Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Gần hai tháng sau Hội nghị trung ương 7 vào tháng Năm năm 2018 mà đã xuất hiện dấu hiệu đổ bệnh của ‘lò ông Trọng’, một lần nữa Nguyễn Phú Trọng lại tìm cách ‘nâng cao niềm tin của nhân dân và đảng viên vào đảng’ bằng bài bản ‘diệt ruồi’ như đã từng thực hiện vào các khoảng thời gian trước Hội nghị trung ương 5 vào tháng Năm năm 2017 và Hội nghị trung ương 6 vào tháng Mười năm 2018.

daho1

Nguyễn Phú Trọng và bức thư yêu cầu công khai tài sản. Ảnh : VOA

Ngày 21/6/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an của ủy viên thường vụ đảng ủy công an trung ương Nguyễn Phú Trọng đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 4 bị can gồm : Từ Thành Nghĩa – cựu Tổng Giám đốc Liên doanh Dầu khí Việt – Nga Vietsovpetro (VSP) ; Võ Quang Huy – cựu Chánh Kế toán VSP ; Đinh Văn Ngọc – cựu Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Nguyễn Tuấn Hùng – trưởng Ban Tài chính Tổng Công ty Thăm dò và khai thác Dầu khí (PVEP) về hành vi "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" theo Điều 355, Bộ luật Hình sự.

VSP, BSR và PVEP là các doanh nghiệp con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) – ‘căn cứ địa cách mạng’ của cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Đinh La Thăng, một dấu ấn vô cùng đáng nhớ của ông Thăng khi từ nơi đó ông đã đi lên cái ghế Bộ trưởng Giao thông vận tải và sau đó còn lọt vào Bộ Chính trị của đảng cầm quyền, để chẳng bao lâu sau đó cũng kẻ chỉ đạo phá chùa Liên Trì này đã phải rơi vào vũng lầy của đảng bằng hai cái án với tổng cộng ba chục năm tù giam mà chỉ có thể thốt lên ‘Hãy đối xử với bị cáo như một con người’.

Hiển nhiên là sau khi ‘mần’ con cá lớn Đinh La Thăng và ‘thay máu’ tập đoàn mẹ PVN, Nguyễn Phú Trọng đã tiến tới ‘xẻ thịt’ những con cá con. 

Ba ngày sau vụ khởi tố bắt giam 4 cựu lãnh đạo doanh nghiệp của PVN, đến lượt Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam Vũ Thanh Hà – nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) để điều tra về hành vi Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng trong quá trình thực hiện Dự án nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ (Ethanol Phú Thọ).

Dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ đã tiêu tốn hơn 1.534 tỷ đồng nhưng đến thời điểm thực hiện thanh tra (tháng 9/2016) vẫn dang dở, bế tắc. Đây là một trong số 12 dự án ‘ngàn tỷ trùm mền’ để lại từ thời bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng – kẻ bị dư luận xã hội xem là tội đồ của quá nhiều hậu quả ghê gớm phát sinh từ tham nhũng, đầu tư lãng phí, bảo kê cho các nhóm lợi ích xăng dầu và điện lực, nhập khẩu vô tội vạ nhiều mặt hàng từ Trung Quốc như một cách ‘nối giáo cho giặc’…

Cho tới nay, Vũ Huy Hoàng chỉ mới bị kỷ luật đảng và ‘cách tất cả các chức vụ thời trước, nhưng vẫn khá bình yên ngoài vòng lao lý.

Trong hai ngày 27/6 và 28/6/2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông và các cá nhân liên quan vụ AVG như Lê Nam Trà, Phạm Đình Trọng, Cao Duy Hải, Phạm Hồng Hải, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn. Đồng thờ kỷ luật đảng hai nhân vật tướng lĩnh cao cấp trong Quân chủng phòng không – không quân thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam là Thượng tướng Phương Minh Hòa và Trung tướng Nguyễn Văn Thanh.

Ông Trọng đang ra ‘chiêu’ gì ?

Cần nhắc lại, sau Hội nghị trung ương 7 vào tháng Năm năm 2018 mà đã chẳng thể ‘diệt ruồi’ lẫn đả hổ’, bầu không khí ‘chống tham nhũng’ bất thần lắng hẳn đi. Sau khi xuất hiện ‘chủ nghĩa nhân văn Nguyễn Phú Trọng’, đã có một luồng dư luận cho rằng thực ra ông Trọng là người thiếu kiên quyết trong chống tham nhũng và phần đa chỉ là giơ cao đánh khẽ, chủ đích nhằm răn đe để giữ đảng, thu hồi tài sản tham nhũng và lấy tiếng ‘Sỹ phu Bắc Hà’ hay ‘Minh quân’ cho cá nhân mình.

Cũng có những biểu hiện cho thấy ông Trọng đang thỏa mãn quá sớm với bản thành tích chống tham nhũng còn quá ít ỏi của ông, để trong khi tương lai trở thành ‘bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ và ‘lưu danh sử xanh’ của ông còn xa mới đạt tới.

Rất có thể, sự phản ứng của dư luận trên, mà đặc biệt là dư luận từ giới cách mạng lão thành trong đảng, đã khiến Nguyễn Phú Trọng không thể ngủ ngon và tiếp tục mơ màng về danh hiệu ‘Người đốt lò vĩ đại’ của ông ta.

Vậy là một lần nữa kể từ quý hai năm 20167, ông Trọng lại khởi động quy trình ‘diệt ruồi’. Theo ‘quy luật’ riêng có của ông Trọng, chiến dịch ‘diệt ruồi’ sẽ gia tăng theo thời gian, có thể trong một giai đoạn khoảng 3 – 4 tháng, để đạt tới đỉnh điểm nhất thời bằng hàng loạt ‘ruồi’ bị cho ‘nhập kho’ và tạo tiền đề để tiến tới ‘mần’ một ‘con hổ’ nào đó.

Tuy nhiên với tình trạng khẩu khí đốt lò của ông Trọng đột ngột xuôi xị tại Hội nghị trung ương 7, không có gì bảo đảm là trong thời gian tới ông Trọng sẽ dám ‘đả hổ’ mà không thật sự lo ngại cho vấn đề an toàn cá nhân của ông ta.

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 02/07/2018

Published in Diễn đàn

Chính trường Việt Nam liên tiếp xảy ra những động thái khá trái ngược liên quan đến số phận của đại gia ngân hàng và cũng được xem là một trong số ‘tay hòm chìa khóa’ của thủ tướng đời trước là Nguyễn Tấn Dũng : ông Trần Bắc Hà.

bacha1

Tại kỳ họp cuối tháng Năm năm 2018, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã phát đi bản thông cáo báo chí sau, kết luận những vi phạm của ‘đồng chí Trần Bắc Hà’ là ‘rất nghiêm trọng’.

Trong hai ngày 27/6 và 28/6/2018, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã họp và công bố thi hành kỷ luật hàng loạt quan chức cao cấp, trong đó khai trừ đảng đối với ‘đồng chí Trần Bắc Hà’.

Nhưng chỉ trước đó chưa đầy một tuần lễ, đã có một hố phân cách lớn giữa quan điểm của cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an và cơ quan đảng của Nguyễn Phú Trọng về xử lý Trần Bắc Hà. Vào ngày 21/6/2018, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận lại hồ sơ, cáo trạng vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) và một loạt các ngân hàng lớn khác gây thiệt hại 6.100 tỷ đồng sau một thời gian điều tra bổ sung. Theo kết quả điều tra bổ sung đại án Phạm Công Danh giai đoạn 2, chưa thấy tài liệu hay chứng cứ, lời khai nào thể hiện ông Trần Bắc Hà hưởng lợi từ việc cho 12 công ty "ma" của Danh vay. Qua đó, cơ quan điều tra kết luận không đủ căn cứ xác định ông Trần Bắc Hà và các thành viên Phân ban đồng phạm với Phạm Công Danh về tội "Cố ý làm trái…", nên cơ quan điều tra không đủ căn cứ xử lý hình sự ông Hà. Kết quả này được cho là không hề khác gì so với cáo trạng trước khi tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Vào tháng 10/2017, Cơ quan điều tra Bộ Công an từng có kiến nghị đề nghị kiểm điểm và xử lý kỷ luật ông Trần Bắc Hà liên quan vụ án Phạm Công Danh. Cơ quan điều tra nhận định các cá nhân này có sai phạm trong việc cho Phạm Công Danh vay tiền nhưng kết quả giám định cho thấy BIDV không có thiệt hại xảy ra nên các cá nhân tại BIDV không phạm tội vi phạm quy định về cho vay.

