Chưa đầy chục ngày sau cú đổ bệnh thình lình như bị trời giáng của ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng ngay tại vùng ‘căn cứ địa cách mạng gia tộc Nguyễn Tấn Dũng’, vào ngày 13/04/2019 đã có thông tin chính thức từ cơ quan tuyên giáo trung ương và báo đảng về việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đi Trung Quốc để dự Hội nghị BRI (hội nghị thượng đỉnh về sáng kiến Một vành đai, Một con đường do Bắc Kinh tổ chức) lần thứ hai từ ngày 25 - 27 tháng 4 năm 2019.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay Tập Cận Bình. (Twitter photo via GovtOfficeMedia)
Những dấu hiệu đầu tiên về chuyển giao quyền lực
Có thể cho đây là dấu hiệu chuyển giao quyền lực thứ hai từ bệnh nhân Nguyễn Phú Trọng cho những quan chức cấp dưới còn chưa bị bệnh.
Dấu hiệu đầu tiên về sự chuyển giao quyền lực trên đã xuất hiện ứng với cái tên Trần Quốc Vượng.
4 ngày sau biến cố ở Kiên Giang, đoàn Thượng viện Hoa Kỳ làm việc tại Việt Nam gồm 9 Thượng nghị sĩ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, đại diện cho nhiều tiểu bang khác nhau của Hoa Kỳ do Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, Phó Chủ tịch Ủy ban Chuẩn chi làm Trưởng Đoàn, đã được tiếp bởi Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, chứ không phải bởi Tổng bí thư Trọng, tại Trụ sở Trung ương Đảng vào chiều ngày 18/4.
Thượng nghị sĩ Patrick Leahy là một trong những quan chức Mỹ mà Nguyễn Phú Trọng đã gặp khi ông Trọng đến Washington vào tháng 7 năm 2015 theo lời mời đặc cách dành cho ‘nguyên thủ quốc gia’ của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Chuyến thăm Việt Nam của đoàn Thượng viện Hoa Kỳ vào tháng 4 năm 2019 là khá quan trọng - tiền đề cho chuỗi mở rộng quan hệ quốc phòng Mỹ - Việt, cho khả năng một hàng không mẫu hạm của Mỹ sẽ hiện diện ngay tại quân cảng Cam Ranh vào tháng 9 năm 2019, phát triển các hợp đồng mua bán vũ khí và cho chuyến thăm Hoa Kỳ dự kiến của Nguyễn Phú Trọng vào mùa hè năm nay, nếu Trọng kịp hồi phục sức khỏe.
Tuy nhiên tình trạng vắng mặt của ông Trọng tại cuộc gặp với đoàn Thượng viện Hoa Kỳ, cùng với thông tin ngoài lề về tình trạng sức khỏe của ông ta ‘diễn biến xấu’ trong những ngày gần đây, thậm chí một chuyên gia nghiên cứu về chính trị Việt Nam là giáo sư Carl Thayer của Học viện quốc phòng Australia còn dẫn lại những thông tin đồn đoán về ông Trọng ‘bị liệt nửa người’, đang khiến cho chuyến thăm Hoa Kỳ dự kiến của Trọng có thể bị đình hoãn.
Không những thế, một hội nghị trung ương của đảng cầm quyền - Hội nghị 10 - dự kiến được tổ chức vào tháng 5 năm 2019 ngay trước kỳ họp quốc hội cùng tháng, cũng có thể hoặc không thể diễn ra, hoặc có diễn ra nhưng sẽ vắng Trọng.
Lồ lộ khoảng trống quyền lực
Ngay trước mắt, một kịch bản gần nhất và dễ xảy ra nhất là một khi Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe trung ương xác định bệnh tình của Nguyễn Phú Trọng không còn đủ khả năng ‘cống hiến lâu dài cho cách mạng’, sẽ xuất hiện những động thái trong đảng về vận động cho quá trình chuyển giao quyền lực dần dần.
Khoảng trống quyền lực mà Nguyễn Phú Trọng đang để lộ ra là quá lớn : có đến hai cái ghế không có người ngồi ở Văn phòng tổng bí thư và Văn phòng chủ tịch nước. Nhiều khả năng quyền lực của ông Trọng sẽ được chuyển gia theo cách về bên đảng, Trần Quốc Vượng - với vai trò là ‘phó tổng bí thư’ - sẽ dần đảm trách phần hành của tổng bí thư ; còn phó chủ tịch nước là Đặng Thị Ngọc Thịnh sẽ dần đảm trách việc tiếp khách quốc tế và những phần việc của chủ tịch nước để lại, trước khi tiến thêm một bước mới trên quan điểm ‘nước không thể một ngày thiếu vua’.
Trong những ngày báo đảng tích cực tuyên truyền về Tổng bí thư, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn liên tiếp tục gửi thư và điện chúc mừng giới chóp bu Bắc Triều Tiên và vài nước khác, nhưng lại không trưng ra nổi bất cứ hình ảnh hay video nào về ‘Tổng tịch’ đang chủ trì họp hoặc chí ít cũng đang ngồi trên giường (bệnh), bà Đặng Thị Ngọc Thịnh đã ‘tiếp khách nước ngoài thay’ vài ba cuộc cho đương kim chủ tịch nước. Đây là lần thứ hai trong vòng 6 tháng bà Thịnh phải làm ‘chân gỗ’ cho chủ tịch nước. Lần ‘chân gỗ’ đầu tiên xảy ra vào tháng 9 năm 2018 ngay sau khi cái chết đột ngột và rất đáng nghi vấn của Trần Đại Quang. Tuy nhiên vào lần đó, Đặng Thị Ngọc Thịnh đã chỉ ngồi ghế ‘quyền chủ tịch nước’ được vài ngày, bởi ngay sau đó là Hội nghị trung ương 8 đã ‘100% nhất trí’ cho Nguyễn Phú Trọng ‘nhất thể hóa’ cả hai ghế tổng bí thư và nguyên thủ quốc gia.
Tuy thế, vẫn còn một cái ghế mà hẳn là lúc chưa lâm vào cơn bạo bệnh, ông Trọng đã có ít nhất vài lần hoặc muốn ngồi luôn vào, hoặc tìm cách xoay hướng cái ghế đó về phía mình.
Đó là hai lần vào cuối năm 2017 và cuối năm 2018 khi Trọng chủ động dự hội nghị giao ban chính phủ với vai trò như thể chủ trì, cùng những chỉ đạo mang tính định hướng chung chung nhưng khiến nhiều người hiểu rằng đó là một thông điệp rất cụ thể về ‘quyền lực thực chất thuộc về ai’. Thậm chí khi đó đã dậy lên dư luận về khả năng Nguyễn Phú Trọng có thể ‘nhất thể hóa’ cả ba ghế tổng bí thư, chủ tịch nước và thủ tướng.
Vì sao là Phúc đi BRI ?
Thủ tướng Phúc là nhân vật duy nhất trong Bộ Chính trị không túc trực bên giường của bệnh nhân Nguyễn Phú Trọng sau biến cố Kiên Giang, vì khi đó Phúc còn phải lo công du Czech và Romania để vận động cho EVFTA (Hiệp định thương mại tự do châu Âu – Việt Nam) - một hiệp định đang rước phải số phận chuông treo mành chỉ vì vô số vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của chính thể độc đảng ở Việt Nam.
Không bao lâu sau khi từ Đông Âu trở về nước, Thủ tướng Phúc đã được ‘Bộ Chính trị phân công’ dự Hội nghị BRI ở Trung Quốc - một hội nghị mà bằng thủ đoạn có cái tên thơ mộng ‘Một vành đai, Một con đường’, Bắc Kinh muốn lùa nhiều quốc gia trên thế giới vào cái chuồng bành trướng của nó.
Trước sự biến Kiên Giang, đã có thông tin chính ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự BRI, cũng có nghĩa là giới chóp bu Việt Nam một lần nữa phải lóp móp ‘chầu thiên triều’ và ‘đi Trung trước, đi Mỹ sau’.
Nhưng trong cái rủi cũng có cái may. Cú bạo bệnh đột ngột xảy đến với Nguyễn Phú Trọng vô tình đã khiến ông ta tránh được chuyến đi ‘chầu thiên triều’ mà chắc chắn sẽ bị người dân chửi bới và còn có thể phải đối mặt với đủ thứ rủi ro độc tố từ phía ‘đồng chí tốt’.
Hẳn tất cả ủy viên bộ chính trị Việt Nam đều ý thức như thể một cộng một bằng hai về những rủi ro ghê gớm mà họ rất có thể phải rước họa vào thân nếu đi Trung Quốc, nhất là khi đã xảy ra hai bài học nhãn tiền nghiệt ngã - một Nguyễn Bá Thanh Trưởng ban Nội chính trung ương bị cho là đã nhiễm căn bệnh lạ sau chuyến đi Trung Quốc vào năm 2014 và có thể đã dẫn tới cái chết đau đớn của ông ta vào đầu năm 2015 dù đã phải sang tận Mỹ chữa trị ; và bài học gần nhất là Trần Đại Quang cũng bị một căn bệnh lạ không kém sau khi dự Hội nghị BRI lần thứ nhất ở Bắc Kinh, khiến Quang phải đi Nhật điều trị ngay sau đó, nhưng cuối cùng cũng… chết.
Vì sao đi Bắc Kinh lần này không phải là Trần Quốc Vượng - ‘Phó tổng bí thư đảng’ và là nhân vật được xem là thân tín số một của Nguyễn Phú Trọng, hay Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch quốc hội, mà lại là Nguyễn Xuân Phúc ?
Lẽ nào Nguyễn Xuân Phúc xem thường những cái chết nhãn tiền trên ? Hay vào lần này Phúc thích đi Bắc Kinh và thích đưa hình ảnh của ông ta ‘nâng lên một tầm cao mới’ - chẳng hạn cách nào đó ông ta được xem như ‘nguyên thủ quốc gia’ trong hoàn cảnh mà nguyên thủ thật đang bị xem là ‘sống không bằng chết’ ?
Hay trong một tình thế quá tế nhị và quá khó nói ra, Nguyễn Xuân Phúc đã bị các đồng chí của ông ta trong Bộ Chính trị ‘đẩy’ đi Bắc Kinh - nơi mà khách đến đó chỉ có thể tạm an tâm sống sót bằng thực phẩm và nước uống mang theo, thậm chí bằng chính cái giường ngủ của mình ?
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 25/04/2019
Không biết vô tình hay hữu ý, chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa làm tờ trình cho Ủy ban Thường vụ quốc hội về ‘tăng quyền cho thủ tướng’ trùng với thời gian xảy ra cú đổ bệnh thình lình như bị trời giáng của ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng ngay tại vùng ‘căn cứ địa cách mạng gia tộc Nguyễn Tấn Dũng’.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc tại hành lang Quốc hội (04/04/2016). Ảnh Đấu Thấu
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, tờ trình dự án luật của Chính phủ đề nghị bổ sung thêm một số quyền cho Thủ tướng là : Thủ tướng có quyền quyết định tổng biên chế công vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính từ T.Ư đến địa phương ; Thủ tướng cũng sẽ có quyền thực hiện phân cấp và ủy quyền về quản lý công chức, viên chức trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đối với những nội dung thuộc thẩm quyền.
