Run như con cầy sấy trước than hồng
Phạm Trần, 20/06/2019
Hãy hình dung một con cầy, tên thông dụng là chó, bị cột chân, bịt mõm nằm trước nồi nước sôi và đống than hồng sẽ phản ứng ra sao khi nó thấy giờ lâm chung đã đến gần ?
"Việt Nam đang khai thác và phát huy những đặc tính ưu việt của truyền thông xã hội, đồng thời, cũng đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực khó kiểm soát từ dạng thức truyền thông mới này".
Tất nhiên là con vật phải run sợ nên người Việt mới có câu "run như cầy sấy". Nếu đem hoàn cảnh của con cầy gắn với tình trạng hoang mang, giao động và rối như canh hẹ của mạng lưới tuyên truyền của đảng Cộng sản Việt Nam thì sẽ thấy tham nhũng chỉ làm cho đảng suy yếu, nhưng mạng xã hội mới là kẻ nội thù đe dọa sự sống còn của chế độ.
Mối lo âu này đã được phản ảnh qua bài viết "Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam" của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Võ Văn Thưởng, phổ biến khắp mặt báo của đảng từ ngày 17/06/2019. Ông Thưởng viết :
"Việt Nam đang khai thác và phát huy những đặc tính ưu việt của truyền thông xã hội, đồng thời, cũng đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực khó kiểm soát từ dạng thức truyền thông mới này".
Vậy chủ nhân của "truyền thông xã hội" là những ai ở Việt Nam ? Ông Thưởng giải thích :
"Có thể nhận thấy, "hệ sinh thái" mạng xã hội đã hình thành tầng lớp KOLs (Key Opinion Leader), influencers là những người có "thương hiệu" hoặc là "người bình thường" mà thông tin, quan điểm nêu ra có sức thu hút, ảnh hưởng, được "cư dân mạng" chia sẻ, khuếch tán nhanh trên phạm vi rộng. Họ đa phần là những chủ thể tích cực góp phần tạo nên đời sống thông tin lành mạnh. Nhưng, cũng đã lộ diện những KOLs, influencers có động cơ không trong sáng, nhưng lại biết "khơi gợi những cảm xúc xấu xa" ; lạm dụng chữ nghĩa, ảo tưởng "quyền lực bàn phím", luôn tìm cách điều hướng dư luận ; tấn công doanh nghiệp nhằm trục lợi ; đe dọa, xúc phạm cá nhân, tổ chức".
Ăn nói vu vơ, không bằng chứng, không nêu đích danh một người nào hoặc tổ chức nào, nhưng người cầm đầu ngành tuyên truyền của đảng vẫn nói văng mạng rằng :
"Một số được nuôi dưỡng, cấp phát từ các tổ chức thù địch bên ngoài. Lợi dụng những bất cập trong quản lý nhà nước về Internet, mạng xã hội, chúng thâm nhập vào các nền tảng truyền thông xã hội, "nuôi" nick (tên tài khoản), lập ra hàng trăm nghìn tài khoản ảo và nhiều trang giả mạo cá nhân, tổ chức. Với nhiều thủ đoạn tinh vi được hỗ trợ bởi công nghệ, chúng tập trung chống phá nền tảng tư tưởng, phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, gieo rắc tư tưởng cực đoan, tạo bất đồng, xung đột trong nội bộ Đảng và nhân dân".
Kể cũng lạ, ở một nhà nước độc tài, độc đảng, độc quyền báo chí và kiểm soát dư luận từ chân lên đầu mà vẫn có nhiều lỗ hổng đến thế thì đội ngũ Công an, tình báo quân đội toàn là thứ ăn hại đái nát hay sao ?
Rất có thể là như thế, vì ở Việt Nam Cộng sản, cán bộ ngành an ninh và tình báo thường không ồn ào, phô trương cho người ta biết mặt nhưng lại khét tiếng ăn nhậu vỉa hè, xóm tối và nhếch nhác việc công.
Vì vậy, không lạ khi thấy ông Võ Văn Thưởng phải nhìn nhận sự thành công xâm nhập của các mạng xã hội, khi ông lên án :
"Chúng cường điệu những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý để khoét sâu vào xung đột lợi ích, làm chia rẽ xã hội, suy giảm lòng tin, thực hiện "diễn biến hòa bình", đòi lật đổ chế độ. Từ đó, lôi kéo, tập hợp lực lượng, kích động biểu tình trái phép, chống đối, bạo loạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự xã hội như trong các vụ lợi dụng vấn đề môi trường tại Formosa Hà Tĩnh, phản đối Dự Luật về Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Luật An ninh mạng…".
Tuy nhiên, khi suy diễn như thế là người cầm đầu ngành tuyên truyền của đảng Võ Văn Thưởng đã phạm ba lỗi nghiệm trọng :
Thứ nhất, xuyên tạc và mạ lỵ sự căm phẫn của hàng triệu nạn nhân 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế ) trước thảm trạng môi trường do Formosa Hà Tình gây ra từ ngày 06/04/2016. Cho đến nay, sau ba năm, nhà nước vẫn chưa trưng được bằng chứng khoa học nào xác nhận nước biển đã hết ô nhiễm và nhà máy Formosa Hà Tình không còn thải chất độc ra biển. Hàng triệu người dân đã lâm cảnh nghèo đói và hàng ngàn gia đình ngư phủ đã phải bỏ nghề đi tha phương cầu thực.
Thứ hai, ông Thưởng đã bảo vệ quan điểm lập ba Đặc khu kinh tế của đảng ở Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Hàng trăm ngàn người dân biểu tình chống Dự luật Đặc khu không vì bị các mạng xã hội xúi giục hay lối kéo mà vì tinh thần ái quốc, quyết tâm chống âm mưu nhượng đất cho Trung Quốc. Chính nhờ các cuộc biểu tình mà Dự án Đặc khu đã phải dừng lại.
Thứ ba, khi người dân biểu tình chống Luật An ninh mạng là để đòi nhà nước phải tôn trọng Hiến pháp đã quy định quyền tự do báo chí và tự do tư tưởng. Điều 25 Hiến pháp viết rằng "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định" . Luật An ninh mạng số : 24/2018/QH14, có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, chỉ có mục đích duy nhất là kiểm soát thông tin và vi phạm các quyền cơ bản của con người.
Nuôi ong tay áo ?
Tuy nhiên, bên cạnh những điều hù họa, Ủy viên Bộ Chính trị Võ Văn Thưởng, người con ngoại vi của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đã tiết lộ có tình trạng "nội ứng" từ bên trong đảng dành cho các thế lực chống đảng trên mạng xã hội. Ông viết :
"Có hiện tượng KOLs, influencers được hỗ trợ "không trong sáng" từ những thông tin mật trong nội bộ các cơ quan Đảng, Nhà nước bị rò rỉ, không loại trừ có cả những cái "bắt tay với âm binh" vô cùng nguy hiểm của những cán bộ suy thoái, cơ hội chính trị, đầy tham vọng cá nhân. Việc các chính trị gia sử dụng truyền thông xã hội làm công cụ để giao tiếp với công chúng, xây dựng hình ảnh hay vận động chính trị không phải là mới mẻ trên thế giới và có thể khuyến khích ở Việt Nam nhưng cần phải được xác lập thành một trong những nguyên tắc hành xử chính trị công khai và minh bạch. Còn việc "đi đêm" với các nhân tố mạng xã hội để tạo "sóng" trong dư luận, vì ý đồ và động cơ cá nhân là điều không thể chấp nhận".
Một lần nữa ông Thưởng không minh bạch đưa ra những bằng chứng của hiện tượng tiếp tay cho các thế lực thù địch có từ trong đảng. Nhưng bằng đó chữ nghĩa cũng đủ cho ta thấy hai năm rõ mười là nội bộ đảng cầm quyền không bình thường. Đoàn kết trong đảng đã vỡ và không còn những chuyện cổ tích rêu rao như "trên dưới một lòng", hay "ý đảng lòng dân".
Vậy những "âm binh" này ở đâu, con số là bao nhiêu trong số trên bốn (04) triệu đảng viên ? Những "con ong trong tay áo" này làm gì trong bộ máy đảng và nhà nước, hay hành động "nội gián" này có gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia không ?
Sự úp-mở của ông Thưởng chỉ được hé ra một tí khi ông cảnh giác tiếp :
"Trong thực tế, có thể khẳng định, truyền thông xã hội là một "mặt trận" ngày càng phức tạp, mở rộng mà các thế lực thù địch đang lợi dụng để thúc đẩy các "yếu tố cách mạng sắc màu ở Việt Nam". Bài học từ những cuộc "cách mạng màu" cho thấy không thể chủ quan, lơ là mà cần phải chủ động nhận diện, ngăn chặn kịp thời những nhân tố lợi dụng truyền thông xã hội để tác động đến ổn định chính trị, xã hội từ nhiều hướng, nhiều cách thức khác nhau. Yêu cầu ấy đòi hỏi phải nhìn nhận đúng về truyền thông xã hội ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực, nhận diện và quản lý những tác nhân gây ảnh hưởng để bảo vệ, phát huy những giá trị tiến bộ được xã hội thừa nhận, đồng thời hạn chế, đẩy lùi, triệt phá những tác động tiêu cực bằng những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ và hiệu quả".
Thế rồi ông yêu cầu :
"Không ngừng đổi mới tư duy lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet theo kịp sự phát triển của công nghệ Internet,… chủ động, kiên trì thúc đẩy phát triển đúng hướng đi đôi với quản lý chặt chẽ".
Ông lại gay gắt thêm :
"Không để hình thành "điểm nóng", những xu hướng (trend) tiêu cực trên mạng xã hội….không để cho các thế lực thù địch lợi dụng, chiếm lĩnh truyền thông xã hội. Đồng thời, giữ nghiêm kỷ luật thông tin, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm khắc với các phần tử cơ hội chính trị, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" cố tình làm lộ lọt, cung cấp thông tin nội bộ, hỗ trợ cho các phần tử mạng xã hội đưa tin sai sự thật, kích động, tấn công vào nội bộ".
Rõ ràng có giọng "run run" của người đứng đầu ngành tuyên truyền và báo chí đảng trước hiện tượng "giậu đổ bìm leo" về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, không ngoại trừ có cả các lãnh đạo, hay cán bộ chủ chốt. Vì vậy nên ông Thưởng không ngại ra lệnh :
"Tích cực triển khai thực hiện Luật An ninh mạng với các chế tài đủ mạnh để răn đe, xử lý những hành vi vi phạm, gây hại như lưu trữ, cung cấp, đăng tải, phát tán tin giả, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, nói xấu, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước trên Internet, mạng xã hội…"
Ông còn kêu gọi :
"Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia mạng xã hội phải giữ vai trò là lực lượng nòng cốt đăng tải, chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực và xem đây là giải pháp thường xuyên, lâu dài".
Báo chí hai mặt
Đáng chú ý là bài viết, lần đầu có nhiều chi tiết, của Trưởng ban Tuyên giáo Võ Văn Thưởng đã nhìn nhận báo đảng đang bị lép vế cả về thông tin lẫn thu nhập trước sức lan tỏa, nhanh chóng, bén nhậy và bao trùm của các mạng xã hội trong và ngoài Việt Nam.
Đây là một thách thức chưa từng có đối với ngành Tuyên giáo, cơ quan giám sát và chỉ đạo toàn diện ngành báo chí và truyền thông của Đảng cộng sản Việt Nam, bao gồm cả báo chí của Lực lượng võ trang gồm Quân đội,Lực lượng dự bị và Công an.
Thời điểm ông Thưởng tung ra bài "Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam" trùng hợp với lần kỷ niệm "94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam" (21/06/1925-21/06/2019) của Đảng cộng sản Việt Nam. Theo tài liệu chính thức thì tới năm 2018 :
"Việt Nam có 844 cơ quan báo chí in với 184 báo in, 660 tạp chí in và 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập. Tính đến tháng 11/2018, cả nước có hơn 19.000 nhà báo được cấp thẻ Nhà báo ; số hội viên Hội Nhà báo có 23.893 hội viên đang sinh hoạt tại 297 đơn vị cấp Hội, trong đó có 63 Hội Nhà báo tỉnh, 19 Liên Chi hội và 215 chi hội trực thuộc Trung ương Hội".
Nhưng những "nhà báo" phục vụ cho báo đảng vá các cơ quan truyền thông khác của nhà nước, ngoài nhiệm vụ chính là phải phục vụ và tuyên truyển cho đảng và nhà nước thì họ có tham gia mạng xã hội không ?
Hãy nghe ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ta thán tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam, chiều ngày 19/06 (2019), nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí. Ông Phúc nói :
"Không ít cơ quan báo chí chưa phát huy được lợi thế của mình trong việc định hướng, dẫn dắt thông tin, có trường hợp để mạng xã hội chi phối hay chạy theo thông tin mạng xã hội, không kiểm chứng, dẫn đến sai phạm đáng tiếc. Có tình trạng "hai mặt" trong một số người làm báo, cùng một vấn đề khi viết trên báo chí chính thống thì thể hiện nội dung đúng định hướng nhưng khi viết trên mạng xã hội thì ngược lại. Còn xảy ra tiêu cực trong hoạt động báo chí".
Về nhiệm vụ của báo chí, theo báo Chính phủ tường thuật lời ông Phúc, thì :
"Trước hết, báo chí cách mạng nước ta phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội nước ta. "Dòng chảy chính đó là gì ?"… Dòng chảy chính ấy là xã hội chúng ta tốt đẹp, công cuộc Đổi mới của đất nước đang làm Việt Nam thay đổi từng ngày, là thành quả 30 năm Đổi mới, tốc độ tăng trưởng ở mức cao, đời sống nhân dân được cải thiện. Đó là một nước Việt Nam từ nghèo nàn, thiếu đói, chậm phát triển trở thành một nước có thu nhập trung bình, vị thế quốc tế không ngừng nâng cao.
Báo chí nước ta phải phản ánh trung thực dòng chảy chính đó, không để dòng phụ của xã hội thành chính trên mặt báo, Thủ tướng nhấn mạnh. Thành quả cách mạng của dân tộc ta, của đất nước ta, của Đảng ta là rất lớn lao và chúng ta phải khẳng định dòng chảy chính ấy, báo chí phải phản ánh cho rõ nét để nhân dân ta hiểu, đảng viên, cán bộ hiểu và tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng ta.
"Mất niềm tin là mất tất cả ; chúng ta muốn khẳng định niềm tin vào đường lối của Đảng ta trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, nhất là trong sự nghiệp Đổi mới".
Chính vì vậy, tôi đề nghị hơn lúc nào hết, báo chí phải thể hiện những giá trị cốt lõi của mình là cung cấp tin có kiểm chứng, đấu tranh chống lại tin xuyên tạc, tin giả, tin xấu, độc... là sứ mạng của báo chí. Cuộc đấu tranh này sẽ khẳng định vai trò báo chí trong giai đoạn mới".
Ông Phúc nói thế, nhưng "những dòng chảy chính của tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, môi giới hối lộ, chạy điểm, chạy bằng cấp, chiếm nhà, chiếm đất, làm ăn sân sau, sân trước và lợi ích nhóm trong đảng" đang nhan nhản ra đấy thì báo chí không được sờ tới hay sao ?
Chính cá nhân ông Võ Văn Thường đã nhiều lần chỉ trích báo chí đến sưng mặt là chỉ chú ý đến tin xấu, tin giật gân, tin không lành mạnh để câu độc giả. Thâm chí có báo còn viết bài dọa Doanh nghiệp để vòi tiền, nhưng sau khi được "bôi trơn" thì báo lại rút bài xuống.
Vì vậy, tại một Hội nghị về báo chí năm 2018, ông Thưởng đã nói :
"Đúng là thách thức từ mạng xã hội đối với báo chí là rất lớn, nhưng thách thức lớn hơn chính là tư tưởng, tâm thế thất bại, thua cuộc của người làm báo. Ngoài ra, còn có việc hành động chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ, thiếu hiệu quả của các cơ chế phối hợp, cũng như cơ chế quản lý nhà nước" (Công Luận, 28/12/2018).
Cũng tại buổi họp. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng còn báo cáo :
"Tình trạng lợi dụng danh nghĩa nhà báo, cơ quan báo chí dọa dẫm, sách nhiễu, thậm chí tống tiền cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để trục lợi vẫn chưa được ngăn chặn triệt để".
Như vậy, trước tình trạng suy thoái của báo lề Đảng, việc Trưởng ban Tuyên giáo Võ Văn Thưởng viết bài phản ảnh sự run sợ của đảng trước sức mạnh và ảnh hưởng lớn của mạng xã hội có ý nghĩa gì ?
Chỉ có một nghĩa duy nhất là ý chí của những nhà báo lề dân và quyết tâm muốn được viết tự do và sống dân chủ đã và đang đe dọa sự tồn tại của Đảng cộng sản Việt Nam.
Phạm Trần
(20/06/2019)
********************
Khi Tuyên giáo dùng bút nhãn hiệu Parker
Cánh Cò, RFA, 19/06/2019
Ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương, Ủy viên Bộ Chính trị có bài viết ngày 17/6 "Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam" đã gây được sự chú ý của nhiều người cả hai lề dân và lề đảng (*).
Gì thì gì, ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng chỉ là một cây viết của Đảng. Dư luận viên sài viết chì, nhà báo có đảng tịch sài bút bi còn ông Thưởng sài cây viết hiệu Parker danh giá. Ảnh minh họa
Trước tiên phải công nhận đây là bài viết có đầu tư nhiều vào sự hiểu biết của mạng xã hội, với 13 links dẫn tới các nguồn mà tác giả trích dẫn cho thấy người viết có nghiên cứu kỹ lưỡng và cố gắng thuyết phục người đọc về các lập luận của mình. Tuy nhiên, khi đọc kỹ lại người ta phát hiện nhiều điều chưa chuẩn xác trong cách so sánh, trong trích dẫn vì vậy khiếm khuyết lộ rõ và người đọc có khuynh hướng cho rằng tác giả đã đánh tráo khái niệm một cách tinh vi, dễ thuyết phục những người không chú tâm và nhất là thiếu kiến thức về Internet, mạng xã hội cũng như những diễn tiến thực sự của các phong trào cách mạng màu hồi gần đây tại các nước Đông Âu, Trung Đông, Bắc Phi, Mỹ Latinh hay phong trào "áo gilet vàng" tại Pháp.
Không bàn tới những điều mà tác giả cổ vũ phải kiểm soát mạng xã hội để "ổn định chính trị" vì không phải bây giờ người dân Việt Nam mới biết lập luận cũ rích này. Cũng như không cần thiết phải tranh luận với tác giả tại sao các nước đang phát triển mới sợ mạng xã hội mặc dù Trung Quốc là cường quốc thứ hai sau Mỹ nhưng vẫn sợ Facebook như sợ hủi, vì sự thật ai cũng biết chính các nước độc tài cộng sản mới sợ hãi tiếng nói của người dân thông qua phương tiện facebook cũng như các mạng xã hội khác.
Tác giả cố đưa ra những bằng chứng cho rằng các nước Tây phương cũng bị mạng xã hội thao túng khi trích dẫn lại các thông tin từ Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam : "Truyền thông xã hội, tin giả đã trở thành từ khóa làm nhiều người liên tưởng tới những cuộc xuống đường bạo động khiến cả Châu Âu và thế giới đứng ngồi không yên suốt thời gian qua. Ngay tại Mỹ, sau những cuộc biểu tình chiếm phố Wall (năm 2011), giới chính trị gia đã chỉ trích đích danh Facebook, Twitter là "công cụ của bạo loạn.
Báo chí phương Tây cũng đúc rút phương thức dùng truyền thông xã hội tạo nên những "đám đông" kích động, đó là : châm ngòi xuống đường ; triệt để lợi dụng các sự cố, tai nạn, những cái chết để tạo cớ bạo loạn ; sử dụng điện thoại di động, mạng xã hội để kích động và liên kết trong, ngoài".
Vì là tiếng nói của Cục Tuyên Huấn nên mọi lập luận đều mang tính một chiều, quy chụp và bẻ cong sự thật. Liệu ai sẽ bị thuyết phục nếu để ý tới nguồn mà ông Thưởng sử dụng tới ?
Nói về sự nguy hiểm của Facebook tác giả trích dẫn nguồn từ Yuval Noah Harari, một tác giả người Israel trong quyển sách 21 Lesson for the 21st Century : "Vụ bê bối dữ liệu do Cambridge Analytica, công ty phân tích dữ liệu chính trị tiếp cận trái phép và "đầu độc thông tin chính trị" tới 87 triệu người dùng là bài học đắt giá làm cho câu hỏi : "Làm thế nào để quản lý được quyền sở hữu thông tin ?" trở thành "câu hỏi mang tính chính trị quan trọng nhất trong kỷ nguyên của chúng ta".
Ông Võ Văn Thưởng quên một điều chính sự bê bối này đã cho thấy sức mạnh của dân chủ là gì khi công ty Cambridge Analytica bị chính phủ Anh phạt nặng nề và ông chủ Facebook là Mark Zuckerberg phải điều trần toát mồ hôi trước Ủy ban Hạ viện Hoa Kỳ về sai sót này và hứa sẽ "Bảo vệ thông tin của khách hàng".
Việt Nam nếu có một vụ tương tự xảy ra lấy ai là người giúp công dân của họ chống lại sự tiếp cận trái phép đó ? (chẳng có "đầu độc thông tin chính trị" nào như Yuval Noah Harari vu cáo ở đây).
Đây là nguồn độc lập duy nhất không phải từ sách báo trong nước trong 13 links trích dẫn của ông Võ Văn Thưởng, tuy nhiên ông Thưởng trích cho "oai" thực ra tác giả Yuval Noah Harari không lên án, mổ xẻ hệ thống mạng xã hội như ông Thưởng nói mà nó phân tích nhiều vấn đề xã hội. Cuốn sách được John Thornhill trên Financial Times cho rằng : "mặc dù 21 Lesson for the 21st Century được thắp lên bởi những tia sáng của cuộc phiêu lưu trí tuệ và sự hưng phấn văn học, nó có lẽ là thứ ít được chiếu sáng nhất trong ba cuốn sách do Harari viết, và nhiều quan sát trong đó cảm thấy tái chế từ hai người khác"
Sau Thornhill là Helen Lewis trong The Guardian, Gavin Jacobson ở New Statesman, và trong Thời báo, Gerard DeGroot... đều phủ nhận hầu hết những gì mà Yuval Noah Harari đưa ra trong cuốn sách của ông.
Ông Võ Văn Thưởng mang Yuval Noah Harari vào bài viết nhằm làm "lung linh" hơn những gì ông cố thuyết phục người đọc. Nhưng nhìn một cách tỉnh táo, e rằng nỗ lực của ông Thưởng giống như hoa cắm không nhằm chỗ, tác động vì vậy phản lại ông một cách âm thầm. Âm thầm bởi nhiều người biết tình trạng này nhưng do khinh bỉ họ không chịu nói ra.
"Thông tin giả" là cụm từ ông Thưởng hăng hái đưa vào bài viết của ông nhiều nhất để chống lại người dùng trên mạng xã hội, nhưng hình như ông Thưởng không nhìn lại chính mình, hay nói cách khác là người đồng chí lớn nhất trong sự nghiệp của Đảng là chính quyền Trung Quốc hiện nay để thấy rằng người bạn vàng này mới là bậc thấy về Fake news. Khi hai triệu người Hongkong biểu tình rầm rộ tại Hương Cảng thì tờ China Daily, viết bằng tiếng Anh, loan tin trên Twitter rằng các bậc phụ huynh ở Hongkong "đã kéo xuống đường hôm Chủ Nhật để kêu gọi các chính trị gia Mỹ đừng can dự vào luật dẫn độ nơi này"
Đó mới là tin giả, chứ còn các tin mà mạng xã hội Việt Nam đưa lên toàn căn cứ vào báo chí lề đảng thì làm sao giả được ?
Lấy cái thật xảy ra ở nơi khác, bóp méo một chút, tô vẽ một chút, lên gân một chút rồi xem đó là mẫu mực đáng làm theo là một cách đánh tráo khái niệm rất thịnh hành trong chế độ hiện nay và bài viết này chẳng qua công phu hơn, kỹ xảo hơn và nhất là trích dẫn nhiều hơn nhằm gây ấn tượng cho người thiếu quan tâm khi đọc một văn bản của Tuyên giáo.
Gì thì gì, ông Võ Văn Thưởng cũng chỉ là một cây viết của Đảng. Dư luận viên sài viết chì, nhà báo có đảng tịch sài bút bi còn ông Thưởng sài cây viết hiệu Parker danh giá. Nhưng dùng bút loại nào thì người dân cũng biết đấy là viết cho Đảng mà thôi.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 19/06/2019 (canhco's blog)
(*) http://soha.vn/truyen-thong-xa-hoi-doi-voi-on-dinh-chinh-tri-xa-hoi-o-vi...
*****************
Lãnh đạo Việt Nam lộ rõ lo sợ đối với mạng xã hội
Thanh Trúc, RFA, 18/06/2019
"Truyền thông xã hội là một ‘mặt trận’ ngày càng phức tạp, mở rộng mà các thế lực thù địch đang lợi dụng để thúc đẩy các ‘yếu tố cách mạng sắc màu ở Việt Nam’"
Biểu tượng của mạng xã hội Facebook - AFP
Đó là tóm tắt nguyên văn nhận định và đúc kết bài xã luận của ông Võ Văn Thưởng, ủy viên Bộ Chính Trị, bí thư trung ương đảng kiêm trưởng Ban Tuyên giáo trung ương.
Với tựa để "Truyền thông xã hội đối với chính trị, xã hội ở Việt Nam", bài xã luận được đưa ra trong buổi lễ khai trương Hệ thống Thông tin tuyên giáo trên mạng Internet, gọi tắt là VCNet, hôm 11 tháng Sáu vừa qua.
Trao đổi với RFA qua tin nhắn hôm 11 tháng Sáu, luật sư Đặng Đình Mạnh trong tư cách người Việt Nam có sử dụng mạng xã hội, nói rằng ông hoan nghênh sự ra đời của mạng xã hội Việt Nam, cho dù là của Ban Tuyên giáo trung ương hay của tổ chức nào khác ở Việt Nam. Tuy nhiên, ông trình bày tiếp :
Với những tiện ích mà mạng xã hội Facebook hiện đang cung cấp cho người sử dụng thì tôi chưa hình dung ra được khả năng mạng VCNet có làm được như vậy hay không ? Và cũng như bất kỳ mạng xã hội nào đã từng tồn tại, thì người sử dụng sẽ quyết định sự sống còn hoặc phát triển của nhà mạng.
Đối với VCNet, có thể người dùng mạng xã hội e ngại và cho rằng đây là nỗ lực kiểm soát của chính quyền. Thật ra, người dùng Facebook ở Việt Nam vẫn đang bị chính Facebook kiểm duyệt khá gắt gao như chính chính quyền Việt Nam đấy thôi.
Tôi cũng có thắc mắc với cái tên VCNet ? Có phải là viết tắt của Viet Cong Net ?"
Đại úy Võ Minh Đức, từng theo học chuyên ngành sĩ quan tuyên truyền, thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam, hiện đã giải ngũ và đang ở Sài Gòn, cho biết :
Theo tôi, ngoài nỗ lực tăng cường kiểm soát, họ muốn tuyên truyền trên không gian mạng càng nhiều càng tốt. Ngoài lực lượng 47, theo tôi, họ sử dụng thêm cái này để định hướng, dẫn dắt dư luận quần chúng. Trước đây tôi từng học chuyên ngành tuyên truyền, theo tôi đây là một thủ đoạn, biện pháp, để tuyên truyền, mị dân. Theo tôi đại đa số người dân, có thể vì miếng cơm manh áo họ không muốn lên tiếng, hay họ muốn an phận nên không biểu hiện ra thôi. Chứ còn niềm tin về chế độ này đã bị mai một nhiều, thậm chí ở một bộ phận dân chúng, gần như không còn, chỉ còn những người có quyền lợi, bổng lộc thì họ mới theo. Nên tôi nghĩ sẽ không thu hút người dân vào cái mạng này được.
Đến ngày 17 tháng Sáu 2019, báo chí trong nước đồng loạt đăng tải lại bài của ủy viên Bộ Chính Trị Võ Văn Thưởng vào lúc khai trương Hệ Thống Thông Tin Tuyên Giáo Trên Mạng tức VCNet :
Mở đầu bằng những viện dẫn về "Phong Trào Áo Vàng" đã gây khủng hoảng triền miên trong suốt thời gian qua ở nước Pháp, ông Võ Văn Thưởng lần lượt nêu thêm cũng như chú thích về những sự kiện thế giới mà ông cho là bị tác động bởi truyền thông xã hội. Ông gọi đó là các cuộc cách mạng màu hay các cuộc biểu tình bạo động, thí dụ Cách Mạng Nhung Nam Tư năm 2000, Cách Mạng Hoa Hồng ở Gruzia năm 2003, Cách Mạng Cam tại Ukraine năm 2004, Cách Mạng Hoa Tulipe năm 2005, Mùa Xuân Ả Rập ở Tunisia, Ai Cập năm 2010 lan tỏa sang Libya, Syria năm 2011, cho đến những biến động chính trị, xã hội gần đây tại Hy Lạp, Venezuela, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha , Áo, Pháp.
Ông Võ Văn Thưởng cho rằng chính truyền thông xã hội đã châm ngòi, thổi bùng những cuộc cách mạng màu ấy bằng kích động, tổ chức và thông tin, biến những hành động ban đầu là phong trào đường phố thành những vụ bạo động mà hệ quả là sự suy yếu nhanh chóng của các chế độ ở Đông Âu, Trung Đông, Bắc Phi, Mỹ La Tinh.
Truyền thông xã hội, tin giả đã trở thành từ khóa, trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, khiến người ta liên tưởng tới những cuộc xuống đường bạo động làm cả Châu Âu, và thế giới đứng ngồi không yên suốt thời gian qua. Tình trạng như vậy cũng xảy ra ở Hoa Kỳ với những cuộc biểu tình chiếm đóng phố Wall năm 2011 khiến các chính trị gia Mỹ đã nêu đích danh Facebook và Twitter là thủ phạm, là công cụ của bạo loạn.
Ông Võ Văn Thưởng chỉ trích truyền thông xã hội đã bộc lộ những tác động tiêu cực, ẩn chưa những nguy cơ phức tạp, khó lường, thậm chí có khả năng gây chia rẻ sâu sắc, kích động hận thù trong các cộng đồng xã hội, nhất là ở các quốc gia đa sắc tộc, tôn giáo.
Từ những cáo buộc như vậy, ông quay sang chỉ trích vai trò của truyền thông xã hội, nói rõ hơn là các trang mạng xã hội ở Việt Nam, sau hơn 20 năm Internet có mặt với trên 60 triệu người sử dụng.
Điểm mặt những tác nhân KOLs (Key Opinion Leader) và Influencers, gọi đây là những người có "thương hiệu" hoặc là "người bình thường" nhưng thông tin hay quan điểm đưa ra đã tạo sức hút và ảnh hưởng, lại còn được cư dân mạng khuếch tán , chia sẻ nhanh rộng trên mạng.
Những KOLs và Influencers đó bị ông Võ Văn Thưởng liệt vào tầng lớp những kẻ "lạm dụng chữ nghĩa", ảo tưởng "quyền lực bàn phím", có động cơ không trong sáng, nền tảng văn hóa thấp, bất mãn chế độ và thậm chí từng vi phạm pháp luật nhưng lại biết khơi gợi "những cảm xúc xấu xa".
Tóm lại, theo như trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng viết trong bài xã luận, truyền thông xã hội tốt thì ít mà xấu thì quá nhiều vì gieo rắc tư tưởng cực đoan, tạo bất đồng, xung đột trong nội bộ đảng và nhân dân.
Chưa hết, ông Võ Văn Thưởng còn viện dẫn và chú thích nguồn từ bài viết có tên Hiểm Họa Từ Mặt Trái của Internet, được phổ biến trong Cục Tuyên Huấn, Tổng Cục Chính Trị Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, Trung Tâm Thông Tin Khoa Học Quân Sự, Bộ Quốc Phòng, để chỉ trích rằng truyền thông xã hội là một dòng chảy thông tin, lạm dụng Internet và điện thoại di động để kích động và châm ngòi cho những cuộc xuống đường dẫn đến bạo loạn.
Biểu tượng khổng lồ được tạo ra với hình ảnh của người dùng Facebook trên toàn thế giới đặt tại Trung tâm dữ liệu Thụy Điển hôm 7/11/2013.AFP photo
Từ Sài Gòn, ông Phạm Chí Dũng trong tư cách nhà báo độc lập, nhận xét rằng đây là chiến thuật cũng như chiến lược đối phó với truyền thông xã hội mà ông gọi chung là mạng xã hội :
Đây có lẽ là một trong những bài hiếm hoi có hàm lượng thông tin và kỹ thuật tương đối sâu về mạng xã hội so với những bài trước đây. Bài viết dựa trên cơ sở tham khảo những tài liệu báo cáo của Bộ Thông Tin- Truyền Thông. Những báo cáo này có từ lúc có tân bộ trưởng Bộ Thông Tin- Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng là thiếu tướng từ bên quân đội chuyển sang.
Tuy nhiên bài viết thể hiện sự phiến diện, tức chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực của mạng xã hội, cụ thể là tin giả, mà không đề cập đến mặt tích cực của mạng xã hội là thông tin sự thật và phản biện sự thật mà mạng xã hội đã làm rất tốt trong nhiều năm qua. Bài viết cho thấy đảng cộng sản Việt Nam đã chính thức nhìn nhận mạng xã hội là một thế lực chính trị không thể bỏ qua, họ thật sự lo sợ về mạng xã hội.
Bài xã luận phản ảnh sự sợ hãi của đảng và Nhà Nước cộng sản đối với các mạng truyền thông xã hội không nằm trong tầm kiểm soát của họ, là nhận định của ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân Vận Trung Ương đảng cộng sản Việt Nam. Ông cũng là tác giả bài Tự Do Báo Chí : Nhu Cầu Hiện Đại Của Dân Tộc Việt Nam, đăng trên mạng Bauxite và mạng Tiếng Dân hôm 17 tháng Sáu :
Họ sợ cái cái minh bạch, cái thức tỉnh, cái hiểu biết và sợ sự thật được phơi bày. Họ đổ lỗi cho truyền thông xã hội, nói là gây ra tiêu cực, chống đối, bạo loạn… nhưng họ quên rằng ngay ông tổ sư của họ là ông Mác từng nói những vấn đề bức xúc, bất công, mâu thuẩn, bất cập và tiêu cực trong xã hội mà chính quyền gây ra đã tạo bất mãn bất bình trong xã hội.
Ông Võ Văn Thưởng không biết rằng Phong Trào Gilets Jaunes (Áo Vàng) bên Pháp xuất phát từ vấn đề đời sống, xã hội, sự phát triển, sự hài hòa, sự cân đối mà chính sách và chính phủ Pháp không giải quyết được. Cho nên dân Pháp mới dùng truyền thông xã hội để truyền cho nhau thông tin và giục giã nhau đứng đậy phản đối. Vì thế mà tổng thống Macron mới nói rằng từ những phản đối của xã hội thì ta hãy cùng nhau bình tĩnh và bàn thảo để tìm ra giải pháp.
Đó là thái độ khôn ngoan của một nhà cầm quyền có văn hóa, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai nhấn mạnh, so với phản ứng chê bai chỉ trích gay gắt từ phía lãnh đạo Việt Nam :
Cộng sản là luôn luôn đánh tráo khái niệm, họ đánh lừa dân, họ sợ hãi truyền thông xã hội, họ biết sức mạnh của truyền thông xã hội nó thức tĩnh lòng người, cho nên họ mới đổ riệt tội cho truyền thông xã hội như vậy.
Sau mọi cáo buộc được cho là liên tục và ào ạt ném vào các mạng truyền thông xã hội, bài xã luận của ông Võ Văn Thưởng liền nhắc đến Luật An Ninh Mạng có hiệu lực từ đầu 2019. Ông nói phải tích cực triển khai Luật An Ninh Mạng với các chế tài để mạnh để răn đe, xử lý những trang mạng có ý xuyên tạc, phát tán tin giả gây hại cho Nhà Nước.
Ông khẳng định các báo trong nước, mà ông gọi là báo chí cách mạng, phải phát huy vai trò chủ động, tiên phong, dẫn dắt, định hướng trong thông tin tích cực, phải khẳng định hơn nữa vai trò, vị thế của mình trong thời đại kỹ thuật số, rằng báo chí cách mạng vẫn là dòng thông tin chủ lưu, chất lượng, chính xác, kịp thời, khách quan, là bộ lọc đáng tin cậy về mọi vấn đề xã hội.
Ông Lê Phú Khải, phóng viên kỳ cựu Đài Tiếng Nói Việt Nam VOV, hiện đã về hưu, cho rằng bài xã luận với phần lớn nội dung công kích truyền thông xã hội cho thấy sự thất bại của truyền thông lề phải trước sự hiện diện của truyền thông xã hội :
Trước đây báo lề phải nói cái gì người dân đều nghe, nhưng bây giờ người ta thấy truyền thông xã hội đưa ra sự thật, tham ô, cướp đất cướp nhà của dân như thế, Luật Đất Đai của anh như thế người ta đưa ra rất rõ ràng, Nhà Nước không chối cãi được.
