Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Liệu Việt Nam sẽ thúc đẩy tầm nhìn FOIP ?

Đinh Hoàng Thắng, RFA, 07/10/2020

Tháng 10 này có hai sự kiện ngoại giao nổi bật ở Đông Á và Đông Nam Á. Ngày 6/10 vừa qua, một cuộc họp cấp ngoại trưởng của nhóm "Bộ Tứ" đã diễn ra tại tại Tokyo. Ngày 28 và 29/10 sắp tới, "Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Thái Dương" thường niên lần thứ 3 (IPBF-3) sẽ diễn ra tại Hà Nội, với sự đồng tổ chức của hai chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam. Trong bối cảnh ấy, đặc biệt là vào ngày 3/10 vừa qua, nguồn tin từ Nhật Bản xác nhận rằng chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ một dự án mở rộng cảng và phát triển một cơ sở sửa chữa tàu tại căn cứ Ream, Campuchia bên Vịnh Thái Lan. Mối hoài nghi lâu nay của giới chuyên gia, cho rằng Campuchia đang tiếp tay cho Trung Quốc để bao vây Việt Nam dường như đã trở thành hiện thực. Để thoát khỏi tình thế "tứ bề thọ địch" này, liệu Việt Nam có thúc đẩy sáng kiến xây dựng một cấu trúc an ninh tập thể trong khu vực, mà "Tầm nhìn Ấn Thái Dương tự do và rộng mở" (Free and Open Indo-Pacific Strategy- FOIP) là một mô thức được bàn thảo nhiều nhất trong những năm gần đây ?

foip1

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross (thứ 2 bên phải), Cố vấn đặc biệt Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Tatsuo Terzawa (thứ 2 bên trái) và thứ trưởng phụ trách phát triển kinh tế, năng lượng và môi trưởng Mỹ Keith Krach (phải) bắt tay tại Diễn đàn Doanh nghiệp Indo Pacific ở Bangkok hôm 4/11/2019 - AFP

Để đối phó với Trung Quốc

Cuộc họp đầu tiên cấp ngoại trưởng của nhóm "Bộ Tứ" được tổ chức tại New York, Mỹ vào tháng 9/2019. Lý do lúc bấy giờ được viện dẫn cho sự ra đời của cơ chế này sau khi chiến lược Ấn Thái Dương (Indo-Pacific) được công bố tại Đà Nẵng, Việt Nam (tháng 11/2018) là nhằm đối phó với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc thông qua việc kiềm chế chính sách đối ngoại và các hoạt động quân sự của Bắc Kinh trong khu vực. Những tuần, những tháng gần đây, giới nghiên cứu không nói nhiều về "cuộc chiến tranh Lạnh mới" hoặc "hậu-chiến tranh Lạnh" nữa, bởi vì nguy cơ một cuộc "chiến tranh nóng" trong khu vực ngày càng hiện hữu. Đài Loan và Biển Đông là hai địa danh được nhắc đến nhiều nhất. Những gì diễn ra từ nay đến cuối năm giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ với các nước trong không gian Ấn Thái Dương được giới quan sát cho là sẽ ảnh hưởng đến "Trật tự Thế giới" trong vòng nhiều thập kỷ tới. Phải chăng vì thế mà Việt Nam, sau thời gian dài thận trọng xem xét, nay đang có các biểu hiện cụ thể hơn để hưởng ứng đối với hai trong số các trụ cột của chiến lược "Ấn Thái Dương tự do và rộng mở" (FOIP) – trụ cột an ninh và trụ cột kinh tế.

Cuộc họp "Bộ Tứ" lần này là vòng đàm phán thứ hai của Mỹ, Úc, Nhật và Ấn, diễn ra trong bối cảnh cả bốn nước đang tìm cách tạo lập mặt trận thống nhất để đối phó với một Trung Quốc ngày càng lấn lướt. Trước khi rời Hoa Kỳ, ông Pompeo đã không úp mở tuyên bố rằng cuộc gặp là "điều mà chúng tôi đã lên lịch để thực hiện bấy lâu nay". Quan hệ song phương Mỹ - Trung trong những tháng gần đây đã xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên. Điều này khiến Washington đẩy mạnh hợp tác với các đồng minh trong khu vực. Nhóm "Bộ Tứ" gồm đại diện bởi các Ngoại trưởng Motegi Toshimitsu của Nhật Bản, Marise Payne của Úc và Subrahmanyam Jaishankar của Ấn Độ được cho là đã thảo luận về các vấn đề bao gồm đại dịch Covid-19 và an ninh mạng. "Hy vọng sẽ thảo luận về việc tăng cường hợp tác để thúc đẩy tầm nhìn chung của chúng ta về một ‘Ấn Thái Dương tự do và rông mở’ (FOIP), bao gồm các quốc gia độc lập, mạnh và thịnh vượng", ông Pompeo viết trên Twitter khi rời Hoa Kỳ.

foip2

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, Ngoại trưởng Úc Marise Payne, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi tại Tokyo trong cuộc họp Bộ Tứ hôm 6/10/2020 - Reuters

Tuy nhiên, khi Bắc Kinh phản đối chính thức về "Bộ Tứ", thì các thành viên lại cho biết, các "quan hệ đối tác chiến lược" của họ chỉ nhằm duy trì an ninh khu vực và không nhắm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào. "Bộ Tứ" sau năm đầu bị mất đà và chỉ được tái nhóm trở lại gần đây. Tại sao "Bộ Tứ" tái ngộ vào lúc này ? Cuộc gặp lần thứ hai này diễn ra vào thời điểm Mỹ, Ấn và Úc đều nhận thấy căng thẳng gia tăng trong quan hệ của họ với Trung Quốc. Kể từ năm 2018, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có một cuộc chiến thương mại gay gắt và trong những tháng gần đây, họ đã xung đột về nhiều vấn đề bao gồm bắt giữ gián điệp, đại dịch Covid-19 và bác thị thực du học sinh Trung Quốc. Mối quan hệ của Úc với Trung Quốc cũng đang xấu đi. Vào tháng 9, hai phóng viên cuối cùng làm việc tại Trung Quốc cho truyền thông Úc đã phải sơ tán sau 5 ngày căng thẳng ngoại giao. Căng thẳng Trung Ấn xảy ra sau các đụng độ biên giới gần đây. Alexander Neill, một phân tích gia an ninh Châu Á - Thái Bình Dương có trụ sở tại Singapore cho rằng, mấu chốt thực sự cho động lực mới của "Bộ Tứ" lần này chính là việc Ấn Độ đồng ý tích cực tham gia.

"Diễn đàn doanh nghiệp" lần thứ 3

Một tháng trước đây, ngày 6/9/2020, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông báo : "Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Thái Dương" thường niên lần thứ 3 (IPBF-3) sẽ diễn ra tại Hà Nội vào các ngày 28 và 29/10 tới đây, dưới sự phối hợp tổ chức của chính phủ Mỹ, Chính phủ Việt Nam, Phòng Thương mại Mỹ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN. Theo thông báo từ Washington, Diễn đàn sẽ thúc đẩy tầm nhìn cho không gian Ấn Thái Dương như là một khu vực tự do và rộng mở đối với các quốc gia độc lập, mạnh mẽ và thịnh vượng. Diễn đàn được cho sẽ tiếp tục thúc đẩy các giá trị của đầu tư tiêu chuẩn cao, minh bạch, thượng tôn pháp luật và phát triển kinh tế dựa vào khu vực tư nhân. Tại diễn đàn thường niên lần thứ hai, IPBF-2 hồi 4/11/2019 ở Bangkok, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross dẫn đầu đoàn doanh nghiệp của Hoa Kỳ tham dự với nhiệm vụ ủng hộ các mục tiêu của Tổng thống Trump trong việc đẩy mạnh hoạt động thương mại của Mỹ trong khu vực, thúc đẩy các cơ hội xuất khẩu tạo việc làm cho các công ty Mỹ và đáp ứng các nhu cầu về phát triển kinh tế. Còn IPBF-1 diễn ra ở Washington, DC ngày 30/7/2018, được xem là trụ cột kinh tế trong chiến lược của chính quyền Trump đối với khu vực đại diện hơn một nửa dân số thế giới và một nửa kinh tế toàn cầu, đồng thời là công cụ để mở rộng vai trò của Mỹ đối với khu vực này thông qua đầu tư và tăng cường xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ của các công ty Mỹ.

Tại IPBF-3 tới đây, Hoa Kỳ sẽ công bố các sáng kiến và khoản đầu tư mới tại Ấn Thái Dương tại diễn đàn doanh nghiệp khu vực do Chính phủ Mỹ cùng hợp tác với Chính phủ Việt Nam tổ chức vào cuối tháng tới tại Hà Nội. Lãnh đạo chính phủ và các doanh nghiệp của Mỹ, Việt Nam và trên toàn khu vực Ấn Thái Dương sẽ thảo luận các vấn đề như năng lượng và cơ sở hạ tầng, kinh tế kỹ thuật số, kết nối thị trường, y tế và phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, cũng như cơ hội xây dựng quan hệ đối tác và thương mại giữa Mỹ với khu vực Ấn Thái Dương, qua hình thức trực tuyến. Diễn đàn sẽ giới thiệu các khoản đầu tư có ảnh hưởng lớn của khu vực tư nhân và các nỗ lực của chính phủ nhằm hỗ trợ cạnh tranh thị trường, tăng trưởng việc làm và phát triển tiêu chuẩn cao vì sự thịnh vượng hơn nữa ở Ấn Thái Dương. Theo giới chuyên gia, "Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Thái Dương" do Mỹ khởi xướng nhằm để đối trọng với "Sáng kiến Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc, một chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối ba Châu lục – gồm Châu Á, Châu Âu và Châu Phi – với quy mô khổng lồ.

Thế "gân gà" của Việt Nam

Theo Giám đốc Nhóm Nghiên cứu về Châu Á từ Đại học Temple, Nhật Bản Jeff Kingston, sẽ có một số thách thức đối với "Bố Tứ" cũng như sáng kiến liên quan đến IPFB. Đối phó với các mối đe doạ của Trung Quốc không đồng nghĩa với việc các nước có chung quan điểm về những gì cần phải làm để có thể xây dựng "Bố Tứ" thành một cơ cấu như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy Mỹ và Úc chắc chắn ủng hộ ý tưởng này, nhưng Nhật Bản và Ấn Độ đang có một số bảo lưu. Riêng các nước ASEAN, trong đó có Việt nam, việc biến "Bố Tứ" thành một tổ chức an ninh tập thể để đối phó với Trung Quốc sẽ buộc các chính phủ phải chọn bên. Mà "chọn bên" là điều bất khả hiện nay, không chỉ đối với Việt Nam. Về phần mình, Trung Quốc đã chỉ trích "Bố Tứ" là một nỗ lực được che đậy nhằm kiềm chế Trung Quốc trỗi dậy. Mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Luo Zhaohui gọi nhóm này là một NATO thu nhỏ (mini NATO).

foip3

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross phát biểu tại một hội nghị do Phòng Thương mại Mỹ tổ chức ở Hà Nội hôm 8/11/2019 AFP

Vì những lẽ trên, các nhà quan sát dường như có phần bất ngờ khi Thiếu tướng Công an Đỗ Lê Chi – Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, thuộc Tổng cục Tình báo – đã trả lời công khai trên báo chí trong nước về khả năng hình thành một liên minh quân sự "NATO ở Đông Nam Á" và vai trò của Việt Nam trong liên minh khu vực ấy. Theo TS. Đỗ Lê Chi, vấn đề không phải là có nên tham gia hay là không, mà vấn đề là Việt Nam cần chủ động thúc đẩy việc hình thành một tổ chức an ninh đa phương, ràng buộc tại khu vực, vì lợi ích của tất cả các bên. Chúng ta lâu nay vẫn luôn có chủ trương chủ động hội nhập, nhưng có những lúc ta còn bị động. Các nước lớn triển khai chính sách mà mình cứ phải cân đong đo đếm là có tham gia hay là không. Điều đó cho thấy vai trò chủ động của chúng ta chưa phải là cao. Theo ông Cục trưởng, việc hình thành các hiệp ước, khối an ninh hay thỏa thuận quân sự có tính đa phương và ràng buộc xuất phát từ nhu cầu bảo đảm lợi ích kinh tế, chính trị của các quốc gia. Nếu nhìn vào lịch sử thì sự ra đời của NATO hay một số tổ chức an ninh, quân sự đa phương đều có những lý do để kiểm soát tình hình ở những điểm nóng.

Vì vậy, tướng Đỗ Lê Chi cho rằng, trước sau gì thì một tổ chức an ninh đa phương của khu vực, có tính ràng buộc sẽ phải ra đời và đó chính là lợi ích quốc gia của Việt Nam, của ASEAN và chúng ta cần phải sớm tính toán cách thức phù hợp để thúc đẩy nó. Nhưng liệu chính sách của Chính phủ Việt Nam có thực sự thúc đẩy tầm nhìn FOIP ? Về trụ cột kinh tế, câu trả lời có thể là "yes". Diễn đàn IPFB lần 3 là minh chứng rõ ràng. Nhưng về trụ cột an ninh, nhất là trong chiều kích "ngăn chặn" (containtment) Trung Quốc, câu trả lời nhiều khả năng sẽ là "no" hoặc "not yet". Trong khi đó "Bộ Tứ" khuyến khích Việt Nam trở thành thành viên "theo sát" của FOIP (shadow member). Hơn nữa, giữa các trụ cột của FOIP, ranh giới không phải lúc nào cũng rạch ròi. Mùa hè vừa qua, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã tuyên bố Mỹ đang thúc đẩy xây dựng một "Mạng lưới thịnh vượng kinh tế", với sự tham gia của Việt Nam. Mạng lưới này được hình thành trên nền tảng "Bộ Tứ", được Washington xem như điểm nhấn quan trọng trong chính sách thương mại thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu thời hậu Covid-19. Vậy làm thế nào để hoá giải thế "gân gà" của Việt Nam ? Câu trả lời đành mượn từ "Tam quốc diễn nghĩa" : Xem hồi sau sẽ rõ.

Đinh Hoàng Thắng

Nguồn : RFA, 07/10/2020

***********************

Cam Bốt mở rộng căn cứ Ream cho Hải Quân Trung Quốc sử dụng ?

Trọng Nghĩa, RFI, 06/10/2020

Phải chăng nỗi lo ngại của Mỹ về khả năng Cam Bốt cho quân đội Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân Ream nhìn ra Vịnh Thái Lan đang biến thành hiện thực. Trước mắt chính quyền Phnom Penh tiếp tục phủ nhận việc sẽ cho Bắc Kinh dùng cơ sở đó, nhưng theo điều tra của tạp chí Nhật Bản Nikkei Asian Review, thì Cam Bốt đang chuẩn bị mở rộng căn cứ Ream, đặc biệt với sự trợ lực của Trung Quốc.

foip4

Ảnh tư liệu chụp ngày 26/07/2019 : Chiến hạm Cam Bốt neo đậu tại Căn Cứ Hải Quân Ream, gần Sihanoukville, miền tây nam Cam Bốt.  AP - Heng Sinith

Trong một bài viết ngày 03/10/2020, tạp chí Nhật Bản đã trích lời một sĩ quan hàng đầu của Hải Quân Cam Bốt hôm thứ Bảy 03/10 vừa qua xác nhận rằng chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ một dự án mở rộng cảng và phát triển một cơ sở sửa chữa tàu tại căn cứ Ream bên Vịnh Thái Lan.

Bắc Kinh sẽ xây dựng một cảng nước sâu tại căn cứ Ream

Theo phó đô đốc Vann Bunlieng, phó tư lệnh kiêm tổng tham mưu trưởng lực lượng Hải Quân Cam Bốt, trong dự án, có kế hoạch nạo vét để làm sâu thêm vùng biển xung quanh căn cứ, nơi hiện chỉ có thể tiếp nhận các loại tàu nhỏ. Bắc Kinh sẽ giúp Phnom Penh xây dựng một hải cảng và một cơ sở sửa chữa các loại tàu của Cam Bốt.

Đối với ông Bunlieng, các cơ sở mới sẽ giúp Cam Bốt tiết kiệm chi phí sửa chữa tàu nếu nước này mua được các loại tàu lớn hơn. Nhân vật này cho biết các cơ sở mới cũng có thể được sử dụng để phục vụ tàu tư nhân nhằm tạo ra doanh thu.

Tổng tham mưu trưởng Hải Quân Cam Bốt một lần nữa đã lên tiếng bác bỏ các thông tin báo chí theo đó căn cứ Hải Quân Ream sẽ được quân đội Trung Quốc sử dụng. Trước đó, cả thủ tướng Cam Bốt Hun Sen lẫn các quan chức Trung Quốc đã phủ nhận thông tin này.

Giấu đầu lòi đuôi

Theo Nikkei Asian Review, kế hoạch nâng cấp căn cứ Ream với sự giúp đỡ của Trung Quốc đã từng được Tập đoàn Luyện Kim Trung Quốc, một doanh nghiệp Nhà nước trụ sở ở Bắc Kinh, công bố trên trang web của họ.

Bản kế hoạch này sau đó đã bị gỡ xuống nhưng dựa theo phiên bản được lưu trữ trong bộ nhớ cache, tập đoàn này cho biết là vào tháng 6 năm 2016 họ đã ký một "thỏa thuận khung về hợp tác" với các cơ quan quốc phòng Cam Bốt cho một "Dự án mở rộng cảng".

Đi sâu vào chi tiết, dự án mở rộng "căn cứ quân sự hải quân" này bao gồm việc bổ sung một ụ tàu khô 5.000 tấn và đường trượt cơ khí bên hông 1.500 tấn, cùng với việc xây dựng một cầu tàu, một xưởng sửa chữa và bồi đắp thêm 7,4 ha đất.

Tình trạng hiện thời của thỏa thuận này chưa được biết, và phó đô đốc Bunlieng đã từ chối cho biết công ty nào có liên quan đến dự án mà chuyển câu hỏi lên bộ Quốc Phòng. Cả bộ trưởng Quốc Phòng Tea Banh và phát ngôn viên của bộ này trước mắt chưa thấy trả lời.

Đuổi Mỹ để đón Trung Quốc ?

Tin tức về việc Trung Quốc đứng ra "giúp đỡ" Cam Bốt mở rộng căn cứ Hải Quân Ream xuất hiện đúng vào lúc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS tại Washington công bố một số ảnh vệ tinh mới cho thấy một tòa nhà trong căn cứ Ream do Mỹ tài trợ để xây dựng cho Hải Quân Cam Bốt đã bị phá hủy vào tháng 9.

Trong bài phân tích kèm theo các bức ảnh công bố hôm 02/10, cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI thuộc CSIS ghi nhận : "Tòa nhà là một trong số các cơ sở do Hoa Kỳ tài trợ nằm bên trong căn cứ được cho là sẽ bị dời đi nơi khác sau khi Cam Bốt ký một thỏa thuận bí mật với Bắc Kinh để cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ Ream. Việc phá hủy tòa nhà gần đây dường như xác nhận rằng các thay đổi đang được tiến hành tại căn cứ hải quân và một lần nữa làm dấy lên trở lại thông tin được đồn đại về quyền tiếp cận dành cho Trung Quốc".

AMTI đã nhắc lại thông tin do nhật báo Mỹ The Wall Street Journal tiết lộ vào tháng 7 năm 2019 theo đó Cam Bốt đã ký với Trung Quốc một thỏa thuận bí mật cho phép Trung Quốc sử dụng Ream để đổi lại việc xây dựng cơ sở hạ tầng mới tại căn cứ này. Bài báo trích dẫn các quan chức Mỹ xin giấu tên đã được đọc bản thảo đầu tiên của thỏa thuận cho phép Trung Quốc đưa quân đội, vũ khí và tàu vào căn cứ này trong vòng 30 năm, sau đó sẽ tự động triển hạn thêm, mỗi lần 10 năm.

Theo WSJ, thái độ nghi ngờ của Washington về ý đồ của Phnom Penh càng tăng cao sau khi Cam Bốt từ chối tài trợ của Hoa Kỳ để sửa chữa các cơ sở do Mỹ xây dựng tại Ream, đáp ứng yêu cầu của Cam Bốt.

Theo CSIS, tòa nhà bị phá hủy nguyên là Tổng Hành Dinh Chiến Thuật của Ủy Ban An Ninh Hàng Hải Quốc Gia Cam Bốt, vốn đã được dời hoàn toàn ra khỏi căn cứ, đến một nơi cách Ream khoảng 20km về phía bắc. Còn một cơ sở khác cũng do Mỹ tài trợ ở gần đó vẫn còn nguyên vì là nơi chứa các tàu tuần tra nhỏ mà Mỹ tặng cho Hải Quân Cam Bốt.

Tập đoàn Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt tham gia dự án Ream

Trong bài phân tích, AMTI cũng ghi nhận là nhiều khu đất rộng lớn xung quanh căn cứ đã được các công ty Trung Quốc thuê, trên danh nghĩa để làm các khu nghỉ dưỡng.

Đáng chú ý là Tập Đoàn Phát Triển khu Canopy Sands ở Vịnh Ream chỉ cách căn cứ hải quân khoảng 5 km về phía bắc. Ảnh vệ tinh cho thấy là tập đoàn đã bắt đầu công việc nạo vét và cải tạo đất trong khu vực kể từ tháng Hai vừa qua, và đến nay đã cải tạo được khoảng 100 mẫu.

Theo Nikkei Asian Review, công việc cải tạo đất của dự án tại Vịnh Ream do China Harbour, một công ty con của Tập Đoàn Xây Dựng Truyền Thông Trung Quốc CCCC, mới đây đã bị Mỹ trừng phạt vì đã tham gia việc bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Chính quyền Cam Bốt tiếp tục phủ nhận việc cho Trung Quốc sử dụng căn cứ Ream. Trả lời hãng tin Pháp AFP ngày 04/10/5020, bộ trưởng Quốc Phòng Cam Bốt Tea Banh cho rằng việc Trung Quốc tài trợ cho dự án mở rộng căn cứ hải quân của Cam Bốt không có nghĩa là Bắc Kinh có quyền tiếp cận căn cứ một cách rộng rãi hơn.

Cam Bốt tiếp tay cho Trung Quốc để bao vây Việt Nam ?

Giới phân tích vẫn hoài nghi về các lời phủ nhận này. Trong một tin nhắn Twitter ngày 04/10, chuyên gia Singapore Collin Koh cho rằng quy mô hạn chế của Hải Quân Cam Bốt hiện nay đâu có cần đến những công trình đồ sộ như ụ tàu khô 5000 tấn trong kế hoạch ban đầu vào năm 2016 ? Còn trong một bài viết ngày 05/10, báo mạng Hồng Kông Asia Times nói thẳng "Cam Bốt mở đường cho sự hiện diện của Hải Quân Trung Quốc" tại nước này.

Chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày 17/09 đã nhận định : "Việc cho Trung Quốc quyền tiếp cận căn cứ trên bờ biển phía nam Cam Bốt sẽ kéo theo một thay đổi cơ bản về mặt địa chính trị". Việt Nam, hiện đang bị Trung Quốc bao vây – trên bộ ở phía bắc và trên biển ở phía đông – sẽ thấy sườn phía nam của mình bị đe dọa.

Ngoài ra, căn cứ hải quân ở Cam Bốt bên bờ Vịnh Thái Lan cũng sẽ cho phép tàu Trung Quốc tiếp cận dễ dàng hơn các đảo đá đang tranh chấp với các láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 06/10/2020

Published in Diễn đàn

Khả năng bùng nổ chiến tranh tại Biển Đông có thể diễn ra ?

Lê Thu Hường, Giang Nguyễn, RFA, 02/10/2020

Tiến sĩ Lê Thu Hường, Nghiên cứu gia cao cấp của Viện Chiến Lược Chính Sách Úc (Australian Strategic Policy Institute) nhận định về quan hệ Việt-Trung trước tình hình ngày càng căng thẳng tại Biển Đông, không loại trừ nguy cơ xung đột quân sự tại khu vực.

bd1

Liêu Ninh- tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc  AFP. Ảnh minh họa

Giang Nguyễn : Cảm ơn Tiến sĩ Lê Thu Hường đã dành cho chúng tôi cuộc nói chuyện ngày hôm nay. Trong bài viết của Tiến sĩ với tựa, xin tạm dịch là "Sóng gió sắp tới trong quan hệ Việt-Trung" bà nói rằng "thời điểm hiện nay có thể nói là thời điểm thấp nhất trong quan hệ giữa hai nước từ những thập niên 1980 ?". Xin bà trình bày thêm ?

Lê Thu Hường : Nói chung, đây là xu hướng Trung Quốc đang trỗi dậy và mở rộng, phấn đấu để đạt được vị thế quyết đoán hơn trong khu vực, ở Châu Á, cũng như trên toàn cầu. Chúng ta cũng thấy rằng chính sách đối ngoại của Trung Quốc hiện nay quyết đoán hơn nhiều trong tranh chấp Biển Đông cũng như các tranh chấp và điểm nóng khác trong khu vực, bao gồm Đài Loan, biên giới với Ấn Độ, kể cả các vấn đề nội bộ như Hong Kong. Trung Quốc ngày nay rất khác với Trung Quốc trong những năm 1990, khi đó họ theo đuổi một sự trỗi dậy hòa bình với chính sách hữu nghị láng giềng tốt. Lúc ấy họ tham gia vào các cuộc đối thoại trong khu vực, bao gồm cả Đông Nam Á và Việt Nam.

Ngày nay, Trung Quốc quả quyết hơn nhiều. Rõ ràng là họ tăng cường tần suất của việc điều hải quân và lực lượng dân quân biển vào vùng nước tranh chấp, mở rộng các yêu sách qua việc thiết lập các khu hành chính mới ở Biển Đông. Và họ rất thường xuyên triển khai tàu bè đi vào lãnh thổ của các bên tranh chấp bao gồm cả đặc khu kinh tế của Việt Nam. Họ đã làm như thế vài lần trong những năm gần đây. Đây là tình huống rất căng thẳng giữa hai nước láng giềng, đặc biệt trong tranh chấp tại Biển Đông. Rõ ràng nguy cơ căng thẳng leo thang và sự cố không lường trước có thể xảy ra.

Giang Nguyễn : Bà đánh giá diễn biến hiện nay như thế nào so với xung đột năm 1988 tại Gạc Ma hoặc vụ Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của VN vào năm 2014 ? Sau đó, VN và Trung Quốc có thể nói là đã dàn xếp. Nếu như vụ HD-981 xảy ra ngày hôm thì kết quả sẽ ra sao ?

Lê Thu Hường : Cô đã đề cập đến năm 1988, là một vụ việc lớn, cũng là một điểm rất thấp trong quan hệ song phương. Nó là một vụ nghiêm trọng, gây hậu quả lâu dài với việc Trung Quốc chiếm được Gạc Ma, và phía Việt Nam chịu nhiều thương vong. Vụ Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào năm 2014 khó khăn hơn về mặt ngoại giao. Lúc đó là căng thẳng cao và có nhiều nguy cơ leo thang dẫn đến thêm sự cố có thể xảy ra. Nhưng tôi nghĩ Trung Quốc đã nhận thấy lập trường cứng rắn của Việt Nam và đã lùi bước. Họ đã rút giàn khoan HD sớm hơn kế hoạch. Chiến lược ngoại giao và chiến lược truyền thông của Việt Nam thời đó có vẻ như hiệu quả.

Như cô nói, hai quốc gia đã dàn xếp được. Chúng tôi đã có các chuyến thăm song phương của các viên chức cấp cao sau vụ việc trong những năm tiếp theo. Có ít sự cố xảy ra hơn sau đó. Nhưng trong vòng 18 tháng đến 2 năm gần đây đã xảy ra nhiều sự cố hơn. Một vài sự kiện cũng đã được so sánh với mức độ nghiêm trọng của vụ việc năm 2014. Bây giờ chúng ta thấy tần suất của những hành động khiêu khích đó gia tăng, đồng thời thiện chí để ngồi xuống đàm phán đã ít đi, không giống như năm 2014. Hiện nay chúng ta đang đối mặt với một tình huống thường xuyên có những hành động khiêu khích hơn, nhưng lại có ít thời gian hơn để khắc phục nó.

Giang Nguyễn : Trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam được công bố vào cuối năm 2019, Bộ Quốc phòng đưa ra quan điểm cơ bản về chính sách quốc phòng Việt Nam, và đã thêm 1 cái "không" : là không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế". Việc này nói lên điều gì, và có ý nghĩa gì trong quan hệ Việt-Trung ?

Lê Thu Hường : Việc Việt Nam bác bỏ việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực thì không hoàn toàn là một khái niệm mới. Trên thực tế điều này đã tồn tại từ lâu, và không chỉ đối với Việt Nam, mà cả ASEAN cũng được biết từ chối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Nhưng tôi cho rằng việc Việt Nam bổ sung cái "Không" này là cái "không" thứ tư trong Sách trắng Quốc công bố vào tháng 12 năm 2019, là để tái khẳng định chính sách quân sự lâu nay của họ, nhưng cũng nhấn mạnh điều thứ tư này rằng họ sẽ không khoan dung cho việc sử dụng vũ lực hoặc gây hấn. Và tôi cho rằng đó là một tín hiệu cho Trung Quốc, hoặc bất kỳ kẻ xâm lược nào khác, biết rằng Việt Nam quyết tâm bảo vệ chủ quyền của mình.

Có nghĩa là Việt Nam sẽ không dung thứ hành động sử dụng vũ lực của các nước khác.

Giang Nguyễn : Như tiến sĩ trình bày trong bài viết, Việt Nam đang muốn gia tăng quan hệ ngoại giao với các đối tác khác, trong khi Trung Quốc thì luôn "tìm cách hạn chế quan hệ quân sự của các quốc gia trong khu vực với những lực lượng bên ngoài". Bà đánh giá những diễn biến gần đây, như những cuộc tập trận của Trung Quốc, căng thẳng gia tăng, sẽ ảnh hưởng đến cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) như thế nào ?

Lê Thu Hường : Tôi nghĩ rằng chúng ta đang ở trong thời kỳ khá nghiêm trọng và nguy hiểm và khả năng chiến tranh bùng nổ không còn là không lường trước được. Như tôi đã đề cập, trước đây các cường quốc trong khu vực đều tuân theo những ràng buộc của các quy tắc, chuẩn mực và thể chế quốc tế và họ thực sự cam kết những điều đó. Hiện tại chúng ta thấy một sự tăng cường cạnh tranh giữa các quyền lực lớn. Cô đã đề cập đến các cuộc tập trận, sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông. Mỹ cũng đang thể hiện sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực bằng cách điều các tàu đến Biển Đông để phô trương lực lượng quân sự của họ. Không khí nói chung là một thực sự cạnh tranh. Việt Nam đang phải giữ cân bằng trong một thời điểm rất nguy hiểm và một ranh giới mong manh. Không ai muốn chiến tranh xảy ra nhưng tình hình đang tiến đến rất gần ranh giới đó. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là tất cả các bên phải kiềm chế và giữ bình tĩnh và cái đó chúng ta không thấy trong những tháng gần đây qua những lời lẽ hùng hổ từ Trung Quốc hoặc Mỹ hoặc các cường quốc khác, và đó chính là nguy cơ lớn.

Về mặt COC, sẽ thực sự khó khăn để sớm đạt được COC có ý nghĩa, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay. Nó quá căng thẳng, nó quá phô trương sức mạnh và quá nhiều tham vọng chiến lược, vì vậy trong thời điểm này, không đáp ứng được tinh thần của COC. Tôi không nghĩ rằng có thể một mặt thể hiện tư thế quân sự hung hăng rồi lại cam kết giải quyết tranh chấp một cách không đe dọa. Nếu muốn COC thực sự có ý nghĩa, họ phải giảm nhiệt độ thay vì tăng cường nó.

Giang Nguyễn : Tiến sĩ đề cập đến 4 phương pháp mà Hà Nội áp dụng ở Biển Đông từ trước đến nay, bao gồm việc "quốc tế hóa" vấn đề Biển Đông, xử lý vấn đề trong khuôn khổ đa phương (chủ yếu là thông qua ASEAN), và ngăn chặn Trung Quốc về mặt quân sự, đồng thời giữ hợp tác với Trung Quốc trên các kênh ngoại giao khác. Liệu chính sách của này còn tiếp tục hiệu quả đối với Trung Quốc trong tương lai ? Tiến sĩ nói Việt Nam cần nâng cấp chiến lược tại Biển Đông, xin bà triển khai thêm về vấn đề này.

Lê Thu Hường : Chiến lược ở Biển Đông của Hà Nội từ lâu đã dựa trên bốn yếu tố chính, bao gồm việc "quốc tế hóa" vấn đề Biển Đông, xử lý vấn đề trong khuôn khổ đa phương (chủ yếu là thông qua ASEAN), và ngăn chặn Trung Quốc về mặt quân sự, đồng thời giữ hợp tác với Trung Quốc trên các kênh ngoại giao khác. Chúng ta vẫn nên giữ bốn yếu tố này làm nền tảng nhưng nó cần được cải thiện và mở rộng. Về phương tiện truyền thông và dư luận quốc tế, như tôi đã đề cập vào năm 2014, Trung Quốc đã chịu nhiều thiệt hại về tiếng tăm trước quốc tế bởi giàn khoan Hải Dương. Nhưng kể từ đó, trong những trường hợp gần đây, có vẻ như Trung Quốc không bị ảnh hưởng bởi những tai tiếng. Họ phải chịu tổn hại về tiếng tăm nghiêm trọng hơn nhiều ở nhiều khía cạnh khác, từ những diễn biến tại Tân Cương đến Tây Tạng, Hồng Kông và thậm chí cả vấn đề Covid-19. Họ bị tai tiếng rất nhiều, nhưng dường như họ đã không bị ảnh hưởng như so với trước đây. Vì vậy yếu tố (quốc tế hóa) không còn hiệu quả như trước nữa. Nên chiến lược phải thích ứng với thực tế và thực tế là chúng ta đang phải đối mặt với một Trung Quốc khác nhiều so với trước.

Giang Nguyễn : Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế vì xâm phạm lãnh hải Việt Nam, khả năng này theo bà đến đâu ?

Lê Thu Hường : Chắc chắn là lựa chọn này đã được cân nhắc và nó là một trong những lựa chọn và là lựa chọn khá nặng ký. Nhưng tôi cho rằng vẫn còn nhiều do dự từ phía Hà Nội, mặc dù tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng đang tích cực chuẩn bị cho lựa chọn này, xét về mặt xây dựng năng lực pháp lý của họ. Nhưng tôi không chắc khi nào việc kiện Trung Quốc sẽ xảy ra. Tôi nghĩ rằng vẫn còn những cân nhắc chính trị về quyết định này. Khía cạnh pháp lý của việc giải quyết tranh chấp cũng rất quan trọng. Việt Nam không dễ bỏ qua điều đó. Hà Nội nhận thấy điều đó. Và rõ ràng việc thưa kiện sẽ có cái giá ngoại giao và chính trị của nó, giống như trong trường hợp của Philippines khi quốc gia này đưa vấn đề tranh chấp ra trọng tài quốc tế.

Ngoài ra còn có vấn đề liệu điều gì sẽ xảy ra nếu Việt Nam có được một phán quyết như Philippines. Philippines đã nhận được một phán quyết rất tích cực và sự ủng hộ ngoại giao, nhưng nó không thực sự được tuân thủ, không được Trung Quốc công nhận, và ngay cả Tổng thống Duterte cũng gác nó qua một bên. Vì vậy, vấn đề ở đây là nếu có vụ kiện pháp lý thành công với một phán quyết tích cực, thì liệu nó có được thi hành và các quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào. Liệu nó có thực sự thay đổi được gì không ?

Giang Nguyễn : Cảm ơn thời gian và quan điểm của Tiến sĩ Lê Thu Hường.

Giang Nguyễn thực hiện

Nguồn : RFA, 02/10/2020

***********************

Trung Quốc gia tăng tập trận trên biển - thông điệp đến Mỹ và các nước Phương Tây

Thanh Trúc, RFA, 02/10/2020

Trung Quốc từ lâu thường tổ chức những cuộc tập trận trên biển Hoa Nam, mà Việt Nam gọi là Biển Đông, nhằm biểu dương thanh thế và sức mạnh của mình với các quốc gia Đông Nam Á.

bd2

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tham gia tập trận ở Tây Thái Bình Dương hôm 18/4/2018 - Reuters

Trung Quốc mới đây còn loan báo từ ngày 1/10 đến 10/10 nước này sẽ có 3 cuộc tập trận gần eo biển Đài Loan và biển Hoa Đông.

Theo các chuyên gia, những đợt thao diễn quân sự liên tục của Trung Quốc gần đây và sắp tới với đạn thật và tên lửa, có yếu tố Âu- Mỹ chứ không còn thuần Đông Nam Á, sau khi Hoa Kỳ nhiều lần chỉ trích Trung Quốc, song song với các công hàm ngoại giao mà Malaysia, Philippines, Indonesia, Việt Nam gởi lên Liên Hiệp Quốc để phản đối yêu sách quá đáng của Bắc Kinh trên biển.

Hôm 16/9, Anh, Đức và Pháp đồng loạt gởi công hàm đến UN, phản đối Trung Quốc với yêu cầu tôn trọng Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển 1982, bảo đảm quyền tự do hàng hải của EU cũng như các quốc gia khác trên vùng biển quốc tế mà Bắc Kinh muốn thao túng gần như toàn bộ.

Đây là "cuộc chiến công hàm", thuật ngữ của giới ngoại giao, được đáp trả bằng những cuộc tập trận liên tiếp, là bản tin hôm 29/9 của hãng tin AP, nói rằng Trung Quốc đang nâng nguy cơ chiến tranh lên cao hơn lúc nào hết.

Trung Quốc sẽ không nhượng bộ trước bất cứ áp lực nào, là nhận định của chuyên gia Đông Nam Á và Việt Nam, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp :

"Trung Quốc vẫn coi đường lưỡi bò (đường đứt khúc 9 đoạn trên Biển Đông) là của họ và họ có thể đánh chiếm Đài Loan. Mới đây Trung Quốc nói rõ rằng mọi toan tính chống lại chính sách của Trung Quốc về một Đài Loan không là một nước độc lập thì Trung Quốc sẽ gây ra chiến tranh".

"Còn Biển Đông thì Trung Quốc nói đấy là chủ quyền lịch sử của họ, họ không để mất một tấc đất nào. Họ không xuống nước đâu mà họ đang chuẩn bị chiến tranh đấy. Từ đây đến 10/10 sẽ có 3 cuộc tập trận, 1 cuộc ở Biển Đông, 2 cuộc khác ở eo biển Đài Loan và Hoa Đông".

"Họ còn đưa ra một giả thuyết rằng có thể máy bay không người lái của Mỹ sẽ đánh tên lửa vào mấy cái đảo nhân tạo của họ và họ sẽ bắn rơi. Trước sau Trung Quốc vẫn như thế, vẫn nói rằng Mỹ gây căng thẳng, tạo đồng minh để chống lại chủ quyền của họ trên Biển Đông và cả Đài Loan nên họ buộc phải chuẩn bị để bảo vệ. Ý nghĩ này không đúng nhưng họ vẫn làm vì thấy đủ sức để gây ra chiến tranh".

bd3

Bản đồ có hình lưỡi bò mà Trung Quốc tự vẽ ra trên Biển Đông / AFP. Hình minh hoạ.

Nguy cơ chiến tranh thì đã rõ nhưng không ai có thể đo lường mức độ hiểm nguy phát xuất chỗ nào, vẫn ý kiến của chuyên gia Hà Hoàng Hợp :

"Vừa rồi có một giả định là Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan đúng lúc Mỹ có bầu cử, nên Nhật và Mỹ phải tập trận để ngăn Trung Quốc tiến chiến Đài Loan. Rõ ràng chỉ Mỹ mới có thể đưa lực lượng hải quân, không quân và tên lửa vào khu vực này, sẵn sàng đảm bảo tự do hàng hải. Mỹ không nói gì đến chủ quyền ở đây hết mà chỉ công nhận phán quyết năm 2016 phủ nhận đòi hỏi phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông".

"Cả thế giới, cả Mỹ, cả Trung Quốc đều thấy cái rủi ro chiến tranh càng ngày càng lớn, có thể chỉ từ một tính toán nhầm, một sự kiện, một động thái không lường trước được và không ai mong muốn, thì từ cái rủi ro thấp sẽ thành luôn một chiến tranh".

Từ đầu tháng 9/2020, AP đã đưa tin về sự xuất hiện của chiến đấu cơ Trung Quốc trên vùng trời Đài Loan cách mạn Bắc biển Nam Trung Hoa không xa, hàm ý là nếu Đài Loan dám tuyên bố độc lập thì Trung Quốc buộc phải dùng quân sự để giải quyết.

Cũng đầu tháng trước, tàu tuần tra Indonesia đối mặt với tàu tuần duyên Trung Quốc lảng vảng đã 3 ngày trong vùng đặc khu kinh tế thuộc hải phận Indonesia. Đây là khu vực ở khá xa vùng biển phía Nam, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như hầu hết.

Theo nhà nghiên cứu Biển Đông, Thạc sĩ Hoàng Việt - Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, bất kể tranh cãi Mỹ- Trung đã lan ra mặt trận thương mại và mặt trận công nghệ, bất kể sự lên tiếng của Hoa Kỳ, Australia rồi tiếp đến là Anh, Đức và Pháp, Trung Quốc vẫn không từ bỏ mục tiêu độc chiếm Biển Đông mà họ không giấu diếm :

"Cho nên họ không hề giảm bớt hành động và âm mưu của họ. Hoa Kỳ đã gởi một tín hiệu rõ ràng đến khu vực bằng cách tập trận với các đồng minh như Nhật Bản, Australia… thì Trung Quốc cũng tăng cường tập trận bắn đạn thật. Trung Quốc không xuống thang, dẫn tới nguy cơ đụng độ trên Biển Đông. Chỉ cần một bên có va chạm vượt quá sự kiểm soát, hoặc giả có sự cố nào đó, thì có thể dẫn tới xung đột ở một mức độ nhất định".

bd4

Quân đội Đài Loan tập trận ở Hualien hôm 22/5/2019 / Reuters. Hình minh họa.

Trung Quốc rất giỏi uy hiếp, trấn áp các quốc gia yếu nhưng lại e dè, cẩn thận trước những nước mạnh, là nhận xét của Thạc sĩ Hoàng Việt. Vì không dại gì đụng tới Mỹ vốn có năng lực quân sự vượt trội, Trung Quốc phải chọn Đài Loan làm mục tiêu chắc ăn để thể hiện sức mạnh của mình trong lúc này :

" Và Trung Quốc đã không giấu diếm ý định thu hồi Đài Loan bằng vũ lực. Nếu tất cả các bên còn giữ được bình tĩnh thì nguy cơ xung đột không xảy ra, còn không giữ được bình tĩnh thì Trung Quốc sẽ ra tay".

Đối với nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, tác giả tập "Biển Động : Luận Cứ & Sự Kiện", câu hỏi từ việc Trung Quốc liên tiếp tập trận là :

"Răn đe Mỹ can dự trong vấn đề Biển Đông, răn đe Nhật Bản trong việc tranh chấp quần đảo Senkaku. hay dằn mặt Đài Loan, dằn mặt các nước Đông Nam Á ? Theo tôi Trung Quốc nhắm vào Đài Loan khi mà các cường quốc trên thế giới chìa bàn tay cho Đài Loan".

Một cuộc chiến thực thụ để thống nhất Đài Loan vào Trung Quốc sẽ không xảy ra, là khẳng định của ông Đinh Kim Phúc :

"Trung Quốc vẫn sử dụng 5 công cụ đối với Đài Loan, đó là khuyến khích, phá hoại, cô lập, kềm chế và ép buộc. Trong 30 năm qua Trung Quốc cảm thấy khuyến khích không hữu hiệu, họ chuyển sang phá hoại và cô lập nhằm răn đe sự can thiệp của Mỹ vào Đài Loan".

"Đài Loan, nối liền Nhật Bản-Đài Loan-Đông Nam Á, là vị trí chiến lược của Mỹ ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Mỹ sẵn sàng can thiệp vì Đài Loan là đồng minh của Mỹ . Điều đó cho thấy chiến tranh khó xảy ra, nhưng mà Trung Quốc dùng công cụ để áp chế, răn đe sẽ liên tục và có chọn lọc tùy theo thái độ của Mỹ như thế nào".

Từ Tokyo, Nhật Bản, người chuyên theo dõi thời cuộc, nhà báo Đỗ Thông Minh bổ túc quan điểm của ông :

"Ngày xưa khi Mao Trạch Đông chiếm được Hoa Lục thì Trung Quốc mở trận pháo kích tơi bời lên hai vùng đảo Kim Môn và Mã Tổ của Đài Loan ngay sát Trung Quốc. Nhưng mà Mỹ đã đem đại bác 420 ly qua và giúp Đài Loan phản pháo. Đó là trận gọi là cuộc khủng hoảng Đài Loan lần thứ nhất".

"Lâu nay thì Trung Quốc vẫn đe dọa nhưng bà Thái Anh Văn và đảng Cấp Tiến luôn luôn nói rằng Đài Loan đã độc lập. Chính vì vậy mà tình hình căng thẳng hơn. Có điều ngày nay ai cũng sợ chiến tranh vì vũ khí càng ngày càng tối tân, không ai lường được bên kia sẽ đánh như thế nào. Trên nguyên tắc bên nào cũng tránh nổ sung trước nhưng nếu dưới hình thức một tai nạn ngoài ý muốn thì từ đó có thể bùng cháy thành cuộc chiến lớn".

