Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Một cách đương nhiên, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đang và sẽ được đảng lựa chọn để tổ chức chiến dịch "công đoàn độc lập cuội"... 

quantam1

Ngay cả Tô Lâm - 'Bộ đàn áp nhân quyền' (biệt danh được dân đặt cho Bộ Công an) cũng đi thăm công nhân dịp tết nguyên đán 2019.

Từ cuối năm 2018 đến nay, một "biến cố" đã xảy đến với chính quyền Việt Nam : để được tham gia vào CPTPP (Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương), đã lần đầu tiên phải chấp nhận định chế Công Đoàn Độc Lập như một trong những điều kiện then chốt của CPTPP. Sự biến này đang và sẽ áp đặt một trong những "cánh tay nối dài của đảng" là Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam vào cái thế lần đầu tiên trong lịch sử phải từ bỏ vai trò độc quyền "quản lý người lao động" để phải tìm cách cạnh tranh một cách minh bạch và sòng phẳng với các nghiệp đoàn lao động độc lập do công nhân lập ra.

Theo những quy định của CPTPP, chính quyền Việt Nam sẽ phải cho phép người lao động được tự do thành lập các tổ chức nghiệp đoàn tự do để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, tức về thực chất sẽ có một hình thái tổ chức nghiệp đoàn độc lập, hay còn gọi là công đoàn độc lập, tồn tại song song với hệ thống Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam từ trung ương xuống các địa phương. Không những thế, công nhân còn được thành lập nghiệp đoàn tự do không chỉ giới hạn ở từng khu vực mà còn trên cả nước, và các nghiệp đoàn độc lập này được kết nối với nhau…

Và cũng từ cuối năm 2018 đến nay, một hiện tượng lạ lùng dần hiện hình trên hình diện chính trị - xã hội ở Việt Nam : liên tiếp các ủy viên bộ chính trị, bắt đầu bằng Nguyễn Phú Trọng cho đến Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Thiện Nhân, Võ Văn Thưởng và thậm chí cả Tô Lâm - bộ trưởng công an - đã ‘đi thăm công nhân’.

Trước đây vào thời mà CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương, thay thế cho Hiệp định TPP không có Mỹ) còn đang đàm phán mà chưa thành hình, chẳng thấy bóng dáng ủy viên bộ chính trị nào bén mảng đến các nhà trọ nghèo khó của công nhân, mà chỉ có những cuộc tuyên dương và biểu dương nặng về thành tích và hình thức.

Nhưng trong thời gian chờ đợi từ 3-5 năm để luật hóa và thực hiện các quy định của CPTPP về các quy chế lao động theo 3 công ước quốc tế về lao động của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO), chưa có gì đáng gọi là "thành tâm" từ một não trạng đã quá quen độc trị về quyền lực và lợi ích khi phải tạm nhân nhượng cộng đồng quốc tế về nhân quyền để đổi chác lợi ích thương mại.

Hầu như không hoài nghi rằng chiến thuật ưa thích nhất của chính quyền Việt Nam trong ít ra vài năm tới vẫn là vừa kiềm chế những người bảo vệ quyền lợi công nhân, vừa bưng bít thông tin đến mức tối đa về công đoàn độc lập, vừa kéo dài lâu đến mức có thể việc luật hóa CPTPP về công đoàn độc lập, vừa tung ra chiến dịch "công đoàn độc lập cuội".

Một cách đương nhiên, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đang và sẽ được đảng lựa chọn để tổ chức chiến dịch "công đoàn độc lập cuội". Đó cũng là lý do để tổ chức công đoàn nhà nước này tìm cách tồn tại để vẫn được uống bầu sữa ngân sách và duy trì quyền lực "tổ chức chính trị xã hội" của mình trong thời buổi chế độ độc trị phải "dân chủ hóa".

Nhưng một thực tế không thể phủ nhận được : chính quyền và công an đã chưa từng thành công trong việc "quốc doanh hóa xã hội dân sự" kể từ khi phong trào các tổ chức xã hội dân sự ào ạt ra đời từ năm 2013 đến nay. Thậm chí trên phương diện "nghiệp vụ an ninh", công an cũng chưa từng có thành công đáng kể nào trong việc "cài" người hay xâm nhập vào các tổ chức xã hội dân sự, mà bằng chứng rõ nhất là cho đến nay hầu hết các tổ chức này vẫn duy trì được tôn chỉ và hành động ban đầu của mình mà không bị "tự diễn biến" hay "tự suy thoái" – theo cách nói kinh viện ưa thích của đảng cầm quyền.

Hàng loạt cuộc đình công từ lớn đến khổng lồ của công nhân được tổ chức thành công trong nhiều năm qua, đặc biệt từ năm 2015 đến nay, đã cho thấy các tổ chức công nhân được nâng cấp hơn hẳn về nghiệp vụ tổ chức – ngày càng chặt chẽ về nhân sự, chiến thuật và công tác bảo mật. Chính những yếu tố này sẽ khiến cho hoạt động "cài người" của công an và Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam bị hạn chế đáng kể, công đoàn độc lập không dễ bị nhập nhoạng hoặc bị thao túng bởi các tổ chức "công đoàn độc lập cuội" do chính quyền và công an dàn dựng.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 10/05/2019

Published in Diễn đàn

Khi Ủy ban Kiểm tra trung ương của cựu chủ nhiệm ủy ban này là Trần Quốc Vượng họp ngày 5/5/2019 về tiếp tục ‘đốt lò’ và còn có vẻ ‘đốt lò’ nóng hơn, dường như Nguyễn Phú Trọng đã tỉnh lại sau cơn bạo bệnh tại Kiên Giang - nơi được xem là ‘căn cứ địa cách mạng của gia tộc Nguyễn Tấn Dũng’.

dotlo1

Một buổi họp của Ủy ban Kiểm tra trung ương - Ảnh minh họa

Hàng loạt tướng lĩnh cao cấp thuộc Quân chủng hải quân - Bộ Quốc phòng - đã bị lôi ra kỷ luật mà nguồn cơn rất có thể liên quan đến chuyện ‘ăn đất’. Tuy nhiên, quan chức ‘sáng giá’ nhất bị kỷ luật là Vũ Văn Ninh - một cựu phó thủ tướng - ủy viên trung ương đảng thời Nguyễn Tấn Dũng, mà nguyên do rất có thể liên đới đến vụ Đinh La Thăng khi Thăng còn là Bộ trưởng Giao thông vận tải. 

Sau cơn bạo bệnh, Trọng vẫn không quên Dũng.

Trước cuộc họp trên của Ủy ban Kiểm tra trung ương, nhiều dư luận cho rằng cơn chấn động bệnh tật đối với ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng sẽ khiến ‘lò’ của ông ta tắt ngấm, hoặc cùng lắm cũng chỉ âm ỉ mà không thể duy trì được nhiệt lượng như trước đây.

