Hội đồng Bảo an họp đánh giá tình hình nhân 1000 ngày chiến tranh Ukraine
Thùy Dương, RFI, 19/11/2024
Để đánh dấu 1.000 ngày chiến tranh Ukraine, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 18/11/2024 đã họp, theo đề nghị của Anh Quốc, để tổng kết tình hình cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, trong bối cảnh Nga tăng cường tấn công Ukraine, làm hư hại cơ sở hạ tầng năng lượng và gây nhiều thiệt hại nhân mạng.
Một phiên họp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về xung đột Nga- Ukraine, ngày 30/09/2022, New York, Hoa Kỳ. AP - Bebeto Matthews
Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten cho biết thêm :
"Tại Hội đồng Bảo an, đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc đã nhắc lại sự ủng hộ của Mỹ dành cho Kiev, nhưng bà không đề cập đến việc Washington bật đèn xanh cho phép Ukraine phóng tên lửa tầm xa sang Nga cho dù sau nhiều tháng phản đối, quyết định của tổng thống Mỹ Joe Biden đã được khẳng định vào hôm Chủ nhật.
Đối với Anh Quốc, điều thiết yếu là phải củng cố sức mạnh phòng thủ cho Kiev sau các vụ oanh kích của Nga hồi cuối tuần vừa rồi nhắm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiga xem quyết định của Biden là một bước ngoặt tiềm ẩn.
Ông Sybiga phát biểu : "Điều này có thể làm thay đổi cuộc chơi. Ukraine có thể tấn công càng xa thì cuộc chiến sẽ càng được rút ngắn. Lập trường của Ukraine luôn rõ ràng, chúng tôi hoàn toàn có quyền tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga. Đây là quyền chính đáng của chúng tôi và sẽ cho phép chúng tôi cứu mạng sống của các thường dân của mình. Điều này có thể có tác động rất tích cực trên chiến trường".
Tuy nhiên, người phụ trách các vấn đề chính trị của Liên Hiệp Quốc nhắc lại rằng tất cả các bên phải bảo đảm an toàn và bảo vệ dân thường, dù là ở bất kể nơi nào. Đại sứ Nga bên cạnh Liên Hiệp Quốc tố cáo cuộc họp này là nhằm bối xấu Nga.
Trong khi đó, ngay tại Mỹ, theo AFP, nhiều nhân vật thân cận được tổng thống đắc cử Donald Trump chọn vào các vị trí chủ chốt trong chính quyền mới, hôm qua đã phản đối gay gắt quyết định của tổng thống Joe Biden về việc cho phép Ukraine dùng tên lửa ATACMS tấn công vào lãnh thổ Nga, cho rằng quyết định này gây leo thang xung đột và có thể dẫn đến Đệ Tam Thế Chiến.
Thùy Dương
********************
Tổng thống Nga ký sắc lệnh mở rộng khả năng dùng vũ khí hạt nhân
Minh Anh, RFI, 19/11/2024
Vào ngày thứ 1.000 của cuộc xâm lược Ukraine, ngày 19/11/2024, tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh mở rộng khả năng dùng vũ khí hạt nhân, nhằm đáp trả việc Hoa Kỳ cho phép Ukraine dùng tên lửa tầm xa do Mỹ cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại điện Kremlin, Moskva, Nga, ngày 19/11/2024. AP - Vyacheslav Prokofyev
Theo sắc lệnh, được AFP trích dẫn, "trong số các điều kiện biện minh cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân là phóng tên lửa chống Nga". Còn theo giải thích từ phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov, "việc điều chỉnh các cơ sở (học thuyết) của Nga trước tình hình hiện nay là cần thiết" trước điều mà Vladimir Putin xem như là "những mối đe dọa" xuất phát từ phương Tây đối với an ninh của Nga.
Văn bản tổng thống Nga ký còn nhắc đến một khả năng khác sử dụng vũ khí hạt nhân, là "việc cho sử dụng lãnh thổ và các nguồn lực nhằm gây hấn chống lại Nga".
Cũng theo ông Peskov, chính quyền Nga theo dõi sát tình hình trên chiến trường và nhất là khả năng Ukraine dùng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ cấp tại vùng Kursk của Nga, đang bị quân đội Ukraine chiếm đóng một phần.
Tổng thống Putin hồi cuối tháng 9/2024 từng cảnh báo rằng Nga kể từ giờ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp bị không kích ồ ạt hay bất kỳ cuộc tấn công nào từ một nước phi hạt nhân như Ukraine nhưng được hậu thuẫn từ một cường quốc có trang bị vũ khí nguyên tử như Mỹ chẳng hạn. Nga xem đấy như là một hành động gây hấn "chung", và do vậy việc dùng đến vũ khí hạt nhân là cần thiết.
Vào lúc Nga tăng cường các chiến dịch không kích chết chóc và hủy diệt tại Ukraine, tổng thống Joe Biden cách nay vài ngày đã bật đèn xanh cho Kiev sử dụng tên lửa do Mỹ cấp trên lãnh thổ Nga theo như xác nhận từ một quan chức Mỹ với AFP.
Về tình hình chiến trường, quân đội Ukraine loan báo đã phá hủy một kho đạn lớn của Nga tại thành phố Karatchev tại vùng Briansk cách biên giới với Ukraine 110 km.
Minh Anh
**************************
Liên Âu bất đồng về việc cho Ukraine dùng vũ khí được cung cấp tấn công lãnh thổ Nga
Phan Minh, RFI, 19/11/2024
Sau khi tổng thống Mỹ Joe Biden bật đèn xanh cho Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS, do Washington cung cấp, tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, lãnh đạo ngành ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu (EU), Josep Borrell, hôm nay 19/11/2024, kêu gọi các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu nên làm tương tự. Tuy nhiên, nhiều thành viên vẫn tỏ ra thận trọng.
Hệ thống tên lửa phòng không của quân đội Đức tại Schwesing (Đức), ngày 17/03/2023. Hệ thống mà thủ tướng Olaf Scholz thông báo hôm 13/04/2024 sẽ gửi gấp cho Ukraine. AP - Axel Heimken
Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet tường trình :
Josep Borrell than phiền : "Lần nào chúng ta ra quyết định hỗ trợ Ukraine cũng đều mất rất nhiều thời gian". Đối với lãnh đạo ngành ngoại giao Châu Âu, những cuộc oanh kích mạnh mẽ của Nga nhắm vào Ukraine hôm Chủ Nhật là câu trả lời của Vladimir Putin đối với "mọi nỗ lực thảo luận hay đàm phán". Đây là một lời lên án rõ ràng của Josep Borrell nhắm vào cuộc điện đàm của thủ tướng Đức với tổng thống Nga cách đây một tuần và ông nói thêm rằng nếu Châu Âu muốn bày tỏ "lập trường cứng rắn", thì phải đoàn kết.
Tuy nhiên, hôm qua, các quốc gia thành viên EU đã không tỏ ra đoàn kết. Ngoài Đức, vẫn luôn từ chối cho phép Ukraine sử dụng các tên lửa Taurus tấn công vào lãnh thổ Nga, Ý cũng giữ nguyên lập trường tương tự : "Vũ khí do Roma cung cấp chỉ có thể được sử dụng bên trong lãnh thổ Ukraine", ngoại trưởng Antonio Tajani, hôm qua, nhấn mạnh như trên. Người đồng cấp Pháp, Jean-Noël Barrot, lặp lại rằng việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Paris cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga là một khả năng mà chính phủ "đang xem xét", ngụ ý rằng nếu Pháp bật đèn xanh cho Ukraine thì thông tin này sẽ không được công khai.
Phan Minh
***************************
Mỹ cho phép Ukraine dùng tên lửa tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga
Thanh Hà, RFI, 18/11/2024
Báo chí Mỹ ngày 17/11/2024 tiết lộ : tổng thống Joe Biden, vài tuần trước khi mãn nhiệm, đã thỏa mãn yêu cầu của Ukraine, dùng tên lửa chiến thuật ATACMS với tầm bắn 300 km để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.
Nhân viên cứu hỏa đang dập tắt đám cháy sau một cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga nhằm vào một tòa nhà chung cư nhiều tầng ở Sumy, Ukraine, ngày 17/11/2024. AP
Hãng tin Pháp AFP nhắc lại vì muốn tránh để bị lôi vào cuộc đối đầu trực tiếp với Moskva, đến nay Washington từ chối cho phép Ukraine dùng tên lửa tầm xa của Mỹ để đánh sâu vào lãnh thổ của Nga.
Hãng tin Mỹ AP trích dẫn nhiều nguồn thạo tin cho rằng quyết định này là hệ quả của việc Bắc Triều Tiên đưa hàng ngàn quân sang tiếp tay với quân đội Nga và nhất tình hình chiến sự tại Ukraine đang xấu đi nghiêm trọng trong những ngày qua. Rời thượng đỉnh diễn đàn APEC ở Peru sang Brazil chuẩn bị dự thượng đỉnh G20 tổng thống Mỹ Biden chưa chính thức lên tiếng về tin trên.
Thông tín viên đài RFI Guillaume Naudin cho biết thêm thông tin.
"300 km là tầm bắn của các tên lửa Mỹ ATACMS. Đến nay Hoa Kỳ chỉ cung cấp một cách nhỏ giọt cho Ukraine và Kiev không được phép dùng để nhắm vào các mục tiêu nằm sâu trên lãnh thổ của Nga. Trước hết Nga cảnh báo sẽ coi đây là một bước leo thang quan trọng. Hơn nữa giới quân sự của Mỹ cho biết là không có nhiều loại tên lửa này. Thế nhưng rồi tình hình chiến trường đã thay đổi. Nga vừa tiến hành một loạt các đợt không kích có phối hợp.
Tiếp theo là tại vùng Kursk, mà Ukraine đã chiếm đóng từ mùa hè vừa qua, Nga đã tiến hành một chiến dịch quân sự quy mô lớn để giành lại vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Để đạt được mục tiêu này, Nga đã được 10.000 lính Bắc Triều Tiên tiếp tay. Kursk là nơi đầu tiên tên lửa tầm xa ACTAMS của Mỹ sẽ được sử dụng với mục đích bắt buộc phía Nga phải tái triển khai lực lượng.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không tiết lộ bất cứ bình luận gì về quyết định của Mỹ và chỉ nói rằng tên lửa sẽ "nói lên nhiều điều hơn là những tuyên bố". Bản thân tổng thống Biden cũng không bình luận về quyết định này. Hai tháng trước khi kết thúc nhiệm kỳ, đây là một thông điệp rõ ràng thể hiện sự ủng hộ Ukraine. Trong khi đó viện trợ quân sự cho Ukraine đang bị phe của ông Donald Trump chống đối và tổng thống tân cử thì cam kết nhanh chóng chấm dứt chiến tranh".
Tên lửa Mỹ : Nga tố cáo Biden "châm dầu vào lửa"
Hôm nay, 18/11/2024, Moskva đã có phản ứng. Theo AFP, phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov cho rằng sự quyết định của chủ nhân Nhà Trắng, về bản chất là "châm dầu vào lửa". Điều này có nguy cơ "dẫn đến một diện mạo mới về mặt cơ bản liên quan đến sự can dự của Mỹ trong xung đột".
Về phía Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lin Jian, trong buổi họp báo hôm nay, nhận định, "một lệnh ngưng bắn nhanh chóng và một giải pháp chính trị là trong lợi ích của các bên", đồng thời kêu gọi "điều khẩn cấp nhất hiện nay là tìm cách hạ nhiệt tình hình càng nhanh càng tốt".
Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm rằng, "Trung Quốc luôn kêu gọi và ủng hộ tất cả các nỗ lực đi đến một giải pháp hòa bình cho khủng hoảng", và Bắc Kinh "sẵn sàng tiếp tục duy trì vai trò xây dựng theo cách của mình" trong chiều hướng này.
Thanh Hà
******************************
Thấy gì từ việc Washington cho phép Ukraine dùng tên lửa tầm xa của Mỹ trên lãnh thổ Nga ?
Thanh Hà, RFI, 18/11/2024
Trước thềm ngưỡng 1000 ngày Nga xâm chiếm Ukraine, hôm 17/11/2024, chính quyền Biden tiết lộ quyết định cho phép Ukraine được dùng tên lửa ATACMS của Mỹ có tầm bắn 300 km "trên lãnh thổ Nga". Phải chăng đây là bước ngoặt cuối cùng trước khi kết thúc chiến tranh Ukraine ? Tại sao phải đợi đến gần 3 năm cuộc chiến kéo dài và chỉ còn 63 ngày thì Nhà Trắng đổi chủ, Washington mới đồng ý điều mà đến nay vẫn coi là một lằn rănh đỏ không thể vượt qua ?
Một hệ thống tên lửa ATACMS của Mỹ tại Queensland, Úc, ngày 26/07/2023. AP - Sgt. 1st Class Andrew Dickson
Khi biết rõ tên lửa chiến thuật tầm xa của Mỹ không cho phép Ukraine "đảo ngược tình thế" trên chiến trường, Joe Biden tính toán những gì ? Nhật báo tài chính Mỹ, The Wall Street Journal trích lời các chuyên gia quân sự nhấn mạnh rằng, tên lửa ATACMS của Mỹ "ít có khả năng làm thay đổi cục diện chiến tranh" bởi phía Nga có thừa thời gian để dịch chuyển các cơ sở nhạy cảm nhất ra ngoài phạm vi tầm bắn 300 km. Cùng lúc Ukraine cũng không có nhiều tên lửa lợi hại này để uy hiếp đối phương. Đương nhiên, quyết định của Mỹ sẽ khiến Nga nổi dóa và lại hù dọa đáp trả NATO một cách đích đáng, nhưng xét cho cùng, như nhà địa chính trị Pháp Bruno Tertrais, từ tháng 2/2022 mỗi lần Âu Mỹ tăng cấp viện trợ quân sự cho Ukraine thì tổng thống Vladimir Putin đều cảnh cáo NATO "trực tiếp đối đầu với Liên Bang Nga", thậm chí còn mang cả vũ khí nguyên tử ra để hù dọa. Truyền thông của Anh không loại trừ khả năng, quyết định của tổng thống Biden trước hết là một tín hiệu để các đồng minh Châu Âu "noi gương Hoa Kỳ" cho phép Kiev dùng tên lửa tầm xa của Anh, Mỹ và Đức tấn công sâu vào lãnh thổ của Nga.
Ngoài ra, thông báo của Mỹ về việc dùng tên lửa ATACMS đã được đưa ra vào lúc tình hình chiến trường xấu đi đáng kể, bất lợi cho Ukraine : Quân Nga dồn dập oanh kích trên toàn lãnh thổ Ukraine, hơn 50 % các nhà máy điện của nước này bị phá hủy vào lúc mùa đông đang đến. Các đợt oanh kích trong đêm càng lúc càng dồn dập với số lượng tên lửa và drone đi từ kỷ lục này đến kỷ lục khác, gây thiệt hại ngày càng nặng nề cho Ukraine. Lực lượng Ukraine cũng đang bị dồn vào thế hiểm nghèo ở vùng Kursk trên lãnh thổ Nga, nơi họ đã chiếm được một phần sau cuộc tấn công bất ngờ hồi mùa hè vừa qua. Nga dường như đã được khoảng 10.000 lính Bắc Triều Tiên tiếp sức để giành lại phần lãnh thổ này.
Chiến thuật quân sự của Nga trong những ngày gần đây được giới phân tích coi như một cuộc chạy đua nước rút, chiếm được nhiều lãnh thổ của Ukraine càng nhiều càng tốt, trước khi chính quyền Donald Trump, kể từ 01/2025, có thể đưa ra các sáng kiến về Ukraine.
