Chiến dịch "thay máu PVN" ngày càng lộ liễu, lạnh lùng và rút ngắn thời gian – chỉ chín tháng sau "bản thông điệp 800 tỷ đồng".
Ông Trần Sỹ Thanh được điều từ bí thư Lạng Sơn về làm phó trưởng Ban kinh tế trung ương kiêm chủ tịch Hội đồng thành viên Petro Vietnam. (Hình: Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp)
"Kiêm"
Tháng Ba, 2017, việc Hội đồng xét xử tạm ngưng xử vụ "Hà Văn Thắm và đồng bọn" để trả hồ sơ và yêu cầu điều tra làm rõ hơn một số vụ việc, trong đó có số tiền 800 tỷ đồng bị biến mất mà trước đó Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) đã góp vào ngân hàng Đại Dương, đã phát tín hiệu chiến dịch "chống tham nhũng" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không hề muốn "khoanh" vụ án chỉ nằm trong phạm vi ngân hàng này như một số đồn đoán trước. Mà còn "phát triển" đến PVN – mảnh đất từ đó đi lên của ông Đinh La Thăng…
Đến tháng Mười Hai, 2017, PVN cũ, nay là Petro Vietnam, sở hữu khối tài sản lên đến hơn $7 tỷ và là một trong những huyết mạch của hệ thống tài chính và ngân sách của chế độ một đảng ở Việt Nam, đã có chủ tịch Hội đồng thành viên mới: ông Trần Sỹ Thanh, ủy viên trung ương Đảng, cựu bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn – nhân vật được cho là cháu của ông Nguyễn Sinh Hùng – cựu chủ tịch quốc hội.
Nhưng ấn tượng nổi bật hơn cả là vào ngày 22 tháng Mười Hai, 2017, Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam đã ra quyết định phân công ông Trần Sỹ Thanh giữ chức phó trưởng Ban kinh tế trung ương kiêm chủ tịch Hội đồng thành viên Petro Vietnam.
Một lần nữa, phía đảng tung ra thủ pháp "kiêm". "Kiêm" và kèm theo "luân chuyển cán bộ lãnh đạo" cùng đặc quyền điều động cán bộ của Bộ chính trị và Ban bí thư luôn là một biện pháp đắc dụng để các quan chức "không hợp lòng đảng" chẳng còn kêu ca được gì.
Từ năm 2015 trở về trước, chủ tịch Hội đồng thành viên Petro Vietnam luôn là đặc quyền bố trí của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng sau khi "Dũng nghỉ", Đinh La Thăng – cựu chủ tịch Hội đồng thành viên Petro Vietnam – đã bị Tổng bí thư Trọng chỉ đạo Bộ công an khởi tố và tống giam vào ngày 8 tháng Mười Hài, 2017.
Giờ đây đã quá rõ là trong con mắt của đảng, nếu vụ Hà Văn Thắm – ngân hàng Đại Dương được xem là "đại án" thì có lẽ vụ PVN khi lôi ra tòa sẽ trở thành "đại đại án".
Bây giờ không phải chính phủ, mà đảng mới là tổ chức lãnh trách nhiệm "ôm" hũ mật PVN, cùng lúc thực hiện rốt ráo động tác "nhất thể hóa".
Bản nhạc "nhất thể hóa" đã có khúc dạo đầu từ trước đại hội 12.
"Nhất thể hóa"
Nửa năm sau đại hội 12, bên đảng bắt đầu phát ra dấu hiệu cùng hành động "tập quyền". Vào tháng Bảy, 2016, với một động tác chưa có tiền lệ, ông Trương Minh Tuấn, người đã trở thành bộ trưởng Thông Tin và Truyền Thông, được Bộ chính trị điều động kiêm chức vụ phó trưởng Ban tuyên giáo trung ương. Như vậy, ông Tuấn cùng một lúc vừa làm việc bên chính quyền, lại vừa là "người của đảng".
Sang tháng Tám, 2016, ông Cao Đức Phát, người vừa thôi chức bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhưng vẫn được bầu vào Ban chấp hành trung ương khóa 12, được bổ nhiệm là phó trưởng Ban kinh tế trung ương.
Tháng Chín, 2017, đích thân Tổng bí thư Trọng "tự tham gia" vào Đảng ủy Công an trung ương mà khiến có dư luận cho rằng ông Trọng "thống lĩnh các lực lượng vũ trang", sau khi đã chắc chắn vị trí bí thư Quân ủy trung ương.
Mô hình "nhất thể hóa" rõ là nhằm tăng cường xu hướng tập quyền cho đảng là có cơ sở. Người ta đang và sẽ chứng kiến quyền lực của các cơ quan đảng không những không bị co hẹp vì "khó khăn ngân sách" mà còn mạnh hơn trong thời gian tới. Nhưng sẽ có một khác biệt rất cơ bản là nếu trước đây đảng chỉ "lãnh đạo đường lối" thì trong thời gian tới, hàng loạt nhân sự của đảng sẽ được cho kiêm chức bên chính quyền trung ương và cả chính quyền địa phương, lấy đó làm cơ sở để "người của đảng" kiêm việc điều hành chính quyền, và từ đó sẽ xuất hiện một cơ chế "chính ủy trong chính quyền".
Tại Hội nghị trung ương 6 vào tháng Mười, 2017, "Nhất thể hóa bộ máy và chức danh giữa đảng và nhà nước" – một chủ trương của đảng cầm quyền bắt đầu được thi hành – ngày càng trở thành thời cơ bất ngờ sáng rỡ dành cho những quan chức nào đó, nhưng cũng biến thành nỗi nguy hiểm "kề dao vào cổ" đối với nhiều quan chức khác, nhất là số đầu tỉnh thành.
Tương lai "nhất thể hóa" theo cách "bí thư kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân và hội đồng nhân dân" – một dạng "chính ủy chuyên quyền 3 thành 1" – hầu như chắc chắn sẽ được "đánh lên" trong năm 2018 , tức từ cấp xã, huyện lên thẳng cấp tỉnh thành.
Nếu trước đây ở một số tỉnh thành còn thí điểm cơ chế bí thư tỉnh kiêm chủ tịch hội đồng nhân dân, nhưng cơ cấu quyền lực vẫn còn phân nhánh theo phương thức "nhị quyền phân lập" – tức bí thư tỉnh và chủ tịch tỉnh là hai nhân sự khác nhau và cách nào đó kiểm soát quyền lực lẫn nhau, thì khi thực hiện cơ chế "3 thành 1", các "chính ủy" sẽ "quyết" hết, từ vấn đề nhân sự đến điều hành kinh tế-xã hội, và cả những dự án màu mỡ có nguồn vốn từ ngân sách và viện trợ ODA. Sẽ không có chuyện "chính ủy" phải hỏi hoặc xin ý kiến của Hội đồng nhân dân tỉnh thành về quyết sách này quyết sách kia…
Một trong những thủ pháp để tiến hành có hiệu quả và nhanh chóng mô hình "nhất thể hóa" của Tổng bí thư Trọng là cơ chế "kiêm".
Sau Hội nghị trung ương 6, đã có những từ ngữ ẩn dụ được tung ra về những khái niệm rất chung chung như hợp nhất "tổ chức", nội vụ", "thanh tra", "kiểm tra" mà không nêu rõ có phải là hợp nhất giữa Ban tổ chức trung ương bên đảng với Bộ nội vụ bên chính phủ hay không; tương tự với Ủy ban Kiểm tra trung ương của đảng với Thanh tra chính phủ…
Nhưng với hành động "chủ trì" phiên họp chính phủ cũng vào tháng Mười Hai, 2017, của Tổng bí thư Trọng, cơ chế hợp nhất trên dường như đang được khởi động.
Vì sao đảng "ôm" PVN?
Ngay trước mắt, chính phủ có vẻ đã mất quyền kiểm soát truyền thống đối với tập đoàn PVN.
Bàn cờ nhân sự và "cơ cấu thị phần" của PVN đang và sẽ được "tái cấu trúc". Đang và sẽ xuất hiện những gương mặt mới cùng "tư duy" mới, đại diện cho những nhóm quyền lực và lợi ích mới theo đúng triết lý những kẻ nào không còn phù hợp với trào lưu lịch sử thì đương nhiên sẽ bị lịch sử đào thải.
Dù chỉ là một trong số hàng chục ngàn doanh nghiệp nhà nước, nhưng PVN lại là tập đoàn nhà nước thuộc loại sung túc nhất Việt Nam. Chỉ riêng tài sản lưu động của tập đoàn này đã lên đến 166.000 tỷ đồng (trên 7 tỷ USD) tiền mặt gửi ngân hàng để lấy lãi – theo báo cáo tài chính năm 2016 của PVN.
Huyết mạch tài chính quốc gia này giờ được chuyển sang tay đảng, thông qua phó trưởng Ban kinh tế trung ương kiêm chủ tịch Hội đồng thành viên Petro Vietnam Trần Sỹ Thanh. Từ nay trở đi, những báo cáo từ nhỏ đến lớn của PVN sẽ đồng thời gửi cho cả chính phủ và Ban Bí Thư. Để nếu có một vấn đề quan trọng nào đó của PVN thì tập đoàn này sẽ nghiễm nhiên được trình bày trước cả… Bộ chính trị.
Nhưng quan yếu và thiết thực hơn cả là từ nay trở đi, Tổng bí thư Trọng sẽ nắm được một khối tài sản chiếm ít nhất 7% GDP và cống hiến ít nhất 8% cho phần thu ngân sách nhà nước, để ông Trọng và các cơ quan đảng trung ương – thường tiêu xài đến 2.000 tỷ đồng mỗi năm – khỏi quá phụ thuộc vào quyền hành phân bổ ngân sách của phía chính phủ cho khối đảng mà do đó có thể tránh được những rắc rối hoặc áp lực về chính trị, trong một chính giới chẳng ai trung thành với ai và tương lai chẳng biết thế nào mà lần.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 07/01/2018
Cánh đang nắm giữ ưu thế quyền lực trong đảng rốt cuộc đã giành được một thắng lợi quan trọng : buổi chiều ngày 4/1/2018, thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ kiêm trùm bất động sản Vũ "Nhôm" đã bị đưa từ Singapore về Hà Nội, nhưng không phải được đưa về văn phòng công ty Nova79 của Vũ "Nhôm", hay ngôi nhà của Vũ ở 82 Trần Quốc Toản ở quận Hải Châu của Đà Nẵng, mà Phan Văn Anh Vũ sẽ phải nằm trong một xà lim biệt lập với chế độ biệt giam, dù có thể sẽ được cán bộ quản giáo phục vụ tận tình "cơm bưng nước rót".
Phan Văn Anh Vũ (giữa), hình chụp năm 2016.
Thắng lợi của cánh đảng
Thắng lợi trên mang ý nghĩa "rửa mặt" cho chiến dịch "chống tham nhũng" sau hàng loạt vụ "ra đi tìm đường cứu nước" từ năm 2016 đến nay của những Trịnh Xuân Thanh, Lê Chung Dũng, Vũ Đình Duy…
Sau vụ Tổng bí thư Trọng "dám" chỉ đạo bắt cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng và đến nay là vụ "dẫn độ" tạm coi là thành công đối với nhân vật "bất đồng chính kiến" Phan Văn Anh Vũ, có thể xem chiến dịch "chống tham nhũng" của ông Trọng lẫn lẩn khuất những chiến dịch "đánh hôi" của những nhóm quyền lực và lợi ích khác đang trên đà khá thuận lợi.
Thắng lợi trong vụ "dẫn độ" Phan Văn Anh Vũ thậm chí còn rất quan trọng vì đã ngăn chặn được nguy cơ quốc tế hóa vụ việc này. Vũ "Nhôm" đã không thể trở thành "Trịnh Xuân Thanh thứ hai".
Bởi trước khi Vũ "Nhôm" đào thoát, vấn đề cốt yếu vẫn xoay quanh cuộc chiến giữa Vũ "Nhôm" và Huỳnh Đức Thơ - chủ tịch thành phố Đà Nẵng. Nhưng ngay sau khi Phan Văn Anh Vũ bị phát hiện ở cửa khẩu Singapore - Malaysia, vấn đề đã trở nên trầm trọng hơn nhiều với những thông tin về việc Vũ đã rất muốn tự nguyện cung cấp "hồ sơ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh", hoặc những bằng chứng về vụ việc gây chấn động ngoại giao này cho phía tình báo Cộng hòa liên bang Đức, để đổi lấy quy chế tị nạn cho mình.
Giờ đây trong con mắt của nhóm đang nằm giữ quyền lực trong đảng cầm quyền ở Việt Nam, "tội" của Phan Văn Anh Vũ phải nặng gấp đôi, không còn đơn thuần là "cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước" hay những vụ đi đêm mua bán dự án và nhà công sản, mà là hành vi dám ra mặt thách thức Tổng bí thư Trọng - điều tương tự đã xảy ra với Trịnh Xuân Thanh.
Singapore không phải là một đối tác nặng về chính trị với Việt Nam, mà các nhà đầu tư Singapore luôn chiếm giữ một vị trí trong nhóm đầu vào Việt Nam. Không cần ngạc nhiên nếu Chính phủ Singapore đã có thể nhân vụ bắt giữ Phan Văn Anh Vũ để "đàm phán" thêm với chính phủ Việt Nam về những dự án đang trong quá trình đầu tư, hoặc ít nhất cũng là "lành mạnh hóa môi trường đầu tư dành cho các nhà đầu tư Singapore".
