Đêm 22 tháng Chín năm 2017 có thể lại là một đêm dài tê tái trong cơn mất ngủ mãn tính của giới chóp bu Việt Nam, sau đêm đầu cuống cuồng vì bị người Đức phát hiện âm mưu bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin hai tháng trước.
Quan hệ đối tác chiến lược Đức - Việt - Ảnh minh họa
Lại một đêm mất ngủ
Rốt cuộc, quan điểm "trả giá đối ngoại để giải quyết đối nội" của não trạng quan chức Việt đã phải trả giá đắt, quá đắt. Người Đức còn trừng phạt hơn nhiều so với những đầu óc tưởng tượng nông cạn như chỉ đến mức trục xuất nhân viên ngoại giao : tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Động thái bất ngờ trên có thể ví như một cơn động đất chính trị ngay tại Hà Nội.
Cơn động đất này lại thình lình hiện ra chỉ vài tuần trước thời điểm diễn ra Hội nghị trung ương 6 của đảng cầm quyền tại Việt Nam - một kỳ họp Ban chấp hành trung ương được cho rằng mang mục tiêu "thanh trừng" đối với một số quan chức cao cấp mà ông Nguyễn Phú Trọng liệt vào dạng "chống tham nhũng thời kỳ trước".
Trong vòng một chục năm qua, chính thể cộng sản Việt Nam luôn tự hào đã ký được đến một chục thỏa thuận đối tác chiến lược với một chục quốc gia. Đối tác chiến lược Việt - Đức là thỏa thuận đầu tiên bị hủy bỏ giữa chừng, và cho dù mới chỉ mang tính "tạm thời" nhưng ai cũng hiểu cơ sự còn có thể khốn khổ hơn nữa trong thời gian tới.
Mộng du duy ý chí
Vài tuần sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng Đức- Việt, đã xuất hiện những ý kiến bên lề nội bộ đảng ở Việt Nam về khả năng "xét cho cùng thì Đức cũng còn nhiều cái lợi trong quan hệ với Việt Nam. Do đó rất ít khả năng Đức sẽ làm căng với Việt Nam, mà chỉ cần Việt Nam uyển chuyển khôn khéo, tiến hành đàm phán với Đức và có thể nhân nhượng một vài vấn đề gì đó về thương mại thì câu chuyện Trịnh Xuân Thanh sẽ chìm dần theo thời gian. Đến cuối năm nay hoặc sang năm 2018 thì quan hệ giữa Việt Nam và Đức sẽ bình thường trở lại…".
Nhưng rốt cuộc, dự báo với não trạng một chiều trên đã phá sản. Cũng như đã cơ bản phá sản những dự báo của các cơ quan ngoại giao, công an về tính hậu quả có thể nếu vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh bị người Đức phát hiện và làm rùm beng. Nguyên nhân chủ yếu của dự báo sai lầm là căn bệnh thành tích trầm kha trong nội bộ đảng, cùng não trạng vào thói quen thiên về báo cáo thành tựu trong khi làm giảm bớt rủi ro và tính hậu quả. Có thể, phía Việt Nam đã đặc biệt duy ý chí để tự tin đưa ra giả thiết là nếu vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh bị lôi ra ánh sáng, chính phủ Đức cùng lắm cũng chỉ gửi công hàm phản đối và việc này có thể làm chậm lại tiến trình viện trợ 260 triệu euro năm 2017 - 2018 của Đức cho Việt Nam…
Và có thể đó chính là lý do để mật vụ Việt Nam, được đôn đốc chỉ đạo từ một cấp rất cao, đã vừa quá vội vàng lại vừa tự tin đến mức còn không thèm quan tâm chuyện xóa những vết máu cùng tang vật là bình xịt hơi cay trên chiếc xe hơi được thuê từ Séc để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Dự báo sai về quá khứ lại là cơ sở của sai dự báo thời hiện tại. Dàn tham mưu của Nguyễn Phú Trọng quá tệ !
"Không có gì phải vội vàng cả"
Trong thực tế, cấp độ quan hệ đối tác chiến lược còn cao hơn và bao trùm hơn so với quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Dù chỉ tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược, đây là lời cảnh báo rất trực tiếp về khả năng người Đức có thể tiến tới chính sách tạm cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam trong một tương lai không xa, nếu Hà Nội vẫn không có bất kỳ một lời xin lỗi nào về vụ mật vụ Việt Nam đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào tháng Bảy năm 20167, không chịu xin lỗi và cũng chẳng chịu cam kết "sẽ không tái phạm"…
Giờ đây, có lẽ nhiều người cần nhớ lại thái độ và cách biểu cảm của người Đức vào đầu tháng 8/2017 sau khi Bộ Ngoại giao Đức ra tuyên bố về vụ Trịnh Xuân Thanh. Sau yêu cầu "phải để ông Trịnh Xuân Thanh quay trở lại Đức ngay lập tức để hồ sơ đề nghị dẫn độ và đơn xin tị nạn được xem xét theo đúng trình tự pháp lý", Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Markus Ederer đã khẳng định : "Chúng tôi cũng bảo lưu quyền áp dụng thêm các biện pháp khác trên bình diện chính trị, kinh tế và chính sách hợp tác phát triển."
Toàn bộ nội hàm "chính trị, kinh tế và chính sách hợp tác phát triển" lại chính là nội dung của quan hệ đối tác chiến lược Đức - Việt.
Người Đức chưa bao giờ giận dữ đến thế trong suốt chiều dài quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Với Quốc vụ khanh Văn phòng Bộ Ngoại giao Đức, ông Markus Ederer, đó còn là từ ngữ "bội tín". Cái từ thiên về bản chất dưới đáy của chính trị này lại càng khiến công luận xã hội ở Việt Nam không thể nào quên được nhân vật ủy viên trung ương đảng, chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đối xử với người dân Đồng Tâm ra sao - ký sống, lăn tay điềm chỉ nhưng sau đó xổ toẹt tất cả.
"Không có gì phải vội vàng cả" - cũng cần nhớ lại cụm từ này với mọi hàm ý của nó.
Sau tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đức về vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Berlin, đã có một buổi Họp báo Liên bang ngày 9/8/2017. Phó Phát ngôn viên của Chính phủ Liên bang, Bà Ulrike Demmer và Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao ông Schäfer đã trả lời các câu hỏi liên quan đến mối quan hệ Đức - Việt, trong đó có nội dung : "Tuy nhiên, khi vụ việc như vậy xảy ra thì chắc chắn ở đâu đó còn thiếu sự tôn trọng và lưu tâm. Vì vậy, như đã nói, chúng tôi không thể để vụ việc dừng lại tại đây. Chúng tôi sẽ bình tĩnh phân tích. Không có gì phải vội vàng cả. Chúng tôi sẽ cân nhắc và bàn thảo kỹ lưỡng rồi sau đó sẽ thông tin tới các đối tác Việt Nam của chúng tôi".
Một số ý kiến cho rằng câu "Không có gì phải vội vàng cả" có vẻ dư thừa hoặc không rõ nghĩa. Nhưng một số ý kiến khác lại suy ngẫm về câu nói này với một ẩn ý rõ rệt nào đó.
Cuối cùng, người Đức đã hành động !
Một hành động thích đáng và không hề cho thấy "Đức cần Việt Nam hơn Việt Nam cần Đức" như một lối tuyên truyền của giới dư luận viên tuyên giáo và công an Việt Nam.
Ông Nguyễn Phú Trọng có "vô can" ?
Tình hình giờ đây như thể bãi hoang địa sau cơn động đất phạm vi rộng. Nếu sau bản tuyên bố của Bộ ngoại giao Đức vào đầu tháng 8/2017, nguy cơ tan vỡ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) là lớn chưa từng có, thì nay là cả tương lai sụp đổ của Quan hệ đối tác chiến lược Việt - Đức.
Nguyễn Phú Trọng trong một lần tiếp Tập Cận Bình.
Tương lai ấy lại "ăn" cả vào đời sống của hơn chín chục triệu người dân Việt - hầu như không khác ấy cảnh đám quan lại "ăn của dân không chừa thứ gì". Giới quan chức Bộ chính trị và các ủy viên trung ương đảng no mập có thể chẳng mấy quan tâm đến số phận của EVFTA, nhưng nếu không có hiệp định này, doanh nghiệp Việt sẽ càng bế tắc đầu ra xuất khẩu, còn người sản xuất trong nước, đặc biệt là hàng triệu nông dân, có thể sẽ phải chuyển bữa ăn từ cơm sang cháo.
Những cơ quan nào và những ai trong nội bộ đảng phải chịu trách nhiệm về hai cú tan vỡ và sụp đổ trên ?
Hậu quả đã khủng khiếp đến mức ngang bằng với tội "phá hoại". Phải có ít nhất một ai đó, một cơ quan nào đó chịu trách nhiệm và bị xử lý.
Với tư cách là người đứng đầu đảng, người từng chỉ đạo "bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh" và có thể là người hưởng lợi nhất trong cuộc chiến phe phái khi nắm giữ được Trịnh Xuân Thanh, ông Nguyễn Phú Trọng có "vô can" khi để xảy ra những hậu quả khủng khiếp trong quan hệ Việt - Đức ?
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 26/09/2017
Vào trung tuần tháng Chín năm 2017, có một chuyến đi "bí mật" và bất ngờ đến Hà Nội của ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện Châu Âu. Chủ đề : Hiệp định Tự do Thương mại EU - Việt Nam (EVFTA).
Trịnh Xuân Thanh trên báo Đức.
Nhưng chỉ một tuần sau, ngày 22/9/2017, Bộ Ngoại giao Đức đã chính thức ra thông báo tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, đồng thời trục xuất thêm một nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức. Một cú sốc ngoại giao chưa từng có đối với giới chóp bu Việt Nam !
Tuyệt vọng EVFTA ?
Chuyến đi của ông Bernd Lange không chỉ bí mật theo đúng nghĩa đen bởi cách ông đến Việt Nam không được bất kỳ cơ quan hay tổ chức nào thông báo trước, mà còn do cách xuất hiện đột ngột của quan chức này - bằng vào hình thức họp báo - ngay sau cuộc gặp của ông Lange với giới quan chức Việt Nam, trong đó có thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Một lần nữa, vài tờ báo đảng Việt Nam ồn ào "nhét chữ" vào miệng quan chức nước ngoài và Thủ tướng Phúc bằng tiêu đề "Sẽthông qua Hiệp định Tự do Thương mại EU - Việt Nam vào năm 2018".
Còn Thông tấn xã Việt Nam thì khiêm tốn hơn với một tựa đề mang tính nghị quyết : "Phấn đấu thông qua Hiệp định Tự do Thương mại EU - Việt Nam vào năm 2018".
Còn Bernd Lange ?
Chẳng có bất kỳ hứa hẹn nào từ quan chức này về "sẽ thông qua Hiệp định Tự do Thương mại EU - Việt Nam vào năm 2018". Thay vào đó, ông Bernd Lange nói với các nhà báo vào ngày 15 tháng Chín tại Hà Nội : "Nhân quyền là vấn đề trọng tâm trong đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu- EU".
Ông Bernd Lange cũng nói rằng nếu Việt Nam không giải quyết đầy đủ các quan ngại về nhân quyền thì e rằng chuyện thương thảo giữa đôi bên sẽ gặp rắc rối, rằng EVFTA có thể bị "xôi hỏng bỏng không" nếu Hà Nội không nghiêm túc cải thiện nhân quyền.
Trong thực tế, Nghị viện Châu Âu có chức năng thông qua tất cả các hiệp ước hay thỏa thuận thương mại quốc tế mà EU thỏa thuận. Theo đó, EVFTA sẽ được xem xét theo hai giai đoạn gồm cấp Ủy ban Thương mại Quốc tế và cấp Nghị viện Châu Âu.
Theo lộ trình, văn kiện EVFTA sẽ được Ủy ban Thương mại Quốc tế xem xét, kiểm chứng vào mùa Xuân 2018, để đảm bảo tất cả những cam kết trong hiệp định này sẽ được thực hiện đầy đủ. Nếu đạt được đồng thuận đa số tại Nghị viện Châu Âu, EVFTA sẽ được thông qua trong khoảng mùa hè năm 2018.
Nhưng muốn EVFTA được thông qua, lại phải có sự thống nhất của quốc hội thuộc 27 nước thành viên. Sự đồng thuận giữa các nước EU lại tương đối cao về vấn đề nhân quyền. Chỉ cần vài nước không thông qua thì EVFTA sẽ bị khựng lại.
Kết quả duy nhất và có lẽ khá hài hước sau chuyến đến thăm Hà Nội của ông Bernd Lange là Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Châu Âu và Chính phủ Việt Nam đã đạt được đồng thuận về việc… hai bên phải nỗ lực rất nhiều cho việc thông qua EVFTA trong 8-9 tháng tới.
Nhưng "nỗ lực" như thế nào, khi mà nước Đức - đầu tàu về chính trị và kinh tế của Châu Âu - đã thật sự phẫn nộ ?
