Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Số phận Lê Thanh Hải "gia tộc Lê Thanh Hải" đang lộ ra những dấu hiệu khá rõ về sự sụp đổ trong một ngày không còn xa nữa...

vo1

"Gia tộc Lê Thanh Hải"

Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh là cơ sở đào tạo duy nhất ở Việt Nam bị giáng một đòn choáng váng đúng vào 20/11 - ngày Nhà giáo Việt Nam - năm 2018.

Và nhân vật được xem là ‘nhà giáo Việt Nam - bà Trương Thị Hiền - đã bị cho ‘lên thớt’.

"Có dấu hiệu ‘thông đồng’ gói thầu hàng trăm tỉ tại Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh" - báo Thanh Niên giật tít như thế và còn chú thích rằng bà Trương Thị Hiền là phu nhân của cựu ủy viên bộ chính trị, cựu bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải. Tuy nhiên, sau đó đoạn chú thích này đã biến mất, còn tựa đề được đổi thành "Hủy bỏ kết quả đấu thầu tại Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh".

Theo bài báo trên : "Kết luận thanh tra khẳng định Tư vấn quản lý dự án có dấu hiệu ‘thông đồng’ với Tư vấn đấu thầu trong việc triển khai xây dựng gói thầu hàng trăm tỉ tại Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh".

Giám đốc và Phó giám đốc Học viện được phân công phụ trách tại thời điểm phát sinh vụ việc. Vào thời điểm đó, giám đốc là Phó Giáo sư Tiến sĩ Trương Thị Hiền…

Thanh Niên cũng là một trong vài tờ báo đầu tiên ‘nổ súng’ theo ý chỉ của đảng vào tháng Tư năm 2017 về vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, để sau đó dẫn tới kết cục bi thảm 31 năm tù giam dành cho Ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng.

Còn việc đăng bài về Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh và Trương Thị Hiền như một cách ‘tôn vinh’ Ngày nhà giáo Việt Nam thì ý tưởng đó có lẽ chỉ xuất phát từ những cái đầu thâm nho Bắc Hà hoặc những ‘người Bắc có lý luận’.

Với trường hợp Trương Thị Hiền, cho đến nay đảng đã đụng chạm đến hầu hết những người thân của Lê Thanh Hải, thít chặt hơn nữa vòng vây đối với cựu quan chức cao cấp có tục danh ‘Hải Heo’.

Kẻ đầu tiên trong ‘gia tộc Lê Thanh Hải’ bị đảng ‘làm lông’ là Lê Tấn Hùng - Tổng giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (SAGRI) và là em ruột của Lê Thanh Hải. Vào tháng Ba năm 2018, Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh bất chợt công bố kết luận thanh tra về việc Lê Tấn Hùng đã "chi khống 13,3 tỉ đồng" - một dấu hiệu hầu như chắc chắn là nếu không ‘biết điều’, Lê Tấn Hùng sẽ đi thẳng vào nhà giam.

Chỉ 5 ngày sau vụ Lê Tấn Hùng, đến lượt con trai cựu bí thư Lê Thanh Hải là ông Lê Trương Hải Hiếu - Thành ủy viên, Phó Bí thư quận ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 12 - bị Ủy ban Kiểm tra thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh công khai thi hành kỷ luật. Theo đó, ông Lê Trương Hải Hiếu "đã vi phạm trong việc có quan hệ tình cảm với một phụ nữ và có con chung nhưng chậm báo cáo với tổ chức". Ban Thường vụ Quận ủy Quận 12 đã quyết định kỷ luật ông Lê Trương Hải Hiếu bằng hình thức khiển trách.

Lê Thanh Hải từng được một số dư luận đồn đoán là "một trong những quan chức cộng sản giàu nhất Việt Nam". Đặc biệt là mối quan hệ "đặc biệt" giữa ông Hải và bà Trương Mỹ Lan của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Lê Thanh Hải cũng từ lâu bị xem là ‘tội phạm’ ghê gớm trong vụ ‘ăn đất’ Thủ Thiêm mà đã đẩy hàng chục ngàn gia đình ở khu vực này vào cảnh bị cướp đất, màn trời chiếu đất và bị biến thành dân oan đất đai bất đắc dĩ, hàng chục năm trời rồng rắn kéo nhau đi khiếu nại tố cáo từ Nam chí Bắc.

Vào thời gian này và đặc biệt sau cái chết của Trần Đại Quang, những nước cờ tuần tự và có vẻ khá chắc chắn của Nguyễn Phú Trọng đang áp sát cựu bí thư Lê Thanh Hải, tương tự những nước đi của ông Trọng đối với "gia tộc Nguyễn Tấn Dũng".

Chiến thuật trên đang khá tương hợp với đồn đoán trước tết nguyên đán 2018 về "từ sau tết đến Hội nghị trung ương 7, Lê Thanh Hải sẽ bị "đánh".

Với vụ ‘nhà giáo Việt Nam’ Trương Thị Hiền được công khai trên báo chí nhà nước, trong khi những đàn em của Lê Thanh Hải là Nguyễn Hữu Tín bị bắt, Tất Thành Cang và Nguyễn Thanh Tài có thể bị bắt, số phận Lê Thanh Hải "gia tộc Lê Thanh Hải" đang lộ ra những dấu hiệu khá rõ về sự sụp đổ trong một ngày không còn xa nữa, để cá nhân Lê Thanh Hải gần như chắc chắn phải được kết thúc như một công đoạn đầu tiên để dẫn tới cửa nhà Nguyễn Tấn Dũng.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 22/11/2018

Published in Diễn đàn

Vụ Nguyễn Hữu Tín đã bị khởi tố thêm tội danh là một tín hiệu rất quan trọng cho thấy vụ án của ông ta và những quan chức đồng phạm không chìm xuồng mà sẽ mở rộng và phát triển với khung án tù giam có thể tương đương với mức án tù ban đầu của Vũ ‘Nhôm’ là khoảng một chục năm.

nht1

Bộ trưởng công an Trần Đại Quang trao Quyết định và gắn Kỷ niệm chương cho ""đồng chí" Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, 20/08/2015.

Lẽ ra, một quan chức cao cấp ‘ăn bẩn’ và ‘ăn nhiều’ như cựu phó chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín đã phải tra tay vào còng từ lâu, chứ không phải chờ đến tháng Mười Một năm 2018 mới chính thức bị Bộ Công an bị bắt.

Ngày 10/11/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai theo Điều 229, Bộ luật hình sự năm 2015, xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh ; ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với năm bị can, trong đó cựu Phó chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín bị khởi tố thêm tội.

Đến ngày 19/11/2018, Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Hữu Tín về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Như vậy, Nguyễn Hữu Tín đã bị khởi tố thêm tội danh. Trước đó vào ngày 18/9/2018, ông Tín đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an - khởi tố vụ án hình sự để điều tra Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại (điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015) xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Một dấu hỏi lớn bật ra : vì sao đã bị khởi tố từ ngày 18/9 nhưng phải đến hai tháng sau Nguyễn Hữu Tín mới bị bắt ?

Không biết vô tình hay hữu ý, thời điểm ngày 18/9 trên lại xảy ra chỉ ít ngày trước cái chết đột ngột và đầy nghi vấn của quan chức chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Nhưng hoàn toàn không vô tình, vụ khởi tố đầu tiên đối với Nguyễn Hữu Tín là sự liên đới mật thiết việc ông Tín đã tiếp tay cho Vũ ‘Nhôm’ mua với giá rẻ mạt nhiều lô đất vàng ở Sài Gòn. Vũ ‘Nhôm’ - hay người còn có tên là Trần Đại Vũ - lại được rất nhiều du luận cho rằng có mối quan hệ ruột rà với Trần Đại Quang.

Cũng có dư luận cho rằng vụ khởi tố Nguyễn Hữu Tín là giọt nước tràn ly khiến Trần Đại Quang ‘lên máu’và ‘đi’ luôn.

Dù chưa có bất kỳ cơ quan chính quyền nào xác nhận hay phản ứng đối với các luồng du luận trên, nhưng điều hiển nhiên là chính vào lúc này Nguyễn Hữu Tín đã không còn ‘bức tường’ nào che chắn cho ông ta. Trong khi đó, cả hai cơ quan Cảnh sát điều tra và An ninh điều tra của Bộ Công an đã thuộc về người của Nguyễn Phú Trọng kể từ tháng tám năm 2018.

Vụ Nguyễn Hữu Tín đã bị khởi tố thêm tội danh là một tín hiệu rất quan trọng cho thấy vụ án của ông ta và những quan chức đồng phạm không chìm xuồng mà sẽ mở rộng và phát triển với khung án tù giam có thể tương đương với mức án tù ban đầu của Vũ ‘Nhôm’ là khoảng một chục năm.

Nhưng dĩ nhiên thiên tiểu thuyết ly kỳ này còn lâu mới hết. Mà chỉ mới lật ra vài trang đầu…

Một cách thiết thân nhất, vụ khởi tố và bắt Nguyễn Hữu Tín đang và sẽ móc xích với nhân vật được xem là ‘bố già’ ở Sài Gòn : Lê Thanh Hải.

‘Điểm sáng’ rõ nhất trong phần lớn thời gian công tác của Nguyễn Hữu Tín có lẽ là giai đoạn ‘trưởng thành cách mạng’ suốt từ những năm 2000 đến năm 2015 trùng với thời kỳ ngự trị của ‘Anh Hai’ Lê Thanh Hải ở Sài Gòn.

Nếu trước khi trở thành chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố, Lê Thanh Hải từng là bí thư quận 5 - một quận giàu có với nhiều người Hoa sinh sống và làm ăn, thì Nguyễn Hữu Tín cũng có thời được đưa về làm bí thư quận 5.

Từ khi Lê Thanh Hải còn tại vị như một ‘bố già’ ở Sài Gòn và kể cả sau khi ‘Anh Hai’ mất chức bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm 2015, Nguyễn Hữu Tín được rất nhiều dư luận xem là ‘đệ ruột’ của ông Hải, và tuy không được đánh giá có tài sản cá nhân ‘mập’ như Lê Thanh Hải, nhưng Nguyễn Hữu Tín cũng được xem là một trong những quan chức giàu có đến độ có thể chẳng nhớ nổi nhà đất và kim ngân của mình tích góp hay vơ vét được từ những phi vụ nào.

