‘Điềm báo vi cá mập’ xảy đến vào đầu năm 2018 đã ứng nghiệm.
Chỉ 3 tháng sau vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Chi Lê phơi phóng hàng trăm vi cá mập trên nóc tòa đại sứ và vi phạm nghiêm trọng các công ước và quy định bảo vệ động vật quý hiếm của nước sở tại, ‘năm thành công đối ngoại chưa từng có’ mà Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh tuyên rao vào cuối năm 2017 đang có thể tiếp biến thành một khủng khủng hoảng ngoại giao mới mang tên ‘Slovakia - Việt’.
Bộ trưởng Tô Lâm và Ngài Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Robert Kaliňák ký Thỏa thuận họp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Slovakia về tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Tô Lâm làm bình phong ?
Nếu vào tháng Giêng năm 2018, giới hữu trách, các tổ chức bảo vệ động vật quý hiếm và báo chí quốc tế đồng loạt công bố và lên án Việt Nam về vụ vi cá mập, thì đến tháng Tư và liên quan đến phiên tòa của Tòa án Đức xử Nguyễn Hải Long - nghi can tham gia đường dây bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin, đã bất thần bùng phát một thông tin liên đới một cấp cao hơn rất nhiều : Slovakia đang làm việc với phía Đức để xác minh khả năng ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an Việt Nam, đã sử dụng chuyến thăm của mình đến nước này hồi tháng Tám năm 2017 để làm bình phong bắt giữ Trịnh Xuân Thanh - Thông tấn xã Cộng hòa Slovakia TASR dẫn nguồn tin chính thức từ Bộ Nội vụ nước này cho biết như thế.
Theo Văn phòng báo chí của Bộ Nội vụ Slovakia, về danh nghĩa mục đích chuyến thăm của ông Tô Lâm là để tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước, và Tô Lâm đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Nội vụ Slovakia lúc đó là ông Robert Kaliňák vào ngày 26/7/2017. Nhưng Bộ Nội vụ Slovakia cho rằng chuyến thăm của ông Tô Lâm có thể đã được sử dụng cho mục đích nào khác thay vì mục đích làm việc và hữu nghị.
"Nếu thông tin mà giới chức Đức đưa ra được xác nhận là đúng thì chúng tôi sẽ xem đó là biểu hiện của sự bất công trắng trợn của đối tác Việt Nam, sự lợi dụng lòng hiếu khách của chúng tôi cho mục đích không phải là hữu nghị và gây bất ổn cho mối quan hệ song phương đang tiến triển tốt đẹp giữa hai nước" - thông cáo của Bộ Nội vụ gửi cho TASR viết.
Mặc dù Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini trả lời báo chí rằng ông sẽ yêu cầu báo cáo chi tiết về việc liệu Slovakia có liên quan đến vụ việc bắt giữ ông Trịnh Xuân Thanh hay không, nhưng xác suất về việc một cơ quan nào đó của Slovakia đã ‘tự nguyện hợp tác’ với Bộ Công an Việt Nam để bắt giữ Trịnh Xuân Thanh tại quốc gia này cũng hoàn toàn ngang bằng với khả năng ‘Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú’ mà sau đó đã phải nhận đến hai cái án chung thân trong hai phiên tòa vào đầu năm 2018.
Vào tháng Chín năm 2017, người tiền nhiệm của Peter Pellegrini là Thủ tướng Robert Fico đã đón tiếp Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Slovakia là một trong những trọng tâm của chuyến công du Tây Âu và Đông Âu của ông Huệ nhằm vận động các nước châu Âu ‘ủng hộ mạnh mẽ việc thúc đẩy quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) với Việt Nam, trong đó có việc sớm ký và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa hai bên (EVFTA)’.
Đến tháng Ba năm 2018, Thủ tướng Robert Fico bị mất chức do cái chết của một nhà báo. Còn người kế nhiệm ông là Peter Pellegrini thì nhiều khả năng sẽ phải ‘làm lại từ đầu’ với giới quan chức Việt Nam về công cuộc vận động EVFTA.
Nhưng vụ ‘Tô Lâm làm bình phong ?’ đang có nguy cơ phá hỏng tất cả công sức vận động EVFTA của giới quan chức chính phủ và quốc hội Việt Nam.
Những cuộc khủng hoảng và tương lai EVFTA
Nếu trong thời gian tới, phía Slovakia tổ chức điều tra làm rõ và xác định được nghi vấn của cơ quan an ninh Đức về vụ ‘Tô Lâm làm bình phong ?’ là đúng, phản ứng tối thiểu của Chính phủ Slovakia đối với Việt Nam sẽ là hạ cấp mối quan hệ ngoại giao và thương mại mà được xem là ‘tốt đẹp’ trước đây, cùng lúc có thể chấm dứt hoàn toàn ý định hỗ trợ Việt Nam để vận động EVFTA.
Và nếu xảy ra hậu quả về EVFTA như thế, Slovakia sẽ là quốc gia thứ hai, sau Đức, khiến chính thể độc đảng ở Việt Nam mất hẳn 2 phiếu trên cung đường đầy gai nhọn hoa hồng dẫn đến một EVFTA ‘cứu cánh’.
Cuộc khủng hoảng Slovakia - Việt Nam nếu xảy ra còn chắc chắn làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa người đồng hương của Slovakia là Cộng hòa Séc với Việt Nam. Vào nửa đầu năm 2017, một quan chức cao cấp của Việt Nam là Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến Séc để vận động nước này ủng hộ Việt Nam vào EVFTA. Khi đó, có vẻ giới lãnh đạo Séc còn lưỡng lự.
Ít ngày trước khi xảy ra vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ vào tháng Bảy năm 2017 là một chuyến công du của thủ tướng Việt Nam - ông Nguyễn Xuân Phúc - đến bên lề Hội nghị G20 ở Đức, với một trọng tâm của chuyến đi này là vận động Đức "linh hoạt thông qua EVFTA". Khi đó, đã xuất hiện vài tín hiệu thuận lợi từ thủ đô Bruxelles của Bỉ - nơi đặt trụ sở của Liên minh châu Âu (EU) - về Hiệp định EVFTA có thể được ký kết vào cuối năm 2017 và tiến tới phê chuẩn trong năm 2018.
Nhưng sau vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh", phần lớn trong số 28 nước châu Âu đã dừng vô thời hạn kế hoạch xem xét thông qua EVFTA.
Cái cách bắt cóc Trịnh Xuân Thanh mà theo một người bình luận phải ví von "không xin được thì ăn cắp" đã khiến nổ ra cuộc khủng hoảng Đức - Việt.
Không chỉ trục xuất vài cán bộ ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức về nước, Nhà nước Đức còn thẳng tay tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vào tháng 10/2017 và một tháng sau đã thông báo ngừng luôn hiệp định về miễn trừ visa đối với quan chức Việt Nam đi công tác ở Đức.
Trong thực tế, người Đức chưa bao giờ giận dữ đến thế trong suốt chiều dài quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Cho tới vụ "khủng hoảng bắt cóc", có lẽ giới chính khách Đức mới nhận ra một Việt Nam của tráo trở chính trị rõ đến như thế. Bấy lâu nay, một Hà Nội nên thơ vẫn được giới quan chức văn hóa Việt lồng vào những vần thơ của Goethe và Heine - từ những dự án dĩ nhiên được viện trợ bởi chính phủ Đức. Nhiều năm qua, người Đức cũng chỉ biết về Việt Nam thời hậu chiến lúc nhúc tham nhũng và không thiếu cảnh vi phạm nhân quyền. Nhưng chỉ vài năm gần đây, những nghị sĩ Đức vận động trả tự do Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài mới bắt đầu thấm thía và cám cảnh thân phận quyền làm người của mình khi họ bị công an Việt Nam cấm nhập cảnh vào đất nước này.
Trước khi phiên tòa xử Hội Anh Em Dân Chủ - một tổ chức nhân quyền của Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài - diễn ra vào tháng Tư năm 2018, báo đảng Việt Nam đã ồn ào khoa trương về việc Việt Nam đang đôn đốc vận động Ủy ban châu Âu hoàn tất bản thảo của EVFTA vào cuối tháng 3/2018 để trình Hội đồng châu Âu và sau đó trình Nghị viện châu Âu với hy vọng "sẽ thông qua vào mùa thu năm 2018". Tuy nhiên sau cú giáng án bất công và quá nặng nề đối với Hội Anh Em Dân Chủ, đã hết tháng Tư mà vẫn không có bất kỳ tin tức nào về "hoàn tất bản thảo".
Chờ Tô Lâm
Cùng với Hội Anh Em Dân Chủ, vụ ‘Tô Lâm làm bình phong ?’ đang khiến lần thứ hai trong vòng 10 tháng, cánh cửa của EVFTA vừa hé ra đã sập trở lại ngay trước mũi giới chóp bu Việt Nam.
Giờ đây, dư luận xã hội đang quan tâm và chờ đợi việc Bộ trưởng công an Tô Lâm sẽ phản ứng ra sao trước cáo buộc của cơ quan an ninh Đức về ‘Tô Lâm là bình phong cho vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’.
Liệu Tô Lâm sẽ có thể đưa ra những bằng chứng nào để chứng minh rằng trong chuyến đi Slovakia vào năm 2017, ông ta không liên quan đến những kẻ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ?
Nhưng nếu các cơ quan an ninh và tình báo của Đức và Slovakia trưng ra những bằng chứng cho thấy có mối liên đới trên thì sao ?
Cần nhắc lại một sự thật im lặng nhưng đầy ý nghĩa : kể từ tháng Tám năm 2017 khi Đức tố cáo mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và trục xuất ít nhất hai nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, cho tới nay phía Việt Nam vẫn chỉ một mực ‘Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú’ nhưng lại chẳng dám có bất kỳ phản ứng công khai hay trục xuất trả đũa nào đối với các nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Đức tại Hà Nội.
Lại vừa hiện thêm một dấu hiệu rất đáng nghi ngờ về việc Bộ Tài nguyên và môi trường Việt Nam đã ‘đi đêm’ và ‘ăn bẩn’ với thủ phạm gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường ở 4 tỉnh miền Trung - Formosa.
Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường là Trần Hồng Hà có ‘đi đêm’ và ‘ăn bẩn’ với Formosa ? Ảnh : VOH
Ngày 27/4, báo chí nhà nước đã đăng tải một danh sách hơn 200 doanh nghiệp sẽ bị Bộ Tài nguyên và môi trường thanh tra trong năm 2018, nhưng cái tên Công ty gang thép Formosa đã hoàn toàn trốn biệt trong danh sách này.
Cũng vào những ngày này, nước biển ở một số khu vực các tỉnh miền Trung và cả ở Đà Nẵng đã chuyển thành màu xanh thẫm đầy đe dọa. Lần chuyển màu này là sự tiếp nối của rất nhiều lần nước biển bị ô nhiễm trầm trọng kể từ đầu năm 2016 mà đã khiến tôm cá nổi xác đầy mặt biển, kể cả gây ra cái chết của một người thợ lặn muốn phát hiện ra nguồn cơn làm cá chết.
Trong vụ Formosa, Bộ trưởng đương nhiệm của Bộ Tài nguyên và môi trường là Trần Hồng Hà cũng phải chịu trách nhiệm liên đới về bản báo cáo đánh giá tác động môi trường của Formosa Hà Tĩnh của Bộ Tài nguyên và môi trường vào năm 2008. Bản báo cáo này chỉ dài 1 trang mà không có một dòng nào về môi trường biển. Trong khi đó, Luật Bảo vệ môi trường 2005 quy định phải đánh giá chi tiết các tác động môi trường có khả năng xảy ra khi dự án được thực hiện ; dự báo rủi ro về sự cố môi trường do công trình gây ra ; biện pháp cụ thể giảm thiểu các tác động xấu đối với môi trường.
Trong phần tác động môi trường, đánh giá tác động của nước thải đến môi trường trong giai đoạn vận hành nhà máy chỉ chưa đến 2,5 trang. Mất 1,5 trang là các bảng biểu, vỏn vẹn một trang tác động môi trường, chủ yếu là liệt kê các nguồn nước thải của nhà máy ra môi trường, đặc điểm của các loại nước thải đó. Ngoài ra, không có thông tin nào cho biết, lượng nước thải này có ảnh hưởng như nào đến môi trường.
Nhưng bất chấp tác động môi trường "làm cho có" trên cùng nhiều dấu hiệu về hành vi "ngậm miệng ăn tiền" của giới quan chức Bộ Tài nguyên và môi trường và các "nhà khoa học", cho đến nay vẫn chẳng có bấ cứ quan chức nào của bộ này bị xử lý.
Khi mới xảy ra thảm họa Formosa, chính Bộ Tài nguyên và môi trường là nơi đưa ra nguyên nhân "thủy triều đỏ" như một thói dối trá lâu năm mặc định thành bản chất.