Người Đức đã hành động !
Một hành động thích đáng và không hề "Đức cần Việt Nam hơn Việt Nam cần Đức" như một lối tuyên truyền của giới dư luận viên tuyên giáo và công an Việt nam.
Trong thực tế, cấp độ quan hệ đối tác chiến lược còn cao hơn và bao trùm hơn so với quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Dù chỉ tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược, nhưng đây là lời cảnh báo rất trực tiếp về khả năng người Đức cùng với nhiều nước trong EU hoàn toàn có thể không còn ngó ngàng gì đến EVFTA, thậm chí Chính phủ Đức có thể tiến tới cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
"Triển vọng phát triển còn tốt lắm" ?
Vậy thì làm thế nào để "triển vọng phát triển còn tốt lắm" - như lời tuyên ngôn của Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng sau khi TPP gần như tan vỡ, để "đất nước đi tới không gì cản nổi" - như một thể loại "tự sướng" từng ra rả vào thời chiến tranh, trong khi tình hình các FTA (hiệp định thương mại tự do) với các nước vẫn rơi vào tình thế bất lợi ?
Dường như Nguyễn Phú Trọng đã duy ý chí đến độ vẫn quyết tâm theo đúng triết lý "lò đã nóng lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy" của ông sau này để bắt EVFTA cũng phải theo đúng như thế.
Trong khi đó, hiện trạng các FTA vẫn ngổn ngang, rất tương đồng với tình cảnh Việt Nam đã ký thỏa thuận với chẵn một chục đối tác chiến lược trên thế giới mà hậu quả là trong hai vụ giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014 và Bãi Tư Chính năm 2017, đã chẳng có một đối tác chiến lược nào chìa tay giúp Việt Nam để tránh thoát bàn tay lông lá đe dọa của đối tác chiến lược lớn nhất là Trung Quốc.
Đến cuối năm 2016, Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán 16 FTA. Trong số này, có 10 FTA đã thực thi (sáu FTA trong số này với tư cách là thành viên ASEAN, bốn FTA còn lại với Chile, Nhật Bản, Hàn Quốc, và EEC). Hai FTA đã kết thúc đàm phán là TPP và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA). Bốn FTA đang đàm phán là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA ASEAN - Hồng Kông, FTA với Israel và với Khối thương mại tự do Châu Âu (EFTA).
Chỉ có hai FTA của Việt Nam với Mỹ và Châu Âu là còn xuất siêu được - lần lượt là 25 tỷ USD và 20 tỷ USD mỗi năm. Còn thặng dư xuất siêu với Nhật bằng 0, trong khi ngay cả Hàn Quốc, tưởng là "dễ ăn", nhưng Việt Nam lại phải nhập siêu đến hai chục tỷ USD vào năm 2016.
Còn với Trung Quốc thì khỏi nói : con số nhập siêu chính ngạch lên đến 20 - 30 tỷ USD/năm, chưa kể phần tiểu ngạch khoảng 20 tỷ USD nữa, tổng cộng đến 40 - 50 tỷ USD nhập siêu mỗi năm dành cho Việt Nam.
Sau cú đổ vỡ của Hiệp định TPP mà đã khiến Bộ Chính trị Việt Nam choáng váng, EVFTA là niềm hy vọng cuối cùng để Việt Nam duy trì được số xuất siêu hơn hai chục tỷ USD hàng năm vào thị trường Châu Âu, cũng như cứu vãn nền kinh tế Việt Nam và do đó cả chân đứng thể chế chính trị vốn đang tích tụ rất nhiều dấu hiệu của suy thoái và khủng hoảng.
Không thể ngồi chờ EVFTA từ trên trời rơi xuống, trong năm 2017 giới chóp bu Việt Nam đã phải tự than lặn lội đi các nước Châu Âu để "dân vận" nhằm thúc đẩy nhanh việc thông qua EVFTA. Trùng thời gian ông Bernd Lange đến Hà Nội, một quan chức Việt Nam của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đi Thụy Sĩ nhưng chỉ đạt kết quả "các quan chức Việt Nam và Thụy Sĩ đồng ý với nhau rằng sẽ phải nỗ lực nhiều hơn để hoàn tất việc ký kết thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và khối bốn quốc gia Châu Âu bao gồm Thụy Sĩ, Na Uy, Băng Đảo, và Lichteinsten".
Trước chuyến đi Châu Âu của Vương Đình Huệ, Bộ Chính trị Việt Nam cũng đã cử hai phái đoàn đi "dân vận" ở Châu Âu : đoàn của bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch quốc hội, và đoàn của ông Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng. Tuy nhiên, cả hai đoàn này đều chỉ có được kết quả hết sức mờ nhạt. Chẳng có một hứa hẹn nào, càng không có cam kết cụ thể nào từ phía các "nước bạn".
Lối thoát nới nhân quyền ?
Nếu giới chính khách Đức vừa nhận ra một Việt Nam của tráo trở chính trị rõ đến như thế, tất cả đều đe dọa tương lai của EVFTA. Và hẳn làm giới lãnh đạo Việt Nam mất ngủ.
Mất ngủ sinh ra tâm tư, suy tư và dằn vặt. Tựu trung phải tìm ra lối thoát "cho mình, cho đảng", sau đó mới là "cho dân tộc, cho nhân dân".
Lối thoát đầu tiên hiện ra vào tháng Tám năm 2017 : "thừa nhận Việt Nam Cộng Hòa". Dù chưa có bất kỳ một cơ quan đảng hay chính quyền nào đứng ra "nhận trách nhiệm" về vụ bộ sách Lịch sử Việt Nam bỗng dưng quá đỗi can đảm nhìn nhận lại quá khứ và tự nguyện xóa đi hình ảnh "ngụy quân ngụy quyền" trong một ít trang giấy, nhưng mọi thứ đều rõ mồn một là bộ chính trị đảng đã có chủ trương về việc này và đang muốn "hòa hợp hòa giải" với ít nhất một mục tiêu rất thiết thân : gia tăng thu hút kiều hối của "kiều bào ta".
Lối thoát thứ hai có vẻ manh nha từ cái cách ông Bernd Lange bất ngờ đến Hà Nội mà từ đó gợi ra một giả thiết : liệu Hà Nội có đạt được một thỏa thuận ngầm với Liên minh Châu Âu để EU cử đặc phái viên đến Việt Nam nhằm hai mục đích : rà soát lại khung sườn EVFTA, và giám sát nhân quyền ?
Chi tiết đáng chú ý là dù là quan chức chuyên về thương mại, nhưng ông Bernd Lange lại có một số tiếp xúc với một số tổ chức xã hội dân sự ở Hà Nội.
Cho đến nay, chưa có xác nhận nào từ giới đấu tranh dân chủ nhân quyền về việc họ đã tiếp xúc với ông Bernd Lange. Cũng cần nói thêm, đang có hai khái niệm tách biệt tồn tại ở Việt Nam : một khái niệm đã tồn tại nhiều năm qua là "Xã hội dân sự độc lập", bao gồm những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền, và khai niệm thứ hai thì mới toanh - nhà nước vừa nhận vơ "xã hội dân sự".
Cũng chưa biết ông Bernd Lange đã tiếp xúc với tổ chức xã hội dân sự dạng nào. Nhưng e rằng chính quyền đã "tạo mọi điều kiện" để vị quan chức này được tiếp cận với những tổ chức hội đoàn của nhà nước mà nay đã biến thành "xã hội dân sự".
Dù gì sau những cuộc tiếp xúc trên và thậm chí còn được họp báo công khai, ông Bernd Lange đã nêu ra ba vấn đề lớn mà Việt Nam cần xử lý, gồm việc phê chuẩn các công ước quan trọng của Tổ chức Lao động Thế giới, việc bảo vệ môi trường, và việc để xã hội dân sự cùng các nhóm phi chính phủ tham gia nhiều hơn vào hoạt động tham vấn liên quan tới EVFTA.
Thực ra, những khuyến nghị về nhân quyền đã được giới chức và các nghị sĩ Mỹ nêu ra với Việt Nam từ nhiều năm qua, mà lần gần nhất là ngay trước chuyến đi của Thủ tướng Phúc đến Washington để gặp Tổng thống Trump. Nhưng chóp bu Việt Nam đã bỏ ngoài tai. Trước và sau chuyến đi này, công an Việt Nam đã bắt bớ rất nhiều người bất đồng chính kiến. Cũng sau chuyến đi này, đã chẳng thấy bóng dáng nào của Hiệp định thương mại song phương Việt Mỹ mà Việt Nam quá cầu cạnh.
Còn vào lần này, đến lượt giới chức Châu Âu lên tiếng, nhưng chưa bao giờ lên tiếng mạnh mẽ như lúc này về mối quan hệ thật sự ràng buộc giữa nhân quyền với EVFTA.
Nguy cơ mất EVFTA là quá rõ ràng. Giờ đây, cái phao cứu sinh cuối cùng chỉ còn là vấn đề nhân quyền, để nếu chính thể Việt Nam chấp nhận cải thiện và hơn nữa là phải có những cải thiện có thể chứng minh được, may ra Nghị viện Châu Âu có thể thuyết phục nước Đức không chấm dứt hoàn toàn quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam và do đó còn để hé cánh của đi tiếp cho EVFTA.
Trong tình thế không khác gì bị triệt buộc trên, "chính phủ" của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tính toán gì ? Tiếp tục bảo thủ và đàn áp nhân quyền để tiếp tục chẳng nhận được lợi ích nào từ cộng đồng quốc tế ?
EVFTA không chỉ là vấn đề thiết thân của ông Trọng để bảo vệ sự tồn vong được chăng hay chớ của đảng cầm quyền, mà còn là lối thoát khả dĩ nhất cho các phe phái khác trong nội bộ đảng vào lúc con tàu sắp đắm.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 25/09/2017
Một nhà đầu tư nhỏ lẻ vừa thoái vốn ?
Câu chuyện sẽ chẳng có gì đáng chú ý, nếu nhà đầu tư đó đúng là nhỏ lẻ, không mang tên Đỗ Thị Huyền Tâm – cựu đại biểu quốc hội và biến thành vợ sau của Nông Đức Mạnh sau khi ông Mạnh trở thành cựu tổng bí thư.
Cựu đại biểu quốc hội Đỗ Thị Huyền Tâm thoái hết vốn khỏi Tập đoàn Minh Tâm – Kim Dung/Kỳ Duyên
Mẩu tin nhỏ nhưng lại gây tính thời sự và nghi ngờ lớn là với tư cách chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Tâm (Minh Tâm Group), bà Đỗ Thị Huyền Tâm vừa thoái hết vốn khỏi doanh nghiệp này.
Tỉ lệ sở hữu của bà Huyền Tâm đã biến sạch từ 81% thành 0%.
Câu chuyện vợ chồng "Lão Răng Chắc"
Minh Tâm Group có tiền thân là công ty trách nhiệm hữu hạn Minh Tâm được thành lập năm 2001, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi. "Dưới sự lãnh đạo của bà Đỗ Thị Huyền Tâm", Minh Tâm Group được mô tả đã trở thành một nhóm các doanh nghiệp hàng đầu tỉnh Bắc Ninh, hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực bất động sản, giáo dục, kinh doanh khách sạn, sản xuất phân bón, bao bì, thức ăn chăn nuôi…
Tuy nhiên, trước khi trở thành "thứ phi" của ông Nông Đức Mạnh, bà Đỗ Thị Huyền Tâm đã có lúc lao đao về những món nợ khổng lồ với ngân hàng, theo đó có tin cho biết suýt chút nữa thì bà Tâm đã phải "tra tay vào còng". Nhưng sau khi trở thành vợ sau của cựu tổng bí thư Mạnh, vị thế của bà Huyền Tâm đột nhiên "mạnh" hẳn lên. Không những chẳng bị hề hấn gì với vòng tố tụng hay lao lý, công ty của bà Huyền Tâm còn thầu được những công trình BOT đáng giá, từ đó trả hết nợ cho ngân hàng và lại còn dôi ra một khoản tích lũy lớn.
Trong khi đó, từ thời làm tổng bí thư, Nông Đức Mạnh đã rước lấy nhiều tai tiếng với biệt hiệu "Lão Răng Chắc" – được người đời diễn giải theo tư cách "ăn cú nào chắc cú nấy", cùng thói che đỡ cho nạn tham nhũng trở nên bất diệt. Sau khi đã "về vườn", một trong những tai tiếng nổi bật ghê gớm như thế là khung cảnh phòng khách nhà ông Mạnh không khác gì cung điện thời vua chúa, để rất nhiều người tham gia mạng xã hội thấy không gì thích hợp với sự lên án phẫn uất hơn là lấy luôn hình ảnh cung điện ấy để đối chiếu với cảnh những túp lều rách nát của dân và trẻ nhỏ bần cùng xin ăn, đu dây qua suối dữ ở Việt Nam.
