Phiên tòa đầu tiên xử cựu ủy viên bộ chính trị nhưng vẫn còn là ủy viên trung ương Đinh La Thăng vừa khép lại trong tháng Giêng, 2018 với bản án 13 năm tù dành cho ông Thăng, nhưng những gì đã, đang và sẽ xảy ra xung quanh vụ án của nhân vật này có lẽ còn khá lâu nữa mới thật sự chấm dứt.
Công an áp tải ông Đinh La Thăng đến tòa - Ảnh minh họa
Có hay không một ý đồ, một kế hoạch hoặc thách thức hơn nữa đối với quyền lực của Nguyễn Phú Trọng – một chiến dịch "giải cứu Đinh La Thăng" ở Việt Nam vào những ngày cuối năm 2017, đầu năm 2018 ?
Có !
Vở kịch mang tên "Đinh La Thăng" vẫn chưa hề kết thúc bởi ông Thăng còn phải đối mặt với một phiên tòa khác có thể còn nặng nề hơn – vụ "800 tỷ đồng", và bởi trước và trong phiên tòa "Thăng – Thanh" đã thực sự có cả một chiến dịch nhằm "giải cứu Đinh La Thăng" – điều chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam.
Chỉ một ngày sau phiên tòa "Thăng – Thanh" kết thúc vào ngày 21 tháng Giêng, 2018, báo Công An Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của của Bộ Công An – đăng bài "Nhận diện chiêu trò thổi bão, kéo lệch bản chất vụ án ở Tập Đoàn Dầu khí", trong đó có đoạn :
"Dư luận lại đang nhìn nhận vụ án với hình ảnh ông bộ trưởng, ông bí thư Thành ủy năng động, xông xáo, nhiệt huyết mà quên đi những cáo buộc VKS luận tội. Sự nhầm lẫn này rất tai hại, khiến người ta có cách nhìn không đúng về phiên tòa. Đó là từ việc bày tỏ lòng ngưỡng mộ ông Đinh La Thăng rồi quay sang đặt nghi vấn về việc xét xử của cơ quan tiến hành tố tụng, biến việc chống tham nhũng của đảng, nhà nước thành vấn đề chính trị, nội bộ. Từ chỗ lẽ ra phải lên án hành vi tham nhũng, làm trái, gây thất thoát tiền, tài sản của nhà nước của các bị cáo trong vụ án lại đẩy sang việc tung hô, xin ‘cứu xét’.
Vì trào lưu đó mà trên mạng có những người đặt câu hỏi, ông Thăng xông xáo, tốt với dân như thế sao lại bị buộc tội ? Thổi bão cho trào lưu này là những trang facebook kêu gọi ủng hộ 10 triệu chữ ký để xóa tội, giảm tội cho bị cáo".
Bài viết "chống diễn biến hòa bình" trên của báo Công An Nhân Dân đã gần như chính thức xác nhận những đồn đoán trước đó của dư luận về một kế hoạch "giải cứu Đinh La Thăng", được tổ chức và thực hiện ít ra trên phương diện truyền thông mạng xã hội, nếu không muốn nói là có cả hơi hướng trên một số tờ báo nhà nước cùng những hành động trong hậu trường chính trị.
880.000 USD ?
Vào thời gian diễn ra phiên tòa "Thăng – Thanh", có thông tin trên mạng xã hội cho biết đã có một nhóm người nào đó đã và đang tung ra một số tiền lên đến 800.000 USD, tương đương chẵn 20 tỷ đồng, để tạo chiến dịch truyền thông nhằm gỡ tội cho Đinh La Thăng. Một số dư luận cho rằng nguồn thông tin mạng xã hội này là đáng tin cậy.
Cho tới nay, chưa biết nhóm người định "giải cứu Đinh La Thăng" là ai hay thuộc một thế lực chính trị nào, nhưng hẳn nhiên nếu tồn tại nhóm người này thì rất có thể là "phe Thăng", hoặc những người "cùng cảnh ngộ" mà nếu không tìm cách cứu Đinh La Thăng, hoặc chí ít không làm loãng và giảm hiệu lực đối với phiên tòa "Thăng – Thanh", thì chính số phận của họ cũng có thể bị ông Trọng đóng đinh vào cột.
Trong thực tế "đời sống" báo chí nhà nước ở Việt Nam, chuyện mua bán và kéo bè kéo cánh đánh nhau giành ăn, giành lãnh địa và xung đột nội bộ đảng đã trở thành "truyền thống". Trước đây, nhiều tờ báo đã "nhúng tràm" vì ăn bẩn và tống tiền doanh nghiệp. Những năm gần đây, đặc biệt từ năm 2012 đến nay, cùng với đà xung đột nội bộ trong đảng tăng dần đến mức khốc liệt, một số tờ báo nhà nước cũng vươn đến khuynh hướng "phe cánh chính trị" – một cụm từ đặc thù được thể hiện trong các báo cáo nội bộ, và dùng mặt báo để công kích giới "chính khách". Vào thời gian trước đại hội 12, đã từng nổi lên một số bài viết vừa đánh bóng vừa bênh vực cho Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và gia đình ông, khiến dư luận xã hội lại càng có cơ sở để cho rằng "anh Ba X" và gia đình luôn "mạnh vì gạo, bạo vì tiền".
"Chỉ cần 1 triệu đô la là đóng cửa bất cứ tòa soạn nào" – gần đây một đại gia Việt Nam đã tuyên bố một câu xanh rờn như thế, trong bối cảnh một bữa nhậu.
1 triệu đô la lại tương đương hơn hai chục tỷ đồng, khá vừa vặn với số tiền được cho rằng dùng để mua truyền thông nhằm "giải cứu Đinh La Thăng".
Ai ?
Ở một góc nhìn khác, có những dấu hiệu cho thấy Tổng bí thư Trọng đã phải chịu một áp lực lớn đối với vụ Đinh La Thăng. Ngay sau khi Đinh La Thăng bị bắt và bị điều tra, đã có những đồn đoán về khả năng một "thái thượng hoàng" đã can thiệp vào hệ thống pháp đình nhằm "giải cứu Đinh La Thăng". Dù tới nay vẫn còn mù mờ về tên thật của "thái thượng hoàng", nếu thật sự có tồn tại tác động của nhân vật này vào "chuyên án Đinh La Thăng", nhưng ai cũng hiểu là "tập quán" chính trường và hậu trường chính trị Việt Nam rất thường chịu ảnh hưởng, thậm chí ảnh hưởng mang tính quyết định của đội ngũ "thái thượng hoàng", nhất là vào thời "ban cố vấn".
Hẳn đó là lý do để ông Trọng phải chỉ đạo các cơ quan tư pháp gấp rút hoàn tất những thủ tục tố tụng hình sự đối với Đinh La Thăng, hoàn tất trong một thời gian kỷ lục, thần tốc đến mức khó tưởng tượng, thậm chí kết cho Thăng một cái án đến 13 năm tù giam vì tội "cố ý làm trái…" cho dù hồ sơ chứng cứ kết tội thiếu tính thuyết phục…, để đặt mọi chuyện vào "sự đã rồi", để không còn một cấp nào hay nhân vật nào có thể can thiệp vào vụ án này, để Đinh La Thăng bắt buộc phải trở thành Bạc Hy Lai của Trung Quốc – một tiền đề cực kỳ quan trọng với đảng của ông Trọng và với cả sự tồn tại "hậu đại hội 12" của ông ta.
Hẳn là trong thời gian diễn ra phiên tòa "Thăng – Thanh", Nguyễn Phú Trọng với tư cách là "tổng chỉ huy" chiến dịch "bắt và xử tù Đinh La Thăng", không thể thiếu thông tin về chiến dịch "giải cứu Đinh La Thăng" do các cơ quan tình báo quân đội và an ninh công an cung cấp, về một phe phái nào đó đang nổi lên chống lại sự nghiệp được xem là "chống tham nhũng" nhưng mới chỉ đang "chống tham nhũng thời kỳ trước" hay "chống tham nhũng một bên" của ông.
Một khả năng có thể sẽ xảy đến là sau phiên tòa "Thăng – Thanh", ông Trọng sẽ tức khí chỉ đạo các cơ quan đặc biệt cùng khối tuyên giáo đảng lùng sục nhằm tìm bằng được và có bằng chứng về thế lực nào và những nhân vật nào đã tổ chức chiến dịch "giải cứu Đinh La Thăng", ít ra trên phương diện truyền thông, và ít ra liên đới với số tiền 800.000 USD được dư luận đồn đoán.
Năm cùng tháng tận. Chính trường Việt Nam vẫn tiếp tục kịch hay. Thậm chí vẫn có thể rú lên một cơn bão ngay trong những ngày Tết Nguyên Đán 2018.
Phạm Chí Dũng
Phải mất hơn một tháng sau khi "dẫn độ" Vũ "Nhôm" - Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ từ Singapore về Hà Nội, vào ngày 7/2/2018 Bộ Công an mới ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam trong thời hạn 4 tháng đối với bị can Phan Văn Anh Vũ. "Quy trình" này là chậm chạp hơn hẳn so với tốc độ vũ bão của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khi hoàn tất kết luận điều tra đối với cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng chỉ vỏn vẹn 11 ngày, trong khi thời gian mà Viện Kiểm sát tối cao hoàn thành cáo trạng đối với Đinh La Thăng còn kỷ lục hơn : 6 ngày.
Nguyễn Xuân Anh và Phan Văn Anh Vũ. Ảnh minh họa
Hai "mặt trận"
Ngày 7/2/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam trong thời hạn 4 tháng đối với bị can Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm" về hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Vào lần này và "phong phú" hơn lý do "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước" dùng để khởi tố và truy nã Phan Văn Anh Vũ vào cuối tháng 12/2017, Bộ Công an bổ sung tội "Trốn thuế", xảy ra tại TP Đà Nẵng và một số địa phương do Vũ "Nhôm" thực hiện.
Như vậy và có lẽ phù hợp với ý đồ của "trên", vụ "Vũ "Nhôm" đã và đang được kích hoạt trên cả hai "mặt trận" - vừa hình sự vừa chính trị, chắc chắn có liên quan đến nhiều quan chức ở Đà Nẵng và một số tỉnh thành khác, kể cả quan chức cấp trung ương. "Trốn thuế" có thể chỉ là cái cớ ban đầu.
Nguyễn Xuân Anh có "theo chân" Vũ ?
Ngay trước khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Phan Văn Anh Vũ, chính trường Đà Nẵng một lần nữa bất thần nóng rực với hàng loạt quan chức bị kỷ luật, nhưng mũi tiêm kích chủ yếu có vẻ nhắm vào Cựu bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, con trai của cựu chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương đảng Nguyễn Văn Chi.
Từ ngày 2/2/2018 đến nay, nhiều tờ báo nhà nước đồng loạt "đánh" Nguyễn Xuân Anh về vụ ông Anh nhận hai ngôi nhà của đại gia Vũ "Nhôm".
Một nhân vật khác bị "tố" là ông Hồ Ánh – Phó phòng Tổng hợp Văn phòng Thành uỷ Đà Nẵng, thư ký của cựu Bí thư Xuân Anh – cũng sử dụng nhà của Vũ "Nhôm"…
Trong một diễn biến chính trị khác, nhân vật đã giành thắng lợi huy hoàng trong cuộc chiến Thơ – Anh ở Đà Nẵng và vẫn còn là đương kim chủ tịch Đà Nẵng – Huỳnh Đức Thơ – đã lên tiếng trước báo chí về "sắp tới sẽ khởi tố một số vụ việc". Đối với sai phạm ở bán đảo Sơn Trà, ông Thơ nói đầy hàm ý : "Từ chỗ quận Sơn Trà kê khống bồi thường giải tỏa mấy trăm triệu cũng cho khởi tố vụ án. Sắp tới một số vụ sẽ bị khởi tố. Lúc đó có bảo vệ cũng không được đâu. Lo trước đừng để xảy ra sự việc".
Một vấn đề hết sức bất lợi đối với ông Nguyễn Xuân Anh là khác với trường hợp "tuỗi trẻ tài cao" Lê Phước Hoài Bảo - cựu giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và là con trai cựu bí thư Quảng Nam Lê Phước Thanh ở Quảng Nam vừa bị "cách mọi chức vụ", ông Anh lại "dính" đến Vũ "Nhôm". Mà Vũ "Nhôm" lại là một đối tượng bị đảng của ông Nguyễn Phú Trọng và chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc, cùng ủy ban nhân dân thành phố của ông Huỳnh Đức Thơ liệt vào loại "đặc biệt nguy hiểm", thậm chí còn có khả năng trở thành "đại án an ninh quốc gia".