Ngoài ra, dự thảo đề nghị bổ sung thẩm quyền của Thủ tướng trong việc quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể các cơ quan, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo quy định của pháp luật.
Cạnh đó, Thủ tướng cũng sẽ có thêm quyền quyết định thực hiện thí điểm những mô hình mới về tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện.
Như vậy, nội dung ‘tăng quyền cho thủ tướng’ vào lần này do Thủ tướng Phúc đề nghị là khiêm tốn hơn hẳn những nội dung của Nguyễn Tấn Dũng cũng về ‘tăng quyền cho thủ tướng’ - được đưa ra Quốc hội vào cuối năm 2014, đầu năm 2015.
Đến đầu năm 2015, một tuần sau khi Hội Nghị Trung Ương 10 kết thúc với kết quả bỏ phiếu tín nhiệm có vẻ rất thuận lợi cho Thủ tướng Dũng, ông ta lại vấp phải một thách thức không nhỏ trên cung đường cần "thanh toán" nốt những gì còn ngáng trở trước khi Đại Hội 12 của đảng diễn ra vào đầu năm 2016.
Phiên họp đầu tiên của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội trong tháng Giêng năm 2015 đã tiếp biến kết quả "Đề nghị cân nhắc 4 quyền hạn của thủ tướng chính phủ" - theo cách rút tít nhẹ nhàng nhất mà một số tờ báo trong nước đưa tin, hoặc có báo mô tả bộc trực hơn "không thêm quyền cho thủ tướng".
Người chủ trì đề nghị "cân nhắc" trên lại là ông Phan Trung Lý, chủ nhiệm Ủy Ban Pháp Luật Quốc Hội, một nhân vật được cho là "cánh tay phải" của Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng và đã có ít nhất mối "duyên nợ" với Thủ Tướng Dũng từ phiên họp Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội lần trước.
Trình bày báo cáo thẩm tra về dự thảo Luật Tổ Chức Chính Phủ (sửa đổi) khi đó, ông Lý cho biết Ủy Ban Pháp Luật tán thành nhiều nội dung, nhưng "cần cân nhắc 4 quyền hạn của thủ tướng cho phù hợp quy định của Hiến Pháp" :
"Một là, trong thời gian Quốc Hội không họp, trình chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ công tác của phó thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tại khoản 3 Điều 24.
Hai là, giao quyền bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong trường hợp khuyết bộ trưởng hoặc thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong khi chờ Quốc Hội phê chuẩn và chủ tịch nước bổ nhiệm tại khoản 5 Điều 24.
Ba là, tạm thời giao quyền chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp chưa bầu được chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại Khoản 6 Điều 24.
Bốn là, quyết định và chỉ đạo thực hiện các biện pháp cụ thể cần thiết để thi hành lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân tại Khoản 6 Điều 24. Bởi vì, trường hợp các biện pháp này hạn chế quyền con người, quyền công dân thì phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 14 Hiến Pháp mà không thể quy định chung thẩm quyền này cho thủ tướng chính phủ như quy định của dự thảo luật".
Mặt khác, thủ tướng cũng không được quyền "nắm" hoặc chỉ đạo trực tiếp Bộ Quốc Phòng liên quan đến những nhiệm vụ đặc biệt của quốc gia, đặc biệt là "tình trạng khẩn cấp".
Trước đó, ông Nguyễn Kim Khoa - chủ nhiệm Ủy Ban Quốc Phòng An Ninh của Quốc Hội dẫn ra Ðiều 17 trong dự thảo Luật Tổ Chức Chính Phủ (sửa đổi) quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của chính phủ trong quản lý về quốc phòng và cho rằng phải thận trọng với quy định này, vì hiến pháp không nói chính phủ xây dựng quân đội nhân dân.
"Tôi cho là phải xác định rõ vai trò của chính phủ trong vấn đề quốc phòng an ninh và xây dựng lực lượng vũ trang theo đúng hiến pháp. Hiến pháp quy định nhà nước củng cố xây dựng quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân. Hiến pháp quy định nhà nước xây dựng quân đội nhân dân, từng bước chính quy, hiện đại. Ghi thế này là chính phủ xây dựng quân đội nhân dân thì không phải".
Nội dung "tranh tụng" trên là rất đáng lưu tâm. Theo hiến pháp, "Thống lĩnh quân đội" vẫn là quyền của chủ tịch nước khi đó - tức ông Trương Tấn Sang. Ðiều gì sẽ xảy ra nếu cả ông Sang và thủ tướng đương nhiệm cùng có quyền hành chỉ đạo quân đội ? Khi đó, quyền lực sẽ theo thế "song kiếm hợp bích" hay thực chất rơi vào tay ai ?
Bốn năm sau, kịch tính xuất hiện khi Nguyễn Phú Trọng bất thần phải ‘nằm xuống’. Khoảng trống quyền lực mà Trọng để lại là quá lớn, không chỉ hai ghế tổng bí thư và chủ tịch nước mà còn cả quyền lực của khối hành pháp mà Trọng chưa kịp với tay tới.
Nếu trong tương lai Nguyễn Phú Trọng không thể đủ sức khỏe để ‘cống hiến lâu dài cho cách mạng’, khuynh hướng chuyển giao quyền lực cho các khối đảng, lập pháp, hành pháp và gia tăng quyền lực trong từng khối sẽ hiện ra một cách tất yếu. Phúc, cũng bởi thế, sẽ tràn đầy cơ hội ‘tăng quyền cho thủ tướng’.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 26/04/2019
Nếu nhận thức như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thì "bọn lưu vong, phản động" người Hoa sẽ "rã rời chân tay" khi thấy cháu Tổng thống Mỹ hát bài hát bằng tiếng Trung.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân có chuyến thăm và tiếp xúc với người Việt Nam tại Cộng hòa Czech vào ngày 17/04/2019. Trong buổi tiếp xúc, ông dẫn chứng vị thế và vai trò của Nhà nước Việt Nam đang lên trên trường quốc tế, trong đó dẫn dụ hình ảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump lấy lá cờ Việt Nam và vẫy.
"Bọn phản động lưu vong người Việt rã rời chân tay luôn", ông khẳng định.
Facebooker Khanh Freedom King VuDuc cho rằng, dù Tổng thống Mỹ có giơ cao cờ đỏ thì "vẫn không thay đổi được bản chất vấn đề Việt Nam của chúng ta". Và, "ông là Thủ tướng, ông đang lãnh đạo, điều hành quốc gia, ông cần phải có trách nhiệm tập hợp lực lượng, đoàn kết quốc gia lo cho dân giàu, nước mạnh trước đã"..
Hãy ‘cảm thông’ cho Thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’
Cho đến nay, ngoài ông Thủ tướng Võ Văn Kiệt có tinh thần cầu tiến trong hòa hợp dân tộc, thì những người sau ông vẫn chưa có người nào đủ tầm nhìn kế tục, và bằng cách "gọi tên phản động", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục khoét sâu vào sự hận thù.
Vợ chồng Nguyễn Xuân Phúc đi nước ngoài
Nhưng hãy cảm thông cho Thủ tướng, ít nhất ông thuộc mẫu người "cao hứng và say sưa". Dường như, nói chuyện trước đám đông, ông vẫn chưa thể biết lựa lời mà nói, ngay cả khi dẫn dụ những câu nói mang tính "hoa mỹ" thì tính hoa mỹ đó làm trỗi dậy sự hài hước, và rất nhiều câu nói của ông trở thành "bia miệng" của người đời.
Nhưng trong nước là chuyện, khi đi sang nước ngoài – nơi có kiều bào Việt Nam, vai trò của ông chính là gắn kết người dân. Chỉ cần, gắn kết được người dân, thu hút được nhân tâm, lấy tầm nhìn "đoàn kết" vượt lên trên yếu tố "phản động, lưu vong" thì chắc chắn cái lợi sẽ lớn hơn nhiều cái hại.
Một trong những thành tựu mà giới lãnh đạo Việt Nam nhắc đến mỗi khi Tết Nguyên đán về, là lượng kiều hối của đồng bào hải ngoại gửi về quê hương. Và trong thông tin được ông Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm vừa rồi, thì kiều hối năm 2018 đạt gần 16 tỷ USD, tăng hơn 100 lần so với năm 1993. Nhưng thông tin này hoàn toàn không có cơ sở nào để kiểm chứng và tin cậy.
Trong kiều hối có một phần không nhỏ của… phản động, lưu vong
"Phản động, lưu vong" vì lý do gì đi chăng nữa, thì Tổ quốc hay quê hương cũng chỉ có một, và nguồn tiền họ vẫn sẽ gửi về cho gia đình ở quê nhà.
"Phản động, lưu vong" vì lý do gì đi chăng nữa, thì mong muốn Tổ quốc giàu mạnh vẫn là mong muốn tối thượng của người Việt Nam.
"Phản động, lưu vong" chắc hản sẽ không "rã rời chân tay" vì Tổng thống Mỹ giơ cao lá cờ đỏ, vì họ coi đó như một biểu thức của sự ngoại giao Mỹ. Cũng giống như cháu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng học tiếng Trung và chúc Tết bằng bài hát tiếng Trung khiến ông Tập Cận Bình vui vẻ đón chào. Nhưng sau đó, cuộc chiến thương mại vẫn tiếp diễn, và Mỹ ngày càng răn đe Trung Quốc tại khu vực hàng hải quốc tế Biển Đông, và vấn đề nhân quyền Duy Ngô Nhĩ.
Và, nếu nhận thức như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thì "bọn lưu vong, phản động" người Hoa sẽ "rã rời chân tay" khi thấy cháu Tổng thống Mỹ hát bài hát bằng tiếng Trung.
Cần là nhà lãnh đạo có tầm nhìn thay vì nói xàm
Trở lại với câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bằng quan điểm rất chi là giai cấp vô sản lưu manh - "bọn phản động, lưu vong", và mang tinh thần trịch trượng của cộng sản cách mạng, ông đã khiến cho "tâm lý dị ứng Cộng sản" tiếp tục nảy sinh trong cộng đồng người Việt. Bởi nỗi đau của họ không những không được xoa dịu, mà ngược lại bị chia rẽ bởi câu nói miệt thị nêu trên.
Xóa bỏ rào cản không gian thì dễ, nhưng xóa bỏ những câu nói khiến sự "đoàn kết" người Việt được hình thành và bền chặt hơn lại cực kỳ khó khăn. Đó là lý do vì sao, một nhà lãnh đạo thành công là một nhà lãnh đạo biết đoàn kết lòng người.
