Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Một luồng dư luận cho rằng vụ Trương Duy Nhất đang khiến các cơ quan mật vụ và cả ngoại giao Việt Nam ‘rối như canh hẹ’.

roi1

Vụ Trương Duy Nhất đang khiến các cơ quan mật vụ và cả ngoại giao Việt Nam ‘rối như canh hẹ’.

Phải hai tháng sau vụ "Trương Duy Nhất mất tích ở Bangkok", lần đầu tiên Bộ Công an Việt Nam mới thập thò thông tin về ông Nhất, nhưng chỉ nói về mối liên đới của ông Nhất với vụ ‘Vũ ‘Nhôm’ chứ hoàn toàn không dám đề cập đến câu chuyện mà dư luận xôn xao : Trương Duy Nhất đã bị một cơ quan nào đó bắt ở hoặc Thái Lan, hoặc Lào, sau đó ‘vận chuyển’ về Việt Nam và ‘bàn giao’ cho Bộ Công an.

Thông tin trên được phát ra bởi Trung tướng Trần Văn Vệ, Chánh văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, tại buổi họp báo quý I/2019 diễn ra chiều 25/3/2019 

Cũng không thấy tướng Vệ đả động về việc Trương Duy Nhất đang bị giam giữ ở đâu, trong khi ngay trước đó một tin tức "từ trên trời rơi xuống" thình lình đến với người nhà của ông Nhất : Trương Thục Đoan, con gái của ông Trương Duy Nhất, hiện đang ở Canada cho báo chí nước ngoài biết rằng phía trại giam thông báo cho mẹ của cô là ông Nhất bị bắt vào ngày 28 tháng Giêng và bị đưa vào trại T16 ở Thanh Oai, Hà Nội trong cùng ngày.

Bình luận về tin tức "từ trên trời rơi xuống", nhiều người cho rằng Bộ Công an đã không dám thông báo về tình trạng Trương Duy Nhất theo đường chính thống, mà đã phải cho một ai đó gọi điện nặc danh báo cho gia đình ông Nhất biết về Trại giam T16 đang giam giữ ông.

Tình trạng Bộ Công an ‘á khẩu’ khi thông báo về Trương Duy Nhất nhưng không hề xác nhận ‘đã bắt’ và nơi giam giữ ông Nhất cho thấy dường như đã xảy ra một lo ngại nhìn trước ngó sau ghê gớm khi buộc phải phát ra thông báo này - trong bối cảnh không chỉ áp lực dư luận mà còn cả nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, thậm chí cả Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã lên tiếng yêu cầu chính quyền Việt Nam và Thái Lan phải có trách nhiệm công bố việc có dính líu hay không đến vụ việc ‘Trương Duy Nhất mất tích/bị bắt cóc’ ở Bangkok.

Dù cách thức đơn giản nhất của Việt Nam là chối phắt ‘không bắt cóc Trương Duy Nhất’, hoặc cùng lắm thì tuyên bố ‘Trương Duy Nhất tự nguyện về nước đầu thú’ theo cách mà Bộ Công an và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ‘đạo diễn’ cho Trịnh Xuân Thanh, sau khi Nhà nước Đức tố cáo rằng mật vụ việt Nam đã nhảy xổ vào Berlin để bắt cóc Thanh vào tháng 7 năm 2017… Nhưng hiện tượng các cơ quan "mật vụ" của Việt Nam như Bộ Công An (nhưng không còn Tổng Cục Tình Báo như thời "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh") ‘á khẩu’, còn Tổng Cục 2 (Tình báo quân đội) thuộc Bộ Quốc Phòng thì ‘cấm khẩu’ đã khiến cứ mỗi ngày trôi, qua, tính ‘chính nghĩa’ của chính quyền Việt Nam trong vụ ‘Trương Duy Nhất bị mất tích ở Bangkok’ lại càng lu mờ, thay vào đó là nghi ngờ về ‘Trương Duy Nhất bị bắt cóc’ càng được xác thực.

Có vẻ Bộ Công an đã hoàn toàn thất bại khi muốn có được một chữ ký của Trương Duy Nhất trong bản tường trình mang tên "tự nguyện về nước đầu thú".

Rốt cuộc, thông tin duy nhất mà Bộ Công an nói về Trương Duy Nhất chỉ là mối liên đới với vụ Vũ ‘Nhôm’ - vụ án đã được khởi tố hình sự và quá đủ lý do để tiến hành điều tra đối với Trương Duy Nhất.

Thông tin trên là rất logic và có thể dễ dàng đoán trước, khi trước đó đã xuất hiện trên mạng xã hội một số bài viết của giới dư luận viên tập trung mổ xẻ mối quan hệ giữa Trương Duy Nhất với Vũ "Nhôm", khi Nhất làm Trưởng đại diện báo Đại đoàn kết tại Đà Nẵng đã lợi dụng giấy tờ của báo để mua nhà đất không qua đấu giá, gây thất thoát lãng phí, và cả những hoạt động thuộc về "phe cánh chính trị" của ông Nhất - hàm ý rằng nếu trong thời gian tới Trương Duy Nhất có bị công an và tòa án truy tố và xử tù về tội danh kinh tế thì cũng chẳng có gì là oan sai, càng chẳng đáng để các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng về ông Nhất.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 27/03/2019

Published in Diễn đàn
lundi, 25 mars 2019 09:07

Lại sắp ‘đánh nhau lớn’ ?

‘Bàn nhân sự rồi, phải cảnh giác…’ - phát biểu của ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng vào cuối tháng 3 năm 2019 xảy đến trong bối cảnh chính trường Việt Nam lại bất chợt sôi sục hẳn lên với sự khởi động của một cái gì đó giống như bầu không khí xung đột nóng bỏng trước đại hội 12. Đó đây thấp thoáng hiện ra vài ba bài viết trên mạng xã hội nhằm đấu tố trong giới chóp bu cao cấp về tài sản, sân sau và thủ đoạn ‘chơi nhau’.

npt1

Có một khả năng là Nguyễn Phú Trọng sẽ chuyển giao quyền lực tổng bí thư cho một người thân tín (người đi sau bên trái Nguyễn Phú Trọng trong ảnh)

Rõ là các cơ quan đảng đang đẩy nhanh hơn tiến độ ‘quy hoạch cán bộ cấp chiến lược’ để chuẩn bị nhân sự cho đại hội 13 vào đầu năm 2021. 2019 là năm ‘bàn nhân sự’ cấp tỉnh thành, còn đến năm 2020 sẽ là năm quyết định vận mạng nhân sự chủ chốt của cấp trung ương, trong đó có Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị và đặc biệt là ‘tam trụ’ (thay cho ‘tứ trụ’ trước đây vì giờ đây một mình Nguyễn Phú Trọng ngồi đến hai ghế).