Cái kết cuối cùng đối với ông Nguyễn Xuân Anh vẫn còn là một ẩn số lớn. Liệu ông Anh sẽ chỉ bị kết cục như ông Lê Phước Hoài Bảo hay "còn hơn thế nữa" ?
"Cái ô" lớn nhất bây giờ của Nguyễn Xuân Anh chỉ còn là "công cha như núi Thái Sơn". Nếu Nguyễn Phú Trọng còn nể tình Nguyễn Văn Chi thì biết đâu đấy, Nguyễn Xuân Anh có thể thoát, cho dù sẽ bị "cách hết mọi chức vụ", sau khi đã bị khai trừ đảng.
Nhưng nếu cuộc chiến ở Đà Nẵng mang thâm ý sâu xa hơn, tham vọng hơn và cũng sống mái hơn, hẳn Nguyễn Xuân Anh sẽ phải "hy sinh".
"Hình sự" là vậy, còn "Cố ý làm lộ tài liệu bí mật" thì sao ?
Từ T4 đến "Cố ý làm lộ tài liệu bí mật"
Thực tế có thể hình dung là trong tay Vũ "Nhôm" rất có thể đã nắm được những tài liệu mà khiến nhiều quan chức đang mất ngủ có thể là những tài liệu mang tính bằng chứng về mối quan hệ ngầm trong giới quan chức lãnh đạo, những phi vụ "xămxônai" (cách gọi loại vali chứa đầy đô la) mà các quan chức "lại quả" cho nhau, hoặc những hình ảnh sống động về giới quan chức đã thác loạn với gái trên giường…
Nhưng thượng tá công an Phan Văn Anh Vũ còn có thể sở hữu nhiều tài liệu nội bộ thuộc độ "Mật", thậm chí "Tuyệt Mật" về những vấn đề nghiệp vụ của ngành công an.
Và của cả những ngành khác…
Một chi tiết bên lề nhưng không thể bỏ qua là "không hiểu sao" là vào cuối tháng 12/2017, chỉ ít ngày sau khi Vũ "Nhôm" bị đặt vào lệnh truy nã, trên mạng xã hội bất thần hiện ra một tài liệu mang tên "Báo cáo tin tình báo", trong đó đặc biệt đề cập về Vũ "Nhôm" và "phe cánh chính trị" không chỉ ở Đà Nẵng mà còn lên đến "trung ương". Không biết tài liệu này có tính xác cứ nào, nhưng địa chỉ phát hành nó là Tổng cục 2 (Tổng cục Tình báo) - Bộ Quốc phòng.
Khác nhiều với phong cách "nhanh chóng đập tan các luận điệu xuyên tạc và thù địch" mà hệ thống tuyên giáo của đảng cầm quyền thường tiến hành trong thời gian gần đây đối với một số thông tin trên mạng xã hội, cho tới nay người ta vẫn chưa thấy Bộ Quốc phòng tổ chức họp báo hay có công bố nào để phản bác "Báo cáo tin tình báo" trên.
Sau hơn một tháng lấy cung PhanVăn Anh Vũ, rất có thể "chuyên án" của Bộ Chính trị đã biết rõ Phan Văn Anh Vũ đã có hay không, và nếu có thì có được những tài liệu nội bộ thuộc độ "Mật", thậm chí "Tuyệt Mật" nào về những vấn đề nghiệp vụ của ngành công an, đặc biệt là những ai "có trách nhiệm" đã cung cấp cho Vũ những tài liệu đó. Hoặc những tài liệu về mối quan hệ ngầm trong giới quan chức lãnh đạo ra sao - những bằng chứng mà có thể đủ sức "giết sống" nhiều quan chức đang tại vị…
Sau những bước chuẩn bị ban đầu, một đại án an ninh quốc gia đã có thể chính thức khởi động từ giờ phút này. Và cách nào đó có nét như T4.
15 năm trước khi xảy đến vụ Phan Văn Anh Vũ, trong chính trường Việt đã xảy ra một vụ đại án an ninh quốc gia : T4. Dù chưa bao giờ được đảng hay chính phủ công bố chính thức, nhưng vụ việc này đã được giới cán bộ lão thành đặc biệt quan tâm. Người ta cũng biết T4 là một bí số cho một nhân viên tình báo tưởng tượng của một cơ quan tình báo Việt Nam cài cắm ở Mỹ, để từ đó cung cấp các tài liệu tối mật, tuyệt mật về mối quan hệ của một số quan chức cao cấp Việt Nam với "kẻ thù số một", cụ thể là với CIA. Cũng từ đó, một số nhân viên tình báo "xã hội hóa" có điều kiện dùng tài liệu tình báo giả, kể cả tài liệu chính trị nội bộ giả của "Phủ đặc ủy trung ương tình báo ngụy" để khống chế một số quan chức.
T4 vừa có tác dụng là vừa được thành tích vừa được tiền ngân sách cấp. Cho đến khi vụ này vỡ lở và hàng loạt sỹ quan tình báo phải ra tòa…
Còn giờ đây, dù chỉ được đánh giá là một con chốt, nhưng Phan Văn Anh Vũ lại có vai trò như một "hồ sơ sống" đối với nhiều quan chức, và có thể tác động lớn đối với bàn cờ tương quan quyền lực và xung đột chính trị ở Việt Nam.
Tết không bình yên ?
Gần đây, khi trả lời phỏng vấn theo hình thức soạn sẵn với một tờ báo nhà nước, ông Nguyễn Phú Trọng còn nhắc đến cả vụ Phan Văn Anh Vũ.
Một cách ngẫu nhiên, cũng mới đây đã rộ lên tin đồn về một số quan chức và nhà báo có liên quan đến Vũ "Nhôm" sắp bị "nhập kho".
Đặc biệt là một đường dây (nếu có) đã bảo kê cho Vũ "Nhôm" lặng biến khỏi Việt Nam…
Việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam trong thời hạn 4 tháng đối với bị can Phan Văn Anh Vũ ngay trước tết nguyên đán 2018 cho thấy vụ án "Vũ "Nhôm"" được chính thức "hợp thức hóa", sau những bước khởi động đầu tiên nhưng không hề được cơ quan điều tra công bố. Động thái này cũng có thể phát đi thông điệp là chiến dịch "Vũ "Nhôm"" không có khoảng thời gian "giải lao", mà một khi đã được "hợp thức hóa" sẽ được triển khai ngay, triển khai cấp tập ngay trước tết nguyên đán 2018.
Tết nguyên đán lại là khoảng thời gian chộn rộn lo tết và đi lại thăm thú lẫn nhau - một cơ hội quý báu dành cho những quan chức liên quan đến Vũ "Nhôm" tìm cách "ra đi tìm đường cứu nước" - hành động tương tự Vũ "Nhôm" khi vượt biên sang Singapore và Trịnh Xuân Thanh khi vượt biên sang Đức ngay trước mũi trinh sát công an. "Rút kinh nghiệm sâu sắc" từ hai vụ đào tẩu đó, hẳn cơ quan cảnh sát điều tra của Ủy viên thường vụ đảng ủy công an trung ương Nguyễn Phú Trọng đã ý thức và dự liệu tình huống sẽ có những quan chức liên quan đến Vũ "Nhôm" biến mất. Cũng có thể hiểu là đã có một kế hoạch "giăng lưới" và "bắt cá" đối với một số nhân vật X, Y nào đó vào những ngày này.
Bầu không khí đầy tính kích nổ như thế đang hầm hè đe dọa một sự phát nổ trong tương lai gần, thậm chí rất gần, gần đến mức không phải "để sau tết" mà có thể ngay trước đêm giao thừa tết nguyên đán năm 2018.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 12/02/2018
Khác hẳn với bầu không khí tuyên truyền "thu ngân sách thắng lợi" vào các năm trước, đã qua tháng Giêng năm 2018 nhưng gần như toàn bộ hệ thống báo đảng vẫn nín lặng mà không tán dương trước bản tổng kết thu ngân sách Việt Nam năm 2017, cho dù số thu được báo cáo tăng 2,3% so với dự toán đầu năm 2017.
Đồng hồ nợ công của tạp chí The Economist nêu con số nợ công của Việt Nam vào ngày 16/7/2017 là hơn $94 tỉ. (Hình : Trích từ website của The Economist)
Vì sao vào lần này đảng lại tỏ thái độ "khiêm nhường" như thế ?
Vì sao Bộ Tài chính - cơ quan chuyên "kiến tạo" rất nhiều sắc thuế bổ đầu dân nhằm "thu cùng diệt tận giai đoạn cuối" - khi báo cáo số thu ngân sách nhà nước năm 2017 với tổng thu ước đạt trên 1,283 triệu tỷ đồng, vượt 71.000 tỷ đồng so với dự toán đầu năm 2017 là 1,212 triệu tỷ đồng, lại "quên" nêu ra thuyết minh vì sao và từ nguồn nào mà thu ngân sách 2017 "bỗng dưng" tăng vọt như thế ?
Có thể tham khảo : cho đến ngày 15/12/2017, tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm chỉ đạt 1.104 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 91,1% dự toán năm 2017. Với đà thu èo uột như thế, hầu như chắc chắn chế độ bị nhiều người dân xem là "bóc lột dân ta đến tận xương tủy" sẽ không thể đạt được kết quả "thu vượt dự toán" gần 10% theo kế hoạch đề ra, thậm chí chỉ tiêu gần nhất là thu vượt dự toán 2,3% cũng hoàn toàn bị phá sản.
Hẳn đã phải phát sinh một nguồn tiền mới để bù đắp cho lỗ hổng lên đến 9% của dự toán thu ngân sách. Tiền nào ?
Bán Sabeco !
Kết quả thu ngân sách trở nên khả quan bất ngờ đã lý giải một động thái xảy ra trước đó mà đã bị dư luận nghi ngờ : tại kỳ họp quốc hội tháng 10 – 11 năm 2017, bất chấp tình trạng hụt thu ngân sách chưa từng có vào thời điểm đó, Quốc hội vẫn mạnh tay dự toán chi ngân sách năm 2018 lên đến hơn 1,5 triệu tỷ đồng. Sang tháng 12/2017, Chính phủ bất ngờ công bố thương vụ bán vốn nhà nước tại Tổng công ty Rượu bia – nước giải khát (Sabeco), thu được chẵn 5 tỷ USD, tương đương 110.000 tỷ đồng, đồng thời được hệ thống tuyên giáo đảng và báo chí nhà nước đồng thanh hoan ca rằng đó là một thành tích "ngoài mong đợi". Sau đó, Ủy ban thường vụ quốc hội đưa vụ bán Sabeco vào chương trình nghị sự của mình và lên kế hoạch "chia chác" cho các phần đầu tư phát triển và chi thường xuyên (chủ yếu chi trả lương cho công chức viên chức).
Tinh thần và hành động đầy tự tin trên của Quốc hội hẳn đã được phía chính phủ "bắn tin" trước đó từ "điệp vụ" bán vốn Sabeco được 5 tỷ USD, và do đó giúp các cơ quan này tạm thời bớt lo lắng việc tìm đâu ra tiền để chi trả lương cho đội ngũ công chức viên chức gần 3 triệu người mà trong đó có đến 30% bị dư luận xã hội xem là "không làm gì gì cả nhưng vẫn đều đều lãnh lương".
Như vậy, rất nhiều khả năng "điệp vụ" bán Sabeco đã khiến kết quả thu ngân sách tăng đột biến và mang lại thành tích lớn cho "chính phủ kiến tạo" của ông Nguyễn Xuân Phúc lẫn cho cá nhân ông ta.
Nhưng nếu không tính đến phần bán vốn Sabeco thì kết quả thu ngân sách năm 2017 ra sao ?
Phép trừ đơn giản nhất cho thấy kết quả thu nhân sách năm 2017 chỉ là 1.173 ngàn tỷ đồng (1.283 ngàn tỷ trừ 110 ngàn tỷ), chỉ đạt 96,8% dự toán thu đầu năm 2017, nếu không tính đến 110.000 tỷ đồng thu được từ bán vốn nhà nước tại Sabeco.
