Nghị sĩ Mỹ tôn vinh quan hệ Mỹ-Đài Loan (VOA, 10/05/2019)
Các nghị sĩ Mỹ hôm 9/5 tổ chức một sự kiện ở Điện Capitol ca ngợi Đài Loan là đồng minh của Mỹ và là một lựa chọn lành mạnh hơn để thay cho Trung Quốc.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tại sự kiện kỷ niệm quan hệ Mỹ-Đài Loan
Quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đã trở nên căng thẳng vì tranh chấp thương mại ngày càng leo thang giữa hai nước, thái độ của Trung Quốc không sẵn lòng dân chủ hóa, và mối đe dọa từ việc bành trướng ảnh hưởng của Bắc Kinh khi họ vươn tới thêm nhiều khu vực của thế giới.
Sự kiện ở Quốc hội Mỹ hôm nay đánh dấu kỷ niệm 40 năm thực thi Đạo luật Quan hệ với Đài Loan vốn đem lại một nền tảng để tiếp tục mối quan hệ song phương sau khi Washington thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh vào năm 1979.
Ca ngợi Đài Loan
Một số nghị sĩ đã nhân dịp này ca ngợi mối quan hệ giữa Washington và Đài Bắc.
"Chúng ta nên gắn bó với những ai giống chúng ta nhất và chúng ta giống họ nhất, mọi thứ phải như thế, và chúng ta không nên ngại nói ra điều đó", Dân biểu Cộng hòa Scott Perry của tiểu bang Pennsylvania nói.
"Nếu chúng ta muốn làm lãnh đạo thế giới và chúng ta đã lãnh đạo thế giới, chúng ta cần phải gắn bó rất chặt chẽ với bạn bè và đồng minh của chúng ta và cho thế giới thấy ai là người chúng ta tin tưởng và sự trung thành của chúng ta đặt ở đâu", ông Perry nói. "Chúng ta vẫn muốn giao thương với Trung Quốc và chúng ta vẫn muốn là đối tác tốt của nhau, tuy nhiên, chúng ta có một đối tác tốt hơn".
Ông Perry nói với VOA rằng Đài Loan là một đối tác và đồng minh tự nhiên ‘nhất là so với chính quyền Trung Quốc’. Ông nhanh chóng nói thêm rằng điều quan trọng là phải làm rõ rằng có sự khác biệt giữa chính phủ Trung Quốc và người dân Trung Quốc ‘bởi vì có nhiều người Trung Quốc cũng đồng ý với các giá trị của chúng tôi’.
Sự kiện lưỡng đảng, lưỡng viện
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng có mặt tại sự kiện mà bà mô tả là ‘tôn vinh mối quan hệ’ giữa Mỹ và Đài Loan.
Bà Pelosi nói các thành viên Quốc hội có mặt tại sự kiện là bằng chứng cho thấy ‘cả lưỡng đảng và lưỡng viện thể hiện và bày tỏ lòng ủng hộ và công nhận tầm quan trọng của Đạo luật Quan hệ với Đài Loan’ mà bà mô tả là đã nuôi dưỡng ‘mối liên hệ không thể lay chuyển giữa Mỹ và Đài Loan’.
Bà cho biết cảm thấy rất ấn tượng với ‘sức sống của Đài Loan’ trong chuyến thăm của bà đến hòn đảo này. Bà nói : "Tôi nóng lòng chờ đợi được trở lại một lần nữa… theo những gì tôi biết thì đồ ăn Trung Quốc ngon nhất thế giới là ở Đài Loan".
Sự kiện này, đồng chủ trì bởi nhóm nghị sĩ thân hữu với Đài Loan ở cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ, đã thu hút hàng chục thượng nghị sĩ và dân biểu.
‘Vinh dự’ vì sự ủng hộ của Mỹ
Khi sự kiện kết thúc, ông Stanley Kao, đại diện của Đài Loan ở Mỹ, nói với VOA rằng ông cảm thấy mình thật vinh hạnh trước sự thể hiện rộng rãi tình cảm ủng hộ Đài Loan trong các nghị sĩ Mỹ.
Ông Kao nói rằng Đài Loan sẽ vẫn giương cao những giá trị vốn gắn bó họ với Hoa Kỳ và các nền dân chủ khác trên thế giới.
"Chúng tôi phải thể hiện chính khí", ông nói và nhắc nhớ khái niệm truyền thống Trung Hoa có nghĩa là ‘đấu tranh để xứng đáng với hơi thở của chính mình’.
************************
Đài Loan khởi công nhà máy đóng tàu ngầm để đối phó Trung Quốc 'RFI, 09/05/2019)
Hôm 09/05/2019 Đài Loan làm lễ khởi công xây dựng một cơ sở đóng tàu ngầm để đối phó với mối đe dọa quân sự ngày càng tăng lên từ phía Trung Quốc.
Ảnh minh họa : Tuần duyên Đài Loan tập chống đổ bộ đánh chiếm đảo và tấn công khủng bố. Anh ngày 04/05/2019. Reuters/Tyrone Siu
Tổng thống Thái Anh Văn chủ trì buổi lễ khởi công tại thành phố cảng Cao Hùng, nhấn mạnh rằng tàu ngầm là phương tiện hiệu quả để răn đe kẻ thù muốn đổ bộ từ phía biển để xâm lược Đài Loan. Bà cho là trong một cuộc chiến không cân sức, cần sử dụng những chiến lược và chiến thuật đặc thù, để chống lại địch thủ hùng mạnh hơn.
Trung Quốc không loại trừ việc dùng vũ lực đánh chiếm Đài Loan, hiện có đội ngũ hùng hậu khoảng 75 tàu ngầm, gồm cả những chiếc thuộc thế hệ mới. Còn Đài Loan chỉ có 4 tàu ngầm cũ kỹ, và không thể mua thêm từ nước ngoài do Bắc Kinh gây áp lực.
Cách đây 30 năm, Hà Lan quyết định bán cho Đài Bắc hai chiếc tàu ngầm lớp Zwaardvis. Quan hệ ngoại giao giữa Hà Lan với Trung Quốc bị rạn nứt nặng nề vì việc này, rốt cuộc thương vụ đã bị hủy bỏ. Thế nên theo bà Thái Anh Văn, cách duy nhất là phải tự sản xuất.
Đài Bắc dự định đóng 8 tàu ngầm chạy diesel, chiếc đầu tiên sẽ được xuất xưởng vào năm 2025. Đài Loan lệ thuộc chủ yếu vào Hoa Kỳ về vũ khí, nhưng hiện nay Mỹ chỉ sản xuất tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử.
Mặc cho sức ép từ Trung Quốc, khoảng 12 công ty cho biết rất quan tâm đến việc tham gia dự án của Taiwan Shipbuilding Corporation (CSBC).
Từ khi bà Thái Anh Văn được bầu làm tổng thống, Bắc Kinh tăng cường áp lực quân sự, ngoại giao và kinh tế để buộc Đài Bắc phải quy phục, kể cả việc điều chiến hạm, chiến đấu cơ đến eo biển Đài Loan để dọa nạt.
Thụy My
********************
Hạ Viện Mỹ thông qua luật bảo vệ Đài Loan, Bắc Kinh tức tối (RFI, 08/05/2019)
Hạ Viện Mỹ hôm 07/05/2019 đã nhất trí thông qua dự luật ủng hộ Đài Loan, vốn đang phải đối phó với áp lực quân sự và ngoại giao của Trung Quốc. Động thái này diễn ra vào lúc quan hệ thương mại Mỹ-Trung đang căng thẳng, và Bắc Kinh giận dữ tuyên bố cần phải ngăn chận đạo luật.
Chiến hạm trang bị tên lửa dẫn đường USS William Lawrence (DDG 110) trong một cuộc diễn tập trên Biển Đông. Reuters
Với 414 phiếu thuận và 0 phiếu chống, Hạ Viện đã đồng lòng tái khẳng định các cam kết của Hoa Kỳ đối với Đài Loan, với một nghị quyết không mang tính ràng buộc.
Tất cả các dân biểu Mỹ cũng thông qua "Taiwan Assurance Act of 2019", nhằm hỗ trợ Đài Loan và cổ vũ Đài Bắc gia tăng chi tiêu quốc phòng. Đạo luật lưu ý rằng Washington cần phải "thường xuyên bán vũ khí" cho Đài Loan, và ủng hộ sự tham gia của đảo quốc vào các tổ chức quốc tế. Dự luật này còn phải được trình lên Thượng Viện, nhưng thời điểm hiện chưa rõ.
Bộ ngoại giao Đài Loan hoan nghênh động thái "tích cực" trên đây, đồng thời bày tỏ lòng cảm kích. Thông cáo cho biết "Đài Loan sẽ tiếp tục sát cánh với chính quyền Hoa Kỳ để siết chặt thêm mối quan hệ đối tác giữa đôi bên".
Phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng dự luật là một sự can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc, và Bắc Kinh đã "nghiêm khắc cảnh báo" Washington về việc này. Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ ngăn chận tiến trình của dự luật, "xử lý đúng đắn các vấn đề liên quan đến Đài Loan, để không gây phương hại nặng nề cho sự hợp tác Mỹ-Trung trên các lãnh vực quan trọng, cho hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan".
Thụy My
***************
Trump chỉ trích Hàn Quốc không trả đủ tiền nuôi lính Mỹ đồn trú (VOA, 10/05/2019)
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 8/5 đưa ra phát biểu đầy ngụ ý ám chỉ Hàn Quốc khi khơi dậy tranh cãi về chuyện chia sẻ gánh nặng kinh phí với Mỹ để duy trì sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại "một nước giàu nứt đố đổ vách và có lẽ không thích chúng ta cho lắm".
Tổng thống Mỹ tiếp người đồng nhiệm Hàn Quốc hồi tháng Tư
Ông Trump không nêu đích danh Hàn Quốc trong lời bình luận tại một cuộc tập hợp ủng hộ ở Florida. Nhưng các con số mà ông đưa ra phù hợp với những lời than phiền trước đây của ông về Seoul và các nhà phân tích nói rằng gần như chắc chắn ông Trump muốn nói đến ai.
"Tôi không nêu tên quốc gia đó, nhưng có một quốc gia mà chúng ta phải tiêu tốn rất nhiều tiền để bảo vệ - ở một nơi rất nguy hiểm – chúng ta mất đến 5 tỷ đô la", ông Trump nói.
Sau khi than phiền rằng quốc gia mà ông muốn nói đến chỉ đóng góp khoảng 500 triệu đô la trong số tiền đó, ông Trump nói : "Chúng ta mất 4,5 tỷ đô la để bảo vệ một quốc gia giàu nứt đố đổ vách và có lẽ không thích chúng ta cho lắm".
Đã từ lâu ông Trump đã lên án các đồng minh của Mỹ, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước NATO, là không trang trải đầy đủ chi phí duy trì quân đội Mỹ trên lãnh thổ của họ.
Tuy nhiên lời phát biểu mới đây của ông Trump nhắm thẳng vào Hàn Quốc, ông David Maxwell, một đại tá về hưu của Lực lượng Đặc biệt Quân đội Hoa Kỳ và hiện đang làm cho Sáng hội Bảo vệ các nền Dân chủ, nói.
"Có một chỉ dấu hy vọng là ông ấy không nêu đích danh Hàn Quốc và chỉ nói như một thông điệp vận động tranh cử", Maxwell nói.
