Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ, tài chính quốc gia huy động vàng và đô la Mỹ vừa kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu cơ chế huy động vàng và đô la Mỹ trong dân nhằm mục tiêu tạo nguồn vốn phục vụ tăng trưởng kinh tế.

vang1

Việc huy động vàng trong dân vẫn gặp nhiều trở ngại. Ảnh minh họa 

Kiến nghị tiếp tục nghiên cứu

Tại phiên họp quý II năm 2017 hồi đầu tháng bảy vừa qua, Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ, tài chính quốc gia kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành tiếp tục nghiên cứu cơ chế huy động vàng và đô la Mỹ trong dân. Có thể nói, thêm một lần nữa dư luận trong nước đặc biệt quan tâm thông tin này và cho rằng xem như là một bước tiếp theo sau tròn một năm Thủ tướng Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu, xem xét vấn đề nguồn lực trong dân, bao gồm tiền và vàng nhằm mục tiêu tạo nguồn vốn phục vụ tăng trưởng kinh tế quốc gia, trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ vào tháng 6 năm 2016.

Theo ước tính của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam thì hiện người dân giữ khoảng 500 tấn vàng, tương đương xấp xỉ 20 tỷ đô la Mỹ.

Với số lượng vàng được cho là nguồn vốn nhàn rỗi lớn trong dân chúng, Ngân hàng Nhà nước khởi thủy đưa ra đề án huy động vàng trong dân từ tháng 5 năm 2012 và kể từ khi Thủ tướng Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu đề án này cho đến nay vẫn chưa tìm ra được một phương án thực thi cụ thể nào.

Để tìm hiểu thực chất của vấn đề vì sao Ngân hàng Nhà nước có quyết định thu hút nguồn vốn bằng cách thức huy động vàng và đồng đô la dự trữ trong dân, Đài RFA được Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, từng là chuyên viên cố vấn cho các Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng, cho biết hệ thống ngân hàng Việt Nam không thiếu nguồn vốn. Ông Bùi Kiến Thành nói :

"Hiện nay hệ thống ngân hàng Việt Nam không phải là thiếu tiền mà ngược lại là đang dư tiền và chưa tìm được khách hàng để cho vay. Ngân hàng Nhà nước vừa rồi bán trái phiếu để bom tiền vào, chứ không phải bom tiền ra. Bây giờ huy động vàng hay huy động tiền đô la trong dân gian để làm gì, để tạo thanh khoản cho các ngân hàng thương mại có vốn cho việc cho vay hay không ? Nhưng đó không phải là vấn đề vì ngân hàng Việt Nam không thiếu vốn".

Theo như phân tích của Chuyên gia Kinh tế Bùi Kiến Thành, chúng tôi trao đổi với một số chuyên gia trong lãnh vực kinh tế tài chính ở trong nước và họ cho rằng Chính phủ Hà Nội sẽ quyết tâm theo đuổi thực hiện chính sách huy động vàng và đồng đô la trong dân chúng bởi do tình hình ngày càng khốn khó trong ngành ngân hàng cũng như nợ xấu và nợ công của Việt Nam đang ở mức cao ngất ngưởng, 63,7% GDP vào cuối năm 2016 và được dự báo có thể đạt đỉnh trong hai năm liền sau đó.

Nợ xấu của Việt Nam đang ở mức 900 ngàn tỷ đồng, trong đó Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (Vietnam Asset Management Company-VAMC) đã mua lại 300 ngàn tỷ đồng nợ xấu của các ngân hàng thương mại cổ phần trên phương diện giấy tờ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang ở giai đoạn đến hạn trả nợ gốc lẫn lãi từ 10 đến 12 tỷ đô la Mỹ cho Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), Ngân Hàng Thế Giới (WB) và Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB), kể cả Nhật Bản và một số nước khác trong bối cảnh Ngân sách Nhà nước bị thâm hụt nặng nề.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thấy số liệu tổng thu Ngân sách Nhà nước trong 7 tháng của năm 2017 ước đạt gần 667 ngàn tỷ đồng, bằng 55% dự toán năm. Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế từ quốc nội dự toán cuối năm 2017 nguồn thu của Ngân sách Nhà nước sẽ thiếu hụt tầm 11%, tương đương 130 ngàn tỷ đồng, trong khi bội chi ngân sách vẫn chiếm gần 5% GDP, vào khoảng 250 ngàn tỷ đồng và Quỹ dự trữ ngoại hối được công bố hiện có 42 tỷ đô la.

vang2

Khách hàng rời chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ở Hà Nội hôm 10/5/2013. Photo : AFP

Phản tác dụng nếu thực hiện

Các chuyên gia kinh tế trong nước cũng ghi nhận từ đầu năm 2017 đến nay, Ngân Hàng Nhà nước in tiền đồng để thu gom đồng đô la Mỹ, chỉ đạt được khoảng 1 tỷ và đây là con số rất khiêm tốn đối với nhu cầu sử dụng ngoại tệ của Việt Nam. Chuyên gia Kinh tế Bùi Kiến Thành nhấn mạnh Chính phủ cần tìm hiểu rõ nguồn tiền đô la trong dân như thế nào thì mới hoạch định được chính sách tương ứng :

"Ngân Hàng Nhà Nước với lãi suất bằng 0 đối với đồng đô la gửi trong tài khoản thì người ta không gửi đô la trong tài khoản nữa mà lại chuyển qua tiền đồng Việt Nam để gửi vào tài khoản với lãi suất 5-6%. Như vậy theo Ngân hàng Nhà nước không còn bao nhiêu dự trữ đô la trong nhân dân để huy động. Cho nên cần làm rõ nhân dân còn có tiền để huy động hay không trước khi có chính sách để huy động".

Liên quan đến việc huy động 500 tấn vàng trong dân, báo giới trong nước cũng đăng tải thông tin về đề xuất phát hành chứng chỉ vàng như một cách Nhà nước giữ hộ vàng cho dân và giấy chứng nhận vàng này được dùng trong giao dịch cầm cố, thế chấp và bán khi cần. Đề xuất vừa nêu gặp phải sự phản đối của giới chuyên môn vì không khả thi do thói quen của dân chúng là dành dụm mua vàng và cất giữ bên mình để phòng thân. Một phương án mang tính khả thi được các chuyên gia kinh tế nêu lên để có thể thu hút người dân đem vàng và đồng đô la gửi tín dụng là tăng lãi suất. Thế nhưng, từ góc độ khách quan bên ngoài, Chuyên gia Kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa ở Hoa Kỳ nhận định phương án tăng lãi suất cũng không mang lại hiệu quả.

Chuyên gia Kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa nêu ra lý do thứ nhất là Chính phủ Việt Nam đang xem xét và tiến hành áp dụng giảm lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay và lý do thứ hai rất quan trọng là mức độ tin cậy của dân chúng vào hệ thống ngân hàng Việt Nam rất thấp, hay thậm chí không còn tin tưởng do quá nhiều các vụ bê bối, như qua chuyện viện trợ của Úc với đồng bạc Polymer và cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đang bị điều tra.