Một thí dụ cụ thể được nhà báo Lê Phú Khải kể tiếp :
Thành phố Hồ Chí Minh này nhân dân biểu tình một tháng rồi mà báo Tuổi Trẻ ở ngay bên cạnh không đưa tin nhưng mạng xã hội thì có. Sự thất bại của báo lề phải đã rõ ràng, in xong rồi cho không người ta cũng không đọc. Báo Nhân Dân, báo Quân Đội, báo Sài Gòn Giải Phóng để trên máy bay phát không cũng không ai lấy, giờ lại bày ra trò này trò khác. Tôi lấy một tờ báo Nhân Dân ngồi đọc, người ta nhìn tưởng tôi đến bốn mươi hay năm mươi tuổi đảng, chỉ có cái ông dở hơi này mới đọc báo Nhân Dân, thế thôi.
Vẫn theo lời ông, việc phải thành lập VCNet Hệ Thống Thông Tin Tuyên Giáo Trên Mạng Internet, kèm với bài xã luận của trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng trên các báo lề phải chẳng qua là biện pháp mà cũng là nỗ lực của đảng và Nhà Nước Việt Nam trong việc ngăn chặn các mạng xã hội mà người dân tin tưởng.
Việt Nam là một quốc gia có chính trị, xã hội ổ định và trên đà phát triển, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định, là câu kết của ông Võ Văn Thưởng.
Chính vì thế, ông viết tiếp, tạo lập môi trường thông tin, lành mạnh, an toàn trong đó truyền thông xã hội là một trong những nguồn lực thông tin quan trọng, góp phần tích cực, hiệu quả, bảo vệ, gìn giữ môi trường chính trị, xã hội ổn định, làm nền tảng cho đất nước phát triển bền vững.
Hơn lúc nào hết, cũng như nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, nhà báo Lê Phú Khải đoan quyết Việt Nam cần phải chấp nhận một mạng lưới thông tin tự do, thông thoáng, một nền báo chí độc lập không bị ràng buộc và không theo chỉ thị của bất cứ quyền lực nào :
Không thể chống lại qui luật, không thể chống lại những cải cách chính trị, nó là nhu cầu bức thiết, nhu cầu sống còn của xã hội nếu có tự do báo chí.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai thì nhân dịp này nhắc đến Ngày Báo Chí Việt Nam 21 tháng Sáu đang gần kề mà bao năm không có sự thay đổi :
Thế nào là nhu cầu của báo chí hiện nay ? Họ đang làm ngược lại mong ước của dân tộc, đang phản bội lại những nhu cầu văn minh hiện đại mà một dân tộc cần có để có thể sống tốt và phát triển tốt trong thời đại hiện nay.
Còn theo nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, cho dẫu cái nhìn và quan điểm của nhà nước và của đảng cộng sản về truyền thông xã hội như thế nào đi nữa thì cũng không có sức thuyết phục vì quá bảo thủ, quá lạc nhịp mà còn vi phạm quyền được thông tin, quyền thể hiện và tự do biểu đạt trong Công Ước Quốc Tế Về Chính Trị Và Quyền Dân Sự mà Việt Nam đã ký kết năm 1982.
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 18/06/2019
Ngày 19 tháng Sáu : Vì sao ‘đồng chí Nguyễn Phú Trọng bận công tác’ ?
Thường Sơn, VNTB, 19/06/2019
Sau khi đã vắng mặt một cách đầy nghi ngờ và nghi ngại trong trọn vẹn kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2019, ‘Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ Nguyễn Phú Trọng đã được một số tờ báo nhà nước đưa tin vào ngày 18/6/2019 như đinh đóng cột : "Ngày mai, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại Hà Nội".
Ngày 19 tháng Sáu : Vì sao ‘đồng chí Nguyễn Phú Trọng lại bận công tác’ trong ngày tiếp xúc cử tri tại Hà Nội ?
Nhưng hết buổi sáng 19/6 vẫn không có bất cứ thông tin nào về việc ông Trọng ‘tái xuất’ theo cách mà ông ta đã thình lình hiện ra vào đầu tháng 5 năm 2019 tại sự kiện ‘họp lãnh đạo chủ chốt’ với Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân và Nguyễn Văn Nên ; sau đó là ‘chủ trì họp Bộ Chính trị’ và chủ trì Hội nghị trung ương 10.
Đáng quan ngại hơn, toàn bộ các bản tin trên báo nhà nước về "Ngày mai, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại Hà Nội" đã bị bóc gỡ không còn vết tích nào. Hiện tượng này là rất tương đồng với hiện tượng ông Trọng ‘mất tích’ tại cuộc gặp cử tri Hà Nội vào đầu tháng 5 năm 2019 mà đã khiến cử tri Trần Viết Hoàn, được xem là một trong những "gà đảng" cứ mỗi khi diễn ra cuộc tiếp xúc cử tri của Đại biểu quốc hội Nguyễn Phú Trọng - tha thiết trông mong Tổng bí thư, Chủ tịch nước "hai tay gìn giữ môt sơn hà".
Thay cho tình trạng ‘vắng mặt không phép’ của Trọng ngày 19/6 là "Tổng bí thư, Chủ tịch nước xin phép vắng mặt tiếp xúc cử tri do bận công tác" và "Cử tri chúc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sức khỏe, xử lý nghiêm các vi phạm" - một cách rút tít của báo nhà nước, nhưng không hề nhấn mạnh ‘chúc/mong Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mau chóng hồi phục sức khỏe’ như trước đây.
Cần nhắc lại, tại kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2019, bệnh nhân Nguyễn Phú Trọng đã một lần nữa đánh đố dư luận về việc ông ta đã không thể tái hiện vào để ‘trình Quốc hội phê chuẩn Công ước 98’ vào ngày 29/5/2019.
Trám vào tình trạng trống vắng đáng nghi ngờ trên là "Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhận sự ủy nhiệm của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày tờ trình của Chủ tịch nước về việc gia nhập Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế".
Từ đó đến nay, đại biểu quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã không một lần được báo chí đưa tin và hình ảnh về việc tham dự kỳ họp quốc hội.
Hiện tượng trống vắng Nguyễn Phú Trọng trong nghị trường quốc hội khiến dư luận xã hội và giới quan sát một lần nữa dậy lên mối ‘lo lắng’ và tò mò về bệnh tình mà chắc còn khá lâu nữa mới hồi phục thật sự của ông ta.
Việc Trọng liên tiếp vắng mặt trong kỳ họp quốc hội rõ ràng không phải là kế sách ‘giả chết bắt quạ’ hay ý đồ nào na ná như thế, mà đang khiến dư luận trong xã hội và trong nội bộ đảng trở nên bất lợi đối với ông ta. Tình trạng này cũng khiến người ta hoài nghi về việc Trọng có thể thực hiện chuyến công du Mỹ một cách hoàn hảo.
Thời gian mà Nguyễn Phú Trọng phải kéo dài điều trị càng lâu thì càng rộ lên dư luận Trọng cố ý không chịu thông tin về cơn bạo bệnh của mình là nhằm dủy trì cái ghế "tổng tịch" và không chịu rút khỏi danh sách "cán bộ cấp chiến lược của Đại Hội 13".
Cũng đang hiện ra ngày càng rõ những dấu hiệu thách thức từ ngầm đến công khai đối với quyền lực của bệnh nhân Nguyễn Phú Trọng, trên mạng xã hội, trong giới quan chức cấp dưới và cả trong giới cách mạng lão thành.
Chẳng sớm thì muộn hơn đôi chút, sẽ xuất hiện những đòi hỏi trong nội bộ đảng về cần phải minh bạch hóa tin tức về Trọng, và chính Ban Bảo Vệ và Chăm Sóc Sức Khỏe Trung Ương là cơ quan phải làm nhiệm vụ này. Nếu Trọng không còn đủ tỉnh táo để "lèo lái con thuyền của đảng và dân tộc" thì phải bàn đến phương án "nước không thể một ngày thiếu vua".
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 19/06/2019
*******************
Thiếu minh bạch về thông tin ông Nguyễn Phú Trọng
Diễm Thi, RFA, 19/06/2019
Vào ngày 18/6/2019 báo chí trong nước loan tin ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp xúc cử tri Quận Hoàn Kiếm vào ngày 19/6/2019. Tủy nhiên sau khi tin vừa loan chẳng bao lâu thì bị gỡ xuống. Đến ngày hôm sau truyền thông Nhà nước loan tin ông Trọng "bận công tác" nên không thể tham dự cuộc tiếp xúc cử tri thành phố Hà Nội như đã thông báo.
Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội vào ngày 9 tháng 4 năm 2019. AFP
Thiếu tính chuyên nghiệp
Đây không phải là lần đầu tiên báo chí trong nước đưa tin về việc ông Trọng trở lại làm việc, kể từ sau ngày 14/4/2019 lúc ông Trọng được cho là bị đột qủy trong chuyến công tác tại Kiên Giang.
Hồi tháng 5/2019, truyền thông trong nước loan tin ông Nguyễn Phú Trọng sẽ ra trước Quốc hội đọc tờ trình tham gia Công ước 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế -ILO vào ngày 29 tháng 5 ; tủy nhiên đến thời điểm đó, ông Trọng không xuất hiện mà người đọc tờ trình là bà phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.
Chuyện báo chí chính thống đưa những bản tin rồi lại rút xuống hoặc những bản tin phải đưa lại như vậy khiến dư luận xã hội thắc mắc và có những sủy đoán khác nhau.
"Tôi nghĩ rằng chuyện mà người ta bảo rằng Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng sẽ gặp mặt cử tri Hà Nội thì chắc ông nào muốn chọc cho Trọng một cú vì ai cũng thừa biết là chuyện đó không xảy ra, nhưng người ta cứ đưa tin để chọc ngoáy nhau thì tôi nghĩ rằng trong lúc đang chuẩn bị cho đại hội đảng sắp tới thì phe này tố phe kia đánh phe nọ là chuyện bình thường".
Nhà báo Tôn Phi giải thích qủy trình loan một bản tin liên quan đến một nhân vật quan trọng như ông Nguyễn Phú Trọng :
"Thường thường một người như ông Trọng chuẩn bị đi làm việc ở đâu đó thì kế hoạch làm việc sẽ được báo trước cho nơi tổ chức hội họp hay nơi tiếp xúc cử tri. Những nơi này sẽ nhận được một giấy báo ngày, giờ sẽ có đoàn của trung ương xuống, có bác Tổng xuống làm việc. Họ chỉ biết tới đó và họ sẽ loan tin, rồi tin này sẽ được đưa lên truyền thông".
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nhận xét rằng truyền thông, báo chí nhà nước đã phạm những sai lầm không thể tha thứ, nhất là trong thời điểm hiện nay khi đưa tin về ông Nguyễn Phú Trọng như thế. Ông giải thích :
"Thứ nhất là vừa rồi ông Võ Văn thưởng vừa có bài viết rất dài rằng mạng xã hội không đáng tin cậy mà chỉ có báo chí nhà nước mới đáng tin cậy. Trong khi đó thì tin tức họ đưa lên, rút xuống rồi cải chính. Điều đó vô hình chung họ cho người dân thấy rằng mạng xã hội đáng tin cậy hơn.
Sai lầm thứ hai là họ nói ông Trọng "bận công tác". Điều này không thuyết phục người dân vì ông Trọng là Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước, bất cứ công tác gì đều có lịch trình và có sự sắp đặt sẵn hết nên điều này lại vô hình chung xác nhận ông Trọng có vấn đề về sức khỏe.
Sai lầm thứ ba là họ hiểu lầm truyền thông là kỹ thuật. Thực chất truyền thông là nghệ thuật, và làm nghệ thuật thì phải có năng khiếu.
Sai lầm thứ tư là giới truyền thông, báo chí ở Việt Nam tự bộc lộ ra rằng họ hoàn toàn mù thông tin về sức khỏe của ông Trọng".
Ông Nguyễn Ngọc Già cho rằng cần phải xử lý hai lãnh đạo trong ngành truyền thông, báo chí trong nước, đó là Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng và Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trong bối cảnh ông Thưởng vừa viết một bài rất dài bôi xấu mạng xã hội là các thế lực âm binh hắc ám; Ông Hùng thì vừa mới trao quyết định Tổng Biên tập Vietnamnet cho ông Phạm Anh Tuấn và ‘dặn dò’ báo cũng cần đi đầu một cách thông minh, truyền tải thông điệp đất nước một cách hiện đại.
Có đấu đá nội bộ ?
Theo ghi nhận của RFA qua các trang mạng xã hội thì nhiều người dân cho rằng việc báo chí nhà nước đưa tin rồi lấy xuống là chuyện thường xảy ra, nhất là những bài báo ‘nhạy cảm’ về kinh tế, xã hội, chính trị vì báo chí là công cụ tuyên truyền của đảng nên phải đưa tin phục vụ cho đảng.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động xã hội dân sự từ Hà Nội nêu sủy nghĩ của mình :
"Tôi nghĩ rằng chuyện mà người ta bảo rằng Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng sẽ gặp mặt cử tri Hà Nội thì chắc ông nào muốn chọc cho Trọng một cú vì ai cũng thừa biết là chuyện đó không xảy ra, nhưng người ta cứ đưa tin để chọc ngoáy nhau thì tôi nghĩ rằng trong lúc đang chuẩn bị cho đại hội đảng sắp tới thì phe này tố phe kia đánh phe nọ là chuyện bình thường".
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già tin rằng việc đưa tin mà theo ông là ‘vặt vẹo’ và thiếu hẳn tính chuyên nghiệp như vậy vừa có sự cố tình vừa có sự vô tình :
"Cố tình là phe đang chống đối ông Trọng đang bày ra một hình ảnh chệch choạc, yếu kém, phi chuyên nghiệp như vậy trong vấn đề chính trị. Vô tình (nếu có thể nói như vậy) là họ hoàn toàn mù thông tin và tình trạng sức khỏe của ông Trọng bị bưng bít toàn bộ".
Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước được Quốc hội chính thức thông qua hôm 15/11/2018, qủy định thông tin cá nhân và bảo vệ sức khỏe lãnh đạo đảng, Nhà nước thuộc bí mật nhà nước.
Việc ‘đột quỵ’ và tình hình sức khỏe của ông Trọng từng khiến dư luận quan ngại công cuộc chống tham nhũng do ông phát động lâu nay sẽ bị tác động bất lợi. Nhiều sủy đoán cũng cho rằng tình trạng bệnh tật của ông Nguyễn Phú Trọng khiến các phe phái khác trong đảng nổi dậy.
Nhà báo Tôn Phi có nhận định liên quan :
"Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam họ cũng đã thấy kinh nghiệm của những nhà nước theo chủ nghĩa Marx nên họ tản quyền lực ra, không tập trung vào một người. Nếu người này ốm thì có người khác thay. Họ đã tính hết cả rồi cho nên chuyện ốm đau, sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng không ảnh hưởng đến việc tranh giành đấu đá, tranh quyền tranh chức bằng việc khủng hoảng niểm tin, khủng hoảng chân lý trong hệ thống từ trên xuống dưới của mấy triệu đảng viên".
Hệ thống chính trị của Việt Nam thiếu minh bạch, ngay cả đến sức khỏe của lãnh đạo. Đây là một điểm yếu mà những người cổ xủy cho dân chủ nhân quyền luôn đề nghị phải thay đổi.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 19/06/2019
*******************
Ông Trọng ‘xin vắng mặt’, tiếp tục gây đồn đoán về tình hình sức khỏe
VOA, 19/06/2019
Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã không đến dự buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội sáng ngày 19/6 như dự kiến, làm những đồn đoán về tình hình sức khỏe của người đứng đầu nhà nước Việt Nam lại tiếp tục nổi lên trong dư luận.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình và quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, hôm 8/10/2018. Ông Trọng đã không xuất hiện tại một buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội hôm 19/6. (Ảnh TTXVN - chụp màn hình Tuyengiao.vn)
Truyền thông trong nước cho biết ông Trọng "do bận công tác nên xin phép không dự cuộc tiếp xúc cử tri sáng nay" theo như lời của Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc quận Hoàn Kiếm Lê Hồng Phú nói.
Trước đó một ngày, 1 số trang mạng trong nước gồm VTC, Infonet và MSN cho biết "Ngày mai (19/6) Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp xúc cử tri tại Hà Nội". Tủy nhiên những bản tin này dường như đã bị xóa vì chúng tôi không thể trủy cập được vào ngày 19/6. Chỉ có bản tin của Sputnik ra hôm 18/6, trong đó cho biết ông Trọng "sẽ tiếp xúc cử tri tại các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm" trích nguồn từ Infonet, thì vẫn còn trủy cập được.
Sự vắng mặt liên tục của ông Trọng trong hai tháng qua đã gây ra nhiều chú ý và đồn đoán về tình hình sức khỏe của người hiện đang kiêm nhiệm hai chức vụ cao nhất của Việt Nam.
Trong khi có những tin đồn rằng ông Trọng bị "đột quỵ" và bị đưa đi cấp cứu tại bệnh viện trong thời gian thăm và làm việc ở tỉnh Kiên Giang hồi giữa tháng 4 thì truyền thông chính thống không đăng tải bất cứ thông tin gì về việc này. Sau đó hai tuần, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã phải lên tiếng trong một cuộc họp báo ở Hà Nội khi bị đặt câu hỏi về những đồn đoán đó. Bà Hằng cho biết "do cường độ làm việc cao, thời tiết thay đổi đã ảnh hưởng đến sức khỏe của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng".
Ông Trọng bất ngờ xuất hiện trở lại trong một buổi họp giữa các lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam vào ngày 14/5 và sau đó 2 ngày tại buổi khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 hôm 16/5. Tủy nhiên, ông Trọng lại tiếp tục vắng bóng, nhất là trong ngày trình Quốc hội phê chuẩn Công ước 98 hôm 29/5, mà báo chí trước đó đưa tin rằng ông sẽ là người trực tiếp trình lên Quốc hội.
Ngày 6/6, truyền thông trong nước cho biết tổng bí thư-chủ tịch nước chỉ đạo công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp hướng tới Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam qua một văn bản chứ không xuất hiện trước công chúng.
Ông Trọng, 75 tuổi, được coi là "kiến trúc sư" của chiến dịch chống tham nhũng, trong đó hàng chục quan chức cấp cao và lãnh đạo các ngành dầu khí, ngân hàng và công an đã bị đưa ra xét xử với những bản án nhiều năm trong tù.
Theo VietNamNet, một cử tri phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, đã chúc TBT-CTN Trọng "luôn mạnh khỏe để tiếp tục lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân giành nhiều thắng lợi hơn nữa" tại buổi họp hôm 19/6.
https://youtu.be/18SVJ-HA6MA?list=PL231429C17BE39E34
*****************
Ông Nguyễn Phú Trọng không gặp mặt cử tri vì bận công tác
RFA, 19/06/2019
Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng không thể tham dự cuộc tiếp xúc cử tri thành phố Hà Nội vào sáng 19/6/2019 do "bận công tác".
Hình minh họa. Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ở Phnom Penh, Campuchia hôm 26/2/2019 - AFP
Thông tin này được báo điện tử Vietnamnet dẫn lời Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Hoàn Kiếm Lê Hồng Phú cho hay, tủy nhiên không nói rõ ông Trọng bận công tác gì hay tình hình sức khỏe như thế nào.
Vào ngày 18 tháng 9 báo chí trong nước loan tin, ông Nguyễn Phú Trọng cùng hai Đại biểu quốc hội thành phố Hà Nội là Nguyễn Hồng Thái và Đào Tú Hoa sẽ tiếp xúc cử tri Quận Hoàn Kiếm vào ngày 19/6.
Lịch trình cũng cho biết, trong buổi chiều sẽ diễn ra cuộc tiếp xúc cử tri giữa ông Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu quốc hội với cử tri quận Ba Đình và Tây Hồ.
Tủy nhiên ngay sau đó những bài báo loan tin vừa nêu đều bị gỡ xuống.
Lần gần nhất ông Trọng xuất hiện trở lại trên truyền thông là hôm 18/5/2019 khi phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương Đảng cộng sản 10 khóa 12.
Chỉ 4 ngày trước đó, ông Nguyễn Phú Trọng tổ chức cuộc gặp với các lãnh đạo chủ chốt sau 1 tháng vắng mặt vì có vấn đề về sức khỏe.
Những hình ảnh chụp sau đó cho thấy ông ngồi trên ghế và phải có dây đai choàng qua phần bụng.
Báo chí nhà nước khi đăng lại những hình ảnh này đã dùng phần mềm chỉnh sửa ảnh xóa dây đai hoặc chỉ đưa phần phía trên của ông Trọng.
Sau đó truyền thông trong nước loan tin ông Nguyễn Phú Trọng sẽ đọc tờ trình tham gia Công ước 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế -ILO vào ngày 29 tháng 5 ; tủy nhiên đến thời điểm đó, ông Trọng không xuất hiện mà người đọc tờ trình là bà phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.
Tổng bí thư Trọng 'xin vắng mặt' không tiếp xúc cử tri vì bận công tác
BBC, 19/06/2019
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không có mặt tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội sáng 19/6 như nhiều báo Việt Nam đưa tin trước đó.
Ông Trọng xuất hiện khá thất thường suốt hai tháng qua kể từ khi có tin ông nhập viện hôm 14/4
Theo Vietnamnet, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Hoàn Kiếm Lê Hồng Phú cho biết, ông Trọng "do bận công tác nên xin phép không dự cuộc tiếp xúc cử tri sáng nay".
Trước đó, theo một bài báo của VTC, ông Trọng dự kiến cùng hai đại biểu khác là Nguyễn Hồng Thái và Đào Tú Hoa sẽ tiếp xúc cử tri ở quận Hoàn Kiếm tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận Hoàn Kiếm.
Tủy nhiên bài báo này đã bị xóa sau đó.
Theo lịch tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu quốc hội thành phố Hà Nội, các đại biểu quốc hội trong Đoàn sẽ tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV từ 18/6 đến 5/7/2019.
Như vậy ông Trọng đã 'vắng mặt' đúng một tháng, kể từ lần cuối ông Trọng chính thức xuất hiện trên báo chí hôm 19/5, khi bế mạc Hội nghị Trung ương 10, Tuổi Trẻ khi đó có bài viết phát biểu của ông, kèm theo hình ảnh của Thông Tấn Xã.
Còn lần cuối ông xuất hiện trên truyền hình là hôm 16/5 khi ông phát biểu khai mạc Hội nghị.
Hôm 29/5, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đáng lẽ sẽ là người trình bày Tờ trình về việc Việt Nam gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Nhưng hôm đó bà Đặng Thị Ngọc Thịnh lại "nhận được sự ủy nhiệm" để đọc tờ trình do ông Trọng ký trước Quốc hội.
Sự xuất hiện của ông Trọng khá thất thường kể từ khi tin cho hay ông phải nhập viện trong lúc thăm Kiên Giang hồi 14/4.
Thường trực Ban bí thư, ông Trần Quốc Vượng và Phó Chủ tịch Đặng Thị Ngọc Thịnh thường xuyên thay thế ông thực hiện các hoạt động thuộc trách nhiệm của Tổng bí Thư và Chủ tịch nước.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (trái) thay thế ông Trọng trình bày Tờ trình về việc Việt Nam gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) hôm 29/5
Các nhân vật thay mặt hoặc hỗ trợ công việc
Đến ngày 21/5, Thường trực Ban bí thư, ông Trần Quốc Vượng thay thế ông Trọng chủ trì một cuộc họp về phòng chống tham nhũng.
Hôm 29/5, ông Vượng tiếp tục ra mặt đón tiếp Chủ tịch Quốc hội Campuchia và "chuyển lời thăm hỏi, lời chúc mừng của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới các nhà lãnh đạo Campuchia".
Trước đó hồi tháng Ba, chính ông Trọng đã ra tiếp đón Chủ tịch Quốc hội Lào.
Nhưng trong nửa sau tháng 4 và sang tháng 5, đài báo VN chỉ nói ông gửi điện thư giao lưu với lãnh đạo các nước mà không đăng hình xuất hiện ở đâu.
Cũng trong ngày 29/5, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã tiếp đón ông Paul de Jersey, thống đốc bang Queensland của Úc.
Lịch làm việc của bà Đặng Thị Ngọc Thịnh tại Phủ Chủ tịch có vẻ khá bận rộn, vì cũng trong ngày 29/05, tại trụ sở này bà đã "tiếp đoàn đại biểu nữ là bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến" thời kỳ kháng chiến.
Trước đó, hôm 23/05, cũng tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tiếp Đoàn đại biểu chức sắc tôn giáo tỉnh Ninh Bình, theo báo Việt Nam.
Theo Hiến pháp Việt Nam, điều 88, khoản 6, một trong những nhiệm vụ của Chủ tịch nước là "trình Quốc hội phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế qủy định tại khoản 14 Điều 70" và "quyết định phê chuẩn, gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế khác nhân danh Nhà nước".
Điều 92: Phó Chủ tịch nước giúp Chủ tịch nước thực hiện nhiệm vụ và có thể được Chủ tịch nước ủy nhiệm thay Chủ tịch nước thực hiện một số nhiệm vụ.
Điều 93 Khi Chủ tịch nước không làm việc được trong thời gian dài thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước. Trong trường hợp khuyết Chủ tịch nước thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới.
Hong Kong : Sự kỳ diệu của con số hai triệu
Mặc Lâm, VOA, 20/06/2019
Hai triệu người biểu tình tại Hongkong là kết quả của một phép thử mà Bắc Kinh tạo ra nhằm khủng bố những người sống ở Hongkong nhưng xem thường sức mạnh của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Joshua Wong diễn thuyết với người biểu tình bên ngoài cơ quan lập pháp Hong Kong hôm 17 tháng Sáu.
Lam Wing Kee, người sáng lập hiệu sách Causeway Bay Bookstore ở Hongkong đã bị bắt cóc và giam giữ ở Trung Quốc năm 2015 vì bán sách chỉ trích các nhà lãnh đạo Trung Quốc và bị buộc tội "điều hành một hiệu sách bất hợp pháp". Causeway Bay Bookstore là hiệu sách nổi tiếng của Hongkong chuyên bán các loại sách chính trị mà đối với chính quyền Trung Quốc thuộc loại nhạy cảm và phản động. Tuy nhiên hiệu sách lại thu hút một số rất lớn du khách đến từ Trung Quốc, họ tìm đến đây để mua những cuốn sách "nhạy cảm" ấy và kết quả là các thành viên của nhà sách bị chính quyền Trung Quốc truy đuổi khắp nơi.
Nhà báo Trung Quốc có quốc tịch Thụy Ðiển Gui Minhai và bốn đồng nghiệp có liên hệ với tiệm sách Causeway Bay Bookstore, kể cả tổng biên tập Lee Bo, người có quốc tịch Anh đã đột ngột mất tích rồi sau đó xuất hiện trở lại sau khi ông Lam Wing Kee trốn về Đài Loan. Các vụ bắt cóc này khiến ông Andrei Chang, chủ tạp chí quốc phòng Kanwa Asian Defense, tạp chí hàng đầu viết về nền quốc phòng của Trung Quốc quyết định sang sống ở Tokyo trong khi vẫn tiếp tục xuất bản tạp chí của ông từ Hongkong.
Nhà sách Causeway Bay Bookstore được bảo vệ theo Luật cơ bản Điều 27 về quyền tự do ngôn luận của cư dân Hongkong vì vậy mặc dù Trung Quốc rất cay cú vẫn không làm gì được nó chỉ có cách bắt cóc các thành viên điều hành nó hầu ngăn chặn làn sóng người Trung Quốc bị "đầu độc" vì các quyền sách do hiệu này bán ra.
Mặc dù Hong Kong đã ký kết các thỏa thuận dẫn độ với nhiều quốc gia, bao gồm cả Anh và Mỹ, nhưng không có thỏa thuận nào như vậy đạt được với Trung Quốc đại lục. Sau hơn hai thập niên Trung Quốc gây áp lực với Hongkong bằng mọi cách nhưng thỏa thuận dẫn độ vẫn bất thành nhất là câu chuyện của Causeway Bay Bookstore vẫn ám ảnh người Hongkong cho tới nay khiến đề nghị của bà Carrie Lam Trưởng đặc khu Hong Kong, người đề nghị luật dẫn độ với Trung Quốc trở thành thùng thuốc súng với hai triệu mồi lửa thắp sáng niềm kiêu hãnh Hongkong trong mấy ngày vừa qua.
Hai triệu người là gần 1/3 dân số Hongkong xuống đường tuần hành gây ấn tượng mạnh không những cho phương Tây mà những quốc gia lân cận, trong đó có Việt Nam, cũng không khỏi ngỡ ngàng. Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới chứng kiến một cuộc biểu tình ngoạn mục và kỳ lạ chưa từng xảy ra bất cứ nơi nào trên thế giới.
Hai triệu con người không được tổ chức bởi một hội nhóm nào nhưng thành thục gần như một cuộc ra quân sau nhiều ngày tổng dợt. Không có bạo loạn, ồn ào, mất trật tự đã đành, đám dông hai triệu người ấy như một tập thể có chung ý chí duy nhất và từng bước đi hay những cánh tay đưa lên đều giống nhau đến bất ngờ.
Một tập hợp hai triệu con người nhưng sẵn sàng dạt ra hai bên đường cho một chiếc xe cứu thương đi ngang để rồi sau đó tụ họp trở lại như cũ. Hình ảnh đẹp đẽ này cho thấy người dân Hongkong đã trưởng thành từ rất lâu về ý thức trách nhiệm công dân của một quốc gia dân chủ. Nó rất khác xa hình ảnh mà Bá Dương đã viết về "người trung hoa xấu xí" trước đây. Người dân Hongkong không những biết tranh đấu cho quyền lợi của mình mà trong sự tranh đấu ấy tiềm tàng tố chất văn minh thật sự dù trong cơn nóng giận vẫn biết kềm chế để nhường đường cho một chiếc xe chở người cần chữa trị.
Tập Cận Bình chắc không bao giờ ngờ phản ứng của người Hongkong như mấy ngày vừa qua. Ông ta ngủ quên trên chiến thắng khi Joshua Wong, thủ lĩnh sinh viên và là bộ mặt của phong trào Dù vàng biểu tình năm 2014 ở Hong Kong, bị tống giam vì tội phá hoại của công. Joshua Wong được trả tự do ngày 17/6, được thả sớm một tháng, là mồi lửa tiếp tục châm vào sức nóng của người dân Hongkong và nhanh chóng trở thành sức mạnh cho giới trẻ và gây khó khăn thêm cho nhà cầm quyền đặc khu.
Các cuộc biểu tình năm 2014 đã diễn ra trong nhiều tuần lễ và khi đó người dân Hongkong chủ yếu là sinh viên trong phong trào Dù vàng yêu cầu được quyền bầu lãnh đạo của chính họ. Nhưng phong trào đã bị xẹp xuống mà không có bất kỳ sự nhượng bộ nào từ Bắc Kinh.
Hai triệu người Hongkong hôm nay đã học được rất nhiều bài học từ thất bại của phong trào Dù vàng vì vậy họ đã thay đổi chiến thuật, không có bất cứ lãnh tụ, hội nhóm nào đứng phía sau một cách công khai do đó con rắn không đầu ấy không bị chính quyền Hongkong tìm chặt. Mặc dù Bắc kinh vốn nổi tiếng về chống biểu tình nhưng câu chuyện Thiên An Môn không thể áp dụng cho Hongkong, vì nó đang trong tầm ngắm của nhiều quốc gia tiến bộ, và quan trọng nhất : người Hongkong biết mình là ai và cộng sản Trung Quốc nguy hiểm tới mức nào.
Và hơn ai hết người dân Hongkong cảm thấy lo sợ cho số phận của mình bắt đầu từ thâm ý của luật dẫn độ để rồi sau đó khi hòn đảo bé nhỏ này thực sự trở thành vật sở hữu của Bắc Kinh thì những con người từng thụ hưởng tự do sẽ chính thức bị còng tay bằng hàng ngàn chiếc còng có nhiều tên gọi khác nhau.
Khi sắp mất thì người ta sợ hãi và tranh đấu. Khi không còn gì để mất người ta an tâm ngủ yên trong ngôi nhà chung mà chiếc cửa ra vào được Đảng ngày đêm canh phòng cẩn mật.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 20/06/2019
*******************
Thủ lĩnh biểu tình Hong Kong muốn truyền cảm hứng cho người Việt
Viễn Đông, VOA, 19/06/2019
Nhà hoạt động trẻ tuổi Joshua Wong, thủ lĩnh phong trào biểu tình ở Hong Kong, hôm 19/6 nói với VOA tiếng Việt rằng anh hy vọng "sự quyết tâm" của nhân dân thành phố nơi anh sinh sống sẽ "truyền cảm hứng" cho người dân Việt Nam.
Nhà hoạt động Joshua Wong phát biểu bên ngoài cơ quan lập pháp Hong Kong hôm 17/6 sau khi mãn hạn tù.
Sau khi ra tù đầu tuần này, anh Wong đã tham gia ngay vào các cuộc biểu tình rầm rộ chống Dự luật Dẫn độ đồng thời kêu gọi Trưởng đặc khu Hong Kong, bà Carrie Lam, phải từ chức.
"Đây không phải là lúc để người dân sợ hãi mà đã đến lúc chính quyền phải lo sợ người dân. Với sự can đảm và quyết tâm của chúng ta, ngay chính chế độ độc đoán cũng cần phải học cách tôn trọng chúng ta", thanh niên 22 tuổi nói, khi được hỏi về thông điệp muốn gửi tới người dân Việt Nam.
Trong khi chính quyền Hong Kong cho rằng dự luật gây tranh cãi sẽ "bịt lại lỗ hổng" để thành phố này không trở thành bến đỗ an toàn cho các tội phạm.
Tuy nhiên, những người phản đối lại cho rằng người dân tại cựu thuộc địa của Anh sẽ phải đối mặt với hệ thống tư pháp nhiều lỗ hổng của Trung Quốc và dự luật sẽ dẫn tới xói mòn thêm nữa sự độc lập tư pháp của Hong Kong, vốn được trao trả cho chính quyền đông dân nhất thế giới năm 1997.
Joshua Wong ra tù hôm 17/6 và tham gia ngay vào các cuộc biểu tình.
"Dù phải đối mặt với việc Bắc Kinh đàn áp nhân quyền ở Hong Kong, chúng tôi đã cố gắng hết sức để thể hiện tinh thần và tiếng nói khác biệt", anh Wong cho biết. "Hong Kong được quốc tế coi là trung tâm tài chính, nhưng nay biến thành trung tâm biểu tình. Đó là lý do vì sao tôi nghĩ rằng đã đến lúc Bắc Kinh phải tôn trọng người dân Hong Kong".
Nhà hoạt động này nói thêm rằng người dân Hong Kong sẽ "tiếp tục đấu tranh" cho tới khi nào giành được các cuộc bầu cử tự do ở Hong Kong, chứ không chỉ xuống đường để đòi hủy bỏ Dự luật Dẫn độ và trưởng đặc khu Lam phải từ chức.
Anh Wong nói : "Không ai có thể tưởng tượng được là hơn một triệu người Hong Kong tham gia cuộc tuần hành, nhưng chúng tôi đã làm được. Cuộc tuần hành ôn hòa có sự tham gia của cả người già lẫn trẻ em. Nó thể hiện sức mạnh của nhân dân. Thật nực cười khi chính quyền Hong Kong coi người biểu tình là những kẻ gây bạo loạn. Chúng tôi kêu gọi họ không truy tố và bắt người thêm nữa".
Thông tin và hình ảnh các cuộc xuống đường rầm rộ để phản đối dự luật dẫn độ ở Hong Kong mấy ngày qua đã được nhiều người sử dụng Facebook ở Việt Nam chia sẻ và bàn luận.
Đăng kèm bức ảnh từng gặp anh Wong trước đây, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn viết rằng việc thủ lĩnh biểu tình ra tù "tiếp thêm sức mạnh cho triệu người Hong Kong đang tranh đấu chống lại không chỉ Dự luật Dẫn độ mà còn là cuồng vọng của Bắc Kinh muốn người Hương Cảng phải sống theo lối Đại Lục".
"Đã có thêm triệu Joshua Wong, triệu Agnes Chow, triệu Nathan Law khác của một phong trào đầy biến ảo linh hoạt, vừa tập trung vừa phân tán khiến Bắc Kinh không dễ dàng đè bẹp được nếu chỉ bằng phương pháp quen thuộc là tấn công thiểu số lãnh đạo phong trào", anh Tuấn nhận xét về tác động của các nhà hoạt động nổi bật khởi xướng phong trào biểu tình "Dù vàng" nhiều năm trước.
"Cảm ơn vì niềm cảm hứng các bạn mang đến, không chỉ lan tỏa trong lòng Hong Kong mà còn đang truyền đến nhiều nơi khác nữa".
