Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Một cái lắc đầu của Quốc hội Đức sẽ khiến cánh cửa EVFTA có thể đóng sập ngay trước mũi giới chóp bu Hà Nội - đối tượng mà cho tới nay vẫn không có bất cứ cải thiện nào về nhân quyền, nếu không muốn nói là ngược lại.

xanh1

Quốc hội Cộng hòa Liên bang Đức 

Việc Đảng Xanh - một trong những chính đảng chiếm vai trò quan trọng trong Quốc hội Cộng hòa Liên bang Đức - vừa phát ra một ‘tối hậu thư’ liên quan đến số phận chơi vơi của EVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU), càng khiến Bộ Chính trị Hà Nội bế tắc hơn trên con đường tiếp cận bản hiệp định này - màu mỡ đến mức sẽ giúp cho chính thể độc đảng ở Việt Nam duy trì số xuất siêu hơn 30 tỷ USD vào thị trường Châu Âu, mang về một nguồn ngoại tệ quý báu để giúp chế độ này trả nợ nước ngoài lên đến hàng chục tỷ USD/năm và cầm hơi ngân sách được năm nào hay năm đó cho chế độ.

Theo Thoibao.de, vào ngày 16.01.2019, đảng Xanh (Bündnis 90 / Grünen) đã đưa ra kiến nghị trước Quốc hội Liên bang Đức yêu cầu đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (gọi tắt là EVFTA) và từ chối Hiệp định bảo vệ đầu tư (Hiệp định Bảo hộ đầu tư được tách ra từ Hiệp định EVFTA trước đây, thành một hiệp định riêng).

Kiến nghị này của Khối nghị sĩ đảng Xanh trong Quốc hội Liên bang Đức  đã được viết dưới dạng một bản dự thảo Nghị quyết. Trong thời gian tới kiến nghị này sẽ được đem ra Quốc hội bỏ phiếu, nếu đa số các nghị sĩ tán thành thì nó sẽ trở thành Nghị quyết của Quốc hội Đức. Khi đó Chính phủ Đức phải tuân theo những khuyến nghị nêu trong Nghị quyết này, bởi vì Quốc hội Liên bang có nhiệm vụ kiểm soát Chính phủ Liên bang và đưa ra khuyến nghị.

Khối nghị sĩ đảng Xanh trong Quốc hội Liên bang Đức yêu cầu Quốc hội khuyến nghị Chính phủ Đức nên từ chối Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU, vì tình hình nhân quyền ở Việt Nam vô cùng đáng lo ngại.

Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh cũng được đề cập đến trong bản kiến nghị của đảng Xanh và nhấn mạnh : "Hiện nay Trịnh Xuân Thanh - người bị kết án tù chung thân 2 lần, và là người đã được quy chế tị nạn tại Cộng hòa Liên bang- trước như sau vẫn không được trở lại Đức".

Đáng chú ý, thời điểm ngày 16/1 mà đảng Xanh phát ra yêu cầu trên trùng với tuần lễ mà Hội đồng Châu Âu dự kiến tổ chức một cuộc họp để bỏ phiếu có thông qua hay không đối với EVFTA.

Cũng rất đáng chú ý là trong số 3 khuyến nghị của đảng Xanh, khuyến nghị thứ ba trùng khớp rất cao về nội dung với một bản yêu cầu khẩn cấp của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế ( Human Right Watch) gửi đến Nghị viện Châu Âu, Hội đồng Châu Âu và các cơ quan liên quan, kèm theo chữ ký của 17 tổ chức xã hội dân sự trong và ngoài Việt Nam ; cũng trùng khớp cao với nội dung mà bản nghị quyết về nhân quyền của Nghị viện Châu Âu phát ra vào giữa tháng 11 năm 2018 đối với Việt Nam.

Khuyến nghị thứ ba của đảng Xanh yêu cầu Quốc hội Liên bang yêu cầu Chính phủ Liên bang tác động :

- Việt Nam phê chuẩn và thực hiện các Công ước ILO số 87, 98 và 105.

- để tất cả những người bảo vệ nhân quyền mà đang bị cầm tù hoặc quản chế tại gia được trả tự do (đặc biệt là những người được nêu tên trong tuyên bố của 32 nghị sĩ Quốc hội Châu Âu vào ngày 17/9/2018).

- Chính phủ Việt Nam công nhận các công đoàn độc lập.

- một lệnh hoãn thi hành hình phạt tử hình được đưa ra".

Cho tới nay, Đức vẫn chiếm giữ vai trò quan trọng, nếu không nói là mang tính quyết định, về việc tác động đến Nghị viện Châu Âu trong việc phê chuẩn EVFTA.

Trong lúc vẫn chưa có bất kỳ tin tức nào từ Cộng đồng Châu Âu về việc có trình cho Nghị viện Châu Âu bản EVFTA hay không khi lẽ ra động thái này đã diễn ra từ cuối năm trước theo chiến dịch vận động và những tính toán thực dụng của phía Việt Nam, một cái lắc đầu của Quốc hội Đức sẽ khiến cánh cửa EVFTA có thể đóng sập ngay trước mũi giới chóp bu Hà Nội - đối tượng mà cho tới nay vẫn không có bất cứ cải thiện nào về nhân quyền, nếu không muốn nói là ngược lại.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 22/01/2019

Published in Diễn đàn

Lần đầu tiên kể từ lúc chính quyền Việt Nam thời Bộ trưởng thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn và các quan chức Facebook ‘đi đêm’ với nhau bằng cơ chế gỡ bỏ nhiều nội dung phản biện của giới đấu tranh dân chủ nhân quyền, vừa có một bằng chứng sáng sủa nhất về việc hai tổ chức này đã chính thức chấm dứt thời mặn nồng ‘nhà chồng’ và ‘nàng dâu’, hay nói cách khác là bằng chứng về việc Facebook đã bất hợp tác với chính quyền Việt Nam như thế nào.

vnface1

Bộ Thông tin và truyền thông nói lãnh đạo Facebook (trái) đến Việt Nam chỉ để 'câu giờ'. 

Một quan chức của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử - thuộc Bộ Thông tin và truyền thông, đã trả lời phỏng vấn báo chí nhà nước với thái độ đầy ‘bức xúc’ khi cho rằng ngoài những nội dung mua quảng cáo, Facebook còn không đáp ứng tốt việc tháo gỡ những nội dung có hoạt động kích động chống phá Nhà nước Việt Nam theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

Cụ thể, Facebook không bóc gỡ các fanpage, tài khoản của các tổ chức phản động được Bộ Công an liệt kê trong danh sách, những tài khoản, fanpage nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đó là chưa kể đến những trang phát sinh, chia sẻ lại bài viết để lan truyền các thông tin chống phá trực diện. Với các tài khoản nói xấu, Facebook có tiến hành gỡ bỏ nhưng rất hạn chế.

"Họ làm rất lâu. Chúng tôi yêu cầu gỡ bỏ các tài khoản nói xấu lãnh đạo trong vòng 48 tiếng nhưng họ chỉ gỡ sau vài tháng. Mới đây, Facebook đã gỡ 3.000 status nói xấu, gồm cả tài khoản nhưng sau đúng một năm khi Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu", lãnh đạo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cho biết.

"Việc ngăn chặn các quảng cáo trái phép hoàn toàn nằm trong khả năng của Facebook nhưng họ chỉ làm khi chúng ta gửi báo cáo và thời gian cũng mất rất lâu. Nguyên nhân sâu xa nằm ở việc Facebook sống nhờ quảng cáo nên họ đang gián tiếp tiếp tay cho những hoạt động sai trái này".

"Dưới góc độ kinh doanh, không có lý do gì một doanh nghiệp khi vào Việt Nam kinh doanh, kiếm vài trăm triệu USD mà không tuân thủ pháp luật. Mục đích họ sang, gặp mặt chúng ta chỉ là để câu giờ. Họ không bao giờ chốt các vấn đề, không làm việc bằng văn bản bản chất. Facebook đang kinh doanh kiếm lời tại một quốc gia và không tuân thủ luật pháp quốc gia đó" - quan chức trên nói.

Ít ngày trước cuộc trả lời phỏng vấn trên, hãng Facebook bị chính thể độc đảng ở quốc gia này lên án và tổ chức đấu tố một cách quyết liệt và đầy cay cú vào đầu năm 2019.

