Ngày 8/5/2019, hàng chục tờ báo, từ Tuổi Trẻ, Zing, VnExpress, Tiền Phong, đến Đại Đoàn Kết, đều đăng bản tin với nội dung giống nhau gần như tuyệt đối, về việc "cử tri Thành phố Hồ Chí Minh vui mừng trước tin sức khỏe Tổng bí thư-Chủ tịch nước ổn định" ! Tuy nhiên, nếu tìm hiểu "cử tri" là "cử tri" nào, sẽ thấy nhiều chuyện lạ…
Ông Trần Đại Quang, thời còn sống, "đi thăm" cử tri ở thành phố Hồ Chí Minh, tháng 6/2018.
Tiếp xúc cử tri được xem là một "sinh hoạt chính trị sôi nổi" làm nên diện mạo "thể chế dân chủ" của Việt Nam. Các cuộc tiếp xúc cử tri của đại diện chính quyền hoặc đại biểu Quốc hội luôn được báo chí đưa tin "sâu sát". Đó là dịp để "bà con cử tri" "trải lòng", "gửi gắm tâm tư" và "kiến nghị bức xúc". Hồi Đinh La Thăng còn làm bí thư Thành phố Hồ Chí Minh, tờNgười Lao Động (7/5/2016) từng tường thuật (buổi tiếp xúc cử tri tại Củ Chi) :
"Cử tri Bùi Ngọc Anh, ngụ xã Trung An, đăng ký phát biểu nhưng chờ mãi không tới lượt ; khi hết cuộc mới lên đưa tận tay mảnh giấy ghi vội những ý kiến của mình. Chị vừa khóc vừa góp ý tâm huyết với Bí thư Thăng những vấn đề giáo dục, chăm sóc trẻ em. Bác Thăng hỏi tôi tại sao khóc. Tôi trả lời học sinh học yếu mình buồn nên khóc ; con cháu tôi không nhiều nhưng tôi nghĩ cho toàn xã hội đất nước của mình, thiếu kiến thức cơ bản, lịch sử, cứ cải cách mãi rồi học sinh càng thêm lơ mơ"…
Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, khoản 2, điều 27, Luật Tổ chức Quốc hội, quy định :
"Đại biểu quốc hội tiếp xúc cử tri ở nơi ứng cử theo chương trình tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu Quốc hội ; tiếp xúc ở nơi cư trú, nơi làm việc ; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu quan tâm".
Ngoài ra, Nghị quyết liên tịch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định :
"Trong trường hợp cần thiết để nâng cao chất lượng, hiệu quả đóng góp của mình vào xây dựng luật, hoạt động giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, đại biểu Quốc hội có thể tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi mình ứng cử"…
Sinh hoạt chính trị trong "bầu không khí dân chủ cởi mở" này lại có vài chi tiết không bình thường. Trừ lò lửa Thủ Thiêm, đang trở thành nơi "nhóm lò" cho "thanh củi" Lê Thanh Hải, có vẻ như một số địa bàn và một số cử tri đã được chọn lựa cẩn thận để đạt "hiệu quả truyền thông" lẫn sự an toàn cho cá nhân đại biểu. Bản tin và hình ảnh tường thuật các buổi tiếp xúc cử tri đã vô hình trung lộ ra danh sách vài "cử tri" quen thuộc. Đó là các "cán bộ lão thành cách mạng", cựu binh hoặc "đảng viên nòng cốt", mà "tiếng nói đại diện đông đảo quần chúng" của họ, luôn "ăn nhịp" với chủ trương và đường lối chính sách của Đảng.
Tại địa bàn Hà Nội, gương mặt cử tri quen thuộc đặc biệt là ông Trần Viết Hoàn (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình). Ngày 4/5/2019, ông Trần Viết Hoàn "mong lắm Tổng bí thư, Chủ tịch nước mau bình phục tốt để "hai tay gìn giữ một sơn hà". Ngày 13/5/2018, trong buổi tiếp xúc cử tri tại đơn vị bầu cử số 1 (Ba Đình, Hoàn Kiếm) của Nguyễn Phú Trọng, ông Trần Viết Hoàn cũng "nhấn mạnh" : "Nhân dân nức lòng khi được nghe lời Tổng bí thư nói "ai nhụt chí thì đứng sang một bên để cho người khác làm"… Cử tri lão thành Trần Viết Hoàn là ai mà luôn xuất hiện "đúng nơi và đúng thời điểm" ? TờCông An Nhân Dân (9/9/2014) cho biết, cụ là tiến sĩ (không ghi rõ tiến sĩ gì), từng "tham gia bảo vệ Bác trong 5 năm cuối đời với vai trò anh lính cận vệ" và sau đó làm việc ở Khu Di tích Phủ Chủ tịch suốt 38 năm. Cụ Hoàn được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao Động hạng ba (1999) và Huân chương Lao Động hạng nhất (2014). Theo bài báo này, vợ cụ là kế toán công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh ; con trai cả là trưởng phòng bảo vệ Khu Di tích Phủ Chủ tịch ; con gái là phó Phòng thuyết minh Khu Di tích… Cụ cũng là tác giả quyển "Bác Hồ, người soi sáng cho muôn đời", Nhà xuất bản Hồng Đức, 2015. Hóa ra cụ là "người quen", nhỉ !
Tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, cũng có một số cử tri "quen mặt". Chiều 7/5/2019, trong buổi tiếp xúc cử tri của Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, "đông đảo cử tri cũng bày tỏ quan tâm đến sức khỏe của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng". Cử tri Lê Thanh Tùng (quận 3) cho biết, "do thiếu thông tin chính thống về tình hình sức khỏe của Tổng bí thư, Chủ tịch nước mà thời gian gần đây hoạt động chống phá, xuyên tạc diễn biến phức tạp, còn người dân thì lo lắng, thiếu kênh chính thống để theo dõi". Cùng ý kiến với cử tri Lê Thanh Tùng, cử tri Nguyễn Hữu Châu (quận 1) cũng "bày tỏ mong muốn Tổng bí thư, Chủ tịch nước sớm ổn định sức khỏe trở lại làm việc, để cùng với Đảng, Nhà nước tiếp tục xốc vác nhiệm vụ phòng chống tham nhũng mà cán bộ, đảng viên, nhân dân mong mỏi, ủng hộ suốt thời gian qua" (Đại Đoàn Kết, 7/5/2019).
Trước đó hai năm, ngày 26/4/2017, trong buổi tiếp xúc Chủ tịch nước Trần Đại Quang, "đông đảo cử tri đã bày tỏ bức xức trước tình hình Đồng Tâm". Tại đây, người ta lại thấy cử tri Lê Thanh Tùng (quận 3) nêu ý kiến : "Bản thân cảm thấy rất buồn khi xảy ra việc người dân bức xúc tột đỉnh dẫn đến bắt giữ 38 cán bộ, chiến sĩ công an"… Cùng với ông Tùng, trong buổi gặp mặt này, lại là "đồng chí" Nguyễn Hữu Châu (quận 1). Cử tri Châu cho rằng, "vụ việc bức xúc dẫn đến phản kháng quyết liệt kiểu "tức nước vỡ bờ" của hàng ngàn người dân ở xã Đồng Tâm đã cho thấy rõ ràng lợi ích của một dự án đang xung đột nghiêm trọng với đời sống người nông dân địa phương" (Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, 26/4/2017). Một năm trước nữa, khi báo Người Lao Động mở "diễn đàn dân chủ" với chủ đề "Cử tri đặt hàng với đại biểu", độc giả cũng thấy ý kiến đóng góp của "cử tri Lê Thanh Tùng, ngụ tại phường 7, quận 3" (Người Lao Động 16/5/2016). Cần nói thêm, như trường hợp ông Trần Viết Hoàn ở Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Châu (quận 1) cũng thuộc gia đình có "truyền thống cách mạng lâu đời". Ông là con của Nguyễn Hữu Thọ (cố Phó Chủ tịch, quyền Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội...) !
Rời Sài Gòn, thử đến địa bàn Đà Nẵng. TờCông An Đà Nẵng (28/7/2018) cho biết, chiều ngày 27/7 tại phường Phước Mỹ, tổ đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng số 9 đã có buổi tiếp xúc cử tri. Tại đây, cử tri Lê Thọ Truyền (phường An Hải Đông) đã "hoan nghênh kỳ họp bầu ra Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố để tăng cường trách nhiệm của cơ quan quyền lực cao nhất của thành phố ; đánh giá kỳ họp có nhiều đổi mới, dân chủ, thảo luận sôi nổi, có tác động tích cực, tạo niềm tin cho cử tri". Hơn một năm trước, trong buổi tiếp xúc cử tri của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, cử tri Lê Thọ Truyền (phường An Hải Đông) cho hay, "để đấu tranh chống tham nhũng, cần quản lý tài sản, đặc biệt là tài sản bất minh của cán bộ lãnh đạo" (VietnamNet 12/12/2017). Rồi sáng 4/10/2017, trong buổi tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu quốc hội thành phố Đà Nẵng, cử tri Lê Thọ Truyền (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) cũng cho rằng "chỉ đạo của Trung ương trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực bắt đầu có sự bài bản, có trọng điểm". Chưa hết, sáng ngày 4/5/2017, tại Hội trường Trung tâm hành chính quận Sơn Trà, khi Đoàn đại biểu quốc hội thành phố Đà Nẵng tiếp xúc cử tri, cử tri Lê Thọ Truyền, phường An Hải Đông, cũng lại "cho rằng", "việc tăng giá viện phí áp dụng từ ngày 1/6/2017 là chưa phù hợp" (mattran.danang.gov.vn, 2/6/2017)…
Có vẻ như "nguồn" cử tri là rất giới hạn ? Trong bài "Cử tri cả nước hân hoan đi bầu cử", tạp chí Tuyên Giáo (22/5/2016) cho biết, trong "ngày hội non sông" này, tại Cao Bằng, "có 1.246 khu vực bỏ phiếu với 361.626 cử tri tham gia bầu cử" ; tại Yên Bái, có "277.647 cử tri nam và 278.588 cử tri nữ" ; tại Hà Nội, chỉ riêng xã Kim Chung (huyện Đông Anh), có 9.030 cử tri ; tại Đà Nẵng, "hơn 682 nghìn cử tri thành phố Đà Nẵng đã nô nức đi bầu" ; tại Thành phố Hồ Chí Minh, sáng 22/5, "hơn 5,2 triệu cử tri đã nô nức, hướng về hơn 3.200 khu vực bỏ phiếu trên địa bàn thành phố thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, lựa chọn người đại diện ưu tú nhất"...
Nguồn cử tri chẳng thiếu, nếu không nói là "thừa" ! Tuy nhiên, những "đại diện ưu tú nhất" dường như đã áp dụng "quy trình" nào đó để chọn ra một số "cử tri ưu tú nhất" để nói thay cho hàng triệu cử tri khác, trong các vở tuồng "sinh hoạt chính trị dân chủ tập thể", bất chấp diễn viên đều già nua và quen thuộc nhẵn mặt, với kịch bản lặp đi lặp lại đến mức thuộc lòng. Với hình thức này, chính quyền vẫn chỉ đang đối thoại với chính họ hơn là dám nhìn thẳng vào mắt những người thẳng thắn chỉ ra cho biết họ đang sai như thế nào và cần phải làm gì để dân tin mà không cần phải diễn.
