Sau thất bại của cuộc phản công mùa hè, quân đội Ukraine chuyển sang phòng thủ. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình BFMTV và báo Le Monde của Pháp, hôm 12/03/2024, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xác nhận Ukraine đã xây dựng tuyến phòng thủ 3 lớp dọc các tuyến mặt trận để bảo vệ lãnh thổ, chặn đà tiến của quân Nga và chờ thời cơ thuận lợi.
Một chiến hào mới thuộc tuyến công sự mới được Ukraine xây dựng ở khu vực Kharkiv, ngày 12/03/2024. Reuters - Vyacheslav Madiyevskyy
Thông tín viên RFI Stéphane Siohan tại Kiev cho biết thêm thông tin :
"Ngày 12/02 vừa qua, thủ tướng Ukraine Denys Chmyhal thông báo chính phủ Ukraine trợ cấp ngân khoản 520 triệu đô la để xây dựng ba tuyến công sự liên tiếp bên phần chiến tuyến của Ukraine.
Hệ thống phòng thủ rất lớn có chiều dài 2000 km này sẽ chạy dọc phía nam đất nước, trong vùng Zaporijia, cũng như cả vùng Donbass ở phía đông, hiện vẫn còn do Ukraine kiểm soát. Tuyến công sự còn trải dài trên phía bắc trong vùng Kharkiv, Soumy, Tchernigiv, Kiev và xa hơn nữa, để đề phòng mọi cuộc đột nhập từ Belarus.
Các tuyến công sự phòng thủ này gồm toàn bộ các giao thông hào, hầm trú ẩn bọc thép, các công trình hàng rào chống tăng vẫn được gọi là răng rồng giống như tuyến 3 lớp Surovikine mà Nga đã cho xây cách đây một năm ở miền nam Ukraine và cuộc phản công mùa hè của Kiev đã vấp phải.
Với quân đội Ukraine, những công công trình này giờ trở nên không thể thiếu, trong khi mà sức mạnh hỏa lực của Ukraine đã bị giảm đáng kể và quân Nga đang lấn thêm từng mảng lãnh thổ sau khi thành phố Avdiika trong vùng Donbass thất thủ.
Tuy nhiên, nhiều binh sĩ Ukraine không hiểu tại sao chính quyền phải đợi đến 2 năm mới bỏ tiền ra xây dựng hệ thống công sự như thế này trong khi mà giờ đây toàn bộ tuyến mặt trận của họ đang bị áp lực lớn".
Vẫn liên quan đến chiến thuật quân sự của Kiev, tổng tư lệnh quân đội Ukraine, Oleksandr Syrsky, cho biết quân đội giờ đây tập trung phát triển "hệ thống không người lái", tức sử dụng drone tối tân hơn, để giành ưu thế trên chiến trường.
Trên Telegram, hôm 18/03, tướng Syrsky viết : "Công nghệ và việc chế tạo đơn giản là mấu chốt ưu thế của chúng ta đối với kẻ thù". Ông nhấn mạnh phát triển hệ thống không người lái giờ được coi là một ưu tiên của Ukraine.
Anh Vũ
Ukraine : Cuộc chiến trên không với Nga bắt đầu ngang sức
Le Monde ngày 12/03/2024 nhận định "Tại Ukraine, cuộc chiến trên không bắt đầu ngang ngửa". Tuy chỉ bằng 1/10 so với Nga, nhưng lực lượng không quân Ukraine đã giáng được vào Moskva những đòn nặng nề dù chưa có được chiến đấu cơ F-16. Phi cơ Nga bị bắn rơi như sung trong những tuần lễ gần đây, tổng cộng từ đầu cuộc chiến không quân Nga đã mất đến 105 chiếc.
Ảnh cắt từ một video của kênh Telegram Ivanovo Novosti ngày 12/03/2024 cho thấy lửa bốc ra từ một phi cơ vận tải quân sự Il-76 của Nga ở ngoại ô Ivanovo. Bộ Quốc phòng Nga nói chiếc máy bay chở 15 người đã bị rơi khi cất cánh tại một căn cứ quân sự miền tây nước Nga. AP
Phá vỡ sự thống trị của Nga trên không phận
Trong khi bộ binh đang gặp khó khăn ở Donbass, hải quân Ukraine hầu như không có gì nhưng đã gây ngạc nhiên khi tiêu diệt được 20% hạm đội Nga ở Hắc Hải. Còn không quân Ukraine vốn ít được chuẩn bị và lực lượng vô cùng chênh lệch vào đầu cuộc xâm lăng, nay lại làm cho không quân Nga thiệt hại nặng, ngay cả trước khi các chiến đấu cơ F-16 của Mỹ được chuyển đến.
Từ đầu năm nay, hai phi cơ giám sát A-50, tai mắt của không quân Nga, và một phi cơ chỉ huy Il-22 đã bị phòng không Ukraine bắn hạ. Các hệ thống này được âm thầm đưa đến gần tiền tuyến, gây bất ngờ cho Nga. Tiếp đến, khoảng mười mấy phi cơ tiêm kích Su-34 và ít nhất một chiếc Su-35 cũng bị diệt gọn. Tổng cộng không quân Nga đã mất đến 105 phi cơ, theo trang web chuyên ngành Oryx lấy từ các nguồn mở, và chỉ tính đến các thiệt hại được chứng minh bằng video, hình ảnh.
Phía Ukraine bị mất khoảng 75 chiếc. Bộ Quốc phòng Nga khẳng định đã diệt 575 máy bay Ukraine, trong khi Kiev chỉ có 98 chiến đấu cơ, và năm 2023 nhận được 27 chiếc MiG-31 của Ba Lan và Slovakia. Phi cơ Nga bị bắn rơi như sung trong những tuần lễ gần đây, còn ba phần tư thiệt hại của Ukraine là phi cơ bị oanh tạc lúc đang đậu trên mặt đất, trong những tháng đầu cuộc chiến.
Kiev nhất thiết phải phá vỡ sự thống trị trên không của Moskva để ngăn chặn bước tiến của quân Nga ở Donbass, hy vọng giành lại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Phi cơ Nga tấn công vào sâu, đe dọa các phi trường và nhà máy vũ khí của Ukraine, mở đường tiến cho bộ binh bằng cách thả hàng loạt bom lượn (GPG) xuống các công sự của Ukraine dọc theo toàn bộ chiều dài mặt trận.
"Chúng tôi sẽ ngoạm gấu Nga từng mảnh một"
Nói chuyện với Le Monde, "Phantom", một phi công ở độ tuổi bốn mươi, che mặt và bảng tên cũng được che theo lệnh bộ tham mưu, nhận định khuyết điểm lớn của đối thủ là cách chỉ huy tập trung như thời xô-viết. Đang được tập huấn ở nước ngoài để chuẩn bị nhận chiến đấu cơ F-16, anh cho rằng phi công Nga được huấn luyện ít hơn NATO, có lẽ trẻ và ít kinh nghiệm hơn so với số tham gia từ đầu cuộc chiến.
Kiev ước tính phân nửa số phi công Nga lái máy bay chiến đấu đã tử nạn, và phân nửa trong số sống sót nhảy dù khỏi phi cơ đã bị thương không thể tiếp tục tham chiến. Đại tá Yuri Ihnat, phát ngôn viên không quân Ukraine, tin rằng nếu cứ mất phi cơ theo nhịp độ này, trước sau gì Nga cũng phải ngưng chiến đấu. Chỉ huy trưởng Mykola Olechchuk nói : "Chúng tôi sẽ ngoạm gấu Nga từng mảnh một".
"Phantom" nhớ lại những trận oanh tạc vào các hàng dài bất tận xe tăng Nga trong thời kỳ đầu, đó là những mục tiêu rất dễ tấn công vì quân Nga không hề chuẩn bị cho việc bị không kích, nhưng rất tiếc là Ukraine không có nhiều đạn. Kể từ tháng 4/2022, không quân đôi bên đều thận trọng tránh xa tiền tuyến, nhiệm vụ chỉ là bắn hỏa tiễn và thả những vật liệu đánh lừa hỏa lực địch. Nhưng từ tháng 10/2023, vào đầu trận đánh Avdiivka ở Donbass, không quân Nga đã thả đến 250 quả bom lượn chỉ trong 48 giờ.
Từ khi các radar và một số chiếc A-50 bị hủy diệt, phi cơ Nga khó nhận ra mục tiêu hơn trong khi Ukraine được tình báo phương Tây hỗ trợ. Không quân Ukraine nay tập trung vào việc huấn luyện phi công, nhân viên mặt đất và cơ sở hạ tầng cho F-16 : Hà Lan, Na Uy và Bỉ sẽ tặng 60 chiếc cho Kiev. Theo phát ngôn viên Yuri Ihnat, vấn đề chỉ còn tính bằng tháng, và nhiệm vụ của F-16 không phải để hạ xe tăng mà để tấn công chính xác vào hậu cần địch : căn cứ, kho xăng, kho đạn... Thụy Điển có thể chi viện vài chục chiếc JAS-39 Gripen, chiến đấu cơ đa năng thế hệ thứ tư như F-16, phù hợp hơn Mirage 2000 của Pháp.
Giương cờ trắng để có hòa bình ?
Ngay cả nhật báo công giáo La Croix cũng phải đặt câu hỏi trong bài xã luận trang nhất : Chuyện gì đã xảy ra với giáo hoàng Francis ? Khi khuyên Ukraine giơ lên lá cờ trắng, ít nhất người đứng đầu Giáo hội đã phát ngôn không đúng lúc. Đã đành ngài không phải là người phương Tây, "các nước phương Nam" bất đồng về việc ủng hộ Ukraine, và ngay từ khi nhậm chức giáo hoàng vẫn không ngừng kêu gọi hòa bình cho thế giới. Nhưng tờ báo cho rằng điều đó không có nghĩa là ngài thân Nga ! Chỉ đơn giản là giáo hoàng lo ngại hậu quả của một cuộc chiến lâu dài : những thành phố hoang tàn, các thế hệ bị hy sinh, vũ khí hạng nặng rải rác trong thiên nhiên, chưa nói đến những cái chết.
Cân nhắc làm thế nào để ngưng xung đột là điều nên làm. Nhưng nếu để cho phần thắng ở về phía kẻ nào mạnh nhất, phản lại các công ước quốc tế và từ chối lắng nghe các dân tộc, sẽ không mang lại hòa bình. Một trong những người tiền nhiệm, giáo hoàng Gioan XXIII trong thông điệp năm 1963 đã viết "Pacem in terris" : Không có hòa bình nếu không có công lý. Với Ukraine, hòa bình chỉ có được khi Moskva chấp nhận một giải pháp đúng đắn, và chính với Nga mà giáo hoàng Francis cần bắt đầu.
Les Echos dẫn lời ngoại trưởng Ukraine, Dmytro Kuleba : "Quốc kỳ của chúng tôi là màu vàng và màu xanh. Chúng tôi sống, chết và ca khúc khải hoàn dưới lá cờ này. Chúng tôi không bao giờ giương lên những lá cờ khác !".
Pháp : Đặt lợi ích quốc gia lên trên quyền lợi đảng phái
Bầu cử Nghị Viện Châu Âu và vấn đề viện trợ cho Ukraine, người Công giáo và giới y tế phản ứng trước dự luật về trợ tử là những chủ đề được đưa lên trang nhất báo Pháp hôm nay. Trong bài xã luận tạm dịch "Ý thức quốc gia", Les Echos giải thích tại sao phải nghe các nghị sĩ tranh luận trong khi lãnh vực quốc phòng là của tổng thống ? Là để xem các dân biểu có ý thức và đặt lợi ích của nước Pháp lên trên lợi ích phe mình hay không.
Hôm nay Hạ Viện bỏ phiếu về việc viện trợ bổ sung 3 tỉ euro cho Ukraine và gia tăng hợp tác về pháo binh và phòng không. Tất cả những dân biểu gắn bó với dân chủ và an ninh cần phải thông qua, theo Les Echos. Cuộc tranh luận giúp làm rõ chủ trương của từng đảng, nhấn mạnh đến nghịch lý của các phe cực đoan, vừa khẳng định ủng hộ Kiev nhưng lại vừa chủ hòa. Cả đảng Nước Pháp Bất Khuất (LFI) lẫn Tập hợp Quốc gia (RN) đều đồng ý hỗ trợ Ukraine, nhưng không muốn cho nước này gia nhập Liên Hiệp Châu Âu (EU). Họ ủng hộ những người lính nơi tiền tuyến, nhưng lại kích thích sự giận dữ nơi các giới phải trả giá, trước tiên là nông dân.
Ukraine không thể là một chủ đề chính trị nội bộ thông thường. Còn ba tháng nữa đến bầu cử Châu Âu, tất nhiên là có tính toán nơi Emmanuel Macron khi ông đặt mỗi người trước trách nhiệm, hy vọng làm mất uy tín tất cả những đảng bị xem đồng lõa với Vladimir Putin. Phía sau là một cuộc chiến khác, giành quyền lãnh đạo Châu Âu giữa Paris và Berlin. Khi nêu ra giả thiết gởi quân sang Donbass, tổng thống Pháp đã gây chấn động nơi các đồng minh, nhưng được Ba Lan và các nước Baltic hoan nghênh. Chính tại khu vực này mà tương lai Châu Âu được đánh cược, bên cạnh đó là ảnh hưởng của Pháp.
Chỉ trích sự táo bạo của Macron, bênh vực Nga là chống lại lợi ích quốc gia. Các đảng phái cần có trách nhiệm lịch sử trong tình hình trầm trọng này, thay vì những tính toán nhỏ nhen. Chọn phe và bảo vệ những giá trị của mình : dân chủ chống lại độc tài, chủ quyền thay vì chịu khuất phục, tôn trọng biên giới trước ngoại xâm. Khi các nguyên tắc căn bản bị đụng đến, vắng mặt là đầu hàng. Còn vài ngày nữa là sẽ tái "đắc cử", Vladimir Putin đang quan sát nước Pháp, và người Ukraine cũng vậy.
Macron : Một mũi tên bắn hai con chim
Libération nhận thấy điện Élysée đã "dùng một mũi tên bắn hai con chim : Putin và phe cực hữu". Tờ báo nhắc lại bối cảnh khó khăn của Ukraine cách đây vài tuần : Quốc hội Mỹ chặn viện trợ, thiếu đạn pháo trầm trọng trước những cuộc tấn công ồ ạt của Nga, các chiến binh mệt mỏi vì không được thay quân, và viễn cảnh Donald Trump tái đắc cử. Trước tình hình đó, tổng thống Emmanuel Macron đã tổ chức hội nghị khẩn cấp ở Paris ngày 26/02 để đối phó – Nga được coi là kẻ thù kể từ đây. Hơn lúc nào hết Paris cần khẳng định vị thế thống lĩnh về quân sự, nhất là Pháp có vũ khí nguyên tử. Trong khi Moskva không ngừng khiêu khích Paris : gây ra những vụ va chạm trên không, cho tin tặc tấn công, bóp méo thông tin… Trên mạng xã hội liên tục xuất hiện những hình ảnh thủ đô nước Pháp bị hủy diệt vì bom nguyên tử.