Về mặt ngoại giao, hôm 15/11/2024 thủ tướng Đức, điểm tựa quan trọng thứ nhì của Ukraine, bất ngờ điện đàm với tổng thống Nga, để tìm kiếm một giải pháp chấm dứt chiến tranh. Điện Kremlin "đáp lễ" sáng kiến ngoại giao này của Berlin trong tay thủ tướng sắp mãn nhiệm Olaf Scholz, bằng những đợt oanh kích "chưa từng thấy". Kèm theo đó là một thông cáo gồm 3 điểm làm tiền đề chấp nhận chấm dứt chiến tranh. Thứ nhất là phương Tây cần quan tâm đến vấn đề an ninh của Liên Bang Nga, có nghĩa là Ukraine không bao giờ được gia nhập, hay tiến đến gần liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO. Thứ nhì là Moskva đồng ý đàm phán trên cơ sở "những thực tế mới về lãnh thổ", tức là trên cơ sở Nga đã giành được khoảng 20% lãnh thổ của Ukraine sau gần 3 năm chiến tranh. Sau cùng là các bên phải "loại bỏ hẳn những nguyên nhân" đã dẫn đến xung đột quân sự từ tháng 2/2222, nói cách khách Moskva đòi loại bỏ hẳn chính quyền của ông Volodymyr Zelensky thân phương Tây hiện tại và kể cả trong tương lai. Giới quan sát bình luận : cả Ukraine lẫn phương Tây cùng không dễ chấp nhận những đòi hỏi của chủ nhân điện Kremlin, nhưng ai cũng biết rằng, với Trump ở Nhà Trắng, "điều gì cũng có thể xảy ra". Cựu đại sứ Pháp tại Hoa Kỳ Gérard Araud nhấn mạnh, ông Putin "chỉ muốn đàm phán với Trump".
Moskva biết rằng tổng thống tân cử của Mỹ chủ trương ngừng viện trợ cho Ukraine. Không có vũ khí trong tay Kiev buộc phải đàm phán có nghĩa là Zelensky sẽ nhượng đất cho Nga và bước tiếp theo nữa thì chính quyền Mỹ sẽ phủi tay và để Châu Âu giải quyết tiếp hồ sơ Ukraine. Do vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng nếu Kiev được quyền tấn công nước Nga bằng tên lửa Mỹ thì chính quyền Trump sẽ không dễ nhượng bộ Moskva quá nhiều và Biden vẫn nắm quyền từ nay cho đến ngày 20/01/2025. Chính vì thế mà tờ báo uy tín của Ý, Corriere della Sera đặt câu hỏi : thỏa mãn đòi hỏi của Kiev dùng vũ khí tầm xa do Mỹ viện trợ để tấn công nước Nga là một thông điệp mà tổng thống Biden muốn nhắm tới đồng cấp Vladimir Putin hay hướng về người kế nhiệm Donald Trump ?
Thanh Hà
Ukraine được dùng vũ khí Mỹ tấn công đất Nga : Quyết định "quá trễ" và "quá ít tên lửa" ?
Bất ổn chính trị tại Pháp khiến đầu tư nước ngoài giảm mạnh, theo thẩm định của EY. Giới nông dân Pháp chống dự án thỏa thuận mậu dịch tự do giữa Liên Âu và Nam Mỹ (Mercosur). Thượng đỉnh G20 thảo luận về đánh thuế 3.000 người giầu nhất thế giới. Trên đây là một số chủ đề trang nhất của báo chí Pháp hôm nay, 19/11/2024. Chủ đề được hầu hết các báo nói đến là quyết định của tổng thống mãn nhiệm Mỹ, cho phép Ukraine dùng tên Mỹ cấp tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Các dàn phóng tên lửa ATACMS của Mỹ, ảnh chụp tại Hàn Quốc năm 2022 © Handout / South Korean Defence Miistry / AFP
Le Monde chạy tựa : "Mỹ cho phép Kiev sử dụng tên lửa tầm xa tấn công vào Nga", bên dưới là hình ảnh một người bị thương trong một cuộc oanh kích của Nga tại tỉnh Sumy, bắc Ukraine. "Hỗ trợ cho Ukraine của phương Tây tăng thêm một nấc" là tít lớn trang nhất của Le Figaro, trên nền hình ảnh một dàn phóng tên lửa đang khai hỏa. La Croix có bài phân tích về "Cú đánh cược đầy mạo hiểm của Washington" do lo ngại các trả đũa từ Moskva, trong lúc Libération gọi đây là một quyết định "quá trễ và quá ít".
Quyết định không cho phép "đảo ngược cục diện", nhưng quan trọng
Đối với Le Monde, "quyết định quan trọng" này, được đưa ra sau các đợt oanh kích dồn dập của Nga tại Ukraine, đã được những người ủng hộ Ukraine đón nhận với "cảm giác cay đắng", vì khá trễ. Tuy nhiên, "dù không cho phép đảo ngược tương quan lực lượng", "không cho phép Ukraine giành thắng lợi", quyết định này cũng sẽ giúp Kiev "có thêm khả năng xoay xở trên chiến trường", để giành được lợi thế đàm phán, vào thời điểm mà tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump – vốn chủ trương chấm dứt nhanh chóng cuộc chiến – chuẩn bị nắm quyền.
Theo Le Monde, quyết định của Joe Biden bị một người thân cận với tổng thống tân cử "chỉ trích kịch liệt" hôm 17/11. Cựu đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell lên án tổng thống mãn nhiệm "leo thang chiến tranh tại Ukraine trong giai đoạn chuyển tiếp quyền lực, như thể ông ta đang muốn khởi động một cuộc chiến tranh mới".
Thái độ thực sự của Trump vẫn là ẩn số
Tuy nhiên, thái độ thực sự của Donald Trump về cuộc chiến Ukraine dường như vẫn còn là một ẩn số lớn. Le Monde dẫn lại nhận định của một nhân vật nặng ký hơn, được coi là cố vấn an ninh tương lai của Trump : Mike Waltz, đưa ra trước bầu cử, nếu Putin từ chối thương lượng nghiêm túc để chấm dứt chiến tranh, Mỹ có thể "cung cấp nhiều vũ khí hơn cho Ukraine, đồng thời giảm bớt các giới hạn trong việc sử dụng".
Le Figaro dành nhiều bài viết cho quyết định dỡ bỏ hạn chế dùng tên lửa tầm xa tấn công sang đất Nga của Biden. Bài "Các tên lửa tầm xa, một giải pháp chiến thuật không làm thay đổi cục diện" vạch ra một loạt điểm không rõ ràng và những hạn chế của quyết định này. Theo Le Figaro, chính quyền Biden đã không nói rõ loại tên lửa gọi là "tầm xa" được cho phép là bao nhiêu : 300 km (tức tầm bắn tối đa của ATACMS) hay chỉ là 160 km ?... Và các vùng lãnh thổ nào của Nga được phép tấn công ? Và một điểm quan trọng đặc biệt khác là : Washington có cấp thêm cho Ukraine tên lửa hay không ?
"Đầu hàng chiến lược" : Châu Âu sẽ phải trả giá nào ?
Nhân việc tổng thống mãn nhiệm Mỹ đưa ra quyết định cho phép dùng tên lửa tầm xa tấn công sang đất Nga, một quyết định bị đánh giá là trễ tràng nhưng đúng đắn, bài xã luận của Le Figaro cảnh báo phương Tây về "cái giá phải trả đối với quyết định đầu hàng chiến lược" của tổng thống tân cử Donald Trump trước điện Kremlin. Cũng về chủ đề này, trong một bài viết khác, Le Figaro nhấn mạnh đến tình thế "nguy ngập" của Châu Âu, khi không có đủ phương tiện đối mặt với Nga, nếu chính quyền Donald Trump chấm dứt hỗ trợ Kiev.
Le Figaro đặt câu hỏi : "Châu Âu liệu có thể làm được gì khác hơn là một khán giả thụ động, nếu hai người (tức Trump và Putin) thỏa thuận về số phận của Ukraine ?". Vấn đề không chỉ là Ukraine, mà cũng là "tương lai của nền dân chủ và của chính Châu Âu", theo ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen. Tại Diễn đàn Paris vì hòa bình, một quan chức cao cấp của Ủy Ban Châu Âu, Peter Wagner, nhấn mạnh : "Đây là vấn đề của quyết tâm và năng lực của ngành công nghiệp quân sự. Chúng ta biết mình phải làm gì và làm như thế nào. Vấn đề là chúng ta có khả năng và quyết tâm thực thi mục tiêu tự trị về chiến lược hay không ?".
Pháp đẩy mạnh công nghiệp quân sự
Le Monde hôm nay có chuyên đề riêng về "Pháp hướng đến một nền công nghiệp quân sự". Bất chấp các khó khăn về ngân sách, chi phí cho quân sự đang tăng vọt. Nền công nghiệp quân sự đang được tổ chức lại để sản xuất nhiều hơn. Doanh nghiệp của Pháp đang nhận được các đơn đặt hàng chưa từng có, và ngày càng dồn dập. Vấn đề chính, theo Le Monde, hiện nay là số tiền đầu tư, và mục tiêu giảm nhẹ các thủ tục diễn ra quá chậm so với hứa hẹn.
Đầu tư nước ngoài vào Pháp : "Gáo nước lạnh"
Đầu tư nước ngoài vào Pháp sụt giảm mạnh là tựa trang nhất của Les Echos. Nhật báo kinh tế này chạy tựa : "Đầu tư nước ngoài tại Pháp : Gáo nước lạnh". Theo thẩm định của công ty kiểm toán EY, 49% số công ty quốc tế giảm đầu tư vào Pháp. Hơn một nửa số doanh nghiệp, trả lời phỏng vấn của EY, cho biết mức độ hấp dẫn của Pháp giảm xuống kể từ khi tổng thống Macron giải tán Quốc hội để bầu sớm, và dự trù thuế trong ngân sách 2025 được tân chính phủ công bố. Điều tra của công ty EY được tiến hành trong khoảng thời gian từ ngày 3 đến ngày 21/10, khi dự toán ngân sách 2025, đã được chính phủ Barnier công bố.
Đối với một chuyên gia của EY, con số gây lo ngại nói trên là "lớn, nhưng không gây ngạc nhiên". Nếu như giới đầu tư nước ngoài đặt niềm tin vào tính chất liên tục của chính sách kinh tế của Pháp từ 7 năm năm (tức từ khi tổng thống Macron lên nắm quyền), thì giờ đây hoài nghi gia tăng. Viễn cảnh bất ổn về chính sách, thuế má nặng hơn, giá lao động gia tăng… gây lo ngại.
Pháp vẫn có thể duy trì vị thế "nước hấp dẫn nhất Châu Âu"
Tuy nhiên, theo EY, khó khăn là tình hình chung, nước Pháp trong năm nay vẫn có thể là giữ được vị trí "quốc gia hấp dẫn nhất Châu Âu", liên tục duy trì từ 5 năm nay. Pháp thu hút được gần 1.200 dự án đầu tư nước ngoài trong năm 2023. Theo EY, việc bổ nhiệm Michel Barnier làm thủ tướng "đã giúp trấn an" giới đầu tư. Cũng trong cuộc thăm dò này, 57% các nhà đầu tư, tin tình hình sẽ cải thiện trong 12 tháng tới, và chờ đợi biến chuyển tích cực để quyết định đầu tư. Quyết định của chính phủ Barnier tài trợ gần 1,6 tỉ euro giúp doanh nghiệp giã từ năng lượng hóa thạch là "một dấu hiệu tích cực".
Thỏa thuận mậu dịch tự do Liên Âu - Nam Mỹ : Tình thế nguy hiểm của Pháp
Các hoạt động phản kháng của giới nông dân tại Pháp, chống lại dự án mậu dịch tự do giữa Liên Âu và Nam Mỹ (Mercosur), là chủ đề chính của Le Monde hôm nay. "Mercosur, nỗi giận của giới làm nông : chính phủ trong thế bị động" là tựa trang nhất. Tổng thống và thủ tướng Pháp khẳng định phản đối thỏa thuận này. Tuy nhiên, Pháp không có quyền phủ quyết thỏa thuận Mercosur. Để làm được điều này, Paris phải đoàn kết được với nhiều thành viên khác của Liên Âu. Bài xã luận Le Monde, nhan đề "Mercosur : Pháp đối diện với sự bất lực của mình", giải thích rõ về tình thế khó khăn của Pháp. Thỏa thuận Mercosur, được thương lượng từ gần 25 năm nay, mở cửa thị trường Nam Mỹ cho hàng hóa Châu Âu, được coi là mang lại một nguồn lợi quan trọng với công nghiệp Châu Âu. Tuy nhiên, đối với giới nông nghiệp Châu Âu, trước hết là Pháp, thỏa thuận này có thể gây khó khăn gấp bội cho những ngành sản xuất vốn đã trong tình trạng bất bênh, như chăn nuôi gia súc, gia cầm hay sản xuất sữa.
Nếu thỏa thuận này được thông qua, quá trình suy yếu của nông nghiệp Pháp sẽ ngày càng được đẩy nhanh. 600 nghị sĩ Pháp, ký một tuyên bố trên Le Monde, lên án thỏa thuận này là hoàn toàn không tương thích với Hiệp định khí hậu Paris 2015, "đặc biệt về phương diện ngăn chặn nạn phá rừng". Thiếu các kiểm soát đối với hàng hóa nhập khẩu (phải bảo đảm các tiêu chuẩn tôn trọng môi trường), thỏa thuận Mercosur đặt các nhà làm nông Pháp trước tình thế cạnh tranh "không cân sức".
Mercosur : Chính giới Pháp đoàn kết chưa từng có
Le Monde nhấn mạnh đến sự đoàn kết cao độ, khác thường, của giới chính trị Pháp trong hồ sơ này, "trái ngược với tình trạng chia rẽ chưa từng có". Tuy nhiên, Pháp đang là thiểu số tại Châu Âu trong vấn đề Mercosur. Đa số các nước tin tưởng ngược lại là, "sẽ là nguy hiểm nếu từ bỏ thỏa thuận này vào thời điểm mà xu hướng bảo hộ mậu dịch đang gia tăng tại Mỹ, sau chiến thắng của Trump, và Trung Quốc đang sẵn sàng khai thác các chần chừ của Liên Âu để củng cố vị thế tại Nam Mỹ". Liệu Châu Âu, đang tìm cách khẳng định mình trong một thế giới đang ngày càng trở nên thù địch hơn, có đủ phương tiện để từ chối một thị trường như vậy ?
Le Monde vạch ra một viễn cảnh nguy hiểm đối với nước Pháp, một khi quan điểm chống Mercosur của Pháp bị Liên Âu bác bỏ, hồ sơ này "sẽ để lại một dấu ấn tồi tệ và lâu dài trong dư luận Pháp, nuôi dưỡng một tình cảm bài Liên Âu".
Brazil đi đầu trong dự án đánh thuế các đại tỉ phú thế giới
Thượng đỉnh hai ngày của nhóm G20, bao gồm các nền kinh tế lớn nhất thế giới đang diễn ra tại Brazil. Libération có bài : G20 : Thuế đánh vào các đại tỉ phú là chủ đề được thảo luận. Theo bộ trưởng Tài chính Brazil, nếu đạt được thỏa thuận tại G20 về việc đánh thuế 2% đối với 3.000 người giầu nhất hành tinh, sẽ là "một bước ngoặt chính trị lớn". Quyết định này sẽ cho phép giảm bớt tình trạng bất bình đẳng ghê gớm hiện nay, và có thể mang lại một nguồn tài chính đáng kể cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Pháp tăng cường hỗ trợ tài chính cho báo chí công, nền tảng của xã hội dân chủ
La Croix hôm nay dành bài xã luận cho chủ đề đa số các đảng phái trong Quốc hội Pháp hôm nay bắt đầu thảo luận về một dự luật tăng cường đầu tư cho các phương tiện truyền thông công cộng. Đối với La Croix, sự thống nhất cao của chính giới Pháp về vấn đề này có ý nghĩa quan trọng để bảo đảm duy trì "tính độc lập" và "đa nguyên" trong truyền thông, và đây là điều cực kỳ hệ trọng vào thời điểm mà tin giả, việc thao túng thông tin đang ngày càng là mối đe dọa với nền dân chủ, với vai trò tăng vọt của các mạng xã hội và trí tuệ nhân tạo. Tình hình càng trở nên cấp thiết sau khi Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ, nhờ hậu thuẫn mạnh mẽ của "các tín đồ" của chủ thuyết "hậu sự thật" (post-vérité).