Gần nửa thế kỷ trôi qua, lớp người lãnh đạo cộng sản Việt Nam vẫn sẽ không thể nào tạo nội lực "tinh thần Việt" để vượt qua các biến cố, khủng hoảng về kinh tế - chính trị - văn hóa, khi mà sự "cao hứng miệt thị" đầy tính cách mạng vẫn tiếp tục diễn ra như một niềm tự hào.
Và gần nửa thế kỷ trôi qua, khi không gian bị xóa bỏ bằng những đường bay, thì lòng người lại bị xé lẻ bởi "bọn cộng sản và bọn phản động, lưu vong". Nhưng, với tư cách của một "kẻ thắng trận", đáng ra, lãnh đạo Nhà nước Việt Nam phải rộng mở và tân tiến hơn về mặt nhận thức để chìa cánh tay về phía "bọn phản động, lưu vong", thay vì chỉ vào họ và bêu rếu họ.
Và người Việt đã thực sự "rã rời chân tay", không phải vì hành động của Tổng thống Mỹ, mà vì tầm nhìn của một Thủ tướng.
"Trời còn để có hôm nay, Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời" vẫn cần một tầm nhìn, tầm nhìn thực tâm về đạo đức, tầm nhìn xa về mặt chính trị, khi người Việt gác lại "quá khứ" để cùng nhìn tương lai thì chỉ khi đó, nước Việt mới trở nên hùng cường. Chứ sự hùng cường và vị thế đi lên của quốc gia, không phụ thuộc vào một vị Tổng thống của một quốc gia hùng cường cao hứng… vẫy cờ.
Chuyến Âu du của Thủ tướng Phúc, thương mại, nhân quyền và Trịnh Xuân Thanh
Trước chuyến Âu du của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trang web của Đài tiếng nói Việt Nam có nói rõ rằng chuyến đi của ông tới hai quốc gia Romania và Czech có mục đích thúc đẩy việc ký kết hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Cộng đồng Châu Âu (EVFTA), nhưng tại sao lại là hai quốc gia này, trong đó có Romania, một nước không mấy quan trọng ở Châu Âu về kinh tế ?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Home Credit Jiri Smejc, Cộng hòa Czech - Ảnh : TTXVN
Nhà báo Lê Trung Khoa, chủ tờ Thời báo bằng tiếng Việt tại Berlin, Đức, phân tích với đài RFA :
"Cái lý do theo tôi là Romania đang là chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu từ 1/1/2019 đến 30/6/2019, cứ sáu tháng các nước luân phiên nhau. Như vậy qua chuyến đi này ông Phúc hy vọng và nói rõ trong cuộc hội đàm là Romania ủng hộ Việt Nam ký hiệp định EVFTA và hiệp định bảo hộ đầu tư".
Người ta có thể thấy rõ hơn mục đích thúc đẩy EVFTA, khi biết rằng chuyến đi của Thủ tướng Phúc đến Bucharest là một chuyến đi sau 42 năm, lần cuối một vị Thủ tướng Việt Nam thăm nước này là vào năm 1977.
Mục tiêu của ông Thủ tướng Việt Nam tại Romania có lẽ đã đạt được ít nhất là trong việc thuyết phục nước chủ nhà, khi mà trong cuộc hội đàm sáng ngày 15/4, bà Thủ tướng Romania, Viorica Dancila tuyên bố sẽ làm hết sức mình để thúc đẩy EVFTA.
Nhưng có thể là nhiệm vụ của ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ khó khăn hơn khi ông đến Cộng hòa Czech, vì tại đây một người Việt tên là Nguyễn Hải Long đã tham gia giúp đỡ mật vụ Việt Nam thực hiện vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức vào tháng 7/2017.
Ông Lê Trung Khoa cho biết nhận xét của ông về thời gian ông Phúc ở thủ đô Praha của Cộng hòa Czech.
"Tôi nghĩ rằng ông Phúc còn phải làm nhiều việc. Cộng hòa Czech là nơi có tiếng nói rất đanh thép yêu cầu Việt Nam cải thiện nhân quyền, tôn trọng pháp luật".
Một năm sau khi vụ Trịnh Xuân Thanh xảy ra, khi tòa án Đức có được lời thú nhận của ông Nguyễn Hải Long đã giúp đỡ mật vụ Việt Nam từ Cộng hòa Czech bằng cách thuê xe ở đây cho nhóm mật vụ, Praha đã ngưng cấp thị thực nhập cảnh cho các công dân, doanh nghiệp Việt Nam sinh sống và làm ăn tại nước này.
Cộng đồng người Việt tại Czech là những người Việt học hành và xuất khẩu lao động thời chế độ cộng sản còn ngư trị tại quốc gia Đông Âu này. Đây cũng là một cộng đồng quan trong trong việc làm ăn buôn bán với Việt Nam.
Ông Lê Trung Khoa cho rằng ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ cố gắng thuyết phục Praha bỏ lệnh cấm cấp thị thực nói trên, song song với việc thúc đẩy nước này ủng hộ EVFTA.
Đó là những rắc rối liên quan đến cáo buộc Việt Nam hành xử phi pháp xâm phạm chủ quyền các quốc gia Châu Âu. Ngoài ra chuyện nhân quyền của Việt Nam cũng được các tổ chức nhân quyền tại đây quan tâm. Ngay ngày 16/4 khi ông Phúc đặt chân đến Praha, các tổ chức này đã gửi thư lên chính phủ yêu cầu gây sức ép với Hà Nội về vấn đề nhân quyền như là điều kiện để ủng hộ Việt Nam ký EVFTA.
Theo ông Lê Trung Khoa, cũng như nhiều nhà quan sát trong và ngòai nước khác, từ hơn hai năm nay, EVFTA là một vấn đề quan tâm hàng đầu của chính phủ Việt Nam, để mở rộng thị trường sang Châu Âu, dự phòng những rủi ro tại thị trường Trung Quốc, cũng như thị trường Mỹ, nơi mà chính phủ Việt Nam đang lo lắng chính sách bảo hộ mậu dịch của Tổng thống Donald Trump sẽ làm Hà Nội gặp khó khăn trên thị trường này.
Vì lý do đó, trong năm 2018 hàng loạt quan chức Việt Nam đã công du sang Châu Âu, kể cả cấp cao nhất là Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ngay trước chuyến đi của ông Phúc, một nỗ lực ngoại giao song song cũng được Việt Nam thực hiện khi bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đi đến một số nước Châu Âu, trong đó có nước Pháp.
Trong việc gắn nhân quyền vào việc ký kết EVFTA có hai luồng ý kiến khác nhau. Những tổ chức, cá nhân hoạt động nhân quyền rất mong muốn gắn hai điều này lại với nhau.
Một số khác cho rằng nên thúc đẩy thương mại, điều đó sẽ làm cho tình hình tốt hơn, đặc biệt là quan ngại cho rằng nếu Việt Nam không ký được những hiệp định thương mại với phương Tây thì sẽ đẩy Việt Nam về phía Trung Quốc, quốc gia đang ngày càng có sức mạnh kinh tế và quân sự trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Lo ngại này ngày càng tăng sau khi liên tiếp có những tin tức nói rằng Trung Quốc đã sử dụng những bẫy nợ, tức là cho vay với điều kiện dễ dàng không theo những tiêu chuẩn phương Tây, không kèm điều kiện nhân quyền, điều này dẫn đến phá sản, các quốc gia con nợ phải cầm cố tài sản quốc gia cho Trung Quốc. Chuyện như vậy đã xảy ra với Sri Lanka trong năm 2018, đã phải giao cho Bắc Kinh cảng nước sâu của mình để trừ nợ.
Bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế ở Hà Nội nói với RFA :
"Tôi nghĩ cái cách tích cực nhất vẫn là nên có hiệp định đó, rồi trong quá trình thực hiện sẽ cùng nhau thúc đẩy để Việt Nam thực hiện các cam kết của mình. Đó là cách tích cực hơn là trì hoãn kéo dài quá lâu. Kéo dài như vậy không có lợi cho ai cả, mà chỉ làm cho bên ngoài, những nước không muốn Việt Nam có quan hệ thân thiện với phương Tây người ta sẽ vui".
Những người có chủ trương này được sự ủng hộ của các tập đoàn kinh tế lớn của Châu Âu, mong muốn tiếp cận được với một thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam.
Người ta cũng có nói đến việc Việt Nam có thể sẽ nhượng bộ một số điều liên quan đến nhân quyền, sau khi bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết sẽ xem xét những vấn đề về quyền lao động sau chuyến đi Châu Âu của bà.
Nhưng trả lời RFA vào chiều ngày 16/04/2019 về lá đơn của hơn 20 tổ chức nhân quyền gửi Cộng đồng Châu Âu yêu cầu trả tự do cho ông Nguyễn Bắc Truyển, một nhà hoạt động nhân quyền đang thọ án tù 11 năm, Luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng không dễ dàng để gây sức ép lên Việt Nam, vì vụ bê bối Trịnh Xuân Thanh đã trôi qua.
Ông Nguyễn Văn Đài là một nhà hoạt động chính trị xã hội từng bị bỏ tù tại Việt Nam và hiện đang tị nạn chính trị tại Đức.
Một số nhà ngoại giao Việt Nam nói với RFA rằng vụ Trịnh Xuân Thanh và nước Đức đã được giải quyết ổn thỏa.
Nhưng mặt khác, một số nhà quan sát như ông Lê Trung Khoa cho rằng chưa chắc là ổn thõa vì các quốc gia Châu Âu hiện nay đều có chế độ tam quyền phân lập, có thể chính quyền, tức là cơ quan hành pháp sẽ nhân nhượng Việt Nam vì mục tiêu kinh tế, nhưng ngành tư pháp vẫn sẽ tiếp tục đeo đuổi những hành động phi pháp của Việt Nam trên đất Châu Âu, cũng như ngành lập pháp sẽ vẫn gây sức ép lên việc ký EVFTA với Việt Nam.
Một số người tại Châu Âu cũng như Việt Nam hy vọng hiệp định thương mại tự do giữa hai bên sẽ được ký vào tháng 5 tới đây. Nhưng như ông Lê Trung Khoa nhận xét, có lẽ Thủ tướng Phúc và chính phủ của ông còn phải có rất nhiều nỗ lực.
Kính Hòa
Nguồn : RFA, 16/04/2019
Ngày 7 tháng 4 năm 2016, với số phiếu tán thành là 446 phiếu, chiếm 90% đại biểu, ông Nguyễn Xuân Phúc trúng cử chức vụ thủ tướng, kế nhiệm ông Nguyễn Tấn Dũng điều hành Chính phủ. Ông Phúc sẽ kết thúc nhiệm kỳ của mình vào giữa năm 2021. Dư luận đồn đoán ông đang nhắm đến chức vụ cao hơn nữa của thể chế chính trị độc đảng ở Việt Nam.
Dư luận đồn đoán Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang nhắm đến chức vụ cao hơn nữa của thể chế chính trị độc đảng ở Việt Nam
Xét bề nỗi, hiện truyền thông đang o bế về thành tích sau 3 năm ngồi vào ghế thủ tướng của ông Nguyễn Xuân Phúc.