Nhiều tờ báo nhà nước, trong khi im thin thít về vụ chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh dùng ‘luật rừng’ cưỡng chế và phá sạch 200 ngôi nhà ở khu Vườn Rau Lộc Hưng, Tân Bình, thì đồng loạt nhảy xổ vào Facebook và gào thét về những ‘sai phạm’ của hãng này tại Việt Nam như không đóng các tài khoản cá nhân, Fanpage, nhóm, có bài đăng với nội dung vu khống, chống phá chính quyền, bôi nhọ, phỉ báng các cá nhân, tổ chức, cơ quan Nhà nước ; cho phép các tài khoản hoạt động quảng cáo, rao bán sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp ; trốn thuế ; không hợp tác với cơ quan an ninh Việt Nam yêu cầu cung cấp thông tin về các tài khoản mà Việt Nam cho là "lừa đảo, vi phạm pháp luật"…

Chắc chắn là những tờ báo trên đã được bật đèn xanh bởi hành động thông đồng của Ban Tuyên giáo trung ương của Ủy viên bộ chính trị Võ Văn Thưởng và Bộ Thông tin và truyền thông của tân bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

Những mục tiêu của ‘nhà chồng’ là rất rõ : ngăn chặn thông tin bất đồng chính trị đang từng ngày đe dọa sự tồn vong của chế độ cầm quyền, và bắt Facebook phải đóng thuế trong bối cảnh Việt Nam chỉ còn biết đi vay để đảo nợ nước ngoài nhưng vẫn chẳng thu được đồng nào trong tổng số hàng chục ngàn tỷ đồng mưu tính truy thu từ hoạt động kinh doanh chưa đóng thuế của Facebook tại Việt Nam trong nhiều năm qua.

Nhưng cái cách phản ứng dữ dằn và cay cú của chính quyền Việt Nam đối với Facebook đã cho thấy trong những tháng qua doanh nghiệp mạng xã hội này đã không làm cho những kẻ muốn bóp nghẹt tự do ngôn luận và tự do Internet hài lòng.

Cuộc đấu tố hằn học và cay cú của chính quyền Việt Nam đối với Facebook đã cung cấp một bằng chứng trực tiếp về thất bại của chính quyền này trong việc cố gắng áp đặt Facebook phải tuân theo luật chơi độc trị và bóp nghẹt tự do ngôn luận trên mạng xã hội.

Nhưng điều trớ trêu đối với chính quyền Việt Nam là trong khi họ tố cáo Facebook ‘câu giờ’, đó cũng là một thủ đoạn rất quen thuộc của chính quyền này để đối phó với rất nhiều cáo buộc của cộng đồng quốc tế về việc Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng. Kể từ khi Việt Nam tham gia vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc vào cuối năm 2013 đến nay, đã chẳng hề có một cải thiện nhân quyền nào được thực hiện, nếu không muốn nói là ngược lại.

Thất bại của chính quyền Việt Nam lại là một thắng lợi đầu tiên của Facebook ở Việt Nam trong việc duy trì tiêu chí của tổ chức này là bảo đảm các giá trị tự do, dân chủ và nhân quyền.

Hẳn là sau một thời gian ‘trải nghiệm’, Facebook đã đủ thấm thía rằng cách chơi thỏa hiệp uốn éo với một nhà nước chỉ có tiểu xảo và thủ đoạn trong não trạng là vô nghĩa và khiến Facebook bị sụt giảm uy tín đến thế nào.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 18/01/2019

Published in Diễn đàn

Vào đầu năm 2019, thêm một lần nữa và hầu như đã mang tính hệ thống và logic, Bộ Ngoại giao và đứng phía sau là Bộ Chính trị Việt Nam đã không phản đối, nếu không muốn nói là có thể hiện thái độ cổ vũ, trước hoạt động áp sát quần đảo Hoàng Sa của một tàu khu trục Mỹ trang bị tên lửa dẫn đường có tên là USS McCampbell.

hanghai1

Tàu khu trục Mỹ USS McCampbell.

"Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, và kêu gọi các nước đóng góp cho hòa bình, ổn định ở Biển Đông" - ngày 9/1/2019, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ‘can đảm’ giang cánh tay phát ngôn như thế và nói thêm rằng "Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế".

Trước đó, hôm 7/1, nữ phát ngôn viên của Hạm đội Thái Bình Dương Rachel McMarr cho biết tàu USS McCampbell đã thực hiện hoạt động "tự do hàng hải" trong phạm vi 12 hải lý thuộc Quần đảo Hoàng Sa "để thách thức các tuyên bố chủ quyền hàng hải quá mức".

Như vậy, từ đầu năm 2016 đến nay, có ít nhất 4 lần thể chế một đảng ở Việt Nam "ngó lơ" chuyện chiến hạm Mỹ áp sát quần đảo Hoàng Sa như một động tác thách thức Trung Quốc, trong đó có hai lần Bộ Ngoại giao Việt Nam bất thần tỏ ra "can đảm" khi đưa ra tuyên bố hoặc "tàu Mỹ đi qua vô hại" hoặc "tàu Mỹ tự do giao thông ở Biển Đông".

Vào ngày 31 tháng Giêng, 2016, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cũng đã dạo tiếng thăm dò "Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải" về hành động tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur của hải quân Hoa Kỳ áp sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa trong "chiến dịch tự do hàng hải" (FONOP) của Hoa Kỳ. Đó là lần đầu tiên kể từ thời "đu dây" giữa Trung Quốc và Mỹ, nhà cầm quyền Việt Nam mới có được một tuyên bố "minh bạch" đến thế, cho dù tất cả mới chỉ trên phương diện phát ngôn.

Vào cuối tháng Mười, 2015, khi diễn ra sự kiện một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường khác của Hoa Kỳ là USS Lassen đi qua khu vực 12 hải lý quanh Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa (bãi đá này Trung Quốc đã tiến hành cơi nới xây dựng thành đảo nhân tạo), người phát ngôn Việt Nam chỉ nói chung chung là Việt Nam : "Tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông" và "kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định" ở Biển Đông.

Từ lâu, cách phát ngôn nước đôi của "người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam" đã khiến hơn 80% người dân Việt không thích Trung Quốc trở nên phát ngấy. Rất nhiều lần, mặc dù luôn tuyên bố chủ quyền với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng phía Việt Nam đã tìm cách im lặng "cho nó lành" trước Trung Quốc. Ngay cả vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm Biển Đông vào giữa năm 2014 cũng không làm cho giới lãnh đạo Việt Nam sôi sục nỗi liêm sỉ. Khi đó, đã không có bất kỳ một văn bản nào của Bộ Chính trị hay nghị quyết nào của Quốc hội Việt Nam lên án hành vi xâm phạm của Trung Quốc.

Vì sao từ đầu năm 2016 đến nay, giới lãnh đạo Việt Nam lại tỏ ra "can đảm" lạ thường đến thế ?

Phải chăng đây chỉ là một động tác mị dân để cho thấy dàn lãnh đạo vừa cũ vừa mới trong Bộ Chính trị không đến nỗi quá "thân Trung" như dư luận đánh giá ?

Hay đã xuất hiện ra một mối nguy hiểm nào đó từ phía Trung Quốc mà Hà Nội không thể nhún nhường hơn ?

Nếu mối quan hệ Việt-Trung vào năm 2016 diễn ra tạm thời êm ả, thì đến giữa năm 2017 bắt đầu sóng gió. Trước sức ép của Trung Quốc và thậm chí Trung Quốc còn đe dọa sẽ tấn công các cứ điểm quân sự của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, vào ngày 24 tháng Bảy, chính quyền Việt Nam đã phải yêu cầu ngừng hoạt động thăm dò khí đốt của Repsol – một công ty Tây Ban Nha liên doanh với Việt Nam – ngay tại Bãi Tư Chính luôn được xem là "thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam", cùng lúc phải ngậm đắng nuốt cay khi không thể khoan và xuất cảng dầu ở Bãi Tư Chính để bù đắp cho lỗ hổng toang hoác của nền ngân sách rỗng ruột.

