Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Crimea, chiếc bẫy tử thần cho quân Nga

The Economist khẳng định "Tại Crimea, Ukraine đã đánh bại Nga". Le Nouvel Obs cho rằng "Hy vọng đã trở lại" với Kiev. Gói viện trợ 61 tỉ đô la của chính quyền Biden bắt đầu có tác động tốt, và nhiều nước phương Tây ít nhiều đã dỡ bỏ giới hạn trong việc dùng vũ khí viện trợ.

crimea1

Ảnh tư liệu từ video đăng trên kênh Telegram của thống đốc Sevastopol, Mikhail Razvozhaev ngày 29/04/2023 cho thấy một bồn nhiên liệu bốc cháy vì Ukraine oanh kích. Kiev đã có hỏa tiễn tầm xa, quân Nga ở Crimea chịu sức ép ngày càng lớn. AP

Cực hữu đe dọa cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu, chiến tranh ở Ukraine và Gaza, kỷ niệm 80 năm Đồng minh đổ bộ Normandie là những vấn đề chính trên các tuần báo kỳ này.

Le Point đăng ảnh tổng thống Nga với dòng tít "Chương trình của ông ta cho Châu Âu : Chiến tranh, can thiệp, gây bất ổn". Trang bìa L'Express mang nền xanh màu cờ Châu Âu với những ngôi sao và những mũi tên chi chít cắm vào, nêu ra "Trung Quốc, Nga, Azerbaijan... Châu Âu bị vây hãm". Cũng dùng lá cờ Châu Âu là nền cho trang nhất, Courrier International chạy tít "Cực hữu xâm chiếm Châu Âu". Ảnh trang nhất Le Nouvel Obs có hình năm thủ lãnh cực hữu ở châu lục, nhấn mạnh đến "Mối đe dọa từ bên trong".

Được cởi trói, hy vọng đã quay lại với Kiev

Liên quan đến Ukraine,     cho rằng "Hy vọng đã trở lại". Nhiều nước phương Tây trong đó có Hoa Kỳ đã cho phép Kiev oanh kích các mục tiêu quân sự trên đất Nga bằng vũ khí do họ cung cấp. Đây có thể là thay đổi mang tính quyết định trong cuộc chiến.

Nhiều chiến lược gia đã chỉ trích họ trói tay người Ukraine, và rốt cuộc mười mấy quốc gia đã dỡ bỏ toàn bộ hay một phần những hạn chế. Hà Lan còn thông báo 24 chiếc F-16 được hứa chuyển giao có thể dùng để tấn công vào lãnh thổ Nga. Đó là do quân Nga đã chiếm được 180 kilomet vuông của Kharkiv. Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), khi đặt ra những giới hạn, Mỹ đã tạo ra một vùng cấm ở đó Nga tha hồ tập hợp đội quân xâm lăng, phóng đi những quả bom lượn và hỏa tiễn để yểm trợ cho đợt tấn công mới.

Các nhà phân tích so sánh với tình hình Crimea. Khi sử dụng hỏa tiễn đạn đạo ATACMS có tầm bắn 300 kilomet, Ukraine có thể tấn công tất cả mục tiêu Nga tại bán đảo bị chiếm đóng năm 2014. Được nhìn nhận là lãnh thổ Ukraine, Crimea không bị Washington hạn chế, và các hoạt động của Kiev hiện nay nhằm chuẩn bị cho việc tiếp nhận những chiếc F-16 đầu tiên. Vấn đề quan trọng đến nỗi Vladimir Putin đầu tư phương tiện khổng lồ để giữ bằng được Crimea, được coi là một hàng không mẫu hạm trên đất liền.

Áp lực mới khiến bán đảo này đang là thế mạnh bỗng trở thành điểm yếu, giúp Ukraine một ngày nào đó có thể thương lượng với thế thượng phong. Hạm đội Hắc Hải chưa chi đã phải rút khỏi cảng Sevastopol, thu mình lại ở Novorossiisk. Theo tướng Ben Hodges, nhờ tin tức vệ tinh do NATO cung cấp cũng như người Ukraine nắm rõ địa hình, không có chuyển động nào ở Crimea mà Kiev không hay biết. Tướng Hodges cho rằng khi thời cơ đến, Ukraine có thể phá hủy cầu Kerch, trục quan trọng nối bán đảo với lãnh thổ Nga.

Crimea trở thành chiếc bẫy tử thần cho Moskva

The Economist khẳng định "Tại Crimea, Ukraine đánh bại Nga", và bán đảo đã trở thành một chiếc bẫy tử thần cho lực lượng của Kremlin. Rốt cuộc đã có tin vui từ Ukraine, gói viện trợ 61 tỉ đô la của chính quyền Biden sau sáu tháng bị Quốc hội cản trở, có tác động tốt.

Hai tuần qua đợt tấn công của Nga vào Kharkiv đã bị mất đà, và Ukraine "đang biến Crimea thành nơi quân Nga không thể trú ngụ". Đây là phần thưởng lớn cho Kiev. Lâu nay các cơ sở hậu cần, căn cứ không quân và hải quân Nga ở Sevastopol vẫn được dùng để khống chế miền nam Ukraine, phong tỏa việc xuất khẩu ngũ cốc, liên tục đưa quân và vũ khí tấn công. Tất cả nay đang bị Kiev đe dọa.

Một cuộc đổ bộ theo kiểu D-Day của Đồng minh thời trước để giải phóng Crimea hiện khó thể nghĩ đến. Nhưng theo Sir Lawrence Freedman, chiến lược gia Anh, điều quan trọng là Crimea nay trở thành nhược điểm của Nga vì có quá nhiều thứ phải bảo vệ. Nico Lange, cựu cố vấn bộ quốc phòng Đức cũng cho rằng chiến lược của Kiev vừa quân sự vừa chính trị, và đang bóp nghẹt hậu cần Nga.

Quân Nga "không còn chỗ nào để trốn" trên bán đảo

Ukraine đã chứng tỏ sự hiệu nghiệm của hỏa tiễn hành trình Storm Shadow và Scalp do Anh, Pháp chi viện ; cũng như các drone biển tự chế một cách thông minh để đánh vào chiến hạm Nga. Đặc biệt là các tàu đổ bộ Ropucha được dùng để chở quân hầu hết đã bị phá hủy. Các drone và hỏa tiễn Ukraine đã loại ra khỏi vòng chiến phân nửa Hạm đội Hắc Hải. Số còn lại lùi về cảng Novorossiysk cách đó 300 kilomet hôm 17/05 cũng bị drone hải chiến tấn công, tiêu hủy một ga xe lửa, một nhà máy điện và một căn cứ hải quân bị thiệt hại.

Nhưng nay Ukraine còn phối hợp các drone tân tiến để đánh vào phòng không Nga. Những vụ tấn công vào các căn cứ không quân Djankoi rồi Belbek ở Crimea đã làm thiệt hại nhiều trực thăng, hệ thống S-400, trung tâm kiểm soát, radar và bốn phi cơ. Mười hỏa tiễn mỗi quả chứa 300 quả bom nhỏ bị phá hủy gây ra những vụ hỏa hoạn khổng lồ. The Economist cho rằng số hỏa tiễn ATACMS mà Kiev sở hữu nhiều hơn là 100 giàn đã nhận, S-400 trị giá 200 triệu đô la vốn được khoe khoang tỏ ra kém hiệu quả.

Ông Lange khẳng định Kiev sử dụng drone để dụ Nga bộc lộ vị trí radar, rồi chuyển lập tức cho ê-kíp ATACMS, chỉ 6 phút sau là bị diệt. Theo tướng Hodges, quân Nga "không có chỗ nào để trốn", mỗi mét vuông ở Crimea đều trong tầm ngắm của Ukraine. Trắc nghiệm đầu tiên cho thành công của Ukraine tại Crimea có thể được thấy vào mùa hè này, khi người Nga có thói quen theo đường cầu Kerch sang nghỉ mát. Ben Barry, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nhận định nếu du khách không sang nữa, sẽ là dấu hiệu xấu cho Putin. Crimea lệ thuộc rất nhiều vào kỹ nghệ du lịch, nhưng năm ngoái số đặt phòng đã giảm mất phân nửa. "Crimea từ một địa điểm sang trọng đã biến thành nơi rút rỉa nguồn lực Nga".

Chiến đấu cơ Mirage 2000-5 của Pháp : Bước ngoặt chất lượng cho Ukraine

L'Express phân tích về tác động của việc Paris cung cấp chiến đấu cơ Mirage 2000-5 cho Kiev. Mười tháng sau khi Hà Lan và Đan Mạch quyết định tặng F-16 cho Ukraine, đến lượt Pháp bước qua một ngưỡng mới.  Đối với quân đội Ukraine, đây là một bước nhảy vọt về chất lượng. Tướng Jérôme Pellistrandi giải thích, Mirage 2000-5 lợi hại hơn nhiều so với những chiếc Mig 29n đang được Ukraine sử dụng.

Đây là phiên bản cải tiến của Mirage 2000 dành cho không chiến, mục tiêu chính là chiến đấu cơ và hỏa tiễn địch. Hiện có 30 chiếc vẫn đang được quân đội Pháp sử dụng, trong đó bốn chiếc đã triển khai sang Litva để làm nhiệm vụ cảnh sát trên không, và đã ngăn chặn ít nhất 5 phi cơ Nga vào cuối tháng 2. Để không bị giảm quá nhiều năng lực, Paris cố gắng thuyết phục các nước khác như Hy Lạp, Ấn Độ, Brazil tham gia. Chuyên gia hàng không Xavier Tytelman cho biết để có hiệu quả cần phải đưa sang ít nhất 12 chiếc, và lý tưởng nhất là 30 đến 40 chiếc Mirage 2000-5 ; cộng với khoảng 85 chiếc F-16 do các nước Châu Âu khác viện trợ.

Vào lúc Moskva gia tăng không kích Ukraine, Mirage 2000-5 sẽ là hỗ trợ quý giá để bảo vệ bầu trời. Trong số vũ khí mang theo có hỏa tiễn không đối không Mica có tầm bắn 60 đến 80 kilomet. Tướng Pellistrandi cho biết, Mirage 2000-5 không được chế tạo để thả bom mà để tiêu diệt phi cơ địch. Như vậy các chiến đấu cơ này sẽ ngăn phi cơ Nga xâm nhập không phận Ukraine và chận các hỏa tiễn bắn đi từ lãnh thổ Nga, làm giảm mối đe dọa trên bầu trời các thành phố Ukraine.

Các chế độ độc tài tấn công Châu Âu từ mọi phía

Đã bị ảnh hưởng từ chiến tranh Ukraine, Châu Âu dân chủ còn bị các chế độ độc tài Nga, Trung Quốc, Iran, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan… lũng đoạn trong một cuộc chiến không tuyên bố. L’Express dành hẳn hồ sơ gồm 7 trang cho vấn đề này. Bà Nathalie Loiseau, chủ tịch ủy ban an ninh quốc phòng của Nghị Viện Châu Âu nói rằng từ lâu vẫn ghi chép đầy đủ những vụ can thiệp từ tung tin giả đến phá hoại, nhưng nay danh sách này quá dài, không thể đếm xuể.

Có thể tạm kể : Bốn ngàn vụ báo động bom giả gây sợ hãi trong các trường học ở Litva. Một vụ hỏa hoạn bí ẩn thiêu rụi một trong những trung tâm thương mại lớn nhất Ba Lan. Một tàu chở container khiến một ống dẫn dầu nối Estonia với Phần Lan không còn hoạt động được. Tại Strasbourg, một dân biểu Châu Âu của Latvia giữ liên lạc với FSB, trong khi ở Paris, ba kẻ ngay giữa ban ngày đặt năm chiếc hòm dưới chân tháp Eiffel với băng-rôn "Lính Pháp ở Ukraine"…

Còn thời điểm nào thích hợp hơn là cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu ? Từ ngày 6 đến 9/6, 360 triệu cử tri sẽ chọn lựa 720 dân biểu Châu Âu. Từ Vilnius tới Paris, các cơ quan tình báo đều căng thẳng, lo ngại những vụ phá rối lớn. Người ta còn nhớ cuộc bầu cử Slovakia cuối 2023. Ngay trước khi các phòng phiếu mở cửa, trên mạng xã hội xuất hiện một video giả trong đó ứng cử viên cánh trung Michal Simecka "tiết lộ" đã dùng thủ thuật để thắng cử. Lúc đó báo chí không còn được đăng tin về bầu cử nên không thể đính chính, hậu quả là hôm sau Robert Fico, nhân vật thân Nga đắc cử.

"Lá chắn dân chủ" cho châu lục ?

Từ khi Nga xâm lăng Ukraine, các vụ can thiệp ngày càng quy mô và tinh tế hơn. Việc đóng cửa các cơ quan tuyên truyền RT (Russia Today) và Sputnik của Moskva, cùng với việc trục xuất hàng trăm điệp viên Nga không mang lại kết quả mong muốn. Kremlin càng chế ra nhiều cách thức lũng đoạn. Trên Telegram, tình báo Nga nhắm vào các nhóm thảo luận để gieo rắc hoài nghi, chi tiền cho các trò phá hoại, trả bằng tiền ảo từ 20 đến 50.000 euro. Cơ quan chức năng các nước rất khó can thiệp vì thường là những người không tiền án tiền sự. Ở tầm Châu Âu, khó thể phối hợp 27 cơ quan tình báo khác nhau, trong đó không ít lỗ hổng.

Không chỉ phá rối chính trị xã hội, Nga, Trung Quốc… còn nhắm vào sức mạnh kinh tế của châu lục. Từ ăn cắp sở hữu trí tuệ cho đến kiểm soát những lãnh vực chiến lược, các chế độ độc tài này muốn chia rẽ, làm giảm năng lực sáng tạo để ngăn cản trở Châu Âu thành nhân tố kinh tế chính. Khác với các nước vùng Baltic đã có "fighting spirit" (tinh thần chiến đấu) tập thể, ý thức nơi EU còn quá kém. Tại Pháp, bộ trưởng phụ trách các vấn đề Châu Âu Jean-Noël Barrot vừa được bổ nhiệm đã kêu gọi thành lập "lá chắn dân chủ" cho châu lục. Muộn còn hơn không.

1001 cách phá rối của Putin

Le Point nhận định, làm yếu đi các quốc gia dân chủ, hơn bao giờ hết đang là ưu tiên của tổng thống Nga, và mọi phương cách đều được vận dụng. Trong vụ năm chiếc quan tài trước tháp Eiffel, ba người được trả vài trăm euro để làm việc này bị câu lưu, kẻ đứng sau được cho là một nhân vật thân cận với Kremlin. Giữa tháng 5, 35 vết bàn tay đỏ được sơn lên bức tường tưởng niệm vụ diệt chủng người Do Thái… Mỗi lần như vậy, các nhà điều tra nhanh chóng tìm ra những chiếc vòi bạch tuộc mang danh các quỹ, hiệp hội, doanh nhân Nga…

Pháp không phải là nước duy nhất bị nhắm đến. Các hoạt động ít tốn kém nhưng gây tiếng vang kiểu đó, được lặp lại khắp nơi tại châu lục : hỏa hoạn tại một nhà kho ngoại ô Luân Đôn, tại Đức một doanh nhân gốc Nga trả tiền cho những ai đi dán các sticker chế nhạo chính phủ. Ở Ba Lan, các áp-phích đả kích nông dân Ukraine xuất hiện đầy trên những nẻo đường các thành phố lớn… Hồi tháng 2, Le Point phát hiện các hoạt động của tổ chức Portal Kombat : tạo ra hàng mấy trăm trang web đăng tin giả bằng tiếng Pháp, Anh, Đức. Trước đó một start-up Nga là RRN tạo ra mấy chục trang web nhái theo những tờ báo chính thống Le Parisien, Le Point, Le Figaro với tin tức thất thiệt có lợi cho Nga.

Có vẻ Kremlin chi tiền như nước : chừng như mạng xã hội và internet vẫn chưa đủ, Nga lập ra những "cơ quan truyền thông" như Voice of Europe, và các bản sao RT tại nhiều nước Châu Âu. Moskva còn lũng đoạn trực tiếp chính trường. Cách đây vài ngày, cảnh sát Bỉ lục soát văn phòng nhiều dân biểu Châu Âu đã nhận những số tiền lớn để phổ biến các quan điểm của Vladimir Putin. Tại Cộng hòa Czech, phát hiện những món tiền mặt quan trọng nơi các ứng cử viên Châu Âu thân Nga…

Cơn ác mộng cực hữu ở Nghị Viện Châu Âu

Trong bối cảnh đó, mối lo các phe cực hữu chiếm ghế ở Nghị Viện Châu Âu càng gây thêm lo ngại. Le Nouvel Obs gọi cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu là "một cuộc bỏ phiếu lịch sử". Các phong trào dân tộc chủ nghĩa và dân túy từ Roma, Warzsawa cho tới Paris đang nở rộ, được bình thường hóa và bắt rễ lâu dài, là mối nguy hiểm cho nền dân chủ. Thủ tướng Pháp Gabriel Attal đánh giá đây là cuộc bầu cử quan trọng nhất kể từ 40 năm qua.

Lần đầu tiên, Nghị Viện Châu Âu sẽ đón nhận các đại biểu những đảng cực hữu từ Pháp, Áo, Bỉ, Cộng Hòa Czech, Hungary, Ý, Hà Lan, Ba Lan, Slovakia… Theo các thăm dò, họ sẽ chiếm 1/4 số ghế trong Nghị Viện, một cơn ác mộng cho các đảng ủng hộ Châu Âu – Dân chủ Thiên chúa giáo, tự do, dân chủ xã hội, sinh thái hiện đang chiếm đa số ghế.

Đây là một bước ngoặt lịch sử, đối với định chế luôn có mục tiêu vượt qua những sự đối địch và dân tộc quá trớn đã làm mấy chục triệu người chết trong các cuộc chiến tranh thế kỷ 20. Cực hữu sẽ phá rối các dự án quan trọng của EU – hỗ trợ Ukraine, chuyển đổi sinh thái, bảo vệ nhân quyền, xây dựng quốc phòng chung Châu Âu… bằng cách bỏ phiếu chống. Nền dân chủ, tài sản chung sẽ bị lợi dụng. Vì sao cực hữu phát triển ? Theo Le Nouvel Obs, các phe này luôn khai thác nạn bài ngoại, và xu hướng chống nhập cư càng khiến dân Châu Âu lo sợ khi số sinh đẻ Châu Phi đang rất cao.