Cũng có một khả năng khác là mặc dù đã có thông tin hành lang về việc Phan Văn Anh Vũ đã gửi đơn xin tị nạn cho Đức và đã được Bộ Ngoại giao lẫn Bộ Tư pháp nước này nhận đơn, và Vũ cũng đã được tiếp xúc với một số quan chức phương Tây, song có thể các "đối tác" đã nhận ra rằng trong tay Phan Văn Anh Vũ không có được những tài liệu giá trị nào mà dư luận đồn đoán trước đó, như "danh sách mạng lưới tình báo ngoại tuyến của Việt Nam", "danh sách các công ty bình phong", và đặc biệt là chẳng có được "hồ sơ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" hay những bằng chứng về vụ việc này… Thế là Vũ phải "về".
Nhưng "Vũ về" thì sao ?
Ai bảo kê cho ‘Vũ đi’ ?
Từ trước khi "Vũ về", đã xuất hiện những đồn đoán về khả năng một số quan chức, kể cả nhà báo liên quan đến Vũ, có khả năng sẽ gặp rắc rối, thậm chí có thể bị "nhập kho". Đặc biệt, cánh bên đảng muốn truy ra ai và thế lực nào đã bảo kê để Phan Văn Anh Vũ dời gót sang Singapore một cách ngon trớn đến thế. Và cũng đã xuất hiện tin đồn đoán vào chiều ngày 4/1 là sẽ có ít nhất một tướng công an rơi quân hàm hoặc "còn hơn thế nữa".
Rốt cuộc, "chuyên án" của Bộ Chính trị đảng về Phan Văn Anh Vũ đã có kết quả ban đầu. Chiến dịch truy nã Phan Văn Anh Vũ cuối cùng đã không quá cực khổ và mất quá nhiều thời gian như vụ Trịnh Xuân Thanh mà đã bị Nhà nước Đức cáo buộc là "bắt cóc".
Chỉ trong nay mai, rất có thể "chuyên án" của Bộ Chính trị sẽ biết rõ Phan Văn Anh Vũ đã có hay không, và nếu có thì có được những tài liệu nội bộ thuộc độ "Mật," thậm chí "Tuyệt Mật" nào về những vấn đề nghiệp vụ của ngành công an, hay những tài liệu về mối quan hệ ngầm trong giới quan chức lãnh đạo ra sao - những bằng chứng mà có thể đủ sức "giết sống" nhiều quan chức đang tại vị.
Một đại án an ninh quốc gia đã có thể khởi động từ giờ phút này.
Dù chỉ được đánh giá là một con chốt, nhưng Phan Văn Anh Vũ lại có vai trò như một "hồ sơ sống" đối với nhiều quan chức, và có thể tác động lớn đối với bàn cờ tương quan quyền lực và xung đột chính trị ở Việt Nam.
Phan Văn Anh Vũ cũng rất có thể đóng vai trò đột phá khẩu cho bất kỳ phe phái nào biết lợi dụng nhân vật mà bị một số dư luận xem là "tình báo hai mang" này.
Trong cái nhìn của Tổng bí thư Trọng, vụ việc Phan Văn Anh Vũ ở Đà Nẵng thoạt đầu có lẽ không quá quan trọng, hoặc chẳng có gì đáng nói. Nhưng nếu vấn đề của Vũ lại liên quan đến Trịnh Xuân Thanh thì sẽ là một việc khác hoàn toàn. Giờ đây, ông Trọng có thể sẽ không bỏ qua cơ hội quý giá này để bổ túc cho kế hoạch "cải tổ Bộ Công an", xem xét lại toàn bộ cơ cấu và tính hợp lý hay chưa của các tổng cục và cục nghiệp vụ trong bộ này, kể cả khâu tình báo. Thậm chí, ông Trọng nếu "nổi hứng" sẽ còn có thể "thay máu" hàng loạt tướng lĩnh công an - tương tự cái cách mà Tập Cận Bình đã làm ở Trung Quốc trong suốt 3 năm từ 2012 đến 2015.
Vào giờ này, chắc hẳn đang có những quan chức và cả những nhà báo hay blogger quốc doanh đã từng "ăn chịu" với trùm bất động sản Vũ "Nhôm", hoặc với thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ, đã mất ngủ sau khi Vũ "Nhôm" bị khám nhà, đã tạm thở phào khi Vũ "Nhôm" bỏ trốn, sẽ tiếp tục mất ngủ và cả mất ăn khi nghe tin mạng xã hội về vụ Vũ "Nhôm" sẽ bị "dẫn độ" về Hà Nội.
Hoặc một đường dây (nếu có) đã bảo kê cho Vũ "Nhôm" lặng biến khỏi Việt Nam…
Nhớ lại Tết nguyên đán năm 2014…
Việt Nam những ngày cận Tết nguyên đán 2018. Khoảng thời gian gần Tết nguyên đán năm 2014 đang hiện hình trở lại khi nhân vật "hốt liền, bắt liền" - trưởng ban nội chính trung ương Nguyễn Bá Thanh - được chuyên cơ y tế đưa từ Hoa Kỳ về sân bay Đà Nẵng, để sau đó dù được hệ thống tuyên giáo đảng tuyên truyền "tau khỏe mà, có chi mô", ông Thanh vẫn về nơi chín suối mà chẳng thể trăng trối được điều gì.
"Vũ về" - khối báo chí quốc doanh đang sôi lên vì nỗi thèm muốn tin tức và hơn thế là có tin tức để đăng. Nhưng cũng tương tự vụ Nguyễn Bá Thanh, mà báo chí nhà nước chỉ còn cách chạy theo mạng xã hội và chờ tin phát chính thức từ Ban Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe trung ương, vào lần này báo nhà nước cũng phải ngậm tăm chờ đợi ý chỉ của một cấp cao hơn nhiều - tổng bí thư.
"Vũ về". Năm dương lịch 2018 đã mở đầu đầy may mắn cho Nguyễn Phú Trọng, báo hiệu ông ta có thể ở vào thế "chẻ tre" với cuộc chiến nội bộ trong suốt năm nay.
Năm 2017 đầy biến động và mở màn cho chuỗi biến động ghê gớm ở những năm sau.
Từ cuối năm 2015 và trước đại hội 12, đã có tin Lê Thanh Hải và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của Trương Mỹ Lan nằm trong danh sách “bị thịt”.
Nếu vụ Đinh La Thăng bị bắt đã phá vỡ tiền lệ chính trị "ủy viên bộ chính trị không thể bị tống giam", thì sự sa cơ của trùm bất động sản Vũ "Nhôm", chứ không phải thượng tá công an Phan Văn Anh Vũ, như đánh dấu quan niệm bỏ qua ranh giới thỏa hiệp giữa các nhóm quyền lực - lợi ích mới với các nhóm quyền lực - lợi ích cũ để chính thức chuyển qua thời kỳ "tàn sát" nhau.
"Nhả" những gì đã "nuốt"
Mức độ tàn khốc và dã man của cuộc chiến phe phái luôn tỷ lệ thuận với trò chơi băng đảng thôn tính tài sản và tranh giành lãnh địa làm ăn của nhau. 5 năm trước khi Trầm Bê của Ngân hàng Phương Nam và được xem là một trong những "tay hòm chìa khóa" của gia đình thủ tướng thời đó là Nguyễn Tấn Dũng, thôn tính Sacombank (Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín) của Đặng Văn Thành, ông Thành đã suýt dính phải vòng lao lý. Nhưng cuối cùng vẫn thoát. Với điều kiện phải "nhả" Sacombank. 5 năm sau - 2017, khi Đặng Văn Thành trở lại thương trường và cùng nở nụ cười đắc thắng bên cạnh tân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đến lượt Trầm Bê sa cơn hoạn nạn. Nhưng lúc này, hoạn nạn đã không còn giản dị là mối đe dọa của cơ quan tư pháp, mà Trầm Bê đã đi thẳng vào tù.
Vũ "Nhôm" - thượng tá công an Phan Văn Anh Vũ cũng không tránh khỏi số kiếp quả báo của Trầm Bê.
Vũ - đã từng là một người quyền thế ở Đà Nẵng và có thể lọt vào hàng trăm người giàu của xứ sở điêu tàn vì nạn quan chức tận vét và tham nhũng, giờ này đang phải "nhả" một phần lớn những gì đã "nuốt". Ngay trước mắt và cái có thể thấy được sờ được là hơn ba chục ngôi nhà có gốc gác công sản mà Vũ đã từng ly từng tí, vừa dọa nạt vùa "đấm tiền vào mõm", tích góp cho mình. Chưa kể nhiều dự án bất động sản kéo theo những thị trường đất nền và căn hộ màu mỡ ở Đà Nẵng, Sài Gòn…
Nhưng "nhả" cho ai ?
Cứ nhìn vào bộ mặt "nền báo chí cách mạng" là có thể cảm nhận và đoán biết.
"Nền báo chí cách mạng"
Khác với quang cảnh đấu đá những năm trước với chỉ truyền thông mạng xã hội - được những bàn tay ẩn giấu trong nội bộ đảng chi phối, từ năm 2016 đến nay đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy báo chí nhà nước đang tăng tốc "mặt trận thứ hai", sau "mặt trận thứ nhất" là mạng xã hội.
Ngày càng nhan nhản báo nhà nước đã lao vào "đánh đấm" và quá bị nghi ngờ phục vụ cho các tập đoàn quyền lực lẫn lợi ích nhóm, trong khi những tờ báo này chẳng mấy quan tâm đến nhan nhản vấn nạn dân sinh và dân quyền bị bóc lột và bị chà đạp ở Việt Nam.
Cũng ngày càng rõ về khuynh hướng một số quan chức đã lợi dụng chủ trương "chống tham nhũng" để sử dụng báo nhà nước như "mặt trận thứ hai", để không chỉ tranh giành quyền lực mà còn tiến đến thâu tóm lãnh địa làm ăn của nhau. Một số tờ báo nhà nước cũng bởi thế lại có cơ hội "ăn bẫm".
Bối cảnh "Trung ương đánh Đà Nẵng" trong năm 2017 và được báo nhà nước chạy theo đưa tin viết bài một cách nhiệt tình hiếm thấy là một minh chứng rất sống động về "người có cơm, kẻ có cháo".
Trong khi đó, "Nhất thể hóa bộ máy và chức danh giữa Đảng và Nhà nước" - một chủ trương của đảng cầm quyền bắt đầu được thi hành trong năm 2017 - hiện đang ngày càng trở thành thời cơ bất ngờ sáng rỡ dành cho những quan chức nào đó, nhưng cũng biến thành nỗi nguy hiểm "kề dao vào cổ" đối với nhiều quan chức khác, nhất là số đầu tỉnh thành.
Sớm hay muộn đôi chút cũng sẽ diễn ra một phong trào "tái cơ cấu nhóm quyền lực" từ cấp trung ương đến cấp địa phương. Nếu đại hội 12 vào đầu năm 2016 của đảng cầm quyền chỉ nhằm giải quyết chủ đề "bất cứ ai trừ Dũng", các hội nghị trung ương 5 và 6 trong năm 2017 chỉ nhằm "xử" vài "dây" thời cũ, thì những tháng tới sẽ là một trận tổng công kích của các tập đoàn quyền lực dành cho nhau, giữa nhóm quyền lực mới đối với nhóm quyền lực cũ, và cả giữa các nhóm quyền lực mới với nhau. Đà Nẵng của Sungroup, Sài Gòn của Vạn Thịnh Phát, Kiên Giang của Nguyễn Thanh Nghị… có thể là những cái tên đầu tiên được "thí điểm hồi tố".
Sau Vũ "Nhôm" là đại gia nào ?
Ai là "nạn nhân" tiếp theo ?
Vạn Thịnh Phát được xếp vào hàng những công ty gia đình lớn và bí ẩn nhất Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị là bà Trương Mỹ Lan. Tập đoàn này hiện có vốn điều lệ tới 12.800 tỷ đồng, cao hơn cả Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng (9.300 tỷ đồng) và Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức với mức lần lượt là 7.200 tỷ đồng.
Chỉ riêng tại 2 công ty Công ty trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan đã sở hữu lượng cổ phần trị giá tới hơn 6.700 tỷ đồng. Với khối tài sản này, bà Lan có thể coi là một trong những người giàu nhất Việt Nam, tương đương với ông Dương Công Minh – chủ tịch tập đoàn Him Lam hay bà Lê Thị Thúy Ngà – chủ tịch tập đoàn Nam Cường.
Nhưng cái tên Vạn Thịnh Phát và bà chủ Trương Mỹ Lan lại khá bí ẩn khi thông tin cá nhân rất hiếm hoi được tiết lộ với giới truyền thông.
Cái tên Vạn Thịnh Phát thực sự được chú ý khi tại phiên xét xử bị cáo Dương Tự Trọng ngày 7/1/2014, ông Dương Chí Dũng (anh trai Dương Tự Trọng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam – Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng Hải, Bộ Giao thông vận tải) khai nhận 20 tỷ đồng để được làm dự án chuyển đổi công năng Cảng Sài Gòn của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Thành phố Hồ Chí Minh) do bà Trương Mỹ Lan làm chủ tịch.
Từ đầu tháng 8/2016 đã bắt đầu tăng cường những dấu hiệu tấn công vào Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thuộc sở hữu của gia tộc họ Trương. Một trong số những bài viết trên báo nhà nước mang tựa đề "Đại gia Trương Mỹ Lan và ‘đế chế’ Vạn Thịnh Phát đang toan tính gì ?", cho rằng "Thâu tóm hàng loạt siêu dự án rồi để "trùm mền", động cơ của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trên thị trường địa ốc Thành phố Hồ Chí Minh đang là một ẩn số vô cùng bí hiểm".
Sau đó, bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội một số bài viết mang tính móc xích về mối quan hệ "đặc biệt" giữa bà Trương Mỹ Lan với ông Lê Thanh Hải – Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2015 trở về trước. Nhiều dư luận cho rằng nhờ có sự "bảo kê" của Bí thư Hải mà Vạn Thịnh Phát đã giành được nhiều khu đất vàng để kinh doanh bất động sản, mang lại một khoản lợi nhuận khổng lồ cho tập đoàn này.
