Sát thời điểm kỷ niệm tròn một năm vụ khủng hoảng Đồng Tâm và ngày ra đời của phong trào người dân Đồng Tâm tranh đấu chống cướp đất và chống nạn cường hào ác bá, đã phát lộ một hình ảnh reo báo "Tin Mừng" thứ hai cho kết quả đấu tranh quật cường của nhân dân : Tiểu đoàn 31 - một đơn vị quân đội được Bộ quốc phòng giao nhiệm vụ quản lý đất quốc phòng ở khu vực Đồng Sênh, đã triển khai lực lượng đào hào xây tường rào dọc theo mốc giới cũ phân chia đất quốc phòng (sân bay Miếu Môn) và đất nông nghiệp của Đồng Tâm (đồng Sênh) - theo đúng nguyện vọng và cũng là một yêu sách của người dân Đồng Tâm.
Hình thực địa đào hào tại Đồng Tâm của quân đội. Ảnh : VNTB cắt từ videoclip
Động tác "đào hào xây tường" trên diễn ra vào ngày 31/3/2018, chỉ một hôm trước ngày Cá tháng Tư, mà nếu động tác trên xảy ra vào đúng vào ngày Một tháng Tư thì sẽ khó mà tin nổi đó là sự thật, thậm chí còn có thể bị cho là một trò lừa gạt mới của chính quyền và quân đội.
Động tác "đào hào xây tường" trên - dù mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ yêu sách của phong trào Đồng Tâm - nhưng mang một ý nghĩa rất quan trọng : nhiều khả năng sau một thời gian dài tổ chức chiến dịch tấn công phong trào Đồng Tâm trên nhiều mặt cùng nhiều thủ đoạn nhưng không những không mang lại kết quả khả dĩ nào mà còn bị thất bại cùng quá nhiều tai tiếng, thậm chí một số quan chức quân đội và công an còn phải chịu nguy cơ bị tống vào "lò" của Nguyễn Phú Trọng trong bối cảnh dầu sôi lửa bỏng trong nội bộ đảng năm 2018, giới quan chức Bộ quốc phòng, Cơ quan điều tra hình sự thuộc bộ này và Viettel (Tập đoàn Viễn thông quân đội, doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp nếu "đánh chiếm" thành công 59 ha đất Đồng Sênh của xã Đồng Tâm) đã phải "buông" một phần mục tiêu "chiếm đất", phải thừa nhận phần đất "tranh chấp" là của người dân Đồng Tâm chứ không phải của phía quân đội như đã từng nhận vơ.
Động tác "đào hào xây tường" trên cũng là một bằng chứng trực tiếp phủ nhận hoàn toàn quan điểm "toàn bộ là đất quốc phòng, không có đất nông nghiệp" của Thanh tra Hà Nội - được chỉ đạo bởi Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội và cũng là "chính khách cộng sản" đã trở mặt với nhân dân Đồng Tâm dù đã phải ký sống và lăn tay vào bản cam kết với Đồng Tâm vào tháng Tư năm 2017.
Vào năm 2017, bất chấp nhiều phản ứng và bằng chứng được cung cấp bởi người dân Đồng Tâm, cơ quan thanh tra Hà Nội vẫn tung ra bản kết luận thanh tra về "toàn bộ là đất quốc phòng, không có đất nông nghiệp". Chính bản kết luận thanh tra này đã trở thành cái cớ chủ yếu để một cơ quan "anh em" khác - Cơ quan điều tra của Công an Hà Nội - cấp tập và hung hãn tổ chức một chiến dịch triệu tập, răn đe và cả "khủng bố" đe dọa bắt bớ đối với ít nhất 70 người dân Đồng Tâm, với mục tiêu cuối cùng là người dân nơi đây phải "buông" mục đích đòi lại phần đất chính đáng của họ.
Gần một năm trước, người dân Đồng Tâm đã giành thắng lợi đầu tiên và được xem là chưa từng có trên bình diện chống nạn cướp đất ở Việt Nam.
Vào ngày thứ 8 của cuộc khủng hoảng mang tên Đồng Tâm - 22 tháng Tư năm 2017, 6 ngàn người dân thượng tôn tinh thần đồng tâm cùng kỷ luật tổ chức cao đến mức kinh ngạc trong đấu tranh phản kháng đã giành được thắng lợi lớn chưa từng có trong lịch sử tranh đấu của dân oan Việt Nam : chính quyền phải cam kết sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm vì tội "bắt giữ người trái pháp luật".
Không hề dễ dàng để một cộng đồng nông dân đưa chính quyền vào thế buộc phải đàm phán và phải cam kết sẽ không truy tố họ. Sau chuỗi tranh đấu gian khổ của nhiều cộng đồng dân oan đất đai trước đây mà nhiều người trong số họ đã bị công an tống vào nhà giam từ năm này sang năm khác, khủng hoảng xã hội Việt Nam đã tiệm cận giới hạn bùng nổ và người dân, điển hình là ngư dân Hà Tĩnh và nông dân Đồng Tâm, đã vượt qua ranh giới sợ hãi trong lòng.
Tính chính nghĩa đương nhiên của họ trong việc bảo vệ môi trường sống và quyền được sống, tính hợp pháp của họ trong hành động phòng vệ chính đáng trước các lực lượng đàn áp của chính quyền càng vươn lên bao nhiêu, nỗi sợ hãi của giới quan chức chính quyền, công an cùng công cụ cảnh sát, an ninh càng run rẩy bấy nhiêu.
Sự nhượng bộ nhanh chóng của chính quyền Hà Nội trước nhân dân Đồng Tâm cũng cho thấy Bộ quốc phòng - được xem là cơ quan chủ quản của Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) và có lợi ích mật thiết với diện tích đất nông nghiệp muốn thu hồi ở Đồng Tâm - đã không dám dùng lực lượng quân đội để tấn công vào nhân dân, khác hẳn với "trận đánh đẹp" công an và quân đội vào gia đình Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng năm 2012.
Một sĩ quan quân đội giấu tên đầy bức bối : đừng có nói quân đội chung chung mà tội nghiệp, mà hãy tách biệt rõ ràng giữa những nhóm nhiều tiền lắm của, lợi dụng chính sách để trục lợi trong quân đội, với một tỷ lệ lớn hơn hẳn là những sĩ quan, chiến sĩ không liên quan gì đến các dự án kiếm tiền, càng không liên đới gì nạn tham nhũng trong quân đội. Chính khối sĩ quan và chiến sĩ ấy sẽ không cam tâm nghe lệnh cấp trên để quán triệt dân như lực lượng thù địch và tấn công dân. Quân đội Việt Nam vẫn còn giữ được một cái gì đó không cho phép chủ nghĩa lợi ích lũng đoạn…
Thắng lợi của nhân dân Đồng Tâm ngày hôm nay cũng chính là một chiến thắng trước các nhóm lợi ích tham tàn ở Việt Nam, đồng thời là một bài học xương máu cho những người vẫn còn quan niệm "có đảng là có tất cả".
Phạm Chí Dũng
Nguồn : CaliToday, 01/04/2018
Rốt cuộc, chính thể luôn bị quốc tế lên án là bóp nghẹt quyền tự do báo chí và tự do Internet đã phải gỡ bỏ quy định "đặt máy chủ ở Việt Nam" - một dự thảo mà trước đó đã đặt các hãng Google, Facebook, Viber, Skype, Gmail, Uber… trước đầu ruồi của nòng súng chuyên chế.
Bộ thông tin và truyền thông từng yêu cầu hãng Google phải đặt máy chủ ở Việt Nam. (Hình : Tuổi Trẻ)
Những ngày cuối tháng Ba, 2018, Ủy ban thường vụ Quốc hội chính thức cho biết không còn nội dung đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam trong bản dự thảo Luật An Ninh Mạng gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, với lý do "để bảo đảm tính khả thi và thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ vào Việt Nam".
Việc lược bỏ quy định trên diễn ra trong bối cảnh một trong những nhân vật tỏ ra bảo thủ, kiên định Cộng Sản và mang quan điểm "siết Internet" nhất là Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn lại bị "dính" vụ "Mobifone mua AVG" - rất có thể không chỉ liên đới trách nhiệm mà còn là phần "lại quả" lớn lao.
Từ thời điểm Ban bí thư đảng cầm quyền công bố chỉ đạo giải quyết vụ "Mobifone mua AVG" vào ngày 8 tháng Ba, 2018, cho tới nay, ông Trương Minh Tuấn hầu như "biến mất" khỏi các hoạt động quản lý và chính trị.
Kẻ mất
Vào năm 2016, Bộ tài chính đã "mạnh dạn" đề nghị và sau đó tiến hành ngay chính sách thu thuế bán hàng qua mạng để "bù đắp khó khăn ngân sách". Nhiều doanh nghiệp và cả cá nhân trước đó không phải đóng thuế khi quảng cáo hoặc PR bán hàng trên mạng xã hội, bắt đầu bị cơ quan thuế lẫn công an mạng "truy nã".
Theo cách nhìn riêng của Bộ tài chính, Google và Facebook đang cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến cho thị trường Việt Nam thông qua hai phương thức : qua các đại lý tại Việt Nam và mua bán trực tuyến ; thanh toán trực tuyến qua thẻ tài khoản tín dụng hoặc ví điện tử. Nếu thông qua đại lý, các doanh nghiệp trên phải thực hiện nghĩa vụ thuế khi phát sinh doanh thu nhưng ở phương thức mua bán và thanh toán trực tuyến lại chưa được quy định rõ nên có thể bên mua dịch vụ sẽ tự hợp thức hóa bằng cách mua hóa đơn của một dịch vụ khác. Khi thanh-kiểm tra thuế, cơ quan chức năng khó biết hết được giá trị thực của chi phí trả cho dịch vụ qua mạng.
Chỉ có điều, quản lý thu thuế trong nước là dễ hơn nhiều so với thu thuế của các hãng nước ngoài, vì các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh trong nước đã được cơ quan thuế áp mã số thuế nên dễ theo dõi và truy thu. Trong khi đó, các nhà mạng nước ngoài đa phần lại không có đại diện hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam nên dù Bộ tài chính quá muốn thu thuế thì cũng chẳng biết phải gặp ai và gặp ở đâu.
Vào cuối năm 2017, ngay sau khi Bộ công an tung ra dự thảo Luật An Ninh Mạng với Điều 34 đòi "đặt máy chủ ở Việt Nam", đến lượt Bộ tài chính tung ra dự thảo mới về Luật Quản Lý Thuế với đòi hỏi nhà cung cấp nước phải khai báo, nộp thuế nhà thầu đối với các dịch vụ mà tổ chức nước ngoài có cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.
Sau mục đích đầu tiên của Bộ công an về quản lý an ninh chính trị mà đã bị dư luận xã hội phản ứng quyết liệt, đã lộ ra mục đích thứ hai : cơ quan được ví là "tay hòm chìa khóa" của chính phủ và cũng của cả Bộ Chính Trị đảng đang tìm cách "ăn theo" Luật An Ninh Mạng bằng cách gia tăng áp thuế và hy vọng có thể thu bẫm thuế trong một khu vực kinh doanh mà từ trước tới giờ ngành thuế của Việt Nam không với tay được.
Hẳn đã có những cuộc họp liên bộ tài chính - công an - thông tin và truyền thông để phối hợp đồng bộ vừa siết mạng vừa thu tiền theo phương châm "không cho chúng nó thoát".
Trong khi đó, tình hình ngân sách nhà nước đã trở nên bi đát.
Năm 2017 đã chứng kiến một cơn túng quẫn hiếm có của ngân sách trung ương. Trong khi tỉ lệ bội chi vẫn duy trì ở mức cao mà không hề giảm đi, tỉ lệ thu ngân sách lại sụt giảm đáng kể - giảm hơn 3% so với dự toán đầu năm. Với đà thu thuế như hiện nay, rất có thể đến cuối năm 2018 ngân sách trung ương sẽ bị hụt thu đến 7% so với dự toán đầu năm - một tỉ lệ rất cao và sẽ khiến ngân sách này không biết tìm đâu ra hàng trăm ngàn tỷ đồng (trừ việc ồ ạt in thêm tiền) cho một đội ngũ công chức gần ba triệu người mà trong đó có đến 30% bị dư luận xem là "không làm gì cả nhưng vẫn đều đều lãnh lương".