Trước tình thế kinh tế tài chính hiện tại của Việt Nam mà một số nhà quan sát đánh giá là hoàn toàn bế tắt, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa cho rằng Chính phủ Hà Nội sẽ không thể đưa ra được bất kỳ phương án khả thi nào khác trong việc huy động vàng hay đồng đô la trong dân và :

"Nếu dùng biện pháp có tính chất hành chính và cưỡng ép để bắt dân phải đem tiết kiệm của họ dưới dạng đô la hay vàng thì việc đó không những đi ngược lại quy luật kinh tế, mà còn gây ra những tác động về chính trị và hậu quả sau cùng là người dân càng giấu nhiều hơn và chính quyền càng lộ ra bị quýnh quáng hết tiền nên tìm cách cướp tiền của dân. Vì thế, tôi cho là việc huy động này phản tác dụng".

Đài Á Châu Tự Do cũng ghi nhận vào thời điểm Thủ tướng Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu đề án huy động vàng và đồng đô la hồi tháng 6 năm ngoái, Báo mạng BizLIVE.vn đăng tải ý kiến của nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư, Tiến sĩ Lưu Bích Hồ khẳng định việc huy động như thế không thực tế vì theo ông người dân sẽ tự đầu tư một khi môi trường đầu tư thuận lợi và Chính phủ phải tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi đó cũng như nhận định của nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Central Institute for Economic Management-CIEM), Tiến sĩ Võ Trí Thành rằng việc huy động vàng trong dân để giúp tạo nguồn lực phát triển kinh tế chỉ có thể thực hiện được một khi Việt Nam thực sự hội nhập và thu hẹp khoảng cách với sự phát triển của thế giới.

Hòa Ái, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 09/08/2017

Published in Diễn đàn

Mức điểm chuẩn tuyển sinh của một số trường cao đẳng sư phạm năm 2017 hạ xuống rất thấp, làm dấy lên mối lo ngại rằng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến giáo dục của Việt Nam trong tương lai. Nguyên nhân và hậu quả của vấn đề vừa nêu như thế nào ?

supham1

Ảnh minh họa : Một giờ học tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội hôm 26/04/2010. Photo : RFA

Tuyển sinh tràn lan

Mùa tuyển sinh đại học năm 2017 thu hút sự quan tâm của dư luận với kết quả điểm trúng tuyển được công bố cao ngất ngưởng, như 30, 5 điểm vào Học viện An ninh Nhân dân, nhưng càng gây bất ngờ lẫn hoang mang khi một giáo viên tương lai chỉ cần đáp ứng đủ 9 điểm đầu vào cho 3 môn thi.

Đại diện của một trong số các trường cao đẳng sư phạm công bố điểm trúng tuyển ở mức 9 điểm cho 3 môn, Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Sư Phạm Bắc Ninh, ông Nguyễn Hữu Tuyến, vào sáng ngày 9 tháng 8, cho Báo mạng Zing.vn biết lý do tuyển sinh đầu vào với tiêu chuẩn thấp như thế là vì tạo cơ hội cho học sinh đến nhập học theo nguyện vọng 2 và 3 cũng như những học sinh bị loại khỏi các khoa có điểm chuẩn cao và giúp cho học sinh có khả năng nhưng "sơ suất" bị điểm kém trong thi cử.

Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Sư Phạm Bắc Ninh còn cho biết nhà trường cũng lấy điểm trúng tuyển thấp tương tự từ năm 2016, là thời điểm Bộ Giáo Dục-Đào Tạo không còn đưa ra quy định mức điểm sàn cao đẳng và trong bối cảnh khó khăn chung của các trường sư phạm, không được xếp vào danh sách nghề nghiệp chọn lựa hàng đầu của sinh viên.

Theo truyền thống của người Việt Nam, nghề dạy học được xem là một trong những nghề cao quý. Tuy nhiên, sinh viên không muốn trở thành những "kỹ sư tâm hồn" vì tỉ lệ sinh viên sư phạm thất nghiệp rất cao, trung bình trong hai năm vừa qua, có đến 4000 sinh viên ra trường mỗi năm không có việc làm. Hội thảo khoa học Quốc gia đào tạo giáo viên, được tổ chức hồi tháng 6 năm 2016, cũng đưa ra số liệu đến năm 2020 Việt Nam dự kiến sẽ dư thừa khoảng 70.100 sinh viên sư phạm tốt nghiệp.

Giải thích về hậu quả của vấn đề dư thừa như thế, các giáo viên và những nhà quản lý giáo dục cho rằng nguyên nhân là do sự bất cập trong việc tuyển sinh tràn lan, đào tạo quá nhu cầu sử dụng. Nhà giáo Phạm Toàn, từ Hà Nội nói với RFA các trường hạ điểm chuẩn đầu vào thấp xuống để đạt đủ chỉ tiêu tuyển sinh, theo đúng yêu cầu tiêu chuẩn hoạt động do Bộ Giáo Dục-Đào Tạo đề ra. Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, một giáo viên thâm niêm luôn đấu tranh chống tiêu cực trong ngành giáo dục, chia sẻ quan điểm của ông là giải pháp cho thực trạng sinh viên sư phạm tốt nghiệp không có việc làm thì giống như một mạng nhện có nhiều mắt lưới mà càng gỡ thì càng rối. Thầy giáo Đỗ Việt Khoa khẳng định :

"Thời gian vừa rồi đào tạo nhiều như thế thì làm sao giải quyết được ? Nếu có cho tôi là bộ trưởng giáo dục đi chăng nữa thì tôi cũng không thể giải quyết nỗi vấn đề việc làm cho các thầy cô giáo trẻ mới bước vào ngành. Không có cách nào giải quyết được. Không cách nào đổi mới. Thôi thì chấp nhận hiện tại và cất tấm bằng lại, coi như là một thất bại trong việc chọn nghề, trừ những con ông cháu cha xin xỏ được. Rất nhiều chuyện tiêu cực trong ngành mà nói ra thì không thể nào giải quyết được".

Đồng quan điểm với thầy giáo Đỗ Việt Khoa, một số giáo viên giảng dạy lâu năm mà chúng tôi tiếp xúc cho biết rất thông hiểu cho hoàn cảnh của hầu hết các sinh viên sư phạm mới tốt nghiệp phải tốn công, tốn sức và nhiều người phải chạy vại hàng chục triệu cho đến hàng trăm triệu để có được công việc với mức lương vài ba triệu đồng/một tháng. Và điều mà các giáo viên thâm niên nhấn mạnh rất đau lòng khi nhìn thấy không ít giáo viên trẻ tuổi có tâm huyết với nghề, nhưng đành phải xếp xó tấm bằng sư phạm và trở thành công nhân, lao động tay chân trong nhà máy, cơ xưởng…

supham2

Học sinh, sinh viên tại Hà Nội tìm hiểu thông tin du học, ảnh chụp hôm 4/10/2016. Photo : AFP

Giải quyết hậu quả ra sao ?

