnh, các đoàn đàm phán hai bên chỉ trong vòng có hai tháng đã phải gặp nhau 7 lần.
Từ lâu luôn tỏ ra "bất di bất dịch", Hoa Kỳ giờ hiểu rằng Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ chấp nhận nguyên tắc phi hạt nhân hóa toàn diện, có thể kiểm chứng và ngay lập tức kho vũ khí hạt nhân của mình, như đòi hỏi ban đầu của tổng thống Mỹ.
Về điểm này, ông Mathieu Duchâtel, chuyên gia địa chính trị trên nhật báo Le Monde còn bồi thêm rằng "Hoa Kỳ không còn chọn lựa nào khác là phải chấp nhận lô-gic của Bắc Triều Tiên". Nghĩa là mỗi một sự nhượng bộ sẽ được đáp trả bằng một nhân nhượng tương tự. Như vậy, mới có hy vọng giảm bớt sự nghi kỵ hiện vẫn đang đe dọa một sự trật rày cho thành quả mong manh hiện nay.
Trung Quốc và thượng đỉnh Singapore : "Tuy không mà có"
Cũng liên quan đến thượng đỉnh Singapore, Le Figaro có nhận định "Bóng dáng các bên vắng mặt bao trùm thượng đỉnh". Đó chính là những nước còn lại có tham gia đàm phán sáu bên : Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy không có mặt, nhưng những nước này đang nỗ lực vận động hành lang nhằm bảo vệ các lợi ích của mình.
Do vậy, Trung Quốc của Tập Cận Bình đã hào phóng cho Bắc Triều Tiên mượn chuyên cơ để đến Singapore. Vladimir Putin thì vội vã gởi ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đến Bình Nhưỡng, đồng thời mời lãnh đạo Bắc Triều Tiên đến thăm Nga nhân diễn đàn kinh tế vào tháng 9/2018.
Thủ tướng Nhật Bản lo ngại cho lợi ích đất nước bị tổng thống Trump bỏ qua tuyên bố sẵn sàng mặt đối mặt với Kim Jong-un. Tổng thống Hàn Quốc lo ngại chiến tranh xảy ra tìm cách giữ hòa khí giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên.
Về phần mình, Les Echos nói thẳng : "Tuy vắng mặt tại thượng đỉnh Singapore, nhưng Trung Quốc vẫn nắm trong tay nhiều lá bài". Bị bất ngờ trước sự xích lại gần ngoạn mục giữa Bình Nhưỡng và Washington, Bắc Kinh đã nhanh chóng sửa sai. Điều này được thể hiện rõ qua hai lần chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bất ngờ tiếp lãnh đạo Kim Jong-un.
Les Echos trích phân tích của chuyên gia Jean-Pierre Cabestan, giáo sư đại học Hồng Kông cho rằng trên bình diện địa chính trị, một thế cân bằng mới trên bán đảo Triều Tiên trên cơ sở phi hạt nhân hóa và phi quân sự có thể là sẽ rất lâu và từ từ. Do đó, Trung Quốc có đủ thời gian để bảo vệ các lợi ích của mình.
Hơn nữa, Trung Quốc còn có một khả năng gây ảnh hưởng mạnh về mặt kinh tế. 90% trao đổi ngoại thương của Bắc Triều Tiên đều thông qua Trung Quốc. Do vậy, "mọi thủ tục trừng phạt Bắc Triều Tiên cũng phụ thuộc vào nước này", ông Jean-Pierre Cabestan cho biết tiếp.
Cuối cùng, Trung Quốc cũng muốn là một bên tham gia, nếu như có ký kết một hiệp định hòa bình theo đúng nghĩa trong thời gian sắp tới, với tư cách là một đồng minh lâu đời và là quốc gia từng tham gia ký kết hiệp định đình chiến 1953.
Kinh tế : Bắc Triều Tiên chưa thể là một "Việt Nam mới"
Liên quan đến lĩnh vực kinh tế, Les Echos có bài viết đề tựa "Kinh tế Bắc Triều Tiên vật vã thức tỉnh".
Theo giải thích của nhật báo kinh tế, trữ lượng khoáng sản (ít nhất là 200 mỏ) của Bắc Triều Tiên là dồi dào, nhất là nguồn đất hiếm, rất cần cho các tập đoàn công nghệ cao. Thế nhưng, do thiếu thốn phương tiện, công nghệ, kỹ thuật, mạng lưới vận chuyển và điện năng, nên Bình Nhưỡng không có khả năng khai thác các nguồn tài nguyên đó.
Ngoài khoáng sản, ngành nông nghiệp hay nguồn nhân công giá rẻ của Bắc Triều Tiên vẫn còn bị bỏ ngỏ. Les Echos cho rằng Bình Nhưỡng không thể nào làm một cú nhảy vọt như Việt Nam do việc triển khai các nguồn lực này phải được tiến hành một cách từ từ.
Hơn nữa, theo nhật báo, để có thể thu hút đầu tư nước ngoài, Bình Nhưỡng phải tiến hành cải cách sâu rộng bộ máy chính trị và kinh tế, được cho là đầy nguy hiểm đối với chế độ. Về điểm này, ông Ian Bennett, chuyên viên tin học, từng có thời gian đến thuyết giảng về công ty khởi nghiệp tại Bình Nhưỡng cho rằng : "(…) Nhịp độ cải cách kinh tế phải được tuân thủ sao cho bảo đảm được sự bình ổn chính trị".
Minh Anh
Thượng đỉnh Mỹ - Triều : "Trận đấu thế kỷ"
Thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều là chủ đề trang nhất của nhiều nhật báo Pháp.
Hình vẽ châm biếm Donald Trump và Kim Jong-un tại một khách sạn ở Singapore.© Reuters
"Thượng đỉnh đầy rủi ro", tựa của Le Figaro, La Croix hy vọng một "thượng đỉnh vì lịch sử". Les Echos dành hồ sơ chính cho cuộc thượng đỉnh được đánh giá là "mang tính biểu tượng", hơn là đưa ra được các cam kết thực sự. Thái độ sớm nắng chiều mưa của tổng thống Mỹ với G7, chính phủ Pháp bị chỉ trích ngả sang hữu cũng là các chủ đề lớn khác.
Trước hết về thượng đỉnh Mỹ - Triều, tổng thống Mỹ - từng bị Kim Jong-un gọi là "lão già lẩm cẩm" và lãnh đạo Bắc Triều Tiên bị Donald Trump kêu là "thằng nhóc béo phệ" cách đây ít tháng - sẽ gặp nhau ngày mai trong cuộc thượng đỉnh chính thức, mà nhiều người kỳ vọng sẽ tìm ra một giải pháp hòa bình cho khu vực Đông Bắc Á. Le Figaro mô tả thượng đỉnh này như một "trận đấu thế kỷ", có thể so với một trận "vô địch quyền anh hạng nặng", đầy rủi ro.
Đảo quốc sư tử Singapore, nơi được chọn là điểm đăng cai của cuộc đấu thế kỷ này cũng tỏ ra xứng tầm. An ninh được kiểm soát nghiêm ngặt. Khoảng 5.000 nhà báo trên toàn thế giới đổ về đảo quốc hơn 5 triệu dân. Hai đấu thủ đã có mặt tại chỗ hai ngày trước khi diễn ra cuộc chạm trán. Công chúng không biết họ có gặp nhau không chính thức trong thời gian chờ đợi hay không. Điều này cũng không thể loại trừ do tính "thích gây bất ngờ" của Trump và Kim.
Tuy nhiên, trận đấu Trump – Kim không phải là một cuộc tranh tài thông thường, mà vấn đề là "chiến tranh hay hòa bình". Và kết quả không hẳn đã là kẻ thắng, người thua. Le Figaro lần lượt đưa ra đánh giá về một số điểm mạnh và điểm yếu của hai đối thủ trước cuộc đấu quyết định ngày mai, và tìm cách giải mã toan tính sâu xa của tổng thống Mỹ.
Trước hết, về phía Mỹ, chính quyền Trump từ chỗ đòi hỏi Bắc Triều Tiên phải "phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược", đến chỗ tỏ ý chấp nhận là một thỏa thuận cụ thể sau cuộc gặp mặt 12/06 không phải là điều được trông đợi. Tuy nhiên, nếu không có một tuyên bố chung với các điều khoản có nội dung chính xác, sẽ khó mà nói là cuộc thượng đỉnh với Kim Jong-un là "một thành công ngoại giao" với tổng thống Mỹ.
Hai bên cũng có thể kéo dài "màn diễn" bằng cách mời nhau qua lại. Kim đến Nhà Trắng và Trump đến Bình Nhưỡng, và một tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh có thể sẽ được đưa ra trong dịp thượng đỉnh Singapore. Thế nhưng vấn đề tranh chấp chủ yếu giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên, theo Le Figaro, là hệ thống vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Chiến thuật gậy ông đập lưng ông ?
Theo Le Figaro, ông chủ trẻ của Bình Nhưỡng tỏ ra là một nhà ngoại giao tài ba, với nhiều khả năng quyến rũ người khác, được thừa hưởng từ người mẹ, vốn là một vũ nữ. Trong lĩnh vực này, tổng thống Mỹ rất có thể đã đánh giá quá cao "tài năng thương lượng" và "tố chất ngoại giao" của bản thân, và coi nhẹ việc chuẩn bị kỹ càng trong những vấn đề căn bản, với khẳng định : "thái độ, quyết tâm thay đổi mới là điều chính yếu".