Mạnh Kim
Nguồn : VOA, 13/05/2019
Việt Nam đang ngột ngạt cực độ bởi thời tiết được ghi nhận là nóng nhất trong 40 năm qua. Số trẻ em và người già nhập viện bởi ảnh hưởng thời tiết nóng bức tăng nhanh. Thậm chí đã có người chết vì nắng nóng. "Thời sự nắng nóng" của Việt Nam thậm chí xuất hiện trên cả báo Mỹ (1). Nóng càng nóng hơn khi mà bây giờ việc tìm bóng cây để trú nắng bắt đầu trở nên khó khăn. Và đó là cái giá phải trả cho sự tàn phá rừng và cũng như chặt đốn cây xanh để nhường chỗ cho phát triển đô thị…
Ở Sài Gòn, sự ngột ngạt do mật độ con người lẫn xe cộ, trong khi mảng xanh thiếu, có thể được cảm nhận rất rõ.
Ông Lưu Đức Cường, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng), cho biết, cách đây 20 năm, diện tích công viên của Sài Gòn là khoảng 1.000 hecta ; bây giờ, chỉ còn chừng 535 hecta – giảm gần 50%. Trong quá trình đô thị hóa trong vòng 15 năm trở lại đây, Sài Gòn còn mất 47 con kênh (bị san lấp) với tổng diện tích 16,4 hecta. Ai sống lâu ở Sài Gòn cũng đều thấy rõ sự thay đổi chóng mặt bởi cơn lốc bùng nổ các khu quy hoạch mới xảy ra cùng lúc với sự biến mất cây xanh. "Con đường Duy Tân cây dài bóng mát" còn đó nhưng vô số "cây dài bóng mát" ở những quận huyện khác của Sài Gòn đã chỉ còn trên những tấm ảnh cũ.
Ở Sài Gòn, sự ngột ngạt do mật độ con người lẫn xe cộ, trong khi mảng xanh thiếu, có thể được cảm nhận rất rõ : chỉ cần băng qua cầu Kênh Tẻ, từ quận 4 sang quận 7, lập tức đã có thể thấy được sự khác biệt khi hít thở không khí, giữa một nơi chỉ toàn nhà cửa bê tông với một nơi thoáng đãng nhiều cây xanh. Tuy nhiên, quận 7 cũng đã bắt đầu ngộp thở với hàng loạt chung cư mới. Đó là cái giá phải trả khi con người "giành" đất với cây xanh,và chính quyền thì ngày càng chứng tỏ họ không có khả năng quy hoạch đô thị.
Khi vấn đề "mảng xanh" đang bị "khủng hoảng", người ta lại lật lại Quyết định 01/2006/QĐ-BXD ngày 5/1/2006 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, để xem vấn đề cây xanh đô thị được "quy định" như thế nào. Theo Quyết định trên, tiêu chuẩn đất cây xanh công viên của đô thị đặc biệt là 7-9 m²/người ; đô thị loại I-II : từ 6-7,5 m²/người ; đô thị loại III-IV : từ 5-7 m²/người ; loại V : từ 4-6 m²/người. Trong khi đó, báo cáo Hiện trạng môi trường Quốc gia 2016 do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, tỷ lệ diện tích cây xanh tại Hà Nội và Sài Gòn chỉ đạt khoảng 2 m²/người, bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiến trên thế giới ! Báo Tài Nguyên Môi Trường (25/04/2019) cho biết, theo tính toán của giới khoa học, khi trồng cây xanh, hai năm đầu tiên cho 3-5m2 cây xanh ; sau 5 năm, có từ 15-18m2 và 10 năm là 25-30m2 cây xanh. Thật nghịch lý khi mà "chiến lược" phát triển cây xanh lại được tái thiết kế, sau khi vô số cây cổ thụ hàng trăm năm, chẳng hạn ở đường Tôn Đức Thắng (Nancy cũ), đã bị đốn hạ !
Riêng Sài Gòn, theo quy hoạch công viên cây xanh "đến năm 2020" và "tầm nhìn đến năm 2025", chỉ tiêu cây xanh khu vực nội thành là 2,4m2/người ; khu vực nội thành mở rộng là 7,1m2/người ; khu vực ngoại thành là 12m2/người. Vấn đề "thiếu xanh" đã không ít lần được báo chí đề cập và "cảnh báo" nhưng thực tế không thấy có gì mới. Các quận Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức…, vốn thưa thớt dân cư và đầy diện tích xanh, nay ngày càng ngột ngạt. Báo chí cứ thế mà "thèm lắm mảng xanh" nhưng "mảng xanh" tiếp tục biến mất. Có lẽ báo chí đừng "thèm lắm mảng xanh" nữa. Họ nên "thèm lắm" một chính quyền biết cách tạo ra mảng xanh chứ không phải ăn chia với các đại gia bất động sản để lấn chiếm mảng xanh và cắn xé nhau giành giật từng centimet đất trong những phi vụ trục lợi như đã xảy ra ở Thủ Thiêm, nơi in đậm bóng dáng của cái gọi là "tham nhũng chính sách".
Không chỉ "xanh" biến mất ở đô thị, "xanh" ở cao nguyên cũng không còn. Tình trạng "rừng xưa đã khép" của Việt Nam thậm chí cũng xuất hiện trên báo Mỹ ("Vietnam’s Empty Forests", New York Times, 1/4/2019). Theo trang socialforestry.org.vn, chỉ hơn 5 năm, từ 2012-2017, diện tích rừng tự nhiên bị mất do chặt phá rừng trái pháp luật "đạt đến" 11%, 89% còn lại là do chuyển mục đích sử dụng rừng từ các dự án được duyệt. Độ che phủ rừng hiện còn chưa đến 40%, diện tích rừng nguyên sinh còn khoảng 10%. Tạp chí Môi Trường (số 7, 2016) cho biết, tính đến cuối năm 2014, Tây Nguyên có hơn 2.567.118 hecta đất có rừng, giảm 180.000 hecta so với năm 2010. Trong 5 năm (2010-2014), trữ lượng rừng Tây Nguyên giảm hơn 57 triệu m³ (từ 327 triệu m³ năm 2010 xuống 270 triệu m³ năm 2015) ; diện tích rừng giảm tới 6,1%, khiến độ che phủ của rừng bị giảm từ 51,8% còn hơn 45%.
Nếu ở đô thị, người ta vừa thất bại trong quy hoạch vừa trục lợi đất đai bằng công cụ chính sách khiến diện tích xanh bị ảnh hưởng, thì ở các tỉnh vùng núi, người ta cũng tranh nhau "ăn" rừng. Một số vụ "lấn chiếm rừng", thực chất, là chính quyền địa phương bán đất rừng chứ không phải người dân lấn chiếm. Cho đến nay, vụ "cả nghìn công trình vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn" vẫn tiếp tục bỏ ngỏ, dù UBND Thành phố Hà Nội đã "ra thông báo kết luận thanh tra đất rừng". Tại Quảng Ninh, 31 hecta rừng ở xã Quảng La (huyện Hoành Bồ) đã bị "cạo trọc" để công ty cổ phần tập đoàn Hạ Long khai thác than trái phép, dưới danh nghĩa múc đất đổ nền dự án nghĩa trang Đồng Khuôn. Nói cách khác, rừng biến mất và cây rừng bị đốn chặt không chỉ bởi lâm tặc, mà còn bởi "chính quyền tặc" ! Hệ thống "tặc" này, như có thể thường thấy ở Việt Nam, gần như luôn xảy ra tình trạng "có dấu hiệu buông lỏng quản lý" và "bao che nhau". Điển hình, Nguyễn Thanh Sơn (nguyên Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Đắk Nông), vốn dính vào vụ "ăn" 40 hecta đất rừng, vẫn được Ban thi đua khen thưởng tỉnh Đắk Nông tặng Huân chương Lao Động hạng Nhì (VietnamNet, 8/4/2019) !
Rồi thì Việt Nam sẽ như thế nào ? Rồi những đứa trẻ sẽ lớn lên trong một môi trường "trong xanh" như thế nào ? Hãy thử xem ảnh vệ tinh Google Earth so sánh diện tích rừng Việt Nam giữa năm 1984 và 2016 để có thể thấy rõ bức tranh kinh khủng xám xịt của "mảng xanh" Việt Nam. Tương lai Việt Nam, không chỉ chuyện rừng và cây xanh, cũng xám xịt như vậy. Ở thời điểm này, báo chí vẫn cứ thế mà "thèm lắm mảng xanh", hơn là "thèm lắm" và nỗ lực đòi hỏi nhất thiết phải có một chính quyền "sạch" !
(1) "Vietnam just observed its highest temperature ever recorded : 110 degrees, in April", Washington Post, 22/04/2019
Việc dùng "phương pháp" so sánh để "giải thích" vấn đề ngày càng được sử dụng phổ biến. Mỹ cũng có tội phạm, ăn xin đứng đầy đường, hút chích ma túy tràn lan… Mỹ cũng có tình trạng mua bằng bán chức, Mỹ cũng có hiện tượng "chạy trường" cho con… Thử đến Paris xem, phân chó đầy đường… Tuy nhiên, bản chất sự việc và tính tương đồng không nằm ở bề mặt…
Nhu cầu điện đang là thách thức quan trọng của EVN. (Ha Nguyen/VOA)
Ví dụ thời sự nhất là giá điện. So sánh giá điện giữa Mỹ và Việt Nam để chứng minh việc tăng giá điện tại Việt Nam là hợp lý và chẳng có gì khác thường thật ra là điều rất không bình thường. Khi so sánh giá, người ta đã không xét đến vô số yếu tố khác ảnh hưởng đến giá điện. Trong khi việc quản lý điện năng và định giá điện ở Việt Nam nằm trong "cơ chế" hoàn toàn độc quyền, giá điện tại Mỹ tùy thuộc vào thị trường. Chẳng có mức giá cụ thể nào ở Mỹ, kể cả giá trung bình, có thể dùng để so sánh một cách hợp lý và thuyết phục so với Việt Nam.
