Sau loạt ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Bắc Triều Tiên bắt đầu tháo dỡ khu thử tên lửa Sohae, tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoan nghênh thiện chí của Kim Jong-un và tin rằng tiến trình giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên đang có "những tiến bộ lớn" dù trên thực tế vẫn chưa có gì cụ thể.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tại thượng đỉnh Singapore, ngày 12/07/2018. Anthony Wallace/Pool via Reuters
Theo nhật báo Le Figaro (26/07/2018), tổng thống Mỹ "Donald Trump đang bám chặt vào ván bài Bắc Triều Tiên".
Trong suốt 40 ngày sau thượng đỉnh với Kim Jong-un ở Singapore, tổng thống Mỹ đã phải kiên nhẫn chờ đợi tín hiệu từ phía Bình Nhưỡng. Kim Jong-un như muốn nắn gân tổng thống Mỹ. Nhiều người bắt đầu nghi ngờ thực tâm của lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã khôn khéo đưa ra một cử chỉ đúng lúc, bằng việc tháo dỡ khu Sohae, nhằm xoa dịu tâm trạng sốt ruột của tổng thống Mỹ, trong khi ông đang đánh cược vào canh bài Bắc Triều Tiên để vận động cử tri cho cuộc bầu cử bán phần Nghị Viện sắp tới.
Victor Cha, từng là nhà thương lượng về hạt nhân, hiện là giáo sư tại đại học Georgetown, cho rằng tổng thống Mỹ "đã dấn quá sâu để lùi bước. Ông còn bị kẹt cho đến kỳ bầu cử Nghị Viện vào tháng 11".
Thực vậy, chủ nhân Nhà Trắng tin vào phương pháp của ông, kết hợp từ những lời đe dọa hiếu chiến, bóp nghẹt kinh tế và đàm phán thẳng thừng. Dường như ông cũng đang tin vào ván bài chắc thắng, hiện được áp dụng với Iran, sau khi đã thử với Bắc Triều Tiên.
Tuy nhiên, người chịu trận lại là ngoại trưởng Mỹ. Ông Mike Pompeo bị Kim Jong-un "phớt lờ" trong chuyến công du Bình Nhưỡng vào đầu tháng 07/2018. Sau đó, trong một thông cáo, những yêu cầu của Washington bị Bình Nhưỡng lên án là "mầm bệnh ung thư" và "đúng kiểu gangster".
Cũng vào thời điểm đó, Bắc Triều Tiên bị nghi là tiếp tục làm giầu uranium, vi phạm trừng phạt quốc tế với việc bán than cho Trung Quốc, mua dầu lậu với khối lượng gấp 3 lần quota cho phép của năm 2018. Ngoại trưởng Mỹ tố cáo với Liên Hiệp Quốc 89 lần vi phạm của Bình Nhưỡng, nhưng lời tố cáo lại bị Bắc Kinh và Moskva bác bỏ tại Ủy ban Trừng phạt. Chiến lược "gây áp lực tối đa" của Mỹ hứng một vố đau.
Mọi cử chỉ, thông điệp này cho thấy tổng thống Mỹ dường như đang phải nhân nhượng lãnh đạo Bắc Triều Tiên, để ông Kim tiến theo nhịp độ riêng. Nhưng chí ít, lòng kiên nhẫn của ông Donald Trump cũng được trả giá : "không một tên lửa nào được Bắc Triều Tiên phóng đi từ 9 tháng nay, không có bất kỳ vụ thử hạt nhân nào. Nhật Bản hài lòng, toàn Châu Á hài lòng" và ông cũng "rất hài lòng", theo tin nhắn của tổng thống Mỹ trên Twitter ngày 23/07.
Ông Donald Trump vẫn đặt trọn niềm tin vào"deal" với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, trong khi Kim Jong-un muốn Hoa Kỳ phải có "hành động táo bạo" trước khi cam kết cụ thể vào tiến trình giải trừ vũ khí. Cụ thể, Bình Nhưỡng muốn có một thỏa thuận hòa bình giấy trắng mực đen với Washington để đảm bảo sự sống còn của chế độ. Chính quyền Mỹ cần có ít nhất 2/3 thượng nghị sĩ bật đèn xanh để kí được thỏa thuận trên, trong khi Thượng Viện tuân theo điều kiện Bình Nhưỡng phải cam kết giải trừ hạt nhân "hoàn toàn, kiểm chứng được và không thể đảo ngược được".
Trong khi chờ đợi, Washington lại đang hy vọng vào việc Bắc Triều Tiên trao trả hơn 200 hài cốt lính Mỹ hy sinh trong cuộc chiến Triều Tiên. Thế nhưng, các cuộc đàm phán cũng đang gặp nhiều trở ngại vì phía Bình Nhưỡng yêu cầu "bồi thường", trong khi điều này lại trái với lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Từ năm 1996 đến 2005, sau khoảng 30 cuộc đàm phán song phương, 220 hài cốt lính Mỹ đã được hồi hương, còn Bình Nhưỡng nhận được 28 triệu đô la.
Sự năng động trên con đường ngoại giao vẫn có vẻ yếu ớt : Nếu tổng thống Mỹ hết kiên nhẫn và cảm thấy bị coi thường, có thể ông sẽ quay lại biện pháp đe dọa gây chiến với Bình Nhưỡng. Khi gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên tại Singapore, theo ông Jeffrey Bader, thuộc Brooking Institution, "lẽ ra tổng thống Mỹ phải đưa ra nền tảng của một cuộc thương lượng hạt nhân thực sự". Thượng đỉnh Singapore sẽ luôn được coi là lễ đăng quang của Bắc Triều Tiên thành một cường quốc hạt nhân mới.
Bầu cử Cam Bốt : Thủ tướng Hun Sen lấy lòng các nữ công nhân
Bầu cử Quốc hội tại Cam Bốt ngày 29/07 là chủ đề được nhật báo Le Monde quan tâm : "Tại Cam Bốt, các nữ công nhân được triệu tập đến phòng phiếu". Ngành công nghiệp dệt may chiếm đến 70% hàng xuất khẩu của Cam Bốt và phụ nữ chiếm đa số nhân công hoạt động trong lĩnh vực này (với khoảng 850.000 người).
Năm 2013, như giới trẻ, giới công nhân cũng đã bỏ phiếu đông đảo cho đảng đối lập. Nhưng năm nay, đối lập bị giải thể và bị cấm tại Cam Bốt vì "câu kết với Hoa Kỳ và các thế lực nước ngoài khác" nhằm xúi giục một "cuộc cách mạng". Rất nhiều công nhân, như trường hợp của Nay Yang, tỏ ra lo ngại trước một chế độ ngày càng gắn chặt về mặt kinh tế với Trung Quốc, hiện là nhà đầu tư chính vào Cam Bốt. Vương quốc Đông Nam Á này cũng là đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN.
Theo phóng sự của Le Monde, mức lương của người lao động Cam Bốt đã được tăng trong những năm vừa qua, đặc biệt sau cuộc biểu tình rầm rộ vào tháng 01/2014, nhưng vẫn không giúp cải thiện được đời sống của công nhân. Tại một số nhà máy, vẫn tồn tại cảnh bóc lột trá hình đối với người lao động. Đốc công, thường là người Trung Quốc, vẫn quát mắng thợ, còn phiên dịch thì tìm cách đốc thúc công nhân vì họ được hưởng hoa hồng trên tổng số sản phẩm.
Để "ép" công nhân đi bỏ phiếu, chính quyền Phnom Penh đã phối hợp với lãnh đạo các nhà máy. Người lao động được nghỉ ba ngày để về địa phương bầu cử. Khi trở lại làm việc, họ phải trình ngón tay có vết mực điểm chỉ để chứng minh đã làm nghĩa vụ công dân. Vì không thể bỏ phiếu cho đối lập, một số người cho Le Monde biết sẽ gạch xóa phiếu bầu để lá phiếu không hợp lệ, thay vì phải bỏ phiếu cho đảng cầm quyền của thủ tướng Hun Sen.
Lào và dự án "pin của Châu Á"
Năm tỉ mét khối nước ào xuống và nhấn chìm ít nhất 7 ngôi làng, ít nhất 27 người chết, 130 người mất tích, 6.600 người mất nhà ở là hậu quả của vụ vỡ đập Xe-Pian Xe Namnoy trên sông Mekong, nằm tại một vùng hẻo lánh ở Lào.
Trong bài viết về thảm họa trên, nhật báo Le Monde cho biết 90% khối lượng điện được dự kiến sản xuất tại đập thủy điện này là dành cho Thái Lan. Đây là công trình liên kết giữa chính phủ Lào, một công ty của Thái Lan và hai tập đoàn Hàn Quốc, trong đó có một nhánh của tập đoàn SK nổi tiếng. Dự án 410 megawatt, theo kế hoạch, sẽ đi vào hoạt động năm 2019, gồm 2 đập chính và 5 đập trữ nước phụ.
Sau thảm họa, nhiều cây hỏi đặt ra về sự yếu kém của hệ thống báo động cho dân địa phương, dù tập đoàn SK khẳng định đã báo động ngay lập tức cho chính quyền và đã bắt đầu di dời người dân.
Thảm họa này cũng tác động đến tham vọng trở thành "pin của Châu Á" vì Lào có tiềm năng đáng kể về thủy điện. Từ khoảng 10 năm nay, chính quyền Lào liên tục xây nhiều đập trên dòng chảy chính sông Mekong cũng như các chi lưu. Tổng cộng có 45 đập đang được xây dựng, trong đó khoảng 10 đập đã đi vào hoạt động.
Tai nạn vỡ đập không phải là chưa từng xảy ra ở Lào, như các vụ vỡ đập năm 2017 (ở miền trung) và 2016 (ở miền nam) vì các công trình này được xây trên nền đất không chắc. Hậu quả đối với môi trường do việc lạm dụng xây đập thủy điện cũng được cảnh báo : thay đổi hệ sinh thái sông, sự đa dạng của các loài cá bị tác động... Tuy nhiên, Lào vẫn tiếp tục theo dự án này vì ngành công nghiệp ở Lào không phát triển. Các dự án đồ sộ này thường huy động nguồn vốn lớn và đây lại là cơ hội thăng tiến, cũng như tham nhũng cho nhiều quan chức địa phương.
Vụ Benalla : Tổng thống Pháp nhận hết trách nhiệm
Vụ Benalla, phụ trách an ninh của tổng thống Pháp hành hung người biểu tình trong ngày Lễ Lao Động 01/05, tiếp tục làm tốn nhiều giấy mực của các nhật báo. Tưởng nhận hết trách nhiệm về mình là xong, tổng thống Pháp không ngờ bị phản ứng dữ dội như vậy.
Nhật báo Le Monde trích lại tuyên bố của tổng thống Pháp : "Người duy nhất chịu trách nhiệm trong vụ này là tôi và chỉ mình tôi". "Nếu họ muốn một người chịu trách nhiệm, người đó đang đứng trước mặt các vị, họ đến mà tìm", Libération, trong bài viết "Năm câu hỏi cho người chịu trách nhiệm" lại trích câu nói này của tổng thống Pháp với chỉ trích "Emmanuel Macron thích thách thức hơn là làm sáng tỏ rất nhiều điểm tối" trong vụ Benalla.
Theo nhật báo Le Figaro, hiện đang thăm vùng Pyrénées, miền nam nước Pháp, ông "Macron phản công", khẳng định"tự hào vì đã tuyển Benalla", nhưng coi "lỗi" của người phụ trách an ninh"như một sự phản bội". Trong khi đó, vẫn theo Le Figaro, "cả cánh tả và cánh hữu đều chỉ trích tuyên bố trong nội bộ đảng cầm quyền". Còn nhật báo kinh tế Les Echos cho rằng trong vụ "Benalla : chính phủ trông đợi vào mùa hè để dập đám cháy".
Pháp trải qua thời kỳ nắng nóng
Hôm qua và hôm nay, vùng Ile de France và nhiều tỉnh miền bắc Pháp chịu đợt nắng nóng gay gắt.
"Làm thế nào để thích nghi với nắng nóng ?" là câu hỏi được nhật báo La Croix nêu trong mục "Thảo luận". Theo ông Erwan Cordeau, trưởng dự án tại viện Quy hoạch đô thị, giải pháp lâu dài"phủ xanh các thành phố là một ưu tiên". Một số biện pháp trước mắt được nêu lên là mở cửa công viên vào buổi đêm, đóng cửa sổ… Điều hòa lại không phải là một ý tưởng hay, vì nó thải khí nóng ra ngoài và càng làm gia tăng nhiệt độ ngoài trời. Nhật báo Le Figaro thì đưa ra dự báo "đợt nắng nóng thứ hai sẽ đến Pháp vào tuần tới do khí nóng từ Bắc Phi tràn lên".
Riêng thành phố Paris, theo Libération, tìm cách ngăn chặn hiện tượng "ốc đảo nóng bất thường" vì nhiệt độ tại Paris thường cao hơn những khu vực khác trong vùng Ile de France. Trong kế hoạch khí hậu, thành phố Paris đề ra hai cách : chống tình trạng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ; làm xanh và làm mát thành phố để đối phó với hiện tượng nhiệt độ tăng dần với mục tiêu là phủ xanh được 40% diện tích thủ đô từ nay đến năm 2050. Ngoài ra, những biện pháp hàng ngày được thành phố triển khai là cây phun mưa hoạt động ở một số khu vực nóng nhất ở Paris hoặc vòi phun nước được chôn ngầm dưới đất…
Thu Hằng
Câu chuyện của cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin ở Helsinki khởi đầu với một tuyên bố của tổng thống Hoa Kỳ. Tình trạng tệ hại của liên hệ Nga-Mỹ hiện nay, ông tweet, không phải là lỗi do chính phủ Nga chiếm đoạt Crimea, bắn hạ một chuyến bay hàng không dân sự, can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ hay sử dụng những độc chất bị cấm để giết công dân của một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ ngay trên đất mình. Không, đó, theo tổng thống là lỗi của “sự ngu ngốc và đần đồn và nay, cuộc Săn Phù Thủy Gian Lận”.