Cùng lúc, các nguồn "ngoại viện" đều hầu như đóng cửa với Việt Nam. Trừ "kênh Nhật" còn đôi chút hy vọng về nguồn ODA, còn lại các chủ nợ lớn nhất của Việt Nam là Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu đều bắt Việt Nam phải vay với lãi suất và thời gian ân hạn theo mặt bằng thị trường từ tháng Bảy, 2017, tức lãi suất tăng gấp ba lần và thời gian ân hạn giảm còn một nửa so với cơ chế vay tín dụng ưu ái trước đó.
Đó cũng là nguồn cơn kiến Bộ tài chính chăm bẳm tìm cách đánh thuế các nhà mạng nước ngoài. Để song trùng các "phát minh" thu thuế bán hàng trên mạng, thu thuế "bảo vệ môi trường" và kể cả muốn thu thuế bằng bán… sim số đẹp, cơn bĩ cực ngân sách đang đánh thẳng vào hầu bao của giai tầng trung lưu và một phần "hạ lưu" qua thuế xăng dầu, thuế sử dụng đất, thuế VAT, và có trời mới biết còn bao nhiêu loại thuế khác - tình cảnh mà ngày càng nhiều người dân và cả quan chức phải thốt lên "sưu cao thuế nặng thế này thì còn hơn cả thời thực dân !".
Quy định "đặt máy chủ ở Việt Nam" (Khoản 4, Điều 34) được đưa vào dự thảo Luật An Ninh Mạng bởi vì Bộ công an vào năm 2017, cùng lúc được sự "nhất trí cao" của Bộ thông tin và truyền thông - cơ quan quản lý chính về Internet, đặc biệt mang dấu ấn của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khi ông Tuấn khăng khăng đòi các hãng Google, Facebook, Viber, Skype, Gmail, Uber… buộc phải có giấy phép hoạt động, có cơ quan đại diện, có đặt máy chủ quản lý dữ liệu người dùng ở Việt Nam mới được cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.
Nhưng khi buộc phải gỡ bỏ quy định "đặt máy chủ ở Việt Nam", không chỉ ông Trương Minh Tuấn mà cả chính thể Việt Nam còn mất cơ hội thu được một khoản phí lớn - có thể lên đến nhiều ngàn tỷ đồng - từ việc kinh doanh của các nhà mạng quốc tế tại Việt Nam.
Ai được ?
Chính một con số thống kê của Bộ thông tin và truyền thông cộng sản Việt Nam đã cho biết có tới hơn 80% người Việt dùng mạng xã hội. Cơ chế cấm cản mạng xã hội ở Việt Nam sẽ có thể ngay lập tức dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống thông tin trong khối doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khiến GDP - vốn đang quá èo uột - sẽ tăng tốc sụt về số âm.
Ngoài ra, còn có một nguồn cơn rất "tế nhị" và khác hẳn Trung Quốc : Trong khi ở Trung Quốc vẫn chưa xuất hiện "nhu cầu đấu đá nội bộ thông qua mạng xã hội", thì từ năm 2012, ở Việt Nam đã chính thức diễn ra cuộc chiến nội bộ đảng với trang mạng xã hội có tên Quan Làm Báo.
Đến cuối năm 2014, một trang mạng còn ghê gớm hơn là Chân Dung Quyền Lực đã hiện hình và khuynh đảo cả chính trường. Trước đại hội 12 của đảng cầm quyền, một số trang mạng xã hội cũng làm mưa làm gió với những tin tức thuộc loại "Tối Mật", Tuyệt Mật" của đảng và chính quyền. Từ đó đến nay, ngày càng nhiều trang mạng xã hội nặc danh được tung ra với ngồn ngộn thông tin phanh phui giới quan chức trong nội bộ về nạn tham nhũng, tài sản khủng, bồ nhí con riêng, thủ đoạn chạy chức chạy quyền…
Làm thế nào để "nhu cầu đấu đá nội bộ" có thể tồn tại trong thời gian tới, đặc biệt trong cuộc chiến sát phạt thâu tóm giữa các nhóm quyền lực mới - lợi ích mới đối với các nhóm quyền lực cũ - lợi ích cũ, nếu mạng xã hội bị chính các cơ quan quản lý Việt Nam siết chặt, còn Facebook và Google có thể bỏ chạy khỏi Việt Nam ?
Nhu cầu nội bộ đầy tế nhị ấy lại đang có triển vọng tăng vọt trong năm 2018 này…
Vào năm 2010, sau hàng loạt chính sách "siết cứng" ở Trung Quốc, hãng Google đã phải "bỏ của chạy lấy người".
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 01/04/2018
Một trong những mục tiêu quan trọng nhất, hoặc chính là mục tiêu cao nhất trong chuyến công du Pháp vào cuối tháng Ba năm 2018 của Nguyễn Phú Trọng, đã được xác nhận : vận động cho Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA) được Hội đồng Châu Âu và Nghị viện Châu Âu "linh hoạt sớm thông qua".
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vận động cho Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA) được Hội đồng Châu Âu và Nghị viện Châu Âu "linh hoạt sớm thông qua.
Người ta có thể đặt dấu hỏi về việc tại sao ông Trọng cần có cuộc gặp thứ ba với Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher, sau hai cuộc gặp với Tổng thống và Thủ tướng Pháp mà đáng ra đã mang lại đầy đủ "thể diện" lẫn "sĩ diện" dành cho "Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo" - nhân vật đứng đầu đảng cầm quyền ở Việt Nam.
"Hai bên bày tỏ mong muốn…"
"Chủ tịch Thượng viện Pháp cũng khẳng định sẽ tích cực quan tâm thúc đẩy phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU sau khi Hiệp định được ký kết, tạo động lực mới cho hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với Pháp và các nước EU" - một trong những nội dung mà các báo đảng như Thông tấn xã Việt Nam, Nhân Dân và Quân Đội Nhân Dân đưa tin.
Trong "Tuyên bố chung Việt Nam - Pháp" - bản văn được phát ra báo chí sau bữa ăn trưa giữa Macron và Trọng, chứ không như Tuyên bố chung Việt - Mỹ được phát đi sau một cuộc hội đàm chính thức Obama - Trọng kéo dài đến hơn một giờ đồng hồ tại Phòng Bầu dục ở Washington vào tháng Bảy năm 2015, cũng đề cập : "Hai bên bày tỏ mong muốn sớm ký kết và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu trong năm 2018 và đưa Hiệp định vào thực hiện nhanh chóng, hiệu quả".
Theo quy định của Liên Hiệp Châu Âu, muốn EVFTA được thông qua, Việt Nam cần có được toàn bộ đồng thuận của quốc hội ở 28 nước Châu Âu, mà nếu chỉ một nước không đồng ý thì Hà Nội coi như công cốc và trắng tay.
Đó là nguồn cơn vì sao ông Trọng lại phải gặp giới nghị sĩ của Quốc hội nước Pháp.
Vậy tương lai ngắn hạn và trung hạn của Hiệp định EVFTA, hay chính xác hơn là của bản dự thảo của hiệp định chưa thành hình này - sẽ ra sao hoặc đi về đâu ?
Cần chú ý, "Hai bên bày tỏ mong muốn…" luôn là một cụm từ thể hiện ý nguyện, thậm chí chỉ là một cụm từ thuần chất ngoại giao và xã giao chứ chưa hoặc không thể hiện tính hành động cụ thể. Có lẽ người Pháp đã tỏ thái độ thận trọng cần thiết khi dùng cụm từ này để hãm bớt sự nôn nóng muốn "ăn ngay" của giới chóp bu Hà Nội, với một hiệp định thương mại mà có thể cứu vãn nền kinh tế lẫn chân đứng của chế độ Việt Nam trong một khoảng thời gian ít năm nữa.
Có thể hiểu, "Hai bên bày tỏ mong muốn…" là tất cả những gì mà Nguyễn Phú Trọng đạt được về EVFTA trong chuyến công du Pháp. Thực tế quá đỗi sơ sài này, dù có được nêu trong "Tuyên bố chung Việt - Pháp" như một sự an ủi, cũng chẳng khác gì kết quả mà giới quan chức cấp cao của Việt Nam đã nhận, hoặc phải nhận, trong các chuyến "dân vận" giới chính khách Châu Âu cho EVFTA vào năm 2017.
Mật vụ Việt Nam thấp thoáng khắp Châu Âu
Sau khi EVFTA đã hoàn tất đàm phán vào cuối năm 2015 nhưng trải qua nguyên năm 2016 vẫn chẳng có tín hiệu nào được xúc tiến nhanh hơn việc ký kết và thông qua, đến năm 2017 ông Trọng đã phải liên tiếp chỉ đạo các đoàn của Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và Trưởng ban đối ngoại trung ương đảng Hoàng Bình Quân, chưa kể đoàn của Bộ Công thương và các bộ ngành khác, đi Châu Âu để vận động từng nước một. Tuy nhiên, một thực tế trơ trọi là tất cả những chuyến vận động này đều chỉ nhận được lời hứa hẹn chung chung từ giới chính khách Châu Âu. Tuyệt đối không có lấy một bản ghi nhớ hay thỏa thuận cam kết nào của bất kỳ quốc gia Châu Âu nào về việc sẽ "giúp Việt Nam sớm vào EVFTA".
Những chuyến "dân vận" Châu Âu của các đoàn Việt Nam đã chỉ giúp cho hệ thống báo đảng trong nước có thêm cơ hội tuyên giáo một chiều về Thụy Điển, Bỉ, Séc… "hoàn toàn ủng hộ Việt Nam tham gia EVFTA" theo phương châm "nhét chữ vào miệng" giới quan chức Châu Âu, cùng tinh thần "tự sướng" về "EU sẽ thông qua EVFTA vào cuối năm 2017" và sau đó là "EU sẽ thông qua EVFTA vào đầu năm 2018".
Nhưng cả thời gian năm 2017 và đầu năm 2018 đã bẵng trôi mà không có bất kỳ kết quả nào về "EU thông qua EVFTA". Tất cả vẫn lặng tăm chờ… cải thiện nhân quyền.
Trong khi đó, chủ đề nhân quyền Việt Nam ngày càng nóng bỏng nơi nghị trường Châu Âu.
Chỉ vài ngày trước chuyến thăm Pháp của Nguyễn Phú Trọng, 3 tổ chức nhân quyền quốc tế có trụ sở tại Paris là Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH), Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) và Hội Nhân quyền Pháp quốc (LDH) đã đồng ký chung một bức thư ngỏ gửi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, khẩn thiết yêu cầu "hãy đặt ra câu hỏi nóng bỏng về nhân quyền trong các cuộc tiếp xúc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng", yêu cầu Pháp tạo áp lực để Việt Nam phải trả tự do cho các tù nhân lương tâm, chấm dứt mọi sách nhiễu, bạo hành công an đối với các xã hội dân sự, cũng như chấm dứt các cuộc đàn áp tôn giáo và huỷ bỏ mọi điều luật chống nhân quyền.
Nhưng không chỉ có thế.
Nhân quyền còn liên quan đến… Trịnh Xuân Thanh.
Vào tháng Hai năm 2018, trang Borderlex của Châu Âu đã chính thức cho biết để thông qua EVFTA, "EU khăng khăng yêu cầu Việt Nam phê chuẩn ba hiệp ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tự do lập hội, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, và việc bãi bỏ lao động cưỡng bức dường như đã mang lại kết quả", và khẳng định "Phía sau việc trì hoãn này (EVFTA) còn có một số lý do chính trị như : ưu tiên đưa ra thỏa thuận của EU với Nhật Bản, cuộc đụng độ ngoại giao giữa Berlin và Hà Nội, và Liên Hiệp Châu Âu nhấn mạnh rằng Việt Nam cần tôn trọng hơn các quyền con người và quyền lao động".