Trọng Thành
Mỹ, Đức nỗ lực vận động hỗ trợ Ukraine trước khi Trump nhậm chức tổng thống
Thu Hằng, RFI, 14/11/2024
Chính quyền của tổng thống Mỹ Joe Biden quyết tâm nỗ lực đến phút chót để hỗ trợ Ukraine chống quân Nga. Ngày 13/11/2024, khi tiếp tổng thống đắc cử Donald Trump tại Nhà Trắng, ông Joe Biden kêu gọi người kế nhiệm "tiếp tục hỗ trợ" Kiev. Cùng ngày, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Bruxelles khẳng định lại cam kết của Mỹ và huy động các nước Châu Âu thúc đẩy hỗ trợ Ukraine.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier (phải) và tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc họp tại Berlin, Đức, ngày 18/10/2024. Reuters - Elizabeth Frantz
Tại buổi họp báo, cố vấn an ninh Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết tổng thống mãn nhiệm "nhấn mạnh rằng, theo ông, sự ủng hộ liên tục của Mỹ đối với Ukraine nằm trong lợi ích an ninh quốc gia".
Còn tại Bruxelles, theo AP, ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh "tổng thống Biden cam kết làm mọi cách để mỗi đô la mà chúng tôi có sẽ được chi từ nay đến ngày 20/01", ngày mà ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Ông cũng hối thúc các nước NATO tập trung nỗ lực để "bảo đảm cho Ukraine có đủ tiền, đạn dược và lực lượng để chiến đấu một cách hiệu quả trong năm 2025, hoặc để có thể đàm phán hòa bình trên thế mạnh". Mỹ "sẽ thích ứng và điều chỉnh" những trang thiết bị cuối cùng sẽ được gửi trong thời gian cuối nhiệm kỳ của ông Biden.
Đức, nước viện trợ lớn thứ hai cho Ukraine, cũng đang gặp khủng hoảng chính trị và sẽ bầu lại Quốc Hội tháng 02/2025. Ngày 13/11, khi báo cáo kết quả của chính phủ trước Hạ Viện, thủ tướng Olaf Scholz tiếp tục khẳng định mạnh mẽ rằng Ukraine có thể "trông cậy vào đất nước và tình tương ái của chúng ta… Chúng ta có trách nhiệm để Ukraine không bị bỏ rơi". Tuy nhiên, theo thông tín viên RFI tại Berlin, chính sự ủng hộ Ukraine đã gián tiếp làm liên minh cầm quyền tan rã nhanh hơn.
Việc lính Bắc Triều Tiên hỗ trợ cuộc chiến của Nga đã gián tiếp kéo Hàn Quốc nhập cuộc. Theo Yonhap, trả lời phỏng vấn cơ quan thông tấn Tây Ban Nha EFE ngày 14/11, tổng thống Yoon Suk Yeol cho biết Hàn Quốc có lẽ sẽ hỗ trợ thêm cho Kiev tùy theo mức độ can thiệp của Bắc Triều Tiên trong cuộc chiến của Nga.
Cuộc chiến tại Ukraine đã kéo dài gần 3 năm và không có dấu hiệu suy giảm. Sáng 14/11, quân đội Ukraine cho biết đã bắn hạ 21 drone của Nga trong đêm. Lần đầu tiên từ 73 ngày qua, thủ đô Kiev bị tấn công cả bằng drone và tên lửa. Trong khi đó lực lượng Ukraine vẫn cố chống cự quân Nga ở mặt trận miền đông Donetsk.
Thu Hằng
***************************
Ngoại trưởng Blinken cam kết củng cố ủng hộ cho Ukraine trước khi chuyển giao quyền lực sang chính quyền Trump
Reuters, VOA, 13/11/2024
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken hôm thứ Tư (13/11) đảm bảo với NATO rằng chính quyền Biden sẽ tăng cường sự ủng hộ của mình đối với Ukraine trong vài tháng trước khi ông Donald Trump trở lại làm tổng thống và sẽ cố gắng củng cố liên minh trong thời gian đó.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken phát biểu với báo chí sau cuộc họp ở trụ sở NATO tại Brussels vào ngày 13 tháng 11 năm 2024.
Gặp Tổng thư ký NATO Mark Rutte tại Brussels, ông Blinken cũng cho biết việc quân đội Triều Tiên được triển khai để giúp Nga trong cuộc chiến tranh Ukraine "đòi hỏi và sẽ nhận được phản ứng cứng rắn".
Tổng thống đắc cử Trump, người đã đặt câu hỏi về sự hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Ukraine, cho biết ông sẽ nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến của Nga mà không nói rõ bằng cách nào, làm dấy lên mối lo ngại trong số các đồng minh của Hoa Kỳ rằng ông có thể sẽ cố gắng buộc Kyiv phải chấp nhận hòa bình theo các điều kiện của Moscow. Ông Biden sẽ rời nhiệm sở vào ngày 20/1.
Sau khi gặp ông Rutte tại trụ sở liên minh, ông Blinken cho biết họ đã thảo luận về việc tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine, nơi lực lượng Nga đã giành được lợi thế ở tiền tuyến phía đông, và công việc NATO phải làm để củng cố cơ sở công nghiệp quốc phòng của mình.
Ông cho biết chính quyền Hoa Kỳ sắp mãn nhiệm sẽ "tiếp tục củng cố mọi thứ chúng tôi đang làm cho Ukraine" để đảm bảo rằng họ có thể chiến đấu hiệu quả vào năm tới hoặc đàm phán hòa bình với Nga từ vị thế mạnh mẽ.
Ông Biden sẽ "dùng từng ngày để tiếp tục làm những gì chúng tôi đã làm trong bốn năm qua, đó là củng cố liên minh này", ông Blinken cho biết, đồng thời nói thêm rằng các quan chức của ông Biden đang nỗ lực cung cấp tất cả các khoản viện trợ đã được Quốc hội Hoa Kỳ phê duyệt cho Ukraine trước khi rời nhiệm sở.
Gặp ông Blinken tại Brussels, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha nói cuộc chiến đang ở thời điểm quan trọng và kêu gọi "sức mạnh" thay vì "sự xoa dịu" đối với Nga.
Ông nói thêm rằng "Không thể trì hoãn việc phòng thủ của Ukraine và chờ đợi... Chúng ta cần đẩy nhanh mọi quyết định quan trọng".
Nói về việc quân đội Triều Tiên được triển khai để hỗ trợ Nga, ông Blinken nói với các phóng viên rằng mối quan hệ giữa Moscow và Bình Nhưỡng là "con đường hai chiều" và có "mối quan ngại sâu sắc về những gì Nga đang hoặc có thể làm để tăng cường năng lực của Triều Tiên" bao gồm cả năng lực hạt nhân của nước này.
Ông Blinken cũng đã gặp Tổng tư lệnh NATO tại Châu Âu, Tướng Christopher Cavoli, các quan chức cấp cao của EU và Ngoại trưởng Anh David Lammy tại Brussels vào thứ Tư.
Nguồn : VOA, 13/11/2024
***************************
Nga gấp rút lấy lại vùng Kursk và giành đất của Ukraine trước khi Donald Trump nhậm chức
Anh Vũ, RFI, 13/11/2024
Theo Kiev và Washington, Nga đang chuẩn bị cho một cuộc phản công quy mô lớn trong vùng Kursk, nơi một phần nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine kể từ cuộc tấn công bất ngờ được thực hiện vào đầu tháng 8. Ý đồ của Vladimir Putin là tạo thế mạnh trên bàn đàm phán trước khi Donald Trump vào Nhà Trắng.
Hình ảnh do Bộ Quốc phòng Nga phổ biến : Quân Nga trên một chiến tuyến tấn công quân Ukraine tại Kursk, Nga, ngày 24/10/2024. AP
Vladimir Putin đang chuẩn bị chơi lớn trong vùng Kursk. Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm thứ Hai (11/11) cho biết Nga đã tập hợp 50.000 quân, trong đó có lính Bắc Triều Tiên, với hy vọng chiếm lại khoảng 1.000 km2 do Kiev kiểm soát trên lãnh thổ Nga, trước khi ông Donald Trump nhậm chức vào tháng 1/2025.
Mặc dù lực lượng Nga đã thực hiện nhiều cuộc tấn công vào các vị trí của Ukraine bằng hỏa lực tên lửa và pháo binh nhưng đây là lần đầu tiên họ chuẩn bị mở một cuộc phản công lớn.
Tướng Oleksandr Syrskyi, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, sau khi thị sát mặt trận ở Kursk cho biết trên Facebook hôm thứ Hai : "Quân Nga đang thực thi mệnh lệnh của chỉ huy cố gắng đẩy lùi quân đội chúng ta và tiến vào lãnh thổ mà chúng ta kiểm soát".
Tướng Dominique Trinquand, cựu lãnh đạo phái bộ quân sự Pháp tại Liên Hiệp Quốc, giải thích : "Đó là một lực lượng dày đặc, có lẽ 1/5 trong đó là lính Bắc Triều Tiên. Đối mặt với họ, lực lượng Ukraine ước tính khoảng 10.000 quân cùng các vị trí phòng thủ đã được chuẩn bị từ trước".
Theo các quan chức Mỹ, Nga đã huấn luyện lính Bắc Triều Tiên bắn pháo, chiến thuật bộ binh cơ bản cũng như tấn công trong giao thông hào. Điều này khiến người ta có thể nghĩ rằng quân của Kim Jong-un sẽ tham gia các cuộc tấn công trực diện vào các vị trí cố thủ của quân đội Kiev.
Theo Washington, trong khi Nga đang khó khăn để đạt mục tiêu mỗi tháng tuyển mộ khoảng 25.000 binh sĩ thì, sự hiện diện của những binh sĩ Bắc Triều Tiên này có tầm quan trọng đặc biệt đối với Moskva. Tuy nhiên, vẫn khó dự đoán sự đóng góp tác chiến của binh sĩ Bắc Triều Tiên. Dù có trong tay một trong những đội quân lớn nhất thế giới, nhưng quân đội Bắc Triều Tiên từ nhiều thập kỷ nay đã không tham gia chiến đấu.
Trả lời phỏng vấn nhật báo New York Times, Rob Lee, chuyên gia về các vấn đề quân sự Nga, nhận định : "Hàng nghìn lính bộ binh bổ sung này có thể tạo nên sự khác biệt ở Kursk. Những người lính này trẻ hơn và có thể trạng tốt hơn nhiều binh sĩ Nga theo hợp đồng".
Ba mũi tấn công đồng thời
Vào ngày 6/8, Kiev đã gây bất ngờ cho các đồng minh của mình khi mở một cuộc tấn công lịch sử vào đất Nga nhằm buộc Moskva rút bớt quân đang tham gia ở miền Đông Ukraine.
Dominique Trinquand lưu ý : "Kế hoạch này không thành công", đồng thời ông nhắc lại rằng Nga vẫn tiếp tục nỗ lực ở Donbass, một mục tiêu ưu tiên chính của nước này,và họ không ngừng lấn chiếm lãnh thổ Ukraine từ mùa hè này.
Theo các chuyên gia quân sự, cuộc phản công đang được chuẩn bị ở Kursk không cần bất kỳ sự đóng góp nào của binh sĩ Nga từ miền Đông Ukraine. Do đó, Moskva có thể gây áp lực lên Kiev bằng cách đẩy nhanh tốc độ trên nhiều mặt trận cùng một lúc.
Tướng Trinquand phân tích : "Ngoài cuộc phản công ở Kursk, quân Nga sẽ tiếp tục các cuộc tấn công ở Donbass. Người ta cũng đã thông báo về một cuộc tấn công quy mô lớn ở vùng Zaporizhia, tức là đồng thời ba mũi tấn công. Trên phương diện quân sự, Ukraine không có đủ phương tiện để chống lại ba cuộc tấn công của Nga". Chuyên gia quân sự này cho biết thêm : "Chìa khóa nằm ở các cuộc tấn công chiều sâu. Do đó, quân Ukraine nhất quyết muốn có tên lửa tầm xa".
Theo Vladyslav Volochyn, người phát ngôn của cánh quân phía nam của Ukraine, cuộc tấn công của Nga vào Zaporizhia thậm chí sắp xảy ra, ông quả quyết rằng các đơn vị tấn công của quân đội Nga đã được điều tới vùng này. Trả lời phỏng vấn Reuters, vị sĩ quan này giải thích : "Các cuộc tấn công có thể bắt đầu trong tương lai gần, thậm chí chúng tôi không tính bằng tuần, mà chờ từng ngày cuộc tấn công nổ ra (…). Họ đang chuẩn bị các đơn vị thiết giáp và xe cơ giới nhẹ để thực hiện các cuộc tấn công này". Sĩ quan Ukraine cho biết thêm, các lực lượng Nga đã tiến hành trinh sát sơ bộ và các cuộc không kích của họ đã tăng từ 30 đến 40% trong hai đến ba tuần qua.
Quy mô tổn thất của Nga được ghi nhận trong những tháng gần đây cũng cho thấy quyết tâm làm suy kiệt hệ thống phòng thủ Ukraine. Theo tham mưu trưởng Anh, Đô đốc Tony Radakin, tháng 10 là tháng đẫm máu nhất đối với quân đội Nga kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine vào tháng 2/2022. Trung bình 1.500 binh sĩ Nga thiệt mạng hoặc bị thương mỗi ngày.
Đô đốc Tony Radakin bình luận, tổn thất của : "Nga đang tiến dần đến con số 700.000 người thiệt mạng hoặc bị thương, điều này minh chứng cho nỗi đau đớn và thống khổ to lớn mà đất nước Nga phải chịu đựng vì tham vọng của tổng thống Vladimir Putin".
Cuối tuần qua, Nga và Ukraine cũng đã tiến hành các cuộc tấn công qua lại nhau với số lượng drone chưa từng có, trong đó Moskva đã tung ra tổng cộng 145 chiếc trong đêm từ thứ Bảy và Chủ nhật. Về phần mình, Ukraine khẳng định đã phóng số drone kỷ lục về phía thủ đô của Nga.
"Giành tối đa đất"
Lịch trình tăng tốc này của Nga không có gì là ngẫu nhiên. Tuần qua người ta đã chứng kiến chiến thắng của ông Donald Trump thuộc đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Là người chỉ trích gay gắt viện trợ của Washington cho Kiev, vị tỷ phú khó lường này cho biết ông có thể chấm dứt xung đột "trong 24 giờ".
Một dấu hiệu cho thấy tình hình cấp bách và Châu Âu lo ngại của về tính bền vững của viện trợ Mỹ đó là việc ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tới Bruxelles hôm thứ Ba "để thảo luận về việc hỗ trợ Ukraine trong việc phòng thủ chống lại sự xâm lược của Nga", theo phát ngôn viên ngoại giao Mỹ.
Tướng Trinquand giải thích : "Tổng thống Putin quan tâm đến việc giành được càng nhiều đất càng tốt trước ngày 20/1 [ngày Donald Trump nhậm chức tổng thống], để có được thế mạnh khi tiến hành đàm phán. Đó là điều cấp thiết đối với ông ấy và đó là lý do tại sao ông lại nỗ lực vào lúc này".