Người biểu tình nhường đường cho xe cứu thương.
Trong khi nhiều tờ báo ở trong nước cũng đăng tải tin tức từ Hong Kong với những hàng tít như "Tương lai chính trị mù mịt của trưởng đặc khu Hong Kong" hay "Dự luật dẫn độ đẩy Hong Kong vào thế bế tắc", phóng viên VOA tiếng Việt không thể tìm thấy thông tin về việc người dân thành phố trực thuộc Trung Quốc xuống đường trên trang web của tờ Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Một số trang báo đề cập tới việc người biểu tình "thức trắng đêm" để dọn rác, coi đó là "hành động đẹp khiến thế giới ngưỡng mộ", hay chuyện "biển người biểu tình Hong Kong nhường lối cho xe cứu thương".
Trên Facebook, luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu viết : "Cần khoảng 10 giây để mỗi người bước sang một bên nhường đường. Nhưng như bạn mình nói, cần 100 năm để có được 10 giây đó. Trong 100 năm, họ học, họ thực hành, họ đánh đổi. Vì họ yêu quê hương, yêu thành phố của họ".
"Rồi sẽ sớm đến ngày Việt Nam có được 10 giây như thế. Mình tin như vậy", luật sư nghiên cứu về quyền con người, cải cách tư pháp và hiến pháp nói từ Thành phố Hồ Chí Minh.
Viễn Đông
Nguồn : VOA, 19/06/2019
*****************
Con nhà người ta & Con cháu nước mình
Tưởng Năng Tiến, RFA, 18/06/2019
Một đất nước chỉ "được phép" vun trồng chanh thôi thì dễ gì mà tìm được những quả cam.
Tưởng Năng Tiến
Một đất nước chỉ "được phép" vun trồng chanh thôi thì dễ gì mà tìm được những quả cam.
Vài tiếng đồng hồ sau, sau khi Joshua Wong (Hoàng Chi Phong 黃之鋒) ra tù – vào hôm 17 tháng 6 năm 2019 – cô giáo Thảo Dân đã gửi đến cộng đồng mạng một stt ngắn : "Con Nhà Người Ta". Xin được ghi lại đôi ba đoạn chính :
Hoàng Chi Phong ra tù với một chồng sách trên tay, gương mặt tự tin ngời sáng. Tôi tin, những tù nhân lương tâm trẻ tuổi của chúng ta, nếu không bị tước đoạt quyền được đọc sách báo trong tù, thì khi được trả tự do, họ cũng như vậy…
Hoàng Chi Phong ra tù. Hàng loạt hãng thông tấn quây quanh anh phỏng vấn. Những câu trả lời của anh đầy trí tuệ, nhiệt huyết và dũng cảm. Tôi tin, nếu những tù nhân lương tâm trẻ tuổi của chúng ta được phép tự do tiếp xúc báo chí, họ cũng thể hiện khí chất không kém.
Nhưng. Họ không được thể hiện những gì mà Hoàng Chi Phong thể hiện. Vì sao, ai cũng biết câu trả lời.
Bởi vậy. Tôi rất ghét nghe những lời bình luận : Bao giờ Việt Nam mới được như Hong Kong, người ta đã tự do bao nhiêu năm, còn mình thì thế này thế kia. Thế hệ trẻ nước người ta như thế, chứ bọn trẻ Việt Nam thì chỉ biết điên rồ vì một trận cầu hoặc yêu đương vớ vẩn. Ở Hong Kong mới thế chứ Việt Nam thì có mà mơ...
Tôi hỏi, Các anh chị đã làm gì để tuổi trẻ đất nước này thay đổi ? Có dám chia sẻ, bàn luận với chính anh em, con cháu mình về những gì đã và đang xảy ra trước mắt hay chỉ muốn con người ta đổ máu còn con mình hưởng bình an ? …
Nhưng hãy nhớ cho, tụi nhỏ bị nhồi sọ cho tới tê liệt khả năng phản kháng, từ mẫu giáo đã phải hưởng một nền giáo dục đóng khuôn tư duy, bắt học tập gương ông này ông nọ, hoàn toàn không được tự do phát triển như "con người ta". Bởi vậy, ca ngợi tuổi trẻ Hong Kong thì tốt rồi, nhưng học được như "bố mẹ người ta" đi đã rồi hãy buông lời thất vọng.
Cô giáo Thảo Dân khiến tôi thốt nhớ đến đôi ba nhà giáo mà mình có quen, hoặc biết :
Nguyễn Chí Thiện (1939 - 2012). Sau khi nhà thơ qua đời, nhà phê bình văn học Thụy Khuê đã ghi lại vài dòng về tiểu sử của ông :
Năm 1960, ở tuổi 21, vì trót giảng cho học trò đúng sự thật về một đoạn lịch sử thế chiến thứ hai, Nguyễn Chí Thiện phạm tội "phản tuyên truyền", bị kết án hai năm, nhưng phải tù 3 năm rưỡi, cho đến 1964. Năm 1966, bị tình nghi làm thơ chống chế độ, lại bị bắt, bị tù 11 năm, 1977 được thả. Năm 1979 đến tòa đại sứ Anh gửi hay "ném" tập thơ Hoa địa ngục, bị bắt tức khắc. Bị tù 12 năm, đến 1991. Trước sau tổng cộng 27 năm.
Về "sự cố" này ("trót giảng cho học trò đúng sự thật") có hôm tôi cũng được nghe Nguyễn Chí Thiện nói thêm – đôi câu – khi ông vui miệng : "Mình đi dậy thế cho người bạn vài buổi, chứ có phải là thầy giáo đâu. Tiện dịp thì cũng giải thích cho học sinh biết rằng Nhật đầu hàng trong cuộc Thế Chiến vừa qua là vì hai quả bom nguyên tử của Mỹ thả xuống Nagasaki và Hiroshima, chứ không phải vì thua trận với Nga. Vậy mà hồi 61 bị đi tù vì tội phản tuyên truyền".
Đúng sáu mươi năm sau thì đến lượt nhà giáo Nguyễn Năng Tĩnh vào tù. Bản tin của BBC ("Thầy giáo dạy trò bài hát ‘Trả lại cho dân’ bị khởi tố") đọc được hôm 31 tháng 5, có đoạn như sau :
Sau tin ông Tĩnh bị bắt, mạng xã hội lan truyền video ông Tĩnh dạy học sinh hát bài "Trả lại cho dân", một trong những bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ bất đồng chính kiến Việt Khang hiện đang tị nạn tại Mỹ.
Được hỏi về bài hát này, bà Nguyễn Thị Tình (phu nhân ông Nguyễn Năng Tĩnh, phụ chú của tnt) nói "bài hát đấy rất hay, không có gì xấu xa", rằng bà cũng ‘rất thích’ và hai con bà đều thuộc lòng những lời bài hát.
"Trả lại đây cho nhân dân tôi
Quyền tự do, quyền con người
Quyền được nhìn, được nghe, được nói
Quyền được chọn chân lý tự do
Quyền xóa bỏ độc tài độc tôn…"
Chồng tôi là một người hoạt động tự do, là giảng viên nhạc, thường ngày vẫn đi dạy. Bản tính anh là một người rất nhiệt tình với cộng đồng, xã hội. Tất cả những ai cần giúp thì anh đều giúp hết mình trong khả năng của anh. Tôi khẳng định chồng tôi không làm gì sai. Tôi luôn ủng hộ lý tưởng của anh. Ví dụ vụ Formosa, anh tham gia phản đối điều xấu đó thì tôi thấy là hợp lý…
Nguyễn Chí Thiện bắt đầu cuộc đời tù tội (tổng cộng đến hai mươi bẩy năm) chỉ vì "trót giảng cho học trò đúng sự thật về một đoạn lịch sử". Nguyễn Năng Tĩnh đang bị giam giữ chờ ngày ra toà vì dậy cho học sinh một bài há́t, có đề cập đến quyền căn bản của con người : "quyền được nhìn, được nghe, được nói…" Bà Nguyễn Thị Tình vì "luôn ủng hộ lý tưởng của chồng" nên bị xách nhiễu thường xuyên, "bán hàng online để kiếm tiền nuôi con mà người ta không mua vì nói tôi phản động".
Con nhà người ta & Con cháu nước mình
Phong trào Dù vàng và Tuổi trẻ Hồng Kông (trái) - Tuổi trẻ tha hóa Việt Nam (phải). Ảnh lấy từ Tạp Chí Luật Khoa
Tôi hoàn toàn không biết gì về gia cảnh những học sinh trong ban lãnh đạo của Thế Hệ Dù Vàng ở Hồng Kông. Tuy thế – với ít nhiều chủ quan – tôi vẫn tin rằng cô thầy (cũng như cha mẹ) của các em chưa ai phải vào tù, cũng chưa có ai bị bắt giữ điều tra, hay bị xách nhiễu vì "giảng cho đúng một sự kiện lịch sử", hay chỉ vì dậy cho học sinh một bài hát về quyền con người.
Sự dị biệt căn bản này khiến cho Việt Nam không thể có những thanh niên như Joshua Wong : Hoàng Chi Phong 黃之鋒, Nathan Law : La Quan Thông 羅冠聰), Raphael Wong : Hoàng Tạo Minh 黃浩銘, Châu Vĩnh Khang : Alex Chow 周永康 …
Một đất nước chỉ "được phép" vun trồng chanh thôi thì dễ gì mà tìm được những quả cam.
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 18/06/2019 (tuongnangtien's blog)
***************
Tuần trước, hơn một triệu người Hồng Kông biểu tình ôn hòa phản đối dự luật cho phép dẫn độ tình nghi sang Trung Quốc. Theo dõi các cuộc biểu tình khổng lồ của Hồng Kông, khá nhiều người Việt đặt câu hỏi : "Khi nào triệu người Việt Nam cũng xuống đường như thế ?".
Hơn một triệu người Hồng Kông biểu tình ôn hòa phản đối dự luật cho phép dẫn độ tình nghi sang Trung Quốc.
Câu hỏi này cũng dễ hiểu, vì nó xuất phát từ sự chán chường và thù ghét đối với đảng cầm quyền hung bạo. Sau hơn 87 năm áp đặt ách độc tài, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chà đạp các quyền tự do, trong khi tham nhũng hoành hành, ô nhiễm tăng cao, giáo dục nhồi sọ, y tế kém cỏi, và đạo đức suy đồi.
Lịch sử đã chứng minh chế độ cộng sản không thể nào cải tiến được, mà phải được thay thế bằng dân chủ đa nguyên. Do đó, mong mỏi hàng triệu người Việt xuống đường ôn hòa, yêu sách dân chủ là một nguyện vọng chính đáng. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu vì sao hiện tại Việt Nam không thể có các cuộc biểu tình triệu người như Hồng Kông và tại sao Hồng Kông có thể vận động cả triệu người tham biểu tình ôn hòa.
Sự khác biệt cơ bản giữa Hồng Kông và Việt Nam
Sự khác biệt lớn nhất giữa người Hồng Kông và Việt Nam chính là kinh nghiệm dân chủ và văn hóa tổ chức.
Hãy nhìn toàn diện lịch sử Việt Nam để thấy được dân tộc chúng ta không hề có kinh nghiệm tranh đấu dân chủ. Vào khoảng năm 179 TCN Triệu Đà chiếm Âu Lạc đến khi Ngô Quyền giành thắng lợi Bạch Đằng lịch sử vào mùa thu năm 938, tổ tiên của chúng ta đã bị các vương triều phong kiến Trung Quốc đô hộ trong khoảng 1117 năm. Sau đó là các giai đoạn :
– Từ thời Ngô Quyền đến nhà Minh năm 939 – 1407 ;
– Từ nhà Minh đến Gia Long (Nguyễn Ánh) năm 1407 – 1802 ;
– Từ Gia Long đến Minh Mạng năm 1802 – 1838 ;
– Minh Mạng đến Cách Mạng Tháng Tám năm 1838 – 1945 ;
– Từ năm 1945 cho tới ngày nay : dưới sự cai trị của chế độ độc tài cộng sản.
Rõ ràng, từ lúc hình thành cho đến nay, dân tộc Việt Nam luôn bị cai trị bởi các nhà cầm quyền chuyên chế. Thật đau xót khi chúng ta gần như không có trải nghiệm dân chủ nào xuyên suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển.
Ngược lại, Hồng Kông lại có gần 100 năm kinh nghiệm dân chủ. Năm 1842, Vương quốc Anh tiếp quản đảo Hồng Kông sau khi đánh bại Trung Quốc trong Chiến tranh Nha phiến Thứ Nhất (First Opium War). Năm 1898, Anh đã chấp nhận thuê Hồng Kông với cam kết sẽ trả lại cho Trung Quốc sau 99 năm. Dưới quyền kiểm soát của Anh, Hồng Kông phát triển nhanh chóng và trở thành một trong những trung tâm tài chính và kinh doanh lớn nhất thế giới.
Anh là một trong những quốc gia dân chủ lâu đời nhất thế giới, được đặt nền móng từ Đại Hiến chương Magna Carta về quyền tự do vào năm 1215. Bởi thế, khi kiểm soát Hồng Kông, Anh cũng thiết lập và áp dụng chế độ dân chủ tại hòn đảo này. Cũng xin nhắc lại nhờ nền dân chủ và tinh thần "thượng tôn pháp luật" của Anh tại Hồng Kông mà Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) đã không bị chính quyền Hương Cảng (Hồng Kông) bàn giao cho Pháp. Lịch sử đã hoàn toàn khác nếu chính quyền Hương Cảng hành xử côn đồ và tùy tiện giống nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hiện tại.
Nhờ sinh hoạt trong môi trường dân chủ hơn 90 năm, phần lớn người Hồng Kông được tiếp cận với nền giáo dục nhân bản, các giá trị dân chủ, trong đó có nhân quyền, hợp tác, và bao dung. Họ ý thức được các quyền tự do cơ bản, ý thức cộng đồng, và trách nhiệm công dân. Họ cũng hiểu rằng quyền lực cai trị của chính quyền đến từ dân, không phải từ "mệnh trời". Nhìn chung, môi trường dân chủ mà nước Anh thiết lập, đã giúp người Hồng Kông có trải nghiệm về các giá trị dân chủ quý giá, cũng như ý thức được tầm quan trọng của tổ chức và liên đới xã hội.
Quan trọng hơn, môi trường dân chủ đã đào tạo cho người Hồng Kông kỹ năng và phương pháp làm việc chung hiệu quả. Bởi thế, Hồng Kông có các tổ chức chính trị và dân sự lớn mạnh. Ví dụ các chính đảng đối lập : Civic Party (Đảng Công dân), Labour Party (Đảng Lao động) và Democratic Party (Đảng Dân Chủ) ; các tổ chức xã hội dân sự : Federation of Students (Liên đoàn Sinh Viên), Confederation of Trade Unions (Liên đoàn Công đoàn), Journalists Association (Hiệp hội Nhà báo). Chính các tổ chức này dẫn dắt các cuộc biểu tình bất bạo động có quy mô và kỷ luật.
Ngược lại, trừ khoảng 10 năm dưới thời Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam, đại đa số người Việt không có kinh nghiệm về dân chủ và cũng không văn hóa tổ chức.
Khi nào triệu người Việt sẽ xuống đường ?
Lịch sử thế giới và bài học xuống đường của Hồng Kông, Venezuala đã chứng minh rằng, để huy động được đông đảo người dân xuống đường yêu sách dân chủ, cần 2 điều kiện.
1. Phải có tổ chức
Khi một dân tộc không có trải nghiệm dân chủ, được một số người kêu gọi biểu tình, nhưng lại không đưa ra được kế hoạch cụ thể nào, thì số người tham gia sẽ rất ít ỏi. Người dân rất thực tế. Họ chỉ đồng loạt xuống đường khi tin rằng các cuộc biểu tình sẽ có hy vọng và kết quả. Muốn xây một ngôi nhà đẹp và chắc chắn, chúng ta cần bản thiết kế và kế hoạch cụ thể. Tương tự, muốn huy động nhiều người dân tham gia bất bạo động, phải có các tổ chức vạch cho họ thấy phương pháp và chiến lược (có lịch trình, mục tiêu, và khả năng thực hiện).
Nên nhớ, đặc tính dễ thấy của đám đông là tính nhất thời và dễ bỏ cuộc. Chỉ sau vài ngày nếu các cuộc biểu tình không có kết quả, thì sự chán nản, hoặc tệ hơn là bạo loạn sẽ thay thế tinh thần phấn khởi của việc xuống đường. Lịch sử thế giới đã chứng minh các cuộc biểu tình yêu sách dân chủ có thể kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng, không phải vài ngày là có được những thứ mà mọi người tranh đấu.
Hãy nhìn sang Venezuela : Đảng đối lập đã lãnh đạo hàng chục ngàn người dân Venezuela liên tiếp biểu tình, yêu cầu tổng thống Maduro từ chức. Nhiều người phải thiệt mạng vì bạo lực leo thang, nhưng dân chủ đúng nghĩa vẫn chưa xuất hiện tại Venezuela. Huống chi ở Việt Nam, người dân không có kinh nghiệm tranh đấu dân chủ, không có văn hóa tổ chức, ý thức cộng đồng kém, liên đới xã hội rất yếu, lại thiếu vắng các tổ chức chính trị lẫn dân sự có tầm vóc.
Cách đây gần 100 năm khi An Nam đang bị Pháp đô hộ, cụ Phan Châu Trinh đã nhấn mạnh vai trò thiết yếu của tổ chức : "Nay muốn một ngày kia nước Việt Nam được tự do độc lập, thì trước hết dân Việt Nam phải có đoàn thể đã".
2. Nói không với bạo lực và vô cảm
Đảng Cộng sản ngang nhiên tồn tại bằng vũ lực. Tuy nhiên, chính nhiều người Việt, từ vô tình đến cố ý, cũng góp phần duy trì ách cai trị hung bạo của chế độ bằng văn hóa "sống chết mặc bay" và tôn sùng bạo lực.
Triết lý "Người trong một nước, phải thương nhau cùng" được thay thế bằng bạo lực (lời nói và hành động). Ngày nay đông đảo người Việt dùng bạo lực để giải quyết mọi xung đột. Các cuộc thảo luận trên tinh thần tôn trọng nhau là khá hiếm. Miệt thị và thóa mạ do khác biệt chính kiến là phổ biến. Bạo lực xã hội tăng "ổn định" từ học sinh đánh nhau, hàng xóm đánh nhau, đến công an đánh chết dân… trở thành bình thường, với lời bào chữa quen thuộc đến khó chịu : "Việt Nam mà".
Không dừng lại ở đó, nhiều người Việt còn sẵn sàng hãm hại nhau qua các hình thức kinh doanh gian trá : bán sản phẩm độc hại, cho vay cắt cổ… Một dân tộc mà phần lớn người dân xem nặng lợi ích tư, không có ý thức cộng đồng, vô cảm, ích kỷ, và nghi kỵ nhau, thì hỏi tại sao chế độ độc tài không ngang nhiên tồn tại ? ! Cụ Phan Bội Châu viết về tính xấu của người Việt trong Việt Nam Quốc Sử Khảo, cách đây hơn 110 năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị :
"Hay nghi kỵ lẫn nhau, không làm nên việc gì cả, đó là điều rất ngu thứ nhất. Tôn sùng những điều xa hoa vô ích, bỏ bê những sự nghiệp đáng làm, đó là điều rất ngu thứ hai. Chỉ biết lợi mình mà không biết hợp quần, đó là điều rất ngu thứ ba. Thương tiếc của riêng, không tưởng đến việc ích chung, đó là điều rất ngu thứ tư. Biết có thân mình, nhà mình, mà không biết có nước, đó là điều rất ngu thứ năm"…
Thay lời kết
Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang thất bại trên mọi phương diện, nhưng vẫn quyết tâm đánh đổi sự hưng thịnh của quốc gia và hạnh phúc của dân tộc để duy trì quyền lực cai trị. Chế độ cộng sản không cần người dân yêu thích nó, mà chỉ cần người dân căm ghét nhau để không thể liên kết thành nhiều khối mạnh. Không có gì thỏa mãn chế độ độc tài bằng một dân tộc chia rẽ.
Mặc dù Việt Nam có hơn 90 triệu dân, nhưng là 90 triệu người cô đơn, lẻ loi, "mạnh ai nấy sống". Như cụ Phan Bội Châu đã chỉ ra trong Cao Đẳng Quốc Dân năm 1928 : "Người ngoại quốc coi thường dân ta, họ nói rằng ‘không có nổi một đoàn một nhóm nào từ ba người trở lên’. Câu nói đó thoạt mới nghe tưởng là quá đáng, nhưng xét cho đến tình hình xã hội, tinh thần dân chúng thì thấy tan tan tác tác, rạc rạc rời rời, ghét nhau, ngờ nhau, ai lo thân nấy, bảo rằng không có nổi một đoàn một nhóm ba người thật bụng với nhau, thật cũng chẳng oan"…
Ngày triệu người Việt biểu tình ôn hòa phản đối độc tài sẽ có, nếu người Việt xem trọng đạo đức luân lý, cũng như học và hành lòng bao dung, đối thoại, và hợp tác để nắm tay nhau tạo thành nhiều đoàn thể lớn mạnh. Nói cách khác, khi nào hơn nửa dân tộc biết lắng nghe nhau, quý mến nhau, giúp đỡ nhau, và gắn bó cùng nhau trong tương lai dân chủ, thì ngày vài triệu người Việt xuống đường như Hồng Kông chắc chắn sẽ có.
Mai V. Phạm
Nguồn : thongluan.blog, 17/06/2019)
Biểu tình Hồng Kông : tại sao thành công và bao giờ Việt Nam ?
An Viên, VNTB, 18/06/2019
Vì sao người Hồng Kông xuống đường biểu tình, câu hỏi đã có câu trả lời. Nhưng tại sao biểu tình thành công, gây sức ép buộc phải hoãn dự luật dẫn độ cũng như bao giờ cho đến Việt Nam vẫn là một câu hỏi lớn.
Biểu tình ở Hongkong phản đối Luật Dẫn độ
Dù trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông, Carrie Lam, đã tuyên bố hoãn dự luật dẫn độ, hàng triệu người dân vẫn xuống đường biểu tình.
Vì sao người Hồng Kông xuống đường biểu tình, câu hỏi đã có câu trả lời. Nhưng tại sao biểu tình thành công, gây sức ép buộc phải hoãn dự luật dẫn độ cũng như bao giờ cho đến Việt Nam vẫn là một câu hỏi lớn.
Thương nhân : cốt lõi của cuộc chiến
Không phải học sinh – sinh viên, không phải những giáo sư – nhà khoa học, chính những thương nhân đã làm nên sự khác biệt giữa cuộc biểu tình năm 2014 và cuộc xuống đường năm 2019.
"Doanh nghiệp Hong Kong hứa đóng cửa nghỉ, cho nhân viên đi biểu tình", tiêu đề bài viết của báo Tuổi Trẻ ngày 11/06 đã khái quát hóa tính chất đặc biệt của lần xuống đường lần này. Theo đó, một loạt doanh nghiệp Hồng Kông thề sẽ đóng cửa giữa lúc cơn giận của người dân vùng lãnh thổ này đối với chính quyền xung quanh dự luật dẫn độ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Năm 2014, phía cảnh sát đã dùng dùi cui và hơi cay tấn công người biểu tình, làm tê liệt khu thương mại trung tâm trong hơn hai tháng, nhưng kết quả cuộc biểu tình đã bị san phẳng bằng bạo lực.
Năm 2019, 2 triệu người xuống đường, và thay vì "hỗ trợ hạn chế" như trong phong trào dù Vàng (chiếm Trung Tâm), thì lần này các doanh nghiệp đã vào cuộc, hợp nhất với các thành phần xã hội khác nhau của trung tâm để đòi hỏi một quyền làm người cơ bản.
Bloomberg trong bài đăng tải sáng ngày 17/06 (theo giờ Việt Nam) đã phân tích câu hỏi về sự khác biệt cho cuộc xuống đường lần này. Và theo đó, sự hỗ trợ từ phía doanh nghiệp và thiệt hại tài chính tiềm tàng cho phía Bắc Kinh đã giải thích vì sao người biểu tình chiếm ưu thế trong cuộc chiến chống lại dự luật dẫn độ.
Năm 2014, Phòng thương mại Hồng Kông và số phòng thương mại nước ngoài đã công khai chống lại chiến dịch bất tuân dân sự trên báo chí (Phòng thương mại Hồng Kông ; Phòng thương mại Canada ; Phòng thương mại Ý ; Phòng thương mại Ma Cao ; Phòng thương mại Ấn Độ).
Năm 2019, hơn trăm chủ doanh nghiệp Hồng Kông từ các ngành công nghiệp khác nhau đã cam kết đình chỉ kinh doanh hoặc hỗ trợ nhân viên chọn đình công nhằm chống lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi, và lần này thu hút những doanh nghiệp tầm cỡ như HSBC hay Deloitte , doanh nghiệp cũng đã linh hoạt hóa giờ làm để hòa vào cuộc đình công toàn thành phố.
Một yếu tố liên quan đến kinh tế nữa, là Bắc Kinh đang trong trạng thái của cuộc chiến thương mại với Mỹ. Và Hồng Kông vẫn là một cửa ngõ vào thị trường vốn toàn cầu cho Trung Quốc. Kể từ năm 2012, các công ty Trung Quốc đã huy động được 156 tỷ USD từ IPO tại Hồng Kông, so với 143 tỷ đô la trên các sàn giao dịch đại lục và khoảng 48 tỷ USD bán cổ phần ở Mỹ. Mọi biến động tại Hồng Kông đều tác động không nhỏ đến sự suy giảm miễn dịch của Bắc Kinh trong cuộc chiến với Mỹ lần này.
Như vậy, sự ủng hộ của giới doanh nghiệp, và bản thân tác động tài chính của Hồng Kông với Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã làm nên cuộc biểu tình lịch sử và chiến thắng lịch sử.
Bao giờ cho đến Việt Nam ?
Người dùng Facebook bắt đầu đặt ra câu hỏi trong bối cảnh biểu tình của Hồng Kông : bao giờ cho đến Việt Nam.
Một số người dẫn dụ về Thiên An Môn (1989) ở Bắc Kinh ; Dù Vàng (Hồng Kông 2014) và cuộc biểu tình chống luật dẫn độ (2019) để tìm kiếm một sự kiện tương tự tại Việt Nam. Nhưng họ quên rằng, vào năm
10/06/2018, tại Việt Nam đã bùng nổ nhiều cuộc biểu tình phản ứng (chống lại) Dự luật đặc khu, cuộc biểu tình được nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng đánh giá là "lần đầu tiên kể từ năm 1975 đã thể hiện một hành động phản kháng trực tiếp đối với nhà cầm quyền". Đây cũng là lần đầu tiên, một đám đông người đứng giữa ngã tư và hát vang bài ca "Trả lại cho dân".
Nhưng điều thiếu ở Việt Nam vẫn là sự thống nhất giữa các tầng lớp, dù rằng, sự khởi nguyên biểu tình sau năm 1975 là tầng lớp trẻ, những "lão thành cách mạng", sau đó có sự góp mặt của giới tôn giáo, và một số ít giới chủ doanh nghiệp… Tuy nhiên, con số giới chủ doanh nghiệp quá ít, và họ tham gia với tư cách cá nhân hơn là một quá trình đóng cửa để ủng hộ quyền biểu tình hay các phản ứng các chủ trương – chính sách bất hợp lý khác của chính phủ. Điều này được hiểu, là môi trường chính trị ổn định vẫn là cơ sở làm ăn, nó lớn hơn cái nhu cầu "dân chủ, nhân quyền", và bản thân "bội chi, hụt thu, bóc lột dân ta đến tận xương tủy" lên giới doanh nghiệp vẫn chưa tác động đủ lớn để hình thành một nhu cầu phản kháng. Nói cách khác, các cuộc biểu tình tại Việt Nam thuần nhất là về dân sự, chính trị thay vì kinh tế. Và bản thân các cuộc biểu tình cũng thiếu vắng yếu tố "kinh tế" bên trong, dẫn đến số lượng người tham gia cũng như kết quả biểu tình còn hạn chế.
Tuy nhiên, khó có thể đòi hỏi được thêm khi mà ở Việt Nam, các dấu hiệu khủng hoảng kinh tế vẫn chưa rõ nét, tình trạng tác động đến "miếng cơm manh áo" vẫn chưa rõ ràng. Chỉ có đúng một điều mà Việt Nam giống Hồng Kông, đó chính là "tác động chính trị từ Trung Quốc", tức khi yếu tố Trung Quốc gây ra cảm giác bất an về chủ quyền và độc lập, thì cuộc biểu tình nổ ra và thu hút nhiều người tham gia.
Dù sao, các cuộc biểu tình ở Việt Nam cũng ngày đi sát hơn, từ chủ quyền quốc gia, đến tình trạng ô nhiễm môi trường và các quyết sách về kinh tế. Nói cách khác, tại Việt Nam, tính thực tiễn và tác động của các chủ trương – chính sách ngày càng mở rộng phạm vi đến nhiều tầng lớp, và nó làm cho các biểu tình ngày càng có tính chất chủ đề hơn.
Bao giờ cho đến Việt Nam ? Câu hỏi không bao giờ dễ trả lời, chỉ biết rằng, lần xuống đường buộc Quốc hội dừng luật đặc khu đã là một thành công rất lớn, và nó chưa phải là điểm dừng cuối cùng.
Bài học Hồng Kông về biểu tình, và những khía cạnh thúc đẩy sự thành công của Hồng Kông là bài học quý giá cho Việt Nam, nhất là sự tham gia và ủng hộ của giới doanh nghiệp.
Trong lịch sử yêu nước Việt Nam, đã có không ít nhà tư bản dân tộc "hiến công sức, vàng bạc và trí tuệ" cho dân tộc, như những Nguyễn Sơn Hà, Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô, Đỗ Đình Thiện, Ngô Tử Hạ...
Và lịch sử luôn có những khúc quanh lặp lại của nó.
An Viên
Nguồn : VNTB, 18/06/2019
********************
Biểu tình ở Hồng Kông và nỗi hãi sợ của Đảng cộng sản Việt Nam
Trúc Giang, VNTB, 18/06/2019
Dường như Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đang cố tình đánh đồng hành động biểu tình là bạo loạn.
Biểu tình ở Hà Tĩnh 17/6/2018.
Báo Nhân dân điện tử số phát hành ngày 17-6-2019, có bài viết tựa "Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam", tác giả ký tên kèm đầy đủ chức vụ : "Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương" [1].
Lo sợ ‘tự diễn biến’ trong chính nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam
Trong bài viết kể trên mang đến cảm giác, dường như Đảng cộng sản Việt Nam đang lộ ra mặt về nỗi hãi sợ chuyện phe nhóm nào đó trong chính bộ máy đảng cầm quyền, sẽ qua hình thức biểu tình phản đối một chính sách/ một sắc luật – như vụ dự luật đặc khu, dự luật an ninh mạng để biểu tình ngày Chủ nhật 10-6-2018 - nhằm mặc cả, tranh giành thêm quyền lợi chính trị cá nhân phe nhóm, trong bối cảnh Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang tiếp tục vắng mặt trên chính trường.
Lý lịch khoa học của ông Võ Văn Thưởng ghi vào năm 1992, ông Thưởng tốt nghiệp với học vị cử nhân Triết học Mác - Lê nin tại trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1999, ông tốt nghiệp thạc sĩ triết học cũng tại trường trên với luận văn về đạo đức trong sinh viên học sinh thành phố Hồ Chí Minh.
Với ‘nghề nghiệp chuyên môn’ là Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, qua bài viết đăng trên báo Nhân dân điện tử (nguồn đã dẫn), bên cạnh việc lo sợ ‘tự diễn biến’ trong chính nội bộ đảng cầm quyền, cho thấy ông Thưởng vẫn chưa có thói quen cập nhật các tiến bộ công nghệ về truyền thông. Ông tiếp tục đưa ra những nhận định thiên kiến quen thuộc suốt mấy mươi năm qua, tính từ cột mốc ngày thành lập Đảng 03-02-1930. Đặc biệt, ông Võ Văn Thưởng bám vào cái phao Luật An ninh mạng, với kỳ vọng sẽ trấn áp được các ‘diễn biến hòa bình’.
"Với nhiều thủ đoạn tinh vi được hỗ trợ bởi công nghệ, chúng tập trung chống phá nền tảng tư tưởng, phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, gieo rắc tư tưởng cực đoan, tạo bất đồng, xung đột trong nội bộ Đảng và nhân dân. Chúng cường điệu những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý để khoét sâu vào xung đột lợi ích, làm chia rẽ xã hội, suy giảm lòng tin, thực hiện "diễn biến hòa bình", đòi lật đổ chế độ. Từ đó, lôi kéo, tập hợp lực lượng, kích động biểu tình trái phép, chống đối, bạo loạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự xã hội như trong các vụ lợi dụng vấn đề môi trường tại Formosa Hà Tĩnh, phản đối Dự luật về Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Luật An ninh mạng…".
Ông Võ Văn Thưởng đã có đoạn viết như vậy ở bài báo "Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam".
Đảng đang khinh miệt dân trí ?
Ông Thưởng còn gián tiếp nhìn nhận dân trí hiện nay đang lệch lạc : "Sự lệch lạc trong nhận thức về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội sẽ dẫn đến sai lầm trong hành vi, tạo nên những mối nguy về an ninh, bất ổn chính trị, xã hội.
Một bộ phận người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam thường có xu hướng quan tâm, thích (like) và chia sẻ (share) thông tin giật gân, tiêu cực, trái chiều hơn thông tin tích cực, một cách cố tình hoặc vô ý thức, bất chấp các hậu quả. Nhiều người cho rằng mạng xã hội là ảo, không phải chịu trách nhiệm về những phát ngôn, hành xử của mình. Tâm lý đó cộng hưởng với các công cụ được tạo ra để thu hút người dùng của truyền thông xã hội, cùng với sự bất cập, hạn chế trong quản lý của các cơ quan chức năng càng làm cho việc phát tán thông tin xấu, độc trở nên dễ dàng và nguy hiểm".
Phóng viên Los Angeles Times [2], có quan sát và nhận định về giá trị của truyền thông xã hội trong dân chúng ở cuộc biểu tình như đang xảy ra ở Hồng Kông, khác hẳn ông Võ Văn Thưởng. Theo đó, việc tổ chức biểu tình phản đối một chính sách, một sắc luật mới ở Hồng Kông giống như một cỗ máy do trí tuệ nhân tạo biết tự học hỏi và tự hoạt động dựa trên kinh nghiệm.
Đa số những người biểu tình không tham gia với tư cách là thành viên của bất kỳ tổ chức nào. Họ biết thông tin về các hoạt động thông qua các nền tảng mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến và các kênh trò chuyện và họ tự quyết định mình sẽ làm gì. Có phong trào nhưng hoàn toàn tự trị và không có ai lãnh đạo. Đủ cả, luật sư, doanh nhân, sinh viên, nhân viên văn phòng. Các công đoàn, các hội sinh viên, các tổ chức tôn giáo, các nhóm hoạt động dân chủ.
Sáng kiến về hình thức biểu tình, địa điểm, điều kiện hậu cần... được những tài khoản ẩn danh đưa lên mạng, mọi người cùng thảo luận rồi ý kiến nào được đông người chọn nhất thì sử dụng.
Phải xác lập về quyền của dân và bổn phận của đảng cầm quyền
Ở Việt Nam, việc biểu tình và được truyền thông tạo sức mạnh hậu thuẫn diễn ra dễ nhận thấy nhất, chính là việc các nhà xe phản đối việc đặt trạm thu phí giao thông đường bộ BOT không đúng chỗ.
Những dự án kiểu này, theo một tài liệu của Kiểm toán Nhà nước gửi đến các đại biểu ở kỳ họp Quốc hội vừa kết thúc hôm 14/6, thì kết quả kiểm toán các dự án BOT trong năm 2018 đã giảm trừ chi phí đầu tư thực hiện 836,4 tỷ đồng, trong đó, sai khối lượng là 115,4 tỷ đồng ; sai đơn giá 228,2 tỷ đồng, sai khác 492,8 tỷ đồng.
Kết quả kiểm toán 7 dự án BT (xây dựng - chuyển giao), Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nói rằng, dự án BT thực chất là sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước thuộc nhiệm vụ chi ngân sách của các cấp chính quyền, nhưng không quy định phải là dự án cần thiết, thực sự cấp bách là chưa phù hợp với các quy định hiện hành.
Thế nhưng biết là sai luật dẫn đến hàng loạt vi phạm pháp luật trong các dự án BOT, BT về giao thông, song mọi chuyện vẫn không có gì thay đổi. Các trạm thu phí đặt sai chỗ, kiểu râu ông này cắm cằm bà kia vẫn tiếp tục được phép giữ nguyên, tiếp tục thu phí.
Như vậy, khi mà báo chí đăng tải rất nhiều ý kiến đóng góp, bên cạnh các sai phạm được cơ quan chức năng chỉ rõ ra, song mọi chuyện vẫn không thay đổi, thì lẽ tất yếu người dân buộc lòng phải sử dụng quyền biểu tình được hiến định.