Tham nhũng đã giảm toàn diện ?
Điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh, được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố sáng 28/3, ghi nhận ‘tham nhũng lớn’ có dấu hiệu giảm bớt, chỉ 30,8% doanh nghiệp cho biết có chi trả cho chi phí không chính thức để thúc đẩy nhanh thủ tục đất đai, giảm 32% so với năm ngoái.
Gần 40% doanh nghiệp cho biết có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra, trong khi năm ngoái là gần 52% [1]. Trong tập hồ sơ điều tra PCI có ghi đây là sản phẩm hợp tác giữa VCCI với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI, nhận xét rằng "các xu hướng nổi bật đáng mừng là chi phí không chính thức giảm, đặc biệt là tham nhũng vặt, môi trường kinh doanh đã bình đẳng hơn, các cấp chính quyền trở nên năng động hơn, cải cách hành chính có bước tiến, đặc biệt là thanh kiểm tra giảm rõ rệt".
Tuy nhiên, vẫn theo người đứng đầu VCCI thì có tới 58% doanh nghiệp trong nước cho biết còn bị nhũng nhiễu. Có 54% doanh nghiệp được khảo sát cho biết vẫn phải trả chi phí bôi trơn [2]. Như vậy liệu có quá lạc quan khi "tham nhũng lớn lẫn tham nhũng vặt đều giảm" là chỉ số cho thấy tài năng quản trị quốc gia của người đứng đầu chính phủ ?
Một số nhà báo chuyên trách kinh tế ở Sài Gòn nói rằng khi đi thực tế viết bài, họ vẫn nghe chủ doanh nghiệp than thở về chi phí hiện đang rất cao không chỉ ở lĩnh vực xuất nhập khẩu như con số mà báo cáo của VCCI đã nêu, mà còn tại nhiều lĩnh vực khác. Trên báo chí thì chính phủ kiến tạo của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đang đặt ra mục tiêu giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhưng thực chất mọi chi phí vẫn đang tiếp tục được đẩy tăng lên từ các loại thuế, phí.
"Tháng 11 năm ngoái, tôi nhớ tòa soạn có nhận thư yêu cầu của bạn đọc là công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại - Xây dựng Trung Trí ở khu phố 4, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, tố cáo Đội Quản lý thị trường số 4 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Thuận đã liên tục nhũng nhiễu buộc chủ doanh nghiệp phải ‘đóng hụi chết’ cho họ. Đây chỉ là tức nước vỡ bờ thôi, vì doanh nghiệp hiểu một khi đã lên tiếng tố cáo, đồng nghĩa sẽ khó thể tiếp tục làm ăn tại địa phương này. Chính thực tế đó nên con số 12.000 doanh nghiệp được lấy ý kiến ở Điều tra PCI năm 2018 của VCCI, tôi nghĩ rằng phía được điều tra cũng đã tiết chế lắm rồi về các uất ức trước đủ mọi kiểu tham nhũng…". Biên tập viên N.D.T, kể.
Tương tự của câu chuyện hai mặt trong một vấn đề, với thông tin công bố hôm sáng 28/3 của chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc, CPI bình quân 3 tháng đầu năm 2019 ước tăng 2,63% so với cùng kỳ năm 2018, là mức thấp nhất trong 3 năm liên tiếp gần đây : quý I/2017 là 4,96%, quý II/2018 là 2,82%.
Về mặt tích cực, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp liên tục trong 3 năm liền cho thấy chính phủ dường như kiểm soát lạm phát của năm 2019 ở mức từ 3,3-3,9%, vượt yêu cầu của Quốc hội. Tuy nhiên, CPI tăng thấp dưới chỉ tiêu cũng là một điều đáng lo ngại, bởi CPI thấp là biểu hiện rõ nhất của tình trạng sức mua giảm, tồn kho tăng cao, tổng cầu nền kinh tế giảm sút. Từ đó ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp, số doanh nghiệp phá sản vẫn lớn, nguồn thu ngân sách giảm, tăng trưởng kinh tế sẽ không như mong muốn.
Độ chênh cách hiểu
Chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Đình Bích cho rằng để có thể nói về thành tựu như tựa đề bài viết này đặt ra, thì cần có chung cách hiểu về cách tính toán trong phát triển với thế giới.
"Thực hư thành tựu xuất khẩu nông sản ?" là câu hỏi của ông Nguyễn Đình Bích trong một tham luận mới đây. "Không ít quan chức khẳng định Việt Nam đã trở thành cường quốc xuất khẩu nông sản thứ 15 thế giới. Nhưng mọi chuyện có phải như vậy ?". Ông Bích nói rằng đang có sự chênh lệch trong kim ngạch xuất khẩu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của Việt Nam tuyên bố, với con số do Ngân hàng Thế giới (WTO) xác định những năm gần đây ngày càng lớn, lên tới 23 - 25%. Tất cả là do quan niệm khác nhau về hàng nông sản.
"WTO dựa trên cơ sở pháp lý là Nghị định thư về nông nghiệp (Agreement on Agriculture) được bộ trưởng thương mại các nước thành viên thỏa thuận để xác định đâu là hàng nông sản. Theo đó, hàng nông sản bao gồm 23 mã hàng đầu tiên thuộc danh mục hàng hóa hai chữ số (trừ mã hàng 03. thủy sản) ; 21 mã hàng thuộc danh mục hàng hóa bốn chữ số và 4 nhóm hàng thuộc danh mục hàng hóa sáu chữ số.
Với việc chỉ đích danh những nhóm hàng và mặt hàng được xếp vào nhóm hàng nông sản như vậy, nội hàm của hàng nông sản bao gồm hai phân nhóm : phân nhóm thứ nhất là lương thực và thực phẩm, kể cả thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (food, feed) và phân nhóm thứ hai là nông sản nguyên liệu (raw materials). Như vậy, mọi loại lương thực, thực phẩm, đồ uống và hút cũng như mọi loại thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, bất kể mức độ chế biến sâu nông thế nào, cũng đều thuộc phạm trù hàng nông sản. Trong khi đó, đối với phân nhóm nông sản nguyên liệu, dễ dàng có thể thấy rằng chỉ những sản phẩm thô mới thuộc hàng nông sản". Ông Nguyễn Đình Bích diễn giải.
Sản phẩm cao su theo "thông lệ" quốc tế thì không còn là nông sản bởi nó không phải là sản phẩm của nông nghiệp, mà là của các ngành công nghiệp khác như chế biến nông sản nguyên liệu cao su, nhưng ở Việt Nam nó vẫn được các nhà quản lý coi là nông sản. Không những vậy, điều còn phi lý hơn nữa là nó được tính là hàng nông sản chỉ trong xuất khẩu, còn trong nhập khẩu thì lại không phải là nông sản.
"Khác rất nhiều so với công nghiệp chế biến cao su, công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam đã phát triển ngày càng mạnh trong khoảng hai thập kỷ qua, nên việc vẫn gán sản phẩm gỗ với quy mô ngày càng lớn, chỉ kém nhóm hàng thủy sản đứng đầu, vào nhóm hàng nông sản là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới xuất khẩu nông sản ngày càng 'nở nồi' hiện nay". Ông Nguyễn Đình Bích nhận xét.
Vẫn còn quá nhiều món nợ với nhân dân
Ngày 7/4 tới đây là đúng 3 năm ông Nguyễn Xuân Phúc ngồi vào ghế thủ tướng. Điều 98 của Hiến pháp 2013 đã trao nhiệm vụ cho ông Nguyễn Xuân Phúc là (trích) : "Lãnh đạo công tác của Chính phủ ; Lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật ; Lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia".
Luật Tổ chức chính phủ, Điều 28 quy định chi tiết về các bổn phận của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (trích) : "Lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ; Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện Hiến pháp và pháp luật trong phạm vi toàn quốc".
Như vậy, chỉ mới xem xét ở Điều 25, Hiến pháp 2013 : "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định", đã cho thấy thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn chưa thực hiện bổn phận soạn trình các luật liên quan tới quyền biểu tình, quyền lập hội, quyền tự do báo chí đã được hiến định.
Sẽ là một thành tựu đáng được ghi nhận, nếu như ông Nguyễn Xuân Phúc làm tròn được trách nhiệm như luật định trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ. Khi đó, ghế tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam cũng sẽ ‘dễ tranh hơn’...
Thảo Vy
Nguồn : VNTB, 30/03/2019
[2] Đọc thêm :
Nạn nhũng nhiễu và phí bôi trơn vẫn ‘hành’ hơn phân nửa doanh nghiệp Việt (RFA, 28/03/2019)
Báo cáo mới nhất do Phòng Thương Mại-Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố ngày 28/3, cho thấy : 58% doanh nghiệp trong nước vẫn còn bị nhũng nhiễu, 54% doanh nghiệp vẫn phải trả phí bôi trơn.
Bị nhũng nhiễu và phải trả phí bôi trơn cho các cơ quan chức năng Nhà nước là một thực tế mà các doanh nghiệp trong nước phải đối mặt trong nhiều năm qua. Ảnh minh họa. quangninh.gov.vn
Truyền thông trong nước dẫn lời ông Vũ Tiến Lộc – chủ tịch VCCI – nhận định chi phí không chính thức vẫn ở mức cao là một tồn tại đáng lưu ý trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty du lịch Lửa Việt, nguyên nhân làm phát sinh các loại chi phí không chính thức cần được nhìn từ hai góc độ
"Việt Nam thì chưa thể như các nước Châu Âu, Mỹ…Luật pháp nó có những kẽ hở nên nhiều khi người ta lợi dụng. Cái này không chỉ có nhà nước lợi dụng mà nhiều doanh nghiệp lợi dụng".
Để chứng minh cho luận điểm của mình, ông Nguyễn văn Mỹ nêu ví dụ về một tập quán tâm lý của người Việt :
"Khi qua cửa khẩu Campuchia, hải quan và biên phòng canpuchia, họ buộc khách Việt Nam phải trả một, hai đô la mỹ cho họ và người Việt mình rất vui vẻ chuyện đó. Bù lại sẽ được ưu tiên làm nhanh hơn, nhưng với người nước ngoài, thì (hải quan, biên phòng Campuchia-PV) không dám thu. Người Việt bỏ ra một, hai đồng cho nhanh, để cho ưu tiên cho nó oai hơn là chuyện bình thường. Nhưng với khách Châu Âu, khách Mỹ, họ bảo tiền này, tiền gì, hóa đơn đâu, không đúng họ không chi ?"
