Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ukraine tấn công vào đất Nga, phương Tây im lặng : Bước ngoặt của cuộc chiến

Chiến dịch của Ukraine trên đất Nga có thực sự thay đổi chiều hướng cuộc chiến ? Le Figaro ngày 13/08/2024 đặt câu hỏi. Đây là lần đầu tiên kể từ 1941 một đội quân ngoại quốc tiến vào lãnh thổ Nga, một nước chỉ có vũ khí quy ước dám tấn công một quốc gia sở hữu vũ khí nguyên tử.

kursk1

Khu lều trại tạm cư dựng lên cho dân Nga ở tỉnh Kursk sơ tán khỏi vùng chiến sự vì quân đội Ukraine tấn công sang. Ảnh chụp ngày 12/08/2024. AP

Những tháng 8 xui xẻo cho Nga

Le Figaro nhắc lại, thường có những sự kiện chính trị quân sự tại Nga trong tháng 8. Năm 1991, cuộc đảo chánh hụt do một nhóm lãnh đạo cộng sản bảo thủ tiến hành nhắm vào Mikhaïl Gorbachev đã dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô. Đến tháng 8/2000 xảy ra vụ nổ tàu ngầm nguyên tử Kursk làm 118 thủy thủ tử nạn, là thách thức lớn đầu tiên cho Vladimir Putin vừa lên làm tổng thống. Tháng 8/2023, chủ tập đoàn lính đánh thuê Wagner bị rơi máy bay chết, vài tuần sau khi nổi dậy chống chính quyền. Và tháng 8 năm nay, rắc rối đến từ phía nam với cuộc tiến quân thần tốc của Ukraine vào tỉnh biên giới Kursk.

Dù hồi kết của chiến dịch này như thế nào đi nữa, Kiev đã bước qua một giai đoạn mới của cuộc chiến. Trước hết là tầm quốc tế, với sự ủng hộ trong im lặng của phương Tây. Cho đến nay, các đồng minh của Ukraine vẫn "thắng" bớt lại mỗi khi cái nhìn của bộ tham mưu Ukraine hướng về phía lãnh thổ của kẻ xâm lược. Sợ "leo thang", vượt "lằn ranh đỏ" dù lằn ranh này vẫn mù mờ, lâu nay họ vẫn cấm Ukraine tấn công vào đất Nga bằng vũ khí phương Tây. Nhà Trắng còn đòi Kiev không nhắm vào các cơ sở dầu khí của Nga, và cho đến 2023, đồng minh còn do dự trước việc Ukraine đánh vào cầu Kerch ở Crimea. Đó là thời kỳ mà Emmanuel Macron nói rằng không nên "sỉ nhục Nga".

Lần đầu tiên một nước dám tấn công quốc gia có vũ khí nguyên tử

Nhưng chính sách này vừa tan tành như bọt nước. Sau xe tăng hạng nặng, phi cơ, hỏa tiễn, rốt cuộc một số nước đã bật đèn xanh cho Ukraine "tấn công vào sâu". Ngoài Trung Quốc kêu gọi xuống thang, phương Tây không nói gì về sự kiện Ukraine đánh sang lãnh thổ Nga từ một tuần lễ qua.

Đành rằng Hoa Kỳ bận rộn với chiến dịch bầu cử, và tổng thống Pháp - nhiều tuần lễ phải đối mặt với những rối loạn từ việc giải tán Quốc hội, rồi 15 ngày Thế vận hội - muốn tránh những động thái ảnh hưởng đến thành công của Olympic. Nhưng ngoài tình trạng rề rà thường lệ trong tháng 8, sự im lặng của đồng minh có vẻ như là một sự đồng ý ngầm. Le Figaro cho biết theo một viên chức Ukraine, Kiev đã báo trước việc sử dụng vũ khí phương Tây. Hoa Kỳ còn khẳng định "kiên quyết ủng hộ nỗ lực tự vệ của Ukraine trước hành động xâm lăng của Nga".

Trừ việc Argentina chiếm quần đảo Falkland thuộc Anh năm 1982, đây là lần đầu tiên trên thế giới một nước chỉ có vũ khí quy ước dám tấn công vào lãnh thổ một quốc gia sở hữu vũ khí nguyên tử. Trước đây đã có những vụ xâm nhập nho nhỏ vào Belgorod của các nhóm vũ trang Nga ly khai, nhưng lần này là quân đội chính quy Ukraine với quy mô chưa từng thấy. Hãy còn quá sớm để biết được chiến dịch quân sự Ukraine có thể quyết định được cuộc chiến hay không.

Chiếm 1.000 kilomet vuông đất, Kiev gây áp lực mạnh lên Kremlin

Sau nhiều ngày im lặng, Kiev đã nêu ra các mục tiêu "kéo giãn các vị trí địch", gây "thiệt hại tối đa", "làm bất ổn tình hình tại Nga", "chuyển chiến tranh sang đất Nga" trong khi người Nga bị ru ngủ bằng tuyên truyền của Kremlin. Ukraine đã chiếm được 1.000 cây số vuông lãnh thổ Nga, sẽ là thế mạnh một khi đàm phán. Như tổng thống Volodymyr Zelensky đã nói : "Áp lực lên Nga càng mạnh thì hòa bình càng đến gần". Một lần nữa Kiev chứng tỏ với các đồng minh là luôn có khả năng tiến hành những chiến dịch quy mô, và cần đến sự táo bạo.

The Economist dẫn lời một sĩ quan Ukraine cho biết Kiev đã gởi những đội quân thiện chiến nhất đến điểm yếu nhất ở biên giới, đè bẹp những vị trí Nga hầu hết do lính quân dịch trấn giữ, và lính Nga nhanh chóng đầu hàng, bắt giữ được rất nhiều tù binh. Chỉ trong vài ngày, một giàn khoan khí đốt ở Hắc Hải và một căn cứ không quân Nga đã bị các drone Ukraine tấn công, khiến giá khí đốt thế giới tăng lên. Một tàu chiến Nga bị đánh đắm bởi Sea Baby, một trong những drone hải chiến đã từng đuổi hạm đội Nga ra khỏi Hắc Hải. Một đoàn xe quân sự Nga cũng là mục tiêu của các drone Ukraine, rất nhiều lính Nga thiệt mạng.

Trong bài xã luận, Libération nhận định Ukraine được cho là đang tê liệt do khó tuyển được quân và chịu áp lực từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, đã thành công trong việc tạo ra ngạc nhiên lớn giữa mùa hè. Nhân danh phòng vệ chính đáng được Hiến chương Liên Hiệp Quốc công nhận, Kiev đã phá vỡ điều cấm kỵ. Thời điểm được chọn lựa không phải ngẫu nhiên : dự kiến Nga và Mỹ sẽ thảo luận về tương lai Ukraine. Khó thể hình dung Kiev chấp nhận việc đứng ngoài. Hiện chưa biết Kiev có tham vọng nào khác hay không.

Bị lăng nhục, nhưng Putin phản ứng dè dặt như lúc Wagner nổi loạn

Phản ứng của Putin giống như hồi quân Wagner nổi loạn tiến về Moskva : lặng lẽ cho di tản dân, vài ngày sau mới dè dặt nhìn nhận là một số địa phương đã bị chiếm. Nhiều nhà quan sát dùng chữ "nhục nhã" cho Putin và quân Nga. Dù ở mức độ hạn chế, sự kiện Ukraine đánh sang đất Nga là cú sốc lớn, và hậu quả của vụ Yevgeny Prigozhin đối với quân đội vẫn còn, ông chủ điện Kremlin trở nên dễ tổn thương hơn. Có vẻ như FSB, lực lượng con cưng của Putin cũng như bản thân tổng thống Nga đều quá bất ngờ.

Đối với Libération, trước cuộc tấn công của Ukraine trên lãnh thổ mình, Nga trong thế thủ. Tuy chế độ Putin khẳng định kiểm soát được tình hình, nhưng cư dân vùng chiến sự Kursk tiếp tục được ồ ạt tổ chức di tản, con số đã lên đến 121.000 người. Tổng cộng có 28 địa điểm đã đổi sang màu cờ Ukraine.

Theo nhà phân tích quân sự Emil Kastehelmi, tình hình chưa hẳn đã tốt đẹp, Ukraine vẫn chưa hoàn toàn kiểm soát được Korenevo lẫn Sudzha và có thể quân Nga đã chận hướng bắc. Tuy nhiên Kiev giữ được hầu hết phần đất đã chiếm, và dù quân Nga đông hơn, Ukraine vẫn ở thế công. Cựu tướng Úc Mick Ryan hôm qua viết rằng Kiev có ba chọn lựa : củng cố tất cả các vị trí chiếm được trước khả năng đàm phán, lùi lại để bảo vệ những vùng quan trọng nhất mà không mất quá nhiều người, hoặc rút lui toàn bộ khỏi Nga – một cách để giảm thiểu thiệt hại và lăng nhục tối đa Putin.

Không nước nào chỉ trích Ukraine "xâm lăng" : Một bước ngoặt

Le Figaro ghi nhận tinh thần người Ukraine lên cao, còn người Nga đang hết sức hoang mang khi chiến sự diễn ra trước mắt. Phóng sự của Libération mô tả sự bất bình của người dân tỉnh Kursk. Không ít người chỉ trích "Nga bị xâm lăng, còn Putin vẫn ở trong boong-ke". Phe dân tộc chủ nghĩa bất bình khi chính quyền chỉ lập chế độ "chống khủng bố" ở ba tỉnh biên giới thay vì tuyên chiến. Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho rằng có lẽ Kremlin muốn giảm thiểu tầm cỡ cuộc tiến công đối với công chúng, hạn chế những phản ứng tiêu cực. Theo trang mạng độc lập Nga Verstka, Putin tránh dùng những từ ngữ quân sự khi họp với thống đốc lâm thời Alexei Smirnov của Kursk hôm 08/08.

Diễn tiến còn tùy thuộc tác động của chiến dịch và phản ứng tiếp theo của Kremlin. Cuộc tấn công vào Kursk có gây chia rẽ trong chính quyền Nga, buộc Moskva phải đưa viện quân đến, làm giảm áp lực ở miền đông Ukraine ? Liệu Ukraine có đủ sức giữ được lâu dài mặt trận mới, và Nga có gia tăng mức độ trả đũa quân sự ? Những câu hỏi chờ đợi được trả lời trong những ngày, những tuần lễ tới.

Bài xã luận của Le Figaro nhận xét, cả tuần rồi Moskva phải chịu trận mà chưa thể đẩy lùi được lực lượng Ukraine. Chính quyền các tỉnh Kursk, Belgorod, Briansk mô tả tình hình là "khó khăn" thậm chí "báo động", phải sơ tán cả trăm ngàn dân. Chỉ riêng áp lực chưa từng thấy của David lên Goliah đã là một thành công của Ukraine. Kiev chứng tỏ với phương Tây rằng sự cấm đoán sử dụng vũ khí viện trợ lâu nay là không nên có.

Phía sau thách thức nhiều rủi ro này, còn là quyết tâm chiến lược : đối đầu trực diện đang trong ngõ cụt thì phải thử cách khác. Ngay cả nếu đây là một ván bài thất bại, Nga sẽ không quên. Thế nên Mỹ và Châu Âu đang theo dõi sát sao. Không ai phản đối tính chính danh của việc đưa chiến tranh sang lãnh thổ Nga, và cũng không ai chỉ trích việc Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây. Với góc nhìn này, đây là bước ngoặt của cuộc chiến.

Pháp : Dư vị ngọt ngào của Thế vận hội Paris 2024

Người Pháp vẫn còn ngây ngất với dư âm của Thế vận hội, một giấc mơ tuyệt vời vừa trải qua. Le Monde tiếc nuối "Paris 2024 : Một mùa hè quá đẹp", với ảnh trang nhất là đám đông khán giả đang say mê theo dõi sự kiện. La Croix kêu gọi "Duy trì sức bật" : Tuy Thế vận hội không thể giải quyết được những vấn đề của đất nước, nhưng đã thay đổi bầu không khí và giúp người Pháp có được cái nhìn mới về chính mình. Libération đặt vấn đề "Sau Thế vận hội, tất cả đều dành cho thể thao ?". Do thành công của Olympic Paris, nhiều người Pháp có ý định tập luyện các môn bóng bàn, bơi lội, bóng rổ... Nhật báo kinh tế Les Echos nhận xét thị trường chứng khoán nước chủ nhà thường tăng mạnh suốt sáu tháng sau, hy vọng lần này Paris sẽ hưởng được tác động từ Thế vận hội.

Trước mắt, Thế vận hội người khuyết tật - thường ít được chú ý - đã bán được 400.000 vé trong thời gian hai tuần Olympic vừa qua. Tác động tích cực về kinh tế thấy rõ đối với Pháp. Về mặt địa chính trị, Thế vận hội là thời điểm của đoàn kết, hòa bình, và có thể còn là đòn bẩy chính trị, theo La Croix. Chẳng hạn người tị nạn đã có được huy chương thế vận đầu tiên, hay lần đầu một chiến binh Ukraine giành được chiếc huy chương… Và các phái đoàn ngoại quốc có thể gặp gỡ, tiếp xúc không chính thức, nhân dịp này các nhân viên ngoại giao Pháp đã rất tích cực hoạt động.

Xã luận của Le Monde nhận định, Thế vận hội Paris đã mang lại hơn hai tuần lễ tự hào và hạnh phúc trong một nước Pháp không chính phủ. Thành công vượt quá mong đợi, từ giao thông công cộng không có gì chê trách cho đến an ninh, những bài hát Pháp được cất lên khắp nơi… Olympic Paris còn là chiến thắng của "soft power" Pháp. Vấn đề là làm sao duy trì nghị lực, sự cảm thông, khát khao thành công…Vạc lửa Olympic rực rỡ phía trên vườn Tuileries không thể là di sản duy nhất của Paris 2024.

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế

Một trong những mục đích của chiến dịch bất ngờ này có thể là để Kyiv đạt được đòn bẩy trong các cuộc đàm phán.

uknga0

Một xe tăng của Nga trên đường cao tốc ở vùng Kursk ngày 8/8. Anatoliy Zhdanov/Kommersant/Sipa qua AP Images - Ảnh minh họa

Chỉ trong vòng 4 ngày, cuộc chiến Nga-Ukraine đã thay đổi đáng kể. Cuộc xâm nhập của lực lượng Ukraine vào khu vực Kursk của Nga đã nhanh chóng trở thành chiến thắng lãnh thổ lớn nhất kể từ các cuộc phản công thành công của Ukraine ở Kharkiv và Kherson vào mùa thu năm 2022. Hiện tại, vẫn chưa rõ liệu lực lượng Nga bị dàn mỏng và được trang bị kém có thể ngăn chặn được cuộc tiến công của Ukraine hay không, khi báo cáo về các đoàn quân tiếp viện Nga bị thiêu cháy gợi nhớ đến những ngày đầu của cuộc chiến.

Chiến dịch này đã chứng tỏ khả năng của Ukraine trong việc gây bất ngờ và khai thác những bước tiến đột ngột, điều mà phía Nga vẫn chưa thể làm được kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược. Đây cũng là lần đầu tiên nước Nga bị quân đội nước ngoài xâm lược kể từ Thế chiến II, theo đó cho người Nga thấy rõ rằng cuộc chiến đẫm máu mà họ gây ra chống lại nước láng giềng đã quay trở lại quê nhà của họ. Những người ủng hộ Ukraine ở phương Tây dường như cũng đồng tình, với việc Nhà Trắng và Liên minh Châu Âu đưa ra các tuyên bố rằng việc triển khai chiến dịch là tùy thuộc vào Ukraine.

Trước đây, từng có nhiều cuộc tranh luận ở Washington, Berlin, và trên các phương tiện truyền thông về những lằn ranh đỏ của Điện Kremlin, vốn có thể kích động Thế chiến III và chiến tranh hạt nhân tận thế. Và một trong những lằn ranh đó là việc đem chiến tranh đến đất Nga bằng vũ khí phương Tây – điều mà giờ đây đã trở thành hiện thực. Niềm tin vào sự leo thang không kiểm soát đã khiến chính quyền Biden và một số đối tác của họ hạn chế nghiêm ngặt các loại vũ khí được giao cho Ukraine cũng như phạm vi hoạt động được cho phép của chúng. Ví dụ, Ukraine không được phép sử dụng tên lửa của phương Tây để tấn công các cơ sở quân sự ở biên giới phía Nga. Một phần tác động và mục đích của chiến dịch Kursk có thể là để, một lần nữa, chứng minh sự sai lầm của lập luận về lằn ranh đỏ.

Trong lúc chiến dịch vẫn đang diễn ra và Kyiv chủ yếu giữ im lặng về các sự kiện, vẫn còn quá sớm để nói về những mục tiêu chiến lược mà Ukraine hy vọng đạt được. Một suy đoán đã thu hút được nhiều sự chú ý là chiến dịch này có thể giúp chiến tranh kết thúc sớm hơn, bởi nó cho Tổng thống Nga Vladimir Putin thấy rõ rằng Ukraine có tiềm năng đáng kể để gây đau đớn cho người Nga. Và nếu các lực lượng Ukraine có thể giữ vững và duy trì quyền kiểm soát lãnh thổ Nga – điều mà họ dường như đang cố gắng đạt được bằng cách tăng cường trang thiết bị và xây dựng các tuyến phòng thủ mới – thì điều đó có thể củng cố đòn bẩy của Ukraine trong bất kỳ cuộc đàm phán tiềm năng nào nhằm chấm dứt chiến tranh. Hiện tại, cuộc đột nhập chớp nhoáng của Ukraine vào Nga đã làm suy yếu ý tưởng phổ biến rằng Putin đang giữ thế thượng phong trong việc đàm phán ngừng bắn.

Kyiv dường như đang ra tín hiệu rằng đòn bẩy trong đàm phán là một trong những mục tiêu của chiến dịch tấn công. Một cố vấn giấu tên của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với tờ Washington Post : "Điều này sẽ mang lại cho họ đòn bẩy mà họ cần để đàm phán với Nga – đây chính là toàn bộ mục đích của chiến dịch". Phát biểu này cũng phù hợp với gợi ý gần đây của Zelensky rằng Kyiv sẵn sàng đàm phán. Trong một cuộc phỏng vấn với BBC News vào tháng 7, ông nói : "Chúng tôi không cần phải chiếm lại tất cả các vùng lãnh thổ" bằng biện pháp quân sự. "Tôi nghĩ điều đó cũng có thể đạt được nhờ sự trợ giúp của ngoại giao". Các vùng bị chiếm đóng của Nga có thể được đổi bằng các vùng bị chiếm đóng của Ukraine : Như cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt đã đề xuất trên X, "Liệu có ý tưởng nào để cả hai quốc gia cùng rút lui trong phạm vi biên giới được công nhận tương ứng của họ không ?"

Nếu Kyiv đang chuẩn bị nền tảng cho các cuộc đàm phán tiềm năng – khi tìm cách tăng cường sức mạnh và tuyên bố công khai rằng họ sẵn sàng đàm phán – thì đây cũng là một phản ứng trước một số yếu tố.

Một là sự mệt mỏi vì chiến tranh đang ngày càng gia tăng trong người dân Ukraine. Dù phần lớn người Ukraine ủng hộ việc tiếp tục chiến đấu cho đến khi tất cả các vùng lãnh thổ mà Nga chiếm đóng kể từ năm 2014 được giải phóng, nhưng số người cho rằng Ukraine có thể đánh đổi một phần lãnh thổ đó để lấy hòa bình đã bắt đầu tăng lên.

Thứ hai, ngày càng có nhiều lời chỉ trích, đặc biệt là ở Tây Âu và các nước phương Nam, về việc Ukraine liên tục bác bỏ các cuộc đàm phán với Moscow. Chưa bàn đến các vấn đề quan trọng, với việc Điện Kremlin dường như đang ngầm bày tỏ sẵn sàng đàm phán, Kyiv có nguy cơ bị xem là kẻ cố tình ngăn chặn một kết thúc sớm cho cuộc chiến.

Cuối cùng, vị thế chiến lược của Ukraine đang rất rủi ro, ngay cả khi nước này có thể kìm chân lính Nga và duy trì dòng vũ khí phương Tây. Chưa thể loại trừ khả năng Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 và Mỹ đột ngột ngừng viện trợ. Ngoài ra, chính quyền Harris cũng có thể gặp khó khăn trong việc đưa ra các gói hỗ trợ trong tương lai nếu đảng Cộng hòa vẫn giữ đa số tại Hạ viện Mỹ. Zelensky có thể đã quyết định đánh cược để thay đổi và đẩy nhanh động lực của cuộc chiến, cố gắng nắm giữ đòn bẩy lớn hơn nếu các cuộc đàm phán đến sớm hơn dự kiến.

Vì không có nhiều đòn bẩy, Kyiv đã phải viện đến các lập luận về đạo đức, quy chuẩn, và pháp lý khi trao đổi với các đối tác nước ngoài về bất kỳ kịch bản hòa bình nào khác ngoài giải phóng hoàn toàn. Trong quá khứ, điều này đã dẫn đến các cuộc đàm phán nghiêng hẳn về một phía. Trong các cuộc đàm phán tạo ra hiệp định Minsk I và II năm 2014 và 2015, Ukraine yếu thế đến mức buộc phải đồng ý với những điều khoản bất khả thi : Họ chỉ có thể lấy lại Donbas do Nga kiểm soát nếu cho phép các đại diện của Moscow trở thành một phần của chính thể Ukraine thông qua các cuộc bầu cử địa phương do Điện Kremlin thao túng, qua đó mang lại cho Moscow quyền phủ quyết vĩnh viễn đối với hoạt động chính trị của Kyiv. Crimea bị chiếm đóng và sáp nhập trước đó thậm chí còn không được đưa vào cuộc thảo luận.