Trả lời RFA qua điện thư về khả năng chiến tranh khi mà Trung Quốc liên tiếp tập trận trên vùng biển họ gọi là Nam Trung Hoa, giáo sư của Học Viện Quốc Phòng Australia là ông Carl Thayer nhắc lại bản phúc trình mà cơ quan điều tra Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ công bố hồi tháng Giêng 2019, trong đó từng cảnh báo một Trung Quốc với nỗ lực hiện đại hóa vũ khí, quân đội cùng những tàu chiến có khả năng phóng tên lửa tầm xa… đang là mối đe dọa đáng kể đối với quân lực Hoa Kỳ.

Ông Carl Thayer cho biết ông đã đề cập đến báo cáo này tại Diễn Đàn An Ninh Châu Á Thái Bình Dương 2020, tổ chức trực tuyến tại Đài Bắc ngày 8/9 vừa qua, và ông đã khẳng định rằng mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc càng ngày càng tăng bước qua năm 2020 này.

Ông nói đây cũng là nhận định của Bộ Quốc Phòng Australia và nguyên Thủ tướng Úc Kevin Rudd, trong lúc từ tháng 8/2020 một viên chức Trung Quốc đã tuyên bố nếu Hoa Kỳ gây hấn với Trung Quốc thì Bắc Kinh sẽ mạnh mẽ phản công lại bằng cách phóng tên lửa vào Đài Loan cũng như vào căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Guam.

Từ một thập niên trở lại đây, Giáo sư Carl Thayer trình bày tiếp, chưa bao giờ căng thẳng Mỹ Trung lại nóng tới độ có thể dẫn đến xung đột vũ trang như hiện nay.

Đây là hiện tượng đáng ngại nhất kể từ cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953. Nói một cách khác, Giáo sư Carl Thayer kết luận, thế giới không chỉ đang đối diện với một cuộc chiến tranh lạnh mà còn phải quan ngại trước viễn ảnh một cuộc chiến nóng gắt trong những ngày tới.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 02/10/2020

**********************

Việt Nam tố cáo Trung Quốc tập trận ở Biển Đông đe dọa đàm phán COC

Mai Vân, RFI, 02/10/2020

Kể từ đầu tuần, Bắc Kinh đã bắt đầu 5 cuộc tập trận đồng thời trên vùng biển bao quanh Trung Quốc, trong đó có hai cuộc gần quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông. Vào hôm qua, 01/10/2020, Việt Nam chính thức phản đối và cho rằng hành động tập trận của Bắc Kinh sẽ gây tổn hại cho các đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về một Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông (COC).

bd5

Tàu sân bay Trung Quốc Liêu Ninh và tàu hộ tống trong một cuộc diễn tập ở Biển Đông tháng 12/2016. Ảnh minh họa.  Reuters

Trong cuộc họp báo thường kỳ tại Hà Nội, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã lên án hành động của Trung Quốc và yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đối với phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam, các cuộc tập trận của Trung Quốc ở Hoàng Sa không những trái với tinh thần của bản Tuyên Bố về Cách Ứng Xử của các bên tại Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), mà còn "không có lợi cho đàm phán COC", tức Bộ Quy Tắc Ứng Xử về Biển Đông. Bà Lê Thị Thu Hằng nhắc lại rằng việc khởi động lại các cuộc đàm phán về COC, sau một thời gian dài bị đình chỉ vì dịch Covid-19, đang là ưu tiên của khối ASEAN và Trung Quốc.

Theo hãng tin Anh Reuters, COC là một mục tiêu mà cả ASEAN lẫn Trung Quốc đều nêu lên từ gần hai chục năm nay, nhưng giới chuyên gia an ninh khu vực đã đặt nghi vấn về thực tâm của Trung Quốc, cũng như rất hoài nghi về việc các bên đạt được một thỏa thuận có tính ràng buộc về pháp lý.

Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã lợi dụng tình hình các láng giềng phải lo chống dịch Covid-19 để tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông và liên tục tổ chức các cuộc tập trận tại các khu vực mà họ đòi chủ quyền. Hoa Kỳ đã cáo buộc Trung Quốc bắt nạt các nước láng giềng, trong khi Bắc Kinh nói rằng Washington và các đồng minh phương Tây đã đe dọa an ninh khi gửi tàu hải quân đến khu vực.

Về phần mình, tháng 8 vừa qua, Việt Nam đã tố cáo sự hiện diện của oanh tạc cơ Trung Quốc ở Hoàng Sa, xem đấy là điều "gây nguy hiểm cho hòa bình". 

Trong cuộc họp báo hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã tuyên bố hoan nghênh lập trường của Anh, Đức, Pháp, thể hiện trong công hàm gởi lên Liên Hiệp Quốc ngày 16/09 vừa qua, bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Mai Vân

Nguồn : RFI, 02/10/2020

Published in Diễn đàn

Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí đến Việt Nam

RFA, 01/10/2020

Đặc phái viên Tổng thống Mỹ, ông Marshall Billingslea vừa đến Việt Nam vào ngày 30/9 trong chuyến công du Châu Á của ông từ ngày 27/9.

bd1

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí Marshal Billingslea trả lời câu hỏi của báo chí ở Vienna, Áo hôm 23/6/2020  Reuters

Trả lời câu hỏi của phóng viên về mục đích chuyến thăm của ông Billingslea đến Việt Nam lần này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, trong cuộc họp báo hôm 1/10, nói rằng : "Chuyến thăm của Đặc phái viên Tổng thống Hoa Kỳ về kiểm soát vũ khí Marshal Billingslea đến Hà Nội là nhằm trao đổi quan hệ song phương cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao".

Trước khi đến Hà Nội, ông Billingslea đã đến Nam Hàn và Nhật Bản.

Chuyến thăm tới Nam Hàn của ông Billingslea được cho là để gây sức ép lên Nam Hàn trong việc cho phép Mỹ triển khai tên lửa tầm trung của Mỹ ở Châu Á nhằm chống lại việc Trung Quốc đang gia tăng kho vũ khí tên lửa của mình.

Ngay trước khi tới Nam Hàn, trong một phỏng vấn với hãng tin Yonhap của Nam Hàn, ông Billingslea cho biết mục đích chuyến thăm của ông là để thảo luận "sự gia tăng nhanh chóng kho vũ khí hạt nhân và các tên lửa đạn đạo và quy ước của Trung Quốc".

Ông Billingslea đồng thời cho biết ông đã có "các thông tin tình báo bổ sung để chia sẻ với đồng minh của Mỹ về các chương trình này của Trung Quốc".

Theo Japantimes, trong chuyến thăm tới Tokyo, ông Billingslea cũng thảo luận về vấn đề triển khai tên lửa tầm trung của Mỹ để đối phó với kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.

Hôm 30/9, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ có chuyến thăm Nhật Bản, Mông Cổ và Hàn Quốc từ ngày 4 đến ngày 8 tháng 10 tới đây.

Tại Nhật Bản, ông Pompeo sẽ dự hội nghị ngoại trưởng các nước thuộc Bộ tứ kim cương (Quad) với những người đồng cấp Nhật, Ấn Độ và Úc.

********************

Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí thăm Việt Nam

VOA, 01/10/2020

Đại sứ Marshall Billingslea, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về kiểm soát vũ khí, đang có chuyến công du tại Việt Nam bàn về mối đe dọa của việc phổ biến vũ khí hạt nhân trong khu vực, một phần trong chuyến công du Châu Á của ông nhằm ngăn cản hành vi hung hăng của Trung Quốc.

bd2

Đại sứ Marshall Billingslea, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về việc kiểm soát vũ khí và Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung tại Hà Nội ngày 01/10/2020. Photo Twitter Ambassador Marshall S. Billingslea.

Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến vào chiều ngày 1/10 tại Hà Nội, trang VNExpress dẫn lời Đặc sứ Billingslea nói : "Việt Nam được chọn làm điểm đến trong chuyến công du này vì những lý do rất rõ ràng, không chỉ nhằm kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, mà còn vì Việt Nam đang là nước Chủ tịch ASEAN và có nhiều nhà ngoại giao cấp cao dày dạn kinh nghiệm, có nhiều thành tích trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí".

Cũng hôm 1/10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết rằng chuyến thăm của đặc phái viên Tổng thống Hoa Kỳ về kiểm soát vũ khí Marshall Billingslea đến Hà Nội là "nhằm trao đổi quan hệ song phương, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm".

Các nguồn tin trong nước cho biết Đại sứ Billingslea đã đến Hà Nội vào chiều 30/9 sau khi thăm Hàn Quốc và Nhật Bản. Tháp tùng với ông Billingslea trong chuyến công du đến Hà Nội có tướng Thomas Bussiere, phó Chỉ huy Bộ tư lệnh Chiến lược quân đội Mỹ.

bd3

Đại sứ Marshall Billingslea, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về việc kiểm soát vũ khí thăm Hàn Quốc, ảnh đăng ngày 28/9/2020 trên Twitter Ambassador Marshall Billingslea.

Nội dung bàn bạc của ông Billingslea với các quan chức ở Hà Nội vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Yonhap của Hàn Quốc trước chuyến công du Châu Á, ông Billingslea nói mục đích chuyến đi của ông là thảo luận "sự tăng cường nhanh chóng kho vũ khí hạt nhân và các tên lửa đạn đạo và quy ước của Trung Quốc".

Sau cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Takeo Mori, ông Billingslea thông báo trên Twitter hôm 29/9: "Đã thảo luận về cách Mỹ và Nhật sẽ làm việc cùng nhau để đảm bảo ổn định và an ninh khu vực trước sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc".

Trước đó, hôm 28/9, ông Billingslea viết trên Twitter sau cuộc gặp với quan chức Hàn Quốc: "Vừa có một số cuộc họp quan trọng với các đồng minh Hàn Quốc của chúng tôi về hành vi gây bất ổn của Trung Quốc và sự hỗ trợ của Mỹ đối với an ninh bán đảo Triều Tiên".

Hãng tin Yonhap cho biết chuyến công du Châu Á của ông Billingslea diễn ra giữa lúc Washington đẩy mạnh triển khai tên lửa tầm trung ở Châu Á thông qua việc kêu gọi các đồng minh và các quốc gia thân hữu ở Châu Á tham gia các sáng kiến khác nhau để chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc, bao gồm cả phát triển khả năng phòng thủ.

Nhật và Hàn Quốc là hai đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực. Còn Việt Nam và Hoa Kỳ hiện có quan hệ "Đối tác Toàn diện," nhưng thực chất được chính giới Washington đánh giá là một "Quan hệ Chiến lược."

Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Billingslea được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm làm Đặc phái viên về kiểm soát vũ khí tháng 4/2020. Trong vai trò này, ông Billingslea sẽ thay mặt Chính phủ Mỹ dẫn dắt các đàm phán về kiểm soát vũ khí.

**********************

Biển Đông : Việt Nam và Anh Quốc "quan ngại sâu sắc" và nhấn mạnh vai trò của UNCLOS

RFI, 01/10/2020

Nhân chuyến công du Việt Nam kết thúc vào hôm qua, 30/09/2020 của ngoại trưởng Anh Dominic Raab, Hà Nội và Luân Đôn đã nhất trí tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên, và đã công bố một bản Tuyên Bố Chung trong đó vấn đề Biển Đông đã được nêu rõ. Hai nước đều bày tỏ thái độ "quan ngại sâu sắc" về các diễn biến gần đây và nhất là đều nhấn mạnh đến vai trò tối thượng của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

bd4

Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh và đồng nhiệm Anh Quốc Dominic Raab, trước cuộc hội đàm tại Hà Nội, ngày 30/09/2020.  AFP - Nhac Nguyen

Sau cuộc hội đàm ngày 30/09 tại Hà Nội giữa ngoại trưởng Anh Dominic Raab với đồng nhiệm Việt Nam Phạm Bình Minh, hai bên đã công bố bản "Tuyên bố Chung về Quan Hệ Đối Tác Chiến Lược Việt Nam-Vương Quốc Anh : "Định hướng phát triển trong 10 năm tới - Joint Declaration on the Vietnam - UK Strategic Partnership : Forging Ahead for Another 10 Years", bao gồm một phần mở đầu và 7 phần chính bao trùm mọi lãnh vực từ "Hợp tác chính trị-ngoại giao" cho đến hợp tác trên "Những vấn đề toàn cầu và khu vực".

Trong phần thứ 7 nói về các vấn đề toàn cầu và khu vực, Việt Nam và Vương Quốc Anh đã "bày tỏ quan ngại sâu sắc về các diễn biến ở Biển Đông, bao gồm các hoạt động cản trở, cải tạo và quân sự hóa các cấu trúc đang tranh chấp, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa và kiềm chế khi tiến hành các hoạt động và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình hoặc làm leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định".

Dù không nêu đích danh Trung Quốc, đoạn văn nói trên rõ ràng là nhắm vào các hành vi bành trướng và dọa nạt của Bắc Kinh trên Biển Đông để áp đặt yêu sách chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc.

Cũng trong phần thứ 7 này, vấn đề an ninh trên biển đã được Việt Nam và Anh Quốc nêu bật khi cùng khẳng định trở lại "tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không… không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công Ước Liên Hiệp Quốc năm 1982 về Luật Biển (UNCLOS).

Nhóm từ "tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý" được cho là nhắc đến bản Phán Quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye không công nhận các yêu sách chủ quyền "lịch sử" của Trung Quốc về Biển Đông, một phán quyết đã bị Bắc Kinh phủ nhận.

Tuyên Bố Chung Việt-Anh, Hà Nội và Luân Đôn đã nhấn mạnh rằng "UNCLOS là cơ sở để xác định phạm vi các vùng biển, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích hợp pháp đối với các vùng biển, và UNCLOS là khuôn khổ pháp lý toàn diện mà tất cả các hoạt động ở các vùng biển và đại dương phải tuân thủ".

Khi khẳng định rằng Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển là cơ sở (basis) để giải quyết các vấn đề trên biển, và là và "khuôn khổ pháp lý toàn diện" chi phối mọi hoạt động ở các vùng biển và đại dương, Việt Nam và Anh Quốc đã mặc nhiên bác bỏ lập luận mới được Trung Quốc nêu ra trong công hàm gởi Liên Hiệp Quốc ngày 18/09 vừa qua, trong đó Bắc Kinh cho rằng "UNCLOS không bao trùm mọi vấn đề về trật tự trên biển".

Nhìn chung bản Tuyên Bố Chung Việt Nam-Anh Quốc đi theo chiều hướng phản ứng cứng rắn hơn của Luân Đôn đối với đà bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, mà ví dụ điển hình nhất được thấy trong công hàm mà Anh Quốc cùng với Đức và Pháp đã gởi đến Liên Hiệp Quốc ngày 16/09 vừa qua, nội dung khẳng định giá trị tối thượng của UNCLOS được cho là "khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương", đồng thời bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết Biển Đông dựa theo "quyền lịch sử" vốn đã bị Phán Quyết Biển Đông 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye cho là không có cơ sở pháp lý.

Trọng Nghĩa

*******************

Nhật Bản công bố ngân sách quốc phòng kỷ lục

RFI, 30/09/2020

Hôm 30/09/2020, bộ quốc phòng Nhật Bản công bố một ngân sách quốc phòng mới, với số tiền kỷ lục tương đương 52 tỷ đôla, trong bối cảnh quốc gia này phải đối phó với mối đe dọa Bắc Triều Tiên và tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực.

bd5

Bộ trưởng quốc phòng Nhật, Nobuo Kishi, trong một cuộc họp báo tại Tokyo, ngày 16/09/2020.  Reuters – Kim Kyung-hoon

Bộ quốc phòng Nhật Bản cho biết sẽ yêu cầu Quốc Hội biểu quyết thông qua ngân sách quốc phòng nói trên cho tài khóa tới, bắt đầu từ ngày 01/04/2021. Đây sẽ là lần thứ 9 liên tiếp ngân sách quốc phòng của Nhật tăng thêm.

Tokyo dự trù sẽ trang bị hai khu trục hạm mới và một tàu ngầm, trị giá tổng cộng hơn 1,6 tỷ đôla. Bộ quốc phòng nước này cũng đang chuẩn bị thay thế các máy bay tiêm kích Mitsubishi F-2, một chương trình rất tốn kém về mặt nghiên cứu - phát triển và kéo dài nhiều năm.

Tuy nhiên, bộ quốc phòng không yêu cầu một ngân sách riêng cho hệ thống thay thế hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore mà chính phủ Tokyo đã từ bỏ vào tháng Tư 2020. Hệ thống này theo lẽ sẽ được lắp đặt tại hai địa điểm ở Nhật Bản, nhưng dự án gây lo người dân tại các địa phương. Cộng thêm những trở ngại về mặt kỹ thuật, chi phí cho dự án có thể cao hơn nhiều so với mức dự kiến là 4,2 tỷ đôla.

Chính phủ Tokyo đã cam kết từ đây đến cuối năm sẽ tìm một hệ thống thay thế Aegis Ashore. Trước khi từ chức vì lý do sức khỏe vào giữa tháng 9, thủ tướng Shinzo Abe một lần nữa nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa của Nhật Bản. Người kế nhiệm ông, Yoshihide Suga, dường như cũng có cùng lập trường. Về phần tân bộ trưởng quốc phòng Nobuo Kishi, gần đây, ông tuyên bố muốn đặt một hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển.

Thanh Phương

***********************

Biển Đông : bị Mỹ chỉ trích, Trung Quốc mở đợt tập trận thứ ba ở Hoàng Sa

RFI, 29/09/220

Ngày 28/09/2020, Hải quân Trung Quốc tổ chức tập trận gần quần đảo Hoàng Sa có tranh chấp. Đây là cuộc tập trận thứ ba trong năm của Trung Quốc trong khu vực. Chiến dịch quân sự này diễn ra sau khi Washington lên tiếng tố cáo Bắc Kinh có những hành động quân sự hóa mạo hiểm và khiêu khích tại những tiền đồn có tranh chấp.

bd6

Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc cùng đội tầu hộ tống trong một đợt thao diễn tại Biển Đông tháng 12/2016. Reuters/Stringer  Reuters

Hôm thứ Bảy, 26/09/2020, Cơ quan An Toàn Hàng Hải Trung Quốc ra thông báo lập hai vùng cấm từ 7 giờ sáng đến 3 giờ chiều, nhưng không nêu rõ chi tiết về cuộc tập trận. Tờ South China Morning Post hôm nay 29/09 trích dẫn một nguồn tin quân sự khẳng định đây là một cuộc tập trận bắn đạn thật.

Đấu khẩu Mỹ-Trung

Hôm qua, Trung Quốc đã có phản ứng về việc Mỹ tố cáo chủ tịch Tập Cận Bình nuốt lời hứa về việc Không quân sự hóa Biển Đông.

Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân, việc "xây dựng cơ sở hạ tầng phòng thủ cần thiết ở Biển Đông là quyền hợp pháp của Trung Quốc theo luật pháp quốc tế".

Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn khẳng định "việc Trung Quốc xây dựng trên lãnh thổ của mình ở Biển Đông chủ yếu phục vụ nhu cầu dân sự… điều này là hợp lẽ, hợp lý và hợp pháp, không liên quan gì đến việc quân sự hóa. Điều này về cơ bản giống như bất kỳ quốc gia nào xây dựng cơ sở hạ tầng phòng thủ trên lãnh thổ của mình".

Chủ Nhật, 27/9, tờ South China Morning Post đưa tin, Bộ Ngoại giao Mỹ tố cáo Bắc Kinh đã thất hứa trong hồ sơ Biển Đông. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ có đoạn ghi : "Năm năm trước… tổng bí thư Tập Cận Bình từng tuyên bố "Trung Quốc không có ý định theo đuổi quân sự hóa quần đảo Trường Sa và các tiền đồn của Trung Quốc sẽ không nhắm mục tiêu hoặc tác động đến bất kỳ quốc gia nào".

Thông cáo còn ghi thêm rằng thay vào đó, Trung Quốc đã theo đuổi việc quân sự hóa liều lĩnh và khiêu khích các tiền đồn đang tranh chấp đó. Bộ Ngoại giao Mỹ lên án "Đảng cộng sản Trung Quốc sử dụng những tiền đồn quân sự hóa đó như là những cơ sở cưỡng chế hòng khẳng định quyền kiểm soát các vùng lãnh hải mà Bắc Kinh không có một đòi hỏi lãnh hải nào là hợp pháp cả".

Quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc gọi là Tây Sa, bị Bắc Kinh chiếm lấy năm 1974 nhưng Hà Nội và Đài Bắc đều có đòi hỏi chủ quyền. Chính tại khu vực này, Trung Quốc đã cho tiến hành hai cuộc tập trận có quy mô lớn vào ngày 18/6 và 01/7 năm nay. Sự kiện đã bị Việt Nam và Hoa Kỳ phản đối mạnh mẽ.

Minh Anh

Published in Quốc tế

Dữ liệu cho thấy, việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông có những tác động đáng kể đến các tuyến đường vận chuyển hàng hải trong khu vực. Các chuyên gia cho rằng cường quốc Châu Á đang trỗi dậy này có thể đang xác định tư thế để có thể đặc định các điều kiện thương mại qua các vùng biển tranh chấp đó.

vantai1

Lưu lượng vận chuyển qua Biển Đông (trái) và đặc biệt là qua quần đảo Trường Sa (phải), trong năm 2017. Dữ liệu do MarineTraffic cung cấp. Đường màu xanh lá cây và màu đỏ biểu thị giao thông thương mại đông đúc ; đường màu xanh lam biểu thị đường ít có di chuyển. Đáng chú ý, lưu lượng tàu bè qua khu vực này gần như tránh hoàn toàn quần đảo Trường Sa. Một con đường hẹp duy nhất ngoài khơi Palawan, Philippines, là tuyến đường chính xuyên qua vùng biển ở đây. Dữ liệu do MarineTraffic cung cấp.

Trung Quốc đã tiến hành hai cuộc tập trận quân sự ở quần đảo Hoàng Sa trong ba tháng qua, trong bối cảnh căng thẳng với Hoa Kỳ đang gia tăng. Trong cả hai trường hợp, Trung Quốc đã ngăn chặn tất cả giao thông hàng hải qua khu vực trong thời gian diễn tập. Và trong cuộc tập trận lần thứ nhì, họ cũng đã cho phóng tên lửa đạn đạo chống hạm. Hôm thứ Bảy, họ đã công bố thêm hai cuộc tập trận ở quần đảo Hoàng Sa trong tuần này – nâng tổng số các cuộc tập trận từng thực hiện trong khu vực này lên bốn vụ.