Ngay sau khi Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố khai trừ đảng đối với ‘đồng chí Trần Bắc Hà’, một facebooker thạo tin nội bộ là Lê Nguyễn Hương Trà đưa tin trên FB của bà : ‘Tin về Bắc Hà mà mình biết, thì ông đã trở về Việt Nam cách đây 4 tháng, sau khi TAND Tp.HCM mở phiên xử đại án Trầm Bê – Phạm Công Danh ; bị ung thư và điều trị tại Singapore. Sức khỏe hiện vẫn yếu !’

Tin tức trên có thể đáng tin cậy, vì vào đầu năm 2018, Lê Nguyễn Hương Trà đã từng đưa tin về vụ Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ bị bắt ở Singapore và bị dẫn độ về Việt Nam. Vài tháng sau, Lê Nguyễn Hương Trà lại là người đầu tiên đưa tin về vụ các viên tướng công an là Nguyễn Thanh Hóa – Cục trưởng Cục phòng chống tôi phạm công nghệ cao, và Phan Văn Vĩnh – cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân thuộc Bộ Công an – bị khám xét nơi làm việc và ‘sắp bị bắt’. Thực tế sau đó đã diễn ra đúng như thế.

Như vậy, có khả năng là ‘đồng chí Trần Bắc Hà’ sau một thời gian ‘chữa bệnh ở Singapore’ đã trở về Việt Nam, không biết là do ‘tự nguyện’ hay bị cưỡng bức.

Vào đầu năm 2018, vụ án Phạm Công Danh – Ngân hàng Xây Dựng – Trầm Bê mà dẫn đến thất thoát 6.000 tỷ đồng đã được xét xử. Phạm Công Danh bị kêu án rất nặng. Tuy bị triệu tập đến phiên tòa này, Trần Bắc Hà đã không có mặt.

Vào thời gian đó, dư luận xôn xao tin đồn về "sắp bắt Trần Bắc Hà".

Nhưng sau đó, Trần Bắc Hà đã như thể chui xuống đất.

Một khả năng lớn là ông Trần Bắc Hà đã từ Lào qua Thái Lan và bay đến Singapore.

Tại sao phải đi một đường lòng vòng quá mất công như thế, trong khi từ Hà Nội chỉ mất hơn một giờ đồng hồ lại đáp xuống sân bay Singapore ?

Lào – Thái Lan – Singapore lại là lộ trình rất có thể được thực hiện bởi Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ, vào những này cuối năm 2017 khi nhân vật này chính thức "ra đi tìm đường cứu nước".

Phải chăng sau một thời gian đào thoát và lẩn trốn ở nước ngoài, Trần Bắc Hà đã bị bắt kín và đưa về Việt Nam mà chắc chắn không còn tự do, thậm chí đang nằm trong một buồng giam nào đó của Bộ Công an ?

Một chi tiết đáng chú ý là mới đây, Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh bỗng nhiên tự tin hẳn lên với một quyết định triệu tập ông Trần Bắc Hà ra tòa vì liên quan đến 4.700 tỉ của BIDV tại "đại án" ngân hàng Phạm Công Danh giai đoạn 2. Phiên tòa này xử vụ cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả thiệt hại 6.000 tỉ xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 24-7 đến ngày 15-8 tới.

Câu hỏi tiếp theo là phải chăng hành động triệu tập đầy tự tin của tòa án xuất phát từ việc tòa này đã biết Trần Bắc Hà không phải ở nước ngoài mà đang ở Việt Nam, thậm chí còn biết đang ở đâu ?

Một dấu hỏi khác cũng mang tính ‘thông điệp chính trị’ không kém : Vì sao kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra trung ương vào cuối tháng Sáu năm 2018, trong khi không áp bất cứ mức kỷ luật đảng nào đối với hai quan chức ‘phe ta’ là Nguyễn Bắc Son – cựu bộ trưởng thông tin và truyền thông, và Trương Minh Tuấn – đương kim bộ trưởng bộ này, lại thẳng tay khai trừ đảng ‘đồng chí Trần Bắc Hà’ ? Phải chăng do Trần Bắc Hà là người của ‘thời kỳ trước’, tức thời Nguyễn Tấn Dũng ?

Và phải chăng động thái khai trừ đảng Trần Bắc Hà sẽ dẫn tới quy trình tố tụng hình sự đối với ông Hà, tức Trần Bắc Hà sẽ bị khởi tố và bị bắt giam như đại gia ngân hàng Trầm Bê đã bị bắt vào tháng Tám năm 2017 và sau đó phải nhận cái án 6 năm tù giam ?

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 02/07/2018

Published in Diễn đàn
dimanche, 01 juillet 2018 16:36

EVFTA sẽ khó được phê chuẩn sớm ?

Còn nhớ trong buổi họp báo với phó chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Châu Âu ngày 10/1/2018, Đại sứ Bruno Angelet – Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam – đã được báo chí nhà nước Việt Nam tường thuật "EU đã có một lộ trình trong năm 2018 để EVFTA được ký kết và phê chuẩn", và "Đại sứ Bruno Angelet bày tỏ hy vọng đến đầu mùa hè năm nay, việc ký kết sẽ được thực thi để hiệp định được chuyển cho Nghị viện Châu Âu xem xét phê chuẩn".

evfta0

Ông Robert Kalinak, cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ Slovakia tiếp Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Tô Lâm - người bị Slovakia và Đức nghi ngờ trong vụ ‘Tô Lâm làm bình phong’ - hôm 26/07/2017. Ảnh minh họa

Nhưng lại rất cần xem xét tính khách quan của lối tường thuật trên bởi không ít lần báo đảng đã "nhét chữ vào miệng" giới quan chức quốc tế.

Sự thật chua chát là cho tới nay, Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA) vẫn chưa có dấu hiệu nào sẽ được ‘thông qua ngay trong năm 2018’ như kỳ vọng và cũng là ‘gợi ý’ đầy lộ liễu của giới chóp bu Việt Nam qua các phương tiện thông tin đại chúng thuần túy một chiều.

Mà khả năng sớm nhất để EVFTA được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn là sau tháng Năm năm 2019 – theo dự đoán của trang Bordelex của Châu Âu.

Cho tới nay, tuyệt nhiên vẫn không thấy Bộ trưởng công an Tô Lâm hiện ra để ‘phản bác những luận điệu sai trái’ vào tháng Năm năm 2018 của phía Slovakia và Đức về vụ ‘Tô Lâm làm bình phong’. Hiện tượng quá trống vắng này càng khiến dư luận quốc tế tin rằng đã có một mối liên đới nào đấy giữa tướng Tô Lâm và Trịnh Xuân Thanh trong vùng lãnh thổ Slovakia.

Vào lúc này, vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ đã lan đến Slovakia – quốc gia mà cùng với Cộng hòa Séc đã được tách ra từ Tiệp Khắc trước đây.

Vào tháng Tư năm 2018 và liên quan đến phiên tòa của Tòa án Đức xử Nguyễn Hải Long – nghi can tham gia đường dây bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin, đã bất thần bùng phát một thông tin liên đới một cấp cao hơn rất nhiều : Slovakia phải làm việc với phía Đức để xác minh khả năng ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an Việt Nam, đã sử dụng chuyến thăm của mình đến nước này hồi tháng Tám năm 2017 để làm bình phong cho vụ bắt giữ Trịnh Xuân Thanh.

Mặc dù sau đó Đại sứ Việt Nam tại Bratislava là ông Dương Trọng Minh đã hồi đáp yêu cầu của Bộ Ngoại giao Slovakia là ‘Trịnh Xuân Thanh chưa bao giờ có mặt ở Slovakia’, giới quan sát chính trị vẫn nhận ra một sự né tránh rõ rệt : câu trả lời của Đại sứ Dương Trọng Minh chỉ là ‘Trịnh Xuân Thanh chưa bao giờ có mặt ở Slovakia’, mà không hề thanh minh cho việc ‘Việt Nam không bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’.

Tuy chưa có quan chức nào của Slovakia tuyên bố một cách chính thức về tình trạng thực ra đã rạn nứt đáng kể giữa Slovakia và Việt Nam qua vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’, nhưng thông tin của báo chí Slovakia và báo chí Đức đều phản ánh mối quan hệ này đang xấu hẳn đi, với sự cảnh giác cao độ của người Slovakia đối với giới mật vụ và ngoại giao Việt Nam.

Tình trạng rạn nứt giữa Slovakia và Việt Nam còn khiến ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa người đồng hương của Slovakia là Cộng hòa Séc với Việt Nam. Vào nửa đầu năm 2017, một quan chức cao cấp của Việt Nam là Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến Séc để vận động nước này ủng hộ Việt Nam vào EVFTA. Khi đó, có vẻ giới lãnh đạo Séc còn lưỡng lự.