Sẽ có những người có trách nhiệm lo ngại về những hứa hẹn mà tổng thống đã đưa ra. Ảnh minh họa
Cuộc gặp gỡ đó kết thúc với một cuộc họp báo chung vốn đã khiến cả thế giới sửng sốt, những nhà báo lão luyện của nền báo chí Hoa Kỳ, những thông tín viên Tòa Bạch Ốc, ngơ ngác sững sờ, và khiến Thượng nghị sĩ John McCain, một thượng nghị sĩ Cộng Hòa cùng đảng với tổng thống, diễn tả là “một trong những mà trình diễn xấu hổ nhất của một tổng thống Hoa Kỳ trong giai đoạn gần đây”.
Giữa cái tweet mở đầu và cuộc họp báo kết thúc là một khoảng trống. Chúng ta không biết trong gần hai tiếng đồng hồ hai ông gặp nhau với chỉ có thông dịch viên, họ nói với nhau về điều gì. Sẽ có những người có trách nhiệm lo ngại về những hứa hẹn mà tổng thống đã đưa ra. Sẽ có những nhân viên tình báo mất ngủ vì không biết những điều gì ông Putin đã nói ra để “dụ dỗ” tổng thống.
Nhưng ngoài điều đáng lo ngại đó, những gì xảy ra ở cuộc họp báo chỉ là xác nhận những điều mà Hoa Kỳ và thế giới đã biết về tổng thống Hoa Kỳ. Ông Trump nghĩ là thế giới hưởng lợi khi Hoa Kỳ và Nga có liên hệ thân thiết, và rằng “Hoa Kỳ đã ngu dốt” về điểm này. Ông coi phán xét của các cơ quan tình báo Hoa Kỳ là Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 là một sự sỉ nhục cá nhân, một cáo buộc là ông đã cần phải có sự giúp đỡ từ bên ngoài để đánh bại cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. Ông sẵn sàng tin vào lời của một cựu điệp viên KGB (i.e. ông Putin) hơn là lập trường của CIA hay FBI về điểm này. Những người Mỹ nào đặt câu hỏi về sự việc này sẽ bị diễn tả bởi tổng thống của mình là kẻ thù của nhân dân. Cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller là “một thảm họa cho đất nước chúng ta.” Thật là chướng tai gai mắt khi thấy tổng thống nói những điều này đứng trên cùng một diễn dàn kế bên ông Putin, nhưng cũng phải xin đây là những điều ông đã nói rồi, rất nhiều lần. Đây không phải là một màn trình diễn. Ông thực sự tin vào những điều đó.
Tờ The Economist ghi nhận là có một đoạn vào cuối cuộc họp báo, mà theo tờ báo đáng được chép lại nguyên văn bởi nó cho chúng ta một thí dụ điển hình của lối suy nghĩ của tổng thống.
Phóng viên, Associated Press : Tổng thống Trump chỉ tay, anh trước. Vừa qua, Tổng thống Putin bác bỏ liên hệ gì với việc can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016. Mỗi cơ quan tình báo Hoa kỳ đã kết luận là Nga đã can thiệp. Câu hỏi đầu tiên cho ông, sir, là : ông tin ai ? Câu hỏi thứ nhì là : liệu ông nay, với toàn thế giới đang xem, nói với Tổng thống Putin, liệu ông có lên án chuyện đã xảy ra năm 2016 và liệu ông có muốn ông ta không bao giờ lập lại hành động đó nữa ?
Tổng thống Trump : Để tôi chỉ nói là chúng ta có hai ý nghĩ. Chúng ta có những nhóm đang tự hỏi tại sao FBI chưa bao giờ lấy máy chủ. Tại sao họ không lấy máy chủ ? Tại sao FBI được bảo rời khỏi văn phòng của Ủy Ban Quốc gia đảng Dân chủ ? Tôi đã nghĩ về điều dó. Tôi đã hỏi từ nhiều tháng và nhiều tháng và tôi đã tweet về nó và nêu nó trên truyền thông xã hội. Máy server đó đâu rồi ? Tôi muốn biết cái server đó ở đâu và cái server đó nói gì ? Với điều đó nói rồi, tất cả tôi chỉ có thể là hỏi những câu hỏi. Những người của tôi đến với tôi, Dan Coats [giám đốc tình báo quốc gia], đến với tôi và một vài người nữa và họ nói họ nghĩ là Nga. Tôi có Tổng thống Putin. Ông ta chỉ nói nó không phải là Nga. Tôi sẽ nói điều này : Tôi không thấy bất cứ lý do nào nó phải là vậy. Nhưng tôi thực sự muốn thấy cái server, nhưng tôi có, tôi tin tưởng vào cả hai phe. Tôi thực sự nghĩ là việc này sẽ tiếp tục một thời gian nhưng tôi không nghĩ là nó có thể tiếp tục mà không tìm xem chuyện gì xảy ra cho server. Chuyện gì xảy ra cho cái server của ông Pakistani làm cho Đảng Dân chủ ? Những cái servers dó đâu rồi ? Chúng biến mất. Chúng ở đâu ? Chuyện gì xảy ra cho emails của Hillary Clinton ? 33,000 emails biến mất, chỉ biến mất. Tôi nghĩ ở Nga chúng sẽ không biến mất dễ dàng như vậy. Tôi nghĩ đó là một sự sỉ nhục là chúng ta không thể có 33,000 emails của Hillary Clinton. Tôi có tin tưởng lứon vào những người tình báo của tôi nhưng tôi sẽ bảo với quý vị là Tổng thống Putin là rất mạnh và rất cương quyết trong việc bác bỏ hôm nay và ông đã đưa ra một đề nghị đáng kinh ngạc. Ông đề nghị cho những người làm việc về vụ này đến và làm việc với những nhà điều tra của họ, về cái vụ 12 người [ý ông nói đến các sĩ quan tình báo quân đội GRU của Nga đã bị chính bộ Tư Pháp cáo buộc]. Tôi nghĩ đó là một đề nghị đáng kinh ngạc. Ok ? Cảm ơn.”
Thật khó mà có thể tuởng tuợng sự mỉa mai trong đề nghị của ông Putin mà tổng thống coi là “thật kinh ngạc đó.”
Nếu quý vị độc giả đang dụi mắt để xem có phải mình đọc lầm hay không, thì xin chuẩn bị kiên nhẫn thêm một chút bởi quý vị không đọc lầm và câu chuyện chưa hết.
Ngày thứ ba 17 vừa qua, một ngày sau cuộc họp báo đó, tổng thống tiếp tục câu chuyện :
Tổng thống Trump : Tôi chấp nhận kết luận của cộng đồng tình báo của chúng ta là việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 có xảy ra. Cũng có thể có những người khác nữa. Có rất nhiều người ở ngoải. Trong một câu quan trọng trong lời nói của tôi, tôi nói chữ sẽ thay vì sẽ không (would thay vì wouldn’t). Câu đó phải là ‘Tôi không thấy có lý do nào tại sao nó không phải là Nga.’ Một thứ hai lần phủ định. Thành ra quý vị có thể cho vào đó, và tôi nghĩ điều đó sẽ làm rõ mọi sự.”
Nếu quý vị tự hỏi là chuyện gì cái máy chủ của ban vận động của bà Clinton cũng như của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ dính líu gì đến chuyện tổng thống tin vào ông Putin hay tin vào cộng đồng tình báo Hoa Kỳ thì xin thưa nó là cái lối nói đánh lạc hướng của tổng thống. Một câu hỏi có thể trả lời bằng một câu đơn giản : “Tôi tin hay tôi không tin” đã thành một câu trường giang đại hải không ra đầu mà cũng chẳng ra đuôi gì cả.
Và ngay cả khi ông đính chính nói là “chấp nhận kết luận của cộng đồng tình báo” ông cũng vẫn phải thêm “Cũng có thể có những người khác nữa. Có rất nhiều người ở ngoải.”
Thật mỉa mai là tổng thống đã không thể chấp nhận được là công nhận Nga có can thiệp vào cuộc bầu cử không có nghĩa là : thứ nhất, tổng thống và ban vận động của ông đồng lõa với Nga ; và thứ nhì, việc can thiệp của Nga không dính líu gì đến chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử. Có lẽ ở một khía cạnh nào đó, tổng thống không đủ tự tin để nghĩ là mình có thể thắng cử nên ông cương quyết không chấp nhận là có thể có một sự can thiệp của Nga.
Dầu sao chăng nữa chúng ta cũng đừng bị tổng thống đánh hỏa mù mà quên mất những chuyện quan trọng đang xảy ra mà hội nghị Helsinki rồi không có ý nghĩa gì cả. Cuộc điều tra của ông Mueller đã thu thập được chi tiết về các hoạt động của Quân báo GRU đến mức mà các hoạt động tương lai của họ bây giờ khó khăn hơn nhiều nếu không nói là khó xảy ra. Lần tới ông Putin như vậy có lẽ phải chọn những điệp viên khác. Điều cũng quan trọng không kém là nền kinh tế Nga yếu kém, và cấm vận của Hoa Kỳ sẽ không được Thượng viện sớm hủy bỏ, nếu không nói là sẽ còn có thêm những biện pháp trừng phạt mới.
Một số định chế của Hoa Kỳ không hoạt động đúng công việc của họ. Nhưng một số định chế đang lặng lẽ thực hiện đúng nhiệm vụ của mình.
Mừng lắm thay.
Lê Phan
(24/07/2018)
Chúng ta không biết hai ông Donald Trump và Vladimir Putin nói gì với nhau trong cuộc gặp gỡ riêng kéo dài hai tiếng đồng hồ của họ. Nhưng những lời mà ông Trump đưa ra để ca tụng vị cựu nhân viên tình báo KGB một cách công khai cũng đáng đủ để người ta ngạc nhiên. Và ông tổng thống Hoa Kỳ kết thúc cuộc họp báo chung – một thể hiện nịnh nọt nhất của một vị tổng thống Hoa Kỳ đối với một đối thủ nước khác – giống hệt như những lần trước bằng cách la lên với các nhà báo “total witch hunt” (hoàn toàn săn phù thủy) khi ông rời phòng họp báo.
Chúng ta không biết hai ông Donald Trump và Vladimir Putin nói gì với nhau trong cuộc gặp gỡ riêng kéo dài hai tiếng đồng hồ của họ.
Đó là những lời cuối cùng của ông. Ông mở đầu và kết thúc cuộc họp báo với đầu óc chỉ lo đến chính trị nội bộ của ông. Khi đuợc hỏi phải chăng Nga phải chịu trách nhiệm cho sự suy thoái trong quan hệ giữa hai nuớc, ông Trump trả lời : “Tôi nghĩ cuộc điều tra của Robert Mueller là một tai họa cho đất nước”.
Ông không nói gì đến việc Nga sáp nhập vùng Crimea của Ukraine vào nước mình, việc đầu độc những công dân Anh trên chính đất Anh hay là sự kiện rằng chính người cầm đầu tình báo của ông Trump đã so sánh các cuộc tấn công trên mạng của Nga giống như những chuẩn bị của nhóm khủng bố quốc tế trước sự kiện 9/11.
Michael Hayden, một cựu giám đốc cơ quan CIA nói rằng những lời rên rỉ tại CIA, bộ ngọai giao hoặc cơ quan FBI có thể nghe thấy cách xa cả cây số. Ông Hayden nói : “Những tiếng la tại Langley (trụ sở CIA), Foggy Bottom (trụ sở bộ ngọai giao) và Hoover Building (trụ sở FBI) nghe giống như một quán rượu tại Luân Đôn khi Croatia làm bàn”.
Những người khác thì không nhẹ nhàng như vậy. John Brennan, một cựu giám đốc CIA khác, “tweet” lên mạng rằng hành động của ông Trump là :hòan tòan phản quốc”.
Ngay cả nếu khả năng bị đàn hạch của ông Trump không cao, hành động của ông Trump trong chuyến đi này đã ném phương tây vào một cuộc khủng hoảng có tính cách sinh tồn. Ông chỉ mới đến Brussel vào thứ tư tuần rồi cho hội nghị thương đỉnh của minh ước NATO. Kể từ đó, chỉ trong vòng năm ngày ông đã làm một cuộc tàn sát ngọai giao đối với những đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Ông tố cáo bà Angela Merkel, lãnh tụ của Đức là “tù nhân của Nga”. Ông diễn tả châu Âu là “kẻ thù” hàng đầu của Hoa Kỳ. Ông phá họai những cố gắng của bà Theresa May, thủ tuớng Anh, trong việc đạt được một thỏa hiệp với châu Âu sau Brexit ngay trong chuyến viếng thăm nước Anh. Thế nhưng ông không có một cái gì khác ngoài việc ca tụng lãnh tụ độc tài của Nga. Ông Vladimir Putin là người độc nhất không bị ông Trump chỉ trích cũng như không có bị một lời bình luận tiêu cực nào về chính sách nội bộ của ông.
Kết quả của chuyến đi năm ngày vừa qua của ông Trump là một Minh ước NATO trong tình trạng hỗn lọan và một quan hệ mới với Nga hoàn toàn có lợi cho ông Putin.
Vậy thì chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai ?
Quan ngại đầu tiên của người ta là về NATO. Cơ sở then chốt của liên minh này là “Một cuộc tấn công vào một thành viên là môt cuộc tấn công vào tất cả”. Điều khỏan số 5 của hiến ước NATO là nhằm răn đe các kẻ thù tiềm tàng. Không ai biết ông Trump nói gì trong cuộc gặp gỡ riêng với ông Putin, nhưng có nhiều khả năng rằng ông Putin đã cảm thấy khích lệ bởi những gì xảy ra trong tuần rồi.
Không ai biết khả năng ông Trump sẽ đến trợ giúp cho một quốc gia vùng Baltic nếu ông Putin tung ra một cuộc tấn công kiểu tại Ukraine là bao nhiêu ? Và ai biết là có bao nhiêu khả năng ông Putin sẽ gia tăng cường độ các cuộc tấn công trên mạng vào các quốc gia dân chủ như Đức và Anh cũng như là Hoa Kỳ ? Ông Trump đã để các quốc gia hội viên NATO tại châu Âu đặt câu hỏi là không biết họ còn có một đồng minh ở bên kia đại duơng hay không. Trên phương diện đá banh, ông Trump đã cho Nga cái tương đương với một cú phạt đền.