"Cuộc đụng độ ngoại giao giữa Berlin và Hà Nội" lại chính là điều mà một quan chức ngoại giao Đức mô tả "như phim trong thời chiến tranh lạnh" : vụ Nhà nước Đức tố cáo mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin vào tháng Bảy năm 2018.
Không chỉ quyết định tạm ngừng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vào tháng 10/2017, hủy bỏ hiệp định miễn visa cho quan chức Việt Nam đi công tác ở Đức vào tháng tiếp sau đó, đến tháng Ba năm 2018 Tổng công tố Liên bang Đức còn tiến hành điều tra Trung tướng Đường Minh Hưng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an Việt Nam với cáo buộc vào tháng Bảy năm trước, ông Hưng đã tới Đức để phối hợp tổ chức vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại Berlin.
Cho tới nay, vẫn chẳng có dấu hiệu nào cho thấy các cuộc đàm phán giữa Đức và Việt Nam về vụ Trịnh Xuân Thanh được khai thông. Tất cả vẫn hầu như bế tắc.
Đã rất rõ là khác nhiều với cuộc công du Mỹ vào năm 2015, chuyến đi Pháp lần này của Nguyễn Phú Trọng đụng phải bầu không khí đón tiếp lạnh nhạt và đầy cảnh giác. Cả Châu Âu dường như đều thấp thoáng bóng dáng mật vụ Việt Nam.
Giờ đây, trong lúc giới chóp bu Việt Nam đang đôn đốc vận động Ủy ban Châu Âu hoàn tất bản thảo của EVFTA vào cuối tháng 3/2018 để trình Hội đồng Châu Âu và sau đó trình Nghị viện Châu Âu với hy vọng "sẽ thông qua vào mùa thu năm 2018", việc chính thể Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ động tác cải thiện nhân quyền nào đã khiến cho tiến trình EVFTA vẫn giậm chân tại chỗ, bất chấp trong chuyến công du pháp vào tháng Ba năm 2018, ông Trọng đã "đạo diễn" cho hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) mua 24 máy bay Airbus của Pháp - một thỏa thuận thương mại mà cũng giống như vụ Việt Nam đặt mua 100 máy bay Airbus của Pháp trong chuyến công du của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến nước này vào năm 2013 - có trời mới biết có được thực hiện hay chỉ là "thỏa thuận khống".
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 30/03/2018
Đã phát lộ ít nhất hai bất hợp lý - nghi vấn rất lớn liên đới trực tiếp đến quyết định cuối cùng về "chỉ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam" của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 28/3/2018 :
Nghi vấn lớn nhất là vì sao ông Phúc lại chấp nhận 16 ha đất sân bay ở phía Nam do Bộ Quốc phòng "trả lại" để xây dựng nhà ga T3 công suất 20 triệu hành khách/năm theo đề xuất của Công ty tư vấn ADP-I (Pháp) - do Bộ Giao thông và vận tải thuê, trong khi sân golf Tân Sơn Nhất lại một lần nữa được giới chức chính phủ cho lủi thoát khỏi sự phẫn nộ đã gần như đã bùng nổ của dư luận xã hội, không những thế vẫn ung dung ngự trị đến tận năm 2025 ?
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc
Sân golf Tân Sơn Nhất, nằm ở phía Bắc, từ nhiều năm nay đã chiếm dụng một diện tích 157 ha - gấp 10 lần con số 16 ha được "bồi thường" - nằm trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, chính là nguyên nhân chính khiến cho sân bay Tân Sơn Nhất rơi vào tình trạng kẹt cứng cả dưới đất lẫn trên trời.
Nghi vấn thứ hai là trong nội dung quyết định cuối cùng của Thủ tướng Phúc về mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, phương án mở rộng sân bay về phía Nam đã chỉ đề cập đến việc xây nhà ga T3 trên diện tích 16 ha của Bộ Quốc phòng, nhưng lại không, hoặc dường như cố ý mập mờ về việc có giải tỏa các khu dân cư hay không, và nếu giải tỏa thì diện tích giải tỏa là bao nhiêu.
Một thập kỷ chiếm dụng đất
Dù diện tích đủ để thiết lập một sân bay khổng lồ với hơn 3.000 ha thời Việt Nam Cộng Hòa để lại, nhưng từ sau 1975 sân bay Tân Sơn Nhất đã bị thẳng tay lấn chiếm diện tích bừa bãi khi đại gia nhóm lợi ích quân đội đã chiếm 157 ha đất vàng làm sân golf, nhà hàng, khách sạn, chung cư.
Tập đoàn Him Lam của ông Dương Công Minh bị xem là thủ phạm chiếm dụng 157 ha đất của sân bay dân sự Tân Sơn Nhất từ hàng chục năm qua. Dự án sân golf Tân Sơn Nhất cũng do tập đoàn này làm chủ đầu tư. Tập đoàn này còn tai tiếng với loạt scandal như : xây không phép sân tập golf và nhà hàng Him Lam ; tự ý lấn chiếm hành lang sông Sài Gòn, xây vượt tầng trái phép ; coi thường pháp luật, ngang nhiên cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp khác ; lọt danh sách đen cưỡng chế nợ của Bộ Tài chính với số tiền nợ lên tới 34,8 tỷ đồng… Theo một nhà báo có thâm niên trong ngành hàng không, thậm chí chủ tập đoàn này còn nhẫn tâm "đầu độc" người dân TP Hồ Chí Minh bằng 200 tấn thuốc trừ sâu đổ xuống sân golf Tân Sơn Nhất mỗi năm nhưng vẫn không hề bị truy cứu trách nhiệm.
Vào năm 2015, khi sân bay Tân Sơn Nhất bắt đầu rơi vào tình thế bế tắc giao thông, phía quân đội mà cụ thể là viên đại tướng bị coi là "thân Trung Quốc" Phùng Quang Thanh cùng con ruột là đại tá Phùng Quang Hải đã không một lần nhượng bộ đòi hỏi của làn sóng dư luận về thu hồi diện tích sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Đại tá Phùng Quang Hải lại là "chủ" một doanh nghiệp lớn trong quân đội mà được biết đã chiếm được rất nhiều khu đất vàng ở nhiều địa phương trên toàn quốc, trong đó có đất ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Mọi việc chỉ nhúc nhích chuyển động sau cú rớt đài của tướng Thanh tại Đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016, kéo theo cú ngã ngựa của Đại tá Hải vào cuối năm đó.
Sau câu chuyện "xuống chó" của cha con Phùng Quang Thanh, dường như xuất hiện cuộc "nổi dậy" của một nhóm tướng lĩnh trong quân đội - những người mà từ lâu đã bất đồng chính kiến với tướng Thanh về thái độ quỵ lụy với Trung Quốc và phản ứng với vô số lợi ích của gia đình tướng Thanh.
Tuy nhiên ngay cả khi nhóm tướng lĩnh trên có ra mặt ủng hộ chủ trương thu hồi sân golf, mọi chuyện vẫn không hề dễ dàng. Dù không còn Phùng Quang Thanh và Phùng Quang Hải, người dân vẫn e rằng "đạn" của những đại gia quân đội như Dương Công Minh vẫn còn quá dồi dào, đủ để bắn phá nhu cầu lưu thông thiết thân của dân chúng và khách quốc tế.
Trong thương trường và chính trường ở Việt Nam, "đạn" đã trở thành một ‘tôn giáo", được dân gian ví như "tiền là tiên là phật".
Không chỉ Dương Công Minh, mối đe dọa đối với dân cư và giao thông xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất còn là Bộ Giao thông vận tải - cơ quan chủ quản của sân bay này.
Những ai "bảo kê" sân golf Tân Sơn Nhất ?
Đến năm 2017, đường vào sân bay Tân Sơn Nhất đang trở nên nỗi kinh hoàng với tất cả hành khách. Rất nhiều lần tuyến chính dẫn vào sân bay là đường Trường Sơn cùng các đường nhánh bị kẹt suốt 3-4 tiếng đồng hồ, khiến nhiều hành khách phải bỏ xe hơi, ôm hành lý chạy vội vào nhà ga phi trường để khỏi lỡ chuyến bay.
Từ tháng 7/2017 khi bị dư luận phản ứng dữ dội về thực tồn sân golf Tân Sơn Nhất gây ra nạn kẹt cứng ở sân bay dân sự cùng tên, có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy vai trò "bảo kê" cho sân golf Tân Sơn Nhất đã cấp tập được chuyển từ một số quan chức Bộ Quốc phòng sang một số quan chức Bộ Giao thông vận tải.
Bộ trưởng Giao thông vận tải vào thời đó là ông Trương Quang Nghĩa.
Tại kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2017, một hiện tượng rất đáng bị điều tra đến nơi đến chốn là Bộ Giao thông vận tải - cơ quan chủ quản của sân bay dân sự Tân Sơn Nhất và sẽ là chủ thể được hưởng lợi nếu sân golf bị thu hồi để trả diện tích 157 ha về cho sân bay, lại tìm đủ mọi cách để bảo vệ cho phương án "chuyển Tân Sơn Nhất về Long Thành". Khi đó, Bộ trưởng Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa đã thuyết mị : "Chúng tôi đã tìm hiểu rất kỹ càng, các đồng chí bên Bộ Quốc phòng cũng rất ủng hộ, nhưng việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía bắc là hoàn toàn không khả thi".
Vì sao "mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía bắc là hoàn toàn không khả thi" ?
Sau một số phát hiện của mạng xã hội về các công trình sân golf, nhà hàng, khách sạn trong khu vực sân golf Tân Sơn Nhất, vài tờ báo nhà nước cũng đã có những bài điều tra và xác nhận hiện tồn tương tự, trong lúc giới quan chức Bộ Quốc phòng và Tập đoàn Him Lam của đại gia Dương Công Minh cho rằng "chỉ có sân golf".
Đến khi ấy, dấu hỏi đặt ra môt cách thách thức là nếu nhà nước thu hồi sân golf Tân Sơn Nhất, số kinh phí dùng để "bồi thường giải tỏa" cho cụm sân golf - nhà hàng - khách sạn - chung cư… đã được xây dựng quy mô và còn hứa hẹn sẽ phát triển thêm là quá lớn - lên đến ít nhất 3.000 tỷ đồng. Chính một chủ đầu tư của sân golf này - ông Trần Văn Tĩnh - đã nói ra con số đó và cũng toạc ra với báo chí : "sẵn sàng bàn giao sân golf Tân Sơn Nhất, nhưng phải bồi thường !" - như một cách mặc cả với ngân sách quốc gia cùng tiền đóng thuế của dân.
Quan điểm mặc cả trên lại rất nhất quán từ trên xuống dưới, và từ dưới lên trên trong hệ thống "nhóm lợi ích quân đội". Chỉ khoảng 3 tuần trước khi "phải bồi thường" của ông Trần Văn Tĩnh, Thứ trưởng quốc phòng Trần Đơn cũng đã "bắn ý" về "phải bồi thường" trong hội nghị quán triệt, triển khai kết luận của Thường vụ Quân ủy Trung ương về quản lý sử dụng đất quốc phòng khu vực sân bay Tân Sơn Nhất diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh vào sáng ngày 8/8/2017.
Đó là một thách thức chưa từng có trước pháp luật. Bởi chính Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng hợp đồng xây dựng sân golf Tân Sơn Nhất là vô hiệu. Mà hợp đồng đã vô hiệu thì chỉ có giải tỏa trắng chứ không bồi thường gì cả.
Rốt cuộc, sân golf Tân Sơn Nhất đã bị biến thành "kẻ tống tiền", còn ngân sách quốc gia và tiền thuế của dân tạo ra ngân sách lại bị biến thành một thứ "con tin".
ADP-I có "đi đêm" với Bộ Giao thông vận tải ?
Vào đầu năm 2018, trước bầu không khí búa rìu dư luận ngày càng sắc bén và nguy hiểm chính trị, ông Trương Quang Nghĩa có thể đã phải chọn lựa "giải pháp tình thế" là xin trung ương cho chuyển về Đà Nẵng làm bí thư thành ủy như một cách "hạ cánh an toàn".