Sau đó, Trung Quốc còn gây sức ép thêm một lần nữa vào tháng 3 năm 2018 tại Bãi Tư Chính khiến Repsol có thể đã phải ‘một đi không trở lại’. Không những thế, Trung Quốc còn gây sức ép ở mỏ Lan Đỏ và Cá Voi Xanh mà đã khiến Bộ Chính trị Việt Nam mất ăn ngay trên ‘vùng biển chủ quyền không tranh cãi’ của mình.

Giờ đây, hy vọng mỏng manh còn lại cho nhu cầu ăn dầu và trám rỗng ngân sách của Việt Nam chỉ còn là Mỹ - đối trọng quân sự duy nhất với Trung Quốc tại Biển Đông.

Không thể khác hơn, đó là nguồn cơn khiến Bộ Ngoại giao Việt Nam tỏ ra "can đảm" từ bất ngờ đến dần có hệ thống khi đưa ra tuyên bố hoặc "tàu Mỹ đi qua vô hại", "tàu Mỹ tự do giao thông ở Biển Đông" và ‘tôn trọng tự do hàng hải’.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 15/01/2019

Published in Diễn đàn

Vụ "Bộ Chính trị đồng ý chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư metro số 1 và 2 ở Sài Gòn lên 95.000 tỷ đồng" đã bị Ban Tuyên giáo trung ương và có thể còn ở cấp cao hơn thế chỉ đạo xóa sạch khỏi mặt báo quốc doanh sau khi bị mạng xã hội lên án ‘đảng ngồi xổm trên pháp luật’.

tien1

Hành vi Bộ Chính trị bất chấp Luật Đầu tư công 2014, vội vã ‘ngồi xổm trên pháp luật’ để chấp thuận điều chỉnh tổng mức đầu tư metro số 1 và 2 lên đến 95.000 tỷ đồng phải chăng là một động tác nhằm hợp thức hóa số tiền khổng lồ đã chui gọn vào túi giới quan tham trong dự án này ? Và nếu đúng là như thế, những kẻ nào hay nhóm lợi ích nào đã ‘lobby’ để ‘tập thể Bộ Chính trị’ qua mặt Quốc hội khi thực hiện sự thông qua - chỉ có thể gọi đúng nghĩa là bất hợp pháp - như thế ?

Theo quy định tại Luật Đầu tư công 2014, dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỉ đồng trở lên thuộc dự án trọng điểm quốc gia, phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư và Thủ tướng Chính phủ ra quyết định đầu tư. Nhưng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tự phê duyệt điều chỉnh dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 - một biểu hiện quá rõ ràng về tội ‘cố ý làm trái’. Rồi sau đó, tổ chức có tên là ‘Bộ Chính trị’ thậm chí còn làm thay công việc của Quốc hội khi điều chỉnh tổng mức đầu tư của không chỉ một mà đến hai dự án metro.

Tuy thế đến lúc này, dấu hỏi cực lớn là ‘tiền đâu làm dự án’.

Bởi cho tới nay Nhật Bản - nhà tài trợ cho dự án Metro số 1 - vẫn chưa hề cam kết là sẽ bố trí vốn tài trợ cho dự án này, lồng trong cảnh dự án Metro số 1 bị đội vốn đến hơn 30.000 tỷ đồng, từ hơn 17 ngàn tỷ lên đến 47 ngàn tỷ, lập kỷ lục đội vốn trong số các công trình xây dựng giao thông thuộc loại ‘đơn giá đắt nhất hành tinh’ và tỷ lệ ‘ăn chia’ lên đến 50 - 70% giá trị công trình mà chỉ có ở dải đất chữ S thời độc đảng và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong khi đó, phía Việt Nam lại bị Nhật Bản kéo áo đòi số tiền 100 triệu USD còn thiếu nhà thầu Nhật trong thi công dự án Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên ở Sài Gòn. Tất đáng chú ý là cú đòi nợ của Nhật đã từ nhà thầu lên tới cấp đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam rồi đến cấp bộ trưởng ngoại giao Nhật. Có thể cho rằng là lần đầu tiên Nhật Bản - quốc gia mà Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất từ nguồn vốn phát triển chính thức ODA và luôn mơn trớn người Nhật để được vay mượn và nhận viện trợ không hoàn lại nhiều hơn thế, đã công khai phi vụ đòi nợ cho quốc tế biết, bất chấp phía Việt Nam kiên định giữ kín câu chuyện đáng xấu hổ này.

Trước đây, Nhật Bản là quốc gia tỏ ra hào phóng nhất trong chính sách cung cấp viện trợ ODA cho Việt Nam. Từ năm 1992 khi cơ chế ODA được Nhật nối lại với Việt Nam, cho tới nay Nhật đã cung cấp cho Hà Nội khoảng 25 tỷ USD. Trong 5 tính theo năm tài chính Nhật Bản 2012-2016, trung bình mỗi năm, Nhật Bản hỗ trợ ODA cho Việt Nam là 160 tỷ yên (32.500 tỷ đồng) theo hình thức vốn vay, 2,3 tỷ yên (467 tỷ đồng) theo hình thức viện trợ không hoàn lại và 8,7 tỷ yên (1.760 tỷ đồng) theo hình thức hợp tác kỹ thuật.

Ngay vào thời gian những năm 2015 và 2016 khi các chủ nợ lớn nhất của Việt Nam là Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu đồng loạt tuyên bố Việt Nam không còn được vay tín dụng với lãi suất ưu đãi và thời gian ân hạn kể từ tháng Bảy, 2017, Nhật Bản vẫn "trung thành" với Việt Nam khi tiếp tục đều đặn rót vào nước này từ 1 – 1,5 tỷ USD hàng năm cho các công trình xây dựng hạ tầng cơ sở.

Nhưng từ đầu năm 2017, viện trợ ODA của Nhật cho Việt Nam đã giảm dần.

2018, sau vài chục năm "vay mượn, vay mượn ồ ạt cho đến khi sụp đổ", ngân sách Việt Nam đã biến thành một tổ mối đúng nghĩa : tỉ lệ nợ công/GDP vượt xa giới hạn nguy hiểm, còn cộng đồng tài chính quốc tế đang thẳng tay "cấm cửa" vay mượn ODA đối với chính thể mà ngay giới chuyên gia quốc tế còn rành rẽ một giai thoại dân gian : một chương trình an sinh xã hội của chính phủ Việt Nam nhận nguồn ODA có tên là ‘Chương trình 135’, nhưng khi tiền được phân bổ từ cấp cơ quan trung ương xuống cơ quan địa phương rồi đến tay người dân thì đã biến thành công thức ‘5 - 3 - 1’, tức những người khốn khổ nhất trong xã hội lầm than này chỉ nhận một phần quá nhỏ nhưng vẫn phải tự nguyện ‘cám ơn đảng và nhà nước ta’, cũng tự nguyện làm bình phong để giới quan chức có cớ ‘xóa đói giảm nghèo’ để xin ODA.

Từ nhiều năm qua, ODA đã trở thành một trong những quốc nạn về tham nhũng ở Việt Nam. Tỷ lệ thất thoát bình quân tại nhiều dự án ODA được đồn đoán khoảng 20 – 25%.

2018, sau vài chục năm nhận ‘lộc trời’, ODA đã trở thành một trong những bi kịch ‘vĩ đại’ nhất của chính thể Việt Nam.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 08/01/2019

Published in Diễn đàn

Đã quá rõ là từ cuộc điều trần ở Bỉ vào tháng 10 năm 2018 cho đến cuối năm đó, chính thể độc đảng ở Việt Nam đã chẳng chịu làm một điều gì để cải thiện nhân quyền...

 

evfta1

Tại cuộc họp vào tháng Ba năm 2019, rất có thể Nghị viện Châu Âu sẽ bỏ phiếu phản bác hiệp định này, đưa mối quan hệ giữa Châu Âu và Việt Nam về thời… tiền sử.

Khi năm 2018 đã chính thức lết trôi cái thân hình rã rượi của nó qua ngày cuối cùng, trong lúc Thủ tướng Phúc vẫn say sưa nghiêng ngoẹo bản thành tích về các chỉ tiêu kinh tế cơ bản đã đạt được và đặc biệt là GDP tăng tới 7%, một dấu ấn không hề mờ nhạt và không thể trốn tránh là việc ông Phúc đã cố tình không nhắc chút nào đến ‘EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu) được ký kết’ - điều mà ông ta cùng hệ thống tuyên giáo của đảng cầm quyền đã ra sức khoa trương trong hai tháng 10 và 11 năm 2018.