Tranh cãi về san sẻ chi phí
Phát ngôn của ông Trump có thể làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán chia sẻ chi phí khó khăn giữa Washington và Seoul vốn chỉ được tạm thời giải quyết hồi tháng 2 với thỏa thuận kéo dài một năm để thay cho thỏa thuận 5 năm trước đây.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc không phản hồi yêu cầu bình luận của VOA. Trước đây, các quan chức Hàn Quốc đã bày tỏ sự bối rối trước những phát ngôn không chính xác của ông Trump về tranh cãi chia sẻ chi phí.
Hồi tháng Hai, Hàn Quốc đồng ý trả 925 triệu đô la để hỗ trợ cho sự hiện diện quân sự Mỹ vào năm tới. Điều đó tương ứng với 8% tăng thêm so với năm trước đó – ít hơn nhiều so với đòi hỏi của ông Trump là phải tăng 50%. Nhưng vài ngày sau, ông Trump tuyên bố rằng ông đã thuyết phục được Seoul tăng lên gấp đôi khoản đóng góp của họ.
Ông Trump nói rằng số tiền 5 tỷ đô la là cần thiết mỗi năm để trang trải cho binh sĩ và căn cứ của Mỹ ở Hàn Quốc trong khi tất cả các đánh giá đều đặt con số này vào khoảng 2 tỷ đô la.
Hồi tháng 2, ông Trump đã nói sai rằng 40.000 lính Mỹ đang đóng ở Hàn Quốc. Lầu Năm Góc cho biết chỉ gần 28.000 lính Mỹ có mặt ở Hàn Quốc để giúp làm chùn bước nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Về các quan hệ đồng minh
Theo một cuộc thăm dò dư luận của Viện Gallup hồi năm 2018, 80% người dân Hàn Quốc có quan điểm tích cực đối với Mỹ. Ngược lại, chỉ có 44% người dân nước này tin tưởng Trump.
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống hồi năm 2016, ông Trump liên tục chất vấn giá trị các mối quan hệ đồng minh của Mỹ với các nước trong đó có Hàn Quốc và nói rằng những nước này nên ‘trang trải phần xứng đáng’ trong chi phí duy trì sự hiện diện quân sự của Mỹ.
Seoul đã bác bỏ quan niệm của ông Trump rằng nước họ không đóng góp đủ vào chi phí duy trì lính Mỹ. Họ nhấn mạnh rằng họ trang trải gần phân nửa trong tổng chi phí 2 tỷ đô la. Chi phí đó không bao gồm tiền thuê đất cho các căn cứ Mỹ mà hiện nay Mỹ đang sử dụng miễn phí, Seoul nói.
Hồi năm 2017, Hàn Quốc bỏ ra 2,6% trong GDP để chi tiêu cho quốc phòng, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới. Tỷ lệ này lớn hơn bất kỳ quốc gia thành viên NATO nào trừ Mỹ.
Hàn Quốc cũng thanh toán trên 90% chi phí xây dựng Doanh trại Humphreys, căn cứ quân sự hải ngoại lớn nhất của Mỹ vốn nằm cách Seoul chỉ 65 km về phía nam, theo các quan chức Mỹ.
Hơn chục người du khách Việt Nam bỏ trốn đã bị bắt giữ (RFA, 27/12/2018)
Hơn chục người trong tổng số 152 du khách Việt Nam bỏ trốn khi du lịch Đài Loan đã bị bắt giữ tính đến lúc này
Du khách nước ngoài tại Đài Bắc vào ngày 27 tháng 12 năm 2018 - AFP
Cơ quan Di trú Đài Loan vào trưa ngày 27 xác nhận thông tin vừa. Theo đó thỉ có 6 người bị bắt tại các huyện thị khác nhau, 5 người khác tự ra trình diện.
Mạng báo Taiwan News vào 5 giờ chiều ngày 27 loan tin có phụ nữ Việt trốn từ 4 nhóm du khách bỏ trốn được đưa đến trốn và làm việc tại một nhà thổ nổi tiếng tại Cao Hùng là ‘Nhà thổ Vi Cá". Cơ quan Di Trú Quốc gia Đài Loan nói sẽ tiến hành điều tra sau khi nhận được tin báo này.
Danh tánh của những người bị bắt chưa được công khai và họ đang bị điều tra vì cáo buộc vi phạm Đạo luật Chống buôn người, Luật Nhập cư và Luật Lao động Đài Loan.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đài Loan Andrew Lee cho biết, Bộ này đã hợp tác chặt chẽ với chính quyền Việt Nam về vụ việc du khách bỏ trốn lớn nhất trong vòng 3 năm qua khi Đài Loan thực hiện chính sách hướng nam miễn thị thực cho các đoàn du khách từ Nam Á trong đó có Việt Nam.
Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan CNA ngày 26/12 dẫn báo cáo từ Cục du lịch cho hay, có khoảng 566 du khách nước ngoài bỏ trốn từ tháng 11/2015, trong đó du khách Việt Nam chiếm 72% số người bỏ trốn là 409 người.
Hôm 25/12, thông tin 152/153 người Việt Nam khi đi du lịch ở thành phố Cao Hùng, phía Nam Đài Loan vào ngày 21/12 và 23/12 đã bỏ trốn khiến dư luận xôn xao.
Chính quyền Đài Loan sau đó đã cho dừng thị thực du lịch theo đoàn từ Việt Nam vốn chỉ yêu cầu doanh nghiệp lữ hành được chỉ định có 5 du khách là có thể xin thị thực và không cần chứng minh tài chính.
Vào chiều ngày 27 tháng 12, Ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng chính phủ Việt Nam, có đề nghị với Bộ Văn Hóa- Thể Thao- Du Lịch Việt Nam báo cáo vụ việc hơn 152 du khách Việt Nam đăng ký di du lịch Đài Loan nhưng khi vừa đến nơi thì bỏ trốn như vừa nêu.
********************
Vụ du khách Việt ‘biến mất’ ở Đài Loan: 3 người bị bắt (VOA, 27/12/2018)
Ba trong số 152 khách du lịch Việt Nam "mất tích" cuối tuần trước đã bị bắt hôm 26/12, theo Cơ quan Di trú Quốc gia Đài Loan (NIA).
Các du khách Việt Nam bị bắt giữ hôm 26/12.
Theo thông cáo đăng trên trang web của cơ quan chuyên trách vấn đề xuất nhập cảnh này hôm 27/12, ngoài ba người bị giữ, chính quyền địa phương đã tìm ra 4 người, trong đó có một người không bỏ trốn và ba người khác đã tự ý rời Đài Loan, hiện các nhóm đặc nhiệm vẫn tiếp tục truy tìm 145 người.
Hai người Việt bị Đài Loan bắt giữ hôm 26/12.
NIA cho biết rằng ba người bị bắt đã được giao cho cơ quan công tố xử lý các sai phạm theo các luật về di trú, phòng chống buôn người và lao động trái phép.
Ngoài ra, cơ quan này cho hay đã huy động lực lượng điều tra về khả năng có sự dính líu của các nhóm tội phạm.
Cơ quan Di trú Quốc gia Đài Loan cho biết đã thông báo và phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam để truy tìm những người vẫn còn bỏ trốn cũng như những kẻ đồng lõa.
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 26/12 đăng thông cáo trên trang web, cho biết rằng "Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc đã liên hệ với các cơ quan chức năng của Đài Loan đề nghị cung cấp thông tin, làm rõ vụ việc và phối hợp giải quyết, không để ảnh hưởng đến hoạt động du lịch và giao lưu của người dân".
Thông báo viết tiếp: "Các cơ quan chức năng của Đài Loan cho biết đang tiến hành điều tra, làm rõ vụ việc; trước mắt dự kiến tạm dừng việc cấp thị thực đoàn đối với công ty lữ hành International Holidays Trading Travel do đã để xảy ra tình trạng trên. Bộ Ngoại giao cũng đã đề nghị Tổng cục Du lịch và các cơ quan liên quan trong nước phối hợp xử lý vụ việc".
Tin cho hay, đây được coi là vụ du khách "biến mất" đồng loạt lớn nhất kể từ khi Đài Loan bắt đầu thực thi chương trình visa có tên gọi là Quan Hồng năm 2015.
Theo tìm hiểu của phóng viên VOA tiếng Việt, đây là dự án thị thực điện tử miễn phí không cần phải chứng minh tài chính và việc làm nhằm thúc đẩy các du khách tới Đài Loan theo nhóm từ các nước như Việt Nam, Lào, Campuchia, Indonesia và Miến Điện. Tuy nhiên, các nhóm du khách chỉ có thể xin visa thông qua các công ty lữ hành đã được Đài Loan cho phép.
Khách du lịch ở Đài Loan.
Theo NIA, Bộ Nội vụ Đài Loan sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên trách về du lịch và Bộ Ngoại giao để xem xét toàn diện nhằm đảm bảo tính hiệu quả của chương trình Quan Hồng.
Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam, cơ quan đại diện ngoại giao của Đài Loan, chưa hồi đáp trước một đề nghị phỏng vấn của VOA tiếng Việt.
Chuyện du khách Việt "mất tích" trở thành thông tin được nhiều người đọc nhất trên hầu hết các trang báo của Đài Loan cũng như Việt Nam trong những ngày qua.
Vụ việc đã gây ra tranh luận trên mạng xã hội cũng như phần bình luận của nhiều cơ quan báo chí tiếng Việt.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, "Đài Loan và Nhật Bản vẫn là thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam trong năm 2017".
Thống kê của Bộ này cho biết rằng tính đến hết năm ngoái, "số lao động Việt Nam đang làm việc tại Đài Loan hơn 206.000 người, trong đó lao động làm việc trong ngành sản xuất công nghiệp chiếm trên 87% và dịch vụ xã hội chiếm 13%".
Viễn Đông
****************
Đài Loan tìm kiếm 152 du khách Việt Nam "mất tích" (RFI, 26/12/2018)
Báo chí Đài Bắc hôm nay 26/12/2018 cho biết chính quyền hòn đảo đang tìm kiếm 152 người Việt đến Đài Loan bằng visa du lịch, và có thể đã ở lại để làm việc một cách bất hợp pháp.
Thành phố Cao Hùng (Kaohsiung) nhìn từ biển vào.wikipedia
Theo Cơ quan Nhập cư Đài Loan, tổng cộng có 153 người quốc tịch Việt Nam đã đến thành phố Cao Hùng hồi cuối tuần, nhưng chỉ tìm thấy có một người. Thông cáo của cơ quan này cho biết đã "thành lập một lực lượng đặc nhiệm và làm việc với cảnh sát, để điều tra về nhóm du khách mất tích và nhóm nào đứng sau họ".
Báo chí Đài Bắc cho rằng những người Việt này có thể đến Đài Loan để lao động bất hợp pháp. Họ có nguy cơ bị trục xuất và bị cấm nhập cảnh từ ba đến năm năm.
Bộ Ngoại Giao Đài Loan thông báo visa của những khách du lịch người Việt mất tích đã bị hủy, và Văn phòng đại diện Đài Loan tại Việt Nam đã ngưng cấp visa cho 182 người Việt khác, dù đã được cơ quan du lịch chấp thuận. Trong khi đó Bộ Ngoại giao Việt Nam nói với AFP là đã yêu cầu chính quyền Đài Loan làm rõ vụ này, và phối hợp giữa đôi bên để chương trình trao đổi về du lịch không bị ảnh hưởng.
Cách đây ba năm, Đài Loan đã đưa ra chính sách miễn thị thực nhằm thu hút du khách 16 nước Nam Á và Đông Nam Á (trong đó có Úc và New Zealand). Theo Tổng cục Du lịch Đài Loan, trước đó khoảng 150 du khách cũng đã "mất tích" tương tự, nhưng không rõ sau đó có bao nhiêu người được tìm thấy.