Ngày 27/10/2017, một số tờ báo nhà nước bất chợt đăng tin lạ : "Bà Trương Mỹ Lan và 9 người nhà rút hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam".
Rất đáng chú ý, bản tin trên lại kèm theo một nội dung được trích từ văn bản pháp quy mà chỉ áp dụng đối với những trường hợp bị xem là phạm tội : "Khoản 2 Điều 27 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 quy định : Người xin thôi quốc tịch Việt Nam chưa được thôi quốc tịch Việt Nam, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây : a) Đang nợ thuế đối với Nhà nước hoặc đang có nghĩa vụ tài sản đối với cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân ở Việt Nam ; b) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự ; c) Đang chấp hành bản án, quyết định của Toà án Việt Nam ; d) Đang bị tạm giam để chờ thi hành án…"
Khó mà nghi ngờ rằng bản tin "Bà Trương Mỹ Lan và 9 người nhà rút hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam" không có "mùi". Đó là một thứ mùi rất đặc trưng của thời đại : sau đại hội 12, những nhóm quyền lực và lợi ích mới nổi lên để thay thế và tìm cách "nuốt" những nhóm quyền lực và lợi ích cũ, đặc biệt từ giữa năm 2016 khi chiến dịch "chống tham nhũng" được Tổng bí thư Trọng tung ra đã bị không ít kẻ lợi dụng như một bình phong để bắt những kẻ khác phải "ói" ra.
Từ cuối năm 2015 và trước đại hội 12, đã có tin Lê Thanh Hải và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của Trương Mỹ Lan nằm trong danh sách "bị thịt".
Sau đại hội 12, ông Lê Thanh Hải bị loại khỏi Bộ chính trị, không còn giữ chức bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và coi như "hạ cánh". Ông Hải cũng bị một số dư luận đồn đoán là "một trong những người tham nhũng và giàu nhất Việt Nam".
Ngày càng hiện rõ triển vọng trong thời gian không bao lâu nữa, một thế lực chính trị và tài phiệt nào đó sẽ hất cẳng Vạn Thịnh Phát, và do đó hất cẳng cả cựu bí thư Lê Thanh Hải theo cách "của thiên trả địa".
Đó cũng là cách mà những con cá mập ở Việt Nam vẫn hàng ngày đớp nuốt lẫn nhau, sau khi dạ dày của chúng đã thỏa thuê phần xương thịt của dân chúng.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 03/01/2018
Rất nhanh, chỉ trong vài ba ngày, vụ đào thoát của trùm bất động sản Vũ "Nhôm" vào những ngày cuối năm 2017 đã được quốc tế hóa để trở thành một scandal của thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ vào đầu năm 2018, đầy hứa hẹn cho một trận xung đột mới toanh trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam, thậm chí còn có thể "máu lửa" hơn cả vụ "ai bảo kê cho Trịnh Xuân Thanh trốn" và "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh".
Bà Petra Schlagenhauf - luật sư đại diện cho Trịnh Xuân Thanh tại Đức : nếu người này có thông tin ai là người ra lệnh cho vụ bắt cóc thì điều này sẽ rất đáng chú ý. Điều này là quan trọng đối với phía Đức
Vũ có "hồ sơ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" ?
Bất kể hệ thống tuyên giáo đảng và báo chí nhà nước ở Việt Nam vẫn gần như im thin thít theo đúng tinh thần vụ "tau khỏe mà, có chi mô" của bệnh nhân ung thư kiêm trưởng ban nội chính trung ương Nguyễn Bá Thanh vào khoảng thời gian gần tết nguyên đán năm 2014, nhiều hãng tin quốc tế đã dồn dập đưa tin Phan Văn Anh Vũ đã chính thức gửi đơn xin tị nạn chính trị cho các cơ quan tư pháp và ngoại giao của Chính phủ Đức và Hoa Kỳ. Đến ngày 3/1/2017, còn có thông tin từ Đức cho biết "nguyện vọng của ông Phan Văn Anh Vũ được tới Đức khai báo người chủ mưu cùng toàn bộ đường dây tổ chức bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin đã được Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp Đức tiếp nhận".
Chỉ một ngày trước đó và rất có thể không hề ngẫu nhiên, một luồng thông tin có địa chỉ trên mạng xã hội đã khẳng định rằng Phan Văn Anh Vũ còn có cả hồ sơ và những bằng chứng về vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" mà Vũ đang muốn chuyển cho người Đức như một điều kiện để đổi lấy cơ chế tị nạn chính trị cho bản thân.
Cũng trước đó, một vài trang báo điện tử ngoài nước và một số trang facebook ở Việt Nam lẫn ở nước ngoài đã đưa tin về vụ Phan Văn Anh Vũ đã tẩu thoát trót lọt, và là một tình báo viên công an, Phan Văn Anh Vũ đang nắm trong tay một bản danh sách mạng lưới tình báo viên của công an Việt Nam ở nước ngoài và nhiều công ty "bình phong" của ngành công an. Nếu danh sách gián điệp này và các công ty "bình phong" bị Phan Văn Anh Vũ tiết lộ, sẽ xảy đến vô khối chao đảo trong nội bộ ngành công an…
Khỏi phải nói thêm rằng người Đức quan tâm đến vụ thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ, chứ không phải trùm bất động sản Vũ "Nhôm", đến thế nào.
Vũ có được "bơm" tài liệu ?
Chẳng hiểu từ đâu và do duyên cớ nào, người Đức lại phát hiện ra Trịnh Xuân Thanh biến mất khỏi Đức vào cuối tháng Bảy năm 2017 không phải một cách tự do mà bị mật vụ Việt Nam cưỡng bức. Vậy là phát sinh cuộc khủng hoảng "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh", kéo theo di chứng khủng hoảng ngoại giao Đức - Việt cho tới nay.
Từ đó đến nay, những thông tin từ phía Bộ Ngoại giao Đức và báo chí quốc tế cho thấy người Đức vẫn kiên nhẫn điều tra vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh".
Không sau tuyên bố phản đối, người Đức đã thẳng tay tạm thời đình chỉ mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam - một mức độ trừng phạt thuộc loại cao nhất. Chưa kể đến việc Đức trục xuất một loạt quan chức ngoại giao của Việt Nam và hủy luôn hiệp định giữa hai nước về miễn visa cho quan chức Việt Nam đi công cán ở Đức.
Chưa hết, hậu quả cuộc khủng hoảng Đức - Việt có thể còn lan rộng cả Châu Âu, mà bằng chứng ngay trước mắt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA) đang trở nên xương xẩu hơn rất nhiều so với cách đây chỉ nửa năm…
Cho đến nay, vẫn còn nhiều dư luận cho rằng Tổng bí thư Trọng - người đã phát lệnh "bằng mọi cách tìm bắt Trịnh Xuân Thanh về nước quy án" - là nhân vật phải chịu trách nhiệm cao nhất trong cuộc khủng hoảng Đức-Việt.
Một dấu hỏi lớn đang nổi lên là thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ có nắm được "hồ sơ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh", hay ít nhất cũng thủ trong mình một số bằng chứng nào đó về vụ việc chấn động này, để "làm quà" và đổi chác với cơ quan tư pháp Đức, hay không ?
Hoặc giả sử Phan Văn Anh Vũ không nằm trong diện cán bộ tình báo được biết về vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh", liệu Vũ có được một thế lực chính trị nào đó trong nội bộ "bơm" cho tài liệu về vụ việc này ?
Nếu Vũ đã "khai sạch" ?
Tính chất nghiêm trọng của vụ Phan Văn Anh Vũ đã trở nên cực kỳ nghiêm trọng đối với nội bộ đảng khi bà Petra Schlagenhauf - luật sư đại diện cho Trịnh Xuân Thanh tại Đức - trả lời câu hỏi :
"Có thông tin một sĩ quan an ninh Việt Nam đã chạy sang Singapore và có thông tin để có thể cung cấp cho phía Đức về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Nếu đúng là như vậy thì theo bà điều này có ý nghĩa gì ?" của Đài Á Châu Tự Do, đã nhận định "Có thể là nếu người này có thông tin ai là người ra lệnh cho vụ bắt cóc thì điều này sẽ rất đáng chú ý. Điều này là quan trọng đối với phía Đức".
Trên phương diện nội bộ đảng cầm quyền ở Việt Nam, giờ đây vấn đề không chỉ là cuộc xung đột giữa cánh của Vũ "Nhôm" với Huỳnh Đức Thơ - chủ tịch thành phố Đà Nẵng, người được cho là "thân với Thủ tướng Phúc", mà đã dắt dây lên cả "trung ương".
Ngay sau khi Vũ "Nhôm" đào thoát, có những dấu hiệu cho thấy Bộ Chính trị đảng không xem vụ này là bình thường và do đó đã tổ chức cả một "chuyên án" để "bằng mọi cách bắt bằng được Phan Văn Anh Vũ về quy án" như một quyết tâm tương tự vào tháng Tư năm 2017 đối với Trịnh Xuân Thanh.
Nếu quả thực đã xảy ra vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" như cáo buộc của Chính phủ Đức, những nhân vật chỉ đạo vụ bắt cóc có thể đang lo lắng đến mất ngủ trước thông tin, dù chưa được kiểm chứng, về Phan Văn Anh Vũ nắm được "hồ sơ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh". Hậu quả kinh khủng nào sẽ xảy ra đối với họ nếu như quả thực trong vài ngày qua và trong những ngày sắp đến, "kẻ phản bội" Phan Văn Anh Vũ tiếp xúc được với phía Đức và "khai sạch" để đổi lấy "quy chế tị nạn chính trị" - điều tương tự với tình báo viên Litvinenko của Nga đã đào thoát và tị nạn ở nước khác ?
Một đường dây bảo kê cho Vũ ?
Nhưng ngược hẳn với mong muốn tha thiết cùng quyết tâm chưa từng có về chuyện "bắt bằng được Phan Văn Anh Vũ" của Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng bí thư Trọng, những quan chức đã từng "ăn chịu" với trùm bất động sản Vũ "Nhôm" hoặc với thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ lại mất ngủ sau khi Vũ "Nhôm" bị khám nhà, đã tạm thở phào khi Vũ "Nhôm" bỏ trốn, sẽ tiếp tục mất ngủ và cả mất ăn khi nghe tin mạng xã hội về vụ Vũ "Nhôm" sẽ bị "dẫn độ" về Hà Nội.
Chưa kể một đường dây (nếu có) đã bảo kê cho Vũ "Nhôm" lặng biến khỏi Việt Nam…
Nếu thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ sớm bị "dẫn độ" về Việt Nam, rất có thể "chuyên án" của Bộ Chính trị đảng sẽ sớm biết rõ Phan Văn Anh Vũ đã có hay không, và nếu có thì có được những tài liệu nội bộ thuộc độ "Mật", thậm chí "Tuyệt Mật" nào về những vấn đề nghiệp vụ của ngành công an, hay những tài liệu về mối quan hệ ngầm trong giới quan chức lãnh đạo ra sao - những bằng chứng mà có thể đủ sức "giết sống" nhiều quan chức đang tại vị.
Dù chỉ được đánh giá là một con chốt, nhưng Vũ "Nhôm" lại có vai trò như một "hồ sơ sống" đối với nhiều quan chức, và Phan Văn Anh Vũ có thể tác động lớn đối với bàn cờ tương quan quyền lực và xung đột chính trị ở Việt Nam.
Phan Văn Anh Vũ cũng rất có thể đóng vai trò đột phá khẩu cho bất kỳ phe phái nào biết lợi dụng nhân vật mà bị một số dư luận xem là "tình báo hai mang" này.
Nếu Phan Văn Anh Vũ bị lôi về Việt Nam, gần như chắc chắn đó sẽ là đại án. Đại án không chỉ về kinh tế và tham nhũng mà còn về "an ninh quốc gia" và chính trị. Và đó sẽ là cơ sở rất quan trọng để ông Trọng sẽ ngay lập tức tiến hành một kế hoạch không chỉ "chấn chỉnh nội bộ" mà còn có thể cải tổ Bộ Công An - một động thái mà Tập Cận Bình đã làm đến mức "long trời lở đất" bắt đầu từ mùa Xuân năm 2014.
Việt Nam có "mời" được Vũ ?
Khả năng "mời" Phan Văn Anh Vũ về Việt Nam không quá nhỏ. Bởi nếu Trịnh Xuân Thanh đã có một thời gian đủ dài tạm trú ở Đức và đã làm hồ sơ xin tị nạn ở nước này, Phan Văn Anh Vũ chỉ mới ở Singapore mà còn chưa đặt chân lên đất Đức.
Phan Văn Anh Vũ cũng quá khó để được cơ quan Cao ủy tỵ nạn Liên hiệp quốc (UNHCR) cấp quy chế tị nạn để được Liên Hợp Quốc bảo vệ theo Công ước về vị thế của người tỵ nạn 1951.
Và còn lâu Phan Văn Anh Vũ mới trở thành "người đấu tranh nhân quyền" để được cộng đồng nhân quyền quốc tế quan tâm, tác động với các chính phủ phương Tây cho Vũ tị nạn chính trị.
Cơ hội tị nạn mong manh của Phan Văn Anh Vũ và số phận của những quan chức Việt Nam đỡ đầu cho Vũ "Nhôm" chỉ còn tùy thuộc vào Chính phủ Singapore.
Tuy vậy, giữa Singapore và Việt Nam lại chưa có hiệp định nào về dẫn độ tội phạm. Vậy kịch bản nào có thể xảy ra nếu Hà Nội quyết "mời" Phan Văn Anh Vũ về nước ?
