ASEAN dự định bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông (RFI, 07/11/2018)
Theo tin từ đài truyền hình Nhật Bản NHK ngày hôm qua, 06/11/2018, lãnh đạo 10 nước thuộc Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) đã dự định tuyên bố quan ngại trước các hoạt động liên tục của Trung Quốc tại Biển Đông. Ý kiến này được ghi trong một bản dự thảo tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, sẽ mở ra từ ngày 13/11 tới đây tại Singapore.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và đồng nhiệm Thái Lan Chan-O-Cha tại thượng đỉnh EU-ASEM ở Bruxelles ngày 19/10/2018. Olivier Hoslet/Pool via Reuters
Theo NHK, dự thảo bản tuyên bố của chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, sẽ ghi nhận "một số quan ngại" về những hoạt động cải tạo đảo đá và các hoạt động khác ở Biển Đông. Theo khối ASEAN, thì các hành vi đó đã "làm xói mòn lòng tin, có thể gây tổn hại đến hòa bình, an ninh, ổn định khu vực", tuyên bố chung viết.
Hãng NHK nhắc lại : Khi Philippines tổ chức Thượng Đỉnh ASEAN vào năm ngoái, tuyên bố của chủ tịch ASEAN không bao gồm từ ngữ "quan ngại" vì nước chủ nhà, đồng thời là chủ tịch luân phiên khối Đông Nam Á muốn cải thiện quan hệ với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, với sự kiện Singapore là chủ tịch ASEAN năm nay, từ ngữ này được sử dụng trở lại để phản ánh quan điểm tôn trọng luật pháp quốc tế của Singapore.
Dự thảo dĩ nhiên cũng hoan nghênh tiến bộ trong việc đàm phán nhằm sớm tiến tới một bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc trên Biển Đông.
Xin nhắc lại là ngoài hội nghị thượng đỉnh của riêng ASEAN, tại Singapore sẽ có một loạt cuộc họp với các đối tác của ASEAN như Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, và các nước khác trong khu vực.
Trọng Nghĩa
******************
Biển Đông : Nhật Bản-Malaysia tăng cường hợp tác an ninh hàng hải (RFI, 07/11/2018)
Sau cuộc hội đàm lần thứ nhất vào tháng Sáu, thủ tướng Malaysia đã gặp gỡ với đồng nhiệm Nhật Bản Shinzo Abe tại Tokyo ngày 06/11/2018. Tài chính và an ninh hàng hải là hai chủ đề được lãnh đạo Nhật Bản và Malaysia nhấn mạnh.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad và đồng nhiệm Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc họp báo chung tại Tokyo ngày 06/11/2018. Reuters/Issei Kato
Theo đài truyền hình NHK, thủ tướng Shinzo Abe và đồng nhiệm Mahathir Mohamad nhất trí tăng cường hợp tác về an ninh hàng hải tại vùng Biển Đông, bảo vệ các vùng biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Trong buổi họp báo chung, ông Abe phát biểu muốn thúc đẩy quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực. Nhật Bản sẵn sàng giúp Malaysia xây dựng lại hệ thống tài chính. Hai nhà lãnh đạo cũng đồng ý tiếp tục kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ dài hạn trị giá 200 tỉ yen thông qua Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản.
Theo South China Morning Post, nhân dịp này, thủ tướng Malaysia được tặng Huân chương Đồng hoa (Grand Cordon of the Order of the Paulownia Flowers) để ghi nhận sự đóng góp của ông Mahathir trong việc tăng cường quan hệ giữa hai nước. Ông là nhà lãnh đạo Châu Á thứ ba được nhận huân chương này sau cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu và cựu thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh.
Tuy nhiên, báo mạng Hồng Kông cho rằng đây là hành động để thu hút thêm một đồng minh mới nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Thu Hằng
Hải Quân Mỹ bị Trung Quốc khiêu khích trên biển 18 lần từ năm 2016 (RFI, 04/11/2018)
Từ năm 2016 đến nay, phi cơ hay chiến hạm của Hải Quân Mỹ đã 18 lần bị lực lượng Trung Quốc áp sát một cách "không an toàn" trên vùng biển Thái Bình Dương. Đài truyền hình Mỹ CNN ngày hôm qua 03/11/2018 đã cho biết như trên, trích dẫn số liệu thống kê quân sự của Hoa Kỳ.
Chiến hạm Mỹ USS Stethem (DDG-63) làm nhiệm vụ tuần tra tại Biển Đông. Wikipedia
Trả lời CNN, ông Nate Christensen, một phát ngôn viên Hạm Đội Thái Bình Dương Mỹ xác nhận cụ thể là kể từ năm 2016 đến nay, lực lượng Hoa Kỳ đã có tất cả "19 lần chạm trán không an toàn và/hoặc thiếu chuyên nghiệp với Trung Quốc và Nga", trong đó 18 lần là với Trung Quốc và 1 lần với Nga.
Chủ yếu các vụ chạm trán liên quan đến Hải Quân, nhưng Không Quân Mỹ cũng đã bị lực lượng Trung Quốc khiêu khích ít nhất một lần trong giai đoạn kể từ năm 2016.
Một quan chức Mỹ biết rõ về các số liệu thống kê xác định với đài CNN rằng năm 2017, năm đầu tiên của chính quyền tổng thống Donald Trump, là năm có nhiều vụ chạm trán nhất với Trung Quốc.
Theo nguồn tin này, thì đã có ít nhất ba trong các vụ chạm trán không an toàn xảy ra vào tháng 2, tháng 5 và tháng 7 năm 2017, khi chiến đấu cơ Trung Quốc thực hiện những thao tác bị Mỹ cho là không an toàn để cản đường máy bay trinh sát của Hải Quân Hoa Kỳ.
Các hành vi có thể nói là hù dọa của Trung Quốc đã không ảnh hưởng được lên Mỹ. Phát ngôn viên Hạm Đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ khẳng định với CNN rằng việc Mỹ tiếp tục hiện diện trong khu vực "cho thấy quyết tâm của Mỹ muốn có một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở", đồng thời cho thấy rằng "Hải Quân Mỹ sẽ tiếp tục triển khai máy bay, tàu chiến và hoạt động bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép".
Theo CNN, trung bình mỗi năm, Hải Quân Mỹ tiến hành hàng trăm chiến dịch trên không và trên biển ở các vùng Biển Đông, Biển Hoa Đông, Hoàng Hải, Biển Nhật Bản. Các quan chức Mỹ khẳng định họ xem xét những vụ chạm trán không an toàn một cách rất nghiêm túc.
Một quan chức xin giấu tên của Hải Quân Mỹ đã xác định với CNN : "Đừng nghĩ là chúng tôi không chú ý. Sự an toàn của các lực lượng của chúng tôi là rất quan trọng. Chúng tôi luôn quan ngại mỗi lần xảy ra một vụ chạm trán không an toàn và/hoặc thiếu chuyên nghiệp. Mỹ giải quyết những vụ việc này thông qua các kênh Ngoại giao và quân sự phù hợp".
Giới quan sát lo ngại rằng những vụ chạm trán không an toàn càng nhiều thì nguy cơ xảy ra khủng hoảng, thậm chí là xung đột, giữa hai cường quốc càng cao.
Vào năm 2001 chẳng hạn, một vụ va chạm giữa một máy bay do thám Mỹ và một chiến đấu cơ phản lực của Trung Quốc đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng Ngoại giao lớn giữa Washington và Bắc Kinh.
Trọng Nghĩa
*********************
Triều Tiên : Mỹ- Hàn mở lại cuộc tập trận bị đình hoãn từ tháng 5 (RFI, 04/11/2018)
Hải quân Mỹ và Hàn Quốc khai diễn cuộc tập trận chung kéo dài trong hai tuần kể từ ngày 05/11/2018. Cuộc tập trận này đã được đình hoãn trong 6 tháng để tạo thêm cơ may cho tiến trình giảm căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên. Tin này được loan báo một ngày sau khi Bình Nhưỡng đe dọa mở lại chương trình hạt nhân.
Thủy quân lục chiến Hàn Quốc và Mỹ tập trận tại Pohang năm 2017. Ảnh tư liệu AFP/File / JUNG Yeon-Je
Theo hãng Yonhap, cuộc tập trận chung giữa hải quân Mỹ-Hàn diễn ra ngoài khơi thành phố Pohang, nhìn ra Biển Đông của Hàn Quốc. Lực lượng tham dự gồm một tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến Nam Hàn và Lữ đoàn 3 viễn chinh của Mỹ đóng tại Okinawa, Nhật Bản.