Chẳng khác gì thời tiền đại hội 12 (bắt đầu vào năm 2014 và đặc biệt là ‘đánh nhau lớn’ trong nguyên năm 2015), đơn thư tố cáo và bài biết ‘đâm dao sau lưng đồng chí’ với các tác giả nặc danh 100% và không rõ nguồn gốc đang chĩa mũi dùi sâu nhất vào Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính và thêm một số quan chức cao cấp khác.

Tình hình trên khiến nhiều người buộc phải nhung nhớ… Chân Dung Quyền Lực.

Vào cuối năm 2014, lần đầu tiên trang Chân Dung Quyền Lực xuất hiện và tạo nên một cơn địa chấn trong chính trường và chính giới Việt nam khi tấn công không thương tiếc, với nhiều chi tiết liên quan đến tài sản, sân sau và nhân thân ‘chính trị nội bộ’, đối với một số ủy viên bộ chính trị khi đó, đặc biệt là Nguyễn Xuân Phúc. Đến gần cuối năm 2015 khi sắp diễn ra đại hội 12, trang Chân Dung Quyền Lực tự nhiên biến mất theo đúng cái cách mà nó đã thình lình xuất hiện. Có lẽ ‘nhiệm vụ lịch sử’ của nó đã tạm hoàn thành vào lúc đó. 

Còn giờ đây, cuộc chiến quyền lực đã bắt đầu manh nha, và nếu không có gì thay đổi thì sự việc sẽ diễn ra theo đúng quy luật xung đột chính trị - lại một cuộc chạy đua sống mái vào các chức danh chủ chốt trong Bộ Chính trị và trong ‘tam trụ’, kể cả một cuộc vận động để điều chỉnh ‘tam trụ’ thành ‘Tứ trụ’ như cũ.

Từ khoảng cuối năm 2018, bắt đầu xuất hiện một thông tin ngoài lề đầy sốt nóng : có một khả năng là Nguyễn Phú Trọng sẽ chuyển giao quyền lực tổng bí thư cho một người thân tín, chẳng hạn như Trần Quốc Vượng, mà chỉ ngồi ghế chủ tịch nước. Và cùng với ‘nhân sự cấp chiến lược Trần Quốc Vượng’, còn một cái tên ‘chiến lược’ khác cũng được nêu ra như một phương án thay thế vị trí thủ tướng hiện thời : Vương Đình Huệ.

Theo dư luận, không phải ngẫu nhiên mà thời gian gần đây xuất hiện những đồn đoán về ‘Huệ sửa số liệu’ hay vụ chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh mà bị xem là có liên quan đến phạm vi hoạt động của Phạm Minh Chính. Trong khi đó, quan chức được xem là đàn em thân tín của Nguyễn Xuân Phúc là Huỳnh Đức Thơ - chủ tịch Đà Nẵng và từng có thời được coi là bất khả xâm phạm dù bí thư Đà Nẵng khi đó là Nguyễn Xuân Anh phải rớt đài thảm thiết - cũng đang được đồn đoán là sẽ ‘vào lò’…

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 25/03/2019

Published in Diễn đàn

Bộ trưởng kinh tế Đức Altmaier có nói gì về nhân quyền trong những ngày tháng Ba ông làm việc tại Việt Nam ?

duc01

Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmaier (thứ 5 từ trái sang) và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 25/3 tại Hà Nội. Ảnh VietnamPlus

Chuyến công du Việt Nam của Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức Peter Altmaier - trong hai ngày 25 và 26 tháng Ba năm 2019 - có thể được xem là một dấu mốc, nhưng chỉ là sự khởi về ‘phục hồi quan hệ ngoại giao và kinh tế’ giữa Berlin và Hà Nội, kể từ khi bùng nổ vụ Nhà nước tố cáo mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào tháng 7 năm 2017 và kéo theo phản ứng phẫn nộ và mạnh mẽ hiếm thấy : Đức thẳng tay tạm ngừng Quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vào tháng 9 cùng năm đó, đồng thời hoãn hoặc hủy bỏ hàng loạt chương trình viện trợ kinh tế cho chính thể độc đảng ở Việt Nam.

Trong khi đó, quá hiếm sự thật về ‘phục hồi quan hệ Việt - Đức’ trên mặt báo đảng ở Việt Nam.

Vào tháng 2 năm 2019 khi Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đi Berlin với một nội dung không hề tuyên bố là ‘đàm phán vụ Trịnh Xuân Thanh’, theo đó nhiều khả năng ông Minh lại tiếp tục hứa hẹn ‘Việt Nam sẽ trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức’, một ít tờ báo nhà nước Việt Nam mới dám hé lộ sự thật về ‘khôi phục quan hệ Việt - Đức’.

Tờ báo mà gần đây được xem là ‘thân đảng’ như Thanh Niên, với tựa đề "Đức muốn 'làm mới' quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam" - là một trong số tờ báo hiếm hoi trên mà có lẽ đã quá chán ngán cái cảnh ‘đảng và nhà nước ta’ phủ áo lên mặt cố che giấu một sự thật đã từ lâu rành rành trong dư luận xã hội.

Nhưng nhiều tờ báo đảng vẫn dối trá không biết liêm sỉ : "Đưa quan hệ Đối tác chiến lược tiếp tục phát triển sâu rộng", hay ‘Thắt chặt quan hệ đối tác chiến lược với Đức’…

Nhưng vào tháng 2 năm 2019 - lần đầu tiên mà cấp bộ trưởng ngoại giao như Phạm Bình Minh công cán đến Đức kể từ vụ khủng hoảng Trịnh Xuân Thanh, những điều kiện cho triển vọng phục hồi đối tác chiến lược đã không còn dễ thở như năm 2017.

"Trong thời gian qua đã có những khác biệt có thể nhận thấy rõ rệt giữa Đức và Việt Nam – đặc biệt là vì vụ bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh ở Berlin. Hôm nay chúng tôi đã trao đổi với nhau về việc chúng tôi có thể điều chỉnh lại mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức như thế nào và làm sao có thực chất trở lại. Theo quan điểm của chúng tôi, một quan hệ đối tác chiến lược cũng bao gồm sự tôn trọng các giá trị chung, đặc biệt là tôn trọng nhân quyền phổ quát" - một thông cáo báo chí cho biết như thế sau cuộc họp của Ngoại trưởng Đức Heiko Maas với Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh tại Berlin.

Một từ ngữ đặc biệt mà Ngoại trưởng Đức Heiko Maas dùng là ‘điều chỉnh’ trong quan hệ đối tác chiến lược, nếu quan hệ này được phục hồi. Điều đó có nghĩa là sẽ có những thay đổi, thậm chí là thay đổi đáng kể về nội dung quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Hoàn toàn có thể hiểu rằng kể từ nay trở đi và chỉ sau khi Trịnh Xuân Thanh được trao trả lại cho Đức, quan hệ đối tác chiến lược mới được đàm phán lại, nhưng sẽ được bổ sung vào đó ít nhất nội dung nhân quyền.