Các chuyên gia cho rằng cuộc tập trận ở Biển Đông, bao trùm diện tích hơn 13.000 dặm vuông ngoài khơi tỉnh Hải Nam của Trung Quốc, có thể làm gián đoạn vận chuyển, nhưng chỉ trong một ít ngày vào đầu tháng Bảy và cuối tháng Tám. Đáng chú ý hơn là các xu hướng hiện rõ qua dữ liệu theo dõi tàu bè trong một thời gian dài, cho thấy các tàu thương mại đang tránh các tiền đồn và đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Hoàng Sa nằm ở phần phía bắc của Biển Đông, và đặc biệt là ở quần đảo Trường Sa xa hơn về phía nam. Ở cả hai nơi, lưu lượng vận chuyển càng tập trung nhiều hơn vào một số nhỏ các tuyến đường ngày càng đông đúc.

Ông Sal Mercogliano, một nhà sử học hàng hải tại Đại học Campbell ở Bắc Carolina, nói".Chỉ có một số các đoạn đường rất hẹp xuyên qua Biển Đông chạy dọc quần đảo Trường Sa. Không cần có biến cố lớn để làm gián đoạn chuỗi cung ứng trên các tuyến đường biển đó".

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông dựa trên "quyền lịch sử", một lập trường không có cơ sở theo luật pháp quốc tế. Điều đó đã khiến Bắc Kinh đụng độ với sáu chính phủ Châu Á khác – Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Brunei, Malaysia và Indonesia. Theo Báo cáo Sức mạnh Quân sự Trung Quốc do Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ phổ biến hàng năm, Trung Quốc đã khẳng định quyền hạn của họ bằng cách triển khai lực lượng tuần duyên và hải quân Trung Quốc. Cả hai lực lượng là các hạm đội lớn nhất trên thế giới.

Hoa Kỳ thường lập luận rằng hành vi quân sự hóa của Trung Quốc là mối đe dọa tự do mậu dịch và giao thông hàng hải. Úc, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Ấn Độ và Đức cũng đã nêu lên quan ngại này.

Gần một phần ba thương mại thế giới đi qua Biển Đông, với hàng hóa trị giá khoảng 5.000 tỷ Mỹ kim. Trong 10 cảng lớn nhất thâu nhận các tàu chở hàng hóa này thì có 9 cảng ở Châu Á.

Cho đến nay, có rất ít bằng chứng về sự gián đoạn nghiêm trọng vận chuyển mậu dịch ở Biển Đông. Tuy nhiên, dữ liệu được thu thập bởi MarineTraffic, một dịch vụ trực tuyến theo dõi tàu bè, cho thấy từ năm 2016 đến 2017, hầu hết các tàu chở dầu hoặc hàng hóa đều đi quanh quần đảo Hoàng Sa, làm tăng lưu lượng vận chuyển tại khu vực về phía đông nam và tây bắc, cho dù có tuyến đường trực tiếp hơn thông qua quần đảo Hoàng Sa mà ít tốn phí nhiên liệu.

vantai2

Tàu bè đi lại ở nửa phía bắc của Biển Đông năm 2017. Các đường màu xanh lá cây cho thấy lưu lượng giao thông cao hơn. Trong cả hai năm, hầu hết các tàu chọn đi quanh hơn là đi thẳng qua quần đảo Hoàng Sa, nơi mà Trung Quốc chiếm đóng và đã phát triển thành trung tâm quân sự lớn. Dữ liệu do MarineTraffic cung cấp.

Shipmap, một công cụ trực quan hóa đường vận chuyển do Viện Năng lượng của Đại học College London phát triển, cho thấy được số lượng vận chuyển container (thùng kín) qua khu vực này vào năm 2012. Tàu bè thường xuyên đi ngang Hoàng Sa, giữa Đảo Linh Côn và Đảo Phú Lâm. Đây là trước khi các dự án bối lấp đất và nạo vét quy mô lớn biến hai đảo này trở thành tiền đồn quân sự của Trung Quốc vào năm 2014.

Hải quân Hoa Kỳ đã thực hiện chiến dịch tự do hàng hải qua Hoàng Sa vào cuối tháng 8 và coi đây là một nỗ lực "đảm bảo các tuyến đường vận chuyển quan trọng trong khu vực vẫn được tự do và rộng mở". Hoàng Sa do Trung Quốc chiếm hoàn toàn nhưng Việt Nam và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền.

Ông Johan Gott, một đối tác của công ty tư vấn vấn về rủi ro chính trị PRISM, và ông Mercogliano cho biết tác động từ việc chuyển hướng vận chuyển hàng hải qua quần đảo Hoàng Sa còn tương đối nhỏ.

Nhưng ở Trường Sa, nằm xa hơn về phía nam, nơi các yêu sách lãnh thổ xung đột đặc biệt phức tạp, tác động này rõ nét hơn. Dữ liệu của MarineTraffic từ năm 2017 cho thấy lưu lượng tàu bè qua khu vực này gần như tránh hoàn toàn quần đảo đang bị tranh chấp. Một con đường hẹp duy nhất ngoài khơi Palawan, Philippines, là tuyến đường chính xuyên qua vùng biển đó.

Các bản đồ trước đây của khu vực, trong đó có bản đồ từ năm 2012 nêu trên, cho thấy không phải là một sự thay đổi mới đây : vận chuyển hàng hải từ lâu nay đã tránh đi quanh khu vực này từ trước khi Trung Quốc tung hoành xây đảo ở Trường Sa.

Trung Quốc hiện có các căn cứ tại Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn, Đá Su Bi, Bải Châu Viên, Đá Gạc Ma và Đá Ga Ven, bao gồm các phi đạo và bến cảng để phục vụ các tàu tuần duyên hoặc tàu dân sự. Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam đều chiếm đóng hoặc có yêu sách trên một số đảo nhỏ, đá ngầm và bãi cạn trong quần đảo này.

vantai3

Cận cảnh quần đảo Trường Sa và các tuyến đường mà tàu mậu dịch dùng để tránh khu vực này. Vì chỉ có ít lối đi hẹp mà các tàu bè có để đi vòng quanh quần đảo Trường Sa, ông Mercogliano cho rằng sẽ không tốn nhiều nỗ lực để phá các tuyến vận chuyển quan trọng đó, điều này giải thích cho việc Trung Quốc đã quân sự hóa khu vực. Dữ liệu do MarineTraffic cung cấp.

Mối đe dọa khẩn cấp hơn

Mặc dù những xu hướng này nêu lên tác động đến hoạt động vận tải biển ở Biển Đông ; tuy vậy chưa có nhiều bằng chứng lắm cho thấy việc quân sự hóa ở đây từ phía Trung Quốc đã đe dọa đến thương mại tự do.

"Trong thời bình, tôi không thấy có sự gián đoạn đáng kể nào đối với lưu lượng hàng hóa", ông Gott nói.

Ông lưu ý rằng Trung Quốc không có lợi ích gì khi can thiệp vào vận chuyển mậu dịch vì hàng hóa của Trung Quốc cũng đi qua khu vực này. Bảy trong số 10 cảng thương mại lớn nhất là ở Trung Quốc, và một số công ty vận chuyển hàng hải lớn nhất thế giới cũng của Trung Quốc và phụ thuộc vào việc tiếp cận tuyến đường này.

Ông Gott nói thêm, các cuộc tập trận quân sự, như các cuộc tập trận mà Trung Quốc tiến hành vào mùa hè vừa qua ở Hoàng Sa, sẽ ít ảnh hưởng đến tổn phí và lợi nhuận của các công ty vận chuyển hàng hải vì các tàu đã thích nghi với hoàn cảnh này rồi.

"Việc vận chuyển có sự gián đoạn, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn hạn, và tôi nghĩ rằng các công ty vận chuyển đã quen với việc phải định tuyến và điều hướng lại, vì thời tiết, vì [các cuộc tập trận] quân sự, hay vì bất cứ điều gì", ông Gott nói. "Tôi không nghĩ rằng sẽ là sự chênh lệch đáng chú ý về tổn phí vận chuyển của một container".

Ông Gott cho rằng mối đe dọa lớn hơn từ hành vi quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông liên quan đến việc khai thác tài nguyên trong các vùng đặc quyền kinh tế, còn gọi là EEZ, của các nước láng giềng.

Mỗi quốc gia có một đặc khu kinh tế mở rộng 200 hải lý từ bờ biển của họ, nơi đây có thể khai thác đánh cá, dầu và các tài nguyên khác. Tuy nhiên, yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông đã lấn vào các đặc khu kinh tế của các quốc gia như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia.

Đây là mối quan tâm thường được Hoa Kỳ đề cập trong khẩu chiến ngày càng căng thẳng với Trung Quốc.

Khi được Đài Á Châu Tự do hỏi liệu Mỹ có thấy dấu hiệu đe dọa rõ ràng nào đối với vận chuyển hàng hải ở Biển Đông từ phía của Trung Quốc, ông David Helvey, một viên chức cao cấp của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề An ninh Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương, đã đề cập đến nỗ lực của Trung Quốc nhằm hạn chế các nước khác khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Ông trích dẫn các trường hợp "triển khai lực lượng hải quân hoặc tuần duyên Trung Quốc hoặc thậm chí, trong một số trường hợp, cả đơn vị và tàu hải quân [Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc] vào vùng đặc quyền kinh tế để quấy rối, thách thức các hoạt động đánh cá hoặc thăm dò và khai thác năng lượng". Ông Helvey phát biểu như trên tại một sự kiện ngày 16 tháng 9 do Viện nghiên cứu Đài Loan Toàn cầu, với trụ sở tại Washington DC, tổ chức.

vantai4

Một bức ảnh được chụp vào ngày 23/7/2020 cho thấy tàu chở hàng COSCO Shipping rời bến EuroFos tại cảng Fos-Sur-Mer, ở Marseille, miền nam nước Pháp. Với sự hậu thuẫn của chính phủ, COSCO được thành lập từ sự hợp nhất giữa hai tập đoàn vận chuyển hàng hải trong các tập đoàn lớn nhất của Trung Quốc vào năm 2016, tạo ra công ty vận chuyển hàng hải lớn thứ ba trên thế giới. CLEMENT MAHOUDEAU / AFP

Trung Quốc : Cường quốc Hàng hải mạnh hơn Hoa Kỳ ?

Trung Quốc khẳng định chủ quyền trên các khu vực tranh chấp ở Biển Đông và hôm thứ Hai đã mô tả việc xây dựng các cơ sở quân sự ở Trường Sa như một hành động thực thi quyền "bảo tồn và tự vệ theo luật pháp quốc tế".

"Chúng tôi xây công trình trên lãnh thổ của chúng tôi nhằm đáp ứng nhu cầu dân sự ở Biển Đông, cung cấp nhiều hàng hóa và dịch vụ công cộng hơn cho khu vực và xa hơn nữa, hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế của chúng tôi", phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân phát biểu như vậy tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, theo văn bản được phổ biến của Bộ.

Ông nói thêm : "Việc triển khai các cơ sở quốc phòng cần thiết trên quần đảo Nam Sa (tên mà Trung Quốc đặt cho Trường Sa) là một hành động thực thi quyền bảo tồn và tự vệ của Trung Quốc dưới luật pháp quốc tế".

Lời nhận định này, theo ông Mercogliano xác định, chính là lý do vì sao Trung Quốc quân sự hóa khu vực : mong muốn đảm bảo thương mại của quốc gia này vì lo ngại rằng Mỹ hoặc bất kỳ quốc gia nào khác có thể làm gián đoạn hoạt động vận chuyển mậu dịch.

"Tôi nghĩ một trong những điều mà người Trung Quốc đang cố gắng làm là đảm bảo cho các tuyến đường thương mại đó luôn luôn mở và đó là một trong những lý do họ có mặt trên các tuyến đường đó để đảm bảo không có sự cản trở, lưu lượng hàng hóa không bị ngưng", ông nói.

Ông Mercogliano nói, trong khi nhiều quốc gia khác từ bỏ ý định có một đội tàu buôn quốc gia, thì Trung Quốc đã mở rộng nó. Trung Quốc có một đội thương thuyền lớn hơn Hoa Kỳ hoặc các quốc gia khác. Đội thương thuyền này được thiết kế để đảm bảo vận chuyển hàng hải của Trung Quốc tiếp diễn ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng. Trung Quốc hiện cũng đóng 40% các con tàu chở hàng trên thế giới.

"Ai là cường quốc hàng hải mạnh hơn" ? ông Mercogliano hỏi. "Nếu bạn đang tham gia một cuộc chiến tranh bắn súng thì câu trả lời là Hải quân Hoa Kỳ, nhưng nếu bạn đang ở trong thời bình, về khía cạnh mậu dịch, có vẻ như Trung Quốc đang ở vị thế tốt hơn".

Theo các chuyên gia, Trung Quốc cũng đang khẳng định vai trò đảm bảo an ninh và thực thi luật pháp ở Biển Đông và điều này có thể cho phép quốc gia này kiểm soát vận chuyển hàng hải nhiều hơn.

Trung Quốc xem Biển Đông là 'vùng biển gần' và cho rằng khu vực này thuộc quyền tài phán của mình. Gần đây Trung Quốc đã lần đầu tiên thực hiện ngăn chặn một con tàu bị nghi buôn ma túy ở quần đảo Trường Sa, gần căn cứ quân sự của nước này tại Đá Chữ Thập. Cơ quan lập pháp của Trung Quốc gần đây đã thông qua luật mới về giao thông hàng hải, cho phép các cơ quan cảnh sát hàng hải như lực lượng tuần duyên có quyền truy đuổi và bắt giữ bất kỳ tàu nào bị tình nghi di chuyển qua "vùng biển thuộc quyền tài phán" của họ, một cụm từ mơ hồ bao gồm lãnh hải ở Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền.

"Họ muốn trở thành cơ quan quản lý. Họ không muốn để lại khoảng trống cho Hoa Kỳ hoặc các quốc gia khác lấp đầy. Họ thà tự lấp đầy nó", ông Mercogliano nói.

Drake Long

Nguồn : RFA, 30/09/2020

Published in Diễn đàn

Lo Trung Quốc tấn công Đài Loan - Mỹ, Nhật Bản tập trận trong dịp bầu cử 3/11

BBC, 28/09/2020

Mỹ và Nhật Bản sẽ tập trận trước bối cảnh chuyên gia cảnh báo Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan trong cuộc bầu cử Mỹ tháng 11, theo Taiwan News.

bd1

Hàng không Mẫu hạm Mỹ USS Nimitz (trái), USS Ronald Reagan (giữa) and USS Theodore Roosevelt (phải) trong cuộc tập trận tại Biển Đông tháng 11 năm 2017

Quân đội Mỹ thông báo sẽ tổ chức cuộc tập trận "Keen Sword" với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) tại Nhật Bản vì lo ngại Trung Quốc có thể khai thác những phiền nhiễu do cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 3/11 gây ra.

Trong bài xã luận 'There may never be a better moment for China to strike than the week of Nov. 3.'' đăng hôm 17/ 9, Seth Cropsey, một cựu sĩ quan hải quân và là thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Hudson, trụ sở tại Washington, đã cảnh báo về nguy cơ này.

Một tuần sau bài viết này, ngày 24/9, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ thông báo sẽ tổ chức các cuộc tập trận chung với tối thiểu 46.000 binh sĩ cùng với JSDF và Hải quân Hoàng gia Canada, bao gồm các cuộc đổ bộ lên một số hòn đảo của Nhật Bản bắt đầu từ ngày 26/10.

Bài viết của Seth Cropsey nhắc lại rằng kể từ khi virus Vũ Hán (Covid-19) lây lan ra toàn thế giới vào tháng Tư, Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) Trung Quốc đã điều máy bay chiến đấu xâm phạm vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan (ADIZ), điều động tàu sân bay của họ qua eo biển Miyako, đồng thời có các cuộc tập trận lớn gần eo biển Đài Loan.

Seth Cropsey cảnh báo đây "không chỉ là một dạng tín hiệu chính trị phức tạp", mà là sự chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào Đài Loan, với mục tiêu "khuất phục đảo quốc này trước khi Mỹ và các đồng minh có thể đáp trả".

Hiện tại, sự thù địch giữa hai đảng chính trị chính ở Hoa Kỳ về cuộc bầu cử tổng thống đang gia tăng, vì Tổng thống Donald Trump từ chối cam kết sẽ chuyển giao quyền lực một cách ôn hòa. Ông Cropsey lập luận rằng nếu Hoa Kỳ bị lôi kéo vào cuộc chiến chuyển giao quyền lực do bầu cử gây ra, thì nước này sẽ ít sẵn sàng tham gia vào một "cuộc xung đột giữa các cường quốc cấp cao".

Do đó, ông Seth Cropsey cho rằng, theo quan điểm của Trung Quốc, 'có thể không bao giờ có thời điểm tốt hơn' để tấn công vào Đài Loan hơn tuần lễ 3/11.

Việc quân đội Mỹ thông báo họ sẽ tổ chức các cuộc tập trận chung trong tháng 10, từ 26/10 đến 5/11 với Nhật Bản và Canada, đang làm cho các tính toán của Bắc Kinh thêm phức tạp, Cropsey nhận định.

Theo báo cáo của Minaminihon Broadcasting (MBC), JSDF sẽ triển khai khoảng 37.000 binh lính, 20 tàu chiến và 170 máy bay trong cuộc tập trận chiến tranh cứ hai năm một lần. Phía Hoa Kỳ sẽ cử khoảng 9.000 người từ Hải quân, Thủy quân lục chiến, Lục quân và Không quân Hoa Kỳ, trong khi một tàu khu trục nhỏ lớp Halifax của Hải quân Hoàng gia Canada sẽ tham gia các cuộc tập trận trên biển.

Trong lúc tập trận, lực lượng Hoa Kỳ sẽ huấn luyện các đối tác Nhật Bản từ các căn cứ quân sự trên khắp lục địa Nhật Bản, tỉnh Okinawa và "vùng lãnh hải xung quanh của họ".

Các mục tiêu của cuộc tập trận được liệt kê bao gồm đào tạo cho các tình huống thực tế, "tăng cường sự sẵn sàng, khả năng tương tác và xây dựng khả năng răn đe đáng tin cậy".

Trong một diễn biến liên quan, vẫn theo Taiwan News, Bộ Quốc phòng Đài Loan (MND) trước đó bác bỏ tin cho rằng nước này thiếu nguồn cung cấp tên lửa để chống lại "cuộc tấn công bão hòa" của Trung Quốc.

Trong thông cáo báo chí phát đi hôm hôm 21/9, Bộ Quốc phòng Đài Loan nói cuộc tập trận máy tính Han Kuang 36, được tổ chức từ ngày 14 - 18 tháng 9, "không chỉ đạt được đầy đủ các mục tiêu huấn luyện mà còn thu được các kết quả xác minh quan trọng".

Đài Loan tuyên bố rằng quân đội Đài Loan được hướng dẫn theo nguyên tắc "không khiêu khích, không lùi bước" và "càng gần quấy rối, phản ứng càng tích cực". Đài Loan cũng nhấn mạnh rằng nó đã xác định lại các quy tắc tham gia từ "cuộc tấn công đầu tiên" thành "quyền tự vệ", có nghĩa là các lực lượng vũ trang sẽ chỉ nổ súng trước trong trường hợp có nguy cơ rõ ràng về các hành động của kẻ thù.

''Tấn công bão hòa'' là một chiến thuật quân sự trong đó lực lượng tấn công tìm cách giành ưu thế bằng cách áp đảo khả năng trả đũa hiệu quả của lực lượng phòng thủ. Theo MND, khi Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) phát triển nhanh chóng các loại vũ khí của mình trong thời gian gần đây, quân đội Đài Loan đã mô phỏng "kịch bản chiến đấu khắc nghiệt nhất, 'tấn công bão hòa', thông qua chiến tranh máy tính Hankuang".

Nguồn : BBC, 28/09/2020

********************

B Ngoi giao M : ‘Trung Quc ha suông v Bin Đông’

VOA, 28/09/2020

Ngày 27/9, B Ngoi giao Hoa K ra tuyên b nói rng trái ngược vi nhng gì Ch tch Tp Cn Bình ha trước đây, Trung Quc vn theo đui công cuc quân s hóa qun đo Trường Sa trên Bin Đông.

bd2

Ch tch Trung Quc Tp Cn Bình phát biu ti Vườn Hng Nhà Trng, ngày 25/9/2015.

"Năm năm trước, vào ngày 25/9/2015, Tng Bí thư Trung Quc Tp Cn Bình đng trong Vườn Hng ca Nhà Trng và tuyên b : "Trung Quc không có ý đnh theo đui quân s hóa" qun đo Trường Sa, và các tin đn ca Trung Quc s không "nhm mc tiêu hoc tác đng đến bt k quc gia nào", tuyên b ca B Ngoi Hoa K cho biết.

"Thay vào đó, Trung Quc đã theo đui mt cuc quân s hóa liu lĩnh và khiêu khích các tin đn đang có tranh chp, h đã trin khai tên la hành trình chng hm, m rng kh năng tình báo tín hiu và radar quân s, xây dng hàng chc nhà kho máy bay chiến đu và xây dng đường băng có kh năng dùng cho máy bay chiến đu", tuyên b viết.

Chính quyn Bc Kinh chưa có phn ng ngay, nhưng hi tháng 8/2018, Ngoi trưởng Trung Quc Vương Ngh lên tiếng bo v quyết đnh quân s hóa Bin Đông, gi đó là hành đng "tự vệ" trước áp lc t Hoa K và các nước khác.

B Ngoi giao M viết : "Đảng cộng sản Trung Quc s dng các tin đn được quân s hóa này như nhng nn tng mang tính cưỡng ép đ khng đnh quyn kim soát đi vi các vùng bin mà Bc Kinh không có ch quyn hàng hi hp pháp".

Các tin đn này đóng vai trò là nơi tp trung hàng trăm tàu dân quân bin và tàu Cnh sát bin Trung Quc thường xuyên quy ri tàu dân s và cn tr các hot đng thc thi pháp lut hp pháp, đánh bt xa b và phát trin hydrocarbon ca các quc gia láng ging, vn theo tuyên b ca B Ngoi M.

"Đảng cộng sản Trung Quốc không tôn trng li nói hoc cam kết ca mình. Trong nhng tháng gn đây, chúng tôi đã chng kiến mt s lượng ln chưa tng có các quc gia bày t s phn đi chính thc ca h ti Liên Hp Quc đi vi các yêu sách ch quyn hàng hi trái pháp lut ca Trung Quc Bin Đông", B Ngoi M khng đnh.

Ngay sau khi các nước Châu Âu gi công hàm lên LHQ bác b yêu sách ch quyn ca Trung Quc Bin Đông nhm "bo v tính toàn vn ca Công ước LHQ v Lut Bin (UNCLOS", Trung Quc gi công hàm lên LHQ hôm 18/9, trong đó Bc Kinh lp lun rng "UNCLOS không bao trùm hết mi vn đ" và mt ln na khng đnh Trung Quc "có quyn lch s đi vi đường chín đon trên Bin Đông".