Quan ngại thứ hai là tương lai của cuộc điều tra của ông Mueller. Hầu hết các câu trả lời của ông Trump với những câu hỏi trực tiếp của các ký giả về việc Nga can thiệp vào nội bộ chính tgrị Hoa Kỳ là chỉ trích những người chống ông trong nước, từ đảng Dân Chủ cho đến tóan của ông Mueller và các môi trường truyền thông. Khi được hỏi liệu ông tin ông Putin hay là ông Dan Coats, giám đốc tình báo của ông và môt cựu dân biểu Cộng Hòa, ông Trump né không trả lời, nhưng ông nói thêm rằng ông đã nhận được những lời bảo đảm rất mạnh của ông Putin. Ông cũng nói thêm rằng ông Putin đã đề nghị “một ý tưởng rất hay” cho một cuộc điều tra chung Mỹ-Nga về những lời đồn đại rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử trổng thống Mỹ. Thật khó mà có thể tuởng tuợng sự mỉa mai trong đề nghị của ông Putin.
Tương tự như vậy, thật khó có thể tưởng tuợng sự kiện – khó tin nhưng có thật – một vị tổng thống Mỹ tỏ ra nghi ngờ lời nói của chính giám đốc tình báo của mình trong lúc đứng cạnh lãnh tụ của đất nước đối thủ chính của mình trên phương diện địa lý chính trị. Tương lai của liên minh phương tây nay mong manh như ngọn đèn trước gió, đó chính là công lao của ông Trump.
Lê Mạnh Hùng
(24/07/2018)
Chiến tranh thương mãi ngày càng leo thang, ông Trump tuyên bố sẵn sàng đánh thuế trên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập cảng vào Mỹ trị giá lên đến 500 tỷ Mỹ kim.
Về tiền tệ và tín dụng, ông chỉ trích Trung Quốc, Liên Hiệp Châu Âu và các nước khác thao túng tiền tệ và ghìm lãi suất thấp hơn, trong khi Mỹ lại tăng lãi suất, ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ.
Ông nhận xét không có một sân chơi công bằng cho nước Mỹ và liên tục đưa ra nhưng chỉ trích thế giới làm nhiều người lo sẽ dẫn đến thế chiến thứ ba.
Donald Trump va Vladimir Putin muốn bình thường hóa quan hệ hai nước trên cơ sở bình đẳng và hai bên cùng có lợi.
Chiến tranh hạt nhân
Tổng thống Trump phát biểu trước cuộc họp riêng với Tổng thống Nga Putin như sau : "Tôi thực sự nghĩ là thế giới muốn thấy chúng ta hòa hợp. Chúng ta là hai cường quốc hạt nhân. Chúng ta sở hữu 90% vũ khí hạt nhân, và đó là điều không tốt. Đó là điều xấu”.
Chiến tranh hạt nhân nỗi ưu tư hàng đầu thúc đẩy hai ông Putin và Trump có cuộc gặp riêng này. Trong cuộc họp họ cũng chia sẻ quan tâm về Kim Jong-un, về Bắc Hàn và về Trung Quốc hai quốc gia có vũ khí hạt nhân khác.
Trở lại chuyện Bắc Hàn, cuộc họp giữa ông Trump và ông Kim tại Singapore đã kết thúc bằng Tuyên bố chung Bắc Hàn cam kết nhanh chóng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Đó là cớ để Mỹ luôn kêu gọi ông Kim từ bỏ vũ khí hạt nhân và nhắc nhở các quốc gia trên thế giới phải tiếp tục thi hành các biện pháp chế tài cho đến khi nào Bắc Hàn thực hiện lời hứa.
Nga và Trung Quốc ở ngay cạnh Bắc Hàn nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra hai quốc gia này sẽ nhận lãnh hậu quả khó lường.
Với Bắc Hàn chiến thuật cây gậy và củ cà rốt xem ra có hiệu quả. Ông Kim đã tỏ ra xuống nước không dám đe dọa Mỹ như trước đây còn bày tỏ mong muốn cải cách kinh tế nhưng giữ nguyên thể chế chính trị như khối trục Bắc Kinh - Hà Nội hiện nay.
Điều đó cho thấy ông Trump dành mọi nỗ lực để giảm thiểu khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân và nếu có chiến tranh quân sự Nga ít nhất giữ vị thế trung lập không đứng về phe đối phương.
Tiếp tục cuộc gặp thượng đỉnh Nga Mỹ tuần qua, ngày 21/7/2018 Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cùng nhau thảo luận về triển vọng bình thường hóa quan hệ hai nước trên cơ sở bình đẳng và hai bên cùng có lợi.
Trong thời điểm hiện nay đây là một dấu hiệu vô cùng tích cực không chỉ riêng cho nước Mỹ mà cho toàn thế giới. Thế đối đầu Mỹ Nga cần thay đổi để Mỹ có thể tập trung giải quyết tàn dư cộng sản.
NATO tăng ngân sách quốc phòng
Trái với thái độ vồn vã khi gặp ông Putin, trước đó ông Trump liên tục công kích một số quốc gia NATO vì không chịu gia tăng ngân sách quốc phòng.
Mỹ phải chi ra hơn 3,5% GDP và đến nay Mỹ đã đóng góp 70% chi phí NATO. Trong khi đó đến cuối năm 2018 chỉ có 5 quốc gia NATO chi 2% GDP. Hầu hết các cường quốc Âu Châu chỉ chi khoảng 1% GDP, Pháp 1,8%, Đức 1,2%, và Ý 1,2%.
Ông Trump cho biết trong tình trạng đối đầu giữa khối NATO và Nga chiến tranh quân sự rất dễ dàng xảy ra.
Nếu có chiến tranh xảy ra với ngân sách quốc phòng hạn hẹp các nước trong khối NATO không có khả năng chống đỡ, Mỹ lại sẽ phải điều quân trợ giúp và như thế là không công bằng cho nước Mỹ.
Ông Trump thậm chí còn nói rõ nếu được Quốc Hội cho phép ông sẽ rút Mỹ khỏi khối NATO vì ngày nay các cường quốc Âu Châu đã đủ mạnh để tự phòng vệ.
Đầu tháng 7/2018 trước khi sang Châu Âu ông Trump nhận định : “Liên minh Châu Âu tồi tệ như Trung Quốc, chỉ có điều ở quy mô nhỏ hơn. Những gì họ làm với Mỹ thật tồi tệ”.
Ông cho biết : “Năm ngoái, với Mỹ Châu Âu đạt 151 tỉ Mỹ kim thặng dư thương mại. Mỹ chịu thâm hụt nặng với EU trong khi vẫn chi một khoản lớn vào NATO để bảo vệ họ”.
Chỉ vài tháng trước ông Trump từng ca ngợi Ba Lan khi chi hơn 10 tỷ Mỹ Kim mua hệ thống Patriot của Mỹ.
Đương nhiên Mỹ hưởng lợi từ việc bán vũ khí cho Ba Lan, nhưng đến khi Ba Lan cần trợ giúp quân sự thì Mỹ cũng sẵn sàng. Đôi bên cùng có lợi.
Khi toàn khối NATO gia tăng khả năng phòng thủ thì Nga sẽ phải cân nhắc kỹ hơn trước khi nghĩ đến chuyện chiến tranh.
Khi đó Mỹ đễ dàng chuyển quân sang khu vực Thái Bình Dương, mặt trận chiến lược mà Mỹ cần gia tăng bảo vệ và kiểm soát.
Đơn giản thủ tục bán vũ khí…
Ngày 19/4/2018 Tòa Bạch Ốc công bố chính sách đơn giản hóa thủ tục bán vũ khí cho các nước đồng minh. Thủ tục sẽ rút ngắn việc mua vũ khí Mỹ từ vài năm xuống còn vài ngày giúp cho các đồng minh có được vũ khí một cách nhanh chóng.
Trở về Á Châu từ khi nhậm chức ông Trump liên tục thúc đẩy Nhật và Nam Hàn gia tăng ngân sách quốc phòng và tăng trả chi phí đóng quân Mỹ tại hai quốc gia này.
Ngày 18/4/2018 vừa qua, Tổng thống Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tái khẳng định đảo Senkaku được áp dụng cho Hiệp ước bảo đảm an ninh Mỹ - Nhật và cam kết quân đội Mỹ tiếp tục trách nhiệm phòng vệ cho Nhật.
Riêng Đài Loan ông Trump mở rộng quan hệ ngoại giao, ký thêm nhiều hợp đồng bán khí giới, tập trận chung và gần đây nhất là việc đưa tàu chiến qua eo biển Đài Loan.
Ấn Độ một quốc gia luôn đối đầu với Trung Quốc và là một đồng minh mới của Mỹ được ông Trump đặc biệt quan tâm.
Ông Trump đã điện thoại trao đổi với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngay sau ngày nhậm chức. Thời gian qua Ấn Độ cũng chuyển sang mua nhiều vũ khí của Mỹ hơn mua vũ khí Nga.
Ông Trump vốn xuất thân là một thương gia nên việc gì cũng cần phải có hợp đồng với những con số rõ ràng, nên từ khi nhậm chức, ông đã bán được nhiều vũ khí cho Mỹ.
Ngân sách quốc phòng Mỹ
Cuối năm 2017, Quốc Hội Mỹ thông qua ngân sách dự chi 692 tỷ Mỹ kim chừng 3,5% GDP cho quốc phòng năm 2018. Con số này vượt quá 37 tỷ Mỹ kim chính phủ Mỹ đề nghị và hơn 100 tỷ so với năm 2016 thời Tổng Thống Obama.
Điều này chứng tỏ không riêng ông Trump mà Quốc Hội đã nhận thấy nước Mỹ cần gia tăng quốc phòng để ngăn chặn chiến tranh và bảo đảm một trật tự mới cho thế giới.
Trong hai cuộc thế chiến trước đây Mỹ đứng ngoài vòng chiến đến phút cuối. Nhưng lần này nếu chiến tranh xảy ra Mỹ sẽ phải tham dự từ ngay phút đầu và có khi cũng là nước đầu tiên bị tấn công.
Rõ ràng chiến lược của ông Trump là giảm thiểu xảy ra chiến tranh, tăng phòng thủ để giảm thiểu chiến tranh, giảm thiểu tổn thất, nhanh chóng giành chiến thắng và tăng sản xuất vũ khí để sẵn sàng khi xảy ra chiến tranh.
Tổng Thống Reagan và cuộc chạy đua vũ trang
Ngày 8/1/1979 Việt Nam đánh chiếm Campuchia. Sang ngày 17/2/1979 Trung Quốc đánh chiếm một số tỉnh phía Bắc Việt Nam sau đó rút quân.
Chiến tranh Việt – Trung và Việt – Campuchia kéo dài 10 năm, Việt Nam duy trì chiến tranh dựa trên viện trợ Liên Xô và Khối Đông Âu. Cuối cùng Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia và phải sang Trung Quốc ký hiệp ước Thành Đô đầy tai tiếng.
Đến tháng 12/1979, Liên Xô đổ quân vào Afghanistan giúp chính phủ theo phe cộng sản, trấn áp các lực lượng chống cộng. Trong 10 năm Liên Xô sa lầy trong cuộc chiến tranh cuối cùng phải rút quân.
Cộng sản ở Phi Châu lúc bấy giờ cũng đang hồi thắng thế. Mối đe dọa thế giới tự do sẽ bị cộng sản dùng vũ lực thôn tính chưa bao giờ cao như giai đoạn đầu thập niên 1980.
Tháng 1/1981, Tổng thống Ronald Reagan nhậm chức ông cho tăng cường kho võ khí của Mỹ ở mức khủng khiếp. Liên Xô phải chạy đua vũ trang, nhưng kinh tế không đủ sức chịu đựng nên sụp đổ.
Khi ấy khá nhiều người đã công khai lo ngại thế chiến thứ ba sẽ bùng nổ và Mỹ - Liên Xô sẽ sử dụng vũ khí nguyên tử.
Cựu Thủ Tướng Anh Margaret Thatcher cho rằng : “Tổng thống Ronald Reagan đã giành chiến thắng trong chiến tranh lạnh mà không cần bắn một phát đạn nào”.
Phải chăng ông Trump đang đưa Trung Quốc vào chiến tranh thương mãi, chiến tranh tiền tệ và chiến tranh tín dụng cùng một lúc để đánh đổ Trung Quốc và các nước cộng sản còn lại mà không cần bắn phát đạn nào ?
Bất ổn nội bộ đảng Cộng sản
Nhìn chung Trung Quốc chưa bao giờ nghĩ tới chiến tranh thương mãi nên xây dựng một thể chế kinh tế hoàn toàn dựa vào xuất khẩu sang Mỹ và ra thế giới.
Tập Cận Bình mặc dù đã biết trước việc Mỹ trừng phạt kinh tế từ khi ông Trump nhậm chức nhưng khá bị động trước tình thế liên tục bị tấn công.
Việc trả đũa của Trung Quốc bị nhiều người nhận xét là thất sách vì cán cân chiến thắng nghiêng hẳn về phía Mỹ và chọc giận ông Trump đưa ra những quyết định ngày một mạnh hơn.
Trong nội bộ đảng Cộng sản lại luôn tồn tại tranh giành quyền lực vì thế chiến tranh thương mãi là cơ hội để các cánh trong đảng quy trách nhiệm cho Tập Cận Bình.
Ông Tập từng đưa ra các học thuyết như Tư tưởng Tập Cận Bình, Giấc mộng Trung Quốc, Dung nạp Thái Bình Dương, Một vành đai – Một con đường hay đeo đuổi chủ thuyết Nắm vững Trung, hướng về Nam, mở rộng Hải của Mao Trạch Đông.
Giờ là lúc ông bị chỉ trích là tự tạo ra sức mạnh ảo tưởng, tinh thần sung bái cá nhân, biểu lộ ý đồ xưng bá thế giới, gây chiến với Mỹ và thế giới.
Giới quan sát cho biết mâu thuẫn nội bộ đảng Cộng sản được đưa ra công khai, nhiều biểu hiện bất thường cũng xuất hiện trong công tác tuyên truyền, ăn khớp các thông tin nêu trên.
Cũng có tin cho rằng Hội nghị Bắc Đới Hà thuộc tỉnh Hà Bắc vào đầu tháng 8 sẽ tập trung thảo luận về ba yếu tố chính : Thứ nhất, làm thế nào để đối phó cuộc chiến thương mại ; thứ hai, quản lý và kiểm soát rủi ro tài chính và tín dụng ; và thứ ba, điều chỉnh phong cách lãnh đạo từ bỏ tệ sùng bái cá nhân, thay vào đó là làm nổi bật vai trò lãnh đạo tập thể.
Cũng cần biết sau Hội nghị Bắc Đới Hà năm trước 2017 Trung Quốc quyết định kềm chế các địa phương đi vay, kiểm soát nợ công, nguồn rủi ro lớn cho sự ổn định tài chính và kinh tế Trung Quốc. Nghĩa là đã giảm chi tiêu.
