Junin 2 sẽ thành án lớn với 'Mạnh Mượt' ?
Thường Sơn, VNTB, 21/03/2019
Phát pháo lệnh ‘đánh’ vụ Junin 2 - theo truyền thống - vẫn được bắn ra bởi Thanh Niên - tờ báo mà vào tháng 3 năm 2017 đã phát pháo hiệu về ‘đánh’ vụ Đinh La Thăng và cho tới nay đã hoàn thành những chuẩn mực của một tờ báo ‘thân đảng’.
'Mạnh Mượt' (phải) tiếp khách trong 'cung điện' nhà gã...
Tại phiên tòa xét xử vụ Hà Văn Thắm vào tháng 3 năm 2017, không phải ngẫu nhiên mà ngay sau Hội đồng xét xử yêu cầu điều tra làm rõ số tiền 800 tỷ đồng của PVN không cánh mà bay tại Ngân hàng Đại Dương, đã bùng lên loạt bài "Tài chính dầu khí và ‘vũng lầy’ PVN" trên báo Thanh Niên về những sai phạm ở Tổng công ty tài chính cổ phần dầu khí (PVFC) thuộc PVN mà đã gây ra thiệt hại của PVFC trên 500 tỷ đồng.
Vào thời điểm đó, Thanh Niên đã bị xem là ‘biến chất’ - từ một tờ báo mang quan điểm phản biện và có chút gì đó độc lập và quan điểm, trở thành "cánh tay phải của đảng", nhất là sau vụ tờ báo này nhận tiền quảng cáo của đại gia để đánh nước mắm truyền thống khiến người sản xuất điêu đứng mà đảng vẫn để yên cho tổng biên tập tờ báo này.
Cú đánh mang tên ‘Junin 2’ của báo Thanh Niên về vụ Junin 2 một lần nữa phát ra tín hiệu ngành dầu khí sẽ bị ‘mổ lớn’ và vụ Junin 2 đang tràn trề triển vọng biến thảnh một vụ đại án cấp quốc gia, thậm chí còn lôi kéo vài ba gương mặt ủy viên bộ chính trị cũ và mới vào vụ án này.
Vào năm 2007 Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) do Đinh La Thăng khi đó là chủ tịch hội đồng thành viên đã có một phi vụ đầu tư vào một công ty khai thác dầu khí tại Venezuela - chế độ được xem là ‘người anh em xã hội chủ nghĩa’ của Việt Nam với sự chứng kiến của Nông Đức Mạnh - tổng bí thư thời đó mà còn những biệt danh khác như ‘Ông Răng Chắc’, ‘Mạnh Mượt’... Phi vụ này cũng được cho phép bởi thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng, đồng thời được ‘tập thể Bộ Chính trị’ gật đầu nhưng không thèm hỏi ý kiến Quốc hội - cơ quan mà về mặt luật là có thẩm quyền xem xét những dự án đầu tư tỷ đô như Junin 2.
Tiếp đến, một tổ hợp liên doanh ra đời giữa PVN và Công ty Dầu khí quốc gia Venezuela với cái tên "Dự án khai thác và nâng cấp dầu nặng lô Junin 2", có tổng vốn đầu tư 12,4 tỷ USD, trong đó liên doanh vay 60%, tương ứng 5,8 tỉ USD ; 40% còn lại do các bên đóng góp, tương ứng 3,1 tỉ USD. Phía Việt Nam tham gia 40% với số vốn góp là 1,241 tỉ USD.
Lẽ ra sự việc trên đã hoàn toàn bình thường như nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài khác, nếu không mang về một giọt dầu nào cho tới nay và không bị phát hiện một khoản chi quái lạ : "phí tham gia hợp đồng" (bonus), lên đến 584 triệu USD, khiến tổng vốn của phía Việt Nam phải bỏ ra lên đến 1,825 tỉ USD.
Con số 584 triệu USD bonus trên chi cho ai ? Phải chăng PVN đã dùng nó để hối lộ những quan chức cao cấp của Venezuela ?
Cộng hưởng với hậu quả Junin 2 trở thành dự án mà PVN đốt tiền ngân sách quốc gia và trơ khung trùm mền cho đến nay, số tiền ‘lại quả’ khủng khiếp trên đang khiến dự án này trở thành đầu đề nóng hổi trên mặt báo chí nhà nước vào những ngày này, lồng trong bầu không khí cực kỳ căng thẳng khi tổng giám đốc của PVN là Nguyễn Vũ Trường Sơn thình lình làm đơn xin từ chức, còn Bộ Công an thì đang ‘vào cuộc làm rõ’.
Trong lúc hầu hết ý kiến của giới ‘phe cánh chính trị’ và cả những cây bút độc lập đều nhất trí về khả năng cao là ‘Mạnh Mượt’ (tức Nông Đức Mạnh) phải chịu một phần trách nhiệm trong vụ đốt tiền Junin 2, khía cạnh tiếp theo được tranh luận ngày càng căng thẳng là liệu ‘Anh Ba X’ (tức Nguyễn Tấn Dũng) với tư cách là thủ tướng và là người cầm chịch cao nhất về dự án này khi đó có phải chịu trách nhiệm hay không, và có phải là cái đích cuối cùng và quan yếu nhất mà nhiều khả năng Junin 2 đang được đẩy thành một vụ án nhắm tới hay không ; và liệu Nguyễn Phú Trọng - dù chỉ phụ trách một cơ quan bị xem là ‘bù nhìn’ khi đó - có phải chịu trách nhiệm gì không khi ông ta chẳng có được một phản ứng nào ra hồn khi Quốc hội bị PVN và Chính phủ qua mặt một cách không thương xót như thế ; và ngoài ra, một nhân vật khác đóng vai trò quan tọng trong tiến trình đốt tiền của Junin 2 là Hoàng Trung Hải - hiện thời là Ủy viên bộ chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội và còn được một số dư luận xem là ‘cục cưng’ của Bắc Kinh), có liên quan trách nhiệm vụ này và có chịu chung số phận ‘cẩu đầu trảm’ với Nguyễn Tấn Dũng hay không…
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 21/03/2019
******************
Phe chống tham nhũng Việt Nam nhắm vào dự án dầu lửa Venezuela
Nikkei staff writters, VNTB, 20/03/2019
Báo cáo tài chính năm 2017 cho thấy tổng số vốn cung cấp cho Venezuela lên tới 10,7 nghìn tỷ đồng (462 triệu đô la theo tỷ giá hiện tại) tính đến tháng 12 năm 2017. Trong đó bao gồm hai lần chuyển tiền "tiền thưởng hợp đồng" trị giá tổng cộng 342 triệu đô la.
Kho xăng dầu của PetroVietnam ở Vũng Tàu. Ảnh : Reuters.
Điều tra 584 triệu đô la 'tiền thưởng hợp đồng' dành cho Venezuela trong bối cảnh làm sạch các doanh nghiệp nhà nước
Đếm gà trước khi trứng nở
Bộ Công an Việt Nam đang điều tra một dự án dầu khí thua lỗ ở Venezuela, khi Hà Nội điều tra tham nhũng liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước và đất nước Nam Mỹ đang rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Chính quyền Việt Nam đã yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, hay còn gọi là PVN, "cung cấp tất cả các tài liệu liên quan đến việc thực hiện dự án" để khai thác và nâng cấp mỏ dầu Junin-2 tại Vành đai Orinoco của Venezuela, một khu vực được cho là để chứa trữ lượng dầu lớn nhất thế giới.
PVN đã thanh lý hợp đồng vào tháng 12 năm 2013 khi nhận thấy không có tiến triển gì trong dự án. Nhưng Bộ đang xem xét nghi ngờ vi phạm pháp luật trước khi thanh lý hợp đồng.
Dự án trị giá 12 tỷ USD đã bắt đầu vào tháng 6 năm 2010, theo truyền thông trong nước. Dự án thuộc sự quản lý của PetroMacareo, một liên doanh giữa công ty con của PVN, Công ty Khai thác Dầu khí (PVEP) và Petroleos de Venezuela (PDVSA) thuộc sở hữu nhà nước Venezuela. Giai đoạn đầu tiên dự kiến sẽ có sản lượng 50.000 thùng một ngày, 200.000 thùng trong giai đoạn thứ hai và Việt Nam dự tính thu được lợi nhuận trong vòng bảy năm.
Chơi xộp
Dự án này được xây dựng dựa trên mối quan hệ thân thiện lịch sử giữa Hà Nội và Caracas có từ những năm 1960, khi cả hai cùng chiến đấu chống kẻ thù chung, Hoa Kỳ. Hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1989, và đã theo đuổi một số dự án kinh tế chung trong những năm sau đó.
Với dự án Junin-2, Việt Nam đã đầu tư khoảng 1,2 tỷ đô la từ năm 2010 đến 2015, khiến dự án này trở thành một trong những dự án dầu khí lớn nhất của Việt Nam ở nước ngoài. Tuy nhiên, khoản đầu tư này này không bao gồm ba khoản thanh toán "tiền thưởng hợp đồng" với tổng trị giá 584 triệu đô la mà phía Việt Nam rõ ràng phải trả cho chính phủ Venezuela để đảm bảo có được giấy phép đầu tư. Bộ Tài Chính Việt Nam gần đây phát hiện rằng khoản phí này không được đưa vào hoặc giải thích trong đề xuất dự án ban đầu được gửi cho chính phủ, Bộ Tài chính Việt Nam phát hiện gần đây.
PVN không bao giờ cung cấp tài liệu rõ ràng, đầy đủ về Junin-2, nhưng đã đề cập đến dự án này trong báo cáo tài chính từ năm 2010 đến 2016.
Trong báo cáo tài chính năm 2017 cho thấy tổng số vốn cung cấp cho Venezuela lên tới 10,7 nghìn tỷ đồng (462 triệu đô la theo tỷ giá hiện tại) tính đến tháng 12 năm 2017. Trong đó bao gồm hai lần chuyển tiền "tiền thưởng hợp đồng" trị giá tổng cộng 342 triệu đô la.
Mau xẹp
PVN đã chấm dứt dự án sau khi yêu cầu hoãn việc đợt chuyển khoản "tiền thưởng hợp đồng" khác trị giá 142 triệu USD. PVN giải thích rằng môi trường đầu tư của Venezuela không phù hợp, đặc biệt là do tỷ lệ lạm phát cực kỳ cao và hệ thống kiểm soát tiền tệ lâu đời, thanh toán quá phức tạp cho các công ty nước ngoài.
Cuộc điều tra được công bố sau khi phát hiện vào tuần trước rằng Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn đã đệ đơn từ chức, đang chờ phê duyệt của Thủ tướng Việt Nam. Ông Sơn, đã làm việc trong ngành dầu khí có từ năm 1987, trước đây đã từng làm giám đốc tại các đơn vị PVN. PVN nhận được lệnh yêu cầu cung cấp các tài liệu liên quan đến dự án ngày thứ Năm.
Trong năm 2019, ông Sơn được Đinh La Thăng lúc bấy giờ là Chủ tịch PVN bổ nhiệm làm tổng giáo đốc của PVEP. PVEP chịu trách nhiệm 13 dự án dầu khí, bao gồm các dự án ở Venezula, Mexico, Peru và Malaysia. Chỉ có 2 dự án trong số có là có lãi.
Ông Sơn có thể đổ lỗi cho khả năng mất vốn từ dự án Venezuela và các chi phí khác, tra ước tính lên tới 635 triệu đô la vào năm 2017. "Động thái mới nhất là một bước tiến nữa trong chiến dịch chống tham nhũng đang diễn ra ở Việt Nam, có liên quan với Đinh La Thắng và người khổng lồ PVN, "Đặng Tâm Chánh, một chuyên gia về chính trị Việt Nam, nói.
PVN là trụ cột chính của mô hình kinh tế của Việt Nam trong bốn thập kỷ qua, thu hút nhân tài hàng đầu, thúc đẩy sự phát triển và giúp làm đầy kho bạc của chính phủ. Nhưng gần đây, nhà chức trách đã đưa ra các cáo buộc tham nhũng tại PVN và các doanh nghiệp nhà nước khác. Càng ngày các công ty này càng bị coi là rào cản đối cho đổi mới và thị trường cởi mở.
Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng thư ký Đảng Cộng sản, đang lãnh đạo chiến dịch chống tham nhũng và sẵn sàng làm sạch các doanh nghiệp nhà nước, theo ông Chánh. Ông Trọng đặt mục tiêu tăng cường khả năng cạnh tranh và sử dụng tài nguyên của đất nước hiệu quả hơn, giờ đây, họ đã ký kết một số hiệp định thương mại hóa thị trường với các nền kinh tế phát triển.
Nikkei staff writters
Nguồn : Vietnam's graft hunters zero in on Venezuela oil project, Assian Nikkei Review, 18/03/2019
Diên Vỹ dịch
Nguồn : VNTB, 21/03/2019
*******************
Giải mã về tình trạng PVN mất nghìn tỷ đầu tư ra nước ngoài
Thanh Trúc, RFA, 20/03/2019
Tình trạng hàng tỷ đô la Mỹ mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đem đi đầu tư vào những dự án ở nước ngoài, nhất là dự án tại Venezuela, không hề hiệu quả và có nguy cơ mất trắng khiến công luận xôn xao trong thời gian hiện nay.
Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn đã nộp đơn xin từ chức Tổng Giám đốc PVN - Courtesy of PVN
Nguồn tin trên VnExpress cho hay ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam PVN đã gởi đơn xin từ chức nhưng mãi đến ngày 12 tháng Ba thì Hội đồng thành viên PVN mới nhóm họp và đồng ý xét đơn từ chức của ông.
Ngay khi tin ông Nguyễn Vũ Trường Sơn từ chức được loan đi thì công luận trong nước lập tức liên hệ vụ việc với chuyện PVN đã thua lỗ hay đang đối mặt nguy cơ mất trắng hàng tỷ Đô La đầu tư ra bên ngoài, nhất là ở Venezuela.
Tưởng cần nhắc ông Nguyễn Vũ Trường Sơn làm việc trong ngành dầu khí từ năm 1987, giữ nhiều chức vụ quan trọng tại các công ty thành viên của PVN như phó tổng giám đốc Vietsopetro kiêm giám đốc xí nghiệp Khai thác Dầu khí. Năm 2009, ông giữ chức tổng giám đốc Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí PVEP. Năm 2016, ông được bổ nhiệm làm Tổng Giám Đốc PVN và giữ chức vụ này từ đó đến nay.
Trong thời gian làm tổng giám đốc PVEP, Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí này đã triển khai những dự án đầu tư ra nước ngoài mà một trong những dự án đó là việc khai thác dầu nặng Junin 2 tại Venezuela. Đây là dự án được Bộ Kế hoạch và đầu tư cấp giấy chứng nhận năm 2012, qua đó PVEP rót khoảng 1 tỷ 800 triệu đô la mà theo tính toán ban đầu thì công suất khai thác giai đoạn 1 đạt 50.000 thùng dầu/ngày, đến giai đoạn 2 thì sẽ là 200.000 thùng/ngày.
Tuy nhiên đến cuối 2013 thì PVEP được chỉ thị từ thủ tướng tạm dừng đầu tư vì xét thấy không có tiến triển.
Nay thì mọi sự đã rõ là PVN Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và PVEP Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí Việt Nam coi như thua lỗ đầu tư tại Venezuela.
Nhà báo Phạm Thành, nguyên trưởng đại diện Đài Tiếng Nói Việt Nam vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phóng viên lâu năm của đài Tiếng Nói Việt Nam ở Hà Nội, cho biết :
Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn này từ thời ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng, ông Mạnh làm tổng bí thư, ông Trọng làm chủ tịch quốc hội, ông Trương Tấn Sang làm chủ tịch nước. Việc mất trắng người ta đã biết từ lâu rồi, thực tế là nó đã chết cách đây mấy năm rồi , bây giờ họ mới điều tra. Nó cũng nằm trong chủ trương là tiêu diệt phe phái lẫn nhau thôi, những tay nào sót lại của triều đại trước thì ông Trọng diệt sạch. Còn nói đầu tư thất thoát thì đâu chỉ ra nước ngoài mới thất thoát, trong nước còn thất thoát nhiều hơn, tham ô tham nhũng hàng nghìn tỷ đấy…
Đáng tiếc và càng đáng tiếc hơn nữa khi biết các công ty hay tổng công ty đầu tư đều là doanh nghiệp quốc doanh do nhà nước chỉ đạo, là nhận định của tiến sĩ Nguyễn Quang A, thành viên nhóm nghiên cứu độc lập IDS đã giải thể. Theo ông, có thể vì liên quan đến Nhà Nước cho nên hầu hết ý kiến về việc này đều gần như dè chứng một vừa hai phải hơn là nói thẳng :
Thường những nước khác khi đầu tư ở đâu đấy là chuyện của doanh nghiệp. Ở Việt không phải như vậy, các tập đoàn đầu tư này là công cụ của đảng cộng sản Việt Nam, lãnh đạo là các quan chức, các công ty này không có quyền tự chủ như chúng ta vẫn tưởng. Tôi nghĩ các vụ đầu tư ra nước ngoài của những công ty như PVN ở Venezuela được nói đến cách đây cả gần 20 năm không thể do các quan chức như ông Đinh La Thăng hay ông Nguyễn Vũ Trường Sơn có thể tự quyết định được. Quyết định đó luôn luôn là ở cấp cao hơn rất nhiều.
Những người am hiểu về chuyên môn người ta đã viết rất kỹ rằng dầu của Venezuela là loại dầu rất khó chế biến, Việt Nam không thể có khả năng chế biến được và gần như toàn bộ dầu thô của Venezuela phải chở sang nước mình để chế biến. Vì những lý do chính trị nên người ta vẫn quyết định đầu tư và phiêu lưu và mạo hiểm như vậy.
Một người Việt ở Pháp, ông Nguyễn Gia Kiểng, từ 3 năm trước từng viết bài liên quan chuyện PVN và PVEP đầu tư khai thác dầu khi ở Venezuela, với dự kiến nhiều phần sẽ thua lỗ hơn là được lợi :
Việt Nam đã đầu tư vào Venezuela từ 2010 và sau bao nhiêu năm đều thấy không ích lợi gì nên cuối cùng bỏ cuộc. Vừa rồi thì nhân biến cố chính trị Venezuela trở thành nghiêm trọng thì nhân dịp đó tôi có viết một bài, nhắc lại rằng không chỉ những nước như Nga hay Trung Quốc là tốn kém thiệt hại nhiều với Venezuela mà ngay cả Việt Nam cũng bị thiết hại. Với một số tiền chính thức Việt Nam nhìn nhận khoảng chừng 2 tỷ USD, nhưng mà có những nguồn tin khác nói có thể tới 6 tỷ hoặc 8 tỷ.
Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam hồi đó, vào lúc ký quyết định hợp tác với Venezuela thì do 2 người chịu trách nhiệm là ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Vũ Trường Sơn. Nhưng nhìn lại thì Tổng Công ty Dầu khí do đảng kiểm soát, ông Trường Sơn dù là tổng giám đốc nhưng chỉ là phó bí thư đảng ủy trong công ty mà thôi. Phải nói đây là trách nhiệm của đảng cộng sản Việt Nam, đầu tư một số tiền rất lớn mà không có một nghiên cứu nào nghiêm chỉnh về Venezuela, làm mất một số tiền vô cùng lớn đối với một nước còn nghèo, phải nói họ đầu tư một cách vô trách nhiệm.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Phát triển tại Hà Nội, nhận định chung tại sao đến lúc này vấn đề thua lỗ hay mất trắng vốn đầu tư tại các nước nói chung và Venezuela nói riêng được đưa lên mặt báo :
Việt Nam đang hoàn thiện khung tổ chức đầu tư ra nước ngoài. Đối với Doanh Nghiệp Nhà Nước vì là đại diện là chủ sở hữu thì chắc chắn Nhà Nước phải quyết định. Còn việc Việt Nam đầu tư ra nước ngoài về tổng thể như tôi đã nói thì mình còn thiếu kinh nghiệm và thiếu thận trọng đối với việc mở cửa tài khoản vốn. Những dự án đầu tư ra nước ngoài của Nhà Nước mà thua lỗ hoặc mất vốn thậm chí là như vậy, thì tôi thấy trong làm ăn kinh doanh cái hiệu quả đến đâu hay là rủi ro nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Có thể do những vấn đề chính trị, có thể do những vấn đề kinh tế, thế nhưng rõ ràng đối với doanh nghiệp nhà nước việc tính toán, việc minh bạch hóa và giám sát là khâu phải được đề cao hơn rất nhiều, đặc biệt đối với dòng vốn lớn. Việt Nam đang xem xét lại tất cả những cái đó và đây là việc làm cần thiết.Cảm nhận của tôi là Việt Nma đang đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, cuộc chiến này thể hiện rất nhiều qua lãnh vực kinh tế, trong đó liên quan đến rất nhiều các doanh nghiệp lớn.
Được hỏi ý kiến về tình hình thua lỗ, thất thoát trong những dự án đầu tư của PVN và PVEP vào Venezuela, giáo sư Phạm Quang Minh, chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại Học Quốc Gia Hà Nội, lý giải :
Trong bối cảnh toàn cầu hóa việc có những rủi ro trong quan hệ hay trong kinh tế là chuyện rất thường tình. Thế giới phẳng tạo sư thuận lợi trong tăng cường quan hệ trong trao đổi dòng vốn rồi thì lao động, tri thức, việc làm… Đó là mặt tốt nhưng kèm theo đó có mặt hạn chế, người ta không biết được điều gì sẽ xảy ra.
Có thể đấy là khủng hoảng về chính trị, về kinh tế, giáo sư Phạm Quang Minh nói tiếp, trong lúc tình hình thế giới cho thấy những bất ổn những xáo trộn tại mỗi quốc gia đã ảnh hưởng tới trao đổi thương mại, đầu tư và hợp tác :
Nên hầu như tất cả các quốc gia trong hợp tác đều phải rất thận trọng, cân nhắc các yếu tố địa lý, chính trị, minh bạch, có quản trị tốt hay không, có tham nhũng hay không.
Trở lại với đầu tư của PVN vào Venezuela chúng ta thấy về mặt địa lý từ Châu Á sang Châu Mỹ rất là xa, thứ hai thì Venezuela là nước mà chính trị còn bất ổn.
Chính vì thế, giáo sư Phạm Quang Minh kết luận, quả thực những dự án đầu tư dầu khí của Việt Nam vào Venezuela đã không mang lại kết quả mong đợi, sự thất thoát thua lỗ là điều đương nhiên mà cũng là điều đáng tiếc.
Được biết ngoài Venezuela, những dự án đầu tư của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN ra các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng không có hiệu quả cao, nhiều chương trình phải dừng lại.
Các quốc gia tiếp nhận đầu tư từ Việt Nam trong lãnh vực dầu khi nhưng có kiến nghị ngưng lại là Peru, Malaysia, Miến Điện và Iran.
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 20/03/2019
********************
Dự án tỷ USD ở Venezuela : Chưa làm gì, PVN 'hoa hồng' ngay trăm triệu USD
Hà Duy, VietnamNet, 18/03/2019
Số tiền "phí hoa hồng" tham gia dự án Junin 2 lên đến 584 triệu USD. Bộ Công an đang điều tra dấu hiệu vi phạm pháp luật tại dự án này.
PVN vẫn chưa hết sóng gió.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an (C03) vừa có văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) xác minh một số dấu hiệu vi phạm pháp luật trong thực hiện dự án đầu tư liên doanh phát triển khai thác và nâng cấp dầu khí lô Junin 2 tại Venezuela của Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) thuộc PVN.
Một "biện pháp" nhỏ, biến thành dự án không xin ý kiến Quốc hội
Năm 2008, Việt Nam và Venezuela đã ký 15 Hiệp định, thoả thuận hợp tác, trong đó có Hợp đồng giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về việc thiết lập liên doanh khai thác dầu khí công suất 200.000 thùng/ngày tại vành đai Orinoco thuộc Venezuela, nơi được coi là khu vực có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới.
Trong một báo cáo gửi Thủ tướng vào tháng 8/2010 về xem xét thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án lô Junin 2, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã nói rõ về quá trình đưa số vốn đầu tư của dự án từ 1,24 tỷ USD lên hơn 1,8 tỷ USD.
Bộ Kế hoạch và đầu tư cho hay : Tháng 11/2008, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã có cuộc họp thẩm định báo cáo việc đầu tư này với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành và có tờ trình Thủ tướng xin phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư hơn 1,24 tỷ USD.
Bộ này xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho dự án trên cơ sở ý kiến "chấp thuận đầu tư dự án khai thác và nâng cấp dầu nặng Junin 2 Venezuela" của Thủ tướng. Tuy nhiên vẫn còn vướng mắc về việc ghi vốn đầu tư khi ngoài 1,24 tỷ USD số tiền rót vào dự án, PVN còn trả thêm tiền hoa hồng là 584 triệu USD.
Do đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã họp các bộ, ngành và các ý kiến đều thống nhất phải ghi tổng mức đầu tư đầy đủ gồm cả tiền hoa hồng là 1,825 tỷ USD để "phản ánh thực chất lượng vốn đầu tư ra nước ngoài, thuận lợi cho việc triển khai dự án và theo dõi quyết toán các nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm về tài chính của chủ đầu tư trước Nhà nước".
Với mức đầu tư tới hơn 1,82 tỷ USD và phần vốn góp của PVN vào dự án vượt 30% nên phải xin ý kiến của Quốc hội. Với tư cách cơ quan thẩm tra hồ sơ xin cấp phép đầu tư, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã báo cáo Thủ tướng và kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét đặc cách với dự án để sớm cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Trả lời bằng văn bản sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã không đồng ý đề xuất này, yêu cầu Chính phủ có tờ trình chính thức gửi Ủy ban làm rõ phần vốn nhà nước góp vào dự án. Trường hợp dự án sử dụng từ 30% vốn nhà nước trở lên thì Chính phủ phải trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên, đáng chú ý là tại báo cáo tháng 5/2009 của Chính phủ gửi cơ quan thường trực Quốc hội sau đó về dự án Junin 2, cơ cấu phần vốn góp Nhà nước tại dự án được thay đổi. Phần vốn góp từ vốn chủ sở hữu của PVN giảm từ 956 triệu USD dự kiến ban đầu, xuống còn 547 triệu USD, tức chỉ còn 29,9% tổng chi phí góp vốn của phía Việt Nam.
Điều này đồng nghĩa dự án đầu tư không còn nằm trong diện phải báo cáo Quốc hội xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư (dự án có mức góp vốn 30% trở lên).
Mặt khác, khi dự án chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư thì ngày 29/6/2010, Hợp đồng thành lập, quản lý Công ty liên doanh Khai thác và nâng cấp dầu nặng lô Junin 2 Venezuela (Petromacareo) đã được ký kết giữa PVEP (công ty con của PVN) và CVP (công ty con của Công ty Dầu khí quốc gia Venezuela - PDVSA).
Trên cơ sở hợp đồng chính thức ký với đối tác, PVEP đã bổ sung và hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư.
Phân tích nhiều yếu tố nội tại Venezuela, Bộ Kế hoạch và đầu tư cảnh báo dự án phải được cân nhắc hết sức thận trọng, đặc biệt khi nó được đầu tư bằng vốn nhà nước và vốn vay của doanh nghiệp nhà nước.
Lạ lùng tiền phí hoa hồng 584 triệu USD
Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng bày tỏ lo ngại khác là PVN/PVEP đã ký hợp đồng chính thức với đối tác Venezuela khi chưa có giấy phép đầu tư. Theo thoả thuận hợp đồng đã ký, phía Việt Nam phải thanh toán đợt đầu 300 triệu USD phí tham gia hợp đồng (phí hoa hồng - PV) trong 6 tháng. Các đợt nộp phí hoa hồng tiếp theo lần 2 và 3, mỗi đợt 142 triệu USD. Điều này đồng nghĩa khi chưa thăm dò, khai thác giọt dầu nào thì PVEP cũng phải trả đầy đủ phí tham gia hợp đồng 584 triệu USD cho đối tác ngoại.
Nếu vi phạm, phía Việt Nam sẽ bị xử lý theo các cam kết đã ký, cụ thể toàn bộ cổ phần của PVEP trong công ty liên doanh có thể tự động chuyển cho đối tác Venezuela và Việt Nam không được quyền thanh toán hoặc đền bù gì từ các khoản đã góp, vay vốn hay đầu tư ở dự án này.
Do đó, trong văn bản nêu ý kiến thẩm định giấy phép đầu tư dự án, Bộ Kế hoạch và đầu tư kiến nghị Thủ tướng có báo cáo Bộ Chính trị xin chủ trương trình Quốc hội có cơ chế đặc cách xem xét, thông qua chủ trương đầu tư đối với dự án Junin 2 của PVN tại Venezuela ngay trong kỳ họp tháng 10/2010.
Các báo cáo tài chính sau này của PVN từ 2014 trở lại đây đã ghi nhận khoản tiền phí hoa hồng 442 triệu USD trả cho đối tác Venezuela.
Trong báo cáo gần đây, Bộ Công thương cho hay hiện dự án đã tạm dừng triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo ngày 2/12/2013 của Văn phòng Chính phủ.
Hà Duy
Nguồn : VietnamNet, 18/03/2019
Hiệp định thương mại Việt Nam-EU : Dời lại đến 2020 ?
Thanh Phương, RFI, 18/03/2019
Trái với mong đợi của chính phủ Hà Nội và giới doanh nghiệp, Hiệp định Tự do Mậu dịch Việt Nam – Liên Hiệp Châu Âu (EVFTA) rất có thể không được phê chuẩn trước kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu vào tháng Năm tới và như vậy phải đợi đến năm 2020.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker (P) tiếp thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Bruxelles, 02/12/2015. Reuters
Vào đầu tháng 12/2015, Liên Hiệp Châu Âu (EU) và Việt Nam thông báo đã kết thúc các đợt đàm phán về hiệp định EVFTA. Nhưng đến tháng 5/2017, Tòa án Công lý Châu Âu ra ý kiến về thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định tự do mậu dịch của Liên Hiệp Châu Âu. Cụ thể, tòa án này phán quyết rằng các nội dung về đầu tư "không trực tiếp" của nước ngoài và cơ chế xử lý tranh chấp nhà đầu tư nhà nước sẽ thuộc thẩm quyền quyết định của cả cấp EU và cấp quốc gia các nước thành viên (tức là nội dung này phải được cả Liên Hiệp Châu Âu và các quốc gia thành viên đồng ý mới có hiệu lực).
Để hiệp định có thể sớm hoàn tất, Ủy Ban Châu Âu bèn quyết định tách EVFTA thành hai hiệp định, một về thương mại và một về đầu tư. Đến tháng 07/2018, Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam đã đạt thỏa thuận về văn bản của hai hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam – Liên Hiệp Châu Âu IPA.
Hai hiệp định nói trên sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp, công nhân và người tiêu dùng của cả Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam. Riêng đối với Việt Nam, trong vòng 10 năm tới, GDP được dự báo sẽ tăng thêm từ 10 đến 15% và xuất khẩu tăng từ 30 đến 40%. Đối với Liên Hiệp Châu Âu, EVFTA là hiệp định tự do mậu dịch toàn diện nhất và đầy tham vọng nhất mà khối này ký với một nước đang phát triển ở Châu Á. Đây cũng là hiệp định tự do thương mại thứ hai mà Liên Hiệp Châu Âu ký với một nước ASEAN, sau Singapore.
Đến ngày 17/10/2018, Ủy Ban Châu Âu thông báo đã thông qua việc trình lên Hội Đồng Châu Âu chấp thuận hiệp định EVFTA, để dự kiến vào cuối năm 2018 sẽ ký chính thức Hiệp định này và trình Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn vào đầu năm 2019. Trên thực tế, đến ngày 12/11, hiệp định này mới được trình lên Hội Đồng Châu Âu.
Nhân quyền gây trắc trở ?
Mọi chuyện tưởng là sẽ diễn ra suông sẻ theo kế hoạch nói trên, nhưng vấn đề nhân quyền đã phần nào gây rắc rối cho tiến trình phê chuẩn. Vào tháng 09/2018, 32 nghị viên của Nghị Viện Châu Âu đã ký thư ngỏ nêu các quan ngại nghiêm trọng của họ về tình trạng đàn áp nhân quyền đang tiếp diễn ở Việt Nam và kêu gọi chính quyền Hà Nội cải thiện hồ sơ nhân quyền trước khi hiệp định tự do thương mại được đưa ra bỏ phiếu. Cụ thể, họ yêu cầu Hà Nội phải thông qua các công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và thả một số tù chính trị. Áp lực lên Việt Nam càng gia tăng sau khi vào tháng 11/2018, Nghị Viện Châu Âu thông qua một bản nghị quyết khẩn cấp về tình hình nhân quyền Việt Nam.
Theo trang mạng EUROPARL của Nghị Viện Châu Âu, trong cuộc điều trần vào tháng 10 năm ngoái, do Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị Viện Châu Âu tổ chức, đại diện của chính phủ Việt Nam cho biết là Hà Nội đã có kế hoạch phê chuẩn 3 công ước cơ bản của ILO và đang tiến hành sửa đổi toàn diện Luật Lao động, với dự kiến là luật Lao động sửa đổi sẽ được thông qua vào tháng 10 năm nay. EUROPARL nêu rõ quan điểm của Nghị Viện Châu Âu : không có dấu hiệu gì cho thấy là chính quyền Việt Nam giảm bớt đàn áp chính trị, vì các vụ bắt bớ và kết án tù những nhà hoạt động vẫn tiếp diễn. Những mối quan ngại về nhân quyền có thể khiến Nghị Viện Châu Âu đình hoãn việc phê chuẩn, thậm chí từ chối phê chuẩn hiệp định EVFTA.
Trong một video đăng trên mạng Twitter vào tháng 01/2019, hai nghị sĩ thành viên Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị Viện Châu Âu thông báo là Hội Đồng Âu Châu đã hoãn lại việc phê chuẩn dự thảo hiệp định với "lý do kỹ thuật". Nhưng trong video này, nghị sĩ Ramon Tremosa yêu cầu là "nhân quyền phải được tuân thủ" trong hiệp định thương mại với Việt Nam. Còn nữ nghị sĩ Jude Kirton-Darling khẳng định là vẫn còn trở ngại lớn cho việc phê chuẩn hiệp định thương mại, đó là nhân quyền.
Lịch trình quá sát sao
Thật ra thì hơn cả vấn đề nhân quyền, có lẽ chính vấn đề lịch trình đã gây chậm trễ cho EVFTA, vì trong lúc này, Châu Âu đang bước vào chiến dịch tranh cử cho cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu vào tháng 5 tới, cho nên các nghị sĩ đương nhiệm khó mà tập trung tư tưởng vào tiến trình phê chuẩn hiệp định EVFTA. Ấy là chưa kể ưu tiên của các nghị sĩ Châu Âu hiện nay chính là vấn đề Brexit, còn những hồ sơ như EVFTA đã trở thành thứ yếu.
Lo ngại trước khả năng hiệp định gặp trắc trở, vào đầu tháng 3 vừa qua, với tư cách đặc phái viên của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thứ trưởng bộ Ngoại Giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã sang một số nước Châu Âu để thúc đẩy việc ký kết hiệp định EVFTA. Theo thông tin của bộ Ngoại Giao Việt Nam, khi đến Pháp, ông Sơn đã đề nghị Paris cùng các cơ quan Liên Hiệp Châu Âu "thúc đẩy việc sớm ký, phê chuẩn Hiệp định EVFTA cũng như Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam – Liên Hiệp Châu Âu IPA trong nhiệm kỳ này của Nghị viện Châu Âu, để nhanh chóng hiện thực hóa lợi ích mà các Hiệp định có thể đem lại".
Cũng theo thông báo của bộ Ngoại Giao Việt Nam, phía Pháp đã hứa "sẽ tích cực phối hợp với các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu để thúc đẩy tiến trình này".
Khi phái đoàn của ông Bùi Thanh Sơn đến Bucarest, ngày 06/03, ông Teodor Melescanu, ngoại trưởng của Rumani, với tư cách quốc gia hiện nắm chức chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu, cũng đã hứa là thúc đẩy việc ký kết nhanh chóng hai hiệp định về thương mại và đầu tư.
Nhưng đó vẫn là một lời hứa, vì theo lịch trình tạm thời của Rumani với tư cách chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu, các nước Liên Hiệp Châu Âu sẽ phê chuẩn hiệp định EVFTA cùng với hiệp định bảo hộ đầu tư IPA trong cuộc họp Hội Đồng Thương Mại Liên Hiệp Châu Âu kỳ tới ở Bruxelles vào ngày 28/05, tức là sau cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu 23-26/5.
Chỉ sau khi các nước thành viên đồng ý, Liên Hiệp Châu Âu mới có thể chính thức ký các hiệp định này với Việt Nam và chỉ từ lúc đó mới có thể tiến hành phê chuẩn ở Nghị Viện Châu Âu, tức là trình lên nghị viện mới. Mà nghị viện mới thì phải mất một thời gian để bầu bán, sắp xếp nhân sự lãnh đạo trước khi thật sự bắt tay vào việc vào tháng 7/2019, rồi sau đó lại đến kỳ nghỉ hè. Như vậy là phải đến sớm nhất là cuối năm 2019, thậm chí sang năm 2020 hy vọng hiệp định EVFTA mới được phê chuẩn xong để đưa vào thực hiện.
Tác động của sự chậm trễ
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, sự chậm trễ trong việc phê chuẩn hai hiệp định EVFTA và IPA sẽ có tác động tiêu cực đến xuất khẩu và đầu tư đối với Việt Nam :
"Liên Minh Châu Âu EU là đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Cho nên nếu như thuế suất được giảm, rồi thì các điều kiện minh bạch hơn, xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng cao hơn. Hiệp định càng bị chậm ngày nào thì càng bất lợi cho xuất khẩu của Việt Nam và làm cho tăng trưởng không đạt được tốc độ mong muốn.
Nếu hiệp định đó càng bị trì hoãn hơn nữa thì Việt Nam sẽ phải đa dạng hóa, đa phương hóa các thị trường xuất khẩu. Tôi hy vọng là Việt Nam sẽ cố gắng tránh lại bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường xuất khẩu, ví dụ như Trung Quốc. Trung Quốc vừa là nước láng giềng, vừa là nền kinh tế thứ hai thế giới, có nhu cầu rất lớn về nhập khẩu nông sản và các sản phẩm khác của Việt Nam.
Còn nếu mà Hiệp định Bảo hộ Đầu tư IPA bị chậm trễ thì điều này sẽ có tác động tiêu cực đến dòng vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam, trong khi đây là một dòng vốn đầu tư có tầm quan trọng, vì nó không những tạo công ăn việc làm, tăng vốn, mà còn mang theo một số công nghệ có ích cho nền kinh tế Việt Nam".
Hiện giờ cả Liên Hiệp Châu Âu lẫn Việt Nam đều chưa có tuyên bố chính thức gì về sự chậm trễ nói trên. Ngày 24/01 vừa qua, khi được hỏi về tiến trình phê chuẩn hiệp định EVFTA, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng chỉ cho biết là hai bên "tiếp tục nỗ lực hoàn tất các thủ tục để sớm ký chính thức, phê chuẩn và đưa Hiệp định đi vào triển khai".
Thanh Phương
Nguồn : Tạp chí kinh tế, RFI, 18/03/2019
********************
EU sẽ ký EVFTA với Việt Nam 'trong hè này'
Bruno Angelet, BBC, 18/03/2019
Đại sứ Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam nói về lộ trình ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA).
Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam
Trả lời phỏng vấn với phóng viên BBC Nguyễn Hoàng, Ông Bruno Angelet, Trưởng Đại diện Phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam cũng giải thích liệu nhân quyền có là chủ đề thuộc đàm phán EVFTA hay không.
BBC : Ông có thể khái quát về EVFTA và ý nghĩa của nó ?
Bruno Angelet : Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU là một hiệp định lớn nhằm tự do hoá thương mại và dịch vụ giữa Việt Nam và EU. Tại Châu Á, chúng tôi đã ký kết và phê chuẩn các hiệp định thương mại với các nước Hàn Quốc (2010), Nhật Bản và Singapore (2018). Hiện chúng tôi đã sẵn sàng ký kết hiệp định thương mại với Việt Nam vào mùa hè năm nay và hy vọng sẽ được Nghị viện Châu Âu thông qua sau đó.
Khi FTA được thực thi, thời gian đầu, 70% các mặt hàng và dịch vụ sẽ được tự do hoá giữa Việt Nam và EU, và trong 10 năm tới gần 90% các mặt hàng và dịch vụ sẽ được miễn thuế. Vì vậy, đây là một hiệp định quan trọng tăng cường mậu dịch cho cả Việt Nam và EU, đánh dấu mối quan hệ hợp tác mở rộng mà chúng tôi có được với Việt Nam.
Hiệp định này quan trọng vì nó giúp phát huy vị thế cạnh tranh của Việt Nam, và hội nhập kinh tế Việt Nam vào thương mại thế giới cũng như kết nối thị trường Châu Âu với thị trường Việt Nam. Không những thế, nó còn giúp tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong và ngoài ASEAN, vì đây không chỉ là hiệp định thương mại giữa EU với Việt Nam mà còn là chiến lược phát triển của EU với cả Châu Á.
So với các nước mà chúng tôi đã ký kết hiệp định thương mại tự do, Việt Nam là nước kém phát triển hơn. Tuy nhiên, mối quan hệ hợp tác với Việt Nam sẽ là bàn đạp, cho phép EU đẩy mạnh hợp tác với ASEAN trong vài năm tới. Nếu mối quan hệ hợp với Việt Nam thành công thì EU sẽ có thể tiếp cận thị trường ASEAN dài hạn.
EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba và là 1 trong 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
BBC : Tháng 10 năm ngoái, Ủy ban Châu Âu đã đệ trình EVFTA lên Hội đồng Châu Âu xem xét và xin ủy nhiệm ký. Ông có thể cho biết rõ thêm về tiến trình ký kết và chuẩn thuận ?
Bruno Angelet : EVFTA có hai phần chính bao gồm Hiệp định Thương mại tự do (FTA) nhằm tự do hoá các mặt hàng và dịch vụ, và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) nhằm bảo hộ cho các dự án đầu tư của Việt Nam ở Châu Âu và ngược lại. FTA và IPA có đến 3,000 trang và chúng tôi đang xử lý. Đầu tiên, hai hiệp định này cần được dịch ra tiếng Việt và 23 ngôn ngữ chính thức khác ở Châu Âu.
Ủy ban Châu Âu (EC) đã thống nhất nội dung các hiệp định và gửi chúng cho Hội đồng Châu Âu và các nước thành viên xem xét. EC phải nhận được sự đồng thuận từ Hội đồng Châu Âu và các nước thành viên thì mới tới Hà Nội để ký kết các hiệp định được.
Theo đó, các hiệp định đang được các nước thành viên Hội đồng Châu Âu xem xét, trong khi dịch vụ pháp lý của Hội đồng đang xem lại các bản dịch. Chúng tôi phải đảm bảo rằng các điều khoản pháp lý trong 23 bản dịch phải giống nhau hoàn toàn. Ban ngôn ngữ của Hội đồng Châu Âu ở Brussels, Bỉ đang xem lại nội dung để đảm bảo tính tương đồng của các bản dịch.
Vào cuối tháng 5/2019, chúng tôi sẽ liên lạc với Hội đồng Châu Âu. Hy vọng là vào cuối tháng 5/2019 hoặc đầu tháng 6/2019, Hội đồng Châu Âu sẽ đưa ra quyết định đồng ý cho bà, Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmström, đến Hà Nội để ký các hiệp định.
Sau đó, trong thời gian từ tháng 5 tới tháng 7/2019, bà Malmström sẽ đến Hà Nội để ký kết. Tiếp đến là đến sự phê chuẩn. Trước mắt hai bên phải ký kết các hiệp định đã, sau đó chúng tôi sẽ đệ trình các hiệp định đã ký kết cho Nghị viện Châu Âu thông qua.
Từ 23-26/05/2019 sẽ có bầu cử Nghị viện Châu Âu. Một Nghị viện mới sẽ được bầu ra và họ sẽ xem xét các hiệp định đó. Hy vọng là sau mùa hè hoặc đầu tháng 10/2019, Nghị viện mới sẽ thông qua các hiệp định. Theo tôi đoán thì Nghị viện mới sẽ xem xét các hiệp định ngay nhưng họ cũng cần thêm ít nhất một tháng trước khi phê chuẩn.
Nghị viện Châu Âu ở Strasbourg, Pháp
BBC : Tức là nhìn một cách thực tế thì FTA và IPA sẽ sẽ được ký kết sau tháng 5/2019 ?
Bruno Angelet : Đúng vậy, trong mùa hè này. Tôi đoán là từ cuối tháng 5/2019 đến cuối tháng 8/2019. Sau đó là đợi Nghị viện Châu Âu phê chuẩn.
BBC : Mới đây, EU có cuộc đối thoại thường niên về nhân quyền với Việt Nam. Một số tổ chức đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam muốn EU xem xét vấn đề nhân quyền song song với EVFTA. Hai chủ đề này có gắn kết với nhau hay không ?
Bruno Angelet : Quan hệ hợp tác của EU với Việt Nam rất rộng, bao gồm nhiều vấn đề. Đầu tiên, mục tiêu chính là giúp Việt Nam trở thành một quốc gia ổn định, thịnh vượng và tự do. Vì vậy, EU rất ủng hộ chiến lược hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Ông hỏi tôi về mối liên quan giữa thương mại và nhân quyền thì tôi xin phép được trả lời như sau.
Về phía EU, khi hợp tác thương mại với Việt Nam, chúng tôi mong rằng đó là quốc gia khiến chúng tôi tự hào khi được hợp tác cùng và Việt Nam sẽ phát triển thành một nước tự do và thịnh vượng. Do đó, nhân quyền có vai trò rất quan trọng trong mối quan hệ hợp tác của chúng tôi với Việt Nam.
Hàng năm, chúng tôi đã có các cuộc đối thoại về nhân quyền với Việt Nam tại Brussels hoặc Hà Nội. Nhân quyền là một phần của FTA. Trong FTA, cả hai bên cam kết tôn trọng các nguyên tắc chủ chốt của Liên Hợp quốc (UN) về nhân quyền và quyền tự do cơ bản. Tuy nhiên, chúng tôi không có các điều kiện cụ thể về nhân quyền trong FTA.
Nhân quyền nằm trong một thoả thuận hợp tác khác rộng hơn giữa EU với Việt Nam, và FTA cũng chỉ là một nhánh trong thoả thuận hợp tác này mà thôi. Và theo thoả thuận này, chúng tôi đã có các cuộc đối thoại thường xuyên về nhân quyền với Việt Nam. Thông thường, hiệp định thương mại là về thương mại. Chúng tôi chỉ cam kết thực hiện các điều khoản mà chúng tôi ký kết. Mọi người cũng đã thấy các điều khoản rồi.
Chúng tôi cũng đã nói với Chính phủ Việt Nam rằng, ký kết thoả thuận là một chuyện, còn ý kiến của công chúng Châu Âu về thoả thuận này là một chuyện khác, quan trọng hơn. Nghị viện Châu Âu là cơ quan phê chuẩn FTA, và chúng ta biết đấy ở đó có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau. Nghị viện Châu Âu tôn trọng dân chủ mạnh mẽ và gồm có nhiều nhóm chính trị khác nhau. Chắc chắn Nghị viện sẽ thảo luận về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam khi chúng tôi đệ trình các hiệp định đã ký cho Nghị viện thông qua.
Vậy nên, chúng tôi cho rằng Nghị viện sẽ thảo luận về nhân quyền, còn chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại với Việt Nam về vấn đề này một cách xây dựng. Mục tiêu chung của chúng tôi đó là thúc đẩy sự ổn định, thịnh vượng và tự do ở cả Việt Nam và Châu Âu. Có thể ở một thời điểm khác, vấn đề nhân quyền cũng sẽ có cái nhìn khác đi. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục đối thoại về vấn đề nhân quyền với Việt Nam.
Đây được gọi là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới vì nó mang lại nhiều quyền hạn hơn cho EU. Trong quá khứ, IPA sẽ được đưa ra riêng rẽ bởi các nước thành viên EU, nhưng hiện nay EU sẽ đưa ra một IPA chung cho tất cả nước khi hợp tác với Việt Nam. Hơn nữa, chúng tôi có có tham vọng rất lớn trong thoả thuận hợp tác lần này với Việt Nam, lớn hơn rất nhiều so với các nước chúng tôi đã hợp tác trước đây. Thoả thuận này không chỉ thiên về hợp tác thương mại mà còn đánh dấu một chương mới về phát triển bền vững. Đây sẽ là một thoả thuận hợp tác hiện đại, có tham vọng và sâu rộng.
Nghị viện EU ‘không kịp xem xét’ EVFTA
Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmstrom tại họp báo về hiệp định với Việt Nam hôm 17/10
BBC : Ông có nhắc đến cụm từ 'phát triển bền vững'. Có phải ông đang nói đến vấn đề chính sách cho người lao động và biến đổi khí hậu không ?