Còn giờ đây, cái gia đình "cung điện" trên lại một lần nữa bị "soi" : vợ sau của cựu tổng bí thư thoái sạch vốn để làm gì ?
"Chuyển đi đâu ?"
Trường hợp thoái vốn của bà Đỗ Thị Huyền Tâm lại khiến nhiều người nhớ lại vụ nữ đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường có quốc tịch ở… Cộng hòa Malta.
Vụ việc trên xảy ra vào tháng Bảy, 2016, ngay trước thời điểm thông qua lần cuối tư cách của gần 500 đại biểu quốc hội. Malta là một quốc gia chỉ rộng có 300 cây số vuông, nằm ở một xó của Châu Âu, tạo ấn tượng nổi bật nhất nhờ vào hai việc : trở thành rổ đựng bóng trong các trận cầu quốc tế, và dễ tránh thuế đánh vào tài sản cá nhân.
Nhưng vấn đề có lẽ không chỉ nằm ở chỗ tư cách đại biểu quốc hội xen kẽ tư cách "công dân Malta" của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, mà từ vụ việc của bà Hường, người dân đã có hẳn một bằng chứng xác thực về chuyện đến cả Đại biểu quốc hội Việt Nam cũng chuẩn bị "ra đi tìm đường cứu nước" như thế nào, thay vì trước đây chỉ nghe đồn đoán về "một bộ phận không nhỏ" đã chuẩn bị nhảy lên máy bay chuồn ra nước ngoài nếu tổ quốc "có biến".
Thật thế, trong những năm gần đây, một số đại gia và quan chức khi gặp nhau trên bàn nhậu thường nháy mắt đầy ngụ ý "Đặt vé chưa ?"
Trước đó là một câu hỏi khác "Có thẻ xanh chưa ?"
Cũng đã từ lâu, trong giới đại gia và quan chức, đặc biệt ở khu vực Hà Nội, đã phổ cập kinh nghiệm cần một khoản chi phí 500.000 USD để được nhập tịch Canada. Ngay trước Đại Hội XII của đảng cầm quyền vào năm 2016, một đơn thư gửi đến Bộ Chính Trị đã tố cáo bà Nguyễn Thị Thanh Phượng, con gái thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng, có quốc tịch Mỹ…
Dù chẳng ai dám nói trắng ra, nhưng nhiều quan chức và thương gia đều ngầm hiểu với nhau là việc có thêm một quốc tịch nước ngoài mà do đó vi phạm luật Việt Nam là "chẳng có gì xấu trong tình hình hiện nay". Mà tình hình hiện nay lại là một núi lửa đang chực chờ phun trào, bao gồm những biến động chính trị nội bộ không thể lường trước, làn sóng phản kháng xã hội của các tầng lớp nhân dân ngày càng dữ dội, trong đó phải kể đến tâm lý "hồi tố tài sản tham nhũng" và sự trả thù của người dân một khi chế độ không còn nằm trong tay lớp quan lại nhũng nhiễu.
Có người kể lại một câu chuyện mới đây. Trong một buổi sinh hoạt chi bộ, có ba nhân vật – một cựu ủy viên trung ương đảng, một cựu quan chức công an, một cựu quan chức quân đội. Cả ba người này chẳng đoái hoài gì đến nghị quyết đảng được đọc bởi bí thư chi bộ, mà chỉ sôi nổi hỏi thăm nhau về chuyện "đã chuyển chưa" và còn tận tình hướng dẫn nhau "chuyển đi đâu" : bây giờ chuyển ngoại tệ vào nhà băng Thụy Sĩ không còn an toàn nữa vì Thụy Sĩ vừa thông báo sẽ bạch hóa danh sách khách hàng gửi tiền theo một thỏa thuận mà nước này ký với Mỹ ; mà gửi đi Mỹ cũng chẳng còn an toàn vì chính sách của Trump thay đổi khó lường ; do vậy chỉ còn cách gửi ngoại tệ tại những nước còn an toàn như Canada, Úc, New Zealand…
Trong buổi sinh hoạt chi bộ trên, một quan chức đương nhiệm còn khoe rằng vừa "tống" được hai chục mẫu đất ở khu vục sân bay Long Thành, Đồng Nai, cũng vừa thu xếp cho vợ và ba con cư trú ổn thỏa ở Anh, còn ông này thì chỉ chờ ngày "lên đường".
Nghe thế mới biết sự đời đảo điên đến đến thế nào. Chẳng khác gì việc các quan tham Trung Quốc chuyển tài sản cho các thành viên trong gia đình mang ra nước ngoài và họ không giữ gì trong tay. sau khi gia đình định cư an toàn ở nước ngoài những quan tham này mới lên kế hoạch thoát thân.
Trước đây, những điểm đến hàng đầu cho các dòng tiền Trung Quốc chảy ra nước ngoài phi pháp là Mỹ, Châu Âu, Australia, Canada… Tại Mỹ, Los Angeles là điểm đến ưa thích nhất của các quan tham Trung Quốc. Còn vào lúc này thì lại là những cái tên quốc gia mới hơn và lạ hơn…
"Anh ả ra đi tìm đường cứu nước"
Mặc dù từ lâu đã có nhiều dư luận về hiện tượng các quan chức Việt âm thầm tẩu tán tài sản ra nước ngoài, nhưng chỉ đến năm 2016 lần đầu tiên mới bật ra thông tin theo một cách "chẳng giống ai" : sự rò rỉ bất ngờ và sau đó là tiết lộ của vụ Hồ sơ Panama đã lôi ra ánh sáng việc Việt Nam có tới 189 cá nhân và tổ chức với 19 công ty vỏ bọc được thành lập ở nước ngoài, chủ yếu là tại các "thiên đường trốn thuế". Tổng cộng có đến 92 tỷ USD được chuyển phi pháp từ Việt Nam ra nước ngoài trong những năm qua.
Sau khi đã có "vé", đến một thời điểm nào đó lớp quan chức "ăn của dân không chừa thứ gì" sẽ nhảy lên máy bay để "chuồn", bỏ lại một đất Việt cạn kiệt tài nguyên, khủng hoảng chính trị và xã hội tan hoang.
Còn về trường hợp "cặp đôi hoàn hảo", dư luận xã hội đang rất nghi ngờ về động tác thoái sạch vốn của bà Đỗ Thị Huyền Tâm – "thứ phi" của cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh – liệu có phải là một bước chuẩn bị để "anh ả ra đi tìm đường cứu nước" trong tương lai gần, bỏ lại đất nước "con cháu Bác Hồ" tan hoang và khánh kiệt.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 24/09/2017
*****************
Cung điện nguy nga tráng lệ của cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh
Tổ ấm của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và bà vợ bé Đại biểu quốc hội Đỗ Thị Huyền Tâm
Nguồn : Việt Mỹ Thời Báo, 29/03/2017
Chính phủ được tuyên xưng "liêm khiết, kiến tạo và hành động" của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang phải "mộng du" với những di họa tài chính khủng khiếp để lại từ thời "phá chưa từng có" của thủ tướng đời trước là Nguyễn Tấn Dũng : bội chi ngân sách không phải là dưới 5% GDP mà có thể vọt đến 9% GDP, hụt thu ngân sách so với dự toán có thể lao dốc đến 11% mà đang khiến tình thế xã hội cùng dân chúng lâm vào cảnh thảm thương đọa đày - chẳng khác gì bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh cách đây 72 năm đã mô tả về thực dân Pháp : "chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy".
Chờ việc tại Hà Nội. (Hình : Nguyễn Đình Hà)
Từ "45 ngàn tỷ đồng" đến "sụp đổ tài khóa quốc gia"
Nguy cơ vỡ ngân sách có thể đã hiện rõ từ sau khi kết thúc nửa đầu năm 2015, trong bầu không khí "toàn đảng, toàn quân, toàn dân tiến đến đại hội 12". Vào lúc đại hội này sắp được khai mạc với quang cảnh được giới quan sát chính trị mô tả như một cuộc đấu đá tranh giành quyền lực bị tung hê chưa từng có trên mạng xã hội, một bộ trưởng kế hoạch của chính phủ là ông Bùi Quang Vinh đã thốt ra một tiết lộ như thể lời nói cuối cùng để giã từ chính trường : "ngân sách trung ương chỉ còn 45 ngàn tỷ đồng mà không biết chi cho cái gì".
Khi đó, Nguyễn Xuân Phúc mới chỉ là cấp phó của Nguyễn Tấn Dũng, nhưng đã bất chợt nổi lên như một ứng cử viên hàng đầu của chức thủ tướng.
Nhận bó hoa tươi thắm từ gương mặt không cười của người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng vào đầu năm 2016, có lẽ ông Nguyễn Xuân Phúc đã không thể cười hớn hở hồn nhiên đến thế nếu hình dung ra tương lai ông sẽ phải "đổ vỏ" khủng khiếp đến thế nào…
Chẳng phải chờ lâu. Chỉ một năm sau, vào đầu 2017, Nguyễn Xuân Phúc bất chợt bật ra phát ngôn công khai về nguy cơ "sụp đổ tài khóa quốc gia" - một cụm từ đặc biệt nhạy cảm chính trị mà trước đó không một quan chức nào dám nói đến.
Tháng Ba năm 2016, một báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội thừa nhận : "Tổng thu ngân sách nhà nước không đủ bảo đảm nguồn chi thường xuyên và trả nợ. Toàn bộ chi đầu tư đều phải dựa vào nguồn vay nợ của Chính phủ. Nợ công tăng, áp lực trả nợ lớn".
Cũng là lúc mà số thu hơn một triệu tỷ đồng của ngân sách không thể nào bù đắp cho số chi còn hơn hẳn thế, trong đó "phần cứng" thuộc về bao tử của đoàn quân gần 3 triệu công chức viên chức mà bị dư luận lên án "có đến 30% trong số đó không làm gì nhưng vẫn lãnh lương", hàng chục tỷ USD phải trả nợ nước ngoài hàng năm, cùng cơn gào thét "đòi ăn" theo thói ăn quen nhịn không được của 63 "bao tử" ở các tỉnh thành…
Bội chi 9% GDP ?
Chi, chi và chi… Sau hơn một năm lãnh ấn thủ tướng, nụ cười Nguyễn Xuân Phúc trở nên hiếm muộn.
Nhưng lại có một sự kiện đặc biệt : sau nửa đầu năm 2016, con số bội chi được Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê công bố chỉ là 32 ngàn tỷ đồng. Còn tính đến thời điểm 15/8/2017, số bội chi chỉ là 40 ngàn tỷ đồng, đồng thời được hệ thống báo đảng tung hô "bội chi ngân sách thấp nhất trong 6 năm trở lại" như một thành tích lớn lao của thời "đổ vỏ".
Công bằng mà xét, Thủ tướng Phúc đã có một số cố gắng kéo giảm mức bội chi ngân sách bằng chủ trương tiết kiệm chi thường xuyên (phần chi lương và phụ cấp cho đội ngũ công chức gần 3 triệu người), tiết giảm chi đầu tư phát triển, giảm biên chế…
Tuy thế, thực tế lại như ngược phản ông Phúc. Sau một thời gian đủ dài và cho tới nay, tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách vẫn chiếm đến 70 - 80 % mà không hề thuyên giảm, bất kể số thu ngân sách đang có chiều hướng sụt giảm nhanh mà đã khiến đảng cầm quyền lẫn chính phủ cuống quýt tìm cách đè đầu dân tăng nhiều loại thuế như VAT (giá trị gia tăng), thuế sử dụng đất… Trong khi đó, đội ngũ công chức không những không giảm mà còn phình to hơn đến 11 ngàn người từ thời ông Phúc trở thành thủ tướng. Còn phần chi đầu tư phát triển, mà về thực chất là chi cho các công trình hạ tầng cơ sở như giao thông, xây dựng cơ bản, trụ sở hành chính, bảo tàng, tượng đài… có bị cắt giảm phần nào, nhưng không phải là do "thành ý" của chính phủ mà bởi ngân sách đã khốn đốn đến mức chính giới quan chức chính phủ và quốc hội đã phải thừa nhận không còn biết tìm đâu ra tiền cho đầu tư phát triển nữa.
Một số chuyên gia kinh tế cũng phân tích theo một chiều kích phản ngược : bội chi 8 tháng đầu năm 2017 "giảm hẳn" là do xuất phát từ thực tế chậm giải ngân vốn đầu tư phát triển chứ không phải đến từ việc cắt giảm chi tiêu thường xuyên của bộ máy nhà nước. Theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, tính đến ngày 15/8 chỉ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản được hơn 127 ngàn tỷ đồng, bằng 36,2% dự toán, và bội chi giảm là do không tính chi trả nợ gốc vào bội chi ngân sách nhà nước từ năm tài khóa 2016.