Thời kỳ hậu chiến cởi mở đang khép lại, vào năm 1944 sau khi Đồng minh đổ bộ xuống Normandie và kéo dài đến 1989 với sự sụp đổ của bức tường Berlin. Rất nhiều thành tựu đã đạt được : 72% người Châu Âu cho rằng đất nước mình hưởng lợi qua việc gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Nhưng tự do, giá trị lớn từ 80 năm qua đang bị các chính phủ ở Budapest hay mới đây là Bratislava phá hoại. Bức màn sắt đã thô bạo rơi xuống Ukraine, nơi cả một dân tộc đang chiến đấu với hy vọng tham gia Châu Âu dân chủ.

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế

Ukraine đề nghị được tự do hơn trong việc tấn công sang lãnh thổ Nga

Thùy Dương, RFI, 04/06/2024

Chỉ vài ngày sau khi Mỹ đồng ý để Ukraine sử dụng vũ khí của phương Tây để tấn công vào các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga, Kiev hôm qua 03/06/2024 cho biết sẽ yêu cầu các đồng minh cho quân đội Ukraine thêm nhiều quyền tự do hơn để tấn công đối phương.

xinphep1

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba (trái) bên cạnh ngoại trưởng Estonia Margus Tsahkna tại một khu tưởng niệm ở Kiev, Ukraine, ngày 03/06/2024. AP - Efrem Lukatsky

Theo AFP, ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kouleba, trong cuộc họp báo với đồng nhiệm Estonia Margus Tsahkna, tại Kiev, nhận định : "Đây không phải là sự cho phép tuyệt đối. Có những quy tắc cần phải tuân thủ". Ngoại trưởng Ukraine cho biết thêm : "Chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với các đồng minh của mình để mở rộng phạm vi hoạt động".

Riêng Hà Lan, theo trang mạng Politico, được L’Indépendant trích dẫn, cho biết nhân Đối Thoại An Ninh Shangri-La, bộ trưởng Quốc phòng Kajsa Ollongren, đã thông báo với Kiev là Hà Lan sẽ không hạn chế việc Ukraine sử dụng chiến đấu cơ F-16 mà Hà Lan đã viện trợ, để tấn công sang lãnh thổ Nga. Điểm duy nhất được nhấn mạnh là chiểu theo Công ước Liên Hiệp Quốc, Ukraine chỉ được nhắm vào những mục tiêu quân sự phù hợp với mục đích phòng vệ chính đáng.

Về tình hình chiến sự, theo AFP hôm qua có 3 người, trong đó có 1 thiếu niên 12 tuổi, đã thiệt mạng trong các vụ tấn công của Nga ở miền đông và đông bắc Ukraine. Nhìn sang Nga, cũng vào hôm qua, thống đốc vùng biên Koursk, Alexeï Smirnov, cho biết 20 drone của Ukraine đã bị đánh chặn.

Ý sẽ cấp thêm 1 hệ thống phòng không SAMP/T cho Kiev

Về phía Ý, theo Reuters, chính quyền Roma dự tính chuyển cho Kiev hệ thống phòng không SAMP/T thứ hai. SAMP/T còn có tên là MAMBA, là hệ thống phòng không do Pháp-Ý hợp tác chế tạo, có khả năng theo dõi hàng chục mục tiêu và đánh chặn đồng thời được 10 mục tiêu. Đây là hệ thống phòng không duy nhất do Châu Âu sản xuất có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo. Ý hiện chỉ có tổng cộng 5 hệ thống phòng không SAMP/T. Hệ thống mà Ý dự định cấp cho Ukraine hiện giờ đang được triển khai tại Kuwait. Thông báo chính thức có thể sẽ được Roma đưa ra sau thượng đỉnh G7 dự kiến diễn ra tại Ý từ ngày 13 đến 15/06. 

Thùy Dương

****************************

Dùng vũ khí Mỹ đánh vào lãnh thổ Nga : "Đèn xanh" có hạn chế của Washington

Minh Anh, RFI, 04/06/2024

Ngày 30/05/2024, lần đầu tiên kể từ khi xung đột bùng phát, tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ để đánh các mục tiêu tại Nga. Nếu như thông báo đưa ra cho thấy Washington từ bỏ một phần học thuyết mà Mỹ duy trì từ đầu cuộc chiến, những hạn chế kèm theo còn nhằm đề phòng nguy cơ leo thang quân sự với Nga.

xinphep2

Binh sĩ Ukraine khai hỏa nhằm vào quân Nga trên chiến trường gần Bakhmut, vùng Donetsk, Ukraine, ngày 02/07/2023. AP - Alex Babenko

Trong thông cáo Nhà Trắng nêu rõ "Ukraine có thể sử dụng vũ khí Mỹ để phản công tại vùng Kharkiv nhằm đáp trả các cuộc tấn công của quân đội Nga hay chuẩn bị tấn công họ". Nói một cách khác, sự cho phép này là rất hạn chế và Mỹ không thay đổi lập trường đối với lệnh cấm sử dụng tên lửa tầm xa, đặc biệt là loại hệ thống tên lửa ATACMS, cũng như là đánh sâu vào lãnh thổ Nga.

Theo giới quan sát được France 24 trích dẫn, thì lập trường mới của Mỹ "có những đường nét khá mơ hồ". Người ta chỉ có thể diễn giải điều đó rằng Ukraine chỉ có thể đánh các mục tiêu quân sự của Nga tới gần vùng Belgorod, cách biên giới Ukraine tầm 40 km và nhất là trong thế phòng thủ. Điều đó có nghĩa là Kiev không thể sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để hỗ trợ các chiến dịch phá hoại tại vùng Belgorod.

Sự cho phép có hạn chế này không gây ngạc nhiên. Tổng thống Biden là một "môn đồ" của chủ trương phi leo thang xung đột với Nga. Ông hy vọng cách tiếp cận này có thể sẽ không gây ra phản ứng mạnh mẽ từ phía Matxcơva.

Khi quyết định bật đèn xanh, nguyên thủ Mỹ phần nào đáp ứng các mong mỏi từ Kiev, rất muốn sử dụng vũ khí Mỹ để đánh sâu vào lãnh thổ Nga, và đây cũng là đòi hỏi từ nhiều nước đồng minh trong khối NATO mà Anh Quốc là nước mở màn, theo sau là Pháp và Đức.

Sự hạn chế này của Mỹ còn được diễn giải ở việc tổng thống Joe Biden còn phải chăm chút cho chương trình nghị sự chính trị cá nhân của ông. Nguyên thủ Mỹ không mong muốn Nga giành được chuỗi thắng lợi vang dội tại Ukraine trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2024. Với học thuyết mới này, Joe Biden hy vọng có thể cho phép chặn đứng đà tiến quân Nga, đồng thời bắn đi tín hiệu rằng Ukraine "sẽ có những phương tiện đáp trả bằng cách đánh vào lãnh thổ Nga", theo nhận định từ ông Patrick René Haasler, nhà phân tích chính trị chuyên về không gian hậu Xô Viết tại International Team For the Study of Security (ITS) Verona.

Nhìn chung, "đèn xanh" hạn chế này sẽ không làm thay đổi "một cách cơ bản thế tương quan lực lượng" trên thực địa. Trên thực tế, mọi việc phụ thuộc vào loại vũ khí mà Ukraine có thể sử dụng. Hệ thống phòng thủ Patriot - một con át chủ bài khác trong hệ thống vũ khí Mỹ - có thể được dùng để đối phó với những chiến đấu cơ nào của Nga tìm cách tiến đến gần phía bên kia biên giới.

Nhưng việc lắp đặt loại vũ khí này trong vùng Kharkiv là đầy rủi ro. Hệ thống này chỉ có thể hoạt động một cách hiệu quả khi được bố trí rất gần biên giới nhưng lại có nguy cơ biến thành "mồi ngon" cho hỏa lực Nga.

Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát, điều Ukraine cần là đạn pháo, để có thể nhắm vào các mục tiêu ở bên kia biên giới, khu vực mà lực lượng Nga cho đến hiện tại có thể tập hợp mà không lo sợ "một trận bão lửa". Thế nên, quyết định của Hoa Kỳ đưa ra trước hết là vấn đề số lượng hơn là chất lượng vũ khí mà Kiev có thể sử dụng để nhắm vào các mục tiêu tại Nga.

Ông Patrick René Haasler, tóm tắt như sau : "Những loại vũ khí mới được cung cấp để tấn công Nga giống như "vũ khí thần kỳ" của phương Tây, từng được cho là có thể thay đổi cục diện cuộc chiến, thì hệ quả chính của chúng ngày nay là kéo dài thời gian chiến tranh cũng như là khả năng phòng thủ của Ukraine".

Một khả năng khán cự lớn và có thể giáng nhiều tổn thất hơn trên lãnh thổ Nga là các yếu tố có thể "đóng một vai trò có lợi cho Ukraine, nếu một ngày nào đó, đàm phán hòa bình được mở ra giữa hai phe". Nếu tình hình trên thực địa tiếp tục tồi tệ, Hoa Kỳ có thể để Ukraine đánh sâu hơn vào lãnh thổ Nga.

Điều có lợi là phải giữ thế mập mờ và mang lại một phạm vi hoạt động cho Ukraine. Nhưng điều đó cũng cho phép Mỹ ấn định những giới hạn với Ukraine nhằm tránh Ukraine đi quá đà dẫn đến leo thang xung đột !

Minh Anh

Published in Diễn đàn

Hỗ trợ quân sự Ukraine : Nước Pháp "lên tuyến đầu"

Tranh cử Nghị Viện Châu Âu bước vào giai đoạn cuối và cuộc chiến Ukraine chống xâm lược Nga là chủ đề chính của nhiều nhật báo Pháp. Le Figaro dành bài xã luận trang nhất cho chủ đề nước Pháp "lên tuyến đầu", sau quyết định của tổng thống Macron cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Pháp cung cấp để tấn công một số mục tiêu quân sự trên đất Nga.

hotro1

Pháo CAESAR, loại vũ khí được Pháp viện trợ cho Ukraine. Ảnh minh họa : Tập trận Spring Storm 2023 với đại bác CAESAR, ở Estonia. AP - Sergei Grits

Tiếp theo ngoại trưởng Anh và tổng thư ký NATO, đến lượt tổng thống Pháp thông báo dỡ bỏ lệnh cấm. Ngay sau tuyên bố được nguyên thủ Pháp đưa ra trong chuyến công du Đức, tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đưa ra quyết định "tương tự" vào tối hôm qua, 30/05/2024.

Bosnia, bài học đau đớn

Bài "Macron mở cửa cho phép Kiev tấn công vào đất Nga" nhấn mạnh đây là một quyết định "muộn màng", khi nhắc lại bài học đau đớn trước đây, khi Liên Hiệp Quốc áp đặt lệnh cấm vận vũ khí với ba cộng đồng tham chiến tại Bosnia những năm 1990.

Vào thời điểm đó, nạn nhân chính của các trừng phạt là người Bosnia, bị lực lượng Serbia ở Bosnia tấn công với sự hậu thuẫn của nước Serbia láng giềng, kế thừa kho vũ khí của Nam Tư cũ. Người Bosnia, về mặt nguyên tắc, được phương Tây bảo trợ, nhưng lại bị khóa tay vì lệnh cấm vận. Tình hình ngày càng tồi tệ buộc NATO phải trực tiếp oanh kích quân Serbia tại Bosnia để cứu người Bosnia.

"Nếu không hành động gấp, phương Tây sẽ buộc phải đưa quân vào Ukraine"

Theo Le Figaro, việc không cho phép Ukraine sử dụng các vũ khí được cung cấp để tự vệ, với việc tấn công vào lãnh thổ quốc gia xâm lược, trong lúc Moskva được Trung Quốc, Iran và Bắc Triều Tiên hỗ trợ trong cuộc xâm lăng Ukraine, là điều hoàn toàn "phi lý". Cho đến nay phương Tây vẫn dè dặt trước quyết định vốn hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế về chiến tranh này, do lo ngại các phản ứng dữ dội của Nga. Tuy nhiên, thực tế hơn hai năm chiến tranh cho thấy "tất cả những lằn ranh đỏ", mà điện Kremlin vạch ra đều lần lượt bị vượt qua, từ việc cấp xe tăng, đến tên lửa tầm xa, chiến đấu cơ…

Vấn đề chủ yếu hiện nay không còn là có cho phép Ukraine hay không, mà là phương Tây có kịp giúp "lấy lại khoảng thời gian đã mất" hay không, như câu hỏi mà một nhà ngoại giao Hà Lan đặt ra. "Nếu không hành động khẩn cấp, phương Tây rút cuộc sẽ buộc phải đưa quân vào Ukraine…", Le Figaro nhấn mạnh.

Các đồng minh NATO "cần mạo hiểm hơn"

Về chủ đề này, nhật báo kinh tế Les Echos có bài "Các đồng minh NATO cần mạo hiểm hơn trong việc hỗ trợ Ukraine", chỉ trích sự chậm trễ trong việc cung cấp vũ khí cho Kiev, trong đó có kế hoạch cấp đạn pháo. Kế hoạch mua 800.000 đạn pháo sản xuất bên ngoài Châu Âu, mà Cộng hòa Czech khởi xướng cách nay ba tháng, tiến triển chậm. Theo người phụ trách, mới chỉ có 5 nước hoàn tất việc cấp tổng cộng 600 triệu euro, trong lúc hiện tại, để mua 500.000 trái đạn cần đến 1,7 tỉ euro. Và trong thời gian này Nga cũng có thể trả giá đắt hơn để tranh mua.

Theo Les Echos, bộ trưởng các thành viên NATO họp tại Praha, trong hai ngày hôm nay và hôm qua, cũng bàn về việc chuẩn bị thượng đỉnh hỗ trợ quân sự Ukraine tháng 7 tới, tại Washington. Mục tiêu là đạt được kế hoạch huy động 100 tỉ đô la hỗ trợ Ukraine trong nhiều năm. Các thành viên NATO nghiêng về khả năng khâu điều phối hỗ trợ quân sự Ukraine có thể được chuyển giao cho NATO, thay vì Mỹ hiện nay. Quyết định này, nếu được đưa ra, sẽ có thể khiến quan hệ NATO và Nga trở nên căng thẳng hơn.

Nước Pháp "lên tuyến đầu" : Cần chuẩn bị tâm lý cho người dân

Bài xã luận của Le Figaro mang tựa đề "Bên tham chiến” nhắc nhở tổng thống Macron về việc cần chuẩn bị tâm lý cho người dân Pháp trong tình thế ngày càng căng thẳng hiện nay, khi nước Pháp "lên tuyến đầu" trong mặt trận hậu thuẫn Ukraine, và nhà cầm quyền Nga gia tăng cuộc chiến tin tặc, gieo rắc tin giả, bóp méo thông tin, phá hoại. Các hoạt động gieo rắc tin giả của Nga cũng là đe dọa với Châu Âu nói chung. Libération có bài phỏng vấn ủy viên Châu Âu Vera Jourova, phó chủ tịch Ủy ban phụ trách về các Giá trị và Minh Bạch, vừa có vòng công du tại Liên Hiệp Châu Âu nhằm đánh động sự chú ý của các quốc gia thành viên khối 27 nước về can thiệp nước ngoài, đặc biệt từ Nga, đối với cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu từ ngày 6 đến ngày 9/6 tới.

Cơ quan chống tin giả Pháp Viginium, "hình mẫu" cho EU

Ủy viên Châu Âu Vera Jourova nhấn mạnh đến việc điện Kremlin khai thác những khủng hoảng hiện có của Liên Âu, như nhập cư, biến đổi khí hậu, tác động tâm lý của biến đổi kỹ thuật số kỳ thị các cộng đồng thiểu số, đặc biệt là người đồng tính, chuyển giới… Chiến dịch tấn công của Nga là nhằm "đổ dầu vào lửa" vào những vấn đề được coi là nhạy cảm nhất với công luận.

Về các biện pháp đối phó của EU, ủy viên Châu Âu phụ trách về chống tin giả nhấn mạnh đến kinh nghiệm của các nước Bắc Âu, như Phần Lan và ba nước Liên Xô cũ vùng Baltic. Bộ Quốc phòng các nước này phối hợp chặt với NATO, đi tiên phong trong việc xây dựng các hệ thống "nhận dạng" và phản ứng với các hoạt động bóp méo thông tin nước ngoài. Nước Pháp cũng được khen ngợi là quốc gia duy nhất tại Châu Âu, cùng Thụy Điển, có một cơ quan riêng phụ trách chống can thiệp kỹ thuật số (Viginum, thành lập năm 2021). Theo vị ủy viên Châu Âu này, mô hình Viginium của Pháp cần được coi là một "hình mẫu" đối với toàn Châu Âu.

Sợ hãi, hận thù phổ biến… : Đất tốt cho niềm tin vào lãnh đạo độc tài

"Những người độc thân, thu nhập thấp, lo hãi về tương lai, luôn cảm thấy bất an sâu sắc trước thế giới hiện nay" là các mục tiêu hàng đầu của các chiến dịch bóp méo thông tin. "Một xã hội sống trong sợ hãi, tình cảm hận thù trở nên phổ biến, sẽ là nơi mà người dân trông đợi các nhà lãnh đạo độc tài, đưa ra viễn cảnh dùng bàn tay sắt kiểm soát xã hội, và mang lại an ninh, thịnh vượng". Những lãnh đạo đó cũng là những người "có liên hệ với Putin".

Để hóa giải được tình trạng này, cần phải chuyển đến những người dân ấy thông tin đáng tin cậy. Cần phải bảo đảm để xã hội có được các cơ sở truyền thông "có chất lượng", hướng đến đại chúng. Không thể để giới trẻ tại nhiều nơi "coi Tiktok là nguồn thông tin chính".

"Chính trị gia xảo quyệt nhất ở Châu Âu”

Cuộc tranh cử Nghị Viện Châu Âu đang bước vào giai đoạn chót. Le Monde chú ý đến các hoạt động của thủ tướng Ý Giorgia Meloni hồ sơ trang nhất "Trò chơi hai mặt của thủ tướng Ý Meloni". Nữ thủ tướng Meloni, lãnh đạo đảng Fratelli d’Italia chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa phát xít, cùng lúc tìm cách củng cố vị thế tại Bruxelles và tại Roma. Với Liên Âu, kể từ khi đảm nhiệm chức thủ tướng từ năm 2022, bà Meloni tỏ ra là một "đối tác xây dựng", ngược hẳn với lập trường đe dọa làm Liên Âu "sụp đổ" cách nay 5 năm. Với trong nước, bà Meloni tìm cách mở rộng liên minh cầm quyền sang phía cực hữu.