Thậm chí cho đến đầu tháng 12 năm 2018, Bộ Lao động, thương binh và xã hội còn tổ chức Hội thảo "Cam kết lao động trong Hiệp định CPTPP và FTA với EU". Đã rõ là chủ đề hội thảo này phản ánh tư thế ăn chắc về ‘EU cần Việt Nam hơn là Việt Nam cần EU’, ‘EVFTA trước sau gì cũng sẽ được ký kết’ và ‘Việt Nam thành công với EVFTA’, tức hiệp đnh này sẽ được Cộng đồng Châu Âu cho phép Ủy ban thương mại Châu Âu ký kết với Việt Nam vào tháng Mười Hai năm 2018, để sau đó đến tháng Ba năm 2019 sẽ được Nghị viện Châu Âu chính thức phê chuẩn, mang lại một nguồn máu quý báu giúp cho chân đứng kinh tế của chính thể độc trị ở Việt Nam - vốn đang suy nhược toàn thân - thêm một thời gian cầm cự nữa.

Nhưng vì sao EVFTA vẫn chưa thể ký ?

Chính phủ và Bộ Lao động, thương binh và xã hội có thể đã không cập nhật tình hình thời sự, hoặc không thèm quan tâm đến một yếu tố mà có thể khiến EVFTA tưởng như nằm trong túi Việt Nam vẫn có thể tuột ra : nhân quyền trong EVFTA.

Bởi khác rất nhiều với quan hệ EU - Việt Nam cách đây vài năm, tình thế hiện thời đã chuyển biến lớn : nhân quyền và công đoàn độc lập mới là số một trong những điều kiện cần của EVFTA.

Ngày 15/11/2018, gần một tháng sau khi Việt Nam đã tưởng như chắc ăn khi Ủy ban Châu Âu đồng thuận làm tờ trình cho Hội đồng Châu Âu để xem xét việc ký kết EVFTA với Việt Nam, Nghị viện Châu Âu đã bất ngờ tung ra nghị quyết 2018/2925(RSP) về nhân quyền nhấn kỳ vọng ‘EVFTA được ký kết’ từ xác suất cao hoặc rất cao xuống mốc 50/50.

Khác nhiều với quan điểm không mấy rõ ràng và dứt khoát của Ủy ban Châu Âu, ngay phần đầu của nghị quyết 2018/2925(RSP) đã khẳng định : "Quan hệ giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam phải căn cứ trước hết trên nền tảng tôn trọng nhân quyền, dân chủ và pháp quyền ; và trên cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế về lĩnh vực này".

Toàn bộ nội dung của bản nghị quyết 2018/2925(RSP) giống hệt một cáo trạng toàn diện và đanh thép lên án chính thể độc đảng ở Việt Nam về rất nhiều hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng về các quyền tự do tôn giáo, tự do biểu đạt, tự do báo chí và Internet, bắt bớ người hoạt động nhân quyền, đàn áp người biểu tình, không chịu ký kết các công ước quốc tế về lao động…

Động thái tung ra bản nghị quyết nhân quyền của Nghị viện Châu Âu vào ngày 15/11/2018 đã hàm ý như một thông điệp trực tiếp cho Cộng đồng Châu Âu về quan điểm ‘nhân quyền trước hết’, trước khi cơ quan này họp để quyết định có cho phép Ủy ban Châu Âu ký EVFTA với Việt Nam hay không.

Bản nghị quyết trên cũng chính thức xác lập quan điểm rất rõ ràng của Nghị viện Châu Âu về EVFTA. Điều đó có nghĩa là cho dù EVFTA có được Cộng đồng Châu Âu cho phép ký kết, nhưng tại cuộc họp vào tháng Ba năm 2019, rất có thể Nghị viện Châu Âu sẽ bỏ phiếu phản bác hiệp định này, đưa mối quan hệ giữa Châu Âu và Việt Nam về thời… tiền sử.

Từ trước khi hồ sơ EVFTA được Ủy ban Châu Âu tổ chức điều trần tại Brussels vào tháng Mười năm 2018, đã xuất hiện nhiều cảnh báo từ giới quan chức Châu Âu về việc nếu EVFTA không kịp được phê chuẩn trước khi Nghị viện Châu Âu tổ chức bầu cử, sẽ không có gì chắc chắn là nghị viện mới của Châu Âu - với nhiều gương mặt nghị sĩ mới và quan điểm cũng khác biệt - sẽ dễ dàng thông qua EVFTA. Thậm chí trong trường hợp ‘xấu nhất’, bản hiệp định này sẽ bị một nghị viện mới bộn bề công việc, trong đó bao gồm cả quan điểm chiếm số đông về không thể chấp nhận cho một nhà nước Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng được hưởng lợi từ thị trường chung Châu Âu, gạt phắt sang một bên để số phận của EVFTA cũng hẩm hiu tương tự như Hiệp định TPP vào đầu năm 2017 khi bị Mỹ rút ra.

Đã quá rõ là từ cuộc điều trần ở Bỉ vào tháng 10 năm 2018 cho đến cuối năm đó, chính thể độc đảng ở Việt Nam đã chẳng chịu làm một điều gì để cải thiện nhân quyền. Cũng đã quá rõ là chính vì nguyên do rất chính yếu ấy mà Cộng đồng Châu Âu đã không cho phép Ủy ban Châu Âu ký EVFTA với Việt Nam, cho dù bản thảo của hiệp định này đã khá đầy đủ và nằm sẵn trên bàn chỉ chờ ký.

Thường Sơn

Nguồn : RFA, 02/01/2019

Published in Diễn đàn

‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng sẽ bước vào năm 2019 với những thách thức vừa khách quan vừa chủ quan, nhưng thách thức nào cũng đáng kể, dành cho công cuộc ‘đốt lò’ của ông ta.

dotlo1

Nguyễn Phú Trọng đã để lộ ‘bài’ quá nhiều kể từ khi khởi sự ‘đốt lò’, đủ khiến giới quan tham có thể liên kết với nhau, nhằm phản ứng lại những kế hoạch ‘chống tham nhũng’.

Cho đến nay, thành tích được xem là ‘chống tham nhũng’ của ông Trọng vẫn còn hết sức khiêm tốn.

Thành tích "diệt hổ" đáng kể nhất của Nguyễn Phú Trọng đến giờ phút này mới chỉ là ông Đinh La Thăng - một ủy viên Bộ Chính Trị kiêm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh - trường hợp có thể được xem là tương đương với Bạc Hy Lai ở Trung Quốc.

Còn thành tích "diệt ruồi" của ông Nguyễn Phú Trọng cho đến cuối năm 2017 vẫn ấn tượng đến mức các cơ quan tư pháp Việt Nam "chỉ phát hiện năm trường hợp kê khai không trung thực trong số hơn 1 triệu công chức kê khai tài sản". Và đến cuối năm 2018, chỉ lẻ tẻ một số quan chức bậc trung và thấp ở địa phương bị xử lý không thật nghiêm khắc, trong khi vẫn phổ biến không khí "trên nóng dưới lạnh" ở rất nhiều tỉnh thành.

Cũng khác hẳn với chiến dịch "Săn cáo" được Trung Quốc tổ chức khá hiệu quả mà đã lôi về hàng trăm quan chức tham nhũng lẩn trốn ở nhiều quốc gia trên thế giới, chính trường Việt Nam vẫn còn nguyên thời kỳ ồ ạt quan chức "ra đi tìm đường cứu nước", mang theo một khối tài sản và ngoại tệ khổng lồ mà gần như không bị đảng và các cơ quan thừa hành pháp luật chế tài.

Những cái tên Trịnh Xuân Thanh, Lê Chung Dũng, Vũ Đình Duy… chỉ là phần chóp nổi của một tảng băng còn phần lớn thể tích chìm sâu trong rác rến cặn bã nhân loại. Còn vô số quan chức, với không hiếm trong số đó được ông Nguyễn Phú Trọng nhẵn mặt, đang bị người đời xem là "nền chính trị quái vật nhiều đầu hiếp dâm nền kinh tế dân sinh chỉ còn một cái đầu để thở".

