Các cường quốc can dự vào Biển Đông đến đâu ?
Ngọc Lễ, VOA, 01/08/2019
Mặc dù các cường quốc trên thế giới đều ý thức những nguy cơ đến từ sức mạnh của Trung Quốc trên Biển Đông và đều có những lợi ích chiến lược đối với vùng biển này, sự can dự của họ cùng với Mỹ để thách thức Trung Quốc có những hạn chế nhất định, các nhà nghiên cứu đến từ các cường quốc này cho biết tại một hội nghị về Biển Đông mới đây ở Washington, Mỹ.
Tàu sân bay Mỹ Ronald Reagan tham gia tập trận cùng Nhật Bản ngoài khơi BIển Đông hồi tháng 8 năm 2018
Trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Mở và Tự do (FOIP) mà Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hồi đầu tháng Sáu, Mỹ nhấn mạnh đến sự hợp tác của bốn cường quốc trong khu vực là Mỹ-Nhật-Ấn-Úc (còn gọi là The Quad - Bộ Tứ) và kêu gọi sự can dự mạnh mẽ hơn từ các nước Châu Âu, nhất là Anh và Pháp, để đảm bảo cấu trúc an ninh trong khu vực trước mối đe dọa từ Trung Quốc.
Tại Hội nghị Biển Đông hằng năm lần thứ 9 hôm 24/7/2019, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) đã mời các học giả đại diện các nước Nhật, Ấn, Úc và Đức (đại diện cho khối Âu Châu) để trình bày về cam kết của các cường quốc này đối với an ninh trên Biển Đông.
Nhật ‘lo lắng’
Nhật Bản là nước ‘rất dễ bị tổn thương’ trước những diễn biến tiêu cực trên Biển Đông, Toshihiro Nakayama, giáo sư về quản lý chính sách ở Đại học Keio, khẳng định tại hội thảo.
"Nhật Bản phụ thuộc hoàn toàn vào giao thương…Hơn 90% giao thương của Nhật Bản lệ thuộc vào vận chuyển bằng đường biển", ông giải thích. "Do đó, vùng Biển Đông đặc biệt là huyết mạch hàng hải hết sức quan trọng đối với Nhật".
"Nếu con đường hàng hải đó bị chặn hoặc nếu một quốc gia đơn lẻ nào đó làm chủ vùng biển đó thì Nhật sẽ rơi vào tình thế dễ bị tổn thương".
Do đó, ông cho biết ý đồ của Trung Quốc muốn biển Biển Đông thành vùng biển của riêng họ là ‘quan ngại lớn của Nhật’.
Cho đến nay, mặc dù Tokyo không tham gia vào các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) trên Biển Đông do Mỹ khởi xướng do những tranh cãi trong nước, nhưng nước này tham gia vào nhiều cuộc tập trận trong khu vực và công khai ủng hộ các chiến dịch FONOP của Mỹ, ông Nakayama nói.
"Hồi năm ngoái Nhật Bản đã công khai nói rằng họ đã tiến hành tập trận tàu ngầm ở Biển Đông và họ đã tập trận như thế hơn 15 năm nay", ông cho biết và nói việc Nhật công khai việc tập trận là ‘diễn biến quan trọng’.
Tuy nhiên, ông cho biết ở Nhật hiện đang có cảm nhận rằng thế cân bằng chiến lược ở Biển Đông đang ‘nghiêng về hướng có lợi cho Trung Quốc’ và lo lắng về cam kết của Mỹ đối với khu vực dưới thời Tổng thống Donald Trump với phương châm ‘Nước Mỹ trên hết’.
"Chúng tôi nhìn thấy tham vọng của Trung Quốc để thay thế Mỹ hay gạt Mỹ ra rìa trong vai trò lãnh đạo ở Châu Á-Thái Bình Dương", ông nói.
Mặc dù không ai nói về sự thoái lui hoàn toàn của Mỹ khỏi khu vực nhưng nếu có những dấu hiệu mờ nhạt về việc này thì nó sẽ gây tác động tiêu cực cho khu vực, ông nói thêm.
"Chỉ cần một dấu hiệu nhỏ về sự thoái lui của Mỹ sẽ tạo ra thay đổi lớn trong cán cân quyền lực", ông giải thích.
Ông Nakayama nói trước giờ ông đã trao đổi với rất nhiều quan chức ở khu vực Đông Nam Á và vấn đề Biển Đông ‘không bao giờ là về quyết tâm của Mỹ mà là về kiểm soát các vấn đề’.
"Nhưng giờ đây cảm nhận của các nước trong khu vực hay ít nhất là ở Nhật đã có sự thay đổi lớn", ông nói. "Chúng ta có chính quyền Trump do đó có cảm giác chung là sự bất định về vai trò của Mỹ ở Châu Á".
Tổng thống Trump đã không đến dự các hội nghị thượng đỉnh của khu vực ở Singapore và Papua New Guinea hồi cuối năm ngoái mà cử phó Tổng thống Mike Pence đi thay trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã có sự xuất hiện nổi bật.
Ông cho rằng Tổng thống Trump nên quan tâm đến cảm nhận của khu vực về cam kết của Mỹ, về sự hiện diện lâu dài của Mỹ ở khu vực. Đó là điều quan trọng hơn các chiến dịch FONOP hay triển khai vũ khí gì, nhất là trong bối cảnh Biển Đông.
Giáo sư Toshihiro Nakayama nói rằng nói rằng mặc dù ở Nhật mọi người đều lo về Trung Quốc nhưng họ ‘không muốn đối đầu trong quan hệ với Bắc Kinh’.
Hơn nữa, Nhật là nước ‘rất ngại rủi ro’ trong việc đảm nhận các vai trò an ninh nhưng ông cho rằng điều này ‘đang thay đổi đáng kể’.
Châu Âu quan ngại
Đối với các nước Châu Âu, vấn đề Biển Đông không quan hệ lắm đối với lợi ích sát sườn của họ trừ một vài nước như Anh, Pháp, nhưng cách hành xử ngày càng quả quyết nói chung của Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực đã khiến Châu Âu quan ngại, bà Sarah Kirchberger đến từ Viện Chính sách An ninh thuộc Đại học Kiel, Đức, cho biết.
"Mãi cho đến gần đây Biển Đông còn là một chủ đề ít người Châu Âu biết đến hay quan tâm bởi vì nó xa xôi và không có liên hệ gì đối với họ mặc dù nhiều nước Châu Âu dựa vào xuất khẩu qua hải lộ đó", bà giải thích.
Bà cho biết trong vòng hai năm qua, Châu Âu đã có ‘sự thay đổi đáng kể’ trong thái độ đối với Trung Quốc mà tất cả đều xuất phát từ cách hành xử ngày càng chuyên chế và quả quyết của Bắc Kinh.
Bà chỉ ra cách chính quyền Bắc Kinh đang kiểm soát và định hướng dư luận bên ngoài theo chiều hướng có lợi cho Trung Quốc và tìm cách bóp nghẹt những tiếng nói chỉ trích hay những cuộc thảo luận về những ‘tội ác’ trước đây của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Mặc dù cộng đồng doanh nghiệp vẫn nhìn thấy nhiều cơ hội trong việc hợp tác với Trung Quốc, cộng đồng an ninh đã ‘cảnh giác hơn nhiều’, bà nói. "Một số người từng chủ trương thỏa hiệp với Trung Quốc đã thật sự thay đổi quan điểm".
Ngoài ra, chiến lược ‘Made in China 2025’ mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra nhằm vươn lên dẫn đầu thế giới trong những ngành công nghệ chủ chốt khiến Berlin đặc biệt quan ngại vì nó thách thức sự thịnh vượng của nước Đức.
"Nếu nhìn vào tin tức, trao đổi với các chuyên gia hay thậm chí với cộng đồng doanh nghiệp sẽ thấy mối quan ngại này – ngay cả Hiệp hội các ngành Kỹ nghệ Đức cũng đã ra cảnh báo các doanh nghiệp đừng có quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc", bà nói thêm.
Bà cho biết Châu Âu nhìn vào Trung Quốc với nhiều mối quan ngại trong bối cảnh cuộc cạnh tranh quyền lực của nước này với Mỹ. Thứ nhất là quan ngại về cán cân quân sự ngày càng thay đổi giữa Mỹ và Trung Quốc. Thứ hai là Bắc Kinh ngày càng quả quyết trên một loạt phương diện từ quân sự cho đến kinh tế và ngoại giao và cách hành xử này đã ảnh hưởng trực tiếp đến Châu Âu. Thứ ba là những dấu hiệu của mối quan hệ chiến lược ngày càng sâu sắc giữa Trung Quốc với Nga mà EU xem là mối đe dọa an ninh chính.
Vị đại diện đến từ nước Đức này so sánh cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông và eo biển Đài Loan với hành động hung hăng của Nga ở Ukraine.
Bà Kirchberger dẫn ra các dấu hiệu cho thấy nhiều khả năng Trung Quốc ‘đang xây dựng một hệ thống quân sự chống ngầm mang tính kết nối dưới Biển Đông’ với các thiết bị giám sát mọi động tĩnh và phân tích những dữ liệu thu thập được từ hệ thống phao nổi và vệ tinh trên Biển Đông. Nếu Trung Quốc có thể kiểm soát được hoạt động tàu ngầm của các nước khác, bà nói, thì điều này ‘sẽ thay đổi cán cân quân sự’ ở Biển Đông.
Với tư cách là đồng minh với Mỹ trong khối NATO, các nước Châu Âu ‘trước hết phải đảm bảo an ninh cho ngôi nhà của mình để người Mỹ có thể rảnh tay triển khai ở khu vực Thái Bình Dương’, bà nói. Bên cạnh đó, một số nước Châu Âu cũng có hành động giương cao ngọn cờ luật pháp quốc tế trên Biển Đông.
"Tôi nghĩ Pháp là quốc gia ở vị trí tốt nhất ở Châu Âu để tham gia tích cực vào các chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) mà họ đã tham gia lâu nay", bà Kirchberger cho biết. "Họ là quốc gia Thái Bình Dương (Pháp có nhiều lãnh thổ hải ngoại ở vùng biển này) và họ có sự hiện diện quân sự đáng kể ở Thái Bình Dương. Họ có nhiều kinh nghiệm và họ có năng lực hải quân rất tốt".
"Do đó nếu có chiến dịch đa phương nào (của Châu Âu) diễn ra thì theo quan điểm của tôi người Pháp sẽ nắm vai trò lãnh đạo bởi vì tàu chiến của họ thường đi qua khu vực này mà mới đây nhất chiến hạm Pháp đã băng qua eo biển Đài Loan trong một hành động bị Bắc Kinh lên án gay gắt".
Việc Trung Quốc hủy bỏ lời mời Pháp tham dự sự kiện kỷ niệm ngày thành lập của Hải quân Trung Quốc ngay sau đó cho thấy ‘sự thay đổi trong cách hành xử của Trung Quốc chắn chắn đang ảnh ưởng đến các nước Châu Âu’.
Về phần Đức, bà cho biết Berlin không sẵn sàng chấp nhận rủi ro về quân sự với Trung Quốc. ‘Hành động can đảm nhất’ mà Berlin có thể làm là dung chấp những người bất đồng chính kiến với chế độ như Ngãi Vị Vị hay Lưu Hà, vợ của Lưu Hiểu Ba.
Đức không muốn tham gia vào FONOP vì ‘không sẵn sàng’, bà nói và đưa ra lý do là hải quân Đức đã đi xuống sau nhiều thập niên bị bỏ bê và ở quốc gia có lịch sử gây chiến như Đức thì bất cứ hành động quân sự nào ‘cũng sẽ rất mất lòng dân và gần như là tự sát chính trị’. Do đó, hình thức đóng góp tốt nhất của Đức là tham gia vào một nỗ lực đa phương của Châu Âu.
Ấn Độ ‘hướng Đông’
Về phần Ấn Độ, một quốc gia nằm trong ‘Bộ Tứ’ trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, bà Pooja Bhatt, nghiên cứu sinh tiến sĩ đến từ Đại học Jawaharlal Nehru, nói rằng lập trường của New Delhi đối với Biển Đông là ‘hòa bình, ổn định và an ninh dựa trên luật pháp và chuẩn mực được quốc tế chấp nhận’, ‘ủng hộ tự do hàng hải, tự do hàng không và thương mại không bị gián đoạn’.
Bà Bhatt chỉ ra rằng Ấn Độ có nhiều lợi ích ở Biển Đông và cũng sẽ ‘là một nạn nhân’ nếu vùng biển này xảy ra bất ổn.
Trước hết là lợi ích năng lượng khi các tập đoàn dầu khí của Ấn Độ trong vòng 10 năm qua đã tham gia thăm dò hai lô trong vùng biển của Việt Nam. Thứ hai là bảo vệ con đường giao thương của Ấn Độ với hơn một nửa kim ngạch ngoại thương của nước này phải thông qua con đường Biển Đông. Thứ ba là Ấn Độ muốn có một cấu trúc khu vực mang tính hội nhập, mở và tự do vốn cho phép tất cả các nước có lợi ích đều được tham gia. Thứ tư, Ấn Độ muốn cùng các nước trong khu vực xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng và các dự án kết nối các nước trên nguyên tắc ‘minh bạch và bình đẳng’.
Trong khuôn khổ chính sách đối ngoại ‘Hướng Đông’, Ấn Độ trong những năm qua đã tích cực tăng cường sự hiện diện về kinh tế, chính trị và quân sự với các nước xung quanh Biển Đông, đặc biệt là với Việt Nam – nước mà Ấn Độ xem là then chốt trong chiến lược ‘Hướng Đông’. Chính sách ‘Hướng Đông’ này và lập trường về Biển Đông của Ấn Độ xuất phát từ khuôn khổ mối quan hệ ‘yêu và ghét’ của Ấn Độ đối với Trung Quốc, bà Bhatt cho biết.
"Mặc dù người Ấn Độ tự nhiên không thích các hành động của Trung Quốc vì những lý do lịch sử như chiến tranh và tranh chấp biên giới giữa hai nước, có một số nhân tố mà Ấn Độ phải xem xét", bà nói về ý định của Ấn Độ có sẵn sàng đi xa hơn trong việc thách thức Trung Quốc hay không.
Trước hết năng lực của Ấn Độ hiện nay chưa đến mức có thể tham gia vào cuộc đối đầu với Trung Quốc. Thứ hai, Ấn Độ đang đa dạng hóa các lợi ích ‘do sự quan tâm của Mỹ đến khu vực ngày càng suy giảm còn Trung Quốc thì hung hăng’. Thứ ba là lợi ích của chính Ấn Độ trong giao thương với Trung Quốc.
Bà cũng lưu ý lập trường của các nước Đông Nam Á là ‘không muốn có thêm cấu trúc an ninh khu vực mới (kiểu như Bộ Tứ)’ mà thay vào đó ASEAN muốn ‘củng cố các cấu trúc an ninh có sẵn để có thêm các chức năng mới’.
Bà khuyên rằng Mỹ không xem Ấn Độ hay các nước khác trong khu vực chỉ đơn thuần là đối tác an ninh hay quân sự mà cần phải chú trọng mối quan hệ đối tác kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng như Trung Quốc đã làm với các dự án RCEP (Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực) và Ý tưởng Vành đai-Con đường (BRI).
"Tôi cho rằng các nước trong khu vực cảm thấy rất bất an khi trở thành đồng minh quân sự (với Mỹ)", bà nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay khi lên nắm quyền đã từ bỏ Hiệp ước Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn nhằm tăng cường mối quan hệ kinh tế của Mỹ với các nước trong khu vực trước sức ảnh hưởng càng lớn của Trung Quốc.
Úc đề cao luật pháp
Cũng giống như các cường quốc bên ngoài khác, Canberra cũng có lợi ích trong việc duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông và đây là ưu tiên trước hết của nước này, bà Bec Strating, giảng viên về Chính trị thuộc Đại học La Trobe, cho biết.
"Chính sách được công bố của Úc trong những năm qua là bày tỏ mối quan ngại lớn đối với các cường quốc đang nổi thách thức luật lệ trên biển, trên không và xem đó là mối đe dọa đối với ổn định khu vực – yếu tố rất quan trọng góp phần vào sự thịnh vượng và an ninh quốc gia của Úc", bà nói.
Cũng giống như Ấn Độ và Nhật Bản, Úc có khối lượng hàng hóa lớn được giao thương qua con đường Biển Đông với gần hai phần ba. Tuy nhiên, Canberra không lo lắng về việc con đường giao thương này bị gián đoạn vì phần lớn hàng hóa đó đi đến hay đi từ Trung Quốc.
"Không có khả năng Trung Quốc gây cản trở cho việc giao thương này vì đó cũng là lợi ích của họ", bà Strating giải thích. "Nguy cơ kinh tế thực sự đối với Úc là khả năng Trung Quốc sử dụng các đòn bẩy kinh tế mà họ có như buôn bán các mặt hàng thiết yếu, du lịch hay giáo dục bậc cao để trừng phạt Canberra nếu Úc có lập trường cứng rắn trên Biển Đông".
Bà cho rằng quan hệ giao thương với Trung Quốc là rất quan trọng để giúp nền kinh tế Úc mạnh mẽ và duy trì sự thịnh vượng. Tuy nhiên, về lâu dài thì Úc có lợi ích trong việc ‘bảo đảm quyền tự do hàng hải’.
"Tôi cho rằng lợi ích then chốt của Úc nằm ở việc duy trì trật tự thế giới dựa trên luật lệ", bà nói. "Vấn đề là liệu sự xói mòn luật lệ về biển trên Biển Đông sẽ đe dọa tính hợp pháp của toàn bộ UNCLOS (Công ước Quốc tế về Luật Biển) hay không".
Úc có lợi ích lớn trong việc bảo vệ tính toàn vẹn của UNCLOS vì nước này được hưởng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng đến 10 triệu km vuông, lớn thứ ba thế giới, theo quy định của UNCLOS.
"Úc dự đoán việc đánh bắt trái phép sẽ ngày càng tăng về quy mô và độ phức tạp trong vòng 20 năm tới trong vùng đặc quyền kinh tế của mình bởi vì tranh chấp Biển Đông sẽ đẩy các tàu cá xuống các vùng biển ở phía bắc Úc", bà cho biết.
Cho nên việc Canberra bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp, bảo vệ UNCLOS, không chỉ đơn thuần là bảo vệ cho hiện trạng khu vực dưới sự lãnh đạo của Mỹ mà còn là bảo vệ những lợi ích cốt lõi của Úc liên quan đến chủ quyền và tài nguyên, bà giải thích.
Chính vì vậy, các nhà lãnh đạo Úc đã rất mạnh miệng công khai chỉ trích Trung Quốc không tuân thủ phán quyết hồi năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực được thành lập theo UNCLOS. "Điều này hơi đặc biệt vì các lãnh đạo Úc thường rất do dự trong việc công khai lên án Trung Quốc về những vấn đề như nhân quyền", bà nói.
Tuy nhiên, cũng theo bà Strating, Úc cũng gặp vấn đề trong việc chỉ trích Trung Quốc vì nước này bị Bắc Kinh tố ngược là ‘đạo đức giả’ vì vi phạm luật pháp quốc tế trong tranh chấp chủ quyền với Đông Timor trên Biển Timor.
Do lịch sử an ninh vốn gắn chặt Úc với các cường quốc bên ngoài, trước hết là Anh và giờ là Mỹ, bà Strating cho rằng Úc vẫn là một đồng minh gắn bó với Mỹ và đã có lập trường mạnh mẽ trên các vấn đề liên quan đến Trung Quốc.
Bà đưa ra bằng chứng là khác với Ấn Độ, Úc rất sốt sắng với ý tưởng về ‘Bộ Tứ’. Dù vậy, trên một số vấn đề, Canberra ‘vẫn không sẵn sàng gây sức ép lên Bắc Kinh’.
Bà nhìn nhận rằng ‘có sự cách biệt’ giữa lời nói và hành động của Úc trên Biển Đông vì Canberra tuyên bố rất mạnh miệng nhưng trên thực tế họ không có hành động gì mới.
"Các nhà hoạch định chính sách của Úc cho đến nay vẫn từ chối tham gia FONOP một phần là vì họ cho rằng điều này sẽ làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông", bà cho biết và nói rằng Canberra ‘không sẵn sàng chấp nhận rủi ro’ khi đưa tàu chiến vào trong phạm vi 12 hải lý của các hòn đảo mà Trung Quốc chiếm giữ trên Biển Đông.
Đối với người dân Úc, họ biết những gì diễn ra ở Biển Đông nhưng họ không xem đó ảnh hưởng đến lợi ích sát sườn của Úc vốn được cho là giao thương và thịnh vượng, bà nói và cho biết nhiều người ở Úc ‘có quan điểm rất tích cực’ về quan hệ với Trung Quốc.
Về những gì mà Úc muốn ở Mỹ, bà Strating đề nghị chính quyền Trump nên quay trở lại với TPP và phê chuẩn UNCLOS. Vì không tham gia vào UNCLOS nên Mỹ không ở thế mạnh về pháp lý để đối phó với Trung Quốc.
Ngọc Lễ
Nguồn : VOA, 01/08/2019
*********************
Biển Đông : Thượng nghị sĩ Mỹ yêu cầu phản ứng mạnh với Trung Quốc
Trọng Nghĩa, RFI, 31/07/2019
Vào lúc Trung Quốc tiếp tục xâm lấn Biển Đông, đặc biệt là cho tàu vào khu vực Bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, để khảo sát và sách nhiễu hoạt động dầu khí của Việt Nam, bốn thượng nghị sĩ Mỹ vừa lên tiếng yêu cầu chính quyền Hoa Kỳ có nhiều nỗ lực hơn nhằm "răn đe" Bắc Kinh ở Biển Đông.
Đảo Hải Nam và bản đồ đòi chủ quyền hình "lưỡi bò" của Trung Quốc tại Biển Đông. (@wikipedia.org)
Trong một bức thư đề ngày 29/07/2019 gởi đến ngoại trưởng Mỹ, các thượng nghị sĩ đã yêu cầu ông Mike Pompeo đưa những "hành vi hiếu chiến và bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông" lên hàng trọng tâm trong các cuộc thảo luận của ông tại Diễn Đàn Khu Vực ASEAN (ARF), mở ra ngày 02/08 tại Bangkok, trong khuôn khổ Hội Nghị Ngoại Trưởng thường niên của khối ASEAN.
Lá thư của các thượng nghị sĩ Bob Menendez, Ed Markey, Patrick Leahy và Brian Schatz gần như là một bản cáo trạng, nêu bật 4 loại hành động của Trung Quốc liên quan đến Biển Đông cần phải lên án.
Đó là những hành vi gây hấn trong vùng đặc quyền kinh tế của những nước khác, việc sử dụng các đảo nhân tạo đã được quân sự hóa để bức hiếp những quốc gia khác, quyết định phớt lờ phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực (của Liên Hiệp Quốc) bác bỏ yêu sách chủ quyền Trung Quốc, và các nỗ lực nhằm sức ép buộc ASEAN nhượng bộ trong đàm phán về Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông.
Đối với các tác giả bức thư, các hành động "hù dọa, bức hiếp, bác bỏ phán quyết ngoại giao hòa bình, cũng như những đe dọa dùng vũ lực của Trung Quốc trong những năm qua đang tạo ra thách thức lớn cho lợi ích của Mỹ trong khu vực".
Chính quyền Mỹ, theo bức thư, đã đi đúng hướng trong việc vạch trần các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như tổ chức các chiến dịch tuần tra nhằm đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực. Tuy nhiên, Hoa Kỳ cần có thêm nhiều hành động để đối phó với các hoạt động hiếu chiến của Trung Quốc và ngăn chặn việc Trung Quốc tung hoành ở Biển Đông mà không bị trừng phạt.
Bức thư kết luận : "Hiện vẫn chưa muộn để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về hành vi của họ, và răn đe những hành vi xâm lấn trên biển của Trung Quốc".
Trọng Nghĩa
*******************
Mỹ đẩy mạnh chiến lược an ninh vào lúc Trung Quốc làm khu vực lo ngại
VOA, 31/07/2019
Các sự cố gần đây liên quan đến tàu Trung Quốc ở các vùng biển Đông Nam Á đang làm lung lay lòng tin của khu vực về sự thành thật của Bắc Kinh muốn thấy hòa bình trên biển, đồng thời tiếp sức cho nỗ lực của Mỹ đẩy mạnh xây dựng liên minh với các quốc gia không khuất phục trước hành động lấn tới của Trung Quốc.
Tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson thăm Đà Nẵng, Việt Nam, tháng 3/2018
Hành động của Trung Quốc trên các vùng biển giàu năng lượng ở Biển Đông, kể cả vụ đối đầu tại Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam, sẽ là chủ đề trong nghị trình thảo luận tại hội nghị an ninh giữa các ngoại trưởng ASEAN và đại diện các cường quốc thế giới vào ngày thứ Sáu 2/8.
Trong số các cường quốc đó có Hoa Kỳ, nước đã đề ra Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thách thức cao vọng bá quyền về hàng hải của Trung Quốc và tìm cách thắt chặt quan hệ với các quốc gia phản kháng lại Bắc Kinh.
"Vai trò của Hoa Kỳ là không thể phủ nhận và rất quan trọng, và họ cần gây thêm áp lực đối với Trung Quốc", ông Nguyễn Hồng Hải, nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Queensland, Úc, nói.
"Cộng đồng quốc tế cũng cần phải làm điều đó. Tất cả các bên tuyên bố chủ quyền cần quốc tế hóa điều đó", ông Hải nói thêm.
Việc Việt Nam gần đây kêu gọi tập hợp cộng đồng quốc tế là bước đi rời khỏi những phản ứng thận trọng thường thấy của Việt Nam đối với Trung Quốc, nước tìm cách giải quyết các tranh chấp qua con đường song phương.
Theo chuyên gia về Biển Đông Carl Thayer, việc Trung Quốc gần đây gia tăng các hành vi lấn tới không phải là điều ngẫu nhiên, mà là một phản ứng đối với Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, cũng như vì Hoa Ky gia tăng điều động máy bay ném bom và tàu hải quân Hoa Kỳ thực hiện tuần tra ở Biển Đông, nơi có lượng hàng hóa trị giá 3,4 nghìn tỷ đô la đi qua hàng năm.
Ông Thayer cho rằng Trung Quốc đang tích cực ngăn chặn các nước láng giềng Đông Nam Á tiến hành thăm dò, khai thác các mỏ năng lượng ngoài khơi mà không có sự tham gia của Trung Quốc, đồng thời làm nản lòng các liên doanh nước ngoài.
"Việc Trung Quốc sử dụng ‘chiến thuật vùng xám’ chắc chắn sẽ khiến các quốc gia trong khu vực phải có biện pháp đối phó và chống đối", ông Thayer đưa ra ý kiến. Theo ông, "Điều này mang lại rủi ro là các cuộc đối đầu trên biển sẽ leo thang".
Bảo vệ quan điểm của Bắc Kinh, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines, Zhao Jianhua, nói hôm 29/7 rằng Trung Quốc cam kết tuân theo luật pháp quốc tế và làm việc tích cực với ASEAN để hình thành bộ quy tắc ứng xử hàng hải trong vòng ba năm tới.
"Từ những bên ở đầu chiến tuyến như Hồng Kông và Đài Loan, cho đến Philippines, Malaysia, Indonesia và chắc chắn là cả Việt Nam nữa – quý vị có thể thấy sự chống đối mạnh mẽ của rất nhiều quốc gia nhỏ hơn", Richard Heydarian, một tay bút kiêm nhà phân tích thường trú ở Manila, đưa ra nhận định.
"Chắc chắn là Washington có không gian chiến lược đó để mà hành động", ông Heydarian nói.
Theo Reuters
***************
Thượng nghị sĩ Mỹ lên án Trung Quốc điều tàu xâm phạm vùng biển Việt Nam
RFA, 01/08/2019
Bốn Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ hôm 31/7 ra tuyên bố lên án Trung Quốc điều tàu khảo sát và các tàu Hải cảnh vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gọi đây là một bằng chứng mới nhất về những hành động xâm lấn của Trung Quốc nhằm khẳng định những đòi hỏi về chủ quyền sai trái của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Hình minh họa. Các Thượng nghị sĩ Mỹ và tuyên bố chung Photo : RFA
Các Thượng nghị sĩ tham gia ký tuyên bố bao gồm Thượng nghị sĩ Jim Risch, Bob Menendez – Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Cory Gardner, và Edward Markey – Chủ tịch Tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương của Thượng viện.
Tuyên bố được đưa ra vào trước cuộc gặp của Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ở Bangkok, Thái Lan diễn ra vào chiều ngày 1/8.
"Xác định những cách chắc chắn để đẩy lùi những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông nên là ưu tiên hàng đầu trong nghị trình của Hoa Kỳ tại các cuộc họp ASEAN tại Bangkok tuần này. Ngoài vai trò lãnh đạo của Mỹ, điều quan trọng là các đối tác của chúng ta (Hoa Kỳ) trong khu vực, đặc biệt là các nước ASEAN, đoàn kết và cứng rắn trước hành động xâm lấn của Trung Quốc", tuyên bố có đoạn viết.
Thượng nghị sĩ Cory Gardner được trích lời trong tuyên bố cho biết việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và sử dụng những hành động gây thù hằn với các nước đòi chủ quyền khác là sai pháp luật.
Vì vậy, Thượng nghị sĩ Gardner nói ông hy vọng Ngoại trưởng Pompeo sẽ nhân cơ hội này để khẳng định Hoa Kỳ luôn đứng cùng với các đối tác ASEAN và kêu gọi một chính sách hợp tác để đối phó với thái độ hiếu chiến của Bắc Kinh đối với các đồng minh của Mỹ ở khu vực.
Tại cuộc gặp với các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hôm 1/8, Bộ trưởng Mike Pompeo nói rằng Hoa Kỳ không bao giờ yêu cầu các quốc gia ở Ấn Độ Thái Bình Dương phải chọn phe giữa các nước. Ông đồng thời cũng lên tiếng chỉ trích các hành động xâm lấn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trước đó, vào ngày 29/7, các nghị sĩ Bob Menendez, Ed Markey, Brian Schatz và Patrick Leahy cũng gửi thư đến Ngoại trưởng Mike Pompeo, đề nghị ông lên án các hành động của Trung Quốc trong các thảo luận tại hội nghị với Bộ trưởng các nước ASEAN lần này.
Bức thư chỉ rõ hành động đe dọa. lấn lướt của Trung Quốc trong những năm qua đang đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với những quyền lợi của Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Vào ngày 26/7, Dân biểu Eliot Engel – Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ cũng có tuyên bố riêng lên án hành động của Trung Quốc ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ông cho rằng những hành động của Trung Quốc ở đây cũng đe dọa những quền lợi của các công ty Hoa Kỳ đang hoạt động trong khu vực.
Từ giữa tháng 6 và đầu tháng 7, Trung Quốc đã liên tiếp điều nhiều tàu Hải cảnh, tàu dân quân biển và tàu khảo sát HD-8 vào khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam, quấy nhiễu họa động thăm dò khai thác dầu khí ở lô 06.1 thuộc liên doanh giữa Việt Nam và Nga.
Việt Nam sau đó đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc phải rút toàn bộ tàu khỏi vùng nước.
Hôm 20/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã lên tiếng phản đối hành động bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông.
RFA tiếng Việt
Việt Nam đã bỏ qua bao nhiêu cơ hội kiện Trung Quốc ?
Phạm Chí Dũng, VOA, 29/07/2019
Chỉ tính từ năm 2011 khi nổ ra vụ tàu Bình Minh 2 của Việt Nam bị tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp - một cách côn đồ và mặt lạnh không kém cái cách cả hai chính quyền độc đảng độc trị này luôn thẳng tay đàn áp dân chúng và những tiếng nói phản đối, cho tới nay Hà Nội đã bỏ qua rất nhiều cơ hội để có thể kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế về các vụ xâm nhập ‘vùng biển chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam’.
Tàu thám hiểm "Hải Dương Địa Chất 8" của Cục Khảo sát Địa chất Trung Quốc (Ảnh : China Geological Survey)
‘Tổng tịch’ nói gì ?
Mùa mưa bão tháng 7 năm 2019, một lần nữa cơn sóng lừng mang tên Hải Dương của Trung Quốc lại chực chồm lên ‘thuyền nan đòi ra biển lớn’ của Hà Nội, áp thể chế này vào cái thế một lần nữa phải tính đến việc kiện Trung Quốc, hoặc ít nhất cũng lấp ló khả năng kiện tụng ra trước công luận nhằm xoa dịu phản ứng của dư luận xã hội về một chế độ chỉ biết ‘hèn với giặc, ác với dân’.
Thêm một lần nữa trong nhiều lần, một ít chuyên gia và cũng chỉ một ít tờ báo nhà nước - thật sự sốt ruột trước cảnh ‘trùm mền’ của giới chóp bu Việt Nam - đã phải liệt kê hàng nửa tá cơ sở cho triển vọng ‘Việt Nam sẽ chắc thắng nếu kiện Trung Quốc’.
Người ta cũng không khỏi xót ruột khi chứng kiến hình ảnh ‘tái xuất’ của nhân vật ‘tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng vào đúng thời điểm tàu thăm dò địa chất Hải Dương - 8 và nhiều tàu hải cảnh hộ vệ của Trung Quốc vẫn vờn qua vờn lại ngay trong vùng lãnh hải Việt Nam ở khu vực Bãi Tư Chính, còn hàng đàn máy bay SU-35 của Trung Quốc thi nhau diễu hành ở Biển Đông, nhưng trên phương diện cần có những phát ngôn công khai để thông tin về cái gì đang xảy ra, hay dù chỉ để trấn an dư luận, thì Trọng lại tuyệt đối nín lặng.
Thay vào đó, ‘bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ gặp gỡ ‘100 cán bộ công đoàn tiêu biểu’ với lời nhắc nhở "Tuyệt đối không để các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước chân chính của công nhân, người lao động, kích động, lôi kéo biểu tình, tụ tập gây rối, làm mất an ninh, trật tự, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc".