Vào năm 2016 và 2017, Formosa chuyển hai lần số tiền 500 triệu USD bồi thường, mỗi lần 250 triệu USD, vào tài khoản của Bộ Tài nguyên và môi trường. Nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy Bộ Tài nguyên và môi trường "ngâm" số tiền 500 triệu USD trong tài khoản ngân hàng quá lâu mà không chuyển ngay cho các địa phương nhằm hưởng lãi ngân hàng.
Ngay từ đầu khi Bộ Tài nguyên và môi trường đứng ra "nhận trách nhiệm giữ giùm" 500 triệu USD, đã có dư luận nghi ngờ về tính minh bạch của cơ chế này, nhất là khi xuyên suốt từ trước đến nay, Bộ Tài nguyên và môi trường lại là một trong những địa chỉ "bảo kê" rõ rệt nhất cho nạn xả thải của Formosa.
Cho đến đầu năm 2017, chính quyền mới chỉ giải ngân 30% của 500 triệu USD tiền bồi thường. Trong khi đó, Bộ Tài nguyên và môi trường đã "giữ dùm" tỷ lệ 70% còn lại trong suốt 8 tháng. Lãi tiền gửi ngân hàng của con số 350 triệu USD là ít nhất 300 tỷ đồng (tính theo kỳ hạn tiền gửi 3 tháng, lãi suất 5%/năm). Số tiền lãi này bằng đến phân nửa so với tiền "tạm ứng" đợt đầu cho một tỉnh miền Trung.
Số tiền lãi 300 tỷ đồng trên thuộc về ai ? Có phải theo "thông lệ" đã chui vào túi giới quan chức "ăn của dân không chừa thứ gì" mà không tính vào tiền bồi thường cho ngư dân ? Và đó có phải là nguyên do sâu xa để Bộ Tài nguyên và môi trường và Bộ Tài chính cố ý "ngâm" tiến độ bồi thường cho ngư dân càng chậm càng tốt ?
Đây có thể là một hành vi vi phạm phát luật nghiêm trọng, tuy nhiên cơ quan bộ này đã không bị hề hấn gì.
Cho đến nay, đã không có bất kỳ minh bạch nào về số tiền mà Bộ Tài nguyên và môi trường "giữ dùm" gửi trong ngân hàng.
Giờ đây, việc một thủ phạm đầu bảng gây ô nhiễm môi trường là Formosa lại không nằm trong danh sách hơn 200 doanh nghiệp sẽ bị Bộ Tài nguyên và môi trường thanh tra trong năm 2018 đã cho thấy một sự bất chấp và thách thức đối với nhân dân.
Nhưng đằng sau động tác bỏ Formosa khỏi danh sách trên, còn loáng thoáng cái bóng gật gù của Chính phủ Việt Nam.
Vào năm 2016, chính phủ ‘liêm chính, kiến tạo và hành động’ của Thủ tướng Phúc đã vướng vào một vụ bê bối rất lớn : quá nhiều dư luận đã nghi ngờ và phản ứng dữ dội khi ông Phúc tự thỏa thuận về Formosa về khoản bồi thường 500 triệu USD của doanh nghiệp này mà không thèm hỏi ý dân. Nhiều ý kiến đã cho rằng Thủ tướng Phúc đã "đi đêm" với Formosa.
Thủ tướng Phúc đã từng hứa "cuội" không chỉ một lần. Vào tháng 8/2016, ông ta hứa "tháng Chín ngư dân sẽ nhận được tiền". Nhưng ngay sau đó, chính phủ lại gia hạn cho chính quyền 4 tỉnh miền Trung về việc "thống kê thiệt hại" do các tỉnh này bê trễ. Phải đến tháng 11/2016, một số ngư dân mới bắt đầu nhận được tiền bồi thường. Nhưng đó cũng là lúc mà phong trào biểu tình miền Trung đang dâng cao và gây áp lực đối với chính quyền địa phương và trung ương.
Nhiều báo cáo của chính quyền các địa phương cho rằng đã hỗ trợ gạo cho bà con ngư dân, nhưng ngay sau đó bị chính ngư dân phát hiện một phần gạo đã bị mốc xanh đếtn nỗi vịt còn không chịu ăn, cho tới nay nhiều hộ dân vẫn khẳng định chưa nhận được tiền bồi thường Formosa.
Mới đây, trang báo điện tử Infonet đã phát hiện một sự thật chấn động : tiền hỗ trợ công tác kiểm đếm, thống kê sự cố Formosa cho Hội đồng và cán bộ thôn ủy ban nhân dân xã Xã biển Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) nhận về, nhưng không chi trả đầy đủ cho các thôn, mà chính quyền xã này giữ lại một phần lớn số tiền để… đi du lịch, may quần áo, trang trí và sửa máy móc trong ủy ban.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : CaliToday, 29/04/2018
Có những nghịch lý không thể giải thích nổi ở Việt Nam. Năm năm trước khi xảy ra hàng loạt vụ chiếm đoạt tiền gửi khách hàng, Eximbank đã từng "vinh dự nhận giải thưởng Ngân hàng được quản trị tốt nhất Việt Nam năm 2013".
Hà Văn Thắm, chủ tịch Ocean Bank, trong ngày ra tòa hồi cuối Tháng Tám, 2017. (Hình : Getty Images)
Thậm chí Eximbank còn được một số tổ chức tư vấn và kiểm định tài chính quốc tế đánh giá khá cao và luôn được "lên hạng".
Thế còn bây giờ thì sao ?
"Hốt cú chót" và "Đã làm thì làm cho đáng"
Những năm trước, cũng đã có một số vụ việc chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng ở một số ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ, từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng. Nhưng quy mô chiếm đoạt đã vọt lên tới từ 50 tỷ đồng đến vài trăm tỷ đồng trong thời gian gần đây, cho thấy tâm lý kẻ phạm tội là nhân viên và quan chức ngân hàng đã gần giống với tâm lý của giới trộm cướp "đã làm thì làm cho đáng, đằng nào cũng một lần đi tù".
Nếu vào những năm trước, các vụ chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng xảy ra không đều và còn có khoảng thời gian "giải lao", thì trong khoảng hai năm qua, 2016 và 2017, con số hành vi này đã tăng vọt và liên tục. Hành vi này lại xảy ra trong bối cảnh "hết sức nhạy cảm" : khối nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần đã lên tới khoảng 900 ngàn tỷ đồng và đang trở nên vô phương cứu chữa, cho dù từ năm 2017 đến nay giới tài phiệt đã cố "đánh lên" thị trường bất động sản nhằm giải cứu khối tài sản khổng lồ mà các ngân hàng nhận thế chấp từ các doanh nghiệp nhưng chưa biết làm cách nào tiêu thụ được.
Hội chứng "hốt cú chót" cũng hình thành trong não trạng tội phạm – quan chức ngân hàng – như thế. Hình thành vào buổi hoàng hôn chế độ và vào lúc hiện hình ngày càng nhiều thông tin về tương lai phá sản không thể tránh khỏi của một số ngân hàng đang cõng trên mình số nợ xấu rất lớn mà không cách gì xử lý được.
Rõ là thế. Vào năm 2017, tình hình còn nguy hiểm hơn nhiều so với năm 2016, còn năm 2018 lại nguy hiểm hơn năm 2017 : thị trường tín dụng đã và đang lan truyền thông tin về một số ngân hàng thương mại nhỏ và cả ngân hàng nằm trong top đầu đã lọt vào "danh sách đen". Kể cả và đặc biệt là "ngân hàng quốc doanh lớn nhất" Agribank với tư cách quán quân bị ra tòa vì tham nhũng…
Tuy nhiên về phía các cơ quan nhà nước, cho tới nay bản "danh sách tử thần" các ngân hàng có nguy cơ phá sản vẫn được giấu kín. Một thông tin hiếm hoi là tại kỳ họp quốc hội vào cuối năm 2017, Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước Lê Minh Hưng chỉ nói úp mở là sẽ "thí điểm xử lý nợ xấu" tại 6 ngân hàng thương mại, nhưng không cho biết tên các ngân hàng này.
Nhưng với dư luận xã hội thì không thể cấm đoán nỗi lo lắng khôn nguôi. Vấn đề của ngân hàng đã không chỉ là các đại án liên đới gói tiền khổng lồ của các nhóm quan chức và doanh nghiệp, mà đã chọc thẳng tới những món tiền gửi của khách hàng cá nhân.
Nguy hiểm ngân hàng cả nhỏ lẫn lớn
Vào thời gian khi xảy ra vụ chiếm đoạt tiền gửi khách hàng ở Eximbank, Vietinbank, Oceanbank…, đi đâu cũng nghe người dân, tiểu thương, công chức về hưu và không thiếu công chức đương nhiệm bàn tán xôn xao. Gương mặt nhiều người lộ rõ cũng vẻ hoang mang. Cụm từ "mất tiền gửi ngân hàng" trở nên phổ biến đến nỗi nó chiếm một tỷ lệ đáng kể trong số các tiêu đề của Google.
"Cả tài sản tiền mặt của gia đình tôi chỉ có gửi hơn 2 tỷ đồng gửi ngân hàng, nếu lỡ ngân hàng đó phá sản mà chỉ được bồi thường bảo hiểm tiền gửi có 75 triệu đồng thì thà ngay bây giờ tôi đem mua đất, vàng, mua đô la còn an toàn hơn nhiều", nhiều người dân than vãn.
Lại nữa : "Sao nhà nước ma lanh quá vậy ! Vét thuế đến từng đồng từng cắc cuối cùng trong túi dân còn chưa đã miệng sao mà còn đòi ép dân phải chịu rủi ro gửi tiền tiết kiệm. Mấy thằng ngân hàng ngồi mát ăn bát vàng quen rồi, có phá sản cũng không sao, nhưng dân bọn tui mà mất là mất sạch sẽ luôn, tán gia bại sản luôn, chỉ còn nước đi ăn xin hay lao đầu xuống sông chết cho rồi…".
Trên đây chỉ là vài trong số hàng ngàn ý kiến bức bối của người dân vào cuối năm 2017, sau khi chính phủ "liêm chính, kiến tạo và hành động" của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc bất ngờ tung ra một quyết định về mức bảo hiểm tiền gửi chỉ có 75 triệu đồng cho khách hàng cá nhân đối với những trường hợp ngân hàng bị phá sản, rồi đến kỳ họp quốc hội tháng 10 – 11 năm 2017 mà ngay cả các đại biểu quốc hội cũng phải bức xúc vì mức bảo hiểm tiền gửi đó là quá "bèo", để khi ngân hàng đó phá sản thì khách hàng coi như bị mất trắng.
Vào nửa đầu năm 2018, cho dù Ngân Hàng Nhà Nước hay giới quan chức chính phủ cố giấu nhẹm danh sách những ngân hàng bị liệt vào dạng "tái cơ cấu" – mà về thực chất là phải chấp nhận cho phá sản, một lần nữa rộ lên trong dư luận giới kinh doanh về những cái tên hầu như chắc chắn nằm trong danh sách đó.
Trên hết là ba cái tên Ocean Bank – Ngân hàng Đại Dương, GP Bank – Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu, CB Bank – Ngân hàng Xây Dựng – đều là những ngân hàng đại án có lãnh đạo bị bắt vào các năm 2014 và 2015.
Sau đó là DongABank – Ngân hàng Đông Á, là ngân hàng đang xuất hiện vụ án mới nhất liên quan trực tiếp đến Vũ "Nhôm".
Kể cả PG Bank – Ngân hàng Xăng Dầu Petrolimex, Sacombank – Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, hay một số ngân hàng có vốn điều lệ nhỏ nhưng tỷ lệ nợ xấu lại cao, cũng có thể bị phá sản hoặc sáp nhập như VietA Bank, BacABank, OCB, SaigonBank, VietCapital…
Bất an trở thành tia kích nổ trong bầu không khí tín dụng. Nhiều ngân hàng, dù muốn hay không, sẽ phải "tự nguyện" hoặc tự nhiên phá sản. Lại đúng vào lúc hàng loạt giám đốc của "quỹ tín dụng nhân dân" ôm tiền biệt tăm…
Trong bối cảnh đó, mật độ vụ việc chiếm đoạt tiền gửi khách hàng đã lan từ khối ngân hàng thương mại nhỏ 100% vốn tư nhân sang cả những ngân hàng thương mại lớn có cổ phần chi phối của Ngân hàng nhà nước như Agribank, Vietcombank, Eximbank, BIDV. Nhưng sự thể quá trớ trêu là nhũng ngân hàng này đều nằm trong "top 5" của hệ thống ngân hàng Việt Nam và từng được chính thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước thời Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng là Nguyễn Văn Bình hứa hẹn như đinh đóng cột "không để ngân hàng nào bị phá sản".
Cho tới nay và khi đã trở thành ủy viên bộ chính trị, Nguyễn Văn Bình vẫn giữ được lời hứa trên : Vẫn chưa có ngân hàng nào phải phá sản.
Nhưng thay cho cảnh phá sản đáng lẽ đã phải xảy ra vào cuối năm 2014, có ít nhất 3 ngân hàng là Đại Dương, Xây Dựng và Dầu Khí Toàn Cầu đã được Ngân Hàng Nhà Nước thời Nguyễn Văn Bình dang tay ôm vào lòng với giá 0 đồng, bất chấp tình trạng nợ xấu và rất xấu của 3 ngân hàng này lên đến 20,000 tỷ đồng, tức gấp đôi vốn điều lệ tổng cộng của cả 3 ngân hàng chỉ có 10,000 tỷ đồng.