Tại Mỹ, giá điện không ổn định. Nó thay đổi liên tục, tùy thuộc thời điểm sử dụng (một số nhà cung cấp đưa chương trình giảm giá, thậm chí miễn phí, đối với hộ dân xài điện từ 9 giờ tối đến 6 giờ sáng). Ngoài ra, thời gian sử dụng cũng ảnh hưởng giá. Tháng hè có giá khác tháng đông. Tại các bang nóng, giá điện mùa hè có thể tăng so với mùa đông vì tỷ lệ người sử dụng máy lạnh tăng. Và nơi bạn sống cũng ảnh hưởng giá điện. Mỗi bang mỗi khác. Thậm chí trong cùng một bang, giá điện từng vùng cũng khác, dựa vào mức thu nhập và mật độ tập trung công nghiệp. Nơi có nhiều hộ dân bình thường sẽ có giá điện khác với nơi có nhiều nhà máy. Theo một nguồn (1), tính đến thời điểm cập nhật mới nhất (tháng 3-2019), giá điện trung bình tại Mỹ là 13,19 cent/kWh. Cụ thể tại tiểu bang Alabama, giá điện tháng 6-2018 là 12,41 cent/kWh - giảm 2,971% so với tháng 6-2017; tại bang California, tháng 6-2018 là 19,90 cent/kWh - tăng 2,630% so với tháng 6-2017; tại bang New York, tháng 6-2018 là 19,30 cent/kWh – tăng 2,878% so với tháng 6-2017…
Còn một yếu tố nữa cần xem xét. Đó là chính sách cho người có thu nhập thấp. Ở Việt Nam, nhà nghèo đóng tiền điện với mức giá như nhà giàu. Tỉnh miền núi cũng đóng tiền điện bằng giá như thành phố lớn. Tại Mỹ, các tiểu bang đều có chính sách giảm giá. Riêng tại California, ngoài chính sách hỗ trợ của chính quyền bang, các công ty điện lực còn có chương trình giảm giá riêng biệt, được áp dụng tùy thành phố. Với khách hàng của công ty Thành phố Palo Alto ("City of Palo Alto"), người bệnh tật có thể được giảm đến 20% hóa đơn điện-nước và khí đốt; với khách hàng "City of Ukiah", người già có thể được giảm hàng tháng tối đa 25 USD và gia đình thu nhập thấp được giảm tối đa 20 USD; với khách hàng "Sacramento Municipal Utility District", người ta có chương trình "EnergyHELP" với sự hỗ trợ của các tổ chức từ thiện địa phương và tổ chức phi lợi nhuận như Sacramento Food Bank Services, Salvation Army, Folsom Cordova Community Partnership và Travelers Aid, theo đó, người nghèo có thể được hỗ trợ đến 200 USD/năm trong hóa đơn tiền điện không chi trả nổi [xem thêm (2)].
Lấy ví dụ thêm về "nạn dùng súng ở Mỹ". Không ít người đã nhắc đến việc sử dụng tràn lan tại Mỹ để đối chiếu và "minh họa" cho sự ổn định xã hội Việt Nam. Người ta chỉ nói đến hiện tượng bề mặt mà không nhắc đến yếu tố căn bản rằng việc sử dụng súng tại Mỹ thuộc khuôn khổ quyền công dân được hiến định, tức được Hiến pháp bảo vệ, theo đó, mọi người đều có quyền tự bảo vệ mình. Một khi Hiến pháp Việt Nam không có những điều khoản tôn trọng quyền tự do tối đa của con người, cùng với vô số hàng rào luật kèm theo và một bộ máy luật pháp lẫn công quyền hoạt động chặt chẽ để kiểm soát xã hội, thì không thể so sánh với Mỹ. Nếu các trường hợp xả súng tại Mỹ được thực hiện bởi những kẻ có vấn đề tâm thần hoặc khủng hoảng tâm lý thì tại Việt Nam, một khi được quyền sử dụng súng được cho phép, thì người gây án sẽ là những ai, tỷ lệ bắn chết người bừa bãi sẽ "biến động theo năm tháng" như thế nào, mỗi tháng có bao nhiêu vụ bắn người, mức độ kiểm soát được thực hiện ra sao…, trong một xã hội mà chỉ cần "nhìn đểu" đã có thể lập tức lãnh một nhát dao chí mạng?
Ở đâu cũng có tham nhũng nhưng tham nhũng ở Mỹ, Hàn Quốc hoặc Nhật đều bị "quyền lực thứ tư" phanh phui đến cùng, con cái tổng thống (như trường hợp hai con trai của cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung) đều bị ra tòa, kể cả tổng thống cũng có thể ngồi tù. Mỹ cũng xảy ra tình trạng "mua điểm" nhưng hệ thống quản lý giáo dục Mỹ đã không bao che điều đó. Mỹ cũng đầy ăn xin nhưng "ăn mày" Mỹ được tôn trọng quyền con người đến mức chẳng ai có quyền bắt và tống họ vào nhà tế bần…
Khi so sánh, cần xét đến cơ chế vận hành, cấu trúc hệ thống, chính sách nhà nước và cả cấu trúc chính trị. So sánh yếu tố giá là dễ. So sánh cơ chế tạo ra giá mới là vấn đề cần bàn. So sánh tham nhũng thì dễ. So sánh yếu tố tạo ra cơ chế tham nhũng và yếu tố trừng phạt tham nhũng mới cần đáng nói. Một khi hai mô hình không tương đồng, thậm chí trái nghịch, so sánh bề mặt dễ trở thành những diễn giải ngụy biện. So sánh cần đề cập thêm đến so sánh bản chất chứ không phải hiện tượng. Nói đến sự kiện, ở đâu cũng có các sự kiện ít nhiều giống nhau. Nói đến "tiêu cực", ở đâu cũng có "mặt trái", vì bản chất con người ở đâu cũng gần như giống nhau. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là ở đâu thì người ta xử lý vấn đề theo cách như thế nào, để chặn đứng "tiêu cực" và sự phát triển của "mặt trái". Sự khác biệt này, nếu không nhắc đến, thì tốt hơn là nên tránh so sánh.
Mạnh Kim
Nguồn : VOA, 01/05/2019
(1) https://www.electricchoice.com/electricity-prices-by-state/
(2) https://www.needhelppayingbills.com/html/california_utility_and_cooling.html
Những ai sống ở miền Nam giai đoạn sau 30/04/1975 không thể nào quên những gì từng trải qua. Đó là những chuỗi ngày không chỉ khốn khổ về vật chất. Biết bao người không thể cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh hàng đống sách vở và băng đĩa nhạc bị đốt. Một cuộc thảm sát văn hóa đã xảy ra. Không chỉ sản phẩm văn hóa, con người của văn hóa cũng bị tận diệt. Nhà văn bị bỏ tù. Nhà báo bị "học tập cải tạo". Nhà thơ đi đạp xích lô… Bất luận bị "tra tấn" và "truy diệt" tàn bạo như vậy, văn hóa Việt Nam Cộng Hòa vẫn không chết !
Chiếc máy bay chở thường dân từ Huế di tản vào Nha Trang, 27 tháng Ba, 1975.
Trong Hồi ký dang dở, cựu đại tá Việt Nam Cộng Hòa Dương Hiếu Nghĩa (từ trần ngày 14/04/2019) kể :
"Ngày mồng 3 tháng 5/1975. Không có chuyện gì làm, tôi lang thang tản bộ quanh khu chợ Sài Gòn, và đi lần về Thư Viện Quốc Gia, trong thâm tâm chỉ muốn gặp lại một người bạn của tôi là anh Hữu, quản thủ Thư viện Quốc Gia (ông Phan Văn Hữu – chú thích của MK). Có đến nơi mới thấy được cảnh mà cộng sản Bắc Việt gọi là bài trừ "văn hóa đồi trụy" : Sau ngày 30/4/75, một ủy ban gọi là "Ủy ban bài trừ văn hóa đồi trụy" ra đời. Thành phần gồm một cán bộ Đảng cộng sản Việt Nam và sinh viên học sinh chít khăn đỏ trên tay (mà người dân Sài Gòn gọi là mấy con "cọp 30")…
"Văn hóa đồi trụy" được định nghĩa là tất cả những ấn phẩm thuộc mọi lãnh vực chánh trị, kinh tế, lịch sử (nhất là lịch sử), giáo dục, khoa học kỹ thuật, văn hóa, văn nghệ, phim, ảnh, v.v… đang được lưu hành và sử dụng tại Việt Nam Cộng Hòa từ ngày 30/4/1975 trở về trước, được in, chép hay thu vào băng nhựa, bằng tiếng Việt Nam hay bất cứ loại sinh ngữ ngoại quốc nào (trừ chữ Tàu và chữ Nga). Mục tiêu mà các "ông cọp 30" nhắm vào trước tiên là Thư viện Quốc gia (National Library) ở đường Gia Long. Tất cả sách bìa cứng bìa mềm, gáy tím gáy vàng, dày mỏng gì cũng đều được mang ra đường xé nát và đốt hết. Tội nghiệp cho mấy bộ tự điển và encyclopédia chữ Anh chữ Pháp (trên 100 cuốn), và rất nhiều bộ sách quý thuộc các ngành công pháp quốc tế, khoa học kỹ thuật, hàng không và cả khoa học không gian v.v… mà anh Hữu đã tốn công sưu tầm trên 10 năm dài để làm giàu cho thư viện của đất nước, trong phút chốc bị "cọp 30" xơi tái hết ! Chúng tôi đến gần lượm từng tờ của bộ encyclopédia lên xem mà ứa nước mắt nhưng không dám hỏi thêm vì bị ngay một "cọp 30" khoảng 16 tuổi tới đuổi : "Đi đi, tiếc gì mà coi, xé bỏ hết, đốt bỏ hết, nó là tiếng nước ngoài, của thực dân, của đế quốc đồi trụy, ru ngủ đầu độc dân tộc. Ta độc lập rồi thì ta cần gì ba cái thứ nầy nữa !"…
"Về văn nghệ thì tất cả các bản nhạc in hoặc thu vào băng nhựa, nếu không phải loại nhạc lai căn (lai nhạc Tàu) từ nhóm văn công miền Bắc mang vào, đều được liệt vào loại "nhạc vàng của đế quốc Mỹ và tay sai", cấm lưu hành, xé đốt, hủy bỏ, ai lưu giữ sẽ có tội. Các kịch bản hay các vở tuồng cải lương, hát bộ v.v... cũng phải được duyệt xếp loại lại. Nói tóm lại Bắc Việt chủ trương hủy bỏ tất cả những gì mà họ cho là tàng tích của "Mỹ Ngụy" từ 75 trở về trước, để đem thay thế vào đó những gì mà miền Bắc đang có và đang áp dụng... Có nghĩa là thay vì đẩy miền Bắc tiến lên để theo kịp đà phát triển của miền Nam, họ làm mọi cách nhằm kéo lùi miền Nam thụt lùi lại vài chục năm, sao cho trình độ văn minh tiến bộ của hai miền Nam Bắc phải ở cùng nằm ở một trình độ kém phát triển như nhau"…
Câu chuyện của ông Dương Hiếu Nghĩa là một chi tiết rất nhỏ trên bức tranh kinh khủng mà miền Nam chứng kiến giai đoạn sau 30/04/1975. Hàng ngàn câu chuyện khác đã dệt nên tấm thảm kịch mà ngày nay vẫn gây nhức nhối mỗi khi được nhắc lại. Nhà văn Dương Thu Hương từng thốt lên trong uất nghẹn :
"Vào Nam tôi mới hiểu rằng, chế độ ngoài Bắc là chế độ man rợ vì nó chọc mù mắt con người, bịt lỗ tai con người. Trong khi đó ở miền Nam người ta có thể nghe bất cứ đài nào, Pháp, Anh, Mỹ... nếu người ta muốn. Đó mới là chế độ của nền văn minh. Và thật chua chát khi nền văn minh đã thua chế độ man rợ. Đó là sự hàm hồ và lầm lẫn của lịch sử. Đó là bài học đắt giá và nhầm lẫn lớn nhất mà dân tộc Việt Nam phạm phải".