Song điều trơ trẽn là trong khi Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh phải đi điều đình ở Đức về vụ Trịnh Xuân Thanh vào tháng 2 năm 2019 và đoàn Việt Nam im như thóc tại cuộc đối thoại nhân quyền với EU vào tháng 3 năm 2019, chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục đàn áp những tiếng nói bất đồng, đàn áp người dân.

Vậy Bộ trưởng kinh tế Đức Altmaier có nói gì về nhân quyền trong những ngày tháng Ba ông làm việc tại Việt Nam ?

Theo Thoibao.de, trong chuyến công du đến Cairo vào đầu tháng 2 năm nay để đàm phán thương mại với Ai Cập, Bộ trưởng kinh tế Đức Altmaier đã phát biểu rằng nhân quyền và ổn định xã hội là 2 mục tiêu song song, và có giá trị ngang nhau. "Chúng tôi không chọn cái này hay cái kia, nhưng chúng tôi theo đuổi cả 2 mục tiêu song song", Bộ trưởng Altmaier nói. Không chỉ bằng lời nói, quả thật Bộ trưởng Altmaier đã gặp các nhà hoạt động nhân quyền Ai Cập trong chuyến đi của ông.

Chỉ trả Trịnh Xuân Thanh vẫn chưa đủ, mà điều giới quan chức xôi thịt ở Việt Nam cần và  phải ngộ ra là vụ Trịnh Xuân Thanh vô hình trung đã làm cho người Đức và cả Châu Âu ‘mở mắt’ về ‘nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam’, mà bằng chứng gần nhất và có tính thuyết phục cao nhất là vào giữa tháng 11 năm 2018 Nghị viện EU đã công bố một bản nghị quyết về nhân quyền Việt Nam với nội dung rộng và sâu cùng lời lẽ lên án đanh thép chưa từng có. Nghị quyết này chính là một tối hậu thư mà Việt Nam phải thỏa mãn, nếu không sẽ không thể có được EVFTA.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 26/03/2019

Published in Diễn đàn

Vừa có thêm một thông điệp về ‘đốt lò’ được phát ra bởi ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng.

Tại cuộc họp để cho ý kiến về báo cáo kết quả của năm đoàn kiểm tra đối với 15 cấp ủy, và tổ chức đảng trong thực hiện nghị quyết trung ương bốn, khóa 12 vào ngày 21/3/2019, ông Trọng đã thông báo việc "đốt lò" chống tham nhũng là không được nghỉ.

tmt1

Nguyên Bộ trưởng Trương Minh Tuấn - Ảnh minh họa

Thông điệp này như muốn phản bác lại một số nhận định của dư luận trong thời gian gần đây về khả năng ‘lò’ đang bị nguội đi và sự nghiệp được xem là ‘chống tham nhũng’ của Nguyễn Phú Trọng sẽ chẳng đi tới đâu.

Thông điệp trên đuợc phát ra khoảng một tháng sau vụ Trọng chỉ đạo công an bắt cựu bộ trưởng thông tin truyền thông Nguyễn Bắc Son và đặc biệt là Trương Minh Tuấn - đương chức Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương - vào cuối tháng  2 năm 2019.

Trong thời gian gần đây, Nguyễn Phú Trọng đang phải đối mặt với ngã ba đường : đang xuất hiện những khuyến nghị cho rằng ông ta nên tạm dừng hoặc dừng hẳn chiến dịch ‘đốt lò’ với lý do công cuộc chống tham nhũng của Trọng đã đạt được nhiều kết quả vượt quá mong đợi, tên tuổi của Trọng đã ‘đi vào sử xanh’ ; trong khi đó, từ nhiều quan chức lão thành lại vẫn lắc đầu rằng sự nghiệp chống tham nhũng của Nguyễn Phú Trọng mới chỉ đạt được kết quả hết sức khiêm tốn, tham nhũng vẫn còn tràn ngập ở Việt Nam, và kết quả chống tham nhũng của Trọng còn xa mới bằng dược Tập Cận Bình ở Trung Quốc ; và nếu tiến thêm một bước hay nhiều bước đánh vào các ổ nhóm tham nhũng, Nguyễn Phú Trọng rất có thể sẽ vấp phải sức kháng cự mãnh liệt của chúng mà khiến cái ghế chủ tịch nước mới cứng của ông ta lung lay…

Giả thiết ban đầu ‘Trọng cho bắt Trương Minh Tuấn để làm gương và để đốt lò nóng hơn trong năm 2019’ đã dần được xác thực : ngay sau tết nguyên đán 2019, vụ tống giam hai người được xem là ‘phe ta’ - Nguyễn Bắc Son và đặc biệt là Trương Minh Tuấn - đã phát đi tín hiệu về một sự thay đổi đáng kể trong quan điểm và hành động của Nguyễn Phú Trọng trong thời gian qua, từ thái độ trù trừ và nương tay với ‘phe ta’ sang quyết đoán và quyết liệt hơn. Sự thay đổi này nhiều khả năng xuất hiện từ sức ép của một số cựu thần và tướng lĩnh lão thành - giới mà ông Trọng dành cho nhiều tình cảm về ý chủ nghĩa ý thức hệ cộng sản và nhiệm vụ bảo vệ đảng và do đó thường tham khảo ý kiến. Muốn được ‘lưu truyền sử xanh’ thì không còn cách nào khác, ‘bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ phải hành xử quyết liệt với chính đàn em mà ông ta đã từng dung dưỡng.

Và một khi Trọng đã phải ‘trảm’ Trương Minh Tuấn - kẻ mà vào lúc bị bắt thọ chức Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương và còn được xem là ‘gà’ của ‘Tổng chủ’ cho đến tận gần đây - thì chẳng có lý do gì để ông ta nương tay với những kẻ khác.

Thông điệp không cho ‘lò’ nghỉ được Nguyễn Phú Trọng phát ra trogn bối cảnh Bộ Công an tiếp tục khởi tố và tống giam một loạt cán bộ lãnh đạo Đà Nẵng vì dính dáng vụ mua bán nhà đất công sản với Vũ ‘Nhôm, và ngay sau đó là một vụ việc đình đám : Junin 2 - hay còn gọi là dự án khai thác dầu nặng ở Venezuela của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) dưới thời Đinh La Thăng.

Có ít nhất hai cựu ủy viên bộ chính trị là Mạnh ‘Mượt’ (Tổng bí thư Nông Đức Mạnh) và ‘Ba X’ (Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng), cùng ít nhất một ủy viên bộ chính trị đương chức là Hoàng Trung Hải bị xem là có liên quan mật thiết đến Junin 2 - dự án liên doanh giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Công ty Dầu khí quốc gia Venezuela, cho tới nay không những không mang về một giọt dầu nào mà còn bị phát hiện ra một khoản chi quái lạ : "phí tham gia hợp đồng" (bonus), lên đến 584 triệu USD - số tiền khổng lồ rút rỉa từ ngân sách Việt Nam bị nghi ngờ dùng để ‘bôi trơn’ những quan chức đầu sỏ của Venezuela.