Trao đổi với đài RFA ngày 28/3, Kỹ sư Lê Anh, chủ cơ sở nước mắm Lê Gia, cho rằng :
"Những chi phí đó nó làm tăng tổng chi phí lên doanh nghiệp nói chung, đồng thời nó giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Chi phí ấy không chỉ là tiền bạc mà nó còn là thời gian, là chi phí cả tâm lý nữa nên nó sẽ đè nặng. Nhưng cũng cần nhấn mạnh là hiện tượng này đã cải thiện, nhưng theo cá nhân tôi thì nó vẫn cao. "
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, nói với đài RFA về hệ lụy vấn đề chi phí mà các doanh nghiệp tại Việt Nam phải gánh chịu :
"Ngoài chi phí hoạt động, thì có những chi phí không chính thức, chi phí kêu bằng ngoài luồng, trên bàn, dưới bàn như thế thì nó tạo ra chi phí rất lớn cho các doanh nghiệp và từ đó làm trở ngại cho sự phát tiển của nền kinh tế".
Khi được hỏi, giải pháp nào ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu bôi trơn, ông Lê Anh, chủ cơ sở nước mắm Lê Gia, cho hay :
"Việc tiến tới một chính phủ điện tử cũng như các công cụ là cái bắt buộc là cái mà triển khai càng sớm càng tốt. nó sẽ giảm sự tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp và cơ quan công quyền, thì khi đấy nó giảm sự nhũng nhiễu, gọi là tham nhũng vặt".
"Ngoài ra trong các văn bản pháp luật phải tạo ra môi trường minh bạch, công bằng cho sự phát triển, công bằng giữa các thành phần kinh tế. Cụ thể là chú ý đến các doanh nghiệp yếu thế và đang cần tiếp nhận nguồn lực".
Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là những rào cản do các loại giấy phép con gây ra.
"Một doanh nghiệp , như chúng ta biết, khi đi vào hoạt động cần có các giấy phép con. Thì cái việc mà phải có giấy phép con trong thời gian vừa qua thì Việt Nam cũng đã tiến triển rất nhiều, bỏ đi nhiều giấy phép con, thế nhưng mà nó còn rất cồng kềnh, vẫn còn có những rào cản".
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty du lịch Lửa Việt nhấn mạnh đến vai trò của doanh nghiệp trong việc triệt tiêu nạn nhũng nhiễu, bôi trơn.
"Muốn triệt cái này phải từ hai phía. Phải xử lý nghiêm những người nhũng nhiễu, mà lãnh đạo phải làm gương. Nhưng mà doanh nghiệp cũng phải làm kiên trì các chuyện đó. Còn đằng này mình cứ muốn đi tắt, mình đón đầu, mình có lợi hơn, cho nên là buộc phải bôi trơn để cho được việc thì thành cái thói quen. Nhiều người tự an ủi rằng thôi, ai cũng cho cả, mình cũng cho, cho nó xong. Thì vô hình chung, mình tạo cho người ta cái đó".
Năm nay là năm thứ 14, VCCI và USAID công bố báo cáo thường niên về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tại Việt Nam. Và trong báo cáo năm nay, chỉ số về tình trạng nhũng nhiễu, bôi trơn vẫn ở mức trên 50%. Tỷ lệ này trong báo cáo năm ngoái là 66%.
Xuân Nam
Việt Nam nuôi dưỡng các bạn thanh niên như người mẹ nuôi dưỡng con khôn lớn. Đã đến lúc phải đi ra chinh phục thế giới, mang thế giới về Việt Nam.
T.T. Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phán : Đã đến lúc phải đi ra chinh phục thế giới, mang thế giới về Việt Nam
Chiều về trên xứ lạ
Cười nụ cười Anglais
Buồn qua hơi thuốc Thái
Thèm một phin cà phê
Chiều về trên xứ lạ
Xe ngược xuôi trăm đường
Trăm ngàn khuôn mặt lạ
Mong một người đồng hương
Tôi viết những câu thơ trên khi đến thủ đô Bangkok lần đầu, vào một chiều hè, năm 1980. Mấy mươi năm sau tôi trở lại nơi này với nụ cười Anglais cố hữu nhưng thuốc lá Thái đã biến mất khỏi thị trường, và "người đồng hương" thì xuất hiện (hơi nhiều) khắp mọi nơi.
Theo Tiến Sĩ Nguyễn Ngọc Lan (Học Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á – The Institute of Southeast Asian Studies) có hơn năm trăm ngàn lao động Việt Nam ở nước ngoài, trong số này khoảng 50 ngàn người đang làm việc tại Thái Lan. Phần lớn đều "làm chui", và được gọi một cách lịch sự là những công nhân không có giấy tờ – undocumented workers.
Họ lầm lũi đẩy những chiếc xe bán nước dừa, hay bán trái cây trên đường phố. Họ tất bật quét dọn, lau chùi, bưng bê trong những quán ăn bình dân chật chội và nóng bức. Họ nhễ nhại mồ hôi giữa những công trường bề bộn.
Tất cả đều rất cần cù, nhẫn nại, chắt chiu và (vô cùng) chịu thương, chịu khó. Tuy thế, gần như không ai kiếm được quá năm trăm Mỹ Kim mỗi tháng nhưng ai cũng dành dụm phân nửa (hoặc hơn) số tiền nhỏ nhoi này để gửi về quê cho gia đình, hay chòm xóm, ở một làng quê nào đó thuộc Nghệ An hay Hà Tĩnh.
Bên thủ đô Vientiane cũng thế, theo lời của thông tín viên (RFA) Anh Vũ :
"Đất nước Lào nhỏ bé chỉ với 7 triệu dân, song lại là nơi có rất đông người Việt Nam tìm đến để cư trú và làm việc trong điều kiện là lao động bất hợp pháp… Hiện nay số người lao động Việt Nam sang Lào làm việc có khoảng chừng 40 ngàn. Họ thường làm các nghề trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất chế biến đồ gỗ, bán hàng rong, làm thuê, sửa xe …"
Nhóm Phóng Viên Tường Trình Từ Việt Nam cho biết thêm :
"Hầu hết những người trốn sang đất Lào để làm thuê đang độ tuổi lao động hoặc đang tuổi học sinh phổ thông trung học, nhiều em đã bỏ ngang việc học để tìm đường dây trốn sang Lào làm thuê… Hầu hết những người trốn sang đất Lào để làm thuê đang độ tuổi lao động hoặc đang tuổi học sinh phổ thông trung học, nhiều em đã bỏ ngang việc học để tìm đường dây trốn sang Lào làm thuê".
Tuần rồi, tôi tình cờ gặp gỡ một người đồng hương tại đền thờ Phap Tha Luan. Em mời mua kem nhưng khi thấy mặt tôi ngớ ra vì không hiểu tiếng Lào nên liền gặn hỏi :
- Chú người Việt à ?
- Yes !
Tuy tôi bất giác trả lời một cách ngớ ngẩn bằng tiếng Anh nhưng vẫn được đáp nhận bằng một nụ cười tươi vui, hớn hở. Thái độ thân thiện của em cũng khiến tôi cảm thấy ấm lòng, và nhẹ nhõm. Sau đôi ba câu thăm hỏi thân tình, sợ em bận bán hàng, tôi ngỏ ý mời em ăn tối để có dịp trò chuyện nhiều hơn.
Phap Tha Luan, Vientiane 2019
Chúng tôi hẹn nhau ở quán ăn Việt Nam, Bê Thui Sài Gòn. Em đến rất đúng giờ cùng vợ với một bé trai. Quê hai em ở Thủy Nguyên, Hải Phòng. Chỉ sau một chuyến "tham quan" nước Lào là vợ chồng quyết định từ bỏ xứ Việt luôn.
- Ở bên này thoải mái, và dễ chịu hơn nhiều chú ạ.
Vì con chưa đến tuổi đến trường, cháu gái na thằng bé theo khi đi quanh quẩn cắt móng chân và móng tay dạo mỗi ngày trong Khu Chợ Sáng (Morning Market) trên đường Lane Xang. Cũng kiếm đủ tiền ăn và tiền trọ. Còn lợi tức nhờ bán kem thì dành dụm với dự tính sẽ thuê được một nơi tươm tất để mở tiệm làm móng tại nhà.
Ước vọng gần nhất là cả nhà sẽ đi du lịch Myanmar một chuyến. Xa xôi hơn là giấc mơ lớn, khi có điều kiện, sẽ trở về quê hương để làm việc từ thiện ở những bản làng miền núi. Khi tôi hỏi sao không về luôn thì cả hai đều lắc đầu quầy quậy, với một nụ cười buồn.
Tôi chưa bao giờ có cơ hội đặt chân đến Hải Phòng, chỉ được biết vài nhân vật nổi tiếng ở nơi đây vì những nỗi gian truân của họ với chế độ hiện hành : Vũ Cao Quận, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Thị Hoài Thanh, Lê Chí Quang, Phạm Thanh Nghiên, Lê Trí Tuệ, Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quí... Tuy thế, tôi tin là mình hiểu tâm cảm và quyết định của hai em vì chính tôi cũng rời bỏ đất nước khi tóc hãy còn xanh và chưa bao giờ trở lại.
Chiều hôm sau tôi được mời cơm tại nhà, với thực đơn đặt sẵn : đậu phụ rán mỡ hành, rau muống luộc dầm cà chua, chấm với nước mắm chanh và ớt. Đó là những món thức ăn mà theo tôi là… ngon tuyệt cú mèo, nếu có chút rượu đi kèm.
Hai thanh niên trong nhóm công nhân đến từ Thừa Thiên Huế làm phụ hồ tại công trường Đại học ChămPasack, bên Lào. Ảnh & chú thích lấy từ RFA
Dù đã sống qua nhiều thứ trại ̣(trại lính, trại tù, trại tị nạn …) tôi vẫn cảm thấy hơi ái ngại khi bước vào nơi cư trú của đôi vợ chồng trẻ măng này. Cứ y như cảnh sống trong thơ của Lưu Quang Vũ :
Nhà chỉ mấy thước vuông, sách vở xếp cạnh nồi
Đêm nằm mơ,em quờ tay là chạm phải thùng gạo
Ô tường nhỏ treo tranh và phơi áo
Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình
Hai em giúp cho tôi hiểu và thêm tin tưởng rằng hạnh phúc hay đau khổ của chúng ta tuỳ thuộc rất nhiều vào nhận thức, và nhận thức luôn luôn là nhận thức về cái tương đối. Sinh sống như thế mà cả hai cứ suýt xoa mãi là mình may mắn, may là tìm được kế sinh nhai nơi xứ lạ và công việc lại không quá nặng nhọc. Mà sự thực thì đúng vậy nếu so với nhiều người đồng cảnh khác.
Tính hồn nhiên và đôn hậu của hai em khiến tôi thốt nhớ đến tâm sự của một nhà văn, cũng từ Thành Phố Cảng :
"Thế hệ nào cũng có người đáng yêu, tài năng, tâm huyết. Sự cảm thông giữa con người, giữa các thế hệ là rất lớn, là tuyệt đối. Sự cảm thông ấy vượt qua mọi khoảng cách địa lý, khoảng cách thời gian. Càng ngày tôi càng thấm thía bài học ấy. Nó làm tôi an tâm hơn khi tuổi già đang đến, khi tôi nghĩ đến lúc mình vĩnh biệt cõi đời này. Người xấu rất nhiều nhưng người tốt cũng rất nhiều. Không ai có thể tiêu diệt hết những người tốt trên đời. (Bùi Ngọc Tấn. Hậu Chuyện Kể Năm 2000. Tiếng Quê Hương, Fall Church, VA : 2014).