(trích từKý 2, Đinh Quang Anh Thái, trang 178)
Tuy nhiên, văn hóa Việt Nam Cộng Hòa đã không chết. Di sản văn hóa của một nền văn minh đã không hoàn toàn thua "chế độ man rợ". Sự kéo lùi lại "sao cho trình độ văn minh tiến bộ của hai miền Nam Bắc phải ở cùng nằm ở một trình độ kém phát triển như nhau" đã không thành công ! Sau 44 năm, người ta có thể thấy rõ điều này hơn bao giờ hết. Chưa bao giờ mà văn hóa Việt Nam Cộng Hòa – sản phẩm của nền giáo dục khai phóng, của tinh thần sáng tạo tự do, của những tinh hoa kết tụ từ ba miền Bắc-Trung-Nam – lại trỗi dậy mạnh mẽ đến như vậy.
222222222222222
Những nhà sách lớn giờ đây đầy tác phẩm trước 1975 được in lại (dù không ít quyển bị cắt xén kiểm duyệt). Những quyển sách về miền Nam được ghi chép lại một cách tỉ mỉ và công phu cũng xuất hiện liên tục. Nhạc "ngụy" đã chẳng còn được hát và nghe lén lút. Nó được hát trên truyền hình và phát thanh, trong các cuộc thi "bolero đi cùng năm tháng". Phải ! Văn hóa Việt Nam Cộng Hòa chưa bao giờ ngưng "đi cùng năm tháng" với dân tộc. Nó cho thấy dân tộc luôn lớn hơn cái gọi là "Đảng". Nó cho thấy kiểm duyệt chẳng có chút giá trị nào đối với tâm hồn và cảm thụ của người dân. Nó, cuối cùng, cho thấy một điều lớn nhất mà muốn hay không cũng phải thừa nhận : nền văn hóa nào có tính vượt trội hơn thì nó thắng !
Internet và mạng xã hội đã hỗ trợ rất nhiều trong làn sóng hồi sinh văn hóa Việt Nam Cộng Hòa. Nhiều trang web sách cũ đã mọc ra. Các "fan page" sách Việt Nam Cộng Hòa, nhạc vàng, Sài Gòn xưa… cũng xuất hiện nhan nhản. Một khảo sát nhỏ cho thấy cụ thể hơn.
https://youtu.be/K80r8x49mvc
Năm ca khúc trước 1975 bị cấm lưu hành tại Việt Nam
Trong khi trang "Nhạc Đỏ chọn lọc" (facebook.com/nhacdochonloc/ ) có 72 người like và 81 follow thì trang "Nhạc Vàng" (facebook.com/nhacvang/ ) có 188.737 like và 209.515 follow (khảo sát được truy cập lúc 8 am giờ Việt Nam, ngày 26/04/2019). Việt Nam sau "ngày thống nhất 1975" đã không thể giống miền Bắc sau 1945. Người ta đã hoàn toàn thất bại trong việc "chọc mù mắt con người, bịt lỗ tai con người", ít nhất về văn hóa.
Một Việt Nam cộng sản, dù rập khuôn mô hình chính trị Trung Quốc, đã không thể giống Trung Quốc. Chế độ cộng sản Việt Nam không thể biến người dân Việt Nam thành một "đám ngu dân" như cách cộng sản Trung Quốc muốn. Khi thống nhất đất nước, Trung Quốc chẳng có một "miền Nam dân chủ" nào cả. Nỗ lực bắt chước Trung Quốc, đối với cộng sản Việt Nam, là bất khả thi.
Nền dân chủ non trẻ mà miền Nam thụ hưởng, sau "ngày thống nhất", đã trở thành một thứ "kháng thể" giúp chống lại, bằng cách này cách kia, những áp đặt phi dân chủ và phi tự do, đặc biệt trong văn hóa. Yếu tố kháng thể này đã âm thầm lan rộng. Nó tạo ra những ảnh hưởng nhất định. Nó ngấm ngầm nhưng nó mạnh mẽ. Nó hồi sinh và nó phát triển tự nhiên. Không ai có thể chặn nổi luồng gió trong lành này. Nó tạo ảnh hưởng ngay cả trong hệ thống của chế độ toàn trị. Đã có lúc người ta "kiếm chuyện" bằng cách "đặt vấn đề" rằng "chiến trường anh bước đi là chiến trường nào" (trong ca khúc "Con đường xưa em đi" của nhạc sĩ Châu Kỳ) nhưng rồi cũng bất thành. Khi tuyên bố "cấp phép" cho ca khúc "Ly rượu mừng", người ta chắc hẳn đã uống một ly cồn đắng nghét bởi phải đầu hàng trước sự tồn tại hiển nhiên không chỉ của một ca khúc mà cả một nền văn hóa.
Ánh sáng văn minh luôn lấn át bóng tối mọi rợ. Và bản năng tự nhiên của con người là luôn tìm đến ánh sáng.
Mạnh Kim
Nguồn : VOA, 27/04/2019
Vụ Nguyễn Hữu Linh, cựu phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Đà Nẵng, "có dấu hiệu dâm ô", đang khiến dư luận phản ứng dữ dội. Ngày 5/4/2019, cổng nhà Nguyễn Hữu Linh đã bị xịt sơn (chữ "ấ. dâm") và thậm chí bị ném "chất bẩn". Sự giận dữ đã trở thành cuồng nộ…
Hàng rào nhà ông Linh bị xịt sơn và ném chất bẩn. Ảnh minh họa
Sự giận dữ của đám đông trước nhiều vụ việc khác nhau là hiện tượng xã hội từng được báo chí đề cập. Có thể nói sự cuồng nộ của đám đông, trong không ít trường hợp, là rất kinh khủng. Khi xảy ra vụ một bảo mẫu đánh trẻ, lập tức có người đòi giết luôn người bảo mẫu. "Phải là con tôi thì tôi chém nó tức thì ; cái thứ ấy phải đánh cho chết nó mới sợ…" – các phát biểu như vậy không phải cá biệt trong những vụ tương tự, như thể đó là phản ứng xuất phát từ tâm lý "máu phải trả bằng máu", dù giữa người nói và đối tượng không liên quan trực tiếp gì nhau để mà "vay đền oán trả". Cách đây ba năm, vụ Nguyễn Thanh Dũng bị phát hiện chích điện vào một bé trai hai tuổi là một trường hợp điển hình nữa. Phản ứng dư luận lúc đó cũng vô cùng kinh khủng. Một hình ảnh dễ liên tưởng đến thời Trung Cổ, khi người phạm tội bị lôi ra quảng trường để bị đám đông cuồng nộ vừa gào thét, vừa ném đá đến chết. Nó cũng giống cảnh man rợ mà Taliban từng gây ra với các trường hợp bị quy kết phạm giáo luật đạo Hồi, khi đám đông giận dữ nhặt ném mọi thứ vào tên "tội đồ" cho đến khi anh ấy/cô ấy chết gục. Và nó cũng giống cảnh cách đây vài chục năm khi người ta lôi nạn nhân ra giữa làng để đấu tố !
Không chỉ ác trên mạng, người ta cũng ác ngoài đời. Không chỉ thịnh nộ bằng lời, đám đông cũng cuồng nộ bằng hành động. Có một clip có thể gây ám ảnh bất kỳ ai. Đó là cảnh một người bị nhốt trong chuồng sắt cùng một con chó đã chết, được cho là quay ở Hưng Yên, và người bị nhốt được cho là kẻ trộm chó. Đầu và mặt bê bết máu, kẻ trộm chó ngồi co rút chân lại trong cái chuồng chật. Anh ta trông hoảng sợ cực độ, mắt lấm lét hết nhìn sang phải lại quay sang trái. Bên ngoài chuồng, một đám đông mạt sát anh ta. Họ nói họ muốn đập chết anh ta. Họ buộc anh ta phải gác chân lên con chó chết đang nằm co quắp trong chuồng. Họ nói, mày cũng phải bị đập chết như thế, con ạ. Giữa những tiếng chửi bới ồn ào, có cả tiếng cười… Và không chỉ hung ác với kẻ trộm, người ta cũng hung ác với cả người chẳng hề quen biết. Chỉ vì "nhìn đểu", nạn nhân có thể bị chém chết tức thì. Mới đây thôi, ngày 4/4/2019, một thiếu niên 16 tuổi ở Đông Hà (Quảng Trị) đã rút dao đâm chết một người nhắc mình đi xe ẩu !
Trong khi những trường hợp trên cho thấy các "hệ giá trị" đạo đức hỏng nát, như là hậu quả của một nền giáo dục hoàn toàn thất bại, thì những trường hợp như vụ Nguyễn Hữu Linh lại cho thấy sự thất bại tuyệt đối của một nền chính trị. Nó cho thấy, khi công lý đã bị chính quyền chà đạp đến mức chẳng ai còn tin vào sự phán xét và trừng trị của pháp luật thì người dân sẽ có khuynh hướng cho mình quyền phán xét và quyền trừng phạt. Nó hàm chứa sự uất giận dồn nén từ những bất công mà người dân chứng kiến hàng ngày, dù có thể họ không hề trực tiếp liên quan, từ những vụ cướp đất, những vụ đánh đập dã man người biểu tình, các vụ bao che công khai những kẻ thuộc hệ thống đảng trị, đến những vụ chết oan trong đồn công an… Sự uất giận đầy ức chế luôn trạng thái chực chờ nổ tung, cuối cùng, dẫn đến tâm lý oán ghét chế độ và "người" của chế độ.
Chẳng phải tự nhiên mà dư luận "vui mừng" trước cái chết của viên chức cấp cao nào đó. Chẳng phải tự nhiên "dân mạng" có tâm lý hả hê khi nghe tin một công an bị đánh, sau vô số vụ công an "nã tiền" dân, sau những vụ "thanh niên tự đập mặt vào gậy cảnh sát giao thông khiến hốc mắt bị lún" hoặc "thanh niên nhập viện cấp cứu sau khi tự va vào dùi cui và súng của công an"… Trong trường hợp Nguyễn Hữu Linh, nếu tay này không phải quan chức-đảng viên mà chỉ là anh xe ôm thì liệu người dân có đến tận nhà ném "chất bẩn" như vậy ?
Báo Tuổi Trẻdẫn lời luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP. Đà Nẵng) cho biết, hành động ném chất bẩn vào nhà Nguyễn Hữu Linh là "không nên và pháp luật không cho phép", rằng "có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167", rằng "có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự theo điều 178 Bộ luật hình sự 2015". Tuy nhiên, có đại diện pháp luật nào đã lên tiếng cho những tiền lệ trước đó : không phải một mà là nhiều lần, nhà riêng của những nhân vật đấu tranh đã từng bị tạt chất bẩn (thậm chí phân pha nhớt !), từng bị khóa trái cửa, từng bị ném đá làm hư hỏng toàn bộ đồ đạc…
Giận dữ là tức thì. Thù ghét thì âm ỉ. Không như sự giận dữ, lòng hận thù không tự nhiên bột phát. Nó là kết quả của một quá trình bị dồn nén. Hận thù không tự nhiên mà đến. Nó phải được nuôi bằng sự căm tức. Bàn tay sắt luôn khiến xã hội sợ hãi nhưng những tác nhân gây ra sợ hãi luôn dắt theo sát sau nó "hiệu ứng phụ" là sự oán thù. Cộng sản từng giành chính quyền bằng lòng hận thù. Bộ máy tuyên truyền cộng sản là bậc thầy trong gieo cấy lòng hận thù. Tuy nhiên, vũ khí hận thù đã không được "giải giáp" sau khi cộng sản giành được quyền lực. Hận thù vẫn được nuôi, và tệ hại hơn, còn được sử dụng trong chính sách cai trị.