Từ những con số và nhận định của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, người ta sẽ không khó nhận ra rằng nếu thực tế giải ngân vốn đầu tư phát triển diễn ra theo đúng kế hoạch của Chính phủ, bội chi ngân sách trong 8 tháng đầu năm 2017 sẽ là con số bằng với số bội chi hiện hữu 40.000 tỷ đồng cộng với số chi đầu tư phát triển khoảng 120.000 tỷ đồng, tức khoảng 160.000 tỷ đồng, tức tương đương bội chi 8 tháng đầu năm 2016 mà chẳng hề giảm đi chút nào.
Nhưng lại còn một yếu tố khác khiến bội chi ngân sách không những không giảm mà còn tăng vọt : cũng theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, bội chi của 8 tháng đầu năm 2017 được báo cáo giảm là do không tính chi trả nợ gốc vào bội chi ngân sách nhà nước từ năm tài khóa 2016.
Cần nhắc lại, kế hoạch của chính phủ chi trả nợ gốc và lãi năm 2017 là khoảng 260 ngàn tỷ đồng, trong đó phần nợ gốc có thể chiếm khoảng 2/3 trong số đó, tức khoảng 170 ngàn tỷ đồng.
Với dự toán bội chi ngân sách năm 2017 là khoảng 250 ngàn tỷ đồng, nếu tính cả phần chi trả nợ gốc vào bội chi ngân sách năm 2017, con số bội chi thực sự sẽ lên đến khoảng 420 ngàn tỷ đồng, chiếm đến khoảng 9% GDP, tức còn cao hơn hẳn mức bội chi kỷ lục "thời Nguyễn Tấn Dũng" vào năm 2013 là 6,6% GDP.
Cũng cần nhắc lại, mức bội chi bị xem là nguy hiểm theo quy định của Liên hiệp quốc là 5% GDP.
Hẳn đó là lý do tại sao từ năm tài khóa 2016, Chính phủ và Bộ Tài chính đã quyết định "giấu" mà không đưa phần chi trả nợ gốc vào mục bội chi ngân sách, cố "ép" tỷ lệ bội chi/GDP giảm xuống để làm đẹp báo cáo.
Hụt thu 11% ?
Trong khi đó với tiến độ thu ngân sách như hiện thời, năm 2017 có thể chứng kiến một tỷ lệ hụt thu kỷ lục so với dự toán : 11%.
Ðáng chú ý, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước trong sáu tháng đầu năm 2017 là 95.000 tỷ đồng, chỉ bằng 33,2%. Ðây là chỉ số thu thấp nhất nếu so sánh với các khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân. Gần như tất cả "quả đấm thép" được tung ra từ thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trở thành những đống xà bần có giá trị từ ngàn tỷ đến chục ngàn tỷ đồng.
Song cơn bĩ cực ngân sách vẫn còn lâu mới đến hồi kết. Giờ đây, các nguồn "ngoại viện" đều hầu như đóng cửa với Việt Nam. Trừ "kênh Nhật" còn đôi chút hy vọng về nguồn ODA, còn lại các chủ nợ lớn nhất của Việt Nam là Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu đều bắt Việt Nam phải vay với lãi suất và thời gian ân hạn theo mặt bằng thị trường từ Tháng Bảy năm nay.
Kể từ cơn khủng hoảng giá - lương - tiền 1985, chưa bao giờ ngân sách Việt Nam lại rơi vào thảm trạng quay quắt như giờ đây. Gần đây, một nguồn giấu tên tiết lộ một sự thật chẳng mấy người muốn tin : Việt Nam vỡ nợ không còn là "nguy cơ" nữa, mà đã trở nên hiện hữu.
"Chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy"
Nếu Bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đang bị dư luận xã hội cáo buộc về liên đới trách nhiệm với vụ nhập hàng triệu viên thuốc ung thư giả mà có thể đã khiến nhiều bệnh nhân ung thư phải chết đến hai lần, hậu quả mà Bộ trưởng tài chính Đinh Tiến Dũng gây ra khi đề xuất tăng thuế VAT (giá trị gia tăng) từ 10% lên 12% từ năm 2019, cùng hàng loạt sắc thuế khác, cũng có thể gây tác hại ghê gớm không kém tính độc dược của thuốc ung thư giả.
Mưu đồ tăng thuế VAT lại xảy ra trong bối cảnh dân tình Việt ngày càng khốn khó trong một nền kinh tế đã rơi vào thảm trạng suy thoái đến năm thứ chín liên tiếp, một xã hội bị a xít đậm đặc bởi căn bệnh tham nhũng không còn cách gì cứu chữa. Thuế chồng thuế, chồng lên đôi vai gày guộc của người nghèo. Hàng triệu bệnh nhân, vốn đã bị các bệnh viện "bóp cổ bóp họng" và "không có tiền thì chỉ có chết", sẽ phải nuốt nước mắt vào lòng với biểu viện phí chất cao như núi…
Tăng giá và thuế má là một trong những biểu đạt cực đoan nhất trong giai đoạn cuối của một cơ chế cưỡng bức và cưỡng đoạt. Sự tồn vong của đảng cầm quyền cũng lệ thuộc không khác hơn, nếu xét trên phương diện những thiệt hại về chính trị trên trường quốc tế và ngay trong lòng dân.
Chiến dịch đè đầu dân chúng và doanh nghiệp bằng đủ mọi sắc thuế đang khiến dân phải ôn lại thời Pháp thuộc "chúng bòn rút dân ta đến tận xương tủy".
Vào cuối tháng Tám năm 2017, phản ứng quyết liệt của dư luận xã hội trước mưu toan đè đầu dân bổ thuế của Chính phủ và Bộ Tài chính đã mang lại thắng lợi ban đầu : trong cuộc họp thường kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải chỉ đạo "chưa tăng thuế, phí, lệ phí để tạo thuận lợi, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh trong năm 2017".
Tuy nhiên, thắng lợi trên chỉ mang tính tạm thời và còn rất mong manh. Có rất nhiều bài học kinh nghiệm về việc Chính phủ và Bộ tài chính đã âm mưu "lùi một bước để tiến nhiều bước" trong các chiến dịch tăng thuế.
Những phát ngôn mang tính lập lờ của Thủ tướng Phúc trong thời gian gần đây cho thấy ông Phúc, vì một số lý do mà có thể bao hàm cả lý do "vị thế chính trị", đã không thể nhắm mắt bịt tai trước phản ứng dư luận, nhưng cũng không hề dứt khoát về quan điểm "không tăng thuế đối với dân" mà vẫn tìm cách "câu giờ" để Bộ Tài chính luồn lách nhằm "thu cùng diệt tận" đối với dân.
72 năm sau khi "đánh đuổi thực dân Pháp", chính quyền "định hướng xã hội chủ nghĩa" đang biến Việt Nam và dân chúng thành một thứ thuộc địa thực dân kiểu mới.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 23/09/2017
Không lâu sau vụ đầu tháng Chín năm 2017 Bộ Công an bắt hàng loạt quan chức lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - nơi mà Đinh La Thăng đã làm chủ tịch hội đồng thành viên trong giai đoạn 2006 - 2010, vừa xuất hiện thêm một dấu hiệu mang tính trực tiếp cho thấy ông Thăng đang "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc" vào "quy trình 5 bước" trong tinh thần "lò đã nóng lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy" của Nguyễn Phú Trọng.
Đinh La Thăng trong lần gặp ông John Kerry tại Sài Gòn, tháng Năm, 2016.
Chứng cứ bất ngờ
Trong phiên tòa sáng 14/9/2017 xét xử đại án OceanBank, luật sư Nguyễn Minh Tâm - người bào chữa cho nhân vật Nguyễn Xuân Sơn đang bị Viện Kiểm sát đề nghị án tử hình - đã bất ngờ tung ra văn bản do ông Đinh La Thăng ký khi đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, với nội dung yêu cầu các đơn vị thành viên thuộc PVN và các nhà thầu dầu khí phải mở tài khoản và thực hiện các giao dịch tại OceanBank.
Tức trách nhiệm "cố ý làm trái" và "lợi dụng chức vụ quyền hạn…" đang trực chỉ ông Đinh La Thăng, với liều lượng ít nhất liên quan mật thiết đến vụ 800 tỷ đồng góp vốn của PVN vào OceanBank đã không cánh mà bay, chưa kể dòng tiền lên đến 500 ngàn tỷ đồng của các thành viên PVN "chạy" vào OceanBank.
Chi tiết đáng chú ý là vào tháng 2/2017, tại phiên tòa sơ thẩm xử "Hà Văn Thắm và đồng bọn…" đã không hề hiện ra văn bản trên. Tuy nhiên vụ án này đã bất ngờ được "trên" chỉ đạo cho điều tra bổ sung, đặc biệt liên quan đến vụ 800 tỷ đồng vốn góp của PVN vào OceanBank. Quả nhiên sau đó, vụ Hà Văn Thắm đã được Bộ Công an "mở rộng giai đoạn 2" và lôi Đinh La Thăng vào cuộc.
Không loại trừ một khả năng : ở thế đường cùng và bị đề nghị án tử hình, Nguyễn Xuân Sơn buộc phải khai báo về trách nhiệm của Đinh La Thăng. Cũng không loại trừ khả năng luật sư của Nguyễn Xuân Sơn đã được "ai đó" chuyển cho văn bản trên do ông Thăng ký để trưng ra trước tòa nhằm chứng minh Sơn chỉ là "thừa hành", còn Thăng mới là "vua".
Cùng với phát ngôn của một quan chức về "không có vùng cấm trong vụ Hà văn Thắm", báo chí nhà nước đã nhanh nhẹn công bố văn bản trên với chữ ký của Đinh La Thăng - một hiện tượng rất đồng điệu việc nhiều tờ báo nhà nước đã công bố các văn bản của Bộ Công thương, Ban Tổ chức trung ương, Tỉnh ủy Hậu Giang nhằm "thu xếp" cho Trịnh Xuân Thanh từ Công ty PVC lỗ 3.300 tỷ đồng về "an dưỡng" tại Bộ Công thương và sau đó trở thành Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang.
Sắp tới "bước 2"
Công luận đã được "xới lên", theo một cung cách rất truyền thống của đảng : đã là báo nói thì phải kiểm tra.
Vài tháng trước trong một cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội, Tổng bí thư Trọng cũng đã nhắc đến việc "đã kiểm tra vụ việc Trịnh Xuân Thanh sau khi báo Thanh Niên nêu"…
Nhưng vào lần này, vụ Đinh La Thăng hẳn không còn là "kiểm tra" nữa. Vì kết quả kiểm tra vụ PVN và trách nhiệm ông Thăng đã được Ủy ban Kiểm tra trung ương âm thầm làm trong vài năm trước và bất thần công bố vào cuối tháng Tư năm 2017, để ngay lập tức hất bật Đinh La Thăng khỏi cái ghế ủy viên bộ chính trị cùng chức vụ bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó ông Thăng được đưa về Ban Kinh tế trung ương để "nhốt chung quyền lực vào lồng" cùng cựu thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình. Có thể xem đó là "bước 1".
Vấn đề của Đinh La Thăng hiện thời đang là… Hội nghị trung ương 6, sẽ diễn ra vào giữa tháng 10/2017. Nếu Hội nghị trung ương 5 vào tháng 5/2017 mang ẩn ý chính thức bỏ phiếu bất tín nhiệm với Đinh La Thăng trong Bộ Chính trị, thì Hội nghị trung ương 6 rất có thể sẽ là việc Ban chấp hành trung ương bỏ phiếu thêm một lần nữa để loại ông Thăng khỏi "trung ủy", sau đó Thăng đương nhiên bị bãi miễn tư cách đại biểu quốc hội. Đây có thể được xem là "bước 2".
Nhìn lại, Đinh La Thăng, gương mặt đã mất hẳn vẻ tự tin cùng những câu "sấm" bán trời không văn tự, đã bị 90% ủy viên trung ương nhất trí "cách" khỏi Bộ Chính trị tại Hội nghị trung ương 5.
Cũng cần nhắc lại, vụ Bạc Hy Lai - Bí thư Trùng Khánh ở Trung Quốc - khi bị Tập Cận Bình "xử" vào năm 2012, cũng đã tuần tự trải qua các bước bị khai trừ khỏi Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương, sau đó bị khai trừ đảng rồi bị bắt giam, cuối cùng bị xử án bóc lịch chung thân.
Với cường độ bắt bớ dồn dập giới quan chức PVN và ngân hàng từ đầu tháng Chín đến nay, một khả năng có thể là Tổng bí thư Trọng đang sốt ruột đôn đốc thúc đẩy nhanh hơn chiến dịch được xem là "chống tham nhũng" của ông, trong đó ngay trước mắt là "tất toán hồ sơ Đinh La Thăng". Nếu giả thiết này là đúng, cơ chế xử lý ông Thăng có thể được "đốt cháy giai đoạn", tức không cần tuần tự như trường hợp Bạc Hy Lai mà có thể xảy ra gần như đồng thời hai công đoạn bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Ban chấp hành trung ương ở Hội nghị trung ương 6, đồng thời tiến hành khai trừ đảng.