Và cho đến nay, vẫn không ai biết Ngân Hàng Nhà Nước đã làm cách nào để đạo diễn mua 3 ngân hàng trên với giá 0 đồng. Tất cả vẫn là một tấm màn bí ẩn và dường như được cả cấp trên của Ủy Viên Bộ Chính Trị Nguyễn Văn Bình tìm cách che khuất, bất chấp rất nhiều dư luận đã nghi ngờ về việc vào thời còn là thống đốc, Nguyễn Văn Bình đã chỉ đạo lấy tiền ngân sách – tức tiền đóng thuế của dân – để "cứu" 3 ngân hàng trên.
Cũng cho đến nay và sau hàng loạt vụ chiếm đoạt tiền gửi khách hàng ở nhiều ngân hàng thương mại, vẫn chẳng có một cuộc "đại phẫu" hay "thay máu" nào đặc cách dành cho khối ngân hàng và cơ quan quản lý của nó là Ngân Hàng Nhà Nước. Vẫn chỉ là những lý do mang tính ngụy biện phủ đầy như "do lỗ hổng quản trị rủi ro", hay "do người dân không chịu kiểm tra thường xuyên khi gửi tiền ngân hàng", mà không có một sự thừa nhận nào về trách nhiệm quản lý nhà nước của cơ quan Ngân Hàng Nhà Nước.
Năm 2018 rách toạc
Nhưng lại có một bằng chứng không thể chối cãi về "thành tích điều hành" của Ngân Hàng Nhà Nước : vào Tháng Ba, 2018, một cựu phó thống đốc của Ngân Hàng Nhà Nước là Đặng Thanh Bình đã chính thức bị truy tố. Dưới thời Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thống Đốc Nguyễn Văn Bình, ông Đặng Thanh Bình phụ trách công tác giám sát kiểm tra. Đó cũng là thời của vô số khuất tất về chính công tác này mà đã khiến 3 ngân hàng được mua với giá 0 đồng và một số ngân hàng thương mại khác, chẳng hạn như DongABank, được "chui qua lỗ kim", để đến giờ này Đặng Thanh Bình bị truy tố với ít nhất một vụ việc đã "giúp" Phạm Công Danh ở Ngân Hàng Xây Dựng làm thất thoát đến 9,000 tỷ đồng.
Rất nhiều quan chức và nhân viên ngân hàng có thâm niên kinh nghiệm đều biết rõ về những góc khuất tối tăm ấy.
"Đục nước béo cò" – hẳn là trong những năm gần đây, những quan chức và nhân viên ngân hàng "nhúng chàm" đã cảm nhận một cách rõ rệt về hơi thở đổ bể và khủng hoảng hệ thống ngân hàng đã kề cận, để từ đó dẫn đến tâm lý của hội chứng "hốt cú chót" – y hệt như nhiều quan chức lãnh đạo ở trung ương và địa phương lao như thiêu thân vào những vụ tham nhũng ngàn tỷ, chục ngàn tỷ trong buổi chợ chiều chính thể độc đảng.
Không còn nghi ngờ gì nữa, năm 2018 đang rách toạc những mảnh vá víu trên cơ thể ngân hàng ở Việt Nam, sau khi giai đoạn bục dần ra đã khởi động trong hai năm 2016 và 2017.
Vụ chiếm đoạt 245 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng ở ngân hàng Xuất Nhập Khẩu (Eximbank) bị phát hiện chỉ mới đây đã phát ra một dấu hiệu về triển vọng bục rách ghê gớm như thế.
Cái giá của một cuộc "đại phẫu ngân hàng" ở Việt Nam đã trở nên quá cao, vì đã quá muộn. Cái áo chỉ còn mặc được khi mới chớm rách hoặc chưa quá tã. Nhưng khối ngân hàng lại đang lao vào thời kỳ bục vỡ mà có thể khiến phân nửa trong số 30 ngân hàng hiện thời rơi vào chuỗi phá sản domino, tạo nên một cơn chấn động dữ dội lên phần lớn thị trường tiền gửi và phần lớn người gửi tiền tiền kiệm, dẫn dắt cuộc khủng hoảng mất khả năng thanh toán đến một cơn động loạn xã hội với hậu quả khó mà lường trước.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 29/04/2018
Lần đầu tiên trong những phát ngôn của mình được cho công khai trên báo chí, Nguyễn Phú Trọng dùng từ "dẹp" - một động từ mạnh mẽ và mang khẩu khí dân dã Nam Bộ.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng : "Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm" - Ảnh VoV
Tương quan thời gian giữa phát ngôn và hành động
Động từ "dẹp" nằm trong câu nói "Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm". Câu nói này lại hiện ra trong ngữ cảnh ông Trọng chủ trì một cuộc họp để "nghe báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra của 5 đoàn kiểm tra của Ban Bí thư, kiểm tra 10 tỉnh và 5 cơ quan Trung ương về việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" vào ngày 10/4/2018.
Cũng là lần đầu tiên Nguyễn Phú Trọng công khai bày tỏ thái độ sốt ruột và bực tức trước tốc độ "chống tham nhũng" được các cơ quan triển khai như rùa.
Khác khá nhiều với quy trình thần tốc xử lý cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng khi chỉ mất 3 tháng kể từ lúc bắt cho đến lúc kết mức án đầu tiên (13 năm tù giam) đối với ông Thăng, vụ Vũ "nhôm" cũng đã trải qua 3 tháng kể từ khi Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ bị dẫn độ từ Singapore về Hà Nội vào đầu tháng Giêng năm 2018, nhưng cho đến khi ông Trọng phát ra câu "ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm", chuyên án thuộc loại đại án quốc gia về kinh tế và chính trị này có vẻ vẫn như "rùa bò", cho dù trước tết nguyên đán 2018 đã có tin sẽ bắt bớ hàng loạt tướng tá công an liên quan đến Vũ "nhôm".
Đến tháng Tư năm 2018, có vẻ sự kiên nhẫn của ông Trọng đã hết. Hãy lưu ý, khoảng thời gian từ lúc phát ra động từ "dẹp" cho đến vụ bắt tướng tình báo công an Phan Hữu Tuấn chỉ một tuần lễ.
Vào năm ngoái, đã có một tiền lệ về tương quan thời gian giữa phát ngôn và hành động của ông Trọng.
Đầu tháng Tám năm 2017, không biết có phải bất thần hưng phấn do Trịnh Xuân Thanh "tự nguyện về nước đầu thú" (trong khi Nhà nước Đức tuyên bố Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ngay tại Berlin) hay không, ông Trọng đã xuất thần câu "Lò đã nóng lên rồi thi củi tươi đưa vào cũng phải cháy". Chỉ vài hôm sau, một đại gia được coi là "tay hòm chìa khóa" của Nguyễn Tấn Dũng thời còn là thủ tướng - Trầm Bê - đã bị khởi tố và bắt giam.
Bắt Trầm Bê là thông điệp báo tử đầu tiên mà Nguyễn Phú Trọng gửi đến nhóm "tham nhũng thời kỳ trước". Sau đó là hàng loạt cái tên của giới quan chức Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, kể cả thủ hạ đắc lực của Nguyễn Tấn Dũng là "cá mập" Đinh La Thăng.
Phát ngôn và tâm trạng
Nhưng vẫn có một lần "Người đốt lò vĩ đại" - tụng danh mà Đài Tiếng nói Việt Nam dành riêng cho ông Trọng - tỏ ra xuôi xị đáng kinh ngạc. "Quan trọng là nhắc đừng có nhúng chàm nữa và đã trót nhúng rồi thì phải sửa" - ông Trọng nói với vẻ ủ ê trước cử tri Hà Nội (cũng những cử tri ấy, những khuôn mặt quen thuộc như được "quy hoạch" cho mỗi lần đại biểu quốc hội Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri) vào tháng Mười Một năm 2017, tức sau hội nghị trung ương 6 mà chỉ đạt được kết quả kỷ luật duy nhất là "diệt ruồi Nguyễn Xuân Anh".
Khi đó, mặc dù chưa có được tụng danh "Người đốt lò vĩ đại’, nhưng ông Trọng đã được vài ba văn sĩ cận thần xưng tụng là "Minh quân" và "Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo". Thế nhưng với cảnh xuôi xị trên, ông Trọng đã khiến cho một bộ phận không nhỏ cán bộ lão thành, công chức và người dân vốn còn nặng tâm lý "theo đảng, tin đảng" có thể một lần nữa vỡ tim vì thất vọng về "quyết tâm của Tổng bí thư".
Nếu đối chiếu với "Lò đã đốt lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy", phát ngôn trên đã làm lộ ra tình cảnh xuống dốc ghê gớm của khẩu khí Nguyễn Phú Trọng.
Còn bây giờ thì sao ?
Nếu phát ngôn "Lò đã đốt lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy" vào tháng Tám năm 2017 thể hiện một quyết tâm dù tự tin nhưng có phần cảm tính trong khi thiếu những cơ sở thực tế, mà khoảng thời gian 3 tháng sau đó đã chứng minh là tình hình "củi lửa" vẫn khá èo uột, thì với phát ngôn "Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm" 8 tháng sau đó, tâm thế tự tin đã được củng cố hơn hẳn bởi tâm lý… gia trưởng.
Hẳn đó phải là cách nói mang tính gia trưởng của một người đã đủ tự tin cầm chắc quyền thế trong tay, và do đó mới có thể nói với các thuộc cấp và cả với các ủy viên bộ chính trị bằng lối vừa răn dạy vừa đe nẹt theo cách "cha dạy con" như thế.
Lối nói trên là có nét tương đồng và còn tự tin hơn cả câu nói vui "từ thuở bé đến giờ mới được dự họp chính phủ" khi Nguyễn Phú Trọng "tự chủ trì" phiên họp chính phủ kéo dài hai ngày vào tháng Mười Hai năm 2017 - một hành động gần như chưa có tiền lệ trong mối quan hệ Tổng bí thư - thủ tướng ở các đời trước.
"Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm" còn cho thấy sự sốt ruột của ông Trọng một phần xuất phát từ việc ông đang phải chịu một áp lực lớn về yếu tố mục tiêu và thời đoạn để hoàn tất từng mục tiêu - bao gồm mục tiêu chiến thuật trong ngắn hạn và mục tiêu chiến lược trong trung hạn.
Những mục tiêu đó là gì ? Và thời gian cần thiết dành cho chúng là bao lâu ?
Một chiến dịch bắt bớ mới
Nếu vào năm 2016 khi Nguyễn Phú Trọng vẫn chưa chứng minh được ông có thể thoát được sự bất lực tự thân bằng cách nào, đã chẳng có nhiều quan chức tham nhũng và đối thủ chính trị của ông Trọng quan tâm với tâm trạng hồi hộp lẫn run rẩy đến những mục tiêu của ông.
Nhưng bây giờ thì khác hẳn. Không chỉ rất nhiều quan chức "nhúng chàm" mà có lẽ cả những quan chức cận thần của Nguyễn Phú Trọng cũng rất cần biết hoặc rất muốn phán đoán về những nước đi và nước cờ chính trị sắp tới hoặc xa hơn - đại hội 13 - của ông Trọng. Chỉ đơn giản là gần như bất cứ quyết định nào của ông Trọng trong tương lai cũng có thể tác động hoặc tích cực hoặc tiêu cực đến một số người nào đó.
Kể từ tháng Tám năm 2017, Nguyễn Phú Trọng đã bước đầu thành công trong ý chí khuấy đảo trạng thái từ "trên nóng dưới không thể lạnh" đến "trên nóng dưới cũng nóng theo". Những vụ án hoặc chuyên án gần đây về Đinh La Thăng, Vũ "nhôm", "Mobifone mua AVG", bắt tướng công an, kế hoạch "thay máu" Bộ Công an và làn sóng kỷ luật và bắt bớ quan chức sai phạm về điều hành hoặc tham nhũng đã dần lan từ trung ương xuống nhiều tỉnh thành… chỉ là một ít cảm xúc đầu tiên trong cơn hưng phấn "bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo" và "đi vào sử xanh" của Nguyễn Phú Trọng.
Đến giờ này, đã hình thành một quy luật : thời điểm và mức độ sử dụng động từ mạnh của Nguyễn Phú Trọng thường kéo theo gần như ngay lập tức một cuộn khói mới và hầm hập trong "lò" của ông.
Phát ngôn "Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm" ngay trước mắt sẽ là một quyết tâm thể hiện những quyết định cứng rắn chưa từng có ở con người Nguyễn Phú Trọng, cùng những đòn ra tay chính trị nghiệt ngã và sắt đá mà trước đây người ta khó có thể hình dung ông Trọng sẽ là như vậy.
Phát ngôn trên cũng mở đường cho một chiến dịch bắt bớ mới trước Hội nghị trung ương 7 và hoàn tất chương trình "chống tham nhũng" trong 6 tháng đầu năm 2018.