Hồi tháng 3/2022, các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Ukraine và Nga ở Belarus thực chất không phải là đàm phán, mà là việc Nga chuyển giao các điều khoản đầu hàng cho Ukraine. Sang tháng 4/2022, các cuộc đàm phán do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian ở Istanbul cũng chẳng đi đến đâu : cái giá để Nga chịu chấm dứt cuộc xâm lược là Ukraine bị hạn chế đáng kể về chủ quyền và khả năng tự vệ. Từ đó đến nay, đề xuất đàm phán của Nga luôn là ngoài Crimea, Ukraine sẽ nhượng lại vĩnh viễn bốn vùng Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia, và Kherson – gồm cả những phần đáng kể mà Nga chưa bao giờ chiếm được.

Ukraine không chỉ thiếu đòn bẩy đàm phán, mà Nga còn thành công trong việc quảng bá tới khán giả trên toàn thế giới cách tiếp cận "đổi đất lấy hòa bình" để chấm dứt chiến tranh. Khi các cuộc phản công của Ukraine sau năm 2022 phần lớn đều thất bại, và cỗ máy chiến tranh Nga dần chiếm được nhiều lãnh thổ hơn ở phía đông Ukraine, một thỏa thuận kiểu Minsk khác nhằm hạn chế sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền chính trị của Ukraine tưởng như đã gần kề.

Kyiv không chỉ thay đổi quan điểm quân sự trên thực địa mà còn có thể đang cố gắng thay đổi quan điểm về các cuộc đàm phán – từ thỏa thuận "đổi đất lấy hòa bình" sang thỏa thuận "đất đổi đất". Việc này đã đặt Putin vào thế khó : Việc để mất quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ Nga là một sự sỉ nhục lớn đối với Điện Kremlin. Nhưng kể từ khi chúng bị Nga sáp nhập bất hợp pháp, các vùng lãnh thổ của Ukraine mà Putin đang tìm cách giữ cũng là một phần lãnh thổ nhà nước mà ông có nghĩa vụ bảo vệ. Tuy nhiên, trong giới tinh hoa Nga và theo nhận thức phổ biến, việc khôi phục lãnh thổ nhà nước hợp pháp của Nga sẽ được ưu tiên hơn so với việc tiếp tục chiếm đóng các lãnh thổ vừa bị chinh phục – đặc biệt nếu việc đổi đất mở ra con đường dẫn tới việc chấm dứt các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Trong chừng mực nào đó, chiến lược mới của Ukraine còn có thể tạo cơ hội cho những nhân vật chủ trương hòa bình trong giới lãnh đạo Nga – giả sử họ tồn tại và có ảnh hưởng lên Putin – lập luận rằng việc sáp nhập cần phải được đảo ngược để khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga. Chừng nào Ukraine còn có thể giữ được các lãnh thổ đã chiếm được ở Nga, thì sẽ có áp lực mạnh mẽ buộc Putin phải đem chúng về lại cho Moscow.

Tuy nhiên, không điều nào trong số này có thể thay đổi được vấn đề cơ bản nhất của cuộc đàm phán : Nga đã phớt lờ hầu hết mọi thỏa thuận mà nước này đã ký với Ukraine. Nhưng đối với người Ukraine và những người ủng hộ ở phương Tây đang hy vọng chiến tranh kết thúc, một số kịch bản hấp dẫn có thể sẽ sớm xuất hiện trên bàn đàm phán.

Andreas Umland

Nguyên tác : "Ukraine’s Invasion of Russia Could Bring a Quicker End to the War," Foreign Policy, 09/08/2024

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 13/08/2024

Andreas Umland là nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Âu thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Thụy Điển.

Additional Info

  • Author Andreas Umland, Nguyễn Thị Kim Phụng
Published in Diễn đàn

Việc Ukraine xâm nhập lãnh thổ Nga không chỉ gây bất ngờ cho Moscow mà còn cho nhiều người trong nội bộ Ukraine và hầu hết những người quan sát cuộc chiến từ bên ngoài.

uknga1

Các chuyên gia nhận định hành động tiến quân vào lãnh thổ Nga là một canh bạc của Kyiv nhằm giảm bớt áp lực cho chiến tuyến ở miền đông Ukraine. Reuters

Tại sao Kyiv lại quyết định tiến hành cuộc tấn công táo bạo này khi quân đội của họ đã bị giãn ra ở nhiều nơi dọc theo chiến tuyến dài 1.000 km ?

Gần một tuần sau, quân đội Nga vẫn đang chật vật ngăn chặn cuộc xâm nhập. Lý do Ukraine tiến hành cuộc tấn công cũng đang dần hé lộ.

Dưới đây là năm câu hỏi chính về diễn biến mới này trong cuộc chiến ở Ukraine - điều có khả năng định hình sự tiến triển của cuộc chiến trong những tháng sắp tới.

Điều gì đã xảy ra ở Kursk ?

Vào ngày 6/8, quân đội Ukraine đã thực hiện một cuộc đột kích bất ngờ vào tỉnh Kursk của Nga, giáp với Ukraine. Không có nhiều thông tin đáng tin cậy về quy mô của cuộc tấn công này.

Ban đầu, hoạt động này có vẻ như chỉ dừng ở mức độ tương tự các cuộc xâm nhập gián đoạn trước đó do các nhóm phá hoại Nga thực hiện - các nhóm chống lại chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin. Họ đã cố gắng đột nhập từ Ukraine vào Nga và dường như có sự tham gia của hàng trăm người thuộc các sắc dân thiểu số tại Nga.

Nhưng khi cuộc tấn công mới nhất này tiến sâu hơn vào lãnh thổ Nga - các blogger quân sự Nga cho biết giao tranh dữ dội đã xảy ra cách biên giới khoảng 30km và tỉnh trưởng Kursk nói với Tổng thống Putin rằng 28 ngôi làng của Nga đã bị Ukraine kiểm soát - thì rõ ràng quân đội Ukraine chính quy đã tham gia vào hoạt động này.

Dường như trong khi Nga tập trung sức mạnh quân sự vào một số điểm quan trọng của tiền tuyến chính, nơi mà giao tranh vẫn tiếp diễn ác liệt, Ukraine đã quyết định nhắm vào vùng biên giới được bảo vệ lỏng lẻo, qua đó tiến vào Nga.

Một quan chức an ninh cấp cao giấu tên của Ukraine nói với hãng tin AFP :

"Chúng tôi đang trong thế tấn công. Mục đích là kéo giãn các vị trí của kẻ thù, gây ra tổn thất tối đa và làm mất ổn định tình hình ở Nga bằng cách cho thấy rằng họ không thể bảo vệ biên giới chính mình".

Tại sao Ukraine tấn công Nga ở Kursk ?

uknga2

Những cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga ngày 07/0/2024

Ban đầu, Kyiv im lặng về cuộc tấn công và Tổng thống Volodymyr Zelensky chỉ gián tiếp thừa nhận vào ngày 10/8. Ông tuyên bố rằng Ukraine tiếp tục "đẩy cuộc chiến đến lãnh thổ của kẻ xâm lược".

Ông không đưa ra lý do hay mục tiêu rõ ràng nào đằng sau hoạt động này, nhưng vào ngày 12/8, ông tuyên bố rằng khoảng 1.000km vuông lãnh thổ Nga hiện nằm dưới sự kiểm soát của Kyiv.

Các nhà phân tích quân sự và chính trị cố gắng trả lời câu hỏi "tại sao" và hầu hết đồng ý rằng việc đánh lạc hướng có thể là một trong những mục đích chính của cuộc xâm nhập này.

Trong những tháng qua, Ukraine đã vật lộn để kiềm chế các lực lượng Nga ở miền đông Ukraine - những nhóm quân Nga đã dần tiến lên, chiếm thị trấn chiến lược Chasiv Yar vào tháng trước. Ở phía đông bắc và phía nam, tình hình cũng khó khăn tương tự.

Mặc dù bị Nga áp đảo về quân số và hỏa lực ở nhiều điểm trên chiến tuyến dài 1.100km, chính quyền Ukraine đã quyết định đánh cược vào việc tạo ra một điểm nóng chiến đấu mới cách xa hàng trăm dặm, để buộc kẻ địch phải phân bổ lại lực lượng, giảm bớt một phần áp lực từ miền đông Ukraine sang vùng Kursk của Nga.

Giáo sư an ninh Mark Galeotti nói với BBC rằng Ukraine đã bị mắc kẹt trong một cuộc chiến gây hao tổn trong những tháng qua, với rất ít tiến triển trên thực địa và giờ đây họ cần phải chấp nhận rủi ro để giành lợi thế.

Một chỉ huy Ukraine khi trả lời The Economist cũng cho biết đây là một canh bạc :

"Chúng tôi đã cử các đơn vị sẵn sàng chiến đấu nhất của mình đến điểm yếu nhất trên biên giới của họ".

Ông nói thêm rằng canh bạc không có hiệu quả nhanh như Kyiv mong đợi.

"Các chỉ huy của họ không phải là những kẻ ngốc... Họ đang di chuyển lực lượng, nhưng không nhanh như chúng tôi mong muốn. Họ biết chúng tôi không thể kéo dài hậu cần thêm 80 hay 100km", ông nói.

Nga đang phản ứng ra sao ?

uknga3

Các tình nguyện viên mang hàng cứu trợ cho những người dân Nga phải sơ tán sau cuộc tấn công bất ngờ của Ukraine vào Kursk ở miền tây nước Nga

Cơ quan tuyên giáo của Nga đã nhanh chóng gọi những nỗ lực đẩy lùi cuộc xâm nhập của Ukraine là "hoạt động chống khủng bố".

Có tới 121.000 người được yêu cầu sơ tán khỏi vùng Kursk và 11.000 người khác rời khỏi khu vực Belgorod lân cận. Chính quyền Nga đã ban bố tình trạng khẩn cấp liên bang tại khu vực này với khoản bồi thường cho mỗi cư dân địa phương là 115 USD (gần 2,9 triệu đồng).

Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nga, Đại tướng Valery Gerasimov, đã tuyên bố nhiều lần trong tuần trước rằng cuộc xâm nhập của Ukraine đã bị chặn đứng, trong khi bằng chứng trên thực tế lại cho thấy điều ngược lại.

Đáng chú ý là tướng Gerasimov đã không tham dự cuộc họp gần đây của Hội đồng An ninh Nga do Tổng thống Putin chủ trì, dành riêng cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Một trong những đồng minh thân cận của ông Putin, người đứng đầu cơ quan an ninh FSB của Nga, Alexander Bortnikov, đã có mặt.

Trong tuyên bố mới nhất về các sự kiện này, Tổng thống Putin đã cáo buộc Ukraine tấn công dân thường và nói sẽ có "đáp trả thích đáng".

Giáo sư Galeotti cho rằng Ukraine đang đối mặt với nguy cơ trả đũa mạnh mẽ từ Nga.

"Putin có thể kêu gọi một đợt động viên khác và đưa thêm vài trăm ngàn binh sĩ vào lực lượng vũ trang của mình", ông Galeotti nói.

Ông cho biết thêm rằng Nga có thể tìm ra những cách khác để leo thang xung đột. Trong những tháng gần đây, Ukraine đã phải đối mặt với một chiến dịch ném bom tàn khốc của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng, khiến phần lớn bị phá hủy hoặc hư hại ít nhiều. Chiến dịch này có thể trở nên mãnh liệt hơn nữa.

Ukraine đã đảo ngược cục diện ?

Cuộc xâm nhập dễ dàng của Ukraine vào lãnh thổ Nga cần phải được xem xét kỹ - và điều này không hẳn là báo hiệu cho sự kết thúc chiến tranh trong thời gian tới.

Như Giáo sư Mark Galeotti nói, "đó là một khu vực có diện tích khoảng 50 dặm x 20 dặm (khoảng 80km x 32km), và xét theo quy mô của Nga và Ukraine, thì con số đó không đáng kể. Nhưng tác động chính trị quan trọng hơn nhiều".

Một số nhà phân tích cho rằng Ukraine muốn chứng minh với các đồng minh phương Tây, đặc biệt là với Mỹ, rằng lực lượng của họ có thể tiếp tục chiến đấu.

Điều này cũng đã củng cố sức mạnh đàm phán của Kyiv, ít nhất là tạm thời vào lúc này : với quân đội của họ đã tiến sâu 30 km bên trong lãnh thổ Nga, dường như Moscow sẽ không chấp nhận bất kỳ đề nghị nào về việc đóng băng các tuyến chiến đấu ở nơi họ hiện đang đóng quân.

Chiến dịch của Ukraine cũng đã thay đổi câu chuyện về cuộc chiến này đối với những người dân Nga, rằng đây không còn là một cuộc xung đột xa xôi được dán nhãn là "chiến dịch quân sự đặc biệt" nữa mà là một diễn biến ảnh hưởng trực tiếp đến họ ngay trong chính nước Nga.

Phóng viên Đông Âu của BBC Sara Rainsford nói :

"Khi đọc một số báo cáo từ Kursk, ngay cả trong môi trường báo chí bị kiểm soát chặt chẽ của Nga, có thể thấy người dân đang có thắc mắc".

Cuộc xâm nhập này ảnh hưởng đến Zelensky và Putin ra sao ?

uknga4

Diễn biến hiện nay đặt ra một thách thức rất lớn cho Tổng thống Nga Putin

Đối với cả nhà lãnh đạo Nga và Ukraine, đây là một thời điểm quyết định trong nhiệm kỳ tổng thống của họ.

Đối với Tổng thống Vladimir Putin, một nhà lãnh đạo độc đoán và thường cứng nhắc, người đã quen với việc dựa vào vòng tròn thân cận của mình và đặc biệt là các cơ quan an ninh, diễn biến này đặt ra một thách thức rất lớn.

Ngày càng khó để che giấu quy mô thương vong của quân đội Nga. Với hàng chục ngàn người Nga phải sơ tán, việc duy trì hình ảnh cho thấy rằng Điện Kremlin đang ở thế kiểm soát và đây không phải là một cuộc chiến toàn diện cũng trở nên khó khăn.

Giáo sư Mark Galeotti nhận định cứ mỗi lần sự kiện như vậy diễn ra, cỗ máy tuyên truyền của Điện Kremlin lại có thêm sạn.

"Chúng ta đã thấy điều này trong các cuộc chiến tranh trước đây, từ cuộc chiến của Liên Xô ở Afghanistan đến các cuộc chiến của Nga ở Chechnya, rằng Điện Kremlin có thể duy trì một câu chuyện nhất quán. Nhưng sau một thời gian, những gì xảy ra trên thực tế đã có thể thâm nhập vào câu chuyện của họ", vị giáo sư nói.

Đối với ông Volodymyr Zelensky, cuộc xâm nhập vào Nga cũng có thể dẫn tới rủi ro không kém, nhưng vì những lý do khác nhau.

Nhà phân tích Emil Kastehelmi cho biết kết quả tốt nhất cho Ukraine là Nga chuyển hướng "nguồn lực đáng kể từ những nơi quan trọng nhất để lấy lại từng cây số vuông [lãnh thổ Nga], bất chấp tổn thất".

Mặc dù có tác dụng nâng cao tinh thần của người dân Ukraine trong ngắn hạn, nhưng điều này có thể dẫn đến tổn thất lãnh thổ lớn hơn ở phía đông, các khu vực tiền tuyến nơi giao tranh vẫn tiếp diễn ác liệt. Một số blogger quân sự Nga thì đang ca ngợi những bước tiến - mặc dù hiện chưa được xác nhận - tại các khu vực này.

Giáo sư Galeotti nói rằng thế bế tắc hiện tại trong cuộc chiến cần có sự thay đổi để mọi thứ chuyển động. Mặc dù sự thay đổi đang thực sự diễn ra, nhưng kết quả của nó vẫn chưa rõ ràng.

Kateryna Khinkulova

Nguồn : BBC, 13/08/2024

Additional Info

  • Author Kateryna Khinkulova
Published in Diễn đàn

Nga khẳng định đã chặn được đà tiến của Ukraine ở vùng Kursk

Minh Anh, RFI, 12/08/2024

Bộ Quốc phòng Nga ngày 12/08/2024 thừa nhận rằng quân đội Ukraine đã xâm nhập sau khoảng 30 km vào vùng Kursk, phía bắc biên giới Ukraine với Nga. Tuy nhiên, Moskva khẳng định đã chặn được đà tiến của quân Ukraine, đồng thời cam kết sẽ đáp trả cứng rắn cuộc tấn công của Ukraine.

uk1

Một đoàn xe của quân đội Nga tại tỉnh Kursk bị quân Ukraine oanh kích, ngày 09/08/2024. AP - Anatoliy Zhdanov

Từ Moskva, thông tín viên đài RFI, Jean-Didier Revoin, tường thuật :

Trong một thông cáo, quân đội Nga cho biết đã chặn được đà tiến của lực lượng Ukraine trên lãnh thổ Nga. Lực lượng dự bị trước đây được triển khai ở vùng Kharkiv ở Ukraine, dưới sự yểm trợ của không quân, drone và pháo binh, đã cho phép Nga ngăn chặn điều mà họ gọi là "nỗ lực đột phá của đội quân thiết giáp cơ động của kẻ thù".

Cũng theo Bộ Quốc phòng Nga, cuộc tấn công của Ukraine dường như đã bị chặn cách biên giới 30 km bên trong lãnh thổ Nga, vào lúc không quân và tên lửa đã oanh kích mạnh vào kẻ thù, nhất là tại địa phận biên giới Soudjia của Nga. Điều này có thể báo trước đòn trả đũa của Moskva.

Hàng ngàn binh sĩ và đông đảo xe bọc thép đã được huy động ở sát biên giới bên phía Ukraine. Cùng lúc này, Bộ Ngoại giao Nga thông báo rằng quân đội sẽ đáp trả mạnh mẽ cuộc xâm nhập này và điều đó sẽ không phải đợi lâu.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova thậm chí còn tin chắc rằng những thủ phạm và những người tổ chức điều mà bà mô tả là "tội ác chống thường dân", sẽ phải gánh lấy trách nhiệm.

Tuy nhiên, theo AFP, đối diện với tình hình "đáng báo động", chính quyền vùng Belgorod hôm nay thông báo sơ tán người dân huyện Krasnoiaroujski để bảo đảm an toàn cho thường dân. Theo hãng tin TASS của Nga, 11 000 đã được sơ tán hôm nay. Nếu như quân đội Nga khẳng định giáng những đòn thiệt hại nặng nề cho lực lượng Ukraine, thống đốc vùng Kursk, Alexei Smirnov, hôm qua, đánh giá tình hình còn "khó khăn" và khoảng 76 000 người đã đi sơ tán.

Hôm nay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo "kêu gọi tất cả các bên giảm leo thang xung đột", đồng thời nhấn mạnh điều cần thiết là mỗi bên tham chiến "không nên mở rộng vùng chiến sự, không gia tăng giao tranh và không đổ thêm dầu vào lửa".

Minh Anh

**************************

Tấn công tỉnh Kursk của Nga : Chiến dịch quân sự đầy rủi ro của Ukraine

Trọng Thành, RFI, 12/08/2024

Cách nay một tuần, Ukraine mở chiến dịch quân sự bất ngờ nhắm vào tỉnh biên giới Kursk của Nga. Cho đến nay, phạm vi hoạt động của quân đội Ukraine trải rộng trên một diện tích hơn 600 km², vượt quá diện tích lãnh thổ Ukraine mà quân Nga chiếm được kể từ đầu năm đến nay.

uk2

Ảnh từ đoạn video của Bộ Quốc phòng Nga cho thấy quân đội Nga đang triển khai ở tỉnh Kursk để ngăn chặn cuộc tấn công của Ukraine. Ảnh chụp ngày 09/08/2024. AP

Chiến dịch này phải chăng đã mang lại một chiến thắng quan trọng cho Kiev ? Hay ngược lại, đây là một hành động đầy rủi ro vào lúc mà quân đội Ukraine đang liên tục bị đẩy vào thế phải lùi dần tại vùng Donetsk ? 

Thắng lợi ban đầu của chiến dịch bất ngờ

Trước hết, chiến dịch tấn công bất ngờ của Ukraine vào tỉnh Kursk được coi là đã mang lại cho Kiev một số thành công. Thành công được hầu hết hết giới quan sát ghi nhận là do tính chất bất ngờ của chiến dịch đã mang lại lợi thế cho Ukraine. Lần đầu tiên chiến tranh đã vào sâu trong lãnh thổ Nga hàng chục cây số. Quân Ukraine đã tấn công thị trấn Soudja, cách biên giới 10 km và là một trạm trung chuyển khí đốt quan trọng. Phá hủy nhiều phương tiện quân sự, bắt giữ hàng chục tù binh. Nga đã buộc phải sơ tán hàng chục nghìn dân cư khỏi các khu vực có nguy cơ chiến sự.

Ngày 11/08, sau 5 ngày kể từ đầu cuộc phản công, tổng thống Zelensky chính thức khẳng định đã thảo luận với tổng tư lệnh quân đội Ukraine, Oleksandr Syrsky, về chiến dịch đột kích. Tuyên bố của phía Kiev được đưa ra sau khi điện Kremlin chính thức coi chiến dịch tấn công của Ukraine là một "tấn công khủng bố" và quyết định tiến hành một chiến dịch chống khủng bố để đáp trả, chứ không tuyên chiến với Ukraine, như đòi hỏi của không ít thành phần cứng rắn trong nội bộ. Lãnh đạo chiến dịch "chống khủng bố" tại tỉnh Kursk là cơ quan an ninh Nga chứ không phải là Bộ Quốc phòng.

