Đừng làm xấu hình ảnh lá cờ vàng nữa !
Song Chi, quyenduocbiet, 08/01/2021
Bao nhiêu năm nay lá cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng thiêng liêng gợi nhớ về một chế độ, tuy còn non trẻ và gặp bao nhiêu khó khăn trong thời chiến tranh, nhưng đã kịp xây dựng được những mầm mống căn bản của một chế độ tự do dân chủ, đã kịp để lại những thành tựu về kinh tế qua rất nhiều thương hiệu Việt Nam, những di sản quý giá về văn học, thi ca, âm nhạc cho tới kiến trúc... mang đậm tính nhân bản, tình tự quê hương, dân tộc, bằng chứng là nền văn học, âm nhạc… đó vẫn sống dù từng bị cấm đoán, thủ tiêu từ ngay những ngày đầu tiên khi cuộc chiến tranh vừa kết thúc, một nền giáo dục với tính triết lý Nhân bản-Dân tộc-Khai phóng đã đào tạo ra bao nhiêu con người trí thức có năng lực, có kiến thức và có lương tri.
Cờ Việt Nam Cộng Hòa nay đã bị liệt vào danh sách cực đoan cùng những kẻ cuồng tín khác - Ảnh Quartz
Để có được những thành tựu ấy và để cho người dân miền Nam được hưởng một cuộc sống ấm no, êm đềm dù trong những ngày tháng ngập lửa bom đạn, chiến tranh, là sự hy sinh của bao nhiêu con người đã ngã xuống trên chiến trường Đồng Xoài, Pleime., Mậu Thân, Quảng Trị, An Lộc, hải chiến Hoàng Sa, Phước Long, Xuân Lộc… Lá cờ ấy còn thấm máu và tinh thần bất khuất của ít nhất 5 vị tướng cùng hàng chục, hàng trăm tá, úy, người lính đã tuẫn tiết ngay trước, trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến.
Chế độ Việt Nam Cộng Hòa bại trận nhưng việc lựa chọn đúng mô hình thể chế, con đường đi cho dân tộc cho tới những thành tựu, di sản đó là không thể phủ nhận.
Sau khi chiến tranh kết thúc cho tới bao nhiêu năm sau đó nữa, hàng trăm ngàn, hàng triệu con người đã rời nước ra đi, sống tha hương trên đất người nhưng vẫn mang theo lá cờ bên mình-lá cờ vàng vì vậy càng trở thành biểu tượng của tự do. Đối lập với lá cờ đỏ sao vàng của đảng cộng sản, của chế độ cộng sản-là lá cờ gắn liền với một chủ thuyết và một mô hình sai lầm đã bị nhân loại vứt vào sọt rác, gắn liền với một chế độ độc tài sắt máu, mị dân, hình thành từ bạo lực, tồn tại nhờ bạo lực, chỉ chuyên dùng bạo lực, khủng bố để cướp chính quyền và giữ chính quyền.
Nay lá cờ vàng lại bị một số người ủng hộ Trump, chủ yếu ở Mỹ, mang theo trong mọi cuộc xuống đường ầm ỹ ủng hộ Tổng thống Donald Trump hay phản đối kết quả cuộc bầu cử 2020, và nhiều lần hình ảnh lá cờ vàng đã lọt vào ống kính của phóng viên báo chí nước ngoài. Đỉnh điểm là trong cuộc bạo loạn xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ của thành phần ủng hộ Trump, mà giờ đây đã bị Tổng thống Tân cử Joe Biden gọi là những kẻ khủng bố nội địa (domestic terrorists), cũng có những người Mỹ gốc Việt với lá cờ vàng đã lọt vào ống kính của một vài báo, đài nổi tiếng !
Một nữ ủng hộ Trump được cho là người Việt Nam đang cổ vũ cho bạo lực cực đoan trước Capitol Hill với hình ảnh bạo lực. Nguồn hình từ Facebook
Yêu quý ai là quyền của quý vị. Có những hành động bạo loạn, vi phạm pháp luật, Hiến pháp Mỹ như vụ xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ kia cũng là lựa chọn của quý vị và nếu quý vị có phải trả giá vì điều đó thì cũng là chuyện của quý vị.
Nhưng đừng nhân danh lá cờ vàng mà làm xấu đi hình ảnh của lá cờ vàng nữa. Lá cờ ấy không đại diện cho riêng một nhóm người ủng hộ Trump. Đó là chưa kể bây giờ quý vị đã là người Mỹ rồi, đừng mang theo lá cờ của cựu quốc nữa, nếu muốn xuống đường ủng hộ Trump thì cứ mang theo hình Trump, những câu slogan "America First", "Make America Great Again"…hay thậm chí "Trump là Thượng đế, là Chúa Trời của tôi"… tùy !
Song Chi
Nguồn : quyenduocbiet, 08/01/2021
********************
Sự thật và đạo đức
Lâm Bình Duy Nhiên, 07/01/2021
Tôi có nhiều người là bạn, là chỗ thân tình, thậm chí trong gia đình, ủng hộ và bỏ phiếu cho tổng thống Trump. Họ có niềm tin và hy vọng vào sự đổi thay cho chính nước Mỹ, quốc gia đang cưu mang họ. Trong số đó có cả những người muốn nhìn thấy Trung cộng bị "đánh đẹp" bởi những chính sách của ông tổng thống Mỹ. Tôi tôn trọng họ vì đó là luật chơi trong một xã hội dân chủ. Tôi chẳng bao giờ lên án hay nguyền rủa những người đặt hy vọng, chính đáng đối với họ, vào ông Trump.
Một xã hội đa nguyên là thế. Đó là nơi không có chỗ cho sự áp đặt, sợ hãi của bọn độc tài.
Cái mà tôi chống, tôi lên tiếng chính là sự giả dối, vu khống, bôi nhọ sự thật của những kẻ bất lương người Việt tại Mỹ, Việt Nam hay bất cứ nơi nào trên thế giới này. Họ lợi dụng sự căm phẫn của người Việt đối với Trung cộng để tha hồ tung tin vịt nhằm định hướng dư luận. Họ thừa biết nỗi niềm khát khao dân chủ cho quê nhà của người dân trong và ngoài nước. Chính vì thế, họ kêu gọi bạo động, kích động sự thù hận ngay trong lòng nước Mỹ, kể cả tại những nơi có người Việt sinh sống.
Tôi không muốn những kẻ bệnh hoạn, kích động bạo loạn, tuyên truyền dối trá lại đội lốt dân chủ tranh đấu cho chính một Việt Nam không cộng sản. Ảnh Lev Radin/Pacific Press/LightRocket via Getty Images
Đối với những người này, không theo ông Trump là đồng nghĩa với cộng sản, bị Tàu cộng mua chuộc, phản bội lý tưởng tự do, chà đạp cờ vàng và xứng đáng bị kết tội phản quốc.
Trong số đó có không ít người được cho là nhà truyền thông, nhà dân chủ, cựu tù nhân lương tâm hay chính trị. Họ đắm mình từ vài tháng nay trong những thuyết âm mưu và hân hoan chia sẻ, phát tán thậm chí "sáng chế" ra những thông tin dối trá, bệnh hoạn để đánh phá những người ủng hộ Biden và đảng Dân chủ.
Không những bất lương, họ còn ra sức tuyên truyền những nhận xét mang tính kỳ thị và phân biệt chủng tộc đối với các sắc dân khác. Cứ như thể, họ đã là da vàng thượng đẳng và họ cố tình quên đi những bài học đau thương và đẫm máu do chủ nghĩa phân biệt chủng tộc gây ra trong lịch sử nhân loại.
"Cứu cánh biện minh cho phương tiện" là thế. Không có gì là xấu đối với họ để đạt mục đích.
Đó mới chính là lý do khiến tôi lên tiếng để góp phần lột trần sự bệnh hoạn của họ. Cái đích đến chính là một Việt Nam dân chủ, nếu được, diễn ra trong ôn hòa, trên tinh thần tôn trọng những giá trị nhân quyền cũng như bản sắc văn hóa Việt Nam. Tôi không muốn những kẻ bệnh hoạn, kích động bạo loạn, tuyên truyền dối trá lại đội lốt dân chủ tranh đấu cho chính một Việt Nam không cộng sản.
Vì những kẻ ấy, nếu có cơ hội và quyền lực trong tay, chúng cũng sẽ tồi tệ không thua gì bọn độc tài toàn trị.
Đất nước Việt Nam chưa có thể được gọi là đã tiếp cận được những khái niệm dân chủ như người Đông Âu trước đây. Miền Nam Việt Nam cũng chỉ tồn tại quá ngắn và nền dân chủ tại đây cũng còn non trẻ trong bối cảnh chiến tranh triền miên. Tam quyền, phân lập và nhận thức chính trị cũng như những giá trị nhân quyền phổ phát của người Việt vẫn còn nhiều hạn chế khi mà chế độ cộng sản vẫn đang ra sức đàn áp những tiếng nói đấu tranh một cách khốc liệt.
Vì vậy, một khi chế độ cộng sản bị xóa sổ, viễn cảnh một Việt Nam chìm trong bạo loạn là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Bằng không thì cũng chỉ như Nga, một chế độ "dân chủ theo kiểu Putin", thực chất vẫn là "độc tài đội lốt dân chủ" !
Sẽ khó có thể có chuyển tiếp dân chủ ôn hòa như các nước Đông Âu sau khi Bức tường Bá Linh bị sụp đổ.
Và càng khó hơn nếu hận thù và dối trá vẫn tiếp tục ngự trị trong tư tưởng của người Việt.
Chính vì thế, lương tâm là lẽ phải, là sự thật, là lột trần bản chất bệnh hoạn của những kẻ đang cố tình chà đạp lên những giá trị đạo đức nhân danh cho một Việt Nam vắng bóng độc tài toàn trị trong tương lai.
Vì như Niels Bohr từng nhận định : "Vũ khí tốt nhất của sự độc tài là giấu giếm, nhưng vũ khí tốt nhất của dân chủ nên là cởi mở".
Đối với tôi, còn hơn cả sự cởi mở. Đó phải là Sự thật và Đạo đức !
Đó mới chính là nền tảng vững chắc cho mọi xã hội dân chủ và tiến bộ.
Lâm Bình Duy Nhiên
Nguồn: https://www.facebook.com/duynhienlambinh, 07/01/2021
Tiêu đề do Thông Luận đặt.
2020 là một năm không tiền lệ. Tuy không lắmbiến sự như những năm trước, 2020 lại là năm đầy những bất an và bất định hơn hẳn.
Nạn cháy rừng ở Úc tháng 10/2019. Ảnh minh họa
Có thể tóm tắt năm 2020 vào ba sự kiện chính. Một, thay đổi khí hậu, với các vụ cháy rừng khủng khiếp tại Úc và Mỹ. Hai, đại dịch Covid-19, làm thay đổi cách sống, suy nghĩ, làm việc và giao tiếp trong mọi hoạt động của con người. Ba, bầu cử Mỹ, có lẽ chưa bao giờ kéo dài và chia rẽ không chỉ tại Mỹ mà còn nhiều nơi trên thế giới.
Thay đổi khí hậu
Ngay vào những ngày đầu năm 2020,nạn cháy rừng tại Úc đã lây lan tại nhiều tiểu bang, làm hàng trăm thị trấn dọc bờ biển phía đông bị cháy và gặp nguy cơ đe dọa sống còn. Hơn 12.6 triệu héc ta khắp Úc bị cháy, 434 triệu tấn CO2 bị thải ra môi trường, và cả tỷ động vật bị giết hại. Hình ảnh vệ tinh chụp nạn cháy rừng do cơ quan Maxar Technologies thực hiện mô tả rõ hơn ngàn lời viết.
Tương tự,nạn cháy rừng tại Mỹ dọc bờ biển phía Tây vào tháng 9 năm nay, đặc biệt tại bang California, đã thiêu rụi 3 triệu héc ta.
Hạn hán kéo dài và nhiệt khí cao đã là nguyên nhân chính gây ra cháy rừng. Dù lực lượng phòng cháy chữa cháy tại hai quốc gia này đông đảo và được trang bị với kỹ thuật và kinh nghiệm tối tân nhất, sức mạnh con người vẫn không so bì với sức mạnh thiên nhiên. Thay đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất của nhân loại khắp nơi, dù nhiều người, kể cả lãnh đạo chính trị nhiều nơi, có xu hướng phủ nhận sự thật này.
Bỏ ra ngoài những cuộc tranh cãi và những tiếng ồn, bầu trời tại nhiều thành phố của Úc và Mỹ như Victoria và NSW, và California trong suốt thời gian cháy rừng được bao phủ bởi màu vàng xám và không khí ngột thở.
Đại dịch Covid-19
Ngày 25 tháng Giêng, Úc phát hiện ca nhiễmCovid-19 đầu tiên, lúc đó được gọi nhiều tên khác nhau như là SARS CoV2 hay chung chung là Coronavirus. CaCovid-19 đầu tiên xảy ra tại Vũ Hán, được phát hiện vào ngày 17 tháng 11 năm 2019. Tháng Hai, các ca nhiễm Covid-19 được lây lan sâu rộng ra toàn thế giới, và biên giới quốc gia bắt đầu được khép lại.
Thị trường chứng khoán của Úc mất 140 tỷ đô la Úc (100 tỷ Mỹ kim) vào ngày 9 tháng Ba. Năm công ty kỹ nghệ lớn nhất của Mỹ mất tổng cộng320 tỷ đô la trị giá chứng khoán, trong đó công ty Apple chiếm gần một phần ba, mất trị giá 100 tỷ đô la Mỹ. Ngày 16 tháng Ba,thị trường toàn cầu trải qua đợt sụt giảm lớn nhất kể từ cuộc sụp đổ thị trường chứng khoán năm 1987.
Một năm sau, từ một ca nhiễm Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán, toàn thế giới bây giờ có 82.478.918 ca nhiễm và 1.799.652 người chết (số liệu từJohn Hopkins University, ngày 31 tháng 12). Mỹ có 341.059 người chết, nhiều nhất trên thế giới, và Brazil có 192.681 người chết, mà trước đây Tổng thốngJair Bolsonaro không những không công nhận mức độ nghiêm trọng của Covid-19 mà còn đi ngược lại cố vấn của các viên chức y tế của mình. Cuối tháng 12 này,Nam Cực đã ghi nhận có 36 ca nhiễm. Nghĩa rằng không còn bất cứ nơi nào trên thế giới không bị nhiễm Covid-19.
Phần lớn các phi cơ, các sinh hoạt hội tụ tôn giáo lớn quy tụ hàng trăm ngàn người hàng năm như của Hồi giáo ở Mecca vào tháng Tư, hay Công giáo tại quảng trường St Peter ở Vatican, gần như ngưng hoạt động hoàn toàn.
Tin vui cho nhân loại vào cuối năm là một số loại vaccine đã được cho phép sử dụng. Sự tiến bộ vượt bực của khoa học kỹ thuật để chế tạo vaccine trong thời gian kỷ lục là điều khích lệ hiện nay và tương lai. Tại Mỹ,Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh (CDC) đã phê chuẩn hai loại vaccine của Pfizer-BioNTech và Moderna, và ba loại vaccine khác đang trong giai đoạn cuối thử nghiệm gồm AstraZeneca, Janssen và Novavax trước khi được CDC cấp giấy phép hoạt động.