Đây là lần đầu tiên Macron coi Vladimir Putin là đối thủ chính của Pháp và Châu Âu, khác hẳn với chủ trương "không sỉ nhục Nga" hồi đầu. Tổng thống Pháp tố cáo "mọi thái độ hèn nhát", không loại trừ bất cứ kịch bản nào. Cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu sẽ diễn ra vào ngày 09/06, Macron muốn thu được đa số ủng hộ ở Hạ Viện, đồng thời vạch rõ sự nhập nhằng của phe cực hữu. Đáng ngạc nhiên là có đến 31% dân Pháp ủng hộ khả năng đưa quân sang Ukraine, chứng tỏ họ cảm thấy cuộc chiến đấu của quân dân Ukraine là chính nghĩa, và phải chận đứng đế quốc Nga để tránh một thảm họa Châu Âu mới.
Nhà nước Trung Quốc trở thành diễn viên phụ của Tập Cận Bình
Tại Trung Quốc, Le Monde nhận thấy "chính quyền luôn bị đặt dưới sự thống trị của đảng cộng sản". Kỳ họp Quốc hội vừa kết thúc hôm qua mà không có họp báo như lệ thường kể từ 30 năm, và một tu chính án vừa được thông qua, đặt vai trò của đảng lên hàng đầu. Theo đó Hội đồng Nhà nước, có vai trò "kiên quyết thực hiện các quyết định của Trung ương Đảng". Văn bản nêu ra các nguyên tắc ý thức hệ chỉ đạo, là "Mác-Lênin" và "tư tưởng Tập Cận Bình cho kỷ nguyên mới".
Alice Ekman, nhà phân tích của Viện Nghiên cứu An ninh Liên Hiệp Châu Âu đánh giá, với văn bản này sự thống trị của đảng càng mạnh mẽ hơn, các cơ quan nhà nước chỉ có nhiệm vụ thi hành. Chuyên gia Lâm Hòa Lập (Willy Lam) của Fondation Jamestown ở Washington nói : "Tất nhiên ai cũng biết là đảng có quyền hành tối thượng, nhưng Tập Cận Bình muốn điều đó được ghi trên giấy trắng mực đen. Nhà nước trở thành diễn viên phụ".
Lý Cường (Li Qiang) tỏ ra lép vế hơn những người tiền nhiệm. Ông Ôn Gia Bảo (Wen Jia Bao) trước đây từng tạo ấn tượng khi cùng ăn mì với nông dân Quảng Tây, dùng loa nói chuyện với những người sống sót còn mắc kẹt sau trận động đất ở Tứ Xuyên... trước khi dính vào một xì-căng-đan lớn. Đương kim thủ tướng nay còn không được quyền họp báo, cơ hội hiếm hoi để người dân bình thường được nghe quan chức cấp cao trả lời. Các "ủy ban" của đảng về đối ngoại, kinh tế, tài chánh, an ninh quốc gia đều do Tập Cận Bình làm chủ tịch.
Nếu các cơ quan chính quyền và công ty lớn đều có chi bộ đảng, thì nay đến lượt các doanh nghiệp vừa và nhỏ được yêu cầu lập cơ sở đảng, thậm chí chỉ có ba nhân viên là đảng viên cũng phải lập tổ đảng. Cuối tháng Hai, toàn bộ 98 triệu đảng viên thuộc 5 triệu chi bộ được lệnh, tối thiểu mỗi năm một lần phải ngồi lại với nhau để đọc và suy ngẫm chủ thuyết Tập Cận Bình rồi áp dụng vào thực tiễn. Việc nhuộm đỏ này khiến Lý Cường đã hoài công thuyết phục là Trung Quốc "mở rộng cửa", nhà đầu tư vẫn bỏ chạy. Nhất là khi chính quyền Hồng Kông vừa công bố dự luật an ninh mới theo lệnh Bắc Kinh, với năm tội danh bổ sung có khung hình phạt lên đến chung thân.
Thụy My
Chiến tranh Ukraine càng kéo dài càng có lợi cho Trung Quốc. Bắc Kinh không trực tiếp giao vũ khí hạng nặng cho Moskva, nhưng lại gián tiếp tài trợ và nuôi dưỡng cỗ máy chiến tranh của Nga. Điều đó không cấm cản ông Tập Cận Bình bắt đầu "đặt gạch" cho giai đoạn tái thiết Ukraine. Emmanuel Véron, Viện Ngôn Ngữ và Văn Hóa Phương Đông (INALCO) và Trường Hải Quân Pháp (Ecole Navale) phân tích những nước cờ của Bắc Kinh trong một xung đột ở rất xa lãnh thổ Trung Quốc.
Volodymyr Zelensnky, Tập Cận Bình, Vladimir Putin : Ít ai tin Trung Quốc có thể đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine để chấm dứt chiến tranh. Ảnh ghép ngày 26/04/2023. AFP – Genya Savilov, Vladimir Astapkovich, Gavriil Grigorov
Đặc sứ Trung Quốc về các hồ sơ Á-Âu, ông Lý Huy vừa kết thúc chuyến công du nhiều nước Châu Âu với những chặng Moskva, Kiev, Paris, Berlin, Bruxelles và Vacxava. Đây là lần thứ nhì quan chức này trở lại Châu Âu để bàn về chiến tranh Ukraine. Tại Bruxelles, đặc sứ của ông Tập Cận Bình đòi Liên Âu ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine và phản đối Liên Âu đưa vào danh sách trừng phạt Nga ba doanh nghiệp của Trung Quốc bị nghi ngờ tiếp tay với quân đội Nga trong "chiến dịch quân sự đặc biệt" điện Kremlin tiến hành ở Ukraine từ 2022.
Kiev vẫn tin vào "vai trò trung gian" của Bắc Kinh, nhưng hình ảnh của Trung Quốc đối với công luận Ukraine đã xấu đi so với hồi tháng 5/2023, khi đặc sứ Trung Quốc lần đầu đến Kiev. Theo thăm dò của Trung Tâm Razumkov, 72,5 % những người được hỏi có cái nhìn "tiêu cực" về Trung Quốc (thay vì 59 % một năm trước đây) và gần 2/3 người Ukraine không có thiện cảm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, "người bạn thân thiết của tổng thống Nga Vladimir Putin".
Trung Quốc đến nay luôn khẳng định thái độ "trung lập" trong cuộc chiến Ukraine, chưa bao giờ lên án Nga đưa quân xâm lược một quốc gia có chủ quyền. Tháng 2/2023, Bắc Kinh đã trình bày một kế hoạch 12 điểm vãn hồi hòa bình cho Ukraine, đặt mình vào thế một "nhà trung gian" hòa giải. Ông Tập Cận Bình đang tính toán những gì và liệu có thể tin rằng Trung Quốc sẽ là một nhà trung gian đáng tin cậy khi mà lãnh đạo Nga- Trung liên tục ca ngợi "tình bạn vô bờ bến" và "vững như bàn thạch" giữa Moskva và Bắc Kinh ?
Trong cuộc trả lời dành cho RFI tiếng Việt, chuyên gia về Trung Quốc đương đại, giảng dạy tại Trường Hải Quân Ecole Navale ở Brest, miền tây bắc nước Pháp và tại Viện Ngôn Ngữ và Văn Hóa Phương Đông, trước hết ghi nhận : Chiến tranh Ukraine mà tổng thống Nga Vladimir Putin khởi động ngày 24/02/2022 đang mở ra rất nhiều "cơ hội" cho Trung Quốc.
**************
Emmanuel Véron : "Đầu tiên hết và nổi bật hơn cả là những cơ hội để Trung Quốc gia tăng trao đổi mậu dịch, mở rộng quan hệ ngoại giao với Nga. Ý đồ ở phía sau là về mặt chiến lược, Bắc Kinh và Moskva thành lập một mặt trận chống lại Washington nói riêng, và để đương đầu với phương Tây nói chung. Tổng trao đổi mậu dịch hai chiều giữa Nga và Trung Quốc năm 2021 là 140 tỷ đô la, rồi chỉ trong hai năm đã được đẩy lên tới hơn 200 tỷ vào cuối 2023. Dưới góc độ đó, Trung Quốc đã gián tiếp giúp Nga trong cuộc chiến tại Ukraine. Đôi bên chủ yếu trao đổi với nhau những gì ? Nga xuất khẩu sang Trung Quốc dầu hỏa và khí đốt, các loại nguyên liệu, từ gỗ đến khoáng sản… Còn Trung Quốc thì cung cấp từ đồ điện gia dụng đến linh kiện bán dẫn, phụ tùng và nhất là một số công nghệ sản xuất một số vũ khí cho Nga, vừa để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa, vừa để phục vụ cho chiến tranh".
Đối với Ukraine, từ hai năm nay, Trung Quốc chủ yếu mua thêm nông phẩm đặc biệt là lúa mì, ngũ cốc để bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm cho 1,5 tỷ dân. Nhưng thực tế phũ phàng là nhờ có chiến tranh Ukraine, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga đã tăng mạnh vào lúc tiêu thụ nội địa của quốc gia Châu Á này chựng hẳn lại sau đại dịch Covid, còn Âu Mỹ thận trọng, khó tính hơn với hàng rẻ của Trung Quốc.
Trong chiều ngược lại thì các đối tác Nga cũng đã phải nhượng bộ nhiều các khách hàng Trung Quốc, mà điển hình là Trung Quốc đã mua được dầu khí của Nga với giá thấp hơn so với thị trường. Tuy nhiên, giới quan sát lưu ý : Đối với Trung Quốc, các thị trường tiềm năng nhất trong các hoạt động xuất nhập khẩu vẫn là với Châu Âu, Mỹ và với các đối tác Đông Nam Á.
Cơ hội để khẳng định thêm vai trò đầu tầu với các nước "Phương Nam"
Do vậy theo ông Véron, những cơ hội về giao thương với Nga tuy là quan trọng, nhưng cuộc chiến mà tổng thống Nga khởi động cách này hơn 2 năm còn đem lại cho Trung Quốc nhiều lợi ích về phương diện quân sự và ngoại giao. Đó mới là điều quan trọng đối với ông Tập Cận Bình :
Emmanuel Véron : "Như vừa nói, chiến tranh Ukraine đang cho phép Nga thành lập một mặt trận để đương đầu với Mỹ và nhìn rộng ra hơn đây là một sự đương đầu giữa các nền dân chủ phương Tây với nhiều nước không thuộc khối đó, như là Trung Quốc và Nga. Trong cuộc đối đầu về các phương diện chính trị, chiến lược và quân sự đó, Trung Quốc cố gắng tránh cung cấp vũ khí hạng nặng cho Nga, nhưng lại gián tiếp ủng hộ Moskva bằng nhiều cách. Chúng ta vừa nêu lên vế kinh tế và ngoài ra, thông qua Bình Nhưỡng, Bắc Kinh đã bật đèn xanh cho Bắc Triều Tiên cung cấp hàng triệu đạn pháo cho Nga, trong đó có những lô đạn dược mà Bắc Triều Tiên mua từ thời Liên Xô. Ở đây có một trục tam giác Bắc Kinh - Bình Nhưỡng - Moskva. Thêm vào đó Trung Quốc cũng gián tiếp khuyến khích một số nước ở Trung Á, nhất là Iran, tiếp sức cho cỗ máy chiến tranh của Nga. Nói cách khác, Trung Quốc gián tiếp ủng hộ Nga về mặt quân sự, giúp Moskva có công nghệ để sản xuất một số vũ khí cần thiết cho chiến tranh".
Cũng chuyên gia Véron nhắc lại, vào năm 2023, Trung Quốc đã rất năng động về mặt ngoại giao, đặc biệt là hướng tới các quốc gia "ngoài khối phương Tây". Bắc Kinh theo đuổi 2 mục đích : Tìm kiếm các thị trường mới để xuất khẩu và lôi kéo các nước "phương Nam" chia sẻ quan điểm của Trung Quốc về cuộc chiến Ukraine. Điều đó đã được thể hiện qua các thượng đỉnh Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải tại Ouzbekistan, thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia, hay thượng đỉnh khối BRICS vào tháng 8/2023 ở Nam Phi… Cuối tháng 2/2023, Bắc Kinh đã trình bày kế hoạch 12 điểm vãn hồi hòa bình cho Ukraine, cho dù Trung Quốc tuyệt đối tránh sử dụng cụm từ "chiến tranh" và "hòa bình" khi nói về xung đột đang diễn ra tại Châu Âu, rất xa Hoa Lục. Văn bản chính thức của Trung Quốc mang tựa đề : "Quan điểm của Trung Quốc để giải quyết khủng hoảng Ukraine".
"Lộ hàng" vũ khí hiện đại của phương Tây
Về mặt quân sự, một số nhà quan sát cho rằng, trong cuộc chiến Ukraine, điều ngoài mong đợi đối với Bắc Kinh là các nước phương Tây đã cung cấp nhiều loại vũ khí hiện đại giúp Kiev bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và đây là "những bài học quý giá cho Trung Quốc", trong trường hợp phải đương đầu với một cuộc xung đột vũ trang với Hoa Kỳ.
Emmanuel Véron : "Đúng vậy. Thuần túy về quân sự, các giới chức chiến lược và quân sự của Trung Quốc theo dõi rất kỹ tình hình tại Ukraine, cũng như là những gì đang diễn ra ở Hồng Hải, ở dải Gaza. Tình hình được theo dõi hàng ngày và được phân tích một cách rất cặn kẽ, bởi Trung Quốc muốn học hỏi kinh nghiệm, muốn tìm hiểu xem quân đội của Mỹ, của phương Tây được tổ chức như thế nào, hoạt động ra sao. Bắc Kinh đang quan sát xem trong một cuộc xung đột ở cường độ cao, các giới chức ngoại giao, quân sự phối hợp với nhau như thế nào. Trung Quốc đặc biệt chú trọng vào vai trò của quân đội Mỹ".
Tầm nhìn về lâu dài : BRI và công cuộc tái thiết Ukraine
Cuộc chiến nào rồi cũng có hồi kết. Một dụng ý khác trong những nỗ lực ngoại giao của Bắc Kinh "giải quyết khủng hoảng Ukraine" liên quan trực tiếp đến dự án Con Đường Tơ Lụa Thế Kỷ 21 – BRI : Ukraine là một mắt xích quan trọng trong kế hoạch được ông Tập Cận Bình khởi động cách nay hơn 10 năm. Các dự án trên bộ, trên biển bị chựng lại do chiến tranh. Hơn nữa Trung Quốc luôn nhìn xa và đang chuẩn bị sẵn những nước cờ cho giai đoạn tái thiết Ukraine. Không yểm trợ Kiev về mặt nhân đạo, tài chính hay quân sự, Trung Quốc liệu có tính chính đáng để tham gia vào các chương trình tái thiết Ukraine sau chiến tranh hay không ? Emmanuel Véron, viện INALCO, trả lời :
Emmanuel Véron : "Chúng tôi bắt đầu có một số yếu tố để trả lời câu hỏi này, sau hơn hai năm Nga xâm chiếm Ukraine. Trung Quốc đã bắt đầu đặt một số con chốt cho giai đoạn tái thiết Ukraine, cho dù chiến tranh chưa dứt. Bắc Kinh ý thức được rằng, về mặt địa lý, Trung Quốc ở rất xa nơi có giao tranh, không giúp đỡ gì Kiev ngoài những lời kêu gọi vãn hồi hòa bình và tuyên bố sẵn sàng đóng vai trò trung gian hòa giải. Nhưng Trung Quốc cũng muốn có phần trong giai đoạn tái thiết Ukraine, nhất là trong các khâu xây dựng lại hệ thống giao thông, cung cấp điện lực… Ngoài ra, Bắc Kinh còn nhòm ngó đến các công trình ở những khu vực chung quanh Biển Đen".