Chiến thuật của thủ tướng Ý dường như mang lại kết quả. Ngày 23/05 vừa qua, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu mãn nhiệm Ursula von der Leyen khẳnh định bà Meloni "rõ ràng là một người thân Châu Âu". Một quan chức cao cấp Liên Âu coi Meloni là "một lãnh đạo cánh hữu truyền thống". Trên thực tế, về những vấn đề không liên quan đến Liên Hiệp Châu Âu, thủ tướng Meloni tỏ rõ lập trường cực hữu. Cụ thể như việc ủng hộ việc những người tranh đấu chống nạo phá thai, có mặt tại các bệnh viện để thuyết phục phụ nữ không dùng các biện pháp "chấm dứt thai kỳ".

Lãnh đạo đảng cực hữu Pháp Marine Le Pen kêu gọi thủ tướng Ý liên kết để lập ra một lực lượng chính trị "lớn thứ hai" tại Nghị Viện Châu Âu. Hiện tại, chính trị gia Ý chưa hồi đáp chính thức. Tuy nhiên, theo dân biểu Sandro Gozi, tổng thư ký đảng Dân Chủ Châu Âu, chắc chắn hai bên "đã có các quan hệ mật thiết". Chính trị gia Ý này ví thủ tướng Meloni như "một kỳ nhông biến hình", nhà lãnh đạo "xảo quyệt nhất" tại Châu Âu hiện nay. 

Tranh cử cũng cần ăn vận như ca sĩ

Về chiến dịch tranh cử Nghị Viện Châu Âu, Les Echos dường như lo ngại cho việc liên đảng cầm quyền không thu hút được sự chú ý của cử tri. Bài "Valérie Hayer lẽ ra phải ăn vận như ca sĩ Taylor Swift" nhận xét : công luận hiện nay chỉ còn chú ý đến những gì gây sốc, các hình ảnh và cảm xúc. Trong nền văn minh mang đầy tính trình diễn như hiện nay, để thu hút công chúng, các chính trị cũng cần chú ý đến các phương tiện như vậy.

Mỹ cấm nhập Uranium từ Nga : Đích nhắm chính của Mỹ là Trung Quốc

Trong lĩnh vực kinh tế và chính trị, Les Echos đặc biệt chú ý đến quyết định ngày 13/05 của Mỹ cấm nhập khẩu từ Nga uranium làm giàu 20%, dùng cho năng lượng hạt nhân. Nhật báo kinh tế nhấn mạnh : quyết định này không chỉ làm rung chuyển tận nền móng nền công nghiệp hạt nhân, mà còn xa hơn thế. Vì sao quyết định này lại có ý nghĩa ghê gớm như vậy ?

Theo Les Echos, lệnh cấm nhập khẩu đến năm 2040 này là một tín hiệu "nhắm đến Trung Quốc nhiều hơn là Nga". Cụ thể là Washington sẽ không để cho Bắc Kinh có thể tiếp tục sử dụng các kim loại hiếm, trong lĩnh vực hạt nhân cũng như trong ắc quy điện…, như "các lá bài".  Chiến tranh kim loại hiếm cũng là một hồ sơ trang nhất của Le Monde hôm nay.

Châu Âu : Tương lai ô tô điện bị đe dọa

Về xe ô tô điện, Châu Âu đang trong một giai đoạn bản lề.  "Tương lai xe ô tô chạy bằng xăng – điện tại Châu Âu bị đe dọa" là hồ sơ trang nhất của Les Echos. Xã luận Les Echos về chủ đề "Xe ô tô chạy điện : Tự vệ hay suy sụp" cho biết EU đang đứng trước lựa chọn lùi một bước để tiếp tục tiến lên, hay tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc, bằng cách tăng thuế để chống lại việc xe ô tô điện giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập thị trường Châu Âu. Quyết định về vấn đề hệ trọng này rút cục sẽ được đưa ra sau cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu đầu tháng 6 tới.

Pháp : Nhiều nữ luật sư bị sa thải vì có thai 

Nhật báo thiên tả Libération hôm nay dành trang nhất và xã luận cho chủ đề các nữ luật sư tại Pháp gặp khó khăn trong nghề khi sinh con. Libération có phóng sự điều tra về tình trạng nhiều nữ luật sư làm việc tại các văn phòng luật bị "gạt sang lề, bạo hành, sa thải, hay buộc phải từ nhiệm…, sau khi họ thông báo có mang". Xã luận Libération, nhan đề "Bất công" châm biếm khi ví tình cảnh các nữ luật sư bị kỳ thị tại Pháp với cảnh ngộ của phụ nữ dưới chế độ Taliban ở Afghanistan.

Hành trình khổ ải của công dân Pháp đi đòi lại quốc tịch

Cũng Libération dành một hồ sơ chính cho trường hợp hai anh em, công dân Pháp, bố mẹ là công dân Pháp, đột nhiên bị mất "quốc tịch". Kể từ năm 2016 đến nay, hai anh em Alexandre, 32 tuổi và Céline, 27 tuổi tranh đấu không ngừng để được công nhận trở lại là người Pháp. Các luật sư cho biết, lý do mà chính quyền đưa ra để giải thích việc tước quốc tịch là giấy khai sinh của hai đương sự, làm tại nước ngoài, bị nghi ngờ là không chuẩn.

Tai họa bất ngờ ập xuống đầu hai công dân Pháp khiến không ít người nghĩ đến thân phận nhỏ bé của con người đối diện với một cỗ máy hành chính không lồ phi nhân trong thế giới tiểu thuyết bằng tiếng Đức của đại văn hào đầu thế kỷ 20 Franz Kafka (1883 – 1924), người Do Thái, sinh quán tại Praha (Cộng hòa Czech hiện nay), thuộc đế quốc Áo - Hung.

Thế giới phi lý tột cùng của Kafka : 100 năm sau vẫn còn ám ảnh

Phụ trương Sách của Le Monde hôm nay dành chủ đề chính cho đại văn hào Kafka nhân 100 năm ngày ông qua đời. Theo Le Monde, 100 năm sau khi mất, Kafka – tác giả của tiểu thuyết Vụ án (Der Prozess) - tiếp tục là nhà văn đương đại. Tiểu thuyết gia thành Praha là một biểu tượng đối với không ít thanh thiếu niên thế hệ Z, từ những người đang ở độ tuổi từ 12 đến 25.

Trên các mạng Instagram hay TikTok, hàng loạt hình ảnh được giới trẻ sử dụng để bày tỏ thái độ lên án những gì phi lý, phi nhân, một cách nhìn mang đậm chất Kafka. Một thanh niên đưa lên mạng bức tranh một côn trùng nhìn vào chiếc điện thoại, với chú thích : "Tôi, kẻ hàng ngày đang hấp thu những điều phi lý"..., chiếc bánh gatô mừng sinh nhật của một thiếu niên 16 tuổi mang hình tượng Kafka...

Truyện của Kafkaz được nhiều người ví như "chiếc rìu phá tan biển băng đá trong mỗi con người", ''Không chắc là tất cả những người trẻ dẫn Kafka trên các mạng xã hội đã đọc ông, nhưng rõ ràng chỉ việc dẫn lại ông tự nó đã có ý nghĩa''.

Một bộ phim về người tàn tật : Thành công lớn của điện ảnh Pháp

Bài xã luận của La Croix hôm nay dành để giới thiệu về bộ phim “Un p’tit truc". Với gần 5 triệu khán giả sau một tháng công chiếu, bộ phim kể về tình đoàn kết tại một trại nghỉ hè cho người trưởng thành tàn tật, được coi là thành công lớn nhất của điện ảnh tại Pháp từ đầu năm đến nay.

Trọng Thành

Additional Info

  • Author Trọng Thành
Published in Quốc tế

Chuyển biến mới về việc Ukraine dùng vũ khí phương Tây tấn công đất Nga

Đã có những chuyển động về việc Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây, phiên tòa xử ông Donald Trump tại Mỹ, bầu cử Châu Âu, là những chủ đề được các báo Pháp chú ý hôm nay 30/05/2024.

chuyenbien1

Viktor, người lính bộ binh Ukraine thuộc lữ đoàn cơ giới 58 hút thuốc trong chiến hào ở tiền tuyến Donetsk, ngày 13/04/2024. Reuters - Thomas Peter

Giới hạn đặt ra trói tay Ukraine

Tây Ban Nha và Bỉ vừa ký kết thỏa thuận song phương với Ukraine, và Libération cũng như Le Monde, Le Figaro đều quan tâm đến việc Kiev muốn được tự do hơn trong việc sử dụng vũ khí viện trợ - điều mà phương Tây vẫn luôn từ chối. Tuy nhiên dường như đã có những chuyển biến.

Mới hôm qua, ít nhất 8 thường dân thiệt mạng trong các vụ oanh kích của Nga tại Kharkiv, Sumy, Donetsk, Dnipropetrovsk. Trong vụ bắn hỏa tiễn vào một siêu thị Kharkiv thứ Bảy tuần trước, số nạn nhân bị chết đã lên đến 19 người. Hướng đến hội nghị hòa bình giữa tháng Sáu tại Thụy Sĩ, tổng thống Volodymyr Zelensky từ đầu tuần đã có vòng công du xin viện trợ - đã trở thành thông lệ từ hai năm rưỡi qua, "để thế giới không lãng quên" và tiếp tục giúp đỡ Ukraine.

Thụy Điển vừa viện trợ 1,16 tỉ euro, trong đó có các phi cơ thám sát radar ASC890, toàn bộ thiết vận xa có trong kho, cùng với đạn pháo, hỏa tiễn phòng không và phụ tùng cho các thiết bị trước đó. Ngoài ra còn có kế hoạch hỗ trợ về năng lượng 57 triệu euro, và dự kiến viện trợ thêm 6,5 tỉ euro từ 2024 đến 2026 để trợ giúp lâu dài. Tại Tây Ban Nha, Zelensky ký thỏa thuận viện trợ 1 tỉ euro cho năm 2024 và tại Bỉ, thủ tướng Alexander De Croo hứa giao 30 chiến đấu cơ F-16 từ nay đến 2028.

Cùng với việc bày tỏ lòng biết ơn, Zelensky tranh thủ đề nghị để cho Ukraine được sử dụng vũ khí phương Tây tấn công vào lãnh thổ Nga, vì mọi hạn chế đã trở nên lạc hậu trước diễn biến trên chiến trường. Libération trích phát biểu của tổng thống Ukraine : "Tôi nghĩ đó là bất công, nhưng chúng tôi không muốn mất đi sự hỗ trợ từ đồng minh nên không sử dụng vũ khí của các đối tác để đánh vào đất Nga. Nay chúng tôi xin được cho phép".

Đồng minh chia rẽ, Moskva đắc chí

Đến nay đã có 11 nước ký thỏa thuận quốc phòng song phương với Ukraine, nhưng vẫn luôn với giới hạn : Kiev có thể dùng vũ khí, đạn dược phương Tây kể cả tại những vùng bị Nga chiếm đóng, nhưng không trên đất Nga. Dù vậy đang có những thay đổi, khi cuộc chiến đến hôm qua đã là ngày thứ 826.

Hôm thứ Ba, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố Kiev cần được phép tự vệ, "vô hiệu hóa các địa điểm quân sự đã tấn công Ukraine" từ lãnh thổ Nga, và tất nhiên là không nhắm vào mục tiêu dân sự. Thủ tướng Đức Olaf Scholz thì vẫn mơ hồ vì e sợ vấn đề nguyên tử. Nhưng tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh, một khi đã chuyển giao, vũ khí phương Tây trở thành của Ukraine, không nên "trói quặt tay người Ukraine ra sau lưng".

Hôm qua, đến lượt thứ trưởng quốc phòng Ba Lan Cezary Tomczyk nói rằng Ukraine, nạn nhân bị xâm lược cần được tự do sử dụng vũ khí do Ba Lan cung cấp theo ý mình. Nhưng Hoa Kỳ tiếp tục phản đối, và sự chia rẽ của đồng minh khiến Moskva hài lòng, thậm chí Vladimir Putin còn lên tiếng đe dọa. Ông ta nói : "Tại Châu Âu, đặc biệt là các nước nhỏ, cần phải cân nhắc mình đang làm gì. Họ phải nhớ rằng họ là các quốc gia có lãnh thổ nhỏ bé và dân số đông đúc, việc leo thang sẽ dẫn đến hậu quả trầm trọng".

Putin dùng "võ mồm" trả đũa Macron

Trong bài xã luận "Võ mồm", La Croix nhận định gần như người ta đã quen với việc Vladimir Putin dọa dẫm bằng bóng ma nguyên tử để ngăn phương Tây ủng hộ Kiev. Nhưng lời đe dọa hôm thứ Ba 28/05 đặc biệt nhắm vào Pháp, để trả đũa ông Emmanuel Macron.

Phải chăng Nga sắp tấn công nguyên tử ? Chắc chắn là không ! Những lời huênh hoang của Putin nhằm tác động vào cuộc tranh luận ở Pháp và Châu Âu, trong khi việc chi viện vũ khí cho Kiev đang tăng lên. Dù đang gặp khó ở tiền tuyến miền đông và đông bắc, nhưng lượng đạn pháo và hỏa tiễn quan trọng sắp đến nơi sẽ giúp Ukraine lại có phương tiện để chuyển sang thế công. Trong đó có những vụ oanh kích tầm xa vào Nga.

Điều này không có gì mới. Những hỏa tiễn do Pháp và Anh sản xuất từ mùa hè 2023 đã gây thiệt hại lớn cho Hạm đội Hắc Hải ở Crimea. Theo luật pháp quốc tế, việc Ukraine tấn công vào các mục tiêu quân sự trên đất Nga là hợp pháp, nhưng Kiev cần có vũ khí từ phương Tây. Hoa Kỳ cũng như nhiều nước Châu Âu do dự vì sợ cho là đồng tham chiến, còn Paris nay công khai chấp nhận rủi ro này. Đó là một dấu hiệu mạnh mẽ mà Putin hoàn toàn lĩnh hội.

Đối với Mỹ, Ukraine không phải là cuộc chiến mang nghĩa tồn vong

Lý giải về sự khước từ của Mỹ, Le Monde cho biết "Giờ đây nhiều chuyên gia sẵn sàng nhìn nhận là đối với Washington, cuộc chiến tranh ở Ukraine không phải là cuộc chiến sống còn". Kể từ ngày 24/02/2022, các nhà lãnh đạo phương Tây đều khẳng định cuộc chiến đấu chống xâm lăng của người Ukraine mang ý nghĩa tồn vong, trước mối đe dọa thay đổi đường biên giới, viết lại lịch sử của Putin. Nhưng đối với các láng giềng sát cạnh của Nga, và phần còn lại của Châu Âu, và với Hoa Kỳ thì sao ? Câu hỏi không chỉ mang tính triết lý, mà còn có ý nghĩa thực tiễn và chiến lược.

"Thật khó khăn" - ngoại trưởng Ukraine, Dmytro Kuleba, nhìn nhận về tình hình trên chiến trường. "Nhưng hãy gởi cho chúng tôi những gì cần thiết : hỏa tiễn Patriot, đạn pháo, để cho chúng tôi tấn công các mục tiêu quân sự ở Nga, và quý vị sẽ thấy thay đổi". Đây là một trong những vấn đề mà Hoa Kỳ bị phê phán nhiều nhất. Tại sao lại trói tay Kiev, trong khi Nga tha hồ đánh vào thường dân, phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự Ukraine ? Quân Nga càng tấn công dữ dội và đẫm máu, cuộc chiến càng bất bình đẳng. Theo Le Figaro, trên thực tế một dạng đối đầu đã diễn ra giữa Nga và Châu Âu : chiến tranh đa diện. Moskva đã nâng mức xung đột với những hoạt động phá hoại, tấn công mạng, lũng đoạn…

Sự do dự của Mỹ, sau gần bảy tháng Quốc hội đóng băng viện trợ cho Ukraine càng làm giảm sự tin tưởng của các đồng minh Bắc Âu, Đông Âu vào ê-kíp Joe Biden. Một cựu đại sứ Mỹ nhìn nhận, Hoa Kỳ hứa bảo vệ Israel nhưng chưa bao giờ nói như vậy với Ukraine. Washington là nhà viện trợ hàng đầu cho Kiev nhưng từ chối cam kết nhiều hơn, ngăn chận viễn cảnh Ukraine gia nhập NATO, để yên cho Kremlin dọa dẫm về vũ khí nguyên tử.

Để ngỏ cửa hậu thương lượng với kẻ phóng hỏa ?

Một viên chức Đông Âu ví von trên Le Monde : "Nhà đang cháy, vì có kẻ đổ xăng vào. Lính cứu hỏa đến nơi nhưng trễ, một số xe chữa cháy không có nước, số khác phun nước vào những nhà bên cạnh. Ở trong nhà, trẻ em Ukraine đã chết, cha mẹ các em lo dập lửa, xin gởi thêm nhiều xe cứu hỏa và xin nước từ láng giềng. Và đơn vị cứu hỏa lớn nhất trả lời : Các vị cần phải cám ơn vì những gì đã được điều đến ! Vâng, họ giúp, nhưng câu hỏi thực sự là có thể dập tắt được ngọn lửa hay không ?".

Càng phức tạp hơn, khi đơn vị quan trọng nhất này vẫn chưa quyết định xem có nên làm mọi cách để hỏa hoạn chấm dứt. Một số điều khiến người ta nghĩ rằng họ để ngỏ cửa hậu để thương lượng với kẻ phóng hỏa rằng OK, sẽ để cho anh ta đốt vài căn phòng nếu hứa không đốt trọn căn nhà. Còn chúng ta không dám phản đối vì sợ họ bảo tất cả xe cứu hỏa quay đi. Có thể hiểu đơn vị cứu hỏa láng giềng là Đức và đơn vị lớn nhất là Hoa Kỳ.

Hôm thứ Hai, tổng thư ký Jens Stoltenberg tại hội nghị NATO ở Sofia khẳng định đã đến lúc xem lại việc hạn chế sử dụng vũ khí phương Tây nhắm vào mục tiêu quân sự ở Nga, và hội nghị đã thông qua tuyên bố theo hướng này. Anh, Pháp đồng ý, còn Đức, Ý nghiêng về phía Mỹ. Theo các nhà lãnh đạo Baltic, vấn đề là đồng minh vẫn chưa thỏa thuận về việc "bảo đảm chiến thắng cho Ukraine", cũng như làm thế nào để dập tắt lửa.

Tin giờ chót từ Reuters và AFP cho biết rốt cuộc tổng thống Joe Biden đã đồng ý cho Ukraine dùng vũ khí Mỹ tấn công vào đất Nga nhưng chỉ tại khu vực Kharkiv mà thôi.

"Tôi đã quá già để ra đi !"