Còn chuyện lo sợ biểu tình đến từ ‘các thế lực thù địch’ của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, cho thấy đây là hệ quả tất yếu của việc quản lý đất nước bằng "Nghị quyết Đảng", bằng "ý kiến Bộ Chính trị" thay vì phải thượng tôn pháp luật.
Trúc Giang
Nguồn : VNTB, 18/06/2019
(2) https://www.latimes.com/world/la-fg-hong-kong-protest-20190616-story.html
Vụ Nguyễn Thị Kim Anh : chống tham nhũng hay "thuyết âm mưu" ?
Nguyễn Hiền, VNTB, 20/06/2019
Trưởng đoàn thanh tra Bộ Xây dựng nói cần có quà để định hướng.
"Thanh cha , thanh mẹ, thanh gì. Hễ có phong bì thì nói thanh kiu".
Ngày 12/6, công an tỉnh Vĩnh Phúc ra thông báo, theo đó đã bắt quả tang, khám xét nơi làm việc tại UBND huyện Vĩnh Tường của bà Nguyễn Thị Kim Anh (44 tuổi, Phó trưởng phòng Phòng chống tham nhũng - Thanh tra Bộ Xây dựng) và ông Đặng Hải Anh (38 tuổi, chuyên viên thanh tra Phòng Thanh tra Xây dựng 2, Thanh tra Bộ Xây dựng).
Trưởng đoàn thanh tra Bộ Xây dựng nói cần có quà để định hướng.
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ngày 18/6 phê chuẩn quyết định khởi tố bị can Nguyễn Thị Kim Anh, trưởng đoàn thanh tra Bộ Xây dựng, cùng 2 thành viên trong đoàn để điều tra hành vi "Nhận hối lộ".
Ngày 17/6, Bộ Xây dựng tiếp tục cử một đoàn thanh tra lên đến 11 người về Vĩnh Tường để tiếp tục thanh tra công tác quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch được duyệt, công tác cấp phép xây dựng, quản lý sau cấp phép và công tác quản lý đầu tư xây dựng tại một số dự án tại huyện Vĩnh Tường. Thời gian thanh tra kéo dài 25 ngày. Báo Công Luận ngày 19/6 đã đăng tải nội dung với tiêu đề, "Bộ Xây dựng cử đoàn thanh tra mới, 'số phận' những dự án đã thanh tra sẽ được xử lí ra sao ?".
Chuyện gì đã xảy ra ?
Những đồn đoán xoay quanh bà Nguyễn Thị Kim Anh và vai vế của bà ta, nhưng chưa dừng lại tại đó.
Sự việc liên quan đến thanh tra Bộ Xây dựng diễn biến có tính phối hợp, và thống nhất. Dường như, có một sự thông suốt trong quan điểm "bắt quả tang" từ trung ương về địa phương. Hãy quay về ngày 23/4/2019, khi cơ quan điều tra công an tỉnh Thanh Hóa đã xin ý kiến thường trực tỉnh ủy Thanh Hóa, Bộ Công an về hướng xử lý đối với đoàn cán bộ thanh tra thuộc Thanh tra tỉnh Thanh Hóa nhận tiền của đối tượng bị thanh tra. Nếu xét trên phương diện trường hợp này, thì chắc chắn công an tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phải "xin ý kiến Bộ Công an" đối với trường hợp bà Nguyễn Thị Kim Anh, và "bắt quả tang" có thể được coi như một hệ quả của sự chấp thuận.
Nếu vai vế của bà Nguyễn Thị Kim Anh được làm rõ hơn, thì có thể xem đây là câu chuyện "nội bộ" trung ương, trước thềm Đại hội XIII, hơn là một hướng đi điều tra chống tham nhũng bình thường. Và điều này càng cho thấy, trước thềm đại hội, câu chuyện đấu đá, tranh giành quyền lực tiếp tục diễn ra, trên nhiều phương diện, mức độ, với sự tinh vi ngày một cao.
"Phe nào, ai" sẽ là câu hỏi được đặt ra trong bài toán lần này, tương tự như cách mà Trịnh Xuân Thanh và Vũ Nhôm từng lôi kéo nguyên một dàn ban bệ lãnh đạo đi xuống.
17/6, cây viết Hoài Thu (chuyên mảng chính trị) của Zing đã đăng bài viết đề cập đến trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Vũ Quốc Hùng, với tiêu đề, "Thanh tra của Bộ Xây dựng sai, bộ trưởng không thể vô can ?". Một quy trình "luận tội made in Việt Nam" đã được hình thành trong bài viết, khi Hoài Thu đã dẫn lời ông Vũ Quốc Hùng (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương), Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học, Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an) đặt vai trò trách nhiệm đối với thủ trưởng cơ quan đơn vị, mà ở đây là Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà.
Hãy thử đặt lại quy trình để đưa một lãnh đạo cấp cao, một ủy viên Bộ Chính trị ra tòa ở Việt Nam, không có gì khác ngoài làm rõ trách nhiệm bổ nhiệm. Và vào ngày 17/6, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng yêu cầu kiểm tra, rà soát việc bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Kim Anh.
Tỉnh Vĩnh Phúc trở thành một điểm mấu chốt trong ván bài chiến lược liên quan đến phân nhóm ghế trong đại hội, và đó cũng là một thuyết thú vị nếu sắp tới, một số lãnh đạo cấp cao sẽ bị điều tra.
Thanh tra và thank you
Với cơ chế hiện tại, bất kỳ một tỉnh thành hay tổ chức nào đều cũng dính dáng ít nhiều vi phạm xây dựng cơ bản. Với thẩm quyền quản lý rộng rãi trong lĩnh vực này, Bộ Xây dựng có thể đưa ra nhiều sai phạm có liên quan, và làm ảnh hưởng không ít ghế ngồi. Tuy nhiên, lĩnh vực thanh tra cũng là lĩnh vực tham nhũng, khi nó luôn gắn với phòng bì, và thực tế, nếu tính số vụ liên quan đến thanh tra nhận phong bì, thì chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng đã có hai vụ lên báo.
Trở về trường hợp của tỉnh Vĩnh Phúc, đã có sai phạm xảy ra, và Bộ đã cử đội ngũ thanh tra về làm việc nhằm xác định mức độ vi phạm. Và vì địa phương đã "bắt quả tang" thanh tra Bộ, nên nhìn chung, với dàn thanh tra tiếp theo lên đến 11 người, người dân có thể có một màn mở mắt hơn về một đợt thanh tra ra trò, nơi không còn phong bì, mà chỉ còn sự "liêm chính". Và điều kỳ lạ, là chỉ khi bị xâm phạm về lợi quyền thì tổ chức nhà nước mới thực sự làm tốt vai trò, nhiệm vụ của chính mình.
Đây được xem như một nguyên tắc thuộc về thể chế, khi mâu thuẫn không còn được thỏa hiệp, thì xuất hiện "trạng chết, chúa cũng băng hà".
Áp dụng trường hợp này đối với cuộc chiến đốt lò của Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nó cũng tương tự như vậy. Cuộc chiến đốt lò chỉ diễn ra để cứu nguy cho chính chế độ, và sự thống nhất trong đội ngũ ủy viên Trung ương Đảng trong việc đưa ông Nguyễn Phú Trọng lên ghế cao cũng chỉ là khi quyền lợi có nguy cơ biến mất. Giữa một bên là mất tất cả, và một bên là có thể giữ nhưng cần phải thỏa hiệp, những người cộng sản dễ dàng chọn lựa thứ hai hơn.
Nhưng đúng như trạng thái "trạng chết, chúa cũng băng hà", dồn tận lực vào một vấn đề sẽ gây nguy biến cho toàn thể đội nhóm chính trị, mặc dù đó là chiêu thức để hợp lý hóa việc phân bổ số ghế trong lần đại hội sắp tới. Điều đó cho thấy rằng, cuộc chiến đốt lò sẽ đến một giới hạn ngưng lửa, và cũng như câu chuyện chống tham nhũng qua sự vụ bà Nguyễn Thị Kim Anh cũng là một biểu hiện của sự "thỏa hiệp chính trị" đến đâu, hay mâu thuẫn nội bộ sâu sắc như thế nào, và thể hiện rõ nét hơn phe phái nào sẽ nắm quyền chủ động trong đại hội tới.
Nguyễn Hiền
Nguồn : VNTB, 20/06/2019
******************
'Cứ có phong bì chúng nó… thank you'
Trân Văn, VOA, 20/06/2019
Bộ Xây dựng vừa loan báo đã thành lập một đoàn thanh tra khác, thay cho đoàn thanh tra vừa bị bắt để kiểm tra "công tác quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch tại 29 xã, thị trấn ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc" (1).
Bà Nguyễn Thị Kim Anh, trưởng đoàn thanh tra. (Hình : Ủy Ban Nhân Dân huyện Vĩnh Tường/Trích xuất từ VnExpress)
Vụ các thành viên Đoàn Thanh tra của Bộ Xây dựng, trong đó có Trưởng Đoàn, tống tiền rồi bị bắt quả tang hôm 12 tháng 6 khi đang nhận hối lộ, 3/6 thanh tra chuyên trách chống tham nhũng mới bị khởi tố (2), không chỉ làm bẽ mặt Bộ Xây dựng…
Theo truyền thông Việt Nam, huyện Vĩnh Tường là địa phương dẫn đầu tỉnh Vĩnh Phúc về các khiếu nại – tố cáo liên quan đến quản lý – sử dụng đất trái pháp luật, bồi thường không thỏa đáng, thiếu minh bạch khi thu hồi đất (3).
Nói cách khác, có hàng loạt dấu hiệu cho thấy các viên chức địa phương đã "ăn" đủ kiểu cả trong quản lý – sử dụng đất lẫn qui hoạch, tạo điều kiện cho Đoàn Thanh tra do bà Nguyễn Thị Kim Anh và các đồng nghiệp đòi phân chia để "định hướng hoạt động".
Không phải tự nhiên mà dân chúng đặt vè diễu cợt thanh tra - lực lượng chuyên trách phòng và chống tham nhũng tại Việt Nam : Thanh ‘cha’, thanh mẹ, thanh… gì. Cứ có phong bì chúng nó thank you.
Trên thực tế, thỉnh thoảng, dân chúng Việt Nam lại ồ lên trước khối tài sản khổng lồ của một số viên chức thanh tra chẳng may bị lộ. Khi điều hành lực lượng phòng – chống tham nhũng trên toàn quốc mà giàu có tới mức "nứt đố, đổ vách" như ông Trần Văn Truyền, Tổng Thanh tra Chính phủ (4), ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (5),… thì Báo cáo về Phòng - chống tham nhũng hàng năm dứt khoát phải làm thiên hạ liên tục chưng hửng về kết quả, kiểu như : Trong năm tổ chức 14.000 cuộc thanh tra, kiểm tra nhưng chỉ phát giác được… 11 vụ tham nhũng. Trong năm chỉ phát hiện năm trong số cả triệu viên chức thuộc diện phải kê khai tài sản và thu nhập, cần "xác minh" lời khai nhưng cuối cùng chỉ có… một bị "cảnh cáo" vì "kê khai không trung thực" (6).
Ngay cả khi đảng ta dựng "lò", thành tích hoạt động của lực lượng thanh tra cũng hết sức… khiêm tốn. Để đồng bào không bị kích xúc, thanh tra không công bố thống kê hàng năm như đã từng mà công bố thống kê… năm năm. Năm ngoái, Thanh tra Chính phủ thỏ thẻ, từ 2013 đến 2018, chỉ phát hiện 437 vụ tham nhũng liên quan tới 665 đối tượng (7). Vì là lực lượng chuyên trách phòng chống tham nhũng, thanh tra thường xuyên đề nghị xử lý các ngành, các địa phương lạm dụng công quỹ cử người đi công tác ở ngoại quốc nhưng Thanh tra Chính phủ cũng hành xử y hệt như… thế : Dùng công quỹ cử hàng loạt cán bộ đi "làm việc, trao đổi kinh nghiệm, học tập về phòng chống tham nhũng" ở châu Á, châu Âu trước khi… đồng loạt nghỉ hưu (8).
***
So thực tế với hiệu quả hoạt động, có quá lời không khi cho rằng thanh tra – lực lượng chuyên trách phòng chống tham nhũng tại Việt Nam – là một hệ thống "phân chia lại lợi nhuận" mà các đồng chí ở các ngành khác, các địa phương đã thu đoạt ?
Sự kiện Đoàn Thanh tra của Bộ Xây dựng vòi vĩnh, bị bắt quả tang đang nhận hối lộ, khám tủ nơi Trưởng Đoàn tạm trú, công an thu được thêm vài trăm triệu đồng là một… sự cố ngoài ý muốn, phá vỡ thông lệ cố hữu, tự vạch áo cho thiên hạ xem lưng.
Những người tham gia sắp đặt, tạo ra, công bố rộng rãi sự kiện này rõ ràng là rất dại bởi đã làm phiền toàn hệ thống, bôi nhọ không chỉ Bộ Xây dựng mà còn làm hoen ố diện mạo của lực lượng thanh tra, rộng hơn là đảng ta.
Đâu phải tự nhiên mà ngày 17 tháng 6, hết Thủ tướng tới Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cùng soạn - gửi công điện (9), công văn (10) cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, rồi Ban Cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương, yêu cầu gia tăng các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ, rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng. Ngoài tác dụng trấn an đồng bào, những công điện, công văn ấy có tái lập được trật tự không ? Dựa vào đâu để khẳng định là có ?
Đợt thanh tra "công tác quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch tại 29 xã, thị trấn ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc" chắc chắn sẽ hết sức "máu lửa". Miểng có thể văng cả đến Tỉnh ủy và UBND tỉnh Vĩnh Phúc. "Mạt cưa" sẽ đụng "mướp đắng".
Trân Văn
Nguồn : VOA, 20/06/2019
Chú thích :
(1) https://tuoitre.vn/bo-xay-dung-cu-doan-thanh-tra-moi-ve-vinh-phuc-20190619122922501.htm
(2) https://vnexpress.net/phap-luat/ba-thanh-tra-bo-xay-dung-bi-khoi-to-toi-nhan-hoi-lo-3940374.html
(4) https://vi.wikipedia.org/wiki/Trần_Văn_Truyền
(5) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/pho-tong-thanh-tra-cp-len-tieng-ve-tai-san-khung-164399.html
*********************
Nguyễn Thị Kim Anh là cháu của cựu Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ?
Thường Sơn, VNTB, 18/06/2019
Vụ ‘công an bắt thanh tra’ là do một bàn tay đạo diễn ẩn giấu muốn ‘đấm’ Bộ trưởng bộ xây dựng Phạm Hồng Hà ?
Bà Nguyễn Thị Kim Anh được cho là cháu của ông Nguyễn Sinh Hùng. Ảnh : PLTP
Không phải ngẫu nhiên mà vài tờ báo nhà nước chợt dẫn lại thông báo hôm 13/6 của Cơ quan điều tra, Công an tỉnh Vĩnh Phúc gửi Đảng bộ Thanh tra Bộ Xây dựng, chi bộ phòng Phòng chống tham nhũng - nơi Trưởng đoàn thanh tra Nguyễn Thị Kim Anh đang công tác - về việc bà Kim Anh bị tạm giữ từ ngày 12/6 do bị bắt quả tang nhận hối lộ, trong đó nhấn mạnh "bà Kim Anh sinh năm 1975 tại xã Nam Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An ; hiện đang cư trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội".
Cùng lúc, trên mạng xã hội ồn ã đồn đoán về ‘Nguyễn Thị Kim Anh là cháu của cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng’.
Cựu Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - Ảnh minh họa
Nguyễn Sinh Hùng quê quán Nghệ An, từng là chủ tịch quốc hội và nằm trong ‘tứ trụ’ của chính thể độc tài ở Việt Nam. Khi còn đương chức, ông Hùng đã trở nên ‘nổi tiếng’ với rất nhiều đồn đoán về việc ông ta có mối quan hệ kim tiền với nhân vật Hà Văn Thắm - chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng OceanBank mà về sau này Thắm đã bị bắt, truy tố và nhận án tù chung thân.
Hà Văn Thắm được dẫn tới tòa trong phiên xét xử sơ thẩm vào tháng 9.2017
Cũng đang nổi lên một luồng dư luận khác cho rằng dù Công an Vĩnh Phúc quyết ‘trảm’ bằng được vụ Nguyễn Thị Kim Anh, nhưng vì Kim Anh là cháu của Nguyễn Sinh Hùng nên vụ này khó có khả năng được Viện Kiểm sát tối cao phê chuẩn.
Trong khi đó, ngày càng dày thêm dư luận về việc phát hiện ra vụ Nguyễn Thị Kim Anh không phải là do tinh thần mẫn cán và trình độ nghiệp vụ của Công an Vĩnh Phúc, mà bản chất của câu chuyện này là ‘chúng nó cắn nhau’.
Cũng gần tương tự như câu chuyện đại gia làm giả xăng dầu Trịnh Sướng ở Sóc Trăng mà mãi đến hôm nay mới bị phát hiện sau nhiều năm cùng quá nhiều xe cộ cháy thành than trên khắp vùng đất nước, khó ai tin là một đoàn thanh tra bị phát hiện tiêu cực là do công an điều tra ra, bởi từ trước đến nay đã quá phổ biến tinh thần ‘cùng ăn, cùng bao che’ giữa công an và thanh tra. Vụ ‘công an bắt thanh tra’ chẳng qua là do một bàn tay đạo diễn ẩn giấu muốn ‘đấm’ Bộ trưởng bộ xây dựng Phạm Hồng Hà.
Bàn tay đạo diễn đó là ai và thế lực nào ?
Có ít nhất vài giả thiết cho rằng âm mưu đó xuất phát từ một phó thủ tướng quê ở Vĩnh Phúc, hoặc từ một cấp cao hơn thế.
Cơ chế ‘loạn đả’ như các vụ Trịnh Sướng và Nguyễn Thị Kim Anh lại xảy đến trong bối cảnh ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng đã vắng biệt cả một kỳ họp quốc hội hai tháng 5 và 6 năm 2019 mà chẳng có bất kỳ thông tin chính thức nào được nêu ra cho hình ảnh ‘mất tích’ ấy.
Như một quy luật, chiều đi xuống của sức khỏe Nguyễn Phú Trọng và kéo theo uy quyền giảm sút của nhân vật này tất dẫn đến thế nổi lên của quần thần và tinh thần tranh đoạt không khoan nhượng - bên trên là hai cái ghế tổng bí thư và chủ tịch nước như một ‘khoảng trống quyền lực’, còn bên dưới tranh giành những cái ghế màu mỡ đang bị kẻ khác ngồi.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 18/06/2019
51 năm sau, đứa trẻ mồ côi thành tướng…
Trân Văn, VOA, 08/06/2019
Một số người Việt đang chia sẻ tin Đại tá Nguyễn Từ Huấn của Hải quân Mỹ vừa trở thành Phó Đề đốc (Rear Admiral lower half – RDML) trên mạng xã hội. Một số người khác thì bán tín, bán nghi vì chưa thấy thông tin này trên hệ thống truyền thông Mỹ.
Đại tá Hải quân Nguyễn Từ Huấn được gắn huy hiệu trong một sự kiện ở thủ đô Washington, ngày 8 tháng 1, 2018.
Ngày 6 tháng 6, trang facebook dành cho thân hữu và gia đình của Hội Quân nhân Mỹ gốc Việt (Vietnamese American Uniformed Services Association - VAUSA) đã gửi lời chúc mừng Đại tá Huấn (1).
Tìm kiếm kỹ hơn, có thể thấy đề nghị chỉ định Đại tá Huấn làm Phó Đề đốc trên trang web của Quốc hội Hoa Kỳ. Đề nghị đã được Tổng thống chuyển cho Thượng viện Hoa Kỳ ngày 5 tháng 6 và đang được Ủy ban Quân vụ Thượng viện xem xét (2).
Nói cách khác, nếu không có gì thay đổi, cộng đồng người Mỹ gốc Việt sẽ có thêm một vị tướng sau những : Lương Xuân Việt (Thiếu tướng Lục quân), William H. Seely III (Chuẩn tướng Thủy quân lục chiến), Châu Lập Thể Flora (Chuẩn tướng Lục quân).
***
Trên Internet không có nhiều thông tin về Đại tá Huấn song ít nhất qua Internet cũng có thể biết, Đại tá Huấn làm việc tại Bộ Tư lệnh Hệ thống Kỹ thuật Hải quân Mỹ - Naval Sea Systems Command – NAVSEA).
Năm ngoái, Đại tá Huấn được NAVSEA và Bộ Tư lệnh Hệ thống Hải chiến - Chiến tranh Không gian (Space and Naval Warfare Systems Command - SPAWAR) chọn trao phù hiệu Engineering Duty Officer Qualification (phù hiệu EDO) (3).
Tạm dịch EDO là Sĩ quan Thường vụ Kỹ thuật vận hành. Trong Hải quân Mỹ, phù hiệu EDO là bằng chứng, chứng tỏ khả năng đặc biệt của một sĩ quan Hải quân. Theo Wikipedia thì Hải quân Mỹ chỉ có chừng 800 sĩ quan mang phù hiệu này (4).
Các EDO là những sĩ quan giữ vai trò trụ cột cả về thiết kế, mua sắm, đóng, bảo trì, sửa chữa, chuyển đổi, thanh lý tất cả các loại tàu của Hải quân Mỹ (chiến hạm, tàu ngầm, hải vận hạm, hàng không mẫu hạm), lẫn trang bị các hệ thống (vũ khí, liên lạc, mạng máy tính, mạng kiểm soát và vận hành) trên những tàu này.
Nhìn một cách tổng quát, các EDO của Hải quân Mỹ là những cá nhân thật sự xuất sắc về tri thức, kỹ năng, giàu kinh nghiệm, sau khi trải qua một tiến trình thẩm định kỹ lưỡng, được xác nhận là đủ tư cách nắm giữ vai trò chỉ huy hoặc là cố vấn về tất cả các khía cạnh liên quan đến kỹ thuật của các phương tiện thuộc Hải quân Mỹ (5).
Theo hệ thống truyền thông quân đội Mỹ, dịp 30 tháng 4 vừa qua, Captain (cách mà lực lượng hải quân và tuần duyên Mỹ gọi những sĩ quan mang cấp bậc đại tá) Huan Nguyen đến Guam, tham dự lễ khánh thành Đài tưởng niệm "Lone Sailor" (6).
Đài tưởng niệm "Lone Sailor" vừa là biểu tượng liên kết giữa Hải quân và Hàng hải, vừa ghi lại sự kiện Guam đã từng là nơi trú thân của hàng chục ngàn người Việt phải bỏ xứ tha hương khi quân đội miền Bắc Việt Nam tràn vào Sài Gòn.
Hồi 30 tháng 4 vừa qua, Captain Huan Nguyen đến Guam không chỉ nhằm đại diện Hải quân Mỹ mà còn vì là một trong hàng chục ngàn người Việt từng được Hải quân Mỹ vớt trên biển cách nay 44 năm, rồi đưa đến Guam…
Hôm ấy, ông đại tá hải quân này kể rằng, 44 năm trước, khi đến Guam, ông là một thiếu niên 14 tuổi, đơn độc vì cha, mẹ, anh, chị, em đều đã bị giết,… nước Mỹ đã tiếp nhận những kẻ xa lạ như ông, cho ông hy vọng, cơ hội...
Trên Internet có một trang web do Daniel Pham lập ra và điều hành với tham vọng chia sẻ những điều tốt để hình thành tính cách tốt, giúp cuộc sống tốt hơn. Daniel Pham còn là tác giả Great Quotes và theo những gì Daniel chia sẻ thì Captain Huan Nguyen từng viết vài dòng, trong đó trích dẫn nguyên văn tâm tình của Nguyễn Bá Học : "Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông" để khuyến khích Daniel tiếp tục theo đuổi ước vọng của chàng trai này (6).
***
Cũng tuần này, khi bàn về hòa giải dân tộc, một số người Việt chia sẻ với nhau tấm ảnh Saigon Execution (Hành quyết tại Sài Gòn) do Eddie Adams chụp tại Sài Gòn vào Tết Mậu Thân năm 1968 đã được chỉnh sửa lại.
Saigon Execution từng được hệ thống truyền thông phương Tây và hệ thống tuyên truyền của khối Cộng sản sử dụng như một bằng chứng tố cáo "tội ác Mỹ Ngụy", sự "phi nghĩa" của cuộc chiến chống cộng sản miền Bắc xâm chiếm miền Nam.
Trong Saigon Execution, người ta có thể thấy ông Nguyễn Ngọc Loan, lúc đó là Chuẩn tướng Tư lệnh Cảnh sát Việt Nam Cộng hòa, dùng súng ngắn bắn vào đầu một tù binh Việt Cộng mặc thường phục và hai tay đang bị trói !
Năm 1969, Saigon Execution đã giúp Eddie Adams nhận giải Pulitzer về ảnh báo chí chụp tại hiện trường… Saigon Execution từng làm tướng Loan và chính thể Việt Nam Cộng hòa bị chỉ trích kịch liệt vì... vô nhân đạo – bắn một tù binh đã bị vô hiệu hóa.
Tuy nhiên theo thời gian, sự thật tưởng vậy mà không phải vậy...
Một số cựu chiến binh cộng sản bảo "nạn nhân" là Nguyễn Văn Lém, còn được gọi là Bảy Lốp (7), số khác bảo "nạn nhân" là Lê Công Nà (8). Còn chính quyền cộng sản Việt Nam chỉ dùng Saigon Execution để tố cáo "tội ác Mỹ Ngụy", nêu cao "chính nghĩa" của cuộc chiến "giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước" chứ chưa bao giờ chính thức xác định danh tính, thân thế - sự nghiệp của "nạn nhân".
Vì sao ? Có thể vì làm như thế sẽ khó giải thích tại sao "nạn nhân" lại tham gia vào việc biến thủ đô của một quốc gia có chủ quyền thành mặt trận, giết nhiều thường dân, trong đó có gia đình một trung tá tên là Nguyễn Tuấn – Chỉ huy trưởng Trường Thiết giáp, tọa lạc tại Gò Vấp, nên mới bị tướng Loan hành quyết ngay tại mặt trận.
Năm ngoái – nhân dịp 50 năm xảy ra sự kiện Tết Mậu Thân, ông Hoàng Tất Thắng đã sưu tầm nhiều tài liệu, nhân chứng, thực hiện bài viết "Một thời điểm : Hai tấm hình - hai số phận và tội ác của truyền thông thiên tả" (9).
Chính quyền cộng sản Việt Nam chỉ dựa vào "Saigon Execution" của AP mà lờ đi nhiều hình ảnh khác cũng trên AP về Tết Mậu Thân ngay tại Sài Gòn. Chẳng hạn tấm ảnh minh họa cho sự kiện Trung tá Nguyễn Tuấn bị chặt đầu, vợ (Từ Thị Như Tùng) và sáu đứa con bị bắn bằng tiểu liên, chỉ có một bé trai may mắn trốn thoát.
Nguyễn Văn Lém – Bảy Lốp hay Lê Công Nà chính là chỉ huy vụ thảm sát đó và nhiều vụ thảm sát khác ở Sài Gòn dịp Tết Mậu Thân… Năm 1998, sau khi tướng Loan qua đời, Eddie Adams viết trên Time số ra ngày 27 tháng 7 về "Saigon Execution" : Tấm ảnh đó có hai người bị giết, tên Việt Cộng bị ông tướng bắn và ông tướng bị tôi giết bằng máy ảnh của tôi. Dù không có ý đồ ngụy tạo nhưng đôi khi một tấm ảnh có thể nói dối. Tôi xin lỗi…
Chẳng phải Sài Gòn, những cuộc thảm sát đã xảy ra tại nhiều nơi ở miền Nam trong Tết Mậu Thân 1968. Bé trai con của Trung tá Nguyễn Tuấn, không chỉ đội tang cha, mẹ, anh, chị, em. Đứa bé trai ấy còn đội thêm tang cậu ruột : Thiếu tá Từ Tôn Khán (Tỉnh đoàn trưởng Xây dựng nông thôn tỉnh Quảng Nam, về Huế ăn Tết với đại gia đình, bị các đồng chí của những Nguyễn Văn Lém – Bảy Lốp, Lê Công Nà dùng cha mẹ già uy hiếp buộc ra hàng rồi bị đập đầu bằng búa bửa củi...) và những người thân khác.
Hồi đầu tuần, ai đó đã chỉnh sửa "Saigon Execution" – thay khẩu súng trên tay tướng Loan bằng một bông hoa tím. Một số người đã chuyển "Saigon Execution" được chỉnh sửa như một đề nghị xóa bỏ hận thù. Có khá nhiều người không tán thành, không phải vì cố chấp mà vì chính quyền cộng sản Việt Nam vừa kêu gọi hòa giải, vừa xem những Nguyễn Văn Lém – Bảy Lốp, Lê Công Nà là anh hùng, hữu công, qua đó phải tri ân đảng (10)…
Đứa trẻ may mắn trốn thoát khỏi cuộc thảm sát cách nay 51 năm, may mắn trốn thoát thêm một lần nữa cách nay 44 năm sắp trở thành một vị tướng của Hải quân Mỹ. Ngẫu nhiên cả hai sự kiện chỉnh sửa "Saigon Execution" và Tổng thống Mỹ đề cử Nguyễn Từ Huấn làm Phó Đề đốc Hải quân Mỹ diễn ra trong cùng một tuần. Cuộc đời đúng là đầy bất ngờ !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 08/06/2019
Chú thích :
(1) https://www.facebook.com/VAUSAFAMILY/posts/2344136569190363
(2) https://www.congress.gov/nomination/116th-congress/841/
(3) https://www.navy.mil/submit/display.asp?story_id=104396
(4) https://en.wikipedia.org/wiki/Engineering_duty_officer
(5) https://www.dvidshub.net/news/320205/guam-lone-sailor-statue-plaques-dedicated
(6) http://www.tinhcachtot.com/vn/news/nhan-xet/a-great-note-from-huan-nguyen-captain-of-us-navy/
(7) https://vi.wikipedia.org/wiki/ Nguyễn_Văn_Lém
(8) https://vi.wikipedia.org/wiki/ Lê_Công_Nà
(9) http://danlambaovn.blogspot.com/2018/08/mot-thoi-iem-hai-tam-hinh-hai-so-phan.html
(10) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2124729627638066&set=a.572770479500663&type=3&theater
(11) https://nsvietnam.blogspot.com/2018/08/cau-be-song-sot-trong-vu-bay-lop-tan.html
**********************
Một chuẩn tướng Mỹ gốc Việt được đề cử thăng cấp thiếu tướng (Người Việt, 08/06/2019)
Ông Lập Thể Flora, chuẩn tướng Lục Quân Hoa Kỳ, vừa được đề cử thăng cấp thiếu tướng hôm Thứ Tư, 5 tháng Sáu, theo danh sách của Ủy Ban Quân Lực Thượng Viện Hoa Kỳ, mã số PN840.
Chuẩn tướng Lập Thể Flora. (Hình : Virginia National Guard)
Theo trang nhà của Vệ Binh Quốc Gia Hoa Kỳ, vị chuẩn tướng gốc Việt này hiện là phụ tá chỉ huy lực lượng Vệ Binh Quốc Gia tiểu bang Virginia, đóng tại Sanston, nằm ở phía Đông thủ phủ Richmond, từ tháng Năm, 2016 đến nay.
Từ tháng Tám, 1988, ông công tác tại nhiều đơn vị Lục Quân và Vệ Binh Quốc Gia khắp tiểu bang Virginia, qua nhiều chức vụ và cấp bậc khác nhau.
Ngoài ra, ông từng tham gia một số chiến trường ở ngoại quốc.
Từ tháng Chín, 2001 đến tháng Tư, 2002, ông là thiếu tá phụ trách huấn luyện và tác chiến cho Sư Đoàn 29 Bộ Binh Mỹ ở Bosnia.
Từ tháng Tám, 2006 đến tháng Chín, 2007, ông là trung tá chỉ huy một đơn vị Bộ Binh Mỹ tại Kosovo.
Từ tháng Chín, 2011 đến tháng Tám, 2012, ông là đại tá chỉ huy của lực lượng mặt đất của Lục Quân Quốc Gia Afghanistan.
Chuẩn Tướng Flora tốt nghiệp trung học Cave Spring, Roanoke, Virginia, năm 1983.
Sau đó, ông tốt nghiệp cử nhân sinh học tại Virginia Military Institute, Lexington, Virginia, và tốt nghiệp cao học nghiên cứu chiến lược tại United States Army War College, Carlisle, Pennsylvania.
Ngoài ra, ông cũng được huấn luyện quân sự qua hai chương trình "Army Senior Leader Development Program-Basic" (ASLDP-B) và "Dual Status Commanders Course" (NORTHCOM).
Trên trang Facebook của mình, Chuẩn Tướng Lập Thể Flora cho biết ông từng làm việc tại ba công ty ITT Night Vision, ITT Exelis, và Puolustusvoimat.
Chuẩn tướng Lập Thể Flora cùng vợ và con gái. (Hình : Facebook Lapthe Flora)
Theo Wikipedia, Chuẩn Tướng Châu Thể Lập có tên Việt Nam là Châu Lập Thể, sinh năm 1962 tại Việt Nam, và là con trai của một binh sĩ Hải Quân QLVNCH, hy sinh trong cuộc chiến Việt Nam, khi ông Thể mới 2 tuổi. Mẹ ông phải nuôi tất cả sáu người con.
Năm 11 tuổi, ông phải đi làm trong một xí nghiệp để giúp gia đình.
Năm 1980, năm năm sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc, ông cùng một số anh em trốn lên rừng và sau đó vượt biên bằng đường biển, được một chiếc tàu cứu, và vào một trại tị nạn ở Indonesia.
Một năm sau, ông được gia đình ông John và bà Audrey Flora nhận làm con nuôi và đưa về định cư tại Mỹ.
Ông Lập Thể Flora được thăng cấp chuẩn tướng vào ngày 23 tháng Năm, 2016.
Cũng như lần trước, sự thăng cấp lần này của Chuẩn Tướng Lập Thể Flora phải được Thượng Viện và tổng thống chuẩn thuận.
Nếu được chuẩn thuận, ông Lập Thể Flora sẽ là thiếu tướng gốc Việt thứ nhì trong quân đội Mỹ.
Hiện nay, người gốc Việt cao cấp nhất trong quân đội Hoa Kỳ là Thiếu Tướng Lương Xuân Việt. (Đ.D.)
Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA, 05/06/2019
Trong cuộc thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, liệu Bắc Kinh có thể trả đũa bằng cách bán Công khố Phiếu của Mỹ hay không ? Đâu là sự lợi hại của việc sử dụng võ khí tài chính ấy ? Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu sau đây.
Trung Quốc đứng đầu trong danh sách các nước nắm giữ công khố phiếu của Mỹ - AFP
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Thưa ông, trong quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, phía Trung Quốc mua hàng Mỹ ít hơn là bán hàng vào thị trường Hoa Kỳ, cho nên khi trận thương chiến leo thang, biện pháp trả đũa cúa Bắc Kinh là áp thuế trên hàng hóa của Hoa Kỳ bán vào Trung Quốc có những giới hạn nhất định nếu so với số thuế phía Hoa Kỳ đánh trên hàng Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ. Vì hoàn cảnh đó nhiều người nói tới một ngón võ tài chính khác của Bắc Kinh là bán ra hoặc bớt mua vào Công khố phiếu của Mỹ, ông nghĩ sao về cách trả đòn này ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin được nói về bối cảnh trước, rồi sẽ phân tích sự lợi hại của ngón võ này. Trung Quốc hiện đang làm chủ khoảng một 1.120 tỷ Mỹ kim dưới dạng Công phố phiếu của Hoa Kỳ. Đấy là biện pháp cho Mỹ vay tiền để kiếm lời an toàn cho Bắc Kinh. Hoa Kỳ hiện mắc nợ công chúng ở trong và ngoài nước chừng 16.200 tỷ đô la. So với khối nợ đó thì món nợ của Bắc Kinh thật ra không đáng kể, chỉ hơn món nợ do Nhật Bản đang nắm trong tay. Hai quốc gia này thay nhau làm chủ nợ lớn nhất của Hoa Kỳ và nếu cho Mỹ vay tiền là để họ kiếm lời chứ cũng chẳng để viện trợ hay giúp ích gì nước Mỹ. Nếu Bắc Kinh có thể trả đũa trận thương chiến bằng cách bán ra Công khố phiếu Mỹ như một vài viên chức đã hăm dọa làm nhiều người e ngại thì ta nên tìm hiểu về các hậu quả của biện pháp đó….
Nguyên Lam : Ông nói về các hậu quả thì phải chăng người ta thấy ra nhiều hậu qủa khác nhau ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Người ta cứ e rằng nếu Bắc Kinh bán tháo Công khố phiếu Mỹ thì thị trường trái phiếu sẽ bị chấn động và gây thiệt hại cho Hoa Kỳ. Sự thật lại không như vậy.