Sau một giai đoạn bất ngờ, chiến dịch đột kích của quân đội Ukraine tại tỉnh Kursk dường như bước sang giai đoạn chững lại. Kịch bản tấn công thần tốc, thậm chí đánh chiếm nhà máy điện hạt nhân Kursk, cách biên giới khoảng 60 km, khó có khả năng diễn ra trong thời gian tới. Hôm nay, Bộ Quốc phòng Nga thừa nhận rằng quân đội Ukraine đã xâm nhập sau khoảng 30 km vào vùng Kursk, tuy nhiên Moskva khẳng định đã chặn được đà tiến của quân Ukraine, cho dù thống đốc vùng Kursk, Alexei Smirnov, hôm qua, đánh giá tình hình vẫn còn "khó khăn" và tổng cộng khoảng 76 000 người đã sơ tán.

Hai mục tiêu chính của Kiev

Để đánh giá thành công hay không của chiến dịch tấn công bất ngờ vào tỉnh Kursk, cần hiểu được mục tiêu của phía Ukraine là gì. Trong bài trả lời phỏng vấn RFI đăng tải ngày 10/08/2024, tướng Dominique Trinquand, cựu đại diện quốc phòng Pháp tại Liên Hiệp Quốc, nhấn mạnh đến hai lý do chính của chiến dịch khởi sự ngày 06/08/2024. Thứ nhất là gây áp lực buộc Nga rút bớt quân khỏi Ukraine và thứ hai là tấn công vào uy thế của điện Kremlin.

Về mục tiêu thứ nhất là gây áp lực buộc Nga phải rút một phần lực lượng đang tham gia chiến dịch xâm lăng tại miền đông Ukraine về bảo vệ tỉnh Kursk, để giảm áp lực đối với các lực lượng phòng thủ Ukraine. Theo tướng Trinquand, nếu Nga giảm bớt các lực lượng tại Donetsk, có thể nói là Ukraine đã thành công trong mục tiêu này. Hiện tại vấn đề này còn để ngỏ.

Ukraine thất bại, nếu bị đánh bật khỏi Kursk và tổn thất lớn

Theo một báo cáo đầu tiên của bộ tổng tham mưu Nga có khoảng 1.000 binh sĩ và hàng chục xe tăng, xe thiết giáp, đã được huy động vào cuộc tiến công. Le Monde trích dẫn số liệu được nhiều nhà quan sát ghi nhận, đó là có hai lữ đoàn không vận và hai lữ đoàn cơ giới được xác nhận tham gia vào chiến dịch tấn công tại tỉnh Kursk. Rõ ràng đây là một chiến dịch mà phía Ukraine huy động lực lượng hùng hậu hơn hẳn ba cuộc tấn công lần trước vào các khu vực biên giới Nga, chủ yếu do các đơn vị người Nga chống chế độ Putin tiến hành, với sự hỗ trợ của tình báo quân đội Ukraine.

Le Monde dẫn lời chuyên gia quân sự Kondrad Muzyka, thuộc trung tâm tư vấn quân sự Ba Lan Rochan Consulting, trong một phân tích hôm 07/08, nhận xét đây là một chiến dịch quân sự "táo bạo". Tương tự như tướng Pháp Dominique Trinquand, vị chuyên gia này khẳng định, nếu chiến dịch này cho phép Kiev đứng chân được tại tỉnh Kursk, để tạo thế cho việc đàm phán sắp tới với Nga thì đây sẽ một thành công, ngược lại, nếu như quân Nga tiếp tục tiến tại vùng Donbass, và quân Ukraine bị đẩy lùi khỏi lãnh thổ Nga mà không đạt được kết quả nào đáng kể và với tổn thất nặng thì đây sẽ là một thất bại.

Theo Le Monde, đây là một chiến dịch rủi ro cao, bởi trong bối cảnh quân Nga đang gây áp lực mạnh tại vùng Donbass, và tiếp tục gặm nhấm lãnh thổ Ukraine, và quân đội Ukraine đang gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển thêm tân binh, thì việc điều động một lực lượng lớn binh sĩ tấn công sang đất Nga là một hành động "rất mạo hiểm".

Nga "phải mất một năm mới giành lại được đất, nếu..."

Tuy nhiên, về vấn đề này, có những quan điểm ngược lại. Báo Mỹ The Washington Post ngày 11/08, dẫn lời một nhà phân tích quân sự ủng hộ điện Kremlin, ông Sergei Markov, theo đó việc quân Ukraine tiến sâu vào tỉnh Kursk, có thể gây nhiều khó khăn cho Nga, và nếu không đánh bật được các lực lượng xâm nhập bây giờ, Nga có thể sẽ phải mất cả năm trời để có thể giành lại các vùng lãnh thổ đã mất.

Trong lúc nhiều thông tin cho thấy chiến sự diễn ra trên khoảng 650 km² lãnh thổ Nga, thì một số blogger quân sự Nga khẳng định Ukraine đã kiểm soát được khoảng 250 km². Ông Markov nhấn mạnh Nga đang phải chạy đua với thời gian để phản công trước khi Ukraine tạo được thế trận phòng thủ. Tuy nhiên, nhà phân tích quân sự Nga tỏ ra tin tưởng là, bất chấp việc Ukraine chiếm được một phần lãnh thổ, tổng thống Nga Putin sẽ khó chấp nhận thỏa hiệp.

Cuộc chiến truyền thông : Biểu tượng "Kursk"

Cuộc đột kích vào tỉnh Kursk của Nga, giờ đây đã trở thành một chiến dịch quân sự quy mô khá lớn, còn có một mục tiêu thứ hai, mang ý nghĩa truyền thông, nhằm khẳng định nước Nga không thể tránh được chiến tranh trên lãnh thổ của mình, nếu tiếp tục cuộc xâm lược Ukraine, và quân đội Ukraine có quyền và có đủ khả năng mở một chiến dịch tấn công lãnh thổ Nga.

Trả lời RFI tướng Trinquand nhận định, khi chọn tỉnh Kursk làm mục tiêu tấn công, Kiev rất có thể đã muốn gây tiếng vang trong công luận, bởi Kursk là một vùng "rất quan trọng về mặt lịch sử" đối với người Nga, vì hai lý do. Thứ nhất là tại nơi đây đã diễn ra một trận chiến có ý nghĩa quyết định trong Đệ Nhị Thế Chiến giữa Liên Xô và Phát xít Đức, và thứ hai là vụ chìm tàu ngầm mang tên Kursk, một thảm họa đối với nước Nga. Theo nhiều nhà quan sát, chiến dịch tấn công này cũng cho thấy rõ thất bại của ngành tình báo Nga trong việc dự báo.

Liên Âu thừa nhận tấn công sang đất của kẻ xâm lược là tự vệ "chính đáng"

Về mặt công luận và truyền thông, với chiến dịch quân sự có độ rủi ro cao này, Ukraine cũng ghi điểm. Khác hẳn trước, cuộc tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga này của Ukraine không gặp phải sự phản đối từ phía các đồng minh đối tác phương Tây. Về chiến dịch này, người phát ngôn về Ngoại giao và An ninh của Liên Âu, Peter Stano, đưa ra tuyên bố như sau : "chúng tôi cho rằng Ukraine đang tiến hành một cuộc chiến phòng thủ hợp pháp để chống lại một cuộc xâm lăng bất hợp pháp".

Cố vấn đặc biệt của tổng thống Ukraine, ông Mikhail Podoliak nhấn mạnh : như vậy một bộ phận của cộng đồng quốc tế đã xem Liên bang Nga như là đối tượng trả đũa "hợp pháp". Phải chăng tính chính đáng của chiến dịch tấn công đầy rủi ro sang đất Nga là mục tiêu chính của phía Ukraine ? Nếu điều này là đúng thì có thể coi chiến dịch đã gặt hái được thành công ban đầu.

Trọng Thành

******************************

Putin nói Nga sẽ đẩy lùi lực lượng Ukraine khỏi khu vực biên giới

Reuters, VOA, 12/08/2024

Tổng thống Vladimir Putin hôm 12/8 nói rằng quân đội Nga sẽ đẩy lùi các lực lượng Ukraine ra khỏi lãnh thổ có chủ quyền của Nga sau cuộc xâm nhập lớn nhất của Kyiv qua biên giới kể từ khi chiến tranh nổ ra vào năm 2022.

uk3

Một chiếc ô tô bị cháy trước một tòa nhà chung cư bị hư hại sau cuộc pháo kích của phía Ukraine ở Kursk của Nga, hôm 11/8. Ông Putin nói sẽ đánh đuổi quân Ukraine ra khỏi đây.

Lực lượng Ukraine đã đột nhập qua biên giới Nga hôm 6/8 và tràn qua một số khu vực phía tây của vùng Kursk của Nga, trong một cuộc tấn công bất ngờ có thể nhằm mục đích giành được đòn bẩy cho các cuộc đàm phán ngừng bắn có thể diễn ra sau cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11.

Rõ ràng là bị bất ngờ, nhưng đến ngày 11/8 Nga đã ổn định được mặt trận ở vùng Kursk, mặc dù Ukraine đã chiếm được một phần lãnh thổ của Nga, nơi các trận chiến vẫn tiếp diễn vào ngày 12/8, theo các blogger chiến tranh Nga.

Tại vùng Belgorod lân cận ở phía nam, thống đốc khu vực Vyacheslav Gladkov cho biết việc sơ tán dân thường đã bắt đầu từ Quận Krasnaya Yaruga do "hoạt động của kẻ thù trên biên giới".

Ông Putin, trong phát biểu chi tiết nhất của mình về cuộc xâm nhập cho đến nay, cho biết Ukraine "với sự giúp đỡ của những người chủ phương Tây" đang cố gắng cải thiện vị thế thương thuyết của mình trước các cuộc đàm phán ngừng bắn có thể diễn ra và làm suy yếu những bước tiến của Nga.

Ông Putin nói với các quan chức an ninh và thống đốc khu vực rằng lực lượng Ukraine đang phải chịu thương vong nặng nề trong cuộc xâm nhập của họ.

"Kẻ thù chắc chắn sẽ nhận được phản ứng xứng đáng và tất cả các mục tiêu mà chúng ta phải đối mặt chắc chắn sẽ đạt được".

Theo ông Putin, Ukraine đang tìm cách đe dọa xã hội Nga và do đó làm suy yếu sự ổn định. Ông cảnh báo các quan chức cấp cao rằng Ukraine sẽ tìm cách làm mất ổn định hơn nữa các khu vực biên giới.

Tại cuộc họp của ông Putin, quyền thống đốc Kursk, Alexei Smirnov, cho biết Ukraine kiểm soát 22 khu định cư trong khu vực và cuộc xâm nhập tiến sâu khoảng 12km và rộng 40km.

Nga đã áp đặt an ninh chặt chẽ ở các khu vực Kursk, Bryansk và Belgorod trong khi đồng minh Belarus của họ nói rằng họ đang tăng cường quân số tại biên giới sau khi Minsk cho biết Ukraine đã vi phạm không phận của mình bằng máy bay không người lái.

Các quan chức Nga nói rằng các cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga nhằm mục đích cho những người ủng hộ phương Tây thấy rằng Kyiv vẫn có thể tập hợp các hoạt động quân sự lớn trong khi cố gắng giành được một con bài mặc cả trước các cuộc đàm phán ngừng bắn có thể xảy ra.

Nga đã xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022 và hiện kiểm soát 18% lãnh thổ Ukraine. Các lực lượng Nga, vốn có ưu thế về quân số, đã tiến quân trong năm nay dọc theo mặt trận dài 1.000km sau khi cuộc phản công năm 2023 của Ukraine không đạt được bất kỳ thành quả lớn nào.

Kyiv đã phá vỡ sự im lặng về các cuộc tấn công hôm 10/8 khi Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết Ukraine đã tiến hành một cuộc xâm nhập vào lãnh thổ Nga để "khôi phục công lý" và gây sức ép với các lực lượng của Moscow.

Tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, ở một phần của Ukraine do các lực lượng Nga kiểm soát, một đám cháy lớn đã bùng phát.

Trung tâm khí đốt

Cuộc tấn công của Ukraine đã khiến một số người ở Moscow đặt câu hỏi tại sao Ukraine có thể dễ dàng xuyên thủng khu vực Kursk sau hơn hai năm của cuộc chiến trên bộ khốc liệt nhất ở Châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai.

Các blogger chiến tranh Nga cho biết lực lượng Ukraine ở Kursk đang tìm cách bao vây Sudzha, nơi khí đốt tự nhiên của Nga chảy vào Ukraine, trong khi các trận chiến lớn đang diễn ra gần Korenevo, cách biên giới khoảng 22km và Martynovka.

"Tình hình ở biên giới của khu vực Belgorod phía tây đang ở thế báo động", Yuri Podolyaka, một blogger quân sự thân Nga có ảnh hưởng, cho biết và nói thêm rằng Ukraine đang thăm dò biên giới ở một số nơi.

"Kẻ thù có ba nhóm khá lớn ở đây".

Kể từ cuộc xâm nhập biên giới vào Kursk hôm 6/8, đồng rúp Nga đã suy yếu, mất 6% giá trị so với đô la Mỹ. Gazprom của Nga cho biết họ sẽ gửi 39,6 triệu mét khối (mcm) khí đốt đến Châu Âu qua Ukraine vào ngày 12/8.

Mặc dù Mỹ cho biết họ không được thông báo về hoạt động của Ukraine trước khi nó được triển khai, nhưng có những dấu hiệu ở Moscow cho thấy cuộc tấn công sẽ gây ra phản ứng từ Nga.

"Chúng tôi không nghi ngờ gì rằng những kẻ tổ chức và thủ phạm của những tội ác này, bao gồm cả những người quản lý nước ngoài của chúng, sẽ phải chịu trách nhiệm về chúng", Maria Zakharova, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga cho biết.

"Sẽ không mất nhiều thời gian để có một phản ứng cứng rắn từ Lực lượng vũ trang Nga".

Reuters

*************************

Nga nói Ukraine đang tiến sâu và 'đe dọa những người dân Nga ôn hòa'

BBC, 12/08/2024

Quân đội Ukraine đã tiến sâu 30km vào lãnh thổ Nga, đánh dấu cuộc xâm nhập có quy mô và tác động lớn nhất kể từ khi Nga xâm lược toàn diện nước này vào tháng 2/2022.

ngauk1

Các phóng viên BBC ở thành phố Sumy (Ukraine) chứng kiến cảnh nhiều xe bọc thép và xe tăng di chuyển về phía Nga

Cuộc tấn công của Ukraine vào khu vực Kursk (Nga) đã bước sang ngày thứ sáu.

Trong một sự thừa nhận rõ ràng rằng quân Ukraine đã tiến sâu vào khu vực biên giới Kursk, Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã giao tranh với quân đội Ukraine ở gần các ngôi làng Tolpino và Obshchy Kolodez - cách biên giới Nga-Ukraine khoảng 25km và 30km.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, cáo buộc Kiev đang "đe dọa những người dân Nga ôn hòa".

Tổng thống Volodymyr Zelensky, người trực tiếp thừa nhận vụ tấn công nói trên lần đầu tiên trong bài phát biểu tối 11/8, cho biết Nga đã tiến hành 2.000 cuộc tấn công xuyên biên giới từ Kursk, tính riêng trong mùa hè năm nay.

"[Có] pháo binh, súng cối, máy bay không người lái.

"Chúng tôi cũng ghi nhận các cuộc tấn công bằng tên lửa. Mỗi cuộc tấn công như vậy đều xứng đáng nhận được sự đáp trả tương ứng", ông Zelensky nói với người dân Ukraine trong bài phát biểu hàng đêm của mình từ Kyiv.

Một quan chức cấp cao của Ukraine nói với hãng tin AFP rằng hàng ngàn binh sĩ tham gia vào chiến dịch ở Kursk, cho thấy quy mô lớn hơn nhiều so với những gì lực lượng biên phòng Nga ban đầu gọi là cuộc xâm nhập quy mô nhỏ.

"Chúng tôi đang ở thế tấn công. Mục tiêu là kéo giãn lực lượng địch, gây thiệt hại tối đa và làm mất ổn định tình hình tại Nga khi mà họ chẳng thể bảo vệ nổi biên giới của chính mình", quan chức này nói.

Ngày 11/8, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng của Nga đã "đánh bại những nỗ lực tiến sâu vào lãnh thổ Nga của các nhóm cơ động của kẻ thù có trang bị xe bọc thép".

ngauk2

Ảnh chụp màn hình từ video do Bộ Quốc phòng Nga công bố cho thấy lực lượng Nga đang tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa, nhắm vào lực lượng của Ukraine tại khu vực biên giới gần vùng Kursk. Bộ Quốc phòng Nga/Getty Images

Một video lan truyền trên mạng và đã được BBC kiểm chứng cho thấy một cuộc tấn công của Nga ở gần ngôi làng Levshinka, cách biên giới Nga-Ukraine khoảng 25km.

Quân đội Ukraine tuyên bố đã chiếm giữ được một số khu định cư trong khu vực Kursk.

Ở Guevo, một ngôi làng cách biên giới khoảng 3km, binh lính Ukraine đã quay lại một video hạ quốc kỳ Nga khỏi một tòa nhà hành chính.

Các đoạn phim khác cũng cho thấy quân đội Ukraine chiếm giữ các tòa nhà hành chính ở làng Sverdlikovo và Poroz, trong khi có thông tin về các cuộc giao tranh dữ dội tại Sudzha - một thị trấn có khoảng 5.000 người sinh sống.

Quân đội Ukraine đã tự quay phim họ tại một cơ sở khí đốt quan trọng gần Sudzha. Cơ sở này tham gia vào việc vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga đến EU qua Ukraine, bất chấp tình hình chiến sự.

Tại vùng Sumy (Ukraine), giáp với vùng Kursk, phóng viên của BBC chứng kiến nhiều xe bọc thép và xe tăng di chuyển về phía Nga.

Những chiếc xe bọc thép này có ký hiệu hình tam giác trắng, có vẻ để phân biệt với các thiết bị sử dụng bên trong lãnh thổ Ukraine.

Trong khi đó, không ảnh cho thấy các xe tăng của Ukraine đang tham gia chiến đấu trong lãnh thổ Nga.

Các bức ảnh được phân tích bởi BBC Verify cũng cho thấy Nga đang xây dựng các tuyến phòng thủ mới gần nhà máy điện hạt nhân Kursk.

Các lực lượng Ukraine chiến đấu tại Obshchy Kolodez đang ở cách cơ sở này khoảng 50km.

Qua việc so sánh hình ảnh vệ tinh ngày hôm qua và trước đó vài ngày của cùng một vị trí, có thể thấy một số đường hào vừa được đào xung quanh khu vực này. Con hào gần nhất cách nhà máy khoảng 8km.

Theo hãng thông tấn nhà nước Tass của Nga, hơn 76.000 người đã được sơ tán khỏi khu vực biên giới.

Quyền tỉnh trưởng Alexei Smirnov hôm 11/8 cho biết ông đã lệnh cho các quan chức đẩy nhanh hoạt động để đưa dân thường đến nơi an toàn.

Ông cũng cho biết đã có 15 người bị thương vào cuối ngày 10/8 sau khi một tên lửa của Ukraine bị bắn hạ và mảnh vỡ rơi xuống một tòa nhà cao tầng ở thành phố Kursk - thủ phủ tỉnh Kursk.

Oleksiy Goncharenko - một nghị sĩ Ukraine - ca ngợi chiến dịch này và cho rằng nó "đưa chúng ta [Ukraine] gần hơn với hòa bình, hơn cả hàng trăm hội nghị thượng đỉnh về hòa bình".

"Khi Nga phải chiến đấu trên chính lãnh thổ của họ, khi người dân Nga phải chạy trốn, khi người dân quan tâm, đó là cách duy nhất để cho họ thấy rằng phải dừng cuộc chiến này lại", ông nói với BBC.

kursk3

Cuộc tấn công vào Kursk xảy ra sau các cuộc tiến công kéo dài nhiều tuần của quân Nga ở phía đông Ukraine, nơi nhiều ngôi làng đã bị quân Nga chiếm đóng.

Một số nhà phân tích cho rằng cuộc tấn công vào Kursk là một phần trong nỗ lực buộc Nga phải điều chuyển lực lượng ra khỏi miền đông Ukraine và giảm áp lực lên các tuyến phòng thủ đang bị bao vây của Ukraine.

Tuy nhiên, một quan chức Ukraine nói với AFP rằng cho đến nay, các hoạt động của Nga ở phía đông Ukraine vẫn chưa có gì thay đổi.

Đầu tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết cuộc tấn công vào Kursk là một "sự khiêu khích lớn".

Trong khi đó, các cơ quan cứu hộ khẩn cấp ở khu vực Kyiv cho biết một người đàn ông và con trai bốn tuổi của ông đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng tên lửa gần thủ đô vào đêm qua.

Các hệ thống phòng không cũng đã phá hủy 53 trong số 57 drone tấn công được Nga phóng trong các cuộc không kích qua đêm, theo các quan chức không quân Ukraine.

Họ nói thêm rằng bốn tên lửa do Bắc Hàn sản xuất cũng đã được bắn trong các đợt tấn công trên.

Nga đã buộc phải trông cậy vào Bắc Hàn - quốc gia bị cô lập - để bổ sung kho vũ khí của mình.

Trong một diễn biến khác, các quan chức Nga tại khu vực Zaporizhzhia bị chiếm đóng cho biết một đám cháy đã bùng phát tại nhà máy điện hạt nhân của khu vực này vào ngày 11/8.

Ông Yevgeny Balitsky, thống đốc Zaporizhzhia do Kremlin bổ nhiệm, tuyên bố rằng đám cháy bùng phát sau cuộc pháo kích của quân đội Ukraine.

Ông nói thêm rằng không có sự gia tăng phóng xạ xung quanh nhà máy.

Hãng thông tấn Tass đưa tin đám cháy đã được dập tắt vào sáng sớm thứ Hai 12/8.