Vào tháng 6, tổng thống Nga đã nhắc lại các điều kiện để mở các cuộc đàm phán hòa bình với Kiev : Ukraine rút quân khỏi các khu vực Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia, các vùng đất mà Nga mới chỉ chiếm được một phần, cũng như Kiev từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO.
Một hình thức đầu hàng không thể chấp nhận được đối với tổng thống Volodymyr Zelensky. Về phần mình, ông Zelensky bảo vệ "kế hoạch chiến thắng" trước các đồng minh của mình, loại trừ việc nhượng lại một phần lãnh thổ của Ukraine.
Phát ngôn viên Điện Kremlin, Dimitri Peskov cuối tuần qua cho biết dù chính quyền Trump không thể hiện rõ ý định của mình trong vấn đề Ukraine thì Nga vẫn ghi nhận "những tín hiệu tích cực". Nhiều tuyên bố từ những người trong giới thân cận với tổng thống đắc cử Mỹ dường như rõ ràng đang đi theo hướng của Moskva.
Trong chiến dịch tranh cử ở Hoa Kỳ, phó tổng thống tương lai JD Vance trong một cuộc phỏng vấn đã đề xuất một nước Ukraine trung lập và thiết lập "khu phi quân sự" trên chiến tuyến hiện tại. Một cách công nhận trên thực tế những phần lãnh thổ mà Nga đã chiếm được. Trong cuộc phỏng vấn của BBC, Bryan Lanza, cố vấn thân cận của Donald Trump, cũng kêu gọi Ukraine từ bỏ yêu sách đối với Crimée, bán đảo bị Nga sáp nhập năm 2014.
Bất chấp những bất trắc liên quan đến cuộc bầu cử của Donald Trump và viễn cảnh về một mùa đông khó khăn mới, đại đa số người Ukraine vẫn tiếp tục phản đối việc nhượng bộ lãnh thổ. Theo cuộc thăm dò của Viện Xã hội học Quốc tế Kiev, tỷ lệ người Ukraine ủng hộ nhượng bộ Nga để chấm dứt chiến tranh vẫn ổn định ở mức 32% kể từ mùa xuân năm ngoái.
(Theo France24.com)
Anh Vũ
***************************
Tổng thống Ukraine : Nga điều 50.000 quân tới khu vực Kursk
Phan Minh, RFI, 13/11/2024
Trong bài phát biểu hàng ngày trước quốc dân, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, hôm 11/11/2024, cho biết Nga đã điều 50.000 quân tới khu vực Kursk, hiện đang bị lực lượng Ukraine chiếm đóng một phần.
Binh sĩ Bắc Triều Tiên diễu binh dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Kim Nhật Thành tại Bình Nhưỡng, ngày 15/04/2012. AP - Ng Han Guan
Hãng tin Đức DW, dẫn lời nguyên thủ Ukraine, cho biết "tiếp tục kìm chân nhóm địch gần 50.000 người" ở khu vực tây nam nước Nga. Theo ước tính trước khi Kiev tiến hành cuộc tấn công bất ngờ vào khu vực này hồi tháng 8, chỉ có khoảng 11.000 binh lính đồn trú ở đó.
Về phần mình, Hoa Kỳ, hôm qua 12/11, xác nhận binh sĩ Bắc Triều Tiên đã được triển khai ở Kursk và bắt đầu tham chiến chống Ukraine, mặc dù chính phủ Hàn Quốc vẫn thận trọng chưa đưa ra khẳng định nào.
Phó phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Vedant Patel, đưa ra nhận xét này trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng việc triển khai quân đội Bắc Triều Tiên có thể kéo dài cuộc chiến của Nga ở Ukraine và tác động về an ninh đối với toàn bộ Châu Âu cũng như khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Vẫn về chiến sự, chính quyền Ukraine, hôm nay 13/11, đã kích hoạt báo động phòng không trên toàn quốc, để đối phó với cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga nhắm vào Kiev. Lần cuối cùng thủ đô Ukraine hứng chịu những cuộc oanh kích của Kremlin là hồi tháng 8. Trước đó, trong đêm 09 rạng sáng 10/11, Ukraine đã trở thành mục tiêu tấn công của 145 drone của Nga, số lượng cao "kỷ lục", theo ông Zelensky.
Phan Minh
Chính quyền Biden cho phép một số hãng tư nhân cộng tác với Bộ Quốc phòng sang Ukraine công tác, bảo trì các loại vũ khí mà Washington cung cấp cho Kiev. Một quan chức Mỹ xin được giấu tên đã tiết lộ với hãng tin Anh Reuters như trên vào hôm qua 08/11/2024.
Một hệ thống tên lửa ATACMS của Mỹ tại Queensland, Úc, ngày 26/07/2023. AP - Sgt. 1st Class Andrew Dickson
Vẫn theo các nguồn tin trên, "một số ít" các chuyên gia Mỹ sẽ được điều sang Ukraine nhưng sẽ hoạt động ở cách xa các vùng chiến tuyến, "không can thiệp vào cuộc xung đột". Nhiệm vụ của những người này chỉ mang tính "kỹ thuật", liên quan đến "khâu bảo trì và sửa chữa" các loại vũ khí mà Mỹ đã cấp cho Ukraine, đặc biệt là liên quan đến chiến đấu cơ F-16 hay đến hệ thống phòng không Patriot.
Sự hiện diện của họ "bảo đảm rằng nếu có bị hư hại, thì những thiết bị và vũ khí của Mỹ tại Ukraine sẽ nhanh chóng được sửa chữa". Công tác này sẽ được giao cho các "hãng gia công với bên Bộ Quốc phòng" và Mỹ "không huy động một người lính nào để bảo vệ nhân viên thuộc các hãng gia công đó".
Theo một nguồn tin khác, thì đã có một số hãng tư nhân trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của Mỹ "hiện diện tại Ukraine" và do vậy, thông tin nói trên, theo Reuters không "mang lại một thay đổi lớn nào về sự hiện diện của nhân viên Mỹ trên lãnh thổ Ukraine". Câu hỏi còn lại là hình thức hoạt động này sẽ tồn tại bao lâu một khi Nhà Trắng đổi chủ. Tổng thống tân cử Donald Trump cho rằng Mỹ đã quá hào phóng giúp đỡ Kiev và ông hứa nhanh chóng giải quyết chiến tranh Ukraine do Nga khai mào.
AFP nhắc lại, từ đầu cuộc chiến, Washington viện trợ quân sự hơn 60 tỷ đô la cho Ukraine nhưng về mặt chính thức, Mỹ vẫn cấm các hãng tư nhân trong lĩnh vực quốc phòng hiện diện tại Ukraine.
Thanh Hà
Tổng thống Ukraine không chấp nhận "ngừng bắn" hoặc "nhân nhượng" Nga
Thu Hằng, RFI, 08/11/2024
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là khách mời tại cuộc họp thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị Châu Âu ở Budapest, Hungary. Trong ngày họp đầu tiên 07/11/2024, ông đã bác bỏ gợi ý thảo luận về ngừng bắn với Nga và nhân nhượng điện Kremlin, dù là nhỏ nhất, sau khi Moskva đòi phương Tây đàm phán để tránh gây chết chóc cho người dân Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky họp báo bên lề thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị Châu Âu, Budapest, Hungary, ngày 07/11/2024. AP - Denes Erdos
Trong cuộc họp báo bên lề thượng đỉnh, tổng thống Ukraine khẳng định "hiện giờ không thể nói đến ngừng bắn" vì như vậy "là vô trách nhiệm", nhưng ông không loại trừ khả năng "sẽ xem xét sau này". Trước đó, ông Zelensky cũng tuyên bố "nhân nhượng Putin" là "chuyện không chấp nhận được đối với Ukraine và là đòn tự sát cho toàn Châu Âu".
Tổng thống Ukraine cho biết đã gặp đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron và thảo luận về vấn đề hỗ trợ quân sự cho Kiev cũng như huấn luyện quân nhân Ukraine tại Pháp. Tổng thống Macron tái khẳng định "Pháp sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ và lâu dài chừng nào Ukraine còn cần" để "đạt được hòa bình công bằng và bền vững".
Tuy nhiên, theo AFP, ngày càng có nhiều lời kêu gọi đàm phán giữa Nga và Ukraine, trong đó thủ tướng Hungary. Ngày 07/11, ông Viktor Orban lại đề nghị ngừng bắn để "hai bên tham chiến có thời gian và không gian cần thiết để trao đổi và bắt đầu đàm phán hòa bình". Ông cũng cho rằng Châu Âu không thể một mình viện trợ cho Ukraine nếu không có đồng minh Mỹ, nhất là tổng thống tân cử Donald Trump đã hứa sẽ giải quyết chiến tranh Ukraine "trong vòng 24 giờ" với kế hoạch được cho là buộc Ukraine nhượng 20% lãnh thổ hiện do Nga chiếm đóng.
Nga dồn dập oanh kích hàng ngày
Về tình hình chiến sự, để khủng bố tinh thần người dân Ukraine, quân Nga dồn dập oanh kích trong những ngày gần đây. Ngày 07/11, Nga phóng drone tấn công thủ đô Kiev suốt 8 tiếng. Còn tại vùng Donetsk, miền đông, có 2 người thiệt mạng và 5 người bị thương trong một vụ oanh kích ở làng Mykolaivka. Nhưng thành phố Zaporijia, miền nam, bị thiệt hại nhiều hơn cả, với 4 người chết và hơn 40 người bị thương.
Thông tín viên RFI Emmanuelle Chaze tại Kiev cho biết thêm thông tin :
"Nga dùng tên lửa và bom bay tấn công trung tâm thành phố Zaporijia đến 5 lần trong ngày thứ Năm (07/11). Trong số những người bị thương, có rất nhiều trẻ em và một bé mới 1 tuổi. Một quả bom đã đánh trúng trung tâm điều trị ung thư, khoảng 10 tòa nhà và 40 ngôi nhà bị phá hủy. Ủy viên đặc trách nhân quyền Dmytro Libinets đã lên án những vụ tấn công này và đề nghị thế giới phản ứng.
Song song với những vụ tấn công bằng tên lửa và bom bay, các vụ tấn công bằng drone tự sát tầm xa do Iran sản xuất cũng xảy ra liên tục trong những tháng gần đây. Kể từ tháng 9, không một ngày nào mà không có hàng loạt drone tấn công vào các cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine.
Ở Kherson, miền nam Ukraine, nhiều drone tầm ngắn gắn thuốc nổ được quân Nga sử dụng để tấn công người dân đang đi bộ hoặc đi ô tô, cũng như các nhà hoạt động nhân đạo. Những vụ như vậy đã được ghi hình lại và đăng tải trên các mạng xã hội Nga. Ngoài những vụ tấn công nhắm vào người dân, còn phải kể đến cuộc tấn công mà Nga gia tăng cường độ ở miền đông Ukraine".
Thu Hằng
**************************
Hàn Quốc không loại trừ khả năng trực tiếp cung cấp vũ khí cho Ukraine
Thùy Dương, RFI, 07/11/2024
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol hôm 07/11/2024 tuyên bố Seoul không loại trừ khả năng điều chỉnh chính sách để có thể trực tiếp cung cấp vũ khí cho Ukraine, nhằm đáp trả việc Bình Nhưỡng điều động quân hỗ trợ Nga trong chiến tranh Ukraine.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol trong cuộc họp báo ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 07/11/2024. AP – Kim Hong-ji
AFP nhắc lại từ trước tới nay, Seoul vẫn phản đối việc cung cấp vũ khí cho Ukraine do chính sách của Hàn Quốc không cho phép họ cung cấp vũ khí cho các quốc gia đang có xung đột.
Trong cuộc họp báo vào hôm nay 07/11, tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết : "Tùy theo mức độ can dự của Bắc Triều Tiên (vào chiến tranh Ukraine), chúng tôi sẽ điều chỉnh dần dần chiến lược hỗ trợ theo nhiều giai đoạn". Tuy nhiên, tổng thống Hàn Quốc lưu ý là nếu cung cấp vũ khí cho Kiev, Seoul sẽ "ưu tiên cung cấp vũ khí phòng thủ".
Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, ngay hôm nay, ông Park Chan-dae, người đứng đầu nhóm dân biểu đối lập tại Quốc Hội, đã kêu gọi chính phủ ngừng kế hoạch cung cấp vũ khí cho Ukraine, bởi Seoul không có lý do gì để phải vội vàng làm như vậy.
Theo tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, 11.000 binh sĩ Bắc Triều Tiên đã được triển khai tại vùng biên giới Nga Kursk, để hỗ trợ lực lượng của điện Kremlin đẩy lui lực lượng Ukraine đang chiếm đóng khu vực này.
Thùy Dương
***************************
Nga khẳng định không tìm kiếm đối đầu nhưng lên án phương Tây ủng hộ Ukraine
Thu Hằng, RFI, 06/11/2024
Tổng thống Vladimir Putin khẳng định Nga không tìm kiếm xung đột mà luôn gắn bó với nguyên tắc hợp tác đôi bên cùng có lợi. Ngày 05/11/2024, khi tiếp 28 tân đại sứ tại điện Kremlin, nguyên thủ Nga cũng lên án sự hỗ trợ của các nước phương Tây cho Kiev. Để tiếp tục cuộc chiến tại Ukraine, ngày 06/11, Thượng Viện Nga phê chuẩn hiệp ước quốc phòng với Bắc Triều Tiên.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong lễ tiếp 28 tân đại sứ tại điện Kremlin, Moskva, ngày 05/11/2024. AP - Yury Kochetkov
Theo tổng thống Nga, chính sách thù nghịch của một số nước phương Tây nhằm "làm trầm trọng và kéo dài thêm" cuộc xung đột ở Ukraine là "hết sức sai lầm". Ông Putin cũng lưu ý mối quan hệ song phương giữa Nga và nhiều nước đã bị giảm tối đa, trong đó có Ý, Canada và Nhật Bản. Đài NHK của Nhật Bản cho biết chính quyền Tokyo duy trì lập trường cơ bản về những vấn đề liên quan đến Ukraine, sẽ được tân đại sứ chuyển đến Moskva, nhưng tiếp tục cam kết về mối quan hệ với Nga.
Để đối phó với liên minh hỗ trợ Ukraine, chính quyền Nga tăng cường hợp tác với Bắc Triều Tiên. Hiệp ước "Đối tác chiến lược toàn diện" được Thượng Viện Nga thông qua ngày 06/11, trong đó có quy định "hỗ trợ quân sự ngay lập tức" cho nhau trong trường hợp một bên bị tấn công. Hiệp ước được Hạ Viện thông qua ngày 24/10 và chỉ còn chờ tổng thống Putin ký phê chuẩn để chính thức có hiệu lực. Trong khuôn khổ hiệp ước này, Bắc Triều Tiên cử khoảng 12.000 lính sang hỗ trợ Nga chống Ukraine, trong đó có khoảng 11.000 người đang hoạt động ở vùng Kursk của Nga, giáp biên giới với Ukraine, theo khẳng định của tổng thống Zelensky.
Tối 05/11, trong buổi điểm tin hàng ngày, ông Zelensky khẳng định quân đội Ukraine đã giao tranh với lính Bắc Triều Tiên và "trận đấu đầu tiên này đã mở ra một trang mới cho tình hình bất ổn trên thế giới". Trước đó, trả lời đài truyền hình Hàn Quốc KBS, bộ trưởng Quốc Phòng Ukraine Roustem Oumierov xác nhận có giao tranh và "ở quy mô nhỏ".
Ukraine bị Nga gia tăng oanh kích trong tháng 10, trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ. Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, Oleksandr Syrsky, nhận định, đó là "một trong những đợt tấn công mạnh nhất của Nga kể từ đầu cuộc xâm lược".