Chương trình tập trận Thủy Quân Lục Chiến Mỹ tại Hàn Quốc, gọi tắt là KMEP, được tổ chức hàng chục lần mỗi năm. Từ tháng 10/2017 đến tháng 9/2018, hai nước dự trù 19 cuộc tập trận nhưng chỉ thực hiện có 11 lần. Trong 12 tháng tới, theo báo cáo của quân đội với Quốc Hội, sẽ có tổng cộng 24 cuộc tập trận chung KMEP được dự trù. Tuy nhiên, chính phủ hai nước sẽ thông báo quyết định chính thức trước ngày 1 tháng 12 tới sau một cuộc họp song phương.
Washington và Seoul giảm bớt các cuộc tập trận lớn như Ulchi Freedon Guardian, Vigilant Act để tránh gây bất bình cho Bắc Triều Tiên trong khuôn khổ tiến trình hòa giải và phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, ngày hôm qua, bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên đe dọa sẽ "trở lại chiến lược phát triển vũ khí hạt nhân" nếu Washington không bỏ lệnh trừng phạt kinh tế.
Trong khi đó tại Bắc Triều Tiên, hãng thông tấn KCNA chào mừng chuyến công du "lịch sử" của chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel, nhưng không cho biết một chi tiết nào về chương trình thăm viếng.
Lãnh đạo Cuba đến Bình Nhưỡng sau khi thăm Moskva, được tổng thống Putin hứa giúp 50 triệu đô để mua vũ khí, theo báo Nga Kommersant.
Tú Anh
*********************
Hàng không mẫu hạm Mỹ tham gia tập trận đại quy mô với Nhật, Canada (RFI, 03/11/2018)
Hôm 03/11/2018 các chiến đấu cơ Mỹ xuất hiện dày đặc trên bầu trời Tây Thái Bình Dương, và hàng không mẫu hạm nguyên tử USS Ronald Reagan cùng với các khu trục hạm Nhật Bản, Canada tham gia cuộc tập trận lớn nhất từ trước đến nay ở vùng biển quanh Nhật Bản.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan trong cuộc tập trận Keen Sword cùng Hải quân Canada và Nhật Bản. Ảnh ngày 03/11/2018 tại vùng Tây Thái Bình Dương. Reuters/Tim Kelly
Nhật Bản và Hoa Kỳ đã huy động 57.000 binh sĩ hải quân, không quân và thủy quân lục chiến trong cuộc tập trận Keen Sword diễn ra hai năm một lần với các cuộc thực tập đổ bộ, không chiến và bắn hỏa tiễn đạn đạo. Số lượng quân nhân tham gia lần này tăng thêm 11.000 người so với năm 2016, trong đó riêng phía Nhật là 47.000 quân, tức 1/5 quân số nước này.
USS Ronald Reagan là tàu sân bay lớn nhất của Mỹ tại Châu Á, với thủy thủ đoàn 5.000 người và 90 chiến đấu cơ F-18. Tám chiến hạm hộ tống tham gia cuộc tập trận chống tàu ngầm, phô trương sức mạnh tại vùng biển mà Washington và Tokyo vẫn lo ngại trước sự hung hăng của Bắc Kinh. Một tàu Canada cũng tham gia cuộc tập trận Keen Sword năm nay.
Thiếu tướng Karl Thomas chỉ huy hàng không mẫu hạm tuyên bố : "Chúng tôi đến đây để giữ ổn định, và các cuộc tập trận như Keen Sword chính là điều phải làm". Thiếu tướng Hiroshi Egawa, chỉ huy các chiến hạm Nhật cũng khẳng định : "Liên minh Mỹ-Nhật rất cần thiết cho sự ổn định trong khu vực và rộng hơn nữa là Ấn Độ - Thái Bình Dương".
Trong năm nay Tokyo cũng đã điều chiến hạm lớn nhất là tàu chở trực thăng Kaga (thực chất là hàng không mẫu hạm) tuần tra trong hai tháng tại Ấn Độ - Thái Bình Dương, ghé thăm Philippines, Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ, Singapore. Chiếc Kaga cùng với hai khu trục hạm hộ tống và một tàu ngầm cũng tham gia tập trận tại Biển Đông.
Bắc Kinh dự trù chi 160 tỉ đô la cho quân đội nước này trong năm 2018, gấp ba lần Nhật Bản.
Thụy My
Đài Loan xác nhận tập trận bắn đạn thật ở Trường Sa (VOA, 04/11/2018)
Lực lượng tuần duyên của Đài Loan hôm 29/10 xác nhận rằng cơ quan này sẽ tiến hành các cuộc thao dượt bắn đạn thật "thông thường" quanh hòn đảo lớn nhất ở Trường Sa là Thái Bình mà Việt Nam gọi là Ba Bình.
Một cuộc tập trận của hải quân Đài Loan.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng của Đài Loan từ chối xác nhận liệu các đơn vị hải quân có tham gia hay không, theo cộng tác viên của Đài tiếng nói Hoa Kỳ ở Đài Bắc.
Các nhà quan sát cho rằng động thái của Đài Loan, bên thường ít lớn tiếng trong tranh chấp ở Biển Đông, nhiều khả năng sẽ gây quan ngại cho các nước tuyên bố chủ quyền khác.
Trả lời ban tiếng Anh của VOA, ông Oh Ei Sun, giảng viên về nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nanyang ở Singapore, nói rằng ông "không rõ ý nghĩa của từ ‘thông thường’", nhưng nếu đó là diễn tập quân sự thì ông "không nghĩ nó là thông thường".
Ông Sun nói rằng việc làm của Đài Loan "chắc chắn sẽ gây xáo trộn nguyên trạng", "các bên khác cũng sẽ tổ chức các cuộc diễn tập tương tự" và "sẽ có chuyện chỉ trích lẫn nhau".
Trước khi Đài Bắc xác nhận, Hà Nội đã lên tiếng phản đối, coi "mọi hoạt động không có sự cho phép của Việt Nam" ở Trường Sa và Hoàng Sa "đều xâm phạm chủ quyền" và "làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông".
Bắc Kinh hiện đang đàm phán với các quốc gia Đông Nam Á về một bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông để ngăn chặn bất kỳ những tính toán sai lầm nào.
Tuy nhiên, Đài Loan không phải là một phần cuộc đàm phán vì Trung Quốc không công nhận hòn đảo này là một quốc gia riêng rẽ, theo cộng tác viên của Đài VOA Ralph Jennings.
Ông Sun nói rằng Trung Quốc hoặc Việt Nam có thể tìm cách "ngăn chặn" Đài Loan tiến hành cuộc thao dượt bằng cách gia tăng sự hiện diện của các lực lượng của nước mình gần hòn đảo Thái Bình. Theo cộng tác viên Jennings, Bắc Kinh thường cho máy bay quân sự bay ngang qua và đưa tàu tới gần Đài Loan, khiến Bộ Quốc phòng của hòn đảo lo ngại.
Theo ông Fabrizio Bozzato, một nhà nghiên cứu về Châu Á và Thái Bình Dương thuộc Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Đài Loan, thông qua cuộc tập trận, chính phủ Đài Loan có thể hy vọng chứng tỏ rằng Tổng thống Thái Anh Văn "cam kết bảo vệ" các quyền lợi ở Biển Đông trước khi diễn ra các cuộc bầu cử địa phương giữa kỳ vào ngày 24/11.
Ông Bozzatto nói rằng "các cuộc tập trận phát đi một thông điệp tới các nước tuyên bố chủ quyền khác rằng Đài Bắc sẵn lòng và sẵn sàng bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ".
Nhà nghiên cứu này cũng nói thêm rằng các cuộc thao dượt cũng là "một cách để chứng tỏ cho Hoa Kỳ và các cường quốc khác cũng như các nước giúp giữ vững quyền tự do hàng hải ở Biển Đông rằng Đài Loan sẵn lòng thực hiện bổn phận của mình".
Theo cộng tác viên của Đài tiếng nói Hoa Kỳ, năm 2016, lực lượng tuần duyên và hải quân Đài Loan cũng đã tổ chức các cuộc diễn tập cứu nạn gần đảo Thái Bình.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan Chen Chung-chi hôm 30/10 nói rằng chính quyền Đài Bắc coi Thái Bình là một "trung tâm cứu hộ nhân đạo", nhưng nói thêm rằng việc có bất kỳ lực lượng quân sự nào tham gia cuộc thao dượt vào tháng tới cũng là vì các mục đích bảo đảm "an ninh".
Trong các diễn biến khác liên quan tới Biển Đông, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã lệnh cho quân khu phụ trách Biển Đông và Đài Loan "chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh".
Theo AP, trong chuyến thăm Philippines, Đô đốc John Richardson, người lãnh đạo các hoạt động của hải quân Mỹ, hôm 29/10 nói rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tuần tra ở Biển Đông trong hoạt động thúc đẩy quyền tự do hàng hải.
