Luật sư người Đức của Trịnh Xuân Thanh bị buộc rời khỏi Việt Nam (RFA, 05/01/2018)
Luật sư Petra Schlagenhauf, người đại diện cho ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức, đã bị phía Việt Nam từ chối không cho nhập cảnh vào Việt Nam khi bà đến sân bay Nội Bài, Hà Nội hôm thứ 5 ngày 4/1, và bị buộc phải đáp chuyến bay sang Bangkok, Thái Lan vào tối cùng ngày.
Hình chụp ông Trịnh Xuân Thanh, không rõ ngày tháng, tại một công viên ở Đức. AFP
Cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC) Trịnh Xuân Thanh hiện đang phải đối mặt với cáo buộc cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô. Phiên tòa xử Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm sẽ diễn ra vào ngày 8 tháng 1 tới đây.
Trước đó phía Đức đã cáo buộc Hà Nội bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức hồi tháng 8 năm ngoái khi ông này đang xin tị nạn tại Đức. Chính phủ Hà Nội đã bác bỏ cáo buộc này và khẳng định Trịnh Xuân Thanh đã về nước đầu thú.
Bà Petra Schlagenhauf đã gửi email đến một số cơ quan báo chí thông báo về việc bà không được nhập cảnh vào Việt Nam. Hãng tin Spiegel của Đức trích email của bà Schlagenhauf cho biết phía Việt Nam đã không cho biết nguyên nhân vì sao họ không cho bà vào Việt Nam. Bà cũng cho biết bà đã thông báo với phía Đại sứ quán Đức tại Việt nam về vấn đề này.
Trước đó, trong một phỏng vấn với đài Á Châu Tự Do, bà Schlagenhauf cho biết mặc dù bà không phải là luật sư bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh trong phiên tòa tới nhưng bà vẫn làm việc chặt chẽ với các luật sư Việt Nam đại diện cho ông Trịnh Xuân Thanh tại tòa.
Bà Schlagenhauf cũng lên án Việt Nam đã vi phạm nhân quyền trong quá trình chuẩn bị cho phiên tòa xét xử, như không cho bị cáo được gặp riêng luật sư hay thời gian từ lúc đưa ra cáo trạng đến khi diễn ra phiên tòa quá ngắn, gây khó khăn cho sự chuẩn bị của các luật sư.
Bà Schlagenhauf cũng cho rằng phiên tòa sắp tới mang tính chính trị vì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói Trịnh Xuân Thanh có tội trước khi có cáo trạng từ Viện Kiểm sát.
RFA tiếng Việt
***************
Luật sư Đức của Trịnh Xuân Thanh : "Tôi bị cấm nhập cảnh Việt Nam" (VOA, 05/01/2018)
Ba ngày trước phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh, luật sư người Đức từng giúp cựu lãnh đạo ngành dầu khí xin tị nạn ở nước của bà không được nhập cảnh vào Việt Nam.
Trịnh Xuân Thanh trong bản tin của truyền hình Việt Nam VTV cuối tháng 7, 2017. Phiên tòa xét xử ông Thanh sẽ diễn ra ngày 8/1/2018.
Bà Petra Schlagenhauf cho VOA biết bà đã bị "cấm vào Việt Nam" vào lúc 8 giờ tối (giờ địa phương) ngày 4/1 dù đã đáp máy bay tới Hà Nội.
Phiên tòa xử ông Thanh, người bị Việt Nam cáo buộc làm thất thoát 3.300 tỷ đồng (147 triệu USD), cùng hàng chục quan chức PetroVietnam dự kiến sẽ diễn ra ngày 8/1 tại Hà Nội.
Đức cáo buộc mật vụ Việt Nam bắt cóc ông Thanh tại Berlin trong khi Hà Nội tuyên bố người đàn ông 51 tuổi bị cáo buộc tội tham nhũng đã tự nguyện về Việt Nam đầu thú sau một thời gian trốn chạy.
Trong một email gửi cho VOA từ Bangkok sáng sớm ngày 5/1, luật sư người Đức nói bà bị buộc quay trở lại Bangkok và đang chờ chuyến bay về Berlin.
"Họ không cho tôi biết lý do vì sao nhưng tôi có nghe thấy họ nói với nhau rằng tôi là ‘luật sư của ông Thanh", bà Schlagenhauf cho biết.
"Đại sứ Đức đã nói chuyện về trường hợp của tôi với phía Việt Nam nhưng không có kết quả".
Luật sư Petra Schlagenhauf trả lời phỏng vấn trên truyền hình ZDF của Đức về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. (thoibao.de)
VOA không thể liên lạc ngay lập tức với Sứ quán Đức ở Hà Nội để biết thêm chi tiết về vụ việc.
Sứ quán Đức hôm 20/12 cho VOA biết họ dự định sẽ "quan sát" phiên tòa sắp tới xử Trịnh Xuân Thanh.
Bà Schlagenhauf dự định tới Việt Nam để phối hợp với các cộng sự về vụ việc của ông Thanh trong thời gian diễn ra các phiên xét xử dự kiến kéo dài trong khoảng 10 ngày đến 2 tuần. Luật sư này nói bà không có ý định tham dự phiên tòa vì "điều này không hợp pháp" khi bà là luật sư người Đức chứ không phải Việt Nam.
Ông Thanh, người sẽ bị xử trong 2 phiên tòa riêng biệt, sẽ có nhiều khả năng nhận án tử hình, theo nhận định của bà Schlagenhauf.
Trong một lần trả lời VOA trước đây, bà Schlagenhauf nói việc kết luận cho rằng thân chủ của bà là có tội đã được định trước. "Phiên xét xử này sẽ không đáp ứng được tiêu chuẩn của một vụ xét xử công bằng. Sự thể đó là điều không thể chấp nhận được".
Theo truyền thông trong nước, đây là một phiên tòa được nhiều người mong đợi vì trong số hơn 20 bị can bị xét xử sẽ có cựu ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng. Ông Thanh được coi là một "thuộc hạ thân tín" của ông Thăng. Cả 2 cùng từng là lãnh đạo ngành dầu khí và bị cáo buộc tội danh "cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng".
*********************
Việt Nam ‘chặn luật sư Đức của Trịnh Xuân Thanh’ (BBC, 05/01/2018)
Luật sư Petra Schlagenhauf của ông Trịnh Xuân Thanh bị Việt Nam không cho nhập cảnh tại sân bay Nội Bài hôm 4/1, theo báo chí Đức.
Luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức, bà Petra Isabel Schlagenhauf đã lên máy bay rời Bangkok về Đức
Ngay lập tức, chính phủ Đức lên tiếng về vụ việc và nói họ đã triệu tập Đại sứ Việt Nam đến Bộ Ngoại giao "trong ngày thứ Sáu để nói chuyện".
Văn phòng của luật sư Petra Schlagenhauf nói với truyền thông Đức rằng bà bị buộc quay về khi đã tới sân bay.
Báo Đức, tờ Die Spiegel nói thêm rằng lúc còn ở Hà Nội, bà luật sư thông báo qua điện thoại cho sứ quán Đức về việc bị cấm nhập cảnh.
Bà nói rằng Đại sứ Đức đã nêu vụ việc với Bộ Ngoại giao Việt Nam, nhưng bà vẫn không được phép vào.
Một người phát ngôn cho Bộ Ngoại giao Đức đã xác nhận với BBC tiếng Việt hôm thứ Sáu 5/01/2018 về vụ việc xảy ra với bà Petra Schlagenhauf :
"Chúng tôi đã ngay lập tức liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam nhưng phía Việt Nam vẫn giữ quyết định đó. Chúng tôi không rõ nguyên do vì sao. Đại sứ Việt Nam đã bị mời đến trụ sở Bộ Ngoại giao Liên bang để nói chuyện về việc này".
Yêu cầu của Đức
Tòa Đại sứ Việt Nam ở Berlin được báo chí nước này chú ý đến sau vụ Trịnh Xuân Thanh
Trong khi đó, trang tin Đức DW.com cho biết Bộ Ngoại giao Đức đã mời Đại sứ Việt Nam đến gặp để yêu cầu được cử một quan sát viên tới phiên tòa ngày 8/1.
Một người phát ngôn ngoại giao Đức nói Đức muốn được quan sát phiên xử ông Trịnh Xuân Thanh.
Nhưng trang DW.com tường thuật Việt Nam đã loan báo không cho phép phóng viên nước ngoài dự phiên tòa.
Trang tin Đức Taz.de đưa tin bà Petra Schlagenhauf phải bay trở lại Bangkok từ Hà Nội vào tối thứ Năm.
Ông Trịnh Xuân Thanh, cùng nhiều người khác, sẽ ra tòa về vụ án xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Ông Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc PVC bị truy tố về cả 2 tội : Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội Tham ô tài sản.
Trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, ông Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc quyết định sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng trong số tiền tạm ứng vào mục đích khác, không đưa vào Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền trên 119 tỷ đồng.
Đức nói ông Thanh "bị bắt cóc" khi đã xin tỵ nạn tại Berlin và chuyển về Hà Nội để đem ra xét xử, trong khi nhà chức trách Việt Nam cho là ông Trịnh Xuân Thanh "tự về".
Vụ việc đã gây ra khủng hoảng ngoại giao chưa từng có giữa Berlin và Hà Nội, khiến Đức tạm ngưng quan hệ "đối tác chiến lược" với Việt Nam.
Cùng ra tòa ngày 8/1 có ông Đinh La Thăng, từng là ủy viên Bộ Chính trị, bị đưa ra xử về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Một số bị cáo trong phiên tòa 8/1
- Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN)
- Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc PVC)
- Phùng Đình Thực (nguyên Tổng Giám đốc PVN)
- Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN)
- Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN)
- Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban Tài chính Kế toán và Kiểm toán PVN).
Hiện dư luận Việt Nam và quốc tế chú ý điều đến vụ xử này và các vụ tiếp theo.
Viết trên BBC Tiếng Việt hôm 05/01, Tiến sĩ Phạm Quý Thọ đánh giá rằng "Nhìn chung, Đảng cộng sản đang củng cố tổ chức, mở rộng và tăng cường chống tham nhũng 'không có vùng cấm'".
"Nhiều vụ đại án đang và sẽ được xét xử. Đảng ban hành nhiều quyết định 'siết' lại kỷ luật nội bộ, quy trình bổ nhiệm, sử dụng cán bộ".
Ngày 8/1 tới đây, cựu Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam, Trịnh Xuân Thanh sẽ ra tòa đối mặt với các cáo buộc cố ý làm sai quy định nhà nước về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng và tham nhũng.
Trịnh Xuân Thanh (trái), Phan Văn Anh Vũ (phải) - Photo : RFA
Ông Trịnh Xuân Thanh là người đã xin tị nạn tại Đức trước khi bị bắt cóc về Việt Nam hồi tháng 8 năm ngoái. Ngay trước phiên tòa, Đài Á Châu Tự Do có cuộc phỏng vấn với luật sư đại diện cho Trịnh Xuân Thanh tại Đức, bà Petra Schlagenhauf. Trước hết bà Schlagenhauf cho đài ACTD biết về nhận định của bà về cáo trạng dành cho Trịnh Xuân Thanh như sau :
Petra Schlagenhauf : Lý do lúc đầu mà Việt Nam muốn dẫn độ Thanh về nước là vì cáo buộc những sai phạm trong quản lý kinh tế. Đó là lý do họ mà họ đưa ra trước khi Thanh bị bắt cóc. Bây giờ phía Việt Nam lại cố gắng đưa thêm các cáo buộc cho Trịnh Xuân Thanh. Cụ thể các cáo buộc này thì các đồng nghiệp luật sư Việt Nam của tôi nắm chắc hơn. Nhưng vấn đề tôi thấy ở đây là trình tự pháp lý không đúng trong trường hợp này, không đáp ứng đúng tiêu chuẩn quốc tế, không tôn trọng nhân quyền. Đây là điểm đầu tiên. Tôi biết có hai ngày ra tòa, ngày đầu tiên là 8/1 và ngày tiếp theo là vào tháng 2. Về cáo buộc cố ý làm sai thì ông Thanh người được tôi đại diện bên Đức đã nhiều lần bác bỏ và đã giải thích lập trường của mình. Đến giờ theo tôi biết ông ấy vẫn không chấp nhận cáo buộc này. Tôi biết là chính phủ Đức đã đàm phán nhiều lần với phía Việt Nam từ tháng 8 đến giờ. Đức cũng áp dụng một loạt các biện pháp với Việt Nam, đặt ra các yêu cầu đối với Việt Nam để giải quyết khủng hoảng ngoại giao. Đức cũng đã ngưng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, vốn bao gồm nhiều chương trình, dự án, trong đó có các chương trình kinh tế. Vụ bắt cóc này cũng đã khiến nhiều nước Châu Âu phải lên tiếng chỉ trích, và có các biện pháp đưa ra liên quan đến những đàm phán giữa Việt Nam và Châu Âu về hiệp định tự do thương mại. Tôi nghĩ vào lúc này nếu Việt Nam không giải quyết vấn đề này một cách thỏa đáng thì Việt Nam sẽ gặp vấn đề với hiệp định tự do thương mại với Châu Âu.