Chương trình miễn thị thực trên của Đài Bắc nằm trong "Chính sách Hướng Nam" để đẩy mạnh ngành du lịch, trong bối cảnh khách từ Hoa lục giảm mạnh do Bắc Kinh muốn gây áp lực lên kinh tế Đài Loan.
Thụy My
*******************
Đài Loan bắt 11 người trong nhóm 152 du khách Việt Nam bỏ trốn (Người Việt, 27/12/2018)
Hôm 27 tháng Mười Hai, giới chức Cơ Quan Di Trú Đài Loan cho biết đang bắt giữ 11 người trong nhóm 152 du khách Việt Nam bỏ trốn sau khi đến đảo quốc này vào cuối tuần trước.
Sáu trong số 152 du khách Việt Nam bỏ trốn bị bắt.(Hình : Cơ quan di trú Đài Loan)
Ngoài 6 người bị bắt tại các huyện thị khác nhau trên toàn Đài Loan, 5 người khác hôm 27/12 đã tự ra trình diện tại quận Trung Lịch, thành phố Đào Viên.
Hãng thông tấn CNA cho hay, ba du khách đầu tiên bị phát hiện ở khu vực Chương Hóa, Gia Nghĩa và Tân Trúc. Bốn người khác tự ra trình diện tại thành phố Đào Viên. Ngoài ra có hai phụ nữ hơn 50 tuổi bị bắt tại Đài Nam, Chương Hóa vào sáng ngày 27 tháng Mười Hai.
Báo mạng Zing cho biết Văn phòng công tố Đài Loan đang tạm giữ các du khách để phục vụ điều tra. Những người này bị cáo buộc vi phạm Đạo luật Chống buôn người, Luật Nhập cư và Luật Lao động Đài Loan.
Ngoài ra, theo báo Taiwan News, có ba người khác trong nhóm này được xác định là đã về lại Việt Nam. Ba người này đều xuất cảnh trước ngày 25 tháng Mười Hai.
Trước đó, đội đặc nhiệm Di Trú Đài Loan đã mở cuộc tìm kiếm 152 khách du lịch Việt Nam "mất tích" sau khi đến Đài Loan này từ hôm 21 tháng Mười Hai và được chia thành bốn đoàn. Sự vụ được ghi nhận là vụ mất tích đồng loạt lớn nhất của du khách từ khi chương trình cấp visa đặc biệt–"Quan Hồng" -, được khai triển vào năm 2015 dành cho những người đến từ Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ và Brunei.
Giới chức Di Trú Đài Loan nhận định vụ 152 khách du lịch Việt Nam là một vụ buôn người.
Đài CCTV ghi lại cảnh nhóm du khách Việt bỏ trốn ngay sau khi check-in khách sạn tại Cao Hùng. (Hình chụp qua màn hình)
Theo tờ Apple Daily của Hồng Kông hôm 26 tháng Mười Hai, Việt Nam là nước đứng đầu về số người bỏ trốn tại Đài Loan. Tờ báo dẫn lời giới chức địa phương nói phụ nữ người Việt Nam cư ngụ bất hợp pháp tại Đài Loan thường bị ép buộc làm gái mại dâm trong khi đàn ông làm công nhân xây dựng hoặc khai thác gỗ lậu.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, "đại biểu quốc hội Việt Nam ", được báo Phụ Nữ Việt Nam dẫn lời : "Vụ 152 khách du lịch Việt Nam bỏ trốn ở Đài Loan là đáng buồn vì đã làm xấu đi hình ảnh của đất nước trong mắt bạn bè quốc tế. Và, cũng có thể nói 152 du khách này đã làm nhục quốc thể".
Tờ báo cũng cho biết thêm hồi tháng Tư, 2017, công an tỉnh Phú Thọ đã triệt phá một đường dây chuyên đưa người Việt xuất cảnh trái phép sang Đài Loan. Đường dây do một người đàn ông ở tỉnh Phú Thọ cầm đầu được ghi nhận đã đưa trót lọt 88 người ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương, Hà Nam… sang Đài Loan với visa du lịch rồi bỏ trốn. Mỗi người đi xuất cảnh dạng này phải trả phí cho người ở Đài Loan 5.000 Mỹ kim, chưa kể chi phí cho người trong đường dây ở Việt Nam.
Theo truyền thông Đài Loan, sau vụ 152 khách du lịch Việt Nam bỏ trốn ở Đài Loan, Bộ Nội Vụ, Cục Du Lịch và Bộ Ngoại Giao Đài Loan sẽ tiến hành đánh giá toàn diện về chương trình "Quan Hồng" và siết chặt các biện pháp quản lý visa du lịch. (T.K.)
********************
152 khách Việt 'mất tích' : Bắt ba du khách, Đài Loan thắt chặt visa (BBC, 27/12/2018)
Cơ quan Di trú Quốc gia Đài Loan (NIA) đã bắt giữ ba trong 152 du khách Việt 'mất tích' vào cuối tuần trước.
Nhóm người Việt nghi ngờ thuộc nhóm 152 du khách Việt mất tích
Có tổng cộng bảy người đã được phía Đài Loan tìm ra.
Sáng 27/12, NIA cho biết kể từ khi tiến hành cuộc tìm kiếm, một du khách đã liên lạc được và "thực tế đã không rời nhóm", trong khi đó ba du khách khác đã tự trở về Việt Nam.
Đến tối 26/12, đội đặc nhiệm của NIA sau đó phát hiện và đã bắt giữ ba du khách Việt khác ở các huyện Gia Nghĩa, Chương Hóa và Tân Trúc.
Hiện ba du khách Việt này đang bị điều tra bởi văn phòng công tố thành phố Cao Hùng về các cáo buộc vi phạm Luật Chống buôn người, Luật Di trú và Luật Tuyển dụng việc làm, NIA cho biết.
Hiện vẫn còn 145 du khách Việt Nam khác đang bị truy tìm.
NIA cho biết đã thông báo và đang kết hợp chặt chẽ với Cơ quan Di trú Việt Nam để giải quyết tình trạng vi phạm bất hợp pháp này ở hai quốc gia.
Cơ quan Di trú Việt Nam thì cho biết đang theo sát tình hình và đã tiến hành một cuộc điều tra riêng.
Một người Việt nghi ngờ ở trong nhóm du khách 152 người bị bắt giữ
Đài Loan xem xét lại visa Quan Hồng
Trong khi đó, Đài Loan cũng đang xem xét lại visa Quan Hồng sau vụ việc du khách Việt biến mất - vốn là vụ mất tích lớn nhất trong những năm gần đây ở hòn đảo này, theo Cục Du lịch.
Ông Chu Vĩnh Huy, lãnh đạo Cục Du lịch cho biết rằng cơ quan này sẽ thắt chặt quy trình xem xét thị thực.
Và Cục Du lịch Đài Loan cũng sẽ kết hợp với NIA và Bộ Ngoại giao Đài Loan để kiểm tra ngẫu nhiên các hồ sơ đăng ký thị thực.
"Vụ việc xảy ra tuần trước là một trường hợp cá biệt. Vẫn có những nhóm tour chất lượng và chúng ta không nên nhìn nhận chương trình này một cách tiêu cực", Cục Du lịch cho biết.
"NIA vẫn đang điều tra vụ việc này và chúng tôi sẽ đề ra những biện pháp phù hợp để giải quyết các trường hợp tương tự".
152 khách Việt mất tích như thế nào ?
Theo Taipei Times, Chủ tịch Hiệp hội Giải cứu và Hỗ trợ khách quốc tế du lịch Đài Loan, ông Hứa Cao Khánh cho biết :
Nhóm khách Việt đầu tiên gồm 23 người đến Cao Hùng hôm 21/12 cho chuyến tour 5 ngày. Bốn nhóm khác gồm 130 người đến Đài Loan hôm 23/12 cho chuyến tour 4 ngày.
Cả 153 khách này đều ở hai khách sạn Star International ở quận Tam Dân và khách sạn Đế Hào ở quận Diêm Trình, theo báo Zing.
Có thông tin cho thấy những kẻ buôn người đã đưa xe đến đón các du khách này tại khách sạn, ông Hứa nói.
Trưởng đoàn dẫn nhóm đầu tiên đã báo cảnh sát, nhưng cảnh sát khi đó cho biết họ không thể bắt giữ vì các du khách có thị thực hợp pháp.
Bảy du khách trong nhóm đầu tiên biến mất hôm 24/12, 16 người còn lại biến mất vào hôm 25/12.
Còn bốn nhóm khách gồm 130 người đến hôm 23/12, thì 128 người biến mất hôm 24/12, còn một người khác thì rời đi hôm 25/12.
Người duy nhất còn lại là trưởng đoàn tour.
Theo báo Zing, "một nhân chứng họ Trần chứng kiến sự việc tại khách sạn Star International tối 23/12, khi du khách người Đài này đến khách sạn vào lúc 21h30, anh nhìn thấy một nhóm du khách kéo hành lý và lần lượt bước lên một chiếc SUV đang chờ sẵn ven đường. Cảnh tượng y hệt diễn ra liên tục trong một tiếng, rất huyên náo".
Còn tại khách sạn Đế Hào, "một số du khách người Việt được cho là 18h nhận phòng thì 19h đã rời đi".
Theo số liệu của Cục Du lịch Đài Loan, từ 2015, có khoảng 414 du khách đến Đài Loan đã mất tích, trong đó có 409 người đến từ Việt Nam, còn lại là 5 người Campuchia.
Tất cả 152 du khách Việt này đều không phải chứng minh tài chính khi làm visa vì họ nộp theo diện visa Quan Hồng, công ty du lịch Việt nam có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ lý lịch.
Vì vậy theo ông Hứa, sẽ không hợp lý nếu bắt công ty du lịch Đài Loan phải chịu chi phí trục xuất các du khách này.
Cục Du lịch Đài Loan cũng cho biết chỉ có một du khách là "du khách thực sự, có nghĩa thậm chí những người hướng dẫn du lịch cũng không trung thực".
Thêm chi tiết khác là tất cả các du khách này đều đã mua vé khứ hồi.
Bộ Ngoại giao Đài Loan trước đó cho biết đã hủy thị thực của 152 hành khách này và cũng sẽ hủy đơn xin thị thực của 182 du khách Việt Nam khác trong cùng chương trình đăng ký sang Đài Loan.
Cục Du lịch Đài Loan đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao ngừng cấp thị thực du lịch cho các tour du lịch cho khách Việt Nam qua công ty ETHoliday, công ty Đài Loan giúp tổ chức chuyến tour.
Theo số liệu của Cục Du lịch Đài Loan, từ 2015, có khoảng 414 du khách đến Đài Loan đã mất tích, trong đó có 409 người đến từ Việt Nam, còn lại là 5 người Campuchia.
Đài Loan : Đảng Dân Tiến thua to, Bắc Kinh hoan nghênh (RFI, 25/11/2018)
Tại Đài Loan, tổng thống Thái Anh Văn từ chức lãnh đạo đảng Dân Tiến. Trong cuộc bầu cử địa phương ngày Chủ Nhật 25/11/2018, đảng cầm quyền thất bại nặng nề mất hơn phân nửa số vùng, từ 13 xuống còn 6. Đối lập Quốc Dân Đảng từ 6 thành phố chiếm thêm 9 trong đó có thành phố cảng Cao Hùng. Ngay lập tức, tổng thống Thái Anh Văn nhận trách nhiệm và tự trừng phạt bằng hình thức từ chức ghế lãnh đạo đảng.