*******************
Pháp sắp điều hàng không mẫu hạm đến Biển Đông (RFA, 03/11/2018)
Pháp sẽ điều tàu sân bay Charles de Gaulle đến Ấn độ Dương và Biển Đông trong năm 2019. Trang tin World Socialist trích nhật báo La Provence của Pháp cho biết như vậy hôm 2/11.
Hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle của Pháp - AFP
La Provence trích lời của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly nói rằng hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle hiện đang sửa chữa từ năm ngoái đến nay và sẽ sớm hoạt động trở lại giúp tăng cường khả năng tác chiến của Pháp.
Bà Parly cho biết lý do điều tàu đến các vùng biển xa là vì nhu cầu phải bảo đảm tự do hàng hải. "Pháp luôn ở tuyến đầu bảo vệ quyền tự do hàng hải ở các vùng nước quốc tế. Bất cứ khi nào nguyên tắc của luật quốc tế bị thách thức, mà như hiện nay là ở Biển Đông, chúng ta sẽ cho họ thấy là chúng ta có tự do hàng hải ở đó", bà Parly được trích lời cho biết.
Hồi cuối tháng 5 vừa qua, một tàu của Pháp là tàu Dixmude và một tàu khu trục đã đi qua quần đảo Trường Sa đang tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước ở Biển Đông. Khi đó, tàu của Trung Quốc đã theo sau tàu Pháp cho đến khi tàu Pháp rời đi.
Hoa Kỳ thời gian qua cũng gia tăng các hoạt động tuần tra trong chương trình tự do hàng hải ở Biển Đông và kêu gọi các đồng minh của mình cùng tham gia.
Hồi cuối tháng 9 vừa qua, một tàu chiến của Mỹ đã đi qua đá Gaven thuộc quần đảo Trường Sa để thách thức Trung Quốc.
Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng phản đối các hoạt động này của Mỹ và gọi đây là các hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, gây mất ổn định khu vực.
Trung Quốc hiện đòi chủ quyền đến 90% diện tích Biển Đông, nơi các nước khác như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng đòi chủ quyền.
Nhiều nước lo ngại những hoạt động xây lấp đảo nhân tạo và quân sự hóa khu vực Biển Đông của Trung Quốc đang cản trở các hoạt động tự do hàng hải và hàng không ở tuyến đường biển quan trọng này của thế giới.
Trung Quốc lập các đài khí tượng tại Quần đảo Trường Sa (RFA, 02/11/2018)
Truyền hình Trung Quốc hôm 1/11 cho biết Trung Quốc mới thiết lập các cơ sở theo dõi thời tiết tại 3 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông đang tranh chấp với các nước khác trong khu vực.
Hình chụp vệ tinh Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa - AMTI (CSIS)
Theo CCTV, các cơ sở này được khai trương hôm 31/10 tại Đá Chữ Thâp, Subi và Vành Khăn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói tại buổi họp báo thường kỳ hôm Thứ Năm, ngày 1/11, rằng những cơ sở này có mục đích đảm bảo an toàn cho việc đi lại trên Biển Đông.
Thông tin từ CCTV cho biết, những cơ sở này bao gồm các thiết bị để theo dõi khí quyển và mặt đất cùng các radar khí hậu được sử dụng để theo dõi các chỉ số khí tượng. Với sự hiện diện của các cơ sở này, Trung Quốc có thể theo dõi được tình hình thời tiết ở quẩn đảo Trường Sa và vùng nước xung quanh. Dữ liệu thu thập được sẽ giúp cung cấp dự báo thời tiết chính xác cho các tàu cá và các tàu khác trong khu vực.
Theo China Morning Post, Trung Quốc đã có kế hoạch xây dựng một đài khí tượng trên Trường Sa từ năm 1987. Hải quân Trung Quốc đã tìm cách thiết lập một cơ sở theo dõi biển và thời tiết ở Đá Chữ Thập bất chấp phản đối của Việt Nam, nước cũng đòi chủ quyền tại quần đảo Trường Sa. Điều này dẫn đễn cuộc đụng độ trên biển với Việt Nam vào năm 1988.
Trung Quốc hiện là nước đòi chủ quyền phần lớn khu vực Biển Đông. Các nước khác cũng đòi chủ quyền ở khu vực này bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, và Đài Loan.
Cả ba thực thể mà Trung Quốc mới đặt đài khí tượng ở Trường Sa đều là những đảo nhân tạo được Trung Quốc cho cải tạo gần đây và là nơi Trung Quốc cho xây các đường băng và triển khai vũ khí.
*********************
Đô đốc Hoa Kỳ thúc giục Trung Quốc tuân thủ quy tắc ứng xử trên biển (RFA, 02/11/2018)
Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ John Richardson hôm 1/11 lên tiếng thúc giục Trung Quốc phải tuân thủ quy tắc ứng xử trên biển để tránh những đụng độ không định trước, giảm thiểu những nguy cơ dẫn đến leo thang căng thẳng giữa hải quân hai nước.
Tướng Carlito Galvez Jr của Philippines (trái) và Đô đốc John Richardson bắt tay tại cuộc họp báo hôm 29/10/2018 ở thành phố Quezon, đông bắc Manila, Philippines. AP
Đô đốc Richardson đưa ra tuyên bố này nhân chuyến thăm Australia trong chuyến công du 4 ngày tới vùng Ấn Độ Thái Bình Dương. Trước đó, khi đang ở thăm Philippines, ông cũng khẳng định rằng hải quân Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tuần tra ở Biển Đông theo chương trình Tự do hàng hải đã được Hoa Kỳ thực hiện trong khu vực từ năm 2015.
Hồi cuối tháng 9, một tàu chiến của Trung Quốc đã đi gần sát tàu Decatur của Mỹ khi tàu Mỹ đi gần đá Gaven ở quần đảo Trường Sa. Hải quân Hoa Kỳ cho biết khoảng cách đi gần này là không an toàn. Bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho biết tàu Decatur của Mỹ đã bị phía Trung Quốc cảnh báo phải đi khỏi vùng nước thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Hoa Kỳ thực hiện chương trình tự do hàng hải nhằm mục đích thách thức những đòi hỏi quá đáng của Trung Quốc ở vùng nước tranh chấp.
Trong khi đó, Trung Quốc từ trước đến nay vẫn coi các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ là xâm phạm chủ quyền nước này, gây bất ổn trong khu vực.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hồi đầu tháng này ra thông báo cho biết nước này sẽ thực hiện các bước cần thiết để bảo vệ chủ quyền của mình.
*******************
Tư lệnh Hải Quân Mỹ : Trung Quốc phải tuân thủ quy tắc ứng xử trên biển (RFI, 02/11/2018)
Trong vòng ghé thăm 4 quốc gia vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, tư lệnh Hải Quân Mỹ, đô đốc John Richardson đã đến Úc, và vào hôm qua 01/11/2018, đã kêu gọi Trung Quốc tuân thủ chặt chẽ các quy tắc ứng xử để tránh những vụ va chạm không cố ý trên biển. Lời nhắc nhở này được nêu lên trong bối cảnh mới đây, tàu chiến Trung Quốc bị tố cáo là đã suýt đâm vào một khu trục hạm Mỹ trên Biển Đông.
Ảnh tư liệu : Khu trục hạm Mỹ USS Decatur hoạt động trên Biển Đông ngày 13/10/2016. Reuters
Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, đô đốc Richardson cho rằng việc chiến hạm Mỹ và Trung Quốc chạm trán nhau tại Biển Đông không phải là hiếm, và đa số vụ việc đều tuân thủ Bộ Quy Tắc về Tránh Va Chạm Bất Ngờ Trên Biển CUES.
Thế nhưng theo ông, cách ứng xử của tàu Trung Quốc với tàu USS Decatur ở vùng biển quanh đá Ga Ven (Trường Sa) vào tháng 9 vừa qua đã đi chệch khỏi bộ quy tắc này. Do vậy, tư lệnh Hải Quân Mỹ kêu gọi Trung Quốc đi đúng hướng và "tuân thủ Bộ Quy Tắc CUES, nhằm hạn chế tối thiểu nguy cơ tính toán sai lầm có thể dẫn tới một sự cố vụ hoặc leo thang xung đột".
Xin nhắc lại là vào tháng 9, khu trục hạm Mỹ USS Decatur, khi đang tuần tra bên trong vùng 12 hải lý xung quanh đá Ga Ven và đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, đã bị một khu trục hạm Trung Quốc "cắt mặt", chỉ cách khoảng 41m. Tàu Mỹ đã phải đổi hướng để tránh va chạm. Washington đã tố cáo một hành động "thiếu an toàn và không chuyên nghiệp".