Bruno Angelet : Đó là lý tại sao tôi nói hiệp định lần này rất có tham vọng và là hiệp định thế hệ mới. Nó sẽ bao gồm rất nhiều thứ, không chỉ là tự do hoá thương mại mà còn là thương mại công bằng giữa EU và các đối tác.
Chúng tôi muốn đảm bảo rằng, việc hợp tác kinh doanh và xuất khẩu thương mại với Việt Nam không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp chúng tôi, mà còn cho cả người lao động và người tiêu dùng. Vì vậy, chúng tôi rất mong được hợp tác với Việt Nam để thực hiện các thoả thuận thương mại này, bao gồm phát triển bền vững.
Phát triển bền vững là thông qua thương mại, chúng ta có thể bảo vệ môi trường, đấu tranh chống buôn bán động vật hoang dã trái phép, và bảo vệ rừng quốc gia của Việt Nam. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng, gỗ xuất khẩu từ Việt Nam được khai thác theo đúng tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ rừng.
Thông qua thương mại, chúng tôi cũng mong muốn có thể bảo vệ quyền của người lao động ở cả Châu Âu và Việt Nam. Về cơ bản, chúng tôi làm việc với cả hai bên để thông qua quy ước chung của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), và sau đó thực hiện quy ước này tại Việt Nam và Châu Âu. Chúng tôi cũng tôn trọng các tiêu chuẩn về lao động.
FTA và IPA là các hiệp định trung lập về cách tổ chức kinh tế. Chúng tôi không cam kết với bên Việt Nam hay Châu Âu trong việc thay đổi số lượng công ty nhà nước. Đó không phải là vấn đề. Vấn đề ở đây là chúng tôi muốn đảm bảo rằng các doanh nghiệp Châu Âu có thể cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp tư nhân hay nhà nước tại Việt Nam.
Nghĩa là các doanh nghiệp Châu Âu có thể đấu thầu công bằng ở Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, và không có sự phân biệt đối xử nào giữa các doanh nghiệp Châu Âu với các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam. Theo đó, chúng tôi được phép tiếp cận thị trường bình đẳng như các doanh nghiệp Việt Nam.
************************
Châu Âu sẵn sàng ký hiệp định EVFTA trong mùa hè năm 2019 (RFA, 18/03/2019)
Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã sẵn sàng ký Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) với Việt Nam vào mùa hè năm 2019 và hy vọng sẽ được Nghị viện Châu Âu thông qua sau đó.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (tiếp Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam ngày 28/05/2018 tại Hà Nội - Ảnh Việt Nam / VNS Ảnh Thống Nhất
Trưởng đại diện Phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam, ông Bruno Angelet cho biết thông tin vừa nêu trong cuộc phỏng vấn với BBC Việt ngữ và được đăng tải vào ngày 18 tháng 3.
Ông Bruno Angelet cho biết cụ thể là EVFTA có hai phần chính ; bao gồm Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) nhằm tự do hóa các mặt hàng và dịch vụ và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) nhằm bảo hộ cho các dự án đầu tư của Việt Nam ở Châu Âu và ngược lại. EVFTA được dịch ra tiếng Việt và 23 ngôn ngữ chính thức khác nhau ở Châu Âu và hiện Ban ngôn ngữ của Hội đồng Châu Âu đang xem lại nội dung để đảm bảo tính tương đồng của các bản dịch.
Ông Bruno Angelet nhấn mạnh rằng Ủy ban Châu Âu (EC) phải nhận được sự đồng thuận từ Hôi đồng Châu Âu và các nước thành viên EU, và ông hy vọng rằng đại diện của Hội đồng Châu Âu sẽ đến Hà Nội ký các hiệp định trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2019.
Trưởng đại diện Phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam cho biết thêm Nghị viện Châu Âu mới sẽ được tổ chức bầu cử vào hạ tuần tháng 5 và ông dự đoán Nghị viện Châu Âu mới sẽ xem xét và phê chuẩn EVFTA sau mùa hè hoặc đầu tháng 10 tới đây.
Trả lời câu hỏi của BBC Việt ngữ liên quan vấn đề nhân quyền Việt Nam được xem xét song song với EVFTA như thế nào, ông Bruno Angelet nói rằng nhân quyền là một phần của FTA, tuy nhiên Liên Hiệp Châu Âu không có các điều kiện cụ thể về nhân quyền trong FTA, mà nhân quyền nằm trong một thỏa thuận hợp tác khác rộng hơn giữa EU với Việt Nam. Mặc dù vậy, ông Bruno Angelet khẳng định chắc chắn Nghị viện Châu Âu sẽ thảo luận về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam khi Phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam đệ trình EVFTA đã ký cho Nghị viện Châu Âu thông qua.
Xin được nhắc lại, vào hạ tuần tháng 1 năm 2019, hai thành viên Nghị viện Châu Âu chính thức thông báo về việc hoãn phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và lý do hoãn được viện dẫn là bởi vấn đề kỹ thuật.
Trong video thông báo này, Nghị sĩ Ramon Tremosa cho biết phía Châu Âu mong muốn thương mại công bằng, nhân quyền và các vấn đề bền vững phải là những yếu tố ràng buộc trong hiệp định. Và Nghị sĩ Kirton-Darling tuyên bố rằng nếu Việt Nam không cải thiện những vấn đề vừa nêu, cơ hội để Hội đồng tiếp theo phê chuẩn Hiệp định EVFTA là rất khó.
Một chín bảy chín
Tre, RFA, 18/02/2019
Năm tôi 11 tuổi, trong một buổi sáng chào cờ đầu tuần ở trường, cô giáo chủ nhiệm lùa hết học sinh ra sân, không mặc kệ lớp trưởng quản sĩ số chúng tôi như mọi lần. Các thầy cô trong trường cũng ngồi ngay ngắn không thiếu một ai trên hàng ghế gần cột cờ. Chúng tôi không đứa nào biết chuyện gì, nhưng đều cảm nhận được không khí căng thẳng khác mọi khi.
Hình minh hoạ. Những người dân phản đối Trung Quốc cầm biểu ngữ ngày 17/2/1979 - nhân dân sẽ không quên trong một buổi kỷ niệm 27 năm cuộc chiến biên giới Việt Trung ở Hà Nội hôm 17/2/2016 - AFP
Buổi chào cờ hôm đó chỉ thoáng qua chuyện học hành, kỷ luật và thi đua giữa các lớp một ít, rồi thầy hiệu trưởng hắng giọng… và chúng tôi lần đầu được nghe những khái niệm xa lạ.
Chúng tôi được thông báo quân Trung Quốc đang đánh chiếm biên giới phía Bắc và Tây Nam, nhà trường sẽ chuẩn bị cho học sinh những tình huống báo động để toàn trường tập dượt, sắp tới học sinh các lớp lớn sẽ phải tập quân sự…
Thầy nói chậm, rất lâu, và mặt thầy đầy lo âu.
Đó là một buổi sáng năm 1979.
Tôi nhớ lại những quyển sách trong tủ sách gia đình, nơi tôi đọc tất cả các quyển sách của ba, má, các anh chị lọt vào tay tôi. Có những quyển mang cái tên rất hấp dẫn như Chiến tranh Việt Nam và sự đổi màu da xác chết mà tôi đọc say sưa nhưng chả hiểu được mấy phần, chỉ nhớ là tác giả bảo quân Mỹ cố thay đổi chiến tranh Việt Nam như đổi màu da xác chết, và có những thứ rất gây tò mò như hàng rào điện tử Mc Namara. Có những tiểu thuyết đánh nhau và yêu đương dễ hiểu hơn như Hòn Đất, Gia đình má Bảy. Nhiều hơn cả là tủsách Tuổi hoa : Hoa tím dành cho tuổi mới lớn, bắt đầu có rung động đầu đời, Hoa đỏ phần nhiều là trinh thám đánh nhau cho tuổi choai choai nhỡ nhỡ, và Hoa xanh cho các em bé nhi đồng. Tuổi hoa thì không có báo động, hầm cá nhân, bom đạn và tập quân sự, nhưng các cuốn của các anh chị và ba má tôi thì đều có. Tôi biết báo động nghĩa là gì.
Trong khi thầy hiệu trưởng vẫn đang dặn tập dượt khi có báo động, tôi bắt đầu tưởng tượng hôm nào đó tôi đang ở trường thì có báo động. Còi hú vang trời, loa phóng thanh thúc giục đồng bào chú ý, máy bay địch đang ở cách 10 cây số…, trên đường phố các hầm cá nhân mở ra như những miệng lỗ, chúng tôi chạy tan tác như bầy gà con mà trên trời đàn diều hâu đang lượn vòng, mạnh đứa nào đứa nấy la hét và chui xuống hố. Súng bắn pằng pằng. Rồi đến khi tan học, tôi chạy về nhà thì không thấy ba má đâu nữa. Cả thành phố toàn người chạy nháo nhác. Ba má tôi cũng chạy nháo nhác đâu đó, má tôi sẽ khóc gọi con ơi con ơi, ba tôi thì nghiêm mặt lại như những khi có chuyện nghiêm trọng. Nhưng tôi không thể nào tìm thấy ba má tôi nữa.
Không hiểu sao tôi lại tưởng tượng ra như vậy.
Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 25/8/1978 : một người lính Việt Nam bị thiệt mạng trong một trận tấn công của Trung Quốc vào Đồng Đăng, Lạng Sơn AFP
Có lẽ tôi đã bị ảnh hưởng rất nhiều từ những cuốn sách thuật lại chiến tranh, cuộc chiến tranh vừa mới chấm dứt cách đó 4 năm, chứ ở lứa tuổi đó tôi chưa từng biết chiến tranh là gì.
Khi ba má tôi phải chia hai gia đình ra sống cách nhau mấy trăm cây số để lỡ mất người này thì còn người kia, tôi còn quá nhỏ. Khi một quả bom rơi xuống sát cạnh chung cư gia đình tôi đang ở, ba má tôi đều đang ở sở, còn cậu tôi thì vừa ôm, vừa bế, vừa đẩy các cháu nhỏ chạy theo dòng người đi lánh dưới những kiến trúc đổnát, tuyệt nhiên tôi không nhớ được chút gì.
Sau khi bom ngừng, ba má tôi chạy xe như điên về nhà, nước mắt đầm đìa trên má vì nghĩ rằng mấy cậu cháu đã chết hết. Khi cậu tôi níu má tôi lại không cho đi làm nữa, để lỡ bị bom đạn chết thì cũng không ai phải chết một mình mà cả nhà cùng chết với nhau. Vâng, tôi cũng không nhớ.
Nhưng mặc dù tôi không nhớ thì câu chuyện này vẫn được kể đi kể lại trong gia đình tôi, những lúc cả nhà sum vầy. Còn ba má và cậu tôi thì vừa kể vừa nghiêng đầu ngắm nghía kỹ từng đứa con đứa cháu, như đến giờ vẫn còn ngạc nhiên không tin nổi cả nhà vẫn còn sống với nhau đây, không mẻ chút da thịt sau những phen kinh hồn. Là chúng tôi không mẻ, nhưng những người lớn đều phải trả giá. Sức ép bom đạn đã làm hại đến mắt và tai của ba má chúng tôi, cũng đã cướp đi một người cậu họ của tôi lúc cậu mới 17 tuổi. Cậu tôi rất đẹp trai. Hàng bốn chục năm sau, có năm ngay trưa mùng 1 Tết, mới vừa xong bữa cơm sum vầy cả gia đình, má tôi chợt nhớ cậu rồi cứ thế òa khóc mếu máo, vừa khóc vừa kể.
Hình minh hoạ. Những người lính Việt Nam ở đồi Chậu Cảnh, Lạng Sơn hôm 21/2/1979 AFP
Cũng cái năm 1979 đó, có những người bạn của anh chị tôi đã nhập ngũ. Có những người cắt tay lấy máu viết thư xin đi bộ đội. Anh chịtôi toàn đầu to mắt cận nên không trúng nghĩa vụ quân sự, ba má tôi cũng dặn ngầm không cho đứa nào đi bộ đội cả. Trong bữa cơm chiều, các chị tôi bắt đầu kể hôm nay trong lớp có bạn này đi bộ đội, bạn kia đi bộ đội, hầu như lớp cấp 3 nào cũng có người đi bộ đội. Nhà trường cấp hai của tôi bắt đầu phát động phong trào viết thư cho chiến sĩ. Chúng tôi được giao chỉ tiêu mỗi đứa viết một lá thư, tính vào xếp loại lao động. Cô chủ nhiệm gom lại, đếm rồi chuyển lên trường. Trường nào cũng có phong trào này nên số thư chuyển ra biên giới chắc là lớn lắm. Hiềm nỗi toàn con nít, vốn ham chơi hơn ham làm, đã vậy còn ở vào cái thời đói khổ nên trí óc hướng về xoong thịt kho hơn là hướng ra chiến trường, tuyệt đại đa số thư nào cũng như thư nào, em chào anh bộ đội, chúc anh vững tay súng… cuối thư em xin gửi lời chúc anh sức khỏe. Nét mực tím vụng dại, buổi sáng trước ngày nộp thư, bọn con trai mượn thư mấy đứa giỏi văn trong lớp ngồi bặm miệng ngoẹo cả đầu ra chép lại.
Các anh chị lớn đi bộ đội được ít lâu thì có người bị thương, cụt chân, cụt tay trở về. Có người chết, được phong liệt sĩ hay tử sĩ. Cả lớp mặc áo trắng xếp hàng thắp hương trước bàn thờ bạn. Cha mẹ ngất xỉu thẫn thờ. Một hai năm sau, có người xuất ngũ, quay về trường học, học muộn hơn các bạn một hai năm, rồi cũng vào đại học hoặc đi học nghề.
Tôi đã đọc đi đọc lại Giải khăn sô cho Huế của nhà văn Nhã Ca. Tôi nghĩ rằng những cảnh người dân quẩn quanh chạy loạn trong thành Huế giữa hai làn đạn khốc liệt, gia đình chia lìa, chịu cảnh đói khát vì bom đạn làm tan tành tất cả, gục xuống chết âm thầm trong một xó vườn xa lạ trên đường trốn chạy… chưa kịp phai mờ trong trí nhớ của nhiều người.
Thì mới có hòa bình được 40 năm thôi. Mới có 40 năm ngắn ngủi, quá ngắn ngủi cho một đất nước.
Ông bà dạy "an cư lạc nghiệp". Cho đến giờ, nghiệp của Việt Nam chưa thể gọi là "lạc", vẫn là nước nghèo trên thế giới, ngay trong ASEAN cũng đứng sau hầu hết các nước, chỉ trên Campuchia và Lào. Điều hành tồi tệ, tham nhũng là một nguyên nhân chính, nguyên nhân còn lại vẫn là chưa đủ thời gian "an cư". Ngay bây giờ, bom mìn trên cánh đồng, núi rừng, sông suối vẫn chưa gỡ hết. Ngay trong thành phố, lâu lâu đào móng xây nhà lại đào được một quả bom. Dường như mùi thuốc súng chưa bao giờ thực sự nhạt hẳn trong không khí Việt Nam.
Nhiều ngày nay báo chí Việt Nam nói rất nhiều đến cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc năm 1979. Trên mạng xã hội facebook, ngoài những nhận định tỉnh táo, cũng phảng phất mùi thuốc súng từ những tay chơi mạnh miệng. Trên trang nhà, Facebooker Bùi Hoàng Tám nói nếu như chiến tranh xảy ra thì ông sẽ làm chiến sĩ trên mặt trận thông tin, viết báo làm thơ động viên chiến sĩ. Ông nói chắc chắn sẽ động viên con cháu ra trận.
Nhiều người cũng tâm đắc nghe lại bài hát nổi tiếng thời chiến tranh biên giới. Tôi cũng nhớ nó, gần như thuộc lòng :
Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới
Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới
Quân xâm lược bành trướng dã man đã giày xéo mảnh đất Việt Nam
Lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải non sông
Đất nước của ngàn chiến công vẫn sục sôi khí thế hào hùng
Những Chi Lăng Bạch Đằng Đống Đa đang gọi tiếp theo những bản hùng ca
Việt Nam ôi nước Việt yêu thương
Lịch sử đã trao cho người một sứ mạng thiêng liêng
Mang trên mình còn lắm vết thương, người vẫn hiên ngang ra chiến trường (…)
Việt Nam, nước Việt yêu thương ư ? Tôi nghĩ trong văn cảnh của bài hát, phải đổi lại là "nước Việt đau thương" mới chuẩn xác. Một nước Việt đau thương rách rưới, đầy mình vết thương vẫn không được yên lành để chữa trị, mà phải tiếp tục đứng lên chiến đấu. Hiên ngang lẫm liệt cũng có đấy, nhưng chữ liệt ấy tính ra gần với "liệt sĩ" làm sao !
Những bản hùng ca đâu có làm màu mỡ đất đai, đâu có trả lại chân tay cụt mất, đâu có mang lại người yêu chồng vợ về cho nhau. Chiến tranh không phải trò đùa, chiến tranh là tang thương và chết chóc, là khi và chỉ khi không thể còn cách nào khác mới buộc phải cầm súng lên để giữ mạng sống, là thế dựa lưng vào tường, là thế sống tao chết mi. Tuổi xuân, sức trẻ và trí tuệ của hàng triệu người lẽ ra vun bồi cho gia đình xã hội giàu có văn minh thì thay nhau vùi chôn vào đất vĩnh viễn, kéo lùi phát triển đến hàng chục hàng trăm năm, là ngồi dưới hố trơ mắt nhìn người ta đi dạo trên mặt trăng. Dân tộc ta có tội tình gì mà phải gánh lấy một "sứ mạng (thiêng liêng)" thiệt thòi đến thế ?
Chiến tranh chỉ lãng mạn, chỉ "sục sôi hào hùng" trong văn thơ nhạc họa được "sản xuất" đểphục vụ cho ý đồ của người cầm trịch. Mà theo lịch sử Việt Nam thì phần lớn những người say mê ca ngợi khía cạnh hùng ca của cuộc chiến thường lại chưa ngửi thấy khói súng bao giờ.
Cho nên, ông Bùi Hoàng Tám nói thiệt hay nói đùa tôi không rõ lắm, nhưng tôi chúc cho ông không phải bao giờ phải động viên con cháu ông ra trận, dĩ nhiên càng không bao giờ được động viên con cháu người khác ra trận, chỉ để thỏa cái khát khao của những chàng thi sĩ tâm hồn treo ngược lên cành cây mơ được làm anh hùng, được "lịch sử chọn làm điểm tựa".
Tôi mong cầu cho nước nhà hòa bình, cầu cho dân tôi yêu một lòng yêu nước dày đặc tếbào não để mỗi sáng lại được thức dậy trong bình yên, không ai phải đi giết ai để giành sựsống, không người mẹ nào phải nhìn những đứa con mình lần lượt chết hết, chết sạch trong khi tóc còn xanh. Tất cả đều cần mẫn lao động cho nền văn minh giàu có và nhân bản. Đó mới là thắng lợi thật sự của Việt Nam.
Tre
Nguồn : RFA, 18/02/2019
*****************
40 năm sau cuộc chiến biên giới Việt-Trung-tiếp tục những sai lầm
Song Chi, RFA, 18/02/2019
40 năm đã trôi qua kể từ khi cuộc chiến tranh biên giới Việt Trung xảy ra vào ngày 17/2/1979. Cuộc chiến tuy chỉ kéo dài có 1 tháng, nhưng trên thực tế thì xung đột giữa 2 bên vẫn tiếp tục đến tận 10 năm sau.
Điều đáng nói hơn là sau 40 năm nhìn lại, đảng cộng sản Việt Nam đã chứng tỏ họ không học được gì từ bài học lịch sử qua cuộc chiến này. Trái lại, họ lại càng mắc nhiều sai lầm hơn.
New York Times: Cựu binh Trung Quốc 'vỡ mộng' về cuộc xâm lược : Nghĩa trang tử sĩ chết trong cuộc chiến 1979
1. Vội vàng bắt tay với cựu thù trong tư thế yếu
Đó là sai lầm nghiêm trọng nhất. Sau khi Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã, quá lo sợ trước sự tồn tại của phe xã hội chủ nghĩa trên thế giới nói chung và tương lai của đảng cộng sản Việt Nam nói riêng, Hà Nội đã nhanh chóng quay trở lại làm thân với Bắc Kinh trong tư thế quỵ lụy. Xuất phát điểm của quyết định này, cũng tương tự như trong mọi quyết định lớn có liên quan đến vận mệnh đất nước, dân tộc khác của đảng cộng sản Việt Nam, đó là luôn luôn đặt quyền lợi của đảng lên trên lợi ích của đất nước, dân tộc.
Cho tới nay người dân Việt Nam vẫn chưa hề được biết nội dung Hội nghị Thành Đô (hay gọi là Mật ước Thành Đô) ngày 3-4/9/1990 về việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước là như thế nào, nhưng rõ ràng những điều kiện, thỏa thuận trong đó đã dẫn tới sự thay đổi trong đối nội và đối ngoại, không chỉ giữa Việt Nam với Trung Quốc, mà còn giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và các nước trong khu vực, đồng thời cũng dẫn tới những hệ lụy lâu dài mà cho tới nay chúng ta có thể cảm nhận được.
Sau khi bắt tay với kẻ thù xong, đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam lại tiếp tục mất cảnh giác, mở rộng cửa đối với Trung Quốc trong mọi lĩnh vực. Và sau 40 năm thì chúng ta có thể nhìn thấy sự hiện diện cũng như mức kiểm soát, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Việt Nam trên cả hai nghĩa bóng và nghĩa đen, từ trên khắp lãnh thổ lãnh hải cho tới hậu trường chính trị ở Ba Đình, từ ngoại giao, chính trị, kinh tế cho tới an ninh, tình báo, văn hóa, tinh thần.
2. "Muốn có hòa bình thì hãy chuẩn bị chiến tranh"
Pháp đến rồi đi, Mỹ đến rồi đi, Pháp hay Mỹ chẳng lấy của Việt Nam một rẻo đất, ngược lại với Pháp, với Mỹ, Việt Nam có mất mà có được- mất bao nhiêu xương máu không tính nổi nhưng cũng nhận ở khía cạnh văn hóa, văn minh. Còn Trung Quốc thì mãi mãi ở bên cạnh, là kẻ thù từ nghìn năm trước, cho tới bây giờ vẫn luôn luôn là mối đe dọa lớn nhất, và dù chơi với Tàu hay đối đầu với Tàu thì Việt Nam cũng chỉ mất và mất. Mất đất, mất đảo, biển, kể cả môi trường sống bị đầu độc cũng là những cái thấy được, nhưng mất về mặt chủ quyền, độc lập cho tới văn hóa, tâm linh mới là cái nguy hiểm hơn nhiều. Đáng tiếc là đối với Trung Quốc, đảng cộng sản Việt Nam thay vì cảnh giác, thoát ra thì lại càng lún sâu vào vòng lệ thuộc với Tàu. Muốn có hòa bình thì phải chuẩn bị cho chiến tranh và họ đã không làm được như thế.
Về phía Trung Quốc đã kịp rút ra bài học về sự yếu kém, lạc hậu của quân đội, vũ khí và kinh nghiệm chiến đấu của quân lính họ qua cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam, từ đó ra sức đầu tư cho quân sự, quốc phòng. Bắc Kinh đã tăng ngân sách quốc phòng lên mức 2 con số trong một thập kỷ, sau đó giảm xuống còn một con số và giờ đây lại tăng trở lại. Hiện nay ngân sách đầu tư cho quốc phòng của Trung Quốc chỉ thua có Hoa Kỳ (1).
VN tất nhiên không thể so sánh vì đất nước ta nghèo hơn nhiều, nhưng nếu không bị mất một số tiền đáng kể hàng năm vì nạn tham nhũng, làm ăn lãng phí, kém hiệu quả thì cũng có thể tập trung đầu tư nhiều hơn vào một vài lĩnh vực mũi nhọn, nhất là hải quân.
Quan trọng hơn là xây dựng tinh thần chiến đấu cho quân đội. So với thời đánh Mỹ đánh Pháp, tinh thần chiến đấu của quân đội Việt Nam bây giờ chắc chắn thua xa vì nhiều lý do : không còn lý tưởng, việc quân đội được phép làm kinh tế khiến ai cũng có tài sản và sợ mất, nhất là tầng lớp tướng tá, quan chức cấp cao, có quá nhiều thứ để họ không muốn mất và do đó, khiến họ bạc nhược, sợ hãi chiến tranh.
40 năm trước Trung Quốc tuy đông hơn gấp bội mà không dễ gì thắng được Việt Nam, nhưng bây giờ thì người viết bài này hoàn toàn không còn chắc về điều đó nữa.
3. Tự làm yếu mình về mặt tinh thần
Trong hai cuộc chiến tranh đánh Pháp, đánh Mỹ, người cộng sản lúc đó có thể bị xem là sắt máu nhưng không ai nói họ hèn, họ dường như không biết sợ là gì. Còn bây giờ trước Trung Quốc, chính họ luôn luôn tự hù dọa mình với những suy nghĩ, lập luận kiểu như Trung Quốc mạnh như thế, làm sao đánh nổi, hoặc định mệnh buộc Việt Nam là hàng xóm láng giềng của Trung Quốc, không thể bê nước mình đi chỗ khác thì phải sống hòa thuận với Trung Quốc thôi v.v… Đó là với chính quan chức, những người lãnh đạo trong bộ máy cầm quyền từ trung ương đến địa phương.
Còn đối với người dân, việc không dám nhắc đến cuộc chiến tranh biên giới trong suốt một thời gian dài khiến cho giới trẻ Việt Nam không thực sự hiểu được chuyện gì đã xảy ra, việc ngăn chặn người dân quan tâm đến chính trị nói chung và đàn áp, sách nhiễu không cho người dân được phép bộc lộ lòng yêu nước…mỗi khi có "yếu tố Trung Quốc" nói riêng, đã vô hình chung làm nhụt đi lòng yêu nước, tinh thần bất khuất quật cường của nhân dân-một vũ khí lợi hại của bất cứ nhà cầm quyền nào nếu muốn đương đầu với thế lực ngoại bang.
Đó là chưa nói đến chuyện cần phải tích cực hòa giải, hòa hợp với người miền Nam, hàn gắn lại những vết thương chiến tranh vẫn chưa lành do cuộc chiến Việt Nam và do những chính sách hẹp hòi, thiển cận của "bên thắng cuộc" đã gây nên, xóa bỏ những chính sách có phần phân biệt vùng miền, để tạo nên khối đoàn kết dân tộc vững mạnh hơn thì càng có thêm sức mạnh đối phó bên ngoài.
4. Bỏ lỡ bao nhiêu cơ hội "thoát Trung", bao nhiêu cơ hội kết bạn với các nước dân chủ, tiến bộ, giàu mạnh trên thế giới để có bạn bè, đồng minh hỗ trợ khi cần thiết
Chính sách "ba không" trong quốc phòng của Việt Nam (không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia) tưởng là khôn ngoan, thật ra lại có hại cho Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng mạnh, ngày càng có sức ảnh hưởng trên thế giới cũng như là mối đe dọa thường trực đối với Việt Nam và các nước trong khu vực. Việt Nam là một nước nghèo và cần các nước giàu mạnh hơn là họ cần Việt Nam, nếu Việt Nam tỏ ra "không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào’ thì cũng chẳng nước nào buộc phải liên kết với Việt Nam cả.
5. Không nên giải quyết mọi chuyện với Trung Quốc theo kiểu song phương
Trung Quốc luôn luôn muốn ép Việt Nam giải quyết mọi mâu thuẫn, bất đồng giữa 2 bên theo kiểu song phương để dễ bắt nạt. Điều phải làm là quốc tế hoá để giải quyết các mối xung đột, đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế. Nhưng Việt Nam lại không làm như vậy.
6. Muốn có một nền độc lập lâu dài, muốn không bị láng giềng to mạnh ức hiếp thì phải tự lực xây dựng đất nước giàu mạnh
Sau 40 năm, nói gì thì nói, đảng cộng sản Trung Quốc đã xây dựng Trung Quốc trở thành một cường quốc về kinh tế và quân sự, vị trí và tiếng nói của Trung Quốc đã khác xưa nhiều, trong khi đó thì Việt Nam, dưới sự lãnh đạo bất tài của đảng cộng sản vẫn cứ là một nước nghèo, chẳng để lại được gì cho các thế hệ tương lại ngoài những món nợ chồng chất, tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề…
Câu hỏi cuối cùng là bao giờ thì những sai lầm này sẽ được khắc phục ?
Song Chi
Nguồn : 18/02/2019 (songchi's blog)
(1) "US, China and Saudi Arabia top list of military spending", Aljazeera, "US remains top military spender, SIPRI reports", Defense News
***********************
Ngày 17/02/2019, các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã không thể tổ chức tưởng niệm 40 năm ngày Trung Quốc đem quân đánh các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam như thường lệ.
Nhà thơ Hoàng Hưng và nhà báo Kha Lương Ngãi phải tưởng niệm ở nhà. Courtesy of FB Kha Lương Ngai
Trong khi ở Thành phố Hồ Chí Minh, những người mặc đồ công nhân vệ sinh đặt các xe thu gom rác chắn tượng đài Đức Thánh Trần tại bến Bạch Đằng và cẩu cả lư hương đem đi nơi khác, thì ở Hà Nội chỉ có một số ít người ra được tượng đài vua Lý Thái Tổ để thắp hương trong vòng vây của lực lượng an ninh.
Hôm 16/2, xuất hiện văn bản đóng dấu MẬT của đảng ủy Cộng sản khối cơ sở bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn trên trang Facebook của các nhà hoạt động cho biết về cuộc tưởng niệm ngày 17/2 tại tượng đài Trần Hưng Đạo, tuy nhiên công văn này lại gọi những người chuẩn bị việc này là "một số đối tượng trong câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng" và việc dâng hương là "lợi dụng sự kiện Chiến tranh biên giới phía Bắc ngày 17 tháng 02 năm 1979".
Công văn được lan truyền trên mạng xã hội - Courtesy of FB Lê Công Định
Công văn số 695 ban hành ngày 15/02/2019 chưa được kiểm chứng về độ xác thực, nhưng có đóng dấu đỏ và ký tên của Phó Bí thư thường trực Ban thường vụ đảng ủy Nguyễn Duy Vũ được nhạc sĩ Tuấn Khanh và luật sư Lê Công Định đăng tải trên Facebook cá nhân.
Theo văn bản này thì Ban Thường vụ Đảng ủy khối yêu cầu các cấp ủy, chính quyền tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đoàn "vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên, người lao động và người thân không tham gia tụ tập, biểu tình, gây rối an ninh trật tự tại khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo trong ngày Chủ nhật, 17 tháng 02 năm 2019 ; đồng thời kịp thời phát hiện, thu gom, giao chính quyền, cơ quan chức năng các tờ tiền có viết, vẽ kêu gọi biểu tỉnh, các băng rôn, khâu hiệu có nội dung xấu về chính trị".
Ông Trần Bang, một cựu binh trong chiến tranh biên giới phía Bắc với Trung Quốc cho hay, không thể khẳng định tính xác thực của công văn này nhưng nó trùng hợp với việc ông và một số người bạn bị an ninh mặc thường phục canh nhà, và chính quyền mang xe rác chắn tường đài, cẩu lư hương đi đúng vào ngày 17/2.
Cũng theo thành viên câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng thì chính ông và một số người mà ông biết như nhà báo Sương Quỳnh, Lê Phú Khải, Phạm Đình Trọng… đều bị lực lượng an ninh canh nhà.
Có 3 người sáng nay đến được tượng đài Trần Hưng Đạo để thắp hương tưởng niệm như các ông Kha Lương Ngãi, Phan Đắc Lữ, Hoàng Hưng đều bị xua đuổi hoặc bắt đưa về đồn công an nơi cư trú.
Nhận xét về việc báo chí nhà nước được "cởi trói" để thoải mái nói về cuộc chiến với Trung Quốc trên mặt báo, nhưng lại chặn những người dân đi tưởng niệm, ông Trần Bang khẳng định :
"Việc này chứng tỏ nó vẫn sợ thằng cộng sản Trung Quốc và vẫn sợ mất quyền lực của Đảng cộng sản Việt Nam này nên họ muốn dựa vào Đảng cộng sản Trung Quốc để giữ quyền lực và phản bội nhân dân, vi phạm quyền tự do của người dân và vô ơn, bội nghĩa với những người đã hy sinh", ông Trần Bang nói qua ứng dụng Messenger.
Cô Võ Hồng Ly cũng đăng tải trên Facebook cá nhân việc dâng vòng hoa và thắp nhang tưởng niệm tại tượng đài Trần Hưng Đạo vào chiều 16/1/2019 một cách bình thường.
Hà Nội : Cựu chiến binh bị "xốc nách đưa đi" khi đang khấn vái
Tình hình tại thủ đô Hà Nội không khác gì trong Thành phố Hồ Chí Minh khi những nhà hoạt động quen mặt đều bị lực lượng an ninh thường phục canh giữ từ nhiều hôm trước.
Theo nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh, sáng 17/02/2019 có ít nhất 5 người khi ra tượng đài vua Lý Thái Tổ và tượng đài liệt sĩ Bắc Sơn bị chặn bắt đưa về công an phường hoặc ép về nhà như cựu chiến binh Phan Khang, bà Ngọc Anh, Hoàng Hà, Lê Hồng Hạnh và Đặng Bích Phượng.
Cựu chiến binh Phan Trí Đỉnh đăng tải những hình ảnh trên Facebook cá nhân kể lại việc đến tượng đài vua Lý Thái Tổ ở bờ hồ Hoàn Kiếm vào sáng 17/02/2019 để thắp hương tưởng niệm cuộc chiến biên giới Việt Trung và bị "một số người trẻ khỏe đẹp trai kẹp hai bên như là xốc nách đưa ra khỏi khu vực" khi đang khấn vái.
Người dân tưởng niệm những liệt sĩ và đồng bào đã hy sinh trong cuộc chiến biên giới năm 1979, Hà Nội ngày 17/02/2019 Photo : RFA
Nhà hoạt động Lê Hoàng từ Hà Nội chia sẻ, việc ngăn cản tưởng niệm dịp 40 năm ngày quân và dân Việt Nam chống Trung Quốc xâm lược là một điều vô lý.
"Thực ra báo chí đưa tin rầm rộ cả tuần nay, đưa hình ảnh các thứ rất là mạnh mẽ, mọi người ai cũng đều nghĩ là đưa tin như thế này thì chính quyền chắc đã đổi chiều một chút rồi và họ đã có chiều hướng vì nhân dân rồi, thế nhưng mà hôm nay lại như thế này.
Tôi nghĩ hay là họ lừa bịp quốc tế để có cái gì đó, ví dụ như là với Trung Quốc thì Việt Nam cũng phân biệt rõ chứ không phải giấu giếm. Nhưng mà họ nói một đằng nhưng lại làm một nẻo chả hiểu rằng như thế nào nữa, hay là họ không cần nhân dân để chống Trung Quốc nữa ? " - ông Lê Hoàng nói qua điện thoại với Đài Á Châu Tự Do.
Hôm 14/02/2019, khoảng 20 người Hà Nội đi theo đoàn của Trung tâm Minh Triết của Giáo sư Nguyễn Khắc Mai đến nghĩa trang liệt sĩ trong cuộc chiến với Trung Quốc năm 1979 ở Vị Xuyên, Hà Giang để thắp hương tưởng niệm cho những người nằm xuống.
Một số người mặc áo "nói không với đường lưỡi bò" như các ông Lê Hoàng, Hoàng Công Cường… lên đây đều bị lực lượng an ninh của quân đội cho là nhạy cảm và bắt thay áo.
Trong đoạn clip của nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh, ông Hoàng Công Cường thậm chí phải cởi chiếc áo "NO-U" duy nhất của mình trước đòi hỏi của phía quân đội.
Đây không phải là lần đầu tiên những người hoạt động ở Việt Nam bị ngăn chặn tưởng niệm các cuộc chiến với Trung Quốc.
Vào ngày 17/02/2017, hàng chục người ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh bị bắt giữ và câu lưu khi đến các nơi đã hẹn trước để thắp nhang cho những người đã mất trong cuộc chiến. Hay 6 người ở Hà Nội phải bất ngờ tưởng niệm vào ngày 15/02/2018 để tránh bị phá rối như mọi năm.
*****************
Vẫn còn nguyên nỗi sợ hãi
Nguyễn Tường Thụy, RFA, 18/02/2019
Sau khi thấy báo chí được "mở miệng" dịp kỷ niệm 40 năm Trung Quốc xâm lược Việt Nam (Việt Nam), nhiều người nghĩ rằng việc cấm đoán các hoạt động tưởng niệm liệt sĩ chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược năm nay sẽ được nới lỏng nhưng cũng có nhiều người đầy cảnh giác. Thực tế những gì xảy ra vào ngày 17/2/2019 cho thấy những người cảnh giác đã đúng.
Công văn được cho là của đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh Internet
Chưa bao giờ, hoạt động tưởng niệm liệt sĩ chống Trung Quốc bị ngăn chặn ráo riết quyết liệt như dịp 40 năm chiến tranh biên giới 17/2.
Hà Nội đã huy động một lực lượng khổng lồ công an, từ thành phố đến quận/huyện, phường/xã để ngăn chặn. Rất nhiều người bị canh chặn tại nhà. Riêng tôi cũng đã "tiêu tốn" trên dưới 10 cán bộ chiến sĩ công an. Ai thoát ra được chỉ cần mon men đến các nơi có thể đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ, lập tức bị tóm gọn đưa về câu lưu ở các đồn. Câu chuyện cảm động nhất và cũng phẫn nộ nhất là chuyện của ba chị Đặng Bích Phượng, Hoàng Thị Hà và Nguyễn Hồng Hạnh. Suốt đêm trằn trọc không ngủ, vừa hồi hộp nghĩ đến giờ phút thiêng liêng bày tỏ lòng tri ân đến các liệt sĩ, vừa lo lắng cho công việc ngày mai. Các chị dậy từ lúc "gà chưa gáy sáng" bí mật liên lạc với nhau, lên tận Quảng Bá chọn mua 100 bông hoa đẹp nhất để gửi tới các liệt sĩ. Tuy nhiên, mọi sự chuẩn bị từ nhiều hôm trước bị phá trong tích tắc. Ba chị mới mon men đến đài Liệt sĩ Bắc Sơn, chưa kịp đặt hoa thì bị tóm gọn. Công an khá hào phóng tiền thuế của dân, bố trí mỗi chị một xe riêng đưa về các đồn giam giữ.
Tại thành Hồ, cũng vẫn là chuyện canh chặn nhà riêng của từng người. Một công văn được cho là của đảng bộ thành phố này chỉ đạo việc ngăn chặn mọi hoạt động tưởng niệm ngày 17/02. Công văn này nêu đích danh Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, gọi họ là "đối tượng" và hồ đồ cho là Câu lạc bộ này "lợi dụng sự kiện chiến tranh biên giới phía Bắc ngày 17 tháng 2 năm 1979". Đây là một lối ăn nói bừa bãi, tùy tiện của những kẻ quen chụp mũ và coi thường quyền con người. Táo tợn hơn, chúng (gián điệp hoặc tay sai Trung Quốc) cho xe chở rác xếp quanh Tượng đài Đức Thánh Trần nhằm cản trở và gây ra mùi khó chịu cho những ai đến tưởng niệm. Chưa hết, chúng còn đưa xe cẩu, cẩu lư hương ở tượng đài đi nơi khác. Thế là người yêu nước hết chỗ thắp hương. Phải chăng chúng căm thù Trần Hưng Đạo đã đánh cho tổ tiên chúng tháo chạy tơi bời cách đây hơn 7 trăm năm ?
Đây là hành động vô cùng hỗn láo, xấc xược với tiền nhân, sẽ bị muôn đời nguyền rủa. Chắc chắn bọn này sẽ bị quả báo bởi luật nhân quả. Danh sách những kẻ gây tội ác với dân, xúc phạm Chúa, Phật, Thánh bị quả báo, do giới xã hội dân sự thống kê ngày càng dài thêm.
Cẩu lư hương ở tượng đài Trần Hưng Đạo (Sài Gòn) -Ảnh Internet
Kể từ năm 2011, mọi hoạt động tưởng niệm các liệt sĩ chống Trung Quốc đều được cố gắng tổ chức hàng năm. Mỗi năm có 3 lần vào các dịp 19/1 (Trung Quốc cướp Hoàng Sa), 17/2 (Trung Quốc xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc) và 14/3 (Trung Quốc cướp đảo Gạc Ma). Tất cả những hoạt động tưởng niệm này đều bị nhà cầm quyền tìm mọi cách cản phá, nhưng dịp kỷ niệm 40 năm Trung Quốc xâm lược Việt Nam bị ngăn chặn ráo riết, triệt để nhất.
Tại sao tưởng niệm liệt sĩ bảo vệ Tổ quốc bị cấm, không cho người dân tôn vinh những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh chống xâm lược, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" ?
Tại sao không dám gọi Trung Quốc là kẻ thù xâm lược ?
Tại sao lại gọi những người chống kẻ thù là phản động. Tại sao lại theo dõi, ngăn cản và cho họ là "đối tượng", ghi vào "sổ đen" ? Họ vi phạm điều khoản pháp luật nào ?
Đảng cộng sản Việt Nam trả lời ra sao về những câu hỏi này ?
Càng cấm đoán bao nhiêu, người dân càng nghi ngờ lòng trung thành với Tổ quốc của họ (đảng cộng sản Việt Nam) bấy nhiêu ?
Không bao giờ họ hỏi, tại sao người dân Việt Nam căm thù Trung Quốc nhưng không căm thù Pháp và Mỹ. Thậm chí chế độ Pol Pot người dân cũng không nhắc đến nữa.
Vì Trung Quốc vẫn còn nguyên dã tâm xâm lược Việt Nam. Chúng luôn luôn dòm ngó, chỉ chờ cơ hội là thôn tính tiếp lãnh thổ còn lại của người Việt Nam, lăm le đồng hóa người Việt Nam. Vì chúng luôn chơi bẩn, tìm mọi cách hại người Việt Nam bằng các con đường du lịch, thương mại, và nguy hiểm hơn là chúng đã cài cắm rất nhiều gián điệp vào bộ máy điều hành ở Việt Nam. Điều này người dân không tưởng tượng ra mà hãy hỏi ông Trương Giang Long, nguyên thiếu tướng Giám đốc Học viện chính trị công an thì biết.
Đảng cộng sản Việt Nam có thể nhớ ơn Trung Quốc đã giúp họ chiến thắng Pháp, Mỹ và chiến thắng đồng bào miền Nam nhưng việc nào ra việc đó. Không phải vì ân huệ mà đem giang sơn đi cầm cố. Còn người Việt Nam chẳng việc gì phải nhớ ơn chúng. Ơn đối với Đảng cộng sản mà bắt người dân phải nhớ là sao ? Nếu Trung Quốc không can thiệp vào Việt Nam thì đất nước và số phận người dân Việt Nam bây giờ đã khác. Với Trung Quốc, người Việt Nam chỉ có sự căm ghét. Ghi nhớ tội ác mà Trung Quốc đã gây ra cho nhân dân Việt Nam không phải là để khơi lại hận thù, kích động chiến tranh mà là để nhắc nhở nhau hãy cảnh giác. Người dân Việt Nam biết phân biệt tập đoàn hiếu chiến Bắc Kinh với nhân dân Trung Quốc.
Ai sợ thì cứ việc sợ, nhưng người Việt Nam không hề sợ Trung Quốc. Nếu sợ thì đã không có hàng vạn quân xâm lược Trung Quốc phơi thây ở chiến trường Việt Nam cách đây 40 năm.
Giới lãnh đạo hiện nay có bao giờ biết xấu hổ với giới lãnh đạo thời Lê Duẩn và xa hơn là tiền nhân thời phong kiến về tinh thần chống Trung Quốc ?
Chưa bao giờ, lòng dân và ý nhà cầm quyền khác biệt tới mức như bây giờ.
Nếu Trung Quốc đem quân xâm lược Việt Nam lần nữa, có thể họ không dám kháng cự, có thể có một hòa ước nào đó đáp ứng tham vọng lãnh thổ của kẻ thù nhưng chắc chắn sẽ có những cuộc khởi nghĩa trong nhân dân nổ ra. Đó là tinh thần Trương Công Định : "Triều đình hòa nghị thì cứ hòa nghị, còn việc của Định thì Định cứ làm. Định thà đắc tội với Triều đình chứ không nỡ ngồi nhìn giang san này chìm đắm"
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : RFA, 18/2/2019 (nguyentuongthuy's blog)
Lại chuyện ruồi bu
Thạch Đạt Lang, 19/02/2019
Ngày 27-28/02/2019 tại Hà Nội sẽ diễn ra cuộc họp thượng đỉnh giữa ông Donald Trump, tổng thống Mỹ và Kim Jong-un, chủ tịch nhà nước Bắc Hàn. Cuộc họp chưa diễn ra nhưng đã lôi cuốn sự chú ý, quan tâm của cả thế giới, đặc biệt của người dân Việt Nam.
Mẹ Việt Nam ơi chúng con vẫn còn đây ? Ảnh minh họa
Người Việt Nam bày tỏ sự quan tâm, háo hức, mong đợi cuộc họp một cách cuồng nhiệt, biểu lộ qua những bài viết, những đoản văn phổ biến tràn ngập trên mạng xã hội facebook, email, twitter…
Đặc biệt là lời kêu gọi biểu tình vào ngày 27-28/02/2019 và một lá thư được một trăm "nhân sĩ, trí thức xã hội chủ nghĩa, các tổ chức, xã hội dân sự" nổi tiếng trong nước lẫn hải ngoại đồng ký tên gửi đến ông Donald Trump được đăng trên nhiều tờ báo online.
Xin nói đến lá thư trước. Chỉ bàn đến nội dung lá thư vì không ai biết chắc chắn lá thư có đến tay Donald Trump không ? Trump có đọc lá thư đó khi nhận được không ?
Theo lời của Rex Tillerson, cựu bộ trưởng ngoại giao đầu tiên của Trump nhận xét về ông ta như sau : "Trump là một nhà độc tài, một kẻ ngu dốt, vô kỷ luật, không thích đọc, chỉ muốn làm những việc bất hợp pháp theo ý mình".
Đọc là thư 3 lần, người viết thật sự chẳng hiểu mục đích của lá thư là gì ? Phần đầu lá thư, sau khi giới thiệu những người ký tên, hoan nghênh lý do, sự hiện diện sắp tới của Trump ở Hà Nội, kể lể chuyện quá khứ giữa 2 nước... sau đó là khen ngợi thông điệp liên bang của ông Trump đọc vào dịp đầu năm 2019... rồi cuối cùng khẳng định chắc nich :
Nhân dân Việt Nam quyết bảo vệ Độc lập, Tự do, Toàn vẹn lãnh thổ của mình bằng mọi giá ; và để bảo vệ những quyền thiêng liêng ấy, chúng tôi sẽ phải tự cường bằng con đường cải tổ đất nước, dân chủ hóa, văn minh hóa, theo "một tiêu chuẩn sống mới cho thế kỷ 21" mà Hoa Kỳ đề xướng.
Làm thế nào để tự cường bằng con đường cải tổ đất nước, dân chủ hóa, văn minh hóa theo "một tiêu chuân sống mới cho thế kỷ 21 mà Hoa Kỳ đề xướng" khi mà những người ký tên vẫn chỉ rụt rè phản đối chế độ cộng sản bằng những thư ngỏ, kiến nghị, yêu sách… ?
Muốn cải tổ đất nước thì phải nắm chính quyền, phải có chính sách, kế hoạch dài hạn, ngắn hạn. Cải tổ đất nước bằng cách nào khi không có quyền lực trong tay, không có tổ chức chính trị đủ mạnh để đối đầu với chính quyền cộng sản, không có một dự án chính trị tương lai cho ra hồn ?
Dân chủ hóa đất nước theo phương thức nào khi đảng cộng sản vẫn lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện ? Mọi tiếng nói đối kháng đều bị bóp nghẹt từ trong trứng nước, bao nhiêu thư ngỏ, kiến nghị rồi đến yêu sách... đảng cộng sản vẫn trơ ra như gỗ đá dường như vẫn không thức tỉnh được thành phần trí thức, nhân sĩ này.
Làm sao để văn minh hóa xã hội khi nền giáo dục xã hội chủ nghĩa xuống cấp trầm trọng, thầy, cô giáo đánh đập, tra tấn, khủng bố, đe dọa học sinh nhan nhản khắp nơi ? Văn minh, văn hóa ở đâu khi vào dịp Tết đầu năm, lãnh đạo cộng sản từ địa phương đến trung ương lũ lượt thay phiên nhau đi lễ bái, cúng kiến, cầu an, hái lộc, xin phước phù hộ cho mình thăng quan, tiến chức, giầu có ?
Tiêu chuẩn sống mới cho thế kỷ 21 mà Hoa Kỳ đề xướng ra sao, ai soạn thảo, ban hành… hay cũng chỉ là America first ? Nếu có, đó có phải là mẫu mực sống cho tất cả mọi người trên thế giới ?