Nhưng ta cần biết thêm vài chi tiết chuyên môn khác là trị giá của trái phiếu trên thị trường chuyển dịch ngược với phân lời, hay yields. Nếu phân lời Công khố phiếu loại dài hạn lại sụt vì hiện tượng trái phiếu bị bán ra, như người ta vừa thấy, và nếu sụt thấp hơn phân lời trái phiếu ngắn hạn thì đấy là một trong nhiều chỉ dấu tiên báo về nguy cơ suy trầm kinh tế trong khoảng một năm nữa. Chính là sự chuyển dịch ấy mới làm thị trường lo ngại và khiến nhiều viên chức Bắc Kinh hăm he sử dụng võ khí tài chính này. Nhưng, Bắc Kinh sẽ làm gì sau khi bán Công khố phiếu của Hoa Kỳ ?
Nguyên Lam : Nhưng trước đó, thưa ông, vì sao Bắc Kinh lại cho Mỹ vay tiền bằng cách mua Công khố phiếu của Hoa Kỳ ?
Lãi suất cho vay cơ bản của Mỹ vào ngày 1 tháng 5, 2019 AFP
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Câu hỏi rất hay ! Mua Công khố phiếu Mỹ có lời và an toàn, lại làm hạ lãi suất trên thị trường Hoa Kỳ khiến dân Mỹ tiêu thụ nhiều hơn và nhập khẩu nhiều hơn. Do đó, Bắc Kinh mới cho Mỹ vay tiền vì có lợi cho họ. Bây giờ ta nhìn trên toàn cảnh của trận đánh xem Bắc Kinh có thể làm những gì ?
Thứ nhất, Bắc Kinh có thể bán ra hay ít mua vào loại sản phẩm đầu tư an toàn này, rồi mua nhiều tài sản khác của Mỹ vẫn trong mục tiêu kiếm lời thì luồng tư bản của Trung Quốc chảy vào thị trường Hoa Kỳ vẫn chẳng thay đổi về cơ bản, vì Bắc Kinh chỉ thay việc đầu tư an toàn qua trái phiếu của nhà nước Mỹ bằng các khoản đầu tư bị rủi ro hơn. Trên thị trường Hoa Kỳ, tình hình chẳng thay đổi, cùng lắm thì phân lời trái phiếu loại an toàn có thể tăng chút đỉnh mà không nhiều.
Giải pháp thứ hai là Bắc Kinh có thể ít mua Công khố phiếu hay các loại tài sản đầu tư khác của Mỹ, nhưng doanh nghiệp Trung Quốc, công và tư, vẫn bỏ tiền đầu tư vào thị trường Hoa Kỳ để kiếm lời cho họ thì lượng tư bản của Trung Quốc chảy vào Mỹ vẫn không có thay đổi. Hai kịch bản này có chung một hậu quả là không làm thay đổi thị trường Trung Quốc, từ trương mục vãng lai tới số thặng dư về mậu dịch của Bắc Kinh.
Nguyên Lam : Thưa ông, Bắc Kinh còn có giải pháp nào khác nữa không ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Kịch bản thứ ba, hơi rắc rối và khó hiểu hơn, là Bắc Kinh hay doanh nghiệp Trung Quốc ít mua tài sản của Hoa Kỳ mà dùng tiền đó đầu tư vào thị trường của các nước công nghiệp hóa, ví dụ như Liên Hiệp Châu Âu, thì kết quả sẽ là gì ? Là dòng tư bản của Trung Quốc bớt chảy vào Hoa Kỳ mà chảy qua các thị trường công nghiệp khác với cùng số lượng. Nhưng chưa chắc các thị trường đó, như của Châu Âu, Nhật hay Anh quốc, đã có thể hấp thụ được số đầu tư lớn lao mà không gặp bất lợi như tiết kiệm giảm, tỷ giá đồng bạc tăng và xuất khẩu sụt, thất nghiệp sẽ cao hơn.
Nguyên Lam : Thưa ông, còn hậu quả cho Hoa Kỳ sẽ là gì ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nghịch lý ở đây là đầu tư tại Mỹ không thay đổi gì nhiều, nhưng tiết kiệm có thể tăng vì thất nghiệp giảm hay vì nợ tiêu thụ giảm và thiếu hụt về ngoại thương cũng giảm. Nói vắn tắt thì cái đòn tài chính này chẳng đem lợi lộc gì cho Bắc Kinh mà còn giúp ích cho kinh tế Hoa Kỳ. Vấn đề nó rắc rối khó hiểu vì liên hệ đến các trương mục hay tài khoản tư bản, vãng lai, đến đầu tư và tiết kiệm.
Nguyên Lam : Nếu Bắc Kinh muốn trả đũa mà lại giúp Hoa Kỳ cải thiện kinh tế thì rõ là lợi bất cập hại. Thế Trung Quốc còn giải pháp nào khác hay không ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Bắc Kinh có thể rút tiền đầu tư vào Hoa Kỳ mà đưa vào các nền kinh tế đang phát triển, như Ấn Độ, Brazil, Nga, Nam Phi hay Pakistan, v.v… Đối với Hoa Kỳ thì hậu quả vẫn tương tự như giải pháp thứ ba mình vừa thấy ở trên, chứ luồng đầu tư này có thể giúp cho kinh tế của các nước kia. Tuy nhiên, ta chẳng quên kinh nghiệm khá tiêu cực của Bắc Kinh khi đầu tư vào các nước chưa phát triển còn thiếu cơ chế tiếp nhận an toàn và lại gây tai tiếng về chính trị. Hãy nghĩ tới trường hợp rất nóng tại Việt Nam hay nhiều xứ khác trong kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ thì ta biết.
Bắc Kinh và doanh nghiệp Trung Quốc còn một giải pháp thứ năm là rút tiền khỏi thị trường Hoa Kỳ nhưng chẳng đầu tư vào thị trường nào khác. Nghĩa là Trung Quốc giảm số xuất khẩu tư bản và Bắc Kinh phải hoặc giảm mức tiết kiệm nội địa hay tăng số đầu tư nội địa, và sẽ giảm trương mục vãng lai và thặng dư mậu dịch. Nếu tiết kiệm nội địa sụt nhanh và mạnh, số xuất khẩu giảm lại gây nguy cơ thất nghiệp, là một bài toán chính trị bất lợi cho lãnh đạo.
Nguyên Lâm : Ông kết luận thế nào về việc Bắc Kinh có thể dùng Công khố phiếu Mỹ như một võ khí trong trận thương chiến với Hoa Kỳ ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ rằng lãnh đạo Bắc Kinh đã cân nhắc chuyện này và chỉ dám dọa thôi chứ không dám làm. Bắc Kinh có thể ra lệnh cho Ngân hàng Nhà nước của mình bán ra 20 tỷ đô la Công khố phiếu Mỹ vào tháng Ba vừa qua mà chẳng có tác dụng gì. Nay có ra lệnh không mua thêm Công khố phiếu Hoa Kỳ thì cũng vậy mà thôi. Hậu quả là chỉ làm mọi người cùng thấy rằng đấy không là biện pháp trả đũa hữu hiệu. Có đạn mà không bắn thì người ta còn ngại, chứ bắn rồi thì thiên hạ thấy rằng đấy chỉ là đạn giấy !
Giải pháp sau cùng là dùng lời hăm dọa để lung lạc dư luận thiếu am hiểu của Hoa Kỳ hầu có thể đổ lỗi cho Chính quyền Donald Trump về trận thương chiến. Và rằng trận thương chiến có thể làm kinh tế Mỹ sẽ bị suy trầm vào một năm có bầu cử. Giải pháp đổ lỗi ấy có vẻ công hiệu hơn cả nếu ta theo dõi các bình luận khá nông nổi của truyền thông báo chí Hoa Kỳ. Nhưng chuyện ngược đời là nếu thị trường Hoa Kỳ e ngại rủi ro suy trầm thì Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể sẽ hạ lãi suất như nhiều người đang dự đoán, lúc đó, chẳng còn ai quan tâm đến động thái kinh tế của Bắc Kinh nữa !
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích tuần này.
Nguyên Lam thực hiện
Nguồn : RFA, 05/06/2019
******************
Trung Quốc dùng đòn độc đánh Mỹ được không ?
Ngô Nhân Dụng, Người Việt, 04/06/2019
Nhiều người trong giới lãnh đạo Trung Quốc nói Tập Cận Bình có thể chơi một đòn độc trong cuộc chiến tranh thương mại với Donald Trump, là đem bán các công trái của chính phủ Mỹ mà nước Tàu đã mua, còn đang giữ. Nói cách khác, là không cho Mỹ vay nợ nữa.
Nghe có vẻ hợp lý. Nhưng món võ đó rất khó thi triển. Vì hiệu quả thấp và người ra đòn sẽ đau hơn đối thủ.
Trong cuộc chiến tranh mậu dịch đang diễn ra, Trung Quốc không thể gây được ảnh hưởng nào đáng kể nếu bán công trái Mỹ
Hiện nay Trung Quốc đang là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, với hơn ngàn tỷ đô la công trái. Công trái, cũng như các trái khoán khác, là những tờ "giấy nợ". Mua công trái Mỹ tức là cho chính phủ Mỹ vay nợ. Mua hay bán nhiều công trái đều ảnh hưởng lên lãi suất ở nước Mỹ. Vì mua, bán nhiều sẽ làm giá lên hay xuống. Giá công trái lên thì lãi suất thấp, giá xuống, lãi suất cao. Mua nhiều, sẽ giúp lãi suất giảm, bán nhiều là thúc cho lãi suất tăng.
Giống như khi chúng ta đi vay nợ : Nếu nhiều người muốn cho vay thì có thể mặc cả lãi suất thấp ; ít người chịu cho vay thì phải trả lãi suất cao hơn. Trong những năm qua các nước mua rất nhiều công trái Mỹ, giúp cho lãi suất ở Mỹ rất thấp. Lãi suất thấp khiến người Mỹ tiêu thụ và đầu tư dễ dàng hơn, có thể kích thích kinh tế tăng trưởng. Nếu lãi suất lên cao, tốc độ tăng trưởng bị chặn lại. Vì thế nhiều người Trung Quốc nhìn thấy một "đòn độc" : Ngưng cho Mỹ vay nợ.
Xưa nay Trung Quốc lâu lâu vẫn mua hoặc bán công trái Mỹ để giữ cân bằng trong khối dự trữ ngoại tệ. Hai tháng trước, Trung Quốc đã đưa ra một dấu hiệu bất thường. Bắc Kinh bán 20 tỷ USD công trái Mỹ, số lượng lớn nhất trong vòng hai năm, mà không có lý do nào thúc bách.
Một lý do là, khi Ngân hàng Trung ương ở Bắc Kinh muốn giảm khối dự trữ ngoại tệ thì họ cũng giảm số công trái đô la Mỹ đang nắm trong tay. Họ bán công trái Mỹ khi muốn bảo vệ giá trị của đồng nguyên. Ho sẽ dùng số đô la lớn thu vào nhờ bán công trái đem đổi lấy đồng nguyên, nâng giá đồng nguyên lên.
Việc bán 20 tỷ USD công trái Mỹ vừa rồi không thấy liên can gì đến hai mục đích đó. Tự dưng họ đem bán ! Cho nên nhiều người đoán họ muốn báo cho Tổng thống Donald Trump biết rằng họ đang thủ trong tay một đòn độc, sẽ đưa ra nếu ông Trump "leo thang" trong cuộc chiến tranh quan thuế.
Nhưng làm chủ nợ, với hơn ngàn tỷ đô la công trái Mỹ, không cho Trung Quốc một lợi thế nào đáng kể.
Trước hết, tại sao Bắc Kinh lại cho chính phủ Mỹ vay tiền ? Các ông tổng thống, bộ ngoại giao hay bộ tài chính Mỹ không ai mời họ mua công trái cả. Chính giới lãnh đạo tài chính của họ đã quyết định mua, không khác gì các ông hoàng dầu lửa ở Trung Đông, hay chính phủ Nhật Bản hoặc Brazil.
Tại sao người ta muốn cho Mỹ vay ?
Vì đó là nơi đầu tư an toàn nhất. Cho nhà nước ở Washington vay thì biết mình được bảo đảm, tiền lãi và tiền vốn được trả đúng hẹn. Và "con nợ" chắc không bao giờ phá sản. Nếu chính phủ Mỹ không trả, có thể "xiết nợ" số tài sản khổng lồ của họ, khỏi lo ! Nhờ nhiều người tham gia vào việc mua, bán các công trái Mỹ cho nên "giấy nợ" của Mỹ tạo ra một thị trường rất hoạt động. Các chủ nợ, bất cứ lúc nào cần tiền, cũng có thể đem các công trái đó rao bán, biết rằng sẽ có người mua ngay.
Tuy công trái Mỹ trả lãi suất rất thấp (công trái 10 năm hiện chỉ có lời 2,42%) nhưng vẫn khá hơn công trái nhiều nước giầu khác. Công trái Anh Quốc chỉ lời 1,03%, còn các chính phủ Đức và Nhật Bản đi vay gần như không trả đồng tiền lãi nào.
Riêng hai nước Nhật Bản và Trung Quốc có lý do riêng để dự trữ công trái Mỹ. Muốn mua công trái, họ phải đổi lấy đô la, nhờ thế sẽ đẩy giá đô la lên, hạ thấp tiền nước họ xuống ! Hàng hóa nước họ đưa ra ngoài, giá tính bằng đô la, sẽ rẻ, bán dễ dàng hơn. Hai nước này muốn đồng đô la Mỹ lên giá ; vì mỗi khi đô la lên thì dân Mỹ mua hàng nhập cảng nhiều hơn. Hơn nữa, vì hai nước làm chủ nhiều đô la như thế cho nên đồng đô la lên giá tức là chính họ có lời ! Nhật Bản là chủ nợ lớn thứ nhì, cho Mỹ vay ít hơn Trung Quốc nhưng chỉ chênh lệch 40 tỷ USD mà thôi.
Mấy chục năm qua các nước cho vay và Mỹ đứng vay đều có lợi. Tiền đầu tư ngoại quốc vào Mỹ giúp cho lãi suất thấp, thị trường chứng khoán lên. Lãi suất ở Mỹ thấp đã thúc đẩy các hoạt động kinh tế, trong khi các công nhân và nhà máy ở Nhật và Trung Quốc có thêm việc làm.
Lý do thứ nhì khiến Bắc Kinh không thể dùng đòn độc đánh Mỹ là hiệu quả của món võ này rất thấp.
Tháng Hai đầu năm 2019, chính phủ Mỹ nợ 22.000 tỷ USD, dưới hình thức nhiều loại công trái dài hoặc ngắn hạn. Trong số đó, các chủ nợ nước ngoài chỉ cho vay 6.200 tỷ USD. Hai quốc gia đóng góp hơn một phần ba số nợ này. Tháng Ba, 2019, Trung Quốc làm chủ 1.120 tỷ USD, Nhật Bản 1.080 tỷ USD.
Các chủ nợ khổng lồ của chính phủ Mỹ chính là 230 cơ quan nhà nước ! Họ cho chính phủ Mỹ vay 5.900 tỷ USD, 27% tổng số nợ. Riêng hai cơ quan Bảo hiểm Xã hội và Bảo hiểm Lao động đã làm chủ 2.798 tỷ USD công trái, nhiều hơn nước Tàu. Quỹ hưu bổng của công chức liên bang và của quân đội mỗi nơi cũng mua gần một ngàn tỷ công trái. Những cơ quan trên thu tiền "thuế" của dân Mỹ đi làm, họ đầu tư vào công trái, vì đó là nơi an toàn nhất.
Khi nhìn vào các "chủ nợ" của chính phủ Mỹ thì chúng ta hiểu tại sao nếu Trung Quốc bán công trái Mỹ họ sẽ chẳng tạo được ảnh hưởng nào đáng kể. Nếu họ bán từ từ, thì mỗi lần bán sẽ có người khác thấy rẻ mua ngay. Nếu bán tốc bán tháo thì chính họ bị thiệt trong khi chỉ gây rối trong ngắn hạn !
Nếu Trung Quốc bán hàng ngàn tỷ công trái Mỹ thì giá công trái sẽ xuống ngay lập tức, theo luật cung cầu, thứ gì tràn ngập thị trường đều mất giá. Nếu giá xuống 5% thì nhà nước Bắc Kinh sẽ mất hơn 50 tỷ USD trong mấy ngày ! Họ có thể gây xáo trộn trong thị trường và đẩy lãi suất ngắn hạn ở Mỹ lên cao. Nhưng hậu quả đó chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn !
Bởi vì trong thị trường 22 ngàn tỷ USD công trái Mỹ, sẽ có nhiều người sẵn tiền để mua các giấy nợ mà Bắc Kinh đem bán. Giá công trái sau khi tụt giảm vì được bán quá nhiều sẽ trở lại quân bình. Nhật Bản, Anh Quốc, Brazil (ba nước chủ nợ lớn sau Trung Quốc), các ông vua dầu lửa, các quỹ đầu tư của tư nhân khắp thế giới (họ hiện làm chủ 1.800 tỷ USD công trái Mỹ, nhiều hơn Bắc Kinh), sẽ nhân cơ hội giá rẻ mua thêm công trái Mỹ. Đó là chưa kể các cơ quan trong chính phủ Mỹ ! Các quỹ hưu bổng, bảo hiểm, khi thấy giá công trái xuống sẽ bỏ tiền ra mua. Chỗ này mua dăm tỷ, chỗ kia vài chục tỷ, tổng cộng lại sẽ giúp lập lại thế cân bằng giá cả.
Trong khi đó, Trung Quốc thu được ngàn tỷ đô la nhờ bán công trái Mỹ sẽ làm gì với số tiền khổng lồ đó ? Muốn mua công trái các nước lớn cho an toàn thì cũng không có nhiều thứ để mua. Vì các thị trường đó rất nhỏ. Mua vàng hay kim cương sẽ làm giá các món đó tăng vọt lên ! Số thiệt hại sẽ lên hàng chục tỷ !
Và chính phủ Mỹ có nhiều cách để giữ cho giá công trái của họ trở lại quân bình nhanh chóng, nhờ chính các cơ quan liên bang, đặc biệt là Ngân hàng Trung ương Mỹ, Federal Reserve viết tắt là Fed.
Hiện Fed đang làm chủ 2.460 tỷ USD nợ của chính phủ. Tại sao họ đầu tư vô công trái ? Vì đây là một "khí cụ" dùng để thi hành chính sách tiền tệ, đưa lãi suất lên hay xuống, bảo vệ đồng đô la, và nếu cần… chống ngoại xâm !
Khi Trung Quốc bán hàng ngàn tỷ đô la công trái Mỹ, Fed chỉ cần công bố sẽ bỏ tiền mua thì lập tức các nhà đầu tư lớn, các chính phủ ngoại quốc cũng mua ngay. Họ lo giá bán đang rẻ sẽ lên cao nhanh chóng khi Ngân hàng Trung ương Mỹ nhảy vào.
Fed dư sức bỏ ra hàng ngàn tỷ đô la mua, vì họ in ra tiền ! Năm 2007, khi kinh tế Mỹ rơi vào cảnh suy thoái, Fed đã mua các công trái của chính phủ từ các ngân hàng và nhà đầu tư khác, số tiền Fed đổ ra lên tới hai ngàn tỷ đô la ! Không cần chính phủ Mỹ yêu cầu, Ngân hàng Trung ương có bổn phận bảo vệ giá trị đồng đô la sẽ đối phó ngay lập tức nếu Bắc Kinh đánh món "Đòn Độc".
Tóm lại, trong cuộc chiến tranh mậu dịch đang diễn ra, Trung Quốc không thể gây được ảnh hưởng nào đáng kể nếu bán công trái Mỹ, tức là ngưng không cho Mỹ vay nợ. Vì rất nhiều người khác vẫn sẵn sàng cho Chú Sam vay. Chú Sam còn có cách tự mình cho mình vay. Trong khi đó thì Bắc Kinh sẽ lỗ vốn vì bán công trái Mỹ với giá thấp hơn giá khi mua vào. Món "Đòn Độc" thực ra không đủ để hạ đối thủ đo ván !
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 04/06/2019
‘Việt Nam xâm lược Cambodia’ : Thủ tướng Singapore khuấy động cuộc tranh cãi về thời Khmer Đỏ (Người Việt, 06/06/2019)
T.K, Người Việt, 06/06/2019
Hôm 6/6, mạng xã hội vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh một post của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói Việt Nam "xâm lược Cambodia".
Thủ đô Phnom Penh của Cambodia. (Hình : BBC Việt ngữ)
Tính đến sáng cùng ngày (theo giờ Việt Nam), post gây xôn xao của ông Lý đã nhận được hơn 31.000 lượt like, 24.000 lượt comment . Nhiều Facebooker Việt Nam vẫn đang ào ạt post hình cờ đỏ và comment những lời nhục mạ bằng tiếng Việt trên trang cá nhân của ông Lý.
Liên quan vụ này, tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng của Hồng Kông hôm 6/6 cho biết : "Việt Nam đã xâm lược Cambodia hay giải cứu nước này ? Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khuấy động một cuộc tranh cãi về thời Khmer Đỏ. Hành động đưa quân sang xóa bỏ chế độ Khmer Đỏ của Việt Nam vào cuối thập niên 1970 vẫn là nguồn cơn gây chia rẽ giữa các quốc gia thành viên ASEAN. Singapore nằm trong số những nước coi hành vi của Hà Nội là ‘nước ngoài xâm lược’ trong lúc Cambodia và Việt Nam đến nay vẫn quả quyết đó ‘không phải là sự thật.’"
Tờ báo cũng dẫn lời ông Joshua Kurlantzick, thành viên cao cấp phụ trách vấn đề Đông Nam Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ : "Chủ đề Việt Nam xâm lược Cambodia vẫn là một vấn đề nhạy cảm. Việc Hoa Kỳ và các quốc gia trong khu vực ủng hộ các nhóm đồng minh của Khmer Đỏ sau cuộc xâm lược này là điều không hay trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ. Ngoài ra, Cambodia luôn nhạy cảm khi bị cho là phụ thuộc vào Việt Nam, và trong khi nhiều người dân Cambodia xem quân Việt Nam là người giải phóng, vẫn có những chính trị gia của nước này khuấy động chủ nghĩa bài Việt Nam".
Đáng lưu ý, Bộ Ngoại giao Singapore không trả lời yêu cầu bình luận của tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng về vụ này.
Trong khi đó, một số blogger chỉ trích ông Phạm Sanh Châu, đại sứ đặc mệnh toàn quyền của cộng sản Việt Nam tại Ấn Độ, Nepal và Bhutan vì ông này viết trên trang cá nhân : "Phẩm hạnh cao quí nhất của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua suốt hàng nghìn năm tồn tại là lòng vị tha và năng lực tha thứ. Tinh thần nhân văn này được chuyển hoá vào phương châm đối ngoại mà Việt Nam kiên định theo đuổi : Gác lại quá khứ, hướng tới tương lai. Vì thế mà trong suốt 40 năm qua kể từ khi nhân dân Cambodia thoát khỏi hoạ diệt chủng, thế giới vẫn nợ Việt Nam một lời xin lỗi mà Việt Nam chưa bao giờ đòi. Và hôm nay lại nợ thêm Việt Nam một lời xin lỗi nữa. Hãy dừng lại và đừng làm tổn thương lòng tự tôn của một dân tộc vốn đã chịu quá nhiều đau thương của chiến tranh !".
Cùng thời điểm, Đại sứ Việt Nam tại Cambodia Vũ Quang Minh cũng bày tỏ quan điểm trên trang cá nhân : "Mặc dù có một vài bạn giỏi tiếng Anh có băn khoăn là hay chúng ta hiểu nhầm hoặc tiêu cực hóa cách dùng từ ‘invade’ và ‘occupy’ của ông Lý Hiển Long, tôi tin chắc đa số chúng ta hiểu rõ, đúng là các từ trong tiếng Anh có nhiều nghĩa, nhưng với văn cảnh, context, mà ông Lý đăng trên trang Facebook và đưa vào phát biểu của ông tại Đối Thoại Shangri-La ngay sau đó, thì không có gì nghi ngờ về ý mà ông muốn nói. Cảm ơn ông Lý Hiển Long ! Nhờ ông phát biểu như thế, dư luận quốc tế và trong nước có dịp quan tâm hơn tới những gì đã xảy ra 40 năm trước, khi những người đồng đội tình nguyện Việt Nam và các chiến sĩ mặt trận Cambodia sát cánh bên nhau giải phóng đất nước Cambodia khỏi nạn diệt chủng, khi nhân dân Việt Nam phải hy sinh không chỉ xương máu, mà còn chịu cấm vận và các xung đột quân sự kéo dài cả thập kỷ, và cả một cuộc chiến biên giới phía Bắc…" (T.K.)
Link tham khảo :
https://www.scmp.com/week-asia/politics/article/3013336/did-vietnam-invade-cambodia-or-save-it-singapore-pm-lee-hsien
******************
Bàn về phát ngôn thủ tướng Lý Hiển Long vô tình khơi lại vấn đề chiến tranh Việt – Cam
Phùng Hoài Ngọc, VNTB, 06/06/2019
Bàn cờ thế giới ngày nay đã khác.
Bắt bẻ thủ tướng Lý Hiển Long làm chi khi quan hệ hai nước đang yên đang lành.
Vì sao Bộ ngoại giao sao không lên án, "lấy làm tiếc" bọn Trung Quốc đích danh thủ phạm gây ra thảm họa Campuchia và đòi họ xin lỗi ?
Status Facebook của Thủ tướng Lý Hiển Long.
***
Tuần này công luận và mạng xã hội tập trung theo dõi nghị trường Quốc hội đang tự bộc lộ hết các căn bệnh ghẻ lở và ung thư chính trị, dân mạng đang sôi sùng sục. Bỗng nhiên xảy ra vụ thủ tướng Singapore viết một Status vô tình trên Facebook của anh ta khiến Mạng Xã Hội và báo chí Việt Nam dậy sóng, làm nhạt mất các chủ đề nóng hổi ở Việt Nam. Người phát ngôn Bộ ngoại giao cũng đăng đàn "lấy làm tiếc", phàn nàn oán trách thủ tướng Singapore đang khi quan hệ hai nước khá êm thuận.
Tôi đành phải góp bàn một lần, dứt điểm vụ này.
Dưới đây xin dẫn và trích nguyên văn FB của Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong)
Long nói cảm tưởng về ông tướng Prem người Thailand vừa qua đời.
"His leadership also benefited the region. His time as PM coincided with the ASEAN members (then five of us) coming together to oppose Vietnam’s invasion of Cambodia and the Cambodian government that replaced the Khmer Rouge. Thailand was on the frontline, facing Vietnamese forces across its border with Cambodia. General Prem was resolute in not accepting this fait accompli, and worked with ASEAN partners to oppose the Vietnamese occupation in international forums. This prevented the military invasion and regime change from being legitimised. It protected the security of other Southeast Asia countries, and decisively shaped the course of the region" (1).
Tôi dịch sát nghĩa, trung tính (không biểu cảm) :
"Sự lãnh đạo của ông cũng mang lại lợi ích cho khu vực. Thời gian làm thủ tướng trùng hợp với các thành viên ASEAN (lúc đó là năm người chúng tôi) cùng nhau chống lại Việt Nam xâm nhập, lan tràn Campuchia và chính phủ Campuchia mà thay thế Khmer Đỏ. Thái Lan ở tiền tuyến, đối mặt với các lực lượng Việt Nam vượt qua biên giới của họ với Campuchia. Tướng Prem đã kiên quyết không chấp nhận việc đã rồi này, và làm việc với các đối tác ASEAN để phản đối sự chiếm đóng của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế. Điều này ngăn cản cuộc xâm nhập, lan tràn quân sự và thay đổi chế độ khỏi bị hợp pháp hóa. Nó bảo vệ an ninh của các quốc gia Đông Nam Á khác, và quyết định sự định hình dòng chảy của khu vực".
Xin hãy lưu ý một số từ ngữ sau :
Xâm lược (từ gốc Hán) : 侵剠vốn là từ ghép :
- Xâm : (ngầm) đem binh vào bờ cõi nước khác
- lược : tước đoạt, chiếm dụng (lãnh thổ, sinh mạng, của cải…)
"Xâm lược"tương đương với tiếng Anh : Aggression.
Aggression : gây hấn và chiếm đóng lãnh thổ.
Khi Lý Hiển Long viết trên FB, ông ta hẳn rành chữ Hán và tiếng Anh nên dùng khá chính xác hai từ ngữ sau :
Invasion : xâm nhập, lan tràn
Occupation : đóng quân.
Sự thật lịch sử là : cả hai Việt- Cam chẳng ai phủ nhận rằng : quân đội Việt Nam vượt qua biên giới tiến vào đất Cam, truy kích Khmer Đỏ, đóng quân 10 năm.
Người Việt ưa dịch dễ dãi tất cả 3 từ "Invasion, Occupation, Aggression" đều là "xâm lược" với nghĩa cực xấu, có thể gây hiểu lầm (nhiều cuốn từ điển Anh- Việt kém chất lượng cũng cho nghĩa từ như vậy). Thực ra ba từ đó chỉ gần nghĩa với nhau thôi.
Tay thủ tướng Singapore dùng từ trung tính, nhắc một sự thật khách quan, không biểu cảm (dù sao ít nhiều Lý tổng tài vẫn nghiêng theo quan điểm cũ khi sự kiện xảy ra lúc ấy, 1978- 1988).
Hóa ra Bộ ngoại giao Việt Nam và cô nàng Lê Thị Thu Hằng cũng chưa thấm nhuần ngoại ngữ cho lắm, dịch đơn giản Invasion là "xâm lược" (thay vì xâm nhập…), Occupation là "chiếm đóng" (thay vì đóng quân) khiến kích động người Việt bừng bừng nổi giận, lãng quên thời sự nóng hổi trong nước.
Lý Hiển Long đứng trên lợi ích khu vực ASEAN mà bàn bạc. Ông ta lúc ấy đồng minh với Thái lan và phần lớn ASEAN cũng không ủng hộ cuộc chiến Việt-Cam vì sợ ngọn lửa lan rộng. Ông ta chẳng biết gì và chẳng cần biết đến nội tình hệ thống cộng sản còn kinh khủng hơn nhiều. Tuy nhiên giá như bây giờ gã Long tế nhị hơn một chút thì củng tốt hơn, khỏi bị ngay cả chính phủ Hun Sen phản đối.
Trở lại thời điểm chiến tranh Việt- Cam 10 năm ấy, bàn cờ thế giới vẫn là chiến tranh "lạnh" đối đầu giữa hai phe :
Hai phe dân chủ và cộng sản đối đầu.
Mỹ, Tây Âu và hầu hết ASEAN cùng một phe (Singapore, Malaysia, Thái Lan…)
Đồng thời cộng sản cũng phân liệt ra hai phe.
Hai phe cộng sản đấu nhau với hai trùm Liên xô và trùm Trung Quốc.
Khmer Đỏ theo Trung Quốc, Bắc Triều tiên…
Việt cộng theo Liên xô…
Singapore của Lý Hiển Long đâu có theo phe Khmer Đỏ ?
Trong những cuộc giằng xé nội bộ cộng sản, nước nào yếu phải làm con tốt thí, làm bàn đạp, tiền đồn hoặc kẻ lót đường.
Việt Nam vừa thoát thân phận con tốt thí sau khi trả giá máu xương nặng nề kết thúc năm 1975.
Thì kế đó tới lượt Campuchia, Khmer Đỏ được lệnh của Trung Quốc đâm sau lưng Việt Nam sau khi đạp sâu dân tộc họ vào vũng máu man rợ.
Canpuchia tan nát với cộng sản Khmer Đỏ. Trận chiến huynh đệ cộng sản tương tàn 1978-1988 mong rằng sẽ là trận cuối.
Bàn cờ thế giới ngày nay đã khác.
Bắt bẻ thủ tướng Lý Hiển Long làm chi khi quan hệ hai nước đang yên đang lành.
Vì sao Bộ ngoại giao sao không lên án, "lấy làm tiếc" bọn Trung Quốc đích danh thủ phạm gây ra thảm họa Campuchia và đòi họ xin lỗi ?
Phùng Hoài Ngọc
Nguồn : VNTB, 06/06/2019
(1) https://www.facebook.com/leehsienloong/posts/2475835199145838
*******************
Về chủ nghĩa dân tộc và phát ngôn 'invade' của ông Lý Hiển Long
An Viên, VNTB, 06/06/2019
Việc Lý Hiển Long lên tiếng cải chính là một hành động khôn ngoan và nên được làm sớm. Bởi "xâm lược" không phải là ý chính yếu trong toàn bộ phát ngôn của ông ta, và loại bỏ "xâm lược" ra khỏi quan điểm phát ngôn liên quan đến sự hình thành ASEAN, hay đoàn kết ASEAN chính là "đoàn kết", "xoa dịu nỗi đau", và không vấp phải những phản ứng trái chiều.
Sử dụng "xâm lược" chính là đá đổ những nỗ lực của Việt Nam trong quá khứ, không coi Khmer Đỏ gây ra nạn diệt chủng và nhiều đồng lõa với những tội ác chiến tranh mà Polpot gây ra.
Ông Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore, người mới đây làm dậy sóng với phát ngôn của ông tại Hội nghị Quốc
phòng Shangri La. Theo đó, để diễn giải về việc "biến thù thành bạn", ông đã dẫn chứng câu chuyện Lào, Campuchia, Việt Nam, và Myanmar. Trong đó, Việt Nam được ông coi là "đã xâm lược Campuchia và vì thế đã tạo ra một mối đe dọa với các nước láng giềng" (Vietnam had invaded Cambodia, thus posing a serious threat to its non-communist neighbours).
Về phát biểu của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Đối thoại Shangri-la 2019, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho rằng "Việt Nam lấy làm tiếc đã có một số nội dung phát biểu phản ánh không khách quan thực tế lịch sử, gây tác động không tốt đến dư luận...".
Cây bút của tờ Khmer Times coi lời ông Lý Hiển Long là "chạm vào nỗi đau của người dân Campuchia, khuấy động lại ký ức buồn". Nghị sĩ của nước này, ông Hun Many đã lên tiếng về phát ngôn của ông Long, nhấn mạnh là "không đúng sự thật". Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia cũng cho rằng, việc nói Việt Nam xâm lược Campuchia là sai trái, và "muốn ông ấy phải cải chính".
Chủ nghĩa quốc gia và hiện thực lịch sử ?
Ông Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore đã dùng cụm từ "invade" có nghĩa là "xâm lược", nhưng cụm từ này lại được coi là "trung lập", nghĩa là nó ám chỉ một hiện tượng với quy trình xảy ra như thế.
Theo hệ từ điển Cambridge, thì đây được coi là từ sử dụng để ám chỉ việc xâm nhập vào một đất nước với số lượng quân lớn, trong sự trật tự và chiếm lấy quốc gia đó (to enter a country by force with large numbers of soldiers in order to take possession of it).
Tại phần ví dụ của trang từ điển này, có đề cập đến việc Hạm đội Tây Ban Nha, được vua Tây Ban Nha cử đi xâm lược nước Anh vào năm 1588, thông qua ý định lật đổ Nữ hoàng Anh Quốc Elizabeth I.
Ở một ví dụ khác, là cuộc xâm lược của quân Đồng Minh vào Normandy thông qua cuộc đổ bộ nổi tiếng D-Day.
Như vậy, "invade" không phản ánh được bản chất của việc đem quân đó là gì, nó chỉ mô tả hành vi đó. Chính vì vậy, về mặt ngữ nghĩa học thuật, có thể hiểu cách ông Lý Hiển Long sử dụng cụm từ "xâm lược" như một cuộc đem quân vào nước Anh của Hạm đội Tây Ban Nha, hoặc việc đổ quân vào Normandy của Đồng Minh (vốn là cuộc chiến chống lại phát xít Đức, và nơi đây quân đồng minh đã chết rất nhiều).
Về nhận thức lịch sử, chính thống Việt Nam coi đây là "nghĩa vụ quốc tế", bản thân những người Campuchia cũng coi đây là sự giúp đỡ của đội quân nhà Phật. Tuy nhiên, ở ý kiến trái chiều khác, không ít nghiên cứu lẫn quan điểm của người dân Campuchia (thậm chí trong đội ngũ chính quyền Campuchia) coi đây là một hành động "xâm lược" nhằm "thôn tính Campuchia". Đề cập đến điều này để thấy rằng, ngay một sự "cứu giúp", hay "chống lại cuộc diệt chủng" cũng không khiến các quan điểm khi đánh giá về sự kiện này trở nên đồng nhất, và sự trái chiều này chắc chắn sẽ khó chấm dứt trong tương lai gần, và khó có thể có được một "khách quan thực tế lịch sử" dựa trên nỗi đau lịch sử, tinh thần học thuật, và góc nhìn về phương diện đem quân của Việt Nam.