Trong một cuộc họp báo với các quan chức quân đội Philippines tại Manila hôm 29/10 vừa qua, đô đốc John Richardson đã khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các chuyến tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, đồng thời chứng tỏ lập trường của Mỹ chống lại mọi "yêu sách quá đáng" trên biển.
Trong vòng công du lần này, tư lệnh Hải Quân Mỹ đã ghé thăm Indonesia, Philippines, Úc, và sẽ kết thúc chuyến đi bằng chặng New Zealand vào hôm nay.
Mai Vân
Đại diện Mỹ : Sẽ không để mặc Trung Quốc dùng vũ lực tấn công Đài Loan (VOA, 31/10/2018)
Hoa Kỳ sẽ không cho phép việc sử dụng vũ lực đối với Đài Loan, tân giám đốc Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT) Brent Christensen tuyên bố giữa lúc Bắc Kinh dồn dập tăng áp lực lên Đài Bắc. AIT được coi như sứ quán Mỹ tại Đài Loan trên thực tế.
Giám đốc Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT) Brent Christensen
Ông Brent Christensen còn nói rằng Washington sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để giúp Đài Loan tái gia nhập một số tổ chức quốc tế, bất chấp những phản đối mạnh mẽ từ Bắc Kinh.
Hãng tin Reuters trích lời ông Christensen nhấn mạnh với các nhà báo : "Bất kỳ nỗ lực nào nhằm quyết định tương lai của Đài Loan "ngoại trừ bằng các biện pháp hòa bình" cũng là quan tâm sâu sắc đối với Hoa Kỳ".
Washington không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc, nhưng là nhà cung cấp vũ khí chính cho Đài Loan, và là quốc gia hậu thuẫn mạnh mẽ nhất cho hòn đảo tự trị này.
Tờ South China Morning Post trích lời ông Brent Christensen, Giám Đốc Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan, nói rằng Washington cũng sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp Đài Bắc gia nhập lại vào một số tổ chức quốc tế chẳng hạn như Interpol, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Bắc Kinh, vốn vẫn coi Đài Loan như một tỉnh ly khai, thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
*****************
Hải Quân Mỹ- Trung Quốc sẽ còn gặp nhau nhiều hơn trên các vùng biển lớn (RFA, 31/10/2018)
Hải quân Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ gặp nhau ngày càng nhiều hơn nữa trên các vùng biển lớn.
Đây là tuyên bố mà Tư lệnh Hải Quân Mỹ John Richardson đưa ra tại Jakarta, Indonesia vào ngày 30 tháng 10 và được mạng Sputnik News loan tin trong cùng ngày.
Tàu khu trục USS Decatur của Lực lượng Hải quân Hoa Kỳ. AFP
Tuyên bố vừa nêu của Đô Đốc John Richardson được đưa ra một ngày sau chuyến thăm Philipines. Tại đó ông cũng khẳng định với Manila về mối quan hệ hữu nghị, đối tác và đồng minh lâu nay giữa hai phía. Ngoài ra Đô đốc John Richardson cũng tuyên bố khẳng định rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục các hoạt động tuần tra ở khu vực Biển Đông trong chương trình tự do hàng hải nhằm thách thức những đòi hỏi quá đáng của Trung Quốc tại vùng biển này.
Hồi tháng 9, tàu khu trục USS Decatur của Hải quân Mỹ buộc phải chuyển hướng để tránh va chạm với một tàu chiến Trung Quốc trong khoảng cách dưới 45m và Washington đã gọi đây là hành động "thiếu an toàn và không chuyên nghiệp" của Bắc Kinh.
Đố đốc hải quân Hoa Kỳ khẳng định rằng sự việc diễn ra tháng trước sẽ không ngăn cản được Hoa Kỳ tiếp tục thực thi quyền tự do hàng hải tại khu vực Biển Đông.
Trong khi đó Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc ông Vương Nghị trong chuyến thăm Philippines hôm 29/10 cũng lên tiếng lặp lại quan điểm là các nước bên ngoài khu vực đang gây bất ổn ở vùng tranh chấp Biển Đông và phô diễn sức mạnh.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phần lớn khu vực Biển Đông, nơi mà các nước Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một ấn bản của tờ Nhân dân Nhật báo của Đảng cộng sản Trung Quốc, vừa cho đăng hai bài báo liên tiếp trong hai ngày 21 và 22/10/2018, mạnh mẽ đả kích các động thái mới nhất của Mỹ thể hiện lập trường cứng rắn hơn tại Biển Đông và tìm cách thành lập một liên minh chống Trung Quốc. Tác giả bài báo, Li Jiangang, ngày 22/10 còn nói "trước ‘thái độ gây hấn của Mỹ, Trung Quốc không có nhiều lựa chọn, và có thể sẽ phải có biện pháp mạnh chống lại". Về nước láng giềng Việt Nam, một nhà phân tích Trung Quốc cho rằng, dưới quyền Tổng bí thư và sắp tới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam sẽ tỏ ra 'khôn ngoan hơn và không ‘sẵn sàng làm một con cờ của Mỹ’.
Bộ ngoại giao Việt Nam tuyên bố về biển Đông trên Twitter (@PressDept_MoFA)
Trong bài báo đăng lên trang mạng của tờ Hoàn cầu Thời báo đêm 21/10 dưới tiêu đề ‘Liệu Việt Nam có sẽ rập khuôn theo Mỹ ở Biển Đông ?’ (Will Vietnam toe US line on South China Sea ?), tác giả cho rằng trong mấy năm qua, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đã đạt được đồng thuận về cơ bản để duy trì tình trạng ổn định trong Biển Đông.
Tác giả Li Jiangang, một nhà nghiên cứu của Viện Nam Á, Đông Nam Á và Châu Đại Dương thuộc Viện nghiên cứu các Quan hệ Quốc tế đương đại Trung Quốc, nói vì không sẵn sàng chấp nhận các vùng biển này đang biến chuyển từ một điểm nóng sang thành một khu vực tương đối yên bình, nên Hoa Kỳ quay sang ve vãn Việt Nam và các nước láng giềng để các nước này hậu thuẫn các nỗ lực của Washington ‘thiết lập một vùng Biển Đông do Mỹ thống trị’.
Đội Huấn luyện Lưu động Tuần duyên Hoa Kỳ tổ chức khóa huấn luyện cho các binh sĩ Cảnh sát Biển Việt Nam. (Ảnh : Facebook Đại sứ Ted Osius)
Nhà nghiên cứu Trung Quốc viện dẫn việc Mỹ điều chiến hạm vào vùng biển thuọc phạm vi 12 hải lý cách quần đảo Trường Sa – mà Trung Quốc gọi là Nam Sa, là một hành động khiêu khích, và nhấn mạnh chuyến đi thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis nằm trong chiến lược rộng lớn của Mỹ để kiềm hãm Trung Quốc.
Trên đường tới Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Mattis nói với các nhà báo rằng Washington quan tâm sâu xa tới việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các hòn đảo trong Biển Đông, ông cảnh giác về "sự hiện diện quân sự đang tăng" và ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh trong khu vực. Ông Mattis còn khuyến cáo các nước nhỏ về ý đồ của Trung Quốc, sử dụng sức mạnh kinh tế áp đảo để làm lợi cho mình trong khi phương hại tới các lợi ích các nước nhỏ. Tái khẳng định quan điểm không chấp nhận Trung Quốc quân sự hóa biển Đông hoặc có hành vi cưỡng ép tại khu vực này, ông Mattis kêu gọi các nước trong khu vực tăng cường hợp tác chống lại hành vi này.
Ông Daniel Kritenbrink tại Hội nghị CSIS thường niên lần 6 về Biển Đông, 12/7/2016
Tác giả bài báo miêu tả Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, người sắp kiêm nhiệm luôn chức Chủ tịch nước, là một nhân vật theo đuổi các chính sách thân Trung Quốc, một người thực tiễn và mong muốn duy trì ổn định, cho nên Mỹ và các nước phương Tây lo ngại "các thành phần thân Trung Quốc có quan điểm trung hòa" sẽ chi phối chính sách đối ngoại Việt Nam trong tương lai.
Theo tác giả thì "Việt Nam "không sẵn sàng trở thành một con cờ của Mỹ".
Nêu lên việc Việt Nam vẫn theo đuổi một chính sách đối ngoại "đa dạng và đa phương, tác giả nói Hà nội sẽ duy trì tính độc lập của mình bằng cách kết thân với nhiều nước. Theo bài báo Việt Nam trong thời gian qua đã tìm cách cân bằng giữa các cường quốc và từ chối ngả về bất cứ bên nào. Và kể từ Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XII năm 2016, giới lãnh đạo Việt Nam đã chọn một chính sách ngoại giao mềm dẻo và ôn hòa hơn cho nên ‘không xảy ra bất cứ cuộc đụng độ nào với Trung Quốc’ trong giai đoạn này, và nhờ đó Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng kinh tế đáng kể.