Nay cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ làm tăng trưởng kinh tế trên đà tụt dốc, việc thu chi bắt buộc phải tính toán lại. Trung Quốc không có lựa chọn nào khác hơn phải thắt lưng buộc bụng không còn tung tiền mua ảnh hưởng như trước đây.
Nói tóm lại chỉ có trong cơn điên Trung Quốc mới khai chiến quân sự với Mỹ và nếu có cũng chỉ được hậu thuẫn bởi thành phần bán mình cho giặc đang nằm trong đảng Cộng sản Việt Nam hậu thuẫn.
Như bạn đọc đã thấy Trung Quốc đang bị Mỹ bao vây và sẽ bị xé ra thành nhiều nước độc lập như Tây Tạng, Tân Cương, Mông Cổ, Mãn Châu, Hong Kong, Ma Cao…
Việt Nam và thế giới khi đó mới có thể nghĩ đến hòa bình thay vì luôn phải đối đầu với tham vọng bành chướng bá quyền của nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh.
Melbourne, Úc Đại Lợi, 23/7/2018
Nguyễn Quang Duy
Nước Anh mà Tổng thống Donald Trump đặt chân tới hôm 12/7 quả là ‘rối bời’ như lời ông nói khi rời Mỹ. Ngoại trưởng và bộ trưởng phụ trách việc tách Anh khỏi EU vừa từ chức được vài hôm vì bất bình với thủ tướng. Đội tuyển Anh lại vừa bị dội gáo nước lạnh khi giấc mơ vào chung kết World Cup đã bị Croatia cuỗm mất.
Ông Trump không muốn ở London và hầu hết các sự kiện quan trọng trong chuyến đi đều không diễn ra ở trung tâm.
Nhưng chẳng vì đang rối bời thế mà người ta quên đón tiếp ông cho thật kỹ càng và ‘hoành tráng’. Thủ tướng Theresa May sẽ đãi cơm tối, Nữ hoàng mời trà chiều và ông cũng sẽ thăm Scotland thơ mộng nơi ông sở hữu sân golf.
Những người phản đối ông cũng đã sẵn sàng. Người ta quyên tiền để làm ra một em bé Trump mặc bỉm trong hình dạng một quả bóng cao tới hơn 6m. Bé Trump tay phải cầm điện thoại, bỉm cài kim băng và ngực đã kịp có lông. BBC đưa tin số tiền quyên được lên tới 18.000 bảng trong khi 10.000 người ký đơn đề nghị thị trưởng London cho phép thả bóng bay bé Trump ngay trung tâm London và họ được toại nguyện.
Bóng bay bé Trump cộng thêm với các cuộc biểu tình đã lên kế hoạch của hàng ngàn người khiến ông Trump không muốn ở London và hầu hết các sự kiện quan trọng trong chuyến đi đều không diễn ra ở trung tâm. Thủ tướng mời cơm tối tại nhà nghỉ của bà cách trung tâm London 65 km. Cuộc gặp với Nữ hoàng diễn ra tại Lâu đài Windsor nơi nếu lái xe từ Điện Buckingham ở London cũng mất cả tiếng. Và Scotland thì rõ ràng là xa rất xa rồi.
Chuyện chính quyền London cho phép bóng bay bé Trump mặc bỉm xuất hiện ở trung tâm London cũng gây chia rẽ. Nhà báo có tiếng Piers Morgan đã chất vấn Thị trưởng Sadiq Khan trên truyền hình và nói rằng ông Khan đã "đạo đức giả" vì ông sẽ chẳng bao giờ cho phép bóng bay Hillary Clinton hay Barack Obama mặc bỉm bay giữa London. Còn ông Khan nói ông tôn trọng quyền tự do của mọi nhóm và nếu họ thể hiện quyền của họ một cách ôn hoà và an toàn.
Đại sứ quán Hoa Kỳ hôm 10/7 cũng đã cảnh báo các công dân tránh để bị chú ý và phải cẩn thận nếu chẳng may bị kẹt tại nơi biểu tình đông người vốn có thể dẫn tới bạo lực.
Nhưng chính một công dân Hoa Kỳ mà tôi biết đã thúc giục mọi người xuống đường và tham gia cuộc biểu tình chính vào lúc 14 :00 ngày thứ Sáu từ toà nhà BBC tới Quảng trường Trafalgar. "Và đừng có quên nhìn quả bóng bay", ông nhắc trong thư gửi những người ông biết.
Anh và Hoa Kỳ từ trước tới nay vẫn xem nhau như đồng minh nhưng Anh cũng từng bị tố cáo là theo đuôi Mỹ. Hồi ông Tony Blair còn là tổng thống người ta từng đùa ông chỉ như chú cún và khi ông chủ Toà Bạch Ốc bảo nhảy câu hỏi duy nhất là "nhảy cao chừng nào".
Giờ quan hệ của Thủ tướng May và ông Trump cũng khá gượng gạo. Ông Trump có vẻ thân với ông Boris Johnson, người vừa mới từ chức ngoại trưởng trong nội các của bà May và cũng là người luôn chẳng coi bà thủ tướng ra gì. Nhưng Anh đang rời khỏi EU và họ cần xích lại gần hơn với Hoa Kỳ nếu có thể được. Chẳng phải vì tôn kính hay yêu quý gì nhau mà là quan hệ ‘ông có chân giò bà thò chai rượu’.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 12/07/2018
"Donald Trump, vị tổng thống giữ lời hứa"
Lần đầu tiên trong vòng hai thế kỷ lịch sử, nước Mỹ có một vị tổng thống "lạ đời", tính khí khó lường, ngẫu hứng. Ông "gây sự" với đồng minh phương Tây hay Trung Quốc trên mặt trận thương mại, nhưng lại "ngọt ngào" với lãnh đạo Bắc Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại buổi họp Hội Đồng Không Gian Quốc Gia tại Nhà Trắng ngày 18/06/2018. Reuters/Jonathan Ernst
Donald Trump khiến giới chuyên gia phải "vò đầu bứt tóc", có nguy cơ mắc bệnh "xói đầu" như nhận xét hóm hỉnh của Les Echos, nhưng ông làm hài lòng cử tri Mỹ.
Thật ra tổng thống Mỹ hiện nay, ông là người như thế nào ? Nhật báo kinh tế dẫn lời một doanh nhân Đức tại Mỹ nhận xét : trước hết, "Donald Trump là một vị tổng thống biết giữ lời hứa".
Cây bút xã luận Jean-Marc Vittori cho rằng chỉ cần nhìn ngược thời gian có thể hiểu được thâm ý của tổng thống Mỹ hiện nay. Từ 30 năm qua, ông luôn ấp ủ một niềm mơ ước : Đưa nước Mỹ trở lại với những năm tháng hùng cường, hưng thịnh, đầy ánh hào quang của những năm 1960.
Ước mơ đó được ông thể hiện rõ qua khẩu hiệu vận động tranh cử nổi tiếng : "Make America Great Again". Giới chuyên gia cười khẩy. Nhưng người dân Mỹ lại rất thích. Và ông thực hiện đúng như những gì ông nói. Điều này dẫn đến hai hệ quả chính.
Đầu tiên, tổng thống Mỹ đoạn tuyệt với truyền thống chính trị của Mỹ có từ 100 năm qua. Từ sau Đệ Nhất Thế Chiến, những người tiền nhiệm một khi bước chân vào Nhà Trắng, hoặc do mặc nhiên, hoặc dưới áp lực của các sự kiện quốc tế (Châu Âu, Triều Tiên, Cuba, Việt Nam, Trung Đông…) đều chọn tập trung vào chính sách đối ngoại. Nhưng Donald Trump thì ngược lại, ông muốn điều hành đất nước theo lợi ích duy nhất của Hoa Kỳ.
Tiếp đến là ông nhìn về quá khứ. Nước Mỹ vĩ đại mà ông khao khát không phải là một đất nước của nền công nghệ Silicon Valley mà ông căm ghét. Ông mơ về một nền công nghiệp nặng đã tôn vinh nước Mỹ thời trai trẻ của ông trong suốt những năm 1950-1960.
Vì vậy mà ông rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận khí hậu Paris để khởi động lại ngành công nghiệp than, ông áp thuế nhập khẩu lên các mặt hàng nhôm và thép, và sau cùng là xe ô-tô nhập khẩu. Dưới góc nhìn này, người ta không mấy khó khăn hiểu được đòn tấn công của ông nhắm vào lĩnh vực ô tô, từ lâu là biểu tượng của sức mạnh Hoa Kỳ.
Hạn chế quyền lực
Nhưng Donald Trump hiểu rất rõ là quyền hạn tổng thống Mỹ ở trong nước bị hạn chế. Đó cũng chính là một trong những nguyên do thúc đẩy các đời tổng thống trước hoạt động nhiều trong lĩnh vực ngoại giao. Hiến Pháp Mỹ trao quyền chủ yếu cho Quốc Hội, một định chế có cơ chế co cụm và bị thao túng bởi các nhóm vận động hành lang.
Ngược lại, chủ nhân Nhà Trắng được rộng quyền trên hồ sơ thương mại quốc tế. Điều này lại càng có lợi cho ông. Bởi vì, thương mại quốc tế là một nỗi ám ảnh từ lâu của tổng thống Mỹ. Năm 1987, ông tự đăng một trang quảng cáo trên New York Times để tố cáo "thặng dư mậu dịch thái quá" của Nhật Bản. Đồng thời hối thúc các đồng minh Mỹ phải đóng góp thêm cho quốc phòng của họ, đó cũng chính là những gì ông Trump vừa làm với Đức.
Thương lượng thô bạo : Công cụ ngoại giao hữu hiệu ?
Từ những chi tiết đó người ta sẽ dễ dàng hiểu được vũ khí của Trump là gì và khó có thể mà ngăn cản. Lập luận của tổng thống Mỹ rất đơn giản : "Tôi là người mua lớn nhất thế giới. Bởi vì tôi là một khách hàng lớn, tôi phải thương lượng lại với mỗi nhà cung cấp".
Mục tiêu là không phải để được bớt giá và cũng không phải để gây chiến thương mại. Điều duy nhất khiến tổng thống Mỹ phải bận tâm chính là mở lại các nhà xưởng ở Mỹ hay như là thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng trở lại, những điều mà ông có thể phô bày trước mặt cử tri Mỹ.
Trước loại vũ khí này, lãnh đạo các nước lớn như bị vô hiệu hóa. Chẳng ai được học nghệ thuật thương lượng thô bạo như thế. Tại đại học, Angela Merkel và Tập Cận Bình nghiên cứu về hóa học, Emmanuel Macron học về triết và khoa học hành chính, Theresa May về địa lý, Giuseppe Conte học về luật…
Donald Trump chuyên gia về bất động sản và trải qua hơn nửa đời người vật lộn với giá từng mét vuông hay mức thuế nộp cho địa phương. Trong cuộc chơi này, ông ấy là một người đáng gờm. Ông ấy sẽ thu được kết quả thật sự.
Dĩ nhiên cuộc đọ sức chưa từng có này có nguy cơ gây ra những căng thẳng ngoại thương chưa từng xảy ra từ một thế kỷ nay, làm phát sinh một cơn bão tài chính toàn cầu, cũng như là tạo ra những cú sốc địa chính trị. Tác giả bài viết lưu ý : Tất cả những điều đó ông cười khẩy, không quan tâm. Ông muốn là một vị tổng thống luôn giữ lời hứa trong con mắt cử tri Mỹ. Do đó, ai có thể làm gì được ông ?
Trang nhất : Angela Merkel trong vòng xoáy thuyền nhân
Hồ sơ di dân đang thủ tướng Đức tiến thoái lưỡng nan giữa một bên là CSU đồng minh trong liên minh chính phủ và bên kia là Pháp, liên minh hợp tác cho các dự án cải cách Liên Hiệp Châu Âu. Les Echos trên trang nhất đưa tít lớn : "Đồng euro, Thuế khóa, Quốc Phòng : Hiệp ước Macron-Merkel".
Tuy nhiên, Le Figaro trên trang nhất có hàng tựa lưu ý : "Khủng hoảng tại Đức cản trở các dự án Châu Âu của Macron". Nguyên thủ Pháp hy vọng có thể "đúc kết một thỏa thuận quan trọng" với thủ tướng Đức về cải cách khu vực đồng euro nhân cuộc gặp giữa đôi bên dự kiến diễn ra tại cung điện Meseberg (Đức) hôm nay.
Thế nhưng, phạm vi hoạt động của bà Angela Merkel đã bị thu hẹp do nhiều hồ sơ đang gây chia rẽ các thành viên trong lòng chính phủ liên minh, đặc biệt là về hồ sơ di dân. Trong bối cảnh này, Paris có thể buộc phải xem lại và giảm bớt các tham vọng của mình.
Pháp : Cánh hữu "nồi da xáo thịt"
Còn tại Pháp, tình hình nội bộ đảng cánh hữu LR bị chia rẽ sâu sắc là chủ đề được các nhật báo tập trung phân tích nhiều nhất. Le Figaro trên trang nhất đưa tít lớn : "Bị phản đối, Laurent Wauquiez muốn tái khẳng định quyền uy của mình".
Nội bộ đảng cánh hữu lục đục từ mấy tháng qua. Nhân vật số hai của đảng bà Virginie Calmels đã bị bãi nhiệm chỉ vì dám chỉ trích đường lối chính sách của ông Laurent Wauquiez, chủ tịch đảng là ngày càng thiên về cực hữu.
Về chủ đề này, các nhật báo Pháp đều có bài viết nhận định và phân tích. Les Echos thì có bài : "Wauquiez bị cáo buộc thu hẹp cánh hữu nhiều hơn nữa". La Croix có bài xã luận : "Cánh hữu sẽ về đâu ?" Riêng Libération trên trang nhất nói thẳng "Wauquiez đã thất bại". Uy tín sụt giảm, bị chỉ trích trong nội bộ, nay lại sa thải nhân vật số hai của đảng. Nhật báo thiên tả tự hỏi : Phải chăng chủ tịch đảng LR là kẻ đào mồ chôn đảng của mình ?
World Cup : "Bên hội, bên thiền"
Bầu không khí World Cup tại Nga đã từ từ được hâm nóng nhờ vào lượng cổ động viên nước ngoài bất chấp các biện pháp an ninh cực kỳ nghiêm ngặt là ghi nhận của báo Le Monde.