Việc ông Lý Hiển Long, mặc dù ông sử dụng cụm từ mang tính trung lập như "invade", đã vô tình dẫn ông rơi tình vào tình trạng, dù ông không muốn, nhưng ông cũng đã "chạm vào nỗi đau của người dân Campuchia, khuấy động ký ức buồn" của không ít người Campuchia và cả người Việt Nam. Bởi lẽ, với họ, "diệt chủng" là có, và Việt Nam đem quân ngăn chặn nạn diệt chủng trên tinh thần thiện nguyện là hiện thực. Sử dụng "xâm lược" chính là đá đổ những nỗ lực của Việt Nam trong quá khứ, không coi Khmer Đỏ gây ra nạn diệt chủng và nhiều đồng lõa với những tội ác chiến tranh mà Ponpol gây ra.
Trên hết, phát ngôn của ông Lý Hiển Long chạm vào chủ nghĩa dân tộc, điều mà Stephen M. Walt cho rằng, nó có sức mạnh quyền lực lớn hơn cả răn đe hạt nhân, Internet, Chúa, hay thậm chí là thị trường trái phiếu.
Tại Việt Nam, chủ nghĩa dân tộc như cơn sóng dữ, có thể thổi bùng lên ngọn lửa và thiêu đốt hết tất cả. Và chủ nghĩa dân tộc Việt Nam không thua kém chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Phản ứng đầu tiên về phát ngôn của Thủ tướng Lý Hiển Long là từ người Campuchia, nhưng dữ dội và đến cùng nhất sẽ là người Việt Nam, và điều này có thể thấy trên trang Facebook của vị Thủ tướng Singapore này.
Quan điểm của Thủ tướng Lý Hiển Long tưởng chừng như là "hòa hợp" lại vô tình tạo ra sự "phi hòa hợp", phát biểu biến thù thành bạn, nay biến bạn thành thù. Và đây có thể là một lỗi chính trị mà người đứng đầu đảo quốc Sư tử gặp phải.
Việc Lý Hiển Long lên tiếng cải chính là một hành động khôn ngoan và nên được làm sớm. Bởi "xâm lược" không phải là ý chính yếu trong toàn bộ phát ngôn của ông ta, và loại bỏ "xâm lược" ra khỏi quan điểm phát ngôn liên quan đến sự hình thành ASEAN, hay đoàn kết ASEAN chính là "đoàn kết", "xoa dịu nỗi đau", và không vấp phải những phản ứng trái chiều.
Hãy để "xâm lược" nằm trong những nghiên cứu từ các học gia, hơn là tồn tại trong một bài phát biểu. Bởi khi nghiên cứu, thì tính khách quan hiện thực lịch sử mới xuất hiện và tồn tại, còn nếu trong một phát ngôn, thì nó trở thành mũi dùi chính trị, thể hiện sự chủ quan, thiếu thận trọng và đánh giá thấp chủ nghĩa quốc gia ở một số quốc gia có liên quan đến sự kiện được đề cập.
An Viên
Nguồn : VNTB, 06/06/2019
*******************
Lật đổ Pol Pot : Khó khăn khi Việt Nam thuyết phục quốc tế ? (BBC, 06/06/2019)
Liệu Việt Nam có thể làm gì khác để thuyết phục quốc tế không trừng phạt, sau khi lật đổ chính quyền Pol Pot năm 1979 ?
Khieu Samphan (giữa), Phó Chủ tịch Chính quyền Liên minh của Kampuchea Dân chủ và Ieng Sary (phải), Bộ trưởng Ngoại giao, ăn mặc đẹp để ra đón phái đoàn Trung Quốc ở căn cứ Dong Rek của Khmer Đỏ năm 1985. Ieng Sary, tên là Kim Trang, sinh ra ở Châu Thành, Trà Vinh trong gia đình cha là người Khmer, mẹ người Việt gốc Hoa
Khi nhìn lại, một số học giả đã chỉ ra luận cứ yếu ớt của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc sau biến cố.
Nhưng mặt khác, trong bối cảnh tranh đấu Chiến tranh Lạnh, phải chăng dù Việt Nam có làm gì, cũng không thể thay đổi phản ứng quốc tế ?
Việt Nam đưa quân đánh sang Campuchia vào dịp Giáng sinh 1978, nhanh chóng đánh bại quân của Pol Pot.
Pol Pot bỏ chạy khỏi thủ đô Phnom Penh ngày 7/1/1979. Ngoại trưởng của Pol Pot, Ieng Sary, đòi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn cấp để lên án Việt Nam.
Trong sách Saving Strangers : Humanitarian Intervention in International Society (2000), Nicholas J. Wheeler cho hay Hội đồng Bảo an mở cuộc họp ngày 11/1/1979. Tại đây, Đại sứ Việt Nam Hà Văn Lâu tuyên bố Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đã lật đổ Pol Pot.
Ông này thừa nhận bộ đội Việt Nam có giao chiến với Khmer Đỏ nhưng nói đây chỉ là tự vệ. Theo ông, có hai cuộc chiến đang diễn ra, một là chiến tranh biên giới của Pol Pot chống Việt Nam, và hai là chiến tranh cách mạng của nhân dân Campuchia.
Việt Nam khăng khăng chỉ có chiến tranh cách mạng của nhân dân mới lật đổ Pol Pot, còn Việt Nam chỉ tự vệ mà thôi.
Bất chấp sự có mặt của 100.000 lính Việt Nam ở Campuchia, ông Hà Văn Lâu cố gắng thuyết phục Hội đồng Bảo an rằng nhà nước Campuchia Dân Chủ do Pol Pot dẫn dắt bị lật đổ vì quân du kích của Mặt trận và nhân dân Campuchia nổi dậy mà thôi.
Tiến sĩ Nicholas J. Wheeler đặt câu hỏi : Luận điểm hai cuộc chiến dễ dàng bị vạch ra là xạo, vậy vì sao Việt Nam sử dụng ?
Có vẻ như ban đầu Việt Nam tưởng rằng thế giới sẽ nhanh chóng quên luôn chuyện Việt Nam tiến vào Campuchia. Trong thập niên 1980, ngoại trưởng Singapore Kishore Mahbubani viết trên Foreign Affairs rằng Đại sứ Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc đã nói với ông ta ngay từ tháng 1/1979 rằng "trong hai tuần, thế giới sẽ quên vấn đề Campuchia thôi".
Suy nghĩ này hóa ra là sai lầm, và Việt Nam phải trả giá.
Trong sách Vietnam's Intervention in Cambodia in International Law (1990), Gary Klintworth nói Việt Nam lẽ ra đã có thể giảm bớt sức ép quốc tế nếu biết nói lý lẽ tốt hơn.
Theo Gary Klintworth, lẽ ra Việt Nam nên nói chúng tôi can thiệp vừa vì tự vệ vừa vì can thiệp nhân đạo. Gary Klintworth có cảm tình với Việt Nam, nói rằng lật đổ Pol Pot là "hành vi tự vệ có lý (reasonable)".
Klintworth thậm chí cho rằng việc Việt Nam thay đổi chế độ ở Phnom Penh cũng chấp nhận được vì Việt Nam cần một chính quyền bớt thù địch. Klintworth thậm chí so sánh Việt Nam với việc đồng minh chiếm đóng Đức và Nhật năm 1945.
Tiến sĩ Nicholas J. Wheeler không hoàn toàn tin vào luận cứ của Klintworth nhưng thừa nhận : "Luận điểm hai cuộc chiến bị chế giễu ở Hội đồng Bảo an, nên Việt Nam rõ là để lỡ cơ hội khi không sử dụng lý lẽ trên để mà biện hộ cho sử dụng vũ lực".
Quân Khmer Đỏ với vũ khí Trung Quốc trên một chiếc xe mới toanh do Trung Quốc cung cấp gần Anlong Veng trong ảnh chụp của Thierry Falise ngày 1/12/1990
Việt Nam không đề cập 'lý do nhân đạo'
Sẽ thế nào nếu việc dùng vũ lực ở Campuchia được biện hộ thêm với lý do nhân đạo ?
Đây là một câu hỏi thú vị, nhưng Nicholas J. Wheeler chỉ ra rằng Việt Nam khi đó không hề nhắc tới lý do nhân đạo để biện hộ cho mình. Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch được dẫn lời nói Việt Nam chỉ quan tâm về an ninh, còn nhân quyền là quan ngại của nhân dân Campuchia.
Nicholas J. Wheeler đặt ra ba khả năng vì sao Việt Nam không dùng lý do nhân đạo.
- Một, có thể Việt Nam âm thầm thừa nhận quy tắc quốc tế về chủ quyền, không can thiệp và không dùng vũ lực. Việc Đại sứ Hà Văn Lâu dùng luận điểm hai cuộc chiến là cách biện minh hành động dựa trên luật quốc tế.
- Hai, có thể Việt Nam nghĩ rằng đưa ra lý do nhân đạo nghe cũng kỳ khôi khi mà chính Việt Nam đã im lặng về vi phạm nhân quyền trong bốn năm Pol Pol cầm quyền từ 1975 đến 1979.
- Ba, có thể Hà Nội sợ rằng đặt ra lý do nhân đạo thì tạo thành cớ để quốc tế tấn công Việt Nam trong tương lai.
Ảnh tư liệu thập niên 1970 : Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông tiếp lãnh đạo Khmer Đỏ Pol Pot (giữa) và Ieng Sary
Môi trường quốc tế khi đó là 'thù địch'
Phản ứng thù địch của quốc tế lúc này xuất phát từ ba nhóm :
- Mỹ và các đồng minh xem hành vi của Việt Nam là một phần trong Chiến tranh Lạnh.
- Asean lo sợ Việt Nam can thiệp vào Campuchia báo hiệu tham vọng bá chủ khu vực.
- Các nước trung lập lo ngại Việt Nam vi phạm luật quốc tế.
Vấn đề đưa ra Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Tại Đại hội đồng, Hoàng thân Sihanouk, đại diện chính quyền Campuchia Dân Chủ, nói hành vi của Việt Nam là "xâm lấn, chiếm lãnh thổ".
Trung Quốc ủng hộ, nói rằng luận cứ hai cuộc chiến của Việt Nam là "dối trá".
Mỹ thì thừa nhân vi phạm nhân quyền tại Campuchia, và còn thừa nhận Việt Nam có lo ngại an ninh chính đáng khi Campuchia tấn công vùng biên giới. Nhưng Mỹ nói "tranh chấp biên giới không cho phép một quốc gia quyền áp đặt một chính phủ thay chính phủ khác bằng vũ lực".
Châu Âu và Nhật ngừng mọi viện trợ kinh tế cho Việt Nam.
Anh Quốc nói "dù nhân quyền ở Campuchia có thế nào, không thể tha thứ cho Việt Nam, vốn có nhân quyền cũng đáng lên án, khi vi phạm lãnh thổ Campuchia Dân Chủ".
Đại sứ Pháp thậm chí bác bỏ lý do nhân đạo :
"Quan niệm rằng vì một chính quyền đáng xấu hổ, mà có thể biện minh cho can thiệp nước ngoài và lật đổ, thật là nguy hiểm".
Đại sứ Na Uy nói Na Uy "mạnh mẽ phản đối" các vi phạm nhân quyền của Pol Pot, nhưng vi phạm nhân quyền này "không thể biện hộ cho hành động của Việt Nam".
Bồ Đào Nha nói hành động của Việt Nam "vi phạm rõ rệt nguyên tắc không can thiệp" bất chấp hồ sơ nhân quyền "tệ hại" ở Campuchia.
New Zealand cũng nói Campuchia Dân Chủ của Pol Pot có nhiều cái xấu, nhưng "việc xấu của một nước không biện minh cho sự xâm lăng lãnh thổ của một nước khác".
Australia chỉ ra rằng nước này không hề có quan hệ ngoại giao với Pol Pot nhưng lại "hoàn toàn ủng hộ quyền của Campuchia Dân Chủ được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ".
Singapore phát biểu :
"Không nước nào có quyền lật đổ chính phủ Campuchia Dân Chủ, dù chính phủ này có đối xử tàn tệ nhân dân thế nào. Đi ngược nguyên tắc này có nghĩa là thừa nhận chính phủ nước ngoài lại có quyền can thiệp và lật đổ chính phủ nước khác".
Singapore nói thêm họ lo ngại Việt Nam đe dọa an ninh của Singapore và an ninh khu vực.
Đến phiên các nước không liên kết như Bolivia, Gabon, Kuwait, Nigeria, Bangladesh. Các nước này tránh lên án trực tiếp Việt Nam nhưng cũng không ủng hộ Việt Nam, nhấn mạnh quy tắc không can thiệp.
Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch năm 1984
Nhưng tại Hội đồng Bảo an, phe xã hội chủ nghĩa, dẫn đầu là Liên Xô và Tiệp Khắc, lại ủng hộ luận cứ hai cuộc chiến của Việt Nam.
Liên Xô bảo chính Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đã lật đổ Pol Pot.
Đại sứ Liên Xô Troyanovsky còn nhấn mạnh "tội ác ghê tởm" của chính phủ Pol Pot. Nhưng Anh phản bác lại, nói rằng khi Anh nộp dự thảo nghị quyết lên án vi phạm nhân quyền của Pol Pot, chính Liên Xô và Cuba đã phản đối.
Vài ngày sau phiên họp ở Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc kéo quân sang Việt Nam, mở đầu cuộc chiến biên giới ngắn ngày.
Ngày 16/3, Hội đồng Bảo an bỏ phiếu về một nghị quyết do Asean bảo trợ, kêu gọi ngừng bắn trong toàn khu vực, rút quân đội nước ngoài, và giải quyết bằng hòa bình.
Liên Xô buộc phải dùng quyền phủ quyết để bác bỏ nghị quyết này.
Đến cuối năm 1979, Đại hội đồng họp bàn việc ai sẽ đại diện cho Campuchia tại Liên Hiệp Quốc.
Tại đây, 71 nước bỏ phiếu bác bỏ chính phủ Cộng hòa Nhân dân Campuchia (được Việt Nam và Liên Xô ủng hộ).
Tại phiên họp này, các nước như Singapore bác bỏ lý do nhân đạo.
Singapore nói : "Nếu chúng ta thừa nhận học thuyết can thiệp nhân đạo, thế giới sẽ càng nguy hiểm hơn cho các nước nhỏ như chúng tôi".
Nhiều nước trong Đại hội đồng cũng nói rằng việc họ phản đối Việt Nam không có nghĩa họ ủng hộ hành động vi phạm nhân quyền của Pol Pot.
Asean tiếp tục gây sức ép với phiên thảo luận ba ngày trong tháng 11/1979 tại Đại hội đồng.
Malaysia, đại diện cho Asean, nói can thiệp nội bộ vào Campuchia là nguyên nhân khiến an ninh suy sụp ở Đông Nam Á. Asean nói họ lo ngại xung đột sẽ lây lan sang Thái Lan.
Đại sứ Malaysia lúc này nói họ thừa nhận Khmer Đỏ đã gây ra cái chết hàng trăm ngàn người, nhưng việc này không biện minh cho can thiệp của Việt Nam.
Malaysia nói nguyên tắc không can thiệp bảo vệ kẻ yếu trước kẻ mạnh.
Oleg Troyanovsky là đại sứ Liên Xô ở Liên Hiệp Quốc từ 1977 tới 1986
'Thuyết phục về nhân đạo'
Tiến sĩ Nicholas J. Wheeler nêu quan điểm của ông rằng sự can thiệp của Việt Nam ban đầu rõ ràng được nhân dân Campuchia chào đón vì đã cứu rỗi họ.
Trong cuốn Brother Enemy, Nayan Chanda mô tả : "Tại hàng trăm ngôi làng Campuchia, cuộc xâm lấn của Việt Nam được chào đón bằng niềm vui và cảm giác không thể ngờ được".
Như vậy, Nicholas J. Wheeler khẳng định hành động của Việt Nam đã đáp ứng được tiêu chuẩn cần thiết cho can thiệp nhân đạo.
Nhưng ông cũng nói, từ góc nhìn luật pháp, liệu việc dùng vũ lực của Việt Nam được nhìn ra sao ? Yêu cầu luật quốc tế ở đây là không để nước khác bị mất đất, không thay đổi chế độ, và quân can thiệp phải rút ngay lập tức.
Thế thì, Việt Nam lại chỉ đáp ứng được tiêu chí một (không làm mất đất), nhưng hai tiêu chí sau thì không.
Trong phần kết luận, Nicholas J. Wheeler chỉ ra rằng :
"Không có bằng chứng rằng vi phạm nhân quyền của Pol Pot đóng vai trò gì trong quyết định xâm lược Campuchia : Việt Nam chỉ trích vi phạm nhân quyền chỉ khi tiện lợi về chính trị".
"Nếu giải pháp ngoại giao đạt được với Campuchia Dân Chủ ở biên giới, Việt Nam cũng sẽ sống chung với kẻ láng giềng giết người".
Nicholas J. Wheeler cho rằng chính vì Việt Nam tin rằng các lợi ích an ninh quan trọng bị rủi ro nên mới tiến vào Campuchia.
"Giống như Ấn Độ can thiệp Đông Pakistan, Việt Nam sẵn lòng đặt cược mạng sống của bộ đội và chi vật lực thiếu thốn chỉ vì thấy có đe dọa căn bản cho an ninh từ Trung Quốc ở Bắc và Campuchia ở Nam".
Klintworth cũng nói : "Cứu người là kết quả dĩ nhiên nhờ Việt Nam can thiệp…nhưng đó luôn là quan tâm thứ hai theo sau lo ngại cho lợi ích an ninh quan trọng".
Nhưng dẫu vậy, Klintworth cho rằng hành vi của Việt Nam cũng có thể chấp nhận được "vì kết quả của sự can thiệp là ngừng việc giết chóc" ở Campuchia.
Nhưng Việt Nam đã không hề dùng lý do can thiệp nhân đạo để nói với quốc tế, có thể một phần vì lo ngại lý do này lại được dùng để đánh chính Việt Nam sau này. Ngoài ra, sau khi Việt Nam đã im lặng về Pol Pot suốt bốn năm, Liên Hiệp Quốc cũng có thể nói Việt Nam đạo đức giả.
Nhưng dẫu sao, nếu Việt Nam đã sử dụng lý do can thiệp nhân đạo, nó cũng còn thuyết phục hơn luận điểm hai cuộc chiến.
Mặt khác, trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, khi phương Tây xem Việt Nam là quân cờ của Liên Xô, có thể mọi tranh luận pháp luật thực ra chỉ là thứ yếu. Dù Việt Nam có nói gì đi nữa, hành động của Việt Nam khi ấy vẫn sẽ bị đặt trong bối cảnh tranh đấu của hai phe cộng sản và tư bản ở Đông Nam Á.
Ngày 24/12/1979, Liên Xô kéo quân vào Afghanistan, lấy lý do thực thi Hiệp định hữu nghị song phương ký năm 1978.
Ba ngày sau, Babrak Karmal được Liên Xô đưa lên làm lãnh đạo đất nước.
Đến tháng 2/1980, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết "lên án" sự can thiệp của Liên Xô, đòi rút quân khỏi Afghanistan.
Tháng 10/1983, 2.000 thủy quân lục chiến Mỹ tiến đánh hòn đảo Grenada, lật đổ chính quyền theo chủ nghĩa Marx, thay bằng một chính phủ tạm quyền.
Tháng 11 năm đó, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết nói hành động của Mỹ "vi phạm trắng trợn luật quốc tế".
Một ví dụ tương tự mà khác biệt cùng năm 1979. Tanzania kéo quân vào Uganda lật đổ chế độ độc tài, vi phạm nhân quyền của Idi Amin tháng 4/1979.
Giống như trường hợp Việt Nam, biến cố này vi phạm nguyên tắc chủ quyền và phi can thiệp.
Tuy vậy, các nước phương Tây hoan nghênh kết quả ở Uganda, và ngầm chấp nhận phương pháp vũ lực.
Có thể vì ở Uganda khi đó, chả có lợi ích chiến lược nào.
BBC tiếng Việt
*****************
Việt Nam xâm lược hay giúp giải phóng Campuchia ?
Diễm Thi, RFA, 05/06/2019
Hôm 30/5/2019, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long viết trên facebook cá nhân của mình rằng Việt Nam xâm lược Campuchia và thay thế Khmer Đỏ bằng chính phủ Campuchia. Sự việc này lập tức gây phản ứng từ nhiều phía, cả Việt Nam và Campuchia.
Bộ đội Việt Nam rút quân khỏi Campuchia hôm 21/9/1989. AFP
Khác biệt về quan điểm
Trong bài viết chia buồn với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-Cha về sự qua đời của cựu Thủ tướng Thái Lan, Tướng Prem Tinsulanonda, Thủ tướng Singapore viết rằng "Thời ông ấy là Thủ tướng trùng với thời gian các thành viên ASEAN (5 nước) cùng nhau chống lại việc xâm lược Campuchia của Việt Nam và thay thế Khmer Đỏ bằng chính phủ Campuchia. Thái Lan là tuyến đầu, đối mặt với lực lượng của Việt Nam trên biên giới với Campuchia. Tướng Prem đã kiên quyết không chấp nhận sự đã rồi và làm việc với các đối tác ASEAN để chống lại sự chiếm đóng của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế".
Một ngày sau đó, ông Hun Many - con trai Thủ tướng Campuchia, Hun Sen - phản hồi trên facebook cá nhân của mình rằng ông ngạc nhiên với bài viết của Thủ tướng Lý Hiển Long. Trong khoảng thời gian 3 năm 8 tháng và 20 ngày người dân Campuchia phải chịu đựng chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, gần 3 triệu người dân vô tội đã chết mà thế giới làm ngơ, nước láng giềng Việt Nam đã cứu giúp người dân Campuchia.
Tối ngày 4/6/2019, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng lên tiếng với báo chí trong nước rằng "Đóng góp và hy sinh của Việt Nam trong việc cùng nhân dân Campuchia chấm dứt tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ là sự thật đã được thừa nhận rộng rãi. Ngày 16/11/2018, Tòa án đặc biệt xét xử tội ác Khmer Đỏ đã ra phán quyết về tội ác diệt chủng chống nhân loại của Khmer Đỏ".
Tờ Khmer Times hôm 4/6/2019 đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia, Tướng Tea Banh vào tối 3/6/2019, khi trở về từ Đối thoại Shangri-La đã phản đối gay gắt nhận xét của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long về Khmer Đỏ và về quân tình nguyện Việt Nam. Ông Tea Banh yêu cầu Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phải cải chính nhận xét của mình. Ông nói "Chúng tôi không thể chấp nhận những gì ông ấy nói. Chúng tôi đã làm rõ rằng quân tình nguyện Việt Nam đến đây là để giải phóng dân tộc chúng tôi. Chúng tôi vẫn coi họ đến đây là để cứu mạng sống của người dân chúng tôi. Điều này có ý nghĩa cực lớn đối với chúng tôi".
Trên trang facebook cá nhân của mình, đại sứ Việt Nam ở Campuchia, ông Vũ Quang Minh cũng có bài viết liên quan. Ông nhắc lại năm nay kỷ niệm 40 năm Campuchia được giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Ông cám ơn ông Lý Hiển Long vì "Nhờ ông phát biểu như thế, dư luận quốc tế và trong nước có dịp quan tâm hơn tới những gì đã xảy ra 40 năm trước, khi những người đồng đội tình nguyện Việt Nam và các chiến sĩ Mặt trận Campuchia sát cánh bên nhau giải phóng đất nước Campuchia khỏi nạn diệt chủng, khi nhân dân Việt Nam phải hy sinh không chỉ xương máu, mà còn chịu cấm vận và các xung đột quân sự kéo dài cả thập kỷ, và cả một cuộc chiến biên giới phía Bắc".
Luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada nêu quan điểm của mình :
"Bây giờ nói là Việt Nam vào giải phóng Campuchia khỏi Khmer Đỏ hay Việt Nam xâm lược Campuchia thì theo tôi đó là cách cách nhìn theo quan điểm chính trị của mỗi bên. Nhưng sự thật mà thế giới phải nhìn nhận là nếu năm 1979 không có lực lượng Việt Nam tấn công lực lượng Khmer Đỏ thì tình hình không biết Campuchia lúc đó sẽ ra sao và bây giờ sẽ như thế nào".
Bộ đội Việt Nam chuẩn bị rời thị trấn Battambang, Campuchia hôm 20 tháng 9 năm 1989. AFP
Ông nhận xét rằng có một sự thay đổi rất lớn trong cách nhìn của các quốc gia trong khu vực đối với Việt Nam, đặc biệt là Singapore. Với phát biểu mới nhất của ông Lý Hiển Long, một lần nữa cho thấy rằng dù Hà Nội có bao nhiêu đối tác chiến lược đi chăng nữa hay chính sách muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới thì Đcộng sản Việt Nam vẫn cô đơn, và tệ hơn nữa là chẳng có bạn bè thân thiết gì cả.
Đem quân sang Campuichia và ở lại 10 năm
Theo sách sử Việt Nam thì cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam có nguyên nhân từ các hoạt động quân sự của quân Khmer Đỏ tấn công vào lãnh thổ Việt Nam, giết chóc người dân và đốt phá làng mạc Việt Nam trong những năm 1975 đến 1978.
Cũng theo tài liệu của Việt Nam, từ cuối năm 1978 đến tháng 5/1979, Khmer Đỏ tổ chức cuộc tấn công lớn nhất vào lãnh thổ Việt Nam với 19 sư đoàn. Sau cuộc tấn công, Việt Nam thấy không có cơ hội để đàm phán hòa bình nên đã tổ chức tấn công lớn vào Campuchia, lật đổ Khmer Đỏ và lập nên chế độ mới do Heng Samrin đứng đầu. Tàn quân Khmer Đỏ chạy sang ẩn náu bên kia biên giới Thái Lan.
Ông Võ Minh Đức, một cựu sĩ quan quân đội có hơn 10 năm trong quân ngũ, từng tham chiến ở Campuchia nhận định :
"Theo tôi thì ông Lý Hiển Long nói Việt Nam xâm lược Campuchia vào thời kỳ đó là thiếu chín chắn, thiếu hiểu biết. Sau năm 1975 Khmer Đỏ đã bắt đầu khiêu khích Việt Nam. Từ đảo Thủ Chu đến Kiên Giang, các tỉnh biên giới, nhất là thời điểm năm 1977 thì hàng loạt các tỉnh biên giới Tây Nam đều bị khiêu khích và họ giết dân Việt Nam.
Qua tìm hiểu của tôi thì sau hàng loạt các vụ giết hại dân thường thì Việt Nam mới bắt đầu cảnh giác và lúc đó ông Hun Sen (Thủ tướng Campuchia bây giờ) là một lính Khmer Đỏ đã chạy sang Việt Nam cầu cứu khi ông nhận thức được chính phủ Khmer Đỏ là một chính phủ diệt chủng, giết dân. Thực sự Việt Nam đưa quân tình nguyện sang Campuchia vào năm 1979 là để giúp đánh đuổi Khmer Đỏ và xây dựng chính quyền".
Một vở diễn tưởng niệm 40 năm ngày thoát khỏi Khmer Đỏ ở Campuchia. Ảnh chụp hôm 20/5/2019. AFP
Tháng 12/1978, Việt Nam đã đưa 150.000 quân tràn qua biên giới Campuchia và chỉ trong khoảng một tuần đã tiến về thủ đô Phnom Penh, lật đổ chính phủ Khmer Đỏ để lập lên chính phủ Campuchia mới.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh viết trên facebook cá nhân của mình :
"Chuyện đưa quân vào Kampuchia năm 1979 cần nhận định lại cho rõ.
Khờ Me Đỏ mang quân qua cướp hiếp giết chóc đồng bào biên giới là lý do trước mắt, còn về lâu dài, nó là tay chân của Tàu cộng, tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho VN, vì vậy Việt Nam mang quân qua tiêu diệt nó là cần thiết. Mục đích chính của chiến tranh qua biên giới là vậy chứ không có chuyện Việt Nam đem quân qua để làm nghĩa vụ quốc tế giải cứu dân Kampuchia".
Việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia và ở lại đã gây ra những phản ứng gay gắt từ quốc tế và Việt Nam phải chịu cấm vận, cô lập khỏi quốc tế trong nhiều năm cho đến Đảng Cộng sản Việt nam vào năm 1987 ra nghị quyết rút toàn bộ quân khỏi Campuchia để mở cửa kinh tế. Năm 1989, Việt Nam chính thức rút toàn bộ quân khỏi Campuchia.
Mặc dù vậy, các tài liệu của chính phủ Việt Nam khi đó viết rằng sau khi thấy chính phủ Campuchia mới có thể đứng vững, Việt Nam mới có thể rút quân. Luật sư Vũ Đức Khanh nêu ý kiến của mình :
"Nói rằng Việt Nam có xâm lược Campuchia hay không thì tôi nghĩ điều đó không có giá trị vì trong nghị quyết của Liên Hiệp Quốc trong 10 năm liên tục từ 1979 đến 1989 đều nhắc tới việc các lực lượng nước ngoài đang chiếm đóng Campuchia nhưng không có một chữ nào liên quan tới Việt Nam nhưng tôi nghĩ mọi người đều hiểu rằng Việt Nam có chiếm đóng thật sự".
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh trả lời câu hỏi tại sao Việt Nam đóng quân 10 năm ở Kampuchia :
"Hồi đó mới đánh tan, nhưng chưa tiêu diệt hết lực lượng Khờ Me Đỏ, chúng vào rừng và chạy qua Thái Lan lập chiến khu nhận viện trợ của Tàu cộng phản công trở lại. Nếu Việt Nam rút quân thì vài ngày sau Pôn Pốt trở lại Phnompenh, mọi chuyện quay lại xuất phát ban đầu. Tiếp tục ở lại tiêu diệt bằng hết Khmer Đỏ và giúp Kampuchia xây dựng nhà nước là điều phải làm, không có cách nào khác".
Theo ông Huỳnh Ngọc Chênh thì mọi chuyện lúc đó như thế nên phải làm thế để cứu nước khỏi tay Trung Quốc. Tuy nhiên tất cả trở nên vô nghĩa sau khi Tổng Bí thư Lê Duẩn chết, Liên Xô sụp đổ, và chính quyền Việt Nam phải tìm kiếm quan hệ tốt hơn với Trung Quốc sau nhiều năm xung đột.
Cựu sĩ quan quân đội, ông Võ Minh Đức nhận xét rằng không tự nhiên mà Việt Nam đem quân qua giúp Campuchia. Nếu Việt Nam muốn ổn định thì phải giữ Campuchia ổn định. Ông nói thêm :
"Lợi ích của giới chóp bu Việt Nam lúc đó là họ muốn xây dựng, hình thành một chính phủ, một Nhà nước Campuchia giống như chính phủ Việt Nam, tức Nhà nước xã hội chủ nghĩa".
Luật sư Đặng Đình Mạnh viết trên facebook cá nhân của mình vào tối ngày 5/6/2019 :
"Dưới góc độ công pháp quốc tế, không điều gì có thể biện minh được cho việc quân đội của quốc gia này chiếm đóng lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền khác. Gọi đúng tên, đó là hành vi xâm lược".
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 05/06/2019
******************
Việt Nam ‘lấy làm tiếc’ về bình luận ‘Việt Nam xâm lược Campuchia’ của Thủ tướng Singapore (VOA, 04/06/2019)
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói Việt Nam "lấy làm tiếc" khi Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore nói Việt Nam "xâm lược" Campuchia trong bài viết chia buồn sau khi cựu Thủ tướng Thái Lan qua đời.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng.
Viết trên trang Facebook hôm 30/5, Thủ tướng Lý Hiển Long nói rằng cố Thủ tướng Thái Lan, Tướng Prem Tinsulanonda, là một nhà lãnh đạo có khả năng và rất được kính trọng vì đã "lèo lái đưa Thái Lan qua thời kỳ phát triển dân chủ".
Thủ tướng Singapore viết tiếp : "Sự lãnh đạo của ông cũng mang lại lợi ích cho khu vực. Thời gian ông làm Thủ tướng trùng với lúc các thành viên ASEAN (lúc đó chỉ có 5 nước) cùng nhau chống lại sự xâm lược của Việt Nam đối với Campuchia và chính phủ Campuchia thay thế Khmer Đỏ. Thái Lan ở tiền tuyến, đối mặt với các lực lượng của Việt Nam qua biên giới nước này với Campuchia. Tướng Prem đã kiên quyết không chấp nhận việc đã rồi, và đã cùng với các đối tác ASEAN, phản đối hành động xâm chiếm của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế".
Bài viết trên trang Facebook của Thủ tướng Lý Hiển Long.
Trả lời phóng viên hôm 4/6 về phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói : "Việt Nam lấy làm tiếc khi đã có một số nội dung phát biểu phản ánh không khách quan thực tế lịch sử, gây tác động không tốt đến dư luận. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao đổi với Bộ Ngoại giao Singapore về vấn đề này".
Trước đó, tối 3/6, phía chính phủ Campuchia cũng đã tổ chức họp báo và lên tiếng về phát biểu này.
"Chúng tôi không thể chấp nhận những gì ông ấy nói. Chúng tôi đã nói rõ rằng đội quân tình nguyện Việt Nam đã đến để giải phóng nhân dân chúng tôi", Khmer Times dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh nói.
Tướng Tea Banh còn yêu cầu Thủ tướng Singapore phải "điều chỉnh" về phát biểu "không đúng sự thật chút nào" khi cho rằng quân đội Việt Nam đã xâm lược Campuchia.
Khánh An
*********************
Báo Việt Nam phê phán Thủ tướng Singapore vì phát ngôn về cuộc chiến Campuchia (BBC, 05/06/2019)
Báo chí nhà nước Việt Nam ngày 5/6 đăng nhiều bài phê phán Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vì phát ngôn liên quan tới vấn đề Campuchia trong thập niên 1980.
Tù binh Campuchia, ảnh chụp tháng 8/1978. Quân đội Việt Nam đánh sang nước này sau các vụ xâm nhập và giết chóc dân thường các tỉnh biên giới của Việt Nam bởi lực lượng Khmer Đỏ
Tờ Công an Thành phố Hồ Chí Minh nói ông Lý "đưa ra những nhận định hoàn toàn trái với sự thật lịch sử về giai đoạn quân tình nguyện Việt Nam sang Campuchia giúp nước bạn lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ tàn bạo".
Hôm 31/5, ông Lý đăng bài trên Facebook về cái chết của cựu thủ tướng Thái Lan Tướng Prem Tinsulanonda, nhắc lại quan hệ thân thiết của ông này với cố thủ tướng Singapore, Lý Quang Diệu.
Nhưng trong đoạn đăng trên mạng xã hội, ông đã viết :
"Thời điểm ông ấy (Prem Tinsulanonda) làm thủ tướng trùng với thời điểm năm nước thành viên ASEAN cùng nhau chống lại sự xâm lược của Việt Nam vào Campuchia và chính phủ Campuchia sau đó đã thay thế chế độ Khmer Đỏ".
Thái Lan lúc đó ở chiến tuyến, đối mặt với quân đội Việt Nam tràn qua biên giới giữa họ và Campuchia. Tướng Prem khi đó đã kiên quyết không chấp nhận hành động này, và đã làm việc với các đối tác ASEAN để phản đối sự chiếm đóng của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế. Điều này ngăn cản một cuộc xâm lược quân sự và thay đổi chế độ không bị hợp pháp hóa".
Ngày 4/6, người phát ngôn ngoại giao Việt Nam Lê Thu Hằng nói :
"Việt Nam lấy làm tiếc đã có một số nội dung phát biểu phản ánh không khách quan thực tế lịch sử, gây tác động không tốt đến dư luận. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao đổi với Bộ Ngoại giao Singapore về vấn đề này".
Từ trái sang : Đại tướng Prem Tinsulanonda, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan và phu nhân Nane Annan. Ông Prem Tinsulanonda khi đó là Chủ tịch Viện Cơ mật của Hoàng gia Thái Lan. Tên tuổi ông được nhắc lại trong bài tưởng nhớ ông, viết trên Facebook của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, gây ra tranh cãi tại Việt Nam và Campuchia - Bangkok tháng 5/2006
Truyền thông Việt Nam phản ứng
Sang ngày 5/6, tiếp tục các báo Việt Nam đưa tin bài phê phán.
Tờ Công an Thành phố Hồ Chí Minh nói : "Phát ngôn của thủ tướng Long không hề đếm xỉa đến tiến trình lịch sử diễn ra khi đó".
Báo An ninh Thủ đô thì dẫn lại bài trên báo Campuchia Khmer Times, cho biết chính Campuchia cũng phê phán ông Lý.
Tờ này cho hay nhà phân tích chính trị người Campuchia Leap Chanthavy đã có bài viết dài phản đối phát biểu của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.
Trong khi đó, trang VTC News đăng hàng tít lớn "Ông nợ nhân dân Việt Nam và các chiến sĩ quân tình nguyện một lời xin lỗi".
Theo bài mạnh mẽ của VTC, Thủ tướng Singapore có "một phát biểu hồ đồ, sai sự thật, xuyên tạc lịch sử, chạm vào nỗi đau của người dân Campuchia, của nhân dân Việt Nam về một giai đoạn khổ đau và đen tối nhất trong lịch sử".