Thiếu hẳn yếu tố bất ngờ và ra đòn mạnh mẽ của Tập Cận Bình trong chiến dịch ‘đả hổ diệt ruồi’, Nguyễn Phú Trọng đã để lộ ‘bài’ quá nhiều kể từ khi khởi sự ‘đốt lò’, đủ khiến giới quan tham thời hậu Dũng’ và ‘hậu Quang’ có thể liên kết với nhau, dù chưa đủ rộng và sâu, nhằm phản ứng lại những chủ trương, kế hoạch ‘chống tham nhũng’. Mới đầu chỉ là than thở ‘ông Trọng làm căng quá’, sau đó đến ‘tụ tập đông người’, và đến khi xuất hiện ‘đầu lãnh’ thì có lẽ đã có hẳn một kế hoạch ‘chống Trọng’.

Chưa kể một yếu điểm rất lớn của ông Trọng đã bật ra lồ lộ suốt từ khi bắt đầu ‘chống tham nhũng’ đến nay : trong khi ‘đốt lò’ quá chăm chăm vào việc thanh trừng những đối thủ chính trị cũ và mới, thì nhiều quan chức vừa tham nhũng vừa điều hành yếu kém nhưng được cho là người của ‘phe Trọng’ vẫn ung dung tồn tại và đi rao giảng ‘đạo đức xã hội chủ nghĩa’ : cho tới giờ này vẫn còn sờ sờ ra đó những Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng y tế liên đới trách nhiệm vụ nhập thuốc ung thư giả ; Võ Kim Cự, cựu bí thư Hà Tĩnh bị xem là tội đồ tiếp tay cho thảm họa môi trường Formosa ; Trần Hồng Hà, Bộ trưởng tài nguyên môi trường liên đới trách nhiệm vụ thảm họa xả thải của Formosa ; Trịnh Văn Chiến - Bí thư Thanh Hóa bị quá nhiều dư luận về tài sản, làm ăn riêng và bồ bịch ; một bộ trưởng giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ với thành tích điều hành dưới cả mức tệ hại nhưng vẫn không bị cách chức, cùng hàng lô hàng lốc quan chức đầu tỉnh thành bị dư luận xem là "cánh hẩu" với những quan chức cận thần ở các ban đảng của Nguyễn Phú Trọng.

Hoặc Trương Minh Tuấn - quan chức phải miễn cưỡng rời khỏi cái ghế bộ trưởng thông tin và truyền thông béo bở - được ông Trọng gấp rút và đặc cách chỉ định ngồi vào ghế Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương khi âm mưu ăn cắp tiền gần 9 ngàn tỷ đồng từ phi vụ ‘MobiFone mua AVG’ còn chưa hoàn tất cái bi kịch lịch sử của nó.

Đó là nguồn cơn vì sao mà sau hai năm rưỡi phát động cuộc chiến ‘chống tham nhũng’, Nguyễn Phú Trọng vẫn bị những cựu thần và tướng lĩnh lão thành - giới mà ông Trọng dành cho nhiều tình cảm về chủ nghĩa ý thức hệ cộng sản và nhiệm vụ bảo vệ đảng và do đó thường tham khảo ý kiến - chỉ trích nặng nề vì đã không xử nghiêm Trương Minh Tuấn và những quan chức khác thuộc ‘phe đảng’ để cân xứng và công bằng với các vụ xử ‘phe Nguyễn Tấn Dũng’.

Cho tới nay, bất chấp chiến dịch tấn công "đốt lò" thậm chí đã được cả quốc tế biết đến, người ta vẫn tự hỏi liệu Nguyễn Phú Trọng sau nhiều hô hào và hứa hẹn nhưng có "chống tham nhũng công bằng", hoặc phải "chống tham nhũng cả phe ta" như người dân mong mỏi và đòi hỏi hay sẽ không bao giờ ? Hay ông Trọng chỉ "chống tham nhũng một bên" nhằm thanh trừng nhân sự và thu hồi một phần tài sản tham nhũng nhằm kéo được ngày nào hay ngày nấy chế độ độc đảng của ông ta ?

Làn sóng chỉ trích ông Trọng, dù vẫn trong giai đoạn mang tính nội bộ mà chưa đi vào thời kỳ được công bố trên báo chí, đã và sẽ khiến ‘uy tín’ của Nguyễn Phú Trọng bị lao dốc không ít, chưa kể ước mơ tái hiện hình ảnh cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh với ‘Đổi Mới’ ba chục năm về trước và ‘lưu truyền sử xanh’ của ông Trọng trong tương lai rất có thể sẽ tan vỡ như bong bóng xà phòng trong khi lịch sử vẫn còn đang ngái ngủ.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 31/12/2018

Published in Diễn đàn

Dù thời gian đã trôi nhanh qua già nửa nhiệm kỳ, "người em" Nguyễn Phú Trọng tuy có năm sinh trước "ông anh" Tập gần một chục năm và thâm niên làm tổng bí thư đảng hơn "ông anh" Tập cả năm, lại vẫn chưa đạt được những kết quả mang tính thực chất và khiến người ta có thể tin kết quả đó là bền vững...

tcb1

Bức ảnh này, nhất là phần chân, hẳn cho thấy ai 'cao' hơn...

Nhiều nhà bình luận chính trị độc lập ở Việt Nam đều có chung nhận xét và rất tương hợp với tình hình thực tế là cho dù có ‘diệt’ được những quan chức bị xem là ‘trùm tham nhũng’ như Nguyễn Tấn Dũng và Lê Thanh Hải, ‘người đốt lò vĩ đại’ Nguyễn Phú Trọng vẫn phải đối mặt với rất đông đảo quan chức tham nhũng từ cấp trung ương xuống các địa phương - những nhân sự đầu bộ ngành và đầu tỉnh thành không chỉ rơi rớt lại từ thời Nguyễn Tấn Dũng mà còn chính là nhân sự được ông Trọng và Ban Bí thư điều chuyển, chỉ định sau khi Dũng đã ‘trở về làm người tử tế’ và từ sau năm 2016 đến nay, và nói chung lớp nhân sự đó chính là con đẻ của một chế độ chính trị độc tài sinh ra đặc quyền và đặc lợi.

Việt Nam thời ‘hậu Trần Đại Quang’. Đang hiện ra những dấu hiệu cho thấy khả năng xuất hiện một số đông quan chức trực tiếp tham nhũng cấu kết với nhau và còn có thể lôi kéo được một số đông khác quan chức gián tiếp tham nhũng, biến thành một lực lượng đủ đông và đủ tinh vi để chống lại chủ trương của một nhà nước trung ương tập quyền, đặc biệt là chủ trương ‘chống tham nhũng’.

Hiện tượng hơn 2/3 đại biểu quốc hội bỏ phiếu không tán đồng với một dự luật về truy thu tài sản có nguồn gốc bất minh của quan chức tại kỳ họp quốc hội tháng 10 -11 năm 2018, và có đến 36% ủy viên trung ương bỏ phiếu không đồng ý cách chức quan chức Tất Thành Cang tại Hội nghị trung ương 9 vào tháng 12 năm 2018 đã phản ánh khả năng trên.

Cho đến nay, khả năng trên không chỉ còn là một giả thiết mơ hồ mà đang lờ mờ hiện hình trong chính giới Việt Nam - hiện tượng mà Tập Cận Bình đã phải vất vả đối phó ở Trung Quốc sau khi đã diệt những quan chức cấp Bộ Chính trị như Bạc Hy Lai - bí thư Trùng Khánh, Chu Vĩnh Khang - bộ trưởng công an, Từ Tài Hậu - phó bí thư quân ủy trung ương, …

Nhưng ở Trung Quốc, Tập Cận Bình đã thành công lớn trong không chỉ ‘đả hổ’ mà còn ‘diệt ruồi’.

Không phải là nhân vật có nhiều phát ngôn nổi bật và ưa trích dẫn kinh viện Mác-Lê như Nguyễn Phú Trọng, Tập Cận Bình đã tỏ ra là người thích hành động, hành động thâm trầm và bất ngờ hơn là nói và khoa trương thành tích.