Tuy thế, có lẽ đến năm 2022 hoặc xa hơn thì tình hình Covid-19 mới khả quan. TheoTổ chức Y tế Thế giới (WHO), thì nếu có đủ lượng 2 tỷ vaccine để chích ngừa cho 20 phần trăm dân số thế giới thì đến cuối năm 2021, giai đoạn nguy kịch của đại dịch mới qua khỏi. Nhưng vẫn còn đến 80% dân số toàn cầu còn lại cần chích ngừa. Tuy đây là viễn ảnh tốt nhất có thể, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời. Hiện chưa có đủ bằng chứng để kết luận một khi được chích ngừa cho Covid-19 thì có nguy cơ bị lại hay không ? Có phản ứng ngược nào nghiêm trọng đến chết không ? Bao lâu cần phải chích lại ? Và nếu Covid-19 biến đổi thì các vaccine hiện nay có còn hiệu nghiệm không ? V.v…
Bầu cử Mỹ 2020
Sự kiện sau cùng, và có lẽ tác động sâu xa nhất lên người Việt, là bầu cử Mỹ 2020, trong đó có bầu chọn lại tổng thống. Có thể nói chưa có cuộc bầu cử Mỹ nào mà chiếm sự quan tâm nhiều đến độ những người bàng quan nhất mà tôi được biết, tức từ trước đến nay hoàn toàn không quan tâm gì đến chính trị hay bầu cử tại Mỹ, cũng theo dõi diễn tiến này.
Điều đáng nói nhất về bầu cử Mỹ là các vấn đề sau đây. Gần 5 ngày sau ngày bầu cử, phía Biden – Harris đượccông nhận là chiến thắng, với 306 phiếu cử tri đoàn dành cho Biden – Harris và 232 dành cho Trump – Pence. Phía bên Trump không công nhận kết quả và khởi kiện gian lận bầu cử tại nhiều bang, đều là các bang Trump thua. Cho đến nay, trong hơn 50 vụ kiện cáo do chính luật sư của Trump, hoặc không phải do Trump, thì có ít nhất 50 vụ đã bị từ chối, bác bỏ, giải quyết hoặc rút lại. Ngày 14 tháng 12,cử tri đoàn chính thức bầu từng phiếu, và Biden – Harris vẫn được 306 phiếu so với 232 phiếu dành cho Trump – Pence. Vềphiếu phổ quát thì Biden – Harris đạt 81.283.098 phiếu, tức 51,3% trong khi Trump – Pence được 74.222.957 phiếu, tức 46,8%. Bên Biden – Harris có hơn 7 triệu phiếu. Hơn 159 triệu công dân Mỹ tham gia bầu cử, và đây là con số kỷ lục từ trước đến nay. So với các cuộc bầu cử trước đây thì hầu như ai cũng biết được kết quả bán chính thức sau ngày thứ Ba đầu tiên của tháng 11, ngoại trừ các trường hợp bất thường như bầu cử năm 2000 giữa George W Bush và Al Gore. Tuy nhiên, những vụ cáo buộc gian lận và không công nhận kết quả từ phía Trump đã thay đổi các tiền lệ và truyền thống đó. Do đó mà ngày 6 tháng Giêng năm 2021 tới đây, Quốc hội Mỹ sẽ nhóm họp, và Phó Tổng thống Pence sẽchủ tọa tiến trình kiểm phiếu chính thức của cử tri đoàn và sẽ công bố kết quả của mỗi bang theo thứ tự tên từ A đến Z. Đây thường là một thủ tục mang tính hình thức để chính thức thông qua kết quả bầu cử, mà những kỳ bầu cử trước đây chẳng mấy ai quan tâm. Kỳ này lại chiếm sự quan tâm tối đa của dư luận. Hiện nay phía ông Trump vẫn tiếp tục nộp đơn kiện lên tòa tối cao tại Pennsylvania vềphiếu bầu bằng thư mà tòa tại bang này đã bác bỏ. Ngoài ra, phía ông Trump vẫn còncơ hội cuối cùng để thách thức kết quả bầu cử vào ngày 6 tháng Giêng, nhưng cơ hội đó thật khá mong manh. Chính lãnh đạo đảng Cộng hòa tại thượng viện, thượng nghị sĩ Mitch McConnell, đã chính thức chúc mừng và công nhận ông Biden – Harris thắng cử và yêu cầu các thành viên chớ tham gia vào việc phản đối kết quả bầu cử khi Quốc hội họp mặt vào ngày 6 tháng Giêng năm 2021.
Một tỷ lệ khá đông người Mỹ, trong đó có nhiều người Việt, không muốn công nhận kết quả bầu cử này và muốn ông Trump thắng. Họ vẫn tin vào cáo buộc gian lận bầu cử, điều mà cho đến nay bị tòa các cấp bác bỏ hoàn toàn vì không có bằng chứng. Ngay cả Bộ trưởng Tư pháp William Barr, người vừa mới từ nhiệm cách đây không lâu, cũng xác nhậnkhông có bằng chứng gian lận bầu cử nào có thể đảo ngược kết quả. Ông Barr là người đại diện cho nền công lý Mỹ, và trong chuyện này ông tin tưởng vào các cơ quan công quyền và nền tư pháp Mỹ. Nhưng vẫn có người phủ nhận tất cả những bằng chứng trưng bày trước mặt họ. Họ chỉ muốn thấy ông Trump thắng bằng mọi giá. Phương cách này vô cùng nguy hiểm : dùng tiến trình/thể chế dân chủ để tiêu diệt dân chủ.
Một cuộc đảo ngược ý nguyện của đa số người dân Mỹ, cử tri đoàn và tòa án tối cao liên bang, là điều không ai muốn chịu trách nhiệm trước lịch sử, ngay cả ông Pence. Được biếtông Pence không muốn tiến hành cuộc "đảo chánh" như thế. Nếu kết quả bầu cử có khác đi với những gì được chọn qua một tiến trình dân chủ thì đây sẽ là bước đầu tiêu diệt dân chủ và là bước tiến đến độc tài. Nếu, chỉ là nếu thôi, rằng ông Trump, vì lý do nào đó, có thể lật ngược lại kết quả được, thì trong tương lai các cuộc bầu cử sẽ không còn ý nghĩa gì. Cộng hòa làm được thì Dân chủ cũng làm được. Quy định, hiến pháp và pháp luật không còn giá trị. Nếu vậy thì đây là một cuộc khủng khoảng hiến pháp, và cần phải sớm thay đổi. Hệ quả sau cùng sẽ không thể nào đo lường được. Nó không chỉ tạo ra một tiền lệ vô cùng tiêu cực cho tương lai mà còn là sự suy sụp trầm trọng cho nền dân chủ Mỹ, và th ế giới. Phía hưởng lợi nhiều nhất là các chế độ và lãnh tụ độc tài.
Những thách thức tương lai
Năm 2020 cũng đánh dấusự lan tràn tin giả và thuyết âm mưu chưa từng có, từ vấn đề nguồn gốc Covid-19 cho đến các thông tin liên quan đến Covid-19 và bầu cử Mỹ. Nó cũng đánh dấu sự leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran khi Trump ra lệnh ám sát tướng Qassem Soleimani ; và căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc khi Mỹ liên tục áp lực bằng nhiều biện pháp, từ kinh tế đến chính trị, xã hội và giáo dục lên các hành vi áp bức của Trung Quốc tại Tân Cương và Hồng Kông.
Trong ba sự kiện nổi bật nêu trên, bầu cử tổng thống Mỹ và nạn cháy rừng cũng không được đưa tin hay bình luận nhiều bằng đại dịch Covid-19. Theo tạp chí The Economist, thì đại dịch Covid-19 đã chiếm áp đảo tin tức hơn bất cứ đề tài nào khác kể từ Thế Chiến II.
Vào cuối năm 2020, chúng ta có thể vui mừng với tin vaccine nhưPfizer-BioNTech có hiệu nghiệm 95%. Tuy vậy, Bill Gates cho rằng sẽ có hàng triệu người chết vì Covid-19 trước khi nó qua khỏi, nhưng sự sản xuất số lượng vaccine khổng lồ sẽ giúp nhân loại ngăn chặn đại dịch Covid-19 này cuối năm 2021. Nhưng Gates cho rằng thay đổi khí hậu có nguy cơcòn tàn khốc hơn Covid-19 cho nhân loại trong các thập niên tới. Đối diện với thử thách môi trường thì cơ hội để đầu tư vào năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, chẳng hạn, là hướng đi tương lai.
Thế giới vẫn còn lắm thử thách trong thời đại này. Tin giả gây thiệt hại (disinformation) có thể thay đổi các quyết định đúng đắn cho mỗi người, dù đó là về sức khỏe, uy tín và danh dự của một người, hay rộng hơn, về bầu cử để tuyển chọn người xứng đáng lèo lái con thuyền quốc gia. Tin giả cũng gây ảnh hưởng tiêu cực lên trên các quyết định cần thiết cho các thế hệ tương lai, nhất là về thay đổi khí hậu.
Tóm lại, thông điệp chính của năm 2020 là thử thách và cơ hội. Chúng ta có thể lạc quan vào cuối năm, nhưng cũng không nên quên viễn ảnh về bao thách thức và cơ hội đối diện nhân loại trước mặt.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 31/12/2020
Xưa nay chúng ta vẫn thường nghe rằng "trí thức có trách nhiệm dẫn dắt và lãnh đạo quần chúng". Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cũng nói và đồng ý với ý kiến đó. Vậy có khi nào trí thức bị đám đông dẫn dắt ngược lại hay không ?
Trí thức tạm chia thành hai thành phần. Một là "trí thức khoa bảng", bao gồm những người có bằng cấp trong các lãnh vực khác nhau nhưng không quan tâm đến chính trị. Hai là "trí thức chính trị", là những người có hiểu biết và kiến thức tổng hợp trên nhiều lĩnh vực, dám dấn thân tranh đấu, có dành thời gian cho các hoạt động chính trị và nhất là có tham gia hoặc ủng hộ cho các tổ chức chính trị.
Hiện tại Việt Nam có rất ít "trí thức chính trị". Những người lên tiếng chống độc tài và mong muốn Việt Nam có dân chủ vẫn chỉ là những cá nhân đơn lẻ. Họ vẫn chưa tham gia vào các tổ chức chính trị và kiến thức về dân chủ của họ vẫn còn hạn chế. Thiếu kiến thức chính trị nên những tiếng nói của họ không gây được nhiều ảnh hưởng với quần chúng và xã hội. Nhiều người tranh đấu đã vào tù ra tội hay bị chế độ đày đọa rất đáng thương nhưng họ không để lại một di sản nào đáng kể. Họ không đi được xa và thường là bỏ cuộc sau một thời gian ngắn.
Thiếu kiến thức chính trị nên vẫn còn ý kiến cho rằng cần phải "hành động" thay vì lý thuyết suông. Đáng nói là cả những người "khai dân trí trên mạng xã hội" cũng nghĩ như vậy.
Cuồng lãnh tụ tại các nước độc tài là bình thường. Cuồng Trump là hiện tượng hiếm hoi tại một nước dân chủ như Mỹ.
Việc những người tranh đấu luôn chạy theo quần chúng chứng tỏ họ không có kiến thức chính trị. Một ví dụ rõ nhất và đáng buồn nhất là việc nhiều trí thức đã hùa với quần chúng để tung hô một người phi dân chủ như Donald Trump. Ban đầu, có thể họ không hiểu (hoặc chưa hiểu) Donald Trump là người thế nào nên chưa có ý kiến, nhưng rồi thấy dân chúng tung hô ông ta quá nhiều nên họ cũng hùa theo, sự lên tiếng ủng hộ của họ càng làm cho đám đông thích thú và cuồng nhiệt. Trong chớp mắt họ lọt vào "tổ nghìn like", tức là các status của họ chỉ sau một vài ngày là có hàng nghìn người bấm like. Sự cổ vũ của đám đông cuồng nhiệt khiến họ mất dần sự sáng suốt và cuối cùng là trượt vòng xoáy của đám đông đó.
Tài khoản Facebook mang tên Trần Đình Thu là ví dụ, dù là một người cuồng Trump nhưng sau khi Biden tuyên bố thắng cử thì ông ta cho rằng cần phải chấp nhận sự thật là Trump đã thua. Tuy nhiên fan của ông ta không chịu, họ muốn ông ta phải chiến đấu đến cùng và thế là ông ta tiếp tục "thánh chiến" đến tận bây giờ. Mỗi ngày ông ta sưu tầm và nghĩ ra đủ thứ tin tức để làm thỏa mãn đám fan cuồng rằng Donald Trump sẽ tiếp tục là tổng thống Mỹ sau ngày 20/1/2021. Ông ta không cô đơn, rất nhiều người tranh đấu cho dân chủ trong nước có chút tiếng tăm hay từng vào tù ra khám đã rơi vào hoàn cảnh như vậy. Có lẽ họ nghĩ rằng họ đang dẫn dắt một đám đông nhưng thực tế họ đang bị đám đông đó dẫn dắt.
Lịch sử đã từng diễn ra như thế. Phong trào cộng sản từng lôi cuốn được không ít những trí thức tên tuổi ở Châu Âu. Chủ nghĩa phát xít đã "chinh phục" hầu hết trí thức Đức. Ở Việt Nam trước và trong Cách mạng Tháng 8 không ít trí thức tây học và nổi tiếng hồi đấy như Phạm Huy Thông, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa... đã bị làn sóng cộng sản cuốn đi. Tại Mỹ, đám đông cuồng nhiệt của Trump đã lôi kéo được một số ít trí thức, luật sư, các dân biểu, thẩm phán vào hùa với họ.
Tuy nhiên về phía ngược lại thì trong lịch sử nước Mỹ cũng chưa bao giờ có chuyện hàng trăm học giả, trí thức, luật sư, nhà khoa học, kinh tế gia, các tu sĩ và tướng lĩnh… đã lên tiếng công khai kêu gọi người Mỹ không bỏ phiếu cho Donald Trump. Việc ông ta vẫn có đến 74 triệu phiếu, chiếm gần phân nửa số cử tri đi bỏ phiếu, 1/3 số người trong độ tuổi đi bầu và 1/5 dân số Mỹ là một con số rất lớn. Nước Mỹ đã quá chia rẽ và phân hóa.
Thập niên 80 nhiều người Việt đã may mắn đến được Mỹ tị nạn cộng sản với hai bàn tay trắng, do bị chấn thương quá nặng bởi biến cố 30/4/1975 nên dù khó khăn họ vẫn quyên góp tiền bạc cho Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam (do Hoàng Cơ Minh lãnh đạo) với hy vọng Mặt trận sẽ về giải phóng quê hương. Mọi tiếng nói bất đồng đều bị đám đông nghiền nát. 5 nhà báo người Việt sống ở Mỹ đã bị giết hại một cách mờ ám mà đến giờ vẫn không biết hung thủ là ai.
Người Việt Nam tại Mỹ đã từng lên đồng tập thể vì Mặt trận Hoàng Cơ Minh
Người Việt Nam hiện nay cũng bế tắc như những người Việt tị nạn hồi đó nên đã lên đồng tập thể bởi một nhân vật là Donald Trump. Rất may là cộng đồng người Việt Nam hải ngoại và nhất là tại Mỹ đã kịp trưởng thành để ngăn cơn lũ đó quét. Theo một thăm dò của Mỹ thì vào năm 2018 có đến 2/3 người Mỹ gốc Việt ủng hộ Donald Trump nhưng trong cuộc bầu cử 2020 thì kết quả đã ngược lại khi 2/3 bỏ phiếu cho Biden.
Có ý kiến ngạc nhiên là tại sao các cuộc mít tinh ủng hộ Donald Trump đông và hoành tráng thế trong khi hai buổi mít tinh của Biden chỉ có vài trăm người, các video clip nói chuyện của Biden cũng rất ít người theo dõi thế mà chung cuộc Biden vẫn có 81 triệu phiếu, hơn Donald Trump đến 7 triệu phiếu. Chuyện này thật ra không có gì lạ. Bất cứ ở đâu thì "đám đông thầm lặng" cũng chiếm số đông. Họ lặng lẽ theo dõi và đưa ra quyết định khi cần thiết (lúc bỏ phiếu) chứ không ồn ào, náo nhiệt như những người ủng hộ Donald Trump. Trong 81 triệu phiếu dành cho Biden có những lá phiếu đơn giản vì ghét Trump chứ không phải vì ủng hộ Biden.