RFA : Bà nói rằng bà quan ngại về vấn đề tôn trọng nhân quyền trong trường hợp của thân chủ của bà ông Trịnh Xuân Thanh….
Petra Schlagenhauf : Để tôi nói thế này, nếu bạn bắt cóc một người từ lãnh thổ một nước thì theo luật quốc tế, điều này cũng ngăn cản mọi thủ tục pháp lý đối với cá nhân này. Điều này có nghĩa là sẽ không có một phiên tòa công bằng cho cá nhân đó. An ninh Việt Nam đã bắt cóc thân chủ của tôi ngay trên đất Đức. Chính phủ một nước không thể bắt cóc người như vậy rồi đưa ra tòa. Thứ hai nữa là khi ông Thanh ở Việt Nam, ông ấy đã không được gặp luật sư của mình trong một thời gian dài. Không phải tất cả những luật sư mà gia đình ông Thanh đề nghị ngay lúc đầu được phía Việt Nam chấp nhận. Chỉ gần đây, sau khi họ đưa ra cáo buộc chính thức thì họ mới cho phép có những liên hệ giữa thân chủ của tôi với luật sư. Điểm tiếp theo là trong quá trình điều tra, họ đã không cho phép thân chủ của tôi được nói chuyện riêng với luật sư của mình. Ở Đức, để tôn trọng nhân quyền, thân chủ được quyền nói chuyện với luật sư riêng của mình mà không bị theo dõi. Ngoài ra thì từ lúc họ đưa ra cáo trạng đến lúc phiên tòa diễn ra là một khoảng thời gian ngắn, khiến cho các luật sư đồng nghiệp của tôi ở Việt Nam không đủ thời gian để chuẩn bị. Ngoài ra thì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người có quyền lực chính trị đã nói là thân chủ của tôi có tội trước khi các thủ tục pháp lý cần thiết diễn ra. Cho nên chúng ta cũng chẳng cần phải đợi cho đến lúc phiên tòa kết thúc để biết kết quả.
RFA : Bà chắc cũng thấy là truyền hình Việt Nam đã chiếu cảnh ông Thanh nhận tội và nói là ông ấy tự nguyện về nước. Bà nhận xét gì về điều này ?
Petra Schlagenhauf : Bạn có nhìn thấy tình trạng thân chủ của tôi trên truyền hình không ? Tôi đã gặp ông ấy nhiều lần trước kia và hình ảnh trên truyền hình cho thấy một con người khác. Điều mà họ làm với thân chủ tôi trên truyền hình làm tôi nhớ lại cách làm thời Stalin trước kia. Tôi biết thân chủ của tôi. Tôi đã nói chuyên với ông ấy nhiều lần và ông ấy không bao giờ muốn trở lại Việt Nam vì ông ấy biết không bao giờ ông ấy có được một phiên tòa công bằng, theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Cho nên không có chuyện ông ấy về tự nguyện. Ngoài ra, Đức cũng đang nắm giữ người thuê xe dùng để bắt cóc Thanh. Ông ta bị dẫn độ từ Cộng hòa Séc sang đây và đang đợi phiên tòa. Cảnh sát đã điều tra và có những bằng chứng về một vài người nữa có liên quan đến vụ bắt cóc. Cho nên rõ ràng đây là vụ bắt cóc. Tôi cũng biết thân chủ của mình rất rõ. Ông ấy không tự nguyện về và luôn phản bác những cáo buộc dành cho mình.
RFA : Bà có hy vọng gì về kết quả cuối cùng của phiên tòa không ?
Petra Schlagenhauf : Tôi không thể hy vọng một phiên tòa công bằng cho Thanh. Nhưng điều mà tôi hy vọng là chính phủ Đức vẫn đàm phán với phía Việt Nam. Tôi biết họ vẫn đàm phán và đợi phía Việt Nam giải quyết vấn đề này. Giải pháp là thân chủ của tôi phải được trả tự do. Tôi không thể nói thay cho chính phủ Đức. Nhưng tôi vẫn làm việc chặt chẽ với phía chính phủ. Chính phủ Đức luôn khẳng định với tôi là Việt Nam biết phải làm gì để giải quyết khủng hoảng ngoại giao với Đức, bao gồm cả giải pháp cho thân chủ của tôi. Tôi không thể đưa thêm thông tin cụ thể về những đàm phán này.
RFA : Có thông tin một sĩ quan an ninh Việt Nam đã chạy sang Singapore và có thông tin để có thể cung cấp cho phía Đức về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Nếu đúng là như vậy thì theo bà điều này có ý nghĩa gì ? Liệu nó có ảnh hưởng thế nào đến phiên tòa tới ?
Petra Schlagenhauf : Tôi có thấy thông tin này nhưng hiện tôi không thể đưa ra các nhận xét về trường hợp này. Tuy nhiên, chính phủ Đức đã có thông tin về những người liên quan đến vụ bắt cóc. Có thể là nếu người này có thông tin ai là người ra lệnh cho vụ bắt cóc thì điều này sẽ rất đáng chú ý. Điều này là quan trọng đối với phía Đức. Tuy nhiên phía Việt nam chưa bao giờ thừa nhận là họ bắt cóc Thanh trong khi Đức thì luôn nói là Đức có bằng chứng rồi. Đức vẫn nói là vụ bắt cóc đã dẫn đến khủng hoảng ngoại giao và Việt Nam biết rõ họ phải làm gì để giải quyết vấn đề này.
RFA : Xin cảm ơn bà đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.
Ngay lúc Trịnh Xuân Thanh bị nhóm bắc cóc do trung tướng Đường Minh Hưng, ủy viên ủy ban chống khủng bố của Việt Nam, phó tổng cục trưởng an ninh chỉ huy đưa về Việt Nam vài ngày, gia đình Trịnh Xuân Thanh đã liên hệ với văn phòng luật sư Nguyễn Văn Chiến để nhờ bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh.
Phía chính phủ Đức sau khi nhận được văn bản do bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh gửi đến, khẳng định rõ ràng Việt Nam không hề bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, việc Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú trình diện tại cơ quan an ninh điều tra là hoàn toàn đúng sự thật. Văn bản này của Phạm Bình Minh là thái độ cuối cùng về mặt chính thức với vụ việc này đối với nước Đức.
Vì văn bản này, nước Đức đã quyết định bỏ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Việt Nam cử thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn sang Đức để tìm kiếm việc vực lại mối quan hệ đối tác chiến lược nhưng không nhận tội bắt cóc. Một việc quá khó và đương nhiên Nguyễn Thanh Sơn không thể nào thực hiện thành công được nhiệm vụ này.
Phía Đức đưa ra yêu cầu được tham gia tất cả quá trình tố tụng trong vụ việc Trịnh Xuân Thanh từ lúc hỏi cung đến lúc xét xử, một số tờ báo đã nhầm lẫn khi diễn giải rằng nước Đức chỉ đòi tham dự phiên tòa. Quốc hội Đức dự định cử hai nghị sĩ sang Việt Nam dự phiên tòa Trịnh Xuân Thanh.
Dư luận thấy khó hiểu, một đằng nhà nước Đức cứng rắn với lời phát biểu không dung thứ, không chấp nhận việc bắt cóc ngang nhiên trên nước Đức, đằng khác họ lại đòi tham dự phiên tòa. Các dư luận viên, bồi bút của chế độ cộng sản Việt Nam tuyên truyền rằng đây là thắng lợi của phía Việt Nam, Đức đã phải nhượng bộ và từ bỏ đòi hỏi Việt Nam phải đưa Trịnh Xuân Thanh về lại Đức, thay thế vào đó là chấp nhận phiên phiên tòa với đòi hỏi có quan sát viên.
Thực ra thể chế nước Đức vận hành không giống như thể chế cộng sản Việt Nam, ở Việt Nam ý chí của đảng cộng sản bao trùm lên ngoại giao, tòa án, viện kiểm sát... và quốc hội, chính phủ. Còn ở Đức chính phủ tuyên bố thế này, nhưng ở nghị viện một số nghị sĩ đòi hỏi phải được tham gia quá trình xét xử vì chuyên đề nhân quyền của họ, điều này chính phủ Đức không thể can thiệp vào việc của các nghị sĩ. Chính vì thế nên mới có câu chuyện đằng này cứ kiên quyết, đằng kia lại muốn tham gia quá trình xét xử.
Lúc này phía Việt Nam cũng muốn nhân nhượng Đức về mặt nào đó để Đức có chút danh dự, nên đã đồng ý với việc luật sư được tham gia vài buổi hỏi cung của cơ quan an ninh với Trịnh Xuân Thanh, về những nội dung không quan trọng lắm. Đây là lần đầu tiên về hình thức luật sư được tham dự hỏi dung, tuy nhiên về thực chất thì chỉ là tham dự về hình thức để phía Việt Nam có lý do nói với người Đức rằng Trịnh Xuân Thanh được đối xử đúng pháp luật.
Luật sư Trần Hồng Phúc và Nguyễn Văn Chiến thuộc văn phòng luật sư Nguyễn Chiến được gia đình Trịnh Xuân Thanh mời bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh.
Ngày 15 tháng 12 năm 2017 báo chí bất ngờ đưa tin luật sư Lê Văn Thiệp của văn phòng luật sư Toàn Cầu được cấp giấy chứng nhận thuận lợi để bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh. Ngay khi được cấp giấy ,luật sư Thiệp đã nói mình được cơ quan an ninh tạo điều kiện rất tốt để làm việc và đã gặp Trịnh Xuân Thanh, Thiệp cho báo chí biết Thanh tinh thần rất tốt. Thiệp nói rằng đây là vụ án bình thường, không có gì ghê gớm, mọi việc đúng trình tự pháp luật.
Luật sư Lê Văn Thiệp, con ngựa thành Troy trong vụ án Trịnh Xuân Thanh
Cơ quan an ninh Việt Nam đã tạo sức ép lên văn phòng luật sư Nguyễn Chiến, buộc văn phòng này phải giới thiệu Lê Văn Thiệp với gia đình Trịnh Xuân Thanh để gia đình Thanh phải viết đơn nhờ Thiệp bào chữa.
Gia đình Trịnh Xuân Thanh có một sai lầm mà nhiều người mắc phải, kiểu nghĩ rằng con mình trong tay họ, mình nhân nhượng biết điều nghe họ, họ sẽ còn thương. Nếu làm trái ý họ thì họ càng làm căng, con mình càng khổ. Gia đình Trịnh Xuân Thanh quên mất rằng đây là cuộc truy sát đến cùng, đánh đổi cả quan hệ quốc tế với Đức để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh về, dựng nhân chứng và cả lời khai trong một phiên tòa, rồi ngay tại phiên tòa khởi tố Trịnh Xuân Thanh tội tham nhũng 18 tỷ. Trong khi Trịnh Xuân Thanh không hề nhận đồng nào, người khai nói rằng Thanh có ý chỉ đạo bán giá thấp để có chênh lệch cho Thanh. Đấy là lời khai suy diễn một phía nhưng vẫn được tòa công nhận và khởi tố ngay vụ án mới tại tòa.
Như thế là ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng quyết tâm giết chết Thanh bằng mọi giá, những cái dụ dỗ của cơ quan an ninh với gia đình Thanh rằng phải nhún tí để con mình được nhẹ chút, đó là một trò lừa đảo để gia đình Thanh mắc bẫy, hợp tác với họ trong việc giết Trịnh Xuân Thanh.
Nguyễn Phú Trọng đang đứng trước nhiều dị nghị vụ Trịnh Xuân Thanh, lúc này Trọng chỉ đạo an ninh phải định hướng sao cho bản thân Thanh, gia đình Thanh, luật sư của Thanh đồng tình khẳng định Thanh có tội, đảng và nhà nước (tức cá nhân Nguyễn Phú Trọng) đã làm đúng, Trọng không có tư thù cá nhân như thiên hạ đồn... Trọng giết Thanh là vì dân vì nước...
Luật sư Lê Văn Thiệp chính là con bài thực hiện âm mưu trên của Nguyễn Phú Trọng, cơ quan an ninh gây sức ép lên văn phòng luật sư Nguyễn Chiến khiến Trần Hồng Phúc phải giới thiệu Thiệp tham gia.
Trong vụ án này, việc tranh tụng về thực chất vụ việc sẽ do Chiến, Phúc đảm nhiệm. Việc đối đáp với truyền thông do Lê Văn Thiệp đảm nhận. Cơ quan an ninh đe dọa Chiến và Phúc không được trả lời báo chí, truyền thông. Phải để cho Thiệp trả lời. Vì thế chúng ta thấy ngay khi được cấp giấy bào chữa, luật sư Lê Văn Thiệp đã trả lời báo chí bất lợi cho Trịnh Xuân Thanh thế nào.
Luật sư Lê Văn Thiệp được an ninh cài vào bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh, để Thiệp trả lời truyền thông, trả lời phía Đức những điều sao cho có lợi cho nhóm chủ mưu xử Trịnh Xuân Thanh. Thậm chí những cáo buộc của Đức về phiên tòa bất công này nọ sẽ bị Thiệp đưa ra những luận điệu bác lại. Thiệp có lợi thế hơn vì chính hắn là luật sư do gia đình Trịnh Xuân Thanh mời, thế nên những lời của hắn có lý hơn.