Trong hệ thống đảng cộng sản, rất thường là một khi quan chức đã bị khai trừ khỏi đảng thì đương nhiên mất quyền "bất khả xâm phạm". Khi đó, quan chức cũng đương nhiên bị luật pháp hình sự "sờ gáy".
Còn "trai Kim Cự, gái Kim Tiến" ?
Từ cuối tháng Bảy năm 2017 khi bắt đầu có tin Trịnh Xuân Thanh "đã về" cho đến nay, không một lần nào người ta nhìn thấy ông Đinh La Thăng xuất hiện trên truyền thông, thậm chí có nhiều đồn đoán về việc ông Thăng đã bị quản thúc hoặc bị "canh theo" rất rát - một hình thức mà công an rất thường áp dụng đối với giới hoạt động nhân quyền ở Việt Nam.
Nhưng Đinh La Thăng không phải là "người đấu tranh dân chủ". Cho tới lúc này, đã có thể hình dung vào tháng Mười tới, Đinh La Thăng sẽ hoàn tất thêm hai bước : mất "trung ủy" và bị khai trừ đảng.
Dấu hỏi còn lại là sau hai bước trên, liệu Đinh La Thăng có tiến thêm hai bước còn lại như Bạc Hy Lai đã từng hay không…
Lại nhớ Nguyễn Phú Trọng - người còn có ý khen Đinh La Thăng vào nửa đầu năm 2016 nhưng lại đổi ý kỷ luật ông Thăng vào nửa đầu năm 2017 - vào giữa năm nay đã bóng gió với cử tri Hà Nội rằng việc kỷ luật Đinh La Thăng mới chỉ là xử lý về mặt đảng, còn "hình sự ta đang làm".
Xem ra Đinh La Thăng khó thoát "bước 4" - hình sự hóa.
Nhưng trái ngược với "hoàn cảnh" của Đinh La Thăng, hai nhân vật của đảng bị dân gian làm vè "Trai Kim Cự, gái Kim Tiến ; kẻ thì giết biển đứa chuyên giết người" cho tới nay vẫn nhơn nhơn ung dung "ăn chơi nhảy múa" ngoài xã hội,
Nghe nói "lũ người quỷ sứ" trên - phỏng theo tựa đề một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nga Dostoievsky - đã được chiến dịch "chống tham nhũng thời kỳ trước" của "cụ Tổng" cho "hạ cánh an toàn", bất chấp vô số nạn nhân biển Miền Trung và nạn nhân ung thư cứ chết dần mòn theo ngày tháng.
Chưa bao giờ ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại ngập tiền như hiện thời !
Chương trình thúc đẩy tín dụng 2.000 tỷ đồng tại SeABank - ảnh VnEconomy
Núi tiền bất động
Dư nợ cho vay của khối ngân hàng vào cuối năm 2016 đã lên tới 6 triệu tỷ đồng, gấp hơn hai lần so với 6-7 năm trước.
Và "để hoàn thành kế hoạch tăng trưởng 6,7% như mục tiêu đề ra" cùng "Thủ tướng chính phủ đã giao nhiệm vụ cho ngân hàng nhà nước cố gắng nâng mức tăng trưởng tín dụng năm 2017 lên 21%-22% thay vì mức 18% như kế hoạch đề ra từ đầu năm," khối ngân hàng thương mại đang mang trên mình sứ mệnh phải cấp tốc đẩy ra thị trường một lượng tiền khổng lồ lên tới 1,2 triệu tỷ đồng trong năm 2017.
Chính phủ "kiến tạo và hành động" của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng theo đó mà như cuống quýt với núi tiền chết dí trong ngân hàng. Tiền nhiều như quân nguyên mà không lưu thông được thì làm sao tăng trưởng 6,7% GDP và giữ được thành tích điều hành kinh tế xứng đáng với vị thế ứng cử viên tổng bí thư cho đại hội giữa nhiệm kỳ vào năm 2018 ?
Trong 2/3 thời gian của năm 2017, dù đã "rất cố gắng," ngân hàng mới chỉ bơm vào thị trường được 500.000 tỷ đồng. Bất chấp việc phần lớn ngân hàng đã thi hành chính sách khoán doanh số cho vay tín dụng đối với nhân viên ngân hàng, tìm nhiều cách khuyến mãi để có thể cho vay được, đa số doanh nghiệp vẫn kiên định lắc đầu. Nhiều người than thở "làm ăn thời buổi này khó quá !" và "chẳng biết vay để làm gì".
Rất nhiều doanh nghiệp vẫn còn nhớ như in "thuốc độc" vào năm 2011. Khi đó, lãi suất cho vay vọt đến 22% – 30%/năm. Trong cơn túng quẫn tiền bạc, không thiếu doanh nghiệp đã phải nhắm mắt sa chân đi vay ngân hàng để rồi sau đó tự tra đầu mình vào sợi dây thòng lọng. Không chỉ là cái chết theo nghĩa bóng, mà nghe nói còn có cả những vụ quyên sinh theo đúng nghĩa đen vì mất khả năng trả món lãi quá lớn cho ngân hàng…
Còn giờ đây, bất chấp việc chính phủ vẫn quá ảo tưởng trong chỉ tiêu tăng trưởng 6,5 – 6,7% GDP cùng các chỉ số công nghiệp chỉ tiến không lùi, đa số các ngành hàng sản xuất và tiêu thụ hàng hóa ở Việt Nam vẫn nằm nguyên trạng trong năm thứ 9 suy thoái liên tiếp, tính từ năm 2008. Số doanh nghiệp thành lập mới được Tổng Cục Thống Kê báo cáo tăng, nhưng số doanh nghiệp phá sản hoặc phải tạm ngừng hoạt động cũng tăng không kém.
Chưa kể đến việc ngân hàng, dù đã tồn một đống tiền trong những năm qua, nhưng lại khăng khăng không chịu giảm lãi suất cho vay, trong lúc cố ép lãi suất tiền gửi xuống thấp thấp để hưởng chênh lệch tối ưu đến 5-6%, cao hơn hẳn mức chênh lệch bình quân chỉ 2% trên thế giới. Cái tư duy cực kỳ ích kỷ theo kiểu sống chết mặc bay như thế của ngân hàng đang khiến tất cả đều có nguy cơ chết chùm : cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng.
Một trong những luồng vốn được xem là nhạy cảm nhất đối với hoạt động sản xuất là kiều hối từ nước ngoài chuyển về Việt Nam. Vào những năm trước, lượng kiều hối tăng khá mạnh, đỉnh điểm lên tới 13,5 tỷ USD vào năm 2015, trong đó khoảng 70% đầu tư vào sản xuất. Tuy nhiên vào năm 2016, lượng kiều hối về Việt Nam đã đột ngột giảm xuống còn 9 tỷ USD, và sau 6 tháng đầu năm 2017 còn giảm mạnh hơn nữa. Một doanh nghiệp ở Tây Âu cho biết nếu cách đây 5 năm, có đến 9 trong số 10 Việt kiều được hỏi đã dùng tiền nhàn rỗi để chuyển về Việt Nam để đầu tư, thì nay tỉ lệ này này hoàn toàn ngược lại : 9/10 Việt kiều dùng tiền nhàn rỗi để đầu tư ở nước ngoài, thay vì gửi về Việt Nam. Hiện tượng này đã phản ánh một sự thật : phần lớn sản xuất trong nước kém hiệu quả và bế tắc đầu ra.
Đầu ra lại càng khốn khổ khi chính phủ bất thần phi mã một chiến dịch đè đầu dân chúng và doanh nghiệp bằng đủ mọi sắc thuế mà khiến dân phải nhớ lại thời Pháp thuộc "chúng bòn rút dân ta đến tận xương tủy". Ý chí thắt lưng buộc bụng của dân chúng cũng vì thế đang được "nâng lên một tầm cao mới," càng khiến sức tiêu thụ và kéo theo sức sản xuất trì trệ hơn. Thảm thương thay, lòng tham tăng thuế để "bù đắp khó khăn ngân sách" đang khiến cái khó ló… cái ngu.
Đó cũng là tình thế mà một thủ tướng bị dư luận xem là "mơ ngủ" với "chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động" của ông Nguyễn Xuân Phúc đang lâm vào.
In tiền ồ ạt ?
Từ giữa năm 2017 đến nay, ông Phúc đã liên tục đôn đốc Ngân Hàng Nhà Nước và Bộ Tài Chính "tìm cách huy động vàng và đô la trong dân". Cùng với nhiều dấu hiệu khác, hiện tượng này càng cho thấy ngân sách nhà nước đã đến hồi bi kịch. Làm sao để có được ngoại tệ và vàng dùng cho trả nợ hàng chục tỷ đô la cho nước ngoài và bù đắp nhập siêu đến năm chục tỷ đô la mỗi năm từ "bạn vàng" Trung Quốc ?
Thực ra, Ngân Hàng Nhà Nước đã âm thầm mua gom từ thị trường tự do được hàng chục tỷ đô la vào năm 2016. Tức cũng phải tung tiền đồng với giá trị vài trăm ngàn tỷ đồng ra thị trường, kéo theo lạm phát thực tế và cả lạm phát tâm lý buôn bán tăng vọt.
Trong khi đó, hệ thống ngân hàng những năm qua lại tràn ứ tiền. Nhưng chẳng có gì đáng tự hào khi đó là tiền đồng chứ không phải đô la.
Bởi Ngân Hàng Nhà Nước đã thu gom một phần đáng kể đô la từ ngân hàng, và thay vào đó là ngân hàng phải nhận tiền đồng từ Ngân Hàng Nhà Nước.
Rồi còn một nguồn cơn khác – rất có thể mang tính quyết định – mà đã khiến cho hệ thống ngân hàng không cách nào tránh được tình trạng tràn ứ tiền đồng : in tiền.
Vào năm 2008, tổng dư nợ cho vay của khối ngân hàng là 2.3 triệu tỷ đồng, nhưng đến cuối năm 2016 đã lên đến hơn 6 triệu tỷ đồng, chưa kể tồn khoảng 1,2 triệu tỷ đồng. Phải chăng một cách tương ứng, lượng tiền được Ngân Hàng Nhà Nước cho in và bổ sung vào lưu thông đã có thể vào khoảng 500.000 tỷ đồng mỗi năm, tức phần "lạm phát in tiền" đã chiếm đến 10 – 15% hàng năm – một tỉ lệ in tiền rất cao so với tỉ lệ in tiền bình quân của các nước phương Tây ?
Tốc độ in tiền bất chấp lạm phát cũng lý giải việc tại sao trong những năm qua và đặc biệt trong mấy năm gần đây, giới cán bộ hưu trí lại thường phản ánh nhận được lương hưu với nhiều tờ tiền có mệnh giá 500.000 đồng, mới cứng và chắc chắn chưa được lưu hành ngoài thị trường.
Trong trường hợp các ngân hàng thương mại buộc phải giảm lãi suất cho vay để cung tiền nhanh, thị trường sẽ ngập tiền. Tuy nhiên, dòng tiền đi vào khu vực nào, có vào sản xuất hay chủ yếu đổ vào hai khu vực đầu cơ truyền thống là chứng khoán và bất động sản, lại là một dấu hỏi rất lớn.
Từ đầu năm 2017 đến nay, với 500 ngàn tỉ đồng đã được các ngân hàng thương mại "bung ra," hiện tượng rất dễ nhận ra là trong lúc sức sản xuất vẫn ì ạch, hai thị trường chứng khoán và bất động sản lại ồ ạt dân đầu cơ nhảy vào và vẫn đang tăng nóng – phần nào tái hiện hình ảnh sốt kinh hoàng của chúng vào năm 2007 và 2009.
Chính vào năm 2017 này, chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc cũng có thể sẽ mang một danh nghĩa mới : "kiến tạo lạm phát".
Chính sách quyết tâm tăng trưởng tín dụng 21-22%" sẽ kéo theo lạm phát thực tế và cơn bão giá cả trên thị trường, cho dù các báo cáo của chính phủ vẫn kiên định "chỉ số lạm phát được kềm giữ dưới 5%". Lạm phát thực tế vốn đã lên đến vài chục phần trăm hàng năm, sẽ càng có cơ hội vùi nhân dân xuống hầm đau khổ.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 17/09/2017
Nguyễn Văn Bình - cựu thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam và được tạp chí Global Finance có uy tín quốc tế về phân tích tài chính liệt vào "một trong 20 thống đốc có thành tích điều hành tệ nhất trên thế giới" vào năm 2012 - có phải chịu "một số phận vinh quang và cay đắng" như Đinh La Thăng hay không, đây vẫn là một dấu hỏi rất lớn cho tới thời điểm này.
Nguyễn Văn Bình, hình chụp năm 2016.