Trong một tuyên bố đăng trên X (Twitter), cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc - Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) - cho biết các thanh tra của họ tại hiện trường đã chứng kiến "khói đen nghi ngút" bốc lên từ phía bắc nhà máy, nhưng nhấn mạnh rằng không có vấn đề gì liên quan đến an toàn hạt nhân được báo cáo.

Trong một bài viết trên mạng xã hội, Tổng thống Zelensky nói rằng chính quân Nga đã gây ra một đám cháy tại nơi đặt nhà máy hạt nhân.

Địa điểm này đã nằm dưới sự kiểm soát của quân đội và quan chức Nga kể từ năm 2022.

Nhà máy này đã ngừng sản xuất điện trong hơn hai năm và tất cả sáu lò phản ứng đã ngừng hoạt động từ tháng 4/2024.

Nguồn : BBC, 12/08/2024

*********************************

Tổng thống Zelensky thừa nhận Ukraine tấn công lãnh thổ Nga

BBC, 11/08/2024

Jaroslav Lukiv & Sofia Ferreira Santos, BBC, 11/08/2024

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lần đầu tiên thừa nhận rằng quân đội nước ông đang tiến hành một cuộc tấn công bên trong vùng Kursk ở miền tây nước Nga.

ngauk5

Nga đã điều quân tiếp viện - bao gồm xe tăng và hệ thống tên lửa - tới vùng Kursk

Trong bài phát biểu trên truyền hình thường lệ vào hôm thứ Bảy, ông Zelensky nói rằng quân đội Ukraine đang đưa chiến tranh "vào lãnh thổ của kẻ xâm lược".

Điều này xảy ra năm ngày sau khi Ukraine bắt đầu chiến dịch của mình, khiến Nga bất ngờ và triển khai sơ tán hàng loạt qua cả hai bên biên giới.

Tại Ukraine, các vụ nổ đã được ghi nhận ở thủ đô Kyiv và vùng Sumy vào đầu giờ ngày Chủ nhật.

Thị trưởng Kyiv, ông Vitali Klitschko, cho biết các đơn vị phòng không đang "hoạt động" và cảnh báo không kích vẫn tiếp tục trong thành phố. Trên ứng dụng nhắn tin Telegram, ông cảnh báo người dân ở yên trong những nơi trú ẩn.

Lực lượng không quân của Ukraine cho biết Kyiv, khu vực xung quanh và toàn bộ miền đông Ukraine đang trong tình trạng báo động không kích.

Trong bài phát biểu vào thứ Bảy, Tổng thống Zelensky cảm ơn các "chiến binh" của Ukraine và cho biết ông đã thảo luận về chiến dịch tại Nga với chỉ huy quân sự cấp cao của mình, ông Oleksandr Syrsky.

"Ukraine đang chứng minh rằng họ có thể phục hồi công lý và đảm bảo áp lực cần thiết lên kẻ xâm lược", ông nói thêm.

Các báo cáo cho biết quân đội Ukraine đang đe dọa chiếm giữ một thị trấn trong khu vực khi họ đánh vào phạm vi hơn 10km bên trong lãnh thổ Nga - mũi tiến công sâu nhất kể từ khi Moscow phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2/2022.

Quyền tỉnh trưởng Alexei Smirnov cho biết có ít nhất 13 người bị thương - trong đó hai người bị thương nặng - ở Kursk vào sáng sớm Chủ nhật.

Theo hãng thông tấn nhà nước Tass của Nga, hơn 76.000 người đã được sơ tán khỏi khu vực biên giới, ông Smirnov hôm Chủ nhật cho biết ông đã lệnh cho các quan chức đẩy nhanh hoạt động để đưa dân thường đến nơi an toàn.

Ủy ban Chống Khủng bố Quốc gia của Nga đã phát động chế độ "hoạt động chống khủng bố" trên ba khu vực vào thứ Sáu (9/8) để đối phó với cuộc tấn công xuyên biên giới đầy bất ngờ của Ukraine.

Điều này có nghĩa là nhà chức trách ở các khu vực biên giới của Kursk, Belgorod và Bryansk có thể hạn chế việc đi lại của người và phương tiện, cũng như sử dụng các biện pháp nghe lén điện thoại cùng các biện pháp khác.

Nga cho biết có tới 1.000 binh sĩ Ukraine, được trang bị xe tăng và xe bọc thép, đã tiến vào khu vực Kursk vào sáng thứ Ba (6/8).

Kể từ đó, quân Ukraine được cho là đã chiếm giữ một số ngôi làng và đang đe dọa thị trấn Sudzha trong khu vực.

Hôm thứ Sáu, một đoạn video xuất hiện công khai cho thấy các binh sĩ Ukraine có vũ trang tuyên bố kiểm soát thị trấn, cũng như một cơ sở khí đốt quan trọng của Nga thuộc sở hữu của công ty Gazprom.

ngauk3

Binh sĩ Ukraine tại cơ sở khí đốt Gazprom ở thị trấn Sudzha của Nga - địa điểm quay video đã được BBC xác minh

BBC Verify hiện đã xác minh rằng đoạn phim thực sự được thực hiện từ cơ sở Gazprom ở ngoại ô phía tây bắc Sudzha, cách biên giới với Ukraine khoảng 7 km. Tuy nhiên, chỉ từ đoạn video thì không kiểm chứng được tuyên bố rằng quân đội Ukraine đã chiếm giữ toàn bộ thị trấn.

Các blogger quân sự Nga trước đó nói rằng thị trấn này nằm trong tay Moscow.

BBC Verify đã kiểm tra và xác nhận vị trí của một video khác được đăng trực tuyến vào sáng thứ Sáu. Đoạn phim cho thấy một đoàn xe Nga gồm 15 chiếc bị hư hại, đốt cháy và bị bỏ lại trên con đường xuyên qua thị trấn Oktyabrskoe, cách biên giới khoảng 38 km ở phía Nga.

Đoạn phim cũng cho thấy binh lính Nga - một số bị thương, một số có thể đã tử vong - ở trong các xe này.

Kể từ đó, Moscow đã điều quân tiếp viện - bao gồm xe tăng và giàn phóng pháo phản lực - tới khu vực Kursk.

Trong báo cáo mới nhất vào sáng thứ Bảy, Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội của họ đang "tiếp tục đẩy lùi nỗ lực xâm lược" của quân Ukraine.

Họ tuyên bố rằng những nỗ lực của Ukraine nhằm "đột phá sâu vào lãnh thổ Nga" đã thất bại.

Các tuyên bố của Nga chưa được xác minh độc lập.

Vào thứ Sáu, cơ quan hạt nhân của Liên Hợp Quốc đã kêu gọi cả Nga và Ukraine "kiềm chế tối đa" vì cuộc giao tranh đang tiến gần hơn đến nhà máy điện hạt nhân Kursk - một trong những cơ sở hạt nhân lớn nhất ở Nga.

Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cho biết các biện pháp phải được thực hiện "để tránh một tai nạn hạt nhân có khả năng gây ra hậu quả phóng xạ nghiêm trọng".

Nhà máy điện nằm cách Sudzha khoảng 60km về phía đông bắc.

Jaroslav Lukiv & Sofia Ferreira Santos

Nguồn : BBC, 11/08/2024

*****************************

Lần đầu tiên Ukraine thừa nhận chiến dịch đột nhập vùng Kursk của Nga

Thùy Dương, RFI, 11/08/2024

Lần đầu tiên, vào tối thứ Bảy 10/08/2024, tổng thống Volodymyr Zelensky thừa nhận quân Ukraine đã đột kích vào lãnh thổ Nga. 5 ngày sau khi Nga thông báo hàng trăm lính Ukraine mở đợt tấn công sâu vào vùng Kursk của Nga, tổng thống Ukraine nhấn mạnh ý định "dịch chuyển chiến tranh" sang lãnh thổ Nga. 

kursk1

Một chiếc xe tăng của Nga tại vùng Kursk. Ảnh được cắt từ video do Bộ Quốc phòng Nga đăng ngày 10/08/2024. via Reuters - Russian Defence Ministry

Theo AFP, trong bài phát biểu hàng ngày được đăng tải trên mạng xã hội, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh "Ukraine chứng tỏ có thể thực thi công lý và tạo áp lực cần thiết : áp lực đối với kẻ xâm lược". Ông Zelensky cũng khẳng định là đã thảo luận với tổng tư lệnh quân đội Ukraine, Oleksandr Syrsky, về chiến dịch đột kích.

Mục tiêu thực sự của Kiev trong việc điều quân đột kích vào vùng Kursk của đối phương vẫn được các nhà quan sát quan tâm. Tướng Pháp Dominique Trinquand, nguyên trưởng phái bộ quân sự Pháp tại Liên Hiệp Quốc, hôm thứ Bảy 10/08 phân tích trên đài RFI Pháp ngữ :

"Trên thực tế, việc này trước hết là để phân tán các lực lượng Nga đang ở tại vùng Donestk, đang tiến công và tạo nhiều sức ép đối với Ukraine. Chiến dịch tấn công của Ukraine là để buộc Nga phải gửi quân tiếp viện đến vùng Kursk, qua đó có có thể sẽ giảm tải cho Ukraine trong phòng thủ ở vùng này.

Mục tiêu thứ 2, rất có thể cũng là để chỉ ra rằng chiến tranh đang diễn ra ở Nga. Rõ ràng đây là lần đầu tiên chính lực lượng Ukraine tấn công vùng Kursk của Nga, một vùng có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng, vì 2 lẽ sau : Một mặt, trận Kursk hồi Đệ Nhị Thế Chiến là vô cùng quan trọng, nhưng cái tên Kursk cũng gợi nhắc đến tàu ngầm của Nga đã bị chìm hồi năm 2000 và đã gây nên một cơn chấn động khủng khiếp tại Nga do những lời dối trá của chính phủ Nga về con tàu bị chìm này.

Tóm lại, tôi nghĩa là có 2 khía cạnh như vậy. Một khía cạnh về chiến thuật, tập trung nỗ lực để giảm bớt sức ép của Nga đối với vùng Donestk, và thứ hai là đòn tâm lý nhắm vào người Nga".

Về phía Nga, nhà chức trách vùng Kursk hôm nay 11/08 thông báo có 13 người bị thương do mảnh vỡ tên lửa của Ukraine rớt xuống một khu nhà ở. Thống đốc tạm quyền của vùng Kursk, Alexei Smirnov, yêu cầu chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ sơ tán dân thường khỏi các khu vực nguy hiểm.

Ukraine tấn công một giàn khoan dầu của Nga ở Biển Đen

Trong khi đó, báo Pháp Le Monde trích dẫn trang tin thân Kiev Krymski Veter cho biết quân đội Ukraine đã dùng drone biển Sea Baby để tấn công một giàn khoan và sản xuất khí đốt của Nga ở biển Đen. Ban lãnh đạo tình báo của quân đội Ukraine đăng tải một video khẳng định đã phá hủy được một tàu nhỏ của Nga (tàu KC 701 Tuna) trong đêm 08 rạng sáng 09/08 tại bán đảo Crimée bị Nga chiếm đóng.

Thùy Dương

*************************

Ukraine xâm nhập lãnh thổ Nga : Moscow ban bố biện pháp 'chống khủng bố'

Jaroslav Lukiv & James Waterhouse, BBC, 10/08/2024

Quân đội Ukraine đang tiếp tục cuộc tấn công vào vùng Kursk ở miền tây nước Nga, năm ngày sau khi Kiyv bất ngờ đột kích vào lãnh thổ Nga.

kursk2

Một ngôi nhà bốc cháy ở thị trấn Sudzha, vùng Kursk của Nga

Bộ Quốc phòng Nga hôm 9/8 cho biết họ đang "tiếp tục đẩy lùi" quân đội Ukraine, lực lượng mà Nga tuyên bố đã mất đi hơn 280 binh sĩ trong 24 giờ qua - một con số chưa được xác minh độc lập.

Các thông tin cho thấy quân đội Ukraine đang hoạt động sâu hơn 10km bên trong lãnh thổ Nga - bước tiến sâu nhất của Kyiv kể từ khi Moscow tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine hồi tháng 2/2022.

Ukraine chưa công khai thừa nhận vụ xâm nhập, nhưng Tổng thống Volodymyr Zelensky tuần này nói rằng Moscow phải "cảm nhận" được hậu quả của cuộc xâm lược mà Moscow gây ra.

Giao tranh ở Kursk ngày càng tiến gần đến một nhà máy điện hạt nhân, khiến cơ quan hạt nhân của Liên Hợp Quốc phải đưa ra tuyên bố kêu gọi hai bên "thực hiện kiềm chế tối đa".

Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi kêu gọi Nga và Ukraine thực hiện các biện pháp "để tránh một tai nạn hạt nhân có khả năng gây ra hậu quả phóng xạ nghiêm trọng".

Một số cư dân ở khu vực Kursk đã được chính quyền sơ tán, trong đó có một nhóm người đã kéo vào ga xe lửa trung tâm Moscow hôm 9/8.

"Thật khủng khiếp. Họ đang đánh bom", một người dân giấu tên nói với hãng tin AFP.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm nhiều binh sĩ với trang bị vũ khí hạng nặng đang được triển khai ở khu vực Kursk.

Một chiến dịch chống khủng bố đã được ban bố ở vùng này, cũng như ở các vùng Belgorod và Bryansk lân cận - một động thái cho thấy tình hình hiện tại nghiêm trọng đến mức nào.

Chính quyền địa phương hiện có quyền hạn chế người và phương tiện di chuyển, cho phép sử dụng máy nghe lén điện thoại và áp dụng các biện pháp sơ tán tạm thời.

Trong một diễn biến khác, quân đội Ukraine cho biết họ đã tấn công một sân bay quân sự nằm sâu trong lãnh thổ Nga hôm 9/8, phá hủy một nhà kho chứa hàng trăm quả bom lượn.

Việc nhắm mục tiêu vào căn cứ không quân Lipetsk, cách biên giới Ukraine hơn 350km, là loại chiến dịch mà Kyiv đã mong muốn thực hiện từ lâu.

Thứ vũ khí mà Ukraine phá hủy được trong cuộc tấn công chính là thứ vũ khí mà Nga đã sử dụng để đánh bom các thị trấn, thành phố và vị trí quân sự của Ukraine trong phần lớn cuộc xâm lược.

Tuyên bố của quân đội Ukraine cũng cho biết sân bay này được biết đến là nơi chứa các máy bay chiến đấu Su-34, Su-35 và MiG-31 của Nga.

Các chính quyền địa phương ở Nga cho biết tình trạng khẩn cấp đã được ban bố trong khu vực, xác nhận những gì họ mô tả là "vụ nổ" tại một "cơ sở năng lượng". Cư dân của bốn ngôi làng gần đó đã được sơ tán.

Vài giờ sau cuộc tấn công của Kyiv, Nga đã đáp trả bằng cách tấn công một trung tâm mua sắm ở thị trấn Kostyantynivka của Ukraine, gần tiền tuyến thuộc khu vực Donetsk ở miền đông, khiến ít nhất 14 người thiệt mạng và 43 người bị thương, các quan chức Ukraine cho biết.

Các tòa nhà dân sự, cửa hàng và hơn chục ô tô cũng bị hư hại trong vụ tấn công.

kursk4

Người dân ở vùng Kursk được sơ tán ngày 9/8/2024

Ba ngày sau khi cuộc tấn công của Ukraine được phát động hôm 6/8, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng của họ đang tìm cách ngăn chặn "những nỗ lực đột kích của các đơn vị địch".

Tuy nhiên, đoạn video do BBC Verify kiểm tra lại cho thấy một bức tranh khác, có cảnh đoàn xe gồm 15 chiếc của Nga bị hư hỏng, đốt cháy và bị bỏ lại trên con đường xuyên qua thị trấn Oktyabrskoe, cách biên giới phía Nga khoảng 38 km.

Đoạn phim được quay vào sáng sớm cũng cho thấy binh lính Nga, một số người bị thương, có thể đã chết trên những chiếc xe này.

Nga cho biết có tới 1.000 binh sĩ Ukraine, được xe tăng và xe bọc thép yểm trợ, đã tiến vào khu vực Kursk khi cuộc tấn công bắt đầu.

Dù đã triển khai quân dự bị và ra lệnh sơ tán, Nga vẫn không thể làm chậm đà tiến quân của Ukraine.

Điều này còn hơn cả những cuộc tấn công thăm dò mà chúng ta từng thấy trong quá khứ.

Đây là một cuộc tấn công có chủ đích và đã gây sốc cho quân đội Nga và Điện Kremlin. Trong 18 tháng qua, chính Moscow là bên định đoạt cuộc chiến này.

Bây giờ họ phải ngăn chặn cuộc tấn công cũng như những lời chỉ trích trong nước vì đã không ngăn chặn Ukraine ngay từ đầu.

Bất chấp những lo ngại từ lâu của phương Tây về xung đột leo thang, các đồng minh của Ukraine đồng thuận rằng chiến dịch này nằm trong quyền tự vệ của Kyiv.

Mặc dù vẫn chưa đề cập trực tiếp đến vụ tấn công, nhưng Tổng thống Zelensky đã nói trong một bài phát biểu qua video vào cuối ngày 9/8 : "Nga đã đưa chiến tranh đến vùng đất của chúng tôi và họ cần cảm nhận những gì họ đã làm".

Nhưng với quân số Ukraine của ông vẫn kém hơn quân Nga trên chiến trường, lằn ranh giữa nước cờ đột phá và tính toán sai lầm rất mong manh.

Đồng rúp của Nga đã giảm 2,5% so với đồng đô la Mỹ vào ngày 9/8, khi các nhà giao dịch tiền tệ nói với hãng tin AFP rằng cuộc tấn công vào vùng Kursk của Ukraine là một trong những nguyên nhân.

Jaroslav Lukiv & James Waterhouse

Nguồn : BBC, 10/08/2024

******************************

Nga thông báo "chiến dịch chống khủng bố" tại ba vùng giáp biên với Ukraine

Trọng Thành, RFI, 10/08/2024

Hôm 09/08/2024, chính quyền Nga thông báo tiến hành "chiến dịch chống khủng bố" tại vùng Kursk và hai vùng biên giới Belgorod và Briansk, giáp ranh với Kursk. Tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp lần thứ hai của Hội đồng An ninh Quốc gia Nga kể từ cuộc tấn công quy mô lớn của quân đội Ukraine vào sâu trong vùng Kursk, bắt đầu cách nay bốn hôm.

kursk5

Ảnh trích từ video do Bộ Quốc phòng Nga công bố ngày 09/08/2024 cho thấy một đoàn quân Nga đang di chuyển tại Sudzhansky, thuộc vùng biên Kursk. AP

Theo Ủy ban quốc gia chống khủng bố Nga, chiến dịch chống khủng bố tại ba vùng biên giới nói trên có mục tiêu "đảm bảo an toàn cho các công dân, xóa bỏ nguy cơ khủng bố do các nhóm phá hoại của kẻ thù." Tại các khu vực được đặt trong ''tình trạng đặc biệt'' chống khủng bố nói trên, việc đi lại bị giới hạn, các phương tiện giao thông có thể bị trưng dụng, điện thoại có thể bị theo dõi, kiểm soát được siết chặt tại các cơ sở hạ tầng chiến lược...

Theo AFP, Bộ Quốc phòng Nga hôm qua thông báo đã triển khai thêm một số đơn vị đến vùng biên giới. Hôm nay, Bộ Quốc phòng Nga đăng nhiều hình ảnh cho thấy xe tăng bắn phá một số vị trí của Ukraine tại vùng Kursk. Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), có trụ sở tại Washington, "quân đội Nga dường như vẫn chủ yếu dựa vào các đơn vị có mặt tại chỗ, và các lực lượng ở hậu phương với đa số là tân binh và lực lượng không chính quy", và có thể chưa tính đến việc điều động một phần các lực lượng đang tham chiến tại Ukraine sang vùng Kursk.

Trên mạng Telegram, chỉ huy công ty lính đánh thuê Nga Wagner thông báo sẵn sàng triển khai lực lượng tại vùng này, nếu được chính quyền yêu cầu. Tuy nhiên, theo blogger quân sự Nga Trinakhati hôm 08/08, một số đơn vị Wagner "đang trên đường" đến Kursk. Trong giới dân tộc chủ nghĩa cứng rắn Nga, nhiều người kêu gọi điện Kremlin "tuyên chiến" với Ukraine. Một bài xã luận trên tờ Moskovski Komsomolets, nhật báo phổ thông tại Nga, bày tỏ sự ngạc nhiên khi thấy các lãnh đạo cấp cao chỉ nói đến một "hành động khiêu khích", hay "khủng bố".

Điều được nhiều nhà quan sát chú ý là sự vắng mặt của ông Valeri Guerassimov, tổng tham mưu trưởng Quân đội Nga, trực tiếp phụ trách chiến dịch xâm lăng Ukraine, tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia Nga hôm qua. Hãng tin Mỹ Bloomberg, hôm 08/08, cho biết tổng tham mưu trưởng Quân đội Nga đã xem nhẹ các cảnh báo trước đó về khả năng Ukraine tấn công vùng Kursk. Trong cuộc họp đầu tiên tiên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nga sau khi Ukraine tấn công vùng này, tổng tham mưu trưởng Nga đã cam đoan với tổng thống Putin là cuộc tiến quân của Ukraine "đã bị chặn đứng".

AIEA kêu gọi "kiềm chế tối đa", tránh tai nạn hạt nhân

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế AIEA, hôm qua, kêu gọi "tất cả các bên kiềm chế tối đa để tránh một tai nạn hạt nhân". Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh, chiến sự diễn ra tại khu vực gần với nhà máy điện hạt nhân Kursk, cách biên giới với Ukraine khoảng 60 km.