Đừng chỉ đơn giản trách tại sao xã hội ngày càng trở nên hung hãn. Đừng chỉ trách "một đám dân mạng" ngày càng trở nên "vô học" hoặc "vô văn hóa" khi dễ dàng "ném đá" vào bất cứ chuyện gì. Hãy thử tìm hiểu nguyên nhân sâu xa gì khiến "một đám dân mạng" trở nên "bừa bãi" như thế. Chưa bao giờ giá trị công lý bị mờ nhạt như đang thấy nhưng ai là thủ phạm làm cho công lý trở thành trò cười thì chẳng ai dám đối mặt trả lời nhân dân. Trước khi lên án "tâm lý bệnh hoạn" của cái xã hội đảo điên này, cần nên tìm hiểu "virus" thật sự nào gây ra "căn bệnh xã hội" đang hoành hành. Bệnh không phải tự nhiên mà có. Không tìm diệt virus thì mong gì có thể trị bệnh ? Mà bản thân thầy thuốc cũng bệnh, cả cái bệnh viện cũng bệnh, còn đòi chữa ai ? Đến mức này mà còn chưa nhìn thấy để cấp bách sửa lại những sai lầm thì sẽ đến ngày sự giận dữ không chỉ nhắm vào một hoặc vài cá nhân, và sự cuồng nộ không chỉ giới hạn ở những tiếng chửi rủa hoặc cái cau mày…
Mạnh Kim
Nguồn : VOA, 05/04/2019
Việt Nam đang trở thành thiên đường của tự do. Đây là nơi mà một người có thể tự do đâm chết bạn gái trước sự chứng kiến của cảnh sát. Đây là nơi học sinh không chỉ được tự do đánh nhau mà có thể đánh thầy. Đây là nơi người ta có thể tự do cưỡng hiếp trẻ em mà không bị vào tù…
Cô gái bị bạn trai đâm chết sau khi tháo chạy khỏi ôtô gái trước sự chứng kiến của cảnh sát - Hình minh họa.
Khi đi chợ, bạn tùy ý mua bất cứ gì bạn thích và người bán thì tự do bơm bất kỳ gì vào thực phẩm mà không bao giờ sợ bị "quản lý thị trường" phạt. Khi vào bệnh viện, bạn được tự do nằm ở bất cứ nơi nào có thể, từ gầm giường đến hành lang. Con của bạn cũng được tự do biến thành "vật thí nghiệm" cho các loại vắcxin gây chết người mà chẳng ai chịu trách nhiệm. Trong thế giới tự do này, ý thức trách nhiệm được thả bay bổng tự do hoàn toàn.
Ở Việt Nam, trẻ đến tuổi đến trường vẫn có thể được tự do nghỉ học đi bán vé số. Khi đi học, con của bạn được tự do chửi thề, tự do đánh nhau ; thầy cô cũng được quyền tự do tra tấn hành hung con bạn. Nếu không thích những điều đó, bạn có toàn quyền tự do chuyển sang trường khác, miễn bạn có đủ tiền để "chạy". Không chỉ chạy trường, bạn cũng có thể chạy điểm mà không bao giờ lo danh tánh bạn hoặc con bạn bị tiết lộ. Chạy chức còn tự do làm được thì chạy trường hoặc chạy điểm chẳng phải là chuyện lớn.
Ở Việt Nam, bạn có thể ăn thoải mái thú rừng và tự do chặt phá rừng. Các công ty cũng tự do gây ô nhiễm nguồn nước hoặc môi trường nói chung mà chẳng hề bị sờ gáy. Việt Nam tự do mở cửa đón rước những "nhà thầu bẩn" và tự do nhập rác thải của thế giới. Ở các thành phố lớn, bạn được tự do hít bụi những ngày nắng và tự do "bơi" trên đường phố ngập lụt vào những ngày mưa. Cũng ở vài thành phố lớn, bạn được tự do xả rác nhưng muốn gom rác thì phải xin phép chính quyền.
Bạn có thể ngủ nghỉ bất cứ nơi nào trên đất nước này nhưng chính quyền cũng có quyền tự do tước mất mảnh đất cắm dùi của bạn. Bạn có thể đi lại bất cứ nơi nào bạn muốn trên đất nước này nhưng chính quyền cũng có quyền tự do tịch thu thông hành của bạn, trong khi viên chức cấp cao tham nhũng được tự do trốn đi nước ngoài. Khi con bạn bị đánh, bạn có thể khuyên nó nên hành xử tử tế bằng cách "trình báo" ban giám hiệu nhưng khi chính bạn bị công an đánh thì bạn biết bạn sẽ đối mặt với thái độ "tự do im lặng" của nhà cầm quyền.
Ở đất nước này, bạn cũng có quyền tự do hối lộ, tự do lo lót, tự do chạy án, tự do đấm mõm những kẻ hùng hồn luôn to mồm nói về "sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật". Ở Việt Nam, một tên đảng viên can tội sàm sỡ trẻ con vẫn được bao che bằng những ngôn từ như thể đó là "quyền tự do riêng tư".
Ở Việt Nam, bạn có thể bị lên án vì "nói nhiều", bởi "nói thế để làm gì" nhưng sau đó người ta lại than thở "xã hội ngày càng vô cảm".
Ở Việt Nam, người ta không thích bạn "chửi" chính quyền nhưng người ta quên rằng chính quyền là nguồn gốc của nhiều thứ bất công. Dù thế nào, Việt Nam vẫn là thiên đường tự do.
Ở Việt Nam, người dân được tự do chỉ trích quan chức nhưng công an cũng tự do bắt tù bất kỳ ai. Chính quyền cũng được quyền tự do nói bất kỳ gì mà họ thích dù đôi khi họ không hiểu họ nói gì, trong khi người dân luôn hiểu điều gì khiến mình trở nên giận dữ. Việt Nam cũng là quốc gia hiếm hoi mà người bị bắt tự do chết trong đồn cảnh sát.
Ở Việt Nam, người ta có thể tự do tư túi hàng triệu đôla vẫn không hề hấn gì trong khi bạn có thể gặp rắc rối với chính quyền vì bị gán tội nhận "300.000 đồng" để "đi biểu tình". Trên đất nước này, giang hồ được tự do thay mặt chính quyền làm "công tác xã hội". Chính quyền đôi khi cũng tự do đóng vai "đầu gấu", trong các vụ cưỡng chế đất đai, trong các vụ trấn át người biểu tình, trong các vụ dàn cảnh đánh người tại các điểm BOT giao thông…
Ở Việt Nam, truyền thông luôn được tự do. Báo chí và truyền hình được quyền tự do phát tán văn hóa khiêu dâm. Ở Việt Nam, bạn có thể tự do làm bất kỳ công việc gì, miễn đừng làm nhà dân chủ, nhà đấu tranh hoặc thậm chí nhà bảo vệ môi trường. Bạn được tự do tranh cử Quốc hội nhưng hãy tỉnh táo nhận ra thực tế rằng đó là một quyền tự do chỉ tồn tại trên lý thuyết.
Ở đất nước này, bạn được tự do "mở" chùa chiền nhưng bạn hãy cân nhắc "biên độ tự do" nếu có ý định lập một diễn đàn xã hội dân sự chỉ để phụng sự nhu cầu khai trí. Nói về "biên độ tự do", những kẻ thuộc hệ thống Đảng được hưởng nhiều tự do hơn hết. Họ được tự do tàn phá trong khi người dân được tự do hứng chịu.
Việt Nam và "hạn mức" tự do của nó đã phát triển đến mức cao nhất ? Chưa. Còn nhiều "loại" tự do chưa xuất hiện. Sẽ có những "thứ" tự do gây bất ngờ hơn. Có nhiều khái niệm tự do méo mó khác đang trong quá trình định hình. Sự hỗn loạn chưa kết thúc. Đạo đức, cùng nhiều giá trị khác, tiếp tục rơi tự do. Chẳng có "lực ma sát" nào để giảm đà rơi tự do này, khi mà các giá trị căn bản trong giáo dục con người đã bị mài đến mức mòn nhẵn. Đất nước đang "hưởng" nhiều tự do. Nhưng là một sự tự do tật nguyền.
Mạnh Kim
Nguồn : VOA, 05/04/2019
Bộ máy lãnh đạo Việt Nam có đọc sách không ? Câu hỏi đơn giản này là một "bí mật chính trường" Việt Nam. Dù tỷ lệ tiến sĩ trong nội các đương nhiệm Việt Nam là khá cao (48,1%) nhưng không ai biết họ có đọc sách không và họ đọc sách gì. Lãnh đạo không chỉ cần ban tham mưu. Lãnh đạo cũng cần sách vì sách không chỉ ảnh hưởng tư cách lãnh đạo mà còn đóng góp việc ra các quyết sách quốc gia.
Tại một hội chợ sách tại Thư Viện Quốc Gia Cambodia, Phnom Penh. Hình minh họa.
Thư viện cá nhân của Tổng thống Mỹ John Adams có hơn 3.000 đầu sách : trong khi đó, bộ sưu tập sách của Thomas Jefferson đã khiến ông… đổ nợ và sau đó trở thành một trong những bộ sách chủ lực của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ. Theodore Roosevelt đáng nể không kém. Ông có thể đọc nhiều cuốn trong một ngày và còn chấp bút viết hơn chục tác phẩm với nhiều chủ đề. Đọc sách không chỉ là thú vui. Nó còn đóng góp vào tư duy xây dựng chính sách. Harry Truman là trường hợp điển hình. Bù lại khiếm khuyết chưa tốt nghiệp đại học của mình, Truman đọc rất nhiều sách, đặc biệt lịch sử và tiểu sử. Trên Washington Post, tác giả Tevi Troy cho biết, việc ủng hộ lập quốc Israel của Truman có ảnh hưởng từ kiến thức sách vở của ông, trong đó có bộ sửGreat Men and Famous Women do Charles F. Horne biên tập.
Sách cũng đóng vai trò quan trọng trong những năm tháng Tòa Bạch Ốc của John F. Kennedy. Thậm chí một bài điểm sách cũng có thể tạo ảnh hưởng. Sau khi được Walter Heller (chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế) cho xem bài điểm sách của Dwight MacDonald đăng trên tờ New Yorker bình luận về quyển The Other America của Michael Harrington với nội dung lược ghi tình trạng đói nghèo của nước Mỹ, Tổng thống Kennedy đã yêu cầu xem xét lại vấn đề này và lập kế hoạch cho chương trình xóa nghèo toàn quốc. Ronald Reagan cũng là người mê sách. Ông là tổng thống đầu tiên trích dẫn có chủ ý từ tác phẩm của các học giả có tầm ảnh hưởng. Free To Choose của Milton Friedman và Wealth and Poverty của George Gilder đã trở thành một phần trong nghị sự chính sách kinh tế của ông.