Một câu hỏi mà nhiều người lặp lại theo Donald Trump là ông Biden phải chứng minh rằng 81 triệu phiếu bầu cho ông không phải là gian lận. Câu trả lời rất giản dị và rõ ràng, các cơ quan bầu cử tại 50 tiểu bang đã chứng minh cho sự hợp pháp của số phiếu đó. Ủy ban bầu cử là định chế duy nhất có thẩm quyền để kết luận ai chiến thắng trong một cuộc bầu cử và người đó được bao nhiêu phiếu.
Cuồng là gì ? Theo từ điển tiếng Việt thì cuồng là "không tự chủ được trong lời nói và việc làm do thần kinh không bình thường hay vì lý trí không chế ngự được tình cảm". Theo thống kê của Bộ Y tế vào năm 2017, tại Việt Nam, có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến liên quan tới stress, 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. Còn thông báo tại Viện Sức khỏe tâm Thần cho thấy có 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25% (1).
Thông báo tại Viện Sức khỏe tâm thần cho thấy có 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%.
Không chỉ người nghèo là thiếu kiến thức và nông cạn mà người có tiền cũng thế. Việt Nam đang xét xử vụ án lừa đảo của công ty đa cấp Liên Kết Việt với 68.000 nạn nhân ở 49 tỉnh thành với số tiền hơn 1.100 tỉ đồng.
Việc người dân Việt Nam lên đồng vì Donald Trump không có gì là lạ. Điều đáng tiếc là có nhiều người đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam đã bị "việt vị" vì ủng hộ Donald Trump. Không biết Ban tuyên giáo tham gia như thế nào trong vụ này nhưng với lực lượng dư luận viên hùng hậu (hơn 10.000 người) thì họ dễ dàng tạo ra một đám đông khiến các "ngôi sao dân chủ" rơi vào bẫy. Chính những người đang tung hô các "nhà dân chủ" hiện nay sẽ sớm quay lại chửi họ là chống độc tài cái gì khi ủng hộ cho một kẻ có khuynh hướng độc tài như Donald Trump. Nhiều nhà dân chủ sẽ chấm dứt "sự nghiệp" vì sai lầm này.
Đảng cộng sản Việt Nam đã "thành công" khi vô hiệu hóa được không ít các nhà dân chủ có tiếng tăm hiện nay, nhờ Donald Trump. Tuy nhiên Đảng cộng sản cũng không thể nào dẹp được phong trào dân chủ Việt Nam mà ngược lại chỉ làm cho phong trào trở nên có chất lượng và chiều sâu hơn. Những tiếng nói đứng đắn, vốn bị che khuất bởi những đám đông ồn ào, sẽ được nhận diện và lắng nghe. Ngay tại Việt Nam thì những tiếng nói sự thật và lẽ phải cũng không ít và họ sẽ tạo thành một lực lượng mới, vừa có bản lĩnh vừa có trí tuệ lẫn quyết tâm để thổi một luồng gió mới cho phong trào dân chủ.
Một điều đáng mừng nữa là nhiều trí thức và người dân Việt Nam đang sinh sống tại Mỹ và Châu Âu cũng đã hiểu được vấn đề và sớm lên tiếng phản bác các luận điệu bênh vực Trump một cách sai trái và cảm tính. Họ sẽ là lực lượng dân chủ tiến bộ để cung cấp nhân lực và tiếp sức cho phong trào dân chủ Việt Nam trong nước.
Bài học không mới mà Tập Hợp đã nói suốt nhiều năm qua đó là những người muốn làm chính trị phải có kiến thức chính trị và tư tưởng chính trị để dẫn dắt cho các hành động, trước là của mình và sau đó là của quần chúng. Trí thức luôn là tâm hồn và tiếng nói của mỗi dân tộc. Bổn phận của trí thức là đi trước dẫn đường, là "hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng" chứ không phải chạy theo quần chúng. Phải có kiến thức chính trị để chủ động vượt lên trước, đón nhận những thay đổi mới, những tư tưởng mới của nhân loại để truyền đạt cho dân chúng.
Việt Hoàng
(24/12/2020)
(1) Thái Hà, "Sửng sốt vì tỷ lệ người Việt bị trầm cảm, tâm thần", Tiền Phong online, 13/09/2019
Một gia đình người Mỹ gốc Việt quen biết, mail cho người viết bài này phàn nàn, bọn trẻ bây giờ hỏng quá, chê phụ huynh lẩm cẩm, chọn "vỏ dưa" thay thế cho "vỏ dừa". Chống cộng ác liệt nhưng lại ủng hộ một Trump độc đoán cũng ác liệt không kém… Con cái không nhìn mặt bố mẹ, phu thê cũng tiếng bấc tiếng chỉ, tất cả chỉ vì các vụ cãi vã xung quanh Trump – Biden.
Những người ủng hộ Tổng thống Trump và Tổng thống tân cử Biden ở Michigan hôm 14/12/2020 - Reuters
Nước Mỹ lấy lại phong độ ?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà đấu tranh không khoan nhượng cho dân chủ và nhân quyền vừa đăng đàn trên "Tiếng Dân" bài viết dưới nhan đề "Nước Mỹ thật vĩ đại !" Lập tức ông bị comment đầu tiên cho là "thằng ngốc !" (An idiot !) Tuy nhiên, comment khác – một Ước Nguyễn nào đó – lại đánh giá, phân tích của Tiến sĩ Quang A là xác đáng, cho thấy tại sao Mary Trump (cháu gái của Trump), tặng cho chú ruột của mình danh hiệu là người nguy hiểm nhất thế gian. Thậm chí, còn có đề nghị Tiến sĩ Quang A hãy viết một bài về di sản của Trump để lại đối với người Việt và những bài học nào cần rút ra cho những thành phần thân Trump nhưng vẫn cam kết đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam.
Trên giải đất hình chữ S này, bạn bè thân thiết, vai kề vai trong xã hội dân sự, ấy vậy nhưng cũng suýt đánh nhau, chỉ vì anh này ca ngợi Biden, người kia bảo vệ "ngôi báu" cho Trump. Nhiều cư dân mạng than thở, mấy tháng qua, đọc tin trên các "phây" mà như lạc vào rừng rậm. Đi picnic trên vùng Cao – Bắc – Lạng, vào ‘homestay’ buổi tối nghe người già mắng con cháu : "Chúng mày dẹp mấy cái phim Hàn ‘sến chảy nước’ cho tao nhờ. Không lo mà theo dõi thời sự, 10 điều họ nói dối trên TV thì may ra cũng có 1 điều đúng đấy. Mà không chịu khó nghe tin tức, Tàu nó đánh cho đến đít rồi trở tay không kịp đâu !"
Ôi bà mẹ Việt Nam, thời nào cũng phải lo chuyện giặc giã, thời nào cũng phải lo chuyện chạy loạn. Ôi những công dân Việt Nam, "chuyện nhà thì nhác, chuyện chú bác thì siêng". Chúng ta mit tinh chửi "đế quốc Mỹ", chúng ta kỷ niệm "chống Mỹ cứu nước", chúng ta vinh danh các anh hùng thời đại (Nhưng lại ra lệnh đục bỏ bia ghi các dấu tích về cuộc chiến đẫm máu trên biên giới tháng 2/1979)… Xây dựng tượng đài nghìn tỷ, một cách công khai, chúng ta không chút xấu hổ với tiền nhân. Ồn ào bàn chính sự, ông nọ lên, bà kia xuống, phe này mạnh, phe kia yếu… Thử hỏi có khi nào chúng ta nhớ lại lời các cụ dặn qua đồng giao : "Ai ơi chớ vội làm giàu/ Ông Tây ổng rút, thằng Tàu nó qua". Đúng là chuyện Trump – Biden có dính đến việc "ông Tây và thằng Tàu" thật.
Người ủng hộ Tổng thống Donald Trump bên ngoài Tối cao Pháp viện ở Washington DC hôm 11/12/2020. Reuters
Thấy Trump lên án CNCS trước ĐHĐ/Liên Hiệp Quốc, bao người Việt hoan hỉ. Thấy Trump phân biệt người dân Trung Quốc với Đảng cộng sản Trung Quốc để xử lý và trừng phạt thì "sợ thay mà lại mừng thầm cho ai". Sợ cộng sản Việt Nam ngứa mồm, gân cổ chửi "đế quốc Mỹ" giữa Đại hội đồng, nhưng lại mừng là từ nay, biết đâu "anh em dân chủ" sẽ có cơ hội ? Từ chiến tranh vi trùng Vũ Hán đến các hòm phiếu gian lận tận Hoa Kỳ, đâu đâu bàn tay lông lá của đại bá Bắc Kinh cũng thọc sâu vào được. Một vị cao niên trong xã hội dân sự đành "tự sướng" : Đến nước Mỹ vĩ đại của Trump, Kerry mà Tàu khựa còn khuynh loát được thì đừng trách những Phú Trọng, Quốc Vượng… vốn chỉ là "những đứa con hoang" /prodigal sons/ (biệt danh Dương Khiết Trì dùng từ năm 2014) làm sao thoát khỏi nanh vuốt Tàu !
Quả thật nước Mỹ đang trong cơn hoạn nạn. Ông Biden nếu được công nhận, sẽ thừa kế một đất nước chia rẽ sâu sắc, lại bị đại dịch hoành hành, nợ công cao ngất ngưởng, dân chủ bị đe doạ và vị thế toàn cầu đang suy yếu. Những vấn đề từ trước khi ông Trump ngồi vào ghế tổng thống vẫn còn đó : công nghiệp chế tạo teo tóp, khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng và tầng lớp trung lưu bất mãn với giới chính trị gia tháp ngà, xa rời cuộc sống của đại đa số. Nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định nước Mỹ sẽ thất bại, sẽ trở thành một nước "thế giới thứ ba". Hay như Giáo sư Michael Lind, Đại Học Texas, cảnh báo Mỹ sẽ là "phiên bản nói tiếng Anh như một Cộng hòa Châu Mỹ La tinh nào đó, với nền kinh tế dựa vào tài nguyên, bất động sản, du lịch và trốn thuế xuyên quốc gia !"
Sự thật có phải thế không ? Thế kỷ 20 Mỹ đã không ít lần như rơi vào suy thoái : Đại khủng hoảng 1930, rồi bị Liên Xô vượt lên trong vụ Sputnik, bất ổn chính trị và xã hội 1960 – 1970 cùng với chiến tranh Việt Nam, khủng hoảng tài chính 2008… Nhưng nước Mỹ đã không sụp đổ mà ngược lại, mỗi lần ra khỏi bất ổn nước Mỹ lại mạnh mẽ hơn. Khủng hoảng 1930 đã khai sinh chương trình "New Deal" định hình lại nền kinh tế. Vụ Sputnik thúc đẩy khoa học không gian phát triển, đưa người lên mặt trăng năm 1965 và mở rộng chương trình thám hiểm các hành tinh vượt ra ngoài Thái dương hệ. Bất ổn xã hội dẫn tới cải cách luật pháp về nhân quyền, quyền bầu cử, củng cố nhà nước pháp quyền. Thất bại Việt Nam dẫn đến bỏ luật quân dịch, xây dựng quân đội ngày càng hiện đại.
Nên suy xét lại điều gì ?
Lần này có thể cũng sẽ như vậy. Bên cạnh những điểm yếu dễ thấy và mang tính toàn cầu, như tình trạng phân cực chính trị, chia rẽ trong xã hội, tình trạng bất bình đẳng kinh tế, suy giảm công nghiệp chế tạo… Mỹ vẫn có những thế mạnh mà nhiều nước, kể cả Trung Quốc không thể sánh được, như dân số trẻ và đầy năng lực sáng tạo, tài nguyên phong phú, vị thế thống trị tài chính toàn cầu, các đường biên giới hòa bình và thân thiện cùng với những liên minh vững chắc khắp thế giới. Những lợi thế này hoàn toàn có thể giúp nước Mỹ lấy lại phong độ, tái lập được đoàn kết quốc gia dưới sự lãnh đạo của một chính phủ vẫn thực sự đặt quyền lợi quốc gia – dân tộc lên trên lợi ích đảng phái.
Sự hỗn độn vừa qua ở Mỹ (Mặc dầu biết rằng hỗn độn cũng là một trật tự) làm chúng ta nhớ lại con đường gập ghềnh dẫn tới sự ra đời và phát triển của nền dân chủ Athens. Trong khi một số nhà nghiên cứu tin rằng nền dân chủ Athens trải qua 7 giai đoạn, thì một số nhà chính trị học sau này lại có cái nhìn khác. Họ phân ra 12 thời kỳ hưng vong trong sự phát triển của dân chủ Athens, bao gồm cả thể chế "đầu sỏ" Eupatrid khởi nguồn và sự ra đời của Macedonian sau cùng thống trị La Mã. Rõ ràng, từ thuở hồng hoang, dân chủ đã không phải là bữa trưa miễn phí. Đó là chưa nói tới những vị mặn chát 10 năm sau cách mạng Hoa Nhài. Nhìn vào bức tranh kinh tế – xã hội Tunisa hiện tại, có quan ngại cho rằng "những bông hoa nhài" 10 năm trước nay đang tàn úa.
Tuy nhiên, so sánh giữa các mô hình phát triển, vẫn có thể nhận thấy, nhà nước pháp quyền bao giờ cũng ưu việt hơn chế độ độc tài – toàn trị. Nhiều ý kiến cho rằng cuộc bầu cử tổng thống vừa qua phơi bày nhiều vấn đề "tiêu cực" của thể chế Mỹ, song tại sao lại không nhìn thấy ở đó sức mạnh của nền dân chủ trưởng thành, có thể tự sửa chữa, vượt qua cam go để tồn tại ngay trong những khoảnh khắc tưởng chừng rất nguy nan. Người Mỹ từng kỳ vọng nhiều vào ông Trump như là người có khả năng "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại". Nhưng khi Trump có khuynh hướng độc tôn thì nền dân chủ Mỹ phải tìm được người thay thế để quản trị đất nước, tập hợp được những định chế và quy ước kiểm soát và cân bằng quyền lực, giúp điều chỉnh xã hội tránh những sai lầm và thất bại.
Hội nghị Trung ương 14 của Đảng cộng sản Việt Nam bàn về nhân sự lãnh đạo cấp cao ở Hà Nội hôm 14/12/2020. Báo Chính Phủ
Hãy đừng lao vào cuộc cãi vã Trump – Biden mà quên mất thực trạng bi đát của đất nước. Tại sao ở Việt Nam không mấy ai quan tâm đến Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam ? Thậm chí người dân còn nhìn nhận sự kiện dưới ảnh hưởng của điềm báo tâm linh. Đại hội thứ 13 của Đảng khai mạc vào đầu sang năm. Đại hội 13, ứng với 13 cơn bão đổ bộ vào đất nước này trong năm nay. Cũng kỳ lạ khi con số tướng tá quân đội bị chôn vùi trong sự cố sạt lở thủy điện Rào Trăng là 13 và tổng số quân dân chết vì bão lũ vừa qua, được thống kê là 130 người. Quốc gia đại nạn, dịch bệnh từ "bạn vàng" làm dân tình khốn đốn. Chỉ có dân nghèo là gánh chịu cơn thịnh nộ của thiên tai. Quan lại từ địa phương đến trung ương mặc sức vơ vét hàng trăm ngàn tỷ, phè phỡn, đại hội và chia ghế.