Một khi những ‘đệ ruột’ gần gũi nhất của Lê Thanh Hải như Nguyễn Hữu Tín và có thể sắp tới cả Tất Thành Cang - đương kim phó bí thư thường trực thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Thành Tài - cựu phó chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh… rơi vào vòng lao lý, liệu số phận Lê Thanh Hải còn giữ được uy danh ‘bố già’ trên đất Sài Gòn ? Hay vào một ngày đẹp trời nào đó, ông ta sẽ phải nối gót đàn em để không chỉ ‘của thiên trả địa’ mà còn phải thốt lên như Đinh La Thăng đã từng : "Hãy đối xử với bị cáo như một con người !".

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 20/11/2018

Published in Diễn đàn

Dù tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội tại Việt Nam thuộc diện cao nhất thế giới - lên đến 32,5% mức tiền lương tháng, nhưng tuyệt đại đa số người đóng bảo hiểm xã hội đến nay không được biết gì về việc quản lý và vận hành của nguồn quỹ bảo hiểm xã hội.

******************

Phần 1

Mồ hôi xương máu nhìn từ vụ ALC II

Không phải bỗng dưng mà vào tháng Mười Một năm 2018, khi nổ ra vụ khởi tố nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội kiêm Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội) Việt Nam là Lê Bạch Hồng liên quan vụ Công ty ALC II (công ty Cho Thuê Tài Chính II) của ngân hàng thuộc loại lớn nhất quốc gia - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - bị phát hiện đã làm biến mất hàng ngàn tỷ đồng bảo hiểm xã hội, đã tràn ngập thông tin ngoài lề về ‘Agribank sắp phá sản’.

bhxh1

Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ vỡ quỹ theo cách nào ?

Mặc dù chưa thực sự bị cho phá sản, nhưng Agribank lại là quán quân về mức độ tham nhũng, thất thoát cùng số cán bộ bị xử án trong ngành ngân hàng Việt Nam.

Agribank cũng nằm trong số những ngân hàng nhà nước có tỷ lệ nợ xấu cao - không phải là ‘nợ khó thu hồi’ mà nói trắng ra ‘nợ không thể thu hồi’, tương tự cái cách mà Công ty ALC II đã ‘hô biến’ hàng ngàn tỷ đồng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.

Con số gần 1.000 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội mà Lê Bạch Hồng rất có thể đã thông đồng với ALC II ‘hô biến’ - tuy chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong số dư đầu tư quỹ luỹ kế gần 610.000 tỷ đồng theo báo cáo của bảo hiểm xã hội Việt Nam vào thời điểm cuối năm 2017, nhưng là một chứng cứ hùng hồn và tàn bạo về hành vi cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam đã lợi dụng và vô trách nhiệm đến thế nào đối với số tiền còm cõi mồ hôi xương máu đóng bảo hiểm xã hội của hàng chục triệu người lao động trên rẻo đất hình chữ S bị xé tơi tả bởi các nhóm lợi ích - chính sách lồng lộn cùng lòng tham không đáy.

Nhưng vô trách nhiệm hơn cả, thậm chí rất đáng nghi ngờ về động cơ trục lợi của bảo hiểm xã hội Việt Nam, là cho tới nay và bất chấp rất nhiều đề nghị, kiến nghị của giới chuyên gia phản biện độc lập cùng đông đảo người lao động, Quỹ bảo hiểm xã hội ở Việt Nam vẫn không hề công khai báo cáo tài chính hàng năm.

Tất cả vẫn bị giấu biệt !

‘Mật quỹ’ và thói bưng bít từ trên xuống dưới

Hàng năm, chỉ có những con số chung nhất từ báo cáo của chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội. Nhưng lại không một báo cáo nào của chính phủ và các cơ quan chức năng dám công khai về sự thật cơ quan bảo hiểm xã hội dùng tiền này đầu tư vào ALC II, và đã mất trắng gần 1.000 tỷ đồng !

Dù tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội tại Việt Nam thuộc diện cao nhất thế giới - lên đến 32,5% mức tiền lương tháng, nhưng tuyệt đại đa số người đóng bảo hiểm xã hội đến nay không được biết gì về việc quản lý và vận hành của nguồn quỹ bảo hiểm xã hội. Việc sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội để đầu tư cụ thể ra sao không ai được biết. Lãi hay lỗ, hiệu quả hay không chỉ có cơ quan bảo hiểm xã hội biết.

Chính những tờ báo viết về công nhân như Người Lao Động và Lao Động đã phải kêu lên rằng điều này thật vô lý, đây là tiền của người dân đóng, họ có quyền được biết nó đang được sử dụng như thế nào, có an toàn hay không bởi nếu xảy ra rủi ro thì chính người dân nhận hậu quả chứ không phải những người đang quản lý nó.

Nhưng sau một chuỗi phản ứng của dư luận, tất cả vẫn chỉ như hòn đá ném xuống ao bèo. Mức độ lì lợm và vô sỉ của giới quan chức mang trên mình mác cộng sản là một trong những gene trội nhất của chế độ này.

Chỉ đến khi vụ ALC II và Lê Bạch Hồng nổ ra mà không còn giấu diếm được nữa, lần đầu tiên một quan chức cao cấp của bảo hiểm xã hội Việt Nam là Phó tổng giám đốc Đào Việt Ánh mới hiện ra để trấn an : "hiện 90% tiền của bảo hiểm xã hội Việt Nam được đầu tư vào trái phiếu chính phủ", và thanh minh rằng cơ quan này đã đầu tư theo quy định của Chính phủ, tức "nguyên tắc chỉ đầu tư tiền nhàn rỗi".

Theo báo cáo của bảo hiểm xã hội Việt Nam, số dư đầu tư quỹ luỹ kế đến cuối năm 2017 là gần 610.000 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với năm 2012 (gần 234.000 tỷ đồng). Lợi nhuận đầu tư trong giai đoạn 2013-2017 là gần 150.000 tỷ đồng. Riêng năm 2017, lãi đầu tư là 37.500 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2012 (gần 19.000 tỷ đồng). Tỷ lệ tiền lãi thu được tính trên số dư nợ đầu tư bình quân đạt 7,23%, trong đó lãi suất đầu tư bình quân năm 2017 là 7,25%.

Và để tăng tính thuyết phục cho "nguyên tắc chỉ đầu tư tiền nhàn rỗi", ông Đào Việt Ánh giải thích "khi bảo hiểm xã hội Việt Nam đầu tư vào trái phiếu chính phủ, vừa đảm bảo hiệu quả an toàn cho Quỹ, vừa tăng huy động vốn cho đầu tư phát triển, góp phần quan trọng cho việc tái cơ cấu nợ công và bội chi".

Vậy thực tế ‘đầu tư vào trái phiếu chính phủ’ có hiệu quả đến đâu ?


*****************

Phần 2

Tính khả tín của chính phủ Việt Nam rất thấp !

Cần nhắc lại, vào cuối tháng 2/2017, Bộ Tài chính đã công bố việc Chính phủ vay bảo hiểm xã hội số tiền 324.000 tỷ đồng và toàn bộ số này đã được chuyển thành trái phiếu, nângtổng số tiền bảo hiểm xã hội cho ngân sách nhà nước vay dưới dạng trái phiếu là 369,5 nghìn tỷ đồng, chiếm tới 84,94% tổng quỹ bảo hiểm xã hội cho vay (hơn 435 nghìn tỷ đồng) - biến Chính phủ trở thành con nợ lớn nhất của nguồn quỹ an sinh này.

bhxh2

Tính khả tín của trái phiếu chính phủ sẽ chỉ là... giấy lộn ?

Vào thời điểm trên, trang mạng trithucvn.net dẫn một đánh giá của Betsy Graseck - chuyên gia phân tích tài chính cao cấp của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley - cho biết việc tiền bảo hiểm được chuyển qua trái phiếu kho bạc cho chính phủ vay không phải là điều lạ trên thế giới. Tại Mỹ, Quỹ Uỷ thác An sinh Xã hội, chủ yếu do người dân Mỹ đóng vào để hưởng hưu trí, sở hữu phần lớn nợ của chính phủ Mỹ. Số tiền người được hưởng đóng góp đang diễn ra chỉ chiếm chưa tới 3,05% nguồn quỹ, nên tiền nhàn rỗi được chuyển qua trái phiếu kho bạc, chính quyền vay và trả lãi. Tuy nhiên, các khoản vay nợ của chính phủ Mỹ do Quốc hội giám sát rất chặt chẽ, do Bộ Tài chính quản lý, nên từ quản lý đầu tư đến chi tiêu đầu tư đều được thực hiện rất minh bạch. Các khoản nợ là an toàn do năng lực trả nợ của chính phủ được kiểm soát. Ngoài ra, trái phiếu của chính phủ Mỹ được bảo vệ tránh khỏi lạm phát, gọi tắt là TIPS (Treasury inflation-protected securities).

Tuy nhiên, đối với Việt Nam, việc chuyển tiền thành trái phiếu để chính phủ vay được cho là rủi ro khá lớn khi tính khả tín trong các khoản đầu tư của chính phủ rất thấp, trong khi có nguy cơ lớn đồng VND mất giá do lạm phát.

Với việc lạm phát đang tăng nhanh, đồng tiền VND mất giá, cộng "tiền sử" đầu tư thất thoát thua lỗ như hiện nay, thì lời khẳng định của đại diện Bộ Tài chính rằng quỹ bảo hiểm xã hội vẫn an toàn khi chuyển 324.000 tỷ thành trái phiếu vì bản chất đều cho Chính phủ vay, nên hiểu "an toàn" theo nghĩa đã rõ "con nợ" là ai, chứ không phải khả năng trả nợ hay các khoản đầu tư, quản lý nguồn vốn được đảm bảo minh bạch.

Trang trithucvn.net đã đặt một dấu hỏi lớn : Liệu có xảy ra bi kịch rằng người dân Việt sau này sẽ phải gánh thuế phí cao hơn nữa để trả giúp gần 400 nghìn tỷ đồng do chính phủ vay mượn từ tiền bảo hiểm hay không ?...

Từ ‘nhận nợ 22 ngàn tỷ đồng’ đến ‘giấy lộn’

Đến tháng Năm năm 2018 và trong một kỳ họp Quốc hội vào, đã có thêm một bằng chứng về ‘tính khả tín rất thấp của chính phủ’.