Nhiều khả năng Junin 2 sẽ trở thành một vụ đại án quốc gia.

2019 có lẽ là khoảng thời gian mà Nguyễn Phú Trọng muốn tỏ ra mạnh tay và liều lĩnh nhất với nạn tham nhũng, bởi nếu không thì toàn bộ sự nghiệp cứu vãn bằng được đảng Cộng sản của ông ta sẽ có nguy cơ ‘tan hàng’ chỉ trong sớm chiều, còn bản thân ông ta sẽ chỉ để lại ‘tiếng thơm’ cho các đời sau như một tổng bí thư và chủ tịch nước thất bại cay đắng khi đã có quá nhiều cơ hội để trốn thoát khỏi nỗi cay đắng đó.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 24/03/2019

Published in Diễn đàn

Tháng 3 năm 2019, chính phủ của thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa lấp ló : "Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ, Bộ Công an đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu lý luận, cơ sở pháp lý và tổ chức khảo sát thực tế tại các đơn vị, địa phương để nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Biểu tình bảo đảm thực thi quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tránh các thế lực thù địch lợi dụng biểu tình để gây rối mất trật tự, chống phá Đảng, Nhà nước ta".

bca1

Công an đã nquá tai tiếng về đàn áp biểu tình và vô số vấn nạn tra tấn người dân.

Một lần nữa trong quá nhiều lần bộ luật quyền dân này bị chính phủ từ thời ‘nắm chắc ngọn cờ dân chủ’ của Nguyễn Tấn Dũng đến ‘liêm chính, kiến tạo, hành động’ của Nguyễn Xuân Phúc, cùng ‘cơ quan dân cử tối cao’ là Quốc hội lợi dụng như một thứ mồi nhử nhân quyền để mặc cả thương mại với Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu - liên quan đến TPP (Hiệp định Đối tác kinh tế Xuyên Thái Bình Dương) vào những năm 2014 - 2016, và EVFTA (Hiệp- định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam) đang trong giai đoạn ‘chuẩn bị ký kết’ vào những năm 2018 - 2019.

Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên hay vì thành ý mà chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ Công an tái hiện hình dự án Luật Biểu tình vào lần này.

Có một sự thật hết sức trớ trêu ở Việt Nam là vào năm 2011, thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng đã giao cho Bộ Công an – một cơ quan bị xem là ‘công an trị’ và chuyên trấn áp, đàn áp những cuộc xuống đường vì môi sinh môi trường của người dân, ‘chịu trách nhiệm soạn thảo Luật Biểu tình’.

Kể từ đó đến nay, đã quá nhiều lần Bộ Công an thập thò bộ luật này. Và cũng quá nhiều lần cơ quan bộ này yêu cầu hoãn Luật Biểu tình khi nại ra lý do : "Trong quá trình soạn thảo có một số nội dung phát sinh cần tiếp tục đầu tư thời gian, công sức nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, khảo sát thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế như khái niệm "biểu tình", "quyền tự do biểu tình", "nơi công cộng", "tụ tập đông người"… ; phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật (có bao gồm cả việc tổ chức mít-tinh, biểu tình do Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội tổ chức ; việc khiếu kiện đông người, đình công, bãi công, bãi thị, bãi khóa hay không) ; vấn đề áp dụng các biện pháp trấn áp tương xứng, có hiệu quả đối với hành vi lợi dụng biểu tình vi phạm pháp luật ; trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình biểu tình…"

Một luật gia cho rằng đã có đủ căn cứ để thấy rằng việc cố tình kéo dài thời gian soạn thảo dự luật biểu tình của Bộ Công an là hành vi tắc trách công vụ, vi phạm vào Điều 4 của nghị quyết điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 do chủ tịch Quốc hộii ký ban hành tại kỳ họp thứ 7, tháng Sáu, 2014.

Trong khi đó người dân Việt Nam đã tự động xuống đường mà bất cần một khung luật nào cho phép. Trong cơn phẫn nộ và bế tắc tận cùng, trong nỗi thất vọng vượt quá giới hạn trước một chế độ đặc trưng quá tham nhũng, độc đoán và khiến phát sinh đủ thứ hậu quả xã hội trầm kha, ngày càng có thêm nhiều người dân vượt qua nỗi sợ của mình để bước ra đường, mở miệng và thét to những gì họ muốn.

Đến lúc này, mọi chuyện đã quá muộn đối với chính thể. Quá muộn để "lấy lại lòng tin của nhân dân".

Về thực chất, đằng sau động thái chính phủ giao Bộ Công an nghiên cứu xây dựng Luật Biểu tình chỉ là sự tiếp nối của một chuỗi động tác đối phó và ma mị nhằm đạt được mục tiêu ký kết và phê chuẩn EVFTA ngay trong năm 2019.

Nhưng đó luôn là một sai lầm về sách lược của ‘đảng và nhà nước ta’.

Bởi lẽ đơn giản là với một Bộ Công an quá tai tiếng về đàn áp biểu tình và vô số vấn nạn tra tấn người dân, việc giao cho bộ này làm Luật Biểu tình, trong khi đúng ra phải giao cho Bộ Nội vụ, chẳng khác nào ‘giao trứng cho ác’ và tiếp thêm một mồi lửa thách thức EU và các chính phủ tiến bộ trên thế giới.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 16/03/2019

Published in Diễn đàn
lundi, 18 mars 2019 20:28

‘Xác ướp’ hồi sinh !

Luật Đặc khu, còn gọi là ‘Luật bán nước’ như một tục danh mà nhân dân đặt cho nó,một kiểu ‘xác ướp’ mà đã tạo địa chấn biểu tình khổng lồ và gây sóng gió trong chính trường Việt Nam vào năm 2018 rồi sau đó bị hoãn vô thời hạn vào tháng Mười năm 2018 - đang được hồi sinh !

ldk1

Theo đề xuất của tác giả Luật đặc khu, ông Phạm Minh Chính muốn cho thuê đất đặc khu đến 120 năm chứ không chỉ là 99 năm !

"Về Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, Chính phủ cho biết : Thực hiện Nghị quyết số 64/2018/QH14 ngày 15/06/2018 của Quốc hội về Kỳ họp thứ 5, tại Thông báo số 116/TB-VPCP ngày 30/7/2018 của Văn phòng Chính phủ về kết luận tại buổi họp lần thứ 2 của Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xây dựng phương án chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật theo hướng xây dựng một luật chung" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo.