Dù không một lời dám đả động đến vụ Hải Dương - 8 và cái cách mà Tập Cận Bình đang chễm chệ ngự ngay trong ngôi nhà Việt Nam không cần phải xin phép, Nguyễn Phú Trọng rõ ràng đã đủ can đảm ám chỉ đến vụ gây rối mang tính bạo động của công nhân - được dẫn dắt và chỉ huy bởi những kẻ giang hồ không rõ danh tính và có thể chẳng bao giờ được công an tiết lộ danh tính - hung hãn lao vào đập phá các nhà xưởng của nhiều doanh nghiệp ở hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai vào tháng 5 năm 2014, như một cách phản ứng có bàn tay ngầm chỉ đạo, nhưng không rõ là thuận hay nghịch với vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc lao vào vùng hải phận của Việt Nam trên Biển Đông như một cái tát tai nảy lửa vào mặt toàn bộ Bộ Chính trị và Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Sau đó, mọi thứ chìm vào im lặng… Một không khí im lặng của bất lực trước kẻ thù nhưng bất cần trước dân chúng.
Người Philippines quỳ hay đứng ?
Trong vụ Hải Dương 981, Bộ Chính trị Việt Nam - nghe nói đã họp nhiều lần về Biển Đông và về ý định liên kết với người Philippines theo một đề nghị của Manila về cùng đối phó Trung Quốc - vẫn như gà mắc tóc. Thậm chí kỳ họp giữa năm 2014 của Quốc hội Việt Nam đã khiến hàng chục ngàn người đổ ra đường biểu tình phản đối Trung Quốc ở Sài Gòn và Hà Nội phải phẫn nộ : ở mức độ tối thiểu cần có một bản nghị quyết về Biển Đông, Quốc hội Việt Nam vẫn tuyệt đối câm nín.
Song hiện thực ngược ngạo là không phải "láng giềng gần" Trung Quốc mà chính những "bà con xa" như người Mỹ và những quốc gia đồng minh quân sự với Mỹ như Nhật Bản và Philippines lại trở thành giá đỡ cho tinh thần suy sụp của giới lãnh đạo Việt Nam. Vào tháng 7 năm 2014, không phải Quốc hội Việt Nam mà chính Quốc hội Hoa Kỳ lần đầu tiên tung ra một nghị quyết mạnh mẽ về Biển Đông như một đòn dằn mặt tham vọng của Trung Quốc.
Cũng kể từ giữa năm 2014, Philippines bắt đầu đạt được tiến bộ khả quan tại Liên hiệp quốc trong vụ kiện đường lưỡi bò của Trung Quốc. Tháng 8 năm 2014, Philippines mạnh tay đưa 12 ngư dân Trung Quốc ra tòa để tuyên phạt nhiều năm tù vì đánh bắt hải sản trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền của nước này. Sau sự kiện chấn động đó, Bắc Kinh đã không hề lồng lộn lên như vẫn thường đối xử với Hà Nội.
Bản lĩnh vượt mặt Việt Nam ấy không phải mang tính đột biến mà được tích lũy qua thời gian. Sau vụ "bắt Trung Quốc" trên, Manila đã có một hành động pháp lý vượt hơn hẳn cao vọng "kiện Trung Quốc" của giới đảng, nhà nước và chính phủ Hà Nội : Philippines đã chính thức kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế và đã giành được thắng lợi.
Nhưng hoàn toàn tương phản với thế đứng dũng mãnh của người Phi, từ đó tới nay giới chóp bu Việt Nam đã không có bất cứ động tác đủ kiên quyết nào kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về "Đường lưỡi bò". Về thực chất, Việt Nam đã lỡ mất cơ hội và gần như vẫn nằm nguyên trong mớ lục đục tủi hổ.
Giờ đây, sự thể đang dồn lên vai chính thể Việt Nam tất cả những gì tối thiểu thuộc về danh thể. Mãi cho tới gần đây, điều đáng phẫn nộ là xã hội Việt Nam vẫn phải thưởng thức món ăn từ ngữ "tàu lạ" của loa tuyên giáo mà không thoát nổi cơn nghẹn họng. Không có bất cứ động tác truy xét nào mà từ đó tìm ra được dung nhan kẻ gây hấn giết hại ngư dân, các cơ quan hữu quan Việt Nam đã quỳ mọp trong nỗi xấu hổ và tự ti vô cùng tận trước thế đứng thẳng người của đất nước Philippines.
‘Chống giặc bằng cờ, chống ngập bằng lu…’
Khi không khí "kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế" đã dần lịm tăm, những tin tức về ngư dân Việt Nam bị phá sản lại càng lan truyền khắp nơi. Không một vũ khí trong tay và còn chưa được vay vốn với lãi suất thấp để đóng tàu vỏ sắt như lời hươu vượn của giới quan chức cao cấp lẫn các đại gia ngân hàng "ngồi mát ăn bát vàng", nhiều gia đình ngư dân Việt đang phải bó gối nhìn tôm cá lũ lượt chui vào lưới tàu Trung Quốc.
Rất nhiều lần người dân phải gào lên : Quân chủng Hải quân Việt Nam đã đầy "dũng khí bám bờ" như thế nào, trong lúc đồng bào ngư dân của họ vẫn phải kiên trì bám biển. Cái cách mà thỉnh thoảng chính quyền lại tặng/phát cờ đỏ sao vàng cho ngư dân bị xem là hình ảnh bôi bác nhất về tinh thần ‘bảo vệ Tổ quốc’.
Vụ giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014, vụ Bãi Tư Chính các năm 2017, 2018 và giờ đây là 2019…, nhưng vẫn chẳng có bất kỳ dấu hiệu đáng được tin cậy nào cho thấy ‘đảng em’ Việt Nam dám lôi bộ hồ sơ từ ngăn kéo đầy bụi để đệ trình ra tòa án quốc tế để kiện ‘đảng anh’ Trung Quốc. Trong lúc đó, ‘đối tác chiến lược toàn diện quan trọng nhất’ ở phương Bắc - như cách ca tụng ngút ngàn mây xanh của giới chóp bu Việt Nam cùng phụ họa bởi những quan chức ‘cõng rắn cắn gà nhà’ nhưng luôn giấu biệt mặt mũi, vẫn không ngớt hành hạ tinh thần và thể xác của ‘đứa con hoang đàng’ - một cụm từ miệt thị khinh bỉ mà Ủy viên Quốc Vụ Viện Trung Quốc là Dương Khiết Trì đã dùng để đặc tả những kẻ chỉ biết đi và nhận thức bằng đầu gối ngay tại Hà Nội vào năm 2014.
Giờ đây, trên khắp rẻo đất ‘lệ tuôn hình chữ S’ chỉ còn sôi réo câu vè dân gian ‘Chống giặc bằng cờ, chống ngập bằng lu, đứa nào nói đảng ngu là thằng phản động’…
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 29/07/2019
******************
Hoàng Dũng, RFI, 30/07/2019
Trước sự kiện Trung Quốc cho tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 cùng với nhiều tàu hải cảnh cỡ lớn xâm phạm bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam đã ra Tuyên bố về Biển Đông. Cho đến sáng hôm qua 29/07/2019 đã có 14 tổ chức và khoảng 750 người ký vào tuyên bố.
RFI Việt ngữ đã trao đổi với phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Dũng, trường đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh, thuộc nhóm chủ trương bản tuyên bố trên, về vấn đề này.
Sơ đồ hoạt động của tàu hải cảnh Trung Quốc Haijing 35111 (màu đỏ) sách nhiễu tàu Việt Nam ở bãi Tư Chính, thời gian từ 16/06-10/07/2019.AMTI(CSIS)
RFI :Kính chào Phó giáo sư Hoàng Dũng. Như vậy là một lần nữa Trung Quốc lại xâm phạm biển đảo Việt Nam, và một lần nữa các tổ chức xã hội dân sự lại phải ra tuyên bố…
Hoàng Dũng : Sở dĩ chúng tôi đề nghị phải lên tiếng tố cáo trước Hội Đồng Bảo An, trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế về việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và thềm lục địa của Việt Nam, vì khi có trộm cướp xâm nhập, thì điều đầu tiên là chủ nhà phải la làng. Nếu không la làng, không chỉ rõ là ai xâm phạm nhà anh một cách bất hợp pháp, chính anh không kêu lên thì ai có thể cứu anh được. Làm sao thuyết phục người khác là anh có chính nghĩa.
RFI : Bên cạnh đó còn đề nghị chuẩn bị kiện Trung Quốc. Không ít người cho rằng Philippines tuy thắng kiện nhưng vẫn không làm gì được Trung Quốc, vậy Việt Nam đi kiện liệu có lợi gì không, ông thấy ý kiến này như thế nào ?
Hoàng Dũng : Ý kiến đó không đúng đâu, vì kiện chỉ là một khâu trong những việc cần phải làm. Nếu coi kiện là khâu cuối cùng, đến đó là xong, suy nghĩ này mới là sai lầm ; còn nếu coi kiện chỉ là bước khởi đầu thôi, thì rất đúng. Đây là việc cần phải làm. Không thể để kẻ cướp vào nhà mà không chịu la lên, không đưa ra trước công luận. Mà tên cướp này cũng đặc biệt, người ta đã la làng đến như thế mà vẫn cố cãi !
Trước mặt công luận Trung Quốc khó lòng biện bạch được, khi đã có phán quyết của một tòa án quốc tế rằng việc làm của họ là sai trái. Trung Quốc càng cố cãi, càng mất uy tín trước công luận.
RFI : Thưa ông, không chỉ tố cáo trước quốc tế, có lẽ còn cần tuyên truyền rộng rãi hơn. Bản tin của các hãng thông tấn thường gọi là vùng tranh chấp, trong khi đây là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chứ không phải là vùng tranh chấp…
Hoàng Dũng : Đúng, đặt vấn đề như vậy rất chính xác. Nếu nói vùng tranh chấp tức là chúng ta rơi vào cái bẫy của Trung Quốc. Họ muốn biến vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp, và khi đã có tranh chấp thì phải có nhân nhượng. Đương nhiên là chủ nhà nhân nhượng, thành ra thằng ăn trộm ít nhiều cũng vơ được cái gì đó.
Trước hành động của Trung Quốc thì Việt Nam lần này đã hành xử khác với tất cả những lần trước. Một là đi đến động thái được coi là mạnh mẽ trong ngoại giao : trao công hàm phản đối. Thứ hai là nêu đích danh Trung Quốc. Chắc là những người có trách nhiệm ở Việt Nam cũng đã trải qua giai đoạn phân vân.
Lúc đầu thì lên tiếng nói đó là vùng biển của Việt Nam, lên án mọi sự xâm phạm nhưng không hề nhắc đến Trung Quốc. Nhưng đến lần thứ hai sau đó vài ngày thì thái độ rất khác, nói thẳng tên Trung Quốc, một điều hiếm có. Và điểm đáng lưu ý là theo tin của chính đài RFI, Trung Quốc đề nghị Việt Nam rút các giàn khoan ở bãi Tư Chính về, thì họ sẽ rút tàu Hải Dương Địa Chất đi. Thế nhưng bằng hành động, Việt Nam đã dứt khoát bác bỏ. Việt Nam đã công bố gia hạn thời gian làm việc của các giàn khoan ở bãi Tư Chính. Đó là điều chưa từng có.
Một mặt chính quyền không thể nào không lên tiếng, nếu không sẽ mất đi tính chính danh với nhân dân. Anh là người quản lý đất nước, ăn lương từ tiền thuế dân đóng góp, thế nhưng khi có kẻ cướp vào nhà anh im tiếng thì rõ ràng sẽ mất uy tín.
Tuy nhiên qua nhiều lần như vậy người dân phản ứng bằng cách đi biểu tình. Mà biểu tình không chỉ ở một số nơi, mà lan rộng trên phạm vi cả nước. Chính cái đó làm nhà nước sợ. Nhà nước một mặt cần nhân dân ủng hộ trong động thái mạnh mẽ đối với Trung Quốc, nhưng mặt khác lại sợ sự ủng hộ đó biến thành hành động biểu tình, dẫn đến nhiều chuyện không kiểm soát được. Chính vì thế trong nội dung tuyên bố, chúng tôi cũng đặt ra những vấn đề về dân chủ.
Phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Dũng.DR
RFI : Nhưng cho tới nay vẫn chưa có lời kêu gọi biểu tình nào, có lẽ người dân bất mãn vì những lần xuống đường chống Trung Quốc trước đây đã bị chính quyền trấn áp ?
Hoàng Dũng : Đúng, chúng tôi thấy điều đó rất đáng suy nghĩ. Người dân yêu nước phải theo cách nhà nước quy định. Đi biểu tình thực ra phù hợp với Hiến pháp, nhưng không được nhà nước cho phép. Yêu nước không có giấy phép thành yêu nước « lậu », và « lậu » thì người ta trừng trị. Trong việc trừng trị tội yêu nước « lậu » ấy, nhà nước rất nặng tay. Chúng ta thấy không hiếm những hình ảnh người đi biểu tình bị đánh.
Tôi nhớ một anh bạn là kỹ sư Trần Bang trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã bị đánh máu me đầy mặt trên đường phố Sài Gòn. Chính những cái đó làm cho khi nhà nước lên tiếng mạnh mẽ như vậy, chỉ có báo chí lề phải nói thôi, còn người dân im lìm không có một động thái nào cả. Điều đó người nào có trách nhiệm quản lý đất nước phải suy nghĩ, và tôi cho rằng họ phải duyệt xét lại toàn bộ chiến lược đối với người dân trong mối liên quan đến chống Trung Quốc như thế nào.
RFI : Có lẽ cần phải ban hành luật biểu tình, một đạo luật cần thiết mà lâu nay vẫn chưa ra được ?
Hoàng Dũng : Trong một chế độ như ở Việt Nam nếu có luật biểu tình đi nữa thì thực chất đó là luật chống biểu tình, tức là họ làm thế nào hạn chế được biểu tình nhiều nhất. Chính vì họ chưa tìm được cách làm sao cho hiệu quả nên người ta không công bố được. Chứ nếu luật biểu tình thực chất là tạo điều kiện cho người dân biểu tình, thì tôi cho là đơn giản hơn rất nhiều.
RFI : Thưa ông vì sao lại đòi hỏi tăng cường hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ ?
Hoàng Dũng : Ngày nay một nước mạnh như Mỹ còn phải đặt vấn đề hợp tác, huống gì một nước nghèo và yếu như Việt Nam. Ai cũng thấy rằng một bên là Việt Nam, một bên là Trung Quốc, thì sức mạnh hết sức chênh lệch. Cho nên việc hợp tác với các quốc gia khác là điều dễ hiểu và tất yếu.
Trên thực tế nếu liên minh được với Hoa Kỳ sẽ là sức mạnh răn đe tốt nhất đối với Trung Quốc. Bởi vì Hoa Kỳ có quyền lợi trực tiếp ở Biển Đông và có đủ sức mạnh để Trung Quốc phải kiêng dè. Các nước khác đương nhiên cũng cần phải hợp tác, nhưng mạnh mẽ nhất phải là với Mỹ. Vì thế trong tuyên bố ở điều số 3, quốc gia đầu tiên chúng tôi nhắc đến là Mỹ. Còn các nước khác dùng cụm từ chung hơn, là các nước tôn trọng luật pháp quốc tế.
RFI : Có nhiều ý kiến cho rằng có lẽ chính quyền Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng hợp tác với Mỹ vì sợ phản ứng của Trung Quốc ở sát bên cạnh ?
Hoàng Dũng : Tôi không thấy như vậy. Tôi thấy Việt Nam bắt đầu có xu hướng xích gần lại với Mỹ, ngay cả trong lãnh vực quốc phòng. Mới gần đây thôi Việt Nam tiếp nhận một số tàu cho cảnh sát biển, việc này có ý nghĩa biểu tượng lớn chứ không phải nhỏ đâu. Tuy mình cho rằng việc hợp tác như vậy là quá chậm so với yêu cầu, nhưng không thể không khẳng định xu hướng hợp tác ngày càng mạnh hơn so với trước.
RFI : Hiện nay thông tin về xung đột ở Biển Đông trên báo chí quốc tế không nhiều, hầu hết tập trung vào Trung Đông. Phải chăng Trung Quốc có tính toán đến khi xâm phạm vùng biển Việt Nam vào lúc này ?
Hoàng Dũng : Việc chọn lựa thời cơ thì Trung Quốc là nước trong quá khứ được coi là bậc thầy. Chẳng hạn xung đột biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, họ chọn thời điểm đối với Việt Nam rất bất lợi. Cho nên lần này việc họ chọn lúc các cường quốc trên thế giới phải lưu tâm đến nhiều chuyện khác để phân tán sự chú ý tới Biển Đông, là chuyện rất dễ hiểu.
Tôi hoàn toàn tán thành suy nghĩ Trung Quốc khi đưa tàu đến bãi Tư Chính là họ đã chọn thời điểm. Có điều thời điểm đó là một sự lăng nhục Việt Nam, vì ta nhớ rằng vụ bãi Tư Chính nổ ra đúng lúc chủ tịch Quốc Hội Việt Nam đang thăm Trung Quốc. Một nước luôn luôn nói rằng « 4 tốt 16 chữ vàng » với Việt Nam, nhưng lại lợi dụng đúng lúc người ta đến thăm cấp cao, lại đi xâm phạm đất đai của vị thượng khách ấy. Tôi cho rằng điều đó là hết sức trơ tráo !
RFI : Việt Nam cho tới bây giờ đã làm tất cả những gì có thể làm được, nhưng đến hôm nay tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục hoạt động ở bãi Tư Chính. Trong thế giới đảo điên ngày nay, đành để cho luật của kẻ mạnh ngự trị ?
Hoàng Dũng : Tất nhiên Trung Quốc là kẻ mạnh, nên khi Việt Nam hô hoán trước công luận thế giới, Trung Quốc vẫn ngang nhiên bỏ qua. Nhưng vấn đề là Việt Nam rút ra kinh nghiệm gì để đối phó với Trung Quốc. Tôi cho rằng đây là điều may cho Việt Nam, khi Trung Quốc quá ngoan cố như vậy ! Trong khi Việt Nam đã dùng tất cả những biện pháp hòa bình mà vẫn không đạt được mục tiêu, thì đó là một sức ép đẩy lãnh đạo Việt Nam phải dùng những biện pháp như hợp tác mạnh mẽ hơn nữa với các nước khác, nhất là Mỹ. Kẻ mạnh chỉ sợ khi nào đối thủ của họ tỏ ra mạnh hơn.
RFI : Và một điều không thể thiếu khi muốn chống ngoại xâm là lòng dân ?
Hoàng Dũng : Đúng, ngay đề nghị đầu tiên của chúng tôi là như thế. Là phải tăng cường nội lực của đất nước làm chỗ dựa cho quốc phòng, thực hiện kế sách giữ nước của Đức thánh Trần Hưng Đạo khoan sức dân…Như vậy việc đầu tiên chúng tôi đặt ra là nội lực hợp tác nước này nước kia nhất định phải làm nhưng không chỉ trông cậy vào đó quan trọng là thực sự anh có mạnh không chỉ có thể làm được nếu có chính sách nội trị tốt cho nên việc nhà nước đứng ra chống chọi với Trung Quốc sẽ cảm thấy tự tin vì sau lưng là cả một đất nước cả một dân tộc
RFI : RFI Việt ngữ xin chân thành cảm ơn phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Dũng đã vui lòng nhận trả lời phỏng vấn của chúng tôi hôm nay.
Thụy My thực hiện
Nguồn : RFI, 30/07/2019
***********************
Bãi Tư Chính : Việt Nam nên để ngỏ khả năng kiện Trung Quốc
Carl Thayer, RFI, 29/07/2019
Sau khi cho tàu khảo sát Đại Dương Địa Chất 8 được tàu hải cảnh và dân quân hộ tống vào thăm dò trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Bãi Tư Chính, phía nam Biển Đông, gần quần đảo Trường Sa từ đầu tháng 07/2019, Trung Quốc vẫn bám trụ tại chỗ, bất chấp những tuyên bố công khai phản đối và lời kêu gọi rút đi của Việt Nam.
Báo chí Việt Nam lên tiếng về vụ tàu Trung Quốc xâm phạm bãi Tư Chính. Ảnh minh họa
Theo ghi nhận của giáo sư Ryan Martinson, trường Hải Chiến Mỹ, người đầu tiên tiết lộ hành động này của Bắc Kinh, thì cho đến ngày 28/07, tàu khảo sát Trung Quốc vẫn hoạt động trong khu vực, thậm chí còn có thêm tăng viện là chiếc tàu hải cảnh Trung Quốc Haijing 3901.
Tại sao Trung Quốc lại gây sự với Việt Nam vào lúc này ? Phản ứng của Việt Nam có đủ mạnh hay chưa và phải làm thêm những gì ? Tình hình có thể diễn biến ra sao ? Đây là một số câu hỏi mà Ban Việt Ngữ RFI đã nêu lên với giáo sư Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông, giáo sư danh dự tại Học Viện Quốc Phòng Úc, thuộc Đại Học New South Wales.
Sau đây là toàn văn phần hỏi-đáp của RFI với giáo sư Thayer.
RFI : Tại sao Trung Quốc lại gây sự với Việt Nam vào lúc này ?
Carl Thayer : Có thể nhìn dưới hai góc độ để trả lời cho câu hỏi này : Hành động của Trung Quốc xuất phát từ những quyết định của cấp điều hành công việc thường nhật, hoặc là xuất phát từ quyết định mang tính chiến lược của giới lãnh đạo cao cấp.
Việc cho triển khai tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 xuống Biển Đông có thể là quyết định của cấp điều hành công việc thường nhật, xuất phát từ lý do thương mại. Năm 2012, tập đoàn Dầu Khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đã quy định một số lô khai thác dầu khí nằm bên trong đường chín đoạn của Trung Quốc, nhưng chồng lấn trên các lô dầu khí của Việt Nam trong khu vực. Cho đến nay, không có công ty dầu khí nước ngoài nào đáp ứng lời gọi thầu của CNOOC.
Lầm tưởng là Việt Nam đã bị khuất phục sau vụ Repsol
Lần lượt vào tháng 07/2017 và tháng 03/2018, Việt Nam đã lùi bước trước sức ép của Trung Quốc và đình chỉ hoạt động thăm dò dầu khí tại hai lô trong khu vực Bãi Tư Chính. Rất có thể là các quan chức dầu khí Trung Quốc đã kết luận rằng họ có thể yên tâm tận dụng tình trạng này. Chỉ có hai tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống tàu khảo sát, khác hẳn với số lượng 80 chiếc hoặc nhiều hơn nữa, đã tháp tùng theo giàn khoan Hải Dương 981 (HYSY-981) vào vùng biển tranh chấp vào năm 2014.
Sự kiện một chiếc tàu hải cảnh Trung Quốc rời vùng Bãi Tư Chính, rồi sau đó di chuyển vào trong vùng biển Malaysia là dấu hiệu cho thấy là quyết định (đưa tàu vào sách nhiễu Việt Nam) được đưa ra ở cấp điều hành.
Tổ chức Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á cho rằng Trung Quốc tìm cách "trừng phạt" vì Việt Nam đã bật đèn xanh cho chi nhánh tập đoàn Nga Rosneft tại đây tiếp tục thăm dò tại lô 06.1. Tuy nhiên, cho đến giờ, giả thuyết này vẫn chỉ là suy đoán vì chưa được bằng chứng công khai nào xác nhận.
Muốn gây sức ép trên Việt Nam để phá Mỹ
Nhìn từ góc độ chiến lược, Trung Quốc có thể là đang tìm cách chống lại thái độ quyết đoán mới của Mỹ bằng cách gây áp lực lên các quốc gia trong khu vực để phá Hoa Kỳ.
Thái độ quyết đoán mới của Mỹ bao hàm việc tăng cường các chiến dịch tuần tra vì tự do hàng hải, tăng cường sự hiện diện và các chuyến tuần tra của oanh tạc cơ, của tàu hải quân, và bán vũ khí cho Đài Loan. Ngoài ra, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã xác nhận rằng Hiệp Ước Phòng Thủ Hỗ Tương năm 1951 với Philippines bao gồm Biển Đông trong phạm vi áp dụng, trong lúc một đô đốc Mỹ cao cấp tuyên bố rằng một cuộc tấn công của dân quân biển Trung Quốc sẽ bị Mỹ coi như là một cuộc tấn công bằng lực lượng Hải Quân.
Kể từ khi công bố Chiến Lược Ấn Độ-Thái Bình Dương vào giữa năm nay, Hoa Kỳ đã ưu tiên nhiều hơn cho việc tranh thủ Việt Nam làm đối tác an ninh. Một số nguồn tin quân sự và ngoại giao đã cho biết riêng là Hoa Kỳ đã đề nghị với Việt Nam nâng cấp quan hệ song phương từ hàng đối tác toàn diện lên hàng đối tác chiến lược và Việt Nam đã đồng ý cho hàng không mẫu hạm Mỹ ghé cảng Việt Nam hàng năm.
Nhìn dưới góc độ chiến lược, thì có vẻ như là Trung Quốc đang sử dụng áp lực ở mức độ thấp đối với Việt Nam để phá hoại những nỗ lực của Hoa Kỳ muốn hình thành mạng lưới các đồng minh và đối tác chiến lược trong khu vực để đối phó với Trung Quốc.
RFI : Tình hình tại Bãi Tư Chính sẽ diễn biến ra sao ?
Carl Thayer : Không có khả năng Trung Quốc sẽ giữ tàu Hải Dương Địa Chất 8 trong khu vực sau khi hoàn thành công việc khảo sát. Vào năm 2014, Trung Quốc đã rút giàn khoan Hải Dương 981, trên cơ sở là giàn khoan này đã hoàn thành công việc và một cơn bão nhiệt đới đang đến gần.
Do Bãi Tư Chính nằm ở cực nam Biển Đông, Trung Quốc không có khả năng triển khai một hạm đội hùng hậu xuống tận nơi, như trường hợp đội tàu từ 80 đến 100 chiếc mà họ đã tung ra vào năm 2014.
RFI : Giáo sư nhận thấy phản ứng của Việt Nam về vụ Trung Quốc gây hấn ở Bãi Tư Chính như thế nào ? Có đủ mạnh hay không ?
Carl Thayer : Việt Nam đã công khai tuyên bố rằng họ sử dụng nhiều kênh khác nhau, trong đó có việc phản đối bằng công hàm ngoại giao, để yêu cầu tàu Hải Dương Địa Chất 8 dừng hoạt động và rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Đấy là bước cần thiết đầu tiên để giải quyết tình huống này, nhưng có thể là chưa đủ nếu Trung Quốc từ chối rút tàu khảo sát.
RFI : Điều tốt nhất mà Việt Nam có thể tiến hành để đuổi Trung Quốc là gì ?
Carl Thayer : Việt Nam nên tiếp tục làm những gì đã làm. Việt Nam cần tiếp tục yêu cầu tàu Hải Dương Địa Chất 8 rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và phải đòi Trung Quốc đàm phán ở cấp độ thích hợp.
Việt Nam nên vận động các thành viên ASEAN khác hỗ trợ cho mình và xúc tiến các biện pháp thiết thực như tổ chức hoạt động chung giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển, đặc biệt là với Malaysia và Philippines.
Việt Nam nên tìm hiểu những lợi thế và bất lợi trong quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ. Đồng thời, lực lượng Cảnh Sát Biển Việt Nam nên đẩy mạnh các hoạt động chung với Nhật Bản và Hoa Kỳ, còn Hải Quân Việt Nam cần tăng cường hợp tác với các cường quốc để nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền.
Cuối cùng, Việt Nam nên để ngỏ khả năng sử dụng biện pháp pháp lý quốc tế chống lại Trung Quốc theo Phụ lục VII của UNCLOS theo tiền lệ mà Philippines đã đặt ra. Điều này sẽ gây áp lực trên Trung Quốc, buộc nước này hành động phù hợp hơn với luật pháp quốc tế.
Trọng Nghĩa thực hiện
Nguồn : RFI, 29/07/2019
*****************
Ấn Độ coi Việt Nam là 'đối tác tự nhiên' chống bành trướng Trung Quốc
Hoài Hương, VOA, 30/07/2019
Kể từ khi Ấn Độ áp dụng chính sách ‘hướng Đông’, New Dehli đã dần dà tăng sự hiện diện, nâng cao hợp tác với các nước trong khu vực, và từng bước can dự nhiều hơn vào các vấn đề Biển Đông. Trên cơ sở chính sách đối ngoại này, New Dehli trong nhiều năm qua đã tạo lòng tin, tăng cường hỗ trợ và hợp tác với Hà nội.
Chiến hạm INS Satpura và INS Kirsch cùng 580 thủy thủ của Hải quân Ấn Độ đã cập cảng Cam Ranh thăm hữu nghị Việt Nam từ ngày 30/5 đến 3/6/2016.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam hôm 29/7 thông báo cho Ấn Độ những diễn biến tại bãi Tư Chính, khi Trung Quốc đưa tàu Hải Dương Địa chất 8 cùng với 35 tàu hộ tống vào vùng biển "thuộc khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam hôm 4/7", báo Economic Times của Ấn Độ trích lời một quan chức Việt Nam nói Việt Nam đã thông báo cho Ấn Độ về tình hình căng thẳng leo thang tại nơi này, và những khó khăn mà Việt Nam vấp phải trong việc tiếp cận các nguồn tài nguyên trong lãnh hải của mình xung quanh bãi Tư Chính, nơi mà Tập đoàn dầu khí quốc gia của Ấn Độ (ONGC) từng có các dự án thăm dò dầu khí với Việt Nam.
Báo Economic Times dẫn lời quan chức Việt Nam không nêu danh tính nói :"Chúng tôi đã thông báo cho Ấn Độ về tình hình hiện nay ở Biển Đông, vì Ấn Độ là một trong các bên có lợi ích gắn liền với vùng biển này và là một tác nhân quan trọng trong khu vực."
"Ấn Độ chắc chắn đang trở thành một tác nhân ngày càng hùng mạnh có những quyền lợi gắn liền với khu vực và thân thiện với Việt Nam...
Josh Kurlantzick, chuyên gia về Đông Nam Á của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại
Các hành động của Trung Quốc làm gián đoạn các dự án thăm dò dầu khí của Việt Nam bên trong lãnh hải Việt Nam, đã châm ngòi cho cuôc đối đầu gay gắt nhất giữa hai nước cộng sản láng giềng, tính từ năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào lãnh hải của Việt Nam, dẫn tới các cuộc biểu tình bạo động nhất chống Trung Quốc, và củng cố quyết tâm muốn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố các hành động của Trung Quốc ‘vi phạm luật pháp quốc tế’ và ‘xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam’.
Ấn Độ từ trước tới giờ vẫn hậu thuẫn quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, cũng như quyền của các nước trong khu vực được tiếp cận các nguồn tài nguyên trong các vùng biển thuộc chủ quyền của các nước dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982).
Báo Ấn Độ dẫn các nguồn tin từ Việt Nam cho biết Hà nội đã nêu vấn đề này lên các cấp chính quyền Trung Quốc và sẽ xét tới một "giải pháp pháp lý", nếu Bắc Kinh không rút ra khỏi lãnh hải Việt Nam.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho VOA-Việt ngữ qua email hôm 29/7, ông Josh Kurlantzick, chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ (CFR), nói New Dehli muốn trở thành một lực đối trọng với Trung Quốc trong khu vực, và coi Việt Nam là một đối tác ‘tự nhiên’.
Ông Kurlantzick nói :
"Ấn Độ chắc chắn đang trở thành một tác nhân ngày càng hùng mạnh có những quyền lợi gắn liền với khu vực và thân thiện với Việt Nam. Theo tôi thì từ góc nhìn của New Dehli, các lợi ích của Ấn Độ là thứ nhất, phóng ra xa sức mạnh và ảnh hưởng của mình, và thứ hai, xây dựng một mạng lưới các đối tác có khả năng đoàn kết lại với nhau để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực."
Các nhà ngoại giao Việt Nam được Economic Times dẫn lời nói rằng tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc hoạt động gần nhiều lô dầu nằm trong phạm vi 200 hải lý ngoài khơi bờ biển Việt Nam, và như vậy rõ ràng Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Josh Kurlantzick tránh trả lời câu hỏi liệu ông có đồng ý với nhận định đó hay không.
Nhưng ông cho rằng trong tương lai Việt Nam và Ấn Độ sẽ là những đối tác an ninh ngày càng quan trọng của nhau, bởi vì theo lời ông, ngoài Hoa Kỳ thì Ấn Độ là đối tác an ninh ‘tự nhiên nhất’ của Việt Nam, xét Nhật Bản, tuy cũng là một đối tác quan trọng, nhưng còn bị giới hạn vì hiến pháp chủ hòa của nước này.
Truyền thông Ấn Độ tường thuật rằng ngoài Ấn Độ, Việt Nam cũng đã tiếp xúc với nhiều nước khác như Hoa Kỳ, Nga, Úc và nhiều nước khác để bày to lo ngại về hành động hung hăng của Trung Quốc, đe dọa các hoạt động thăm dò, khai thác dầu hỏa của Việt Nam ngay trong lãnh hải và thềm lục địa của mình.
Hoài Hương
Nguồn : VOA, 30/07/2019
******************
Đối đầu trên Biển Đông : Cơ chế nào để xử lý ?
Ngọc Lễ, VOA, 30/07/2019
Hiện không có nhiều kỳ vọng vào các cơ chế cũng như biện pháp kiểm soát hành vi của những bên tranh chấp để đảm bảo hòa bình và ổn định cho Biển Đông, các chuyên gia quốc tế nhận định.
Đường chín đoạn của Trung Quốc xâm lấn sâu vào vùng đặc quyền của các nước ven Biển Đông
Chỉ trong thời gian ngắn vùng biển này đã liên tục xảy ra các sự cố : tàu hải giám Trung Quốc quấy rối hoạt động thăm dò của tàu Malaysia ở cụm bãi cạn Luconia ở cực nam quần đảo Trường Sa hồi tháng 5 ; tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines ở Bãi Cỏ Rong hồi tháng 6 ; và mới đây nhất, kể từ đầu tháng 7 đến nay, tàu thăm dò của Trung Quốc với sự hộ tống của các tàu hải giám đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam quanh Bãi Tư Chính.