Vào thời điểm trên, trong khi Ngân Hàng Nhà Nước một lần nữa phát động chủ trương kèm phương án "huy động 500 tấn vàng trong dân", thì bộ trưởng "Bộ Thắt Cổ" (một hỗn danh của Bộ Tài Chính được dân gian đặt) - ông Đinh Tiến Dũng - cũng "kiến tạo" một giải pháp "lấy mỡ nó rán nó" : phát hành trái phiếu chính phủ nhận nợ 22 ngàn tỷ đồng với Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam, thay vì phải có trách nhiệm trả lãi và nợ bằng tiền mặt.

Đã quá rõ là trong bối cảnh ngân sách cạn kiệt, một nguy cơ đang lớn dần và có thể biến thành thảm họa là Ngân Hàng Nhà Nước và Bộ Tài Chính có thể "nhìm trộm" vào Quỹ bảo hiểm xã hội và Quỹ Bảo Hiểm Y Tế, như đã lăm le 500 tấn vàng cất giấu trong dân.

Không giống như con số 500 tấn vàng quá khó để cắp về, hai thứ quỹ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế - những quỹ an sinh lấy từ gần 1/3 quỹ lương của hơn 75 triệu người - lại luôn chực chờ dưới bàn tay sẵn sàng tung hứng trò ảo thuật của nhà nước.

Nhưng khi nêu phương án phát hành trái phiếu chính phủ nhận nợ 22 ngàn tỷ đồng với Quỹ bảo hiểm xã hội Việt Nam, thay vì phải có trách nhiệm trả lãi và nợ bằng tiền mặt, Bộ trưởng tài chính Đinh Tiến Dũng lại cho rằng "trong dự toán Ngân Sách Nhà Nước năm 2016-2017 chưa bố trí để xử lý khoản nợ trên, với nguyên nhân hàng năm Quỹ bảo hiểm xã hội đều có kết dư, nếu ngân sách chuyển 22.090 tỷ đồng vào thì quỹ cũng sử dụng để mua trái phiếu chính phủ".

Song về thực chất, căn bệnh ung thư di căn của bội chi ngân sách đã khiến "Bộ thắt cổ" không những phải ra sức "bóp dân" mà còn phải dè sẻn từng khoản chi.

Đó cũng là bối cảnh mà chi ngân sách đã phải dùng đến hơn 70% cho mục chi thường xuyên - chủ yếu là chi lương cho đội ngũ công chức viên chức lên đến gần 3 triệu người, với ít nhất 30% trong số đó bị coi là "không làm gì cả những vẫn đều đều lãnh lương, và không những không giảm qua "tinh giản biên chế" mà còn phình to thêm đến 58.000 người.

Theo chiến thuật "Lấy mỡ nó rán nó" - một cách gọi của Thống đốc Nguyễn Văn Bình và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi tìm cách "huy động 500 tấn vàng trong dân" vào năm 2011, nếu vụ "phát hành trái phiếu 22.000 tỷ đồng" thành công, sẽ khiến ngân sách nuôi đảng và chính phủ được vay tiền thực của Quỹ bảo hiểm xã hội, tức từ hàng triệu người đóng bảo hiểm này, nhưng đến khi trả lãi và nợ thì Bộ Tài chính lại chỉ trả bằng… giấy.

Hoặc có thể gọi bằng từ "giấy lộn".

Trong thực tế, "trái phiếu chính phủ" chỉ còn đôi chút giá trị ở trong nước, với điều kiện khi phát hành trái phiếu này, chính phủ phải "vừa ép vừa ấn" để các ngân hàng, doanh nghiệp và người đóng bảo hiểm xã hội phải nhận "giấy lộn".

********************

Phần 3

Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tay cho ‘nhiệm vụ chính trị’ !?

Tình trạng hoạt động và bưng bít thông tin của Quỹ bảo hiểm xã hội ở Việt Nam lại khá tương đồng với Trung Quốc. Ở Trung Quốc, Quỹ bảo hiểm xã hội nước này đã dùng tiền bảo hiểm xã hội của người lao động để "chơi" chứng khoán. Trong đợt lao dốc thê thảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc vào năm 2015 mà đã khiến không biết bao nhiêu người dân phải tự tử, Quỹ bảo hiểm xã hội Trung Quốc đã bị thiệt hại rất lớn.

bhxh3

Số tiền cuối cùng mà người lao động nhận được chỉ có giá trị như giấy lộn hay hơn thế một chút - một bó rau hoặc một ly trà đá !

Với quá nhiều nghịch lý đang xảy ra, nỗi lo của người đóng bảo hiểm xã hội không chỉ là chuyện vỡ quỹ như cơ quan bảo hiểm xã hội luôn dọa dẫm, mà chính là việc quản lý, vận hành nguồn quỹ này như thế nào, minh bạch ra sao và quyền lợi của họ được bảo đảm đến đâu…

Vào năm 2017, tổng cộng phần dính dáng đến ngân sách nhà nước của Quỹ bảo hiểm xã hội Việt Nam lên đến khoảng 400.000 tỷ đồng. Nhưng ai sẽ bảo đảm là con số này sẽ trở về tay những người đóng bảo hiểm xã hội nếu ngân sách nhà nước bị phá sản ?

Về thực chất, khoảng 400.000 tỷ đồng mà bảo hiểm xã hội Việt Nam cho Chính phủ vay mượn còn được chính phủ này, và chắc chắn phía sau là cái gật đầu toa rập của Bộ Chính trị đảng cầm quyền, để số tiền đó "góp phần quan trọng cho việc tái cơ cấu nợ công và bội chi" - như lối thanh minh của Phó tổng giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh.

Cho tới nay, bất chấp việc chính phủ ‘kiến tạo’ của Thủ tướng Phúc vẫn cố ép tỷ lệ nợ công dưới ngưỡng cho phép 65% GDP, nợ công thực tế đã lên đến ít nhất 210% GDP khi tính luôn cả nợ của các doanh nghiệp nhà nước mà chính phủ - từ thời bị xem là ‘ăn tàn phá hại’ Nguyễn Tấn Dũng đến thời ‘đổ vỏ’ Nguyễn Xuân Phúc mà không thể thoái thác trách nhiệm.

Nguyễn Xuân Phúc lại là đời thủ tướng "cực hình" nhất trong lịch sử tồn tại của đảng Cộng sản Việt Nam. Trả nợ nhiều nhất, kinh tế be bét nhất, xã hội hỗn tạp nhất, chính trị "tan nát" nhất… Trong bối cảnh giật gấu vá vai như thế, gần đây Ngân hàng thế giới lại đưa ra một cảnh báo giật mình: trong 3 năm tới - tức đến năm 2021 - sẽ có đến 50% nợ trong nước của Chính phủ sẽ đáo hạn, tức chính phủ này phải đối mặt với nguy cơ rất lớn là không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ, trừ việc… in tiền ồ ạt.

Chưa kể đến núi nợ nước ngoài lên đến hơn 200 tỷ USD - trong đó phần nợ của chính phủ là 105 tỷ USD và của các doanh nghiệp hàng trăm tỷ USD nữa, số nợ trong nước được tích tụ từ thời liên tục ‘phát hành trái phiếu chính phủ’ của Nguyễn Tấn Dũng cũng ngày càng chồng chất cho đến giờ đây, trong đó cứ đều đặn hàng năm lại có một khoản lớn mà chính phủ phải có trách nhiệm thanh toán cho các chủ nợ là ngân hàng.

Nhưng vẫn chưa phải hết. Từ thời Nguyễn Tấn Dũng đến thời Nguyễn Xuân Phúc, bội chi luôn là cơn ung thư quằn quại cái cơ thể đã tàn tạ của ngân sách chính thể. Vào thời Thủ tướng Dũng, có năm tỷ lệ bội chi thực tế đã lên đến 9% dự toán chi. Còn vào thời Thủ tướng Phúc, tuy tỷ lệ này có được kéo giảm đôi chút nhưng vẫn còn ngất ngưởng trên đầu hàng chục triệu người dân đóng thuế.

Trong tình thế túng quẫn lẫn khốn quẫn như thế, nguồn tiền khổng lồ của quỹ bảo hiểm xã hội Việt Nam đã trở thành phao cứu sinh cho chính phủ về ‘đáo hạn nợ công’ và ‘xử lý bội chi’. Một cách nghiễm nhiên mà không cần phải công bố cho bàn dân thiên hạ lẫn hàng chục triệu công nhân đóng bảo hiểm xã hội, chính phủ đã ‘chiếm dụng’ khoảng 400.000 tỷ đồng bảo hiểm xã hội trong một thời gian dài, thậm chí rất dài, thậm chí cho đến khi nào tuổi thọ của chế độ chính trị này còn cho phép kéo dài.

Đó cũng là sự ‘cống hiến’ của Quỹ bảo hiểm xã hội Việt Nam vào ‘nhiệm vụ chính trị’. Và đó cũng là nguồn cơn vì sao bảo hiểm xã hội Việt Nam cực kỳ lo sợ khi người lao động đòi được nhận bảo hiểm xã hội một lần khi nghỉ việc.

Vào năm 2015, một cuộc biểu tình rất lớn của hàng trăm ngàn công nhân ở Sài Gòn và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ đã nổ ra để phản đối điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội về không cho người lao động được nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần.

Hãy thử hình dung : nếu hàng trăm ngàn người lao động đồng loạt nghỉ việc và đồng loạt kéo đến Quỹ bảo hiểm xã hội Việt Nam đòi nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội chỉ một lần, quỹ này sẽ lấy đâu ra tiền để thanh toán? Hay bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ ra sức mị dân rằng họ đã đầu tư đến 90% tiền bảo hiểm xã hội vào trái phiếu chính phủ, nhưng lại chẳng thể nào dám khẳng định rằng vài chục năm nữa, hoặc thậm chí chỉ 3 - 5 năm nữa khi người lao động nhận lãi và gốc tiền bảo hiểm xã hội từ trái phiếu chính phủ, khi đó nạn lạm phát sẽ biến thành phi mã và số tiền cuối cùng mà người lao động nhận được chỉ có giá trị như giấy lộn hay hơn thế một chút - một bó rau hoặc một ly trà đá!

******************

Phần cuối

‘Miếng mồi vô chủ’ (4)

Vào lúc này đây, một facebooker là Đỗ Ngà đã có một bài phân tích "Quỹ bảo hiểm xã hội - Miếng mồi vô chủ" - rất đáng cho hàng triệu người lao động phải giật mình và trăn trở :

"Nếu lương hưu được nhận tối đa là 75% lương chính thức thì chỉ cần khoản tiền gấp 130 lần lương tháng và lãi suất 7% mỗi năm là đủ để dùng tiền lãi của nó trả lương hưu. Như vậy câu hỏi đặt ra là, với phí bảo hiểm xã hội bằng 32% lương tháng thì bao lâu người lao động đóng cho quỹ bảo hiểm xã hội số tiền bằng 130 lần lương tháng của họ ?