Từ năm 2012 đến nay, có đến 1,3 triệu quan chức cấp cấp bị kỷ luật và xử lý hình sự - một con số cho thấy Tập đã tiến hành một cách không chỉ mang tính ‘ví dụ’ mà còn khá thực chất trong cuộc chiến chống chống tham nhũng, cho dù cuộc chiến này không chỉ làm trong sạch môi trường chính trị mà còn nhắm tới mục tiêu tôn tạo hình ảnh ‘hoàng đế Tập Cận bình’ với uy quyền gần như tuyệt đối kể từ thời Mao Trạch Đông những năm 60 của thế kỷ XX.

Để đạt được thắng lợi đáng kể trên, Tập Cận Bình đã biết vận dụng một phương châm cộng sản ‘muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa’. Cạnh Tập và trên thực tế là cánh tay phải của Tập là Vương Kỳ Sơn - vào thời đó còn là chủ nhiệm Ủy ban Kiểm ra Kỷ luật trung ương, một quan chức được xem là sạch sẽ, thâm trầm, lạnh lùng, tàn nhẫn và không nương tay đối với các đối thủ chính trị và quan tham. Tập Cận Bình chỉ trong một thời gian khá ngắn cũng xây dựng được một đội ngũ thừa hành ý đồ của mình, từ cấp trung ương xuống nhiều tỉnh và thành phố. Đặc biệt, Tập nắm chắc lực lượng quân đội để vừa khống chế công an, vừa không sợ bị đảo chính, đồng thời nắm chắc lực lượng công an - ‘thanh bảo kiếm’ chém đông chặt tây và tống rất nhiều quan tham vào vòng lao lý.

Người ta đã ngạc nhiên vì cái cách mà Tập Cận Bình đã loại trừ một cách êm thắm ‘phái Giang Trạh Dân’ mà không gây ra đổ máu. Người ta cũng ngạc nhiên vì dù có hay không có tác động lãnh đạo hoặc kích động của những đối thủ chính trị và quan tham còn lại từ thời Giang Trạch Dân, đã không hề xảy ra một sự cấu kết trên diện rộng và theo chiều sâu của giới quan tham cấp tỉnh thành ở nhiều khu vực với nhau để chống lại Tập Cận Bình. Bằng chứng rõ rệt là tại đại hội 19 của đảng cộng sản Trung Quốc vào cuối năm 2017, họ Tập thậm chí còn được quốc hội nước này gật đầu hủy bỏ cơ chế giới hạn tối đa hai nhiệm kỳ chủ tịch nước, mà thực chất là làm ‘hoàng đế suốt đời’. Không những thế, Tập Cận Bình còn thu được kết quả cái gật đầu của tuyệt đại đa số quốc hội và ban chấp hành trung ương về ‘tư tưởng Tập Cận Bình’ được đưa vào hiến pháp Trung Hoa - điều mà trước đó chỉ Mao Trạch Đông mới giành được.

Còn ở Việt Nam, dù thời gian đã trôi nhanh qua già nửa nhiệm kỳ, "người em" Nguyễn Phú Trọng tuy có năm sinh trước "ông anh" Tập gần một chục năm và thâm niên làm tổng bí thư đảng hơn "ông anh" Tập cả năm, lại vẫn chưa đạt được những kết quả mang tính thực chất và khiến người ta có thể tin kết quả đó là bền vững, cho dù ông Trọng đã nắm được vai trò bí thư quân ủy trung ương từ trước và sau đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016, thậm chí còn "tự cơ cấu" vào Đảng Ủy Công An Trung Ương vào cuối năm đó.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 30/12/2018

Published in Diễn đàn

Thời gian của EVFTA đang là kẻ thù của giới chóp bu Việt Nam...

Ngày 20/12, cuộc hội thảo về triển vọng của Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) được tổ chức tại Paris, nhằm đánh giá những cơ hội cho cả hai bên trong thời gian tới. Các nhà chính trị và chuyên gia kinh tế Pháp cho rằng hiệp định này rất quan trọng và có lợi cho cả hai bên, do đó cần sớm hoàn tất việc phê chuẩn.

eu11

Hội thảo "Quan hệ đối tác kinh tế Việt - Pháp ngày càng được tăng cường. Các triển vọng của Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam - EU" được tổ chức vào ngày 20/2/2018 tại Paris không còn phát ra thông điệp ‘EVFTA sắp được ký kết và đi vào thực hiện’ hoặc ‘Việt Nam thành công với việc EVFTA sắp được ký kết’, mà chỉ rụt rè với câu ‘đang chờ Nghị viện Châu Âu và 28 nước thành viên phê duyệt’.

Cuộc hội thảo trên do Hội Hữu nghị Pháp - Việt, Hội người Việt Nam tại Pháp và Hội "Nhà Việt Nam" phối hợp tổ chức nhân dịp kỷ niệm 45 quan hệ ngoại giao và năm năm quan hệ đối tác chiến lược, được báo đảng Nhân Dân tường thuật.

Hội thảo "Quan hệ đối tác kinh tế Việt - Pháp ngày càng được tăng cường. Các triển vọng của Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam - EU" được tổ chức vào ngày 20/2/2018 tại Paris.

Vì sao lại có sự thay đổi đáng kể về giọng điệu và ngữ điệu của các cơ quan tuyên truyền Việt Nam khi đề cập về thì tương lai gần của EVFTA, khi mới cách đây vài tháng bầu không khí tuyên truyền này vẫn còn rất phấn khích và đắc thắng ?

Cần nhắc lại, ngay khi hồ sơ EVFTA được Ủy ban Châu Âu tổ chức điều trần tại Brussels vào tháng Mười năm 2018 và sau đó Ủy ban Thương mại Châu Âu có tờ trình cho Cộng đồng Châu Âu (cơ quan cấp trên của ủy ban này) đề xuất cho phép ủy ban này ký với Việt Nam về EVFTA, khả năng lớn là EVFTA sẽ được ký kết trong tháng 11 hoặc chậm lắm là 12 năm 2018, để sau đó còn được đệ trình cho Nghị viện Châu Âu để bỏ phiếu quyết định. 

Nhưng trong khoảng thời gian từ tháng 10 năm 2018 đến nay, đã xảy ra một động thái mà chính phủ lẫn các cơ quan tuyên truyền của Việt Nam rất có thể đã bị sốc và bị kéo chân xuống mặt đất gồ ghề và trần trụi. Đó là việc vào ngày 15/11/2018, Nghị viện Châu Âu đã bất ngờ tung ra nghị quyết 2018/2925(RSP) về nhân quyền mà đã nhấn kỳ vọng ‘EVFTA được ký kết’ từ xác suất cao hoặc rất cao xuống mốc 50/50.

Khác nhiều với quan điểm không mấy rõ ràng và dứt khoát của Ủy ban Châu Âu, ngay phần đầu của nghị quyết 2018/2925(RSP) đã khẳng định : "Quan hệ giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam phải căn cứ trước hết trên nền tảng tôn trọng nhân quyền, dân chủ và pháp quyền ; và trên cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế về lĩnh vực này".

Toàn bộ nội dung của bản nghị quyết 2018/2925(RSP) giống hệt một cáo trạng toàn diện và đanh thép lên án chính thể độc đảng ở Việt Nam về rất nhiều hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng về các quyền tự do tôn giáo, tự do biểu đạt, tự do báo chí và Internet, bắt bớ người hoạt động nhân quyền, đàn áp người biểu tình, không chịu ký kết các công ước quốc tế về lao động…

Động thái tung ra bản nghị quyết nhân quyền của Nghị viện Châu Âu vào ngày 15/11/2018 đã hàm ý như một thông điệp trực tiếp cho Cộng đồng Châu Âu về quan điểm ‘nhân quyền trước hết’, trước khi cơ quan này họp để quyết định có cho phép Ủy ban Châu Âu ký EVFTA với Việt Nam hay không.

Bản nghị quyết trên cũng chính thức xác lập quan điểm rất rõ ràng của Nghị viện Châu Âu về EVFTA. Điều đó có nghĩa là cho dù EVFTA có được Cộng đồng Châu Âu cho phép ký kết, nhưng tại cuộc họp vào tháng Ba năm 2019, rất có thể Nghị viện Châu Âu sẽ bỏ phiếu phản bác hiệp định này, đưa mối quan hệ giữa Châu Âu và Việt Nam về thời… tiền sử.