Trong khi đó, các cơ chế kiểm soát xung đột như Bộ Quy tắc Ứng xử (COC), các phương pháp xây dựng lòng tin (CBM), cơ chế tham vấn song phương (BCM) cũng như sự phân xử của tòa trọng tài thường trực (PCA) đều có những trở ngại nhất định, các chuyên gia nhận định tại Hội nghị Biển Đông thường niên lần thứ 9 do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tổ chức ở thủ đô Washington, Mỹ, hôm 24/7.
Hội thảo đã dành hẳn một phiên thảo luận với chủ đề ‘Các con đường quản lý bất đồng’ để nhìn lại những cơ chế và biện pháp này.
Đàm phán COC phức tạp
Trước hết đối với Bộ Quy tắc Ứng xử (COC), vốn đang được đàm phán giữa Trung Quốc và các nước ASEAN từ năm 2014 và được hy vọng sẽ ổn định tình hình Biển Đông khi hoàn tất, con đường đàm phán vẫn còn rất chông gai do lập trường quá khác biệt giữa các bên.
Theo nhận định của ông Ian Storey, chuyên viên cao cấp của Viện Nghiên cứu đông nam Á (ISEAS) ở Singapore thì Trung Quốc có ý đồ riêng khi tham gia đàm phán COC dù trước năm 2014 họ không hứng thú với COC bất chấp lời kêu gọi của các nước.
"Mãi cho đến năm 2016 Trung Quốc mới có thái độ nghiêm túc hơn với các cuộc đàm phán COC mà lý do mặc định là họ muốn đánh lạc hướng sự chỉ trích ra khỏi việc họ bác bỏ phán quyết của tòa trọng tài vốn được công bố vào tháng 7 năm đó," ông Storey phân tích.
Cũng theo nhà nghiên cứu này, một động cơ khác để Bắc Kinh đàm phán COC là để chứng minh ‘luận điệu giả trá’ của họ rằng ‘Biển Đông yên tĩnh và ổn định’ và rằng ‘Trung Quốc và ASEAN đang cùng nhau giải quyết vấn đề vì thế không cần các nước bên ngoài, nhất là Mỹ, can thiệp vào’.
Cuối năm ngoái, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tuyên bố rằng nước ông muốn có được COC trong vòng ba năm (tức là đến năm 2021). Tuy nhiên, ông Storey cho rằng điều này trái ngược với mong muốn của một số nước tranh chấp là họ ưu tiên vào kết quả đàm phán hơn là thời hạn cứng.
Do những nội dung đàm phán COC hiện vẫn đang trong vòng bí mật, nhà nghiên cứu này đã tiết lộ những bất đồng lớn giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, nhất là Việt Nam.
Hà Nội, theo lời ông Storey, đã nên ra ‘một danh sách dài các hoạt động mà họ muốn COC cấm và không có gì trùng hợp khi danh sách này cũng chính là những gì mà Trung Quốc đã làm trong vòng vài năm qua’, chẳng hạn như chấm dứt xây đảo nhân tạo, không được quân sự hóa các đảo, từ bỏ vũ lực và không được đe dọa dùng vũ lực, chấm dứt tình trạng chặn tàu tiếp tế, không được tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).
Ngoài ra, Hà Nội cũng yêu cầu các bên làm rõ đòi hỏi chủ quyền và đòi hỏi này phải phù hợp với UNCLOS (Công ước Quốc tế về Luật Biển). Bắc Kinh cho đến nay vẫn giữ cho yêu sách đường chín đoạn của họ mơ hồ (chẳng hạn như không rõ họ đòi chủ quyền với đảo hay biển hay cả hai) để tự do hơn trong diễn giải. Bản thân đường chín đoạn này trái với UNCLOS và đã bị tòa án quốc tế bác bỏ.
"Việt Nam cùng với Indonesia đã kêu gọi các bên tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 200 hải lý của các nước ven biển – thách thức trực tiếp đối với đường chín đoạn của Trung Quốc vốn xâm phạm vào EEZ của tất cả các bên có tranh chấp," ông cho biết và nói rằng Trung Quốc muốn dỡ bỏ tất cả điều khoản này mà Việt Nam nêu ra trong dự thảo thứ nhất.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn đưa vào những điều khoản mà ông Storey cho rằng ‘gây ra những lo ngại trong phạm vi khu vực và các nước bên ngoài’. Theo đó, Bắc Kinh muốn các dự án hợp tác cùng khai thác dầu khí ở Biển Đông ‘chỉ diễn ra giữa Trung Quốc và các nước có tranh chấp’ – tức loại trừ các tập đoàn dầu khí phương Tây, các cuộc tập trận giữa các nước ASEAN với các nước bên ngoài cần phải có sự đồng ý trước của tất cả 11 nước (10 nước ASEAN và Trung Quốc) – có nghĩa là Bắc Kinh có quyền chặn đứng bất kỳ hoạt động quân sự nào giữa một nước ASEAN với Mỹ, Nhật hay Úc.
Không những thế, phạm vi địa lý (Việt Nam muốn COC bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa nhưng Trung Quốc phản đối), tính ràng buộc về pháp lý cũng là những vấn đề bất đồng trong đàm phán, cũng theo ông Storey.
Hiện tại các nước đang ở giai đoạn đọc dò (reading) lần thứ nhất bản dự thảo và đặt trong ngoặc kép những điểm mà họ không đồng ý cũng như ghi chú lập trường của mình ở mỗi điểm, ông nói và cho biết có ‘rất nhiều chỗ bị đặt trong ngoặc kép’.
"Do mức độ phức tạp của nhiều vấn đề và tốc độ chậm chạp của cuộc đàm phán cho nên mục tiêu có COC vào năm 2021 có lẽ không thể đạt được," ông Storey nói.
Ông cũng đặt nghi vấn vào thời điểm 2021 và 2021 mà khi đó Brunei và Campuchia, những nước được cho là ‘tay trong’ của Bắc Kinh trong khối Asean, sẽ nắm vai trò chủ tịch luân phiên và có khả năng lèo lái lập trường của khối. Nếu cột mốc mà Bắc Kinh đặt ra là 2020, trùng với năm chủ tịch Asean của Việt Nam, thì nhiều người sẽ ‘cảm thấy an tâm’, ông nói.
‘Ngoại giao hai mặt’
Về các biện pháp xây dựng lòng tin (CBM), ông Prashanth Parameswaran, biên tập viên cấp cao tạp chí ‘The Diplomat’ nêu bật điều quan ngại mà ông gọi là ‘tiến trình hai mặt’ (two-track process) của Trung Quốc khi một mặt có hành động thiện chí nhưng mặt khác lại có hành vi gây hấn. Những hành động xây dựng lòng tin và làm xói mòn lòng tin đồng thời này ‘đã diễn ra liên tục’ ở Biển Đông trong thời gian qua, ông nói.
Ông Jay Batongbacal, giám đốc Viện các Vấn đề Hải dương và Luật Biển thuộc Đại học Philippines, nêu ra trường hợp Cơ chế Tham vấn Song phương (BCM) Philippines thiết lập cùng với Trung Quốc sau phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực hồi năm 2016 mà ông cho rằng ‘không hiệu quả’.
BCM được lập ra nhằm để tạo một kênh trao đổi và giải quyết những vấn đề tranh chấp về chủ quyền ‘một cách thầm lặng’, ông cho biết.
"Giờ đây đã ba năm trôi qua nhưng BCM vẫn chưa chứng minh được nó là một phương cách hiệu quả để thật sự giải quyết những vấn dề cốt lõi của tranh chấp," ông nói. "Trừ phi hai nước thay đổi cách ứng xử nếu không cơ chế này sẽ không là gì khác hơn là kênh đàm phán thiếu thiện chí."
Ông Batongbacal đưa ra dẫn chứng về việc ngư dân Trung Quốc khai thác ồ ạt sò tai tượng ở bãi cạn Scarborough vốn gây hủy hoại nghiêm trọng hệ sinh thái ở đây – vấn đề mà Manila đã nhiều lần nêu lên với Trung Quốc trong khuôn khổ BCM nhưng Bắc Kinh không hề giải quyết.
Ông cho biết vấn đề đánh bắt sò tai tượng đã được nêu ra trong lần tham vấn hồi năm 2017 vốn được mô tả là ‘sâu sắc, thân thiện, hiệu quả’ nhưng cuối cùng vào tháng 8 năm 2017 hành vi khai thách sò tai tượng của ngư dân Trung Quốc lại tái diễn.
"Cho đến nay chính phủ Trung Quốc chưa có hành động nào để giải quyết tình trạnh đánh bắt trộm sò tai tượng ở Bãi cạn Scarborough và tác động của nó đối với môi trường biển," ông cho biết và nói thêm hành động của ngư dân Trung Quốc diễn ra trước sự có mặt của các tàu hải giám Trung Quốc.
"Hành động của Trung Quốc trong vấn đề này hoàn toàn rõ ràng và là sự đo lường trực tiếp cam kết của họ để giành được lòng tin trong việc xử lý tranh chấp," ông nói.
"Cho nên không có gì là không công bằng khi nói rằng vào lúc này BCM không làm được chức năng là cơ chế chủ động giải quyết bất đồng mà lại trở thành cơ chế gây xao nhãng và làm phức tạp thêm bất đồng," ông nói. "Nó hoạt động một chiều với lợi thế cho một phía (Trung Quốc) và thay vì quản lý tranh chấp nó càng làm cho tranh chấp mở rộng và khó mà giải quyết công bằng trong tương lai."
Đưa ra Liên Hiệp Quốc ?
Về phán quyết của Tòa án Quốc tế, cụ thể là phán quyết của PCA trao thắng lợi cho Manila trước Bắc Kinh đối với các tranh chấp trên Biển Đông hồi năm 2016, cơ chế thực thi phán quyết là lý do chính khiến nó không có tác dụng như mong đợi khi các nước thua kiện không tuân thủ phán quyết.
Bà Lan Nguyen, phó giáo sư thuộc Khoa Luật, Đại học Utrecht, Hà Lan, nhấn mạnh đến các trường hợp tương tự mà các nước nguyên đơn đã đưa vấn đề ra Liên Hiệp Quốc.
Hơn 3 năm kể từ ngày PCA ra phán quyết, Bắc Kinh chỉ tuân thủ có 2 trong tổng số 11 điểm phán quyết, theo phân tích mới đây của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) của CSIS.
Bà Lan nêu ra ví dụ về vụ kiện hồi năm 1986 của Nicaragua đối với Mỹ đã ủng hộ thành phần nổi loạn chống chính phủ nước này. Mỹ khi đó cũng từ chối tham gia vào vụ kiện cũng như Trung Quốc đối với vụ kiện của Philippines. Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) khi đó đã ra phán quyết Nicaragua thắng kiện nhưng phán quyết này đã bị Washington bác bỏ.
Khi đó, Nicaragua đã viện đến Điều 94 trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc để đưa vấn đề này ra Hội đồng Bảo an để buộc Mỹ phải thực thi phán quyết. Tuy nhiên, do Mỹ là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an nên họ đã phủ quyết. Sau đó, Nicaragua đã tìm đến Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc nơi họ đã thuyết phục được cơ quan này thông qua bốn nghị quyết lên án Mỹ và yêu cầu Washington phải tuân thủ phán quyết của ICJ.
"Mặc dù nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc không mang tính ràng buộc và không thay đổi nhiều giọng điệu của phía Mỹ nhưng nó thật sự đưa Mỹ vào tầm ngắm của quốc tế và thật sự gây sức ép lên Mỹ để có một số điều chỉnh nhất định trong chính sách đối ngoại của họ," bà Lan phân tích.
Trở lại với phán quyết của PCA đối với Trung Quốc, mặc dù nó chỉ có tác dụng ràng buộc đối với hai bên nguyên đơn và bị đơn, nhưng bà Lan cho rằng các nước có tranh chấp trên Biển Đông có mối liên hệ chặt chẽ và do tính chất mở của vùng biển này mà tất cả các nước tranh chấp, không chỉ Philippines, đều có ‘quyền và nghĩa vụ thực thi phán quyết’.
Từ kinh nghiệm của Nicaragua, bà Lan nói các nước nhỏ có thể sử dụng diễn đàn Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc để gây sức ép lên hành vi sai trái của các nước lớn – điều mà Việt Nam đã từng thực hiện hồi năm 2014 khi họ liên tục gửi thư đến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lên án hành việc Bắc Kinh đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Hà Nội và yêu cầu phổ biến những lá thư này trong khuôn khổ các phiên họp của Đại hội đồng.
Một cách khác mà bà Lan đề xuất để cho phán quyết của tòa quốc tế không trở thành một tờ giấy lộn là các nước tranh chấp khi đàm phán phân định biên giới trên biển hay quản lý vùng đánh bắt là ‘dựa trên những luật lệ mà phán quyết của Tòa trọng tài đã vận dụng’.
"Thỏa thuận phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong những năm 2000 cho thấy các bên không phải là không sẵn sàng từ bỏ quyền lịch sử của mình để đàm phán một thỏa thuận dựa trên luật pháp quốc tế," bà Lan cho biết.
Trung Quốc cũng dựa trên chủ quyền lịch sử để đòi hỏi chủ quyền với hầu hết Biển Đông mặc dù ‘quyền lịch sử’ này đi ngược luật pháp quốc tế. Bắc Kinh lập luận rằng ‘quyền lịch sử’ của họ có từ trước khi Luật Biển quốc tế ra đời.
"Mặc dù những hành động này có thể vô vọng trước sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, chúng vẫn quan trọng nhìn từ góc độ luật pháp quốc tế vì bởi vì theo luật quốc tế không có cái gọi là cảnh sát quốc tế mà từng quốc gia phải là cơ quan thực thi pháp luật," bà nói.
Tuy nhiên, trên vấn đề này, ông Ian Storey lưu ý rằng ASEAN ‘chưa từng nói một lời nào về phán quyết của PCA’ kể từ khi nó được công bố.
"Ngay cả Philippines cũng không nắm bóng trong chân thì tại sao các nước khác phải làm thế chứ," ông nói.
Ngọc Lễ
Nguồn : VOA, 30/07/2019
***********************
Việt Nam vẫn cần một đồng minh thực sự
Nguyễn Hiền, VNTB, 30/07/2019
Việt Nam cần đồng minh, và không ít lần, Việt Nam Thời Báo cũng đăng các nội dung kêu gọi liên kết với Mỹ, hợp tác toàn diện và sâu hơn về mặt quân sự. Quan điểm này càng trở nên giá trị, khi Bắc Kinh, trong động thế mới đây nhất đã tìm cách tăng cường tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông với việc giao tàu nghiên cứu mới đi biển (lên đến 4.600 tấn).
Việt Nam vẫn cần một đồng minh thực sự
Trung Quốc vẫn "kiên trì" lập trường thăm dò đối với Bãi Tư Chính (thuộc chủ quyền của Việt Nam), và trong một tin đồn trên mạng xã hội, dường như cả hai quốc gia đã huy động máy bay chiến đấu ra khu vực này. Nếu tin này chính xác, đồng nghĩa Bắc Kinh đã bắt đầu vung cây gậy nhỏ ở Biển Đông.
James R. Holmes, người đứng đầu Chiến lược Hàng hải của JC Wylie tại Đại học Chiến tranh Hải quân trong một bình luận với The Hill, đã cho rằng, tranh chấp Biển Đông sẽ kéo theo hậu quả nghiêm trọng, tương tự như những gì xảy ra ở Vịnh Ba Tư, mặc dù, tính chất tranh chấp giữa Iran-Anh Quốc xoay quanh tàu chở dầu đang làm lu mờ sự kiện Bãi Tư Chính.
Trong khi Iran tuyên bố kiểm soát eo biển Hormuz, thì Trung Quốc đang cố gắng củng cố quyền kiểm soát 80 đến 90% Biển Đông, bao gồm cả các vùng biển thuộc chủ quyền các quốc gia trong khu vực ASEAN, theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Cả hai trường hợp này đều cho thấy, tự do thương mại đã bị tấn công. Riêng vùng Biển Đông, Bắc Kinh tuyên bố đây là một phần mở rộng của lãnh thổ Trung Quốc.
Cần nhắc lại, Bãi Tư Chính là khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đặc quyền nghĩa là chỉ duy nhất Việt Nam là quốc gia được hưởng thụ tài nguyên từ vùng nước, và vùng đáy biển (nơi chứa khoảng 45 triệu thùng dầu và 172 tỷ mét khối khí đốt).
Bắc Kinh – Hà Nội đã đưa các lực lượng thiên về dân sự để "đối đầu" nhau. Tại sao không phải là tàu chiến (hải quân) - để phát đi thông điệp chủ quyền ? Điều này có thể được lý giải, lực lượng hải quân chiến đấu trong vùng tranh chấp, nhưng tại sao lại phải thừa nhận tranh chấp khi đó là vùng đặc quyền kinh tế ?
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn nắm giữ lợi thế rõ rệt trong câu chuyện này, dưới hình thức một máy bay và tên lửa trên bờ và hải quân hỗ trợ. Bắc Kinh nắm chặt một cây gậy lớn, trong khi Việt Nam thì không - và các nhà lãnh đạo Việt Nam biết rõ điều đó. Và Trung Quốc, có lựa chọn leo thang quân sự. Và nếu Trung Quốc vung cây gậy nhỏ của mình, trong khi thủ sẵn cây gậy lớn thì vấn đề có thể sẽ được đẩy đi xa. Để duy trì các quyền của mình, Việt Nam cần các đồng minh.
Như vậy, Việt Nam cần đồng minh, và không ít lần, Việt Nam Thời Báo cũng đăng các nội dung kêu gọi liên kết với Mỹ, hợp tác toàn diện và sâu hơn về mặt quân sự. Quan điểm này càng trở nên giá trị, khi Bắc Kinh, trong động thế mới đây nhất đã tìm cách tăng cường tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông với việc giao tàu nghiên cứu mới đi biển (lên đến 4.600 tấn).
Với tốc độ tối đa 16 hải lý /giờ và tầm hoạt động khoảng 14.000 hải lý, Da Yang Hao (Đại dương) có khả năng thực hiện thăm dò tài nguyên dưới biển sâu ở bất kỳ đại dương nào trên thế giới, truyền thông Trung Quốc đưa tin. Tàu này được quản lý bởi Bộ Tài nguyên Trung Quốc, và nó sẽ "giúp duy trì lợi ích của Bắc Kinh trong khu vực biển quốc tế".
Theo SCMP, Bắc Kinh đã liên tục xây dựng hạm đội thăm dò đại dương như một phần trong lập trường ngày càng quyết đoán ở Biển Đông, và các nhà quan sát cho rằng Da Yang Hao có thể được triển khai đến tuyến đường thủy mà Bắc Kinh cho rằng đang tranh chấp. Giúp tối ưu hóa phạm vi hoạt động dân sự và quân sự - giúp Trung Quốc khẳng định yêu sách của mình.
Sự quyết đoán trong chiến thuật bắt nạt láng giềng của Trung Quốc có thể đưa đến quan hệ song phương hai quốc gia xuống dốc. Và cách ứng xử côn đồ của Bắc Kinh càng minh chứng rằng, Trung Quốc đã không học được bài học nào và dường như quyết tâm thực hiện kế hoạch của mình bằng cách bắt nạt các quốc gia nhỏ hơn. Trung Quốc đã không hiểu rằng một chiến lược như vậy sẽ đi ngược lại lợi ích của họ và có thể thúc đẩy liên minh các lực lượng đối đầu với Trung Quốc bằng một tiếng nói thống nhất, trong đó do Mỹ dẫn đầu.
Bắc Kinh trơ trẽn đến mức, trong buổi họp báo thường kỳ vào ngày 12.7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố kiên quyết bảo vệ chủ quyền của mình ở Biển Đông và quyền hàng hải, đồng thời duy trì các cuộc tranh chấp với các nước liên quan thông qua đàm phán và tham vấn. Đi xa hơn, chính quyền Trung Quốc còn "mong muốn Việt Nam tôn trọng chủ quyền, quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đối với các vùng biển liên quan và không có bất kỳ hành động nào có thể làm phức tạp tình hình."
Tất nhiên, các quan điểm sai trái và đáng hổ thẹn này đã bị Việt Nam bác bỏ. Có thể thấy, Việt Nam sẽ không muốn vượt qua lằn ranh đỏ (xung đột quân sự với Bắc Kinh), nhưng sẽ không dung thứ cho những hành động khiêu khích không mong muốn và sẵn sàng trả đũa nếu Bắc Kinh vượt qua lằn ranh đỏ.
Và tất nhiên, dù tránh lằn ranh đỏ hay không dung thứ, thì Việt Nam vẫn cần một đồng minh thực sự.
Eliot L Engel, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ, vào ngày 26.7 đã ra tuyên bố về sự can thiệp của Trung Quốc vào vùng biển do Việt Nam kiểm soát, trong đó ông nói hành động của Trung Quốc cấu thành vi phạm chủ quyền của Việt Nam và quyền của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Ông kêu gọi Trung Quốc ngay lập tức rút tất cả các tàu ra khỏi lãnh hải của Việt Nam và chấm dứt các chiến thuật bắt nạt bất hợp pháp này.
Lý giải cho sự gia tăng tranh chấp, có thể nhận ra được nhu cầu "xuất khẩu bất ổn" của Bắc Kinh ngày một lớn.
Trong nước, Tập Cận Bình đang đối diện với cuộc chiến thuế quan với Washington ; Sáng kiến Vành đai và con đường đang gặp trở ngại ngay tại Châu Phi ; lạm phát của Trung Quốc gia tăng, và tăng trưởng kinh tế chậm lại dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp và biểu tình của công nhân gia tăng ; đã xuất hiện sự công khai chỉ trích chính sách của Tập Cận bình ngay trong hội nghị tham vấn chính trị vào tháng 3.2019.
Tập Cận Bình, vẫn tìm cách hiện thực hóa tuyên bố chủ quyền hơn 3 triệu km2, và đây là trung tâm của những nỗ lực của Trung Quốc. Qiu Shi (16.4), tạp chí lý luận của ĐCSTQ, đã đăng tải bài viết của Phó đô đốc Hải quân Trung Quốc, ông Liu Shijong và Phó Đô đốc Chính trị Qin Shengxiang, tiết lộ rằng Tập Cận Bình đã xúc tiến các dự án xây dựng trên một số đảo và rạn san hô ở Biển Đông nhằm thay đổi tình hình chiến lược của cuộc đấu tranh quân sự trên biển và thể hiện quyết tâm kiên định chiến đấu cho từng cm lãnh thổ và vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Nguyễn Hiền
********************
Biển Đông : Việt Nam thông báo cho Ấn Độ về vụ Tư Chính
Anh Vũ, RFI, 20/07/2019
Trang thông tin mạng thehindu.com hôm nay 30/07/2019 dẫn nguồn tin ngoại giao Hà Nội cho biết, Việt Nam đã thông báo cho phía Ấn Độ việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8, cùng nhiều tàu hải cảnh hộ tống vào hoạt động gần bãi Tư Chính, trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Bãi Tư Chính nìn từ vệ tinh - @amti.csis.org
New Delhi tỏ lo ngại với những diễn biến căng thẳng trong vùng biển gần nơi tập đoàn dầu khí Ấn Độ ONGC đang có dự án hợp tác khai thác dầu với Việt Nam, theo trang mạng Ấn Độ.
Một quan chức ngoại giao ẩn danh Việt Nam hôm qua cho biết : "Chúng tôi đã thông báo diễn biến tình hình hiện nay tại Biển Đông với Ấn Độ, nước có liên quan và là một tác nhân quan trọng trong khu vực." Nguồn tin này khẳng định với trang tin Ấn Độ là Trung Quốc đã điều tới 35 tàu hải cảnh để hộ tống tàu Hải Dương Địa Chất 8 tiến hành các hoạt động thăm dò địa chấn trong khu vực bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Đòi chủ quyền gần như toàn bộ vùng Biển Đông, Trung Quốc từng phản đối và ngăn cản các dự án hợp tác thăm dò khai thác dầu khí của Ấn Độ trong vùng biển của Việt Nam.
Nguồn tin ngoại giao được trích dẫn nói trên cho biết thêm, ngoài Ấn Độ, Việt Nam cũng đã tiếp xúc với các nước như Mỹ, Nga, Úc và một số nước khác để bày tỏ lo ngại về hành động gây hấn của Trung Quốc đe dọa các hoạt động khai thác thăm dò dầu khí trong vùng biển Việt Nam, trong đó đặc biệt có lô dầu 06.1 là nơi mà tập đoàn Nga Rosneft và công ty Ấn Độ ONGC đã hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam từ gần 17 năm nay.
Quan chức ngoại giao được trang tin Ấn Độ dẫn nguồn khẳng định, các hoạt động của Trung Quốc hiện nay tại bãi Tư Chính là "vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam, theo Công ước Quốc tế về Luật Biển UNCLOS".
Nguồn tin ngoại giao Hà Nội cũng cho biết Việt Nam đã đề cập vấn đề này với nhiều cấp chính phủ Trung Quốc và nếu Bắc Kinh không rút các tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam, Hà Nội sẽ đưa vấn đề ra tư pháp quốc tế.
Thehindu.com nhận định, vụ việc diễn ra ở bãi Tư Chính lần này là sự cố đối đầu nghiêm trọng nhất kể từ sau vụ Trung Quốc đưa giàn khoan nổi Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam hồi tháng 5/2014.
Anh Vũ
*******************
Hải Quân Hoa Kỳ cần bảo vệ đồng minh khai thác tài nguyên biển Đông
Nguyễn Quốc Khải, VOA, 29/07/2019
Trong vài tuần lễ vừa qua tình hình ở Biển Đông đang sôi nổi vì một tầu thăm dò dầu khí Haiyang Dizhi 8 (Hải Dương 8) của Trung Quốc với một số tầu tuần duyên đi theo hộ tống đã xâm nhập đặc khu kinh tế của Việt Nam quanh Bãi Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa. Trong khi đó, tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS), ở thủ đô Washington đã diễn ra Hội Nghị Hàng Năm lần Thứ Chín về Biển Đông vào ngày 24-7.
Đô đốc hồi hưu Scott H. Swift, cựu Tư lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương.
Hội nghị này đã quy tụ được rất nhiều chuyên viên và học giả về lãnh vực về Châu Á và hàng hải. Trong số này tôi ghi nhận được những một số người từ xa tới như Giáo sư Lan Nguyễn từ Hòa Lan ; ông Liu Xiaobo, Trung Quốc ; ông Evan Laksmana, Nam Dương ; ông Kavi Chongkittavorn, Thái Lan ; Giáo sư Stein Tonnesson, Na Uy ; Giáo sư Bill Hayton, Anh Quốc ; Giáo sư Jay Batongbacal, Phi Luật Tân ; Giáo sư Sarah Kirchbergerm, Đức Quốc ; Giáo sư Toshihiro Nakayama, Nhật Bản ; Giáo sư Bec Strating, Úc ; ông Ian Storey, Singapore.
Được tôi hỏi Hoa Kỳ có nên sử dụng Hạm Đội Số 7 để giúp bảo vệ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên của các nước đồng minh ở Biển Đông hay không, Đô đốc (hưu) Scott H. Swift, cựu Tư lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, một trong những diễn giả chính, đã trả lời rằng ông không đồng ý với ý kiến này. Ông nói "Lập trường của Hoa Kỳ rất rõ là chúng tôi không đứng về phe nào đối với tranh chấp về chủ quyền. Đó là những vấn đề về môi trường. Có những bộ khác trong chính phủ thích hợp hơn để giải quyết những thử thách này."
Đô đốc Swift cũng nhắc đến tổ chức ASEAN, một diễn đàn đa quốc gia Đông Nam Á để thảo luận những tranh chấp nội bộ với nhau mà Hoa Kỳ không là thành viên. Ông nói tiếp rằng "Những lời bình luận của ông xuất sắc, nhưng sẽ đưa đến tình trạng rằng nếu chúng ta tìm kiếm những giải pháp quân sự, chúng ta sẽ đi vào con đường quân sự. Chúng ta cần phải thật cẩn thận khi chọn lựa những giải pháp này. Sáng kiến của Bộ Ngoại giao ủng hộ những hoạt động bảo vệ tự do hàng hải."
Tiếp theo trình bầy của Đô đốc Swift, bà Amy Searight, Cố vấn cao cấp và Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của CSIS, đã lập lại câu hỏi của tôi hơi khác đi. Bà nói "Bộ Ngoại giao [Hoa Kỳ] đã vài lần tuyên bố, bắt đầu với Ngoại trưởng Mike Pampeo tại Manila, rằng Hoa Kỳ ủng hộ quyền của các quốc gia khai thác tài nguyên thiên nhiên trong phạm vi đặc khu kinh tế. Hải Quân hay Bộ Quốc phòng [Hoa Kỳ] phải đóng một vai trò theo một ý nghĩa nào đó để hỗ trợ lập trường ngoại giao đã được công bố rõ ràng. Nếu một nước cố gắng thực hiện quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên và rõ ràng bị quấy rỗi, một nước đồng minh có vai trò đối với một nước đối tác như Phi Luật Tân hay Việt Nam."
Sau phần phát biểu của bà Amy Searight, Đô đốc Swift đồng ý rằng Hải Quân sẽ đóng một vai trò trong trường hợp chủ quyền rõ ràng được xác định của một quốc gia đối với đặc khu kinh tế. Ông nói "Chúng ta vẫn phải rất cẩn thận khi có những quyết định hành động từ Tổng Tư lệnh Quân đội và phải có sự ủy nhiệm chiến lược rõ ràng. Điều này vô cùng quan trọng."
Hoa Kỳ mới đây đã lên tiếng bầy tỏ quan ngại về việc Trung Quốc quấy phá việc khai thác dầu khí của Việt Nam trong đặc khu kinh tế quanh Bãi Tư Chính được thừa nhận bởi Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (United Nations Convention on the Law of the Sea – UNCLOS). Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố "Hoa Kỳ cương quyết chống lại sự áp bức và hăm dọa bởi bất cứ nước nào để giành lãnh thổ hay lãnh hải. Trung Quốc cần phải chấm dứt hành vi bắt nạt và kiềm chế những hành động gây hấn và tạo bất ổn."
Dân quân biển của Trung Quốc. 95 tàu của dân quân biển ngụy trang thành tàu cá bỏ neo gần đảo Thị Tứ của Philippines.
Sau một thời gian dài yên lặng, đến khi Giáo sư Ryan Martinson của Trường Hải Chiến Hoa Kỳ công bố đường đi của tầu Hải Dương 8, Việt Nam đã phải lên tiếng kêu gọi thế giới giúp đỡ và yêu cầu tầu của Trung Quốc rút ra khỏi lãnh hải của Việt Nam nhưng không có kết quả. Lời nói và ngoại giao xem ra không làm Trung Quốc thay đổi tham vọng bành trướng và làm chủ toàn bộ khối năng lượng tại Biển Đông trị giá 2.5 ngàn tỉ Mỹ kim.
Ông Gregory B. Poling, Giám đốc Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu (Asia Maritime Transparency Initiative – AMTI) thuộc CSIS, nhận định rằng hiện nay Trung Quốc chưa thể kiểm soát được toàn bộ Biển Đông, nhưng Trung Quốc đang tăng cường khả năng để thực hiện điều này, nếu các nước liên quan và đặc biệt là Hoa Kỳ không có phương cách đối phó thích hợp.
Theo ông Poling, Trung Quốc xem ra muốn tránh đụng độ quân sự với Hoa Kỳ và bất cứ nước nào. Trung Quốc sử dụng dân quân biển ngụy trang dưới hình thức những tầu đánh cá. Một hình chụp được vào ngày 20-12-2018 cho thấy 95 loại tầu này vây quanh đảo Thitu của Phi Luật Tân trong nhiều tháng. Trên đảo có khoảng 100 cư dân và một toán binh sĩ đồn trú. Các nước cần phải áp lực Trung Quốc dẹp bỏ lực lượng dân quân biển.
Đáp lại lời kêu gọi của Việt Nam, vào ngày hôm qua, Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Hạ viện Hoa Kỳ Eliot L. Engel đã lên tiếng chỉ trích hành vi xâm lăng của Trung Quốc tại vùng Bãi Tư Chính và bênh vực Việt Nam trong cố gắng bảo vệ chủ quyền lãnh hải hợp pháp. Ông Engel nói :
"Sự hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông gần đây chứng minh sự vi phạm công khai luật quốc tế. Theo Công Ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, những hành động của Trung Quốc tạo thành sự vi phạm chủ quyền của Việt Nam và các quyền hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế. Quan trọng không kém, hành vi của Trung Quốc đe dọa quyền lợi của các công ty Hoa Kỳ đang hoạt động trong khu vực."
"Tôi đứng về phía Việt Nam và các đối tác trong vùng của chúng tôi để lên án sự hung hăng này. Cộng đồng quốc tế phải tiếp tục duy trì trật tự dựa trên luật lệ và luật pháp quốc tế. Tôi kêu gọi Trung Quốc lập tức rút tất cả các tầu ra khỏi lãnh hải của những nước láng giềng, và chấm dứt các chiến thuật bắt nạt bất hợp pháp này."
Trong tình thế như hiện nay, vai trò của Hạm Đội 7 sẽ rất quan trọng. Nó sẽ đóng góp một cách tích cực và hiệu quả để bảo vệ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc khu kinh tế 200 hải lý, một khi các nước đối tác của Hoa Kỳ ở Biển Đông như Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Nam Dương và Brunei đồng ý hợp tác.
Nguyễn Quốc Khải
Nguồn : VOA, 29/07/2019
*******************
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines chỉ trích Trung Quốc ‘nói một đằng, làm một nẻo’
VOA, 30/07/2019
Bộ trưởng quốc phòng Philippines ngày 30/7 chỉ trích Trung Quốc về "hành động bắt nạt ở Biển Đông". Ông Delfin Lorenzana nói rằng lời lẽ đảm bảo hòa bình của Bắc Kinh đi ngược lại với hành vi của họ trong vùng biển tranh chấp, theo AP.
Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana.