Trọng Thành

Additional Info

  • Author Minh Anh, Trọng Thành, Reuters, Thùy Dương, Jaroslav Lukiv & James Waterhouse
Published in Diễn đàn

Ukraine oanh kích một căn cứ không quân Nga cách biên giới gần 300 km

Thanh Phương, RFI, 09/08/2024

Quân đội Ukraine hôm 09/08/2024, khẳng định đã oanh kích "thành công" một căn cứ không quân của Nga ở vùng Lipetsk, nằm cách biên giới Ukraine gần 300 km, nơi đã bị nhiều vụ tấn công bằng drone trong đêm. Theo các hãng thông tấn Nga, hỏa hoạn đã bùng lên tại căn cứ không quân nói trên.

uknga1

Giám đốc Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) Alexander Bornikov, thư ký Hội đồng An ninh Sergei Shoigu và bộ trưởng Quốc phòng Andrei Belousov chờ họp với tổng thống Nga Vladimir Putin về đợt đột kích của Ukraine vào vùng Kursk của Nga, Moskva, Nga, ngày 07/08/2024. via Reuters - Gavriil Grigorov

Theo hãng tin AFP, thống đốc vùng Lipetsk đã phải ban hành tình trạng khẩn cấp sau loạt tấn công bằng drone của Ukraine, khiến 6 người bị thương và gây hư hại một nhà máy điện. Trong khi đó, quân Ukraine tiếp tục đà tiến vào sâu trong lãnh thổ Nga tại vùng Kursk ở biên giới. Quân đội Nga cũng xác nhận các trận giao tranh tiếp diễn tại vùng này.

Từ Moskva, thông tín viên Jean-Didier Revoin tường trình :

"Tại Nga, tình trạng khẩn cấp đã được ban hành ở thành phố Lipetsk, nằm cách Moskva 560 km về phía nam, sau một cuộc tấn công ồ ạt bằng drone trong đêm. Hỏa hoạn đã bùng lên tại một sân bay quân sự nằm gần đó, nhưng hiện chưa biết rõ nguyên nhân.

Tại vùng Belgorod, cách Moskva 670 km về phía tây nam, tổng cộng có đến 29 drone của Ukraine bị lực lượng phòng không Nga bắn rơi, nhưng đã gây nhiều thiệt hại vật chất.

Bán đảo Crimée cũng bị tấn công bằng drone không chiến và drone hải chiến, theo thông báo sáng nay (09/08) của chính quyền địa phương. Những cuộc tấn công này gây hoang mang cho lực lượng vũ trang và người dân Nga, trong lúc chiến dịch đột kích của quân Ukraine bắt đầu từ thứ Ba vẫn tiếp diễn tại vùng Kursk ở biên giới. Lực lượng của Kiev dường như đã tiến sâu cả chục cây số vào lãnh thổ Nga.

Hôm qua, Moskva khẳng định tình hình vẫn ổn định và trong tầm kiểm soát, nhưng trên mạng Telegram, một số blogger quân sự cho biết các chiến binh của công ty lính đánh thuê Wagner cùng với các chiến binh Chechnya đã được triển khai trong vùng để hỗ trợ cho quân đội chính quy của Nga. Việc triển khai những lực lượng này cho thấy mức độ ác liệt của các trận giao tranh đang diễn ra trên lãnh thổ Nga".

Theo các hãng thông tấn Nga, Bộ Quốc phòng Nga vừa thông báo triển khai thêm thiết bị quân sự để chống trả cuộc đột kích của quân Ukraine vào vùng Koursk.

Thanh Phương

****************************

Nga nói giao tranh vẫn tiếp diễn ở Kursk, video cho thấy các xe tải Nga bị thiêu rụi

Reuters, VOA, 09/08/2024

Video được đăng trên mạng xã hội hôm thứ Sáu và được Reuters xác minh cho thấy một đoàn xe tải quân sự của Nga đã bị thiêu rụi dọc theo một xa lộ ở khu vực Kursk, miền nam nước Nga, nơi lực lượng Ukraine đã mở một cuộc đột kích lớn trong tuần này.

uknga2

Ảnh lấy từ video do Bộ Quốc phòng Nga công bố ngày 8/8/2024 cho thấy một chiến đấu cơ Su-25 của Nga bắn tên lửa vào quân nhân và thiết bị quân sự của Lực lượng vũ trang Ukraine tại khu vực biên giới vùng Kursk của Nga. (Bộ Quốc phòng Nga/AP)

Có thể nhìn thấy khoảng 15 chiếc xe tải trong video, bao gồm một chiếc có ký hiệu Z mà Nga sử dụng làm biểu tượng cho "hoạt động quân sự đặc biệt" của mình ở Ukraine. Một số xe tải dường như chứa các thi thể.

Reuters đã có thể xác minh vị trí là làng Oktyabrskoye, dựa trên các tòa nhà, cây cối và bố cục đường sá, nhưng không thể xác định chính xác thời điểm video được quay.

Lực lượng Ukraine đã vượt qua biên giới vào thứ Ba trong một cuộc phản công gây sốc, sau nhiều tháng Nga từ từ tiến lên ở miền Đông Ukraine, gần hai năm rưỡi sau khi Moscow đưa quân xâm lược nước láng giềng.

Tổng tham mưu trưởng quân đội Valery Gerasimov báo cáo với Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Tư rằng quân đội Nga và lực lượng của cơ quan an ninh FSB đã chặn đứng cuộc tiến công và sẽ đẩy quân Ukraine trở lại biên giới.

Reuters

*****************************

Tính toán của Ukraine khi bất ngờ tấn công vùng Kursk của Nga

Thu Hằng, RFI, 08/08/2024

"Lần đầu tiên một đất nước chính thức xâm chiếm Nga kể từ năm 1941". Một nguồn tin quân sự Pháp của báo Le Figaro đã phải ngạc nhiên về chiến dịch đột kích của quân đội Ukraine vào vùng biên giới Kursk của Nga từ hôm 06/08/2024. Chính quyền Moskva dường như bị bất ngờ và sau đó mới ý thức được mức độ nghiêm trọng của chiến dịch. Ukraine tính toán gì khi mở đợt tấn công sâu vào lãnh thổ Nga trong khi đang gặp khó khăn trên mặt trận ở Donetsk và Kharkiv ?

ngauk2

Vùng Kursk của Nga sau khi bị Ukraine tấn công. Ảnh do thống đốc Kursk cung cấp. AP

Khác với những cuộc đột kích trước đó do những người Nga chống điện Kremlin (Quân đoàn Tự do Nga và Lực lượng tình nguyện Nga) tiến hành, ít nhất "300 quân", "11 xe tăng và hơn 20 xe bọc thép" của Lữ đoàn cơ giới số 22 trực thuộc quân đội Ukraine đã tiến vào lãnh thổ Nga. Bộ quốc phòng Nga có lúc nêu lên con số "gần 1.000 lính Ukraine". Theo nguồn tin quân sự Pháp của báo Le Figaro, dường như quân Ukraine "đang kiểm soát một khu vực rộng 10 km và sâu 15 km, có nghĩa là khoảng 150 km2", gồm một số ngôi làng gần thành phố nhỏ Sudja, đối diện với vùng Sumy của Ukraine.

Đánh lạc hướng Nga để giảm áp lực trên chiến trường Donbass

Giới quan sát hoàn toàn bị bất ngờ, vẫn chưa hiểu về mục đích của chiến dịch, trong khi Kiev gần như im lặng. Nhận định mà các chuyên gia quân sự đưa ra nhiều nhất đó là có lẽ Ukraine đang tìm cách giảm bớt áp lực của Nga trên hai mặt trận chính ở Donetsk miền đông và Kharkiv miền đông bắc, theo chiến lược "nghìn mũi tên" được Kiev triển khai từ đầu năm 2024. Chuyên gia Sergui Zgourets, được AFP trích dẫn, cho rằng "một trong những mục tiêu (của Kiev) là giãn lực lượng dự bị (Nga) để giảm bớt khó khăn cho quân Ukraine ở khu vực Kharkiv và có thể là ở một số vùng khác". Quân Nga đang kiểm soát một vùng rộng 150 km2 cách Kharkiv chưa đầy 30 km và giao tranh giữa hai bên vẫn diễn ra khốc liệt.

Không phải ngẫu nhiên mà Ukraine chọn vùng Kursk. So với vùng Belgorod đã được Nga tăng cường phòng thủ, vị trí của vùng Kursk lân cận cho phép "đánh phủ đầu kẻ thù một cách hiệu quả với một lực lượng ít hơn hẳn và đó là điều mà quân đội Ukraine có thể đã làm", theo chuyên gia Ukraine Sergui Zgourets. Sĩ quan Ukraine Mykola Melnyk có chung nhận định khi trả lời trang Komentari với tư cách cá nhân. Theo ông, mục đích có thể là "buộc Nga phải triển khai đến những vùng miền tây này số lính dự bị đang được đưa đến Pokrovsk và Toretsk và như vậy giảm bớt áp lực cho quân Ukraine". Toretsk là trung tâm hậu cần quan trọng của Ukraine ở vùng Donbass, đã bị quân Nga thắt chặt vòng vây từ đầu tháng 8.

Làm mất uy tín của Bộ quốc phòng Nga

Nguồn tin quân sự của nhật báo Le Figaro nêu thêm ba giả thuyết khác về cuộc tấn công bất ngờ vào vùng Kursk. Trước tiên, có thể đó là "một chiến dịch chuẩn bị cho một cuộc phản công rộng lớn hơn", trong bối cảnh Ukraine nhận được một số vũ khí mới từ đồng minh phương Tây. Thứ hai, đây cũng có thể là một kiểu truyền thông để "cho thấy rằng người Ukraine vẫn quả cảm, vẫn nguy hiểm, chứ không chỉ bị đẩy lùi".

Giả thuyết thứ ba là chính quyền Kiev đang "chuẩn bị các cuộc đàm phán" : Kiểm soát một số vùng đất của Nga, nhà máy điện hạt nhân Kursk, chỉ cách Ukraine 60 km để gây sức ép đàm phán với điện Kremlin. Điều này giải thích cho việc lực lượng phòng vệ Nga đã được huy động đến bảo vệ nhà máy này. Tuy nhiên, trang Geo của Pháp ngày 07/08 cho rằng nhìn vào lực lượng Nga đang hoạt động tại vùng Kharkiv, có nhiều khả năng là cuộc tấn công của Ukraine sẽ sớm bị đẩy lui.

Dù ý đồ của chiến dịch tấn công vùng Kursk là gì thì ít nhất Ukraine đã đạt được một mục tiêu : Bộ quốc phòng và bộ chỉ huy quân sự Nga lại bị mất uy tín. Theo tuần báo Courrier International, nhiều chuyên gia và bình luận viên quân sự Nga ủng hộ chiến tranh cáo buộc họ "đã không thấy được chuyện gì sắp đến". Những "voenkor" - "phóng viên chiến trường" độc lập - cho rằng chiến dịch của Ukraine có lẽ đã được chuẩn bị từ lâu với mục tiêu có thể là đánh chiếm và kiểm soát lâu dài một phần lãnh thổ Nga.

Thu Hằng

***************************

Nga ban hành tình trạng khẩn cấp tại vùng Kursk sau các vụ đột kích của quân Ukraine

Thu Hằng, RFI, 08/08/2024

Nga ban hành tình trạnh khẩn cấp tại vùng Kursk sát biên giới Ukraine sau các vụ đột kích của quân Ukraine. Ngày 08/08/2024, bộ quốc phòng Nga khẳng định đã "ngăn chận" nhiều vụ tấn công bằng drone của Kiev nhắm vào các cơ sở của Nga. Còn thống đốc vùng Kursk cho biết các trận giao tranh với quân Ukraine vẫn tiếp diễn.

ngauk02

Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì một cuộc họp với bộ trưởng quốc phòng Andrei Belousov (phải), cố vấn an ninh quốc gia Alexander Bortnikov (trái) và thư ký Hội đồng An ninh (sát bên trái Putin) Sergei Shoigu về tình hình tại Koursk, ngày 07/08/2024. AP - Aleksey Babushkin

Theo Moskva, "có đến 1.000 lính Ukraine" cùng với vài chục xe tăng và xe bọc thép đã thâm nhập vào vùng Kursk từ ngày 06/08. Các trận giao tranh dữ dội đã khiến vài nghìn người dân ở cả hai phía phải sơ tán. Sáng 08/08, bộ quốc phòng Nga đăng một số hình ảnh và video để khẳng định đã phá hủy nhiều thiết bị của Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin lên án "một hành động gây hấn ở quy mô lớn" và cáo buộc quân Ukraine "bắn bừa bãi bằng mọi loại vũ khí, kể cả roc-két, vào các công trình dân sự, nhà ở và xe cứu thương". Còn tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov, trong buổi báo cáo tình hình cho tổng thống Putin, được tường thuật trên truyền hình, cho biết "đà tiến của kẻ thù vào sâu trong lãnh thổ đã bị chặn đứng nhờ không kích và pháo kích".

Tuy nhiên, theo thống đốc vùng Kursk, tình hình vẫn "rất khó khăn ở những khu vực sát biên giới", nơi tình mà trạng khẩn cấp đã được ban hành từ tối thứ Tư 07/08. Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga đã tăng cường bảo vệ nhà máy điện hạt nhân ở Kursk, chỉ cách Ukraine khoảng 60 km. Lực lượng hỗ trợ đến từ các vùng lân cận đã được triển khai ở vùng Kursk.

Trong khi đó, Kiev vẫn giữ im lặng về chiến dịch này. Rất nhiều quan chức cấp cao Ukraine được AFP đặt câu hỏi đã từ chối bình luận. Tối 07/08, khi tổng kết tình hình hàng ngày, tổng thống Volodymyr Zelensky đã hoan nghênh "lòng dũng cảm" của quân đội Ukraine, nhưng không nhắc đến vụ đột kích vào lãnh thổ Nga. Ông nhấn mạnh : "Chúng ta càng gây sức ép với Nga, chúng ta càng tiến gần đến hòa bình".

Hoa Kỳ dường như đã không được thông tin về chiến dịch này. Theo AFP, ngày 07/08, Washington cho biết đã liên lạc với Kiev để biết rõ hơn về "mục tiêu" của cuộc đột kích. Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre khẳng định Mỹ ủng hộ những hành động "hợp lý" của Ukraine để ngừng các cuộc tấn công của Nga.

Thu Hằng

**************************

Quân Nga giao chiến với quân Ukraine ở Kursk sang ngày thứ ba liên tiếp

Reuters, VOA, 08/08/2024

Hôm 8/8, quân Nga đã chiến đấu chống quân Ukraine sang ngày thứ ba sau khi quân Ukraine xuyên thủng biên giới Nga ở khu vực Kursk trong một hành động tấn công táo bạo vào cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới vốn buộc Moscow phải huy động quân dự bị.

nga0

Lính Nga bị bắt làm tù binh trong khu vực Kursk – Global News

Khoảng 1.000 lính Ukraine đã băng qua biên giới Nga vào rạng sáng 6/8 trên xe tăng và xe bọc thép, được yểm trợ từ trên không với nhiều máy bay không người lái và pháo binh bắn dồn dập trong một trong những cuộc tấn công lớn nhất của Ukraine vào Nga trong cuộc chiến đã kéo dài hai năm, các quan chức Nga cho biết.

Quân Ukraine đã càn quét qua các cánh đồng và khu rừng ở biên giới tiến về phía bắc thị trấn biên giới Sudzha, điểm trung chuyển cuối cùng của khí đốt Nga sang Châu Âu qua ngả Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã coi cuộc tấn công là ‘hành động khiêu khích lớn’. Nhà Trắng cho biết Mỹ - nước ủng hộ lớn nhất cho Ukraine – không hề biết trước về vụ tấn công và sẽ yêu cầu thêm thông tin từ Kyiv.

Tướng cấp cao nhất của Nga, Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov, hôm 7/8 đã nói với ông Putin rằng cuộc đột kích của Ukraine đã bị chặn lại ở khu vực biên giới.

Bộ Quốc phòng Nga hôm 8/8 cho biết rằng quân đội và Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) đã chặn quân Ukraine lại và đang giao chiến với các đơn vị Ukraine ở khu vực Kursk.

"Các đơn vị trong nhóm quân phía Bắc, cùng với FSB của Nga, tiếp tục phá hủy các đội hình vũ trang của Lực lượng Vũ trang Ukraine ở các huyện Sudzhensky và Korenevsky của vùng Kursk, tiếp giáp trực tiếp với biên giới với Ukraine", Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Cơ quan này nói Ukraine đã mất 82 xe bọc thép, trong đó có tám xe tăng trong cuộc tấn công.

Quân đội Ukraine vẫn giữ im lặng trước cuộc tấn công Kursk

Một số blogger Nga chỉ trích tình trạng phòng thủ biên giới ở khu vực Kursk, nói rằng quân Ukraine đã quá dễ dàng xuyên thủng biên giới.

"Quân thù đã vượt qua tuyến phòng thủ của chúng ta khá dễ dàng", Yuri Podolyaka, một blogger quân sự thân Nga nổi tiếng nhận định, đồng thời cho biết thêm rằng công tác phòng thủ hoàn chỉnh không hề được chuẩn bị ở Kursk mặc dù chiến tranh đang diễn ra.

Hàng nghìn người đã được sơ tán khỏi khu vực Kursk, theo truyền thông Nga.

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho biết cuộc tấn công của Ukraine là nỗ lực nhằm buộc Nga phải chuyển hướng các nguồn lực từ mặt trận và cho phương Tây thấy rằng Ukraine vẫn có thể chiến đấu.

Theo ông Medvedev, do cuộc tấn công Kursk, Nga nên mở rộng mục tiêu chiến tranh sang chiếm toàn bộ lãnh thổ Ukraine.

"Kể từ thời điểm này, SVO (Chiến dịch quân sự đặc biệt theo cách gọi của Nga) sẽ công khai có tính chất bên ngoài lãnh thổ", ông Medvedev nói, và nói thêm rằng quân Nga nên tiến đến Odesa, Kharkiv, Dnipro, Mykolayiv, Kyiv ‘và xa hơn nữa’.

Reuters,

Nguồn : VOA, 08/08/2024

Additional Info

  • Author Thanh Phương, Thu Hằng, Reuters
Published in Quốc tế

Nga ban hành tình trạng khẩn cấp tại vùng Kursk sau các vụ đột kích của quân Ukraine

Thu Hằng, RFI, 08/08/2024

Nga ban hành tình trạnh khẩn cấp tại vùng Kursk sát biên giới Ukraine sau các vụ đột kích của quân Ukraine. Ngày 08/08/2024, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định đã "ngăn chặn" nhiều vụ tấn công bằng drone của Kiev nhắm vào các cơ sở của Nga. Còn thống đốc vùng Kursk cho biết các trận giao tranh với quân Ukraine vẫn tiếp diễn.

ngauk1

Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì một cuộc họp với bộ trưởng quốc phòng Andrei Belousov (phải), cố vấn an ninh quốc gia Alexander Bortnikov (trái) và thư ký Hội đồng An ninh (sát bên trái Putin) Sergei Shoigu về tình hình tại Kursk, ngày 07/08/2024. AP - Aleksey Babushkin

Theo Moskva, "có đến 1.000 lính Ukraine" cùng với vài chục xe tăng và xe bọc thép đã thâm nhập vào vùng Kursk từ ngày 06/08. Các trận giao tranh dữ dội đã khiến vài nghìn người dân ở cả hai phía phải sơ tán. Sáng 08/08, Bộ Quốc phòng Nga đăng một số hình ảnh và video để khẳng định đã phá hủy nhiều thiết bị của Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin lên án "một hành động gây hấn ở quy mô lớn" và cáo buộc quân Ukraine "bắn bừa bãi bằng mọi loại vũ khí, kể cả roc-két, vào các công trình dân sự, nhà ở và xe cứu thương". Còn tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov, trong buổi báo cáo tình hình cho tổng thống Putin, được tường thuật trên truyền hình, cho biết "đà tiến của kẻ thù vào sâu trong lãnh thổ đã bị chặn đứng nhờ không kích và pháo kích".

Tuy nhiên, theo thống đốc vùng Kursk, tình hình vẫn "rất khó khăn ở những khu vực sát biên giới", nơi tình mà trạng khẩn cấp đã được ban hành từ tối thứ Tư 07/08. Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga đã tăng cường bảo vệ nhà máy điện hạt nhân ở Kursk, chỉ cách Ukraine khoảng 60 km. Lực lượng hỗ trợ đến từ các vùng lân cận đã được triển khai ở vùng Kursk.

Trong khi đó, Kiev vẫn giữ im lặng về chiến dịch này. Rất nhiều quan chức cấp cao Ukraine được AFP đặt câu hỏi đã từ chối bình luận. Tối 07/08, khi tổng kết tình hình hàng ngày, tổng thống Volodymyr Zelensky đã hoan nghênh "lòng dũng cảm" của quân đội Ukraine, nhưng không nhắc đến vụ đột kích vào lãnh thổ Nga. Ông nhấn mạnh : "Chúng ta càng gây sức ép với Nga, chúng ta càng tiến gần đến hòa bình".

Hoa Kỳ dường như đã không được thông tin về chiến dịch này. Theo AFP, ngày 07/08, Washington cho biết đã liên lạc với Kiev để biết rõ hơn về "mục tiêu" của cuộc đột kích. Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre khẳng định Mỹ ủng hộ những hành động "hợp lý" của Ukraine để ngừng các cuộc tấn công của Nga.