Còn đến giờ, đã chẳng có bất kỳ phản hồi nào từ giới lãnh đạo của Chính phủ Séc đối với EVFTA.

Theo quy định của EU, EVFTA muốn được thông qua thì phải nhận được sự đồng ý của 28 nghị viện của toàn bộ 28 quốc gia trong khối EU, mà nếu chỉ một nước không đồng thuận thì EVFTA không thể được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn.

Nếu không có cải thiện đáng kể nào về pháp quyền và nhân quyền, ngay trước mắt Việt Nam có thể mất trắng 3 phiếu cho EVFTA là Đức, Slovakia và Séc.

"Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam có thể không được thông qua" là tựa đề của Bike, Europe, ngày 23/01/2018, dẫn nguồn từ EU-Vietnam Free Trade Agreement Threatened (người dịch : Vũ Quốc Ngữ, Việt Nam Thời Báo). Theo đó, việc phê chuẩn EVFTA đang gặp khó khăn khi Quốc hội Châu Âu đặt câu hỏi về cách mà Việt Nam như một nhà nước cộng sản độc đảng đang đối xử công nhân của mình. Đặc biệt khi Việt Nam có với 93 triệu dân, được coi là một trong những con hổ Châu Á mà Nghị sĩ Bernd Lange nói rằng "Nếu không có tiến bộ về nhân quyền và đặc biệt là về quyền lao động thì thỏa thuận này không được Quốc hội Châu Âu phê chuẩn".

Kết quả hầu như là con số 0 của Đối thoại nhân quyền EU – Việt Nam vào tháng 12/2017 cùng bản nghị quyết nhân quyền đầy sắc thái cứng rắn của Quốc hội EU trong cùng tháng đó đã cho thấy Châu Âu không còn chấp nhận tư thế dễ bị "ăn hiếp" bởi giới chóp bu Việt Nam quá quen mặc cả nhân quyền đổi lấy lợi ích thương mại, đồng thời dựng lên một bức tường đủ cao trước Hà Nội nếu muốn đạt được EVFTA.

Vào tháng Hai năm 2018, trang Borderlex của Châu Âu đã chính thức cho biết để thông qua EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU), "EU khăng khăng yêu cầu Việt Nam phê chuẩn ba hiệp ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tự do lập hội, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, và việc bãi bỏ lao động cưỡng bức dường như đã mang lại kết quả", và khẳng định "Phía sau việc trì hoãn này (EVFTA) còn có một số lý do chính trị như : ưu tiên đưa ra thỏa thuận của EU với Nhật Bản, cuộc đụng độ ngoại giao giữa Berlin và Hà Nội, và Liên minh Châu Âu nhấn mạnh rằng Việt Nam cần tôn trọng hơn các quyền con người và quyền lao động".

Cho tới khi đó, hoàn toàn có thể xem thông điệp trên của EU là một ‘tối hậu thư’ về nhân quyền đối với chính thể Việt Nam.

‘Kết thúc rà soát pháp lý EVFTA’ chỉ là một trong nhiều công đoạn phải có trước khi hiệp định này được Nghị viện Châu Âu quyết định có phê chuẩn hay không. Nhưng do nhiều gian lận thương mại của doanh nghiệp Việt Nam và tình trạng vi phạm nhân quyền quá trầm trọng của chính quyền Việt Nam mà đã khiến thời gian rà soát pháp lý EVFTA kéo dài đến hai năm rưỡi thay vì chỉ 6 tháng đến 1 năm, chính thể Việt Nam sẽ phải mất bao nhiêu năm nữa mới nhận được một hiệp định EVFTA hoàn chỉnh khi chế độ này không những không giảm bớt hành vi gian lận thương mại mà còn tiếp tục vi phạm nhân quyền khi vẫn liên tiếp hành hung tra tấn dã man người dân biểu tình vì an sinh và chủ quyền đất nước, bắt bớ và xử tù nặng nề các công dân yêu nước ?

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 01/07/2018

Published in Diễn đàn

Vì sao Ủy ban Kiểm tra trung ương lại ‘đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật’ đối với Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng thông tin và truyền thông, và Trương Minh Tuấn, đương kim Bộ trưởng thông tin và truyền thông, trong khi ‘đồng chí Lê Nam Trà’ chỉ là cấp dưới của Son và Tuấn nhưng lại bị Ủy ban Kiểm tra trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức cao nhất là khai trừ đảng ?

tuan1

Trong số các quan chức dính dáng đến vụ ăn chia ‘Mobifone mua AVG’ khiến ngân sách thất thoát ít nhất 7000 tỷ đồng, Nguyễn Bắc Son (bìa phải) và Trương Minh Tuấn (giữa) bị dư luận xem là ‘ăn đậm’. Ảnh: YouTube

Cái cách đề nghị trên rất dễ khiến dư luận xã hội cho là ông Trọng đang tìm cách cứu vớt hai quan chức bị xem là ‘ăn ngập mặt, ăn đến táng tận lương tâm’ này.

Theo mối quan hệ dắt dây giữa nguyên tắc đảng và pháp đình cộng sản, sau khi bị tước đảng tịch, Lê Nam Trà sẽ rất có thể rơi vào vòng tố tụng hình sự và phải dối mặt với vòng lao lý.

Vào trung tuần tháng 12/2017, một số tờ báo nhà nước đã bắt đầu ẩn dụ "Điểm trùng hợp trên đường công danh 2 ông Lê Nam Trà – Cao Duy Hải" theo cách "bổ nhiệm cùng ngày" và "chuyển công tác, đi chữa bệnh cùng năm", chẳng hạn như "Ngày 21/04/2015, khi ông Lê Nam Trà được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên thì ông Cao Duy Hải được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Tổng công ty MobiFone thay ông Trà. Chỉ hơn 2 năm sau, sau khi ông Lê Nam Trà chuyển công tác khỏi MobiFone, tới lượt ông Cao Duy Hải xin phép nghỉ ốm để chữa bệnh".

‘Mobifone mua AVG’ là một vụ kê khống giá mua lên tới gần 9000 tỷ đồng so với giá trị thực chỉ khoảng 1000 – 1500 tỷ đồng, được phối hợp ‘binh chủng hợp thành’ bởi hàng loạt quan chức của doanh nghiệp viễn thông Mobifone, AVG và các Bộ Thông tin-Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Văn phòng chính phủ.

Trong số các quan chức dính dáng đến vụ ăn chia ‘Mobifone mua AVG’ khiến ngân sách thất thoát ít nhất 7000 tỷ đồng, Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông vào thời đó là Nguyễn Bắc Son bị dư luận xem là ‘ăn đậm’, với tỷ lệ dành cho Son có thể lên đến 10 – 15% trong số 7000 tỷ.

Một dẫn chứng phát lộ gần đây nhất về ‘tỷ lệ ăn chia’ là Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao thuộc Bộ Công an – Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, được chính thức công bố đã ‘ăn’ 15% trong hợp đồng chia phần lợi nhuận của đường dây đánh bạc công nghệ cao.

Còn Trương Minh Tuấn – nhân vật ‘kiên định cách mạng’, ‘sát thủ báo chí’ và rất thường ‘đọc bài’ lẫn viết bài về ‘chống tự diễn biến, tự chuyển hóa’ rập khuôn theo tư tưởng của Nguyễn Phú Trọng, cũng bị nghi ngờ rất lớn về ‘âm mưu chia chác’ bởi ông này đã trực tiếp ký phê duyệt hợp đồng ‘Mobifone mua AVG’ khi còn là cấp phó cho Nguyễn Bắc Son, để ông Lê Nam Trà của Công ty Mobifone ký hợp đồng mua Công ty AVG. Dấu hỏi rất lớn là số tiền còn lại chạy đi đâu, và ai được "lại quả" từ số tiền đó ?

Vào thời gian khoảng vài tuần trước ngày 23/4/2018 là thời điểm bàn giao hồ sơ vụ ‘Mobifone mua AVG’ giữa Thanh tra chính phủ và C46, Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn đã ‘đạo diễn’ để AVG trả lại tiền cho Mobifone như một cách ‘khắc phục hậu quả’ – nhưng lại bị dư luận xem là một cách chạy án quá lộ liễu và trắng trợn.

Nhưng đến cuối tháng Tư năm 2018, cửa thoát của Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đã bị hẹp lại đáng kể sau chỉ đạo ‘Bổ sung vụ AVG vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng’ của Nguyễn Phú Trọng.