Hiện tượng chính trị - xã hội đáng lưu ý trong thời gian gần đây là đã xuất hiện vài ba quan chức tham nhũng cấp thấp treo cổ hoặc nhảy lầu - bắt đầu đồng điệu với làn sóng quan chức tham nhũng phải tự sát ở Trung Quốc từ năm 2012.
Nhưng phía trước vẫn là nhiều ẩn số, kể cả ẩn số trong tự thân Nguyễn Phú Trọng khi ông sẽ phải tự mày mò xem mình thực sự muốn gì và làm thế nào để đạt được ý muốn ấy.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 30/04/2018
Phải mất đến gần 20 ngày kể từ thời điểm ‘Bộ Công an đã tiếp nhận bàn giao hồ sơ vụ án từ Thanh tra chính phủ’, cũng cơ quan này mới ‘tiếp nhận lần hai’, hoặc được xem là chính thức tiếp nhận hồ sơ vụ ‘Mobifone mua AVG’ vào ngày 23/4/2018.
Khởi tố vụ Mobifone mua cổ phần AVG
‘Mobifone mua AVG’ là một vụ kê khống giá mua lên tới gần 9.000 tỷ đồng so với giá trị thực chỉ khoảng 1.000 - 1.500 tỷ đồng, được phối hợp ‘binh chủng hợp thành’ bởi hàng loạt quan chức của doanh nghiệp viễn thông Mobifone, AVG và các Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính và Văn phòng chính phủ. Sau hơn một năm trời bị cố ý ‘ngâm tôm’ kết luận thanh tra, đến tháng Ba năm 2018 kết luận thanh tra vụ việc này đã được Thanh tra chính phủ công bố, sau khi đã ‘cưỡng bức’ thay ghế Tổng thanh tra chính phủ và đẩy Phó tổng thanh tra chính phủ Ngô Văn Khánh về hưu. Kết luận thanh tra này đã được thông qua bởi Thường trực Ban bí thư, Ủy ban Kiểm tra trung ương và Thủ tướng chính phủ và được xem là ‘chung quyết’.
Chạy án ?
Lần ‘tiếp nhận’ đầu tiên của Bộ Công an đối với vụ ‘Mobifone mua AVG’ được thông tin là ngày 5/4/2018, tức khoảng hai tuần sau khi có kết luận thanh tra của Thanh tra chính phủ về vụ này. Khi đó, một số tờ báo nhà nước đã bắn ý trước là theo quy định pháp luật thì tối đa 20 ngày sau thời điểm tiếp nhận hồ sơ vụ ‘Mobifone mua AVG’, Bộ Công an sẽ phải ra quyết định có khởi tố hoặc không khởi tố hình sự, hoặc sẽ chuyển hồ sơ vụ án cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Nhưng dường như đã có một ‘trục trặc’ nào đó trong quá trình chuyển giao hồ sơ vụ ‘Mobifone mua AVG’ giữa cơ quan Thanh tra chính phủ và Bộ Công an, để mãi đến ngày 23/4/2018, hồ sơ này mới chính thức được bàn giao cho cho C46 (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm của Bộ Công an) - được xem là mũi tập kích chủ công của Tổng bí thư Trọng trong những chiến dịch bắt cựu Ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng và Trung tướng tình báo công an Phan Hữu Tuấn.
Với rất nhiều dấu hiệu ‘cố ý làm trái’ và tham nhũng, vụ ‘Mobifone mua AVG’ rất nhiều khả năng sẽ được khởi tố kèm bắt bớ trên diện rộng.
Nhưng bàn giao là một chuyện, còn khi nào khởi tố lại là một chuyện khác. Một số tờ báo nhà nước có vẻ thất vọng khi dẫn nguồn tin từ Bộ Công an là ‘do hồ sơ quá nhiều nên chưa biết khi nào mới bàn giao xong’. Trong khi lẽ ra, vụ ‘Mobifone mua AVG’ đã phải được khởi tố trong tháng Tư năm 2018. Còn đến lúc này, chẳng biết là ‘20 ngày sau khi tiếp nhận hồ sơ’ sẽ là ngày nào…
Vào thời gian khoảng vài tuần trước ngày 23/4 là thời điểm bàn giao hồ sơ vụ ‘Mobifone mua AVG’ giữa Thanh tra chính phủ và C46, đã xuất hiện dấu hiệu trở lại chính trường của Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn : sau khi đã ‘đạo diễn’ để AVG trả lại tiền cho Mobifone như một cách ‘khắc phục hậu quả’, với đợt hoàn tiền đầu tiên là 2.500 tỷ đồng, ông Trương Minh Tuấn có vẻ đã ‘được cho’ xuất hiện trở lại trên cương vị Bộ trưởng Thông tin và truyền thông khi ông chủ trì cuộc họp quản lý báo chí của bộ này cùng vài cuộc họp không quan trọng khác.
Rất nhiều dư luận đã tỏ ra nghi ngờ rằng ông Trương Minh Tuấn đã tận dụng khoảng thời gian vài tuần lễ quý giá trên để ‘chạy án’.
Nghi ngờ trên là phần nào có cơ sở, bởi Trương Minh Tuấn từ lâu đã được xem là ‘bài’ của Nguyễn Phú Trọng.
Vào tháng Tám năm 2016, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn đã được Tổng bí thư Trọng chỉ định kiêm chức vụ Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương - được hiểu như một cách để thay mặt bên đảng nắm hoạt động chính quyền.
Khi đó, Trương Minh Tuấn bất ngờ ngoi lên khỏi mặt bằng giới ủy viên trung ương với quan điểm sắt son đến lạ lùng về ‘chống tự diễn biến, tự chuyển hóa’ và chống tham nhũng trong báo chí - lặp đi lặp lại phương châm cùng chủ đề của Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trung ương 4 vào tháng Mười năm 2016.
Vì thế hiểu theo một cách nào đó, ông Trương Minh Tuấn được xem là ‘phe ta’, tức người của phe Tổng bí thư Trọng, trái ngược với ‘phe củi Nguyễn Tấn Dũng’
Có lặp lại ‘Hãy đối xử với bị cáo như một con người !’ ?
Trong chiến dịch được xem là ‘chống tham nhũng’ của Nguyễn Phú Trọng, vụ ‘Mobifone mua AVG’ và cá nhân Trương Minh Tuấn được dư luận đặc biệt chú tâm. Nếu ông Trọng ‘cho qua’ vụ Trương Minh Tuấn, điều được ông Trọng tuyên xưng là ‘chống tham nhũng không có vùng cấm’ sẽ vô giá trị, còn tất cả những tụng danh dành cho ông Trọng như ‘Sỹ phu Bắc Hà’, ‘Minh quân’, ‘Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ và gần đây nhất là ‘Người đốt lò vĩ đại’ sẽ chỉ còn gió thoảng mây bay.
Cuộc chiến chống tham nhũng của ông Trọng chỉ mang tính công bằng để bắt đầu thuyết phục được dư luận nhân dân khi ông ta phải chấp nhận ‘diệt’ cả người của ‘phe ta’.
Vào buổi chiều 23/4/2018 và trùng với thời điểm Bộ Công an đã tiếp nhận bàn giao hồ sơ vụ ‘Mobifone mua AVG’ từ Thanh tra chính phủ, trong dư luận đã lan truyền thông tin về việc Ủy ban Kiểm tra trung ương đã làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và truyền thông, và ủy ban này cũng đã ‘mời làm việc’ đối với hai nhân vật là Nguyễn Bắc Son - cựu bộ trưởng Thông tin và truyền thông, và bộ trưởng hiện thời là Trương Minh Tuấn.
Trong số các quan chức dính dáng đến vụ ăn chia ‘Mobifone mua AVG’ khiến ngân sách thất thoát ít nhất 7.000 tỷ đồng, Nguyễn Bắc Son bị dư luận xem là ‘ăn đậm’, với tỷ lệ dành cho Son có thể lên đến 10 - 15% trong số 7.000 tỷ. Còn Trương Minh Tuấn cũng được cho là không thể ‘vô tư’ khi ông này trực tiếp ký phê duyệt hợp đồng ‘Mobifone mua AVG’ khi còn là cấp phó cho Nguyễn Bắc Son.
Một dẫn chứng phát lộ gần đây nhất về ‘tỷ lệ ăn chia’ là Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao thuộc Bộ Công an - Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, được chính thức công bố đã ‘ăn’ 15% trong hợp đồng chia phần lợi nhuận của đường dây đánh bạc công nghệ cao.
Cho tới nay, vẫn chưa biết số phận của hai nhân vật Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn sẽ được ‘trên’ chung quyết ra sao. Tuy nhiên, hiện tượng Ủy ban Kiểm tra trung ương làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và truyền thông đồng thời với động tác bàn giao hồ sơ vụ ‘Mobifone mua AVG’ từ Thanh tra chính phủ sang Bộ Công an đã cho thấy tiến trình tố tụng hình sự vụ việc này sắp nóng trở lại.
Hy vọng để Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn ‘thoát’ vẫn còn đó, với minh họa rất hiển thị là Nguyễn Văn Bình - cựu Thống đốc Ngân hàng nhà nước và hiện nay là Ủy viên bộ chính trị, Trưởng ban Kinh tế trung ương.
Vào thời phụ trách Ngân hàng nhà nước, Nguyễn Văn Bình được xem là ‘cánh tay mặt’ của thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng. Ông Bình cũng bị rất nhiều dư luận cho là đã ‘dính sâu’ và ‘ăn đậm’ trong nhiều vụ dung túng cho nhóm lợi ích vàng lũng đoạn thị trường, chiến dịch thâu tóm ngân hàng thương mại cổ phần, vụ mua ba ngân hàng Đại Dương, Xây Dựng, Dầu Khí Toàn Cầu với giá 0 đồng, phải chịu trách nhiệm đối với núi nợ xấu lên tới hàng triệu tỷ đồng trong hệ thống ngân hàng… Tuy nhiên hiện tượng lạ lùng là trong lúc những người được xem là thủ hạ đắc lực của Nguyễn Tấn Dũng là Trầm Bê và Đinh La Thăng lần lượt tra tay vào còng vào năm 2017, Nguyễn Văn Bình vẫn bình yên vô sự. Thậm chí vào tháng Tư năm 2018, ông Bình còn được Tổng bí thư Trọng phân công ‘dẫn đoàn đại biểu đảng cộng sản Việt Nam đi thăm Trung Quốc’ và đã được chính Phó chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn tiếp đón.
Một luồng dư luận suy luận rằng Nguyễn Văn Bình đã ‘quy hàng’ Nguyễn Phú Trọng vào thời gian gần Đại hội 12 và cũng đã ‘khắc phục hậu quả’ với một mức độ kim tài đủ lớn để thoát thân.
Nhưng ở một chiều kích khác và ứng với ý chí ‘đi vào sử xanh’ của Tổng bí thư Trọng, cơ hội để Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn ‘hạ cánh an toàn’ là không cao, bởi gần đây Nguyễn Phú Trọng còn chỉ đạo khởi tố và tống giam cả một quan chức tình báo cao cấp là Phan Hữu Tuấn - cựu Phó tổng cục trưởng Tổng cục tình báo Bộ Công an.
Có thể dự đoán rằng trước và trong Hội nghị trung ương 7 của đảng cầm quyền, Nguyễn Bắc Son sẽ phải chịu kỷ luật đảng và bị ‘cách tất cả các chức vụ trong quá khứ’, còn Trương Minh Tuấn bị kỷ luật đảng, mất ghế ‘trung ủy’ và phải chịu ‘luân chuyển cán bộ’ đến một vị trí ‘ngồi chơi xơi nước’. Đây là mức độ kỷ luật nhẹ nhàng nhất đối với hai nhân vật này.
Nhưng nếu áp lực dư luận đối với Nguyễn Phú Trọng gia tăng trong vụ ‘Mobifone mua AVG’, Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn vẫn có thể ‘theo chân’ Đinh La Thăng, để khi đó sẽ phải thốt lên tại tòa : ‘Hãy đối xử với bị cáo như một con người !’.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 27/04/2018
Không còn nghi ngờ gì nữa, sau Đà Nẵng, "Người đốt lò vĩ đại" - một tụng danh mà Đài Tiếng Nói Việt Nam dành cho Nguyễn Phú Trọng - đã chính thức mang củi lửa vào đất Sài Gòn.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh minh họa
Một tháng sau tết nguyên đán 2018 và sau khi đã kết thúc khoảng lặng "nhân văn trước tết" như một tư tưởng nhân đạo mới của Nguyễn Phú Trọng, song trùng với vụ giáng cho cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng thêm án tù giam 18 năm, bùng cháy vụ "Mobifone mua AVG" móc xích với Bộ trưởng thông tin Trương Minh Tuấn, vụ bắt hai tướng công an "tổ chức đánh bạc công nghệ cao", bắt cả một tướng tình báo của Tổng cục V Bộ Công an có cấu kết với vụ Vũ "nhôm", cùng lúc khai hỏa kế hoạch cải tổ ngành công an, chiến dịch "đốt lò" ở Sài Gòn đã khởi động từ tháng Ba năm 2018 và tăng hẳn sức nóng vào tháng Tư.