Trước đây giới sinh viên thường truyền khẩu cùng nhau "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm", nhưng giờ đây dẫu rằng có "chạy cùng sào" cũng không muốn học ngành sư phạm. Nhất là thời gian gần đây, Bộ trưởng Giáo Dục Phùng Xuân Nhạ đưa ra đề án thử nghiệm bỏ biên chế giáo viên khiến cho nhiều bạn trẻ đánh đồng nghề dạy học sẽ không ổn định. Và khi sinh viên quay lưng với ngành sư phạm thì dù các cơ sở đào tạo, bao gồm trường đại học và cao đẳng sử dụng cách thức lấy điểm chuẩn ở mức thấp cũng không thu hút được đầu vào.

Mặc dù vậy, cách thức tuyển sinh này bị giới chuyên môn phản đối là "không thể chấp nhận được" và gây nghiêm trọng đến chất lượng giáo dục. Báo mạng Zing.vn dẫn lời của Phó Giáo sư Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Lương Thế Vinh, Hà Nội nhận định về việc lấy mức trúng tuyển 9 điểm cho 3 môn để vào ngành sư phạm là nguy hại và là nỗi lo cho thế hệ tương lai vì sẽ đào tạo ra những giáo viên không đủ chất lượng. Phó Giáo sư Văn Như Cương còn cho rằng để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục của Việt Nam thì việc đầu tiên là thay đổi giáo viên.

Thế nhưng, Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng, từng giảng dạy trong và ngoài nước cũng như tiếp cận với nhiều nền giáo dục của thế giới hàng chục năm, lại quả quyết :

"Nền giáo dục Việt Nam không phải chỉ là lạc hậu mà còn là lạc đường. Vì lạc đường nên nó loay hoay mãi không có lối ra. Mình sai thì còn có thể sửa, nhưng đi lạc đường mà lại tin tưởng con đường đó đúng thì không bao giờ thoát ra khỏi cái hệ lụy đó được".

Một trong những lụy nghiêm trọng nhất mà Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng đề cập đó là ngành sư phạm đang đi vào ngõ cụt và viễn ảnh giáo dục của Việt Nam được so sánh như một bức màn đen mà không tia sáng nào lọt qua được, nếu như giới lãnh đạo giáo dục cấp thượng tầng không bao giờ nhận thức họ đang bị lạc đường.

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận trong mùa tuyển sinh năm 2017, mặc dù đa số các trường đại học và cao đẳng sư phạm lấy điểm chuẩn rất thấp, khoảng từ 9 đến 15, 5 điểm để thu hút đầu vào nhưng một số trường cho biết đến ngày 9 tháng 8 chỉ có số ít sinh viên đăng ký nhập học. Trong khi đó, một điểm sáng đối với ngành sư phạm khi hai trường Đại học Sự phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh công bố điểm chuẩn trúng tuyển lần lượt là 27,5 và 26,5 điểm.

Tuy nhiên, mùa khai trường năm học mới 2017-2018 chưa đến, nhưng rất nhiều giáo viên khắp các tỉnh, thành tại Việt Nam âu lo trước thông tin có đến 51 giáo viên thuộc các trường tiểu học và trung học cơ sở ở huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên nhận thông báo bị cắt hợp đồng làm việc.

 

Hòa Ái, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 10/08/2017

Published in Diễn đàn

Giới chức chính quyền tại Việt Nam và một số nước trong khu vực Đông Nam Á tiếp tục lên tiếng và có những động thái đối phó với mạng xã hội như Facebook trong những ngày vừa qua.

fb1

Logo Facebook trên smart phone và laptop. Ảnh chụp ở London ngày 21 tháng 11 năm 2016. Photo : AFP

Cư dân mạng dậy sóng

Có thể nói cư dân mạng tại Việt Nam những ngày qua dậy sóng, liên quan đến cuộc phỏng vấn của ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, thuộc Bộ Thông tin và truyền thông với báo mạng Vietnamnet.vn, đăng tải vào ngày 10 tháng 8.

Điểm nổi bật trong cuộc phỏng vấn vừa nêu mà cộng đồng cư dân mạng chú ý và phản đối mạnh mẽ là ‘cảnh báo’ của ông Nguyễn Thanh Lâm rằng mặc dù mạng xã hội rất tiện ích trong việc biểu đạt quan điểm, nhưng không phải lúc nào cũng hữu ích và mang lại ích lợi cho xã hội, mà "sự dễ dãi và tiện ích đó đang dần làm tha hóa hành vi sống của mỗi con người".

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận rất nhiều cư dân mạng cho rằng lời cảnh báo của giới chức Bộ Thông tin và truyền thông, ông Nguyễn Thanh Lâm thể hiện rõ chủ trương của Nhà nước và Đảng lãnh đạo Việt Nam luôn coi truyền thông mạng xã hội như là "đối tượng bất đồng" của chế độ, với trưng dẫn mới nhất là các bản án nặng nề tổng cộng 19 năm tù giam đối với hai bà mẹ đơn thân, Trần Thị Nga và Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và hơn chục người sử dụng mạng xã hội bị bắt giam theo các điều 88 và 79 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam trong vài tháng vừa qua.

Lên tiếng với RFA, Facebooker Le Vova đưa ra nhận xét về lời cảnh báo của ông Nguyễn Thanh Lâm :

"Cách đây khoảng 5-6 năm thì đã có những quan chức lãnh đạo của các cơ quan truyền thông Việt Nam từng phát ngôn là ‘mạng xã hội là những thông tin rác rưởi, không có giá trị gì cả’, mà đến bây giờ những ông như ông Nguyễn Thanh Lâm vẫn phát ngôn y hệt như thế vì công việc của họ là họ tiếp tục làm những nhiệm vụ nhồi sọ và tuyên truyền ngu dân".

Mặc dù vậy, cộng đồng cư dân mạng lấy làm thú vị khi theo dõi những cuộc đối đáp không trực tiếp qua trang Facebook cá nhân giữa ông Nguyễn Thanh Lâm với võ sư Đoàn Bảo Châu, sau khi vị võ sư này đăng tải chia sẻ nỗi lo của ông rằng ý kiến có phần tiêu cực của một quan chức truyền thông về mạng xã hội có thể dọn đường cho một chính sách đối xử không công bằng đối với mạng xã hội trong tương lai, trong khi võ sư Đoàn Bảo Châu khẳng định mạng xã hội là "một công cụ đóng góp rất lớn cho việc khai dân trí và kết nối những người dân thấp cổ bé họng những năm qua". Đồng quan điểm với võ sư Đoàn Bảo Châu, Blogger Nguyễn Lân Thắng cũng quả quyết mạng xã hội đóng vai trò quan trọng tại Việt Nam :

"Thực tiễn xã hội ở Việt Nam quá bất công. Những vấn đề người ta gặp hàng ngày mà không chịu đựng được nữa, là một. Thứ hai nữa, mạng xã hội ở Việt Nam liên quan đến các hoạt động kinh tế và rất nhiều vấn đề mà chính bản thân những người đang phê phán mạng xã hội cũng đang phải sử dụng mạng xã hội để phục vụ cho những nhu cầu và lợi ích của mình".