B Ngoi giao Hoa K kêu gi cng đng quc tế tiếp tc lên tiếng "phn đi hành vi nguy him và không th chp nhn được này", đng thi nói rõ vi Đảng cộng sản Trung Quốc rng "chúng tôi s buc h gii trình v hành vi đó".

B Ngoi giao M cho biết Hoa K s tiếp tc sát cánh vi các đng minh và đi tác Đông Nam Á trong vic "chng li các n lc mang tính cưỡng ép ca Trung Quc nhm thiết lp quyn thng tr trên Bin Đông".

*******************

Trung-Đài : Liên Âu giúp Đài Bắc hóa giải một áp lực của Bắc Kinh

Tú Anh, RFI, 28/09/2020

Chính phủ Đài Bắc tỏ ra rất hài lòng và cám ơn Liên Hiệp Châu Âu can thiệp để một liên minh các thị trưởng thế giới thôi không gọi các thành phố Đài Loan là một bộ phận của Hoa lục. Trong bối cảnh bị sức ép của Bắc Kinh trên mọi lãnh vực, đây là một chiến thắng hiếm hoi của Đài Bắc.

bd3

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trong cuộc họp báo tại Đài Bắc, tháng 8/2020  © Reuters - Ann Wang

Theo Reuters, Trung Quốc gây sức ép để các tập đoàn quốc tế ghi vào website và các văn kiện chính thức Đài Loan là lãnh thổ của Hoa lục. Điều này làm chính quyền và một phần dân chúng Đài Loan tức giận.

Cuối tuần qua, Đài Bắc đã phản đối mạnh mẽ sau khi Hiệp hội các Thị trưởng vì Khí hậu và Năng lượng, trụ sở tại Bruxelles, sắp xếp tên của sáu thành phố của Đài Loan, trong đó có thủ đô Đài Bắc, vào trang mạng của tổ chức và ghi chú là những thành phố của Trung Quốc.

Thị trưởng của các thành phố này lập tức phổ biến thư phản đối. Cuối cùng hiệp hội sử dụng danh xưng "Trung Hoa-Đài Bắc" ghi sau tên mỗi thành phố của Đài Loan.

"Trung Hoa-Đài Bắc" là danh xưng của Đài Loan trong một số định chế quốc tế như Thế Vận Hội để không bị Bắc Kinh ngăn cản.

Theo tuyên bố của ngoại trưởng Ngô Chiêu Nhiếp với Quốc Hội, Đài Loan được sự ủng hộ của Liên Hiệp Châu Âu trong nỗ lực này và rất hài lòng. Cho dù nhiều người không vui với cụm từ "Trung Hoa-Đài Bắc" nhưng điều cốt lõi là Đài Loan được tham gia và không bị đặt dưới tên một nước khác, ngoại trưởng Đài Loan giải thích.

Washington lên án Tập Cận Bình nuốt lời hứa

Bộ Ngoại giao Mỹ tố cáo Trung Quốc vi phạm lời cam kết không quân sự hóa Biển Đông. Theo AP, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, Morgan Ortagus, trong tuyên bố hôm Chủ Nhật 27/09/2020, nhắc lại mấy lời cam kết của chủ tịch Trung Quốc. Khi viếng thăm Hoa Kỳ vào năm 2015, ông Tập Cận Bình có minh xác : một là "không quân sự hóa" quần đảo Trường Sa và hai là không sử dụng các căn cứ tiền phương để đe dọa bất kỳ ai. Thế nhưng, Trung Quốc đã bồi đắp các đảo nhân tạo thành căn cứ quân sự, bố trí tên lửa phòng không, xây phi đạo và nhà chứa máy bay chiến đấu.

Phát ngôn viên Morgan Ortagus tố cáo Trung Quốc kiểm soát, áp đặt chủ quyền tại những vùng biển mà Trung Quốc không có tư cách chính đáng. Cụ thể, các căn cứ quân sự này là cơ sở hậu cần, là nơi tập trung hàng trăm tàu cá của dân quân biển cũng như tàu hải cảnh Trung Quốc để thường xuyên dọa nạt tàu đánh cá, tàu dân sự, tàu tuần tra của các nước láng giềng, không cho họ đánh bắt hải sản và khai thác dầu hỏa.

Tú Anh

Published in Châu Á

Trung Quốc luôn luôn coi Biển Đông là "lợi ích cốt lõi", như Tân Cương, Tây Tạng, Đài Loan và sẽ dùng quân sự để chiếm toàn bộ khi có điều kiện, nhưng Việt Nam chưa biêt phải xoay xở ra sao, hay nương nhờ vào ai khi bị tấn công.

biendong1

Trung Quốc luôn luôn coi Biển Đông là "lợi ích cốt lõi" và sẽ dùng quân sự để chiếm toàn bộ khi có điều kiện

Đó là khẳng định đan xen băn khoăn đang lan rộng trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam trước thềm Đại hội đảng XIII, diễn ra đầu tháng 01/2021.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói ra tính "phức tạp" của tình hình Biển Đông trong bài viết ngày 31/08/2020, "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới".

Ông nói : "Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng. Tại Đông Nam Á, môi trường an ninh, tình hình tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông tiếp tục diễn ra phức tạp".

Ông Trọng không nói ra chi tiết tình hình hiện tại ở Biển Đông phức tạp như thế nào, cũng như đã tránh chỉ đích danh Trung Quốc là nước duy nhất đã gây ra tình trạng bất ổn hiện nay.

Khối 10 nước của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (Association of South East Asia Nations, ASEAN), trong đó có 5 nước tranh chấp chủ quyền biển đảo với Bắc Kinh gồm Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Nam Dương và Brunei đã cáo buộc Trung Quốc không ngừng dọa nạt, tấn công và nuôi mưu đồ độc quyền chiếm trọn Biển Đông.

Các nước bên ngoài như Nhât Bản, Úc, Ấn Độ, khối Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng ủng hộ lập trường của khối ASEAN.

Bắc Kinh còn bị lên án tại nhiều diễn đàn Quốc tế đã gây ra sự bất ổn định ở Biển Đông từ Thế kỷ XX, khi các Lãnh đạo Trung Quốc liên tục tự nhận quyền làm chủ 85% vùng biển rộng trên 4 triệu cây số vuông từ thời Cổ đại.

Vì vậy, trong bài viết chủ tâm nói về "phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ Đại hội XIII và giai đoạn sắp tới", công bố ngày 31/08/2020, ông Trọng đã, thêm lần nữa, báo động rằng : "Đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ còn phức tạp".

Ông nói : "Dự báo trong những năm tới, bối cảnh quốc tế, khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi phức tạp, nhanh chóng, khó lường", vì vậy phải "Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa ; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những nhân tố bất lợi, nhất là những nhân tố có thể gây đột biến ; đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch".

Sẵn sàng chưa ?

Người đứng đầu đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đã vẽ ra đủ thứ hiểm họa và nêu lên ý tưởng chuẩn bị lực lương và khí tài để đối phó, nhưng trên thực tế, không có bằng chứng nào được nhìn thấy là Việt Nam đã sẵn sàng chiến đấu để thắng, nếu bị Trung Quốc tấn công, trên đất liền hay ở Biển Đông.

Thêm vào đó, cũng chưa thấy có kế hoạch học tập đại trào trong dân, tuyên truyền về hiểm họa Trung Quốc trên báo chí, truyền thông hay công tác chuẩn bị tinh thần "sẵn sàng chiến đấu, quyết chiến quyết thắng" trong lực lượng võ trang gồm Quân dội và Công an, lực lượng dân phòng về hiểm họa từ Bắc Kinh.

Mọi chuyện ở Việt Nam bây giờ, trước ngày khai mạc Đại hội đảng XIII, đều tập trung vào công tác nhân sự với hai việc cốt lõi là mọi người phải tuân thủ là :

1) "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng" gồm kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương và chính sách của đảng.

2) "Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ".

Hai nhiệm vụ "then chốt của then chốt" (chữ của ông Nguyễn Phú Trọng) này, không có gì liên quan đến chuyện giữ nước và dựng nước mà chỉ có một mục đích duy nhất là bằng mọi cách phải bảo vệ quyền tiếp tục độc tôn lãnh đạo phản dân chủ của Đảng cộng sản Việt Nam.

Trong khi đó, Trung Quốc đã biến Hoàng Sa, chiếm từ tay quân đội Việt Nam Cộng Hòa tháng 1/1974, thành một thành phố thương mại và quốc phòng kiên cố với bến cảng và sân bay dùng cả cho dân sự lẫn quân sự. Bước sang năm 2020, Bắc Kinh cho biết quân đội của họ đã sẵn sàng cho phòng tuyến "nhận diện phòng không" (Air defense identification zone (ADIZ) hoạt động ở Biển Đông để kiểm soát lưu thông trên không, song song với việc dùng tầu hải giám và cánh sát biển để kiểm soát hải sản và tầu bè qua lại trên Biển Đông.

Tuy nhiên năm 2020 gần hết mà chưa thấy Bắc Kinh công bố thời điểm được đưa vào hoạt động chủ trương này. Hoa Kỳ, nước duy nhất có lực lượng hải quân hùng hậu lâu đời ở Châu Á-Thái Bình Dương, đã bác bỏ tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Tuy nhiên, khối ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, nước nhìn ra Biển Đông, đã tỏ ra rất lo ngại nếu Trung Quốc thi hành kế hoạch kiểm soát nguy hiểm này. Bởi vì, vùng trời và vùng biển đều có quyền lợi kinh tế như không lưu, vận chuyển hàng hải, khoáng sản, hơi đốt và các giàn khoan dầu cùng quốc phòng quan trọng của Việt Nam

Nên biết, để làm hậu phương cho kế hoạch chiếm trọn Biển Đông, Trung Quốc đã tân tạo và quân sự hóa xong 8 đá và bãi san hô trong vùng Trường Sa từ sau trận chiến ở Trường Sa với Hải quân Việt Nam năm 1988.

Các vị trí bị quân Trung Quốc chiếm gồm Châu Viện, Chữ Thập, Ga Ven, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Xu Bi và Vành Khăn (mất năm 1995). Sau khi Vành Khăn mất, Việt Nam coi như mất luôn quyền kiểm soát bãi Cỏ Mây, một rạn san hô vòng thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa nằm về phía đông nam của đá Vành Khăn. Hiện bãi Cỏ Mây đang bị tranh chấp giữa Phi Luât Tân và Trung Quốc.

Phía Trung Quốc nói gì ?

Tuy nhiên, trong bài phát biểu viễn tuyến từ Bắc Kinh tới kỳ họp thứ 75 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 23/09/2020, Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, đã nhắc lại lập trường cũ của Trung Quốc về vấn đề tranh chấp với nước khác.

Ông nói : "Là nước đang phát triển lớn nhất thế giới, đi con đường phát triển hòa bình, phát triển cởi mở, phát triển hợp tác và phát triển chung. Trung Quốc mãi mãi không xưng bá, không bành trướng, không mưu cầu phạm vi thế lực, không có ý định Chiến tranh Lạnh hay Nóng với bất cứ nước nào, kiên trì hàn gắn bất đồng bằng đối thoại, giải quyết tranh chấp qua đàm hán", theo CRI (China Radio International-tiếng Việt).

Thông điệp của ông Tập là nhằm nói với Mỹ, vì cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đã tăng cao từ khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống năm 2016. Hai nước cũng đã căng thẳng ở Biển Đông, sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Mike Pompeo lên án Trung Quốc đã đe dọa các nước nhỏ ở Đông Nam Á để dành phần lớn chủ quyền và nguồn tài nguyên ở Biển Đông.

Trong tuyên bố cứng rắn nhất của Mỹ từ trước đến nay, đưa ra ngày 13/07/2020, ông Pompeo đã nói : "Trung Quốc không có bất cứ quyền gì để áp đặt ý muốn của mình ở Biển Đông, cũng như không có căn bản pháp lý nào để dành quyền chủ quyền về Đường 9 Đoạn (hay còn gọi là đường Lưỡi bò) mà Bắc Kinh công bố năm 2009".

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ còn nhắc nhở Bắc Kinh rằng "yêu sách vô căn cứ của họ cũng đã bị Tòa hòa giải Quốc tế bác bỏ hoàn toàn ngày 12/07/2016 trong vụ kiện về đường 9 đoạn của Phi Luật Tân" (1).

Để kết luận, ông Pompeo nói thẳng với Trung Quốc : "Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của riêng mình. Hoa Kỳ sát cánh với các Đồng Minh và Đối tác ở Đông Nam Á để bảo vệ chủ quyền và các nguồn lợi ngoài khơi, phù hợp với lợi ích và nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế".

Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói (tạm dịch) : "Chúng tôi sát cánh với Cộng đồng thế giới trong việc bảo vệ tự do hàng hải và tôn trọng chủ quyền, đồng thời bác bỏ bất kỳ nỗ lực nào để áp đặt ý muốn của kẻ mạnh ở Biển Đông hay vùng rộng lớn hơn" (2).

Trong khi đó, các tướng lĩnh, học giả diều hâu của Trung Quốc và tờ Hoàn Cầu Thời báo, quản lý bởi Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng cộng sản Trung Quốc, đã nhiều lần cảnh cáo nếu phải đánh Việt Nam để bảo vệ quyền lợi "cốt lõi" của Trung Quốc ở Biển Đông thì sẽ "dậy cho Việt Nam bài học thứ hai" khốc liệt hơn bài học thứ nhất năm 1979. Hồi đó Trung Quốc, dưới thời Đặng Tiểu Bình đã tung 600.000 quân có xe tăng và đại bác yểm trợ đánh vào 6 tỉnh miền biên giới Việt Nam gồm Lai Châu, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên và Quảng Ninh.

Sau 10 năm chiến tranh dai dẳng, nhưng không liên tục 2 lần (1979-1989), Trung Quốc bị tổn thất nặng, nhưng lại thắng về chiến lược là Đảng cộng sản Việt Nam đã biết sợ Trung Quốc, không còn dám quấy phá như trước năm 1979.

Vì vậy, hầu như để thể hiện sự quan tâm đặc biệt về tính nghiêm trọng của tình hình Biển Đông, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận trung ương Phùng Hữu Phú, đã tiết lộ vấn đề Biển Đông, là "điểm mới" được ghi vào Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII.

Tại cuộc họp của Ban Tuyên giáo trung ương ngày 10/06/2020, ông Phú nhìn nhận : "Vấn đề Biển Đông vẫn là một thách thức rất lớn".

Ông nói : "Sau Covid-19, chúng ta đã thấy thái độ của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều này khẳng định chắc chắn Trung Quốc không bao giờ từ bỏ ý đồ thao túng Biển Đông. Cao nhất là độc chiếm theo hình lưỡi bò. Không làm được thì ít nhất là kiểm soát, thao túng, khai thác. Vậy phải ứng phó thế nào ? Biển Đông không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai mà là vấn đề lâu dài".

Ông được báo chí dẫn lời nói rằng : "Bảo vệ cho được độc lập chủ quyền nhưng không để xảy ra chiến tranh xung đột là bài toán hóc búa của thế hệ chúng ta và cả con em chúng ta".

Ông Phú, một trong 43 người của Hội đồng Lý luận trung ương còn cho rằng : "Dự báo tình hình trong văn kiện đại hội lần này có nhiều điểm mới, và phải tiếp tục được làm rõ để toàn Đảng, toàn dân thấy hết được thời cơ đang rất lớn ở phía trước nhưng khó khăn, thử thách cũng ngày càng gay gắt hơn".

(theo báo Thanh Niên Online, 11/06/2020)

Cũng nên biết, Hội đồng Lý luận tung ương là "cơ quan tham mưu cho Đảng về các vấn đề lý luận chính trị, chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa xã hội, định hướng và hoạch định các chính sách, chuẩn bị văn kiện cho Đại hội Đảng Toàn quốc".

(theo Bách Khoa Toàn thư mở).

Tuy nói mạnh như thế, nhưng liệu Ban Chấp hành tương lai XIII có đủ trí tuệ, sự hiểu biết và sáng kiến để bảo vệ Tổ quốc hay sẽ cứ ì ra đấy như bấy lâu nay, vì tư duy nhu nhược quen thuộc "mọi chuyện đã có nhà nước lo".

Chính sách quốc phòng Việt Nam

Cũng cần biết thêm, trong bối cảnh Việt Nam bị kẹt cứng giữa tư duy bạc nhược và lệ thuộc "vừa là đồng chí, vừa là anh em" với láng giềng đàn anh xảo quyệt Trung Quốc, Việt Nam đã theo đuổi chính sách quốc phòng 4 "không" gồm :

1) Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự ;

2) không liên kết với nước này để chống nước kia ;

3) không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác ;

4) không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế".

Chính quyền cộng sản Việt Nam cũng đã thanh minh không "bài Trung, thân Mỹ", hay chọn phe trong vấn đề Biển Đông. Việt Nam chủ trương "là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế".

Do đó, trong lĩnh vực quốc phòng, Bộ Quốc phòng tuyên bố : "Việt Nam chủ trương mở rộng đối ngoại quốc phòng, tham gia ngày càng tích cực vào các hoạt động hợp tác quốc phòng, an ninh của khu vực và của cộng đồng quốc tế".

Chính sách này nói thêm : "Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trương mở rộng và nâng cao hiệu quả các mối quan hệ quốc phòng song phương đồng thời tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc phòng đa phương. Việt Nam đẩy mạnh quan hệ đối ngoại quốc phòng dưới mọi hình thức như trao đổi các đoàn quân sự các cấp, tham vấn - đối thoại quốc phòng, tham gia các diễn đàn khu vực và quốc tế... nhằm tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau, xây dựng lòng tin và ngăn ngừa xung đột".

(Tài liệu chính thức của Bộ Quốc phòng Việt Nam)

Tài liệu này cũng cho biết :"Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ quốc phòng chính thức với 65 nước trong đó có các cường quốc trên thế giới ; đã thiết lập tuỳ viên quốc phòng tại 31 nước và đã có 42 nước thiết lập tuỳ viên quốc phòng tại Việt Nam".

"Việt Nam đã tiến hành đối thoại quốc phòng - an ninh thường xuyên ở nhiều cấp độ với các quốc gia trong khối ASEAN, Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Ấn Độ… Cùng với việc tăng cường trao đổi các đoàn quân sự cấp cao, giao lưu giữa các sĩ quan trẻ, hợp tác giữa các nhà trường, các viện nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Việt Nam với các nước cũng được coi trọng".

Tương quan lực lượng

Vậy nếu xẩy ra chiến tranh trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc thì nước nào có cơ hội chiến thắng ?

Trước hết, "Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (APL) được cho là một đội quân đông đảo nhất thế giới với khoảng 2,18 triệu quân nhân - ưu tiên được dành cho hải quân và không quân".

(theo Bách khoa Toàn thư mở)

Tài liệu về Hải quân viết : "Trước thập niên 1990, Hải quân Trung Quốc đóng vai trò thứ yếu so với Lục quân. Từ thập niên 1990 đến nay, lực lượng hải quân được Trung Quốc nhanh chóng hiện đại hóa ; phát triển nhanh chóng, đến nay bao gồm thêm 35.000 Hải quân Biên phòng và 56.000 Thủy quân Lục chiến, cùng 56.000 quân thuộc Lực lượng Hải quân Không chiến với hàng trăm chiến đấu cơ trên bờ. Tổng cộng lối 250.000 người.

Trung Quốc có : 14 tàu khu trục, 28 tàu hỗ trợ, 3 tàu ngầm nguyên tử phóng phi đạn hạt nhân, 5 đến 7 tàu ngầm nguyên tử tấn công, 56 tàu ngầm diesel tấn công, 58 tàu đổ bộ, 80 tàu tuần duyên tên lửa dẫn đường, 27 tàu đổ bộ lớn, 31 tàu đổ bộ vừa và khoảng 200 tầu tấn công nhanh".

Trong khi đó, tài liệu phổ biến trân Internet cho biết :

Hải quân nhân dân Việt Nam có các binh chủng : Tàu mặt nước, Hải quân đánh bộ, Tên lửa-Pháo bờ biển, Không quân Hải quân, Tàu ngầm, Đặc công Hải quân... nhưng không có bộ tư lệnh riêng. Bao gồm các cấp đơn vị : hải đội, hải đoàn, binh đoàn hải quân đánh bộ, binh đoàn tàu mặt nước, binh đoàn tàu ngầm, binh đoàn không quân, tên lửa bờ và các binh đoàn bộ đội chuyên môn, các đơn vị bảo đảm phục vụ ra đa, thông tin, kỹ thuật, hậu cần…

Từ năm 2010 Hải quân nhân dân Việt Nam được đầu tư để tiến thẳng lên hiện đại theo hướng "tinh, gọn, mạnh, linh hoạt" đến nay đã có đủ 5 thành phần lực lượng là : tàu mặt nước ; tàu ngầm ; không quân hải quân ; pháo binh - tên lửa bờ ; hải quân đánh bộ, đặc công hải quân và lực lượng phòng thủ đảo…

Về số quân, Sách trắng Quốc phòng của Việt Nam, công bố 3 lần trong các năm 1998, 2004 và 2009 không tiết lộ số quân. Tuy nhiên, theo Internet, Cổng Thông tin Điện tử Bộ Quốc phòng cho biết : Tổng Quân số lực lượng chính quy khoảng 450.000 người. Lực lượng dự bị khoảng 5 triệu người.

Tài liệu này cũng chia ra Lục quân : khoảng 800.000 ; Không quân : 60.000 ; Hải quân : khoảng 70.000 ; Biên phòng : khoảng 50.000 ; Cảnh sát biển : 30.000 ; Không gian mạng lối 10.000 người.

Ngoài ra, theo Globalfirepower, chuyên về xếp hạng quân sự của các quốc gia, thì Việt Nam còn có một lực lượng phục vụ quốc phòng ngót 42.000 người.

Về kinh nghiệm chiến đấu, nhiều chuyên gia quân sự quốc tế cho điểm Quân đội Việt Nam cao hơn lính Trung Quốc, lấy kết quả từ cuộc chiến biên giới giữa hai nước năm 1979.

Tuy nhiên, nếu xẩy ra chiến tranh ở Biển Đông thì Hải quân và Không quân Trung Quốc có lợi điểm địa thế tấn công và tiếp viện hơn quân Việt Nam, nhờ vào một số sân bay, bến cảng Trung Quốc đã xây dựng trên một số trong 8 đá, bãi san hô chiếm của Việt Nam ở Trường Sa.

Trông vào ai ?

Như vậy, từ viễn ảnh biết rõ ý đồ của Trung Quốc ở Biển Đông, liệu Việt Nam có đủ sức chống lại một cuộc tấn công quân sự hay không ? Hơn nữa, Việt Nam không có đồng minh quân sự và thỏa hiệp an ninh chung với nước khác thì ai sẽ giúp Việt Nam bảo vệ Biển Đông ?