Tuy nhiên, tính toán sâu xa của Donald Trump, theo Le Figaro, là đạt kết quả bằng cách "đảo ngược các luật chơi truyền thống". Tổng thống Mỹ đã mang lại cho lãnh đạo Bắc Triều Tiên "tính chính đáng", nhờ cuộc đối thoại ngang hàng với Hoa Kỳ, điều mà cả cha và ông của Kim Jong-un đã không có được. Với Donald Trump, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tìm thấy được một đối tác "sẵn sàng thảo luận về mọi thứ". Điều này vừa mang lại lợi thế, nhưng cũng có thể gây nhiều bất lợi cho Kim Jong-un.
Bài nhận định của Le Figaro kết luận với nhận xét của Soo Kim, một nhà phân tích, từng làm việc cho CIA. Theo đó, tổng thống Mỹ đang "sử dụng chính các chiến thuật thương lượng của Bắc Triều Tiên", có nghĩa là liên tục thay đổi lập trường, và điều này có thể khiến đối phương chao đảo.
"Vì hòa bình cho Châu Á"
Bài "Thượng đỉnh lịch sử vì hòa bình cho Châu Á" của báo công giáo La Croix đặt hy vọng nhiều vào cuộc gặp Trump – Kim, với nhận định : "số phận của toàn bộ khu vực Bắc Á phụ thuộc vào thành công hay thất bại của cuộc gặp, được hy vọng sẽ chấm dứt" lò lửa cuối cùng của thời Chiến tranh Lạnh. Hai vấn đề chủ yếu của thượng đỉnh này mà La Croix chú ý là "thỏa thuận hòa bình" và "vấn đề phi hạt nhân hóa".
Thỏa thuận hòa bình cho phép Mỹ và Bắc Triều Tiên mở văn phòng liên lạc và có thể là sứ quán tại Bình Nhưỡng và Washington, và đây là dấu hiệu khởi đầu cho sự kết thúc Chiến tranh Lạnh. Về "phi hạt nhân hóa", La Croix đặt hy vọng vào việc Bình Nhưỡng chấp nhận giải trừ vũ khí hạt nhân theo từng giai đoạn, đổi lại việc bảo đảm an ninh, và các biện pháp trừng pháp của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc được dỡ bỏ dần dần.
Tờ báo công giáo không quên nhấn mạnh đến vấn đề nhân quyền, bởi Bắc Triều Tiên là nơi có ít nhất 80.000 đến 120.000 tù nhân chính trị, nhưng với dấu hỏi, bởi có rất ít khả năng là lãnh đạo Mỹ, người sẵn sàng bắt tay một kẻ độc tài, sẽ đề cập đến vấn đề này trong dịp thượng đỉnh.
Thượng đỉnh cho phép "trở lại nguyên trạng"
Về thượng đỉnh Trump-Kim, Les Echos đưa ra một cái nhìn dè dặt hơn nhiều. Bài "Donald Trump và Kim Jong-un bỏ sang một bên các bất đồng" ghi nhận : phần lớn các cường quốc Châu Á đều hoan nghênh một cuộc thượng đỉnh cho phép "trở lại nguyên trạng", tức là trước khi tổng thống Donald Trump gia nhập cuộc chơi chính trị quốc tế. Cụ thể là sẽ không có cam kết gì "cụ thể" về việc Bình Nhưỡng giải trừ vũ khí hạt nhân.
Tuyên bố chung được đưa ra chủ yếu sẽ mang tính biểu tượng, với mục tiêu phi hạt nhân hóa "chung chung". Với tuyên bố chung này, tổng thống Mỹ có thể hô vang "chiến thắng" trước cử tri Hoa Kỳ.
Theo Les Echos, chưa cần đợi đến kết quả thượng đỉnh, Trung Quốc và Hàn Quốc đã sẵn sàng từ bỏ các trừng phạt quốc tế chống lại Bình Nhưỡng, nối lại các hoạt động hợp tác. Chỉ có Nhật Bản là hết sức nghi ngờ về kết quả thượng đỉnh, với Tokyo, chính sách của tổng thống Mỹ làm "tan vỡ sự đoàn kết của quốc tế" trước Bắc Triều Tiên, trong khi chế độ độc tài không thay đổi mảy may.
Mỹ : Bắc Triều Tiên là quan tâm hàng đầu của cử tri Cộng Hòa
Cũng Les Echos có bài phân tích thú vị khác về mối quan hệ giữa vấn đề Bắc Triều Tiên và tình hình chính trị nội bộ của nước Mỹ. Bài "Kẻ thù hàng đầu" nêu lên một thực tế là Bắc Triều Tiên là "một ám ảnh lâu đời" của nước Mỹ, nhất là kể từ khi bị tổng thống G. Bush liệt vào Trục Tội Ác năm 2002 (bao gồm ba quốc gia bị nghi là sở hữu vũ khí giết người hàng loạt. Hai nước còn lại Iran, Iraq, của nhà độc tài Hussein trước đây). Theo các thăm dò dư luận liên tục từ đó đến nay, Bắc Triều Tiên luôn luôn là quốc gia bị người Mỹ "ghét nhất", vượt xa Nga, Trung Quốc hay Iran.
Đối với đông đảo chính trị gia phe Cộng Hòa, Bắc Triều Tiên còn bị coi là "nguy cơ lớn nhất" của đất nước. Theo một thăm dò dư luận mới đây, vấn đề Bắc Triều Tiên – quốc gia sở hữu vũ khí nguyên tử - được coi là chủ đề quan tâm hàng đầu của cử tri Cộng Hòa, trong tranh cử Quốc Hội giữa kỳ tháng 11 tới, vượt lên trên cả vấn đề nhập cư hay việc làm, vốn là các vấn đề sát sườn của dân Mỹ.
Tuy nhiên, trên thực tế, người Mỹ rất ít biết đến Bắc Triều Tiên. Chỉ có 36% dân Mỹ có thể xác định vị trí của quốc gia này trên bản đồ thế giới, theo điều tra của Morning Consult. Thực ra việc thiếu hiểu biết địa lý không chỉ riêng với Bắc Triều Tiên. Theo một điều tra khác, khoảng 60% người Mỹ không biết rõ Iraq ở đâu, hay chỉ có 50% biết được vị trí chính xác của tiểu bang New York.
Điều đáng chú ý là trong thời gian gần đây, báo chí và các chính trị gia Mỹ thường xuyên truyền đi thông điệp là, cứ một tháng rưỡi, Bắc Triều Tiên lại sản xuất được một trái bom hạt nhân, và đến giữa 2020, Bắc Triều Tiên sẽ có một hệ thống vũ khí hạt nhân có thể tấn công nước Mỹ.
Trump mở ra kỷ nguyên "vô cùng bất trắc"
Trong lúc kết quả thượng đỉnh Mỹ - Triều là một dấu hỏi lớn, thì thái độ của tổng thống Mỹ đối với các đồng minh G7 là điều đã rõ ràng. Theo Les Echos, "thái độ lá mặt lá trái của Trump với G7 mở ra một kỷ nguyên vô cùng bất trắc".
Les Echos đưa độc giả trở lại với ba ngày đàm phán căng thẳng trước quyết định bất ngờ của tổng thống, rút khỏi tuyên bố chung với 6 đồng minh G7. Chữ ký chưa ráo mực. Từ chiếc phi cơ đặc biệt của tổng thống "Air Force One", Donald Trump đã đưa ra quyết định rút khỏi Tuyên bố G7, mà ông ta vừa đặt bút ký trước đó vài giờ.
Trước khi lên máy bay đi Singapore, tổng thống Trump thậm chí còn ca ngợi thành công của cuộc thượng đỉnh, vốn được dự đoán là sẽ hết sức gay go. Điều trực tiếp khiến tổng thống Mỹ nổi giận là nhận định của thủ tướng Canada, trong cuộc họp báo cuối cùng, ông Trudeau đã nhắc đến các biểu thuế quan "mang tính sỉ nhục" của Washington, về thép và nhôm, đối với Châu Âu và Canada. Donald Trump lên án lãnh đạo Canada là "hèn nhát và bất lương".
Trên thực tế, hội nghị của khối G7 đã chuyển thành cuộc họp khối 6 nước tìm mặt trận chung để đối phó với các chính sách độc đoán và khó lường của tổng thống Mỹ.
Báo chí Pháp có hàng loạt bài phân tích về chính sách kinh tế "khó hiểu" chính quyền Trump. Les Echos tố cáo tổng thống Mỹ đang tiếp tục "ném cát" lung tung, làm tắc nghẽn cỗ máy kinh tế toàn cầu.
Đối mặt với thái độ đầy bất trắc của Washington, các quốc gia trụ cột của Châu Âu dường như đang siết chặt hàng ngũ. Vẫn theo Les Echos, Pháp và Đức đang trên đường đi đến một lập trường chung về chính sách thuế khóa của Liên Âu. Theo nhiều nguồn tin, ngày 19/06 tới, ủy ban hỗn hợp các bộ trưởng Pháp và Đức sẽ phải ra được một thỏa thuận chung trong lĩnh vực này, làm cơ sở cho các thương lượng tiếp theo về cải cách tài chính của khối.
Pháp : Macron bị phê phán "ngả sang hữu"
Tranh luận dữ dội về chính sách ngả sang hữu của tổng thống Macron là chủ đề chính khác của Le Monde, Libération và Les Echos.