Đầu tháng Sáu năm 2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận vụ ‘MobiFone mua AVG’ có những vi phạm của Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin – Truyền thông, trong đó nêu rõ vi phạm của các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn là ‘rất nghiêm trọng’.

Kết luận ‘rất nghiêm trọng’ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với hai quan chức cao cấp Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn, cùng cái cách phát thông cáo báo chí của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy áp lực dư luận đối với Nguyễn Phú Trọng trong vụ ‘Mobifone mua AVG’ là đủ lớn, để ông Trọng không thể chỉ ‘chống tham nhũng thời kỳ trước’ hay ‘chống tham nhũng một bên’, mà còn phải ‘chống tham nhũng cả phe ta’.

Vào tháng Tám năm 2016, Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn đã được Tổng bí thư Trọng chỉ định kiêm chức vụ Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương – được hiểu như một cách để thay mặt bên đảng nắm hoạt động chính quyền.

Khi đó, Trương Minh Tuấn bất ngờ ngoi lên khỏi mặt bằng giới ủy viên trung ương với quan điểm sắt son đến lạ lùng về ‘chống tự diễn biến, tự chuyển hóa’ và chống tham nhũng trong báo chí – lặp đi lặp lại phương châm cùng chủ đề của Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trung ương 4 vào tháng Mười năm 2016.

Vì thế hiểu theo một cách nào đó, ông Trương Minh Tuấn được xem là ‘phe ta’, tức người của phe Tổng bí thư Trọng, trái ngược với ‘phe củi Nguyễn Tấn Dũng’.

Trong chiến dịch được xem là ‘chống tham nhũng’ của Nguyễn Phú Trọng, vụ ‘Mobifone mua AVG’ và cá nhân Trương Minh Tuấn được dư luận đặc biệt chú tâm. Nếu ông Trọng ‘cho qua’ vụ Trương Minh Tuấn, điều được ông Trọng tuyên xưng là ‘chống tham nhũng không có vùng cấm’ sẽ vô giá trị, còn tất cả những tụng danh dành cho ông Trọng như ‘Sỹ phu Bắc Hà’, ‘Minh quân’, ‘Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ và gần đây nhất là ‘Người đốt lò vĩ đại’ sẽ chỉ còn gió thoảng mây bay và chẳng còn ý niệm gì nữa.

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 01/07/2018

Published in Diễn đàn

Một năm sau chuyến đi Mỹ không hề thành công về Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ của Thủ tướng Phúc, một ủy viên bộ chính trị khác lại xuất hiện ở Washington kèm một ẩn ý về hiệp định này : Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

vdh2

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ gặp Thứ trưởng Ngoại giao John Sullivan. Ảnh: VGP/Thành Chung

‘Đặc phái viên EVFTA’

Vào năm 2017, ‘đặc phái viên’ Vương Đình Huệ cũng đã được Tổng bí thư Trọng chỉ đạo để thực hiện một chuyến "dân vận" ở Tây Âu và Đông Âu nhằm thuyết phục các nước châu Âu mau chóng chấp thuận cho Việt Nam được tham gia vào Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) – một hiệp định mà lẽ ra Việt Nam sẽ có cơ hội được tham gia chính thức vào giữa năm 2018, nhưng vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức – Việt đã khiến tương lai ấy trở nên quá bất định.

Nhưng cũng như kết quả hoàn toàn mờ nhạt trong chuyến đối ngoại vận động EVFTA của Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với châu Âu cũng vào năm 2017, các cuộc gặp của ông Vương Đình Huệ với giới chức Bỉ, Slovakia, Thụy Sĩ đều chỉ mang lại một kết quả chung chung : không có bất kỳ hứa hẹn, và càng không có bất kỳ cam kết miệng hay cam kết bằng văn bản nào từ giới chức các nước châu Âu về việc sẽ hỗ trợ Việt Nam vận động nhằm sớm thông qua EVFTA.

Vào đầu năm 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lại tiến hành một chuyến vận động EVFTA tại cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị WEF Davos 2018 diễn ra tại Thuỵ Sĩ. Song vào lần đó, ông Huệ chỉ gặp được một quan chức bậc trung là Ủy viên Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ Johann Ammann. Kết quả cuộc vận động này vẫn chỉ là vài lời hứa hẹn chung chung.

Sau khi TPP đổ vỡ lần đầu vào đầu năm 2017 do Mỹ chính thức rút khỏi hiệp định này, chính thể Việt Nam chỉ còn EVFTA là hiệp định thương mại mang lại lợi lộc nhiều nhất ứng với đà xuất siêu của Việt Nam sang châu Âu lên đến 25 tỷ USD mỗi năm – gần bằng giá trị nhập siêu lên đến 30 tỷ USD hàng năm (chỉ tính theo đường chính ngạch, chưa kể khoảng 20 tỷ USD nhập siêu theo đường tiểu ngạch) của Việt Nam từ Trung Quốc.

Giá trị xuất siêu hàng năm của hàng Việt Nam vào thị trường EU là gần tương đương với giá trị xuất siêu lên tới gần 30 tỷ USD mỗi năm của các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Mỹ. Do vậy, giá trị của bản hiệp định EVFTA có cũng có giá ngang bằng với tương lai của Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ mà giới chóp bu Hà Nội đang hết sức thèm muốn, để rất có thể Vương Đình Huệ đang được trực tiếp Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo cố gắng thêm một lần nữa giành được thiện cảm thương mại của người Mỹ, sau chuyến đi ‘quốc tế vận’ hoàn toàn không thành công của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Tổng thống Donald Trump tại Washington vào tháng Năm năm 2017 mà càng đẩy nền kinh tế lẫn ngân sách Việt Nam vào cơn ác mộng mất ngủ kinh niên.

Lại mong ngóng Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ ?

Sau cuộc gặp Trump – Phúc vào tháng Năm năm 2017, dù thất vọng được phái đoàn Việt Nam cố gắng che giấu nhưng vẫn lộ ra một cách trần trụi. Trong vỏn vẹn 1 giờ đồng hồ hội đàm Mỹ – Việt, bất chấp món quà 8 tỷ USD giá trị thương mại (nếu có thật) mà ông Phúc cho biết các doanh nghiệp Việt đã ký kết với giới doanh nghiệp Mỹ, đã không có bất kỳ từ ngữ nào được Trump sử dụng, dù chỉ mang tính hàm ý, nói về "Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ".

Cần nhắc lại, Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ mới chính là chủ đề mà phía Việt Nam quan tâm nhất và trở thành mục tiêu lớn nhất của chuyến sang Mỹ vào tháng Năm năm 2017. Nếu có được dù chỉ một thỏa thuận sơ bộ về Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ, phía Việt Nam sẽ có hy vọng duy trì được số xuất siêu hơn 30 tỷ USD hàng năm vào thị trường Mỹ, đồng thời mở ra hy vọng vay mượn thêm tín dụng từ các chủ nợ lớn nhất như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Phát triển Á châu, hơn nữa còn có thể "thúc đẩy sớm thông qua EVFTA".

Thậm chí trước chuyến công du Mỹ của Thủ tướng Phúc, một chuyên gia nhà nước đã "bắn tin" rằng Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ đã được được chuyên viên hai nước đàm phán xong và đã được đặt lên bàn thủ tướng (Việt Nam), chỉ còn chờ mang sang Mỹ ký chính thức.

Nhưng do Trump không hề đả động đến Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ, có thể xem như số phận của hiệp định (nếu có thật) này – một trong hiếm hoi lối thoát khả dĩ nhất về kinh tế và ngân sách của chính thể Việt Nam – vẫn còn "treo" ở đó mà chưa biết khi nào mới xong.

Tuyên bố chung về tăng cường Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tháng Năm năm 2017 chỉ đề cập : "Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy thương mại song phương và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hai bên, đặc biệt thông qua việc triển khai có hiệu quả Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư để xử lý các vấn đề trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trên tinh thần xây dựng".

Thực ra, Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) là một hiệp định khung mà Việt Nam đã đàm phán với Mỹ từ năm 2010, nhưng sau đó bỏ dở vì Việt Nam mải chạy theo món hời hơn và ‘ăn ngay’ được là Hiệp định TPP. Chỉ đến đầu năm 2017 khi TPP hầu như tuyệt vọng, Việt Nam mới phải quay lại đàm phán về TIFA như một nỗ lực cuối cùng.

Nhưng có lẽ chẳng nhìn ra cái lợi ‘ăn ngay’ nào từ TIFA, kể từ sau chuyến đi Mỹ của Thủ tướng Phúc vào năm 2017 đến nay, TIFA đã không hề được giới quan chức Việt Nam nhắc lại.