Vẫn chuyên gia về Trung Quốc đương đại, Emmanuel Véron cho rằng trong hai chuyến công tác tại Kiev năm ngoái và năm nay, đặc sứ Trung Quốc Lý Huy đều đã "bắn đi một số tín hiệu để Ukraine hiểu rằng, Bắc Kinh có thể là một mắt xích quan trọng trong công cuộc tái thiết Ukraine". Dường như chính quyền của tổng thống Volodymyr Zelensky tỏ ra rất thực tiễn trong quan hệ đối với Trung Quốc, cho dù không mấy ai tin vào tính "trung lập" của Bắc Kinh trên hồ sơ này :
Emmanuel Véron : "Mức độ gần gũi giữa Bắc Kinh với Moskva khiến chúng ta khó có thể nghĩ rằng (dù chỉ là về mặt kỹ thuật) Trung Quốc ‘trung lập’ trên vấn đề Ukraine. Khó có thể tin rằng Trung Quốc thật sự đóng vai trò trung gian hòa giải, vãn hồi hòa bình, chấm dứt chiến tranh. Lại càng khó tin hơn vào ý tưởng Bắc Kinh có trọng lượng đủ lớn để can thiệp vào một số quyết định của Moskva trong lĩnh vực chính trị và quân sự. Cũng phải nói là ý tưởng đó hoàn toàn sai. Nói cách khác, trong mọi trường hợp, Trung Quốc không đủ ‘nặng’ để có thể tác động đến những quyết định quân sự của Moskva trên vấn đề Ukraine".
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 12/03/2024
Sát hại Navalny, xâm lăng Ukraine : Hai sai lầm lớn của độc tài Putin
Libération ngày 05/03/2024 nhận định "Ukraine và Navalny, nạn nhân các kế hoạch thảm hại của Putin". Cái chết của Alexei Navalny cũng như ngõ cụt trong cuộc xâm lăng Ukraine chứng tỏ Vladimir Putin đã tự đánh giá mình quá cao.
Cảnh sát Nga quan sát đoàn người trước nghĩa trang Borisovo, phía nam thủ đô Moskva tiễn đưa nhà đối lập A. Navalny ngày 01/03/2024. AP
Giết chết lãnh tụ đối lập ngay trước bầu cử khiến biểu tình nở rộ
Tất cả các nhà độc tài đều bị ám ảnh bởi những nhân vật đối lập có thể mang lại xui rủi cho mình. Sự kiên cường của Alexei Navalny làm Putin sợ hãi, ông chủ Kremlin bèn đẩy lãnh tụ đối lập vào cỗ máy xay theo kiểu KGB : đầu độc, tống vào chiếc tủ lạnh Bắc Cực, tra tấn tinh thần bằng cách nhốt chung với một người điên luôn la hét... Nhưng giết chết Navalny đã mặc nhiên tạo ra cuộc biểu tình nhiều ngàn người tại thủ đô Moskva và khoảng 15 thành phố khác. Những người biểu tình không che mặt và không ngần ngại hô to "Nước Nga không Putin", "Phản đối chiến tranh", "Putin là kẻ sát nhân"… như là họ đã tự giải phóng được mình.
Mọi cuộc biểu tình đều bị cấm tại Nga theo các đạo luật đặt ra nhằm giết chết tự do, nhưng các đám tang thì không. Navalny tuy đã qua đời vẫn còn khả năng phá rối chiến dịch tranh cử của Putin, vào lúc chỉ còn khoảng 15 ngày nữa là đến kỳ bỏ phiếu. Ý tưởng sát hại nhà đối lập ngay trước cuộc bầu cử là sự ngu xuẩn, mà các nhà độc tài thường phạm phải vì đánh giá quá cao năng lực của mình. Vụ Navalny biểu hiện cho tất cả mưu đồ của Vladimir Putin : thảm họa.
Khi đàn cừu thức giấc trong nước Nga của Putin
Kế hoạch xâm lăng Ukraine cách đây hai năm cũng tồi tệ như việc sát hại Alexei Navalny. Và ý nghĩ Donald Trump đắc cử sẽ là cứu tinh cho Putin, có thể trở thành ảo tưởng, vì Quốc hội, quân đội và ngoại giao Mỹ sẽ phản đối. Putin vừa lãnh một cái tát với tang lễ của Navalny, mà 400 vụ câu lưu cũng như hàng ngàn tấm ảnh chụp để khởi tố tất cả những người tham gia đưa tang, không thay đổi được gì. Nhà độc tài đã đổ công sức đáng kể để làm người Nga trở thành một đàn cừu ngủ quên, nhưng mỗi lần những con cừu thức giấc lại phải làm lại từ đầu. Tang lễ của Navalny cho thấy một nước Nga khác với nước Nga của Putin.
Nói về "chiến lược nhập nhằng" trước người Nga, Libération nhắc lại cuộc khủng hoảng hạt nhân duy nhất trong lịch sử là khủng hoảng Cuba năm 1962. Khrushchev vốn giơ cao mối đe dọa nguyên tử, rốt cuộc đã phải nhường bước trước sự kiên quyết của Kennedy và De Gaulle. Vấn đề hôm nay không phải nguyên tử mà là hàng trăm ngàn quả đạn cho Ukraine. Câu nói của tổng thống Macron dù vụng về nhưng cũng mang ba mục tiêu : chứng tỏ quyết tâm của Pháp đi xa hơn bên cạnh Ukraine, cho người Mỹ thấy đây là lợi ích chiến lược của họ, và cảnh cáo Putin trước những khiêu khích thường xuyên đối với Pháp.
Tất nhiên là hiện chưa có nước nào muốn gởi bộ binh sang, nhưng điều này không ngăn trở sự hiện diện của các cố vấn và huấn luyện viên. CIA cũng đã có khoảng 12 căn cứ ở Ukraine... Nếu muốn tránh chiến tranh với Nga cần phải vũ trang cho Ukraine và chi viện tất cả những gì mà Châu Âu đã hứa, từ đạn pháo, hỏa tiễn cho đến chiến đấu cơ. Tờ báo cũng không quên ghi nhận, cả Netanyahu lẫn Putin đều trông cậy vào Donald Trump, cho thấy sự mong manh của tình hình quốc tế.
Tổng thống Cộng hòa Czech, người hùng đi đầu trợ giúp Ukraine
Nhân chuyến thăm Praha của tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm nay, Le Figaro nhận thấy "Cộng hòa Czech của Petr Pavel đi đầu trong việc trợ giúp Ukraine". Chỉ vài tuần sau khi nhậm chức, tổng thống Petr Pavel đã sang thăm Ukraine vào cuối tháng 4/2023. Nhưng ông không tự hài lòng với "tour" Kiev-Bucha-Irpin như các nhà lãnh đạo khác trước đó, mà trở thành tổng thống ngoại quốc đầu tiên đến miền đông Ukraine, cách mặt trận chưa đến 100 kilomet. Tại Dnipro, chỉ vài giờ sau một trận oanh kích, ông tận mắt chứng kiến tình trạng thiếu đạn dược và khi trở về ông tìm cách xoay sở trong thời gian ngắn nhất để đáp ứng nhu cầu của Ukraine, kể cả việc hợp tác với các nước ngoài Châu Âu.
Giữa tháng 2, Petr Pavel gây ấn tượng tại hội nghị an ninh Munich khi loan báo đã tìm được nguồn cung 800.000 quả đạn, gồm nửa triệu quả 155 ly và 300.000 quả 122 ly, có thể được gởi đến trong vài tuần nếu có đủ số tiền 1,5 tỉ đô la. Nhiều nước cho biết sẵn sàng đóng góp, và tổng thống Pháp chắc hẳn sẽ bàn đến trong chuyến công du này. Báo chí trong nước như tờ Respekt tỏ ra tự hào vì Cộng hòa Czech đã đứng về phía đúng đắn của lịch sử. Đó là nhờ tổng thống 62 tuổi rất được lòng dân, phục vụ trong quân đội cho đến khi thành tổng tham mưu trưởng và chủ tịch ủy ban quân sự NATO (2015-2018). Chủ trương hỗ trợ Ukraine của ông được sự ủng hộ mạnh mẽ của dân chúng.
Trước ông, tổng thống Vaclav Klaus không thân thiện với Châu Âu, còn Milos Zeman rất thân Nga. Les Echos cho biết thêm, khi rời chức vụ ở NATO để nghỉ hưu năm 2018, Petr Pavel không có tham vọng chính trị. Nhưng khi nhận ra phe dân túy có thể chiến thắng và đưa Cộng hòa Czech đi theo con đường của Hungary, cựu quân nhân nhảy dù, người hùng trong chiến tranh Nam Tư đã quyết định ra tranh cử. Ngược với thái độ nhập nhằng của những người tiền nhiệm, tân tổng thống khẳng định "chỉ có một con đường là dân chủ". Petr Pavel từng được Paris trao tặng Bắc đẩu Bội tinh vì đã cứu được một số quân nhân Pháp trong cuộc triệt thoái khỏi căn cứ Karin ở Nam Tư năm 1993.
Olaf Scholz và Đức, mắt xích yếu của quốc phòng Châu Âu
Olaf Scholz sẽ còn xuống dốc tới đâu ? Libération đặt câu hỏi. Tuần trước bị Paris và Luân Đôn tố cáo tiết lộ bí mật của đồng minh, rồi sau đó thủ tướng Đức còn bị chế giễu vì vụ Nga nghe lén. Xì-căng-đan này không những làm mất uy tín quân đội Đức mà còn bác hẳn lý lẽ của ông Scholz khi từ chối chuyển giao hỏa tiễn Taurus cho Ukraine, rằng như vậy sẽ là "đồng tham chiến".
Trong cuộc đàm thoại bị cơ quan tuyên truyền của Moskva tung lên mạng, các sĩ quan cao cấp Đức khẳng định những quân nhân Ukraine có thể được huấn luyện cách sử dụng Taurus trên đất Đức. Olaf Scholz chỉ còn được đảng của ông là Dân chủ Xã hội (SPD) ủng hộ vì đảng này vẫn khó thể chia tay với chủ trương truyền thống thân Nga. Điều mỉa mai là nay phe cực hữu cũng đi theo đường hướng này.
Bị cô lập tại Đức, thủ tướng Scholz nay lại trở nên cô đơn trên chính trường Châu Âu sau khi công khai nói rằng các quân nhân Pháp và Anh đã hiện diện tại Ukraine. Joachim Krause, giám đốc Viện Chính trị An ninh của đại học Kiel nhận xét : "Người Anh có lý. Scholz đã trở thành một rủi ro cho an ninh Châu Âu". Vụ nghe lén còn còn cho thấy khiếm khuyết to lớn của lục quân và tình báo Đức. Tại Berlin, người ta lo rằng xì-căng-đan trên chỉ là phần nổi của tảng băng. Một lần nữa, Đức lại là mắt xích yếu của Châu Âu và Moskva hiểu rất rõ điều này : Berlin trở thành mục tiêu chính của Putin để gây bất ổn cho toàn châu lục.
Chiến tranh : Ai sản xuất nhiều vũ khí sẽ thắng
Cũng liên quan đến Ukraine, Les Echos nhắc nhở "Chiến tranh, trước hết là kỹ nghệ". Những gì mà Kiev đang thiếu hiện nay là đạn dược, mà năng lực Châu Âu khó thể đáp ứng. Cũng như hồi 1914-1918, số vũ khí, đạn dược nhanh chóng cạn kiệt. Tổng thống Volodymyr Zelensky hy vọng các đồng minh giúp đỡ tài chánh, chiến đấu cơ, xe tăng, đại bác, đạn… và vấn đề trở thành kỹ nghệ.
Trong lịch sử chiến tranh, các chiến binh cần được đầu tư kiếm, khiên, áo giáp… và bước ngoặt bắt đầu từ thời Trung Cổ khi có được thuốc súng từ Trung Hoa. Các quân đội mua đại bác để tấn công, và các nhà nước xây dựng pháo đài để bảo vệ. Với cuộc cách mạng kỹ nghệ thế kỷ 19, trong cuộc nội chiến Mỹ các bang sản xuất ồ ạt hàng triệu khẩu súng. Đến 1914, chiến tranh chuyển hẳn sang kỷ nguyên công nghệ. Vào tháng 8, những người lính Pháp và Đức khi lên đường vẫn tin rằng chỉ chiến đấu trong vài tuần. Nhưng khi mùa đông đến, các tướng lãnh phải nhìn nhận thực tế là đạn dược cạn dần, chiến thắng sẽ đứng về phía bên nào có năng lực sản xuất nhanh nhất số lượng đạn và thuốc súng. Chiến tranh chuyển sang một kiểu xã hội tiêu dùng, vì muốn chiếm ưu thế phải có đạn pháo nhiều nhất.
Trong đệ nhị thế chiến, Luân Đôn thắng được trận chiến trên không trước Berlin vì Anh quốc tăng gấp đôi số chiến đấu cơ xuất xưởng chỉ trong ba tháng, nhờ Lord Beaverbrook, một tài phiệt được Churchill bổ nhiệm làm "bộ trưởng sản xuất phi cơ". Ngày nay Ukraine đòi chiến đấu cơ, nhưng điều cấp thiết trong lúc này là đạn. Nhà Trắng giải thích quân đội Ukraine phải rút khỏi Avdiivka chính vì các quân nhân chỉ có số lượng đạn hạn chế.
Trên chiến trường, việc tiến hoặc lùi diễn ra theo nhịp độ oanh kích. Theo chuyên gia Jack Watling, tương quan đã thay đổi nghiêng về phía Nga từ mùa hè, Nga bắn đi 10.000 quả mỗi ngày trong khi Ukraine chỉ có 2.000. Và để sản xuất đạn phải có nhà máy, có nghĩa là kỹ nghệ, trong khi Châu Âu đã giảm mạnh năng lực quân sự từ khi chiến tranh lạnh kết thúc cách đây 30 năm. Cần chuyển đổi công năng các nhà máy như hồi 1914-1918, nhưng năng lực Châu Âu đã giảm hẳn đặc biệt là Pháp. Cụm từ "tái vũ trang" đang được nhắc đến nhiều trong những tháng gần đây, nhưng không thể tái vũ trang mà không dựng dậy kỹ nghệ.
Donald Trump nung nấu ý định phục thù
Luật cho phép phá thai ghi vào Hiến pháp được Quốc hội Pháp thông qua, bạo loạn ở Haiti, hai ứng cử viên Joe Biden và Donald Trump hầu như không còn đối thủ trong cuộc bầu cử sơ bộ Super Tuesday hôm nay, đó là những chủ đề được chú ý bên cạnh chiến tranh ở Ukraine và Gaza. Các báo đều nhận thấy cuộc bầu cử sơ bộ hầu như đã thấy trước kết quả trong ngày Super Tuesday, khi 15 bang cùng bỏ phiếu. Không có ngạc nhiên nào được chờ đợi, vì cả Joe Biden lẫn Donald Trump đều cầm chắc phần thắng trong tay.