Kết quả 96,8% thu ngân sách năm 2017 không những không được xem là thành tích mà còn bị coi là một thất bại, bởi đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, thu ngân sách quốc gia không đạt so với dự toán. Cũng là năm thứ ba liên tiếp, thu ngân sách từ khối trung ương không đạt dự toán.
Đó chính là nguồn cơn sâu xa và chua chát về việc tại sao trong năm 2018, Chính phủ phải tiếp tục đè dân thu thuế và tìm cách "bán mình" tại một số tập đoàn được xem là "bò sữa" luôn mang lại lợi ích cho chính thể và cầm hơi cho đảng cầm quyền.
Đè dân thu thuế
Bất chấp rất nhiều phản ứng của người dân, doanh nghiệp, giới chuyên gia trong thời gian qua về âm mưu tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 12%, điều quái gở và cực kỳ tàn nhẫn là Bộ Tài Chính vẫn khăng khăng bảo lưu đề xuất này.
Ngay trước mưu đồ tăng thuế VAT, Bộ Tài Chính đã tham mưu cho chính quyền âm thầm, hoặc lén lút tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp gấp 3-4 lần mà không thông báo trước cho dân.
Trong cơ cấu thu ngân sách quốc gia, tiền thuế sử dụng đất chiếm khoảng 9%, tương đương khoảng 100 ngàn tỷ đồng. Nếu đồng loạt tăng thuế sử dụng đất ở các tỉnh thành, ngân sách sẽ có thể "móc túi" dân gấp ít ra vài ba lần con số trăm ngàn tỷ đó.
Trong khi đó, các nhóm lợi ích xăng dầu, điện lực, BOT… tiếp tục "dây máu ăn phần" bằng các chiến dịch tăng giá bất tận và mượn chính sách cùng sự "bảo kê" của giới quan chức chính phủ để "đè đầu cưỡi cổ" dân chúng.
Tăng giá và thuế má là một trong những biểu đạt cực đoan nhất trong giai đoạn cuối của một cơ chế cưỡng bức và cưỡng đoạt. Sự tồn vong của đảng cầm quyền cũng lệ thuộc không khác hơn, nếu xét trên phương diện những thiệt hại về chính trị trên trường quốc tế và ngay trong lòng dân.
Xã hội cùng dân chúng đang lâm vào cảnh thảm thương đọa đày - chẳng khác gì bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hồ Chí Minh cách đây 72 năm đã mô tả về thực dân Pháp : "chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy".
Phản ánh từ nhiều người dân ở các tỉnh đói nghèo ấy đều cho biết : "Túi chẳng còn gì để nộp thuế nữa. Nếu nhà nước cứ tróc nã thì dân chỉ còn cách hoặc trốn đóng hoặc phản ứng tự vệ thôi".
Cũng khác hẳn với nhiều năm trước, năm 2017 chứng kiến không chỉ phần thu từ dân bị giảm mà thu từ khối doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước cũng giảm mạnh, cho thấy quả thực "sức dân và doanh nghiệp đã cạn".
Rất có thể lo sợ sức phản ứng khôn lường của người dân và doanh nghiệp đối với sưu cao thuế nặng, chính phủ "kiến tạo" của ông Nguyễn Xuân Phúc đã phải tính một phương án bổ sung : "bán mình".
"Bán mình" !
Đã đến nước này, không còn cách nào khác, phải bán, bán và bán.
"Cái khó ló cái khôn" - ông bà đã dạy. Rõ là ông Phúc "ló cái khôn" khi nhận ra rằng rút tiền từ cổ phần nhà nước trong các doanh nghiệp lớn là chóng vánh và thuận lợi nhất.
Từ tháng 8/2016, Thủ tướng Phúc đã phải chỉ đạo tiếp tục bán vốn tại hàng loạt doanh nghiệp khủng như Tổng Công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng Công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) và bán cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại 10 doanh nghiệp như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh, Tổng Công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam, Công ty cổ phần nhựa Thiếu Niên Tiền Phong, Công ty cổ phần FPT, Công ty cổ phần viễn thông FPT…
Nhưng sau khi bán sạch những cổ phần ngon ăn và màu mỡ nhất tại các doanh nghiệp, chính quyền Việt Nam sẽ còn gì để bán ?
Nhiều chuyên gia gần gũi nhà nước cũng tình thật về tình trạng cạn kiệt nguồn lực ở Việt Nam.
Đã có một giải đáp cho ẩn số trong phương trình "chính phủ sẽ bán đến khi nào ?" : tại kỳ họp quốc hội tháng 10 -11 năm 2017, một quan chức trong Ủy ban ngân sách quốc hội đã tán thán rằng "Cứ bán như thế này thì đến nhiệm kỳ sau chẳng còn gì để bán nữa !".
"Nhiệm kỳ sau" là vào khoảng năm 2021. Nhưng một số chuyên gia nhà nước đã ước tính rằng với đà bán doanh nghiệp nhà nước như hiện thời, "deadline" sẽ co ngắn lại, có thể vào năm 2019 hoặc 2020.
Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc cũng bởi thế đang phải đối mặt với một tương lai cực kỳ nan giải : tìm đâu ra "nguồn lực" để bán vào những năm 2020 và trong vài năm sau đó, để ngân sách không bị vỡ nợ ?
Thu ngân sách 2018 sẽ sụt từ 5-7% ?
Hiện tượng nín lặng của các bộ ngành và báo đảng trước "thu ngân sách 2017 vượt 2,3% so với sự toán" lại rất tương đồng với một hiện tượng nín khẩu khác : đã qua tháng Giêng năm 2018, nhưng ngoài con số kiều hối khoảng 5,2 tỷ USD về Sài Gòn, Tổng cục Thống kê vẫn hoàn toàn không công bố con số kiều hối toàn quốc như thói quen phô trương thường có trước đây. Trong khi vào những năm trước, đặc biệt vào năm 2015 khi lượng kiều hối đổ về Việt Nam lên đến mức kỷ lục 13,5 tỷ USD, Tổng cục Thống kê và hệ thống báo đảng đã ồn ào công bố báo cáo kiều hối 2015 ngay khi năm 2015 còn chưa kết thúc.
Dù tới nay các cơ quan chính quyền Việt Nam vẫn chưa công cố con số kiều hối năm 2017, rất nhiều khả năng con số 9 tỷ USD kiều hối năm 2016 chưa phải "đáy kiều hối" mà đang khiến "đảng và nhà nước ta" thất vọng đến thế nào, đặc biệt trong bối cảnh sức sản xuất và kinh doanh của nền kinh tế ngày càng thảm hại và Việt Nam hầu như bị các tổ chức tài trợ tín dụng lớn nhất hành tinh đóng cửa cho vay.
Vào giữa năm 2017, Trung tâm nghiên cứu Pew (Pew Research Center) của Mỹ đã dự đoán kiều hối về Việt Nam 6 tháng đầu năm 2017 sẽ rơi vào khoảng 3,6 tỷ USD. Và với dự báo 6 tháng cuối năm 2017, lượng kiều hối còn bị giảm 50% do tác động của việc chính phủ Việt Nam duy trì lãi suất đồng USD 0% và FED tăng lãi suất, kiều hối năm 2017 sẽ vào khoảng 5,4 tỷ USD, giảm 39,7% so với năm 2016.
Còn kết quả thu ngân sách về thực chất chỉ đạt 96,8% dự toán của năm 2017 là một chỉ dấu lớn cho thấy thu ngân sách 2018 nhiều khả năng còn tồi tệ hơn năm 2017 và có thể sẽ sụt tới 5-7% so với dự toán đầu năm 2018, nếu không tính tới phần đè dân thu thuế và "bán mình".
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 07/02/2018
Một lần nữa trong hai năm liên tiếp, cũng thêm một lần nữa sau cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức - Việt với nguồn cơn khởi phát từ vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh", có những dấu hiệu rõ rệt cho thấy chính thể độc đảng ở Việt Nam mở một chiến dịch mới, nhưng chẳng mấy có hy vọng, nhằm vận động Liên minh Châu Âu (EU) thông qua Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA).
Ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Hà Nội và Phó Thủ tướng Việt Nam Vương Đình Huệ, tại Hà Nội, ngày 21/11/2017.
Truyền thống nuốt lời
Vào đầu năm 2018, một quan chức cao cấp của chính phủ Việt Nam là Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lại tiến hành một chuyến vận động EVFTA tại cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị WEF Davos 2018 diễn ra tại Thuỵ Sĩ. Vào lần này, ông Huệ chỉ gặp được một quan chức bậc trung là Ủy viên Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ Johann Ammann. Kết quả cuộc vận động này vẫn chỉ là vài lời hứa hẹn chung chung.
Vào năm 2017, ông Vương Đình Huệ cũng đã có một chuyến "dân vận" ở Tây Âu và Đông Âu nhằm thuyết phục các nước Châu Âu mau chóng chấp thuận cho Việt Nam được tham gia vào EVFTA - một hiệp định mà lẽ ra Việt Nam sẽ có cơ hội được tham gia chính thức vào giữa năm 2018, nhưng vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức - Việt đã khiến tương lai ấy trở nên quá bất định.
Tuy nhiên, các cuộc gặp của ông Vương Đình Huệ với giới chức Bỉ, Slovakia, Thụy Sĩ đều chỉ mang lại một kết quả chung chung : không có bất kỳ hứa hẹn, và càng không có bất kỳ cam kết miệng hay cam kết bằng văn bản nào từ giới chức các nước Châu Âu về việc sẽ hỗ trợ Việt Nam vận động nhằm sớm thông qua EVFTA.
Sau khi TPP đổ vỡ lần đầu vào đầu năm 2017 do Mỹ chính thức rút khỏi hiệp định này, chính thể Việt Nam chỉ còn EVFTA là hiệp định thương mại mang lại lợi lộc nhiều nhất ứng với đà xuất siêu của Việt Nam sang Châu Âu lên đến 25 tỷ USD mỗi năm - gần bằng giá trị nhập siêu lên đến 30 tỷ USD hàng năm (chỉ tính theo đường chính ngạch, chưa kể khoảng 20 tỷ USD nhập siêu theo đường tiểu ngạch) của Việt Nam từ Trung Quốc.
EVFTA, mặc dù đã được hoàn tất đàm phán từ cuối năm 2015, nhưng còn phải trải qua thủ tục ký và bỏ phiếu, phê chuẩn ở nghị viện các nước Châu Âu. Có đến 27 nước như vậy, mà chỉ cần một nước không đồng ý thì EVFTA coi như không thành và Việt Nam cũng "mất cả chì lẫn chài".
Lẽ tất nhiên, chính thể độc đảng ở Việt Nam đang hết sức muốn rằng EVFTA sẽ được Nghị viện Châu Âu thông qua ngay trong năm 2018, chứ chẳng bị kéo dài và cuối cùng chẳng đi đến đâu như số phận của Hiệp định TPP trước đây.
Vào tháng 11 năm 2017, giới quan chức ngoại giao Tây Âu - những người vốn đã từng tỏ ra dĩ hòa vi quý với Việt Nam trong không khí xã giao bất tận vô nghĩa và những cuộc đối thoại nhân quyền EU - Việt Nam chỉ nghe hứa không thấy làm - dường như một lần nữa "chiều" Việt Nam bằng những chuyến thăm nước này. Những gương mặt quan chức ngoại giao cao cấp của một số nước Tây Âu - Bộ Ngoại giao Thụy Điển Margot Wallström và Thứ trưởng ngoại giao Bỉ Dirk Achten - đã đến Việt Nam.
Nhưng ngay trước ngày diễn ra cuộc đối thoại nhân quyền thường kỳ của EU với chính quyền Việt Nam vào đầu tháng 12/2017, trong cuộc gặp tại Hà Nội với Đại sứ Bruno Angelet - Trưởng phái đoàn của EU tại Việt Nam, ông Vương Đình Huệ đã chứng tỏ một bài học nuốt lời từ giới chóp bu Việt Nam khi đưa ra yêu cầu "không nên đưa các lĩnh vực khác như nhân quyền vào EVFTA". Thêm một lần nữa, những quan chức Tây Âu theo chủ trương đối thoại mềm dẻo mà thiếu hẳn độ cứng rắn cần thiết đã phải nhận một bài học "đời đổi - não không đổi" từ phía giới quan chức Việt Nam.