Trên thực địa, các phóng viên Le Figaro gởi về nhiều bài phóng sự. Bên cạnh "trò chơi trốn tìm trên các đường phố Ukraine để tránh bị động viên", còn có "hàng ngàn tù nhân xung phong ra chiến trường để bổ sung vào quân đội Ukraine đang thiếu người". Theo bộ trưởng tư pháp Ukraine, Denys Maliouska, 613 tù nhân trong số 3.868 người tù tình nguyện đã được tòa án cho phép gia nhập quân đội. Mỗi người đều được khám sức khỏe thể chất và tâm thần trước khi đưa hồ sơ lên tòa án. Những người phạm tội hãm hiếp, tái phạm sát nhân, tội chống Nhà nước đều bị loại. Tổng cộng có khoảng 19.000 tù nhân có thể được xem xét, theo luật mới ban hành. Họ sẽ được huấn luyện trong nhiều tháng và được trang bị đầy đủ trước khi bổ sung cho các đơn vị tác chiến.

Còn tại phía bắc Kharkiv, đặc phái viên tờ báo đến với những người lính Ukraine đang chống chọi lại các đợt tấn công của quân Nga. Trong căn hầm một căn nhà bỏ hoang gần Lypsi, một đơn vị drone đã bắt đầu làm việc trước khi bình minh thức dậy, để hỗ trợ cho lữ đoàn 92 ở Kharkiv. Lữ đoàn này được triển khai xung quanh Bakhmut, đã được điều khẩn cấp đến phía bắc Kharkiv, bốn ngày trước khi quân Nga vượt qua biên giới, một lần nữa đe dọa thành phố lớn thứ nhì của Ukraine. Bộ phận drone gặp nhiều khó khăn vì Nga gây nhiễu – một cuộc chiến tranh điện tử diễn ra cùng lúc với các trận đánh. Công nghệ phát triển rất nhanh, thường xuyên phải "đi bước trước" để đối phó với địch.

Trong ba tuần lễ, quân Nga đã kiểm soát được hai vùng đất ở bắc Lypsi và Vovchansk. Cũng trong thời gian đó, trên 11.000 thường dân đã được các tình nguyện viên giúp đỡ đi sơ tán. Một nông dân cho biết không hề muốn ra đi, nhưng từ hai ngày qua, tình hình trở nên khủng khiếp. Ivan Nicolaïevivh cầm theo một bịch rượu horilka. Ông nói đùa "50 độ, để chống lại nỗi sợ". Rồi ông cụ 82 tuổi bỗng dưng bật khóc : "Nhà tôi là thiên đàng, có tất cả những gì cần có để sống hạnh phúc. Tôi đã già, quá già để ra đi".

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế

Tổng thống Pháp ủng hộ Ukraine dùng vũ khí phương Tây tấn công một số địa điểm quân sự tại Nga

Thùy Dương, RFI, 29/05/2024

Hôm 28/05/2024, ngày cuối cùng trong chuyến công du cấp Nhà nước tại Đức, tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng Pháp - Đức tại Meseberg. Trước đó, tổng thống Macron và thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có buổi họp báo. Nguyên thủ Pháp bất ngờ ủng hộ việc Ukraine sử dụng các vũ khí mà phương Tây viện trợ để oanh kích một số địa điểm quân sự trên lãnh thổ Nga.

uk1

Tổng thống Emmanuel Macron giương tấm bản đồ chiến dịch của Nga tấn công vùng đông bắc Ukraine tại một cuộc họp báo ở Meseberg, Đức, ngày 28/05/2024. AP - Ebrahim Noroozi

Từ Meseberg, đặc phái viên Valérie Gas gửi về bài tường trình :

Tổng thống Emmanuel Macron từng khiến các đối tác Châu Âu ngạc nhiên khi ông nêu khả năng điều binh lính tới lãnh thổ Ukraine. Tại Meseberg lần này, cùng với thủ tướng Đức Olaf Scholz, ông Macron lại có một bước tiến mới trong việc ủng hộ Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây chống lại Nga.

Tổng thống Pháp phát biểu : "Chúng ta phải cho phép họ vô hiệu hóa các địa điểm quân sự mà từ đó tên lửa (của Nga) được phóng đi và các địa điểm mà từ đó họ tấn công Ukraine, nhưng chúng ta không được cho phép họ tấn công vào các mục tiêu khác ở Nga".

Gần như ngay lập tức, Moskva phản ứng và có lời đe dọa về "các hậu quả nghiêm trọng". Washington cũng đưa ra phản ứng nhanh chóng không kém, phản đối các cuộc tấn công của Ukraine nhắm vào lãnh thổ Nga.

Như vậy là tổng thống Emmanuel Macron đang tìm cách gây hiệu ứng, làm thay đổi tình hình. Trái lại, về việc điều các nhà huấn luyện quân sự của Pháp sang Ukraine như Kiev đã nêu lên, nguyên thủ Pháp không muốn xác nhận.

Ông nói : "Tôi thường không bình luận về những tin đồn hay quyết định có thể sẽ được đưa ra. Tôi sẽ có cơ hội tiếp đón tổng thống Zelensky vào tuần tới, khi ông ấy tới Pháp nhân dịp D-Day [kỷ niệm cuộc đổ bộ của quân Đồng Minh lên bãi biển Normandie hồi năm 1944, thời Đệ Nhị Thế Chiến] và khi đó, tôi sẽ đưa ra ý kiến rất rõ ràng, cụ thể và thông báo những gì chúng tôi sẽ thực hiện".

Emmanuel Macron muốn biến lễ kỷ niệm 80 năm cuộc đổ bộ vào Normandie, với sự quy tụ của tất cả các đồng minh, thành một sự kiện ngoại giao và chiến lược".

Theo AFP, tổng thống Nga Vladimir Putin, đang công du Uzbekistan, xem đây là một "điều nghiêm trọng" và cảnh báo là Châu Âu, đặc biệt "các nước nhỏ nhưng rất đông dân", ám chỉ nước Pháp, phải "suy nghĩ kỹ về trò chơi mà họ đang tham gia", bởi vì "sự leo thang thường trực có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng".

Tại Mỹ, John Kirby, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, hôm qua khẳng định là quan điểm của Washington vẫn không thay đổi : Mỹ "không khuyến khích và không cho phép" Ukraine sử dụng vũ khí mà Washington cấp cho Kiev để tấn công sang lãnh thổ Nga.

Về khả năng điều các nhà huấn luyện quân sự sang Ukraine, cũng trong ngày hôm qua, lãnh đạo ngành ngoại giao Châu Âu, Josep Borrell, sau cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng của Liên Âu, khẳng định tạm thời chưa có sự đồng thuận trong khối về việc này.

Thùy Dương

***************************

Lãnh đạo ngoại giao Liên Âu : Ukraine có quyền sử dụng vũ khí của phương Tây để tấn công Nga

Thanh Phương, RFI, 28/05/2024

Lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu, Josep Borrell, hôm nay 28/05/2024 tuyên bố Ukraine có quyền sử dụng vũ khí phương Tây viện trợ để tấn công vào lãnh thổ Nga. 

uk2

Lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Âu, Josep Borrell, phát biểu trước báo giới, tại Bruxelles, ngày 27/05/2024. AP - Virginia Mayo

Theo hãng tin AFP, phát biểu khi khai mạc một cuộc họp với các bộ trưởng quốc phòngg Liên Hiệp Châu Âu tại Bruxelles, ông Borrell cho rằng phải có sự cân bằng giữa mối lo ngại leo thang với nhu cầu tự vệ của Ukraine. Ông nói : "Theo các luật về chiến tranh, hoàn toàn có thể làm như vậy, và không hề có sự mâu thuẫn. Tôi có thể đáp trả hoặc chiến đấu chống kẻ tấn công tôi từ lãnh thổ của kẻ đó".

Vấn đề cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ của phương Tây để tấn công vào lãnh thổ Nga hiện đang gây tranh cãi giữa các nước đồng minh của Kiev. Ukraine thường xuyên thúc giục các nước đối tác, nhất là Mỹ, cho phép họ sử dụng các vũ khí của phương Tây có tầm bắn xa hơn để tấn công vào các mục tiêu ở Nga. 

Tổng thư ký khối NATO, Jens Stoltenberg, cũng như một số nước Châu Âu đã bày tỏ sự ủng hộ, nhưng nhiều nước đồng minh khác, trong đó có Đức và Hoa Kỳ, vẫn không đồng ý, vì sợ dẫn đến xung đột trực tiếp với Nga. 

Bỉ cam kết sẽ cấp 30 chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine 

Tiếp đón tổng thống Volodymyr Zelensky tại Bruxelles hôm nay, 28/05/2024, Vương quốc Bỉ cam kết sẽ cung cấp cho Kiev tổng cộng 30 chiến đấu cơ F-16 từ đây đến năm 2028, để hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga. 

Trên đây là thông báo của ngoại trưởng Bỉ, Hadja Lahbib. Theo hãng tin AFP, bà tỏ ý hy vọng là các máy bay F-16 sẽ bắt đầu được chuyển giao cho Ukraine kể từ cuối năm nay. 

Trong khuôn khổ chuyến công du Châu Âu, tổng thống Zelensky đến Bruxelles để ký một hiệp định an ninh song phương với Vương quốc Bỉ nhằm tăng cường các phương tiện quân sự cho Kiev.

Kể từ khi Nga mở cuộc chiến tranh xâm lăng Ukraine, Bruxelles đã hứa viện trợ tổng cộng 1,2 tỷ euro cho Kiev, theo số liệu do bộ trưởng quốc phòngg Bỉ Ludivine Dedonder đưa ra. Bộ quốc phòngg Bỉ cũng đã huấn luyện cho gần 2.500 binh lính Ukraine. 

Sau Bỉ, tổng thống Zelensky sẽ đến Bồ Đào Nha hôm nay để thảo luận với thủ tướng Luis Montenegro và tổng thống Marcelo Rebelo de Sousa về tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng.

Thanh Phương

*************************

Kiev thông báo chuyên gia quân sự Pháp sắp tới Ukraine

Anh Vũ, RFI, 28/05/2024

Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, tối hôm 27/05/2024, đã tiết lộ thông tin chuyên gia quân sự Pháp chuẩn bị được gửi đến Ukraine để huấn luyện quân đội nước này đối phó với đà tiến của quân Nga. Ngay sau đó, Kiev đã giảm thiểu tầm mức của thông báo, xác nhận vấn đề này vẫn đang trong quá trình thảo luận với Paris.

uk3

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensk được bộ trưởng Quân lực Pháp Sébastien Lecornu đón tại sân bay Orly, ngoại ô Paris, ngày 16/02/2024. AFP – Bertrand Guay

Thông tín viên Stéphane Siohantừ Kievcho biết thêm :

"Tôi hoan nghênh sáng kiến của Pháp gửi các sĩ quan huấn luyện quân sự tới Ukraine. Tôi đã ký các văn kiện để cho phép họ tới các trung tâm huấn luyện của chúng tôi". Đó là nội dung mà tướng Ukraine Oleksandr Syrsky thông báo trên mạng Telegram cuối ngày hôm qua, thứ Hai. Ngay sau đó, Paris đã phản ứng thận trọng hơn trước việc phổ biến thông tin này.

Thông báo trên của Kiev được đưa ra chỉ vài ngày sau chuyến thăm Ukraine hồi tuần trước của tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp, tướng Thierry Burkhard, chính thức khẳng định lại với các đồng nghiệp Ukraine về sự hậu thuẫn của quân đội Pháp.

Người ta có thể nghĩ rằng cuộc thảo luận giữa các sĩ quan cao cấp Pháp và đồng nhiệm Ukraine không chỉ giới hạn trong trao đổi thân tình, vào lúc mà Paris đẩy mạnh hỗ trợ vũ khí và chơi bài mập mờ về việc gửi quân đến Ukraine.

Nhưng có lẽ đơn giản là trên hồ sơ rất nhạy cảm này, theo một cách nào đó, tổng tham mưu trưởng Ukraine đã vượt mặt chính phủ Pháp như để tạo ra hiệu ứng động lực.

Tối thứ Hai, bộ tổng tham mưu đã giảm nhẹ tầm mức của thông tin. Trong một thông cáo, phía Ukraine khẳng định vấn đề mới chỉ bắt đầu được nghiên trong nội bộ, để tránh mất thời gian khi quyết định chính trị được đưa ra".

Anh Vũ

Additional Info

  • Author Thùy Dương, Thanh Phương, Anh Vũ
Published in Quốc tế

Với viện trợ và lối tiếp cận đúng, Kyiv vẫn có thể giành chiến thắng

hocthuyet0

Một quân nhân Ukraine bắn pháo về phía quân đội Nga ở khu vực Donetsk, Ukraine, tháng 5/2024 - Valentyn Ogirenko / Reuters

Chính phủ Mỹ đã quyết định viện trợ thêm cho Ukraine ngay trong thời điểm then chốt. Vào cuối tháng Tư, ngay trước khi gói viện trợ được thông qua, đất nước bị chiến tranh tàn phá này đã cạn kiệt lượng đạn dự trữ cuối cùng và phải phân phối hạn chế đạn pháo – hậu quả là các lực lượng Ukraine bắt đầu mất dần lãnh thổ. Gói viện trợ 60 tỷ USD hiện đang được đổ vào Ukraine sẽ giúp khắc phục những bất cập này, mang đến cho Kyiv cơ hội ngăn chặn cuộc tấn công của Nga. Gói viện trợ này cũng đóng vai trò như một cú hích tâm lý lớn, mang lại cho người Ukraine sự tự tin mới rằng họ sẽ không bị đối tác quan trọng nhất của mình bỏ rơi.

Tuy nhiên, chỉ gói viện trợ không thôi sẽ không thể trả lời cho câu hỏi trung tâm mà Ukraine đang phải đối mặt : làm thế nào để giành chiến thắng trong cuộc chiến. Ngay cả với sự đóng góp từ Châu Âu và các khu vực khác, mặc dù cần thiết để giúp Kyiv tiếp tục chiến đấu khi cuộc xung đột kéo dài, cũng không thể giải quyết được câu hỏi này. Điều Ukraine cần không chỉ là thêm viện trợ mà còn là một chiến lược giành chiến thắng – điều mà một số đối tác của họ đã cố tình tránh thảo luận. Mỹ chưa bao giờ lên kế hoạch hỗ trợ Kyiv cho một khoảng thời gian dài hơn vài tháng, ngay cả khi Quốc hội yêu cầu cung cấp một chiến lược dài hạn nhằm hỗ trợ Ukraine như một phần của dự luật viện trợ. Mỹ đã tập trung vào các chiến thuật ngắn hạn, chẳng hạn như cuộc phản công được mong đợi nhiều vào năm 2023, thay vì các chiến lược hoặc mục tiêu dài hạn khả thi – bao gồm cả một chiến thắng tiềm năng trước Nga. Cho đến cuối năm ngoái, các quan chức Mỹ thậm chí còn tránh sử dụng từ "chiến thắng" trước công chúng. Tương tự, Mỹ thường tránh liên kết mục tiêu của mình ở Ukraine với sự thất bại của Nga. Tuyên bố dài hạn thực sự duy nhất của Washington – rằng họ sẽ hỗ trợ Ukraine "cho đến khi cần thiết" – bản thân nó là vô nghĩa.

Cho đến thời điểm này, Ukraine đã nêu rõ các mục tiêu của mình. Chúng bao gồm giải phóng toàn bộ lãnh thổ trong phạm vi biên giới được quốc tế công nhận ; trao trả tù nhân chiến tranh, công dân bị trục xuất và trẻ em bị bắt cóc ; thực thi công lý thông qua truy tố tội phạm chiến tranh và yêu cầu bồi thường ; và thiết lập các thỏa thuận an ninh lâu dài. Nhưng Kyiv và các đối tác của họ vẫn chưa thống nhất về cách thức đạt được những mục tiêu này. Có vẻ như không ai có thể đưa ra được một lý thuyết về cách Kyiv có thể giành chiến thắng.

Đã đến lúc phải thay đổi. Phương Tây cần tuyên bố rõ ràng rằng mục tiêu của họ là một chiến thắng quyết định của Ukraine và sự thất bại của Nga, và họ phải cam kết cung cấp viện trợ quân sự trực tiếp cho Kyiv và hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng đang phát triển của đất nước này. Trong khi đó, các lực lượng Ukraine cần phải nỗ lực tiến công cho đến khi họ có thể đẩy lùi lực lượng Nga khỏi tất cả các lãnh thổ bị chiếm đóng, bao gồm cả Crimea. Khi Ukraine đạt được tiến bộ hướng tới mục tiêu này, cuối cùng người dân Nga sẽ nhận ra rằng họ sẽ tiếp tục mất mát không chỉ lãnh thổ ở Ukraine mà còn cả nguồn nhân lực và kinh tế khổng lồ – và triển vọng tương lai về thịnh vượng và ổn định của họ. Vào thời điểm đó, chế độ của Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẽ phải chịu áp lực đáng kể, từ cả bên trong và bên ngoài, để chấm dứt chiến tranh theo các điều khoản có lợi cho Ukraine.

Dĩ nhiên, việc đe dọa quyền kiểm soát Crimea của Nga – và gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế và xã hội của họ – sẽ rất khó khăn. Nhưng đây là chiến lược thực tế hơn so với phương án thay thế được đề xuất : một thỏa thuận dàn xếp hòa bình trong khi Putin còn tại vị. Putin chưa bao giờ đồng ý tôn trọng chủ quyền của Ukraine – và sẽ không bao giờ đồng ý. Ngoài ra, lập trường của Nga về cuộc chiến tranh đang ngày càng mang tính chất hủy diệt hơn, viện dẫn Giáo hội Chính thống giáo Nga và gợi ý rằng cuộc xung đột này giống như một cuộc thánh chiến, với những hậu quả mang tính sống còn. Bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tình huống hiện tại có thể dẫn tới kịch bản ít tồi tệ nhất là Ukraine bị tàn phá, chia cắt và hoàn toàn dễ bị tổn thương trước một cuộc xâm lược thứ hai khả dĩ của Nga. Trong tình huống tồi tệ nhất, nó sẽ xóa sổ hoàn toàn đất nước. Không một nền hòa bình bền vững, lâu dài nào có thể nảy sinh từ các cuộc đàm phán với một kẻ xâm lược có ý định diệt chủng. Ukraine và phương Tây phải thắng hoặc phải đối mặt với những hậu quả tàn khốc.

Khi người Mỹ và Châu Âu suy ngẫm về việc có nên giúp Kyiv tránh khỏi số phận khủng khiếp này, các quan chức Mỹ nên nhớ rằng nếu phương Tây thất bại, điều đó sẽ khuyến khích các cuộc xâm lược tiếp theo của Nga. Các quan chức quân sự cấp cao và quan chức tình báo ở các nước Châu Âu đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về viễn cảnh này. Nga đã đe dọa các nước láng giềng khác của mình, bao gồm cả các quốc gia thuộc NATO, và Moscow có thể sẽ hành động nếu họ có thể khuất phục Ukraine trước. Một chiến thắng của Nga cũng sẽ thúc đẩy tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vì nó sẽ cho thấy giới hạn trong cam kết của phương Tây đối với việc bảo vệ chủ quyền của các đối tác. Cuộc xung đột Nga-Ukraine không diễn ra một cách độc lập. Một kết quả tiêu cực sẽ khiến cả thế giới phải gánh chịu.