Tiêu chuẩn sống của người dân trong một đất nước phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế, địa chính trị, xã hội, tôn giáo, văn hóa, giáo dục... Không thể đem tiêu chuẩn sống của người dân đất nước này áp dụng vào quốc gia khác.
Hơn thế nữa, thông điệp liên bang mà Donald Trump đã khẳng định "Nước Mỹ trên hết", vậy làm sao số phận nước Mỹ có thể gắn chặt với số phận mọi dân tộc trên thế giới để có thể đem tiêu chuẩn sống mới của Mỹ áp dụng vào Việt Nam ?
Một trăm nhân sĩ, trí thức, đại diện các tổ chức xã hội dân sự, một trăm bộ óc tinh hoa của đất nước đồng ký tên vào môt lá thư rỗng tuếch với những lời lẽ viển vông, mâu thuẫn, thiếu thực tế gửi cho một lãnh đạo nổi tiếng hoang tưởng ở một đất nước cách xa hàng chục ngàn cây số. Để làm gì ? Chẳng lẽ để chứng tỏ : Mẹ Việt Nam ơi chúng con vẫn còn đây ?
Ngoài lá thư với những ý tưởng sáo rỗng, lời văn cường điệu, tưởng cũng nên có đôi dòng về những lời kêu gọi biểu tình trong 2 ngày 27-28/02/2019.
Khi kêu gọi biểu tình, người kêu gọi phải đặt ra mục đích rõ ràng. Biểu tình để làm gì ? Hoan hô, cổ võ, ủng hộ hay phản đối, lên án hành động một cá nhân, một nhóm người hay một chủ trương, kế hoạch của một tổ chức, chế độ… ?
Muốn biểu tình thành công, đạt được mục đích, cuộc biểu tình cần được chuẩn bị, tổ chức chu đáo, kỹ lưỡng. Từ cờ, biểu ngữ, khẩu hiệu, loa phóng thanh... đến lực lượng giữ gìn trật tự, an ninh, phòng chống bị đàn áp, giải tán bởi sự tấn công của công an, dân phòng, cảnh sát cơ động và đặc biệt thành phần phá hoại là công an giả dạng người biểu tình.
Những lời kêu gọi biểu tình trên các mạng xã hội ngày 27-28/02/2019 không hề đưa ra một mục đích rõ ràng nào về lời kêu gọi của mình. Cờ quạt, biểu ngữ, slogan... cũng không nói đến phải như thế nào ? Hoan hô Donald Trump hay đả đảo Kim Jong-un, cầm cờ Mỹ hay cờ vàng, cờ đỏ, đòi hỏi hay yêu cầu chuyện gì… ?
Vậy xuống đường biểu tình để làm gì ? Để ăn nó đòn của công an, dân phòng, cảnh sát cơ động hay để bị bắt giữ, giam cầm ít ngày, bị kết án tù cho có tín dụng… ?
Không ai có quyền đòi hỏi, yêu cầu người khác phải tranh đấu, đòi hỏi tự do, dân chủ cho mình nhưng trí thức, nhân sĩ có bổn phận, trách nhiệm phải giải thích, hướng dẫn người dân đứng lên tranh đấu, đòi hỏi những quyền lợi mà họ đương nhiên được hưởng.
Nếu không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của người trí thức thì nên im lặng, sẽ không ai trách cứ được mình nhưng xin đừng làm chuyện ruồi bu. Chẳng có đất nước nào có thể tự cường, bảo vệ được độc lập, tự do với những trí thức chỉ có khả năng viết thư ngỏ, kiến nghị, yêu sách.
Thạch Đạt Lang
(19/02/2019)
*************
Thư của 100 nhân sĩ, trí thức và các tổ chức xã hội dân sự gửi Tổng thống Mỹ
Thư của 100 nhân sĩ, trí thức, nhà hoạt động xã hội và tổ chức xã hội dân sự người Việt gửi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhân dịp ông tới Hà Nội dự họp Thượng đỉnh Mỹ – Triều
Kính thưa Ngài Donald Trump, Tổng thống Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ
Trước hết, chúng tôi, những nhân sĩ trí thức và nhà hoạt động xã hội người Việt yêu đất nước mình, yêu tự do dân chủ và hoà bình, xin nhiệt liệt hoan nghênh sự có mặt của Ngài tại Hà Nội trong cuộc họp Thượng đỉnh Mỹ-Triều ngày 27 và 28 tháng 2 năm 2019 sắp tới. Chúng tôi thành tâm cầu chúc, đồng thời tin tưởng vào sự thành công của cuộc gặp gỡ tối quan trọng đối với việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đảm bảo nền hoà bình vững bền cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và thế giới, mà Ngài đóng vai trò dẫn dắt trong tư cách người đứng đầu quốc gia hùng mạnh nhất và tiên tiến nhất.
Vai trò của Hoa Kỳ đối với thế giới, nhân dân Việt Nam và cả nhân loại đã nghe rõ Ngài khẳng định trong Thông điệp Liên bang năm 2019. Ngay trong lời mở đầu, sau khi nhấn mạnh một lần nữa rằng Hoa Kỳ "theo đuổi chính sách đối ngoại đặt lợi ích của nước Mỹ lên trên hết", Ngài lập tức nhắc đến "cuộc Thập tự chinh Vĩ đại – quân Đồng minh giải phóng Châu Âu trong Thế chiến thứ Hai" và tuyên bố : "Giờ đây, chúng ta phải bước đi mạnh bạo và can đảm vào chương mới của cuộc phiêu lưu vĩ đại của nước Mỹ, và chúng ta phải tạo nên một tiêu chuẩn sống mới cho thế kỷ 21". Và Ngài đã kết thúc thông điệp bằng lời cam kết gắn số phận của nước Mỹ với số phận mọi dân tộc trên thế giới : "Chúng ta phải giữ nước Mỹ trước hết trong tim mình. Chúng ta phải giữ tự do sống trong hồn mình. Và chúng ta phải luôn luôn giữ niềm tin vào số mệnh của nước Mỹ – một Quốc gia, dưới Thượng đế, phải là niềm hy vọng và lời hứa hẹn và ánh sáng và vinh quang giữa mọi quốc gia trên thế giới !".
Định mệnh từng gắn số phận của dân tộc Việt Nam với nước Mỹ trong một cuộc chiến mà hôm nay chắc chắn cả hai quốc gia đang thấm thía những hậu quả của nó. Hậu quả đau đớn nhất chính là việc một nước Trung Hoa trở nên hùng hổ, đang trắng trợn mở rộng cuộc xâm chiếm vùng biển và các đảo của Việt Nam trên biển Đông, đe dọa quyền tự do hàng hải của mọi quốc gia trên vùng biển quốc tế, thách thức uy quyền của Hoa Kỳ ở Châu Á-Thái Bình Dương.
Điều này đã được chính phủ của Ngài nhiều lần cảnh cáo, đặc biệt là trong lời lên án gay gắt của Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo trong cuộc Đối thoại thường niên Mỹ-Trung về Ngoại giao và An ninh tháng 11 năm 2018.
Nhân dân Việt Nam ngày càng nhận thức rõ rằng nguy cơ bành trướng, xâm lược của Trung Hoa cộng sản hôm nay là sự tiếp nối tham vọng đế quốc hàng ngàn năm của các triều đại phong kiến Trung Hoa. Tham vọng ấy đã bị nhân dân chúng tôi đập tan nhiều lần trong quá khứ, và chắc chắn sẽ bị đập tan trong thời đại ngày nay.
Tham vọng ấy phải bị đập tan vì nó là bất chính, vì nó là tham vọng tước đoạt quyền Tự do thiêng liêng của dân tộc Việt Nam và các dân tộc Châu Á-Thái Bình Dương, quyền Tự do mà chúng tôi "giữ sống trong hồn mình" không khác gì nhân dân Mỹ mà Ngài nói đến trong thông điệp 2019.
Cũng bởi thế, nhân dịp Ngài có mặt tại Hà Nội, thủ đô nước chúng tôi trong những ngày sắp tới, chúng tôi xin khẳng định với Ngài, và thông qua Ngài, khẳng định với nhân dân Hoa Kỳ : Nhân dân Việt Nam quyết bảo vệ Độc lập, Tự do, Toàn vẹn lãnh thổ của mình bằng mọi giá ; và để bảo vệ những quyền thiêng liêng ấy, chúng tôi sẽ phải tự cường bằng con đường cải tổ đất nước, dân chủ hóa, văn minh hóa, theo "một tiêu chuẩn sống mới cho thế kỷ 21" mà Hoa Kỳ đề xướng.
Chúng tôi tin rằng, trong thời cuộc thế giới hôm nay, quyền lợi của Việt Nam và Hoa Kỳ là tương đồng ; một nước Việt Nam độc lập, hùng cường là đảm bảo vững chắc cho an ninh, hoà bình khu vực. Vì thế, trong cuộc đấu tranh để bảo vệ và cải tổ đất nước, chúng tôi tin vào sự ủng hộ của nhân dân và chính quyền các nước yêu tự do công lý, đặc biệt là Hoa Kỳ.
Xin Ngài nhận ở đây lời cảm ơn chân thành từ những người nói lên ý chí và tâm nguyện của phần lớn người Việt Nam sinh sống trong nước cũng như ở nước ngoài.
Hà Nội ngày 17 tháng 2 năm 2019
Nguyễn Quang A, Tiến sĩ Tin học, nguyên Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, Hà Nội, Việt Nam
Nguyên Ngọc, Nhà văn, Hội An, Việt Nam
Chu Hảo, Tiến sĩ Vật lý, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, Hà Nội, Việt Nam
Hoàng Hưng, Nhà thơ & Nhà báo, đồng sáng lập Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam, sống tại Sài Gòn, Việt Nam
Hoàng Dũng, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngôn ngữ, Sài Gòn, Việt Nam
Nguyễn Huệ Chi, Giáo sư, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Văn học, Hà Nội, Việt Nam
Mạc Văn Trang, Phó Giáo sư Tiến sĩ Tâm lý, Hà Nội, Việt Nam
Giuse Maria Lê Quốc Thăng, Linh mục, Sài Gòn, Việt Nam
Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục giáo phận Hà Tĩnh, Việt Nam
Gioan Baotixita Huỳnh Công Minh, Linh mục, Sài Gòn, Việt Nam
Nguyễn Quốc Thái, Nhà báo, Sài Gòn, Việt Nam
Nguyễn Đình Đầu, Nhà nghiên cứu Lịch sử, Sài Gòn, Việt Nam
Nguyễn Trung Dân, Nhà báo, Sài Gòn, Việt Nam
Dương Tường, Nhà thơ & Dịch giả, Hà Nội, Việt Nam
Uông Đình Đức, Kỹ sư (về hưu), Sài Gòn, Việt Nam
Phạm Toàn, Nhà văn, Dịch giả, Nhà giáo và nghiên cứu Giáo dục, Hà Nội, Việt Nam
Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, nguyên thành viên Tổ Tư vấn Võ Văn Kiệt, sống tại Sài Gòn, Việt Nam
Phạm Xuân Yêm, nguyên Giám đốc Nghiên cứu CNRS và Đại học Paris-Sorbonne, Pháp
Phạm Nguyên Trường, Kỹ sư (về hưu), Dịch giả, Vũng Tàu, Việt Nam
Trần Ngọc Sơn, Kỹ sư, Pháp
Nguyễn Thanh Hằng, Dược sĩ, Pháp
Cù Huy Hà Vũ, Tiến sĩ Luật, tạm trú tại Hoa Kỳ
Nguyễn Thị Dương Hà, Luật sư, tạm trú tại Hoa Kỳ
Vũ Quốc Ngữ, Thạc sĩ, Giám đốc tổ chức "Người bảo vệ Nhân quyền", Việt Nam
Trần Bang, Kỹ sư, Cựu chiến binh, Sài Gòn, Việt Nam
Kha Lương Ngãi, nguyên Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng, Sài Gòn, Việt Nam
Hồ Minh Tâm, Kiến trúc sư, Nhà thơ, Hà Nội, Việt Nam
Đỗ Đăng Giu, nguyên Giám đốc Nghiên cứu CNRS và Đại học Paris Sud, Pháp
Nguyễn Kiều Dung, Tiến sĩ Kinh tế, Hà Nội, Việt Nam
Bùi Hiền, Nhà thơ, Toronto, Canada
Nguyễn Đăng Hưng, Giáo sư Danh dự Đại học Liège (Bỉ), sống tại Sài Gòn, Việt Nam
Vũ Trọng Khải, Phó Giáo sư Tiến sĩ Kinh tế, Chuyên gia độc lập về chính sách phát triển nông nghiệp, Sài Gòn, Việt Nam
Phạm Gia Minh, Tiến sĩ Kinh tế, nguyên Phó Chủ tịch Hội Truyền thông Số, Hà Nội, Việt Nam
Lê Thân, Nhà hoạt động Xã hội, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, Nha Trang, Việt Nam
Dương Đình Giao, Nhà giáo, Hà Nội, Việt Nam
Trần Minh Thảo, Nhà văn (Câu lạc bộ Phan Tây Hồ), Lâm Đồng, Việt Nam
Nguyễn Viện, Nhà văn, Sài Gòn, Việt Nam
Huỳnh Sơn Phước, nguyên Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ¸ Hội An, Việt Nam
Đào Tiến Thi, Nhà nghiên cứu Ngữ văn, nguyên uỷ viên BCH Hội Ngôn ngữ Việt Nam, Hà Nội, Việt Nam
Ngô Kim Hoa (Sương Quỳnh), Nhà báo, Sài Gòn, Việt Nam
Vũ Thế Khôi, Nhà giáo Ưu tú, Hà Nội, Việt Nam
Lê Công Định, Luật gia, Sài Gòn, Việt Nam
Bùi Minh Quốc, Nhà thơ & Nhà báo, Đà Lạt, Việt Nam
Nguyễn Thị Khánh Trâm, Nghiên cứu viên Văn hóa, đã nghỉ hưu, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
Võ Văn Tạo, Nhà báo, Nha Trang, Việt Nam
Nguyễn Thị Kim Chi, Nghệ sĩ Ưu tú, Sài Gòn, Việt Nam
Hà Quang Vinh, nguyên công chức chính quyền (đã nghỉ hưu), Sài Gòn, Việt Nam
Hồ Ngọc Nhuận, nguyên ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam-Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
Hồ Hiếu, nguyên Chánh văn phòng Ban Dân vận – Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
Helen Nguyễn, Đạo diễn điện ảnh, Hoa Kỳ
Tiêu Dao Bảo Cự, Nhà văn, Đà Lạt, Việt Nam
La Khắc Hoà, Phó Giáo sư Văn học (về hưu), Hà Nội, Việt Nam
Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Minh Triết Việt¸ Hà Nội, Việt Nam
Đỗ Trọng Khơi, Nhà thơ, Thái Bình, Việt Nam
Lê Quốc Quân, Luật sư Nhân quyền, Hà Nội, Việt Nam
Nguyễn Thành Kiên, Biên tập viên Xuất bản, Hà Nội, Việt Nam
Nguyễn Thanh Phong, Nhà văn, Hà Nội, Việt Nam
Ngô Thị Kim Cúc, Nhà văn & Nhà báo, Sài Gòn, Việt Nam
Tô Nhuận Vỹ, Nhà văn, Huế, Việt Nam
Elisabeth Trần Thị Quỳnh Giao, nguyên Bề trên Giám tỉnh dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, Sài Gòn, Việt Nam
Phạm Đình Trọng, Nhà văn, Sài Gòn, Việt Nam
Nguyễn Thế Hùng, Giáo sư Tiến sĩ, Phó chủ tịch Hội Cơ học Thủy Khí Việt Nam, Đà Nẵng, Việt Nam
Đinh Hoàng Thắng, Tiến sĩ, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, Phó Chủ tịch Viện VIDS, Hà Nội, Việt Nam
Phan Đắc Lữ, Nhà thơ, Sài Gòn, Việt Nam
JB. Nguyễn Hữu Vinh, Kỹ sư, Nhà báo độc lập, Hà Nội, Việt Nam
Lê Mai Đậu, Kỹ sư (hưu trí), Hà Nội, Việt Nam
Nguyễn Khoa Thái Anh, Phiên dịch Toà án Di trú Hoa Kỳ, Oakland, California, Hoa Kỳ
Tống Văn Công, Nhà báo, nguyên Tổng biên tập báo Lao Động, hiện cư trú tại Hoa Kỳ
Nguyễn Văn Đài, Luật gia, Chủ tịch Hội Anh Em Dân Chủ, Bad Nauheim, Cộng hòa liên bang Đức
Nguyễn Quang Nhàn, Công chức về hưu, Đà Lạt, Việt Nam
Nguyễn Tường Thuỵ, Nhà báo độc lập, Hà Nội, Việt Nam
Nguyễn Gia Hảo, Nhà tư vấn kinh tế độc lập, Hà Nội, Việt Nam
Dương Thuấn (Dân tộc Tày), Nhà thơ, Nhà nghiên cứu văn hóa, Hà Nội, Việt Nam
Vũ Thành Sơn, Nhà văn, Sài Gòn, Việt Nam
Đặng Thị Hảo, Tiến sĩ Văn học, Hà Nội, Việt Nam
Nguyễn Đình Nguyên, Tiến sĩ Y khoa, Australia
Nguyễn Đăng Quang, Đại tá (về hưu), nguyên cán bộ Bộ Công An, Hà Nội, Việt Nam
Mai Thái Lĩnh, Nhà nghiên cứu, Câu lạc bộ Phan Tây Hồ, Đà Lạt, Việt Nam
Hà Sĩ Phu, Tiến sĩ Sinh học, Nhà văn & Nhà báo, Đà Lạt, Việt Nam
Nguyễn Xuân Diện, Tiến sĩ Văn học, Hà Nội, Việt Nam
Phạm Đức Nguyên, Phó Giáo sư Hà Nội, Việt Nam
Nguyễn Nguyên Bình, Nhà văn, Hà Nội, Việt Nam
Bửu Nam, Phó Giáo sư Tiến sĩ Văn học, Huế, Việt Nam
Lê Phú Khải, Nhà báo, Sài Gòn, Việt Nam
Lại Thị Ánh Hồng, Nghệ sĩ, Sài Gòn, Việt Nam
Lê Công Giàu, nguyên Tổng thư ký Tổng hội Sinh viên Sài Gòn 1966, Phó Bí thư Thành đoàn Thanh niên Cộng sản Thành phố Hồ Chí Minh 1975, Tổng giám đốc SAVIMEX, Sài Gòn, Việt Nam
Đào Công Tiến, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Sài Gòn, Việt Nam
Trần Minh Quốc, Nhà giáo trước 1975, Sài Gòn, Việt Nam
Huỳnh Nhật Hải, Hưu trí, Đà Lạt, Việt Nam
Huỳnh Nhật Tấn, Hưu trí, Đà Lạt, Việt Nam
Huỳnh Tấn Mẫm, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, Tổng biên tập báo Thanh Niên, Đại biểu Quốc hội khóa 6, Uỷ viên Mặt trận Tổ quốcVN Thành phố Hồ Chí Minh, Sài Gòn, Việt Nam
Nguyễn Thị Thanh Bình, nhà văn, Hoa Kỳ
Lê Hoài Nguyên, Nhà thơ, Hà Nội, Việt Nam
Tuấn Khanh, Nhạc sĩ, Blogger, Sài Gòn, Việt Nam
Nguyễn Đan Quế, Bác sĩ, Đồng chủ tịch Hội Cựu tù nhân lương tâm Việt Nam, Sài Gòn, Việt Nam
Nguyễn Mai Oanh, Chuyên gia Nông nghiệp và Nông thôn, Sài Gòn, Việt Nam
DIỄN ĐÀN XÃ HỘI DÂN SỰ. Đại diện : Tiến sĩ Nguyễn Quang A
BAN VẬN ĐỘNG VĂN ĐOÀN ĐỘC LẬP VIỆT NAM. Đại diện : Nhà văn Nguyên Ngọc
BAUXITE VIỆT NAM. Đại diện : Giáo sư Phạm Xuân Yêm
CÂU LẠC BỘ LÊ HIẾU ĐẰNG. Đại diện : Lê Thân
_____
February 17, 2019
His Excellency Donald Trump,
President of the United States
The White House
Washington, DC
Dear Mr. President,
First of all, we, Vietnamese intellectuals and social activists who aspire independence, freedom, democracy and peace for our country, are elated at your decision to choose Vietnam for the US-North Korea summit on February 27 and 28, 2019 and fervently welcome your presence in Hanoi. We sincerely wish, and believe in the success of this crucial meeting for the non-nuclearization of the Korean peninsula, ensuring a sustainable peace for the Asia-Pacific region and the world. As leader of the most powerful and foremost nation of the free world, Your Excellency play a leading role in the outcome of this summit.
The people of Vietnam and all humanity have heard you clearly affirming the role of the United States in the world in your 2019 "State of the Union Address". In the opening words once stated that the United States "pursues a foreign policy that puts America’s interests first", you immediately refer to the "Great Crusade – The Allied liberation of Europe in World War II" and declare "Now We must walk boldly and courageously into the new chapter of America’s great adventure, and we must create a new standard of living for the 21st century". Just as you end the message with the pledge of committing America’s destiny with the fate of all nations in the world : "We must keep America first in our hearts. We must keep freedom alive in our souls. And we must always keep faith in America’s destiny – that one Nation, under God, must be the hope and the promise and the light and the glory among all the nations of the world !"
Fate once attached the Vietnamese nation to the United States’ in a war that today certainly have both countries understood deeply in our soul its consequences. The most painful consequence is that China as an aggressive and unfettered ambitious nation has blatantly expanded the conquest of Vietnam’s waters and islands on the South China Sea, threatening the freedom of navigation of all countries in the region, challenging the authority of the United States in the Asia-Pacific region.
This has been repeatedly warned by the U.S. government, especially in the harsh words of the US Secretary of State, Mike Pompeo, condemning China during the November 2018 annual US-China Foreign Affairs and Security Dialogue.
The Vietnamese people are increasingly and keenly aware that the threat of expansion and invasion by Communist China today is a continuation of the empire’s thousands years of feudal dynasties. That hegemon has been smashed by our people many times in the history, and will surely be smashed again in this century.
That wrong-headed ambition must be crushed today because it is unrighteous, because it is an ambition to deprive the sacred Freedom of the Vietnamese people and the peoples of Asia-Pacific, the freedom that we "keep alive in our souls" is no different from the American people you mention in the message of 2019.
Therefore, on the occasion of your historic summit meeting in our country’s capital in the coming days, we would like to resolutely affirm to you and the American people that the Vietnamese people are determined to protect our Independence, Freedom, and Territorial integrity at all costs ; and to protect those sacred rights, we will have to reform our country towards the democratic and civilized one, in accordance with the "new standard of living for the 21st century" that was initiated by the United States of America.
We believe that in today’s world, the interests of Vietnam and the United States are similar ; a strong and independent Vietnam would ensure the greater security and peace for the region. Therefore, in the struggle to protect and reform the country, we believe in the support of the people and governments of the free world, especially the United States of America.
Please accept here the sincere thanks and appreciation of those of us who express the will and aspiration of the majority of Vietnamese people living in the country as well as abroad.
We have the honor to remain,
******************
Gửi thư ngỏ tới Donald Trump để làm gì ?
Phạm Quang Tuấn, Tiếng Dân, 19/02/2019
Xuất hiện trên mạng một lá thư từ một số "nhân sĩ trí thức" gửi cho Tổng thống Trump nhân dịp ông này tới Việt Nam họp thượng đỉnh với Kim Jong-un. Hầu như toàn là những người mình biết và không ít thì nhiều dành sự kính trọng, và cũng đã từng nhiều lần ký thư ngỏ chung với họ. Nên càng ngạc nhiên khi đọc lá thư tào lao này. Thử phân tích vài chỗ :
### "Trước hết, chúng tôi, những nhân sĩ trí thức …" ("First of all, we, Vietnamese intellectuals..".)
Mới vào câu mào đầu đã thấy ngây thơ rồi. Trump vốn là người ghét trí thức (intellectuals), không tin các khoa học gia hay chuyên gia bất cứ ngành nào - kinh tế, chính trị, thậm chí tình báo (chẳng hạn chê các nhà khoa học về biến đổi khí hậu là sai). Giới trí thức Mỹ và thế giới ít nhất 95% chống ông ta, các kinh tế gia, Nobels laureates đã ký vô số thư ngỏ chống Trump khiến ông ta càng bực. Những người bầu cho Trump cũng toàn là giới phản trí thức (anti-intellectuals), ghét "tinh hoa" (anti-elitist). Vậy mà tự giới thiệu mình là… trí thức thì… :) Viết thư cho Trump mà tự xưng trí thức thì khác nào viết thư cho Hitler mà tự xưng là người Do Thái !
### "…và nhà hoạt động xã hội…" ("...and social activists")
Trump cũng không bao giờ quan tâm tới các nhà hoạt động xã hội. Lần trước thăm Việt Nam, ông ta có thăm hay nói về nhà hoạt động xã hội nào đâu, chỉ luôn miệng khen "phép màu Việt Nam" dưới chế độ CS. Ngoài ra, đi đến đâu trên thế giới ông ta cũng bị activists tổ chức biểu tình chống đối nên đọc chữ activists hẳn Trump phải giật mình ! (ở Việt Nam thì lần trước có activist Do Nguyen Mai Khoi nhưng bị nhà nước bịt miệng ngay :) )
### "Vai trò của Hoa Kỳ đối với thế giới, nhân dân Việt Nam và cả nhân loại đã nghe rõ Ngài khẳng định trong Thông điệp Liên bang năm 2019. Ngay trong lời mở đầu, sau khi nhấn mạnh một lần nữa rằng Hoa Kỳ "theo đuổi chính sách đối ngoại đặt lợi ích của nước Mỹ lên trên hết"…" :
Người ta đã đặt lợi ích của nước Mỹ lên trên hết thì còn kêu gọi gì nữa ? Ngay cả những đồng minh lâu đời như Tây Âu còn bất cần thì Việt Nam kêu cầu xuông có ích gì ?
### "Trung Hoa trở nên hùng hổ, đang trắng trợn mở rộng cuộc xâm chiếm vùng biển và các đảo của Việt Nam trên biển Đông, đe dọa quyền tự do hàng hải của mọi quốc gia trên vùng biển quốc tế, thách thức uy quyền của Hoa Kỳ ở Châu Á-Thái Bình Dương" :
Không sai, nhưng cái này là "dậy đĩ vén váy". Thực ra Trump cũng chẳng lưu tâm gì đến Biển Đông, nhưng có vẻ để cho thuộc hạ (Pence, Pompeo...) và quân đội làm gì thì làm.
### "Nhân dân Việt Nam ngày càng nhận thức rõ rằng nguy cơ bành trướng, xâm lược của Trung Hoa Cộng sản hôm nay là sự tiếp nối tham vọng đế quốc hàng ngàn năm của các triều đại phong kiến Trung Hoa. Tham vọng ấy đã bị nhân dân chúng tôi đập tan nhiều lần trong quá khứ, và chắc chắn sẽ bị đập tan trong thời đại ngày nay".
Trump có bao giờ lưu tâm đến lịch sử đâu, lịch sử nước ngoài lại càng không. Ông ta đã từng nói Cao Ly ngày xưa là 1 phần của nước Tàu !
### "Nhân dân Việt Nam quyết bảo vệ Độc lập, Tự do, Toàn vẹn lãnh thổ của mình bằng mọi giá ; và để bảo vệ những quyền thiêng liêng ấy, chúng tôi sẽ phải tự cường bằng con đường cải tổ đất nước, dân chủ hóa, văn minh hóa, theo "một tiêu chuẩn sống mới cho thế kỷ 21" mà Hoa Kỳ đề xướng".
Họ quên rằng Trump mới gọi Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là "một phép mầu vĩ đại của thế giới" và ông ta cùng ngoại trưởng Pompeo đang thúc giục Bắc Hàn theo gương Việt Nam. Thậm chí, cái "phép màu Việt Nam vĩ đại" này là 1 trong những luận điểm chính của Trump và niềm hy vọng Trump đặt vào để dụ dỗ Ủn. Vậy là tốt quá rồi, còn "tự cường" với "văn minh hóa" gì nữa.
### "Xin Ngài nhận ở đây lời cảm ơn chân thành từ những người nói lên ý chí và tâm nguyện của phần lớn người Việt Nam sinh sống trong nước cũng như ở nước ngoài".
Ô hay, mình hay chỉ trích cộng sản là hay tự tiếm xưng đại diện dân Việt Nam mà sao bây giờ lại thay mặt phần lớn người Việt để cảm ơn Trump ?
Và rốt cuộc, vẫn chẳng hiểu lá thư này nói gì, viết để làm gì.
Phạm Quang Tuấn
Nguồn : Dân Luận, 19/02/2019
********************
Nguyện vọng thoát Trung qua lá thư gửi Tổng thống Mỹ của nhân sĩ trí thức Việt Nam
Diễm Thi, RFA, 19/02/2019
Hôm 17/2/2019, trên các trang mạng xã hội xuất hiện bức thư của 100 nhân sĩ, trí thức và các tổ chức xã hội dân sự gửi Tổng thống Mỹ. Bức thư nêu lên vai trò của Hoa Kỳ đối với thế giới và nhân dân Việt Nam, và nhắc lại tuyên bố của Tổng thống Mỹ trong Thông điệp Liên bang năm 2019 rằng "Giờ đây, chúng ta phải bước đi mạnh bạo và can đảm vào chương mới của cuộc phiêu lưu vĩ đại của nước Mỹ, và chúng ta phải tạo nên một tiêu chuẩn sống mới cho thế kỷ 21".
Người dân các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam rời bỏ nhà cửa trước cuộc xâm lược của Trung Quốc vào ngày 23/2/1979. AFP
Cựu Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang, từng làm việc tại Bộ Ngoại giao, cũng là người tham gia soạn thảo lá thư, cho biết mục đích ra đời của lá thư :
"Nhân dịp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sắp sang Việt Nam họp Thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên (27 và 28/2/2019), lá thư này ra đời không chỉ để Tổng thống Mỹ biết (vì ông đã thừa hiểu), mà chính là để dư luận thế giới, đặc biệt dư luận Việt Nam, dư luận Trung Quốc và cả châu Á hiểu rằng, trước nguy cơ Việt Nam bị xâm lược biển đảo, thì Hoa Kỳ là đồng minh tự nhiên của Việt Nam".
Phó Giáo sư Tiến sĩ ngôn ngữ học Hoàng Dũng nói với RFA rằng trên danh nghĩa thì lá thư được gửi cho Tổng thống Mỹ, nhưng thực chất không phải gửi cho cá nhân tổng thống mà là gửi cho người đại diện Hoa Kỳ để lên tiếng với thế giới nguyện vọng thoát Trung của người Việt Nam :
"Chúng tôi cũng không mong ông Trump làm gì được cho Việt Nam. Tất cả các nguyên thủ quốc gia khi quyết định việc gì thì họ đều đặt quyền lợi quốc gia của họ lên trên, chứ không vì lá thư mà họ thay đổi, nhưng qua lá thư chúng tôi muốn nói với công luận quốc tế và với người dân Việt rằng chính phủ Việt Nam đang lơ lửng giữa hai xu hướng : Một là ngày càng chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, và xu hướng thứ hai là muốn thúc đẩy càng nhanh càng tốt chuyển động thoát Trung.
Khi ông Trump và ông Kim Jong-un gặp nhau ở Việt Nam thì đây là thời điểm tốt để chúng tôi khẳng định lại là người Việt Nam thấy việc thoát Trung ngày càng cấp bách".
Ông dẫn chứng sự lúng túng của chính phủ Việt Nam trong mối quan hệ với Trung Quốc qua cách ứng xử vụ tưởng niệm 40 năm cuộc chiến biên giới phía Bắc vừa qua, là một mặt bật đèn xanh cho báo chí viết những bài khá mạnh mẽ về cuộc chiến ngày 17/2/1979, nhưng mặt khác thì lại giới hạn càng lúc càng chặt.
Cuộc Hội thảo cấp quốc gia về Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc do viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam tổ chức hôm 15/2/2019 tại Hà Nội đã không dám nói đó cuộc chiến tranh xâm lược, mà cũng không dám nêu tên Trung Quốc xâm lược. Trong buổi hội thảo tuyệt nhiên không có nhân vật chính trị cấp cao nào xuất hiện. Còn tại chuyến thăm nghĩa trang liệt sĩ hôm 17/2/2019 thì lại đưa một quan chức cấp cao nhưng đã rời khỏi chính trường đến dâng hoa, thắp hương, đó là nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Giáo sư Hoàng Dũng kết luận ‘Họ sợ !’ và nói thêm :
"Họ sợ hãi người dân nên phải ứng xử một cách vô văn hóa, đi ngược lại truyền thống dân tộc khi đem xe chở rác chắn ngang lối vào tượng đài Đức Trần Hưng Đạo, rồi cẩu lư hương đi chỗ khác…
Tất cả những điều đó cho thấy chính quyền Việt Nam đang rất lúng túng, tiến một bước lùi hai bước.
Và điều đó càng cho thấy cái thư của chúng tôi nhấn mạnh nguyện vọng của người Việt Nam là phải thoát Trung. Cái đó phải nói to ra cho thế giới biết và để thức tỉnh một bộ phận quan chức cũng như người dân để họ thấy đã đến lúc phải nói lên nguyện vọng đó".
Một điều xuyên suốt trong lá thư rất dễ nhận thấy là mối đe dọa từ Trung Quốc. Lá thư nhắc lại cuộc chiến Việt Nam mà ‘hậu quả đau đớn nhất chính là việc một nước Trung Hoa trở nên hùng hổ, đang trắng trợn mở rộng cuộc xâm chiếm vùng biển và các đảo của Việt Nam trên biển Đông, đe doạ quyền tự do hàng hải của mọi quốc gia trên vùng biển quốc tế, thách thức uy quyền của Hoa Kỳ ở châu Á-Thái Bình Dương.’
Cựu Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang khẳng định :
"Mục đích chính của những người tham gia ký tên thư này nói lên một điều là lợi ích của Hoa Kỳ và lợi ích của Việt Nam lúc này ở Biển Đông, mở rộng ra là Châu Á - Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương có cùng lợi ích là ngăn chặn sự bành trướng bá quyền của Trung Quốc, nên Việt Nam và Mỹ có thể là đồng minh với nhau trong vấn đề này. Khởi đầu là đồng lợi ích rồi có thể tiến tới là đồng minh về đối ngoại, sau này có thể mở rộng thành đối tác chiến lược toàn diện, chứ không phải chỉ là đối tác toàn diện như hiện nay".
Tại phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 12/2/2019, đô đốc Philip Davidson, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương phát biểu rằng "Chúng ta phải chấp nhận một sự thật rằng tình hình Biển Đông đang thay đổi một cách nhanh chóng và chúng ta sẽ cần một cách tiếp cận mới. Điều này đòi hỏi chúng ta phải cân nhắc với một vài địa điểm Mỹ chưa đặt căn cứ quân sự tại khu vực này. Chúng tôi đang bàn bạc với các đối tác và đồng minh về khả năng thiết lập những cơ sở này".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng Bí thư Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội vào ngày 6 tháng 11 năm 2015. AFP
Việt Nam là một trong những nước có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc, là nước nhỏ nằm bên cạnh Trung Quốc và luôn chịu áp lực, đe dọa từ Trung Quốc. Lá thư cũng nêu lên rằng nhân dân Việt Nam ngày càng nhận thức rõ rằng nguy cơ bành trướng, xâm lược của Trung Hoa Cộng sản hôm nay là sự tiếp nối tham vọng đế quốc hàng ngàn năm của các triều đại phong kiến Trung Hoa. Ông Nguyễn Đăng Quang nhận định Việt Nam phải có sự chuẩn bị từ trước chứ không để "nước đến chân mới nhảy" :
"Nếu Mỹ đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam thì rõ ràng Trung Quốc sẽ không dám xâm lược Việt Nam, nhưng điều đó lại không phù hợp với chính sách "ba không" của Việt Nam là "Không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam ; không là đồng minh quân sự của bất kỳ quốc gia nào ; và không đi với nước này để chống nước kia".
Thế nhưng cái "không" thứ ba có thể thay đổi, nghĩa là để bảo đất nước, chống xâm lược thì buộc VN phải liên minh, tìm kiếm đồng minh với một nước thứ ba để bảo vệ Tổ quốc một khi Việt Nam bị một nước nào đó mạnh hơn xâm lược hay đe dọa xâm lược !
Vấn đề là phải chuẩn bị từ trước, để khi Việt Nam có nguy cơ bị xâm lược, hay bị xâm lược thì Việt Nam và Mỹ đã là đồng minh của nhau".
Mối đe dọa từ Trung Quốc là điều mà bất cứ người Việt Nam nào cũng nhận thấy, vì nó từ hàng ngàn năm qua rồi. Là người dân Việt Nam, cũng là một nghệ sĩ nổi tiếng luôn ủng hộ cho dân chủ, nhân quyền và thoát Trung, nghệ sĩ Kim Chi cho biết khi tham gia ký lá thư gửi cho Tổng thống Mỹ, bà không quá kỳ vọng nước Mỹ sẽ làm gì đó, bởi "người Mỹ họ thực dụng lắm. Cái gì có lợi cho họ thì họ làm, chứ không vì dân chủ nhân quyền của Việt Nam mà họ làm tất cả đâu".
Bà cho biết bà chỉ nghĩ đơn giản là bây giờ làm bất cứ điều gì để thúc đẩy tiến trình quan hệ Việt Nam với quốc tế tốt hơn, đi gần với dân chủ hơn là bà làm, và đây cũng là dịp để Hoa Kỳ thấy rằng người dân tin cậy ở sự hợp tác trong công cuộc đòi nhân quyền và thoát Trung ở Việt Nam.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 19/02/2019
100 trí thức, nhân sĩ Việt Nam gửi thư ngỏ cho Tổng thống Trump (Người Việt, 18/02/2019)
Một trăm nhân sĩ trí thức Việt Nam vừa gửi một bức thư ngỏ đến tổng thống Mỹ "tin vào sự ủng hộ của nhân dân và chính quyền các nước yêu tự do công lý, đặc biệt là Hoa Kỳ".
Hàng ngàn người ở Sài Gòn với băng-rôn, biểu ngữ ngày 10/6/2018 chống dự luật "Đặc khu kinh tế" mà họ cho rằng giúp Trung Quốc thôn tính Việt Nam. (Hình : AFP/Getty Images)
Nhân dịp Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp đến Hà Nội vào hai ngày cuối tháng Hai để họp thượng đỉnh với Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un, 100 nhân sĩ, trí thức và nhà hoạt động xã hội người Việt "yêu đất nước mình, yêu tự do dân chủ và hoà bình", cả trong và ngoài nước Việt Nam, vừa gửi một bức thư ngỏ cho ông Trump bầy tỏ sự hoan nghênh chủ trương "cam kết gắn số phận của nước Mỹ với số phận mọi dân tộc trên thế giới" của chủ nhân Tòa Bạch Ốc qua bản thông điệp liên bang ngày 6 tháng Hai, 2019 vừa qua.
Họ nhắc ông Trump rằng, "Định mệnh từng gắn số phận của dân tộc Việt Nam với nước Mỹ trong một cuộc chiến mà hôm nay chắc chắn cả hai quốc gia đang thấm thía những hậu quả của nó. Hậu quả đau đớn nhất chính là việc một nước Trung Hoa trở nên hùng hổ, đang trắng trợn mở rộng cuộc xâm chiếm vùng biển và các đảo của Việt Nam trên biển Đông, đe dọa quyền tự do hàng hải của mọi quốc gia trên vùng biển quốc tế, thách thức uy quyền của Hoa Kỳ ở Châu Á-Thái Bình Dương".
Trong hoàn cảnh của Việt Nam, các nhân sĩ trí thức viết trong bức thư rằng : "Nhân dân Việt Nam ngày càng nhận thức rõ rằng nguy cơ bành trướng, xâm lược của Trung Hoa cộng sản hôm nay là sự tiếp nối tham vọng đế quốc hàng ngàn năm của các triều đại phong kiến Trung Hoa. Tham vọng ấy đã bị nhân dân chúng tôi đập tan nhiều lần trong quá khứ, và chắc chắn sẽ bị đập tan trong thời đại ngày nay".
"Tham vọng ấy phải bị đập tan vì nó bất chính, vì nó là tham vọng tước đoạt quyền tự do thiêng liêng của dân tộc Việt Nam và các dân tộc Châu Á-Thái Bình Dương, quyền Tự do mà chúng tôi ‘giữ sống trong hồn mình’ không khác gì nhân dân Mỹ mà Ngài nói đến trong thông điệp 2019".
Cũng bởi thế, nhân dịp Tổng thống Trump đến Hà Nội, 100 nhân sĩ trí thức người Việt "xin khẳng định với Ngài, và thông qua Ngài, khẳng định với nhân dân Hoa Kỳ : Nhân dân Việt Nam quyết bảo vệ Độc lập, Tự do, Toàn vẹn lãnh thổ của mình bằng mọi giá ; và để bảo vệ những quyền thiêng liêng ấy, chúng tôi sẽ phải tự cường bằng con đường cải tổ đất nước, dân chủ hóa, văn minh hóa, theo ‘một tiêu chuẩn sống mới cho thế kỷ 21’ mà Hoa Kỳ đề xướng".
Các nhân sĩ trí thức người Việt tin rằng "trong thời cuộc thế giới hôm nay, quyền lợi của Việt Nam và Hoa Kỳ là tương đồng ; một nước Việt Nam độc lập, hùng cường là đảm bảo vững chắc cho an ninh, hoà bình khu vực. Vì thế, trong cuộc đấu tranh để bảo vệ và cải tổ đất nước, chúng tôi tin vào sự ủng hộ của nhân dân và chính quyền các nước yêu tự do công lý, đặc biệt là Hoa Kỳ".
Bức thư ngỏ gửi Tổng thống Trump đề ngày 17 tháng Hai, 2019, được phổ biến rộng rãi trên mạng xã hội. Trong số những người đầu tiên ký tên, người ta thấy có Tiến sĩ Nguyễn Quang A ; Nhà văn Nguyên Ngọc, Tiến sĩ Chu Hảo, nhà thơ Hoàng Hưng, Tiến sĩ ngôn ngữ Hoàng Dũng, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Tiến sĩ tâm lý Mạc Văn Trang, Linh mục Giuse Maria Lê Quốc Thăng, Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Linh mục Gioan Baotixita Huỳnh Công Minh…(TN)
********************
Thư ngỏ cho Tổng thống Trump nhân thượng đỉnh Hoa Kỳ - Bắc Triều Tiên về vấn đề Biển Đông (RFA, 19/02/2019)
Truyền thông quốc tế đã thông báo chính thức về cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un sẽ diễn ra vào ngày 27 và 28 tháng 2 năm nay tại Hà Nội.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un trong Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Bắc Hàn ở Singapore ngày 12/6/2018. AFP
Những tháng đầu năm, trong lịch sử cận đại của Việt Nam cũng là thời điểm nhắc nhớ lại những sự kiện đau thương với Trung Quốc :
- Ngày 19/1/1974 Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa gây nên cái chết của 75 binh sĩ và thủ thủ Việt Nam Cộng Hòa
- Ngày 17/2/1979 Trung Quốc xâm lăng Việt Nam để ủng hộ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ
- Và ngày 14/3 năm nay cũng đánh dấu 31 năm Trung Quốc chiếm Trường Sa, 64 binh sĩ đã hy sinh trong trận thủy chiến Gạc Ma
Trong bối cảnh đó, ngày 14/2 vừa qua Tiến sĩ Lê Trung Tĩnh, thuộc Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, Nhóm Biển Đông tại Pháp đã phổ biến lá thư ngỏ gửi Tổng thống Trump để kêu gọi ông chú ý đến những sự kiện này và coi đó như một mối đe dọa của nền hòa bình Quốc tế, nhất là ở khu vực Biển Đông. Đồng thời đề nghị Tổng thống Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc tôn trọng quyền tự do hàng hải và luật pháp Quốc tế. Ông Lê Trung Tĩnh chia sẻ về động lực thúc đẩy nhóm Biển Đông viết lá thư kêu gọi này :
Tôi muốn gửi thông điệp này đến Tổng thống Mỹ, kể lại những câu chuyện lịch sử của nước Việt Nam đối với Hoa Kỳ và Quốc tế và từ đó, cũng mong muốn gửi những đề nghị đối với Tổng thống Mỹ kêu gọi Trung Quốc đưa tranh chấp Hoàng Sa ra tòa án công lý quốc tế. Nếu Trung Quốc luôn mạnh miệng nói rằng họ có bằng chứng chủ quyền trên Hoàng Sa là mạnh nhất, tại sao họ không chấp nhận đưa phán quyết này ra một bên thứ ba ?
Lá thư không chỉ đề cập đến những giải pháp quân sự mà còn kệu gọi sự hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như các nước trong khu vực để có những giải pháp chính trị, kinh tế xã hội hầu đối phó với các kế hoạch chiếm lãnh toàn bộ biển Đông của Trung Quốc :
Tôi cũng mong muốn rằng Việt Nam có những hợp tác mạnh mẻ hơn với Mỹ trong công việc tuần tra trên biển và không chỉ Việt Nam, tôi cũng mong muốn những nước khác trong khu vực bị ảnh hưởng bởi đường 9 đoạn cùng hợp tác nhiều hơn với Mỹ để có thể giải quyết được công việc này.
Ông Thành Đỗ một cư dân ngoại ô Paris, vui mừng trước ý tưởng này :
Tôi rất vui mừng khi thấy có những người lợi dụng cơ hội Tổng thống Mỹ đến Việt Nam để viết một lá thư ngỏ như vậy. Đó là một ý kiến rất hay. Nếu không ai làm gì hết thì sẽ không ai nghĩ đến Việt Nam đâu, chúng ta phải biết lợi dụng cơ hội, nắm bắt thời cơ.
Căm phẩn về việc Trung Quốc xâm chiếm biển đảo cũng như đàn áp ngư dân đánh cá trong phạm vi được coi là chủ quyền của Việt Nam là lý do mà ông Nguyễn Vũ Bình, một nhà báo tự do đang sống tại Việt Nam ký tên vào lá thư này, ông nói :
Việc thôn tính biển Đông của Trung Quốc cũng như là o ép những ngư dân vi phạm trắng trợ luật pháp quốc tế. Và chúng ta muốn giữ chủ quyền biển đảo cũng như là giữ cho những ngư dân tự do đánh bắt cá thì chúng ta phải đưa vấn đề này ra quốc tế. Đó là một yêu cầu rất chính đáng và rất là đúng. Vì thế tôi đã ký bức thư ngỏ đó.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang (phải) và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (trái) nói chuyện tại cuộc gặp song phương ở Hà Nội hôm 12/11/217 AFP
Sau khi lá thư được đưa lên mạng ngày 14/2, sau bốn ngày đã thu được gần 2000 chữ ký. Bên cạnh đó, có rất nhiều ý kiến đóng góp, trong đó có người ái ngại cho rằng cách đây 5 năm Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông đã gửi một lá thư cho Liên Hiệp Quốc và không có phản hồi, Tiến sĩ Lê Trung Tĩnh cho rằng lần này sẽ khác, và nếu không có giá trị ngay lập tức thì cũng sẽ có ảnh hưởng về sau này, ông nói :
Chúng tôi xin thưa rằng lá thư này có một giá trị tích cực và thực sự hơn vì nó gửi đến một người cụ thể, một người có quyền lực cụ thể với những khả năng cụ thể, đó là Tổng thống Mỹ Donald Trump ! Khi họ nghe tiếng nói của hàng trăm ngàn người đến với họ khi họ đến đất nước đó thì một cách tự nhiên họ sẽ lắng nghe và suy xét để có những hành vi tương ứng. Nếu không ngay bây giờ, thì có thể là sau đó hay những điều chỉnh chính sách.
Cũng có người cho rằng những thư ngỏ hay pétition đều sẽ không đem lại hiệu quả, Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một trong những người đầu tiên đã ký tên vào lá thư này, lại có suy nghĩ khác :
Quỳnh nghĩ là tất cả những động thái, những chữ ký dù lớn hay nhỏ, tất cả những thỉnh nguyện thư ít nhiều đều có hiệu quả. Và với chuyến viếng thăm lần này của Tổng thống Hoa Kỳ, Quỳnh nghĩ ít nhất đây cũng là một động thái chứng tỏ cho nhà nước Việt Nam thấy rằng người Việt khắp nơi trên thế giới, người Việt trong và ngoài nước không bao giờ từ bỏ cái khát khao dành lại Hoàng Sa và Trường Sa và điều đó sẽ được thực hiện bằng sự văn mình, tiến bộ và luật pháp Quốc tế.
Theo kỹ sư Đỗ Thành, tùy theo bối cảnh tranh chấp, tùy trường hợp mà thời gian để đưa một vụ kiện ra tòa án quốc tế là 50 năm, và thời hạn đó với Hoàng sa đã gần kề, ông cho biết :
Chúng ta có đầy đủ yếu tố lịch sử và pháp lý để kiện vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa ra tòa án Quốc tế, chúng ta có đủ quyền để làm điều đó. Và xin thưa một điều khá quan trọng là theo luật pháp quốc tế thì một đất đai nào đó , nếu sau 50 năm mà chúng ta không kiện ra tòa án quốc tế thì coi như chúng ta mặc nhiên công nhận là điều đó đúng. Chúng ta chỉ còn có 5 năm nữa thôi, nếu không kiện thì chúng ta mặc nhiên công nhân Hoàng Sa thuộc về chủ quyền không thể chối cãi của Trung Quốc . Xin thưa như vậy. Chúng ta phải làm điều đó bởi vì tiền đồ của dân tộc, bởi vì tương lai, bởi vì giang sơn của Tổ Quốc, chúng ta không thể ngồi im được.