Vì vậy, dù giới chuyên gia ở Bộ Ngoại giao Việt Nam băn khoăn, lo lắng nhưng đồng thờ họ cũng tự đặt ra hy vọng chiến tranh Việt-Trung sẽ không xẩy ra, dù trên đất liền hay Biển Đông, nếu Việt Nam biết khôn khéo trong ứng xử với Trung Quốc.

Về mưu đồ của Trung Quốc đối với Việt Nam lúc này, theo nhận định của Phó Giáo sư tiến sĩ Đinh Công Tuấn, Viện nghiên cứu Châu Âu (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) thì : "Là quốc gia giàu tài nguyên, có dân số trẻ lớn thứ 3 ở Đông Nam Á, có quân đội thực chiến bậc nhất ở Châu Á, có vị trí địa chiến lược cực kỳ quan trọng, Việt Nam được xem như "lực lượng trấn giữ con đường Nam tiến cả trên bộ, trên biển của Trung Quốc", vì vậy, Trung Quốc bao giờ cũng luôn coi Việt Nam là đối thủ tranh đoạt, kiềm chế, kiểm soát của mình" (theo Thế giới & Việt Nam, 16/06/2020).

Ông Tuấn nói rõ rằng :

"Chính sách chủ đạo của Trung Quốc với Việt Nam sẽ vừa là cân bằng vừa can dự, vừa kiềm chế, vừa lôi kéo. Mục tiêu trong quan hệ với Việt Nam nhằm không để Việt Nam có thể mạnh lên, thoát khỏi sự chi phối của Trung Quốc, nhưng cũng không để Việt Nam quá bất mãn, tìm đến các liên kết chống lại Trung Quốc".

Chi tiết hơn, chuyên gia này cho rằng : "Chính sách cơ bản của Trung Quốc với Việt Nam có thể đi theo các hướng sau :

Thứ nhất, hòa dịu với Việt Nam, để tránh quan hệ căng thẳng xấu thêm, gia tăng các hoạt động trao đổi ngoại giao cả thượng đỉnh và các cấp.

Thứ hai, tăng cường hợp tác trên mọi phương diện đặc biệt là kinh tế, giao thương buôn bán nhằm dùng lợi ích kinh tế đưa Việt Nam vào quỹ đạo của Trung Quốc, ít nhất đảm bảo Việt Nam giữ thế trung lập giữa Trung Quốc và Mỹ.

Thứ ba, gây sức ép cho ASEAN, chia rẽ khối thông qua các thành viên nhỏ dễ chịu tác động từ Trung Quốc để cản trở lập trường đối lập với lợi ích Trung Quốc và ngăn chặn sự hình thành của một "khối chống Trung Quốc".

Ông Tuấn kết luận : "Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam cần điều chỉnh, xác định rõ cách thức ứng phó với chiến lược toàn cầu, khu vực của Trung Quốc. Đó là thích nghi với sự trỗi dậy, lớn mạnh của Trung Quốc, xác định rõ ràng mục tiêu của Việt Nam phải đảm bảo an ninh quốc gia, không ngừng phát triển, tạo thế và lực đa dạng hóa, đang phương hóa quan hệ với các nước trên thế giới, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển, khôn khéo đặt lợi ích quốc gia lên trên hết trong ứng xử với Trung Quốc".

Đó là lời khuyên của một chuyên gia, nhưng liệu giới lãnh đạo Việt Nam có khả năng hóa giải tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc bằng đướng lối ngoại giao hay không ?

Và nếu Việt Nam tiếp tục chính sách ngoại giao đu giây với quan điểm : "Bài Trung, thân Mỹ" hoàn toàn không có trong đường lối đối ngoại hay trong quan điểm giải quyết vấn đề Biển Đông của Đảng, Nhà nước ta", như đã thanh minh trên báo Công an Nhân dân ngày 3/8/2020, thì liệu Hà Nội có thoát khỏi gọng kìm của Trung Quốc hay không ?

Phạm Trần

(30/09/2020)

(1) "The PRC has no legal grounds to unilaterally impose its will on the region. Beijing has offered no coherent legal basis for its "Nine-Dashed Line" claim in the South China Sea since formally announcing it in 2009. In a unanimous decision on July 12, 2016, an Arbitral Tribunal constituted under the 1982 Law of the Sea Convention – to which the PRC is a state party – rejected the PRC’s maritime claims as having no basis in international law. The Tribunal sided squarely with the Philippines, which brought the arbitration case, on almost all claims".

(2) "The world will not allow Beijing to treat the South China Sea as its maritime empire. America stands with our Southeast Asian allies and partners in protecting their sovereign rights to offshore resources, consistent with their rights and obligations under international law. We stand with the international community in defense of freedom of the seas and respect for sovereignty and reject any push to impose "might makes right" in the South China Sea or the wider region", State Department, 07/13/2020

Published in Diễn đàn

Ấn Độ - Nhật Bản tập trận chung trên biển Ả Rập

RFI, 26/09/2020

Hải quân Nhật Bản và Ấn Độ khởi động đợt tập trận quy mô trong ba ngày kể từ hôm nay 26/09/2020 ở phía bắc biển Ả Rập. Cuộc thao diễn được mở ra trong bối cảnh Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương.

annhat1

Ảnh tư liệu : Tàu của hải quân Ấn Độ trong cuộc tập trận chung với Mỹ Malabar 2015, trong vịnh Bengal.  AP - Arun Sankar K.

Hãng tin Ấn Độ PTI nhắc lại đây là cuộc tập trận chung đầu tiên giữa hai nước sau khi Tokyo và New Delhi hôm 09/09/2020 ký kết một thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự và là lần thứ tư Hải quân Ấn Độ - Nhật Bản phối hợp hành động trong khuôn khổ chương trình JIMEX. Theo phát ngôn viên Hải quân Ấn Độ, đợt thao diễn lần này bao gồm nhiều bài tập tăng cường khả năng phối hợp vì một "thế giới an toàn và rộng mở hơn chiểu theo luận pháp quốc tế".

New Delhi huy động trực thăng, máy bay, tàu ngầm, tàu khu trục Chennai, trục hạm lớp Teg Tarkash và cả tàu chở dầu Deepark. Về phía Nhật Bản, chiến dịch lần này có sự tham gia của tàu chiến Kagga, tàu sân bay lớp Izumo và Ikazuchi, cũng như tàu khu trục có trang bị tên lửa dẫn đường. 

Ngoài ra, trong tuần Hải quân Ấn Độ cũng đã tham gia một cuộc thao diễn với Úc trong vùng Ấn Độ Dương. Hai tháng trước đó, New Delhi có chương trình tập trận chung với Hải quân Mỹ trên biển Andaman và Nicobar. Theo giới quan sát, các cuộc tập trận dồn dập của Ấn Độ là một tín hiệu mạnh gửi đến Bắc Kinh trong bối cảnh căng thẳng tại đường biên giới trên bộ Ấn - Trung.

Thanh Hà

********************

Tư lệnh lực lượng quốc phòng các nước ASEAN kêu gọi kiềm chế ở Biển Đông

RFA, 24/09/2020

Tư lệnh quốc phòng 9 nước trong khối ASEA hôm 24/9 đã thảo luận về tình hình Biển Đông, đồng thời khẳng định ủng hộ việc duy trì ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông.

quocphong1

Hội nghị Tư lệnh quốc phòng các nước ASEAN ở Hà Nội hôm 24/9/2020 - mod.gov.vn

Tại hội nghị trực tuyến Tư lệnh lực lượng quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 17 (ACDFM-17) diễn ra tại Hà Nội vào sáng ngày 24/9, Thượng tướng Phan Văn Giang - Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, chủ trì hội nghị, đã bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Đông. Thượng tướng Phan Văn Giang kêu gọi các nước kiềm chế các hành động có thể làm phức tạp tình hình, tăng cường đối thoại và hợp tác.

Cũng tại hội nghị này, các đại biểu đã nhất trí ASEAN cần kiên trì lập trường nguyên tắc, giải quyết hòa bình các tranh chấp, bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).

Tình hình Biển Đông trong năm 2020 khi Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN đang có nhiều căng thẳng khi Trung Quốc liên tiếp có các hành động lấn lướt nhằm khẳng định các yêu sách về chủ quyền của nước này ở vùng nước tranh chấp bao gồm việc điều các tàu hải cảnh vào vùng biển của các nước láng giềng như Việt Nam, Philippines, Malaysia, để cản trở các hoạt động thăm dò dầu khí. Trung Quốc các tháng qua cũng thực hiện các cuộc tập trận liên tiếp ở Biển đông và eo biển Đài Loan nhằm răn đe các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) của Hoa Kỳ ở đây.

******************

Việt Nam và Hoa Kỳ đối thoại chính trị, an ninh, quốc phòng lần thứ 11

RFA, 24/09/2020

Vòng đối thoại chính trị, an ninh và quốc phòng Việt Nam- Hoa Kỳ lần thứ 11 vừa được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào ngày 23 tháng 9.

quocphong2

Đối thoại Chính trị - An ninh - Quốc phòng Mỹ và Việt Nam lần thứ 11 ở Hà Nội hôm 23/9/2020 -baoquocte.vn

Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phát đi cùng ngày cho biết Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị- quân sự R. Clarke Cooper và Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ của Việt Nam đồng chủ trì vòng đối thoại này.

Hai phía thảo luận về hợp tác song phương tiếp sau thành công của vòng đối thoại chính trị, an ninh và quốc phòng Việt- Mỹ lần thứ 10 được tổ chức tại thủ đô Washington D.C. của Hoa Kỳ vào tháng 3 năm ngoái.

Đối thoại lần này nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ song phương được cho là đang phát triển mạnh mẽ và phản ánh cam kết chung của hai phía về một khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do, rộng mở và độc lập.

Hai phía tại vòng đối thoại chính trị, an ninh và quốc phòng lần thứ 11 thảo luận các vấn đề gồm hợp tác an ninh và thương mại quốc phòng ; an ninh hàng hải ; gìn giữ hòa bình ; thúc đẩy các nỗ lực quốc tế trong những vấn đề phụ nữ, hòa bình và an ninh ; các vấn đề nhân đạo như tìm kiến quân nhân mất tích trong thời kỳ chiến tranh, tháo gỡ vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh.

************************

Công hàm ca tam cường Châu Âu ‘tăng sc mnh cho Vit Nam trước Trung Quc’

VOA, 23/09/2020

Công hàm chung ca ba nước Anh, Pháp, Đc gi lên Liên Hip Quc bác b yêu sách ch quyn ca Trung Quc Bin Đông có tác dng bo v tính toàn vn ca UNCLOS và giúp cng c sc mnh pháp lý ca M và Vit Nam trong cuc đi đu trước Trung Quc, mt hc gi nhn đnh vi VOA.

quocphong3

Th tướng Anh Boris Johnson, Th tướng Đc Angela Merkel và Tng thng Pháp Emmanuel Macron

Hôm 16/9, tam cường Châu Âu (E3), trong đó Anh và Pháp là hai trong s năm thành viên thường trc Hi đng Bo an Liên Hip Quc, đã đ trình lên y ban Ranh gii và Thm lc đa công hàm chung bác b ch quyn lch s ca Trung Quc trên Bin Đông vì không đúng vi lut pháp quc tế và phn bác vic Trung Quc v đường cơ s cho các thc th mà h kim soát trên Bin Đông.

Ngay sau đó, Trung Quc cũng gi công hàm lên Liên Hip Quc đ đáp li hôm 18/9, trong đó Bc Kinh lp lun rng UNCLOS không bao trùm hết mi vn đ và mt ln na khng đnh Trung Quc có quyn lch s đi vi đường chín đon trên Bin Đông và cho rng tam cường Châu Âu mun s dng UNCLOS làm vũ khí chính tr đ tn công Trung Quc.

Sc mnh ca s đoàn kết

Vic ba nước Anh, Pháp, Đc cùng ra công hàm chung như vy là đ khng đnh sc nng trước Trung Quc, theo nhn đnh ca Giáo sư Ngô Vĩnh Long t Đi hc Maine.

"Như vy mi có sc mnh. Có ba cái cây tht ln Châu Âu. Ba cái cây này có tiếng nói ln Liên Hip Quc nên khi mà cn đưa ra Hi đng Bo an Liên Hip Quc s có s ng h ca ba nước này, Trung Quc s trong thế yếu nếu không mun nói là đơn thương đc mã", Giáo sư Long din gii.

Theo phân tích ca ông thì E3 có li ích chung trong vic bo v tính toàn vn và nht quán ca lut pháp quc tế vì nếu UNCLOS b Trung Quc vi phm trên Bin Đông thì nó cũng có th b vi phm nhng vùng bin khác làm xâm phm li ích ca h.

"UNCLOS phi được áp dng cho tt c các vùng bin trên thế gii, đó là li ích chung ca ba nước Châu Âu", ông nói.

Ngoài ra, E3 có buôn bán rt ln vi nhiu nước Châu Á thông qua con đường hàng hi đi qua Bin Đông nên h cũng có li ích trc tiếp, ông nói thêm. Ngoài Đc thì Anh và Pháp đu có lãnh th hi ngoi vùng bin Thái Bình Dương nên tham vng ca Trung Quc đi vi khu vc này đe da li ích ca Paris và London.

‘Cng c v thế ca M

UNCLOS, tc Công ước Quc tế v Lut Bin, được ký kết vào năm 1982. Trung Quc và Vit Nam đu là các nước đã ký kết công ước này nên có nghĩa v phi tuân th. Công ước quy đnh các nước ven bin ch có vùng đc quyn kinh tế rng 200 hi lý và thm lc đa rng 350 hi lý tính t đường cơ s nên vic Trung Quc vin ch quyn lch s đ ôm trn gn như toàn b Bin Đông là không phù hp vi UNCLOS.

Phán quyết ca Tòa trng tài Thường trc (PCA) hi năm 2016 được thành lp trong khuôn kh ca UNCLOS đ phân x v kin ca Phillippines đã bác b ch quyn lch s ca Trung Quc đi vi đường chín đon trên Bin Đông vì không có cơ s pháp lý’. Công hàm chung ca E3 nhc li Trung Quc cn tuân th phán quyết này.

Riêng M, mc dù đã ký kết và nghiêm túc thc thi UNCLOS nhưng do gp s chng đi quyết lit ca Đng Cng hòa nên đến nay Quc hi M vn chưa phê chun UNCLOS. Do đó, M thế yếu v pháp lý khi đi đu vi Trung Quc.

Theo kiến gii ca Giáo sư Long thì vi công hàm chung này, ba nước Châu Âu giúp M có thêm s hu thun pháp lý v tính toàn vn ca UNCLOS đ đương đu vi Trung Quc các din đàn quc tế khi mà lâu nay Bc Kinh luôn cho rng M không có tư cách phê phán Trung Quc v UNCLOS.

Ông lưu ý vic Anh, Pháp, Đc mun Liên Hip Quc cho ph biến công hàm ca h đến không ch các nước đã ký UNCLOS mà còn tt c các nước thành viên Liên Hip Quc cho thy h mun các nước tuân th UNCLOS không ch trên Bin Đông mà còn các khu vc trên thế gii.

"Ngoài ra công hàm chung này cũng cho thy mc dù chính quyn Trump rung b các nước đng minh và đang b cô lp nhưng các nước Châu Âu vn nht quán ng h các lp trường ca M lâu nay", chuyên gia này nhn đnh và nói thêm rng dù có hi quân mnh nhưng M mun duy trì ưu thế trước Trung Quc thì vn cn s ng h ca các đng minh, nht là các nước Anh, Pháp có năng lc trin khai quân s Thái Bình Dương.

‘Vit Nam không đơn đc

Theo li ông Long thì công hàm này ca E3 là s hu thun rt ln cho các nước ven bin đông nam Á’ và Vit Nam có th da vào đy đ bác b đòi hi ch quyn ca Trung Quc.

"Chng hn như khi nào Vit Nam b Trung Quc làm quá như tr li bãi Tư Chính, nếu Vit Nam đưa ra Hi đng Bo an Liên Hip Quc hoc khi kin Trung Quc thì s được các nước Châu Âu ng h", ông nói.

Theo ông thái đ này ca Anh, Pháp, Đc cũng nhm cnh cáo Trung Quc rng nếu h làm gì quá đáng thì các nước này s có hành đng.

Trong bi cnh đó, ông Long d đoán rng dù Bc Kinh lâu nay vn xem phán quyết ca PCA là t giy ln nhưng trước tình hình hin nay h s không dám làm gì quá’. Dù sao đi na, Bc Kinh vn s tiếp tc khng đnh yêu sách đường chín đon bt chp s bác b mi đây ca M, Úc và gi là ba nước Châu Âu, ông Long nói.

V lp lun ca Trung Quc rng UNCLOS không bao trùm tt c, ông Long nói ‘đúng mt phn.

"Ch nào có ch quyn lch s thì UNCLOS không có hiu lc", ông gii thích. "Nhưng trên thế gii có rt ít vùng bin như vy trong khi Trung Quc li ly nhng vùng h không có quyn lch s gì hết và đã b tòa án quc tế bác b".

"Nếu Trung Quc c tiếp tc ging điu như vy thì các nước đã ký UNCLOS s có phn ng".

Nguồn : VOA, 23/09/2020

Published in Châu Á

Quân sự : Trung Quốc chuẩn bị đương đầu với Mỹ ?

Thanh Hà, RFI, 24/09/2020

Việc không quân Trung Quốc công bố video mô phỏng một cuộc tấn công nhắm vào một căn cứ quân sự rất giống địa bàn của quân đội Mỹ trên đảo Guam ở Thái Bình Dương là một bước ngoặt trong chính sách phô trương sức mạnh quân sự của Bắc Kinh. Nhưng còn quá sớm để cho rằng Trung Quốc chuẩn bị một kế hoạch quân sự tấn công Hoa Kỳ.

mytrung1

Máy bay ném bom Trung Quốc H-6 bay trên bầu trời Bắc Kinh, ngày 15/09/2019.  AP - Ng Han Guan

Trung Quốc dồn dập tập trận tại eo biển Đài Loan, điều máy bay vượt qua đường trung tuyến vốn được xem là ranh giới giữa Hoa lục và Đài Loan đúng vào lúc thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Keith Krack có mặt tại Đài Bắc.

Hành động đó dường như chưa đủ. Ngày 19/09/2020 Bắc Kinh lao vào một cuộc chiến hình ảnh khi tung lên mạng Vi Bác video với hình ảnh oanh tạc cơ H-6 của Trung Quốc đang nhắm vào mục tiêu trông rất giống căn cứ không quân Andersen của Mỹ trên đảo Guam với lời giải thích : "Nếu nổ ra chiến tranh, đây là hành động chúng tôi đáp trả". Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Vương Văn Bân không che giấu tức giận, xem sự hiện diện của quan chức trong chính quyền Mỹ tại Đài Bắc là "hành vi khiêu khích chính trị và cổ vũ cho thái độ ngạo mạn của những lực lượng ly khai Đài Loan".

Trả lời hãng tin Anh Reuters, nhà nghiên cứu Collin Koh, thuộc Viện Nghiên Cứu Quốc Phòng và Chiến Lược IDSS của Singapore cho rằng, hành động nói trên là một "lời cảnh báo nhắm tới Hoa Kỳ" với thông điệp chính là ngay cả những vị trí được coi là an toàn nhất của quân đội Mỹ cũng có thể bị đe dọa nếu như "xảy ra xung đột tại Đài Loan hay Biển Đông".

Nhìn từ Pháp, các chuyên gia thận trọng hơn khi cho rằng, kịch bản Trung Quốc đối đầu quân sự không phải là không có. Dù vậy có ít nhất ba yếu tố cho thấy là còn quá sớm để cho rằng Bắc Kinh đang chuẩn bị một kế hoạch quân sự nhằm đáp trả Hoa Kỳ trong trường hợp nổ ra xung đột tại eo biển Đài Loan hay Biển Đông.

Theo quan điểm của chuyên gia về Trung Quốc Valérie Niquet thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược FSR Trung Quốc đang "giương đủ cao đe dọa tấn công nhằm khủng bố tinh thần các đối tác của Mỹ và nếu có thể, là kể cả của Châu Âu và các quốc gia Châu Á khác" để những nước này "gây áp lực với Mỹ, thuyết phục Washington tránh chọc ngoáy vào hồ sơ Đài Loan", hay ít ra là giữ nguyên trạng tình hình ở eo biển Đài Loan và "kể cả trên một số những hồ sơ khác". Theo bà Niquet, Trung Quốc muốn tránh rủi ro xảy ra xung đột, một cuộc xung đột mà "có nhiều khả năng là bản thân Bắc Kinh cũng không mong muốn chút nào".

Một tiếng nói khác có uy tín trong số các nhà Trung Quốc học của Pháp là giáo sư Jean Pierre Cabestan, giảng dậy tại đại học Baptiste Hồng Kông thì cho rằng, mục đích mà Bắc Kinh nhắm tới "trong ngắn hạn là bóp nghẹt kinh tế Đài Loan, mở rộng ảnh hưởng chính trị của Hoa lục với Đài Loan đồng thời gia tăng sức ép quân sự" để ngăn chận mọi ý tưởng ly khai. Nhưng về phía Mỹ, Washington không loại trừ khả năng Trung Quốc đủ tự tin vào sức mạnh quân sự của mình để trong tương lai chiếm đoạt hòn đảo này bằng vũ lực.

Một báo cáo gần đây của Lầu Năm Góc nhìn nhận Trung Quốc đang có lực lượng Hải quân hùng mạnh nhất thế giới. Do vậy, chuyên gia Cabestan cho rằng nhìn xa hơn một chút, "với đội ngũ tàu thuyền hùng hậu nhất thế giới với khoảng 350 hải thuyền và tàu ngầm, với rất nhiều chiến đấu cơ mà Trung Quốc có thể huy động được trước cửa ngõ Đài Loan trong tương lai, cái giá phải trả sẽ khá đắt trong trường hợp Mỹ phải can thiệp tại khu vực này". Nói cách khác, giáo sư Cabestan không mấy tin vào kịch bản Hoa Kỳ huy động quân đội bảo vệ chưa đầy 24 triệu dân Đài Loan.

Sau cùng trong bài viết đăng trên báo Le Point hôm 21/09/2020 trong mục tập hợp các quan điểm của giới chuyên gia, Antoine Bondaz, chuyên gia về Đông Bắc Á Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp giảng dậy tại trường Khoa học Chính Trị Paris nêu lên một yếu tố khác cho thấy Trung Quốc chưa sẵn sàng đương đầu với Mỹ trên mặt trận quân sự.

Lý do đơn giản là "công nghệ của Trung Quốc về mặt quân sự vẫn bị Hoa Kỳ bỏ xa lại phía sau". Theo ông, hiện tượng toàn cầu hóa mà ở đó một số công cụ có thể sử dụng được cả trong lĩnh vực dân sự lẫn quân sự, cộng thêm với các vụ tin tặc và công nghệ thông tin ngày càng hiện đại đã tạo cơ hội cho Trung Quốc bắt kịp công nghệ của Mỹ nhưng đồng thời kỹ nghệ được sử dụng trong lĩnh vực quân sự cũng đã có những bước tiến nhanh đến chóng mặt.