Luật sư Phùng Thanh Sơn - Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp ở Sài Gòn - đã nêu ra một nhận định đáng chú ý trên BBC : "Theo nhận định chủ quan của tôi, vị thế kinh tế lẫn chính trị của Việt Nam đang ở top dưới của thế giới và thuộc top trung của khu vực Đông Nam Á nên khả năng dẫn độ tội phạm thành công trên nguyên tắc có đi có lại là không cao, đặc biệt khi tội phạm đang cư trú tại quốc gia có vị thế kinh tế lẫn chính trị cao hơn Việt Nam".
Ngoài vấn đề "vị thế của Việt Nam", còn có một yếu tố khác, có thể quan trọng không kém, mà sẽ khiến việc "dẫn độ" Phan Văn Anh Vũ về Việt Nam trở nên chậm chạp đến mức khiến các ông Trọng và Phúc "lên ruột’. Đó là cách nhìn và cách hành xử của người Đức về vụ Phan Văn Anh Vũ.
Trong trường hợp Phan Văn Anh Vũ có được "hồ sơ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" và sẵn sàng trình hồ sơ này ra để đổi lấy trạng thái an toàn cho mình, đó sẽ là một giá trị không nhỏ với Đức. Khi đó, xác suất Vũ được tị nạn chính trị ở Đức có thể vượt hơn 50%.
Nhưng ngay cả nếu Phan Văn Anh Vũ chẳng có "hồ sơ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh", cũng chẳng có "danh sách tình báo viên ngoại tuyến", và nói chung là chẳng có được tài liệu nào có giá trị về phương diện hoạt động tình báo, nước Đức vẫn có thể dành cho Vũ một mức độ quan tâm nào đấy, có thể đàm phán với Singapore để kéo dài quá trình điều tra xác minh và những thủ tục pháp lý quốc tế liên quan đến việc xem xét đơn xin tị nạn chính trị của Phan Văn Anh Vũ. Nhưng động thái này không phải để Vũ được tị nạn chính trị, mà đó chỉ thuần túy là một biện pháp trừng phạt mới đối với chính thể Việt Nam trong vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh".
Phạm Chí Dũng
Nguồn : 03/01/2018
Trên bàn cờ tương quan quyền lực và xung đột chính trị ở Việt Nam, tuy chỉ được đánh giá là một con chốt, nhưng Vũ "nhôm" – tức đại gia bất động sản Phan Văn Anh Vũ – lại rất có thể đóng vai trò đột phá khẩu cho bất kỳ phe phái nào biết lợi dụng nhân vật mà bị một số dư luận xem là "tình báo hai mang" này.
Phan Văn Anh Vũ. (Hình : Zing)
Con chốt đột phá khẩu
Nguồn cơn nguy hiểm nhất là Vũ "nhôm" không chỉ là kẻ trục lợi chính sách nhà đất, mà còn là thượng tá công an – theo chính một tiết lộ của người được xem là "cánh anh Phúc" – tân Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa.
Vào tháng Tư, 2017, thời điểm bắt đầu bùng nổ cuộc chiến "nội bộ Đà Nẵng rất đoàn kết" giữa bí thư là Nguyễn Xuân Anh và chủ tịch là Huỳnh Đức Thơ, trên mạng xã hội đã bất thần xuất hiện những tài liệu từ một nguồn ẩn danh cho thấy Phan Văn Anh Vũ chính là sĩ quan tình báo của Bộ công an, hàm cấp tá, bí số AV75, còn Nova 79 nơi Phan Văn Anh Vũ là chủ tịch Hội đồng quản trị lại là "công ty bình phong" của Tổng cục Tình báo Bộ công an.
Tài liệu trên, cho dù không thể kiểm chứng được về mức độ chính xác, nhưng đã khiến dư luận xã hội xôn xao. Có người còn gọi đó là cuộc chiến lợi ích giữa hai cơ quan tình báo – một quân đội và bên kia là công an.
Với vai trò là một thượng tá tình báo, Phan Văn Anh Vũ rất có thể đã có điều kiện tiếp cận với nhiều tài liệu nội bộ thuộc độ "Mật", thậm chí "Tuyệt Mật" về những vấn đề nghiệp vụ của ngành công an. Nhưng vào thời buổi mà đặc thù to lớn nhất của một bộ phận trong lực lượng vũ trang không phải công tác tình báo mà là "nhảy múa kiếm cơm" qua vô khối động tác "bình phong" để trục lợi chính sách, mối quan tâm hàng đầu của số này là "phe cánh chính trị" và những tài liệu mang tính bằng chứng về mối quan hệ ngầm trong giới quan chức lãnh đạo, những phi vụ "xămxônai" (cách gọi loại vali chứa đầy đô la) mà các quan chức "lại quả" cho nhau, hoặc những hình ảnh sống động về giới quan chức đã thác loạn với gái trên giường… Tất cả những loại bằng chứng đó đều được dùng cho "biện pháp nghiệp vụ ngành", nghĩa là khi điều kiện cho phép sẽ được mang ra khống chế nhau. Chẳng thế mà có dư luận bức bối về câu chuyện Vũ "nhôm" từng mang súng ngắn đi "đàm phán hợp đồng".
Giờ đây, kẻ mà có thể tích trữ không chỉ nhiều triệu đô la mà còn hàng tá tài liệu thói hư tật xấu và đấu đá nội bộ của quan chức – tái hiện kịch bản Trịnh Xuân Thanh cuối năm 2016 – đã biến mất. Biến mất ngay trước mũi Công an Đà Nẵng, Bộ công an và Tổng bí thư Trọng.
Hãy nhìn lại vụ Trịnh Xuân Thanh.
Những tiền lệ đào thoát
Vào giữa năm 2016, khi tung ra chiến dịch truy buộc Trịnh Xuân Thanh bằng vụ xe Lexus ở Hậu Giang cùng khoản lỗ hơn 3.200 tỷ đồng (hơn 141,1 triệu USD) thời Thanh còn là tổng giám đốc ở công ty PVC, lỗ hổng lớn nhất của Tổng Trọng là đã "quên" không đóng cửa biên giới đường bộ, đường thủy và đường không. Hậu quả là không chỉ Trịnh Xuân Thanh biến mất chỉ vài tháng sau đó, mà vụ biến mất này chắc chắn đã được giúp sức bởi một thế lực đủ mạnh và đủ "biện pháp nghiệp vụ" để cho tới nay, bất chấp nhiều bức bối cùng chỉ trích của cán bộ và tướng lĩnh lão thành, vẫn chẳng có một manh mối nào về việc ai và thế lực nào đã bảo kê cho Trịnh Xuân Thanh đào tẩu khỏi Việt Nam ngay trước mũi tổng bí thư.
Thế lực giấu mặt trên không chỉ mang ý nghĩa nhỏ bé như một hành động chọc tức và khiêu khích đối với Tổng Trọng, mà lớn lao hơn thế nhiều, có thể trở thành một loại đối trọng chính trị theo đúng nghĩa đen của từ điển chính trị học, trở thành tương lai ám ảnh đối với tương lai chính trị có thể còn kéo dài đến ít ra cuối đại hội 12 của tổng bí thư hiện tại.
Trước vụ Trịnh Xuân Thanh là vụ Dương Chí Dũng Vinashin năm 2012. Khi Dũng sắp bị bắt, "một lãnh đạo Bộ công an" đã ngầm báo tin cho Dũng để bỏ trốn. Được sự giúp sức của em ruột là Dương Tự Trọng – phó giám đốc Công an Hải Phòng, Dương Chí Dũng đã đào thoát thành công ra nước ngoài. Dũng chỉ bị bắt lại 4-5 tháng sau đó. Cũng sau đó đã xảy ra một vụ scandal lớn trong ngành công an Việt Nam.
Còn vào lần này và ứng với vụ Vũ "nhôm", liệu có scandal nào ? Nếu có thì liên đới những quan chức công an hay quan chức đảng nào ?
Và dấu hỏi quan trọng không kém là nếu đúng là có những quan chức bị liên đới trên, họ thuộc "phe" nào ?
Vũ "nhôm" biết trước ?
Tín hiệu rõ ràng nhất cho tương lai một scandal lớn hoặc rất lớn là ngay từ tháng Tư, 2017, khi cuộc xung đột Đà Nẵng còn bất phân thắng bại, Vũ "nhôm" đã thoái sạch vốn khỏi hàng loạt công ty.
Theo một điều tra riêng của kênh truyền thông nhà nước VTC, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty cổ phần Xây Dựng Bắc Nam 79 sửa đổi ngày 26 tháng Tư, 2017, cho thấy ông Phan Văn Anh Vũ đã rút toàn bộ 650 tỷ đồng (hơn 28,6 triệu USD), tương đương 92,86% vốn.
Tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Minh Hưng Phát (nay đổi tên thành công ty trách nhiệm hữu hạn Phú Gia Compound) – pháp nhân tặng cựu Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh xe Toyota Avalon để sử dụng, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi ngày 7 tháng Tư, 2017, thể hiện ông Phan Văn Anh Vũ đã rút toàn bộ 40 tỷ đồng (hơn 1,7 triệu USD), tương đương 80% vốn điều lệ của doanh nghiệp trên.
Với siêu dự án Vầng Trăng Khuyết (The Sunrise Bay), hai pháp nhân liên quan đến ông Vũ "nhôm" là Công ty cổ phần Xây Dựng 79 và Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79 từ ngày 19 tháng Tư, 2017, đến 28 tháng Sáu, 2017, đã rút 100% vốn tại dự án trên.
Bản thân Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79 hiện cũng không còn cổ phần của ông Phan Văn Anh Vũ và đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu Tư và Phát Triển Chấn Phong…
Trừ Dương Chí Dũng khá cập rập mà đã không thể thu vén toàn bộ tài sản tiền bạc, cả Trịnh Xuân Thanh lẫn Vũ "nhôm" đều có đủ thời gian để tẩu tán rất gọn.
Tình thế hiện thời là còn chưa xử lý xong "ruồi Thanh", Tổng Trọng lại bị thách thức bởi Vũ "nhôm", và do đó ông Trọng vẫn phải đối mặt với một đối thủ chính trị ngầm ẩn và nguy hiểm mà có thể sẵn sàng làm ông thất bại cục bộ hoặc thậm chí hất ông khỏi ghế tổng bí thư vào một lúc nào đó.
Liệu ông Trọng có cam chịu ngồi yên để cấp dưới qua mặt mình và đến một lúc nào đó sẽ hất đổ mình ?
Sẽ là đại án "an ninh quốc gia ?"
Nếu vào thời gian trước tháng Mười Hai, 2017, câu trả lời có vẻ nghiêng về hướng "bất lực" trong tâm thế Tổng bí thư Trọng, thì từ tháng Mười Hai, 2017, khi "vượt qua sợ hãi" bằng việc phát lệnh bắt cựu Ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng, ông Trọng đã dường như chấp nhận không thể lùi, và thực tế cũng không còn đường lùi, để từ đó chỉ tiến và tiến.
Một kịch bản nhiều khả năng xảy ra là sau vụ Vũ "nhôm" đào thoát, Tổng bí thư Trọng sẽ nổi cơn lôi đình, sẽ chỉ đạo "bằng mọi cách bắt bằng được Phan Văn Anh Vũ về quy án", như một quyết tâm tương tự vào tháng Tư, 2017, đối với Trịnh Xuân Thanh.
Khả năng bắt được Vũ "nhôm" lại có thể sáng sủa hơn dĩ vãng trầy trật và quá tai tiếng với Trịnh Xuân Thanh. Sau vụ Trịnh Xuân Thanh, Interpol quốc tế đã cảnh giác cao độ với các quan chức tham nhũng Việt Nam đào tẩu ra nuốc ngoài. Còn vụ bắt Đinh La Thăng đã phát ra dấu hiệu cho thấy lần đầu tiên ông Trọng "khiển" được Bộ công an.
Dù chỉ được đánh giá là một con chốt, nhưng Vũ "nhôm" lại có một vai trò "hồ sơ sống" đối với nhiều quan chức, và có thể tác động lớn đối với bàn cờ tương quan quyền lực và xung đột chính trị ở Việt Nam.
Nếu Vũ "nhôm" bị bắt, gần như chắc chắn đó sẽ là đại án. Đại án không chỉ về kinh tế và tham nhũng mà còn về "an ninh quốc gia" và chính trị.
Lệnh truy nã của Cơ quan An ninh điều tra Bộ công an đối với Phan Văn Anh Vũ bị khởi tố do có hành vi "Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước" đã phác ra bức tranh đại án "an ninh quốc gia" và chính trị ấy.
Nhưng có lẽ chưa cần bắt được Vũ "nhôm", Tổng bí thư Trọng sẽ ngay lập tức đề ra một kế hoạch không chỉ "chấn chỉnh nội bộ" mà còn có thể cải tổ Bộ công an – một động thái mà Tập Cận Bình đã làm đến mức "long trời lở đất" bắt đầu từ mùa Xuân năm 2014.
Phạm Chí Dũng
Chỉ ít ngày sau khi thượng tá công an Phan Văn Anh Vũ - trùm bất động sản Vũ "Nhôm" - biến mất ngay trước mũi các tuyến trinh sát của Công an Đà Nẵng, Bộ Công an, vụ Vũ "Nhôm" đang có những dấu hiệu trở thành một vụ "Trịnh Xuân Thanh thứ hai".
Trịnh Xuân Thanh trên truyền thông Đức.