Thế nhưng, bầu không khí náo nhiệt lễ hội đó không nơi nào giống một nơi nào. Đường phố Moskvanhững ngày đầu mùa giải ngợp toàn mầu cờ đỏ và trắng, mầu cờ của Peru, khiến du khách như có cảm giác đang ở tại Peru. Nguyên nhân là vì từ 36 năm qua, hậu thế của đế chế Inca chưa một lần nào được vào World Cup. Theo số liệu thống kê của FIFA, hơn 43.580 vé đã được bán ra tại Peru, một lượng fan hâm mộ đông thứ 8 của mùa Cúp Thế Giới năm nay. Đó là chưa tính đến số lượng người hâm mộ Peru đến từ những nước khác.
Trái với bầu không khí lễ hội tại Moskva, khu thể thao Istra, nơi nghỉ ngơi của đội tuyển Pháp, nằm cách Moskva 60 km tĩnh lặng đến lạ thường, đến một con ruồi bay ngang cũng nghe được. Không sôi sục, không một lá cờ lam trắng đỏ, cũng không một bích chương ảnh cầu thủ. Không có gì cho thấy có sự hiện diện của đội bóng áo lam tại khách sạn Hilton Garden, ngoại trừ vài thực đơn được ghi bằng tiếng Pháp, hay thi thoảng xuất hiện vài người chuyên trách việc đi lại của các phóng viên.
Châu Á "khan hiếm" phụ nữ ?
Le Monde trên mục giải trí có câu hỏi : "Tại Châu Á, đâu rồi phụ nữ ?" Một câu hỏi mà bộ phim tài liệu của kênh truyền hình Arte tối nay cố gắng tìm lời giải đáp.
Ngay sau khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc, một làn sóng chống sinh nở mạnh mẽ đã hình thành ở Hoa Kỳ. Nhiều người đàn ông da trắng quan niệm rằng số lượng người nghèo đông đúc trên hành tinh là một mối nguy hiểm đáng lo. Và thế là họ quyết định thông qua các chương trình được tài trợ đến hàng triệu đô la bởi các quỹ dồi dào ngân sách (Ford, Rockefeller…) khuyến khích người dân ở các nước đang đà phát triển bớt sinh con.
Trong suốt những năm 1960, Quỹ Dân Số của Liên Hiệp Quốc (Fnuap) tiến hành nhiều chiến dịch kiểm soát sinh nở tại Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc hay Việt Nam. Cho đến lúc này, Quỹ Dân Số của Liên Hiệp Quốc vẫn dành đến 60% ngân sách cho chương trình này. Theo Arte, bên cạnh những chiến dịch đôi khi bạo lực (cưỡng chế phá thai) còn có yếu tố văn hóa : tại nhiều gia đình Châu Á, sinh con trai được xem như là một điều may mắn, còn con gái là một nỗi bất hạnh lớn.
Hậu quả ngày nay hình bóng phụ nữ ngày càng thưa dần. Theo phỏng tính, để có thể cân bằng về giới tính, thế giới có lẽ cần đến 177 triệu phụ nữ, chủ yếu là tại Châu Á. Cho đến lúc này ước tính có khoảng 20 nước vẫn còn hiện tượng chọn giới tính con cái.
Thiếu hụt phụ nữ dẫn đến việc gia tăng bạo lực, nạn buôn người, bắt cóc phụ nữ. Thế giới sẽ phải đợi thêm nhiều thập niên nữa trước khi tỷ lệ nam – nữ mới lại quân bình. Nhiều nước trên thế giới đã có những thay đổi về chính sách. Tại Trung Quốc chính sách một con đã được bãi bỏ. Còn ở Hàn Quốc, từ năm 1960 – 2010, tỷ lệ sinh con ở phụ nữ trong thời kỳ sinh nở đã giảm mạnh từ 6 trẻ xuống còn một trẻ cho một phụ nữ và việc nạo phá thai được kiểm soát nghiêm ngặt. Ngược lại, tại Ấn Độ, chính phủ khuyến khích hỗ trợ tài chính cho những gia đình nào sinh con gái.
Thông qua các hình ảnh tư liệu, liên quan đến các chính sách có quy mô lớn, cũng như qua trao đổi với các hiệp hội đấu tranh, gặp gỡ những chàng trai trẻ đang trong hành trình tìm kiếm một người bạn đời hay những cô gái trẻ kể lại nỗi gian truân (bị cưỡng chế phá thai hay cưỡng ép hôn nhân), bộ phim tài liệu của Antje Christ và Dorothe Dorholt hứa hẹn mang đến cho người xem những góc nhìn lý thú !
Minh Anh
Trump và Putin, hai chuyên gia nói dối hàng đầu thế giới
Tác giả Alain Frachon trong bài viết "Hai chuyên gia nói dối hàng đầu thế giới"đăng trên Le Monde đã chỉ ra trong số những điểm chung, tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin có cùng "sự nghi hoặc trước thực tế" - một cách diễn đạt lịch sự, thay vì nói họ "nói dối một cách trắng trợn".
Tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng nhiệm Mỹ Donald Trump có vẻ "tâm đầu ý hợp". Ảnh chụp ngày 11/11/2017. ReutersS/Jorge Silva
Dối trá là chuyện thường tình trong chính trị, tuy nhiên đây lại là nguyên thủ của hai cường quốc nguyên tử, đã nhào nặn lại thực tế ở mức bậc thầy. Theo tác giả, cả hai ông Putin và Trump đã làm cho biên giới giữa sự thật và giả trá trở nên nhập nhằng một cách đáng ngại.
Vladimir Putin dối trá để đóng vai nạn nhân
Tổng thống Nga thì nói dối theo kiểu chối bay chối biến. "Tất nhiên là không !". Hỏa tiễn đã bắn vào chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines hôm 17/07/2014 làm cho 298 người thiệt mạng "không phải là của Nga". Vào thời đó, tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc Nga đã phản đối việc lập tòa án quốc tế để điều tra nghi án này. Hà Lan bèn đứng ra mở điều tra quốc tế, và kết luận đã được công bố vào tuần trước.
Các nhà điều tra khẳng định "không còn nghi ngờ gì nữa", thủ phạm là một hỏa tiễn Buk bắn đi từ vùng đất do phe nổi dậy thân Nga kiểm soát. Hỏa tiễn này được đưa từ căn cứ quân sự của lữ đoàn phòng không 53 đặt tại thành phố Kursk của Nga sang Đông Ukraine, rồi lại được đưa trở về Nga sau thảm kịch. Tại La Haye, ngoại trưởng Hà Lan tuyên bố có thể vẽ lại chính xác đường đi của hệ thống hỏa tiễn này, với các bằng chứng có sẵn trong tay.
Steve Rosenberg, thông tín viên BBC tại Moskva giải thích, chối cãi sự thật là một phần của "hệ thống Putin"".Cho dù đó là vụ bắn rơi MH17, ám sát cựu điệp viên nga Alexander Litvinenko sống lưu vong ở Luân Đôn, mưu toan đầu độc điệp viên hai mang Skripal và con gái mới đây, hay doping cấp nhà nước nơi các vận động viên Nga, can thiệp vào bầu cử của các nước khác, Putin đều có cùng một tuyên bố : ‘Chúng tôi không làm điều đó’". Có nghĩa, Nga là "nạn nhân bị phương Tây vu khống".
Donald Trump nói dối như cơm ăn nước uống
Còn nơi ông Trump thì sự dối trá ít tinh tế hơn. Tổng thống Mỹ nói dối, lăng mạ, sáng tác… rồi lại chối rằng chưa bao giờ phát ngôn như thế. Ông mô tả "những người Ả Rập" gào lên sung sướng trước các vụ tấn công ngày 11/9, khẳng định Barack Obama không sinh ra trên đất Mỹ, tố cáo cha của địch thủ Ted Cruz có liên quan đến vụ ám sát tổng thống Kennedy… Tờ Washington Post thống kê từ khi bước vào Nhà Trắng, Donald Trump đã nói dối gần 2.000 lần.
Vladimir Putin không ưa bị đối diện với sự thật mà mình muốn che giấu : ông cau có, mắng mỏ người đặt câu hỏi hay đơn giản là làm ngơ. Nhưng đối với Donald Trump thì chẳng có vấn đề gì khi sự thật được chứng minh rõ ràng là ngược lại.
"Ông Trump đã biến dối trá thành việc hoàn toàn bình thường" - Michael V. Hayden, cựu giám đốc CIA nói. Trên 80% cử tri của Donald Trump vẫn trung thành với ông, chẳng hề quan tâm đến. New York Times viết, Trump "nói dối một cách thoải mái như lang băm".
Moskva dối trá nhằm viết lại sự kiện theo kiểu của mình, quy cho "phương Tây" tất cả mọi cái xấu của đất nước. Nếu ở Putin, nói dối là tính toán chính trị, thì nơi Trump lại mang màu sắc bệnh lý, và theo tác giả Alain Frachon, thì cả hai đều nguy hiểm.
Dàn dựng vụ nhà báo Babtchenko bị ám sát, Ukraine làm lợi cho Nga
Cũng liên quan đến dối trá, nhưng lần này lại ở phía Ukraine. Bài xã luận của Le Monde bực tức lên án "Ukraine, một thủ đoạn tai hại". Đó là vụ nhà báo đối lập Nga Arkadi Babtchenko đang tị nạn ở Ukraine được loan tin là bị Nga ám sát chết, rồi lại xuất hiện bình an vô sự.
Theo như tình báo Ukraine và công tố viên trưởng Iouri Loutsenko hôm thứ Tư 30/05/2018, thì có âm mưu thực sự ám sát nhà báo Babtchenko, nhưng một người Ukraine được Moskva giao cho công việc này đã cho biết thông tin. Thế là Kiev quyết định giăng bẫy, ngụy tạo ra vụ ông Babtchenko bị giết chết, nhờ đó đã bắt được kẻ trung gian người Ukraine làm việc cho Nga.
Le Monde đặt câu hỏi, có nên tin hay không ?
Từ mùa hè 2016, đã xảy ra nhiều vụ nổ súng hoặc tấn công bằng xe gài chất nổ, nhằm sát hại các nhân viên an ninh Ukraine và cựu chiến binh Donbass, nhất là người Tchetchenya. Tháng 3/2017, Denis Voronenkov, cựu dân biểu Nga tị nạn tại Kiev bị bắn chết ngay tại trung tâm thủ đô Ukraine. Tháng 7/2016, đến lượt giám đốc trang tin tức Oukrainska Pravda là Pavel Cheremet, quốc tịch Nga, bị chết khi chiếc xe ông cầm lái nổ tung. Như vậy việc sát hại nhà báo Arkadi Babtchenko không có gì đáng ngạc nhiên.
Nhưng hậu quả của vụ dàn dựng trên là sự khả tín của cơ quan cảnh sát và tư pháp Ukraine đã bị tổn hại nghiêm trọng. Người ta có thể hiểu được việc giăng bẫy kẻ sát nhân, nhưng việc dàn cảnh mà nhà báo trên cùng với gia đình và báo chí là đồng lõa, thì khó thể chấp nhận.
Trước hết, "fake news" này tạo cơ hội cho những người theo thuyết âm mưu và không ưa giới truyền thông đắc thắng tố cáo báo chí. Kế đến, nó tăng cường sức mạnh cho chiến lược dối trá của điện Kremlin. Tình báo Ukraine được đào tạo cùng một sách vở với tình báo Nga : từ KGB. Trong cuộc chiến giữa các nhà dân chủ cải cách và bảo thủ tại Kiev, vào lúc còn một năm nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống, Le Monde cho rằng thật đáng tiếc khi vụ nhào nặn thông tin về Babtchenko lại phục vụ cho Vladimir Putin.
Thép : Donald Trump gây thù chuốc oán
Sự kiện tổng thống Mỹ áp đặt thuế về thép lên Châu Âu, Canada và Mexico được tất cả các báo Pháp chú ý. "Trump gây thù chuốc oán về thép", "Trump kích hoạt cuộc chiến thương mại", theo Le Figaro. "Thép : Trump tạo thù địch", theo Les Echos. Libération chơi chữ "Hoa Kỳ - EU, thép đã tôi", nhưng thay chữ "trempé" (cứng rắn) bằng tên tổng thống Mỹ "trumpé". La Croix tố cáo "Chủ nghĩa đơn phương thô bạo của Donald Trump".
Libération ghi nhận, vì Donald Trump vẫn hay nói rồi làm ngược lại, nên nhiều người vẫn hy vọng tổng thống Mỹ chỉ đe dọa mà thôi. Nhưng rốt cuộc quyết định này đã được đưa ra, bất kể nguy cơ làm tăng trưởng thế giới sụt giảm và gây hoảng loạn trên các thị trường chứng khoán.
Cho dù hiện nay việc nhập khẩu xe hơi lắp ráp tại Châu Âu vẫn chưa bị ảnh hưởng, nhưng Washington cho rằng 65 tỉ đô la thặng dư thương mại giữa Đức và Mỹ là không thể chấp nhận được, nên hồ sơ xe hơi sắp tới sẽ nằm trong tầm ngắm. Chính quyền Đức hôm qua cảnh báo, lời đáp trả cho "Nước Mỹ trước hết" sẽ là "Châu Âu đoàn kết".
Các đồng minh của Hoa Kỳ đang sẵn sàng trả đũa. La Croix dẫn lời ông Sébastien Jean, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Viễn cảnh và Thông tin Quốc tế (CEPII) nhận định : "Sự leo thang này có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại tai hại cho tất cả các bên, nhưng hiện giờ chưa đến mức đó. Nguy cơ thực sự là cách thức Hoa Kỳ hoàn toàn dựa vào sức mạnh đơn phương, có thể phá vỡ các khung luật pháp mà cho đến nay vẫn giúp giải quyết những tranh chấp thương mại".
Tuổi thọ : Dân Trung Quốc có hy vọng sống lâu hơn Mỹ
Về mặt xã hội, Le Monde báo động "Tuổi thọ, một bi kịch Mỹ". Ai có thể tin được rằng lần đầu tiên trong lịch sử, nếu sinh ra ở Trung Quốc sẽ có hy vọng sống lâu và khỏe mạnh hơn ở Hoa Kỳ ? Theo thống kế mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới, một em bé Trung Quốc có hy vọng sống đến 68,7 tuổi với sức khỏe tốt, còn Mỹ chỉ có 68,5 tuổi.