Xin trả lời là chỉ cần 18 năm tính theo nguyên tắc lãi kép, nghĩa là tiền lãi sẽ được nhập vào vốn và tính lãi tiếp cho năm sau. Như vậy, với chỉ 18 năm lao động, bạn trích 32% lương tháng để gởi ngân hàng, thì sau 18 năm bạn có cả vốn lẫn lãi, thế nhưng khi đóng bảo hiểm xã hội thì bạn chỉ nhận lại số tiền lãi, còn số tiền gốc của 18 năm lao động sẽ bị quỹ bảo hiểm xã hội bỏ túi.

Thêm một câu hỏi, rằng nếu một người bắt đầu lao động lúc 25 tuổi và nghỉ hưu lúc 65 tuổi vậy số tiền bảo hiểm xã hội trong 40 năm lao động của họ đi về đâu ? Trả lời, với 40 năm lao động ấy thì 22 năm lao động đầu tiên quỹ bảo hiểm xã hội lấy của người lao động cả vốn lẫn lãi. Còn 18 năm sau thì quỹ bảo hiểm xã hội lấy tiền vốn và người lao động chỉ nhận tiền lãi.

Như ta biết, Việt Nam là nước có dân số trẻ, tuổi thọ trung bình thuộc loại thấp so với nhiều nước phát triển. Nguyên nhân thì có nhiều, ví dụ như ung thư, tai nạn, y tế kém vv..nên dân số chết trẻ khá đông. Chính vì thế số người đã đóng bảo hiểm xã hội mà vượt qua tuổi 65 là không nhiều. Nghĩa là có rất nhiều người đã đóng bảo hiểm xã hội rồi nhưng họ không hề hưởng 1 đồng nào từ số tiền họ đã đóng. Vậy số tiền dư thừa rất lớn của quỹ bảo hiểm xã hội đó đi về đâu ?

Lẽ ra, nếu trong nhà nước dân chủ, số tiền dư thừa này sẽ có quốc hội giám sát và yêu cầu chính phủ trình dự án đầu tư phúc lợi cho nhân dân. Nhưng ở đất nước này, số tiền béo bở này đã bị bọn chính quyền tìm cách chia nhau. Chính phủ phát hành trái phiếu hốt một mớ. Tôi nói chính phủ phát hành trái phiếu là cướp không số tiền này, vì sao ? Vì như ta biết, trái phiếu chính phủ khi đáo hạn sẽ là tờ giấy lộn vì lạm phát hằng năm cao hơn lãi suất trái phiếu rất nhiều. Do vậy giống như người dân mua công trái trước đây, bán nhà để mua nhưng đến lúc nhà nước thanh toán thì dùng tiền đó ăn vài bát phở.

Chưa hết, bọn quản lý quỹ đã không cầm được lòng tham, chúng hốt một mớ thật đậm rồi cho công ty quản lý quỹ này phá sản là xong. Quỹ bảo hiểm xã hội, miếng mồi vô chủ nên sẽ bị xà xẻo dài dài".

Vậy cuối cùng, tình cảnh trên sẽ đi đến đâu ?

bhxh4

Cháy và chữa cháy ở một cao ốc - Ảnh minh họa

Vỡ quỹ !

Nếu có một cuộc thanh tra hoặc điều tra Quỹ bảo hiểm xã hội Việt Nam, chắc chắn rất nhiều lẩn khuất trong bóng tối và tệ tham nhũng sẽ bị lôi ra. Chắc chắn nhiều quan chức từ thấp lên cao của quỹ này sẽ phải ra tòa và đi tù.

Đòi hỏi minh bạch Quỹ bảo hiểm xã hội là tất yếu. Đó cũng là một trong những điều kiện tiên quyết mà các tổ chức tín dụng quốc tế như Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đòi hỏi, nếu chính thể Việt Nam còn muốn được "linh hoạt trở thành nền kinh tế thị tường" và do đó mới có thể vay mượn thêm ngoại tệ của nước ngoài nhằm bù đắp cho các lỗ hổng toang hoác của ngân sách cạn kiệt.

Nếu không cấp bách minh bạch và một khi hậu quả xấu xảy ra, sẽ rất nhiều người đóng bảo hiểm xã hội không nhận được đồng nào sau khi về hưu. Thậm chí cả nhiều cán bộ cách mạng lão thành một đời theo đảng cũng sẽ vô vọng khi bước chân vào văn phòng phát lương hưu trí…

Mọi chuyện đang biến diễn khá đồng điệu với thực trạng Liên Xô năm 1986, vào lúc quỹ bảo hiểm xã hội bị co hẹp. Chỉ bốn năm sau đó, cuộc chính biến do Gorbachev khởi xướng đã chính thức đánh dấu làn sóng bỏ đảng. Trong suốt giai đoạn hậu Gorbachev, 8 năm cầm quyền của Yelsin đã chỉ là nốc rượu vodka và duy trì sự trục lợi của các nhóm tài phiệt, trong khi giá trị lương hưu thực nhận của giới cựu chiến binh và người về hưu chỉ còn 1/2 - 1/3 giá trị mà họ nhận khi đồng rúp chưa bị trượt giá khủng khiếp. Và đó cũng là giai đoạn mà lớp người về hưu bỏ đảng ồ ạt khi niềm tin chính thể của họ bị tàn phá hầu như tuyệt đối.

Ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đang tiến nhanh và không kém phần vững chắc về dĩ vãng của Liên Xô năm 1986. Vỡ quỹ lương hưu là một tương lai không hề "viển vông", bất chấp việc Ngân hàng nhà nước chắc chắn sẽ lao đầu vào đường mòn in tiền ồ ạt để trám vào những lỗ hổng toang hoác.

Bởi cái hình ảnh người lao động phải chìa tay nhận những đồng bạc bảo hiểm xã hội chỉ còn /13, 1/5, thậm chí chỉ còn 1/10 giá trị ban đầu mà họ đóng góp vào quỹ này bởi nạn lạm phát phi mã… cũng là một kiểu vỡ quỹ bảo hiểm xã hội.

Vỡ quỹ bảo hiểm xã hội lại hầu như dẫn tới vỡ quỹ lương hưu. Để khi đó và chẳng cần lời kêu gọi hay hiệu triệu nào từ ‘các thế lực thù địch’ hoặc ‘bọn phản động lưu vong’, hàng triệu cán bộ hưu trí ở Việt Nam lập tức đổ xuống đường, tuần hành hay biểu tình để phản đối chính quyền (với rất nhiều lý do phản đối, cả công khai lẫn ấm ức bị dồn nén từ lâu).

Hai phong trào biểu tình phản đối của người lao động và cán bộ hưu trí đối với nạn vỡ quỹ bảo hiểm xã hội Việt Nam lại có thể cộng hưởng với nhau vào một thời điểm nào đó, biến đám đông biểu tình trở thành một chiến dịch biểu tình khổng lồ và vô phương ngăn chặn từ phía chính quyền.

Chính phủ của chủ nợ lớn nhất là Quỹ bảo hiểm xã hội Việt Nam hãy coi chừng : cách mạng ‘Mùa xuân Ả Rập’ rất có thể từ đó mà ra. 

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 19/11/2018

Published in Diễn đàn

10 ngày sau cuộc họp đặc biệt giữa Quốc Vụ khanh đặc trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Đức Andreas Michaelis với Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn ở Berlin vào ngày 1/11/2018, Trịnh Xuân Thanh vẫn chưa được chính thể độc đảng Việt Nam giao trả lại cho người Đức, còn quan hệ đối tác chiến lược Việt - Đức vẫn chưa hề phục hồi !

ho1

Dường như ông Bùi Thanh Sơn đã chẳng có thẩm quyền nào để quyết định về vụ Trịnh Xuân Thanh mà chỉ đơn giản là ‘đi nghe rồi về báo cáo lại’ cho còn ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng. 

Vào tháng Mười năm 2018, vài chuyên gia và quan chức thân nhà nước Việt Nam đã bắn ý cho báo chí về khả năng sắp phục hồi mối quan hệ đối tác chiến lược Việt - Đức, sau khi quan hệ này đã bị treo từ tháng chín năm 2017 do phía Đức chủ động tạm cắt bởi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin.

Ngày 8/11/2018, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam, trả lời câu hỏi của phóng viên quốc tế về mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức liên đới chặt chẽ với vụ Trịnh Xuân Thanh,Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng - vẫn bị nhiều dư luận ví như ‘vẹt ngoại giao’ - đã một lần nữa "Việt Nam luôn coi trọng củng cố và phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Đức vì lợi ích của nhân dân hai nước. Thời gian vừa qua hai bên đã có những cuộc trao đổi và tiếp xúc để thúc đẩy quan hệ hai nước. Trịnh Xuân Thanh vi phạm pháp luật ở Việt Nam đã được đưa ra xét xử một cách công khai theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và hiện đang trong quá trình thi hành án".

Câu trả lời hết sức chung chung trên chỉ mang một hàm ý đáng chú ý : trước nhiều tin tức dồn dập xuất hiện trên mạng xã hội về việc Trịnh Xuân Thanh đã được đưa đến Berlin để "trao trả tù binh’, Bộ Ngoại giao và chắc chắn đứng đằng sau đó là Bộ Chính trị Việt Nam muốn tái khẳng định là Trịnh Xuân Thanh vẫn còn nằm nguyên trong nhà lao cộng sản với hai cái án chung thân mà chưa thể sang Đức để... uống bia và chơi golf.

Nhưng lại có một khác biệt rất lớn trong câu trả lời của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam so với trước đây : không hề nhắc lại việc ‘Trịnh Xuân Thanh đã tự nguyện về nước đầu thú’.

Vào đầu tháng Tám năm 2017, một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Đức ra tuyên bố phản đối hành động mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết ‘Trịnh Xuân Thanh đã tự nguyện về nước đầu thú’ và bà "rất tiếc về phát ngôn này".

Chi tiết đáng chú ý là tuy "lấy làm tiếc", nhưng cái cách phản ứng đầu tiên của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã không cho thấy một câu hay từ ngữ nào phủ nhận cáo buộc của phía Đức về việc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc.