Cửa thoát mong manh
Trong khi số phận của Đinh La Thăng đã trở nên rất chông chênh từ tháng Chín năm 2016 khi Bộ Công an bắt Vũ Đức Thuận là trợ lý của Thăng, và số phận này đã chính thức an bài vào cuối tháng Tư năm 2017 khi Tổng bí thư Trọng bật đèn xanh cho Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố kết luận kiểm tra vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với trách nhiệm chính thuộc về ông Thăng, thì đương kim Trưởng ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình lại được báo giới nhà nước ưu ái không đả động gì, cho dù vào thời gian đó đã xảy ra hàng loạt vụ ra tòa của hai đại án Phạm Công Danh - Ngân hàng Xây Dựng - và Hà Văn Thắm - Ngân hàng Đại Dương.
Cũng vào thời gian trên, có dư luận cho rằng Nguyễn Văn Bình đã "thoát".
Khách quan mà nói, có một cửa thoát cho ông Bình. Tại đại hội 12 vào đầu năm 2016 của đảng cầm quyền, cả Nguyễn Văn Bình và Đinh La Thăng đều bất ngờ lọt vào Bộ Chính trị, cho dù hai nhân vật này được nhiều dư luận khẳng định là người của "anh Ba Dũng". Tuy nhiên sau đó, đường công danh của hai nhân vật này lệch hẳn nhau : Đinh La Thăng về "trấn" ở TP.HCM - một cứ điểm kinh tế - chính trị quan trọng hàng đầu ở miền Nam và ảnh hưởng cả một phần Trung Nam Bộ, nhanh chóng trở thành "sao" với tần suất xuất hiện trên báo chí dày đặc hơn hẳn các ủy viên bộ chính trị khác. Còn Nguyễn Văn Bình lại về Ban Kinh tế trung ương - một cơ quan đảng mà trong nhiều năm đã năm lần bảy lượt bị đảng đe dọa đóng cửa vì thực ra chẳng có tác dụng gì ngoài chuyện "định hướng" và trà lá nhậu nhẹt, về thực chất chẳng có thực quyền gì. Về đây, xem ra Nguyễn Văn Bình đã được "đá lên" và vĩnh viễn xa rời cái ghế thống đốc quyền lực của Ngân hàng nhà nước - địa chỉ có thể chi phối toàn bộ huyết mạch tín dụng và tài chính của nền kinh tế, kể cả thế giới ngầm. Về thực chất, Bình bị xem là "đã cháy".
Hẳn đó là nguồn cơn mà Đinh La Thăng được Nguyễn Phú Trọng soi xét hơn nhiều trong chiến dịch "chống tham nhũng - thanh lọc nhân sự" của đảng. Vậy là Thăng "đi" trước.
Chỉ có cách "đi" là còn có vẻ gây khó hiểu. Hóa ra Tổng bí thư Trọng đã quyết định tạo ra một màn bi hài kịch : Đinh La Thăng được "luân chuyển" từ ghế bí thư thành ủy TP.HCM về làm phó ban kinh tế trung ương, hay nói cách khác là ông Trọng đã "nhốt quyền lực vào lồng" cả Bình chung với Thăng.
"Đi" như thế nào ?
Ngay sau khi xảy ra kết quả "Trịnh XuânThanh đầu thú" ở Hà Nội vào cuối tháng Bảy cho dù Bộ Ngoại giao Đức tố cáo mật vụ Việt Nam đã ra tay bắt cóc Thanh, số phận Đinh La Thăng một lần nữa nổi sóng. Khi đó đã rộ lên tin đồn về việc ông Thăng không còn đi làm ở Ban Kinh tế trung ương mà bị quản thúc. Cùng lúc đó, một số tờ báo nhà nước bắt đầu làm "nhiệm vụ" : lần đầu tiên sau nhiều năm cấm khẩu, đặc biệt dưới thời Nguyễn Tấn Dũng còn là thủ tướng, giờ đây báo chí trở nên "dũng cảm" hơn nhiều để bắt đầu hé miệng về trách nhiệm của Ngân hàng nhà nước khi để xảy ra quá nhiều sai phạm và tham nhũng tại một số ngân hàng thương mại cổ phần. Dù chưa thấy nêu tên Thống đốc Nguyễn Văn Bình…
Nhưng căng thẳng và nguy hiểm là thấy rõ. Chỉ ít ngày sau khi Trịnh Xuân Thanh "về", một đại gia mà trước đó ít ai nghĩ là có thể bị hề hấn gì - Trầm Bê - đã bị Bộ Công an bắt. Trầm Bê lại được xem là người thân, thậm chí là "tay hòm chìa khóa" của "nhà anh Ba Dũng" và có mối quan hệ thân thiết không kém với Nguyễn Văn Bình.
Mạch truyện lướt nhanh và hấp dẫn hơn hẳn. Lần đầu tiên từ sau đại hội 12, Nguyễn Văn Bình dường như bị hất khỏi thế "an phận", để cho dù có thực tâm an phận cũng đã muộn. Vấn đề đang trở thành ý đồ tái sắp xếp cả bàn cờ chính trị chứ không còn thuần túy là những vụ án lẻ tẻ và những cá nhân quan chức đơn lẻ, do vậy bất kỳ con cờ nào cũng có thể được những ý đồ tính toán nào đó móc xích lại với nhau, cho một vụ án chung. Thậm chí có thể dẫn đến một "phiên tòa lịch sử".
Trầm Bê - nhân vật có thời được xem là "bất khả xâm phạm" và nghe nói đã từng thoát bắt bớ ít ra vài lần, khi đã bị bắt thật thì Nguyễn Văn Bình - nhân vật bị xem là phải chịu trách nhiệm về rất nhiều hậu quả trong các chiến dịch sáp nhập thâu tóm ngân hàng, mua lại ngân hàng với giá 0 đồng, điều hành thị trường vàng và đô la, gắn với nhiều dư luận về "trùm tài phiệt Bình Ruồi"… đương nhiên khó mà thoát.
Chỉ còn là chuyện Bình có "đi" như Thăng, hay sẽ khác Thăng.
"Dê tế thần" ?
Vào đầu tháng 9/2017, một loạt quan chức cấp cao của PVN bị bắt, càng xác nhận khả năng Đinh La Thăng khó mà giữ được ghế ủy viên trung ương, ngay cả khả năng được "tại ngoại hậu tra" cũng khó.
Một tuần sau biến động "bắt PVN", đến lượt một cựu quan chức Ngân hàng nhà nước - phó thống đốc Đặng Thanh Bình và là cấp phó trước đây của Nguyễn Văn Bình - bị khởi tố.
Chưa bao giờ Nguyễn Văn Bình lại "gần" với vòng tố tụng hình sự như lúc này. Dù cả hai đều là Bình, nhưng một khi Nguyễn Phú Trọng đã không còn muốn "giữ bình nguyên vẹn" nữa thì sẽ có những con chuột bị đập, thậm chí bị đập chết tươi.
Vào tháng 9/2017, tướng Lê Quý Vương - thứ trưởng bộ công an - bất chợt toát ra một phán ngôn hiếm có "đang giải quyết lợi ích nhóm, sân sau của thời kỳ trước".
"Thời kỳ trước" là thời kỳ nào ? Những gì mà tướng Vương đề cập về các vụ án tham nhũng đều rơi vào thời gian mà Nguyễn Tấn Dũng còn tại vị thủ tướng. Bộ sậu khi đó của Thủ tướng Dũng lại là những cái tên quá quen thuộc như Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Văn Bình, Đinh La Thăng, Trầm Bê…
Vào năm 2016, cũng tướng Lê Quý Vương đã chỉ như ấp úng về vụ Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, và như thể "năn nỉ" Thanh về để được hưởng lượng khoan hồng của đảng và chính phủ.
Còn giờ đây, sau khi Thanh về thật, có vẻ vai trò ủy viên thường vụ trong Đảng ủy công an trung ương của Nguyễn Phú Trọng đã bắt đầu phát huy tác dụng. Những vụ bắt giam giới đại gia ngân hàng và quan chức dầu khí theo lệnh ông Trọng được thi hành nhanh hơn và rốt ráo hơn hẳn năm ngoái. Cũng có vẻ ông Trọng, sau một thời gian chật vật, đã bắt đầu "nắm" được ngành công an.
Giờ đây, số phận Nguyễn Văn Bình như đang gắn chặt với cảm xúc và những tính toán riêng của ông Trọng.
Nếu Đinh La Thăng đã từng trở thành mối đe dọa đối với Tổng bí thư Trọng trong trường hợp Thăng nắm được địa bàn TP.HCM - không chỉ là một trung tâm kinh tài mà còn như một "thể chế chính trị riêng", Nguyễn Văn Bình có thể phần nào an toàn, được cho "rửa tội" ngay tại Ban Kinh tế trung ương nếu Bình vẫn chấp nhận vai trò trưởng ban ở đây mà không còn dám đoái hoài gì đến cái ghế ủy viên bộ chính trị.
Đã có bài học nhãn tiền đẹp như mơ. Ngay cả "Trai Kim Cự, gái Kim Tiêm ; kẻ thì giết biển, ả chuyên giết người" mà còn được "cụ tổng" bỏ qua êm ái, dù bị dân chửi không còn thiếu từ nào…
Tuy nhiên như đã đề cập, không chỉ Đinh La Thăng đóng vai trò một "trục" mà cả Nguyễn Văn Bình cũng đặc trưng cho một "trục" khác - hai con đường này đều dẫn đến cửa nhà Nguyễn Tấn Dũng mà Nguyễn Phú Trọng sẽ khó lòng bỏ qua. Bàn cờ chính trị cũng vì thế sẽ tùy thuộc phần lớn vào quyết định cuối cùng của ông Trọng.
Nếu đưa được Đinh La Thăng ra tòa và do đó có thể "rửa mặt’ trước Nguyễn Tấn Dũng, xóa được hình ảnh tổng bí thư phải rơi lệ tại Hội nghị trung ương 6 vào cuối năm 2012, không chừng Nguyễn Phú Trọng sẽ cảm thấy thỏa mãn mà "buông" Nguyễn Văn Bình.
Nhưng nếu Đinh La Thăng vẫn là chưa đủ, sẽ cần thêm ít nhất một "con dê" nữa phải chịu "tế thần". Khi đó, không chỉ bị loại khỏi Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương, mà cách "đi" sắp tới của Nguyễn Văn Bình có khi cũng sẽ giống hệt Đinh La Thăng vào thời điểm hiện nay : "một đi không trở lại".
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 13/09/2017
Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR-Universal periodic review) là cơ chế mới và liên chính phủ của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2008. Cơ chế này có nhiệm vụ rà soát tổng thể các vấn đề nhân quyền tại tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc, bất kể lớn hay nhỏ, phát triển và đang phát triển, định kỳ 4 - 5 năm một lần.
Một cuộc tuần hành vì nhân quyền cho Việt Nam của cộng đồng người Việt tại Canada. (Ảnh chụp từ Youtube Thu Tran)
4 năm sau khi được cho đặc cách một cái ghế trong Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc (từ tháng 11/2013), vào năm 2017 giới chóp bu Việt Nam một lần nữa phải có báo cáo cho Hội đồng này về những kết quả thực hiện nhân quyền theo các khuyến nghị mà các thành viên của Hội đồng đã gửi cho Việt Nam.
Cóp - dán
Cũng một lần nữa trong rất nhiều lần, một kênh đảng nổi trội gien giáo điều và mị dân là Thông tấn xã Việt Nam lại tung ra bài viết "Việt Nam thực hiện đầy đủ cam kết thúc đẩy quyền con người".
Bài viết trên "luôn đặt người dân ở trung tâm của phát triển, trong những năm qua Việt Nam đã, đang làm hết sức mình để bảo đảm hòa bình, ổn định, phát triển bền vững, thúc đẩy quyền con người và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng… Việt Nam thực hiện Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát lần đầu vào tháng 5/2009, nhận được 123 khuyến nghị từ 60 nước, chấp thuận 96 khuyến nghị, 5 khuyến nghị khác đã và đang được thực hiện tại thời điểm rà soát… Qua việc thực hiện Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ II, Việt Nam đã đề cao vị thế, hình ảnh một nước Việt Nam đổi mới, sẵn sàng đối thoại và đóng góp tích cực về mọi vấn đề quyền con người mà quốc tế quan tâm. Có được điều đó là nhờ chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam về quyền con người và những thành tựu của Việt Nam trong công cuộc Đổi mới toàn diện đã tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền con người tại Việt Nam".
Nếu đối chiếu bài viết trên của TTXVN với nhiều bài "tự sướng" trước đây của báo đảng về "thành tích nhân quyền", hoàn toàn không khó để nhận ra rằng nhiều nội dung giữa các bài viết này được tái hiện theo phương thức "cóp - dán", nghĩa là những bài báo trước đây dẫn gần như nguyên văn từ "báo cáo quyền làm người" của Bộ Ngoại giao, còn bài viết hiện thời lại "cóp - dán" gần như y nguyên những bài viết trước đây.