Hiện nay Hoa Kỳ vẫn còn đứng trên Trung Quốc, với tuổi thọ bình quân lần lượt là 78,5 và 76,4 ; nhưng từ vài năm qua xu hướng này đang bị đảo ngược. Trên thế giới, chỉ có năm nước đi thụt lùi trong năm 2016 : Mỹ, quốc gia giàu mạnh nhất thế giới nay bị xếp cạnh Somalie, Afghanistan, Gruzia và quần đảo Saint-Vincent-et-les-Grenadines !
Vì đâu nên nỗi ? Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh của Mỹ (CDC), đó là do sự bùng nổ các trường hợp tử vong do sử dụng ma túy quá liều. Với 63.000 trường hợp trong năm 2016, đây là nguyên nhân gây chết người đứng thứ ba tại Hoa Kỳ, sau bệnh tim và ung thư. Tỉ lệ chết vì ma túy nơi thanh niên 25-34 tuổi đã tăng 50% từ 2014 đến 2015. Và do xu hướng này còn tiếp tục năm 2017, đây sẽ là lần đầu tiên tuổi thọ ở nước Mỹ bị giảm sút kể từ sau dịch cúm Tây Ban Nha hoành hành trên thế giới trong thập niên 20.
Bất bình đẳng tăng cao, bảo hiểm y tế yếu kém và chất lượng giáo dục ở cấp học ban đầu kém cỏi, cũng đóng vai trò nhất định trong "bi kịch Mỹ" này. Tuy vậy kế hoạch chống ma túy mà ông Donald Trump hứa hẹn vẫn chẳng thấy tăm hơi.
Yemen, cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Hồi giáo Sunni và Shia
Tựa chính của các báo Paris hôm nay khá đa dạng. Les Echos chạy tít trang nhất "Thương mại : Trump tuyên chiến với Châu Âu". Le Monde quan tâm đến việc "Bruxelles muốn giảm hẳn trợ cấp cho nhà nông", còn La Croix tập trung cho chủ đề "Châu Âu trước thách thức di dân". Libération đòi hỏi "Một chỗ đứng (trong xã hội) cho những người béo mập". Riêng Le Figaro cám cảnh "Yemen : Trong hỗn loạn, một cuộc chiến bị lãng quên".
Trong bài xã luận mang tựa đề "Ở trung tâm bóng tối", Le Figaro nhận định, đó là một trong những cuộc xung đột mà tiếng súng không vượt qua khỏi đường biên giới. Người dân bị giết hại, bị chết vì thiếu ăn, thiếu thuốc men và cả vì tuyệt vọng. Trên 10.000 người đã chết trong bốn năm qua, ba triệu người di tản, đất nước bị cắt làm đôi, nhưng thảm kịch này diễn ra trong sự dửng dưng của một thế giới đã bị bão hòa bởi các cuộc khủng hoảng và bạo lực.
Tình trạng Yemen gợi nhớ đến thời kỳ chiến tranh lạnh trước đây, khi hai khối đối địch lao vào những cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Nay ở Yemen là hai địch thủ Trung Đông đối đầu : Saudi Arabia và Iran, hai nước dẫn đầu khối Hồi giáo Sunni và Shia. Theo tờ báo, cần rút ra bài học Afghanistan, tránh đẩy đất nước này vào bóng tối âm u của địa ngục.
Việt Nam ngấp nghé thị trường chứng khoán các nước mới nổi
Cuối cùng là những thông tin hiếm hoi về Việt Nam trên báo Pháp. Nhật báo kinh tế Les Echos khi nói về thị trường chứng khoán dành cho các quốc gia mới nổi MSCI Emerging Markets đã nêu ra triển vọng của ba quốc gia : Saudi Arabia, Argentina, Việt Nam.
Riêng Việt Nam được cho là đang ngấp nghé ngưỡng cửa thị trường này, với thị trường chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh có mức tăng trưởng đến 31% trong vòng một năm, trong ba tháng đầu năm nay, đã thu hút được 440 triệu đô la đầu tư, theo Bloomberg. Tăng trưởng mạnh (7,4% trong quý I) nhờ xuất khẩu, Nhà nước mở cửa thị trường vốn trong các lãnh vực hấp dẫn (bia, dầu khí, tài chính), và thanh khoản cao hơn Philippines. Tuy nhiên điểm yếu là năm loại cổ phiếu chính đến đã chiếm đến gần 40% chỉ số của thị trường này.
Về xã hội, La Croix thường đăng tấm hình độc đáo nhất trong ngày trên trang cuối, hôm nay chọn bức ảnh một chiếc xe lửa đang luồn qua một ngõ hẹp tại một khu phố cổ kính ở Hà Nội. Ảnh được chụp hôm 30/05/2018, chú thích bằng một câu của cố nhà văn Pháp Gilbert Cesbron : "Những căn nhà xây dọc theo đường rầy xe lửa có vẻ tiều tụy vì chúng bị mất ngủ".
Thụy My
Bắt đầu từ ngày 01/06/2018, đối với Liên Hiệp Châu Âu (EU), chính phủ Mỹ sẽ áp dụng sắc thuế đặc biệt trên 2 mặt hàng nhôm và thép nhập cảng vào Mỹ.
Không còn ai hi vọng có thể tránh được một cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Châu Âu.
Mặc dù có những cố gắng thương thảo với bộ trưởng thương mại Mỹ Wilbur Ross vào giờ phút chót, cuối cùng quyết định cũng vẫn là của ông Donald Trump. Cho đến giờ phút này, không mấy ai còn hi vọng có thể tránh được một cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Châu Âu.
Chuyện gì sẽ xẩy ra sau ngày 01/06/2018 ? Viễn cảnh không mấy tốt đẹp về kinh tế, chẳng những chỉ riêng cho Châu Âu, bởi nước Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề từ những biện pháp trả đũa của EU.
Ngày 31/05/2018 là ngày cuối cùng Châu Âu được miễn thuế đặc biệt đánh lên thép (25%) và nhôm (10%) nhập cảng vào Mỹ. Ủy viên thương mại của quôc hội Châu Âu, bà Cecilia Malmström đã bày tỏ sự thất vọng ở Straßburg : "- Thực tế mà nói, chúng ta không thể hi vọng điều gì. Mỹ bằng cách nào đó sẽ giới hạn sự nhập cảng của Châu Âu vào Mỹ.
Ngay cả dân biểu đặc trách thương mại EU Bernd Lange (đảng SPD của Đức) thấy ít có cơ hội cho một thỏa thuận giữa EU và Mỹ. Ông nói với đài truyền hình SWR : "Tổng thống Mỹ Donald Trump không phải là người có thể thuyết phục".
Tất cả những người tham gia cuộc họp bên lề của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tại Paris, Malmström, Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Đức Peter Altmaier (CDU) Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross để thảo luận về tranh chấp thương mại đều biết rằng Tổng thống Donald Trump luôn là người quyết định cuối cùng và chưa bao giờ nghe lời cố vấn, khuyên nhủ của ai. Họp cho có vậy thôi.
Đầu tháng 05/2018, Liên minh EU thông báo cho Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO World Trade Organisation) là họ đã chuẩn bị, sẵn sàng những biện pháp trả đủa trong trường hợp chiến tranh thương mại xẩy ra. Theo đó, từ ngày 20/06/2018, một số các mặt hàng của Mỹ như rượu whisky, bơ đậu phộng, xe gắn máy, quần jean… sẽ bị đánh thuế đặc biệt như một sự phản công. Số lượng này lên đến 1,6 tỷ đô la (1,4 tỷ euro), theo tài liệu do Liên minh châu Âu đệ trình.
Theo sự ước tính của Tở Thương Mại (Handelsblatt), Đức là nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong Liên Minh Châu Âu khi bị áp đặt sắc thuế trừng phạt vì Mỹ là nước nhập cảng thép cuộn nhiều nhất ngoài EU với khối lượng cả triệu tấn mỗi năm. Việc áp đặt sắc thuế đặc biệt lên thép và nhôm, theo nhận định báo này, Donald Trump muốn đẩy bật thép của EU ra khỏi thị trường Mỹ.
Với chủ trương America First, Donald Trump - bằng cách áp đặt thuế đặc biệt - tìm cách thúc đẩy nền kinh tế quốc dân để tạo ra việc làm cho người Mỹ, nhưng do thiếu hiểu biết lại mang tâm lý của một trọc phú, Trumpkhông biết rằng, hiện naymuốn phát triển nền kinh tế đất nước không chỉ đơn thuần, co cụm sản xuất và tiêu thụ trong một quốc gia. Sự phát triển kinh tế liên hệ với rất nhiều yếu tố từ địa chính trị đến chất lượng sản phẩm, nguyên liệu, giá cả, mức độ tiêu thụ, tâm lý người tiêu dùng…
Lý luận rằng việc áp đặt sắc thuế đặc biệt lên thép, nhôm chỉ có mục đích đem về cho nước Mỹ nhiều công việc đã bị cướp di do sự cạnh tranh bất chính của các nước khác trong nhiều chục năm qua chỉ là lý luận dùng khuynh hướng dân túy của một kẻ hoàn toàn không hiểu biết gì về kinh tế, chính trị.
Nhiều chuyên gia kinh tế thuộc cả 2 đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, các giáo sư kinh tế nổi tiếng trong các trường đại học danh giá của Mỹ đã lên tiếng cảnh báo Trump không nên khai mào cuộc chiến thương mại, nhưng vốn là kẻ ngoan cố, đầu lừa, Trump chỉ thích làm theo ý mình, bất kể hậu quả.
Khi chiến tranh thương mại bùng nổ, những nước liên hệ chắc chắn sẽ có những biện pháp thích hợp để đối phó, những biện pháp không riêng gì các nước EU lo ngại mà ngay cả những doanh nghiệp của Mỹ cũng đang rất lo lắng. Các mặt hàng xuất cảng của Mỹ sẽ bị đánh thuế nặng tương ứng, xuất cảng chắc chắn sẽ giảm, sản xuất sẽ bị đình trệ kéo theo nhiều phản ứng dây chuyền không lường trước được.
Bộ trưởng thương mại của Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đủ sức và biết cách bảo vệ các quyền lợi cốt lõi của mình. Ấn Độ cũng đã gửi tới WTO danh sách 165 mặt hàng nhập cảng từ Mỹ sẽ bị đánh thuế lại. Nhật Bản cũng thông báo quyền sử dụng những biện pháp tương xứng để trả đủa sắc thuế đặc biệt của Mỹ.
Cuộc chiến thương mại sắp bùng nổ khiến các chuyên gia nhớ lại cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Cộng Đồng Kinh Tế Châu Âu (EWG – Europäische Wirschaft Gemeinschaft) năm 1964 được gọi là Chiến Tranh Gà (Chiken War). Chiến Tranh Gà xẩy ra khi Cộng Đồng Kinh Tế Châu Âu đánh thuế cao thịt gà nhập cảng của Mỹ, Mỹ phản ứng bằng cách nâng mức thuế của các loại rượu Cognac của Pháp, xe Volkswagen của Đức…
Các nhà sản xuất rượu, xe, thịt gà... bắt buộc phải tìm cách cân bằng mức thuế quan bằng cách tăng giá sản phẩm, hậu quả là hàng hóa bán ra giảm sút, sản xuất đình đọng, nhân công thất nghiệp...Cuối cùng thì mọi bên đều bị thiệt hai.
Bên cạnh chiến tranh thương mại về thép, nhôm với Châu Âu, chiến tranh thương mại giữa Mỹ-Trung Quốc vừa nguội đi - khi con gái Trump Ivanka nhận được giấy phép sản xuất thêm chục mặt hàng nữa ở Trung Quốc - đang có nguy cơ bùng nổ trở lại khi Mỹ tuyên bố sẽ tìm cách tận thu 50 tỉ Mỹ Kim hàng hóa nhập cảng của Tầu vào Mỹ như trước đây.
Mỹ đồng thời thông báo sẽ giảm thời hạn nhập cảnh công dân Tầu vào Mỹ theo từng loại visa. Thời gian cư trú sẽ được cứu xét từng trường hợp cụ thể, lâu nhất là một năm cho những người đang chuẩn bị làm luận án tiến sĩ trong các ngành Robotic và hàng không.
Ai nên khôn không khốn một lần ?
Thạch Đạt Lang
Vì sao Donald Trump hủy thượng đỉnh với Kim Jong-un ?
Sự kiện tổng thống Mỹ Donald Trump hủy cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un được hầu hết các báo Pháp chú ý.
Sinh viên Hàn Quốc biểu tình phản đối quyết định của tổng thống Trump trước đại sứ quán Hoa Kỳ ở Seoul, ngày 25/05/2018. Reuters/Kim Hong-ji
Libération ghi nhận "Trump lại tỏ ra thù địch với Bắc Triều Tiên", La Croix tìm cách giải thích "Vì sao cuộc gặp thượng đỉnh Kim-Trump không diễn ra", còn Le Figaro cho rằng "Trump hủy cuộc họp với Kim vì sợ thất bại".
Trong lá thư đề ngày 24/05/2018, tổng thống Mỹ nêu ra "sự thù nghịch" của Bình Nhưỡng trong thời gian gần đây. Donald Trump đe dọa : "Ông nói về năng lực nguyên tử của ông, nhưng năng lực của chúng tôi mãnh liệt đến nỗi tôi phải cầu nguyện Thượng Đế để không bao giờ phải sử dụng đến". Tuy nhiên cũng để ngỏ cánh cửa, với một công thức hiếm thấy trong việc trao đổi thư từ giữa hai nguyên thủ : "Nếu ông đổi ý (…), xin đừng ngần ngại gọi điện hay viêt thư cho tôi".
Từ một tuần qua, Donald Trump và Kim Jong-un liên tục gieo hoang mang. Tổng thống Mỹ trong cuộc gặp đồng nhiệm Hàn Quốc Moon Jae-in hôm thứ Ba 22/5 tại Washington không loại trừ việc hoãn lại cuộc gặp thượng đỉnh. Còn thứ trưởng ngoại giao Bắc Triều Tiên Kim Kye-gwan hôm 16/5 trước đó đã dọa "xem xét lại".
Có dấu ấn của diều hâu sừng sỏ John Bolton ?