Tác giả lưu ý rằng truyền thông nhà nước Việt Nam đã không hết mình cổ vũ cho chuyến đi thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis, mà còn tránh đề cập tới "Biển Đông" trong thời gian này.
Bài báo cho rằng giới lãnh đạo Việt Nam vẫn nghi ngại ý đồ của Hoa Kỳ, viện các lý do ủng hộ dân chủ, nhân quyền để gây rối, và cảnh giác Hoa Kỳ "chưa bao giờ từ bỏ ý định bảo trợ cho một cuộc cách mạng màu" tại Việt Nam.
Bài báo kết luận rằng hợp tác là giải pháp duy nhất. Tham gia Con Đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21 của Trung Quốc sẽ có lợi cho Việt Nam, hơn là mua vũ khí và chọn giải pháp đối đầu quân sự.
Trong một bài báo khác đăng trên Tờ Hoàn cầu Thời báo ngày 22/10, một nhà nghiên cứu của Viện quốc gia nghiên cứu Biển Nam Trung Hoa nói rằng tại Hoa Kỳ dường như các chính khách, các học gỉả và giới truyền thông đều đồng thuận với nhau khi mô tả ‘bất cứ hành động nào của Trung Quốc tại đây cũng đều có tính cách "gây hấn, nhằm mục đích bành trướng, và đe dọa các quyền lợi của Hoa Kỳ".
Bài báo viết Mỹ coi Bắc Kinh là một đối thủ thách thức hiện trạng, và do đó đang tìm cách xây dựng và củng cố vây cánh chống lại Trung Quốc, bằng "chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương".
Tác giả bài báo, Chen Xiangmiao, nói trước những động thái hung hăng của Mỹ, Bắc Kinh không có nhiều lựa chọn, mà trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục leo thang giữa hai nước, Trung Quốc không có sự lựa chọn nào khác hơn là đề ra những giải pháp chống lại, kể cả biện pháp triển khai quân sự tới khu vực.
Tác giả nói Mỹ đã sai lầm khi cho rằng Biển Đông là nơi Bắc Kinh bắt đầu các nỗ lực nhằm thách thức vị thế cường quốc duy nhất của Mỹ trên thế giới, chực leo thang xung đột để giành quyền thống trị hệ thống quốc tế, và nếu Mỹ tiếp tục có "quan điểm sai trái đó thì có nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh khó tránh khỏi" giữa hai nước tại điểm nóng trong khu vực này.
Trong trường hợp đó, Biển Đông có phần chắc sẽ trở thành tuyến đầu của "một cuộc chiến tranh lạnh mới".
Hoài Hương
Nguồn : VOA, 22/10/2018
Nhật Bản và Mỹ cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông (RFA, 20/10/2018)
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Nhật hôm thứ Sáu ngày 19/10 lên tiếng cảnh báo Trung Quốc về những hành động quân sự hoá khu vực Biển Đông, coi hành động đơn phương thay đổi hiện trạng Biển Đông là không thể chấp nhận.
Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya (trái) và Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis (giữa) và Bộ trưởng quốc phòng Nam Hàn Jeong Kyeong-doo, bắt tay tại cuộc gặp ba bên ở Singapore hôm 19/10/2018 - AFP
Bộ trưởng các nước Mỹ và Nhật hiện đang ở Singapore dự cuộc gặp các Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN và đối tác.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis nói rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho máy bay và tàu chiến đi qua bất cứ nơi đâu được luật quốc tế cho phép, ý muốn nói khu vực Biển Đông đang tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á. Ông nói tiếp Hoa Kỳ không thể chấp nhận các hành động quân sự hoá ở Biển Đông và bất cứ hành động xâm lấn nào trong khu vực.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ cũng kêu gọi các đồng minh của Mỹ trong khu vực là Nhật Bản và Nam Hàn cùng chung tay để ngăn cản một cường quốc thống trị toàn bộ vùng nước.
Tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya với người đồng nhiệm Nguỵ Phượng Hoàng bên lề cuộc họp các Bộ trưởng, ông Iwaya nói rằng những cố gắng đơn phương nhằm làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông là không thể chấp nhận được.
Bộ trưởng Trung Quốc Nguỵ Phượng Hoàng nói tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông hoàn toàn không bị đe doạ.
Trung Quốc trong các năm qua đã gia tăng việc xây lấp các đảo nhân tạo và triển khai vũ khí ra các đảo này làm dấy lên những lo ngại về hành động quân sự hoá khu vực Biển Đông. Hoa kỳ đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo Trung Quốc không được gây bất ổn trong khu vực bằng các hoạt động quân sự như vậy.
Trung Quốc nói rằng nước này chỉ thực hiện các hoạt động trên các đảo và vùng nước thuộc chủ quyền của nước này và chỉ nhằm mục đích phòng vệ và dân sự.
Trung Quốc hiện đòi chủ quyền đến 90% diện tích Biển Đông với đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển. Toà Trọng tài Quốc tế hồi năm 2016 đã bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc này.
Các nước khác cũng đòi chủ quyền trên Biển Đông bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, và Đài Loan.
*******************
Nhật - Trung đồng ý tăng cường hợp tác quốc phòng (RFI, 20/10/2018)
Bên lề hội nghị tại Singapore, ngày 19/10/2018, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản và Trung Quốc lần đầu tiên họp song phương kể từ ba năm qua. Theo thông cáo được đăng tải trên trang mạng của bộ Quốc Phòng Nhật Bản, hai ông Takeshi Iwaya và Ngụy Phượng Hòa đồng ý "cần nhanh chóng thiết lập một đường giây nóng tránh để xảy ra những sự cố giữa quân đội hai nước". Ngoài ra, hai vị bộ trưởng còn đồng ý tăng cường các cuộc trao đổi quân sự giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại hội nghi ở Singapore ngày 19/10/2018. Reuters
Về Biển Đông, tờ báo tài chính Nikkei tiết lộ, Bộ trưởng quốc phòng Nhật đã nói với đồng sự Trung Quốc là Tokyo sẽ không chấp nhận mọi thay đổi đơn phương trong vùng biển này. Ông Iwaya gián tiếp chỉ trích Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông. Đáp lời bộ trưởng Takeshi Iwaya, ông Ngụy Phượng Hòa trấn an là "các quyền tự do lưu thông trên biển không bị đe dọa".
Cuộc họp giữa các Bộ trưởng quốc phòng Takeshi Iwaya và Ngụy Phượng Hòa diễn ra trong bối cảnh thủ tướng Shinzo Abe chuẩn bị công du Trung Quốc từ ngày 25 đến 27/10/2018. Đây sẽ là chuyến viếng thăm chính thức đầu tiên của thủ tướng Nhật Bản kể từ khi ông trở lại cầm quyền vào năm 2012.
Quan hệ giữa Tokyo với Bắc Kinh đã nguội lãnh từ khi Tokyo khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Senkaku, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, trong vùng Biển Hoa Đông.
Thanh Hà
*******************
Vợ cựu Giám đốc Interpol mất tích tố cáo TQ ‘tàn ác’ và ‘bẩn thỉu’ (VOA, 20/10/2018)
Vợ của cựu lãnh đạo Interpol, ông Mạnh Hoành Vĩ, vừa lên tiếng bày tỏ lo ngại cho tính mạng của chồng và sự an toàn của chính mình. Bà chỉ trích chính phủ Trung Quốc là "tàn ác" và "bẩn thỉu".
Bà Grace Meng, vợ Giám đốc Interpol Mạnh Hoành Vĩ, tại một khách sạn ở Lyon, Pháp, ngày 7/10/2018.
Hãng thông tấn AFP dẫn lời bà Grace Meng (Mạnh) trả lời phỏng vấn với BBC rằng : "Tôi nghĩ đây là đàn áp chính trị. Tôi không chắc là anh ấy còn sống", bà Grace nói trong cuộc phỏng vấn được thực hiện tại Pháp, nơi có trụ sở Interpol mà ông Mạnh làm việc trước đây.
Ông Mạnh Hoành Vĩ, cũng là một Thứ trưởng công an Trung Quốc, đã mất tích trong một chuyến đi về Trung Quốc hồi tháng trước.
Sau đó, ông từ chức lãnh đạo tổ chức cảnh sát quốc tế vào ngày 7/10 sau khi chính quyền Trung Quốc thông báo ông đang bị điều tra.