Những tương đồng Vũ "Nhôm" - Trịnh Xuân Thanh
Một vài trang báo điện tử ngoài nước và một số trang facebook ở Việt Nam lẫn ở nước ngoài bắt đầu đưa tin về vụ Vũ "Nhôm" đã tẩu thoát trót lọt, đã có thể ung dung ở một chân trời nào đó ngoài biên giới Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Không chỉ có thế, là một tình báo viên công an, Vũ "Nhôm" đang nắm trong tay một bản danh sách mạng lưới tình báo viên của công an Việt Nam ở nước ngoài và nhiều công ty "bình phong" của ngành công an. Nếu danh sách gián điệp này và các công ty "bình phong" bị Vũ "Nhôm" tiết lộ, sẽ xảy đến vô khối chao đảo trong nội bộ ngành công an…
Bầu không khí mô tả trên về "lợi thế so sánh" của Vũ "Nhôm" là tương đồng, hoặc chính xác hơn là rất tương đồng, với cách thức "dàn trận" của nhóm truyền thông lợi ích chỉ ít ngày sau Trịnh Xuân Thanh biến khỏi Việt Nam vào nửa cuối năm 2016, cũng là khoảng thời gian mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, có thể đã hoảng hốt trước vụ Trịnh Xuân Thanh và cả tổng biên tập báo Petrotimes - đại tá an ninh Nguyễn Như Phong "phản thùng", phải mở cả một hội nghị trung ương 4 để răn đe về hành vi "tự diễn biến, tự chuyển hóa".
Ai và thế lực nào đã báo tin và giúp cho Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ?
Đó vẫn là nỗi đau không thể nói thành lời của Tổng bí thư Trọng.
Một điểm tương đồng, không biết chỉ là ngẫu nhiên hay mang tính chủ ý, giữa câu chuyện "ra đi tìm đường cứu nước" của Vũ "Nhôm" và Trịnh Xuân Thanh là cả hai nhân vật này dường như chỉ thoát khỏi vòng vây theo dõi vào khoảng thời gian ngắn ngủi cuối cùng.
Trong vụ Trịnh Xuân Thanh, vào khoảng quý 3 năm 2016, Bộ Công an sùng sục khám xét nhà Trịnh Xuân Thanh, báo chí nhà nước chạy theo tường thuật sôi động, nhưng đột nhiên tất cả đều im bặt. Trịnh Xuân Thanh đã biến mất không một dấu vết.
Hơn một năm sau, đoạn phim trên được công chiếu lại. Vào buổi tối 21/12/2017, khi nhiều tờ báo nhà nước sôi nổi và ồn ào đưa tin "Bộ công an khám nhà Vũ "Nhôm"", thì lại không có tin tức hay hình ảnh nào về việc đại gia Phan Văn Anh Vũ này đã chính thức bị khởi tố bắt giam. Toàn bộ hình ảnh "khám nhà" mà báo chí nhà nước đăng tải chỉ là bề mặt ngôi nhà của Vũ "Nhôm" mà không hề thấy cảnh đại gia này bị công an áp sát hay tra tay vào còng ở trong nhà.
Nếu Vũ "Nhôm" trở thành "Trịnh Xuân Thanh thứ hai" ?
Sau khi Vũ "Nhôm" biến mất, các cơ quan công an đã tìm cách đổ trách nhiệm cho nhau. Trước câu hỏi của báo chí về trách nhiệm quản lý của Công an TP.Đà Nẵng và "việc điều tra Vũ 'nhôm' tiến hành đã lâu, sao vẫn để ông Vũ biến mất ?", Phó giám đốc Công an TP. Đà Nẵng Trần Đình Liên giải thích chủ trì vụ án này là Bộ Công an, Công an Đà Nẵng chỉ là đơn vị phối hợp.
Dấu hỏi bật ra là cơ quan công an đã quan liêu đến mức không biết Vũ "Nhôm" đã xa chạy cao bay mà vẫn "khám nhà" như một thói quen, hay đã biết trước đó và đã phát sinh một cơn hoảng loạn trước đó trong nội bộ công an từ cấp thành phố Đà Nẵng đến Bộ Công an, để sau đó đành làm động tác khám nhà Vũ "Nhôm" như một thủ tục "cho có" ?
Cần nhắc lại, cho đến tận bây giờ, bất chấp nhiều bức bối cùng chỉ trích của cán bộ và tướng lĩnh lão thành, vẫn chẳng có bất cứ tin tức nào được công bố về việc ai và thế lực nào đã bảo kê cho Trịnh Xuân Thanh đào tẩu khỏi Việt Nam ngay trước mũi tổng bí thư. Hậu quả của vụ việc mà ai cũng hiểu là có xuất xứ từ "xung đột nội bộ" này là vụ "tàng hình" ấy chắc chắn đã được giúp sức bởi một thế lực đủ mạnh và đủ "biện pháp nghiệp vụ", và thế lực giấu mặt này không chỉ mang ý nghĩa nhỏ bé như một hành động chọc tức và khiêu khích đối với Tổng Trọng, mà lớn lao hơn thế nhiều, có thể trở thành một loại đối trọng chính trị theo đúng nghĩa đen của từ điển chính trị học, trở thành tương lai ám ảnh đối với tương lai chính trị có thể còn kéo dài đến ít ra cuối đại hội 12 của tổng bí thư hiện tại.
Chưa bao giờ ông Nguyễn Phú Trọng cùng nhóm quyền lực khuynh đảo trong đảng cầm quyền lại bị vỗ mặt bởi những thách thức vừa khiêu khích vừa sẵn sàng ra đòn hạ độc như hiện thời. Vụ Trịnh Xuân Thanh chắc chắn đã khiến ông Trọng khó ăn khó ngủ, còn nếu Vũ "Nhôm" trở thành "Trịnh Xuân Thanh thứ hai" thì tình thế sẽ "biến" đến thế nào ?
Sau khi Trịnh Xuân Thanh đào tẩu thành công vào năm 2016, những trang mạng thuộc phe Thanh hoặc ủng hộ nhân vật này đã đưa tin về việc Trịnh Xuân Thanh nắm trong tay nhiều tài liệu "chết người" - những tài liệu mà nếu bị bắt thì Thanh có thể "làm sụp đổ cả một vương triều". Tuy thực tế sau đó cho thấy Trịnh Xuân Thanh đã không công bố được tài liệu nào đủ mô tả chiều sâu về những bê bối cung đình của giới quan chức, cũng không có tài liệu nào vẽ ra bức tranh tài sản của giới quan chức như trang Chân Dung Quyền Lực đã tung ra như một cơn địa chấn vào cuối năm 2014 - đầu 2015, nhưng rõ ràng Trịnh Xuân Thanh vẫn là một hồ sơ sống rất có giá trị đối chứng, ít nhất trong vụ cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng bị khởi tố và tống giam vào tháng 12/2017.
Còn giờ đây, tuy chỉ được đánh giá là một con chốt trên bàn cờ tương quan quyền lực và xung đột chính trị ở Việt Nam, nhưng Vũ "Nhôm" lại rất có thể đóng vai trò đột phá khẩu cho bất kỳ phe phái nào biết lợi dụng nhân vật mà bị một số dư luận xem là "tình báo hai mang" này.
Điều 263 : cơ hội cư trú chính trị của Vũ "Nhôm" sẽ rộng mở ?
Có một chi tiết "lạ" ứng với trường hợp Thượng tá công an Phan Văn Anh Vũ : trong khi báo chí nhà nước ồn ào đưa tin về rất nhiều dự án đất đai và nhà công sản mà Phan Văn Anh Vũ đã trục lợi chính sách để có được và làm giàu bất chính, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an lại tung ra lệnh truy nã của đối với Phan Văn Anh Vũ và khởi tố Vũ do có hành vi "Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước".
Ông Trịnh Xuân Thanh và ông Đinh La Thăng (Ảnh chụp từ VTV)
Một luồng dư luận từ chính dư luận viên của đảng nhận định rằng khi lệnh truy nã Phan Văn Anh Vũ thể hiện tội danh "Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước" theo điều 263 Bộ luật Hình sự, cơ hội cư trú chính trị của Vũ "Nhôm" sẽ rộng mở và như vậy việc bắt, di lý Vũ "Nhôm" sẽ khó khăn hơn. Và trong thực tế, cơ quan an ninh điều tra sẽ phải đối diện với muôn vàn khó khăn nếu Vũ "Nhôm" đã xuất ngoại.
Một luồng dư luận khác ở hải ngoại lại cụ thể hóa luồng dư luận trên : do Vũ có trong tay danh sách mạng lưới tình báo viên cùng danh sách các công ty bình phong và công ty sân sau của ngành công an đang hoạt động ở trong và ngoài nước, điều mà rất nhiều quốc gia sẽ chấp nhận cho Vũ được hưởng quy chế tị nạn chính trị nhằm khai thác lợi thế này.
Thực tế có thể hình dung ngay là trong tay Vũ "Nhôm" rất có thể đã nắm được những tài liệu mà khiến nhiều quan chức đang mất ngủ có thể là những tài liệu mang tính bằng chứng về mối quan hệ ngầm trong giới quan chức lãnh đạo, những phi vụ "xămxônai" (cách gọi loại vali chứa đầy đô la) mà các quan chức "lại quả" cho nhau, hoặc những hình ảnh sống động về giới quan chức đã thác loạn với gái trên giường…
Nhưng thượng tá công an Phan Văn Anh Vũ còn có thể sở hữu nhiều tài liệu nội bộ thuộc độ "Mật", thậm chí "Tuyệt Mật" về những vấn đề nghiệp vụ của ngành công an.
Và của cả những ngành khác…
Một chi tiết bên lề nhưng không thể bỏ qua là "không hiểu sao" chỉ ít ngày sau khi Vũ "Nhôm" bị đặt vào lệnh truy nã, trên mạng xã hội bất thần hiện ra một tài liệu mang tên "Báo cáo tin tình báo", trong đó đặc biệt đề cập về Vũ "Nhôm" và "phe cánh chính trị" không chỉ ở Đà Nẵng mà còn lên đến "trung ương". Không biết tài liệu này có tính xác cứ nào, nhưng địa chỉ phát hành nó là Tổng cục 2 (Tổng cục Tình báo) - Bộ Quốc phòng.
Khác nhiều với phong cách "nhanh chóng đập tan các luận điệu xuyên tạc và thù địch" mà hệ thống tuyên giáo của đảng cầm quyền thường tiến hành trong thời gian gần đây đối với một số thông tin trên mạng xã hội, cho tới nay người ta vẫn chưa thấy Bộ Quốc phòng tổ chức họp báo hay có công bố nào để phản bác "Báo cáo tin tình báo" trên.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 27/12/2017
Dù không muốn duy tâm, nhưng vẫn có một cái gì đó thật bất xứng giữa đường đi của Nguyễn Phú Trọng và Trịnh Xuân Thanh, kể từ khi hai con người này "hội ngộ".
Phùng Quang Thanh
Nguyễn Bá Thanh
Trịnh Xuân Thanh
Còn nếu tham chiếu ở góc độ cung mệnh, chắc hẳn sẽ có ai đó cho rằng phải ẩn lộ một sự khắc nhau ghê gớm giữa mệnh của Nguyễn Phú Trọng và của Trịnh Xuân Thanh.
Khắc nhau đến độ chỉ mới lần đầu tiên xảy ra xung đột, giữa hai người trên đã trở thành kẻ thù không đội trời chung.
Và khắc nhau đến mức cứ mỗi lần Tổng Trọng tìm cách ra tay "siết" Trịnh Xuân Thanh thì y như rằng lại xảy ra một hậu quả từ đủ lớn đến dữ dội.
Hai lần trước…
Lần đầu tiên, tháng Sáu năm 2016. Khi đó, Tổng Trọng vẫn còn mang dư vị của thắng lợi giòn giã tại đại hội 12. Vòng hào quang trên đầu ông chói lọi đến nỗi ông đã manh nha trở thành "Nguyễn Văn Linh thứ hai", hòng tái hiện câu chuyện "những việc cần làm ngay" của vị cố tổng bí thư này.
Lần đầu tiên "gặp Thanh", và cũng là lần đầu tiên ông Trọng bất ngờ khởi xướng chủ trương "việc cần làm ngay" của ông bằng "con cá" đầu tiên - Trịnh Xuân Thanh.
Nhưng lỗ hổng lớn nhất của Tổng Trọng là khi tung ra chiến dịch truy buộc Trịnh Xuân Thanh bằng vụ xe Lexus ở Hậu Giang cùng khoản lỗ hơn 3.200 tỷ đồng thời Thanh còn là tổng giám đốc ở Công ty PVC, ông Trọng đã "quên" không đóng cửa biên giới đường bộ, đường thủy và đường không. Hậu quả là không chỉ Trịnh Xuân Thanh biến mất chỉ vài tháng sau đó, mà vụ biến mất này chắc chắn đã được giúp sức bởi một thế lực đủ mạnh và đủ "biện pháp nghiệp vụ" để cho tới nay, bất chấp nhiều bức bối cùng chỉ trích của cán bộ và tướng lĩnh lão thành, vẫn chẳng có một manh mối nào về việc ai và thế lực nào đã bảo kê cho Trịnh Xuân Thanh đào tẩu khỏi Việt Nam ngay trước mũi tổng bí thư.
Ngay cả sau vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" theo cáo buộc của nhà nước Đức vào tháng Tám năm 2017, từ đó đến nay vẫn không một cơ quan có trách nhiệm nào, từ Bộ Công an đến Tổng cục 2 Bộ Quốc phòng, và cả Ủy ban Kiểm tra trung ương hay Ban Nội chính trung ương hé ra một chi tiết nào về lực lượng chính trị giấu mặt đã giúp Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn.
Hơn ai hết, Tổng bí thư Trọng muốn biết lực lượng đó là những ai.
Bởi thế lực giấu mặt trên không chỉ mang ý nghĩa nhỏ bé như một hành động chọc tức và khiêu khích đối với Tổng Trọng, mà lớn lao hơn thế nhiều, có thể trở thành một loại đối trọng chính trị theo đúng nghĩa đen của từ điển chính trị học, trở thành tương lai ám ảnh đối với tương lai chính trị có thể còn kéo dài đến ít ra cuối đại hội 12 của tổng bí thư hiện tại.