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 29/06/2018

Published in Diễn đàn

Cuộc gặp của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với Bộ Tài chính Hoa Kỳ vào cuối tháng Sáu năm 2018 đã khiến lộ ra một ‘bí mật quốc gia’ mà mấy năm qua giới quan chức Việt Nam cố tình giấu nhẹm : ông Huệ đề nghị Mỹ "mở lại kênh cho vay ODA và vay ưu đãi cho Việt Nam, tăng cường các chương trình viện trợ trực tiếp và gián tiếp thông qua các tổ chức phi chính phủ để thực hiện các dự án nhân đạo và hỗ trợ phát triển tại Việt Nam".

vdh1

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị lập kênh đối thoại giữa Bộ Tài chính Việt – Mỹ. Ảnh : NLĐ

Cũng có nghĩa là trong mấy năm qua, lượng ODA và viện trợ không hoàn lại được cấp từ Mỹ cho Việt Nam đã giảm về 0.

Con số vay ODA của nước ngoài từ năm 1993 đến năm 2014 đã lên tới 90 tỷ USD. Sau khi trừ đi 10 – 12% vốn vay không hoàn lại trong số đó, mỗi năm ngân sách Việt Nam phải có trách nhiệm trả nợ quốc tế hàng chục tỷ USD. Mà muốn trả được số nợ này, Việt Nam lại phải tìm cách "vay đảo nợ" của các tổ chức tín dụng quốc tế. Trước đây, những tổ chức này vẫn cho Việt Nam vay vốn "đầu tư phát triển" và vay đảo nợ khá dễ dàng. Nhưng đến năm 2015, WB bất ngờ thông báo hai "tin buồn" cho Việt Nam : Việt Nam đã "tốt nghiệp IDA" mà sẽ không được xếp vào loại quốc gia "xóa đói giảm nghèo" ; và từ tháng 7/2017 sẽ không được vay với lãi suất ưu đãi 0,7 – 0,8%/năm cùng thời gian ân hạn đến 30 – 40 năm như trước đây, mà mức lãi suất vay sẽ được nâng lên gấp ba và thời gian ân hạn giảm xuống một nửa.

Trong khi đó, ngân sách Việt Nam vẫn buộc phải làm cái chuyện vừa lo trả nợ vừa phải tiếp tục vay mượn vượt hơn đến 30% số trả nợ hàng năm để phục vụ các khoản chi tiêu thường xuyên khổng lồ của bộ máy gần 4 triệu công chức viên chức và lực lượng vũ trang, trong đó tỷ lệ chi cho lực lượng công an ở Việt Nam lên đến 12% chi ngân sách – một mức chi cực kỳ lớn, chưa kể gần 5 tỷ USD chi cho bộ máy quốc phòng hàng năm.

Nguyễn Xuân Phúc – nhân vật trở nên quá cám cảnh bởi tư thế phải "đổ vỏ" cho thời thủ tướng trước, đã rơi vào một vòng xoáy "cơm áo gạo tiền" cho đảng và chính phủ cầm quyền ở Việt Nam. Đã quá đủ cho vài chục năm vay nợ nước ngoài, chi xài vô tội vạ và bỏ mặc tham nhũng hoành hành của chính phủ cùng chính quyền các địa phương Việt Nam, để lại núi nợ công lên đến ít nhất 210% GDP, tương đương khoảng 431 tỷ USD.

Thay cho Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ chưa thấy đâu, dường như giới quan chức chính phủ Việt Nam – từ Nguyễn Xuân Phúc đến Vương Đình Huệ – đã phải bỏ kịch bản ‘ăn ngay’ để tính đến phương án "ăn sẵn" : thay vì phải đi vay mượn nhưng sẽ cột chặt thêm trách nhiệm phải trả nợ, cần cố gắng xin được viện trợ không hoàn lại mà sẽ không gắn với bất kỳ trách nhiệm thanh toán nào.

Vào tháng Mười năm 2017, Thủ tướng Phúc đã phải "đề nghị Ngân hàng thế giới tìm kiếm nguồn vốn tài trợ cho Việt Nam các khoản không hoàn lại để giảm tối đa làm chi phí vay vốn, tăng thành tố ưu đãi của các khoản vay".

"Lời đề nghị khiến nhã" trên lại xuất hiện trong bối cảnh ngân sách quốc gia Việt Nam có quá nhiều dấu hiệu cạn kiệt và thậm chí có thể vỡ nợ như trường hợp của Argentine vào các năm 2001 và 2014.

Chỉ có điều, xin tiền nước ngoài vào lúc này cũng không còn dễ dàng nữa.

Trong buổi gặp Thủ tướng Phúc vào tháng Mười năm 2017, dù ông Phúc nói nhiều và không quên ca ngợi "tình bạn của Ngân hàng thế giới với Việt Nam", Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione đã không có bất kỳ hứa hẹn hay cam kết cụ thể nào về những khoản vay không hoàn lại và có hoàn lại. Cũng chẳng có bất kỳ con số nào được thốt ra từ miệng Ousmane Dione.

Tính từ năm 2016 khi Nguyễn Xuân Phúc trở thành thủ tướng đến nay, phía WB đã có một số lần gặp gỡ với giới quan chức lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam. Nhưng khác hẳn với thời gian trước, họ trở nên rất kiệm lời, đặc biệt liên quan đến phát ngôn về con số.

Hình như sau khi phải chứng kiến cảnh "ăn của dân không chừa thứ gì" ở Việt Nam, mối quan hệ giữa Ngân hàng thế giới và Hà Nội đã nhòa nhạt đi nhiều.

Nhưng lại khá khó hiểu về việc tại sao Nguyễn Xuân Phúc – nhân vật đã có thâm niên lâu năm trong Văn phòng chính phủ và có thể đã quá biết, quá hiểu về quốc nạn tham nhũng ODA (nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức) lên tới 40-50% giá trị dự án tại Việt Nam, vẫn có thể "trơ mặt" đến mức đề nghị "các khoản không hoàn lại" với WB.

Còn có thêm một kiểm chứng nữa về hoàn cảnh xin tiền khốn khó.

Mặc dù Trần Đại Quang được chào đón bằng 21 phát đại bác và được đón tiếp với nghi lễ dành cho nguyên thủ quốc gia, đã được đón tiếp bởi Nhà vua Akihito và Hoàng hậu, đã hội kiến với Chủ tịch Thượng viện Chuichi Date, đã hội kiến với Thủ tướng Abe, nhưng chuyến công du của nhân vật này đến Nhật Bản vào cuối tháng Năm năm 2018 đã chỉ đạt được một kết quả nhỏ nhoi về ‘xin viện trợ’ : phía Nhật cung cấp thêm khoản viện trợ phát triển ODA cho Việt Nam trị giá 16 tỉ yên, tương đương 142 triệu USD, cho dự án nâng cao năng lực đào tạo nghề.

Con số 16 tỷ yen trên chỉ bằng 10% số 160 tỷ yen mà Nhật Bản hỗ trợ ODA cho Việt Nam hàng năm, trong 5 tính theo năm tài chính Nhật Bản 2012-2016, trung bình mỗi năm.

Từ nhiều năm qua, ODA đã trở thành một trong những quốc nạn về tham nhũng. Tỷ lệ thất thoát bình quân tại nhiều dự án ODA được đồn đoán khoảng 20 – 25%. Nhưng đó chỉ là mức "hợp pháp". Thậm chí tỷ lệ "lại quả" ODA còn lên đến 40% – được chứng thực bởi một dự án xây dựng trường tiểu học ở Hà Tĩnh và giai đoạn 2009 – 2010. Ngoài ra, còn rất nhiều bằng chứng về lãng phí và "ăn dày" ODA.

Hiện thời, cần nhìn nhận một sự thật mà có lẽ giới tuyên giáo đảng ở Việt Nam chẳng hề muốn đả động : những chuyến công du quốc tế của giới chóp bu Việt Nam diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đã bước vào năm suy thoái kinh tế thứ 10 liên tiếp, nợ xấu ngập đầu còn nợ công phi mã đến 210% GDP, ngân sách có nguy cơ cạn kiệt, trong lúc các kênh "ngoại viện" gần như đóng lại.