Với hàng ngàn phóng viên, báo chí quốc tế sẽ có mặt tại Hà Nội, nhà báo Nguyễn Vũ Bình tin rằng lá thư sẽ tạo được sự chú ý của Tổng thống Hoa kỳ vì vấn đề tự do hàng hải không chỉ liên quan đến Việt Nam, ông nói :
Sự tranh chấp ở biển Đông không chỉ giữa Việt Nam và Trung Quốc mà có cả Mỹ và Trung Quốc về vấn đề chiến lược biển Đông rồi tự do hàng hải nên tôi nghĩ Tổng thống Trump cũng sẽ quan tâm đến lá thư của người dân Việt Nam yêu cầu như thế. Nó tác động đến mức nào, như thế nào thì không nói được nhưng tôi nghĩ nó sẽ có tác động nhất định, có sự chú ý nhất định.
Gần đây truyền thông lề đảng gọi Trung Quốc là xâm lược, nhưng vẫn đàn áp những sự kiện tưởng nhớ Hoàng Trường Sa, nhà báo Nguyễn Vũ Bình nhận định về sự mâu thuẩn này :
Nhà nước Việt Nam lúc nào cũng nói Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam mà bị Trung Quốc xâm chiếm, thế nhưng việc quan trong nhất là khởi tiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế thì Việt Nam lại không làm. Đó là những điều ngịch lý, rồi những người trong phong trào dân chủ khi muốn ra thắp hương tưởng niệm những kiệt sĩ đã hy sinh trong chiến tranh biên giới thì đều bị giữ ở nhà, người nào ra đến nơi chưa làm được gì đã bị bắt hết cả. Chứng tỏ đây không phải là thực tâm.
Trả lời câu hỏi : Thế các bạn chờ đợi gì từ lá thư này, ông Lê Trung Tĩnh nói :
Tôi viết lá thư này không phải là một công việc để cho vui. Tôi viết lá thư này vì mong muốn Tổng thống Mỹ Donald Trump đọc nó và có những hành động tương ứng vì tương lai tươi sáng của Việt Nam, vì hòa bình, vì ổn định, vì sự hợp tác chặc chẻ hơn nữa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Tôi mong rằng điều đó sẽ được thực hiện và tôi sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện cho việc đó được thực hiện.
Cùng với ý tưởng đó, chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hy vọng :
Quỳnh mong rằng lá thư này sẽ được sự quan tâm của chính giới Hoa Kỳ, và nếu nó được đặt lên bàn trao đổi với nhà nước Việt Nam thì đó sẽ là một kết quả đáng khích lệ cho giới hoạt động Dân chủ tại Việt Nam và đặc biệt là cho những kết quả miệt mài của Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông.
Lá thư này, theo ông Lê Trung Tĩnh, không phải là một giấc mơ, đó là hành trình tiến đến công lý từ chữ ký của mỗi người, ông kêu gọi :
Chúng tôi cần sự tham gia của tất cả bạn của tất cả mọi người Việt, của tất cả công dân trên thế giới ký tên vào lá thư và chia sẻ nó với càng nhiều người càng tốt.
Tường An
Giận cá chém ... lư hương
Mặc Lâm, VOA, 20/02/2019
Câu chuyện UBND Quận 1 cho người câu chiếc lư hương đặt trước tượng đài Trần Hưng Đạo ngày càng thu hút cư dân mạng nhiều hơn mặc dù sự việc xảy ra đã vài ngày trước. Vấn đề chiếc lư hương được mang ra mổ xẻ bởi các facebooker nổi tiếng cho thấy sự quan tâm đối với anh hùng dân tộc ngàn đời nay vẫn là tâm điểm của người dân dù nghèo hèn hay sang cả, họ cùng tâm trạng xem những công thần vì dân vì nước là người đáng được tôn kính. Riêng Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn thì sự tôn kính đã vượt qua khỏi chừng mực và người dân tôn ông lên bậc Nhân thần vì đã ba lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông giữ vững non sông trước giặc phương Bắc.
Tượng Trần Hưng Đạo tại Sài Gòn. (Hình : Dennis Jarvis)
Vấn đề là tại sao UBND Quận 1 lại không hiểu được nguyên lý đơn giản bất biến ấy mà hành động như những kẻ ngoại lai, giống như Việt Nam không phải là đất nước của họ và hành vi "tẩu tán" chiếc lư hương như một sự thách thức với người dân cả nước ?
Dễ thấy nhất cho câu trả lời này là họ sợ. Sợ mất lòng người bạn vàng Trung Quốc vì nếu để cho những cuộc thắp hương xảy ra vào ngày 17 tháng 2 không khác gì chính quyền chấp nhận kẻ bị Đức Trần Hưng Đạo đánh tan tác cũng chính là quân xâm lược các tỉnh biên giới vào năm 1979 vì vậy bất kể tổ tiên, nòi giống họ bứng cho bằng được biểu tượng thiêng liêng của người Việt thay vì tốn công đàn áp.
Và nhóm người làm cho nỗi sợ của họ ngày một tăng thêm là Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, tác nhân làm cho chính quyền mờ cả lương tri đến nỗi cho câu đi chiếc lư hương trước tượng đài gây công phẫn cho dư luận trong nhiều ngày nay.
Người dân Sài gòn biết rõ từ gần chục năm nay vào những dịp có yếu tố Trung Quốc, những ngày lịch sử như ngày mất Hoàng Sa 19/1, hay ngày mất Gạc Ma 14/3… nhất là ngày kỷ niệm cuộc chiến tranh chống xâm lược biên giới phía Bắc 17 tháng 2 năm 1979 thì tại tượng đài Trần Hưng Đạo luôn có sự hiện diện của thành viên Câu lạc Bộ Lê Hiếu Đằng đến để phát biểu những ưu tư của người dân đối với vận nước. Họ thắp hương, đưa hình ảnh này lên phương tiện internet nhằm thúc đẩy những ai chưa quan tâm tới nguy cơ Trung Quốc và hầu như năm nào họ cũng gặp khó khăn trên đoạn đường tưởng ngắn nhưng đầy chông gai hiểm trở.
Chính quyển thành phố thấy rõ sự nguy hiểm mà Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng đang tạo ra cho chế độ. Họ lên tiếng thay cho nhiều triệu người sống trong nước nhưng hoàn toàn ngây thơ trước họa diệt vong từ Trung Quốc. Họ thách thức sự cai trị của chính quyền bằng chính kinh nghiệm của họ vốn là những chuyên gia về biểu tình, về tuyên truyền dân vận và nhất là thấu hiểu cặn kẽ cách thức mà cộng sản hành động. Họ đang dấn thân như đã từng dấn thân chống chế độ Sài gòn hơn 45 năm về trước và từng thành công trong lần đó để lần này họ dùng chính những chiếc huy chương của Đảng đã trao để tranh đấu với chính quyền hiện tại.
Lê Hiếu Đằng tuy đã mất nhưng tinh thần của ông vẫn được bạn bè kế tục. Họ đang từng bước lật bộ mặt thật của những người từng xem là đồng chí và không tiếc hy sinh cho sự nghiệp quang vinh của Đảng nhưng đến khi nhận ra sự thật thì họ đủ dũng khí đễ tự sửa sai và cách thức sửa sai sòng phẳng nhất là tranh đấu.
Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng có lẽ là một tổ chức xã hội dân sự duy nhất làm cho chính quyền lo sợ. Tuy nhiên một điều cũng hiển nhiên không kém là Câu lạc bộ này không được dân Sài gòn ủng hộ nhiệt tình hay ít ra có lời tán dương những điều họ đang làm. Đó là vì người dân Sài gòn vẫn còn căm giận những con người làm cách mạng ấy. Rất nhiểu người cho rằng chính Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Mẫm, Kha Lương Ngãi, Lê Công Giàu hay Hồ Ngọc Nhuận là tội đồ của miền Nam khi cật lực phá nát nền đệ nhị cộng hòa bằng những cuộc biểu tình chống chính phủ.
Tuy nhiên, giữa hai lằn đạn, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng vẫn âm thầm hoạt động khiến chính quyền khó có biện pháp nào hoàn hảo tuy nhóm người này là chiếc gai trong mắt của người cộng sản Việt Nam.
UBND thành phố không thể đàn áp Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng mặc dù họ vẫn thường xuyên gặp gỡ, trao đổi và công khai tổ chức những buổi mít tinh chống chính quyền hay ít ra là những kiến nghị yêu cầu chính quyền hành xử đúng mực. Họ công khai hành động và thu nhận thành viên trên phạm vi toàn quốc.
Những bài phát biểu hùng hồn của họ liên tục được mang đến cho dân chúng qua các đài phát thanh ngoại quốc hay không gian mạng đã làm chính quyền tức tối nhưng không tìm ra giải pháp trừ khử hay ít ra ngăn chận. Nếu bắt họ và kết tội như những nhà bất đồng chính kiến khác thì hóa ra nhà nước vắt chanh bỏ vỏ hay sao ? Hơn nữa họ không chiến đấu đơn độc mà họ là một tập thể có tổ chức và từng chiến đấu dưới lá cờ của người Cộng sản tức là họ biết dựa vào sức mạnh tập thể để hành động.
Giận lắm thì chính quyền cũng chỉ âm thầm đặt người gác trước cửa nhà của từng thành viên trong Câu lạc bộ chứ chưa tìm ra biện pháp nào hữu hiệu mà không mang tiếng đàn áp những người từng là đồng chí của mình.
Vì giận quá hóa mất khôn khi nghĩ rằng thủ tiêu chiếc lư trước tượng đài Trần Hưng Đạo thì cái Câu lạc bộ dễ ghét kia lấy đâu ra nơi mà... cắm nhang ? Vậy là họ "quyết". Cái quyết đó đã làm cho UBND Quận 1 nhận phải hậu quả của ngày hôm nay khi toàn dân cả nước, đồng tình hay không đồng tình đối với Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng cùng lên tiếng cáo buộc chính quyền đã bị Trung Quốc chỉ đạo làm một việc hèn mọn không thể hèn mọn hơn.
Rõ ràng là giận cá chém tượng đài.
Nhưng lần này thì chính quyền thành phố hố to, cái thớt lư hương ấy làm bằng đồng cho nên con dao chém nó đã văng vào mặt kẻ cầm dao lẫn kẻ mượn dao chém thớt.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 20/02/2019
********************
Cướp ấn đền Trần và cẩu lư hương Thánh Trần
Viết từ Sài Gòn, RFA, 19/02/2019
Những năm 2000, đền Trần ở Lào Cai, ngay thị xã Lào Cai, bên bờ sông Nậm Thi có bức tượng Đức Thánh Trần oai nghi đứng chống gươm nhìn sang phía Trung Quốc, đền thờ của Ngài ngự trên ngọn đồi cao, tượng của Ngài đứng trước đền. Sau 20 năm, quay trở lại Lào Cai, điều làm tôi hãi hùng nhất là đền Mẫu và Đền Trần - hai ngôi đền lớn nhất Lào Cai đã hoàn toàn thay đổi, tượng Đức Thánh Trần bị bứng đi mất, thay vào đó là một tiểu viên với 12 con giáp Tí Sửu Dần Mão Thìn… nền chân tượng đã bị ủi thấp xuống chừng 20 mét so với nền cũ. Tiểu viên 12 con giáp cũng là nơi các đôi nam nữ du khách Trung Quốc cõng nhau, ôm nhau chụp hình nhiều nhất…
Tượng đài Trần Hưng Đạo tại công trường Mê Linh (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh)
Trong lúc du lịch khai thác triệt để vào các ngôi đền liên quan đến Trần Hưng Đạo, như lễ khai ấn đền Trần ở Nam Định, lễ phát lộc đền Trần ở Lào Cai và Hưng Yên, lễ khai lộc đền Trần ở các quận trong thành phố Sài Gòn và hầu hết các đền Trần ở các tỉnh trên cả nước. Đùng một cái, câu chuyện cẩu bát nhang trước tượng Trần Hưng Đạo ở quận 1, Sài Gòn khiến tôi nghĩ đến ngay hai vấn đề : Trung Quốc đã thao túng Sài Gòn và ; Kĩ nghệ du lịch bẩn đã vào tận đền thờ.
Ở vấn đề thứ nhất, Trung Quốc đã thao túng Sài Gòn. Sở dĩ tôi đặt câu hỏi như vậy bởi tôi liên tưởng đến đền Trần Lào Cai. Thời bức tượng Thánh Trần bị bứng đi ở đến Trần Lào Cai là thời ông Giàng Seo Phử làm Bí thư tỉnh ủy Lào Cai. Thời đó, ông Phử còn hơn cả một ông vua xứ Lào Cai. Ông xây biệt thự trong khu phố khá yên tĩnh nhưng phồn thịnh của Lào Cai. Nhà ông Phử xây trong khuôn viên một khu vườn cổ, bên hông trường trung học Lào Cai, diện tích chừng 1500 mét vuông, được "dồn điền đổi thửa" từ rất nhiều ngôi nhà trên phố. Cái giếng cổ đóng ngay vị trí phòng khách của ông Phử, ông cho lấp và mời một thầy địa lý bên Tàu sang bấm độn, giếng phải lấp 2 lần, lấp xong, lại đào lên và trục sạch đất đen sau đó yểm Châu sa thần sa lại lấp thêm lần nữa. (Tôi biết chuyện này vì lúc đó tôi lang thang ra Lào Cai, làm thợ hồ ngay trong công trình này).
Nhưng vấn đề không phải là lấp giếng mà cửa chính phòng khách nhà ông Phử nhìn sang ngọn đồi có đài truyền hình Lào Cai đặt angten, ông thầy địa lý người Trung Quốc cầm la bàn nhắm hướng, thấy cột angten (cách nhà ông Phử chừng 3 km nằm ngay tim phòng khách, vậy là ông Phử bốc điện thoại, gọi một cú, đài truyền hình Lào Cai phải dời cột ang ten sang quả đồi khác. Cùng lúc ông Phử xây nhà thì khu chợ quốc tế và cửa khẩu quốc tế Việt – Trung đang được xây dựng, mối quan hệ Việt – Trung đang rất gần gũi trên đất Lào Cai nhờ sự chỉ đạo và hợp tác với Trung Quốc của ông Phử.
Chợ và cửa khẩu xây xong thì tượng Đức Thánh Trần trên đền Trần Lào Cai bị biến mất và thay vào đó là tiểu viên 12 con giáp. Cũng từ đó đến nay, trên đất Lào Cai, nói đến đền Trần, người ta nghĩ ngay đến chuyện một ông thánh cho lộc và đến xin lộc chứ chẳng mấy ai quan tâm đến yếu tố lịch sử hay giá trị lịch sử của ngôi đền. Đền được hoạt động như một điện thờ và có một nhóm hầu đồng phía sau đền. Cũng sau vụ tượng Thánh Trần biến mất, ông Phử được điều ra trung ương và tiếp tục thăng quan tiến chức như diều gặp gió… Cho đến ngày ông chết !
Và nói một cách nghiêm túc thì dường như việc làm cho tượng Thánh Trần biến mất cũng đồng nghĩa với một mốc thời gian mới, người Trung Quốc có mặt, mua bán, hoạt động kinh doanh và thao túng toàn bộ thành phố Lào Cai, có vẻ như họ mới là chủ nhân thật sự của thành phố này. Và điều đó cũng cho thấy rằng cái mốc thời gian tượng thánh Trần bị bứng đi như một tín hiệu rằng người Trung Quốc đã chính thức làm bá chủ từ đó.
Và kéo theo sau việc di dời tượng là việc mở rộng du lịch "tâm linh" bằng cách biến các điểm thờ phụng thiêng liêng về Đức Thánh Trần thành nơi cho lộc, ban lộc và nhanh chóng đẩy những điểm thờ phụng thành chỗ ồn ào, nhặng xị, lộn xộn, bừa bãi, phức tạp… Phong trào xin lộc đền Trần đến thời điểm này đã mở rộng qui mô trên cả nước. Xét về mặt ngoại giao và sử chính trị, có chiến thắng nào dành cho người Trung Quốc lớn hơn việc biến nơi thờ phụng một vị anh hùng đánh đuổi giặc Tàu thành nơi hoạt động mê tín di đoan và lộn xộn ? !
Gần đây, việc cẩu bát nhang ở trước tượng đài Trần Hưng Đạo tại quận 1, Sài Gòn lại một lần nữa khiến tôi sởn gai ốc vì một Lào Cai khác đang hiện hình ở Sài Gòn ! Việc chiêm bái và hầu hết những buổi tưởng niệm Trường Sa – Hoàng Sa hay chiến tranh biên giới 1979 của giới trí thức, văn nghệ sĩ Sài Gòn đều diễn ra trước chân tượng đài Trần Hưng Đạo là dễ hiểu, bởi có ai chống Tàu, đánh Tàu và nuôi tinh thần, ý chí chống ngoại xâm phương Bắc cho hậu thế một cách sâu sắc như ngài ? !
Nhìn bên ngoài, người ta dể nhầm tưởng rằng việc di dời lư hương từ chân tượng về đền Trần ở quận 1 chỉ đơn giản là nhằm tránh các nhóm biểu tình tụ tập trước tượng đài và là hành vi chính trị bẩn của phía nhà cầm quyền đối với giới hoạt động dân chủ, hoạt động chống Trung Quốc xâm lược… Nhằm dễ quản lý hơn và đưa vào chương trình du lịch tâm linh tại ngôi đền này… Nhưng thực chất, việc biến nơi từng nghi ngút hương khói trở thành công viên đi dạo và các đôi nam nữ cũng có thể ngồi tình tứ trước bức tượng không nhang cũng là một kiểu hô biến bức tượng để thay vào đó một tiểu viên 12 con giáp như Lào Cai từng làm. Một khi bứng lư hương được để mở công viên, thì người ta cũng có thể nói rằng nơi công viên có một bức tượng sẽ làm giảm đi vẻ thơ mộng của công viên và mất đi vẻ tôn nghiêm của tượng đài, thôi thì qui về một mối ở sân đền, coi như xong.
Nhưng, có một vấn đề khác, đó là ai đã đứng sau những cái quyết định bứng lư hương ? Và một khi nơi thờ phụng, không khí thiêng liêng của thần tượng chống Tàu, đánh Tàu bị hô biến thành chỗ hoạt động công cộng, điều đó cũng đồng nghĩa với ý nghĩa lịch sử của thần tượng bị xóa mất. Bài học Lào Cai là một điển hình. Và mối nguy xin lộc, cầu lộc đền Trần đang hình thành tại thành phố Sài Gòn, thay vì Thánh Trần là biểu tượng của lòng yêu nước và giữ nước thì bây giờ Thánh Trần lại trở thành một ông thần cho lộc, chuyên đáp ứng tâm lý tham lam và ham hố, bất chấp và giành giật của con dân Việt. Thánh trần bị hô biến từ biểu tượng yêu nước sang biểu tượng lòng tham.
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 19/02/2019 (VietTuSaiGon's blog)
*******************
Đức Thánh Trần đột nhiên cần… trang nghiêm ?
Trân Văn, VOA, 19/02/2019
Hai thành ngữ "lợi bất cập hại" và "họa vô đơn chí" giờ cùng ứng vào việc dời đỉnh đặt ở chân tượng Trần Hưng Đạo, tọa lạc trước Bến Bạch Đằng, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, đi nơi khác, đúng vào ngày 17 tháng 2 năm 2019.
Tượng Trần Hưng Đạo tại Sài Gòn. (Hình : Dennis Jarvis)
Nếu trong ngày 17 tháng 2, chỉ có ông Nguyễn Thiện Nhân – Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh bị công chúng xúm vào nguyền rủa trên mạng xã hội thì hôm sau, 18 tháng 2, có thêm bà Trần Kim Yến, Bí thư quận 1 "đưa đầu chịu báng".
Cứ theo tường thuật của báo giới Việt Nam thì việc dời đỉnh đặt ở chân tượng Trần Hưng Đạo là chủ trương riêng của quận ủy và chính quyền quận 1, không dính dáng gì tới thành ủy, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và tất nhiên ông Nhân… vô can.
Cho dù bà Yến khẳng định, việc dời đỉnh đúng vào ngày 17 tháng 2 – thời điểm nhiều người cư trú ở Thành phố Hồ Chí Minh dự tính sẽ đến nơi đặt tượng Trần Hưng Đạo, thắp hương tri ân liệt sĩ và tưởng niệm đồng bào uổng tử trong cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược cách nay 40 năm - là "bình thường" (vì theo kế hoạch chỉnh trang các khu vực công cộng ở quận 1) và "hợp lý" (vì chỉ nên đặt đỉnh ở đình, đền, chùa, miếu), song hành động mà bà Yến khăng khăng là "bình thường và hợp lý" (1) này đã biến toàn bộ nỗ lực "rửa mặt" của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam (sắp đặt để hệ thống truyền thông chính thống đồng loạt lên tiếng về cuộc chiến ở biên giới Việt – Trung cách nay 40 năm, tổ chức một hội thảo cấp quốc gia về cuộc chiến…) thành… công cốc ! Sự nghi ngại và bất bình của công chúng đối với hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không những không giảm mà còn cao hơn.
Chưa kể lập luận của bà Yến còn tạo ra tiền đề và việc dời đỉnh ở chân tượng Trần Hưng Đạo tại Thành phố Hồ Chí Minh còn tạo ra tiền lệ để công chúng đòi dời hết đỉnh đặt trước tượng những lãnh tụ như : Hồ Chí Minh (2), Nguyễn Văn Cừ (3), Trường Chinh (4),… đi nơi khác.
***
Trong tâm thức của người Việt, đỉnh – nơi dâng hương có tính công cộng - là vật thiêng chẳng khác gì bát hương trên bàn thờ gia đình – chỗ trú ngụ của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những thân nhân đã khuất. Khấn vái, cắm vào đỉnh hay vào bát hương một thẻ nhang không chỉ đơn thuần là bày tỏ sự tôn kính, nỗi nhớ mong mà còn nhằm tạo lập, gìn giữ mối liên kết giữa hữu hình với vô hình.
Bởi xúc phạm, đập phá bát hương có thể dẫn đến những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, kể cả an ninh, trật tự của cả một khu vực, nên tháng 5 năm 2015, sau khi có hàng trăm bát hương ở Nghĩa trang Kha Lâm (Kiến An, Hải Phòng) và kế đó là Nghĩa trang Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) bị đập nát, nhiều luật sư, cựu thẩm phán cùng cho rằng, cần khởi tố, điều tra hành vi "xâm phạm mồ mả" để an dân (5).
Không phải tự nhiên mà đỉnh hay bát hương chưa bao giờ là đối tượng cần được "chỉnh trang". Đặc biệt là đỉnh trước tượng một nhân vật như Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (Trần Hưng Đạo) không đơn thuần là đỉnh. Với cha ông người Việt, Trần Hưng Đạo không chỉ là Anh hùng dân tộc, ông còn là một "Thượng đẳng Phúc thần" phù hộ cho sự nghiệp chống ngoại xâm, bảo vệ quốc gia, dân tộc, trừ tà, sát quỉ (6).
Thờ Đức Thánh Trần là tín ngưỡng dân gian. Một khảo luận của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2004, cho biết, riêng Việt Nam hiện có khoảng 1.000 cơ sở tín ngưỡng thờ "Đức Thánh Trần" (7). Đền thờ Đức Thánh Trần không chỉ có ở Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế, Khánh Hòa, Đồng Nai, Vũng Tàu, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh… mà còn ở cả bên ngoài Việt Nam.
***
Đỉnh mới bị dời khỏi chân tượng Trần Hưng Đạo đối diện Bến Bạch Đằng, Thành phố Hồ Chí Minh đã nằm ở đó từ giữa thập niên 1960. Ai cũng biết lý do chính dẫn tới dời đỉnh không phải do "chưa đúng vị trí, chưa trang nghiêm" mà vì còn đỉnh thì còn người đổ đến thắp hương, tri ân liệt sĩ, tưởng niệm đồng bào uổng tử ở biên giới Việt Trung hồi 1979, ở Hoàng Sa 1974, ở Trường Sa 1988.
Dưới mắt hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam, tri ân liệt sĩ nguy hại cho "di sản qúy báu là sự tương đồng ý thức hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc với đặc trưng là một đảng cộng sản lãnh đạo", nền tảng của "mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc", "chi phối cách ứng xử của cả hai", bởi giới lãnh đạo Việt Nam cần có "một người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác" (8).
Tương tự, những buổi thắp hương tưởng niệm đồng bào sẽ khiến "khuynh hướng ghét Trung Quốc, ngại nói điều tích cực về Trung Quốc" trở thành "phổ biến" và "nguy hiểm" vì "bảo vệ chủ quyền lãnh thổ vẫn phải bảo vệ… thành quả cách mạng, giữ quan hệ hữu nghị với Trung Quốc" (9). "Thành quả cách mạng" là tối thượng, không thể có ngoại lệ, kể cả đó là Đức Thánh Trần !
Bảo vệ "thành quả cách mạng" bất chấp luân thường, bất kể đạo lý, làm lấy được, nói lấy được sẽ còn được trong bao lâu ? Chưa biết ! Chỉ biết lợi rõ ràng là bất cập hại và họa chắc chắn không chỉ đổ vào đầu bà Trần Kim Yến, ông Nguyễn Thiện Nhân. Thêm lần này, không biết bà Yến và những người như bà đã thấm thế nào là mặt trái của "Ăn cơm chúa, múa tối ngày" hay chưa ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 19/02/2019
Chú thích :
(5) http://danviet.vn/tin-tuc/dap-pha-bat-huong-o-ha-noi-hai-phong-som-khoi-to-de-ran-de-580914.html
(6) https://vi.wikipedia.org/wiki/Tín_ngưỡng_Đức_Thánh_Trần
(8) http://tuoitre.vn/khong-ai-quen-loi-ich-quoc-gia-dan-toc-527794.htm
*************************
Bài học đau điếng của nhân dân trong sự kiện 17/02
Mạnh Kim, VOA, 19/02/2019
Kể cả những cú đấm tàn bạo nhất vào mặt người biểu tình cũng không đau bằng việc chiếc lư hương ở tượng đài Đức Thánh Trần (bến Bạch Đằng, quận 1, Sài Gòn) bị dời đi ngay trong dịp tưởng niệm sự kiện 17/02 (Trung Quốc xâm chiếm Bắc Việt Nam). Hành động cực kỳ vô văn hóa, thất kính với tiền nhân và vô lễ với nhân dân này lại xảy ra ngay trong bối cảnh mà cụm từ "sòng phẳng với lịch sử" được nhắc đi nhắc lại như một trong những động thái cần làm để giải oan lịch sử và gỡ được lời nguyền "hèn nhục" trong quan hệ ngoại giao quái đản giữa Việt Nam với Trung Quốc. Tuy nhiên, nhân dân đã bị mắc lỡm. Hèn vẫn hèn và nhục vẫn nhục !
Tượng Đức Thánh Trần tại Công trường Mê Linh Sài Gòn.
Lời nguyền "hèn nhục" vẫn ám nặng trong kịch bản "tưởng nhớ sự kiện 17/02". Nội dung lớn nhất của kịch bản là chỉ đạo báo chí làm mạnh sự kiện tưởng niệm với các "tuyến bài" chủ yếu vạch trần tội ác Trung Quốc và tính chính nghĩa Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc. Chẳng có cái gì gọi là báo chí được "cởi trói" ở đây cả. Đừng đánh giá cao "sự cởi mở" của Ban Tuyên giáo Trung ương. Báo chí không hề được cởi trói. Họ tiếp tục bị trói khi được yêu cầu thực hiện "nhiệm vụ chính trị tuyên truyền" với nội dung bài vở được chỉ định từ cách đây vài tháng. Lực lượng truyền thông đã được xua ra để diễn một vở kịch chính trị tuyên truyền nhằm phục vụ chính trị đối ngoại. Thậm chí cách thức thể hiện cũng được chỉ định. Cơ quan truyền thông trung ương VTV chỉ được phép dùng từ "đối phương", "lính bên kia biên giới"... chứ không được đề cập trực tiếp đến "Trung Quốc". "Ban tổ chức" cũng yêu cầu siết chặt "công tác an ninh", hay chính xác hơn, là tăng cường rình rập, theo dõi và ngăn chặn các cuộc thắp hương tưởng niệm của người dân. Những nhân vật nằm trong danh sách "đối tượng nguy hiểm" lâu nay lại được lệnh giám sát nhất cử nhất động…
Và không như đợt tưởng niệm sự kiện Mậu Thân (21/01/2018), khi "một cầu truyền hình cảm xúc kỷ niệm 50 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 được diễn ra tại ba điểm cầu… cùng sự tham gia biểu diễn của hơn 600 nghệ sĩ, diễn viên với 14 tiết mục nghệ thuật… với sự tham dự của các bà mẹ, cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử, lãnh đạo trung ương và thành phố nhiều thời kỳ"… nơi người ta nghe "những chứng nhân… kể chuyện một thời lửa đạn"… đợt tưởng niệm 40 năm cuộc chiến biên giới Trung-Việt không hề có một chương trình ca nhạc "hào hùng" nào. Đặc biệt, không có bất kỳ chương trình đi thắp hương nào của các cấp lãnh đạo, từ trung ương đến địa phương. Nhang khói chỉ được thắp trên mặt báo. Không có phát biểu nào của Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân… Một sự kiện đau thương trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn lại được ca hát "tự hào" nhưng với cuộc chiến trước ngoại xâm thì ánh đèn không được rọi đến.
Điều bất ngờ "tuyệt đối" nhất khiến người dân phẫn nộ tột độ là việc ra lệnh dời lư hương tại tượng Đức Thánh Trần. Nói về lý do dời lư hương, bí thư quận ủy Q.1 (Thành phố Hồ Chí Minh) Trần Kim Yến cho biết, việc chuyển dâng hương ở tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo về Đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo là chương trình nằm trong kế hoạch chỉnh trang Q.1 sau Tết. "Một số người cho rằng việc làm này nhạy cảm nhưng tôi nghĩ đó là việc làm bình thường và được nhiều bà con ủng hộ" - bà Yến nói. Ngay lập tức, phản ứng dư luận là rất dữ dội. Bà Yến trở thành tấm bia để người dân công kích và thậm chí phỉ nhổ. Tuy nhiên, vụ này có thể bà Yến không tự quyết. Còn có vai trò Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Công an thành phố, Tuyên giáo thành phố và Bí thư thành phố Nguyễn Thiện Nhân. Cũng không loại trừ khả năng quyết định này đến từ Trung ương. Với những gì diễn ra, có thể thấy toàn bộ câu chuyện tưởng niệm sự kiện 17/02 đã được xây dựng kịch bản từ trước và các ban ngành địa phương theo đó thực hiện. Ý đồ kịch bản và chi tiết kịch bản không thuộc quyền địa phương. Nó chắc chắn không phải là kết quả của một cá nhân. Một viên chức địa phương tép riêu như Trần Kim Yến càng không.
Nhân dân lại bị tát một gáo nước lạnh vào mặt. Nhân dân lại bị đấm một cú vào đầu. Đau điếng ! Nhân dân lại được "ăn" một cú lừa. Bài học "đừng nghe những gì cộng sản nói" không mới. Nhân dân vẫn bị lừa thường xuyên. Có điều đây là lần đầu tiên người ta lừa cả Đức Thánh Trần. Chính quyền cộng sản ăn cướp của dân thì còn lạ gì nhưng chính quyền lần này ăn cướp cả bàn thờ và ăn cướp cả lịch sử. Bài học này sẽ luôn là bài học lớn nhất và là bài học đau nhất mà nhân dân nhận được từ chính quyền.
Mạnh Kim
Nguồn : VOA, 19/02/2019
*************
UBND Thành phố Hồ Chí Minh nói di dời lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo là "bình thường và hợp lý" (RFA, 18/02/2019)
Ngày 18/02/2019, bà Trần Kim Yến, Bí thư Quận ủy, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh lên tiếng giải thích với báo giới về những hình ảnh xe cẩu của công nhân môi trường di dời lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo, bến Bạch Đằng ngay ngày kỷ niệm 40 năm Trung Quốc đem quân đánh các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam.
Xe rác trước tượng đài Trần Hưng Đạo ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 17/2/2019 - Courtesy of FB, RFA edit
Chia sẻ thêm với báo chí, bà Yến cho biết có một số ý kiến cho rằng việc di dời là "nhạy cảm". Tuy nhiên, theo Bí thư Ban chấp hành Đảng bộ Quận 1, đây là việc bình thường và hợp lý. Việc đặt lư hương giữa công viên để thờ phụng là không đúng với tâm linh của người dân.
"Khu vực tượng đài chỉ là nơi tham quan, trong khuôn viên này mà đặt lư hương thì không phù hợp. Việc thờ phụng nên được đặt ở đình, đền, chùa sẽ đúng hơn. Đó là việc bình thường và hợp lý", mạng báo Dân Trí dẫn lời bà Yến cho biết.
Bà này cũng nói là khi đến Tết Nguyên đán chính quyền quận 1 đều cho trang trí, trồng hoa ở khu vực công cộng để người dân thưởng lãm, và sau đó sẽ trồng hoa mới, sẵn dịp này quận cho di dời lư hương vào đền Đức Thánh Trần để tiện việc thờ cúng.
Trước đó, một số hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội Facebook vào sáng 17/2 cho thấy một nhóm người mặc đồ công nhân vệ sinh môi trường dùng xe rác chắn trước tượng đài Trần Hưng Đạo đồng thời dùng xe cẩu di dời lư hương đi nơi khác.
Một số người dân cho rằng việc làm này của chính quyền thành phố ngay đúng ngày 17/2 nhằm ngăn chặn các cuộc tưởng niệm 40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc với Trung Quốc.
Sự việc này vô tình trùng hợp với một công văn đóng dấu "MẬT" lan truyền trên mạng được cho là của đảng ủy khối cơ sở bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu "vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên, người lao động và người thân không tham gia tụ tập, biểu tình, gây rối an ninh trật tự tại khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo trong ngày Chủ nhật 17/2/2019".
Luật sư Lê Công Định cũng chia sẻ đường dẫn bài viết về câu trả lời của Bí thư Quận ủy Quận 1 trên báo chí nhà nước và đặt câu hỏi về tính hợp pháp của sự lên tiếng này.
"Bí thư Quận ủy có quyền đại diện chính quyền giải quyết và trả lời trước dân vấn đề này từ khi nào ? Đây là vấn đề của chính quyền hay của đảng ? Quy định nào trong Hiến pháp cho phép điều đó ?
Hay phải chăng vì chính quyền đương nhiên là của đảng, nên cách thức đảng lãnh đạo chính quyền thời nay trực tiếp đến mức không cần giữ gìn phép nước như trước nữa, cứ ngồi xổm lên Hiến pháp điều hành chính quyền luôn ?" - Luật sư Lê Công Định viết trên Facebook cá nhân.
Tượng đài Trần Hưng Đạo được cố nhà báo, điêu khắc gia Phạm Thông hoàn thành vào năm 1967 tại bến Bạch Đằng, Sài Gòn để làm biểu trưng cho Thánh tổ của binh chủng Hải quân Việt Nam Cộng Hòa.
Lư hương cùng với pho tượng đã có từ năm 1967 cho đến nay.
***********************
Về đâu, 17/02/2019
Tuấn Khanh, RFA, 17/02/2019)
Những ngày 17/02 luôn đầy biến động. 40 năm trước, cũng ngày này, người Việt ôm nhau chạy ngược xuôi trước đạo quân xâm lược của Trung Quốc. Trẻ nhỏ cũng bị giết, người già cũng bị chết. Đất nước đau thương trong họa cộng sản xâm lược.
Xe rác trước tượng đài Trần Hưng Đạo ở thành phố Hồ Chí Minh ngày 17/2/2019 - Courtesy blogger Tuấn Khanh
17/02 hôm nay, năm 2019 cũng không bình yên. Người Việt nắm tay nhau, cố sống sót trong tình hữu nghị cộng sản Việt-Trung, nhìn quê hương tan rã. Nhìn người yêu nước bị giam hãm và tổ tiên bị phỉ báng ngay trước mắt mình trong ngày tưởng niệm.
Khó ai tin được là nhà cầm quyền hôm nay lại có thể dùng một loại kế sách bệnh hoạn, đển mức dùng xe rác bao vây tượng đài Đức Thánh Trần ở bến Bạch Đằng, Sài Gòn. Rồi ai đó đã ra lệnh dùng xe cẩu, mang lư hương lớn trước tượng đài đi nơi khác, vì sợ sẽ có người dân nào đó đến cắm vài nén nhang, tưởng nhớ những người Việt đã chết vì đất nước, sợ có ai nuôi trong mình sự thật về kẻ xâm lược mà quê hương ngàn năm vẫn chưa bao giờ thấy bình yên.
Nhiều ngày trước, một lượng lớn các barie, hàng rào kẽm gai… được đặt thêm ở gần chung quanh tòa Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Sài gòn. Nhiều ngày trước đó, danh sách những người cần bị gác nhà, chặn cửa, ngăn chận đi lại… thậm chí có phương án bắt giữ đã được lập ra, nhằm đối phó với việc người dân muốn tưởng niệm 40 năm, ngày Trung Quốc mang 600.000 quân xâm lược Việt Nam. Đồng bộ với các hoạt động này, là báo chí nhà nước được cho phép mặc áo yêu nước, lớn giọng tố cáo Bắc Kinh xâm lược, khiến không ít người bỡ ngỡ : "Vậy là chính quyền đã quay về với nhân dân ?"
Các thùng rác trước tượng đài Trần Hưng Đạo ở thành phố Hồ Chí Minh ngày 17/2/2019 Courtesy blogger Tuấn Khanh
Giới thạo tin nói rằng phía ngoại giao Trung Quốc cũng xông xáo khắp nơi để vận động Hà Nội hạ nhiệt. Không biết diễn biến như thế nào nhưng dân chúng theo dõi báo chí thấy rõ những bước chuyển của truyền thông nhà nước, Đầu tuần thì dữ dội, gọi là Trung Quốc xâm lược, ngày kế thì chuyển sang mềm mỏng, gọi là quân bành trướng, tiếp nữa thì chỉ tập trung phân tích sự anh hùng của Việt Nam trong sự lãnh đạo của Đảng. Cái kết đắng là vào ngày 15-2, một phóng sự dài của VTV nói về chiến tranh biên giới đã hoàn toàn né cái tên Trung Quốc, mà chỉ dùng cách nói như là "chúng ta bị tấn công, chúng ta kiên cường, chúng ta phản công…". Bài thuốc hạ nhiệt mạnh và tốt nhất, là từ đêm 16/2, an ninh mật vụ của nhà cầm quyền đã bao vây chặt nhà từng người bị coi nguy hiểm vì yêu nước.
Nhà thơ Đỗ Trung Quân kể anh bị công an khu vực thăm hỏi liên tục, dù đã có người gác trước cổng. Nhà báo Sương Quỳnh thì rạng sáng ngày 16/2, tù lúc 2 giờ, chị đã có người gác nhà để ngăn chị đi thắp hương tưởng niệm. Công việc này chu đáo đến mức, công an thuyết phục được hàng xóm cho họ vào đó làm trạm gác.
Lần theo bản công văn "mật" số 695-CV/ĐUK thuộc Đảng Bộ ở Sài Gòn về việc cảnh báo sẽ có những người tổ chức thương tiếc cho hơn 100.000 dân thường thiệt mạng trong 27 ngày chiến cuộc, và con số bộ đội thương vong còn giấu kín đến ngày hôm nay, được biết các nhân vật ấy, dù chỉ còn đủ sức thắp một nén hương cũng bị bao vây.
Ông Huỳnh Kim Báu, thành viên của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng cho biết ông đi xe vào Sài Gòn từ sáng sớm ngày 17 tháng 2, nhưng rồi bị cảnh sát giao thông đột ngột nhảy ra chặn xe ở gần đoạn Võ Thị Sáu và Hai Bà Trưng. Hai bên công khai ý định của mình, riêng phần công an thì nhất quyết buộc ông quay lại. "Ai ra lệnh ngăn cản tưởng niệm, kẻ đó phản quốc", ông Báu chỉ nói được vậy, khi phải quay về.
Tương tự như ông Báu, ông Kha Lương Ngãi, cựu phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, cũng bị an ninh kè theo suốt con đường và đến nơi cần bày tỏ thái độ, ông được biết "cấp trên" của các an ninh đó dứt khoát yêu cầu ông không được tham gia tưởng niệm vì tình hình "nhạy cảm". Cũng còn nói được vài câu trước khi phải quay về, ông Ngãi hỏi 2 nhân viên an ninh rằng "đây là ngày toàn dân nhớ ơn, mấy cháu không nhớ ơn à ?". Hai nhân viên an ninh này ngần ngừ rồi cũng nói "cháu cũng nhớ ơn".
Những người như ông Báu, ông Ngãi, bà Sương Quỳnh… đều bị an ninh vây nhà đến tận tối ngày 17/02 với nén hương lạnh chưa thắp được và những bài báo của nhà nước còn vương vãi dưới chân kêu gọi phải nhớ rõ kẻ thù xâm lược. Ở tượng đài Đức Thánh Trần, người đã trở thành huyền thoại vì đánh đuổi giặc phương Bắc xâm lược Việt Nam, đêm đó, vẫn còn những chiếc xe rác và kẽm gai bao vây. Và trên trang facebook của nhà báo Trung Dũng, tôi vẫn còn đọc thấy câu thơ
"Bị nhiều vết tẩy xóa
Tấm bản đồ rất đau
Lịch sử ai bôi bẩn
Bằng những bệt mực Tàu".
Tôi chẳng có ai là người thân trong cuộc chiến 1979, thậm chí chỉ nghe kể lại như một cuốn phim trắng đen mơ hồ về đất nước mình. Nhưng tôi lớn lên với một thân thể lành lặn, và không phải là một công dân nô lệ Trung Quốc, chính vì vậy, tôi biết ơn những người Việt vô danh ấy đã cho tôi một cơ hội.
Nhưng tôi cũng không thể đến thắp cho ai đó một nén nhang, dù là biểu trưng. Tương tự như những người vừa kể, những đứa trẻ đầy thanh xuân cũng ngồi trước cửa nhà tôi và làm công việc những chiếc xe rác và kẽm gai. Chúng cũng như tôi, được những người đã ngã xuống trên đất nước chia đều một cơ hội.
Ngày đã qua, những nén nhang vẫn lạnh. Tôi tự hỏi những linh hồn mang nặng nỗi niềm với quê hương ấy về đâu, kể từ năm 1979. Họ sẽ về đâu khi quê hương không còn có thể là nơi chốn dung thân của mình, và bị cai trị bởi những kẻ phản bội ?
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 17/02/2019
**********************
Tượng đài, lư hương và thùng rác
Cánh Cò, RFA, 17/02/2019
Đó là ba vật thể bỗng dưng… biết khóc. Khóc vì đau, khóc vì ức và khóc vì… sung sướng.
Tượng đài là tác phẩm của điêu khắc gia Phạm Thông nay đã qua đời, miêu tả Đức Trần Hưng Đạo đang đứng chỉ tay xuống sông Sài Gòn với gương mặt khắc khổ nhưng đầy khí phách của một tướng lãnh tài năng, đức độ. Trần Hưng Đạo là niềm hãnh diện của dân tộc Việt Nam khi ông ba lần đại thắng quân Nguyên Mông, chứng tỏ cho quân Tàu thấy rằng muốn xâm chiếm Việt Nam là điều không hề dễ dàng. Ông uy nghi đứng đó, mặc định với dân Việt rằng lời thề chiến thắng sẽ không bao giờ phai nhạt. Thấy hình ảnh Hưng Đạo Đại vương người Việt tự động nạp vào ý tưởng của mình năng lực chống ngoại xâm bởi tấm gương trung liệt và chiến thắng kiêu hùng của ông vẫn được cả nước tôn thờ.
Tấm bảng báo thi công đặt dưới chân tượng đài.
Dưới chân tượng đài là chiếc lư hương bằng đồng rất lớn, được dùng cắm nhang của người dân để bày tỏ tôn kính vị danh tướng. Bất kể giờ giấc nào, ai muốn tỏ lòng thành đều có thể đến đây thắp nén nhang đơn sơ và chia sẻ với Đức Thánh Trần những gì mà họ tâm đắc.
Còn vật thể thứ ba chỉ xuất hiện vào sáng ngày 17 tháng 2 năm 2019 là hai chiếc thùng rác nằm án ngữ trước mặt tượng đài như đe dọa, cản trở người tới thắp nhang vào ngày này, ngày mà quân Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh xâm lược các tỉnh biên giới phía bắc vào năm 1979. Sáng hôm nay đúng 40 năm, người dân có tâm nguyện tạp trung trước tượng đài để bày tỏ niềm uất hận trước giặc phương Bắc.
Sáng hôm nay có lẽ tượng đài Đức thánh Trần sẽ đau lòng lắm khi chiếc lư hương dưới chân ngài bị một toán công nhân đem xe cẩu tới cẩu đi và đặt vào đó hai thùng rác bẩn thỉu, như châm chọc lòng tôn thờ ngài của người dân.
Người Việt không làm như thế, chỉ có bọn Hán gian mới đủ can đảm làm một việc táng tận lương tâm.
Bọn chúng là ai người dân đều biết, bởi hôm nay là thế kỷ 21 chứ không phải là thế kỷ 13 như thời Đức thánh Trần chiến thắng quân Nguyên. Nếu Hịch Tướng Sĩ của Hưng Đạo Đại vương cần nhiều ngày tháng để phổ biến trong đạo quân của ngài thì văn bản ngày nay chỉ cần một cái nhấp chuột là đi khắp thế giới.
Tiếc thay văn bản xuất hiện nhanh như điện trên mạng xã hội hai ngày trước lại là một văn bản được ký bởi Nguyễn Duy Vũ, Phó bí thư thường trực Thành phố Hồ Chí Minh ký ngày 15 tháng 2 có nội dung quan trọng như sau :
"Vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên học sinh, sinh viên, người lao động và người thân không tham gia tụ tập, biểu tình, gây rối an ninh trật tự tại khu vực Tượng đài Trần Hưng Đạo (quận 1) trong ngày Chủ nhật 17 tháng 2 năm 2019 ; đồng thời kịp phát thời phát hiện, thu gom, giao chính quyền, cơ quan chức năng các tờ tiền có viết, vẽ kêu gọi biểu tình, các băng rôn, khẩu hiệu có nội dung xấu về chính trị.
Giao Ban Tuyên giáo Đảng ủy khối theo dõi, tổng hợp báo cáo cho Ban Thường vụ Đảng ủy khối thực hiện công văn này".
Nguyễn Duy Vũ là phó của Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư thành phố, vì vậy mọi tội danh đối xử với danh tướng, tổ tiên ông này đều chịu trách nhiệm khi hạ lệnh cho bọn sai nha làm những việc như trên.
Trước đó một ngày toàn bộ những thành viên thuộc câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng đều bị canh giữ tại nhà không được ra ngoài vào ngày kỷ niệm. Những người đấu tranhh khác cũng gặp trường hợp tương tự và câu chuyện tập trung tại tượng đài Trần Hưng Đạo xem như bất thành vì sức mạnh của chính quyền thành phố được hâm nóng bằng chỉ thị từ Tổng lãnh sự quán Trung Quốc, số 175 Hai Bà Trưng, cách tượng đài Trần Hưng Đạo không bao xa có thể nghe rõ tiếng đả đảo Trung Quốc xâm lược từ người thắp hương tưởng niệm.
Canh giữ nhưng không tin tưởng lắm nên câu lư hương đi nơi khác và án ngữ bằng thùng rác là ý tưởng không thể tưởng tượng được. Nó chỉ có thể được tư duy bởi những cái đầu đã mọc đuôi sam, nhận chỉ thị chống người yêu nước bằng mọi giá kể cả cái giá cả gia tộc bị nguyền rủa miễn sao được vỗ về và nuôi nấng bằng vinh hoa phú quý.
Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chắc chắn phải buồn lắm vì sự phản phúc của bọn Hán gian, chiếc lư hương nếu biết khóc thì tiếng uất ức của nó chắc người tiền kiếp cũng động lòng, chỉ sung sướng và hãnh diện nhất là hai chiếc thùng rác, bỗng dưng đổi đời được ngồi ngang với danh tướng và vênh mặt với những ai còn tơ tưởng đến việc thắp nhang kỷ niệm ngày 17 tháng 2.
Hai chiếc thùng rác còn hãnh diện ở một điểm khác khi người ta nguyển rủa Nguyễn Thiện Nhân và Nguyễn Duy Vũ thì chúng được ăn theo, trở nên nổi tiếng như hai nhân vật đã nổi tiếng trước chúng cho dù là tiếng xấu đi chăng nữa
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 17/02/2019 (canhco's blog)
*******************
Ai rước Hoa Vi dày mã tổ ? Ai dời lư hương phụ tiền nhân ?