Truyền thông mạng phát triển

fb2

Các đại biểu sử dụng điện thoại thông minh để chụp ảnh, lướt web trong một phiên họp Quốc hội ở Hà Nội hôm 12/4/2016. Photo : AFP

Blogger Nguyễn Lân Thắng, Facebooker Le Vova và một số các cư dân mạng khắp các tỉnh, thành mà chúng tôi tiếp xúc đều cho rằng mạng xã hội đã và đang tích cực góp phần cho sự tiến bộ của xã hội, như nhanh chóng cập nhật và phản ảnh những điều bất cập, tiêu cực, sai trái để chính quyền kịp thời chấn chỉnh, có thể kể đến dự án "nhận chìm bùn" của Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 ở vùng biển Hòn Cau, Bình Thuận và trong sự kết nối của thế giới phẳng, mọi người có thể tự chủ để bày tỏ chính kiến, quan điểm, thảo luận hay phản biện cùng nhau trên tinh thần tôn trọng sự khác biệt, mà điển hình qua trường hợp vừa mới xảy ra trên Facebook giữa ông Nguyễn Thanh Lâm với võ sư Đoàn Bảo Châu.

RFA nêu vấn đề cộng đồng cư dân mạng dự đoán tình hình sử dụng mạng xã hội Facebook trong những ngày sắp tới như thế nào, khi Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc với tập đoàn này để thuyết phục họ phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn trong việc sàn lọc và chặn thông tin mà Chính quyền Hà Nội cho là "thông tin sai phạm, xấu độc", qua cuộc phỏng vấn của ông Nguyễn Thanh Lâm dành cho Vietnamnet.vn và chúng tôi được nghe là hầu hết cư dân mạng tin rằng điều này sẽ không thể thực hiện và Facebook đã từng không hợp tác với Trung Quốc như là một ví dụ.

Blogger Nguyễn Lân Thắng nói rằng về phía chính quyền Việt Nam dù đưa ra bất kỳ những biện pháp nào cũng không thể ngăn chặn được xu thế chung của thế giới :

"Dù có những động thái nào như đe dọa hay bắt bớ…thì tôi nghĩ cũng không thể nào ngăn được cơn sóng thần của mạng xã hội trong thời đại này mang đến để xua đi những bất công, giúp người dân có thể đấu tranh giành lại những quyền của mình".

Những ngày vừa qua, không chỉ cư dân mạng tai Việt Nam ồn ào về chuyện của Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, ông Nguyễn Thanh Lâm mà tại Thái Lan, cư dân mạng xứ Chùa Vàng cũng xôn xao trước thông tin Chính quyền Thái buộc tội xúi giục nổi loạn và tội phạm máy tính hai cựu bộ trưởng và một nhà báo kỳ cựu của nước này vào hôm mùng 9 tháng 8. Thông tin mới nhất liên quan đến mạng xã hội mà cư dân mạng ở Philippines ngạc nhiên đón nhận là hãng thông tấn AFP, vào ngày 10 tháng 8, trích lời của trợ lý Tổng thống Rodrigo Duterte rằng những người dùng mạng xã hội có hơn 5000 người theo dõi thuộc diện đủ tư cách để có thể nhận được thẻ báo chí đưa tin về đương kim tổng thống Phi.

Trước những diễn tiến mới nhất liên quan đến mạng xã hội Facebook tại các nước trong Hiệp Hội ASEAN, Đài RFA ghi nhận cộng đồng cư dân mạng ở khu vực Đông Nam Á tỏ ra phấn khởi vì chính quyền sở tại nhìn nhận phương tiện truyền thông mạng cũng như ảnh hưởng quan trọng của thể loại truyền thông này đối với quốc gia của họ.

Hòa Ái, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 11/08/2017

Published in Diễn đàn

Trong vòng một tuần lễ, 5 nhà hoạt động nhân quyền, trong đó có 4 cựu tù nhân lương tâm bị bắt giữ với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”, theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Giới đấu tranh nhân quyền và các tổ chức bảo vệ nhân quyền Việt Nam trong và ngoài nước nói gì về động thái bắt bớ mới nhất của nhà cầm quyền Hà Nội ?

Résultat de recherche d'images pour "bị khởi tố tội “lật đổ chính quyền”"

Từ trái qua : Ký giả Trương Minh Đức, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, ông Phạm Văn Trội, ông Nguyễn Bắc Truyển. Photo : RFA

Bắt bớ với sự tính toán ?

Lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do vào sáng ngày 31 tháng 7, từ Hoa Kỳ, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch của PBSOS-Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng nói rằng nhà cầm quyền Việt Nam có sự tính toán khi trong tuần lễ vừa qua liên tiếp bắt giữ 5 nhà hoạt động nhân quyền, bao gồm ông Lê Đình Lượng cùng 4 thành viên của tổ chức xã hội dân sự độc lập “Hội Anh Em Dân Chủ” là Mục sư Nguyễn Trung Tôn, Kỹ sư Phạm Văn Trội, Nhà báo tự do Trương Minh Đức và Luật sư Nguyễn Bắc Truyển.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng đưa ra nhận định như vừa nêu vì theo ông động thái bắt bớ này của Chính quyền Hà Nội nhằm để đánh đổi với sự cân bằng trong việc trả tự do cho Mục sư Nguyễn Công Chính, người bị tuyên án 11 năm tù vào năm 2010 với cáo buộc “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc”.

Người sáng lập và điều hành tổ chức PBSOS cho biết hồ sơ Mục sư Nguyễn Công Chính là một trong những hồ sơ đầu tiên được đệ trình hồi tháng 3 trong việc áp dụng Luật Magnisky Toàn cầu đối với giới chức Chính quyền Việt Nam liên can đến tra tấn và Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế chọn hồ sơ Mục sư Nguyễn Công Chính, là hồ sơ đàn áp tiêu biểu trong năm 2017, để thúc đẩy đưa Việt Nam trở lại vào danh sách các “Quốc gia cần đặc biệt quan tâm”, gọi tắt là CPC ; đồng thời Quốc Hội Hoa Kỳ cũng lên tiếng mạnh mẽ và can thiệp trực tiếp cho trường hợp của Mục sư Nguyễn Công Chính và vợ, bà Trần Thị Hồng bị tra tấn.