Nói cách khác, Việt Nam có thể đã gián tiếp thừa nhận về hành vi mật vụ Việt Nam đã xông thẳng vào Berlin để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào tháng Bảy năm 2017, dẫn đến cơn khủng hoảng ngoại giao Đức - Việt và đang lan sang cả Slovakia.

Cho đến nay, cái ‘án treo’ về tạm ngừng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước mà người Đức tuyên vào tháng Chín năm 2017 vẫn còn sờ sờ một cách đầy đe dọa. Từ tháng Chín ấy đến nay, toàn bộ các chương trình dự án mới về viện trợ và kinh tế của Đức cho Việt Nam đã tạm ngưng. Nhưng ‘đau khổ’ nhất cho cả hai bên vẫn là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã cứa một vết rất sâu vào một trong những cái nôi nhà nước pháp quyền tiêu biểu nhất ở Châu Âu, khiến cho chính phủ Đức không thể bỏ qua, lồng trong bối cảnh Đức là quốc gia có ảnh hưởng nhất trong việc tác động đến Nghị viện Châu Âu để quyết định có phê chuẩn hay không cho Việt Nam được tham gia vào EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu) vào tháng Ba năm 2019.

Cũng trong thời gian trên, phía Việt Nam đã không có bất kỳ một lời xin lỗi nay cam kết ‘sẽ không tái phạm’ nào về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh với người Đức. EVFTA cũng bởi thế vẫn nằm nguyên trong tư thế bị cột chặt cả tứ chi.

Không những thế, Việt Nam rất có thể một lần nữa khiến người Đức bị hố do những lời hứa cuội về ‘sẽ trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức’. Có lẽ chính vì lời hứa cuội ấy mà vào tháng Mười năm 2018 phía Đức đã sẵn sàng cấp visa cho một đoàn quan chức Việt Nam sang Đức để tiếp tục đàm phán về vụ Trịnh Xuân Thanh. Đoàn đàm phán này được phụ trách bởi Thứ trưởng ngoại giao Bùi Thanh Sơn, nhưng dường như ông Sơn đã chẳng có thẩm quyền nào để quyết định về vụ Trịnh Xuân Thanh mà chỉ đơn giản là ‘đi nghe rồi về báo cáo lại’, còn ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng mới là người nắm giữ sinh mạng Trịnh Xuân Thanh và quan hệ đối tác chiến lược Việt - Đức.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 12/11/2018

Published in Diễn đàn

Cùng với ba tử huyệt nợ công quốc gia, nợ xấu ngân hàng và thâm thủng ngân sách đang lộ ra ngày càng rõ, triển vọng trữ lượng dầu khí cạn kiệt chỉ trong ít năm nữa hoàn toàn xứng đáng bồi thêm một điểm chết nữa mà có thể rút ngắn đáng kể tuổi thọ của chế độ cầm quyền tại Việt Nam trước thời điểm năm 2025.

cankiet1

Vào tháng Mười năm 2018, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã phải lần đầu tiên thừa nhận một sự thật mà bấy lâu nay tập đoàn này và đảng chỉ muốn che giấu càng nhiều càng tốt : sản lượng dầu tại rất nhiều giếng đang suy giảm tự nhiên do khai thác đã quá lâu. Cộng vào đó là trữ lượng gia tăng quá thấp khiến từ nay đến năm 2025, sản lượng khai thác dầu sẽ giảm đều đặn mỗi năm 10% - tương đương với hơn 2 triệu tấn.

Vào năm 2017, sản lượng khai thác quy dầu của PVN lên tới 25 triệu tấn. Nhưng với đà ‘suy giảm tự nhiên’ và với mức giảm bắt buộc hơn 2 triệu tấn/năm, đến năm 2025 sản lượng khai thác quy dầu sẽ cao lắm là 10 triệu tấn/năm. Còn nếu trong giai đoạn 2019 - 2015 mà PVN phải chịu sức ép quá mạnh từ Chính phủ và Bộ Chính trị đảng để phải giữ nguyên hoặc thậm chí gia tăng sản lượng khai thác dầu khí nhằm bù đắp cho một nền ngân sách mau chóng cạn kiệt, đặc biệt là gần như cạn hoàn toàn các nguồn ngoại tệ dùng để trả nợ nước ngoài và chi xài cho công tác ăn tiêu trong đảng, đến năm 2025 PVN sẽ có thể chẳng còn dầu để khai thác nữa.

Những thông tin trên là hoàn toàn logic với một thông tin từ ông Từ Thành Nghĩa - Tổng giám đốc Vietsovpetro - vào đầu tháng 2/2018 về "Móng mỏ Bạch Hổ còn quanh quẩn 10 triệu tấn, tối đa chỉ khai thác được 4-5 năm nữa thôi", tại Hội nghị tổng kết năm 2017 của PVN.

Điều đó có nghĩa là ngay cả mỏ Bạch Hổ - cung cấp sản lượng lớn nhất, chiếm hơn 60% sản lượng của PVN từ xưa đến nay - đã vào giai đoạn suy kiệt.

Đó là chưa kể đến tình trạng sản lượng của một số mỏ dầu khí giảm dần và không còn mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà đầu tư. Trong thời gian qua một số lô hợp đồng đã phải trả lại cho PVN do không còn hiệu quả kinh tế, như Lô 46/13 – mỏ Sông Đốc và Lô 01&02/97 mỏ Thăng Long, Đông Đô. 

Vào năm 2012 hoặc 2022 khi mỏ Bạch Hổ trở thành ‘mỏ chết’, PVN sẽ phải dựa hoàn toàn vào 40% sản lượng còn lại, với điều kiện trữ lượng của những mỏ dầu còn lại vẫn còn mà không suy kiệt hẳn như Bạch Hổ.

Nhưng ngay trước mắt là một mất cân đối quá lớn đối với ‘khoa học khai thác dầu khí’ : năm 2017, sản lượng khai thác quy dầu của PVN lên tới 25 triệu tấn, nhưng phần tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng chỉ là 4 triệu tấn, tức trữ lượng mới chỉ chiếm 1/6 sản lượng đang khai thác. Nếu tình trạng mất cân đối giữa tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng và khai thác vẫn tiếp diễn như hiện nay thì chỉ vài năm nữa, sản lượng khai thác dầu khí của PVN sẽ chỉ còn 1/3 sản lượng so với hiện thời.

Vào đầu năm 2017, một báo cáo của PVN đã thừa nhận rằng gia tăng trữ lượng dầu khí năm 2017 đạt thấp hơn nhiều so với mục tiêu chiến lược đề ra : mục tiêu đề ra trong nước là 20-30 triệu tấn/năm và ở nước ngoài là 8-12 triệu tấn/năm (tổng cộng là 28-42 triệu tấn/năm) nhưng trong hai năm 2016 và 2017 PVN đều không hoàn thành khi đạt thấp hơn nhiều (năm 2016 đạt 16,66 triệu tấn quy dầu và năm 2017 đạt 4,0 triệu tấn quy dầu). Hầu hết các mỏ đều đã khai thác trong thời gian dài và đang trong giai đoạn cuối dẫn tới suy giảm sản lượng tự nhiên hàng năm từ 15% tới trên 30%.

2017 cũng là năm gia tăng trữ lượng dầu khí thấp nhất từ trước đến nay, chỉ đạt 4 triệu tấn dầu, thấp nhất lịch sử. Một quan chức của PVN là Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn phải thừa nhận : "trước đây hàng năm, PVN khoan 30-40 giếng thăm dò, chi phí tốn từ 2-2,5 tỷ USD, gia tăng được 35-40 triệu tấn quy dầu. Thế nhưng, từ 2015 trở lại đây, đầu tư của ta và nước ngoài chỉ đâu đó 400-500 triệu USD cho tìm kiếm thăm dò, giảm 5 lần so với trước".

Với tình trạng trữ lượng dầu cạn kiệt nhanh trong khi quá khó để tìm ra nguồn trữ lượng mới, có thể hình dung là vào năm 2021, ngân sách chế độ sẽ mất hẳn số thu 70.000 - 80.000 tỷ đồng từ PVN mà do đó sẽ ‘kiến tạo’ một lỗ thủng toang hoác không lấy gì bù trám được.

Tương lai đen tối trên đang hiển hiện trong bối cảnh hiện thời các nguồn ngoại tệ mạnh từ viện trợ không hoàn lại, viện trợ ODA và cả nguồn kiều hối của ‘khúc ruột ngàn dặm’ đều khá bi đát. Từ năm 2014, chính thể Việt Nam đã không còn nhận được nguồn vốn ODA đáng kể nào, còn từ năm 2018 đã không còn ODA ưu đãi. Trong khi đó, lượng kiều hối gửi về Việt Nam vào năm 2017 và 2018 có thể sụt giảm đến phân nửa so với mức đỉnh 13,5 tỷ USD vào năm 2015…

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 02/11/2018

Published in Diễn đàn

Về thực chất, nguồn thu ngoại tệ từ dầu và khí đốt của ngân sách Việt Nam đã bị "đối tác chiến lược toàn diện" Trung Quốc thẳng tay bóp nghẹt.

daukhi1

Vào tháng Bảy năm 2017, Trung Quốc gây sức ép buộc Reposol phải lặng lẽ rút khỏi nơi này mà không thể khai thác thêm...

Năm 2017, sản lượng khai thác quy dầu của PVN lên tới 25 triệu tấn. Nhưng với đà ‘suy giảm tự nhiên’ và với mức giảm bắt buộc hơn 2 triệu tấn/năm, đến năm 2025 sản lượng khai thác quy dầu sẽ cao lắm là 10 triệu tấn/năm. Còn nếu trong giai đoạn 2019 - 2015 mà PVN phải chịu sức ép quá mạnh từ Chính phủ và Bộ Chính trị đảng để phải giữ nguyên hoặc thậm chí gia tăng sản lượng khai thác dầu khí nhằm bù đắp cho một nền ngân sách mau chóng cạn kiệt, đặc biệt là gần như cạn hoàn toàn các nguồn ngoại tệ dùng để trả nợ nước ngoài và chi xài cho công tác ăn tiêu trong đảng, đến năm 2025 PVN sẽ có thể chẳng còn dầu để khai thác nữa.

Từ năm 2015 đến năm 2017, giá dầu thô quốc tế đã sụt gần một nửa và do đó đã khiến số thu từ xuất khẩu dầu thô của Việt Nam cũng giảm khoảng 40%, tức hụt đến 50.000 - 60.000 tỷ đồng. Giảm thu từ dầu thô cũng là một trong những nguyên nhân khiến ngân sách Việt Nam suýt nữa đã rơi vào cảnh cháy túi.