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 30/06/2018

Published in Diễn đàn

Vào cuối tháng Sáu năm 2018, chính quyền Việt Nam và giới chuyên gia ‘phản biện trung thành’ không giấu nổi vui mừng khi thông báo tin tức Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý, đồng thời thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (IPA).

evfta1

Bộ trưởng công thương Trần Tuấn Anh (phải) và đại diện EU kết thúc quá trình rà soát pháp lý EVFTA. Ảnh : ANTĐ

IPA là hiệp định mang nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư (ISDS), được tách riêng ra khỏi Hiệp định FTA giữa Việt Nam và EU. Về thực chất, đây là phương án 2 trong hai phương án – được đặt ra bởi hai đoàn đàm phán của EU và Việt Nam – nhằm kết thúc quá trình rà soát pháp lý EVFTA được đặt ra trước đây.

Trong đó, phương án 1 là không có IPA nhưng thời gian đàm phán sẽ lâu hơn một số tháng, có thể là nhiều tháng hoặc vài ba năm. Sau một thời gian đôn đáo vận động và đã phải liên tục cử các đoàn ‘quốc tế vận’ của Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và cả Trưởng ban đối ngoại trung ương Hoàng Bình Quân đi các nước Thụy Sĩ, Bỉ, Slovakia, Hungary… nhưng vẫn không mang lại kết quả rõ rệt nào, cuối cùng phía Việt Nam đã chọn phương án 2 ‘ăn non’ nhưng không ăn chắc, tức tách rời IPA khỏi EVFTA để EVFTA được kết thúc rà soát pháp lý sớm hơn và do vậy cũng mang lại hy vọng được thông qua nhanh hơn.

Tuy nhiên trong tiến trình thực tế, EVFTA đã trở thành một ‘con rùa’ mà đã khiến giới chóp bu Việt Nam không ít lần công khai bày tỏ thái độ sốt ruột và cả ‘lên máu’.

Mặc dù đã kết thúc giai đoạn đàm phán từ tháng Mười Hai năm 2015 – thời điểm mà hệ thống tuyên giáo cùng báo đảng Việt Nam khoa trương hết lời về ‘sẽ phê chuẩn EVFTA ngay trong năm 2016’, phải mất đến hai năm rưỡi sau đó hiệp định ngổn ngang này mới kết thúc giai đoạn rà soát pháp lý, trong khi thông thường khoảng thời gian rà soát pháp lý đối với những hiệp định tương tự chỉ mất từ 6 tháng đến 1 năm.

Không phải ngẫu nhiên mà thời kỳ rà soát pháp lý cho EVFTA kéo dài quá lâu như thế.

Tuy cho tới nay phía EU vẫn chưa quá bức xúc với tình trạng thâm hụt thương mại hai chiều với Việt Nam như việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục gây sức ép vì Việt Nam đã xuất siêu đến gần ba chục tỷ USD vào thị trường Mỹ hàng năm, nhưng nguồn cơn đầu tiên của sự chậm chạp EVFTA có lẽ thuộc về ‘thẻ vàng hải sản’ – phản ánh một quá trình hành vi rất thiếu ‘fair-play’ của Việt Nam đối với EU.

Cộng hưởng với tình trạng nhôm và thép Việt Nam xuất vào thị trường Mỹ với khối lượng lớn nhưng phần lớn trong số đó lại có nguồn gốc Trung Quốc, rất có thể người Mỹ và EU đã phải đặt vấn đề một cách nghiêm trọng về hành vi gian lận thương mại của các doanh nghiệp và cả giới quản lý điều hành ở Việt Nam, để từ đó phải xem xét lại có nên thông qua nhanh chóng Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ và EVFTA hay không.

Nguồn cơn thứ hai là nhân quyền.

Vào tháng Hai năm 2018, trang Borderlex của Châu Âu đã chính thức cho biết để thông qua EVFTA, "EU khăng khăng yêu cầu Việt Nam phê chuẩn ba hiệp ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tự do lập hội, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, và việc bãi bỏ lao động cưỡng bức dường như đã mang lại kết quả", và khẳng định "Phía sau việc trì hoãn này (EVFTA) còn có một số lý do chính trị như : ưu tiên đưa ra thỏa thuận của EU với Nhật Bản, cuộc đụng độ ngoại giao giữa Berlin và Hà Nội, và Liên minh Châu Âu nhấn mạnh rằng Việt Nam cần tôn trọng hơn các quyền con người và quyền lao động".

Đến đầu tháng Sáu năm 2018 thì sự việc trở nên rõ hơn nhiều. Tờ Nhật báo Frankfurt Phổ thông (Frankfurter Allgemeine Zeitung – FAZ) của Đức cho biết Trịnh Xuân Thanh sẽ được trả tự do "trong thời gian tới đây". Dựa trên nhiều nguồn tin, tờ nhật báo này nói rằng chính phủ Hà Hội đã cam kết với nước Đức sẽ cho phép Trịnh Xuân Thanh xuất cảnh sang nước Cộng Hòa Liên bang Đức sau khi vụ xét xử một người giúp đỡ bắt cóc ở Berlin đi đến kết thúc.

Cũng theo thông tin của nhật báo này, một phần của sự nhượng bộ từ phía Việt Nam cũng là việc trả tự do cho luật sư Nguyễn Văn Đài.

Với những vụ trả tự do như thế, Hà Nội hy vọng sẽ cải thiện được quan hệ kinh tế với nước Đức và EU, báo FAZ tường thuật. Đại diện EU cũng nói với Hà Nội rằng việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam vào đầu năm 2019 sẽ phụ thuộc vào sự chấp thuận của Đức trong Hội đồng Châu Âu. Thuộc vào trong số những nhượng bộ về ngoại giao của Việt Nam cũng là việc cải thiện những điều kiện giam giữ cho các tù nhân chính trị khác.

Sau khi TPP đổ vỡ lần đầu vào đầu năm 2017 do Mỹ chính thức rút khỏi hiệp định này, chính thể Việt Nam chỉ còn EVFTA là hiệp định thương mại mang lại lợi lộc nhiều nhất ứng với đà xuất siêu của Việt Nam sang Châu Âu lên đến 25 tỷ USD mỗi năm – gần bằng giá trị nhập siêu lên đến 30 tỷ USD hàng năm (chỉ tính theo đường chính ngạch, chưa kể khoảng 20 tỷ USD nhập siêu theo đường tiểu ngạch) của Việt Nam từ Trung Quốc.

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 29/06/2018

Published in Diễn đàn

Bất chấp phản ứng ngày 24/6/2018 của ông Hồ Minh Tuấn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHxã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Czech, chứ không phải của Bộ Ngoại giao Việt Nam, về phát biểu của Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Cộng hòa Czech là "hoàn toàn không phù hợp với sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai nước những năm qua", giới chóp bu Việt Nam đã lần đầu tiên như bị một cái tát nảy đom đóm từ chính đối tác mà họ luôn tự tin là ‘quốc gia có nền kinh tế thân thiện nhất với Việt Nam’.

tocao1

Ông Lubomir Zaoralek, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện - Czech - Ảnh : AFP

Ba ngày trước đó – 21/6/2018, trong khuôn khổ bàn luận về vấn đề ngân sách tài chính năm 2017 của ngành ngoại giao Cộng hòa Czech, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện nước này là ông Zaoralek đã bất ngờ tung ra một phát ngôn chấn động mang tính khẳng định "Việt Nam là tội phạm có tổ chức và trở thành mối đe dọa an ninh quốc gia hàng đầu", được dẫn lại bởi trang Vietinfo.eu – một trang tin tức của cộng đồng người Việt sinh sống tại Châu Âu.

Ông Zaoralek cho biết visa cho sinh viên Việt Nam vào Czech là công cụ để đưa tội phạm vào nước này. Ông cũng nói rằng các băng nhóm Trung Quốc và Việt Nam đang sản xuất chất gây nghiện Pervitin để bán vào Đức và Czech…

Nhưng nếu nhìn rộng hơn, phát ngôn của ông Zaoralek không hẳn là một sự bất ngờ mà đã được tích tụ sau một khoảng thời gian đủ dài và chuỗi sự cố đủ dày. Phát ngôn này không chỉ liên đới mật thiết với quá nhiều bức xúc của cộng đồng người Việt ở Czech trước tình trạng Đại sứ quán Việt Nam tại nước này đã từ lâu biến cơ chế cấp visa thành một dịch vụ hay hơn thế nữa là vụ đầu cơ dành cho các quan chức của đại sứ quán, với giá thu visa gấp từ 4-5 lần so với mức quy định, mà còn nhằm chỉ trích nhiều thực trạng mà giới quan chức ‘ăn của dân không chừa thứ gì’ đã mang sang tận kinh thành cổ kính Praha.

Phát ngôn trên lại phát ra trong bối cảnh vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ đã lan đến Slovakia – quốc gia mà cùng với Cộng hòa Czech đã được tách ra từ Tiệp Khắc trước đây.