Tôi tận tình chia sẻ với niềm tin lạc quan của tác giả đoạn văn thượng dẫn, và không khỏi phiền lòng khi vừa nghe kỳ vọng (hão huyền) của một vị lãnh đạo tối cao của đất nước (Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc) như sau :
"Việt Nam nuôi dưỡng các bạn thanh niên như người mẹ nuôi dưỡng con khôn lớn. Đã đến lúc phải đi ra chinh phục thế giới, mang thế giới về Việt Nam".
Ảnh internet
Có người mẹ nào đủ nhẫn tâm đến độ đẩy cả bầy con cái vào con đường tha phương cầu thực, và còn khốn nạn đến nỗi mong mỏi chúng mang được cả "thế giới về" nhà. Tôi không tin rằng ông Phúc hoàn toàn không biết gì về hiện trạng thê thảm hiện nay của tuổi trẻ Việt Nam. Ông ấy chỉ tự dối mình, và dối người cho qua khỏi nhiệm kỳ thôi.
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 18/02/2019 (tuongnangtien's blog)
Trong các đời Thủ tướng phải công nhận ông Nguyễn Xuân Phúc là vị Thủ tướng hiền nhất. Ông vừa hiền vừa bình dân và vừa vô tư trong các phát ngôn. Con số người cười ông và thương ông chắc ngang nhau. Cười vì tính tình dễ dãi đến khù khờ và thương vì sự hiền hậu hiếm hoi trong thế giới Cộng sản khi mà lãnh đạo được tô vẽ ngang tầm với thần thánh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa Tổng-Chủ Nguyễn Phú Trọng nhân dịp được Quốc hội bầu 99,97%. Ảnh : Duy Ngọc.
Mặc dù những phát ngôn của ông có dáng dấp của căn bệnh hoang tưởng nhưng nếu xét kỹ thì đó là cách duy nhất để ông tồn tại trong hệ thống mà ông đang giữ chức "rõ to". Tuy nhiên vấn đề là chung quanh ông còn quá nhiều người ngang với vị trí mà ông nằm giữ. Họ là 200 Ủy viên Bộ chính trị, là những người nắm những lá phiếu có trọng lượng, và không may nhất cho ông là trên ông chỉ có một người, mà người đó đang chứng tỏ có lòng ham muốn quyền lực vô biên dám nghĩ dám làm những việc chỉ xảy ra trong chế độ cộng sản.
Từ bao năm nay chính phủ do một Thủ tướng cầm đầu được phân chia quyền lực rõ ràng đó là ông ta chịu trách nhiệm trước các chính sách vĩ mô về kinh tế, giáo dục, y tế cũng như các lĩnh vực quan trọng khác của đất nước. Dưới quyền ông là các Bộ trưởng trách nhiệm trực tiếp phần hành mà họ được giao phó. Thủ tướng cũng chịu trách nhiệm gián tiếp về những bất cập trong chính phủ do ông lãnh đạo, chằng hạn các chính sách không phù hợp, thất bại trên lĩnh vực ngoại giao, hay tham nhũng, mua quan bán chức, hối mại quyền thế trong chính phủ… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất may chưa dính tới những vụ cộm cán như Thủ tướng tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng mà các vụ án lớn đang xảy ra liên tiếp trong mấy tháng gần đây.
Thủ tướng Phúc tuy chưa có cơ hội để dính vào những trọng án, hay có nhưng chưa bị khám phá nhưng chiếc ghế mà ông ngồi đang lung lay một cách rõ rệt từ khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kiêm luôn chức Chủ tịch nước.
Vài động thái gần đây cho thấy ông Thủ tướng không còn đưa ra quyết định nào quan trọng tầm cỡ quốc gia, mà ngược lại, Bộ Chính trị thay ông làm hai việc rất ý nghĩa.
Việc thứ nhất, theo báo chí loan tải thì "Bộ Chính trị đồng ý tăng tổng mức đầu tư 2 tuyến metro ở TP. HCM từ 43.000 tỷ lên 95.000 tỷ đồng qua ông Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho biết, Thành phố vừa nhận văn bản truyền đạt ý kiến của Bộ Chính trị về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án xây dựng đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh - tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương).
Bộ Chính trị đồng ý điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng tuyến metro số 1 từ 17.388 tỷ (được UBND Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt năm 2009) tăng lên 47.325 tỷ đồng và tuyến số 2 từ 26.116 tỷ đồng (phê duyệt năm 2010) tăng lên 47.891 tỷ".
Ai cũng biết những gì thuộc về chính phủ thì Thủ tướng là người phê duyệt, trong khi đó Bộ Chính trị do ông Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo chỉ trách nhiệm về mặt Đảng và công tác cán bộ, nay Đảng nhảy vào phê duyệt ngân sách cho một dự án thuộc lĩnh vực do chính phủ quản lý thì phải chăng Đảng đang thập thò thăm dò dư luận về mục tiêu quản lý luôn cả chính phủ, một việc mà dân tình đồn đoán từ trước khi ông Trọng nắm luôn chức Chủ tịch nước ?
Và kết quả là trước nguồn tin này đến sáng ngày 5/1/2019, các bài viết về việc "Bộ Chính trị Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đồng ý duyệt tăng 51.712 tỷ đồng (tương đương 2,23 tỷ USD) cho 2 tuyến Metro Thành phố Hồ Chí Minh" đã bị gỡ bỏ, hoặc dẫn qua 1 bài viết khác.
Việc thứ hai, Ngày 3/1/2019, UBND TP Hà Nội đã ban hành Nội quy về việc tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân thành phố, trong có quy định : "Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân". Người ký quyết định này là ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Năm ngày sau, chiều 8/1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2019 đã nhấn mạnh việc thu âm ghi hình : "Tiếp dân phải ghi âm, ghi hình. Hỏi cung cũng phải ghi âm, ghi hình.Quy định như vậy để đảm bảo quyền công dân. Đây là những cải cánh rất quan trọng trong hệ thống, ý nói đến sự đồng bộ giữa kinh tế, xã hội và hệ thống pháp luật là nhiệm vụ rất quan trọng".
Phải hiểu thế nào giữa hai quyết định ?
Không khó để nhận ra rằng ông Phúc đang chống trả lại thế lực âm thầm hạ bệ ông một cách yếu ớt. Trong vai trò Thủ tướng đáng lẽ ông có quyền kỷ luật một Chủ tịch UBND khi ông này vi phạm hiến pháp một cách trắng trợn về quyền của công dân. Thế nhưng ông Nguyễn Đức Chung lại là một ủy viên Bộ Chính trị vì vậy ông Phúc đành ngậm bồ hòn làm ngọt khi chiếc đèn xanh đã được bật lên từ ông Tổng Bí Thư.
Vậy thì rồi ra trong vai trò Thủ tướng ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ được làm gì ? Không lẽ cứ tới các tỉnh thành rồi ban bố cho nó những "đầu tàu" để làm vui lòng cán bộ của tỉnh ấy ?
Nếu không làm được những việc mà từ trước tới nay các đời Thủ tướng khác đều làm được hóa ra ông là Thủ tướng… bù nhìn sao ?
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 24/01/2019
Bảy nè,
Dân lại chửi ông, tui không liên quan mà còn thấy rát mặt nên viết vài dòng, gọi là chia sẻ với ông.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại văn phòng chính phủ ở Hà Nội hôm 9/11/2018 - AFP (Hình minh họa.
Sau khi ông khẳng định, niềm tin của nhân dân vào đảng chưa bao giờ lớn như lúc này, thiên hạ tiếp tục chửi ông không bút nào có thể tả xiết. Thậm chí trên mạng xã hội, mấy thằng nhỏ đặt bài báo lấy tuyên bố đó làm tít kèm ảnh chụp chân dung ông với tóc tai càng ngày càng khiêm tốn, bên cạnh bài báo có tựa : Thủ dâm nhiều, nam giới dễ bị hói đầu ! Thiệt tình… Ông bà mình biểu : Hậu sinh khả úy đúng là… hữu lý ! Mà nè, khả úy là sấp nhỏ, cũng là hậu sinh nhưng ông nằm trong nhóm khả... ố, khác xa sấp nhỏ nghen Bảy !
Bảy ! Tui tin ông nói vậy nhưng chính ông hổng tin và cũng chẳng ai trong cái đảng thổ tả của ông tin là nhân dân còn niềm tin vào mấy ông. Nếu tin thì làm gì có chuyện mấy ông - những kẻ chưa bao giờ thôi tự hào về chuyện luôn ở... đỉnh cao - bô bô cam kết "chỉnh đốn đảng", rồi dựng lò, chọn củi, rõ ràng chỉ để thuyết phục dân là mấy ông vẫn còn có chỗ để xài. Nếu tin thì làm gì có chuyện cha Nhân thề không nói láo, thề rồi vẫn không đủ tự tin là được dân tin nên khi xuống Thủ Thiêm thăm dân, chả phải nhờ an ninh quây chả vào giữa. Nếu tin làm gì có chuyện thông qua, ban hành Luật An ninh mạng, bất chấp ngoài chê, trong chửi chỉ để giấu sự thật là nhân dân đã bất tín.
Bảy ! Sau đủ thứ tuyên bố trời ơi, đất hỡi của ông, cho dù lúc này, số người tin rằng, bên trong hộp sọ của ông, ngoài bác và đảng chỉ có c… nên cả bác lẫn đảng của ông loay hoay đủ kiểu, lặn ngụp, thử đủ mọi cách vẫn không thể thoát ra khỏi cái hộp chút xíu, đầy ắp mớ chất lỏng nhầy nhụa, bẩn tưởi đó - càng ngày càng đông, song biết ông từ lâu, tui tin điều đó không… đúng lắm.
Phía sau đống loạn ngữ, loạn ngôn mà ông phun ra đều đặn luôn đính kèm những sự thật để đ… mẹ chính mớ loạn ngữ, loạn ngôn đó. Chẳng hạn, mới rồi, chủ trì cuộc họp giữa chính phủ với lãnh đạo các địa phương để thảo luận về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, ông khẳng định, bộ máy hành pháp từ trung ương tới địa phương sẽ thực hiện "phương châm 12 chữ : kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá", rồi cũng chính ông nhắc nhở, bí thư, chủ tịch các tỉnh đừng ra trung ương biếu xén như trước nữa cho hệ thống khỏi mất công mua hóa đơn, huy động chỗ này, chỗ kia để hợp thức hóa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và câu nói gây chú ý Courtesy of VGP, RFA edit
Một hệ thống song hành với biếu xén từ dưới lên trên, hết moi công quĩ đầu này, tới móc công khố đầu kia, kể cả bóp cổ dân chúng, kiếm bằng được cống vật dâng thượng cấp, một hệ thống mà dù thượng cấp "biết hết" nhưng trước sau vẫn chỉ nhắc nhở theo kiểu... hữu ái giữa những người cộng sản với nhau, dứt khoát không vận dụng các qui định pháp luật để chặt đầu, lột da, bất kể đó đích thị là tham nhũng, nhận hối lộ thì lấy mẹ gì bảo đảm cho cam kết thực thi "phương châm 12 chữ : kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá" theo nghĩa tích cực của 12 chữ đó ? Lúc này, dân đâu còn chịu cho vay niềm tin mà không thế chấp nữa Bảy !