Đỉnh điểm dối trá
Chỉ có điều, bài viết mới nhất của TTXVN đã không hề cập nhật vụ chính phủ Đức cáo buộc Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam bắt cóc tại Berlin vào tháng Bảy năm 2017. Trên phương diện "mở rộng hoạt động đối ngoại song phương và đa phương" cùng "Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước", vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" không chỉ làm bùng nổ cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức - Việt mà còn rất xứng đáng trở thành một "thành tích nhân quyền" quá nổi bật trên thế giới, thuộc về một chính thể cùng chế độ công an trị kể từ ngày trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc vào năm 2013.
Bài viết của TTXVN cũng không hề đề cập đến một cuộc khủng hoảng khác trong năm 2017 - khủng hoảng thuốc ung thư giả mà thủ phạm chính là Bộ Y tế Việt Nam - mà đã rất có thể gây ra cái chết lần thứ hai cho hàng ngàn bệnh nhân bị ung thư.
Những bài viết của TTXVN và những tờ báo đảng khác cũng hoàn toàn không đả động đến hậu quả rất nhiều ý tưởng luật được hiến định từ Hiến pháp 1992, nhưng đến nay vẫn chưa được Bộ chính trị và Quốc hội Việt Nam cho thoát thai, như Luật biểu tình, Luật lập hội… Thậm chí Hiến pháp năm 2013 còn đi ngược lại đòi hỏi hết sức chính đáng của tuyệt đại đa số nông dân và người dân, khi thẳng tay phủ nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai, tiếp tục xúc tác mạnh mẽ cho công cuộc áp bức giành đất và cướp đất của các nhóm lợi ích ở các địa phương, tạo ra tầng lớp hàng triệu dân oan mất đất ở Việt Nam.
Dự luật hình sự (sửa đổi) được công bố đã cho thấy toàn bộ các điều khoản bị cộng đồng quốc tế lên án là mơ hồ và thường xuyên bị công an lạm dụng, lợi dụng như 79 (lật đổ chính quyền), 88 (tuyên truyền chống nhà nước), 258 (lợi dụng các quyền tự do dân chủ)… đã chỉ được hoán đổi vị trí và đánh số lại mà hầu như không có bất kỳ thay đổi hoặc lược bỏ nào về nội dung.
Một luật khác cũng đang gây tai tiếng đáng kể là Luật Tín ngưỡng Tôn giáo, với quá nhiều quy định "xin - cho" mà do đó đã bị cộng đồng dân chủ trong nước tố cáo là những dự luật này được sinh ra chỉ để đối phó với sức ép của quốc tế, nhưng về thực chất nhằm cản trở chứ không phải mở ra dân chủ.
Cũng như thảm trạng thuốc ung thư giả, dối trá nhân quyền đã lên đến đỉnh điểm. Rất nhiều cảnh "tự chết" của dân trong đồn công an, rất nhiều trận đoàn thù của công an nện lên đầu những người dân biểu tình phản đối Trung Quốc… đã không hề được báo đảng nhắc đến.
Cấm vận kinh tế ?
Cho tới lúc này, mục tiêu chính của nhà cầm quyền vẫn chỉ là tiến hành chủ trương chiêu dụ giới dân chủ nửa vời và giới người Việt hải ngoại. Do đó ở trong nước, họ chỉ mở cho những hoạt động nào mà công an nghiễm nhiên "vào tận phòng để quay phim", còn chính quyền lại dễ tuyên truyền và lấy điểm "nhân quyền" với quốc tế để phục vụ cho mục tiêu kiếm lợi từ "thương mại song phương".
Cuối cùng, chuyện gì phải đến đã đến. Sau hàng loạt báo cáo lên án chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền ngày càng trầm trọng của các tổ chức Ân xá quốc tế, tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế, Ủy ban Bảo vệ ký giả không biên giới, tổ chức Phóng viên không biên giới…, vào năm 2016 Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã công bố bản báo cáo mang tựa đề "Tự do Tôn giáo tại Việt Nam : Đánh giá việc đưa vào danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm (CPC) 10 năm sau khi rút tên". Đến năm 2017, đòi hỏi đưa Việt Nam trở vào Danh sách CPC còn dày đặc hơn và ngày càng khả thi hơn.
Được hưởng lợi đáng kể từ việc thoát khỏi CPC, sau đó Việt Nam còn được chấp thuận trở thành thành viên của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới vào năm 2007. Trong vài ba năm sau đó, nền kinh tế Việt Nam đã "chung vui" cùng chế độ bằng những chiến dịch đầu cơ kinh hoàng, mang lại vô số tiền bạc cho lớp đại gia đầu cơ và giới quan chức tham nhũng chính sách. Nhưng đồng thời từ năm 2008 đến nay, chính quyền Việt Nam lại gia tăng bắt bớ người bất đồng chính kiến. Chỉ riêng hai năm 2011 và 2012 là "cao điểm", số người bất đồng bị bắt hàng năm đã lên tới gần năm chục. Trong 8 tháng đầu năm 2017, số người bất đồng bị bắt đã lên đến con số 21.
Cho tới nay, không chỉ giới chức Hoa Kỳ, mà rõ ràng cả nhiều nước Tây Âu, và cả Đông Âu, đã đánh giá tình hình nhân quyền ở Việt Nam ngày càng tồi tệ, số người bị bắt bớ, đánh đập và sách nhiễu ngày càng tăng. Tất cả đều cho thấy chính sách dỡ bỏ CPC của Hoa Kỳ đối với Việt Nam vào năm 2006 là… sai lầm.
Một khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới là bất chấp những bản báo cáo "Việt Nam luôn quan tâm và bảo đảm quyền con người", Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc sẽ phải xem xét lại tư cách của chính quyền Việt Nam trong hội đồng này, còn người Mỹ sẽ phải đưa Việt Nam vào lại Danh sách CPC, đồng nghĩa với một cơ chế cấm vận kinh tế khá toàn diện. Nếu khả năng này xảy ra, nền kinh tế Việt Nam đã suy thoái đến năm thứ chín liên tiếp sẽ hầu như vô vọng về các nguồn lực từ bên ngoài, trở thành tác động trực tiếp và ghê gớm nhất đến chân đứng chính trị của chế độ.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 13/09/2017
Tháng Tám năm 2017. Một hiện tượng chính trị đặc biệt đáng chú ý và mổ xẻ là chỉ ít ngày sau bài hát tự chế "Thanh đã về, Thanh đã về !" ra đời trên mạng xã hội, sau lời ví von "xuất thần" của Nguyễn Phú Trọng "Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy", vị tổng bí thư này đã ký ban hành Quy định số 89 - QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp ; và đặc biệt là Quy định số 90 -QĐ/TW về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Người ký và rất có thể chính là tác giả của "phát minh Quy định 90" là ông Nguyễn Phú Trọng.
Chỉ có đảng hiểu
Không hiểu sao, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban chấp hành trung ương đã tồn tại quá nhiều năm, nhưng đây mới là lần đầu tiên đảng ban hành "tiêu chuẩn cán bộ cấp cao" như vậy.
Cũng bởi thế, tính mục đích của Quy định 90 chỉ được biết với những nội dung còn khá chung chung của nó, trong khi dư luận xã hội lại quan tâm nhiều hơn hẳn về tính thực chất của bản quy định chưa có tiền lệ này.
Tuy vậy, những cuộc tranh luận của giới chuyên gia và giới quan sát dường như vẫn chưa đi đến một kết luận rõ ràng nào về mục đích thực sự của Quy định 90. Một trong những nhà quan sát chính trị là Giáo sư Nguyễn Đình Cống ở Hà Nội thuật lại rằng nhiều người đã hỏi nhau về mục đích của Quy định 90 rồi đưa ra lời đoán ; nhưng đoán thì có thể đúng hoặc sai ; không có giải thích rõ ràng và trung thực, thế là đã vô minh…
Sự "vô minh" như thế cũng có thể cho thấy Quy định 90 là một văn bản của đảng mà chỉ có… đảng hiểu, còn dân chẳng hiểu gì ráo trọi. Nếu quả thế, đảng văn này đã không thể "mang hơi thở nghị quyết vào thực tiễn" như đảng vẫn ra rả lặp tới lặp lui.
Hay đảng muốn tỏ ra "minh bạch" ?
Nhưng lại có những minh họa gần nhất và trái ngược về "sức khỏe lãnh đạo cấp cao" : Đinh Thế Huynh và Trần Đại Quang. Cả hai nhân vật này đều chưa hề được đảng cho "công khai xuất hiện" tính đến nay.
Ở một chiều kích khác của vấn đề, nếu căn cứ vào bối cảnh ra đời của Quy định 90, chúng ta có thể nhận ra một ý nghĩa, hoặc hàm ý khác hơn là những nội dung chung chung và có vẻ giáo điều của nó.
"Tiêu chí đặc biệt" thời Đại hội 12
Người ký và rất có thể chính là tác giả của "phát minh Quy định 90" là ông Nguyễn Phú Trọng. Với nhân vật này, nếu dư luận chung còn ví ông với hình ảnh "giáo làng" trước đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016, thì sau đại hội này cùng chiến thắng gần như tuyệt đối dành cho ông Trọng, dư luận xã hội đã từ ngạc nhiên đến có phần kinh ngạc, thậm chí một số chính trị gia còn dành cho ông Trọng một sự thán phục lần đầu tiên về "thủ pháp chính trị" của ông đã "nâng lên một tầm cao mới".
Bối cảnh hậu đại hội 12, đặc biệt là từ nửa cuối năm 2016 đến nay lại mang màu sắc tiền đại hội 12. Nghĩa là đảng vẫn phải xử lý cuộc khủng hoảng nội bộ, nạn tham nhũng trầm kha chỉ nặng thêm chứ không nhẹ đi, cùng cơn "binh lửa" mới toanh mà giờ đảng mới nhận ra : nạn cát cứ quyền lực và sứ quân khu vực. Một trong những "tư tưởng gia" của đảng là ông Nhị Lê - Phó tổng biên tạp Tạp chí Cộng sản - mới đây đã phải thừa nhận là hiện thời có đến hàng trăm sứ quân.
Con số "hàng trăm" đó lại chiếm đến phân nửa số ủy viên trong Ban chấp hành trung ương. Tức có thể hiểu một nửa lãnh thổ quốc gia đã biến thành sứ quân, gấp gần một chục lần nạn 12 sứ quân thời tiền Đinh Bộ Lĩnh trong lịch sử Việt Nam.
Đây cũng là bối cảnh mà người đã được dư luận đánh giá là "lão luyện chính trị" như Nguyễn Phú Trọng không thể ban hành một Quy định 90 chỉ như một loại đảng văn bình thường, mà hẳn phải có thâm ý, và sâu xa.
Còn nhớ thời tiền đại hội 12. Sau Hội nghị trung ương 12 vào đầu tháng 10/2015 được coi là "bất phân thắng bại", Hội nghị trung ương 13 lại càng mang tính gấp rút hơn khi chỉ còn một tháng nữa sẽ diễn ra đại hội 12 của đảng cầm quyền. Đến lúc này đã xuất hiện vấn đề "tiêu chí đặc biệt" - nằm trong một văn bản của đảng mà ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư đảng, và ông Tô Huy Rứa - Trưởng ban tổ chức trung ương - được coi là đồng tác giả. Một số trong những nội dung đáng chú ý của "tiêu chí đặc biệt" là nhân sự cấp cao không được để "người thân trục lợi" và không có "vấn đề lịch sử chính trị hiện nay". Nếu "dính" phải những nội dung trên, nhiều khả năng nhân sự cấp cao sẽ không được Ban chấp hành trung ương và Bộ chính trị giới thiệu để trở thành ứng cử viên tổng bí thư tại đại hội 12.
Khi "tiêu chí đặc biệt" được nêu ra, rất nhiều dư luận đã cho rằng những điều kiện này về thực chất là nhằm loại Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khỏi cuộc đua giành cái ghế tổng bí thư. Không biết luồng dư luận này "linh" đến mức nào, chỉ biết rằng đúng vào tháng 10/2015 đã xuất hiện một lá thư dài đến 9 trang A4 - được cho là của ông Nguyễn Tấn Dũng - giải trình trước Tổng bí thư và Bộ Chính trị về 12 điểm, trong đó có những nội dung liên quan đến tiêu chí "không để người thân trục lợi" và "vấn đề lịch sử chính trị hiện nay". Nhưng rốt cuộc, ông Dũng đã "dính" tiêu chí đặc biệt và do đó phải ngậm ngùi chia tay với chức vụ ứng viên tổng bí thư đảng…
Một chiến dịch "long trời lở đất" ?
Còn giờ đây, câu chuyện "người thân trục lợi" đã được hóa thân vào chiến dịch "kiểm tra tài sản 1.000 quan chức" của Tổng bí thư Trọng.