Cho tới nay, Nguyễn Phú Trọng đã trải qua hơn nửa nhiệm kỳ thứ hai của ông ta, nhưng thành tích ‘chống tham nhũng’ của Trọng vẫn còn rất khiêm tốn nếu so sánh với bề dày ‘đả hổ diệt ruồi’ của Tập Cận Bình ở Trung Quốc. Phía trước Nguyễn Phú Trọng vẫn còn một đầm lầy mênh mông quan chức tham nhũng cần phải xử lý, mà nếu không thể xử lý được phần nào đó thì Trọng không chỉ không được ‘lưu danh sử xanh’ và tạo dấu ấn như một trong những đời tổng bí thư có thành tích lớn nhất, mà còn phải chịu nguy cơ bị ‘hồi tố’ nếu các phe phái tham nhũng nổi dậy và quật ngược lại ông ta. Khi đó, số phận của ông ta không có gì bảo đảm là sẽ không giống với hai án tù giam lên đến 30 năm của Đinh La Thăng.

Tuy không thể hiện ra tại đám tang cựu chủ tịch nước Lê Đức Anh dù Nguyễn Phú Trọng là trưởng ban lễ tang, bệnh nhân Trọng dường như có dấu hiệu dần phục hồi sức khỏe sau rất nhiều đồn đoán về ông ta đã bị tại biến mạch máu não và đột quỵ ngay tại Kiên Giang vào ngày 14/04/2019.

Vẫn không phải từ bất kỳ nguồn tin chính thức nào từ các cơ quan đảng, mà những tin tức ngoài lề gần nhất cho biết Trọng đang tập đi và tập nói. Có vẻ tin tức như thế lại logic với cú ra đòn mới nhất của Ủy ban Kiểm tra trung ương vào ngày 5/5. Giả thiết được đặt ra là trước đó, từ giường bệnh Nguyễn Phú Trọng đã có sự trao đổi và chỉ đạo trực tiếp đối với hai nhân vật là Trần Quốc Vượng - Thường trực Ban bí thư và Trần Cẩm Tú - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương về việc duy trì ‘đốt lò’ và còn có thể gia tăng nhiệt lượng của nó.

Vụ cựu phó thủ tướng Vũ Văn Ninh bị lôi ra lỷ luật đang khiến giới quan sát nhớ lại trường hợp cựu bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng và Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh. Theo logic đó, trong thời gian tới ‘lò’ có thể áp sát và đốt một số quan chức - cựu chức và cả đương chức - của khối chính phủ, nơi mà mật độ tham nhũng diễn ra dày đặc nhất từ trước tới nay.

Bình thường, Nguyễn Phú Trọng là người có tâm tính khá ổn định và có thể đoán được về cách thức hành xử của ông ta. Nhưng bệnh lý tai biến cũng có thể làm biến đổi con người về não trạng và hành vi, để từ đó Trọng sẽ thay đổi, thậm chí có thể biến thành một con người khác hoàn toàn. Cũng bởi thế một khi phục hồi sức khỏe, có khả năng Trọng sẽ làm nhân sự và ‘đốt lò’ trong thời gian tới không theo quy tắc cũ, mà sẽ rất bất thường và tạo ra sự đảo lộn lớn.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 07/05/2019

Published in Diễn đàn

Cuối tháng Tư năm 2019 nhà cầm quyền một lần nữa muốn cướp sạch 59 ha đất đồng Sênh trên danh nghĩa ‘đất quốc phòng’.

dongtam1

Cam kết ba điểm của Nguyễn Đức Chung - Ảnh minh họa

Âm mưu trên hiện hình trong buổi công bố "kết luận rà soát thanh tra đất đai Đồng Tâm" vào chiều ngày 25/4 ở Hà Nội.

Nguyễn Mạnh Hà, quan chức Tổ trưởng Tổ rà soát, thuộc Thanh tra Chính phủ đã dọn đường dư luận khi cho rằng Kết luận Thanh tra về đất đai ở Đồng Tâm của Thanh tra Hà Nội công bố hồi tháng 7 năm 2017 là chính xác ; đồng thời xác định khiếu nại của ông Lê Đình Kình cùng người dân Đồng Tâm liên quan diện tích đất nông nghiệp 59 héc-ta ở đồng Sênh là không đúng.

Ngay sau đó, quan chức Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội - đứng ra cam kết "tăng cường tuyên truyền để cho người dân hiểu rõ hơn về nguồn gốc và quá trình sử dụng, quản lý đất đai tại sân bay Miếu Môn. Huyện Mỹ Đức và xã Đồng Tâm được giao sớm hoàn thiện 14 phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân đang ở khu vực này".

Đã rất rõ là những đông tác phối hợp trước sau của ‘liên minh ma quỷ’ (cụm từ mà bà con Đồng Tâm trực chỉ giới quan tham và nhóm lợi ích) đã âm thầm chuẩn bị phương án ‘cướp sạch’ trong những tháng qua, để nay chính thức đưa lên truyền thông công bố. Một chiến dịch càn quét lớn sắp bắt đầu.

Trong chiến dịch "rào làng chiến đấu" vào tháng 4/2017, Đồng Tâm đã trở nên mạnh mẽ với tinh thần đồng lòng và được dẫn dắt bởi giới cựu binh vốn đã quá quen với việc xây dựng "thế trận nhân dân". Nhưng nếu không có các trang mạng xã hội cùng nhiều tổ chức xã hội dân sự trong nước và ngoài nước, kể cả báo chí quốc tế cũng phải quan tâm và đưa tin liên tục, liệu Bộ Chính trị chóp bu của đảng có chịu "xuống nước" nhanh đến thế với một bản cam kết không chỉ ký sống mà còn lăn tay của Nguyễn Đức Chung ?

"Dân Đồng Tâm bây giờ nói thẳng đây là giặc nội xâm cướp đất này. Dân Đồng Tâm cương quyết tuyên chiến với giặc nội xâm. Bất kể ai không có quyết định thu hồi đất mà vào đây cướp đất thì dân Đồng Tâm sẽ sẵn sàng chiến đấu và nhiều người sẽ sẵn sàng hy sinh. Anh em chúng tôi đương đầu cả về đầu tư, tài chính, kinh tế, thời gian, công sức và thậm chí cả xương máu như tôi. Đây là quyền lợi của toàn dân, hoàn toàn không vì một cá nhân nào cả" - ông Lê Đình Kình tuyên bố.