Nhưng hoặc ông Trọng đã không thể biết được cho dù Trịnh Xuân Thanh đã khai sạch sẽ, hoặc có biết cũng đành "ngậm đắng nuốt cay". Tình thế hiện thời là sau "ruồi Thanh", Tổng Trọng vẫn phải đối mặt với một đối thủ chính trị ngầm ẩn và nguy hiểm mà có thể sẵn sàng làm ông thất bại cục bộ hoặc thậm chí hất ông khỏi ghế tổng bí thư vào một lúc nào đó.
Lần thứ hai Tổng Trọng "gặp" Trịnh Xuân Thanh, tháng Bảy năm 2017 - khoảnh khắc định mệnh. Chẳng hiểu từ đâu và do duyên cớ nào, người Đức lại phát hiện ra Trịnh Xuân Thanh biến mất khỏi Đức không phải một cách tự do mà bị mật vụ Việt Nam cưỡng bức. Vậy là phát sinh cuộc khủng hoảng "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh", kéo theo di chứng khủng hoảng ngoại giao Đức - Việt cho tới nay.
Nhiều dư luận cho rằng Tổng bí thư Trọng - người đã phát lệnh "bằng mọi cách tìm bắt Trịnh Xuân Thanh về nước quy án" - là nhân vật chịu trách nhiệm cao nhất trong cuộc khủng hoảng Đức- Việt.
Nhưng hậu quả của lần thứ hai này mới chấn động làm sao ! Không ai ngờ là chẳng bao lâu sau tuyên bố phản đối, người Đức đã thẳng tay tạm thời đình chỉ mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam - một mức độ trừng phạt thuộc loại cao nhất. Chưa kể đến việc Đức trục xuất một loạt quan chức ngoại giao của Việt Nam và hủy luôn hiệp định giữa hai nước về miễn visa cho quan chức Việt Nam đi công cán ở Đức.
Chưa hết, hậu quả cuộc khủng hoảng Đức - Việt có thể còn lan rộng cả châu Âu, mà bằng chứng ngay trước mắt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) đang trở nên xương xẩu hơn rất nhiều so với cách đây chỉ nửa năm.
Lần thứ ba ?
Còn bây giờ là lần thứ ba hai người "hội ngộ". Những ngày cuối tháng 11/2017, Tổng Trọng phát lệnh cho Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương khẩn trương đưa vụ Trịnh Xuân Thanh ra tòa. Phiên tòa này còn được ông Trọng khẳng định là sẽ diễn ra vào tháng Giêng năm 2018.
Thái độ của ông Trọng vẫn cho thấy một sự tự tin chừng mực. Ông vẫn có vẻ quyết tâm "tử hình" Trịnh Xuân Thanh và chẳng quan tâm lắm đến đòi hỏi của phía Đức về câu chuyện Việt Nam phải xin lỗi vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" và cam kết "không tái phạm".
Lần thứ ba… Chuyện gì, hay hậu quả nào sẽ xảy ra ?
Đã đành rằng cung mệnh của hai ông Thanh và Trọng có thể khắc nhau quyết liệt, nhưng không biết ông Trọng có tin vào quy luật siêu nhiên ấy…
Từ trước tới nay, trong khi thiên hạ ồn ào về chuyện dàn ủy viên bộ chính trị đi xem bói toán tử vi như đi chợ và có cả một ngôi chùa Bái Đính đồ sộ tiền bạc cùng nghi ngút khói hương ở Ninh Bình, thì lại không có mấy đồn đoán về việc Tổng Trọng duy tâm. Có lẽ xác tín của ông Trọng vẫn là chủ nghĩa Mác - Lê…
Nhưng hai lần "hội ngộ" trước giữa ông Trọng và ông Thanh đã thành tiền lệ, để nếu lần thứ ba không được quyết định bởi chủ nghĩa duy vật biện chứng của Tổng Trọng thì rất có thể sẽ ứng với cái "dớp" của hai lần trước.
Khi đó, nếu có gì xảy ra, một cái gì đó có thể cũng đủ lớn hoặc ghê gớm không kém thua hai lần "gặp nhau" trước, chắc phải là cuộc khủng hoảng mang tên "Nội bộ", thậm chí mang tính quyết định cho số phận chính trị "ở", "về" hay "đi đâu khác" của ông Trọng.
Và phải chăng số phận chính thể độc đảng ở Việt Nam - cái đảng đã cầm quyền quá lâu đến rệu mục này - được châm ngòi bởi vận số "Tam Thanh" - Nguyễn Bá Thanh năm 2014, Phùng Quang Thanh năm 2015, Trịnh Xuân Thanh năm 2017 ?
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 26/12/2017
Vẫn còn quá sớm để dự đoán về quy mô và phạm vi của chiến dịch "chống tham nhũng", hay còn gọi "đả hổ diệt ruồi" của Tổng bí thư ư Nguyễn Phú Trọng. Nhưng sự thật hiển nhiên không thể phủ nhận là "lao đã phóng đi", và kẻ phóng lao phải theo lao.
Ông Nguyễn Phú Trọng có hơi hướng "Tập Cận Bình hóa". (Hình : Brendan Smialowski/AFP/Getty Images)
Phóng lao theo lao
Đó là quyết định bắt giam cựu Ủy Viên Bộ chính trị Đinh La Thăng – một hành động mang sắc thái tâm lý rất đặc trưng : Nguyễn Phú Trọng đã vượt qua tâm lý "mình mà bắt nó thì khi mình nghỉ thằng khác sẽ bắt mình" được xem là rất phổ biến trong giới quan chức cao cấp.
Hoàn toàn có thể xem vụ bắt Đinh La Thăng là một thắng lợi của ông Trọng, sau thắng lợi đầu tiên trước Nguyễn Tấn Dũng tại đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016.
Và cũng có thể xem vụ bắt Đinh La Thăng là một bước ngoặt chuyển đổi về trạng thái tâm lý và nhận thức của Nguyễn Phú Trọng. Mà một chính khách khi đã có một thay đổi lớn về nhận thức và tâm lý thì sẽ dẫn đến sự thay đổi lớn về hành động chính trị.
Hành động chính trị ấy đang và sẽ rất có thể là cuộc chơi một mất một còn của ông Trọng với các đối thủ chính trị của ông, cũng như với các nhóm lợi ích mà đảng của ông Trọng đã vừa buông lơi vừa dung túng trong quá nhiều năm để khiến đất nước và người dân trở nên tàn tạ trong đau đớn.
Sau một năm rưỡi kể từ thời điểm phát chủ trương "việc cần làm ngay" nhưng chẳng đạt được kết quả gì đáng kể, ngày 8 tháng Mười Hai, 2017, có thể được xem là thời điểm mà chiến dịch "chống tham nhũng" của Tổng bí thư ư Trọng chính thức bước vào giai đoạn 2. Đặc trưng của giai đoạn này là không hô hào suông mà hành động thực chất.
Vụ bắt Đinh La Thăng ở Việt Nam vào năm 2017 rất có thể mang tính tương dồng với một mốc khởi đi trong cuộc chiến "đả hổ diệt ruồi" của Tập Cận Bình ở Trung Quốc vào năm 2012 : Chỉ ít lâu sau khi trở thành chủ tịch nước kiêm tổng bí thư, Tập đã phát lệnh cách chức Bạc Hy Lai – ủy viên Bộ chính trị và bí thư tỉnh Trùng Khánh, sau đó khởi tố và tống giam nhân vật này, mở màn cho quá trình tiêu diệt những "hổ" khác như Chu Vĩnh Khang – bộ trưởng công an, Từ Tài Hậu – phó chủ tịch Quân Ủy trung ương… cùng vô khối quan chức tham nhũng khác.
Sẽ "làm thịt cả phe ta ?"
Nhưng cho tới nay, kể cả giới cán bộ lão thành mang tư tưởng bảo thủ ở Việt Nam vẫn mang nặng mối hoài nghi về tương lai Nguyễn Phú Trọng có thể làm được một cái gì đó tương tự như Tập Cận Bình trong cuộc chiến "chống tham nhũng".
Lý do đơn giản là trong suốt một thời gian dài, ông Trọng đã bỏ phí nhiều cơ hội và thái độ "chống tham nhũng" của ông khá phập phù thăng trầm mà đã khiến nhiều dư luận thất vọng. Hơn nữa khi đã phát một vài tín hiệu bắt bớ nhóm quan chức tham nhũng, ông Trọng lại khiến người ta nghĩ rằng ông ta chỉ "chống tham nhũng một bên", tức chỉ "chống tham nhũng thời kỳ trước" – thời kỳ Nguyễn Tấn Dũng, trong khi nhóm quan chức tham nhũng thuộc "thời kỳ này", đặc biệt những trường hợp cộm cán như Nguyễn Thị Kim Tiến – bộ trưởng y tế, Võ Kim Cự – cựu bí thư Hà Tĩnh… lại vẫn "trong vòng tay trìu mến" của Tổng bí thư Trọng.
Mối hoài nghi đang dần chuyển thành nghi ngờ trên đặt ông Trọng trước một bài toán phức hợp : Hoặc ông từ bỏ ngay chủ trương "chống tham nhũng" của mình, hoặc đã làm thì phải "công bằng", nghĩa là phải cho khởi tố và bắt cả những quan chức thuộc "phe ta".
Vào tháng Mười Hai, 2017, ngay sau vụ cựu ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng bị khởi tố và tống giam, vụ bắt năm cựu lãnh đạo Tập đoàn Cao su Việt Nam đã cho thấy chiến dịch "chống tham nhũng" của Nguyễn Phú Trọng đã bước sang một giai đoạn mới, cứng rắn hơn nhiều, không chỉ nhắm vào phe phái Nguyễn Tấn Dũng mà phần nào còn có thể mang tính "công bằng" khi tấn công luôn cả những phe phái và nhóm lợi ích khác, nhỏ hơn và "ruồi" hơn, và đặc biệt là tạo tiền lệ "hồi tố" đối với giới quan chức đã nghỉ hưu và tưởng đã "hạ cánh an toàn" một số năm.
Xác suất Nguyễn Phú Trọng "làm thịt" ngay cả "phe ta" đang từ từ dâng lên. Được xem là "người Mohican cuối cùng" trong đảng về tính thanh sạch (dù có thể chỉ là một sự sạch sẽ tương đối), ông Trọng đang ở trong trạng thái chẳng có gì phải "lăn tăn" với các quan chức đã đớp hốt ngân sách quá nhiều. Từ chủ trương "việc cần làm ngay" của ông Trọng phát ra vào giữa năm 2016, có thể hình dung tư tưởng của ông đang hướng về hình ảnh của cố Tổng bí thư ư Nguyễn Văn Linh với "những việc cần làm ngay" ba chục năm về trước, tức ghi dấu ấn trong sử xanh cho một đời tổng bí thư.
Một trạng thái tâm lý khác của ông Trọng có thể đang hình thành và dâng tràn là hơi hướng "Tập Cận Bình hóa". Rất có thể những thành quả và hình ảnh độc tôn vời vợi của Tập đã khiến ông Trọng nhận ra đó là một mục tiêu cần phải theo đuổi.
Cũng bởi thế, Việt Nam trong ít ra vài năm tới sẽ sôi sục bởi chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" cùng tham vọng cá nhân của tổng bí thư. Dù có thể quy mô của chiến dịch này là không thể so sánh được với quy mô mà Tập Cận Bình đã mở ra ở Trung Quốc, nhưng sẽ có không ít quan chức của "phe địch" lẫn "phe ta" được ông Trọng tống vào "lò".
2018 : Những vụ nào sẽ vào "lò ?"
Lẽ đương nhiên, chiến dịch được xem là "chống tham nhũng" của Tổng bí thư Trọng không thể dàn trải khắp các bộ ngành và các địa phương, mà phải trọng tâm hóa vào một số vụ trọng điểm. Đó là những vụ nào ?
Vào cuối năm 2016, các cơ quan chức năng đã thống kê được 12 dự đắp chiếu gây lãng phí đến nhiều chục ngàn tỷ đồng : Nhà máy Ðạm Ninh Bình (Ninh Bình), nhà máy Xơ Sợi Ðình Vũ (Hải Phòng), nhà máy Nhiên Liệu Sinh Học Bio-Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi), công trình mở rộng nhà máy Gang Thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (Thái Nguyên), nhà máy Bột Giấy Phương Nam (Long An), Ðạm Hà Bắc, Ðạm DAP 1 Lào Cai, DAP 2 Hải Phòng, Ethanol Bình Phước, Ethanol Phú Thọ, nhà máy đóng tàu Dung Quất, liên danh Khai Thác Mỏ Quý Sa, nhà máy Gang Thép Lào Cai.
Chỉ tính riêng năm dự án đắp chiếu bị phát hiện trong số 22 dự án trùm mền, ước tính tổng giá trị đầu tư của những dự án này đã lên tới hơn 30.000 tỷ đồng (hơn 1,3 tỷ USD) !
Một vụ việc khác rất có thể sẽ trở thành "đại án" là vụ "Mobifone mua AVG".
Từ khoảng giữa năm 2017, trên mạng xã hội bắt đầu rộ lên những thông tin về, nhưng không chỉ quy kết "trách nhiệm hình sự" đối với bộ trưởng thông tin và truyền thông thời những năm trước là Nguyễn Bắc Son, mà còn "bắn ý" đến trường hợp ông Trương Minh Tuấn – khi đó là thứ trưởng Bộ thông tin và truyền thông.