Nhưng thay thế cho ông Nghĩa lại là một nhân vật mà đã gây tai tiếng đủ lớn về nạn "bảo kê BOT" chỉ vài tháng sau khi nhậm chức Bộ trưởng Giao thông vận tải : ông Nguyễn Văn Thể.
Tân bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã kế thừa nhiệm vụ "thuê tư vấn ngoại" của cựu Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, tức thuê Công ty tư vấn ADP-I của Pháp.
Vào đầu tháng Ba năm 2018, ADP-I đã công bố đánh giá "mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam". Nhưng ngay lập tức, công bố này bị dư luận xã hội phản ứng và nghi ngờ là tổ chức tư vấn này "đi đêm" với Bộ Giao thông vận tải.
Vậy "phía Nam" đó là gì ?
Đó là toàn bộ các khu dân cư của các quận Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình và cả Công viên Gia Định – một trong hiếm hoi lá phổi xanh cuối cùng của Sài Gòn.
Một con số ước tính của giới chuyên gia cho biết nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam, kinh phí giải tỏa đền bù các khu dân cư sẽ lên đến hơn 9 tỷ USD, tương đương hơn 200 ngàn tỷ đồng. Ngân sách đang cạn kiệt sẽ tìm đâu ra con số đó ?
Trước phương án của ADP-I đưa ra, Báo Tuổi Trẻ dẫn ý kiến của Tiến sĩ Dương Như Hùng – ĐH Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh – cho rằng kết quả báo cáo không đáng tin cậy. Bởi tư vấn không dự báo nhu cầu mà chỉ dự báo khả năng cung ứng của Tân Sơn Nhất ; dự báo không tham khảo các phương pháp dự báo tăng trưởng hàng không của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), nghiên cứu của Boeing.
Tiến sĩ Dương Như Hùng cũng cho rằng dự báo của ADP-I thiếu cơ sở khoa học khi dự báo lưu lượng Tân Sơn Nhất tăng 44 triệu khách năm 2020 lên 51 triệu khách vào năm 2025, ứng với mức tăng trưởng 2,87% mỗi năm, sau đó tăng 1,5% mỗi năm…
Nhiều chuyên gia phản biện độc lập cũng phản đối ADP-I và tỏ ra nghi ngờ tính trung thực của công ty tư vấn này.
Thế còn "quan điểm" của Thủ tướng Phúc là sao ?
Gót chân Asin
Vào giữa năm 2017, trước áp lực lớn của dư luận, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã phải chỉ đạo "mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về cả phía Bắc và phía Nam".
Chỉ đạo trên cho thấy rất nhiều khả năng ông Phúc muốn "đi hàng hai", vừa không mất lòng Bộ Quốc phòng và Quân ủy trung ương mà ông Nguyễn Phú Trọng là bí thư, cũng không đụng chạm đến nhóm lợi ích giao thông, vừa được tiếng "xử lý sân golf trong sân bay".
Nhưng 8 tháng sau đó, ông phúc đột ngột "trở cờ".
Tháng Ba năm 2018, không hiểu vì lý do "nể nang", "nhạy cảm" hay còn là "nhiệm vụ chính trị", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định "chỉ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam", cho dù rất nhiều chuyên gia và người dân đã kiến nghị phương án dễ nhất là thay vì mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam, Chính phủ hoàn toàn có thể lấy lại 157 ha sân golf Tân Sơn Nhất để làm sân bay mà còn không tốn một đồng ngân sách nào.
Quyết định trên như thể vừa bất chấp vừa thách thức làn sóng phản ứng phẫn nộ của dư luận xã hội và giới chuyên gia phản biện, bất chấp hình ảnh chình ình của sân golf Tân Sơn Nhất là nguồn cơn chính yếu dẫn đến tương lai cùng đường của "con tin sân bay Tân Sơn Nhất".
Nhưng dù vì lý do gì, quyết định trên của Thủ tướng Phúc đang khiến ông ta bị nghi ngờ đã "bắt tay" với nhóm lợi ích sân golf Tân Sơn Nhất và cả nhóm lợi ích sân bay Long Thành.
Chưa hết. Quyết định trên cũng vừa "kiến tạo" một gót chân Asin toang hoác trên cung đường chính trị của ông Phúc - một tử huyệt mà rất dễ bị bất cứ đối thủ chính trị nào khoan chọc tung tóe vào bất kỳ thời điểm nào trong tương lai ngắn hạn hay cùng lắm là trung hạn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 29/03/2018
Xảo ngôn "Việt Nam luôn quan tâm và bảo đảm các quyền con người" (nhân quyền) đã khiến một nước Pháp hiền hòa phải thay đổi quan niệm của mình.
Sau 5 năm tính từ năm 2013, nội dung và cách thức đề cập về nhân quyền trong bản tuyên bố chung Việt – Pháp đã được người Pháp điều chỉnh một cách đầy chủ ý.
Cuộc gặp Macron – Trọng : Tổng thống Pháp đã đề cập một cách nhấn mạnh về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Ảnh : Vietnamnet
Theo "Tuyên bố chung Việt Nam – Pháp" – bản văn được phát ra cho báo chí sau bữa ăn trưa giữa Tổng thống Macron và Nguyễn Phú Trọng, "Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản phù hợp với mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và phù hợp với những cam kết quốc tế mà hai bên cùng tham gia ký kết, vì sự phát triển của mỗi nước. Việt Nam và Pháp nhắc lại sự coi trọng các mục tiêu và nguyên tắc mà các cơ quan của Liên hợp quốc theo đuổi, trong đó có tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc".
Vào tháng Chín năm 2013, trong chuyến công du Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Jean – Marc Ayrault, hai bên đã ra bản tuyên bố chung với nội dung liên quan nhân quyền : "Pháp và Việt Nam, với quyết tâm tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, sẽ tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy quản trị tốt, nhà nước pháp quyền và các quyền con người. Trong lĩnh vực này, hai nước khẳng định ủng hộ Hiến chương Liên hợp quốc và Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, đồng thời quan tâm làm sâu sắc thêm đối thoại giữa EU và Việt Nam".
Có hai điểm khác biệt rõ rệt giữa hai bản tuyên bố chung vào năm 2013 và vào năm 2018 :
– Bản tuyên bố chung Việt – Pháp vào năm 2013 chỉ đề cập một cách chung nhất và không có điểm nhấn mạnh nào về chủ đề nhân quyền. Còn bản Tuyên bố Việt – Pháp năm 2018 đã dùng từ "nhấn mạnh".
– Trong bản tuyên bố chung Việt – Pháp vào năm 2013, nhân quyền chỉ được xếp vào mục thứ 6. Còn bản Tuyên bố Việt – Pháp năm 2018 đã đưa nhân quyền lên mục thứ 2, tức "ưu tiên" hơn nhiều.
Chắc chắn không phải ông Nguyễn Phú Trọng và giới quan chức Việt Nam mong muốn thứ tự "ưu tiên" như thế, mà do chính phía Pháp yêu cầu.
Vì sao lại ra "nông nỗi" ấy ?
Vào năm 2017, chính thể độc đảng ở Việt Nam đã "tiến bộ" đến mức tống giam đến ít nhất 25 nhà hoạt động nhân quyền và xử tù blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – người được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh tặng danh hiệu "Người phụ nữ can đảm quốc tế" đến 10 năm tù giam, chỉ vì Quỳnh viết bài phản đối và tố cáo nạn xả thải gây ra thảm họa ô nhiễm của Nhà máy Formosa cùng sự bao che quá trắng trợn của giới quan chức cao cấp Việt Nam.
Trong khi đó, hoạt động của Phong trào Lao Động Việt – một tổ chức xã hội dân sự độic lập đấu tranh cho quyền tự do thành lập nghiệp đoàn độc lập của công nhân ở Việt Nam, phù hợp với tiêu chí về lao động và quyền tự do nghiệp đoàn trong TPP lẫn EVFTA – vẫn bị chính quyền và công an cấm đoán nghiệt ngã. Trong năm 2017, Hoàng Bình – Phó chủ tịch của tổ chức này, đã bị công an Nghệ An bắt giam và xử tù nặng nề vào đầu năm 2018.
Chỉ vài ngày trước chuyến thăm Pháp của Nguyễn Phú Trọng, 3 tổ chức nhân quyền quốc tế có trụ sở tại Paris là Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH), Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) và Hội Nhân quyền Pháp quốc (LDH) đã đồng ký chung một bức thư ngỏ gửi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, khẩn thiết yêu cầu "hãy đặt ra câu hỏi nóng bỏng về nhân quyền trong các cuộc tiếp xúc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng’’, yêu cầu Pháp tạo áp lực để Việt Nam phải trả tự do cho các tù nhân lương tâm, chấm dứt mọi sách nhiễu, bạo hành công an đối với các xã hội dân sự, cũng như chấm dứt các cuộc đàn áp tôn giáo và huỷ bỏ mọi điều luật chống nhân quyền.
Ngay sau cuộc gặp Macron – Trọng, không phải báo đảng Việt Nam, mà những hãng thông tấn của Pháp như AFP đã loan tin là trong cuộc gặp này, Tổng thống Pháp Macron đã đề cập một cách nhấn mạnh về tình hình nhân quyền tại Việt Nam và trường hợp các blogger và các nhà bảo vệ nhân quyền bị bỏ tù, đồng thời kêu gọi Việt Nam thực hiện những cải cách để tăng cường nhà nước pháp quyền.
Đề cập và lời kêu gọi của Tổng thống Macron là logic với đánh giá cho rằng Chính phủ Pháp đã chủ động yêu cầu phía Việt Nam phải đưa nội dung "nhấn mạnh nhân quyền" vào Tuyên bố chung Việt – Pháp 2018 và đôn nội dung này lên vị trí thứ 2 trong bản tuyên bố này.
Nhưng bởi vị trí đầu tiên của bản tuyên bố chỉ là đoạn giới thiệu về lý do mời "năm 2018 kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược", về thực chất nội dung "nhấn mạnh nhân quyền" được ưu tiên số 1.
Cần nhắc lại, những chuyến "dân vận" Châu Âu của các đoàn Việt Nam vào năm 2017 đã chỉ giúp cho hệ thống báo đảng trong nước có thêm cơ hội tuyên giáo một chiều về Thụy Điển, Bỉ, Séc… "hoàn toàn ủng hộ Việt Nam tham gia EVFTA" theo phương chậm "nhét chữ vào miệng" giới quan chức Châu Âu, cùng tinh thần "tự sướng" về "EU sẽ thông qua EVFTA vào cuối năm 2017" và sau đó là "EU sẽ thông qua EVFTA vào đầu năm 2018".
Nhưng cả thời gian năm 2017 và đầu năm 2018 đã bẵng trôi mà không có bất kỳ kết quả nào về "EU thông qua EVFTA". Tất cả vẫn lặng tăm chờ Việt Nam… cải thiện nhân quyền.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : CaliToday, 28/03/2018
Từ năm 2001 khi Việt - Mỹ ký Hiệp định song phương thương mại (BTA) đến năm 2017, giá trị xuất siêu của hàng Việt Nam vào Mỹ đã tăng liên tiếp và gấp gần 150 lần, từ 200 triệu USD lên gần 30 tỷ USD. Nhưng 2018 rất có thể là năm đầu tiên chứng kiến cú sụt giảm của đường biểu diễn xuất siêu chưa từng đi xuống đó.
Công nhân Việt Nam chế biến cá ba-sa xuất khẩu ở tỉnh Bến Tre (ảnh tư liệu).
Chỉ trong năm 2017, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như tôm, thép và nhôm đã bị Bộ Thương mại Mỹ dự định áp thuế cao "ngất trời".
Doanh nghiệp "kêu thét"
Vào tháng Ba năm 2018, "điềm xấu" mới nhất đã hiện ra : tại kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (POR 13) về thuế chống bán phá giá cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, Bộ Thương mại Mỹ đã ra quyết định cuối cùng với mức thuế tăng cao nhất từ trước đến nay - cao gấp đôi giá bán.