Từ trước khi dự luật Đặc khu được đưa ra trung ương nghị bàn, một số cựu thần và một bộ phận trong giới cách mạng lão thành đã có những phản ứng nhất định. Còn sau khi nổ ra cuộc tổng biểu tình ngày Mười tháng Sáu của dân chúng và khi người ta chứng kiến một Nguyễn Phú Trọng cũng nói nước đôi chứ không thể ủng hộ tuyệt đối ‘luật bán nước’ theo cách mà những Phạm Minh Chính, Nguyễn Thị Kim Ngân có lẽ rất mong muốn, đã có những cựu thần công khai lên tiếng phản đối dự luật Đặc khu trước ông Trọng và trong các cơ quan đảng. Hẳn sự phản ứng này, được tích tụ từ trước tháng Sáu và phát ra mạnh hơn sau tháng Sáu, đã tạo nên một sức ép đủ lớn khiến bộ phận quan thức yêu mến ‘luật bán nước’ phải chùn tay mà chưa dám đặt dự luật này lên bàn nghị luận như một hành vi khiêu khích toàn dân.

Đã quá rõ rằng hiệu ứng của cuộc tổng biểu tình Mười tháng Sáu và phong trào văn thư kiến nghị, phản bác trước đó của giới trí thức đã tác động không nhỏ đến giới cách mạng lão thành và cựu thần, tạo nên những phản ứng nội bộ với mức độ đủ lớn để đảng cầm quyền, chính phủ và một quốc hội ‘đầu sai của đảng’ phải lùi thông qua dự luật Đặc khu để ‘nghiên cứu tiếp’, và cho đến nay phải tìm cách hoãn bàn về ‘luật bán nước’ vì lo sợ sẽ bùng nổ một phong trào biểu tình khổng lồ mới của dân chúng, dù trước đó đã muốn đặt dự luật này vào sự đã rồi mà không thèm quan tâm đến quan điểm, chính kiến và ý kiến của các tầng lớp nhân dân.

Vào đầu tháng Bảy năm 2018, tức khoảng một tháng sau khi nổ ra cuộc biểu tình phản đối ‘Luật bán nước’ ở Sài Gòn với nhân số lên đến hàng trăm ngàn người và lan rộng trên 50% tỉnh hành trong cả nước, Nguyễn Phú Trọng - khi đó còn là tổng bí thư mà chưa ngồi hẳn vào ghế chủ tịch nước của kẻ quá cố là Trần Đại Quang - có gặp một ai đó và thốt lên ‘Nó lừa mình !’.

Trước khi dự luật Đặc khu trên được tung ra, quan chức Thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh đã ký một thông báo thay mặt Bộ Chính trị kết luận về chủ trương ‘làm’ các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, chính thức mở đường cho một khung pháp lý mà sau này bị dư luận xã hội phản ứng quyết liệt vì cho đó là ‘luật bán nước’.

Đáng chú ý, bản thông báo do Đinh Thế Huynh ký được dựa trên đề xuất của bí thư tỉnh Quảng Ninh - một địa phương giáp biên giới với Trung Quốc - vào thời đó là Phạm Minh Chính.

Có một mẩu chuyện rất đáng mổ xẻ và cần thiết thì ‘hồi tố’ kể cả về sau này : đề xuất của tác giả Phạm Minh Chính đã muốn cho thuê đất đặc khu đến 120 năm chứ không chỉ là 99 năm !

Không biết có phải do ‘thành tích’ đề xuất ý tưởng và cả kế hoạch về xây dựng đặc khu Vân Đồn dành nhiều ưu ái cho nhà đầu tư cùng giới tài phiệt Trung Quốc và lại khá tương thích với ý đồ lấn dần lãnh thổ Việt Nam của Bắc Kinh, ông Chính đã được Tổng bí thư Trọng tưởng thưởng và đưa quan chức này vào Bộ Chính trị kiêm Trưởng ban Tổ chức trung ương tại đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016.

Trong khi đó, Quốc hội Việt Nam một lần nữa chứng tỏ cái năng lực nổi bật của nó : không chỉ hùa theo các nhóm lợi ích để tăng vọt thuế và ‘bóc lột dân ta đến tận xương tủy’, ‘cơ quan dân cử’ này còn tiến xa hơn một bước bằng một kỳ họp châu đầu vào ‘luật bán nước’.

Trừ một số rất hiếm hoi dân biểu phát tiếng nói phản biện, tuyệt đại đa số còn lại trong số gần 500 đại biểu quốc hội vẫn tiếp tục thói ‘ngủ ngày’ trong cơn mộng du vong bản và vong dân.

Sau khi dự luật Đặc khu bị phản ứng dữ dội, người dân đã phát hiện ra nguồn cơn vì sao Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lại nhấn mạnh theo lối áp đặt ‘Bộ Chính trị đã quyết định về luật đặc khu rồi…’ : vào thời gian hội thảo về chủ trương đặc khu Vân Đồn ở Quảng Ninh, Nguyễn Thị Kim Ngân nằm trong số quan chức VIP tham dự hội thảo này và đã ‘nhiệt tình vỗ tay’ dành cho ‘luật bán nước’ !

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 18/03/2019

Published in Diễn đàn

Sau hai thông tin của viên đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ là Hà Kim Ngọc và Bộ Ngoại giao Việt Nam, chuyến công du Mỹ của Nguyễn Phú Trọng đã chính thức được khẳng định, tuy chưa rõ vào thời điểm nào trong năm.

trumptrong1

Donald Trump và Nguyễn Phú Trọng trong một cuộc gặp 'thân thiết' vào năm 2017 tại Việt Nam.

Quan hệ Việt - Mỹ luôn dựa trên những lợi ích chung - như triết lý của một nhà ngoại giao Washington. Để thuyết phục được Obama chấp nhận đón tiếp Nguyễn Phú Trọng như một nguyên thủ quốc gia, phe đảng ở Việt Nam đã tung ra chiêu pháp ‘đồng ý về chủ trương’ đối với công đoàn độc lập - một dạng thức dân chủ mà chính thể độc đảng ở Việt Nam luôn coi là ‘một thủ đoạn của Diễn biến hòa bình’, nhưng lại là một điều kiện quan trọng mà người Mỹ đòi hỏi cho Hiệp định TPP và một khi Việt Nam muốn tham gia vào hiệp định này.

Chỉ là sau đó, TPP đã gần như tan vỡ và do vậy những cam kết của chính thể Việt Nam về công đoàn độc lập cũng chẳng còn thấy tăm hơi đâu.

Còn sắp tới là gì ?

Có vẻ để chuẩn bị cho chuyến đi Mỹ trong năm 2019 này, Trọng đang thu xếp một hành trang - như một món quà - để phòng hờ trong cuộc gặp với Trump nếu bị gây áp lực về chính trị, kinh tế và ngoại thương.

Hãy nhìn lại 9 tháng trước.

Vào cuối tháng Sáu năm 2018, một cấp dưới được xem là ‘gà’ của Nguyễn Phú Trọng là Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã có một chuyến đi tiền trạm tới Mỹ.

Khi tường thuật nội dung làm việc của ở Washington của Huệ, báo chí Việt Nam cho biết "Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mira Ricardel khẳng định coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam, nước đóng vai trò quan trọng trong triển khai chính sách của Hoa Kỳ ở châu Á-Thái Bình dương ; ủng hộ chia sẻ của Phó Thủ tướng về việc một Việt Nam mạnh, độc lập, cải cách sẽ mang lại lợi ích chung cho khu vực, trong đó có Hoa Kỳ".