Cuối cùng, từ nay Việt Nam không cần chọn phe, mà phải chọn xu thế. Ngày nay không thể "đánh đu" trong quan hệ quốc tế. Phải có đầu óc tự cường để hướng về một "Trật tự Thế giới" trong đó kiến tạo ra một "lộ trình" từ bỏ độc tài để đi tới dân chủ và pháp quyền. Có thể chia sẻ với nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt, người vừa mới chia tay chúng ta ở tuổi 74 : "Lịch sử nhân loại chứng minh mọi nhà nước độc tài đều sụp đổ. Vì sự phát triển của xã hội loài người mà các thể chế dần dần được thay bằng thể chế dân chủ. Quá trình dân chủ hóa đời sống loài người là một quá trình kiên nhẫn của lịch sử và những nghiên cứu xoay quanh quá trình kiên nhẫn ấy đã đưa đến kết luận : nền dân chủ là cơ chế duy nhất có thể khắc phục tất cả các hiện tượng tiêu cực…"./.
Tuyết Mai
Nguồn : RFA, 18/12/2020
Tham khảo thêm các trang :
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/my-xuong-trung-quoc-len/
https://baotiengdan.com/2020/12/12/nuoc-my-that-vi-dai/
http://www.tintuchangngay.org/2020/12/le-van-oanh-hoi-nghi-trung-uong-14-so.html
Người Việt vốn duy tình hơn duy lý "một trăm cái lý không bằng một tí cái tình", đó là di sản của lịch sử. Ngày xưa người Việt sống quây quần trong một cộng đồng nhỏ nên vì tình làng nghĩa xóm mà cha ông ta chủ trương nhường nhịn lẫn nhau, thậm chí nhường nhịn cả những điều sai quấy.
Ngày hôm nay chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa, biên giới các quốc gia đang bị xóa nhòa dần, trái đất trở nên nhỏ bé và các quốc gia phụ thuộc vào nhau ngày càng nhiều. Trong môi trường hội nhập toàn cầu đó thì tinh thần duy tình phải nhường chỗ cho duy lý. Người nước ngoài không có lý do gì để nhường nhịn hay chấp nhận cái sai của chúng ta mà họ chỉ chiếu theo luật pháp quốc tế.
Rất nhiều vụ kiện của người Việt với người nước ngoài đã chứng minh cho điều đó, điển hình là vụ Vietnam Airlines thua kiện và phải bồi thường cho luật sư người Ý Maurizio Liberati 5,2 triệu euro trước tòa phúc thẩm Paris năm 2006.
Cho dù chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ 4.0 nhưng rất nhiều người Việt vẫn còn mê tín dị đoan và tin vào những thuyết âm mưu không hề có cơ sở. Xin minh định một điều là đức tin khác với mê tín. Đức tin là niềm tin vào một tôn giáo nào đó. Đức tin thường là mặc định và không bàn cãi. Hầu hết các tôn giáo lớn đều hướng thiện, dạy con người tôn trọng lẽ phải, đạo đức và thương yêu đồng loại. Như vậy người có đức tin là rất tốt và đáng trân trọng vì họ biết yêu quí lẽ phải và sống bao dung với mọi người.
Mê tín dị đoan là niềm tin vào những thứ nhảm nhí, mơ hồ, không có cơ sở và không phù hợp với qui luật tự nhiên…
Mê tín dị đoan là niềm tin vào những thứ nhảm nhí, mơ hồ, không có cơ sở và không phù hợp với qui luật tự nhiên, chủ yếu xuất hiện trong lĩnh vực tâm linh và có hậu quả xấu không chỉ đối với cá nhân, gia đình mà lan ra cả cộng đồng. Nó làm mất thời gian, tài sản sức khỏe và thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng. Biểu hiện của mê tín dị đoan là những hành vi ông đồng, bà cốt, xin xăm bói quẻ, xem ngày lành tháng dữ, tin số mạng sang hèn, xem tay, xem tướng, cúng sao giải hạn, tin thầy bùa thầy chú, tin cầu cúng để tai qua nạn khỏi…
Ngày xưa vì mông muội, bất lực và sợ hãi bởi các hiện tượng thiên nhiên như sấm sét, bão lụt nên người Việt cầu cúng để mong bình an, mưa thuận gió hòa. Người Việt xưa thờ đủ loại các con vật như voi, ngựa, hổ, chó, khỉ ; các loại chim như ưng, vẹt, hạc ; các loại bò sát như rắn, cá sấu, rùa, cóc, bò cạp, nhện hay cá ông… Mới đây, vào năm 2018 tại xã Quảng Văn, Ba Đồn, Quảng Bình có một đôi rắn nước trườn lên nằm ở một ngôi mộ cũ thế là dân làng đồn đại đó là "rắn thần". Hàng ngàn người đã dựng rạp, mắc điện, đem hoa, nhang khói đến cúng bái và lập đàn cầu khấn.
Không ít người giàu có mua xe ô tô sau đó làm cơm, rập đầu cúng bái khối sắt vô tri vô giác đó. Không chỉ dân đen đứng tràn cả lòng đường trong dịp lễ cầu an đầu năm tại chùa Phúc Khánh, Hà Nội mà ngay cả các quan chức cộng sản cũng rất mê tín dị đoan, vào ngày rằm tháng giêng thì xe biển xanh (của nhà nước) đi lễ chùa chật đường. Lễ hội khai ấn tại đền Trần, Nam Định cũng ưu tiên cho quan chức trước và rồi năm nào cũng vỡ trận vì người dân chen lấn xô đẩy lấy cho được tờ ấn (không biết để làm gì). Nhiều quan chức lập cả phủ hầu đồng trong nhà. Các doanh nhân thì nườm nượp đi lễ Bà Chúa Kho cuối năm để "trả lễ" và cầu xin tài lộc cho năm mới.
Không chỉ các quan chức nhà nước mê tín dị đoan mà ngay cả chính quyền cũng cố tình cổ vũ cho các hoạt động tâm linh mang nặng mầu sắc mê tín dị đoan như việc thành lập "Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người" thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam do một ông cựu bộ trưởng giáo dục và đào tạo là Phạm Minh Hạc làm viện trưởng. Nhiều nhà ngoại cảm đã được tung hô như Phan Thị Bích Hằng, người nổi tiếng nhờ khả năng đi tìm mộ các liệt sĩ. Nhưng thay vì tìm được hài cốt các liệt sĩ thì các gia đình đã nhận được xương cốt động vật đem về thờ cúng (1).
Một số "đạo mới" xuất hiện gần đây và lôi kéo được không ít người Việt tham gia, có thể kể đến "Thanh Hải vô thượng sư", "Hội thánh Đức Chúa Trời" (chi nhánh của Tân Thiên Địa), đạo Hoàng Thiên Long (thờ ông Hồ) của bà Nguyễn Thị Điền (Hà Tây)… Có thể thấy rõ Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho mê tín dị đoan và các tà đạo.
Đạo Hoàng Thiên Long (thờ ông Hồ) của bà Nguyễn Thị Điền (Hà Tây)…
Cũng không quá khó hiểu vì sao người Việt mê tín dị đoan như vậy. Khi cuộc sống bế tắc, nhiều tai nạn, bất an rình rập, hệ thống pháp luật kém cỏi không giải quyết được các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống thì người dân chỉ còn biết tin vào các thế lực siêu nhiên và huyền bí. Dân gian có câu "dương suy thì âm thịnh". Một xã hội mất niềm tin như vậy rõ ràng là không bình thường. Việc hàng ngàn người gồm nhiều nghệ sĩ và các fan hâm mộ tìm đến nhà gymer Duy Nguyễn để chất vấn về việc xúc phạm nghệ sĩ hài Chí Tài vừa mất là biểu hiện của một xã hội không có luật pháp. Thay vì nhờ tòa giải quyết thì người dân đã tìm đến nhà để "dằn mặt" đối phương.
Hiện tại nhiều người Việt đang quay cuồng với một "thuyết âm mưu" mới, đó là "cuộc bầu cử tổng thống gian lận tại Mỹ". Thuyết âm mưu là cách lý giải những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội theo hướng gán cho chúng những âm mưu bí mật của các thế lực ngầm đứng đằng sau. Đây là một giả thuyết buộc tội một nhóm người hay một tổ chức gây nên hay đứng đằng sau một sự kiện lớn nào đó. Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến một cuộc "lên đồng" vĩ đại như vậy. Nó lôi kéo không chỉ tầng lớp bình dân mà còn cuốn theo cả những tầng lớp được xem là trí thức bao gồm nhiều giáo sư, tiến sĩ, luật sư, bác sĩ, nhà báo, nghệ sĩ…
Trên thực tế cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã kết thúc hôm 7/11/2020 khi ông Biden đọc bài diễn văn tuyên bố thắng cử. Ngày 8/12 là ngày các tiểu bang phải chấm dứt các tranh kiện và xác nhận người chiến thắng, ngày 14/12 là ngày đại cử tri đoàn bỏ phiếu để xác nhận lại lần cuối người đắc cử cũng đã xong với số phiếu chung cuộc không thay đổi là 306 phiếu cho Biden và 232 cho Donald Trump. Ông chủ tịch đảng Cộng hòa tại thượng viện Mitch McConnell cũng đã chúc mừng ông Biden. Trước đó hơn 50 vụ kiện của các luật sư ủng hộ Trump đã thất bại ở hầu hết các tòa án, từ tiểu bang đến liên bang và cả Tối Cao Pháp Viện Mỹ vì không có bất cứ một bằng chứng nào…
Mặc dầu vậy, bất chấp tất cả các sự kiện hiển nhiên và sờ sờ trước mắt đó những người Việt cuồng Trump vẫn khăng khăng cho rằng Donald Trump vẫn chưa thất bại và đây là một âm mưu gian lận của phe Dân chủ "thổ tả". Họ không chỉ tin như vậy mà còn cố bịa đặt ra nhiều tin giả và tìm cách chia sẻ với nhiều người Việt Nam khác.
Mỹ là một quốc gia dân chủ lâu đời và vĩ đại, dù hiến pháp và luật pháp vẫn còn kẽ hở tuy nhiên về cơ bản nước Mỹ vận hành trên nền tảng dân chủ và pháp trị. Hệ thống bầu cử, hành pháp, tư pháp, truyền thông đều có sự độc lập cao. Dù Mỹ theo chế độ tổng thống nhưng lại tản quyền, 50 tiểu bang với cơ chế hoạt động gần như là các quốc gia thu nhỏ, có quốc hội và tòa án độc lập. Chính vì vậy mà đơn kiện của tổng chưởng lý Texas đã không được Tối Cao Pháp Viện cứu xét vì không có cơ sở pháp lý. Các thẩm phán tối cao được Trump bổ nhiệm cũng không giúp gì được Trump vì không thể làm trái luật.
Đơn kiện của tổng chưởng lý Texas đã không được Tối Cao Pháp Viện cứu xét vì không có cơ sở pháp lý.
Như vậy nếu một người yêu quí nước Mỹ, ngưỡng mộ nước Mỹ, tin tưởng và lấy nước Mỹ làm hình mẫu thì không có lý do gì để phản đối hệ thống dân chủ đang vận hành tại nước Mỹ. Hơn nữa, từ xưa đến nay hầu như trong các cuộc bầu cử mà có gian lận thì chỉ có thể là đảng cầm quyền. Các tổ chức đối lập không thể có bất cứ công cụ hay phương tiện gì để gian lận. Các tiểu bang mà Biden thắng như Georgia hay Arizona đều là các bang mà đảng Cộng hòa đang lãnh đạo.
Nhắc lại chuyện cũ, trong cuộc bầu cử quốc hội khóa 14 nhiệm kỳ 2016-2021 tại Việt Nam đã có gần 300 công dân ra ứng cử độc lập và tất cả đều bị loại, rõ ràng là Đảng cộng sản đã gian lận và phạm luật khi tìm cách loại bỏ những người bất đồng chính kiến chứ không bao giờ có chuyện những người đó "gian lận" nên mới bị thua.
Chúng ta thường lên án Đảng cộng sản đồng hóa ông Hồ với Đảng cộng sản và với tổ quốc Việt Nam thì nay những người cuồng Trump cũng đồng hóa Trump với nước Mỹ, thậm chí Trump còn cao hơn cả hiến pháp, lập pháp, tư pháp và Tối Cao Pháp Viện. Bất cứ ai nói khác Trump đều bị xem là "thổ tả" và bị Trung Quốc mua chuộc…
Vào thập niên 80 khi Mặt trận Hoàng Cơ Minh kêu gọi bà con hải ngoại đóng góp tiền bạc cho họ để lập chiến khu và tiến quân về "quang phục quê hương" thì cũng đã tạo ra một cuộc lên đồng tập thể không kém gì lần này. Ông Nguyễn Gia Kiểng vì chủ trương đấu tranh Bất bạo động và Hòa giải dân tộc nên đã bị đâm trọng thương trong một lần nói chuyện tại Hà Lan bởi những kẻ quá khích. Sau này khi nghe kể lại chuyện đó nhiều anh em trẻ trong Tập Hợp không hiểu vì sao người Việt lại có thể hung hăng và mất trí đến thế. Nhưng bây giờ, qua hiện tượng cuồng Trump thì chúng tôi mới hiểu được rằng khi đã cuồng rồi thì người ta thường đánh mất lý trí. Một cô gái trẻ từng tham gia vào một tổ chức nhân quyền của người Việt tại Mỹ đã lên Facebook của Tập Hợp mạt sát người viết là "lưu manh, tráo trở, vô nhân tính và mất dậy" vì đã dám nói xấu Trump trong bài viết "Trang sử Donald Trump đang khép lại" (2).
Hậu quả của việc mê tín dị đoan và việc tin vào các thuyết âm mưu là gì ? Đầu tiên nó sẽ làm cho người ta mụ mẫm và hoang tưởng dẫn đến mất sáng suốt, không còn phân biệt được đâu là đúng, đâu là sai. Hậu quả nhãn tiền là gia đình bất hòa, bạn bè, vợ chồng, con cái bất đồng và cãi vả. Tiếp theo là họ sẽ mất hết uy tín sau những gì đã tạo dựng được. Sự nghiệp của họ sẽ gặp khó khăn trong tương lai. Donald Trump nếu không làm tổng thống thì ông ta hoàn toàn có thể sống trong giàu sang và nhung lụa đến cuối đời nhưng từ nay trở đi cuộc sống của ông ta khó có thể bình yên. Không ai biết được những gì đang chờ đợi ông ta ở phía trước vì lành ít dữ nhiều.
Nếu một đám đông cùng "lên đồng tập thể" thì sẽ tạo ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho xã hội. Chân lý, lẽ phải và sự thật phải nhường chỗ cho sự dối trá, hời hợt và quá khích. Một đất nước không thể phát triển và xã hội không thể văn minh nếu người dân còn mê tín dị đoan và tin vào những thuyết âm mưu không có cơ sở thay vì tin vào một chính quyền dân cử. Rất may Trump không phải là người Việt Nam, nếu không hậu quả sẽ khôn lường.
Việt Hoàng
(18/12/2020)
(1) VTV “vạch mặt” nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, VietnamNet, 24/10/2013
(2) Việt Hoàng, "Trang sử Donald Trump đang khép lại", Thông Luận, 08/11/2020
Những ngày vừa qua, trước và sau ngày 3/11 đến nay có thể xem là quãng thời gian mang lại nhiều cảm xúc nhất cho một kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ, không hẳn vì sự kịch tính của nó mà vì một nhân vật độc lạ: “Donald Trump, đương kim Tổng thống Mỹ”. Chiến thắng của ông Trump năm 2016 đã là một bất ngờ thì cuộc bầu cử lần này, với những gì đang xảy ra, gây cho nhiều người cảm giác kinh ngạc, số ít hơn ở trong trạng thái bàng hoàng. Đã không có ít người đi tìm lời đáp cho câu hỏi: “Vì sao một người như Donald Trump lên được vị trí Tổng thống Mỹ?”.