Khá nhiều dấu hiệu và biểu hiện đã và đang tựu trung cho kết luận không còn là sơ bộ về kế hoạch "Nam tiến" trên.
Những "khúc củi" đầu tiên
"Khúc củi" đầu tiên bị tống vào "lò" là ông Lê Tấn Hùng - Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn trách nhiệm hữu hạn một thành viên (SAGRI).
Ông Lê Tấn Hùng - Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn trách nhiệm hữu hạn một thành viên (SAGRI).
Vào đầu tháng Ba năm 2018, Lê Tấn Hùng bị Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định kỷ luật với mức độ khiển trách và đã tưởng như sẽ "hạ cánh an toàn". Nhưng một tháng sau đó, cơ quan Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh đã bật đèn xanh cho báo chí công bố vụ Lê Tấn Hùng "chi khống 13,3 tỉ đồng" với những bằng chứng rõ rệt mà không thể hiểu khác hơn là ông Hùng sẽ phải "đi" tiếp bước hai vào quy trình tố tụng hình sự.
Lê Tấn Hùng lại là em ruột của cựu ủy viên bộ chính trị kiêm bí thư Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải.
Cách đây gần hai chục năm và trước khi ngồi vào ghế chủ tịch ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Lê Thanh Hải là Chỉ huy trưởng Lực lượng Thanh niên xung phong - "cái nôi cách mạng" mà sau đó người em trai Lê Tấn Hùng được thừa kế. Trong suốt một thời gian dài, cặp anh em Lê Thanh Hải - Lê Tấn Hùng đã biến lực lượng này thành một nhóm lợi ích đặc quyền đặc lợi - theo rất nhiều dư luận.
"Khúc củi" thứ hai bị cháy là ông Lê Trương Hải Hiếu - Thành ủy viên, Phó Bí thư quận ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 12. Chỉ 5 ngày sau vụ Lê Tấn Hùng bị báo chí công bố "chi khống 13,3 tỉ đồng", Lê Trương Hải Hiếu bị Ủy ban Kiểm tra thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh công khai thi hành kỷ luật theo cách "đã vi phạm trong việc có quan hệ tình cảm với một phụ nữ và có con chung nhưng chậm báo cáo với tổ chức".
Lê Trương Hải Hiếu lại là con trai cựu bí thư Lê Thanh Hải.
Vào thời người cha còn đương chức Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Trương Hải Hiếu đã từng được liệt vào danh sách "tuổi trẻ tài cao" theo ngôn ngữ nửa thật nửa hư của giới quan chức và báo chí, hoặc "hót hay nhảy giỏi" theo cách châm biếm của dân gian đương đại.
Thành tích cao nhất về "nhảy giỏi" là ngay cả sau khi Lê Thanh Hải đã "rớt đài" tại Đại hội 12 của đảng cầm quyền và phải "về vườn", vào tháng 5/2016 ông Hải vẫn tìm cách "binh" cho con trai Lê Trương Hải Hiếu có được một suất trong Ban chấp hành đảng bộ thành phố (tức thành ủy viên), bất chấp việc trước đó ông Hiếu chỉ nhận được tỷ lệ phiếu khá thấp cho cái ghế chính trị kèm lợi ích này.
Chính người kế nhiệm Lê Thanh Hải là Đinh La Thăng đã hoàn tất câu chuyện "binh" mang tính thần thoại ấy. Từ đầu năm 2016, Đinh La Thăng đã bất ngờ "nhảy" vào Bộ Chính trị và được điều động về làm Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Như vậy, "độ trễ" của Lê Trương Hải Hiếu so với Đinh La Thăng là đúng 1 năm, nếu tính từ thời điểm tháng 4/2017 khi ông Thăng phải nhận "án" kỷ luật ra khỏi Bộ Chính trị, và là 4 tháng nếu tính từ tháng 12/2017 khi ông Thăng chính thức tra tay vào còng.
Còn "khúc củi" thứ ba, tuy chưa chính thức được gọi tên, nhưng nhiều khả năng là Tất Thành Cang - Phó bí thư thường trực thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Tất Thành Cang - Phó bí thư thường trực thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Chỉ một ngày sau vụ công bố kỷ luật Lê Trương Hải Hiếu, báo chí nhà nước bắt đầu nhóm lửa vụ một doanh nghiệp đảng có vốn 100% của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh là Công ty Tân Thuận đã bán 30 ha đất công sản ở huyện Nhà Bè cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá quá thấp và sai quy định pháp luật, khiến ngân khố đang cạn kiệt của nhà nước vì tham nhũng và lãng phí phải chịu thêm khoản thất thoát khổng lồ lên tới khoảng 2.400 tỷ đồng.
Chiến dịch mổ xẻ của báo chí nhà nước trong những ngày tiếp theo về vụ việc trên đã phác ra chân dung của nhân vật được cho là đã ký phê duyệt chủ trương vụ mua bán 30 ha đất Nhà Bè : Tất Thành Cang.
Tất Thành Cang lại là nhân vật được dư luận xem là "đệ tử ruột" của cựu bí thư Lê Thanh Hải.
"Trưởng thành" từ cán bộ đoàn ở Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, Tất Thành Cang được Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thời đó là Lê Thanh Hải "đặt" vào ghế Bí thư quận 2 - nơi có dự án Thủ Thiêm khổng lồ với 160 ha đất vàng, cũng là nơi đã phát sinh vô số vụ đền bù bất công, tạo chênh lệch đến vài chục lần giữa giá thị trường và giá đền bù cho người dân, cũng là nơi đã xảy ra không ít cái chết của dân oan đất đai do phẫn uất.
Rất nhiều dấu hiệu và biểu hiện cho thấy khi còn là Bí thư quận 2, Tất Thành Cang đã đắc lực giúp cho "Anh Hai Nhựt" (bí danh của Lê Thanh Hải) nhằm "nuốt sống" đất Thủ Thiêm.
Cũng vào thời gian này, dư luận đang phong phanh tin về một đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm với trọng tâm là công tác đền bù giải tỏa.
"Tử huyệt Vạn Thịnh phát"
"Khúc nhạc dạo đầu" của báo chí nhà nước về hàng loạt và còn hơn thế nữa những vụ bê bối của những người trong "gia tộc Lê Thanh Hải", cùng những vụ việc có dấu hiệu "ăn đậm" của giới quan chức, đang phát ra tín hiệu nóng rẫy về "lò" của Nguyễn Phú Trọng đang phi mã đến trước cửa nhà cựu bí thư Lê Thanh Hải.
Lê Thanh Hải lại là nhân vật được rất nhiều "đồng bào và đồng chí" ở Sài Gòn và Nam Bộ quan tâm. Đã từ nhiều năm qua, ông Hải được cho là "một trong những quan chức giàu nhất Việt Nam". Cũng không thiếu dư luận cho rằng Lê Thanh Hải sở dĩ phất lên kinh khủng như thế là do "ăn đậm".
Ông Lê Thanh Hải, Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2015, là nhân vật được rất nhiều "đồng bào và đồng chí" ở Sài Gòn và Nam Bộ quan tâm.
"Gia tộc Lê Thanh Hải" lại được cho là có mối quan hệ rất sâu đậm với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan. Trong thương trường, Vạn Thịnh Phát được xem là "siêu giàu", còn bà Trương Mỹ Lan lại là một trong số những người giàu nhất Việt Nam.
Tuy nhiên cho tới nay, cái tên Vạn Thịnh Phát và bà chủ Trương Mỹ Lan vẫn khá bí ẩn khi thông tin cá nhân rất hiếm hoi được tiết lộ với giới truyền thông.
Vạn Thịnh Phát chỉ thực sự "nổi lên mặt nước" khi tại phiên xét xử bị cáo Dương Tự Trọng ngày 7/1/2014, ông Dương Chí Dũng (anh trai Dương Tự Trọng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam – Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng Hải, Bộ Giao thông vận tải) khai nhận 20 tỷ đồng để được làm dự án chuyển đổi công năng Cảng Sài Gòn của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Thành phố Hồ Chí Minh) do bà Trương Mỹ Lan làm chủ tịch.
Sau đó, từ đầu tháng 8/2016 đã bắt đầu tăng cường những dấu hiệu tấn công vào Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thuộc sở hữu của gia tộc họ Trương. Một trong số những bài viết đáng chú ý trên báo nhà nước mang tựa đề "Đại gia Trương Mỹ Lan và ‘đế chế’ Vạn Thịnh Phát đang toan tính gì ?", cho rằng "Thâu tóm hàng loạt siêu dự án rồi để "trùm mền", động cơ của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trên thị trường địa ốc Thành phố Hồ Chí Minh đang là một ẩn số vô cùng bí hiểm".
Gần Đại hội 12 của đảng cầm quyền, bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội một số bài viết mang tính móc xích về mối quan hệ "đặc biệt" giữa bà Trương Mỹ Lan với ông Lê Thanh Hải – Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2015 trở về trước. Nhiều dư luận cho rằng nhờ có sự "bảo kê" của Bí thư Hải mà Vạn Thịnh Phát đã giành được nhiều khu đất vàng để kinh doanh bất động sản, mang lại một khoản lợi nhuận khổng lồ cho tập đoàn này.
Bà Trương Mỹ Lan và ông Lê Thanh Hải
Từ cuối năm 2015 và trước Đại hội 12, đã có tin Lê Thanh Hải và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của Trương Mỹ Lan nằm trong danh sách "bị thịt".
Trong khoảng thời gian từ cuối năm 2017 đến trước tết 2018, đã ầm ì tin tức về việc sau tết nguyên đán 2018 Lê Thanh Hải, "gia tộc họ Lê - Trương" sẽ bị "trung ương đánh", và sẽ "đánh" trước Hội nghị trung ương 7.
Hội nghị trung ương 7 dự kiến được tổ chức vào tháng 5 năm 2018.
Cho tới nay, đã có 3 "thân nhân" của ông Lê Thanh Hải bị cuốn vào cơn sóng gió : Lê Tấn Hùng, Lê Trương Hải Hiếu và Tất Thành Cang.
Nếu Tất Thành Cang bị mất chức do vụ mua bán 30 ha đất Nhà Bè, Lê Thanh Hải sẽ mất đi một đàn em - con cờ chủ chốt mà ông ta đã "cài cắm" trong cơ quan thường trực thành ủy, càng khiến cho nguy cơ ông Hải bị "hồi tố" về trách nhiệm điều hành và tài sản cá nhân trong thời gian tới trở nên rõ như ban ngày.
Nhưng "tử huyệt" của Lê Thanh Hải có lẽ là Vạn Thịnh Phát.
Khác hẳn với nhiều đại gia khác khi luôn cố triển khai càng nhanh càng tốt dự án, hoặc nếu chậm triển khai là do bị kẹt vốn, Vạn Thịnh Phát lại "mua để đó" nhiều cụm đất vàng ở Sài Gòn, trong khi hoàn toàn chưa có dấu hiệu nào cho thấy tập đoàn này bị thiếu vốn. Đây là một dấu hỏi rất lớn mà cho tới nay vẫn chưa được giải mã.
Vụ khởi tố và tống giam một sĩ quan tình báo cấp tướng của Tổng cục V Bộ Công an vào ngày 17/4/2018 rất có thể chỉ là bước khởi đầu, hoặc là "giai đoạn 1" của một trận công kích đến những cấp cao hơn nữa của Tổng cục Tình báo này trong thời gian tới.
Phan Văn Anh Vũ. (Photo : VnExpress)
Vụ khởi tố và tống giam một sĩ quan tình báo cấp tướng của Tổng cục V Bộ Công an vào ngày 17/4/2018 rất có thể chỉ là bước khởi đầu, hoặc là "giai đoạn 1" của một trận công kích đến những cấp cao hơn nữa của Tổng cục Tình báo này trong thời gian tới.
Vào những ngày này, dư luận đang sôi sục với dự đoán sẽ có ít nhất 2 thứ trưởng Bộ Công an phải bị liên đới trách nhiệm, thậm chí cả trách nhiệm hình sự, ở "giai đoạn 2" của "đại án kinh tế-chính trị Vũ "nhôm"".
"Binh chủng hợp thành"
Có lẽ "rút kinh nghiệm sâu sắc" từ vụ Trịnh Xuân Thanh mà có vẻ chẳng phăng ra được đầu mối nào đã giúp Thanh đào tẩu ra nước ngoài ngay trước mũi "ngành công an Việt Nam giỏi nhất thế giới", Tổng bí thư Trọng đã chỉ đạo chiến dịch bắt và khai thác Vũ "nhôm" - Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ một cách "làm việc gì ra việc đó" - như một lời khen dân dã của ông Trọng dành cho cơ quan Ủy ban Kiểm tra đảng trung ương.
Song một cơ quan khác mà ông Trọng không công khai khen ngợi nhưng lại có vẻ chiếm lĩnh vai trò rất lớn trong chiến dịch bắt và khai thác Vũ "nhôm" : Tổng cục 2, tức Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng.