Đã khá rõ là khi đó, Vương Đình Huệ muốn chuyển thông điệp của Nguyễn Phú Trọng có thể mang đến cho Donald Trump món quà là ‘cải cách’.

Cùng lúc và như một sự cố ý, báo đảng Việt Nam đã đánh tiếng ‘Việt Nam cải cách sẽ có lợi cho Mỹ’…

Vào năm 2015, Nguyễn Phú Trọng phải lần đầu tiên ‘xuất tướng’ sang Mỹ nhằm tìm kiếm cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam, mà kẻ hưởng lợi phía sau đương nhiên là ngân sách đảng cầm quyền của ông ta trong bối cảnh sắp hết tiền, được tham gia và Hiệp định TPP. Còn vào năm 2019 này, ngân sách nuôi đảng của Nguyễn Phú Trọng đã bộc lộ nhiều dấu hiệu cạn kiệt và có thể lao xuống vực xoáy nguy hiểm của nạn vỡ nợ. Cần phải gấp rút tìm ra lối thoát cứu đảng và cứu vãn chế độ mà hơi thở của nó có lẽ chỉ còn kéo dài từng năm này.

Chỉ có điều, rất đồng điệu với vô số hứa hẹn và cả cam kết về ‘sẽ cải thiện nhân quyền’ của chính thể Việt Nam luôn lặn không sủi tăm sau đó, vẫn chưa có bất kỳ động tác nào được xem là "cải cách thể chế" cho tới nay, và cũng chẳng có bất kỳ cơ sở đáng tin cậy nào, dù chỉ một chút, cho thấy ông Trọng và thể chế đảng trị kèm công an trị của ông ta sẽ chịu cải cách.

Làm thế nào để cứu vãn tình hình kinh tế và chân đứng chính trị rệu rã chỉ trong một vài năm, khi vài ba chục năm trước đó đảng Cộng sản đã không hề cải cách, hoặc có tuyên bố cải cách cũng chỉ là thói đầu môi chót lưỡi như một cách để kéo dài thời gian và ‘thu gom’ viện trợ quốc tế phục vụ cho giới quan chức túi tham không đáy ?

Liệu với gợi ý ‘sẽ cải cách’ và hứa hẹn ‘Việt Nam cải cách sẽ có lợi cho Mỹ’ mà chẳng có bất kỳ bản thuyết minh chi tiết nào kèm theo, Nguyễn Phú Trọng có dễ dẫn dụ Donald Trump mở hầu bao viện trợ và đối ứng thương mại ?

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 17/03/2019

Published in Diễn đàn

Những động thái của Nghị viện Châu Âu có thể tác động một cách trực tiếp đến quan điểm và hành động của Quốc hội Hoa Kỳ, để Thượng viện của quốc hội này sẽ phải bày tỏ ý kiến một cách không nương nhẹ về Đạo luật Nhân quyền Việt Nam trong thời gian tới.

nhanquyen1

Dân biểu Chris Smith, tiểu bang New Jersey

Dân biểu Chris Smith, thành viên cấp cao của Tiểu ban Nhân quyền Toàn cầu của Hạ viện và là người đã chủ tọa 11 cuộc điều trần về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam, viết : "nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục tìm cách trấn dẹp xã hội dân sự, đàn áp tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng, Hà Nội tiếp tục bỏ tù các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền". Ông cũng bổ sung : "Năm vừa rồi là một năm tồi tệ cho nhân quyền Việt Nam. Công dân Mỹ Michael Nguyễn, một người cha có bốn con cư ngụ ở Los Angeles, tiếp tục bị giam giữ mà không qua quy trình pháp lý nào, ông ấy không phải là người Mỹ duy nhất bị bắt và bị ngược đãi ở Việt Nam trong năm qua".

Vào cuối tháng 2 năm 2019, Đạo luật Nhân quyền Việt Nam (HR 1383) được Dân biểu Chris Smith một lần nữa được đưa ra quốc hội Mỹ để trừng phạt Việt Nam về những vụ vi phạm nhân quyền ở trong nước. Đạo luật này cũng nhằm mục đích ưu tiên hóa tự do tôn giáo, tự do internet và các quyền của người lao động.

Trước đó, các phiên bản của đạo luật này đã được Hạ viện Mỹ thông qua ba lần vào các năm 2004, 2008 và 2012 với số phiếu ủng hộ áp đảo, tuy nhiên sau đó đã bị chặn tại Thượng viện. Đó cũng là khoảng thời gian mà chính quyền của Tổng thống Barak Obama thực hiện chính sách ‘củ cà rốt’ với chính thể độc đảng ở Việt Nam. Tuy nhiên chính sách này đã chỉ mang lại một kết quả quá khiêm tốn : Hà Nội, một mặt vẫn không ngớt hứa hẹn ‘ ;sẽ cải thiện nhân quyền’, nhưng mặt khác vẫn ngấm ngầm bắt bớ những nhà hoạt động nhân quyền. Hầu hết các cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt, một hình thức mà Chính phủ và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cố gắng duy trì để buộc Việt Nam phải tuân thủ các công ước quốc tế về dân sự và nhân quyền, cũng không mang lại kết quả như mong muốn.

Nói cách khác, Hoa Kỳ đã bỏ quên ‘cây gậy’ trong nhiều chính sách về Việt Nam.

Còn vào lần này, có hy vọng là Thượng viện Hoa Kỳ sẽ xem xét với một con mắt khác về Đạo luật Nhân quyền Việt Nam, bởi bối cảnh hiện thời là khác khá nhiều so với những năm 2015 và 2016. Từ năm 2016, chính thể độc đảng ở Việt Nam đã gia tăng đàn áp nhân quyền và những tiếng nói bất đồng chính kiến, phát động một chiến dịch bắt bớ liên tục với số đông những người hoạt động nhân quyền suốt từ đó đến nay. Và đặc biệt, vụ Việt Nam bị Nhà nước Đức tố cáo đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã ‘chuyển lửa’ sang cả khối Liên minh Châu Âu, khiến cả phương Tây giờ đây đều như chống lại chính thể độc trị Việt Nam về vô số vi phạm nhân quyền.

Đó cũng là nguồn cơn khiến vào tháng 11 năm 2018, Nghị viện Châu Âu đã phải ban hành một nghị quyết nhân quyền Việt Nam với nội dung rất rộng và lời lẽ lên án cứng rắn chưa từng có. Sang tháng 2 năm 2019, Hội đồng Châu Âu đã phải thông báo hoãn vô thời hạn EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Châu Âu - Việt Nam) với lý do thực chất là Việt Nam vi phạm nhân quyền.

Hẳn những động thái của Nghị viện Châu Âu có thể tác động một cách trực tiếp đến quan điểm và hành động của Quốc hội Hoa Kỳ, để Thượng viện của quốc hội này sẽ phải bày tỏ ý kiến một cách không nương nhẹ về Đạo luật Nhân quyền Việt Nam trong thời gian tới.