Trịnh Xuân Thanh chỉ còn mỗi cửa trông chờ vào áp lực của Đức, sự quan tâm của Đức.
Nhưng gia đình Trịnh Xuân Thanh đã tước đi của Thanh hy vọng này khi chấp nhận mời Lê Văn Thiệp bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh.
Người dân thành Troy buổi sáng thấy ngoài thành có con ngựa gỗ khổng lồ, người kêu đốt quách nó đi, người khác lại bảo nên đưa nó vào thành.
Luật sư Thiệp chính là con ngựa gỗ ấy, thưa ông Trịnh Xuân Giới.
Người Buôn Gió
Nguồn : nguoibuongio1972, 17/12/2017
Cuối cùng thì những ầm ĩ về 3.200 tỷ thất thoát ở PVC không còn được nhắc tới khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc từ Đức về Việt Nam. Thay thế vào đó dư luận được nghe đến môt vụ án mà Trịnh Xuân Thanh tham nhũng đến những 18 tỷ.
Những ầm ĩ về 3.200 tỷ thất thoát ở PVC không còn được nhắc tới khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc từ Đức về Việt Nam
Chẳng mấy ai chú ý đến chi tiết đầy voi đuôi chuột này, không thấy ai ngẩn ngơ hỏi tại sao thất thoát đến 3.200 tỷ gây phẫn nộ dư luận, khiến bao nhiêu người sôi sục mà bây giờ chỉ lôi ra được 18 tỷ. Con số còn chưa nổi 1% tổng số 3.200 tỷ kia. Đã thế không phải là chứng cứ trực tiếp mà chỉ là lời khai của Đào Duy Phong, cấp dưới của Thanh.
Đặc biệt chú ý là Đào Duy Phong bị bắt điều tra trước đó đã lâu, không hề khai gì đến Trịnh Xuân Thanh trong phiên tòa sơ thẩm vào hồi tháng 6 năm 2016. Nhưng đến tháng 3 năm 2017, trong phiên tòa phúc thẩm thì bỗng nhiên Đào Duy Phong khai rằng có ý kiến chỉ đạo của Trịnh Xuân Thanh trong vụ bán giá thấp hơn thực tế đất ở dự án Thanh Hà để ăn tiền chênh lệch.
Lời khai của ông Phong trong phiên tòa phúc thẩm nói rằng có ý kiến của Trịnh Xuân Thanh, nhưng không nói rằng Trịnh Xuân Thanh đã nhận tiền từ vụ việc này chưa. Ông Phong khai rằng thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thanh, nhưng việc mua bán xong rồi chưa gặp được Trịnh Xuân Thanh để đưa tiền chênh lệch đó.
Một ngoại lệ nữa là khi ông Phong khai thiếu cơ sở như vậy, toà án phúc thẩm ra quyết định khởi tố Trịnh Xuân Thanh tội tham nhũng. Điều này gây khó hiểu cho dư luận, bởi ở nhiều vụ án khác bị cáo bị cắt chặn không cho khai như vụ đại biểu quốc hội Châu Thị Thu Nga định khai về việc chạy tiền làm đại biểu quốc hội.
Người ta dấy lên câu hỏi rằng tại sao tòa án không kiến nghị viện kiểm soát, công an để điều tra cho rõ mà vội vàng đưa ra quyết định khởi tố như vậy.
Trả lời câu hỏi này, ông Trương Hòa Bình phó thủ tướng đảm nhiệm về khu vực pháp luật đã nói rằng đây là quyền của tòa có trong chế định, chỉ vì trước giờ ít sử dụng vì có nhiều hạn chế, sau này sẽ chú ý hơn. Thời gian tới yêu cầu tòa án các cấp kiến nghị khởi tố theo đúng pháp luật.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu với cử tri rằng vụ án này đang điều tra Trịnh Xuân Thanh theo hướng tham nhũng. Ông nói rằng vụ án này phải đưa ra ngay trong đầu năm 2018.
Hãy điểm lại những bất thường trong việc khởi tố Trinh Xuân Thanh ở vụ án Thanh Hà.
Thứ nhất đang ầm ĩ định hướng về 3200 tỷ thất thoát, tham nhũng, nhưng chỉ xử vụ 18 tỷ chỉ hơn 0, 05%.
Thứ hai lời khai lại từ phiên phúc thẩm, trong khí đó phiên sơ thẩm không khai. Lời khai chỉ từ một phía không có chứng cứ văn bản nào, chỉ nói là ý kiến miệng, tiền lại quả cũng chưa đưa.
Thứ ba tòa án làm chuyện lạ lùng là đưa ra quyết định khởi tố, trong khi lẽ ra theo thông thường sẽ chuyển vụ việc cho viện kiểm sát hay cơ quan công an điều tra xem có đủ căn cứ khởi tố không.
Thứ tư từ tổng bí thư, phó thủ tướng áp đặt điều tra theo hướng tham nhũng. Can thiệp thô bạo vào quá trình điều tra khách quan, định hướng định tội cho Trịnh Xuân Thanh. Không những thế ông tổng bí thư còn định cả ngày phiên tòa phải diễn ra.
Đến một đứa trẻ con cũng thấy, đây là một vụ ghép tội trắng trợn, chà đạp lên pháp luật, quá trình tố tụng, điều tra của pháp luật do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ mưu nhằm vào Trịnh Xuân Thanh.
Mục đích Nguyễn Phú Trọng làm vậy để làm gì ?
Có nhiều lý do :
Lý do thứ nhất là Nguyễn Phú Trọng muốn cứu vãn uy tín khi chỉ đạo lời khai của Đào Duy Phong ở vụ án phúc thẩm rằng Trịnh Xuân Thanh tham nhũng. Bởi suốt thời gian trước đó Trọng sai công an và ban kiểm tra trung ương rà soát tìm kiếm tội trạng của Trịnh Xuân Thanh tham nhũng bất thành trong cáo buộc thất thoát 3.200 tỷ. Thanh đã trốn đi và tố cáo Trọng trù dập, tư thù cá nhân vì những hiềm khích ghen tị từ tính chất đồng hương gây ra. Trọng phải bằng mọi cách khép Thanh vào tội tham nhũng nào đó để chứng minh rằng chỉ đạo của ông ta đối với Thanh là đúng chứ không phải do tư thù cá nhân.
Lý do thứ hai là Trọng muốn các quan chức trong bộ máy cộng sản Việt Nam rằng Trọng là một ông vua, và khi đã là một ông vua thì ý muốn của Trọng dù bất chấp pháp luật, dư luận, muốn ai chết được chết, muốn ai sống được sống, cũng sẽ được thi hành như thánh chỉ anh minh.
Lý do thứ ba là Trọng đã âm mưu bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ trước, bởi vậy y tuyên bố Trịnh Xuân Thanh không trốn được đâu, dù y biết rõ Trịnh Xuân Thanh đang ở Đức, y tuyên bố bằng mọi giá sẽ bắt Trịnh Xuân Thanh. Vì thế ý chỉ đạo dựng lên vụ án phúc thẩm của Đào Duy Phong khai vu vơ Trịnh Xuân Thanh liên quan, chỉ đạo tòa ra quyết định khởi tố tham nhũng. Hòng tạo lý do để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh mà không bị dư luận chê bai vì sử dụng hành vi khủng bố trên dất Đức, dự phòng biện minh quy theo cách quy chụp nước Đức bao che cho tội phạm tham nhũng để dư luận cảm thông. Việc chỉ đạo đưa vụ án ra xét xử sớm Trịnh Xuân Thanh cũng nhằm mục đích này.
Tất cả cho thấy Nguyễn Phú Trọng là một kẻ ích kỷ và tham vọng quyền lực cũng như danh tiếng, y sẵn sàng bất chấp pháp luật, chà đạp lên hình ảnh nhà nước pháp quyền cũng như mối quan hệ đối tác chiến lược với nước Đức mà Việt Nam phải dày công xây dựng, đánh đổi cả hình ảnh quốc gia chỉ để thoả mãn quyền lực cá nhân mình.
Điều hài hước hơn tất cả những phi lý trong vụ án khởi tố Trịnh Xuân Thanh tham nhũng 18 tỷ ở dự án Thanh Hà là dự án này cũng, sai phạm do tham nhũng đến hàng ngàn tỷ, tất cả xảy ra ở thời điểm Thân Đức Nam, phó chủ nhiệm văn phòng quốc hội hiện nay chịu trách nhiệm chính. Cũng những sai phạm như hạ giá đất thấp, chuyển nhượng cổ phần giá thấp áp đặt cho Trịnh Xuân Thanh, Thân Đức Nam cũng làm y như vậy với cả dự án. Nói ví von có thể ví rằng ở vụ việc Thanh Hà thì Trịnh Xuân Thanh liên quan đến việc mất đuôi đuôi voi ở dự án Thanh Hà, còn Thân Đức Nam là mất cả con voi vì chủ dự án này là Cienco5 do Nam làm chủ tịch hội đồng quản trị.
Thế nhưng Thân Đức Nam không hề hấn gì, Nam vẫn ngênh ngang cùng bộ sậu tung hoàng khắp nơi, trong khi Trịnh Xuân Thanh bị ép tội theo chỉ đạo của Nguyễn Phú Trọng. Điều đó cho thấy không có chuyện chống tham nhũng của Nguyễn Phú Trọng, chỉ có những thanh trừng những kẻ không cùng dây mà thôi.
Nếu đưa Trịnh Xuân Thanh vào chuyện tham nhũng 18 tỷ ở dự án Thanh Hà, Nguyễn Phú Trọng cần phải đưa cả Thân Đức Nam ra tòa vì việc chuyển nhượng, bán giá thấp dự án này hơn thực tế 1.500 tỷ. Còn không chỉ có những kẻ xu nịnh Nguyễn Phú Trọng vì động cơ trục lợi mà khen ngợi y rằng y là con người vô tư , khách quan chống tham nhũng mà thôi.
Trọng không xử Thân Đức Nam trong dự án này, tất cả những gì Nguyễn Phú Trọng làm không những chẳng được lòng dân, trái lại người ta càng nghĩ y là một kẻ thâm hiểm mang nặng tư thù nhỏ mọn với Trịnh Xuân Thanh. Việc ép tiến đô vụ án và đưa Trịnh Xuân Thanh vào mức án tử hình để thoả mãn thù hận cá nhân cũng như thể hiện quyền lực của Nguyễn Phú Trọng sẽ gây tác động rất xấu đến quan hệ Việt Đức.
Bắt cóc một người xin tị nạn mang về xử tử hình, chắc hẳn nước Đức sẽ phẫn nộ. Ở Đức không có án tử hình, chỉ cần Trịnh Xuân Thanh làm đơn tị nạn với lý do tội của mình ở Việt Nam sẽ bị kết án tử hình, Thanh dù không được tị nạn đi nữa , cũng không bao giờ bị trả về Việt Nam.
Trọng vì tư thù cá nhân đã khiến y điên cuồng chỉ đạo những việc rất tồi tệ, cả trung ương không ai dám ngăn hắn , như một tên hôn quân cuồng bạo, ai cũng sợ bị hắn điên mà hại đến mình. Bởi vậy Trọng sẽ còn làm nhiều điều điên rồ nữa chứ không phải dừng lại ở vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Người Buôn Gió
Nguồn : fb.nguoibuongio1972, 04/12/2017
Nếu "đảng và nhà nước ta" chịu đưa một vài "con dê" nào đó ra "tế thần", liệu động tác mơn trớn này có xoa dịu tâm trạng phẫn nộ của Chính phủ Đức về vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" ?
Trịnh Xuân Thanh trên báo của Đức.
Gần đây đã xuất hiện thêm một quan điểm mới và có thể gần với thực tế xung quanh câu hỏi trên.
EVFTA sẽ tiếp tục nếu có "dê tế thần" ?
Trang Thoibao.de ở Đức dẫn lại Nhật báo New York Time số ra ngày 02/11/2017 với bài viết của ký giả Mike Ives mang tựa đề "Một người mất tích ở Berlin gây giông tố cho Hiệp định Thương mại với Việt Nam". Nội dung bài báo chủ yếu nói về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh có thể ảnh hưởng đến việc hoàn tất Hiệp định Thương mại giữa Liên Hiệp Châu Âu (EU) và Việt Nam như thế nào.
Theo bài báo trên, kể từ khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Berlin cho đến nay, phía Việt Nam vẫn chưa đưa ra lời xin lỗi về hành động mà phía Đức cực lực lên án là "hoàn toàn không thể chấp nhận được". Và việc tiếp tục giam giữ ông Thanh đang làm phức tạp thêm triển vọng hoàn tất Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu (EU) vốn được chờ đợi từ rất lâu rồi.
Bộ ngoại giao Đức nói rõ, Hiệp định Thương mại EU - Việt Nam cần sự chấp thuận của cả Quốc hội Đức và Nghị viện châu Âu, và các thành viên của hai cơ quan này đều biết rõ các hậu quả chính trị trong việc bắt cóc ông Thanh. Như vậy, chỉ cần Quốc hội Đức không đồng ý thông qua thì Hiệp định không thể hình thành. Nói cách khác, Đức có quyền phủ quyết Hiệp định này.