Thu Hằng
********************
G7 và đồng minh quan ngại về việc Bắc Triều Tiên đưa quân sang Nga tham chiến chống Ukraine
Phan Minh, RFI, 06/11/2024
Ngoại trưởng các nước thuộc nhóm G7 (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ý, Anh Quốc, Đức, Pháp và Canada), Hàn Quốc, Úc và New Zealand, hôm qua 05/11/2024, đã bày tỏ quan ngại về việc chính quyền Bắc Triều Tiên điều binh lính sang Nga để hỗ trợ nước này trong cuộc chiến chống Ukraine.
Lính Bắc Triều Tiên nhận đồng phục tại một trại huấn luyện ở vùng Viễn Đông của Nga.
Tuyên bố chung của G7 và ba nước nêu trên, được AFP trích dẫn, nhấn mạnh "sự hỗ trợ trực tiếp của Bắc Triều Tiên trong cuộc xâm lăng Ukraine của Nga, cho thấy sự tuyệt vọng của Moskva trong việc bù đắp những tổn thất, đồng thời đánh dấu sự lan rộng nguy hiểm của cuộc xung đột".
Các ngoại trưởng lên án sự hợp tác giữa Moskvavà Bình Nhưỡng "bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất", cáo buộc Kremlin "mua trái phép" tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên. Đồng thời, G7 và đồng minh cũng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về rủi ro Nga chuyển giao công nghệ hạt nhân cho Bắc Triều Tiên và khẳng định sẽ tìm những đối sách chống lại mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa Moskvavà Bình Nhưỡng.
Vẫn về chiến tranh Ukraine, chính quyền Kiev, hôm qua, thông báo đang điều tra vụ sáu binh sĩ của họ bị hành quyết sau khi bị quân đội Nga bắt giữ ở mặt trận miền Đông. Theo Văn phòng Công tố Ukraine, ba trong số họ đã bị hành quyết hôm 23/10 sau khi bị bắt làm tù binh "trong một cuộc tấn công ở thị trấn Selydové". Ba người còn lại bị xử tử hôm 01/11 tại khu vực Pokrovsk.
Phan Minh
Dầu mỏ Nga : quá nhiều kẽ hở trong các biện pháp trừng phạt
Kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine, Liên Hiệp Châu Âu (Liên Âu-EU), Hoa Kỳ và nhóm G7 đã áp dụng các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Moscow.
Các biện pháp hạn chế xuất khẩu dầu mỏ là một phần quan trọng trong loạt trừng phạt nhằm giảm nguồn thu nhập mà Nga dùng để nuôi chiến tranh. Chính vì vậy mà Nga đã không ngừng tìm cách trốn tránh các biện pháp trừng phạt này.
Một cuộc điều tra được công bố trên báo Le Monde, số ra ngày 31/10/2024, cho thấy chính quyền Nga có một hệ thống trốn tránh quy mô lớn, qua trung gian một loạt các công ty nhỏ và vô danh từ nhiều quốc gia phía Nam (chậm tiến) liên kết với Coral Energy.
Hải quan Anh bắt giữ một đội tàu ma chở dầu lậu từ Nga sang các quốc gia phía Nam di chuyển trong lãnh hải Scotland hồi tháng 9/2024
Coral Energy, trụ sở đặt tại Geneva và Dubai, là một doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng hóa và nguyên liệu. Công ty này đã là đối tác ưu tiên của Nga trước khi xảy ra chiến tranh ở Ukraine. Mặc dù công ty này tuyên bố đã chấm dứt các hợp đồng với Nga từ đầu năm 2022 và khẳng định tuân thủ các lệnh trừng phạt từ phương Tây, nhưng thực tế lại không đúng như thế.
Bằng cách sử dụng các công ty khung ở nước ngoài (phần lớn là các quốc gia chậm tiến Á-Phi), các đội tàu ma, đăng ký và hoạt động chuyển hàng bí mật, Coral Energy đã giúp Nga bán dầu của mình ra phần còn lại của thế giới một cách bất hợp pháp. Hơn nữa, hoạt động kinh doanh của Coral Energy được các ngân hàng lớn của Châu Âu, như Société Générale ở Pháp, hỗ trợ tài chính và còn ký những hợp đồng mua bán với nhiều công ty dầu mỏ quốc tế lớn, như TotalEnergies của Pháp. Vụ việc này phơi bày những lỗ hổng lớn trong hệ thống trừng phạt của phương Tây.
Hiệu quả của hệ thống trừng phạt đang giảm sút, đặc biệt là đối với việc áp giá trần mà Nga không thể vượt qua khi bán dầu. Mục tiêu của biện pháp này là làm giảm doanh thu của Nga mà không gây ra sự tăng giá trên thị trường toàn cầu, điều có thể làm gia tăng lạm phát ở Châu Âu và làm cho các quốc gia phía Nam gánh thêm nợ. Tuy nhiên, hiện nay, 70% xuất khẩu của Nga được giao dịch vượt mức giá trần này, điều này làm gia tăng đáng kể lợi nhuận của Nga.
Liên Âu cũng cảm thấy hối tiếc vì đã cho phép Hy Lạp bán một số lượng lớn tàu chở dầu cho Nga vào năm 2022. Những tàu này đã tham gia vào đội tàu "ma", giúp che giấu nguồn gốc của dầu để bán với giá cao hơn.
Việc ban hành các lệnh trừng phạt không phải là điều khó khăn. Vấn đề quan trọng là phải đảm bảo sự tuân thủ. Liên Âu không có một cơ quan quản lý duy nhất như Hoa Kỳ để điều tra các vi phạm có thể xảy ra. Mỗi quốc gia thành viên đều phải tự thực hiện các biện pháp trừng phạt này. Tuy nhiên, nguồn lực hiện tại của từng quốc gia trong Liên Âu không đủ, và hệ thống pháp lý chưa thực sự phù hợp. Trong nhiều quốc gia Liên Âu, việc điều tra phạm tội hầu như không có và nếu có những biện pháp trừng phạt chưa đủ sức răn đe.
Thụy Sĩ đã can đảm từ bỏ sự trung lập của mình và áp dụng hầu hết các biện pháp trừng phạt. Giờ đây, Thụy Sĩ phải chứng minh rằng họ có khả năng đảm bảo việc tuân thủ các biện pháp trừng phạt này đối với các ngân hàng và công ty kinh doanh đặt trụ sở trên lãnh thổ của mình.
Từ khi Nga xâm lăng Ukraine (tháng 2/2022), Châu Âu đã giảm đáng kể nhập khí đốt từ Nga, tuy nhiên không phải là dừng hoàn toàn vì những hợp đồng mua bán khí đốt có thể đã được ký kết từ trước chiến tranh. Hai đường ống dẫn khí khổng lồ Nord Stream 1 và 2 đã bị phá hoại hay hư hại hoàn toàn. Không có bằng chứng cụ thể nào để quy kết Ukraine chủ động, nhưng Nga đã mất đi một nguồn lợi tức quan trọng. Nhiều hệ thống dẫn khí khác cũng bị phá hủy, không vận hành được một cách bình thường. Chuyện cũng rất vui là Nga bán dù được khí đốt cho Liên Âu thì cũng phải chia 1 phần lợi tức cho Ukraine, vì đường ống dẫn khí đốt từ Nga phải đi qua lãnh thổ Ukraine để bán cho Áo, Hungary và Slovania. Kiev cũng không dại gì phá hoại hay ngăn chặn nguồn lợi tức bán chính thức này.
Không chỉ dầu mỏ và khí đốt
Ngoài dầu mỏ và khí đốt, Châu Âu cũng nhập khẩu rất nhiều uranium của Nga để vận hành các nhà máy điện hạt nhân. Lĩnh vực này chưa bị đưa vào các biện pháp trừng phạt Nga. Cụ thể là Pháp năm 2022 đã bỏ ra 359 triệu EUR để nhập uramium của Nga (Rosatom), một con số không đáng kể vì phí trung chuyển uramium chưa chế biến từ Kazakstan và Uzbekistan đã chiếm hơn phân nửa. Để tránh phụ thuộc, Tổng thống Macron cuối năm 2023 đã đi thăm và ký kết mua uranium chưa chế biến của các nước Trung Á như Kazakstan và Uzbekistan.
Không phải là vô lý khi có người từng nói : Phương tây làm tất cả để cho Ukraine không thua, nhưng cũng để cho Nga không bại.
Hoàng Quốc Dũng
(05/11/2024)
Cũng là giúp, nhưng bản chất không là một
Hoàng Quốc Dũng, 31/10/2024
Cuộc chiến tại Châu Âu ngày hôm nay đã có sự tham dự trực tiếp của ba nước Châu Á với lực lượng quân sự rất đáng kể.
"Chúng tôi tin rằng những người lính này […] đã tham gia một số địa điểm huấn luyện quân sự của Nga ở miền đông nước Nga, nơi họ hiện đang được huấn luyện", một phát ngôn viên của Nhà Trắng cho biết. Trong ảnh, chúng ta thấy quân đội Triều Tiên vào ngày 2 tháng 10 trên đất nước họ. Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên qua KNS / Agence France-Presse
1. Trung Quốc, không quá lộ liễu, vẫn liên tục giúp Nga ngay từ đầu và là nước được hưởng nhiều lợi lộc nhất trong cuộc chiến này. Cụ thể nhất là Trung Quốc giúp Nga tránh một phần các biện pháp trừng phạt của Phương Tây, cung cấp các chip điện tử, giúp đỡ về công nghệ cao cấp quân sự, mua bán với Nga để chuộc lợi và giúp Nga tránh thảm họa về kinh tế.
2. Iran ngay từ đầu cuộc chiến đã đứng về phía Nga, đã cung cấp rất nhiều phương tiện chiến tranh cho Nga, cụ thể là các drone, tên lửa đạn đạo… Iran chưa có vũ khí hạt nhân nhưng đang tìm mọi cách để đạt tới mục tiêu này.
3. Tuy là một nước nghèo, Bắc Hàn lại là một nước quân sự không phải là yếu với 1,3 triệu quân, đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa. Lính bắc Hàn có kỷ luật rất cao, hơn nữa lại là đội quân cuồng tín (fanatique). Bắc Hàn đã cung cấp rất nhiều đạn pháo và tên lửa cho Nga. Những ngày gần đây, dư luận về cuộc chiến Nga-Ukraine tập trung rất nhiều vào việc quân Bắc Hàn tham chiến ở Ukraine. Bộ quốc phòng Mỹ ước tính con số này khoảng 10.000. Cho đến hôm nay, không còn gì nghi ngờ nữa, quân Bắc Hàn thực sự có mặt ở Nga và cụ thể là ở Kursk. Vấn đề tham chiến chỉ còn là thời gian. Một số nguồn tin đã cho hay là họ đã tham chiến nhưng tôi chưa có những tin đủ tin cậy nên chưa dám khẳng định. Dù gì đi nữa, đây cũng là một bước leo thanh chiến tranh vô cùng trầm trọng. Đầu quân cho Nga, Bắc Hàn giúp Putin tránh phải tiến hành tổng động viên. Điều này rất bất lợi cho Putin và có thể làm lung lay quyền lực của Putin. Hơn thế nữa, theo một số nguồn tin thì Nga còn trả khoảng 2.000 $/tháng/1 lính cho Bắc Hàn. Theo tin của Bắc Hàn thì hàng triệu thanh niên Bắc Hàn đã tình nguyện "Ra đi giữ trọn lời thề : Chưa chui vào túi ny lông (bọc xác chết) chưa về quê hương".
Liên minh của bốn lãnh tụ độc tài trên hành tinh Tập Cận Bình, Putin, Kim Jong-un, Ali Khomenei nếu thành công sẽ thay đổi tận gốc rễ địa chính trị thế giới, rất có hại cho các nước văn minh dân chủ ở Châu Âu, cho nước Mỹ và các nước dân chủ khác ở khắp nơi trên thế giới.
Vậy mà trước sự leo thang nguy hiểm của Bắc Hàn, phản ứng của Châu Âu hay Mỹ đều không ngang tầm. Có thể là ở mức thông tin của chúng ta, chúng ta không thể biết các kế hoạch ngầm của phương Tây đối với sự kiện này ra sao.
Tuy nhiên, Nam Hàn cũng đã có phản ứng tích cực giúp đỡ Ukraine kể cả việc tuyên bố đưa quân sang Ukraine…
Phản ứng về việc Bắc Hàn đầu quân cho Putinmột "ný nuận rất hay" : Phương Tây giúp Ukraine được thì Bắc Hàn cũng giúp Nga được.
Đáp lại "ný nuận lày", phía ủng hộ Ukraine đã có một câu trả lời cực kỳ chính xác : Phương Tây giúp Ukraine là giúp quyền tự vệ chính đáng của Ukraine. Bắc Hàn giúp Nga là giúp kẻ cướp.
Hoàng Quốc Dũng
(31/10/2024)
Như các bạn đã biết, tôi là người ủng hộ Ukraine hết mình, đã bỏ biết bao công sức viết nhiều bài để các bạn tham khảo. Gần đây, tôi viết ít về chủ đề này vì cuộc chiến đã kéo dài và thời gian cuối này, không có những biến động gì lớn. Nếu các bạn đọc chỉ các bài ủng hộ Ukraine thì các bạn có cảm tưởng Ukraine sắp thắng đến nơi. Nhưng nếu các bạn đọc các bài của phía thân Nga thì các bạn lại thấy ngược lai.
Vậy, nếu để tóm tắt một cách ngắn gọn nhất thì thực tại thế nào ?
Nga có thể sẽ có thêm quân chi viện của Bắc Hàn, nhưng nếu chỉ hơn 10.000 quân thì điều này thực sự không có ý nghĩa để làm thay đổi cục diện trận chiến.
Cuộc chiến này đã đến cái đoạn giống như chiến tranh Việt Nam của những năm 70, không có gì biến chuyển lớn, không bên nào có ưu thế hơn hẳn bên nào. Mặc dù có rất nhiều khó khăn, nhưng Nga vẫn gặm nhấm đất của Ukraine, dù không nhiều nhưng vẫn gặm. Ukraine không đánh được những trận thần tốc như năm đầu tiên, nhưng cũng chiếm được Kursk. Ngày nào cũng có bên này bắn giết được bên kia.
Nga có thể sẽ có thêm quân chi viện của Bắc Hàn, nhưng nếu chỉ hơn 10.000 quân thì điều này thực sự không có ý nghĩa để làm thay đổi cục diện trận chiến. Ukraine chắc chắn không sợ gì đám quân này của Kim Jong-un, nhưng cũng nhân dịp này kêu toáng lên để tranh thủ thêm viện trợ của phương tây, đẩy phương tây vào thế quyết chiến hơn với Nga.
Thực sự cả hai bên đều mong mỏi một điều gì sẽ đến để kết thúc cuộc chiến. Nga, rất mệt mỏi và khó khăn tứ bề, đang rất trông chờ vào kết quả của cuộc bầu cử ở Mỹ, may ra có gì đó có lợi cho Nga. Ukraine bền bỉ chiến đấu gây nhiều tổn thất cho Nga và trông vào đó để có một sự chuyển biến trong nội bộ nước Nga, dẫn đến sự sụp đổ của Putin, từ đó sụp đổ nước Nga, buộc Nga phải kết thúc chiến tranh với thế bất lợi. Tôi không thấy Ukraine có thể đủ lực lượng để "đánh một trận, sạch không kình ngạc", đánh hai trận tan tác (chim muông) nước Nga. Nga lại càng không đủ lực để đánh cho Ukraine đại bại, mất nước.
Chiến tranh có nhiều khả năng phải kết thúc bằng một hiệp định hòa bình nào đó.