Hoàn toàn có thể hiểu rằng bản nghị quyết nhân quyền trên chính là điều kiện cần để Cộng đồng Châu Âu và Ủy ban Châu Âu lấy đó là thươc đó chính yếu trong việc xem xét có ký kết EVFTA với Việt Nam hay là chưa hoặc không. Và kết quả cho đến giờ này là chưa ký.

Mà EVFTA chưa ký thì không thể nào trình cho Nghị viện Châu Âu được. Nói cách khác, động tác EVFTA ‘đang chờ Nghị viện Châu Âu và 28 nước thành viên phê duyệt’ mà báo đảng Nhân Dân tường thuật chỉ là công đoạn sau của việc ký kết EVFTA.

Từ trước khi hồ sơ EVFTA được Ủy ban Châu Âu tổ chức điều trần tại Brussels vào tháng Mười năm 2018, đã xuất hiện nhiều cảnh báo từ giới quan chức Châu Âu về việc nếu EVFTA không kịp được phê chuẩn trước khi Nghị viện Châu Âu tổ chức bầu cử, sẽ không có gì chắc chắn là nghị viện mới của Châu Âu - với nhiều gương mặt nghị sĩ mới và quan điểm cũng khác biệt - sẽ dễ dàng thông qua EVFTA. Thậm chí trong trường hợp ‘xấu nhất’, bản hiệp định này sẽ bị một nghị viện mới bộn bề công việc, trong đó bao gồm cả quan điểm chiếm số đông về không thể chấp nhận cho một nhà nước Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng được hưởng lợi từ thị trường chung Châu Âu, gạt phắt sang một bên để số phận của EVFTA cũng hẩm hiu tương tự như Hiệp định TPP vào đầu năm 2017 khi bị Mỹ rút ra.

Vào lúc này đây, giới chóp bu Việt Nam đang đứng trước một ngã rẽ quyết định và sống còn cho sự tồn tại được ngày nào hay ngày đó của thể chế này : nếu không thực tâm cải thiện nhân quyền và cả cải cách chính trị, sẽ chẳng có bất kỳ tương lai nào cho EVFTA - cả về ký kết lẫn triển khai hưởng lợi sau ký kết.

Thời gian của EVFTA đang là kẻ thù của giới chóp bu Việt Nam.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 26/12/2018

Published in Diễn đàn

Hội nghị trung ương 9 của đảng cầm quyền đã được xác định sẽ diễn ra từ ngày 25 đến 28 tháng 12 năm 2018 - có vẻ trễ hơn dự kiến.

ttc1

Tất Thành Cang (trái) còn đang 'tại ngoại' và Đinh La Thăng (phải) đã ở trong tù.

Và dường như một trong những lý do khiến Hội nghị trung ương 9 bị trễ có thể là vấn đề của Tất Thành Cang - một quan chức ‘ăn đất’ mà cho tới lúc này vẫn còn là Ủy viên trung ương, Phó bí thư thường trực thành ủy Thành phố H Chí Minh.

Giữa tháng 12 năm 2018, một ủy viên (giấu tên) trong Ban Thường vụ thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh có vẻ chủ động thông tin cho báo chí nhà nước biết rằng ‘đồng chí Tất Thành cang xin nghỉ phép không hưởng lương’ để ‘đi họp trung ương’.

Nhưng chuyện quan chức ủy viên trung ương đi công tác ở Hà Nội hoặc tham dự Hội nghị trung ương 9 đương nhiên là công vụ và không cần phải xin nghỉ phép hoặc không ăn lương. Hẳn đã có một lý do đặc biệt mà Tất Thành Cang đi ‘công tác’ một cách không tự nguyện.

Sau đó, một số tờ báo nhà nước đưa tin về vụ ‘Tất Thành Cang’ nghỉ phép’ với số ngày nghỉ phép khác nhau : có báo 15 ngày, có báo 18 ngày - từ ngày 17 tháng 12 năm 2018 đến ngày 3 tháng 1 năm 2019.

Trùng với thời điểm người trong Ban Thường vụ thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ‘xì tin’ cho báo chí như trên, nhiều thông tin không chính thức cho biết Tất Thành Cang đang bị điều tra về vụ ‘ăn đất’ Nhà Bè và vụ ‘nuốt’ hơn 1000 tỷ đồng cho mỗi km đường của 4 tuyến đường ở Thủ Thiêm.

Trước đó vào cuối tháng 11 năm 2018, ngay cả nhân vật nổi tiếng bởi thói quen ‘tự bó miệng’ là Nguyễn Thiện Nhân - thân là bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhưng lại chưa hề làm được bất cứ điều gì giúp cho dân oan Thủ Thiêm ngoài những hứa hẹn có cánh và ý đồ chỉ muốn đẩy dân oan vào khu tái định cư để khỏi đi khiếu kiện tố cáo - cũng phải lần đầu tiên thẽ thọt về ‘Bộ Chính trị sẽ quyết định mức kỷ luật đồng chí Tất Thành Cang vào tháng Mười Hai năm 2018’.

Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trước đó hầu như đã chẳng làm gì để xử lý Tất Thành Cang. Về Sài Gòn làm ‘vua’ đã được một năm rưỡi, nhưng năng lực của một bí thư thành ủy như Nguyễn Thiện Nhân chỉ được chứng tỏ bởi thái độ nhu nhược, co thủ và để cho ‘lũ người quy ám’ (tên một tác phẩm của đại văn hào Nga Dostoievsky) như Tất Thành Cang, Nguyễn Thị Quyết Tâm lộng hành và qua mặt.

Trước đây, Nguyễn Thiện Nhân đã hứa như đinh đóng cột trước công luận và người dân Thủ Thiêm là đến tháng Mười Một năm 2018 sẽ xử lý kỷ luật Tất Thành Cang. Song khi tháng Mười Một đã trôi qua, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vẫn bình chân như vại trong cảnh nước mắt Thủ Thiêm đã cạn khô, chỉ còn vẳng lại những lời chửi rủa và động tác ném giày vào mặt quan chức.

Sát thời điểm diễn ra Hội nghị trung ương 9, một số tờ báo nhà nước đã giật tít với cái tên Tất Thành Cang về sai phạm ‘rất nghiêm trọng’ và thậm chí còn so sánh tội trạng của Cang với Vũ ‘Nhôm’.

Những dấu hiệu trên cho thấy nhiều khả năng Tất Thành Cang đi ‘họp trung ương’ không phải chuyện gì khác ngoài việc ‘họp’ với công an, hay chính xác là phải ‘đi cung’ ở Bộ Công an - nơi mà ‘lò’ của Nguyễn Phú Trọng đang nóng dần lên vào cuối năm 2018 và đặc biệt sau cái chết của Trần Đại Quang.

Và do Hội nghị trung ương 9 sẽ kết thúc vào ngày 28/12/2018 trong khi Tất Thành Cang còn ‘nghỉ phép’ đến tận ngày 3/1/2019, có thể hiểu là Cang còn nhiều chuyện phải ‘hầu’ các quan công an.

Cho đến lúc này, khó mà hoài nghi là Hội nghị trung ương 9 sẽ ‘xử’ Tất Thành Cang bằng hình thức cách chức ủy viên trung ương của Cang.

Nhưng nếu chỉ bị cách chức, Tất Thành Cang vẫn được xem là hạ cánh an toàn và thách thức dư luận.

Từ trước khi bị phát hiện ‘sai phạm rất nghiêm trọng’, Tất Thành Cang đã bị dư luận phát hiện có tài sản nổi gần một chục ngôi biệt thự rải rác khắp Sài Gòn của Tất Thành Cang - theo một số nguồn tin trên mạng xã hội đăng tin kèm cả hình ảnh dẫn chứng rất chi tiết.

Nếu luật về truy thu tài sản có nguồn gốc bất minh được Quốc hội Việt Nam thông qua năm 2019 chứ không bị thất bại vì chỉ có 1/3 ủng hộ như vào tháng Mười Một năm 2018, hẳn số biệt thư trên của Tất Thành Cang - ước tính giá trị hàng chục triệu USD - sẽ tràn trề cơ hội được cống hiến cho ngân sách đảng thông qua chủ trương ‘thu hồi tài sản tham nhũng’ của tân chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Tại Hội nghị trung ương 9 này, dư luận xã hội và người dân, đặc biệt là khối dân oan đất đai lên đến hàng trăm ngàn người Việt Nam - đang nhìn vào quan điểm và thái độ xử lý Tất Thành Cang - Ủy viên trung ương, Phó bí thư thường trực thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh - của Nguyễn Phú Trọng cùng Bộ chính trị của ông ta như một phép thử quan trọng về thực chất của tuyên ngôn ‘chống tham nhũng không có vùng cấm’ hay chỉ là ‘chống tham nhũng một bên’.