Tuy nhiên để đạt được Hiệp định Thương mại, Việt Nam có thể đưa ra lời xin lỗi, hoặc có nhượng bộ về vấn đề nhân quyền hoặc lao động. Một số quan chức cấp cao của Việt Nam cho biết trong các cuộc phỏng vấn họ tin rằng cuộc xung đột sẽ được giải quyết bằng cách nào đó, ngay cả khi chính họ cũng không chắc chắn làm thế nào.
Bà Alicia Garcia-Herrero, một nhà kinh tế học tại Hong Kong, người tham vấn cho các quan chức châu Âu về hiệp định thương mại này, cho biết bà tin rằng hiệp định sẽ vẫn được tiếp tục miễn là chính quyền Hà Nội tìm được "một con dê tế thần" để chịu trách nhiệm, ví dụ như vị đại sứ Việt Nam tại Đức chẳng hạn.
Bà cho biết thêm, Đức sẽ không thể lờ đi những lợi ích tiềm năng đối với các nhà sản xuất trong nước hay đòn bẩy giúp các nhà đám phán ở EU có thể tiếp tục đàm phán thương mại với Trung Quốc. "Các ông dành hàng năm trời để đàm phán về một thứ các ông không thể thông qua ư ? Trung Quốc sẽ cười vào mặt cho mà xem".
Việt Nam muốn "xử lý nội bộ" ?
Trong một mớ hỗn tương lạm phát phi mã không chỉ hàng chục ngàn quan chức cấp trung mà cả hàng ngàn quan chức bậc cao, chẳng có gì phải quá trăn trở để những nhân vật cao nhất trong bộ máy cầm quyền Việt Nam đưa ra một, thậm chí vài ba "dê tế thần", miễn là động tác xin lỗi mang chỉ thuần túy gián tiếp này được phía Đức thỏa thuận giữ kín mà không để cho giới truyền thông tọc mạch, đặc biệt là báo chí thế giới, biết được và "làm loạn lên".
Trong lịch sử các cuộc đấu đá nội bộ triền miên ở Việt Nam, "dê tế thần" không chỉ là một thủ đoạn chính trị mà còn là một loại não trạng đặc thù của giới quan chức Việt - y hệt bài học tương tự từ "quan thày Trung Quốc".
Đã xảy ra không ít vụ án tham nhũng liên quan đến quan chức cấp trung cao, nhưng khi thành án thì lại chỉ có những quan chức cấp thấp phải "hy sinh". Trong dân gian đương đại, người ta mỉa mai rằng đó là hành động "Lê Lai cứu chúa", hoặc thỉnh thoảng cũng dùng đến cụm từ "dê tế thần".
Trong những cuộc xung đột nội bộ sau đại hội 12 của đảng cầm quyền giữa các nhóm quyền lực - lợi ích mới với những nhóm quyền lực - lợi ích cũ, từ ngữ thông dụng hơn hẳn được dùng là "xử lý sân sau". Những vụ án tham nhũng ghê gớm tại Vinashin, Vinalines, Ngân hàng Á châu, Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Dầu Khí toàn Cầu… đều có những dấu hiệu là một thứ "sân sau" của những quan chức cao cấp nào đó, nhưng rốt cuộc chỉ có những kẻ thi hành phải lãnh án.
Với "truyền thống tế dê" như thế, rất có thể trong một số lần đàm phán với phía Đức từ tháng Tám - khi cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức - Việt bắt đầu nổ ra - cho đến gần đây, phía Việt Nam đã gợi ý đưa vấn đề "xử lý nội bộ", tuy không nêu tên quan chức cụ thể nào, với hy vọng làm người Đức hài lòng.
Từ tháng Tám đến nay, chỉ riêng việc Bộ Ngoại giao Việt Nam im như thóc trước cảnh hai cán bộ ngoại giao mà dường như đóng vai trò "tình báo viên" của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức bị phía Đức trục xuất tống cổ về nước, đã cho thấy phía Việt Nam "biết lỗi" như thế nào.
Còn nếu người Đức cắc cớ hỏi thẳng Việt Nam sẽ xử lý những quan chức nào, rất có thể cái tên Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng trở nên dễ dàng nhất - sẽ bị chọn làm "dê tế thần" để chịu trách nhiệm về vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh".
"Người lớn" hay "trẻ hư khó dạy" ?
Nhưng Đoàn Xuân Hưng lại chỉ là một quan chức bậc trung, không phải ủy viên trung ương và còn chưa ngoi đến ghế thứ trưởng ngoại giao. Trong khi đó, vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" đã trở thành "án quốc gia" và có lẽ kéo theo cấp phải chịu trách nhiệm lên tới Bộ Chính trị.
Hẳn nhiên, Đoàn Xuân Hưng là cái tên mà Chính phủ Đức, nếu có thỏa hiệp với Việt Nam về giải pháp "xử lý nội bộ", sẽ quá khó để hài lòng.
Trong khi đó, qua bốn tháng từ khi nổ ra khủng hoảng Đức - Việt, vẫn không thấy phía Việt Nam có lời xin lỗi, hoặc có nhượng bộ về vấn đề nhân quyền hoặc lao động nào. Kết quả này hoàn toàn có thể phản ánh là kết quả của những cuộc đàm phán song phương trong lặng lẽ giữa Việt Nam và Đức đã chẳng đi tới đâu, hoặc hoàn toàn bế tắc.
Rất có thể, đó chính là nguồn cơn dẫn đến hệ quả vào cuối tháng 9/2017, Chính phủ Đức đột ngột tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam - được hiểu như một niện pháp trừng phạt ở cấp độ rất cao.
Chỉ ít lâu sau đó, lại có thêm một biện pháp trừng phạt bổ sung : Đức thông báo hủy bỏ hiệp định Đức - Việt về miễn trừ visa cho các cán bộ ngoại giao của Việt Nam đi công tác ở Đức. Điều đó có nghĩa là ngay cả Bộ trưởng ngoại Phạm Bình Minh và thậm chí cả "đảng trưởng" Nguyễn Phú Trọng nếu có muốn đi Đức thì cũng phải làm thủ tục xin visa tại Đại sứ quán Đức ở Việt Nam.
Đến đây, vấn đề lại xoay chuyển sang một hướng khác và có lẽ khác hẳn cách nhìn có lẽ khá đơn giản của bà Alicia Garcia-Herrero - người tham vấn cho các quan chức châu Âu về EVFTA - rằng Việt Nam chỉ cần "dê tế thần" là cuộc khủng hoảng ngoại giao sẽ sớm được giải quyết.
Bởi từ tháng Tám năm 2017 đến nay, phía Đức đã hành động như một "người lớn", một nhà nước lớn, và trên hết là một nhà nước pháp quyền. Chứ không phải như thể chế "pháp quyền xã hội chủ nghĩa" luôn được tuyên rao ở Việt Nam nhưng lại làm nhiều người dân liên tưởng đến hình ảnh "trẻ hư khó dạy"…
Với những cái "lớn" ấy, nước Đức sẽ khó, quá khó để chấp nhận giải pháp "dê tế thần", nếu Việt Nam có đưa ra đề nghị này.
Điều người Đức cần là sự minh bạch, thành thật hối lỗi và biết đứng lên từ bùn lầy. Mà không có chuyện "đi đêm".
Còn băn khoăn "Các ông dành hàng năm trời để đàm phán về một thứ các ông không thể thông qua ư ?" của bà Alicia Garcia-Herrero thì thế nào ?
EVFTA chỉ mới đàm phán trong 1-2 năm. Còn người Mỹ đã mất đến ít nhất 6 năm để đàm phán về Hiệp định TPP, nhưng vào đầu năm 2017 Tổng thống Trump đã quyết định rút ra khỏi hiệp định này một cách không tiếc nuối.
Thế thì người Đức có thể cũng chẳng nuối tiếc gì một vài năm đàm phán EVFTA với Việt Nam.
Sự kiện Chính phủ Đức và cả Đại sứ quán Đức tại Việt Nam đều không tham dự Hội nghị APEC Đà Nẵng vào tháng 11/2017 là một bằng chứng rõ rệt về quan điểm của người Đức đang giữ khoảng cách rất xa đối với giới chóp bu Việt Nam.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 17/11/2017
Người Đức đã "oải" ?
Thông báo ngày 22 tháng Chín của Bộ ngoại giao Đức về việc quốc gia này tạm thời đình chỉ mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam cũng như trục xuất nhân viên ngoại giao thứ hai của Hà Nội có thể là đoạn cao trào của bản giao hưởng tràn ngập tính bi kịch, tạm thời kết thúc cơn bùng phát khủng hoảng ngoại giao Đức – Việt để chuyển sang một giai đoạn đóng băng kéo dài trong quan hệ giữa hai nước.
Vụ Trịnh Xuân Thanh gây bùng phát khủng hoảng ngoại giao Đức - Việt (Hình : Getty Images)
Một chi tiết đáng chú ý trong bản thông báo ngày 22 tháng Chín là phía Đức dường như đã thay đổi yêu cầu đòi giới chóp bu Việt Nam phải trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức, với đoạn viết : "Chúng tôi đã đưa ra các yêu cầu liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh, trong đó có việc phiên xử ông ấy phải được tiến hành theo pháp quyền và mở cửa cho các quan sát viên quốc tế".
Vào ngày 2 tháng Tám, cũng một tuyên bố của Bộ ngoại giao Đức đã yêu cầu "ông Trịnh Xuân Thanh được cho phép trở lại Đức ngay lập tức để được xem xét toàn diện về chuyện dẫn độ và xin tị nạn theo đúng pháp luật".
Có vẻ người Đức, sau chuỗi ngày chứng kiến thái độ trả treo cù nhầy của đoàn đàm phán Việt Nam, đã "oải" đến mức phải "buông" Trịnh Xuân Thanh. Yêu cầu của Đức về việc Việt Nam cho các quan sát viên quốc tế tham dự phiên tòa xử Trịnh Xuân Thanh có lẽ chỉ là một yêu sách mang tính thủ tục và cách nào đó giữ thể diện cho một quốc gia đã bị người ngoài tổ chức bắt cóc ngay trên lãnh thổ của mình.
Sự chây lì và quan điểm "chấp nhận trả giá đối ngoại để giải quyết đối nội" đã chiến thắng trước cỗ xe tăng Đức.
Trịnh Xuân Thanh, không ngoài dự đoán của giới quan sát chính trị, hiển nhiên đã trở thành con át chủ bài lợi hại của tổng bí thư trong công cuộc được xem là "chống tham nhũng" của Nguyễn Phú Trọng.
Rất dễ để nhận ra rằng ngay sau khi "Thanh về" vào cuối tháng Bảy, chiến dịch bắt bớ giới đại gia, quan chức ngành ngân hàng và dầu khí đã được đẩy nhanh hẳn so với trước đó. Cũng không khó để cho rằng ít ra cho tới thời điểm hiện nay, Tổng bí thư Trọng không có đối thủ chính trị. Nhân vật Trịnh Xuân Thanh như chắp thêm cánh cho nhân vật tổng bí thư vượt lên đỉnh cao độc tôn quyền lực đến tận đại hội 13 của đảng cầm quyền (nếu còn có đại hội này), thậm chí như một ngạn ngữ phương Tây "quyền lực cho đến chết".
Nhưng người Đức sẽ tiếp tục trừng phạt ?
Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại. Sau "giải quyết đối nội", phần "trả giá đối ngoại" là đến mức nào ? Và đã thật sự chấm dứt hay chưa ?
Người Đức đã khá mau chóng kết thúc những cuộc đàm phán khủng hoảng ngoại giao với Việt Nam bằng "tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược" – một biện pháp trừng phạt thật sự bất ngờ đối với giới quan sát chính trị và dĩ nhiên với cả giới chóp bu Hà Nội.
Sự bất ngờ trên lại có thể là tiền đề mà có thể dẫn đến những bất ngờ khác và khó tưởng tượng trong tương lai, không chỉ là tương lai quan hệ giữa Đức và Việt Nam mà còn là quan hệ Việt Nam – Châu Âu.
Trong thực tế, cấp độ quan hệ đối tác chiến lược còn cao hơn và bao trùm hơn so với quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Dù chỉ tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược, đây là lời cảnh báo rất trực tiếp về khả năng người Đức có thể tiến tới cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Cũng không còn quá muộn để nói : "Xin vĩnh biệt Hiệp Định Thương Mại Tự Do Châu Âu – Việt Nam (EVFTA)".
Không có quan hệ đối tác chiến lược với Đức, hoặc mối quan hệ này bị tạm treo vô thời hạn, Việt Nam sẽ chẳng còn hy vọng gì để tham gia EVFTA vào năm 2018 hay trước năm 2020 mà do đó có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước này thêm vài phần trăm. Thậm chí một khi quan hệ đối tác chiến lược bị dang dở, mối quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Đức cũng đương nhiên bị ảnh hưởng. Sẽ khó còn cơ hội cho hàng Việt Nam xuất khẩu đến 6 tỷ đô la hàng năm vào đất Đức. Một hàng rào thuế quan và kiểm định chất lượng hàng hóa sẽ được dựng lên, và cũng giống như người Mỹ đã và đang làm với cá basa, tôm của Việt Nam, người Đức sẽ tỏ ra nghiêm khắc hơn hẳn trong việc giám sát không chỉ hàng hóa Việt Nam mà cả người Việt Nam "nhập khẩu" vào Đức.