Ngay sau buổi công bố kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ rằng đất ở đồng Sênh là đất quốc phòng, một trong những trụ cột của phong trào phản kháng Đồng Tâm là ông Lê Đình Công một lần nữa tuyên bố người dân Đồng Tâm sẽ theo đuổi giải quyết tranh chấp theo pháp luật, nhưng "Nếu Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội cố tình vào cướp đất của người dân Đồng Tâm thì chúng tôi sẵn sàng đổ máu và cũng sẵn sàng hủy diệt kẻ nào dám vào cướp đất." (RFA Việt ngữ).

Cho tới nay, những người mơ màng chính trị và theo thuyết cải lương nước đôi vụ Đồng Tâm chắc chắn đã phải nhận ra là trong bản cam kết viết tay mà Ủy viên trung ương đảng Nguyễn Đức Chung cắm mặt ký sống và lăn tay trước sự chứng kiến của hàng ngàn người dân Đồng Tâm vào tháng 4 năm 2017, có cam kết về ‘chỉ đạo điều tra xác minh kẻ bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình’. Nhưng cũng như bao lần bọt liếm quanh môi, thói tráo trở đầu môi chót lưỡi luôn là một đặc thù riêng có của chế độ lấy bóc lột và đàn áp dân làm… gốc.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 28/04/2019

Published in Diễn đàn

Không biết vô tình hay hữu ý, chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa làm tờ trình cho Ủy ban Thường vụ quốc hội về ‘tăng quyền cho thủ tướng’ trùng với thời gian xảy ra cú đổ bệnh thình lình như bị trời giáng của ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng ngay tại vùng ‘căn cứ địa cách mạng gia tộc Nguyễn Tấn Dũng’.

tang1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc tại hành lang Quốc hội (04/04/2016). Ảnh Đấu Thấu

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, tờ trình dự án luật của Chính phủ đề nghị bổ sung thêm một số quyền cho Thủ tướng là : Thủ tướng có quyền quyết định tổng biên chế công vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính từ T.Ư đến địa phương ; Thủ tướng cũng sẽ có quyền thực hiện phân cấp và ủy quyền về quản lý công chức, viên chức trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đối với những nội dung thuộc thẩm quyền.

Ngoài ra, dự thảo đề nghị bổ sung thẩm quyền của Thủ tướng trong việc quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể các cơ quan, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo quy định của pháp luật.

Cạnh đó, Thủ tướng cũng sẽ có thêm quyền quyết định thực hiện thí điểm những mô hình mới về tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện.

Như vậy, nội dung ‘tăng quyền cho thủ tướng’ vào lần này do Thủ tướng Phúc đề nghị là khiêm tốn hơn hẳn những nội dung của Nguyễn Tấn Dũng cũng về ‘tăng quyền cho thủ tướng’ - được đưa ra Quốc hội vào cuối năm 2014, đầu năm 2015.

Đến đầu năm 2015, một tuần sau khi Hội Nghị Trung Ương 10 kết thúc với kết quả bỏ phiếu tín nhiệm có vẻ rất thuận lợi cho Thủ tướng Dũng, ông ta lại vấp phải một thách thức không nhỏ trên cung đường cần "thanh toán" nốt những gì còn ngáng trở trước khi Đại Hội 12 của đảng diễn ra vào đầu năm 2016.

Phiên họp đầu tiên của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội trong tháng Giêng năm 2015 đã tiếp biến kết quả "Đề nghị cân nhắc 4 quyền hạn của thủ tướng chính phủ" - theo cách rút tít nhẹ nhàng nhất mà một số tờ báo trong nước đưa tin, hoặc có báo mô tả bộc trực hơn "không thêm quyền cho thủ tướng".

Người chủ trì đề nghị "cân nhắc" trên lại là ông Phan Trung Lý, chủ nhiệm Ủy Ban Pháp Luật Quốc Hội, một nhân vật được cho là "cánh tay phải" của Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng và đã có ít nhất mối "duyên nợ" với Thủ Tướng Dũng từ phiên họp Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội lần trước.

Trình bày báo cáo thẩm tra về dự thảo Luật Tổ Chức Chính Phủ (sửa đổi) khi đó, ông Lý cho biết Ủy Ban Pháp Luật tán thành nhiều nội dung, nhưng "cần cân nhắc 4 quyền hạn của thủ tướng cho phù hợp quy định của Hiến Pháp" :

"Một là, trong thời gian Quốc Hội không họp, trình chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ công tác của phó thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tại khoản 3 Điều 24.

Hai là, giao quyền bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong trường hợp khuyết bộ trưởng hoặc thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong khi chờ Quốc Hội phê chuẩn và chủ tịch nước bổ nhiệm tại khoản 5 Điều 24.

Ba là, tạm thời giao quyền chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp chưa bầu được chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại Khoản 6 Điều 24.

Bốn là, quyết định và chỉ đạo thực hiện các biện pháp cụ thể cần thiết để thi hành lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân tại Khoản 6 Điều 24. Bởi vì, trường hợp các biện pháp này hạn chế quyền con người, quyền công dân thì phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 14 Hiến Pháp mà không thể quy định chung thẩm quyền này cho thủ tướng chính phủ như quy định của dự thảo luật".

Mặt khác, thủ tướng cũng không được quyền "nắm" hoặc chỉ đạo trực tiếp Bộ Quốc Phòng liên quan đến những nhiệm vụ đặc biệt của quốc gia, đặc biệt là "tình trạng khẩn cấp".

Trước đó, ông Nguyễn Kim Khoa - chủ nhiệm Ủy Ban Quốc Phòng An Ninh của Quốc Hội dẫn ra Ðiều 17 trong dự thảo Luật Tổ Chức Chính Phủ (sửa đổi) quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của chính phủ trong quản lý về quốc phòng và cho rằng phải thận trọng với quy định này, vì hiến pháp không nói chính phủ xây dựng quân đội nhân dân.

"Tôi cho là phải xác định rõ vai trò của chính phủ trong vấn đề quốc phòng an ninh và xây dựng lực lượng vũ trang theo đúng hiến pháp. Hiến pháp quy định nhà nước củng cố xây dựng quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân. Hiến pháp quy định nhà nước xây dựng quân đội nhân dân, từng bước chính quy, hiện đại. Ghi thế này là chính phủ xây dựng quân đội nhân dân thì không phải".

Nội dung "tranh tụng" trên là rất đáng lưu tâm. Theo hiến pháp, "Thống lĩnh quân đội" vẫn là quyền của chủ tịch nước khi đó - tức ông Trương Tấn Sang. Ðiều gì sẽ xảy ra nếu cả ông Sang và thủ tướng đương nhiệm cùng có quyền hành chỉ đạo quân đội ? Khi đó, quyền lực sẽ theo thế "song kiếm hợp bích" hay thực chất rơi vào tay ai ?