Dưới các áp lực nêu trên, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho rằng nhà cầm quyền Việt Nam quyết định trả tự do cho Mục sư Nguyễn Công Chính với điều kiện sống lưu vong cùng gia đình tại Mỹ thay vì một tháng trước đây, nhưng phải kéo dài vì :

“Thay vì trả tự do cho Mục sư Nguyễn Công Chính sớm hơn, cách đây một tháng nhưng họ kéo dài và có thể xem như họ đưa ra hồ sơ này để cân bằng trở lại việc họ bắt bớ những người họ buộc tội về chính trị. Chúng tôi ước đoán rằng khi quốc tế lên án thì Việt Nam nói rằng họ có sự thay đổi và nhượng bộ về nhân quyền, nghĩa là không những trả tự do cho Mục sư Chính mà còn để cho cả gia đình còn được đi định cư tại Hoa Kỳ. Đây là động thái có tính toán từ phía Việt Nam”.

Cùng quan điểm rằng nhà cầm quyền Việt Nam có sự tính toán trong việc liên tiếp bắt giữ 5 nhà hoạt động nhân quyền với cáo buộc theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam, cựu tù nhân lương tâm, nhà hoạt động đấu tranh dân chủ-Bác sĩ Nguyễn Đan Quế từ trong nước nêu lên sự chú ý động thái bắt bớ mới nhất và đông nhất kể từ đầu năm 2017 trong bối cảnh chính trị hiện nay của Việt Nam mà theo ông là rất bấp bênh, nhất là căng thẳng với Trung Quốc tại Biển Đông qua vụ Bắc Kinh cảnh báo không cho Hà Nội tiến hành thăm dò và khai thác dầu khí ở lô 136-3 Bãi Tư Chính. Bác sĩ Nguyễn Đan Quế nói :

“Bản chất của những người Cộng sản là rất đa nghi. Theo suy luận của tôi thì ở thời điểm này họ tính rằng cần phải có những hành động như thế để ngăn chặn nhiều chuyện, trong đó có những việc như biểu tình chống Trung Quốc ở Biển Đông…Điều đó là có thể và rất nhiều khả năng theo hướng đó”.

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế còn nhấn mạnh nhà cầm quyền Việt Nam ngày càng lạm dụng trong việc sử dụng các điều luật như Điều 88, Điều 258 và Điều 79, là các điều luật bị quốc tế cho là mơ hồ để đàn áp những tiếng nói đối lập và các hoạt động ôn hòa của những người vận động chính quyền xây dựng xã hội dân chủ, tiến bộ, công bằng và văn minh.

Triệt tiêu phòng trào dân chủ nhân quyền ?

Résultat de recherche d'images pour "Luật sư Nguyễn Văn Đài tại Tòa án nhân dân Hà Nội, ngày 11 tháng 5 năm 2007. Photo: AFP"

5 năm 2007. Photo : AFP

Cũng từ trong nước, cựu tù nhân lương tâm, Luật sư Lê Quốc Quân chia sẻ ông Lê Đình Lượng là một người luôn hăng say tham gia các hoạt động chống lại tiêu cực ở địa phương, như đấu tranh về việc thu thuế nông nghiệp không đúng luật định, phản đối chính quyền phạt vạ người dân trong trường hợp sinh đẻ hơn 2 con hay chính quyền lạm thu trong các vấn đề xã hội hóa về giáo dục và y tế. Luật sư Lê Quốc Quân cho biết các hoạt động như thế thường mang lại kết quả khả quan cho dân chúng trong vùng trong các năm qua.

Tuy nhiên, Luật sư Lê Quốc Quân khẳng định ông Lê Đình Lượng bị bắt với cáo buộc theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam vì cùng với các nạn nhân của thảm họa môi trường khu vực biển Bắc miền Trung, do nhà máy thép Formosa xả thải có độc tố ra biển, tuần hành kêu gọi đóng cửa Formosa cũng như khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Luật sư Lê Quốc Quân nhắc lại Luật sư Nguyễn Văn Đài cùng cộng sự, cô Lê Thu Hà bị bắt giữ hồi trung tuần tháng 12 năm 2015 vì tội “tuyên truyền chống nhà nước”, theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Thế nhưng, truyền thông nhà nước vào ngày 30 tháng 7 loan tin Cơ quan Điều tra Bộ Công An ra quyết định khởi tố 6 bị can trong vụ án Nguyễn Văn Đài cùng những người khác hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.

Luật sư Lê Quốc Quân lý giải hành động Chính quyền Hà Nội tùy tiện diễn giải các điều luật để truy tố người dân, qua động thái bắt bớ trong tuần trước, để đạt được mục đích của họ :

“Điều 79 là điều có cấu thành tội phạm nặng hơn so với Điều 88 và có mức án cao đến mức tử hình. Cho nên Nhà nước áp dụng Điều 79 đối với nhiều người thì rõ ràng có tính răn đe cao hơn. Thứ hai nữa là họ muốn đưa ra thông điệp cứng rắn rằng tính chất tổ chức sẽ bị triệt hạ và họ sẽ kiên quyết đánh phá vào các tổ chức”.

Tưởng cần nhắc lại, hồi trung tuần tháng 7, tờ Quân đội nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Việt Nam, đăng tải một bài xã luận xác nhận sự phát triển của các tổ chức xã hội dân sự và tập trung vào các biện pháp để ngăn chặn hoạt động lợi dụng xã hội dân sự chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam. Các tổ chức xã hội dân sự độc lập trong nước phản biện rằng Đảng Cộng Sản và Nhà nước Việt Nam gia tăng các biện pháp trấn áp những họat động tự do dân chủ của các tổ chức xã hội dân sự độc lập qua bài bài xã luận này và có thể xem động thái bắt bớ 5 nhà hoạt động dân chủ nhân quyền mới nhất là một bằng chứng.

Hòa Ái, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 31/07/2017

Published in Diễn đàn

Trong vòng chưa đầy một tháng, nhà cầm quyền Việt Nam tuyên các bản án tù nặng nề đối với hai nhà hoạt động nhân quyền, Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga. Cuộc sống của những đứa trẻ thơ là con của hai nữ tù nhân lương tâm này thế nào ?

Tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và con gái, bé Nấm.

Tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và con gái, bé Nấm. Courtesy : Facebook Tuyet Lan Nguyen

Hồn nhiên khi mẹ bị bắt ?

Vào sáng sớm thứ Ba, ngày 25 tháng 7 năm 2017, hình ảnh ông Phan Văn Phong, bố của hai cháu bé Phú-Tài với những cành hoa hồng trên tay bước vội về hướng cổng Tòa án nhân dân Tỉnh Hà Nam, để tham dự phiên tòa xét xử nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga, khiến nhiều người xúc động.