Trên cương vị một tổng thống, vốn đòi hỏi đức tính tử tế và chính trực, Trump chỉ phơi bày sự ấu trĩ và dối trá, điều này khiến những người có lương tri và tôn trọng sự thật không thể ngồi yên. Ngày càng nhiều những kênh tổng hợp, các trang thông tin cũng như nhiều nhóm thảo luận xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, thậm chí có những trang được hỗ trợ bởi các dự án bảo vệ sự thật khách quan…đã lên tiếng mạnh mẽ để chống lại những thông tin sai lệch từ vị Tổng thống bất thường này.
Chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử vừa qua, ít nhất về mặt ý nghĩa trong cộng đồng người Việt, có đóng góp không nhỏ từ những kênh thông tin và nhóm thảo luận đó.
Cuộc bầu cử lần này đã trở thành một diễn đàn mà ở đó, câu hỏi đặt ra là Trump có được tín nhiệm để tiếp tục làm Tổng thống Mỹ hay không? Câu hỏi cùng với câu trả lời đưa đến một bức tranh với hai thái cực khác biệt: “Ủng hộ Trump và chống Trump”. Nhiều người bỏ phiếu cho Joe Biden để loại bỏ Trump (vote him out) chứ không hẳn quan tâm đến những chính sách hay ủng hộ cá nhân ông Biden.
Nhiều người bỏ phiếu cho Joe Biden chỉ để loại bỏ Trump (vote him out).
Có lẽ là chưa bao giờ như lần này, nước Mỹ đã có một sự đồng thuận lớn đến từ nhiều thành phần khác nhau trong xã hội, mà chỉ với một mục đích là ủng hộ Joe Biden để ngăn Donald Trump thắng cử. Những thành phần này đa dạng, từ những người dân có lương tri xuất thân từ mọi thành phần trong xã hội; họ là những đảng viên Cộng Hòa; là những tổ chức khoa học lâu đời và uy tín chưa bao giờ lên tiếng ủng hộ bất kỳ ứng viên tổng thống nào; là những tướng cấp cao trong quân đội đã về hưu; là số đông những người thầm lặng vốn ít đi bầu cử…Donald Trump đã thật sự là một hiện tượng, một vấn nạn tai hại đến mức tất cả phải lên tiếng để ngăn chặn, nhằm cứu vãn và khắc phục những hậu quả do Donald Trump gây ra.
Chiến thắng đã đến với Joe Biden nhưng có một sự thật chúng ta cần nhìn nhận: Từ khi Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ năm 2017 cho đến nay, tất cả mọi người đã luôn ở trong thế bị động trước những hậu quả do ông ta gây ra. Người Mỹ chỉ bừng tỉnh khi ông ta đắc cử năm 2016 và rồi luôn chạy theo sau để chống đỡ. Vậy, người dân Mỹ có cảm thấy mệt mỏi nhưng an tâm vì Donald Trump đã thua không? Nếu có thì họ chưa tìm ra được lời giải cho một câu hỏi bị lãng quên 4 năm qua: “Vì sao một người như Donald Trump lên được vị trí Tổng thống Mỹ?”.
Nhiệm kỳ của Trump chuẩn bị khép lại, tương lai của ông ta là tăm tối với nhiều vụ kiện đang chờ đón sau ngày 20/1, vì vậy, tìm ra đáp án cho câu hỏi trên không nhằm ngăn chặn Donald Trump trở lại mà là để đi tìm nguyên nhân đưa đến thảm họa Trump, một thảm họa như vậy sẽ khủng khiếp hơn rất nhiều nếu xảy ra ở Việt Nam. Hãy bừng tỉnh cho chính đất nước Việt Nam dân chủ trong tương lai!
Nước Mỹ vẫn vĩ đại, vẫn giàu có và đang hùng mạnh nhất hiện nay. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa, các rào cản kỹ thuật trong giao thương dần được xóa bỏ tạo điều kiện cho các trao đổi thương mại tăng tốc. Những năm thập niên 50 của thế kỷ 20, Mỹ với vị thế siêu cường về mọi mặt thay vì chuẩn bị tư tưởng và viễn kiến để đón đầu những đổi thay dồn dập thì giới chính trị truyền thống Mỹ đã đánh cược mọi vấn đề của xã hội vào chủ nghĩa tự do. Điều này đưa đến một xã hội Mỹ xem thành công về kinh tế là thước đo cho nhiều chuẩn mực, còn trên cả các giá trị đạo đức.
Nước Mỹ chưa bao giờ giàu có và hùng mạnh như ngày hôm nay.
Thế giới hiện nay vẫn chỉ là một thế giới văn minh chớm nở, nước Mỹ không ngoại lệ dù là quốc gia phát triển nhất. Chủ nghĩa tự do thái quá, không đặt ưu tư vấn đề công bằng và liên đới xã hội nên chênh lệch giàu nghèo và bất công xã hội gia tăng là hệ quả tất yếu. Cái xấu luôn cần môi trường phù hợp để bộc lộ và nền chính trị Mỹ là sân khấu không thể tốt hơn để một người mang nặng chủ nghĩa dân tuý như Donald Trump xuất hiện và độc diễn.
Mỹ là quốc gia duy nhất mà thể chế chính trị “tổng thống chế” tương đối thành công, tuy nhiên chính thể chế này cùng xu hướng xã hội thay đổi do tác động của chủ nghĩa phóng khoáng đã khiến nền chính trị Mỹ suy đồi. Vị trí tổng thống được dân bầu lên với nhiều quyền lực chỉ bằng sức thu hút của cá nhân đã làm vai trò của các chính đảng bị xem nhẹ, tệ hại hơn, không được người dân quan tâm. Người dân quan tâm đến hình ảnh nổi bật và sức thu hút từ hình tượng của các ứng viên tổng thống hơn là kế hoạch hành động của họ, những buổi tranh luận trước ngày bầu cử chỉ là những buổi đấu tố nhau thay vì trình bày chính sách, người dân cảm thấy không được tôn trọng và sinh ra chán nản.
Tổng thống Mỹ rất khó bị phế truất khiến những sai trái của tổng thống trở thành sự chịu đựng trong bức bối của người dân, nhiệm kỳ 4 năm của Donald Trump kéo dài trong căng thẳng là hình ảnh rõ nét nhất.
Là một bậc thầy trong việc nắm bắt tâm lý của quần chúng, Donald Trump bước vào vũ đài chính trị với một hình ảnh thu hút, một tỷ phú và là ngôi sao truyền hình đầy cảm hứng, Trump luôn nói ra một cách mạnh mẽ tiếng nói của tầng lớp bất mãn trong xã hội, tầng lớp bị tụt lại trong vòng xoáy của “kinh tế trên hết”. Hình ảnh tỷ phú nói lên tiếng nói của chính họ đã cho những người bất mãn một hình mẫu của thành công, hoặc chí ít là hy vọng về một thay đổi mà ông ta đại diện cho họ; những giá trị đạo đức đã không còn được xem trọng trong nhân sinh quan của những người ủng hộ Trump bởi thành công là thước đo cho tất cả. Con số 73 triệu cử tri tiếp tục bầu cho Donald Trump (cao thứ hai trong lịch sử, chỉ thua chính đối thủ Joe Biden trong cuộc bầu cử 2020) là một thực tế buồn và đáng báo động.
Thực tế đó đưa đến hai vấn đề cần cảnh giác: Một là, số lượng người dân bất mãn trong xã hội Mỹ rất lớn, đáng báo động; Hai là, hệ lụy từ nhận thức xem “chính trị là thủ đoạn” đã đến mức văn hóa chính trị trở nên bệnh hoạn, chuẩn mực đạo đức và dân trí của người dân Mỹ đã xuống rất thấp.
Qua cuộc bầu cử năm nay, hơn ai hết, giới chính trị Mỹ cần phải dứt khoát thay đổi về tư tưởng để kịp thời xây dựng lại một nước Mỹ giảm nhẹ bất bình đẳng và chú trọng liên đới xã hội. Xã hội dân chủ có ưu điểm tự chữa lành những sai lầm khi chệch hướng. Dù tồn tại nhiều khiếm khuyết do di sản khách quan từ những ngày đầu lập quốc, Mỹ vẫn là quốc gia dân chủ lớn mạnh, người dân Mỹ hưởng tự do dân chủ hàng trăm năm vững chắc với sự kế thừa của nhiều thế hệ các nhà tư tưởng lớn.
Nước Mỹ cần giảm nhẹ bất bình đẳng và chú trọng liên đới xã hội
Trong thế giới toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ thông tin, hệ thống truyền thông, mạng xã hội đã là tác nhân đẩy mạnh các thành quả khoa học cũng như các mặt trái của nó. Tiếp nhận và phát huy những thành quả toàn cầu hóa để chuyển hóa thành giá trị hữu ích đòi hỏi những nền tảng vững mạnh của một xã hội dân chủ. Ở chiều ngược lại, đón nhận những mặt trái của nó đơn giản chỉ cần yếu tố tâm lý trong bối cảnh đạo đức và dân trí xuống cấp.
Các nước phương Tây với nền tảng dân chủ tự do luôn là chuẩn mực về những giá trị đạo đức và văn hóa chính trị. Sống trong bầu không khí tự do dân chủ đó, người dân có đủ nhận thức để cảnh giác trước những biểu hiện và xu hướng độc hại, họ rất khó bị chia rẽ và dễ dàng có cùng một nhận thức về hiện tượng Donald Trump.
Việt Nam trái lại, là một quốc gia chưa bao giờ có dân chủ, người dân Việt Nam chưa bao giờ được sống trong xã hội tự do dân chủ. Lịch sử chiến tranh và nội chiến liên miên cùng ảnh hưởng nặng nề cả ngàn năm của văn hóa Khổng Nho đã khiến chúng ta không những thiếu vắng tư tưởng chính trị mà còn hình thành một tâm lý xã hội độc hại. Chiến thắng của chế độ cộng sản ở miền Bắc rồi áp đặt chế độ độc tài lên toàn bộ lãnh thổ không những kéo lùi sự tụt hậu của quốc gia trên mọi bình diện mà hệ quả của nó còn làm trầm trọng hơn sự độc hại của văn hoá và tâm lý người Việt. Cùng với đó, sự xuống cấp của các chuẩn mực đạo đức khiến đông đảo những người Việt cả trong lẫn ngoài nước không thể nhận thức được sự tai hại của hiện tượng Donald Trump. Hệ quả, người Việt đã là dân tộc hiếm hoi chia rẽ nhau trầm trọng chỉ vì Donald Trump, rất nhiều người đã ủng hộ Trump trong đó có cả các trí thức nhân sĩ đấu tranh cho dân chủ. Trách nhiệm của các nhân sĩ trí thức trong cơn mê cuồng sùng bái Trump là rất lớn, họ đã gây ra nhiều ngộ nhận cho chính họ và người dân qua những thông tin sai lệch thiếu kiểm chứng, thậm chí không kiểm chứng.
Trong hoàn cảnh bi đát này, người Việt phải nhận thức được thảm cảnh thua kém về mọi mặt, không những về hiện trạng đất nước mà còn về nhận thức người Việt. Chúng ta đã là phần tụt hậu đáng xấu hổ trên bản đồ thế giới về tất cả mọi mặt. Trong nỗ lực xây dựng lại đất nước cần dứt khoát từ bỏ những độc hại đã được nhận diện để hướng về quan điểm đúng đắn:
- Chính trị là việc chung, là đạo đức ứng dụng vào trong cuộn sống và xã hội. Người hoạt động chính trị phải xem đạo đức là nền tảng và giá trị cao nhất để không còn cơ hội cho những người vô đạo đức như Donald Trump, người xem chính trị là thủ đoạn, bước chân vào lĩnh vực chính trị.
- Dứt khoát từ bỏ chế độ “tổng thống chế”. Thể chế chính trị cho Việt Nam phải là “thể chế Đại nghị”, là thể chế dân chủ và ổn vững nhất. Trong thể chế Đại nghị, cá nhân lãnh đạo chỉ cần phạm sai lầm hoặc biểu hiện tha hóa về đạo đức là lập tức bị phế truất mà không ảnh hưởng tiêu cực đến sinh hoạt quốc gia.
- Những rạn nứt trong lòng xã hội Mỹ cần một cố gắng hòa giải và thực tâm qua nhiều giai đoạn. Người Việt cần nhiều nỗ lực hơn gấp nhiều lần trong một hoàn cảnh tồi tệ hơn người Mỹ. Sự chia rẽ là thách thức vô cùng lớn cho Việt Nam, nếu chúng ta không nhận diện và bắt đầu ngay từ bây giờ thì tương lai sẽ vô cùng tăm tối.
Ba quan điểm trên là một phần trong những nhận định và giải pháp mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã trình bày trong Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai.
Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai
Tự do dân chủ là mẫu số chung, là những chuẩn mực đưa đến một quốc gia ổn vững và phát triển. Việt Nam tụt hậu là một thiệt thòi lớn nhưng phải dũng cảm nhận ra những sai lầm của các nước dân chủ đi trước. Hành trang bước vào kỷ nguyên mới là cần rút ra những bài học đã được nhận diện để đất nước tránh đi vào vết xe đổ.
Hy vọng lớn lao cho tương lai Việt Nam chúng ta là sự xuất hiện và đang trưởng thành của tầng lớp trí thức chính trị trẻ, ít bị ảnh hưởng bởi các tư tưởng độc hại, là những người có kiến thức và hiểu biết thật sự về chính trị. Cùng với đó là một cố gắng hòa giải để họ có thể đứng cùng nhau trong một tổ chức có dự án chính trị đúng đắn. Có đồng thuận dân tộc chúng ta sẽ có quyền hướng tới một chổ đứng xứng đáng trong bản đồ văn minh nhân loại.
Kỷ Nguyên
(26/11/2020)
Kiện tụng bầu tổng thống Mỹ : Kẽ hở hệ thống giúp Trump đảo ngược thế cờ ?
Trọng Thành, RFI, 12/11/2020
Nước Mỹ đang trong tình thế đặc biệt. Cuộc bầu cử tổng thống 2020 kết thúc. Theo kết quả sơ bộ, ứng viên Dân chủ Joe Biden đắc cử. Ứng viên Donald Trump, tổng thống sắp mãn nhiệm, liên tục phủ nhận thất bại, cáo buộc nhiều gian lận trong bỏ phiếu, nhưng không đưa bằng chứng. Liệu phe Cộng hòa còn cơ hội đảo ngược tình thế ?
Tối Cao Pháp Viện Mỹ. AFP / Karen Bleier
Trang mạng Le Monde hôm nay 12/10/2020, có đăng tải bài phân tích của bà Eleonora Bottini, giáo sư về luật công, Đại học Caen Normandie, Pháp, nhấn mạnh đến kẽ hở của hệ thống chính trị Mỹ mà phe của tổng thống Donald Trump có thể khai thác. Mục Theo dòng thời sự của RFI xin giới thiệu.
***
Trong bài phân tích mang tựa đề "Các khiếu kiện của Trump lên Tối Cao Pháp Viện nhằm xác định định chế nào là nơi phân xử các tranh chấp liên quan đến bầu cử Mỹ", giáo sư luật Eleonora Bottini ghi nhận "một không khí căng thẳng gần như chưa từng thấy trong lịch sử chính trị Mỹ", khi tổng thống sắp mãn nhiệm kiên quyết không rời bỏ quyền lực, bất chấp khoảng cách về phiếu bầu đại cử tri rất lớn, và việc đảo ngược tình thế được coi là rất ít có khả năng xảy ra.