Mặc dù từ lâu nay đã được xem là "thanh kiếm và lá chắn của đảng", nhưng từ khoảng giữa năm 2016 đến nay, Bộ Công an dường như đã phải nhường lại hình ảnh "thanh kiếm" cho những đồng nghiệp bên quân đội.
Sau khi Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ bị bắt và dẫn độ từ cửa khẩu Singapore-Malaysia về Việt Nam vào đầu tháng Giêng năm 2018, dư luận và báo chí sôi trào. Nhưng trong suốt một thời gian sau đó, mọi tin tức về vấn đề "chính trị nội bộ" của Vũ "nhôm" đã bặt tăm, có chăng chỉ là vài ba thông tin về Vũ "nhôm" dính líu sâu với nhiều nhà công sản và dự án bất động sản ở Đà Nẵng, với Ngân hàng Đông Á ở Sài Gòn, và bị cáo buộc tội danh "trốn thuế" và "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"…
Trước tết nguyên đán 2018 và lồng trong bầu không khi xử đại án Đinh La Thăng-Trịnh Xuân Thanh, những tưởng vụ Vũ "nhôm" đã có thông tin mới và đã xảy ra bắt bớ những quan chức liên quan đến Vũ ‘Nhôm" ngay trước tết. Nhưng tất cả vẫn lắng bặt.
Sau tết nguyên đán 2018, "vụ án" đầu tiên và thuộc loại "đại án" hóa ra lại là vụ việc mà nhiều người tưởng như đã chìm lắng hoặc chìm xuồng : "Mobifone mua AVG", với phạm vi liên đới trách nhiệm thuộc về nhiều bộ ngành như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng chính phủ. Trong khi đó, vụ Vũ "nhôm" vẫn không thấy tăm hơi gì. Thậm chí liên quan đến đại án Trần Phương Bình ở Ngân hàng Đông Á, người ta còn đặt dấu hỏi vì sao cho tới thời điểm đó vẫn chưa khởi tố Vũ "nhôm" trong vụ án này, dù hành vi chiếm đoạt tài sản của Vũ "nhôm" tại ngân hàng Đông Á là đã rõ.
Còn giờ đây, đã rõ là Nguyễn Phú Trọng, và ít nhất một người tham mưu giấu mặt đầy sâu hiểm bên cạnh ông Trọng, đã tính toán một nước cờ vừa chiến thuật vừa mang tính chiến lược để "không cho chúng nó thoát".
Việc Bộ Công an khởi tố, tống giam và câu lưu 7 quan chức vào ngày 17/4/2018, trong đó có những cái tên cộm cán như Phan Hữu Tuấn, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục tình báo Bộ Công an đã nghỉ hưu, Trần Văn Minh-cựu Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng (2006-2011), Văn Hữu Chiến-cựu Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng (2011-2014)… cho thấy trong quan niệm và chủ trương của ông Trọng, vụ Vũ "nhôm" chính là một đại án, không chỉ đại án về kinh tế mà còn về an ninh quốc gia.
Về mặt tốc độ, khác biệt phần nào với vụ bắt và xử án cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng, nước đi của ông Trọng trong vụ Vũ "nhôm" không quá thần tốc mà có thể bứt qua những công đoạn của tố tụng hình sự, mà có thể mang đặc thù "không cần nhanh nhưng phải chắc". Các bị can bị khởi tố không phải chỉ cùng một cơ quan mà nhiều hơn hai cơ quan. Nhưng ấn tượng nhất là ngọn roi của ông Trọng đã quất thẳng vào ưng cánh tình báo công an.
Một chiến dịch mang sắc tố "binh chủng hợp thành"-như một thuật ngữ của ngành quân sự Việt Nam.
Có đảo lộn "tứ trụ" tại Hội nghị 7 ?
Chưa biết với tính chất xen cài cả kinh tế và an ninh như trên, vụ án Vũ "nhôm" mà chắc chắn sẽ đưa ra xét xử có được chia thành hai phiên tòa-một xử những tội danh về kinh tế như "trốn thuế", "lợi dụng chức vụ, quyền hạn…" hay "cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng" ; và một sẽ được xét xử riêng với tội danh "cố ý làm lộ bí mật nhà nước", hay hai phần này sẽ được gộp chung làm một.
Nhưng vụ bắt tướng tình báo Phan Hữu Tuấn-sếp của Thượng tá Phan Văn Anh Vũ-xảy ra trong bối cảnh ông Trọng đang cầm chịch để thông qua và triển khai Đề án 106 của Đảng ủy công an trung ương về "cải tổ" ngành công an.
Về tính quy trình, khác nhiều với vụ Trịnh Xuân Thanh, vụ bắt và khai thác Vũ "nhôm" đang có nét giống với "quy trình Đinh La Thăng" : sau khi bị loại khỏi Bộ Chính trị vào tháng Năm năm 2017, Đinh La Thăng được bố trí về Ban Kinh tế trung ương và tưởng như đã "hạ cánh an toàn". Nhưng từ tháng Tám năm 2017 trở đi, một chiến dịch bắt quan chức của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã được xúc tiến nhanh chóng. Chẳng bao lâu sau, vào tháng Mười Hai năm 2017, Đinh La Thăng chính thức chịu chung số phận với những quan chức dầu khí đã phải tra tay vào còng.
Vũ "nhôm" không chỉ là tâm điểm kinh tế, tập trung nhiều mối quan hệ làm ăn phi pháp với các quan chức khác, mà còn là một tâm điểm chính trị. Khởi nguồn từ Vũ "nhôm" và khai thác tối đa nhân vật này, dường như ông Trọng đang thành công trong chiến dịch ‘truy ngược" lên các quan chức cấp cao hơn, kể cả cấp ủy viên bộ chính trị. Trong khi ở vụ Trịnh Xuân Thanh, cho đến giờ vẫn chẳng thấy ông Trọng nói năng hay tự hào báo cáo về kết quả "đã phát hiện thế lực tổ chức cho Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài".
Vụ bắt tướng tình báo Phan Hữu Tuấn cũng xảy ra trước Hội nghị trung ương 7 của đảng cầm quyền-một hội nghị rất có thể sẽ đặc trưng và đặc tả về nhân sự, hoặc là sự đổi thay về nhân sự rất cao cấp.
Đúng vào thời gian này, một vị trí rất cao cấp là Trần Đại Quang, Chủ tịch nước, lại… đi chữa bệnh ở Nhật Bản.
Mặc dù vẫn không có thông tin chính thức nào từ hệ thống tuyên giáo đảng hay từ Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe trung ương, nhiều dư luận vẫn cho rằng ông Quang đã sang Nhật chữa bệnh từ đầu tháng Tư năm 2018.
Vào năm ngoái, ông Trần Đại Quang cũng đã có một lần "biến mất" khiến không chỉ dư luận trong nước xôn xao mà cả báo chí quốc tế cũng phải đặt dấu hỏi.
Cuối tháng Bảy năm 2017, trùng với sự kiện "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" theo cách gọi của Nhà nước Đức, hoặc "Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú" theo lối tuyên giáo của Bộ Công an, ông Trần Đại Quang đã "biến mất" đến gần một tháng, và chỉ xuất hiện trở lại vào cuối tháng Tám năm 2017 với gương mặt phờ phạc.
Trong thời gian Trần Đại Quang vắng mặt tại Phủ chủ tịch, một blogger nắm nhiều tin tức nội bộ thậm chí còn đòi hỏi ông Quang cần "bàn giao quyền lực" cho người khác. Một dấu ấn khác là khác hẳn với hai vụ tau khỏe mà có chi mô" của Trưởng ban Nội chính trung ương Nguyễn Bá Thanh vào cuối năm 2014 và vụ "tướng chữa bệnh" Phùng Quang Thanh vào giữa năm 2015, trong vụ Trần Đại Quang đi chữa bệnh ở Nhật bản vào năm 2017 đã hoàn toàn không có xác nhận hay lời động viên an ủi nào của Ban Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe trung ương.
Ở vào lần thứ hai "biến mất" của ông Trần Đại Quang, lại đang xuất hiện những dư luận và đồn đoán về tình trạng sức khỏe "khó hồi phục" của ông, và về những gương mặt nào có thể đảm nhiệm chức vụ chủ tịch nước nếu ông Quang "nghỉ giữa chừng".
Trong khi đó, chủ trương "nhất thể hóa" của đảng cầm quyền vẫn tiếp tục triển khai và triển khai ngày càng nhanh, bắt đầu từ Quảng Ninh-"cái nôi cách mạng" của trưởng ban tổ chức hiện thời là Phạm Minh Chính - đang lan đến một số tỉnh thành khác. Ở nhiều nơi, hai chức danh bí thư và chủ tịch ủy ban nhân dân cấp quận huyện đã được nhập làm một, thậm chí còn đặt cả vấn đề nhập "3 thành 1", tức cả chức chủ tịch hội đồng nhân dân.
Cũng trong bối cảnh đó, thông tin sốt nóng về việc Quốc hội Trung Quốc đã gần như tuyệt đối thông qua Hiến pháp không giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước của Tập Cận Bình hẳn đã có tác động như một sự gợi ý đến chính trường Việt Nam, hé ra khả năng "chủ tịch nước kiêm tổng bí thư" trong tương lai không quá xa.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 23/04/2018
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên của lịch sử vừa diễn ra : tháng Tư năm 2018, tròn một năm ngày nổ ra vụ Đồng Tâm ở Hà Nội và trùng với thời điểm người dân Đồng Tâm hân hoan tổ chức kỷ niệm cái ngày mà Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung phải ký sống và lăn tay vào bản cam kết không "hồi tố" dân Đồng Tâm, người dân ở hai xã Mỹ Thọ và Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định đã tái hiện thắng lợi "đổi người" mà Đồng Tâm đã giành được một năm trước.
Tháng Tư năm 2018, nổ ra vụ Đồng Tâm ở Hà Nộ- Ảnh : RFA
Vào ngày 18/4/2018, khoảng một chục người dân xã Mỹ Thọ và Mỹ An tập trung phản đối Tổng công ty cổ phần thương mại và xây dựng (Viettracimex) lắp đặt cột quan trắc gió phục vụ dự án điện gió vì nghi ngờ chính quyền lấy đây là cớ để cho công ty bên ngoài khai thác quặng titan, chặt phá rừng dương, gây ô nhiễm môi trường.
Người dân địa phương cho biết chính quyền địa phương cho công ty đưa xe vào thi công, lắp đặt cột quan trắc gió mà không báo cho người dân biết. Người dân muốn bảo vệ nguồn nước đầu nguồn và bảo vệ rừng dương. Người này cũng cho biết đã có nhiều doanh nghiệp trước kia vào rừng dương khảo sát rồi chặt dương trơ gốc. Người dân lo ngại rừng dương bị đốn ngã sẽ không có gì để chắn cát, gió, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân khi trời có bão và gió.
Ngay cả báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh ngày 19/4 cũng thừa nhận rằng phóng viên của tờ báo này đã chứng kiến nhiều diện tích rừng dương tại hai xã đã bị chặt phá, bị đốt để tạo thành đường đi và mặt bằng. Các phóng viên báo này cho biết khu rừng bị chặt nằm sâu bên trong và rất khó tiếp cận nếu không có người dân dẫn đường vì bất cứ ai lạ vào khu vực này đều bị cấm.
Nhưng bất chấp báo chí đã lên tiếng cảnh báo về nạn khai thác tràn lan titan ở Bình Định khiến môi trường bị tàn phá, nguồn nước ngầm cạn kiệt, bệnh tật do ô nhiễm gieo rắc chết chóc khắp các làng quê ven biển, hàng trăm hecta rừng dương phòng hộ ven biển có tuổi đời từ 50 đến 60 năm đã bị triệt hạ hoàn toàn…, giới quan chức địa phương lại tỏ ra cực kỳ vô trách nhiệm cùng biểu hiện mờ ám mang tính cấu kết với nhóm lợi ích của các doanh nghiệp khai thác.
Trước con sóng biểu tình phản đối Viettracimex của người dân hai xã Mỹ Thọ và Mỹ An, ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch huyện Phù Mỹ – lại nói với báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh rằng "chưa có thông tin về dự án nào làm tại rừng dương" và ông ta "sẽ kiểm tra lại thông tin".
"Kiểm tra lại" như thế nào ?
Không những không có biện pháp nào chế tài Viettracimex, chính quyền Phù Mỹ và Bình Định mà còn điều hàng trăm cảnh sát cơ động với súng ống và dùi cui đến hiện trường biểu tình để đàn áp dân theo truyền thống độc trị và lấy đông hiếp yếu. Công an đã thẳng tay bắt giữ đến 18 người bị vu là quá khích, chống người thi hành công vụ.
Nhưng trong hai ngày 19 và 20/4, hàng trăm người dân xã Mỹ An và Mỹ Thọ tiếp tục đổ ra đường phản đối, kéo đến Ủy ban nhân dân xã Mỹ Thọ đòi người.