Bốn năm sau, kịch tính xuất hiện khi Nguyễn Phú Trọng bất thần phải ‘nằm xuống’. Khoảng trống quyền lực mà Trọng để lại là quá lớn, không chỉ hai ghế tổng bí thư và chủ tịch nước mà còn cả quyền lực của khối hành pháp mà Trọng chưa kịp với tay tới.

Nếu trong tương lai Nguyễn Phú Trọng không thể đủ sức khỏe để ‘cống hiến lâu dài cho cách mạng’, khuynh hướng chuyển giao quyền lực cho các khối đảng, lập pháp, hành pháp và gia tăng quyền lực trong từng khối sẽ hiện ra một cách tất yếu. Phúc, cũng bởi thế, sẽ tràn đầy cơ hội ‘tăng quyền cho thủ tướng’.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 26/04/2019

Published in Diễn đàn

Sau khi Phạm Nhật Vũ - chủ tập đoàn AVG bị Bộ Công an tống giam trong vụ ‘MobiFone mua AVG’, vào những ngày này một chiến dịch truyền thông của báo chí nhà nước đang được tổ chức để đánh Vũ.

khai1

Nếu Phạm Nhật Vũ khai ra Nguyễn Thanh Phượng ? - Ảnh minh họa 

Đã bắt đầu xuất hiện trên mặt báo chí nhà nước lời ‘kết án’ về ‘tổ hợp Phạm Nhật Vũ - Nguyễn Bắc Son - Trương Minh Tuấn’.

Cái cách báo chí lên đấu tố tập thể như thế là rất tương đồng với những gì mà Trầm Bê, Đinh La Thăng, Trần Bắc Hà bị bêu tên sau khi đã bị bắt.

Vậy Phạm Nhật Vũ có phải là nhân vật cuối cùng bị bắt trong vụ ‘MobiFone mua AVG’, hay còn những nhân vật khác và ‘chúa’ hơn sẽ tiếp nối ?

Vào những ngày này, dư luận đang ồn ào về một ‘sâu chúa’ còn ẩn mình, được xem là ‘tổng đạo diễn’ vụ ‘MobiFone mua AVG’ : Nguyễn Thanh Phượng - con gái ruột của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Theo một số thông tin xuất hiện rải rác trên mạng xã hội bắt đầu từ năm 2015 và đặc biệt nổi bật vào đầu năm 2018 khi Thanh tra chính phủ chính thức công bố kết luận thanh tra vụ ‘MobiFone mua AVG’, Nguyễn Thanh Phượng (nguyên chủ tịch ngân hàng Bản Việt) đã đưa Lê Nam Trà lên ghế Chủ tịch Mobifone để cùng Phạm Nhật Vũ tính kế vụ AVG, chỉ đạo bốn công ty định giá trong việc nhào nặn số liệu để đưa AVG lên mức giá cao hơn 9 lần giá trị thực. Khi bị khởi tố bắt giam, chắc chắn Phạm Nhật Vũ sẽ khai ra danh sách các quan chức nhận tiền lại quả của vụ AVG (người ít thì nhận vài chục tỷ, người nhiều thì nhận đến gần nghìn tỷ)…

Có 4 đơn vị tư vấn thẩm định giá "thương vụ mafia" AVG là Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) thẩm định là 24.548 tỷ đồng, Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC thẩm định 33.299 tỷ đồng ; Hà Nội Valu thẩm định 18.519 tỷ đồng. Còn Công ty Tư vấn Đầu tư và thẩm định giá AMAX đưa ra con số thẩm định là 16.565 tỷ đồng, trong đó, giá trị tài sản hữu hình là 3.117 tỷ đồng, giá trị tài sản vô hình ngoài Bảng cân đối kế toán là 13.448 tỷ đồng.

Sau đó, kết quả định giá của AMAX được Mobifone sử dụng để đàm phán mua 95% cổ phần AVG với số tiền 8.889 tỷ đồng.

Trong khi AASC và VCBS đều là những thương hiệu lớn, thì Hanoi Value và AMAX đều là công ty rất nhỏ, vốn điều lệ của Hanoi Value chỉ là 1 tỷ đồng và của AMAX chỉ là 3,8 tỷ đồng. Với khả năng tài chính như vậy, việc Hanoi Value và AMAX được tham gia tư vấn cho một dự án lớn tính bằng trăm triệu đô đến tỷ đô như vậy là kỳ quái.

Chỉ một năm sau khi thương vụ thẩm định giá trên hoàn thành, Hanoi Value đã chuyển thành công ty mỹ viện, chuyên chăm sóc sắc đẹp. Còn AMAX vẫn là một công ty nhỏ với vốn điều lệ giữ nguyên 3,8 tỷ và gần như không có gì nổi bật sau khi được nhận một thương vụ rất lớn như thế. Người đại diện pháp lý và là Tổng giám đốc là Võ Văn Mạnh, một Thạc sỹ giảng dạy tại Fulbright.

Ngay sau khi kết luận thanh tra vụ "Mobifone mua AVG" của Thanh tra Chính phủ nhận được sự chấp thuận của Chính phủ để chuyển sang cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an, một hiện tượng đáng chú ý là một số tờ báo nhà nước đã xoáy vào trách nhiệm của công ty tư vấn thẩm định giá vụ AVG, đặc biệt đặt dấu hỏi "AMAX là công ty nào ?", trong khi không quan tâm lắm đến vai trò của các công ty tư vấn lớn hơn nhiều là AASC và VCBS.

Một luồng dư luận cho rằng "Manh mối nằm ở đây. AMAX chính là công ty của Phượng, dù Phượng không hề đứng tên hay sở hữu chút cổ phẩn nào ở đó. Và 3 đơn vị kia chỉ là chân gỗ được sắp xếp vào và cố tình hét giá cao nhất để AMAX được nhận làm kết quả… Điểm cuối của những bài điều tra chắc chắn sẽ là AMAX, nói đúng hơn, là tìm đến công chúa Nguyễn Thanh Phượng".

Điều gì sẽ xảy ra nếu trong giại giam và khi bị dồn vào chân tường, Phạm Nhật Vũ và hai nhân vật của AMAX vừa bị bắt cùng Phạm Nhật Vũ - Giám đốc AMAX Võ Văn Mạnh và nhân viên - phải khai ra ai là ‘tổng đạo diễn’ vụ ‘MobiFone mua AVG’ ?