Trong khi các tổ chức nhân quyền thế giới lên án mạnh mẽ việc Chính quyền Hà Nội bắt giữ bà Trần Thị Nga với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước’, theo Điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam vào những ngày giáp Tết Đinh Dậu thì hai đứa con thơ của bà Nga là Phú và Tài hồn nhiên trước cảnh tượng rất đông công an và an ninh đến nhà dẫn mẹ đi.

Cũng cần nhắc lại trước thời khắc giao thừa, Đài RFA đã liên lạc với gia đình của bà Trần Thị Nga và có được cuộc trò chuyện rất ngắn với cháu Tài :

“- Con ơi, mẹ đi đâu rồi con ?

- Đi vào tù.

- Con đón Tết, con nhớ mẹ nhiều không ?

- Con đón Tết, con nhớ mẹ nhiều”.

Bố của hai bé Phú-Tài, ông Phan Văn Phong nói với chúng tôi rằng hai cháu quá quen thuộc với việc bà Nga thường xuyên bị chính quyền câu lưu hay công an, an ninh luôn xuất hiện sách nhiễu gia đình nên trong sự nhận thức non nớt của các bé chỉ đơn thuần là mẹ bị bắt vào tù giống như mẹ vắng nhà vài hôm rồi mẹ về.

Dù suốt nửa năm không được nhìn thấy mẹ và không được sống gần gũi bên cạnh mẹ, nhưng Phú và Tài vẫn nở những nụ cười tươi khi được nghe ai đó nhắc về mẹ của mình. Và dù phải thức dậy thật sớm vào 5 giờ sáng để theo bố với niềm mong ước được gặp mẹ, nhưng Phú-Tài lại ngoan ngoãn thơ thẩn chơi trên vỉa hè khi cả ba bố con không được phép vào dự phiên tòa mà chính quyền Tỉnh Hà Nam thông báo là “xét xử công khai”.

Có phải vì bối cảnh gia đình mà hai cháu Phú-Tài ngây ngô với cuộc sống vốn dĩ diễn ra như thế, như những chú gà con tự bới quào khi không được gà mẹ dang cánh ấp ôm, che chở ? Hay có phải vì sống cảnh “gà trống nuôi con” nên bố của Phú-Tài không nhận biết được những dấu hiệu tâm sinh lý bất thường do không có mẹ bên cạnh của hai đứa trẻ con ông ?

Biểu hiện tâm sinh lý bất thường ?

Cũng bằng độ tuổi của cháu Tài, bé Gấu, đứa con trai bé bỏng của Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một nhà hoạt động nhân quyền được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trao giải Phụ nữ Quốc tế Dũng cảm năm 2017và bị Tòa án Tỉnh Khánh Hòa tuyên 10 năm tù giam, có biểu hiện trầm cảm ngày một nặng hơn, kể từ khi mẹ bị bắt hồi tháng 10 năm 2016.

Thân mẫu của Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan cho Đài Á Châu Tự Do biết thời điểm con gái của bà vừa bị bắt, cháu Gấu hay khóc quấy và hỏi bà ngoại “Mẹ đi mua sữa sao lâu quá không về ?” Dần dà, bé Gấu ngồi một góc và nói chuyện một mình. Mỗi khi Gấu nói với bà ngoại những ký ức về mẹ thì y như rằng bé bị đi xón trong quần vào lúc đêm tối ngủ mớ.

Không chỉ bé Gấu mà chị của Gấu, bé Nấm, 11 tuổi còn có những biểu hiện rất khác thường. Bà Tuyết Lan kể lại :

“Lúc mẹ bị bắt, bé Nấm nhìn người ta với ánh mắt rất khó chịu và trong con mắt của cháu biểu hiện sự ghét người khác hay hận thù gì đó.”

TranThiNga.jpg

Tù nhân lương tâm Trần Thị Nga và con trai, bé Tài. Courtesy : Facebook Hoang Sy Vu

Trước biểu hiện tâm sinh lý không bình thường của hai chị em Nấm-Gấu, thân mẫu của tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh rất lo lắng. Sau nhiều tháng bà mẹ đơn thân Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt, bé Nấm được gặp mẹ trước ngày phiên tòa sơ thẩm mở ra. Tuy vậy, bé Nấm vẫn không rơi một giọt nước mắt nào trong giây phút hiếm hoi nhìn thấy mẹ.

Vì không thể tìm được bác sĩ tâm lý tại Thành phố Nha Trang, bé Nấm được người quen của gia đình dắt đi điều trị ở Sài Gòn. Bà Tuyết Lan kể về lần đầu tiên bé Nấm gặp gỡ với chuyên gia tư vấn tâm lý :

“Bác sĩ tâm lý hỏi là ‘Nấm có khóc không ?’ Nấm suy nghĩ và nói rằng ‘Tại sao phải khóc ?’ Bác sĩ tâm lý hỏi thêm ‘Tại sao không khóc ?’ Nấm trả lời lại “Khóc là hèn, là yếu đuối, không có gì để khóc hết”.

Bà Tuyết Lan cho biết tình trạng tâm lý của bé Nấm tương đối được ổn định sau vài tháng điều trị. Và vì hoàn cảnh gia đình đơn chiếc, bé Gấu không được đưa đi khám bệnh như chị gái của mình. Bà Tuyết Lan nói về biểu hiện của bé Nấm trong thời gian gần đây :

“Lúc đầu Nấm ở trong phòng không tiếp xúc với ai. Hỏi gì cháu cũng im lặng, không nói không rằng gì hết. Bây giờ thì đã nói lại. Những ngày gần đây, Nấm đọc trên mạng xã hội về cô Trần Thị Nga. Nấm nói với tôi là ‘Cô này cũng có con nhỏ bằng tuổi Gấu, chưa đầy 5 tuổi nè ngoại à’. Nửa đêm, Nấm ôm bà và nói ‘Bà ơi, con nhớ mẹ lắm bà !”.

Chúng tôi cũng được dịp trao đổi với bé Nấm và được nghe cháu chia sẻ trong tâm thái rất bình tĩnh. Bé Nấm nhận thức rõ được vai trò của một người chị gái phải phụ bà ngoại chăm sóc cho em, sau khi nghe bà đi dự phiên tòa xét xử mẹ về và nói rằng phải chờ đến khi vào đại học thì mới được gặp lại mẹ. Đáp câu hỏi của RFA rằng mong ước hiện tại là gì, câu trả lời của bé Nấm đã không nói cho riêng mình :

“Con mong tất cả các bạn được sống với mẹ và được mẹ yêu thương, chứ mẹ không bị đi tù”.

Với lời bộc bạch của bé Nấm, khó ai có thể hình dung được một bé gái mới hơn mười tuổi đầu luôn khát khao hơi ấm của mẹ, dù được bà ngoại yêu thương và chăm sóc rất chu đáo, lại luôn sống trong sự hoài nghi, cảnh giác với mọi người xung quanh. Ánh mắt thơ ngây của bé Nấm vẫn ánh lên sự giận dữ mỗi khi bắt gặp những người lạ quanh quẩn ba bà cháu trong các sinh hoạt thường nhật bất kể ngày hay đêm.