Chính sách xã hội của tổng thống Pháp tiếp tục trở thành tâm điểm thời sự, sau khi ba kinh tế gia, vốn là cộng sự của Emmanuel Macron, đã gửi một bản nhận xét đến Phủ tổng thống, theo yêu cầu của chính điện Elysée. Trong bản nhận xét, mà báo Le Monde có được trong kỳ nghỉ cuối tuần này, ba người cộng sự của tổng thống Pháp bày tỏ lo ngại là các cải cách của tổng thống hiện nay chỉ có lợi cho "các thành phần khá giả nhất".
Thông điệp của ba kinh tế gia được đưa ra đúng vào một thời điểm nhạy cảm, khi chính phủ Pháp đang chuẩn bị cho ngân sách 2019. Nhiều người lo ngại là chi phí cho các biện pháp giảm nghèo, hay các chính sách công khác sẽ bị cắt giảm mạnh. Theo Libération, chính phủ Pháp đang ngày càng bị giằng xé giữa hai xu hướng, một bên là các bộ trưởng phụ trách kinh tế, quan tâm đặc biệt đến việc cắt giảm chi tiêu công, và bên kia là các cơ quan phụ trách những vấn đề xã hội, có quan điểm là cắt giảm không được gây hại cho người nghèo.
Trọng Thành
Thượng đỉnh Trump-Kim : Mục tiêu kiếm phiếu của Tổng thống Mỹ ?
Trong những nhân vật được các tạp chí Pháp tuần này chú ý nhất phải kể trước tiên là tổng thống Mỹ Donald Trump, với hồ sơ lớn bên trong và hình ảnh chiếm trọn trang bìa L’Express và tuần báo Anh The Economist.
Mề đay lưu niệm thượng đỉnh Kim Jong-un-Donald Trump tại Singapore ngày 12/06/2018. Reuters
Tạp chí Courrier International không dành trang bìa cho tổng thống Mỹ, nhưng lại dành bài xã luận cho sự kiện ông sắp tham gia hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 12/06/2018. Mang tựa đề "Ngoại giao bầu cử của Donald Trump", bài viết nêu bật tính toán hơn thiệt của tổng thống Mỹ.
Bài viết nhận định một cách châm biếm : Cách nay không đầy một năm, Donald Trump còn gọi Kim Jong-un là "gã tên lửa thấp bé" và hứa hẹn "khói lửa và cuồng nộ". Nhưng giờ đây thì cả hai lãnh đạo với kiểu tóc kỳ lạ hầu như đã làm lành với nhau và sẵn sàng đến Singapore vào ngày 12/06/2018 cho một thượng đỉnh lịch sử.
Theo Eric Chol, tác giả bài viết, nhiều câu hỏi quan trọng vẫn chưa có lời giải – Mỹ muốn được gì ? Bình Nhưỡng và Washington có cùng định nghĩa về ‘phi hạt nhân hóa’ hay không ? Liệu họ có sẽ đề cập đến sự hiện diện của lính Mỹ ở bán đảo hay không ? Và một câu hỏi khác : Ai sẽ trả tiền khách sạn cho Kim Jong-un ở Singapore ? Thế nhưng dù gì chăng nữa thì triển vọng cuộc gặp thực sự diễn ra là một tin thật tốt lành cho hai nước Triều Tiên, cho các láng giềng Châu Á của họ và cho sự ổn định của thế giới.
Hòa bình ở bán đảo Triều Tiên vẫn không bằng America First
Có điều bài viết cảnh báo, đừng nên sai lầm khi cho là ông Trump đã từ bỏ khẩu hiệu "Nước Mỹ trước tiên". Vì đối với ông, hòa bình ở Thái Bình Dương chẳng là gì cả.
Khi bay đến Châu Á trên chiếc Air Force One, trong đầu của ông Trump là một cuộc hẹn khác quan trọng hơn nhiều : cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống tại Mỹ vào tháng 11 tới đây. Ông Donald Trump tin chắc là một "thỏa thuận" với Bắc Triều Tiên sẽ làm tăng uy tín của ông với cử tri đảng Cộng Hòa.
Từ đầu năm, chủ nhân Nhà Trắng đã bắt đầu hành động hầu duy trì được đa số hạn hẹp của ông ở Thượng Viện. Và mục tiêu khó khăn này bắt đầu cho thấy là khả thi, một điều đáng buồn cho đảng Dân Chủ và cựu tổng thống Barack Obama, người đã thua cả hai kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Đối với Donald Trump, người luôn luôn muốn phục thù, kết quả mà ông thực sự chờ đợi qua chính sách ngoại giao rất đặc biệt này là số lượng phiếu – và người đắc cử của phe ông vào tháng 11 tới đây.
Thượng đỉnh Trump-Kim, mối đau đầu của Singapore
Cũng liên quan đến thượng đỉnh Mỹ-Triều, Courrier International đã ghi nhận là thách thức đối với các nhà tổ chức cuộc họp, là làm sao cư xử bình đẳng đối với cả hai lãnh đạo Mỹ và Bắc Triều Tiên, nổi tiếng với tính khí thất thường. Theo tuần báo Pháp, nước chủ nhà Singapore đang phải chịu sức ép rất lớn vì phải tổ chức sự kiện một cách gấp rút và tôn trọng một danh sách dài của các nghi thức lễ tân.
Theo nhật báo Singapore The Straits Times, vấn đề cần thiết đầu tiên là tìm được một phòng hội nghị với hai lối vào, vì với cuộc gặp song phương, "hai lãnh đạo không thể bước vào phòng theo cùng một cửa, vì không thể tạo ra cảm giác là người vào trước đợi người vào sau".
Đại sứ Singapore Ong Keng Yong đã giải thích với tờ báo rằng vai trò của Singapore trong sự kiện trọng đại này chỉ là "cung cấp một khung cảnh yên lành, an ninh và có hiệu quả". Một nhà ngoại giao khác nói thêm : "Chúng tôi chỉ bưng trà và rót cà phê mà thôi".
Tuy nhiên vấn đề không đơn giản vì mọi chi tiết đều quan trọng. Như tờ Straits Times nhắc lại : tổ chức một sự kiện như thế này chỉ trong mươi ngày thôi là một thách thức rất lớn, trong lúc thường khi phải mất 6 tháng hay một năm, và "vấn đề lễ tân không phải là chuyện qua loa, nó có thể khiến một cuộc gặp thượng đỉnh thất bại hay thành công".
Vấn đề là làm sao hai lãnh đạo phải được đối xử bình đẳng, và công việc bắt đầu ngay từ ở sân bay. Để che giấu sự không cân xứng giữa chuyên cơ Air Force One của tổng thống Mỹ và máy bay của lãnh đạo Bắc Triều Tiên, các nhà báo theo dõi sự kiện sẽ không được đến tận sân bay mà chỉ đến buổi tiếp đón chính thức. Mặt khác cũng phải bảo đảm là Kim Jong-un có được một chiếc xe hơi cùng tầm cỡ với chiếc xe của Donald Trump đưa từ Mỹ sang.
Đối xử đồng đều rất quan trọng này cũng là một trong những lý do mà khách sạn Marina Bay Sands dự tính lúc ban đầu, cuối cùng đã không được chọn.
Báo The Straits Times giải thích : Đây là khách sạn của một người Mỹ, Sheldon Adelson, một người bạn của ông Trump, và tổ chức thượng đỉnh ở đây sẽ không có vẻ trung lập và bình đẳng. Và không một lãnh đạo nào có thể cư ngụ tại nơi diễn ra hội nghị, tránh tạo cảm nhận đó là bên chủ.
Cho nên ông Donald Trump sẽ ở khách sạn Shangri-La, còn ông Kim Jong-un ở Fullerton và cuộc gặp giữa hai người diễn ra tại khách sạn Capella trên đảo Sentosa.
Ai trả tiền khách sạn cho đoàn Bắc Triều Tiên ?
Một yếu tố nhức đầu khác là chi phí khách sạn cho đoàn Bắc Triều Tiên.
Tạp chí Courrier trích dẫn tờ báo Mỹ The Washington Post đã nêu lên vấn đề tiền nong này. Theo tờ báo Mỹ, thì Bắc Triều Tiên "yêu cầu một nước ngoài trả tiền phòng ở khách sạn Fullerton mà họ đã chọn", giá là 6.000 đô la một đêm. Mỹ cho biết sẵn sàng trả nhưng "Bình Nhưỡng có thể xem đó là một sự sỉ nhục".
Tạp chí còn trích dẫn báo Nhật Nihon Keizai Shimbun đã gợi ý là có thể Seoul sẽ chi trả, vì như tờ báo nhắc lại : "Đây không phải là lần đầu tiên mà Bắc Triều Tiên yêu cầu một nước khác đài thọ cho việc họ tham gia một sự kiện quốc tế. Nhân Thế Vận Hội mùa đông Pyeongchang, tháng 2/2018, chẳng hạn, Hàn Quốc đã chi trả mọi thứ cho đoàn Bắc Triều Tiên".
Một tờ báo Nhật khác, tờ Asahi Shimbun thì nhắc lại là Nhóm Chiến Dịch Quốc Tế Chống Hạt Nhân (ICAN) đoạt giải Nobel Hòa Bình 2017, cũng đã tỏ ý muốn gánh vác tiền khách sạn cho đoàn Bắc Triều Tiên, nếu việc này đóng góp cho tiến trình phi hạt nhân hóa thế giới.
Tóm lại, chỉ có mỗi tiền khách sạn không đã là mối đau đầu, và như tờ The Straits Times ghi nhận, vấn đề gay cấn nhất trong thượng đỉnh này chính là "cá tính khó lường" của cả hai nhân vật lãnh đạo đối diện nhau.