Đảng Dân chủ vẫn chỉ trông cậy vào tổng thống Joe Biden dù tuổi tác đang là vấn đề, còn Donald Trump chỉ còn lại đối thủ Nikki Haley vẫn trông cậy vào một đảng Cộng hòa truyền thống hầu như không còn tồn tại. La Croix cho rằng " Super Tuesday" đúng ra là " Super Trump". Nhưng Donald Trump phiên bản thứ ba lợi hại hơn rất nhiều. Hồi năm 2016 ông là một "amateur" bước vào Nhà Trắng, nhưng nay có hẳn một kế hoạch mang tên "Projet 2025", với ê-kíp gồm toàn những người thân cận có cùng quan điểm, và nhất là Trump nhất định sẽ ra tay trả đũa những đối thủ của ông.
Thụy My
Mười năm trước, gần như không cần phát súng nào, Liên Bang Nga đã chiếm được bán đảo Crimea từ tay Ukraine chỉ trong vòng 3 tuần. Với vụ sáp nhập ngoạn mục này, Vladimir Putin thực sự thách thức phương Tây, lúc đó vừa bàng quan, vừa bất lực.
Tại sân vận động Olympic Luzhniki, Vladimir Putin kỷ niệm 8 năm sáp nhập Crimea vào Moscow, ngày 18/3/2023. © Mikhail Klimentyev, AFP
Rạng sáng ngày 27/02/2014, khoảng 50 "binh sĩ mặc quân phục xanh lá cây" đã xuất hiện ở Quốc hội Crimea tại thành phố Simferopol. Cầm vũ khí, đội mũ trùm đầu và không đeo phù hiệu, nhóm lính này treo cờ Liên Bang Nga lên đỉnh tòa nhà Quốc hội.
Ukraine lúc đó đang trong tình trạng hỗn loạn sau nhiều tháng bị khủng hoảng chính trị đi kèm với những cuộc biểu tình. Tổng thống Ukraine thân Nga Viktor Yanukovych bị phế truất hai ngày trước đó, và không ai biết nhóm binh sĩ này là ai và có ý đồ gì.
Buổi tối cùng ngày, trước sự chứng kiến của nhóm lính vũ trang này, Sergei Axionov được bầu làm thủ tướng Crimea. Axionov là một doanh nhân bị nghi ngờ có dính líu đến tội phạm có tổ chức, là lãnh đạo đảng "Thống nhất Nga". Ngay lập tức, Axionov yêu cầu sự hỗ trợ từ phía Moskva và tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập bán đảo vào Nga.
Ngày hôm sau, 28/02/2014, lực lượng biên phòng Ukraine thông báo về sự xuất hiện của trực thăng quân sự Nga không đáp lại các cuộc gọi của họ. Xuống trực thăng, nhóm lính này ngay lập tức nắm quyền kiểm soát các sân bay Sevastopol và Simferopol. Họ cũng không đeo phù hiệu và tự nhận là "tình nguyện viên, có mặt để ngăn chặn cuộc đổ bộ của những kẻ phát xít hoặc những kẻ cực đoan đến từ miền Tây Ukraine".
Ngày 01/03/2014, hai ngày sau sự xuất hiện của "nhóm binh sĩ mặc quân phục xanh lá cây", Vladimir Putin yêu cầu Duma, Hạ Viện Nga, bật đèn xanh cho việc đưa quân đến Crimea. Tại Kiev, chính phủ mới lên nắm quyền sau phong trào Maidan thân Châu Âu hiểu rằng đó là một "cuộc xâm lược" và một "cuộc chiếm đóng vũ trang" và ra lệnh đóng không phận, nhưng đã quá muộn.
Ngày 06/03/2014, Quốc hội Crimea yêu cầu được sáp nhập với Nga. 10 ngày sau đó, hai triệu cư dân Crimea bỏ phiếu về việc sáp nhập với Nga, với tỷ lệ phiếu thuận áp đảo 96,77%, trong một cuộc trưng cầu dân ý mà cả Ukraine lẫn cộng đồng quốc tế đều không công nhận.
Những người lính vũ trang không có phù hiệu đứng gác trước một căn cứ quân sự của Ukraine ở Crimea, tại thành phố Perevalne ngày 15/3/2014. AP - Vadim Ghirda
Hoa Kỳ, Pháp và Đức đều lên án "mạnh mẽ" hành động sáp nhập bất hợp pháp, chiếu theo luật pháp quốc tế. Phương Tây ban hành những lệnh trừng phạt đầu tiên, chủ yếu nhắm vào các nhà tài phiệt và ngân hàng Nga. Tuy nhiên, mọi người tỏ ra vui sướng ở Moskva. Arnaud Dubien, giám đốc đài quan sát Pháp-Nga ở Moskva, giải thích rằng uy tín của Vladimir Putin đã tăng vọt, "bởi đối với người dân Nga, việc Crimea thuộc về Ukraine luôn bị coi là sự phi lý tột cùng".
Dubien nói thêm : "Vào thời điểm đó, tôi có thể khẳng định toàn bộ nước Nga phấn khởi. Tôi thấy những người chống Putin cũng tán thành việc sáp nhập Crimea. Có một cảm giác hưng phấn kéo dài vài tháng".
Xung đột Nga-Ukraine và chiến lược đế quốc
Theo Arnaud Dubien, "hành động sáp nhập Crimea là một phản ứng trực tiếp của Moskva đối với việc tổng thống Yanukovych bị Kiev lật đổ. Nếu không xảy ra phong trào Maidan, Crimea sẽ không bị Nga sáp nhập. Đây là bước đầu của phản ứng từ Nga đối với điều mà Putin coi là một cuộc đảo chính do phương Tây tiến hành".
Tuy nhiên, theo Michel Foucher, đại sứ Pháp tại Latvia vào những năm 2000, tốc độ và phương thức hành động của vụ sáp nhập Crimea cho thấy đó không phải là quyết định được đưa ra một cách chóng vánh. Kế hoạch tái chiếm Ukraine từng bước một, là dự án của Vladimir Putin kể từ khi ông trở thành tổng thống năm 2000. Ông Foucher cho rằng tổng thống Nga, người đã đặt tượng bán thân của sa hoàng Pierre Đại Đế và Ekaterina II trong văn phòng ở điện Kremlin, luôn mơ ước "khôi phục nước Nga vĩ đại, hay chính xác hơn là giành lại quyền kiểm soát cái gọi là thế giới Nga (Russkiy Mir), tức là tất cả các vùng lãnh thổ có người Nga nói tiếng Nga".
Cho dù sáp nhập Crimea là phản ứng trước chiến thắng của phe thân phương Tây ở Kiev, hay là một kế hoạch nung nấu từ lâu của chính quyền Moskva, "thì đối với Nga, Ukraine là một quốc gia rất đặc biệt mà họ chia sẻ lịch sử lâu đời", theo Arnaud Dubien. "Viễn cảnh Ukraine ngả theo phương Tây, cụ thể là gia nhập Liên Hiệp Châu Âu (EU) và Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), là một lằn ranh đỏ khiến Putin phải đưa ra những quyết định quyết liệt vào năm 2014, và sau đó là vào năm 2022. Đối với chính quyền Nga, tầm quan trọng của Ukraine biện minh cho việc chấp nhận rủi ro lớn".
Sự mù quáng của phương Tây
Năm 2014, việc Nga sáp nhập Crimea đã khiến chính phủ Ukraine bất ngờ và phương Tây cũng không có phản ứng gì. Chỉ 2 tháng sau đó, Moskva phát động một chiến dịch tương tự ở Donbass của Ukraine. Tháng 04/2014, Nga huy động các nhóm lính địa phương tiếp quản các vùng (khu vực) Donetsk và Luhansk, lấy lý do hỗ trợ những người dân nói tiếng Nga đang bị "phát xít" ở Kiev đàn áp. Michel Foucher cho biết "nhóm lính này cũng không có phù hiệu, và không thể chứng minh đó là lực lượng đặc biệt của Nga, khi họ tự nhận là lực lượng tự vệ địa phương, một sự dàn dựng hoàn hảo".
Tuy nhiên, Kiev đã có phản ứng với chiến dịch ở Donbass, nhằm hạn chế sự kiểm soát của lực lượng thân Nga và "nhóm binh sĩ mặc quân phục xanh lá cây" đối với hai nước cộng hòa ly khai khỏi Ukraine. Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, từ năm 2014 đến năm 2022, cuộc chiến ở Donbass giữa Kiev và Moskva đã khiến 15.000 người thiệt mạng ở cả hai phe.
Ngày 24/02/2022, 8 năm sau hai cuộc tấn công ở Crimea và Donbass, Vladimir Putin quyết định xua quân tấn công toàn bộ Ukraine. Moskva có ý định đánh chiếm Kiev trong vài ngày và sau đó là phần còn lại của đất nước. Từ Crimea, quân đội Nga nắm quyền kiểm soát phần lớn miền nam Ukraine và đe dọa thành phố Odessa. Đó là cú sốc rất lớn đối với phương Tây, bởi điều mà họ coi là xung đột Nga-Ukraine năm 2014 đã trở thành mối đe dọa ở sát biên giới của họ.
MicheL Foucher tỏ ra tiếc nuối : "Phương Tây đã thể hiện sự yếu kém vào năm 2014. Chúng ta đã nói với Ukraine, 'mọi chuyện đã kết thúc, hãy quên Crimea đi, bán đảo này chưa bao giờ thuộc về Ukraine', với hy vọng mọi thứ sẽ trở lại bình thường. Đối với Đức, chính vì phụ thuộc vào khí đốt của Nga mà thủ tướng Angela Merkel lẫn Gerhard Schroeder đã chấp nhận Nordstream (cả hai đều ủng hộ việc xây dựng hai đường ống cung cấp khí đốt của Nga cho Đức dưới biển Baltic). Về phía Pháp, chúng ta vẫn bị mê hoặc bởi một nước Nga thần thánh và văn hóa Nga, nghĩa là chúng ta có một tầm nhìn quá lãng mạn về nước Nga. Chỉ có Anh Quốc là tỏ ra sáng suốt. Sau khi Nga sáp nhập Crimea, Luân Đôn đã bắt đầu huấn luyện một phần binh sĩ Ukraine. Bởi đối với Anh Quốc, Nga vẫn luôn là một đối thủ ở Địa Trung Hải và Châu Á".
Tham vọng địa chính trị của Nga tái sinh
Việc sáp nhập Crimea 10 năm trước đã làm thay đổi đáng kể bối cảnh địa chính trị toàn cầu. Thay cho một nước Nga tàn tạ thời hậu Xô Viết là một cường quốc chống phương Tây dường như quyết tâm sắp xếp lại bàn cờ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Từ năm 2006, Vladimir Putin đã lên án việc NATO và Liên Âu liên tục mở rộng tới đường biên giới Nga. Theo chủ nhân điện Kremlin, đó là kết quả của sự sỉ nhục về chính trị và kinh tế mà đất nước ông đã hứng chịu trong những năm 1990.
Arnaud Dubien giải thích : "Việc sáp nhập Crimea vào năm 2014 là thành quả của một quá trình được khởi động từ trước đó rất lâu, và có thể bắt nguồn ở Kosovo từ năm 1999. Đối với Nga, việc NATO can thiệp vào Kosovo thể hiện sự hai mặt của phương Tây và chủ nghĩa đơn phương của Mỹ. Việc Hoa Kỳ can thiệp vào Irak trong năm 2003 sau đó đã củng cố suy nghĩ này".
Sau khi sáp nhập Crimea, Vladimir Putin đã điều quân can thiệp vào Syria hồi tháng 09/2015, một lần nữa tạo điều kiện cho Nga có tiếng nói về mặt quân sự và ngoại giao ở Trung Đông. Moskva cũng xuất hiện trở lại ở Châu Phi, tại Libya, Cộng Hòa Trung Phi, Mali và Madagascar.
Đối với Arnaud Dubien, "việc sáp nhập Crimea là một bước ngoặt lớn. Kể từ đó, chính quyền Nga cảm thấy tự tin và mạnh mẽ hơn. Điện Kremlin cho rằng họ không cần phải thuyết phục phương Tây hưởng ứng về lập luận hay tính chính đáng của những lợi ích của họ. Nga giờ đây hành động mà không màng đến ý kiến của phương Tây".
David Gormezano
Nguyên tác : L’annexion de la Crimée en 2014, acte de naissance d’un nouvel impérialisme russe ? / France 24, 03/03/2024
Phan Minh
Nguồn : RFI, 05/03/2024
Ukraine hôm 4/3 cho biết họ đã cho nổ tung một cây cầu đường sắt ở khu vực Samara, phía tây nam nước Nga
Binh lính Ukraine bắn súng cối về phía các vị trí của Nga ở tiền tuyến, gần Bakhmut, vùng Donetsk, Ukraine, hôm 3/3.
Tình báo quân sự Ukraine cho biết cuộc tấn công nhắm vào các trụ đỡ của một cây cầu bắc qua sông Chapaevka.
Cơ quan này nói rằng Nga đã sử dụng cây cầu này để vận chuyển hàng hóa quân sự.
Nhà điều hành đường sắt của Nga đã báo cáo một sự cố ở khu vực Samara, và cho biết không có thương vong nhưng dịch vụ đường sắt đã bị đình chỉ trong khu vực.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hôm 3/3 kêu gọi các quốc gia phương Tây cung cấp viện trợ đang bị trì hoãn cho Ukraine, quốc gia đang tự bảo vệ mình trước các cuộc tấn công dữ dội của Nga mặc dù thiếu đạn dược.
"Nếu điều này không xảy ra, nó sẽ trở thành một trong những trang đáng hổ thẹn nhất trong lịch sử – nếu Mỹ hoặc Châu Âu bị đánh bại bởi máy bay không người lái ‘Shahed’ của Iran hoặc máy bay chiến đấu của Nga. Cái ác của Nga không nên được khuyến khích bởi những quyết định yếu kém, sự chậm trễ trong việc viện trợ hoặc sự do dự", ông Zelenskyy nói khi đề cập đến gói viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine đang bị đình trệ do tranh cãi chính trị tại Quốc hội Hoa Kỳ.
"Đơn giản là không thể giải thích việc những khó khăn của một quốc gia đang chảy máu có thể được sử dụng trong các cuộc đấu tranh chính trị nội bộ như thế nào," ông Zelenskyy nói thêm trong bài phát biểu qua video tối hôm 3/3.
Giọng điệu gay gắt của ông Zelenskyy trong bài phát biểu cho thấy sự thất vọng của ông khi số người chết ở thành phố cảng Odesa của Ukraine vào hôm 3/3 đã tăng lên 12 người, trong đó có 5 trẻ em, sau khi một máy bay không người lái của Nga tấn công một khu chung cư ở đó hôm 2/3.
"Nga đã biến trẻ em Ukraine thành mục tiêu quân sự của mình," ông Zelenskyy viết trong một đăng tải trên nền tảng truyền thông xã hội X, trước đây là Twitter, hôm 3/3, sau khi thi thể của ba đứa trẻ được kéo ra khỏi đống đổ nát.