Phe của tổng thống Trump ngay từ trước bầu cử đã tiến hành hàng loạt vụ kiện lên tư pháp để phản đối thể thức bầu cử tại các bang. Trong đa số các vụ kiện trước ngày bầu cử 03/12/2020, tư pháp Hoa Kỳ đã không chấp nhận đòi hỏi của phe Cộng hòa. Các thẩm phán liên bang đã chấp thuận việc bỏ phiếu qua thư tại Pennsylvania (mà tỉ lệ cử tri ủng hộ ông Joe Biden rất lớn qua con đường này, được coi là quyết định cho thắng lợi của ứng viên Dân chủ). Tòa Án Tối Cao của bang Texas cũng cho phép bỏ phiếu qua các trạm bưu điện. Tòa Án Tối Cao của Pennsylvania cũng cho phép chấp nhận phiếu bầu qua thư, được gửi đến 4 ngày sau ngày bầu cử, với điều kiện thư gửi đóng dấu bưu điện ngày 03/11/2020.
Hai giải pháp
Hiện tại, phe Cộng hòa tiếp tục tiến hành nhiều vụ khiếu kiện tại các bang, và khiếu nại cũng được gửi lên Tối Cao Pháp Viện Liên Bang. Theo giáo sư Eleonora Bottini, hệ thống chính trị hiện nay của Hoa Kỳ có những khoảng trống và vùng mờ, mà bên phản đối có thể khai thác.
Hệ thống chính trị dân chủ pháp quyền của mỗi quốc gia không phải là một cỗ máy hoàn hảo có sẵn, chỉ cần áp dụng để vận hành, mà là sản phẩm của các quá trình lịch sử, khác biệt tùy theo quốc gia, địa phương. Tam quyền phân lập, sự phân biệt giữa "lĩnh vực tư pháp" và "lĩnh vực chính trị" không phải lúc nào cũng rạch ròi.
Trước hết, chuyên gia Pháp nhấn mạnh đến hai giải pháp cho vấn đề kiểm soát bầu cử, trong lịch sử các quốc gia dân chủ.
"Giải pháp thứ nhất" là dành cho các định chế dân cử quyền phân xử cuối cùng. Đây là các trường hợp như ở xứ Anh (thuộc Vương quốc Liên Hiệp Anh và Bắc Ailen) hay Pháp thời cận đại. Ví dụ như vào thế kỷ XVII, các cơ quan dân cử Anh (Nghị Viện) nắm quyền ra quyết định cuối cùng, với mục tiêu là để chống lại can thiệp từ phía Hoàng gia. Rốt cuộc giải pháp này đã bị từ bỏ tại Anh và Pháp, nhưng vẫn được bảo lưu tại một số nước như Ý, Bỉ và Luxembourg, nơi quyền phán xử cuối cùng về các tranh chấp bầu cử thuộc thẩm quyền của "lĩnh vực chính trị".
Việc các cơ quan dân cử ra phán quyết về các tranh chấp bầu cử dần dần bị coi như là hành động "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Hiến pháp của nền đệ ngũ Cộng hòa Pháp đã dành cho Tòa Bảo Hiến vai trò phân xử các tranh chấp liên quan đến bầu cử quốc gia. Đây chính là "giải pháp thứ hai", tức kiểm soát bầu cử về pháp lý, giải pháp được đại đa số các quốc gia dân chủ hiện nay lựa chọn.
Không giải pháp nào ưu việt hơn hẳn
Tư pháp độc lập dường như được coi là giải pháp hữu hiệu nhất để tránh xảy ra tình trạng "cáo canh chuồng gà", theo diễn đạt của thẩm phán Mỹ John Paul Stevens (thành viên Tối Cao Pháp Viện Mỹ từ 1975 đến 2020). Tuy nhiên, theo giáo sư luật Eleonora Bottini, cả hai giải pháp nói trên đều không phải là toàn hảo, và đều có thể bị phê phán dưới góc độ này hay góc độ khác. Nhiều thách thức đặt ra với giải pháp dành cho tư pháp quyền ra quyết định cuối cùng về khiếu nại bầu cử. Ví dụ như, các thẩm phán dựa trên "nguyên tắc hợp thức dân chủ" nào để ra phán quyết về quyết định của toàn dân thông qua phiếu bầu. Liệu có thể phó thác quyền phán xét về các cuộc bầu cử - vấn đề cốt lõi của một nhà nước pháp quyền - vào tay một số thẩm phán, rất có thể có quan điểm thiên vị ? Nguyên tắc phân chia quyền lực trong một nhà nước dân chủ pháp quyền không đủ để đưa ra giải pháp thuyết phục hoàn toàn.
Hiến pháp Mỹ không quy định rõ
Về quyền phân xử tranh chấp liên quan đến bầu cử tổng thống, nước Mỹ có lựa chọn riêng. Hiến pháp Hoa Kỳ về cơ bản dành cho Quốc hội lưỡng viện quyền quyết định cuối cùng về kết quả bầu cử thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ. Quy định này thoạt tiên có mục tiêu củng cố nguyên tắc Liên bang chống lại một số chính quyền bang không muốn nhường quá nhiều thẩm quyền cho Nhà nước Liên bang. Trên thực tế, quy định khá chung chung trong Hiến pháp đã không cản trở việc các đảng phái địa phương kiện lên các tòa án địa phương và liên bang.
Riêng về bầu cử tổng thống, theo giáo sư luật Eleonora Bottini, Hiến pháp Mỹ hoàn toàn im lặng. Thực tế này tạo nên một tình trạng không rõ ràng, một hệ thống cho phép cả hai giải pháp song hành tồn tại, và để ngỏ cho các thẩm phán khả năng diễn giải quyền hạn của tư pháp, của Tối Cao Pháp Viện, theo cách của mình. Điểm lại lịch sử, giáo sư luật người Pháp nhấn mạnh là Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ nhìn chung tránh can thiệp vào các tranh chấp được coi là "quá chính trị".
Quan điểm chính thống này có một thay đổi lớn vào năm 1962, khi Tối Cao Pháp Viện lần đầu tiên chấp nhận đưa ra phán xử về các tiêu chuẩn xác định lại các đơn vị bầu cử. Vụ Tối Cao Pháp Viện ra phán quyết về cuộc bầu cử tổng thống 2000 là một can thiệp vô cùng hiếm hoi. Tòa Án Tối Cao yêu cầu dừng tái kiểm phiếu vào thời điểm đó tại Florida, khiến thắng lợi thuộc về George W. Bush (với chênh lệch phiếu bầu chỉ hơn 500). Can thiệp này sau đó đã bị rất nhiều chỉ trích, do các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, không đủ "tính chính đáng dân chủ" và thành phần Tối Cao Pháp Viện vào thời điểm đó nghiêng về phe Cộng hòa.
Tối Cao Pháp Viện từ chối can thiệp : không có kết quả trước hạn 08/12 ?
Theo giáo sư luật Eleonora Bottini, tình thế hiện nay tại Mỹ "có thể dẫn đến tình trạng Tối Cao Pháp Viện từ chối tiếp nhận các khiếu nại về bầu cử", do không muốn lặp lại tình hình năm 2000. Và nếu như các tòa án ở các bang cũng từ chối phân xử về các tranh chấp, thì một số chính quyền bang sẽ không thể có được danh sách chính thức các đại cử tri, trước hạn chót, ngày 08/12/2020. Nếu quá hạn này, theo tu án chính án thứ 12 của Hiến pháp Hoa Kỳ liên quan đến bầu cử, rất ít khi được sử dụng, Hạ Viện sẽ có quyền lựa chọn tân tổng thống. Trong trường hợp này, quyết định của Hạ Viện không dựa trên số dân biểu, mà theo bang. Hiện tại, nhìn chung, số bang ủng hộ phe Cộng hòa nhiều hơn phe Dân chủ.
Trọng Thành
*******************
Biden chiến thắng tại Arizona, nhưng Trump vẫn không công nhận thất cử
VOA, 13/11/2020
Tổng thống tân cử Mỹ Joe Biden củng cố thắng lợi bầu cử của ông sau khi chiếm được bang chiến trường Arizona vào chiều tối thứ Năm 12/11, nhưng tiến trình chuyển quyền sang chính phủ Biden vẫn trì trệ giữa lúc Tổng thống Trump tiếp tục khước từ, không chấp nhận thất cử.
Kiểm phiếu tại quận Maricopa ở Phenix, Arizona, ngày 5/11/2020. Tổng thống Trump một mực nói ông là nạn nhân của gian lận bầu cử trên khắp các bang chiến địa dù không trưng ra bằng cớ nào, giữa lúc ứng cử viên của Dân chủ Joe Biden ngày càng củng cố thắng lợi. (Olivier Touron /AFP)
Ông Biden được dự phóng đắc cử tại Arizona sau hơn một tuần kiểm phiếu, nhóm nghiên cứu Edison Research cho biết. Ông trở thành ứng cử viên tổng thống thứ nhì của Đảng Dân chủ giành thắng lợi tại Arizona trong 7 thập niên, một bang theo truyền thống vẫn thuộc Đảng Cộng hòa.
Thắng lợi của ông Biden ở Arizona giúp ông đạt được tổng cộng 290 phiếu đại cử tri, vượt con số 270 phiếu quyết định ai là người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Trước Arizona, ông Biden đã vượt mốc 270 phiếu đại cử tri để thắng cử, đặt ông trên con đường hướng tới lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ vào ngày 20/1 năm 2021. Thêm 11 phiếu cử tri đoàn của bang Arizona đã tăng khoảng cách, khiến cho bất cứ thách thức nào của Tổng thống Trump càng xa tầm với.
Ngoài ra, ông Biden còn dẫn trước tại bang Georgia tới 14.000 phiếu và hầu như chắc chắn sẽ vượt qua cuộc tái kiểm phiếu ở bang này. Trên toàn quốc, ông Biden dẫn trước ông Trump hơn 5,3 triệu phiếu phổ thông, tương đương với tỷ lệ 3,4%.
Ông Trump của Đảng Cộng hòa nói mà không có bằng chứng rằng ông là nạn nhân của gian lận bầu cử diện rộng, nhưng các thách thức pháp lý của ông đã thất bại trước tòa, khi các giới chức bầu cử cấp tiểu bang báo cáo không có bất thường nghiêm trọng nào trong tiến trình bầu cử.
Việc Tổng thống Trump tiếp tục khước từ, không chấp nhận thất cử đã làm trì trệ tiến trình chuyển quyền sang chính phủ mới. GSA, cơ quan liên bang đặc trách tài trợ cho các hoạt động của tổng thống tân cử, vẫn chưa công nhận chiến thắng của ông Biden.
Người được ông Biden chọn làm Chánh Văn phòng Tòa Bạch Ốc, Ron Klain, hôm 12/11 nói với đài MSNBC rằng khởi sự tiến trình chuyển tiếp đặc biệt thiết yếu ngay bây giờ, vì chính phủ Biden sẽ thừa kế và lập tức tiếp tục chiến dịch chủng ngừa chống virus corona chủng mới ngay từ lúc ông nhậm chức.
Ông Klain nói bất chấp những trở ngại, ông Biden sẽ ký "một loạt" sắc lệnh và gửi sang Quốc hội các biện pháp ưu tiên cao nhất ngay trong ngày đầu tại chức.
"Ông Biden sẽ có một ngày làm việc bận rộn, rất rất bận rộn trong ngày đầu tiên tại chức", ông Klain nói. Ông nêu lên một số vấn đề mà ông Biden sẽ xử lý ngay trong ngày 20/1/2021, gồm : phục hồi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, cải cách di trú, củng cố luật chăm sóc sức khỏe "Obamacare", và bảo vệ môi trường.
Dự kiến ông Biden sẽ lại gặp gỡ các cố vấn trong ủy ban chuyển tiếp trong ngày hôm nay, thứ Sáu 13/11, để vạch ra hướng tiếp cận của ông để đối phó với đại dịch Covid-19, đồng thời chuẩn bị đề cử những người sẽ nắm các vị trí hàng đầu trong chính phủ mới, kể cả các bộ trưởng nội các.
Chia rẽ trong nội bộ Đảng Cộng hòa
Đa số các chính khách Đảng Cộng hòa công khai hậu thuẫn quyền của Tổng thống Trump theo đuổi các thách thức pháp lý, và từ chối công nhận ông Biden là người đắc cử. Nhưng đã có nhiều dấu hiệu bất đồng xuất hiện hôm thứ Năm 12/11.
Các thành viên Đảng Cộng hòa như Thống đốc Ohio Mike DeWine, Thống đốc New Hampshire Chris Sununu, và ông Karl Rove, cố vấn hàng đầu của cựu Tổng thống George W. Bush, nói ông Biden phải được đối xử như tổng thống tân cử của Mỹ.
Trong khi chờ đợi, nhiều nghị sĩ Đảng Cộng hòa khác khẳng định chính phủ của Tổng thống Trump nên để ông Biden nhận báo cáo tình báo mật, mặc dù họ không công khai công nhận ông Biden đã giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống.
Thông thường, vị tổng tư lệnh quân đội tương lai của Mỹ phải được báo cáo tin mật hàng ngày để bảo đảm an ninh quốc gia trong thời gian chuyển tiếp.
Nhiều thành viên Đảng Dân chủ đã đồng loạt công kích Tổng thống Trump, và những đảng viên Cộng hòa bao che ông, là "phương hại tới các định chế quốc gia". Trong một cuộc phỏng vấn dành cho chương trình "60 Minutes" của đài CBS hôm Chủ nhật, cựu Tổng thống Barack Obama nói các thành viên Đảng Cộng hòa đang trên một "con đường nguy hiểm" khi họ hậu thuẫn cho những cáo buộc vô căn cứ của ông Trump là có gian lận bầu cử.
(Theo Reuters)
**********************
Minh Anh, RFI, 13/11/2020
Gần một tuần sau khi chiến thắng của ứng viên đảng Dân chủ được thông báo, tổng thống sắp mãn nhiệm của Mỹ vẫn kiên quyết không chấp nhận thua cuộc và tiếp tục khẳng định trên mạng xã hội Twitter là đã có gian lận trong bầu cử.
Trong khi đó, sự ủng hộ của đảng Cộng hòa đối với chủ nhân Nhà Trắng bắt đầu có những rạn nứt, còn phe Dân chủ tỏ ra nóng lòng trước sự bế tắc này. Từ Washington, thông tín viên RFI Anne Corpet tường thuật :
"Chúng ta nên thừa nhận là cựu phó tổng thống đã thắng cử", ông Mike Dewine, thống bang Ohio, thuộc đảng Cộng hòa, đã phát biểu như trên. Nhưng tại Thượng Viện, hiếm có nghị sĩ nào trong đảng của tổng thống dám khẳng định thất bại của Donald Trump.
Các nghị sĩ Cộng hòa tiếp tục ủng hộ tổng thống và tố cáo có gian lận mà không đưa ra một chứng cớ nào. Điều này khiến ông Chuck Shumer, lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ ở Thượng Viện, cảm thấy bực tức :
"Các vị thượng nghị sĩ Cộng hòa, hãy dừng phủ nhận thực tế. Các vị hãy dừng gieo rắc mối ngờ vực một cách có chủ ý và thiếu cẩn trọng về tiến trình dân chủ của chúng ta. Đó chẳng qua chỉ là một sự suy sụp tinh thần của đảng Cộng hòa, không có gì khác hơn là một màn trình diễn chính trị thảm hại cho một khán giả duy nhất : Tổng thống Donald Trump".
Nhưng bức tường chắn của đảng Cộng hòa bảo vệ chủ nhân Nhà Trắng cũng bắt đầu có rạn nứt. Năm thượng nghị sĩ thuộc phe tổng thống cho rằng Joe Biden phải được tham gia vào các buổi họp giao ban của các cơ quan tình báo Mỹ. Theo thông lệ, thông tin tình báo phải được chia sẻ cho tổng thống tân cử. Trong số họ, có ông Lindsey Graham, dù rằng nhân vật này vẫn tiếp tục nói là đã có gian lận trong bầu cử".