Nền công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc từ hàng chục năm qua đã lợi dụng đầu tư nước ngoài từ lĩnh vực chế tạo máy đến tin học, điện tử… để vươn lên. Nhưng chỉ cần so sánh chiến đấu cơ F22 của Mỹ với J20 của Trung Quốc cũng đủ thấy cách biệt quá rõ ràng mà ở đó phần thắng nghiêng về phía Mỹ.

Vẫn theo Antoine Bondaz, Bắc Kinh đã huy động nhiều phương tiện kể cả một số tập đoàn từ Alibaba hay Hoa Vi để nâng cấp mảng công nghiệp và công nghệ, đẩy mạnh khả năng sáng tạo… nhưng trong lĩnh vực quân sự thì Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới.

Chuyên gia Pháp này mượn lời kết luận của giáo sư Michael Beckley đại học Tufts University, bang Massachusetts, Hoa Kỳ : "Mỹ đang và sẽ tiếp tục là một siêu cường trên thế giới trong nhiều thập niên nữa, ngoại trừ trường hợp phương Tây, mà đứng đầu là Mỹ không còn xem khả năng phát minh (capacité d’innovation) là một ưu tiên".

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 24/09/2020

***********************

Không quân Trung Quốc công bố video mô phỏng cuộc tấn công vào căn cứ Mỹ 

Ntdvn, 22/09/2020

Trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng, Binh chủng Không quân Trung Quốc công bố một đoạn video mô phỏng máy bay ném bom H-6 mang hạt nhân thực hiện một cuộc tấn công vào một căn cứ giống hệt Căn cứ Không quân Andersen trên đảo Guam ở Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, theo Reuters đưa tin ngày 21/9.

Video được đăng trên tài khoản Weibo của Binh chủng Không quân thuộc quân đội Trung Quốc hôm 19/9.

Đoạn video được đăng trên tài khoản Weibo của Binh chủng Không quân thuộc quân đội Trung Quốc hôm 19/9. Video này xuất hiện khi quân đội Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận ngày thứ hai gần Đài Loan. Cuộc tập trận này được cho là để thể hiện sự tức giận trước chuyến thăm của một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tới Đài Bắc.

Đảo Guam thuộc Hoa Kỳ là nơi đặt các cơ sở quân sự lớn của nước này, gồm có căn cứ Không quân. Các căn cứ quân sự ở đây là chìa khóa để đối phó với bất kỳ cuộc xung đột nào ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đoạn video dài hơn 1 phút của Không quân Trung Quốc có nhạc nền thể hiện sự nghiêm trọng và kịch tính giống như một đoạn giới thiệu phim Hollywood. Video cho thấy máy bay ném bom H-6 cất cánh từ một căn cứ quân sự trên sa mạc. Đoạn video có tên "Thần chiến tranh H-6K tấn công!"

Khi máy bay ném bom H-6 đang bay được nửa chặng đường, thì phi công nhấn nút và phóng tên lửa tại một đường băng ven biển không xác định.

Từ một hình ảnh vệ tinh cho thấy, các tên lửa nằm trên đường băng được bố trí giống hệt như tại Căn cứ Không quân Andersen trên đảo Guam của Hoa Kỳ.

Trong video, mặt đất rung chuyển, sau đó là một vụ nổ trên không.

Phần mô tả trong video ghi: "Chúng tôi là những người bảo vệ an ninh trên không của đất mẹ ; chúng tôi có sự tự tin và khả năng luôn bảo vệ an ninh cho bầu trời của tổ quốc".

Cả Bộ Quốc phòng Trung Quốc và Bộ Tư lệnh khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đều chưa đưa bình luận về video này.

Collin Koh, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng của Singapore, cho biết, video này có thể nhằm mục đích thể hiện sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc trong việc phóng chiếu sức mạnh tầm xa.

Ông nói : "Đoạn video nhằm cảnh báo người Mỹ rằng, ngay cả những vị trí được cho là an toàn, ở phía xa như đảo Guam cũng có thể bị đe dọa khi nổ ra xung đột ở một số nơi trong khu vực, có thể là Đài Loan hoặc Biển Đông".

Không quân Đài Loan cho biết, H-6 đã tham gia vào nhiều chuyến bay của Trung Quốc đến gần Đài Loan, bao gồm cả những chuyến bay được thực hiện vào tuần trước.

H-6K là mẫu máy bay ném bom mới nhất, dựa trên thiết kế Tu-16 cổ điển của Liên Xô vào những năm 1950.

Ngày 21/9, Bộ Tư lệnh phía Đông của quân đội Trung Quốc, cơ quan sẽ phụ trách các cuộc tấn công vào Đài Loan, đã công bố một video tuyên truyền của chính họ, có tên "Điều gì sẽ xảy ra nếu chiến tranh bùng nổ ngày hôm nay ?". Video cho thấy, những người lính chạy trên những ngọn đồi với cây cối rậm rạp và phóng tên lửa đạn đạo.

"Quê hương, tôi thề tôi sẽ chiến đấu cho bạn cho đến khi chết!", trích từ dòng chữ được đặt ở cuối video với các vụ nổ phát ra ở hậu cảnh.

Ngày 21/9, trong một cảnh báo rõ ràn g đối với Trung Quốc, Đài Loan cho biết, các lực lượng vũ trang của quốc đảo có quyền tự vệ và phản công trong bối cảnh bị "quấy rối và đe dọa". Tuần trước, Trung Quốc đã điều hàng chục máy bay phản lực đến khu vực eo biển Đài Loan.

Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết trong một tuyên bố rằng, họ đã "xác định rõ ràng" các quy trình để quốc đảo phản công trong bối cảnh "tần suất quấy rối và đe dọa cao từ tàu chiến và máy bay của đối phương trong năm nay".

Bộ Quốc phòng Đài Loan cũng đã công bố 2 video   cho thấy tên lửa được bắn vào máy bay F-16 trên không để thể hiện quyết tâm bảo vệ quốc đảo của mình.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Đài Loan nhấn mạnh trong phần chú thích cho video rằng: "Hãy dám chiến đấu và chiến đấu đến người lính cuối cùng".

Nguyễn Minh

***********************

Trung Quốc 'mượn' phim Hollywood để dọa Mỹ ở vùng Châu Á-Thái Bình Dương ?

BBC, 21/09/2020

Không quân Trung Quốc mới đây đăng tải một đoạn video ngắn, với cảnh các máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân H-6 tấn công giả định vào nơi trông giống Căn cứ Không quân Andersen của Mỹ trên đảo Guam, Thái Bình Dương.

hudoa1

Căn cứ Không quân Andersen của Mỹ trên đảo Guam, Thái Bình Dương.

Đoạn video được đăng trên tài khoản Weibo của Lực lượng Không quân Quân đội Giải phóng Nhân dân hôm thứ Bảy 19/9, là ngày thứ hai Trung Quốc có cuộc diễn tập ở gần Đài Loan.

Việc này nhằm tỏ ý giận dữ đối với chuyến thăm của một quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tới Đài Bắc, Reuters tường thuật.

'Mượn' hình ảnh

Video dài 2 phút 15 giây, được trình bày theo kiểu giống như trailer giới thiệu của phim Hollywood, với phần nhạc nền trang nghiêm, gây xúc động.

Trong phim có cảnh các máy bay ném bom H-6 cất cánh từ một căn cứ ở sa mạc. Video này được đặt tên là "Thần chiến tranh H-6K tấn công".

Bay được nửa đường, một viên phi công nhấn nút thả tên lửa xuống đường băng cạnh biển, không được xác định cụ thể là nơi nào.

hudoa2

Cảnh nơi bị ném bom trong đoạn phim do quân đội Trung Quốc đăng tải được cho là trông giống thiết kế của Căn cứ Không quân Andersen

Quả tên lửa rơi xuống đường băng, và hình ảnh vệ tinh cho thấy nơi này có thiết kế rất giống với Căn cứ Andersen.

Guam là nơi đặt các cơ sở quân sự lớn của Hoa Kỳ, trong đó có một căn cứ không quân nơi sẽ đóng vai trò then chốt trong việc ứng phó với bất kỳ cuộc xung đột nào ở vùng Châu Á Thái Bình Dương.

Âm nhạc đột ngột dừng khi các hình ảnh hiện lên với cảnh mặt đất rung chuyển rồi tới cảnh vụ nổ, nhìn từ trên không xuống.

"Chúng tôi là những người bảo vệ an ninh cho bầu trời đất mẹ ; chúng tôi có niềm tin, và có khả năng bảo vệ an ninh cho bầu trời quê hương", không lực Trung Quốc viết trong một đoạn miêu tả ngắn về video.

Cả Bộ Quốc phòng Trung Quốc lẫn Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đều chưa bình luận gì về video này, Reuters nói.

Tuy nhiên, video "nhằm cảnh báo Mỹ rằng ngay cả ở những vị trí tưởng chừng an toàn, ở phía sau như Guam cũng có thể bị đe dọa khi cuộc xung đột liên quan tới các điểm nóng trong khu vực như Đài Loan hoặc Biển Đông bùng nổ", theo nhận xét của Collin Koh, nhà nghiên cứu tại tại viện nghiên cứu chiến lược và quốc phòng Singapore.

Báo South China Morning Post (SCMP) ở Hong Kong dẫn nguồn một số nhà quan sát, nói rằng một số cảnh trong đoạn video trông giống như được lấy trực tiếp từ bộ phim giành giải Oscar hồi năm 2008, The Hurt Locker, và bộ phim hành động ra hồi 1996, The Rock.

Báo này cũng dẫn nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc xác nhận việc 'mượn' hình ảnh.

Nguồn tin ẩn danh này nói với SCMP rằng việc cơ quan tuyên truyền của quân đội Trung Quốc 'mượn' các cảnh trong phim Hollywood để làm sản phẩm của mình trông huy hoàng hơn là điều khá phổ biến.

hudoa3

Máy bay ném bom H-6 trong một lần trình diễn tại Bắc Kinh hồi 10/2009 (hình minh họa)

Tuy "mượn", nhưng quân đội Trung Quốc khó có khả năng phải đối diện với các vấn đề về vi phạm bản quyền khi "chỉ dùng vài giây", và "không nhằm mục đích thương mại", nguồn tin này nói.

Người dân Trung Quốc không quan tâm tới việc có chuyện mượn cảnh phim Hollywood hay không, mà họ để ý nhiều hơn tới nội dung thông điệp mà phim tuyên truyền đưa ra : đó là quân đội Trung Quốc sẽ không bao giờ để bất kỳ thì lực lượng nước ngoài nào can thiệp vào vấn đề Đài Loan, theo một nhà bình luận quân sự từ Hong Kong.

"Quân đội Giải phóng Nhân dân không chỉ tập trung duy nhất tới Guam", Song Zongping được SCMP dẫn lời. "Hoa Kỳ có các máy bay ném bom chiến lược triển khai ở một số căn cứ quân sự tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có cả các căn cứ ở Nhật Bản".

Hôm thứ Hai, Bộ Tư lệnh Tác chiến miền Đông Trung Quốc, vốn chịu trách nhiệm đối với việc tấn công Đài Loan, cũng ra một video tuyên truyền của riêng mình - video có tên "sẽ thế nào nếu chiến tranh nổ ra ngày hôm nay ?".

Trong video này có cảnh binh lính chạy vào những ngọn đồi rậm rạp cây cối và có tên lửa đạn đạo được phóng ra.

"Đất mẹ, tôi thề sẽ chiến đấu vì người cho tới chết", những dòng chữ Trung Quốc lớn màu vàng hiện lên vào cuối đoạn video, và hình ảnh các vụ nổ bùng lên ở phía hậu cảnh màn hình.

Máy bay ném bom H-6 đã thực hiện một số chuyến bay quanh và gần Đài Loan, theo thông tin từ không quân Đài Loan, bao gồm cả các chuyến bay hồi tuần trước.

********************

Không quân Trung Quđăng video dường như mô phng tn công căn c M Guam

VOA, 21/09/2020

Lc lượng không quân ca Trung Quc va công b mđon video mô phng cho thy máy bay ném bom H-6 có kh năng mang vũ khí ht nhân thc hin mt cuc tn công vào mđđim dường như là Căn c Không quân Andersen trêđo Guam ca Hoa K, theo Reuters.

hudoa4

Căn c Andersen ca Không quân Hoa K trêđo Guam.

Đon video, được phát hành hôm 19/9 trên tài khon Weibo ca Lc lượng Không quân Gii phóng Nhân dân, đượđưa ra khi Trung Quc thc hin cuc tp trn ngày th hai gĐài Loan, đ bày t s tc gin trước chuyến thăm ca mt quan chc cp cao B Ngoại giao Hoa Kỳ tĐài Bc.

Guam là nơi có các cơ s quân s ln ca Hoa K, bao gm c căn c không quân, đây s căn c trng yếđđi phó vi bt k cuc xung đt nà khu vc Châu Á - Thái Bình Dương.

Đon video dài 2 phút 15 giây ca không quân Trung Quc, có nhc nn trang trng, kch tính ging như trong đon gii thiu phim Hollywood, cho thy máy bay ném bom H-6 ct cánh t mt căn c trên sa mc. Đon video có tê"Thn chiến tranh H-6K tn công !"

Đến khong gia video, mt phi công nhn nút và phóng tên la ti mđường băng ven bin không xáđnh.

Các tên la nm trêđường băng, mt hình nh v tinh cho thy nó trông ging ht như cách b trí ca căn c Andersen.

Nhc nđt ngt dng li khi hình nh mđt rung chuyn xut hin, sau đó là hình nh mt v n trên không.

"Chúng tôi là nhng người bo v an ninh trên không cđt m ; chúng tôi có s t tin và kh năng luôn bo v an ninh cho bu tri ca t quc", lc lượng không quân Trung Quc viết trong đon video.

B Quc phòng Trung Quc và B Tư lnh Đ Dương - Thái Bình Dương ca Hoa K chưa phn hi ngay yêu cu bình lun ca Reuters vđon video này.

Ông Collin Koh, mt thành viên nghiên cu ti Vin Nghiên cu Chiến lược và Quc phòng ca Singapore, cho biếđon video này nhm làm ni bt sc mnh ngày càng tăng ca Trung Quc trong vic tp trung vào sc mnh vũ khí tm xa.

Ông nói : "Đon video nhm cnh báo người M rng ngay c nhng v tríđược cho là an toàn, hu c nhưđo Guam cũng có th bđe da khi n ra xung đt v các đim chp nhoáng trong khu vc, có th làĐài Loan hoc BiĐông".

Published in Diễn đàn

Biển Đông : Philippines kêu gọi hòa hoãn với Trung Quốc

RFI, 12/09/2020

Tổng thống Philippines ngày 11/09/2020 đã kêu gọi dùng biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông. Ông Rodrigo Duterte đồng thời cho rằng luật pháp quốc tế phải được tuân thủ.

vn1

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tiếp bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại phủ tổng thống, Manila, ngày 11/09/2020.  AP – Toto Lozano

Hồ sơ Biển Đông là chủ đề trọng tâm tại hội nghị ngoại trưởng thường niên của khối ASEAN, đặc biệt là các hành vi bức hiếp của Bắc Kinh nhắm vào các láng giềng, trong đó có Philippines.

Theo hãng tin Anh Reuters, tổng thống Philippines đã có những tuyên bố như trên trong cuộc hội đàm tại Manila với bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, nhân dịp nhân vật này ghé thăm Philippines trong vòng công du 4 nước Đông Nam Á : Philippines, Indonesia, Malaysia và Brunei.

Đối với tổng thống Philippines, hành động của mọi nước đều phải dựa trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, do đó "Tất cả các tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình".

Philippines, nhất là giới quân đội, đặc biệt nghi kỵ Trung Quốc, cáo buộc nước này đã có những hành vi xâm lấn lãnh hải, bắt nạt ngư dân Philippines, cản Philippines tiếp cận các nguồn năng lượng của mình. Tuy nhiên, từ lúc lên cầm quyền, tổng thống Duterte luôn cho thấy thái độ chạy theo Trung Quốc.

Việt Nam và Malaysia cũng có những lời tố cáo tương tự đối với Bắc Kinh trong năm nay, nhưng Trung Quốc vẫn cho rằng các hoạt động của họ là hoàn toàn hợp pháp, vì được thực hiện trong vùng biển của họ.

Tại Manila, bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cũng đã gặp đồng nhiệm Philippines Delfin Lorenzana - một nhân vật thường xuyên chỉ trích gay gắt các hành vi trên biển của Trung Quốc.

Tại cuộc gặp hai bên cũng cam kết giữ gìn hòa bình và ổn định tại Biển Đông. Bộ trưởng Trung Quốc cũng cam kết tài trợ 20 triệu đô la trang thiết bị không gây sát thương cho Philippines.

Điều được Reuters chú ý là nội dung thông báo chung về cuộc gặp giữa hai bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và Philippines đã bị điều chỉnh đáng kể so với bản được công bố trước đó rồi sau đó bị thu hồi.

Trong bản đầu tiên, ông Lorenzana đã tuyên bố với đồng nhiệm Trung Quốc rằng Hải Quân Philippines sẵn sàng thách thức bất cứ hoạt động nào gây tổn hại đến chủ quyền trên biển của nước mình, và sẽ tiếp tục tuần tra vùng biển của đất nước. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines còn xác định rằng Manila sẽ tuân thủ đúng phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường trực năm 2016 "mà không nhượng bộ hay thay đổi gì".

Bộ Quốc phòng Philippines đã từ chối cho biết lý do vì sao đã rút lại bản thông báo ban đầu.

Trọng Nghĩa

************************

Biển Đông : Mỹ dự tính dùng nhiều hơn các thiết bị không người lái để chống Trung Quốc

RFI, 11/09/2020

Trong năm 2021, Hải quân Hoa Kỳ sẽ triển khai các thiết bị không người lái trên không, dưới nước và trên mặt nước trong khuôn khổ kế hoạch sử dụng công nghệ không người lái vào các tình huống chiến sự, đặc biệt để chống Trung Quốc ở vùng Biển Đông. Đó là thông báo của thiếu tướng Hải quân Robert Gaucher, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tại cuộc triển lãm quốc tế thường niên về các hệ thống vận chuyển không người lái, theo tin của trang mạng EurAsian Times hôm nay, 11/09/2020.

vn2

Hải quân Mỹ chuẩn bị phóng máy bay tự hành X-47B từ hàng không mẫu hạm USS George Bush (CVN 77), ngày 14/05/2013. USS George H.W. Bush (CVN 77) - MC2 Timothy Walter

Kế hoạch nói trên được mô tả là một "bước đột phá quan trọng" ở vùng Biển Đông. Theo EurAsian Times, Hải quân Hoa Kỳ muốn có một ngân sách 2 tỷ đôla để đóng 10 tàu không người lái trên mặt nước trong vòng 5 năm tới. Tuy nhiên, Quốc Hội Mỹ đã tỏ vẻ nghi ngờ về dự án này, thậm chí đã ngăn cản Hải quân Hoa Kỳ mua các tàu không người lái cỡ lớn.

Tại triển lãm nói trên, thiếu tướng Hải quân Gaucher nói : "Tôi muốn có thể điều một tàu không người lái trên mặt nước vào trong vùng mà đối phương đang kiểm soát. Nếu có bị mất tàu đó thì ta sẽ mất một tàu rẻ tiền hơn và không mất sinh mạng của người Mỹ nào".

Theo EurAsian Times, Hải quân Hoa Kỳ đã bắt đầu triển khai các hệ thống không người lái và thử nghiệm khả năng của các hệ thống đó. Năm ngoái họ đã cho chạy thử một tàu tự hành mang tên Sea Hunter từ San Diego đến Hawai và quay trở về. Đây là tàu đầu tiên có thể tự hành trên một hành trình như vậy. Hải quân Mỹ đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các hệ thống không người lái trong các chiến dịch trên biển trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc, đặc biệt là ở vùng Biển Đông. Trong thời gian gần đây, Hoa Kỳ điều các chiến hạm và hàng không mẫu hạm đến Biển Đông với tần suất ngày càng cao.

Căng thẳng Mỹ- Trung về Biển Đông cũng đã bao trùm các hội nghị thường niên của ASEAN hiện đang diễn qua video, do Việt Nam chủ trì. Trong cuộc họp với các đồng nhiệm ASEAN, ngoại trưởng Mike Pompeo đã cùng với một số quốc gia Đông Nam Á bày tỏ quan ngại về những hành động "hung hăng" của Trung Quốc ở Biển Đông và một lần nữa ông Pompeo khẳng định những yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở vùng biển này là bất hợp pháp, chiếu theo phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực trong vụ Philippines kiện Trung Quốc. Hôm 09/09 vừa qua, tại cuộc họp với các ngoại trưởng ASEAN, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã lên án quân đội Mỹ gây thêm căng thẳng ở Biển Đông và đã trở thành kẻ đi đầu trong việc quân sự hóa vùng biển này.

Thanh Phương

***********************

Vit Nam mua h thng giám sát ca Israel trang b cho tàu cnh sát bin

VOA, 11/09/2020

Vit Nam va chn công ty Controp ca Israel làm nhà cung cp h thng giám sát cho các tàu mi ca lc lượng cnh sát bin, truyn thông Israel dn thông báo t công ty Controp cho biết hôm 11/9.

vn3

Tàu cnh sát bin Vit Nam (phi) trong mt v đi đu vi tàu hi cnh Trung Quc trên Bin Đông.

Controp là nhà sn xut chuyên v h thng giám sát và đin quang. Công ty này đã tr thành nhà cung cp tích cc cho Vit Nam trong vài năm qua khi Vit Nam bt đu đu tư vào vic nâng cp vũ khí, thiết b cho quân đi gia bi cnh căng thng trong khu vc Bin Đông đang ngày càng gia tăng.

Tin cho hay hp đng mi nht ca Vit Nam vi công ty Israel là h thng giám sát iSea-25HD, phiên bn đơn gin hơn ca các b iSea30 và iSea50. H thng này được đt trong mt b đơn nht dành cho tàu thuyn c trung bình.

S có 12 tàu cnh sát bin được trang b h thng mi, trong đó có 7 tàu do nhà máy đóng tàu Hng Hà ti Vit Nam đóng và s tàu còn li được nhà máy L&T đóng ti n Đ.

Giám đc tiếp th cp cao khu vc Châu Á ca Controp, Dror Harari, cho biết h thng giám sát iSea-25HD được phát trin trong 2,5 năm qua, vi h thng camera c ngày và đêm, chế đ xem trc th (LOS) liên tc, không b gián đon, đm bo hình nh rõ nét ngay c trong điu kin khc nghit trên bin như sương mù, đ m cao, nước bn, cho phép tàu thuyn phát hin được các vt th nh và tàu cá khong cách xa lên đến 10 km và phát hin các tàu ln hơn lên đến 20 km. Thiết b nng 13 kg này cũng được trang b công c tìm kiếm bng laser.