Phe ủng hộ Quốc Dân Đảng tại Cao Hùng (Kaohsiung), 23/11/2018. © Reuters/Tyrone Siu
Phe bảo thủ tại Đài Loan cũng thắng trong hai cuộc trưng cầu dân ý : không chấp nhận hôn nhân đồng giới tính và đòi hỏi bác bỏ ngọn cờ Thế Vận "Đài Bắc-Trung Hoa" hiện nay. Bắc Kinh hài lòng trước chiến thắng của đối lập Đài Loan và xem kết quả này phản ánh ý kiến của đa số dân chúng hải đảo muốn "đôi bên cùng có lợi" trong quan hệ với Hoa lục.
Từ Đài Bắc, đặc phái viên Stephane Lagarde phân tích :
Từ nhiều tuần nay, thành phố Cao Hùng là chủ đề của các cuộc tranh luận trên truyền hình nhất là ứng cử viên vừa đắc cử thị trưởng, một được mô tả là một "vật thể bay không rõ xuất xứ" của Quốc Dân đảng. Nhân vật có lối phát biểu bạo gan bạo phổi chinh phục được cử tri bình dân của thành phố cảng công nghiệp của Đài Loan. Hàn Quốc Du, 61 tuổi, khuấy động đám đông ủng hộ viên trong rừng cờ Trung Hoa Dân Quốc đỏ rực : "Chiến thắng này không những là một thông điệp cho hải đảo mà còn gửi cho toàn thế giới là cùng nhau, chúng ta sẽ là cho Cao Hùng trở thành một thành phố hưng thịnh nhất hành tinh".
Từ 20 năm nay, Cao Hùng là một căn cứ địa của đảng Dân Tiến. Thế nhưng, từ khi bà Thái Anh Văn đắc cử tổng thống vào năm 2016, hoạt động kinh tế ở Cao Hùng, nhất là kỹ nghệ du lịch bị giảm đi do quan hệ căng thẳng với Hoa lục. Ông Benni Ngô, chủ tịch nghiệp đoàn công ty lữ hành, giải thích : "Trong hai năm trở lại đây, chúng tôi thấy số du khách từ Hoa lục sang thăm Đài Loan giảm đi nhiều. Tôi không nói những cá nhân mà là những đoàn có tổ chức. Nếu nhìn kỹ chi tiết thì rõ ràng là các thành phố phía nam như Cao Hùng, Bình Đông, Đại Đông bị mất du khách đến từ Trung Quốc".
Câu hỏi đặt ra là liệu kết quả bầu cử hôm Chủ Nhật mang ý nghĩa trừng phạt ? Nhân vật vừa đắc cử thị trưởng Cao Hùng, với lối phát biểu bộc trực, bị các đối thủ tố cáo tung tin thất thiệt và bị Bắc Kinh giựt dây.
Tú Anh
****************
Tổng thống Đài Loan từ chức chủ tịch đảng sau thất bại bầu cử (VOA, 25/11/2018)
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn từ chức chủ tịch Đảng Dân tiến đương quyền chủ trương ủng hộ độc lập sau khi đảng này chịu thất bại lớn trong cuộc bầu cử ngày thứ Bảy, để mất hai vị trí thị trưởng tại hai trong số những thành phố quan trọng nhất ở hòn đảo này.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn thông báo quyết định của bà từ chức chủ tịch Đảng Dân tiến sau các cuộc bầu cử địa phương ở Đài Bắc, Đài Loan, ngày 24 tháng 11, 2018.
Kết quả của cuộc bầu cử, diễn ra chỉ hơn một năm trước cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo của Đài Loan, có thể sẽ làm hài lòng Trung Quốc, nước tuyên bố chủ quyền đối với đảo Đài Loan tự cai trị và dân chủ và đã gia tăng áp lực lên bà Thái và chính quyền của bà kể từ khi bà nhậm chức vào năm 2016.
Trong khoảng thời gian trước cuộc bầu cử, bà Thái và chính phủ của bà đã nhiều lần nói rằng Trung Quốc đang tìm cách lung lạc cử tri với việc "bắt nạt chính trị" và "tin vịt," một cáo buộc mà Bắc Kinh phủ nhận.
Đảng Dân tiến đánh mất ghế thị trưởng ở thành phố đông dân thứ hai của Đài Loan là Đài Trung và một chiến trường trọng yếu ở miền Nam là thành phố Cao Hùng, nơi mà đảng này đã giữ ghế thị trưởng hai thập niên qua và đóng vai trò trung tâm trong phong trào ủng hộ dân chủ ở Đài Loan trong những năm 1970.
Đảng Quốc dân giành chiến thắng ở cả hai nơi này. Đảng Quốc dân có chủ trương thân Trung Quốc từng cai trị đại lục trước khi chạy sang Đài Loan vào cuối cuộc nội chiến với phe Cộng sản vào năm 1949.
Bà Thái nói Đảng Dân tiến sẽ suy ngẫm về thất bại này, nhưng bà tuyên bố sẽ tiếp tục chủ trương của mình.
"Tiếp tục các cải cách, tự do và dân chủ, và bảo vệ chủ quyền của đất nước là sứ mệnh mà Đảng Dân tiến sẽ không từ bỏ," bà nói với các phóng viên.
Bà nói bà sẽ không chấp nhận đề nghị từ chức Thủ tướng Lại Thanh Đức được đưa ra trước đó vào buổi tối.
Đảng Dân tiến bám trụ được tại hai trong số các thành trì khác của họ, giữ được Đài Nam ở phía nam và Đào Viên ở phía bắc.
Không có phản ứng tức thời nào từ Bắc Kinh về kết quả bầu cử. Truyền thông nhà nước chỉ đơn giản nhắc tới việc bà Thái từ chức chủ tịch đảng để "chịu trách nhiệm về thành tích của đảng trong các cuộc bầu cử địa phương ở Đài Loan".
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ ca ngợi Đài Loan vì "tỏ rõ sức mạnh của hệ thống dân chủ sinh động của họ thông qua một vòng bầu cử thành công".
Pháp muốn duy trì quyền tự do hàng hải ở biển Đông (RFA, 24/09/2018)
Pháp sẽ thảo luận với Úc nhằm tìm cách phối hợp các hoạt động tại biển Đông để duy trì quyền tự do hàng hải ở khu vực này.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly trong một cuộc họp báo vào ngày 23 tháng 8 năm 2018 tại Helsinki, Phần Lan. AFP
Truyền thông trong nước dẫn tin của mạng News.com.au cho biết bà Florence Parly, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, nói như vậy trong chuyến thăm thành phố Adelaide của Úc để dự một buổi hội thảo quốc phòng vào hôm 24/9.
Bà Bộ trưởng Quốc phòng Pháp nhận định Pháp ‘không đứng về phía nào’ nhưng Paris ý thức được rằng Trung Quốc ngày càng trở nên lấn lướt tại Biển Đông.
Tin cho biết bà Florence khẳng định lập trường của Pháp rất rõ ràng về việc Bắc Kinh đang vướng mắc các quy tắc quốc tế nhưng Paris vẫn đối thoại cởi mở. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp còn cho biết Pháp sẽ vẫn tiếp tục cho tàu hoạt động ở khu vực Biển Đông.
Hồi cuối tháng 5 vừa qua, Pháp đã cho tàu đổ bộ tấn công Dixmude và một tàu hộ vệ đi qua Biển Đông, gần một số bãi đá nhân đạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp trong khu vực Trường Sa.
Biển Đông là khu vực hiện đang tranh chấp giữa các nước gồm Trung Quốc, Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc đòi 90% diện tích với đường đứt khúc chín đoạn vốn đã bị Tòa Trọng tài Quốc tế ở the Hague bác bỏ trong một phán quyết đưa ra vào tháng 7 năm 2016.
*****************
Đài Loan mở rộng điều kiện nhập tịch đối phó "chảy máu chất xám" (RFA, 24/09/2018)
Đài Loan vừa đề xuất Dự luật di trú kinh tế nhằm phản ứng lại những nỗ lực của Bắc Kinh đang thu hút nhiều nhân tài khỏi hòn đảo tự trị.
Quốc kỳ Đài Loan - AFP
Đây là nội dung được tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng loan đi vào ngày 24 tháng 9, và cho biết thêm các nhà lập pháp của Đài Loan dự kiến sẽ quyết định vào tháng tới về việc liệu có cung cấp quyền công dân cho sinh viên và công nhân lành nghề từ Đông Nam Á để giúp đối phó với việc chảy máu chất xám sang Đại Lục.
Theo dự luật được đưa ra thì những người có kỹ năng đặc biệt sẽ có thể nộp đơn xin thường trú sau khi làm việc tại Đài Loan trong 3 năm ; các chuyên gia nước ngoài sẽ có thể làm tương tự sau khi làm việc trên đảo trong 5 năm, và các kỹ thuật viên trung cấp hoặc công nhân lành nghề sau 7 năm.
Ngoài ra, sinh viên nước ngoài tốt nghiệp và làm việc tại Đài Loan từ 5 đến 7 năm sẽ hội đủ điều kiện để nộp đơn. Luật mới cũng sẽ áp dụng cho các công nhân nước ngoài có tay nghề đã làm việc tại Đài Loan trong 7 năm.
Nếu được thông qua, dự luật sẽ ưu tiên mở cửa cho các chuyên gia từ Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Myanmar và các thành viên khác của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tuy nhiên, luật cũng áp dụng cho các chuyên gia và sinh viên từ các nước ngoài khối.
Các quan chức và nhà phân tích cho biết, bên cạnh việc giải quyết vấn đề mất đi nguồn nhân lực lành nghề, dự luật này là một cách để Đài Loan giải quyết vấn đề lực lượng trong tuổi lao động đang bị giảm đi đáng kể.
Những nhà lãnh đạo ngành công nghiệp hài lòng đón nhận dự luật này. Tuy nhiên các nhà phê bình chỉ ra rằng các công dân Đài Loan tiềm năng mới sẽ không đầu tư vào trái phiếu chính phủ hay doanh nghiệp vì lợi nhuận để thúc đẩy tạo việc làm tại địa phương.
Do đó, Tsai Lien-sheng, tổng thư ký Liên đoàn Công nghiệp Quốc gia cho rằng các nhà lãnh đạo Đài Loan cần phải học hỏi từ Singapore và Hoa Kỳ, cho phép các nhà đầu tư có được quốc tịch nếu họ đáp ứng các yêu cầu nhập cư đầu tư của họ.
*********************
Lần đầu tiên Hồng Kông cấm một đảng đòi độc lập (RFI, 24/09/2018)
Lần đầu tiên từ khi Anh Quốc trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997, một tổ chức tranh đấu cho Hồng Kông độc lập với Hoa lục đã bị cấm hoạt động. Đảng Dân Tộc là nạn nhân mới trong bàn tay can thiệp của Bắc Kinh, theo nhận định của giới nhân quyền.
Trần Hạo Thiên, lãnh đạo Đảng Dân Tộc Hồng Kông phát biểu tại Hồng Kông, ngày 14/08/2018.Paul Yeung/Pool via Reuters
Trong một thông cáo công bố hôm thứ Hai 24/09/2018, bộ trưởng An Ninh Hồng Kông John Lee cho biết đã "ra lệnh cấm mọi hoạt động của Đảng Dân Tộc Hồng Kông tại Hồng Kông", theo một đề xuất của cảnh sát hồi tháng 07. Tuy thừa nhận Đảng Dân Tộc chưa bao giờ sử dụng bạo động, nhưng bộ trưởng John Lee viện lẽ tổ chức này có mục tiêu "thành lập một chế độ Cộng Hòa tại Hồng Kông", do vậy trái với "hiến pháp". Chính quyền thân Trung Quốc lo ngại là Đảng Dân Tộc có một số hoạt động "tuyên truyền trong giới học sinh, kích động bài người đại lục đang sống ở Hồng Kông".