Blogger Trịnh Bá Phương, con trai của tù nhân lương tâm Cấn Thị Thêu, một phụ nữ đấu tranh giữ đất và chống tham nhũng, chia sẻ rằng anh rất thấu hiểu và đồng cảm với bé Nấm. Anh Trịnh Bá Phương cho biết là một người trưởng thành và chuẩn bị tinh thần cho việc bố mẹ có thể bị bắt giữ bất cứ lúc nào, nhưng :

“Sau khi bố mẹ em bị bắt vào ngày 25/04/2014 thì hình thức mà họ sử dụng bạo lực kết hợp với nhà tù thì em nhận biết rõ hơn về sự phi nhân và tàn bạo của chế độ và tâm lý của em rất là căm thù. Mỗi khi đối diện với tất cả an ninh và những người trong chính quyền thì em cảm thấy họ là những kẻ tàn ác. Em nhìn họ như đứt từng tia máu trong ánh mắt, cảm giác căm thù đến mức độ như vậy”.

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận không chỉ Blogger Trịnh Bá Phương mà cộng đồng cư dân mạng xã hội cùng dư luận trong và ngoài nước đều bày tỏ sự xót xa cho các cháu bé, con của hai nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga ; đồng thời cũng lên án mạnh mẽ nhà cầm quyền Việt Nam không chỉ tuyên các bản án tù nặng nề đối với hai bà mẹ đơn thân vô tội mà còn gián tiếp trút lên đầu những đứa con thơ của họ bằng sự bất nhân, tàn nhẫn và bạo quyền của một chế độ.

Hòa Ái

Nguồn : RFA, 26/07/2017

Published in Diễn đàn

Tờ Quân đội nhân dân, một cơ quan ngôn luận của Đảng Việt Nam, hồi trung tuần tháng Bảy, đăng tải một bài xã luận về vai trò và mặt trái của xã hội dân sự cùng các biện pháp để ngăn chặn hoạt động lợi dụng Xã hội dân sự chống phá Đảng và Nhà nướcViệt Nam. Các tổ chức Xã hội dân sự độc lập phản biện như thế nào đối với bài xã luận vừa nêu ?

Tổng thống Barack Obama gặp gỡ đại diện của các Xã hội dân sự trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016.

Tổng thống Barack Obama gặp gỡ đại diện của các Xã hội dân sự trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016. AFP photo

Vai trò của Xã hội dân sự

Trong bài viết có tựa đề “Phòng, chống hoạt động lợi dụng xã hội dân sự để chống phá Đảng, Nhà nước”, đăng tải trên Báo mạng Quân đội nhân dân hôm 17 tháng Bảy, tác giả Nguyễn Đức Quỳnh xác nhận Xã hội dân sự, bao gồm các tổ chức, hội, nhóm…thực hiện mối liên hệ giữa công dân với Nhà nước và Xã hội dân sự được hình thành, hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong khuôn khổ pháp lý và đạo lý, cùng với Nhà nước kiểm soát và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, phát huy dân chủ, nhằm duy trì sự ổn định, cân bằng và phát triển bền vững của Nhà nước và xã hội.

Bài xã luận cũng đưa ra số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện Việt Nam có gần 18 tổ chức công đoàn ngành, 400 hội, hàng ngàn hiệp hội, câu lạc bộ hoạt động trong mọi lĩnh vực xã hội. Và các tổ chức Xã hội dân sự này không phụ thuộc vào Nhà nước, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, độc lập về tài chính với mục tiêu chung vì sự phát triển của cộng đồng, xã hội.

Đài RFA ghi nhận các tổ chức Xã hội dân sự độc lập trong nước cho rằng đây là dấu hiệu lần đầu tiên Chính quyền Việt Nam chính thức xác nhận nhận sự tồn tại của Xã hội dân sự qua một kênh truyền thông chính thống, hoàn toàn trái ngược với quan điểm Xã hội dân sự là thủ đoạn của chiến lược “Diễn biến hòa bình”, cũng được đăng tải trên Báo Quân đội nhân dân và Báo Nhân dân cách nay 5 năm trước.

Nhà quan sát tình hình Việt Nam và là Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nêu lên nguyên nhân vì sao nhà cầm quyền Việt Nam phải lên tiếng nói về vai trò và trách nhiệm của Xã hội dân sự tại thời điểm này :

“Nguyên do thứ nhất là họ thấy áp lực dâng cao về vấn đề dân chủ và nhân quyền trong nhiều giới ở trong nước, đặc biệt là giới trí thức và người dân. Thành thử họ muốn dùng biện pháp tháo ngòi nổ, giống như tháo ngòi nổ vụ Đồng Tâm vừa rồi, để làm xoa dịu sự căm phẫn, phẫn uất trong sự đòi hỏi dân chủ, nhân quyền của người dân và mở ra Xã hội dân sự để cho người dân trong nước thấy rằng nhà nước cũng chấp nhận Xã hội dân sự, mặc dù rượu mới bình cũ mà thôi, tức là bên trong vẫn là khối phụ thuộc quốc doanh. Nguyên nhân thứ hai là sự làm màu để cho quốc tế, các chính phủ tiến bộ trên toàn cầu, cộng đồng nhân quyền quốc tế thấy là Nhà nước Việt Nam chấp nhận Xã hội dân sự».

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhấn mạnh mặc dù Chính quyền Hà Nội chính thức đề cập đến sự hiện diện Xã hội dân sự, tuy nhiên chỉ là đối với Xã hội dân sự quốc doanh chứ Xã hội dân sự hoạt động độc lập mang tính phản biện, phản kháng không được chấp nhận.

Xã hội dân sự độc lập phản biện

Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập cũng trưng dẫn các bằng chứng mà ông cho rằng tác giả của bài xã luận đăng trên Báo mạng Quân đội nhân dân cố ý nêu ra để chứng minh có những cá nhân hay tổ chức hoạt động lợi dụng Xã hội dân sự để chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam, chẳng hạn như tuyệt đối hóa tính độc lập tương đối của Xã hội dân sự nhằm từng bước làm cho các tổ chức Xã hội dân sự thành tổ chức chính trị đối lập với Đảng và Nhà nước ; lợi dụng để gây sức ép về dân chủ, nhân quyền, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam ; tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn có nội dung đòi hỏi thực hiện quyền con người theo như tiêu chí phương Tây, bất chấp đặc thù lịch sử, văn hóa và chế độ chính trị của Việt Nam.