Ngoài Dự luật Nhân quyền Việt Nam, Quốc hội Hoa Kỳ vẫn còn hai vũ khí nhân quyền khác mà có thể ‘trảm’ vào bất kỳ lúc nào : Dự luật Chế tài nhân quyền Việt Nam (HR. 4254) và đặc biệt là Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu (Global Magnitsky Human Rights Accountability Act) đã được thông qua chính thức vào cuối năm 2016.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 15/03/2019

Published in Diễn đàn

Đầu năm 2019, Tổng cục Thống kê của Thủ tướng Phúc lại ồn ào tổ chức vài cuộc hội thảo và thông tin cho báo chí về bản nhạc ‘phải đưa kinh tế ngầm vào GDP’ và ‘Nợ công Việt Nam 61,4% GDP, so với các nước khác không là gì !’ - như một cách trả lời không cần biết trời cao đất dày là gì của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm​​​​​ trước báo giới.

buitrinh1

Chuyên gia thống kê Bùi Trinh.

Nhưng trong một cuộc trao đổi với trang báo điện tử BizLIVE, Tiến sĩ Bùi Trinh, chuyên gia thống kê, đã nêu ra một số lập luận thuyết phục mà qua đó gián tiếp chỉ ra những động cơ ẩn giấu của Thủ tướng Phúc và Tổng cục Thống kê về trong chiến dịch ‘đưa kinh tế ngầm vào GDP’.

"Khi cộng khu vực kinh tế chưa được quan sát (tạm gọi chung là kinh tế ngầm) vào GDP (tổng sản phẩm quốc nội) sẽ có nhiều cái lợi cho điều hành của Chính phủ. Lý do, cộng thêm con số thống kê này vào sẽ khiến quy mô GDP tăng lên, tỷ lệ nợ công/GDP và tỷ lệ bội chi/GDP giảm đi… nhưng thực tế con số tuyệt đối về nợ công và bội chi không giảm, dễ dẫn tới thành tích ảo" - ông Bùi Trinh mỉa mai.

Cũng theo Tiến sĩ Bùi Trinh, thực tế vẫn tồn tại song song 02 khu vực trong hoạt động của một nền kinh tế : khu vực kinh tế quan sát được và khu vực kinh tế ngầm. Rõ ràng, hiện nay GDP của Việt Nam đang tính từ nền kinh tế quan sát được vẫn còn bị nghi ngờ. Vì thống kê cũng đang dựa nhiều vào ước lượng (có sai số). Nếu tính thêm khu vực kinh tế ngầm vào GDP nghĩa là lại ước lượng thêm một khoản vu vơ nữa thì rất nguy hiểm.

Vấn đề quan trọng hơn, nếu cộng cả khu vực kinh tế ngầm vào GDP (dự kiến thực hiện vào năm 2020) sẽ phải điều chỉnh chuỗi thời gian tính GDP ít nhất là 10 năm. Đó là nguyên tắc, nếu không số liệu sẽ "gãy" hết.

Khi điều chỉnh một chuỗi thời gian cho các dãy số liệu nó sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc ngành nghề theo 10 năm điều chỉnh đó, dẫn đến tốc độ tăng trưởng GDP sẽ khác, cấu trúc GDP sẽ khác, cấu trúc ngành sẽ khác. Vì không phải ngành nghề nào cũng có khu vực kinh tế ngầm giống nhau, con số thống kê kinh tế ngầm có năm nó tăng cao, có năm tăng thấp…

Khi cấu trúc GDP khác đi thì cấu trúc của nhu cầu sẽ khác, tiêu dùng sẽ khác, tích luỹ sẽ khác, xuất nhập khẩu sẽ khác... Tất cả tỷ lệ sẽ khác, dẫn đến tất cả các báo cáo, đề tài khoa học từ trước đến nay sẽ vô giá trị. Các con số tăng trưởng hay dự tính tăng trưởng hằng năm mà Quốc hội đưa ra bàn thảo sẽ là không thực chất, vì dự tính tổng đầu tư, thu – chi ngân sách… chỉ dựa trên khu vực kinh tế quan sát được, nhưng tăng trưởng thực tế lại gồm cả kinh tế ngầm.

Khi tính kinh tế ngầm vào GDP thành tích tăng trưởng GDP lúc đó lại chỉ là ảo, nó cho thấy thu nhập bình quân đầu người tăng lên (do quy mô GDP lớn hơn), tỷ lệ bội chi, tỷ lệ nợ công giảm đi… nhưng thực tế không phải vậy. GDP tăng từ cách tính mới này cũng do thuế tăng, phí tăng… tất yếu sẽ liên quan đến người dân.

Ngay như việc tính bội chi ngân sách cũng thay đổi để lấy thành tích. Trước đây, tỷ lệ bội chi/GDP bao gồm cả trả nợ gốc vay quốc tế. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, khoản trả nợ gốc này được bỏ ra ngoài bảng cân đối quốc gia, tỷ lệ bội chi nhỏ đi và được coi là thành tích.

Ông Bùi Trinh cũng cho biết rất nhiều nước đã thống kê khu vực này, nhưng không tính vào GDP, họ thống kê để biết được quy mô của khu vực kinh tế ngầm lớn đến mức nào. Chỉ có một số nước đưa vào, như : Mexico, Australia (chỉ cộng vào GDP trong 01 năm)…

Riêng đối với Việt Nam, việc thống kê khu vực kinh tế ngầm sẽ được tính vào GDP, vì Chính phủ đã phê duyệt Đề án Thống kê Khu vực kinh tế chưa được quan sát vào GDP, dự kiến thực hiện vào năm 2020. Tỷ lệ bội chi, tỷ lệ nợ công trên GDP sẽ nhỏ đi nhờ vào quy mô GDP tăng lên.

Nợ công thực là bao nhiêu ?

Ngay giờ đây, nếu cộng cả nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp nhà nước sau khi trừ đi phần chính phủ bảo lãnh trùng lặp, tổng số nợ công có thể vọt lên ít nhất 440 - 450 tỷ USD, tức ít nhất bằng 210% GDP, gấp hơn 3 lần tỷ lệ nợ công "gần 65% GDP" mà các báo cáo của bộ ngành và của chính phủ Nguyễn Xuân Phúc luôn "tuyên giáo". Trong đó, nợ nước ngoài chính thức của chính phủ đã lên đến 105 tỷ USD, chưa kể hàng trăm tỷ USD nợ nước ngoài từ khối các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.

Cho đến nay và cùng với số nợ nước ngoài của khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân tăng vọt, nợ công quốc gia thậm chí còn tồi tệ hơn những năm trước.