Minh Anh
***********************
Tú Anh, RFI, 13/11/2020
Trong bối cảnh tổng thống mãn nhiệm Donald Trump khăng khăng từ chối công nhận thất c, các cơ quan đặc trách an ninh tuyển cử tuyên bố "không có bằng chứng" bầu cử bị tin tặc phá hoại. Trong khi đó, ứng cử viên Dân chủ Joe Biden giành được bang Arizona, chiếm đa số tuyệt đối đại cử tri và Bắc Kinh đã chính thức "chúc mừng tổng thống tân cử Hoa Kỳ", sau một tuần dè dặt.
"Bầu cử ngày 03/11 là cuộc đầu phiếu chắc chắn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ" cho dù là "đối tượng của một chiến dịch bóp méo thông tin và cáo buộc không cơ sở". Trên đây là nội dung bản thông cáo của nhiều cơ quan bầu cử địa phương và liên bang, trong đó có cơ quan an ninh mạng và an ninh hạ tầng (CISA), trực thuộc bộ An ninh Nội địa. Một cách cụ thể, thông cáo nhấn mạnh "không có một chứng cớ nào cho thấy hệ thống bầu cử đã xóa, làm mất, đánh tráo lá phiếu, hay bị tin tặc dưới bất cứ hình thức nào".
Theo AFP, trước khi bản thông cáo được công bố, trên mạng Twitter, tổng thống Donald Trump còn chia sẻ một tin đồn là có đến 2,7 triệu phiếu ủng hộ ông đã bị xóa.
Arizona bầu cho Joe Biden
Thất bại về mặt truyền thông, tổng thống mãn nhiệm còn bị đối thủ bỏ xa thêm, mất hết cơ may đảo ngược tình thế : Joe Biden chiến thắng ở bang Arizona, với 11 đại cử tri, theo kết quả kiểm phiếu vừa công bố. Theo viện Edision Research, với 290 đại cử tri, cựu phó tổng thống Joe Biden sẽ là tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ. Donald Trump dù có thắng ở hai bang còn lại là North Carolina và Georgia, thêm được 31 đại cử tri, thì cũng không thay đổi gì.
Trung Quốc chúc mừng tổng thống tân cử
Một tuần sau khi truyền thông Mỹ loan tin Joe Biden đắc cử, chính quyền Trung Quốc mới gởi lời chúc mừng tổng thống tân cử. Trong cuộc họp báo ngày 13/11/2020, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố "Trung Quốc tôn trọng sự lựa chọn của nhân Mỹ và chúc mừng ông Biden và bà Harris".
Trong một diễn biến khác, hôm qua, tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh chận đầu tư Mỹ vào các công ty Trung Quốc có liên hệ với quân đội và chính quyền Hoa lục.
Tú Anh
**********************
Thụy My, RFI, 12/11/2020
Sau khi truyền thông tuyên bố ông Joe Biden thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 03/11/2020, tổng thống sắp mãn nhiệm, ứng cử viên Donald Trump đã phản đối kết quả bầu cử, tố cáo nạn gian lận hàng loạt và hứa hẹn sẽ đưa vấn đề ra trước tòa án. Tuy nhiên, các luật sư của ông không đưa ra được các bằng chứng, và hiện các vụ kiện đều bị bác.
Từ San Francisco, thông tín viên Éric de Salve cho biết thêm chi tiết :
"Do không có chứng cứ đưa ra trước tòa, các luật sư của ông Donald Trump thường phải thất vọng. Một trong những vụ đáng nhớ nhất là tại tòa án liên bang Pennsylvania, khi phía ông Trump yêu cầu tư pháp ra lệnh ngưng kiểm phiếu, vì các quan sát viên Cộng hòa bị ngăn không được vào văn phòng bầu cử.
Vấn đề là tại phiên tòa, luật sư không có căn cứ nào để chứng minh sự việc này. Ngược lại, thẩm phán rốt cuộc còn buộc ông phải nhìn nhận rằng số quan sát viên Cộng hòa không chỉ có mặt, mà còn đông gấp đôi so với bên Dân chủ. Vị thẩm phán, do một tổng thống Cộng hòa bổ nhiệm, hỏi : "Xin lỗi, vậy thì vấn đề thực tế là gì ?"
Một ví dụ khác tại tòa án Detroit ở bang Michigan. Các luật sư phía ông Trump khởi kiện vì các phiếu bầu được nhận hai ngày sau thời điểm được luật pháp ấn định. Nguồn tin của họ là từ một quan sát viên không phải là nhân chứng trực tiếp. Thẩm phán kết luận như vậy đây chỉ là tin đồn.
Kết quả là hiện nay, hơn một chục vụ kiện về gian lận và bất hợp lệ được Nhà Trắng đưa ra đã bị bác bỏ. Theo các thẩm phán, chưa có vụ nào đủ nghiêm túc để có thể mở điều tra".
Thụy My
Dịch Covid-19 tiếp tục là chủ đề hàng đầu của hầu hết các báo Pháp hôm nay, 13/11/2020, khi cả nước phải sống trong phong tỏa thêm 2 tuần nữa, theo thông báo của chính phủ. Tình hình hậu bầu cử Mỹ cũng là chủ đề của nhiều bài báo. Chiến thắng của ứng cử viên Dân chủ Joe Biden là điều được truyền thông khẳng định, nhưng sức ảnh hưởng gia tăng của tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump trong xã hội Mỹ cũng được đặc biệt chú ý.
Nhật báo Le Monde có bài phân tích đáng chú ý của nhà báo Alain Frachon mang tựa đề "Kết quả bầu cử cho thấy một điều duy nhất : "tâm hồn" nước Mỹ đang trong cơn ba đào". Trước cuộc bỏ phiếu, một số người cho rằng cuộc bầu cử này là để "khôi phục lại "tâm hồn của nước Mỹ"", và đây là cuộc cạnh tranh để tìm kiếm một "bản sắc" chung cho nước Mỹ, chứ "không phải cuộc cạnh tranh giữa hai cương lĩnh". Nếu theo quan điểm này, đã không có ai là người chiến thắng. Cho dù bên Dân chủ thu được nhiều phiếu phổ thông hơn, Joe Biden được nhiều phiếu đại cử tri hơn, nước Mỹ đã bị phân hóa hết sức sâu sắc.
Ông Donald Trump đã có thể vui mừng khi thấy 70% cử tri Cộng hòa cho rằng cuộc bầu cử là "không trung thực, không tự do". Cho dù cuối cùng các thẩm phán có đưa ra kết luận là họ đã sai lầm khi cho rằng cuộc bầu cử không công bằng, thì đa số cử tri Cộng hòa vẫn sẽ hoài nghi về "tính hợp pháp của tổng thống Biden". Tổng thống sắp mãn nhiệm chính là người đã thổi bùng lên nỗi hoài nghi về gian lận bầu cử, nhiều tháng trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, cho dù không đưa ra bằng chứng. Xét theo nghĩa này, ông Trump là "người hủy diệt có hiệu quả" các thể thức dân chủ.
Nội bộ nước Mỹ đã trở nên đối kháng với nhau hơn bao giờ hết. Một bên tin tưởng chủ thuyết của đảng Cộng hòa là "trung thành nhất với lý tưởng của những người sáng lập ra nước Mỹ". Bên kia tin chắc là kỳ vọng cải cách của phe Dân chủ, mở ra với thế giới, mở ra cho những thay đổi, là "nằm trong bản sắc quốc gia". Sử gia Simon Shama nói đến "một cuộc nội chiến lạnh, một cuộc chiến tranh tôn giáo" trong lòng nước Mỹ, với hai cách nhìn hoàn toàn đối lập, không thể dung hòa.
Vẫn sử gia Simon Shama cho biết trên Financial Times (31/10), "mỗi bên đều tin tưởng là chiến thắng của đối phương đồng nghĩa với việc chấm dứt chế độ chính trị hiện hành của nước Mỹ". Một tư tưởng gia của học thuyết Trump, cựu chủ tịch Hạ Viện Mỹ, ông Newt Gingrich, khẳng định : "Nước Mỹ của Trump, một bên, và bên kia là liên minh chống Trump, một xã hội '‘hậu Hoa Kỳ", hai xã hội đó không thể cùng tồn tại. Không có chỗ cho một thỏa hiệp" (The Observer, ngày 08/10).
Nhà báo Alain Frachon cảnh báo là ông Biden sẽ thiếu đa số để thực hiện được cương lĩnh của mình, bởi cử tri Mỹ không đứng hẳn về phía Dân chủ. Bên Dân chủ mất nhiều ghế tại Hạ Viện, cho dù vẫn giữ được đa số, và rất khó giành được đa số tại Thượng Viện. Hàng loạt kế hoạch như tăng thuế các doanh nghiệp, kế hoạch "Xanh", đầu tư cho hạ tầng, mở rộng bảo hiểm y tế chắc chắn sẽ bị ngăn chặn tại Thượng Viện, như từng bị ngăn chặn dưới thời Obama.
Theo nhà báo Le Monde, một bài học đau đớn cho phe Dân chủ là có đến một phần ba cử tri gốc Mỹ Latinh và 10% người da đen bỏ phiếu cho Trump, từng tin tưởng là sự thay đổi của thành phần dân số sẽ khiến "tương lai thuộc về họ".
Cũng trong bài viết này, nhà báo Alain Frachon chỉ ra bí quyết thành công của ông Trump, là đã một mặt biết cách huy động cả những người được hưởng lợi lớn từ hệ thống kinh tế "siêu tự do" hiện nay, lẫn những người muốn chống lại chính hệ thống đó.
Nhưng Le Monde cũng chỉ ra thất bại lớn mà ít người nói đến đối với tổng thống sắp mãn nhiệm. Lần đầu tiên một tổng thống Mỹ (kể từ năm 1892) không hề nhận được sự ủng hộ của đa số cử tri (theo phiếu bầu phổ thông). Ông Trump cũng là tổng thống Mỹ đầu tiên kể từ 30 năm nay không tái đắc cử. Bên cạnh đó, thành công về kinh tế hiện nay của nước Mỹ, thường được nhiều người coi là thành tích của chính quyền Trump, thực ra đã bắt đầu từ các tăng trưởng 7 năm về trước.
Cũng Le Monde, trên mục Diễn đàn, đăng tải bài phân tích mang tựa đề "Châu Âu rất thường có xu hướng đánh giá thấp thậm chí coi thường phong trào ủng hộ Donald Trump". Theo tác giả bài viết, nhà chính trị học Alexandra de Hoop Scheffer, giám đốc trung tâm tư vấn German Marshall Fund, thì đây là một "sai lầm", vì chính sách của Joe Biden sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi "sự biến đổi sâu xa" này trong xã hội Mỹ. Trong chính sách với Châu Âu, chính quyền Biden sẽ tiếp tục chủ trương "America first / Nước Mỹ trước hết", các cam kết quốc tế của Mỹ sẽ không ổn định, thậm chí có thể bị đảo ngược, và Washington sẽ có thể chỉ xem Châu Âu như một công cụ chính trị để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhà chính trị học Alexandra de Hoop Scheffer cũng kêu gọi Châu Âu làm sáng tỏ các "ưu tiên chiến lược", để đối phó với sự tồn tại lâu dài của phong trào ủng hộ Trump tại nước Mỹ.
Học giả Jacques Attali, trong một bình luận trên Les Echos, cũng kêu gọi Châu Âu - cho dù hoan hỉ với kết quả bầu cử - đừng vội hài lòng, mà cần thức tỉnh, nhìn nhận ảnh hưởng ngày càng gia tăng của nước Mỹ tại Châu Âu về mọi mặt, từ công nghệ, kỹ thuật cho đến văn hóa, hệ giá trị… Theo học giả Pháp, Châu Âu cần đưa ra các quyết định chiến lược, khẳng định sự độc lập với Hoa Kỳ, đặc biệt với một nước Mỹ "đang ngày trở nên ít dân chủ hơn". Tuy nhiên, Jacques Attali cũng nhấn mạnh là dù sao Châu Âu và Mỹ vẫn chia sẻ nhiều giá trị chung và lý tưởng chung, kể từ khi Hoa Kỳ lập quốc. Và các giá trị, lý tưởng chung đó hiện đang bị thách thức.
Vẫn về nước Mỹ, nhiều báo Pháp như Le Monde, chú ý đến thái độ "bình thản" của ông Joe Biden, được coi là tổng thống tân cử theo các kết quả sơ bộ, trước việc chủ nhân Nhà Trắng kiên quyết không chấp nhận thất bại.
Les Echos đăng tải bài viết của báo Anh Financial Times, mang tựa đề "Donald Trump và sự phân liệt lớn của nước Mỹ". Báo Anh đặt câu hỏi, với những động cơ gì, ông Trump không thừa nhận thất bại và tiếp tục có những hành động làm suy yếu định chế dân chủ tại Mỹ. Financial Times so sánh điều mà tổng thống sắp mãn nhiệm đang cố gắng làm hiện nay với cuộc phân liệt lớn trong lịch sử Công giáo, với sự tồn tại song hành "hai giáo hoàng đối địch" vào thế kỷ thứ XIV và XV tại Châu Âu.
Financial Times đặc biệt chú ý đến mưu toan nguy hiểm của tổng thống sắp mãn nhiệm, lệnh cho bộ trưởng Tư pháp điều tra về cáo buộc gian lận kết quả bầu cử ở các bang tranh chấp, mà kết quả đã được thông báo chính thức. Ông Trump dự đoán có thể thuyết phục chính quyền một số bang tranh chấp gửi đi một danh sách đại cử tri mới, khác với "các đại cử tri" đã được cử tri bầu ra. Và điều này được Hiến pháp Mỹ cho phép, khi để ngỏ cho các bang xác định các quy tắc riêng. Tuy nhiên, theo Financial Times, khả năng này khó xảy ra.
Nhìn chung, báo Anh tổng kết, cách hành xử của tổng thống sắp mãn nhiệm cho dù không ngăn cản được thất bại của ông, và cũng không ngăn cản được Joe Biden trở thành tổng thống thứ 46, nhưng có thể làm cho giai đoạn bàn giao quyền lực trở nên hỗn loạn. Financial Times khuyên ông Trump nên "nhanh chóng thừa nhận thất bại".
Cũng về bầu cử Mỹ, báo La Croix có bài tổng hợp tựa đề "Các poll workers, những người canh giữ thầm lặng, bảo vệ nền dân chủ" nói về đóng góp thầm lặng của hàng trăm nghìn người Mỹ tình nguyện để bảo đảm cho cuộc bầu cử vừa qua diễn ra minh bạch, công bằng.
Đại dịch Covid là chủ đề của hầu hết các báo Pháp. Sau gần hai tuần phong tỏa lần hai, dịch bệnh tại Pháp có chiều hướng giảm chút ít, nhưng căng thẳng hiện rõ. "Nỗi mệt mỏi của nhân viên ngành y tế" là tựa đề trang nhất của Le Monde. Nhật báo La Croix thì dành chủ đề chính cho việc các bệnh viện đứng trước áp lực phải xem xét lựa chọn bệnh nhân Covid nặng, hay các bệnh nhân nặng khác tại các khoa điều trị tích cực.
Đối với Les Echos, tia hy vọng lóe lên, sau khi thủ tướng Pháp thông báo tiếp tục kéo dài thêm hai tuần phong tỏa, nhưng kể từ ngày 01/12, các cửa hàng "không thiết yếu" có thể mở cửa trở lại. Sau đợt phong tỏa 2 tuần nữa, có nhiều khả năng các biện pháp sẽ được giảm nhẹ, nếu đà lây lan giảm. Theo Les Echos, hiện tại 40% người làm trong khu vực công tại Pháp duy trì chế độ làm việc từ xa.