Nếu "tiêu chí đặc biệt" về "không để người thân trục lợi" và "vấn đề lịch sử chính trị hiện nay" được ban hành ngay trước đại hội 12, Quy định 90 được công bố khi Hội nghị trung ương 6 của đảng cầm quyền sẽ diễn ra vào khoảng giữa tháng 10/2017 - như một thông tin mà Tổng bí thư Trọng có vẻ rất tự tin cho cử tri Hà Nội biết. Có thể cho rằng đây là một trong số hiếm hoi lần mà giới lãnh đạo cao cấp Việt Nam chủ động thông tin cho "nhân dân" về lịch diễn ra hội nghị trung ương - một động thái có thể được hiểu như đã có sự thay đổi đáng kể về cán cân quyền lực trong đảng sau sự kiện "Thanh về".
Nếu "tiêu chí đặc biệt" được coi là chỉ nhắm vào trường hợp Nguyễn Tấn Dũng, Quy định 90 có thể dành cho một cấp số nhân lớn hơn nhiều giới quan chức cao cấp thuộc chính phủ, bộ ngành và các địa phương.
Và nếu số lượng sứ quân lên đến hàng trăm, bài toán mà ông Trọng muốn giải có lẽ là phải thẳng tay loại trừ, hoặc "luân chuyển cán bộ", hoặc vô hiệu hóa đến phân nửa Ban chấp hành trung ương, nếu không phải tại Hội nghị trung ương 6 thì cũng phải làm sau đó không lâu.
Không phải ngẫu nhiên mà từ quý đầu của năm 2017 đến nay đã rộ lên một số thông tin trên báo nhà nước và thông tin không chính thức trên mạng xã hội về tài sản dưới nhiều hình thức, trong đó chủ yếu là nhà đất, của "lãnh đạo cấp cao". Những trường hợp vào "tầm ngắm" gần nhất như Ngô Văn Khánh - Phó tổng thanh tra chính phủ, Nguyễn Thị Kim Tiến - đầu ngành y tế và là bộ trưởng duy nhất không phải là "trung ủy"…
Trong một cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội vào tháng Bảy năm 2017, lần đầu tiên đại biểu quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã phải tán thán về nạn tham nhũng : "nguy cơ mất đảng, mất chế độ chứ không phải chuyện đùa !".
Sự thừa nhận quá muộn màng trên của ông Trọng đã được "nâng hẳn lên một tầm cao mới", nếu so với bối cảnh năm 2011 cũng là ông Trọng đã chỉ hàm ý mơn man về "sự tồn vong của chế độ".
Một khả năng có thể là Quy định 90 của ông Trọng ra đời nhằm "chống tham nhũng" và "thay máu" Ban chấp hành trung ương trong tương lai gần, rất gần.
Nếu "chống tham nhũng" và "thay máu" đạt được một kết quả dù chỉ ở mức trung bình, đó là sẽ là cơ sở cực kỳ quan trọng để chiến dịch "nhất thể hóa" - được hiểu là người của đảng sẽ kiêm chức chính quyền ở nhiều địa phương - của ông Trọng sẽ có xác suất thành công cao hơn so với tình trạng ù lì chẳng "xử" được quan chức nào.
Liệu "chống tham nhũng", "thay máu" và "nhất thể hóa" có trở thành một chiến dịch "long trời lở đất" ?
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 09/09/2017
"Người tính"
"Tôi dám cá dựa trên những gì mà tôi biết là ông Nguyễn Phú Trọng sẽ ở lại cho đến hết nhiệm kỳ và khi đó ông sẽ có được sự đồng thuận để ủng hộ bất cứ ai ông chọn lên thay thế", Giáo sư Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia khẳng định với đài VOA ngày 10/8/2017, trong bài "Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ lưu lại hết nhiệm kỳ" ?
"Nguyễn Phú Trọng đã củng cố được vị trí. Ông lại không có người kế vị chính thức. Giờ đây, ông ấy có toàn quyền quyết định liệu ông có về nghỉ và khi nào thì nghỉ. Vị thế của ông ấy đang rất mạnh", ông Thayer nói thêm.
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng (giữa).
Những nhận định và dự báo của Giáo sư Carlyle Thayer là đáng được lưu ý đối với giới phân tích tình hình chính trị Việt Nam, lồng trong bối cảnh chính trường nơi đây đang xảy ra những xáo trộn mạnh cả bề nổi lẫn bề chìm, mang lại một cảm giác bất an đến mất ngủ đối với không chỉ các đối tượng nằm trong chiến dịch được tuyên truyền là "chống tham nhũng" của Tổng bí thư Trọng, mà cả những quan chức tỏ ra trung dung không thuộc phe phái nào trong đảng.
Trong số các nhà phân tích chính trị Việt Nam, ông Thayer được xem là một người có kinh nghiệm, chiều sâu phân tích và đặc biệt có thể đã có được những mối quan hệ đủ sâu với giới quan chức Hà Nội, mà từ đó vị chuyên gia này khá thường nêu ra những tin tức tương đối chính xác và bình luận gần gũi với kịch bản thực tế, đặc biệt vào khoảng thời gian trước đại hội 12 của đảng cầm quyền cuối năm 2015 khi nổ ra cuộc chạy đua quyết liệt mang tên "Trọng - Dũng".
Vào lần này, rất có thể Carlyle Thayer lại một lần nữa có lý khi thời điểm ông trả lời phỏng vấn của VOA lại ngay sau một sự kiện hiếm có cả đối nội lẫn đối ngoại : Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc đưa về Việt Nam.
Cũng là lúc mà Nguyễn Phú Trọng hưng phấn chưa từng có kể từ khi ông trở thành tổng bí thư đảng vào năm 2011 : "Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy".
Tâm trạng tuyệt vời cùng quyết tâm chưa từng thấy trên đã phác ra một đáp án cho "phương trình chống tham nhũng" : không còn nghi ngờ gì nữa, Trịnh Xuân Thanh chính là con át chủ bài của ông Trọng để xử lý những người được coi là "vây cánh Nguyễn Tấn Dũng", lấy lại thể diện và uy quyền cho ông Trọng ; và nếu có thể, xử lý luôn những đối thủ chính trị đang nổi lên.
Có một nét gì đó từa tựa với "muôn việc đủ cả, chỉ thiếu gió đông" trong bài thơ của Gia Cát Khổng Minh hé cho đô đốc Chu Du trước khi trận Xích Bích Hỏa Công lịch sử ngùn ngụt lửa.
Tuy không có được binh hùng tướng mạnh như Chu Du, nhưng Tổng bí thư Trọng cũng có trong tay một sự ủng hộ, có lẽ ở mức độ vừa phải, của giới quân đội và cơ quan tình báo quân đội. Ông cũng nắm trong tay hệ thống tuyên giáo và tuyên truyền đủ để khuấy động cuộc chiến chống tham nhũng của ông thành một cái gì đó không mấy thua kém "những việc cần làm ngay" của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh ba chục năm về trước.
Vào tháng Năm 2017, Đinh La Thăng - người được xem là "đàn em thân tín của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng" - bị Ủy ban Kiểm tra trung mương của Chủ nhiệm Trần Quốc Vượng - người mà gần đây đã được Nguyễn Phú Trọng khen là "làm việc gì ra việc nấy" - kỷ luật và loại khỏi Bộ Chính trị cũng như cái ghế bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhưng còn những người khác và đối thủ khác thì làm thế nào để "xử" ?
Dường như phải chờ "Thanh về".
Một cách nào đó, Trịnh Xuân Thanh có thể sánh với hình ảnh "gió đông" của Gia Cát Lượng, để Tổng bí thư Trọng có được một trận Xích Bích Hỏa Công riêng của ông, dữ dội và thần tốc, trong thời gian những tháng tới. Lý do đơn giản là từ Trịnh Xuân Thanh, người ta có thể "phăng" ra rất nhiều chuyện, trong đó có những "đường dây" và những mối thắt nút mà trước đây tưởng chừng không bao giờ gỡ được.
Sự kiện "Thanh về" có ý nghĩa đến mức đang khiến xoay chuyển cả cục diện tương quan lực lượng chính trị. Nếu trước khi "Thanh về", cục diện này còn ngổn ngang và "chưa biết mèo nào cắn mỉu nào", thì sau đó thậm chí có người còn ca ngợi ông Trọng là "sĩ phu Bắc Hà". Một lần nữa sau sự kiện đại hội 12 vào đầu năm 2016, lại có một luồng chuyển động, dù vẫn chậm cùng mắt trước mắt sau, sang "ủng hộ Nguyễn Phú Trọng" từ một bộ phận quan chức mà trước đó "chẳng biết theo ai".
Trong thực tế hiện thời, như nhiều nhà phân tích trong đó có ông Thayer, Nguyễn Phú Trọng không có đối thủ chính trị.
Thậm chí nếu vận hành được chiến dịch "chống tham nhũng" theo đúng ý đồ của mình, trong không bao lâu nữa ông Trọng còn có thể trở thành "Tập Cận Bình thứ hai", tức chủ tịch nước kiêm tổng bí thư. Khi đó, triển vọng "ngồi" đến hết nhiệm kỳ, tức đến năm 2021, chỉ là "chuyện nhỏ"…
Tuy thế, câu chuyện trên mới chỉ là "người tính".
Quy luật âm dương vốn dĩ tự sinh tự diệt.
Còn cả "trời tính"…
"Trời tính"
Khi nhận định "ông Nguyễn Phú Trọng sẽ ở lại cho đến hết nhiệm kỳ", Giáo sư Carlyle Thayer đã sát thực với những gì tương quan quyền lực trong nội bộ đảng cầm quyền ở Việt Nam.
Nhưng ông Thayer mới chỉ là xét trên phương diện tương quan nội bộ đảng, dù hiện thời đang lan truyền một luồng dư luận cho rằng sau khi trừ được vây cánh ông Dũng, ông Trọng hoàn toàn thỏa mãn nên sẽ "nghỉ".
Trong khi đó, còn nhiều yếu tố - biến số khác mà ông Thayer dường như chưa tính đến, hoặc không xem trọng.
Bởi trên phương diện hoàn toàn khách quan, một bài toán thách thức rất lớn là Tổng bí thư Trọng liệu có nhiều cơ hội để "ngồi" đến năm 2021 nếu từ đây đến đó xảy ra những xung động đủ lớn, đủ mạnh mà có thể khiến dẫn đến "nguy cơ mất chế độ, mất đảng chứ không phải chuyện đùa" - như ông Trọng vừa tán thán ngay vào tháng Tám này - trở nên trần trụi không thể cưỡng lại được.
Là một giáo sư ngành Mác - Lê, hẳn ông Trọng chẳng bao giờ quên quy luật "kinh tế quyết định chính trị". Làm thế nào ông Trọng, hay bất cứ người nào khác, có thể ngồi yên trên ghế tổng bí thư nếu nền kinh tế Việt Nam - vốn đang suy thoái đến năm thứ chín liên tiếp - sẽ rơi vào thảm trạng khủng hoảng trong ít năm tới, hay một thứ thảm họa đến giấy vệ sinh cũng không có để dùng như "người đồng chí" Venezuela ?
Kinh tế suy sụp lại khiến gãy đổ các rường cột xã hội và khiến xã hội hỗn loạn. Xã hội giờ đây đang đầy ắp mầm mống hỗn loạn. Ông Trọng sẽ làm thế nào để xử lý các cuộc biểu tình, xuống đường liên tục do bức bách đời sống của nhiều tầng lớp người dân ở nhiều địa phương trong những năm tới ?
Trong khi đó, xung đột nội bộ đính kèm xung đột lợi ích đã và sẽ trở thành "kẻ đào mô chôn đảng". Một vài nhóm tham nhũng mà ông Trọng đang chống mới là những nhóm lộ diện, trong khi đó còn rất nhiều nhóm lợi ích khác, có thể tham nhũng không mấy kém thua những nhóm trước, đang tồn tại ở rất nhiều địa phương. Những địa phương này lại đang hội tụ những biểu hiện ngày càng mang tính cát cứ quyền lực và sứ quân khu vực. Nếu "ngồi" lại, sẽ cần đến bao nhiêu tổng bí thư Trọng để xử lý cơn khủng hoảng cát cứ sứ quân này ?
Và sẽ cần đến bao nhiêu ông Trọng để chia ra nhằm đối phó với một triển vọng các quan chức tham nhũng hợp thành lực lượng lớn để chống lại tổng bí thư mà có thể sinh ra "nội chiến" ?
Và đến khi đó, liệu ông Trọng có thể thẳng thừng lắc đầu với nhu cầu tách đảng hoặc đa đảng - phát sinh từ chính nội bộ của ông ?
Chưa kể đến trường hợp nếu Trung Quốc tấn công Việt Nam, tình hình nội trị trong đảng và đất nước sẽ biến động ghê gớm ra sao…
Đó là những yếu tố - biến số mà chỉ cần một trong số đó xảy đến thực sự, không ai có thể đoan chắc là bất kỳ tổng bí thư đảng nào hiện nay cũng có thể yên vị đến hết nhiệm kỳ vào năm 2021.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : 06/09/2017