Kết thúc năm 2017, lần đầu tiên sau nhiều năm ngân sách Việt Nam bị hụt thu trên 3% so với dự toán đầu năm, phản ánh tình trạng sức khỏe của nền kinh tế, các doanh nghiệp và người dân đang lao vào suy thoái năm thứ 10 liên tiếp, cùng ngày càng nhiều phản kháng xã hội nổi lên đối với chính sách thuế "thu cùng diệt tận giai đoạn cuối" của Bộ Thắt Cổ (một tục danh mà dân gian đương đại ví cho Bộ Tài chính).

Kết quả thu ngân sách về thực chất chỉ đạt 96,8% dự toán của năm 2017 là một chỉ dấu lớn cho thấy thu ngân sách 2018 nhiều khả năng còn tồi tệ hơn năm 2017 và có thể sẽ sụt tới 5-7% so với dự toán đầu năm 2018, nếu không tính tới phần đè dân thu thuế và "bán mình" - tức phải bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp ‘bò sữa’ để có tiền trám vào khoảng trống toang hoác của ngân sách quốc gia.

Vào tháng Mười năm 2018, một bản báo cáo của cơ quan Kiểm toán Nhà nước Việt Nam được công bố đã phải thừa nhận rằng phần thu cân đối ngân sách nhà nước 2018 tuy có thể vượt dự toán đầu năm 3%, nhưng đây là số tăng thấp nhất so với kết quả thực hiện dự toán trong 4 năm trở lại đây. Báo cáo này cũng cho biết số thu vượt dự toán chủ yếu từ các nguồn thu về nhà, đất và dầu thô. Tuy nhiên, thu từ đất không ổn định còn thu từ dầu thô chủ yếu do giá dầu lập dự toán thấp hơn thực tế (73,5 USD/50 USD/thùng) và sản lượng ước tăng 450 nghìn tấn.

Đó chính là nguồn cơn vừa sâu xa vừa trực tiếp khiến chính quyền Việt Nam phải tìm mọi cách tăng thu ngân sách, dù lẽ ra họ cần kéo giãn tiến độ khai thác dầu để "bảo đảm an ninh năng lượng" như những từ ngữ hoa mỹ và thời thượng hiện nay.

Sau khi PVN ‘phát hiện’ mỏ dầu khí lớn nhất là Bạch Hổ sắp suy kiệt, ngân sách đảng chỉ còn biết trông mong vào ba mỏ dầu khí liên doanh khai thác với nước ngoài là mỏ Cá Rồng Đỏ - liên doanh với Công ty dầu khí Repsol của Tây Ban Nha, mỏ Lan Đỏ - liên doanh với Tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga, và mỏ Cá Voi Xanh - liên doanh với Tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ.

Nhưng nguồn thu ngoại tệ từ dầu và khí đốt của ngân sách Việt Nam lại bị "đối tác chiến lược toàn diện" Trung Quốc thẳng tay bóp nghẹt.

PetroVietnam cùng với các đối tác đã không thể ung dung khoan dầu. Có đến hai lần Trung Quốc gây sức ép mạnh khiến các giàn khoan phải ngậm tăm : vào tháng Bảy năm 2017, Trung Quốc gây sức ép buộc Repsol phải lặng lẽ rút khỏi nơi này mà không thể khai thác thêm. Đến tháng Ba năm 2018, một lần nữa Trung Quốc lại gây sức ép buộc chính quyền Việt Nam phải yêu cầu Repsol rút lui, cho dù vì thế mà Việt Nam có thể phải bồi thường cho Repsol đến 200 triệu USD.

Vào giữa năm 2018, một bản đồ được ‘đảng anh’ vẽ lại đã kẻ ra đường lưỡi bò liếm qua hơn 60 lô dầu khí của Việt Nam, khiến cho ‘đảng em’ có muốn khai thác dầu ngay trong ‘vùng chủ quyền lãnh thổ không thể tranh cãi’ của mình cũng đầy gian nan, và càng khiến nguồn thu dầu khí cho ngân sách đảng trở nên không biết đường nào mà lần.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 29/10/2018

Published in Diễn đàn

Nguyễn Xuân Phúc - quan chức thủ tướng bị dư luận đánh giá là còn ‘nổ’ hơn cả người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng, vừa khoe khoang thành tích nợ công quốc gia đã giảm xuống chỉ còn 61,4% GDP - tức chưa chạm vào ngưỡng giới hạn trên là 65% GDP - trước kỳ họp quốc hội mà nhìn vào góc xó nào cũng thấy ‘gật’.

no1

Khoe khoang thành tích nợ công quốc gia đã giảm xuống chỉ còn 61,4% GDP, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn nổ hơn cả người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng

Điều trớ trêu là vào đầu năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải thốt ra một đánh giá chưa từng có tiền lệ : "Nếu tính đủ, nợ công đã vượt trần".

Đó là lần đầu tiên ông Phúc tỏ ra cám cảnh thật sự trước tình cảnh ‘đổ vỏ’ của mình cho đời thủ tướng trước là Nguyễn Tấn Dũng. Thậm chí sau đó ít lâu, ông Phúc còn thốt ra một tán thán khác ấn tượng không kém : ‘sụp đổ tài khóa quốc gia’.

Nhưng có thực nợ công quốc gia đã giảm xuống chỉ còn 61,4% GDP không ?

Vào năm 2011, nợ công quốc gia đã được chính phủ Nguyễn Tấn Dũng "ấn định" chỉ vào khoảng 55% GDP. Lý do hết sức dễ hiểu là nếu tống nợ vay nước ngoài của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước vào khái niệm nợ công quốc gia, nợ công sẽ vọt lên ít nhất 200% GDP ngay tại thời điểm năm 2011 - lúc tỷ lệ lạm phát trên báo cáo đã xấp xỉ 20%.

Còn từ năm 2011 đến năm 2015 và với đà vay mượn nước ngoài tăng tiến không ngừng nghỉ, nợ công chắc chắn đã tăng và nợ vay của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước cũng tăng chóng mặt (cho tới nay vẫn chưa có con số thống kê chính thức nào về số nợ vay nước ngoài phát sinh của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước trong khoảng thời gian 4-5 năm qua).

Có nghĩa là cho đến nay, nợ công quốc gia vẫn còn y nguyên, thậm chí còn tồi tệ hơn những năm trước.

Theo phân tích của Tiến sĩ Vũ Quang Việt vào đầu năm 2017 ngay trên một tờ báo nhà nước là Thời báo Kinh tế Sài Gòn, nợ của 3.200 doanh nghiệp nhà nước theo điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2014 là 4,9 triệu tỉ đồng (231 tỉ đô la Mỹ), gấp nhiều lần con số 1,5 triệu tỉ đồng mà Bộ Tài chính đưa ra chỉ cho một số tập đoàn và công ty lớn. Ước tính thêm cho thấy năm 2016, nợ của doanh nghiệp nhà nước là 324 tỉ đô la Mỹ, bằng 158% GDP.

Như vậy, cộng cả nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp nhà nước sau khi trừ đi phần Chính phủ bảo lãnh trùng lặp, tổng số nợ năm 2016 là 431 tỉ đô la Mỹ, bằng 210% GDP.

Vào cuối năm 2017, Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, với nội dung đáng chú ý nhất của nó là đã không chấp nhận đưa các khoản vay nợ nước ngoài của tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước vào khái niệm nợ công quốc gia. Trong khi đó, loại nợ này lại là một trong 5 định nghĩa về nợ công của cơ quan thống kê của Liên hiệp quốc.

Về thực chất, Luật về nợ công của Việt Nam đã cố tình không gộp cả phần nợ vay nước ngoài của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước. Bối cảnh ngân sách cạn kiệt, cụ thể là chẳng còn khoản kết dư đáng kể nào, cũng là lúc đang có nhiều dấu hiệu cho thấy nợ công sắp "vỡ" và Chính phủ không còn khả năng trả nợ thay cho các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước.

Không khó để dự đoán rằng một khi Chính phủ phủi tay trước nhiều món nợ vay nước ngoài của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước, ngay trong năm 2017 sẽ xuất hiện những cái tên doanh nghiệp nhà nước bắt buộc phải phá sản, thậm chí còn phải đối mặt với vòng lao lý.

Nhưng bất chấp hàng loạt thành tích tô hồng về GDP liên tục tăng trưởng, nợ công được kéo xuống… của Nguyễn Xuân Phúc, đường đi lên của ông ta đã bị án ngữ hoàn toàn bởi một chủ tịch nước rất có thể sẽ ‘ngồi, ngồi nữa, ngồi mãi’. 

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 27/10/2018

Published in Diễn đàn

Chính thể độc đảng ở Việt Nam đang phải đối mặt với một nguy cơ đặc thù chưa từng có và không hề nhỏ trong lịch sử tồn tại có lẽ chẳng còn kéo dài được nhiều năm nữa của nó : chẳng bao lâu nữa, quốc gia mà Hà Nội luôn ve vuốt là ‘đối tác thân thiện’ - Slovakia - có thể sẽ thẳng tay chặt đứt mối quan hệ giao hảo bấy lâu nay giữa hai nước.

slo1

Robert Kaliňák và Tô Lâm

"Quan hệ song phương Việt Nam-Slovakia sẽ bị đóng băng cho đến khi Slovakia nhận được lời giải thích khả tín từ Hà Nội về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Slovakia Boris Gandel nói với hãng thông tấn nhà nước TASR hôm 19/10, trong một phản ứng trước lời kêu gọi của đảng Tự do và Đoàn kết đối lập (SaS) đòi phải trục xuất đại sứ Việt Nam (VOA).

Đây là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Slovakia lên tiếng dứt khoát như thế, sau khi những quan chức cấp cao của chính phủ này đã không ngớt cảnh báo Việt Nam về một tương lai chẳng tốt đẹp gì nếu Việt Nam không làm rõ được vụ Trịnh Xuân Thanh.

Có thể xem 'đóng băng' hay ‘tạm ngừng quan hệ’ là cấp độ hạn chế ngoại giao cao nhất, nhưng không chỉ liên quan đến phương diện ngoại giao mà còn cả về kinh tế, văn hóa, quốc phòng và các chương trình, dự án đang lên kế hoạch hoặc đang được triển khai giữa hai nước. Ngay trước mắt, Slovakia có thể làm giống như Cộng hòa Czech cách đây vài tháng là tạm ngừng cấp visa cho lao động Việt Nam. Mà Czech và Slovakia lại là hai thị trường khá chủ yếu tiêu thụ số lao động dôi dư của Việt Nam.