Kalynh Ngo, Người Việt, 17/02/2019
Trước và ngay trong ngày tưởng niệm 40 năm cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, hai sự việc đã diễn ra làm cho người dân Việt Nam cả nước sôi sục niềm căm phẫn.
Logo Huawei bên ngoài trung tâm nghiên cứu của công tu ở Ottawa, Canada. (Hình : REUTERS/Chris Wattie.)
Đón rước Hoa Vi (Huawei)
40 năm sau, khi chỉ còn ba ngày nữa là ngày người dân Việt Nam gọi là "Quốc tang" (1979 – 2019) – có thông tin nói rằng Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam đang có những hành động chuẩn bị "rước" Hoa Vi (Huawei) của Trung Quốc về trong cuộc đua cung cấp mạng hạ tầng 5G ở Việt Nam.
Tin này cũng được trang kinh tế Nikkei của Nhật Bản đưa tin hôm 13 tháng Hai vừa qua. Theo đó, Tổng giám đốc tập đoàn công nghệ viễn thông Hoa Vi, phụ trách khu vực Việt Nam, ông Phạm Quân (Fine Fan) nói ông tin rằng Hoa Vi sẽ thắng thầu việc cung cấp loại công nghệ 5G cho hệ thống truyền thông tại Việt Nam.
"Chúng tôi tự tin mở rộng thị trường tại Việt Nam. Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng đã cho Huawei làm ‘bài tập’ vào tháng trước. Huawei cũng đã đàm phán với các đối tác tiềm năng tại Việt Nam về việc thử nghiệm 5G vào cuối năm nay. Chúng tôi không thể bị đánh bại về chất lượng hoặc giá bán. Huawei sẽ cung cấp công nghệ và giải pháp tốt hơn, cùng với trợ giúp tài chính cho các nhà khai thác địa phương để triển khai 5G tại Việt Nam", ông Phạm Quân trả lời tờ Nikkei Asian Reviews.
Triển lãm mạng viễn thông Huawei 5G Bangkok, Thái Lan. (Hình : REUTERS/Athit Perawongmetha.)
Vấn đề đáng nói ở đây là chính phủ của các quốc gia phát triển khác như Hoa Kỳ, Úc, Canada, New Zealand, Ấn Độ, Đức… đều đang có những quyết định cấm cửa sự hiện diện của Hoa Vi trong đất nước của họ.
Lý do là các quốc gia này tình nghi rằng, dù Hoa Vi là công ty tư nhân nhưng thực chất có liên hệ mật thiết với nhà nước của Đảng cộng sản Trung Quốc. Do đó, khả năng Đảng cộng sản Trung Quốc lợi dụng việc Hoa Vi cung cấp trang thiết bị cho các nước để cài đặt các thiết bị do thám là rất cao.
Sự lo ngại này không phải không có cơ sở.
Tập đoàn công nghệ viễn thông Hoa Vi được sáng lập bởi ông Nhậm Chính Phi sau khi ông rời quân ngũ. Ông Nhậm Chính Phi là người gốc Chiết Giang, từng là Đại biểu của Quân Giải phóng dự Đại hội Đảng Toàn quốc, được xem là người có ảnh hưởng đặc biệt và có tiếng nói "nặng ký" trong chính trường Trung Quốc.
Tháng Tám, 2018 chính phủ Úc chính thức cấm Hoa Vi cung cấp các thiết bị viễn thông cho nước này với lý do là Hoa Vi có liên hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc, không bảo đảm về an ninh quốc gia.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cấm các công ty Hoa Kỳ sử dụng thiết bị viễn thông do hai hãng Huawei và ZTE của Trung Quốc sản xuất vì lo ngại thiết bị của Huawei sẽ là công cụ cho hoạt động gián điệp của Trung Quốc.
Thế nhưng, Việt Nam thì khác. Đảng cộng sản Việt Nam vẫn "đặt niềm tin" và sẵn sàng "bắt tay" với Đảng cộng sản Trung Quốc để phát triển hạ tầng viễn thông 5G.
Mặc dù chưa có kết quả chính thức từ cuộc đấu thầu, nhưng người dân Việt Nam nhìn thấy được cái bóng ma Huawei và mối đe dọa an ninh quốc gia ngay trước mắt.
Giáo sư Dũng Hoàng bình luận trên trang cá nhân của ông :
"Huawei đang bị tẩy chay vì lo ngại các rủi ro gián điệp và tấn công mạng. Nhưng Huawei vẫn "tự tin sẽ thắng thầu cung cấp thiết bị 5G ở Việt Nam". Đằng sau thái độ tự tin này là gì ? Và liệu cuộc đấu thầu sắp tới có chịu tác động của "16 chữ vàng" hay không ?"
Facebooker Trịnh Sơn nói thẳng :
"Khi cả thế giới tẩy chay Huawei 5G thì anh Việt nhà ta lại rần rần rộ rộ rước voi về dày mã tổ".
Tổng Giám Đốc Tập Đoàn Công Nghệ Viễn Thông Hoa Vi ông Phạm Quân trả lởi phỏng vấn với Zing vào tháng Giêng, 2019 khẳng định hồ sơ bảo mật của Hoa Vi là "sạch sẽ, tại Việt Nam và trên toàn thế giới" và tất cả các sản phẩm mà Huawei cung cấp là "hoàn toàn đáng tin cậy".
Sự lệ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc không còn dừng lại ở kinh tế, thương mại mà rất nhiều các chuyên gia nhận định rằng lĩnh vực an ninh mạng đang là một mối nguy rất lớn. Hơn thế nữa, các nhà quan sát còn nói rằng Luật An ninh mạng vừa có hiệu lực ở Việt Nam vốn là bản copy từ Luật An ninh mạng của Trung Quốc.
"Cẩu" lư hương trước tượng Trần Hưng Đạo
Cứ ngỡ đâu khi 40 năm sau, một lần hiếm hoi truyền thông được "bật đèn xanh" để nói thẳng, nói mạnh, nói nhiều về sự thật của cuộc chiến thì lịch sử đã được trả về đúng hình hài của nó.
Nhưng, không phải thế.
Mà là tệ hơn thế.
Sáng ngày 17 tháng Hai, một chiếc xe cẩu rất điềm nhiêm "cẩu" đi cái lư hương bên dưới chân tượng đài Trần Hưng Đạo ở Sài Gòn. Chưa hết, xung quanh tượng là những bao cát, xe rác, thùng rác được "huy động" làm "lực lượng cản trở".
Bao cát và xe rác được huy động quanh tượng Trần Hưng Đạo, Sài Gòn. (Hình : Facebook Huy Tran.)
Đây là một hành động mà đối với dư luận là "không thể ngờ được" ; "không thể hình dung được".
Lý giải điều này, nhà hoạt động Trần Bang cho biết :
"Cả ngàn tờ báo Việt Nam thì cũng một người chỉ huy. Họ nghĩ rằng nếu không cho báo chí nói thì mạng xã hội cũng nói. Như thế thì có hại cho họ hơn. Để cho báo chí nói thì họ mới dẫn dắt và gài được, như đã gài ông Phạm Hồng Tung nói là lịch sự nếu viết lại thì phải bàn với ‘bạn’ Trung Quốc. Bạn nói thế nào thì ta phải nói như thế.
Cách của họ là họ dẫn dụ, đưa ra những cái chi tiết mà cái nào dân cũng biết. Nó đưa ra rất nhiều thông tin thật vì những cái đó nếu báo Đảng không đưa thì người dân cũng đưa.
Đến cái chìa khoá, cái quyết định, cái bản lề thì họ dẫn theo ý của họ. Nó đều có mưu đồ cả, không có gì là thực tâm trong vấn đề báo chí vừa rồi".
Hình ảnh chiếc lư hương đang bị cẩu đi. (Hình : Facebook Dương Lâm.)
Nói về hành động "cẩu" lư hương và chặn tượng đài bằng những xe rác, ông Trần Bang nói rằng : "Chỉ có những tư tưởng u tối, vô ơn bạc nghĩa mới dẫn đến hành động ngu tối như thế".
"Có một nghìn cách ngăn chặn lịch sự hơn mà sẽ không bị chửi như thế", ông Trần Bang nói.
Nhà báo tự do Quang Hữu Minh nhận định hành động này là "chiêu bài vừa giữ nước vừa giữ Đảng".
"Thì hồi đó ông Hồ Chí Minh quan hệ với Trung Quốc để có viện trợ và phát triển Đảng, nhưng vẫn ngả về Mỹ và Liên Xô khi cần. Bây giờ cũng thế thôi. Truyền Thông chống Trung Quốc để nhân dân và Mỹ yên tâm. Nhưng chính các quan lại không nói về Trung Quốc để còn hợp tác hai Đảng", ông Quang Hữu Minh nói.
Từ nhiều năm nay, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam luôn ngăn cản, bắt bớ người dân tưởng niệm vào các ngày như Hải chiến Hoàng Sa 19 tháng Giêng, Chiến tranh biên giới 17 tháng Hai, 1979 ; trận Gạc Ma 14 tháng Ba, 1988. Có rất nhiều người bị canh giữ từ vài ngày trước. Ai thoát được để đến nơi tổ chức tưởng niệm thì luôn bị ngăn cản, cướp vòng hoa, bắt về đồn công an… Năm nay, thêm một bước, chiếc lư hương của Đức Trần Hưng Đạo bị "cẩu" ngay trong buổi sáng 17 tháng Hai.
Hình ảnh cho thấy chiếc lư hương không còn dưới chân tượng đài Trần Hưng Đạo. (Hình : Facebook Huỳnh Ngọc Chênh.)
Năm 1939, Đức Quốc xã tấn công Ba Lan mở đầu chiến tranh thế giới lần thứ hai. Có khoảng 60 triệu người chết trên thế giới.
Năm 1970, Thủ tướng Cộng Hòa Liên Bang Đức Willy Brandt quì gối trước tượng đài tưởng niệm nạn nhân Ba lan đã chết vì quân Đức trong lần thăm Ba lan và ký hiệp định bình thường hóa quan hệ hai nước.
40 năm trước, hơn 40 phụ nữ và trẻ em, có những bé mới 8 tháng tuổi ở Tổng Chúp (Cao Bằng) bị sát hại bằng búa và lưỡi lê, thi thể vùi dưới giếng. Họ là những người không kịp chạy đi khi quân Trung Quốc tràn sang tấn công.
40 năm sau, đế chế viễn thông của quốc gia đó được mời vào góp phần "đe dọa an ninh quốc gia", như lời các chuyên gia nhận định. Còn chiếc lư hương của bậc tiền nhân ba lần đánh thắng quân Nguyên bị "cẩu" đi đúng ngày "Quốc tang" của dân tộc.
Một nhà hoạt động xã hội nói rằng : "Trung thực với lịch sử không phải là nguyên nhân gây thêm hận thù và cản trở sự phát triển sau chiến tranh. Không dám gọi tên một đảng cầm quyền đất nước đã đưa quân đánh chiếmtàn sát đồng bào và tổ quốc mình là hèn nhát".
Kalynh Ngo
Nguồn : Người Việt, 17/02/2019
*********************
Sài Gòn 17 tháng 2 : Kẻ nào chỉ đạo dời lư hương sẽ bị nguyền rủa muôn đời !
Trúc Giang, VNTB, 17/02/2019
Sáng Chủ nhật 17/02/2019, một nhóm người trong sắc áo là công ty dịch vụ môi trường quận 1, đã cho xe cẩu lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng, Sài Gòn. Nhiều người cho rằng chuyện ‘di dời’ chiếc lư hương sang bên kia đường là nhằm mục đích phá buổi tưởng niệm những liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược 17/02/1979.
Một nhóm người trong sắc áo là công ty dịch vụ môi trường quận 1, đã cho xe cẩu lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng, Sài Gòn.
Chiều ngày thứ bảy 16/2, người viết có mặt ở khu tượng Đức Thánh Trần tại bến Bạch Đằng, không hề thấy cảnh giăng dây sửa chữa gì cả tại đây. Như vậy phía công ty dịch vụ môi trường không thể viện cớ ‘chọn ngày nghỉ để đường vắng’ cho việc sửa chữa, tu bổ khoản công viên nhỏ xíu quanh tượng đài.
Trong tâm thức người miền Nam thường rất kỵ chuyện dời bàn thờ ông bà, nhất là vẫn còn trong tháng Giêng. Người miền Nam quan niệm động mồ động mả tổ tiên sẽ khiến con cháu làm ăn thất bại, không ngóc đầu lên nổi, do vậy cũng không thấy tục cải táng ở đất Nam bộ. Chiếc lư hương là vật tượng trưng cho phần linh thiêng trên bàn thờ.
Tết Mậu Tuất 2018 ở khu Lăng Ông Bà Chiểu, mấy chiếc lư bằng xi măng phía trước chánh điện đã được thay bằng ba chiếc lư bằng đồng rất lớn. Những người quản lý nơi đây cho biết đây là lư đồng cúng tế của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, kèm yêu cầu không gắn danh tính người phụng cúng. Lễ khai ấn Lăng Ông Bà Chiểu năm đó, theo lịch ban đầu sẽ có mặt của ông Nguyễn Thiện Nhân. Tuy nhiên ngày hôm ấy chỉ có Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong.
Ông chủ tịch đã thấp nhang, khấn vái với vẻ ngoài đầy thành kính và… khiêm cung. Cánh an ninh ‘bỏ nhỏ’ với nhóm phóng viên truyền hình, với lời rất nhẹ nhàng, rằng ‘anh Tư nói xin đừng ghi hình ảnh’. Sau nghi thức cúng tế và làm lễ khai ấn, ông chủ tịch cùng đoàn tùy tùng rời Lăng trong lặng lẽ.
Trước đó vài năm, ở chùa Vĩnh Nghiêm cũng có chiếc lư đồng lớn do ông Trần Đại Quang phụng cúng. Bảng khắc tên danh tánh này sau đó được tháo gỡ.
Nhắc những chuyện cũ để thấy rằng có lẽ tâm thức của những quan chức từ cấp trung ương tới thành phố, họ đều tin vào một đấng bề trên phù trợ. Chiếc lư đồng phụng cúng là một sự thể hiện mà họ muốnn được bề trên đó ghi nhận tấm lòng thành ‘đầy vật chất’ đó. Gọi là ‘đầy vật chất’, vì giá gia công đúc đồng thô hiện là 500 ngàn đồng/ ký lô. Một chiếc lư nặng phải đến đơn vị gần cả tấn, và còn đòi hỏi tay nghề nghệ nhân chạm khắc.
Sinh tiền, chắc chắn ông Trần Đại Quang rất hiểu ý nghĩa của chiếc lư phụng cúng chùa Vĩnh Nghiêm. Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng không khác gì, nhưng có phần ‘giấu mình’ hơn. Ông Nguyễn Thành Phong cẩn kính trước bàn thờ vị danh tướng nổi tiếng cứng rắn với mọi tham nhũng, với ‘quân pháp bất vị thân’ của đất Gia Định, chắc hẳn ông Phong cũng ước muốn được cái dũng khí lẫm liệt ấy.
Vậy thì vì sao cả hai vị lãnh đạo cao nhất, nhì của Thành phố Hồ Chí Minh lại bỗng nhiên nhụt chí và công khai với bàn dân thiên hạ là họ đang sợ Trung Quốc ? Phải chăng thời cơ chưa thuận tiện, vì trong bộ máy công quyền ở Sài Gòn đã bị cài cắm quá nhiều tay chân của Chu Vĩnh Khang từ thời đế chế Lê Thanh Hải ?
Bài viết này muốn chia sẻ góc nhìn tâm linh từ chuyện chiếc lư nơi bàn thờ tổ tiên. Chắc chắn những ai đã đạp đổ bàn thờ ông bà, sẽ muôn đời bị nguyền rủa.
********************
Kỷ niệm 17/02 : "Nhà cầm quyền nghiêng về chiêu trò hơn là thực tâm với đất nước"
Trần Bang, RFA, 15/02/2019
Năm 2019 có một sự kiện rất đặc biệt, là Hà Nội đã cho phép báo chí, dư luận được lên tiếng tố cáo cuộc chiến tranh Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc năm 1979. Những chồng tư liệu, tin tức về cuộc chiến này tưởng chừng bị xếp xó trong mối hữu nghị quái gỡ giữa Hà Nội và Bắc Kinh, nay lại được tung ra để cho dân chúng nhẹ lòng vào thời điểm kỷ niệm 40 của cuộc chiến.
Nhân 40 năm sự kiện đau thương và bi hùng này, nhà tranh đấu và cựu chiến binh Trần Bang đã bày tỏ vài suy nghĩ của ông.
Nhưng điều đó, không có nghĩa là mọi thứ dễ dãi. Trước một tuần ngày 17/02/2019, tất cả các phương án chặn người, gác nhà… của giới an ninh toàn quốc đã được bàn thảo và lên lịch. Có nghĩa là sẽ không có ai được tự do xuống đường tuần hành kỷ niệm ngày này, hoặc sẽ có danh sách dài những người bị giữ chặt để không tham gia được được một cuộc họp mặt, biểu tình nào đó được tổ chức trong vòng kiểm soát.
Nhân 40 năm sự kiện đau thương và bi hùng này, nhà tranh đấu và cựu chiến binh Trần Bang đã bày tỏ vài suy nghĩ của ông.
******************
Tuấn Khanh : Năm nay, có không ít người bất ngờ trước việc ban Tuyên giáo Trung Ương bật đèn xanh, cho phép nói và chỉ trích Trung Quốc về cuộc chiến tranh biên giới 17/02/1979, anh nghĩ sao về điều này ?
Trần Bang :Nhà cầm quyền làm gì thì cũng thường có lý do ẩn sau bề mặt. Lần này, tôi nghĩ có vài nguyên nhân. Kỷ niệm 40 năm cuộc chiến Việt Trung là một dịp quan trọng khó có thể làm ngơ, mà vốn trước đây giới Xã hội dân sự đã lên tiếng rất nhiều, đòi hỏi lịch sử phải công bằng trong ghi nhận trong cuộc chiến phía Bắc lẫn biên giới Tây Nam. Chống Polpot ở Tây Nam, nhìn rõ sự kiện, cũng là chống Trung Quốc thôi. Sau khi yểm trợ cho Khmer Đỏ thất bại thì Trung Quốc mới mở thêm mặt trận chiến tranh phía Bắc Việt Nam. Nhân 40 năm kỷ niệm thì lại càng không thể bịt miệng nhân dân được nữa.
Nhìn về hướng tích cực thì có không ít người tham gia cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược vẫn còn nằm trong bộ máy chính quyền, thậm chí là có chức quyền. Họ cũng không thể nào chịu được việc mình bị bỏ quên, mà chỉ nghe suốt ngày tuyên truyền về các cuộc chiến chống Mỹ, chống Pháp. Họ cũng muốn được nói đến sự kiện xâm lược này.
Một điều nữa, tôi nghĩ rất gần với thời sự, là trong cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ và chủ tịch Kim Jong-un tại Việt Nam, việc phát lên một thông điệp không gần gũi với Trung Quốc là một cách Hà Nội giới thiệu mình với Mỹ, trong bối cảnh biển Đông ngày càng căng thẳng. Cơ hội này cũng là một cách để giới bình luận có thể suy đoán về một bước đi ngoại giao mới của Việt Nam, trong việc giữ gìn ổn định trên biển Đông.
Tuấn Khanh : Nhưng đây có là một cách lợi dụng sức mạnh dư luận quần chúng của Hà Nội, vốn là có tiếng giỏi cách thao túng dư luận xã hội và lợi dụng truyền thông cho những mục đích khác của mình ?
Trần Bang :Tôi cũng nghĩ vậy. Bởi vì, đảng Cộng sản Việt Nam có tiếng là ma lanh. Họ tận dụng mọi sức mạnh để bảo vệ sức mạnh độc tài của họ. Đây cũng là cách mà họ lợi dụng quần chúng, lợi dụng báo chí. Ai cũng biết báo chí trong nước hiện nay chỉ là cái loa của nhà cầm quyền. Việc chủ trương cho phép báo chí nói mạnh và nói nhiều về sự kiện chiến tranh biên giới 1979 cũng chỉ là một cách xoa dịu sự tức giận của quần chúng vốn đã kìm nén lâu nay về việc nhà cầm quyền luôn đàn áp các tiếng nói đòi phải minh bạch lịch sử, minh bạch kẻ thù đã xâm lược với các thế hệ người Việt. Vừa lấy lòng được quần chúng, vừa nói được ý mình muốn trong bối cảnh căng thẳng trong quan hệ Việt Trung, thì họ sẽ làm ngay. Mà lâu nay, mọi thứ vẫn vậy chứ không có gì mới mẻ.
Tuấn Khanh : Có người nói rằng, cho phép nói thật về lịch sử, về giặc Trung Quốc xâm lược không quan trọng bằng phải có chương trình trả tự do cho những người yêu nước, xuống đường chống trung Quốc và bị bỏ tù, thậm chí là phải có cách nói tử tế và chính danh về cuộc chiến 1979 trong sách giáo khoa lịch sử ?
Trần Bang :Tôi vẫn thấy câu chuyện này còn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Lúc này, tôi nghĩ nhà cầm quyền đang nghiêng về chiêu trò nhiều hơn là chuyện thực tâm với đất nước, con người.
Tôi tin là trong bộ máy cầm quyền, vẫn có những người nghĩ đến chuyện phải trả tự do cho những ai chống Trung Quốc xâm lược mà lại bị cầm tù quá oan tức như hiện nay. Nhưng đây là một câu chuyện dài và phức tạp vì lâu nay các vụ án xử người yêu nước, nhà cầm quyền Cộng sản không bao giờ có đủ dũng khí để gọi tên án chống Trung Quốc, mà chỉ xử về tội tụ tập rối, kiểu gắp lửa bỏ tay người, mánh khóe chụp mũ, đổi tội danh. Trong số 20 người đi tù ở Đồng Nai vừa rồi, vì đã xuống đường biểu tình chống luật đặc khu giao đất 99 năm cho Trung Quốc, có bao giờ quan tòa hay Viện kiểm sát dám gọi tên là tội biểu tình chống Trung Quốc đâu ?
Còn trong sách giáo khoa, họ cũng đã nhỏ giọt thông tin, nhưng chắc là sẽ còn lâu lắm mới có đủ những lượng thông tin tương ứng và xác đáng về cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược năm 1979.
Tuấn Khanh : Là một sinh viên được động viên, trở thành quân nhân trong cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược. Anh và những người đã đổ máu cho đất nước nghĩ gì về thái độ và hành động của nhà cầm quyền cộng sản hôm nay ?
Trần Bang :Tôi hay ai đã trãi qua một phần của cuộc chiến 1979 đều thất đó là một điều bất công. Dù có cho báo chí nói nhiều, nói mạnh một lần như lúc này cũng là bất công với hiện thực. Nhà cầm quyền chỉ vì quyền lãnh đạo mà đi theo một loại chủ thuyết, ôm chân giặc Tàu.
Tôi đã viết rằng số người hy sinh ở chiến trường Campuchia – họ vẫn nói úp mở là chiến trường K – và những số người hy sinh ở chiến trường phía Bắc, kể cả dân binh và những người trực chiến, cộng lại còn lớn hơn cả hơn số người chết vì chống Pháp hay chống Mỹ. Đó là tôi không tính chuyện nội chiến Bắc Nam. Thì với con số người chết như vậy mà chỉ hô hào chống Mỹ, chống Pháp rồi để cho có ít dòng – lại mới chỉ đưa vào vài năm gần đây - trong sách giáo khoa lịch sử là điều không thể chấp nhận được. Tôi luôn luôn phản đối và đòi sự công bằng về lịch sử, về những mất mát của dân tộc Việt Nam.
Tuấn Khanh thực hiện
Nguồn : RFA, 15/02/2019 (tuankhanh's blog)
Hoa Kỳ ‘hoan nghênh’, Thái Lan sẽ phải làm rõ vụ ‘bắt cóc Trương Duy Nhất’ ?
Thường Sơn, VNTB, 10/02/2019
Có vẻ chính quyền Việt Nam đang lâm vào một cuộc khủng hoảng mới về ngoại giao và quan hệ quốc tế, trong lúc vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vẫn chưa hề được giải quyết, quan hệ Đức - Việt và Slovakia - Việt vẫn gần như bị đóng băng.
Trương Duy Nhất được nhìn thấy lần cuối cùng tại trụ sở Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc ở Bangkok.
Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên lên tiếng về vụ ‘Trương Duy Nhất mất tích ở Bangkok’, sau 5 tổ chức quốc tế về báo chí và nhân quyền lớn trên thế giới đã lên tiếng lo ngại về tình trạng mất tích của ông Trương Duy Nhất, bao gồm tổ chức Ân xá Quốc tế, Theo dõi nhân quyền, Phóng viên không biên giới, Ủy ban bảo vệ ký giả và Liên minh Báo chí Đông Nam Á.
Cho dù có thể không mấy quan tâm đến sức nặng đòi hỏi của các tổ chức nhân quyền quốc tế, nhưng Chính phủ Thái Lan không thể bỏ qua lời yêu cầu của Chính phủ Hoa Kỳ.
"Chúng tôi biết các báo cáo về việc blogger Trương Duy Nhất của Đài Á Châu Tự Do bị mất tích ở Thái Lan. Chúng tôi đang theo dõi sát sao tình hình và hoan nghênh chính phủ Thái Lan điều tra về vụ mất tích của ông Nhất" - đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết khi nêu quan điểm về thông tin chính phủ Thái Lan mở cuộc điều tra mặc dù không có dữ liệu về việc ông Nhất đã nhập cảnh hợp pháp vào nước này.
Vụ ‘Trương Duy Nhất mất tích ở Bangkok’ đang nhanh chóng chuyển thành "Trương Duy Nhất bị bắt cóc ở Bangkok’ chỉ sau một tuần kễ từ ngày 26 tháng 1 năm 2019 là thời điểm mà ông Nhất ‘biến mất’. Ngay sau đó đã bùng nổ nhiều đồn đoán về khả năng blogger này đã bị một cơ quan an ninh (công an hoặc quân đội) của Việt Nam tổ chức bắt cóc ngay trên đất Thái. Đồng thời, có tin cho biết Nhà nước Đức rất quan tâm đến vụ Trương Duy Nhất vì vụ này có nhiều chi tiết giống với vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Trước đó, một số dư luận lo ngại rằng chính quyền Thái Lan sẽ khó mà lên án chính quyền Việt Nam tổ chức bắt cóc người một cách bất hợp pháp trên đất Thái do một ‘thỏa thuận ngầm’ nào đó (nếu có) giữa hai bên, cộng thêm mối quan hệ Việt - Thái được xem là ‘ngày càng tốt đẹp’. Củng cố cho khả năng này là động thái mới nhất của lãnh đạo Cục Di trú Thái Lan thông tin rằng họ đã không có hồ sơ về việc Trương Duy Nhất nhập cảnh vào Thái Lan - một vấn đề có thể được hiểu là ông Nhất đã vào đất Thái theo cách không hợp pháp và do vậy các cơ quan Thái có thể sẽ cho rằng họ không liên can đến vụ việc này.
Trong khi đó, chính quyền Việt Nam vẫn giữ im lặng - một thái độ im lặng như thể cố tình và chây ì mà họ đã thể hiện sau khi bị Nhà nước Đức cáo buộc mật vụ Việt Nam đã sang tận Berlin để bắt cóc Trịnh xuân Thanh.
"Chính quyền Việt Nam đã im lặng trước vụ mất tích Trương Duy Nhất. Họ phải cho biết bất cứ thông tin nào về nơi ở của ông ấy và đảm bảo sự an toàn và tự do đi lại của ông Nhất" - ngày 6/2/2019, ông Minar Pimple, Giám đốc cao cấp toàn cầu của Ân xá Quốc tế nói. Ân xá Quốc tế đã thúc giục Thái Lan mở cuộc điều tra, đồng thời chỉ trích chính phủ Việt Nam vẫn giữ im lặng trước các báo cáo về việc biến mất của ông Nhất.
Từ sau vụ Trịnh Xuân Thanh, chính thể Việt Nam đã nổi tiếng tới mức khiến phần lớn, nếu không nói là tất cả, các nước trong khối Liên minh châu Âu giương cao ngọn cờ cảnh giác với giới quan chức và công an Việt Nam, đồng thời khiến ‘uy tín Việt Nam không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế’ (một cách tuyên rao không biết chán của Bộ Ngoại giao Việt Nam) lao dốc hơn bao giờ hết.
Một năm rưỡi sau vụ Nhà nước Đức tố cáo Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam tổ chức bắt cóc ngay tại Berlin, vụ ‘Trương Duy Nhất mất tích ở Bangkok’ - nổ ra vào những ngày giáp tết nguyên đán năm 2019 - đang hứa hẹn sẽ trở thành một vụ Trịnh Xuân Thanh thứ hai.
Thông tin lan rộng và đầy tính nghi ngờ trên một số tờ báo quốc tế về vụ Trương Duy Nhất sẽ khiến chính quyền Việt Nam không thể nhắm mắt che tai. Do đó, nhiều khả năng là sau tết nguyên đán 2019, chính quyền Việt Nam sẽ phải có thông báo về vụ này, trong đó hoặc phủ nhận việc chính quyền này ra lệnh bắt cóc Trương Duy Nhất, hoặc chính thức xác nhận Trương Duy Nhất đã bị bắt nhưng là ‘tự nguyện về nước đầu thú’ do hành vi phạm pháp - tương tự cái cách mà Bộ Công an và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đồng thanh tương ứng ‘Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú’ vào đầu tháng 8 năm 2017.
Động thái ‘hoan nghênh’ của Hoa Kỳ đang đặt Chính phủ Thái vào một tình thế tế nhị và khó khăn : hoặc họ sẽ không điều tra gì cả hay chỉ làm cho có và sẽ phải hứng chịu búa rìu từ dư luận và những chính phủ dân chủ về một chế độ quân phiệt và thiếu tôn trọng tự do báo chí ở Thái Lan ; hoặc họ sẽ phải điều tra làm rõ Trương Duy Nhất mất tích như thế nào, vì sao mất tích, và liệu có đúng như nhiều dư luận là đã có một cuộc bắt cóc đối với Nhất hay không - đồng nghĩa với việc phải làm sáng tỏ thủ phạm của vụ bắt cóc này là ai hoặc cơ quan nào…
Có vẻ chính quyền Việt Nam đang lâm vào một cuộc khủng hoảng mới về ngoại giao và quan hệ quốc tế, trong lúc vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vẫn chưa hề được giải quyết, quan hệ Đức - Việt và Slovakia - Việt vẫn gần như bị đóng băng.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 10/02/2019
***********************
Thái Lan điều tra vụ Blogger Trương Duy Nhất mất tích
Bangkok Post, VNTB, 10/02/2019
Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã hứa vào hôm thứ Năm sẽ điều tra vụ mất tích của nhà báo bất đồng chính kiến Việt Nam nghi đã bị bắt cóc tại trung tâm mua sắm phía bắc Bangkok Future Park hai tuần trước.
Future Park, trung tâm mua sắm phía bắc Bangkok, nơi bị nghi là Trương Duy Nhất đã bị bắt cóc
Trương Duy Nhất, một nhà hoạt động chống chế độ và là người đóng góp cho Đài Á Châu Tự Do có trụ sở tại Washington đã biến mất một ngày sau khi ông được văn phòng Bangkok của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tỵ nạn cấp giấy phép tỵ nạn.
Báo chí nước ngoài và phương tiện truyền thông xã hội đã liên kết việc ông Nhất mất tích với trường hợp người tỵ nạn Saudi vào tháng 1, và phiên tòa bắt giữ và dẫn độ một cầu thủ bóng đá Bahrain có quy chế tỵ nạn ở Úc - tất cả diễn ra ở Bangkok trong tháng qua.
Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, các nhân chứng cho biết ông Nhất bị bắt cóc ở Future Park vào ngày 26 tháng 1, một ngày sau khi ông đăng ký (tỵ nạn) tại văn phòng UNHCR.
Hôm thứ Năm, người đứng đầu Cục Quản lý xuất nhập cảnh Surachate "Big Joke" Hakparn nói rằng không có hồ sơ chính thức nào về việc ông Nhất nhập cảnh vào Thái Lan, nhưng văn phòng của ông đang xem xét liệu ông Nhất có nhập cảnh bất hợp pháp hay không và những gì có thể xảy ra với ông ta.
"Tôi đã ra lệnh điều tra về vấn đề này", Surachate nói với hãng tin Reuters.
Các nhóm về quyền đã kêu gọi mở một cuộc điều tra sau khi Đài Á Châu Tự Do đưa tin hôm thứ Ba rằng ông Nhất, người đã bị tống giam tại Việt Nam năm 2014-15 vì " tuyên truyền chống phá nhà nước" trên blog của mình, đã mất tích.
"Việt Nam có một thói quen theo dõi bắt cóc những người lưu vong và người tỵ nạn ở nước ngoài. Chính quyền Thái Lan và Việt Nam phải khẩn trương đưa ra thông tin về Trương Duy Nhất mất tích", Amnesty International – Tổ Chức Ân xá Thế giới viết trong một thông điệp Minar Pimple, Giám đốc cấp cao của Amnesty ký.
Các nhóm về quyền cho biết, ông Nhất trốn sang Thái Lan sau khi nhận được tin có nguy cơ bị các quan chức Hà Nội bắt giữ.
"Ông Nhất chỉ ở Thái Lan vì một lý do duy nhất, để xin tỵ nạn và ai đó rõ ràng không muốn anh ta làm như vậy - vì vậy bây giờ chính phủ Thái Lan nên mở một cuộc điều tra ngay lập tức để tìm hiểu những gì đã xảy ra với ông ta", Phil Robertson, phó giám đốc châu Á của Tổ chức Quan sát Nhân quyền tuyên bố.
UNHCR tại Thái Lan cho biết họ không thể bình luận hoặc xác nhận các trường hợp riêng lẻ.
Sự mất tích của ông Nhất là trường hợp tỵ nạn cao cấp mới nhất ở Thái Lan trong năm nay. Đây cũng là lần mất tích thứ năm của các nhà bất đồng chính trị ở hoặc gần Thái Lan.
Cầu thủ bóng đá người Bahrain, Hakeem Al Araibi, người có quy chế tỵ nạn ở Úc, bắt đầu chống lại việc bị dẫn độ trở lại Bahrain vào thứ Hai tại Tòa án Hình sự.
(Úc cho biết hôm thứ Năm họ đang xem xét các thủ tục cảnh báo Interpol sau khi chính quyền Úc chuyển tiếp "thông báo đỏ" tới Thái Lan rằng Araibi bị Bahrain truy nã, mặc cho quy chế tỵ nạn của anh ta.)
Đầu tháng 1, nhà chức trách Thái Lan đã bắt giữ một phụ nữ Ả Rập Saudi 18 tuổi sau khi cô nói rằng cô đang trốn tránh sự lạm dụng gia đình, nhưng Bangkok đã ngưng kế hoạch trục xuất cô sang Ả Rập Saudi. Trường hợp của Rahaf Mohammed al-Qunun kết thúc trong cô tái định cư ở Canada.
Tháng trước, hai thi thể của những người bất đồng chính kiến đã mất tích từng trú ẩn ở Lào dạt vào bờ sông Mê Kông. Hai người đàn ông khác bao gồm nhân vật cánh tả Surachai Sae Dan nổi tiếng cũng bị mất tích và được cho là cũng đã biệt dạng.
Nguyên tác : Investigation ordered into disappeared Vietnamese blogger in Bangkok, BangkokPost, 08/02/2019
Diên Vỹ dịch
Nguồn : VNTB, 10/02/2019
******************
Trương Duy Nhất : Những ngày ở Thái Lan trước khi 'mất tích'
Tina Hà Giang, BBC, 10/02/2019
Hơn hai tuần trôi qua kể từ khi có tin blogger Trương Duy Nhất ở Đà Nẵng có khả năng "mất tích" sau khi tới Thái Lan.
Khách sạn nơi ông Trương Duy Nhất ở trước khi "mất tích"
Hôm 9/2, từ Canada, cô Trương Thục Đoan, con gái ông Nhất cho BBC biết :
"Cuộc gọi cuối cùng của ba và con là 9g tối ngày thứ Sáu, 25/1 theo giờ Bangkok. Lúc ba điện con thì ba đang ở trong phòng khách sạn. Nhưng lần cuối ba online trước khi con không liên lạc được là 5g39 chiều ngày thứ Bảy, 26/1 theo giờ Bangkok. Con check giờ online cuối cùng của ba trên facebook, facebook có tính năng đó nên con mới biết, vì cuộc gọi cuối cùng của con và ba là vào ngày 25".
Trước áp lực của nhiều tổ chức quốc tế, chính phủ Thái Lan hôm thứ Năm tuần qua chính thức thông báo sẽ mở cuộc điều tra về sự có mặt của ông tại đây cũng như điều gì đã xảy ra với ông.
Trong khi đó, mạng internet vẫn lan truyền nhiều tin tức mâu thuẫn nhau về nghi vấn ông Nhất bị cho là "mất tích" thậm chí bị "bắt cóc" tại Bangkok.
Có đến Cao ủy UNHCR xin tị nạn
BBC được biết qua một nhà hoạt động ở Thái Lan (tạm gọi là ông A), người giúp đỡ ông Trương Duy Nhất trong thời gian ông ở Thái Lan, rằng ông đưa ông Nhất đến cơ quan UNHCR hôm 25/1 để nộp đơn xin tỵ nạn.
Trước đó, hôm 30/1, một nhà đấu tranh khác cho BBC biết đã được một nguồn tin đáng tin cậy có thẩm quyền xác định là ông Nhất đã đến đây.
Bên trong trung tâm thương mại Future Park
Tuy thế, theo nhà hoạt động này thì ông Nhất "chưa ghi danh".
"Việc làm hồ sơ tị nạn với UNHCR có nhiều bước. Bước đầu tiên là xin lấy hẹn ghi danh. Để làm việc này, người muốn mở hồ sơ điền một mẫu đơn ngắn, ghi rõ tên tuổi, công dân nước nào, và để lại số phôn. Sau đó UNHCR mới gọi phôn cho hẹn để họ quay trở lại làm đơn ghi danh, rồi từ đó mới lập hồ sơ. Trong trường hợp của blogger Trương Duy Nhất khi họ gọi lại thì không gọi được nữa".
Chạy khỏi nơi trú ngụ
Hôm 9/2, tại một khách sạn nhỏ bé ở ngoại ô Bangkok người ta xác định ngay với phóng viên BBC là "người có hình giống ông Trương Duy Nhất có ở đây 6 ngày".
Nhưng trước những câu hỏi tỉ mỉ hơn, người chủ nói ông không làm việc ở đó thường xuyên, và gọi một người phụ nữ dọn phòng đứng tuổi ra nói chuyện.
Qua lời dịch của một đồng nghiệp thuộc BBC Thái, bà nói:
"Ổng có ở đây. Tôi nhớ rõ vì ông là người ngoại quốc duy nhất, không nói được tiếng Thái".
"Ông bất chợt mang đồ rời đi vào một sáng, cuối tuần, tôi không nhớ rõ ngày nào, chỉ biết hôm đó rất đông, và ông đi bằng taxi", một người phục vụ nói với BBC Thái.
Theo tìm hiểu, chủ hotel rất e ngại lôi kéo sự chú ý đến cơ sở làm ăn của mình, nói khách sạn của ông quá nhỏ "không có hệ thống ghi danh, nên không thể cung cấp thêm chi tiết". Và mặc dù "có camera, nhưng bộ nhớ nhỏ nên mỗi tuần tự xóa đi và thu dữ kiện mới lên".
Ông A, người giúp ông Trương Duy Nhất mướn khách sạn nói :
"Anh Trương Duy Nhất vào đến đất Thái đêm 19 rạng sáng ngày 20/1. Em đón anh ấy ở tiệm Starbuck tại Future Park Mall, rồi đưa anh ngay đến khách sạn đó vì nó tiện việc đi lại. Em đặt phòng ba đêm. Sau đó anh Nhất tự lo sáng sáng trả tiền 500 baht để ở thêm. Giấy tờ rất đơn giản không có gì. Một bà Thái làm việc ở đấy lấy phôn chụp passport anh Nhất, nhận tiền, thế là xong".
Một ngày trước khi mất tích, ông Trương Duy Nhất than phiền với ông A là "cảm thấy bất an quá" vì sau khi đến văn phòng UNHCR về, không hiểu tại sao ông liên tục nhận được những cú phôn lạ, của đàn ông lẫn phụ nữ, cả người Việt lẫn người Thái. Hai người bàn nhau là sẽ phải đi mua thẻ điện thoại mới.
Ông A kể :
"Thứ Bảy 26/1, lúc 17:20 anh Nhất gọi em qua Whatsapp, nói anh đang ngồi ở một quán cà phê trên lầu ba của Future Park Mall".
''Anh Nhất lúc đó rất lo. Anh kể có ít nhất là ba cú điện thoại gọi cho anh sáng hôm đó. Cú gọi cuối cùng, anh Nhất nói là của một người đàn ông nói "anh nên bỏ số điện thoại đó đi, và đi khỏi khách sạn đó đi" nên anh Nhất lúc đó sợ quá vội vã rời khỏi khách sạn. Rồi anh Nhất nhờ em giúp tìm người giúp đỡ".
Ông A cho biết sau khi cúp phôn, ông gọi cho ông B, một người bạn để nhờ bạn giúp đỡ ông Nhất.
Tối hôm 9/2, ông B xác nhận với BBC rằng ông có cuộc điện đàm này với ông A vào hôm 26/1.
Ngay sau đó, không còn ai liên lạc được với blogger Trương Duy Nhất.
Nơi trú ẩn không còn an toàn ?
Cho đến hôm 10/02 vẫn ai chưa được biết đích xác blogger Trương Duy Nhất đang ở đâu và chuyện gì đã xảy ra cho ông.
Đài Á Châu Tự Do hôm thứ Sáu đưa tin Hoa Kỳ hoan nghênh tin chính phủ Thái Lan sẽ điều tra việc Trương Duy Nhất bị mất tích.
Trong một tuyên bố ngày 8/2, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết họ hoan nghênh cuộc điều tra của chính phủ Thái Lan về vụ mất tích của ông Nhất, thêm vào đó, "chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình", đài Á Châu Tự Do viết.
"Tự do báo chí là căn bản của sự minh bạch và sự có trách nhiệm của chính quyền. Các nhà báo thường gặp những nguy cơ lớn khi làm công việc của họ, và nhiệm vụ của các chính phủ và công dân trên toàn thế giới là phải lên tiếng bảo vệ họ", một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ được trích lời nói.
Trong vòng hai năm qua, giới bất đồng chính kiến Việt Nam thường chạy qua nước láng giềng như Thái Lan để tìm nơi ẩn náu.
Nhưng dường như Thái Lan dần dà không còn là nơi trú ẩn an toàn cho họ.
Trong thông cáo báo chí gửi đi hôm 6/2, tổ chức Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), viết :
"Thái Lan trước đây được xem là nơi trú ẩn an toàn trong khu vực cho các nhà báo và nhà bất đồng chính kiến, nhưng tình hình đã xấu đi sau gần năm năm cai trị của quân đội Thái Lan, với các trường hợp bất đồng chính kiến bị bắt cóc bởi các đặc vụ nước ngoài hoặc bị chính quyền Thái Lan bắt giữ và trục xuất về nước phải đối mặt với sự trả thù khắc nghiệt".
Thái Lan là nước không tham gia Hội nghị Quốc tế về người Tị nạn, không cấp quy chế tị nạn cho những người đến đây nương náu như một số các quốc gia khác. Người muốn tị nạn phải ghi danh với Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (United Nations High Commissioner for Refugees - UNHCR), phải chờ khoảng 3 tháng để được phỏng vấn, sau đó chờ 3 đến 6 tháng nữa mới có quyết định.
Thêm vào đó, tại nước này, dù đã được UNHCR cấp quy chế tỵ nạn họ vẫn bị xem là những kẻ cư ngụ bất hợp pháp, không nhận được sự giúp đỡ bất kỳ nào từ UNHCR, phải vừa tự tìm cách mưu sinh vừa tránh bị càn quét.
Chính phủ Thái Lan ban hành một Luật Lao Động mới vào tháng 04/2018, qua đó người lao động bất hợp pháp có thể bị phạt tới 3.000 Mỹ kim và bị tù 5 năm.
Blogger Trương Duy Nhất là trường hợp người bất đồng chính kiến bị 'mất tích' thứ năm trong năm nay tại Thái Lan hay những nước quanh vùng.
Image Vài ngày trước, Thái Lan loan báo sẽ điều tra việc ông Trương Duy Nhất dường như mất tích trong lúc có cáo buộc về khả năng ông bị bắt cóc ở Bangkok.
Người đứng đầu cơ quan di trú Thái Lan Surachate Hakparn nói với Reuters rằng không có hồ sơ chính thức về việc ông Nhất đã nhập cảnh Thái Lan.
Tuy vậy, văn phòng di trú Thái Lan đang xem xét có phải ông Nhất đã nhập cảnh Thái Lan bất hợp pháp và xem chuyện gì đã xảy ra với ông.
"Tôi đã ra lệnh điều tra vụ này", ông Surachate nói với Reuters ngày 7/2.
'Đã có mặt ở Bangkok'
Tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế tuần này nói họ đã xác nhận tin ông Nhất bị những người vô danh bắt giữ tại một trung tâm thương mại, Future Park, ở Bangkok ngày 26/1.
Ân xá Quốc tế nói họ xác nhận tin này với "các nguồn độc lập giấu tên".
Ân xá Quốc tế đã kêu gọi Việt Nam và Thái Lan cung cấp thông tin về vụ việc.
Ông Phil Robertson, từ tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, thì nói ông Nhất đến Thái Lan "chỉ vì một nguyên nhân".
"Là để xin tị nạn, và ai đó không muốn ông ta làm thế, vì vậy chính phủ Thái nên mở ngay điều tra".
UNHCR - Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn - tại Thái Lan từ chối bình luận.
Từng ở tù
Blogger Trương Duy Nhất, chủ nhân của trang blog "Một góc nhìn khác", từng bị tù 2 năm tại Việt Nam.
Ông bị bắt hôm 26/5/2013 tại nhà riêng ở Đà Nẵng.
Phiên tòa ở Đà Nẵng năm 2014 kết tội ông "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân".
Cáo trạng nói ông Nhất có các bài viết "không đúng sự thật, tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng".
Ông ra tù hôm 26/5/2015.
Tina Hà Giang
Nguồn : BBC, 10/02/2019
Một Trịnh Xuân Thanh thứ hai ?
Mặc Lâm, VOA, 09/02/2019
Những ngày này cộng đồng mạng bàn tán nhiều về sự mất tích cuả nhà báo, blogger Trương Duy Nhất với nhiều giả thiết căn cứ trên những thông tin từ nhiều phía. Tuy nhiên câu hỏi ai bắt Trương Duy Nhất và tại sao lại bắt anh là câu hỏi lửng lơ không ai có thể giải mã được ít nhất là trong lúc này.
Blogger Trương Duy Nhất được Huy Đức (trái), con gái và vợ đón sau khi mãn hạn tù ngày 26/05/2015. Ảnh internet
Trương Duy Nhất vắng bóng tại Việt Nam hơn 1 tháng về trước, nhiều người tin rằng trong thời gian đó anh đã bí mật chạy sang Campuchia bằng con đường bất hợp pháp và ít lâu sau anh tiếp tục theo đường dây đưa người sang Thái Lan, bắt đầu cho cuộc chạy đua với an ninh Việt Nam để cuối cùng anh gõ cửa Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (United Nations High Commissioner for Refugees, UNHCR) chính thức nộp đơn xin tỵ nạn chính trị. Nhiều nguồn tại Thái Lan xác nhận trong đó có cả sự xác nhận của UNHCR về lá đơn của anh nộp tại đây.
Và vào chiều tối ngày 26 tháng 1 năm 2019 trong khi đến Future Park, thuộc quận Rangsit ngoại ô Bangkok anh biến mất không để lại chút tăm tích nào.
Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan được thông báo về vụ việc và họ nói không hay biết gì về sự mất tích của anh. Từ đó, người ta lần tới một giả thiết khác : Có lẽ lực lượng an ninh Việt Nam đã theo dõi Trương Duy Nhất từ khi anh bắt đầu rời Việt Nam và bắt anh tại Thái Lan, nơi người Việt sinh sống bất hợp pháp khá nhiều, rồi sau đó mang anh về Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra, lý do gì làm cho Trương Duy Nhất trở thành một phạm nhân mang trọng tội đến nỗi phải trốn tránh sang đất Thái và tại sao an ninh Việt Nam bắt anh mà không phải là cảnh sát Thái Lan ?