Kết thúc cuộc chiến là trên hết

Việc Ukraine và các đối tác của họ vẫn thiếu một chiến lược chiến thắng sau ba năm chiến tranh là một vấn đề nghiêm trọng. Không có mục tiêu cuối cùng, các nhà lãnh đạo ở Kyiv, Washington và Brussels đang đưa ra những quyết định then chốt trên cơ sở tịnh tiến và không thống nhất. Ukraine có thể đạt được những thành công cục bộ, nhưng không thể đánh bại hoàn toàn kẻ thù ; về phía mình, các đối tác phương Tây của Kyiv có xu hướng chỉ nghĩ đến gói viện trợ tiếp theo. Và nếu không có bức tranh chiến lược, sẽ rất khó để duy trì tinh thần và ý chí chiến đấu ở Ukraine và xa hơn.

Xây dựng một học thuyết chiến thắng sẽ khó khăn hơn nhiều so với năm 2022, khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện. Kể từ đó, Nga đã quân sự hóa nền kinh tế, chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh dài hơi, quản lý để chiêu mộ một đội quân hùng hậu và sản xuất kho dự trữ thiết bị khổng lồ. Nhưng bất chấp những thành công này, học thuyết chiến tranh trên bộ của Moscow vẫn chưa tinh vi. Nó tập trung vào việc sử dụng các nhóm bộ binh nhỏ với sự hỗ trợ của một vài xe bọc thép để tấn công các vị trí khác nhau trên một tiền tuyến trải dài hơn 1.600 km. Chiến thuật này đã cho phép Moscow giành được một lượng lãnh thổ hạn chế – nhưng chỉ sau khi thiệt hại một lượng lớn quân đội và vũ khí. Thiệt hại của Nga, bao gồm cả thương vong lên đến hàng nghìn người mỗi ngày, gần như tương ứng với lượng quân mới được tuyển mộ, vốn có chất lượng thấp hơn nhiều so với những binh sĩ của năm 2022. Bất chấp những khoản đầu tư khổng lồ, năng lực của Moscow không phải là vô hạn. Chẳng hạn, mỗi tháng, Nga mất số xe tăng tương đương với số xe được sản xuất, và họ đang "đốt cháy" kho dự trữ xe bọc thép cũ kỹ của mình với tốc độ không bền vững. Và quan trọng hơn, Nga đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động và tài nguyên, một phần nhờ vào sự kết hợp của các lệnh trừng phạt của phương Tây, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và chiến dịch ném bom của Ukraine đang hạn chế khả năng lọc dầu và bán dầu của Nga.

Mặc dù Nga có vẻ bề ngoài hùng mạnh, nhưng thực chất không phải là kẻ thù bất khả chiến bại. Những lợi ích nhỏ của Nga chỉ có thể đạt được nhờ lợi thế áp đảo về hỏa lực – điều này chỉ xảy ra do sự gián đoạn viện trợ từ phương Tây. Hệ thống pháo binh của họ dựa trên các mẫu cũ, thiếu độ chính xác và khả năng tấn công tầm xa, và các hệ thống rocket phóng loạt, xe tăng và thiết bị hàng không của họ không thể so sánh được với các mẫu cùng loại của phương Tây. Nếu Ukraine có thể gia tăng các cuộc tấn công chính xác bằng pháo tầm xa, họ có thể đảo ngược tình thế của cuộc chiến và áp đặt một tỷ lệ tiêu hao không thể chấp nhận được lên Moscow. Cuối cùng, Nga sẽ không thể thay thế nhân lực và vật chất đủ nhanh. Nền kinh tế của nước này đơn giản là không thể duy trì cuộc chiến tranh trước những tổn thất liên tục.

Nếu Ukraine có đủ nguồn cung cấp vũ khí, họ sẽ có thể kiềm chế sức mạnh pháo binh của Nga. Hệ thống phòng không được cải tiến, bao gồm cả máy bay tiêm kích F-16 được trang bị tên lửa không đối không tầm xa, sẽ giảm thiểu các cuộc tấn công của Nga vào các cơ sở hạ tầng quan trọng bên trong Ukraine cũng như các đơn vị đóng quân gần tiền tuyến. Với việc các lực lượng của Nga ngày càng bị tê liệt, Ukraine sẽ sớm có thể sử dụng các hệ thống tầm xa của phương Tây – chẳng hạn như Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (được biết đến nhiều hơn với tên ATACMS) – để hạ gục các trung tâm chỉ huy và kiểm soát của Nga cũng như các loại khí tài phòng không.

Để hoàn thành tất cả các nhiệm vụ này, Kyiv cũng cần sử dụng drone với số lượng lớn hơn nhiều. Ukraine đã chứng minh rằng họ có thể sử dụng các phương tiện không người lái với hiệu quả tàn khốc ; ví dụ, nhờ các cuộc tấn công bằng drone, Hạm đội Biển Đen của Nga đã bị vô hiệu hóa. Drone cũng giúp ngăn chặn các cuộc huy động quy mô lớn của Nga trên bộ. Và chúng đang giúp Ukraine có thể tấn công sâu vào Nga, đánh vào các cơ sở dầu mỏ, căn cứ quân sự và nhà máy vũ khí của Nga. Để chống lại mối đe dọa đó, Moscow có thể cần phải đặt hầu hết các hệ thống phòng không của mình ở quê nhà. Nga đơn giản là quá rộng lớn để hệ thống phòng thủ của họ có thể đồng thời che chắn cho cả hậu phương và chiến trường. Nó sẽ càng dễ bị tổn thương hơn nếu Mỹ cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu hợp pháp bên trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí do Mỹ cung cấp.

Quá trình làm suy yếu các vị trí của Nga và làm giảm quyết tâm của Nga có khả năng sẽ mất khoảng một năm, sau đó Ukraine nên giành lại quyền chủ động. Kyiv nên một lần nữa phát động các cuộc phản công hạn chế, cho phép họ giành lại các địa hình quan trọng. Nếu cuộc phản công này thành công, chế độ của Putin có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng do những tổn thất nặng nề và thất bại trên chiến trường. Rốt cuộc, hệ thống chính trị của Nga đã bắt đầu xuất hiện những vết nứt. Cuộc nổi dậy bất thành năm 2023 của lãnh đạo lính đánh thuê Yevgeny Prigozhin, việc giáng chức hoặc bắt giữ các quan chức quân sự cấp cao, bao gồm cả Tướng Sergei Surovikin, và thành công đáng kinh ngạc của những kẻ khủng bố Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS) khi tấn công Moscow vào tháng 3 đều phản ánh tính dễ bị tổn thương ngày càng tăng của chế độ. Nếu Ukraine có thể đạt tới điểm mà Nga không thể giữ được lợi thế, Putin sẽ gặp rắc rối lớn. Hành động chiếm đóng Crimea vào năm 2014 có tác động quan trọng củng cố uy tín trong nước của Putin ; vì thể để mất kiểm soát bán đảo Crimea sẽ là một thất bại mang tính biểu tượng lớn.

Thành công của Ukraine trên bộ, trên không và trên biển phải song hành với áp lực rộng lớn trên các mặt trận kinh tế và thông tin. Mỹ và Châu Âu nên đưa ra các chiến dịch trừng phạt quyết liệt hơn, bao gồm cả các lệnh trừng phạt thứ cấp đối với bất kỳ công ty nào hoạt động ở Nga. Người Nga phải chứng kiến nguồn tài sản quốc gia của họ tan rã, và nền kinh tế của họ hướng tới tình trạng đình trệ vĩnh viễn, để hậu quả của cuộc xâm lược của Putin có thể ảnh hưởng đến họ. Phương Tây cũng phải tiến hành một chiến dịch thông tin hung hăng và mạnh mẽ hơn – tương đương với chiến dịch chống lại Đức Quốc xã trong Chiến tranh Thế giới thứ II hoặc Liên Xô trong thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh – để gia tăng những chia rẽ về nhận thức đối với cuộc chiến tranh bên trong và bên ngoài nước Nga. Người dân Nga đã chấp nhận chiến tranh một cách thụ động : họ cần được nhắc nhở, thông qua một loạt các kỹ thuật bao gồm cả tuyên truyền công khai và bí mật, về những chi phí con người và xã hội không thể chấp nhận được của cuộc chiến. Putin có quá nhiều điều để mất nếu tự mình chấm dứt chiến tranh, nhưng điều đó không đúng với những người xung quanh ông ta, những người không mong muốn thấy nước Nga bị thụt lùi vĩnh viễn ; cạn kiệt nguồn lực vật chất, nhân lực và tài năng ; và bị chi phối bởi Trung Quốc. Putin và ban lãnh đạo của ông ta là trọng tâm của nỗ lực chiến tranh của Nga ; bất kỳ nỗ lực nào để chấm dứt chiến tranh đều phải bắt đầu bằng việc làm suy yếu chế độ của ông ta, cùng với hình ảnh thành công và không thể sai lầm của nó.

Chiến lược quân sự của Ukraine phải được tích hợp với chương trình nghị sự chính trị của họ. Lịch sử Nga cho thấy những cuộc chiến tranh thảm khốc của nước này thường dẫn đến thay đổi chính trị. Thất bại của Nga trước quân đội Ottoman và Châu Âu trong Chiến tranh Crimea 1853-1856 đã khiến Nga không thể triển khai hải quân ở Biển Đen và giới hạn các mục tiêu bành trướng trong nhiều năm. Thất bại đẫm máu trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật 1904-1905 đã dẫn đến sự tan rã đáng kể chế độ chuyên chế độc tài của Sa hoàng. Một sự ô nhục về mặt quân sự ở hiện tại có thể thúc đẩy các biến động chính trị tương tự. Chế độ Putin có thể không yếu kém nếu nhìn từ bề ngoài, nhưng sự ổn định của nó chỉ là một ảo ảnh do đàn áp tạo ra.

Để giành chiến thắng, hãy ngừng sợ chiến thắng

Ukraine đã sẵn sàng để đương đầu với thách thức. Kyiv đang tăng cường khả năng huy động lực lượng dự bị bằng cách hạ độ tuổi nhập ngũ và hủy bỏ các miễn trừ nghĩa vụ quân sự. Bước đi này tuy khó khăn nhưng cần thiết, gợi nhớ đến việc thực hiện nghĩa vụ quân sự được nhiều quốc gia phương Tây áp dụng trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới. Phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, đang tiếp tục cung cấp huấn luyện và cố vấn, đặc biệt là cho các sĩ quan chỉ huy. Phương Tây nên tiếp tục cung cấp một lượng lớn vật chất – đặc biệt là sau khi chứng kiến việc chậm trễ viện trợ có thể mang lại cho Nga lợi thế lớn như thế nào trên chiến trường. Sự hỗ trợ như vậy là cần thiết cho thành công của Kyiv.

Nhưng có một đóng góp quan trọng khác mà phương Tây có thể thực hiện : hợp tác trực tiếp với ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine. Ngành này đã phát triển vượt bậc trong hai năm qua ; ví dụ, ngành công nghiệp drone đã phát triển từ việc chỉ sản xuất một số lượng nhỏ drone vào năm 2022 lên đến sản xuất hàng chục nghìn chiếc hiện nay. Các hệ thống do Ukraine sản xuất cũng trở nên tinh vi hơn, có thể tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga theo những cách không thể tưởng tượng vào năm 2022.

Thành công của Ukraine không phải là điều ngạc nhiên. Ukraine là trung tâm của ngành hàng không vũ trụ Liên Xô cũ, và ngày nay, họ có rất nhiều kỹ sư lành nghề và tinh thần khởi nghiệp. Nhưng họ cần công nghệ, linh kiện, thiết bị sản xuất, nguồn tài chính từ nhà cung cấp và quan hệ đối tác phương Tây để phát huy hết tiềm năng của mình. Nếu phương Tây có thể cung cấp những nguồn lực này, năng lực sản xuất của Ukraine sẽ tăng vọt, củng cố thành công trên chiến trường của đất nước. Với sự giúp đỡ của phương Tây, ví dụ, Kyiv có thể tăng sản lượng drone lên gấp mười lần và đưa chúng ra chiến trường nhanh hơn nữa. Một chiến lược công nghiệp chung giữa phương Tây và Ukraine cũng quan trọng như chiến lược quân sự.

Nếu phương Tây có thể giúp ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine hoạt động hết công suất, vị thế của Nga sẽ trở lung lay hơn bao giờ hết. Chiến lược của Nga dựa vào quy mô, khả năng phân bổ và tập trung lực lượng, và một số yếu tố tinh vi về kỹ thuật, chẳng hạn như chiến tranh điện tử. Nhưng Nga yếu kém về mặt chiến thuật, khiến họ dễ bị tổn thương trước một chiến dịch sử dụng drone quy mô lớn và kéo dài. Một cuộc tấn công trên không của Ukraine nhằm phá hủy hậu cần của Nga, gây thêm áp lực lên nền kinh tế và cơ sở hạ tầng quân sự của Nga, đồng thời phá hủy (chứ không phải vô hiệu hóa) Hạm đội Biển Đen của nước này sẽ tạo ra những cú sốc trong nước, có khả năng đe dọa đến chế độ của Putin.

Hiện tại, các nhân sự cấp dưới của Putin tin rằng Nga hoàn toàn có thể giành thắng lợi trong cuộc chiến. Chỉ bằng cách bẻ gãy niềm tin đó thông qua các thất bại của Nga, Ukraine và phương Tây mới có thể mở ra cánh cửa cho việc Putin rút quân hoặc cuối cùng bị lật đổ. Trong những điều kiện như vậy, Putin có khả năng sẽ chọn cách tự bảo vệ bản thân hơn là chiến thắng. Và nếu vì một lý do nào đó ông ta không làm vậy, những người khác có thể đưa ra lựa chọn đó thay cho ông ta. Trong mọi trường hợp, Ukraine nên tiếp tục chiến dịch giành lại lãnh thổ. Một kiểu tấn công trên bộ khác – kiểu tấn công diễn ra sau khi Kyiv đạt được ưu thế trên không với chiến dịch drone – có thể cô lập và giải phóng Crimea.

Một số nhà phân tích phương Tây, lo sợ leo thang hạt nhân, có thể e ngại trước một chiến thắng kiểu này của Ukraine. Putin chắc chắn đã cố gắng kích thích những lo ngại như vậy trong hai năm qua, gợi ý rằng ông ta có thể sử dụng vũ khí hạt nhân khi phương Tây cân nhắc cung cấp xe tăng, tên lửa và máy bay phản lực. Nhưng Putin chưa bao giờ hành động theo những lời lẽ hiếu chiến của mình, ngay cả khi phương Tây luôn vượt qua từng lằn ranh đỏ. Thay vào đó, Ukraine phải chịu những chi phí do sự do dự của Mỹ và Châu Âu tạo ra ; vào mùa hè năm 2022, trong khi các đối tác tranh luận về việc cung cấp hỗ trợ gì, Kyiv đã bỏ lỡ những cơ hội quan trọng để tận dụng các cuộc phản công thành công đầu tiên của mình bằng cách tiếp tục tiêu diệt lực lượng của Putin một cách nhanh chóng. Thực tế là một cuộc tấn công hạt nhân của Nga sẽ kích động một phản ứng khốc liệt từ phương Tây, đặc biệt là từ Mỹ, khiến Putin khó có khả năng mạo hiểm. Ông ta đặc biệt không thể sử dụng vũ khí hạt nhân vì những người bạn của Putin ở Bắc Kinh cũng kiên quyết chống lại các cuộc tấn công như vậy.

Nỗi lo sợ bất ổn nói chung của phương Tây là có cơ sở : một thất bại mang tính quyết định thực sự có thể đánh dấu sự kết thúc của chủ nghĩa Putin, khiến nước Nga rơi vào tình trạng bất ổn chính trị. Nhưng nhiệm vụ của phương Tây không phải là cứu một chế độ tội phạm khỏi sụp đổ. Nước Nga ngày nay là một quốc gia thường xuyên phạm tội giết người hàng loạt, tra tấn và hiếp dâm ; nó tiến hành các hoạt động phá hoại và giết người trên lãnh thổ NATO ; và nó thực hiện các chiến dịch thông tin sai lệch và can thiệp chính trị. Nga đã tiến hành các hoạt động thù địch không ngừng chống phương Tây không phải vì những gì phương Tây đã làm mà bởi vì bản chất của chế độ. Nói cách khác, chế độ của Putin từ lâu đã rời bỏ cộng đồng các quốc gia văn minh. Cơ hội duy nhất để Nga trở lại bình thường là thông qua thất bại, điều này sẽ nghiền nát tham vọng bành trướng của Putin và cho phép đất nước này tỉnh táo đánh giá lại con đường của mình và cuối cùng gia nhập lại xã hội của các quốc gia văn minh. Điều này không có nghĩa là chiến lược của phương Tây nên công khai nhắm vào việc thay đổi chế độ. Nhưng điều đó có nghĩa là Ukraine và các đối tác của họ không nên sợ sự tự hủy hoại của Putin và bộ máy kiểm soát của ông ta.

Trong cuộc chiến này, tài nguyên, tiền bạc và công nghệ đều nghiêng hẳn về phía phương Tây. Nếu chúng được cung cấp cho Ukraine với số lượng đủ, bao gồm cả ngành công nghiệp quốc phòng của đất nước, Kyiv có thể giành chiến thắng. Nga đơn giản là không đủ sức mạnh quân sự để đánh bại một nước Ukraine được phương Tây hậu thuẫn, vì vậy hy vọng duy nhất của họ là thao túng những lo ngại của phương Tây. Do đó, đã đến lúc các chính phủ NATO ngừng rơi vào bẫy của Putin. Để phương Tây giành chiến thắng, họ phải ngừng sợ hãi chiến thắng. Làm như vậy, phương Tây có thể đạt được an ninh cho bản thân và cho Ukraine – quốc gia đã hy sinh rất nhiều, cả cho chính nghĩa của mình và cho lý tưởng tự do rộng lớn hơn.

Andriy Zagorodnyuk & Eliot A. Cohen

Nguyên tác : "‘A Theory of Victory for Ukraine", Foreign Affairs, 21/05/2024

Viên Đăng Huy biên dịch

Nguyễn Thế Phương hiệu đính

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 27/05/2024

ANDRIY P. ZAGORODNYUK điều hành Trung tâm Chiến lược Quốc phòng. Từ năm 2019 đến 2020, ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine và là một thành viên Hội đồng Đại Tây Dương ;

ELIOT A. COHEN là Chủ tịch Arleigh Burke về Chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Hoa Kỳ.