Mức thuế quyết định cuối cùng của Mỹ cao gấp 1,6 lần so với mức thuế mà Mỹ đưa ra trong quyết định sơ bộ POR 13 hồi tháng 9-2017, cao gấp 4,9 lần so với mức thuế suất riêng lẻ trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 12 (POR 12) trước đó.
Mức thuế trên sẽ tác động thế nào đối với xuất khẩu cá tra của Việt Nam ?
"Đây là mức thuế cao nhất khủng khiếp đối với con cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Với mức thuế này thì coi như cá tra Việt Nam hết đường xuất khẩu sang Mỹ vì hiện tại giá xuất khẩu cá tra sang thị trường này đã là 4-5 USD/kg, xuất để làm gì nữa !" - hầu hết doanh nghiệp cá tra đã phải "kêu thét" lên về cái tương lai quá u ám ấy.
Nhưng cá tra không phải là mặt hàng chủ lực duy nhất mà rất có thể bị mất thị trường Mỹ.
Cũng vào tháng Ba và ngay trước vụ cá tra, Bộ Thương mại Mỹ gần như chắc chắn sẽ nâng tỷ lệ thuế đánh vào mặt hàng tôm Việt Nam lên hơn 25%, tức mặt hàng này sẽ phải chịu thuế cao gấp 21 lần so với mức chỉ khoảng 2% trước đây.
Vào năm 2017, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ đã giảm 7% còn 659 triệu USD. Nếu biện pháp đánh thuế tôm lên hơn 25% được Bộ Thương mại Mỹ kiên quyết áp dụng, chắc chắn giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam vào thị trường Mỹ còn giảm sút thê thảm.
Cộng hưởng với việc bị Liên minh Châu Âu "rút thẻ vàng" đối với hàng hải sản Việt Nam và đang lấp ló "thẻ đỏ", kim ngạch xuất khẩu của hải sản Việt Nam vào hai thị trường EU và Mỹ trong năm 2018 chắc chắn sẽ bị giảm sút phần nào, nếu không muốn nói là giảm đáng kể, so với doanh số năm 2017.
Thói "gian lận thương mại"
Song có lẽ điểm ngắm lớn nhất của Bộ Thương mại Mỹ là thép Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Cơ quan này cũng gần như chắc chắn sẽ nâng tỷ lệ thuế đánh vào thép Việt Nam lên đến 53%
Mặc dù các Hiệp hội thép Việt Nam, Bộ Công thương và nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thép vào Mỹ như Tập đoàn Hoa Sen, thép Nam Kim, tôn Nam Kim… bắt đầu phản ứng và cho rằng với mức thuế ấy, Việt Nam sẽ mất thị trường xuất khẩu thép vào Mỹ, nhưng lại có một nguồn cơn bị xem là "gian lận thương mại" đủ trở thành cái lý xác đáng để người Mỹ chế tài đối với thép Việt Nam.
Vào tháng 12/2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã thông báo một phát hiện chấn động : có đến 90% sản phẩm thép từ Việt Nam nhập sang Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc.
Nếu bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ áp dụng biện pháp trừng phạt đánh thuế "thép Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc", toàn bộ ngành thép Việt Nam sẽ bị tác động tiêu cực, trong đó có nhiều sản phẩm thép do chính Việt Nam sản xuất.
Nhưng hậu quả trên lại giống như một kết quả tất yếu mà những doanh nghiệp Việt Nam cùng Bộ Công thương mang nặng não trạng và thói quen "ăn" hàng Trung Quốc phải gánh chịu.
Không những thế, có nhiều dấu hiệu và biểu hiện cho thấy doanh nghiệp Việt Nam còn tiếp tay với doanh nghiệp Trung Quốc để nhập khẩu thép và nhôm Trung Quốc vào Việt Nam, sau đó "mông má" rồi dán nhãn Việt Nam để xuất sang Mỹ. Nghi vấn kho nhôm tại Công ty Nhôm Toàn Cầu Việt Nam ở Bà Rịa-Vũng Tàu có dấu hiệu lợi dụng buôn lậu, tuồn hàng xuất xứ Trung Quốc vào là một ví dụ điển hình.
Vào cuối năm 2016, tờ Wall Street Journal cho hay sau khi bị Mỹ đánh thuế bán phá giá, công ty của tỉ phú Liu Zhongtian và nhiều nhà xuất khẩu nhôm Trung Quốc đã tìm cách thành lập các pháp nhân bí mật tại những nước như Mexico hay Việt Nam để che giấu nguồn gốc, xuất xứ nhằm trốn thuế khi xuất khẩu hàng của mình vào Mỹ.
Đầu năm 2017, 500.000 tấn nhôm được chất lên tàu và chuyển từ Mexico đã được vận chuyển tới một cảng biển ở Vũng Tàu.
Dù Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan - đã tổ chức kiểm tra vụ việc trên và xác định nghi vấn trên là "chưa có căn cứ", không ai dám bảo đảm rằng các cơ quan hay những quan chức "có trách nhiệm" của Việt Nam lại không "đi đêm" với doanh nghiệp Trung Quốc - tương đồng với truyền thống phí Trung Quốc được xem là "chi thoáng nhất" cho quan chức Việt.
Đã từ quá nhiều năm qua, cán cân xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc bị mất cân đối cực kỳ nghiêm trọng : Việt Nam luôn phải nhập siêu đều đặn từ "bạn vàng" Trung Quốc gần 30 tỷ USD/năm theo đường chính ngạch, chưa kể đường tiểu ngạch khoảng 20 tỷ USD/năm.
Chỉ một tháng sau việc bất thần tung ra biện pháp trừng phạt đánh thuế "thép Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc", Hoa Kỳ đã khiến giới chức thương mại Việt Nam" chịu sốc thêm một lần nữa khi thông báo với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về 8 công ty mà lẽ ra Việt Nam phải đăng ký là "doanh nghiệp nhà nước" theo quy tắc thương mại toàn cầu.
8 công ty mà Mỹ khai báo với WTO đều là những cái tên nổi đình nổi đám ở Việt Nam : Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và công ty con là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)…, đều là doanh nghiệp nhà nước và do Chính phủ Việt Nam sở hữu trên 50% cổ phần. Trong quan hệ làm ăn ở Việt Nam, các doanh nghiệp này vẫn thường rất tự hào với mác "quốc doanh" của họ. Không những thế, một số trong các doanh nghiệp nhà nước này đã từ quá lâu nay được hưởng thế độc quyền kinh doanh và do đó luôn tạo áp lực đáng kể đối với người tiêu dùng và xã hội về giá cả theo lối "một mình một chợ".
Vụ việc 8 doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam bị phía Hoa Kỳ cáo buộc lên WTO chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp này, bởi cả 8 doanh nghiệp nhà nước này đều tham gia hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu.
"Công bằng và đối ứng"
Tròn một năm sau thời điểm liệt Việt Nam vào danh sách 16 quốc gia "gây hại" cho nền kinh tế Mỹ, đúng vào ngày Lễ Tình Yêu 14 tháng Hai năm 2018, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dường như muốn bày tỏ "tình yêu" đối với chính thể độc đảng ở Việt Nam bằng cử chỉ "siết nợ" thông qua nội dung "hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về các vấn đề thương mại và cam kết sẽ tăng cường, mở rộng mậu dịch song phương công bằng và đối ứng".
Dấu hỏi lớn là sau "công bằng và đối ứng" về thép, nhôm, tôm và cá tra, Trump sẽ còn có thêm những chế tài thương mại nào đối với Việt Nam ?
Ngày càng rõ là người thay thế tổng thống cũ Obama đã không còn dành nhiều ưu ái cho Việt Nam.
Luôn là một ẩn số khó đoán định và không hề ưu ái Việt Nam, Trump đang trở thành một trong những nhà lãnh đạo thực dụng nhất trên thế giới, dẫn đến khả năng giá trị xuất siêu của Việt Nam vào Mỹ trong năm 2018 bị sụt giảm, thậm chí sụt khá mạnh so với năm 2017 đang ngày càng hiện rõ, càng khiến rệu rã chân đứng của chế độ chính trị Hà Nội trong bối cảnh nền ngân sách Việt Nam đang ngắc ngoải trong nỗi bế tắc của nợ công - nợ nước ngoài, nợ xấu, bội chi, nợ lương, nạn tin tiền và lạm phát tăng vọt.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 28/03/2018
"Nhờ" Pháp tác động Đức ?
Cuối cùng, những thông tin không chính thức xuất hiện từ cuối tháng Hai năm 2018 về khả năng ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam - sẽ có một chuyến công du Pháp với lý do danh nghĩa "Kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Pháp", đã được xác nhận chính thức bởi báo đảng.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu tại Điện Invalides ở Thủ đô Paris, Pháp, ngày 26/3/2018. (Ảnh : TTXVN)
Chuyến đi trên sẽ diễn ra từ ngày 25 đến 27 tháng Ba năm 2018.
Còn nguyên do thực chất là gì ?
Dự đoán của một số nhà quan sát thời cuộc cho rằng về thực chất, Việt Nam đã phải dùng đến nhân vật cao nhất để xúc tiến vận động cho Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA) được Hội đồng Châu Âu và Nghị viện Châu Âu "linh hoạt sớm thông qua".
Nhưng vì sao Nguyễn Phú Trọng cần đi Pháp ?
Pháp là quốc gia nằm trong nhóm "đầu tàu" của lục địa già về kinh tế, chính trị và quân sự.
Cũng đã xuất hiện những dự đoán về khả năng ông Trọng muốn "nhờ" Pháp tác động đến Nhà nước Đức - cũng là một "đầu tàu" kinh tế và chính trị ở Châu Âu, trong thực tế có thể tác động mạnh mẽ đến quyết định của nhiều nước Tây Âu và cả Đông Âu về việc có thông qua EVFTA hay không.
Nhân quyền và… Trịnh Xuân Thanh
Mặc dù EVFTA đã hoàn tất đàm phán từ cuối năm 2015, nhưng tiến độ trình và thông qua đến nay vẫn như "rùa", khiến giới chóp bu Việt Nam thật sự sốt ruột và đã phải cử nhiều đoàn của chính phủ, quốc hội và cả của đảng đi "dân vận" ở các nước Châu Âu trong vài năm gần đây.
Chỉ riêng trong năm 2017, Hà Nội đã phải liên tiếp cử các đoàn của Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và Trưởng ban đối ngoại trung ương đảng Hoàng Bình Quân, chưa kể đoàn của Bộ Công thương và các bộ ngành khác, đi Châu Âu để vận động từng nước một. Tuy nhiên, một thực tế "phũ phàng" là tất cả những chuyến vận động này đều chỉ nhận được lời hứa hẹn chung chung từ giới chính khách Châu Âu. Tuyệt đối không có lấy một bản ghi nhớ hay thỏa thuận cam kết nào của bất kỳ quốc gia Châu Âu nào về việc sẽ "giúp Việt Nam sớm vào EVFTA".
Ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu (EU) tại Hà Nội và Phó Thủ tướng Việt Nam Vương Đình Huệ, tại Hà Nội, ngày 21/11/2017.
Sau khi TPP đổ vỡ lần đầu vào đầu năm 2017 do Mỹ chính thức rút khỏi hiệp định này, chính thể Việt Nam chỉ còn EVFTA là hiệp định thương mại mang lại lợi lộc nhiều nhất ứng với đà xuất siêu của Việt Nam sang Châu Âu lên đến 25 tỷ USD mỗi năm - gần bằng giá trị nhập siêu lên đến 30 tỷ USD hàng năm (chỉ tính theo đường chính ngạch, chưa kể khoảng 20 tỷ USD nhập siêu theo đường tiểu ngạch) của Việt Nam từ Trung Quốc.
Nhưng muốn EVFTA được thông qua, Việt Nam lại cần có được toàn bộ đồng thuận của quốc hội ở 28 nước Châu Âu, mà nếu chỉ một nước không đồng ý thì Hà Nội coi như công cốc và trắng tay.