Thống đốc khu vực Odesa Oleh Kiper cho biết trên Telegram rằng các đội cứu hộ làm việc vào cuối ngày 3/3 đã tìm thấy thêm các thi thể. Trước đó trong ngày, các đội cứu hộ đã kéo thi thể của một người mẹ và em bé ra khỏi đống đổ nát.
Đã hơn hai tháng kể từ lần cuối cùng Mỹ gửi vật tư quân sự tới Ukraine. Tại Washington, các quan chức đang quan sát tình trạng thiếu vũ khí và đạn dược ở Ukraine cũng như sự sụt giảm các chuyến hàng cung cấp của Mỹ với mức báo động ngày càng tăng.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson đã từ chối một cuộc biểu quyết về gói viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD vốn đã được Thượng viện thông qua, trong đó có khoản viện trợ quan trọng trị giá 60 tỷ USD cho Ukraine. Quyết định đó có thể trì hoãn gói viện trợ này trong nhiều tuần nữa sau khi đã phải chờ đợi hàng tháng trời tại Quốc hội Mỹ.
"Chúng tôi đang chờ đợi những nguồn cung cấp cực kỳ cần thiết, đặc biệt là chúng tôi đang chờ đợi một giải pháp của Mỹ", ông Zelenskyy nói hôm 3/3 trong bài phát biểu của mình.
Tổng thống Ukraine cho biết thêm rằng Nga đã mất 15 máy bay quân sự kể từ đầu tháng 2. "Càng có nhiều cơ hội để chúng tôi bắn hạ máy bay Nga... thì càng có nhiều sinh mạng người Ukraine được cứu", ông Zelenskyy nói thêm trong bài phát biểu tối ngày 3/3.
Theo Thượng nghị sĩ Mỹ Jack Reed, chủ tịch Ủy ban Quân vụ của Thượng viện, các quan chức Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đang thảo luận về các lựa chọn có thể bao gồm khai thác các kho dự trữ hiện có của Lầu Năm Góc trước khi Quốc hội phê duyệt tài trợ để bổ sung chúng.
(Một số thông tin trong bản tin này do Reuters và AFP cung cấp)
Nguồn : VOA, 04/03/20224
Theo thông lệ trong truyền thống hữu nghị lâu đời giữa Pháp và Đức, sau khi nhậm chức, thủ tướng Pháp Gabriel Attal đã mở chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Berlin ngày 05/02/2024. Trong cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Đức Olaf Scholz, ông Attal thừa nhận hai nước có những bất đồng về nhiều vấn đề, bao gồm cả việc đàm phán hiệp định thương mại với Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur).
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và thủ tướng Đức Olaf Scholz tại điện Elysée, Paris, Pháp, ngày 08/02/2023. © AP / Sarah Meyssonnier
Hai nước cũng có những bất đồng trong lĩnh vực hợp tác quân sự song phương. Những bất đồng này không phải mới xuất hiện, nhưng đã nổi lên trở lại trong bối cảnh chiến tranh Ukraine, kéo theo việc tổ chức lại cấu trúc an ninh Châu Âu.
Trong 2 năm qua, Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã đưa ra một số sáng kiến để các nước cùng sản xuất đạn dược (thỏa thuận ASAP được ký kết vào tháng 07/2023) và củng cố ngành công nghiệp quốc phòng Châu Âu (kế hoạch EDIRPA được công bố vào tháng 09/2023). Nhưng những sáng kiến vẫn chưa giải quyết được mối liên hệ quốc phòng Châu Âu với Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) và đồng minh Hoa Kỳ. Tuy nhiên, cuộc chiến ở Ukraine đã làm lộ rõ sự phụ thuộc của Châu Âu vào Washington, cả về mặt chiến lược, hậu cần cũng như năng lực.
Trong bối cảnh đó, cuộc chiến ở Ukraine có tác động như thế nào đến hợp tác quân sự Pháp-Đức trên bình diện chính trị-chiến lược ?
Một cuộc khủng hoảng bộc lộ những bất đồng chiến lược trước đây
Sự thật là chiến lược quân sự của Pháp và Đức rất khác nhau. Quân đội và chính sách quốc phòng được định hình bởi lịch sử của mỗi nước và hoạt động của hệ thống chính trị nội bộ không đóng cùng một vai trò và không thực hiện các chức năng giống nhau, ngoài chức năng cơ bản là bảo vệ lãnh thổ và bảo đảm an ninh cho người dân.
Quân đội viễn chinh Pháp, thừa kế một truyền thống lịch sử lâu đời, có rất ít điểm tương đồng với quân đội Đức (Bundeswehr) được thành lập vào năm 1955 trong khuôn khổ của NATO để đối mặt với mối đe dọa từ Liên Xô trong thời gian Chiến Tranh Lạnh.
Mặc dù những năm cuối của nhiệm kỳ Merkel không xóa bỏ được những bất đồng chiến lược giữa Paris và Berlin, song dường như hai bên đã hướng tới ý tưởng về một hệ thống phòng thủ Châu Âu vững chắc hơn bên cạnh NATO.
Tuy đã đạt được đồng thuận Munich vào năm 2014, với việc Berlin chấp nhận đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn về an ninh và quốc phòng quốc tế, Pháp vẫn xem Đức là đối tác quá thận trọng trong các vấn đề này. Nhiều chuyên gia Pháp từ lâu đã coi Đức là "cường quốc không đáng tin cậy".
Việc Nga xua quân xâm lược Ukraine ngày 24/02/2022 dường như đã làm thay đổi cục diện : Ba ngày sau, thủ tướng Đức tuyên bố thời thế đã thay đổi (Zeitenwende). Đức nhận thức được rằng một cuộc chiến tranh quy ước có thể nổ ra ở Châu Âu, nhưng từ quá lâu, Berlin đã không chú tâm đến ngân sách cũng như năng lực quốc phòng, bất chấp những lời chỉ trích thường xuyên của các ủy viên Quốc Phòng của Quốc hội Đức, nhấn mạnh đến tình trạng đáng báo động của quân đội Đức.
Pháp coi đây là cơ hội để cuối cùng có thể hợp tác hiệu quả hơn với Đức về mặt quốc phòng và thậm chí thúc đẩy chính sách quốc phòng của Châu Âu thông qua sáng kiến La bàn chiến lược Châu Âu được công bố vào tháng 03/2022, vốn được triển khai vào thời điểm Đức làm chủ tịch luân phiên của Hội Đồng Châu Âu vào năm 2020.
Nhưng rất nhanh chóng, những bất đồng chiến lược giữa Pháp và Đức lại bộc lộ : Paris nhận định cuộc chiến ở Ukraine càng cho thấy Liên Hiệp Châu Âu cần phải thiết lập một hệ thống phòng thủ vững chắc dựa vào lực lượng của chính mình, trong khi Đức, giống như đa số các quốc gia Châu Âu khác, lại chủ trương là khối NATO phải được củng cố.
Sự bất đồng này được phản ánh cụ thể qua việc thủ tướng Đức đưa ra sáng kiến phòng không Châu Âu (Sáng kiến lá chắn bầu trời Châu Âu) mà không tham vấn với Paris. Berlin quay lưng lại với hệ thống phòng thủ của Pháp và Ý (SAMP/T) và chọn hệ thống của Israel được Washington hậu thuẫn (Arrow 3).
Đức cũng mua sẵn các thiết bị quân sự của Mỹ (đặc biệt là chiến đấu cơ F-35), thể hiện rõ lập trường không lay chuyển của Berlin là một trụ cột trong khối NATO. Ngoài ra, Đức cùng với một số quốc gia Châu Âu khác như Ba Lan hay các nước vùng Baltic cũng tỏ ra ngờ vực với lập trường của Pháp mong muốn một Châu Âu tự chủ về chiến lược phòng thủ.
Tuy nhiên, Pháp cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc củng cố trụ cột Châu Âu trong khuôn khổ NATO nhằm đối thoại tốt hơn với các đối tác cùng châu lục. Nhưng hy vọng về một sự thay đổi lớn trong chính sách quốc phòng của Đức đã nhanh chóng bị dập tắt do thái độ chần chừ của thủ tướng Scholz trong việc chuyển giao xe tăng chiến đấu cho Ukraine vào tháng 01/2023, thể hiện sự mơ hồ của Berlin về các vấn đề quân sự, tuy đã giải ngân số tiền 100 tỷ đô la để tái vũ trang quân đội Đức.
Sự phối hợp song phương suy giảm
Một số yếu tố có thể giải thích cho mối quan hệ "cơm không lành, canh không ngọt" giữa Pháp và Đức. Trước hết là quan hệ cá nhân giữa các lãnh đạo, vốn đóng vai trò then chốt trong bang giao song phương, không được hữu hảo cho lắm. Mặc dù mối quan hệ giữa hai bộ trưởng Quốc Phòng hoặc giữa cựu ngoại trưởng Pháp và người đồng cấp Đức dường như tốt đẹp, nhiều nhà quan sát chú ý đến sự thiếu thân thiết giữa tổng thống Macron và thủ tướng Scholz.
Do đó, việc thủ tướng Đức không đề cập đến Pháp trong bài phát biểu tại Praha vào tháng 08/2022 về tương lai của Châu Âu cũng như không tham vấn đồng minh truyền thống trong việc soạn thảo chiến lược an ninh đầu tiên của Đức, được công bố vào tháng 06/2023, đã xác nhận những căng thẳng nhất định giữa Pháp và Đức, dẫn đến việc trì hoãn và giảm tần suất của những cuộc họp hội đồng bộ trưởng giữa hai nước vào năm 2022 và 2023.
Tương tự như vậy, về viện trợ quân sự và tài chính cho Ukraine, hai nước không phối hợp cùng nhau, mà hành động thông qua mối quan hệ song phương trực tiếp với Kiev. Đức đã đóng góp 20 tỷ euro cho khoản viện trợ này (bao gồm 17 tỷ euro viện trợ quân sự) kể từ năm 2022, trong khi Pháp cho đến nay mới chi ra khoảng 1,7 tỷ euro (bao gồm 544 triệu euro viện trợ quân sự), theo số liệu của Viện Kinh tế Thế giới ở Kiel. Nhân chuyến công du Paris của tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 15/02, Pháp đã cam kết viện trợ quân sự bổ sung 3 tỷ euro cho Kiev, còn Berlin đã hứa viện trợ thêm cho Kiev 1 tỷ euro.
Tương lai của đối tác Pháp-Đức về mặt quốc phòng ?
Các đối tác của Paris và Berlin trước đây thường xuyên chỉ trích sức nặng của cặp Pháp-Đức trong cấu trúc Châu Âu, nhưng bây giờ chính sức nặng này là điều kiện thiết yếu để xây dựng sự đồng thuận ở Bruxelles, kể cả trong lĩnh vực quân sự.
Một trong những bài học của cuộc chiến Ukraine là tầm quan trọng của việc chú ý hơn tới lợi ích an ninh của các nước vùng Baltic và các nước Trung và Đông Âu, vốn chỉ trích gay gắt thái độ bị cho là quá nhu nhược của Paris và Berlin đối với Moskva kể từ khi nổ ra chiến tranh. Mối quan hệ Pháp-Đức-Ba Lan đã trở nên bớt căng thẳng hơn nhờ sự xuất hiện của chính phủ Ba Lan thân Châu Âu sau cuộc bầu cử Quốc hội vào mùa thu năm 2023.
Yếu tố thứ hai giúp cho Pháp và Đức có thể xích lại gần nhau là Hoa Kỳ : Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 có thể thúc đẩy Châu Âu tăng cường khả năng phòng thủ nếu Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng, đặc biệt sau những tuyên bố mà ông đưa ra vào tháng 2 về sự đóng góp yếu kém của một số nước Châu Âu cho ngân sách quân sự của NATO. Giai đoạn Trump tại chức ở Nhà Trắng từ 2016 đến 2020 đã giúp Châu Âu đạt được những tiến bộ đáng kể về chính sách quốc phòng.
Ngay cả trong trường hợp đảng Dân Chủ của tổng thống Joe Biden giành chiến thắng, Paris và Berlin vẫn có thể xích lại gần nhau thông qua việc hợp tác dựa trên khái niệm về một trụ cột Châu Âu trong NATO. Pháp cũng đã chứng minh thiện chí của mình với việc đầu tư rất tích cực để đóng góp cho sự hiện diện của NATO ở sườn phía đông Châu Âu nhằm chống lại mối đe dọa từ Nga.
Hai nước chắc chắn vẫn sẽ có những bất đồng, đặc biệt là những bất đồng về công nghiệp, nhưng hợp tác quân sự giữa Pháp và Đức có thể linh hoạt trở lại thông qua con đường chính trị. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn không chắc chắn : Trong bối cảnh sắp đến kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu và bầu cử cấp quốc gia, phe dân túy lại càng khai thác những khủng hoảng kinh tế và xã hội để lôi kéo cử tri.
Delphine Deschaux-Dutard
Nguyên tác : "L’impact de la guerre en Ukraine sur la coopération militairefranco-allemande", The Conversation, 22/02/2024
Phan Minh biên dịch
Nguồn : RFI, 29/02/2024
Đưa quân sang Ukraine : Tổng thống Pháp lại nói đúng nhưng quá sớm
Tuyên bố của tổng thống Pháp về việc không loại trừ khả năng đưa quân sang Ukraine tiếp tục gây tranh cãi. Le Figaro ngày 29/02/2024 đặt câu hỏi, phải chăng một lần nữa ông Macron lại "đi trước thời đại", như lần nói về "NATO chết não" hồi năm 2019 ? Emmanuel Macron đã nhận xét đúng về cơ bản, vấn đề là thời điểm và từ ngữ.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau cuộc họp báo tại điện Élysée ngày 16/02/2024 nhân dịp ký kết thỏa thuận an ninh song phương. AP - Thibault Camus
Tổng thống Macron không hề đổi ý
Le Monde nhận thấy tổng thống Emmanuel Macron vẫn giữ nguyên ý kiến về việc gởi quân sang Ukraine, trong khi đa số đồng minh phương Tây phản đối. Điện Élysée cho biết vấn đề này đã được gợi ra trước khi hội nghị khai mạc, thông qua điện đàm với tổng thống Mỹ, thủ tướng Đức và với tổng thống Ukraine trong chuyến thăm Paris.
Tổng thống Pháp nhấn mạnh đến việc tái lập một sự "mơ hồ chiến lược" để chứng tỏ với Putin là phương Tây sẵn sàng hành động nhiều hơn là viện trợ vài chục tỉ euro. Tuy không có việc gởi bộ binh sang chiến đấu bên cạnh các chiến binh Ukraine, nhưng có thể phụ trách một số hoạt động trên thực địa như gỡ mình, huấn luyện hay giám sát biên giới.
Những tiếng nói ủng hộ hiếm hoi đến từ các nước Baltic, đang ở tuyến đầu trước Nga. Tại Litva, một cố vấn của tổng thống Gitanas Nauseda thổ lộ chính quyền có ý định gởi quân sang Ukraine để đào tạo binh sĩ, bộ trưởng quốc phòng Litva là Arvydas Anusauskas cũng nêu ra khả năng lực lượng NATO sang Ukraine để huấn luyện. Cựu tổng tư lệnh quân đội Estonia, Riho Terras, cho rằng chủ đề này cần được đề cập đến.