Tờ báo trích dẫn Alan Chong, trường quan hệ quốc tế Singapore S. Rajaratnam nhận định : "Hai người có thể - giống như một chiến thuật đàm phán - không đi theo lộ trình vạch sẵn… Đó là một thách thức đối với mọi nghi thức lễ tân nhuần nhuyễn. Phía Singapore bị buộc phải đi theo, và phải dự kiến không chỉ một kế hoạch B, mà cả kế hoạch C và D nữa".
Trump, Mister No Limit
Tuần báo Pháp L’Express không ngần ngại đưa ảnh tổng thống Mỹ ngay trên trang bìa, kèm theo tựa lớn đầy nghi ngại : "Trump, những gì ông ấy chuẩn bị cho chúng ta". L’Express đã liệt kê nào là chiến tranh thương mại, Bắc Triều Tiên, nào là FBI, hạt nhân… Tổng thống Mỹ can thiệp vào đủ mọi lãnh vực.
Hồ sơ lớn dài 14 trang bên trong của L’Express mang tiểu tựa tiếng Anh "Trump, Mister No Limit", tạm dịch là "Trump, nhân vật vô giới hạn", đã phân tích điều mà tờ báo cho là hai mục tiêu rõ rệt của tổng thống Mỹ.
Đặc phái viên tuần báo L’Express tại Mỹ nhận định : "Ông Trump tạo ra rất nhiều huyên náo, ông ấy có vẻ rất lung tung và điều hành việc nước bằng cách gây xáo trộn. Thế nhưng đừng tưởng lầm. Ông Trump có hai mục tiêu rõ rệt trong đầu : Các cuộc bầu cử vào tháng 11 tới đây, và cuộc điều tra của cơ quan FBI mà ông muốn phá hủy hoàn toàn".
Đối với L’Express, trong khi cả thế giới chú tâm vào vở kịch Triều Tiên, vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ chỉ có duy nhất một ý tưởng trong đầu là giúp phe của ông tiếp tục chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp giữa kỳ, bao gồm việc thay đổi một phần ba Thượng Viện (gồm tổng cộng 100 thượng nghị sĩ) và bầu lại toàn bộ 435 dân biểu Hạ Viện.
Kết quả sẽ cực kỳ quan trọng vì nếu đảng Dân Chủ đánh bại đảng Cộng Hòa trong cả hai viện Quốc hội (một công việc khó khăn nhưng không phải là không làm được), thì con đường sẽ được mở ra cho các thủ tục tố tụng có khả năng dẫn đến việc truất phế tổng thống.
Theo L’Express, để thắng lợi, tổng thống Mỹ vẫn có thể dựa trên ít nhất là ba thành phần ủng hộ viên chính : Giới truyền giáo Tin Lành, giới ủng hộ súng ống và các thành phần triệt để chống nhập cư.
Trump, kẻ phá hủy nền ngoại giao thế giới
Nếu tạp chí Pháp L’Express chú ý đến chiến lược đối nội của tổng thống Mỹ Donald Trump, thì tuần báo Anh The Economist nêu bật trên trang bìa "Chính sách ngoại giao của Mỹ" - mà cụ thể là của ông Trump.
Minh họa cho trang bìa là hình vẽ tổng thống Mỹ đánh đu bên trên một quả địa cầu được dùng như một quả tạ để phá tường. Trong bài xã luận mang tựa đề "Demolition man - Kẻ đập phá", The Economist giải thích rằng lý thuyết phá vỡ để xây mới mà ông Trump đang áp dụng vào chính sách đối ngoại sẽ không thành công.
Tạp chí Anh trước hết tưởng tượng ra một số sự kiện tương lai : Vào tuần tới đây tại Singapore, tổng thống Donald Trump và Kim Jong-un kết thúc thắng lợi cuộc gặp thượng đỉnh với cam kết xóa sạch vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Vài ngày sau, Mỹ và Trung Quốc lùi bước trong chiến tranh thương mại, hứa hẹn giải quyết bất đồng. Và trong mùa hè, nhờ tác động của lệnh trừng phạt của Mỹ, đường phố Iran nổi lên lật đổ được chế độ.
Đó sẽ là những thành quả gây ấn tượng đối với bất kỳ tổng thống Mỹ nào. Đối với một người rất tự đắc với việc phá vỡ mọi cấm kỵ trong ngoại giao, những thành quả đó quả thật đáng khen ngợi. Nhưng liệu đó có phải là thành quả hay không ? Và khi mà ông Trump tìm cách đạt các kết quả đó bằng cách dùng quả tạ đánh vào các đồng minh và các định chế toàn cầu, thì lợi và hại sẽ như thế nào đối với Mỹ và thế giới ?...
Đối với The Economist, ông Trump đã đánh giá quá thấp các thiệt hai đến từ chủ trương "phá bỏ" của ông, và nếu "bậc thầy trong thương lượng" đánh giá thấp những điều ông từ bỏ như thế, thì làm sao ông có thế mặc cả tốt một thỏa thuận cho người dân của ông ? Ông coi thường hệ thống thương mại thế giới cũng như đồng minh, do vậy ông sẵn sàng dẹp bỏ các thứ đó để đánh đổi với những lời hứa trống rỗng là sẽ giảm bớt thất thu song phương.
Điều đó, theo The Economist, có thể dẫn đến sự trả đũa. Iran có thể khởi động lại chương trình hạt nhân, ho làm theo chiến lược của Bắc Triều Tiên là trang bị vũ khí trước khi nói chuyện. Ông Trump có thể làm quà cho ông Kim, giảm nhẹ trừng phạt để đánh đổi lấy việc Bình Nhưỡng bỏ hỏa tiễn đạn đạo tầm xa. Điều này có thể bảo vệ nước Mỹ (và dĩ nhiên là tốt hơn chiến tranh), nhưng lại đặt đồng minh Châu Á trong mối hiểm họa hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Trong tình thế đó, đối với tuần báo Anh, triển vọng thấy rõ : Ngày nay là Nước Mỹ Trước Tiên (America First), nhưng về lâu về dài đó sẽ là Nước Mỹ Cô Độc (America Alone).
Những điều bí ẩn ở Bình Nhưỡng
Dưới tựa đề "Những bí ẩn ở Bình Nhưỡng", tạp chí Pháp Le Point giới thiêu quyển sách mà tạp chí xem là "một viên ngọc" mà tổng thống Trump nên đọc trước khi gặp Kim Jong-un vào ngày 12 tới đây.
Đó là quyển "La Piste Kim -Voyage au cœur de la Corée du Nord" (Đường mòn Kim, - Cuộc du hành vào trung tâm Bắc Triều Tiên). Quyển sách dày 300 trang, nhà xuất bản Equateurs phát hành, mà tác giả Sebastien Faletti, là thông tín viên của Le Point ở Châu Á.
Theo tác giả bài giới thiệu, thì nhà báo Faletti đã tiết lộ tất cả những bí mật của gia đình Kim Jong-un, như câu chuyện về bà mẹ của Kim Jong-un, một diễn viên múa ballet, sinh ra ở Nhật Bản, hay chuyện thời Kim Jong-un còn ở Thụy Sĩ, và nhất là những màn đấu đá, phản bội, thanh trừng ở Bình Nhưỡng, qua đó tìm hiểu do đâu chế độ này có thể đứng vững như thế.
Faletti đã qua lại Bắc Triều Tiên nhiều lần, đã ở 10 năm ở Hàn Quốc, và hiện là một chuyên gia về địa chiến lược, phân tích tường tận mánh khóe của Trung Quốc, chiến lược của Nhật, Mỹ đối với quốc gia có 1,2 triệu binh lính và vũ khí hạt nhân.
Cổ động viên bất ngờ
Cũng liên quan đến Mỹ, nhưng trong lãnh vực bóng đá, tuần báo Pháp Courrier International đã nói đến một sự kiện rất bất ngờ trong quan hệ Mỹ-Mexico.
Tuần báo Pháp đã trích dẫn tạp chí thể thao Mỹ Sports Illustrated, ngày 04/06 đã chạy tựa "Ê kíp kia của Mỹ" với hình ảnh đội tuyển bóng đá Mexico ở trang bìa, đội sẽ tham gia tranh Cúp Thế Giới ở Nga, trong lúc đội tuyển Mỹ đã bị loại.
Tạp chí nhận định hóm hỉnh : Cho dù tổng thống Trump không thích, nhưng đối với các cổ động viên Mỹ thì đội tuyển Mexico "không khác gì mấy đội nhà", vì gần 36 triệu người định cư ở Mỹ là gốc Mexico.
Bóng Đá : Putin và kiểu "chính trị giầy đinh (bóng đá)"
Tạp chí L’Obs cũng chú ý đến sự kiện thể thao toàn cầu – Cúp Bóng Đá Thế giới 2018 - nhưng ở mục quá khứ/hiện tại. Tờ báo nhìn về phía Nga với một tựa đề lý thú : "Chính trị giầy đinh bóng đá", với câu giải thích bên dưới : "Giống như Mussolini ở Ý năm 1934, và Videla ở Argentina năm 1978, ông Putin đang đặt cược trên Cúp Bóng Đá Thế Giới để tuyên truyền".
Tạp chí Pháp có vẻ hơi tiếc nuối : Giới hâm mộ bóng đá lại tề tựu về Nga, quốc gia đón các trận đấu từ ngày 14/06 đến 15/07, trong bối cảnh Moskva bị nhiều tại tiếng, quan hệ không êm ấm với láng giềng và Châu Âu.