Theo AFP, Đảng Dân Tộc Hồng Kông chỉ có vài chục thành viên ở tuổi đôi mươi, nhưng gây được nhiều tiếng vang qua các đòi hỏi chính trị triệt để. Lãnh đạo Trần Hạo Thiên (Andy Chan) ngay tức khắc từ chối bình luận về quyết định cấm này. Đồng sáng lập viên Lương Thiên Kỳ thì đang lãnh án 6 năm tù từ tháng 06/2018.
Phản ứng về quyết định này, chính phủ Anh và các tổ chức nhân quyền kêu gọi Hồng Kông tôn trọng quyền tự do ngôn luận, theo đúng tinh thần bản tuyên bố chung Luân Đôn - Bắc Kinh năm 1997.
Tổ chức Human Rights Watch xem lệnh cấm Đảng Dân Tộc là "một quyết định lịch sử, một tiền lệ nguy hiểm" trong nỗ lực của Bắc Kinh và chính quyền đặc khu nhằm bóp nghẹt các quyền tự do của người dân Hồng Kông. HRW lo ngại các đảng khác cũng nằm trong tầm ngắm của Trung Quốc.
Tú Anh
*****************
Vatican và Bắc Kinh đạt đồng thuận lịch sử, tín đồ vẫn cảm thấy bất an (RFI, 24/09/2018)
Tòa thánh Vatican ngày 22/09/2018 thông báo đạt được một thỏa thuận với Bắc Kinh trong việc bổ nhiệm các giám mục Trung Quốc. Tuy nhiên, bước đi xích lại gần đầu tiên này chưa đủ để giải tỏa mối lo âu của hàng chục triệu tín đồ công giáo "thầm lặng" tại Trung Quốc.
Bên trong một nhà thờ ở thành phố Đại Lí (Dali) tỉnh Vân Nam (Yunnan), Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 10/12/2015by Zhang Peng/LightRocket via Getty Images
Theo nhận định của hãng tin Pháp AFP, sự xích lại gần mang tính lịch sử này là một phúc lành dành cho chế độ cộng sản. Như vậy, Trung Quốc sẽ có một vai trò trong việc bổ nhiệm các giám mục. Trước mắt, đức giáo hoàng đồng ý công nhận 7 giám mục đã được chính quyền Bắc Kinh bổ nhiệm mà không cần ý kiến của ngài.
Thỏa thuận này dấy lên hy vọng nối lại bang giao giữa Tòa Thánh và chính quyền Bắc Kinh, bị đoạn tuyệt từ năm 1951.
Trên đài RFI , sử gia về tôn giáo, ông Odon Vallet, cho rằng, thỏa thuận này cho phép giải quyết các mối xung khắc giữa Vatican và Trung Quốc lâu từ gần 70 năm qua :
"Vatican và Trung Quốc bất hòa với nhau từ năm 1949. Trung Quốc thời Mao Trạch Đông muốn kiểm soát tuyệt đối việc bổ nhiệm các giám mục. Điểm mới ở đây, chính là việc hai bên đã có một sự thỏa hiệp, theo đó, các giám mục sẽ được bổ nhiệm theo sự đồng thuận giữa chính phủ Trung Quốc và Tòa Thánh.
Tại Trung Quốc có hai Giáo hội. Một Giáo hội chính thức được chính phủ công nhận, nhưng các giám mục lại không được Vatican công nhận. Rồi có một Giáo hội thầm lặng, thường xuyên bị sách nhiễu, bởi vì các giám mục của Giáo hội này lại không được chính quyền Bắc Kinh chấp nhận, và đôi khi những vị này được Vatican bí mật bổ nhiệm".
Tuy nhiên, nhiều tín đồ Giáo hội thầm lặng vẫn chưa thật sự an tâm vì thỏa thuận Vatican – Trung Quốc không đề cập đến một sự bảo đảm nào về tự do tín ngưỡng tại Trung Quốc.
Minh Anh
Trung Quốc lên kế hoạch xây đường hầm dưới biển nối Đài Loan (RFA, 07/08/2018)
Các nhà khoa học Trung Quốc, sau nhiều năm tranh luận, đã gần đạt được sự thống nhất trong việc thiết kế một đường hầm dưới biển bắt qua eo biển Đài Loan.
Hình minh họa. Những người Đài Loan biểu tình phản đối đối thoại với Trung Quốc- AP
Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng loan tin vừa nêu vào ngày 6 tháng 8, dẫn nguồn từ các nhà khoa học Trung Quốc cho biết đã đệ trình kế hoạch lên Chính phủ Trung Quốc.
Nếu được thực hiện, đây sẽ là đường hầm dưới biển dài nhất thế giới với chiều dài 135 km dưới biển và xe lửa có thể chạy trong đường hầm này với vận tốc 250 km/giờ. Theo dự kiến, đường hầm sẽ hoàn thành vào năm 2030.
Hiện mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan đang căng thẳng và điều này có thể làm chậm trễ việc thực hiện dự án.
Mặc dù vậy, một số nhà nghiên cứu cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ đơn phương tiến hành dự án trị giá hàng tỷ Nhân dân tệ và mang tính biểu tượng này.
Một nhà khoa học làm việc trong Chính phủ Bắc Kinh, không muốn nêu tên nói rằng đây là một trong những dự án xây dựng lớn nhất và khó nhất trong thế kỷ 21.
Ý tưởng cho dự án xây đường hầm dưới biển nối Trung Quốc và Đài Loan được hình thành gần tròn một thế kỷ, nhưng gần đây các nhà khoa học và kỹ sư mới tìm ra được phương thức để xây dựng đường hầm này. Dự án được chú ý hơn sau khi vào năm 2016, Bắc Kinh quyết định đưa thêm đường xe lửa tốc độ cao vào kế hoạch.
Thiết kế của dự án này được hoàn chỉnh vào năm ngoái, do Học viện Kỹ thuật Trung Quốc tài trợ.
Đường hầm dưới biển bắt qua eo biển Đài Loan sẽ dài gấp 3,5 lần so với đường hầm dưới biển dài nhất hiện nay nối giữa Anh và Pháp có chiều dài 37,9 km.
**********************
Đài Loan trả đũa các hãng hàng không ‘vâng lời’ Trung Quốc (VOA, 07/08/2018)
Đài Loan đang xem xét cách thức trả đũa các hãng hàng không nước ngoài mà mới đây đã đầu hàng trước sức ép của Bắc Kinh xem hòn đảo này là một phần thuộc Trung Quốc.
Hãng United Airlines đã thay đổi tên của Đài Loan trên trang web của họ
Bộ Giao thông đang nghiên cứu các biện pháp phản công, hãng tin Bloomberg dẫn lời một quan chức yêu cầu không nêu tên do không có thẩm quyền phát ngôn.
Hôm 6/8, tờ United Daily News có trụ sở ở Đài Bắc tường thuật rằng các biện pháp này bao gồm cấm các hãng hàng không có liên quan sử dụng các cầu thông đưa hành khách lên máy bay (hay còn được gọi là ống lồng) cũng như thay đổi các ô cất cánh và hạ cánh. Giới chức hòn đảo này cũng xem xét các biện pháp khích lệ đối với các hãng hàng không dùng các từ ngữ đề cập đến Đài Loan một cách trung lập hơn, trong đó có bỏ phí hạ cánh và lệ phí cơ sở vật chất.
Các biện pháp này là lời đáp trả chính thức đầu tiên của Đài Bắc trước áp lực ngày càng tăng từ đại lục. Bắc Kinh đã thành công trong việc ép 44 hãng hàng không quốc tế phải đề cập đến Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc trên trang web của họ.
Nhà Trắng từng lên án nỗ lực của Trung Quốc áp đặt quan điểm chính trị của họ lên các công dân và công ty tư nhân của Mỹ là ‘vô lý’.
Cục Hàng không Dân dụng Đài Loan đã yêu cầu các hãng hàng không này phải thay đổi trên trang web của họ với lý do rằng việc họ xem hòn đảo này là lãnh thổ của Trung Quốc đã gây tổn hại đến chủ quyền của Đài Loan
Hồi tháng Tư năm nay, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc đã gửi thư đến trên 40 hãng hàng không nước ngoài yêu cầu họ không đặt Trung Quốc ngang hàng với Hong Kong và Đài Loan. Lá thư này yêu cầu phải gọi Đài Loan là ‘Đài Loan Trung Quốc’ hoặc ‘Khu vực Đài Loan của Trung Quốc’ và các bản đồ của họ phải thể hiện hòn đảo này cùng màu với Trung Quốc đại lục.
Tìm kiếm các điểm đến thuộc Đài Loan trên trang của các hãng hàng không như Delta Air Lines và American Airlines sẽ cho thấy các thành phố Đài Loan không có thể hiện tên và mã quốc gia, theo Bloomberg.
Bắc Kinh tuyên bố rằng những thay đổi này là ‘chưa đủ’ và đặt ra thời hạn đến ngày 9/8 để các hãng này thực thi hoàn toàn yêu cầu của họ.
***********************
Đài Loan muốn tăng ngân sách quốc phòng trước đe dọa của Trung Quốc (RFA, 06/08/2018)
Tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn, vào ngày 6 tháng 8 cho biết đang tìm cách nâng ngân sách quốc phòng của đảo quốc này lên khi mà quan hệ với Hoa Lục ngày càng xấu đi trước những đe dọa vũ lực từ Trung Quốc.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và vấn đề quốc phòng. Ảnh chụp ngày 17 tháng 7 năm 2018 tại Đài Loan - AFP
Mạng báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng loan tin nói rõ ngân sách quốc phòng mà bà tổng thống Thái Anh Văn muốn có cho tài khóa sang năm tăng 5,6% lên hơn 13 tỷ đô la Mỹ.
Đề nghị sẽ được đưa ra tại kỳ họp Quốc Hội sắp đến. Lập luận của bà Thái Anh Văn được Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng dẫn lại là hiện có nhiều thay đổi trong tình hình quốc tế và khu vực ; trong khi đó an ninh quốc gia của Đài Loan phải đối mặt với những đe dọa từ phía Trung Quốc ngày càng rõ ràng và phức tạp hơn.
Khoản ngân sách quốc phòng được bà tổng thống Thái Anh Văn đề xuất như vừa nêu được cho biết chiếm gần 2,2% tổng sản phẩm nội địa của Đài Loan. Theo lời bà Thái Anh Văn thì chừng 1/5 ngân sách năm 2019 sẽ được dành cho những dự án ‘tự vệ hữu hiệu’ của đảo quốc này ; đặc biệt là những dự án đóng tàu ngầm. Vào năm ngoái, Đài Loan cũng công bố kế hoạch đến năm 2026 tự phát triển loại chiến đấu cơ huấn luyện.
Kể từ khi bà Thái Anh Văn thuộc Đảng Dân Tiến chủ trương độc lập cho Đài Loan lên nắm quyền tổng thống cách đây hai năm, Bắc Kinh cho tăng cường áp lực đối với Đài Bắc.
Quân Đội Trung Quốc tiến hành hằng loạt cuộc diễn tập không quân và hải quân, trong đó có cả đợt tập trận bắn đạn thật 5 ngày tại khu vực Eo Biển Đài Loan vào tháng tư vừa qua. Bắc Kinh nói thẳng hoạt động tập trận là nhắm vào những lực lượng chủ trương độc lập của Đài Loan.