Đức lại là quốc gia có nền kinh tế lớn nhất khối EU. Đức cũng là quốc gia nhập khẩu 1/5 các sản phẩm của Việt Nam xuất qua Châu Âu. Giá trị thương mại song phương Đức – Việt Nam lên đến 9 tỷ đô la, giúp cho số xuất siêu hàng năm của Việt Nam vào thị trường EU lên tới 25 tỷ đô la, hoàn toàn trái ngược với số nhập siêu – cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch – của Việt Nam từ "bạn vàng" Bắc Kinh gấp đôi như thế – hơn 50 tỷ đô la mỗi năm.
Thời kỳ đóng băng kéo dài ?
Một hiện tượng chính trị quốc tế đáng phân tích là ngay sau bản thông báo "tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược" của Đức được phổ biến vào ngày 22 tháng Chín, gần như đồng loạt Đại sứ quán các nước EU như Pháp, Bỉ, Hà Lan, Ý, Thụy Điển đã đăng trên Facebook của mình bản Thông cáo báo chí của Bộ ngoại giao Đức. Việc đăng lại như vậy là nhằm mục đích gì, nếu không phải để ủng hộ tuyên bố này của chính phủ Đức ?
Trong số những nước đăng lại bản thông báo trên, Thụy Điển là quốc gia mà vào năm 2013 đã tuyên bố cắt giảm mạnh mẽ viện trợ ODA cho Việt Nam bởi lý do phía Thụy Điển đã phát hiện một phần viện trợ ODA bị giới chức Việt Nam ăn chặn và tham nhũng không chỉ lần đầu. Còn Bỉ là quốc gia mà một quan chức cao cấp của Việt Nam là Phó Thủ Tướng Vương Đình Huệ vừa công du để vận động nước này, cũng như một số nước Tây Âu khác, ủng hộ việc sớm thông qua EVFTA, nhưng ông Huệ đã chẳng nhận được bất kỳ hứa hẹn nào từ các quốc gia này.
Một khả năng có thể xảy đến là trong thời gian tới, những quốc gia như Pháp, Bỉ, Hà Lan, Ý, Thụy Điển sẽ có một số biểu cảm nào đó gần tương tự biểu hiện của người Đức đối với Việt Nam. Những biểu cảm này sẽ liên đới mật thiết với viện trợ không hoàn lại, tín dụng cho vay, cũng khiến đầu tư nước ngoài của Châu Âu vào Việt Nam có thể sụt giảm đáng kể. Những ưu đãi về hàng rào thuế quan trong nhập khẩu hàng Việt Nam cũng bởi thế sẽ được thả nổi theo mặt bằng thị trường chung. Thậm chí khách du lịch Châu Âu – khi đã được báo chí lục địa này dồn dập cảnh báo về "nhà nước bắt cóc", sẽ chẳng còn mấy tha thiết đi dã ngoại ở một Việt Nam đầy rủi ro rình rập.
Một cách không cần tuyên bố, cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức- Việt và có thể liên quan đến quan hệ Việt Nam với một phần Châu Âu sẽ chuyển qua giai đoạn mới : thời kỳ đóng băng kéo dài nhiều năm.
Khi đó và theo cách nói nhấn nhá của người phát ngôn Bộ ngoại giao Đức "không có gì phải vội vàng cả" khi nói về vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Berlin, hậu quả với Việt Nam sẽ từ từ, dai dẳng và không kém phần đau đớn. Nhiều người dân và doanh nghiệp Việt Nam sẽ vô hình trung trở thành nạn nhân của hệ lụy trừng phạt từ phương Tây, nhưng lại chẳng dám thốt ra tên của thủ phạm đã gây ra những hậu quả ghê gớm này.
Nguồn : Người Việt, 08/10/2017
Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh "càng để lâu càng khó". Điều này tôi đã cảnh báo nhiều lần.
Bản thông cáo ngày 22 tháng chín của Bộ ngoại giao Đức nhấn mạnh "Vụ bắt cóc đã vi phạm trắng trợn luật pháp Đức và luật pháp quốc tế, điều mà chúng tôi không bao giờ dung thứ".
"Vụ bắt cóc đã vi phạm trắng trợn luật pháp Đức và luật pháp quốc tế, điều mà chúng tôi không bao giờ dung thứ" - Thông cáo ngày 22/09/2017 của Bộ Ngoại giao Đức - Kham/Reuters
Ở bất kỳ quốc gia pháp trị nào (Việt Nam gọi là nhà nước pháp quyền), các việc vi phạm ph/áp luật như vậy sẽ không bao giờ "du di", hay dễ dàng bỏ qua cho thủ phạm.
Huống chi đây là vấn đề trọng đại ở tầm quốc gia. Quốc gia này cho điệp viên vào nước khác để bắt cóc người là một hành vi "xâm phạm chủ quyền quốc gia". Thời bình, hai bên có quan hệ hữu hảo, thì người ta gọi đơn thuần là "vi phạm luật quốc gia và luật quốc tế". Trong thời "chiến tranh lạnh", hiển nhiên đó là một hành vi "thù nghịch", tương đương với hành vi "gây chiến".
Nước Đức, một quốc gia trọng luật, được thành hình trên các giá trị nền tảng của nhân quyền cũng như trên tinh thần kỹ luật và niềm tự hào dân tộc. Họ đã cho Việt Nam biết là sẽ "không bao giờ dung thứ".
Bộ ngoại giao Đức vừa thông cáo cho biết đình chỉ "đối tác chiến lược" với Việt Nam đồng thời trục xuất thêm một nhân viên sứ quán của Việt Nam tại Đức. Thông cáo còn cho biết nước này bảo lưu những biện pháp trả đũa khác.
Thực ra, nếu theo dõi từ đầu thì ta thấy yêu cầu của Đức cũng rất "nhẹ nhàng". Đó là "một lời xin lỗi cùng với cam kết không làm điều tương tự trong tương lai".
Vậy mà Việt Nam không đáp ứng.
Trong bản thông cáo ngày 22 tháng chín, ta thấy Bộ ngoại giao Đức còn yêu cầu Việt Nam "xử lý những người có trách nhiệm trong vụ việc" và "áp dụng quy trình tố tụng theo nguyên tắc pháp quyền đối với ông Trịnh Xuân Thanh và có sự tham dự của các quan sát viên quốc tế".
Bỏ qua cách dịch "nhà nước pháp quyền" trong bản dịch tiếng Việt. Thực ra phải dịch là "nhà nước pháp trị".
Dĩ nhiên, với cái gọi là "nhà nước pháp quyền" của Việt Nam hiện nay thì việc thượng tôn pháp luật là một cái gì đó xa xôi, không thực tế. Cái yêu cầu "xử lý những người có trách nhiệm trong vụ việc" sẽ không bao giờ được thực thi.
Trong một "nhà nước pháp trị", như nước Đức, bất kỳ người nào, ngay cả bà thủ tướng Merkel, nếu có hành vi phạm luật thì người này sẽ bị trừng trị đúng pháp luật và việc xét xử theo đúng trình tự tố tụng.
Việt Nam nhặp nhằng cái gọi là "nhà nước pháp quyền". Không có sách vở nào định nghĩa cụ thể nhà nước này xây dựng như thế nào, vận hành như thế nào. "Học giả" Việt Nam thì mỗi người diễn giải mỗi cách khác nhau, theo ý của mình.
Ta thấy yêu cầu của Đức là hết sức hợp lý. Ai là thủ phạm trong việc này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Nhưng ở Việt Nam, nếu "thủ phạm" là đảng viên thì người này sẽ được "chỉ thị 15 của Bộ chính trị" bảo vệ.
Nhưng trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, ta thấy rõ ràng người có trách nhiệm cao nhứt là ông Trọng.
Luật lệ còn không xử được đảng viên, huống chi là "đảng trưởng" Nguyễn Phú Trọng.
Còn yêu cầu "áp dụng quy trình tố tụng theo nguyên tắc pháp quyền đối với ông Trịnh Xuân Thanh và có sự tham dự của các quan sát viên quốc tế", theo tôi cũng khó được Việt Nam thi hành.
Bởi vì nếu theo đúng thủ tục tố tụng pháp lý của một nhà nước pháp trị thì ông Thanh phải trả về Đức trước, để quốc gia này xét đơn xin tị nạn của ông Thanh.
Nguyên tắc nền tảng của nhà nước pháp trị (Việt Nam gọi là nhà nước pháp quyền) là quan chức nhà nước làm gì cũng phải theo luật mà làm.
Rõ ràng trong vụ Trịnh Xuân Thanh, quan chức Việt Nam đã "ngồi xổm" lên luật, vừa luật Việt Nam vừa luật nước Đức. Mà đó là "chuyện nhỏ". Việt Nam còn ngồi xổm lên luật quốc tế.
Nước Đức đình chỉ "đối tác chiến lược" với Việt Nam là điều hợp lý. Đối với những "đối tác chiến lược khác", nếu Việt Nam vẫn khư khư cái gọi là "nhà nước pháp quyền", thì trước sau gì các mối quan hệ này cũng sẽ bị đình chỉ.
Quan hệ đối tác chiến lược giữa các quốc gia được kết nối bằng "niềm tin" mà niềm tin này thể hiện qua các điều ước ghi rõ trong kết ước.
Hành vi cho điệp viên sang Đức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là một hành vi "côn đồ", xúc phạm thô bạo đến chủ quyền nước Đức. Nhưng thái độ làm lì của Việt Nam, bất chấp sự quan ngại của nhà nước Đức, qua những yêu cầu hợp lý, rõ ràng niềm tin đã đổ vỡ.
Dĩ nhiên rốt cục chỉ có người dân "lãnh đủ" mọi "chế tài" của Đức (và các quốc gia trong khối Châu Âu).
Mà nguyên nhân của nó là ở Việt Nam chỉ thị của đảng cao hơn luật quốc gia.
Điều này cũng tố cáo Việt Nam không phải là một "Etat de Droit - nhà nước pháp trị" (mà Việt Nam dịch gượng ép là "nhà nước pháp quyền").
Ông Trịnh Xuân Thanh bị ‘xử’ ở Việt Nam ? (VOA, 27/09/2017)
Phía Đức dường như đã thay đổi yêu cầu Hà Nội "trả" ông Trịnh Xuân Thanh, mà cựu quan chức tỉnh Hậu Giang này nhiều khả năng sẽ bị đưa ra xét xử ở Việt Nam.
Tuyên bố bằng tiếng Anh hôm 22/9, thông báo về việc Đức tạm ngưng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam cũng như trục xuất nhân viên ngoại giao thứ hai của Hà Nội, có đoạn : "Chúng tôi đã đưa ra các yêu cầu liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh, trong đó có việc phiên xử ông ấy [his trial] phải được tiến hành theo pháp quyền và mở cửa cho các quan sát viên quốc tế".
Bản tiếng Việt của thông cáo này, do Đại sứ quán Đức ở Hà Nội công bố, dịch : "Chúng tôi đã đưa ra các yêu cầu liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh, trong đó có việc áp dụng quy trình tố tụng theo nguyên tắc pháp quyền đối với ông Trịnh Xuân Thanh và có sự tham dự của các quan sát viên quốc tế.
VOA Việt Ngữ sau đó đã đề nghị Bộ Ngoại giao Đức cho biết về những điểm chính trong phản ứng chính thức của Hà Nội để xem có đề cập tới chuyện ông Thanh sẽ bị xử tại Việt Nam hay không, và lại được gửi cho thông cáo về việc Đức tạm ngưng mối quan hệ đối tác chiến lược với Hà Nội.
Trong tuyên bố hôm 2/8, cáo buộc Việt Nam gây ra vụ bắt cóc ở Berlin, chính phủ Đức yêu cầu "ông Trịnh Xuân Thanh được cho phép trở lại Đức ngay lập tức để được xem xét toàn diện về chuyện dẫn độ và xin tị nạn theo đúng pháp luật".
Thông cáo của Đức hôm 22/9 trong đó có nhắc tới từ phiên tòa xử ông ấy [his trial].
Về động thái trên, ông David Brown, chuyên gia về tình hình Việt Nam, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng phía Đức dường như "tạo điều kiện dễ dàng hơn cho Việt Nam giảm bớt căng thẳng trong quan hệ song phương".
Nhà ngoại giao Mỹ từng có thời kỳ làm việc ở Việt Nam nói tiếp : "Phía Việt Nam có thể đáp lại, như luôn từng tuyên bố, rằng tiến trình tố tụng ở tại tòa án ở Việt Nam luôn tuân thủ nghiêm ngặt với pháp quyền. Việt Nam cũng có thể đảm bảo rằng các quan chức đại sứ quán Đức và phóng viên [của hãng thông tấn Đức] DPA có vị trí ngồi tốt trong phòng xử án".
Ông Brown cho biết rằng ông đang đi du lịch ở Châu Âu, trong đó có chặng dừng chân ở Đức, nơi ông đã trao đổi với những bạn bè người bản xứ thạo tin, nhưng họ "không hề hay biết" về việc "Việt Nam phá vỡ các thông lệ ngoại giao".
"Đối với công chúng Đức, vụ ông Trịnh Xuân Thanh chỉ xuất hiện trong tin tức trên trang nhất trong vài ngày rồi mất hút", chuyên gia về Việt Nam nói thêm.