"Đây là ln đu tiên chúng tôi bán phiên bn này cho người Vit Nam", Defense News dn li ông Harari nói, đng thi cho biết các h thng giám sát mi s được giao cho Vit Nam sau vài tháng.

K t khi Vit Nam thc hin chính sách hin đi hóa quân đi, Israel đang tr thành nhà cung cp vũ khí ln th hai cho quân đi Vit Nam, ch sau đi tác truyn thng là Nga, theo Vin nghiên cu hòa bình quc tế Stockholm (SIPRI).

Ngược li, vi chi phí lên đến hàng t đô la cho vic mua sm vũ khí hin đi t Israel, Vit Nam cũng tr thành khách hàng ln nht ca ngành công nghip quc phòng Israel trong khu vc Đông Nam Á.

Vin Nghiên cu Hòa bình Quc tế nói mi quan h hp tác quc phòng song phương gia Vit Nam và Israel không ch đơn thun là mua bán vũ khí, mà còn phát trin theo chiu sâu thông qua các chương trình hp tác quân s, nht là chuyn giao công ngh sn xut vũ khí hin đi.

Published in Châu Á

Tương lai Biển Đông : Căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục

Nguyễn Trường, RFA, 10/09/2020

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 3/2020, những căng thẳng tại biển Đông đã gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do Trung Quốc tiếp tục tỏ thái độ quyết đoán, cùng với đó là việc quan hệ Mỹ-Trung xấu đi trong một loạt vấn đề, trong đó có vấn đề biển Đông. Những hành động của Bắc Kinh nhằm khẳng định quyền tài phán và thể hiện rằng Covid-19 không làm suy yếu ý chí chính trị hay khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã phản tác dụng. Mỹ đã tăng cường sự hiện diện quân sự tại biển Đông cũng như đẩy mạnh việc chỉ trích các hành động của Trung Quốc. Quan trọng hơn cả, để ủng hộ các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền, Washington đã gắn chính sách biển Đông của mình với phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016. Trung Quốc và Mỹ liên tục cáo buộc nhau kích động căng thẳng và quân sự hóa tranh chấp.

dna1

Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ tập trận cùng tàu của Lực lượng phòng vệ Biển Nhật Bản ở Biển Đông hôm 31/8/2018 - Reuters

Các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền tại biển Đông cho rằng Bắc Kinh đã lợi dụng đại dịch Covid-19 để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền, đồng thời phản ứng bằng lập trường cứng rắn hơn. Các nước này tiếp tục bác bỏ cơ sở pháp lý "đường 9 đoạn" của Trung Quốc và viện dẫn phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016. Mặc dù các quốc gia ven biển tại Đông Nam Á nhìn chung tán thành việc Mỹ ủng hộ họ thực thi quyền hàng hải trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình, nhưng các nước này cũng kiềm chế không công khai khẳng định điều này để tránh chọc giận Trung Quốc.

Trong vòng 18 tháng tới, căng thẳng không có khả năng hạ nhiệt. Quan hệ Mỹ-Trung sẽ tiếp tục đi xuống, bất luận ai là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Trung Quốc và Mỹ sẽ tăng cường hoạt động quân sự tại biển Đông, làm gia tăng nguy cơ đối đầu. Căng thẳng gia tăng tại eo biển Đài Loan sẽ tác động tới tranh chấp tại biển Đông. Các nỗ lực của Đông Nam Á trong việc bảo vệ quyền chủ quyền bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và thông qua đàm phán với Trung Quốc về COC sẽ không làm thay đổi những động lực cốt lõi trong tranh chấp ở biển Đông.

Cạnh tranh chiến lược leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục đổ thêm dầu vào ngọn lửa căng thẳng tại biển Đông. Mối bất hòa giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ gia tăng đáng kể từ nay cho tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11 tới. Với sự đồng thuận lưỡng đảng tại Mỹ về Trung Quốc, chính quyền Mỹ mới nếu do Joe Biden dẫn dắt cũng sẽ không thể thực hiện một chính sách mang tính hòa giải hơn tại biển Đông được. Nếu Tổng thống Trump tái cử, chính quyền của ông sẽ tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông. Vì thế, trong giai đoạn 2020-2021, chúng ta sẽ chứng kiến sự gia tăng tần suất các chiến dịch quân sự của Mỹ tại biển Đông, bao gồm các sứ mệnh hiện diện, các chuyến bay qua, các cuộc tập trận và FONOP. Mỹ nhiều khả năng sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào các công ty, cá nhân tại Trung Quốc mà Mỹ cáo buộc thực hiện chính sách của Bắc Kinh tại biển Đông.

Thông qua việc triển khai tàu hải quân tại EEZ của Malaysia cũng như qua tuyên bố của Pompeo, Mỹ đã cho thấy ý định gia tăng sự hỗ trợ dành cho các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền. Sự hỗ trợ này có thể bao gồm việc chuyển giao trang thiết bị như radar, thiết bị không người lái và tàu tuần tra để các nước có thể giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động của Trung Quốc trong EEZ của họ, nhất là việc đánh cá trái phép và sự hiện diện của các tàu của Chính phủ Trung Quốc. Pompeo cũng ám chỉ rằng Mỹ có thể sẵn sàng hỗ trợ pháp lý cho các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền.

Trung Quốc sẽ đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và quyền tài phán tại biển Đông và gia tăng sức ép với Đài Loan nhằm thúc đẩy tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và chuyển hướng sự chú ý khỏi các khó khăn kinh tế của Trung Quốc. Vì thế, quy mô và tần suất các cuộc tập trận của Hải quân PLA tại biển Đông cũng sẽ gia tăng. Các hoạt động quân sự của Mỹ, trong đó có FONOP, sẽ không ngăn cản được Trung Quốc. Nếu như tần suất FONOP tại biển Đông gia tăng, Hải quân PLA có thể áp dụng cách tiếp cận đối đầu hơn nhằm phản ứng trước việc các tàu hải quân Mỹ đi qua các quần đảo Trường Sa hay Hoàng Sa, làm gia tăng nguy cơ đụng độ trên biển mà có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng quân sự-chính trị trong quan hệ Mỹ-Trung.

Dự báo trong năm tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai tàu khảo sát tới EEZ của các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền, cũng như quấy rối các tàu tiến hành khai thác và thăm dò dầu khí theo thỏa thuận với các nước này. Mục đích của Trung Quốc là ép buộc chính phủ các nước Đông Nam Á ký thoả thuận khai thác chung với Trung Quốc, đồng thời cản trở các tập đoàn năng lượng quốc tế tham gia các dự án khai thác dầu khí ngoài khơi cùng các công ty năng lượng Đông Nam Á khi không được Bắc Kinh chấp thuận.

dna2

Tàu hải cảnh Trung Quốc nhìn từ tàu cảnh sát biển của Việt Nam ở Biển Đông hôm 14/5/2014 – Reuters

Các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền tại biển Đông quyết tâm bảo vệ tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ và quyền chủ quyền trong EEZ của họ. Các nước này cũng không kém phần quyết tâm để không bị lôi kéo vào tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp. Do sự bất cân xứng về sức mạnh, các nước Đông Nam Á không thể sử dụng hải quân hay lực lượng bảo vệ bờ biển để đối đầu với Hải quân Trung Quốc (PLA) hay lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc, mà chỉ có thể giám sát các hoạt động của họ. Trong tương lai, năng lực của họ trong hoạt động này có thể còn suy giảm vì các chính phủ phải cắt giảm chi tiêu quốc phòng do khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ đại dịch Covid-19 và phải điều chuyển bớt năng lực cảnh sát biển và hải quân vốn đã hạn chế nhằm đối phó với tình trạng cướp biển đang ngày càng gia tăng trong và ngoài các vùng lãnh hải. Do đó, các nước Đông Nam Á còn lại 2 lựa chọn chính sách, và không lựa chọn nào có thể ngăn cản Trung Quốc hành động quyết đoán.

Lựa chọn thứ nhất là tiếp tục nhấn mạnh rằng các quyền trên biển của họ được xác định theo UNCLOS, và được phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 bảo vệ. Tuy nhiên, Trung Quốc cho rằng các quyền lịch sử của họ tại biển Đông phải được ưu tiên so với UNCLOS và phán quyết của Tòa trọng tài là vô giá trị. Chiến lược của các nước Đông Nam Á nhằm làm cho Trung Quốc phải hổ thẹn và điều chỉnh các tuyên bố chủ quyền theo UNCLOS sẽ không thành công và Bắc Kinh sẽ sẵn sàng chấp nhận việc uy tín bị suy giảm.

Lựa chọn thứ hai là đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc, với hy vọng rằng nó sẽ điều chỉnh cách hành xử của Trung Quốc và làm giảm căng thẳng. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19, từ đầu năm tới nay, các quan chức 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc chưa thể gặp nhau để tiếp tục đàm phán. Tháng 7/2019, các quan chức đã nhất trí về dự thảo thứ nhất của COC. Cuộc gặp gần đây nhất của Nhóm làm việc chung (JWC) ASEAN-Trung Quốc về COC diễn ra tại Đà Lạt, Việt Nam vào tháng 1/2019. Hai cuộc gặp của JWC dự kiến diễn ra vào đầu năm 2020 – tại Brunei vào tháng 2 và tại Philippines vào tháng 5 – đều đã bị huỷ do đại dịch Covid-19. Tính chất nhạy cảm của các cuộc đàm phán này không cho phép tiến hành thông qua hình thức họp trực tuyến. Tình hình có thể thay đổi vào cuối năm nay và các nội dung ít nhạy cảm của COC có thể được đàm phán trực tuyến. Bắc Kinh có vẻ muốn nối lại đàm phán. Tuy nhiên, ngay cả khi các cuộc thảo luận được nối lại, sự ngắt quãng trong công việc của JWC có nghĩa là mục tiêu hoàn tất COC trong năm 2021 mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố sẽ khó có thể đạt được. Ngay từ trước khi đại dịch xảy ra, nhiều nước thành viên ASEAN đã bày tỏ nghi ngờ về khả năng đạt được mục tiêu này khi xét tới tính phức tạp của các vấn đề thảo luận. Vì thế, có thể phải tới năm 2022 hoặc 2023 thì COC mới được ký kết, và vào thời điểm đó, Trung Quốc hẳn đã củng cố vững chắc hơn đáng kể vị thế của mình tại biển Đông.

Không có nhiều lý do để tỏ ra lạc quan rằng căng thẳng sẽ lắng dịu tại khu vực biển Đông trong giai đoạn 2020-2021. Cạnh tranh Mỹ-Trung, động lực trung tâm của tình trạng này, chắc chắn sẽ leo thang. Đối mặt với thực tế khó khăn này, các nước Đông Nam Á sẽ không có sẵn nhiều công cụ để hạ nhiệt tranh chấp ngoài việc viện dẫn luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương. Như vậy, tranh chấp tại biển Đông sẽ vẫn đứng đầu nghị trình an ninh của Đông Nam Á trong tương lai sắp tới.

Năm nay là năm Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã rất hy vọng đẩy mạnh vấn đề biển Đông và tiến trình đàm phán COC trong nghị trình của ASEAN cũng như tại Hội nghị Đông Á (EAS) và Diễn đàn khu vực ASEAN. Tuy nhiên, với sự bùng phát của đại dịch Covid-19, các nỗ lực của Việt Nam bị giảm đi rất nhiều.

Chúng ta còn nhớ mới đây, hồi tháng 7 năm nay, phía Việt Nam đã phải tiếp tục rút khỏi việc thăm dò tại Lô 06.1 do lo ngại sức ép từ phía Trung Quốc và sự chưa sẵn sàng của lãnh đạo Việt Nam trong việc đối mặt với đe doạ từ Trung Quốc. Trước đó, năm 2017 và 2018, Việt Nam đã phải yêu cầu công ty Repsol rút khỏi các Lô 136.3 và 07.3.

Như vậy, trong tương lai, khả năng Trung Quốc sẽ được đà lấn tới, tiếp tục đe doạ hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam ngay tại EEZ của Việt Nam. Dư luận quốc tế gần đây cũng rộ lên khả năng Việt Nam sẽ theo gót Philippines để sử dụng phương án Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS, nhằm lôi Trung Quốc ra Tòa quốc tế. Tuy nhiên, khả năng này vẫn còn chưa rõ ràng, khi Việt Nam năm nay đang chuẩn bị cho Đại hội đảng cộng sản lần thứ 13, là dịp mà các phe nhóm chính trị giành quyền lực cho nhóm mình. Chính vì vậy, các khả năng có các hành động pháp lý mạnh mẽ tại biển Đông khó có thể xảy ra năm nay.

Việt Nam cũng đặt hy vọng nhiều vào tiến trình đàm phán COC năm nay. Tuy nhiên, với các dự báo như trên, khả năng COC khó mà có thể ký kết được trong tương lai gần. Và đương nhiên, Trung Quốc muốn sử dụng COC để loại Mỹ ra ngoài vùng ảnh hưởng. Và đây cũng sẽ là một trở ngại cho Việt Nam trong việc cân bằng quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc trong vai trò chủ tịch ASEAN năm nay.

Nguyễn Trường

Nguồn : RFA, 10/09/2020

***********************

Trung Quốc lại ‘thổi lửa’ ở Biển Đông

Hoàng Lan, Thoibao.de, 10/09/2020

Trung Quốc ngày càng hung hăng trên các hồ sơ mà nước này có tranh chấp chủ quyền từ Biển Đông, Biển Hoa Đông cho đến Eo biển Đài Loan bằng việc tiến hành hàng loạt các cuộc tập trận. Chính quyền Trung Quốc mới đây đã phát đi thông báo từ ngày hôm 07/09/2020 sẽ tiến hành nhiều cuộc tập trận hơn nữa trên vùng biển phía đông và đông bắc Trung Quốc.

dna3

Ảnh : Phái đoàn quân sự Mỹ – Nhật, do hai bộ trưởng Quốc Phòng dẫn đầu, hội đàm tại căn cứ không quân Anderson, Guam, ngày 29/08/2020

Chiến dịch mới nhất này gồm hai cuộc tập trận.

Cục Hải sự Trung Quốc cho hay cuộc tập trận thứ nhất diễn ra ở vùng biển Bột Hải, ngoài khơi thành phố cảng Tần Hoàng Đảo thuộc tỉnh Hà Bắc, vào ngày 07/09.

Cuộc tập trận thứ hai, trong đó có phần bắn đạn thật, sẽ được tổ chức ở khu vực phía nam của vùng biển Hoàng Hải trong ngày 08-09/09. Theo thông báo, tất cả tàu thuyền bị cấm vào khu vực tập trận.

Tháng trước, Trung Quốc đã tiến hành một sự kiện hiếm thấy và bất thường là tổ chức 4 cuộc tập trận kéo suốt từ biển Hoa Đông, Hoàng Hải cho đến Biển Đông.

Trong đợt tập trận nói trên, Trung Quốc đã bắn 2 tên lửa đạn đạo chống hạm, gồm tên lửa Đông Phong 21 (DF-21) và Đông Phong 26 (DF-26) về phía Biển Đông, vào một khu vực giữa tỉnh Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa. Một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng Trung Quốc đã bắn đến 4 tên lửa đạn đạo đến Biển Đông.

Trước đó, hai Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Nhật Bản đã có cuộc gặp tại căn cứ quân sự Andersen trên đảo Guam ngày 29/08/2020 nhằm thắt chặt hợp tác quân sự song phương.

Lãnh đạo quân sự hai nước lên án mạnh mẽ những nước đơn phương dùng vũ lực để thay đổi nguyên trạng các tuyến lưu thông hàng hải, ám chỉ đến Trung Quốc.

Theo RFI, Bộ trưởng Mark Esper và đồng nhiệm Taro Kono nhất trí duy trì kiểm soát chiến lược hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhắc đến cam kết Washington bảo vệ Tokyo theo điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ – Nhật, được áp dụng với trường hợp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, hiện do Nhật Bản kiểm soát, nhưng Trung Quốc đòi chủ quyền.

Về vụ bắn tên lửa của Trung Quốc ra Biển Đông, bộ trưởng Quốc phòng hai nước đều xác nhận đó là nhằm cảnh cáo các máy bay trinh sát của Mỹ hoạt động gần khu vực hải quân Trung Quốc đang tập trận.

Trước mối đe dọa tên lửa từ Trung Quốc, vào tháng 09 này, Nhật Bản có thể sẽ thảo luận những giải pháp phòng thủ thay thế, sau khi từ bỏ dự án triển khai hệ thống chặn tên lửa Aegis Ashore của Mỹ.

Các nước trong khu vực và các nước liên quan đều đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc bắn tên lửa ra Biển Đông.

dna4

Ảnh : Thông cáo ngày 27/08 của Bộ Quốc phòng Mỹ về việc Trung Quốc bắn tên lửa ở Biển Đông

Tên lửa DF-26, được bắn thử với tên lửa Đông Phong DF-21 ngày 26/08, có tầm bắn 4.000 km (2.485 dặm), được coi là "loại tên lửa diệt tầu sân bay" và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Loại hỏa tiễn này nằm trong các loại vũ khí bị cấm trong Hiệp ước về loại bỏ tên lửa tầm trung (INF) được Hoa Kỳ và Liên Xô ký từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh. Do không bị ràng buộc vì Hiệp ước này, Trung Quốc đã triển khai khoảng 2.000 tên lửa liên lục địa hoặc tên lửa hành trình có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km. Đây là lý do được Washington nêu khi giải thích về việc rút khỏi INF.

Vụ thử nghiệm tên lửa diễn ra trong khuôn khổ cuộc tập trận từ ngày 24 đến 29/08 ở phía bắc quần đảo Hoàng Sa.

Bộ Quốc phòng Mỹ phát đi thông cáo ngày 27/08 khẳng định "các hành động của Bắc Kinh, kể cả việc thử tên lửa, càng gây thêm bất ổn cho tình hình ở Biển Đông".

Bộ Quốc Phòng Mỹ cho rằng cuộc tập trận của Quân đội Trung Quốc nằm trong hàng loạt hoạt động của Bắc Kinh nhằm áp đặt các yêu sách hàng hải phi pháp và gây bất lợi cho các nước láng giềng Đông Nam Á tại Biển Đông.

Theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc đã đi ngược lại cam kết ghi trong bản Tuyên bố về Cách ứng xử trên Biển Đông (DOC) năm 2002 và đặt ra nghi vấn về động cơ thực thụ của Bắc Kinh trong đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử (COC).

Ngày 26/08/2020, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Thị Thu Hằng cho biết "việc Trung Quốc liên tiếp tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa vi phạm chủ quyền Việt Nam (…) đi ngược lại tinh thần Tuyên Bố về Ứng Xử của Các Bên ở Biển Đông (DOC)" và khiến tình hình thêm phức tạp, bất lợi cho tiến trình đàm phán giữa Trung Quốc với các nước ASEAN về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).

Ba mục tiêu

Các cuộc tập trận ngày càng hùng hậu và trên quy mô lớn của Trung Quốc nhằm ba mục tiêu.

Thứ nhất là nhằm kích động tinh thần dân tộc trong nước. Thứ hai là để ngăn chặn các lực lượng bên ngoài, đặc biệt là Mỹ, can thiệp vào Biển Đông. Và thứ ba là cảnh cáo các nước láng giềng về các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.

Nhưng các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ngày càng phản đối mạnh mẽ : Việt Nam thì yêu cầu Bắc Kinh hủy các cuộc tập trận ở Hoàng Sa đồng thời đề nghị tăng cường hợp tác với Ấn Độ vì sự ổn định của khu vực Ấn Đô – Thái Bình Dương, Philippines cho biết sẽ cầu viện Mỹ nếu Trung Quốc tấn công tầu của Philippines ở Biển Đông.

Riêng Mỹ sẽ không từ bỏ các chiến dịch FONOP ở trong vùng. Chiến hạm Mỹ đã thực hiện tuần tra vùng biển Hoàng Sa vào lúc Trung Quốc tập trận bắn đạn thật. Một hôm sau khi Trung Quốc phóng thử tên lửa ở Biển Đông, ngày 27/08, chiếc khu trục hạm USS Mustin (DDG-89) đã đi ngang qua vùng quần đảo Hoàng Sa nhằm "duy trì các quyền hạn, quyền tự do và quyền sử dụng hợp pháp vùng biển được luật pháp quốc tế công nhận".

Phát ngôn viên Mỹ khẳng định là chiến dịch bảo về quyền tự do hàng hải vừa thực hiện cũng nhằm "thách thức yêu sách của Trung Quốc đối với các đường cơ sở thẳng bao quanh quần đảo Hoàng Sa".

Để đối phó với Trung Quốc, Mỹ còn quyết định tổ chức họp "Bộ Tứ kim cương".

dna5

Ảnh chụp thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ về việc trừng phạt các công ty Trung Quốc cải tạo Biển Đông

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien đã lên án "thái độ rất hung hăng" hiện nay của Trung Quốc khi phát biểu tại tổ chức phi chính phủ Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council) ngày 28/08.

Hãng tin Reuters cho biết Hoa Kỳ dự trù tổ chức nhiều cuộc họp cấp cao với các đối tác an ninh Nhật Bản, Úc và Ấn Độ trong "Bộ Tứ" (QUAD). Cụ thể, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ họp với đồng nhiệm Bộ Tứ vào tháng 09 và 10/2020. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien sẽ họp với các đồng nhiệm Bộ Tứ ở Hawaii vào tháng 10.

Ngày 26/08, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố lệnh trừng phạt các công ty Trung Quốc và cá nhân tham gia xây đảo nhân tạo ở Biển Đông và cho biết "Washington sẽ tiếp tục hành động cho tới khi Trung Quốc chấm dứt các hành vi cưỡng ép trên Biển Đông, hướng tới lợi ích chung và cư xử một cách thân thiện, tôn trọng các nước láng giềng".

Một trong những cái tên nổi trội nhất danh sách trừng phạt là Tập đoàn Kiến thiết giao thông Trung Quốc (CCCC). Không chỉ tham gia vào quá trình bồi đắp và xây dựng trái phép các thực thể nhân tạo ở Biển Đông, Mỹ xác định CCCC còn là nhà thầu hàng đầu được Bắc Kinh sử dụng trong sáng kiến "Vành đai, con đường".

Lệnh trừng phạt ngày 26/08 được coi là một trong những nỗ lực đáng ghi nhận sau tuyên bố lập trường mới về Biển Đông và cam kết hỗ trợ các nước bị Trung Quốc xâm phạm chủ quyền.

Hoàng Lan

Nguồn : Thoibao.de, 10/09/2020

Published in Diễn đàn