Vì sao chỉ là một quan chức cấp nhỏ như Trịnh Xuân Thanh mà có thể khiến quan hệ Slovakia - Việt Nam bị đóng băng ?

Nhưng lý do đơn giản hơn là Việt Nam đã có gần nửa năm và nhiều cơ hội để giải thích cho ‘nước bạn’ biết rõ làm sao Trịnh Xuân Thanh đã ‘tự nguyện về nước đầu thú’ chứ không phải bị bắt cóc ở Berlin, sau đó bị tống lên xe hơi đưa sang Slovakia và rồi bị hai nhân viên an ninh Việt Nam ‘dìu’ trong trạng thái lảo đảo lên một chiếc máy bay mà đoàn ‘đàm phán’ của Bộ trưởng công an Tô Lâm mà đã mượn chính phủ Slovakia thông qua vai trò giúp đỡ tích cực và có lẽ không hoàn toàn trong sáng của bộ trưởng nội vụ Slovakia khi đó là Robert Kaliňák.

Song từ tháng Năm đến cuối tháng Bảy năm 2018, đại sứ Việt Nam tại Slovakia là Dương Trọng Minh đã chỉ một mực "Trịnh Xuân Thanh chưa bao giờ có mặt tại Slovakia" - lối thanh minh được quy chiếu bởi phát ngôn của Bộ Công an Việt Nam về ‘Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú’. Chắc chắn Dương Trọng Minh nói theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, nhưng điều lạ lùng là đã chỉ có ông Minh xuất hiện chứ không hề thấy các quan chức cao cấp ngoại giao Việt Nam hiện hình.

Đến lúc đó, Slovakia bắt đầu mất dần kiên nhẫn.

Sau khi báo chí Đức và Slovakia tung loạt bài điều tra về thực chất Trịnh Xuân Thanh đã bị ‘vận chuyển’ qua sân bay Bratislava, đến tháng Chín năm 2018 Ngoại trưởng Slovakia Miroslav Lajcak đã tuyên bố không bổ nhiệm đại diện ngoại giao của Slovakia tại Hà Nội - hành động phản ứng cứng rắn đầu tiên và làm tiền đề cho hậu quả ‘tạm ngừng quan hệ với Việt Nam’ sẽ xảy ra chỉ một tháng sau đó.

Trước đó, Lajcak đã có một bài viết trên báo Slovakia và đã dùng từ ngữ ‘giá treo cổ’ để ám chỉ một biện pháp trừng phạt đối với những quan chức Slovakia đã ‘giúp đỡ’ những kẻ bắt cóc đến từ Việt Nam, mà còn đối với chính những kẻ bắt cóc.

Còn sau khi Ngoại trưởng Miroslav Lajcak một lần nữa hối thúc Việt Nam phải trả lời vụ Trịnh Xuân Thanh trong cuộc tiếp xúc với Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh tại New York vào cuối tháng Chín năm 2018, cho đến nay "Bộ Ngoại giao Slovakia hiện vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía Việt Nam sau cuộc họp của bộ trưởng ngoại giao hai nước ở New York gần đây" - theo lời phát ngôn viên Gandel của Slovakia.

Vì sao Phạm Bình Minh im lặng ?

Sẽ không khó hiểu nếu người ta biết rằng ông Minh đã im lặng trước vụ Trịnh Xuân Thanh ngay từ tháng Tám năm 2017 khi Bộ Ngoại giao Đức ra tuyên bố phẫn nộ phản đối vụ bắt cóc, và đến tháng Mười năm 2017 thì Phạm Bình Minh ‘tắt tiếng’ luôn cho đến nay.

slo2

Phạm Bình Minh (phải) và Nguyễn Phú Trọng

Tháng Mười năm 2017 cũng là một thời điểm rất đặc biệt trong cuộc đời làm chính trị mà trước đó chỉ biết lên chưa biết xuống của ông Minh : lần đầu tiên ông ta, với tư cách bộ trưởng ngoại giao, nhưng lại được Tổng bí thư Trọng phân công đọc một báo cáo chuyên đề về dân số tại Hội nghị trung ương 6 - một hành động bị xem là ‘sỉ nhục cá nhân’ mà đã khiến dư luận ồn ào và nghĩ rằng Phạm Bình Minh đã bị thất sủng trong mắt Nguyễn Phú Trọng, thậm chí cái ghế bộ trưởng ngoại giao của ông ta không còn mấy chắc chắn.

Có lẽ đó là nguồn cơn sâu xa khiến Phạm Bình Minh, trong khi hoàn toàn không muốn dính líu về trách nhiệm - dù chỉ là trách nhiệm gián tiếp hay trách nhiệm phải đi làm những thủ tục vớ vẩn để cứu vãn tình hình - về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và Bộ Công an của Tô Lâm là địa chỉ bị cho là đã tổ chức chiến dịch bắt cóc, càng không nhiệt tình chuyển đạt lời yêu cầu của Bộ Ngoại giao Slovakia làm rõ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh cho Bộ Chính trị đảng ở Việt Nam.

Nói cách khác, Phạm Bình Minh có thể đã ‘lãn công’ trước Nguyễn Phú Trọng - người mà sau Tô Lâm, giờ đây có thể là quan chức chính yếu, và duy nhất, phải tìm mọi cách để giải tỏa các áp lực căng thẳng quốc tế về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Thậm chí bị xem là phải chịu trách nhiệm toàn bộ về vụ này và những hậu quả khó lường đã, đang và sẽ xảy ra.

Nhất là khi ông Trọng đang ngấp nghé cái ghế chủ tịch nước - được thừa hưởng từ cái chết chẳng mấy minh bạch của ông Trần Đại Quang.

Không chỉ Phạm Bình Minh im lặng, mà cả Bộ Chính trị Việt Nam cũng ‘rứa’. Điều không còn lạ lùng và khá khôi hài là thái độ nín lặng ấy đã kéo dài suốt từ cuộc khủng hoảng Đức - Việt đến khủng hoảng Slovakia - Việt. Giống như một trạng thái á khẩu chính trị mà rất có thể phản ánh tâm thế bấn loạn của trong những nhân sự cao cấp nhất của đảng trước vụ này. Nhiều cuộc họp có thể đã được tổ chức để bàn về phương án xử lý khủng hoảng quốc tế, và chắc chắn không còn ai nêu ra quan điểm ‘chấp nhận trả giá đối ngoại để ưu tiên giải quyết đối nội’ khi bắt và xử tù Trịnh Xuân Thanh. Mà kết quả dễ hình dung nhất là sau nhiều cuộc họp căng thẳng và nhiều phương án được nêu ra, người ra đã chẳng thể quyết định được một phương án nào khả dĩ ra hồn. Mọi cặp mắt trong Bộ Chính trị đều hướng vào Tổng bí thư Trọng và trông chờ sự quyết định cuối cùng của ông ta. Nhưng nếu ông Trọng tỏ ra có một chút quyết đoán thì tại sao cho đến nay khủng hoảng Đức - Việt vẫn còn nguyên ngòi nổ ?

Khủng hoảng Slovakia - Việt cũng thế.

Từ ngữ ‘đóng băng’ mà phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Slovakia Boris Gandel dùng vào ngày 19/10 không còn là lời cảnh báo hay đe dọa, mà có lẽ đang gần, hoặc rất gần với thực tế.

Những giả thiết về kịch bản chế tài ngoại giao của Slovakia đối với Việt Nam - như ‘hạ cấp ngoại giao’, triệu hồi đại sứ của Slovakia về nước (hiện tại chỉ là Đại biện lâm thời), và tuyên bố trục xuất Đại sứ của Việt Nam tại Slovakia về nước - té ra là không xa sự thật. Nhưng nếu chính thức tuyên bố ‘tạm ngừng quan hệ với Việt Nam’, Slovakia còn trừng phạt nặng nề hơn cả thế.

Bài học đáng giá đối với giới lãnh đạo Việt Nam là từ người Đức. Vào năm 2017, sau hai tháng điều tra của cảnh sát và cơ quan công tố mà cũng chẳng nhận được bất kỳ câu trả lời thỏa đáng nào từ phía Việt Nam, Nhà nước Đức đã phải tuyên bố tạm ngừng quan hệ đối tác chiến lược Đức - Việt, được xem là một hình thức trừng phạt cao cấp. Sau đó, Đức còn hủy bỏ luôn hiệp định với Việt Nam về miễn visa cho quan chức Việt đi công tác ở Đức.

Không phải là một quốc gia có vị thế kinh tế và chính trị hàng đầu châu Âu như Đức, thậm chí dân số chỉ vỏn vẹn 4 - 5 triệu người và gái trị thương mại song phương hàng năm với Việt Nam chỉ khoảng 4 tỷ USD, biện pháp trừng phạt ‘tạm ngừng quan hệ với Việt Nam’ mà Slovakia ra tay có thể không khiến những người vẫn mang danh chủ nghĩa cộng sản phải quá lo lắng.

Tuy nhiên, Slovakia lại là một thành viên của khối Liên minh châu Âu, trong khi cuộc khủng hoảng mang tên Trịnh Xuân Thanh đã trở nên quốc tế hóa rộng khắp không chỉ về an ninh mà còn về ngoại giao và chính trị. Về thực chất, Việt Nam còn phải đối diện với một cuộc khủng hoảng với cả Liên minh châu Âu, nếu chế độ được xem là cộng sản này không biết cách xử lý êm thắm khủng hoảng, trongkhi thời gian đang là kẻ thù của những kẻ không biết hối lỗi là gì.

Cũng cần nói thêm là cho tới nay Việt Nam đã chỉ tìm cách ve vuốt người Đức nhưng vẫn chưa đưa ra bất kỳ lời xin lỗi hoặc ‘cam kết sẽ không tái phạm’ nào. Đó là lý do khiến Đức vẫn hờm sẵn biện pháp trừng phạt ‘tạm ngừng quan hệ với Việt Nam’. Và nếu Đức làm thế, cái mất của Việt Nam sẽ không còn nhỏ bé như những lợi ích kinh tế mà Việt Nam mất đi từ mối quan hệ với Slovakia. Mà đó sẽ là tai họa khủng khiếp đối với chế độ lấy đu dây chính trị làm đầu và đang thủ sẵn một tá ‘đối tác chiến lược toàn diện’ trong túi nhưng đã từ lâu rơi vào nỗi cô độc tuyệt đối trên trường quốc tế.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 21/10/2018

Published in Diễn đàn

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc lại thất bại thêm một lần nữa - lần thứ hai trong hai năm liên tiếp kể từ năm 2016 - mà không thể ‘xin tiền’ được của Nhật Bản.

nhat1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh : VGP/Quang Hiếu.