Nhiều người cho rằng Trương Duy Nhất dính líu đến vụ án Vũ Nhôm, vì anh từng làm việc cho báo Đại Đoàn kết và có thời gian đại diện chính thức tại Đà Nẵng, trong khi báo này chuyển nhượng Văn phòng đại diện ở miền Trung, mà tờ báo xin mua theo diện công sản nhà nước vào năm 2004, cho Công ty Xây dựng 79 của Vũ "nhôm" vào năm 2011 để Vũ biến nơi đây thành nhà riêng của mình, trong thời gian này Trương Duy Nhất có chấm mút gì tới Vũ Nhôm hay không vẫn lại nằm trong giả thiết khiến anh phải bỏ trốn.
Nhưng nhìn kỹ lại chi tiết này thì Trương Duy Nhất không phải là một chuyên gia về móc nối cho Vũ Nhôm khuynh đảo đất đai tại Đà Nẵng mặc dù trong thời gian Nguyễn Bá Thanh còn hét ra lửa tại đây thì Trương Duy Nhất là người có thể quàng vai bá cổ "anh Thanh" với tính cách nhà báo thân thiết cho tới khi Nhất bỏ bút không làm báo nữa mà về nhà viết Blog.
Nếu Trương Duy Nhất chịu làm ăn với Vũ nhôm thì anh không buông bút và chịu 2 năm tù về tội "Lợi dung các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân". Bởi lý do dễ hiểu khi đã viết bài chống lại chế độ thì anh không thể làm ăn phi pháp núp bóng người của chế độ mà anh đang phản biện mạnh mẽ như trang "Một góc nhìn khác" của blogger Trương Duy Nhất.
Vậy anh còn giữ bí mật nào khác đối với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, là đồng hương của anh và anh cũng từng phê phán ông này cật lực sau khi mãn hạn tù về sinh sống tại Đà Nẵng ? Giả thiết này cũng không đứng vững vì Trương Duy Nhất không phải là một "ngôi sao" trong làng báo chí Việt Nam để có trong tay những câu chuyện thâm cung bí sử, hay bí mật cá nhân của tứ trụ triểu đình. Sau hai năm tù tội, thật khó thể cho rằng anh nắm được bí mật của bất cứ ai trong những chiếc ghế cao nhất nước, vì làm sao anh tiếp cận được với những nhân vật sau lưng hậu trường để có được những thông tin mà một nhá báo thường thường không thể nào nắm được ?
Vậy thì một lần nữa : Ai bắt Trương Duy Nhất và tại sao ?
Lần theo dấu vết của câu chuyện từ khi anh trình báo xin tỵ nạn với UNHCR cho tới khi mất tích anh đã xuất hiện nhiều lần tại một khách sạn ở ngoại ô Bangkok với giấy tờ tùy thân không hợp lệ vì anh không dùng hộ chiếu Việt Nam để vào Thái Lan. Một người Việt đang sống ở Thái đã giúp anh đăng ký khách sạn và vì vậy cảnh sát Thái không thể có dữ liệu về sự xuất hiện của anh ngoại trừ chính người giúp anh lên tiếng. Tuy nhiên không ai dám lên tiếng việc này nếu không muốn vào nhà giam của Thái.
Trương Duy Nhất trước khi mất tích đã gọi vài cuộc gọi cho người thân, bạn bè tại Thái nhưng do sử dụng điện thoại không an toàn anh bị nghe lén và đã có người gọi cho anh một cách lơ lửng như thăm dò sự nghi ngờ của họ. Trương Duy Nhất đã cho người quen biết về hiện tượng này trước khi anh bị bắt.
Đặc vụ Việt Nam rất giỏi về tiếp cận con mồi thông qua tay chân, cảm tình viên và ngay cả sự vô tình của nhân viên nước sở tại. Vụ án Trịnh Xuân Thanh trước đây so với việc bắt giữ Trương Duy Nhất phức tạp hơn nhiều, tuy nhiên nó cùng chung một bản chất nếu thực sự do Tình báo Việt Nam chủ mưu. Nếu Trịnh Xuân Thanh là chìa khóa mở chiếc tủ sắt bằng chứng phạm tội của đường dây tham nhũng thì Trương Duy Nhất không là gì so với đệ tử ruột của Nguyễn Tấn Dũng là Đinh La Thăng. Nếu Việt Nam dám một lần nữa lập lại vết xe cay đắng Trịnh Xuân Thanh thì chắc chắn Trương Duy Nhất phải có bí mật gì ghê gớm lắm đáng để người ta hy sinh "khủng hoảng ngoại giao" một lần nữa.
Nhưng cũng không ngoại trừ giả thiết rằng Việt Nam đánh giá Thái Lan thấp hơn Đức nhiều vì chế độ của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha tuy được tiếng là một thể chế dân chủ nhưng vấn đề đối phó với thành phần đối kháng không thua gì Việt Nam. Từ hiện thực này Việt Nam có quyền nghĩ rằng Thái sẽ dễ dàng phớt lờ cho hành động bắt người trên đất nước của mình, nếu có cũng không đáng ngại như phản ứng quá mạnh mẽ của chính phủ Đức.
Nhưng dù sao, giả thiết vẫn là giả thiết cho tới khi truyền thông quốc tế khui ra sự thật. Chỉ mong rằng nhà báo, blogger Trương Duy Nhất không dính sâu vào bí mật thâm cung bí sử, nếu dính tới Vũ Nhôm thì may ra anh còn thấy ánh sáng bên trong song sắt nhà tù, bằng ngược lại người ta sẽ không từ bỏ một hành động nào để trừng phạt anh, hoặc bịt miệng anh trước khi bí mật ấy bị phơi bày.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 09/02/2019
*****************
Thái Lan có liên can vụ ‘Trương Duy Nhất mất tích’ ?
Thường Sơn, VNTB, 09/02/2019
Vụ ‘Trương Duy Nhất mất tích ở Bangkok’ đang nhanh chóng chuyển thành 'Trương Duy Nhất bị bắt cóc ở Bangkok’ chỉ sau một tuần kễ từ ngày 26 tháng 1 năm 2019 là thời điểm mà ông Nhất ‘biến mất’.
Trương Duy Nhất được nhìn thấy lần cuối cùng tại Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc. Ảnh : FB Người Buôn Gió.
Tuy nhiên, phản ứng của chính quyền Thái Lan có thể xem là chậm chạp và chẳng nhiệt tình gì với vụ việc ngày càng trở nên bất bình thường trên.
Mãi đến ngày 7/ tháng 2/2019, tức phải đến hơn mười ngày sau khi blogger Trương Duy Nhất mất tích, một quan chức của chính phủ Thái Lan mới chính thức lên tiếng.
Hãng tin Reuters trích lời Thiếu tướng Surachate Hakparn, Cục trưởng Cục Di trú Thái, nói rằng cơ quan của ông không tìm thấy dữ liệu nhập cảnh vào Thái Lan của ông Trương Duy Nhất, nhưng cho biết thêm rằng cơ quan di trú đã tiến hành điều tra liệu ông Nhất có nhập cảnh bất hợp pháp vào Thái Lan hay không và tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra đối với ông Nhất. "Tôi đã cho tiến hành điều tra về vấn đề này" - ông Hakparn nói Reuters.
Lý do chủ yếu khiến giới quan chức Thái phải mở miệng có thể là áp lực đến từ một số tổ chức nhân quyền quốc tế như Phóng viên Không biên giới (RSF), Ủy ban Bảo vệ Ký giả quốc tế (CPJ)… lên tiếng yêu cầu chính phủ Thái Lan phải làm rõ vụ Trương Duy Nhất mất tích ra sao, số phận của Nhất thế nào… Cùng lúc, một số tờ báo Thái Lan đã săn tìm thông tin về vụ Trương Duy Nhất mất tích, thậm chí đã nghi ngờ về khả năng ông Nhất đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc. Mối nghi ngờ này càng được củng cố khi, đồng thời những tổ chức nhân quyền quốc tế nhắc lại ‘bài học kinh nghiệm’ từ vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Đức.
Từ sau vụ Trịnh Xuân Thanh, chính thể Việt Nam đã nổi tiếng tới mức khiến phần lớn, nếu không nói là tất cả, các nước trong khối Liên minh châu Âu giương cao ngọn cờ cảnh giác với giới quan chức và công an Việt Nam, đồng thời khiến ‘uy tín Việt Nam không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế’ (một cách tuyên rao không biết chán của Bộ Ngoại giao Việt Nam) lao dốc hơn bao giờ hết.
Một năm rưỡi sau vụ Nhà nước Đức tố cáo Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam tổ chức bắt cóc ngay tại Berlin, vụ ‘Trương Duy Nhất mất tích ở Bangkok’ - nổ ra vào những ngày giáp tết nguyên đán năm 2019 - đang hứa hẹn sẽ trở thành một vụ Trịnh Xuân Thanh thứ hai.
Thông tin lan rộng và đầy tính nghi ngờ trên một số tờ báo quốc tế về vụ Trương Duy Nhất sẽ khiến chính quyền Việt Nam không thể nhắm mắt che tai. Do đó, nhiều khả năng là sau tết nguyên đán 2019, chính quyền Việt Nam sẽ phải có thông báo về vụ này, trong đó hoặc phủ nhận việc chính quyền này ra lệnh bắt cóc Trương Duy Nhất, hoặc chính thức xác nhận Trương Duy Nhất đã bị bắt nhưng là ‘tự nguyện về nước đầu thú’ do hành vi phạm pháp - tương tự cái cách mà Bộ Công an và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đồng thanh tương ứng ‘Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú’ vào đầu tháng 8 năm 2017.
Điều an ủi mà có thể khiến chính quyền Việt Nam tạm thời yên tâm để đưa ra một thông báo theo kiểu trên là khác với lời tố cáo mạnh mẽ của nhà nước Đức về vụ Trịnh Xuân Thanh, chính quyền Thái Lan sẽ khó mà lên án chính quyền Việt Nam tổ chức bắt cóc người một cách bất hợp pháp trên đất Thái do một ‘thỏa thuận ngầm’ nào đó (nếu có) giữa hai bên, cộng thêm mối quan hệ Việt - Thái được xem là ‘ngày càng tốt đẹp’. Củng cố cho khả năng này là động thái mới nhất của lãnh đạo Cục Di trú Thái Lan thông tin rằng họ đã không có hồ sơ về việc Trương Duy Nhất nhập cảnh vào Thái Lan - một vấn đề có thể được hiểu là ông Nhất đã vào đất Thái theo cách không hợp pháp và do vậy các cơ quan Thái có thể sẽ cho rằng họ không liên can đến vụ việc này.
Nhưng còn trách nhiệm của người Thái phải tìm ra tung tích của Trương Duy Nhất trước sức ép của các tổ chức nhân quyền quốc tế và truyền thông quốc tế ?
Chắc chắn chính quyền Thái Lan sẽ phải tiến hành một số động tác nào đó, dù chỉ cho có, để có cơ sở hồi âm cho quốc tế về vụ việc này. Nội dung hồi âm này lại có thể có độ chênh, thậm chí là chênh biệt đáng kể, với một thông báo mà phía Việt Nam phải nêu ra sau tết nguyên đán 2019 về vụ Trương Duy Nhất. Khi đó, sự thật sẽ lộ dần ra.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 09/02/2019
*******************
Tại sao Người Buôn Gió ‘thạo tin’ vụ Trương Duy Nhất ‘mất tích’ ở Thái Lan ?
TK, Người Việt, 08/02/2019
Một ngày sau khi hãng Reuters và nhiều báo quốc tế đồng loạt dẫn lời Thiếu tướng Surachate Hakparn, cục trưởng Cục Di Trú Thái Lan nói rằng cơ quan này "tiến hành điều tra vụ ông Trương Duy Nhất mất tích ở Bangkok", theo tìm hiểu của nhật báo Người Việt, vẫn chưa có tin xác thực về việc ông Nhất "bị Tổng Cục 2 Tình báo Quân đội bắt giữ".
Báo Thái Lan đăng hình ông Trương Duy Nhất và trung tâm thương mại nghi là nơi ông bị bắt giữ. (Hình : Bangkok Post)
Trước đó, blogger và cũng là nhà báo tự do Trương Duy Nhất được cho là đã đến Văn phòng Cao ủy về Người tị nạn của Liên Hiệp Quốc (UNHCR) ở Bangkok hôm 25 tháng Giêng để xin quy chế tị nạn và kể từ thời điểm đó, gia đình và người thân bặt tin về ông.
Thiếu tướng Hakparn khẳng định không tìm thấy dữ liệu nhập cảnh vào Thái Lan của ông Nhất và nhà chức trách nước này đang tiến hành điều tra liệu ông có nhập cảnh bất hợp pháp hay không cũng như làm rõ điều gì đã xảy ra đối với ông.
Cùng thời điểm, blogger Người Buôn Gió, tức Facebooker Thanh Hieu Bui đưa tin ông Nhất "bị Tổng Cục 2 Tình báo Quân đội bắt giữ" và rằng có ba đồng hương biết vị trí của ông Nhất trước lúc ông này bị bắt là nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền, ông Cao Lâm và một người có bút danh Kami.
Ông Trương Duy Nhất (trái) và nhà báo Huy Đức trong ngày ông Nhất ra tù hôm 26 tháng Năm, 2015, sau hai năm thi hành án. (Hình : Facebook Dương Đại Triều Lâm)
Nhật báo Người Việt được biết là cả ba người nêu trên đều tỏ vẻ không hài lòng khi bị ông Thanh Hiếu "lôi kéo" vào vụ này vì họ "không có lợi ích gì để liên can". Ông Quyền là nhà hoạt động đang trong tình trạng "tạm lánh" ở Bangkok vì cùng vụ án với nhà hoạt động Hoàng Bình (đang thọ án 14 năm tù ở Việt Nam). Ông cũng được cho là có liên hệ chặt chẽ với tổ chức VOICE.
Trong lúc ông Cao Lâm theo lời ông Thanh Hiếu thì "được đánh giá là người tốt, giúp đỡ những người tị nạn rất nhiều, kể cả những vấn đề liên quan đến sứ quán Việt Nam". Người có bút danh Kami được biết là một trong các cộng tác viên của Đài Á Châu Tự Do.
Việc ông Thanh Hiếu nhanh nhẩu đưa tin vụ bắt giữ ông Nhất khiến người ta nhớ lại chuyện blogger này cũng là người đầu tiên đưa tin ông Phan Văn Anh Vũ, tức "Vũ Nhôm" khi đang mắc kẹt tại Singapore và bị CSVN gây áp lực đòi dẫn độ hồi cuối năm 2017.
Vậy thì có mối liên hệ nào giữa ông Thanh Hiếu và các ông ‘Vũ Nhôm’, ông Nhất ? Có suy đoán cho rằng phần lớn những thông tin về tình hình giới chức Đà Nẵng đấu đá nhau, vụ của ông "Vũ Nhôm"… trên trang cá nhân của ông Thanh Hiếu đều là do ông Nhất, một người nắm rõ tình hình Đà Nẵng "cung cấp". Nguyên do là những thông tin đó được cho là ông Nhất "không tiện" đăng trên trang cá nhân của ông vì mức độ "nhạy cảm", do ông đang sống ở Việt Nam trước khi tạm lánh qua Bangkok hồi tháng Giêng, 2019.
Ngoài ra, cũng có suy đoán, nếu ông Nhất thật sự bị chính quyền cộng sản Việt Nam bắt thì không phải với tội danh liên quan đến an ninh quốc gia hay bất đồng chính kiến, mà vì sai phạm đất đai liên quan đến ông "Vũ Nhôm". Hồi giữa thập niên 1990, ông Nhất từng làm phái viên thường trú tại miền Trung của báo Đại Đoàn Kết.
Trong khi đó, nhà báo Hoàng Hải Vân, từng công tác tại báo Thanh Niên, tiết lộ trên trang cá nhân rằng ngôi nhà 82 Trần Quốc Toản ở Đà Nẵng, "biệt thự lộng lẫy" của ông "Vũ Nhôm" trước khi ông này bị bắt nguyên là nhà công sản được chính quyền thành phố Đà Nẵng bán lại cho Báo Đại Đoàn Kết để làm văn phòng đại diện theo một quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ký hồi tháng Giêng, 2004. Những bí ẩn của vụ hóa phép tòa soạn báo thành biệt thự cá nhân đến nay chưa được làm rõ.
Trong một diễn biến khác, vụ "mất tích" của ông Nhất đặt chính quyền Thái Lan vào thế kẹt ngoại giao ngay trước kỳ bầu cử dự trù diễn ra vào trung tuần tháng Ba, 2019. Sự việc xảy ra không lâu sau vụ một cô gái tị nạn Saudi "cố thủ" ở Bangkok suýt bị chính quyền Thái Lan trục xuất vào tháng Giêng, và phiên tòa xử một cầu thủ bóng đá Bahrain có nguy cơ sắp bị dẫn độ.
Việc mật vụ, nhân viên an ninh Việt Nam hoạt động tại Thái Lan là điều có thể hiểu được sau khi chính phủ hai nước ráo riết tăng cường việc hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực từ kinh tế đến an ninh quốc gia.
Báo Tin Tức của Thông Tấn Xã Việt Nam hồi tháng Tám, 2018 cho hay, ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an đón tiếp Đại tướng Wanlop Rugsanaoh, tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan tại Hà Nội và hai bên "nhất trí thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược hai nước ngày càng thực chất, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị, an ninh".
T.K.
Nguồn : Người Việt, 08/02/2049
*******************
Người Buôn Gió, 07/02/2019
Khoảng 8 giờ tối ngày 26 tháng 1 năm 2019, Trương Duy Nhất bị một đám gồm 10 người của Tổng cục 2 trùm túi lên đầu và đưa lên xe đi, trước khi đi Nhất còn xin thay quần áo.
Hình ảnh Nhất vào ngày 25 tháng 1 lúc chiều tối ở Thái Lan.
Ai tiếp tay cho Tổng cục 2 tình báo quân đội bắt Trương Duy Nhất ? Điều này rất tiếc chưa thể nói trong bài viết, những chi tiết ấy hãy để cho cảnh sát quốc tế biết thì tốt hơn. Chỉ có điều phải nói rằng trong vụ bắt cóc này có những "thành phần Việt" đang sinh sống ở Thái Lan dưới cái nhãn hiệu là người "tốt" theo đánh giá của đám đông tị nạn bên đó.
Cộng sản Việt Nam có những đặc tình, cơ sở thế này. Đặc tình của chúng hết lòng giúp đỡ A, khiến A nghĩ rằng đó là người tốt, vì nếu không thì A đã bị gì đó. Nhưng A không bao giờ nghĩ rằng tên đặc tình đó muốn qua A để tìm hiểu thông tin nhằm triệt hạ B.
Cái bản chất của con người Việt là vậy, dù cho đấu tranh đi nữa, họ nghĩ ai tốt với mình là được, họ không cần phải đau đầu để tính đến chuyện kẻ kia lợi dụng mình để hại B.
Hành vi của Tổng cục 2 tình báo quân đội bắt Trương Duy Nhất ở Thái Lan đáng được gọi là bắt cóc, mặc dù họ có lệnh bắt Nhất về tội liên quan đến kinh tế, mặc dù họ có làm việc với... nào đó ở Thái Lan. Nhưng tất cả đều vô giá trị, vì việc họ đưa Nhất trở về không qua con đường chính thức. Lẽ ra sau khi Nhất đã trình diện ở Cao ủy Tị nạn, việc đưa Nhất trở về phải qua một quá trình xem xét về pháp luật của Thái Lan. Nếu không có những quy trình đó, đương nhiên hành vi của tổng cục 2 đưa Nhất về là bắt cóc xuyên quốc gia, có tổ chức.
Bây giờ Thái Lan cũng khẳng định không biết gì về Nhất sau khi Nhất đến Cao ủy Tị nạn, có nghĩa người Thái sẵn sàng phủ nhận hoàn toàn việc dính dáng đến tổng cục 2 tình báo quân đội Việt Nam trong vụ bắt Trương Duy Nhất. Nếu như vậy, hiển nhiên việc tổng cục 2 bắt Nhất về hoàn toàn là một vụ bắt cóc người.
Ngày 26 khi Nhất cắt bỏ điện thoại, anh vào siêu thị Futurepark tìm mạng intent để liên lạc tìm sự giúp đỡ của đồng hương. Có 3 đồng hương biết vị trí của Nhất lúc đó là Bạch Hồng Quyền, Cao Lâm và Kami.
Ngay sau đó thì Nhất bị bắt !!!
Trong mấy ngày Nhất ở Thái Lan, một người Việt tên là Huân liên tục dò hỏi chỗ ở của Nhất với lý do muốn mời đến nhà bà Sương (người Đà Nẵng) để nhậu. Bà Sương xác nhận không hề quen Nhất và cũng không hề có ý mời Nhất đến nhà.
Cao Lâm là một người được cộng đồng tị nạn người Việt ở Thái Lan đánh giá là người tốt, vì Cao Lâm có nguồn tiền bên Mỹ gửi về giúp đỡ cho người tị nạn, Cao Lâm cũng giúp đỡ những người tị nạn rất nhiều. Nhưng có một điều là ngay cả những vấn đề liên quan đến sứ quán Việt Nam, Cao Lâm cũng giúp đỡ được.
Nhắc đến nhân vật Cao Lâm này, rất nhiều người tị nạn sẽ phản ứng cho rằng Cao Lâm bị vu khống. Vì lẽ đó mà đầu bài viết phải nhấn mạnh đến các đối tượng đặc tình và những người đấu tranh A, B.
Kami, một bút danh quen thuộc, tỏ ra thông thạo mọi nguồn tin nội bộ, những việc trời ơi tận đâu Kami cũng đề cập đến vẻ thông thạo. Nhưng giờ phút mà Kami biết Nhất ở đâu, mất tích thế nào thì không thấy Kami đả động. Anh ta đang là cây viết bình luận cho đài RFA !!!
Bạch Hồng Quyền là nhân vật quá nhiều người Việt Nam biết, anh ta đang tị nạn ở Thái Lan vì cùng vụ với Hoàng Bình. Quyền được nhiều người biết là đệ tử của tôi (Người Buôn Gió). Từ khi sang Thái, Nhất gặp Quyền để nhờ việc đi lại, ăn ở.
Đây là 3 người biết vị trí của Nhất trước khi Nhất bị bắt. Cả ba người này đều quen biết nhau.
Nhiều người tị nạn ở Thái Lan mang ơn của Cao Lâm, chất vấn tôi rằng tại sao không đưa tên của Bạch Hồng Quyền vào bài viết của mình mà chỉ nhắc đến Cao Lâm và Kami.
Nay tôi xin chiều họ, đưa lên cho sòng phẳng.
Hiện nay Bộ Ngoại giao Đức đang chú trọng quan tâm đến vụ bắt cóc này, bởi nó giống như vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Trên cơ sở những gì người Đức thu thập được, họ sẽ làm việc với cơ quan cảnh sát quốc tế. Khi ấy sẽ còn nhiều điều sáng tỏ.
Người Buôn Gió
Nguồn : nguoibuongio1972, 07/02/2019
Trung Quốc đưa Venezuela đến bờ vực hỗn loạn như thế nào
Trọng Thành, RFI, 30/01/2019
Tình hình tại Venezuela cuối tháng 1/2019 này đang hết sức căng thẳng. Xung đột có thể bùng nổ, giữa một bên là một tổng thống bị mất lòng dân, nhưng được quân đội và Nga, Trung Quốc ủng hộ, và bên kia là chủ tịch Quốc Hội tự phong làm tổng thống, được Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây hậu thuẫn. Vì sao một quốc gia giàu tài nguyên bậc nhất thế giới lại chìm trong lạm phát kinh hoàng, kinh tế hoàn toàn kiệt quệ, chế độ chính trị ngày càng độc đoán và bất lực, đẩy đất nước đến bờ vực rối loạn, có nguy cơ nội chiến hoặc can thiệp quân sự từ bên ngoài ?
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (T) gặp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, Bắc Kinh, 22/09/2013. Reuters/Lintao Zhang/Pool
Đất nước Venezuela sở dĩ rơi vào tình trạng bên bờ hỗn loạn hiện nay một phần rất lớn là do chính sách của Trung Quốc với Caracas, từ gần 20 năm qua. Dùng dòng tín dụng lớn để khuyến khích chế độ Venezuela bám chặt lấy ảo tưởng ý thức hệ "xã hội chủ nghĩa", bám chặt lấy việc xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản như phương thức sống còn chủ yếu. Kết quả là tạo ra một tầng lớp quan chức ăn bám, tham nhũng, một bộ phận đông đảo dân chúng bị ru ngủ trong các ảo ảnh. Sau đây là phần tổng hợp thông tin từ báo chí, về vai trò của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng Venezuela hiện nay.
***
Quan hệ của Trung Quốc với "chế độ xã hội chủ nghĩa Venezuela" khởi đầu ra sao ?
Dầu mỏ là duyên nợ của Venezuela với Trung Quốc. Trang mạng SupChina, có trụ sở tại New York, tháng 1/2019 này, có loạt bài "The Venezuela-China relationship, explained" đáng chú ý.
Năm 1996, Venezuela thu được hơn một tỉ đô la nhờ bán dầu cho các nước Châu Á – Thái Bình Dương, chủ yếu là cho Nhật Bản. Dầu thô của quốc gia Nam Mỹ này bắt đầu được bán sang Nhật từ năm 1988. Ngay trước khi ông Hugo Chavez đắc cử tổng thống năm 1998, tập đoàn dẩu mỏ Trung Quốc (NPCC) đã tìm cách đàm phán để được chính quyền lúc đó cho phép khai thác dầu ở Venezuela. Những người ủng hộ ứng cử viên tổng thống Chavez đã tố cáo chính sách bán tài nguyên cho "các thế lực đế quốc".
Sau khi lên nắm quyền, chế độ Chavez tìm thấy ở Trung Quốc đồng minh ý thức hệ hiếm có. Tổng thống Chavez đã không thay đổi các hợp đồng đã ký của Trung Quốc với chính quyền tiền nhiệm, và thậm chí còn mở rộng hơn.
Tháng 4/2001, ông Giang Trạch Dân - lãnh đạo Trung Quốc thời đó - đã đích thân tới Venezuela, ký kết nhiều hợp đồng, mở đầu cho quan hệ gắn bó kéo dài đã hơn 17 năm trời. Năm 2004 là một bước ngoặt lớn trong quan hệ hai nước. Bắc Kinh và Caracas ký thỏa thuận cho phép mỗi bên đầu tư tại quốc gia đối tác, mà không phải nộp thuế. Caracas cũng dành cho Bắc Kinh nhiều chế độ ưu đãi về thuế nhập khẩu, hơn hẳn với Hoa Kỳ.
Venezuela được Bắc Kinh coi là cánh cửa mở vào Nam Mỹ. Năm 2005, Trung Quốc đầu tư một tỉ đô la vào quốc gia này, hơn tất cả các nước khác trong khu vực. Vào thời điểm này, đã có khoảng 20 doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động tại Venezuela trong đủ các lĩnh vực, từ khai thác dầu mỏ, khai thác khoáng sản, đến xây dựng đường sắt, các hạ tầng giao thông khác, viễn thông, năng lượng, nông nghiệp, sản xuất dụng cụ điện tử gia dụng…
Năm 2005 cũng là năm mà tổng thống Venezuela Chavez quyết định đình chỉ quan hệ hợp tác lịch sử về quân sự với Hoa Kỳ, để xích lại gần Trung Quốc hơn. Năm 2007, thành lập Quỹ chung Trung Quốc – Venezuela. Thương mại song phương tăng cường, với tổng giá trị vượt quá 4 tỉ đô la. Quan hệ giữa Bắc Kinh và Caracas ngày càng mật thiết. Tuy nhiên cũng bắt đầu từ thời điểm đó, Venezuela trở thành quốc gia mắc nợ Trung Quốc nhiều nhất tại Châu Mỹ Latinh, với khoảng 5 tỉ đô la.
Phải chăng mục tiêu chính của Trung Quốc là khai thác khoáng sản, còn các đầu tư cho phát triển khác chỉ là để mỵ dân ?
Thực tế cho thấy, tình trạng tài chính và kinh tế của Venezuela ngày càng tồi tệ cùng lúc với ảnh hưởng tài chính và kinh tế của Trung Quốc tại nước này càng gia tăng. Nhìn chung, Trung Quốc không bao giờ công bố số tiền cho vay với các dự án cụ thể nào, cũng như điều kiện cấp tín dụng. Tình trạng mù mờ này là mảnh đất màu mỡ cho nạn tham nhũng bùng phát.
Theo một số nhà quan sát, tín dụng của Trung Quốc cho Venezuela, với 60 tỉ đô la, chiếm khoảng 40% tổng tín dụng của nước này cho các nước Mỹ Latinh. Nhìn chung, Trung Quốc dành đến 90% đầu tư trực tiếp tại Châu Mỹ Latinh cho các hoạt động khai thác khoáng sản, và tình hình cũng tương tự tại Venezuela.
Một trong các dự án đầu tư của Trung Quốc được quảng bá rầm rộ tại Venezuela là dự án xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Châu Mỹ Latinh, trị giá 7,5 tỉ đô la, do tập đoàn xây dựng đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới, của Trung Quốc, China Railway Group, thực hiện. Dự án khởi sự năm 2009, đã hoàn toàn đổ bể sau đó. Năm 2015, tập đoàn Trung Quốc âm thầm rút, để lại món nợ 400 triệu đô la cho Venezuela. Cho đến gần đây, nhiều người dân vẫn tin tưởng sẽ có một ngày nào đó công ty Trung Quốc trở lại.
Tình hình tương tự với dự án phát triển các ngành công nghiệp của Venezuela. Một ví dụ tiêu biểu là công ty điện tử viễn thông Orinoquia của Venezuela, ra đời năm 2010, với 35% vốn do tập đoàn Hoa Vi Trung Quốc đầu tư. Tuy nhiên, các dự án mà Hoa Vi hứa hẹn đã không bao giờ trở thành hiện thực.
Trên thực tế, trong lúc sản xuất nội địa của Venezuela không ngóc đầu lên được, thì hàng xuất khẩu từ Trung Quốc ồ ạt đổ vào nước này. Nếu như năm 1998, trước khi ông Chavez lên nắm quyền, chỉ có 0,18% hàng nhập khẩu đến từ Trung Quốc, thì 14 năm sau, tỉ lệ này lên đến 34,9%.
Bắc Kinh cũng có một số dự án trọng điểm thành công mang tính biểu tượng với Venezuela, như phóng vệ tinh, với sự hỗ trợ của Trung Quốc. Năm 2017, Caracas phóng thành công vệ tinh quan sát thứ ba lên quỹ đạo. Đây có thể là một hành động của chế độ Bắc Kinh nhằm quyền rũ chính quyền Venezuela. Tháng 9/2018, Bắc Kinh ký kết với Caracas 28 hợp đồng "hợp tác" thuộc nhiều lĩnh vực, dựa trên nguyên tắc "bình đẳng", "tôn trọng lẫn nhau", "hai bên cùng có lợi".
Đầu năm nay, bất chấp Venezuela – quốc gia đối tác hàng đầu của Bắc Kinh tại Châu lục – đang chìm sâu trong khủng hoảng, bên bờ hỗn loạn, lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc tại Chilê tiếp tục có một bài phát biểu hùng hồn quảng bá cho dự án Con Đường Tơ Lụa Trên Biển, coi các nước Nam Mỹ là "thành phần tự nhiên" và các đối tác không thể thiếu của dự án quốc tế khổng lồ mà Trung Quốc khởi xướng và chủ trì.
Sau khi lãnh đạo Chavez qua đời năm 2013, phải chăng Trung Quốc đã gia tăng nỗ lực biến Venezuela thành một chư hầu, thúc đẩy Caracas tăng cường khai thác tài nguyên để hoàn nợ ?
Trong bài viết mang tựa đề "Venezuela and China : a perfert storm (1), nhà nghiên cứu Matt Ferchen, chuyên về "mô hình phát triển Trung Quốc", quan hệ Bắc Kinh với các nước Mỹ Latinh nhận xét : Ngay cả sau khi đã biết Venezuela lún sâu vào khủng hoảng gần như không có lối ra, Bắc Kinh cũng không thừa nhận thất bại, từ chối tham gia vào các nỗ lực tại khu vực, nhằm giúp Venezuela tìm được lối thoát. Trung Quốc tin là các quan hệ vững chắc giữa hai chế độ cùng ý thức hệ, cùng với sự dồi dào tín dụng của các ngân hàng Nhà nước Trung Quốc, sẽ giúp Venezuela tiếp tục duy trì chính sách lấy bán dầu và quặng mỏ làm trụ cột của nền kinh tế, bất chấp mọi biến động thị trường và chính trị.
Các hợp tác theo kiểu bán rẻ tài nguyên, đã được khởi sự dưới thời tổng thống Chavez, được tăng cường trong thời kỳ ông Maduro lên nắm quyền, trong bối cảnh mô hình "chủ nghĩa xã hội" Venezuela có dấu hiệu phá sản hoàn toàn.
Sau khi tổng thống Chavez qua đời, và trong bối cảnh các khu vực dầu mỏ dễ khai thác bắt đầu cạn kiệt, cùng lúc với giá dầu sụt giảm mạnh, tổng thống Maduro đã bí mật đàm phán với Trung Quốc và một số nước khác nhằm khai thác trên quy mô lớn nhiều loại khoáng sản quý hiếm, như vàng, coltan, boxit, kim cương, titan, nikel... tại vùng "Vòng cung mỏ Orinoco", với tổng diện tích 112.000 km² (tương đương 12% diện tích Venezuela hay một phần ba lãnh thổ Việt Nam) (2). Năm 2016, Trung Quốc ký được hợp đồng khai thác quặng coltan, rất cần cho điện thoại di động. Năm 2016 cũng là năm mà Vòng cung mỏ Orinoco chính thức được coi là một "đặc khu kinh tế", mở rộng cho các tập đoàn Trung Quốc và nhiều tập đoàn đa quốc gia khác. Đây là nơi các điều kiện kinh doanh hết sức dễ dãi, các tiêu chuẩn về lao động, môi trường gần như bị bỏ qua, chưa kể đến vấn đề môi trường sống, của rất nhiều cộng đồng sắc tộc sống lâu đời ở đây, bị đe dọa nghiêm trọng, do các hoạt động khai khoáng (3).
Tháng 9/2018, Bắc Kinh tiếp tục bỏ thêm 5 tỉ đô la, để mua lại 10% cổ phần của tập đoàn dầu mỏ Nhà nước (PDVSA). Trung Quốc cũng đạt được thỏa thuận với chính quyền Maduro để công ty Yankuang Group khai thác vàng tại khu vực Vòng cung Orinoco nói trên.
Nhiều người vốn trung thành với di sản của Bolivar - nhà cách mạng Venezuela nổi tiếng thế kỷ 19, mà tổng thống Chavez được coi là người kết tục - đã coi giai đoạn 2014 đến nay là thời kỳ mà chính quyền Venezuela đã hoàn toàn xa rời với một số tôn chỉ tốt đẹp ban đầu của cố tổng thống để chuyển hướng sang một mô hình kinh tế "tân tự do", lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc, Mỹ, Nga hay một số tập đoàn đa quốc gia (4).
Tương lai quan hệ giữa Venezuela và Trung Quốc sẽ ra sao ?
Sự thất bại của chế độ Chavez tại Venezuela có thể coi là là một thất bại của Trung Quốc. Tuy nhiên, cho dù chế độ "xã hội chủ nghĩa" hiện nay ở Venezuela có sụp đổ, Bắc Kinh chắc chắn không buông Venezuela. Một mặt để bảo vệ số tiền bạc đã đầu tư, mặt khác tiếp tục có cơ hội khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản, được đánh giá là còn hết sức dồi dào, trong lúc khả năng kiểm soát của chính quyền trung ương lại hết sức hạn chế.
Vẫn theo chùm bài phân tích về quan hệ Trung Quốc – Venezuela trên trang mạng SupChina, thì cho dù chế độ mang danh hiệu "xã hội chủ nghĩa" của ông Maduro đang khủng hoảng trầm trọng, Bắc Kinh chắc chắn sẽ không từ bỏ vùng đất màu mỡ Nam Mỹ này. Một khi đã đứng chân được tại Venezuela, thì bằng cách này hay cách khác, Trung Quốc tìm mọi cách ở lại. Kể từ những năm 2015, năm 2016, Bắc Kinh bắt đầu tiếp xúc với đối lập Venezuela, để chuẩn bị phương án mới, đề phòng thay đổi chế độ. Về phần mình, giáo sư Isabelle Rousseau, một chuyên gia về chính trị tại Châu Mỹ Latinh (Đại học Colegio de Mexico) (5), cho biết Bắc Kinh cũng đang đàm phán bí mật với Nga và Mỹ về khủng hoảng Venezuela.
Theo một số nhà nghiên cứu, "thất bại" tại Venezuela không cản trở Trung Quốc tiếp tục mô hình quan hệ mua chuộc giới chóp bu để thao túng, trong trường hợp có thay đổi chính trị, giống như với nhiều chế độ độc tài khác, tại Cam Bốt hay Zimbabwe.
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 30/801/2019
Ghi chú :
1. "Venezuela and China : a perfect storm", Dialogo Chino, ngày 24/01/2019. (Venezuela và Trung Quốc : Một sự nhiễu loạn hoàn hảo")
2. "De la responsabilité de la Chine dans la crise vénézuélienne" của Emiliano Teran Mantovani, trang barril.info, ngày 21/10/2018.
3. Vòng cung mỏ Orinoco trong đó có một bộ phận thuộc rừng rậm nhiệt đới Amazon, vốn là khu vực được Hiến pháp Bolivia bảo vệ nghiêm ngặt, về đa dạng sinh học, cũng như do là quê cha đất tổ của nhiều sắc tộc bản địa như người Pemon, Warao, Hoti, Pumé, Sanema... Xem bài "Venezuela. L'échec du processus bolivarien (II)" của nhà xã hội học Edgardo Lander, trang alencontre.org, ngày 1/9/2018.
4. Như trên.
5. "Venezuela : Les Etats-Unis veulent asphyxier le gouvernement de Maduro", RFI, ngày 29/01/2019.
*******************
Nguyễn Trang Nhung, RFA, 30/01/2019
Những ngày gần đây, tin tức về cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela thu hút sự quan tâm của thế giới. Theo dõi tình hình quốc gia Nam Mỹ này, một bộ phận người Việt Nam không khỏi háo hức và hi vọng vào sự chuyển đổi chế độ chính trị từ độc tài sang dân chủ tại đất nước mình trong tương lai không xa.
Từ trái qua phải : Ông Hoàng Trung Hải - Phó Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Ngài Nicolás Maduro - Tổng thống nước Cộng hòa Bolivar
Hi vọng ấy có lẽ xuất phát từ một điều giản đơn rằng chế độ độc tài nào rồi cũng sụp đổ. Có lẽ điều giản đơn này đúng. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là thời điểm sụp đổ của một chế độ độc tài, và điều quan trọng hơn nữa là sự chuẩn bị của cả xã hội cho sự chuyển đổi đó.
Trong giới bất đồng chính kiến Việt Nam tồn tại đồn đoán về thời điểm sụp đổ của chế độ độc tài. Quãng những năm 2006 – 2008, đồn đoán ấy là về năm 2014. Gần đây hơn, đồn đoán ấy là về tương lai gần, nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Dường như hi vọng và đồn đoán ấy đều xuất phát từ… ước muốn, một ước muốn thiếu thực tế và thừa mơ mộng.
Năm 2014 đã qua đi và chế độ chính trị Việt Nam vẫn vậy. Tương lai gần, chẳng hạn 10 năm nữa (nếu 10 năm nữa chưa đủ gần thì 5 năm nữa) sắp đến và người ta sẽ sớm có câu trả lời. Song điều quan trọng hơn nữa, như trên đã nêu, là sự chuẩn bị của cả xã hội cho sự chuyển đổi chế độ chính trị từ độc tài sang dân chủ.
Nhìn Venezuela, có thể thấy quốc gia này có sẵn một số tiền đề cho dân chủ. Đó là sự tồn tại (hợp pháp) của nhiều đảng phái khác nhau. Đó là các cơ chế bầu cử, bao gồm phổ thông đầu phiếu để người dân lựa chọn nguyên thủ quốc gia, mà ở đây là tổng thống. Đó là thói quen thực hành các quyền con người, quyền công dân, mà điển hình là quyền biểu tình qua cuộc xuống đường với quy mô hàng trăm ngàn người để ủng hộ Juan Guaido như tổng thống lâm thời, v.v.
Những tiền đề đó là những tiền đề mà Việt Nam chưa có, và nếu không được chuẩn bị một cách thỏa đáng, sự chuyển đối chế độ chính trị tại Việt Nam trong tương lai có khả năng cao sẽ dẫn đến một chế độ độc tài khác hoặc một chế độ dân chủ nửa vời mà thôi.
Để có được những tiền đề đó, những người đấu tranh cho dân chủ cần xây dựng một lực lượng đối lập đủ mạnh để có thể đòi hỏi chính quyền thực hiện các cải cách chính trị. Hẳn nhiên, lực lượng này phải được dẫn dắt bởi một bộ phận có đủ tài năng lẫn phẩm chất cần thiết và được hậu thuẫn bởi một bộ phận dân chúng tối thiểu (có lẽ chừng 30%). Cùng với đó, họ cần bồi đắp một nền tảng nhận thức và ý thức nhất định về dân chủ cho một bộ phận dân chúng tối thiểu (có lẽ cũng chừng 30%).
Xây dựng một lực lượng đối lập đủ mạnh là rất khó, nhất là khi những người đấu tranh cho dân chủ hầu như không có một chiến lược hay một con đường rõ ràng nào cho chính họ cũng như cho dân chúng đi theo. Họ thiếu một hệ thống tư tưởng hay triết lý để làm kim chỉ nam cho những suy nghĩ và hành động của mình. Họ cũng thiếu sự quan tâm cần thiết tới việc phát triển bản thân và hội nhóm để trở nên đủ tâm lẫn tầm cho mục tiêu dân chủ mà họ theo đuổi.
Khó hơn cả việc trên là bồi đắp một nền tảng nhận thức và ý thức về dân chủ cho dân chúng. Dân chủ không đơn thuần là một thể chế mà còn là một giá trị. Theo nghĩa thứ hai, dân chủ đòi hỏi người dân cần có một số phẩm chất thiết yếu để làm chủ quốc gia, như chấp nhận sự đa dạng và khác biệt, tôn trọng quyền của thiểu số, có trật tự và kỷ luật, quan tâm tới cộng đồng, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, v.v. Đây là những phẩm chất mà người Việt Nam rất thiếu.
Nếu yếu tố thứ nhất – lực lượng đối lập đủ mạnh – là sự chuẩn bị cho dân chủ về mặt thể chế, thì yếu tố thứ hai – nền tảng nhận thức và ý thức nhất định về dân chủ – là sự chuẩn bị cho dân chủ về mặt giá trị, và chỉ khi có cả hai yếu tố, thì một nền dân chủ mới thực sự bền vững.
Chừng nào hai yếu tố trên đây chưa xuất hiện, khó có thể hi vọng vào một Việt Nam dân chủ trong tương lai gần. Và vì vậy, thay vì hi vọng thiếu thực tế vào một Việt Nam dân chủ trong tương lai gần, cần chuẩn bị cho một Việt Nam dân chủ trong tương lai có thể rất xa, và tương lai đó sẽ càng bớt xa khi sự chuẩn bị càng kỹ lưỡng.
Nguyễn Trang Nhung
Nguồn : RFA, 30/01/2019 (NguyenTrangNhung's blog)
**************
Võ Thị Hảo, RFA, 29/01/2019
Cuộc chính biến của Venezuela với tâm điểm bùng nổ vào ngày 23/01/2019 đã đem lại cảm hứng và niềm hy vọng lớn cho cuộc đấu tranh của những công dân nhằm thoát khỏi ách cai trị của nhóm cầm quyền mượn danh "theo con đường xã hội chủ nghĩa".
Trong thời kỳ ông Maduro lên nắm quyền, mô hình "chủ nghĩa xã hội" ở Venezuela có dấu hiệu phá sản hoàn toàn.
Thủ đô Caracas - biển người biểu tình xuống đường phản đối sự điều hành kém cỏi, sự gian lận trong bầu cử và lạm dụng quyền lực, triệt hạ các đảng đối lập của chính phủ dưới quyền Tổng thống Nicolas Maduro. Thật hào hùng, thật đáng vinh danh biển người công dân tự trọng, biết tự vệ, vai kề vai bên cộng đồng để đứng lên phản đối, dám "đuổi" những kẻ công bộc mà họ đã nộp thuế và thuê với giá quá đắt để điều hành đất nước nhưng đã biển lận, bất tài vô dụng hại dân hại nước.
Những cơn lũ ống thác người cuồn cuộn trên đường Caracas đã và sẽ mãi còn là nguồn cảm hứng kiêu hùng cho hàng tỉ người trên thế giới. Rất nhiều người Việt Nam cũng đang hồi hộp theo dõi, mừng thay cho dân Venezuela dù biết rằng tình hình vẫn còn diễn biến và phe dân chủ còn phải trải nhiều gian nan mới đến chung cuộc ngoạn mục.
Xuất hiện "Mặt trời dân chủ" :
Venezuela, cũng như Trung Quốc, Việt Nam, Cuba và Bắc Triều tiên, lấy cớ theo "con đường xã hội chủ nghĩa và tư tưởng Marx – Lenin" để dựng nên thể chế chính trị chỉ phục vụ cho đảng cầm quyền. Đó là thủ đoạn gian ngoan nhất mà nhóm cầm quyền dùng làm công cụ. Đây là cách mỵ dân, bao che cho việc tước đoạt quyền lợi của cộng đồng nhằm phục vụ cho quyền lợi riêng và để kéo dài tham vọng cai trị vĩnh viễn của nhà cầm quyền. Bằng sự tàn bạo không nao núng ngay cả trước mạng sống của hàng triệu người, Trung Quốc, Bắc Triều tiên, Việt Nam đã áp đặt được ách nô lệ lên người dân, nhưng với người Venezuela, đâu dễ để nô lệ hóa họ.
Một niềm hy vọng lớn, rực rỡ, – ít ra là cho đến thời điểm này- đã mọc lên trong tối tăm của những ngày mà cỗ xe thể chế chính trị phản tự nhiên, phản dân chủ tại Venezuela đang lăn đến bờ vực thẳm tự hoại.
Niềm hy vọng đó mang tên Juan Guaido – trẻ trai sung sức ở độ tuổi 35, lãnh đạo phe đối lập và Quốc hội hợp pháp mới được bầu lên từ ngày 5/1/2019 nhưng đã bị Tổng thống Nicolas Maduro vô hiệu hóa. Bị chính quyền Maduro cầm rời khỏi nơi cư trú, đóng băng tài sản và bị đe dọa tù tội, nhưng đã hiên ngang tuyên bố với gương mặt sáng ngời : "Tôi không tránh né các mối đe dọa hay tấn công vào thời điểm này. Chúng tôi vẫn ở đây và tiếp tục công việc của mình" (1).
Đại diện cho nhóm các nhà lãnh đạo trẻ cùng thành lập một đảng đối lập năm 2009, J. Guaido từng nhiều năm tham gia đấu tranh cho tự do ngôn luận, thậm chí tuyệt thực để đòi quyền tồn tại của các đảng đối lập và bầu cử tự do. Đến nay, khi quả bom phẫn nộ của nhân tâm đã phát nổ, theo mức độ lạm phát 1.300.000%, với sự ủng hộ của hàng trăm ngàn người dân và phe đối lập, chàng trai này đã hiên ngang tuyên bố là Tổng thống hợp pháp của Venezuela, đưa ra bằng chứng việc tái cử của Maduro là bất hợp pháp vì đã gian lận trong bầu cử, cùng những người biểu tình gây áp lực buộc ông này từ chức.
Vị Tổng thống mới này được sự công nhận nhanh chóng và hỗ trợ tích cực của một số cường quốc dân chủ, đặc biệt là Mỹ, bởi con đường đi của ông là hợp thời đại. Sự việc còn diễn biến cam go. Các nước như Nga, Trung Quốc, Cuba, Thổ Nhĩ kỳ vẫn chống lưng cho Maduro. Guaido vẫn chưa nắm chắc phần thắng, nhất là khi Maduro đang có toàn bộ nhân lực, kinh tài và quân đội trong tay, tha hồ dùng chính sách khủng bố để đàn áp lại.
Sự xuất hiện của Guaido không phải là ngẫu nhiên, cũng không xuất phát từ tham vọng giành quyền cai trị cho cá nhân. Chính sai lầm và sự đồi bại của thể chế chính trị theo mô hình xã hội chủ nghĩa đã nẩy sinh mầm độc tự hoại, buộc những nhà bất đồng chính kiến đấu tranh cho dân chủ xuất hiện. Điều đó như một phản xạ tự nhiên nhằm bảo vệ sự sống, khu trú và vô hiệu hóa mầm ung thư kia nhằm cứu lấy sự tồn tại chính đáng của các công dân Venezuela. Đây cũng chính là mô tip logig tự hoại và phản xạ tự bảo vệ của người dân khiến Liên xô và các nước trong phe xã hội chủ nghĩa sụp đổ.
Tự do : Chính quyền Nguyễn Phú Trọng kém chính quyền Maduro 12 bậc
Việt Nam cùng là đồng chí của Venezuela nên có rất nhiều điểm tương đồng trong bộ máy chính trị và những sai lầm trong cách điều hành đất nước, mặc dù Việt Nam còn may mắn chưa bị sa vào nạn lạm phát và nạn đói như Venezuela.