Vào năm 2017, chính thể độc đảng ở Việt Nam đã "tiến bộ" đến mức tống giam đến ít nhất 25 nhà hoạt động nhân quyền và xử tù blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - người được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh tặng danh hiệu "Người phụ nữ can đảm quốc tế" đến 10 năm tù giam, chỉ vì Quỳnh viết bài phản đối và tố cáo nạn xả thải gây ra thảm họa ô nhiễm của Nhà máy Formosa cùng sự bao che quá trắng trợn của giới quan chức cao cấp Việt Nam.
Trong khi đó, hoạt động của Phong trào Lao Động Việt - một tổ chức xã hội dân sự độic lập đấu tranh cho quyền tự do thành lập công đoàn độc lập của công nhân ở Việt Nam, phù hợp với tiêu chí về lao động và quyền tự do nghiệp đoàn trong TPP lẫn EVFTA - vẫn bị chính quyền và công an cấm đoán nghiệt ngã. Trong năm 2017, Hoàng Bình - Phó chủ tịch của tổ chức này, đã bị công an Nghệ An bắt giam và xử tù nặng nề vào đầu năm 2018.
Trong bối cảnh không những không có bất kỳ cải thiện nào về nhân quyền mà còn khiến tình trạng này tồi tệ kinh khủng, chính quyền Việt Nam quả là khó mong đợi EVFTA sẽ được thông qua, hoặc được thông qua vào năm 2018 này.
2019 hay vô định ?
Vào thời gian này, đang diễn ra hai quan điểm khá trái ngược về kết cục của EVFTA trong năm 2018.
Trong buổi họp báo với phó chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Châu Âu ngày 10/1/2018, Đại sứ Bruno Angelet - Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam - xác nhận việc Việt Nam bị EU cảnh cáo "thẻ vàng" về hoạt động đánh bắt cá trái phép là một thách thức. Tuy nhiên ông cho rằng "Việc có ký hay không ký hiệp định tự do thương mại không phụ thuộc vấn đề này có được giải quyết và thẻ vàng có được gỡ hay không. Nó có thể được ký dù thẻ vàng chưa được gỡ".
"EU đã có một lộ trình trong năm 2018 để EVFTA được ký kết và phê chuẩn", và "Đại sứ Bruno Angelet bày tỏ hy vọng đến đầu mùa hè năm nay, việc ký kết sẽ được thực thi để hiệp định được chuyển cho Nghị viện Châu Âu xem xét phê chuẩn" - theo tường thuật của báo chí nhà nước Việt Nam, nhưng lại rất cần xem xet tính khách quan của lối tường thuật này bởi không ít lần báo đảng đã "nhét chữ vào miệng" giới quan chức quốc tế.
Trong khi đó, "Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam có thể không được thông qua" là tựa đề của Bike, Europe, ngày 23/01/2018, dẫn nguồn từEU-Vietnam Free Trade Agreement Threatened (người dịch : Vũ Quốc Ngữ, Việt Nam Thời Báo). Theo đó, việc phê chuẩn EVFTA đang gặp khó khăn khi Quốc hội Châu Âu đặt câu hỏi về cách mà Việt Nam như một nhà nước cộng sản độc đảng đang đối xử công nhân của mình. Đặc biệt khi Việt Nam có với 93 triệu dân, được coi là một trong những con hổ Châu Á mà Nghị sĩ Bernd Lange nói rằng "Nếu không có tiến bộ về nhân quyền và đặc biệt là về quyền lao động thì thỏa thuận này không được Quốc hội Châu Âu phê chuẩn".
Ngay cả Đại sứ Bruno Angelet, nếu quả thật ông dự đoán rằng Nghị viện Châu Âu sẽ thông qua EVFTA vào mùa hè năm nay, cũng nói rằng ông chỉ là đại diện cho Chính phủ EU chứ không phải cho Nghị viện EU, và vì thế không thể chắc chắn được điều gì.
Sau tháng 11 và đầu tháng 12 năm 2017 ồn ào lẫn khoa trương với sự kiện Hội nghị thượng đỉnh APEC Đà Nẵng cùng một chiến dịch tuyên truyền "EVFTA sẽ thông qua vào đầu năm 2018", đến nay cả chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lẫn hệ thống báo đảng đã im bặt.
Và sau một chuyến làm việc của Bộ trưởng công thương Trần Tuấn Anh ở Bỉ vào cuối năm 2017 mà chẳng nghe hứa hẹn gì cụ thể, giới chóp bu Việt Nam đành phác ra một dự báo mới : tương lai thông qua EVFTA là vào năm… 2019.
Kết quả hầu như là con số 0 của Đối thoại nhân quyền EU - Việt Nam vào tháng 12/2017 cùng bản nghị quyết nhân quyền đầy sắc thái cứng rắn của Quốc hội EU trong cùng tháng đó đã cho thấy Châu Âu không còn chấp nhận tư thế dễ bị "ăn hiếp" bởi giới chóp bu Việt Nam quá quen mặc cả nhân quyền đổi lấy lợi ích thương mại, đồng thời dựng lên một bức tường đủ cao trước Hà Nội nếu muốn đạt được EVFTA.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 05/02/2018
‘Đột quỵ’ hoặc bị… ‘ám sát’ ?
Ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tiến hành chống tham nhũng theo từng đợt hay sẽ liên tục ? Một dấu hỏi đang khiến nhiều quan chức bậc trung cấp hay cao cấp đau đầu, quá dễ tăng huyết áp và trụy tim mạch, theo một thăm dò bỏ túi của tác giả bài viết này.
Sau Tết Nguyên Đán 2018, vòng vây sẽ khép kín cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và cả gia đình ông ta
Một cựu quan chức mô tả về tâm thế của những quan chức trên theo một cách rất tâm thần học : co rúm lại bởi những cơn ám ảnh xuất hiện ngay trong cả trong giấc ngủ.
Dĩ nhiên loại quan chức nhiều tiền lắm của luôn lo sợ chiến dịch "đốt lò" của Nguyễn Phú Trọng lặp lại những gì của Tập Cận Bình mà sẽ đốt ráo trọi của thứ củi, và chẳng ưa ông Trọng đến mức có lẽ chỉ cầu mong ông này bị đột quỵ hoặc bị… ám sát.
Nhưng cả hai khả năng xấu tệ trên đều chưa có hơi hướng nào sẽ xảy ra. Cho đến giờ và khi cuộc chiến "chống tham nhũng" của "bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo" (một cách ví von không thể tưởng tượng nổi của vài nhân văn cận thần đặc tả về Tổng bí thư Trọng) đang lao vào khu rừng đầy yêu tinh ma quái, không ít cán bộ đang ngạc nhiên bởi vẻ hồng hào vẫn lồ lộ trên gương mặt của ông ta, cho dù ai cũng biết giới lãnh đạo cao cấp, nhất là những người đã "thất thập cổ lai hy" rất thường dùng thủ pháp hóa trang để "trẻ mãi không già".
Những quan chức nhúng chàm nhưng không muốn gột rửa cũng chẳng mấy hy vọng việc Tổng bí thư Trọng bị một sát thủ vô hình bắn hạ như cảnh vẫn diễn ra trong phim Mỹ. Sau vụ "cả ba bị bắn" ở Yên Bái vào tháng Tám, 2016, nghe nói quân số bảo vệ các ủy viên bộ chính trị và đặc biệt cho tổng bí thư đã tăng gấp đôi gấp ba nên quá khó để ông Trọng bị thế này thế nọ, thậm chí cả bị đe dọa cũng chưa thấy.
Vậy là ít ra trên mặt báo đảng, ông Trọng vẫn khỏe như vâm và đang thể hiện một cơn "say máu" chưa từng có trong cuộc đời 6 năm làm tổng bí thư của ông, không chỉ về "chống tham nhũng" mà còn giương cao ngọn cờ tập quyền như những gì mà Tập Cận Bình đã dâng cao vời vợi ở Trung Quốc. Cả hai yếu tố này, khi gộp lại, mới chính là thảm họa đối với những kẻ còn chưa kịp "ra đi tìm đường cứu nước".
Từng đợt hay liên tục phát triển ?
Nếu chiến dịch "chống tham nhũng" của Tổng bí thư Trọng được tiến hành theo từng đợt và có thời gian xả hơi giữa hai đợt, giới quan chức tham nhũng vẫn còn hy vọng sẽ lợi dụng khoảng giải lao quý báu ấy để hoặc kịp tẩu tán tài sản phi pháp, hoặc bạo gan tổ chức phá rối hay phản công lại tổng bí thư của mình, hoặc nếu không cải thiện được tình thế và cũng chẳng lật đổ được tổng bí thư thì tận dụng thời gian để "ra đi tìm đường cứu nước" – như những Trịnh Xuân Thanh, Lê Chung Dũng, Vũ Đình Duy…
Vào quý 3 năm 2017, giới quan chức tham nhũng đã từng kỳ vọng rằng vụ ông Trọng xử Nguyễn Xuân Anh ở Đà Nẵng là điểm kết thúc để phần cuối năm 2017 sẽ êm ả mà không xảy thêm vụ nào khác. Rồi đến khi nổ ra vụ bắt Đinh La Thăng, họ lại hy vọng rằng đó sẽ là vụ cuối cùng của năm 2017…
Nhưng sau ngày 8 tháng Mười Hai năm 2017, với sự kiện bắt Đinh La Thăng và đã phá vỡ tiền lệ "ủy viên bộ chính trị không thể bị bắt giam và truy tố", đến lượt hàng loạt quan chức của Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) và quan chức ngân hàng bị bắt, rồi cả một số quan chức lãnh đạo các địa phương Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Quảng Nam bị kỷ luật, tiếp đến những "thái tử đảng" cũng bị "lên thớt" : Nguyễn Phước Hoài Bảo – con trai cựu bí thư Quảng Nam Nguyễn Phước Thanh, Huỳnh Minh Phong – cậu ấm của cựu bí thư Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc.
Sát Tết Nguyên Đán 2018, cả Nguyễn Ngọc Sự – cựu quan chức Vinashin tưởng đâu đã "hạ cánh an toàn" – cũng bị "nhập kho". Cái "lò" vẫn rừng rực vào những ngày cận tết.
Đến giờ thì đã gần như rõ ràng : ngày 8 tháng Mười Hai, 2017 là thời điểm có thể được xem là mốc mở màn cho "chống tham nhũng giai đoạn 2" của ông Trọng, để chiến dịch này nhiều khả năng sẽ "phát triển liên tục" chứ không có khoảng "giải lao", và giai đoạn cuối năm 2017 chính là một cơn sóng lừng báo hiệu cho cả năm 2018 cuồng nộ bão tố trên biển cả chính trường Việt Nam.
Có thể hình dung ngay rằng trong không bao lâu nữa, có thể sau vụ xử Đinh La Thăng – Trịnh Xuân Thanh và sau Tết Nguyên Đán 2018, vòng vây sẽ khép kín cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và cả gia đình ông ta.
Được phóng tác như Tập Cận Bình ?
Vụ bắt Đinh La Thăng không chỉ phá vỡ tiền lệ "ủy viên bộ chính trị không thể bị tống giam" trước đây, không chỉ mở màn cho chiến dịch "chống tham nhũng giai đoạn 2" của Tổng bí thư Trọng, không chỉ khiến một số văn nghệ sĩ một lần nữa ca tụng ông Trọng ngút trời như "Sĩ phu Bắc Hà", "Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo", "Minh quân", không chỉ đánh dấu lần đầu tiên trong cuộc đời hơn 6 năm làm tổng bí thư của mình Nguyễn Phú Trọng bắt đầu "nắm" được Bộ Công An, mà dường như còn khiến lộ ra lòng ham muốn Nguyễn Phú Trọng được phóng tác như một nét gì đó của Tập Cận Bình.
Đó chính là mối nguy lớn nhất đối với vô số nhóm lợi ích ở Việt Nam. Đã từ lâu ở đất nước bị tàn phá bởi nạn tham nhũng và nguồn cơn "một đảng lãnh đạo toàn diện" này, giới quan chức tham nhũng đã thấm nhuần triết lý "cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền". Nhưng vào năm 2017, ngay cả một số cây viết thuộc phe lợi ích cũng phải công khai thừa nhận một triết lý mới toanh : "Trọng không cần tiền mà cần tiếng".
Nếu có thể gọi triết lý mới mẻ trên là "tư tưởng Nguyễn Phú Trọng", điều đó có vẻ chẳng khác mấy tâm thế của Tập Cận Bình : người ta nói sở dĩ Tập giành thắng lợi quá vượt trội trong cuộc chiến chống tham nhũng và đồng thời độc tôn quyền lực là bởi không chỉ bản lĩnh thông minh, hiểm hóc và sắt đá, mà còn do ông ta không "nhúng chàm", hoặc nếu có thì cũng không để lại tì vết.
Còn với con người bảo thủ Nguyễn Phú Trọng, cho tới nay tất cả những gì thuộc phạm trù lợi ích riêng tư mà phe lợi ích vận dụng để soi mói và công kích ông ta vẫn chỉ là vụ "Ciputra", nhưng lại không thấy trưng ra bất cứ tài liệu nào về những căn hộ cao cấp này. Ngoài ra chưa thấy gì mới hơn.
Còn có một dẫn chứng nữa liên quan đến chiến dịch "Diệt thái tử đảng" của Tổng bí thư Trọng : ông Trọng hình như chẳng có gì phải "lăn tăn" vì ông ta không bị dư luận về chuyện con cái mình "hót hay nhảy giỏi". Bởi thế ông Trọng chẳng ngần ngại "chém" những mái đầu trẻ trâu nhưng lại thích làm người lớn.
Năm 2018 rất có thể là năm sẽ diễn ra nhiều vụ khởi tố, bắt bớ và xét xử chóng vánh đối với các cựu lãnh đạo của nhiều tập đoàn và tổng công ty nhà nước, tức sẽ xảy ra nhiều đại án cỡ Vinashin và Vinalines trước đây.
Cưỡi lưng cọp hoặc sẽ bị cọp vồ
Nếu hệ thống lại và so sánh những phát ngôn công khai trên mặt báo chí của Nguyễn Phú Trọng từ đầu năm 2016, bắt đầu bằng "tôi bất ngờ…" sau khi ông Trọng đột biến giành chiến thắng vang dội trước đối thủ chính trị Nguyễn Tấn Dũng, cho đến "từ thuở bé đến giờ mới được dự họp chính phủ" – một lối nói vui không cần giấu diếm khi ông Trọng "được mời dự" và như thể chủ trì luôn phiên họp kéo dài hai ngày của chính phủ vào tháng Mười Hai, 2017, mới thấy thái độ tự tin của Tổng bí thư Trọng đã dâng cao đến thế nào.
Nhưng người ta có thể tự hỏi khi nào thì thái độ tự tin của ông Trọng sẽ sa sút hoặc biến mất, bởi cuộc chiến của ông Trọng đã thực sự chuyển sang một thời kỳ mới – hoặc cưỡi trên lưng cọp, hoặc sẽ bị cọp vồ.
Cứ cho là ông Trọng sẽ loại được mục tiêu then chốt là cựu đối thủ Nguyễn Tấn Dũng, thì vẫn còn giai tầng lãnh chúa mới ở các địa phương và những nhóm lợi ích "xuyên quốc gia" từ trung ương xuống địa phương mà sẽ trở thành một thách thức mới, một bức tường cao ngất có nguy cơ chắn ngang con đường chống tham nhũng, tập quyền và giữ đảng của Tổng bí thư Trọng. Dù không hề muốn hậu quả ấy xảy ra, ông Trọng đang và sẽ phải đối mặt với hàng chục ngàn quan chức lớn nhỏ dính sâu tham nhũng.
Và đến một thời điểm nào đó, nếu một bộ phận quan chức tham nhũng tự "nâng lên một tầm cao mới’ bằng một hình thức cấu kết cộng sinh lẫn nhau, ổ ung thư này sẽ thực sự bùng phát như một cuộc nội chiến trong lòng xã hội Việt Nam.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 04/02/2018
Một hiện tượng kinh tế - chính trị rất "đặc thù xã hội chủ nghĩa" là khi tháng Giêng năm 2018 đã qua, vẫn chẳng có một con số thống kê nào được công bố về kết quả kiều hối mà chính thể độc đảng ở Việt Nam đã "hút" được từ gần 4 triệu "khúc ruột ngàn dặm" ở hải ngoại.
Cần nhìn lại một dự báo của Pew Research Center hồi tháng Bảy năm 2017 : kiều hối về Việt Nam năm 2017 dự kiến chỉ có 5,4 tỷ USD.
Giấu công bố ?
Sự tương phản hoàn toàn trái ngược là vào những năm trước, đặc biệt vào năm 2015 khi lượng kiều hối đổ về Việt Nam lên đến mức kỷ lục 13,5 tỷ USD, Tổng cục Thống kê và hệ thống báo đảng đã công bố báo cáo kiều hối 2015 ngay khi năm cũ còn chưa kết thúc. Tổng cục Thống kê cũng thường rất mau mắn công bố kết quả thu hút kiều hối ngay đầu tháng Bảy hoặc thậm chí trước khi kết thúc tháng Sáu hàng năm. Hệ thống tuyên giáo đảng càng không quên tô vẽ về "thành công của Nghị quyết 36", tức bản nghị quyết ra đời từ năm 2003 về "công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, mà đã khiến cho bà con Việt kiều nhiệt tình "cống hiến cho quê hương".
Nhưng vào năm 2017, ngay cả báo cáo 6 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê đã chẳng có con số tổng hợp nào về "tình hình kiều hối trên cả nước", thay vào đó chỉ là kết quả kiều hối về Sài Gòn - một thị trường được xem là "truyền thống".
Vào năm 2017, Sài Gòn vẫn duy trì được vị thế "thành đô" của nó khi thu hút lượng kiều hối 5,2 tỷ USD, thậm chí còn nhỉnh hơn một chút so với 2016. Điều này có thể dễ dàng được lý giải vì Sài Gòn có hơn 1 triệu gia đình có người thân đi định cư ở nước ngoài và chiếm đến 55 - 60% trong tổng kiều hối về Việt Nam hàng năm. Trong cơ cấu của kiều hối về Việt Nam, thị trường Mỹ vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với chiếm 60%, từ khu vực Châu Âu là khoảng 19%. Việc kiều hối về Sài Gòn không giảm cũng cho thấy tính ổn định của người Việt hải ngoại khi gửi tiền về cho thân nhân của mình và đầu tư sản xuất ở thành phố này.
Tuy nhiên, dấu hỏi rất lớn đang bật lên là tổng lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2017 là bao nhiêu ? Và vì sao cho đến giờ phút này các cơ quan kinh tế của chính quyền vẫn chưa công bố số liệu tổng hợp về nguồn ngoại tệ thu được từ "kiều bào ta" ? Liệu đã xảy ra một "sự cố" đủ lớn mà đã khiến chính quyền không dám công bố kết quả kiều hối 2017 ?
5,4 hay dưới 9 tỷ USD ?
Có một cách thức để ước tính lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2017 : nếu vẫn dựa vào tỷ lệ chiếm đến 55 - 60% tổng lượng kiều hối của Sài Gòn, tổng kiều hối về Việt Nam trong năm 2017 sẽ vào khoảng 9 - 9,5 tỷ USD, tức bằng hoặc cao hơn lượng kiều hối 9 tỷ USD về Việt Nam trong năm 2016.
Nhưng nếu tỷ lệ 55 - 60% của Sài Gòn thay đổi theo chiều hướng tăng hoặc tăng vọt trong năm 2107, có nghĩa là kiều hối đổ về Việt Nam ngày càng tập trung về Sài Gòn trong khi giảm mạnh ở tỉnh thành khác, thì sao ?
Trong trường hợp đó, cần nhìn lại một dự báo của Trung tâm nghiên cứu Pew (Pew Research Center) của Mỹ vào tháng Bảy năm 2017 : kiều hối về Việt Nam năm 2017 dự kiến chỉ có 5,4 tỷ USD.
Pew đã dự đoán kiều hối 6 tháng đầu năm 2017 sẽ rơi vào khoảng 3,6 tỷ USD. Và với dự báo 6 tháng cuối năm 2017, lượng kiều hối còn bị giảm 50% do tác động của việc chính phủ Việt Nam duy trì lãi suất đồng USD 0% và FED tăng lãi suất, kiều hối năm 2017 sẽ vào khoảng 5,4 tỷ USD, giảm 39,7% so với năm 2016.
Dù tới nay các cơ quan chính quyền Việt Nam vẫn chưa công cố con số kiều hối năm 2017, rất nhiều khả năng con số 9 tỷ USD kiều hối năm 2016 chưa phải "đáy kiều hối" mà đang khiến "đảng và nhà nước ta" thất vọng đến thế nào, đặc biệt trong bối cảnh sức sản xuất và kinh doanh của nền kinh tế ngày càng thảm hại và Việt Nam hầu như bị các tổ chức tài trợ tín dụng lớn nhất hành tinh đóng cửa cho vay.
Hiện nay, thị trường tài chính ở Việt Nam đang xảy ra hai động thái trái chiều : trong khi lượng tiền đồng quá dư thừa trong hệ thống Ngân hàng nhà nước, Kho bạc nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần, lượng USD dành cho nhu cầu nhập khẩu và trả nợ nước ngoài lại bị thiếu hụt khá trầm trọng. Nếu kiều hối về Việt Nam tiếp tục sụt giảm trong vài ba năm tới, ngân sách sẽ không biết tìm đâu ra ngoại tệ mạnh để thanh toán các khoản đến hạn với quốc tế.
9/10 người hải ngoại đang làm ngược lại
Trong thực tế, cho dù Việt Nam tăng lãi suất gửi đồng USD trong thời gian tới, động tác này cũng khó làm hấp dẫn thêm lượng tiền kiều hối ở nước ngoài gửi về. Lý do đơn giản là mặc dù Ngân nhà nhà nước Việt nam đã duy trì chính sách gửi đồng USD với lãi suất bằng 0 trong cả năm qua, vẫn có nhiều người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp tìm cách lách luật bằng việc vẫn gửi USD vào ngân hàng rồi ngay sau đó, họ lại thế chấp sổ tiết kiệm để vay lại VNĐ với lãi suất 4%-5%/năm, tiếp tục gửi tiết kiệm VNĐ với lãi 6%-7%. Như vậy, người gửi USD đã có mức sinh lời 2%/năm, và các ngân hàng thương mại vẫn đang huy động USD với mức lãi suất là 2%. Do đó, nếu Ngân hàng nhà nước tăng lãi suất huy động USD lên 0,25-0,5% thì cũng chỉ là bước đi nhằm dần dần hợp thức hóa những gì mà các ngân hàng thương mại đang làm, chứ không thể tăng huy động thêm USD cho nền kinh tế.
Tại APEC Đà Nẵng 2017, ngoài một hiệp định khung về việc Hàn Quốc cung cấp khoảng 1,5 tỷ USD tín dụng trong giai đoạn 2016 - 2020 cho Việt Nam, ngoài con số 12 tỷ USD trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Mỹ mà chẳng ai biết có thực chất hay không, và dù có mặt của Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde…, đã chẳng thấy hiện ra một lời hứa hẹn nào, càng không hiện ra lời cam kết nào nào từ người Mỹ hay các nước khác về cung cấp viện trợ hoàn lại hoặc tín dụng lãi suất ưu đãi cho Việt Nam – một đòi hỏi mà chưa bao giờ đảng lại gây sức ép lớn đến thế đối với phía chính phủ để ít ra phải "vay để đảo nợ".
Trong khi đó, một số người Việt hải ngoại cho biết nếu cách đây 5 - 6 năm, họ thường chọn phương án gửi tiền về Việt Nam để đầu tư, thì nay có đến 9/10 người hải ngoại chọn cách gửi tiền hoặc đầu tư ở nước ngoài. Nguyên do không chỉ là mặt bằng lãi suất gửi USD ở Việt Nam quá thấp, mà còn bởi do kinh tế suy thoái nên thị trường kinh doanh và sản xuất ở Việt Nam sinh lời rất thấp. Một nguyên do khác không thể bỏ qua là tình hình chính trị ở Việt Nam đầy biến động, bất ổn và có thể gây rủi ro cao mà khó làm cho "kiều bào ta" yên tâm gửi tiền về…
Lượng kiều hối từ Châu Âu gửi về Việt Nam, vốn trước đó có đà sụt giảm, có thể càng giảm mạnh hơn sau vụ chính phủ Đức cáo buộc Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin, dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức - Việt và khiến môi trường chính trị lẫn đầu tư ở Việt Nam trở nên bất ổn hơn nhiều.
Thậm chí ngay cả "Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học" - một động tác do đảng cầm quyền ở Việt Nam chỉ đạo cho Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, cũng không thể khiến người Việt hải ngoại được thuyết phục. Kết quả của hội nghị phải tổ chức đến hai lần này là khá thảm hại : lần đầu vào tháng 4/2017 đã phải hoãn lại do chẳng có nhà văn hải ngoại nào hồi âm cho gần 50 thư mời của Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh được gửi đi, còn lần thứ hai tuy được báo cáo là "tổ chức thành công" nhưng Hội Nhà văn Việt Nam lại giấu biệt danh sách các "nhà văn hải ngoại" tham dự. Kiều hối về Việt Nam cũng vì thế vẫn ngậm đắng nuốt cay…
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 02/01/2018
Lần đầu tiên sau 6 năm ngồi ghế Tổng bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng không còn quá che giấu khi phải đề cập một cách đầy lo ngại về chủ đề "kiểm soát quyền lực" - vấn đề mà trước đây được xem là "hết sức nhạy cảm" và giới quan chức cao cấp thường rất tránh né đề cập.
Ông Nguyễn Phú Trọng không còn che giấu quyết tâm "kiểm soát quyền lực".
Nguy cơ lớn nhất
Bối cảnh thể hiện sự đề cập về "kiểm soát quyền lực" của ông Trọng là tại "Hội nghị tổng kết công tác tổ chức xây dựng đảng" ngày 19/1/2018, do một trong "bộ tứ quyền lực mới" của thể chế chính trị Việt Nam là ông Phạm Minh Chính - Trưởng ban Tổ chức trung ương, chủ trì.
"Công tác cán bộ còn nhiều khe hở, lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém, chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền một cách hiệu quả. Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn ? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai ?… Vậy vai trò, trách nhiệm và sự đóng góp của ngành tổ chức xây dựng đảng trong việc này thế nào ?" - báo đảng dẫn lời ông Nguyễn Phú Trọng trong hội nghị trên.
Mặc dù từ trước đại hội 12 của đảng cầm quyền vào cuối năm 2015 cho đến nay, Ban bí thư đã được Tổng bí thư Trọng chỉ đạo ban hành khá nhiều văn bản quy định liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, đặc biệt là "tiêu chí lãnh đạo" và "luân chuyển cán bộ", nhưng một lỗ hổng quá lớn có thể khiến biến mất quyền trung ương tập quyền mà ông Trọng đang hướng tới và như sự thừa nhận công khai của ông Trọng - là "chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực".
Thực ra, "phải có cơ chế để kiểm soát quyền lực" là một chủ đề mà một cận thần của Tổng bí thư Trọng - ông Vũ Ngọc Hoàng - cựu phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương - đã đặt ra suốt từ trước đại hội 12 cho đến giờ. Vào lúc đó, tình trạng sứ quân ở các địa phương đã manh nha nổi lên, với biểu hiện chủ yếu là các nhóm lợi ích và kéo theo một số quyền lực chính trị theo kiểu "lãnh chúa". Hệ quả mà ông Vũ Ngọc Hoàng thật sự lo lắng là đảng sẽ mất quyền lãnh đạo và "đất nước sẽ đi về đâu" nếu để cho các sứ quân này tự tung tự tác.
Cũng khi đó, đã bắt đầu rộ lên phong trào "đánh nhau lớn" ở Yên Bái, Thanh Hóa, Đà Nẵng và "đánh nhau nhỏ" ở nhiều tỉnh thành khác. Cũng vào thời gian cuối năm 2015, có nhiều dấu hiệu cho thấy thực trạng sứ quân và cát cứ quyền lực địa phương đã trở thành mối lo sợ lớn nhất của đảng, chứ không phải là nạn tham nhũng hoành hành từ Bắc chí Nam, "thế lực thù địch" hay phong trào dân chủ nhân quyền trong nước.
Đến năm 2017, Nhị Lê - Phó tổng bí tập Tạp chí Cộng sản và cũng là một trong những cận thần của ông Trọng - đã công khai nói đến tình trạng "hàng trăm sứ quân ở Việt Nam".
Kể từ sau đại hội 12 đến nay, bất chấp việc Tổng bí thư Trọng đã phần nào "trấn" được cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phe cánh của ông này, tình trạng cát cứ quyền lực và sứ quân địa phương không những không giảm mà còn tăng lên. Những bóng ma mới đang mau chóng thay thế những bóng ma cũ. Ở nhiều địa phương, mỗi bí thư tỉnh hay chủ tịch tỉnh, hoặc cả hai, đã trở thành những ông vua không ngai. Khái niệm "vua tập thể" mà cựu Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An ví von trước đây 10 năm đã trở nên quá lạc hậu. Giờ đây, quyền hành và lợi ích nhóm không còn là đặc quyền của cấp bộ chính trị mà còn ăn sâu xuống các ủy viên trung ương là người đứng đầu tỉnh thành.
Theo đà tiến công liên tục để thâu tóm lẫn nhau giữa các nhóm quyền lực và lợi ích mới đối với các nhóm quyền lực và lợi ích cũ, cùng não trạng "kiêu ngạo cộng sản thời kỳ cuối" dẫn đến nạn kiêu binh trở về thời phong kiến dã man, một tương lai rất có thể xảy đến là sẽ xuất hiện những "lãnh chúa" tham vọng và liều lĩnh nhất khi nghĩ đến việc tự trang bị cho địa phương mình một "lực lượng vũ trang riêng", bao gồm vừa công an vừa quân đội. Vào năm 2017, hiện tượng một số trạm thu phí BOT huy động lực lượng cảnh sát cơ động có cả súng ống như một cách khủng bố tinh thần lẫn trấn áp cánh lái xe phản đối tình trạng lạm thu là một minh họa điển hình cho những dấu hiệu bắt đầu manh nha "lực lượng vũ trang riêng" ở một số tỉnh thành.
Tuy nhiên, chính Tổng bí thư Trọng lại đã đóng góp một phần không nhỏ vào nạn hình thành và tung tác sứ quân ở các địa phương. Đó là một chủ trương mà có thể phóng tác thành cái tên "nhất thể hóa 3 thành 1".
Biến thái của "nhất thể hóa 3 thành 1"
Hội nghị trung ương 6 của đảng cầm quyền diễn ra vào nửa đầu tháng Mười năm 2017 đã xoáy mạnh vào chủ trương "nhất thể hóa." Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1975, chủ đề "nhất thể hóa" được đảng chi tiết hóa một cách ráo riết.
Theo đó, "nhất thể hóa" theo cách "bí thư kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân và hội đồng nhân dân" - một dạng "chính ủy chuyên quyền 3 thành 1" - sẽ không chỉ dừng ở cấp xã, huyện mà còn được phát triển lên thẳng cấp tỉnh thành. Nếu trước đây ở một số tỉnh thành còn thí điểm cơ chế bí thư tỉnh kiêm chủ tịch hội đồng nhân dân, nhưng cơ cấu quyền lực vẫn còn phân nhánh theo phương thức "nhị quyền phân lập" - tức bí thư tỉnh và chủ tịch tỉnh là hai nhân sự khác nhau và cách nào đó kiểm soát quyền lực lẫn nhau, thì nếu thực hiện cơ chế "3 thành 1," các "chính ủy" sẽ "quyết" hết, từ vấn đề nhân sự đến điều hành kinh tế - xã hội, và cả những dự án màu mỡ có nguồn vốn từ ngân sách và viện trợ ODA. Sẽ không có chuyện "chính ủy" phải hỏi hoặc xin ý kiến của Hội đồng nhân dân tỉnh thành về quyết sách này quyết sách kia.
Một cách chính xác và rất có thể là chính thức, chủ trương "nhất thể hóa 3 thành 1" sẽ làm biến mất vai trò của tổ chức Hội đồng nhân dân các cấp, kể cả cấp Quốc hội. Hội đồng nhân dân và Quốc hội - trong dĩ vãng vốn bị người dân xem là "cánh tay nối dài của đảng" và "vô tích sự" với một thao tác duy nhất là "gật theo đảng", thậm chí sẽ không còn cơ hội để "gật" nữa. Sẽ có nhiều vấn đề mà một khi giới "chính ủy" do đảng bố nhiệm vào những vị trí then chốt của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ quốc hội, khi đảng thông qua sẽ được triển khai luôn mà chẳng cần đến cơ chế "bấm nút thông qua" tại Hội đồng nhân dân hay Quốc hội, dù chỉ cho có.
Nhưng một xung đột rất lớn chính trong "tư tưởng Nguyễn Phú Trọng" là chỉ sau khi tung ra chủ trương "nhất thể hóa", ông Trọng mới chợt nhận ra là đáng lẽ trước đó ông ta phải có được một cơ chế hữu hiệu nhằm kiểm soát quyền lực, không để tản quyền biến thành cát cứ mà sẽ khiến định hướng cơ chế trung ương tập quyền của ông ta có nguy cơ bong bóng.
Còn giờ đây, "nhất thể hóa" đang đi vào quỹ đạo thực hiện và nhiều nhân sự cao cấp đang nhấp nhổm để tranh giành chiếm ghế của nhau, trong khi cơ chế kiểm soát quyền lực vẫn chẳng thấy đâu.
Chẳng mấy chốc, ông Trọng sẽ phải chứng kiến những "đồng chí ưu tú" mà ông đã luân chuyển và ưu ái cho nắm vị trí "3 thành 1" biến thái và trở thành những lãnh chúa địa phương, tạo ra một nhóm lợi ích riêng và tích tụ cả quyền lực riêng, để chỉ ngày trước ngày sau là sẽ quên phắt cái đảng "còn đảng thì còn mình", cũng quên luôn cả ai đã bổ nhiệm họ, theo một tư duy không thể thức thời hơn : không phải đảng, mà tiền mới mua được tất cả.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 30/01/2018
Lửa và khói
Từ giữa năm 2017, ngay sau khi rộ lên thông tin về hàng loạt ngân hàng nước ngoài rút vốn khỏi Việt Nam cùng những đánh giá đây là sự chia tay với một thị trường đã kém hấp dẫn và tính minh bạch chưa cao…, đã xuất hiện vài lời trấn an rằng hiện tượng này chỉ là những trường hợp cục bộ và có tính đặc thù của từng ngân hàng.
Hàng loạt các vụ ngân hàng phá sản tại Việt Nam và các quan chức bị tuyên án tù vì tham nhũng như chủ tịch Ngân Hàng Đại Dương Hà Văn Thắm. (Hình : Getty Images)
Nhưng "những trường hợp cục bộ" như thế lại mang khuynh hướng số nhiều, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp phương Tây rút vốn khỏi thị trường tài chính và tín dụng này.
Tháng Mười Hai, 2017, Ngân Hàng ANZ của Úc đã chính thức chia tay thị trường Việt Nam.
Vào những ngày cuối năm 2017 và đầu năm 2018, không biết vô tình hay hữu ý, hai ngân hàng Standard Chartered (Hong Kong) và Standard Chartered (Anh) đã lần lượt đã bán sạch 64,2 triệu cổ phiếu (tương đương 6,25% vốn) và 89,86 triệu cổ phiếu (chiếm 8,75% vốn) của Ngân Hàng Á Châu (ACB), đúng vào lúc chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán Việt Nam tăng đến 48% trong năm 2017 nhưng vẫn chưa chịu dừng lại ở đó. Và cũng ngay trước ngày 15 tháng Giêng, 2018 là thời điểm mà Luật về các tổ chức tín dụng chính thức có hiệu lực đối với cơ chế cho phép phá sản ngân hàng ở Việt Nam.
Trước Standard Chartered, BNP Paribas cũng vừa thoái toàn bộ 18,68% vốn của Ngân Hàng Phương Đông (OCB) sau 10 năm đầu tư. Sớm hơn nữa, HSBC cũng đã hoàn tất rút toàn bộ vốn sau nhiều năm đầu tư vào Techcombank. Ngân Hàng CommonWealth Bank of Australia (CBA) chuyển giao toàn bộ hoạt động kinh doanh của chi nhánh tại Sài Gòn cho ngân hàng Quốc Tế Việt Nam (VIB)…
Đã từ nhiều năm qua, Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế (TI) luôn xếp Việt Nam vào nhóm minh bạch từ dưới nhìn lên. Nạn thiếu minh bạch và không thèm minh bạch giống hệt như nạn ô nhiễm thuộc loại cao nhất thế giới che phủ cả bầu trời Hà Nội.
Đến lúc này, sự thể đã không còn được xem là đơn giản, như một giai đoạn thoái vốn tạm thời rồi sau đó sẽ phục hồi. Một chuyên gia tài chính – ngân hàng là ông Nguyễn Trí Hiếu nhận định rằng về bản chất, đây là sự thu hẹp hoạt động tại Việt Nam của ngân hàng nước ngoài. Nguyên nhân do tỷ lệ nợ xấu lớn, quản trị doanh nghiệp còn hạn chế… những yếu tố này đã làm giảm tính hấp dẫn của các ngân hàng Việt Nam.
Không có lửa làm sao có khói. Đốm lửa ấy đã có thể nhen nhóm từ năm 2016. Vào thời gian đó, một chuyên gia kinh tế là ông Lê Đăng Doanh đã khẳng định rằng đang có một xu thế các doanh nghiệp nước ngoài rút lui khỏi thị trường tài chính Việt Nam, mà cụ thể là một số quỹ đầu tư nước ngoài đã bán tháo khoảng $400 triệu cổ phiếu của họ ở thị trường chứng khoán của Việt Nam.
Cho tới nay, hiện tượng ngân hàng ngoại rút vốn hỏi Việt Nam vẫn là một dấu hỏi chưa có lời giải, do đó vẫn chưa có cơ sở để kết luận về hiện tượng này là có tính xu hướng hay chỉ mang tính cục bộ, đặc thù.
Tuy nhiên, rất cần chú ý là hiện tượng trên lại xuất hiện trong bối cảnh thị trường tín dụng ở Việt Nam đang nổi lên hai vấn nạn – mà nếu không cẩn thận thì có thể trở thành quốc nạn : bế tắc nợ xấu và "phá sản ngân hàng".
Từ núi nợ xấu đến phá sản ngân hàng
Hiện thời, số báo cáo chính thức cho biết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã lên đến 600 ngàn tỷ đồng. Những kỳ họp quốc hội tháng Năm – Sáu và tháng Mười – Mười Một, 2017 đã chỉ có thể "ra nghị quyết", nhưng về thực chất không xử lý được một đồng nợ xấu nào.
Đó là chưa kể 300 ngàn tỷ đồng nợ xấu mà công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) đã "xử lý" – mà thực chất chỉ là hành động mua trên giấy, còn số nợ xấu này vẫn y nguyên.
Cộng cả hai khoản nợ xấu trên, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang đầy hãnh diện có đến 900 ngàn tỷ đồng nợ xấu, chiếm ít nhất 15% tổng dư nợ cho vay vào khoảng thời gian này.
Với tình trạng nợ xấu vô phương cứu chữa như thế, rõ ràng hơn bao giờ hết, trong tổng số hơn 30 ngân hàng thương mại đang tồn tại hiện thời, chắc chắn có ít nhất 30% có thể phải "đội nón ra đi", trước khi kế hoạch "tái cơ cấu ngân hàng" đạt mục tiêu giảm phân nửa số tổ chức tín dụng hiện có.
Cuối năm 2016, chính phủ Việt Nam bắt đầu lộ rõ ý "thí điểm phá sản ngân hàng", để đến cuối năm 2017 thì ý tưởng này đã được chính phủ chính thức thông qua với một lộ trình cụ thể.
Tháng Sáu, 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết Định 21/2017/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm. Theo quyết định này, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo Hiểm tiền gửi là 75 triệu đồng. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 5 tháng Tám, 2017.
Bảo hiểm tiền gửi lại là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.
Câu hỏi rất lớn phải giải quyết là nếu một số ngân hàng thương mại nào đó rơi vào tình cảnh phải phá sản, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp sẽ chịu số phận ra sao ?
Nếu chiếu theo Luật Phá Sản, tài sản của ngân hàng phá sản sẽ phải nộp đầu tiên cho cơ quan thuế của nhà nước, sau đó mới đến việc thanh toán tiền tiết kiệm cho người dân và rồi mới đến doanh nghiệp. Nhưng đó chỉ thuần túy là lý thuyết.
Không có gì chắc chắn đối với điều được xem là "an toàn" của các ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là nhiều ngân hàng có vốn điều lệ nhỏ, luôn là tác nhân trong những đợt sóng kinh hoàng về tăng lãi suất tiết kiệm và lãi suất cho vay.
Những dấu hiệu trên cho thấy "đảng và nhà nước ta" không còn sức để trì níu những ngân hàng thương mại làm ăn bết bát và ngập ngụa nợ xấu.
Không thể loại trừ bất ổn về nợ xấu và ngân hàng ở Việt Nam là một nguyên do, thậm chí là nguyên do chính, khiến dẫn đến xu hướng một số ngân hàng nước ngoài rút vốn khỏi Việt Nam.
Từ Trung Quốc đến Việt Nam
Lại có một tương đồng đáng kể và rất đáng mổ xẻ giữa Việt Nam và Trung Quốc – liên quan đến núi nợ xấu từ năm 2011, núi nợ công từ năm 2014, và xu hướng thoái vốn của các danh nghiệp và ngân hàng nước ngoài trong vài năm qua.
Gordon G. Chang, tác giả của cuốn sách sự sụp đổ sắp đến của Trung Quốc, đã nêu ra những thông tin mới nhất về thực chất nền kinh tế Trung Quốc. Vị luật sư kiêm nhà bình luận người Mỹ này nhận định "kinh tế Trung Quốc sắp rơi tự do" trong một cuộc phỏng vấn mới đây với trang Đại Kỷ Nguyên, theo đó ông cho rằng Trung Quốc chỉ ổn định trên bề mặt trong năm 2017, nhưng tiềm ẩn bất ổn thực sự dưới bề mặt.
Hai thông tin đặc biệt mà ông Gordon G. Chang cho biết là : Trong năm 2015, luồng vốn chuyển ra nước ngoài là cao chưa từng thấy, từ 900 tỷ đến 1.000 tỷ USD ; và theo nguồn tin của ông, chỉ có 500 tỷ USD trong số 3.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối là còn có thể sử dụng được. Cũng theo ước tính của ông, Trung Quốc chỉ còn 1.500 tỷ USD tiền khả dụng để bảo vệ đồng nhân dân tệ.
Có một tử huyệt của nền tài chính Trung Quốc mà chính quyền nước này chưa bao giờ dám công bố : tỉ lệ nợ công quốc gia vọt lên đến 237% GDP, tức đến 28.000 tỷ USD vào năm 2016 – theo phân tích của tờ Financial Times vào tháng Tư, 2016 – vượt xa tỉ lệ nợ của các nước đang phát triển khác. Tình trạng này có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính hoặc trì trệ kinh tế kéo dài ở Trung Quốc.
Tất nhiên, giới lãnh đạo Trung Quốc hoàn toàn có thể tự an ủi rằng họ có một kho dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới – lên đến 4.000 tỷ USD vào năm 2016 và giảm mạnh chỉ còn khoảng 3.000 tỷ USD vào năm 2017. Chỉ có điều, con số 3.000 USD – 4.000 tỷ USD này chỉ bằng 1/9 – 1/7 so với gánh nặng nợ công 28.000 tỷ USD.
Nhưng tình hình kinh tế và tài chính ở Việt Nam còn tồi tệ hơn nhiều so với Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc có đến 3.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối mà đã phải "gánh" 237% tỉ lệ nợ công, tỉ lệ nợ công ở Việt Nam vẫn lên đến 210% nhưng kho dự trữ ngoại hối chỉ có khoảng hơn 50 tỷ USD theo báo cáo của Ngân Hàng Nhà Nước (về thực chất số khả dụng trong kho dự trữ ngoại hối của Việt Nam là thấp hơn khá nhiều vì có đến 1/3 trong đó là trái phiếu chính phủ Mỹ, số còn lại không được minh bạch).
2017 – năm bị xem là "cực kỳ khó khăn" đối với nền kinh tế Việt Nam mà thậm chí Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải cảnh báo về "sụp đổ tài khóa quốc gia".
Việt Nam lại đang bước vào năm suy thoái kinh tế thứ 9 liên tiếp, trong lúc các kênh "ngoại viện" gần như đóng lại. Quốc gia này đang hội tụ gần như đầy đủ các yếu tố đủ lớn cho một sự ra đi về "ổn định kinh tế tức ổn định chính trị" : từ năm 2015, ngân sách trung ương đã bị cảnh báo là "có thể trống rỗng", để đến năm 2017, bên cạnh lời cảnh báo "cực kỳ khó khăn" là bắt đầu xuất hiện dự báo về khả năng nền ngân sách này "không trụ nổi đến hết năm 2018".
Cũng có nghĩa là chân đứng chính trị có thể bị sụp đổ không lâu sau năm 2018.
Và bất ổn chính trị !
Những ngân hàng có tên tuổi của nước ngoài đều có bộ phận chuyên nghiên cứu về mức độ rủi ro chính trị ở những quốc gia mà họ đổ vốn vào đầu tư. Từ năm 2011 và tiếp đến những năm 2014 – 2015, đã xuất hiện một số báo cáo của những tổ chức nghiên cứu quốc tế, chẳng hạn như hãng tư vấn đánh giá rủi ro Maplecroft, về độ rủi ro chính trị ở Việt Nam tăng lên đáng kể. Theo Maplecroft, thậm chí Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ còn có độ rủi ro chính trị cao nhất trong số 15 quốc gia được khảo sát.
Hàng loạt vụ việc nội bộ đều trở thành những scandal bí ẩn và nguy hiểm như "Đinh Thế Huynh và Trần Đại Quang bị bệnh", vụ Repsol – Bãi Tư Chính cùng "biểu tình quốc doanh chống Trung Quốc" đầy sắc thái của thuyết âm mưu, vụ bỏ trốn của thượng tá công an Phan Văn Anh Vũ – trùm bất động sản Vũ "nhôm", khủng hoảng ngoại giao Việt – Đức liên quan đến vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh", cùng những vụ phản kháng xã hội như Đồng Tâm, BOT… đã và đang diễn biến nhanh và quyết liệt đến khó lường, báo hiệu một năm 2018 còn biến động ghê gớm hơn nhiều.
Thực tế tranh giành quyền lực và lợi ích của các phe nhóm chính trị ở Việt Nam, nạn cát cứ quyền lực và sứ quân địa phương đang ngày càng phổ biến ở đất nước này, kéo theo quá nhiều vấn nạn về kinh tế và xã hội… đang là những dẫn chứng không thể phủ nhận được, bắt buộc giới ngân hàng nước ngoài phải nghiêm túc xem xét lại việc họ ở lại Việt Nam có còn là phương án thật sự an toàn cho tiền của họ hay là không.
Bức tranh dễ hình dung là nếu trong vài năm nữa, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục suy thoái, nợ xấu và nợ công vẫn tiếp tục bế tắc, còn chính trị và xã hội rơi vào cảnh loạn lạc, xu hướng thoái vốn của các doanh nghiệp nước ngoài khỏi đất nước này sẽ không chỉ mang tính "đặc thù" hay "cục bộ" như những lời trấn an hiện thời.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 28/01/2018
Lần thứ hai trong những phiên tòa xét xử Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh, lời khai thuộc loại "nhạy cảm chính trị" được tiết lộ trên mặt báo chí nhà nước.
Trịnh Xuân Thanh có còn "tin đảng, theo đảng", hay anh ta sẽ quyết định tung hê tất cả những trò lật lọng tráo trở mà giới chức đảng và công an quen thói đối xử với dân chúng và nay đang dùng để "xử nhau" - Ảnh : Tinmoi.vn
Lần đầu tiên thuộc về lời khai của Đinh La Thăng với ý "chỉ định thầu là do Bộ Chính trị", được phát ra trên báo Tuổi Trẻ và một số báo khác, nhưng sau đó các báo đã phải gỡ bỏ nội dung này.
Sau phiên tòa "Thăng – Thanh", đến phiên tòa dành riêng cho Trịnh Xuân Thanh với một tội "tham ô" nữa. Tại phiên tòa này, vào ngày 26/1/2018, điều bất ngờ đã xảy ra. Theo tường thuật của trang Zing.vn : "đây là lần đầu tiên Trịnh Xuân Thanh đã thẳng thắn nói rõ suy nghĩ và quan điểm của mình", trong đó điểm nhấn ấn tương nhất là lời tán thán của Trịnh Xuân Thanh : "Đấu tranh chống tham nhũng chứ không phải như một cuộc đấu đá, thanh trừng".
Dù cách hành văn trên của Trịnh Xuân Thanh chỉ mang tính ví von mà chưa chỉ thẳng vào thực tại, nhưng rõ ràng đã có một sự chuyển biến rất khác biệt về nhận thức và phát ngôn của Trịnh Xuân Thanh từ phiên tòa "Thăng – Thanh" đến phiên tòa này.
Nếu ở cuối phiên tòa "Thăng – Thanh", Trịnh Xuân Thanh còn nức nở nói lời cuối "xin bác tổng bí thư xem như con cháu trong nhà" và "xin được sang Đức chăm sóc vợ con", thì có vẻ như bản án chung thân không hề thay đổi theo ý chỉ của "Bác Trọng" đã khiến Trịnh Xuân Thanh vỡ mộng "được hưởng lượng khoan hồng của đảng và nhà nước", để lần đầu tiên đi đến quyết định trần trụi về "đấu đá, thanh trừng" trong tâm thế chẳng còn gì để mất.
"Đấu đá, thanh trừng" lại là một luồng dư luận xã hội và cả trong nội bộ đảng, đã nổi lên từ giữa năm 2016 khi Tổng bí thư Trọng phát lệnh "việc cần làm ngay" với chiếc xe hơi Lexus của Phó chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh, kéo dài cho đến giờ đây với ngày càng nhiều đàm tiếu và mỉa mai về ý chí "chống tham nhũng thời kỳ trước" của ông Trọng.
"Thời kỳ trước" lại được hầu hết dư luận xã hội hiểu là "thời Nguyễn Tấn Dũng".
Thế là đã xảy ra một sự trớ trêu đầy bất công của lịch sử đảng cộng sản Việt Nam : trong khi dồn dập các "củi" của "thời kỳ trước" bị Nguyễn Phú Trọng tống vào "lò", vẫn còn rất nhiều ‘củi" của "thời kỳ này" không những ung dung tự tại mà còn nhơn nhơn tự đắc : Võ Kim Cự – cựu bí thư Hà Tĩnh và liên đới sâu đậm trách nhiệm với thảm họa xả thải của Formosa, Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Y tế và phải chịu trách nhiệm về vụ ngành y tế nhập thuốc ung thư giả mà có thể đã gây ra cái chết thứ hai cho hàng ngàn bệnh nhân, Trịnh Văn Chiến – Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa với khối tài sản khổng lồ bị đồn đoán và mối quan hệ rất đáng ngờ với đại gia Trịnh Văn Quyết, Phạm Sỹ Quý ở Yên Bái với ngôi biệt phủ không thua kém thời thực dân…
Kết quả của luồng dư luận chỉ trích trên là ông Trọng đã chỉ "chống tham nhũng một bên".
Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh, cho dù từ lâu đã bị quá nhiều dư luận về lối sống xài tiền như nước và ăn đậm nhiều dự án, công trình có nguồn ngân sách và nguồn vốn ODA, nhưng lại tạo nên một hiện tượng đặc biệt khi vượt qua phiên tòa "Thăng – Thanh" mà không để lại một lời khai nào về sự dính dáng trực tiếp của hai nhân vật này đến tham nhũng cá nhân. Thậm chí Hội đồng xét xử còn không trưng ra nổi một chứng cứ nào đủ thuyết phục cho thấy Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh tham nhũng, để cuối cùng phải "vận dụng vụ 119 tỷ đồng", mà theo luật sự Nguyễn Văn Quynh là "tưởng tượng ra sự thiệt hại về lãi suất" để áp đặt tội danh và mức án đối với Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh.
Khác với Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh đã có cơ hội thứ hai để "nói thẳng nói thật", sau cơ hội thứ nhất đã trở nên ảo tưởng.
Có thể Trịnh Xuân Thanh đã nhận ra giữa những lời gợi ý, hứa hẹn ngọt ngào trong quá trình lấy cung và những phủ dụ ngay sát phiên tòa "Thăng – Thanh" đã khác một trời một vực với ngữ cảnh "càng nói càng buộc thêm tội" của Viện Kiểm sát tối cao, để cuối cùng Trịnh Xuân Thanh vẫn phải nhận bản án chung thân, dù đã cày cục than khóc.
Cũng có thể là Trịnh Xuân Thanh đã nhận ra, ngay sau phiên tòa "Thăng – Thanh", là anh ta cùng với Đinh La Thăng phải "chết", như một định luật chính trị, trên bàn cờ chính trị, để Tổng bí thư Trọng có cơ hội hoàn tất "kịch bản Bạc Hy Lai" ở Việt Nam và đang tràn trề hy vọng trở thành "Tập Cận Bình Việt Nam".
"Đấu đá, thanh trừng". Trịnh Xuân Thanh vừa "phản tỉnh". Lần thứ hai "phản tỉnh".
Lần "phản tỉnh" thứ nhất là sau khi bỏ trốn sang Đức, Thanh đã viết một bức thư và công khai trên mạng xã hội về "không còn tin tưởng tổng bí thư", tuy vẫn tin vào đảng.
Nhưng liệu vào lúc này, khi đã phải nhận một án chung thân và gần như chắc chắn sẽ phải nhận án chung thân thứ hai, Trịnh Xuân Thanh có còn "tin đảng, theo đảng", hay anh ta sẽ quyết định tung hê tất cả những trò lật lọng tráo trở mà giới chức đảng và công an quen thói đối xử với dân chúng và nay đang dùng để "xử nhau" ?
Khác hẳn với lời ta thán về nguy cơ "nợ công nếu tính đủ thì đã vượt trần" vào cuối năm 2016 và "sụp đổ tài khóa quốc gia" vào đầu năm 2017, đến đầu năm 2018, thủ tướng Việt Nam – ông Nguyễn Xuân Phúc – bất thần có đến hai lần yêu cầu Tổng cục Thống kê "tính lại GDP", với lý do "Hàng vạn cái nhà lầu, hàng trăm chiếc ô tô đăng ký mỗi tháng ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội mà chả tính được cái gì, bỏ rơi hết. Nếu cộng thêm được 30% nữa thì không phải 5 triệu tỉ đồng ; mẫu số lớn lên, quy mô nợ công sẽ giảm xuống, có tiền cho đầu tư phát triển", và giải thích thêm về tăng trưởng : "GDP đạt trên 5,1 triệu tỉ đồng. Con số này rất quan trọng, từ tổng GDP này làm cho nợ công thời điểm này còn 61,3% GDP, như vậy, so với đầu năm 2016 là chúng ta kịch trần 64,5-64,6% GDP".
‘Tính lại GDP để nâng trần nợ công’ : ông Phúc muốn ‘giúp’ ai ? Ảnh : Kiên Giang Online
Hai lần yêu cầu trên xảy đến tại hội nghị tổng kết của Bộ Tài chính và tại hội nghị tổng kết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho dù bị nhiều dư luận phản ứng và nghi ngờ về "GDP tăng trưởng có cánh" tại kỳ họp quốc hội cuối năm 2017 mà ông Phúc đã phải trần tình là ông "không can thiệp vào việc tính GDP".
Ngay sau hội nghị trên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm thông báo rằng cơ quan này sẽ điều chỉnh quy mô GDP trên cơ sở kết quả của Tổng điều tra nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2016, Tổng điều tra kinh tế năm 2017, và cơ quan thống kê sẽ trình Thủ tướng phê duyệt để thực hiện đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, nhằm thu thập đầy đủ thông tin của các hoạt động kinh tế thực tế đang diễn ra và ảnh hưởng đến quy mô nền kinh tế nhưng chưa được đo lường và tính toán đầy đủ trong GDP.
Như vậy, câu chuyện "tính lại GDP" không chỉ còn là nói miệng mà đã trở nên "nghiêm trọng" thật sự khi đã được chỉ đạo bằng văn bản. Động tác này mang ý nghĩa gì và có lợi cho ai ?
Theo Luật về Nợ công, tỷ lệ nợ công quốc gia được tính theo công thức : nợ công/GDP. Mẫu số GDP càng lớn thì tỷ lệ nợ công càng nhỏ và do đó càng làm cho tình trạng vay nợ (vay trong nước và vay nước ngoài) của Chính phủ lẫn các doanh nghiệp "an toàn" hơn, đồng thời có thêm lý do để Chính phủ báo cáo và công bố về thành tích "bảo đảm an toàn nợ công" của mình.
Nhưng như thế nào là "an toàn" ?
Một nguyên tắc lẫn thông lệ quốc tế đang được vận dụng ở Việt Nam là tỷ lệ nợ công sẽ đạt ngưỡng nguy hiểm ở mức 65% GDP. Với báo cáo của các bộ ngành kinh tế và Chính phủ thì tỷ lệ nợ công ở Việt Nam đã gần đụng ngưỡng nguy hiểm 65% GDP đó, mà như vậy thì sẽ rất khó có lý do để tiếp tục vay, đẩy mạnh vay nhằm chi dùng cho "đầu tư phát triển", chẳng hạn như chi cho các công trình xây dựng trạm thu phí BOT – một dạng vay vốn ODA vô tội vạ thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng giao thông vận tải Đinh La Thăng mà còn để lại hậu quả trầm kha 100% "chỉ định thầu" (về thực chất là tiêu cực) và gây phản kháng xã hội ngày càng rộng lớn cho đến ngày nay.
Vậy là trong cái khó ló "cái khôn". Thủ pháp kinh tế – chính trị quá sức đơn giản là chỉ cần lấy bút, làm vài phép tính, cộng thêm 30% phần kinh tế phi chính thức vào GDP thì ngay lập tức tỷ lệ nợ công sẽ giảm đến 15%, tức chỉ còn khoảng 50% GDP, trở thành một con số còn bóng lộn hơn cả báo cáo nợ công "chỉ có 55% GDP" thời Nguyễn Tấn Dũng.
Khi đó, các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước cùng Chính phủ sẽ tha hồ vay được ít ra 15% GDP nữa, tương đương khoảng 30 tỷ USD, chẳng hạn "phục vụ dự án trọng điểm sân bay Long Thành và đường bộ cao tốc Bắc Nam". Hai dự án này lần lượt chiếm vốn đầu tư là 18 tỷ USD và hơn 10 tỷ USD, cộng lại xấp xỉ với "quota" 30 tỷ USD mà Chính phủ có thể vay trực tiếp hoặc bảo lãnh vay nếu thành công trong việc "tính lại GDP". Cơ hội để các nhóm lợi ích "ăn tàn phá hại" vốn ODA và những nguồn vốn vay khác sẽ lại mở ra không khác gì thời Nguyễn Tấn Dũng.
Và nếu kịch bản "tính lại GDP" thành công theo "yêu cầu đặc biệt" của Thủ tướng Phúc, gần 100 triệu dân Việt sẽ càng có cơ hội đội thêm gánh nặng nợ nần ngập đầu cho hiện tại và cho rất nhiều đời con cháu mai sau.
Cần nhắc lại, vào đầu năm 2017, một phân tích của Tiến Sĩ Vũ Quang Việt – cựu vụ trưởng vụ thống kê của Liên hiệp quốc – đã cho biết nợ của 3.200 doanh nghiệp nhà nước theo điều tra của Tổng Cục Thống Kê năm 2014 là 4,9 triệu tỷ đồng (231 tỷ USD), gấp nhiều lần con số 1,5 triệu tỷ đồng mà Bộ Tài Chính đưa ra chỉ cho một số tập đoàn và công ty lớn. Ước tính thêm cho thấy năm 2016, nợ của doanh nghiệp nhà nước là 324 tỷ USD, bằng 158% GDP.
Cộng cả nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp nhà nước sau khi trừ đi phần chính phủ bảo lãnh trùng lặp, tổng số nợ năm 2016 là 431 tỷ USD, lên đến 210% GDP, gấp hơn 3 lần tỷ lệ nợ công "gần 65% GDP" mà các báo cáo của bộ ngành và của chính phủ Nguyễn Xuân Phúc luôn "tuyên giáo".
Phạm Chí Dũng
Nguồn : CaliToday, 27/01/2018