Hỗ trợ tại chỗ sẽ thiết thực hơn
Tờ báo cho rằng có sự tương phản rõ rệt giữa sự thận trọng của ông Olaf Scholz và tinh thần chấp nhận rủi ro của Emmanuel Macron. Tuy nhiên một số chính khách Đức ủng hộ quan điểm của ông Macron, kể cả trong đa số cầm quyền. Bà Marie-Agnes Strack-Zimmermann, chủ tịch ủy ban quốc phòng của Quốc hội Đức ví tổng thống Pháp là người muốn tiến lên phía trước còn ông Scholz muốn thắng lại. Người đứng đầu danh sách đảng Dân chủ Tự do trong bầu cử Châu Âu cho biết "choáng váng" khi ông Scholz nhất định không giao hỏa tiễn Taurus cho Kiev trong khi tình hình đang bi kịch.
Le Monde nhận thấy hầu hết các chuyên gia quân sự Pháp đều ủng hộ quan điểm của Emmanuel Macron. Ngoài các tranh luận về chiến lược và ngoại giao, còn là vấn đề thực tiễn. Cho đến nay, đa số việc huấn luyện, sửa chữa thiết bị...đ ều diễn ra bên ngoài biên giới Ukraine, chủ yếu ở Ba Lan. Nhưng áp lực cuộc chiến khiến các đồng minh của Kiev nay muốn thực hiện trực tiếp trên đất Ukraine, nhất là y tế và rà phá bom mìn. Pháp cũng muốn lập một trung tâm bảo trì đại bác Caesar tại chỗ.
Tuyên bố "NATO chết não" từng gây sóng gió
Le Figaro đặt câu hỏi, phải chăng một lần nữa tổng thống Pháp lại "đi trước thời đại", như lần nói về "NATO chết não" hồi năm 2019 ? Emmanuel Macron đã nhận xét đúng về cơ bản, vấn đề là thời điểm và từ ngữ.
Ông Macron đã sai vì nói đúng nhưng quá sớm ? Đây không phải là lần đầu tiên mà những tuyên bố không đúng lúc đã làm tổn hại đến những ý tưởng tốt đẹp. Tháng 11/2019, khi trả lời tuần báo Anh The Economist, tổng thống Pháp nêu ra việc "NATO chết não". Về bản chất thì Macron đúng, vì lúc đó Liên minh Bắc Đại Tây Dương đang bị khủng hoảng, Hoa Kỳ xoay trục sang phía Châu Á, Donald Trump không còn quan tâm đến Châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO nhưng lại đi mua hệ thống phòng không của Nga và tấn công đồng minh Kurdistan trong liên minh chống thánh chiến ở Syria.
Tuy Macron chỉ nói lên một thực tế và cổ vũ cho tự chủ chiến lược Châu Âu, nhưng các đồng minh của Pháp đã nhao nhao phản đối. Nhất là Đức vì không được báo trước, và Đông Âu vốn coi chiếc dù bảo vệ của NATO là sống còn trước mối đe dọa từ Nga. Vài chữ của Emmanuel Macron đã phản tác dụng đối với ảnh hưởng Pháp ở Châu Âu, ít nhất là trong một thời gian.
Về căn bản, Macron vẫn đúng
Vụ "gởi bộ binh" sang Ukraine lần này cũng tương tự ? Theo Le Figaro, về căn bản Emmanuel Macron vẫn đúng. Khi khẳng định không loại trừ việc đưa quân nhân Châu Âu sang giúp Ukraine, ông ghi nhận chiến trường đang sa lầy, nhìn nhận rằng hòa hoãn với Nga chỉ vô ích, và nên tái lập năng lực răn đe đối với Vladimir Putin - người chỉ biết có vũ lực. Macron đưa ra một thông điệp tích cực cho người Ukraine đang gặp khó khăn, cổ vũ Châu Âu thức tỉnh và cảnh báo người Pháp rằng những năm sắp tới có thể vất vả. Ông cũng khẳng định với các đối tác Đông Âu sự thay đổi về chính sách, lâu nay vẫn bị cho là quá thiên về phía Kremlin.
Emmanuel Macron nhìn nhận cuộc chiến tranh ở Ukraine đã trở thành của Châu Âu, thất bại của Ukraine sẽ là thất bại của châu lục. Chính là để tránh điều tệ hại nhất này, mà Macron đề nghị đẩy nhanh chi viện vũ khí cho Ukraine, trong khi Đức vẫn chưa chịu cấp hỏa tiễn Taurus, Quốc hội Mỹ chặn viện trợ. Cuối cùng, ông đặt ra câu hỏi chính : Liệu Châu Âu có tự bảo đảm được quốc phòng nếu Donald Trump tái đắc cử ? Trong khi một số nước vẫn tránh nhìn vào thực tế, tổng thống Pháp đã gián tiếp đề cập đến khả năng Joe Biden thất bại.
Thời điểm và từ ngữ không phù hợp
Khi dỡ bỏ một cấm kỵ, những tuyên bố của Emmanuel Macron xứng đáng được tranh luận. Nhưng cũng như lần trước, lại bị phản đối. Theo Élysée, vấn đề đã được đề cập với thủ tướng Đức và tổng thống Mỹ, nhưng lẽ ra nên có được sự đồng thuận trước đó. Về chữ nghĩa, "bộ binh" gợi ra sự tham gia chiến đấu trong khi thực ra không phải như vậy. Đa số chuyên gia cho rằng tốt nhất nên dùng chữ "hiện diện quân sự". Về thời điểm cũng vậy, tuyên bố trên đã làm mờ nhòa thành công của hội nghị hỗ trợ Ukraine.
Le Figaro cho rằng hàng loạt phản ứng tiêu cực đã gây tổn hại cho tình đoàn kết Châu Âu, và cho thấy sự nhập nhằng của một số nước Trung Âu và Đông Âu - chỉ trích Pháp không hỗ trợ đúng mức cho Ukraine nhưng lại phản đối gởi quân. Phe cực tả và cực hữu Pháp khai thác để tranh thủ cuộc bầu cử Châu Âu trong ba tháng tới, Pháp và Đức lại càng cách xa hơn.
Đề nghị của tổng thống Pháp lẽ ra là dấu hiệu kiên quyết trước Vladimir Putin, nhưng làn sóng phản đối có thể khiến Kremlin coi đây là sự yếu đuối. Tuy nhiên phía sau những lời bình nóng vội, tại Đức việc ông Olaf Scholz từ chối chi viện hỏa tiễn Taurus ngày càng bị chỉ trích, còn tại Châu Âu nhiều người hoan nghênh sự táo bạo của tổng thống Pháp, coi đây là việc khẳng định ý tưởng Nga sẽ bại trận.
Gaza : Số người thiệt mạng đã lên đến 30.000
Về Trung Đông, Libération chạy tựa lớn trên trang nhất "Gaza, 30.000 người chết". Tại vùng đất bị oanh kích liên tục và đang bị nạn đói đe dọa, con số nạn nhân đã lên đến mức báo động, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em. Đành rằng trong số đó có những tay súng của Hamas đã sát hại dã man người dân vô tội Israel, nhưng liệu có đủ để biện minh cho việc thả bom xuống thường dân không biết chạy đi đâu vì bị Israel và Ai Cập chận đường thoát ?
Vụ thảm sát khủng khiếp của Hamas hôm 07/10/2023 tại Israel cần được liên tục nhắc nhở và lên án. Cần phải làm mọi cách để giải thoát các con tin Israel đang bị bọn khủng bố giam giữ, nhưng cách đối xử với người Palestine ở Gaza, là không thể chấp nhận được. Tuy vậy những tháng gần đây phương Tây và các nước Ả Rập tỏ ra bất lực trong việc ngăn chận Israel thả bom. Thế nên những phong trào phản kháng đã xuất hiện tại nhiều nơi, nhất là ở Hoa Kỳ, gây thiệt thòi cho ông Joe Biden trong mùa tranh cử.
Israel bí mật mở tuyến đường mới tránh Hồng Hải
Hàng được Israel nhập từ Trung Quốc hay Ấn Độ giờ đây được đưa sang cảng Dubai hay Bahrein để tránh bị hỏa tiễn hay rốc-kết của phiến quân Houthi trên Hồng Hải hay kênh Suez. Những vụ tấn công này đã khiến nhiều công ty hàng hải quốc tế phải đi vòng sang Châu Phi qua mũi Hảo Vọng, làm cho thời gian vận chuyển lâu gấp đôi và giá cước, giá bảo hiểm đều tăng. Israel, mà ngoại thương lệ thuộc 90% vào đường biển, bèn lập ra một mạng lưới trên bộ. Những xe cam-nhông chở hàng đi xuyên qua Saudi Arabia đến biên giới giữa Jordan và Israel, sang qua xe tải khác chuyển hàng đến Haifa ở miền bắc Israel. Các tài liệu vận chuyển đều ghi "quá cảnh", tránh ghi điểm đến là Israel.
Sự thận trọng này là do Saudi Arabia không có quan hệ ngoại giao với Nhà nước Do Thái và không nhìn nhận có liên hệ thương mại. Jordanie cũng không muốn công khai việc vận chuyển đường bộ này : đa số dân ở vương quốc có gốc gác Palestine. Ngược lại, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và Bahrein đã bình thường hóa quan hệ với Israel theo thỏa thuận Abraham thì không ngại gì. Chuyển hàng bằng đường bộ rút ngắn thời gian vận chuyển từ 20 đến 25 ngày so với các tàu đi vòng sang Châu Phi. Một công ty Israel khác còn ký hợp đồng với một đơn vị Ai Cập để đưa hàng sang nước này và Châu Âu từ cảng Dubai, và bộ giao thông Israel đang thương lượng với Abu Dhabi những container từ Ấn Độ được quá cảnh.
Thanh trừng ở Trung Quốc : Hai bộ trưởng "mất tích" đã "từ chức"
Liên quan đến Trung Quốc, Le Monde chú ý đến việc hai bộ trưởng mất tích từ nhiều tháng qua nay được thông báo "từ chức", trước khi cuộc họp Quốc hội thường niên bắt đầu. Ngoại trưởng Tần Cương (Qin Gang), biến mất không dấu vết từ tháng 6/2023 được cho là đã "từ chức" đại biểu quốc hội. Bộ trưởng quốc phòng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu), không thấy xuất hiện từ tháng 8/2023 thì bị xóa tên khỏi Quân ủy Trung ương vào cuối tháng 2. Bà Yun Sun thuộc trung tâm nghiên cứu Stimson Center giải thích, đó là để có chỗ cho người mới trong kỳ họp Quốc hội. Sự kịên hai quan chức cao cấp bị thanh trừng "duy trì không khí lo sợ, và chứng tỏ quyền lực của Tập Cận Bình là tuyệt đối".
Nhà Trung Quốc học François Godement của Viện Montaigne nhận thấy điều đáng nói là người ta chẳng biết gì về nguyên nhân trừng phạt. "Khả năng duy trì bí mật hoàn toàn của chế độ là hoàn hảo. Đảng chỉ đạo tất cả và tự chỉnh đốn bằng cơ quan thanh tra vốn không cần phải báo cáo. Đó là cách cai trị tạo ra sợ hãi, độc đoán". Đã có nhiều tin đồn đãi về Tần Cương, nhất là việc ngoại tình với một cựu nhà báo khi ông Tần là đại sứ Trung Quốc tại Washington. Cô này đã nêu tên Tần Cương trong nhiều bài đăng trên mạng xã hội X, và một đứa con sinh tại Hoa Kỳ có thể từ mối quan hệ này. Tin khác cho rằng Tần Cương đã phản bội để theo Mỹ, thậm chí đã chết. Khi nói rằng Tần Cương từ chức, Bắc Kinh chừng như đã cải chính giả thiết này. Nhà nghiên cứu Bill Bishop nhận xét, "được cho phép từ chức có nghĩa là không bị trừng phạt quá nặng".
Trường hợp Lý Thượng Phúc có vẻ là một vụ tham nhũng, trong khuôn khổ một mẻ lưới lớn ở quân đội. Cuối 2023, chín sĩ quan bị trục xuất khỏi Quốc hội trong đó có bốn tướng thuộc Quân chủng Hỏa tiễn. Tham nhũng vốn là căn bệnh trầm kha trong quân đội Trung Quốc, như phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu (Xu Caihou) khi bị bắt năm 2013 đã phát hiện một tấn tiền mặt, cẩm thạch, vàng và nhiều vật quý khác tại tư gia ông ta. Theo chuyên gia Godement, "mô hình của Tập Cận Bình vẫn theo kiểu Stalin, thanh trừng thường xuyên kể cả người thân cận". Quyền lực độc đoán này cô lập người lãnh đạo, loại bỏ mọi khả năng tự do hơn cho Trung Quốc vì nếu mở cửa sẽ bộc lộ nhiều điều, và tình trạng này còn kéo dài.
Thụy My
Cuộc chiến do Nga gây ra tại Ukraine gợi ý cho Việt Nam những bài học về chiến lược an ninh, quốc phòng.
Các quân nhân Ukraine đang đứng gần Robotyne, vùng Zaporizhzhia, đông nam Ukraine, ngày 21/2/2024
Cuộc chiến Nga – Ukraine đã bắt đầu bước sang năm thứ ba với tình thế giằng co, bất lợi cho quân đội Ukraine. Trong bối cảnh đó, Việt Nam mới kỷ niệm 50 năm Hải chiến Hoàng Sa (1974), 45 năm Chiến tranh biên giới Việt – Trung (1979-1989) và sắp tới là 36 năm Hải chiến Trường Sa (1988).
Trong tiếng Latin có câu tục ngữ "Si vis pacem, para bellum" có nghĩa rằng, "Nếu muốn có hòa bình, phải chuẩn bị cho chiến tranh".
Việt Nam và Ukraine có nhiều điểm tương đồng về vị trí địa chính trị chiến lược : cùng nằm cạnh cường quốc ; Nga cần có Ukraine trong tầm ảnh hưởng, chi phối với Crimea để duy trì sức mạnh, còn Trung Quốc cần Biển Đông và chi phối Việt Nam để vươn mình trong "Giấc mộng Trung Hoa", hóa giải thế bao vây ở chuỗi đảo thứ nhất.
Việt Nam và Ukraine cùng nằm ở điểm va chạm giữa các đại chiến lược của các cường quốc và các khối cạnh tranh ảnh hưởng. Do vậy, sự xung đột tiềm tàng trong hiện tại và tương lai với các cường quốc là điều khó tránh khỏi và phải có sự chuẩn bị một cách hữu hiệu.
Nhìn từ nhiều góc độ, đây là lúc Việt Nam cần đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm của Ukraine trong hiện tại và của chính Việt Nam trong cuộc chiến năm 1979-1989, kết hợp với nghiên cứu, đánh giá tình hình toàn cầu và nội tại của đất nước để cải tổ, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các cuộc xung đột, tranh chấp tiềm tàng trong tương lai.