Tổng thống Đài Loan kêu gọi thế giới đoàn kết chống lại sự bành trướng của Trung Quốc (RFA, 25/06/2018)
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn mới đây lên tiếng kêu gọi các quốc gia trên thế giới đoàn kết với nước này để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trong cuộc phỏng vấn với AFP ở dinh Tổng thống tại Đài Bắc hôm 24/6/2018 AFP
Bà Thái Anh Văn đưa ra lời kêu gọi này trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin AFP hôm 24/6.
Tổng thống Đài Loan nói, đối phó với Trung Quốc là một thách thức không phải của riêng Đài Loan mà còn của cả khu vực và thế giới vì hôm nay thách thức là của Đài Loan nhưng ngày mai có thể thách thức đó sẽ là của bất cứ nước nào đang phải đối mặt với sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc. Bà kêu gọi các nước làm việc cùng nhau để tái khẳng định giá trị của dân chủ và tự do, nhằm kiềm chế Trung Quốc và giảm thiểu ảnh hưởng bành trướng của Trung Quốc.
Tổng thống Đài Loan đưa ra lời kêu gọi này giữa lúc có những căng thẳng trong quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan.
Trung Quốc gần đây đã tiến hành những cuộc tập trận gần Đài Loan. Hôm 22/6, Đài Loan đã phải triển khai tiêm kích và tàu chiến để theo dõi hai chiến hạm Trung Quốc di chuyển về phía nam ngoài khơi bờ biển phía Đông Đài Loan.
Trước đó, truyền thông Đài Loan cho biết hai tàu chiến Trung Quốc đã vào vùng nhận dạng phòng không của nước này và ở lại đây hơn một tuần trước khi đi ra Biển Đông.
Trung Quốc từ trước tới nay luôn khẳng định Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời chỉ chờ ngày được thống nhất với đại lục.
******************
Nhật Bản giúp Indonesia lắp đặt các cơ sở khai thác thủy sản ở các đảo xa (RFA, 25/06/2018)
Nhật Bản hôm 25/6 cho biết nước này sẽ cung cấp 2,5 tỷ Yen (tương đương 23 triệu đô la) để giúp Indonesia xây dựng các cơ sở khai thác thủy sản ở 6 đảo xa. Tờ Bưu Điện Hoa Nam buổi sáng loan tin này hôm 25/6.
Hình do Hải quân Indonesia cung cấp hôm 21/6/2016 : Tàu Hải quân indonesia bắt một tàu cá Trung Quốc (phải) tại vùng nước gần đảo Natuna. AFP
Lễ ký thỏa thuận trợ giúp được thực hiện dưới sự chứng kiến của Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và người tương nhiệm Indonesia Retno Marsudi tại Jakarta, Indonesia.
Thỏa thuận này là một phần trong những nỗ lực của Tokyo để thúc đẩy chiến lượng Ấn Độ Thái Bình Dương mở, nhằm đối phó với ảnh hưởng đang tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Theo thỏa thuận, các cơ sở này sẽ được xây dựng từ nay đến tháng giêng năm 2020 ở sáu đảo xa của Indonesia, bao gồm Natuna ở Biển Đông, nơi Indonesia gần đây cho bắt giữ nhiều tàu cá của Trung Quốc và các nước khác đến khai thác thủy sản bất hợp pháp.
********************
Vì sao Trung Quốc cấm báo chí dùng 'Made in China 2025' ? (VOA, 25/06/2018)
Sau khi bị phương Tây và Washington than phiền về chính sách công nghiệp rầm rộ được nhà nước hậu thuẫn mang tên "Made in China 2025," Bắc Kinh đã giảm nhẹ tầm quan trọng của chính sách này, Reuters dẫn nguồn tin ngoại giao và truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết.
Bắc Kinh đã giảm nhẹ tầm quan trọng của chính sách 'Made in China 2025' sau khi hô hào quá mạnh.
Bắc Kinh ngày càng cảm thấy rằng việc triển khai kế hoạch đầy tham vọng của họ đã làm Hoa Kỳ phản ứng dữ dội, theo hãng tin Anh.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang xem xét kế hoạch cấm các doanh nghiệp có ít nhất 25% vốn sở hữu của Trung Quốc không được mua lại các công ty Mỹ trong các ngành "công nghệ trọng yếu".
Một quan chức ngoại giao cao cấp của phương Tây nói với Reuters rằng gần đây trong các cuộc họp, các quan chức Trung Quốc đã bắt đầu giảm nhẹ tầm quan trọng của chính sách "Made in China 2025".
Các quan chức nói rằng các khía cạnh mà nước ngoài phản ánh chỉ đơn thuần là các đề xuất từ các học giả Trung Quốc.
Nguồn tin ngoại giao cho biết rằng một số quan chức Trung Quốc cũng đã lên tiếng về chính sách này và xem đó là một sai lầm sau khi chính phủ đã hô hào và nâng tầm quan trọng kế hoạch này lên quá cao, do đó tăng áp lực cho chính Trung Quốc.
Nhà ngoại giao yêu cầu không nêu tên nói : "Trung Quốc dường như đang điều chỉnh lại vì bị phản đối do chính việc tuyên truyền quá mạnh gây ra".
Ba nhà báo nhà nước nói với Reuters rằng họ đã được chỉ đạo không dùng thuật ngữ "Made in China 2025".
Hai người khác nói rằng họ không nhận được hướng dẫn như vậy.
Đài Loan : Mũi tiến công thứ hai của Mỹ nhắm vào Trung Quốc ? (RFI, 13/06/2018)
Vào lúc mọi sự chú ý được dồn vào cuộc gặp lịch sử giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore, Hoa Kỳ vào hôm qua, 12/06/2018, đã khánh thành một cơ quan đại diện mới ở Đài Bắc trị giá 256 triệu đô la. Cơ quan mặc nhiên đóng vai trò đại sứ quán của Mỹ, đã nêu bật quan hệ chiến lược Mỹ-Đài Loan trong tình hình căng thẳng tăng cao giữa Đài Bắc và Bắc Kinh.
Cơ quan mới của Viện Mỹ Quốc tại Đài Loan (AIT) tại Đài Bắc. Ảnh 02/06/2018. Reuters/Tyrone Siu
Động thái mới nhất này của Mỹ đã được giới phân tích gắn liền với một loạt "tin đồn" và "sự kiện thật" về việc Washington củng cố thêm sự hiện diện quân sự tại khu vực quanh Đài Loan và quan hệ quốc phòng với Đài Bắc, xem đấy là một trong hai mũi dùi nhằm đối phó với thái độ ngày càng hung hăng của Bắc Kinh nhằm khống chế tất cả các vùng biển bao quanh Trung Quốc. Mũi tiến công còn lại của Mỹ liên quan đến Biển Đông, mà Đài Loan cũng là một bên có tuyên bố chủ quyền.
Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters ngày 12/06, tuy đã cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan vào năm 1979, nhưng Hoa Kỳ vẫn là đồng minh mạnh mẽ nhất và là nguồn cung cấp vũ khí ngoại quốc chủ yếu cho Đài Loan.
Để duy trì liên lạc với chính quyền Đài Bắc, Washington đã cho mở một cơ sở mang tên gọi chính thức là American Institute of Taiwan AIT – Viện Mỹ Quốc tại Đài Loan. Cơ quan vừa được khánh thành, phần lớn chính là xây trên cơ sở được nâng cấp của viện này.
"Quan hệ then chốt" Mỹ - Đài Loan
Đối với Reuters, trong một tuyên bố rõ ràng là để chọc tức Trung Quốc, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, đã đánh giá rằng cơ sở mới của Mỹ một sự tái khẳng định quyết tâm của hai bên nhằm vun bồi một mối "quan hệ then chốt".
Bà nói thêm : "Tình hữu nghị giữa Đài Loan và Hoa Kỳ chưa bao giờ đầy hứa hẹn như hiện nay. Câu chuyện tuyệt vời về quan hệ Mỹ-Đài Loan còn phải được viết tiếp bằng nỗ lực của những người, một ngày nào đó đến cơ quan này… Và khi nào mà hai bên Mỹ và Đài Loan còn sát cánh bên nhau thì không gì có thể xen vào giữa".
Theo lời giám đốc AIT, ông Mai Kiện Hoa (Kin Moy), người Mỹ gốc Hoa đầu tiên được cử lãnh đạo cơ quan này, thì khu nhà mới được xây lên từ một cơ sở quân sự bình thường mà AIT sử dụng từ hàng thập niên qua, sẽ trở thành văn phòng đại diện của Mỹ tại Đài Loan vào cuối mùa hè này.
Cơ sở mới của Mỹ tại Đài Bắc trải rộng trên 6,5 ha. Nói chung, văn phòng của AIT ở Đài Bắc có khoảng 500 nhân viên Mỹ và người địa phương, trong lúc chi nhánh ở Cao Hùng có hơn 30 người.
Phát biểu trong buổi lễ khánh thành, bà Marie Royce, trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề giáo dục và văn hóa, thông báo là cơ sở mới của Hoa Kỳ là biểu tượng cho sức mạnh và sự năng động của quan hệ đối tác Mỹ-Đài Loan.
Theo bà : "Chúng ta đã đối mặt với bao nhiêu thách thức trong hành trình này, và mỗi lần chúng ta đều vươn lên từ các thách thức đó trên cơ sở nhận thức rõ được rằng quyết tâm phát huy dân chủ được chia sẻ sẽ giúp chúng ta đi lên". Bà Royce là quan chức cao cấp nhất của chính quyền Mỹ đến Đài Loan từ năm 2015.
Bắc Kinh "cực lực phản đối"
Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết đã gởi công hàm "cực lực phản đối" đến Washington về cơ sở mới này cũng như chuyến thăm Đài Loan của nhà ngoại giao Mỹ cao cấp.
Trong buổi họp báo thường kỳ vào hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng xác định : "Chúng tôi thúc giục Hoa Kỳ tuyệt đối hành động theo đúng lời hứa với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan, sửa đổi hành động sai trái và cố gắng không gây tổn hại đến quan hệ Mỹ-Trung, hòa bình và ổn định ở vùng eo biển Đài Loan".
Bắc Kinh luôn khẳng định Đài Loan là phần đất Trung Quốc và không loại trừ khả năng dùng vũ lực chiếm đóng. Và Trung Quốc càng bực tức thêm từ khi bà Thái Anh Văn đắc cử tổng thống năm 2016. Bắc Kinh nghi ngờ bà Thái Anh Văn muốn thúc đẩy cho một sự độc lập chính thức của đảo và như thế vượt làn ranh đỏ mà lãnh đạo Trung Quốc đã vạch ra.
Trong bài xã luận về ngày khai trương cơ sở mới của Mỹ tại Đài Bắc, Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc cho là Bắc Kinh nên cảnh cáo cả Mỹ lẫn Đài Loan về mọi hành vi khiêu khích mới, cho rằng Bắc Kinh "phải tiếp tục tăng cường sức răn đe nhắm vào chính quyền Đài Loan, cho Đài Loan hiểu rõ là Hoa Kỳ không thể là cứu tinh của họ".
Trong thời gian qua, Trung Quốc đã tăng cường tập trận gần Đài Loan, huy động đủ loại oanh tạc cơ, chiến đấu cơ, Đài Loan đã lên tiếng tố cáo những hành vi hù dọa, đồng thời tiếp tục vận động Mỹ bán cho họ trang thiết bị tối tân, có cả chiến đấu cơ đời mới hầu tăng cường khả năng phòng thủ.
Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực quanh Đài Loan ?
Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng các hành vi và lời lẽ hù dọa Đài Loan, Mỹ đã liên tiếp có những động thái ủng hộ Đài Bắc.
Lễ khánh thành cơ quan ngoại giao trên thực tế của Mỹ tại Đài Loan diễn ra trong bối cảnh Quốc hội Mỹ vừa thông qua một đạo luật bật đèn xanh cho các quan chức chính quyền Mỹ thăm viếng Đài Loan. Trước đó, tổng thống Mỹ Donald Trump đã chấp thuận bán thêm một khối lượng vũ khí trị giá 1,4 tỷ đô la cho Đài Loan. Cả hai động thái đều đã làm Bắc Kinh tức giận.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều thông tin về khả năng Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực quanh Đài Loan, mà gần đây nhất là "tin đồn" về dự định của Mỹ đưa một tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan.
Theo Reuters hôm 05/06 vừa qua, một số quan chức Mỹ đã tiết lộ rằng Hoa Kỳ trong năm nay, đã từng cân nhắc việc đưa một tàu sân bay đến eo biển Đài Loan nhưng cuối cùng đã không thực thiện kế hoạch đó. Thay vào đó là phương án cho một chiến hạm Mỹ đi qua eo biển Đài Loan, như tàu Trung Quốc vẫn thường làm.
Lầu Năm Góc dĩ nhiên đã từ chối bình luận về bất kỳ hoạt động tương lai nào, và chưa biết là khi nào thì tàu Mỹ sẽ đi qua eo biển Đài Loan, nhưng đối với Reuters, nếu diễn ra, sự kiện đó sẽ là một dấu hiệu mới của chính quyền Mỹ trong việc hậu thuẫn Đài Loan, sau khi Trung Quốc liên tục tập trận trong khu vực.
Đài Loan và Biển Đông : Chiến thuật lưỡng diện giáp công ?
Trùng hợp ngẫu nhiên, hay là chiến thuật lưỡng diện giáp công, sự năng động của Mỹ trên mặt trận Đài Loan, ở phía Bắc đã diễn ra đồng thời với một loạt những hành động cứng rắn của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Mới nhất là sự kiện hôm 04/06, Mỹ đã cho hai oanh tạc cơ chiến lược B-52 bay qua Biển Đông, gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm giữ ở Trường Sa, một động thái nối tiếp theo một bình luận trước đó vài hôm (ngày 31/05) của trung tướng Kenneth McKenzie, giám đốc Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ, theo đó "Quân đội Mỹ có rất nhiều kinh nghiệm đánh chiếm các đảo nhỏ ở khu vực Tây Thái Bình Dương".
Và trong một động thái đã trở thành thường xuyên, ngày 27/05/2018, hai chiến hạm Mỹ - khu trục hạm USS Higgins và tuần dương hạm USS Antietam đã đi vào bên trong vùng 12 hải lý quanh một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, và đã thực hiện các hoạt động diễn tập gần Đảo Cây, đảo Linh Côn, đảo Tri Tôn và đảo Phú Lâm.
Đây là một hoạt động định kỳ, nhưng giới phân tích đã ghi nhận quy mô lớn hơn của chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông của Mỹ, với sự tham gia của hai chiến hạm.
Sự kiện trên đặc biệt có ý nghĩa vì diễn ra chỉ vài hôm sau khi Lầu Năm Góc, ngày 23/05 cho biết là đã hủy lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vành Dai Thái Bình Dương RIMPAC sắp mở ra, với lý do Trung Quốc tăng cường việc quân sự hóa tại Biển Đông.
Mai Vân
*********************
Viện Hoa Kỳ ở Đài Loan mở trụ sở mới (BBC, 13/06/2018)
Thứ trưởng Marie Royce của Mỹ và Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã dự lễ khai trương trụ sở mới của Viện Hoa Kỳ tại Đài Bắc hôm 12/06, khiến Bắc Kinh bực bội.
Thứ trưởng Marie Royce của Mỹ và Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã dự lễ khai trương Viện Hoa Kỳ tại Đài Bắc hôm 12/06
Viện mang tên 'The American Institute in Taiwan' (AIT), mà một số tờ báo gọi là 'đại sứ quán trên thực tế '(de facto Embassy) được các báo Đài Loan hoan nghênh.
Nhưng thủ tục khai trương cũng được thực hiện nhằm tránh gây phản ứng mạnh từ Trung Quốc.
Dù Thứ trưởng Giáo dục và Văn hóa Hoa Kỳ, bà Marie Royce có mặt tại buổi lễ, phía Mỹ không gửi thành viên nào của nội các Donald Trump đến Đài Loan dịp này, theo tờ South China Morning Post ở Hong Kong.
Bà Royce, trong bài phát biểu, đã ca ngợi quan hệ Mỹ - Đài và nói công trình 5 tầng, trị giá 255 triệu USD mà Hoa Kỳ xây ở Đài Bắc, "không chỉ là tòa nhà với gạch và ngói".
Bà nói đây là biểu tượng của "sức mạnh quan hệ song phương" được kiến thiết để "tạo điều kiện cho các hợp tác còn tiếp tục tăng trong những năm tới".
Tổng thống Thái Anh Văn nói Đài Loan và Hoa Kỳ là hai "nền dân chủ, tự do, có nghĩa vụ cùng bảo vệ các giá trị và quyền lợi chung".
Tuy không nêu tên Trung Quốc, bà nói "Chừng nào chúng ta còn đứng cạnh nhau, không ai có thể chen vào giữa".
Gần đây Đài Loan, tên chính thức là Trung Hoa Dân Quốc, và bị mất ghế trong Liên Hiệp Quốc năm 1979, đã mất thêm một số đồng minh ở Châu Phi.
Cũng từ năm 1979, Viện Hoa Kỳ ở Đài Loan là cơ quan đại diện mang tính văn hóa của Mỹ nhưng có quy mô không lớn.
Chuyển biến chính sách ?
Sự có mặt của bà Royce và việc khai trương trụ sở mới của cơ quan mang tính đại diện của Hoa Kỳ có thể chưa đánh dấu bước chuyển biến trong chính sách của Mỹ nhưng mang tính biểu tượng cao cho Đài Loan.
Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan được coi như một sứ quán 'trên thực tế', theo BBC Monitoring
Trung Quốc luôn phản đối mọi chuyến thăm của lãnh đạo và viên chức đương quyền của Hoa Kỳ sang Đài Loan, đảo quốc tự lãnh đạo từ 1949 nhưng Bắc Kinh coi là một tỉnh 'ly khai' cần phải được thống nhất với lục địa.
Ngay sau đó, phát ngôn viên Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra lên tiếng phê phán động thái này của Hoa Kỳ.
Ông nói đây là "hành động vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc 'Một nước Trung Quốc', và "can thiệp vào tình hình nội bộ của Trung Quốc".
Cựu Tổng thống Đài Loan, ông Mã Anh Cửu cũng là khách mời tại buổi lễ, theo truyền thông Đài Loan.
William Yang viết cho báo Anh, the Guardian từ Đài Bắc rằng buổi lễ diễn ra khi giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại Biển Đông.
Gần đây có tin cố vấn an ninh của Tổng thống Donald Trump là ông John Bolton, một nhân vật 'diều hâu', có thể sẽ thăm Đài Loan.
Hồi tháng 4 có tin ông sẽ sang thăm Đài Loan vào tháng 6 này.
Tuy nhiên, cùng dịp hai bên khai trương Viện Hoa Kỳ mới ở Đài Loan, các báo khu vực nói có quan chức Đài Loan tin rằng ông Bolton sẽ đến đảo quốc vào mùa thu năm nay.
*******************
Pháp thách thức Trung Quốc ở Biển Đông (RFA, 12/06/2018)
Pháp tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, gửi tàu chiến qua Biển Đông và lên kế hoạch tập trận phòng không trên vùng biển với các căn cứ quân sự được xây lấp trái phép của Trung Quốc.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đứng trên tàu chiến Dixmude cập cảng tại căn cứ hải quân Pháp ngày 19 tháng 1 năm 2018. AFP
Cuối tháng 5, một tàu quân sự của Pháp Dixmude và một tàu khu trục đi qua quần đảo Trường Sa và tuần tra gần tiền đồn mà Trung Quốc lập nên trên các đảo nhân tạo mà nước này xây lấp.
Trong một bài báo đăng trên tờ The Wall Street Journal, chỉ huy tàu Dixmude, ông Jean Porcher kể lại các tàu chiến Trung Quốc đã theo sau con tàu Pháp khi họ đi qua quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Ông Porcher cho biết tàu Pháp duy trì liên lạc vô tuyến với các tàu quân sự Trung Quốc có mặt trong khu vực cho đến khi tàu Dixmude rời đi.
Cho đến nay, Hoa Kỳ là nước dẫn đầu trong việc đối đầu với Trung Quốc về các tuyên bố lãnh hải của Trung Quốc tại Biển Đông với một số nước láng giềng, đặc biệt là Việt Nam. Pháp và Anh là các quốc gia Châu Âu thường xuyên gửi lực lượng hải quân vào khu vực này. Pháp đưa tàu vào Biển Đông ba đến năm lần một năm.
Vào tháng 8 tới đây, không quân Pháp sẽ thực hiện đợt tập trận lớn nhất tại Đông Nam Á như là một phần trong chiến lược đánh dấu sự hiện diện của Pháp trong khu vực này. Ba máy bay chiến đấu Rafale, một tàu vận tải quân đội A400M và một tàu chở dầu tiếp nhiên liệu C135 sẽ bay từ Úc đến Ấn Độ.
Các hoạt động trên biển và hàng không gần đây của Pháp được thực hiện sau chuyến thăm của Tổng thống Emmanuel Macron đến Úc hồi tháng trước. Tại đây ông nói về sự cần thiết phải bảo vệ khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương khỏi sự bá quyền không cần che đậy của Trung Quốc. Ông nói với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull rằng cần thiết phải bảo đảm tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.
Tổng thống Pháp dường như đang "đánh giá thực tế thách thức ngày càng tăng của Trung Quốc", Jonas Parello-Plesner, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Hudson ở Mỹ, người đã quan sát chuyến đi hải quân Pháp gần đây cho biết.
Từ năm 2014, hải quân Pháp đã cho tàu tuần tra vùng Biển Đông như là một cách duy trì tự do hàng hải trên nguyên tắc tuân thủ luật pháp quốc tế. Năm 2016, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian (nay là Bộ trưởng Ngoại giao) kêu gọi hải quân các nước Châu Âu khác nên hiện diện thường xuyên tại khu vực Biển Đông.
Một chuyên gia về khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược ở Paris, cho biết sự khẳng định ngày càng tăng của Pháp cho thấy Mỹ không còn là nước duy nhất ở phương tây tham gia vào khu vực Biển Đông.
Trung Quốc tập dượt "bao vây hải đảo" gần Đài Loan (RFI, 12/12/2017)
Thêm một bước căng thẳng mới giữa Bắc Kinh và Đài Bắc. Trung Quốc cho biết đang gia tăng các hoạt động "trắc nghiệm khả năng bao vây hải đảo" gần Đài Loan, theo một nguồn tin quân sự được Reuters trích dẫn hôm nay, 12/12/2017.
Hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Bột Hải. Ảnh ngày 07/08/2017.Reuters
Theo phát ngôn viên Không quân Trung Quốc Thân Tiến Khoa, ngày 11/12, các chiến đấu Su-30, J-11, oanh tạc cơ H-6K và máy bay trinh sát đã tham gia các cuộc tuần tra "thường lệ" và "có kế hoạch" để "bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ".