Đặc biệt hơn, thông tin trên mạng xã hội còn được điểm xuyết bằng những công kích của blogger Huy Đức đối với ông Trương Minh Tuấn, cũng liên quan mật thiết đến vụ "Mobifone mua AVG". Theo đó, khi còn là thứ trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông, ông Trương Minh Tuấn đã ký quyết định phê duyệt để ông Lê Nam Trà của công ty Mobifone ký hợp đồng mua công ty AVG. Trong khi giá trị thực sự của AVG là 8.900 tỷ đồng (hơn 392,2 triệu USD), hợp đồng mua AVG chỉ có 300 tỷ đồng (hơn 13,2 triệu USD). Vậy số tiền còn lại chạy đi đâu, và ai được "lại quả" từ số tiền đó ?
Vào thời điểm Huy Đức "gọi tên" Trương Minh Tuấn, vụ Mobifone-AVG lại được đích thân Nguyễn Phú Trọng xem xét và thúc đẩy. Gần đây, tổng bí thư đã phát ra tín hiệu sẽ "làm căng" vụ này. Vụ việc này hứa hẹn sẽ "làm rõ" hàng loạt quan chức cao cấp, không loại trừ một số quan chức cao cấp sẽ phải ra tòa.
Ở một tuyến đánh án khác là khối ngân hàng thương mại cổ phần. Có ít nhất 20% ngân hàng đã dính dáng sâu đậm vào các phi vụ làm ăn cố ý làm trái, lừa đảo và tham ô. Chiến dịch "bắt ngân hàng" trong năm 2017 chỉ là bước tiếp nối của làn sóng quan chức ngân hàng tra tay vào còng những năm trước.
Năm 2018 rất có thể là năm sẽ diễn ra nhiều vụ khởi tố, bắt bớ và xét xử chóng vánh đối với các cựu lãnh đạo của nhiều tập đoàn và tổng công ty nhà nước, tức sẽ xảy ra nhiều đại án cỡ Vinashin và Vinalines trước đây.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 24/12/2017
Từ Quảng Nam đến Kiên Giang, hai tuyến chiến thuật của Tổng bí thư Trọng
Rốt cuộc, Quảng Nam đã không thể "nơi đây bình minh chim hót" theo cái cách mà người con đất Quảng là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng dùng thơ để ví von về vận hội mới của vùng đất này.
Còn đâu cảnh "đồng chí Nguyễn Phú Trọng chúc mừng đồng chí Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên của chính phủ" vào năm 2011 ? Ảnh : Quốc hội
Hai tuyến chiến thuật
Chỉ một tuần sau vụ cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng bất ngờ bị Tổng bí thư Trọng chỉ đạo Bộ Công an khởi tố và tống giam, cùng lúc xuất hiện trên mạng xã hội một số đồn đoán về mối quan hệ có vẻ đang nhạt đi giữa Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc, hàng loạt lãnh đạo cao cấp của tỉnh Quảng Nam bị Ủy ban Kiểm tra trung ương thông báo kỷ luật : ông Đinh Văn Thu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh ; ông Huỳnh Khánh Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, và có lẽ đặc biệt nhất là trường hợp hai cha con ông Lê Phước Thanh, Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2011-2016 và ông Lê Phước Hoài Bảo, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư.
Sau Quảng Nam và Hậu Giang, sẽ rất có thể là Kiên Giang - "căn cứ địa cách mạng" của ông Nguyễn Tấn Dũng.
Không biết vô tình hay hữu ý, vào cùng thời gian trên lại hiện ra những tin ngoài lề về khả năng ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch thành phố Đà Nẵng - không còn được "che chở" và sẽ phải "nghỉ non", thậm chí là nghỉ ngay sau Tết nguyên đán 2018.
Từ trước vụ xung đột quyền lực và có thể cả lợi ích nhóm giữa cánh của ông Huỳnh Đức Thơ với Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, nhiều người đã cho rằng ông Thơ thực ra là "người thân" của Thủ tướng Phúc. Nhận định này dường như đã được chứng minh bằng kết quả của Hội nghị trung ương 6 vào đầu tháng 10/2017 : trong khi Nguyễn Xuân Anh "mất sạch" thì Huỳnh Đức Thơ vẫn ung dung tại vị, bất chấp nhiều điều tiếng về những công trình tai tiếng ở Đà Nẵng liên quan đến nhân vật này.
Có một bộ phận quan chức trung cao - những người sợ chiến dịch "chống tham nhũng" của Tổng bí thư Trọng và chẳng ưa ông Trọng đến mức có lẽ chỉ cầu mong ông này bị đột quỵ - đã từng kỳ vọng rằng vụ Đà Nẵng là điểm kết thúc để phần cuối năm 2017 sẽ không có thêm vụ nào khác. Rồi đến khi nổ ra vụ bắt Đinh La Thăng, một số quan chức lại hy vọng rằng đó sẽ là vụ cuối cùng của năm 2017.
Nhưng sự đời lại cứ như khiêu khích ước muốn an lành của con người. Sau Đà Nẵng, đến Quảng Nam. Sau Quảng Nam đến Hậu Giang…
Có thể nhìn rõ là Tổng bí thư Trọng đã và đang vận động song hành hai tuyến chiến thuật : vừa dùng Ủy ban Kiểm tra trung ương để thi hành kỷ luật quan chức, vừa có vẻ thẳng tay dẹp nạn "thái tử đảng".
Sau ngày 8 tháng Mười Hai năm 2017 - thời điểm có thể được xem là mốc mở màn cho "chống tham nhũng giai đoạn 2" của ông Trọng mà khởi đầu bằng vụ bắt cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng, không chỉ hàng loạt quan chức của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và quan chức ngân hàng bị bắt, một số quan chức lãnh đạo các địa phương Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Quảng Nam bị kỷ luật, mà những "thái tử đảng" cũng bị "lên thớt" : Nguyễn Phước Hoài Bảo - con trai cựu bí thư Quảng Nam Nguyễn Phước Thanh, Huỳnh Minh Phong - cậu ấm của cựu bí thư Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc.
Ông Trọng lại chẳng có gì phải "lăn tăn" vì ông ta không bị dính chuyện con cái mình "hót hay nhảy giỏi". Bởi thế ông Trọng chẳng ngần ngại "chém" những mái đầu trẻ trâu nhưng lại thích làm người lớn.
Tuy nhiên những dấu hỏi lớn bật ra là chiến dịch "Diệt thái tử đảng" của Tổng bí thư Trọng chỉ thuần túy là một động tác hãm bớt "tham vọng cá nhân" như tinh thần nghị quyết của ông, hay còn mang một ẩn ý và nhắm đến một mục tiêu nào khác ?
Sau Quảng Nam và Hậu Giang, ông Trọng còn muốn tiến đến đâu nữa ?
Đảo ngọc Phú Quốc
Vài blogger "thân đảng" vừa quy hoạch điểm đến của chiến dịch trên. Những lời khuyến cáo lẫn hàm ý đe dọa được tung ra nhắm tới Nguyễn Thanh Nghị và Nguyễn Minh Triết - hai con trai của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đòi hai người "tuổi trẻ tài cao" này phải trả lại chức, nếu không "sẽ có chuyện".
Nhiều tờ báo nhà nước cũng đang ồn ào hỗ trợ cho chiến dịch "Diệt thái tử đảng" của Tổng bí thư Trọng. Không khí cũng khá giống với cảnh "đấu tố" vụ xe Lexus của Phó chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh vào giữa năm 2016 : không đánh trực tiếp ngay tâm, mà "làm" dần từ vòng ngoài hướng vào tâm.
Có thể hình dung ngay rằng trong không bao lâu nữa, vòng vây sẽ khép kín hai người con của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng : Nguyễn Thanh Nghị - Bí thư Kiên Giang, và Nguyễn Minh Triết đang ở Trung ương Đoàn.
Từ giữa năm 2017, báo chí nhà nước đã bất ngờ lôi vụ khách sạn Hương Biển xây sai quy hoạch ở đảo ngọc Phú Quốc ra "mần". Có tờ báo còn bạo gan đề cập đến trách nhiệm của Bí thư Nguyễn Thanh Nghị.
Phải chăng cho truy tố Thăng càng sớm càng tốt bởi ông Trọng đang phải chịu áp lực về thời gian cho một chiến dịch bắt "hổ lớn" khác ?
Nhiều khả năng ông Nghị sẽ bị "luân chuyển cán bộ" - một hình thức được xem là ưu đãi - trong thời gian tới. Còn nếu không chịu đi, Nguyễn Thanh Nghị sẽ có thể phải đối mặt với đủ thứ chuyện chẳng hay ho gì.
Nhưng con cái chỉ là một vế. Nếu chiến dịch "Diệt thái tử đảng" đánh từ ngoài vào nhằm hướng đến hai người con của Nguyễn Tấn Dũng, thì sau hai người con đó, Nguyễn Tấn Dũng sẽ là cái đích cuối cùng, mục tiêu lớn nhất.
Cô độc ngay tại "căn cứ địa cách mạng"
Trong cuộc đời "vì đảng vì dân" của Nguyễn Tấn Dũng và ngay cả khi ông quyết định trở lại "người tử tế", chưa bao giờ Nguyễn Tấn Dũng lại rơi vào tình thế cô đơn như lúc này.
Vào đầu tháng 12/2017, sự kiện đám tang mẹ của ông Dũng mất đã làm lộ ra một sự thật quá đen đúa : quá hiếm quan chức đương nhiệm và cả hưu trí dám đến dự đám tang này. Dường như cả đám người từng một thời anh em xôi thịt như một đàn nhặng quanh Nguyễn Tấn Dũng đã ngửi thấy mùi tử khí phảng phất quanh ông ta nên dạt xa càng nhanh càng tốt.
Hiện tượng báo đảng nói riêng và và báo chí nhà nước nói chung im bặt trước đám tang của mẹ cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể được xem là một chỉ dấu đặc biệt, không chỉ về thói vô cảm chính trị trong chính trường Việt thời nay, mà còn như một biểu trưng cho thói "ăn cháo đá bát" hết sức bạc bẽo của giới quan chức mang não trạng chỉ biết "phù thịnh không phù suy".
Trịnh Xuân Thanh lại được dư luận xem là đầu mối dẫn đến các nhân vật Vũ Huy Hoàng - bộ trưởng công thương và là cơ quan chủ quản của PVN, Đinh La Thăng.
Một facebooker bình luận : "Là người có khí chất Nam Bộ giao lưu rộng rãi, ông cũng ít nhiều cũng có bộ hạ hay đồng liêu thân tín trong đảng. Thế mà giờ này không một ai tới hay gởi lẵng hoa viếng làm tôi thật sự bất ngờ. Đúng là trước có người so sánh đảng của ông với đảng bọn cướp tôi không tin. Nhưng giờ nhìn lại thấy đảng cướp nó vẫn nghĩa tình với nhau hơn".
Tình cảnh "đèn nhà ai nấy rạng, thân ai người đó lo, hồn ai người đó giữ" đang phổ biến đến mức ghê gớm trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam. Không chỉ với trường hợp Nguyễn Tấn Dũng, mà có lẽ tuyệt đại đa số giới quan chức từ trung cấp đến cao cấp của đảng sẽ phải chịu thân phận "hết quyền hết bạc hết ông tôi" ngay sau khi họ "nghỉ" - cho thấy không chỉ hiện tượng phân hóa sâu sắc mà đang diễn ra giai đoạn phân rã ngày càng nhanh trong đảng.
Vào năm 2016 sau khi Nguyễn Tấn Dũng đã bị hất khỏi Bộ Chính trị sau đại hội 12 của đảng cầm quyền, người ta vẫn nhìn thấy có đến vài ba trăm quan chức cùng lẵng hoa chúc mừng cho buổi sinh nhật của ông Dũng.
Nhưng kể từ quý 4 năm 2016 khi chiến dịch "đánh" Đinh La Thăng – người được xem là một thủ hạ tin cẩn của Nguyễn Tấn Dũng – khởi động, dường như Nguyễn Tấn Dũng cô độc hẳn.
Sau 'hổ' Đinh La Thăng liệu sẽ tới ai ?
Cho đến năm 2017 và đặc biệt cùng với các vụ việc Đinh La thăng bị loại khỏi Bộ Chính trị, vụ đại gia ngân hàng là Trầm Bê – người được dư luận cho là "tay hòm chìa khóa" của gia đình Nguyễn Tấn Dũng – bị bắt và bị đưa ra truy tố, rồi đến vụ Nguyễn Thanh Nghị – con trai Nguyễn Tấn Dũng, đang là bí thư tỉnh Kiên Giang – có thể bị phe đảng của Tổng bí thư Trọng cho "lên thớt" với lý cớ đầu tiên là vụ khách sạn Hương Biển sai quy hoạch ở ngọc đảo Phú Quốc, nghe nói cả một người thân của Nguyễn Tấn Dũng là Lê Thanh Hải – cựu bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh – còn không còn dám đi chơi golf với ông Dũng nữa.
Sau hàng loạt vụ việc trên, ngày càng nhiều dư luận cho rằng đường đi của Nguyễn Phú Trọng trước sau cũng dẫn đến cửa nhà Nguyễn Tấn Dũng.
Đường đi của Nguyễn Tấn Dũng lại bị cho là đầy tì vết tham nhũng. Nguyễn Tấn Dũng là đời thủ tướng bị cho là "phá chưa từng có" trong lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, một thủ tướng mà nếu cánh đảng muốn và dám làm, gần như bất cứ lĩnh vực hay công trình cộm cán về tiền bạc nào cũng đều ít nhiều mang bóng dáng của cựu thủ tướng Dũng.
Sau Quảng Nam và Hậu Giang, sẽ rất có thể là Kiên Giang - "căn cứ địa cách mạng" của ông Nguyễn Tấn Dũng.
Vì sao phải truy tố gấp Đinh La Thăng ?
Trong bầu không khí không hề ăn ngon ngủ yên của chính giới Việt Nam, vào ngày 20/12/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đột ngột thông báo về bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng cùng các đồng phạm.