"Con đường xã hội chủ nghĩa và tư tưởng Marx – Lenin" là thủ đoạn gian ngoan nhất mà nhóm cầm quyền dùng làm công cụ.
Đương nhiên không ai có thể khẳng định rằng, cứ theo đà này, với trữ lượng dầu mỏ của Việt Nam cũng đã khai thác cạn kiệt, với những khoản nợ nước ngoài đã vượt ngưỡng nguy hiểm và nạn tham nhũng cùng sự lệ thuộc toàn diện vào Trung Quốc, nhà cầm quyền Việt Nam cũng đang tự hoại chính mình và không dẫn đến thảm họa đói kém đối với người dân như Venezuela.
Cùng theo con đường xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa Marx- Lenin, nhưng xét về xếp hạng tước đoạt tự do và nhân quyền của người dân thì Việt Nam bạo tàn hơn Venezuela tới 12 bậc.
Việt Nam bằng mọi cách khủng bố, đàn áp các nhà phản biện xã hội, người bất đồng chính kiến, tuyệt đối không cho phép một đảng nào tồn tại ngoài đảng cộng sản. Chỉ có đảng cộng sản độc tài toàn trị, mỗi cuộc bầu cử đều bị giới quan sát nhận định là không đáng tin cậy hoặc đều bị điều khiển định hướng theo nhà cầm quyền.
Trong khi đó, ở Venezuela, đảng cầm quyền của ông Maduro mang tên đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất – đảng của "giai cấp công nhân và nhân dân lao động", theo học thuyết "chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21" và chủ nghĩa Marx- Lenin... cùng vài thứ luận lý hổ lốn lạc hậu khác, dưới sự điều hành của tổng thống Nicolas Maduro,dù ngày càng tận dụng các cơ hội để chuyên quyền độc đoán nhưng vẫn chấp nhận có nhiều đảng đối lập cùng tồn tại, có phần quyền lực trong lập pháp và hành pháp.
So sánh hai đảng cầm quyền Việt Nam và Venezuela, Việt Nam vẫn nhiều phần nhục nhã hơn Venezuela nếu xét về mức độ độc tài và đàn áp nhân quyền và tự do ngôn luận. Xếp hạng tự do báo chí của Việt Nam năm 2018 tụt hạng, ở thứ 175/180, trong khi Venezuela còn khá hơn Việt Nam 12 bậc, xếp thứ 143/180 theo đánh giá của Tổ chức phóng viên không biên giới.
Mặt khác, ông Maduro chỉ là người điều hành đất nước kém cỏi, theo khuynh hướng lạm dụng và mới đặt chân sang đầu con đường độc tài, nhưng nhóm cầm quyền mà ông điều hành chưa đến mức bị nhân dân kết tội bán nước hại dân để đổi lấy quyền lực như nhà cầm quyền Việt Nam.
Đương nhiên dù chậm, nhưng rồi sẽ đến ngày Việt Nam xuất hiện những cuộc biểu tình hàng trăm ngàn người, liên tục, rộng khắp, buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải trả lại quyền đương nhiên cho dân.
Bao giờ những "mặt trời con" dân chủ trẻ trung như Juan Guaido của Việt Nam xuất hiện ? Họ đã nhiều lần xuất hiện nhưng đã bị triệt hạ bởi sự đàn áp tàn nhẫn của nhà cầm quyền Việt Nam để đảm bảo mọi mầm mống dân chủ và tự do đều bị "bóp chết từ thời trứng nước".
Vì sao sự khủng bố ở Việt Nam lớn hơn, lâu dài hơn, đã gần cả trăm năm mà dân Việt Nam - ngay cả nhiều người Việt Nam sống ở hải ngoại, tại những cường quốc dân chủ - lại cam chịu nô lệ hoặc để mặc hoặc ủng hộ sự nô lệ hóa, rời rã "lạc mất linh hồn" hơn dân Venezuela và nhiều dân xứ khác ? Sự sống còn của dân nước Việt buộc chúng ta trả lời và có giải pháp cho nhiều câu hỏi nhức nhối đã từng làm nhiều người nản lòng thoái chí.
Võ Thị Hảo
Nguồn : RFA, 29/01/2019 (vothihao's blog)
(1) https://vnexpress.net/the-gioi/tong-thong-lam-thoi-venezuela-bi-cam-roi-...
Vì sao Việt Nam ‘đi hàng hai’ trong vụ Venezuela ?
Phạm Chí Dũng, VOA, 28/01/2019
Trong số các đối tác chính trị được xem là gần gũi nhất với quan điểm xã hội chủ nghĩa và thân thiện nhất về giao thương kinh tế với chính thể độc đảng ở Việt Nam, Venezuela và Tổng thống Maduro là trường hợp mà Nguyễn Phú Trọng và những đồng sự của ông ta trong bộ chính trị đảng từng không ít lần dùng từ ‘đồng chí’ để giao tiếp.
Chủ tịch Quốc hội, Tổng thống tự phong, Juan Guaido, nói chuyện với người dân tại khu vực gần Caracas, Venezuela, 26 tháng Giêng.
‘Hồn ai nấy giữ, thân ai nấy lo’
Và nếu xem xét mối quan hệ Việt Nam - Venezuela từ một phương châm của cựu chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ‘Cuba và Việt Nam luân phiên thức canh giữ cho hòa bình thế giới’, cùng hệ quy chiếu của mối liên hệ gần như môi - răng giữa Cuba và Venezuela, bất kỳ sự đe dọa đáng kể nào đối với sinh mạng chính trị của ‘đồng chí’ Maduro đều phải khiến giới chóp bu Việt Nam thật sự lo lắng và bày tỏ phản ứng, nếu không muốn nói là phải có những hành động mạnh mẽ đối với mối đe dọa đó.
Thế nhưng vào mùa xuân năm 2019, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng lại chỉ "Việt Nam luôn quan tâm, theo dõi và mong muốn Venezuela hòa bình, ổn định", với cánh tay không giang ra phía trước cùng cách phát ngôn ‘đọc bài’ đều đều và buồn ngủ trước số phận có thể chỉ còn tính bằng ngày của Maduro.
Thông thường, những tuyên bố hay bày tỏ quan điểm quan trọng như trên thậm chí không được quyết định bởi bộ trưởng ngoại giao mà phải được thông qua và chấp thuận bởi cấp thường trực ban bí thư và trên nữa là tổng bí thư.
Phải chăng những chóp bu cao nhất của Đảng cộng sản Việt Nam vào thời điểm này là Nguyễn Phú Trọng và Trần Quốc Vượng không thật sự cảm nhận được mối đe dọa rất hữu hình đối với Maduro, về nguy cơ cứ với đà này thì kịch bản ‘Mùa xuân Ả rập’ rất có thể sẽ xảy ra ở một đất nước đã hội tụ hầu hết các yếu tố khủng hoảng khiến nó phải xảy ra, về sự ra đi gần như tất yếu của một chủ nghĩa xã hội đã thực sự tan vỡ ở Venezuela và kéo theo sự mất mát một ‘đồng minh chiến lược’ của Việt Nam ở phía Tây bán cầu…, hay cái thế giới cộng sản thu nhỏ và chỉ còn trên danh nghĩa ở Việt Nam giờ đây đã càng thu mình lại trước một biến động thời cuộc thế giới có thể sẽ rất ghê gớm và thậm chí sẽ tác động trực tiếp đến đời sống chính trị - xã hội lẫn thế tồn vong của một chính đảng cộng sản chưa bao giờ chấp nhận một khung luật nào quản lý nó ở Việt Nam ?
Cuộc khủng hoảng chính trị Venezuela vào mùa xuân năm 2019 hiển nhiên đang tung ra một bài toán vừa hóc búa về thái độ đối nhân xử thế với một bầu bạn ít ỏi còn lại, nhưng cũng vừa bộc lộ cái thế thái nhân tình muôn thuở của giới con buôn ‘hồn ai nấy giữ, thân ai nấy lo’.
Ai mạnh hơn ?
Phát ngôn, hoặc tuyên bố không thể chung chung và nước đôi hơn thế của Bộ Ngoại giao Việt Nam về vấn đề Venezuela xảy ra trong tình hình ngày 24/01/2019, ngay sau khi Chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaido tuyên bố trở thành Tổng thống lâm thời Venezuela, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức lên tiếng công nhận ông Guaido và kêu gọi các nước khác làm theo. Ngay sau đó, hàng loạt quốc gia khác bao gồm Canada, Brazil, Colombia, Chile, Peru, Ecuador, Argentina, Paraguay, Costa Rica… cũng tuyên bố ủng hộ ông Guaido làm tổng thống lâm thời Venezuela. Ít giờ đồng hồ sau, chính phủ Đức đã trở thành quốc gia tiên phong ở châu Âu ủng hộ lãnh đạo đối lập ở Venezuela.
Nghĩa là gần như cả khối Mỹ Latinh và sẽ là một phần lớn, nếu không nói là toàn bộ khối Liên minh châu Âu, đang và sẽ ủng hộ kịch bản loại trừ Maduro ngay trong năm 2019 này với những hành động can thiệp của quốc tế vào các nước Bắc Phi như Tunisie, Ai Cập, Libya vào mùa xuân năm 2011. Trong đó, không loại trừ kịch bản can thiệp quân sự.
Về phía đối trọng của khối trên, chỉ có một số ít ỏi những quốc gia mà không khó dự đoán là Cuba, Trung Quốc, Nga và cả Mexico.
Trung Quốc đã đầu tư đến 60 tỷ USD vào Venezuela và nếu Maduro biến mất, đó không chỉ là một mất mát đồng minh chính trị của Bắc Kinh mà còn là một thảm họa cho vốn đầu tư trong bối cảnh Trung Quốc đang lao nhanh vào chu kỳ suy thoái kinh tế - chính trị ắt phải xảy ra đối với chế độ và quốc gia này.
Đó là nguồn cơn dễ hiểu vì sao Trung Quốc là chính thể mạnh miệng nhất trong tuyên bố ‘phản đối can thiệp quân sự’ vào Venezuela. Trong khi đó, Nga cũng nói theo cách này nhưng không mạnh mẽ bằng. Hẳn nhiên, hoạt động đầu tư của Nga ở đất nước thời mồ mả Hugo Chavez - tiền bối của Maduro - không sầm uất như Trung Quốc.
Trong bối cảnh tương quan khá chênh lệch giữa hai lực lượng phản đối và ủng hộ Maduro trên, điểm nhấn lớn nhất trong tuyên bố của Bộ ngoại giao Việt Nam, nếu có thể gọi đó là một tuyên bố, là đã chẳng có bất kỳ từ ngữ hay câu cú nào về ‘phản đối can thiệp quân sự’ - một tinh thần mà lẽ ra chính đảng Cộng sản ở Việt Nam phải nhanh nhạy chia sẻ hoàn cảnh mành chỉ treo chuông với những người đồng chí thân thiết của mình bên kia bán cầu.
Không bằng Trung Quốc, nhưng Việt Nam cũng đã đầu tư vài tỷ USD vào Venezuela. Nhưng khác hẳn với những món đầu tư lời lãi khá lớn của Trung Quốc, toàn bộ số vốn đầu tư của Việt Nam thông qua Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) thời Đinh La Thăng là chủ tịch hội đồng thành viên, đã từ lỗ đến lỗ. Vào tháng 12 năm 2017 khi Ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng bị Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo siết còng vào hai cổ tay, con số lỗ hoặc thực chất đã biến mất của PVN tại Venezuela được cho là hàng tỷ USD.
Còn giờ đây, nghe nói Thăng đã có hẳn một ngôi nhà khang trang trong nhà tù, trong khi số tiền đầu tư sang Venezuela đã ‘một đi không trở lại’. Chẳng còn lý do xác đáng nào để Đảng cộng sản Việt Nam đòi Venezuela phải bồi hoàn món lỗ thê thảm đó, nhất là vào lúc này ngân hàng của Maduro không còn dính két một đồng ngoại tệ nào.
Nhưng vào lần này, cách tuyên bố nước đôi hoặc ‘đi hàng hai’ của Bộ Ngoại giao Việt Nam về cuộc khủng hoảng chính trị Venezuela không còn giống như cách đu dây của Việt Nam giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến Biển Đông hay những va chạm quốc tế khác. Phản ứng quá sức chung chung và như thể ‘nói cho nó lành’ của Bộ Ngoại giao Việt Nam gần như là một biểu hiện của tâm thế bối rối, hơn thế nữa là hoang mang cao độ của Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị đảng của ông ta.
Về thực chất, từ lâu nay PVN đã không còn gì để khai thác hay kiếm lời ở Venezuela, mà thay vào đó là hoạt động đầu tư khai thác dầu ở Nga.
Bối cảnh xảy ra khủng hoảng Venezuela lại trùng với một thời điểm mà Bộ Chính trị Việt Nam phải có được một quyết định đủ lớn và đủ ‘dũng khí’ : chọn Trung Quốc hay chọn Mỹ ?
Đây mới là lợi ích của chính thể Việt Nam
Đây mới là bài toán thiết thân nhất cho sự tồn vong có lẽ chỉ còn được tính bằng năm của Đảng cộng sản Việt Nam : cái đường lưỡi bò ‘chết tiệt’ của Trung Quốc vừa được vẽ lại vào năm 2018 đã liếm qua toàn bộ các mỏ dầu khí đang khai thác và sẽ khai thác của Việt Nam ở Biển Đông, bao gồm mỏ Cá Rồng Đỏ liên doanh với Repsol của Tây Ban Nha, mỏ Lan Đỏ liên doanh với Rosneft của Nga và mỏ Cá Voi Xanh liên doanh với Exxonmobil của Mỹ.
Bỏ qua người đồng chí dầu mỏ đã từng một thời thân thiết là Venezuela, lợi ích sống còn trước mắt của chính thể độc trị ở Việt Nam là những mỏ dầu mà Bắc Kinh - như một kẻ cướp hung hãn - nhảy xổ vào nhà và đòi chia bôi với chủ nhà đến 60% tài sản của cái nhà đó.
Không còn cách nào khác, từ năm 2014 đến nay Việt Nam đã phải tìm cách dựa vào Mỹ. Sự hiện diện lộ thiên của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson ở cảng Đà Nẵng vào mùa xuân năm 2018 là một bằng chứng về thái độ ‘can đảm bám Mỹ’.
Cũng như cái cách mà từ năm 2016 đến nay, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ tuyên bố ‘tàu Mỹ đi qua vô hại’’ và ‘Việt Nam tôn trọng tự do hàng hải’ ở Biển Đông.
Còn việc Mỹ có làm ‘chủ xị’ cho công cuộc can thiệp quốc tế vào Venezuela, kể cả can thiệp quân sự, chỉ là chuyện người mà không phải việc mình.
Chưa kể đến bức tranh tươi hồng của quá nhiều quan chức Việt có tài sản và người thân ở xứ Cờ Hoa…
**********************
Việt Nam : Một Venezuela không có Mỹ
Mặc Lâm, VOA, 28/01/2019
Sáng ngày 23 tháng 1 năm 2019, cuộc tuần hành phản đối của dân chúng do phe đối lập tổ chức đã bắt đầu tại Avenida Francisco de Miranda, một đường phố lớn ở Caracas con số người tham gia lên tới hàng trăm ngàn người. Ở những nơi khác người dân Venezuela cũng tập trung bằng những nhóm nhỏ hơn. Mục đích của họ là ủng hộ ông Juan Guaidó, Chủ tịch Quốc hội, nay trở thành Tổng thống lâm thời của Venezuela trong khi chờ đời cuộc tuyển cử để người dân bầu cho một Tổng thống chính thức thay thế Tổng thống Nicolas Maduro người bị cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử năm 2018 và trực tiếp đưa đất nước Venezuela vào chỗ cùng quẫn.
Juan Guaido, thủ lãnh phe đối lập, Chủ tịch Quốc hội Venezuela, nói chuyện với người biểu tình tại Caracas, 27 tháng Giêng.
Nhìn lại giai đoạn từ thời Tổng thống Hugo Chavez, người cổ vũ cho chủ nghĩa xã hội tại đất nước Venezuela cho tới đời của ông Maduro hiện nay, người Việt Nam có thể rút ra những nhận xét tương đồng và khác biệt khá thú vị giữa hai nước để từ đó có một cái nhìn trầm tĩnh hơn nhằm rút ra bài học cho đất nước của mình.
Có 4 tương đồng lớn, rất dễ nhận ra giữa hai nước đó là áp dụng Chủ nghĩa xã hội vào nền kinh tế, lệ thuộc quá sâu vào Trung Quốc, thiết lập một thể chế độc tài phản dân chủ, và đầu tư quá nhiều vào lực lượng vũ trang để bảo vệ chế độ.
Venezuela từng là một quốc gia giàu có bật nhất Nam Mỹ. Trữ lượng dầu đứng vào hàng nhất nhì thế giới và thu nhập bình quân đầu người là gần 20 ngàn USD/năm. Thế nhưng khi Tổng thống Hugo Chavez quyết định dẫn dắt đất nước theo con đường phát triển của Chủ nghĩa Xã hội thì đất nước này nhanh chóng rơi vào suy thoái. Hugo Chavez đã ban hành "Missión Bolivar" xử dụng ngân sách hơn 2 tỉ mỗi năm với mục đích cung cấp mọi dịch vụ xã hội cũng như trợ giúp về tài chánh cho thành phần dân chúng thấp kém nhất.
Đây là hành vi mua phiếu của người nghèo mà Thái Lan là nước có kinh nghiệm vể việc này nhiều hơn nước nào hết, khi cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra lấy từ ngân sách ra một số tiến rất lớn yễm trợ cho nông dân Thái trong những việc hết sức hài hước : Cho nông dân vay không cần thế chấp, trợ giúp giá lúa một cách tùy tiện và sau đó xóa nợ cho họ một cách đại trà. Những hành động này đã giúp cho Đảng Pue Thái mạnh lên nhưng vẫn không qua được sự chống đối của đại đa số người dân thành thị không được trợ giúp như nông dân để cuối cùng thì cả gia đình của người Thủ tướng có gốc Trung Hoa này phải chịu cảnh lưu vong.
Hugo Chavez còn hơn Thaksin một bậc khi quyết định quốc doanh hóa rất nhiều nhà máy sản xuất dầu bất kể nó là của tư nhân hay ngoại quốc sở hữu. Chavez đã đem tay chân thân tín của mình vào nắm các vị trí quan trọng trong những nhà máy lọc dầu bất kể thiểu năng về tri thức của họ trước một nền công nghiệp đòi hỏi sự hiểu biết tường tận của các chuyên gia về dầu hỏa. Kết quả là bọn người này vơ vét tận tình tài nguyên quốc gia để tạo nên một giai cấp mới : "tư bản đỏ" trong lòng thủ đô Caracas. Cho tới khi dầu thô sụt giá tàn tệ và nguồn dầu dự trữ cạn kiệt thì Venezuela rơi tự do vào vùng trũng kinh tế, cả xã hội không biết sản xuất một món hàng tiêu dùng vì đã quen nhập khẩu từ nước ngoài. Người dân từ giàu có bỗng chốc trở thành ăn mày và tệ hơn nữa phải lục trong đống rác tìm chút gì để đỡ đói.
Việt Nam không hề thua kém Venezuela về khoản tham nhũng này : Dầu hỏa là nguồn thu đáng kể của Việt Nam lên tới 20% GDP, nhưng do sống trong định hướng xã hội chủ nghĩa nên Việt Nam còn "đi trước" Venezuela về khoản nuôi dưỡng người thân tín trong guồng máy. Vụ án của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, gọi tắt là VPN, là một mảng tối trong bức tranh xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đeo đuổi. Bốn người từng là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nối tiếp nhau, Đinh La Thăng, Phùng Đình Thực, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Quốc Khánh thay nhau bị khởi tố. Ngoài ra Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), cũng bị ra tòa vì tham ô dính líu tới 7 lãnh đạo cao cấp, trong đó có 3 nguyên ủy viên trung ương và 2 thứ trưởng đương nhiệm.
Hiện nay theo chuyên gia Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Văn Quý, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học - thiết kế dầu khí biển cho biết mỏ Bạch Hổ, là mỏ chính quan trọng nhất của Việt Nam gần như sắp cạn kiệt, chỉ trong vòng vài ba năm nữa là hết sạch dầu. Nhưng may mắn cho Việt Nam tuy dầu thô là nguồn thu huyết mạch nhưng nếu hết dầu thì nó cũng không thể sụp đổ như Venezuela.
Với Venezuela thì khác, do không có nguồn thu nào khác ngoài tài nguyên dầu hỏa nên khi giá dầu xuống nước này trở thành con tin của Trung Quốc, vì đã vay nợ từ một chủ nợ có bề dày thâm hiểm bậc nhất về đồng tiền bỏ ra phải lấy lại những gì phù hợp. Món nợ hơn 50 tỷ Mỹ kim trói Venezuela vào chiếc gông Trung Quốc không tài nào thoát ra nỗi. Cho dù giá dầu có lên thì số dầu bán ra cũng không đủ cho Trung Quốc siết nợ cả vốn lẫn lời.
Việt Nam cũng không khác gì Venezuela, có điều ngoài sự lệ thuộc Trung Quốc về các khoản vay, sự lệ thuộc sâu đậm nhất là hệ quả của việc giống nhau về ý thức hệ. Việt Nam không dám buông Trung Quốc vì lo ngại không có ai bảo vệ chiếc ghế cho mình, tức là những lãnh đạo cao cấp nhất chế độ, vì vậy khi nào Trung Quốc còn hiện diện trên trường quốc tế thì lúc ấy Việt Nam sẽ còn tiếp tục khép nép như từ xưa tới nay.
Sau khi Hugo Chavez mất đi do bệnh ung thư, Nicolas Maduro lên thay chức Tổng thống và tiếp tục chọn con đường xã hội chủ nghĩa. Chavez đã gây dựng được một lực lượng thân hữu trong quân đội và chính quyền bằng chế độ bao cấp và Maduro chỉ theo đó mà phát lương cho người trung thành với mình. Cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 5 năm 2018, Maduro tiếp tục thắng cuộc nhưng đã bị quốc tế lên án gắt gao vì gian lận và vượt quyền kiểm soát của quốc hội, khiến cho Maduro bỏ thêm tiền vào thành phần ủng hộ ông nhiều hơn nữa. Số tiền này được lấy ra từ khoản vay của Trung Quốc và Nga, do đó vòng tròn lệ thuộc ngày một xiết chặt chính phủ của Maduro hơn.
Nền độc tài nào cũng phải trả giá, kể cả Cộng sản Việt Nam.
Là một thể chế cộng sản, khác với Venezuela về tính cách tổ chức hệ thống chính trị, Việt Nam không có một quốc hội cũng như một hệ thống tòa án độc lập, vì vậy sự nổi dậy của một quốc hội trước chính phủ độc tài không thể xảy ra. Tuy nhiên điều giống với Venezuela là Việt Nam cũng nuôi một bộ máy cồng kềnh để bảo vệ chế độ còn hơn cả đất nước lừng danh về những cuộc thi hoa hậu. Con số đảng viên đang sinh hoạt đảng chính thức hiện nay không dưới 4 triệu 300 ngàn người cộng với gia đình họ đang là một gánh nặng khó che giấu của chính quyền Hà Nội. Tất cả những đồng tiền lấy từ ngân sách để cung cấp cho con số này có thể làm cho người bình thường nhất cũng phải hỏi xem họ là ai mà được hưởng những quyền lợi như thế.
Không cần biết họ là ai, miễn sao họ bảo vệ và trung thành với Đảng là xứng đáng được hưởng những ưu đãi mà chế độ này mang lại cho họ.
Khi biết được điều này, người ta sẽ không ngạc nhiên khi mọi cuộc biểu tình tại Venezuela đều bị thành phần thân chính phủ chống lại một cách tích cực. Họ cũng là dân chúng, cũng đói khát, thiếu thốn như mọi người nhưng họ được ưu đãi từ chính quyền khi ưu tiên được phê duyệt các loại nhu yếu phẩm hiếm hoi mà chế độ mua được hay trao đổi từ nước ngoài.
Việt Nam nuôi quân bảo vệ chế độ nhưng chưa có cơ hội sử dụng, và nếu ngày ấy xảy ra thì người dân Việt cũng không thể nào tưởng tượng ra được tại sao cùng thân phận dân chúng như mình mà họ lại chống lại nhân dân ?
Venezuela có một điểm rất khác với Việt Nam là được Hoa Kỳ ra mặt ủng hộ, kể cả Chủ tịch Quốc hội trở thành Tổng thống lâm thời của Venezuela cũng có khả năng là một kịch bản do Mỹ dàn dựng. Nếu thiếu vai trò của Mỹ chắc chắn Caracas cũng không khác gì Hà Nội hôm qua, hôm nay và mãi mãi.
Người ta lo ngại một cuộc nội chiến nhưng quên đi một điều là nước Mỹ ở rất gần Caracas. Nhất cử nhất động của chính phủ Maduro đều nằm trong tầm nhắm của Washington và quan trong hơn nữa là nhóm Lima, gồm 14 nước Nam Mỹ, bao vây chung quanh Venezuela sẽ không cho phép Maduro muốn làm gì thì làm.
Việt Nam không có Mỹ phía sau liệu Biển Đông có phải là bài toán giải vây trước sức ép của Trung Quốc từ bao năm nay ?
Câu hỏi này khó mà giải đáp thấu đáo và logic. Những cái đầu trong Bộ chính trị hơn hẳn sự tính toán một chiều như của Maduro và cận thần, hơn nữa Việt Nam không hề có đối lập và một Quốc hội đúng nghĩa. Bù nhìn không thể xua đuổi những tên trộm ranh mãnh và đầy tình toán.
Và quan trọng hơn, trong những ngày Venezuela sống trong không khí bùng nổ của một cuộc cách mạng thì giới trẻ Việt Nam đang bận suy tư trước trận banh với Nhật Bản. Những status về Venezuela chỉ bằng 1/10 niềm vui... thua trận của đội tuyển nước nhà.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 28/01/2019
******************
Venezuela : Sợ thay mà lại mừng thầm…
Nguyễn Hoàng, RFA, 27/01/2019
Trong "tôn thờ chủ nghĩa", có sự khác biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đối với Đặng Tiểu Bình, "mèo trắng hay mèo đen không quan trọng", quan trọng là phải bắt được chuột. Trong khi các lãnh đạo Việt Nam thì ngược lại, bắt được chuột hay không chẳng sao, quan trọng là nuôi mèo gì, "đen" hay "trắng" ?
Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Nicolás Maduro nhất trí cao trong việc triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác về dầu khí, năng lượng… Ảnh minh họa (Tiền Phong, 31/08/2015)
Một thời ở thế kỷ trước, nhiều thế hệ học sinh Việt Nam hầu hết đều thuộc lòng mấy câu thơ :
"Du kích quân Caracas đã vì anh
Bắt một tên giặc Mỹ giữa đô thành…" [1].
Còn giờ này, nếu lính của Nicolas Maduro đụng đến "chân lông" nhà ngoại giao nào của Hoa Kỳ, thì dù có "đội mồ" ngồi dậy, Tố Hữu cũng chẳng dám làm thơ ngợi ca kiểu "đi mây về gió" như vậy nữa.
Thời thế đổi thay
Tình hình Venezuela những ngày này đang "loạn cào cào" mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cũng chỉ dám thỏ thẻ : "Việt Nam luôn quan tâm, theo dõi và mong muốn Venezuela hòa bình, ổn định". Tuyên bố với truyền thông trong và ngoài nước mà bà quên hẳn việc phải làm rõ quan điểm đối với tình trạng "một nước có hai vua" ở Caracas.
Phải thôi, vì to xác và hung hăng như Trung Quốc mà bà Hoa Xuân Oánh cũng chỉ bày tỏ sự quan tâm chung chung đối với tình hình hiện tại ở Venezuela, kêu gọi các bên bình tĩnh và tỉnh táo để tìm kiếm giải pháp chính trị thông qua đối thoại hòa bình… Bà Oánh có nhắc khéo Mỹ là không nên can thiệp vào nội vụ của Venezuela.
Nhưng Hoa Kỳ bỏ ngoài tai những lời nhắc nhở của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Bắc Kinh. Washington sẵn sàng vượt qua những nguyên tắc ngoại giao truyền thống, tìm mọi cách làm cạn kiệt nguồn tiền mặt dành cho chính quyền Maduro vốn đang chật vật với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng và siêu lạm phát. Các động thái cho thấy, rất có thể Mỹ và các đồng minh sẽ phong tỏa nguồn tài sản của Venezuela ở nước ngoài và chuyển giao cho chính quyền lâm thời của Chủ tịch Quốc hội Juan Guaido [2].
Cho đến cuối tuần qua, 22 quốc gia trên thế giới ủng hộ Guaido, 9 quốc gia vẫn "chống lưng" cho Maduro, còn 3 quốc gia giữ thái độ im lặng, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc. Thế mới biết thời thế thay đổi. Tuy nhiên quân đội và cảnh sát Venezuela vẫn trung thành với Maduro đang gây khó khăn cho Guaido và phe dân chủ.
"Con mèo Caracas" quá đắt !
Chuyện "huynh đệ tương tàn" dưới màu cờ sắc áo của ý thức hệ thì người Việt chẳng xa lạ gì. Hơn nửa thế kỷ "nồi da nấu thịt" mà giờ đây mỗi khi lên gân "đít-cua", các chính trị gia nửa mùa từ Hà Nội vẫn gào thét về một "tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa". Cho dù chẳng ai hình dung ra cái nửa "tổ quốc không-xã hội chủ nghĩa" kia nằm ở tận đâu đâu.
Có một sự khác biệt căn bản giữa Trung Quốc và Việt Nam trong việc "tôn thờ chủ nghĩa". Không chờ Liên Xô sụp đổ mà từ trước đó rất lâu, giới lãnh đạo Trung Quốc đã vứt "chủ nghĩa" vào sọt rác. Đối với Đặng Tiểu Bình, "mèo trắng hay mèo đen không quan trọng", quan trọng là nó phải bắt được chuột. Trong khi các lãnh đạo Việt Nam thì ngược lại, bắt được chuột hay không bắt được chuột, chẳng sao, quan trọng là nuôi mèo màu gì, "trắng" hay "đen" ?
Chính bởi cái não trạng ấy, năm 2007, Tập đoàn dầu khí quốc gia (PVN) đã "đốt" không biết bao nhiêu ngàn tỷ của đất nước vào một dự án "vịt trời" ở Venezuela. Phớt lờ những cảnh báo của giới chuyên môn và sự phản đổi của nhiều Đại biểu quốc hội, Bộ Chính trị (chứ đâu phải một mình Đinh La Thăng) sau cơn lên đồng tập thể, đã lao như thiêu thân vào một "siêu dự án ma" [3] để rồi chẳng đi tới đâu. Chưa kể hàng trăm triệu USD chi phí đầu tư mất trắng, chỉ riêng tiền mặt mà PVN trực tiếp trao cho Venezuela, một đi không trở lại, đã lên đến 532 triệu USD, bao gồm 442 triệu tiền "bonus", 90 triệu tiền góp vốn ban đầu.
"Con mèo Caracas" quả thật đắt giá đối với người dân Việt đóng thuế. Bao nhiêu thuế mới gom về được hàng nửa tỷ USD như vậy ? Cứ nhìn vào thời gian quá trình đầu tư dự án này là có thể biết trách nhiệm thuộc về ai. Đúng là vứt tiền qua cửa sổ ! Cho nên những ngày này, nói Việt Nam đồng cảm với người dân Venezuela thì cũng đúng, nhưng "sự đồng cảm" ấy có hai mặt. "Sợ thay, mà lại mừng thầm cho ai", đúng như tâm trạng của một Thúc Sinh đớn hèn trước một Thúy Kiều dũng cảm dám dấy lên cuộc báo ân báo oán, dù là một cách giang hồ.
Do cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, bị kẹp giữa những gọng kìm của lịch sử và địa-chính trị, nhiều người Việt khao khát sự giải thoát trong những năm tháng chứng kiến sự sụp đổ liên hoàn ở Đông Âu và Liên Xô từ thế kỷ trước. Nhưng rồi vì ở quá gần, nghe quá rõ tiếng gầm rú của những tiếng xích sắt chà đi xát lại, nghiền nát thân xác đám sinh viên trên quảng trường Thiên An Môn thuở nào, người Việt đành thúc thủ, tìm đủ lý cớ để tránh mọi sự thay đổi.
Khúc quanh gian nan nhưng hứa hẹn
Venezuela là bài học điển hình cho thấy, một đất nước dù giàu tiềm năng đến đâu và điểm xuất phát tốt đến mấy, (Venezuela từng có GDP đầu người sau Chiến tranh thế giới II cao thứ 4 thế giới) nhưng nếu đi sai đường, chọn nhầm ý thức hệ và mô hình phát triển, thì trước sau cũng sẽ phải trả giá cực đắt. Giờ đây dân Venezuela phải bới các thùng rác để kiếm thức ăn và đến cả giấy vệ sinh cũng chẳng có mà dùng.
Quá tự tin vào trữ lượng dầu mỏ khổng lồ, quá ảo tưởng về sức mạnh của chủ nghĩa xã hội và giấc mộng dẫn đầu ngọn cờ chống Mỹ (mà thực chất là chủ nghĩa dân túy), Tổng thống Hugo Chavez – nay đã thành người thiên cổ – đã phạm sai lầm nghiêm trọng về đường lối. Từ đàn áp dân chủ, bóp nghẹt nhân quyền và đặc biệt là chủ trương quốc hữu hóa gần như toàn bộ nền kinh tế, đuổi các nhà đầu tư phương Tây, để cho Nga và Trung Quốc thao túng cả chính trường lẫn thị trường.
Chủ trương theo đuổi chính sách phúc lợi quá hào phóng (mà thực chất là cướp của người giàu chia cho người nghèo và nhóm lợi ích) đã để lại cho người kế nhiệm Maduro một di sản không hề dễ chịu chút nào. Đến hôm nay, khối u lâu ngày đã vỡ và một khúc quanh gian nan nhưng đầy hứa hẹn đang vẫy gọi Venezuela. Nếu cách mạng thành công, đất nước này sẽ thoát khỏi vết xe đổ mà nhiều láng giềng Châu Mỹ Latinh, trong đó có Argentina, với chủ nghĩa Peron, đã sa vào trong quá khứ.
May mắn chỉ có Chile, nhờ sự sáng suốt và cứng rắn của Pinochet (đã đảo chính lật đổ Salvador Allende) mà thoát nạn và đổi đời. Pinochet tuy bị tố cáo là vi phạm nhân quyền khi thẳng tay đàn áp các thành phần cánh tả đối lập, nhưng ông hoàn toàn giao phó nền kinh tế cho các nhà kỹ trị theo trường phái "các chàng trai Chicago" (Chicago Boys) – ủng hộ thị trường tự do – và đã thu được thành công. Chỉ sau hơn 20 năm, Chile đã vươn lên trở thành nền kinh tế phát triển nhất Châu Mỹ Latinh, gia nhập OECD từ một xuất phát điểm rất thấp.
Tại Việt Nam, hình ảnh vị tổng thống tự phong Juan Guaido 35 tuổi được khá nhiều người chia sẻ, ngưỡng mộ và hầu hết đều mong mỏi ngọn gió mới ấy sẽ thổi đến vùng Đông Nam Á đang băn khoăn chọn lựa cũng như khát khao thay đổi. Bất luận Việt Nam không phải là Venezuela, bất luận lộ trình cuộc "song chiến" giữa Guaido và Maduro rồi đây sẽ như thế nào, kết cục cuối cùng ở xứ Tây bán cầu lẫn trên giải đất hình chữ S này là những điều có thể dự báo được.
Từ ngàn xưa đến nay chưa có bạo quyền nào tồn tại lâu dài và tự do, dân chủ (thực chất) luôn là mục tiêu tối hậu của nhân loại. Khi cỗ xe đất nước bị lún sình, chính người dân phải tự mình kéo nó lên. Năm 1979 Giáo hoàng John-Paul II truyền lửa cho người dân Đông Âu với lời kêu gọi "hãy đừng sợ". Mười năm sau, hàng loạt quốc gia theo cộng sản đã sụp đổ. Kể cả Liên Xô cũng "kết thúc" năm 1991. Riêng Liên Xô có 14 quốc gia rời khỏi khối và tuyên bố độc lập.
32 triệu dân Venezuela, những người đang quằn quại vì đói ăn, thiếu thuốc men và nhu yếu phẩm, đang đồng loạt đứng lên. Hy vọng ngày mà Nicolas Maduro cùng nhóm lợi ích của ông ta sớm "giã từ vũ khí", trước sức mạnh của những người "không quyền lực" nhưng khát khao tự do, sẽ không còn xa nữa.
Cầu chúc cho cuộc Cách mạng "vì quyền được sống" của dân Venezuela tránh rơi vào nội chiến và "hiệu ứng cánh bướm" sẽ sớm lan tỏa đến với những dân tộc đang bị kềm kẹp dưới ách toàn trị, trong đó có Việt Nam !
Nguyễn Hoàng
Nguồn : RFA, 27/01/2019 (NguyenHoang's blog)
[1]http://tapchithongtindoingoai
[2]https://www.bbc.com/vietnamese/world-47018657
[3]https://thanhnien.vn/thoi-su/
*****************
Đảng cộng sản Việt Nam đã làm gì để hỗ trợ ‘đồng chí Maduro’ ?
Thường Sơn, VNTB, 28/01/2019
"Việt Nam luôn quan tâm, theo dõi và mong muốn Venezuela hòa bình, ổn định" - Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói gọn lỏn trước số phận có thể chỉ còn tính bằng ngày của Maduro - tổng thống của một Venezuela ‘xã hội chủ nghĩa anh em’ mà đã biến nền kinh tế từ giàu có về dầu mỏ thành suy kiệt và thảm họa xã hội.
Nguyễn Phú Trọng đã làm gì để hỗ trợ Maduro ?
Phải chăng không thật sự cảm nhận được mối đe dọa rất hữu hình đối với Maduro, về nguy cơ cứ với đà này thì kịch bản ‘Mùa xuân Ả rập’ rất có thể sẽ xảy ra ở một đất nước đã hội tụ hầu hết các yếu tố khủng hoảng khiến nó phải xảy ra, về sự ra đi gần như tất yếu của một chủ nghĩa xã hội đã thực sự tan vỡ ở Venezuela và kéo theo sự mất mát một ‘đồng minh chiến lược’ của Việt Nam ở phía Tây bán cầu…, hay cái thế giới cộng sản thu nhỏ và chỉ còn trên danh nghĩa ở Việt Nam giờ đây đã càng thu mình lại trước một biến động thời cuộc thế giới có thể sẽ rất ghê gớm và thậm chí sẽ tác động trực tiếp và đảo lộn đến đời sống chính trị - xã hội lẫn thế tồn vong của một chính đảng cộng sản chưa bao giờ chấp nhận một khung luật nào quản lý nó ở Việt Nam, một đảng cộng sản mà đã trở thành thủ phạm không thể rõ ràng hơn trong việc biến dải đất hình chữ S từ ‘rừng vàng biển bạc’ thành vùng đất hoang mạc về tài nguyên thiên nhiên của ngày hôm nay ?
Phát ngôn trên của Bộ Ngoại giao Việt Nam về vấn đề Venezuela xảy ra trong tình hình ngày 24/1/2019, ngay sau khi Chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaido tuyên bố trở thành Tổng thống lâm thời Venezuela, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức lên tiếng công nhận ông Guaido và kêu gọi các nước khác làm theo. Ngay sau đó, hàng loạt quốc gia khác bao gồm Canada, Brazil, Colombia, Chile, Peru, Ecuador, Argentina, Paraguay, Costa Rica… cũng tuyên bố ủng hộ ông Guaido làm tổng thống lâm thời Venezuela. Ít giờ đồng hồ sau, chính phủ Đức đã trở thành quốc gia tiên phong ở Châu Âu ủng hộ lãnh đạo đối lập ở Venezuela.
Nghĩa là gần như cả khối Mỹ Latinh và sẽ là một phần lớn, nếu không nói là toàn bộ khối Liên minh Châu Âu, đang và sẽ ủng hộ kịch bản loại trừ Maduro ngay trong năm 2019 này với những hành động can thiệp của quốc tế vào các nước Bắc Phi như Tunisie, Ai Cập, Libya vào mùa xuân năm 2011. Trong đó, không loại trừ kịch bản can thiệp quân sự.
Đến ngày 26/01/2019, Paris, Madrid và Berlin đồng thời tuyên bố sẽ công nhận thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido là Tổng thống Venezuela, nếu nguyên thủ quốc gia hiện tại, Nicolas Maduro, trong vòng 8 ngày không công bố một cuộc bầu cử mới.
"Người dân Venezuela nên được tự do quyết định tương lai của họ. Nếu cuộc bầu cử không được công bố trong vòng tám ngày, chúng tôi sẽ sẵn sàng công nhận ông Guaido là tổng thống Venezuela để khởi động tiến trình chính trị", Tổng thống pháp Macron viết trên Twitter.
Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng đưa ra lập trường tương tự đối với Tổng thống đương nhiệm Venezuela Nicolas Maduro.
"Chúng tôi không muốn lật đổ chính phủ ở Venezuela. Chúng tôi muốn dân chủ và bầu cử tự do ở Venezuela", Thủ tướng Tây Ban Nha nói thêm.
Ngày 23/1, các cuộc biểu tình rầm rộ chống lại Tổng thống đương nhiệm Venezuela Nicolas Maduro đã được tổ chức tại Caracas. Lãnh đạo phe đối lập, Chủ tịch Quốc hội Juan Guaido đã tự tuyên bố mình là người đứng đầu nhà nước tạm thời (quyền Tổng thống) để chuẩn bị cho một chính phủ chuyển tiếp.
Về phía đối trọng của khối trên, chỉ có một số ít ỏi những quốc gia mà không khó dự đoán là Cuba, Trung Quốc, Nga và cả Mexico.
Trong bối cảnh đấy tính thách thức như thế, cách tuyên bố nước đôi hoặc ‘đi hàng hai’ của Bộ Ngoại giao Việt Nam về cuộc khủng hoảng chính trị Venezuela không còn giống như cách đu dây của Việt Nam giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến Biển Đông hay những va chạm quốc tế khác. Phản ứng quá sức chung chung và như thể ‘nói cho nó lành’ của Bộ Ngoại giao Việt Nam gần như là một biểu hiện của tâm thế bối rối, hơn thế nữa là hoang mang cao độ của Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị đảng của ông ta.
Cũng như cái cách mà từ năm 2016 đến nay, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ tuyên bố ‘tàu Mỹ đi qua vô hại’’ và ‘Việt Nam tôn trọng tự do hàng hải’ ở Biển Đông.
Bỏ qua người đồng chí dầu mỏ đã từng một thời thân thiết là Venezuela, lợi ích sống còn trước mắt của chính thể độc trị ở Việt Nam là những mỏ dầu mà Bắc Kinh - như một kẻ cướp hung hãn - nhảy xổ vào nhà và đòi chia bôi với chủ nhà đến 60% tài sản của cái nhà đó.
Không còn cách nào khác, từ năm 2014 đến nay Việt Nam đã phải tìm cách dựa vào Mỹ. Còn việc Mỹ hành xử với Venezuela như thế nào thì đó là ‘chuyện người khác’.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 28/01/2019
******************
Việt Nam có trung lập trước biến cố ở Venezuela không ?
Nguyễn Tường Thụy, VNTB, 28/01/2019
Phải 28 năm sau, khi chế độ xã hội chủ nghĩa sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu, mới có một biến cố chính trị lớn nhằm lật đổ một nhà nước xã hội chủ nghĩa. Điều này nói lên, tàn dư của chủ nghĩa xã hội rất dai dẳng.
Tổng thống lâm thời Guaido đang phát biểu trước người dân Venezuela. Ảnh AFP
Xét về phạm vi toàn cầu thì hệ thống xã hội chủ nghĩa chính thức tan rã từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Venezuela và vài nước xã hội chủ nghĩa còn sót lại chỉ là tàn dư của nó mà thôi.
Để dễ hình dung, hãy xét trong phạm vi một quốc gia. Chế độ Pol Pot chính thức sụp đổ ngày 7/1/1979 nhưng tàn quân của nó chạy đến vùng biên giới Thái Lan, củng cố lực lượng chống quân tình nguyện Việt nam và nhà nước non trẻ ở Camphuchia rất quyết liệt. Mãi đến 20 năm sau, tức là năm 1999, Khmer đỏ mới chết hẳn.
Venezuela vốn là một quốc gia giàu có, tươi đẹp, được mệnh danh là cường quốc dầu mỏ, cường quốc hoa hậu. Thế nhưng con đường đi theo chủ nghĩa xã hội đã biến đất nước này thành xứ sở hoang tàn, kiệt quệ, đói nghèo. Hơn 2 triệu người phải bỏ tổ quốc ra đi trong một quốc gia 32 triệu dân. Và bây giờ, hàng triệu người dân đã đứng lên đòi thay đổi chế độ.
Trong cơn khủng hoảng lên tới đỉnh điểm, Chủ tịch quốc hội, nhà lãnh đạo đối lập Juan Guaido tự tuyên xưng là tổng thống lâm thời.
Juan Guaido hoạt động trong phong trào đối lập từ hồi còn là sinh viên, đứng về phía những người dân bị áp bức, bóc lột. Anh là thành viên sáng lập đảng Ý chí Nhân dân. Và với tuổi đời còn rất trẻ, có thể so sánh Juan Guaido với Lech Wałęsa thủ lĩnh Công đoàn Đoàn kết của Ba Lan trước đây.
Ngay lập tức, Hoa Kỳ và các nước Peru, Paraguay, Brazil, Chile, Colombia đã lên tiếng ủng hộ Guaido nhậm chức Tổng thống lâm thời Venezuela.
Tổng Thư ký Tổ chức các quốc gia Châu Mỹ (OAS) Luis Almagro ra tuyên bố công nhận vai trò Tổng thống lâm thời của ông Guaido.
Việt Nam có trung lập trước biến cố ở Venezuela không ?
Để biết về thái độ của Việt Nam trước cơn khủng hoảng về chính trị ở Venezuela, không thể suy đoán từ mối quan hệluôn luôn tốt đẹp, ủng hộ, bảo vệ lẫn nhau giữa Việt Nam và Venezuela mà phải căn cứ vào tuyên bố của nhà nước VN.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về biến động chính trị đang diễn ra ở Venezuela, người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam nói : "Việt Nam luôn quan tâm, theo dõi, và mong muốn Venezuela hòa bình, ổn định".
Bằng tuyên bố này, nhiều người cho rằng Việt Nam giữ lập trường trung lập về vấn đề này.
Nếu phân tích kỹ phát ngôn của Bộ ngoại giao thì thái độ của Việt Nam không phải thế.
Mong muốn hòa bình ổn định, điều đó có nghĩa là Việt Nam không muốn xảy ra biến động chính trị ở Venezuela mà muốn ổn định chế độ độc tài Maduro. Đấy là kiểu ổn định mà nhà cầm quyền Việt Nam hay nói tới, ví dụ hay khoe Việt Nam ổn định về chính trị (trong kêu gọi đầu tư, kêu gọi khách du lịch chẳng hạn), "Nền chính trị ổn định tạo cho Việt Nam có được 1 nền hòa bình và thịnh vượng" (Báo Quân đội)
Đám dư luận viên, lực lượng 47 thường chửi những người hoạt động dân chủ rằng đất nước đang ổn định, tại sao chúng mày cứ làm rối lên.
Cái "ổn định" đối với nhà cầm quyền Việt Nam là như vậy. Là kẻ cầm quyền cứ cầm quyền, kẻ bị trị cứ bằng lòng với thân phận bị trị. Họ không muốn có sự xáo trộn nào về chính trị cả.
Với "mong muốn Venezuela hòa bình, ổn định", rõ ràng Việt Nam không muốn có sự thay đổi ở Venezuela. Họ không hề trung lập trong biến cố chính trị này mà là ủng hộ chế độ độc tài Maduro. Đây là ngôn ngữ ngoại giao quen thuộc của lãnh đạo Việt Nam. Họ rất tinh khôn ở việc dùng ngôn ngữ. không cần nói đến chữ ủng hộ mà lại ra ủng hộ vậy.
Nếu họ thêm một chữ "sớm" - mong muốn Venezuela SỚM ổn định thì lại là thái độ khác. Khi đó, mới có thể nói Việt Nam trung lập trong cơn khủng hoảng chính trị ở Venezuela.
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : VNTB, 28/01/2019
*******************
Đường cùng tất biến !
Nguyễn Hoàng Hải, VNTB, 28/01/2019
Đó là hoàn cảnh của người dân Venezuela vào ngày 24/1/2019 vừa qua. Hàng triệu người đã xuống đường đòi phế truất tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro, là một tổng thống độc tài đã dẫn dắt người dân của mình đi theo con đường chủ nghĩa xã hội mà đã khiến họ trở nên nghèo đói không còn gì để ăn ngoài việc phải tìm kiếm những thức ăn thừa thải còn sót lại trong những thùng rác ngoài vỉa hè.