Thu Hằng

***********************

Vùng biên giới chung : Lính Ukraine xâm nhập Nga và oanh kích gây nhiều thiệt hại nhân mạng

Thùy Dương, RFI, 07/08/2024

Nhà chức trách Nga khẳng định tình hình ở biên giới với Ukraine đang "căng thẳng". Hôm nay 07/04/2024, vùng Kursk của Nga lại bị Ukraine oanh kích bằng tên lửa và drone, một hôm sau khi chính quyền vùng biên này của Nga loan báo Kursk bị 300 lính Ukraine xâm nhập và oanh kích khiến 5 người chết và gần 30 người bị thương.

ngauk2

Cảnh đổ nát sau cuộc oanh kích của quân đội Ukraine nhằm vào Sudzha, vùng Kursk, Nga, hôm 06/08/2024. via Reuters – Acting Governor of Kursk Region

Trên mạng Telegram, thống đốc vùng Kursk, Alexei Smirnov, thông báo 2 tên lửa và 2 drone của Ukraine sáng nay đã bị phòng không Nga bắn hạ.

Về tình hình hôm qua, Bộ Quốc phòng Nga thông báo vùng Kursk, sát biên giới với Ukraine đã bị khoảng 300 lính Ukraine dùng 11 xe tăng và khoảng 20 xe bọc thép xâm nhập. Bộ quốc phòng Nga khẳng định phá hủy được 16 xe của đối phương. Về phía Kiev, khi được AFP hỏi về vụ xâm nhập, một phát ngôn viên của quân đội Ukraine từ chối bình luận về tình hình biên giới.

Dù Nga là nước tấn công xâm lược quốc gia láng giềng, khiến nhiều thường dân Ukraine thiệt mạng từ hơn hai năm qua, nhưng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, trên đài Sputnik hôm nay tố cáo vụ xâm nhập của lính Ukraine hôm qua là "một vụ khủng bố mới rõ ràng nhắm vào thường dân".

AFP nhắc lại là từ khi chiến tranh nổ ra, các chiến binh Ukraine có vũ trang đã nhiều lần xâm nhập Nga. Lần nào các lực lượng Nga cũng khẳng định đã đẩy lui các cuộc xâm nhập của đối phương, nhưng trong một số trường hợp Moskva đã phải huy động pháo binh và không quân.

Ngoài vùng Kursk, nhìn sang các vùng biên khác của Nga, Voronej và Belgorod cũng bị drone nhắm tới. Theo Le Monde, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định trong đêm qua rạng sáng nay hạ được 11 drone của đối phương trên bầu trời các vùng Voronej (2), Belgorod (3), Rostov (2).

Thùy Dương

****************************

Nga cáo buộc Ukraine mở "mặt trận thứ hai" ở Châu Phi

Thu Hằng, RFI, 07/08/2024

Ngày 07/08/2024, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc Ukraine ủng hộ "các nhóm khủng bố" và mở "mặt trận thứ hai" ở Châu Phi, sau khi tập đoàn bán quân sự Nga Wagner và quân đội Mali bị tổn thất nặng nề do bị các lực lượng ly khai và thánh chiến tấn công ở miền bắc Mali. Sau Mali, đến lượt Niger tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine.

ngauk3

Binh sĩ Wagner của Nga ở miền bắc Mali. Ảnh do quân đội Pháp cung cấp nhưng không ghi rõ ngày tháng. AP

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakhakova, được hãng thông tấn Ria Novosti trích dẫn, chỉ trích "không thắng được Nga trên chiến trường, chế độ tội phạm Zelensky đã quyết định mở "mặt trận thứ hai" ở Châu Phi và yểm trợ các nhóm khủng bố ở nhiều nước ủng hộ Nga trên Châu lục này".

Trước đó, lực lượng ly khai và thánh chiến Mali khẳng định 84 chiến binh của Wagner và 47 quân nhân Mali đã thiệt mạng cuối tháng 07 ở Tinzawatène, miền bắc Mali.

Theo Reuters, đây là tổn thất nặng nề nhất của Wagner tại Châu Phi kể từ năm 2022, khi nhóm này được triển khai, giúp tập đoàn quân sự Mali. Gần như cùng lúc, Andriy Yusov, người phát ngôn của cơ quan tình báo quân sự Ukraine, gián tiếp cho biết Ukraine đã cung cấp "những dữ liệu cần thiết giúp lực lượng nổi dậy (Mali) tiến hành các chiến dịch chống những kẻ tội phạm chiến tranh Nga".

Niger cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine để tỏ tình liên đới với Mali

Ngày 04/08, chính phủ chuyển tiếp Bamako đã lên án Ukraine "xâm phạm chủ quyền của Mali, vượt qua cả khuôn khổ can thiệp nước ngoài" và tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao ngay lập tức với Kiev. Hai ngày sau, ngày 06/08, đến lượt Niger thông báo cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine. Người phát ngôn của tập đoàn quân sự cầm quyền tại Niger giải thích trên truyền hình là quyết định được đưa ra để tỏ tình liên đới với chính phủ và người dân Mali.

Thu Hằng

Additional Info

  • Author Thu Hằng, Thùy Dương
Published in Quốc tế

Ukraine chính thức triển khai chiến đấu cơ F-16

Thu Hằng, RFI, 05/08/2024

Ukraine chính thức đưa F-16 vào biên chế lực lượng không quân. Ngày 04/08/2024, tổng thống Volodymyr Zelensky thông báo đã nhận được những chiến đấu cơ đầu tiên từ các nước đồng minh. Thông tin này có ý nghĩa cổ vũ quan trọng cho Ukraine trong bối cảnh nhiều địa phương ở vùng Donetsk miền đông đã bị rơi vào tay quân Nga và nhiều gia đình buộc phải sơ tán trong những ngày gần đây.

uk1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đứng trước chiến đấu cơ F-16 trong lễ kỷ niệm Ngày Lực lượng Không quân Ukraine tại một địa điểm không được tiết lộ, ngày 04/08/2024. Reuters - Valentyn Ogirenko

Phát biểu tại buổi lễ triển khai phi cơ F-16, được tổ chức ở một địa điểm bí mật, tổng thống Zelensky nhấn mạnh điều tưởng "không thể thực hiện được" giờ đã thành hiện thực. Ông thừa nhận số chiến đấu cơ nhận được là "không đủ", dù không nêu con số cụ thể, nhưng tỏ ra lạc quan rằng "điều tích cực là chúng ta đang đợi thêm nhiều máy bay F-16 khác" và "rất nhiều phi công của chúng ta đang được đào tạo".

Thông tín viên RFI Emmanuelle Chaze tại Kiev cho biết thêm :

"Thông tin được chính thức xác nhận : Một số máy bay F-16 được trông đợi từ lâu đã bay trên bầu trời Ukraine và theo truyền thông Ukraine, khoảng 10 chiến đấu cơ loại này đã được giao cho Kiev.

Sau tổng thống Volodymyr Zelensky, đến lượt tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Oleksandr Syrskyi xác nhận thông tin trên và đánh giá rằng những chiến đấu cơ này được đưa tới Ukraine đồng nghĩa với việc thêm nhiều máy bay và tên lửa Nga bị phá hủy. Trên thực tế, chiến đấu cơ F-16 giúp hiện đại hóa không quân Ukraine nhưng cũng sẽ phải cần thêm nhiều máy bay loại này hơn để hy vọng tạo khác biệt trên thực địa.

Theo chính quyền Kiev, Ukraine có lẽ cần ít nhất 130 chiến đấu cơ để đối phó với kẻ thù Nga một cách hiệu quả, có nghĩa là gần gấp đôi con số 79 chiến đấu cơ F-16 mà các đồng minh đã hứa chuyển giao. Ngoài việc tăng cường phòng không, Ukraine cũng hy vọng sử dụng F-16 trong tấn công, ví dụ tấn công vào các công trình hạ tầng và trang thiết bị Nga.

Nhưng để đạt được hiệu quả, Ukraine vẫn thiếu đủ thứ : không có đủ phi công được huấn luyện ở nước ngoài, Mỹ không cho phép sử dụng F-16 tấn công sâu vào lãnh thổ Nga và các công trình hạ tầng của Nga, trong đó có những căn cứ không quân. Đây là nơi xuất phát của những chiến đấu cơ Nga vẫn oanh tạc Ukraine".

Viện Nghiên cứu Chiến Tranh tại Washington cho rằng Ukraine sẽ sử dụng F-16 và vũ khí tầm xa do phương Tây viện trợ để tấn công những phương tiện phòng không của Nga và tại những vùng đất bị Nga sáp nhập. Còn theo trang web Military của Ukraine, chiến đấu cơ F-16 được trang bị một hệ thống cảnh báo sớm giúp phát hiện và chặn tên lửa của kẻ thù.

AFP nhắc lại ngày 10/07, ngoại trưởng Mỹ thông báo bắt đầu chuyển giao F-16 "từ Đan Mạch và Hà Lan". Tuần trước, Nga tuyên bố chiến đấu cơ do Mỹ sản xuất sẽ không "có tác động đáng kể" trên chiến trường và sẽ bị "bắn hạ".

Về tình hình chiến sự, không quân Ukraine cho biết đã bắn hạ toàn bộ 24 drone tự sát Shahed trong đêm 05/08 được Nga phóng từ hai vùng biên giới Primorsko-Akhtarsk và Kursk.

Mali cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine

Mali, nước đồng minh của Nga, thông báo cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine vì cáo buộc Kiev "can thiệp" và làm cho quân đội Mali thất bại nặng nề trong cuộc giao tranh với phe phiến quân hồi tháng 7 ở Tinzawatène, miền bắc Mali. Ngày 04/08, chính phủ chuyển tiếp ở Bamako lên án Ukraine "xâm phạm chủ quyền của Mali, vượt qua cả khuôn khổ can thiệp nước ngoài". Trước đó, phát biểu trên truyền hình, Andriy Yusov, người phát ngôn của cơ quan tình báo quân sự Ukraine, gián tiếp cho biết Ukraine đã cung cấp "những dữ liệu cần thiết giúp lực lượng nổi dậy (Mali) tiến hành các chiến dịch chống những kẻ tội phạm chiến tranh Nga". Trong khi đó, quân đội Mali có được sự ủng hộ của nhóm lính đánh thuê Nga Wagner. 

Thu Hằng

**********************

Ukraine gia tăng tấn công bằng drone nhằm vào các mục tiêu quân sự Nga

Minh Anh, RFI, 04/08/2024

Vào lúc quân Nga tiếp tục gia tăng áp lực lên quân đội Ukraine tại địa phận Pokrovsk ở vùng Donetsk, Ukraine cho biết đã giáng nhiều đòn mạnh cho kẻ xâm lược ở những vùng bị chiếm đóng cũng như là trên lãnh thổ Nga, gây ra nhiều thiệt hại cho hải quân và không quân Nga.

uk2

Tàu ngầm Rostov-on-Don)của Nga năm 2014. © CC / Mil.ru

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, hôm 03/08/2024, đã khen ngợi các lực lượng Ukraine sau cuộc tấn công nhắm vào những mục tiêu quân sự bên trong vùng lãnh thổ do Nga chiếm giữ.

Từ Kiev, thông tín viên đài RFI, Emmanuel Chaze tường thuật :

"Vào lúc tình hình trên chiến tuyến, như thừa nhận từ Kiev, là cực kỳ căng thẳng, quân đội Ukraine thông báo nhiều trận đánh lớn nhắm vào các cơ sở hạ tầng của Nga.

Đầu tiên, họ thông báo rằng căn cứ không quân Morozovsk nằm ở vùng Rostiv đã bị nhắm đến, tuy Kiev không cho biết rõ về những thiệt hại có thể gây ra cho các chiến đấu cơ của Nga nhưng khẳng định đã phá hủy một kho đạn dược và bom lượn.

Đây là những loại bom chết người mà Nga đã cho phóng vào các vị trí và thành phố của Ukraine cũng như là những bồn chứa dầu ở những vùng biên giới sát với Kursk và Belgorod.

Ukraine còn loan báo là đã đánh chìm tầu ngầm Rostov-on-Don neo đậu ở cảng Sevastopol, vốn dĩ đã bị hư hại hồi tháng 9/2023. Tầu ngầm trị giá 300 triệu đô la này được dùng để vận chuyển tên lửa hành trình bắn phá Ukraine.

Tại vùng Crimea bị chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 2014, bốn hệ thống phòng không của Nga dường như cũng đã bị hư hại. Những cuộc tấn công quy mô lớn này dường như cũng được phía Nga xác nhận bởi vì bộ Quốc Phòng Nga thông báo đã bắn chặn được 75 drone của Ukraine và thừa nhận nhiều cuộc oanh kích nhằm vào kho xăng dầu".

Theo kênh truyền hình Nhật Bản NHK, trong ngày hôm qua, 03/08, khoảng 50 người vợ và con của các binh sĩ Ukraine đã biểu tình tại Kiev, kêu gọi chính phủ có những biện pháp cho phép người thân của họ sớm được trở về. Cuộc tập hợp này diễn ra vào lúc quân đội Ukraine đang gặp khó khăn trong việc tuyển quân trong khi cuộc chiến xâm lược của Nga đang kéo dài.

Minh Anh

Additional Info

  • Author Thu Hằng, Minh Anh
Published in Quốc tế

Thay vì từ bỏ Kyiv, Washington nên cung cấp công cụ để Ukraine giành chiến thắng.

uk1

Quân đội Ukraine bắn vào một vị trí của Nga ở khu vực Donetsk, Ukraine, tháng 6/2024 - Alina Smutko / Reuters

Người Mỹ đã rơi vào bế tắc ở Ukraine. Cách tiếp cận từng bước của Tổng thống Joe Biden không hiệu quả. Thay vào đó, nó đã dẫn đến một cuộc chiến tiêu hao kéo dài và bi thảm. Thành tích chững lại của Ukraine trong năm qua đã làm dấy lên viễn cảnh nghiệt ngã về một chiến thắng của Nga, khiến Kyiv sụp đổ trước đế chế của Moscow.

Cựu Tổng thống Donald Trump đã hứa sẽ thay đổi cách tiếp cận của Mỹ nếu ông tái đắc cử vào tháng 11, đồng thời nhấn mạnh rằng ông có thể kết thúc chiến tranh "trong 24 giờ". Và người bạn đồng hành của Trump, Thượng nghị sĩ Mỹ J. D. Vance, đã viết rằng Ukraine nên triển khai một "chiến lược phòng thủ" để "bảo toàn nhân lực quân sự quý giá của mình, cầm máu và dành thời gian để bắt đầu các cuộc đàm phán". Giải pháp mà cả Trump và Vance dường như đang ủng hộ là một giải pháp thương lượng cho phép Washington tập trung sự chú ý và nguồn lực vào nơi khác.

Chiến tranh cần phải kết thúc – và kết thúc nhanh chóng. Câu trả lời không phải là cắt toàn bộ viện trợ của Mỹ hay vội vàng đi đến một thỏa thuận không cân xứng với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Mỹ vẫn có thể thoát khỏi tình thế không thể giải quyết được và tránh để Nga giành chiến thắng. Để ngăn các khoản chi tiêu không giới hạn của Mỹ và bảo vệ nền độc lập và an ninh của Ukraine, Mỹ và các đồng minh cần cho Kyiv một cơ hội nghiêm túc cuối cùng để giành chiến thắng – được định nghĩa không phải là quay trở lại biên giới năm 2013 của Ukraine (như Kyiv mong muốn) mà là một giải pháp bền vững, khôi phục lại biên giới năm 2021.

Để đạt được kết quả đó, Washington và các đồng minh cần cải thiện đáng kể và nhanh chóng vị thế quân sự của Ukraine với một lượng lớn vũ khí – và không đặt ra hạn chế nào trong việc sử dụng chúng. Cơ hội hòa bình thực tế nhất sẽ đến nếu quân đội Ukraine có thể phát động một đợt tấn công quyết định đẩy quân Nga quay trở lại ranh giới trước năm 2022.

Một tổng thống mới của Mỹ có thể trở thành chất xúc tác cho sự thay đổi chính sách để biến điều này thành hiện thực. Chẳng hạn, chính quyền mới của Trump có thể nắm bắt cơ hội để báo hiệu sức mạnh của Mỹ và chấm dứt xung đột, củng cố danh tiếng quốc tế của Mỹ, và cho phép Washington chuyển sang các ưu tiên khác. Nhưng bất kể ai bước chân vào Nhà Trắng, việc tăng cường viện trợ quân sự không hạn chế trong thời gian ngắn sẽ mang lại cơ hội tốt nhất cho hòa bình lâu dài ở biên giới Châu Âu.

Cuộc chiến không hồi kết

Chiến lược hiện tại của chính quyền Biden không bền vững đối với cả Mỹ lẫn Ukraine. Năm 2022, sau khi Nga tấn công và Ukraine thể hiện quyết tâm chống trả đáng kể, Washington và một số đồng minh đã bắt đầu gửi viện trợ quân sự cho Kyiv, đặt ra những hạn chế về cách thức và địa điểm mà các lực lượng Ukraine có thể sử dụng những loại vũ khí tiên tiến hơn. Họ lo ngại rằng một phản ứng kiên quyết hơn sẽ khiến Nga leo thang, nhiều khả năng sẽ mở rộng xung đột ra ngoài Ukraine và khiến phương Tây gặp nguy hiểm. Việc Putin đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân đã khiến các quan chức Mỹ và Châu Âu khiếp sợ đến nỗi dù họ tuyên bố tìm kiếm một chiến thắng cho Ukraine, nhưng trên thực tế, họ chỉ cung cấp hỗ trợ vừa đủ để giữ cho Kyiv không bị sụp đổ trước sự tấn công dữ dội của Nga. Mục tiêu rõ ràng không phải là đánh bại Nga trên chiến trường mà là duy trì sự tồn tại của Ukraine "chừng nào còn cần thiết" – nghĩa là hy vọng sẽ đến một ngày Moscow kết luận rằng việc gây hấn thêm sẽ là tự chuốc lấy thất bại và tự kết thúc chiến tranh.

Hơn hai năm tham chiến, Kyiv vẫn chưa gục ngã, nhưng các đối tác phương Tây cũng không cung cấp cho họ công cụ để giành chiến thắng. Một cuộc chiến tiêu hao kéo dài có thể sẽ kết thúc bằng sự sụp đổ của Ukraine. Kyiv không có đủ nhân lực để gửi quân tiếp viện đến các chiến hào trong những năm tới, và ở cách xa tiền tuyến, phần còn lại của đất nước đang gặp khó khăn. Ba phần tư doanh nghiệp Ukraine đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động vì di cư và nghĩa vụ quân sự (và những thương vong kéo theo đó). Ngành nông nghiệp mất đi diện tích đất trồng màu mỡ : đối với một số loại cây trồng, diện tích đất thu hoạch đã giảm khoảng 1/3. Việc mất các cảng, chẳng hạn như Mariupol, đã gây ra vấn đề nghiêm trọng cho các nhà sản xuất muốn xuất khẩu. Hồi tháng 2, một báo cáo do Ngân hàng Thế giới đồng tài trợ ước tính rằng việc xây dựng lại nhà ở, cơ sở hạ tầng và ngành công nghiệp của Ukraine sẽ cần khoảng nửa nghìn tỷ đô la. Theo thời gian, tình hình sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn.

Và thời gian cũng không đứng về phía các đối tác phương Tây của Ukraine. Các nước Châu Âu đã tuyên bố rằng cuộc chiến của Nga là mối đe dọa sống còn đối với lục địa này, nhưng các khoản đầu tư quân sự gần đây của họ vẫn rất khiêm tốn và họ vẫn rất chần chừ không muốn giải ngân những khoản tiền lớn để hỗ trợ nền kinh tế Ukraine. Ngoại lệ là các quốc gia ở tiền tuyến phía đông Châu Âu : Ba Lan sẽ chi hơn 4% GDP trong năm nay, và Phần Lan, một thành viên mới của NATO, có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng đạn pháo vào năm 2027. Nhưng ngay cả những quốc gia này cũng buộc phải nhận ra rằng với mỗi quả đạn pháo họ gửi đến Ukraine đang suy yếu thì lực lượng của chính họ sẽ mất đi một quả đạn có sẵn. Nếu Nga đạt được thêm lợi thế ở Ukraine và tăng cường các mối đe dọa đối với phương Tây, những quốc gia này có lẽ sẽ không còn chấp nhận sự đánh đổi như vậy nữa.

Đối với Mỹ, việc tài trợ cho một cuộc xung đột kéo dài sẽ không mang lại lợi ích gì. Chiến lược cung cấp viện trợ tăng dần của Biden sẽ không ngăn được sự hủy diệt sau cùng của Ukraine và còn khiến nước Mỹ sa lầy vào một cuộc chiến không có con đường dẫn đến chiến thắng. Nó cũng không bền vững về mặt chính trị : sau hàng thập kỷ để xảy ra "những cuộc chiến không hồi kết" không được lòng dân, các nhà lãnh đạo Mỹ không còn có thể hứa hẹn về các khoản chi tài chính và cung cấp vũ khí vô thời hạn trên cơ sở một chiến lược không có triển vọng thành công.

Mỹ cũng đang gặp phải những rủi ro chiến lược lớn hơn khi chỉ hỗ trợ vũ khí cho Ukraine theo kiểu trang bị tăng dần. Moscow có thể dựa vào nền kinh tế chiến tranh của mình và không chịu ngồi vào bàn đàm phán chừng nào họ còn tin rằng họ có thể khiến Ukraine phải đầu hàng và tồn tại lâu hơn sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Kyiv. Về phần mình, Ukraine cũng không thể đàm phán từ vị thế yếu kém hiện tại, sau khi mất lãnh thổ và quyền tiếp cận Biển Azov, một tuyến đường thủy quan trọng đối với xuất khẩu nông sản của nước này, và thiếu phương tiện để đảo ngược cả hai tổn thất. Điều này có nghĩa là chiến tranh sẽ kéo dài – và nó càng kéo dài thì Nga càng có nhiều thời gian để tạo ra vấn đề cho Châu Âu và Mỹ ở những khu vực khác trên thế giới. Moscow có thể mở rộng hợp tác với Triều Tiên bằng cách chia sẻ công nghệ vệ tinh và tên lửa đạn đạo, huy động thêm lực lượng quân sự để gây bất ổn cho các quốc gia ở Châu Phi cận Sahara và khu vực Địa Trung Hải rộng lớn hơn, cũng như gây nhiễu tín hiệu GPS trên một khu vực ngày càng rộng lớn ở Châu Âu. Trong khi đó, Trung Quốc đang xây dựng quân đội của riêng mình, và họ có thể lợi dụng sự bất ổn kéo dài ở Châu Âu để tiến lên ở Thái Bình Dương.