Additional Info

  • Author Andriy Zagorodnyuk và Eliot A. Cohen, Viên Đăng Huy, Nguyễn Thế Phương
Published in Diễn đàn

Vì sao dù chịu áp lực ở Kharkiv, Crimea vẫn là ưu tiên của Ukraine ?

Le Monde ngày 27/05/2024 giải thích "Vì sao Crimea vẫn là ưu tiên của Kiev". Hầu như hàng đêm hỏa tiễn và drone của Ukraine đều nhắm vào các mục tiêu quân sự Nga tại bán đảo bị Moskva chiếm năm 2014, nhưng Kiev không hề muốn để yên trong tay kẻ xâm lược.

crimea1

Ảnh vệ tinh cho thấy kho chứa nhiên liệu của quân Nga bị phá hủy trong vụ tấn công vào căn cứ không quân Belbek, Crimea ngày 16/05/2024 via Reuters - Maxar Technologies

Crimea và ý nghĩa chính trị

Tờ báo kể ra : Alouchta, Perevalne, Saky, Simferopol... là những địa điểm bị hỏa tiễn tầm xa ATACMS tấn công vào cuối tuần qua, đánh vào trạm radar, trung tâm viễn thông... làm hai người chết. Trước đó phi trường Belbek bị oanh tạc hai đêm liên tiếp, nhiều chiến đấu cơ và hệ thống phòng không bị phá hủy hoặc hư hại ; một tàu phóng hỏa tiễn bị đánh chìm ở cảng Sevastopol… Tuy ám ảnh về Crimea là chính đáng, nhưng liệu có nên lãng phí sức lực trong khi đang chịu áp lực nặng nề ở miền bắc và miền đông hay không ?

Theo các nhà phân tích phương Tây, Ukraine không thể bỏ rơi bán đảo. Thibault Fouillet, Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng giải thích, Crimea được tổng thống Volodymyr Zelensky coi là ưu tiên chiến lược trong năm 2024. Thành công tại Crimea, nhất là việc đuổi được Hạm đội Hắc Hải khỏi cảng Sevastopol, giúp cân bằng lại những thua thiệt ở Donbass và Kharkiv, nâng cao tinh thần binh sĩ và dân chúng.

Chặn đường tiếp tế của Nga, chuẩn bị đón F-16

Tuy các trận đánh chủ yếu diễn ra trên đất liền, Crimea vẫn là cơ sở hậu cần quan trọng của quân Nga ở miền nam. Những chuyến xe lửa tiếp tục đi qua cầu Kerch dù chiếc cầu này bị hư hại một phần nên phải giảm tải, và nhiều chuyến tàu xuyên qua biển Azov đến tiếp tế cho quân Nga. Như vậy đánh vào hậu cần Nga là quan trọng, nhưng theo chuyên gia Stéphane Audrand trên Le Monde, trong tương lai có thể thay đổi, vì Moskva đang cho xây dựng những đường xe lửa mới xung quanh Mariupol.

Tấn công thường xuyên Sevastopol, Ukraine cũng chận trước việc Nga quay lại phía đông Hắc Hải, để tiếp tục xuất cảng ngũ cốc. Kiev đã xuất được 45 triệu tấn hàng bằng hành lang nối cảng Odessa với eo biển Bosphore trong 9 tháng qua, giúp tái thúc đẩy kinh tế. Đối với giới quân sự phương Tây, nhắm vào radar và phòng không Nga ở Crimea còn nhằm chuẩn bị đón các chiến đấu cơ phương Tây.

Khoảng 60 chiếc F-16 được Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan, Bỉ hứa chuyển giao, những chiến đấu cơ đầu tiên sẽ đến nơi vào đầu mùa hè. Stéphane Audrand cho biết, nhất thiết không thể để cho Moskva biết được lúc nào F-16 có mặt để có thể tấn công. Còn về đạn dược, các hỏa tiễn tầm xa SCALP-Storm Shadow hay ATACMS hữu dụng hơn để xử lý các mục tiêu chiến lược thay vì những nhóm nhỏ lính, tác động cũng lớn hơn so với Donbass, nơi bị hạn chế tầm bắn.

Cuộc xâm lăng khiến Ukraine thiệt hại 56 tỉ đô la về môi trường

Les Echos chú ý đến "Môi trường, một nạn nhân khác của chiến tranh ở Ukraine". Một phần lãnh thổ của đất nước này đầy những mìn, đạn pháo, rốc-kết sẵn sàng phát nổ khiến những chất độc hại ngấm vào lòng đất. Đặc phái viên của tờ báo tại Dovhenke, ngôi làng có 800 dân nằm giữa Kharkiv và Donetsk, nhận thấy hiếm có ngôi nhà nào còn nguyên vẹn. Dù được quân đội Ukraine giải phóng từ tháng 9/2022, những con đường làng vẫn còn đầy mảnh đạn và ở một số nơi là các rốc-kết Grad.

Ihor Kniazev, một nông dân cho biết không thể trồng trọt vì Dovhenke và những khu vực xung quanh còn đầy mìn chống tăng và mìn chống cá nhân. Không tuần lễ nào không có những tiếng nổ vang lên trên cánh đồng. Bộ phận phụ trách gỡ mìn của nhà nước hết sức bận rộn, và bốn nhân viên suýt nữa đã bỏ mạng khi đến Dovhenke vì chiếc xe cán nhằm mìn chống tăng. Theo cơ quan khẩn cấp của Ukraine (DSNS), kể từ đầu cuộc xâm lăng họ đã vô hiệu hóa được gần 490.000 vật nổ trên toàn quốc, nhưng chỉ là một phần không đáng kể trong số mìn và đạn pháo chưa nổ đang hiện diện trên 30% lãnh thổ Ukraine.

Giáo sư Daniel Hryhorczuk của đại học Illinois cho biết mối nguy không chỉ ở đó, mà còn do mặt đất bị ô nhiễm vì hóa chất độc hại từ thuốc nổ như TNT, RDX, HMX, PFAS và các kim loại nặng có thể ngấm vào nước ngầm. Bên cạnh đó còn có dầu nhớt từ xe quân sự và nhiều chất độc khác. Báo cáo mới nhất trên "Journal of Occupational Medicine and Toxicology" ước tính cuộc xâm lăng của Nga gây thiệt hại đến trên 56 tỉ đô la cho môi trường.

Thanh trừng tại Nga : Giới an ninh chứng tỏ đứng trên quân đội

Về phía nội tình Moskva, Les Echos nhìn thấy "Thông qua các vụ bắt bớ trong quân đội Nga : Phía sau sự thất sủng là thông điệp của Kremlin". Chỉ trong vòng một tháng, thứ trưởng quốc phòng và bốn sĩ quan cao cấp đã bị tống giam vì gian lận hay tham nhũng - một sự tái khẳng định quyền hành của phe an ninh.

Nhật báo tả lại một ngày bình thường ở tòa án quân sự Moskva. Một thanh niên nghi ngờ phá hoại đường xe lửa để ủng hộ Ukraine, bị 25 năm tù vì tội phản quốc. Một đạo diễn nổi tiếng bị cáo buộc "cổ vũ khủng bố" vì một vở kịch tố cáo số phận của các phụ nữ được Hồi giáo tuyển mộ. Rồi bỗng dưng xuất hiện khuôn mặt của Yuri Kouznetsov, mới tháng trước còn là giám đốc nhân sự đầy quyền lực của bộ quốc phòng. Hôm thứ Năm 23/05, ông ta phải trả lời qua video, phía sau song sắt một nhà tù. Luật sư yêu cầu cân nhắc những huy chương trong quá khứ để chuyển sang quản thúc tại gia nhưng thẩm phán từ chối, Yuri Kouznetsov bị đối xử như bất kỳ tù nhân nào.

Bốn nhân vật cao cấp khác cũng bị sỉ nhục tương tự. Thứ trưởng quốc phòng Timur Ivanov, nổi tiếng với cách sống xa hoa, bị bắt hôm 23/04. Rồi đến tướng Vadim Shamarin, phó tổng tham mưu trưởng ; Vladimir Verteletski, giám đốc bộ phận hậu cần ; Ivan Popov, cựu tư lệnh quân đoàn 58. Vladimir Putin vẫn chưa lên tiếng về đợt thanh trừng này. Putin biết rằng phe "siloviki" muốn chứng tỏ quyền lực trước quân đội, nhưng ông ta không phải là Stalin, không kiểm soát được tất cả.

Nạn tham nhũng vẫn sẽ hoành hành

Theo một nguồn tin thân cận với giới quân sự ở Moskva, năm vụ bắt giữ trên đây có ý nghĩa khác nhau. Tướng Ivan Popov được binh sĩ yêu mến, được các blogger dân tộc chủ nghĩa ủng hộ, thường lên tiếng phê phán, làm bộ trưởng Sergey Shoigu bị mờ nhạt. Một chuyên gia Châu Âu nhận xét : "Popov lẽ ra nên im lặng. Trong hệ thống quân sự Nga, người ta không chỉ trích trong nội bộ, và lại càng không công khai. Ông ấy đã ký vào bản án tử về lâu về dài".

Còn về tham nhũng không phải là chuyện lạ trong quân đội, ai làm trong ngành tiếp vận càng có nhiều cơ hội. Timur Ivanov là giám đốc hậu cần, không chỉ ăn hối lộ quá nhiều mà còn phô trương sự giàu có. Theo chuyên gia trên, bây giờ là lúc chỉnh đốn, tuy không thay đổi gì về căn bản nhưng làm hài lòng dân chúng. Nhất là vào lúc quân Nga đang tiến được trên chiến trường Ukraine, Kremlin có thể vừa khoe chiến thắng vừa chứng tỏ quyết tâm chống tham nhũng.

Ukraine, Trung Quốc, Châu Âu : Ba hồ sơ lớn trong quan hệ Pháp-Đức

Bên cạnh chiến tranh ở Ukraine, dự luật trợ tử, trợ cấp thất nghiệp, sự kiện tổng thống Pháp sang Đức trong chuyến thăm chính thức cấp nhà nước lần đầu tiên kể từ 24 năm qua được báo chí chú ý nhất hôm nay. Chuyến công du ba ngày của tổng thống Emmanuel Macron bắt đầu từ tối qua, với 21 phát đại bác chào mừng khi bước xuống phi cơ. Ông tham dự "Ngày hội dân chủ" tại Berlin – nước Đức kỷ niệm 75 năm công bố Hiến Pháp và 35 năm bức tường Berlin sụp đổ. Tuy nhiên Les Echos cho rằng không nên ảo tưởng : Khó thể hâm nóng được quan hệ Pháp-Đức một cách lâu dài.

Tại Berlin cũng như Münster hay Dresden, sẽ có những bài diễn văn hùng hồn, sự xúc động thậm chí khơi dậy lòng nhiệt thành nơi giới trẻ Đức khi lắng nghe tổng thống Pháp phát biểu bằng ngôn ngữ nước mình. Nhưng như vậy chưa đủ. Khó thể hóa giải bất đồng giữa hai quốc gia chủ chốt của Châu Âu trước những hồ sơ quan trọng : chiến tranh ở Ukraine, thái độ trước Bắc Kinh và nhất là tương lai Châu Âu. Đôi bên phải tập trung vào ba chủ đề chính : phòng vệ quân sự trong một thế giới đang hỗn loạn, khoảng cách kinh tế và công nghệ của châu lục so với Hoa Kỳ và Trung Quốc, thành công của cực hữu tại Pháp và Đức.

Trong lúc tình hình đang trầm trọng, sẽ mất thì giờ vô ích nếu tranh cãi về nguyên tử lực, bảo hộ thương mại, ngân sách - những khác biệt lâu nay. Hai nước đã cùng lập ra đồng euro cách đây 25 năm, rồi quyết định duy trì Hy Lạp trong khu vực đồng tiền chung Châu Âu năm 2012, và tay trong tay chống lại khủng hoảng Covid. Tuy nhiên việc này đòi hỏi sự khiêm tốn của Emmanuel Macron để lắng nghe quan ngại của nước láng giềng, và tầm nhìn trung và dài hạn của Olaf Scholz thay vì ngắn hạn. Bên cạnh đó, những lãnh đạo lớp cũ yêu mến nước Pháp không còn nhiều, ảnh hưởng của Paris đã giảm sút tại Đức. Về kinh tế, vai trò của Pháp cũng bớt quan trọng hơn với Đức.

Cùng giúp Kiev, nhưng Paris và Berlin khác biệt quan điểm

La Croix nhấn mạnh đến "Viện trợ cho Ukraine, hồ sơ gây bất hòa giữa Pháp và Đức". Các nhà quan sát cho rằng cuộc tranh luận sẽ bớt gay gắt so với hồi đầu năm - khi thủ tướng Olaf Scholz từ chối cung cấp hỏa tiễn tầm xa Taurus cho Kiev, và sau đó bác bỏ đề nghị gởi quân sang Ukraine của ông Emmanuel Macron. Chưa kể đến việc Berlin liên tục đòi hỏi Paris gia tăng quân viện cho Kiev.  Là quốc gia Châu Âu viện trợ nhiều nhất cho Ukraine, chỉ sau Hoa Kỳ, Đức dựa vào báo cáo của Viện Kiel để chỉ trích vị trí thứ 9 của Pháp. Nhưng Paris nói rằng đó chỉ là ngắn hạn, và nhà nghiên cứu Jacob Ross ở Berlin cho là nên đặt bản báo cáo trong bối ảnh Pháp phải can thiệp tại nhiều nơi trên thế giới, còn Đức tập trung 100% vào Ukraine.

Chuyên gia Claire Demesmay của trung tâm Marc-Bloch ở Berlin nhận định, về căn bản, hai nước đều có mục tiêu chung là ủng hộ Kiev. Vấn đề là bằng cách nào và với những vũ khí nào. Nếu Pháp-Đức bớt căng thẳng, một phần là nhờ sự hòa giải của tân chính phủ Ba Lan, và cuộc gặp ba bên ở Berlin cuối tháng 3 giữa Olaf Scholz, Emmanuel Macron và Donald Tusk. Qua đó, ba nước đều đồng ý về một loạt biện pháp như gia tăng mua vũ khí ở các nước thứ ba, dùng tiền lời từ tích sản Nga tại Châu Âu để hỗ trợ về quân sự. Vấn đề tài trợ cho Ukraine trong trung và dài hạn thì vẫn gây tranh cãi : Paris ủng hộ việc Châu Âu cùng đứng ra vay nhưng Berlin chưa sẵn sàng.

Thụy My 

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế

Nga mở chiến dịch tấn công Kharkiv từ hôm 10/5 và đã chiếm được khoảng 180 km vuông lãnh thổ Ukraine. Một trong những nguyên nhân buộc Ukraine phải chịu tổn thất này, đó là tình trạng tham nhũng trong quá trình xây dựng tuyến phòng thủ.

thamnhung1

Ukraine dựng hệ thống phòng thủ "Răng Rồng" gần biên giới với Nga và tỉnh Kharkiv. Ảnh ngày 17/04/2024. AP - Evgeniy Maloletka

La Croix cho biết, ngày 22/05/2024, Nghị Viện Ukraine thông báo thành lập một ủy ban điều tra để làm sáng tỏ về việc sử dụng các nguồn quỹ để xây dựng công sự, nguồn cội mọi sự công kích từ phe đối lập và binh sĩ trên chiến trường từ nhiều tháng qua. Các cuộc tấn công do Nga phát động từ hôm 10/5 nhằm vào Kharkiv, đã làm lộ rõ những yếu kém của hàng công sự.

Ông Konstantin Nemichev, chỉ huy đơn vị Kraken, một đơn vị mang nặng chủ nghĩa dân tộc, đã tố cáo là hàng công sự được xây dựng "không đủ chắc chắn" và quá trễ, "hai hay ba tháng trước khi Nga bắt đầu tấn công", trong khi vùng Kharkiv đã "được giải phóng cách nay một năm rưỡi".

Trên thực tế, việc xây dựng chiến hào, hầm trú ẩn hay chứa đạn dược, bãi mìn và chướng ngại vật chống xe tăng đã được khởi động từ đầu năm 2024. Công trình đòi hỏi đào đất ba tuyến phòng thủ riêng biệt dài hơn 3.000 km trên mặt trận và giáp biên giới với Nga. Công trường khổng lồ này huy động cả phía quân đội, bên đào các chiến hào gần với mặt trận nhất, và các công ty xây dựng Ukraine, chịu trách nhiệm lập các công sự bằng bê-tông cho tuyến phòng thủ thứ ba.

Sự can dự của doanh nghiệp tư nhân đồng nghĩa với một loạt các hợp đồng được ký kết. Nhưng theo Nashi Groshi, tổ chức phi chính phủ chống tham nhũng Ukraine, các cuộc đấu thầu trị giá hơn 21 tỷ hryvnias (tương đương 485 triệu euro) dường như đã được đúc kết chỉ riêng trong tháng 2 và 3/2024 để xây công sự, cao gấp 30 lần cho toàn năm 2023.

Dòng vốn tài trợ này làm gia tăng nguy cơ tham nhũng. Ba ngày sau khi Nga mở màn chiến dịch đánh Kharkiv, tổ chức chống tham nhũng "Meja" đã chỉ trích cách thức chọn doanh nghiệp mà tổ chức này cho là đáng ngờ trong việc cung cấp gỗ xây dựng các chiến hào ở vùng Kharkiv.

Theo tiết lộ của "Meja" được báo Pháp Ouest France ngày 14/5 trích dẫn, 163 triệu euro cho việc xây dựng các tuyến phòng thủ được chính quyền vùng Kharkiv ký hợp đồng, nhưng các công sự vẫn chưa được hoàn toàn thực hiện, trong khi tiền đã được trả, đặc biệt là cho năm công ty ảo. Tổ chức chống tham nhũng này còn nêu lên nghi vấn, làm thế nào những doanh nghiệp đó có thể cung cấp một khối lượng khổng lồ lên đến 40 ngàn mét khối gỗ cho công trình.  

Trả lời chất vấn truyền thông Ukraine, thống đốc vùng, ông Oleh Syniehoubov, đã biện minh là do hạn chế về thời gian nên "khó thể tuân thủ các tiêu chuẩn do văn phòng tổng thống, văn phòng các bộ trưởng và nhất là quân đội, yêu cầu", để xác minh các doanh nghiệp, vừa được thành lập chỉ cách đó vài tháng.