Phương tây, rất muốn ủng hộ Ukraine, nhưng không phải không có các hạn chế. Trừ một vài nước nhỏ Bắc Âu có rủng rỉnh tài chính, các nước khác cũng không phải không có vấn đề. Pháp là một nước lớn trong Liên Âu nhưng đang rất rất khó khăn. Ốc đang lo mình ốc chưa xong, lấy đâu ra tiền mà viện trợ mãi. Nhiều triệu người Ukraine chạy tỵ nạn sang Tây Âu đã tạo ra một gánh nặng rất lớn Tây Âu, phải chu cấp cho họ sống… Người Ukraine cũng có người xấu gây ra những tệ nạn cho các nước đón tiếp (ăn tiền trợ cấp, rồi đi làm chuyện bậy bạ…), ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tình cảm của người dân các nước đón tiếp. Thời gian càng trôi đi, những chuyện này càng nhân lên gấp bội.
Thời gian làm xói mòn tiềm lực của cả hai bên.
Hơn thế nữa, Trung Đông cũng nóng lên hơn bao giờ hết, phân tán sự quan tâm và nguồn lực của Phương Tây. Nhưng dù sao, Phương Tây vẫn sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine vì những lý do chiến lược, chính trị và cả đạo đức. Để cho Nga xâm lược một nước có chủ quyền sẽ tạo tiền lệ cho các nước khác làm tương tự (Trung Quốc – Việt Nam là một thí dụ).
Ukraine thất bại sẽ đe dọa trầm trọng an ninh của Châu Âu, thành viên của NATO, đe dọa hòa bình thế giới. Ủng hộ Ukraine cũng là ủng hộ các giá trị tự do dân chủ chống lại trục độc tài. NATO kiểu gì cũng không thể để Ukraine thất bại vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến vị trí, danh dự của NATO. Thất bại của Nga ở Ukraine là thất bại của chủ nghĩa bành trướng Nga, chôn vùi mộng bành trướng đại Nga đã có từ lâu đời. Tương quan lực lượng Nga và các nước xung quanh đã thay đổi rất nhiều nhưng Putin vẫn mơ giấc mộng cũ.
Hoàng Quốc Dũng
(22/10/2024)
Nga đánh mãi chưa chiếm được Pokrovsk ở miền đông, F-16 Ukraine lập công đầu ngoạn mục
Les Echos ngày 16/10/2024 nhận xét quân đội Ukraine dù quân số và vũ khí ít hơn vẫn nhưng vẫn đứng vững trước đạo quân xâm lược. Tuy tổ chức những đợt tấn công liên tục hàng ngày, quân Nga vẫn chưa xuyên qua được hàng phòng thủ của Ukraine ở miền đông, và lần đầu tiên còn bị mất một oanh tạc cơ Su-34 vì F-16.
Các quân nhân thuộc lữ đoàn tác chiến 15 "Kara-Dag" thuộc Vệ binh Quốc gia Ukraine gắn chất nổ vào một drone tác chiến trước khi điều khiển bay đi tấn công quân Nga ở gần Pokrovsk (Donetsk) ngày 09/10/2024. via Reuters - RFE/RL/Serhii Nuzhnenko
Ukraine trụ vững : Pokrovsk không thất thủ, F-16 diệt được Su-34
"Khó khăn, nhưng vẫn ổn", đó là đánh giá của các sĩ quan Ukraine trong thời gian gần đây. Pokrovsk, thành phố công nghiệp nhỏ của vùng Donetsk và là giao lộ đường sắt, đường bộ chiến lược để tiếp tế cho quân đội Ukraine, vẫn không bị thất thủ như những dự báo thường xuyên đưa ra vào giữa tháng 9. Những ngày gần đây, Ukraine đã củng cố được tiền tuyến và làm chậm lại đáng kể đà tiến của quân Nga trong khu vực, chận được địch ở cách thành phố 7-8 kilomet.
Trong bản tin hôm qua trên Facebook, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết gần 200 đợt tấn công hay đấu pháo đã diễn ra ngày hôm trước ở các trục Siversk, Pokrovsk, Kurakhove và Lyman thuộc Donetsk, và Kupiansk, thuộc Kharkiv. Chỉ riêng tại Pokrovsk, đã đẩy lùi được 40 cuộc tấn công của Nga trong ngày hôm đó. Quân Nga cũng tiếp tục tiến ở phía bắc thành phố mỏ Vuhledar, chiếm được ngày 03/10 sau khi bao vây suốt 9 tháng, mất rất nhiều mạng lính và xe quân sự trong những trận đánh ác liệt. Ngược lại theo báo cáo ngày 14/10 của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), lực lượng Ukraine tái chiếm được trung tâm Toretsk, và giữ vững các khu dân cư đã chiếm tại vùng Kursk của Nga.
Theo Les Echos, một trong những sự kiện ý nghĩa nhất trong những ngày gần đây là một oanh tạc cơ chiến thuật Sukhoi Su-34 đã bị tiêu diệt bởi một chiếc F-16 "Fighting Falcon" của Kiev do Hà Lan cung cấp, trang bị hỏa tiễn công nghệ cao AIM 9X. Ngày 12/10, các kênh Telegram thân Nga thông báo chiếc Su-34 đã bị bắn hạ ở cách tiền tuyến 50 kilomet trong khi đang thả bom lượn. Đây là lần đầu tiên một oanh tạc cơ Nga bị chiến đấu cơ Ukraine phá hủy khi đang bay, đặc biệt là bởi F-16 do Mỹ sản xuất, càng mang tính biểu tượng, từ nay có thể chặn đáng kể các hoạt động của Moskva.
Thực tế việc Nga tiến được ở miền đông Ukraine trong những tháng gần đây chủ yếu nhờ sử dụng ồ ạt bom lượn - loại bom từ thời Liên Xô được gắn thêm cánh xếp và hệ thống dẫn đường. Được máy bay thả xuống cách mặt trận vài chục cây số, những quả bom này có thể lượn lờ trên 50 kilomet, mang theo 1,5 tấn chất nổ dễ dàng hủy diệt các tòa nhà, hệ thống phòng thủ và những toán quân mà phi cơ và đội bay vẫn an toàn. Sự xuất hiện rất được chờ đợi của F-16 buộc Moskva phải xem lại chiến thuật này, hạn chế sử dụng các oanh tạc cơ, vừa đắt tiền vừa khó thay thế - một chiếc Su-34 trị giá 36 triệu đô la.
Dân biểu Ukraine mệt mỏi với nhiệm kỳ vô hạn định
Về chính trị trong nước, Le Monde cho biết Rada tức Quốc hội Ukraine vốn là biểu tượng kháng chiến, đang chịu thử thách của chiến tranh.Không dân biểu nào quên được thời điểm tháng 2/2022, khi đại quân Nga đã tràn đến cửa ngõ thủ đô Kiev. Oleksandr Merezhko, chủ tịch ủy ban đối ngoại kể lại : "Chúng tôi vội vàng bỏ phiếu, mắt hướng lên trời, lo sợ một hỏa tiễn tấn công vào vòm kính của tòa nhà. Nhưng duy trì các cuộc họp là quan trọng để chứng tỏ với toàn thế giới là Quốc hội vẫn trụ vững, các định chế vẫn hoạt động" dù bị xâm lăng. Các dân biểu không chạy trốn như người dân vẫn nghi ngại, tỉ lệ tín nhiệm tăng cao chưa từng thấy.
Hai năm rưỡi sau, quân Nga không còn đe dọa được Kiev dù các drone địch vẫn thường xuyên bị chặn lại xung quanh trụ sợ Quốc hội. Tuy nhiên các khó khăn vẫn chồng chất. Thiết quân luật khiến không còn cuộc bầu cử nào, từ tổng thống đến Quốc hội. Chẳng ai tranh cãi vì hiểu rằng với trên 6 triệu người di tản ra nước ngoài, 3,7 triệu sơ tán trong nước, 20% lãnh thổ bị quân Nga chiếm đóng và những cuộc oanh kích thường xuyên, tổ chức bầu cử vừa không an toàn vừa thiếu dân chủ. Nhưng một thách thức lớn cho Ukraine : Làm thế nào duy trì được lâu dài hoạt động dân chủ khi đang chiến tranh và không thể thay thế những người đại diện ?
Tại Quốc hội, các dân biểu đã mệt mỏi sau 32 tháng căng thẳng, vẫn phải làm việc cho đến khi nào chiến tranh kết thúc. Là người đại diện dân có nghĩa là phải sẵn sàng 24/24, không có kỳ nghỉ và còn bị đả kích sau một số xì-căng-đan, như vụ dân biểu Yuri Aristov lấy cớ đi công tác nhưng bị phát hiện tại một khách sạn sang trọng ở Maldives tháng 7/2023. Những dân biểu đối lập hạn chế chỉ trích trong thời chiến vì Nga tìm cách khai thác những bất đồng. Dân biểu thuộc đảng cầm quyền lại càng khó khăn hơn. Chiến thắng áp đảo của đảng do Volodymyr Zelensky thành lập đã đưa vào Quốc hội nhiều người không có kinh nghiệm chính trị, xuất thân đa dạng, và nay không ít dân biểu muốn quay lại với cuộc sống trước kia. Hơn nữa lương và phụ cấp của họ vẫn đứng yên ở con số 40.000 hryvnia (880 euro).
Lực lượng mũ xanh bất lực trước cuộc chiến ở Lebanon
Ở Trung Đông, Le Figaro giải thích "Lực lượng mũ xanh Liên Hiệp Quốc (Finul) có thể làm gì trong cuộc xung đột giữa Israel và Hezbollah ?". Một số sự cố đã xảy ra khiến 40 nước có binh lính tham gia Finul nhắc nhở cần thiết phải bảo vệ họ. Tuy nhiên lực lượng này trên lý thuyết có quyền dùng đến vũ lực trong trường hợp tự vệ chính đáng.
Tướng Pháp Olivier Passot từng chỉ huy tại đây cho biết lính mũ xanh có nhiệm vụ buộc tôn trọng nghị quyết "1701" của Liên Hiệp Quốc, nhằm giám sát khu vực tránh những hoạt động thù địch của Israel và Hezbollah, bảo vệ thường dân. Nhưng sau khi Israel rút quân năm 2000, Nhà nước Lebanon để cho vùng hoạt động của Finul dọc theo giới tuyến xanh trở thành vô tổ chức. Họ đồng lõa với tổ chức phi chính phủ Green Without Borders, trên thực tế là của Hezbollah, viện cớ trồng cây xanh để giới hạn hoạt động của Finul. Về chiến dịch trên bộ của Israel từ 19/09, Finul không thể ngăn trở vì không sở hữu cả không quân lẫn vũ khí hạng nặng.
Kim Jong-un chôn vùi chính sách Vầng thái dương
Tại Châu Á, Le Figaro chú ý đến việc Kim Jong-un cắt đứt với Seoul một cách ồn ào : cho nổ các đoạn đường trước đây dành cho việc trao đổi với Hàn Quốc. Với hành động lịch sử này, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã chôn vùi "chính sách Vầng thái dương". Vụ nổ làm bật tung lớp đá dăm, một cột khói đen dày đặc tỏa lên phía trên khu rừng. Cách đường giới tuyến phân chia hai miền vài mét, những tiếng nổ lần lượt vang lên vào buổi trưa hôm qua 15/10. Phía bên kia rào kẽm gai, những người lính Hàn Quốc bắn cảnh cáo việc vi phạm thỏa thuận Bàn Môn Điếm năm 1953. Bộ tổng tham mưu Seoul loan báo, Bắc Triều Tiên đã làm nổ tung các đoạn đường Gyeongui và Donghae ở phía bắc.
Chỉ trong vài phút, Kim Jong-un vừa phá hủy hai tuyến đường huyết mạch là biểu tượng cho nhiều thập niên nỗ lực xích gần lại với nhau trên bán đảo Triều Tiên. Hai con đường trên đây chạy từ tây sang đông khu phi quân sự ở vĩ tuyến 38 phân chia hai miền Triều Tiên. Hàn Quốc nay bị Kim Jong-un gọi là "kẻ thù chính", bị thù địch hơn cả Nhật Bản, nước đô hộ cũ. Những tia hy vọng cuối cùng của "chính sách Vầng thái dương" nay tắt lịm, sau thất bại của hội nghị thượng đỉnh giữa ông Donald Trump và Kim Jong-un ở Hà Nội năm 2019.
Nhà độc tài biết cách gây chú ý bằng cách khua chiêng gióng trống quyết định bước vào một giai đoạn mới. Theo Jenny Town, giám đốc trang web 38 North, đây là thông điệp gởi đến Seoul và cả Washington.Kim đã đi thăm một trung tâm làm giàu uranium vào tháng Chín, sau khi hứa hẹn gia tăng số vũ khí nguyên tử "theo cấp số nhân" năm ngoái ; và ký thỏa thuận quốc phòng chung với Nga vào tháng Sáu. Ngoài đạn pháo, lính Bắc Triều Tiên nay còn hiện diện trên mặt trận Ukraine – theo Kiev. Kim thế hệ thứ ba đã chính thức kết liễu dự án "thống nhất" giữa hai miền trong thập niên 90, thậm chí sửa đổi Hiến pháp "xã hội chủ nghĩa" của quốc gia 23 triệu dân.
Chung Yung Woo, cựu cố vấn tổng thống Hàn Quốc cho rằng chế độ Bình Nhưỡng cảm thấy bất an trước các thông tin từ phương Nam lan truyền trong dân chúng. Sự leo thang này diễn ra vào lúc cuộc chiến tuyên truyền đang mạnh mẽ. Bắc Triều Tiên tố cáo các drone Hàn Quốc bay trên Bình Nhưỡng đưa thông tin chỉ trích chính quyền. Seoul đã kích hoạt trở lại các giàn loa cổ vũ dân chủ dọc theo biên giới từ tháng Bảy, để cho các nhà hoạt động gởi những quả bóng có truyền đơn sang. Bình Nhưỡng trả đũa bằng những quả bóng chứa đầy rác. Cô em Kim Yo-jong của nhà độc tài đe dọa "những tay găng-tơ miền Nam" về một "thảm họa khủng khiếp" nếu tái phạm.
Cầu thủ ngôi sao Kylian Mbappé bị nghi liên quan một vụ cưỡng hiếp
Trên lãnh vực xã hội, sự kiện ngôi sao bóng đá Pháp Kylian Mbappé bị nghi ngờ liên quan đến một vụ cưỡng hiếp tại Thụy Điển khiến các báo đều chú ý. Theo hai tờ báo bình dân Aftonbladet, Expressen và kênh truyền hình công Thụy Điển SVT, cầu thủ nổi tiếng của Pháp đang bị điều tra về một vụ hiếp dâm. Tư pháp Thụy Điển không nêu tên nghi can, chỉ xác nhận có đơn tố cáo của một phụ nữ.
Từ năm 2018, Quốc hội nước này đã thông qua đạo luật, theo đó không cần yêu tố cưỡng bức khi quan hệ cũng có thể bị quy tội hãm hiếp, và sau đó tỉ lệ bị kết án vì tội danh này đã tăng lên 75%. Vụ việc được cho là xảy ra hôm 10/10 tại khách sạn năm sao Bank Hotel ở trung tâm Stockholm. Xì-căng-đan nhanh chóng lan rộng do dính đến tên tuổi cầu thủ trẻ là thần tượng của nhiều người. Mbappé nói rằng đó là "fake news" và đã nộp đơn kiện về vu khống.
Bản án có thể là cuối cùng về "Bức tường Berlin"
Về mặt pháp luật, 35 năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ, một cựu mật vụ Đông Đức vừa bị kết án 10 năm tù vì đã sát hại một người muốn đào thoát sang Tây Đức, nửa thế kỷ sau vụ sát nhân này. Martin Naumann, trung úy thuộc mật vụ Stasi đã bắn chết Czeslaw Kukuczka, một người Ba Lan muốn vượt qua bức màn sắt. Cụ thể, ngày 29/03/1974 Kukuczka vào đại sứ quán Ba Lan ở Berlin đòi hỏi trong vòng 15 phút phải được sang Tây Đức, nếu không sẽ cho nổ quả bom trong va-li – theo phiên bản của chế độ Ba Lan thời đó. Warszawa thông báo cho Stasi, và cơ quan này cử người đi kèm người muốn đào thoát đến ga Friedrichstrasse - điểm nối giữa Đông và Tây - và trao giấy thông hành.