Các cuộc tập dượt được mô tả là để "trắc nghiệm khả năng chiến đấu và bao vây hải đảo"được tiến hành ở hai nơi : eo biển Miyako, nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan ở phía bắc và eo biển Bashi, giữa Đài Loan và Philippines ở phía nam.
Các hoạt động quân sự này của Hoa lục được tiến hành ba ngày sau khi một đại diện ngoại giao Trung Quốc tại Mỹ, đe dọa sẽ "giải phóng" Đài Loan bằng vũ lực nếu chiến hạm Mỹ đến thăm hải đảo.
Tuy nhiên, theo Reuters, Đài Bắc không tỏ ra một chút lo sợ. Bộ trưởng quốc phòng Phùng Thế Khoan (Feng Shih Kuan) cho biết máy bay và chiến hạm Đài Loan được bố trí theo dõi các động thái quân sự của Trung Quốc, nhưng không thấy gì đáng báo động.
Thứ Sáu tuần trước, trong một cuộc tiếp xúc với sinh viên Trung Quốc và một số kiều dân Đài Loan tại Mỹ, tham tán công sứ Lý Khắc Tân tuyên bố : "Ngày nào một chiến hạm Mỹ ghé cảng Cao Hùng, thì ngày đó giải phóng quân Trung Quốc sẽ thống nhất lãnh thổ bằng quân sự".
Tháng 9 năm nay, Quốc hội Mỹ khi thông qua ngân sách quốc phòng 2018 đã cho phép hải quân Mỹ giao lưu với hải quân Đài Loan và chiến hạm đôi bên thăm viếng lẫn nhau.
Tú Anh
*******************
Trung Quốc xây trại tị nạn đề phòng chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ (RFI, 12/12/2017)
Ít nhất 5 khu tạm cư đang được lặng lẽ xây dựng tại tỉnh biên giới Cát Lâm (Jilin) để Trung Quốc có thể đối phó với làn sóng di dân Bắc Triều Tiên trong trường hợp chế độ Kim Jong Un sụp đổ. Thông tin trên mới đây được một số trang mạng phương Tây đăng tải.
Ảnh chụp ngày 21/11/2017, tại một Đặc khu Kinh tế của Bắc Triều Tiên ở biên giới Trung Quốc. Ed JONES / AFP
Trang mạng The Guardian của Anh hôm nay, 12/12/2017, dẫn nguồn từ một số tài liệu phát tán trên các mạng xã hội, trong đó có những trang mạng Trung Quốc hải ngoại, cho biết "vì lý do căng thẳng tại biên giới, đảng ủy và chính quyền huyện Trường Bạch (Changbai) đã đề xuất xây năm trại tị nạn trên địa bàn huyện". Tuy nhiên, trang báo Anh cho biết chưa kiểm chứng được thông tin này.
Năm khu trại nằm trải dài trên 1.416 km biên giới với Bắc Triều Tiên, trong đó có ít nhất ba khu đã được nhật báo The New York Times nêu tên vào tuần trước : Changbai Riverside, Changbai Shibalidaogou và Changbai Jiguanlizi. Ngoài ra, các trại khác được dự định xây ở thị xã Đồ Môn (Tumen) và Hồn Xuân (Hunchun), đều ở tỉnh Cát Lâm.
Những thông tin trên được nêu trong một tài liệu lưu hành nội bộ, và dường như bị lộ từ tập đoàn viễn thông Trung Quốc China Mobile. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng từ chối khẳng định với báo giới về sự tồn tại của các khu tị nạn, vì ông "chưa thấy các báo cáo như vậy". Câu hỏi của các nhà báo nước ngoài cũng bị loại khỏi biên bản chính thức của Bộ Ngoại giao về cuộc họp báo, vì bị coi là nhạy cảm về mặt chính trị hoặc bất lợi.
"Trừng phạt kinh tế Bắc Triều Tiên tác động đến cứu trợ nhân đạo"
Trên lĩnh vực cứu trợ nhân đạo tại Bắc Triều Tiên, trong phiên họp hàng năm của Hội Đồng Bảo An ngày 11/12/2017 về tình trạng nhân quyền ở nước này, ông Zeid Ra’ad Al Hussein, Cao ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, nhận định các biện pháp trừng phạt kinh tế "kìm hãm các chiến dịch cứu trợ của Liên Hiệp Quốc" tại quốc gia khép kín này.
Cuộc họp thường niên đã diễn ra (với 10 phiếu ủng hộ tại Hội Đồng Bảo An) bất chấp nỗ lực ngăn cản của Trung Quốc. Theo trợ lý đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, "ưu tiên của Hội Đồng Bảo An là hòa bình và an ninh quốc tế" và "không nên biến thành một diễn đàn nói về nhân quyền". Ông cũng cho rằng cuộc họp này là "phản tác dụng", trong khi cộng đồng quốc tế đang tìm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên.
Thu Hằng
Tổng thống Đài Loan tới Hawaii dù Trung Quốc phản đối (VOA, 30/10/2017)
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đáp xuống Honolulu hôm 28/10 trên đường tới thăm các đồng minh ngoại giao của hòn đảo này ở Thái Bình Dương, bất chấp phản đối mạnh của Trung Quốc.
Bà Thái Anh Văn, thứ ba từ trái sang, tại khu tưởng niệm USS Arizona Memorial tại Pearl Harbor gần Honolulu, Hawaii, hôm 28/10.
Theo Reuters, Trung Quốc coi Đài Loan là một vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình, coi đó là một vấn đề quan trọng cũng như nhạy cảm nhất giữa Bắc Kinh và Hoa Kỳ, đồng thời thường phản ứng với Washington về các lần quá cảnh ở Mỹ của các tổng thống Đài Loan.
Bà Thái, người Trung Quốc tin rằng đang mưu tìm độc lập cho Đài Loan, rời Đài Bắc, bắt đầu chuyến thăm kéo dài một tuần tới ba đồng minh ở Thái Bình Dương là Tuvalu, quần đảo Solomon và quần đảo Marshall, và quá cảnh ở Honolulu và lãnh thổ Guam thuộc Mỹ.
https://av.voanews.com/Videoroot/Pangeavideo/2017/10/7/7c/7c956973-6aac-45fa-aa2f-bf79b8ce2b34.mp4
************************
Đài Loan sẽ tăng chi phí quốc phòng (RFA, 30/10/2017)
Đảo quốc Đài Loan sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên 2% mỗi năm trong thời gian tới. Đó là lời phát biểu của Tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan tại Hawaii vào ngày 30 tháng 10. Tuy nhiên bà Thái không nói rõ là lúc nào thì việc tăng ngân sách quốc phòng sẽ bắt đầu.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn phát biểu tại một hội nghị về quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc do Hội đồng sự vụ của Đài Loan tổ chức ở Đài Bắc hôm 26/10/2017 - AFP
Bà Thái Anh Văn đưa ra lời phát biểu như vậy để đáp lại những quan ngại của Trưởng phái bộ Mỹ tại Đài Loan, Đại sứ James Moriaty, rằng hiện nay có sự mất cân bằng quá lớn về quân sự hai bên eo biển Đài Loan. Ý ông muốn nói rằng Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh quân sự của mình, và việc này đe dọa đến Đài Loan.
Bà Thái Anh Văn nói với ông Moriaty rằng Đài Loan có tất cả các kế hoạch toàn diện có thể đáp ứng những nhu cầu quốc phòng ngắn hạn, trung hạn, và dài hạn.
Đài Loan và Trung Quốc lục địa thực sự được cai trị bởi hai chế độ khác nhau kể từ năm 1949 khi ông Mao Trạch Đông chiến thắng ở Hoa Lục. Bắc Kinh luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và có thể dùng vũ lực để thu hồi khi cần thiết.
Mỹ hiện không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc, vì Washington công nhận chỉ một chính phủ Trung Quốc của Bắc Kinh, tuy vậy Mỹ vẫn là một đồng minh cung cấp vũ khí quan trọng nhất cho Đài Loan.
**********************
Đài Loan muốn đột phá trong quan hệ với Trung Quốc (VOA, 27/10/2017)
Đài Loan và Trung Quốc cần gạt bỏ gánh nặng lịch sử để tìm kiếm một bước đột phá trong quan hệ, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nói trong những phát biểu công khai đầu tiên kể từ khi Đảng cộng sản cầm quyền Trung Quốc ra mắt dàn lãnh đạo mới.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đọc bài diễn văn mừng Ngày Quốc Khánh trước Phủ Tổng thống ở Đài Bắc, Đài Loan, ngày 10 tháng 10, 2017.
Quan hệ giữa hai bờ eo biển xấu đi nghiêm trọng sau khi bà Thái, người lãnh đạo Đảng Dân Tiến ủng hộ Đài Loan độc lập, nhậm chức vào năm ngoái. Trung Quốc nghi ngờ bà muốn thúc đẩy sự độc lập chính thức cho hòn đảo, một lằn ranh đỏ đối với Bắc Kinh.
Bắc Kinh đã đình chỉ một cơ chế đối thoại thường xuyên với Đài Bắc được thành lập dưới thời chính phủ thân Trung Quốc trước kia của Đài Loan, và số lượng du khách Trung Quốc tới Đài Loan đã giảm mạnh dưới chính quyền của bà Thái.
"Ngay bây giờ là một bước ngoặt cho sự thay đổi. Tôi một lần nữa kêu gọi các nhà lãnh đạo của cả hai bên hãy tìm kiếm một bước đột phá trong mối quan hệ giữa hai bờ eo biển và để làm lợi cho phúc lợi lâu dài của người dân ở cả hai phía và để loại trừ mãi mãi những thù nghịch và xung đột", bà Thái phát biểu trước một diễn đàn.
Dù ghi nhận những thay đổi trong ban lãnh đạo của Trung Quốc công bố hôm thứ Tư, bà Thái không bình luận cụ thể về thành phần đội ngũ nòng cốt của ông Tập.
Nhưng bà nhắc lại rằng dù thiện chí của hòn đảo đối với Trung Quốc sẽ không thay đổi, Đài Bắc sẽ không khuất phục trước áp lực.
Phản ứng về bài diễn văn của bà Thái, Văn phòng Đài Loan Sự vụ của Trung Quốc nói cơ sở chính trị cho các mối quan hệ xuyên eo biển Đài Loan là nguyên tắc "một Trung Quốc", nói rằng đại lục và Đài Loan là một phần của một nước Trung Quốc.
Miễn là điều này được công nhận, không có trở ngại nào đối với bất kỳ cuộc đàm phán nào giữa đôi bên, văn phòng cho biết trong một thông cáo được truyền thông nhà nước loan tải.
Trung Quốc vẫn đang đẩy mạnh áp lực lên Đài Loan.
Năm nay, không quân Trung Quốc đã thực hiện nhiều đợt tập trận gần Đài Loan, khiến cho không quân hòn đảo này phải điều động máy bay chiến đấu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cử tọa vỗ tay nồng nhiệt vào tuần trước vào lúc khai mạc Đại hội Đảng khi ông nói bất kỳ nỗ lực tách Đài Loan khỏi Trung Quốc sẽ bị chặn đứng.
Ủy hội Đại lục của Đài Bắc đưa ra phản ứng nhanh chóng, nói rằng 23 triệu người dân Đài Loan "tuyệt đối" có quyền quyết định tương lai của họ.
Trung Quốc xem đảo Đài Loan tự trị và dân chủ là một tỉnh ly khai của mình, được đưa về sự cai trị của Bắc Kinh bằng vũ lực nếu cần thiết.