Theo ông Anatoli Yarema, luật sư bên cạnh tổ chức "Meja", câu trả lời này là không thỏa đáng. "Nếu những doanh nghiệp này không thực hiện nghĩa vụ và không cung cấp gỗ, các chiến hào sẽ chẳng thể nào được hoàn thành"…

Trong trước mắt, vụ việc bị tiết lộ đã gây ra một nạn nhân. Viên chỉ huy quân sự vùng Kharkiv đã được thay bằng tướng Mykhailo Drapatyi, người đã giải phóng vùng Kherson hồi tháng 11/2022.

Tham nhũng trong lĩnh vực khai thác gỗ nếu từ lâu đã được công chúng biết đến như là vấn nạn, thì cuộc xâm lược Nga đã biến tệ nạn này thành vấn đề an ninh quốc gia. Cũng xin nói thêm rằng, theo xếp hạng TI – chỉ số Nhận thức Tham nhũng – do Tổ chức Minh bạch Thế giới thực hiện, dù có chút tiến bộ, Ukraine bị xếp hạng thứ 104 trong số 180 quốc gia, trên gần 40 bậc so với Nga, xếp thứ 141.

Minh Anh

Nguồn : RFI, 27/05/2024

Additional Info

  • Author Minh Anh
Published in Quốc tế

Ukraine : Chiến tranh buộc Zelensky làm tổng thống vô thời hạn ?

Thu Hằng, RFI, 23/05/2024

Nhiệm kỳ 5 năm của ông Volodymyr Zelensky trên nguyên tắc đã kết thúc ngày 19/05/2024, nhưng cuộc xâm lược của Nga buộc tổng thống Ukraine đảm nhiệm chức vụ "vô thời hạn". Trong năm thứ 6 đứng đầu nhà nước, ông Zelensky phải đối mặt với những chỉ trích về tính chính đáng, cũng như những thách thức lớn trên chiến trường, vào lúc Nga đang thắng thế trong đợt phản công mới ở đông bắc Ukraine.

uk1

Tổng thống Volodymyr Zelensky thị sát các chiến tuyến tại vùng Kharkiv, Ukraine, ngày 06/04/2024. AP

Ukraine sống trong tình trạng thiết quân luật từ năm 2022 và như vậy sẽ không được phép tổ chức bầu cử, chiếu theo Luật Bầu cử. Còn điều 108 của Hiến pháp Ukraine quy định người đứng đầu nhà nước phải đảm đương chức vụ cho tới khi một tổng thống mới được bầu lên. Trên thực tế, khả năng Zelensky tiếp tục nhiệm kỳ tổng thống đã được thảo luận từ mùa đông 2023 và nhìn chung được người dân chấp nhận.

Không thể tổ chức bầu cử công bằng

Đa số người dân cho rằng không thể tổ chức bầu cử vào thời chiến trong bối cảnh vài trăm nghìn người đang phục vụ trong quân đội và hàng triệu người phải rời đất nước để lánh nạn. Giáo sư khoa học chính trị Oleksi Haran, nhà nghiên cứu tại Quỹ Sáng kiến Dân chủ, được Le Monde trích dẫn ngày 22/05, nhận định bầu cử vào thời điểm này có thể sẽ là "nguồn cơn chia rẽ đất nước", trong khi Ukraine đang cần đoàn kết hơn bao giờ hết để chống quân xâm lược Nga. Cuộc bầu cử sẽ "không mang tính cạnh tranh thực sự trong khi cả nước bị oanh kích".

Diễn viên trẻ đầy hoài bão khi nhậm chức năm 2019 trở thành một vị chỉ huy quân sự đầy trăn trở, già đi trông thấy trong ba năm chiến tranh. Lên làm tổng thống năm 41 tuổi với 73,2% phiếu bầu, gương mặt mới trong chính trường Ukraine đã hứa rất nhiều cải cách : Chấm dứt "thời kỳ nghèo đói, dối trá, tham lam", chấm dứt chiến tranh ở miền đông và lấy lại những vùng đất bị Nga chiếm đóng. Trong những năm đầu, ông tiến hành cuộc chiến chống giới tài phiệt, chống tham nhũng và tập trung phát triển cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, uy tín của tổng thống giữ nhiều kỷ lục (chiến thắng áp đảo ở hầu hết các vùng miền đông và tây Ukraine, duy trì được tỉ lệ tín nhiệm cao trong thời gian dài chưa từng có) bắt đầu sụt giảm từ năm 2021, khi ông bị cáo buộc bổ nhiệm nhiều bạn bè thân hữu vào các vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước. Đến khi Nga xua quân xâm lược Ukraine, tỉ lệ tín nhiệm ông tăng mạnh trở lại, nhất là khi ông từ chối đề nghị của Mỹ đi lánh nạn ở nước ngoài, mà ở lại Kiev để chỉ huy cuộc kháng chiến.

Nhiệm kỳ mới đầy thách thức 

Chiến tranh càng kéo dài, danh tiếng của "thủ lĩnh thời chiến" và một số cơ quan nhà nước cũng giảm theo, theo ghi nhận của Volodymyr Fessenko, nhà phân tích chính trị, kiêm giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Penta. Có thể thấy ông Zelensky tiếp tục chức vụ tổng thống năm thứ 6 trong bối cảnh không suôn sẻ. Trong nội bộ, ông bị chỉ trích vì cách sử dụng nhân sự, đặc biệt sau khi cách chức cựu tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Valeriy Zaluzhny, dù sau đó bổ nhiệm ông làm đại sứ ở Anh.

Trên chiến trường, Ukraine luôn trong thế thủ vì thiếu nhân lực, vũ khí. Nga mở chiến dịch phản công ở miền đông và đông bắc, chiếm nhiều khu vực ở tỉnh Kharkiv để "lập vùng đệm". Quân đội mệt mỏi sau hơn hai năm chiến tranh ròng rã buộc tổng thống hạ tuổi nghĩa vụ quân sự để huy động tân binh. Bộ Quốc phòng Nga chuyển hướng lãnh đạo sang nền "kinh tế chiến tranh", cho thấy cuộc xung đột chưa có hồi kết.

Dù đa số người dân Ukraine ủng hộ việc không tổ chức bầu cử tổng thống vào thời điểm này, nhưng vẫn có những ý kiến phản đối. Và đây cũng là cái cớ để Nga khẳng định ông Zelensky là tổng thống "bất hợp pháp" kể từ ngày 20/05. Theo phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov, người dân Ukraine sẽ sớm "đặt câu hỏi về tính hợp pháp" về chức vụ của tổng thống Zelensky.

Thay vì thắc mắc về việc kéo dài nhiệm kỳ tổng thống, trên trang Oukrainska Pravda, được Le Courrier international trích dẫn, nhà báo Mykhailo Doubynianskiy đặt câu hỏi ở một khía cạnh khác : Liệu Zelensky có chấp nhận làm tổng thống nếu lúc đó ông mường tượng ra được nhiệm kỳ 5 năm của ông sẽ như thế này hay không ? Từ một diễn viên, ông Zelensky trở thành "tổng thống chiến tranh" "với những nỗ lực khổng lồ, với tinh thần kháng cự không thể tưởng tượng nổi, với một ý chí sắt đá". Đối với cây bút xã luận này, "những nhà đối lập ở Ukraine hiện giờ cần quyết định xem ưu tiên của họ là gì ? Thanh toán hận thù chính trị, hay tránh để rơi vào cãi bẫy của Nga ?". 

Trọng Thành

**************************

Quân đội Nga tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật để đối phó với "đe dọa" phương Tây

Trọng Thành, RFI, 22/05/2024

Quân đội Nga bắt đầu tập trận với vũ khí "hạt nhân chiến thuật" từ ngày hôm qua, 21/05/2024, tại quân khu miền nam, giáp giới với Ukraine. Theo bộ Quốc Phòng Nga, cuộc tập trận là nhằm đáp trả "các đe dọa của một số lãnh đạo phương Tây".

uk2

Quân nhân Nga tham gia giai đoạn đầu của cuộc tập trận, bao gồm huấn luyện về chuẩn bị và sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược, tại một địa điểm không xác định ở Quân khu miền Nam của Nga. Ảnh trích từ video được bộ Quốc Phòng Nga công bố ngày 21/05/2024. via Reuters - Russian Defence Ministry

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, trong giai đoạn tập trận này, binh sĩ Nga được huấn luyện để "nạp các loại đạn đặc biệt" lên dàn phóng tên lửa Iskander, có thể mang đầu đạn hạt nhân, và bí mật di chuyển các phương tiện này đến những địa điểm phát hỏa.

Thông tín viên Anissa El Jabri từ Moskva cho biết cụ thể : 

"Nga đã thông báo trước đó về các cuộc tập trận này đúng vào ngày 06/05/2024, ngay trước lễ nhậm chức nhiệm kỳ tổng thống mới của Putin, và ba ngày trước cuộc diễu hành quân sự truyền thống ngày 09/05. Vào thời điểm đó, bộ Quốc Phòng Mỹ nói đến "đây là một ví dụ về lối tuyên truyền vô trách nhiệm mà chúng ta đã từng thấy từ phía Nga".

Điện Kremlin giờ đây đã biến lời nói thành hành động với những hình ảnh tuyên truyền rầm rộ. Từ cuối ngày hôm qua, kênh Telegram của bộ Quốc Phòng Nga đã phổ biến hình ảnh các chuyến xe tải hạng nặng, chở tên lửa Iskander và các bệ phóng tên lửa siêu thanh. Trên các kênh Telegram cá nhân, giới phóng viên quân sự Nga dĩ nhiên hòa cùng một nhịp với bộ Quốc Phòng, với nhiều bài viết dài về hệ thống vũ khí được quảng bá là hùng mạnh nhất thế giới.

Một thông điệp đe dọa khác là vị trí của cuộc tập trận, nằm trong "quân khu phía nam", với bộ tư lệnh nằm tại thành phố Rostov, nơi đặt tổng hành dinh của chiến dịch quân sự chống Ukraine của Putin. Các vùng lãnh thổ của Ukraine bị Nga sát nhập cũng thuộc phạm vi của Quân khu này".

Theo AFP, hôm nay, 22/05/2024, một quan chức Bộ Ngoại giao Nga, Artem Stoudennikov, nhấn mạnh là, nếu Pháp "đưa quân" đến Ukraine, phản ứng của Nga sẽ "không chỉ là về mặt chính trị". Ông Artem Stoudennikov nhắc lại rằng Matxcơva trước đó đã cảnh báo Paris, việc đưa quân Pháp đến Ukraine sẽ làm tăng nguy cơ đối đầu giữa hai cường quốc hạt nhân.

Về mặt chính thức, học thuyết hạt nhân của Nga chỉ cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân, bao gồm vũ khí hạt nhân chiến thuật, để "tự vệ" trong trường hợp nước Nga bị tấn công bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt, hay các cuộc tấn công bằng vũ khí quy ước "đe dọa sự tồn tại của Nhà nước Nga". Tuy nhiên, hồi tháng 2/2024 vừa qua, báo Anh Financial Times công bố một số tài liệu quân sự Nga rò rỉ cho thấy "ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên của Nga" dường như thấp hơn so với giả định của giới chuyên gia quân sự phương Tây.

Trọng Thành

************************

Cho phép Ukraine dùng vũ khí phương Tây để tấn công Nga : Các đồng minh đã bớt e ngại

Thanh Phương, RFI, 22/05/2024

Trước chiến dịch tấn công ồ ạt của quân Nga tại Ukraine, chỉ trong vòng một tháng đã chiếm được hơn 600 km2 đất, đặc biệt là tại vùng Kharkiv, một số đồng minh phương Tây đã bắt đầu thay đổi quan điểm về vấn đề sử dụng những vũ khí viện trợ cho Kiev.

uk3

Tên lửa Storm Shadow - Scalp do Anh và Pháp cung cấp cho Kiev được điều chỉnh để lắp đặt trên chiến đấu cơ Su-24 của Ukraine. © Capture d'écran/ RFI

Từ đầu cuộc chiến đến nay, các nước đồng minh của Ukraine vẫn yêu cầu Kiev không được tấn công vào lãnh thổ Nga để hạn chế nguy cơ leo thang với một cường quốc hạt nhân. Nói cách khác là Ukraine chỉ được quyền dùng vũ khí viện trợ của phương Tây tự vệ chứ không được tấn công Nga. 

Nhưng vào đầu tháng 5, Anh Quốc, nước cung cấp cho Ukraine nhiều vũ khí, đặc biệt là tên lửa hành trình Storm Shadow, đã cho phép Kiev sử dụng vũ khí của Anh để tấn công vào lãnh thổ Nga. Khi đến thăm Kiev ngày 03/05, ngoại trưởng David Cameron đã tuyên bố công khai : "Các cuộc tấn công của Ukraine vào những mục tiêu ở Nga là hoàn toàn chính đáng".

Sau đó, đến lượt Hoa Kỳ cũng cho thấy đang thay đổi lập trường, tuy chưa rõ ràng như Anh Quốc. Đến thăm Kiev ngày 15/05, ngoại trưởng Antony Blinken đã gợi ý rằng lực lượng Ukraine có thể tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí do Washington cung cấp. Lãnh đạo ngoại giao Mỹ tuyên bố : "Chúng tôi không khuyến khích hay tạo điều kiện cho các cuộc tấn công bên ngoài Ukraine, nhưng chính Ukraine quyết định về cách thức tiến hành cuộc chiến này". Tuy nhiên, ngay hôm sau, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại khẳng định rằng quan điểm của Mỹ về vấn đề này vẫn chưa thay đổi : "Chúng tôi không khuyến khích cũng như không cho phép các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga". 

Về các đồng minh khác của Ukraine, trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình LCI của Pháp ngày 20/05, ông Gabrielius Landsbergis, ngoại trưởng của Litva, một trong ba nước vùng Baltic, cũng đã cho rằng Ukraine phải được quyền sử dụng vũ khí của phương Tây để tấn công nước Nga. Ông Landsbergis nhấn mạnh : "Từ đầu, chúng ta đã sai lầm khi hạn chế khuôn khổ hành động của Ukraine, vì sợ bị xem là leo thang. Chúng ta phải cho phép Ukraine sử dụng các vũ khí mà chúng ta cung cấp để họ có thể đạt được những mục tiêu chiến lược. Họ phải được quyền đánh vào lãnh thổ Nga, đánh vào các tuyến cung ứng, vào các đơn vị quân đội đang chuẩn bị tấn công Ukraine".

Trong khi đó, về mặt chính thức, Pháp hiện chưa thay đổi lập trường trên vấn đề này. Thế nhưng, hôm 17/05, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ Viện Pháp, ông Jean-Louis Bourlanges, đã ra một thông cáo kêu gọi Paris nên ra một quyết định tương tự như của Anh và Mỹ. Đối với ông Bourlanges, "sự thay đổi về chủ thuyết này là hoàn toàn chính đáng, bởi vì nó chấm dứt tình trạng bất đối xứng không thể chấp nhận được giữa kẻ bị xâm lược và kẻ xâm lược". 

Kể từ khi nổ ra chiến tranh, toàn bộ lãnh thổ Ukraine trên thực tế đã bị Nga tấn công bằng các loại vũ khí tầm xa, cũng như bằng các loại vũ khí do các đồng minh của Moskva cung cấp, đặc biệt là tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên và drone của Iran. Lực lượng của Kiev cũng đang tấn công sâu vào trong lãnh thổ của Nga, nhưng cho đến nay chỉ sử dụng vũ khí sản xuất trong nước, đặc biệt là các drone, mà gần đây đã được dùng để oanh kích vào các cơ sở năng lượng của Nga. 

Trong thông cáo nói trên, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ Viện Pháp đặt vấn đề : "Nhân danh điều gì mà chúng ta từ chối cho Ukraine quyền đáp trả các cuộc tấn công mà họ là nạn nhân ?". Và ông Bourlanges trả lời : "Quyền tự vệ phải loại trừ quyền bảo vệ lãnh thổ của kẻ xâm lược". Tuy nhiên, vị dân biểu Hạ Viện Pháp nhấn mạnh "các nước bạn của Ukraine nhất quyết sẽ không là bên tham chiến". Vấn đề không phải là can thiệp vào chiến trường, mà là "dỡ bỏ một điều cấm kỵ phi lý". 

Từ nhiều tuần qua, điện Kremlin đã cảnh cáo các nước phương Tây về việc sử dụng vũ khí được giao cho Ukraine để tấn công vào lãnh thổ nước Nga. Hôm 18/05, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc rằng bom dẫn đường Hammer của Pháp đã được Kiev sử dụng để oanh tạc vùng Belgorod của Nga, giáp với tỉnh Kharkiv của Ukraine, nơi quân Nga đang mở một chiến dịch tấn công mới. Paris đã bác bỏ cáo buộc đó.

Thanh Phương

***************************

Ukraine : Thêm gần một triệu người đăng ký nghĩa vụ quân sự sau khi hạ tuổi nhập ngũ

Phan Minh, RFI, 22/05/2024

Luật hạ độ tuổi nhập ngũ từ 27 xuống 25 để đáp ứng nhu cầu của quân đội trong cuộc chiến chống Nga được tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ký phê duyệt hồi đầu tháng 4 chính thức có hiệu lực hôm 18/05/2024. Từ 4 ngày qua, hàng trăm nghìn người đã tới phòng tuyển quân trên toàn quốc để đăng ký nhập ngũ.

uk4

Tân binh của lữ đoàn xung kích số 3 huấn luyện ở Kiev, Ukraine, ngày 17/05/2024. AP - Efrem Lukatsky

Từ Kiev, thông tín viên Stéphane Siohan cho biết cụ thể :

Chính phủ của Volodymyr Zelensky từng nghĩ rằng luật huy động quân sự không được lòng dân, thế nhưng kể từ khi văn bản được ban hành hôm 18/05, đã có ít nhất một triệu người Ukraine đến phòng tuyển quân hoặc đăng nhập vào ứng dụng di động có tên Reserv+ để đăng ký với nhà chức trách, khẳng định sẵn sàng nhập ngũ.

Điều này không có nghĩa là tất cả mọi người sẽ đi chiến đấu, nhưng họ được cấp giấy tờ hợp lệ, cũng như thẻ quân nhân, xác nhận họ trở thành những tân binh tiềm năng, trong khi quân đội cần từ 300.000 đến 400.000 binh lính mới để tiếp sức cho những người lính đã kiệt sức sau 2 năm chiến tranh.

Điểm đáng lưu ý của đạo luật mới là tù nhân cũng có quyền ký hợp đồng đăng lính. Trong tháng 4, gần 4.500 tù nhân đã bày tỏ nguyện vọng gia nhập quân đội, và trong 4 ngày qua, 3.000 người trong số họ đã thực hiện các thủ tục đăng ký để được huy động, trong khi cơ quan chức năng dự báo có khoảng từ 10.000 đến 20.000 tù nhân có thể được động viên, theo đạo luật mới.