Thành viên nhóm Hoàng Sa Club, anh Từ Anh Tú sau khi đọc được bài xã luận, lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do là có sự mâu thuẫn trong quan điểm của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam. Anh Từ Anh Tú nêu lên một ví dụ liên quan kiến nghị của tác giả trong bài viết rằng phải giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện đối với cả hệ thống chính trị, trong đó có các tổ chức chính trị, xã hội ; trong khi quan điểm của anh là Xã hội Dân sự mà lại chịu sự chỉ đạo của Đảng thì sẽ không còn là tổ chức Xã hội Dân sự nữa. Bởi vậy, anh Từ Anh Tú nhấn mạnh, Xã hội Dân sự phải bắt nguồn từ quần chúng và đại diện cho lợi ích của một nhóm quần chúng nào đó. Bạn trẻ Từ Anh Tú nói tiếp :

“Em nghĩ rằng họ nói có nhiều mâu thuẫn, bởi vì những gì luật pháp cho phép thì mình đều có thể làm. Điều gì không phù hợp thì mình có quyền phản đối hay phản bác. Chẳng hạn như Đảng Cộng sản có nhiều chính sách không hợp lý trong đối nội cũng như đối ngoại thì mình phản đối. Và đó là điều bình thường. Họ đâu phải là thần thánh mà có thể cấm người ta chống đối. Ví dụ họ sai thì em và nhóm của em không ngại chống đối vì mình hòan toàn có quyền để làm điều đó».

81945daa-8a58-4574-907e-29a6fe6bf823.jpeg

Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tại một tòa án ở thành phố Nha Trang vào ngày 29 tháng 6 năm 2017. AFP photo

Nhóm Hoàng Sa Club là một tổ chức Xã hội dân sự độc lập, được thành lập với tiêu chí phổ biến kiến thức về chủ quyền biển đảo cho thanh niên Việt Nam trong bối cảnh giới trẻ trong nước rất mù mờ thông tin, mà theo anh Từ Anh Tú thậm chí có nhiều người học hết phổ thông nhưng vẫn không biết Hoàng Sa đã bị mất. Thế nhưng việc làm của nhóm Hoàng Sa Club không được thừa nhận như một tổ chức Xã hội dân sự và các thành viên gặp nhiều khó khăn, trở ngại từ phía chính quyền.

Bài xã luận trên Báo mạng Quân đội nhâ dân cũng nêu đích danh các Xã hội dân sự độc lập như Hội Phụ nữ Nhân quyền, Hội Nhà báo Độc lập, Hội Anh em Dân chủ…đã dùng các diễn đàn trực tuyến và mạng xã hội để công khai tổ chức, lôi kéo quần chúng tham gia và dù hoạt động theo phương thức tự phát nhưng luôn có sự liên kết chặt chẽ với các tổ chức phản động bên ngoài để phát triển và hình thành tổ chức chính trị đối lập.

Trước cáo buộc này, hầu hết các tổ chức Xã hội dân sự độc lập đang hoạt động ở Việt Nam phản biện rằng cùng với sự phát triển của internet và truyền thông mạng xã hội, dân chúng ngày càng nhận thức và hiểu biết hơn về các quyền hiến định của người dân, cũng như người dân tích cực và chủ động hơn trong việc tham gia vào các hội, nhóm để bày tỏ chính kiến nhằm đòi hỏi các quyền căn bản chính đáng của họ, như quyền tự do ngôn luận, quyền tự do lập hội, quyền tự do biểu tình…

Xã hội dân sự cần đoàn kết ?

Một thành viên của tổ chức Hội Anh em Dân chủ là cựu tù nhân lương tâm Phạm Minh Vũ, bị tuyên án 18 tháng tù vì tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 258 Bộ luật Hình sự Việt Nam, nhận xét Xã hội Dân sự ở Việt Nam hiện tại rất đa dạng và Xã hội dân sự độc lập đang đóng vai trò để định hình xã hội đi vào trật tự, góp phần cho chính quyền trong việc thay đổi và ổn định xã hội hơn. Cựu tù nhân lương tâm trẻ tuổi Phạm Minh Vũ khẳng định nhà cầm quyền Hà Nội lại không nhìn nhận điều đó :

“Đối với nhà cầm quyền, họ không thừa nhận đây là những tổ chức Xã hội dân sự đơn thuần mang lại lợi ích cho xã hội mà họ cho là những âm mưu và các nhóm manh mún chống đối chính quyền. Vô hình trung, tất cả những người thuộc các tổ chức đó, trong đó có em mà nhà cầm quyền cho là những thành phần nguy hiểm cả. Trong thể chế độc tài này thì các Xã hội Dân sự cần làm ngay là phải đoàn kết lại. Theo quan điểm của em, nếu không đoàn kết rõ ràng sẽ không bảo vệ được. Thể chế chính trị của Đảng Cộng sản sẽ duy trì hoạt động khủng bố bằng hình thức này hay hình thức khác, sẽ đàn áp dẫn đến sớm bị tan rã. Em nghĩ hiện tại ở Việt Nam Xã hội Dân sự buộc phải ngồi lại đoàn kết hơn để giải quyết mục tiêu chung trước mắt cho sự công bằng và bớt bất công cho xã hội Việt Nam tốt đẹp hơn».

Trao đổi với chúng tôi về sự thành hình, phát triển và hiệu quả của Xã hội dân sự tại Việt Nam, đặc biệt là các tổ chức Xã hội dân sự độc lập mà bài xã luận đăng tải trên Báo mạng Quân đội nhân dân hôm 17 tháng Bảy, từ Sài Gòn, nhà hoạt động đấu tranh dân chủ-Bác sĩ Nguyễn Đan Quế nhận định :

“Trong hòan cảnh khó khăn dưới chế độ độc tài toàn trị, so với mấy chục năm về trước, gần đây các Xã hội Dân sự đã ra đời được nhiều và đã có một số những hoạt động tương đối tích cực. Theo tôi, đó là dấu hiệu đáng mừng. Nói chung, các Xã hội Dân sự chắc chắn phải có tác dụng ít hay nhiều đối với quần chúng và sẽ là những tổ chức càng ngày càng hữu hiệu hơn trong việc lên tiếng về nhân quyền, dân chủ… Nhưng cần đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới để có thể làm chuyển biến tích cực tình hình tại Việt Nam».

Cựu tù nhân chính trị, vừa được tổ chức Nhân quyền ở Hàn Quốc trao giải Gwangju hồi năm 2016, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế bày tỏ sự lạc quan về xu thế phát triển tất yếu của Xã hội dân sự độc lập ở trong nước, bất chấp Chính quyền Việt Nam sách nhiễu, bắt bớ hay bỏ tù không ít thành viên của các tổ chức này và ông tin rằng Hà Nội sẽ phải chính thức công nhận và thừa nhận sự đóng góp hữu hiệu của các tổ chức Xã hội dân sự độc lập trong thời gian tới.

Hòa Ái

Nguồn : RFA, 24/07/2017

Published in Diễn đàn
Trang 9 đến 9