Khi đó, gia tộc Nguyễn Tấn Dũng sẽ bị mất một thành viên thuộc loại ‘cán bộ cấp chiến lược’, với điều kiện là ‘Người đốt lò vĩ đại’ hồi phục sức khỏe sau cơn bạo bệnh ở Kiên Giang và vẫn không thể lãng quên mối thù xưa.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 21/04/2019

Published in Diễn đàn

Chủ thuyết ‘can đảm dựa Mỹ để khai thác dầu khí’ của chính thể độc đảng ở Việt Nam đang dần thành hiện thực với tín hiệu ‘một hàng không mẫu hạm của hải quân Hoa Kỳ sẽ có mặt có Cam Ranh vào tháng 9 năm 2019’.

1111cẩmnh11

Bản đồ không ảnh Vinh Cam Ranh - Ảnh minh họa

Ngày 17/04/2019, Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã đến thăm tỉnh Khánh Hòa ở miền Trung Việt Nam. Tại đây, ông bày tỏ ý định muốn thấy tàu sân bay và lực lượng Hải quân Mỹ đến thăm Khánh Hòa trong năm nay. Báo VnExpress trích lời ông Davidson cho biết trong tháng 9 tàu của Mỹ sẽ đến thăm Khánh Hòa và trong mùa hè này tàu sân bay sẽ đến Việt Nam.

Tín hiệu trên xuất hiện cùng lúc với sự hiện diện của đoàn Thượng viện Hoa Kỳ làm việc tại Việt Nam gồm 9 Thượng nghị sĩ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, đại diện cho nhiều tiểu bang khác nhau của Hoa Kỳ do Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, Phó Chủ tịch Ủy ban Chuẩn chi làm Trưởng đoàn.

Cả hai sự kiện trên lại là tiền đề cho chuỗi mở rộng quan hệ quốc phòng Mỹ - Việt, và cho chuyến thăm Hoa Kỳ dự kiến của Nguyễn Phú Trọng vào mùa hè năm nay, nếu Trọng kịp hồi phục sức khỏe sau cơn bạo bệnh đột ngột ở Kiên Giang vào tháng 4 năm 2019.

Từ trước chuyến đi Mỹ của Tổng bí thư Trọng vào tháng 7/2015, đã có một số nguồn tin dự đoán rằng một trong những tâm điểm mà hai phía Việt Nam và Mỹ thảo luận sẽ là cảng quân sự Cam Ranh. Theo đó, sự gia tăng hiện diện của hải quân Mỹ ở Cam Ranh có thể được phía Việt Nam đồng thuận hơn, trong đó có thể kể đến vai trò tăng lên của đội ngũ cố vấn Mỹ, và có thể cả một số hoạt động tuần tra chung, phối hợp tập trận chung giữa hai nước trong tương lai không xa. Tuy vậy sau chuyến đi này, không thấy có tin tức nào về Cam Ranh.

Cam Ranh - cảng nước sâu và có vị trí chiến lược đắc dụng về quân sự mà có thể qua đó khống chế đến 2/3 Biển Đông - là nơi mà Việt Nam luôn lấy làm con bài để mặc cả và trả giá với Nga và Mỹ, vẫn còn quá "nhạy cảm," chưa thể ‘bán" được.

Vào tháng 3/2018, tàu sân bay USS Carl Vinson và hai chiến hạm cùng lực lượng Hải quân Mỹ đã ghé qua Đà Nẵng trong chuyến thăm bốn ngày. Tuy nhiên khi đó không thấy đặt vấn đề gì về ‘thăm Cam Ranh’.

Nếu việc tàu sân bay USS Carl Vinson hiện diện tại Đà Nẵng được xem là một sự kiện lịch sử, thì việc một hàng không mẫu hạm khác của Mỹ hiện diện tại Cam Ranh vào tháng 9 năm 2019 hoặc trong năm 2019 còn hơn cả lịch sử, bởi Cam Ranh là một vị trí chiến lược quá nhạy cảm chính trị mà Việt Nam sẽ quá khó để nhả ra, trừ phi chính thể này đụng phải hàng núi thách thức từ Trung Quốc mà không thể an nhiên khai thác dầu khí ngay trong ‘vùng chủ quyền không thể tranh cãi’ của mình.

Và nếu sự hiện diện của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson tại Đà Nẵng có thể kéo theo mối quan hệ thắt chặt hơn giữa hải quân hai nước, cụ thể bằng sự hiện diện của một căn cứ hậu cần kỹ thuật của Mỹ tại cảng Đà Nẵng, thì Cam Ranh cũng có thể sẽ là như vậy.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 23/04/2019

Published in Diễn đàn

"Dự án Luật Về hội đã được Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị" – được thông báo bởi Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 10/4/2019 - là nhượng bộ thứ ba của chính thể độc đảng Việt Nam trước EU (Liên Hiệp Châu Âu) liên quan đến số phận còn đang chuông treo mành chỉ của EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Châu Âu - Việt Nam).

evfta1

Xã hội dân sự phản đối công an tra tấn ở Việt Nam.

Nhượng bộ thứ hai xảy ra khi lần đầu tiên giới chóp bu Việt Nam chịu xuống thang trước yêu cầu của EU về việc ký kết 3 công ước quốc tế còn lại về lao động, liên quan đến Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Dấu hiệu nhượng bộ trên xuất hiện trong chuyến đi Châu Âu vào cuối tháng 3 năm 2019 của Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch quốc hội Việt Nam, được phát lại bởi Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau cuộc gặp Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Liên Hiệp Châu Âu (EU) là Bernd Lange - một cơ quan tham mưu rất quan trọng về các hiệp định thương mại quốc tế và có vai trò quan trong không kém Hội đồng Châu Âu, bà Ngân cho biết : "Nhận thức về một số vấn đề về lao động giữa hai bên có thể còn có những khác biệt nhất định, nhưng Quốc hội Việt Nam sẽ nghiêm túc, xem xét kỹ lưỡng các quy định có liên quan đến 3 Công ước của Tổ chức ILO theo khuyến nghị của EU, EP. Hiện nay, việc sửa đổi Bộ luật Lao động cũng đã được khởi động và theo lịch trình, tại kỳ họp tháng 5 tới, Quốc hội Việt Nam sẽ cho ý kiến về việc sửa đổi này".

Rất có thể là vào kỳ họp tháng 5 năm 2019, Quốc hội Việt Nam sẽ đưa vấn đề 3 công ước quốc tế này để bỏ phiếu thông qua.

Còn dấu hiệu nhượng bộ đầu tiên là Luật Biểu tình.

Vào tháng 3 năm 2019, chính phủ của thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa lấp ló : "Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ, Bộ Công an đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu lý luận, cơ sở pháp lý và tổ chức khảo sát thực tế tại các đơn vị, địa phương để nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Biểu tình bảo đảm thực thi quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tránh các thế lực thù địch lợi dụng biểu tình để gây rối mất trật tự, chống phá Đảng, Nhà nước ta".

Tại phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 10/4/2019, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long một lần nữa ‘đọc vẹt’ những ý tứ che đậy trên.