Lãnh đạo đối lập Venezuela Juan Guaido
Thảm cảnh trên đã được mục thị một cách rõ ràng qua những phóng sự trên toàn cầu trước đây trong một lăng kính phẳng của thế giới văn minh. Từ một nước giàu có về năng lượng khí đốt lớn nhất khu vực Mỹ Latinh, Venezuela trong phút chốc trở nên nghèo đói bởi những người cầm trịch vận mệnh đất nước qua vài nhiệm kỳ mà mình " sở hữu".
Venezuela, khi cuộc sống của người dân lâm vào đường cùng không còn gì để ăn, điều đó có nghĩa sinh mạng của họ đang bị đe dọa từng ngày từng giờ.
Đường cùng tất biến là sự nổi dậy mạnh mẽ của hàng triệu người dân Vennezuela vào ngày 24/1/2019, vài lần xuống đường trước đó chỉ là dấu hiệu cảnh báo nhà cầm quyền Maduro, và chính vì không có thay đổi gì đến điều kiện sống cần phải có nên họ phải hành động để giành lại đó là điều tất yếu.
Ai ủng hộ và đồng hành cùng người dân Venezuela ?
Đồng hành cùng người dân là chàng trai trẻ Juan Guaido chủ tịch Quốc hội Venezuela hiện tại. Juan Guaido đã đứng về phía người dân của mình để bác bỏ chức nhiệm tổng thống Nicolas Maduro vì cho rằng Maduro đã tiếm quyền qua cuộc bầu cử gian dối.
Juan Guaido có hiểu mình đang làm gì ?
Là chủ tịch Quốc hội Venezuela, hơn ai hết Anh hiểu nội tình của đất nước mình đang ở giới hạn nào, và chắc Anh cũng thấu hiểu tình cảnh của người dân mình ra sao ở thời điểm hiện tại. Nên việc Anh đứng ra tuyên bố và lãnh trách nhiệm làm tổng thống lâm thời Venezuela đã cho thấy đó là một bước đi trong giới hạn lương tri của con người không thể bị giày vò hơn cảnh tàn tạ của chính đất nước mình.
Sự ủng hộ nhanh chóng dành cho Guaido, đồng loạt đến từ nước Mỹ và các nước Nam Mỹ, chỉ vài nước như Trung Quốc, Nga, Cuba, Bolivia, không ủng hộ vì họ cho rằng có sự tác động từ bên ngoài vào Venezuela mà cụ thể là nước Mỹ.
Thế nhưng "họ", những nước không ủng hộ Juan Guaido lại quên rằng ngày 25/09/2018 chính tổng thống Mỹ Donald Trump đứng trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã công khai chỉ trích chế độ chủ nghĩa xã hội của Maduro ở Venezuela và kêu gọi những thành viên có mặt hãy hành động nhiều hơn nữa để giải quyết cuộc khủng hoảng, kêu gọi khôi phục đầy đủ nền dân chủ và tự do chính trị tại Venezuela.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng không ngần ngại khi nói : "Từ Liên Bang Xô Viết, tới Cuba, tới Venezuela, nơi nào chủ nghĩa xã hội, hay cách mạng xã hội chân chính được áp dụng, nơi đó đều phải chịu đắng cay, tuyệt vọng và thất bại. Những ai còn rao giảng về giáo lý của thứ chủ nghĩa đầy tai tiếng này thì chỉ góp phần kéo dài đau khổ cho những người phải sống dưới những chế độ tọi ác này".
Điều đó cho thấy tổng thống Mỹ Donald Trump không ngại chỉ trích thẳng thắng trước bàn dân thiên hạ của thế giới này, và điều đó đúng hay sai thì hàng triệu triệu người trên thế giới này cũng đã tường tận.
Tổng thống lâm thời Juan Guaido có thắng Nicolas Maduro trong cuộc chiến sinh tồn vì người dân Venezuela hay không tất nhiên rồi cũng sẽ ngã ngũ. Lợi thế có phần đang nghiêng hẳn về Juan Guaido vì được người dân ủng hộ, bên cạnh đó là xu thế sụp đổ tất yếu của những chế độ xã hội chủ nghĩa trong quá khứ.
Chính thể nào rồi cũng vậy, nếu để người dân của mình rơi vào đường cùng thì chính thể đó sẽ có ngày nhận lấy sự trừng trị thích đáng trước công luận của thế giới.
Ví như ở Việt Nam, cũng là một nước đi theo con đường chủ nghĩa xã hội, người dân ở đây chưa đến nỗi tiệm cận những thùng rác bên vỉa hè để tồn tại. Nhưng, chỉ dấu về sự tiệm cận đó là có thể xảy ra khi khổ danh dân oan mất đất, mất nhà mất cửa, cứ mọc lên như nấm được mùa. Vườn Rau Lộc Hưng là một chỉ dấu sống động hiện tại, bên cạnh nỗi đau kêu không thấu trời của dân oan Thủ Thiêm qua hai mươi năm dài đăng đẳng.
Đường cùng tất biến !, là cảnh báo nguy hiểm dành cho những kẻ vượt ra khỏi giới hạn của lương tri.
Nguyễn Hồng Hải
Nguồn : VNTB, 28/01/2019
********************
Tổng bí thư, thủ tướng... đều ăn ngủ không yên trước diễn biến ở Venezuela ?
Minh Châu, VNTB, 27/01/2019
Về cuộc khủng hoảng chính trị đang leo thang ở Venezuela mới đây, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam luôn quan tâm, theo dõi và mong muốn Venezuela hòa bình, ổn định.
Venezuela sẽ là một 'mùa xuân Ả rập' thứ hai ?
Như vậy, phải chăng Việt Nam đang đứng cửa giữa, ai lên nắm quyền chính trị ở Venezuela cũng được, miễn là mang lại hòa bình, ổn định cho đất nước ?
Người viết đã thực hiện một hội luận nhỏ ở nhóm bạn là các thầy, cô giáo đang dạy học ở Sài Gòn, và một thầy giáo là Việt kiều đang chuẩn bị ăn tết ở quê nhà. Chủ đề hội luận : Liệu Việt Nam có thể là một phiên bản Venezuela phương đông ?
* Thầy giáo Phạm Việt Bình, dạy môn văn, Việt kiều : Venezuela đã nhiều lần xảy ra đảo chánh. Điều này tương tự như ở miền Nam Việt Nam dưới cả hai thời đệ nhất và đệ nhị cộng hòa. Miền Bắc Việt Nam thì không thấy xảy ra cuộc đảo chánh nào. Trong suốt gần 44 năm qua, Việt Nam cũng không có đảo chánh, ngoài trừ vụ Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam.
Điều này về cơ bản cho thấy nếu như quân đội tiếp tục đặt dưới quyền lãnh đạo trực tiếp của đảng cộng sản với yêu cầu tiên quyết là trung thành tuyệt đối đảng cộng sản, thì nếu có đảo chánh, đó cũng chỉ là tranh quyền đoạt lợi của phe nhóm nào đó của những người trong cùng một đảng. Tốt hay xấu hơn so hiện tại là điều tôi chưa nghĩ ra, mặc dù rất có thể là tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa.
Tôi nghĩ các ông bà từ tổng bí thư, thủ tướng đến chủ tịch Quốc hội ở Việt Nam đều đang ăn ngủ không yên hổm rày trước diễn biến ở Venezuela. Tiếng là một vụ "đảo chánh" nhưng thực tế thì tôi thấy đây là một vụ tranh chấp quyền lực giữa hai cơ quan ‘dân cử’ là hành pháp và lập pháp.
Nguyên nhân tranh chấp đến từ hệ quả tồi tệ gây ra cho xã hội ở những quyết định sai lầm về kinh tế và chính trị của tổng thống Maduro. Ở Việt Nam, nợ công cùng nhiều bất ổn ngấm ngầm và cả công khai khác đang là chiếc lò xo bị nén… Tôi nghĩ người dân Việt Nam cần một sự thay đổi mạnh mẽ về thể chế chính trị, chấm dứt sự độc tài nhân danh kiểu ‘đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý’.
Tôi biết mấy thầy cô giáo ở đây tuy tin vào ông bạn nhà báo vốn là bạn học cũ đang thực hiện buổi ghi nhận bỏ túi này, song vẫn ngại đề cập trực tiếp vấn đề vì chén cơm manh áo. Quả tình tôi cũng đang thắc mắc vì sao hồi đó người miền Nam cùng cả quân đội nữa lại hết cuộc biểu tình này đến cuộc biểu tình khác, rồi nhiều lần đảo chánh vì cho rằng ông Diệm là độc tài, là gia đình trị. Còn giờ thì quân đội làm lơ…
Phải chăng hồi đó có sự giật dây của các vị trong lực lượng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam như lời thầy Hùng nói lúc nãy ?
Tôi có quan sát chính trường Việt Nam. Tôi nghĩ rằng bài học về sự tan rã nhanh chóng của Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đang được nhiều chính khách trong bộ máy cầm quyền hiện tại chiêm nghiệm, và ít nhiều họ sẽ tránh được vết đổ đó trong tương lai.
Còn họ là ai thì tôi mới chỉ mang máng nghĩ rằng họ là các chính khách nằm trong nội bộ của đảng cộng sản. Điều này tương tự như kịch bản từng diễn ra với chính thể Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Kiểu tuyên bố nước đôi vừa rồi của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng về Venezuela là một chỉ dấu.
* Thầy giáo Nguyễn Minh Hùng, dạy môn Anh văn : Ở Venezuela có hai đảng phái theo xu hướng khác nhau là cánh tả và cánh hữu. Tôi nghĩ ở Việt Nam phải đến ít nhứt là tháng 7/1976 mới bắt đầu chế độ chính trị độc đảng.
Hồi học đại học thập niên 80 thế kỷ trước, tôi từng được dạy là Cộng hòa Miền Nam Việt Nam là tên gọi của chính thể do Đại hội Quốc dân miền Nam, nòng cốt là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam thành lập ở miền Nam Việt Nam để tạo uy thế chính trị trên bình diện quốc tế, chống lại quân đội Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
Sau ngày 30/04/1975, tôi được biết qua sách vở là chính thể Cộng hòa Miền Nam Việt Nam có ra ‘Tuyên bố kế thừa Việt Nam Cộng hòa’. Việc Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tiếp quản các cơ quan đại diện và tài sản của chính phủ Việt Nam Cộng hòa cũng như quy chế hội viên tại các tổ chức quốc tế diễn ra thuận lợi, không gặp một trở ngại nào về pháp lý, vì các quốc gia và tổ chức quốc tế đều quan niệm rằng theo luật pháp quốc tế đây chỉ là sự thay đổi chính quyền trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam, không làm phát sinh chủ thể mới. Theo họ đây là thừa kế chính phủ chứ không phải thừa kế quốc gia.
Tuy nhiên cái bất ngờ là sau đó chính quyền miền Bắc Việt Nam đã xóa sổ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Một người bạn đang làm báo có nói với tôi rằng tổ chức xã hội dân sự có tên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng hiện nay, có những hội viên từng là người của chính thể Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng Việt Nam vẫn đang nhen nhúm đa đảng phái như Venezuela, còn có khả năng đảo chánh hay không thì phụ thuộc vào sự hậu thuẫn đến đâu của quân đội.
* Cô giáo Nguyễn Thu Dung, dạy môn địa lý : Đọc báo tôi thấy mấy ngày gần đây không rõ lý do gì mà bà chủ tịch Quốc hội lại kêu gọi đồng bào và nhân dân cả nước hãy bình tĩnh và tin tưởng vào sự quyết định của Đảng, Nhà nước. Báo chí cũng đăng là cả Tổng Bí thư đến Thủ tướng đã đến gặp các tướng lãnh quân đội với những phát biểu kiểu quân đội phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với Nhà nước.
Dĩ nhiên là những mẫu câu huấn dụ này quá quen thuộc với bà con mình. Nhưng cứ lặp đi, lặp lại cũng ít nhiều khiến người dân ngờ vực chắc là đang sắp có chuyện gì đây…
Còn về Venezuela, tôi nghĩ xét về địa chính trị thì khác hẳn Việt Nam. Venezuela tiếp giáp với Guyana về phía đông, với Brasil về phía nam, Colombia về phía tây và biển Caribbean về phía bắc. Guyana theo khuôn khổ cộng hoà đại diện dân chủ bán tổng thống, theo đó Tổng thống Guyana là nguyên thủ quốc gia, và một hệ thống chính trị đa đảng.
Một trong những nguyên tắc chính trị của nền cộng hòa ở Brasil là hệ thống đa đảng. Hiện nay có tổng cộng 15 đảng chính trị lớn nhỏ có ghế trong Quốc hội Brasil. Bốn đảng lớn nhất hiện nay là Đảng Công nhân (PT), Đảng Dân chủ Xã hội Brasil (PSDB), Đảng Vận động Dân chủ Brasil (PMDB) và Đảng Dân chủ (tiền thân là Đảng Mặt trận Tự do - PFL).
Colombia thì duy trì quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ, coi Mỹ là bạn hàng chính và nguồn cung cấp viện trợ quan trọng. Chính phủ Colombia ký thoả thuận cho phép Mỹ sử dụng 7 căn cứ quân sự trên lãnh thổ Colombia.
Còn ở Việt Nam thì láng giềng đều theo thể chế chính trị độc đảng của những người cộng sản. Tuy nhiên ngay cả Liên bang Xô Viết, cái nôi của thực hành chủ nghĩa cộng sản còn tan rã, thì thật sự tôi chẳng dám chắc điều gì.
Minh Châu
Nguồn : VNTB, 27/01/2019
Venezuela và ‘tâm trạng Việt Nam’
Mạnh Kim, VOA, 25/01/2019
Cuộc chính biến chấn động Venezuela dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao tức thì giữa các "ông lớn" cũng đang mang lại "ảnh hưởng" đến dư luận Việt Nam.
Một cuộc biểu tình tại Venezuela chống chính phủ Maduro.
Người Việt theo dõi sự kiện chính trị xảy ra ở một nước cách xa hơn 17 ngàn cây số với cái nhìn liên tưởng rất gần : Chừng nào đến lượt Việt Nam ? Thậm chí có người viết : "Venezuela hôm nay, Việt Nam ngày mai !"… Tâm trạng này đủ để cho thấy người Việt khát khao thay đổi như thế nào. Viễn cảnh bùng nổ "cách mạng nhân dân" ở Việt Nam sẽ xảy ra, nếu những thực tế sau đây được xóa bỏ…
- Cuộc xuống đường rầm rộ phản đối chính phủ độc tài Nicolas Maduro hạ tuần tháng 1/2019 không phải là phản ứng tức thì và bột phát. Nó là kết quả của chuỗi phản kháng gần như chưa bao giờ ngừng kể từ khi Nicolas Maduro lên nắm quyền sau khi Hugo Chávez chết năm 2013. Yếu tố liên tục "giữ lửa" và "nuôi lửa" này gần như chưa bao giờ có ở Việt Nam. Các cuộc xuống đường ở Việt Nam, bất luận quy mô thế nào, cũng đều đi theo sự kiện và chúng nhanh chóng bị dập tắt ngay lúc đó. Đó là chưa kể hình thức biểu tình. Cách thức tổ chức, kêu gọi và hình thức xuống đường luôn tương tự. Lực lượng an ninh không khó khăn để lên kịch bản đàn áp nếu cách thức biểu tình và phương pháp "vận động nhân dân" không thay đổi.
- Việt Nam chưa có những tổ chức xã hội dân sự đủ mạnh để đánh động dư luận và kêu gọi sự đồng lòng ở số đông – theo cách mà chính những tổ chức cộng sản từng làm khi thực hiện "cách mạng nhân dân" lật đổ những "chính quyền thối nát". Các tổ chức xã hội dân sự cũng chưa xây dựng được sự đoàn kết cần thiết để trở thành lực lượng tập hợp mạnh nhằm có thể trở thành đối trọng với đảng cầm quyền. Những cuộc trà trộn đánh phá nội bộ của an ninh chưa bao giờ bị phát hiện dẫn đến nghi kỵ càng khiến sự đoàn kết trở nên khó khăn. Sẽ rất khó hình thành nên phong trào một cách bền bỉ nếu việc xây dựng tổ chức vẫn tiếp tục loay hoay.
- Reuters (26/07/2018) cho biết, gần ¾ tờ báo ở Venezuela đã đóng cửa trong 5 năm (Venezuela xếp 143/180 quốc gia về tự do báo chí theo xếp hạng của Phóng viên không biên giới). Forbes (28/12/2017) cho biết thêm, chỉ trong hai tháng kể từ tháng 4/2017, chính quyền Maduro đã bắt và nhốt tù 66 nhà báo-biên tập viên liên quan các bài viết tường thuật biểu tình chống chính phủ ; và ít nhất 49 đài phát thanh bị ngừng hoạt động trong năm 2017. Điều đó cho thấy tự do báo chí dưới thời Maduro là không tồn tại ; tuy nhiên, nó cùng lúc cho thấy sự phản kháng trước tình trạng bóp nghẹt tự do báo chí của Venezuela là rất mạnh. Ở Việt Nam (hạng 175 về tự do báo chí), không có phóng viên nào có "thái độ chính trị" để khiến mình vào tù như đồng nghiệp Venezuela. Báo chí Việt Nam có vài tổng biên tập "xé rào" nhưng không có tổng biên tập nào dám xé toạc những "quy định báo chí" để thẳng thắn chỉ trích "đường lối và chủ trương của Đảng". "Phong trào dân chủ" sẽ rất khó trở thành "phong trào" thật sự nếu hệ thống báo chí chính thống còn lấp ló sau những hàng rào sợ hãi, nếu những nhà báo đang ăn lương không đủ can đảm từ chức tập thể hoặc tuyên bố tự đóng cửa tòa soạn.
- Chính trường Việt Nam hoàn toàn không có chính trị gia chuyên nghiệp. Hệ thống "người của Đảng" kiểm soát mọi thứ, kể cả diễn đàn Quốc hội, nơi có những "đại biểu" vừa ngồi ghế hành pháp, vừa chiếm ghế lập pháp, vừa ôm ghế tư pháp (chưa kể "ghế" chủ doanh nghiệp). Không có chính trị chuyên nghiệp nên "ý kiến" "đại biểu" chỉ thể hiện "ý chí" của tổ chức đảng hơn là ý nguyện người dân. Không có chính trị gia chuyên nghiệp nên khả năng xây dựng lực lượng chính trị đối lập, dẫn đến phản kháng và đảo chính, là zero. Điều này chỉ có thể khác đi hoặc chấm dứt, khi người dân không bao giờ ngừng yêu cầu quyền bầu cử tự do và quyền thiết lập một nền chính trị đa nguyên.
- Phong trào dân chủ Việt Nam gần như không có nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp. Những tiếng nói đơn lẻ xuất phát từ bức xúc cá nhân dù tạo ra những cơn sóng phẫn nộ gay gắt vẫn dường như chưa đủ mạnh để lay chuyển tận gốc rễ nhận thức xã hội. Việt Nam cần nhiều hơn những người có thể mang lại "cảm hứng" như Trần Huỳnh Duy Thức, những người không chỉ có thể phác họa "con đường mới" cho Việt Nam mà còn có thể lay tỉnh được cơn ngủ vùi của tầng lớp lao động lẫn sinh viên ; những người không chỉ có thể giúp xóa được tâm lý sợ hãi của người dân mà còn lay chuyển được cả những ông nghị vốn quen gật hoặc viên chức chính quyền lẫn quân đội…
Thời điểm hiện tại, chính quyền vẫn rất mạnh, xét về khả năng duy trì và bảo vệ chế độ. Họ có một quân đội trung thành, một bộ máy an ninh khổng lồ, một mô hình chính trị cùng "một hệ" xuyên suốt từ trung ương xuống địa phương. Tuy nhiên, chế độ chưa bao giờ hỗn loạn và suy yếu từ bên trong nghiêm trọng như lúc này. Chỉ là hoang tưởng nếu tin rằng chế độ "vững như bàn thạch" trong khi họ không bao giờ ngừng gây oán thán bằng các chính sách bất cận nhân tình. Ngòi nổ liên tục được chính quyền tạo ra. Rơm được chất đống. Chỉ thiếu mồi lửa. Dù chưa có cuộc biểu tình nào đủ sức lật đổ chế độ nhưng ngày càng nhiều có những vụ đơn lẻ mang màu sắc thậm chí tiêu cực hơn chẳng hạn các vụ đánh trả, giết chết công an hoặc các vụ đặt bom ám sát viên chức chính quyền. Tâm lý thù ghét, mất niềm tin, thậm chí khinh bỉ, đối với chính quyền, đang lan rộng, vô phương chặn đứng.
Những người "thuộc nằm lòng" lý thuyết cộng sản đều biết rằng mâu thuẫn xã hội là một trong những nguy cơ lớn nhất đe dọa chế độ cầm quyền. Điều này đang diễn ra mỗi lúc mỗi gay gắt. Những tay "cộng sản trung kiên" cũng biết rõ rằng mâu thuẫn nội bộ là một "đại kỵ" có thể dẫn đến sụp đổ chế độ. Điều này cũng đang bùng nổ. Một cách tổng quát, Việt Nam đang hội đủ "điều kiện" ở giai đoạn "tiên khởi" dẫn đến sự vỡ bờ của một cuộc cách mạng, từ việc bầu cử phi dân chủ ; sự thiếu vắng nền tư pháp độc lập ; sự bưng bít thông tin và bịt miệng báo chí ; sự trấn áp tàn bạo người dân ; sự hình thành và bao che tầng lớp đặc quyền đặc lợi ; sự tham nhũng hủ hóa cực kỳ nghiêm trọng ; đến tình trạng vi phạm thô bạo quyền tư hữu đất đai…
Ở thời điểm này, không ai có thể nghĩ đến khả năng xảy ra chính biến ở Việt Nam. Cũng gần như không ai hình dung có một cuộc cách mạng "long trời, lở đất" lột xác diện mạo chính trị quốc gia. Hiện tại là những khó khăn cần nhiều nỗ lực để vượt qua cho một tương lai dân chủ. Hiện tại cũng đầy khó khăn và thách thức cho tương lai của chính chế độ. Nhà cầm quyền đang lâm vào tình thế bế tắc trong việc tìm chỗ đứng thuyết phục và xây dựng niềm tin người dân, vì họ cùng lúc tước đoạt chỗ đứng người dân và những quyền căn bản của họ. Chẳng ai tin chế độ có thể nhượng bộ thay đổi. Trong khi đó, người dân ngày càng thay đổi cái nhìn về chính quyền. Đó là điều căn bản để tạo ra "bào thai" cho một cuộc cách mạng, ít nhất là cách mạng nhận thức. Từ cách mạng nhận thức đến cách mạng hành động cần một thời gian "ấp ủ". Vấn đề là sự khát khao thay đổi luôn cần được ấp ủ, luôn cần được nuôi nấng và duy trì, luôn cần được gieo hy vọng, kể cả khi đối mặt những thực tế hiện tại dường như bế tắc…
Mạnh Kim
*********************
Venezuela "tháo chạy" : sự sụp đổ của một "tấm gương xã hội chủ nghĩa" ?
Hoa Nghi, VNTB, 25/01/2019
Venezuela, đất nước từng được báo chí Việt Nam ca tụng như một "tấm gương, một tình anh em đồng chí thắm thiết, một chủ nghĩa anh hùng, một khát vọng xã hội chủ nghĩa" đã ngày càng suy kiệt về đời sống kinh tế - xã hội.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro – một con người xuất thân từ tài xế, một thân phận đúng quy trình của cái gọi là "giai cấp nhân dân lao động", và vị Tổng thống này đã đưa một quốc gia từ giàu có bậc nhất Mỹ La-tinh trở thành một quốc gia mà người dân buộc phải "lục thùng rác tìm miếng ăn".
Vì sao ? Bởi đơn giản, kể từ khi Hugo Chavez lên nắm quyền, ông ta dựa vào triết lý "đào múc xúc bán tài nguyên" (một triết lý quản trị quốc gia rất cộng sản), dần hình thành một nền kinh tế có sẵn và đầy tham nhũng. Chính vì vậy, khi Maduro lên nắm quyền Tổng thống sau cái chết của Hugo Chavez năm 2013, thì một năm sau - nền kinh tế vốn phụ thuộc vào dầu mỏ đã gặp khó khăn bởi giá dầu toàn cầu giảm trong năm 2014, các doanh nghiệp không còn có thể nhập khẩu hàng hóa với tốc độ như trước, giá cả tăng vọt và lạm phát. Và sự co lại của GDP ở Venezuela trong giai đoạn 2013-2017 nghiêm trọng hơn so với Mỹ, trong cuộc Đại khủng hoảng, hay Nga và Cuba sau sự sụp đổ của Liên Xô.
Sự khủng hoảng này ảnh hưởng nặng nề đến điều kiện sống của hàng triệu người.
Thế nhưng Nicolas Maduro vẫn tại vị hết lần này qua lần khác thông qua hệ thống bầu cử dựa trên quyền lực vũ trang (cảnh sát và quân đội) cũng như chính sách "miếng bánh chống chết đói" để giữ bằng được quyền lực của mình.
Mọi chuyện có vẻ đã khác đi khi hàng triệu người dân Venezuela đã đổ xuống đường. Lãnh đạo phe đối lập ở Venezuela, ông Juan Guaido, ngày 23/1 đã tự nhận trở thành tổng thống lâm thời của quốc gia này và nhận được sự ủng hộ của Mỹ cùng nhiều quốc gia khác.
Mỹ trong tuyên bố của mình đã tỏ rõ tính chất bảo hộ dân chủ, cái làm nên tính "siêu cường" của nước này : "Người dân Venezuela đã dám nói lên tiếng nói chống đối ông Maduro và chính quyền của ông ấy, yêu cầu tự do và thượng tôn pháp luật... Tôi sẽ tiếp tục dùng toàn bộ sức mạnh kinh tế và ngoại giao của Mỹ để áp lực phục hồi dân chủ cho Venezuela", ông Trump nói.
Bình luận về sự kiện này, Facebooker Nguyễn Việt Thắng chia sẻ trên Facebook cá nhân rằng, sự xuống đường của người dân hay sự tháo chạy của Tổng thống Nicolas Maduro chính là hệ quả của "tuyên truyền dối trá, bưng bít sự thật, quan chức phè phỡn, dân tình khốn khổ". Quan điểm của ông Thắng là quan điểm của rất nhiều người dùng mạng xã hội Việt Nam sáng ngày 24/1.
Nếu Nicolas Maduro "tháo chạy" thực sự, thì điều này gây ra sự nuối tiếc của hàng triệu người. Vì sau sự sụp đổ của Liên Xô và liên minh Đông Âu, thế giới dường như mất cảnh giác với giới cánh tả mang yếu tố cộng sản. Khi Hugo Chavez lên nắm quyền, thế giới lập tức có thêm một "tấm gương sáng về chủ nghĩa xã hội hay xã hội chủ nghĩa" để soi vào. Chưa bao giờ người dân thế giới nhận thức về hiện thực xã hội chủ nghĩa sống động đến thế, cái chủ nghĩa mà dễ dàng phá hủy một quốc gia, mặc dù quốc gia đó đầy đủ tài nguyên và tiềm lực con người. Nếu so với Triều Tiên, thì Venezuela có tính "biểu tượng" hơn, vì nó có hệ thống bầu cử, có cái gọi là "đối lập", và về mặt thông tin, nó hoàn toàn không đóng kín như Triều Tiên, thế giới vì thế có cái để nhìn vào và đối sánh.
Venezuela cho thấy câu chuyện cái mô hình và thể chế xã hội chủ nghĩa tiếp tục bị thải loại như một quan điểm tất yếu của thực tiễn và lịch sử, sự kéo dài của cái mô hình này chỉ khiến cho mạng người bị rẻ rúng và đời sống bị ngả giá giữa "đói hay là chết" với mô hình bầu cử giả hiệu. Venezuela cũng cho thấy sự quan tâm và thức tỉnh, cảnh giác của nhiều quốc gia trên thế giới, bởi ngay khi hàng triệu người xuống đường, hàng loạt quốc gia có nền kinh tế phát triển đã nhanh chóng công nhận thủ lĩnh đối lập Juan Guaido, người 35 tuổi là Tổng thống tạm thời. Và tất nhiên, cũng có vài quốc gia mê muội khác chống lại sự kiện xuống đường của nhân dân Venezuela, những quốc gia bảo hộ cho sự độc tài và lạm quyền lực : Mexico, Bolivia và Cuba (hai trong số này là nước xã hội chủ nghĩa, còn Mexico thì có vị Tổng thống cánh tả).
Lại nói về Juan Guaido, 35 tuổi, người vừa được Mỹ và hàng loạt quốc gia khác công nhận, ông là ai ? Ông là lãnh đạo phe đối lập, người đứng đầu Quốc Hội, và là người có tuyên bố gây chú ý rằng, ông Maduro không phải là một nhà cai trị hợp pháp và bản thân Juan Guaido sẵn sàng chịu trách nhiệm chuyển đổi chính quyền.
Chính tuyên bố gây chú ý này, đã khiến Juan Guaido vượt ra khỏi một nhà lãnh đạo đối lập, trở thành một người lãnh đạo quốc gia tiềm năng mà nhiều người ở Venezuela và bên ngoài kỳ vọng. Nói cách khác, tính trách nhiệm, tính kiểm soát quyền lực, tính thách thức sự độc tài và lũng đoạn đã trở thành "bà mụ", nâng đỡ Juan Guaido trở thành một Tổng thống hợp hiến trong tương lai. Nhưng điều cốt lõi là, Guaidó không bao giờ muốn rời khỏi đất nước của mình, ông muốn tạo ra sự thay đổi bắt nguồn từ chính vùng đất của mình.
Ngoài ra, ý thức chính trị của người dân Venezuela là rất quan trọng, hàng triệu người xuống đường ngày 23/1, nằm trong tiến trình xuống đường trước đó của người dân.
Năm 2014, hàng ngàn người đã xuống đường để phản đối lạm phát và điều kiện sống. Chính phủ đã đàn áp các cuộc biểu tình, khiến ít nhất 11 người chết.
Năm 2015, lần đầu tiên các chính trị gia đối lập giành được đa số trong cơ quan lập pháp - Quốc hội - trong gần hai thập kỷ.
Năm 2016, chính phủ Venezuela đã tước bỏ quyền lực của Quốc hội để giám sát nền kinh tế và vào tháng 3.2017, Chính phủ đã giải tán Quốc hội. Các cuộc biểu tình sau đó đã khiến hơn 100 người chết và 1.000 người bị bắt.
Và tất nhiên, những kẻ ủng hộ và trung thành với Maduro luôn đổ lỗi về sự hỗn loạn, xung đột, bạo lực, yếu kém, nghèo đói của đất nước chính từ phe đối lập hay thế lực thù địch nước ngoài,… Một cách đổ lỗi rất đúng quy trình ở các nước xã hội chủ nghĩa.
Sự kiện ngày 23/1 tại Venezuela được trang New York Times bình luận rằng, dù cho cộng đồng quốc tế đang gia tăng áp lực, nhưng điều này không có nghĩa là chế độ sẽ sụp đổ. Nếu điều gì đó đã được chứng minh, thì giải pháp cuối cùng phải đến từ trong nước, không phải từ bên ngoài.
Đó là sự thức tỉnh trong nhân dân, làm nên chủ quyền nhân dân.
Hoa Nghi
********************
Biến động chính trị Venezuela : Thông điệp cho lãnh đạo Việt Nam (VOA, 25/01/2019)
Biến động chính trị và cuộc nổi dậy của nhân dân Venezuela đòi lật đổ tổng thống xã hội chủ nghĩa Nicolas Maduro đang thu hút sự chú ý của nhiều người dùng mạng xã hội Việt Nam trong những ngày qua.
Những người ủng hội phe đối lập biểu tình chống lại chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hôm 23/1. Biến động chính trị này đang thu hút sự quan tâm của nhiều người Việt Nam vì cùng là xã hội chủ nghĩa.
Hai nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền nhận định với VOA rằng nhiều người Việt Nam đang quan tâm đến cuộc khủng hoảng này vì người dân Venezuela muốn lật đổ chính quyền xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam áp dụng và nó có thể là một thông điệp cho những nhà lãnh đạo Việt Nam.
Hôm 23/1, hàng trăm ngàn người dân Venezuela đã đổ xuống các đường phố yêu cầu chấm dứt chế độ xã hội chủ nghĩa của ông Maduro trong khi nhà lãnh đạo đối lập Juan Guaido tự tuyên xưng là tổng thống lâm thời trong lúc khủng hoảng chính trị ở quốc gia Nam Mỹ này lên tới đỉnh điểm.
Nhiều người dùng Facebook ở Việt Nam chia sẻ những hình ảnh của cuộc biểu tình ở Caracas kèm theo những lời bình luận mà phần lớn là ủng hộ sự nổi dậy của người dân Venezuela để đánh đổ chế độ xã hội chủ nghĩa.
Một Facebooker tên Thanh Ngo viết rằng "Chỉ vì tham vọng của một vài người theo chủ nghĩa cộng sản xã hộimà đẩy cả dân tộc vào cảnh lầm than" khi bình luận về một bài viết được chia sẻ trên mạng xã hội với tựa đề "Venezuela : Từ một cường quốc kinh tế tới cảnh... người dân bới rác tìm ăn".
Nguyễn Chí Tuyến, một nhà hoạt động dân chủ trong nước, cho biết lý do tại sao đây lại là một chủ đề ‘hot’ trên mạng xã hội Việt Nam lúc này.
"Lý do mà (người Việt Nam) quan tâm là vì đất nước Venezuela mặc dù xa Việt Nam nhưng họ có một thể chế từ thời ông Hugo Chavez và bây giờ là ông (Nicolas) Maduro theo con đường chủ nghĩa xã hội nên có nét giống với Việt Nam", anh Tuyến nói từ Hà Nội. "Cho nên khi chuyện chính trị xã hội xảy ra ở Venezuela thì đương nhiên người ta sẽ nhìn vào đó dưới nhiều góc độ khác nhau, mà đặc biệt người dùng mạng xã hội ở Việt Nam rất vui mừng khi thấy người dân Venezuela xuống đường để đấu tranh đòi dân chủ".
"Thông điệp cho lãnh đạo Việt Nam"
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, cũng là một nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam, cho VOA biết rằng ông cũng như dư luận trên mạng xã hội quan tâm nhiều về biến động ở Venezuela vì "từ ông (Nguyễn Minh) Triết đến ông (Nguyễn Phú) Trọng đều đã rất hữu nghị với chế độ độc tài này".
"Mọi người quan tâm chủ yếu đến một bài học cho các nhà lãnh đạo Việt Nam rằng ‘hãy coi chừng’ bởi vì Venezuela nó thế thì Việt Nam cũng có thể xảy ra như thế. Đấy là một kiểu ám chỉ".
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tại Hà Nội hôm 31/08/2015. (Ảnh chụp màn hình VOV)
Năm 2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết lúc đó thăm Venezuela và vào năm 2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp đón ông Maduro. Theo truyền thông trong nước, Việt Nam và Venezuela có quan hệ hữu nghị "tốt đẹp" và chứng kiến những bước phát triển mới trên nhiều lĩnh vực trong những năm qua.
Theo Tiến sĩ Quang A, cũng có những ý kiến trên mạng cho rằng người Việt Nam nên "theo gương Venezuela.
"Xuống đường đông như vậy, còn Việt Nam thì không thấy gì cả. Chỉ có xuống đường (ủng hộ) bóng đá là nhiều thôi".
"Hãy là một Venezuela tiếp theo !"
Hải Uyên, một Facebooker, trong một đăng tải trên trang cá nhân hôm 23/1 chia sẻ hình ảnh ông Guaido tuyên bố trở thành tổng thống lâm thời Venezuela kèm theo lời kêu gọi người dân Việt "hãy hành động trước khi quá muộn, hãy là một Venezuela tiếp theo !"
Hình ảnh người lãnh đạo trẻ Guaido cũng được nhiều người Việt Nam chia sẻ và tỏ lòng ngưỡng mộ cũng như mong ước một ngày nào đó sẽ có được một nhà lãnh đạo như vậy.
Người dùng Facebook Lê Hồng Song hôm 23/1 đưa ra những cảm nhận cá nhân của mình về tân tổng thống lâm thời 36 tuổi, người vừa được Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận, trong đó Facebooker này ca ngợi ông dám đứng lên cạnh người dân để "chiến đấu chống chế độ độc tài, xóa bỏ chủ nghĩa xã hội". Ông Song ước muốn rằng "nếu Việt Nam cũng có những con người như thế này… ?".
Một ngày sau khi biến động bùng nổ ở Venezuela, chính phủ Hà Nội hôm 25/1 nói rằng "Việt Nam luôn quan tâm, theo dõi và mong muốn Venezuela hòa bình, ổn định".
Tiến sĩ cho rằng "giới lãnh đạo Việt Nam cũng phải theo dõi và họ cũng phải rút ra những bài học" từ sự biến động này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 9 vừa qua kêu gọi các nước trên thế giới "chống lại chủ nghĩa xã hội" và gọi đó là một "bi kịch của nhân loại". Ông nêu tên Venezuela như là một ví dụ tiêu biểu khi cho rằng "hơn 2 triệu người chốn chạy khỏi đất nước vì chế độ xã hội chủ nghĩa của Maduro".
******************
Venezuela có là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam ? (RFA, 24/01/2019)
Biến động chính trị tại đất nước Venezuela ở Nam Mỹ xa xôi trong những ngày này khiến nhiều người Việt Nam quan tâm. Có ý kiến cho rằng chính quyền Hà Nội cần xem đó là một bài học để có hành xử đúng đắn không để rơi vào tình thế của đất nước Venezuela hiện nay.
Tổng thống lâm thời Guaido đang phát biểu trước người dân Venezuela. AFP
Nhà báo Phạm Thành từ Hà Nội nhận định rằng để người dân Việt Nam đứng lên phản đối như người dân Venezuela thì chưa đến lúc :
"Tôi thấy rằng từ khi cộng sản cai trị cho tới nay là hơn 70 năm thì tất cả gia đình không chỉ đồng bào miền Nam đâu mà ngay cả miền Bắc từ năm 1945 đến bây giờ thì tội ác gây ra cũng trần trấc- óc hư rồi. Người dân Việt Nam nói chung biết điều đó nhưng vì người còn có ăn chưa bị rơi vào tận cùng khó khăn, cứ phải ép và tận cùng, thấy quan tài thì họ nhỏ lệ đó là lịch sử người Việt Nam xưa đến nay".
Còn đối với nhà báo Ngô Nhật Đăng thì để thay đổi một cách hòa bình và có thể chấp nhận được thì các nhà lãnh đạo Việt Nam không cần thiết phải thay đổi hoàn toàn.
"Tình hình tại Việt Nam nếu như các nhà lãnh đạo nhìn ra được xu thế của thế giới, cũng không cần chế độ phải thay đổi hoàn toàn mà chỉ cần nới lỏng quyền lực tức là mở nắm tay ra cho xã hội dân sự phát triển và động viên sức mạnh của toàn dân tộc thì mọi sự sẽ khác. Chúng ta cũng đã thấy rằng cái quy luật của thế kỷ này là mọi sự thay đổi là bắt đầu từ bên dưới chứ không phải từ bên trên".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã có trả lời báo chí liên quan đến biến động chính trị gần đây ở Venezuela. Theo bà này thì Việt Nam luôn quan tâm, theo dõi, và mong muốn Venezuela hòa bình, ổn định.
Nhiều nhà quan sát chính trị Việt Nam chia sẻ nhận định trên các trang cá nhân của mình rằng, sau sự kiện tổng biểu tình tại quốc gia xã hội chủ nghĩa Venezuela, thì có nhiều lo ngại từ các cấp lãnh đạo Việt Nam.
Nhà báo Ngô Nhật Đăng khẳng định với chúng tôi rằng điều này chắc chắn có.
"Chúng ta thấy một số báo chí cũng đưa một số tin dù nó không hoàn toàn khách quan nhưng chúng ta cũng thấy tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng tỏ ra lo lắng và khuyên hai bên kiềm chế để không xảy ra bạo lực. Chắc chắn bài học của Venezuela cũng sẽ là bài học cho Việt Nam".
Nhà báo Phạm Thành cũng có cùng nhận định :
"Hiện nay tôi cho rằng rất nhiều ông đang bóp đầu lên trán lo lắng cho thân phận của mình và đang tìm cách để giải bài toán này như thế nào. Nhiều người hy vọng cải cách lại thành xã hội dân chủ nhưng điều đó khó lắm, tại vì họ làm được điều đó họ phải vượt qua được chính mình tức là phải tự khai tử họ thì mới bỏ chủ nghĩa xã hội chuyển qua dân chủ được. Cho nên nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không được lâu dài nhưng sụp đổ là phải có áp lực đấu tranh từ nhân dân và nhất định phải có sự yểm trợ từ quốc tế và đặc biệt là Hoa Kỳ thì mới nhanh chóng thành công được".
Đụng độ giữa lực lượng chức năng và người dân Venezuela. AFP
Ngoài ra, nhà báo Phạm Thành còn cho biết thêm hai quốc gia cùng muốn đi lên chủ nghĩa xã hội, tức là cùng một ý thức hệ, cùng muốn xây dựng xã hội theo chủ nghĩa cộng sản là không công nhận quyền sở hữu , không có tự do dân chủ, tài sản là của nhà nước quản lý chứ không phải nhân dân, nghĩ theo đảng và nói theo đảng, làm theo đảng và ai chống lại thì bị tiêu diệt.
Tuy nhiên, xu thế đó không thể tồn tại mãi mà phải thay đổi nếu không sẽ đến một lúc ‘tức nước vỡ bờ’ :
"Bây giờ họ phải cải cách thôi nếu không muốn đổ máu và có thể chấp nhận được. Venezuela cũng như Việt Nam thôi người ta mong muốn là chế độ bỏ độc quyền đi tổ chức chế độ dân chủ và trao quyền tự quyết cho dân nhưng tôi chưa thấy nước cộng sản nào cầm quyền mà cải cách được như thế. Nếu không có áp lực, không có mâu thuẫn đến giai đoạn phải bung ra thì điều đó khó xảy ra lắm".
Đồng thuận với điều này, nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng những nét cơ bản các trạng thái chính trị của Venezuela, Trung Quốc và Việt Nam đều giống nhau, dù có đôi nét riêng, nhưng bây giờ toàn thể thế giới đều nhận thấy không thể đi theo con đường đó nữa :
"Sự thay đổi của thế kỷ 21 là sự thay đổi của tầng lớp tri thức chứ không còn là khởi nghĩa nông dân như thời thế kỷ 18,19 và thời phong kiến nữa. Tất nhiên bây giờ chúng ta thấy lực lượng tri thức đông hơn, ngay tại Việt Nam sinh viên bây giờ chắc chắn đông hơn và số lượng nhiều hơn người nông dân nên để cho sự thay đổi nó ôn hòa thì chúng ta phải đi những con người đó mới tránh được những sự lo ngại về chuyện trả thù, đỗ máu thì tất cả mọi người đều lo ngại cả".
Theo các chuyên gia mà chúng tôi tiếp xúc đều có chung nhận định rằng, để Việt Nam không phải rơi vào tình trạng như Venezuela trong tương lai thì phải có sự đồng thuận từ hai phía chính quyền và người dân. Lãnh đạo phải dũng cảm lắng nghe và phải có sự thay đổi từ bên trên giống như là một sáng kiến để huy động sức mạnh của dân tộc, ‘túi khôn’ của dân tộc nằm trong dân chúng.
Venezuela là quốc gia theo chế độ xã hội chủ nghĩa và là đất nước giàu có với lượng dầu mỏ khổng lồ. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của các ông Hugo Chavez, Maduro đã khiến Venezuela rơi vào tình trạng nghèo đói, thất nghiệp, thiếu lương thực và nhu yếu phẩm cho cuộc sống hằng ngày ; lạm phát lên tới hàng ngàn phần trăm cùng bao tồi tệ khác đã khiến người dân đồng loạt xuống đường tổng biểu tình yêu cầu phế truất tổng thống Maduro hôm 23/1 vừa qua.
****************
Giới quan sát Việt Nam nói gì về diễn biến Venezuela ? (BBC, 25/01/2019)
Giới quan sát người Việt Nam bình luận với BBC rằng diễn biến Venezuela cho thấy "mọi tham vọng quyền lực đều sẽ bị trả giá nếu không hướng về phía tự do và hạnh phúc của nhân dân".
Chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaido và những người ủng hộ ông
Hôm 24/1, mạng xã hội ghi nhận sự bàn tán rôm rả của các blogger Việt Nam trước tin xảy ra biểu tình hàng vạn người tại Venezuela trong lúc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump công khai tuyên bố thừa nhận lãnh đạo đối lập Venezuela Juan Guaido là tổng thống tạm quyền.
Hôm 24/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng được các báo dẫn lời : "Việt Nam luôn quan tâm, theo dõi và mong muốn Venezuela hòa bình, ổn định".
"Việt Nam cũng mong muốn góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Venezuela".
'Bài học nóng hổi'
Hôm 24/1, Giáo sư Tương Lai nói với BBC qua điện thoại từ TP Hồ Chí Minh : "Theo như tôi cảm nhận thì diễn biến Venezuela là tin vui với nhiều người dân Việt Nam".
"Tôi rất mừng khi tình hình Venezuela hôm nay cho thấy những chế độ độc tài, toàn trị không thể tồn tại được và sớm hay muộn thì những kẻ độc tài, thể chế độc tài, phi dân chủ cũng phải chịu số phận bị lật đổ".
"Theo tôi, đây cũng là bài học nóng hổi cho giới chức lãnh đạo Việt Nam vì họ xây dựng chế độ toàn trị và luôn nghĩ Venezuela là đồng chí với nhau".
"Tôi cũng nghĩ rằng trong vụ này, Mỹ gửi thông điệp đến chế độ toàn trị ở Việt Nam khi tuyên bố họ có những lựa chọn cho Venezuela".
"Tôi có cảm nhận người dân Việt Nam nói chung đều muốn được sống trong tự do, không bị đe dọa, nhưng có thể những người dân ở miền núi, nông thôn không nắm được thông tin đầy đủ, khách quan về thế giới bên ngoài".
"Điều này là do tự do báo chí bị bóp nghẹt, và mới đây là luật An ninh mạng có hiệu lực".
"Nhìn từ sự đón nhận diễn biến Venezuela, có thể thấy quần chúng Việt Nam luôn đứng về phía tiến bộ, chống áp bức, bất công, ngả về dân chủ và chống chế độ toàn trị".
Ông Guaidó tuyên bố mình là "quyền tổng thống" hôm thứ Tư
'Thay đổi trong hòa bình'
Hôm 24/1, nhà văn, nhà quan sát Nguyễn Viện nói với BBC : "Theo những gì tôi biết về Venezuela hôm nay, đã có hàng triệu người xuống đường đòi lật đổ chính quyền của ông Nicolas Maduro. Trong nhiều năm qua, cũng đã có nhiều cuộc biểu tình tương tự để chống lại chế độ tài theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa này, nhưng không thành công".
"Dù ông Maduro và người tiền nhiệm Hugo Chavez đã hoàn toàn bất xứng khi tạo ra một xã hội đổ vỡ và thất bại toàn diện, từ lý thuyết đến thực hành, đẩy nhân dân mình vào đói khổ cùng cực".
"Tình hình hôm nay đã có vẻ khác. Điều đáng chú ý trong cuộc nổi dậy này là đã có một lãnh đạo hợp pháp về mặt pháp lý, ông Juan Guaido, 35 tuổi, chủ tịch quốc hội và được sự đồng thuận của các đảng đối lập cũng như toàn thể nhân dân Venezuela".
"Ông Guaido đã tuyên thệ làm tổng thống lâm thời và được Mỹ cũng như một số chính phủ khác trong vùng công nhận. Đây là một trường hợp khá hiếm hoi khi phe nổi dậy và ông Guaido chưa thực sự chính thức chiến thắng".
"Chúng ta có thể nhìn thấy rõ có yếu tố "can thiệp từ nước ngoài". Tuy nhiên, điều này không phải là chưa từng xảy ra. Và theo tôi, nó cần thiết phải được thể hiện bởi tính nhân đạo khách quan trước sự đau khổ, tuyệt vọng của nhân dân Venezuela mà không một ai có thể phủ nhận".
"Nhân dân Venezuela cần được tự do cũng như có một cuộc sống ấm no. Thế giới đang hướng về họ với hy vọng công lý sẽ chiến thắng trước những tham vọng quyền lực một cách bệnh hoạn như chế độ Maduro".
"Liên hệ với tình hình Việt Nam. Tôi tin rằng một Juan Guaido trẻ trung, can đảm sẽ gợi cảm hứng cho tuổi trẻ Việt Nam một cách tích cực. Tôi cũng mong các nhà lãnh đạo trong nước luôn biết lắng nghe nhân dân của mình, kịp thay đổi trong hòa bình. Tất cả mọi tham vọng quyền lực đều sẽ bị trả giá nếu nó không hướng về phía tự do và hạnh phúc của nhân dân".