Đối với Nga, sự kiện thể thao không chỉ mang tính thể thao : ông Putin được cho là coi trọng thể thao, nhưng chỉ xem đấy là một công cụ để phô trương hình ảnh nước Nga đã tìm lại được sự huy hoàng.
L’Obs nhìn xa hơn đến năm 2022, cũng thở dài, Cúp Thế Giới sẽ được tổ chức tại Qatar, và như vậy là hai lần tiếp nối nhau, Cúp Bóng Đá sẽ diễn ra tại hai quốc không có gì là dân chủ. Vấn đề đang gây phiền toái, vì sau vụ cựu điệp viên Nga Skripal và con gái bị đầu độc tại Anh, các quốc gia Châu Âu đã đe dọa tẩy chay World Cup tại Nga.
Các trang bìa đa dạng
Chủ đề trên các trang bìa tạp chí tuần này khá đa dạng. Ngoài Donald Trump trên The Economist và L’Express, các tờ báo còn lại đã chú ý đến Pháp nhiều hơn.
Le Point nêu bật vấn đề tự do ngôn luận bị giới hạn trước hiện tượng mà tạp chí gọi trong hàng tựa "Thiên hướng độc tài của những người nhạy cảm", và dành khoảng 20 trang cho hồ sơ điều tra của nhà báo Raphaël Enthoven. Theo Le Point, đó là những người hay kêu ca, họ than phiền về mọi thứ, từ ngôn từ đến hành vi, gây ra hậu quả là sự thụt lùi của quyền tự do ngôn luân.
L’Obs dành trang bìa cho trường hợp cụ thể của nam ca sĩ Cantat, với câu hỏi : "Liệu Cantat có thể đi hát được nữa hay không ?". Nghệ sĩ này phạm tội đánh chết vợ, bị xử án tù, đã mãn án, nhưng việc trở lại sân khấu đã gặp rất nhiều khó khăn do sức sép các phong trào phụ nữ, như #Metoo.
Áp lực mạnh đến nỗi nhà hát Olympia đã phải hủy bỏ hai buổi trình diễn lên chương trình ngày 29 và 30/05. L’Obs dành 8 trang cho hồ sơ này và bênh vực cho Cantat, nhắc lại rằng các phong trào phải tôn trọng quyền tự do được luật pháp quy định.
Courrier International chú ý đến quan hệ "đặc biệt" giữa người Pháp với Hồi giáo, trong hàng tựa đập mắt : "Hồi giáo, một mối ám ảnh Pháp" và ghi nhận bên dưới : Báo chí nước ngoài kinh ngạc trước phản ứng cuồng nhiệt mà đạo Hồi gây ra nơi người Pháp.
Mai Vân
Donald Trump nói sẵn sàng mời Kim Jong-un sang Mỹ (RFI, 08/06/2018)
Tổng thống Donald Trump tỏ thái độ lạc quan khi chỉ còn vài ngày nữa diễn ra thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Bắc Triều Tiên tại Singapore. Trong cuộc họp báo chung với thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 07/06/2018, tại Washington, chủ nhân Nhà Trắng tuyên bố sẵn sàng mời lãnh đạo Bắc Triều Tiên đến Hoa Kỳ nếu cuộc gặp thành công.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh ghép của AFP)SAUL LOEB / AFP / KCNA VIA KNS
Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet cho biết thêm chi tiết :
"Tổng thống Mỹ thông báo : Ông sẵn sàng tiếp Kim Jong-un tại Nhà Trắng nếu như thượng đỉnh diễn ra tốt đẹp. Donald Trump muốn tin vào điều đó. Ông tuyên bố : Cuộc gặp của chúng tôi sẽ là một thành công lớn. Chúng tôi có hy vọng làm được điều gì đó ngoài sự mong đợi cho thế giới.
Nhưng chủ nhân Nhà Trắng cũng cảnh báo : Nếu các cuộc thảo luận không diễn ra như mong đợi, ông cũng có thể rời bàn đàm phán. Tổng thống Mỹ cam kết đề cập trực tiếp với Kim Jong-un vấn đề người Nhật bị Bắc Triều Tiên bắt cóc trong những năm 1970 và 1980.
Thủ tướng Nhật Bản phát biểu : Tôi lấy làm hài lòng về điều này. Bởi vì đây là một trong những ưu tiên cao nhất của chúng tôi. Thủ tướng Nhật Bản hy vọng vấn đề tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung của Bắc Triều Tiên cũng sẽ được giải quyết.
Một chút gì đó làm hài lòng tổng thống, ông nói tiếp : "Thượng đỉnh Singapore là một bước quan trọng. Donald Trump, ngài đang viết lên lịch sử".
Về phần mình, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng bày tỏ chút lạc quan : Đích thân Kim Jong-un nói với tôi là ông ấy sẵn sàng giải trừ hạt nhân, nhưng ông không cho biết chi tiết. Ông chỉ nói thêm rằng Hoa Kỳ muốn có những bước tiến cụ thể chứ không phải những lời lẽ vô ích. Donald Trump sẽ không chấp nhận một thỏa thuận tồi".
Minh Anh
******************
Thượng đỉnh Singapore : Cả Trump và Kim tìm cách tránh bị sập bẫy (RFI, 07/06/2018)
Chỉ còn vài ngày nữa là diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Donald Trump và Kim Jong-un, được ấn định vào ngày 12/06/2018 tại Singapore.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un sẽ gặp nhau tại thượng đỉnh Singapore ngày 12/06/2018. Fuente : Reuters.
Tổng thống Mỹ hy vọng đạt được một thỏa thuận với lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Đây sẽ là một thắng lợi ngoại giao và chính trị đối với ông Donald Trump, nhưng với một điều kiện là cả hai bên phải tránh được những chiếc bẫy do chính mình giăng ra, như lưu ý của giới chuyên gia.
Một thỏa thuận hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là mục tiêu của thượng đỉnh sắp tới. Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap đặt câu hỏi : Nhưng với mô hình nào : CVID của Hoa Kỳ, hay là CVIG của Bắc Triều Tiên ? Đó là chữ viết tắt các mục tiêu và điều kiện của mỗi bên.
Với Hoa Kỳ, sẽ chỉ có một hiệp ước hòa bình nếu Bắc Triều Tiên đáp ứng được điều kiện giải trừ hạt nhân toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược (Complete, Verifiable and Irreversible Denuclearization - CVID). Theo đó, Bình Nhưỡng phải nhanh chóng gỡ bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân và đưa toàn bộ số tên lửa liên lục địa ICBM cũng như là các nguyên liệu phân hạch sang một nước thứ ba.
Ngược lại, Bắc Triều Tiên chỉ chấp nhận phi hạt nhân hóa nếu Hoa Kỳ đưa ra bảo đảm an ninh cho chế độ Bình Nhưỡng một cách toàn bộ, có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược (CVIG). Cụ thể, Bắc Triều Tiên muốn Hoa Kỳ phải có một cam kết không xâm lược, ký kết một hiệp ước hòa bình và nhanh chóng dỡ bỏ lệnh cấm vận. Như vậy, tiến trình phi hạt nhân hóa sẽ được tiến hành "từng bước và đồng bộ".
Chính vì những chiếc bẫy này mà từ lâu nay Mỹ và Bắc Triều Tiên chưa thể nào ngồi vào bàn đàm phán, vì không bên nào muốn chủ động đi trước một bước. Phải chăng giờ đây cả Donald Trump và Kim Jong-un đang tìm cách thoát bẫy, khi đôi bên cùng đưa ra những tín hiệu "nhượng bộ" ?
Hoa Kỳ dường như không còn nói đến một "thỏa thuận lớn", buộc Bắc Triều Tiên phải từ bỏ ngay lập tức chương trình vũ khí hạt nhân. Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như chấp thuận cách tiếp cận từng bước, khi nói rằng thượng đỉnh lần này sẽ là "bước mở đầu cho một tiến trình".
Về phần mình, Bắc Triều Tiên thông báo tạm ngưng chương trình thử tên lửa đạn đạo, phá dỡ bãi thử hạn nhân Punggye-Rie và dường như đang cho phá dỡ một điểm phóng tên lửa (theo Yonhap).
Mọi cặp mắt giờ đây đều hướng về tổng thống Mỹ với một câu hỏi lớn : Liệu Donald Trump có thật sự muốn ký một hiệp định hòa bình theo đúng nghĩa hay một tuyên bố về nguyên tắc nào đó hay không ?
Bởi vì, việc ký kết một thỏa thuận hòa bình nhất thiết phải có sự tham gia của các nước có liên quan, mà Trung Quốc, đồng minh lâu đời của Bắc Triều Tiên, không thể vắng mặt. Mặt khác, việc ký kết văn bản này sẽ làm thay đổi cảnh quan địa chính trị khu vực, và tác động mạnh mẽ đến cuộc đối đầu giành thế bá quyền khu vực giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Tóm lại, tương lai chính trị, ngoại giao và an ninh cho bán đảo Triều Tiên, cũng như là khu vực Đông Bắc Á, hiện giờ phụ thuộc hoàn toàn vào hai lãnh đạo Mỹ và Bắc Triều Tiên.