Cần xác định đối thủ tiềm tàng
Trong tuyên truyền, giáo dục hay trong tài liệu chính trị công khai, Việt Nam và cụ thể hơn là Đảng cộng sản Việt Nam luôn xác định đối tượng, mục tiêu phòng chống của họ một cách mơ hồ, chung chung và lỗi thời là "thế lực thù địch", chủ nghĩa đế quốc ám chỉ Hoa Kỳ và các quốc gia tư bản phương Tây.
Cái bóng của Chiến tranh Lạnh, đối đầu ý thức hệ chưa thoát khỏi tư duy. Cái họ bảo vệ trước nhất là vị thế lãnh đạo của Đảng cộng sản, chủ nghĩa xã hội. Nhưng thời thế đã thay đổi từ rất lâu và Hoa Kỳ cũng như các quốc gia phương Tây không phải là mối đe dọa quân sự hiện hữu hay tiềm tàng với Việt Nam.
Trong khi đó, thực tại của Việt Nam là tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc : quần đảo Hoàng Sa bị chiếm đóng toàn bộ, quần đảo Trường Sa bị gặm nhấm, vùng đặc quyền kinh tế thường xuyên bị xâm phạm, quấy nhiễu ; các vùng không tranh chấp bị Trung Quốc cố tình biến thành có tranh chấp...
Mặt khác, giới quan tâm tình hình chính trị Việt Nam còn lo ngại sự thâm nhập, chi phối của Trung Quốc trên đất liền thông qua các dự án phát triển hạ tầng, thuê đất tại các khu vực trọng yếu ven biển, gần biên giới.
Ukraine đã thay đổi hoàn toàn kể từ sau khi Nga lật mặt, sáp nhập Crimea và ngấm ngầm ủng hộ phe ly khai ở Donbas năm 2014. Họ biết đối thủ hiện tại của họ là ai, kẻ xâm phạm đến lợi ích quốc gia của họ là ai, ai đứng về phía họ khi cần bảo vệ quyền dân tộc tự quyết và nền dân chủ.
Mức độ của Việt Nam hiện tại mới chỉ là tranh chấp trên biển, nhưng đã có hai cuộc hải chiến, có đổ máu, hải đảo bị chiếm đóng đến tận bây giờ, thì ai là đối thủ tiềm tàng, ai là đối tác tiềm tàng về an ninh cũng đã rõ ràng.
Do vậy, dù có thể không công khai, Việt Nam cần thay đổi tư duy và chính sách về xác định đối thủ tiềm tàng, mục tiêu, đối tượng cần lưu tâm một cách cụ thể, sát tình hình thực tiễn, gắn bó mật thiết với lợi ích và an ninh quốc gia, chứ không thể là sự viển vông về đụng độ ý thức hệ cũ mèm.
Tư duy về quân sự và phương thức tác chiến
Sau khi xác định đúng đối thủ tiềm tàng, bước kế đến là nghiên cứu, đánh giá về đối thủ, so sánh "địch – ta" về tương quan lực lượng, sức mạnh để có đối sách, phương thức tác chiến phù hợp, từ đó huấn luyện, diễn tập sát với thực tiễn chiến trường và mua sắm, phát triển vũ khí, hiện đại hóa quân đội đúng hướng hơn.
So tương quan Việt Nam với đối thủ tiềm tàng - giả định ở đây là quân đội có quy mô, sức mạnh như Trung Quốc - thì quân đội Việt Nam cần học kinh nghiệm của Ukraine, chứ không phải quân đội Nga như cách nhiều người thiện cảm với Nga và Putin đang tung hô.
Tình huống cuộc chiến Nga - Ukraine cho thấy bài học về một quân đội nhỏ hơn chống lại đội quân của một cường quốc với ưu thế vượt trội gấp nhiều lần. Đó chính là chiến tranh bất cân xứng.
Bên cạnh đó, quân đội hai bên giằng co tại các "thành trì" như Bakmut, Avdiivka, Kupiansk, Lyman,... cho thấy tác chiến đô thị, không gian hẹp chiếm phần lớn thời gian cuộc chiến. Hơn nữa, sự tham gia của các phương tiện không người lái trên không (UAV) và dưới nước (UUV) cũng góp phần thay đổi diện mạo cuộc chiến. Ngoài ra, sự phối hợp của hải - lục - không quân trong các hoạt động quân sự cũng cần quan sát và rút kinh nghiệm.
Quan trọng hơn, Ukraine ở thế phòng thủ - phản công tái chiếm lãnh thổ, không phải là bên tấn công, củng cố vị trí chiếm đóng. Điều này tương đồng với vị thế của Việt Nam trong chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979-1989. Những kinh nghiệm chống lại quân Trung Quốc giai đoạn này là quý giá, nhưng PLA nay đã lột xác, không còn như thời chiến tranh biên giới với Việt Nam và cách thức tiến hành chiến tranh hiện nay cũng đã khác nhiều, nên quân đội Việt Nam buộc phải thay đổi, hiện đại hóa cả về tư duy lẫn trang bị vụ khí.
Quân đội Ukraine đã có sự chuyển mình mạnh mẽ từ năm 2014, sau khi Nga sáp nhập Crimea. Từ một đội quân yếu đuối, rệu rã, không thể đối phó được với quân ly khai ở Donbas, sau khi cải tổ đã mạnh mẽ chiến đấu ngang ngửa với đối thủ có ưu thế gấp nhiều lần. Cái mà họ thay đổi nhiều nhất là loại bỏ tư duy tổ chức, tác chiến có từ thời Liên Xô, mà thay vào đó là những thứ đối chọi lại đến từ các đối thủ của Liên Xô và nay là nước Nga.
Nhìn lại quân đội Việt Nam, họ vẫn huấn luyện, diễn tập theo lối "công thành chiếm đất" mang đậm tư duy của cuộc chiến tranh với người anh em Việt Nam Cộng hòa và xung đột ý thức hệ thời Chiến tranh Lạnh. Điều này hoàn toàn lỗi thời và nên thay đổi.
Quân nhân thuộc lữ đoàn 24 của quân đội Ukraine thực hiện các cuộc thử nghiệm với thiết bị không người lái FPV gần Kostiantynivka, Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2024
Diễn giải lại chính sách ‘Bốn không’
Trong Sách Trắng quốc phòng Việt Nam năm 2019 và các tài liệu công khai của Nhà nước và Đảng cộng sản Việt Nam, chính sách "bốn không" được khẳng định rõ ràng. Đó là : 1. Không tham gia liên minh quân sự ; 2. Không liên kết với nước này để chống lại nước khác ; 3. Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác ; 4. Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Tuy nhiên, chính sách quốc phòng Việt Nam còn có "một đồng" và "một tùy" khác. Đó là, "Đồng thời tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước và giải quyết các thách thức an ninh chung" và "Tùy diễn biến tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau".
Điều đó có nghĩa rằng : tuy áp dụng chính sách "bốn không" để cân bằng quan hệ, tránh căng thẳng với Bắc Kinh, Việt Nam vẫn để ngỏ khả năng phát triển các mối quan hệ hợp tác an ninh - quân sự với nhiều nước khác nhằm củng cố năng lực phòng thủ.
Trên thực tế, điều này đã có trong quan hệ với Ấn Độ, Nhật, Israel,... và kể cả Hoa Kỳ, nhưng vẫn ở mức độ thấp, trong các lĩnh vực ít nhạy cảm với Bắc Kinh – như nâng cao năng lực cho lực lượng Cảnh sát biển, an ninh hàng hải, đối phó với vấn đề an ninh phi truyền thống...
Các nước tiêu biểu viện trợ quân sự cho Ukraine
Điều mà Hà Nội quan ngại nhất trong các mối quan hệ hợp tác là sự ảnh hưởng về mặt chính trị, các yêu cầu bắt buộc Hà Nội phải cải cách chính trị theo hướng bảo đảm dân chủ - nhân quyền.
Điều này khiến Việt Nam bị hạn chế rất nhiều trong quan hệ hợp tác quân sự với các quốc gia phương Tây, đặc biệt là trong các thương vụ mua bán vũ khí. Rào cản chủ yếu xuất phát từ niềm tin chính trị giữa hai bên và một phần tâm lý đề phòng của giới lãnh đạo ở Hà Nội. Cùng lúc, quan hệ hợp tác quân sự, mua bán vũ khí với Nga gặp trở ngại do hệ lụy từ cuộc chiến ở Ukraine.
Do đó, Việt Nam cần thay đổi tư duy "địch – ta" về mặt ý thức hệ trong quan hệ quốc tế, kết hợp với sự cởi mở về chính trị trong nước để tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác với các quốc gia không cùng mô hình phát triển.
Nhiều người thân Nga ở Việt Nam đánh giá Ukraine không biết cân bằng quan hệ, không khéo léo như Việt Nam, mà chọn phe, theo phương Tây nên mới dẫn đến cuộc chiến với Nga. Điều này hoàn toàn không chính xác. Ukraine đã mạnh mẽ thoát ra khỏi tầm kiểm soát của Điện Kremlin, bảo vệ lợi ích quốc gia và phẩm giá dân tộc trong việc tự quyết định con đường phát triển tiến bộ hơn, chứ không lay lắt trong nạn tham nhũng và trì trệ. Còn mưu đồ của Moscow thì chưa bao giờ bị che giấu. Nếu Ukraine không nằm trong quỹ đạo của Nga thì sẽ bị tấn công dù sớm hay muộn.
"Giấc mộng Trung Hoa" của Tập Cận Bình cũng vậy. Đó là điều Việt Nam bé nhỏ hơn không thể ngăn chặn, chỉ có thể kiềm chế phần nào và tìm đối sách ứng phó. Và thực tế Việt Nam không thể ứng phó một mình, mà phải có sự hợp tác đa phương - một cách nói tránh cho sự liên kết về an ninh hiện hữu, tuy vẫn chỉ ở mức độ thấp, dè dặt do lo ngại phản ứng từ Bắc Kinh.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động diễn tập quân sự đa phương thông qua việc cử chiến hạm, như sự kiện Hải quân đa phương MILAN 2024 tới đây tại Ấn Độ, chứ không chỉ dừng ở mức cử quan sát viên đi như nhiều năm trước. Nhưng ngoại giao quốc phòng như vậy là chưa đủ khi Việt Nam rơi vào tình thế có xung đột vũ trang.
Nếu như không có sự hỗ trợ như của phương Tây dành cho Ukraine hiện nay, Việt Nam liệu có đủ sức chống lại một lực lượng hùng hậu, trang bị tối tân hơn nhiều lần như quân đội Trung Quốc hay không ?
Do vậy, về lâu về dài, Việt Nam vẫn cần một sự bảo đảm an ninh, một sự liên kết an ninh chắc chắn, mạnh mẽ với những đối tác xứng tầm để cân bằng lực lượng trên Biển Đông nói riêng và trong khu vực Đông Nam Á nói chung.
Trên tất cả, Việt Nam cần tăng cường nội lực, củng cố sức mạnh kinh tế và hiện đại hóa quân đội dựa trên thành tựu tăng trưởng kinh tế, sự hợp tác với các quốc gia thân thiện.
Song song đó, Việt Nam cần dần thoát khỏi "vòng kim cô", tầm ảnh hưởng, chi phối của Bắc Kinh về mọi mặt, mà hiện hữu rõ nhất là trong vấn đề kinh tế, sâu xa hơn là con đường phát triển và sự ảnh hưởng về chính trị.
Nguyễn Đình Hà
Nguồn : BBC, 26/02/2024
Tác giả Nguyễn Đình Hà là một blogger sống và làm việc tại Hà Nội, Việt Nam.
Ngày 24/02/2024, kỷ niệm tròn 2 năm ngày Cộng hòa Liên Bang Nga phát động cuộc tấn công xâm lược toàn diện vào Ukraine, một đất nước có chủ quyền. Hàng trăm ngàn quân lính Nga, cùng với những thiết bị quân sự - được tự xưng là "Hiện đại, tinh vi nhất thế giới" của một "Cường quốc quân sự" đứng hàng đầu thế giới - đã ngang nhiên vượt qua biên giới tấn công một đất nước láng giềng.
Ngày 24/02/2022, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin phát động cuộc tấn công xâm lược toàn diện vào Ukraine
Putin, một tổng thống Liên bang Nga đã nuốt lời, liếm lại bãi nước bọt vừa nhổ ra bằng những lời thề thốt trước cả thế giới, rằng Nga không xâm lược, không tấn công Ukraine mới rời khỏi miệng để tiến hành một cuộc chiến xâm lược một thành viên Liên Hợp Quốc, dù Nga là một thành viên là Ủy viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp Quốc.
Trắng trợn và bất chấp luật pháp
Ukraine một quốc gia thành viên của Liên bang Xô Viết, sau khi liên bang tan rã, đã xây nền độc lập của mình trong sự chính danh, được sự công nhận của cả thế giới, trong đó có Liên bang Nga. Đường biên giới giữa hai nước, lãnh thổ hai quốc gia này đã được xác đinh rõ ràng. Bằng chứng không thể chối cãi, là căn cứ hải quân Sevastopol của Nga phải thuê lãnh thổ, lãnh hải của Ukraine trên bán đảo Crimea.
Thế rồi, bằng những trò bẩn thỉu, láu cá vặt chẳng qua mặt được ai, năm 2014, Putin chơi trò tháu cáy đánh cướp bán đảo Crimea của Ukraine trước những phản ứng yếu ớt của thế giới. Những phản ứng khi đó, một phần là do cái danh xưng Cường quốc quân sự hàng đầu thế giới với đủ loại vũ khí tinh vi, hiện đại và vô địch làm thế giới phải lo ngại khi làm mất lòng Nga chứ chưa nói đến việc đối đầu. Những đòn trừng phạt qua loa, lấy lệ và chẳng có mấy tác hại đối với Nga đã làm Putin tự thấy mình to lớn, thấy mình vĩ đại và vô địch.
Nhưng âm mưu xâm lược và bành trướng của Putin không chỉ dừng ở bán đảo Crimea. Dù cái miệng Putin leo lẻo cách nào, thì nó cũng không thể đánh lừa cả thế giới. Và mới đây, Putin đã huỵch toẹt ra rằng : Lẽ ra Nga đã tấn công toàn bộ quốc gia Ukraine từ 2014, nhưng khi đó chưa thể tiến hành vì Nga chưa có vũ khí siêu thanh và "nước Nga cần phải có nền tảng kinh tế vững vàng để sẵn sàng cho một chiến dịch quân sự quy mô lớn". Putin cho rằng : "Kết quả sản xuất nông nghiệp tốt trong giai đoạn 2021-2022 và sự tiến bộ của các lĩnh vực tài chính trong nước là điều kiện thích hợp cho một chiến dịch như vậy" do đó Putin đã lập tức tiến hành cuộc chiến xâm lược.
Điều đó, cũng có nghĩa là vấn đề chính nghĩa, vấn đề mà Putin cho rằng bị đe dọa, vấn đề an ninh quốc gia của Nga… chỉ là lý do bịa đặt che đậy âm mưu xâm lăng vẫn luôn tồn tại. Nó sẽ biến thành hành động lúc có đủ điều kiện theo sự đánh giá của Putin.
Điều đó, cũng có nghĩa là một nước Nga hùng mạnh, vững vàng là mối đe dọa cho hòa bình và an ninh của các quốc gia lân bang và cả thế giới nhất là các quốc gia yếu thế, bé nhỏ lân cận.