Đồng thời, Washington và các đối tác của họ không nên quá lo lắng về việc khiêu khích người Nga. Nỗi sợ hãi của phương Tây về việc Nga leo thang chiến tranh đã bị phóng đại. Trong suốt thời kỳ cầm quyền của mình, Putin đã cẩn thận để tránh xảy ra xung đột trực tiếp với phương Tây, có lẽ vì ý thức được sự kém phát triển về kinh tế và quân sự của Nga. Giờ đây, Moscow quan tâm đến việc giới hạn cuộc chiến ở Ukraine vì họ sẽ khó có thể sánh ngang với hỏa lực và lực lượng tổng hợp của phương Tây trong một cuộc chiến mở rộng. Nga có thể đe dọa leo thang nhưng sẽ lùi bước nếu phải đối đầu với sức mạnh. Tuy nhiên, vẫn có những giới hạn đối với những gì Mỹ và các đồng minh nên làm ; cụ thể là họ không nên thách thức quân đội Nga trên tiền tuyến bằng cách gửi quân của mình tới Ukraine.

Hành động quyết định

Thay vì kéo dài cuộc chiến này, mục tiêu của Mỹ nên là kết thúc nó nhanh chóng, giúp Ukraine đánh bại Nga và trong quá trình đó răn đe Moscow không được theo đuổi tham vọng đế quốc hơn nữa. Ổn định Châu Âu trước tiên sẽ cho phép Washington tập trung nỗ lực vào khu vực Châu Á, nơi họ đang phải đối mặt với mối đe dọa đang đến từ Trung Quốc, và giúp họ sắp xếp chiến lược của mình thay vì mạo hiểm đối đầu với hai cường quốc xét lại cùng một lúc.

Cách hợp lý nhất để đạt được mục tiêu này là tăng cường vũ khí cho Ukraine và không đặt bất kỳ hạn chế nào đối với việc sử dụng chúng. Ukraine cần pháo binh, thiết giáp, và không lực, đồng thời nước này phải có khả năng tấn công các mục tiêu quân sự ở Nga, như sân bay, kho đạn dược và nhiên liệu, cũng như các nhà máy quân sự. Bằng cách dỡ bỏ các hạn chế sử dụng vũ khí của phương Tây, đặc biệt là tên lửa tầm trung, Washington sẽ tạo cơ hội cho Kyiv làm suy yếu lực lượng Nga và ngăn chặn các cuộc tấn công quy mô lớn vào các thành phố và cơ sở hạ tầng của Ukraine. Quả thật, Ukraine không thể tự vệ từ phía sau chiến hào và với nguồn cung cấp các thiết bị phòng không đắt tiền đang ngày càng cạn kiệt.

Sự tăng cường vũ khí này sẽ mang lại cho Ukraine cơ hội cuối cùng để đạt được bước đột phá về mặt chiến thuật nhằm khôi phục hoàn toàn hoặc xấp xỉ đường biên giới lãnh thổ trước năm 2022. Từ vị trí này, các lực lượng Ukraine có thể tiếp tục đe dọa những thành quả mà Nga đạt được trong cuộc xâm lược năm 2014, đặc biệt là Crimea. Dù khát vọng giành lại biên giới trước năm 2014 của Kyiv là điều dễ hiểu, nhưng những tổn thất khủng khiếp và sự kiệt quệ của toàn đất nước khiến một định nghĩa ít tham vọng hơn về chiến thắng quân sự trở nên thực tế hơn nhiều.

Bằng cách làm suy yếu và đẩy lùi lực lượng Nga ra khỏi những vùng lãnh thổ mà họ đã chiếm từ đầu năm 2022, Kyiv sẽ giành được cho mình những lựa chọn chính trị. Một thành tích quân sự như vậy có thể gây ra tổn thất đủ lớn về vật chất và danh tiếng để buộc Nga phải ngồi vào bàn đàm phán. Ngay cả khi không có đàm phán, điều mà trong mọi trường hợp vẫn có thể không dập tắt được mong muốn khôi phục đế chế ở Châu Âu của Moscow, một chiến thắng nhanh chóng và mang tính quyết định trên chiến trường sẽ gây thiệt hại đủ lớn cho lực lượng Nga để Ukraine có thời gian xây dựng lại cơ sở hạ tầng và công nghiệp, giành lại những vùng đất màu mỡ cho sản xuất nông nghiệp, và tăng cường năng lực quân sự để ngăn chặn các cuộc tấn công tiếp theo của Nga.

Mỹ và các đồng minh sẽ có được nguồn lực để thực hiện chiến lược này vào thời điểm cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 trôi qua hoặc một tổng thống mới nhậm chức. Đến đầu năm 2025, năng lực sản xuất của phương Tây sẽ tăng lên đủ để cung cấp đủ số lượng đạn pháo cho lực lượng Ukraine. Các nhà máy của Mỹ đang trên đà sản xuất 80.000 quả đạn mỗi tháng vào cuối năm 2024 và sẽ đạt mức 100.000 quả đạn mỗi tháng vào năm 2025. Thêm vào đó là khoảng 100.000 quả đạn trở lên mỗi tháng mà ngành công nghiệp Châu Âu dự kiến sẽ sản xuất vào cuối năm 2025. Và Ukraine không thể chỉ phòng thủ các vị trí của mình, vốn cần khoảng 75.000 quả đạn mỗi tháng, nhưng họ cũng có thể bắt đầu các chiến dịch tấn công. Quân đội Mỹ cũng có rất nhiều thiết bị dư thừa, bao gồm các mẫu xe tăng và các phương tiện cũ đang được cất giữ trong kho. Cho đến nay, Mỹ chỉ mới gửi 31 xe tăng đến Ukraine, chủ yếu là để buộc Berlin phải cung cấp xe tăng, nhưng vẫn còn hàng trăm xe tăng khác trong kho có thể được tân trang lại và chuyển đi. Ukraine rõ ràng cần nhiều hơn những gì họ đã nhận được, vì tổn thất sẽ nhanh chóng làm cạn kiệt kho vũ khí của nước này. Trong những tháng tới, một số lượng nhỏ máy bay chiến đấu phương Tây nằm trong tay các phi công Ukraine cũng dự kiến tham gia chiến đấu, nhưng các nước Châu Âu vẫn còn có thể chuyển giao cho Kyiv nhiều máy bay hơn nữa. Ví dụ, Hy Lạp đang xem xét tặng hàng chục máy bay phản lực.

Dù Washington và các đồng minh không thể gửi binh sĩ của riêng mình tới Ukraine, nhưng họ có thể cung cấp huấn luyện quân sự bổ sung cho quân đội Ukraine. Nhân lực là một vấn đề ngày càng lớn đối với Kyiv. Những người Ukraine trong độ tuổi nhập ngũ đã di cư ra nước ngoài nên được kêu gọi trở về nước và tham gia chiến đấu. Ở các nước Châu Âu nơi nhiều người Ukraine di cư đang sinh sống, chính phủ có thể thành lập các đơn vị quân đội Ukraine và huấn luyện những tân binh trước khi gửi họ trở lại Ukraine.

Yếu tố quyết định sẽ là tốc độ và số lượng viện trợ sát thương. Nếu Ukraine có thể xoay chuyển tình thế trên tiền tuyến và buộc Nga phải quay trở lại hiện trạng lãnh thổ trước tháng 2/2022, họ có thể gây ra một thất bại rõ ràng cho Nga. Crimea sẽ vẫn bị Nga chiếm đóng, nhưng nó cũng sẽ là một điểm yếu mà quân đội Ukraine có thể nhắm mục tiêu để ngăn chặn Moscow tái khởi động một cuộc chiến quy mô lớn. Cảng Sevastopol, một số căn cứ quân sự của Nga, và cây cầu Eo biển Kerch (nối bán đảo Crimea với lục địa Nga) đã được chứng minh là dễ bị tổn thương trước máy bay không người lái của Ukraine và trong trường hợp của cây cầu là một xe tải bom. Ukraine nên được cung cấp nhiều khả năng hơn – chẳng hạn như tên lửa đạn đạo của Mỹ và tên lửa hành trình của Anh, Pháp và Đức – để tấn công những nơi này ngay bây giờ, và giữ chúng trong tình trạng bị đe dọa trong trường hợp ngừng bắn. Theo luật pháp quốc tế công nhận, chúng là một phần của lãnh thổ Ukraine, vì vậy các hoạt động quân sự ở đó sẽ không dẫn đến rủi ro leo thang như tấn công các mục tiêu ở chính Nga. Chỉ có Moscow (và một số ít nước nhỏ) xem Crimea là một phần của Nga, và khi Ukraine tấn công vùng đất này trong hai năm qua, phản ứng của Nga không khác gì phản ứng của họ đối với các cuộc tấn công của Ukraine trên tiền tuyến.

Ngay cả trong trường hợp tốt nhất, cũng không có lý do gì để mong đợi một thất bại kịch tính của Nga đến mức làm thay đổi căn bản quan điểm chiến lược của Moscow. Nga sẽ vẫn là một cường quốc hạt nhân hùng mạnh, nuôi dưỡng khát vọng sâu sắc nhằm khôi phục lại sự vĩ đại của đế chế. Nhưng để đạt được mục tiêu đó, họ cần Ukraine, nơi sẽ mang lại cho họ khả năng đe dọa phần còn lại của Châu Âu và gây ảnh hưởng lên nền chính trị Châu Âu. Không có Ukraine, Nga chỉ là một cường quốc Châu Á đang nhanh chóng mất chỗ đứng vào tay Trung Quốc. Kyiv không thể thay đổi các mục tiêu chiến lược của Moscow bằng những chiến thắng trên chiến trường, nhưng họ có thể ngăn cản Nga kiểm soát các vùng đất của mình. Một nguồn cung vũ khí phương Tây nhanh chóng và đáng kể sẽ mang lại cho Ukraine cơ hội tốt nhất để đẩy lùi lực lượng Nga và tạo ra không gian cũng như thời gian cần thiết để tái thiết, tái trang bị, và răn đe trước một bước tiến khác của Nga. Không có lý do chiến lược nào để Washington kéo dài xung đột bằng việc cung cấp vật tư nhỏ giọt, bởi các chính sách được thiết kế chủ yếu để tránh leo thang sẽ không cứu được Ukraine hay đảm bảo ổn định ở biên giới phía đông Châu Âu. Thay vào đó, đã đến lúc tổng thống Mỹ tiếp theo phải có hành động quyết đoán.

Jakub Grygiel

Nguyên tác : "The Right Way to Quickly End the War in Ukraine", Foreign Affairs, 25/07/2024

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 02/08/2024

Jakub Grygiel là giáo sư chính trị tại Đại học Công giáo Mỹ, cố vấn cấp cao tại Sáng kiến Marathon, và nghiên cứu viên tại Viện Hoover. Ông cũng từng là cố vấn cấp cao của Văn phòng Hoạch định Chính sách Bộ Ngoại giao Mỹ từ năm 2017 đến 2018.

Additional Info

  • Author Jakub Grygiel, Nguyễn Thị Kim Phụng
Published in Diễn đàn

Putin tăng gấp đôi tiền thưởng cho ai tình nguyện chiến đấu ở Ukraine

Reuters, VOA, 01/08/2024

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 31/7 tăng gấp đôi khoản chi trả trước cho những người tình nguyện chiến đấu ở Ukraine, một động thái nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển quân nhưng có khả năng tạo ra sự mất cân bằng trong nền kinh tế mà sản xuất không đáp ứng với nhu cầu.

uk1

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 31/7/2024 tăng gấp đôi khoản chi trả trước cho những người tình nguyện chiến đấu ở Ukraine.

Tất cả người Nga ký hợp đồng với quân đội hiện sẽ nhận được khoản thanh toán trả trước là 400.000 rúp (4.651 đô la). Sắc lệnh cũng khuyến nghị rằng các chính quyền khu vực phải đối ứng khoản thanh toán này từ ngân sách của họ với ít nhất cùng một số tiền.

Với mức thanh toán tối thiểu hàng tháng cho một binh nhì tham gia vào cái mà Nga gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" được ấn định ở mức 204.000 rúp, sắc lệnh mới này sẽ tăng mức lương tối thiểu thường niên trong năm đầu tiên phục vụ lên 3,25 triệu rúp (37.791 đô la).

Mức lương hàng tháng cho các sĩ quan cao hơn và phụ thuộc vào cấp bậc của họ. Tất cả tân binh cũng nhận được thêm tiền khi tham gia các cuộc tấn công hoặc phá hủy xe tăng và máy móc khác của địch.

Đầu tháng này, thị trưởng Moscow đã ấn định khoản thanh toán trả trước cho cư dân thành phố đăng ký chiến đấu ở Ukraine là 1,9 triệu rúp (21.777 đô la) từ ngân sách thành phố, nâng mức lương hàng năm của họ trong năm đầu tiên phục vụ lên 5,2 triệu rúp.

Mức tăng mới nhất có nghĩa là mức lương tối thiểu hàng năm cho những người lính hợp đồng của Nga chiến đấu ở Ukraine sẽ vượt quá mức lương trung bình ở Nga hơn gấp ba lần.

Các khoản thanh toán như vậy đã giúp Nga tránh được một cuộc động viên toàn quốc mới sau một chiến dịch gặp khó khăn vào năm 2022 dẫn đến tình trạng di cư hàng loạt của người dân sang các nước láng giềng. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho rằng các khoản thanh toán này đang tạo ra một vòng xoáy tiền lương trong nền kinh tế.

Việc tăng lương cũng được hỗ trợ bởi một loạt các biện pháp khác, chẳng hạn như miễn trừ các khoản thanh toán lãi suất hàng tháng đối với các khoản vay tiêu dùng dành cho tình nguyện viên và bảo lãnh của nhà nước đối với các khoản vay như vậy trong trường hợp tử vong.

Các biện pháp này đã khuyến khích những người tình nguyện tham gia vay vốn tiêu dùng và góp phần vào sự tăng trưởng liên tục trong hoạt động cho vay tiêu dùng, mặc dù ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất chủ chốt để hạ nhiệt nền kinh tế.

Các quan chức Nga cho biết tính đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 190.000 người tình nguyện tham gia chiến đấu ở Ukraine, so với 490.000 hợp đồng được ký kết vào năm 2023.

Reuters

*************************

Kiev lần đầu nhận chiến đấu cơ F-16 : Hy vọng và thách thức trên chiến trường Ukraine

Thùy Dương, RFI, 01/08/2024

Chỉ ít giờ sau khi báo Mỹ The Wall Street Journal hôm 30/07/2024 loan báo Washington chấp nhận trang bị các loại vũ khí tối tân, trong đó có tên lửa do Mỹ chế tạo và nhiều loại vũ khí hiện đại khác, cho các chiến đấu cơ F-16 mà phương Tây viện trợ cho Ukraine, các hãng tin quốc tế uy tín như AP, Reuters, AFP, báo Mỹ Bloomberg… hôm 31/07 - 01/08 đều đưa tin là Ukraine đã nhận được những chiếc F-16 đầu tiên từ một số nước thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO.

uk01

Các chiến đấu cơ F-16 của Hà Lan bay trên một căn cứ không quân ở Volkel, Hà Lan, ngày 09/06/2023. Reuters - Piroschka Van De Wouw

Như vậy là sau một năm chờ đợi và nhiều lần hối thúc đồng minh, cuối cùng Kiev cũng đã được trang bị những chiếc chiến đấu cơ tối tân do Mỹ chế tạo để có thể cải thiện năng lực phòng không, đối phó với các tên lửa, drone và phi cơ của Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hy vọng những chiếc F-16 sẽ có vai trò then chốt giúp quân đội Ukraine đẩy lùi sự thống trị trên không của Nga và "giải tỏa không phận" Ukraine. Như vậy cũng có nghĩa là trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu của quân đội Ukraine chưa phải là triển khai phi đội F-16 để oanh tạc các lực lượng trên mặt đất của đối phương hay các nguồn lực quân sự khác của Nga gần mặt trận.

Trước đây, giới lãnh đạo Ukraine cũng như phương Tây từng kỳ vọng là chiến đấu cơ F-16 tối tân do Mỹ chế tạo có thể giúp Kiev xoay chuyển cục diện chiến tranh, nhưng nay dựa trên tình hình thực tế, các nhà quan sát nhận định là các tác động trên chiến trường sẽ khó được trông thấy ngay, do số chiến đấu cơ F-16 giao cho Ukraine đợt này không nhiều. Số lượng cụ thể hiện vẫn chưa được công bố chính thức.

Le Monde ngày 29/07 cho biết thêm là cũng mới chỉ có 6 phi công Ukraine đang được huấn luyện lái  F-16. Các nhà quan sát vẫn đang đặt câu hỏi về khả năng các phi công Ukraine điều khiển loại chiến đấu cơ tối tân này trên thực địa.

Chưa nói đến việc triển khai phi đội F-16 là một thách thức lớn, có thể xem là quan trọng nhất đối với Ukraine hiện nay : Làm sao bảo vệ được những chiến đấu cơ có giá trị này, trong khi Nga đã đề phòng, chuẩn bị đối đầu từ nhiều tháng qua. Cuộc chơi "trốn - tìm" giữa phe bảo vệ và phe tìm diệt F-16 chắc chắn không thể tránh khỏi. 

Ngày càng có nhiều người lo ngại là những chiếc F-16 đó sẽ bị Nga tấn công và triệt hạ ngay từ khi mới được Ukraine tiếp nhận. Quả thực, mối lo này không phải là không có cơ sở. Những tháng gần đây, quân Nga đã đánh vào một số sân bay quân sự của Ukraine. Chỉ riêng trong tháng 7 này, có ít nhất 3 sân bay của Ukraine đã bị đối phương tấn công : sân bay Myrhorod và Kryvyi Rih ở miền trung và một sân bay ở vùng Odessa, miền nam Ukraine. Phía Moskva khẳng định đã phá hủy ít nhất 6 chiến đấu cơ của Ukraine. Kiev không phủ nhận nhưng cố tìm cách giảm thiểu thiệt hại. Không quân Ukraine nhấn mạnh trên mạng xã hội là những máy bay và hệ thống phòng không bị Nga phá hủy thực chất chỉ là mồi nhử khiến Moskva phải tốn nhiều tên lửa Iskander đắt tiền.

Giáo sư Justin Bronk, chuyên gia chính về sức mạnh hàng không và công nghệ, thuộc Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (Royal United Services Institute - RUSI), lưu ý là cho đến nay, không quân Ukraine chủ yếu dựa vào "các hoạt động phân tán", thường xuyên di chuyển các máy bay và thiết bị bên trong hoặc giữa các căn cứ, để bảo đảm chiến đấu cơ không bị bắn trúng khi đang đậu ở mặt đất. Thế nhưng, đối với phi cơ F-16, Ukraine không thể áp dụng mãi chiến thuật này, bởi cần có đường băng hoàn toàn bằng phẳng, không có những mảnh đá hoặc các mảnh vụn nhỏ khác, nếu không thì có nguy cơ động cơ F-16 bị hư hại.

Nhưng theo giáo sư Bronk, bất cứ nỗ lực nào của Ukraine để cải thiện cơ sở hạ tầng các căn cứ không quân cũng sẽ bị máy bay trinh sát hay các vệ tinh của Nga phát hiện. Hiện nay quân Nga đã được trang bị nhiều drone trinh sát tinh vi như Zala, Supercam và Orlans, có khả năng truyền hình ảnh trực tiếp theo thời gian thực từ bên trong lãnh thổ Ukraine, có khả năng bay lâu mà không bị các hệ thống điện tử của Ukraine phát hiện và gây nhiễu.

Thêm vào đó, từ tháng 5 đến nay, Nga đã không ngừng cải tiến các phi cơ. Chẳng hạn chiến đấu cơ Su-30 đã có khả năng mang tên lửa tầm xa R-37, thậm chí phiên bản tân tiến hơn là R-37M. Trước Su-30, chỉ có máy bay tiêm kích Su-57, Su-35, Mig-35 và Mig-31 có khả năng mang loại tên lửa tầm xa này.

Loại bom bay đời mới của Nga FAB – UMPK, với thiết bị dẫn đường, cũng là một mối nguy khó lường cho phi đội F-16 của Ukraine. Chính thiết bị dẫn đường UMPK giúp bom FAB khó bị phát hiện và đánh chặn. Sức công phá của bom bay FAB - UMPK là rất lớn, chẳng hạn bom FAB-1500 có thể chứa đến 675kg chất nổ TNT, bom FAB-3000 có khả năng mang tới 1,4 tấn thuốc nổ. Hồi tháng 03/2024, bộ trưởng Quốc Phòng Nga thông báo sản xuất hàng loạt bom FAB-3000. Thực hư như thế nào thì chưa rõ, nhưng những bước chuẩn bị của Nga trong thời gian qua cho thấy có lẽ việc bảo vệ những chiếc F-16 của Ukraine sẽ không hề dễ dàng.