Les Echos có bài xã luận mang tựa đề "Xem xét về chiến lược y tế ra khỏi phong tỏa". Theo Les Echos, chính phủ cần có nhiều biện pháp linh hoạt hơn, để tránh phải rơi vào tình trạng phải lựa chọn chỉ một trong hai phương án : phong tỏa hoàn toàn hay ra khỏi phong tỏa hoàn toàn. Cũng có nghĩa là một chiến lược chung sống trong nhiều tháng nữa với virus, trước khi tình hình thay đổi. Les Echos hoan nghênh việc Ủy Ban Châu Âu hôm thứ Tư, 11/11, cho biết sẽ lập ra một cơ quan y tế chung của Châu Âu, dựa trên mô hình cơ quan y tế Liên bang Mỹ Barda, nhằm chuẩn bị cho các quốc gia thành viên đối phó với các khủng hoảng y tế tương lai, như xây dựng các kho dự trữ dược phẩm chiến lược, cũng như đầu tư cho nghiên cứu phát triển dược phẩm.
Vẫn về Covid-19, nhưng Libération dành hồ sơ chính để giới thiệu về bộ phim tài liệu Hold-up, vừa xuất hiện trên mạng hai ngày, nhưng đã được hưởng ứng rất mạnh mẽ. Hold-up là một bộ phim tố cáo "một tổ chức thao túng toàn cầu", do một thế lực chính trị lập ra, để điều khiển dân chúng, khiến người dân trên toàn cầu tin tưởng là có một đại dịch Covid-19, trong lúc dịch bệnh này hoàn toàn là do các phương tiện truyền thông và giới chính trị dựng lên. Xã luận Libération, mang tựa đề "Hoài nghi", cho rằng đây là một bộ phim "thành công", nhưng thành công này là đáng sợ, bởi cho thấy lối suy nghĩ theo "thuyết âm mưu" đang có khả năng chi phối một bộ phận lớn xã hội như thế nào.
Trọng Thành
Trong bốn năm vừa qua, xuất hiện một thứ tôn giáo thật kỳ lạ: “Đạo Trump”. Đa số chúng ta thấy thật khó hiểu, khó giải thích bằng những luận cứ khoa học về những phát ngôn và hiểu biết của những người cuồng ông Trump, chúng ta chỉ biết rằng hầu hết họ đều theo đạo Trump.
Khác với những tôn giáo khác, đạo Trump hướng đến sự cuồng si, chia rẽ và nổi loạn. Trong bốn năm qua, đạo Trump đã thu hút được một số lượng khá đông các tín đồ người Mỹ và đặc biệt là các tín đồ người Việt, người gốc Việt ở khắp nơi trên thế giới. Ở đây, tôi muốn nói về các “con chiên” của tôn giáo này tại Việt Nam.
Đạo thường là một tập hợp của các lý luận thần học, có hệ thống kinh kệ hoàn chỉnh, có một hệ thống truyền giáo rộng lớn và mạng lưới tín đồ rộng lớn. Đạo giáo thường sống hàng trăm năm. Trump chỉ có số tín đồ đông đảo, nhưng không có một hệ tư tưởng, không có lý luận kinh thánh và không có mạng lưới truyền giáo. Những người yêu Trump gồm cả cộng sản, chống cộng, cực hữu, quốc gia … nên họ không bao giờ cùng chung mặt trận. Đạo Trump sẽ không tồn tại được lâu.
Đạo Trump phát triển rất mạnh trong cộng đồng người Việt khắp thế giới bốn năm qua
Việt Nam có lẽ là nơi phù hợp nhất để đạo Trump phát triển, đặc biệt trong thời gian ngắn gần đây, khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thứ 46 đang diễn ra, đạo Trump đã phát triển lên mức độ rực rỡ nhất. Tôi muốn nói rõ hơn về đặc điểm của tôn giáo này:
-Tôn giáo này không cần đến cơ sở vật chất để sinh hoạt, tôn giáo này chủ yếu sinh hoạt trên không gian mạng, chủ yếu là Facebook.
-Tôn giáo này đã thu nạp được rất nhiều con chiên trong mọi đủ giai tầng của nước Việt.
-Một số trí thức, do ngoan đạo, kính chúa (Trump) đã tự đảm nhận vai trò làm những chánh xứ để truyền đạo không biết đến mỏi mệt…
Các chánh xứ này đã từng một thời (khi họ chưa theo đạo) là những bậc trí thức đáng kính. Sau khi theo đạo, thay vì suy nghĩ bằng cái đầu họ lại suy nghĩ bằng con tim. Sau khi những lời truyền đạo của họ đến với các con chiên của mình thì các con chiên này lại suy nghĩ bằng các bộ phận trên cơ thể, điều này có thể thấy được khi các con chiên phát ngôn trên Facebook.
Với tâm lý nhược tiểu, yếu đuối, thiếu tự tin, vọng ngoại, thiếu can đảm và thiếu kiến thức về chính trị, các chánh xứ sẵn sàng rao giảng những thông tin không hề có một luận cứ khoa học nào cả. Họ sẵn sàng dùng đến tin vịt (fake news) làm phao cứu độ, dùng con tim phân tích những thông tin này rồi rao giảng đến các con chiên mộ đạo.
Đạo Trump, cũng như bao thứ dị giáo, tà giáo khác sẽ biến mất khi chúa hiện ra rõ ràng và đầy đủ với mọi sự trần tục. Khi đó các con chiên và chánh xứ sẽ rất tẽn tò. Trong thời gian tới Trump sẽ phải đối mặt với những vụ kiện đang bủa vây, cũng có thể ông sẽ phải đối mặt với nhà tù. Khi đó sự tẽn tò của những con chiên theo đạo Trump biết lấy gì để che mặt?
Mời những người bạn của tôi gắng kiên nhẫn nghe và hiểu những bình luận của nhà văn Đinh Quang Anh Thái, nhà báo Hoàng Bách hay Đỗ Dzũng 247. Mời các bạn cùng điền thêm tên những chánh xứ trong phần còm. Ở đây tôi chỉ đưa ra một chánh xứ có tên là Tào Lao. Đáng buồn là danh sách các chánh xứ rất dài và bao gồm nhiều thành phần là trí thức như chánh xứ nhà văn, chánh xứ nhà báo, chánh xứ bác sỹ, chánh xứ nhà giáo, chánh xứ luật sư...Nhiều người trong họ có ảnh hưởng và uy tín trên không gian mạng và được nhiều người yêu mến, theo dõi. Sự nghiệp “khai dân trí” cho người dân Việt Nam sẽ đi về đâu với những người khai dân trí như thế này, trong tình trạng xã hội Việt Nam chia rẽ và rối ren như hiện nay?
Nên nghe và hiểu những bình luận của nhà văn Đinh Quang Anh Thái, nhà báo Hoàng Bách hay Đỗ Dzũng 247.
Chia sẻ những tin tức giả và những tin chưa được kiểm chứng sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của người chia sẻ, nhất là khi người đó là trí thức và có uy tín. Nên theo dõi và chia sẻ tin tức từ những nguồn khả tín và có tiếng tăm trên thế giới. Dân trí Việt Nam vốn đã thấp lại bị nhồi nhét và đầu độc bởi những người mang danh “hiểu biết” như thế này thì sẽ càng thấp hơn thay vì được nâng cao. Đó là một tội ác.
An Nam
(12/11/2020)
Đến cuối ngày 7/11, thông tin kết quả kiểm phiếu ở các bang cùng dự đoán của các nhà đài đưa đến nhiều triển vọng ông Joe Biden sẽ đắc cử tổng thổng Mỹ thứ 46.
Với thông tin kiểm phiếu từ mỗi tiểu bang cùng với dữ kiện khác liên quan, các nhà đài đã đưa ra dự đoán của họ về kết quả của cuộc bầu cử, những dự đoán này là tương đồng nhau, chỉ khác nhau ở mức độ thận trọng của họ. Những người ủng hộ tổng thống Trump đón nhận thông tin với nhiều cảm xúc khác nhau, số ít những người cực đoan ở Mỹ và nhiều người Việt ủng hộ Trump cảm thấy hụt hẫng và khó chấp nhận. Như một phản xạ, họ lên tiếng gay gắt phản đối kết quả bầu cử.
Hãng truyền thông Fox News đã là nơi hứng chịu chỉ trích nặng nề nhất sau khi đưa ra dự đoán Joe Biden sẽ thắng ở Arizona, không hẳn vì họ đưa ra dự đoán sớm mà vì họ là số ít hãng truyền thông có xu hướng thân thiện với Donald Trump, điều này ảnh hưởng tâm lý rất lớn đến những người ủng hộ ông ta. Truyền thông báo chí được nhìn nhận là Quyền lực thứ tư trong xã hội dân chủ đã trở nên xấu xa trong mắt tổng thống Trump, xấu xa trong mắt người ủng hộ cực đoan chỉ vì không ủng hộ tổng thống, một đòi hỏi đi ngược lại với nguyên tắc "khách quan, trung thực" của truyền thông và báo chí.
Người Việt chỉ muốn nghe những gì mình muốn nghe thay vì những thông tin trung thực…
Tất cả các nhà đài đã trở nên "dối trá" trong mắt họ chỉ vì không đưa những thông tin họ muốn nghe, điều này được tiếp thêm sức mạnh bởi chính những lời chỉ trích và cáo buộc vô căn cứ của ông Trump. Một người mà trên cương vị một Tổng thống Mỹ luôn đòi hỏi đức tính tử tế và chính trực, điều mà ông Trump không có.
Nhiều người Việt trong nước, với một cố gắng đúng đắn đã nhận ra sự độc hại và vai trò định hướng của Ban Tuyên giáo thông qua hệ thống báo chí do nhà nước kiểm duyệt. Tuy nhiên, dù đã vất vả vượt tường lửa để đến với nguồn thông tin chính thống của thế giới tự do nhưng họ lại chối bỏ các nguồn tin đó chỉ vì tin tức từ đó không có lợi cho người mà họ ủng hộ.
Không ít những người Việt ở nước ngoài, dù đã có quá khứ đau buồn với một nỗ lực phi thường để "tạm rời xa tổ quốc máu thịt, chấp nhận hiểm nguy, vượt biên đến với thế giới tự do", dù họ được tiếp nhận thông tin khách quan trong hàng chục năm qua từ truyền thông báo chí chính thống nhưng nay vẫn sẵn sàng quay lưng vì một người là Donald Trump.
Đối với cả hai trường hợp này thì thật sự rất đáng tiếc vì cả hai đã phải đi trên con đường khó khăn (thậm chí trả giá bằng sinh mạng của mình) để có được cơ hội tiếp cận những giá trị tự do của xã hội dân chủ.
Giờ đây, với những người ủng hộ Trump cuồng nhiệt ở Mỹ và người Việt trong lẫn ngoài nước, họ không còn muốn nghe bất cứ nguồn tin nào ngoài những gì họ muốn nghe. Đây cũng là lúc những tổ chức, cá nhân không có năng lực truyền thông, không tôn trọng nguyên tắc báo chí được người ủng hộ Trump tìm đến. Điều này rất nguy hiểm và đã thật sự là rất tai hại. Ngoài những nguồn tin trung thực cố gắng đưa thông tin khách quan đã có không ít nguồn tin từ những cá nhân, tổ chức chuyên đưa tin theo thuyết âm mưu, cổ suý cho những cáo buộc không có bằng chứng. Những người ủng hộ Donald Trump, vốn trốn chạy sự thật nay đã rơi vào mê cung của nạn tin giả và thuyết âm mưu độc hại.
Những người ủng hộ Donald Trump, vốn trốn chạy sự thật nay đã rơi vào mê cung của nạn tin giả và thuyết âm mưu độc hại.
Chúng ta đã chối bỏ nền báo chí định hướng độc hại của chế độ cộng sản vì vậy không nên tự bịt mắt, bịt tai trong một thế giới văn minh luôn đề cao các giá trị dân chủ, mà truyền thông và báo chí tự do là công cụ tốt nhất để biểu đạt.
Số đông người Mỹ ủng hộ ông Trump còn lại, họ tôn trọng kết quả đưa ra từ các tiểu bang và dự đoán của các nhà đài, như họ đã từng làm trong hàng chục năm qua, họ tin tưởng và tiếp thêm sức mạnh để bảo vệ các giá trị tự do dân chủ.
Người Việt chúng ta, đã đến lúc thực hiện một nỗ lực khác phi thường hơn tất cả những gì chúng ta đã từng làm : "Phải thoát khỏi văn hóa Khổng giáo" để có được tư duy độc lập. Dứt khoát phải từ bỏ tâm lý sùng bái lãnh tụ để tiếp tục đón nhận những giá trị của xã hội dân chủ, để có được chổ đứng xứng đáng trong một nước Việt Nam dân chủ.
Với Mỹ, Joe Biden là lựa chọn tốt nhất trong lúc này, nhất là tình cảnh có nhiều sự chia rẽ và căng thẳng không đáng có. Như ông đã nói, ông là tổng thống của nước Mỹ, không những là tổng thống của những người đã bỏ phiếu cho ông mà còn của những người không bỏ phiếu cho ông. Với kinh nghiệm, hiểu biết và phẩm chất đã được thừa nhận không chỉ trong đảng Dân chủ mà còn từ nhiều thành viên đảng Cộng hòa, ông xứng đáng được tin tưởng lựa chọn.
Dù ủng hộ cho Joe Biden hay Donald Trump thì mọi người đều tin vào lựa chọn của bản thân rằng điều đó là tốt cho Việt Nam. Mỗi người có một quá trình quan sát, tìm hiểu với nguồn thông tin và khả năng tư duy khác nhau nên có quan điểm khác nhau là chuyện bình thường. Lựa chọn hay ủng hộ một nhân vật, một vấn đề khác nhau là chuyện bình thường và đó cũng là cái hay của tinh thần đa nguyên, mọi quan điểm và tiếng nói đều được tôn trọng. Những khác biệt đó sẽ được một xã hội dân chủ thảo luận để lựa chọn cái tốt và đào thải cái sai, cái không phù hợp.
Đã đến lúc đồng bào Việt Nam gạt qua một bên những hoài nghi không đáng có và thiếu cơ sở về cuộc bầu cử dân chủ Mỹ, trút bỏ hết những buồn phiền và hụt hẫng để nắm tay nhau hướng tới một sự đồng thuận và những giải pháp cho một nước Việt Nam dân chủ. Cùng là đồng bào, không có lý do để chúng ta chia rẽ vì bất kỳ một nhân vật nào dù đó có là Donald Trump. Điều khác biệt trong tinh thần đa nguyên là để cùng học hỏi và phát triển chứ không phải đối đầu như kẻ thù để rồi dẫn đến chia rẽ trầm trọng.
Nước Mỹ có truyền thống dân chủ, nên cho dù hiện trạng bây giờ chưa được tốt nhưng họ có những nhà tư tưởng và trí thức chính trị lỗi lạc để nước Mỹ có thể thay đổi và dần tốt lên. Nước Việt Nam trái lại, chưa bao giờ là một nước dân chủ, trí thức đa phần là trí thức khoa bảng ít hiểu biết chính trị và chưa đầu tư cho tư tưởng chính trị. Chúng ta cần ngồi lại cùng nhau với sự khiêm tốn nhưng quyết tâm cao độ để thảo luận trong tinh thần đa nguyên, chấp nhận lẫn nhau và ủng hộ cho các tổ chức chính trị có Dự án chính trị.
Chúc mừng nước Mỹ có tân tổng thống với tinh thần đoàn kết. Hy vọng và tin tưởng cho sự thức tỉnh, yêu thương và tinh thần hòa giải của đồng bào Việt Nam trong quá trình hội nhập vào làn sóng dân chủ mới của nhân loại.
Kỷ Nguyên
(12/11/2020)