Cũng nhận ra sự thay đổi trong yêu cầu của Đức, luật sư Trần Vũ Hải viết trên Facebook : "Theo đánh giá của tôi, yêu cầu này của Đức phù hợp với pháp luật Việt Nam và những cam kết của Việt Nam với quốc tế. Việc xét xử ở Việt Nam là công khai, ai cũng có quyền tham dự, kể các quan sát viên nước ngoài".
Ông Hải nói thêm : "[Ông] Trịnh Xuân Thanh có quyền có luật sư ngay tại giai đoạn điều tra, và luật sư của [ông] Thanh có quyền tranh tụng với công tố viên tại Tòa án xét xử [ông] Thanh. Nước Đức đã giúp Việt Nam cải cách tư pháp, và vụ án xử [ông] Trịnh Xuân Thanh sẽ chứng minh nước Đức đã không phí công giúp nước Việt".
Cũng trên mạng xã hội này, cơ quan đại diện ngoại giao Đức tại Hà Nội hôm 22/9 viết rằng "Đại sứ quán Đức muốn nhấn mạnh một điểm quan trọng là Đức và các đối tác của Đức trong Liên minh Châu Âu trong cuộc chiến chống tham nhũng luôn sát cánh với các đối tác của mình, trong đó có Việt Nam. Cuộc đấu tranh này phải dựa trên luật pháp của nhà nước pháp quyền, luật pháp quốc tế và sự tôn trọng lẫn nhau".
Về khả năng Việt Nam lấy chống tham nhũng là lý do chính cho việc bắt giữ ông Thanh ở Berlin mà phía Đức nói rằng "vi phạm trắng trợn luật pháp" như nhiều nhận định trên mạng, chuyên gia David Brown từ chối bình luận.
Trong một diễn biến được cho là để xoa dịu quan hệ ngoại giao đang căng thẳng, cổng thông tin của chính phủ Việt Nam mới đăng bài viết về cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đại sứ Đức Christian Berger hôm 27/9 bên lề Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu ở Cần Thơ, trong đó người đứng đầu chính phủ Việt Nam "đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả giữa hai nước trong khuôn khổ Đối tác chiến lược thời gian qua" cũng như "khẳng định Việt Nam luôn coi Đức là đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu ở Châu Âu".
Ông Phúc cũng "trân trọng gửi lời chúc mừng Thủ tướng Angela Merkel và Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo do bà lãnh đạo giành thắng lợi tại cuộc bầu cử Quốc hội Đức nhiệm kỳ 2017 - 2021".
Tin cho hay, ông Phúc "cũng gửi lời cảm ơn bà Angela Merkel đã mời Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm G20 vào tháng 7 vừa qua và cho rằng, kết quả tốt đẹp của Hội nghị G20 đã giúp tạo sự kết nối giữa G20 và APEC, đặc biệt là trong việc phối hợp thúc đẩy thương mại tự do toàn cầu".
Trước đây, chính quyền Berlin từng nói rằng Việt Nam đã "bội tín" sau khi từng yêu cầu dẫn độ ông Thanh về nước lúc Thủ tướng Phúc dự hội nghị G20 ở Đức, nhưng sau đó lại thực hiện vụ "bắt cóc".
Viễn Đông
*****************
Đức phản bác thông tin ‘từ chối visa cho người Việt’ (VOA, 27/09/2017)
Bộ Ngoại giao Đức mới lên tiếng với VOA tiếng Việt, bác bỏ thông tin "không đúng sự thật" trên mạng xã hội về chuyện "một đoàn công tác và chủ tịch một tỉnh lớn ở miền bắc Việt Nam bị phía Đức từ chối cấp visa", sau khi Berlin tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Hà Nội vì vụ việc liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh.
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel.
Bộ Ngoại giao Đức nói rằng "một phái đoàn từ [tỉnh] Thanh Hóa không bị từ chối visa" như thông tin lan truyền trên mạng.
Bộ này nói thêm trong email gửi cho VOA Việt Ngữ : "Có một số vấn đề về việc cấp hẹn [phỏng vấn] xin visa trước chuyến đi đã định của họ tới Đức. Tuy nhiên, nhóm này giờ đã có lịch hẹn vào ngày 27/9 tại Đại sứ quán [Đức ở Hà Nội]".
Trước đó, hôm 26/9, nhiều Facebooker trích lại một bài viết của trang tin tiếng Việt là Thời Báo ở Đức, trong đó website này viết rằng "đoàn công tác tới gần 20 người với vị chủ tịch một tỉnh lớn ở miền bắc Việt Nam bị phía Đức từ chối cấp Visa sang công tác vào dịp cuối tháng 9, các kế hoạch gặp gỡ đối tác Đức của tỉnh này đã phải hủy gấp".
Cùng ngày, trả lời VOA tiếng Việt, ông Lê Trung Khoa, chủ của trang tin trên, khẳng định rằng "thông tin đã đăng là đáng tin cậy nhưng vì lý do tế nhị ông không thể tiết lộ nguồn tin liên quan đến đoàn Việt Nam".
Chính phủ Đức hôm 22/9 nói họ trục xuất nhà ngoại giao thứ nhì của Việt Nam bị tình nghi tham gia vào vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin.
Bài viết có tựa đề "Đức từ chối cấp Visa cho đoàn công tác nhà nước, tạm ngừng cấp Visa cho du học sinh Việt Nam ?", hiện đã thu hút hơn 120 nghìn lượt đọc, còn đăng ảnh chụp màn hình hệ thống đặt lịch hẹn phỏng vấn và xin thị thực của Lãnh sự quán Đức tại Sài Gòn, và đưa tin thêm rằng "lịch đăng ký phỏng vấn xin visa cho thời gian cư trú trên 90 ngày (du học, học nghề và làm việc) cũng bị đóng băng ít nhất tới hết tháng 01.2018 mà không có lời giải thích nào".
Khi được hỏi xác nhận thông tin này, Bộ Ngoại giao Đức cho biết rằng "liên quan tới các cuộc hẹn phỏng vấn visa ở quá 90 ngày ở Đức, hiện thời, người xin thị thực đoàn tụ gia đình hoặc công việc sẽ phải đợi khoảng 4, 5 tuần, còn người xin visa đi học không cần phải đợi gì hết".
Ngày 27/9, Đại sứ quán Đức ở Hà Nội đã phát đi thông cáo, trong đó viết : "Hiện nay các cơ quan đại diện ngoại giao của Cộng hòa liên bang Đức tại Việt Nam đang nhận được rất nhiều các câu hỏi liên quan đến thông tin đang được lan truyền trên các trang mạng xã hội Việt Nam đề cập đến việc Đức ngừng cấp thị thực cho các đoàn doanh nghiệp, các đoàn chính phủ và sinh viên Việt Nam. Các cơ quan đại diện ngoại giao của Cộng hòa liên bang Đức tại Việt Nam khẳng định các thông tin này hoàn toàn không đúng với sự thật".
"Việc tạm dừng mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước không ảnh hưởng đến việc cấp thị thực tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Đức tại Việt Nam. Hiện tại do nhu cầu đăng ký lịch hẹn cao nên thời gian chờ đợi đối với các mục đích nộp hồ sơ có thể kéo dài hàng tuần", tuyên bố viết tiếp.
"Vì vậy đề nghị Quý vị lên kế hoạch sớm cho chuyến đi của mình và đặt lịch hẹn kịp thời thông qua Đại sứ quán Đức hoặc Tổng lãnh sự quán Đức tại Tp. Hồ Chí Minh".
**********************
Chính phủ Đức hiện vẫn còn rất bực tức về vụ một cựu quan chức Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Berlin để đưa về Việt Nam. Phía Đức dứt khoát đòi Việt Nam phải đáp ứng những yêu cầu của họ về vụ này, trong khi Hà Nội thì đang cố xoa dịu.
Ảnh chụp ông Trịnh Xuân Thanh trên đài truyền hình Việt Nam VTV nói ông đã tự ra đầu thú ở Hà Nội ngày 03/08/2017. Reuters/Kham
Bên lề Hội nghị về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, diễn ra tại Cần Thơ, hôm qua, 26/09/2017, đã có một sự kiện đáng chú ý đó là phó thủ tướng Việt Nam Vương Đình Huệ đã tiếp Bí thư thứ nhất của sứ quán Đức tại Việt Nam. Tham gia tiếp bà Luisa Bergfeld, đặc trách hợp tác kinh tế và phát triển của sứ quán Đức, có cả bộ trưởng bộ Kế Hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng.
Cuộc tiếp xúc giữa hai nhân vật cao cấp trong chính phủ Việt Nam với một nhà ngoại giao Đức diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước trở nên khá căng thẳng kể từ sau vụ ông Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch Tổng công ty xây lắp dầu khí, bị bắt cóc ở Berlin vào cuối tháng 7 vừa qua. Cho tới nay, Hà Nội vẫn không thừa nhận ông Thanh đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc, mà vẫn khẳng định cựu quan chức bị cáo buộc tham nhũng này đã tự nguyện trở về nước để ra đầu thú nhà chức trách.
Khi tiếp Bí thư thứ nhất sứ quán Đức hôm qua, phó tướng Vương Đình Huệ đã tuyên bố là chính phủ Việt Nam "coi trọng việc gìn giữ và phát triển mối quan hệ hợp tác chiến lược với chính phủ Đức". Về phần mình, theo tường thuật của báo chí chính thức của Việt Nam, bà Lucia Bergfeld đáp lại rằng chính phủ Đức "sẽ hợp tác chặt chẽ" với chính phủ Việt Nam về các lĩnh vực tài chính và kỹ thuật.
Thông tin về cuộc tiếp xúc giữa đại diện chính phủ Việt Nam với đại diện ngoại giao Đức được đăng tải rộng rãi trên báo chí chính thức nhằm chứng tỏ là quan hệ Đức-Việt Nam vẫn tốt đẹp. Nhưng trên thực tế, vụ Trịnh Xuân Thanh đang gây tác hại nặng nề cho quan hệ giữa hai nước.
Trả đủa về vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, chính phủ Đức hôm 22/09 vừa qua đã thông báo tạm dừng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, đồng thời thông báo trục xuất thêm một nhân viên ngoại giao của sứ quán Việt Nam ở Berlin (sau khi đã trục xuất tùy viên an ninh của sứ quán Việt Nam vào đầu tháng 8).
Trên mạng cũng đã có nhưng thông tin rằng phía Đức đã ngưng cấp thi thực nhập cảnh cho các đoàn doanh nghiệp, các đoàn chính phủ và sinh viên Việt Nam. Nhưng sứ quán ở Việt Nam vừa bác bỏ thông tin đó, khẳng định là việc tạm dừng mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước không ảnh hưởng gì đến việc cấp visa.
Trong tuyên bố ngày 22/09 (theo bản tiếng Việt đăng trên trang web của các cơ quan đại diện ngoại giao của Cộng hòa liên bang Đức tại Việt Nam), phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Đức đã tái khẳng định : "Vụ bắt cóc đã vi phạm trắng trợn luật pháp Đức và luật pháp quốc tế, điều mà chúng tôi không bao giờ dung thứ".
Phát ngôn viên này cho biết là cho tới nay, chính phủ Việt Nam vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của phía Đức là Việt Nam xin lỗi và cam kết không vi phạm pháp luật tương tự trong tương lai. Phía Việt Nam cũng không khẳng định rõ là sẽ xử lý những người có trách nhiệm trong vụ việc.
Việt Nam lại càng khó mà đáp ứng yêu cầu của Berlin là đưa ông Trịnh Xuân Thanh trở lại Đức để họ cứu xét đơn xin tị nạn của ông. Lý do là vì ông Trịnh Xuân Thanh là nhân vật trung tâm của vụ án tham nhũng trong ngành dầu khí, một vụ án vừa được mở rộng thêm với việc công an Việt Nam cách đây hai ngày quyết định khởi tố và bắt tạm giam kế toán trưởng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Chưa biết là việc Đức tạm dừng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam sẽ có tác động ra sao đến bang giao giữa hai nước, nhưng rõ ràng là Berlin đang nâng dần mức độ trả đủa tùy theo thái độ của Hà Nội trong vụ Trịnh Xuân Thanh.
Thanh Phương
**************************
Chuyên gia : Việt Nam không nên trông đợi Đức thay đổi chính sách (VOA, 26/09/2017)
Chỉ hai ngày sau khi Đức tuyên bố tạm dừng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, chính trường Đức chứng kiến sự thất bại của Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD), đảng của vị ngoại trưởng.
Mặt trước tòa nhà Bộ Ngoại giao Đức ở Berlin (ảnh tư liệu, 9/2012)
Điều này dẫn đến một số phỏng đoán ở Việt Nam rằng chính sách của Đức về vụ Trịnh Xuân Thanh có thể thay đổi. Nhưng những người am hiểu nước Đức nói phỏng đoán như vậy là điều "hão huyền".
Theo kết quả bầu cử Đức hôm 24/9, khối Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của đương kim thủ tướng Angela Merkel giành 33% số phiếu. Tuy thấp những vẫn cho phép bà tiếp tục nắm chức thủ tướng trong thêm một nhiệm kỳ thứ tư.
Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ông ngoại trưởng Sigmar Gabriel chỉ đạt trên 20%. SPD là một đảng đối tác trong liên minh cầm quyền của bà Merkel cho đến cuộc bầu cử.
Đây được xem là kết quả tồi tệ nhất của SPD trong một cuộc tổng tuyển cử tính từ sau năm 1945. Đảng này tuyên bố "rút kinh nghiệm từ những sai lầm" trong việc liên minh với khối của bà Merkel, và sẽ rút ra khỏi liên minh để quay sang phe đối lập.
Với động thái đó, ông Gabriel sẽ mất chức ngoại trưởng và nước Đức sẽ có tân ngoại trưởng khi bà Merkel lập liên minh với các đảng đối tác khác với trước đây.
Bộ Ngoại giao Đức dưới quyền ông Gabriel hôm 22/9 tuyên bố trục xuất thêm một nhà ngoại giao Việt Nam, đồng thời tạm dừng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước vì vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.
Đức nói Hà Nội không hồi đáp một cách phù hợp các yêu cầu của Đức, đề nghị phía Việt Nam xin lỗi và cam kết không thực hiện những hành động vi phạm pháp luật Đức, tương tự như vụ bắt cóc ông Thanh, một quan chức tham nhũng đã bỏ trốn khỏi Việt Nam.
...người Đức rất phẫn nộ về việc Việt Nam cử người sang bắt cóc ông Thanh ở Berlin và đây "không phải là chuyện ngoại giao, mà là vấn đề an ninh nội địa của Đức...
Một chuyên gia từng nghiên cứu ở Đức nhiều năm nói
Sự kiện đảng SPD bị xem là "thua to" được một số người Việt Nam đón nhận như một "tin mừng", thể hiện qua những ý kiến bày tỏ trên mạng xã hội. Họ cho rằng ít nhất là trong khoảng 1 tháng, khi Đức trong quá trình lập chính phủ mới, sẽ không có thêm quyết định gì về vụ này.
Nói với VOA, một chuyên gia am hiểu về Đức đề nghị không nêu tên cho rằng phỏng đoán như vậy là "hão huyền" vì chưa hiểu về bản chất vụ việc theo cách nhìn từ phía Đức.
Theo chuyên gia này, người Đức rất phẫn nộ về việc Việt Nam cử người sang bắt cóc ông Thanh ở Berlin và đây "không phải là chuyện ngoại giao, mà là vấn đề an ninh nội địa của Đức".
Dù ai là ngoại trưởng Đức, nước này cũng không bỏ qua việc an ninh quốc gia của họ bị xâm phạm, chuyên gia nhận định.
Hiểu sai về quan điểm của Đức là điều nguy hiểm, chuyên gia này cảnh báo. Vị này bổ sung thêm rằng cũng thật "ngây thơ" nếu nghĩ rằng việc thay đổi các quan chức trong nội các sẽ dẫn đến thay đổi về chính sách.
Viện trợ và phát triển, những quan hệ hàn lâm, khoa học, và quan hệ kinh tế sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề. Tôi nghĩ rằng sức ép này sẽ về lâu về dài và phía Đức sẽ làm cứng rắn và cương quyết.
Chị Thảo Wiesner, Tổ chức Loening - Nhân quyền và Kinh doanh Có Trách nhiệm
"Ở Đức, các chính trị gia ra đi nhưng các nhiệm vụ tư pháp, hành chính vẫn ở lại", chuyên gia nói.
Cùng chung nhận định này, chị Thảo Wiesner, một nhà tư vấn thuộc tổ chức Loening - Nhân quyền và Kinh doanh Có Trách nhiệm, nói với VOA :
"Việc thay đổi về nhân sự hay nội các hay là đảng sẽ không liên quan gì đến vấn đề này. Tại vì bất kỳ đảng nào lên, chỉ tiêu quan trọng nhất của họ cũng là dân chủ và nhà nước pháp quyền. Họ không thể chấp nhận rằng có người bị bắt cóc trên đất nước của họ được. Bắt cóc trên nước họ là vi phạm rất nặng nề. Bất kể là đảng SPD, CDU, hay Đảng Xanh hay đảng gì đó, họ sẽ không thể chấp nhận việc đó được".
Hiện cư trú ở Berlin, với hiểu biết về Đức từ hơn 14 năm qua, chị Thảo dự báo việc nền kinh tế lớn nhất Châu Âu và thứ ba thế giới tạm dừng đối tác chiến lược với Việt Nam sẽ có những tác động lớn :
"Viện trợ và phát triển, những quan hệ hàn lâm, khoa học, và quan hệ kinh tế sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề. Tôi nghĩ rằng sức ép này sẽ về lâu về dài và phía Đức sẽ làm cứng rắn và cương quyết. Khi có đối tác hay thiết lập quan hệ ngoại giao, điều họ cần là đất nước đó phải là đất nước pháp quyền. Khi có vi phạm về nhân quyền, hay thỏa thuận giữa hai nước bị vi phạm, họ sẽ không để yên được, họ sẽ làm đến cùng".
Chỉ vài giờ sau khi Đại sứ quán Đức ở Hà Nội đăng lại tuyên bố của Bộ Ngoại giao về tạm dừng đối tác chiến lược trên trang Facebook của đại sứ quán hôm 22/9, họ đã bổ sung một đoạn lời dẫn ở đầu.
Trong đoạn văn này, Đại sứ quán Đức nhấn mạnh một điểm quan trọng là trong cuộc chiến chống tham nhũng, Đức và các nước trong Liên hiệp Châu Âu "luôn sát cánh" với các đối tác của mình, trong đó có Việt Nam.
Nhưng đại sứ quán lưu ý rằng cuộc đấu tranh này "phải dựa trên luật pháp của nhà nước pháp quyền, luật pháp quốc tế và sự tôn trọng lẫn nhau".
Chị Thảo nói về những gì Việt Nam có thể làm trong hoàn cảnh hiện nay :
"Tôi không phủ nhận rằng ông Thanh là người có tội. Thế nhưng việc bắt người phải làm đúng thủ tục, chứ không thể tự tiện đem ô tô sang bắt cóc người ta được. Việt Nam nên xin lỗi và có sự công khai để cả phía Đức và phía nhân dân Việt Nam có một sự thỏa đáng".
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam để hỏi về phản ứng của họ trước tuyên bố của Đức, nhưng chưa nhận được câu trả lời.
Lúc này, đang có những thông tin trái ngược nhau về các diễn biến liên quan. Trên trang web Thoibao.de, tạp chí của cộng đồng người Việt tại Đức, hôm 26/9 có tin phái bộ ngoại giao Đức từ chối cấp visa cho một đoàn công tác cấp tỉnh của Việt Nam, đồng thời du học sinh, người lao động Việt Nam có thể gặp thêm khó khăn khi xin visa.
Ông Lê Trung Khoa, chủ của báo mạng này, khẳng định với VOA thông tin đã đăng là đáng tin cậy nhưng vì lý do tế nhị ông không thể tiết lộ nguồn tin liên quan đến đoàn Việt Nam.
Về vấn đề visa cho sinh viên, người lao động, ông Khoa đưa ra bằng chứng là ảnh chụp màn hình trang web của Tổng Lãnh sự quán Đức ở thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, lịch đăng ký phỏng vấn xin visa cho thời gian cư trú trên 90 ngày bị "đóng băng" ít nhất tới hết tháng 1/2018. Lãnh sự quán Đức không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào.
VOA đã cố gắng nhưng không liên lạc được với đại diện của Phòng Văn hóa và Báo chí, Đại sứ quán Đức, để kiểm chứng thông tin.
Trong khi đó, trang Facebook và báo điện tử chính thức của chính phủ Việt Nam cho biết sáng 26/9, tại Cần Thơ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tiếp bà Lucia Bergfeld, Tham tán phát triển của Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, và hai quan chức của Tổ chức Hợp tác phát triển (GIZ). Ông Huệ đã cảm ơn sự hỗ trợ của chính phủ Đức và tổ chức GIZ.
Tin cho hay bà Lucia Bergfeld "trân trọng gửi lời mời" tới lãnh đạo chính phủ Việt Nam tới dự buổi lễ kỷ niệm quốc khánh Đức ngày vào 3/10 tới, sẽ được tổ chức tại đại sứ quán nước này ở Hà Nội.
Phó Thủ tướng Việt Nam nói Hà Nội coi trọng việc gìn giữ và phát triển "mối quan hệ hợp tác chiến lược với Chính phủ Đức". Ông nói thêm rằng "Chúng tôi hân hạnh được dự Ngày Tái thiết nước Đức vào 3/10 tới".
*******************
Thủ tướng Việt Nam gặp Đại sứ Đức ở Cần Thơ (BBC, 27/09/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp với Đại sứ Cộng hòa liên bang Đức tại Việt Nam, ông Christian Berger bên lề một hội nghị về biến đổi khí hậu ở Cần Thơ, theo truyền thông nhà nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam tiếp Đại sứ Cộng hòa liên bang Đức Christian Berger bên lề hội nghị ở Cần Thơ hôm 27/9/2017.
Tại cuộc tiếp xúc này, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định Việt Nam "luôn coi Đức là đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu ở Châu Âu" của Việt Nam, trong khi Đại sứ Christian Berger bày tỏ mong muốn Chính phủ hai nước "tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác, hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn" cho nhân dân hai nước, vẫn theo truyền thông Việt Nam.
Tin này được đăng tải rộng rãi ở Việt Nam sau khi Đức tuyên bố tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược với Hà Nội vì Đức cho là an ninh Việt Nam "bắt cóc" người ở Berlin.
Hôm 27/9/2017, báo mạng VnExpress của Việt Nam đưa tin về cuộc tiếp xúc này, cho hay :
"Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đánh giá cao Đại sứ tham dự Hội nghị, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ Đức đối với tiến trình phát triển bền vững của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
"Qua Đại sứ, Thủ tướng trân trọng gửi lời chúc mừng Thủ tướng Angela Merkel và Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo do bà lãnh đạo giành thắng lợi tại cuộc bầu cử Quốc hội Đức nhiệm kỳ 2017-2021".
Vẫn theo tờ báo mạng này, Thủ tướng Phúc cũng gửi lời cảm ơn tới bà Angela Merkel đã mời Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm G20 hồi tháng 7/2017 và cho rằng kết quả tốt đẹp của Hội nghị G20 đã "giúp tạo sự kết nối giữa G20 và APEC" đặc biệt trong phối hợp thúc đẩy thương mại tự do toàn cầu.
Thủ tướng Việt Nam 'bày tỏ mong muốn' Chính phủ Đức tiếp tục hỗ trợ Đồng bằng Sông Cửu Long lập quy hoạch phát triển phù hợp với thế mạnh của địa phương, ông được dẫn lời nói :
"Chính phủ Việt Nam cảm ơn sự hợp tác và hỗ trợ hiệu quả của Chính phủ Đức và cho biết, các chương trình hỗ trợ này đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt trên các lĩnh vực đào tạo nghề, năng lượng, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu".
Đánh giá cao nước Đức
Việt Nam luôn coi Đức là đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu ở Châu Âu, Thủ tướng Phúc được truyền thông Việt Nam dẫn lời nói.
Cũng hôm thứ Tư, báo Thế giới & Việt Nam, trực thuộc Bộ Ngoại giao nước này, đưa tin về diễn biến, dẫn ý kiến của Thủ tướng Phúc trong cuộc gặp với Đại sứ Berger, cho rằng :
"[Việt Nam] đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả giữa hai nước trong khuôn khổ Đối tác chiến lược thời gian qua, Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi Đức là đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu ở Châu Âu và mong muốn hai bên cần thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc nhằm tăng cường quan hệ tin cậy lẫn nhau, đưa quan hệ hai nước tiếp tục phát triển sâu rộng, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian tới.
"Đại sứ Christian Berger trân trọng cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian tiếp, bày tỏ vui mừng được tham dự Hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và cho biết sẽ tích cực làm việc với các cơ quan liên quan của Việt Nam để đẩy mạnh tiến trình hợp tác về vấn đề này. Đại sứ cũng mong muốn Chính phủ hai nước tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác, hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân dân hai nước.
"Đánh giá cao ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội nghị, Đại sứ Christian Berger hy vọng, Hội nghị lần này sẽ đưa ra những quan điểm hợp tác phát triển thiết thực giữa Việt Nam với các quốc gia, đối tác phát triển trong đó có Cộng hòa liên bang Đức, qua đó góp phần biến các thách thức của biến đổi khí hậu trở thành cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai", báo Thế giới & Việt Nam tường trình.
Vẫn tờ báo trực thuộc Bộ Ngoại giao của Việt Nam hôm thứ Tư cho biết tin, cùng ngày 27/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp các đại sứ của nhiều nước khác tại Hội nghị trên trong một mục tin đưa chung, tờ báo cho hay :
"Bên lề Hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, sáng 27/9, tại Thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Đại sứ Thụy Điển, Đại sứ Australia và Công sứ Nhật Bản".