Hồi xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị Balkans, Bill Clinton đọc Balkan Ghosts của Robert Kaplan. George W. Bush rất thích đọc sách. Có lần ông cùng cố vấn Karl Rove thi nhau xem ai đọc nhiều hơn trong một năm. Sách đã định hình phần nào cái nhìn và chính sách của Bush đối với thế giới, chẳng hạn quyển The Case for Democracy của Natan Sharansky hoặc Supreme Command của Eliot A. Cohen. Bush không chỉ đọc. Ông còn thường xuyên tiếp xúc trực tiếp tác giả mà ông yêu thích. Không lâu sau khi tái đắc cử, Bush đã gặp Natan Sharansky trong Phòng Bầu dục để thảo luận về dân chủ và con đường phát triển dân chủ trên thế giới. Winston Churchill, Margaret Thatcher, Lý Quang Diệu, Barack Obama, Angela Merkel… đều là những người đọc nhiều và chịu ảnh hưởng ít nhiều từ những gì họ đọc.
Trở lại với Việt Nam, giới lãnh đạo nước nhà có đọc sách không ? Khi phát biểu "tình hình thế giới ngày càng phức tạp" thì giới lãnh đạo có đọc thêm nguồn tham khảo nào khác ngoài các báo cáo thuần túy ? Các đối sách liên quan biển Đông chỉ dựa vào phân tích sự kiện hay có bổ sung việc tham khảo nguồn từ vô số quyển sách viết về biển Đông của giới nghiên cứu quốc tế tung ra ào ạt vài năm qua ?
Truyền thông trong nước gần như không bao giờ cho biết giới lãnh đạo chóp bu đọc sách gì. Hình ảnh thường thấy là lãnh đạo đi trồng cây hơn là cầm quyển sách. Nội các đương nhiệm có 13/27 người có bằng tiến sĩ (Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ : Bộ trưởng Công an Tô Lâm : Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng : Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường : Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến : Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh : Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ : Bộ trưởng Văn hóa-Thể thao-Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện…) nhưng ai trong các vị này đọc sách nhiều hay không và đọc gì thì chẳng ai biết. Giá mà Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cầm một quyển sách tiếng Anh, chẳng hạn tác phẩm kinh điển thời thượng How Nations Fail, để "khoe" với bàn dân thiên hạ thì có lẽ hay gấp nhiều lần việc ông "xổ" tiếng Anh.
Ngày 24/02/2014, Nguyễn Tấn Dũng, với tư cách thủ tướng, ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTG chọn ngày 21/04 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Tuy nhiên, cá nhân ông Dũng có đọc sách không ? Có thể mỗi ngày giới lãnh đạo Việt Nam vẫn đọc sách. Khả năng này không nên loại trừ. Tạm tin như thế. Đọc sách, với giới lãnh đạo nói chung, rõ ràng ít nhiều ảnh hưởng đến việc định hình chính sách, việc hình thành nên một "chính phủ kiến tạo", việc xây dựng một quốc gia "dân thịnh, nước cường" - nếu đọc đúng và đọc đủ.
Trong diễn văn tạm biệt ngày 9/8/1974, Tổng thống Richard Nixon nói : "Tôi không phải là người có ăn có học nhưng tôi đọc rất nhiều ("I am not educated, but I do read books"). Giới chức Việt Nam có rất nhiều người có ăn có học nhưng đọc rất ít ? Điều này đúng hay sai khó có thể xác quyết mà chỉ có thể "phỏng đoán" từ thực tế. Dù không có nghiên cứu nào xác chứng cho mối "tương quan" giữa việc thiếu đọc sách với các phát biểu linh tinh nhưng thực tế khiến người ta không khỏi không nghi ngờ về trình độ đọc của giới quan chức nước nhà, khi ngày qua ngày, năm qua năm, người dân liên tục nghe những phát biểu rất "độc đáo", tạo ra một hiệu ứng xã hội (đối với người dân) "tôi-nói-rồi :họ-chỉ-có-thế".
Dĩ nhiên đọc sách hay không thì vẫn có thể cai trị nhưng muốn giành được sự kính trọng và niềm tin người dân thì lại là việc khác. Không đọc sách vẫn có thể "điều hành đất nước" nhưng đất nước có phát triển hay không là một việc khác nữa. Những điều này có lẽ có cả ngàn quyển sách viết đến rồi.
Mạnh Kim
Nguồn : VOA, 21/02/2019
Từ ngày 15 đến 17/02/2019, Hội sách Mùa Xuân được tổ chức ở Hà Nội. Hoạt động văn hóa này nói riêng, cùng với sự bùng nổ ngành xuất bản nói chung, đã mang lại cảm giác rằng sách đang là một hình ảnh tích cực trong việc phát triển xã hội. Thực tế thảm hơn vậy và thảm hơn được nghĩ : Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ đọc sách kém nhất thế giới...
Từ hướng Nhà Thờ Đức Bà tới đường Hai Bà Trưng, bên trái là 20 gian hàng sách. Hình minh họa. [photo by Ngô Thế Vinh]
Theo tổng kết của Cục Xuất bản, năm 2018, ngành xuất bản tung ra gần 32.000 cuốn sách mới với hơn 390 triệu bản, tăng 20,6% so với năm 2017 ; đạt doanh thu 2.506 tỷ đồng ; nộp ngân sách 187,15 tỷ đồng (tăng 71% so với năm 2017) ; lợi nhuận sau thuế của các nhà xuất bản đạt khoảng 212,34 tỷ đồng - tăng 11,5% so với năm 2017 (VietnamNet 26-1-2019). Tổng quát, "năm 2018, lượng sách ra thị trường tăng trên 20%, nhiều nhà xuất bản doanh thu cao, tất cả các đơn vị đều được đầu tư vốn, cơ sở vật chất và nhân sự đảm bảo hoạt động" (Zing 18-1-2019). Không chỉ thị trường sách, hoạt động thư viện cũng có vẻ "khởi sắc". Hội thảo "Phát triển và đổi mới hoạt động thư viện trong thời kỳ mới" tổ chức tại Thư viện Quốc gia ngày 5-12-2018 cho biết, Việt Nam hiện có một thư viện quốc gia, 63 thư viện tỉnh, 663 thư viện huyện và 3.257 thư viện xã ; cùng 16.727 phòng đọc sách làng, thôn, bản ; gần 400 thư viện thuộc các trường cao đẳng và đại học ; 25.915 thư viện trường phổ thông ; 100 thư viện thuộc các bộ ngành, viện nghiên cứu ; hơn 500 thư viện và khoảng 4.500 phòng đọc sách thuộc lực lượng vũ trang…
Sách in nhiều và thư viện mọc khắp nơi nhưng người đọc ở đâu ? World Culture Score Index cho biết Ấn Độ là quốc gia hàng đầu thế giới hiện nay về "chỉ số đọc", với trung bình 10 tiếng 42 phút mỗi tuần ; Thái Lan thứ nhì với trung bình mỗi tuần 9 tiếng 24 phút… Dân Malaysia đọc trung bình 12 cuốn/năm. Trong khi đó, tại Việt Nam, trung bình mỗi người đọc tổng cộng chỉ 4 cuốn/năm mà con số này bao gồm cả sách giáo khoa ! Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á cho biết thêm, có đến 26% dân số Việt Nam không bao giờ đọc sách, 44% thỉnh thoảng đọc và chỉ 30% đọc thường xuyên. Sách chất chồng chất đống, các hội chợ sách đông nghịt, nhưng sách vẫn nằm ngoài đường hơn là vào nhà, sách ngủ trên kệ thư viện hơn là trên tay. Đi hội chợ sách cũng cứ như đi hội chợ hoa. Ngắm nhiều hơn mua. Hiện tượng tréo cẳng ngỗng này cho thấy sách được bán là sách gì và sách thư viện là sách thế nào ? Một cách khách quan, có thể điểm lại vài nguyên nhân khiến người Việt ngán sách.
Yếu tố lười đọc như một "hiện tượng thời đại" là không thể bỏ qua. Chưa bao giờ người ta lười đọc sách đến như vậy. Tình trạng này xảy ra ngay tại Mỹ, nơi sách được phát hành nhiều nhất thế giới. Với người Việt, máy tính bảng, điện thoại, Facebook đã trở thành "tác nhân" bồi thêm vào tâm lý "chán" sách. Đọc ngắn, thậm chí cực ngắn, đang trở thành một thói quen phổ biến. Ngay cả sinh viên cũng "sợ" đọc sách. Tuy nhiên, đổ thừa cho thiết bị số là không hoàn toàn chính xác. Sinh viên các nước khu vực, Thái Lan hay Singapore, vẫn ôm sách đọc mỏi tay. Vấn đề ở chỗ học đường trung học và giảng đường đại học Việt Nam không tạo ra được một không khí học thuật. Sự thất bại của giáo dục Việt Nam là ngành giáo dục đã không mang lại được một không khí học thuật tự do và tìm kiếm tri thức tự do để từ đó tạo cho người học cảm hứng đọc sách và bồi bổ kiến thức từ sách. Sinh viên đến lớp nghe giảng như học trò phổ thông. Giảng viên đại học "dạy chữ" như giáo viên phổ thông. Chẳng có gì để kích thích hứng khởi tìm hiểu và nâng cao kiến thức. Tâm lý lười đọc càng thêm lười – một hiệu ứng lười mang tính lây lan.
Nguyên nhân thứ hai là các nhà xuất bản. Thử vào vài nhà sách lớn ở Sài Gòn, sẽ thấy "bội thực" với những đầu sách tương tự về nội dung. Quanh đi quẩn lại cũng "làm thế nào để khởi nghiệp", "7 bước đi đến thành công", "8 cách để làm giàu", "9 phương pháp mang lại hạnh phúc", "10 bài học thất bại đáng giá" (các đề tài này dù được khai thác mạnh nhưng thành công ở đâu vẫn không thấy gõ cửa và cũng chẳng có thất bại nào được rút ra, không chỉ đối với ngành sách mà với cả quốc gia !). Các chủ đề khác được ưa chuộng là hồi ký ; kỹ năng sống và kinh nghiệm sống ; học làm người (chủ yếu in lại sách cũ trước 1975) ; quản trị kinh doanh… Sự trùng đề tài khiến độc giả không chỉ khó khăn để chọn lựa mà còn làm họ ngán. Sự "đánh hơi" thị trường của các công ty sách không đủ độc đáo để tạo ra chỗ đứng riêng biệt cho từng công ty và mang lại sức bền để đi đường dài. Có khi "thắng" được một cuốn đã là mừng hết lớn. Sự cạnh tranh khốc liệt còn dẫn đến bát nháo, đặc biệt sách dịch, cuối cùng đưa đến một tâm lý thị trường phổ biến : "Bà để bà ngắm chứ bà không mua !". Sách in nhiều nhưng bán được bao nhiêu và được người đọc đón nhận hay không, rõ ràng, không phải là hiện tượng nhất thời. Nó là một thực trạng có khuynh hướng kéo dài. Cần nhắc lại, năm 2014, trong 64 nhà xuất bản thì chỉ có 4 nhà làm ăn có lời và nộp thuế đầy đủ !