Ông Lorenzana nói : "Trung Quốc nói ‘chúng tôi không bắt nạt láng giềng, chúng tôi tuân theo luật pháp quốc tế’, nhưng tôi thì nói rằng các ông không làm như vậy, những điều các ông nói không phải là những gì các ông làm trên thực tế".
Theo Bộ trưởng quốc phòng Philippines, trừ phi Trung Quốc làm đúng những gì họ nói, bằng không những lời nói của họ sẽ luôn bị nghi ngờ, và người Philippines sẽ tiếp tục nhìn về Bắc Kinh với lòng ngờ vực.
Để minh chứng cho nhận định của mình, ông Lorenzana viện dẫn xếp hạng tín nhiệm thấp của Trung Quốc so với Hoa Kỳ, đồng minh của Philippines, trong các cuộc thăm dò dư luận địa phương.
Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa - Ảnh minh họa
Trong khi đó, phát biểu tại Manila vào cuối ngày 29/7 vào dịp đánh dấu ngày kỷ niệm của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines, Triệu Giám Hoa, nói cam kết của Trung Quốc đối với hòa bình đã được ghi trong hiến pháp nước ông, và các nỗ lực tăng sức mạnh quân sự hoàn toàn nhằm mục đích tự vệ.
"Cho dù Trung Quốc có trở nên hùng mạnh đến mức nào, Trung Quốc cũng sẽ không bao giờ theo đuổi mộng bá chủ hoặc thiết lập phạm vi ảnh hưởng", AP dẫn lời Đại sứ Triệu Giám Hoa tuyên bố. "Trung Quốc sẽ vẫn cam kết phục vụ trong tư cách một lực lượng vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên thế giới".
Đại sứ Trung Quốc tuyên bố : "Trung Quốc áp dụng chiến lược quân sự phòng thủ tích cực, tuân thủ nguyên tắc phòng thủ, tự vệ và chỉ phản ứng sau khi bị tấn công, nghĩa là chúng tôi sẽ không ra tay đánh trước".
Nói về những tranh chấp lãnh thổ kéo dài với Philippines, Đại sứ Trung Quốc nói cả hai bên nên kiên nhẫn và Trung Quốc sẽ tiếp tục áp dụng chính sách giải quyết tranh chấp trong hòa bình thay vì đối đầu. Theo ông, trong lúc chờ giải pháp hòa bình, hai bên nên đảm bảo rằng các tranh chấp không phương hại cho mối quan hệ chung.
Kiện Trung Quốc : Bây giờ hoặc không bao giờ !
Tâm Don, VNTB, 28/07/2019
Vào năm 2013, Philippines đã kiện Trung Quốc ra Tòa thường trực quốc tế ở Hà Lan (PCA). Vào năm 2014, Việt Nam cũng đã có động thái kiện Trung Quốc ra PCA để bảo vệ chủ quyền biến đảo của mình. Nhưng tất cả chỉ vẫn là động thái, mặc dù vào năm 2016, PCA đã ra phán quyết xác định đường lưỡi bò - đường chín đoạn mà Trung Quốc tự ý vẽ ra là phi lý và bất hợp pháp. Trung Quốc đang ngang ngược xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở bãi Tư Chính và lô 06.01, tại sao Việt Nam chỉ phản ứng yếu ớt và không kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế ?
Tòa thường trực quốc tế ở The Hague - Hà Lan.
Trước việc Trung Quốc ngày càng thể hiện sự ngang ngược và tham lam đối với biển Đông, Philipiness đã nhanh chóng kiện Trung Quốc ra Tòa thường trực quốc tế ở Hà Lan (Permament Court of Arbitration - PCA). Vào tháng 6/2016, tòa này đã đưa ra phán quyết cực kỳ quan trọng : Đường lưỡi bò hay còn gọi là đường chín đoạn mà Trung Quốc đưa ra là một đòi hỏi hoàn toàn vô lý và ngang ngược. Dù phán quyết của tòa này không có chế tài, nhưng nó là cơ sở khoa học và pháp lý buộc hai bên Trung Quốc và Philipiess tuân thủ. Sau phán quyết của PCA, Trung Quốc tuy lớn tiếng phủ nhận nhưng ngay lập tức sự hung hăng và ngang ngược đã giảm xuống rất nhiều lần.
Kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế để bảo vệ chủ quyền lãnh hải là một phương án đã được Việt Nam tính tới. "Việt Nam đã nhiều lần khẳng định sẽ sử dụng các biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình. Biện pháp pháp lý là biện pháp hòa bình và văn minh được Hiến chương của Liên Hiệp Quốc ủng hộ. Vì vậy, Việt Nam không loại trừ các biện pháp pháp lý và Việt Nam sẽ cân nhắc kỹ lưỡng thời điểm thích hợp để khởi kiện Trung Quốc" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 3/7/2014 ở Hà Nội, dẫn theo báo Người Lao Động. Cũng đã có nhiều ý kiến tại Việt Nam kêu gọi chính phủ Việt Nam nên quốc tế hóa việc giải quyết yêu cầu chủ quyền tại biển Đông.
Năm năm sau, vào tháng 6 và tháng 7/2019, tàu thăm dò địa chất Haiyang Dizhi 8 và tàu cảnh sát biển Trung Quốc lại ngang ngược xâm phạm và khiêu khích chủ quyền lãnh hải của Việt Nam tại bãi Tư Chính và lô 06.01. Phản ứng của phía Việt Nam thật rụt rè và yếu ớt. Mãi đến ngày 17/7, người phát ngôn Bộ ngoại giao chỉ dám gọi tàu "của nước ngoài" xâm phạm lãnh hải Việt Nam mà không kèm theo thông tin chi tiết nào. Sau đó vào ngày 19/7, có lẽ trước áp lực quá mạnh của mạng xã hội, Bộ Ngoại giao đã chỉ đích danh tàu của Trung Quốc với những thông tin chi tiết hơn, và lời phản đối mạnh mẽ hơn.
Cần phải đặt ra câu hỏi : sự phản đối khá mạnh mẽ liệu có thực chất và giải pháp tiếp theo của Việt Nam là gì ? Tại sao vào tháng 7/2017, Việt Nam chấp nhận yêu cầu của Trung Quốc trong việc yêu cầu hãng Repsol hủy dự án Cá Rồng Đỏ tại lô 136.03, đồng thời im lặng về vụ việc cay đắng này ? Tại sao tiếp đó, vào tháng 3/2018, Việt Nam lại chấp nhận yêu cầu của Trung Quốc yêu cầu hãng Repsol hủy dự án tại lô 07.03, đồng thời tiếp tục im lặng về vụ việc cay đắng này ?
Việc Việt Nam chấp nhận hai yêu cầu của Trung Quốc đối với lô 136.03 và lô 07.03 có thể làm Việt Nam mất chủ quyền đối với hai lô này, và qua đó sẽ mất chủ quyền đối với nhiều lô dầu khí khác. Việt Nam có 67 lô dầu khí nằm lọt thỏm trong đường lưỡi bò mà Trung Quốc ngang ngược nêu ra. Nếu Việt Nam cay đắng chấp nhận mất hai lô, Việt Nam có thể mất thêm nhiều lô khác trước những đòi hỏi ngày càng mang tính cơ bắp và trắng trợn của Trung Quốc.
Nếu liên kết việc Repsol phải hủy hai dự án vào năm 2017 và 2018 với phản ứng của Bộ Ngoai giao Việt Nam vào ngày 20/7 vừa qua, có thể đi đến khẳng định rằng, Bộ ngoại giao Việt Nam chỉ phản ứng chiếu lệ, và Việt Nam chưa có chiến lược rạch ròi, thông suốt để bảo vệ chủ quyền của mình ở biển Đông.
Trong bài viết "Không chấp nhận thông điệp 'cơ bắp' của Trung Quốc" được đăng tải trên Tuổi Trẻ online vào trưa ngày 23/7, giáo sư- Tiến sĩ James Kraska củaTrung tâm luật quốc tế Stockton (Đại học Hải chiến Mỹ) cũng xác định Bộ ngoại giao Việt Nam "vốn có xu hướng ôn hòa trong các bất đồng cùng người hàng xóm khổng lồ này".
Từ năm 2014 đến năm 2019 là một khoảng thời gian không dài nhưng cũng không ngắn. Trong khoảng thời gian đó, Philipiness đã đạt được điều mình cần từ tòa quốc tế. Nhưng 5 năm sau lời tuyên bố của ông Lê Hải Bình, Việt Nam vẫn chưa tỏ rõ động thái để kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế.
Trong bài viết "Không chấp nhận thông điệp 'cơ bắp' của Trung Quốc" được đăng tải trên Tuổi Trẻ online vào trưa ngày 23-7, giáo sư- Tiến sĩ James Kraska của Trung tâm luật quốc tế Stockton (Đại học Hải chiến Mỹ), một người Mỹ xa lạ, đã chỉ đường cho Việt Nam : "Điều thứ hai Việt Nam và các nước có thể làm là quốc tế hóa tranh chấp, để soi rọi vào hành vi của Trung Quốc, thông qua việc kiện Trung Quốc ra một tòa trọng tài có khả năng cưỡng chế, đồng thời cổ vũ các nước bên ngoài khu vực tham gia vào vấn đề này"…
Chính giới Mỹ cũng đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam và phản đối hành vi ngang ngược của Trung Quốc ở bãi Tư Chính. Vào ngày 26/7, Hạ nghị sĩ Eliot L.Engel, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, đã ra tuyên bố về sự can thiệp của Trung Quốc vào vùng biển do Việt Nam kiểm soát và nhận định đó là "sự hung hăng". Tuyên bố đăng trên trang chính thức của ông Engel cho rằng : "Sự hung hăng gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông là một minh chứng đáng lo ngại về việc một quốc gia công khai bỏ qua luật pháp quốc tế". Hạ nghị sĩ Engel cho rằng cách hành xử của Bắc Kinh cũng đe dọa lợi ích của các công ty Mỹ đang hoạt động tại khu vực : " Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, các hành động của Trung Quốc là một sự vi phạm chủ quyền của Việt Nam và các quyền hợp pháp của quốc gia này trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ)".
Nếu Việt Nam không nhanh chóng kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế, Việt Nam đã vô tình tiếp tay cho các vi phạm ngày càng nghiêm trọng của Trung Quốc trong vấn đề biển Đông.
Tâm Don
Nguồn : VNTB, 28/07/2019
*******************
Người Phi ‘kiện Trung Quốc’ : Bài học quỳ hay đứng cho chóp bu Việt Nam
Thường Sơn, VNTB, 28/07/2019
Mùa mưa bão tháng 7 năm 2019, một lần nữa cơn sóng lừng mang tên Hải Dương của Trung Quốc lại chực chồm lên ‘thuyền nan đòi ra biển lớn’ của Hà Nội, áp thể chế này vào cái thế một lần nữa phải tính đến việc kiện Trung Quốc, hoặc ít nhất cũng lấp ló khả năng kiện tụng ra trước công luận nhằm xoa dịu phản ứng của dư luận xã hội về chế độ chỉ biết ‘hèn với giặc, ác với dân’.
Khi gặp nguy, đà điểu và Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam chỉ biết chui đầu xuống cát để trốn - Tranh minh họa
Tính từ năm 2011 khi nổ ra vụ tàu Bình Minh 2 của Việt Nam bị tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp - một cách côn đồ và mặt lạnh không kém cái cách cả hai chính quyền độc đảng độc trị này luôn đàn áp dân chúng và những tiếng nói phản đối, cho tới nay Hà Nội đã bỏ qua rất nhiều cơ hội để có thể kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế về các vụ xâm nhập ‘vùng biển chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam’.
Vào năm 2014 khi nổ ra vụ Hải Dương 981, nhân vật được dư luận xem là ‘quốc trưởng’ của chế độ độc đảng Việt Nam - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - đã thực hiện một chuyến đi được giới quan sát xem là "đặc biệt" tới Manila, Philippines. Trước sự hiện diện của Tổng thống Benigno Aquino, ông Dũng tuyên bố rằng tình hình ở biển Đông là "đặc biệt nguy hiểm".
Nhưng vào thời điểm đó, không phải Việt Nam mà chính Philippines đã gợi ý về "đối tác chiến lược" - có thể hiểu như một liên minh quân sự nhằm đối phó với dã tâm lộ rõ của con sói Trung Quốc.
Song Thủ tướng Dũng đã im lặng.
Sau khi trở về Việt Nam và trong lúc mối tình Việt - Trung vẫn ồn ào gấu ó, nhiều người chờ đợi ông Dũng "giương cao ngọn cờ thoát Trung" theo cách "nắm chắc ngọn cờ dân chủ" mà ông đã "bùng nổ" trong thông điệp thủ tướng đầu năm 2014. Nhưng sau cụm ẩn ngữ về "hữu nghị viển vông", Thủ tướng Dũng đã không chịu hé miệng thêm. Dù một chút.
Trong khi đó, Bộ Chính trị Việt Nam - nghe nói đã họp nhiều lần về Biển Đông và về ý định liên kết với người Philippines - vẫn như gà mắc tóc. Thậm chí kỳ họp giữa năm 2014 của Quốc hội Việt Nam đã khiến hàng chục ngàn người đổ ra đường biểu tình phản đối Trung Quốc ở Sài Gòn và Hà Nội phải phẫn nộ : ở mức độ tối thiểu cần có một bản nghị quyết về Biển Đông, Quốc hội Việt Nam vẫn tuyệt đối câm nín.
Cũng cho tới nay, đã không có bất cứ động tác kiên quyết nào của phía Việt Nam kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về "Đường lưỡi bò".
Ngưu tầm ngưu mã tầm mã, tình trạng cay đắng của nhà nước Việt Nam từ nhiều năm qua là dù họ đã thủ sẵn trong túi chẵn một tá đối tác chiến lược, kể cả "đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc" và "người bạn Nga truyền thống", nhưng không một bàn tay nào chìa ra cho Việt Nam với tư cách đồng minh trong vụ HD 981 và vụ Bãi Tư Chính các năm 2017, 2018 và 2019.
Song hiện thực ngược ngạo là không phải "láng giềng gần" Trung Quốc mà chính những "bà con xa" như người Mỹ và những quốc gia đồng minh quân sự với Mỹ như Nhật Bản và Philippines lại trở thành giá đỡ cho tinh thần suy sụp của giới lãnh đạo Việt Nam. Vào tháng 7/2014, không phải Quốc hội Việt Nam mà chính Quốc hội Hoa Kỳ lần đầu tiên tung ra một nghị quyết mạnh mẽ về Biển Đông như một đòn dằn mặt tham vọng của Trung Quốc.
Cũng kể từ giữa năm 2014, Philippines bắt đầu đạt được tiến bộ khả quan tại Liên hiệp quốc trong vụ kiện đường lưỡi bò của Trung Quốc. tháng 8/2014, Philippines mạnh tay đưa 12 ngư dân Trung Quốc ra tòa để tuyên phạt nhiều năm tù vì đánh bắt hải sản trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền của nước này. Sau sự kiện chấn động đó cho đến tận bây giờ, Bắc Kinh không hề lồng lộn lên như vẫn thường đối xử với Hà Nội.
Bản lĩnh vượt mặt Việt Nam ấy không phải mang tính đột biến mà được tích lũy qua thời gian. Sau vụ"bắt Trung Quốc" trên, Manila đã có một hành động pháp lý vượt hơn hẳn cao vọng "kiện Trung Quốc" của giới đảng, nhà nước và chính phủ Hà Nội : Philippines đã chính thức kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế và đã giành được thắng lợi.
Khác hẳn thế dám đứng dậy của Philippines, sau vụ giàn khoan HD 981 và cho đến nay, Việt Nam đã lỡ mất cơ hội và gần như vẫn nằm nguyên trong mớ lục đục tủi hổ.
Giờ đây, sự thể đang dồn lên vai Nhà nước Việt Nam tất cả những gì tối thiểu thuộc về danh thể. Mãi cho tới gần đây, điều đáng phẫn nộ là xã hội Việt Nam vẫn phải thưởng thức món ăn từ ngữ "tàu lạ" mà không thoát nổi cơn nghẹn họng.
Không có bất cứ động tác truy xét nào mà từ đó tìm ra được dung nhan kẻ gây hấn giết hại ngư dân, các cơ quan hữu quan Việt Nam đã quỳ mọp trong nỗi xấu hổ và tự ti vô cùng tận trước thế đứng thẳng người của đất nước Philippines.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 28/07/2019
Chờ mùa nước nổi và 'đợi' tầm nhìn của Bộ Chính trị
Thảo Vy, VNTB, 27/07/2019
Ở Việt Nam, mọi vấn đề mang tính chiến lược khi được đánh giá ‘thành công’, thì đều cho rằng đó là nhờ tầm nhìn mang tính quyết định của Bộ Chính trị. Điều 4, Hiến pháp 2013 đã ‘mặc định’ vậy.
Mất mùa là tại thiên tai...
Chờ mùa nước nổi
Người miền Tây nói rằng bao đời nay nước tràn đồng mang theo biết bao huê lợi thiên nhiên dành cho xứ sở này. Ruộng đồng nhờ mùa nước nổi mà đỡ tốn bạc tiền cho phân bón, thuốc trừ sâu ; nhứt là thời gian trước năm 1975, miền Tây chỉ làm lúa một mùa dài đến 6 tháng trời, phù hợp với xứ này chỉ có hai mùa mưa, nắng.
Thuở ấy với nông dân miệt đồng, lễ Hạ điền tổ chức vào đầu mùa mưa, có ý nghĩa như là lễ xuống đồng, khai trương việc cày cấy. Lễ Thượng điền cử hành vào cuối mùa mưa, lúc đã thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp.
Vừa làm vừa chơi là vậy. Khi con nước về, mùa lúa xong rồi, người ta quay qua chài lưới, thả câu và… ăn nhậu. Rất nhiều món ngon chế biến từ cá, từ các sản vật mùa nước nổi cũng đến từ năm rộng tháng dài đó. Thế rồi ‘ngày thống nhất’, vựa lúa miền Nam vừa phải ‘nuôi’ người anh em miền Bắc, vừa phải gánh nợ vay trong chuyện mua súng ống đạn dược của miền Bắc thời huynh đệ tương tàn.
Vậy là phải làm thêm vụ hai, và ‘đắp kênh bao ngăn lũ’ để một năm làm được tới 3 vụ. Đất đai bị bóc lột còn hơn thời địa chủ - tá điền như trong tuồng cải lương Tiếng hò sông Hậu. Giống lúa ngắn ngày của canh tác 3 vụ thường cho gạo không ngon. Thuốc trừ sâu, phân bón hóa học được dịp đổ xuống ruộng đồng để lúa có thể đủ sức ‘tốt 3 vụ’. Môi trường giờ đây liên tục bị nhiễm độc, dẫn tới cá tôm tự nhiên ngoài ruộng đồng, sông rạch dần cạn kiệt.
"Mấy ông Bộ Chính trị còn sống hay đã chết, quá khứ hay hiện tại đều cần phải nhìn rõ chuyện đã có tầm nhìn không qua ngọn cỏ ấy đối với miệt sông nước miền Tây. Không dũng cảm nhìn nhận lại những vết đổ, thì làm sao tránh được sai lầm tiếp theo ?" Ông Hai, một lão nông tri điền ở huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ nói.
Bàn về cái sai ấy như lời ông Hai – một lão nông xuất thân là sĩ quan công an thời Cần Thơ còn nằm chung địa giới hành chánh với tỉnh Hậu Giang, Tiến sĩ Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và tài nguyên thiên nhiên của trường Đại học Cần Thơ, cho biết ngay tại đồng bằng sông Cửu Long có 2 vùng trữ lũ rất lớn là Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, được xem là 2 túi nước điều hòa cho đồng bằng.
"Nhưng nhiều năm trước, do chạy theo sản lượng lúa, chúng ta đã đắp rất nhiều đê bao để ngăn không cho nước lũ tràn vào khu vực này, để tăng diện tích canh tác lúa vào mùa lũ lên. Cái đó làm cho không gian trữ nước của đồng bằng bị thu hẹp, lượng nước ngọt không giữ lại được, mùa hạn đến thì lượng nước tại chỗ không còn đủ để bổ sung cho sông Hậu, sông Tiền đẩy bớt nước mặn ra biển. Và càng vào mùa khô hạn thì xâm nhập mặn càng sâu vào nội đồng", ông Ni diễn giải.
Thượng điền tích thủy hạ điền khan !
Câu nói này không liên quan gì đến hai nghi thức lễ như nêu ở trên. Hiện tại thượng nguồn các dòng sông, các con suối, người ta tiến hành ngăn đắp để làm thuỷ điện. Khi thượng nguồn tích nước các tua bin chạy sản xuất ra dòng điện, lượng nước đổ về hạ nguồn ngày một ít hơn, trong khi nhu cầu nước phục vụ cho sản xuất ở vùng hạ nguồn ngày một lớn hơn. Thượng điền tích thủy, hạ điền khan là vậy.
Tin tức từ báo chí Thái Lan, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết đã yêu cầu Trung Quốc, Lào, Myanmar xả nước vào sông Mekong, và sẽ tiếp tục đàm phán về nước trong bối cảnh hơn một nửa đất nông nghiệp của Thái Lan đang thiếu nước.
Tổ chức Mekong Freedom Network của Thái Lan nhận định với 8 đập thủy điện nằm trên lãnh thổ Trung Quốc đã chặn 40 tỷ m3 nước sông Mekong là thủ phạm chính khiến mực nước sông Mekong xuống thấp kỷ lục.
Một nghiên cứu khoa học của Việt Nam cho thấy tổng lượng phù sa bùn cát và dinh dưỡng bị giảm tới 65% và nếu tính chung cả các thủy điện thượng nguồn phía Trung Quốc, lượng phù sa về đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn lại khoảng 15 triệu tấn, chưa đến 10% so với điều kiện tự nhiên ; xâm nhập mặn sẽ gia tăng tại hầu hết các vùng ven biển.
Nếu tính thêm tác động của bậc thang 11 công trình thủy điện dòng chính ở hạ lưu vực sông Mekong và của các công trình thủy điện dòng nhánh sông Mekong, tổng lượng phù sa bùn cát hàng năm giảm tới 80%.
"Tôi không biết trong những lần hai tổng bí thư Đảng cũng như hai Nhà nước của Trung Quốc và Việt Nam gặp nhau, phía Việt Nam có lên tiếng yêu cầu phía Trung Quốc vụ độc chiếm Mekong hay không ? Chỉ rõ là ông Nguyễn Xuân Phúc không phải là ngài Prayut Chan-o-cha. Tôi chưa thấy "bản tin tham khảo hạn chế" nào mà dịch vụ Thông Tấn Xã cung ứng cho báo chí, có dẫn tin tức chuyện Việt Nam đã phản ứng vụ việc này ở cấp Đảng và cấp Nhà nước đối với Trung Quốc". Biên tập viên M.T của tạp chí chuyên ngành cảng biển, nhận xét.
Trong danh sách thành viên Bộ chính trị có tên ông Nguyễn Xuân Phúc, và người đứng đầu Bộ này thì hiện không chỉ ‘buông rèm chấp chính’, mà còn giữ im lặng cam chịu trước mọi ngang ngược gây hấn trên Biển Đông cho tới độc chiếm sông Mekong từ ‘bạn vàng’ Trung Quốc.
"Tôi từng mơ mộng sẽ biên tập bản tin đại khái vầy : Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chỉ thị Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát hành Công hàm gửi chính phủ Trung Quốc yêu cầu chấm dứt việc xâm phạm lãnh hải của Việt Nam ; đồng thời, Trung Quốc phải có trách nhiệm trong sử dụng chung tài nguyên nước của sông Mekong.
Ông Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu Ngoại trưởng Phạm Bình Minh có Bị vong lục (Memorandum) tuyên bố, khẳng định lại lập trường của Đảng và Nhà nước Việt Nam về vấn đề Biển Đông và sông Mekong gửi đến Tổng Bí thư Tập Cận Bình và Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường". Biên tập viên M.T bày tỏ.
Thảo Vy
Nguồn : VNTB, 27/07/2019
*******************
Việt Nam phải mạnh mẽ đối với các nước thượng nguồn Mekong dù đó là nước nào !
Thanh Trúc, RFA, 26/07/2019
Dòng Mekong dài hơn 4.300 km, xuất phát từ cao nguyên Tây Tạng, chảy qua Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lad, Campuchia và Việt Nam.
Bé trai bắt cá trong một con kênh khô cằn ở quận Long Phú, tỉnh Sóc Trăng hôm 8/3/2016. AFP
Mới đây, các tổ chức dân sự ở Thái Lan cảnh báo 8 đập thủy điện trên lãnh thổ Trung Quốc giữ nước lại là nguyên nhân khiến mực nước sông Mekong xuống thấp kỷ lục. Các nhà hoạt động bảo vệ môi trường còn gởi kiến nghị lên Ủy hội sông Mekong (Mekong River Commission-MCR) của Thái Lan yêu cầu rà soát lại những dự án thủy điện sẽ được xây thêm trên dòng Mekong.
Ban Việt Ngữ có cuộc phỏng vấn với ông Brian Eyler, tác giả cuốn The Last Days of Mighty Mekong, tạm dịch "Những ngày cuối cùng của dòng Mekong hùng vĩ". Ông Brian Eyler là giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung Tâm Stimson ở Washington DC. Tháng trước ông từng có mặt trong các cuộc họp của MRC Ủy hội sông Mekong ở Thái Lan, Lào và Việt Nam.
-------------------
Thanh Trúc : Thưa ông Brian Eyler, Mekong Freedom Network của Thái Lan mới đây cho biết 8 đập thủy điện của Trung Quốc giữ lại khoảng 40 tỷ mét khối nước khiến mực nước sông Mekong xuống đến mức kỷ lục trong vòng 100 năm qua. Thưa ông nghĩ sao về cảnh báo này ?
Brian Eyler : Tôi đọc thấy thông báo 8 con đập trên phần lãnh thổ Trung Quốc ở thượng nguồn Mekong gây hạn hạn nên phải nhanh chóng kiểm chứng một số dữ liệu. Đúng hiện đang xảy ra tình trạng hạn hán nặng nề tại khu vực Mekong. Đó là hậu quả của nhiều tác nhân gộp lại. Hoạt động đầu tiên của tôi với tư cách là người đang làm việc để cổ xúy cho những phương cách phát triển thông minh hơn cho khu vực Mekong có thể thay thế cách xây dựng những đập thủy điện như hiện tại thì trước hết tôi nhắc lại là có đến 11 con đập trên phần sông Mekong chảy qua Trung Quốc đã hoàn tất. Mọi người cần được cập nhật bản đồ của tất cả những đập đó cũng như thông tin liên quan. Tổng cộng tất cả những đập đó có thể giữ lại hơn 40 tỷ mét khối nước ; tuy nhiên do trong thời điểm hạn hán số lượng nước trữ lại đó có thể ít hơn. Dẫu thế, việc trữ nước ở các đập như vậy đều có thể góp phần làm ảnh hưởng đến hạ nguồn.
Nhưng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hạn hán khốc liệt ở khu vực Mekong.
Thanh Trúc : Trong đánh giá mới đây ông thì có rất nhiều khả năng mực nước sông vào ngày 19/7/2019 là thấp nhất từ trước đến nay, ít nhất là trong một thế kỷ qua. Các đập thủy điện ở Trung Quốc đã xây dựng và vận hành từ nhiều năm, tại sao đến năm nay mực nước mới xuống thấp đến mức kỷ lục như thế, liệu có nhân tố ảnh hưởng nào khác không ?
Các con đập trên sông Mekong vào tháng 7/2019. Courtesy of Stimson
Brian Eyler : Tôi xin có một phân tích nhanh ; hãy xem những hình ảnh chụp từ vệ tinh đợt hạn hán được cho là tồi tệ nhất lịch sử hồi tháng Tư 2016 rồi so sánh với những dữ kiện trong tháng Bảy 2019 này tôi thấy mực nước sông Mekong tại khu Tam Giác Vàng xem ra còn thấp hơn cả mực nước thấp của vụ hạn hán lịch sử năm 2016.
Những tác nhân cộng hưởng gây nên tình trạng hạn hán như hiện nay được trình bày theo thứ tự tác động. Thứ nhất hiện tượng khí hậu El Nino ảnh hưởng đến khu vực xét về lượng mưa trong mùa khô chuyển sang mùa mưa. Điều quan trọng cần lưu ý là vào tháng Năm, tháng Sáu mỗi năm thì khu vực Mekong chuyển từ mùa khô hay rất khô sang mùa mưa cực nhiều. Tác nhân El Nino làm mùa khô kéo dài ra.
Biến đổi khí hậu cũng là tác nhân ảnh hưởng đến thời gian ngắn hay dài của mưa mùa. Đã có tiên đoán là tình trạng biến đổi khí hậu khiến mùa mưa ngày càng ngắn đi mỗi năm, sự ngắn đi này được thấy rõ trong năm nay và tác động của nó trong tương lai cần được nghiên cứu kỹ hơn. Về phần các đập thủy điện tích tụ nước trên thượng nguồn Mekong thì đập Xayabury ở mạn Bắc nước Lào đang vận hành thử nghiệm và đã giữ lại một lượng nước lớn cũng phần nào góp sức hạ thấp dòng nước. Tác nhân tiếp là những đập thủy điện lớn của Trung Quốc. Đập tác động nhiều đến hạ nguồn mà chúng ta xem xét đến là đập Cảnh Hồng. Việc xả nước của đập này tác động đến dòng chảy xuống hạ nguồn.
Sau hết, với hơn 60 đập thủy điện đã hoàn tất ở Lào trên các chi lưu của dòng Mekong. Ngoài ra còn hơn 60 đập khác nữa đang được xây dựng. Tất cả những tác động như thế cùng gộp lại tạo đợt hạn hán gây hại nhiều nhất cho những cộng đồng dân cư sống dọc Sông Mekong ở Lào, Thái Kampuchia và Việt Nam.
Thanh Trúc : Thế nhưng người ta vẫn tiếp tục cho rằng các đập thủy điện khổng lồ ở Trung Quốc là thủ phạm chính làm cạn dòng Mekong trong mùa nắng nóng. Theo ông các đập thủy điện của Trung Quốc vận hành tra sao, à mức độ ảnh hưởng của chúng như thế nào đối với các nước hạ du ?
Ông Brian Eyler, Giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung Tâm Stimson ở Washington DC, và phóng viên Thanh Trúc tại studio của RFA hôm 24/7/2019. RFA
Brian Eyler : Hãy nói về những đập thủy điện của Trung Quốc trước khi đề cập đến các đập nói chung. Hệ thống thủy điện của Trung Quốc là những đập lớn, thâu tóm lượng nước khổng lồ của dòng Mekong. Hệ thống thủy điện Xayabury của Lào ở phía dưới cũng lớn không kém. Còn những đập trên các chi lưu thì nhỏ hơn.Tất cả những đập thủy điện này gây tác động đáng kể nếu không được vận hành phù hợp. Như vào mấy tuần qua, đập Cảnh Hồng không xả nước hay xả nước ít hơn nó thường thực hiện vào mùa mưa. Điều này có thể do nhu cầu nước của đập này được ưu tiên hơn nhu cầu của dưới hạ lưu. Nhà máy có thể thu lợi từ việc phát điện phục vụ các cộng đồng và thành phố quanh khu vực nơi đông đúc dân cư mà ước tính lên đến chừng 600 ngàn đến 800 ngàn và tăng rất nhanh. Tuy nhiên tôi không chắc mấy về con số dân này. Do đó thật không may vì nhu cầu của vùng đập này gây tác hại đến cho nơi khác. Điều này cũng tương tự như những đập thủy điện dưới hạ nguồn.
Trong thời điểm khô hạn thiếu nước này, các đập này phải duy trì chức năng phát điện, nếu không họ mất tiền. Do vậy mỗi đập thủy điện đều hành xử theo cách không xem xét đến nhu cầu của những đập ở dưới hạ nguồn dòng sông, có nghĩa là họ giữ nước lại.
Tác động tích hợp của tất cả : đập Cảnh Hồng giữ nước, đập Xayaburi thử nghiệm vận hành cũng giữ nước, cộng với hơn 60 đập ở Lào, một đập ở Campuchia, cũng như những con đập ở thượng nguồn trung phần Việt Nam, Thái Lan ; tất cả gộp lại gây tác động lớn đến dòng chảy hạ nguồn nước và thực sự làm trầm trọng thêm các vấn đề trong thời kỳ hạn hán..
Thanh Trúc : Thưa ông Brian Eyler, năm 2016 Việt Nam đã phải đối diện một trận hạ hán nghiêm trọng và lịch sử. Theo ông tình hình hạn hán Việt Nam năm 2019 này và những năm tới nữa sẽ như thế nào khi các đập lớn ở Trung Quốc và Lào vận hành ráo riết và còn nhiều chục con đập khác đã lên kế hoạch xây dựng ?
Brian Eyler : Tôi nghĩ cần nhiều nhiều nghiên cứu sâu hơn để có thể đoan chắc về những tác động tạo nên hiệu ứng đáng nói hiện nay là El Nino cộng với việc Xayaburi của Lào chạy thử nghiệm cộng thêm sự giữ nước lại của đập Cảnh Hồng phía Trung Quốc.
Đối với tác động mưa mùa, chúng ta biết tiểu vùng Mekong đang chuyển từ khí hậu mùa khô sang khí hậu mùa mưa lẽ ra phải bắt đầu từ cuối tháng Năm đầu tháng Sáu. Đáng tiếc và đáng quan ngại là mùa mưa tính đến lúc này vẫn chưa xảy ra. Còn nhớ cùng thời kỳ này năm ngoái Mekong không thiếu nước vì những cơn bảo nhiệt đới liên tục khiến Lào bị vỡ đập vì lượng nước tích tụ quá nhiều trong các hồ chưa. Ngoài ra còn những nguyên nhân khác dẩn đến vỡ đập, tuy nhiên vào năm ngoài lượng nước quá nhiều. Số liệu cho thấy như thế. Và phổ dữ liệu rất lớn từ năm này sang năm khác khiến khó có thể quyết định về tác động.