Tuy nhiên, quy định này không áp dụng với những tù nhân phạm tội giết người, hiếp dâm hoặc các tội chống lại an ninh quốc gia.

Về tình hình chiến sự, tổng thống Volodymyr Zelensky, hôm qua 21/05/2024, tuyên bố quân đội Ukraine đang có được những "kết quả rõ nét" ở khu vực Kharkiv, đông bắc đất nước, khi đẩy lùi thành công quân Nga xâm lược. Phát ngôn viên của lực lượng Ukraine trong khu vực, Nazar Volochyn, cũng cho biết trên truyền hình rằng Kiev đã "ổn định được tình hình ở khu vực, đặc biệt ở thành phố Vovchansk".

Phan Minh

Additional Info

  • Author Thu Hằng, Trọng Thành, Thanh Phương, Phan Minh
Published in Quốc tế

Mối lo ngại của Washington về thị trường năng lượng là không hợp lý.

nga1

Một cơ sở năng lượng của Nga tại Yartsevo bị bốc cháy sau cuộc tấn công bằng drone của Ukraine hồi tháng 4 năm 2024 - Reuters

Vào ngày 19 tháng 1, một drone của Ukraine đã tấn công một kho dầu ở thị trấn Klintsy, vùng Bryansk phía tây nước Nga, khiến bốn bể chứa xăng bốc cháy và thiêu rụi khoảng 1,6 triệu gallon dầu. Cuối tuần đó, một cuộc tấn công khác đã gây ra hỏa hoạn tại nhà máy lọc dầu Rosneft ở Tuapse, một thành phố của Nga cách lãnh thổ do Ukraine kiểm soát khoảng 600 dặm. Vào tháng 3, drone Ukraine đã tấn công bốn nhà máy lọc dầu của Nga trong hai ngày. Tháng 4 bắt đầu với một cuộc tấn công bằng drone của Ukraine vào nhà máy lọc dầu lớn thứ ba của Nga, nằm sâu trong vùng Tatarstan, cách khoảng 800 dặm. Tháng 4 kết thúc với các cuộc tấn công vào các cơ sở ở hai thành phố khác của Nga, Smolensk và Ryazan.

Tổng cộng, Ukraine đã thực hiện ít nhất 20 cuộc tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Nga kể từ tháng 10. Các quan chức an ninh Ukraine cho biết mục tiêu của các cuộc tấn công là cắt giảm nguồn cung cấp nhiên liệu cho quân đội Nga và giảm doanh thu xuất khẩu mà Điện Kremlin sử dụng để tài trợ cho chiến tranh. Đến cuối tháng 3, Ukraine đã phá hủy khoảng 14% công suất lọc dầu của Nga và buộc chính phủ Nga phải ban hành lệnh cấm xuất khẩu xăng trong sáu tháng. Một trong những nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới hiện đang phải nhập khẩu xăng.

Tuy nhiên, chính quyền Biden đã chỉ trích các cuộc tấn công này. Vào tháng 2, Phó Tổng thống Kamala Harris đã kêu gọi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kiềm chế tấn công các nhà máy lọc dầu của Nga vì lo ngại các cuộc tấn công sẽ đẩy giá dầu toàn cầu lên cao. Đồng tình với quan điểm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã cảnh báo Ủy ban Quân vụ Thượng viện vào giữa tháng 4 rằng "các cuộc tấn công có thể có tác động dây chuyền đối với tình hình năng lượng toàn cầu". Thay vì tấn công cơ sở hạ tầng dầu mỏ, Bộ trưởng Austin nói với ủy ban, "Ukraine sẽ được hỗ trợ tốt hơn khi tấn công các mục tiêu chiến thuật và chiến dịch vốn có thể trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc chiến hiện tại".

Những chỉ trích của Washington là sai lầm : các cuộc tấn công vào nhà máy lọc dầu sẽ không ảnh hưởng đến thị trường năng lượng toàn cầu theo cách mà các quan chức Mỹ lo ngại. Các cuộc tấn công này làm giảm khả năng của Nga trong việc chuyển đổi dầu của mình thành các sản phẩm hữu dụng ; chúng không ảnh hưởng đến khối lượng dầu mà Nga có thể khai thác hoặc xuất khẩu. Thực tế, với năng lực lọc dầu trong nước giảm, Nga sẽ buộc phải xuất khẩu nhiều dầu thô hơn chứ không phải ít hơn, do đó đẩy giá toàn cầu xuống thay vì tăng lên. Thật vậy, các công ty Nga đã bắt đầu bán nhiều dầu mỏ chưa tinh chế hơn ra nước ngoài. Miễn là các cuộc tấn công chỉ giới hạn ở các nhà máy lọc dầu của Nga, chúng khó có thể làm tăng giá dầu ở phương Tây.

Tuy nhiên, chúng vẫn có thể gây ra thiệt hại cho nước Nga, nơi giá các sản phẩm dầu tinh chế như xăng và dầu diesel đã bắt đầu tăng vọt. Các cuộc tấn công đang đạt được chính xác mục tiêu mà các đối tác phương Tây của Ukraine đặt ra, vốnphần lớn không thể đạt được thông qua các lệnh trừng phạt và giới hạn giá dầu của Nga : đó là làm suy giảm khả năng tài chính và hậu cần của Nga trong việc tiến hành chiến tranh đồng thời hạn chế thiệt hại rộng hơn cho nền kinh tế toàn cầu. Kyiv phải tận dụng những chiến thắng ở bất cứ nơi nào có thể, và chiến dịch phá hủy năng lực lọc dầu của Nga mang lại lợi ích cho Ukraine với rủi ro hạn chế.

Các cuộc tấn công có mục tiêu

Ukraine cho đến nay tập trung tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Nga, không phải các mỏ dầu hoặc cơ sở hạ tầng xuất khẩu dầu thô. Sự khác biệt này rất quan trọng. Sau khi được khai thác từ giếng, dầu được vận chuyển qua đường ống và các cơ sở hạ tầng khác đến nhà máy lọc dầu, nơi nó được chuyển đổi thành các sản phẩm để phân phối cho người dùng cuối.

Ước tính năm 2023, Nga khai thác khoảng 10,1 triệu thùng dầu mỗi ngày. Trong số này, khoảng 50% được xuất khẩu sang các nhà máy lọc dầu ở nước ngoài, và 50% còn lại được lọc trong nước, tạo ra các sản phẩm như xăng, dầu diesel, nhiên liệu máy bay và nguyên liệu hóa học. Một nửa trong số các sản phẩm tinh chế này được tiêu thụ trong nước, với một phần đáng kể được chuyển hướng để cung cấp năng lượng cho cỗ máy chiến tranh của Nga. Nga cũng bán các sản phẩm dầu mỏ tinh chế ra nước ngoài – nước này chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu đường biển của thế giới vào năm 2023 – nhưng hầu hết các quốc gia phương Tây đã ngừng nhập khẩu nhiên liệu tinh chế của Nga. Các điểm đến hàng đầu cho các sản phẩm dầu tinh chế của Nga là Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Brazil, mặc dù Nga cũng đã bán nhiên liệu cho Triều Tiên, vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, để đổi lấy đạn dược.

Các cuộc tấn công của Ukraine đã giáng một đòn mạnh vào năng lực lọc dầu của Nga, loại bỏ tới 900.000 thùng mỗi ngày. Việc sửa chữa sẽ chậm chạp và tốn kém, một phần vì các tháp phân dầu (nơi dầu được chưng cất thành các thành phần cấu tạo khác nhau) là những thiết bị khổng lồ và phức tạp, mất nhiều năm để thiết kế và xây dựng, và một phần vì các lệnh trừng phạt của phương Tây đang cản trở các công ty Nga tiếp cận các linh kiện chuyên dụng.

Khả năng lưu trữ dầu của Nga bị hạn chế. Do đó, khi một nhà máy lọc dầu bị phá hủy hoặc hư hại, dầu thô khai thác không thể đơn giản được dự trữ để sử dụng sau. Điều này khiến các nhà sản xuất Nga chỉ còn hai lựa chọn : tăng xuất khẩu dầu thô hoặc đóng giếng và giảm sản lượng.

Cả hai lựa chọn đều gây thiệt hại cho Nga, nhưng việc tăng xuất khẩu ít thiệt hại hơn so với việc giảm sản lượng khai thác. Nga chỉ có thể bán dầu của mình cho một số quốc gia được nhất định, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, khi những nước nay sở hữu các cơ sở lọc dầu được trang bị phù hợp để có thể sử dụng các loại dầu thô cụ thể do Nga sản xuất. Do đó, các quốc gia này có lợi thế để mua dầu của Nga với giá thấp hơn giá thị trường. Tuy nhiên, một khi dầu thô đã được tinh chế, các sản phẩm cuối cùng có thể được bán ra thị trường quốc tế – nghĩa là Nga phải trả giá thị trường để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu trong nước và nhu cầu quân sự.

Nếu Nga chọn đóng giếng thay vì tăng xuất khẩu, giá dầu toàn cầu thực sự sẽ tăng – kết quả mà chính quyền Biden muốn tránh. Nhưng sau đó, Nga sẽ phải đối mặt với việc giá các sản phẩm tinh chế tăng thậm chí còn mạnh hơn, chỉ với doanh thu xuất khẩu thấp hơn để giảm bớt thiệt hại. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Năng lượng Nga Pavel Sorokin gợi ý vào tháng 3 rằng Moscow sẽ chọn lựa chọn đầu tiên và gia tăng thêm dầu thô để xuất khẩu.

Dữ liệu từ những tháng gần đây xác nhận rằng, như dự đoán, Nga đang xuất khẩu nhiều dầu thô hơn cùng lúc với việc xuất khẩu nhiên liệu tinh chế của họ giảm xuống gần mức thấp nhất trong lịch sử. Moscow chỉ xuất khẩu hơn 712.000 tấn dầu diesel và các sản phẩm dầu mỏ khác trong tuần cuối cùng của tháng 4, giảm từ hơn 844.000 tấn trong cùng tuần của năm 2023. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu dầu thô hàng tháng đã tăng 9% từ tháng 2 sang tháng 3, đạt mức cao nhất trong 9 tháng và là mức cao thứ ba kể từ khi các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với dầu thô của Nga có hiệu lực vào tháng 12 năm 2022. Các cuộc tấn công không có tác động rõ ràng đến giá dầu thô quốc tế, vốn vẫn ổn định cho đến cuối tháng 3, khi Nga cắt giảm sản lượng theo thỏa thuận trước đó với OPEC.

Các thị trường phương Tây có thể không bị ảnh hưởng, nhưng Nga đang cảm thấy khó khăn. Kể từ khi các cuộc tấn công của Ukraine bắt đầu, sản lượng diesel đã giảm 16% và sản lượng xăng giảm 9%. Giá bán buôn trung bình theo tuần của xăng và diesel ở miền tây nước Nga đã tăng lần lượt 23% và 47% trong khoảng thời gian từ cuối năm 2023 đến giữa tháng 3. Vào tháng 4, giá xăng chạm mức cao nhất trong 6 tháng, tăng hơn 20% so với đầu năm. Nga đã nhập khẩu 3.000 tấn nhiên liệu từ Belarus trong nửa đầu tháng 3 – tăng từ con số 0 vào tháng 1 – và Điện Kremlin buộc phải yêu cầu Kazakhstan chuẩn bị 100.000 tấn xăng để cung cấp trong trường hợp thiếu hụt.

Cho đến nay, người tiêu dùng Nga phần lớn được bảo vệ trước những đợt tăng giá bán này. Nhưng trong tuần cuối cùng của tháng 4, giá bán lẻ diesel đã tăng vọt 10%. Sự chậm trễ này cho thấy các công ty dầu mỏ đang có lợi nhuận thấp hơn, ảnh hưởng đến các chủ sở hữu là các nhà tài phiệt, hoặc Điện Kremlin đã tăng trợ cấp nhiên liệu công cộng, chuyển hướng tiền vốn có thể được chi cho chiến tranh ở Ukraine. Theo một số báo cáo, chính phủ Nga cũng có thể cân nhắc việc dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng xăng chất lượng thấp để tránh thiếu hụt nhiên liệu, một động thái có nguy cơ làm hỏng động cơ, gây thêm căng thẳng cho khả năng bảo trì phương tiện quân sự vốn đã yếu và khiến các chính sách bảo hành của các loại xe máy sản xuất ở nước ngoài trở nên vô giá trị. Nhìn chung, các chi phí chính trị, kinh tế và quân sự đang gia tăng đối với Điện Kremlin khi các cuộc tấn công vào các nhà máy lọc dầu vẫn đang tiếp tục.

Chiến lược hiệu quả

Chiến dịch của Ukraine đang có hiệu quả. Chiến dịch này đang gây ra thiệt hại cho thị trường năng lượng của Nga và tạo áp lực lên Moscow theo đúng hướng mà chế độ trừng phạt do Mỹ dẫn đầu được thiết kế nhưng chỉ đạt được thành công hạn chế.

Trong những tháng đầu của cuộc chiến, chính quyền Biden đã tập hợp một liên minh các quốc gia để áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế lên Nga, bao gồm cả việc giới hạn giá đối với dầu thô xuất khẩu của Nga. Ý tưởng đằng sau việc giới hạn giá là đặt nó ở mức đủ cao để Nga tiếp tục xuất khẩu dầu, giúp tránh suy thoái toàn cầu, nhưng đủ thấp để giảm thu nhập xuất khẩu của Nga. Trong thực tế, việc thực thi và giám sát không nhất quán đã làm suy yếu hiệu quả của việc giới hạn giá : thu ngân sách liên bang của Nga đạt mức kỷ lục 320 tỷ USD vào năm 2023. Giới hạn giá cũng có thể được đặt quá cao. Một đánh giá gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch, một tổ chức tư vấn của Phần Lan, cho rằng mức trần giá thấp hơn có thể cắt giảm 25% doanh thu xuất khẩu dầu của Nga từ tháng 12 năm 2022 đến tháng 3 năm 2024 mà không buộc các công ty Nga phải đóng van. Trong khi đó, ngành vận tải biển của EU và G-7 vẫn gắn bó chặt chẽ với hoạt động xuất khẩu của Nga. Vào tháng 3 năm nay, 46% lượng dầu của Nga được vận chuyển trên các tàu do các nước G-7 và EU sở hữu hoặc bảo hiểm, và một số tàu chở dầu của phương Tây vẫn tiếp tục vận chuyển dầu với giá cao hơn mức giới hạn.

Các cuộc tấn công của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu của Nga hiện đang làm điều mà chế độ trừng phạt không làm được. Không gây tổn hại đến nguồn cung năng lượng toàn cầu hoặc đẩy giá lên cao, các cuộc tấn công đang làm giảm doanh thu của Nga và hạn chế khả năng chuyển đổi dầu thô của Nga thành các loại nhiên liệu cần thiết để vận hành xe tăng và máy bay. Miễn là các lực lượng Ukraine tránh tấn công các đường ống dẫn dầu thô hoặc các bến xuất khẩu dầu thô lớn, họ có thể duy trì sự cân bằng này.

Chiến lược hiện tại đi kèm với rủi ro hạn chế. Drone của Ukraine thường tấn công mục tiêu vào ban đêm, gây ra ít thương vong cho dân thường, nếu có. Miễn là Ukraine tiếp tục cân nhắc những thiệt hại tiềm ẩn đối với những dân thường mỗi khi phê duyệt một cuộc tấn công, họ có thể đứng vững trên nền tảng của luật pháp quốc tế. Nhắm mục tiêu vào một ngành công nghiệp trực tiếp đóng góp cho sức mạnh quân sự của Nga là một biện pháp hợp lý thời chiến – một biện pháp mà các bên tham chiến trong quá khứ, chẳng hạn như Mỹ, đã từng sử dụng trước đây, bao gồm cả các hoạt động gần đây chống lại Nhà nước Hồi giáo.

Các cuộc tấn công của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu của Nga dường như cũng khó có thể mở rộng cuộc xung đột. Ít nhất, Nga sẽ khó khăn để leo thang theo cách tương tự, xét tới các chiến dịch kéo dài và quy mô hơn nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine : các lực lượng của họ đã phá hủy nhà máy lọc dầu Kremenchuk của Ukraine chỉ vài tuần sau cuộc xâm lược năm 2022, và bộ trưởng năng lượng Ukraine cho biết các cuộc tấn công của Nga đầu năm nay đã gây thiệt hại tới 80% các nhà máy nhiệt điện thông thường của Ukraine. Thay vì đe dọa leo thang để đáp lại các cuộc tấn công của Ukraine, Điện Kremlin có xu hướng giảm nhẹ tác động của chúng để tránh bối rối.

Để giảm thiểu rủi ro, Mỹ không nên giúp Ukraine tiến hành các cuộc tấn công này và cũng không nên khuyến khích chúng một cách công khai. Nhưng Mỹ cũng không nên cố gắng thuyết phục Kyiv từ bỏ hướng đi này. Bất chấp việc Quốc hội Mỹ gần đây phê duyệt khoản viện trợ quân sự trị giá 61 tỷ USD, Ukraine đang ở thời điểm mong manh nhất trong hơn hai năm qua. Chỉ riêng các cuộc tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Nga sẽ không buộc Moscow phải đầu hàng, nhưng chúng khiến chiến tranh trở nên khó khăn và tốn kém hơn đối với Nga – và do đó, nếu không có gì khác, khi thời điểm đàm phán đến, chúng có thể thúc đẩy Điện Kremlin nhượng bộ.

Michael Liebreich, Lauri Myllyvirta Sam Winter-Levy

Nguyên tác : "Why Ukraine Should Keep Striking Russian Oil Refineries", Foreign Affairs, 08/05/2024

Viên Đăng Huy biên dịch

Nguyễn Thế Phương hiệu đính

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 20/05/2024

Michael Liebreich là Người sáng lập và chuyên gia cấp cao Bloomberg New Energy Finance. Ông là cựu cố vấn cho Ủy ban Thương mại Anh và sáng kiến ​​Năng lượng bn vng cho tt c mi người ca Liên Hiệp Quốc ;

Lauri Myllyvirta là Nhà phân tích chính ti Trung tâm Nghiên cu Năng lượng và Không khí sch ;

Sam Winter-Levy là nghiên cu sinh tiến sĩ ti Đại hc Princeton và là Giám đốc Sáng kiến Chiến tranh Phi chính quy.

Additional Info

  • Author Michael Liebreich, Lauri Myllyvirta, Sam Winter-Levy, Viên Đăng Huy, Nguyễn Thế Phương
Published in Diễn đàn