Vào tháng Tư năm 2018 và liên quan đến phiên tòa của Tòa án Đức xử Nguyễn Hải Long – nghi can tham gia đường dây bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin, đã bất thần bùng phát một thông tin liên đới một cấp cao hơn rất nhiều : Slovakia phải làm việc với phía Đức để xác minh khả năng ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an Việt Nam, đã sử dụng chuyến thăm của mình đến nước này hồi tháng Tám năm 2017 để làm bình phong cho vụ bắt giữ Trịnh Xuân Thanh.

Mặc dù sau đó Đại sứ Việt Nam tại Bratislava là ông Dương Trọng Minh đã hồi đáp yêu cầu của Bộ Ngoại giao Slovakia là ‘Trịnh Xuân Thanh chưa bao giờ có mặt ở Slovakia’, giới quan sát chính trị vẫn nhận ra một sự né tránh rõ rệt : câu trả lời của Đại sứ Dương Trọng Minh chỉ là ‘Trịnh Xuân Thanh chưa bao giờ có mặt ở Slovakia’, mà không hề thanh minh cho việc ‘Việt Nam không bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’.

Và trong khung cảnh ‘tang gia bối rối’ của Việt Nam, liệu Bộ Ngoại giao Slovakia có thể tin tưởng được câu trả lời từ Đại sứ Dương Trọng Minh – một quan chức bậc trung và chẳng có quyền quyết định gì – là có một giá trị nào đó ?

Cho tới nay, tuyệt nhiên vẫn không thấy Bộ trưởng công an Tô Lâm hiện ra để ‘phản bác những luận điệu sai trái’ mới đây của phía Slovakia và Đức về vụ ‘Tô Lâm làm bình phong’. Hiện tượng quá trống vắng này càng khiến dư luận quốc tế tin rằng đã có một mối liên đới nào đấy giữa tướng Tô Lâm và Trịnh Xuân Thanh trong vùng lãnh thổ Slovakia.

Tuy chưa có quan chức nào của Slovakia tuyên bố một cách chính thức về tình trạng thực ra đã rạn nứt đáng kể giữa Slovakia và Việt Nam qua vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’, nhưng thông tin của báo chí Slovakia và báo chí Đức đều phản ánh mối quan hệ này đang xấu hẳn đi, với sự cảnh giác cao độ của người Slovakia đối với giới mật vụ và ngoại giao Việt Nam.

Tình trạng rạn nứt giữa Slovakia và Việt Nam còn khiến ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa người đồng hương của Slovakia là Cộng hòa Czech với Việt Nam. Vào nửa đầu năm 2017, một quan chức cao cấp của Việt Nam là Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến Czech để vận động nước này ủng hộ Việt Nam vào EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu). Khi đó, có vẻ giới lãnh đạo Czech còn lưỡng lự.

Còn đến giờ, đã chẳng có bất kỳ phản hồi nào từ giới lãnh đạo của Chính phủ Czech đối với EVFTA.

Ngay trước mắt, Việt Nam đã có thể mất trắng 3 phiếu cho EVFTA là Đức, Slovakia và Czech.

Không những thế, nhiều nước Tây Âu và cả Đông Âu sẽ có thể đặt Việt Nam vào một tầm ngắm mới và khởi tạo một hàng rào kiên cố nhằm ngăn chặn mật vụ Việt Nam hành xử theo ‘luật rừng’ ở Lục Địa Già.

2018 tiếp tục trở thành ‘năm thành công đối ngoại chưa từng có’ mà Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh đã tuyên rao vào cuối năm 2017.

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 26/06/2018

Published in Diễn đàn

Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng của Đảng cộng sản Việt Nam diễn ra vào ngày 25/6/2018 đánh dấu tròn hai tháng liên tiếp ‘lò ông Trọng’ bị nguội lạnh.

lo11

Đang có những biểu hiện cho thấy ông Trọng đang thỏa mãn quá sớm với bản thành tích chống tham nhũng còn quá ít ỏi của ông, để trong khi tương lai trở thành ‘bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ và ‘lưu danh sử xanh’ của ông còn xa mới đạt tới. Ảnh : TTXVN-VNA

Thành tích ‘đốt lò’ gần nhất của Nguyễn Phú Trọng là vụ ông Phan Hữu Tuấn, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục tình báo Bộ Công an đã nghỉ hưu, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố và tống giam về hành vi "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước" vào ngày 17/4/2018.

Vụ bắt tướng Phan Hữu Tuấn xảy ra chỉ 11 ngày sau khi cựu Tổng cục trưởng tổng cục cảnh sát – Trung tướng Phan Văn Vĩnh – bị khởi tố và tống giam vì liên quan đến đường dây đánh bạc công nghệ cao.

Tuy nhiên, hai vụ bắt tướng công an trên dường như là bản sơ kết cuối cùng cho nửa đầu năm 2018. Trong khi đó, một vụ việc gây chấn động dư luận xã hội là ‘Mobifone mua AVG’ lại đang lộ diện nguy cơ chìm xuồng trong việc xử lý các cá nhân sai phạm như Phạm Nhật Vũ, Lê Nam Trà, Nguyễn Bắc Son, Phạm Đình Trọng, Trương Minh Tuấn.

Trong vụ việc trên, nhân vật đặc biệt được chú ý đặc biệt là Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn – người từng được ông Trọng sủng ái và chỉ định kiêm phó trưởng ban tuyên giáo trung ương vào năm 2016.

Mặc dù sau khi công bố kết luận thanh tra vụ ‘Mobifone mua AVG’, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn đã ‘đạo diễn’ để AVG trả lại tiền cho Mobifone như một cách ‘khắc phục hậu quả’, nhưng động tác này đã bị nhiều ý kiến cho là ‘chạy tội’.

Nếu Trương Minh Tuấn được cho "hạ cánh an toàn" trong vụ này, ông Trọng sẽ đương nhiên bị dư luận đánh giá rất thiếu công tâm khi bao che cho "phe ta", và chiến dịch ‘đốt lò’ của ông Trọng sẽ chẳng còn có ý nghĩa gì nữa.

Ở vụ việc Thủ Thiêm – có dấu hiệu tham nhũng và cố ý làm trái còn lớn hơn nhiều vụ AVG – đang có dấu hiệu chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh xin trung ương ‘xử lý nội bộ’, còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tổ chức một cuộc họp về vụ Thủ Thiêm với kết luận rất nước đôi và rất yếu ớt, như thể ông Phúc đang cố che chắn cho một nhóm lợi ích nào đó đã ‘ăn đất’ ở cái vùng đất đã chứng kiến không ít oan hồn dân oan phẫn uất này.

Nhóm đó là nhóm nào, gồm những ai ? Nhóm quyền lực – lợi ích này có lợi dụng chiến dịch ‘đốt lò’ của Nguyễn Phú Trọng để ‘tống tiền’ nhóm quyền lực – lợi ích cũ của Lê Thanh Hải ?

Bởi một kịch bản mà nếu trở thành hiện thực thì người dân sẽ phải dìm chút hy vọng còn lại vào Nguyễn Phú Trọng xuống tận đáy : sau khi đã có kết quả kiểm tra hoặc thanh tra, một thế lực chính trị – lợi ích sẽ lấy kết quả đó để tống tiền và ngã giá với những quan chức sắp bị tống vào ‘lò’. Lối thoát duy nhất của những quan chức tham nhũng là phải ‘ói ra’, tức phải nhả ra nhiều lô đất vàng tại khu vực Thủ Thiêm cho nhóm lợi ích mới với giá cực thấp hoặc ‘cho không’. Nếu chịu ‘ói ra’, sẽ chẳng có quan chức ‘ăn đất’ nào phải trả giá, hoặc cùng lắm chỉ bị ‘cách hết mọi chức vụ trong quá khứ’ như một động tác ma mị đối với dân chúng. Và cũng chẳng có đồng tiền bồi thường nào đến tay dân oan, mà tất cả sẽ chui vào túi của những kẻ tống tiền.

"Cuộc chiến này còn khó khăn, phức tạp, gian khổ, lâu dài, đầy thử thách, chịu sức ép rất lớn từ rất nhiều phía" – Tổng bí thư Trọng thốt ra phát ngôn ‘lạ’ tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng vào ngày 25/6/2018.