Bảy ! Chẳng ai vui khi bị nguyền rủa. Khi số người nguyền rủa lên tới mức hàng chục triệu thì chẳng ai không lo âu nhưng đừng hoang mang rồi… ngưng nói nghe Bảy. Chỗ anh em, tui đề nghị ông tiếp tục lập ngôn như trước giờ, có kiên định như vậy dân mình mới thấy đảng của ông không thể cải tạo được nữa và cần cách ly vĩnh viễn càng sớm càng tốt để xứ này có thể ngoi lên từ đáy vực. Cổ nhân biểu "gần mực thì đen, gần đèn thì rạng", tuy ông ngồi cạnh ông Trọng nhưng tui tin ông chủ động… đen để cạnh tranh với ông Trọng. Ai biểu ông Trọng… lú qua những tuyên bố kiểu đất nước có bao giờ… được như thế này chưa (?) nhưng tôi tin ổng không… lú. Không có những tuyên bố kiểu đó, làm sao dân mình có thể nhận ra, tâm, tầm của một Tổng Bí thư chỉ như thế thì đảng của ông ta sẽ dẫn họ tới đâu, để họ thôi mơ mơ, hồ hồ.
Bảy ! Cả đời ông sống nhờ… cách mạng, giờ tới lúc nên chết vì… cách mạng, đừng do dự. Không những nên tiếp tục nói nữa mà còn phải tăng độ… loạn trong cả ngữ lẫn ngôn nghe Bảy. Sắp bắt đầu một năm, nhân dịp đầu năm, tui đề nghị ông đăng đàn, đưa ra những tuyên bố kiểu như : Niềm tin của… nhân loại vào đảng cộng sản Việt Nam, chưa bao giờ lớn như lúc này. Thậm chí, nếu ông cho rằng tui có lý, cứ tuyên bố : Niềm tin của… toàn vũ trụ vào đảng cộng sản Việt Nam, chưa bao giờ lớn như lúc này.
Bảy ! Chắc ông biết, khinh, giận nơi dân chưa đủ thì đảng vẫn chỉ ngắc ngoải, không… tắc tử (chết liền) được. Phải ráng, ráng nữa Bảy à. Tui tuy không giàu nhưng nếu ông ráng, ráng nữa, tui hứa sẽ ráng vận động theo hình thức... xã hội hóa, thửa, tặng ông một tấm bia ghi rõ : Đây là nơi chôn một trong những kẻ mà mồm, miệng trở thành mỏ, mõm tiêu biểu nhất lịch sử Việt Nam ! Ờ ! Rảnh thì hỏi ông Trọng giúp tui xem ổng có muốn một tấm bia như vậy không rồi báo tui biết để tui tính luôn nghe ? Theo tui, ổng dư tư cách được đậy mồ bằng tấm bia loại đó nên tui sẽ ráng thêm chút xíu.
Mẹ ! Mấy ông cứ biểu thế lực thù địch, phản động thâm độc chứ tui thấy về thủ đoạn tước đoạt niềm tin của dân vào tiền đồ xứ sở, tương lai dân tộc, mấy ông mới chính là… thầy. Tự lột như thế mới nhanh trần truồng nên ráng, ráng nữa, ráng mãi nghen Bảy !
Đồng Phụng Việt
Nguồn : RFA, 29/12/2018
Lần đầu tiên lên án ‘bắt cóc công dân’ !
Gần hai năm sau phút cảm xúc phát ngôn rất thật lòng ‘nợ công nếu tính đủ thì đã vượt trần’ và ‘sụp đổ tài khóa quốc gia’ vào đầu năm 2017, tức sau khi đã chính thức ngồi ghế thủ tướng được nửa năm, đến tháng Mười năm 2018 Nguyễn Xuân Phúc lại có thêm hai phát ngôn được giới phân tích chính trị chú ý bởi tính bất ngờ cùng cái nội hàm có thể mang ý từ rất sâu xa của nó : ‘lên án mọi hành động bắt cóc công dân giữa các quốc gia’ (1).
Ông Phúc tại Liên Hiệp Quốc. Ảnh minh họa
Bởi Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 10 mang chủ đề về các vấn đề thiên nhiên, môi trường xanh, thương mại và vai trò trung tâm của người dân mà không phải nhằm mục đích thảo luận hay thỏa thuận chính trị, bài diễn văn của tác giả Nguyễn Xuân Phúc với nội dung ‘lên án mọi hành động bắt cóc công dân giữa các quốc gia’ là một hiện tượng lạ. Hoặc rất lạ.
Vào thời điểm ông Phúc đọc diễn văn trên tại Tokyo, cuộc khủng hoảng mang tên ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ giữa Đức và Việt Nam vẫn chưa hề có biểu hiện suy giảm rõ rệt nào, cho dù một vài chuyên gia cận thần của chính thể độc đảng ở Việt Nam chủ động tiết lộ tin tức về triển vọng quan hệ giữa hai nước đang trên đà phục hồi. Lý do đơn giản nhất khiến cuộc khủng hoảng này chưa thể chấm dứt, và chưa biết đến khi nào mới chấm dứt, là kể từ tháng Bảy năm 2017 khi bùng nổ vụ người Đức phẫn nộ cáo buộc một nhóm mật vụ Việt Nam đã xông thẳng sang Berlin để bắt cóc người và ngang nhiên vi phạm pháp luật của Đức, cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ lời xin lỗi hay ‘cam kết sẽ không tái phạm’ nào được đưa ra từ giới chóp bu Việt Nam, cho dù việc chỉ cần mở miệng xin lỗi mà không thông báo cho báo chí, cùng thói đầu môi chót lưỡi nói trước quên sau là một đặc tính rất trội trong thể loại gene ‘luôn quan tâm và bảo đảm các quyền con người’ của ‘đảng và nhà nước ta’.
Không những không cải thiện được quan hệ đối tác chiến lược - vấn đề mà Nhà nước Đức đã phải tuyên bố tạm ngừng vào tháng Chín năm 2017, Việt Nam còn đang phải đối mặt với một nguy cơ còn nguy hiểm hơn : sau gần nửa năm không thèm tận dụng các cơ hội do Chính phủ Slovakia đưa ra và cũng chẳng thèm hồi âm bất kỳ câu trả lời thỏa đáng nào cho câu hỏi ở mức độ tối thiểu của Slovakia ‘nếu không phải Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc và bị đưa lên một chiếc máy của Slovakia để bay sang Nga, hãy giải thích làm thế nào mà ông Thanh lại từ Đức về được Việt Nam để tự nguyện đầu thú’, Chính phủ Slovakia đang trù tính một cách hết sức nghiêm túc đến khả năng ‘tạm ngừng quan hệ với Việt Nam’ trong tương lai rất gần. Mà ‘tạm ngừng quan hệ’ là một khái niệm toàn diện, không chỉ về những vấn đề chiến lược mà tính luôn cả việc ngừng ngay các mối quan hệ cụ thể về thương mại song phương, đầu tư vào Việt Nam, viện trợ cho Việt Nam, tiếp nhận lao động Việt Nam, kể cả những chương trình và dự án khác về kinh tế, xã hội và văn hóa cho Việt Nam.
Không loại trừ khả năng Thủ tướng Phúc đã có chủ ý và chủ động đưa nội dung ‘lên án mọi hành động bắt cóc công dân giữa các quốc gia’ vào bài diễn văn của ông ta tại Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 10 ở Tokyo. Như một cách khéo léo để thanh minh rằng ông ta ‘vô can’ trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ? Và để nếu cuộc khủng hoảng Trịnh Xuân Thanh lan rộng hơn trong thời gian tới và sẽ phải có những quan chức Việt Nam bị quốc tế chế tài về trách nhiệm hình sự, xuất cảnh và tài sản, ông ta sẽ không bị ảnh hưởng gì ?
Còn phát ngôn ‘Chúng tôi lên án chế độ độc tài’thì sao ?
Lần đầu tiên lên án ‘chế độ độc tài’ !
Phát ngôn trên của Thủ tướng Phúc không phải là một diễn văn soạn sẵn, mà được nói miệng trong bối cảnh báo giới quốc tế đặt ra một câu hỏi về nhân quyền Việt Nam - chủ đề mà Thủ tướng Áo Sebastian Kurz sau đó đã nói rõ là ông đề cập thẳng vấn đề này với Thủ tướng Phúc chứ không phải do tiếp xúc ngoại giao mà không nói ra điều đó.
Đây là lần đầu tiên trong các chuyến công du nước ngoài, ông Phúc đề cập đến ‘chế độ độc tài’, không những thế còn xác quyết thái độ phản ứng của ông ta bằng cấp độ ‘lên án’. Và cũng là lần đầu tiên cụm từ này được Thủ tướng Phúc đề cập trong toàn bộ những phát ngôn của ông ta ở các hội nghị, hội thảo và các cuộc họp công khai tại Việt Nam.
Người ta có thể tự hỏi là vì sao khi đã trở thành thủ tướng được gần một năm rưỡi, ông Phúc lại không hề đề cập đến chủ đề ‘bắt cóc công dân’ và ‘chế độ độc tài’, mà chỉ đến tháng Mười năm 2018 mới bất ngờ bật ra hai phát ngôn nhạy cảm chính trị này chỉ cách nhau ít ngày ?
Không biết vô tình hay hữu ý, nhưng đã có một điểm trùng hợp đặc biệt : phát ngôn ‘Chúng tôi lên án chế độ độc tài’ của Thủ tướng Phúc hiện ra chỉ hai tuần sau khi Hội nghị trung ương 8 của đảng cầm quyền tại Việt Nam kết thúc với quyết nghị cho một ứng cử viên duy nhất được thừa kế cái ghế chủ tịch nước sau khi người tiền nhiệm là Trần Đại Quang đã có từ ‘cố’ phía trước chức danh của ông ta. Đó là Nguyễn Phú Trọng.
Đến lúc đó, những giả thiết ban đầu có vẻ còn mơ hồ về tham vọng quyền lực của ‘bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ (một danh xưng mà giới văn nhân cận thần dành cho ông Trọng) đã trở nên không còn hồ nghi gì nữa : một khi nắm được cả hai chức vụ tổng bí thư và chủ tịch nước, Nguyễn Phú Trọng sẽ rất giống, hoặc trở thành một phiên bản của Tập Cận Bình ở Trung Quốc - hình ảnh tập quyền cao độ và độc tài nhất kể từ thời Mao Trạch Đông những năm 60 của thế kỷ XX. Và ở Trung Quốc thời nay, rất nhiều người đã gọi là ‘Hoàng đế Tập Cận Bình’.