Nguyên nhân thứ ba là sự can thiệp của cấp quản lý. Ngày 15/03/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, "khẳng định quan điểm phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước". Tiếp đó, ngày 24/02/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành thêm Quyết định số 284/QĐ-TTG chọn ngày 21/04 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam, cũng nhằm mục đích khuyến đọc. Như cách điều hành và quản lý đặc sệt màu sắc XHCN trên mọi lĩnh vực, sách, làm sách, đọc sách cũng đã bị "định hướng". Tuy nhiên, thực tế cho thấy chẳng "định hướng" nào tốt hơn là buông "bàn tay lông lá" của các "quyết định" ra khỏi lĩnh vực xuất bản. Cho đến nay, công ty tư nhân vẫn buộc phải "liên kết" với nhà xuất bản mới có thể phát hành sách chứ không thể tự do làm sách ; và nhà xuất bản thì phải chịu sự kiểm duyệt nhà nước. Làm thế nào có thể tạo ra và phát triển một nền "văn hóa đọc" khi sự hứng thú đọc bị giới hạn trong khuôn khổ hạn hẹp bởi yếu tố kiểm duyệt chính trị ?
Sự thò mũi kiểm duyệt và thao túng nội dung xuất bản đã dẫn đến hậu quả là giới làm sách không dám đầu tư đường dài, chỉ nhắm vào các thể loại "mì ăn liền" với những chiến dịch "đánh nhanh rút lẹ" để đảm bảo an toàn nguồn vốn lẫn doanh thu. Khả năng định hướng, về xu hướng lẫn thẩm mỹ, cho thị trường của giới làm sách đã bị triệt tiêu bởi sự "định hướng" chính trị của các cơ quan nhà nước. Bất chấp sự thật rằng ngày nay người ta có thể dễ dàng tìm kiếm "sách cấm" trên mạng, bộ máy quản lý vẫn kiểm soát tuyệt đối nội dung sách in và sẵn sàng ban hành lệnh cấm hoặc thu hồi bất cứ quyển sách nào không "phù hợp" vì "có những chi tiết cần được thẩm định lại", dù việc "thẩm định" một tác phẩm là việc của thị trường, của người đọc, của giới phê bình, và không nhà nước nào có quyền thay mặt làm điều đó cả ! TừCung đàn số phận của Lộc Vàng, Một cơn gió bụi của Trần Trọng Kim, Petrus Ký - Nỗi oan thế kỷcủa Nguyễn Đình Đầu, đến The Spy Who Loved Us của Thomas Bass… Từ hồi ký, sách sử, sách dịch, biên khảo… Tất cả đều bị kiểm duyệt. Thị trường sách cứ thế không biết "đi đâu về đâu", không dám đặt ra chiến lược dài hạn, và cuối cùng không thể kích thích được tâm lý ham đọc trong xã hội.
Có thể có người đặt câu hỏi rằng, trong bối cảnh thiết bị kỹ thuật số đang đè bẹp thói quen đọc và như vậy cho dù không bị vòng kim cô kiểm duyệt chụp lên đầu đi nữa thì liệu văn hóa đọc có thể hồi sinh được nổi không ? Câu trả lời nên dành cho giới làm sách. Nếu được "trả lại" tự do – một nền văn hóa tự do mà miền Nam trước 1975 từng được thụ hưởng và gặt hái những kết quả rực rỡ, giới làm sách hẳn sẽ biết họ phải làm gì và làm như thế nào để phát triển, và đặc biệt, để giúp độc giả lấy lại niềm hứng khởi đọc cùng sự tự do chọn lựa đọc.
Mạnh Kim
Nguồn : VOA, 16/02/2019
Việt Nam là thuộc địa Trung Quốc ? Không phải. Là chư hầu ? Không đúng. Là quốc gia vệ tinh ? Cũng sai. Vậy Việt Nam đang là gì với Trung Quốc ? Khó có thể định nghĩa chính xác tính chất mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc kể từ sau khi hai nước bang giao bình thường sau cuộc chiến biên giới 1979. Có điều ai cũng thấy Việt Nam đang bị nhuộm đỏ trước hiểm họa "ngoại xâm mềm" bằng con đường kinh tế, từ Trung Quốc.
Tưởng niệm chiến tranh biên giới 1979 - 2016.
Từng ngày từng giờ, cơn sóng thủy triều đỏ Trung Quốc lan rộng và phủ kín Việt Nam, từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau (chính xác là 54/63 tỉnh-thành). Theo Viện nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nếu như trong 9 năm kể từ khi bình thường hóa (tháng 11/1991 đến tháng 12/1999), Trung Quốc có 76 dự án với tổng số vốn đầu tư là 120 triệu USD, thì 10 năm sau, đã có 657 dự án với tổng số vốn hơn 2,6 tỷ USD. Riêng về FDI (đầu tư nước ngoài trực tiếp), từ cuối năm 1991 đến nay, FDI Trung Quốc đổ vào Việt Nam liên tục tăng và tăng mạnh 10 năm trở lại đây, từ 572,5 triệu USD năm 2007 lên 2,17 tỷ USD năm 2017, trở thành nước thứ tư trong số các quốc gia có vốn FDI đăng ký tại Việt Nam (tạp chí Tài Chính 1/1/2019).
Trung Quốc hiện diện khắp nơi, đến mức gần như ngành nghề nào cũng có mặt, từ kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp ở Hải Phòng ; kinh doanh bất động sản ở Tiền Giang ; sản xuất giày ở Đồng Nai ; luyện-cán thép ở Thái Bình ; sản xuất tinh bột wolfram ở Quảng Ninh ; linh kiện điện tử ở Đà Nẵng ; ván ép ở Long An ; đến gia công in phun, đồ họa, sản phẩm quảng cáo, dịch vụ quảng cáo ở Sài Gòn ; và đặc biệt công nghiệp điện than (trong 27 quốc gia có dự án nhiệt điện than nhận đầu tư từ Trung Quốc, Việt Nam xếp thứ hai sau Bangladesh về công suất được cam kết đầu tư với 13.380 MW, xếp thứ tư về tổng giá trị với 3,6 tỷ USD, tính đến tháng 7/2018) – dù rằng công nghiệp này gây ô nhiễm cực kỳ nghiêm trọng.
Trung Quốc còn thâm nhập dữ dội vào thị trường bất động sản. Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang… chỗ nào cũng có mặt giới đầu tư bất động sản Trung Quốc, đặc biệt các dự án chung cư thuộc khu "đất vàng". Tháng 4/2017, tập đoàn China Fortune Land Development mua lại cổ phần trong dự án Đại Phước Lotus của VinaCapital với giá 65,3 triệu USD (Đại Phước Lotus là dự án khu dân cư có tổng diện tích 198,5 triệu hecta thuộc tỉnh Đồng Nai, giáp Sài Gòn). TờThe Leader (19/09/2017) cho biết, tập đoàn Hong Kong Land cũng mua 64% cổ phần dự án nhà ở nằm trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm thuộc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh ; trong khi đó, Alpha King Real Estate Development JSC mua dự án khu phức hợp Saigon One Tower…
Trong 9 tháng đầu năm 2018, người Trung Quốc vọt lên đầu bảng tỷ lệ người nước ngoài mua nhà ở Sài Gòn. Không chỉ mua nhà, đất đai và khu nghỉ mát, Trung Quốc còn mua doanh nghiệp. Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, giới đầu tư Trung Quốc đã thực hiện 1.029 lượt góp vốn mua cổ phần tại các doanh nghiệp Việt Nam với tổng vốn hơn 800 triệu USD, chỉ trong năm 2018. Cùng với làn sóng đầu tư là làn sóng du lịch. Mỗi tuần có 500 chuyến bay chở du khách Trung Quốc sang Việt Nam. Hiện có đến 10 hãng hàng không khai thác 30 đường bay từ 20 địa điểm Trung Quốc đến Việt Nam...
Đầu tư và du lịch giúp kinh tế tăng trưởng mà sao phải lo ? Bởi vì, không như giới đầu tư các nước khác, sự có mặt Trung Quốc kéo theo nhiều điều không bình thường. Tháng 8/2018, Ủy ban tỉnh Khánh Hòa đã phải gửi văn bản khẩn, "đề nghị các bộ, ngành trung ương, đặc biệt Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có giải pháp quản lý hoạt động thanh toán qua công nghệ thanh toán điện tử", nhằm chặn đứng sự thất thu thuế từ du khách Trung Quốc.
Dự án tuyến đường sắt cao tốc Cát Linh-Hà Đông là một ví dụ khác. Dự án có tổng đầu tư 552 triệu USD (thời giá năm 2008) trong đó vốn ODA Trung Quốc là 419 triệu USD. Dự kiến công trình hoàn thành trong thời gian từ tháng 8/2008 đến tháng 11/2013 nhưng ì ạch mãi đến cuối năm 2015 mới xong (đến nay, đầu năm 2019, vẫn còn trong giai đoạn chạy thử nghiệm). Cái giá của sự chậm tiến độ là 339 triệu USD cộng thêm ! Không chỉ vậy, tổng thầu Trung Quốc còn nợ các nhà thầu phụ Việt Nam đến 554 tỷ đồng. Tương tự, trong dự án Nhà máy gang thép Lào Cai với tổng đầu tư khoảng 340 triệu USD (Việt Nam góp 55%), một nhà thầu Trung Quốc cũng quịt tiền. Sau khi ký hợp đồng mua vật liệu và thuê công nhân Việt Nam san ủi mặt bằng, nhà thầu phụ này lặng lẽ biến mất ! Dù vậy, Trung Quốc vẫn có ưu thế giành thầu và chiếm nhiều dự án trọng điểm chẳng hạn các nhà máy nhiệt điện. Có quá bất thường không ?
Điều không bình thường là có rất nhiều công nhân Trung Quốc được thoải mái vào Việt Nam mà không cần hộ chiếu-visa. Con chuột cũng khó có thể lọt vào cửa khẩu huống chi hàng chục ngàn người ! Cách đây 10 năm, năm 2009, tờVietnamNet từng thực hiện phóng sự về những ngôi làng Trung Quốc mọc tại Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam thường bày tỏ "bất bình" trước sự "ngang nhiên" tuyên xưng chủ quyền của Trung Quốc đối với biển đảo Việt Nam nhưng về sự ngang nhiên xuất hiện của hàng chục ngàn người Trung Quốc ngay trên đất Việt Nam thì gần như không ai lên tiếng hoặc hành động gì, đến mức sự bất thường này được phép đương nhiên tồn tại. Cuối năm 2015, tại Đà Nẵng, hai cửa hàng do người Trung Quốc làm chủ thậm chí đã ngang ngược "tuyên xưng chủ quyền" bằng cách không bán hàng cho người Việt. Người Việt đang mất chủ quyền ngay trên chính mảnh đất quê hương mình ? Điều bất thường nhất trong những điều không bình thường là một số khu công nghiệp Trung Quốc đã được bảo vệ như thể chúng nằm trên đất Trung Quốc. Cho đến thời điểm này, chẳng người Việt Nam nào "không phận sự" được phép vào "cấm thành" Formosa !