Bắc Kinh nói ông bị tình nghi nhận hối lộ.
"Tôi bảo (với con rằng) bố đang đi công tác dài ngày", bà Grace Meng nấc nghẹn nói trong cuộc phỏng vấn chỉ ghi hình từ sau lưng và giấu mặt bà.
Vợ của cựu Giám đốc Interpol nói rằng Trung Quốc "không có giới hạn" trong việc đàn áp chống lại những người đối đầu. Bà cho biết đã nhận được các cuộc gọi điện thoại đe dọa cho thấy bà đang bị "nhắm mục tiêu" ở Pháp.
"Họ rất tàn ác và bẩn thỉu", bà Grace nói với BBC.
"Tôi phải đứng lên. Tôi không muốn bất kỳ người vợ và đứa trẻ nào khác giống như tôi".
Cơ quan điều tra đang điều tra ông Mạnh, Ủy ban Giám sát Nhà nước Trung Quốc, được phép giam giữ nghi phạm đến 6 tháng mà không cần phải cho họ tiếp xúc với bất kỳ tư vấn pháp lý nào.
Chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trừng phạt hơn một triệu quan chức, và nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ người dân đã chán ngán với tệ nạn tham nhũng. Nhưng một số nhà phân tích nói chiến dịch này cũng giúp cho Chủ tịch Trung Quốc loại bỏ các đối thủ của mình.
Một trong những quan chức quyền lực nhất bị "trảm" gần đây là cựu Ủy viên Bộ Chính Trị-cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang, người đã thăng tiến cho ông Mạnh hơn một thập niên trước và đã bị kết án tù chung thân vào năm 2015.
Người thân của các quan chức ngã ngựa thường im lặng. Vì vậy, phát biểu thẳng thắn của bà Grace, theo AFP, là "chưa từng có" và rõ ràng gây "xấu hổ" cho Bắc Kinh.
Trung Quốc hiện đang nỗ lực thúc đẩy để có đại diện cấp cao trong các cơ quan quốc tế. Việc ông Mạnh được bổ nhiệm ở Interpol được xem là một thành công lớn trong cuộc đua đó. Nhưng theo các chuyên gia chính trị, sự sụp đổ của ông Mạnh hiện nay có khả năng sẽ xóa bỏ hoàn toàn nỗ lực này.
Không phải quan chức kinh tế, mà lại chính là một viên chức an ninh lần đầu tiên nói bóng gió về khả năng Mỹ và Việt Nam sẽ ‘cùng khai thác dầu khí’.
Logo Exxon Mobile trên thị trường chứng khoán New York, 2015.
Hé lộ trên được nêu bởi John Bolton - Cố vấn An ninh Mỹ - trong cuộc phỏng vấn của chương trình Hugh Hewitt có tiếng của Mỹ vào ngày 11/10/2018. Một lần nữa John Bolton đã nêu ra những phát ngôn cứng rắn đối với Trung Quốc liên quan đến một Biển Đông đang lộ dần nguy cơ xung đột quân sự Mỹ - Trung.
Mỹ hợp tác với Việt Nam và bất chấp Trung Quốc ?
"Mỹ sẽ hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông dù có Trung Quốc hay không" - John Bolton nói, tuy không đề cập cụ thể Mỹ sẽ hợp tác khai thác với nước nào trong số các quốc gia đang tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan.
Phát ngôn thách thức rất đáng chú ý trên của Cố vấn An ninh John Bolton xuất hiện chỉ một ngày sau khi Thượng Viện Hoa Kỳ đã thông qua đạo luật cắt đứt đường lưỡi bò của Trung Quốc trên Biển Đông, và cùng lúc với thông tin chính thức về chuyến thăm Việt Nam bất ngờ vào trung tuần tháng Mười năm 2018 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis.
Liệu có những gì logic giữa những sự kiện trên, hay cụ thể là giữa phát ngôn của John Bolton và hành động của Jim Mattis ?
Chuyến công du Việt Nam của Jim Mattis cũng là lần thứ hai liên tiếp trong vòng 10 tháng kể từ khi Jim Mattis nhận lãnh chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - một mật độ ‘thăm viếng’ khá dày đặc đối với quốc gia cách Mỹ đến nửa vòng trái đất và khiến giới quan sát chính trị quốc tế phải chú ý bởi tính chất bất thường của nó.
Nhiều giả thiết đã xuất hiện liên quan đến chuyến đi Việt Nam của Jim Mattis : tăng cường sự hiện diện của các hạm đội Mỹ ở khu vực Biển Đông, bảo đảm an ninh hàng hải cho các thương thuyền của Mỹ và các nước phương Tây tại Biển Đông, bán vũ khí cho Việt Nam, có thể đạt một thỏa thuận nào đó với Việt Nam về ‘thuê quân cảng Cam Ranh’, và ‘cùng hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam’.
Trong khi các đợt tuần tra bằng tàu chiến và máy bay của Mỹ vẫn đều đặn gia tăng tại Biển Đông và thậm chí tàu chiến Mỹ còn áp sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa - nơi đang ngự trị bởi quân đội Trung Quốc, hai vấn đề khác là Cam Ranh và bán vũ khí cho Việt Nam vẫn chưa có gì rõ ràng, hay nói cách khác là trong lúc chưa có thông tin cụ thể nào về Cam Ranh thì cho tới nay, sau hơn hai năm kể từ khi Tổng thống Obama dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, Bộ Quốc phòng Việt Nam chỉ mới đặt mua một lô vũ khí giá trị khoảng 100 triệu USD từ Mỹ - chỉ bằng 1/10 giá trị các lô hàng vũ khí mà Việt Nam công bố đã mua của Nga.
Còn về dầu khí, cho tới nay không có biểu hiện rõ ràng về việc Mỹ đã hoặc sẽ hợp tác với những quốc gia như Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan để khai thác dầu khí ở Biển Đông.
Nhưng hợp đồng cùng khai thác dầu giữa Tập đoàn dầu khí lớn nhất của Mỹ là ExxonMobil với PetroVietnam thì đã nằm trên các bàn giấy hai bên và được công bố cho toàn thế giới biết. Đó là mỏ dầu khí Cá voi Xanh.
Vì sao ExxonMobil không sợ Trung Quốc ?
Sau khi công ty Repsol của Tây Ban Nha bỏ chạy khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ, còn Rosneft của Nga dù chưa thoái lui nhưng cũng chẳng thể nhúc nhích - đều trong cơn cám cảnh bởi nạn ‘khủng bố Trung Quốc’, Tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ hiện là niềm an ủi duy nhất cho chính thể Việt Nam thuộc loại văn dốt võ dát và một ngân sách Việt Nam đang sắp lao xuống vực thẳm.
ExxonMobil từng thăm dò và hợp tác với Việt Nam để khai thác mỏ khí đốt Cá Voi Xanh ngoài khơi Quảng Nam, Quảng Ngãi. Mỏ này có trữ lượng đến 150 tỷ mét khối.
Vào tháng Giêng năm 2017, ExxonMobil đã trở thành nhà khai thác khí đốt lớn nhất của Việt Nam sau khi ký kết một hợp đồng trị giá 10 tỷ đô la để khai thác dầu khí trên biển Đông với PetroVietnam.
Vài tháng trước Hội nghị APEC 2017, ExxonMobil còn được Hà Nội bật đèn xanh cho việc thông báo chính thức khởi động dự án đầu tư khai thác khí đốt tại mỏ Cá Voi Xanh. Khi đó, báo chí nhà nước đã hoan hỉ như thể "sống lại" sau vụ Bãi Tư Chính tháng Bảy năm 2017 - khi Repsol, một công ty Tây Ban Nha liên doanh với PetroVietnam để khai thác dầu khí tại khu vực này, đã bị vài trăm tàu Trung Quốc bao vây và gây sức ép đến nỗi cuối cùng Repsol phải lặng lẽ rút lui khỏi Bãi Tư Chính, trong lúc toàn thể Bộ Chính trị lẫn Bộ Quốc phòng Việt Nam ngậm tăm lẫn ngậm đắng nuốt cay vì "có tiền trong túi mà không lấy được".
Kể từ khi Trung Quốc tuyên bố "đường Lưỡi Bò" 9 đoạn chiếm tới 90% diện tích Biển Đông, nhiều hãng dầu khí khác của Mỹ đã bỏ cuộc trước áp lực từ Trung Quốc. Nhưng ExxonMobil vẫn tiếp tục thăm dò và tập đoàn này đã phát hiện mỏ khí đốt lớn nhất của Việt Nam từ trước đến nay, nằm cách đất liền khoảng 100km.