Bây giờ thì không ngờ hoài nghi gì nữa : đại hội 13 của đảng cầm quyền - dự định tổ chức tận năm 2021 - đã được đốt cháy giai đoạn ngay tại Hội nghị trung ương 8 vào tháng Chín năm 2018 với cái ghế chủ tịch nước dành thêm cho Tổng bí thư Trọng, để hình ảnh ‘choàng hai vai’ sáng chói của ông ta sẽ lướt qua năm 2021 mang tính thủ tục và kéo đến tận năm 2024 hoặc 2026 - tùy vào mức độ thay đổi hiến pháp.
Một khi không còn Đại hội 13 vào năm 2021 theo đúng nghĩa đen của nó, toàn bộ những quan chức đầu sỏ hiện thời, trừ Trọng, sẽ ‘ai ngồi đâu ngồi đó’. Sẽ không thể cục cựa gì nữa. Sẽ không còn màn chạy đua quyết liệt và quá nhiều cảm xúc vào chức tổng bí thư hay chủ tịch nước như những đại hội trước đây. Tất cả đều bị triệt tiêu ‘động lực cống hiến’, bởi tương lai sự nghiệp chính trị của tất cả đều đã ‘đụng trần’.
Thậm chí vào năm 2021, nếu Nguyễn Phú Trọng muốn và còn giữ được quyền lực độc tôn trước ‘đàn cừu’ của mình, ông ta hoàn toàn có thể làm như Tập Cận Bình đã làm tại đại hội 19 của Đảng cộng sản Trung Quốc vào cuối năm 2019 : không biết làm cách nào mà Tập đã khiến cả Ban chấp hành trung ương lẫn Quốc hội chấp thuận bỏ thẳng điều khoản ‘chủ tịch nước làm không quá hai nhiệm kỳ’ trong hiến pháp, để từ đó hướng đến tương lai ‘ngồi, ngồi nữa, ngồi mãi’.
Có lẽ nhân vật ‘đau khổ’ nhất sau vụ ‘ngồi mãi’ trên là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Giấc mơ nào ?
Có hai Nguyễn Xuân Phúc khác hẳn nhau như thể từ bóng tối ra khoảng sáng trước và sau đại hội 12 của đảng cầm quyền.
Cho đến cuối năm 2015 khi còn là cấp phó thường trực cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Phúc vẫn chỉ mang hình bóng của một nha sai mẫn cán, biết nghe lời và hoàn toàn không có gì nổi bật trên phương diện phát ngôn hay ‘kiến tạo’ - điều mà ông ta đã trở nên chói sáng với tần suất cao nhất trong Bộ Chính trị đảng sau khi trở thành thủ tướng. Nhưng nếu chỉ căn cứ vào việc một người chỉ biết công việc tay hòm chìa khóa của chính phủ mà trở nên ù lì an phận thì sẽ là một sai lầm ghê gớm.
Nguyễn Xuân Phúc là người mà, sau thời kỳ đầu ngây ngất vinh danh trong cái ghế thủ tướng, đã vụt biến thành một nỗi đam mê và tham vọng quyền lực cháy bỏng, mà ngày càng hiện ra nhiều dấu hiệu và biểu hiện hơn cho thấy nỗi khao khát đó thậm chí còn to lớn hơn cả sự thèm muốn vật chất và tiền bạc.
Từ giữa năm 2017 và trùng với thời điểm Trần Đại Quang bất thần bị ‘bệnh lạ’ mà đã ‘biến mất’ lần đầu tiên trong gần hết tháng Tám năm đó, người ta nhận ra Thủ tướng Phúc đã bắt đầu chiến dịch vận động cho chức vụ tổng bí thư tại đại hội 13 vào năm 2021. Ngoài thành tích ‘GDP tăng trưởng vượt bậc’, ông Phúc đi nhiều địa phương và nơi nào cũng được ông ta xem là ‘đầu tàu’, cùng những từ ngữ đầy hoa mỹ mà đã khiến giới lãnh đạo những địa phương này ‘tự sướng’ đến mức có thể sẵn lòng bỏ phiếu cho ông Phúc trong một hội nghị trung ương ‘thăm dò uy tín tổng bí thư cho đại hội 13’ và kể cả tại đại hội 13…
Nhưng cùng thời gian trên, nhiều dư luận bắt đầu đề cập nhiều hơn đến ‘nhóm sân sau’ của Thủ tướng Phúc - một câu chuyện rất tương đồng với các nhóm lợi ích sân sau của Nguyễn Tấn Dũng trong 9 năm trời ông ta làm thủ tướng. Tuy chưa đến mức thao túng chính phủ và ‘đớp hốt’ ghê gớm như các nhóm sân sau của Nguyễn Tấn Dũng, những nhóm kinh tài được cho là sân sau của Thủ tướng Phúc lại được cho là ‘rất nhiều triển vọng’ để trở thành nhóm lợi ích có sức ảnh hưởng lớn nhất đến chính phủ và cả đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam trong tương lai không xa.
Nhưng cũng như các ủy viên bộ chính trị đã ‘đụng trần’ mà gần như không còn cơ hội leo lên cái ghế tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, Nguyễn Xuân Phúc rất có thể sẽ phải thúc thủ ở cái ghế thủ tướng mà không thể mơ mộng hơn cho tương lai ‘trên vạn người’ của ông ta.
Trong khi đó, khác hẳn với vẻ xởi lởi có vẻ dễ chịu khi còn làm chủ tịch quốc hội, Nguyễn Phú Trọng ngày càng giống với một lãnh đạo quyền biến và không hề ‘lú’. Tư tưởng độc tôn cùng tính cách gia trưởng, đa nghi, khe khắt và soi mói, ‘làm nhân sự’ bất ngờ và đảo lộn đến khó tin đang là những đặc tính nổi trội của ông Trọng để khiến ông ta chẳng ưa gì thói tráo trở chính trị và những kẻ mượn danh nghĩa ‘đốt lò’ của ông ta để trục lợi cá nhân.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 31/10/2018
(1) Bài ‘Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 10’ tại Tokyo - Nhật (Tạp chí Cộng sản đăng ngày 9/10/2018) và ‘Chúng tôi lên án chế độ độc tài’ (trong cuộc họp báo ngày 15/10/2018 cùng Thủ tướng Áo Sebastian Kurz tại Áo).
Nguyễn Xuân Phúc - quan chức thủ tướng bị dư luận đánh giá là còn ‘nổ’ hơn cả người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng, vừa khoe khoang thành tích nợ công quốc gia đã giảm xuống chỉ còn 61,4% GDP - tức chưa chạm vào ngưỡng giới hạn trên là 65% GDP - trước kỳ họp quốc hội mà nhìn vào góc xó nào cũng thấy ‘gật’.
Khoe khoang thành tích nợ công quốc gia đã giảm xuống chỉ còn 61,4% GDP, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn nổ hơn cả người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng
Điều trớ trêu là vào đầu năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải thốt ra một đánh giá chưa từng có tiền lệ : "Nếu tính đủ, nợ công đã vượt trần".
Đó là lần đầu tiên ông Phúc tỏ ra cám cảnh thật sự trước tình cảnh ‘đổ vỏ’ của mình cho đời thủ tướng trước là Nguyễn Tấn Dũng. Thậm chí sau đó ít lâu, ông Phúc còn thốt ra một tán thán khác ấn tượng không kém : ‘sụp đổ tài khóa quốc gia’.
Nhưng có thực nợ công quốc gia đã giảm xuống chỉ còn 61,4% GDP không ?
Vào năm 2011, nợ công quốc gia đã được chính phủ Nguyễn Tấn Dũng "ấn định" chỉ vào khoảng 55% GDP. Lý do hết sức dễ hiểu là nếu tống nợ vay nước ngoài của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước vào khái niệm nợ công quốc gia, nợ công sẽ vọt lên ít nhất 200% GDP ngay tại thời điểm năm 2011 - lúc tỷ lệ lạm phát trên báo cáo đã xấp xỉ 20%.
Còn từ năm 2011 đến năm 2015 và với đà vay mượn nước ngoài tăng tiến không ngừng nghỉ, nợ công chắc chắn đã tăng và nợ vay của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước cũng tăng chóng mặt (cho tới nay vẫn chưa có con số thống kê chính thức nào về số nợ vay nước ngoài phát sinh của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước trong khoảng thời gian 4-5 năm qua).
Có nghĩa là cho đến nay, nợ công quốc gia vẫn còn y nguyên, thậm chí còn tồi tệ hơn những năm trước.
Theo phân tích của Tiến sĩ Vũ Quang Việt vào đầu năm 2017 ngay trên một tờ báo nhà nước là Thời báo Kinh tế Sài Gòn, nợ của 3.200 doanh nghiệp nhà nước theo điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2014 là 4,9 triệu tỉ đồng (231 tỉ đô la Mỹ), gấp nhiều lần con số 1,5 triệu tỉ đồng mà Bộ Tài chính đưa ra chỉ cho một số tập đoàn và công ty lớn. Ước tính thêm cho thấy năm 2016, nợ của doanh nghiệp nhà nước là 324 tỉ đô la Mỹ, bằng 158% GDP.
Như vậy, cộng cả nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp nhà nước sau khi trừ đi phần Chính phủ bảo lãnh trùng lặp, tổng số nợ năm 2016 là 431 tỉ đô la Mỹ, bằng 210% GDP.
Vào cuối năm 2017, Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, với nội dung đáng chú ý nhất của nó là đã không chấp nhận đưa các khoản vay nợ nước ngoài của tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước vào khái niệm nợ công quốc gia. Trong khi đó, loại nợ này lại là một trong 5 định nghĩa về nợ công của cơ quan thống kê của Liên hiệp quốc.
Về thực chất, Luật về nợ công của Việt Nam đã cố tình không gộp cả phần nợ vay nước ngoài của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước. Bối cảnh ngân sách cạn kiệt, cụ thể là chẳng còn khoản kết dư đáng kể nào, cũng là lúc đang có nhiều dấu hiệu cho thấy nợ công sắp "vỡ" và Chính phủ không còn khả năng trả nợ thay cho các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước.
Không khó để dự đoán rằng một khi Chính phủ phủi tay trước nhiều món nợ vay nước ngoài của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước, ngay trong năm 2017 sẽ xuất hiện những cái tên doanh nghiệp nhà nước bắt buộc phải phá sản, thậm chí còn phải đối mặt với vòng lao lý.
Nhưng bất chấp hàng loạt thành tích tô hồng về GDP liên tục tăng trưởng, nợ công được kéo xuống… của Nguyễn Xuân Phúc, đường đi lên của ông ta đã bị án ngữ hoàn toàn bởi một chủ tịch nước rất có thể sẽ ‘ngồi, ngồi nữa, ngồi mãi’.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 27/10/2018