Ủy Hội Sông Mekong thì vẫn phải liên tục theo dõi và tiếp tục nghiên cứu về những tác động của các đập trên dòng chính Mekong và cả trên các chi lưu. Đáng nói là theo dự kiến khoảng 500 đập sẽ được xây lên trong tương lai. 500 con đập là điều khó có thể tưởng tượng trên dòng sông Mekong này. Không ai rõ tác động nào sẽ đến ; nhưng thật là đáng sơ.
Thanh Trúc : Ông nghĩ Việt Nam phải làm gì hầu giảm bớt tác động tai hại từ những đập thủy điện thượng nguồn ?
Brian Eyler : Phải chăng cơ hội để Việt Nam tự mình có thể làm gì xem ra không có mấy. Đồng bằng Sông Cửu Long là khu vực sản xuất nông nghiệp trọng yếu của Việt Nam. Cách để giảm thiểu tác động từ thượng nguồn là trữ nước trong mùa mưa cho mùa khô. Cứ nhìn những con đập đồ sộ của Trung Quốc, nhìn khoảng 300 con đập đã và đang sắp xây ở Lào trong tương lai.
Việt Nam cần làm việc với cả Lào, Campuchia, Trung Quốc trong hợp tác xúc tiến phương cách thay thế có thể chuyển đổi tương lai sản xuất thủy điện sang các nguồn điện khác ; cũng như bàn bạc với các quốc gia thượng nguồn về những vấn đề như đòi hỏi các quốc gia thượng nguồn đừng tích nước mà phải xả nước xuống hạ nguồn trong thời gian khô hạn để lưu lượng dòng chảy được tự nhiên như bình thường. Đó là thông điệp duy nhất mà Việt Nam và những quốc gia hạ nguồn cần nói với nước thượng nguồn dù đó là nước nào.
Thanh Trúc : Xin cảm ơn ông Brian Eyler về cuộc phòng vấn này.
Thanh Trúc thực hiện
Nguồn : RFA, 26/07/2019
********************
Thủ tướng Thái Lan yêu cầu Trung Quốc, Lào, Myanmar xả nước chống hạn
RFA, 26/07/2019
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã yêu cầu các nước Trung Quốc, Lào, Myanmar xả nước vào sông Mekong để giúp chống khô hạn ở Thái Lan, tin từ Bangkok Post hôm 24/7 cho biết.
Mực nước sông Mekong ở huyện Muang (Thái Lan) trong tháng 7 - Bangkok Post
Theo Bangkok Post, nước tưới cho đất nông nghiệp ở Thái Lan hiện nay chỉ đủ 40%, do đó Bộ Ngoại giao và Văn phòng tài nguyên quốc gia Thái Lan đang tiếp tục đàm phán, hợp tác với các nước để có kể hoạch xả nước từ các hồ chứa của họ xuống khu vực hạ nguồn sông Mekong.
Giám đốc Sở Lúa Gạo của Thái Lan ông Prasong Prapaitrakul cũng cho biết lượng mưa khan hiếm có thể đe dọa đến ngành sản xuất gạo của Thái và ước có khoảng 16.000km2 ruộng lúa ở 20 tỉnh phía Bắc, Đông Bắc và miền Trung đang bị ảnh hưởng nặng nề.
Hiệp hội các nhà xuất khẩu lúa gạo Thái Lan cảnh báo nếu đến đầu tháng 8/2019 tình trạng khô hạn tiếp tục diễn ra, thiếu nước tưới cho nông nghiệp sẽ làm giảm sản xuất và tăng giá gạo trong nửa cuối năm nay.
Trước đó, hôm 22/7, tổ chức Mekong Freedom Network của Thái Lan công bố báo cáo cho biết 8 đập thủy điện được xây dựng ở Trung Quốc đã giữ lại tổng cộng hơn 40 tỷ m3 nước cho các mục đích phát điện, tưới tiêu.
Các nhà hoạt động môi trường ở Thái cho biết mực nước sông Mekong ở Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam đang xuống thấp kỷ lục vì lượng mưa năm nay giảm, đập Cảnh Hồng của Trung Quốc xả ít nước, đập Xayaburi của Lào đang chạy thử nghiệm.
*******************
Từ Mekong ra Biển Đông, bao giờ cho tới tháng Mười ?
Nhật Tuấn, Việt Tide, 27/07/2007
Tuần báo Việt Tide số tháng 4/2007 có bài Tạp Ghi về các vấn đề thời sự trong tháng của Hà Đa Sự, là một bút hiệu khác của nhà văn Nhật Tuấndùng cho các bài viết ở hải ngoại, khi ấy ông vẫn còn sống ở trong nước. Sau đây là trích đoạn phần có liên quan tới Sông Mekong và Biển Đông, trong mối tương quan lịch sử "môi hở răng lạnh" giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Hình do nhà văn Nhật Tiến cung cấp cho Ngô Thế Vinh, chụp tháng 8/2015 hai tháng trước ngày Nhật Tuấn mất.
Cuốn Cửu Long cạn dòng Biển Đông dậy sóng của Ngô Thế Vinh và bộ phimMekong ký sự của đạo diễn Phạm Khắc cũng được nhắc tới trong bài viết… Nay nhân hai sự kiện : (1) Trận "hạn hán thế kỷ" đang diễn ra trong lưu vực Sông Mekong do chuỗi các con đập bậc thềm khổng lồ Vân Nam của Trung Quốc, và rồi (2) Bắc Kinh mới đây lại ngang nhiên đưa tàu Hải Dương 8 đến Bãi Tư Chính của Việt Nam đầu tháng 07/2019 để thăm dò dầu khí, cùng đi với hai chiến hạm có cả trực thăng và pháo để hộ tống ; Trung Quốc một lần nữa đã lại trắng trợn vi phạm vùng lãnh hải trên thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Chúng tôi cho đăng lại bài viết của nhà văn Nhật Tuấn tuy cách đây cũng đã 12 năm nhưng vẫn còn nguyên vẹn tính thời sự, như một "ôn cố tri tân" để thấy rằng chính sách bành trướng của Bắc Kinh xâm lấn Việt Nam trước sau vẫn không hề thay đổi. Bài viết với tiêu đề và lời dẫn do nhà văn Ngô Thế Vinh gửi.
***
Ngày 11/4/2007, tường thuật chuyến thăm Trung Quốc của phái đoàn Quốc hội Việt Nam, báo chí trong nước vui mừng chạy tít lớn : "Chưa bao giờ quan hệ hợp tác hữu nghị Việt - Trung tốt như hiện nay".
Nào là góp phần tích cực, thúc đẩy quan hệ giữa hai nước lên một tầm cao mới... tiếp tục vun đắp cho tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước theo phương châm 16 chữ "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và 4 tốt "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".
Ngoài mặt hân hoan vậy, nhưng mỉa mai thay, đúng vào ngày này, Trung Quốc phản đối Việt Nam phân lô, gọi thầu và hợp tác với Tập đoàn dầu khí BP của Anh xây dựng đường ống khí đốt ở Trường Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cảnh cáo "Việt Nam áp dụng hàng loạt hành động mới trên quần đảo Nam Sa đã đi ngược với nhận thức chung quan trọng về các vấn đề trên biển mà hai bên đã đạt được và đây là hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ cũng như chủ quyền và quyền cai quản của Trung Quốc. Trung Quốc bày tỏ hết sức quan tâm việc này và đã giao thiệp nghiêm khắc với Việt Nam".
Hòn đá ném đi, hòn chì ném lại, lập tức người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam đáp lời : "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động của Việt Nam tiến hành trên các quần đảo và vùng biển của Việt Nam, kể cả việc phân lô, thăm dò và khai thác dầu khí là hoàn toàn bình thường, phù hợp với luật pháp Việt Nam, luật pháp và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 và tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông năm 2002".
Phải thừa nhận từ sau Hội nghị APEC tại Hà Nội, được Hoa Kỳ chuyển hướng chiến lược trong quan hệ ngoại giao, "tiểu bá" Việt Nam bắt đầu lộ máu "anh hùng", dám xấc xược với "thiên triều". Chỉ hơn một tháng sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Bush, tạp chí Quân Sự Hoàn Cầu của Trung Quốc ra số tháng 12/2006 cho biết từ ngày 1/11/2005 Trung Quốc đã tiến hành xây dựng bia chủ quyền tại một số điểm cơ sở trên quần đảo Hoàng Sa, lập tức ngày 28/12/2006, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố : "Việt Nam một lần nữa khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam có đầy đủ những bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này... Việc Trung Quốc dựng bia chủ quyền tại một số điểm cơ sở trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam, do vậy hoàn toàn không có giá trị...".
Nếu mới chỉ một năm trước đây, cho dù tàu Trung Quốc ngang ngược bắn giết ngư dân Thanh Hóa trong vịnh Bắc Bộ, các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn ngậm bồ hòn làm ngọt, vẫn phải vào đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội nâng ly mừng quốc khánh của bọn sát nhân thì nay họ đã "mạnh miệng" lên nhiều.
Ngay từ năm 2000, nhà văn Ngô Thế Vinh trong cuốn "Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng" đã cảnh báo nguy cơ có tính thảm họa đối với Đồng Bằng Sông Cửu Long khi Trung Quốc xây dựng hàng loạt đập chắn trên thượng nguồn và khu kinh tế Hoa Nam xả chất thải kỹ nghệ biến Mekong thành dòng sông chết.
Năm 2004, cuốn sách này đã được trao vào tay ông Phạm Khắc, nguyên Giám đốc Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh khi ông bắt tay làm bộ phim truyền hình nhiều tập "Mekong ký sự". Tiếc thay những cảnh báo của ông Ngô Thế Vinh không hề được ông Phạm Khắc nhắc tới trong bộ phim kể cuộc hành trình đi từ thượng nguồn sông Mekong tới 9 dòng Cửu Long đổ ra biển của ông, bởi lòng e sợ cố hữu đối với nhà cầm quyền Trung Quốc.
Thế nhưng sự thể đã khác khi vào ngày 24/4 mới rồi VietnamNet và báo Bình Dương của Nhà nước dám đăng toàn văn bài viết của ông Richard P. Cronin, Giám đốc Chương trình Kinh tế Chính trị Châu Á chỉ mặt đích danh Trung Quốc đang tàn phá hạ lưu sông Mekong :
"Trung Quốc đang xây dựng một loạt 8 đập thủy điện ở thượng nguồn của Mekong, chảy qua những hẻm núi cao ở tỉnh Vân Nam. Dự án này là mối đe dọa lớn nhất đối với Mekong và an ninh của hơn 60 triệu người sống dưới hạ nguồn, với họ, nước Mekong có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự sống còn. Sự khai thác ồ ạt tiềm năng thủy điện khổng lồ của Mekong đã gây ra mối đe dọa lớn đối với chu kỳ lũ lụt và đa dạng sinh học cực kỳ phong phú của hệ thống sông này. Khi được hoàn thành trong một thập kỷ nữa, hệ thống các đập thủy điện này sẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với vùng Hồ lớn và sông Tonle Sap dài 100 km của Campuchia cũng như Đồng Bằng Sông Cửu Long của Việt Nam..".
Bệnh "nhát sợ phương Bắc" của Việt Nam xem ra phần nào giảm bớt khi vào cuối tháng Tư, ông Thủ Tướng Việt Nam ký nghị định số 65 thành lập thị trấn Trường Sa trên cơ sở đảo Trường Sa lớn và các đảo, đá, bãi phụ cận, xã Song Tử Tây trên cơ sở đảo Song Tử Tây và các đảo, đá, bãi phụ cận và xã Sinh Tồn trên cơ sở đảo Sinh Tồn và các đảo, đá, bãi phụ cận.
Như thế, bất chấp sự hậm hực của Trung Quốc, huyện Trường Sa đã chính thức thành lập gồm 3 đơn vị hành chính trực thuộc là xã Song Tử Tây, xã Sinh Tồn và thị trấn Trường Sa. Các hoạt động của Việt Nam trên quần đảo đang tranh chấp này cũng được công khai hóa như ngày 20/4 báo chí Việt Nam loan tin Trạm tìm kiếm cứu nạn Trường Sa có cơ sở hậu cần đặt tại đảo Trường Sa Lớn, đã khai trương văn phòng đại diện thường trực tại Thành phố Nha Trang.
Liệu người ta có thể hy vọng với sự mở rộng hợp tác với hải quân Hoa Kỳ, với chiến lược phát triển biển, nhà nước Việt Nam sẽ ngăn bớt được sự hung hăng của các hạm tàu Trung Quốc ngạo mạn coi Biển Đông "như là ao nhà của chúng nó" như lời một bài hát thời chiến tranh với Mỹ ?
Nhà văn Nhật Tuấn
Hà Đa Sự
Việt Tide, 27/07/2007
Nhà văn Nhật Tuấn, tên thật Bùi Nhật Tuấn (em trai nhà văn Nhật Tiến), sinh nặm 1942 tại Hà Nội. Năm 1954 không di cư vào Nam, tốt nghiệp đại học khoa Văn, nguyên bộ đội Trinh Sát Công Binh. Nhà văn miền Bắc với nhiều tác phẩm xuất bản,
"Đi về nơi hoang dã" (1988) là một tiểu thuyết rất nổi tiếng của ông. Nhật Tuấn mất tháng 10 năm 2015 tại Sài Gòn.
Nhịn Trung Quốc vì hòa bình là một sách lược hay ảo giác ?
Viết từ Sài Gòn, VOA, 24/07/2019
Không riêng gì vấn đề bãi Tư Chính bị Trung Quốc gây hấn trong những ngày này, mà dường như từ những năm trước 1975, Đảng cộng sản Việt Nam đã phân thành hai nhóm trong vấn đề quyết đánh hay chịu nhục trước kẻ xâm lăng Trung Quốc. Mà hình như từ thời xa xưa đã có những kẻ chủ hòa và những người chủ chiến. Trong vài ngày trở lại đây, lực lượng chủ hòa và chủ chiến hiện ra rất rõ, và không ngoại trừ xuất hiện lực lượng thứ ba ! Vấn đề ở đây là giữa hòa và chiến cũng như các chủ trương của lực lượng thứ ba, đâu là ảo tưởng, đâu là thực tế ? Chủ hòa sẽ đi đến đâu ? Chủ chiến sẽ ra sao ? Lực lượng thứ ba sẽ mang lại điều gì ?
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Đại lễ đường Nhân dân ngày 12/07/2019 - Ảnh minh họa
Luận điệu của kẻ chủ hòa (trong đó gồm những đặc tình Hoa Nam, những kẻ làm tay sai cho Trung Quốc, những quan chức biến chất, làm tôi đòi cho thiên triều Trung Quốc từ cấp địa phương đến trung ương…) luôn là "nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định, đảm bảo phát triển kinh tế và tránh xung đột…", hoặc "vì tương lai vững mạnh, quật cường của một Việt Nam, hôm nay có thể tạm mất và con cháu chúng ta sẽ đòi lại…", hoặc "chúng ta quyết tâm đòi cho bằng được Trường Sa và Hoàng Sa, chúng ta sẽ đấu tranh bằng pháp luật quốc tế, chúng ta sẽ không để va chạm… Nếu chúng ta đòi không được thì con cháu chúng ta sẽ đòi", v.v.
Chung qui, nói cho cùng thì nhóm chủ hòa, hay nói khác đi là nhóm bạc nhược, sợ khiếp vía trước sức mạnh cũng như đồng tiền của Trung Quốc thường viện dẫn lý do vì hòa bình, ổn định khu vực, vì tình hữu nghị anh em hàng xóm láng giềng với Trung Quốc, vì tương lai phát triển kinh tế…
Kính thưa các loại vì ! Để đạt được mục đích là nhân dân, nhà nước, quân đội, công an cùng đồng hành với nhóm này làm ngơ trước sự mất dần của lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam vào tay Trung Quốc.
Và để đảm bảo mình có lý lẽ, nhóm này luôn luôn tin rằng/hứa rằng/quyết tâm rằng "chúng ta sẽ đòi lại bằng được những gì đã mất !".
Ngược với nhóm chủ hòa, số không ít các đảng viên cao cấp, giới chức quân đội, công an, sĩ quan cao cấp của công an và quân đội luôn giữ chủ trương phải đánh, sẵn sàng nổ súng để bảo vệ tổ quốc. Và lập luận của nhóm chủ chiến dựa trên cơ sở phân tích chiều dài lịch sử bị đô hộ, bị làm nô lệ cho phương Bắc của cha ông, quá trình chiến đấu giành độc lập từ thời Ngô Quyền cho đến sau này… Thời nào cũng đổ máu, trả giá nhưng kết quả nhận được là ngoài cả mong đợi. Và, chủ trương một tấc cũng không nhường, vạch rõ bộ mặt thật của người hàng xóm "bốn tốt mười sáu vàng" này để nhìn thấy dã tâm của họ luôn là cách mà nhóm chủ chiến làm bấy lâu nay.
Bên cạnh đó, nhóm chủ chiến cũng mượn truyền thông phi nhà nước (và cả truyền thông nhà nước) để vạch trần những âm mưu bán nước. Xin mở ngoặc, gần đây, nhóm chủ hòa cũng tương kế tựu kế, moi móc những gương mặt làm bình phong cho Trung Quốc. Nhưng đây là là một kiểu thủ đoạn khác !
Và, đã có hai nhóm, đương nhiên, phải có nhóm thứ ba, thứ tư và nhóm thứ n… Nhưng vấn đề trọng tâm ở đây là nhóm thứ ba, bởi nó hàm chứa cả những nhóm còn lại và nó đứng đối cực với hai nhóm trước về mặt chính kiến, quan điểm chính trị. Nhóm thứ ba chủ trương đánh Trung Quốc lấy lại vùng lãnh thổ và lãnh hải quốc gia. Nhưng không phải do người cộng sản đưa ra lệnh đánh mà phải do một chính phủ mới đứng ra để làm việc này.
Lý lẽ của nhóm thứ ba là do Đảng cộng sản Việt Nam đã quá nặng nợ với Đảng cộng sản Trung Quốc và rất khó để đảng cộng sản này đánh đảng cộng sản kia một cách triệt để một khi mọi thứ giá trị họ có được ngày hôm nay có sự góp tay không nhỏ của thiên triều cộng sản. Chính vì vậy, chỉ có một con đường duy nhất là tiêu diệt chế độ cộng sản, xây dựng một thể chế chính trị mới, không dây mơ rễ má với cộng sản Trung Quốc, không mắc nợ cái công hàm của Phạm văn Đồng hay không dính líu đến hội nghị Thành Đô thì mới hi vọng bảo vệ được chủ quyền, độc lập cho Việt Nam.
Vậy nhóm nào là ảo tưởng ? Nhóm nào là hiện thực ?
Có thể nói rằng nhóm nào cũng có cái ảo tưởng và cái hiện thực nếu xét trên khuynh hướng lợi ích tinh thần của nhóm. Nhưng, xét trên góc độ dân tộc, quốc gia, chắc chắn một điều là nhóm thứ nhất không những không tạo ra lợi ích cho quốc gia, dân tộc mà còn có nguy cơ đưa quốc gia, dân tộc đi đến chỗ diệt vong. Bởi xuyên suốt quá trình bán đứng lợi ích chung của dân tộc, quốc gia, chấp nhận chủ hòa và chịu lép vế, dâng lãnh thổ, lãnh hải cho Trung Quốc, nhóm này luôn đưa ra lập luận "vì quyền lợi chung, vì hòa bình và phát triển kinh tế" và hứa "con cháu sẽ lấy lại bằng được" hoặc "sẽ kiện ra tòa án quốc tế…". Nhưng họ quên hoặc cố ý không nhắc tới một điều : Việt Nam hiện tại không đòi được Trường Sa, Hoàng Sa và tiếp tục bị Trung Quốc lấn lướt là vì Trung Quốc quá đông, quá mạnh, họ hơn hẳn Việt Nam từ quân số, cơ số vũ khí và độ tối tân của khí tài. Hiện tại là vậy thì tương lai lẽ nào Việt Nam đông dân hơn Trung Quốc ? Hoặc Việt Nam sẽ mạnh hơn Trung Quốc về khí tài, công nghệ ? Nghe có vẻ mơ hồ !
Và hơn nữa, đây chỉ là ảo giác về cái gọi là hòa bình, phát triển kinh tế. Bởi hiện tại, vấn đề nắm sức mạnh tài nguyên biển là vấn đề sống còn, nó quyết định đến sức mạnh, tiềm lực và cả uy tín quốc gia để bước ra thế giới. Không phải tự dưng mà Hoa Kỳ bỏ ra hàng trăm tỉ đô la để xây dựng lực lượng hải quân của họ hùng mạnh nhất thế giới, cũng không phải tự dưng mà Trung Quốc chạy đua sức mạnh hải quân với Hoa Kỳ. Vì hiện tại, khi mà dân số ngày càng trở nên đông đúc, nguồn tài nguyên đất liền cạn kiệt, mọi khám phá và chủ quyền trên mặt đất đã trở nên ổn định thì việc thống lĩnh đại dương là vấn đề sống còn của các cường quốc. Và, niềm hi vọng để trở thành một cường quốc cho Việt Nam, không có gì khác ngoài dải bờ biển dài 3.250 km từ Bắc chí Nam. Với chiều dài này nhân với 12 hải lý lãnh hải (chưa kể diện tích nội thủy) cộng với 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế thì có thể nói rằng Việt Nam là một quốc gia có diện tích vàng trong khu vực bởi ngoài biển còn có rừng. Và một khi có thêm con rồng kinh tế đứng riêng lẻ trong khu vực thì không có gì đáng lo ngại cho Trung Quốc hơn điều này.
Chính vì vậy, chiến thuật đánh chiếm, lấn lướt và kéo dài thời gian theo kiểu "cứt trâu để lâu hóa bùn" vốn là cái bài mà Trung Quốc từ lâu đã dùng với Việt Nam. Mà một khi đã thống lĩnh được Biển Đông, ép Việt Nam trở thành một quốc gia nhỏ bé, phụ thuộc về đường biển và có diện tích biển ngày càng hẹp dần, không có tài nguyên biển thì đương nhiên, khả năng phụ thuộc theo kiểu sa lầy với Trung Quốc là rất cao. Và, lúc này, chỉ để tự chủ, độc lập không thôi cũng khó bề trụ vững chứ đừng nói gì đến chuyện đấu tranh lấy lại phần lãnh hải, lãnh thổ đã bị mất. Chính vì vậy, nhóm chủ hòa, chấp nhận lấn lướt và hứa hẹn con cháu đòi lại là nhóm phản động, đi ngược với tinh thần dân tộc.
Nhóm thứ hai lựa chọn thái độ chủ chiến, đương nhiên, xét trên góc độ lợi ích dân tộc, quốc gia thì họ đã hoàn toàn đúng hướng và sáng suốt, hơn nữa, họ có lý tưởng quốc gia, dân tộc và sẵn sàng xả thân cho sự nghiệp bảo vệ tổ quốc. Họ nhìn thấu đáo lịch sử. Nhưng, lực cản lớn nhất cùa nhóm này chính ở chỗ "bức tường nhóm một" và họ cũng là cộng sản !
Chính vì nhóm thứ hai là cộng sản nên mới phát sinh nhóm thứ ba, đó là những người phi cộng sản, chức sắc tôn giáo, các văn nghệ sĩ, các nhà đấu tranh dân chủ và các trí thức cấp tiến, đặc biệt là những người Việt sống lưu vong. Họ có tinh thần chống ngoại xâm và có cả tinh thần chống Cộng. Nhưng họ lại không nắm quyền để huy động sức mạnh quân đội, công an, kể cả huy động sức mạnh toàn dân cũng là một thử thách. Trong một chừng mực nào đó, nhóm này lại trông chờ vào một cá nhân nào đó nắm quyền lực trong hệ thống cộng sản đứng ra xoay chuyển cục diện chính trị. Nhưng, liệu điều này có thể diễn ra như mong muốn ?!
Và suy cho cùng, tình hình hiện tại, khi mà kẻ xâm lăng đang ngấp nghé bờ cõi, vận mệnh dân tộc đang bị đe dọa thì bất kì sự thiếu/mất ổn định nào về nội bộ chính trị quốc gia cũng đều dẫn đến thất bại. Hơn bao giờ hết, cần một cuộc giải ảo chính trị cho vấn đề sắp xếp quyền lực và nhận lãnh sứ mệnh bảo vệ quốc gia, dân tộc nhằm tạo ra được sức mạnh toàn lực để chống thù trong, giặc ngoài.
Vì lẽ này, ngoài việc đấu tranh bằng phương pháp hòa bình như đã từng làm từ nhiều thập niên nay, việc tạo được liên minh quân sự, liên minh kinh tế hàng hải lâu dài với các cường quốc nhằm đảm bảo chủ quyền biển đảo quốc gia là tối cần thiết cho Việt Nam lúc này. Và, đây là thời điểm mà những người cộng sản có tinh thần dân tộc biết mình phải làm gì, cũng như đây là thời điểm mà tình anh em, tình huynh đệ máu đỏ da vàng sẽ dễ dàng níu kéo, xích lại, ngồi gần lại nhau hơn sau bao nhiêu biến thiên của cuộc đời, số phận và thời cuộc.
Việt Nam sẽ mãi là Việt Nam một khi mọi người, mỗi người đều nghĩ đến điều này, đều cùng nhìn về phía trước và nghĩ đến tương lai con cháu, không để mất thêm một chút nào nữa. Bởi bây giờ để mất là sẽ mất vĩnh viễn, đừng mơ hồ chuyện con cháu sẽ đòi được, đừng quẳng gánh nợ của chúng ta lên đôi vai con cháu chúng ta !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 24/07/2019
********************
RFA, 24/07/2019
Trung Quốc đang dần tiến tới kiểm soát phần lớn khu vực Biển Đông trong thời bình nếu Hoa Kỳ và các nước liên quan không có những thay đổi về chính sách đối phó thích hợp. Đây là nhận xét được chuyên gia quốc tế đưa ra tại hội thảo Biển Đông lần thứ 9 tổ chức ở Trung Tâm Chiến Lược và Nghiên Cứu Quốc Tế (CSIS) diễn ra ở Washington DC hôm 24/7.
Các diễn giả tại hội thảo Biển Đông ở CSIS hôm 24/7/2019 Photo : RFA
Ông Greg Poling, Giám đốc Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải (AMTI) thuộc CSIS cho rằng mặc dù đến lúc này Trung Quốc chưa thể kiểm soát toàn bộ Biển Đông nhưng khả năng để tiến tới mục đích kiểm soát được các đảo, vùng nước và vùng trời thuộc khu vực đường đứt khúc 9 đoạn của Trung Quốc đang tăng lên.
"Vào lúc này Trung Quốc chưa kiểm soát được Biển Đông… Mục tiêu của Bắc Kinh là kiểm soát có hiệu quả vùng nước và vùng trời ở Biển Đông trong thời bình, đó là mục tiêu đối với các thực thể và khu vực đường đứt khúc 9 đoạn. Tuy nhiên khả năng để đạt mục tiêu này của Trung Quốc đang gia tăng và Trung Quốc đang kiểm soát được nhiều hơn so với giai đoạn cách đây 5 năm. Nếu chính sách của Mỹ và các nước đòi chủ quyền trong khu vực không thay đổi thì Trung Quốc sẽ kiểm soát được nhiều hơn nữa trong vài năm tới".
Trung Quốc đòi chủ quyền đối với toàn bộ vùng nước và các thực thể nằm trong đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra trên Biển Đông, chiếm đến khoảng 90% diện tích vùng nước tranh chấp. Đường đứt khúc này đã bị Tòa Trọng tài Quốc tế ở The Hague bác bỏ tính hợp lệ trong một phán quyết vào năm 2016, nhưng Trung Quốc đã không chấp nhận phán quyết này.
Hội thảo Biển Đông lần thứ 9 diễn ra vào giữa lúc có những căng thẳng giữa Việt Nam, Malaysia với Trung Quốc khi Bắc Kinh đưa tàu hải cảnh và khảo sát địa chấn đến khu vực đặc quyền kinh tế của hai nước thuộc ASEAN, ngăn cản hoạt động khai thác dầu khí của hai quốc gia này.
Theo AMTI, từ giữa tháng 6, tàu Hải cảnh Haijing 35111 của Trung Quốc đã được triển khai đến khu vực Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam về phía tây nam, tìm cách cản trở hoạt động khia thác dầu khí ở lô 06 – 01 thuộc mỏ Lan Đỏ do công ty Rosneft của Nga vận hành.
Từ tháng 5, Trung Quốc cũng cho tàu Haijing 35111 đến bãi Luconia của Malaysia để ngăn cản hoạt động khai thác dầu khí của nước này tại đây.
Hành trình tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc ở gần Bãi Tư Chính của Việt Nam Courtesy of Twitter Ryan Martinson
Đồng thời trong tháng 7, Trung Quốc cũng điều tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 cùng các tàu hộ tống đến khu vực phía đông bắc lô 06 – 01, trong khu vực 9 lô dầu khí mà Trung Quốc tuyên bố mời thầu từ năm 2012 nhưng không có công ty nước ngoài nào tham gia. Đây cũng là khu vực có các lô dầu khí khác của Việt Nam và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc 1982 (UNCLOS).
Những hành động của Trung Quốc trong lúc này được đánh giá là mạnh mẽ nhất kể từ sau vụ Trung Quốc đưa giàn khoan dầu HD 981 ra quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam hồi năm 2014.
Đánh giá về những hành động gần đây của Trung Quốc, chuyên gia Greg Poling giải thích :
"Tại sao Trung Quốc vào lúc này lại có hành động can thiệp mạnh mẽ vào hoạt động khai thác dầu và khí của Việt Nam ? Câu trả lời một phần là vì Trung Quốc có thể làm vậy. Việc xây dựng các cơ sở quân sự ở Trường Sa đã cho phép Bắc Kinh có thể triển khai các tàu. Họ có thể triển khai tàu hải cảnh và thậm chí tàu dân quân biển đến các nơi và thường trực ở đó 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần trong toàn bộ khu vực nằm trong đường đứt khúc 9 đoạn. Họ có thể liên tục gây sách nhiễu theo cách mà họ đã không thể làm được vào năm 2015.
Hoạt động của tàu Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chỉ được truyền thông quốc tế biết đến sau những thông tin trên Twitter của Phó Giáo sư trường Hải Chiến Mỹ Ryan Martinson hôm 10/7 về đường đi của tàu Hải Dương 8. Thông tin này được AMTI xác nhận sau đó vào hôm 16/7. Trong khi đó, truyền thông Việt Nam hoàn toàn im lặng trước những thông tin này.
Chuyên gia phân tích cao cấp Lê Thu Hương, thuộc Viện Chính Sách Chiến Lược Australia (ASPI) nhận định lý do vì chính phủ Việt Nam muốn tránh tâm lý chống Trung Quốc ở Việt Nam dẫn đến những biểu tình phản đối của người dân như năm 2014, đồng thời Việt Nam cũng muốn chờ sự lên tiếng từ Hoa Kỳ :
"Có một số lý giải cho việc im lặng của Việt Nam. Thứ nhất có thể là do nỗ lực muốn kiểm soát những phản đối chống Trung Quốc ở Việt Nam, dựa theo những bài học rút ra từ năm 2014 khi nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc nổ ra ở một loạt các thành phố lớn, dẫn đến những bạo động, phá hoại các cơ sở sản xuất của người Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Nam Hàn và gây ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh, trong khi Việt Nam phải trả bồi thường. Chắc chắn là Việt Nam cũng hy vọng có được trao đổi với những đối tác quan trọng và có được sự ủng hộ từ Hoa Kỳ và các nước khác.
Sau khi thông tin về những căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông được nhiều hãng tin quốc tế và mạng xã hội loan đi, hôm 19/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, có tuyên bố chính thức yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trong khu vực Biển Đông.
Ngay sau đó, vào ngày 20/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng ra tuyên bố lên án hành động bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông và yêu cầu Trung Quốc ngưng ngay các hành động khiêu khích gây bất ổn trong khu vực.
Mặc dù là nước không có đòi hỏi về chủ quyền ở Biển Đông, Hoa Kỳ từ lâu đã khẳng định rằng Washington có những quyền lợi về tự do hàng hải và hàng không tại khu vực này, đồng thời phản đối các hành động xây lấp đảo nhân tạo và quân sự hóa khu vực Biển Đông của Trung Quốc.
Từ năm 2015 đến nay, Hoa Kỳ liên tục cho tàu chiến đến tuần tra khu vực Biển Đông, đi gần sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc cho xây lấp để thách thức các đòi hỏi về chủ quyền của Bắc Kinh.
Đô đốc về hưu Scott H. Swift tại hội thảo Biển Đông lần thứ 9 ở CSIS, Washington DC hôm 24/7/2019 Photo : RFA
Đô đốc Scott H. Swift, cựu Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng mặc dù những hoạt động trong chương trình tự do hàng hải (FONOP) của tàu chiến Mỹ ở Biển Đông là cần thiết nhưng không hiệu quả vì không gắn kết với một chiến lược lớn mang tầm quốc gia của Mỹ. Ông cho rằng Hoa Kỳ nên gia tăng tần suất tuần tra Biển Đông và nên mở rộng ra toàn cầu, đồng thời duy trì lập trường không đứng về bên nào trong đòi hỏi chủ quyền.
"Tôi ủng hộ mạnh mẽ các hoạt động FONOP nhưng tôi nghĩ nó đã không được hiểu đúng. Tôi đã nói trước đây, và tôi nói lại là ở khu vực Biển Đông, Hoa Kỳ nên thực hiện các hoạt động FONOP không ít hơn mỗi 4 tuần và các chuyến FONOP không nên cách nhau đến 6 tuần. Sự nhất quán là quan trọng. Chúng ta cần công bố FONOP mỗi ba tháng một lần thay vì mỗi năm. Hoa Kỳ không nên chỉ bó hẹp FONOP chỉ ở Biển Đông với Trung Quốc mà nên bao gồm các quốc gia khác bên ngoài UNCLOS. Theo tôi điều quan trọng là Mỹ nên duy trì lập trường Hoa Kỳ không đứng về bên nào trong đòi hỏi về chủ quyền nhưng nên có một cách tiếp cận rộng hơn trong quá trình theo đuổi chủ quyền.