Nếu những năm gần đây phía chính phủ muốn tăng vay ODA mà do đó khiến tăng nợ công nhưng bị ngưỡng nguy hiểm ‘nợ công không thể vượt quá 65% GDP’ chặn lại, cũng như bị một số đại biểu quốc hội chỉ trích, thì chỉ bằng thủ thuật kinh tế - chính trị đơn giản ‘đưa kinh tế ngầm vào GDP’, với nền kinh tế ngầm ấy có thể chiếm ít nhất 10% hoặc thậm chí đến 30 - 40% GDP trong trường hợp Việt Nam, thì khi đó tỷ lệ nợ công/GDP sẽ giảm tương ứng và giảm mạnh, có thể chỉ còn khoảng 50% GDP, trở thành một con số còn bóng lộn hơn cả báo cáo nợ công "chỉ có 55% GDP" thời Nguyễn Tấn Dũng. Một kết quả rất hấp dẫn chỉ nhờ vào việc tính toán những con số trên giấy mà chẳng phải lao tâm khổ tứ thuyết phục quốc hội lẫn ma mị dân chúng,

Nếu kịch bản "tính lại GDP" thành công theo "yêu cầu đặc biệt" của Thủ tướng Phúc, các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước cùng Chính phủ sẽ còn ‘dư địa vay nợ’ và tha hồ vay được ít ra 15% GDP nữa, tương đương khoảng 30 tỷ USD, chẳng hạn "phục vụ dự án trọng điểm sân bay Long Thành và đường bộ cao tốc Bắc Nam". Hai dự án này lần lượt chiếm vốn đầu tư là 18 tỷ USD và hơn 10 tỷ USD, cộng lại xấp xỉ với "quota" 30 tỷ USD mà Chính phủ có thể vay trực tiếp hoặc bảo lãnh vay nếu thành công trong việc "tính lại GDP". Cơ hội để các nhóm lợi ích "ăn tàn phá hại" vốn ODA và những nguồn vốn vay khác sẽ lại mở ra không khác gì thời Nguyễn Tấn Dũng.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 12/03/2019

Published in Diễn đàn

"Vậy là phải chờ Quốc hội mới quyết định phê chuẩn Hiệp ước hay không" - một xác nhận chính thức của ông Umberto Gambini, Chánh Văn phòng Dân biểu Quốc hội Châu Âu Ramon Tremosa và là người đã ký chung thư với 32 Dân biểu đại diện mọi khuynh hướng chính trị kêu gọi Liên Âu thúc đẩy việc thực thi nhân quyền tại Việt Nam, cho câu hỏi của đài RFA về tương lai của EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Châu Âu - Việt Nam) sau cuộc đối thoại nhân quyền thường niên giữa Liên minh Châu Âu (EU) và chính quyền Việt Nam đã diễn ra tại Brussels, Bỉ - nơi đặt trụ sở của EU - vào ngày 4/3/2019.

evfta1

Bà Maya Kocijancic, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Liên Âu 

Tại cuộc đối thoại trên đã chẳng có bất kỳ phản hồi tích cực nào của đoàn Việt Nam, bất chấp phía EU đã nêu ra rất nhiều vấn đề vi phạm.

Trong khi toàn bộ phái đoàn của Việt Nam vẫn ‘cấm khẩu’, điểm nhấn lớn nhất của cuộc đối thoại nhân quyền ở Brussels là "chúng tôi không chỉ đối thoại mà thôi, mà chúng tôi còn yêu sách áp lực cho nhân quyền tại Việt Nam" - theo bà Maya Kocijancic, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Liên Âu về Chính sách An ninh. 

Vậy tương lai nào dành cho EVFTA sau cuộc đối thoại nhân quyền ở Brussels ?

Theo lịch trình trước đây của EU, nếu EVFTA được Hội đồng Châu Âu phê chuẩn và nhận được sự ủng hộ của Ủy ban Thương mại quốc tế Châu Âu (một cơ quan tham mưu rất quan trọng của Nghị viện Châu Âu về các hiệp định thương mại), EVFTA sẽ được đưa ra Nghị viện Châu Âu để xem xét bỏ phiếu thông qua vào tháng 5 năm 2019. Tuy nhiên, giớp chóp bu Việt Nam chỉ muốn ăn sẵn và ăn ngay đã bị một cú sốc thình lình khi nhân quyền - yếu tố mà trước đây chỉ là một điều kiện không ưu tiên trong EVFTA và bị chính quyền Việt Nam xem thường, đã trở nên chính yếu và tạo ra cú knock-out hoãn EVFTA ngày vào lúc Hà Nội sắp mở tiệc ăn mừng ‘thoát nạn’.

Xác nhận chính thức của ông Umberto Gambini về EVFTA phải chờ nghị viện mới của Châu Âu là dấu chấm hết cho hy vọng của Thủ tướng Phúc, Bộ Chính trị và chính thể độc đảng chỉ muốn ‘ăn sẵn’ về ‘mong EU linh hoạt ký kết và phê chuẩn EVFTA trong quý 1 năm 2019’.

Thậm chí ngay cả kịch bản ‘ký trước tháng Năm và thông qua sau tháng Năm’ cũng gần như bị dập tắt.

Mà chưa ký và không biết chừng nào mới ký EVFTA thì không thể hình dung ra tương lai hiệp định này khi nào mới được đưa vào lịch trình làm việc của Hội Đồng Châu Âu để phê chuẩn. Càng không thể mơ màng đến việc bản hiệp định này được tiến hành bước tiếp theo là trình ra Nghị Viện Châu Âu để bỏ phiếu thông qua.

Chưa kể đến một thủ tục khác và quan trọng không kém vai trò phê chuẩn của Hội Đồng Châu Âu : Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế Châu Âu - một cơ quan tham mưu cho Nghị Viện Châu Âu về EVFTA. Thậm chí ngay cả trường hợp Hội Đồng Châu Âu muốn phê chuẩn EVFTA nhưng ủy ban này phản đối thì cũng rất khó để Nghị Viện Châu Âu gật đầu cho hiệp định này "qua đò".

Vào tháng Giêng, 2019, bất chấp thái độ nôn nóng muốn thúc đẩy nhanh thủ tục hiệp định này của một số nghị sĩ và doanh nghiệp Châu Âu, cùng sự vận động ráo riết của giới quan chức Việt Nam, Bernd Lange - Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Quốc hội EU - tuy là người được xem là ôn hòa, đã phản ứng cứng rắn hiếm thấy : "Nếu không có tiến bộ nào về nhân quyền, và đặc biệt là quyền của người lao động, thì sẽ không có bất cứ hiệp định nào được Quốc Hội Châu Âu thông qua hết".

Lối thoát duy nhất của chính thể độc đảng ở Việt Nam về EVFTA là cải thiện nhân quyền, nhưng phải cải thiện sao để có thể chứng minh được và phải được ‘mắt thấy, tai nghe’, chứ không phải như vô số hứa hẹn trơn tuột tại các kỳ đối thoại nhân quyền mà sau đó thực tế đã biến diễn hoàn toàn ngược lại đến độ vô liêm sỉ.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 09/03/2019

Published in Diễn đàn