Thùy Dương

***************************

Sau một năm chờ đợi, Kiev nhận những chiếc F-16 đầu tiên

Thùy Dương, RFI, 01/08/2024

Sau một năm chờ đợi và hối thúc các nước đồng minh phương Tây đẩy nhanh tiến độ chuyển giao để cải thiện năng lực phòng không, lần đầu tiên Ukraine nhận được từ một số nước thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO những chiến đấu cơ tối tân F-16 do Mỹ chế tạo.

uk1

Chiến đấu cơ F-16 của lực lượng Không Quân Na Uy tập luyện trong vùng biển Baltic ngày 20/05/2015. Reuters - Ints Kalnins

F-16 là loại chiến đấu cơ tối tân, mang tính biểu tượng, được khối NATO và nhiều lực lượng không quân trên khắp thế giới lựa chọn trong 50 năm qua để đưa lên tuyến đầu.

Theo Reuters sáng nay, 01/08/2024, một quan chức Mỹ xin ẩn danh nói là đợt giao chiến đấu cơ F-16 lần này cho Ukraine đã hoàn tất. Theo báo Pháp La Dépêche ngày 31/07, hạn chót đợt giao chiến đấu cơ F-16 đầu tiên cho Ukraine được ấn định là cuối tháng 07/2024, có nghĩa là các nước đồng minh của Kiev đã giao theo đúng lịch trình. Tuy nhiên, phải chờ thêm một thời gian thì các phi công Ukraine được huấn luyện từ vài tháng nay mới có thể lái những chiếc phi cơ tối tân này để bảo vệ không phận quốc gia.

Không quân Ukraine hiện vẫn chưa hồi đáp yêu cầu bình luận của Reuters. Chính phủ Mỹ cũng chưa khẳng định chính thức. Nhưng trên mạng X, ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis hôm qua viết : "Chiến đấu cơ F-16 tại Ukraine. Thêm một điều tưởng như bất khả đã hoàn toàn trở thành có thể".

Xin nhắc lại, tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 08/2023 đã bật đèn xanh để viện trợ chiến đấu cơ F-16 cũ cho Ukraine, nhưng Hoa Kỳ không cung cấp bất kỳ máy bay nào. Tổng cộng 80 chiến đấu cơ F-16 đã được các nước Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy hứa viện trợ cho Kiev, nhưng Ukraine sẽ còn phải chờ thêm nhiều thời gian mới nhận đủ số máy bay này.

Về phản ứng của Nga, theo AFP, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov, hôm nay 01/08 tuyên bố những chiếc F-16 mà phương Tây giao cho Ukraine sẽ bị "bắn rơi" và việc phương Tây giao chiến đấu cơ này cho Kiev sẽ không có tác động đáng kể đến tình hình chiến sự. Ông Peskov còn cho rằng sẽ không có "phương thuốc thần kỳ" nào giúp Kiev đối phó được với Nga.

Thùy Dương

****************************

Nga bắt đầu giai đoạn 3 tập trận hạt nhân chiến thuật tại quân khu giáp Ukraine

Trọng Thành, RFI, 31/07/2024

Bộ Quốc phòng Nga hôm nay, 31/07/2024, thông báo quân đội nước này đã bắt đầu giai đoạn ba cuộc tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật. Tập trận diễn ra tại hai quân khu, quân khu trung tâm và quân khu miền nam, giáp với Ukraine.

uk2

Ảnh do Bộ Quốc phòng Nga công bố hôm 21/05/2024 : Một tên lửa Iskander được triển khai tại một địa điểm bí mật của Nga trong một cuộc tập dượt sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật của quân đội Nga. AP

AFP dẫn lại thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho hay, trong giai đoạn 3 của cuộc tập trận có sự tham gia của các hệ thống tên lửa địa đối địa Iskander-M, có tầm bắn từ 50 đến 200 km. Các quân nhân được huấn luyện để tiếp nhận và sử dụng những loại đạn "đặc biệt" cho các hệ thống tên lửa và phi cơ chiến đấu.

Quân khu miền nam Nga, nơi diễn ra cuộc tập trận này, bao gồm nhiều nước Cộng hòa tự trị thuộc Nga trong vùng Kavkaz, bán đảo Crimea của Ukraine bị Nga chiếm từ năm 2014, và bốn tỉnh miền đông và miền đông nam của Ukraine, mà Nga sáp nhập từ tháng 9/2022. Sở chỉ huy chiến dịch tấn công Ukraine, nằm tại thành phố Rostov trên sông Don, cũng thuộc quân khu nói trên.

Đây là lần đầu tiên Nga tập trận với vũ khí hạt nhân chiến thuật. Giai đoạn một và hai diễn ra hồi tháng 5 và tháng 6/2024. Theo điện Kremlin, quyết định tập trận hạt nhân chiến thuật được đưa ra hồi đầu tháng 5 để trả đũa việc một số nước phương Tây, trước hết là Pháp, tuyên bố có thể "đưa quân" hỗ trợ Ukraine, và việc chính quyền Anh cho phép Kiev sử dụng tên lửa do Luân Đôn cung cấp để tấn công sang đất Nga. Song song với cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật tại quân khu miền Nam, Nga cũng tiến hành một số đợt tập trận hạt nhân chiến thuật với quân đội Belarus trên lãnh thổ Belarus.

Theo chuyên gia quân sự Olivier Lepick, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược FRS, Nga có khoảng 2.000 đầu đạn hạt nhân chiến thuật trên tổng số gần 6.000 đầu đạn hạt nhân nói chung, so với khoảng 200 đầu đạn hạt chiến thuật của Mỹ. AP cho hay, hiện không có bất cứ cơ chế kiểm soát nào đối với loại vũ khí hạt nhân này. Vũ khí hạt nhân chiến thuật có sức công phá từ dưới một kiloton (kt) đến 50 kt. Một kt có sức công phá tương đương với 1.000 tấn thuốc nổ TNT. Trái bom nguyên tử phá hủy Hiroshima có sức công phá khoảng 15 kt.

Moskva hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật

Theo giới quan sát, cho đến nay vũ khí hạt nhân chiến thuật chưa từng được sử dụng trên thực địa. Kể từ đầu chiến tranh xâm lược Ukraine, Nga liên tục đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để gây áp lực răn đe phương Tây, nhằm hạn chế các hậu thuẫn quân sự của đồng minh cho Kiev. Về mặt chính thức, học thuyết hạt nhân của Nga chỉ cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân, bao gồm vũ khí hạt nhân chiến thuật, để "tự vệ" trong trường hợp Nga bị tấn công bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt, hay các cuộc tấn công bằng vũ khí quy ước "đe dọa sự tồn tại của Nhà nước Nga".

Tuy nhiên, gần đây Nga đã hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo Reuters, trong giai đoạn 1 của cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật đầu tiên cuối tháng 5/2024, Bộ Quốc phòng Nga cho biết mục đích của tập trận là để sẵn sàng "sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược nhằm ứng phó và bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ".

Trọng Thành

Additional Info

  • Author VOA, Thùy Dương, Trọng Thành
Published in Quốc tế

Bầu cử tổng thống Mỹ và tương lai Ukraine

Le Figaro ngày 29/07/2024 chạy tít trang nhất "Tương lai Ukraine bị ngưng đọng theo cuộc bầu cử tổng thống Mỹ". Trong khi chiến trường không có mấy biến chuyển, mọi sáng kiến chính trị, ngoại giao đều tạm ngưng trong khi chờ đợi kết quả cuộc song đấu giữa Kamala Harris và Donald Trump.

ukraine1

Ảnh minh họa : Một dây chuyền sản xuất đạn 155 ly tại Scranton, Pennsylvania, Hoa Kỳ, ngày 16/04/2024. Reuters - Kevin Lamarque

Chiến trường Ukraine gần như đóng băng

Cứ mỗi bốn năm, tất cả những hồ sơ quốc tế lớn đều được phủ lên một lớp băng, chỉ tan ra khi tên người chủ mới của Nhà Trắng được biết. Những bất ngờ liên tiếp trong chiến dịch bầu cử Mỹ và tình hình u ám trên chiến trường làm lớp băng này càng dày hơn thường lệ - ngoại trừ tại Crimea, nơi mà Ukraine tiếp tục tảo thanh, hầu như đã đuổi được toàn bộ Hạm đội Hắc Hải.

Quân Nga dù rất nỗ lực mặc cho số tử trận mỗi ngày từ 1.000 đến 1.200 lính ở đỉnh điểm trận Kharkiv, vẫn không xuyên phá được, chỉ gặm nhấm đất từ từ. Và không có vũ khí mầu nhiệm nào thay đổi được tình thế - theo chuyên gia Tatiana Kastoueva của IFRI. Từ đầu năm, phương Tây tỏ ra chần chừ. Viện trợ Mỹ còn tùy thuộc vào chiến thắng của đảng Dân Chủ, còn Châu Âu biết rằng không thể thay chân.

Giám đốc IFRI Thomas Gomart nhận định, Nga gặp khó trên chiến trường nhưng thắng lợi về ngoại giao với "các nước phương Nam". Nhiều nước lên án cuộc xâm lăng nhưng lại không trừng phạt Nga. Moskva kéo dài được cuộc chiến là nhờ có sự hỗ trợ về vũ khí, thiết bị quân sự của Trung Quốc, Iran và Bắc Triều Tiên ; còn về kinh tế Kremlin né được cấm vận nhờ ba nước trên cùng với Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Những "ổ khóa" được Biden đặt sẵn để bảo vệ Kiev

Trong bối cảnh trên, tổng thống Volodymyr Zelensky, mà uy tín không còn ở đỉnh cao như trước, đề nghị hội nghị hòa bình lần tới có sự tham gia của Nga - một hội nghị theo điều kiện của Ukraine. Không có chuyện chấp nhận từ bỏ chủ quyền bốn vùng lãnh thổ bị Nga chiếm bất hợp pháp và Crimea, cũng như việc gia nhập NATO – vì như vậy có nghĩa là đầu hàng. Quan điểm của ông được 83% dân chúng ủng hộ. Theo Le Figaro, với đề xướng này, tổng thống Ukraine vừa đánh tan tuyên truyền của Moskva rằng ông là trở ngại cho hòa bình, vừa tìm kiếm thêm ủng hộ của phương Nam, đồng thời đặt Nga trước trách nhiệm.

Nếu Donald Trump đắc cử, hầu như chắc chắn Ukraine sẽ bị ảnh hưởng. Chính quyền Biden đã đặt sẵn vài ổ khóa phòng hờ việc quay ngược chính sách đối ngoại, và luật ngày 16/12/2023 quy định nếu muốn đột ngột rời NATO phải có sự đồng ý của ít nhất 2/3 Thượng Viện. Tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington, các đồng minh cũng đã "NATO hóa" các kênh viện trợ quân sự để bảo vệ Ukraine. Nhưng Donald Trump vẫn có thể rời xa dần NATO, chần chừ trong việc áp dụng Điều 5. Joe Biden có lẽ là một trong những người đại diện cuối cùng cho khuynh hướng truyền thống coi trọng quan hệ với Châu Âu. Ở Hoa Kỳ, thế hệ mới nhìn sang Châu Á, hay chỉ chú tâm đến nội tình nước Mỹ.

Để Ukraine rơi vào tay Putin là xúi giục Trung Quốc chiếm Đài Loan  

Trong bài xã luận "Cái giá của hòa bình", Le Figaro nhận xét tuy quen thuộc với những sự kiện quốc tế, Volodymyr Zelensky rốt cuộc từ chối không đến Paris dự lễ khai mạc Thế vận hội. Có lẽ ông nghĩ rằng không khí lễ hội quá tương phản với những gì mà các chiến binh đang phải chịu đựng ở Ukraine, vốn không hề biết đến "ngưng bắn thế vận".

Con đường dẫn đến chiến thắng ngày càng bất định, người dân cảm thấy mỏi mệt, và một mùa đông trong bóng tối, giá lạnh đang chờ đón. Vladimir Putin, vốn trông cậy vào sự nản chí của phương Tây, có thể xoa tay hài lòng. Viễn cảnh Donald Trump quay lại, cộng thêm chủ trương biệt lập của J.D. Vance, gi ra cái giá mà phương Tây phi tr để mang li hòa bình. Trump nói rng ch cn 24 gi, có th hiu ngm rng qua vic buc Kiev phi nghe theo mnh lnh Kremlin. Còn Vance, ch mi chp chng v các vn đề quc tế, đòi "reset" (tái lp quan h) vi Moskva, để tp trung đối phó vi Trung Quc.

Phải chăng ông ta không biết số phận của Đài Loan và thái độ Bắc Kinh tùy thuộc vào sự ủng hộ Ukraine của phương Tây ? Từ bỏ hồ sơ này sẽ bị coi là dấu hiệu yếu đuối, với hậu quả cũng tai hại như vụ rút khỏi Afghanistan, được Putin cho là bật đèn xanh cho việc tấn công Ukraine. Đối với Châu Âu, thúc giục Kiev thương lượng đồng thời khóa chiếc vòi viện trợ sẽ là thảm họa địa chính trị. Chỉ có một nền hòa bình công chính cho Ukraine mới bảo đảm được sự thăng bằng trước trục Nga-Trung. Và hồi kết cho cuộc chiến chỉ có thể đạt được với điều kiện : vô cùng kiên quyết trước Putin.

Bốn yếu tố cần thiết cho Zelensky nếu đàm phán

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn Le Monde, tổng thống Phần Lan Alexander Stubb, vốn là người ủng hộ Ukraine, cho rằng đã đến lúc khởi đầu đàm phán. Ông khẳng định thương lượng không có nghĩa là phải nhượng bộ. Zelensky cần có bốn yếu tố trong tiến trình này. Trước hết là các lãnh thổ đang bị Nga chiếm, chỉ mình ông có thể quyết định. Tiếp theo, Ukraine cần bảo đảm an ninh,  phương Tây có thể giúp qua các hiệp định song phương và sắp tới là việc gia nhập NATO, Liên Hiệp Châu Âu (EU). Thứ ba là truy tố các tội phạm chiến tranh Nga và cuối cùng Zelensky cần được hỗ trợ để tái thiết đất nước.

Rõ ràng là Nga phải rút quân khỏi Ukraine, nhưng theo ông Stubb, đây không phải là điều kiện tiên quyết. Đang trong thế mạnh trước Nga, nếu muốn chấm dứt chiến tranh, Tập Cận Bình có thể gọi điện cho Putin để nói "Vậy đủ rồi !". Thực tế là 141 nước đã lên án việc Nga xâm lăng Ukraine tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, nhưng chỉ có khoảng 40 nước trừng phạt Moskva, trong số đó không có quốc gia nào ở Châu Mỹ la-tinh và Châu Phi. Tại Châu Á, chỉ có Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore áp dụng trừng phạt.

Tổng thống Phần Lan không quá lo sợ trước viễn cảnh Donald Trump chiến thắng. Hoa Kỳ là đồng minh quá quan trọng, nên vì lợi ích của đất nước, cần phải thích ứng với người đứng đầu nước Mỹ dù là ai. Nếu nhìn một cách lạc quan, Trump có lý khi buộc Châu Âu phải tăng ngân sách quân sự. Năm 2014, chỉ có 3 nước dành 2% GDP cho quốc phòng, nhưng nay con số này đã là 23. Trên thực tế, Trump đã gia tăng sự hiện diện của Mỹ tại Châu Âu trong nhiệm kỳ của ông. Tuy vẫn chủ trương biệt lập, nhưng siêu cường Mỹ vẫn cần Châu Âu để phát huy sức mạnh ở Trung Đông, Châu Á và Châu Phi. Kể cả Donald Trump.

Nguồn lực đang cạn dần

Tiền tuyến dần rạn vỡ trước sức ép của quân Nga, nhiều nơi chỉ vì Ukraine không có đủ nhân lực để trấn giữ, theo nhận xét của Le Figaro. Trên chiến trường, hai bên đều lo đón đầu sự xuất hiện của F-16. Không quân Ukraine tất bật chuẩn bị các căn cứ. Lâu nay Kiev vẫn chia nhỏ lực lượng, các phi cơ thường xuyên thay đổi địa điểm. Nhưng việc bảo trì F-16 cần những cơ sở hạ tầng đặc thù và phi đạo hoàn hảo, những hoạt động này có thể bị tình báo địch nhận ra. Những tuần lễ gần đây Nga liên tục tấn công vào các căn cứ không quân của Ukraine như Starokostiantyniv hay Myrhorod.

Phóng sự của Le Monde cho biết việc tìm diệt drone Nga là thách thức lớn nhất của Ukraine hiện nay. Lực lượng hùng hậu những cỗ máy do thám của Nga có mặt khắp nơi khiến khó thể che giấu vũ khí và các chiến binh, cũng như việc chuẩn bị vào trận. Trong khi đó, nguồn tiền đóng góp của người dân giảm dần. Một người lính ở Kharkiv cho biết họ rất cần xe hơi để chuyển đạn dược : mỗi hộp đạn nặng 16 ký, các chiến binh phải đi hai, ba cây số trong đêm để tải đạn ra mặt trận. Không có xe cơ giới, họ đành phải chuyển đạn bằng xe đạp.

Paris chấp nhận thử thách

Về Thế vận hội Paris 2024, bên cạnh những khen ngợi về lễ khai mạc, cũng có không ít chỉ trích về một số điểm trong chương trình.  Xã luận của Le Monde cho rằng "Chấp nhận thách thức, ‘Paris vẫn là lễ hội’". Hồi năm 2008, Trung Quốc đã tránh mưa bằng cách bắn lên trời hàng trăm hỏa tiễn chứa hóa chất để đuổi đi những đám mây đe dọa lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh. Hôm thứ Sáu 26/07, Paris đã để tự nhiên, nhưng trận mưa trút xuống sông Seine không làm giảm đi nhiệt tình của các vận động viên lẫn nghệ sĩ.

Lần đầu tiên trong lịch sử Thế vận hội được tổ chức bên ngoài sân vận động, lại bị phá hoại, Paris vẫn vượt qua thách thức. Tờ báo hoan nghênh 2.000 diễn viên, các thần tượng thể thao tham gia chương trình, hàng mấy chục ngàn người Pháp và người ngoại quốc, lực lượng an ninh với nụ cười thường trực và trao đổi bằng tiếng Anh, đã đội mưa dọc theo bờ sông Seine chào đón vận động viên các nước.

Lễ khai mạc thế vận bị chỉ trích vì drag-queen nhại "Tiệc ly"

Nhưng hoạt cảnh nhại lại bức tranh "Tiệc ly" (Cène/Ultima Cena) nổi tiếng đã làm dấy lên một làn sóng chỉ trích trong và ngoài nước Pháp. Trong khi tờ báo thiên tả Libération bênh vực, nhật báo công ciáo La Croix chỉ đề cập một cách nhẹ nhàng, còn nhật báo cánh hữu Le Figaro thuật lại đầy đủ các phản ứng.

Trọng tâm của những phê phán là việc đặt DJ Leslie Barbara Butch, một nhà đấu tranh LGBT và là người đồng tính nữ, ngồi ở vị trí giữa chiếc bàn dài với hào quang trên đầu như Chúa Giêsu, hai bên là mười mấy drag-queen, như mười hai thánh tông đồ trong bức tranh bậc thầy của Leonardo da Vinci. Trước quy mô của cuộc tranh luận, các nhà tổ chức Paris 2024 đành lên tiếng xin lỗi, nói rằng "không có ý định thiếu tôn trọng trước các nhóm tôn giáo".

Giám đốc nghệ thuật Thomas Jolly biện minh là ông không lấy cảm hứng từ Tiệc ly - bữa tiệc cuối cùng giữa Chúa Giêsu và các tông đồ trước khi bị đóng đinh trên thập giá - mà từ Dionysos, thần của lễ hội và rượu vang. Nhưng drag-queen Piche, người tham gia hoạt cảnh, thì đó là nhằm "mang lại một cái nhìn mới", và phàn nàn đã có nhiều màn diễn lại nhưng không bị chỉ trích như giới LGBT.

Làm tổn thương người Công giáo, nhưng liệu có dám với Hồi giáo ?

Ngay khi buổi lễ chưa kết thúc, trên mạng xã hội đã sôi sục. Marion Maréchal, chính khách cực hữu viết trên X : "Gởi đến tất cả những người Công giáo trên thế giới đang xem lễ khai mạc và cảm thấy bị lăng nhục khi các drag-queen chế giễu Tiệc ly, nên biết rằng đó không phải là nước Pháp đang nói với các bạn". Lãnh tụ cực tả Jean-Luc Mélenchon dù không chỉ trích việc báng bổ, đặt câu hỏi : "Gây tổn thương cho các tín đồ để làm gì ?".

Hôm sau, Hội đồng giám mục Pháp tỏ ý tiếc về "sự quá đáng và khiêu khích", giám mục Emmanuel Gobilliard chuyên trách trong Thế vận hội nói rằng ông cảm thấy bị thương tổn sâu sắc. "Quyền báng bổ, không sao cả, nhưng trong khuôn khổ một vở kịch thông thường tại nhà hát". Nhiều người bất bình vì diễn ra trong tầm vóc toàn cầu của sự kiện. Tương tự đối với nhiều đại diện của giáo hội các nước. Linh mục Guillermo Serra ở Madrid cho biết rất ngạc nhiên, và tự hỏi liệu có dám hành động tương tự với Coran và Mahomet hay không, rõ ràng là không.

Bên kia Đại Tây Dương, chủ tịch Hội đồng giám mục Mỹ Andrew Cozzens tố cáo một màn trình diễn "thô bỉ", trong khi có liên quan đến Bí tích Thánh Thể rất thiêng liêng của người Công giáo. Vẫn ở nước ngoài, đến lượt những người không theo đạo cũng lên tiếng, được Le Figaro trích dẫn. Ngoài tỉ phú Elon Musk, chủ tịch Hạ Viện Mỹ Mike Johnson tố cáo : "Cuộc chiến chống lại đức tin và các giá trị truyền thông nay không còn giới hạn nào nữa". Ông kết luận bằng một câu của Thánh Gioan trong Kinh Thánh : "Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không thắng nổi ánh sáng".

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế