Vì sao Đoàn Luật sư Phú Yên quyết định rút thẻ hành nghề của Luật sư nhân quyền Võ An Đôn vào thời điểm này ?
Luật sư Võ An Đôn
Ý định rút thẻ của Luật sư Đôn đã manh nha từ Đoàn Luật sư Phú Yên cả vài năm qua. Vào đầu năm 2017, ý định này có vẻ đã chuyển thành một kế hoạch với lộ trình cụ thể, tuy chưa thực hiện được. Trong năm 2017, báo Phú Yên (thuộc tỉnh ủy Phú Yên) đã tìm cách "đánh" Luật sư Đôn với những vu cáo về vị luật sư nhân quyền này có "hành vi xấu, độc", thậm chí còn đe dọa xử lý Luật sư Đôn bằng Luật Hình sự.
Vụ Đoàn Luật sư Phú Yên ra tay rút thẻ hành nghề của Luật sư nhân quyền Võ An Đôn chỉ xảy ra ít ngày trước phiên xử phúc thẩm blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – một nhà hoạt động đấu tranh phản đối nạn xả thải gây thảm họa ô nhiễm khủng khiếp của Nhà máy Formosa ở miền Trung Việt Nam, người đã được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh "Người Phụ nữ can đảm quốc tế" vào tháng Ba năm 2017. Võ An Đôn là một trong những luật sư bảo vệ cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tại phiên tòa xử sơ thẩm. Tuy nhiên với bản án bỏ túi của chính quyền, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã bị giáng cái án đến 10 năm tù giam.
Sau lần vào trại giam gặp Nguyễn Ngọc Như Quỳnh mới đây và nghe Quỳnh kể lại, Luật sư Võ An Đôn đã công bố lên mạng xã hội một thông tin quan trọng (hoặc rất quan trọng): trước đó, Luật sư Hà Huy Sơn – một trong những luật sư bào chữa cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, đã chuyển lời của Bộ Công an cho Quỳnh là nếu cô chịu nhận tội thì sẽ được giảm án rất nhiều.
Ngay sau khi tin tức trên được Luật sư Đôn công bố, anh đã bị rút thẻ hành nghề luật sư. Vụ rút thẻ này đã được Đoàn Luật sư Phú Yên tiến hành rất nhanh, rất vội vã, và "có hiệu lực ngay". Điều đó cũng có nghĩa là Luật sư nhân quyền Võ An Đôn sẽ bị tước quyền có mặt trong phiên tòa phúc thẩm xử Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vào ngày 30/11 tới.
Nhiều người rất nghi ngờ rằng Đoàn Luật sư Phú Yên đã chịu sức ép từ "trên", có thể là chính Bộ Công an, để ngay lập tức phải chấm dứt sự hiện diện của Luật sư Đôn tại tòa.
Phải chăng vì lời khuyên của Luật sư Đôn khi gặp Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – rằng nếu cô nhận tội thì phong trào dân chủ sẽ bị ảnh hưởng và do đó Quỳnh không thể nhận tội – đã khiến cho Bộ Công an cay cú và tìm cách trả đũa Võ An Đôn?
Nhưng nếu nhớ lại những vụ bào chữa trước đây của Luật su Đôn cho những người bất đồng chính kiến, Võ An Đôn cũng thường khuyên những người này không nhận tội và anh cũng công bố lời khuyên của mình trên mạng xã hội như việc công bố lời khuyên với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh mới đây, thì khi đó Võ An Đôn chỉ phải chịu sức ép không đáng kể từ phía công an chứ không bị rút thẻ.
Trong thực tế, không chỉ Võ An Đôn mà một số luật sư khác cũng thường khuyên người bất đồng chính kiến không nên nhận tội – điều mà Bộ Công an biết rõ và đã "thành quen" (nói theo từ ngữ rất đặc thù của cố trưởng ban nội chính Nguyễn Bá Thanh). Nhiều khả năng là không phải do lời khuyên như thế mà Võ An Đôn bị rút thẻ luật sư.
Nhưng tin tức mà Võ An Đôn thuật lại trên mạng xã hội về "nếu Nguyễn Ngọc Như Quỳnh nhận tội thì sẽ được giảm án rất nhiều" rất có thể đã làm sôi máu Bộ Công an. Tin tức này có thể đã khiến một ý đồ hoặc kế hoạch nào đó của Bộ Công an cho phiên tòa xử phúc thẩm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị công khai hóa. Mà đã công khai hóa thì đương nhiên phải chịu mổ xẻ và còn có thể phải chịu búa rìu của dư luận xã hội, đặc biệt dư luận từ giới ủng hộ cuộc đấu tranh vì dân của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Một dấu hỏi khác được đặt ra là vì sao Đoàn Luật sư Phú Yên phải vội vã rút thẻ hành nghề của Luật sư nhân quyền Võ An Đôn vào thời điểm này mà không phải "để dành" sau phiên tòa xử phúc thẩm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ?
Bởi với truyền thống "án bỏ túi", ngành tư pháp và công an Việt Nam từ lâu đã chẳng mấy quan ngại ảnh hưởng của giới luật sư nhân quyền. Tại phiên tòa sơ thẩm xử Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bất chấp nhiều ý kiến phản đối của Luật sư Đôn và những luật sư khác, tòa vẫn tung ra cái án tù giam đến 10 năm kia mà !
Vậy phải chăng vào ngày 30/11 tới, tòa án và công an lo ngại sự có mặt của Luật sư Đôn có thể gây ảnh hưởng đến phiên tòa phúc thẩm ? Hoặc họ sợ Luật sư Đôn sẽ nắm được diễn biến và cả những ẩn ý nào đó trong phiên tòa để sau đó anh thông tin ra ngoài ?
Và nếu tâm lý lo ngại trên là có thật, phải chăng phiên tòa phúc thẩm đó sẽ có thể diễn biến khác với "kịch bản" trước đây, có thể sẽ có một vài thay đổi nào đó về luận tội và cả mức án ?
Nhìn khách quan, nếu bối cảnh xử án diễn ra như trước đây, Luật sư Đôn sẽ không phải chịu nhiều rủi ro từ cơ chế rút thẻ hành nghề. Nhưng việc rút thẻ vào lần này khiến dư luận có cảm giác rằng Bộ Công an "giận cá chém thớt".
Nếu cảm giác trên là đúng, vì sao Bộ Công an "giận cá" – "giận" Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – trong khi cô đã hoàn toàn nằm trong tay công an và chính quyền muốn giáng bao nhiêu năm tù cũng được?
Có thể, đang có một tính toán và thay đổi ngấm ngầm nào đó từ phía chính quyền.
Phiên tòa xử phúc thẩm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh chỉ diễn ra vài ngày trước một cuộc đối thoại nhân quyền rất quan trọng giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam tại Hà Nội. Kết quả cuộc đối thoại nhân quyền này sẽ là cơ sở chính để EU xem xét có tiếp tục đàm phán và thông qua sau đó về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) hay không.
Bối cảnh trên cũng có nét tương đồng với năm 2013, khi Việt Nam đôn đáo lấy lòng Mỹ để được vào Hiệp định TPP. Sau chuyến đi Mỹ của Trương Tấn Sang – Chủ tịch nước – vào tháng 7/2013, đến tháng Tám năm 2013 đã diễn ra phiên tòa phúc thẩm xử Nguyễn Phương Uyên – một người hoạt động nhân quyền trẻ tuổi.
Dù tại phiên tòa sơ thẩm, Phương Uyên đã bị "bỏ túi" đến 6 năm tù giam, nhưng vào buổi chiều của phiên tòa phúc thẩm, tòa án bất ngờ quyết định trả tự do cho cô ngay tại tòa.
Ngay sau đó, một nguồn tin đáng tin cậy cho biết Phương Uyên nằm trong danh sách 5 tù nhân lương tâm mà Hoa Kỳ yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do vô điều kiện. Phương Uyên đứng thứ 5 trong danh sách đó.
2017. Bản án phúc thẩm với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh liệu có thay đổi?
2/12/2017 sẽ là ngày diễn ra cuộc đối thoại nhân quyền thường kỳ của Liên Hiệp Châu Âu (EU) với chính quyền Việt Nam tại Hà Nội. Chỉ trước đó 2 ngày - 30/11/2017 - "tòa án nhân dân" sẽ xử phúc thẩm blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - nhà hoạt động nhân quyền tranh đấu cho người dân miền Trung phản kháng Formosa, đã được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh "Người phụ nữ can đảm quốc tế" vào tháng 3/2017.
Tháng 6/2017 Mẹ Nấm bị kết án 10 năm tù giam vì tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Luật Hình sự.
Tin xấu đối với giới chóp bu Hà Nội là khác hẳn với những lần đối thoại nhân quyền trước đây giữa EU và Việt Nam, kết quả của cuộc đối thoại nhân quyền này sẽ là một cơ sở rất quan trọng, nếu không nói là được đặt lên hàng đầu, để Phái đoàn EU tại Việt Nam báo cáo cho EU nhằm quyết định có thông qua hay không Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA).
EVFTA, mặc dù đã được hoàn tất đàm phán từ cuối năm 2015, nhưng còn phải trải qua thủ tục ký và bỏ phiếu, phê chuẩn ở nghị viện các nước Châu Âu. Có đến 27 nước như vậy, mà chỉ cần một nước không đồng ý thì EVFTA coi như không thành và Việt Nam cũng "mất cả chì lẫn chài".
Phe nào cũng cần EVFTA
Tháng Mười Một năm 2017. Đang có những dấu hiệu rõ rệt cho thấy chính thể độc đảng ở Việt Nam mở một chiến dịch mới nhằm vận động EU nhanh chóng thông qua EVFTA, trong khi chưa có động thái bắt bớ thêm giới hoạt động nhân quyền tại đất nước này trong tháng 11/2017, trái ngược với 8 tháng trước đó đã xảy ra bắt người bất đồng chính kiến rất hung hãn và đều đặn vào mỗi tháng.
Trong thời gian diễn ra Hội nghị APEC Đà Nẵng vào đầu tháng 11/2017 và cả sau hội nghị này, vài ba cuộc hội thảo về EVFTA được chính quyền Việt Nam tổ chức, cùng lúc nhiều tờ báo nhà nước bất chợt đăng tin bài dồn dập về EVFTA với nội dung tập trung vào những cái lợi về kinh tế của Việt Nam khi tham gia vào hiệp định này. Động thái này rất tương đồng với bầu không khí "tích cực chuẩn bị tham gia EVFTA" vào cuối năm 2015 - khi hiệp định này hoàn tất đàm phán song phương, và vào năm 2016 - khi một số quốc hội ở Châu Âu bắt đầu tiến trình xem xét EVFTA để quyết định có thông qua hay không.
Sau khi TPP đổ vỡ lần đầu vào đầu năm 2017 do Mỹ chính thức rút khỏi hiệp định này, chính thể Việt Nam chỉ còn EVFTA là hiệp định thương mại mang lại lợi lộc nhiều nhất ứng với đà xuất siêu của Việt Nam sang Châu Âu lên đến 25 tỷ USD mỗi năm - gần bằng giá trị nhập siêu lên đến 30 tỷ USD hàng năm (chỉ tính theo đường chính ngạch, chưa kể khoảng 20 tỷ USD nhập siêu theo đường tiểu ngạch) của Việt Nam từ Trung Quốc.
Cho đến Hội nghị APEC vào tháng 11/2017. Trước khi diễn ra hội nghị này, Việt Nam đã hy vọng Hiệp định TPP-11 (không có Mỹ) sẽ được ký kết ngay tại Đà Nẵng. Tuy nhiên thực tế diễn biến khá trái ngược : TPP suýt nữa đổ vỡ lần hai khi Canada bất đồng với một số nước về một số điều khoản. Và cho dù sau đó TPP có được đổi thành tên mới là CPTPP, phía Việt Nam cũng thấy rõ là chẳng còn được bao nhiêu lợi lộc khi tham gia hiệp định này mà không có thị trường Mỹ, bởi các chỉ số xuất khẩu và GDP của Việt Nam, nếu có tham gia TPP-11 hay CPTPP, đều giảm từ 1/2 đến 1/3 so với TPP-12 (có Mỹ).
Giờ đây, chính thể Việt Nam chỉ còn duy nhất EVFTA là triển vọng hơn cả, trong lúc 14 - 15 FTA (hiệp định thương mại tự do) còn lại với các nước hoặc bất lợi cho Việt Nam, hoặc có giá trị xuất siêu bằng 0, hoặc còn đang đàm phán.
Mặc dù Việt Nam là một xứ sở "đặc thù xã hội chủ nghĩa" bởi những cuộc đấu đá nội bộ triền miên và khốc liệt, nhưng cũng là một chế độ đang rơi vào hoàn cảnh đã cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và đang nhanh chóng cạn kiệt về ngân sách, kéo theo khối nợ công lên đến 210% GDP, cùng một nền kinh tế suy thoái đến năm thứ 9 liên tiếp mà rất có thể kéo theo sự sụp đổ của chân đứng chính trị. Tình trạng đó đã khiến các phe phái dù xung đột ghê gớm với nhau về quyền lực và lợi ích nhưng luôn đồng thuận ở một điểm : cần khẩn cấp TPP và EVFTA.
Công đoàn độc lập, nhân quyền và môi trường
Tuy nhiên thói "kiêu ngạo cộng sản" vẫn chỉ muốn được không muốn cho. Ngày 16/11/2017, Phái đoàn EU tại Việt Nam đã tổ chức gặp gỡ một số nhà hoạt động dân sự để tham vấn về vấn đề nhân quyền nhằm chuẩn bị cho cuộc đối thoại nhân quyền thường kỳ của EU với chính quyền Việt Nam vào ngày 2/12/2017. Nhưng ngay sau cuộc gặp này, ba nhà hoạt động dân sự là Nguyễn Quang A, Phạm Đoan Trang, Bùi Thị Minh Hằng đã bị công an bắt cóc và câu lưu.
Đặc biệt, hành động Công an Hà Nội bắt giữ Phạm Đoan Trang ngay trước tòa nhà Lotte - nơi đặt trụ sở của Phái đoàn Liên minh Châu Âu - giống hệt một cú răn đe dằn mặt, bất chấp giới ngoại giao và chính phủ Việt Nam có hứa hẹn trời trăng mây nước gì chăng nữa.
Hiện thời, ba điều kiện lớn mà EU đang đặt ra trong EVFTA đối với Việt Nam là Việt Nam phải cho phép hình thành công đoàn độc lập, cải thiện nhân quyền và xử lý vấn đề môi trường.
Ngay cả Hiệp định CPTPP (tên gọi mới từ TPP) cũng bao gồm nội dung phải có công đoàn độc lập đối với Việt Nam.
"Đời đổi - não không đổi"
Hiện tượng hàng loạt quan chức ngoại giao cao cấp của một số nước Tây Âu - Bộ Ngoại giao Thụy Điển Margot Wallström và Thứ trưởng ngoại giao Bỉ Dirk Achten - đến Việt Nam trong thời gian này và liên quan đến EVFTA cho thấy giới chóp bu Việt Nam một lần nữa bắt được tín hiệu tái khởi động thương thảo về hiệp định này, và lần này là các cuộc bàn bạc để thuyết phục quốc hội các nước Châu Âu thông qua EVFTA. Rất có thể là tận dụng kết quả "đăng cai tổ chức thành công Hội nghị APEC 2017" (trong thực tế, kết quả thành công gần như duy nhất là không xảy ra vụ khủng bố nào), Hà Nội đã mau mắn và đon đả mời mọc các nước Châu Âu, đặc biệt là những nước có vai trò khá quan trọng EU như Thụy Điển, Bỉ… đến Việt Nam để được nghe hứa hẹn thêm một lần nữa về "Việt Nam sẽ đáp ứng các yêu cầu của EVFTA" và "Việt Nam luôn quan tâm và bảo đảm các quyền con người".
Tâm thế mời mọc Châu Âu của chính thể Việt Nam càng ẩn chứa động cơ khẩn cấp sau khi xảy ra vụ khủng hoảng ngoại giao Đức - Việt liên đới mật thiết vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" ngay tại Berlin - một trận động đất chính trị mà có thể phá tan tương lai EVFTA và khiến phần lớn Châu Âu quay lưng với Việt Nam - một nhà nước bị nhiều người dân trong nước xem là "vô số luật nhưng chỉ có luật rừng".
Giới quan chức ngoại giao Tây Âu - những người vốn đã từng tỏ ra dĩ hòa vi quý với Việt Nam trong không khí xã giao bất tận vô nghĩa cùng những cuộc đối thoại nhân quyền EU - Việt Nam chỉ nghe hứa không thấy làm - dường như một lần nữa "chiều" Việt Nam bằng những chuyến thăm nước này vào tháng 11/2017.
Thế nhưng thêm một lần nữa, những quan chức Tây Âu theo chủ trương đối thoại mềm dẻo mà thiếu hẳn độ cứng rắn cần thiết đã phải nhận một bài học "đời đổi - não không đổi" từ phía giới quan chức Việt Nam :
Ngày 21/11/2017, trong cuộc gặp tại Hà Nội với Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Đại sứ Bruno Angelet - Trưởng phái đoàn của Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam - cho biết việc hai bên ký kết Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện (PCA) sẽ có vai trò quan trọng trong thúc đẩy việc ký kết, phê chuẩn EVFTA và phát triển bền vững. Để triển khai PCA, trong tuần tới (dự kiến vào ngày 2/12/2017) sẽ diễn ra sự kiện quan trọng đối với hai bên là Đối thoại nhân quyền Việt Nam-EU.
Tuy nhiên trang Chinhphu.vn của Việt Nam đã thản nhiên đưa tin : "Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, việc chỉnh sửa các nội dung hợp tác kinh tế chỉ nên liên quan tới các vấn đề về PCA chứ không nên đưa các lĩnh vực khác như nhân quyền vào EVFTA".
Khó có thể hiểu khác hơn, đó là một cách nói vỗ mặt thẳng thừng của quan chức Việt Nam đối với Tây Âu mà nhiều khả năng xuất phát từ tâm lý giới lãnh đạo Việt Nam đánh giá vai trò lẫn bản lĩnh của EU là thấp hơn hẳn Hoa Kỳ trong cơ chế và các kỳ đối thoại nhân quyền với Việt Nam, do đó dễ "ăn hiếp" hơn.
Phép thử lớn
Sẽ có một phép thử lớn về khả năng đối thoại nhân quyền EU - VN và tương lai EVFTA : vụ xử phúc thẩm blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vào ngày 30/11 sẽ diễn ra theo chiều hướng và kịch bản nào ?
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt cách đây tròn một năm. Vào cuối tháng 6/2017, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã bị "tòa án nhân dân" giáng cho bản án cực kỳ nặng nề - 10 năm tù giam.
Không biết có phải ngẫu nhiên hay có chủ ý mà nhà cầm quyền đưa Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ra xử phúc thẩm sát ngày đối thoại nhân quyền với EU.
Nếu bản án phúc thẩm theo kịch bản giảm lùi một con số đang kể so với án sơ thẩm, đó là dấu hiệu cho thấy tiến trình đàm phán nhân quyền giữa EU và nhà cầm quyền Việt Nam đang tiến triển và có thể tái hiện giai đoạn năm 2013 và 2014 - khoảng thời gian mà để được Mỹ chấp nhận cho vào Hiệp định TPP, chính thể Việt Nam đã phải trả tự do cho một nhà hoạt động nhân quyền trẻ là Nguyễn Phương Uyên ngay tại phiên tòa phúc thẩm ở Long An dù trước đó đã kết án đến 6 năm tù, để đến năm 2014 đã trả tự do trước thời hạn thụ án cho 12 tù nhân lương tâm. Đồng thời kịch bản đàm phán và dẫn đến việc có thể thông qua EVFTA là bắt đầu có hy vọng đối với chính thể Việt Nam.
Còn nếu bản án phúc thẩm đối với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vẫn y án sơ thẩm là 10 năm tù giam, tình hình nhân quyền ở Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ cải thiện nào, kéo theo EVFTA giữ nguyên trạng thái trì trệ để toàn bộ chính thể Việt Nam vẫn bị "treo" ở đó.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 27/11/2017
Dù tỷ lệ đại biểu Quốc hội Việt Nam giữ được tinh thần tỉnh táo đã lên 14% như một biểu hiện của tư thế tỉnh ngủ, vẫn còn đến 86% "gật thiểu năng" với báo cáo đề xuất của chính phủ về dự toán thu – chi ngân sách năm 2018, bất chấp một thực tế quá ư đe dọa là thu ngân sách năm 2017 trở nên tồi tệ hiếm có.
Người dân Việt Nam đang è cổ đóng thuế nuôi gần 3 triệu công chức và quan chức. (Hình : Getty Images)
Đời đổi – não không đổi
Tại kỳ họp tháng Mười – tháng Mười Một, 2017, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị Quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Theo đó, tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.319.200 tỷ đồng ; tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.523.200 tỷ đồng ; mức bội chi ngân sách nhà nước là 204.000 tỷ đồng, tương đương 3,7% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Trong đó, bội chi ngân sách trung ương là 195.000 tỷ đồng, tương đương 3,54% GDP. Bội chi ngân sách địa phương là 9..000 tỷ đồng, tương đương 0,16% GDP. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước, bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của ngân sách nhà nước là 363.284 tỷ đồng…
Như vậy, tổng số thu ngân sách nhà nước năm 2018 được "quyết tâm" tăng thu hơn 8% so với số dự toán thu năm 2017. Còn tổng số chi ngân sách nhà nước năm 2018 cũng được phóng khoảng 10% so với dự toán chi năm 2017.
Có thể hiểu một "cơ sở" quan trọng để Quốc hội ra nghị quyết cho những con số dự toán thu – chi chỉ có tăng không có giảm ấy là dựa vào "kinh nghiệm" những năm trước, cứ đều đặn năm sau lại dự toán thu – chi tăng khoảng 10% so với năm ngay trước đó. Lần này cũng vậy, đời thay đổi nhưng não trạng và quán tính đều không di dời.
Tuy vậy, người tính không bằng trời tính. Cơ sở tăng thu – chi khoảng 10% của chính phủ và Quốc hội đã rất có thể bị phá sản gần như hoàn toàn khi kết thúc năm 2017, bởi nếu năm 2017 giới quan chức dự báo thu ngân sách tăng đến gần 9% so với dự toán đầu năm, thì đến nay chính giới quan chức đó đã phải thừa nhận kết quả thu năm 2017 chỉ có thể tăng khoảng 2,3% so với dự toán năm.
Nhưng 2,3% chỉ là con số mà Bộ Tài chính báo cáo chính phủ, để chính phủ "phổ cập" cho Quốc hội. Còn trong thực tế và ứng với tốc độ thu ngân sách trong 10 tháng đầu năm 2017, năm nay không chỉ là năm thứ ba liên tiếp ngân sách trung ương bị hụt thu, mà còn là năm đầu tiên số thu ngân sách có thể bị sụt khoảng 7 – 8% so với dự toán đầu năm, theo đó bị giảm so với năm liền trước – một biểu hiện rất rõ rệt về biểu đồ xuống dốc và có thể biến thành lao dốc của thu ngân sách trong năm 2018 và những năm sau "toàn đảng, toàn dân và toàn quân tiến tới đại hội 13", nếu còn có đại hội này.
Cũng có một hiện tượng cay đắng mới cho ngân sách quốc gia : cùng với Hà Nội, ngay cả Sài Gòn cũng có thể bị hụt thu trong năm 2017, với mức hụt thu so với dự toán đầu năm lên tới 7-8%. Hiện tượng này cho thấy chẳng khác gì báo chí nhà nước kêu gào suốt từ năm 2011 đến nay về "sức dân và sức doanh nghiệp đã kiệt".
Trong khi đó, khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài – một trong những niềm tự hào lớn nhất của ngành thuế Việt Nam trong nhiều năm qua – cũng rơi vào số phận hụt thu có thể lên đến 7% trong năm 2017 như khối doanh nghiệp nhà nước. Hiện tượng này phản ánh sức khỏe của nền kinh tế, dù có được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phóng lên mức tăng trưởng 7,46% trong quý 3 và 6,7% trong cả năm 2017, vẫn đang tồi tệ với gia tốc nhanh dần, khiến cả khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng không còn duy trì được mức doanh thu và lợi nhuận như những năm trước.
Trong tình cảnh đó, quá khó để dự báo rằng 2018 sẽ là năm mà thu ngân sách đạt bằng với số thu thực tế của năm 2017, chưa nói gì đến dự toán "trên trời" của Quốc hội và chính phủ.
Cần lưu ý, mức bội chi ngân sách 3,7% GDP cho năm 2018 mà Quốc hội "nhất trí cao" thực ra là hệ quả của báo cáo của chính phủ về mức bội chi ngân sách năm 2017 chỉ có 3,5% GDP, tức thấp hơn hẳn thời bị người dân xem là "ăn tàn phá hại" của đời thủ tướng cũ là Nguyễn Tấn Dũng – cao điểm là năm 2013 với tỷ lệ bội chi 6,6% GDP. Tuy nhiên trong thực tế, từ năm 2016 chính phủ của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, có thể do hoảng hồn trước núi bội chi để lại từ thời Nguyễn Tấn Dũng, đã âm thầm chỉ đạo loại nợ gốc khỏi bội chi ngân sách, do đó trên sổ sách đã giảm trừ được khoảng 5 – 5,5 tỷ USD, tương đương hơn 100 ngàn tỷ đồng khỏi bội chi. Còn nếu giữ nguyên nợ gốc và trong tình hình tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển vẫn chậm chạp (tức bội chi ngân sách phải tính cả phần chi đầu tư phát triển chưa giải ngân), tỷ lệ bội chi ngân sách năm 2017 sẽ vọt đến 7% GDP hoặc hơn thế.
Vậy nếu không thể thu đủ cho ngân sách năm 2018, chính phủ sẽ lấy đâu ra tiền để chi hơn 1,5 triệu tỷ đồng theo "quyết tâm" của Quốc hội ?
Câu trả lời thật đơn giản : in tiền
Vào năm 2008, tổng dư nợ cho vay của khối ngân hàng là 2,3 triệu tỷ đồng, nhưng đến cuối năm 2016 đã lên đến hơn 6 triệu tỷ đồng, chưa kể tồn khoảng 1,2 triệu tỷ đồng. Phải chăng một cách tương ứng, lượng tiền được ngân hàng nhà nước cho in và bổ sung vào lưu thông đã có thể vào khoảng 500.000 tỷ đồng mỗi năm, tức phần "lạm phát in tiền" đã chiếm đến 10 – 15% hàng năm – một tỉ lệ in tiền rất cao so với tỉ lệ in tiền bình quân của các nước phương Tây ?
Tốc độ in tiền bất chấp lạm phát cũng lý giải việc tại sao trong những năm qua và đặc biệt trong mấy năm gần đây, giới cán bộ hưu trí lại thường phản ánh nhận được lương hưu với nhiều tờ tiền có mệnh giá 200.000 đồng và 500.000 đồng, mới cứng và chắc chắn chưa được lưu hành ngoài thị trường.
Hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng bởi vậy không cách nào tránh được tình trạng tràn ứ tiền đồng. Hàng năm, chính phủ phát hành trái phiếu cho các ngân hàng và thu về tiền mặt, sau đó lại dùng tiền mặt để trả lãi và nợ gốc cho các ngân hàng. Nhiều năm tích dồn lại, hệ thống ngân hàng ngày càng chồng chất núi tiền mặt, trong khi ngày càng quá khó để đẩy tiền ra lưu thông bởi nền kinh tế Việt Nam đang lao vào năm thứ 9 suy thoái liên tiếp kể từ năm 2008, tình trạng bế tắc đầu ra trở nên quá phổ biến, khiến đa số doanh nghiệp đều "không biết vay để làm gì".
Trong một diễn biến có vẻ rất liên quan với cảnh trạng trên, vào ngày 8 tháng Mười Một, 2017, nhà máy in tiền quốc gia tổ chức "lễ khánh thành xưởng sản xuất mực in tiền". Trước đó, vài quan chức giới ngân hàng đã tự hào : "Ngân hàng nhà nước có sẵn máy in tiền thì lo gì !"
Gần đây, ngân hàng thế giới (WB), một trong những chủ nợ lớn nhất của Việt Nam, đã phải cảnh báo Việt Nam không nên in tiền quá nhiều mà có thể dẫn tới lạm phát tăng cao.
Bất chấp con số báo cáo của chính phủ về tỷ lệ lạ phát luôn nằm dưới mức 5%, nhưng thực tế giá cả tiêu dùng và đời sống đã khiến nhiều người dân ta thán là trong hàng chục năm qua, lạm phát thật sự đã lên ít nhất vài chục phần trăm mỗi năm. Nhiều mặt hàng sinh hoạt đã tăng giá gấp 2-3 lần chỉ trong một năm.
Tất nhiên, 86% đại biểu quốc hội có thể "gật thiểu năng" cho một dự phóng về mức chi ngân sách khủng lên tới hơn 1,5 triệu tỷ đồng cho năm 2018. Nhưng họ cũng nên biết rằng nếu quả thực nền chính trị và kéo theo cơ quan "của dân, vì dân" đạt tới con số chi ấy, mặt bằng giá cả xã hội sẽ có thể trở nên hỗn loạn khiến dân chúng – vốn đã phải è cổ đóng thuế nuôi gần 3 triệu công chức và quan chức – càng bội phần điêu đứng và hoảng loạn mà rất dễ sinh biến.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 26/11/2017
Dấu hỏi lớn
Một dấu hỏi lớn vẫn tồn tại sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng Mười Một năm 2017 : Vì sao trong khi ông Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có vẻ mãn nguyện với giá trị thỏa thuận thương mại được ký kết giữa hai nước trong chuyến đi này lên tới 12 tỷ USD (tuy chưa biết có thật hay không, hoặc nếu là thật thì có được thực hiện hay không), đã chẳng có một thỏa thuận nào và càng không hiện ra hợp đồng nào về việc Việt Nam mua vũ khí của Mỹ, cho dù Tổng thống Trump đã trổ "ngón nghề" về đàm phán.
Tổng thống Trump trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, 12 tháng 11, 2017.
Bloomberg còn dẫn một nguồn tin ẩn danh cho biết Tổng thống Mỹ khi "chào hàng" tên lửa và các hệ thống vũ khí khác của Mỹ thậm chí nói ông Phúc "còn chần chờ gì nữa" khi ông (Trump) đã lên nắm cương vị đứng đầu nước Mỹ được 10 tháng rồi.
Một số trong giới quan sát chính trị nhận định rằng việc "chào hàng" không thành trên có thể được xem là một thất bại của Trump - về thể diện cũng như khiến ảnh hưởng tiêu cực đến một trong những sở trường tái tranh cử tổng thống của Trump là các thương vụ bán vũ khí cho các nước khác.
Thế còn về phía giới chóp bu Việt Nam thì thế nào ? Chẳng lẽ sau hàng loạt chuyến đi Mỹ trong năm nay của các tướng Ngô Xuân Lịch - Bộ trưởng quốc phòng, và Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng quốc phòng có liên quan đến việc mua vũ khí, Việt Nam lại chẳng nhìn ngó một cơ hội mười mươi mà Tổng thống Mỹ mang đến tận Hà Nội ?
Trong khi đó cửa đã mở, và quan trọng không kém là hành lang pháp lý cho việc mua vũ khí Mỹ đã thông thoáng.
Vào tháng Năm năm 2016, trong một cử chỉ rất bất ngờ, tổng thống Mỹ khi đó là Barak Obama đã tuyên bố tại Hà Nội rằng nước Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Tức từ đó trở đi, Việt Nam có thể được mua một số loại vũ khí tối tân của Mỹ mà không bị chế tài mua bán như trước đây.
Bằng chứng quan tâm đến vũ khí phương Tây là sau khi được dỡ bỏ lệnh cấm mua vũ khí sát thương, Việt Nam đã âm thầm mua chịu nửa tỷ USD tín dụng quân sự của Ấn Độ và hỏa tiễn của Israel - đều là những đồng minh quân sự của Mỹ.
Một luồng quan điểm về vũ khí Mỹ
Cho tới nay, Nga vẫn là đối tác cung cấp đến 90% vũ khí chủ lực cho Việt Nam. Nhưng từ khoảng năm 2013 đến nay và đặc biệt gần đây, đã xuất hiện quan điểm trong giới chuyên gia quốc phòng rằng sẽ rất rủi ro nếu Việt Nam chỉ phụ thuộc vào một hay một số ít các đối tác, vì vậy Việt Nam nhất thiết phải đi tìm cách đa dạng hóa nguồn cung và bổ sung thêm vào biên chế những khí tài có xuất xứ "ngoài Nga".
Quan điểm trên cũng đánh giá rằng vũ khí Nga tuy rất tốt - không thua kém, thậm chí có nhiều điểm còn mạnh hơn cả của NATO - tuy nhiên vẫn tồn tại những điểm yếu như : năng lực sản xuất giới hạn, tiến độ giao hàng chậm, và các khí tài của Nga cũng ít khi được thiết kế theo kiểu mô-đun như phương Tây nên rất khó bảo trì và nâng cấp (ngược lại, vũ khí do các thành viên NATO chế tạo rất dễ dàng tùy biến, nâng cấp, nhờ vào nguồn cung đa dạng). Ngoài ra, một yếu tố nữa mà Việt Nam cần tính đến là giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay đang có những bất đồng về chủ quyền biển đảo, mà Trung Quốc cũng là một nước nhập khẩu lớn và sử dụng vũ khí theo "hệ Nga". Với tiềm lực tài chính eo hẹp hơn nhiều, chắc chắn Việt Nam không thể chạy đua với Trung Quốc về số lượng khi những gì Nga bán cho Việt Nam thì cũng có thể bán cho Trung Quốc nhưng với số lượng lớn hơn rất nhiều, vì vậy không có gì để đảm bảo bí mật và lợi thế của Việt Nam nếu xảy ra xung đột (tức chiến tranh giữa hai nước)…
Trong thời gian Trump ở Việt Nam vào tháng 11/2017, một số tờ báo nhà nước cũng có xu hướng cổ vũ cơ chế mua bán vũ khí với Mỹ như "Quân đội Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn khi Mỹ thể hiện thiện chí muốn cung cấp những vũ khí tối tân nhất theo yêu cầu của chúng ta".
Những tờ báo này cũng khuyến nghị rằng nếu có mong muốn mua thêm các vũ khí phương Tây vào thời điểm này, Việt Nam nên tập trung vào cải thiện năng lực cảnh giới điện tử, giám sát hàng hải và chống ngầm - điểm yếu lớn nhất hiện nay của hải quân. Máy bay tuần tiễu P-3C Orion hay SC-130J Sea Hercules (biến thể nâng cấp từ dòng máy bay vận tải hạng trung C-130) sẽ là một miếng ghép hoàn hảo cho năng lực phòng thủ, bảo vệ lãnh hải của Việt Nam. Một yếu tố khác cũng khá quan trọng là giá thành của C-130J lẫn SC-130J đều không quá đắt, phù hợp với ngân sách mà Việt Nam có thể đáp ứng cho công tác đào tạo, huấn luyện cũng như duy trì, nâng cấp. Ngoài ra, với mối quan hệ đang cực kỳ nồng ấm với Nhật Bản, trong trường hợp Mỹ bán máy bay nhưng không trang bị vũ khí, cũng không quá khó khăn để Việt Nam có thể tìm kiếm sự thay thế từ các đối tác Nhật (với nền công nghệ quốc phòng hùng mạnh và cũng sử dụng vũ khí hệ Mỹ-NATO).
Và nếu điều kiện tài chính cho phép, Việt Nam cũng có thể xem xét mua thêm 1 hoặc 2 phi đội tiêm kích F-16 đã qua sử dụng và được nâng cấp lên chuẩn Block 52 của Mỹ, như là một giải pháp lý tưởng để tăng cường sức mạnh không quân trong bối cảnh những cựu binh én bạc MiG-21 (khoảng 100 chiếc) mới nghỉ hưu và khoảng trống vẫn chưa được lấp đầy. Bên cạnh đó, phương án này cũng giúp không quân Việt Nam dần làm quen, trước khi sử dụng nhiều hơn các thế hệ máy bay chiến đấu của phương Tây…
Nguyên nhân sâu xa nào ?
Ngân sách quốc phòng của Việt Nam đã tăng từ 1,3 tỷ đôla lên đến 4,6 tỷ đôla (tăng 258%) trong vòng 10 năm, từ năm 2006 - 2015, và hiện thời chiếm khoảng 9% tổng chi ngân sách quốc gia.
Tuy nhiên, ngày càng nhiều thông tin cho biết ngân sách quốc phòng phải "giật gấu vá vai" trong những năm qua, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách quốc gia có xu hướng cạn kiệt nhanh chóng và Việt Nam đặc biệt thiếu ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa và trả nợ nước ngoài.
Nhưng "thiếu tiền" có phải là nguyên nhân chính khiến Việt Nam không quá mặn mà mua vũ khí Mỹ ?
Vào tháng Tám năm 2017, đài VOA dẫn lại một phát hiện độc đáo trong bài viết có tựa đề "Quan chức Việt Nam đòi Mỹ ‘lại quả’ từ các hợp đồng mua vũ khí".
Theo đó, một hãng tin tình báo quốc phòng của Anh đã tiết lộ rằng các quan chức chính phủ Việt Nam yêu cầu các đối tác của Mỹ trả 25% hoa hồng cho các thương vụ mua bán vũ khí.
Thông tin của Shephard Media trích dẫn một nguồn tin quốc phòng của Mỹ cho biết các giới chức quốc phòng Việt Nam thông báo cho phái đoàn của Mỹ ở Hà Nội rằng các thương vụ mua bán vũ khí phải được "lại quả" 1/4 của tổng giá trị. Cũng theo nguồn tin này, cuộc họp đã "đột ngột dừng lại" sau khi phía Việt Nam đưa ra yêu cầu đó. Nguồn tin quốc phòng Mỹ cho Shephard Media biết thông tin này tại một Hội nghị và triển lãm phòng thủ hàng hải IMDEX được tổ chức ở Singapore tháng 5/2017…
Cũng có thể còn một nguyên do nữa : giới chóp bu Việt Nam không dám làm mích lòng Tập Cận Bình bằng một hợp đồng mua vũ khí Mỹ khi cả Tập và Trump đều hiện diện ở Hà Nội vào tháng 11/2017, chỉ cách nhau vài ba tiếng đồng hồ. Cũng bởi thế, việc Trump cố thuyết phục Phúc mua vũ khí đã chứng tỏ Trump không mấy am hiểu về nội tình chính trị Việt Nam, cho dù Bộ Ngoại giao Mỹ và CIA có thể đã báo cáo cho Trump cặn kẽ về vấn đề này.
Ai mới có quyền quyết định ?
Trong thực tế, Thủ tướng Phúc của Việt Nam không phải là thủ tướng Israel để có quyền quyết định những vấn đề lớn, cho dù ông Phúc có thực lòng muốn mua vũ khí của Mỹ chăng nữa.
Trong thực tế, quyền quyết định ngân sách quốc phòng chi cho cái gì và chi bao nhiêu thuộc về Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch và Bí thư quân ủy trung ương Nguyễn Phú Trọng.
Trong Quân ủy trung ương và trong cơ cấu chính trị chằng chịt và chồng chéo giữa khối đảng lẫn chính quyền ở Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuy vượt hẳn bộ trưởng quốc phòng về chức vụ nhưng lại chỉ là ủy viên thường trực, tức chỉ là "cấp dưới" của Phó bí thư quân ủy trung ương Ngô Xuân Lịch.
Muốn bán nhanh được vũ khí, lẽ ra Trump cần mời chào trực tiếp với Nguyễn Phú Trọng, thay vì nói với Trần Đại Quang - Chủ tịch nước "thống lĩnh các lực lượng vũ trang" nhưng cũng chỉ là ủy viên thường trực Quân ủy trung ương như Nguyễn Xuân Phúc.
Nhưng hình như Trump không biết và cũng chẳng thèm quan tâm đến mối quan hệ quá đỗi phức tạp trên…
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 25/11/2017
Chỉ trong vòng một tháng, chính trường Việt Nam đã diễn ra hai hiện tượng hoàn toàn phản ngược.
Ông Trọng và ông Tập ở Hà Nội.
Phản ngược
Vào những ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng, trên các mặt báo nhà nước Việt Nam tràn ngập hình ảnh Trần Đại Quang - Chủ tịch nước - trong các cuộc gặp đa phương lẫn song phương với các nguyên thủ quốc gia, kể cả bộ ba quyền lực mạnh nhất trên thế giới là Donald Trump, Vladimir Putin và Tập Cận Bình.
Trong lúc đó, người ta lại không hề thấy bóng dáng tổng bí thư đảng là ông Nguyễn Phú Trọng tại các cuộc hội đàm cao cấp APEC. Chỉ sau khi Trump lên máy bay và Tập Cận Bình đến Hà Nội, người ta mới nhìn thấy ông Trọng "tay bắt mặt mừng" với họ Tập tại Phủ chủ tịch chứ không phải ở Văn phòng trung ương đảng.
Một tháng trước đó, tại Hội nghị trung ương 6 của đảng cầm quyền, đã gần như chỉ độc tôn hình ảnh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trên mặt báo nhà nước, trong khi hình ảnh của ông Trần Đại Quang hầu như "biến mất" - như thể tình trạng bị xem là "mất tích" của ông Quang vào tháng Tám năm 2017 sau vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" theo cách gọi của Nhà nước Đức, hoặc còn được gọi cách khác là "Trịnh Xuân Thanh đầu thú" theo lối đặt câu của công an Việt Nam và rút tít của báo đảng.
"Trọng tiếp - Quang đón, hội đàm - Phúc hội kiến Trăm"
Lẽ đương nhiên, có thể lý giải sự vắng mặt của ông Nguyễn Phú Trọng trong việc đón tiếp và hội đàm với nguyên thủ quốc gia các nước tại APEC Đà Nẵng là bởi ông không phải… nguyên thủ quốc gia.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng một số đại biểu trao đổi ý kiến bên lề phiên khai mạc Hội nghị
Nhưng không ít người vẫn nhớ sự kiện ông Nguyễn Phú Trọng đã được Tổng thống Mỹ Obama đặc cách tiếp như một nguyên thủ quốc gia tại Phòng Bầu Dục vào tháng Bảy năm 2015 như thế nào, lẫn việc ông Trọng đã như một nguyên thủ quốc gia tiếp đón ông Obama tại Hà Nội vào tháng Năm năm 2016 ra sao.
Những sự kiện trên, cùng với nhiều sự kiện tiếp đón và công du quốc tế khác trong vài năm gần đây, đặc biệt từ sau đại hội 12 khi "Nguyễn Tấn Dũng nghỉ", đã cho thấy vai trò của tổng bí thư đảng như một "nguyên thủ quốc gia không chính thức".
Nhưng khoảng ba tuần trước khi diễn ra APEC, Washington đã phát thông cáo báo chí : "Sau khi rời Đà Nẵng, ông Trump sẽ tới Hà Nội trong ngày 11/10, bắt đầu chuyến thăm chính thức. Tại Hà Nội, ông sẽ gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các lãnh đạo cấp cao khác của Việt Nam".
Sau đó, Nhà Trắng phát tiếp thông báo rằng Tổng thống Trump sẽ "chào xã giao" Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Nghĩa là cuộc gặp giữa Trump với Nguyễn Phú Trọng có thể được xem là "bổ sung", hoặc "phụ".
Vài ngày sau khi APEC kết thúc, Nhân Dân - "cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Việt Nam" - đã đăng bản tin với tựa đề kỳ quặc "Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp ; Chủ tịch nước Trần Đại Quang đón, hội đàm ; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Hoa Kỳ Đ. Trăm".
Bản tin trên mở đầu bằng "Sáng 12/11, tại Trụ sở trung ương Ðảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Hoa Kỳ Ð.Trăm". Sau đó mới đến "Sáng cùng ngày, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Ðại Quang chủ trì lễ đón chính thức Tổng thống Hoa Kỳ Ð.Trăm", mà không nêu rõ "kẻ trước, người sau".
Tuy nhiên như nhiều tờ báo tường thuật trực tiếp, cuộc gặp Quang - "Trăm" đã diễn ra đầu tiên, để sau đó mới là cuộc gặp Trọng - "Trăm".
Cũng tờ Nhân Dân đã đăng một bản tin khác với tựa đề ít lục đục kèn cựa hơn : "Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đón, hội đàm ; Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình".
Nhân Dân được xem là "báo ruột" của Tổng bí thư Trọng.
Trước đây, Nhân Dân được phụ trách trực tiếp ; bởi Đinh Thế Huynh. Sau đó ông Huynh được nhấc lên vị trí Thường trực Ban bí thư, để từ đầu năm 2017 đến nay nhân vật này đã "biến mất" trên chính trường Việt Nam, cũng xem như không còn cơ hội để trở thành tổng bí thư nếu một ngày nào đó ông Nguyễn Phú Trọng "nghỉ".
Ông Trọng bị "trục trặc kỹ thuật" ?
Dường như đã có một "trục trặc kỹ thuật" nào đó xảy đến với ông Nguyễn Phú Trọng tại APEC Đà Nẵng, hay chính xác hơn là có thể bắt đầu từ những ngày ngay trước khi Hội nghị trung ương 6 diễn ra vào đầu tháng 10/2017.
Tại hội nghị trên, ông Trọng đã không thể kỷ luật theo cách đưa ra khỏi Ban chấp hành trung ương đối với cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng.
Sau Hội nghị trung ương 6 và dù hình ảnh của mình được thượng tôn trong hội nghị này, ông Trọng lại có vẻ "xìu" trong những phát ngôn chống tham nhũng. Trong một cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội ngay sau hội nghị trung ương 6, khẩu khí của ông Trọng bỗng dưng "hiền" hẳn, chứ không còn "lò đã nóng lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy" như trước đó không lâu.
Từ đó đến nay, mật độ "củi - lửa - lò" của Nguyễn Phú Trọng đã vơi đi một cách đáng kể. Mà không hiểu vì sao…
Trong khi đó, nhiều hình ảnh xuất hiện dày đặc của Trần Đại Quang tại APEC Đà Nẵng có vẻ cho thấy đà "phục hồi sức khỏe" đáng kể của nhân vật này.
Từ sau khi có dấu hiệu "khỏe lại" vào đầu tháng Chín, ông Quang đã có vài cuộc làm việc với Bộ Quốc phòng và kể cả "dự và chỉ đạo Quân ủy trung ương" - một cơ quan mà Tổng bí thư Trọng là Chủ tịch quân ủy và rất thường đóng vai trò chỉ đạo cho cơ quan này.
Lần gần đây nhất, vào cuối tháng Tám năm 2017, Tổng bí thư Trọng đã chủ trì một hội nghị Quân ủy trung ương "với sự tham gia của Chủ tịch nước Trần Đại Quang".
Sau đại hội 12 vào đầu năm 2016 của đảng cầm quyền, Quân ủy trung ương được cơ cấu lại theo chỉ định của Bộ Chính trị, với Bí thư quân ủy trung ương vẫn là ông Nguyễn Phú Trọng, Phó bí thư là Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch. Còn ông Trần Đại Quang chỉ là ủy viên thường vụ của Quân ủy trung ương, được hiểu như "cấp dưới" của ông Ngô Xuân Lịch.
Lẽ ra để có thể chỉ đạo Quân ủy trung ương, ông Trần Đại Quang cần có chức vụ Phó bí thư thường trực của cơ quan quân ủy này.
Như vậy, sau thời gian "bị bệnh nặng" và thậm chí còn bị blogger Huy Đức đòi "bàn giao chức vụ chủ tịch nước", đến nay ông Trần Đại Quang đã có tới 3 cuộc tiếp xúc với quân đội.
Đặc biệt vào ngày 17/10/2017, khi lần đầu tiên kể từ khi trở thành chủ tịch nước, cựu đại tướng công an Trần Đại Quang đã hiện ra trong bộ quân phục rằn ri đặc trưng của lực lượng đặc công quân đội trong một cuộc "đến thăm, làm việc với Bộ Quốc phòng tại Trung tâm Huấn luyện Quốc gia Miếu Môn, Hà Nội".
"Sẽ có kịch hay"
Có vẻ Quân ủy trung ương không còn do ông Trọng "độc quyền" nữa.
Cũng có vẻ một lần nữa trong nhiều lần thăng trầm, chính trường Việt Nam tạm trở về thế giằng co, với tương quan lực lượng đang có chiều hướng tiến tới quân bình.
Nhưng một số nhà quan sát dự báo rằng sau APEC Đà Nẵng, bầu không khí chính trường sẽ nóng lên, quyết liệt hơn trên cung đường "hướng tới Hội nghị trung ương 7" - có thể diễn ra vào đầu năm 2018, và đặc biệt là đại hội giữa nhiệm kỳ của đảng - một sự kiện có thể diễn ra vào giữa năm 2018 và có thể sẽ phá vỡ thế cân bằng giả tạo để quyết định "ai ở, ai về".
Sau APEC Đà Nẵng, một nữ viên chức chính trị nước ngoài mỉm cười và nói với tôi rằng bà trông đợi "sẽ có kịch hay".
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 20/11/2017
Nếu "đảng và nhà nước ta" chịu đưa một vài "con dê" nào đó ra "tế thần", liệu động tác mơn trớn này có xoa dịu tâm trạng phẫn nộ của Chính phủ Đức về vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" ?
Trịnh Xuân Thanh trên báo của Đức.
Gần đây đã xuất hiện thêm một quan điểm mới và có thể gần với thực tế xung quanh câu hỏi trên.
EVFTA sẽ tiếp tục nếu có "dê tế thần" ?
Trang Thoibao.de ở Đức dẫn lại Nhật báo New York Time số ra ngày 02/11/2017 với bài viết của ký giả Mike Ives mang tựa đề "Một người mất tích ở Berlin gây giông tố cho Hiệp định Thương mại với Việt Nam". Nội dung bài báo chủ yếu nói về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh có thể ảnh hưởng đến việc hoàn tất Hiệp định Thương mại giữa Liên Hiệp Châu Âu (EU) và Việt Nam như thế nào.
Theo bài báo trên, kể từ khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Berlin cho đến nay, phía Việt Nam vẫn chưa đưa ra lời xin lỗi về hành động mà phía Đức cực lực lên án là "hoàn toàn không thể chấp nhận được". Và việc tiếp tục giam giữ ông Thanh đang làm phức tạp thêm triển vọng hoàn tất Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu (EU) vốn được chờ đợi từ rất lâu rồi.
Bộ ngoại giao Đức nói rõ, Hiệp định Thương mại EU - Việt Nam cần sự chấp thuận của cả Quốc hội Đức và Nghị viện châu Âu, và các thành viên của hai cơ quan này đều biết rõ các hậu quả chính trị trong việc bắt cóc ông Thanh. Như vậy, chỉ cần Quốc hội Đức không đồng ý thông qua thì Hiệp định không thể hình thành. Nói cách khác, Đức có quyền phủ quyết Hiệp định này.
Tuy nhiên để đạt được Hiệp định Thương mại, Việt Nam có thể đưa ra lời xin lỗi, hoặc có nhượng bộ về vấn đề nhân quyền hoặc lao động. Một số quan chức cấp cao của Việt Nam cho biết trong các cuộc phỏng vấn họ tin rằng cuộc xung đột sẽ được giải quyết bằng cách nào đó, ngay cả khi chính họ cũng không chắc chắn làm thế nào.
Bà Alicia Garcia-Herrero, một nhà kinh tế học tại Hong Kong, người tham vấn cho các quan chức châu Âu về hiệp định thương mại này, cho biết bà tin rằng hiệp định sẽ vẫn được tiếp tục miễn là chính quyền Hà Nội tìm được "một con dê tế thần" để chịu trách nhiệm, ví dụ như vị đại sứ Việt Nam tại Đức chẳng hạn.
Bà cho biết thêm, Đức sẽ không thể lờ đi những lợi ích tiềm năng đối với các nhà sản xuất trong nước hay đòn bẩy giúp các nhà đám phán ở EU có thể tiếp tục đàm phán thương mại với Trung Quốc. "Các ông dành hàng năm trời để đàm phán về một thứ các ông không thể thông qua ư ? Trung Quốc sẽ cười vào mặt cho mà xem".
Việt Nam muốn "xử lý nội bộ" ?
Trong một mớ hỗn tương lạm phát phi mã không chỉ hàng chục ngàn quan chức cấp trung mà cả hàng ngàn quan chức bậc cao, chẳng có gì phải quá trăn trở để những nhân vật cao nhất trong bộ máy cầm quyền Việt Nam đưa ra một, thậm chí vài ba "dê tế thần", miễn là động tác xin lỗi mang chỉ thuần túy gián tiếp này được phía Đức thỏa thuận giữ kín mà không để cho giới truyền thông tọc mạch, đặc biệt là báo chí thế giới, biết được và "làm loạn lên".
Trong lịch sử các cuộc đấu đá nội bộ triền miên ở Việt Nam, "dê tế thần" không chỉ là một thủ đoạn chính trị mà còn là một loại não trạng đặc thù của giới quan chức Việt - y hệt bài học tương tự từ "quan thày Trung Quốc".
Đã xảy ra không ít vụ án tham nhũng liên quan đến quan chức cấp trung cao, nhưng khi thành án thì lại chỉ có những quan chức cấp thấp phải "hy sinh". Trong dân gian đương đại, người ta mỉa mai rằng đó là hành động "Lê Lai cứu chúa", hoặc thỉnh thoảng cũng dùng đến cụm từ "dê tế thần".
Trong những cuộc xung đột nội bộ sau đại hội 12 của đảng cầm quyền giữa các nhóm quyền lực - lợi ích mới với những nhóm quyền lực - lợi ích cũ, từ ngữ thông dụng hơn hẳn được dùng là "xử lý sân sau". Những vụ án tham nhũng ghê gớm tại Vinashin, Vinalines, Ngân hàng Á châu, Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Dầu Khí toàn Cầu… đều có những dấu hiệu là một thứ "sân sau" của những quan chức cao cấp nào đó, nhưng rốt cuộc chỉ có những kẻ thi hành phải lãnh án.
Với "truyền thống tế dê" như thế, rất có thể trong một số lần đàm phán với phía Đức từ tháng Tám - khi cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức - Việt bắt đầu nổ ra - cho đến gần đây, phía Việt Nam đã gợi ý đưa vấn đề "xử lý nội bộ", tuy không nêu tên quan chức cụ thể nào, với hy vọng làm người Đức hài lòng.
Từ tháng Tám đến nay, chỉ riêng việc Bộ Ngoại giao Việt Nam im như thóc trước cảnh hai cán bộ ngoại giao mà dường như đóng vai trò "tình báo viên" của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức bị phía Đức trục xuất tống cổ về nước, đã cho thấy phía Việt Nam "biết lỗi" như thế nào.
Còn nếu người Đức cắc cớ hỏi thẳng Việt Nam sẽ xử lý những quan chức nào, rất có thể cái tên Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng trở nên dễ dàng nhất - sẽ bị chọn làm "dê tế thần" để chịu trách nhiệm về vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh".
"Người lớn" hay "trẻ hư khó dạy" ?
Nhưng Đoàn Xuân Hưng lại chỉ là một quan chức bậc trung, không phải ủy viên trung ương và còn chưa ngoi đến ghế thứ trưởng ngoại giao. Trong khi đó, vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" đã trở thành "án quốc gia" và có lẽ kéo theo cấp phải chịu trách nhiệm lên tới Bộ Chính trị.
Hẳn nhiên, Đoàn Xuân Hưng là cái tên mà Chính phủ Đức, nếu có thỏa hiệp với Việt Nam về giải pháp "xử lý nội bộ", sẽ quá khó để hài lòng.
Trong khi đó, qua bốn tháng từ khi nổ ra khủng hoảng Đức - Việt, vẫn không thấy phía Việt Nam có lời xin lỗi, hoặc có nhượng bộ về vấn đề nhân quyền hoặc lao động nào. Kết quả này hoàn toàn có thể phản ánh là kết quả của những cuộc đàm phán song phương trong lặng lẽ giữa Việt Nam và Đức đã chẳng đi tới đâu, hoặc hoàn toàn bế tắc.
Rất có thể, đó chính là nguồn cơn dẫn đến hệ quả vào cuối tháng 9/2017, Chính phủ Đức đột ngột tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam - được hiểu như một niện pháp trừng phạt ở cấp độ rất cao.
Chỉ ít lâu sau đó, lại có thêm một biện pháp trừng phạt bổ sung : Đức thông báo hủy bỏ hiệp định Đức - Việt về miễn trừ visa cho các cán bộ ngoại giao của Việt Nam đi công tác ở Đức. Điều đó có nghĩa là ngay cả Bộ trưởng ngoại Phạm Bình Minh và thậm chí cả "đảng trưởng" Nguyễn Phú Trọng nếu có muốn đi Đức thì cũng phải làm thủ tục xin visa tại Đại sứ quán Đức ở Việt Nam.
Đến đây, vấn đề lại xoay chuyển sang một hướng khác và có lẽ khác hẳn cách nhìn có lẽ khá đơn giản của bà Alicia Garcia-Herrero - người tham vấn cho các quan chức châu Âu về EVFTA - rằng Việt Nam chỉ cần "dê tế thần" là cuộc khủng hoảng ngoại giao sẽ sớm được giải quyết.
Bởi từ tháng Tám năm 2017 đến nay, phía Đức đã hành động như một "người lớn", một nhà nước lớn, và trên hết là một nhà nước pháp quyền. Chứ không phải như thể chế "pháp quyền xã hội chủ nghĩa" luôn được tuyên rao ở Việt Nam nhưng lại làm nhiều người dân liên tưởng đến hình ảnh "trẻ hư khó dạy"…
Với những cái "lớn" ấy, nước Đức sẽ khó, quá khó để chấp nhận giải pháp "dê tế thần", nếu Việt Nam có đưa ra đề nghị này.
Điều người Đức cần là sự minh bạch, thành thật hối lỗi và biết đứng lên từ bùn lầy. Mà không có chuyện "đi đêm".
Còn băn khoăn "Các ông dành hàng năm trời để đàm phán về một thứ các ông không thể thông qua ư ?" của bà Alicia Garcia-Herrero thì thế nào ?
EVFTA chỉ mới đàm phán trong 1-2 năm. Còn người Mỹ đã mất đến ít nhất 6 năm để đàm phán về Hiệp định TPP, nhưng vào đầu năm 2017 Tổng thống Trump đã quyết định rút ra khỏi hiệp định này một cách không tiếc nuối.
Thế thì người Đức có thể cũng chẳng nuối tiếc gì một vài năm đàm phán EVFTA với Việt Nam.
Sự kiện Chính phủ Đức và cả Đại sứ quán Đức tại Việt Nam đều không tham dự Hội nghị APEC Đà Nẵng vào tháng 11/2017 là một bằng chứng rõ rệt về quan điểm của người Đức đang giữ khoảng cách rất xa đối với giới chóp bu Việt Nam.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 17/11/2017
Không có tín dụng ưu đãi !
Một thực tế trần trụi mà giới chóp bu Việt Nam, dù muốn hay không, cũng cần thừa nhận như một quy luật bất biến trong giai đoạn cuối của buổi chợ chiều chính thể : bất chấp khá nhiều cố gắng vận động của "đảng và nhà nước ta" nhằm "nâng cao vị thế Việt Nam trên thế giới", những sự kiện quốc tế then chốt liên quan đến Việt Nam vào năm 2017 vẫn cứ như một con số 0 khổng lồ không chịu ngủ mà lại lang thang vô định trên mái nhà nhân loại trong màn đêm vô tận.
Ông Trump rời Đà Nẵng, đến Hà Nội.
Không có tín dụng ưu đãi !
Một thực tế trần trụi mà giới chóp bu Việt Nam, dù muốn hay không, cũng cần thừa nhận như một quy luật bất biến trong giai đoạn cuối của buổi chợ chiều chính thể : bất chấp khá nhiều cố gắng vận động của "đảng và nhà nước ta" nhằm "nâng cao vị thế Việt Nam trên thế giới", những sự kiện quốc tế then chốt liên quan đến Việt Nam vào năm 2017 vẫn cứ như một con số 0 khổng lồ không chịu ngủ mà lại lang thang vô định trên mái nhà nhân loại trong màn đêm vô tận.
APEC Đà Nẵng 2017 - một hội nghị thượng đỉnh về kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương - đã thêm một thuyết minh về câu chuyện an ủi cho giới chóp bu Việt Nam ứng với tục ngữ dân gian "có tiếng, không có miếng".
Thành công lớn nhất của APEC 2017 là không có… sự cố an ninh.
Nhưng vào lúc kết thúc APEC và cũng chấm dứt các cuộc gặp đa phương lẫn song phương giữa chủ nhà Việt Nam với người Mỹ và lãnh đạo những quốc gia khác, ngoài một hiệp định khung về việc Hàn Quốc cung cấp khoảng 1,5 tỷ USD tín dụng trong giai đoạn 2016 - 2020 cho Việt Nam, ngoài con số 12 tỷ USD trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Mỹ mà chẳng ai biết có thực chất hay không, và dù có mặt của Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde…, đã chẳng thấy hiện ra một lời hứa hẹn nào, càng không hiện ra lời cam kết nào nào từ người Mỹ hay các nước khác về cung cấp viện trợ hoàn lại hoặc tín dụng lãi suất ưu đãi cho Việt Nam - một đòi hỏi mà chưa bao giờ đảng lại gây sức ép lớn đến thế đối với phía chính phủ để ít ra phải "vay để đảo nợ".
"Vay đảo nợ" !
Bài toán số học quá đơn giản dành cho học sinh lớp Ba là cứ mỗi năm ngân sách Việt Nam lại phải xuất ra khoảng 5 tỷ USD để trả tiền lãi cho các chủ nợ lớn nhất là Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Nhật Bản… Còn nếu tính cả khoản trả nợ gốc, ngân sách Việt Nam có thể phải chi ra đến 10 - 12 tỷ USD/năm để trả nợ nước ngoài.
Sau một thời gian dài cố gắng bưng bít thông tin và chỉ đạo báo chí nhà nước né tránh tối đa cụm từ "vay đảo nợ" với lý do "hết sức nhạy cảm", từ cuối năm 2015 đến nay và cùng với hình ảnh thăng hoa tung tóe của ngân sách cạn kiệt, "vay đảo nợ" đã dần được công khai hóa trên báo chí và cuối cùng đã được chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận như một cách nói không còn trốn đi đâu được.
Chỉ có điều, chính vào lúc giới quan chức cao cấp Việt Nam buộc phải dần chấp nhận những cụm từ "nhạy cảm chính trị", cơ chế cho vay đảo nợ từ quốc tế lại không còn "thoáng" như xưa. Nếu trong suốt vài chục năm trước, Việt Nam được vay tín dụng với lãi suất ưu đãi chỉ 0,8%/năm cùng thời gian ân hạn để trả nợ lên đến 30 - 40 năm, thì từ tháng Bảy năm 2017, các chủ nợ quốc tế đã chấm dứt chế độ ưu ái đó, thay vào đó là mức lãi suất cho vay tăng gấp ba lần "thời xa vắng" - từ 2,5 đến 2,7%/năm, còn thời gian ân hạn giảm xuống chỉ còn 15 - 20 năm.
Trong tình cảnh quỹ dự trữ ngoại hối chỉ có khoảng hơn 40 tỷ USD mà trong đó có đến 12 tỷ USD thuộc về trái phiếu chính phủ Mỹ, phần còn lại phải lo chống đỡ con bão nhập siêu từ Trung Quốc lẫn chi tiêu "ngoài kế hoạch" của chính phủ lẫn khối đảng, đồng thời ngân sách không còn bất kỳ khoản kết dư nào để trả nợ nước ngoài, Việt Nam chỉ còn biết cách cắm đầu vay mượn quốc tế, dù với lãi suất cao hơn nhiều so với trước, để đảo nợ.
Đó cũng là nguồn cơn mà trong một cuộc gặp gần đây với đại diện Ngân hàng thế giới, Thủ tướng Phúc đã buột miệng nhờ vả tổ chức này tìm cho Việt Nam viện trợ không hoàn lại.
Lời buột miệng của Thủ tướng Phúc, cũng như lời tán thán mang tính cảnh báo của ông Phúc vào đầu năm 2017 về "sụp đổ tài khóa quốc gia", đều có nguồn cơn bi đát của nó.
Mỹ sẽ "đòi nợ" sau APEC
Khác hẳn với những năm trước, từ đầu năm 2017 đến nay luồng tín dụng được giải ngân của "bạn bè khắp nơi trên thế giới" vào Việt Nam là nhỏ giọt buồn bã. Không chỉ từ WB, IMF và ADB, mà ngay cả Nhật Bản cũng không còn mặn mà cung cấp ODA cho Việt Nam, cho dù nhiều thông tin cho biết "Nhật dư tiền".
Sự thật cùng tương lai trần trụi là nếu khan hiếm tiền đồng và thiếu tiền chi cho khối chính quyền lẫn khối đảng, Ngân hàng nhà nước Việt Nam vẫn còn khả năng in tiền, thậm chí in tiền ồ ạt như những dấu hiệu vào những năm trước, đặc biệt vào thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thống đốc Nguyễn Văn Bình. Nhưng nếu không có ngoại tệ để trả nợ cho quốc tế, ngân sách Việt Nam sẽ đương nhiên rơi vào cảnh phá sản y hệt như "người anh em xã hội chủ nghĩa Venezuela" mới đây.
Nhưng APEC 2017 đã không hề chiều lòng "đảng và nhà nước ta".
Cũng hệt với một sự kiện được hệ thống tuyên giáo đảng mô tả là "thành công tốt đẹp" trước đó - chuyến đi Washington vào tháng Năm năm 2017 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng cuộc hội đàm với Tổng thống Trump - đã chẳng nhận được một hứa hẹn và càng không có cam kết nào từ chính phủ Mỹ về viện trợ không hoàn lại và cho vay tín dụng ưu đãi dành cho Việt Nam. Thậm chí điều mà ông Phúc và đằng sau đó là ông Nguyễn Phú Trọng quá mong mỏi là Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ cũng chẳng hề được Trump đả động tới.
Sau những cuộc đón tiếp linh đình lẫn quốc yến ở APEC 2017, Tổng thống Trump lại chẳng đoái hoài gì đến hiệp định trên - một "cứu cánh" mà có thể giúp Việt Nam tiếp tục duy trì số xuất siêu gần ba chục tỷ USD hàng năm vào thị trường Mỹ để có thể tạm cân bằng với số nhập siêu cũng đến 30 tỷ USD mỗi năm (chỉ tính theo đường chính ngạch mà chưa kể đường tiểu ngạch) từ Trung Quốc.
Thậm chí ngược lại, Trump đang đặc biệt đặt vào "tầm ngắm" mức thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam lên đến 30 tỷ USD, để có khả năng sau APEC Đà Nẵng sẽ tiếp tục cho Bộ Tài chính Mỹ đi "đòi nợ", bắt buộc Việt Nam phải tìm cách giảm bớt xuất siêu vào Mỹ, nếu không muốn bị chế tài bằng hàng rào thuế quan, hàng rào bảo hộ kỹ thuật và có thể cả những động tác khác mang màu sắc chính trị.
Nếu ở lần đăng cai APEC đầu tiên vào năm 2006, Việt Nam đã được tiếp máu bằng nhiều nguồn viện trợ lớn từ các tổ chức tín dụng quốc tế như WB, IMF, ADB…, thì vào năm 2017, bức tranh đó đã quay mặt vào trong và lộ hẳn ra cái mặt trái bạc phếch sống sượng của nó.
Mềm nắn rắn buông
Rõ là thời Trump khác hẳn với thời Obama mà được giới chóp bu Việt Nam xem là "dễ chơi".
Dễ dãi đến mức vào tháng Năm năm 2016, Hà Nội bất ngờ nhận được món quà đặc biệt từ Tổng thống Obama khi ông đến thăm Việt Nam : Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm mua bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Kể từ thời điểm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ vào năm 1995 và từ lúc Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại song phương (BTA) với Mỹ vào năm 2001, 2016 là năm mà Hà Nội được người Mỹ ưu ái đến thế.
Nhưng giới chóp bu Việt Nam đã đáp trả thịnh tình của Obama như thế nào ?
Hà Nội tháng 5/2016. Obama đáp xuống sân bay Nội Bài trong không khí nhạt nhẽo, lèo tèo vài quan chức bậc trung của Việt Nam ra đó. Thậm chí bó hoa mà Việt Nam tặng cho Obama ở cầu thang máy bay cũng đượm vẻ héo úa.
Rồi Obama về Hà Nội. Nhưng có đến 6 trong tổng số 15 khách mời của Tổng thống Mỹ - những nhà hoạt động nhân quyền và đại diện của xã hội dân sự tại Việt Nam - đã bị công an Việt Nam thẳng tay chặn cửa không cho đi gặp Obama.
Hơn một năm sau, Tổng thống Trump cũng hạ cánh xuống sân bay Nội Bài và được phía Việt Nam tiền hô hậu ủng mà không lược bỏ bất kỳ nghi thức đón tiếp nào đối với cấp nguyên thủ quốc gia. Chỉ có điều, Trump đã chẳng có kế hoạch nào gặp giới hoạt động nhân quyền ở Việt Nam nhân sự kiện APEC, do đó cũng chẳng có cơ hội nào để chứng kiến hình ảnh công an Việt Nam chặn khách mời của mình.
Chính thể Việt Nam là vậy, mềm nắn rắn buông.
Nhưng có vẻ bất chấp việc giới lãnh đạo Việt Nam đối đãi với mình ra sao, Trump vẫn cho thấy ông là một nhà kinh doanh bẩm sinh và thực dụng : kết quả tín dụng bằng 0 trong chuyến thăm Việt Nam của Trump, cộng với việc Trump vẫn chưa hề dỡ bỏ Việt Nam khỏi danh sách 16 nước "gây hại kinh tế" đối với kinh tế Mỹ, sẽ khiến Việt Nam quá khó để nhận được viện trợ không hoàn lại, tín dụng ưu đãi mà từ đó chưa có gì đáng gọi là xán lạn cho tương lai của ngân sách chính phủ lẫn khối đảng ăn theo.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 15/11/2017
Chỉ mất 5 năm phát động chiến dịch "chống tham nhũng" từ năm 2012 ở Trung Quốc, Tập Cận Bình đã không chỉ trở thành chủ tịch nước kiêm tổng bí thư, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, trở thành một cách thực chất chứ không phải dựa vào hơi hám của chủ nghĩa hình thức, mà còn được ghi tên mình vào Điều lệ đảng Cộng sản Trung Quốc tại đại hội 19 với "tư tưởng Tập" - sánh ngang với "tư tưởng Mao" của hơn nửa thế kỷ trước.
Nguyễn Phú Trọng và Tập Cận Bình tại Hà Nội, 12 tháng 11.
Từ "chống tham nhũng" đến tập quyền
Cùng thời gian đó, "người em" Nguyễn Phú Trọng dù có thâm niên làm tổng bí thư đảng hơn Tập Cận Bình cả năm trời, cũng không ít lần rụt rè khẽ khàng phát ngôn về "chống tham nhũng", nhưng phải đến giữa năm 2016 mới chính thức phát động chủ trương "việc cần làm ngay" - được hiểu như một cách lặp lại chiến thuật của Nguyễn Văn Linh khi ông Linh còn là tổng bí thư đảng vào năm 1986, để "việc cần làm ngay" là một trong những động tác chính trị nhằm hỗ trợ cho chiến dịch "chống tham nhũng" của ông Trọng…, lại đã chưa "làm nên cơm cháo" gì, cho dù ông Trọng đã nắm được vai trò Bí thư quân ủy trung ương từ trước và sau đại hội 12 của đảng cộng sản Việt Nam vào đầu năm 2016 và thậm chí còn "tự cơ cấu" vào Đảng ủy công an trung ương vào cuối năm đó.
Ở Trung Quốc, mặc dù mục đích thật sự của Tập Cận Bình là hoặc chống tham nhũng, hoặc thanh trừng phe phái hay tập quyền cá nhân, hoặc cả hai hay ba mục tiêu này vẫn nằm trong diện tranh cãi của giới phân tích chính trị cho tới nay, nhưng dù gì sau 5 năm thực hiện chiến dịch chống tham nhũng trong nội bộ, Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn đã đạt được kết quả kỷ luật hơn 1 triệu quan chức vi phạm.
Trong khi đó, thành tích "chống tham nhũng" của Nguyễn Phú Trọng đã ấn tượng đến mức cho đến tận cuối năm 2016, các cơ quan tư pháp Việt Nam vẫn "chỉ phát hiện 5 trường hợp kê khai không trung thực trong số hơn 1 triệu công chức kê khai tài sản".
Quá khó để so sánh thành tích vừa chống tham nhũng vừa thanh lọc nội bộ của thể chế Việt Nam với Trung Quốc. Nhưng chính cái hố phân cách quá lớn ấy lại rất tỷ lệ thuận với khoảng khác biệt về mức độ thực quyền của Tập Cận Bình với Nguyễn Phú Trọng.
Chỉ có bản lĩnh mới làm nên hình ảnh và quyền lực
Không nên đổ lỗi cho "hoàn cảnh khách quan" khi nhắc đến hố phân cách trên.
Hoàn cảnh chủ quan của Nguyễn Phú Trọng là ông chỉ kém thua Tập Cận Bình ở chỗ chưa nắm được vai trò chủ tịch nước. Tuy nhiên, người ta nhớ rằng khi tiến hành chiến dịch chống tham nhũng và thanh trừng nội bộ mang tính đảo lộn trong 5 năm qua, Tập Cận Bình đã ít khi hiện ra với vai trò chủ tịch nước - một chức danh chỉ thường để tiếp khách quốc tế và công du đối ngoại, mà Tập đã nắm và chi phối được cả Thường vụ Bộ chính trị cùng gần hết các ủy viên bộ chính trị, kể cả một số người thuộc phe của tổng bí thư cũ là Giang Trạch Dân.
Tất nhiên ông Trọng cần đến chức danh chủ tịch nước để có thể chính danh như một nguyên thủ quốc gia, được chính thức gặp gỡ với giới chính khách quốc tế mà không phải dựa vào cuộc vận động "tăng cường quan hệ kênh đảng" như suốt từ năm 2014 đến nay.
Nhưng chỉ có bản lĩnh mới làm nên hình ảnh và quyền lực. Trong khi Tập Cận Bình không chỉ tống những viên tướng lĩnh cao cấp dát vàng trong nhà của công an và quân đội Trung Quốc vào sau chấn song nhà tù mà còn trực tiếp chỉ huy các đại chiến khu với một quyền uy tuyệt đối, Nguyễn Phú Trọng có vẻ vẫn quá trầy trật khi chỉ mới "tiếp quản" Bộ Quốc phòng và "tiếp cận" Bộ Công an, dù đại hội 12 "loại Nguyễn Tấn Dũng" đã trôi qua từ lâu.
Đó là một ẩn số rất lớn trong cái phương trình hỗn tạp của chính trị Việt Nam : nếu không nắm được lực lượng vũ trang thì cho dù có trở thành chủ tịch nước, Nguyễn Phú Trọng phỏng sẽ làm được gì ?
Ở Trung Quốc, Tập Cận Bình gần đây thậm chí còn dám dùng đến những cụm từ "trị đảng"và "trị quân" mà không lo ngại đó sẽ là một xự xúc phạm mà có thể gây nên phản ứng từ nội bộ đảng hay lực lượng vũ trang.
Còn ở Việt Nam, không thiếu dư luận trong nội bộ càm ràm "đảng một bên, công an một bên". Một trong những minh họa có tính thuyết phục nhất cho lời càm ràm này là thật chẳng hiểu ra sao ngay sau khi nhà báo Huy Đức bất ngờ đưa tin "Trịnh Xuân Thanh đã về" vào cuối tháng Bảy năm 2017, Bộ trưởng công an Tô Lâm lại có đến hai lần khẳng định như thể thanh minh với báo giới nhà nước là ông ta "không biết gì". Cho tới lúc này và sau hàng loạt cáo buộc của Nhà nước Đức về "mật vụ Việt Nam đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin", cũng chẳng biết Bộ Công an đã có vai trò gì hoặc chẳng có gì cả trong vụ Trịnh Xuân Thanh.
Thế còn quân đội ?
Dường như trong thực tế, Tổng bí thư Trọng có vẻ "thân" với cánh quân sự hơn là công an. Sau khi viên đại tướng thứ trưởng bộ quốc phòng Đỗ Bá Tỵ bất ngờ được điều sang làm phó cho nữ chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ngay trước đại hội 12, bộ trưởng quốc phòng mới thay cho "tướng chữa bệnh" Phùng Quang Thanh là Ngô Xuân Lịch có vẻ đã giúp cho ông Trọng được một ít công việc, có được một chút kết quả hơn là bên công an.
Trước đây, Trung Quốc có cơ cấu các quân khu và quân đoàn tương tự như Việt Nam. Nhưng kể từ lúc Tập Cận Bình chỉ đạo lập ra các đại chiến khu, quyền lực của họ Tập đã trở nên thống soái toàn diện. Tình trạng chiến tranh được quyết định bởi chính Tập, tất nhiên có tham khảo với một mức độ vừa phải đối với Quốc hội, Chính hiệp và các cơ quan khác.
Vậy chẳng lẽ Việt Nam cũng cần có "đại chiến khu" ?
Vì sao Nguyễn Phú Trọng chưa một lần mặc quân phục ?
Có một so sánh thú vị là sau suốt 6 năm trời từ lúc trở thành tổng bí thư, Nguyễn Phú Trọng đã chưa từng một lần mặc quân phục để duyệt danh dự hàng quân như cách mà Tập Cận Bình đã làm, cho dù Tập cũng xuất thân từ vị thế một quan chức thư lại như Trọng.
Trong khi đó, tuy xuất thân là sĩ quan công an, vào tháng Mười năm 2017 Trần Đại Quang đã hiện ra với một bề ngoài hoàn toàn khác : chỉ một ngày sau khi Nhà Trắng phát đi thông cáo báo chí về việc Tổng thống Trump sau khi dự Hội nghị APEC ở Đà Nẵng sẽ đến Hà Nội để có một cuộc gặp chính thức với chủ tịch nước, người ta chợt nhận ra ông Quang trong bộ quân phục rằn ri đến thăm một đơn vị bộ đội ở gần Hà Nội.
Như thể Trần Đại Quang vừa phát đi một tín hiệu dứt khoát, hoặc ít nhất cũng mong muốn như thế, về hình ảnh và quyền lực của mình.
Không hiểu vô tình hay hữu ý, khẩu khí "chống tham nhũng" của ông Nguyễn Phú Trọng lại bất ngờ dịu hẳn vào thời điểm trên. Cũng không biết có phải ngẫu nhiên hay không, Ủy ban Kiểm tra trung ương của người mới được bổ sung làm "thành viên thường trực ban bí thư" là Trần Quốc Vượng, từng được ông Trọng khen "làm việc gì ra việc nấy", đã lắng bặt trong chiến dịch "kiểm tra tài sản 1000 quan chức" dù chỉ mới phát ngôn mà chưa có bất kỳ dấu hiệu nào về phát động thực hiện.
Vậy làm sao để Trần Quốc Vượng có thể trở nên "Vương Kỳ Sơn Việt Nam" ?
"Làm việc gì ra việc nấy" ?
Sau công an, Ủy ban Kiểm tra trung ương chiếm vai trò then chốt trong chiến dịch "chống tham nhũng" của Tổng bí thư Trọng. Nhưng trong tình cảnh hiện thời khi mối quan hệ giữa bên đảng với công an ở Việt Nam chưa ngọt ngào như những gì mà Tập Cận Bình đã tập quyền ở Trung Quốc, người ta thấy vai trò nổi bật nhất trong thời gian qua chính là Ủy ban Kiểm tra trung ương.
Từ năm 2015 đến nay, đã có vài lần Tổng bí thư Trọng cùng Ủy ban Kiểm tra trung ương sang Bắc Kinh để "học tập". Khi đó, Vương Kỳ Sơn đã trở nên quá nổi tiếng ở Trung Quốc, không chỉ với vai trò được xem "thực chất là số 2 sau Tập", mà còn bởi ông trở thành quán quân về chính khách có số lần nhiều nhất bị mưu toan ám sát.
Cứng rắn, lạnh lùng, ít nói và có lẽ không thiếu tàn nhẫn, Vương Kỳ Sơn đã thực sự trở thành thanh kiếm lẫn lá chắn bảo vệ cho Tập Cận Bình và cho chế độ độc đảng độc trị ở Trung Quốc, cho dù ông ta phải nghỉ hưu tại đại hội 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nhưng cho tới giờ, Trần Quốc Vượng ở Việt Nam lại chưa có gì chứng tỏ ông có thể làm được như Vương Kỳ Sơn, hoặc chí ít cũng trở thành "học trò" của họ Vương.
Dù phong trào "chống tham nhũng" đã trôi qua hơn một năm, vẫn chẳng có tin tức nào, dù chỉ ở mức đồn đoán, cho thấy Trần Quốc Vượng có nguy cơ bị ám sát.
Kể cả sắp tới đây, nếu Ủy ban Kiểm tra trung ương được "kiêm" cả bộ máy và chức danh cao nhất của Thanh tra chính phủ trong chủ trương "nhất thể hóa" của Tổng bí thư Trọng, cũng chẳng có gì bảo đảm là Trần Quốc Vượng sẽ trở nên một nhân vật "làm việc gì ra việc nấy", ngoài việc lãnh nhiệm cái ghế của Thường trực ban bí thư Đinh Thế Huynh đổ bệnh mãi không chịu khỏi.
Ba năm hay ngắn hơn ?
Vai trò, vị thế và tương lai chính trị của Nguyễn Phú Trọng cũng bởi thế khá chông chênh.
Nếu không tính đến sự kiện đại hội giữa nhiệm kỳ vào khoảng giữa năm 2018 mà ông Trọng có thể sẽ phải đối diện với một lực lượng nội bộ muốn "Trọng nghỉ", ông chỉ còn khoảng ba năm cho một núi việc cùng ưu tư "làm sao để lại dấu ấn sử xanh", nhất là khi gần đây chợt hiện ra vài tác giả thuộc hàng ngũ "người Bắc có lý luận" đã xướng danh Nguyễn Phú Trọng theo cách chưa từng có : "Sĩ phu Bắc Hà", "Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo" và cả "Minh quân".
Ba năm là một thời gian có thể tạm đủ cho những cái đầu và cánh tay như Tập Cận Bình, nhưng lại là quá ngắn hoặc bất khả đối với những người mà từ sáu năm qua vẫn ngắn ngủn về chiều dài thành tích, dù chỉ trên phương diện tập quyền cá nhân mà chưa nói gì đến việc "lo cho dân cho nước".
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 13/11/2017
Những lời có cánh và "có làm vẫn hơn không"
"Một quyết định hợp lòng dân", "một quyết định thúc đẩy sự phát triển xã hội" hay tính từ xen động từ "vỡ òa sung sướng !"… là một số trong nhiều lời khen tặng có cánh nhưng có vẻ mang chút thực lòng mà các tờ báo nhà nước dành cho Chính phủ và cá nhân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngay sau khi Chính phủ Việt Nam bất ngờ ban hành Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 30/10/2017 về việc xóa bỏ nhiều thủ tục liên quan đến hộ khẩu.
Sổ khai tạm trú và sổ hộ khẩu.
Ngay cả giới bất đồng chính kiến và giới phản biện xã hội - thường chỉ trích lối suy nghĩ và cách làm việc theo kiểu "cờ lờ mờ vờ" của Thủ tướng Phúc - cũng không còn quá khó tính khi đề cập về ông với một lời khen vừa phải.
Một số trong giới bất đồng chính kiến hy vọng giễu cợt rằng từ sau bản nghị quyết 112 sẽ không còn cái cảnh các nhân viên cảnh sát khu vực, dân phòng cùng lực lượng an ninh cấp trên đập cửa rầm rầm nhà người hoạt động nhân quyền vào lúc nửa đêm để "kiểm tra hộ khẩu" - mà thực chất là một hình thức sách nhiễu hoặc khủng bố, hiểu theo cách nào tùy ý. Thay vào đó, công an có dựng đầu người hoạt động nhân quyền dậy cũng chỉ để kiểm tra… mã số định danh cá nhân.
Với một dân tộc Việt đã bị thuộc tính chịu đựng ăn sâu và quá dễ hài lòng chỉ với một vài động tác mị dân của chính quyền độc đảng, chính sách bỏ hộ khẩu quá trễ - dù mới chỉ trên phương diện phát ngôn chứ chưa hẳn hành động - đã có ý nghĩa "có làm vẫn hơn không".
"Nhân hòa"
Dù mới có được một phần "Địa lợi" và chưa hẳn có "Thiên thời", Thủ tướng Phúc đã biết "đánh trúng" vào "Nhân hòa". Trong tình huống này, ông Phúc đã cho thấy ông có triển vọng trở thành một chính trị gia khôn ngoan khi biết tận dụng thời và thế trong một xã hội nháo nhác, bất ổn và dễ động loạn như lúc này.
Một trong những nguyên cớ chưa đến mức gây động loạn nhưng lại khiến 1/20 dân số Việt chán nản và phản cảm nhất đối với đảng và chính quyền là "vòng kim cô" hộ khẩu.
Nhìn từ góc độc chính trị, chế độ hộ khẩu ở Việt Nam rất gần gũi với "người anh em" Trung Quốc. Trong lịch sử phương Bắc từ thời Xuân Thu Chiến Quốc, chế độ "Ngũ gia liên bảo" đã bắt vạ những nhà còn lại trong tổ 5 nhà, nếu có một nhà làm phản triều đình. Chế độ hộ khẩu ở Việt Nam cũng khá tương đồng với cơ chế "Propiska" về quản lý nhân khẩu của Liên Xô trước đây. Nhìn chung, đây là một thói quen và cũng là một não trạng rất khó bỏ của các chính quyền quen độc trị. Riêng ở Việt Nam, chế độ hộ khẩu đã tồn tại đến nửa thế kỷ qua.
Những tờ báo nhà nước đã nhân dịp Nghị quyết 122 để "tố khổ" về cái dĩ vãng xã hội của chế độ hộ khẩu chẳng mấy đáng vinh danh kia : người có hộ khẩu chính thức ở các thành phố lớn nhiều khi đã thấy phiền toái nhưng phải là dân ngoại tỉnh, ngụ cư ở các thành phố lớn mới thấu hiểu nỗi khổ của người không có hộ khẩu thường trú. Đã có thời, muốn mua nhà Hà Nội, muốn đăng ký xe máy biển số Hà Nội, muốn xin việc ở Hà Nội hay Sài Gòn… thì phải có hộ khẩu ở thành phố đó. Những tưởng quản lý hành chính bằng hộ khẩu sẽ hiệu quả nhưng không, thực tế nó mang lại quá nhiều phiền toái, tiêu cực, là mảnh đất màu mỡ cho các cán bộ, công chức phụ trách các lĩnh vực, công việc liên quan kiếm tiền, "hành" dân. Nhiều người dân đã phải bỏ ra số tiền rất lớn để có được sổ hộ khẩu. Và suy đến cùng thì phần ấm ức, thiệt thòi vẫn thuộc về người dân. Đã có vô số những câu chuyện dở khóc, dở cười liên quan sổ hộ khẩu. Ai cũng thấy, sổ hộ khẩu thực sự là lực cản vô cùng lớn trong thực hiện các thủ tục hành chính, trong quyền tiếp cận các loại dịch vụ công của người dân, tạo cơ sở cho tiêu cực, tham nhũng… nhưng không thể thay đổi.
Một nguyên do để bỏ chế độ hộ khẩu mà báo đảng không quên nhấn mạnh : việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 112 là phù hợp với các quy định hiện hành, các quyền hiến định của công dân (quyền tự do đi lại, tự do cư trú, tự do tìm việc làm…), cũng như thông lệ quốc tế…
"Thông lệ quốc tế" nào ?
WB đã khuyến nghị từ 4 năm trước !
Từ năm 2013 khi Việt Nam ôm ấp động cơ "chuẩn bị tích cực tham gia vào Hiệp định TPP" và sau chuyến đi Mỹ của chủ tịch nước khi đó là Trương Tấn Sang, vấn đề bỏ hộ khẩu đã được Ngân hàng thế giới (WB) phối hợp với những cơ quan nghiên cứu của Việt Nam tổ chức khảo sát tại một số địa phương.
Về mặt xã hội, báo cáo của WB cho biết có khoảng 5,6 triệu người dân không có hộ khẩu mà do đó đã phải chịu tình cảnh bất tương xứng trong việc tiếp cận các dịch vụ công như trường học, bệnh viện, đăng ký xe… Đây cũng là những vấn đề mà các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam đã thừa nhận từ lâu nay, tuy chưa chịu tiến hành các biện pháp để cải thiện.
Vào đầu năm 2014, sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc, trong cuộc Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) tại Geneve đã xuất hiện khuyến nghị bỏ cơ chế hộ khẩu đối với Việt Nam. Khi đó, chính thể Hà Nội không trả lời.
Nhưng đến năm 2017, bối cảnh cực kỳ khó khăn của ngân sách Việt Nam đang khiến chế độ này "bơi" và có nguy "chìm" nếu không vay mượn được tín dụng quốc tế. Cũng bởi thế, đây là cơ hội để những khuyến nghị về nhân quyền của các tổ chức quốc tế có điều kiện "đưa ánh sáng nghị quyết vào thực tiễn" hơn hẳn.
Nhưng cũng còn một nguồn cơn khác không kém sống còn.
Với Nghị quyết 122, Thủ tướng Phúc đã vượt qua những đối thủ của ông để ghi một điểm quan trọng : "Điểm Tổng bí thư".
"Điểm Tổng bí thư" là gì ?
Tổng bí thư !
Từ khoảng nửa năm trước Đại hội 12 của đảng cầm quyền, Nguyễn Xuân Phúc từ vai trò cấp phó mà trong thực tế chỉ là một cái bóng của Nguyễn Tấn Dũng, đã manh nha lọt vào "mắt xanh" của "cặp đôi hoàn hảo" Nguyễn Phú Trọng - Trương Tấn Sang. Tại đại hội 12 vào đầu năm 2016, ông Phúc đã chính thức trở thành thủ tướng và mang lại vòng nguyệt quế "vua" cho quê hương Quảng Nam của ông. Nhiều người đã thừa nhận rằng đó là một kết quả khá bất ngờ.
Nhưng "sao chiếu mệnh" với Nguyễn Xuân Phúc vẫn có vẻ muốn lóe sáng hơn nữa. Từ cuối năm 2016 đến nay, cùng với hai trường hợp "bỗng dưng bị bệnh" là Thường trực ban bí thư Đinh Thế Huynh và Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc bất chợt lại một lần nữa nổi bật vai trò ứng cử viên cho chức vụ tổng bí thư, nếu một mai Nguyễn Phú Trọng - hoặc vì lý do tuổi cao sức yếu, hoặc quá mệt mỏi trong công cuộc "chống tham nhũng" chẳng đi tới đâu, hoặc phải chịu một sức ép đủ sức công phá từ phía các đối thủ chính trị mà vào lúc này đã có dấu hiệu họ biết cách liên minh với nhau, dù chỉ là mối liên minh tạm thời - buộc phải "nghỉ".
Cần nhắc lại, cả Đinh Thế Huynh và Trần Đại Quang - theo thứ tự người trước kẻ sau - đều là những ứng cử viên hạng nặng cho chức vụ tổng bí thư, sau một "thái tử đảng" trong quá khứ là Phạm Quang Nghị nhưng đã bị "biệt tích" tại đại hội 12.
Cho tới nay, cuộc chạy đua vừa ngấm ngầm vừa công nhiên vào ghế tổng bí thư ngày càng rộn rã và quyết liệt. Ngoài Trần Đại Quang có dấu hiệu "đang khỏe lại", đã xuất hiện thêm một người được dư luận cho là ứng cử viên tiếp theo : Trần Quốc Vượng - Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương và kiêm một chức vụ chưa từng được liệt kê trong điều lệ đảng : "Thành viên thường trực ban bí thư".
Nhưng sẽ có cơ hội hơn hẳn cho Nguyễn Xuân Phúc để trở thành tổng bí thư tại đại hội giữa nhiệm kỳ vào năm 2018 hoặc tại đại hội lần thứ 13 của đảng cầm quyền vào năm 2021, nếu còn có đại hội 13 này. Đó là trội hơn hẳn các đối thủ chính trị khác, Nguyễn Xuân Phúc đang trở thành nhân vật không chỉ có thâm niên làm phó thủ tướng và am hiểu nghề "tay hòm chìa khóa" của chính quyền và cả cho đảng, mà còn là thành viên hiếm hoi trong Bộ Chính trị biết cách và có một khả năng - dù chỉ ở mức khiêm tốn - kiếm tiền từ trong nước và quốc tế để nuôi bộ máy chính quyền và đương nhiên cả bộ máy của đảng.
Với lợi thế đó, dù đảng hay Tổng bí thư Trọng muốn hay không, Nguyễn Xuân Phúc vẫn đang trở thành ứng cử viên thực tế nhất cho ghế tổng bí thư.
Tuy khởi động "chính phủ kiến tạo và hành động" khá muộn màng, nhưng từ giữa năm 2017 đến nay, Thủ tướng Phúc đã vừa thao tác vừa "gợi ý" được hai việc quan trọng : sau chỉ đạo của ông Phúc, Bộ Công thương đã lần đầu tiên tự cắt bỏ hơn 600 giấy phép con, tương đương khoảng hơn 50% số thủ tục trong thẩm quyền của bộ này, cho dù vẫn còn một số giấy phép con được cắt giảm theo cách "gom nhiều gạch đầu dòng nhỏ thành một gạch đầu dòng lớn nhưng không mất đi nội dung nào của các gạch đầu dòng nhỏ" ; và động tác thứ hai là "bỏ hộ khẩu".
Nhưng khi nào mới bỏ ?
Còn lâu !
Một số tờ báo nhà nước đã hoan hỉ quá sớm khi thốt lên "Vĩnh biệt hộ khẩu !".
Chỉ vài ngày sau Nghị quyết 112 của Chính phủ về "bỏ hộ khẩu", nỗi vui mừng quá sớm đã bị xẹp bớt. Thông tin từ giới chức công an - cơ quan luôn xem hộ khẩu là một công cụ hành chính không chỉ quản lý xã hội mà còn quản lý chính trị của chế độ Việt Nam và trong thực tế quyết định chuyện có muốn bỏ hộ khẩu hay không, cho biết trong hiện tại, chính quyền Việt Nam mới "thí điểm cấp mã số định danh cá nhân" ở 4 tỉnh, thành phố. Dự kiến đến năm 2019, Bộ Công An mới hoàn tất thông tin của hơn 90 triệu cư dân.
Một đại diện Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an, cho biết, việc bỏ sổ hộ khẩu tại thời điểm hiện tại là "chưa thể được". Lý do vì "Chúng ta chỉ có thể bỏ sau khi đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư".
Cũng theo vị đại diện trên, việc bỏ sổ hộ khẩu cần phải có "lộ trình", và ít nhất cũng phải đến năm 2020, chứ không phải năm 2019, "may ra mới thực hiện được".
Tại sao chuyện bỏ hộ khẩu lại có độ trễ kinh hoàng đến 3 năm, tính từ năm 2017 "ra nghị quyết" ?
Những giải thích như thể "nói lại cho rõ" của giới chức công an đã làm lộ ra một khoảng trống mênh mông : "bỏ hộ khẩu", cho dù đã được thể hiện bằng một nghị quyết chính thức, mới chỉ là "ý tưởng" của Chính phủ và mang tính hứa hẹn nhiều hơn là làm thật. Một cơ chế mã số định danh cá nhân chỉ được chính thức thay thế cho hộ khẩu khi Bộ Công an hoàn tất cơ sở dữ liệu cho 90 triệu người Việt. Nếu giới chức công an đã mông lung về "năm 2020" thì cũng có thể hiểu là "hạn chót" sẽ rất có thể kéo dài qua năm 2020 một vài năm, thậm chí là nhiều năm, để từ đây đến đó hộ khẩu vẫn là hộ khẩu và vẫn có đến 6 - 7 triệu người dân bị đối xử bất công.
Cứ xem cái cách Bộ Công an "ngâm tôm" Luật Biểu tình từ năm 2011 đến nay, mà thậm chí cho đến giờ vẫn chẳng thấy tăm hơi nào về dự luật khốn khổ quyền dân này, thì đủ biết "thành tâm" của ngành công an là như thế nào trong cơ chế "hành dân là chính".
Dấu hỏi còn lại là tại sao Thủ tướng Phúc không chờ đến khi Bộ Công an hoàn tất cơ sở dữ liệu rồi mới chính thức thông báo chính sách bỏ hộ khẩu ?
Câu trả lời có lẽ tùy thuộc vào cá nhân ông Phúc và… ghế tổng bí thư.
Hứa hẹn, dù có quá sớm, vẫn luôn ngọt ngào cho 90 triệu người Việt đã quá quen với vô số hứa hẹn không mang tính "định danh" của "đảng và nhà nước ta" từ bao nhiêu năm qua.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 09/11/2017