Nhưng vào tháng Hai năm 2018, trang Borderlex của Châu Âu đã chính thức cho biết để thông qua EVFTA, "EU khăng khăng yêu cầu Việt Nam phê chuẩn ba hiệp ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tự do lập hội, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, và việc bãi bỏ lao động cưỡng bức dường như đã mang lại kết quả", và khẳng định "Phía sau việc trì hoãn này (ECFTA) còn có một số lý do chính trị như : ưu tiên đưa ra thỏa thuận của EU với Nhật Bản, cuộc đụng độ ngoại giao giữa Berlin và Hà Nội, và Liên Hiệp Châu Âu nhấn mạnh rằng Việt Nam cần tôn trọng hơn các quyền con người và quyền lao động".
Đây là lần đầu tiên EU thể hiện quan điểm và hành động quyết liệt đến thế về các điều kiện nhân quyền để "trao đổi" EVFTA. Những hiệp ước của ILO mà chính thể Việt Nam đã chỉ hứa nhưng lại cố tình"ngâm tôm" suốt vài chục năm qua, sẽ được nêu ra một lần nữa nhưng mang tính tiên quyết hơn nhiều so với trước đây. Bản chất của những hiệp ước này lại là định chế công đoàn độc lập - loại hình mà giới chóp bu Việt Nam luôn xem là "diễn biến hòa bình" và rất e ngại.
Còn "cuộc đụng độ ngoại giao giữa Berlin và Hà Nội" lại chính là điều mà một quan chức ngoại giao Đức mô tả "như phim trong thời chiến tranh lạnh" : vụ Nhà nước Đức tố cáo mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin vào tháng Bảy năm 2018.
Đến tháng Ba năm 2018, hàng loạt báo Đức như tờ Süddeutscher Zeitung, kênh truyền hình ARD NDR và WDR đưa tin là Tổng công tố Liên bang Đức bắt đầu tiến hành điều tra Trung tướng Đường Minh Hưng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an Việt Nam với cáo buộc vào tháng Bảy năm trước, ông Hưng đã tới Đức để phối hợp tổ chức vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại Berlin.
Câu chuyện "tình hữu nghị Việt - Đức" đã trở nên nghiêm trọng đến mức không chỉ ra thông báo quyết định tạm ngừng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vào tháng 10/2017, hủy bỏ hiệp định miễn visa cho quan chức Việt Nam đi công tác ở Đức vào tháng tiếp sau đó, người Đức còn đang dùng tới biện pháp trừng phạt đầy chủ ý về tư pháp và công pháp quốc tế.
Hãy thử hình dung bối cảnh hiện thời : trong lúc giới chóp bu Việt Nam đang đôn đốc vận động Ủy ban Châu Âu hoàn tất bản thảo của EVFTA vào cuối tháng 3/2018 để trình Hội đồng Châu Âu và sau đó trình Nghị viện Châu Âu với hy vọng "sẽ thông qua vào mùa thu năm 2018", làm thế nào để các quốc gia Châu Âu dễ dãi "gật" nếu nước Đức quyết liệt đến thế ?
Lại "có tiếng không có miếng" ?
Trước tình thế nan giải ấy, giới lãnh đạo Việt Nam phải đứng trước hai sự lựa chọn : hoặc là giữ nguyên và chờ đợi sự phê chuẩn của EU cùng tất cả 28 nước thành viên, hoặc là tách phần danh mục đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp nhà nước - nhà đầu tư thành một hiệp định riêng và để phần còn lại được phê chuẩn bởi riêng Châu Âu.
Nếu phải chờ toàn bộ 28 nước Châu Âu đồng thuận, EVFTA sẽ còn mất nhiều thời gian nữa. Hoặc sẽ… không bao giờ.
Trịnh Xuân Thanh bị xét xử tại tòa án Hà Nội.
Cho tới nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Hà Nội muốn nhượng bộ Berlin về vụ Trịnh Xuân Thanh. Cũng có nhiều dấu hiệu cho thấy các cuộc đàm phán giữa hai bên - kéo dài từ tháng Tám năm 2017 đến nay - vẫn hầu như bế tắc.
Những biểu hiện mới nhất cho thấy có vẻ Việt Nam đang nghiêng về phương án "ăn non", tức "tách phần danh mục đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp nhà nước - nhà đầu tư thành một hiệp định riêng và để phần còn lại được phê chuẩn bởi riêng Châu Âu". Cho dù nếu thực hiện phương án này, ngay trước mắt Việt Nam chỉ "có tiếng mà ít miếng", vì lợi ích thực tế của phương án này có thể còn xa mới đạt kỳ vọng thực dụng của Hà Nội.
Cần nhắc lại, những chuyến "dân vận" Châu Âu của các đoàn Việt Nam đã chỉ giúp cho hệ thống báo đảng trong nước có thêm cơ hội tuyên giáo một chiều về Thụy Điển, Bỉ, Séc… "hoàn toàn ủng hộ Việt Nam tham gia EVFTA" theo phương chậm "nhét chữ vào miệng" giới quan chức Châu Âu, cùng tinh thần "tự sướng" về "EU sẽ thông qua EVFTA vào cuối năm 2017" và sau đó là "EU sẽ thông qua EVFTA vào đầu năm 2018".
Nhưng cả thời gian năm 2017 và đầu năm 2018 đã bẵng trôi mà không có bất kỳ kết quả nào về "EU thông qua EVFTA". Tất cả vẫn lặng tăm chờ… cải thiện nhân quyền.
Trong khi đó, biểu hiện kèm bằng chứng "cải thiện nhân quyền" mới nhất và rõ nhất của chính thể Việt Nam lại là vụ lôi một nhà hoạt động công đoàn độc lập là Hoàng Bình - Phó chủ tịch Phong trào Lao động Việt - ra tòa và kết cái án tù giam khủng khiếp đến 13 năm.
Vậy liệu chuyến công du Pháp của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ gặt hái được thành công gì về EVFTA ? Hay cho dù ông Trọng có được người Pháp đón tiếp như "nguyên thủ quốc gia", cũng rất dễ xảy đến kết quả "có tiếng không có miếng" như những chuyến đi Châu Âu vào năm 2017 của các thuộc cấp của ông ?
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 26/03/2018
Đang hé ra một khả năng các cơ quan tư pháp, dưới "sự lãnh đạo toàn diện" của đảng cầm quyền và hơi nóng bốc lên ngùn ngụt từ "lò" của Nguyễn Phú Trọng, có thể truy ngược vụ "Ngân hàng nhà nước mua lại Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) với giá 0 đồng".
Theo Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (người đứng), việc mua ngân hàng giá 0 đồng không chỉ là cố ý làm trái mà còn nằm trong nhóm tội phạm về tham nhũng. Ảnh : Pháp luật
Tín hiệu trên lộ ra trong phiên tòa xử "Đinh La Thăng giai đoạn 2" – liên quan vụ 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) gửi vào OceanBank nhưng đã không cánh mà bay.
Cho tới thời điểm này, chi tiết đáng chú ý của phiên tòa trên là cả cơ quan điều tra lẫn Viện Kiểm sát tối cao đều không đưa ra được những chứng cứ chứng minh là Đinh La Thăng đã bỏ túi riêng một phần nào đó trong số 800 tỷ đồng của PVN. Tuy nhiên và như "kịch bản" của vụ xử Đinh La Thăng vào tháng Hai năm 2018, Viện Kiểm sát tối cao vẫn đề nghị xử nặng ông Thăng với mức án từ 18 – 19 năm tù giam về tội "cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng".
Một chi tiết đáng chú ý khác trong phiên xử "Đinh La Thăng giai đoạn 2" là lời tự bào chữa của ông Thăng : "Thực tế, việc mua OceanBank với giá 0 đồng, chuyển thành ngân hàng trách nhiệm hữu hạn MTV thì Ngân hàng nhà nước đã bỏ đồng nào vào Ngân hàng Đại Dương chưa khi vẫn đăng ký vốn điều lệ là 4.000 tỷ đồng ? Ngân hàng nhà nước lấy tiền đâu để bỏ vào đấy ? Nếu Ngân hàng nhà nước lấy tiền ngân sách bỏ vào đấy là vi phạm Luật Ngân sách nhà nước vì theo quy định, không thể lấy tiền của nhà nước bù lỗ cho doanh nghiệp".
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Huy Thiệp – người bào chữa cho ông Đinh La Thăng cho rằng : "Hôm qua, có luật sư đặt ra rằng việc mua 0 đồng chính là cố ý làm trái. Tôi cho rằng nghiêm trọng hơn, nó nằm trong nhóm tội phạm về tham nhũng : lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ, hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản".
Chi tiết đáng chú ý thứ ba là những phát biểu trên của hai ông Đinh La Thăng và Nguyễn Huy Thiệp đã được một số tờ báo nhà nước đăng lại nguyên văn, cho dù đây có thể là những nội dung thuộc loại "nhạy cảm" và có thể không thật thuận lợi với ý chỉ "án bỏ túi" của đảng tại phiên xử này.
Có dấu hiệu cho thấy thêm một lần nữa sau vụ cựu phó thống đốc Ngân hàng nhà nước Đặng Thanh Bình bị truy tố, vòng vây dần siết lấy Nguyễn Văn Bình – cựu thống đốc Ngân hàng nhà nước và hiện thời là Ủy viên Bộ chính trị kiêm Trưởng ban Kinh tế trung ương.
Có một sự thật không thể chối bỏ là vào năm 2015, trước khi Đại hội 12 của đảng cầm quyền diễn ra, Ngân hàng nhà nước đã quyết định mua 3 ngân hàng với giá 0 đồng – Ngân hàng Xây Dựng (VNCB), Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu (GP) và Ngân hàng Đại Dương. Nhân vật quyết định mua 3 ngân hàng trên với giá 0 đồng chính là Nguyễn Văn Bình – thống đốc Ngân hàng nhà nước vào thời gian đó.
Cũng vào năm 2015, theo những tin tức đã từng được coi là "tuyệt mật" nhưng rút cục được công khai trên báo chí, nợ xấu của ba ngân hàng trên là hơn 20.000 tỷ đồng – một con số không cách gì trả nổi so với vốn điều lệ của ba ngân hàng chỉ vào khoảng 10.000 tỷ đồng. Cả ba ngân hàng này lại đều có quan chức lãnh đạo bị khởi tố và sau đó bị truy tố lẫn án tù.
Tại sao Ngân hàng nhà nước mua 3 ngân hàng trên với giá 0 đồng ? Phải chăng Thống đốc Bình làm theo lệnh của thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng để "đạt thanh tích trước đại hội 12", nghĩa là vừa bảo đảm "nợ xấu không vượt quá 3%", vừa "khoanh" những ngân hàng xấu mà không để bị phá sản – một bằng chứng mà nếu xảy ra thì chắc chắn sẽ bị những đối thủ chính trị của ông Nguyễn Tấn Dũng lợi dụng triệt để để quy trách nhiệm "điều hành yếu kém" đối với ông ?
Hay hành động Ngân hàng nhà nước quyết định mua lại các ngân hàng trên với giá 0 đồng là một chiêu thức thâu tóm lẫn nhau giữa các nhóm lợi ích ngân hàng ? Với "đặc thù" cùng có 2-3 cán bộ lãnh đạo bị bắt và sau đó không lâu đều "được" Ngân hàng nhà nước mua lại với giá 0 đồng, trường hợp của GP, VNCB và OceanBank đang đặt ra dấu hỏi rất lớn : phải chăng có một thế lực bí ẩn và thâm sâu nào đó muốn mượn tay Ngân hàng nhà nước để "thôn tính" các ngân hàng nhỏ thông qua "cơ chế bắt chủ ngân hàng" ?
Và Ngân hàng nhà nước lấy tiền ở đâu để mua các ngân hàng trên, dù là tuyên bố mua giá 0 đồng" ?
Từ sau vụ mua bán có vẻ rất ám muội trên, rất nhiều dư luận đã đặt dấu hỏi lớn về ý đồ Ngân hàng nhà nước đã dùng tiền ngân sách, tức tiền đóng thuế của dân, để giải cứu những ngân hàng thương mại sắp đổ bể.