Với quá nhiều sai phạm của một ‘đảng viên gương mẫu’ và chuyên đi răn dạy ‘học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh’ như Tất Thành Cang, quan chức này không thể chỉ bị cách chức.

Mà Tất Thành Cang cần phải bị khởi tố, tống giam, truy tố và và nhận một bản án tù thích đáng !

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 24/12/2018

Published in Diễn đàn

ExxonMobil là cái tên duy nhất dám đến Việt Nam để bàn bạc kế hoạch khai thác dầu khí, sau hai cái tên cho tới giờ chưa thấy quay trở lại - một là Repsol của Tây Ban Nha và cái tên kia là Tập đoàn Dầu khí Rosneft của Nga.

exxon1

Ngày 11/12/2018, Tập đoàn Dầu khí Mỹ ExxonMobil đã đến làm việc với Lọc dầu Bình Sơn

Ngày 11/12/2018, Tập đoàn Dầu khí Mỹ ExxonMobil đã đến làm việc với Lọc dầu Bình Sơn trước thềm triển khai hợp đồng FEED (tư vấn lập thiết kế tổng thể) trong dự án Cá Voi Xanh. Động thái này cho thấy khác với Repsol và Rosneft, ExxonMobil không mấy e ngại những đe dọa của Trung Quốc.

ExxonMobil từng thăm dò và hợp tác với Việt Nam để khai thác mỏ khí đốt Cá Voi Xanh ngoài khơi Quảng Nam, Quảng Ngãi. Mỏ này có trữ lượng đến 150 tỷ mét khối.

Vào tháng Giêng năm 2017, ExxonMobil đã trở thành nhà khai thác khí đốt lớn nhất của Việt Nam sau khi ký kết một hợp đồng trị giá 10 tỷ đô la để khai thác dầu khí trên biển Đông với PetroVietnam.

Vài tháng trước Hội nghị APEC 2017, ExxonMobil còn được Hà Nội bật đèn xanh cho việc thông báo chính thức khởi động dự án đầu tư khai thác khí đốt tại mỏ Cá Voi Xanh. Khi đó, báo chí nhà nước đã hoan hỉ như thể "sống lại" sau vụ Bãi Tư Chính tháng Bảy năm 2017 - khi Repsol, một công ty Tây Ban Nha liên doanh với PetroVietnam để khai thác dầu khí tại khu vực này, đã bị vài trăm tàu Trung Quốc bao vây và gây sức ép đến nỗi cuối cùng Repsol phải lặng lẽ rút lui khỏi Bãi Tư Chính, trong lúc toàn thể Bộ Chính trị lẫn Bộ Quốc phòng Việt Nam ngậm tăm lẫn ngậm đắng nuốt cay vì "có tiền trong túi mà không lấy được".

Kể từ khi Trung Quốc tuyên bố "đường Lưỡi Bò" 9 đoạn chiếm tới 90% diện tích Biển Đông, nhiều hãng dầu khí khác của Mỹ đã bỏ cuộc trước áp lực từ Trung Quốc. Nhưng ExxonMobil vẫn tiếp tục thăm dò và tập đoàn này đã phát hiện mỏ khí đốt lớn nhất của Việt Nam từ trước đến nay, nằm cách đất liền khoảng 100km.

Điều được giới chóp bu Việt Nam xem là ‘lợi thế lớn’ là mỏ Cá Voi Xanh hoàn toàn nằm ngoài bản vẽ "đường lưỡi bò" của Trung Quốc, do đó giới chóp bu Việt Nam không phải quá lo sợ về phản ứng của Bắc Kinh nếu PetroVietnam liên doanh với Mỹ để khai thác khí đốt tại đây.

Trong bối cảnh ngân sách Việt Nam đang nhanh chóng cạn kiệt và đặc biệt đang quá thiếu ngoại tệ để trang trải nợ quốc tế – lên tới 10 - 12 tỷ USD/năm – và để phục vụ cho nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ các nước, đồng thời phải bảo đảm dự trữ ngoại hối, 20 tỷ USD dự kiến khai thác được từ Cá Voi Xanh - được xem là dự án dầu khí lớn nhất của Việt Nam - là con số rất đáng để giới lãnh đạo Việt Nam tỏ một chút can đảm trước "đồng chí tốt" Trung Quốc.

Nhưng vào ngày 7/11/2017 - trùng với thời gian Tổng thống Trump dự Hội nghị thượng đỉnh kinh tế APEC Đà Nẵng mà được báo chí đảng tung hô "thành công tốt đẹp" và "Việt Nam là nước hưởng lợi kinh tế lớn nhất trong APEC", ExxonMobil đã mang lại nỗi thất vọng lớn lao cho giới chóp bu Việt Nam : Chủ tịch Liam Mallon của Công ty Phát triển ExxonMobil đã tuyên bố sẽ hoãn dự án hợp tác với Việt Nam trên biển Đông tới năm 2019, với lời giải thích rất cô đọng : "chúng tôi cần phải đạt được một số thỏa thuận cụ thể" trước khi triển khai đầu tư chính thức.

Khi đó, một số đánh giá đã giả thiết về nguyên nhân chủ yếu và có thể là duy nhất của việc phải hoãn dự án có thể là Trung Quốc gây sức ép mà đã khiến Việt Nam có thể phải điều đình để ExxonMobil tạm ngừng khai thác mỏ Cá Voi Xanh.

Đến tháng Ba năm 2018 khi xảy ra vụ Repsol phải lần thứ hai liên tiếp rút khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ, giả thiết đã biến thành thực tế được xác nghiệm một cách sống sượng : vẫn là "đối tác chiến lược toàn diện lớn nhất của Việt Nam" là Trung Quốc đã nhảy bổ vào nhà của giới chóp bu Việt Nam để đòi không được hợp tác với Mỹ mà phải hợp tác với Trung Quốc để khai thác dầu khí.

Vào tháng Tư năm 2018, lần đầu tiên ExxonMobil đã lên tiếng liên quan đến mỏ Cá Voi Xanh. Tuy không xác nhận về một sức ép của Trung Quốc đối với mỏ dầu khí dồi dào trữ lượng này, ExxonMobil vẫn khẳng định kế hoạch và lộ trình sắp tới - một biểu hiện cho thấy tập đoàn này không mấy lo ngại cho dù Bắc Kinh sẽ làm những động tác nhằm bắt buộc ExxonMobil phải rút khỏi mỏ Cá Voi Xanh như đã khiến Repsol phải rút khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ.

Trước đó, tập đoàn Mỹ này từng khẳng định rằng dự án này "không nằm ở vùng có tranh chấp", và rằng "chủ quyền là vấn đề chỉ các chính phủ mới có thể quyết định".

Rất có thể, sự tự tin của ExxonMobil khi lên tiếng về mỏ Cá Voi Xanh phát xuất tự sự hiện diện của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ cập cảng Đà Nẵng vào đầu tháng Ba năm 2018, nằm trong chiến lược tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại Biển Đông và sẵn sàng đối đầu với hải quân Trung Quốc, và sau đó là sự có mặt của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis ở Việt Nam vào tháng 10 năm 2018.

Ngày 11/10/2018, cùng lúc với thông tin chính thức về chuyến thăm Việt Nam bất ngờ vào trung tuần tháng Mười năm 2018 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis, John Bolton - Cố vấn An ninh Mỹ - đã tuyên bố "Mỹ sẽ hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông dù có Trung Quốc hay không".

Giờ thì đã rõ, sau chuyến công du Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã xuất hiện tin tức về ‘Mỹ cùng hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam ở Biển Đông’ và cái tên Tập đoàn ExxonMobil của Mỹ lại hiện ra một cách ấn tượng. Trong hoàn cảnh túng quẫn ngoại tệ, giới chóp bu Việt Nam rốt cuộc cũng đành đánh liều đặt cửa cho canh bạc ‘cùng khai thác dầu khí với Mỹ’.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 21/12/2018

Published in Diễn đàn