Điều được giới chóp bu Việt Nam xem là ‘lợi thế lớn’ là mỏ Cá Voi Xanh hoàn toàn nằm ngoài bản vẽ "đường lưỡi bò" của Trung Quốc, do đó giới chóp bu Việt Nam không phải quá lo sợ về phản ứng của Bắc Kinh nếu PetroVietnam liên doanh với Mỹ để khai thác khí đốt tại đây.
Trong bối cảnh ngân sách Việt Nam đang nhanh chóng cạn kiệt và đặc biệt đang quá thiếu ngoại tệ để trang trải nợ quốc tế – lên tới 10 - 12 tỷ USD/năm – và để phục vụ cho nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ các nước, đồng thời phải bảo đảm dự trữ ngoại hối, 20 tỷ USD dự kiến khai thác được từ Cá Voi Xanh - được xem là dự án dầu khí lớn nhất của Việt Nam - là con số rất đáng để giới lãnh đạo Việt Nam tỏ một chút can đảm trước "đồng chí tốt" Trung Quốc.
Nhưng vào ngày 7/11/2017 - trùng với thời gian Tổng thống Trump dự Hội nghị thượng đỉnh kinh tế APEC Đà Nẵng mà được báo chí đảng tung hô "thành công tốt đẹp" và "Việt Nam là nước hưởng lợi kinh tế lớn nhất trong APEC", ExxonMobil đã mang lại nỗi thất vọng lớn lao cho giới chóp bu Việt Nam : Chủ tịch Liam Mallon của Công ty Phát triển ExxonMobil đã tuyên bố sẽ hoãn dự án hợp tác với Việt Nam trên biển Đông tới năm 2019, với lời giải thích rất cô đọng : "chúng tôi cần phải đạt được một số thỏa thuận cụ thể" trước khi triển khai đầu tư chính thức.
Khi đó, một số đánh giá đã giả thiết về nguyên nhân chủ yếu và có thể là duy nhất của việc phải hoãn dự án có thể là Trung Quốc gây sức ép mà đã khiến Việt Nam có thể phải điều đình để ExxonMobil tạm ngừng khai thác mỏ Cá Voi Xanh.
Đến tháng Ba năm 2018 khi xảy ra vụ Repsol phải lần thứ hai liên tiếp rút khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ, giả thiết đã biến thành thực tế được xác nghiệm một cách sống sượng : vẫn là "đối tác chiến lược toàn diện lớn nhất của Việt Nam" là Trung Quốc đã nhảy bổ vào nhà của giới chóp bu Việt Nam để đòi không được hợp tác với Mỹ mà phải hợp tác với Trung Quốc để khai thác dầu khí.
Vào tháng Tư năm 2018, lần đầu tiên ExxonMobil đã lên tiếng liên quan đến mỏ Cá Voi Xanh. Tuy không xác nhận về một sức ép của Trung Quốc đối với mỏ dầu khí dồi dào trữ lượng này, ExxonMobil vẫn khẳng định kế hoạch và lộ trình sắp tới - một biểu hiện cho thấy tập đoàn này không mấy lo ngại cho dù Bắc Kinh sẽ làm những động tác nhằm bắt buộc ExxonMobil phải rút khỏi mỏ Cá Voi Xanh như đã khiến Repsol phải rút khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ.
Trước đó, tập đoàn Mỹ này từng khẳng định rằng dự án này "không nằm ở vùng có tranh chấp", và rằng "chủ quyền là vấn đề chỉ các chính phủ mới có thể quyết định".
Rất có thể, sự tự tin của ExxonMobil khi lên tiếng về mỏ Cá Voi Xanh phát xuất tự sự hiện diện của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ cập cảng Đà Nẵng vào đầu tháng Ba năm 2018, nằm trong chiến lược tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại Biển Đông và sẵn sàng đối đầu với hải quân Trung Quốc.
Cái áo mới
Không thể khác hơn và thật ra cũng chẳng còn lựa chọn nào khác, hy vọng mỏng manh còn lại của Việt Nam chỉ còn là Mỹ - đối trọng quân sự duy nhất với Trung Quốc tại Biển Đông. Để Việt Nam có thể ‘can đảm bám Mỹ’, ít nhất cho tới lúc nào mục tiêu khai thác dầu khí để bồi hoàn cho một nền ngân sách rỗng ruột của Việt Nam vẫn còn bị Trung Quốc thẳng tay cấm đoán.
Còn bây giờ đang là những tín hiệu từ Mỹ, chứ không phải Việt Nam.
Hãy kiên nhẫn chờ thêm, và có lẽ không lâu nữa. Nếu trong và sau chuyến công du Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis xuất hiện tin tức về ‘Mỹ cùng hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam ở Biển Đông’ và cái tên Tập đoàn ExxonMobil của Mỹ lại hiện ra một cách sôi nổi lẫn ấn tượng, có thể hình dung rằng cuối cùng thì giới chóp bu Việt Nam cũng phải quyết định bớt thói đu dây tay ba ngả ngớn mà rất dễ té lộn nhào, để chuyển sang tư thế nghiêng ngả về phía Hoa Kỳ với một góc nhỏ nào đó trên hai trục hình học địa - chính trị quốc tế.
Một cách nào đó, cái áo mới của Bộ Chính trị Việt Nam vừa khoác vào có vẻ giống như một lời tuyên chiến không dám ra mặt với Bắc Kinh và sẽ khiến Tập Cận Bình lộn ruột.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 17/10/2018
Chỉ riêng trong hai tháng 9-10/2018 Nhật Bản đã liên tục có những tuyên bố và hành động cụ thể nhằm khẳng định sự gắn bó với quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, luôn cho rằng họ có chủ quyền trên hầu hết vùng biển này.
Tàu chở trực thăng Kaga trong cuộc tập trận ở Ấn Độ Dương ngày 26/09/2018. Reuters/Kim Kyung-Hoon - Ảnh minh họa
Một điểm nổi bật là Tokyo đã không còn ngần ngại trong việc dùng đến quân đội để thực hiện mục tiêu này. Đối với giới phân tích, rõ ràng là Tokyo đang đẩy mạnh chính sách can dự tích cực vào vấn đề Biển Đông được thủ tướng Shinzo Abe đề xướng từ khi ông trở lại cầm quyền từ năm 2012.
Trong bài phân tích "Nhật Bản đối lập với Trung Quốc tại Biển Đông – Japan versus China in the South China Sea", đăng trên trang mạng báo Nhật Bản Nikkei Asian Review ngày 03/10 vừa qua, giáo sư Yoichiro Sato thuộc Đại Học Ritsumeikan Asia Pacific University đã cho rằng Tokyo đi đúng hướng trong việc mở rộng và khẳng định vai trò quân sự của mình trong khu vực, không để cho Bắc Kinh tự do tung hoành.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu này cho rằng Nhật Bản cần phải luôn luôn liên minh chặt chẽ với Washington và các đồng minh của Mỹ, mở rộng hợp tác với các nước trong vùng đồng thời phải thận trọng để tránh một trường hợp như Philippines đã bất ngờ chạy theo Trung Quốc dưới thời tổng thống Duterte hiện nay…
Quyết tâm can dự quân sự
Đối với giáo sư Yoshiro Sato, quyết tâm can dự bằng lực lượng quân sự thể hiện rõ nhất trong vụ Nhật Bản cho tàu ngầm xuống Biển Đông vào trung tuần tháng 9 vừa qua, thậm chí còn tham gia tập trận cùng với một đội chiến hạm Mỹ - Nhật đang có mặt trong khu vực.
Đây được xem là một bước dấn thân mới của Nhật Bản vào vấn đề Biển Đông vì theo giáo sư Sato, đó là lần đầu tiên từ Đệ Nhị Thế Chiến mà một tàu ngầm Nhật Bản xuống tập trận ở Biển Đông.
Một số chuyên gia khác được nhật báo The Japan Times ngày 18/09 trích dẫn còn nhấn mạnh đến sự kiện chưa từng thấy là ngay sau cuộc tập trận, chiếc tàu ngầm Kuroshio của Nhật đã ghé thăm hữu nghị cảng Cam Ranh của Việt Nam, một đối thủ khác của Trung Quốc tại Biển Đông.
Mặt khác, giới lãnh đạo Nhật Bản, từ thủ tướng Abe, cho đến bộ trưởng Quốc Phòng Onodera đều loan báo công khai cuộc tập trận tàu ngầm ở Biển Đông, được giới quan sát cho là nhằm chống lại việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.
Theo giáo sư Sato, đối với những nước công nghiệp lớn khác có lợi ích an ninh ở cấp độ thế giới, thì sự kiện liên quan đến hoạt động của tàu ngầm Nhật Bản đúng là chỉ đáng nêu lên ngắn gọn. Nhưng đối với Tokyo, đó là một động thái quan trọng trong tiến trình phải nói là rón rén hướng đến một vai trò rộng lớn hơn về quốc phòng mà thủ tướng Abe dứt khoát muốn thực hiện.