Nhưng từ sau đại hội 12 của đảng cầm quyền cho tới nay, bất chấp nhiều dư luận và cả đại biểu quốc hội nêu nghi vấn về việc Ngân hàng nhà nước lấy đâu ra tiền để mua 3 ngân hàng trên, vẫn không hề có câu trả lời từ phía Ngân hàng nhà nước và Ủy viên bộ chính trị Nguyễn Văn Bình. Tất cả đều "trốn biệt".
Hãy quay trở lại lời khai của Đinh La Thăng tại tòa : "Thực tế, việc mua OceanBank với giá 0 đồng, chuyển thành ngân hàng trách nhiệm hữu hạn MTV thì Ngân hàng nhà nước đã bỏ đồng nào vào Ngân hàng Đại Dương chưa khi vẫn đăng ký vốn điều lệ là 4.000 tỷ đồng ? Ngân hàng nhà nước lấy tiền đâu để bỏ vào đấy ?".
Rất đáng chú ý, đây là lần đầu tiên xuất hiện một con số (4.000 tỷ đồng) liên quan đến vụ "mua ngân hàng giá 0 đồng", bởi trước đó đã không hề tồn tại bất kỳ con số nào, trong bất kỳ báo cáo hay phát ngôn nào của Ngân hàng nhà nước và các cơ quan, cá nhân liên quan về vụ việc đầy khuất tất này.
Vậy con số 4.000 tỷ trên từ đâu ra ? Có phải được lấy từ ngân sách ?
Con số 4.000 tỷ trên lại chỉ mới chứng minh cho vụ mua giá 0 đồng đối với OceanBank, mà chưa tính tới những con số tương tự hoặc có thể còn lớn hơn để mua giá 0 đồng tại VCB và GP.
Trách nhiệm trả lời những câu hỏi trên thuộc về cựu thống đốc Nguyễn Văn Bình.
Nếu quả đúng là Ngân hàng nhà nước đã lấy 4.000 tỷ đồng từ ngân sách để mua OceanBank, đây chính là một vụ cố ý làm trái với mức độ ghê gớm, xứng đáng để Nguyễn Văn Bình bị "hồi tố", sau đó bị khởi tố và truy tố, phải nhận một mức án không thua gì Đinh La Thăng.
Phần lớn, nếu không muốn nói là toàn bộ tương lai của Nguyễn Văn Bình, lại đang tùy thuộc vào một quyết định của Nguyễn Phú Trọng.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : CaliToday, 26/03/2018
Hội nghị trung ương 7 của Đảng cộng sản Việt Nam được nhiều thông tin cho biết có thể diễn ra vào tháng Năm, 2018, nhưng cũng có thể sẽ xảy đến sớm hơn vào tháng Tư. Nếu khả năng này xảy ra, khá rõ ràng là đang có một sức ép về "công tác nhân sự cao cấp" – có thể biến động lớn "người vào, kẻ ra" trong Bộ chính trị, kéo theo thay đổi về lịch họp của Hội nghị trung ương 7.
Ông Lê Nam Trà, cựu chủ tịch MobiFone, được xác định là một trong những người có trách nhiệm lớn trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG. (Hình : Báo Tuổi Trẻ)
Sức ép thời gian
Chỉ sau Tết Nguyên Đán 2018 khoảng 3 tuần, không khí chính trường Việt Nam lại sôi sục cùng sức nóng hầm hập bốc ra từ "lò" của Tổng bí thư Trọng. Liên tiếp các vụ "công an đánh bạc" bắt Thiếu tướng công an Nguyễn Thanh Hóa, mở phiên tòa xử cựu ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng vụ "800 tỷ", tiếp tục điều tra vụ Vũ "Nhôm", chỉ đạo xử lý vụ "Mobifone mua AVG"…
Một tuần sau ngày 12 tháng Ba là thời điểm ông Trọng cùng dàn tham mưu là ban bí thư họp để chỉ đạo xử lý vụ "Mobifone mua AVG", nguồn tin từ Ủy ban Kiểm tra trung ương cho biết cơ quan này đã phân công người tiếp nhận hồ sơ thanh tra thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG và sẽ sớm lập đoàn kiểm tra, xử lý trách nhiệm chính trị những người có khuyết điểm liên quan.
Tuy nhiên, việc "phân công tiếp nhận" trên có thể chỉ là một cách nói mang tính bề mặt. Bởi nếu Hội nghị trung ương 7 diễn ra đúng vào tháng Tư thay vì tháng Năm, sức ép về thời gian đối với Ủy ban Kiểm tra trung ương sẽ rất lớn. Sẽ rất cập rập và có thể dẫn đến hiệu quả kiểm tra kém chất lượng nếu sắp tới mới "lập đoàn kiểm tra", chưa kể còn phải có thời gian hoàn tất báo cáo kiểm tra, trình Ban bí thư và Tổng bí thư.
Rất có thể, ngay vào lúc này bản dự thảo kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra trung ương về vụ "Mobifone mua AVG" đã cơ bản hoàn thành, chỉ chờ "kiểm tra bổ sung" và gia cố thêm một số tình tiết, đánh giá mới, liên quan những nhân vật cao cấp "đến lúc này mới chịu khai".
Có một "kinh nghiệm" làm báo cáo bảo đảm tính tốc độ và còn ghi kỷ lục của ngành tư pháp Việt Nam : trong quá tình tố tụng hình sự đối với Đinh La Thăng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ mất có 6 ngày để hoàn tất bản cáo trạng. Trước đó, Cơ quan điều tra Bộ công an chỉ mất có 11 ngày để hoàn tất kết luận điều tra.
Trên phương diện cơ học, chẳng có gì quá đáng ngạc nhiên đối với Cơ quan điều tra nếu cơ quan này mang bản kết luận điều tra – đã được cơ bản hoàn tất từ sau khi có kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra trung ương về vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vào tháng Tư, 2017 – để "tân trang" thành báo cáo kết luận điều tra chính thức. Và cũng chẳng có gì lạ nếu Viện kiểm sát nhân dân tối cao lại "sao y bản chánh" kết luận điều tra thành cáo trạng, chỉ thay ngày tháng năm, tên cơ quan, chữ ký và con dấu.
Vào ngày 16 tháng Giêng, 2018, thanh tra chính phủ đã báo cáo với Ban bí thư và Ủy ban Kiểm tra trung ương về vụ "Mobifone mua AVG". Đó cũng là lần đầu tiên dự thảo thanh tra về vụ việc này được chính thức báo cáo và đưa tin, ngay sau khi một phó tổng thanh tra là Ngô Văn Khánh vừa nghỉ hưu. Ngô Văn Khánh vốn được biết đến có nhiều tài sản "khủng" hết sức bất thường, lại phụ trách thanh tra vụ "Mobifone mua AVG" nhưng đã cố ý "ngâm tôm" không công bố kết luận thanh tra hơn một năm trời.
Rất có thể, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã "copy" kết luận thanh tra từ tháng Giêng, 2018, để đến lúc này đã có trong tay một cơ sở dữ liệu đồ sộ trên cơ sở "kế thừa" từ thanh tra chính phủ.
Tiến độ xử lý vụ "Mobifone mua AVG" cũng bởi thế có thể sẽ nhanh, thậm chí rất nhanh.
Nếu Hội nghị trung ương 7 diễn ra đúng vào tháng Tư thay vì tháng Năm, Ủy ban Kiểm tra trung ương sẽ phải hoàn tất báo cáo kết luận kiểm tra vụ này và công bố – nếu được phép của ông Trọng cho công bố – chậm nhất vào giữa tháng Tư. Động thái này cũng có thể diễn ra dồng thời, hoặc lệch pha không nhiều về thời gian với việc Bộ công an ra quyết định khởi tố vụ án "Mobifone mua AVG".
Vào tháng Tư, 2017, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã bất ngờ tung ra bản kết luận kiểm tra đối với sai phạm "rất nghiêm trọng" của Đinh La Thăng tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, chỉ hai tuần trước khi diễn ra Hội nghị trung ương 5 mà đã loại ông Thăng khỏi Bộ chính trị.
Và sẽ khác với kết luận thanh tra, trong kết luận kiểm tra đảng có thể sẽ hiện ra những cái tên cụ thể của quan chức sai phạm "rất nghiêm trọng". Sẽ có ít ra vài ủy viên trung ương bị "điểm danh" và do đó sẽ tiếp bước số phận "bị loại khỏi vòng chiến đấu" như Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh tại Hội nghị trung ương 6 vào tháng Mười, 2017.
Ai ?
Tính đến thời điểm này, đã có ít nhất hai cái tên ủy viên trung ương đảng rất nhiều triển vọng "bị loại khỏi vòng chiến đấu" tại Hội nghị trung ương 7 : Trần Quốc Cường và Trương Minh Tuấn.
Vào tháng Ba, 2018, một bản thông cáo báo chí kỳ họp 23 của Ủy ban Kiểm tra trung ương đã hé lộ "Xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Trần Quốc Cường, ủy viên Trung Ương Đảng, phó bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, nguyên bí thư Đảng ủy, cục trưởng Cục chính trị – hậu cần (B41), Tổng cục V, Bộ công an".
Tổng cục V lại chính là Tổng cục tình báo – "cái nôi" của Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ. Vào thời gian này đã xuất hiện một số đánh giá cho rằng "đồng chí Trần Quốc Cường" và "một đồng chí thứ trưởng Bộ công an" có liên đới trách nhiệm trong vụ Phan Văn Anh Vũ.
Với người còn là bộ trưởng Thông tin và truyền thông trên danh nghĩa là Trương Minh Tuấn, sau cú phản đòn với văn bản phản bác kết luận thanh tra nhưng không thành công khi bị chính cấp trên ra lệnh gỡ văn bản đó khỏi mặt báo chí nhà nước. Ông Tuấn còn bị chính những tờ báo cấp dưới dẫn ra những bằng chứng rõ rệt để quy vào hành vi "cố ý làm trái" – một tội danh mà vào tháng Giêng năm 2018, cựu Ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng đã phải chịu trong phiên tòa "119 tỷ" và do đó đã phải nhận mức án đến 13 năm tù giam.
Số phận Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn coi như đã "xong", hoặc chỉ còn rất ít hy vọng "thoát" tại Hội nghị trung ương 7 và vòng lao lý ập đến ngay sau, hoặc ngay trước hội nghị này.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 25/03/2018
Chính thể độc đảng ở Việt Nam đang chìm trong một nỗi nhục vô bờ bến cùng nguy cơ nguồn ngoại tệ màu mỡ biến khỏi tầm tay ngân sách khi vừa phải "giương cờ trắng" lần thứ 2 tại Bãi Tư Chính.
Dự án Cá Rồng Đỏ ở khu vực Bãi Tư Chính. Ảnh : F319.com
Ngày 23/3/2018, cây bút Bill Hayton của BBC News là nguồn tin đầu tiên phát ra tin tức "Việt Nam ‘bỏ dự án Cá Rồng Đỏ’ ở Biển Đông" mà giới chóp bu Việt Nam dĩ nhiên hoàn toàn không muốn bị tiết lộ :
"Lần thứ hai chỉ trong vòng một năm, Việt Nam phải hủy bỏ một dự án dầu khí quan trọng ở Biển Đông do áp lực từ Trung Quốc, BBC được biết.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) yêu cầu hãng năng lượng của Tây Ban Nha, Repsol, ngưng một dự án ở khu vực ngoài khơi phía đông nam, một nguồn đáng tin cậy trong ngành nói.
Điều này đồng nghĩa với việc Repsol và các đối tác có thể sẽ thiệt hại khoảng 200 triệu đô la đã đầu tư vào dự án".
"Dự án ở khu vực ngoài khơi phía đông nam" chính là mỏ dầu khí ‘Cá Rồng Đỏ" ở khu vực Bãi Tư Chính – nơi mà vào tháng Bảy năm 2017, cả PetroVietnam lẫn Repsol và chính quyền Việt Nam đều âm thầm "giương cờ trắng" lần đầu.