Nhưng trong hành lang đường hầm hướng về phía Tây Đức, mật vụ Martin Naumann đã lạnh lùng bắn thẳng vào lưng Czeslaw Kukuczka ở khoảng cách chỉ 2 mét. Warszawa nói rằng đây là một vụ tự tử, còn Stasi gắn huy chương cho Naumann vì "trung thành với đảng", "tuân theo nguyên tắc đấu tranh giai cấp". Sau này khi hồ sơ được giải mật, người ta biết rằng nạn nhân không hề mang theo chất nổ, và bộ trưởng an ninh Đông Đức, Bruno Beater, đã ra lệnh khử Kukuczka.
Năm nay đã 80 tuổi, bị cáo Naumann vẫn bị lãnh án theo nhà sử học Daniela Münkin được Le Figaro dẫn lời là "để làm gương", và có lẽ là bản án cuối cùng trong lịch sử bức tường ô nhục đã khiến khoảng 300 người thiệt mạng khi đi tìm tự do. Đây là một trong những phiên xử cuối về tội ác cộng sản Đông Đức. Một sự trùng hợp là trong vài tuần nữa, ngày 09/11 Cộng hòa Liên bang Đức sẽ kỷ niệm 35 năm ngày bức tường Berlin chấm dứt tồn tại.
Thụy My
Tháng 9/2024 quân đội Nga thương vong nặng nề nhất kể từ đầu chiến tranh chống Ukraine
Trọng Thành, RFI, 13/10/2024
Theo các nguồn tin tình báo Anh, Mỹ, tổn thất trong tháng 9/2024 vừa qua của quân Nga trong cuộc xâm lăng Ukraine là nặng nề nhất kể từ đầu cuộc chiến, kéo dài từ hơn 2 năm rưỡi nay.
Lính nghĩa vụ Nga xếp hàng chờ nhập ngũ tại một trung tâm tuyển quân ngày 16/05/2024. Reuters - Sergey Pivovarov
Truyền thông Pháp dẫn lại thông tin từ báo Anh Daily Telegraph, theo đó, số binh sĩ Nga bị loại khỏi vòng chiến đấu trong tháng này là 38.000 người, tức trung bình gần 1.300 quân nhân một ngày. Trong năm 2022, số thương vong trung bình hàng ngày của Nga là từ 172 đến 559 người. Chiến sự ngày càng dữ dội kể từ năm 2023, với 967 binh sĩ chết/ngày. Kể từ tháng 5/2024, mỗi ngày trung bình hơn 1.000 quân Nga chết. Theo báo Mỹ The New York Times, nguồn tin tình báo từ Lầu Năm Góc cũng cho rằng tháng 9/2024 là tháng tổn thất nặng nhất với quân Nga.
Tổng cộng, Nga mất khoảng 615 nghìn quân, bao gồm 115 nghìn người chết và 500 nghìn bị thương. Về phía Ukraine, theo ước tính của Mỹ, đã có hơn 57.500 người chết và 250.000 người bị thương. Một giới chức Mỹ nhận định : "Tổn thất của Nga, bao gồm số người chết và bị thương trong chiến đấu, ngay trong năm đầu tiên của cuộc chiến đã vượt quá tổng số tổn thất của Nga hoặc Liên Xô trong tất cả các cuộc xung đột kể từ Thế chiến thứ Hai đến nay."
Nga vẫn tuyển mộ hơn 25.000 binh sĩ/tháng
Theo phân tích của tình báo Anh và Mỹ, Matxcơva chủ trương "nướng" hàng nghìn lính bộ binh để làm suy yếu hệ thống phòng thủ của Ukraine. Bộ Quốc Phòng Anh ghi nhận: "số thương vong gia tăng kể từ tháng 5/2024 gần như chắc chắn là do việc mở rộng khu vực chiến đấu bao gồm vùng Kharkiv và Kursk (của Nga), cũng như cường độ gia tăng dọc theo chiến tuyến" ở miền đông và đông nam Ukraine.
Trong những ngày đầu tháng 10, Viện Nghiên cứu Chiến tranh ISW, có trụ sở tại Washington, nêu nhận định : "lực lượng Nga không có đủ nhân lực và phương tiện để tiếp tục tăng cường các nỗ lực tấn công vô thời hạn, và các hoạt động tấn công hiện tại của Nga ở miền Đông Ukraine có thể sẽ lên đến đỉnh điểm trong những tháng tới, thậm chí là những tuần tới".
Hiện tại, theo đánh giá của giới chức tình báo Mỹ, bất chấp tổn thất, Nga vẫn tuyển mộ từ 25.000 đến 30.000 binh sĩ mỗi tháng, tức gần tương đương với số binh sĩ bị loại khỏi vòng chiến đấu hàng tháng, kể từ tháng 5 đến nay.
Tổng thống Zelensky : Ukraine vẫn bám trụ tại tỉnh Kursk, miền nam Nga
Trong một phát biểu tối qua, 12/10/2024, tổng thống Ukraine khẳng định : "Nga đã cố gắng đẩy lùi các vị trí của Ukraine, nhưng chúng tôi vẫn bám trụ". Tuy nhiên lãnh đạo Ukraine thừa nhận lực lượng Ukraine ở vùng miền đông Donetsk và vùng miền nam Zaporijjia đang "rất khó khăn".
Quân đội Nga hôm nay tuyên bố đã chiếm thêm được một ngôi làng mới ở miền đông Ukraine, gần thị xã chiến lược Pokrovsk, khu vực mà quân Nga đã lấn chiếm được nhiều vị trí trong những tuần lễ gần đây. Làng Mykhaidivka, sát thị trấn Selidove, phía nam Pokrovsk.
Trọng Thành
*******************************
Zelensky chịu áp lực trên mặt trận quân sự và ngoại giao
Thùy Dương, RFI, 11/10/2024
Giữa tuần này, sau khi đến Croatia dự thượng đỉnh Ukraine - Đông Nam Âu với đại diện 12 nước trong khu vực hôm 09/10/2024, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có vòng công du Tây Âu, lần lượt đến Anh, Pháp, Ý và Đức, nhằm tìm kiếm viện trợ. Theo nhận định của báo Le Figaro, ngày 10/10/2024, tổng thống Ukraine đang chịu nhiều sức ép, cả trên mặt trận quân sự và ngoai giao.
Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelensky (không đeo cà vạt) lúc nghỉ giải lao tại thượng đỉnh Ukraine - Đông Nam Âu, tại Dubrovnik, Croatia, ngày 09/10/2024. AP
Tờ báo thiên hữu của Pháp cho rằng phương Tây dường như "tê liệt" trong bối cảnh Hoa Kỳ, nước viện trợ nhiều nhất cho Ukraine, đang tập trung vào kỳ bầu cử tổng thống 2024. Đó là chưa kể phương Tây hiện giờ cũng phải dồn sự chú ý đến cuộc chiến ở Trung - Cận Đông.
Điểm đáng chú ý, theo Le Figaro, trong chiến tranh, các nước dân chủ thường khó duy trì lâu dài các cam kết của mình. Vốn quen với các nhiệm kỳ ngắn hạn, theo nhịp độ các cuộc bầu cử và ngân sách hàng năm, chính quyền các nước dân chủ không không thể bền bỉ kéo dài nỗ lực trong khi các chế độ độc tài, chuyên chế thì lại có thể huy động nguồn lực một cách lâu dài.
Thượng đỉnh Ramstein tại Đức, cuộc họp đầu tiên của giới lãnh đạo cấp cao nhất của các nước đồng minh của Kiev, đã bị "cơn bão Milton cuốn trôi" : thượng đỉnh bị hoãn vô thời hạn vì tổng thống Mỹ Biden phải ở lại Washington chỉ đạo công tác phòng chống cơn bão "mạnh nhất thế kỷ", cho dù đây được xem như chuyến công du Châu Âu cuối cùng của ông Biden trên cương vị nguyên thủ Mỹ nhằm trấn an các đồng minh đang lo lắng về nguy cơ Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ.
Đối với một số người, lẽ ra tổng thống Joe Biden đã có thể cử đại diện đến thượng đỉnh ở căn cứ Ramstein của Mỹ tại Đức. Thế nhưng, Marko Mihkelson, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại tại Quốc Hội Estonia, nhận định rằng việc hủy thượng đỉnh Ramstein, mà theo dự kiến thì tổng thống Zelensky sẽ trình bày "kế hoạch giành chiến thắng" cho Ukraine, chính là "một tín hiệu rõ ràng gửi đến chính quyền Nga". Đó là "phương Tây chưa sẵn sàng ủng hộ kế hoạch chiến thắng" của Kiev. Đó là sự "thiếu quyết tâm chính trị, lòng can đảm và nguồn lực. Và tệ hơn nữa, điều này có nghĩa là phương Tây chưa sẵn sàng chiến đấu cho lý tưởng của mình".
Về cơ bản, cả Luân Đôn, Paris, Roma hay Berlin đều không thay đổi quan điểm ủng hộ việc củng cố vị thế của Ukraine trên chiến trường để giúp Kiev đạt được "thế mạnh" ở bàn đàm phán. Thế nhưng, đằng sau hậu trường, dù là ở Paris, Berlin hay Washington, trong thâm tâm, các nhà lãnh đạo đều mong muốn đạt được hòa bình, cho dù Ukraine phải thỏa hiệp về lãnh thổ.
Những người ủng hộ việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine tự cho mình là theo chủ nghĩa hiện thực. Họ quan sát thấy rằng các lực lượng Ukraine đã phải rút lui ở Donbass, dù chậm nhưng liên tục. Gần đây nhất, quân Ukraine phải rút khỏi Vuhledar, khiến đối phương tiến lại gần hơn Pokrovsk, thành phố có vai tro then chốt về hậu cần quân sự đối với lực lượng Ukraine. Mọi người đều nhận thấy là đợt quân Ukraine tấn công, xâm nhập vào vùng biên Kursk của Nga hồi tháng 08 cũng không cản được bước tiến của quân Nga ở miền đông Ukraine.
Họ cũng nhận thấy là sau hơn 2 năm rưỡi chiến tranh Ukraine, nhiều nước phương Tây đã cảm thấy "mệt mỏi" và cũng đã quen với cảnh bom đạn ở sườn đông Châu Âu.
Việc cử tri miền đông Đức bỏ phiếu ồ ạt cho phe cực hữu thân Nga trong kỳ bầu cử địa phương vừa qua, đã gián tiếp dẫn đến quyết định của chính phủ Đức cắt giảm một nửa viện trợ cho Ukraine vào năm 2025.
Trước cảnh các đồng minh của Ukraine thiếu chiến lược, tổng thống Nga Vladimir Putin từ lâu nay đã chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tiêu hao, hiện tại không có gì và không ai có thể khiến Nga đi chệch quỹ đạo.
Bất đồng quan điểm với đồng minh phương Tây
Không những vậy, theo Le Figaro, dẫu thượng đỉnh Ramstein có diễn ra thì cũng sẽ càng cho thấy nhiều điểm khác biệt giữa Ukraine và các đồng minh phương Tây : sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga, giúp Ukraine bắn chặn các tên lửa của Nga, đòi Nga rút ra khỏi các vùng chiếm đóng ở Ukraine hay ủng hộ Kiev gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO…
Trái lại, trong số các đồng minh phương Tây của Ukraine, ngày càng có nhiều tiếng nói ủng hộ việc Kiev mở đàm phán với Moskva. Một số người khuyên Volodymyr Zelensky giảm tham vọng. Trên thực tế, kể từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra hồi tháng 02/2022, các đồng minh đã cung cấp đủ vũ khí để Kiev tự vệ trước Nga, nhưng lại không đủ để Ukraine giành chiến thắng. Những lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân của Vladimir Putin, dẫn đến nỗi lo sợ Đệ Tam Thế Chiến, càng làm chậm đà viện trợ quân sự cho Ukraine. Le Figaro nhấn mạnh phương Tây không muốn Nga thắng trong chiến tranh Ukraine, nhưng cũng không thể để Nga thua để rồi có nguy cơ phải gánh chịu hậu quả của sự sụp đổ của chế độ Putin.
Những lời kêu gọi viện trợ của Volodymyr Zelensky càng ít được lắng nghe khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần. Kết quả của cuộc bầu cử này có thể quyết định số phận của Ukraine. Quan điểm của Donald Trump về viện trợ cho Kiev thì đã rõ, còn Kamala Harris vẫn tỏ ra khá mơ hồ. Bà cho biết sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine, nhưng cho rằng tổng thống Ukraine nên điều chỉnh tham vọng, dành thêm chỗ cho vế đàm phán trong kế hoạch giành chiến thắng cho Ukraine. Bà cũng không cho biết quan điểm về việc Ukraine xin gia nhập NATO. Về phần mình, ông Biden phản đối điều này.
Le Figaro kết luận, nếu một ngày nào đó đầu óc "thực tế" của các nước đồng minh thắng thế, buộc Ukraine đàm phán với Nga, thì chắc chắn cần phải tranh luận làm rõ thế nào là chiến thắng, các bảo đảm về an ninh cho một nước Ukraine dân chủ, tự do, hướng về Châu Âu, ra sao.
Thùy Dương
*************************
Nga thông báo phá hủy hai hệ thống phòng không Patriot của Ukraine
Anh Vũ, RFI, 11/10/2024
Quân đội Nga hôm 10/10/2024 thông báo đã bắn trúng hai dàn phóng tên lửa phòng không Patriot, hệ thống vũ khí hiện đại và đắt tiền do các đồng minh phương Tây cung cấp cho Kiev nhằm đối phó với các cuộc bắn phá diễn ra hàng ngày tại Ukraine.
Hai tiêm kích F-16 của không quân Ukraine bay qua một hệ thống phòng không Patriot, ở Ukraine. Ảnh chụp ngày 04/08/2024. © AP - Efrem Lukatsky / AP
Thông tin được bộ Quốc Phòng Nga đưa ra trong báo cáo chiến sự hàng ngày, tuy nhiên báo cáo không cho biết cụ thể thời gian và địa điểm của vụ việc.
Trước đó một hôm, trên mạng Telegram, quân đội Nga đã đăng một video quay từ trên cao cho thấy vụ tập kích của tên lửa hành trình Iskander vào một khẩu đội tên lửa phòng không Patriot trong vùng Dniepro, miền trung Ukraine. Theo nguồn tin này, một dàn phóng của hệ thống Patriot đã bị phá hủy và một dàn khác bị hư hại.
Trong khi đó trên mạng Facebook, phát ngôn viên lực lượng không quân Ukraine, Youri Ihnat xác nhận : "Kẻ thù chỉ làm hư hại nhiều chi tiết thiết bị nhưng không phá hủy được hệ thống" và đơn vị này vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ trong vùng.
Thao AFP, hiếm khi thấy phía Ukraine bình luận chính thức về hệ thống vũ khí quý giá và thiết yếu như hệ thống Patriot. Kiev luôn giữ bí mật tuyệt đối về loại vũ khí này.
Ukraine đã nhận được từ các nước đồng minh phương Tây nhiều hệ thống phòng không Patriot từ đầu năm 2023. Hệ thống đã giúp quân đội Ukraine bảo vệ có hiệu quả hơn các thành phố và cơ sở hạ tầng năng lượng, những mục tiêu trở nên thường nhật của Nga.
Về tình hình chiến sự tại Ukraine. Hôm nay (11/10) quân đội Nga cho biết đã chiếm thêm hai khu làng trong vùng Pokrovsk, thành phố chiến lược cho tiếp viện hậu cần của quân đội Ukraine ở miền đông.