Cho dù công cuộc điều chỉnh Hiến Pháp chủ hòa chỉ mới ở trong giai đoạn chuẩn bị, nhưng ông Abe đã khéo tận dụng một cách đúng đắn những điều khoản luật hiện hữu để bảo vệ lợi ích của Tokyo.
Giáo sư Sato đánh giá là Nhật Bản đã hành động đúng đắn khi cho mở rộng phạm vi hoạt động, từ vùng biển của mình xuống tận Biển Đông, nơi có những tuyến hàng hải mang tính chất sống còn đối với Nhật Bản về năng lượng và kinh tế. Hơn nữa, đối thủ chiến lược đáng gờm của Nhật là Trung Quốc đang đòi chủ quyền trên các vùng biển đảo của khu vực và gia tăng sự hiện diện quân sự. Dấu hiệu mới nhất cho thấy tình hình căng thẳng leo thang là sự cố tàu chiến Trung Quốc và Mỹ xém đụng nhau ngày 30 tháng 9 vừa qua ở vùng đá Ga Ven có tranh chấp.
Nhật Bản cũng có lý khi gắn liền vai trò đang được mở rộng của mình với vai trò của Mỹ, vì rõ ràng là Nhật chỉ có thể đóng góp phụ thêm cho lực lượng Hải quân Mỹ hùng hậu và quyết đoán hơn nhiều.
Hoạt động gia tăng của Hải Quân Nhật phản ánh việc hai đồng minh cùng đẩy mạnh chiến lược hình thành "Khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương tự do và mở", một chiến lược chính trị còn có cả Ấn Độ và Úc cùng tham gia để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.
Mối đe dọa Trung Quốc…
Biển Đông đã trở thành đấu trường nơi mà sự va chạm giữa hai chiến lược hạt nhân của Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng. Bước đầu tiên mà Trung Quốc đã thực hiện để cải thiện khả năng đánh trả một cuộc tấn công hạt nhân của Mỹ là đã triển khai tàu ngầm chiến lược ở Biển Đông, hoạt động từ một căn cứ ở đảo Hải Nam.
Duy trì năng lực chống tàu ngầm ở Biển Đông để đối phó với các nỗ lực của Trung Quốc là một nhân tố thiết yếu trong chiến lược của Hải Quân Mỹ, một chiến lược trong đó Nhật càng ngày càng đóng một vai trò hữu ích.
Những thách thức gần đây của Trung Quốc đối với tàu chiến Mỹ và Úc trong những chuyến tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông càng khẳng định tính chất xác đáng của những lời cảnh báo mà Tokyo đưa ra theo đó Trung Quốc là một mối đe dọa chiến lược.
Nhật Bản ngày càng tin chắc rằng Trung Quốc coi Biển Động là lãnh hải của mình. Sự vươn lên của Hải Quân Trung Quốc đang đặt ra một thách thức quân sự ngày càng tăng đối với Mỹ, nhưng trước tiên hết, sức mạnh đó được dùng để ép buộc các quốc gia Đông Nam Á phải chấp nhân đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở các vùng tranh chấp như chung quanh Trường Sa chẳng hạn.
Đáp trả của Tokyo
Trước sự hiện diên ngày càng mạnh của Hải Quân Trung Quốc ở Biển Đông, Nhật Bản đã đáp trả bằng cả phương cách ngoại giao lẫn quân sự.
Từ năm 2010, Tokyo đã luôn công khai chỉ trích Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông, kêu gọi một giải pháp thương lượng giữa các bên tranh chấp trong đó có Việt Nam và Philippines.
Nhật đã làm việc cùng với Mỹ và một số quốc gia Đông Nam Á để nêu lên giải pháp này trong nhiều diễn đàn khu vực như Thượng đỉnh Đông Á hàng năm. Nhật cũng hợp tác với các quốc gia vùng eo biển Malacca, một chốt giao thông đường biển quan trọng, để đảm bảo an toàn cho tàu buôn qua lại nơi này.
Tokyo đã đóng góp cho những hoạt động chống hải tặc trong vùng và giúp phát triển mạng lưới tuần duyên đã được mở rộng ra các nước ven bờ Ấn Độ Dương. Nhật đã cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam và Philippines từ năm 2015, cho dù đã từ chối yêu cầu của Philippines về máy bay do thám và chống tàu ngầm P3-C.
Trên bình diện rộng lớn hơn, tàu chở trực thăng Izumo đã tham gia cuộc tập trận Malabar ở Biển Đông cùng với Hải quân Mỹ và Ấn Độ vào năm 2017. Nội dung rèn luyện cũng là tập trận chống tàu ngầm.
Có điều, như ghi nhận của giáo sư Sato, khả năng phòng không giới hạn của những chiếc tàu chở trực thăng Nhật Bản không cho phép Tokyo đơn phương hành động ở Biển Đông trong trường hợp có tranh chấp thực thụ. Ngay cả khả năng triển khai chiến đấu cơ F-35 trên tàu Kaga - đang được thảo luận ở Tokyo - cũng chỉ mang lại kết quả giới hạn mà thôi. Trong khi thì năng lực quân sự của Trung Quốc phát triển nhanh chóng với những căn cứ xây dựng trên các đảo đá tranh chấp ở Biển Đông.
Tuy nhiên các chiến dịch của Mỹ trong vùng – với sự tham gia của Nhật – đã ngăn được việc Trung Quốc chuẩn bị triển khai chiến đấu cơ và oanh tạc cơ tại đây và Trung Quốc đã luôn phản đối hoạt động của Hải Quân Nhật ở Biển Đông.
Hiến pháp hiện hành cho phép hoạt động quân sự của Nhật…
Chính sách năng nổ mới về mặt an ninh của Nhật vẫn được thực hiện trong khuôn khổ Hiến Pháp chủ hòa. Điều 9 được diễn giải lại năm 2014, đã cho phép Nhật Bản tham gia các hoạt động phòng thủ chung, mở đường cho việc hợp tác với Mỹ hay đồng minh của Mỹ như Úc, khi nổ ra chiến tranh.
Theo cách diễn giải mới, phạm vi địa lý của công cuộc hợp tác đã được mở rộng ra "bên ngoài vùng Châu Á-Thái Bình Dương", và phạm vi nhiệm vụ của Quân Đội Nhật Bản không còn giới hạn ở việc "hỗ trợ từ phía sau".
Giáo sư Sato nhận thấy Nhật Bản đã làm đúng khi dấn thân nhiều hơn vào Biển Đông, trong bối cảnh Hải Quân Mỹ không còn duy trì được uy thế thống trị áp đảo do đà vươn lên của Hải Quân Trung Quốc.
Tokyo do đó đang bổ sung vào những chỗ thiếu sót của Mỹ, cả về năng lực lẫn uy tín, vào lúc mà sự nghi ngờ ngày càng tăng về cam kết của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Châu Á.
Nhật Bản cũng có lý khi duy trì một sự thận trọng trong việc hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á. Nhật Bản đã tránh không cung cấp các phương tiện tấn công quân sự tinh vi, vì điều này hàm chứa nhiều rủi ro.
Việc chuyển giao vũ khí tối tân có thể gây nên tình trạng bất hòa không mong muốn giữa các quốc gia Đông Nam Á vào lúc mà sự đoàn kết giữa các nước này là điều thiết yếu trong việc chống lại Trung Quốc.
Cũng có nguy cơ một nước chuyển hướng đi theoTrung Quốc, như điều đang xẩy ra với Philippines dưới thời tổng thống Rodrigo Duterte.
Đối với giáo sư Sato, Nhật Bản có thể tiếp tục mở rộng vai trò của mình tại khu vực Biển Đông mà không bị lệ thuộc vào tranh cãi chính trị trong nước về việc cải tổ Hiến Pháp.
Tokyo có thể yên tâm hành động khi theo đúng nhiệm vụ hỗ trợ và thúc giục Hoa Kỳ tôn trọng các cam kết đối với an ninh hàng hải ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Còn việc đơn phương kết nối với các đối tác địa phương trong vùng Biển Đông thì cần phải được tiến hành thận trọng, đặc biệt là khi cung cấp vũ khí tinh vi.
Tóm lại, Hiến Pháp hiện hành cho phép Nhật Bản tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ, đồng thời ngăn cản không cho Tokyo lún sâu vào những mối quan hệ đầy rủi ro với các đối tác địa phương khó lường.
Mai Vân
Nguồn : RFI, 16/10/2018