Minh Anh
Sóng gió ở G7, dự luật chống tin giả bị phản đối…
Dự luật chống nạn tin giả của chính phủ Pháp bị đối lập phản đối mạnh, thượng đỉnh khối các nước công nghiệp phát triển G7 rối ren do lập trường độc đoán, xoay như chong chóng của tổng thống Mỹ là chủ đề lớn trang nhất hôm nay. Báo Pháp chú ý nhiều đến sự cô lập của Donald Trump, một chống lại sáu nước "đồng minh", nhưng cũng đặt câu hỏi về ý nghĩa thực sự của khối G7 trong bối cảnh quốc tế hiện nay.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) gặp thủ tướng Canada Justin Trudeau ở Ottawa, 06/06/2018, chuẩn bị thượng đỉnh G7 Reuters/Chris Wattie
G7 : Pháp - Canada dẫn đầu liên minh "chống" Trump
Les Echos chạy tựa trang nhất : "Trump đối mặt với một mặt trận thống nhất tại thượng đỉnh G7", Le Monde có bài xã luận : "Trump, một mình chống lại tất cả", Libération : "Với Trump, G7 là một thượng đỉnh với 6 ràng buộc". Le Figaro dành phụ trương kinh tế cho chủ đề "Macron và Trudeau dẫn dắt cuộc chiến chống Trump". Le Figaro dẫn tuyên bố của tổng thống Pháp, theo đó sáu thành viên của khối (bao gồm Pháp, Canada, Nhật Bản, Đức, Anh và Ý), trong hai ngày hội nghị, sẽ tìm cách thuyết phục tổng thống Mỹ, thay đổi "các chính sách bất hợp tác" của Washington. Tổng thống Pháp Macron cũng báo trước là nhóm 6 nước sẽ không nhân nhượng bất cứ điều gì "trên bình diện nguyên tắc căn bản".
Libération cho biết tổng thống Pháp đã có mặt tại Ottawa, thủ đô Canada, gần hai ngày trước thượng đỉnh, để tìm cách phối hợp với thủ tướng Canada. Sáng thứ Sáu 09/06, ngay trước khi thượng đỉnh khai mạc, thủ tướng Canada sẽ có cuộc hội ý với lãnh đạo bốn nước Châu Âu.
Lời qua tiếng lại cho thấy không khí căng thẳng trước thượng đỉnh của khối 7 quốc gia, vốn được coi là các đồng minh thân thiết. Đáp lại báo giới về các thông điệp mới nhất của tổng thống Mỹ, tỏ thái độ "thờ ơ" và "khinh bỉ" các đối tác G7, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo : Không có ai trong các lãnh đạo tại đây có thể tại vị vĩnh viễn !
Lãnh đạo Pháp tỏ ý là việc Donald Trump cầm quyền chỉ là một "tai biến" của lịch sử và các quyết định lớn của chính quyền Trump (rút khỏi các thỏa thuận về Khí hậu, hạt nhân Iran và về thương mại) là các hành động "bất hợp pháp". Việc chính quyền Trump kiên quyết tăng thuế nhập thép từ Canada và Liên Âu, vì lý do "an ninh quốc gia", bị thủ tướng Canada lên án là điều "nực cười" và thậm chí là một hành động "lăng nhục".
Vẫn theo Libération, tổng thống Pháp hy vọng lãnh đạo Mỹ một lần nữa "vươn lên xứng tầm lịch sử" và hiểu rằng "các lợi ích và giá trị của nước Mỹ" được xây dựng trên nền tảng đối ngoại đa phương. Pháp và Canada không ảo tưởng về khả năng G7 ra được tuyên bố chung. Rất nhiều khả năng 7 nước sẽ chỉ đạt đồng thuận tối thiểu, với tuyên bố kết thúc hội nghị của nước chủ nhà. Tổng thống Pháp cũng bảo đảm là 6 nước G7 sẽ không ngần ngại khi phải đối mặt với Donald Trump, "thị trường của 6 quốc gia còn lại của G7 gộp lại lớn hơn thị trường Mỹ". Điều mà Paris và Ottawa chờ đợi là Nhật Bản tham gia vào liên minh.
Khối G7 còn có ý nghĩa gì ?
La Croix dành mục thảo luận cho vấn đề : "G7 còn tồn tại để làm gì ?", trong bối cảnh tổng thống Mỹ vứt bỏ các nguyên tắc đa phương và trách nhiệm trong các quan hệ quốc tế. Tờ báo công giáo giới thiệu quan điểm của bà Anne-Laure Delatta. Phó giám đốc của CEPII, chương trình khoa học về kinh tế vĩ mô và tài chính quốc tế khẳng định "việc duy trì không gian đối thoại này là điều căn bản", trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy gia tăng ở khắp nơi và rất nhiều thách thức lớn của thế giới hiện nay đòi hỏi một sự phối hợp quốc tế ở cấp độ «trên quốc gia", như về khí hậu, khủng hoảng di cư, chống khủng bố, hay sự gia tăng bất bình đẳng… Không thách thức lớn nào mà một quốc gia đơn độc có thể tự giải quyết.
Chuyên gia nói trên cũng lưu ý là trong bối cảnh vai trò của G7 đang bị vượt qua, các cường quốc công nghiệp trong khối cũng có những đối thoại khác với các quốc gia đang trỗi dậy trong khuôn khổ G20. Tuy nhiên, khó hy vọng là chủ nghĩa đa phương sẽ được phát triển với các quốc gia như Trung Quốc, bởi hai bên không có cùng quan niệm, đặc biệt là về luật chơi dân chủ.
Về chủ đề này, Libération có bài phỏng vấn chuyên gia về các quan hệ quốc tế Frederic Merand. Ông cũng nêu quan điểm là, cho dù G7 không còn là thế lực dẫn dắt thế giới như trước đây, nhưng khuôn khổ gặp gỡ "phi chính thức" này vẫn rất cần cho các nền dân chủ phát triển. Cho dù bất đồng trong hàng loạt vấn đề, 6 nước còn lại của G7 và Hoa Kỳ cũng hy vọng có thể đạt được một số đồng thuận, ví dụ như một "hiến chương về chống rác nhựa trên đại dương", có thể được thông qua lần này.
Riêng về triển vọng chính sách kinh tế của tổng thống Mỹ, cây viết xã luận của Les Echos Eric Le Boucher có bài "Trump đi tìm một chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch không thể có được", với lời cảnh báo là chính quyền Trump đang "hủy diệt khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ".
Thế giới đang "phi toàn cầu hóa" ?
Xu hướng bảo hộ kinh tế của chính quyền Trump dường như phản ánh một xu thế sâu xa, được Le Monde ghi nhận trong phụ trương kinh tế, với bài "Phi toàn cầu hóa đang diễn ra". Dấu hiệu mới nhất, theo Le Monde, là báo cáo của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển (Cnuced/ UNCTAD), công bố hôm 6/6. Theo đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài sụt giảm mạnh (gần 500 tỉ so với 2007), đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp, cùng lúc với lợi nhuận do đầu tư mang lại cũng giảm (6,7% so với 8,1% năm 2012).
Hội thảo về "Rạn rứt lớn của nền dân chủ"
Về cuộc khủng hoảng hiện nay ở phương Tây, Le Figaro - cùng Fondation Tocqueville và cơ quan tư vấn Mỹ Atlantic Council - tổ chức một hội nghị khoa học lớn hôm nay, với tên gọi "Nền dân chủ phương Tây thế kỷ XXI", được sự tham gia của 150 nhà tư tưởng Pháp và quốc tế hàng đầu. Một trong các điểm được nhấn mạnh là sự rạn nứt trong nội bộ các xã hội dân chủ, giữa một bên là giới tinh hoa và bên kia là dân chúng.
Giới tinh hoa, mà nhà tiểu luận người Anh David Goodhart mệnh danh là nhóm "Anywhere", chiếm khoảng 20 đến 25% dân số, với học vấn cao hơn, khả năng di động dễ dàng, là nhóm được hưởng lợi trong quá trình toàn cầu hóa, cũng là những người ủng hộ tiến trình này. Ngược lại là nhóm "Somewhere", chiếm khoảng 50% dân số, sống gắn với các truyền thống, giá trị, với một vùng đất nhất định. Nhóm này được coi là những người bị thua thiệt trong toàn cầu hóa.
Nhà báo Brice Couturier thì lưu ý đến hai mặt trận mà "các nền dân chủ tự do" phải đối mặt. Một bên là các chế độ "dân chủ phi tự do", nhân danh đa số mà tấn công vào các quyền tự do cá nhân và Nhà nước pháp quyền, và bên kia là các chế độ độc đoán nhân danh tự do, nhân danh "các định chế (được coi là) hoàn toàn độc lập và mang tính kỹ thuật", để đưa ra các quyết định chính trị không chịu "sự kiểm soát của các thể thức dân chủ". Liên Hiệp Châu Âu bị nêu ra như một ví dụ.
Liên hệ nhiều chiều giữa hai nguyên lý "dân chủ" và "tự do", khi thì phối hợp, nhưng "đôi khi" đối lập với nhau, là một vấn đề cổ điển của chính trị học, đó là lưu ý của nhà triết học Pháp Marcel Gauchet. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để phối hợp quyền của cá nhân với quyền tập thể, của đa số, cụ thể như trong lĩnh vực di dân tị nạn, được coi là một trong các thách thức hàng đầu của Liên Âu.