Libération cho rằng đây là "tác phẩm" mới nhất của "đại diều hâu" John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia, sau vụ Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định nguyên tử Iran. Được bổ nhiệm từ đầu tháng Tư, ông Bolton không ngừng đả kích Bình Nhưỡng, và luôn tỏ ra nghi hoặc về các nỗ lực ngoại giao với Bắc Triều Tiên. Ông coi viễn cảnh thượng đỉnh Trump-Kim chỉ là "một cách để rút ngắn thời gian đã mất trong thương lượng", và nhiều lần tuyên bố ủng hộ việc tiên hạ thủ vi cường với Bắc Triều Tiên.
Cuối tháng Tư, John Bolton trong một cuộc trả lời phỏng vấn đã gây mắc mứu khi nêu ra "mô hình Libya" trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tuyên bố này được Bình Nhưỡng coi là một sự khiêu khích, vì vẫn không quên số phận thê thảm của Kadhafi, cũng như tư duy của vị cố vấn này về việc "thay đổi chế độ" ở Iran, Iraq, Bắc Triều Tiên. Le Figaro cho biết thêm, chuyên gia John Glaser thuộc Cato Institut ở Washington đã van nài : "Các vị ơi, hãy chấm dứt việc nói với Kim là sẽ kết thúc như Kadhafi nữa !". Nhà độc tài Bắc Triều Tiên luôn bị ám ảnh về sự tồn vong của mình.
Mike Pence và Bình Nhưỡng cũng đổ dầu vào lửa
Làm thế nào giải thích việc tình hình đang hòa hoãn lại đảo ngược như thế ? Theo La Croix, phó tổng thống Mỹ Mike Pence khi trả lời Fox News hôm thứ Hai 21/5 cũng đã đổ dầu vào lửa khi cảnh cáo Bắc Triều Tiên có nguy cơ cùng chung số phận với Muammar Kadhafi. Bình Nhưỡng nói rằng đó là tuyên bố "dốt nát và ngu xuẩn". Những lời lẽ sỉ nhục này có lẽ đã được ông Donald Trump cân nhắc khi quyết định hủy bỏ cuộc họp.
Le Figaro nhắc thêm tuyên bố của thứ trưởng ngoại giao Bắc Triều Tiên Cheo Son-hui hôm qua 24/5 : "Việc Hoa Kỳ sẽ gặp gỡ chúng tôi tại bàn đàm phán hoặc trong một cuộc đối đầu nguyên tử tùy thuộc hoàn toàn vào thái độ của họ". Theo tờ báo, bà Cheo đã chọc giận vị tổng thống đang hừng hực như hỏa diệm sơn, và chỉ vài tiếng đồng hồ sau Donald Trump quyết định hủy bỏ cuộc gặp.
Hai mục tiêu khác biệt
Nhưng liệu sự chờ đợi của đôi bên về cuộc họp thượng đỉnh có tương hợp với nhau ? Washington đòi hỏi phải giải trừ toàn bộ và ngay lập tức kho vũ khí nguyên tử Bắc Triều Tiên, đây là điều kiện tiên quyết để dỡ bỏ cấm vận quốc tế. Còn đối với Bình Nhưỡng, đây chỉ là viễn tượng về lâu về dài, và đồng thời phải tháo dỡ hệ thống lá chắn nguyên tử của Mỹ tại Hàn Quốc.
La Croix dẫn phân tích của nhà nghiên cứu Jeffrey Lewis, thuộc Middlebury Institute of International Studies ở Monterey, California : "Kim Jong-un muốn Bắc Triều Tiên được công nhận là một quốc gia như những nước khác, muốn duy trì quyền lãnh đạo đất nước của gia tộc mình, và nhất là Bắc Triều Tiên được coi là cường quốc nguyên tử". Vấn đề của cuộc họp thượng đỉnh bị hủy bỏ, là tìm ra một công thức dung hòa được lợi ích của cả hai nước.
Donald Trump sợ thất bại ?
Còn theo Le Figaro, Donald Trump không ưa chịu đựng thất bại, làm ảnh hưởng đến hào quang cá nhân. Việc hủy bỏ cuộc họp thượng đỉnh là kết quả của sự hiểu lầm lớn lao về ý định thực sự của Bắc Triều Tiên : Bình Nhưỡng chống đối ý tưởng từ bỏ quả bom, trong khi Washington muốn giải trừ hạt nhân toàn bộ.
Trong lá thư từ chối, ông Trump viết : "Thế giới và đặc biệt là Bắc Triều Tiên, đã mất đi một cơ hội tốt đẹp để mang lại hòa bình, thịnh vượng lâu dài". Còn Donald Trump thì mất cơ hội đi vào lịch sử với giải Nobel hòa bình, nếu tháo gỡ được mớ bòng bong Bắc Triều Tiên, như vụ Richard Nixon hòa giải với Trung Quốc của Mao Trạch Đông năm 1972 ? Jeffrey Lewis mỉa mai : "Cũng giống như Richard Nixon, nhưng là phiên bản ngốc nghếch". Trong khi Donald Trump muốn có được lời hứa phi hạt nhân hóa toàn bộ, và được tưng bừng đón tiếp tại quảng trường lớn Bình Nhưỡng, thì Kim Jong-un mơ được đối xử một cách bình đẳng với sức mạnh của bom nguyên tử phía sau.
Tuy nhiên chẳng có ai dám giải thích sự tế nhị này cho tổng thống Mỹ. Chuyên gia Jeffrey Lewis cho rằng có hai lý do. Trước hết, các cố vấn Nhà Trắng rất ngại tốn nhiều thời gian để làm dịu cơn giận dữ của một "cậu bé" luôn thích được phỉnh nịnh. Thứ hai, bộ ngoại giao Hoa Kỳ nay trở nên trống vắng, với sự ra đi của không ít nhà ngoại giao lão luyện và các chuyên gia không thể thay thế, nên không ai có thể chuẩn bị được chu đáo một cuộc gặp thượng đỉnh quan trọng như vậy.
Điều tra quốc tế về MH17 : Quân Nga chính là thủ phạm
Tại Châu Âu, cuộc điều tra do năm quốc gia phối hợp tiến hành, về vụ chuyến bay MH17 bị bắn rơi, đã kết luận hỏa tiễn bắn vào chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines là của một đơn vị quân đội Nga. Đơn vị phòng không này đã vượt qua biên giới với Ukraine để chiến đấu bên cạnh quân nổi dậy.
La Croix nhấn mạnh, không còn nghi ngờ gì nữa về nguyên nhân khiến MH17 bị rơi hôm 17/07/2014, làm cho 298 người chết trong đó có 198 công dân Hà Lan. Sau bốn năm điều tra cật lực, nghiên cứu hàng trăm ngàn bức ảnh và trang web, hàng chục ngàn cuộc điện đàm, cuộc điều tra quốc tế do Hà Lan chủ trì cùng với bốn nước Malaysia, Úc, Ukraine và Bỉ, đã khẳng định chính quân Nga là thủ phạm.
Với rất nhiều video và hình ảnh có trong tay, các nhà điều tra đã vẽ lại được cuộc hành trình của đơn vị trực thuộc lữ đoàn phòng không 53 của Nga, từ căn cứ Koursk trên đất Nga cho đến khu vực do quân nổi dậy thân Nga kiểm soát ở miền đông Ukraine. Đoàn xe quân sự đông đảo này trước hết đã được những xe cộ di chuyển trên cùng đoạn đường quay phim lại, lúc đang chở theo một hỏa tiễn Bouk-Telar loại 9M38. Đây là loại tên lửa có những tính chất đặc thù, được coi như "dấu vân tay" của vũ khí. Những mảnh vỡ của chiếc hỏa tiễn này được tìm thấy ngay bên cạnh xác máy bay MH17.
Hồi mùa hè 2014, các hệ thống phòng không do Nga sản xuất đã giúp cho quân nổi dậy thân Nga chấm dứt ưu thế trên không của lực lượng Ukraine tại Donbass. Sau khi MH17 bị bắn rơi, một thủ lãnh nổi dậy khoe rằng đã tiêu diệt được một máy bay Ukraine, vào đúng thời điểm xảy ra thảm kịch này.
Bất chấp vô số chỉ dấu và lời chứng của cả các quân nhân Nga, trong đó có một lính xe tăng gốc gác ở tỉnh Buryatia của Nga nói về vai trò trong cuộc chiến ở đông Ukraine, Moskva luôn phủ nhận trách nhiệm. Thậm chí theo Libération, báo chí và mạng xã hội Nga cũng hùa theo, đổ trách nhiệm cho Ukraine với một loạt kịch bản thiếu nhất quán. Nhất là từ 2015, điện Kremlin đã từ chối thành lập một tòa án do Liên Hiệp Quốc bảo trợ để điều tra vụ này.
Khủng long Trix 67 triệu năm tuổi được triển lãm tại Paris
Trên lãnh vực khảo cổ, nhà cổ sinh vật học Ronan Allain trên "20 minutes" giới thiệu về khủng long Trix, được triển lãm tại Viện bảo tàng Lịch sử thiên nhiên từ ngày 6/6 đến 2/9. Đây là một trong bốn bộ xương khủng long hoàn chỉnh nhất thế giới, vừa được đưa đến Paris tối qua.
Trix là khủng long thuộc loại T.rex (Tyrannosaurus), được phát hiện năm 2013 tại tiểu bang Montana (Hoa Kỳ), nhờ ê-kíp nghiên cứu của Naturalis Biodiversity Center ở Leiden, thuộc Viện bảo tàng Lịch sử Thiên nhiên Hà Lan. Được tái tạo ở Mỹ, rồi chuyển đến Leiden trưng bày cho đến tháng 6/2017, nhưng nay Naturalis đang phải sửa chữa, nên người dân Paris mới có dịp chiêm ngưỡng Trix.
Cho đến nay, các nhà khoa học đã khai quật được khoảng 50 loại Tyrannosaurus trên thế giới, nhưng hầu hết chỉ là những mảnh xương nhỏ. Còn đối với Trix, số xương gốc chiếm đến 75% bộ xương, và đều ở tình trạng hoàn hảo, trong khi có tuổi đời đến 67 triệu năm ! Đặc biệt là bộ xương đầu vẫn nguyên vẹn, không hề bị biến dạng, nên Trix được trưng bày với tư thế tấn công. Đó là một con khủng long cái thuộc loại ăn thịt, khoảng 30 tuổi lúc chết, khá thọ so với loài Tyrannosaurus, có lẽ đã "chinh chiến" không ít nên trên người mang nhiều vết thương.
Dữ liệu cá nhân, thánh chiến : Tựa chính báo Pháp
Hôm nay với việc quy định về bảo vệ dữ liệu bắt đầu được Liên Hiệp Châu Âu áp dụng, Les Echos chạy tựa "Dữ liệu cá nhân : Big bang Châu Âu". Ảnh bìa Libération là một khuôn mặt phụ nữ đã được hàng tít "Dữ liệu cá nhân : Cười lên đi, bạn được bảo vệ tốt hơn" che khuất.
Về thời sự nước Pháp, Le Figaro báo động "Tư pháp đối mặt với thánh chiến đang sinh sôi nảy nở". Le Monde nhìn sang nước Ý, cho rằng "Việc đề cử Giuseppe Conte mở đường cho một chính phủ dân túy". Trên lãnh vực xã hội, nhật báo công giáo La Croix nhận định "Phá thai : Thế lưỡng nan của Ireland".
Thụy My
Nhà thương thuyết Mỹ Donald Trump : thành công
Hôm nay (21/05) là ngày nghỉ lễ tại Pháp, nhiều tờ báo không ra sạp, nhiều báo ra số kép từ ngày thứ Bảy - Chủ Nhật.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh chụp tháng 4/2018 tại Washington DC.AFP
Đáng chú ý là bài viết có tiêu đề "Trump - thủ lĩnh thương thuyết thu về nhiều thành công", đăng trên báo Le Figaro ngày thứ Bảy 19/05/2018. Vị tổng thống Mỹ vốn gây rất nhiều tranh cãi đã khiến nhiều đối tác thương mại phải nhượng bộ. Kinh tế Mỹ cũng được củng cố vững chắc.
Trên hồ sơ khí hậu, Iran và Israel, tổng thống Mỹ Donald Trump bi cộng đồng quốc tế phản đối. Các tin nhắn Twitter giận dữ vào sáng sớm, tính cách thất thường khó đoán, sự hung hăng của ông Trump khiến công chúng nhiều phen bàng hoàng. Những vụ cãi cọ với FBI và tư pháp khiến công luận phải đặt câu hỏi liệu Donald Trump có khả năng trụ đến hết nhiệm kỳ tổng thống hay không. Tuy nhiên, cách thức đàm phán của Donald Trump dường như đã "bắn trúng đích".
Phương pháp đàm phán đó đã từng được nhà tài phiệt bất động sản New York trình bày trong The Art of the Deal (tạm dịch : Nghệ thuật đàm phán), cuốn sách ra mắt cách nay 30 năm và là cuốn sách bán chạy nhất trong suốt nhiều năm. Từ khi lên làm tổng thống Mỹ, Donald Trump đã nhiều lần sử dụng phương pháp đàm phán này, nhất là với Bắc Triều Tiên. Nguyên thủ Mỹ nhiều lần đưa các đe dọa khủng khiếp nhất, gây áp lực ở mức cao nhất cho đối phương hoặc đối tác, rồi sau đó nói sẵn sàng đàm phán.
Về thương mại, chủ nhân Nhà Trắng đã ghi điểm. Ông Trump đã buộc Brazil, nhà cung cấp thép lớn thứ hai cho Mỹ, phải nhượng bộ. Hàn Quốc cũng đã phải lùi bước. Hiển nhiên, việc sở hữu ngân sách quốc phòng cao nhất toàn cầu (670 tỉ đô la, nhiều hơn ngân sách quốc phòng của 7 nước xếp hạng sau Mỹ cộng lại) và có nền kinh tế lớn mạnh nhất thế giới (tổng thu nhập quốc nội 19.000 tỉ đô la, gấp 1,5 lần so với Trung Quốc) là lợi thế của Mỹ. Steven Friedman, kinh tế gia người Mỹ của BNP Paribas AM, bình luận : "Đứng trước các nước nhỏ, Mỹ có nhiều đòn bẩy để thương lượng, nhưng đối mặt với các nước lớn như Trung Quốc, chắc chắn phải có nhiều hoạt động đàm phán dài hạn mới có thể đạt được thỏa thuận".