Đô đốc Scott H. Swift cũng loại bỏ khả năng Hải quân Mỹ sẽ tham gia vào việc bảo vệ các hoạt động thăm dò dầu khí của các quốc gia trong khu vực khi có sự quấy nhiễu từ Trung Quốc vì Hoa Kỳ duy trì lập trường không đứng về bất cứ bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Theo ông Liu Xiaobo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hải quân Thế giới thuộc Viện Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc, kể từ năm 2015 đến nay, Hoa Kỳ đã thực hiện 17 hoạt động tuần tra ở Biển Đông. Theo ông Liu, điều này đã kích động Trung Quốc, tác động trực tiếp lên tinh thần dân tộc ngay trong Trung Quốc.
"Trung Quốc phản ứng là bởi sự mất ổn định gây ra bởi hoạt động FONOP của Hoa Kỳ. Một số hoạt động FONOP của Mỹ ở Biển Đông thách thức luật của Trung Quốc… Từ năm 2015 đến nay Mỹ đã thực hiện 17 hoạt động FONOP nhưng chính sách của Trung Quốc không thay đổi….Theo tôi, sức ép của FONOP đang ảnh hưởng đến tinh thần dân tộc ở Trung Quốc và khiến người dân trong nước có thể hiểu là Trung Quốc đang cho thấy mình yếu hơn trước Hoa Kỳ"
Học giả Trung Quốc cũng nhận định rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng hoạt động quân sự ở khu vực Biển Đông vì những hoạt động của Mỹ trong khu vực đang ảnh hưởng đến những quyền lợi cốt lõi của Mỹ. Ông Liu cũng nói mục tiêu muốn kìm hãm Trung Quốc của Hoa Kỳ là một mục tiêu không thể thực hiện.
Nguồn : RFA, 24/07/2019
***********************
Biểu tình có cần "xin" ?
An Viên, VNTB, 24/07/2019
Sự kiện Trung Quốc xâm phạm Bãi Tư Chính khiến người dân Việt Nam sục sôi, tức giận. Trong bối cảnh đó, nhà thơ Thái Bá Tân đã lên tiếng bằng cách nói theo lối thơ của mình, trong đó ông "Xin bác Trọng cho phép/ Người dân được biểu tình".
Phóng viên Mai Quốc Ấn trong phản ứng có liên quan đã bày tỏ thẳng thừng trên Facebook cá nhân của mình :
"Còn việc đi biểu tình
Ấy là quyền Hiến định
Chứ không cần phải xin".
Facebooker Mai Quốc Ấn còn đề cập đến tình trạng mà anh gọi là "nợ đọng Luật Biểu tình", và anh cho rằng, ở tâm thế là người dân, với vai trò là "chủ xã hội" thì chúng ta nên hỏi chứ không phải xin "công bộc".
Câu chuyện "đối đáp" qua lại giữa hai người, thuộc hai miền và hai độ tuổi khác nhau mở ra một cuộc tranh luận thú vị về việc, liệu rằng việc biểu tình có cần phải xin ?
Biểu tình là quyền hiến định, để cùng với nhau, bằng cách ôn hòa bày tỏ chính kiến của mình. Theo một mô thức hợp pháp, thì chính quyền cấp phép cho đoàn người được tham gia tuần hành, biểu tình. Điều này nhằm giữ cho người biểu tình không gian tự do để diễn đạt, nhưng đảm bảo người biểu tình phản ứng một cách ôn hòa như đã cam kết. Điều này đồng nghĩa, quyền biểu tình được thiết lập thành luật ở bất kỳ quốc gia nào thì cũng luôn gắn với các cụm từ về "bày tỏ, phản kháng, phi bạo lực". Và "xin giấy phép" luôn là thủ tục đầu tiên, để nhằm tạo không gian biểu tình.
Tuy nhiên, vì có luật, nên quyền biểu tình của thiết lập luôn cả quyền và trách nhiệm của các cơ quan công quyền, trong đó có các quy định chung về các bước dừng cuộc biểu tình nếu thấy xuất hiện các tình huống giới hạn (liên quan đến bạo lực, tội phạm, đạo đức, xâm hại quyền và tự do người khác), hỗ trợ các bước hợp lý để bảo vệ người biểu tình. Tuy nhiên, nhà nước không thể can thiệp vào quyền biểu tình, mặc dù họ không đồng ý với quan điểm của người biểu tình. Và những tình huống giới hạn biểu tình phải được tiến hành bằng các biện pháp ưu tiên như thuyết phục.
Ở đây, "xin phép" nhấn mạnh thủ tục pháp lý, thay vì "xin" – nhấn mạnh tâm thế "xin – cho".
Luật biểu tình đáng ra phải xuất hiện từ lâu, tuy nhiên, nó bị treo vì những lo ngại không cần thiết.
Lý lẽ về việc, đưa quyền thành luật có thể xuất hiện những hành vi xâm phạm nghiêm trọng, trong đó người biểu tình hoặc nhóm biểu tình có thể xâm phạm đất đai, phá vỡ hoạt động hợp pháp, đe dọa người khác và buộc họ gia nhập biểu tình. Một trong số đó bao gồm cản trở đường xá hoặc thực hiện các hành vi phá hoại nhằm vào các cửa hàng, trung tâm thương mại. Tuy nhiên, những lo ngại này là không xác đáng, bởi luật về biểu tình các quốc gia (ngay cả ở Châu Âu) cũng có những điều khoản nhằm quy kết một cuộc biểu tình không hợp pháp để từ đó có những biện pháp giải tán.
Trở lại vấn đề "lo ngại" nêu trên, thực tế đã cho thấy, vì không có Luật biểu tình nên dẫn đến tiêu tốn một lực lượng an ninh – cảnh sát hùng hậu canh giữ nhà những người hoạt động và vận động dân chủ. Cũng vì không có Luật biểu tình nên dẫn đến các phản ứng bạo lực của nhóm công quyền nhằm vào người biểu tình ở Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội các năm trước. Tương tự, cũng vì thiếu luật nên dẫn đến các hoạt động bạo loạn vào năm 2014, các hành chặn đường ở một số tỉnh thành.
Bằng cách cấm đoán, thay vì quản lý bằng luật, những nhà lãnh đạo Việt Nam đã đưa bản thân quốc gia vào một thế khó. Nơi mà quyền biểu đạt được thực thi không đầy đủ, bạo lực trong các cuộc biểu tình không bị ngăn chặn, và các hệ quả phát sinh trên các mặt kinh tế - chính trị - xã hội vẫn liên tục diễn theo hướng ngày càng trầm trọng và khó kiểm soát hơn.
Nguyên nhân gốc được lý giải, đó là ngày càng có nhiều cuộc biểu tình thu hút người dân, và bằng cách nào đó nó thay đổi một thể chế, thậm chí là phá vỡ thời gian cầm quyền lâu dài của một cá nhân. Các cuộc biểu tình như thế, được báo chí tuyền truyền của Việt Nam gọi là "cuộc cách mạng màu". Luật biểu tình liên tục di dời qua các nhiệm kỳ Quốc hội đã cho thấy, nỗi sợ cách mạng màu làm biến mất chế độ cao hơn việc "treo luật" làm phai màu tính chính danh của chế độ.
Sẽ khó có thể hình dung thực trạng, khi người dân khát khao được thể hiện sự phẫn nộ trước hành vi xâm phạm chủ quyền quốc gia Việt Nam của Trung Quốc bằng biện pháp biểu tình ôn hòa, thì nhà nước đã phản ứng bằng hàng rào sắt, xe buýt và nhóm côn đồ bịt khẩu trang, với xe loa phát, "đã có đường lối đúng đắn, người dân hãy bình tĩnh, chớ nghe lời xúi giục kẻ xấu". Với cách "ứng xử bàn tay thép" như thế, thì liệu rằng, khi sơn hà nguy biến thực sự, thì làm sao động viên nhân dân "quyết mình cho tổ quốc, quyết sinh" ?
Facebooker Hưởng Trịnh băn khoăn : "Cứ tự biểu tình ôn hòa phản đối quân xâm lược thì chính quyền bắt bớ đàn áp vậy khi có chiến tranh sao lại phải động viên nhân dân đánh giặc ? Đồng ý đôi khi có những kẻ lợi dụng biểu tình làm chuyện xằng bậy, nhưng những kẻ đó có thể nhận biết và điều chỉnh bằng luật, quyền biểu đạt ý chí và nguyện vọng của nhân dân là quyền bất khả xâm phạm mà".
Sự băn khoăn của Hưởng Trịnh là tâm trạng chung của nhiều người, và có lẽ, đến lúc cần phải lên tiếng trở lại, yêu cầu Nhà nước, một lần nữa, đảm bảo giá trị thực tế của Hiến Pháp 2013, trong đó đảm bảo rằng tất cả mọi người có quyền biểu tình ôn hòa (không vũ trang).
An Viên
Nguồn : VNTB, 24/07/2019
Hà Thanh, vov.vn, 12/07/2019
Các cụ xưa đã nói, cái gì nhanh đến sẽ nhanh đi. Việc "thành đạt" sớm khi chưa đáp ứng điều kiện sẽ sớm bộc lộ những hạn chế, yếu kém.
Những cái tên như Vũ Minh Hoàng, Nguyễn Xuân Anh, Lê Phước Hoài Bảo và gần đây là Trần Văn Mẫn, Nguyễn Bá Cảnh… đều là những cán bộ trẻ, cùng có xuất phát điểm là "con ông cháu cha", được kỳ vọng là những "hạt giống đỏ" của đất nước. Tưởng rằng tương lai đang nằm trong tầm tay, nhưng người bị kỷ luật, người tuy không bị kỷ luật, với nhiều lý do, sự nghiệp chính trị của họ đều đã dừng lại.
Nhiều "hạt giống đỏ" của đất nước đã bị "chín lép"
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, người từng cảnh báo về tình trạng con ông cháu cha kiểu "5c - con cháu các cụ cả", thêm "6ệ - tiền tệ, hậu duệ, quan hệ, ngoại lệ, đồ đệ, trí tuệ" dẫn đến tình trạng "5đ - đố điều đi đâu được", nói vui, té ra "ngựa hay phải chạy đường dài" nhưng mới chạy được một đoạn ngắn đã người thì đuối sức, người "sa xuống hố".
Vị Đại biểu quốc hội khóa 13 cho rằng, qua những trường hợp trên có thể thấy rằng, con ông cháu cha nếu có phẩm chất, năng lực tốt không tội gì không bổ nhiệm. Nhưng ngược lại, nếu chưa đủ độ chín, chưa đủ thời gian thử thách để trưởng thành, mà bổ nhiệm cán bộ thần tốc như thế thì tình trạng "nửa đường đứt gánh" đã nhìn thấy trước, thậm chí có người còn chưa được nửa đường, mới được bổ nhiệm thì đã bị bãi miễn.
"Ví như trong quân đội, để lên được cấp tá, cấp tướng, bộ đội cũng phải qua chiến đấu, đi lên từ binh nhất, binh nhì, cấp úy, bao nhiêu năm mới lên được một cấp. Nghề nghiệp, lĩnh vực nào cũng vậy, đều phải đi từ thấp lên cao, phải mất hàng chục năm mới lên được", ông Tiến liên hệ.
Câu chuyện cán bộ trẻ "chín nhanh, chín ép" đã để lại bài học đau xót, nó cho thấy công tác cán bộ cần phải thật kỹ càng và thận trọng hơn nữa. Thậm chí phải để họ được tôi luyện ở những môi trường khắc nghiệt để xem có đủ phẩm chất và năng lực hay không, chứ không thể nâng đỡ kiểu "túm tóc kéo lên", ông Lê Như Tiến bộc bạch.
"Con ông cháu cha" được xem như những "hạt giống đỏ" của đất nước, thừa hưởng nền tảng tri thức của gia đình, đều được đào tạo bài bản. Nên, nếu không tôi luyện để họ có bản lĩnh vững vàng trong thực tiễn công tác, đạt được độ "chín" cả về tâm lẫn tầm, mà "đốt cháy giai đoạn", đặt họ vào chiếc ghế quá lớn, quá rộng, là làm hại họ, là góp phần cản trở, thậm chí rút ngắn con đường chính trị của họ.
Ngược lại, là "con ông cháu cha", không thể ỷ thế "hạt giống đỏ", tự cho mình nghiễm nhiên được hưởng "phép lợi thế" từ cha ông. Họ phải có lòng tự trọng để biết giữ mình, giữ gìn truyền thống gia đình, không để mang tiếng "chín ép", ông Lê Như Tiến bình luận.
Chỉ ra một trong nhiều nguyên nhân khiến những "hạt giống đỏ" sớm bị thui chột do được đẩy lên quá nhanh, quá thần tốc, quá bất ngờ và quá bất thường, ông Lê Như Tiến cho rằng, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trong việc bổ nhiệm. Đặc biệt là trách nhiệm của cơ quan tổ chức cán bộ - những người gác gôn về công tác tổ chức cán bộ cho các cấp ủy và các cơ quan của Đảng và Nhà nước.
"Cần có một cơ quan thẩm tra, thẩm định khách quan để đánh giá việc bổ nhiệm. Không thể, cơ quan, tổ chức nào cũng có đầy đủ cấp ủy đảng, lãnh đạo chính quyền, công đoàn, thanh niên, phụ nữ, mặt trận nhưng khi xảy ra sai phạm ít thấy ai lên tiếng chịu trách nhiệm. Quy trình rất chặt chẽ, mà vẫn để "con voi lọt qua lỗ kim" thì phải quy trách nhiệm rõ ràng", ông Tiến nêu quan điểm.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, không phủ nhận chủ trương của Đảng là khuyến khích người trẻ phát triển tốt, nếu xứng đáng, đủ tiêu chuẩn đưa họ lên chỉ có lợi cho đất nước.
Chủ trương là vậy nhưng người trẻ ngồi vào những vị trí trọng trách đòi hỏi phải có đầy đủ tiêu chuẩn. Thậm chí phải để cho họ được tôi luyện trong thực tiễn, trong những môi trường khó khăn, phức tạp để người trẻ tích lũy cho mình đầy đủ bản lĩnh, kinh nghiệm mới hy vọng không sa vào những sai lầm.
Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phân tích, những trường hợp đặc biệt được nhắc ở trên rõ ràng chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn. Sở dĩ họ được đẩy lên là vì sự nể nang, lấy lòng cấp trên. Các cụ xưa đã nói, cái gì nhanh đến thì sẽ nhanh đi. Đẩy lên sớm khi chưa đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện sẽ sớm bộc lộ những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm.
Ngược lại, những lãnh đạo có con em thuộc diện "hạt giống đỏ" trước khi chấp nhận ân huệ cho con mình, hãy nhớ tới quy định làm gương, trách nhiệm người đứng đầu để cân nhắc có nên lợi dụng sự nể nang, lấy lòng của cấp dưới mà đẩy con mình lên nhanh một cách bất thường hay không.
Cùng với đó, nên nhìn nhận một cách nghiêm túc, sòng phẳng năng lực, phẩm chất của con em mình bởi không nhất thiết cứ phải trở thành ông nọ, bà kia mới là đóng góp xây dựng quê hương, đất nước. Quan trọng là họ làm được gì cho quê hương, đất nước.
Hà Thanh
***********************
Con trai Lê Thanh Hải : ‘Sâu chúa’ hay là người ‘vì dân, vì nước’ ?
T.K, Người Việt, 11/07/2019
"Tôi sẵn sàng nhận gánh nặng vì lợi ích của người dân. Với trách nhiệm của chính quyền địa phương, chúng tôi rất trăn trở khi đời sống của người dân khó khăn quá". Đó là phát ngôn của ông Lê Trương Hải Hiếu, chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 12 và là một trong hai con trai của cựu Bí thư Thành ủy ở Sài Gòn Lê Thanh Hải, được báo Zing dẫn lại hôm 12 tháng Bảy.
Ông Lê Trương Hải Hiếu. (Hình : Zing)
Phát ngôn của ông Hải được đưa ra trong bối cảnh một tuần trước đó, người chú ruột của ông Hiếu, ông Lê Tấn Hùng, tổng giám đốc Tổng công ty Nông Nghiệp Sài Gòn (Sagri) bị bắt và khởi tố với cáo buộc "có hàng loạt sai phạm trong quản lý tài chính, đất đai, dự án".
Tờ Zing viết thêm : "Ông Hải đề xuất cho xây nhà tạm trên khu đất chưa thực hiện quy hoạch, chưa thu hồi để tránh thiệt thòi cho người dân. Theo ông, khó khăn của người dân xuất phát từ việc có nhà đất nằm trong quy hoạch công trình công cộng, giao thông, công viên… nên không được sửa chữa. Quy hoạch càng chậm thực hiện thì nhà dân ngày càng xuống cấp trong lúc thành viên trong gia đình tăng lên. Với những khu chưa thực hiện quy hoạch, ông kiến nghị bồi thường cho dân trước để người dân dùng tiền đó ổn định cuộc sống. Nếu chưa bồi thường thì cho phép họ xây dựng tạm".
Phát ngôn mới nhất của ông Hiếu khiến người ta nhớ đến việc cha của ông hồi cuối tháng Sáu đột nhiên xuất hiện và mạnh miệng đăng đàn về việc "kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng và lợi ích nhóm" trong lúc bản thân ông bị công luận cho là "sâu chúa" trong vụ cướp đất ở Thủ Thiêm và hình thành một đế chế trong đó quan chức bắt tay với các chủ doanh nghiệp bất động sản để thâu tóm đất công.
Tuy vậy, vẫn có người dành thiện cảm cho ông Hiếu. Luật sư Phạm Công Út viết trên trang cá nhân : "Ai nói gì thì nói, riêng tôi công nhận Lê Trương Hải Hiếu đã để lại dấu ấn rất tốt mà tôi nhìn thấy. Đó là những cơ quan tổ chức, hoặc cơ quan công quyền mang tính điều khiển thông minh và thân thiện với người dân và cả những công chức làm việc ở đó. Luôn cả việc điều hành một cơ quan hành chính địa phương của ông cũng có những sáng kiến táo bạo, có lợi cho người dân. Dư luận thường a dua theo đám đông và phủ nhận tất cả dù họ thích hay không thích, biết hay không biết một cách bất công".
Ông Hiếu được cho là niềm hy vọng còn sót lại trong gia đình Lê Thanh Hải, vì người con trai còn lại, Lê Trương Hiền Hòa, khá mờ nhạt với vị trí chuyên viên tại Sở Du lịch ở Sài Gòn và chỉ được biết đến trong quan hệ tình cảm với diễn viên Lý Nhã Kỳ.
Tuy nhiên, hiện tại, triển vọng chính trị của ông Hiếu không có gì là chắc chắn, vì hồi tháng Tư, 2018, ông từng bị khiển trách vì "vi phạm trong quan hệ tình cảm với một phụ nữ", dù ông chưa chính thức lập gia đình.
Báo điện tử VietnamNet thời điểm đó cho biết : "Ông Hiếu đã vi phạm trong việc có quan hệ tình cảm với một phụ nữ và có con chung nhưng chậm báo cáo với tổ chức. Căn cứ các quy định của đảng về xử lý kỷ luật đối với đảng viên vi phạm, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo các tổ chức đảng có thẩm quyền tại Đảng Bộ quận 12 tổ chức kiểm điểm, xem xét, xử lý kỷ luật đối với ông Hiếu".
Theo "tập tục" của Đảng cộng sản Việt Nam, khi một giới chức bị kỷ luật về chuyện trai gái, người đó nghiễm nhiên xem như không còn cơ hội được "tổ chức" cất nhắc.
Nhìn vào trường hợp của một "hạt giống đỏ" khác, ông Nguyễn Bá Cảnh, con trai ông Nguyễn Bá Thanh, mới đây "thanh bại danh liệt", bị cách tất cả các chức vụ trong đảng và Hội Đồng Nhân Dân ở Đà Nẵng vì tội "ngoại tình và có con riêng với vợ hai", người ta thấy ông Hiếu khó có khả năng tiến xa ngoài vị trí "lãnh đạo cấp quận". (T.K.)
********************
Trần Văn Mẫn, Nguyễn Bá Cảnh và kết cục 'hạt giống đỏ'
Ben Ngô, BBC, 09/07/2019
Một nhà quan sát từ Đà Nẵng nói với BBC rằng điều đáng kể nhất sau các vụ của Trần Văn Mẫn, Nguyễn Bá Cảnh là "từ nay các quan chức khi nghĩ đến việc đưa con họ vào bộ máy sẽ phải do dự".
Chính trường tại Đà Nẵng từng sôi động với sự xuất hiện của những "hạt giống đỏ"
Tin cho hay, hôm 7/7, ông Trần Văn Mẫn vừa xin thôi việc ở Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng, nơi ông làm trưởng phòng Đấu thầu-Thẩm định và giám sát đầu tư.
Ông Mẫn là con trai ông Trần Văn Minh, cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng hiện đang ở tù vì cáo buộc liên quan đến các vụ án của ông Phan Văn Anh Vũ, tự Vũ "nhôm".
Trước đó, hôm 6/7, ông Nguyễn Bá Cảnh, con trai ông Nguyễn Bá Thanh, xin thôi làm đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021.
Động thái của ông Cảnh được đưa ra sau khi ông này đã bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng vì "Vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống".
Các ông Trần Văn Mẫn, Nguyễn Bá Cảnh, cùng với ông Nguyễn Xuân Anh, Lê Phước Hoài Bảo từng được đánh giá là những "hạt giống đỏ" nhận được nhiều kỳ vọng.
'Lựa chọn cá nhân'
Hôm 8/7, nhà báo Nguyễn Trung Bảo, cựu thư ký tòa soạn báo Một Thế Giới bình luận với BBC :
"Theo như tôi hiểu, chuyện ông Trần Văn Mẫn, Nguyễn Bá Cảnh nghỉ là lựa chọn cá nhân thôi".
"Với trường hợp ông Mẫn, trước đây là chỗ quen biết nên tôi có khuyên ông ấy nên suy nghĩ kỹ để có lựa chọn phù hợp nhất với chuyên môn và hoàn cảnh".
"Nay ông Mẫn quyết định ra khỏi vị trí làm việc cho Nhà nước thì tôi vẫn tin ông ấy có khả năng đóng góp nhiều điều cho xã hội".
"Nhìn chung cả bốn trường hợp ông Mẫn, Cảnh, Xuân Anh và Hoài Bảo đều là đáng tiếc vì ai cũng biết khu vực dịch vụ công ở Việt Nam đang rất cần những người có khả năng và nhất là có tư duy cởi mở năng động".
"Đối với nhận định họ bị ảnh hưởng khi cha mình sa cơ thất thế thì dư luận đúng là có cái nhìn như vậy".
"Tuy nhiên, cái khác của trường hợp ông Mẫn đó là ông ấy không nghỉ vì có bất kỳ sai phạm nào, mà là tự ý nghỉ khi cảm thấy mình muốn chọn lối đi khác".
"Do vậy, tôi nghĩ trường hợp ông Mẫn không giống với các trường hợp còn lại nên không so sánh được".
Ông Trần Văn Mẫn được cho là nghỉ việc "theo nguyện vọng cá nhân"
"Theo tôi, cả bốn nhân vật nêu trên đều là người có trình độ. Tôi tin họ đều có cái nhìn về xã hội và chính trị khác với cái nhìn của lớp người làm chính trị đi trước. Do đó, tôi nghĩ việc họ bước ra khỏi bộ máy không phải là điều gì đáng để vui".
"Cái duy nhất được sau sự kiện này đó là từ nay, các quan chức khi nghĩ đến việc đưa con họ vào bộ máy sẽ phải do dự vì biết đâu chuyện sau này, khi có chuyện xảy ra với họ thì con cái sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề. Và rõ ràng hơn, không phải chỉ là những lời đồn đoán "thất sủng" như ngày xưa mà là còn phải đi ra khỏi bộ máy".
Ông Nguyễn Bá Cảnh từng được xem là một trong những "ngôi sao đang lên" của Đà Nẵng
'Hạt giống đỏ' Việt Nam khác gì Trung Quốc ?
Cũng trong hôm 8/7, từ Hà Nội, bà Như Trúc, dịch giả về chính trị - xã hội Trung Quốc nói với BBC :
"Để hiểu chuyện "hạt giống đỏ" ở Việt Nam thì có lẽ nên nhìn qua Trung Quốc".
"Về bối cảnh lịch sử, thì những thái tử đảng của Trung Quốc, nếu những ai tham gia chính quyền hay quân đội thì đều có chức cao sau này".
"Vào thời kỳ Mao Trạch Đông thì cha anh của họ đều bị đánh đổ, họ phải một là tham gia quân đội, hai là đi lao động ở nông thôn".
"Những năm 1970-1980, họ lựa chọn đi xuống các huyện cơ sơ vùng sâu xa làm lên sự nghiệp".
"Trong số này bao gồm Tập Cận Bình, Lưu Nguyên, Bạc Nhất Ba..".
"Nhưng mà tính ra cũng chỉ có một lớp thái tử đảng đó là nổi nhất thôi, các lớp sau này thì không còn thái tử gì nữa".
"Trở lại chuyện Việt Nam, tôi có cảm tưởng thế hệ Xuân Anh, Bá Cảnh nên gọi thẳng là con ông cháu cha, sống trong nhung lụa từ bé".
"Các ông này đi học nước ngoài về nhưng có thấy họ làm gì được đáng kể hoặc kinh qua sương gió gì".
"Vậy mà người ta thấy họ vẫn được bố trí vào bộ máy, gia đình sắp xếp cho thăng tiến như tên lửa, 35, 40 tuổi đã lên chức to đùng".
"Quan trọng là quyền lực của "hạt giống đỏ" Việt Nam tới quá nhanh, quá dễ, gần như không được thử thách gì về năng lực lãnh đạo cả".
"Thêm nữa là những thăng tiến của thái tử đảng Việt Nam mới chỉ xuất phát từ các thế lực địa phương làng nhàng. Họ không lên tiếp được ở trung ương, có thể là vì cha anh về vườn một thời gian hết ảnh hưởng thế lực".
"Những điều đó khiến "hạt giống đỏ" Việt Nam thua xa Trung Quốc, những người phải lên từng nấc một, nhưng họ làm tới cấp tướng hoặc bộ trưởng Thương mại".
"Điều đó khiến dư luận xã hội bất bình về "hạt giống đỏ" Việt Nam, đến khi họ gặp vấn đề, người ta không chia buồn".
Ben Ngô
Nguồn : BBC, 12/07/2019
Hà Nội lại đổ thêm tiền vào dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Diễm Thi, RFA, 09/07/2019
Hôm 8/7/2019, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội đã thông qua kế hoạch vay hơn 98 triệu USD (khoảng 2.300 tỉ đồng) với mục đích được nêu ra là nhằm vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Đây là khoản vay lại phần vốn vay nước ngoài của dự án.
Giao thông trên đường phố Hà Nội dưới công trình dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Ảnh chụp hôm 7 tháng 4 năm 2013. AP Photo / Nick Ut
Người dân bất bình, mất niềm tin
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải từ Hà Nội phản đối việc vay thêm tiền như vậy. Ông cho rằng dân phải è cổ đóng thuế trả nợ nước ngoài trong khi người dân không hề được hỏi ý kiến, và người dân cũng không hề được biết chi tiết dùng số tiền 2.300 tỷ đồng để vận hành, khai thác như thế nào và thời gian cụ thể ra sao. Ông nói :
"Tại sao họp Hội đồng Nhân dân không có một ông, một bà nào hỏi ý kiến của dân ?
Với tư cách là một người Hà Nội, tôi thuộc lòng đường từ nhà tôi đến Hà Đông, trước hết tôi phản đối việc làm đường sắt trên cao tuyến Cát Linh. Cái thứ hai là ai ký kết, tiền là bao nhiêu, thời hạn là bao nhiêu tại sao không công bố ngay lúc đầu. Bây giờ đề nghị thêm 2.300 tỷ chúng tôi không chấp nhận vì cái gì cũng phải có thời hạn".
Dự án tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông có chiều dài khoảng 13km. Chi phí đầu tư ban đầu của dự án là 553 triệu USD, dự kiến thực hiện từ năm 2008 và hoàn thành vào tháng 11/2013. Sau đó được lùi lại đến năm 2010 mới khởi công và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2014 ; chạy thử từ tháng 10/2014 đến tháng 6/2015 và chính thức khai thác thương mại từ ngày 30/6/2015.
Đến năm 2016, tổng mức đầu tư của dự án đã tăng lên hơn 868 triệu USD, nghĩa là đội vốn lên tới hơn 315 triệu USD. Trong đó, phần vốn vay ODA của Trung Quốc là gần 670 triệu USD, phần còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài Chính nói với RFA từ Hà Nội rằng, thời gian chậm tiến độ quá lâu đã tác động rất tiêu cực đối với hiệu quả kinh tế xã hội, và làm mất lòng tin của người dân :
"Nó chậm thì nó làm cho tiền tăng lên. Theo tính toán của các chuyên gia thì nếu mà ùn tắc thì mỗi ngày Hà Nội mất chi phí khoảng 4 tỷ đồng Việt Nam thì một năm không biết là bao nhiêu ?"
Đến hôm nay tuyến đường sắt này vẫn chưa thể đưa vào hoạt động và bị đội vốn lên hơn 200% (từ 8.770 tỷ đồng lên 18.001,6 tỷ đồng).
Bà Tâm, một người dân gốc Hà Đông, sinh sống tại Hà Nội, thường xuyên đi đoạn đường này, ngán ngẩm khi nghe tin lại vay thêm tiền đổ vào dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông. Theo bà thì nhiều lần đội vốn rồi. Bây giờ phải xem xét bên nào làm sai thì phải đền bù thiệt hại chứ cứ đổ thêm tiền rồi vẽ ra cho đẹp, chỉ khổ dân :
"Tiền thuế của dân trả nợ chứ có phải của ai đâu. Thôi đừng vay nữa, đừng tiếp tục nữa, đừng cố đấm ăn xôi nữa. Chỉ có Việt Nam và Trung Quốc nữa chứ có ai vào đây. Mang ra tòa án phân định xem ai sai. Những ông bên chính phủ, bên Bộ Tài chính hãy làm bằng tâm đi. Dân biết hết, dân không ngu đâu !"
Là một kỹ sư xây dựng cầu đường, ông Trần Bang nhận định nếu vay thêm tiền thì chắc nó sẽ vận hành được, nhưng lại đội vốn thì chết dân phải trả nợ. Với những dự án như thế này thì nhà nước cũng rất khó xử vì nếu ngưng luôn thì nhà nước mất mặt, mà để thì cũng ‘dở dở, ương ương’ chẳng ra làm sao.
Nguyên nhân từ đâu ?
Công nhân dọn dẹp vật liệu xây dựng khu vực đường sắt Cát Linh - Hà Đông, hôm 12/5/2012. AP
Tại buổi họp báo công bố báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018 vào chiều 5/7/2019, ông Trần Hải Đông, đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đội vốn lên hơn 200% vì đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên nên mất nhiều thời gian nghiên cứu, xác định. Quá trình lập dự án chưa có sự nghiên cứu kỹ, lại thay đổi phương án, làm tăng chi phí. Mặt khác, do bàn giao mặt bằng chậm, dẫn tới tiến độ thực hiện kéo dài, tăng chi phí nhân công, vật liệu... Cùng với đó, tiến độ thực hiện dự án cũng phụ thuộc nhiều vào yếu tố nước ngoài, nhất là về vốn, dẫn đến nhiều bất cập.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải phân tích "yếu tố nước ngoài" ở đây :
"Tôi không đồng ý nói rằng cứ nhà thầu Trung Quốc là kém, bởi vì người ta có thể làm (đường sắt trên cao) từ Bắc Kinh đến Tây Tạng, từ Quảng Châu đến Nam Ninh mấy trăm cây số, chỉ trong hai năm. Tôi đã đi tên tàu đó, 210km/giờ. Đây họ làm với mục đích gì để kéo dài để phá hoại để gây khổ. Không có chuyện sập bẫy ở đây".
Theo kỹ sư Trần Bang thì cái quan trọng là việc quản trị. Quản trị bài bản, tốt thì mọi thứ sẽ tốt, sẽ đâu vào đấy ngay, nhưng ở Việt Nam thì rất khó bởi kẹt cơ chế :
"Cái cơ chế nó ràng buộc nhau lắm. Người thẳng thắn và có trình độ chuyên môn thì lại không được làm quản lý. Mà nếu có tham gia quản lý thì cũng "bị" không làm được việc. Việc chọn nhà thầu đã dở, việc quản lý thi công thì do tham nhũng, dính đến chuyện ăn phong bao nên bị nhà thầu gài rất nhiều điều bất lợi cho chủ đầu tư. Ví dụ không tăng vốn thì nó để tiến độ chậm lại. Cái khó nữa là những dự án như thế này thì thật sự không ai dám quyết làm gì nữa hết".
Sáng 20/9/2018, 5 đoàn tàu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã chạy thử với tốc độ trung bình 32km/h, tối đa 65km/h. Nhìn bề ngoài, hệ thống đường ray và các nhà ga gần như hoàn thiện, nhưng bên trong các nhà ga khu vực Cát Linh, Thanh Xuân, Hà Đông, nhiều hạng mục đã hư hỏng, nhếch nhác.
Rất nhiều hạng mục công trình vẫn đang được công nhân gấp rút hoàn thiện, chắp vá. Nhiều khu vực như nhà ga Cát Linh, cầu thang lên xuống, hệ thống dây điện, dưới gầm đường sắt vẫn ngổn ngang vật liệu, rác thải.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông là một trong những dự án trọng điểm tại Hà Nội. Lãnh đạo Bộ Giao thông yêu cầu dự án vận hành thương mại vào trước Tết nguyên đán 2019 nhưng lại tiếp tục lỗi hẹn.
Cát Linh
Nguồn : VNTB, 08/07/2019
*****************
Đổ thêm tiền nhưng chưa biết khi nào đường sắt Cát Linh-Hà Đông ‘chạy’
TN, Người Việt, 09/07/2019
Đoạn đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông chưa biết bao giờ bắt đầu đưa đón hành khách dù vừa phải xin "rót thêm vốn" hơn 99 triệu USD cho "1%" công việc còn lại.