"Sự phục thù của Kim Jong-un"
Hồ sơ nóng hạt nhân Bắc Triều Tiên là đối tượng một bài phân tích của Les Echos với nhan đề : "Sự phục thù của Kim Jong-un". Theo nhà báo Yann Rousseau, từ Tokyo, thì viễn cảnh của thượng đỉnh Donald Trump và Kim Jong-un, dự kiến sẽ diễn ra tại Singapore tuần tới, không có gì tốt lành.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã giành được "một thắng lợi to lớn" trước tổng thống Mỹ, vốn có chiến lược được đánh giá là "hỗn độn". Để đạt được một thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, tổng thống Mỹ từng hứa hẹn sẽ "rất cứng rắn" và đòi hỏi việc "phi hạt nhân hóa hoàn toàn, ngay lập tức, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược", tuy nhiên trong những ngày gần đây, dường như Washington đang hạ thấp mục tiêu. Việc phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên rất có thể sẽ chỉ được nêu ra một cách "chung chung" trong thỏa thuận.
Theo Les Echos, hiện tại Trung Quốc và Hàn Quốc đang dần dần nối lại các hợp tác kinh tế với Bình Nhưỡng, bất chấp các quyết định trừng phạt kinh tế quốc tế, được áp dụng mạnh từ cuối năm ngoái, để gây áp lực với Bắc Triều Tiên. Chế độ độc tài Bình Nhưỡng với sự thống trị của gia tộc họ Kim sẽ tiếp tục được duy trì, được "bình thường hóa" trong con mắt quốc tế.
Dự luật chống tin giả : Nguy hiểm và không có khả năng áp dụng
Trở lại với dự luật chống fake news tại Pháp, được các nghị sĩ xem xét kể từ hôm qua (07/06). Le Monde chạy tựa trang nhất : "Thông tin bịa đặt : Một luật mới để làm gì ?", Le Figaro ghi nhận : "Dự luật chống fake news bị phản đối mạnh".
Dự thảo chống "fake news" mà Quốc hội Pháp chuẩn bị có mục tiêu trước hết là đề phòng cử tri bị thao túng, đặc biệt trong các kỳ tranh cử, mà tiêu biểu là nghi án Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ và nhiều nước Châu Âu những năm gần đây. Đối với tờ Le Figaro, dự thảo này chắc chắn sẽ "không có khả năng áp dụng". Theo nhật báo thiên hữu, đây là một luật mang tính thời điểm, nhằm trước hết chống lại sự thống trị của các "tập đoàn California" (như Google, Amazon, Facebook hay Apple - tức nhóm GAFA) trong lĩnh vực thông tin, các công ty không hề quan tâm đến vấn đề "sự thật" hay "dối trá", mà chủ yếu sự gia tăng số lượng khách hàng, điều kiện để họ tăng doanh thu.
Còn theo xã luận Le Monde, dự luật là "vô ích", thậm chí còn nguy hiểm, bởi các hệ quả tiêu cực có thể "lớn hơn nhiều" so với các hậu quả do thông tin giả mạo. Theo Le Monde, một mặt định nghĩa về tin giả quá mơ hồ không cho phép áp dụng trên thực tế, mặt khác, điều rất nguy hiểm là, nếu được thông qua, một ngày nào đó một chính quyền độc tài sẽ sử dụng chính đạo luật này để áp đặt kiểm duyệt.
Vì phát triển, hãy giải tán GAFA !
Vẫn liên quan đến lĩnh vực thông tin, tin học, doanh nhân Scott Galloway, mang tiêu đề "Đã đến lúc cần giải thể GAFA". Ông là tác giả cuốn "The Four : The Hidden DNA of Amazon, Apple, Facebook, and Google" (tạm dịch là "Bản chất được che giấu của bộ tứ GAFA). Theo ông, các đại công ty nói trên đã mang lại các "dịch vụ tuyệt vời", và về điểm này họ rất xứng đáng. Họ chỉ làm điều mà một doanh nghiệp hướng đến, tạo ra lợi nhuận. Vấn đề là các công dân đã thất bại trong việc cử ra các đại diện trong chính quyền có thể kiểm soát được các công ty này, buộc họ phải có trách nhiệm.
Theo doanh nhân Scott Galloway, Hoa Kỳ hiện tại không muốn "trừng phạt những anh hùng của mình", mặt khác lo ngại các tập đoàn Trung Quốc đang nổi lên mạnh mẽ. Tuy nhiên, Scott Galloway khẳng định việc giải thể các công ty GAFA là "một điều tốt" cho nền kinh tế Mỹ, đang nằm trong sự thống trị của các nhóm độc quyền, bóp nghẹt sự phát triển của các doanh nhân nhỏ. Theo ông, chính quyền Mỹ hiện nay đang "ưu tiên các tỉ phú" hơn là các "triệu phú". Với đà này, nước Mỹ sẽ trở thành vương quốc, nơi "3 triệu lãnh chúa" thống trị "350 triệu nông nô".
Kem chống nắng đe dọa đại dương
Trong lĩnh vực môi trường, Le Monde chú ý đến lời kêu gọi chính quyền can thiệp của giới nuôi ong Pháp – tuyệt vọng vì đà suy sụp của nghề nuôi ong, do ảnh hưởng của hóa chất độc hại trong nông nghiệp.
Le Figaro có bài nêu bật ảnh hưởng nguy hiểm thuốc chống nắng đối với môi trường đại dương. Kể từ năm 2021, sau một khu bảo tồn ở Mexico, đến lượt quần đảo Hawaii sẽ cấm hai loại hóa chất được sử dụng nhiều trong kem chống nắng, bị coi là góp phần làm chết san hô. Hiện tại ước tính khoảng 25.000 tấn kem chống nắng thải ra biển hàng năm, ảnh hưởng không chỉ đến san hô, mà cả các loại tảo, hầu sò, các động vật phù du – những loài sinh vật là nền tảng của chuỗi cung ứng thực phẩm của đại dương.
Hiện tại các công ty mỹ phẩm đang xem xét lại công thức chế biến kem chống nắng, để đáp ứng đòi hỏi bảo vệ môi trường
Các tập đoàn dầu khí đến Vatican, bàn về sinh thái
Vẫn về môi trường, hôm nay, theo La Croix, nhiều lãnh đạo các tập đoàn dầu khí lớn như BP, Shell, hay Total…, đã tham dự một cuộc họp mặt tại Vatican, để bàn về vấn đề chuyển đổi mô hình năng lượng và bảo vệ sinh thái. Ngoài các tập đoàn dầu khí, còn có nhiều tập đoàn tài chính quốc tế lớn, như ông chủ BlackRock, nơi quản lý các tài sản trị giá 5.000 tỉ đô la.
Trọng Thành
Thượng đỉnh Canada : Rạn nứt trong khối G7
"Châu Âu sẵn sàng đương đầu với Donald Trump", là tựa chính trên trang nhất báo kinh tế Les Echos. Trên hồ sơ hạt nhân Iran và thương mại, Nhật, Canada, Anh, Pháp, Đức và Ý khó có thể san bằng những bất đồng với siêu cường số 1 thế giới là Mỹ. Libération chạy tít : "Charlevoix-Québec, thượng đỉnh G7 hay của nhóm G6+1" ?
Thượng đỉnh G7 sẽ khai mạc ngày 08/06/2018 tại Charlevoix, Québec, Canada. Reuters/Yves Herman
Le Figaro đi thẳng vào vấn đề : Tại Québec, ông Trump đối mặt với 6 đối tác thương mại đang "phẫn nộ" , "tổng thống Mỹ đến Charlevoix trong thế thủ".
Cả Liên Hiệp Châu Âu lẫn Canada cùng kiện Hoa Kỳ áp thuế nhôm và thép. Quan hệ giữa Hoa Kỳ với nước chủ nhà G7 là Canada không mấy tốt đẹp vì ít nhất hai hồ sơ : thuế nhập khẩu nhôm và thép ; đàm phán về Hiệp định tự do mậu dịch Bắc Mỹ NAFTA trong bộ ba Mỹ - Canada - Mexico. Trên hồ sơ này "Mexico và Canada thành lập một mặt trận chung".
Sau hơn một năm tỏ thái độ mềm mỏng với Donald Trump, tuần qua thủ tướng Justin Trudeau chọn giải pháp đối đầu. Ottawa chuẩn bị công bố danh sách các mặt hàng của Mỹ bị đánh thuế nhập khẩu kể từ ngày 01/07/2018. Theo tiết lộ của Le Figaro, không dưới 120 sản phẩm "made in USA" đang trong tầm ngắm của Canada. Trong số này, phải kể đến sô cô la Mỹ, sốt cà chua, ngành đóng tàu và các hãng sản xuất máy giặt của Mỹ.
Tương tự Ottawa, Bruxelles cũng chọn giải pháp đối đầu với Washington. Les Echos ghi nhận : Với ngôn từ ngoại giao, phủ tổng thống Pháp báo trước là sẽ không ngần ngại "bày tỏ một cách cứng rắn và mạnh mẽ lập trường, vì quyền lợi của nước Pháp và Châu Âu". Tại Berlin, thủ tướng Merkel "sẵn sàng đương đầu với Trump", tựa của tờ báo.
Hai ngày trước G7 ở Canada, Liên Hiệp Châu Âu vừa đề nghị đánh thuế nhập khẩu nhắm vào 3 tỷ đô la hàng Mỹ bán sang Liên Âu. Bruxelles không chỉ phẫn nộ vì thuế nhôm thép của Mỹ, mà còn bất bình vì Washington rút lui khỏi hiệp định hạt nhân Iran, tăng cường các biện pháp trừng phạt Tehran, khiến các doanh nghiệp Châu Âu và cả của Mỹ, bị thiệt hại.