Luật về Hội đã được rút ra khỏi chương trình các năm trước đây (từ 2016 - 2018) sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP và do vậy Việt Nam không còn là ‘quốc gia hưởng lợi nhiều nhất trong TPP’.

Nhưng việc Luật về Hội đã được Ban cán sự chính phủ làm tờ trình xin ý kiến Bộ Chính trị cho thấy nhiều khả năng dự luật này sẽ được ‘đảng quyết định tất cả’ để sau đó đưa ra kỳ họp tháng 5 năm 2019 cho các đại biểu quốc hội đồng loạt ‘gật’.

Còn Luật Biểu tình có lẽ còn lâu mới có được cái may mắn như Luật về Hội, khi chưa được Ban Cán sự chính phủ có ý kiến và cũng chưa trình ra Bộ Chính trị, mà còn đang giao cho Bộ Công an ‘xử’.

Về thực chất, đằng sau động thái chính phủ giao Bộ Công an nghiên cứu xây dựng Luật Biểu tình chỉ là sự tiếp nối của một chuỗi động tác đối phó và ma mị nhằm đạt được mục tiêu ký kết và phê chuẩn EVFTA ngay trong năm 2019. Mà chưa có gì được xem là ‘thành tâm’.

Bộ Công an - còn được biệt danh là ‘bộ đàn áp nhân quyền’, đã quá tai tiếng về đàn áp biểu tình và vô số vấn nạn tra tấn người dân. Việc giao cho bộ này làm Luật Biểu tình, trong khi đúng ra phải giao cho Bộ Nội vụ hay Bộ Tư pháp, là quá bất hợp lý, chẳng khác nào ‘giao trứng cho ác’ và tiếp thêm một mồi lửa thách thức EU và các chính phủ tiến bộ trên thế giới.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 13/04/2019

Published in Diễn đàn

Chính thể độc đảng và độc trị ở Việt Nam đã phải công nhận công đoàn độc lập trong EVFTA ? Đó vẫn là một dấu hỏi lớn sau nhiều lần Việt Nam ‘hứa cuội’ với cộng đồng quốc tế.

syndicat1

Bà Ngân gặp Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Liên Hiệp Châu Âu (EU) là Bernd Lange.

Tuy nhiên trong chuyến đi Châu Âu vào cuối tháng 3 năm 2019 của Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch quốc hội Việt Nam, dấu hiệu nhượng bộ của chính thể này đã được phát ra bởi Đài Tiếng nói Việt Nam về khi bà Ngân gặp Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Liên Hiệp Châu Âu (EU) là Bernd Lange - một cơ quan tham mưu rất quan trọng về các hiệp định thương mại quốc tế và có vai trò quan trong không kém Hội đồng Châu Âu. 

"Nhận thức về một số vấn đề về lao động giữa hai bên có thể còn có những khác biệt nhất định, nhưng Quốc hội Việt Nam sẽ nghiêm túc, xem xét kỹ lưỡng các quy định có liên quan đến 3 Công ước của Tổ chức ILO theo khuyến nghị của EU, EP. Hiện nay, việc sửa đổi Bộ luật Lao động cũng đã được khởi động và theo lịch trình, tại kỳ họp tháng 5 tới, Quốc hội Việt Nam sẽ cho ý kiến về việc sửa đổi này" - bà Ngân nói.

Đây là lần đầu tiên giới chóp bu Việt Nam chịu xuống thang trước yêu cầu của EU về việc ký lết 3 công ước quốc tế còn lại về lao động, lên quan đến Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Rất có thể là vào kỳ họp tháng 5 năm 2019, Quốc hội Việt Nam sẽ đưa vấn đề 3 công ước quốc tế này để bỏ phiếu thông qua.

Khỏi phải nói là 3 công ước lao động còn lại thể hiện mối ‘an nguy’ đến thế nào đối với chế độ cầm quyền ở Việt Nam, vì những công ước này, đặc biệt là công ước về quyền tự do lập hội, liên quan mật thiết đến công đoàn độc lập - một định chế mà từ lâu chính quyền Việt Nam đã luôn gán ghép nó với tổ chức Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan vào những năm 80 của thế kỷ XX, để từ đó quy kết cho công đoàn độc lập là nhằm thu hút, tập hợp số đông công nhân để lật đổ chính quyền.

Giờ đây, công đoàn độc lập được hỗ trợ lớn vừa bởi EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Châu Âu - Việt Nam), vừa bởi CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương).

Bốn tháng trước, ngày 12 tháng Mười Một năm 2018 cần được ghi vào lịch sử nhân quyền Việt Nam như một trang sử mới : cùng với CPTPP, Công đoàn độc lập đã đương nhiên và mặc định phải được chính thể độc đảng ở Việt Nam công nhận.

Chỉ 5 ngày sau khi được ‘Tổng-Chủ’ Nguyễn Phú Trọng với tờ trình ‘chỉ đạo’ về tính cấp thiết phải phê chuẩn CPTPP, 100% đại biểu quốc hội đã đồng loạt ‘gật’ cho hiệp định này vào chiều 12/11/2018, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 7 trong khối CPTPP thông qua hiệp định CPTPP, sau 6 nước đã thông qua là New Zealand, Canada, Nhật Bản, Mexico và Singapore, Australia.

Hoàn toàn không giống với các dự thảo luật do Việt Nam soạn thảo và thông qua, CPTPP là một văn kiện mà sau khi đã kết thúc đàm phán vào năm 2017 và ký kết, Quốc hội Việt Nam chỉ hoặc lắc đầu hoặc gật đầu mà không có quyền chỉnh sửa bất kỳ nội dung nào trong hiệp định này. Theo đó, những điều khoản về công đoàn độc lập trong CPTPP cũng đương nhiên giữ vai trò bất di bất dịch mà Việt Nam không có quyền xóa bỏ hay tìm cách hạn chế bớt ảnh hưởng của định chế bảo vệ quyền lợi người lao động đó.

Theo những quy định của CPTPP, chính quyền Việt Nam sẽ phải cho phép người lao động được tự do thành lập các tổ chức nghiệp đoàn tự do để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, tức về thực chất sẽ có một hình thái tổ chức nghiệp đoàn độc lập, hay còn gọi là công đoàn độc lập, tồn tại song song với hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từ trung ương xuống các địa phương. Không những thế, công nhân còn được thành lập nghiệp đoàn tự do không chỉ giới hạn ở từng khu vực mà còn trên cả nước, và các nghiệp đoàn độc lập này được kết nối với nhau…

Nhưng trong thời gian chờ đợi CPTPP được các nước còn lại ký để bắt đầu triển khai vào tháng Giêng năm 2019, cùng thời gian từ 3-5 năm để luật hóa các quy định của CPTPP về các quy chế lao động theo 3 công ước quốc tế về lao động của ILO, chưa có gì đáng gọi là ‘thành tâm’ từ một não trạng đã quá quen độc trị về quyền lực và lợi ích khi phải tạm nhân nhượng cộng đồng quốc tế về nhân quyền để đổi chác lợi ích thương mại.