Điều rất không bình thường, so với quan hệ kinh tế với các nước khác, là cách thức quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hãy đọc một đoạn trong bài viết "Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Việt Nam trong 10 năm qua" của tiến sĩ Nguyễn Phương Hoa (người hồi tháng 6/2018 đã được bổ nhiệm Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc kiêm Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc) :
"Cùng với tăng cường xây dựng niềm tin chính trị, lãnh đạo hai nước luôn chú trọng đến xây dựng mối quan hệ kinh tế hiệu quả, thiết thực và đang được cụ thể hóa bằng những kế hoạch phát triển gắn kết hai nền kinh tế như "Hai hành lang, một vành đai", "một trục hai cánh", "hợp tác Vịnh Bắc bộ mở rộng" ; hướng đến cân bằng trong cán cân thương mại ; tăng đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam..".. Cách viết này, của một "chuyên gia" thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho thấy một điều : quan hệ kinh tế Việt Nam với Trung Quốc còn được "hòa tan" vào quan hệ chính trị, liên quan đến vấn đề thể chế và chính sách đối ngoại "đặc biệt". Nó giúp phần nào giải thích được những bất thường nói ở trên.
Cần nhắc lại, cách đây chỉ vài tháng, vào tháng 9-2018, khi tiếp Triệu Lạc Tế - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rằng quan hệ Việt-Trung "đang ở thời điểm tốt đẹp nhất trong lịch sử" ! Trước đó, tháng 1/2017, trong chuyến công du Trung Quốc sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12, Nguyễn Phú Trọng cùng Tập Cận Bình cũng đã ra thông cáo chung, xác định hai quốc gia "đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có chế độ chính trị tương đồng, con đường phát triển gần gũi, có tiền đồ tương quan, chia sẻ vận mệnh chung" ; khẳng định quan điểm hai bên là "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" trên tinh thần "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".
Bắc Kinh có là "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt" của Việt Nam ? Chắc chắn là không. Hà Nội đang trở thành gì đối với Trung Quốc ? Dựa vào các phát biểu và tuyên bố chung chỉ có thể định tính được phần nào mối quan hệ hai nước, nhưng dựa vào những con số cụ thể thì có thể thấy rõ, Việt Nam đang lệ thuộc nghiêm trọng vào Trung Quốc. 40 năm sau khi thâm nhập biên giới Việt Nam bằng quân sự, Trung Quốc đang đổ bộ kín mít đất nước Việt Nam bằng những đoàn quân kinh tế hùng hậu. 40 năm sau khi Việt Nam đánh đuổi quân xâm lược Trung Quốc, Việt Nam vẫn rất khó khăn tấn công sâu vào lãnh thổ nước này bằng con đường kinh thương. Việt Nam liên tục nhập siêu từ Trung Quốc. Con số mới nhất (11 tháng đầu năm 2018) là 21,6 tỷ USD (xuất sang Trung Quốc 38,1 tỷ USD trong khi nhập lại 59,7 tỷ USD).
Năm 1979, Hà Nội đã có thể dạy lại Bắc Kinh bài học mà Trung Quốc muốn dạy cho Việt Nam, nhưng sau 40 năm, Hà Nội dường như chẳng học được thêm gì cả, ngoài việc trở thành "đồng chí tốt" của kẻ thù. Sau 40 năm, Việt Nam chẳng là gì so với sức mạnh kinh tế lẫn quân sự mà Trung Quốc đang sở hữu. Biển Đông đang bị gặm nhấm lần mòn. Chủ quyền biên cương đang bị đe dọa. Cả "chủ quyền" kinh tế cũng bị thao túng. Thật chẳng tự hào gì khi Việt Nam đang là con nợ của Bắc Kinh. Trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn (3/9/2018), tác giả Vũ Quang Việt cho biết, ước tính nợ Việt Nam đối với Trung Quốc, tính đến năm 2018, (có thể) là hơn 6 tỷ USD. Bắc Kinh đang nắm Hà Nội trong lòng bàn tay ? Riêng với cái nhìn của người dân Việt Nam, có vẻ như Hà Nội chẳng nắm được gì của Bắc Kinh cả ! Với thực trạng này, ước vọng thoát Trung của người dân Việt xem ra là rất xa vời. Điều này có đáng để nghĩ và lo lắng cho số phận quốc gia ?
Mạnh Kim
Nguồn : VOA, 15/02/2019
Việc báo chí được bật đèn xanh đăng các hồ sơ nhân 40 năm sự kiện 17/02/1979 (Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam) đang được không ít người vỗ tay "hoan hô Tuyên giáo". Có người thậm chí "cám ơn anh Võ Văn Thưởng !". Có nhiều điều để phân tích động thái thuần túy mang tính chính trị đối ngoại này, ở thời điểm cụ thể này, với bối cảnh chính trị khu vực này. Dù ý nghĩa chính trị của nó như thế nào thì cũng thấy động thái trên không phải là dấu chỉ cho thấy Tuyên giáo cởi trói báo chí.
Một nghĩa trang thuộc Lạng Sơn gần biên giới với Trung Quốc.
Chẳng hề có chuyện báo chí được cởi trói. Báo chí vẫn tối mò mò. Một số nhà báo ăn lương có lương tâm vẫn tiếp tục úp úp mở mở bày tỏ ấm ức trên mạng ở các vấn đề thời sự để khỏi mất thời giờ sáng mai vào phòng biên tập "giải trình" "tại sao viết như thế" và "ý thức chính trị ở đâu mà phát biểu như vậy"… Đèn xanh chỉ được bật lên ở một góc giao lộ. Toàn bộ tuyến đường và toàn bộ khu vực vẫn nhấp nháy bất tận đèn đỏ. Mà xanh cũng có "mức độ" của xanh, trong khuôn khổ chừng mực và được phép, chưa kể sự giới hạn của yếu tố thời gian. Ngày mai người ta bảo, thôi, xanh như thế là đủ, thế là phải thôi. Dám cãi ! ?
Tôi dám cá nếu một cô người mẫu mất tích ở Thái Lan thì báo chí sẽ "vào cuộc" quyết liệt như thế nào. Sẽ có rất nhiều "phóng viên điều tra" sang tận khách sạn nơi cô người mẫu mất tích để chụp hình và thực hiện các cuộc phỏng vấn "nhân chứng" một cách rất chuyên nghiệp. Tòa soạn sẵn sàng chi tiền để phóng viên "bám trụ địa bàn" cho đến khi nào tìm ra manh mối vụ mất tích kỳ bí. Thế nhưng báo chí đã im phăng phắc trước vụ mất tích quái đản của một người có thể được xem là đồng nghiệp – nhà báo Trương Duy Nhất. Ngay cả một hàng tin ngắn : "ông Trương Duy Nhất, một người Việt Nam, đã biến mất một cách kỳ lạ ở Thái Lan" cũng chẳng báo nào dám đăng.
Khoan vội "hoan hô Tuyên giáo" và đừng quá nhanh miệng trong việc "cám ơn anh Thưởng". Thậm chí còn tệ hơn cách đây vài thập niên khi báo chí vừa đi vừa dò đường, báo chí ngày nay không bao giờ dám đi đâu trước khi được chỉ đường. Chẳng riêng vụ ông Trương Duy Nhất, báo chí chẳng dám viết về bất cứ gì hoặc bất cứ ai dù có khi rõ ràng đèn xanh đã "xanh như thế" ở các vấn đề chẳng hạn "chống tham nhũng". Chưa có tờ báo nào đụng đến "cậu" Lê Trương Hải Hiếu, huống hồ sờ đến ba của cậu là "bố già" Lê Thanh Hải. Báo chí đang chống tham nhũng, cả xã hội đang vào cuộc, sao lại không thể đề cập chân tướng những gương mặt tham nhũng đại gian ? Khoan ! Tuyên giáo đã nói gì đâu. Cứ chờ đấy. Hóng hớt xem thế nào rồi tính. Đừng có mà ngu cầm đèn chạy trước ôtô, bị cán chết tươi bây giờ !
"Anh nhớ xóa đoạn chat và đừng nói với ai những gì tôi vừa kể với anh" – một nhà báo đã cẩn thận nhắn cho tôi sau khi trao đổi một vài "bí mật hậu trường" ở một số vấn đề thời sự. "Cái hãng hàng không ấy, tôi nói anh nghe, kinh hoàng luôn ; cái lão ấy, tôi nói anh biết, kinh khủng không thể tưởng ; cái vụ ấy, tôi nói anh nhé, không như báo chí nói đâu ; cái tên bộ trưởng ấy, con lão ấy đang du học ở Luân Đôn đấy…" – tôi vẫn nghe một số bạn nhà báo kể những câu chuyện tương tự. Họ biết rất nhiều nhưng họ không thể viết vì viết không thể đăng bởi đăng thì báo bị "giết" tức khắc. Cách đây ít nhất 10 năm, tôi đã nghe không biết bao nhiêu tình tiết ly kỳ về Dương Thị Bạch Diệp, bà trùm bất động sản, một mafia đúng nghĩa của từ này. Chẳng báo nào dám viết trong suốt thời gian dài bà Diệp làm mưa làm gió, cho đến mới đây, khi bà bị bắt với tội lừa đảo. Điều tệ hại nhất của tình trạng này là sự thật không bao giờ đến được độc giả. Có vô số sự kiện bây giờ người ta chỉ có thể biết bằng cách đọc "báo phản động" hoặc xem các "đài phản động" như VOA hoặc RFA. Độc giả biết tin sự kiện Lộc Hưng từ báo chí nhà nước hay từ "báo chí phản động" ? Điều tệ hại nữa của tình trạng này là để tồn tại, báo chí đành phải sống bằng những vụ té xe trầy chân người nổi tiếng hoặc đại loại, dẫn đến một "môi trường báo chí" ô nhiễm và thậm chí ảnh hưởng đạo đức xã hội.
Đừng vội vỗ tay hoan hô Tuyên giáo trước một hoặc vài sự kiện được bật đèn xanh. Chừng nào còn phụ thuộc vào tín hiệu đèn xanh thì báo chí vẫn còn sống dài dài với nỗi thấp thỏm bị siết cổ nửa đêm bằng tin nhắn hoặc cú gọi lạnh tóc gáy từ một "đồng chí" Tuyên giáo. Cá nhân Võ Văn Thưởng, trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cũng là công cụ. Tuyên truyền phục vụ đường lối chính sách của Đảng vẫn là "tôn chỉ" xuyên suốt của hoạt động báo chí Việt Nam. Các bài viết về sự kiện 17-2 gần đây không nằm ngoài điều đó. Còn có quá nhiều chi tiết liên quan sự kiện, ngoài môtíp tường thuật quen thuộc "ta thắng, địch thua", vẫn chưa được phép lật lại để cho "sòng phẳng với lịch sử" như cách diễn đạt phổ biến của nhiều người ngày nay. Việc được bật đèn xanh lần này chỉ cho thấy một điều tích cực : làng báo Việt Nam không thiếu người làm báo giỏi. Bài "Biên giới 1979 trước biển người phương Bắc" của VNExpress là một ví dụ. Làng báo Việt Nam thật ra không thiếu người tài. Báo chí Việt Nam lý ra không lôi thôi như đang thấy, nếu Tuyên giáo được đóng cửa và người tài được sử dụng. Có lẽ ít người quan tâm đến sự thật rằng hệ thống báo chí đang bị khống chế bởi một "quy định" bất thành văn trong đó cấm tiệt một số nhà báo được phép viết cho báo chí nhà nước, dù họ (chẳng hạn Phạm Đoan Trang) tài giỏi như thế nào.
Mạnh Kim
Nguồn : VOA, 14/02/2019