Trong một diễn biến liên quan đến Đinh La Thăng, vụ Trịnh Xuân Thanh sẽ được đưa ra xét xử vào tháng Giêng năm 2018. Bà Schlagenhauf - luật sư ở Đức của Trịnh Xuân Thanh - còn cho biết phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh có lẽ sẽ diễn ra vào ngày 10/01/2018.
Trịnh Xuân Thanh lại được dư luận xem là đầu mối dẫn đến các nhân vật Vũ Huy Hoàng - bộ trưởng công thương và là cơ quan chủ quản của PVN, Đinh La Thăng, kể cả… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Vụ truy tố có vẻ rất gấp gáp đối với Đinh La Thăng - với bản kết luận điều tra được hoàn thành chỉ 11 ngày sau khi ông Thăng bị bắt - đang khiến nảy sinh những dấu hỏi mới : phải chăng cho truy tố Thăng càng sớm càng tốt bởi ông Trọng đang phải chịu áp lực về thời gian cho một chiến dịch bắt "hổ lớn" khác ?
Và, phải chăng Tổng bí thư Trọng muốn chủ động đánh phủ đầu cánh quan chức dám phản ứng ông qua vụ bắt Thăng và trấn áp luôn một "âm mưu lật đổ" nào đó còn trong trứng nước ?
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 22/812/2017
Ông Nguyễn Phú Trọng đang chơi ngón bài gì với Nhà nước Đức xung quanh vụ "xét xử Trịnh Xuân Thanh" và "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" ? Liệu người Đức có thể tin vào những lời hứa hẹn hoặc cam kết (nếu có) của ông Trọng, trong khi vẫn còn tồn kho quá nhiều bài học chính thể Việt Nam nuốt lời với quốc tế ?
Trịnh Xuân Thanh trên báo Đức, Suedeutsche Zeitung.
Hiếm muộn kết quả đàm phán
Chỉ còn ít ngày nữa sẽ đến tháng Giêng năm 2018 - thời gian mà Tổng bí thư Trọng đã xác quyết sẽ đưa Trịnh Xuân Thanh ra tòa để "làm thịt". Lịch xử có vẻ được cố định khi mới đây theo trang Thoibao.de ở Đức, bà Schlagenhauf - luật sư ở Đức của Trịnh Xuân Thanh - cho biết phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh có lẽ sẽ diễn ra vào ngày 10/01/2018.
Trong bối cảnh ông Trọng dường như không e ngại đưa Trịnh Xuân Thanh ra xử bất chấp phản ứng từ phía Đức hay bất chấp việc ông Trọng có thể đã có một vài cam kết gì đó với Berlin, một thực tế trần trụi là các cuộc đàm phán Đức - Việt về vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" - kéo dài suốt từ tháng Tám năm 2017 đến nay - vẫn chỉ đạt được rất ít kết quả.
Kết quả đàm phán quá hiếm muộn như thế đã khiến nảy sinh một loạt kết quả khác mà Hà Nội không hề mong muốn : vào tháng 11/2017, một sự kiện trao đổi chuyên môn giữa Đức với Việt Nam về thông tin, biện pháp phòng thủ đối với các loại vũ khí nguyên tử, sinh học, hóa học (ABC-Abwehr) dự kiến diễn ra ở Đức đã bị hủy bỏ với lý do từ phía Việt Nam là phái đoàn Việt Nam bị chậm trễ trong việc xin visa nhập cảnh vào Đức, nhưng lý do thực chất hơn nhiều là một hậu quả trực tiếp từ biện pháp của Đức hủy bỏ hiệp định giữa hai nước về việc miễn visa cho hộ chiếu ngoại giao Việt Nam do vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh gây ra.
Cũng theo Thoibao.de, kể từ khi Chính phủ Đức tạm thời đình chỉ đối tác chiến lược với Việt Nam vào tháng 9/2017, nhiều cuộc thăm viếng của lãnh đạo cấp cao hai nước liên tục bị hủy bỏ với những ngôn từ rất ngoại giao như "chậm trễ, chờ xác minh…". Thống đốc một bang lớn của Đức cho biết : "Chúng tôi nhận được thông báo từ Chính phủ Liên bang, tạm thời dừng tất cả các chương trình mới với Việt Nam, nên chuyến đi vào tháng 12.2017 tới TP.HCM để gặp gỡ Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, thăm Ngôi nhà Đức và tìm hiểu cơ hội đầu tư ở một số tỉnh của Việt Nam bị hủy bỏ".
Trong cuộc gặp với một doanh nghiệp lớn của người Việt tại Đức, chuyên tư vấn đầu tư tại Việt Nam trần tình : "Các doanh nghiệp Đức khi bắt đầu dự án đầu tư về Việt Nam thường thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW), để họ xét duyệt và cấp khoản tín dụng cho việc thực hiện bước đầu của dự án, nhưng giờ đây quan hệ hai nước trở nên căng thẳng sau vụ ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Berlin. Ngân hàng cũng dừng cấp tín dụng đầu tư mới ở Việt Nam, các dự án đã được chuẩn bị từ lâu giờ đây không thể triển khai, thiệt hại rất lớn"…
Chỉ trả Thanh sau khi xử ?
Có lẽ một kết quả hiếm hoi đạt được trong quá trình đàm phán Đức - Việt là Việt Nam "phá lệ" khi cho đại diện Đức tham dự phiên tòa xử Trịnh Xuân Thanh.
Vào ngày 16/12/2017, Thoibao.de đã cho biết theo nguồn tin từ Quốc hội Đức, một vị nghị sĩ của đảng cầm quyền Liên minh dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) sẽ sang Việt Nam vào đầu tháng 1.2018 trong dịp mở phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh, và một nữ nghị sĩ của Đảng Cánh tả (Die Linke) cũng đang cân nhắc cùng đi.
Cần nhắc lại, yêu cầu để đại diện Đức dự phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh là một trong những điều kiện mà phía Đức nêu ra trong các cuộc đàm phán song phương Đức - Việt từ tháng Tám năm 2017 đến nay. Tuy nhiên cho đến tháng Mười năm 2017, vẫn không có dấu hiệu gì cho thấy Việt Nam chấp nhận yêu cầu này.
Chỉ đến ngày 25/11/2017, trong một cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương, Tổng bí thư Trọng đã bất ngờ thông báo công khai đưa Trịnh Xuân Thanh ra tòa vào tháng Giêng năm 2018. Dường như vào lúc đó, ông Trọng đã nắm được một ý tứ nào đó từ phía Đức, rằng người Đức sẽ không phản ứng đối với quyết định của ông, trên cơ sở người Đức đã có thể tạm hài lòng với những lời hứa hẹn (nếu có) của ông.
Vừa khai thác triệt để Trịnh Xuân Thanh nhằm "xử lý nội bộ", vừa cù cưa, câu kéo vụ Trịnh Xuân Thanh để vận động Châu Âu sớm thông qua EVFTA có thể đang là chiến thuật được Tổng bí thư Trọng tâm đắc.
Nếu có thể so sánh, cần chú ý rằng từ trước đến nay chính quyền Việt Nam hầu như không chấp nhận cho đại diện của Hoa Kỳ và Phái đoàn Liên minh Châu Âu tham dự và quan sát những phiên tòa Việt Nam xử án người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động nhân quyền. Trước đây, một số nghị sĩ Đức đã bị Việt Nam từ chối cho tham dự phiên tòa xử blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh. Gần đây nhất, Việt Nam đã từ chối yêu cầu của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tham dự phiên tòa xử blogger nhân quyền Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Một khả năng đang dần lộ rõ là nhằm vớt vát thể diện trước người Đức, phục hồi quan hệ đối tác chiến lược với nước này và quan trọng không kém là nhằm vận động quốc hội các nước Châu Âu bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA), Tổng bí thư Trọng đã tìm cách "cam kết" với Đức, mà cụ thể ngay trước mắt là đồng ý để Đức cử đại diện tham dự phiên tòa xử Trịnh Xuân Thanh như một biểu hiện của "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa".
Theo đó, có khả năng Việt Nam sẽ trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức sau khi xử án Thanh và sau khi Thanh làm nhân chứng trong vụ xử Đinh La Thăng. Khả năng này ngày càng có cơ sở, song trùng với một khả năng khác là Trịnh Xuân Thanh có thể đã "khai sạch" trong trại giam, có thể đã được cho đối chứng với Đinh La Thăng và nhiều nhân vật khác, và trong thực tế Thanh sắp hết "giá trị sử dụng".
Vừa khai thác triệt để Trịnh Xuân Thanh nhằm "xử lý nội bộ", vừa cù cưa, câu kéo vụ Trịnh Xuân Thanh để vận động Châu Âu sớm thông qua EVFTA có thể đang là chiến thuật được Tổng bí thư Trọng tâm đắc.
Câu hỏi còn lại là nếu có hứa hẹn với Đức, liệu ông Trọng có giữ lời, trong khi còn quá nhiều bài học Việt Nam nuốt lời với quốc tế ?
Tình trạng phía Đức vẫn căng thẳng với Việt Nam cho thấy đàm phán Đức- Việt về vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" còn kéo dài và sẽ tác động mạnh đến việc kéo dài xem xét EVFTA tại Quốc hội Liên minh Châu Âu.
Còn thái độ của Quốc hội Liên minh Châu Âu thì thế nào ?
Cứng rắn hơn hẳn
Chưa đầy nửa tháng sau cuộc đối thoại nhân quyền giữa Liên minh Châu Âu (EU) với Việt Nam vào ngày 1/12/2017 tại Hà Nội, Quốc hội Châu Âu đã tỏ thái độ cứng rắn hẳn lên với EVFTA và đặt giới chóp bu Việt Nam vào thế ngày càng khó mơ tưởng đến hiệp định này.
Ngày 14/12/2017 - có thể xem là thời điểm ngay sau khi kết thúc Đối thoại nhân quyền EU - Việt Nam với kết quả tồi tệ, Quốc hội Liên minh Châu Âu đã thông qua một nghị quyết khẩn cấp, được thông qua bởi đa số các nghị sĩ trong phiên họp toàn thể nghị viện ở thành phố Strasbourg, lên án chính phủ Việt Nam về các hành động đàn áp tự do thông tin, và yêu cầu Việt Nam phải trả tự do cho toàn bộ các nhà báo công dân. Nghị quyết này cho rằng những hành động sách nhiễu về thể xác và tâm lý cũng như các biện pháp giám sát ngang nhiên và sách nhiễu các luật sư, người thân và người chủ công ty của các bloggers đã vẽ lên một bức tranh đáng lên án ở Việt Nam…
Đáng chú ý, văn bản của Quốc hội EU thể hiện bằng hình thức "nghị quyết khẩn cấp", tức ở cấp độ quan trọng về quyết tâm cho những yêu cầu và đòi hỏi đối với chính quyền Việt Nam. Đây là lần thứ hai trong hai năm liên tiếp, Quốc hội EU ban hành nghị quyết về nhân quyền Việt Nam.
Vào tháng 6/2016, Nghị viện Châu Âu đã tung ra một bản nghị quyết về vấn đề nhân quyền Việt Nam, mang số hiệu 2016/2755 (RSP). Khác với bản nghị quyết gần nhất về nhân quyền cũng của tổ chức này vào năm 2009 được coi là khá mềm mỏng, bản nghị quyết năm 2016 được một số nhà đấu tranh đánh giá có tính cách như một bản cáo trạng, lời lẽ đanh thép và đề cập đến hầu hết các vấn nạn nhân quyền bị xâm hại ở Việt Nam như tự do tôn giáo, tự do báo chí, tự do biểu tình, tự do hội họp…, và về nhiều người bất đồng bị chính quyền bắt giam.
Cũng từ tháng 6/2016, đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy người Mỹ tập trung "đối tác quân sự" với Việt Nam trên căn bản vấn đề Biển Đông, còn nhân quyền được Mỹ "chuyển giao" cho nghị viện Châu Âu để tiến hành thường xuyên những cuộc đối thoại nhân quyền với chính quyền Việt Nam, và hơn thế nữa là hỗ trợ Xã hội dân sự ở Việt Nam.
Kết quả hầu như là con số 0 của Đối thoại nhân quyền EU - Việt Nam vào tháng 12/2017 cùng bản nghị quyết đầy sắc thái cứng rắn của Quốc hội EU trong cùng tháng đã cho thấy Châu Âu không còn chấp nhận tư thế dễ bị "ăn hiếp" bởi giới chóp bu Việt Nam quá quen mặc cả nhân quyền đổi lấy lợi ích thương mại, đồng thời dựng lên một bức tường đủ cao trước Hà Nội nếu muốn đạt được EVFTA.
Sau khi TPP đổ vỡ lần đầu vào đầu năm 2017 do Mỹ chính thức rút khỏi hiệp định này, chính thể Việt Nam chỉ còn EVFTA là hiệp định thương mại mang lại lợi lộc nhiều nhất ứng với đà xuất siêu của Việt Nam sang Châu Âu lên đến 25 tỷ USD mỗi năm - gần bằng giá trị nhập siêu lên đến 30 tỷ USD hàng năm (chỉ tính theo đường chính ngạch, chưa kể khoảng 20 tỷ USD nhập siêu theo đường tiểu ngạch) của Việt Nam từ Trung Quốc.
EVFTA, mặc dù đã được hoàn tất đàm phán từ cuối năm 2015, nhưng còn phải trải qua thủ tục ký và bỏ phiếu, phê chuẩn ở nghị viện các nước Châu Âu. Có đến 27 nước như vậy, mà chỉ cần một nước không đồng ý thì EVFTA coi như không thành và Việt Nam cũng "mất cả chì lẫn chài".
Ngay trước mắt, Đức là nước đang có nhiều lý do đủ thuyết phục nhất để bỏ phiếu phủ quyết đối với EVFTA.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 21/12/2017