Đường sắt Cát Linh-Hà Đông đưa vào chạy thử rồi "nằm im bất động". (Hình : Thanh Niên)
Dự án đầu tư đường sắt trên cao tại Hà Nội từ Cát Linh đi Hà Đông đầy tai tiếng cả chục năm qua vừa thấy báo chí trong nước nói Hội đồng nhân dân Thành Phố vừa thông qua kế hoạch "vay lại" từ nhà cầm quyền trung ương hơn 2.300 tỷ đồng (hơn 99 triệu USD). Số tiền này, được thấy giải thích là để giải quyết "một số hạng mục nhỏ liên quan đến công tác xây lắp, đặc biệt phải chứng minh được an toàn hệ thống".
Theo báo Đất Việt hôm thứ Ba, 9/7/2019, cách đây hơn một tháng, ông Nguyễn Văn Thể, bộ trưởng Giao thông và vận tải, giải thích như vừa kể khi điều trần ở Quốc hội, nhưng cho tới nay "không ai biết 1% khối lượng công việc ấy sẽ kéo dài đến bao lâu, ngay chủ đầu tư là Bộ Giao thông và vận tải cũng không đưa ra được một mốc thời gian cụ thể bao giờ tàu chạy sau khi dự án đã có tới tám lần lỡ hẹn".
Báo này thuật lời ông Bùi Danh Liên, cựu chủ tịch Hiệp Hội Vận Tải thành phố Hà Nội, cho rằng "cơ quan chức năng cũng không trả lời được dứt khoát, rõ ràng về thời gian vận hành đường sắt Cát Linh-Hà Đông thì người dân không thể nào hiểu được".
Rất nhiều đại dự án từ thủy điện đến nhiệt điện, sơ sợi, bô xít, sắt thép, hóa chất dính đến nhà thầu Trung Quốc, đều có đủ loại vấn đề "đội vốn", "chậm tiến độ", "máy móc lạc hậu" mà nằm bên dưới các dự án này là các cơ hội để quan chức đảng viên móc ngoặc với tư bản đỏ Trung Quốc chia chác, ăn hối lộ.
"Không chỉ ở Việt Nam, nhiều dự án của Trung Quốc thực hiện ở các quốc gia khác trên thế giới cũng rơi vào tình trạng chậm tiến độ, hủy hợp đồng… Tuy nhiên, theo thông lệ, khi dự án chậm tiến độ so với hợp đồng, bên nào gây ra phải chịu trách nhiệm, thậm chí bị phạt. Thế nhưng, hợp đồng của dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông quy định ra sao, các điều khoản xử lý, phạt hợp đồng thế nào… không được công khai nên người ngoài không thể nói gì được", ông Bùi Danh Liên được báo Đất Việt trích lời nói.
Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. (Hình : Lao Động)
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Ðông chiều dài chỉ có 13,5 km. Tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 552 triệu USD, làm dở đang, nhà thầu Trung Quốc đòi phải tăng vốn mới làm tiếp. Bộ Giao thông và vận tải chấp nhận nên dự án bị đội lên thành 891,9 triệu USD, trong đó sử dụng vốn vay ODA Trung Quốc và đối ứng của Việt Nam.
Dự án khởi công tháng 10/2011, tin tức lúc đầu nói dự án hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại từ tháng 6/2015. Ì ạch làm được ít lâu thì có tin đến tháng 6/2016, thì xong. Nhưng đến tháng 12/2016, rồi tháng 2/2017, đến tháng 10/2017, và hứa quý II/2018.
Tuy nhiên, cuối năm 2018 vẫn chưa xong, rồi bắn tiếng tháng 4/2019, là bắt đầu "vận hành". Bây giờ là tháng 7/2019, rồi nhưng vẫn thấy im.
Khi ra trả lời chất vấn ở Quốc hội, báo Đất Việt ngày 6/6/2019, thuật lời Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể về khoản vay tín dụng Trung Quốc là "ta ký vay vốn, Trung Quốc chỉ định thầu". Nhà thấu Trung Quốc không phải là một công ty có vốn lớn và chuyên môn về thiết kế và xây dựng đường sắt. Thêm nữa, các điều kiện thỏa thuận thực hiện dự án lại được mô tả là "bất lợi" cho phía Việt Nam nhưng không hề thấy được cho công chúng biết sự thật.
Hôm 8/7, báo Đất Việt thuật lời ông Đinh Trọng Thịnh (Học Viện Tài Chính) cho rằng, tổng thầu Trung Quốc vẫn chưa cung cấp được đầy đủ hồ sơ tài liệu an toàn, chưa thực hiện được một số thử nghiệm quan trọng của đoàn tàu, chưa vận hành thử toàn bộ hệ thống, chưa có đủ hồ sơ hệ thống quản lý an toàn vận hành dẫn đến chưa đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ an toàn hệ thống để cấp chứng nhận an toàn theo quy định.
Nguồn tin thuật lời ông Thịnh cho biết có nhiều điều tưởng như không thể xảy ra nhưng lại xảy ra ở dự án này. Đây là một dự án quan trọng của quốc gia, Việt Nam vay tiền để làm nhưng lại giao cho một nhà thầu kém, hợp đồng quá dễ dãi, sơ hở, thiếu những ràng buộc cụ thể, cuối cùng ta trở nên bị động.
"Trong khi tiền Việt Nam vay nợ vẫn phải trả thì lại không có ràng buộc tương xứng đối với tổng thầu. Cuối cùng dự án chậm trễ hết lần này đến lần khác, và giờ có chậm nữa cũng chẳng thể làm gì được họ. Việc duy nhất Bộ Giao thông và vận tải có thể làm lúc này là thúc giục tổng thầu hoàn thiện các hạng mục còn lại, hoàn thiện các thủ tục để đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, nghiệm thu và bàn giao dự án", ông Thịnh nói.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông có từ đời ông Nguyễn Tấn Dũng còn làm thủ tướng và qua ba đời bộ trưởng Giao thông và vận tải, cũng như chẳng có ai chịu trách nhiệm mà "thậm chí trách nhiệm được đổ cho người tiền nhiệm".
Hiện dư luận cũng đang chú ý đến một dự án khác là đường sắt cao tốc Bắc-Nam khi có tin trên báo chí trong nước cho biết : "Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng, tổng vốn đầu tư dự án này chỉ khoảng 26 tỷ USD áp dụng cho đường sắt tốc độ 200 km/h ; trong khi trước đó Bộ Giao thông và vận tải đề nghị phương án tàu tốc độ 350 km/h, với tổng vốn 58,7 tỷ USD" phí tổn chênh lệch nhau tới kinh hoàng.
Nhiều chuyên gia từng can ngăn không nên làm đường sắt cao tốc Bắc Nam vì vốn đầu tư khổng lồ và "đổ nợ" lên đầu các thế hệ sau này.
TN
Vì sao lại là Nguyễn Thị Kim Ngân đi Trung Quốc ?
Phạm Chí Dũng, VOA, 11/07/2019
"Luôn coi trọng việc củng cố tình hữu nghị truyền thống và phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ‘đọc bài’ khi tiếp Hùng Ba - Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội - vào ngày 4/7/2019.
Đây là lần thứ hai chính thể Việt Nam cử một ủy viên bộ chính trị trong ‘tam trụ’ đi ‘diện kiến’ Bắc Kinh kể từ khi Nguyễn Phú Trọng có vẻ vẫn chưa thể thoát khỏi hoàn toàn cơn bạo bệnh.
Bất thường Kim Ngân
Có điều gì đó không thật bình thường, hoặc khá bất thường khi không phải Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh mà lại là Chủ tịch Quốc hội Ngân tiếp đại sứ Trung Quốc. Bởi theo hiến pháp và cũng theo thông lệ, việc đón tiếp đại sứ các nước, đặc biệt là khách đến từ Bắc Kinh, là phần hành của chủ tịch nước hoặc phó chủ tịch nước chứ chẳng liên quan gì đến ‘cơ quan dân cử tối cao’.
Nhưng chỉ ít ngày sau thì đã có lời giải cho ẩn số thường trên : báo đảng Việt Nam đưa tin Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ thăm Trung Quốc từ ngày 8 đến ngày 12/7 theo lời mời của Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Uỷ viên trưởng Uỷ ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Lật Chiến Thư.
Đây là lần thứ hai chính thể Việt Nam cử một ủy viên bộ chính trị trong ‘tam trụ’ đi ‘diện kiến’ Bắc Kinh kể từ khi Nguyễn Phú Trọng có vẻ vẫn chưa thể thoát khỏi hoàn toàn cơn bạo bệnh mà đã suýt quật đổ ông ta tại xứ Kiên Giang ‘nhà ba Dũng’ vào tháng 4 năm 2019.
Trước đó, còn có một dấu hiệu bất thường nữa với người đàn bà đang bước ra từ bóng tối quyền lực : vào cuối tháng 5 năm 2019, trong bối cảnh Nguyễn Phú Trọng không thể hiện ra trước Quốc hội để trình Công ước quốc tế số 98 về lao động, bà Ngân còn ‘lên hương’ khi được phân công tiếp Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa. Đó không chỉ là một thao tác ngoại giao thông thường mà chắn chắn mang chỉ dấu của quyền lực.
Nhưng vì sao là Ngân mà không phải Phúc đi Trung Quốc vào lần này ?
Trọng giả ốm ?
Trong dĩ vãng gần, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng được làm ‘nguyên thủ quốc gia’ khi ông ta thay Nguyễn Phú Trọng đi dự Hội nghị thượng đỉnh BRI (hội nghị về sáng kiến Một vành đai, Một con đường) do Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 4 năm 2019. Đó là một hội nghị mà mặc dù phía Trung Quốc cố ý làm rùm beng và khuếch trương thanh thế trong cộng đồng quốc tế trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang hồi cao trào mà chưa có dấu hiệu gì đình chiến, chuyến đi Bắc Kinh của Nguyễn Xuân Phúc lại lặng lẽ một cách không bình thường. Sau chuyến đi này, báo đảng chỉ tường thuật rất vắn tắt và cũng chẳng có vẻ gì là tự hào là Việt Nam được tham gia Hội nghị BRI.
Vào khoảng thời gian đó, bên cạnh những đồn đoán về một Nguyễn Phú Trọng bị tai biến mạch máu não đến mức liệt cả tay chân, còn xuất hiện một luồng dư luận khác - mang số ít và kín đáo hơn hẳn luồng dư luận dày đặc về bệnh tật - về việc ông Trọng đã ‘tỉnh táo và sáng suốt’ khi chủ ý né gặp phía Trung Quốc, mà lý do né tránh dễ nhất là vẫn tiếp tục… ốm.
Cũng trong khoảng thời gian từ lúc ‘Trọng bệnh’ cho tới nay, tình hình quan hệ Việt - Trung có vẻ không tốt lắm, hoặc có chiều hướng diễn biến xấu đi. Trong khi Bắc Kinh vẫn diễn lại trò đánh cướp, đâm va tàu cá của ngư dân Việt, thì bất chợt hàng loạt vụ hàng Trung Quốc nhập khẩu Việt Nam và được xuất sang Mỹ dưới mác ‘made in Vietnam’ bị báo chí Việt Nam làm tung tóe. Không chỉ vụ Khải Silk trước đây mà đặc biệt là vụ Asanzo nổ ra cuối tháng 6 năm 2019, kéo theo trách nhiệm rất đáng nghi ngờ của Bộ Công thương - địa chỉ mà đã từ rất lâu thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và nay là Bộ trưởng Trần Tuấn Anh bị nhiều dư luận xem là ‘nối giáo cho giặc’, cố tình ‘kiến tạo’ những lỗ hổng pháp lý để hàng Trung Quốc không chỉ tràn vào và thao túng thị trường Việt mà còn ‘mượn đường diệt Quắc’ khi được xuất sang thị trường Hoa Kỳ.
Và đó cũng là bối cảnh mà Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump lần đầu tiên nổi giận và chỉ trích Việt Nam là ‘kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất’, thậm chí còn tồi tệ hơn cả Trung Quốc.
Đến lúc này thì cho dù có muốn giãy ra, nền kinh tế và cả nền chính trị Việt Nam đã rơi hẳn vào thế bị kẹp giữa hai gọng kìm : một bên là quan hệ ‘chi gầm bàn thoáng nhất’ của doanh nhân Trung Quốc cho các thế hệ quan chức Việt để không thể từ chối hàng Trung Quốc, kể cả hàng rác, còn bên kia là gương mặt quàu quạu của Trump luôn sẵn sàng áp thuế cao ngất đối với hàng Việt Nam và còn có thể biến Việt Nam thành đối tượng thứ ba, sau Trung Quốc và Mexico, phải trở thành đối thủ trong chiến tranh thương mại với Mỹ.
Trong tình thế hai đầu ép buộc như thế, việc ‘thiên triều’ gọi hỏi giới chóp bu Việt Nam là chuyện không thể tránh khỏi. Tập Cận Bình luôn muốn thẩm tra quan điểm và thái độ của Việt Nam ra sao - hoặc còn tiếp tục đu dây hoặc đang có xu hướng ngả hơn về Mỹ, trong khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dù có đình chiến thì cũng chỉ là tạm thời và chẳng hứa hẹn tương lai dễ chịu nào.
Đặc biệt, Trung Quốc chẳng thích thú gì chuyến đi Mỹ sắp tới của Nguyễn Phú Trọng - một chuyến đi mà nhiều khả năng Việt Nam sẽ phải ngỏ lời cần đến Mỹ như một đối tác quân sự thực thụ ở Biển Đông để ngăn chặn tham vọng ‘ăn’ sạch dầu khí của người đồng chí tốt Trung Quốc.
Vậy là một lần nữa, Nguyễn Phú Trọng lại… ốm.
Từ tháng 5 năm 2019 đến nay, Trọng đã chỉ họa hoằn mới hiện ra, còn thì vắng biệt. Thậm chí, ông ta còn mất dạng suốt cả kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6. Loại trừ yếu tố bệnh thật nhưng đã có thể phục hồi từ khá lâu nay, ngày càng rõ là Nguyễn Phú Trọng chẳng thích thú gì khi phải đi Trung Quốc và phải đánh cược sinh mạng của ông ta với thức ăn đồ uống trên bàn tiệc được thiết kế bởi những ông vua thuốc độc.
Thay vào đó là Nguyễn Xuân Phúc đi Bắc Kinh vào tháng 4 năm 2019, và Nguyễn Thị Kim Ngân đi vào tháng 7 để xoa dịu tình hình trên danh nghĩa ‘củng cố đối tác chiến lược toàn diện’ và phần nào thỏa mãn thói trịch thượng của Tập Cận Bình.
Có lẽ phía Trung Quốc sẽ đành phải tạm hài lòng với ‘người thay thế’ Kim Ngân - chủ sở hữu của ít nhất 300 bộ áo dài mà dư luận đồn đoán có giá trị lên đến ít nhất 30 tỷ đồng, cho dù thừa biết tiếng nói của bà ta chỉ là thứ yếu trong ‘tam trụ’.
Nhưng với Nguyễn Thị Kim Ngân, việc đi Trung Quốc, biết đâu đấy, lại là một cơ hội hay một điềm báo tốt lành cho thế đi lên của bà ta từ nay đến đại hội 13.
‘Nguyên thủ quốc gia’ ?
Một số người vẫn nhớ lại một sự việc hài hước có thật đã xảy ra ngay trong đám tang của cựu tướng Lê Đức Anh vào tháng 5 năm 2019 : khi giới thiệu thành phần quan khách, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã nói ‘Chủ tịch nước Nguyễn Thị Kim Ngân’, thay vì đọc đúng chức danh chủ tịch quốc hội của bà ta, khiến ngay cả những quan chức ‘đức cao vọng trọng’ như cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cựu chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, đương kim trưởng ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng, đương kim Trưởng ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình đều… ngoác miệng cười.
Tuy nhiên, đã không ai chứng kiến được hình ảnh Nguyễn Thị Kim Ngân tươi cười trong đám tang trên khi bỗng nhiên được thăng chức. Nhưng vào cuối tháng ấy, bà Ngân đã bất thần thể hiện uy quyền một cách chưa hề có tiền lệ.
Đó là kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2019 do Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì. Trong bối cảnh ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng kiên định ‘mất tích’ từ đầu đến cuối của kỳ họp này, người ta bỗng nhìn ra một Nguyễn Thị Kim Ngân khác, thậm chí khác hẳn.
Khác hẳn với tư thế co thủ, thận trọng và gần như ‘khép miệng’ trong nhiều kỳ họp quốc hội trước đây, vào kỳ họp đó Nguyễn Thị Kim Ngân đã khiến giới quan sát và nhiều đại biểu quốc hội ngạc nhiên vì có ít nhất hai lần bà ta cắt ngang phần chất vấn và trả lời chất vấn một cách dũng cảm và… thô bạo.
Kể cả cắt ngang Tô Lâm - viên tướng bộ trưởng công an…
Một cách nào đó, có thể xem chuyến đi Trung Quốc vào tháng 7 năm 2019 của Nguyễn Thị Kim Ngân mang hàm ý bà ta là bản sao của nguyên thủ quốc gia, hoặc chính là ‘nguyên thủ quốc gia’.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 11/07/2019
************************
Chủ tịch quốc hội Việt Nam thăm chính thức Trung Quốc : chuyến đi quyết định ?
Hoài Hương, VOA, 11/07/2019
Dẫn đầu một phái đoàn cấp cao, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đã tới Bắc Kinh hôm 10/7 trong chuyến thăm chính thức 4 ngày bắt đầu từ ngày 8/7, theo lời mời của Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Lật Chiến Thư. Chủ tịch Quốc hội Kim Ngân hình như đã đóng một vai trò lớn hơn kể từ khi Chủ tịch nước/Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng lâm bệnh và ít xuất hiện trước công chúng hơn. Hiện đã là một trong Tứ trụ, chuyến thăm chính thức sang Trung Quốc của bà Ngân, theo các nhà quan sát, mang ý nghĩa đặc biệt giữa lúc đang có tin đồn đoán rằng bà Ngân có triển vọng tiến xa hơn nữa trong tương lai, nếu bà thu phục được lòng tin của Bắc Kinh trong chuyến đi này. Hai nhà quan sát Việt Nam chia sẻ nhận định cá nhân về chuyến thăm Trung Quốc của bà Ngân tại thời điểm này, và liệu Việt Nam đã sẵn sàng để tiến cử một phụ nữ vào chức vụ cao nhất nước ?
Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ Patrick Leahy và Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, hôm 18/4/2019 tại Hà Nội. Photo VNA
Báo chí Việt Nam hôm 8/7 loan tin Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội lên đường đi thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 8 - 12/7 theo lời mời của Ủy viên trưởng Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Lật Chiến Thư.
Chuyến đi thực hiện tại thời điểm này, hơn 1 năm trước Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII dự kiến vào đầu năm 2021, theo truyền thông nhà nước là để ‘củng cố tin cậy’ giữa hai nước, đã khoác lên một ý nghĩa đặc biệt giữa lúc đang có đồn đoán về tiềm năng lãnh đạo của bà Ngân giữa lúc bà đang đóng một vai trò nổi bật hơn, nhất là về mặt đối ngoại, kể từ khi Tổng bí thư/Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lâm bệnh và hiếm xuất hiện trước công chúng.
Từ Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định :
"Trong tứ trụ thì ông Trần Đại Quang chết mất rồi, ông Nguyễn Phú Trọng phải giữ 2 trụ một lúc, còn lại là ông Phúc và bà Kim Ngân. Tình hình sức khỏe của ông Trọng như thế thì chỉ còn có hai người, là ông Thủ Tướng và bà Chủ tịch Quốc hội. Trong hai người ấy, bà Ngân đi thăm Trung Quốc thì tôi nghĩ là nó cũng là một dấu hiệu cho thấy là có thể bà sẽ có một vai trò còn quan trọng hơn nữa chăng trong thời gian tới, chí ít là cho tới Đại hội hoặc sau cả đại hội nữa, bời vì nhìn vào những hành động, những hành vi, những lời nói của bà Ngân trong thời gian qua thì có thể nói bà Ngân là một người mạnh mẽ và có tham vọng lớn lao về mặt chính trị, chỉ không hiểu tham vọng của bà nó được thực hiện tới mức nào mà thôi."
Luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada có nhận xét sau đây về bà Nguyễn Thị Kim Ngân :
"Bà Nguyễn Thị Kim Ngân là một ngôi sao sáng trong các lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam hiện tại. Bà là một phụ nữ có vẻ rất là cứng cỏi, được đào tạo một cách có bài bản, và là một khuôn mặt trẻ so với ông (Trần Quốc Vượng hay ông Nguyễn Xuân Phúc, cho nên khả năng bà Nguyễn Thị Kim Ngân thừa kế một trong hai ghế của ông Nguyễn Phú Trọng, tức là Chủ tịch nước hoặc Tổng bí thư Đảng Cộng sản, là một điều rất có thể xảy ra."
Luật sư Vũ Đức Khanh cũng cho rằng có nhiều khả năng bà Ngân đã được phía Trung Quốc hậu thuẫn cho một trong hai chức vụ vừa kể, và chuyến thăm chính thức lần này có thể là một dịp để bà tạo uy tín chính trị đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng như đối với Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngoài ra chuyến đi còn mang ý nghĩa đặc biệt giữa lúc Việt Nam đã bắt đầu chuẩn bị cho Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII dự kiến diễn ra vào đầu năm 2021, mà giới quan sát Việt Nam tin rằng có thể diễn ra sớm hơn nữa, nếu có biến chuyển đột biến liên quan tới tình hình Việt Nam, hoặc tình hình khu vực khiến Trung Quốc muốn kềm chân Việt Nam, không để Việt Nam rời quá xa quỹ đạo của mình.
Trong khi báo chí trong nước nói mục đích của chuyến đi là để "củng cố tin cậy" giữa hai bên, và cơ quan ngôn luận của Trung Quốc, báo Xinhua, chỉ loan tin vắn là Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sang thăm Bắc Kinh theo lời mời của Ủy viên trưởng Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc, thì Luật sư Vũ Đức Khanh tin rằng chuyến đi đặc biệt quan trọng không những đối với cá nhân bà Ngân, mà còn có ảnh hưởng tới tương lai của Việt Nam.
"Tôi không nghĩ đây là một chuyến đi thăm hữu nghị bình thường. Đối với cá nhân bà Nguyễn Thị Kim Ngân chuyến đi này là một chuyến đi quyết định, bởi vì bà có thể bước tới tột đỉnh vinh quang của sự nghiệp chính trị. Còn đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, đây cũng là một chuyến đi rất quan trọng bởi vì nó có thể ảnh hưởng tới tình hình chính trị Việt Nam trong 10 năm tới, và có khả năng Trung Quốc sẽ siết chặt thành phần lãnh đạo Việt Nam bởi vì như bà mới nói, con đường quan lộ của các nhà lãnh đạo chóp bu Việt Nam còn tùy thuộc vào Bắc Kinh chứ không do nhân dân Việt Nam hay hoàn toàn do các đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định."
Trong quá khứ, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có hai Chủ tịch Quốc hội được đưa vào chức Tổng bí thư, ông Nông Đức Mạnh và ông Nguyễn Phú Trọng, dựa vào đó, Luật sư Khanh cho rằng khả năng bà Nguyễn Thị Kim Ngân lên nắm chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam hay Chủ tịch nước, là "điều hoàn toàn có thể xảy ra".
Liệu Việt Nam đã sẵn sàng chấp nhận một phụ nữ trong vai trò lãnh đạo cao nhất ? Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng Việt Nam đã sẵn sàng.
"Trong lịch sử thì người phụ nữ Việt Nam luôn luôn đóng mộ vai trò rất quan trọng. Chưa nói tới chuyện quá xa xưa như là Hai Bà Trưng hay Bà Triệu, nhưng thực sự người phụ nữ Việt Nam luôn đóng một vai trò quan trọng trong mọi hoạt động, từ kinh tế, cho đến các hoạt động trong gia đình, xã hội. Tất nhiên cái định kiến đối với người phụ nữ Việt một định kiến đã được nuôi dưỡng trong thời gian dài, nhưng mà xuất xứ của Việt Nam thời xưa là một chế độ mẫu hệ thì tôi nghĩ một phụ nữ có thể giữ một vai trò lãnh đạo cũng không phải là không có khả năng."
Luật sư Vũ Đức Khanh :
"Đây có thể là một bước ngoặt rất là lớn trong lịch sử của các nhà lãnh đạo Việt Nam."
Luật sư Vũ Đức Khanh tin rằng tuy quá trình hoạt động của bà Ngân có thể giúp bà ở vào vị thế có thể nắm bắt cơ hội bây giờ, và tuy trước đây đã có hai Chủ tịch Quốc hội trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, bà Ngân sẽ phải vượt qua một rào cản lớn trước khi có thể làm nên lịch sử.
"Việt Nam chưa bao giờ có một phụ nữ đứng ở vị trí nắm quyền lãnh đạo cao nhất như thế thì cái điều đó tôi vẫn phải có một sự e dè nhất định."
Nếu qua được cửa ải này, bà Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ phải đối mặt với một định kiến khác, vì không phải là người miền Bắc, theo ý của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trước đây.
Xuất thân từ tỉnh Bến Tre, bà Kim Ngân là một Thạc sĩ Kinh tế, và có bằng Cử nhân về Lý luận Chính trị.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cực lực đả phá định kiến này :
"Tôi nghĩ rằng cái lập luận phải là người miền Bắc là một cái lập luận hay là một ý kiến hết sức ngớ ngẩn, nó không có một chút giá trị gì cả."
Chuyến công du của bà Nguyễn Thị Kim Ngân là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam sau Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời cũng là lần đầu tiên bà Nguyễn Thị Kim Ngân đến thăm Trung Quốc từ khi bà lên nhậm chức Chủ tịch Quốc hội vào năm 2016.
Hoài Hương
Nguồn : VOA, 11/07/2019
Có khả năng Mỹ áp thuế trừng phạt Việt Nam không ?
Minh Quân, VNTB, 30/06/2019
Ngay sau khi Tổng thống Donald Trump thốt ra - một cách mỉa mai và có phần nổi đóa - về Việt Nam là "kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất" trong cuộc trả lời phỏng vấn trực tiếp trên đài Fox Business vào cuối tháng 6 năm 2019, giới quan chức Bộ Kế hoạch và Đầu tư vội trấn an dư luận : "Khả năng Mỹ áp thuế trừng phạt Việt Nam là chưa có".
Phiên họp báo thường kỳ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Lời trấn an trên xuất hiện bởi Phó giám đốc Trung tâm kinh tế dự báo của bộ này là Lương Văn Khôi, tại cuộc họp báo thường kỳ quý 2/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư diễn ra sáng 27/6/2019.
Đối với khả năng Việt Nam có thể bị áp thuế từ Mỹ, ông Khôi cho hay, việc áp thuế của Mỹ thường dựa vào ba tiêu chí : một là thặng dư tài khoản vãng lai lớn hơn 3% tổng sản phẩm quốc nội GDP, hai là thặng dư thương mại hàng hoá song phương với Mỹ ít nhất là 20 tỷ USD và sự can thiệp vào thị trường ngoại hối vượt quá ít nhất 2% GDP.
"Có một tiêu chí là can thiệp một chiều vào thị trường ngoại hối chúng ta không phạm nên khả năng bị áp thuế là không có".
Thế nhưng quan chức Lương Văn Khôi đã ‘quên’ rằng vào tháng 5 năm 2019, lần đầu tiên Việt Nam đã suýt bị liệt vào danh sách các nước thao túng tiền tệ - danh sách được Bộ Tài chính Mỹ cập nhật cứ sau mỗi 6 tháng. Khi đó, Việt Nam bị Mỹ xem là một nước lũng đoạn tiền tệ vì đã cho hạ giá đồng tiền của mình một cách giả tạo.
Trong vài năm qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã liên tiếp tăng tỷ giá trung tâm để kích thích gom USD trôi nổi. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2019, dù đã trám bớt lỗ hổng toang hoác của Quỹ dự trữ ngoại hối để có tiền trả nợ nước ngoài, nhưng cơ quan ‘siêu ngân hàng’ này đã phải trút vào thị trường tự do đến 200.000 tỷ đồng - chiếm đến hơn 4% GDP, tức vượt xa giới hạn 2% GDP mà Mỹ quy định đối với quốc gia thao túng tiền tệ.
Ngay từ cuối năm 2017, những đòn trừng phạt đầu tiên của Trump đối với Việt Nam đã khởi động.Thoạt đầu là những cú tăng vọt thuế lên mặt hàng tôm, rồi sau đó là thép và cả nhôm của Việt Nam xuất sang Mỹ. Nhưng những đòn này vẫn chưa thấm vào đâu nếu nhìn sang tương lai đầy đe dọa bắt nguồn từ cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung.
Bắt đầu từ năm 2018, Trump khởi động chiến dịch tấn công vào nền kinh tế Trung Quốc và có thể cả vào hệ thống chính trị độc tài của quốc gia đông dân nhất thế gới này. Chỉ ít lâu sau đó, một làn sóng ngấm ngầm di chuyển vùng đầu tư từ các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam đã diễn ra. Còn đến khi Trump áp thuế cao lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc thì làn sóng doanh nghiệp Trung đổ bộ vào Việt Nam đã trở thành một phong trào thực sự. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có đến 2,2 tỷ USD đăng ký vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam.
Nhưng nguồn cơn khiến Trump và nhiều quan chức Mỹ giận dữ là chính quyền Việt Nam đã trở thành một nhân tố tiếp tay cho hàng Trung Quốc gắn nhãn ‘made in Vietnam’ tràn ngập thị trường Hoa Kỳ
Trong vụ tung ra biện pháp trừng phạt đánh thuế "thép Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc" vào tháng 12/ 2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã xác định rằng có đến 90% sản phẩm thép từ Việt Nam nhập sang Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc.
Trong khi đó ở Việt Nam, một số chuyên gia độc lập đã cảnh báo về việc nhôm tấm Trung Quốc mượn đường Việt Nam sang Mỹ nhưng chính phủ và Bộ Công thương Việt Nam không có hành động cứng rắn gì. Không những thế, còn có một lỗ hổng pháp lý mà dường như bộ này cố tình để lại cho Trung Quốc tuồn hàng qua Việt Nam.
Cũng có nghĩa là thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ bao gồm cả giá trị hàng hóa thép và nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc, tức Việt Nam đã thông đồng với Trung Quốc để lừa người Mỹ.
Theo đó, khả năng Mỹ gia tăng áp thuế trừng phạt đối với Việt Nam, đặc biệt là những mặt hàng ‘nhạy cảm’ như thép và nhôm, là rất có thể sẽ xảy ra trong thời gian tới, tước đi kỷ lục xuất siêu 35 tỷ USD vào thị trường Mỹ của Việt Nam và gây khó khăn đáng kể cho nền kinh tế độc tài.
Minh Quân
Nguồn : VNTB, 30/06/2019
*******************
Nguyễn Hoàng, RFA, 28/06/2019
Ngày 26/6/2019, trên kênh truyền hình Fox Business, Tổng thống Donald Trump phàn nàn : "Rất nhiều công ty đã chuyển sang Việt Nam, nhưng Việt Nam lại lợi dụng chúng ta còn tệ hại hơn cả Trung Quốc". Và Tổng thống đã chốt hạ : "Việt Nam là một kẻ lạm dụng" (Vietnam is an abuser).
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở Hà Nội hôm 27/2/2019 - Hình minh họa. AFP
Cũng tại cuộc trả lời phỏng vấn ấy, trước khi đáp chuyên cơ sang Nhật Bản dự thượng đỉnh G20 tại thành phố cảng Osaka, ông Trump đã gián tiếp đe dọa sẽ áp thuế hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, quốc gia được cho là đang hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Thực tế tàn nhẫn nói trên dường như cho thấy, Việt Nam sớm muộn sẽ là nạn nhân của cuộc thương chiến ấy. Hồi thượng đỉnh lần thứ hai với ông Kim Jong-un tại Hà Nội vào cuối tháng 2/2019, tổng thống Trump từng đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam giảm thặng dư thương mại 35 – 40 tỷ USD với Hoa Kỳ.
Và cũng mới đây, đầu tháng 6 này thôi, ông Trump còn gọi Việt Nam là đối tác thương mại "thứ dữ" (brutal) trong một bình luận dường như là để ghi nhận hơn là trách cứ. "Việt Nam đàm phán rất tốt. Họ làm ăn kinh doanh cũng rất được", ông nói trong chương trình "Good Morning Britain" của đài ITV ở Anh quốc.
Vậy tại sao chỉ trong vòng có mấy tuần, Trump lại "xoay trục" với Việt Nam dữ dằn đến thế ? Việt Nam phản ứng ra sao trước động thái mới nhất này ? Liệu bộ Công thương và Ngoại giao đã rung chuông báo động hay vẫn kê cao gối ngủ với những tuyên bố sáo rỗng, Việt Nam luôn coi trọng các mối bang giao với Hoa Kỳ…
Công nhân ở xưởng may của nhà máy may 10 ở ngoại thành Hà Nội hôm 20/10/2015. Hình minh họa. AFP
Dữ liệu về ngoại thương do Cục Khảo sát Dân số Hoa Kỳ công bố, cũng vào đầu tháng 6 cho thấy thuế quan của Mỹ đang khiến một số công xưởng sản xuất rời khỏi Trung Quốc và Việt Nam là một trong những nước đang được hưởng lợi lớn từ chiến tranh thương mại của ông Trump.
Hàng nhập khẩu Mỹ từ Việt Nam tăng 38 phần trăm trong bốn tháng đầu năm 2019 so với cùng kì năm ngoái, cho thấy các nhà nhập khẩu đang tìm cách mua từ các nhà cung cấp ở đó, đúng như đài CNN đưa tin.
Hôm 29/6/2019, tổng thống Mỹ sẽ gặp chủ tịch Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G20. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ là trọng tâm của hội nghị Osaka, vì tranh chấp song phương gây nhiều hậu quả nặng nề cho các nền kinh tế khác trên thế giới.
Ngẫm sâu một chút, ta thấy họa phúc phải đâu chỉ trong một buổi.