Facebook người Việt 'có bão'
Rất nhiều người Việt đã có bình luận trên Facebook, phần lớn phê phán ông Lý Hiển Long.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, một cựu chiến binh viết :
"Quân đội Việt Nam đã đổ máu xương để giúp nhân dân Campuchia đập tan chế độ diệt chủng Pol Pot và vững mạnh đủ sức tồn tại và phát triển. Đó là một thực tế lịch sử không thể phủ nhận và bác bỏ".
Ông Phạm Gia Hiền nói :
"Lý Hiển Long - người đứng đầu Singapore đã có phát ngôn cực kỳ thiển cận về sự hy sinh của quân tình nguyện Việt Nam trong cuộc chiến chống Khmer Đỏ, cứu nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng".
Trên nhiều trang Facebook tiếng Việt cũng đang có cuộc tranh luận việc dùng từ tiếng Anh 'invasion' của ông Lý Hiển Long là đúng, sai ra sao.
Có ý kiến nói 'invasion' dịch thành 'đem quân vào' hay 'xâm lăng' là tùy cách người ta cảm nhận ; những ý kiến khác cho rằng cả đoạn văn chính trị gia Singapore viết thể hiện rõ thái độ chỉ trích hành động của Hà Nội khi đó ở Campuchia.
Cho đến 05/06/2019 chưa th́ấy ông Lý Hiển Long hồi đáp gì trên trang Facebook của ông về việc này.
Được biết trang này đã nhận được khá nhiều bình luận tiếng Anh của bạn đọc, người dùng Việt Nam.
Theo quan điểm của chính phủ Việt Nam và chính quyền hiện nay ở Phnom Penh, từ 1979 đến 1989, quân đội Việt Nam ở Campuchia giúp nhân dân Campuchia ngăn chặn chế độ diệt chủng Pol Pot và và giúp nhân dân Campuchia hồi sinh.
Cuối 1989, Việt Nam rút hết quân khỏi Campuchia.
Liên Hiệp Quốc từng nói gì ?
Trong giai đoạn 1979-1989, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ra nhiều nghị quyết nói về Campuchia.
Nghị quyết 14/11/1979 :
"hối tiếc sâu sắc (deeply regretting) về sự can thiệp vũ trang của quân nước ngoài vào nội bộ Campuchia".
"kêu gọi rút ngay lập tức mọi lực lượng nước ngoài khỏi Campuchia, kêu gọi các nước kiềm chế không có hành động hay đe dọa gây hấn (aggression) và mọi hình thức can thiệp vào nội bộ các nước ở Đông Nam Á"
Nghị quyết 22/10/1980 :
"hối tiếc sâu sắc rằng can thiệp quân sự nước ngoài tiếp tục và quân nước ngoài chưa rút khỏi Campuchia, vì vậy nghiêm trọng đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế".
Nghị quyết 21/10/1981 :
"lên án (deploring) can thiệp quân sự nước ngoài tiếp tục và quân nước ngoài chưa rút khỏi Campuchia, vì thế gây ra thù nghịch tiếp tục ở đất nước và nghiêm trọng đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế".
Nghị quyết 14/10/1987 :
"lên án (deploring) can thiệp quân sự nước ngoài và chiếm đóng (occupation) tiếp tục và quân nước ngoài chưa rút khỏi Campuchia, vì thế gây ra thù nghịch tiếp tục ở đất nước và nghiêm trọng đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế".
Nghị quyết 3/11/1988 :
"lên án (deploring) can thiệp quân sự nước ngoài và chiếm đóng (occupation) tiếp tục và quân nước ngoài vẫn ở lại Campuchia, vì thế gây ra thù nghịch tiếp tục ở đất nước và nghiêm trọng đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế".
Nghị quyết 16/11/1989 :
"lên án (deploring) can thiệp quân sự nước ngoài và chiếm đóng (occupation) ở Campuchia, nguyên nhân của thù nghịch tiếp tục ở đất nước, nghiêm trọng đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế".
"khẳng định (affirms) rằng bất kỳ sự rút quân nước ngoài khỏi Campuchia mà không có Liên Hiệp Quốc giám sát, kiểm soát và xác minh thì không phải là nằm trong khuôn khổ một giải pháp chính trị toàn diện".
Quốc hội có "sáng suốt" không ?
Mặc Lâm, VOA, 06/06/2019
Có lẽ chưa bao giờ Quốc hội Việt Nam được theo dõi kỹ như lúc này, bởi người dân thấy rõ mỗi một động thái của Quốc hội, mặc dù chỉ trong mơ hồ, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của họ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn nói : Không phải phải Quốc hội không muốn xử phạt người uống rượu bia vẫn điều khiển phương tiện giao thông, luật hiện hành đã có quy định
Trong tâm thế đó, khi báo chí loan tin việc Quốc hội biểu quyết về người điều khiển phương tiện giao thông trong lúc máu có nồng độ cồn sẽ bị xử lý ra sao qua hai phương án :
Phương án 1 : Cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn (đã uống rượu bia thì không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông).
Phương án 2 : Cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông.
Kết quả biểu quyết, chỉ có 44,21% Đại biểu Quốc hội tán thành với phương án 1 và có 49,59% Đại biểu Quốc hội tán thành phương án 2. Do vậy, cả 2 phương án đều không quá bán, tức không được Quốc hội thông qua.
Với kết quả bất ngờ như thế, người dân thật sự bị ‘kích động’ vì nhận ra rằng những người được gọi là Đại biểu nhân dân ấy thật ra không thể đại diện cho họ để bấm những chiếc nút trong nghị trường Quốc hội. Kết quả của hai phương án đều dưới 50% làm cho người dân hỏi nhau : Vậy Quốc hội cho phép uống rượu bia có nồng độ không giới hạn và kết quả này sẽ dẫn đất nước về đâu ?
Thật ra, tình trạng uống rượu lái xe gây tai nạn chết người đã đến mức báo động trong vài năm qua. Theo một bài báo của Thanh Niên Online (1) cho biết "Kết quả một cuộc khảo sát do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện tại 10 tỉnh, thành năm 2016 cho thấy, tỷ lệ các vụ tai nạn do rượu bia chiếm khoảng 39,6%. Năm 2016 xảy ra gần 21.500 vụ tai nạn giao thông với 8.700 người chết thì chỉ riêng tai nạn giao thông do bia rượu đã xấp xỉ 9.000 vụ. Từ gần 40% (năm 2016), theo thống kê chưa đầy đủ thời gian gần đây, có tới 65 - 70% các vụ tai nạn giao thông mà người điều khiển phương tiện liên quan vi phạm nồng độ cồn. Đơn cử trong 4 ngày Tết dương lịch 2019, chỉ riêng Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đã tiếp nhận hơn 200 ca cấp cứu do tai nạn giao thông, nhiều ca chấn thương sọ não, đa chấn thương. Hầu hết nạn nhân trong độ tuổi từ 20 - 30, nhập viện vẫn còn mùi bia rượu, nhiều ca không thể tiến hành gây mê vì bệnh nhân còn say xỉn".
Bài báo này cũng chỉ ra từ nghiên cứu của Tạp chí y khoa Lancet (Anh) về tình trạng sử dụng đồ uống có cồn tại 189 quốc gia và vùng lãnh thổ giai đoạn 1990 - 2017 cho thấy, tỷ trọng tiêu thụ bia rượu trên toàn cầu đang có xu hướng tăng nhanh, nhất là ở các quốc gia có thu nhập thấp, trung bình như Việt Nam, Ấn Độ. Tại khu vực Đông Nam Á, lượng tiêu thụ rượu đã tăng 34% trong vòng 7 năm (2010 - 2017). Đáng chú ý, ở giai đoạn này, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng tiêu thụ rượu lớn nhất thế giới.
Người dân chứng kiến không biết bao nhiêu là tai nạn xảy ra do rượu bia mang lại và những hình ảnh ghê rợn ấy phải được phòng ngừa bằng các biện pháp ngăn chặn. Vì vậy, khi đọc bản tin của báo chí liên quan tới đề tài này, ngay lập tức sự giận dữ bùng vỡ trên mạng xã hội với nhiều ý kiến phản biện của các nhà báo, trí thức, ngay cả những người không quen viết lách cũng đưa ra những nhận xét sát với thực tế cuộc sống.
Quốc hội bị cho là được các nhóm lợi ích lobby để ngăn cản một cách gián tiếp Điều 8, Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 171/2013/NĐ-CP về mức xử phạt đối với người điều khiển xe gắn máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt mức quy định.
Từ bao lâu nay, người dân biết rất rõ nếu uống rượu lái xe gắn máy mà độ cồn bị Cảnh sát giao thông đo được vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở thì sẽ bị xử phạt tùy theo mức độ cồn vượt quy định bao nhiêu. Riêng người lái các loại xe bốn bánh thì độ cồn là 0 vì vậy chỉ cần một lon bia cũng đủ bị tịch thu bằng lái.
Việc báo chí loan tải các Đại biểu Quốc hội biểu quyết dưới quá bán tức là không thông qua có vẻ như Quốc hội vô ý đạp lên những quy định mà Bộ công an đã thực hiện từ bao lâu nay nhằm ổn định tình trạng an toàn giao thông.
Có vẻ thông tin mà báo chí loan tải thiếu một chi tiết quan trọng khiến cho dư luận liên tục đưa ra những chống đối mạnh mẽ. Phải chăng "Quốc hội biểu quyết về độ cồn trong máu phải tăng hơn hay giảm xuống căn cứ theo quy định 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở như đang hiện hành" ?
Nhưng cũng không đúng. Nếu quả thật có sự xem xét lại độ cồn cho hợp lý thì đại biểu nào là tác giả trình dự thảo luật này ? Tất cả các bài báo đều không nói đến việc này chỉ chung chung viết rằng : "Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp cuối năm 2018, dự kiến thông qua ngày 14-6. Tuy nhiên, quá trình thảo luận còn nhiều ý kiến khác nhau về nội dung của dự thảo Luật".
Và quá trình thảo luận ấy bị kẹt lại mà người dân không hiểu nguyên nhân, chỉ biết là Quốc hội không chịu thông qua mà thôi.
Không lẽ Quốc hội chơi trò cút bắt với người dân để đến khi họ mỏi mệt rã rời thì nhóm lợi ích nào đó ngồi đếm thành quả mà họ đã bỏ công vận động trong nhiều tháng trời qua ?
Ngay sau phiên biểu quyết, bà Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phấn khởi cho rằng con số hơn phân nửa chống đối chứng tỏ tình trạng dân chủ trong nghị trường đã tiến tới một tầm cao mới. Tuy nhiên, nhiều người không đồng tình với nhận xét này và họ cho rằng sở dĩ đại biểu bỏ phiếu chống vì họ rất mơ hồ về khái niệm độ nguy hiểm của rượu bia tác động tới người dân.
Có người như Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu thẳng thừng cho rằng "Một nghị quyết của Quốc hội là sáng suốt chỉ khi các Đại biểu Quốc hội sáng suốt. Một nghị viện gồm các nghị sĩ dân trí thấp không bao giờ cho ra các quyết định sáng suốt. Cho nên muốn Quốc hội hoạt động hiệu quả nhất thiết phải nâng cao dân trí của các Đại biểu Quốc hội" (2).
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 06/06/2019
(2) https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/1631297610336996
**********************
Heineken và Sabeco đọ sức trên chiến trường bia Việt Nam (BBC, 06/06/2019)
Thị trường bia Việt Nam đang trở thành một sân chơi cho những người khổng lồ nước ngoài, với nhiều thương hiệu Việt Nam bị xóa sổ hoặc phải vật lộn để duy trì hoạt động.
Heineken và Sabeco nhòm ngó thị phần của nhau
Thị trường bia hiện đã vượt mốc bốn tỷ lít, dự kiến sẽ đạt 4,6 tỷ lít vào năm 2025 và 5,5 tỷ lít vào năm 2035.
Trong những năm gần đây, tăng trưởng luôn giữ mức trên 5% ngay cả khi nhiều thị trường khác sụt giảm.
Nhưng giới chuyên gia cảnh báo rằng đây là một cuộc cạnh tranh khốc liệt và không phải tất cả các nhà sản xuất bia đều kiếm được tiền.
Thực tế đáng buồn cho bia Việt Nam
Thị trường bia Việt Nam hiện gần như chỉ nằm trong tay các đại gia nước ngoài. Thương hiệu Việt Nam đang dần biến mất.
Trong nhiều trường hợp, sau khi thành lập liên doanh với một công ty trong nước, đối tác nước ngoài đã mua lại đối tác trong nước, biến đơn vị này thành một doanh nghiệp nước ngoài.
Thị trường bia trong nước, hiện đã vượt mốc bốn tỷ lít, dự kiến sẽ đạt 4,6 tỷ lít vào năm 2025 và 5,5 tỷ lít vào năm 2035.
Sapporo là một ví dụ điển hình cho việc này. Sau khi mua 29% cổ phần của Vinataba tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Sapporo Việt Nam năm 2015, công ty đã chính thức trở thành công ty con thuộc sở hữu của Công ty Quốc tế Sapporo (Công ty trách nhiệm hữu hạn Sapporo Holdings - Nhật Bản).
Carlsberg cũng theo chiến lược tương tự tại Việt Nam. Họ gia nhập thị trường thông qua liên doanh với các đối tác Việt Nam để thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Bia Huế, chủ sở hữu nhãn hiệu Huda từ năm 1994.
Tuy nhiên, sau gần hai thập kỷ, Carlsberg đã chính thức trả 1.875 nghìn tỷ đồng (81,52 triệu USD) vào cuối năm 2011 để mua 50% cổ phần từ Ủy ban nhân dân Thừa Thiên-Huế, qua đó mua 100% bia Bia Huế.
Một ví dụ khác là nhãn hiệu bia Zorok, tới từ Vinamilk.
Năm 2006, Vinamilk thành lập SABmiller Vietnam Co., Ltd., liên doanh với nhà sản xuất bia nổi tiếng thế giới SABmiller. Nhà máy sản xuất bia SABmiller chính thức ra đời vào đầu năm 2007 và ra mắt thương hiệu Zorok.
Tuy nhiên, với kế hoạch bán hàng dựa vào sử dụng mạng lưới phân phối sữa Vinamilk, bia Zorok không thể cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế trên thị trường như Tiger, Heineken và San Miguel.
Chỉ sau hai năm lúng túng trong hoạt động, Vinamilk phải bán cổ phần của mình tại SABmiller.
Không lâu sau đó, SABmiller đã phải bán hoạt động tại Việt Nam cho Anheuser-Busch InBev vì kinh doanh không hiệu quả.
Cuộc đọ sức giữa Heineken và Sabeco
Tập đoàn TCC của Thái Lan, sau khi mua phần lớn cổ phần của Tập đoàn Rượu và Đồ uống Bia Sài Gòn (Sabeco), hiện đang để mắt tới cổ phần của các nhà sản xuất bia khác.
Công ty Heineken của Hà Lan cũng mua nhiều nhãn hiệu bia trong nước.
Các trận chiến mới đang được triển khai khi Heineken Việt Nam và đại diện địa phương Sabeco trau chuốt các dịch vụ sản phẩm của họ và xây dựng các chiến lược tiếp thị dài hơi.
Heineken đang mở rộng phạm vi ra các vùng ngoại ô và nông thôn, nơi vốn là địa bản của các nhãn bia trong nước
Nhà sản xuất bia Hà Lan vào tháng 3 tung ra một phiên bản mới, Heineken Silver, và đang mở rộng phạm vi ra các vùng ngoại ô và nông thôn cùng với nhãn hiệu Tiger hạng trung và các loại bia Larue và Bivina có giá thấp hơn.
Việc mở rộng ra ngoài các thành phố ở phía Nam được đẩy mạnh nhờ tăng gấp đôi lực lượng bán hàng của Heineken Việt Nam trong ba năm qua và nhắm vào lãnh thổ do Sabeco, một nhà sản xuất bia thuộc sở hữu nhà nước hiện do ThaiBev kiểm soát.
Doanh số của Heineken Việt Nam tăng vọt với tỷ lệ hai chữ số trong bốn năm qua và quốc gia này là nguồn lợi nhuận lớn thứ hai sau Mexico. Các nhà phân tích ước tính Việt Nam chiếm hơn 10% trong số 3,87 tỷ euro (4,3 tỷ USD) Heineken kiếm được năm ngoái.
Tăng trưởng chủ yếu là nhờ Tiger, một nhãn bia phổ biến ở Châu Á mà Heineken có được khi mua toàn bộ Nhà máy bia Châu Á Thái Bình Dương vào năm 2012. Thị phần chung của Heineken đã tăng lên 31% từ 20% vào năm 2013, theo công ty phân tích dữ liệu GlobalData.
"Chúng tôi nhắm đến vị trí số một, không chỉ về lợi nhuận mà còn về sản lượng", Giám đốc điều hành của Heineken Việt Nam Leo Evers nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn.
Doanh số tăng vọt của Heineken Việt Nam chủ yếu là nhờ thương hiệu Tiger
Bia Sài Gòn
Sabeco nóng lòng muốn thâm nhập vào phân khúc trung cấp do Tiger thống trị - chiến lược mà họ hy vọng sẽ giúp nâng thị phần của mình lên mục tiêu 50% từ 40% hiện nay. Nhưng nhà sản xuất bia thừa nhận họ còn nhiều việc phải làm để chia phân khúc các loại bia tốt hơn.
Neo Gim Siong Bennett, cựu giám đốc điều hành của Heineken do ThaiBev đưa về làm tổng giám đốc Sabeco vào tháng 8, nói với Reuters rằng các thương hiệu của Sabeco, bao gồm Saigon Lager, Saigon Export và 333 Export "thực sự rất lộn xộn".
Kể từ khi ThaiBev nắm quyền kiểm soát, thương hiệu bia Sài Gòn đã trở thành nhà tài trợ áo đấu cho đội bóng đá hàng đầu nước Anh Leicester City và nhà sản xuất bia đã tìm cách liên minh với đội bóng đá quốc gia của Việt Nam để tổ chức truyền hình các trận đấu tại các địa điểm công cộng.
Bia Sài Gòn đã có mặt trên áo đấu cho đội bóng đá hàng đầu nước Anh Leicester City
Về phía Heineken, họ là nhà tài trợ của Champions League, giải đấu của các câu lạc bộ bóng đá hàng đầu Châu Âu và đua xe Công thức 1, giải đấu sẽ xuất hiện tại Việt Nam lần đầu tiên vào năm tới.
Vũ khí của Sabeco với Tiger là Saigon Special, có giá cao hơn khoảng 30% so với các sản phẩm khác và được đổi thương hiệu sang chai màu xanh lá cây. ThaiBev, công ty mẹ Sabeco đã sử dụng chiến lược tương tự với bia Chang vào năm 2014, nâng thị phần bia bia tại Thái Lan từ dưới 30% lên trên 40% trong hai năm.
*********************
Thực hư chuyện Quốc hội Việt Nam ‘không thông qua 2 quy định về uống rượu bia’
VOA, 04/06/2019
Quốc hội Việt Nam bị chỉ trích nặng nề trên mạng xã hội sau khi nhiều tờ báo trong nước đưa tin cơ quan lập pháp không thông qua hai quy định về "đã uống rượu bia thì không lái xe". Tuy nhiên, một chuyên gia độc lập lên tiếng cho rằng công luận nên thận trọng khi chưa nắm rõ bản chất của sự việc.
Quốc hội Viêt Nam lấy ý kiến về hai điều khoản liên quan đến cấm lái xe khi uống rượu, 3/6/2019
Nhiều báo trong đó có Lao Động, Người Lao Động, Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh loan tin vào hồi chiều hôm 3/6 rằng các đại biểu quốc hội "đã biểu quyết 2 lần" về quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu có nồng độ cồn "nhưng đều không quá bán". Vì vậy, quy định này "chưa được ghi" vào dự luật có tên "Phòng, chống tác hại của rượu, bia".
Các bài báo cụ thể hơn cho hay dự luật nêu ra hai phương án về cấm mọi người lái xe sau khi sử dụng rượu bia. Trong đó, phương án 1 cấm điều khiển xe cộ khi trong máu hoặc khí thở có bất kỳ nồng độ cồn nào ; và phương án 2 cấm điều khiển xe khi trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định được nêu trong luật về an toàn giao thông.
Tin cho hay quốc hội "biểu quyết hai lần" về phương án 1 với kết quả lần lượt là 48,76% và 44,21% ý kiến đồng ý, đều không vượt quá bán. Phương án 2 nhận được 49,59% số phiếu tán thành, cũng không quá bán.
Với các kết quả nêu trên, cả hai phương án không được ghi vào dự luật. Sau khi có kết quả, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhận xét rằng "Quyết định một vấn đề liên quan đến hành vi của con người rất là khó khăn", theo các bản tin trong nước.
Diễn biến này được báo Lao Động tường thuật dưới hàng tít "Quy định ‘đã uống rượu bia thì không lái xe’ chưa được Quốc hội áp dụng" ; báo Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh sử dụng tiêu đề "Hai quy định về rượu, bia không được Quốc hội thông qua" ; trong khi đó, báo Thanh Niên đặt tên cho bài viết của mình là "Quốc hội vẫn chưa quyết 'đã uống rượu bia thì không lái xe'". Nhiều báo, trang mạng khác cũng đặt tít với từ ngữ tương tự.
Dư luận nhanh chóng phản ứng với phần lớn là các lời chỉ trích dành cho quốc hội. Một loạt những người có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội như các nhà báo Bạch Hoàn, Hoàng Linh, Nguyễn Như Phong, nhạc sĩ Tuấn Khanh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà hoạt động Huỳnh Ngọc Chênh, v.v… khẳng định họ và phần đông cử tri "thất vọng", "choáng váng" về việc chỉ có chưa đến 50% đại biểu quốc hội ủng hộ việc cấm lái xe sau khi uống rượu bia, trong khi có đến 42% không đồng ý.
Việt Nam là nước có mức độ tiêu thu rượu bia cao ở Châu Á
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đặt câu hỏi "Phải chăng trong quốc hội có những người nghiện rượu ?" Về phần mình, nhà báo Nguyễn Như Phong cho rằng có thể "suy diễn" là số 42% đại biểu nêu trên "thường xuyên nhậu nhẹt và còn lái xe, hoặc con cái họ, hoặc chính lái xe của họ hay uống rươu bia" cho nên họ sợ nếu biểu quyết thông qua "thì có khi chính họ bị [xử lý] đầu tiên". Một giả định khác ông Phong đặt ra là "số đại biểu này rất vô trách nhiệm trước đại nạn lái xe khi đã uống rượu bia" đang làm hàng ngàn người chết trong tai nạn giao thông ở Việt Nam mỗi năm.
"Cái mà dân đang cần là thông điệp mạnh mẽ từ quốc hội trong việc phòng chống tác hại của rượu bia", nhà báo Hoàng Linh viết trên trang cá nhân. Ông đề nghị rằng luật pháp phải khắt khe hơn, theo đó "chỉ cần có uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông là có thể bị xử lý hình sự".
Một bài đăng trên Facebook của nhà báo Bạch Hoàn được hơn 5.300 phản ứng yêu thích và gần 600 lời bình luận ủng hộ có đoạn "Thật kinh tởm cho cái gọi là biểu quyết của đại biểu Quốc hội". Tuy nhiên, nữ nhà báo có tổng cộng hơn 195.000 người theo dõi cho hay chị "chẳng lấy gì làm bất ngờ" vì trong quốc hội có một số đại biểu "như Nguyễn Sỹ Cương, Dương Trung Quốc" vẫn đưa ra các "luận điệu bảo vệ các chính sách có lợi cho doanh nghiệp rượu bia bất chấp nguy cơ huỷ diệt giống nòi".
Giữa lúc quốc hội đang hứng chịu búa rìu dư luận với những lời lẽ hết sức nặng nề, thạc sĩ luật Lê Nguyễn Duy Hậu lên tiếng cho rằng đang có một sự hiểu nhầm.
Lái xe sau khi uống rượu bia là nguyên nhân gây ra nhiều tan nạn ở Việt Nam
Sử dụng chữ in hoa với hàm ý nhấn mạnh, ông Hậu, một chuyên gia độc lập trong lĩnh vực chính sách và nhân quyền ở Việt Nam, đặt tên cho bài viết trên Facebook của mình là "Không đúng, Quốc hội không ủng hộ lái xe khi đã uống rượu thoải mái".
Luật sư tốt nghiệp ở Đức lưu ý rằng theo quy định hiện nay của Luật Giao thông Đường bộ 2008, ngưỡng cho phép về độ cồn là 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở đối với người điều khiển xe máy (0.05%) và là 0 đối với người điều khiển ô tô, đồng nghĩa là là hiện nay, Việt Nam "đã rất khắt khe" với người điều khiển ô tô đến mức "hễ đã uống rượu thì không được cầm vô lăng".
Về ngưỡng 0.05% đối với người lái xe máy, ông Hậu cho rằng nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực thì Việt Nam vẫn khá khắt khe.
"Như vậy, có thể kết luận là việc cấm lái xe sau khi uống rượu là không có gì mới", thạc sĩ, giảng viên luật Lê Nguyễn Duy Hậu viết.
Bàn đến cáo buộc của nhiều người cho rằng quốc hội "đã thông qua luật ‘tự do uống rượu khi lái xe’", ông Hậu không ngần ngại khẳng định "Điều này là hoàn toàn sai sự thật".
Theo chuyên gia này, việc hai phương án được đưa ra bỏ phiếu ở quốc hội là để lấy ý kiến từ các đại biểu, chưa phải để thông qua. Từ góc nhìn của mình, ông Hậu đưa ra quan điểm là về cơ bản, quốc hội vẫn "cấm sử dụng phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu bia", nhưng còn chưa nhất quán về ngưỡng nồng độ để cấm là thế nào.
Thạc sĩ luật phân tích thêm : "Phương án 1 là cấm tuyệt đối việc uống rượu lái xe và trên thực tế sẽ chỉ là kéo ngưỡng cho tài xế xe máy xuống mức 0 như tài xế ô tô. Phương án 2 thì có hai cách hiểu : hoặc giữ nguyên ngưỡng như hiện nay, hoặc để dành lại cho Luật Giao thông Đường bộ quy định cụ thể trong lần chỉnh lý tới". Từ đó, ông Hậu đưa ra kết luận : "Không có phương án nào nói rằng từ nay tài xế được tự do uống rượu lái xe".
Ông Hậu viết thêm rằng báo chí trong nước "phải chịu trách nhiệm vì đã giựt những dòng tít gây hiểu lầm" đồng thời bày tỏ hy vọng "mọi người khách quan và bình tĩnh hơn khi đánh giá vụ việc".
*********************
Khen chê việc Quốc hội không có phương án cho luật rượu bia (BBC, 05/06/2019)
Hôm 3/6, các đại biểu Quốc hội đã "thể hiện chính kiến" về ba nội dung của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia nhưng kết quả cho thấy vẫn chưa luật hóa được quy định "đã uống rượu bia thì không lái xe".
Việt Nam được ghi nhận là quốc gia có tốc độ tăng tiêu thụ rượu lớn nhất thế giới, gần 90% kể từ năm 2010
Hơn phân nửa đại biểu Quốc hội không tán thành phương án cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn, hoặc nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông.
Mạng xã hội sau đó nổ ra tranh cãi về chuyện Quốc hội "không muốn xử phạt người dùng rượu bia lái xe".
Bình luận về việc không đồng ý quá bán bất kỳ phương án nào của Quốc hội, một nhà báo lại nhận định rằng Quốc hội "hoặc coi thường tính mạng người dân, hoặc kém hiểu biết..". trong khi đó một luật sư cho là đây có thể là "một việc làm có suy xét, trách nhiệm".
'Coi thường tính mạng người dân ?'
Hôm 4/6, nhà báo tự do Sương Quỳnh nói với BBC :
"Khi Quốc hội bấm nút để thông qua luật cấm uống bia rượu khi tham gia giao thông chỉ có 50% phiếu đồng ý thì tôi biết rằng số người chết vì tai nạn giao thông khi uống bia rượu sẽ vẫn "ổn định".
"Theo thống kê chưa đầy đủ thì hàng năm Việt Nam có hơn 10.000 người chết vì tai nạn giao thông, số người chết do uống bia rượu dẫn đến mất kiểm soát hành vi chiếm gần 50% cho cả người say lẫn người không uống rượu bị xe tông".
"Vậy mà 50% đại biểu Quốc hội không bấm nút thông qua luật này thì chứng tỏ số người này hoặc coi thường tính mạng người dân, hoặc kém hiểu biết hoặc có ý đồ hòng cho người dân lao vào nhậu nhẹt bê tha không còn suy nghĩ để quan tâm đến xã hội cũng như vận mệnh đất nước".
"Việc này cũng cho thấy ý thức phát triển xã hội lành mạnh có vẻ xa xỉ trong nghị trường".
"Theo như tôi hiểu, các nước văn minh cấm uống bia rượu đã thực thi từ rất lâu rồi. Người say rượu lái xe không chỉ đóng phạt tiền mà còn bị phạt tù hoặc tước bằng lái xe".
'Việc làm có suy xét' ?
Hôm 4/6, Luật sư Duy Hậu từ Thành phố Hồ Chí Minh nói với BBC :
"Có người phẫn nộ đến mức cho rằng Quốc hội đã thông qua luật "tự do uống rượu khi lái xe". Điều này là hoàn toàn sai sự thật".
"Hai phương án được đưa ra cho Quốc hội cho ý kiến, chứ chưa thông qua là :
1. Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn.
2. Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông.
Có nghĩa là, về cơ bản, Quốc hội một lần nữa khẳng định việc cấm sử dụng phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu bia. Vấn đề là ngưỡng nồng độ là như thế nào. Phương án 1 "cấm tuyệt đối việc uống rượu lái xe" và trên thực tế sẽ chỉ là kéo ngưỡng cho tài xế xe máy xuống mức 0 như tài xế ô tô.
Phương án 2 thì có hai cách hiểu : Hoặc giữ nguyên ngưỡng như hiện nay, hoặc để dành lại cho Luật Giao thông Đường bộ quy định cụ thể trong lần chỉnh lý tới ngưỡng cho phép, có thể là kéo xuống 0.03% cho xe máy ? Không có phương án nào nói rằng từ nay tài xế được tự do uống rượu lái xe (hợp pháp hóa). Vẫn là bất hợp pháp hóa, nhưng là bất hợp pháp hóa thế nào mà thôi".
Vận chuyển bia trong thành phố - Ảnh minh họa
"Việc không đồng ý quá bán bất kỳ phương án nào hôm nay của Quốc hội có thể là một việc làm có suy xét, trách nhiệm. Việc nghi ngờ hay lên án đại biểu Quốc hội bị nhóm lợi ích mua chuộc là một cáo buộc rất nghiêm trọng và do đó cần có bằng chứng chứ không thể nói vô trách nhiệm được".
"Đại biểu Dương Trung Quốc khi lên tiếng cũng có lý của ông, rằng chúng ta chỉ nên chống tác hai của bia rượu, chứ không nên chống bia rượu như một sản phẩm có từ lâu đời. Báo chí cũng phải chịu trách nhiệm vì đã giựt những dòng tít gây hiểu lầm và bày tỏ thái độ khi đưa một bản tin. Đây cũng là hệ quả của việc các thảo luận chính sách ở Việt Nam thường rất nông cạn, không đầy đủ".
"Thiết nghĩ, vấn đề ở đây lại không phải là vấn đề luật, mà là vấn đề thực thi pháp luật. Và đó là lỗi của công an, không phải lỗi của Quốc hội. Cho đến khi nào mà công an vẫn còn dám nói rằng đặt trạm kiểm tra nồng độ cồn trước quán rượu sợ phản cảm thì khi đó vẫn còn tai nạn do lái xe say rượu gây ra".
Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân được báo Zing dẫn lời : "Không phải Quốc hội không muốn xử phạt người sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông bởi luật hiện hành đã có quy định".
"Tuy nhiên, do quá bức xúc trước tình trạng sử dụng rượu bia lái xe gây tai nạn giao thông, trong thảo luận có nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tăng chế tài, không cần đo độ cồn mà cứ uống rượu bia là không được lái xe, lái xe là vi phạm. Phương án khác là giữ nguyên như hiện nay nhưng sau khi đại biểu cho ý kiến ngày 3/6 thì không phương án nào quá 50%".
"Việc thông tin lại như vậy để mọi người không hiểu lầm rằng pháp luật không xử phạt tài xế uống rượu, bia".
"Tăng thêm hay giữ như hiện nay đều không được biểu quyết nên ta sẽ thực hiện xử phạt theo luật hiện hành".
Theo số liệu của Bộ Y tế, năm 2017, Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ ba Châu Á sau Nhật, Trung Quốc. Chi phí của người dân cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia là gần 4 tỷ đô la. Cụ thể, người dân tiêu thụ khoảng 305 triệu lít rượu, tương đương 72 triệu lít cồn và gần 4,1 tỷ lít bia, tương đương với 161 triệu lít cồn.
30 năm : làm sao có thể quên !
Phạm Phú Khải, 04/06/2019
Hôm nay là ngày 4 tháng Sáu, đánh dấu 30 năm kỷ niệm biến cố Thiên An Môn. Hàng trăm ngàn người, và có lúc lên đến cả triệu, thuộc đủ mọi khuynh hướng khác nhau, biểu tình nguyên tháng Năm cho đến ngày 3 tháng Sáu 1989 để yêu cầu tự do hóa chính trị. Họ đòi hỏi dân chủ, mặc dầu phần lớn phong trào sinh viên lúc đó cũng không thật sự hiểu dân chủ là gì. Giáo sưPerry Link, một trong các chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc, cho rằng lúc đó dân chủ đối với hàng triệu người biểu tình này đơn giản chỉ là không bị chính quyền kiềm hãm như trước đến nay nữa (get off my back).
Hình ảnh một sinh viên Trung Quốc hiên ngang đứng chặng đoàn xe tăng tại ngay quảng trường Thiên An Môn ngày 5 tháng Sáu 1989 trở thành biểu tượng hùng hồn nhất cho sự bất khuất trước bạo lực.
Nhưng sau thời kỳ thương lượng với sinh viên, Bộ Chính Trị của Đảng cộng sản Trung Quốc họp với nhau, giữa hai phe bảo thủ và cấp tiến, và họ đã tham khảo ý kiến Đặng Tiểu Bình để đi đến quyết định cuối cùng đối phó với biến sự này. Họ Đặng đã quyết định dùng vũ lực. Ông ra lệnh giải toán biểu tình trong vòng 24 tiếng kể từ đêm 3 tháng Sáu nhưng không muốn đổ máu. Lệnh này nghe thật mâu thuẫn, nhưng cấp quân đội muốn thực hiện thành công thì không còn cách nào khác là đàn áp thẳng tay, kể cả dùng xe tăng và bắn đạn thật vào người dân. Số người chết cho đến hôm nay không ai biết rõ con số chính thức. Theo BBC thì ước đoán khoảng 10 ngàn người bị giết theo tài liệu mới nhất của Anh quốc.
Điều đáng nói ở đây là ngày hôm sau, mặc dầu đoàn biểu tình bị đàn áp và giải tán gần như hoàn toàn, tinh thần đấu tranh vẫn bất diệt. Hình ảnh một sinh viên Trung Quốc hiên ngang đứng chặng đoàn xe tăng tại ngay quảng trường Thiên An Môn ngày 5 tháng Sáu 1989 trở thành biểu tượng hùng hồn nhất cho sự bất khuất trước bạo lực.
Hơn hai tuần sau, theo giáo sưAndrew J. Nathan, một trong các chuyên gia Trung Quốc từng xuất bản tài liệu về biến cố Thiên An Môn trước đây với giáo sư Perry Link, cho biết ngày 19 đến 21 tháng Sáu năm 1989, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức cuộc họp mở rộng, bao gồm các lãnh đạo lão thành nhưng vẫn còn ảnh hưởng trong đảng. Các thảo luận và phát biểu này đã bàn về biến cố Thiên An Môn và làm sao rút ra được các bài học quan trọng để không những tránh để lập lại một sự kiện tương tự trong tương lai, mà còn để hướng dẫn giới lãnh đạo chính trị Trung Quốc trong thời gian tới. Những thảo luận này không chỉ điều hướng Giang Trạch Dân và Hồ Cầm Đào mà còn cho Tập Cận Bình cũng như các thế hệ kế tiếp. Không mấy ai biết chi tiết bí mật về các phát biểu mật này cho đến thời gian gần đây. Nhà xuất bản tại Hồng Kông có tên New Century Press đã tiết lộ các tài liệu mật này, giúp làm sáng tỏ những gì đã xảy ra sau biến cố Thiên An Môn. Ba bài học cho các lãnh đạo Trung Quốc là : một, Đảng cộng sản Trung Quốc đã bị bao vây trường kỳ từ kẻ thù trong nước thông đồng với kẻ thù bên ngoài (thù trong giặc ngoài) ; hai, cải tổ kinh tế phải đứng ưu tiên đàng sau sự kỹ luật về ý thức hệ và sự kiểm soát xã hội ; ba, đảng sẽ phải gục ngã trước kẻ thù nếu để cho nội bộ mình chia rẽ. Nathan cho biết các phát biểu này cho chúng ta nhìn thấy rõ các tính toán đàng sau một văn hóa chính trị độc tài qua hành động của họ, và hiểu được như thế thì sẽ không ngạc nhiên với những hình thức kiểm soát vô cùng phức tạp và xâm phạm đến các thế lực đấu tranh cho dân chủ hóa.