Hầu như không hoài nghi rằng chiến thuật ưa thích nhất của chính quyền Việt Nam trong ít ra vài năm tới vẫn là vừa kiềm chế những người bảo vệ quyền lợi công nhân, vừa bưng bít thông tin đến mức tối đa về công đoàn độc lập, vừa kéo dài lâu đến mức có thể việc luật hóa CPTPP về công đoàn độc lập, vừa tung ra chiến dịch ‘công đoàn độc lập cuội’.

Một cách đương nhiên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang và sẽ được đảng lựa chọn để tổ chức chiến dịch ‘công đoàn độc lập cuội’. Đó cũng là lý do để tổ chức công đoàn nhà nước này tìm cách tồn tại để vẫn được uống bầu sữa ngân sách và duy trì quyền lực ‘tổ chức chính trị xã hội’ của mình’, trong thời buổi chế độ độc trị phải ‘dân chủ hóa’.

Một trong những kịch bản được Đảng tâm đắc là ‘Quốc doanh hóa Công đoàn độc lập’ : tập dượt càng sớm càng tốt cho các công đoàn quốc doanh "chủ động tổ chức đình công" cho công nhân và hy vọng qua đó sẽ thu hút được số đông công nhân, thay vì để cho công nhân rơi vào tầm ảnh hưởng của những tổ chức công đoàn độc lập hoàn toàn không chịu sự lãnh đạo của đảng và nhà nước.

Những cam kết của Việt Nam trong EVFTA cũng bởi thế vẫn còn chông chênh và lật lọng, nếu trong thời gian tới chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục giở nhiều thủ đoạn để công đoàn độc lập không thể hình thành một cách thực chất.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 09/04/2019

Published in Diễn đàn

Món quà mới của Nguyễn Phú Trọng dành tặng cho nước Mỹ trước khi ông ta có mặt ở Washington vào mùa hè năm 2019, và cũng là món quà của Donald Trump tặng lại chính thể Việt Nam, đang lộ dần hình bóng của nó : quan hệ đối tác chiến lược.

npt1

Quan hệ Mỹ Việt : Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng bí thư - Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng - Ảnh minh họa

Ngày 3/4/2019, một số quan chức cấp thứ trưởng của Mỹ và Việt Nam đã tổ chức hội thảo mang tên "Việt- Mỹ : Hướng đến hợp tác chiến lược" tại Trung Tâm Chiến lược & Nghiên Cứu Quốc tế CSIS ở thủ đô Washington.

Có thể xem hội thảo trên là một trong số hiếm hoi hoặc là lần đầu tiên hai bên bàn về chủ đề không còn là chuyện giỡn chơi hay trả treo mặc cả này. Đối với chính thể Việt Nam, bây giờ không còn là lúc ngả ngớn õng ẹo đu dây giữa Mỹ và Trung Quốc nữa, mà Hà Nội đang bị ‘đồng chí tốt’ ép bật khỏi những giếng dầu ở Biển Đông khiến ngân sách - vốn đang tồi tệ - càng nguy khốn hơn.

Không chỉ Việt Nam, mà cả Mỹ cũng bị đe dọa một cách rõ rệt bởi Trung Quốc tại Biển Đông. Sau đại hội 19 của Đảng cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã lớn lên thành một "tư tưởng" được ghi trong điều lệ đảng, vượt hơn cả Đặng Tiểu Bình trước đây và có thể bắt đầu sánh ngang với "tư tưởng Mao".

Độc tôn cá nhân lại dẫn đến nguy cơ bá quyền nước lớn. Rất nhiều khả năng là sau đại hội 19, Tập Cận Bình sẽ vươn tay thọc sâu vào Biển Đông, với mục tiêu gần nhất là "đánh úp" quần đảo Trường Sa của Việt Nam, khống chế quân cảng Cam Ranh để vô hiệu hóa tàu Mỹ hoạt động tại cảng này, phát triển tầm tác chiến tại Biển Đông và biến vùng biển này thành một kiểu "trạm thu phí" của Trung Quốc đối với tàu bè chở hàng hóa của các nước.

Nguy cơ chiến tranh trên Biển Đông không còn là dự báo nữa, mà có thể trở thành hiện thực vào bất kỳ năm nào sau năm 2017.

Để bảo vệ an ninh hàng hải và phòng vệ, Hoa Kỳ đang và sẽ phải triển khai hướng tiếp cận mới về Biển Đông, mà đặc trưng nổi bật nhất là tính chất thường xuyên và nhịp độ cao hơn so với trước đây.

Cũng là để Việt Nam có thể bám vào đặc trưng mới này, ít nhất cho tới lúc nào mục tiêu khai thác dầu khí để bồi hoàn cho một nền ngân sách rỗng ruột của Việt Nam vẫn còn bị Trung Quốc thẳng tay cấm đoán.

Không còn lựa chọn nào khác, hiện thời Mỹ là đối trọng duy nhất của Trung Quốc mà Việt Nam buộc phải dựa vào.

Mặc dù chỉ là một hội thảo mang tính tiền đề và chưa có gì là chắc chắn, nhưng "Việt- Mỹ : Hướng đến hợp tác chiến lược" vẫn có tính tin cậy khi có mặt Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Randall Schriver. Theo Randall Schriver,Washington hy vọng có thể đạt được thỏa thuận với phía Hà Nội về chuyến thăm Việt Nam trong năm nay của một hàng không mẫu hạm Mỹ, và những chuyến thăm như thế sẽ trở nên là một nét thường xuyên trong mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa hai quốc gia từng là cựu thù trước đây.

Randall Schriver nhắc lại chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của tàu sân bay USS Carl Vinson vào tháng 3 năm ngoái. Đó là chuyến thăm đầu tiên của một hàng không mẫu hạm Mỹ đến Việt Nam kể từ khi cuộc chiến kết thúc vào năm 1975.

Như vậy, khả năng một hàng không mẫu hạm cũa Mỹ lần thứ hai hiện diện ở Việt Nam đang được hiện thực hóa khá nhanh chóng. Điểm hiện diện vẫn có thể ở Đà Nẵng - nơi đang được đồn đoán là Việt Nam sẽ dành cho Mỹ đặt ‘căn cứ hậu cần’ ở đó.