Cùng lúc, người dân bắt giữ 4 cán bộ địa phương gồm Bí thư, Chủ tịch xã Mỹ Thọ cùng hai cán bộ công an đang làm con tin trong trụ sở xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định để đòi thả 18 người dân bị bắt trước đó.
Trước áp lực liên tục và gia tăng của người dân, đến tối 21/4, chính quyền Bình Định đã phải thả những người dân bị họ xem là "quá khích" để đổi lấy việc người dân hai xã Mỹ Thọ và Mỹ An thả 4 cán bộ (1).
Đồng Tâm 2 đã hiện ra như thế !
Một năm trước vào ngày 22 tháng Tư năm 2017, 6 ngàn người dân Đồng Tâm thượng tôn tinh thần đồng tâm cùng kỷ luật tổ chức cao đến mức kinh ngạc trong đấu tranh phản kháng đã giành được thắng lợi lớn chưa từng có trong lịch sử tranh đấu của dân oan Việt Nam : để đổi lấy việc người dân thả toàn bộ 37 cảnh sát cơ động bị bắt giữ, chính quyền phải cam kết sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm vì tội "bắt giữ người trái pháp luật".
Vụ nông dân Đồng Tâm đặt dấu ấn trong lịch sử phản kháng chế độ bằng hành động bắt giữ cả một trung đội cảnh sát cơ động cùng một số quan chức vừa công an vừa chính quyền đã chính thức chấm dứt thời hoàng kim công an trị. Khác hẳn với cảnh trước đây công an gần như muốn bắt ai thì bắt và không hề nương tay với dân oan đất đai, vài giai đoạn này hầu như toàn miền Bắc, một phần miền Trung và có thể cả một số địa phương ở miền Nam, đều tràn ngập "điểm nóng đất đai" mà có thể phát sinh việc bắt giữ cá nhân công an hay đơn vị công an vào bất kỳ lúc nào nếu bị đàn áp.
Không hề dễ dàng để một cộng đồng nông dân đưa chính quyền vào thế buộc phải đàm phán và phải cam kết sẽ không truy tố họ. Sau chuỗi tranh đâu gian khổ của nhiều cộng đồng dân oan đất đai trước đây mà nhiều người trong số họ đã bị công an tống vào nhà giam từ năm này sang năm khác, khủng hoảng xã hội Việt Nam đã tiệm cận giới hạn bùng nổ và người dân, điển hình là ngư dân Hà Tĩnh, nông dân Đồng Tâm và người dân Mỹ Thọ – Mỹ An đã vượt qua ranh giới sợ hãi trong lòng.
Tính chính nghĩa đương nhiên của họ trong việc bảo vệ môi trường sống và quyền được sống, tính hợp pháp của họ trong hành động phòng vệ chính đáng trước các lực lượng đàn áp của chính quyền càng vươn lên bao nhiêu, nỗi sợ hãi của giới quan chức chính quyền, công an cùng công cụ cảnh sát, an ninh càng run rẩy bấy nhiêu.
Nhưng phía trước người dân Mỹ Thọ – Mỹ An vẫn còn nhiều việc phải làm và phải kiên tâm tranh đấu.
Hãy đừng bao giờ quên những bài học đau đớn trong lịch sử. Thọ Ngọc, Thanh Hóa năm 1989 và Quỳnh Phụ, Thái Bình năm 1997 – những cuộc "khởi nghĩa" của người nông dân cũng bước đầu giành thắng lợi, nhưng sau đó không lâu đã bị những đòn chơi bẩn của chính quyền và công an nhấn chìm trong lao tù.
Thông thường, công an sẽ chờ vài ba tháng sau vụ việc để xoa dịu sự phẫn nộ dân chúng và khiến bầu không khí lắng lại, rồi tổ chức khởi tố vụ án, khởi tố bị can, kể cả "bắt nguội". Kinh nghiệm xương máu đã là quá nhiều ở Dương Nội, Văn Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Tĩnh, Bình Thuận… và nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ. Gần đây nhất là Đồng Tâm.
Nhưng sau một năm bền bỉ và quật cường tranh đấu, người dân Đồng Tâm vừa giành được thắng lợi thứ hai : đầu tháng Tư năm 2018, Tiểu đoàn 31 – một đơn vị quân đội được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ quản lý đất quốc phòng ở khu vực Đồng Sênh, đã triển khai lực lượng đào hào xây tường rào dọc theo mốc giới cũ phân chia đất quốc phòng (sân bay Miếu Môn) và đất nông nghiệp của Đồng Tâm (đồng Sênh) – theo đúng nguyện vọng và cũng là một yêu sách của người dân Đồng Tâm.
Động tác "đào hào xây tường" trên – dù mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ yêu sách của phong trào Đồng Tâm – nhưng mang một ý nghĩa rất quan trọng : sau một thời gian dài tổ chức chiến dịch tấn công phong trào Đồng Tâm trên nhiều mặt cùng nhiều thủ đoạn nhưng không những không mang lại kết quả khả dĩ nào mà còn bị thất bại cùng quá nhiều tai tiếng, thậm chí một số quan chức quân đội và công an còn phải chịu nguy cơ bị tống vào "lò" của Nguyễn Phú Trọng trong bối cảnh dầu sôi lửa bỏng trong nội bộ đảng năm 2018, giới quan chức Bộ Quốc phòng, Cơ quan điều tra hình sự thuộc bộ này và Viettel (Tập đoàn Viễn thông quân đội, doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp nếu "đánh chiếm" thành công 59 ha đất Đồng Sênh của xã Đồng Tâm) đã phải "buông" một phần mục tiêu "chiếm đất", phải thừa nhận phần đất "tranh chấp" là của người dân Đồng Tâm chứ không phải của phía quân đội như đã từng nhận vơ.
Động tác "đào hào xây tường" trên cũng là một bằng chứng trực tiếp phủ nhận hoàn toàn quan điểm "toàn bộ là đất quốc phòng, không có đất nông nghiệp" của Thanh tra Hà Nội – được chỉ đạo bởi Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội và cũng là "chính khách cộng sản" đã trở mặt với nhân dân Đồng Tâm dù đã phải ký sống và lăn tay vào bản cam kết với Đồng Tâm vào tháng Tư năm 2017.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : CaliToday, 22/04/2018
(1) https://baomoi.com/vu-500-nguoi-vay-tru-so-xa-tha-14-nguoi-qua-khich-bi-tam-giu/c/25756402.epi
Vì sao nhà cầm quyền chính quyền cộng sản Việt Nam lại cấp tập tổ chức các vụ xử án người hoạt động nhân quyền trong hai tháng Ba và Tư, 2018 ? Phải chăng là "xử nhanh để bắt tiếp" như nhận định của một số người đấu tranh nhân quyền ? Hay "xử nặng để mặc cả hiệp định thương mại với Châu Âu" như nhận định của một số người đấu tranh nhân quyền khác ?
Các nhà hoạt động xuống đường đòi công lý cho Hội Anh em dân chủ hôm 5 tháng Tư, trước phiên tòa xử luật sư Nguyễn Văn Đài và các thành viên Hội Anh em dân chủ. (Hình : Getty Images)
‘Danh sách bắt tiếp 48 người ?’
Sau Tết Nguyên Đán 2018, hàng loạt vụ án Hội Anh em dân chủ (6 người) và những vụ xử cá nhân đối với những nhà hoạt động nhân quyền như Nguyễn Viết Dũng, Nguyễn Văn Túc, Trần Thị Xuân, Vũ Văn Hùng đã diễn ra gần như đồng loạt ở Hà Nội, Hà Tĩnh, Nghệ An, với thời gian xử án ngắn gọn, kể cả xử lén lút mà không cho luật sư bảo vệ và gia đình tham dự, với nhiều mức án rất nặng nề…, cho thấy đây là một chủ trương của đảng cầm quyền và ngành tư pháp, nhưng không hẳn mang tính ngắn hạn mang tính chắp vá như những vụ xử án nhân quyền trước đây, mà còn có thể phục vụ cho một "tầm nhìn trung hạn" (cụm từ của đảng) nào đó.
Trừ trường hợp luật sư Nguyễn Văn Đài và cộng sự của anh là cô Lê Thu Hà bị bắt vào cuối năm 2015, đa số những nhà đấu tranh nhân quyền bị đưa ra xử án trên đều bị công an bắt và tống giam trong năm 2017 – năm mà nhà cầm quyền đã bắt đến gần ba chục người bất đồng chính kiến và đạt "thành tích" cao nhất về bắt bớ người hoạt động nhân quyền trong những năm gần đây.
Cho tới nay, ngoài một vài trường hợp như nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Trung Trực ở Quảng Bình chưa đưa ra xử, hầu hết những thành viên của Hội Anh em dân chủ đều đã ra tòa. Chính quyền cũng coi như đã "tất toán" xong vụ án Hội Anh em dân chủ, còn cái kho tạm giam người bất đồng bị bắt của công an đã vơi đi đáng kể.
Vậy bước tiếp theo của nhà cầm quyền sẽ là gì ? Bắt tiếp nhân quyền chăng ?
Cùng và ngay sau thời gian diễn ra vụ xử Hội Anh em dân chủ và một số nhà bất đồng khác, trong dư luận và trên mạng xã hội đã lan truyền thông tin về "công an có một danh sách 48 người của Hội Anh em dân chủ và sẽ bắt tiếp." Nhưng thông tin này là không thể kiểm chứng vì không được dẫn nguồn tin và cũng chẳng có một tài liệu nào nhằm chứng minh.
Trong thực tế nhiều năm qua, đã có những bản "danh sách sắp bắt" hoặc "danh sách bắt tiếp" được một bàn tay bí ẩn nào đó tung ra dư luận và mạng xã hội ngay sau những vụ bắt bớ và xử án người bất đồng – một động tác bị dư luận rất nghi ngờ là do chính công an tung ra để khủng bố tinh thần giới đấu tranh nhân quyền.
Nhưng nếu "danh sách bắt tiếp 48 người" vừa được tung ra là bắt thật, dấu hỏi đặt ra là vì sao nhà cầm quyền lại không bắt ai trong giới bất đồng chính kiến từ đầu năm 2018 đến nay như một chiến thuật "bắt và xử cuốn chiếu ?"
‘Hạn chế bắt phản động’
Nếu so sánh, có thể nhận ra một độ vênh khá rõ về tình trạng bắt bớ bất đồng giữa năm 2018 và năm 2017. Vào năm 2017, nhà cầm quyền đã tiến hành chiến dịch bắt bất đồng ngay từ giữa tháng Ba, để chiến dịch này kéo dài trong 8 tháng liên tục cho đến tháng Mười cùng năm.
Tuy nhiên từ tháng Mười Một, 2017 đến nay – tức đã qua 6 tháng, nhà cầm quyền đã chỉ bắt thêm một vụ là nhà hoạt động nhân quyền Vũ Văn Hùng – thuộc tổ chức xã hội dân sự Hội Giáo chức Chu Văn An, nhưng không dám quy vào tội chính trị mà chụp cho cái mũ "cố ý gây thương tích" rồi đem ra xử án, cho dù đến giờ cả công an lẫn hội đồng xét xử vẫn không hề công bố được "nạn nhân bị gây thương tích" là ai.
Chủ trương của đảng cầm quyền về "hạn chế bắt phản động" ngày càng lộ rõ. Giờ đây, có vẻ kịch bản "vào trước, bắt sau" lại trở về những năm 2007 và năm 2013.
Vào năm 2007, nhà cầm quyền đã rất hạn chế bắt bất đồng để Việt Nam được Mỹ chấp nhận cho tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Còn vào nửa đầu năm 2013, nhà cầm quyền cũng hạn chế bắt bất đồng trong bối cảnh Trương Tấn Sang (chủ tịch nước) đến Mỹ gặp Tổng thống Obama để bàn thảo về khả năng Việt Nam được tham gia vào Hiệp định TPP.
Vào năm 2018, tình hình kinh tế và ngân sách của Việt Nam còn tồi tệ hơn cả năm 2017 và tồi tệ hơn hẳn những năm 2013 và 2007. Đó chính là nguồn cơn khiến giới chóp bu Việt Nam phải chìm đắm hy vọng vào Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu (EVFTA).
Một chiến dịch "quốc tế vận" của chính thể Việt Nam đối với châu Âu đã được tái khởi động từ tháng Mười Một năm 2017, với mục tiêu hồ sơ EVFTA được Ủy ban Châu Âu trình lên Hội đồng Châu Âu và Nghị viện Châu Âu để chính thức được phê chuẩn trong năm 2018.
Ráo riết ‘vận động EVFTA’
Hiện tượng nhà cầm quyền Việt Nam cấp tập đưa ra xét xử án những nhà hoạt động nhân quyền cùng mức án nặng vào đầu năm 2018 lại từng có tiền lệ : Vào cuối năm 2012 và đầu năm 2013, chính quyền cũng cấp tập lôi vụ án Câu lạc bộ Nhà báo tự do và Hội đồng Công luật công án Bia Sơn với vài chục người ra xét xử với mức án rất nặng nề và có cả án chung thân, để sau đó bất chợt diễn ra tình trạng "hạn chế bắt và xử án," hoặc có xử cũng "nhẹ" hơn nhiều.