Biểu hiện đính kèm với "khủng hoảng Bãi Tư Chính" lần 2 là rất tương đồng với "khủng hoảng Bãi Tư Chính" lần đầu : cũng là "tàu lạ" tấn công tàu ngư dân Việt Nam ở vùng biển Quảng Ngãi, Quảng Nam, cùng "người lạ" nhảy sang tàu Việt hành hung, phá phách và giết chóc.
Vụ "nhục quốc thể" xảy ra vào cuối tháng 7/2017 khi chính quyền Việt Nam phải "giương cờ trắng" và yêu cầu ngừng hoạt động thăm dò khí đốt của Repsol ngay tại Bãi Tư Chính mà luôn được Bộ Ngoại giao Việt Nam chiến đấu võ miệng "thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam". Dù chưa bao giờ giới tuyên giáo hay Bộ Ngoại giao Việt Nam dám nói toạc về cái nguồn cơn sâu xa của vụ "nhục quốc thể" ấy, nhung vụ "giương cờ trắng" này lại trùng hợp với tin tức quốc tế cho biết sau khi Bắc Kinh đe dọa sẽ tấn công một số căn cứ quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam cho phép Repsol tiếp tục khoan thăm dò dầu khí.
Vào thời gian trên, cho dù có muốn loan tải những thông tin trên kèm theo thái độ phẫn nộ, một số tờ báo nhà nước cũng bị Ban Tuyên giáo trung ương – cơ quan nổi tiếng với biệt danh "vòng kim cô" – cấm cản. Chính thể độc đảng ở Việt Nam đã giấu biệt thông tin được coi là quá sức nhạy cảm này và như co rúm trong nỗi sợ hãi của lịch sử "ngàn năm Bắc thuộc" lẫn và hiện tại "mười sáu chữ vàng".
Trong khi đó, một thực trạng trần trụi là mỏ khí đốt Cá Rồng Đỏ ở lô 136/03 thuộc Bãi Tư Chính là một trong số ít tiềm năng cuối cùng có thể cứu vãn ngân sách. Nếu Repsol khai thác thành công thì ngân sách cùng chế độ Việt Nam sẽ được chia phần không ít.
Từ năm 2015 đến nay, giá dầu thô quốc tế đã sụt gần một nửa và do đó đã khiến số thu từ xuất khẩu dầu thô của Việt Nam cũng giảm khoảng 40%, tức hụt đến 50.000 – 60.000 tỷ đồng. Nếu không thể khai thác được mỏ khí đốt Cá Rồng Đỏ, chính quền Việt Nam sẽ không biết tìm đâu ra tiền để bù đắp cho khoản thiếu hụt ngân sách 60.000 tỷ đồng và ngoại tệ để trả nợ nước ngoài.
Nhưng điều cay đắng mới nhất là sau cuộc viếng thăm của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ tại Đà Nẵng vào đầu tháng Ba năm 2018, bản lĩnh "dựa Mỹ khai thác dầu" của Hà Nội vẫn chẳng có gì cải thiện, để chỉ cần vài động tác đe dọa của Bắc Kinh là Việt Nam đã vội vàng "cuốn gói" ngay trên vùng biển của mình.
Sau vụ "giương cờ trắng" lần đầu ở Bãi Tư Chính vào tháng Bảy năm 2017, trong cơn quẫn bách mất ngủ lẫn mất ăn, Hà Nội đã một lần nữa phải "cầu viện" Hoa Kỳ, mà cụ thể là kêu gọi một sự hỗ trợ từ hải quân Hoa Kỳ. Tướng Ngô Xuân Lịch – Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam – được giao nhiệm vụ sang Washington để thuyết phục Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis hỗ trợ hải quân.
Trong bối cảnh ngân sách Việt Nam đang nhanh chóng cạn kiệt và đặc biệt đang quá thiếu ngoại tệ để trang trải nợ quốc tế – lên tới 10 – 12 tỷ USD/năm, và để phục vụ cho nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ các nước, đồng thời phải bảo đảm dự trữ ngoại hối, 20 tỷ USD là con số rất đáng để giới lãnh đạo Việt Nam tỏ một chút can đảm "bám Mỹ" trước "đồng chí tốt" Trung Quốc.
Thế nhưng những gì mà hải quân Mỹ đã tiếp cận Biển Đông vẫn không khiến cho giới chóp bu Việt Nam hết run sợ trước Trung Nam Hải. Giờ đây, kịch bản thất bại đến mất ngủ ở Bãi Tư Chính đang lặp lại, khiến giới chóp bu Việt Nam mất ăn dầu khí ngay trên vùng lãnh hải của mình và càng bế tắc trong cơn ác mộng những khoản nợ nước ngoài đang ập đến như sóng thần Biển Đông.
Trong khi đó, những thước phim lịch sử "ngư dân bám biển, hải quân bám bờ" vẫn được nhăn nhở chiếu lại. Từ nhiều năm qua, đã không có bất cứ trường hợp ngư dân Việt nào bị tàu Trung Quốc bắn giết được Bộ Quốc phòng Việt Nam công bố kết quả điều tra, bất chấp cơ quan bộ này hàng năm chi xài đến 5 tỷ USD tiền do dân phải è cổ đóng thuế.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : CaliToday, 24/03/2018
*********************
Việt Nam trước thông tin ngưng dự án khai thác dầu khí do áp lực Trung Quốc (Cali Today, 24/03/2018)
Việt Nam một lần nữa có nguồn thông tin là phải ngưng một dự án khai thác dầu khí quan trọng ngoài khơi Biển Đông do áp lực từ Trung Quốc, động thái này cho thấy Việt Nam đang bị uy hiếp rất lớn từ Trung Quốc bất chấp việc thời gian gần đây Việt Nam luôn kêu gọi các cường quốc trên thế giới tham gia gìn giữ hòa bình Biển Đông…
Ảnh minh họa - RFI
Đây là thông tin lược trích từ bài viết của nhà báo Bill Hayton được BBC News đăng tải. Theo thông tin, khoảng mấy ngày gần đây Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) buộc phải yêu cầu hãng năng lượng của Tây Ban Nha là Repsol ngưng đặt giàn khoan Ensco 8504 tại Lô 07/03 mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ, nằm phía đông nam Biển Đông. Địa điểm đặt giàn khoan Ensco 8504 cũng là nơi giữa Việt Nam và các công ty con của Repsol trước đó từng ước tính có trữ lượng 45 triệu thùng dầu và 172 tỷ feet khối khí ga.
Đây là thứ hai, Việt Nam phải ngưng một dự án khai thác dầu khí tại vùng biển đang bị tranh chấp trước áp lực Trung Quốc. Lần thứ nhất là vào tháng 7/2017, tại Lô 136/03 mỏ Cá Kiếm Xanh, hãng năng lượng Repsol cũng bị phía Việt Nam yêu cầu ngưng hoạt động khoan dò, có nguồn thông tin nói là Việt Nam bị Trung Quốc đe dọa bằng vũ lực quân sự nên phải rút lui. Một số trang truyền thông có lập trường đứng về phía nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam ngay sau đó thông tin phản hồi không có chuyện Việt Nam bị Trung Quốc đe dọa quân sự nên phải yêu cầu hãng năng lượng Repsol ngưng hoạt động khoan dò tại Lô 136/03 mà do hãng năng lượng này đã hoàn thành việc thăm dò, đo đạc và thu thập dữ liệu đã đủ nên rút lui.
Trả lời câu hỏi của báo chí trước thông tin Trung Quốc đe dọa quân sự buộc Việt Nam rút lui dự án khoan dò dầu khí tại Lô 136/03, người phát ngôn Bộ Ngoại giao CSVN bà Lê Thị Thu Hằng vào ngày 27/08/2017 đã khẳng định :
"Tất cả hoạt động dầu khí liên quan của Việt Nam được tiến hành trong khu vực biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982″.
"Việt Nam kêu gọi các bên liên quan tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của Việt Nam, đóng góp tích cực và thiết thực cho hòa bình và hợp tác ở Biển Đông"
Lô 136/03 chính là Lô gần với Lô 07/03, hiện tại chưa thấy Việt Nam có sự phản hồi nào về thông tin xảy ra tại Lô 07/03. Nếu đây là một sự thật thì cho thấy rõ ràng là Việt Nam đang bị Trung Quốc uy hiếp rất lớn về quyền quản lý những thực thể mà Việt Nam đang giữ ngoài khơi xa.
Tranh chấp, căng thẳng lãnh hải trên Biển Đông với sự bá quyền độc chiếm của Trung Quốc. Đường lãnh hải "Lưỡi bò 9 đoạn" mà Trung Quốc vẽ trên bản đồ Biển Đông biểu hiện dã tâm độc chiếm hơn 2/3 diện tích thực của Biển Đông. Tuy nhiên, không phải Việt Nam mà chính Philippines vào tháng 01/2013, đã kiện tính pháp lý đường "Lưỡi bò 9 đoạn" ra Tòa trọng tài quốc tế. Bất chấp phía Trung Quốc từ chối tham dự phiên tòa này nhưng Tòa án Trọng tài thường trực theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 phán quyết Trung Quốc thua kiện đồng nghĩa với việc đường "Lưỡi bò 9 đoạn" không thể hiện tính pháp lý lãnh hải của Trung Quốc trên Biển Đông.
Sau phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực theo Phụ lục VII đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho nhiều quốc gia có đường lãnh hải tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông trong đó có Việt Nam về mặt chiến lược bảo vệ chủ quyền lãnh hải của mình trước mộng bá quyền Bắc Kinh. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đang cho thấy họ không e ngại gì phán quyết quốc tế, đẩy mạnh quân sự hóa, làm phức tạp tình hình Biển Đông. Sự bá quyền này, cũng có lý do vì hầu hết các nước có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc tại Biển Đông bao gồm tất cả các nước trong khối ASEAN có tiềm lực quân sự quá chênh lệch với gã "khổng lồ Châu Á" Trung Quốc.
Để bảo vệ chủ quyền lãnh hải tại Biển Đông, đặc biệt với hai quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa, Việt Nam luôn kêu gọi quốc tế hóa cùng tham gia gìn giữ hòa bình và ổn định Biển Đông.
Ngày 05/03/2018 vửa qua, tàu sân bay USS Carl Vinson của Hoa Kỳ cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) trong mục đích bảo vệ tự do hàng hải quốc tế. tháng 11/2017, trong chuyến công du các nước Châu Á, Tổng thống Hoa Kỳ ông Donald Trump đem thông điệp từ Nhà Trắng tái khẳng định mối quan hệ đồng minh với các nước Ấn Đô- Thái Bình Dương. Dù thế giới ngày nay có nhiều cường quốc kinh tế và quân sự nhưng chắc hẳn một điều mà Việt Nam và nhiều quốc gia đều biết là trong tình hình hiện tại chỉ có Hoa Kỳ mới đủ sức kìm hãm mộng bá quyền đầy hung hăng của Trung Quốc.
Tranh chấp, căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Biển Đông truyền thông nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thận trọng hoặc hạn chế đưa tin nhưng lại là một trong những mối quan tâm hàng đầu của người dân Việt Nam.
Năm 2011, sự kiện tàu Bình Minh 02 bị các tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò đánh dấu sự gây hấn, xâm phạm trắng trợn chủ quyền lãnh hải của Việt Nam. Đáp lại sự kiện này, người dân Việt Nam đặc biệt là tại Hà Nội đã tạo một "mùa hè đỏ lửa" có hơn 10 cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc vào các ngày chủ nhật hằng tuần.
Năm 2014, Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 tiến sâu vào lãnh hải Việt Nam để thăm dò dầu khí, đắm chìn tàu ngư dân Việt Nam, bắn hỏng tàu cảnh sát biển Việt Nam. Người dân Việt Nam từ Nam ra Bắc, liên kết với cộng đồng người Việt ở hải ngoại rầm rộ biểu tình.
Ngoài ra, rất nhiều vụ Trung Quốc tấn công và bắt giữ ngư dân Việt Nam, cho tàu cá ồ ạt tập trung đánh bắt ở Biển Đông, ngang nhiên đặt lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ tháng 05 đến tháng 08 hằng năm.
Quê Hương