Từ nhiều tháng nay, quân Nga tiếp tục tiến trên chiến trường miền đông. Trước những khó khăn quân sự gia tăng, Kiev tiếp tục nỗ lực kêu gọi phương tây duy trì sự hậu thuẫn đối với Ukraine, đang có những dấu hiệu suy giảm trong năm thứ 3 của cuộc chiến tranh.
Anh Vũ
***************************
Tiếp nguyên thủ Ukraine, tổng thống Pháp Macron khẳng định tiếp tục viện trợ Kiev theo đúng cam kết
Thùy Dương, RFI, 11/10/2024
Trong vòng công du Châu Âu, sau khi đến Luân Đôn, chiều hôm qua 10/10/2024, tổng thống Ukraine đã đến Paris và được tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp đón tại điện Elysée. Nguyên thủ Pháp khẳng định Paris sẽ tiếp tục viện trợ Kiev theo đúng các cam kết của Pháp. Tổng thống Macron nhấn mạnh việc Pháp huấn luyện và trang bị cho một lữ đoàn của Ukraine đang tiến triển.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenskyy trước Điện Elysée, Paris, ngày 10/10/2024. AP - Michel Euler
Sau cuộc gặp với đồng nhiệm Pháp, tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định không thảo luận với các đồng minh về một "lệnh ngừng bắn" và nhấn mạnh đây là thông tin sai lệch mà Nga phát tán.
Cũng như mọi khi, tổng thống Ukraine kêu gọi phương Tây đẩy mạnh viện trợ cho Kiev chống Nga xâm lược : "Trước khi mùa đông đến, chúng tôi cần sự trợ giúp của quý vị".
Sau cuộc gặp tổng thống Pháp, nguyên thủ Ukraine sang Ý và tối hôm qua đã gặp thủ tướng Giorgia Meloni. Bà Meloni thông báo Roma sẽ tổ chức vào hai ngày 10-11/07/2025 một hội nghị quốc tế về tái thiết Ukraine. Thủ tướng Ý khẳng định : "Ukraine không đơn độc, chúng tôi sẽ đồng hành cho đến khi nào còn cần thiết". Sáng nay, trước khi sang Đức, tổng thống Zelensky đã được Giáo hoàng Francis tiếp đón ở Vatican.
Còn tại thủ đô Berlin của Đức, hôm nay 11/10, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có cuộc gặp với thủ tướng Olaf Scholz và tổng thống Steinmeier. Đây là chặng dừng quan trọng bởi vì Đức là 1 trong những nước viện trợ nhiều nhất cho Kiev kể từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra.
Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibaut cho biết thêm :
"Làn sóng người tị nạn tiếp theo vào mùa đông này ?" Trên trang nhất, nhật báo Berliner Zeitung hôm nay bày tỏ lo ngại về khả năng sẽ có thêm nhiều người Ukraine đến Đức tị nạn, nếu tình hình tại Ukraine trong những tháng tới xấu đi nhiều. Hiện tại, nước Đức tiếp đón 1,2 triệu người đến từ Ukraine.
Theo dự kiến, trong chặng dừng chân ở Berlin nhân chuyến công du Châu Âu, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có cuộc gặp với thủ tướng Đức Olaf Scholz, trước đó là những tuyên bố sơ bộ. Tuy nhiên, mọi người không trông chờ là có những thông báo đặc biệt. Tuy vậy, Berlin vẫn là một chặng dừng quan trọng, bởi vì Đức là nước hỗ trợ nhiều nhất cho Ukraine, chỉ sau Hoa Kỳ. Nhưng khoản viện trợ, năm nay vào khoảng 8 tỷ euro, sang năm sẽ phải giảm đi một nửa. Berlin muốn bù đắp cho sự cắt giảm này bằng khoản tiền lãi từ tài sản của Nga đang bị phong tỏa. Đối với giới chuyên gia, việc thực hiện giải pháp này vẫn còn chưa chắc chắn.
Cho dù Berlin ủng hộ mạnh mẽ Ukraine, nhưng khác với Mỹ, Anh và Pháp, cho đến nay chính quyền Đức vẫn chưa cấp tên lửa tầm xa cho Kiev. Từ nhiều tháng nay, Ukraine đề nghị được cấp hỏa tiễn Taurus có tầm bắn xa tới 500 km, nhưng thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn luôn nói "không".
Thùy Dương
*********************
Tổng thống Ukraine công du Châu Âu để tìm kiếm thêm viện trợ từ đồng minh
Chi Phương, RFI, 10/10/2024
Cơn bão Milton tại Hoa Kỳ không chỉ tác động đến bang Florida mà còn làm trì hoãn cuộc họp ở Ramstein của lãnh đạo các nước ủng hộ Ukraine – Ukraine Defense Contact Group - do vắng mặt tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Tuy nhiên tổng thống Zelensky vẫn tiếp tục chuyến công du Châu Âu để tìm kiếm thêm viện trợ. Nguyên thủ Ukraine gặp lãnh đạo Anh vào sáng nay tại Luân Đôn, đến Paris vào chiều nay để hội đàm với tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại điện Elysée, Paris.
Thủ tướng Croatia Andrej Plenković bắt tay tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại hội nghị thượng đỉnh Ukraine-Đông Nam Âu, tại Dubrovnik, Croatia, ngày 09/10/2024. © Service présidentiel de presse ukrainien / AFP
Từ Kiev, thông tín viên Emmanuelle Chaze tường trình :
Lẽ ra đó là lần đầu tiên lãnh đạo các nước ủng hộ Ukraine họp thượng đỉnh tại Ramstein, nhưng cuối cùng, nhóm hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine quy tụ hơn 50 nước sẽ không họp tại căn cứ quân sự Mỹ ở Đức vào ngày mai, 11/10, vì một những lãnh đạo chủ chốt ủng hộ Ukraine, tổng thống Mỹ Joe Biden, đã hủy chuyến đi để giám sát chỉ đạo từ Washington các hoạt động khẩn cấp đối phó với cơn bão Milton.
Mặc dù cuộc họp bị hoãn lại, nhưng tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vẫn thực hiện chuyến công du Châu Âu. Hôm qua, nguyên thủ Ukraine đã thăm chính thức Croatia, ông Zelensky đã khẳng định rằng Kiev có cơ hội thực sự để có một hành động mang tính quyết định trên chiến trường vào mùa đông này và có thể kết thúc chiến tranh, dẫn tới hòa bình lâu dài.
Tổng thống Ukraine cũng nhắc lại rằng Kiev trông cậy vào các đồng minh để mang lại hòa bình và an ninh cho Châu Âu. Ông Zelensky cũng sẽ có cơ hội nhắc lại những tuyên bố này khi gặp tổng thống Emmanuel Macron vào hôm nay, 10/10 tại điện Élysée, và gặp thủ tướng Đức Olaf Scholz vào thứ Sáu tại Berlin. Nguyên thủ Ukraine cũng sẽ gặp giáo hoàng Francis, thủ tướng Ý Giorgia Meloni ở Roma, và thủ tướng Anh Keir Starmer tại Luân Đôn.
Những tuần gần đây, tổng thống Ukraine bày tỏ quan ngại về việc các đồng minh chậm trễ ra quyết định viện trợ quân sự. Kiev đã nhiều lần xin trợ giúp vũ khí tầm xa để tấn công vào các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga. Hôm nay, theo AFP, viện nghiên cứu Kiel Institute của Đức đã cảnh báo rằng các viện trợ cho Kiev từ phương tây sẽ giảm mạnh kể từ năm 2025, đặc biệt là trước nguy cơ Donald Trump trở lại Nhà Trắng và có thể ngăn chặn tất cả các khoản viện trợ cho Ukraine tại Quốc hội.
Chi Phương
*******************************
Chiến tranh Ukraine : Tổng thống Zelensky dự thượng đỉnh Ukraine-Đông Nam Âu
Thùy Dương, RFI, 09/10/2024
Thượng đỉnh Ukraine - Đông Nam Âu được tổ chức vào hôm nay 09/10/2024 tại Dubrovnik, Croatia, nhằm tái khẳng định "sự ủng hộ của vùng Balkan dành cho nhân dân Ukraine" và viện trợ quân sự cho Ukraine chống Nga xâm lược.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trả lời báo chí tại Riga-Litva. Ảnh chụp ngày 11/01/2024 © Gints Ivuskans/AFP
Tham dự thượng đỉnh có tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và nguyên thủ quốc gia, thủ tướng hoặc ngoại trưởng của 12 nước khu vực Đông Nam Âu, gồm Albania, Bosnia-Herzegovina, Bulgaria, Hy Lạp, Kosovo, Moldova, Montenegro, Bắc Macedonia, Romania, Serbia, Slovenia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo dự kiến, các thỏa thuận hợp tác quân sự mới sẽ được công bố tại thượng đỉnh lần này.
Liên quan đến nước chủ nhà Croatia, thủ tướng Andrej Plenkovic cam kết đất nước ông sẽ thể hiện "tình đoàn kết với Ukraine, trong đó có quân sự". Có thể Croatia và Ukraine sẽ ký kết một thỏa thuận hợp tác dài hạn, dựa vào kinh nghiệm rà phá bom mìn sau chiến tranh những năm 1990 và về việc xét xử tội ác chiến tranh. Trong 2 năm qua, Croatia đã viện trợ 300 triệu euro cho Ukraine, chủ yếu là viện trợ quân sự.
Kharkiv : 2 người chết, 30 người bị thương vì bom bay của Nga
Đây là lần đầu tiên tổng thống Ukraine Zelensky đến Croatia, vào lúc các lực lượng Ukraine đang gặp nhiều khó khăn ở mặt trận miền đông đất nước, thiếu cả binh sĩ và vũ khí. Tối hôm qua 08/10, chính quyền vùng Kharkiv thông báo một cuộc tấn công của Nga đã khiến 2 người chết, 30 người bị thương. Từ một tháng nay, vùng miền đông bắc Ukraine, cách biên giới Nga khoảng 30 km, liên tục bị các lực lượng Nga oanh kích, nhất là với bom bay.
Từ Kiev, thông tín viên Emmanuelle Chaze gửi về bài tường trình :
"Một lần nữa, cư dân của khu bình dân và công nghiệp Saltivka ở Kharkiv lại bị bỏ bom. Vào hôm qua, thứ Ba, 6 quả bom bay, mỗi quả mang vài trăm kg chất nổ, đã rơi xuống một tòa nhà và một công viên gần đó. Sau trận oanh tạc và sau khi được cứu hộ, người dân vẫn còn chấn động.
Một người kể lại : "Chúng tôi đang ở ngay phía sau nhà, tôi và con tôi đang đi bộ thì nghe thấy tiếng gì đó trên trời. Tôi nắm lấy tay con tôi và cùng chạy về phía nhà mình. Chúng tôi ngồi sụp xuống, và tôi dang tay ra bảo vệ con, và rồi chúng tôi nghe thấy tiếng nổ".
Một người khác kể lại : "Nó rơi xuống chỗ cách nhà tôi dường như chưa đến 100m ! Chỉ một chút nữa thôi là quả bom sẽ lao thẳng qua cửa sổ nhà chúng tôi. Thật là khủng khiếp".
Người thứ ba cho biết : "Chúng tôi đang ở trong phòng khách thì quả bom rớt xuống. Chúng tôi vừa trở về từ đám tang chồng tôi. Căn hộ đã từng bị phá hủy và chúng tôi đã sửa lại nhà. Mọi thứ đều bị hư hại. Con tôi đã thoát chết, cách cháu chưa đầy 1m có 1 khối kim loại khổng lồ đã làm vỡ nát cửa sổ nhà tôi và rớt xuống ngay trước mặt cháu".
Những người khác thì kém may mắn hơn. Có 2 người cao tuổi đang đi dạo trong công viên đã thiệt mạng trong vụ thả bom này. Tại Kharkiv, cũng như phần còn lại của Ukraine, các cuộc oanh tạc nhắm vào cư dân không ngớt chút nào. Chính vì lẽ đó chính quyền Kiev liên tục đòi được cung cấp nhiều phương tiện hơn để bảo đảm khả năng phòng không của Ukraine. Đây sẽ là một chủ đề được thảo luận vào cuối tuần tại thượng đỉnh Ramstein ở Đức, nơi lần đầu tiên quy tụ lãnh đạo của các nước đồng minh của Ukraine.
Hội nghị thượng đỉnh lần này được tổ chức mà không có sự hiện diện của tổng thống Mỹ. Joe Biden sẽ phải ở lại Washington do bão Milton".
Thùy Dương
****************************
Ukraine thông báo phá hủy kho 400 drone tấn công của Nga
Thùy Dương, RFI, 10/10/2024
Quân đội Ukraine hôm thứ Tư 09/10/2024 thông báo đã phá hủy một kho chứa khoảng 400 drone tấn công của đối phương ở miền nam nước Nga. Đây là kho drone Shahed gần Oktyabrsky, trong vùng Krasnodar, nằm ở phía tây bán bán đảo Crimée mà Nga đã sáp nhập của Ukraine từ năm 2014.
Phòng không Ukraine bắt chặn một drone Shahed của Nga trên bầu trời Kiev, ngày 07/09/2024. © Evgeniy Maloletka / AP
Theo quân đội Ukraine, "việc phá hủy một căn cứ trữ drone Shahed sẽ làm giảm đáng kể năng lực của quân Nga xâm lược vốn dĩ khủng bố thường dân của các thành phố và làng mạc của Ukraine".
Theo AFP, Nga chưa có phản ứng. Chính quyền vùng Krasnodar chỉ nói đến "một vụ cháy kho" trên diện tích 800 m2, nhưng không gây thiệt hại về người.
Sáng nay, Bộ Quốc phòng Nga ra thông cáo khẳng định trong đêm qua đã bắn hạ 92 drone của Ukraine, nhắm đến miền tây nam nước Nga. Trong số này có 47 drone bị vô hiệu hóa trên bầu trời vùng Krasnodar, cách chiến tuyến 150km.
Về chiến dịch phản công ở vùng biên Kursk trên lãnh thổ Nga, hiện đang có khoảng 100 địa phương bị các lực lượng Ukraine chiếm đóng, quân đội Nga hôm qua khẳng định đã giành lại được 2 làng. Tổng cộng, quân đội Nga đã kiểm soát trở lại được 14 làng.
Trong khi đó, tại miền nam Ukraine, theo Oleg Kiper, thống đốc vùng Odessa, vụ oanh tạc của Nga bằng tên lửa trong ngày hôm qua làm 7 người chết và 10 người bị thương.
Thùy Dương
****************************
Máy bay không người lái Ukraine tấn công căn cứ không quân Nga ở Bắc Caucasus
Reuters, VOA, 10/10/2024
Máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công căn cứ không quân Khanskaya ở khu vực Cộng hòa Adygeya, miền Nam nước Nga, vào sáng thứ Năm (10/10), hãng tin Mash của Nga đưa tin.
44444444444444444444444444
Một binh sĩ Nga triển khai máy bay không người lái ở Ukraine. [Ảnh minh họa]
Hãng tin này đã công bố những bức ảnh về điều mà hãng tin này nói là các máy bay không người lái tầm xa do Hoa Kỳ sản xuất đã bị bắn hạ gần căn cứ không quân.
Người đứng đầu khu vực Murat Kumpilov cũng cho biết trên ứng dụng nhắn tin Telegram rằng ngôi làng Rodnikovy trong cùng khu vực đang được sơ tán do đám cháy sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.
Ông nói rằng cuộc tấn công nhắm vào vùng ngoại ô của thành phố Maykop - nơi có căn cứ không quân - và không có thương vong.
Trong khi đó, hãng thông tấn RIA trích lời Bộ Quốc phòng Nga cho biết rằng 47 máy bay không người lái đã bị bắn hạ vào ban đêm trên toàn khu vực Kuban, vốn bao gồm cả Adygeya.
Nguồn : VOA, 10/10/2024