Ông Steffen Seibert, Phát ngôn viên chính phủ Đức vừa trả lời các nhà báo sau giờ trưa hôm 22/09/2017 về quyết định trục xuất thêm một cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin
Hôm 27/9, trong một diễn biến khác, Đại sứ quán Cộng hòa liên bang Đức tại Việt Nam có thông báo về "Thông tin về xin thị thực tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Đức tại Việt Nam" và cho hay :
"Hiện nay các cơ quan đại diện ngoại giao của Cộng hòa liên bang Đức tại Việt Nam đang nhận được rất nhiều các câu hỏi liên quan đến thông tin đang được lan truyền trên các trang mạng xã hội Việt Nam đề cập đến việc Đức ngừng cấp thị thực cho các đoàn doanh nghiệp, các đoàn chính phủ và sinh viên Việt Nam.
"Các cơ quan đại diện ngoại giao của Cộng hòa liên bang Đức tại Việt Nam khẳng định các thông tin này hoàn toàn không đúng với sự thật.
"Việc tạm dừng mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước không ảnh hưởng đến việc cấp thị thực tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Đức tại Việt Nam. Hiện tại do nhu cầu đăng ký lịch hẹn cao nên thời gian chờ đợi đối với các mục đích nộp hồ sơ có thể kéo dài hàng tuần. Vì vậy đề nghị Quý vị lên kế hoạch sớm cho chuyến đi của mình và đặt lịch hẹn kịp thời thông qua Đại sứ quán Đức hoặc Tổng lãnh sự quán Đức tại Tp. Hồ Chí Minh".
Chính phủ Đức liên tiếp đăng các biện pháp trả đũa Việt Nam trên mạng xã hội sau vụ ông Trịnh Xuân Thanh : Bìa phải là Thủ tướng Angela Merkel và Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel
Thông tin này bác bỏ một số thông tin trên mạng xã hội cho rằng đã có việc Đức ngừng cấp thị thực cho các đoàn doanh nghiệp, chính phủ và sinh viên Việt Nam, sau khi Đức tạm ngừng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Đặc biệt, khác thường ?
Trước đó, hôm thứ Ba, truyền thông Việt Nam cho hay Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có một cuộc tiếp xúc nhà ngoại giao Đức để bàn về ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, nhưng không rõ hai bên có nói về rạn nứt ngoại giao hiện nay hay không.
Sáng 26/9, ông Vương Đình Huệ tiếp bà Lucia Bergfeld, Bí thư thứ Nhất, Tham tán phát triển của Đại sứ quán Đức tại Việt Nam bên lề một hội nghị ở Cần Thơ.
Cùng có mặt tại buổi gặp có ông Jasper Abramowski-Giám đốc Tổ chức Hợp tác phát triển (GIZ) tại Việt Nam và ông Dirk Pauschert-Giám đốc chương trình của GIZ.
Theo báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh , Phó Thủ tướng Việt Nam gửi lời chúc mừng Đức "vừa tổ chức thành công cuộc bầu cử Thủ tướng", và cảm ơn "đóng góp, hỗ trợ" của Đức dành cho Việt Nam từ thập niên 1990 đến nay.
Ông Vương Đình Huệ đề cập vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu ở Đồng bằng Sông Cửu Long, trong khuôn khổ hội nghị về chuyển đổi mô hình phát triển bền vững cho vùng này.
Hôm 22/9, Đức tuyên bố "tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược" với Việt Nam vì cáo buộc Việt Nam đã tiến hành vụ "bắt cóc" và đưa ông Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam.
Ông Trịnh Xuân Thanh "xin lỗi" trong đoạn phim chiếu trong chương trình thời sự của VTV tối 3/8
Kể từ hôm đó, truyền thông Việt Nam hoàn toàn im lặng không tường thuật diễn biến này.
Bộ Ngoại giao Đức cũng công bố họ trục xuất thêm một nhà ngoại giao Việt Nam để trả đũa Hà Nội vì vụ "bắt cóc" Trịnh Xuân Thanh.
Một nguồn tin đưa ra lời bình luận với BBC cho rằng một Phó Thủ tướng của Việt Nam, lại là Ủy viên Bộ Chính trị, gặp Bí thư của một Tòa Đại sứ là điều đặc biệt, khác thường.
Nguồn này cũng đưa ra nhận xét cho rằng "đây chỉ là cuộc gặp bên lề một Hội nghị về sông Mekong được tổ chức ở Cần Thơ với sự tham dự của 18 tổ chức quốc tế", mà không riêng gì đại diện của Đức.
"Dự án hợp tác Đức - Việt ở đây đã được chính phủ Đức duyệt và thực hiện từ lâu, nên họ sẽ làm tiếp. Chỉ có những gì sau ngày 22/9 [ngày Đức tuyên bố ngưng quan hệ đối tác chiến lược] sẽ bị ảnh hưởng", nguồn tin không muốn tiết lộ danh tính này nói thêm với BBC.
PV luật sư Lê Công Địnn về vụ Trịnh Xuân Thanh
Trần Quang Thành thực hiện
Nguồn : Tien DanVietMedia, 27/09/2017
Ngày 22 tháng 9 vừa qua, Bộ Ngoại giao Đức ra thông báo mới cho biết sẽ tạm dừng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vì Việt Nam đã không đáp ứng được yêu cầu của Đức sau khi bắt cóc cựu quan chức Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam Trịnh Xuân Thanh hồi cuối tháng 7 vừa qua. Đức đồng thời cũng trục xuất thêm một nhân viên ngoại giao mới của Việt Nam vì có liên quan đến vụ việc. Hành động mới từ phía chính phủ Đức đang đặt Việt Nam vào một tình thế khó trong việc giải quyết vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và câu hỏi đặt ra là Việt Nam có thể trao trả Trịnh Xuân Thanh hay không và nếu có thì bằng cách nào ?
Màn hình TV chiếu hình ông Trịnh Xuân Thanh trên VTV ở Hà Nội hôm 4/8/2017- AFP
Vụ chính phủ Việt Nam cho mật vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, một quan chức chính phủ bị truy nã vì cáo buộc tội tham nhũng, tại ngay trên đất Đức đang khiến cho quan hệ hai nước trở nên căng thẳng mà đỉnh điểm gần đây nhất là thông báo tạm dừng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước được Bộ Ngoại giao Đức đưa ra hôm 22 tháng 9.
Trong thông báo này, Bộ Ngoại giao Đức ghi rõ ‘vì lý do cho tới nay phía Việt Nam hoàn toàn không đáp ứng các yêu cầu của chúng tôi cũng như không thừa nhận việc vi phạm pháp luật và phá vỡ lòng tin nên chúng tôi buộc phải áp dụng các biện pháp tiếp theo’. Thông báo viết rõ phía Đức đã thông báo cho phía Việt Nam quyết định tạm dừng quan hệ đối tác chiến lược và trục xuất thêm một cán bộ thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Đức.
Ngay sau khi vụ bắt cóc xảy ra hôm 23 tháng 7 tại thủ đô Berlin, ngày 2/8 Bộ Ngoại giao Đức đã ra thông cáo lên án hành động này, gọi đây là hành động vi phạm luật pháp quốc tế và luật pháp Đức, đồng thời trục xuất một nhà ngoại giao Việt Nam được cho là có liên quan đến vụ bắt cóc này.
Phía Việt Nam sau đó vào hôm 3/8 đã lên tiếng phản đối tuyên bố của chính phủ Đức và cho biết Trịnh Xuân Thanh đã tự ra đầu thú theo thông báo của Bộ Công an hôm 31 tháng 7.
Về tuyên bố mới của chính phủ Đức, nhà ngoại giao kỳ cựu đã từng có thời ở Việt Nam, David Brown nhận xét với đài Á Châu Tự Do qua email như sau :
Việc chính phủ Đức thông báo tạm ngưng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam chỉ mang tính hình thức. Đức vẫn nói là tiếp tục duy trì quan hệ bình thường với Việt Nam nhưng chỉ không trao cho Việt Nam các đối xử đặc biệt. Nếu nước Đức nói rõ là sẽ trì hoãn thanh toán các khoản tiền đã hứa cho Việt Nam thì hành động này của Đức sẽ còn hơn cả tính biểu tượng.
Việt Nam và Đức đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2011. Hợp tác giữa hai nước được triển khai trên nhiều lĩnh vực bao gồm kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, xã hội…. Đức hiện cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 20% xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Năm 2016, xuất khẩu của Việt Nam vào Đức đạt giá trị gần 6 tỷ đô la.
Đức hiện cũng là nhà viện trợ ODA lớn và thương xuyên cho Việt nam. Từ năm 1990 đến nay Đức đã dành cho Việt Nam khoảng 2 tỷ đô la viện trợ ODA. Đức cũng cam kết dành cho Việt Nam 600 triệu euro ODA trong giai đoạn từ 2015 đến 2017.
Nhận định về quyết định mới của chính phủ Đức để trừng phạt Việt Nam, giáo sư Carl Thayer từ học viện Quốc phòng Úc cho rằng động thái này còn hơn cả tính biểu tượng.
Tôi không nghĩ nó chỉ mang tính biểu tượng…. sắp tới sẽ có một loạt những thời hạn cho một loạt các chương trình trợ giúp giữa chính phủ Đức với Việt Nam và những trao đổi. Việt Nam đã được cảnh báo bởi phía Đức và được yêu cầu là phải gửi trả lại Trịnh Xuân Thanh và nếu Việt Nam từ chối thì trong danh sách của Đức có những thỏa thuận và trao đổi đến lúc phải ký tiếp thì những chương trình đó có thể bị ảnh hưởng, và thậm chí là cả Hiệp định tự do thương mại FTA nữa mặc dù hiệp định này phải có sự đồng ý của quốc hội của tất cả các nước EU.
Ngoài ra theo giáo sư Carl Thayer, việc Việt Nam không đáp ứng yêu cầu từ phía Đức cũng ảnh hưởng đến cơ hội dành được chiếc ghế thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 vì sẽ không dành được sự ủng hộ của Đức.
Tuy nhiên giáo sư Carl Thayer cũng cho rằng phía Đức sẽ không làm quá mức để chấm dứt toàn bộ quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Tôi nghĩ chiến lược của là Đức sẽ làm không có gì quá lớn và quá nhanh ngay lập tức để sau đó họ không thể rút lại được hay xoay sở được. Nhưng rõ ràng là trong toàn bộ quan hệ hai nước thì có nhiều những thỏa thuận sẽ sắp hết hạn hoặc cần ký tiếp hoặc có những chương trình đã định trong tương lai thì Đức có thể xóa. Nhưng phía Đức sẽ phải cân nhắc từng cái một để cho phía Việt Nam thấy được cái giá phải trả. Tất nhiên là họ không chấm dứt quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Sau khi vụ bắt cóc xảy ra, phía Đức đã tiến hành điều tra và sau đó bắt giữ một nghi phạm người Đức gốc Việt được cho là thuê và lái chiếc xe chở nhóm mật vụ Việt Nam đến bắt Trịnh Xuân Thanh.
Phía Đức cũng đưa ra các yêu cầu về áp dụng quy trình tố tụng theo nguyên tắc pháp quyền đối với ông Trịnh Xuân Thanh và có sự tham dự của các quan sát viên quốc tế.
Tuy nhiên theo thông báo của Bộ Ngoại giao Đức hôm 22 tháng 9, cho đến lúc này phía Việt Nam vẫn không xác nhận là đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức và cũng không xin lỗi hay cam kết sẽ không vi phạm pháp luật tương tự trong tương lai.
Giáo sư Carl Thayer cho rằng việc Việt Nam không đáp ứng yêu cầu của Đức đang đặt Việt Nam vào một tình thế khó trong việc giải quyết vụ Trịnh Xuân Thanh, vì trả Trịnh Xuân Thanh về Đức thì mất mặt mà không trả thì cũng gặp nhiều khó khăn.
Trong giai đoạn này nếu Việt Nam không có phản ứng tích cực thì những giới hạn mà Đức đưa ra sẽ tiếp tục cho đến khi trường hợp Trịnh Xuân Thanh được giải quyết. Tôi không biết là họ sẽ giải quyết thế nào nhưng có những ám chỉ rằng ông ta (Trịnh Xuân Thanh) sẽ khai ra những quan chức khác và sau đó ông ta sẽ không bị trừng phạt nặng nề vì đã hợp tác. Đó là một cách. Và một khi ông ta không còn chịu các cáo buộc hình sự thì Việt Nam có thể cho ông ta rời đất nước và họ có thể báo với Đức. Nhưng vào lúc này thì quá khó để Việt Nam đưa ông ta lên máy bay trở về Đức và thừa nhận mình sai.
Trong thông báo của Bộ Ngoại giao Đức, phía Đức cũng nói đến yêu cầu Việt Nam phải khẳng định sẽ xử lý những người có trách nhiệm trong vụ bắt cóc. Tuy nhiên đến giờ phút này Việt Nam chưa có thông tin chính thức đã hay sẽ xử lý bất cứ người nào có liên quan vì Việt Nam vẫn công khai nói rằng Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú. Vì vậy, theo giáo sư Carl Thayer, khả năng Việt Nam trừng phạt bất cứ ai liên quan đến vụ bắt cóc như yêu cầu của Đức là rất khó xảy ra. Mặt khác điều này cũng đồng nghĩa với việc Việt nam phải tự nguyện trao trả Trịnh Xuân Thanh về Đức, điều mà Việt Nam hiện không muốn.