Như tôi đã từng trình bày trước đây, giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc hoàn toàn không đếm xỉa gì, và không có tư duy nào, về các quyền tự do căn bản của người dân, bởi văn hóa chính trị của họ không hề đề cao tự do chính trị cho cá nhân. Mọi thứ được nguỵ trang dưới chiêu bài tập thể, để rồi một hay vài nhân vật nắm trong tay mọi quyền quyết định quan trọng nhất, kể cả quyền sinh sát bất cứ ai.
Một số các phát biểu từ phía bảo thủ này, còn gọi là phe diều hâu, là cực kỳ giáo điều và nhàm chán, chẳng dựa vào dữ kiện khoa học nào ngoài trừ sự bày tỏ lòng trung thành mù quáng với quyết định đàn áp thẳng tay phong trào sinh viên bằng bạo lực của Đặng Tiểu Bình và quan điểm của Thủ tướng phe bảo thủ Lý Bằng. Phần lớn đều bắt đầu phát biểu như một hình thức tuyên thệ sự trung thành của họ "Tôi hoàn toàn đồng ý với" hay "Tôi hoàn toàn ủng hộ" v.v… Nathan cũng nhận định rằng thật ra Triệu Tử Dương, tuy cấp tiến nhất trong đảng và phần lớn là người thi hành các chính sách đổi mới và cải tổ của Đặng Tiểu Bình, và ủng hộ phong trào sinh viên tại Thiên An Môn lúc đó, nhưng ông không bao giờ kêu gọi đa đảng, trước cũng như sau khi bị quản thúc. Họ Triệu chỉ kêu gọi đảng nên tin tưởng người dân, cho nên để giới truyền thông phản ảnh sự thật (hoặc ít ra nhiều hơn chút), thảo luận với sinh viên và các nhà phê bình khác, giảm bớt sự xiết chặt về xã hội dân sự, để cho các tòa án độc lập hơn, và để cho các nhà lập pháp độc lập hơn. Họ Triệu tin rằng làm như thế sẽ giúp cho đảng có chính nghĩa/đáng hơn, giúp cho độc đảng đứng vững hơn. Nhưng Đặng Tiểu Bình đã đứng về phe diều hâu, là ngày hôm nay tuy làm cho đảng mạnh hơn về bề mặt hơn bao giờ hết kể từ thời Mao Trạch Đông, nhưng cũng rất dễ bể, mỏng manh.
Giáo sư Perry Link cũng có viết bài mới nhất về biến cố 4 tháng Sáu cách đây vài hôm. Ông đưa ra nhiều biện luận về lý do tại sao chúng ta nhớ về ngày này : những ánh sáng rực của lửa trên lưỡi lê ; bản chất đích thực của Đảng cộng sản Trung Quốc ; của những sự tồi tệ nhất xảy ra tại đó, và những điều tốt nhất thể hiện từ những con người khao khát thay đổi ; nhớ, bởi vì nó là một cuộc tàn sát, không chỉ là đàn áp hay biến sự ; chúng ta nhớ vì nó làm cho chúng ta trở thành những con người tốt hơn, bởi vì quyền lợi, theo nghĩa vật chất, được lãnh đạo ca tụng suốt ngày, trong khi quan tâm về mặt đạo đức, tinh thần cũng quan trọng không kém. Thật ra nó còn quan trọng hơn vật chất nhiều. Chúng ta nhớ ngày 4 tháng Sáu vì chính quyền Trung Quốc muốn chúng ta quên. Trên hết, giáo sư Link cho rằng chúng ta nhớ, vì những cú sốc trong đời đối với đầu óc con người sẽ tồn tại rất lâu (như điều tôi từng viết trên blog này).
100 năm về trước, người dân Trung Quốc đã căm phẫn vì quyết định của Hoa Kỳ thay vì trả tỉnh Shandong trước đó bị Đức đô hộ lại cho chủ quyền của Trung Quốc thì lại giao cho Nhật, gây lên làn sáng căm phẫn, dẫn đến Phong trào Ngũ Tứ, từ đó đưa đến sự hình thành Đảng cộng sản Trung Quốc hai năm sau. Chế độ này sẽ vẫn tiếp tục khai thác tinh thần dân tộc của họ bằng mọi hệ thống tuyên truyền cùng với sự bưng bít và bạo lực bằng mọi cách để đề cao tính chính nghĩa của họ, duy trì trật tự xã hội và trên hết để tiếp tục cầm quyền. Biến cố Thiên An Môn cách đây 30 năm đã là đề tài bị cấm kỵ hoàn toàn ở trong nước. Giới trẻ lớn lên mù mờ về biến cố này. Và chủ nghĩa dân tộc sẽ bị kích động trở lại để người Trung Quốc đứng về phía Tập Cận Bình và lãnh đạo chính trị của họ. Các mong muốn thay đổi chính trị trong nội bộ Trung Quốc sẽ càng khó khăn và thách thức hơn nhất là khi đối diện với các "mối đe dọa" từ bên ngoài, nhưcuộc thương chiến hiện nay, khi chế độ cầm quyền tìm mọi cách khai thác nó. Sẽ còn quá sớm để biết kết quả sau cùng ra sao. Rất có thể yếu tố quyết định sau cùng sẽ là ai kiên nhẫn hơn ai để chịu đựng các thất thiệt trước mặt cho mục tiêu đường dài.
Úc Châu, 04/06/2019
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 04/06/2019
*******************
Trung Quốc sẵn sàng cho Thiên An Môn mới ?
Nguyễn Tường Thụy, VNTB, 04/06/2019
Trở lại với câu hỏi "Liệu có thảm sát Thiên An Môn ở Việt Nam hay không ?". Không ai có thể có câu trả lời chắc chắn về những gì chưa diễn ra. Tuy nhiên, tôi cũng như Đoan Trang, "vẫn tin vào chút tình đồng bào, tình người có trong họ (nhà cầm quyền Việt Nam)" và hy vọng rằng họ không sắt máu như Đảng cộng sản Trung Quốc. Nhưng để trả lời : "Không" thì không ai có thể khẳng định.
30 năm sự kiện Thiên An Môn - 4/6/1889 - 4/6/2019.
Cách đây 30 năm, một cuộc biểu tình khổng lồ đòi dân chủ nổ ra tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc mà tâm điểm là Thiên An Môn do giới sinh viên tổ chức. Cuộc biểu tình này vào đỉnh điểm lên tới cả triệu người tham gia.
Với chủ trương đè bẹp bất cứ sự xáo động nào để giữ ổn định chính trị từ phía Đảng cộng sản Trung Quốc, cuộc biểu tình đã bị đàn áp đẫm máu. Quân đội được huy động với qui mô quân đoàn và số binh lính được huy động bằng một nửa đội quân xâm lược Việt Nam vào Tháng 2 năm 1979.
Quân đội đã nhả đạn vào đám đông biểu tình, cho xe tăng cán lên họ.
Bao nhiêu người thiệt mạng trong cuộc đàn áp này ? Vài trăm, vài nghìn hay 10 nghìn ? Con số này bị giấu giếm và không bao giờ có được. Nó chỉ có thể được tiết lộ khi một chế độ dân chủ thay thế cho chế độ độc tài hiện nay ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo thông tin trong một bài "Tài liệu tuyệt mật của CIA về vụ thảm sát Thiên An Môn 1989" ngày 29/02/2016 của tờ PetroTimes thì số bị giết cụ thể đến con số lẻ là 10.454 người
Một chế độ man rợ, chống lại loài người, không có lý do gì để tồn tại trong một thế giới văn minh.
Cuộc đàn áp đẫm máu ở Thiên An Môn là một vết nhơ không bao giờ gột rửa được trong lịch sử Đảng cộng sản Trung Quốc.
Cứ nghĩ rằng việc bắn giết đồng bào của mình chỉ xảy ra ở thời điểm ấy, khi mà những giá trị dân chủ của nhân loại còn ít lan tỏa đến Trung Quốc. Cứ nghĩ rằng họ sẽ phải ân hận, sẽ phải rút kinh nghiệm và lấy làm tiếc vì việc làm của những người lãnh đạo tiền nhiệm.
Vây mà 30 năm sau, chứ không phải là vừa sau năm 1989, nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn không hề thấy sai lầm trong việc bắn giết đồng bào của họ ở Thiên An Môn. Theo VOA thì ngày 2/6, tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa nói rằng cuộc đàn áp đẫm máu nhắm vào những người biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh 30 năm trước là quyết định "đúng đắn".
Phát ngôn của họ Ngụy với tư cách Bộ trưởng quốc phòng tại một diễn đàn quốc tế đương nhiên không phải là ý kiến cá nhân. Nó phản ánh nhãn quan của Đảng và Chính phủ Trung Quốc. Trên thực tế thì suốt 30 năm qua, Trung Quốc không hề có một ý kiến chính thức hay ít ra từ một nhà lãnh đạo nào tỏ ra "lấy làm tiếc" về sự kiện này. Nếu Cách mạng văn hóa ở Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình thừa nhận sai lầm thì với sự kiện Thiên An Môn họ cho là chuyện đương nhiên phải thế.
Quan điểm giữ ổn định chính trị được đưa ra để đàn áp khốc liệt mọi sự phản kháng ở Trung Quốc. Họ muốn một sự ổn định kiểu nhân dân làm nô lệ thì cứ làm nô lệ, họ cai trị thì cứ cai trị. Như thế là ổn định chính trị. Chính sự duy trì ổn định này đã khép nhân dân Trung Quốc vào thân phận tôi đòi, mất hết tinh thần phản kháng và các giá trị dân chủ bị chặn đứng tại biên giới tư tưởng.
Phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho thấy, nếu có những biểu tình qui mô tương tự biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989 cũng sẽ bị đàn áp, bắn giết. Súng vẫn nhả đạn vào những người biểu tình và những mảng thịt nát bét, những búi tóc vẫn tiếp tục quấn vào bánh xích xe tăng.
Súng vẫn nhả đạn vào những người biểu tình và những mảng thịt nát bét, những búi tóc vẫn tiếp tục quấn vào bánh xích xe tăng.
Phát ngôn này của Ngụy Phượng Hòa làm cho người Việt nam quan tâm đến vận mệnh của đất nước rùng mình. Họ đặt câu hỏi : Nếu Việt Nam trở thành thuộc địa của Trung Quốc, thì số phận của người Việt Nam sẽ ra sao ? Tất nhiên còn rẻ rúng hơn những người Trung Quốc bị giết ở Thiên An Môn.
*
Nhà báo Phạm Đoan Trang đặt câu hỏi : "Liệu có thảm sát Thiên An Môn ở Việt Nam hay không ?"
Bàn về câu hỏi này, cần phải liên hệ đến tình hình ở Việt Nam :
Đợt biểu tình phản đối Dự luật Đặc khu vào Tháng 6 năm ngoái, nhà nước đã dẹp được bằng đàn áp, bắt bớ và bỏ tù. Nhưng giả sử không dẹp được thì sao ?
Ở Việt Nam, chưa có đợt biểu tình nào qui mô và dài ngày như ở Thiên An Môn. Tinh thần phản kháng ở Việt Nam hiện nay còn xa mới bằng tinh thần Thiên An Môn 30 năm trước. Lưu ý rằng 30 năm trước chưa có sự bùng nổ thông tin nhờ mạng Internet như ngày nay.
Đoan Trang kể một câu chuyện về một người bạn Trung Hoa của cô là Rose Tang, một trong các nhân vật lãnh đạo sinh viên còn sống sót và tự do sau sự kiện Thiên An Môn.
Rose Tang nói với Đoan Trang rằng sai lầm lớn nhất của chị và các bạn sinh viên hồi đó, là đã tưởng rằng "Đảng và Nhà nước Trung Quốc không thể ác đến thế".
Chị thừa nhận với Đoan Trang rằng "chúng tôi ngây thơ. Chúng tôi đã nghĩ là họ sẽ không bắn giết những người dân không một tấc sắt trong tay, những người thậm chí không hề kêu gọi lật đổ chính quyền. Chúng tôi đã chỉ muốn đối thoại mà thôi. Chúng tôi đã quá ngây thơ, cứ tưởng những viên đạn bay trên đầu chúng tôi chỉ là đạn cao su…".
Trở lại với câu hỏi "Liệu có thảm sát Thiên An Môn ở Việt Nam hay không ?". Không ai có thể có câu trả lời chắc chắn về những gì chưa diễn ra. Tuy nhiên, tôi cũng như Đoan Trang, "vẫn tin vào chút tình đồng bào, tình người có trong họ (nhà cầm quyền Việt Nam)" và hy vọng rằng họ không sắt máu như Đảng cộng sản Trung Quốc. Nhưng để trả lời : "Không" thì không ai có thể khẳng định.
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : VNTB, 04/06/2019
*****************
Thiên An Môn 30 năm sau
Ngô Nhân Dụng, Người Việt, 03/06/2019
Một bức tượng của Lưu Hiểu Ba vừa được dựng lên tại Praha, thủ đô Cộng hòa Tiệp, để kỷ niệm 30 năm cuộc tàn sát Thiên An Môn.
Quảng trường Thiên An Môn ngày 18/05/1989, khi hàng ngàn sinh viên và công nhân biểu tình đòi tự do dân chủ. (Hình : Getty Images)
Lưu Hiểu Ba, nhà văn được giải Nobel Hòa bình, là một trong "Tứ Quân Tử", những giáo sư đã tới ủng hộ, cố vấn cho các sinh viên tuyệt thực phản kháng và giúp tải thương khi xe tăng quân đội cộng sản Trung Quốc bắt đầu bắn vào các sinh viên tay không, ngày 4 tháng Sáu năm 1989.
Cuộc tàn sát Thiên An Môn là một vết nhơ trong lịch sử Trung Quốc. Cả thế giới kinh tởm hành động dã man này. Nhưng chế độ cộng sản vẫn từ chối không nhìn nhận tội lỗi.
Đảng cộng sản Trung Quốc nay đã tỏ ra "ôn hòa" hơn, không gọi cuộc biểu tình, tuyệt thực của sinh viên và công nhân trong hai tháng của năm 1989 là "nổi loạn", chỉ gọi là "hỗn loạn". Một số cựu sinh viên, trong số 150 người trốn thoát nhờ một tổ chức sinh viên ở Hồng Kông, đã được trở về thăm quê hương.
Nhưng Trung Quốc vẫn không cho phép ai được biết sự thật về biến cố thảm khốc này, không bao giờ hối lỗi.
Một phóng viên đài BBC mới đi phỏng vấn nhiều người ở Trung Quốc, đưa cho họ coi đoạn phim chàng thanh niên tiến tới chặn xe tăng, nhưng hầu hết mọi người, nhất là giới trẻ, chưa thấy hình ảnh đó bao giờ. Đảng cộng sản sợ sự thật. Vì không ai có thể chấp nhận một chế độ đem xe tăng tới bắn vào những thanh niên vô tội. Những thanh niên này chỉ có một "tội" là chống đám cường hào tham nhũng đang đục khoét nước Trung Hoa.
Hồng Kông là nơi duy nhất trên thế giới còn kỷ niệm Thiên An Môn mỗi năm. Năm 2009 số người tham dự lên tới 150.000, các năm 2012, 2014 đã lên 180.000. Nhưng trong lục địa, những chữ như "phong trào sinh viên" hay tên "Triệu Tử Dương" đều bị kiểm duyệt khi đưa lên mạng.
Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang) là Tổng bí thư năm 1989 và đã đi ra quảng trường Thiên An Môn gặp gỡ các sinh viên. Ông đồng ý với nhu cầu chống tham nhũng họ nêu ra. Ông ta bị cất chức, rồi bị quản thúc đến lúc chết. Năm 1997, Triệu Tử Dương đã viết thư yêu cầu đảng cộng sản nói sự thật và chấm dứt buộc tội các sinh viên, "Nhân dân không bao giờ quên dù chúng ta cứ tiếp tục che đậy", ông nói.
Ông Triệu Tử Dương, Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc bước ra quảng trường Thiên An Môn gặp gỡ các sinh viên, ngày 19/05/1989. (Hình : Getty Images)
Nhưng Trung Quốc không thể nào cho người dân biết sự thật Thiên An Môn. Bởi vì công nhận sự thật đó có nghĩa là họ cũng đồng ý với các lý tưởng mà các sinh viên nêu lên : Tự Do và Dân Chủ. Lật ngược những lời vu cáo những sinh viên can đảm đó, hàng ngàn người đã chết, tức là đồng ý với lý tưởng của họ. Nghĩa là phải thay đổi chế độ, nhập vào trào lưu dân chủ hóa của thế giới. Sau đó, không thể nào đoán chuyện gì sẽ xảy ra !
Bởi vì chế độ cộng sản ở Trung Quốc hiện nay cũng không khác chế độ cộng sản trước đây 30 năm : Độc tài Đảng Trị. Nhiều người giàu có hơn, nhưng tham nhũng còn tăng nhanh hơn Tổng sản lượng nội địa !
Nhưng sự thật Thiên An Môn sẽ làm lung lay hai thứ "cột trụ" của Đảng cộng sản Trung Quốc, là Đặng Tiểu Bình và Quân giải phóng ! Đặng Tiểu Bình đang được tôn thờ như thần tượng ! Quân đội cộng sản sẽ tự thấy nhục nhã khi người dân biết họ đã bắn chết hàng ngàn sinh viên tay không tấc sắt.
Đảng cộng sản biết rằng mở cửa cho tự do dân chủ tức là chịu có ngày đảng hết nắm quyền. Tập Cận Bình vẫn còn nhắc đi nhác lại cho các đảng viên nghe "Bài học Xô Viết sụp đổ" chỉ vì Gorbachev muốn thí nghiệm tự do dân chủ, dù với mục đích bảo vệ quyền hành của đảng.
Đảng cộng sản muốn xóa dấu vết của những vũng máu tại Thiên An Môn, nhưng người dân Trung Quốc không bao giờ quên. Mới tháng trước, một nhà tranh đấu, Trần Binh (Chen Bing) đã bị tuyên án ba năm rưỡi tù vì vào năm 2016 anh đã kêu gọi đồng bào tưởng nhớ Biến Cố Lục Tứ (ngày 4 tháng Sáu) bằng các nhãn hiệu gắn trên chai nước ngọt.
Nỗ lực xóa ký ức của ngày Lục Tứ có khi gây tai hại cho đảng cộng sản. Năm 2007 trên tờ Thành Đô Vãn Báo ở tỉnh Tứ Xuyên người ta thấy một trang quảng cáo với những lời ca ngợi hội "Các Bà Mẹ Thiên An Môn", một tổ chức của các bà mẹ kiên cường hỏi "Các con tôi đâu rồi ? Cho tôi biết sự thật !".
Một cô thư ký trong ban quảng cáo của tờ báo chịu đăng và nhận tiền quảng cáo. Vì cô chưa được nghe nói đến cuộc tàn sát đó bao giờ ! Trong trường thầy cô không dậy, ở nhà bố mẹ không dám nói, báo chí không bao giờ đả động tới ! Cô cứ tưởng Thiên An Môn là nơi xảy ra một vụ hầm mỏ sập đổ làm chết người, vào ngày 4 tháng Sáu, và "Các Bà Mẹ Thiên An Môn" chỉ khiếu nại đòi bồi thường !
Hàng ngàn người Hong Kong thắp nến tưởng niệm biến cố Thiên An Môn. (Hình : Getty Images)
Guồng máy truyền thông dối trá của đảng cộng sản còn huấn luyện cho các thanh niên không biết gì về vụ thảm sát biết đặt câu hỏi ngược lại nếu có ai nhắc đến tội ác ngày 4 tháng Sáu của đảng. Họ hỏi : "Các anh chị lại nghe đài, đọc báo Tây phải không ? Làm sao anh biết đó là sự thật ?". Miếng võ "Tin bịa đặt phản động" Fake News được sử dụng khắp nơi để che giấu sự thật ! Nhiều người Trung Hoa đã sống, đã chứng kiến cuộc tàn sát, bây giờ cũng ngần ngại không muốn kể cho con cháu mình nghe !
Chiến dịch che giấu của Trung Quốc gây tai hại cho chính họ. Khi các thanh niên biết sự thật, qua mạng internet, họ sẽ thất vọng về đảng nặng nề hơn. Khi nhìn thấy cảnh tham nhũng, bất công còn đang diễn ra trước mắt, khi nhớ lại các sinh viên thời 1989 mang lý tưởng hào hùng như thế nào, giới trẻ Trung Quốc bây giờ sẽ xấu hổ khi thấy họ thật ra chỉ là phường "giá áo, túi cơm", chỉ lo cơm áo gạo tiền, không xứng đáng làm một người Trung Quốc !
Nhiều nhà tranh đấu dân chủ ở Trung Quốc bây giờ vẫn chọn số điện thoại tận cùng bàng bốn con số "8064". Họ có cách nhắc nhở lẫn nhau !
Dân Hồng Kông và Đài Loan được biết về "Biến cố Lục Tứ" sẽ không bao giờ tin tưởng vào những hứa hẹn của chế độ cộng sản Trung Quốc. Cựu tổng thống Đài Loan, ông Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou,) một người được coi là "thân Bắc Kinh trong vấn đề thống nhất", cũng nói rằng việc thống nhất sẽ không thành nếu sự thật về vụ Thiên An Môn không được làm sáng tỏ.
Triệu Tử Dương trước khi chết có lần đã cảnh cáo đảng rằng chế độ độc tài bưng bít sự thật sẽ khiến cho chính nó không bao giờ được nghe nói sự thật, không thể tự thay đổi, từ đó sẽ tự hủy diệt.
Một chế độ như vậy không tạo được cơ hội cho sáng kiến, phát minh, là những điều kiện tối cần cho tiến bộ. Chế độ đó, trong 30 năm qua, đã càng ngày càng tham nhũng, lạm quyền nhiều và nặng nề hơn. Sẽ đến lúc người dân Trung Hoa thất vọng và họ sẽ đòi biết sự thật !
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 03/06/2019
*******************
30 năm sự kiện Thiên An Môn : Trung Quốc vẫn nỗ lực xóa bỏ ký ức
John Sudworth, BBC, 04/06/2019
Không có một chương trình tưởng nhớ chính thức nào về sự kiện năm 1989 ở Bắc Kinh. Nhưng tuyên bố đó, mặc dù chính xác, nhưng quá trung lập.
Chuyện gì đã xảy ra trên Quảng trường Thiên An Môn 30 năm trước ?
Thực tế, những gì xảy ra ở Quảng trường Thiên An Môn được đánh dấu mỗi năm bởi một hành động lớn, mang tính quốc gia có thể được gọi là "sự quên lãng".
Vài tuần trước ngày 4 tháng Sáu, cỗ máy kiểm duyệt lớn nhất thế giới rơi vào tình trạng quá tải khi một mạng lưới thuật toán tự động khổng lồ cùng hàng chục ngàn người 'kiểm duyệt' phải tìm mọi cách xóa sạch mọi tài liệu tham khảo trên internet.
Những người được cho là quá khiêu khích trong nỗ lực trốn tránh các biện pháp kiểm soát có thể bị bỏ tù với những bản án lên đến ba năm rưỡi.
Và đó là bản án dành cho một nhóm gần đây đã tìm cách kỷ niệm ngày này bằng cách dùng cụm từ "Tiananmen Massacre" làm nhãn hiệu cho sản phẩm.
Chỉ việc đăng lại những hình ảnh trên Twitter, mạng xã hội bị cấm thậm chí không thể truy cập được đối với hầu hết người dùng internet Trung Quốc, cũng có thể khiến anh bị giam giữ.
Vài tháng trước, tôi đã tự mắt chứng kiến mức độ chính quyền sẽ thực hiện để đảm bảo rằng công dân Trung Quốc không có bất kỳ cuộc thảo luận công khai hoặc hành động tưởng niệm nào.
Vào ngày Tết Thanh minh, thời điểm mọi người đến thăm mộ người thân của họ, BBC đã sắp xếp để gặp một người phụ nữ có con trai bị bắn vào đầu ở phía Bắc Quảng trường Thiên An Môn, ngay sau khi những đội quân đầu tiên tiến vào trong thành phố.
Bà Trương Tiên Linh (Zhang Xianling) giơ tấm hình của con trai bà cho phóng viên vào 2014
Như mọi năm, bà Trương Tiên Linh (Zhang Xianling), 81 tuổi, đang lên kế hoạch đưa hoa đến nghĩa trang nhỏ, yên bình, nơi tro cốt của Vương Nam (Wang Nan), 19 tuổi, được chôn cất, gần Di Hòa Viên, Bắc Kinh.
Nhưng chúng tôi thấy nghĩa trang đã bị quây kín bởi các nhân viên bảo vệ theo dõi bia mộ của Wang Nan.
Chúng tôi đã bị tra hỏi bởi các cảnh sát mặc sắc phục và thậm chí còn kiểm tra hộ chiếu và thẻ báo chí, và lấy thông tin của chúng tôi.
Và sau đó cảnh sát hộ tống bà Trương đến ngôi mộ con trai và được hộ tống khỏi nghĩa trang để tránh xa các nhà báo.
Khu mộ của gia đình của bà Trương nơi chôn cất chồng và con trai bà
Kho dữ liệu của BBC lưu trữ hàng loạt sự kiện, trong đó cái chết của Vương Nam đóng một phần rất nhỏ.
Các đoạn phim với mỗi khung hình là một minh chứng cho sự dũng cảm của những người quay nó, cho thấy những người lính tiến tới với vũ khí giữ ngang tầm bóng đổ trên những chiếc xe tăng.
Những thước phim quay lại khoảnh khắc những người biểu tình hoảng sợ leo lên những xe đạp hoặc bỏ chạy trong lúc đem theo những thi thể đầy máu, đầy vết đạn vào bệnh viện.
Nhưng với tôi, khoảng khắc này đặc biệt ấn tượng.
'Họ cầu xin anh ta đừng bắn'
Trong ánh sáng ban ngày, tiếng súng nổ lẻ tẻ vẫn có thể được nghe thấy trên khắp thành phố và một du khách người Anh rõ ràng đang bị sốc. Margaret Holt đã vô tình bị cuốn vào một trong những khoảnh khắc quyết định của thế kỷ trước.
"Người lính này, anh ta bắn một cách bừa bãi vào đám đông và ba cô gái trẻ đã quỳ xuống trước mặt anh ta và cầu xin anh ta ngừng bắn", cô nói lặng lẽ, chắp hai tay theo kiểu cầu nguyện.
"Và anh ta đã giết họ".
"Một ông già giơ tay lên vì muốn qua đường, và anh ta cũng bắn ông ấy".
Holt lúc đó khoảng cuối 50 hoặc đầu 60 và đang học vẽ trong một tòa nhà chỉ cách Quảng trường Thiên An Môn vài trăm thước, bà Holt chỉ ra ngoài cửa sổ khi bà mô tả những gì đã xảy ra với người lính.
"Băng đạn trên súng của anh ta hết nên khi anh ta cố thêm đạn thì đám đông lao vào và treo cổ anh ta trên một cái cây".
Toàn bộ lời mô tả diễn ra trong vòng 24 giây.
Nhưng chính sự ngắn gọn của nó đã nhấn mạnh sự tàn bạo của lực lượng được sử dụng để xóa bỏ một cuộc biểu tình ôn hòa, và sự phẫn nộ của đám đông bên kia đầu đạn.
Nó cũng cho thấy tại sao, ngay cả ngày nay, chính quyền Trung Quốc vẫn cố gắng hết sức để chôn vùi tất cả các cuộc thảo luận về những gì đã diễn ra.
Làn gió đổi thay
Các cuộc biểu tình làm rung chuyển Bắc Kinh và hàng chục thành phố khác của Trung Quốc vào mùa Xuân và mùa Hè năm 1989 đã được châm ngòi - như thường lệ - bởi một sự kiện hoàn toàn bình thường : cái chết vào tháng Tư của nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản trước đây, Hồ Diệu Bang, một nhà lãnh đạo ủng hộ tự do kinh tế và tự do chính trị.
Sự đau buồn, thương tiếc kéo dài, chủ yếu từ các sinh viên, đã nhanh chóng biến thành các cuộc biểu tình trên đường phố quy mô lớn với lời kêu gọi danh tiếng của ông được khôi phục và để di sản của ông được vinh danh với những cải cách trên diện rộng : một nền báo chí tự do, tự do hội họp và chấm dứt tình trạng quan chức tham nhũng.
Nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chia rẽ về cách đối phó với các cuộc biểu tình
Tại Bắc Kinh, khoảng một triệu người đổ về Quảng trường Thiên An Môn, chiếm giữ không gian công cộng rộng lớn tại trung tâm chính trị của thủ đô với cờ, biểu ngữ và lều.
Trong lúc đó, những làn gió đổi thay đã thổi qua từ Đông Âu, thêm vào đó là chuyến thăm của nhà lãnh đạo Liên Xô Michael Gorbachev đến Bắc Kinh vào giữa tháng Năm để tham gia hội nghị thượng đỉnh Xô-Trung lần đầu tiên trong 30 năm.
Đối với các nhà lãnh đạo của Trung Quốc, cũng như với những người biểu tình, đất nước lớn nhất Đông Á dường như ở bờ vực của một thời khắc lịch sử, và nội bộ Đảng cộng sản đã chia rẽ về giải pháp đối phó.
Và cuối cùng, phe cứng rắn đã giành chiến thắng.
Đêm khuya ngày 3 tháng 6 và đến sáng ngày hôm sau, một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn đã được phát động trên quảng trường, với hàng loạt chiếc xe tăng và binh lính tiến vào với đạn thật.
Tại các giao lộ dọc theo tuyến đường đến Thiên An Môn, những người từ chối di chuyển đã bị bắn một loạt đạn.
Một số người như lời kể của vị khác du lịch trên đã chiến đấu lại bằng tay không, và một số xe bọc thép được cho là đã bị bốc cháy bởi những quả bom cocktail Molotov người biểu tình tự chế.
Một chiếc xe bọc thép bóc cháy vào 4/6/1989 gần Quảng trường Thiên An Môn
Ngày nay, sự kiểm duyệt và những bí mật khiến người ta chưa thể xác định chính xác bao nhiêu người đã chết trong đêm đó. Không có một con số chính thức đầy đủ về những người đã chết và bị thương nào được công khai.
Theo những phóng viên nước ngoài có mặt ở đó, đến thăm các bệnh viện trong thành phố và hầu hết đều ước chừng số người thiệt mạng là từ hàng trăm đến 2000-3000 người.
Ít nhất một nguồn tin ngoại giao, được đưa ra trong thời điểm vụ việc đang sôi sục, đề nghị một con số lớn hơn.
Điều không thể tranh cãi là đó là khoảnh khắc lực lượng quốc phòng quốc gia lại đóng vai một đội quân xâm lược, tấn công chính người dân của họ trong chính thủ đô của họ.
Đó là một bước ngoặt tiếp tục định hình Trung Quốc ngày hôm nay.
'Người chặn xe tăng'
Có lẽ không có gì có thể minh họa cho sự hiệu quả của 30 năm kiểm duyệt của Trung Quốc hơn hình ảnh 'Người đàn ông chặn xe tăng', hay còn gọi là là 'Tank Man'.
Vào ngày 5 tháng 6, một ngày sau khi giải phóng mặt bằng quảng trường, một hàng xe tăng đã được trông thấy rời khỏi Quảng trường Thiên An Môn dọc theo Đại lộ Trường An, nơi hầu hết các vụ giết người đã diễn ra.
Video ghi lại cảnh một người biểu tình đơn độc đặt mình trước chiếc xe tăng bọc chì và sau đó cứ đi qua đi lại chặn đầu chiếc xe mỗi khi nó cố gắng lách khỏi anh ta.
Người đàn ông, mặc áo sơ mi trắng và quần đen và cầm hai chiếc túi, trèo lên chiếc xe tăng và cố gắng khuyên can với phi hành đoàn qua nắp xe.
Đối với thế giới bên ngoài, hình ảnh mang đầy tính biểu tượng này là một đối chiếu giữa sự đàn áp độc đoán với một tinh thần bất chấp không thể chối cãi.
Nó biểu trưng cho tất cả những gì đã xảy ra trong và xung quanh Quảng trường Thiên An Môn.
Cũng cần phải chỉ ra rằng người chỉ huy xe tăng, không hề hay biết hàng chục ống kính quốc tế đang chĩa vào anh ta, có vẻ đã nhượng bộ.
'Người đàn ông chặn xe tăng' đã không bị bắn hay bị cán qua nhưng số phận của anh ta vẫn là một bí ẩn cho đến ngày nay.
Ở Trung Quốc, hình ảnh kinh điển này đã bị xóa sạch khỏi ý thức của công chúng.
Tội ác bất nhân
Ngày nay, Quảng trường Thiên An Môn hầu như không đổi thay so với những hình ảnh video năm 1989.
Bức chân dung của Chủ tịch Mao Trạch Đông vẫn được treo ở vị trí trang trọng nhất, với vẻ mặt nguyên sơ, hơi mỉm cười.
Nụ cười đó đã từng bị ba người biểu tình ném đầy trứng và sơn trước khi họ bị bỏ tù 20 năm.
Nhưng bên ngoài quảng trường đó, Trung Quốc đã thay đổi chóng mặt trong ba thập kỷ qua.
Khi nó ngày càng trở nên giàu có và mạnh mẽ hơn, sự thành công đó dường như là sự phản bác của Bắc Kinh đối với những trang báo quốc tế - bao gồm cả bài viết này, vốn cứ mãi khẳng định rằng một chương đen tối, bị chôn vùi trong quá khứ đó vẫn còn quan trọng.
Bao Đồng là một cựu quan chức cao cấp, người ngồi bên lề những bàn thảo luận cấp cao về những biến động chính trị năm 1989.
Ông bây giờ là một trong những nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất của Trung Quốc, đã thụ án 7 năm, tất cả đều bị biệt giam, do ủng hộ những người biểu tình Thiên An Môn.
"Điều làm tôi lo lắng", ông nói, "là trong 30 năm qua, tất cả các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã sẵn sàng đứng bên cạnh tội ác vô nhân đạo ngày 4 tháng Sáu".
"Họ coi đó là một bài học quý giá, như một trò ảo thuật đằng sau sự trỗi dậy của quốc gia. Họ coi đó là lợi ích".
"Đảng cộng sản Trung Quốc nên cho phép mọi người thảo luận - nạn nhân, nhân chứng, người nước ngoài, nhà báo đã ở đó. Họ nên cho phép mọi người nói những gì họ biết và tìm ra sự thật".
Ông chắc chắn rằng nếu những yêu cầu của người biểu tình đã được lắng nghe từ những năm trước, thì tương lai của Trung Quốc sẽ không chỉ là một sự thịnh vượng, mà còn là một sự cân bằng và công bằng hơn.
"Tôi thấy một Trung Quốc không có Vạn Lý Tường Lửa, không có tầng lớp đặc quyền. Thật không may, sẽ có ít tỷ phú hơn nhưng ít nhất là những người lao động nhập cư nghèo có thể được sống tự do mà không phải bị đuổi ra khỏi các thành phố lớn. Và một Trung Quốc không cần phải đánh cắp công nghệ nước ngoài".
Quyền lực bằng mọi giá
Điều trớ trêu trong các cuộc biểu tình ở Thiên An Môn là bất chấp niềm tin hy vọng của nhiều người rằng sự thay đổi thực sự đã đến, thì thay vào đó họ có thể đã đẩy cơ hội cải cách chính trị ở Trung Quốc lùi lại một thế hệ, thậm chí hơn.
Một số ít sinh viên đã công khai kêu gọi cách mạng, họ rất có thể sẽ là những nhà lãnh đạo tồi và bị chia rẽ bởi bởi chủ nghĩa bè phái, mâu thuẫn và khuynh hướng độc đoán của chính họ (như các tài liệu cũ cho thấy).
Nhưng những người cứng rắn trong nội bộ Đảng cộng sản đã cho rằng, ngay cả những yêu cầu hạn chế nhất về một nhà nước pháp quyền và những quyền tự do dân chủ sẽ chấm dứt sự độc quyền quyền lực của họ.
Nếu các cuộc biểu tình này không bao giờ xảy ra, nếu các nhà cải cách cao cấp không bị thanh trừng hay bỏ tù, liệu Trung Quốc có theo con đường của các quốc gia Châu Á khác, như Đài Loan và Hàn Quốc, dần dần từ bỏ chế độ độc đoán ?
Ở Trung Quốc, một sự tưởng nhớ là không thể : Một thế hệ cũ không được phép nhớ, một thế hệ mới thậm chí không được phép biết.
Thay vào đó, quyết định đã được đưa ra khi đó là một quyết định vẫn còn giữ cho đến hôm nay. Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ giữ quyền lực bằng mọi giá, và không một phong trào nào được phép đe dọa điều này.
Ba mươi năm trôi qua, nỗ lực "xóa ký ức" vẫn tiếp diễn mạnh mẽ hơn bao giờ hết.