Cảng Đà Nẵng lại rất gần mỏ khí Cá Voi Xanh ở vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi - có trữ lượng đến 150 tỷ mét khối và hứa hẹn mang về đến 60 tỷ USD, nhưng cho tới nay vẫn bị Ttrung Quốc gây sức ép không cho Việt Nam cùng đối tác là Tập đoàn Dầu khí Mỹ ExxonMobil khai thác.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 06/04/2019

Published in Diễn đàn

Tìm mọi cách câu giờ để không chịu sửa đổi Luật Đất đai theo hướng công nhận quyền sở hữu tư nhân nhưng lại đẩy nhanh tốc độ ‘tập trung tích tụ đất đai’ vào tay các nhóm lợi ích mafia, đã quá rõ là Chính phủ, Bộ  tài nguyên và Môi trường của các tập đoàn lợi ích móc xích với quan chức đang lao vào hội chứng ‘hốt cú chót’ khi chứng kiến màn đêm buông trùm lên chế độ.

dat1

Không bao lâu sau chủ trương 'tập trung tích tụ ruộng đất', khu Vườn Rau Lộc Hưng của người dân đã bị chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh phá sạch và 'cướp sạch'. 

Tại phiên họp của Ủy ban Pháp luật quốc hội diễn ra trong hai ngày 25 và 26 tháng 3 năm 2019, sau khi xuất hiện một số ý kiến của đại biểu quốc hội yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ Luật Đất đai sửa đổi để sẵn sàng đưa vào chương trình trình Quốc hội, phía Chính phủ đã đề nghị rút dự án Luật Đất đai sửa đổi khỏi chương trình năm 2019 cho đến sau năm 2020, với lý do để cho việc sửa đổi thật "chín".

Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà, đại diện của cơ quan được chỉ định nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai 2013, cũng là tác giả kiêm đạo diễn của thảm họa xả thải môi trường Formosa mà đã đẩy đến nửa triệu dân các tỉnh miền Trung vào cảnh khốn quẫn nhưng vẫn không hề bị xử lý bằng bất kỳ hình thức pháp luật nào, cho rằng "đất đai tại Việt Nam là một lãnh vực nhạy cảm và phức tạp và khi thực hiện sửa đổi thì càng thấy khó khăn và vướng mắc".

Đề nghị rút Luật Đất đai của phía chính phủ - bị nghi ngờ rất lớn về việc có bàn tay ‘thày dùi’ của một số nhóm lợi ích, tài phiệt cùng một lũ quan chức được vấy máu ăn phần trong đó, xảy đến trong bối cảnh cơn ung thư cưỡng chế đất vẫn không hề thuyên giảm trên toàn cõi Việt Nam, khiến cho ngày càng nhiều người dân trắng tay ngay trên mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình. Vụ ‘cướp sạch’ 5 ha đất Vườn Rau Lộc Hưng do chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đích danh thủ phạm vào giáp tết nguyên đán 2019 là chứng cứ mới nhất, quá đủ để thiết lập một phiên tòa xử giới quan chức về tội, lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm trái và biến người dân thành kẻ thù bất đắc dĩ của chế độ cầm quyền cường bạo này.

Vườn Rau Lộc Hưng cũng là một trong những biểu hiện đấu tiên về chủ trương ‘tập trung tích tụ đất đai’ của đảng cầm quyền - phát sinh từ năm 2017 - khiến người nông dân Việt Nam mất đi mảnh đất ở và kế sinh nhai cuối cùng.

Trong khi hoàn toàn chưa có cơ sở nào để tin rằng chủ trương "Tập trung tích tụ đất đai" của đảng cầm quyền sẽ "tăng năng suất lao động và làm cho nông dân đỡ khốn khổ hơn" như lối tuyên giáo không còn biết liêm sỉ là gì của hệ thống báo đảng, chủ trương này đã bị biến thành công cụ của những kẻ "tay không bắt giặc", không chỉ là tai họa xã hội mà còn là một nguy cơ chính trị khủng khiếp đối với chế độ theo cách "chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân."

Trong thời gian gần đây, đã diễn ra một làn sóng nhẹ nhiều doanh nghiệp chuyển sang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Từ năm 2016, như "đánh hơi" được chủ trương "Tập trung tích tụ đất đai" sắp được đảng khởi phát, một số doanh nghiệp chuyên kinh doanh bất động sản bắt đầu tính toán "nhảy" vào lĩnh vực nông nghiệp, bất chấp tỷ suất lợi nhuận trong lĩnh vực này luôn thuộc loại thấp trong số các ngành sản xuất và kinh doanh ở Việt Nam.

Dù chưa chính thức, "Tập trung tích tụ đất đai" bắt đầu bị soi mói lợi dụng, và nếu không được kiểm soát chặt chẽ, vô hình trung chủ trương này có thể tiếp tay cho hành vi "lấy của người nghèo chia cho người giàu."

Hậu quả ghê gớm có thể nhìn thấy trước là chủ trương "Tập trung tích tụ đất đai" nếu không được kiểm soát và chế tài trong quá trình triển khai, đặc biệt về việc doanh nghiệp phải triển khai đúng công năng đối với đất nông nghiệp, tất sẽ phát sinh tràn lan tình trạng nhiều doanh nghiệp lợi dụng chủ trương này để cưỡng bức nông dân phải vào cơ chế "tập đoàn hóa" của họ như thời "kinh tế mới" ngay sau năm 1975, hoặc tồi tệ hơn là doanh nghiệp "tay không bắt giặc" khi cấu kết với chính quyền địa phương để cưỡng bức thu hồi đất của nông dân, biến những người đang sở hữu mảnh đất chôn rau cắt rốn và là kế sinh nhai duy nhất thành dân oan đất đai, sau đó chuyển công năng đất nông nghiệp thành đất đô thị để bán kiếm lời khủng.

"Triển vọng mất trắng" của nông dân là có thực. Một trong những phương án "hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân" mà chính quyền nêu ra là doanh nghiệp sẽ tổ chức canh tác trên đất của nông dân, còn nông dân sẽ biến thành "công nhân nông dân" làm thuê cho doanh nghiệp đó. Lẽ dĩ nhiên, mức thu nhập của nông dân được "vẽ" theo phương án này là không tệ (4-5 triệu đồng/người/tháng). Nhưng trong thực tế, đã có quá đủ kinh nhiệm xương máu về việc nhiều doanh nghiệp đã "từ tâm" đến thế nào để từ lợi dụng nông dân đến cướp đất của họ. Một khi đã lấy được đất của nông dân, không có gì bảo đảm là doanh nghiệp sẽ thuê nông dân làm công cho họ, mà nếu có thuê thì cũng chẳng có gì chắc chắn là nông dân sẽ được hưởng một mức lương đủ sống.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 02/04/2019

Published in Diễn đàn