Điều này, người Việt Nam cũng nghe quen quen với cách hành xử của anh bạn láng giềng Phương Bắc của mình.
Người ta còn nhớ rất rõ rằng : Ukraine đã từng là một quốc gia sở hữu một khối lượng rất lớn vũ khí hạt nhân, với số lượng đứng thứ 3 trên thế giới, sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ. Và người ta đặt câu hỏi rằng : Nếu Ukraine vẫn giữ nguyên số đầu đạn hạt nhân đó, liệu Nga có dám coi thường và tấn công ngang nhiên bất chấp luật pháp quốc tế hay không ?
Câu hỏi được đặt ra trong sự tiếc nuối của người dân Ukraine vì đã quá tin lời quân kẻ cướp.
Bởi Nga, cũng chính là một bên đã ký kết thỏa thuận chính trị tại hội nghị OSCE ở Budapest, Hungary vào ngày 05/12/1994 nhằm cung cấp đảm bảo an toàn cho Ukraine và một số quốc gia tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân. Theo đó, Nga, Mỹ và Anh cam kết "tôn trọng độc lập và chủ quyền cũng như các biên giới hiện có của Ukraine". Bản ghi nhớ có đoạn : "Liên bang Nga, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tái khẳng định nghĩa vụ kiềm chế không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của Ukraine, và rằng sẽ không có vũ khí nào của họ được sử dụng để chống lại Ukraine ngoại trừ để tự vệ hoặc theo cách khác phù hợp với Hiến chương của Liên hợp quốc".
Cụ thể, bản ghi nhớ đó cũng ghi rõ : Nga, Anh, Mỹ "tái khẳng định cam kết tìm kiếm hành động ngay lập tức của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để cung cấp hỗ trợ cho Ukraine, với tư cách là Quốc gia không sử dụng vũ khí hạt nhân, nếu Ukraine trở thành nạn nhân của một hành động xâm lược hoặc bị đe dọa xâm lược trong đó vũ khí hạt nhân được sử dụng".
Thế rồi, chính Nga, một bên tham gia bản thỏa thuận, ghi nhớ đó đã tấn công Ukraine bằng các loại vũ khí và sức mạnh tổng lực nhằm xóa sổ chính quyền, nhà nước Ukraine độc lập để sáp nhập Ukraine vào lãnh thổ của mình.
Đó là thái độ, bộ mặt trơ trẽn, phản trắc mà các nhà cầm quyền cộng sản thường có, bất chấp lẽ phải, bất chấp liêm sỉ hay luật pháp, nguyên tắc của xã hội loài người.
Để giải thích việc xua quân xâm lược Ukraine, Putin nói rằng : "Vì sao ư ? Bởi vì chúng ta đã bị tấn công trước. Đầu tiên, họ tìm cách tấn công Crimea, sau đó đến Donbass". Hài hước thay, cái "Chúng ta" của Putin nói ở đây, là lãnh thổ của Ukraine mà Liên bang Nga đã trịnh trọng công nhận từ xưa và mới nhất là năm 1991, nhưng chỉ vì ở đó có Cộng đồng nói tiếng Nga. Bởi người ta cũng nghe điều tương tự khi Đặng Tiểu Bình xua quân xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc ngày 17/2/1979 cũng với lý do "Để dạy cho Việt Nam một bài học trong vấn đề Nạn kiều".
Xem ra, lời lẽ của quân cướp thì ở đâu cũng có một mùi, một dạng như nhau. Đặc biệt, lời lẽ từ miệng cái nòi cộng sản thì càng không mấy khác nhau vì có chung bản chất.
Hai năm cuộc chiến : Thui ra mới biết béo gầy
Nếu không có cuộc chiến xâm lược toàn diện với Ukraine, thì chắc giờ đây trên thế giới, người ta vẫn cứ nhắc nhở nhau cẩn thận và kính nể một Đại cường quốc đứng hàng đầu thế giới là Liên bang Nga với diện tích 17.098.246 km2, rộng nhất thế giới về lãnh thổ, với gần 145 triệu dân.
Ở đất nước ấy, có một Tổng thống được người dân yêu quý nên không nỡ thay đổi đã mấy chục năm nay, tài danh vẹn toàn. Những hình ảnh Tổng thống Nga cởi trần tắm băng, cở trần cưỡi ngựa, cưỡi gấu, phóng xe máy… làm thổn thức nhiều triệu trái tim đàn bà trên thế giới. Tổng thống ấy, "nói nhiều người nghe, đe cả thế giới sợ" chứ không bỡn.
Dưới sự lãnh đạo tài giỏi của Tống thống ấy, nước Nga đã liên tục trải qua các trận chiến ở ngoài biên giới và trận nào cũng đã xuất quân là chiến thắng. Bởi Nga và chư hầu Nga vẫn tự cho rằng Nga có nền kinh tế vững vàng, nền quốc phòng hiện đại và tinh vi với nhiều vũ khí mà khi nói đến, thì cả thế giới đã xanh mắt mèo.
Đặc biệt, tại các quốc gia "chư hầu" những quốc gia phản dân chủ mà lãnh đạo là những nhà độc tài như Việt Nam, Bắc Hàn… thì dàn Dư luận viên, đội quân ba xu, an ninh mạng… tha hồ tâng bốc và tô vẽ lên tận mây xanh. Mà không chỉ có mấy đứa Dư luận viên hay An ninh mạng, đến cả như Lê Văn Cương, tướng Công an, đã từng là Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an vẫn cứ ngước nhìn "Cụ Putin sĩ quan KGB 71 tuổi" như một thánh sống và dùng những lời lẽ trên mây để ca ngợi hoặc chỉ biết tấm tắc bởi không còn từ ngữ nào để ca ngợi sự lớn mạnh, tinh nhuệ và vô địch của quân đội Nga.
Cựu Thiếu tướng công an Lê Văn Cương, từng là Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an, ca ngợi "Cụ Putin sĩ quan KGB 71 tuổi" như một thánh sống
Thậm chí với những sự cuồng tín và bất chấp phải trái, đúng sai, đám Lê Văn Cương, Lê Thế Mẫu… còn bỏ qua những lẽ phải đơn giản nhất để biện hộ cho cuộc xâm lược của Nga chiếm Crimea năm 2014 là bởi vì : "Nga là một "cường quốc" nhưng không có đường ra biển, các đồng chí ơi" - Lê Văn Cương đã gào lên như vậy.
Thế rồi, khi xua quân qua biên giới và tấn công thẳng vào Kiev, Putin chắc mẩm rằng cuộc chiến chỉ cần 72 tiếng đồng hồ để quân và dân Ukraine có đủ thời gian đón tiếp đội quân hùng mạnh của đại đế Putin sang Ukraine "diệt tân phát xít". Thậm chí, truyền thông còn cho biết rằng trong đội quân xâm lược ấy, còn có cả đoàn quân lễ nghi của Nga để chuẩn bị cho cuộc diễu binh mừng chiến thắng của quân đội Nga tại Kiev.
Cả thế giới sửng sốt, bàng hoàng bởi sự trở mặt và dã man của đội quân Nga lúc bấy giờ. Người ta chỉ biết ái ngại cho Ukraine, một đất nước đã không may phải sống cạnh một láng giềng bẩn thỉu và tham lam với mưu đồ bành trướng không thể giấu diếm và sức mạnh gấp bội.
Thậm chí, Hoa Kỳ còn gợi ý sẽ giúp đỡ Tổng thống Ukraine một cuộc bỏ chạy ra nước ngoài an toàn rồi mọi chuyện tính sau.
Thế rồi, cả thế giới lại sửng sốt trước thái độ của người Ukraine từ Tổng thống đến người dân. Tổng thống Ukraine nói: "Chúng tôi cần vũ khí chứ không cần chuyến xe đi nhờ" và "Nếu quân thù đến đây, chỉ thấy mặt chúng tôi chứ không phải cái lưng".
Tổng thống Volodymir Zelensky kêu gọi toàn dân Ukraine chống lại quân xâm lược nga ngày 23/02/2022
Từ đó, cả đất nước Ukraine đứng dậy chống chiến tranh xâm lược bảo vệ bờ cõi bằng cuộc chiến hy sinh, gian nan, nhưng anh dũng.
Và những gì Nga đã nhận được hai năm qua, không chỉ là bài học cho sự ngông cuồng của Putin mà là tấm gương tày liếp cho những thế lực bành trướng khác đang nhăm nhe lãnh thổ láng giềng bởi sự phản ứng không chỉ của Ukraine mà của cả thế giới.
Công cuộc của người dân Ukraine trong việc chống xâm lược từ Nga như câu chuyện "châu chấu đá xe" đã tạo nên những kỳ tích buộc thế giới phải kính nể.
Về quân sự, đến nay, đội quân có "sức mạnh vô địch, tinh vi và hiện đại của một cường quốc" ấy đi đấu với một đội quân không tên tuổi như quân đội Ukraine được coi là một sự khập khễnh lớn mà Nga có thể ăn tươi nuốt sống ngay lập tức. Chính Putin năm 2014 đã mạnh mồm tuyên bố : "Nếu muốn, tôi chiếm cả Kiev trong hai tuần".
Nhưng hại thay, quân đội vô địch kia đã tự chứng minh cho cả thế giới biết rằng cái mớ vũ khí tinh nhuệ, hiện đại và vô địch ấy, thực chất chỉ là một đống bầy hầy những sản phẩm của truyền thông tuyên truyền tự sướng. Hàng ngàn xe tăng, hàng trăm máy bay đã đưa theo gần nửa triệu lính Nga bỏ xác trên chiến trường Ukraine là một minh chứng không cần nhiều lời. Hệ lụy của nó, là Nga không đủ thịt để đưa ra chiến trường, buộc phải huy động nhân lực bằng mọi cách, báo hại hàng loạt thanh niên, trai tráng Nga chạy tán loạn ra nước ngoài và cuối cùng thì Putin đại đế đã phải sử dụng thịt của tù nhân đem ra chiến trường để "Chiến đấu cho chính nghĩa".
Những thực tế sinh động này tại chiến trường Ukraine, đã làm cho các quốc gia xưa nay vẫn tin tưởng mà mua các thiết bị quân sự của Nga đãng phải đứng ngồi không yên.
Một cường quốc quân sự đã đến lúc phải cậy nhờ những tên "côn đồ quốc tế" mạt hạng như Iran, Bắc Hàn thì đủ biết cái gọi là "Sức mạnh Nga" chỉ là con gấu bằng giấy bồi mà thôi.
Hạm đội Biển Đen xưa nay được nhắc đến với những lời thầm thì vì muôn cái "Nhất", đã buộc phải bỏ cả đại bản doanh của mình ở căn cứ Sevastopol để tránh nạn sau khi vài ba chục chiến hạm thuộc hàng hiện đại, lừng lẫy, vô địch nhất đã bị đánh chìm và chôn thây dưới Biển Đen. Khu vực Biển Đen một thời Nga làm mưa làm gió như sân nhà của mình, đã trở lại yên tĩnh cho tàu bè Ukraine xuất lương thực đi ra thế giới tự do qua lại.
Và điều mà Nga không bao giờ muốn và hành động bằng mọi cách để "ngăn chặn từ xa" là không để biên giới NATO đến gần Nga, thì ngay sau cuộc xâm lược tỏ rõ bản chất của mình, NATO có thêm 1.400 km biên giới chung với Nga sau khi Phần Lan đã tỉnh ngộ, cảnh giác trước trò ăn cướp của Nga để từ bỏ chính sách trung lập mấy chục năm qua mà gia nhập NATO. Đồng thời, hành động của Nga cũng đã đẩy Ukraine gia nhập vào khối Liên Hiệp Châu Âu và cơ hội gia nhập NATO lớn hơn bao giờ hết.
Chưa hết, khối NATO đã có thời rệu rã đến mức được Tổng thống Pháp coi là "chết não", và Tổng thống Mỹ Donald Trump định rút ra khỏi khối này, thì nay đã đoàn kết và lớn mạnh hơn bao giờ hết trong việc kết nạp thêm các thành viên mới.
Về mặt ngoại giao, cuộc xâm lược của Nga đã để cho ít nhất là 141/193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc không ngần ngại thẳng thừng yêu cầu Nga rút quân đội và dừng ngay thói ăn cướp. Những quốc gia còn lại, hoặc "há miệng mắc quai" như Việt Nam, hoặc là những quốc gia cơ hội như Trung Quốc im lặng để nhân cơ hội loạn lạc chiến tranh này mà kiếm chác, trong khi người dân nước họ vẫn dành sự ủng hộ cho Ukraine chính nghĩa. Tại diễn đàn Liên hợp quốc, Nga bị khai trừ ra khỏi Hội đồng Nhân quyền thế giới, các quốc gia đàn em trước nằm dưới trướng Nga đã dần dần tách khỏi chiếc ô rách nát chẳng có tác dụng gì của Nga.
Điều hài hước nhất là "Con gấu Nga" Putin đã bị nhốt trong chiếc lồng vô hình sau khi có lệnh truy nã của Tòa án hình sự Quốc tế. Có lẽ đây là một nỗi nhục cho một thành viên của Hội đồng bảo an Liên hợp Quốc, một "Cường quốc quân sự" một đất nước leo lẻo là yêu hòa bình, tự do như họ đã tụng niệm xưa nay.
Về kinh tế, 16.500 lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây, từ khắp thế giới, đã buộc Nga vào tình thế "tự cung tự cấp" là mô hình của xã hội "cộng sản nguyên thủy" mà chủ nghĩa Mác – Lenin đã định nghĩa. Điều đặc biệt, là Châu Âu đã tự cắt được cơn nghiện năng lượng Nga mà Nga đã sử dụng như một thứ vũ khí để khống chế Châu Âu mấy chục năm qua một cách hiệu quả. Nga mất đi mỏ vàng tự nhiên có đã mấy chục năm khai thác này và đối diện với hàng loạt sự trừng phạt nghiêm khắc khi muốn xuất khẩu món "vàng đen" chủ lực là dầu khí. Hàng trăm tỷ đô la bị phong tỏa, bị đá ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế. Hàng ngàn doanh nghiệp nước ngoài bỏ của chạy lấy người, các hãng hàng không Nga rơi vào tình thế tự cung tự cấp và bay loanh quanh trong lãnh thổ Nga.
Những hậu quả mà Nga đã nhận được từ cuộc chiến này, không chỉ về chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao mà là lòng người dân khắp thế giới biết rõ tường tận tâm địa kẻ cướp của Nga mà luôn luôn cảnh giác.
Và điều ác hại hơn cả, là ngày nay, Nga hầu như không có lối ra tại Ukraine.
Không có lối ra, bởi sự kiêu ngạo, sự ngạo mạn mà Putin đã xây dựng xưa nay cho mình trên sự hão huyền về "sức mạnh Nga".
Không có lối ra, bởi âm mưu xâm lược đã rõ, ngay cả khi rút ra khỏi cuộc chiến, phần lãnh thổ cướp được cũng không thể giữ lại được cho mình.
Và càng sa lầy vào cuộc chiến, thì bộ mặt của một "cường quốc" ngày càng thảm hại.
Và đó cũng là bài học cho những thế lực bành trướng khác, đang ngày đêm nhòm ngó lãnh thổ của láng giềng.
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 25/02/2024