Sự lặp lại của hiện tượng trên vào đầu năm 2018, cùng một ít dấu hiệu "hạn chế bắt phản động" từ cuối năm 2017 đến nay, cho thấy nhiều khả năng bước đi của nhà cầm quyền không phải "xử nhanh để bắt tiếp," mà sau những vụ xử này sẽ là sự tiếp nối chiến dịch "vận động EVFTA" trong năm 2018 và sang cả năm 2019. Đó cũng là bối cảnh "đặc biệt tế nhị" mà họ sẽ hạn chế bắt người hoạt động nhân quyền và bất đồng chính kiến.
Sau khi TPP đổ vỡ lần đầu vào đầu năm 2017 do Mỹ chính thức rút khỏi hiệp định này, Việt Nam chỉ còn EVFTA là hiệp định thương mại mang lại lợi lộc nhiều nhất ứng với đà xuất siêu của Việt Nam sang Châu Âu lên đến 25 tỷ USD mỗi năm – gần bằng giá trị nhập siêu lên đến 30 tỷ USD hàng năm (chỉ tính theo đường chính ngạch, chưa kể khoảng 20 tỷ USD nhập siêu theo đường tiểu ngạch) của Việt Nam từ Trung Quốc.
Muốn EVFTA được thông qua, Việt Nam cần có toàn bộ đồng thuận của 28 quốc hội ở 28 nước Châu Âu, mà nếu chỉ một nước không đồng ý thì Hà Nội coi như trắng tay.
Đối với chính thể độc đảng ở Việt Nam, EVFTA quan trọng đến mức mà vào tháng Ba, 2018, người đứng đầu đảng là Nguyễn Phú Trọng đã phải tự thân đến Pháp, để vận động nghị viện Pháp cho EVFTA được Hội đồng Châu Âu và Nghị viện Châu Âu "linh hoạt sớm thông qua."
Thế còn giả thiết về "xử nặng để mặc cả hiệp định thương mại với Châu Âu" như nhận định của một số người đấu tranh nhân quyền khác thì sao ?
Hết thời ‘đổi nhân quyền lấy thương mại’
Sau nhiều năm quần quật nếm trải với Việt Nam về nhân quyền, rốt cuộc người Mỹ và đến nay là EU đã rút ra một bài học đắt giá : đặc tính của nhà cầm quyền Việt Nam là luôn dùng tù nhân lương tâm để mặc cả về các hiệp định kinh tế, thương mại và viện trợ. Nhưng khi đạt được mục đích của mình lại ngay lập tức trở mặt và bắt bớ người hoạt động nhân quyền.
Nhưng từ nghị quyết về vấn đề nhân quyền Việt Nam – mang số hiệu 2016/2755 (RSP) mà Nghị Viện Châu Âu tung ra vào tháng Sáu, 2016 với lời lẽ cứng rắn chưa từng có cho đến gần đây, đã có dấu hiệu rõ ràng EU không còn dễ thỏa hiệp với cơ chế "đổi nhân quyền lấy thương mại." Trong thời gian gần đây, cũng như Mỹ, EU đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam phải cải thiện nhân quyền cả gói (ban hành Luật Lập Hội, tự do tôn giáo, tự do báo chí, công đoàn độc lập…) chứ không chỉ đơn giản là thả một ít tù nhân lương tâm như những năm trước. Vì thế, có thể một cơ chế "trao đổi" những thành viên Hội Anh em dân chủ và những người bất đồng bị bắt đã không thể tiến hành do phía EU không chấp nhận cơ chế này. Và càng không chấp nhận khi nhiều nhà đấu tranh nhân quyền bị xử án nặng đến thế trong thời gian qua.
Phạm Chí Dũng
Người Việt, 22/04/2018
Tổng cục V Bộ Công an đang bước vào mùa gặt hái thắng lợi chưa từng có : một tướng tình báo cùng họ Phan với Phan Văn Anh Vũ - ông Phan Hữu Tuấn, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục tình báo Bộ Công an đã nghỉ hưu, vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố và tống giam về hành vi "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước" vào ngày 17/4/2018.
Phan Văn Anh Vũ (giữa), tức Vũ nhôm, chụp ảnh chung với trung tướng tình báo Phan Hữu Tuấn (trái) và trung tướng hậu cần Ksor Nham (phải) - Hình minh họa.
Vẫn chưa đầy 1%
Cùng bị bắt với tướng Tuấn trong đợt này là Nguyễn Hữu Bách, cán bộ Bộ Công an, cũng về hành vi "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước". Phan Hữu Tuấn và Nguyễn Hữu Bách là hai cái tên đầu tiên trong danh sách 7 người bị bắt và câu lưu của Bộ Công an.
Có thể cho rằng đây là một trong số hiếm hoi vụ scandal ở Tổng cục Tình báo Bộ Công an bị phanh phui, và là lần đầu tiên một "điệp vụ tình báo" đầy bê bối như thế được đảng cầm quyền bật đèn xanh cho tung hê lên mặt báo chí.
Vụ bắt tướng Phan Hữu Tuấn xảy ra chỉ 11 ngày sau khi cựu Tổng cục trưởng tổng cục cảnh sát - Trung tướng Phan Văn Vĩnh - bị khởi tố và tống giam vì liên quan đến đường dây đánh bạc công nghệ cao.
Chỉ từ đầu năm 2018 đến nay, ngành công an đã phải chịu một "tổn thất" lớn với 3 "đồng chí cấp tướng" - tính luôn cả Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa - nhân vật chủ chốt trong đường dây đánh bạc công nghệ cao mà khi bị bắt vẫn còn là Cục trưởng cục phòng chống tội phạm công nghệ cao của Bộ Công an.
Song con số 3 tướng trên vẫn chỉ chiếm tỷ lệ chưa đầy 1% trong tổng số 300 - 400 tướng công an đang hiện hữu. Phần lớn con số bị xem là "lạm phát" này nảy sinh vào thời "bão thăng tướng" - thời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng công an Trần Đại Quang.
Danh sách tình báo viên hay hình ảnh ăn chơi ?
Trở lại vụ Phan Hữu Tuấn. Mặc dù bản thông báo của Bộ Công an không đề cập về mối quan hệ giữa hai quan chức Phan Hữu Tuấn và Nguyễn Hữu Bách, nhưng nhiều khả năng hai quan chức này là chung vụ, với Phan Hữu Tuấn là "đầu vụ".
Như vậy cho đến nay và liên quan đến tội danh "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước", đã xuất hiện ít nhất một tam giác với 3 đỉnh : Phan Hữu Tuấn - Nguyễn Hữu Bách - Phan Văn Anh Vũ.
Tất cả đều là người của Tổng cục Tình báo Bộ Công an.
Dấu hỏi lớn là "bí mật nhà nước" nào đã bị cố ý làm lộ bởi ba quan chức trên ?
Vào cuối tháng 12/2017, vào lúc Vũ "nhôm" - tức Thượng tá công an Phan Văn Anh Vũ đào tẩu và bị phát lệnh truy nã quốc tế, có một chi tiết "lạ" : trong khi báo chí nhà nước ồn ào đưa tin về rất nhiều dự án đất đai và nhà công sản mà Phan Văn Anh Vũ đã trục lợi chính sách để có được và làm giàu bất chính, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an lại tung ra lệnh truy nã của đối với Phan Văn Anh Vũ và khởi tố Vũ do có hành vi "Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước".
Nếu quả thực Phan Văn Anh Vũ có tài liệu bí mật và chủ ý làm lộ tài liệu bí mật ấy, tài liệu này có thể được chỉ đạo cung cấp bởi tướng Phan Hữu Tuấn, còn cán bộ Nguyễn Hữu Bách là người trực tiếp chuyển giao tài liệu.
Có thể là tài liệu nào ?
Vào thời gian Phan Văn Anh Vũ bị truy nã, đã xuất hiện một luồng dư luận cho rằng Vũ có trong tay danh sách màng lưới tình báo viên cùng danh sách các công ty bình phong và công ty sân sau của ngành công an đang hoạt động ở trong và ngoài nước. Nếu bản danh sách này bị lộ ra thì đó sẽ là một chấn động không chỉ đối nội mà còn đối ngoại và mang tầm cỡ quốc tế, khiến không chỉ Tổng cục Tình báo mà cả Bộ Công an cũng "đi đứt".
Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy có một danh sách như thế được công khai hóa trên mạng xã hội hay được đề cập bởi báo chí quốc tế.
Trong khi đó, thực tế có thể hình dung ngay là trong tay Vũ "nhôm" rất có thể đã nắm được những tài liệu mà khiến nhiều quan chức đang mất ngủ có thể là những tài liệu mang tính bằng chứng về mối quan hệ ngầm trong giới quan chức lãnh đạo, những phi vụ "xămxônai" (cách gọi loại vali samsonite chứa đầy đô la) mà các quan chức "lại quả" cho nhau, hoặc những hình ảnh sống động về giới quan chức đã thác loạn với gái trên giường… Những tài liệu và bằng chứng này chắc hẳn là nhiều hoặc rất nhiều mà Vũ "nhôm" đã khai báo với cơ quan điều tra kể từ khi bị dẫn độ từ Singapore về Việt Nam vào đầu tháng Giêng năm 2018 đến nay.
Nhưng có lẽ "bí mật nhà nước" được hình dung bị lộ lọt rõ hơn cả là "Báo cáo tin tình báo".
"Báo cáo tin tình báo" là có thật ?
Một chi tiết liên quan vụ Vũ "nhôm" nhưng có vẻ ít được dư luận chú ý là chỉ ít ngày sau khi Vũ "nhôm" bị đặt vào lệnh truy nã, trên mạng xã hội bất thần hiện ra một tài liệu mang tên "Báo cáo tin tình báo". Không biết tài liệu này có tính xác cứ nào hay không và nếu có thì xác cứ đến mức độ nào, nhưng địa chỉ được cho là phát hành nó là Tổng cục 2 (Tổng cục Tình báo) - Bộ Quốc phòng, ký tên Trung tướng Phạm Ngọc Hùng - Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo.
Bản "Báo cáo tin tình báo" trên dài đến 4 trang, đặc biệt đề cập về Vũ "nhôm" và "phe cánh chính trị" không chỉ ở Đà Nẵng mà còn lên đến "trung ương", cùng mối quan hệ của Vũ "nhôm" với một số nhân vật và quan chức khác.
Nếu đọc kỹ bản báo cáo trên thì có thể nhận ra một số "biện pháp nghiệp vụ" mà cơ quan được cho là Tổng cục 2 quân đội đã áp dụng để theo dõi Vũ "nhôm".
Vậy phía quân đội đã phản ứng thế nào với tài liệu hiếm có trên ?
Thông thường, việc xuất hiện một tài liệu nghiệp vụ chuyên sâu cùng độ bảo mật cao như vậy là một sự kiện "động trời" trong ngành tình báo, phải khiến cho đương sự là Tổng cục 2 "nhảy nhổm lên", để ngay lập tức có hành động "phản bác các luận điệu sai trái" trên mạng xã hội, nhất là khi Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng đã khoe khoang về "lực lượng 47" có đến 10.000 dư luận viên vào cuối năm 2017.
Nhưng rất lạ lùng là cho tới nay, đã 4 tháng trôi qua kể từ thời điểm hiện ra "Báo cáo tin tình báo" trên, người ta vẫn chưa thấy Bộ Quốc phòng tổ chức họp báo hay có công bố nào để phản bác tính vô xác cứ của tài liệu này.
Mà như vậy, ngày càng xác cứ rằng "Báo cáo tin tình báo" trên là có thực.
Phải chăng Phan Văn Anh Vũ và những quan chức Tổng cục tình báo Bộ Công an đã chủ đích tung tài liệu trên lên mạng xã hội để "chơi lại" Tổng cục 2 quân đội ?
Còn nhớ vào tháng Tư và tháng Năm năm 2017, một bàn tay bí ẩn ào đó đã tung lên mạng xã hội hàng loạt tài liệu đóng dấu "MẬT" và "TỐI MẬT" đỏ chói về sỹ quan tình báo Phan Văn Anh Vũ cùng "công ty bình phong" Nova 79, công văn do một thứ trưởng Bộ Công an ký giới thiệu công ty do Phan Văn Anh Vũ làm giám đốc quan hệ với một số tỉnh và thành phố, cảnh ăn chơi thác loạn của những doanh nhân liên quan đến Vũ "nhôm"…
Những tài liệu không rõ nguồn gốc trên, mặc dù bị một số dư luận viên của ngành công an cho là tài liệu giả mạo, nhưng hiện tượng rất lạ lùng là bất chấp số tài liệu này đã lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, cho tới nay vẫn không có một phản ứng hay cải chính nào từ phía Bộ Công an. Cũng bởi thế, rất nhiều người dân đã tin rằng những tài trên là có cơ sở và được tuồn ra chỉ từ nguồn nội bộ với một dụng ý hay âm mưu nào đó.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 20/04/2018