Trước đây, phong phanh nghe nói, chính quyền Việt Nam cam kết sẽ bài trừ tệ nạn hàng Trung Quốc được đưa vào Việt Nam sau đó xuất khẩu sang Mỹ với nhãn hiệu "Made in Vietnam", để tránh lệnh áp thuế của Mỹ. Hà Nội thật ra đã sớm tỏ ra quan ngại sẽ bị Mỹ trừng phạt lây.
Bây giờ điều đó đang trở nên nhãn tiền.
Nhãn tiền, vì Việt Nam chỉ tuyên bố suông. Còn trên thực tế, theo chính nguồn tin của Tổng cục Hải quan Việt Nam, "giả mạo xuất xứ, đóng lại bao bì bất hợp pháp thường xảy ra đối với hàng dệt may, thuỷ sản, nông sản, gạch men, mật ong, sắt, thép, nhôm và gỗ ép… từ Trung Quốc".
Trong một bản tuyên bố mới đây, phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã lên án thủ đoạn này "làm hại cho uy tín của doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam". Tình trạng nêu trên được báo chí Việt Nam đề cập rộng rãi nhưng lại không ai rõ, vì sao cơ quan cấp giấy chứng nhận xuất xứ lại có hành động làm hại mặt hàng Việt Nam chính gốc.
Phân tích số liệu nhập khẩu hàng Việt Nam vào Mỹ cho thấy là các sản phẩm bị liên lụy bởi thông báo tăng thuế hải quan đã tăng thêm 34%, vượt nhanh hơn các sản phẩm thuộc những chủng loại khác đến ba lần. Hậu quả : thặng dư mậu dịch của Việt Nam đối với Mỹ tăng vọt và ngay từ lúc bấy giờ đã hàm chứa một rủi ro lớn.
Nhìn rộng hơn, cách thức Việt Nam gian lận thương mại trong quan hệ với Mỹ trên thực tế đã vi phạm vào một số trụ cột được cho là cơ bản trong chính sách đối ngoại của tổng thống Trump. Đó là chủ trương bảo hộ mậu dịch xuất phát từ chủ nghĩa thực dụng và chủ nghĩa dân tộc kiểu Mỹ.
Học thuyết Trump là chủ trương bảo hộ mậu dịch với logic thắng thua rõ rệt của chính trị quốc tế được áp dụng vào địa hạt thương mại. Chủ nghĩa thực dụng Trump coi bối cảnh quốc tế là một đấu trường không luật lệ, quy tắc, nơi mà các tác nhân trong thế tranh đua triệt để, hễ có người thắng tức là phải có kẻ thua.
Điều nói trên cũng là một bí mật công khai. Tất cả đều đã được "chốt" trong những văn kiện mang tính hiến định, như Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) 2017 hay Chiến lược Quốc phòng (NDS) 2018. Những văn kiện này ghi rõ kẻ thù và đối thủ của Mỹ là Nga, Trung Quốc và Iran, đồng thời khẳng định quyền của Mỹ bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia của mình.
Nói thêm một điều tuy không mới nhưng chẳng thừa. Ngay trên mảnh đất hình chữ S này không ít những kẻ đang khấp khởi mừng thầm nếu con tàu Việt – Mỹ lại "trật đường ray" lẫn nữa. Họ mới chính là "các lực lượng thù địch" thực sự của dân tộc này, của đất nước khốn khó này !
Ngoài miệng hô, làm Việt Nam trở nên hùng cường (để họ cướp được nhiều hơn), nhưng trong bụng thì hướng về Trung Nam Hải, hy vọng (hão) vào "Vành đai con đường", nhất là giờ lại có "BRI 2.O". Họ hy vọng TQ sẽ không xiết nợ, chống tham nhũng. Thật hoang đường ! "Bẫy nợ", "đút lót" và "đội vốn" là thuộc tính của BRI, dù nay mai, Bắc Kinh sẽ phù phép thêm các "BRI 3.0", "BRI 4.0".
Mới mấy tháng đầu năm 2019, với hai số liệu Việt Nam nhập siêu từ Bắc Kinh hàng chục tỷ USD và hàng xuất khẩu qua Mỹ tăng 40 % so với cùng kỳ năm ngoái thì đủ biết Việt Nam đang đứng về phía nào, tiếp tay cho ai gây hại cho nền kinh tế Hoa Kỳ.
Như dư luận trên các trang mạng xã hội cũng chỉ rõ : Việt Nam đã là làm ngơ cho các doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam nhập hàng Trung Quốc gián mác Việt Nam, đồng thời dành nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp Trung Quốc xâm nhập ào ạt và tràn ngập các khu công nghiệp ở trong nước.
Từ lâu đã có nhiều tiếng nói cảnh báo việc này và dư luận cả trong lẫn ngoài Việt Nam cho rằng không sớm thì muộn, Việt Nam sẽ bị Mỹ trừng phạt bởi sự vô trách nhiệm của nhà nước. Tuy nhiên, cũng không mấy ai nghĩ là câu chuyện định mệnh lại đến sớm như thế này. Cuối cùng, chuyện gì phải đến thì sẽ đến. Giờ là lúc Việt Nam phải trả giá.
Nguyễn Hoàng
Nguồn : RFA, 28/06/2019
****************
Trước khi Michael Phương Minh Nguyễn, công dân Mỹ gốc Việt, phải ra tòa tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 24/6 với cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền", gia đình ông ở California và những người quan tâm, trong đó có những dân biểu Mỹ, đã hy vọng rằng ông sẽ được trục xuất về Mỹ để đoàn tụ với gia đình ngay sau phiên tòa. Nhưng mọi hy vọng đã bị dập tắt ngay sau phiên tòa khi Michael Phương Minh Nguyễn bị tòa tuyên 12 năm tù và chỉ bị trục xuất sau khi đã thi hành án.
Công dân Mỹ gốc Việt Michael Phương Minh Nguyễn tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hôm 24/6/2019 - AFP
Ngay sau phiên tòa, Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Việt Nam đã lên tiếng bày tỏ sự thất vọng và cho biết Đại sứ quán sẽ tiếp tục đấu tranh cho trường hợp của Michael Phương Minh Nguyễn.
Dân biểu Hoa Kỳ Alan Lowenthal, người đã nhiều lần lên tiếng cùng với những dân biểu khác, đòi trả tự do cho Michael Phương Minh Nguyễn, ra thông cáo báo chí lên án Việt Nam. Thông cáo của dân biểu có đoạn viết :
"Sự thật trong vụ việc này rất đơn giản : một công dân Hoa Kỳ, ông Michael Phương Minh Nguyễn, bị chính quyền Cộng sản Việt Nam kết án nặng nề chỉ vì họ mong muốn răn đe những người Mỹ gốc Việt khác đừng về thăm Việt Nam và đừng truyền đạt đến người dân Việt Nam những tư tưởng mà Cộng sản Việt Nam cho là ‘cực đoan’ như Dân Chủ, Tự Do, Nhân Quyền".
Trong khoảng 2 năm trở lại đây, Việt Nam liên tục tuyên những bản án tù nhiều năm cho các nhà hoạt động nhân quyền trong nước và thậm chí cả những công dân Mỹ, điều không thấy trước đây.
Trước Michael Phương Minh Nguyễn, vào tháng 8 năm 2018, tòa án ở Việt Nam cũng tuyên án hai công dân Mỹ gốc Việt khác mỗi người 14 năm tù về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền", và phải bị trục xuất về Mỹ sau khi thi hành án.
Ông Nguyen James Han, công dân Mỹ gốc Việt tại phiên tòa ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 22/8/2018. Ông bị kết án 14 năm tù về tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền". AFP
Ông Brad Adams, Giám đốc điều hành khu vực Châu Á của tổ chức nhân quyền quốc tế Human Rights Watch, nói với Đài Châu Á Tự Do :
"Chính phủ Việt Nam luôn tìm cách thử giới hạn. Cách họ làm là họ sẽ thử xem phản ứng thế nào. Nếu phản ứng không đủ mạnh thì họ sẽ làm mạnh hơn…. Trong vòng hai năm trở lại đây, chúng ta thấy họ liên tục tuyên các án tù nhiều năm, thậm chí 12 năm, 20 năm chứ không phải 4 hay 5 năm như trước kia. Họ muốn xem họ có mất gì không trong quan hệ với Mỹ và Châu Âu hay Úc. Nhưng họ chỉ thấy những phản ứng không nhất quán. Đôi khi họ thấy những lên tiếng mạnh mẽ từ Đại sứ quán Mỹ, đôi khi là từ Quốc Hội. Nhưng cuối cùng họ muốn xem là Nhà Trắng làm gì. Và Nhà Trắng đã không làm gì".
Sau khi Michael Phương Minh Nguyễn bị bắt vào tháng 7 năm ngoái trong chuyến về thăm người thân ở Việt Nam, gia đình ông đã vận động các dân biểu và thượng nghị sĩ Mỹ gây sức ép lên Bộ Ngoại giao Mỹ và chính quyền Việt Nam, đòi phía Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức cho ông.
Vợ của Michael Phương Minh Nguyễn, bà Helen Nguyễn, thậm chí đã được Dân biểu Katie Porter mời đến dự buổi Thông điệp Liên bang của Tổng thống Donald Trump ở Quốc hội vào ngày 5/2. Vào lúc đó gia đình Michael Nguyễn đã hy vọng, với sức ép của Quốc hội, Tổng thống Donald Trump sẽ nêu vấn đề của Michael Nguyen trong chuyến thăm Việt Nam vào cuối tháng 2 nhân Thượng Đỉnh Mỹ và Bắc Hàn ở Hà Nội. Bà Helen Nguyen lúc đó đã nói với Đài Châu Á Tự Do về hy vọng này :
"Tại buổi Thông điệp Liên bang, tôi đã được gặp Chủ tịch Hạ Viện, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại. Họ sẽ chuyển thông điệp của tôi đến Tổng thống vì Tổng thống sẽ đến Việt Nam vào cuối tháng 2 này. Tôi hy vọng là với việc tôi ở đây và gặp bên Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban đối ngoại thì trường hợp của anh ấy sẽ gây chú ý và giúp anh ấy sớm được trả tự do".
Tại cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội khoảng vài tuần sau đó, hai bên đã chứng kiến lễ ký các hợp đồng thương mại trị giá hơn 20 tỷ đô la. Tuy nhiên vấn đề nhân quyền, và tất nhiên bao gồm cả chuyện của Michael Phương Minh Nguyễn đã không được nói tới.
Kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã phát triển nhanh chóng. Kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng từ khoảng 200 triệu đô la trong những 1990s lên xấp xỉ 60 tỷ đô la vào năm 2018. Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng chứng kiến lễ ký các hợp đồng thương mại giữa các công ty hai nước ở Hà Nội hôm 27/2/2019 AFP
Năm 2013, Hoa Kỳ và Việt Nam đã nâng quan hệ hai nước thành Đối Tác Toàn Diện với 9 trụ cột bao gồm nhiều lĩnh vực từ an ninh quốc phòng, kinh tế thương mại đến môi trường, văn hóa, giáo dục. Trong số này nhân quyền cũng được coi là một trụ cột.
Tuy nhiên, theo ông Brad Adams, nhân quyền chưa bao giờ thực sự được coi là trụ cột trong cái nhìn của Việt Nam, mà chỉ là sự trao đổi để Việt Nam đạt được những thỏa thuận khác với Hoa Kỳ.
"Vấn đề nhân quyền là một trụ cột trong quan hệ Việt Mỹ nhưng chỉ có Mỹ coi đây là trụ cột còn Việt Nam thì không. Họ không bao giờ nghĩ như vậy. Họ chỉ ký kết các văn bản để có được các trụ cột khác. Thách thức về phía Hoa Kỳ là duy trì đòi hỏi về vấn đề nhân quyền như điều kiện cho các thỏa thuận khác".
Dưới sức ép của quốc tế trong đó có Hoa Kỳ, và để hội nhập quốc tế, Việt Nam đã có giai đoạn được nhìn nhận là có tiến bộ nhất định trong vấn đề nhân quyền, nhất là vào giai đoạn trước khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2007. Kết quả là vào năm 2006, Hoa Kỳ bỏ Việt Nam khỏi danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo, và vào năm 2007, Việt Nam được chính thức gia nhập WTO.
Tuy nhiên, vấn đề nhân quyền tại Việt Nam trong 2 năm gần đây đã bị cho là xấu đi với hàng loạt các án tù nhiều năm dành cho các nhà bất đồng chính kiến. Theo Ân Xá Quốc Tế, hiện Việt Nam vẫn còn giam giữ ít nhất 128 tù nhân lương tâm, tăng hơn 30 người so với năm trước đó.
Ông Brad Adams nhìn nhận vấn đề nhân quyền ở Việt Nam luôn là một thách thức đối với Hoa Kỳ và giờ đây còn là thách thức lớn hơn nữa :
"Nhân quyền luôn là một thách thức đối với Hoa Kỳ, ngay cả đối với những chính quyền trước đây vốn gây sức ép nhiều về vấn đề nhân quyền. Và nó thực sự là một thách thức lớn khi mà bạn không quan tâm và chúng tôi không thấy Nhà Trắng có mấy quan tâm đến vấn đề này".
Tổng thống Donald Trump trong lần thăm Việt Nam nhân hội nghị APEC hồi tháng 11/2017 cũng đã bị chỉ trích vì không nêu vấn đề nhân quyền với Việt Nam. Thượng Nghị sĩ John McCain lúc đó đã viết về điều này ngay trên Twitter của mình.
Theo ông Brad Adams, điều mà chính phủ của Tổng thống Trump quan tâm nhiều nhất trong quan hệ với Việt Nam là thương mại và an ninh khu vực, mà cụ thể là quan hệ với Trung Quốc.
"Chính phủ của Tổng thống Trump cũng quan tâm đến vấn đề quan hệ với Trung Quốc. Họ muốn Việt Nam đứng về phía Mỹ để đối trọng với Trung Quốc. Nhưng điều này không thực tế vì Việt Nam sẽ luôn giữ thế cân bằng trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Việt Nam sẽ không nghiêng hẳn về Mỹ hay Trung Quốc".
Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thời gian gần đây đã trở nên căng thẳng do những tranh chấp trong vấn đề thương mại và an ninh khu vực mà cụ thể là việc Trung Quốc lấn lướt vai trò của Mỹ ở Biển Đông và Hoa Đông.
Chiến lược An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Trump xác định Biển Đông là khu vực cạnh tranh tiềm năng giữa Mỹ và Trung Quốc. Chiến lược này cũng xác định Việt Nam là một đối tác an ninh đang lên của Mỹ trong khu vực.
Tổng thống Trump cũng nhiều lần lên tiếng phàn nàn về vấn đề thâm hụt cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mỹ hiện đang ở mức khoảng 35 tỷ đô la, theo con số thống kê của Tổng cục Hải quan.
Trong các chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo cấp cao hai nước thời gian qua, Việt Nam đã ký nhiều hợp đồng thương mại lên đến hàng chục tỷ đô la với Mỹ.
Thượng nghị sĩ Tim Kaine ở Trung tâm giao lưu văn hóa người Mỹ gốc Triều Tiên ở VA hôm 29/4/2019 Photo : RFA
Trong khi, Nhà Trắng bị chỉ trích là coi nhẹ vấn đề nhân quyền của Việt Nam vì đặt ưu tiên cho vấn đề an ninh và thương mại, Quốc hội Hoa Kỳ hiện được coi là nơi gây sức ép mạnh nhất về vấn đề này đối với cả Bộ Ngoại giao Mỹ và chính phủ Việt Nam.
Phát biểu sau chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 4 vừa qua, Thượng Nghị sĩ Tim Kaine nói, Hoa Kỳ cần phải tiếp tục duy trì vấn đề nhân quyền là trụ cột trong mối quan hệ hai nước :
"Chúng ta (Hoa Kỳ) phải đưa vấn đề nhân quyền và cải thiện nhân quyền là một cột trụ trong quan hệ hai nước. Tôi rất mừng khi thấy quan hệ hai nước đã có những điểm mạnh. Hoa Kỳ đang cố gắng để giải quyết các vấn đề về di sản của chiến tranh. Chúng ta đã làm đúng và chúng ta có quyền đòi hỏi chiều ngược lại và điều mà chúng ta đòi hỏi đổi lại đó là nhân quyền".
Dân biểu Alan Lowenthal, trong thông cáo báo chí mới đây đã yêu cầu Việt Nam phải bỏ mọi phán quyết và trả tự do ngay lập tức cho Michael Phương Minh Nguyễn. Ông nói việc Việt Nam tiếp tục giam giữ công dân Mỹ "sẽ làm suy giảm quan hệ Mỹ - Việt và khiến Việt Nam bị xa cách với cộng đồng quốc tế".
Nguồn : RFA, 28/06/2019
Trump ào ạt ra đòn, Tập lì lợm đáp trả
Thanh Hà, RFI, 27/06/2019
Một lần nữa thương mại lại là trong tâm thượng đỉnh của nhóm G20 bao gồm 20 nền kinh tế có trọng lượng nhất của thế giới. Từ thượng đỉnh Buenos Aires hồi tháng 12/2018 đến Osaka lần này, chưa thấy có dấu hiệu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sớm kết thúc.
Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tăng thêm một nấc. Reuters/Damir Sagolj
Sáu tháng trước, tại thủ đô Argentina, tổng thống Donald Trump và chủ tịch Tập Cận Bình sau một bữa tiệc tối, đã đặt bút ký "thỏa thuận ngưng bắn" có hiệu lực 90 ngày trước khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bùng lên trở lại vào mùa xuân năm 2019.
Trong hai ngày nữa tổng thống Mỹ, Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp lại nhau bên lề thượng đỉnh G20 Nhật Bản để "giải quyết nốt" những khúc mắc còn đọng lại sau hơn 12 vòng đàm phán về mậu dịch.
Trước khi lên đường đến Osaka, chủ nhân Nhà Trắng tin tưởng buổi làm việc được dự trù mở ra vào sáng Thứ Bảy 28/06/2019 sẽ đem lại kết quả tích cực. Bởi vì, theo ông Trump, "kinh tế Trung Quốc đang sụp đổ, Bắc Kinh cần đạt được thỏa thuận" với Mỹ và ông tin rằng đó sẽ là một "thỏa thuận tốt".
Cao hứng khi trả lời Fox News, kênh truyền hình Donald Trump ưa thích nhất, tổng thống Hoa Kỳ dọa luôn đối thủ : nếu không san bằng được những bất đồng lần này, Washington sẽ "đánh thuế tiếp" và đó sẽ là những "khoản thuế khá nặng" đánh vào 300 tỷ đô la hàng Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ.
Giới phân tích dù đã bắt đầu làm quen với cung cách đàm phán và chiến thuật hù dọa của nguyên thủ Mỹ nhưng vẫn không khỏi ngạc nhiên khi Donald Trump khẳng định rằng kinh tế Trung Quốc đang "sụp đổ". Điều này không hoàn toàn phản ánh sự thực như thống kê của cả phía Trung Quốc lẫn của các cơ quan nghiên cứu quốc tế cùng cho thấy.
Nhìn lại cuộc đọ sức được khơi mào từ tháng 3/2018 giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, căng thẳng thương mại không hề thuyên giảm. Ban đầu, Washington đánh thuế nhôm và thép của Trung Quốc, rồi áp thuế 10 %, 25 % nhắm vào 50 tỷ đô la, 100 tỷ đô la, rồi 200 tỷ đô la hàng của Trung Quốc bán sang thị trường Mỹ. Bắc Kinh đương nhiên cũng đã có những biện pháp trả đũa. Song song với những đòn đánh qua đánh lại này, đôi bên đã mở ra tổng cộng là 12 vòng đàm phán. Gần đây nhất là vào đầu tháng 5/2019.
Với báo chí, cả Mỹ lẫn Trung Quốc cùng lạc quan cho rằng một thỏa thuận đang trong "tầm tay". Bộ trưởng Tài Chính Hoa Kỳ, Steve Mnuchin thậm chí còn tuyên bố đôi bên đã "đi được 90 % đoạn đường" trước khi đạt đến đích. Nhưng rồi vào giờ chót, Nhà Trắng tố cáo Bắc Kinh "bội ước" : Xóa bỏ các cam kết sẽ thay đổi luật pháp chấm dứt nạn đánh cắp bằng sáng chế và công nghệ của các doanh nghiệp Mỹ, chấm dứt cạnh tranh không lành mạnh, đối xử bất bình đẳng với các công ty nước ngoài vào Trung Quốc hoạt động.
Cũng từ sau cáo buộc Trung Quốc nuốt lời hứa này, Washington tăng mức áp thuế đang từ 10 lên thành 25 % nhắm vào 200 tỷ đô la hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Nhà Trắng để ngỏ khả năng sẽ áp thuế lên thêm 300 tỷ đô la hàng hóa – tức là hầu như toàn bộ kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ.
Đáng chú ý hơn nữa là từ hơn một tháng qua, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã trở thành một cuộc chiến về công nghệ. Chính quyền Washington cấm Hoa Vi tiếp cận với công nghệ của Mỹ, cấm tập đoàn viễn thông này tham gia vào dự án kết nối mạng 5G tại Hoa Kỳ, cấm các doanh nghiệp Mỹ sử dụng và cung cấp trang thiết bị cho tập đoàn do một cựu quân nhân trong quân đội Trung Quốc này lập ra. Nhưng Hoa Vi không là trường hợp riêng lẻ. Hoa Kỳ đã đưa thêm nhiều tập đoàn Trung Quốc khác vào danh sách đen. Chính quyền Trump cũng đã liên tục vận động các đồng minh để thuyết phục các nước này tẩy chay công nghệ Trung Quốc.
Bắc Kinh không khoanh tay ngồi nhìn. Trung Quốc dọa "phản ứng một cách tương xứng". Trong những tuần lễ gần đây các phương tiện truyền thông nước này nêu lên một số những công cụ mà chính quyền của ông Tập Cận Bình đang có trong tay để phản công. Đó có thể là đất hiếm, là viễn cảnh Bắc Kinh bán bớt một khối lượng khá lớn công trái phiếu của Hoa Kỳ đang có trong tay.
Có điều giới phân tích nhận thấy rằng, cả phía Mỹ lẫn Trung Quốc cùng cứng giọng với nhau. Đối với Trung Quốc đây có thể là dấu hiệu kinh tế nước này tuy không bị suy sụp như lời Donald Trump nhưng đang thực sự thấm đòn. Hơn thế nữa, Washington có lẽ cũng đang chĩa mũi dùi vào một điểm nhậy cảm đó là công nghệ cao của Trung Quốc mà ở thời điểm này, thì ngay cả tập đoàn được coi là thành công nhất là Hoa Vi cũng còn lệ thuộc vào các trang thiết bị của Mỹ và nhiều đối tác châu Âu. Tham vọng của Bắc Kinh làm chủ công nghệ cao và trở thành một ngọn hải đăng trong công nghệ số ở thế kỷ 21 đang bị đe dọa.
Về phía Donald Trump, thái độ cứng rắn của lãnh đạo Nhà Trắng tương đối dễ hiểu khi ông vừa chính thức lao vào cuộc vận động tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai và cần ghi được những bàn thắng cụ thể nhằm thuyết phục cử tri.
Nhưng không chắc là chiến thuật "gây áp lực tối đa", bắt đối phương "đầu hàng vô điều kiện" luôn được tổng thống Trump khai thác giúp ông nhanh chóng giành được thắng lợi dù chỉ là những thắng lợi bề ngoài.
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 27/06/2019
******************
Hai tin vui buồn cho Tập Cận Bình
Ngô Nhân Dụng, Người Việt, 26/06/2019
Tập Cận Bình sẽ gặp Donald Trump cuối tuần này nhân hội nghị G-20 của 20 nước kinh tế mạnh nhất. Trước khi Tập gặp Trump, có một tin vui và một tin buồn. Tin vui là công ty Huawei vẫn mua được "chip" của các hãng Mỹ dù chính phủ Trump đã có lệnh cấm từ tháng 5/2019. Tin buồn là dân tiêu thụ trong nước Tàu giảm chi tiêu. Tập sẽ nhớ đến cả hai tin vui buồn này khi nói chuyện với Trump ở Osaka.
Gian hàng Huawei tại triển lãm Ces Asia 2019 ở Thượng Hải hôm 11 tháng Sáu, 2019. (Hình : Hector Retamal/AFP/Getty Images)
Không ai hy vọng cuộc hội kiến sẽ đưa tới kết quả ngoạn mục nào, vì mối bất đồng quá lớn. cộng sản Trung Quốc muốn Mỹ ngưng đánh thuế quan và ngưng cấm vận các món kỹ thuật cao để các công ty như Huawei vẫn sống mạnh. Thứ Bảy vừa qua, báo Nhân Dân ở Bắc Kinh còn đặt điều kiện chỉ tiếp tục nói chuyện thương mại nếu Mỹ bỏ hết không đánh thuế trên hàng nhập cảng từ nước Tàu nữa.
Ngược lại, Mỹ đòi Trung Quốc mở cửa rộng hơn cho doanh nghiệp nước ngoài, tôn trọng bản quyền sáng chế các món kỹ thuật tiên tiến và ngưng trợ cấp các doanh nghiệp nhà nước để cạnh tranh bất cân xứng với các xí nghiệp Mỹ. Đòi điều kiện sau cùng này chẳng khác nào yêu cầu Trung Quốc thôi không còn là cộng sản nữa.
Ngoài đề tài chiến tranh mậu dịch, Trump và Tập sẽ nói chuyện Iran (Trung Quốc đã khuyên Mỹ tự kiềm chế), Đài Loan (Mỹ đánh tiếng sắp bán máy bay F-16 và thiết giáp M1 Abrams cho Đài Bắc) và Bắc Hàn. Tập Cận Bình mới đến thăm Kim Jong-un và được tiếp đón huy hoàng trong hai ngày, cuộc thăm viếng chính thức của một nhà lãnh đạo Trung Quốc sau 14 năm. Trước đó, báo đài Trung Quốc đã kể công cứu viện thời chiến tranh Cao Ly và nhắc lại khẩu hiệu "Kháng Mỹ Viện Triều". Nhưng ông Trump sẽ từ Osaka bay qua Seoul, có thể thu xếp gặp ông Kim Jong-un tại khu phi quân sự DMZ giữa hai miền Nam Bắc Hàn để qua mặt Bắc Kinh.
Nhưng trước khi lên đường đi Osaka, Tập Cận Bình đã có một tin vui, biết rằng công ty Huawei chưa đến nỗi khốn đốn ; và các xí nghiệp kỹ thuật cao của Trung Quốc cũng hy vọng. Vì nhiều công ty Mỹ vẫn cung cấp các nguyên liệu cho công nhân của họ làm việc.
Chính phủ Mỹ đã ra lệnh cấm nhắm vào Huawei vào tháng Năm. Đáp lại, Bắc Kinh đã triệu tập đại diện các công ty Mỹ như Microsoft, Dell và Apple để cảnh cáo sẽ trừng phạt nếu họ ngưng cung cấp nguyên liệu và phụ tùng cho các công ty kỹ thuật cao của nước Tàu.
Mỗi năm Huawei trả 11 tỷ USD để mua các món đồ và dịch vụ do Mỹ cung cấp. Bộ Thương mại Mỹ đã cấm các hãng tiếp tục bán cho Huawei, từ 15 tháng Tám này. Thiếu những cái "chip" mua của Mỹ thì Huawei sẽ không làm được các "điện thoại cao cấp" (smartphone) và các máy computer chủ (server).
Nhưng các luật sư đã mách cho các công ty Mỹ biết rằng các chi nhánh của họ vẫn được phép bán hàng cho Huawei, nếu tất cả được chế tạo ở ngoại quốc. Từ đầu tháng Sáu, Huawei lại mua được các bộ phận của Mỹ.
Công ty Micron đã ngưng bán nhưng lại bắt đầu việc cung cấp chip cho Huawei để làm smartphone từ hai tuần nay. Micron, đặt trụ sở tại tiểu bang Idaho, không muốn bị mất mối hàng lớn này cho hai công ty Nam Hàn Samsung và SK Hynix. Những công ty Mỹ như Micron, Intel đặt cơ xưởng khắp thế giới, số sản xất hiện cao hơn ở Mỹ ; cho nên họ không lo có các chi nhánh ở ngoài nước Mỹ chở hàng bán cho các công ty Trung Quốc.
Tuy nhiên, nếu sau khi bán chip làm ở nước khác mà rồi mà một khách hàng như Huawei phải kêu cứu nhờ chỉ dẫn về kỹ thuật sử dụng, thì các chuyên viên tại trụ sở chính ở Mỹ không được phép làm cố vấn ! Chính phủ Mỹ cấm bán cả các dịch vụ cho Huawei nữa !
Nếu cuộc chiến tranh mậu dịch còn tiếp tục thì nhiều công ty kỹ thuật cao của Mỹ sẽ phải tính kế hoạch di chuyển ! Họ sẽ đưa nhiều bộ phận ra làm việc ở nước khác, các việc nghiên cứu, cố vấn kỹ thuật, việc sản xuất các thứ chip cao cấp sẽ được đưa ra làm ở ngoài nước Mỹ để tránh lệnh cấm vận. Trừ khi chính phủ Trump sẽ phải mở lệnh cấm vận rộng hơn nếu Tập Cận Bình găng quá.
Tất nhiên cả hai ông Trump và Tập đều mong cuộc chiến tranh chấm dứt. Họ chỉ không thể nhượng bộ đến nỗi mất mặt sau khi đã nói rất găng suốt cả năm qua. Trong cuộc đấu kinh tế này, rõ ràng bên nào chịu đòn giỏi, chịu đựng được lâu, sẽ chiếm ưu thế.
Ông Trump tin rằng Tàu bán hàng qua Mỹ nhiều, Mỹ bán lại ít hơn, cứ tiếp tục chạy đua đánh thuế quan thì số hàng của Tàu bị đòn cao gấp ba lần hàng Mỹ, Bắc Kinh sẽ không chịu đựng nổi. Ông Tập thì tin rằng với dân số hơn 1,4 tỷ người đã thuộc giới trung lưu, nước Tàu có thể chuyển hàng xuất cảng về cho dân tiêu thụ trong lục địa mua, khỏi lo bán cho Mỹ ; Tập Cận Bình đã nói như vậy với các nhà báo Nga. Tân Hoa Xã bình luận rằng, "Trung Quốc sẽ cho cả thế giới thấy sức chịu đựng dẻo dai của mình".
Và đây là một tin buồn cho Tập Cận Bình : Người tiêu thụ trong lục địa đang bớt mua sắm !
Trong bốn tháng đầu năm 2019, số xe hơi bán đã tụt giảm trung bình 10% mỗi tháng. Tháng Năm vừa rồi, tụt mất 15%. Ở Mỹ, người ta đo lường số xe hơi bán để bắt mạch nền kinh tế, chắc bên Tàu cũng không khác.
Một thước đo quan trọng nữa là số bán nhà mới. Trong bốn tháng đầu năm nay số nhà bán tăng 11% ; trong tháng Năm số bán đã giảm xuống thay vì tăng lên. Mua nhà mới là một động lực cho người ta mua sắm rất nhiều thứ để đặt vào trong căn nhà. Số nhà bán giảm là một chỉ dâu báo động cho kinh tế nước Tàu, cũng như nước Mỹ.
Điều đáng lo là nhiều thứ hàng hóa ở bên Tàu đang xuống giá chứ không lên khiến người tiêu thụ nản lòng. Chỉ có giá thịt heo là lên cao vì bệnh dịch, và giá trái cây cũng tăng. Nhưng các món hàng tiêu thụ như điện thoại cầm tay, máy móc dùng trong nhà đã xuống giá.
Đúng là người Tàu trong lục địa tiêu thụ ít hơn. Cho nên, trong năm 2018, số hàng Trung Quốc nhập cảng tăng hơn 10%, trước mối lo thuế quan sẽ lên, nhưng vào tháng Năm năm nay số nhập cảng tụt bớt 8,5%. Hiện giá trị đồng nguyên của nước Tàu đang xuống so với đô la Mỹ. Ông Trump sẽ than phiền với ông Tập về tình trạng này vì hàng nhập cảng vào nước Tàu sẽ tăng giá khi đồng nguyên đi xuống.
Nhưng thử hỏi, nếu quý vị là người dân Trung Hoa bây giờ thì quý vị tính toán thế nào ? Hăng hái mua hàng theo lời kêu gọi của ông Tập Cận Bình ? Hay là lo tiết kiệm, để dành tiền vì sợ công ăn việc làm ngày càng khó khăn khi cuộc chiến mậu dịch không biết bao giờ kết thúc ?
Trước viễn tượng nền kinh tế không thể trông cậy vào người tiêu thụ, cộng sản Trung Quốc lại đem bài bản cũ ra dùng : Xây cất. Xây cầu, làm đường, mở rộng nhà máy, đi ngược lại chủ trương mà Đảng cộng sản muốn thi hành để cải tổ cơ cấu. Mặc dù số nợ chồng chất đang lo giải quyết, chính quyền các địa phương lại mới được lệnh cứ xây cất thêm, tạm quên mối lo nợ nần. Tuy nhiên, số chi tiêu cho hạ tầng cơ sở lên cao trong bốn tháng đầu năm đã giảm xuống trong tháng Năm.
Đó là một mối lo tâm phúc của ông Tập Cận Bình trước khi gặp ông Donald Trump ở Osaka.
Không ai hy vọng các nhà lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đạt được kết quả cụ thể nào trong thời gian hội nghị G-20 năm nay. Xung đột thương mại giữa hai nước có rất nhiều chỗ khúc mắc, các mâu thuẫn chằng chịt với nhau cần các chuyên viên cả hai bên bàn cãi, mặc cả qua nhiều tháng chưa chắc đã xong.
Nhưng chỉ cần hai ông Trump và Tập bắt tay chụp hình cũng đủ giúp cho các thị trường chứng khoán thở phào nhẹ nhõm ! Mỗi bên sẽ nhượng bộ bên kia một điều nho nhỏ để làm quà mang về nhà. Khi cuộc chiến mậu dịch không leo thang thì cả hai ông đều có thể tuyên bố mình đang thắng !
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 26/06/2019