Trước hội nghị trên một tuần lễ, vào buổi chiều 17/6/2018 khi tiếp xúc cử tri tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), ông Nguyễn Phú Trọng đã không còn đề cập một cách mạnh mẽ cùng những ngôn từ bóng bẩy và ẩn dụ về công cuộc ‘đốt lò’ của ông, trong khi lại cho rằng ‘vấn đề kê khai tài sản cán bộ là vấn đề rất khó, nhạy cảm bởi nó liên quan đến quyền đời tư, quyền bí mật cá nhân’. Có thể cho rằng phát ngôn này của ông Trọng là một sự thừa nhận gián tiếp thất bại về chủ trương kê khai tài sản cán bộ và cao hơn nữa là ‘kiểm tra tài sản 1.000 quan chức’.

Thái độ và những phát ngôn đượm vẻ xuôi xị gần đây của Nguyễn Phú Trọng về kê khai tài sản quan chức và chống tham nhũng đã tiếp dẫn thêm một biểu hiện của mạch logic nguội lạnh ‘đốt lò’ từ trước Hội nghị trung ương 7 vào tháng Năm năm 2018 cho tới nay.

Phải chăng đó là hệ quả của ‘chống tham nhũng chịu sức ép rất lớn từ rất nhiều phía’ mà ông Trọng đang buộc phải thú nhận, cũng là một sự thừa nhận về hình ảnh ‘Người đốt lò vĩ đại’ của ông ta đã sụp đổ trong mắt giới nịnh thần ?

Dường như ngay trước Hội nghị trung ương 7 đã xảy đến một bí mật cung đình nào đó mà đã khiến ông Trọng im lìm hẳn.

Người ta có thể tự hỏi ông Trọng đang chịu sức ép từ những ‘phía’ nào ? Hay những thế lực chính trị nào trong nội bộ đảng ?

Sau Hội nghị trung ương 7 xuôi xị và đặc biệt sau những cuộc biểu tình tháng Sáu mà thấp thoáng một bàn tay đạo diễn nào đó trong nội bộ, triển vọng xung đột mạnh mẽ của chính trường Việt Nam vào nửa cuối năm 2018 là khá rõ nét.

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 27/06/2018

Published in Diễn đàn

Vào cuối tháng Sáu năm 2018, chuyến công du Hoa Kỳ – không được thông báo trước trên các phương tiện thông tin đại chúng – của quan chức cấp cao Đảng cộng sản Việt Nam là Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tạo ra một dư luận nhỏ nhưng đáng chú ý về thực chất ý đồ của chuyến đi này.

vdh1

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (giữa) đi Mỹ để tiền trạm cho Nguyễn Phú Trọng ? Ảnh : VGP.

Ẩn ý lớn nhất có lẽ là Vương Đình Huệ ‘tiền trạm cho một đoàn cấp cao’.

Tại thủ đô Washington D.C., quan chức Vương Đình Huệ đã lần lượt có các cuộc gặp, làm việc với Ngoại trưởng Mike Pompeo và Thứ trưởng ngoại giao John Sullivan ; Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin ; Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mira Ricardel và Thượng nghị sĩ Mazie Hirono – thành viên cao cấp Tiểu ban Biển, Ủy ban Quân vụ Thượng viện.

Chức trách hiện thời của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ là phụ trách về kinh tế. Tuy nhiên lịch làm việc trên cho thấy ông Huệ đã ‘bao sân’ cả chức trách của hai người đồng chí của ông trong Bộ Chính trị là Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh và Phó thủ tướng phụ trách nội chính Trương Hòa Bình.

Vậy Vương Đình Huệ tiền trạm cho ai ?

Nếu loại trừ Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là nhân vật mà từ trước tới nay chỉ chủ yếu quan hệ đối ngoại theo ‘kênh gật’, khuôn mặt nào trong số Nguyễn Xuân Phúc, Trần Đại Quang và Nguyễn Phú Trọng sẽ dẫn ‘đoàn cấp cao Việt Nam’ sang thăm Hoa Kỳ ?

Sau đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016, Nguyễn Xuân Phúc đã trở thành chóp bu đầu tiên của Việt Nam đặt chân đến Washington vào tháng Năm năm 2017 – một chuyến đi khá vô thưởng vô phạt và chẳng mang lại lợi lộc gì về các bản hiệp định thương mại song phương.

Phúc đã đi Mỹ, đã không thể thuyết phục Trump và từ đó đến nay cũng chẳng thấy hy vọng nào sẽ thuyết phục được Trump gỡ bỏ Việt Nam khỏi danh sách các nước ‘gây hại cho Mỹ’ và bị Mỹ áp dụng nguyên tắc ‘công bằng và đối ứng’. Do vậy Phúc sẽ khó đi Mỹ thêm lần nữa.

Còn Trần Đại Quang ?

Có một mối duyên định giữa Trần Đại Quang và Nguyễn Phú Trọng.

Vào tháng Ba năm 2015, khi còn là Bộ trưởng công an, Trần Đại Quang có một chuyến công du khá hoành tráng đến Hoa Kỳ, đặt dấu tiền trạm cho một chuyến công du sau đó và quan trọng hơn hẳn là của Tổng bí thư Trọng đến Washington vào tháng 7/2015, nơi ông Trọng được phía Mỹ đón tiếp như một nguyên thủ quốc gia.

Hai năm sau đó, Trần Đại Quang đã trở thành chủ tịch nước và đã có một vị thế chính trị khác hẳn, dù cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn hẳn.

Sau một lần ‘biến mất’ cả tháng trời từ cuối tháng Bảy đến cuối tháng Tám năm 2017, trùng với vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ nổ ra ở Đức và ‘lò đã nóng lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy’ của Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang đã ‘tái xuất’, để đến tháng Mười Một năm 2017, Quang đã lần đầu tiên được giới quan sát chính trị xem là nhân vật đóng vai trò, ít ra trên danh nghĩa, là chủ tịch nước trong một sự kiện đối ngoại đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam : Hội nghị thượng đỉnh kinh tế Châu Á – Thái bình Dương (APEC) được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng. Khi đó, chính là Trần Đại Quang, chứ không phải là Nguyễn Phú Trọng, đã có cơ hội được đón tiếp và trao đổi với hàng loạt thủ lĩnh quốc tế như Donald Trump, Tập Cận Bình, Putin…

Nhưng chỉ vài ngày sau khi APEC kết thúc tại Đà Nẵng mà được hệ thống báo đảng tự ca ngợi hết lời, Nhân Dân – "cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Việt Nam" – đã đăng bản tin với tựa đề kỳ quặc : "Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp ; Chủ tịch nước Trần Đại Quang đón, hội đàm ; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Hoa Kỳ Đ. Trăm".

Tựa đề trên có thể khiến người đọc cảm thấy ngay đã có một sự phân chia "quyền lực" rất có chủ ý và cũng rất tỉ mẩn, lục đục giữa 3/4 của "tứ trụ" trong việc tiếp "Trăm" (phiên sang tiếng Anh là Trump).

Kể từ lúc đó, báo đảng nói riêng và báo chí nhà nước Việt Nam nói chung khá hiếm hoi đăng hình ảnh của Trần Đại Quang, hoàn toàn tương phản với hình ảnh tràn ngập ‘Người đốt lò vĩ đại’, ‘Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ và ‘Minh quân’ của Nguyễn Phú Trọng.

Vào tháng Tư năm 2018 và ngay trước khi Hội nghị trung ương 7 của đảng cầm quyền diễn ra, Trần Đại Quang lại một lần nữa ‘biến mất’.

Còn sau Hội nghị trung ương 7, người ta chợt chứng kiến một phát ngôn ‘cần luật Biểu tình’ của Trần Đại Quang bị báo chí thẳng tay bóc gỡ. Lần đầu tiên từ khi trở thành chủ tịch nước, Trần Đại Quang bị đảng ‘khóa miệng’. Sự kiện chẳng biết mô tả ra sao ấy càng làm dĩ vãng ‘Trần Đại Quang tiền trạm cho Nguyễn Phú Trọng’ chỉ còn là thời phô diễn mặn nồng xa xưa, trong lúc có quá nhiều nghi ngờ về chuyện ‘cơm không lành canh không ngọt’ giữa hai nhân vật này.

Trần Đại Quang, cũng bởi thế, khó có thể công du Mỹ trong thời gian tới.

Chỉ còn lại Nguyễn Phú Trọng.

Thiền Lâm

 

Nguồn : CaliToday, 28/06/2018

<a data-flickr-embed="true"  href="https://www.flickr.com/photos/145347866@N03/42179814615/in/dateposted-friend/" title="vdh1"><img src="https://farm2.staticflickr.com/1828/42179814615_37023e2260.jpg" width="500" height="281" alt="vdh1"></a><script async src="//embedr.flickr.com/assets/client-code.js" charset="utf-8"></script>
Published in Diễn đàn