Tham dự Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong - Nhật Bản lần thứ 10 vào tháng Mười năm 2018, ông Phúc đã có một cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Nhưng kết quả đáng thất vọng nhất đối với Thủ tướng phúc lẫn giới chóp bu đang khát ODA ở Việt Nam là đã chẳng có một lời hứa hẹn, và càng không có sự cam kết nào về việc ‘Nhật Bản sẽ tăng cường hỗ trợ ODA cho Việt Nam’ hoặc ‘Nhật Bản sẽ dành cho Việt Nam nguồn vốn ODA ưu đãi’, bất chấp Thủ tướng Phúc đã phải một lần nữa đề nghị "Nhật Bản tăng cường hỗ trợ vốn ODA ưu đãi hơn cho Việt Nam".

Vào tháng Sáu năm 2016, Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đi Nhật để dự Hội Nghị G7 mở rộng. Nhưng kết quả của chuyến đi này là đã không có bất kỳ một hứa hẹn hay cam kết nào từ phía Nhật về viện trợ cho Việt Nam.

Nguyễn Xuân Phúc - nhân vật đang trở nên quá cám cảnh bởi tư thế phải "đổ vỏ" cho thời thủ tướng trước, giờ đây rơi vào một vòng xoáy "cơm áo gạo tiền" cho đảng và chính phủ cầm quyền ở Việt Nam. Đã quá đủ cho vài chục năm vay nợ nước ngoài, chi xài vô tội vạ và bỏ mặc tham nhũng hoành hành của chính phủ cùng chính quyền các địa phương Việt Nam, để lại núi nợ công lên đến ít nhất 210 % GDP, tương đương khoảng 431 tỷ USD.

Con số vay ODA của nước ngoài từ năm 1993 đến năm 2014 đã lên tới 90 tỷ USD. Sau khi trừ đi 10 - 12% vốn vay không hoàn lại trong số đó, mỗi năm ngân sách Việt Nam phải có trách nhiệm trả nợ quốc tế hàng chục tỷ USD. Mà muốn trả được số nợ này, Việt Nam lại phải tìm cách "vay đảo nợ" của các tổ chức tín dụng quốc tế. Trước đây, những tổ chức này vẫn cho Việt Nam vay vốn "đầu tư phát triển" và vay đảo nợ khá dễ dàng. Nhưng đến năm 2015, WB bất ngờ thông báo hai "tin buồn" cho Việt Nam : Việt Nam đã "tốt nghiệp IDA" mà sẽ không được xếp vào loại quốc gia "xóa đói giảm nghèo" ; và từ tháng 7/2017 sẽ không được vay với lãi suất ưu đãi 0,7 - 0,8%/năm cùng thời gian ân hạn đến 30 - 40 năm như trước đây, mà mức lãi suất vay sẽ được nâng lên gấp ba và thời gian ân hạn giảm xuống một nửa.

Trong khi đó, ngân sách Việt Nam vẫn buộc phải làm cái chuyện vừa lo trả nợ vừa phải tiếp tục vay mượn vượt hơn đến 30% số trả nợ hàng năm để phục vụ các khoản chi tiêu thường xuyên khổng lồ của bộ máy gần 4 triệu công chức viên chức và lực lượng vũ trang.

2018, sau vài chục năm "vay mượn, vay mượn ồ ạt cho đến khi sụp đổ," ngân sách Việt Nam đã biến thành một tổ mối đúng nghĩa : tỉ lệ nợ công/GDP vượt xa giới hạn nguy hiểm, còn cộng đồng tài chính quốc tế đang thẳng tay "cấm cửa" vay mượn ODA đối với chính thể mà ngay giới chuyên gia quốc tế còn rành rẽ một giai thoại dân gian : một chương trình an sinh xã hội của chính phủ Việt Nam nhận nguồn ODA có tên là ‘Chương trình 135’, nhưng khi tiền được phân bổ từ cấp cơ quan trung ương xuống cơ quan địa phương rồi đến tay người dân thì đã biến thành công thức ‘5 - 3 - 1’, tức những người khốn khổ nhất trong xã hội lầm than này chỉ nhận một phần quá nhỏ nhưng vẫn phải tự nguyện ‘cám ơn đảng và nhà nước ta’, cũng tự nguyện làm bình phong để giới quan chức có cớ ‘xóa đói giảm nghèo’ để xin ODA.

Từ nhiều năm qua, ODA đã trở thành một trong những quốc nạn về tham nhũng ở Việt Nam. Tỷ lệ thất thoát bình quân tại nhiều dự án ODA được đồn đoán khoảng 20 – 25%. 

2018, sau vài chục năm nhận ‘lộc trời’, ODA đã trở thành một trong những bi kịch ‘vĩ đại’ nhất của chính thể Việt Nam.

Bi kịch đến nỗi mà vào một buổi sáng mùa thu năm 2017, Thủ tướng Phúc đã phải "đề nghị Ngân hàng thế giới tìm kiếm nguồn vốn tài trợ cho Việt Nam các khoản không hoàn lại để giảm tối đa làm chi phí vay vốn, tăng thành tố ưu đãi của các khoản vay" - cử chỉ xin tiền đầu tiên và hình như không còn quá chú tâm về lòng tự trọng kể từ ngày quan chức này phải lãnh trách nhiệm ‘đổ vỏ’ cho đời thủ tướng trước bị xem là ‘phá chưa từng có’ là Nguyễn Tấn Dũng…

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 15/10/2018

Published in Diễn đàn

Chính thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ đã phải nêu ra đề xuất đó với họ…

VOV – Đài Tiếng nói Việt Nam và bị xem là một trong những ‘con vẹt’ của đảng Cộng sản Việt Nam – vừa giật tít chói lọi : "Việt Nam đã sẵn sàng ngồi vào ghế HĐBA Liên Hợp Quốc".

ngu1

Thông tin lan truyền trên mạng xã hội cho biết quan chức ngủ ngồi ngủ sau bảng hiệu VIET NAM là Nguyễn Nam Dương – Tham tán, Hội động Bảo an & Ủy ban 6, nằm trong Danh sách cán bộ ngoại giao thuộc phái đoàn Đại diện thường trực nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Liên Hiệp quốc (New York) :

Nhưng một tờ báo in của Đức lại vừa rút tít : "Trong khi đoàn của Thụy Sĩ rất vui vẻ thì Việt Nam đi ngủ". 

Và một tờ báo của Algerie đưa tin : "Cán bộ ngoại giao ngủ giữa Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc. Một người thuộc phái đoàn Việt Nam đã ngủ rất say giữa phiên họp toàn thể của Liên Hiệp Quốc tại New York" 

Chưa hết. Trong khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – quan chức thay thế cho một Trần Đại Quang vừa chết để dự phiên họp toàn thể của Liên Hiệp Quốc tại New York – cắm cúi đọc bài diễn văn "Tâm huyết của Việt Nam với tương lai thế giới", thì các hàng ghế cử tọa trống vắng đến khó tin. Có tờ báo nước ngoài tường thuật rằng nhiều quan chức ngoại giao các nước đã đứng dậy bỏ ra ngoài khi đến phiên Nguyễn Xuân Phúc đọc diễn văn.

ngu2

Trong khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cắm cúi đọc bài diễn văn "Tâm huyết của Việt Nam với tương lai thế giới", thì các hàng ghế cử tọa trống vắng đến khó tin.

Tháng 10//2007, chính thể độc đảng ở Việt Nam lần đầu được bầu làm thành viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2008 – 2009. Và đây là lần thứ hai chính thể này đang đôn đáo vận động cho một ‘thành tựu đối ngoại’ mới nhằm ‘không ngừng nâng cao vị thế việt Nam trên trường quốc tế’.

Có thể hiểu là vào lần này, nhu cầu ‘uy tín đối ngoại’ của nhà nước cộng sản Việt Nam còn khẩn thiết hơn nhiều so với năm 2007. Bởi vào năm 2007 nền kinh tế và ngân sách Việt Nam còn tương đối vững, viện trợ nước ngoài và kiều hối đổ vào chế độ ‘ăn của dân không chừa thứ gì’ còn tương đối nhiều, tài nguyên còn chưa bị khai thác đến mức cạn kiệt, chưa xuất hiện một cách rõ ràng quốc nạn nợ công và nợ xấu, và đặc biệt chưa hiện hình vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Nhưng 11 năm sau, tất cả những cảnh khốn cùng nêu trên đã biến thành hiện thực. Và đặc biệt nhất là vụ mật vụ Việt Nam bị cảnh sát Đức tố cáo (kèm bằng chứng) đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã khiến nổ tung cuộc khủng hoảng Đức – Việt và còn gây ra cơn địa chấn khủng hoảng kéo sang Slovakia, Pháp và cả Liên minh Châu Âu.

Đó hẳn là nguồn cơn thê thiết và trực tiếp mà đã khiến Nguyễn Phú Trọng cùng bộ sậu của ông ta đặc biệt chạy vạy các sự kiện quốc tế được tổ chức tại Việt Nam, như Hội nghị Thượng đỉnh kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng Mười Một năm 2017, Diễn đàn Kinh tế thế giới các nước ASEAN được tổ chức tại Hà Nội vào tháng Tám năm 2018, kể cả đề xuất đăng cai hụt về tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Trump của Mỹ và Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại Việt Nam…

Cuộc vận động để chính thể Việt Nam được trở thành thành viên Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc cũng rốt ráo không kém. Và đương nhiên lôi kéo cả hệ thống tuyên giáo đảng vào cuộc theo cách ‘nhét chữ vào miệng người’.

Chẳng hạn báo Lao Động giật tít : ‘Lãnh đạo nhiều nước khẳng định ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc’.

Những nước nào vậy ?

Cuba, Buglaria, Croatia, Fiji, Saint Lucia ?

Chỉ có điều, thông tin trong bản tin của báo Lao Động đã hoàn toàn không cho thấy ‘lãnh đạo các nước’ trên chủ động ủng hộ ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc’’, mà chính thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ đã phải nêu ra đề xuất đó với họ.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 30/09/2018

Published in Diễn đàn