Putin mềm mỏng với Châu Âu
Mỹ càng đẩy các đồng minh vào chân tường, thì lại càng tạo cơ hội cho nước Nga phá vỡ thế cô lập. Áo sắp giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu và tân chính quyền Ý chủ trương nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga.
Le Monde trong bài viết mang tựa đề "Tại Vienna, Putin mềm như nhung" nhận xét : Vladimir Putin đã dành chuyến xuất ngoại đầu tiên kể từ khi chính thức nhậm chức lần thứ tư để đến thủ đô nước Áo, quốc gia không là thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Tại đây, nguyên thủ Nga đã nhấn mạnh "Áo luôn là một đối tác truyền thống và đáng tin cậy" của Moskva. Putin cũng đã khéo léo tuyên bố "một khối Liên Hiệp Châu Âu thịnh vượng có lợi cho nước Nga, bởi Liên Âu là đối tác kinh tế số 1 của Nga".
Cách nay đúng nửa thế kỷ, Liên Bang Xô Viết đã ký hợp đồng khí đốt đầu tiên với một nước Tây Âu. Quốc gia đó chính là Áo và đến nay, Vienna vẫn là "một trung tâm phân phối khí đốt rất quan trọng của Nga tại Trung Âu".
Tình báo Mỹ thua Trung Quốc
Vào lúc Hải Quân Mỹ và Trung Quốc thách thức lẫn nhau ở Biển Đông, các cuộc đàm phán diễn ra tại Singapore và Bình Nhưỡng quyết định tương lai trên bán đảo Triều Tiên trong những thập niên tới, ngành tình báo của Hoa Kỳ là một "chiếc giỏ rách với quá nhiều lỗ hổng", không hơn không kém.
Đó là mở đầu bài báo trên Le Figaro nói về vụ thêm một điệp viên Mỹ làm việc cho Trung Quốc bị lột mặt nạ. Ngày 02/06/2018, một cựu quan chức trong ngành tình báo quân sự Mỹ, Ron Rockwell Hansen, 58 tuổi, bị bắt ngay tại phi trường Seatle Tacoma, khi sắp đáp máy bay đi Trung Quốc.
Nói thành thạo tiếng Nga và tiếng Hoa, Hansen biết rất rõ Trung Quốc từ đầu thập niên 1980, khi quốc gia này còn khép kín với phương Tây. Năm 2006, ông được chuyển sang cơ quan đặc trách về các hoạt động tình báo của quân đội Hoa Kỳ. Đội lốt một doanh nhân, Hansen đi Trung Quốc như đi chợ trong thời gian từ năm 2013 đến năm 2017, và có nhiều đầu mối liên lạc với tình báo Bắc Kinh.
Hansen giải thích với Cục Điều Tra Liên Bang, ông "giả vờ" chơi trò hai mang để đánh lạc hướng thiên hạ. Nhưng cựu nhân viên tình báo Mỹ này khó có thể giải thích với các nhà điều tra về số tiền 800.000 đô la ông đã nhận được từ "một số các quan chức" Trung Quốc. Số tiền đó đã được dùng để thanh toán một món nợ khổng lồ của Hansen ở quê nhà... Khi bị bắt, đương sự giấu khóa USB trong bít-tất. Trong vali của Hansen, có nhiều tài liệu với những địa điểm nhậy cảm nơi quân đội Mỹ đặt các "đơn vị chống tin tặc".
Hansen không phải là trường hợp đầu tiên bị lột mặt nạ. Tháng Giêng 2018, một cựu sĩ quan tình báo Hoa Kỳ CIA, người Mỹ gốc Hoa, cũng đã bị bắt ở phi trường New York. Năm ngoái, một cựu nhân viên Bộ ngoại giao thú tội đã cung cấp tài liệu mật cho Bắc Kinh... Vẫn Le Figaro cho biết thêm : thất bại ê chề của tình báo Mỹ không chỉ liên quan đến "vị trí của các cơ sở quân sự Mỹ tại Hàn Quốc, đến các căn cứ không quân và hải quân của Hoa Kỳ trong vùng, mà còn là để lộ danh tính những điệp viên chìm của Mỹ ở Trung Quốc giai đoạn 2010-2012".
Do một sự trùng hợp lạ kỳ, Hansen bị bắt tại Seatle đúng vào lúc tại Diễn đàn an ninh Châu Á Shangri La, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, James Mattis, tố cáo Bắc Kinh triển khai tên lửa và vũ khí hạng nặng ở Trường Sa, "uy hiếp các nước láng giềng". Trung Quốc đáp trả : những cáo buộc đó của Washington là "vô trách nhiệm", nhưng tuyệt nhiên không bình luận về "hồi mới nhất của cuộc chiến tranh trong bóng tối" này.
Pháp và dự luật chống tin giả
Liên quan tới thời sự Pháp, vào lúc Quốc hội xem xét dự luật chống tin giả-fake news, Libération dự báo "sẽ có những cuộc tranh cãi sôi nổi" về một dự luận bị chỉ trích là quá mông lung, và đe dọa đến quyền tự do báo chí. Cụ thể hơn, chính phủ muốn đưa ra những công cụ kiểm duyệt fake news, bởi chúng là một "mối đe dọa đối với các nền dân chủ".
La Croix đặt câu hỏi : "Dự luật này liệu có bóp chết quyền tự do ngôn luận hay không" ? Theo quan điểm của giáo sư Arnaud Mercier, chuyên về khoa học thông tin tại Viện Báo Chí Pháp, câu trả lời là không, bởi văn bản được thảo luận ở Quốc hội định nghĩa rõ thế nào là "fake news" : kiểm duyệt nhắm vào những "tin giả với chủ đích đánh lừa và thao túng" công luận.
Nhưng như ghi nhận của chuyên gia này, nhược điểm lớn nhất của dự luật chống tin giả nằm ở chỗ, đây sẽ là một công cụ vô hiệu quả. Thứ nhất là về thời gian, từ khi một tin thất thiệt được tung ra cho đến khi vụ việc được đưa ra tòa xét xử, thì "mọi chuyện đã rồi". Thứ hai là câu hỏi : liệu tòa án có thời gian và khả năng để điều tra về tính xác thực của những thông tin được tung ra hay không. Kiểm chứng thông tin trước khi phổ biến là công việc của nhà báo, không phải là công việc của các quan tòa.
Sean Hannity, quân sư của Donald Trump ?
Mở lại tờ Le Figaro, độc giả tò mò muốn biết thêm về nhân vật "luôn thì thầm vào tai Donald Trump". Đó là ngôi sao truyền hình Sean Hannity trên đài Fox News : một người trung thành với tổng thống Mỹ và rất có uy tín với cử tri bảo thủ ở Hoa Kỳ. Chương trình truyền hình mang tên Hannity Show thu thút hơn 3 triệu khán giả. Đứng đầu trong số đó là tổng thống Hoa Kỳ thứ 45.
Theo tác giả bài viết, Hannity tối nào, sau 10 giờ, cũng gọi điện nói chuyện với người quyền lực nhất nước Mỹ. Họ nói chuyện với nhau khá lâu và rất tâm đắc. Tổng thống Mỹ, một mình trong căn phòng rộng thênh thang ở Nhà Trắng, cô đơn hơn ai hết, và ông cần có một người thân tín để nói chuyện cho khuây khỏa. Hannity là người lý tưởng để đóng vai trò này.
Ảnh hưởng của ngôi sao truyền hình Mỹ đối với nguyên thủ Hoa Kỳ lớn đến nỗi, các cố vấn của Donald Trump gọi Hannity là "ông chánh văn phòng trong bóng tối" của phủ tổng thống.
Một cựu cộng tác viên của tổng thống Trump mỉa mai : "Sean Hannity có hẳn một phòng làm việc ảo ở Nhà Trắng và ông ta là người gieo vào đầu Donald Trump những ý tưởng để rồi, các cộng tác viên của tổng thống Mỹ phải thực hiện cho bằng được những ý tưởng đó". Từ hồ sơ nhập cư đến thuế khóa, tự do tín ngưỡng, quyền mang súng… chỗ nào cũng có dấu ấn của Hannity.
Kim cương nhân tạo
Tập đoàn khai thác kim cương hàng đầu thế giới De Beers vừa quyết định sản xuất "xoàn nhân tạo". Tin trên làm chao đảo thị trường kim cương, đá quý toàn cầu. "Một bước ngoặt lịch sử" là nhận định của báo Les Echos. Hạt xoàn nhân tạo rẻ hơn kim cương tự nhiên rất nhiều. Xoàn tự nhiên, được bán ra với giá trung bình 8.000 đô la/ca-ra. Giá kim cương nhân tạo chỉ bằng 1/10.
Xoàn nhân tạo ra lò từ các phòng thí nghiệm được đặt ở thành phố Portland, miền tây bắc Hoa Kỳ. De Beers đã đầu tư 94 triệu đô la trong vòng 4 năm để trình làng một mặt hàng mới. Theo thẩm định của De Beers, hạt xoàn nhân tạo sẽ chiếm từ 1% đến 10 % thị trường kim cương thế giới, hiện ước tính lên tới 80 tỷ đô la.
Hãng De Beers nhấn mạnh đây là hai loại đá khác nhau, hai thị trường tách bạch. Phải mất hơn một tỷ năm mới có được xoàn tự nhiên. Còn kim cương nhân tạo là một "sản phẩm của công nghệ cao, là những viên đá xinh đẹp được dùng để làm quà cho vui". 70% thị trường kim cương toàn cầu do ba hãng De Beers của Anh, Alrosa của Nga và Rio Tinto của Úc kiểm soát.
Thanh Hà