Trên thực tế, Washington và Bắc Kinh đã quay lại đàm phán hôm thứ Sáu 18/05. Chính quyền Trump tuyên bố sẽ ra quyết định cuối cùng vào ngày 22/05. Nếu không đạt được thỏa thuận, Washington sẽ áp thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ với giá trị trên 50 tỉ đô la. Chưa biết kết quả cuối cùng ra sao, nhưng Donald Trumpd đã thành công trong việc đưa Trung Quốc trở lại bàn đàm phán về thiếu hụt cán cân thương mại với Mỹ.
Liên quan tới Châu Âu, cho dù chỉ trích tổng thống, nhưng kinh tế gia người Mỹ Steven Friedman cũng cho rằng ít nhất ông Trump cũng đã khuyến khích được Liên Hiệp Châu Âu thảo luận về tác động của toàn cầu hóa tới nền kinh tế. Còn kinh tế gia Florence Pisani của Candriam, đồng tác giả một cuốn sách về kinh tế Hoa Kỳ, nhận xét là chiến thuật đàm phán của ông Trump là đánh mạnh, rồi khoe khoang thành tích với cử tri. Nhưng đó là một trò chơi nguy hiểm, vì nó tạo ra sự nghi ngờ và khiến nhiều dự án bị đình hoãn lại.
Nhiều chỉ số kinh tế tích cực dường như đã cho thấy những nghi vấn bi quan dường như là thiếu cơ sở. Tỉ lệ thất nghiệp 3,9% là mức thấp nhất từ gần 20 năm nay, ngành công nghiệp Mỹ tạo thêm được nhiều việc làm, các hộ dân tin tưởng hơn vào sự phát triển kinh tế so với hồi ông Trump mới lên làm tổng thống. Theo ngôn từ mà ông Trump dùng trên Twitter sáng hôm thứ Năm tuần trước, "bất chấp các vụ săn phù thủy kinh khủng, bất hợp pháp và vô căn cứ" nhắm vào ông, 17 tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông đạt kết quả tốt nhất so với các tổng thống tiền nhiệm trong lịch sử.
Tuy nhiên, theo kinh tế gia người Đức Christian Leuz, thuộc University of Chicago Booth School of Business, "không có thay đổi lớn nào kể từ khi ông Trump nhậm chức. Tổng thống Obama đã để lại một nền kinh tế phát triển tốt, và vẫn còn quá sớm để nói rằng thành công có được là nhờ Donald Trump".
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận xét rằng "di sản vững chắc" đó có được cũng là nhờ 10 năm chính sách tiền tệ hào phóng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed. Cải cách thuế khóa cũng có tác động tích cực tới kinh tế Hoa Kỳ, chẳng hạn tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, cho phép một số tập đoàn như Apple chuyển về Mỹ hàng trăm tỉ lợi nhuận trước đây vẫn cất giữ ở nước ngoài. Nhưng theo kinh tế gia Florence Pisani của Candriam, một cuộc điều tra mới đây của quỹ dự trữ liên bang ở Atlanta tiết lộ chỉ có dưới 10% doanh nghiệp dự tính đầu tư thêm, mặc dù được giảm thuế.
Liên quan tới các hộ gia đình, rất có thể họ phải đóng thêm thuế cho tiểu bang nơi họ sinh sống, cho dù thuế liên bang giảm. Mặc dù các kế hoạch cải tạo lớn vẫn chưa được công bố chính thức, nhưng chi tiêu ngân sách mà Quốc hội Mỹ thông qua có thể sẽ tăng thêm 0,3% GDP. Kinh tế gia Steven Friedman cảnh báo việc tăng chi tiêu ngân sách nhà nước sẽ đẩy vị tổng thống kế nhiệm Donald Trump vào cảnh "ngân sách thiếu hụt hơn 5% GDP và nợ nần tăng mạnh".
Le Monde kết luận sẽ phải đợi đến cuối năm để có thể đo lường chính xác hiệu quả mà các biện pháp của tổng thống Trump mang lại. Nhưng có một điều cần nhớ là tại Mỹ, về chính sách đối ngoại, hầu như mọi quyết định phải được Quốc hội thông qua. Gần như tồn tại một "thỏa thuận" giữa tổng thống Trump và các nghị sĩ Cộng Hòa. Đó là để được chính quyền ủng hộ trong các hồ sơ mà họ quan tâm, các nghị sĩ Cộng Hòa buộc phải chấp nhận cung cách làm việc của ông Trump. Tuy nhiên, những bất đồng lớn về di dân và tự do mậu dịch, hay kỳ bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ đang khiến "thỏa thuận" này có nguy cơ vỡ tan.
Ấu dâm : tội lỗi của Giáo hội Công giáo
5 năm sau khi được bầu chọn, giáo hoàng Francis đang nỗ lực thoát khỏi cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà ngài phải đương đầu liên quan tới vụ tai tiếng một linh mục Chilê lạm dụng tình dục trẻ em. Trong bài viết "Ấu dâm : tội lỗi của Giáo hội", Le Monde cho biết lần đầu tiên kể từ 2 thế kỷ qua, tập thể giám mục Chilê đồng loạt từ chức sau khi bị giáo hoàng triệu về Rôma để giải trình về trách nhiệm của Giáo hội Công giáo Chilê trong vụ tai tiếng bao che hành vi lạm dụng tình dục trẻ em của một linh mục Chilê. Vụ tai tiếng ấu dâm ở Chilê đã làm xấu đi hình ảnh của một giáo hoàng vốn luôn nhấn mạnh phải bảo vệ những người yếu đuối và người nghèo trước những kẻ mạnh, nhưng lại tỏ ra kém nghiêm khắc hơn người tiền nhiệm - giáo hoàng Bénédic XVI, về các vụ tai tiếng ấu dâm.
Hồi tháng 01/2018, trong chuyến thăm Chilê, giáo hoàng Francis còn lên tiếng bảo vệ một giám mục bị nghi ngờ là đã bao che cho một linh mục bị buộc tội ấu dâm. Đến giữa tháng 04/2018, giáo hoàng Francis đã công nhận những "sai lầm nghiệm trọng" của ngài khi đánh giá vụ việc và thừa nhận rất đau khổ và lấy làm xấu hổ trước việc làm không thể sửa chữa nổi của Giáo hội Chilê.
Le Monde kết luận nếu không có các án phạt và cải cách, chẳng hạn thành lập một tòa án chuyên xét xử các giám mục phạm tội, hay công khai các bí mật liên quan tới Giáo hội về trình tự tố tụng hợp với quy tắc tôn giáo khi xảy ra các vụ tai tiếng lạm dụng tình dục, thì vụ từ chức của 31 giám mục Chilê cũng sẽ chỉ như "một nhát kiếm chém vào nước", không hề có tác dụng và sẽ không thể làm giảm bớt nỗi xấu hổ của Giáo hội cũng như nỗi đau đớn của các nạn nhân.
Romania : Những đứa trẻ bị bỏ rơi thời Cộng sản
Trong lĩnh vực xã hội, đặc phái viên của báo Libération tại Calarasi, Romania có phóng sự : "Romania : Cuối cùng, chính con gái tôi đã tìm lại được tôi". Dưới thời độc tài và trong những năm sau khi nhà độc tài Ceaucescu bị lật đổ, hàng chục ngàn em nhỏ đã bị bố mẹ bỏ rơi, rồi được người nước ngoài nhận làm con nuôi và xuất ngoại. Hiện rất nhiều người trong số họ đang tìm cách tìm lại cha mẹ đẻ ở Romania.
Mặc dù chính quyền Romania không cung cấp số liệu chính thức, nhưng theo nhiều cựu nhân viên của cơ quan quản lý công tác trao - nhận con nuôi, từ năm 1990 đến năm 2001, có hơn 30.000 em nhỏ được các gia đình Tây phương nhận nuôi. Đề tài này hiện vẫn rất tế nhị vì nó vẫn gợi nhớ những chấn thương thời cộng sản.
Năm 1966, tổng thống Nicolae Ceaucescu thông qua sắc lệnh cấm nạo phá thai, nếu không sẽ bị phạt tù. Mục đích là tăng tỉ lệ sinh, vì theo Ceaucescu, một đất nước lớn mạnh phải đông dân. Do thiếu biện pháp ngừa thai, nhiều phụ nữ đã sinh con ngoài ý muốn. Dưới thời Ceausescu, thực phẩm được phân phối, hàng hóa thiết yếu thiếu thốn, hầu như toàn bộ sản xuất trong nước được xuất khẩu để hoàn nợ cho Quỹ tiền tệ quốc tế. Vì thế, việc nuôi dưỡng trẻ em rất phức tạp. Một số đứa trẻ bị bỏ rơi ngay sau khi sinh. Sau khi Ceasucescu bị lật đổ vào năm 1989, điều kiện sống vẫn không được cải thiện, nhiều người tiếp tục bỏ rơi con cái.
Những người trước đây được nhận nuôi và đưa sang phương Tây và những bậc cha mẹ Romania đã từng phải bỏ rơi con vì hoàn cảnh khó khăn nay đang cố gắng tìm lại nhau, xóa đi những chấn thương thời Ceaucescu. Bà Maria Vlad, từng là giám đốc một trại trẻ mồ côi ở Cisdanie, tại Transylvania, nay đã về hưu. Bà đã kiểm tra hồ sơ của nhiều người nước ngoài muốn nhận con nuôi Romania trong những năm 1990. Bà nhớ lại : "Chúng tôi không giao các em nhỏ cho bất cứ gia đình nào, mà lựa chọn rất kỹ lưỡng". Theo bà Maria Vlad, trong thời kỳ đó, có rất nhiều người nước ngoài tới Romania xin con nuôi. Dù rất buồn khi thấy các em cứ lần lượt ra đi, nhưng bà biết các gia đình phương Tây sẽ mang lại cho các em một cơ hội mới để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Năm 2004, chính quyền Romania đã quyết định ngưng vĩnh viễn việc cho các em nhỏ làm con nuôi người nước ngoài. Nhưng nay một dự luật đang được trình lên Quốc hội để xem xét lại việc cho phép người nước ngoài nhận con nuôi Romania. Do giáo dục giới tính và chống đói nghèo không được Nhà nước chú trọng, tỉ lệ trẻ em bị bỏ rơi vẫn rất cao. Chỉ tính riêng năm 2017, gần 10.000 em nhỏ đã bị bỏ rơi, một kỷ lục đáng buồn ở Châu Âu.
Ý-Pháp : biên giới của mọi hiểm nguy
Nhiều người cứ nghĩ rằng vùng biên giới Pháp - Ý từ xưa tới nay luôn bình yên. Nhưng thực tế là hai nước đã có tranh chấp về biên giới trong suốt nhiều thế kỷ. Trong bài viết "Ý - Pháp : biên giới của mọi hiểm nguy" đăng trên báo Le Monde, tác giả Jérôme Gautheret cho biết biên giới Pháp - Ý là đường biên giới được hình thành muộn nhất ở Tây Âu - năm 1947.
Từ cuối những năm 1940, hàng chục ngàn di dân kinh tế tại những vùng nghèo nhất nước Ý đã theo các con đường xuyên qua biên giới để sang Pháp tìm kiếm công ăn việc làm. Trong giai đoạn nhu cầu nhân công cao, chính quyền Pháp không có lý do gì để chống dòng người di cư từ Ý sang. Phép màu kinh tế của Ý sau đó đã khiến dòng người Ý di cư sang Pháp giảm dần. Biên giới vật lý giữa hai nước biến mất vào năm 1997, sau khi Ý gia nhập khối Schengen.
Việc di dân dồn dập tới bờ biển phía nam nước Ý vào đầu những năm 2010 đã làm thay đổi mọi chuyện. Kể từ năm 2013-2014, cũng giống như nước Áo, Pháp đã tăng cường tuần tra biên giới chống di dân bất hợp pháp. Sau những vụ khủng bố năm 2015, Pháp lại càng tăng cường chống di dân bất hợp pháp. Ý trách Pháp không muốn chia sẻ gánh nặng di dân với nước Ý, trong khi chính Pháp đã giữ vai trò quyết định trong cuộc chiến ở Lybia, cuộc chiến góp phần nâng cao số di dân tràn tới nước Ý.
Tại khu vực biên giới, căng thẳng thể hiện qua việc những hoạt động đấu tranh, những sự cố lẻ tẻ chống đối cảnh sát và hiến binh Pháp tăng đột biến trong thời gian qua, điển hình là vụ hải quan Pháp ngày 30/03 xông vào nhà ga Bardonecchia (Piémont, Ý), tới căn phòng của một hiệp hội hỗ trợ di dân, phía bên kia biên giới, để thực hiện một cuộc xét nghiệm nước tiểu đối với một người Nigeria bị tình nghi buôn lậu ma túy. Vụ việc đã khiến chính quyền Ý phẫn nỗ và triệu tập đại sứ Pháp tại Ý.
Tới cuối tháng Tư, trên đỉnh Echelle (Hautes-Alpes), một nhóm người chống di dân đã giương những khẩu hiệu phản đối "sự xâm chiếm Châu Âu" tại một trong những lối đi chính dẫn di dân từ Ý sang Pháp, đẩy căng thẳng âm ỉ giữa hai nước lên cao.
Trang nhất các báo Pháp
Nhật báo Le Monde ra sạp từ chiều thứ Bảy 19/05/2018 quan tâm đến chính sách ngoại giao của tổng thống Pháp Emmanuel Macron và chạy tựa trang nhất "Hạn chế của phương pháp Macron trên trường quốc tế". Nhìn sang nước Ý, báo Le Figaro nói về "Liên minh chống hệ thống ở Ý khiến Châu Âu lo ngại". Báo công giáo La Croix số thứ Bảy - Chủ Nhật - thứ Hai, nhân dịp ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (Pentecôte), đặt câu hỏi : "Khẳng định đức tin, đúng ! Nhưng bằng cách nào ?".
Trong khi đó, báo Libération dành cả trang nhất cho hàng tựa lớn "Mãi dâm, cưỡng hiếp, tấn công tình dục - sự lạm dụng không biên giới" trên nền một bức ảnh có hình một chiếc hộp bên ngoài có ghi chữ "cứu trợ nhân đạo", nhưng bên trong có một con sói dữ nhe nanh ẩn nấp. Sau vụ bê bối tình dục gây chấn động dư luận của tổ chức nhân đạo Oxfam, báo Libération có bài điều tra về vấn nạn lạm dụng tình dục tại các tổ chức phi chính phủ.
Thùy Dương