Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vào tháng 2/2017, tập đoàn bán lẻ Nordstrom thông báo ngừng bán các sản phẩm thời trang của Ivanka Trump khiến Trump tức giận và đã chỉ trích Nordstrom : "Con gái tôi Ivanka đã bị đối xử rất bất công bởi Nordstrom. Đó là một người tuyệt vời - luôn thôi thúc tôi làm điều đúng đắn ! Thật khủng khiếp !". Ấy vậy mà cái chết đầy thương tâm của nhà báo/thường trú nhân Mỹ, JamalKhashoggi, do bàn tay ác độc của hoàng gia Saudi, lại không đủ trọng lượng để Trump phải nổi giận và lên án hành vi man rợ đó.

trump1

Cái chết đầy thương tâm của nhà báo/thường trú nhân Mỹ, JamalKhashoggi không đủ trọng lượng để Trump phải nổi giận và lên án hành vi man rợ đó.

Với các bằng chứng thuyết phục, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và cơ quan tình báo CIA đều khẳng định Thái tử Arab Saudi là chủ mưu vụ ám sát dã man Jamal. Nhưng, tổng thống Donald Trump chọn không lên án và tiếp tục "hợp tác" với nhà cầm quyền Saudi. Cứ nhìn cách Trump bao che và nhượng bộ Saudi, thì có thể dễ dàng nhận ra : dân chủ và nhân quyền chẳng là cái thá gì với Trump.

Tối thiểu, Trump phải trục xuất Đại sứ quán Saudi tại Hoa Kỳ vì hành vi sát hại của Saudi là bóp nát nhân quyền, nên phải bị lên án và trừng phạt thích đáng. Tuy nhiên, Trump đã dùng thỏa thuận quốc phòng với Saudi trị giá khoảng 110 tỷ để biện hộ cho quyết định nhượng bộ và bao che Saudi Arab.

trump2

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và cơ quan tình báo CIA đều khẳng định Thái tử Arab Saudi là chủ mưu vụ ám sát dã man Jamal.

Có nghĩa là với Trump thỏa thuận $$$ thì quan trọng hơn nhân quyền. Tuy nhiên, trong thực tế, các chuyên gia vũ khí Hoa Kỳ đều khẳng định con số 110 tỉ đô là do Trump "phóng đại" vì con số thực sự nhỏ hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, các báo cáo với bằng chứng khó chối cãi chứng minh được mối quan hệ lợi ích giữa gia đình Trump và hoàng gia Saudi.

Năm 2015, Trump từng khoe khoang về các giao dịch kinh doanh của mình với Saudi trong một cuộc vận động tranh cử tại Mobile, Alabama : "Tôi rất thân thiện với Saudi, họ mua căn hộ của tôi... 40 triệu đô la, 50 triệu đô la. Tôi có nên không thích họ không ? Tôi thích họ rất nhiều !".

Washington Post đưa tin rằng vào năm 1991, khi Trump gần như phá sản, Hoàng tử Alwaleed bin-Talal mua chiếc du thuyền của Trump, giá 20 triệu đô la. Tờ New York Daily News đưa tin rằng hoàng gia Saudi cũng đã mua toàn bộ tòa nhà 45 tầng của Trump World Tower với giá 4,5 triệu USD vào tháng 6/2001. Washington Post cũng báo cáo chuyến thăm của các quan chức Saudi đến Trump International Hotel ở thành phố New York đã giúp tập đoàn Trump tăng doanh thu lên 13% trong quý đầu tiên của năm 2018.

Hành động nhượng bộ Saudi của Trump là một thông điệp gửi tới tất cả các nhà nước độc tài : cứ thoải mái ám sát và thanh trừng các nhà bất đồng chính kiến và đối lập vì chính phủ Hoa Kỳ sẽ không quan tâm và giám sát nhân quyền thế giới nữa. Các chế độ độc tài Việt Nam, Bắc Hàn, Trung Quốc… cũng sẽ nhận ra được một bài học : chỉ cần có thật nhiều tiền là có thể mua được sự im lặng của chính phủ Trump trước các vi phạm nhân quyền tàn bạo và dã man.

Hiện tại, các nước Finland, Denmark & Germany đã tuyên bố chấm dứt các thỏa thuận buôn bán vũ khí với Arab Saudi vì vụ sát hại nhà báo Jamal.

Nhân quyền : giá trị nền tảng của Hoa Kỳ

Chúng ta có bao giờ tự đặt câu hỏi tại sao các chính quyền dân chủ tiến bộ lại phải bỏ công sức và tiền bạc để vận động dân chủ và nhân quyền hay không ?

Sau Chiến tranh Lạnh (Cold War), Hoa Kỳ luôn là nước đi đầu trong các vấn đề bảo vệ và cải thiện nhân quyền (human rights) bởi chính quyền Hoa Kỳ xem nhân quyền là một mối quan tâm quốc gia (national interest) vì ảnh hưởng đến an ninh quốc gia (national security).

Bộ Dân chủ, Nhân quyền, và Lao động thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhấn mạnh : "Thúc đẩy sự tôn trọng nhân quyền, các quyền lao động, và dân chủ thông qua chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ góp phần tạo nên hòa bình, thịnh vượng và ổn định ở nước ngoài, làm giảm các mối đe dọa đối với Hoa Kỳ và tăng cường sự bền vữngđối với các đối tác an ninh. Có thể nói, thực hiện những chiến lược này là tối quan trọng đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ".

Theo luật, hàng năm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phải trình lên Quốc hội một số báo cáo tổng hợp về tình hình nhân quyền. Quốc hội Hoa Kỳ luôn dành một khoản chi phí hàng năm cho các cuộc vận động dân chủ và bảo vệ nhân quyền.

Tuy nhiên, từ khi Trump nhậm chức tổng thống, vận động dân chủ và cải thiện nhân quyền của Bộ Ngoại giao đã suy yếu rõ rệt. Theo ngân sách mà Nhà Trắng đệ trình cho năm 2019, nguồn tài chính cho tổ chức Quỹ Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ (National Endowment for Democracy-NED) và các chương trình thúc đẩy dân chủ khác giảm mạnh. Ngân sách dự trù của chính quyền Trump sẽ cắt giảm 40% tổng tài trợ cho dân chủ và nhân quyền.

Những lời khen ngợi của Trump dành cho các lãnh đạo độc tài cũng như làm thinh trước các vi phạm nhân quyền chỉ khiến bọn chúng thỏa mãn và vui sướng. Thêm nữa, vô số hành vi phản dân chủ của Trump như tấn công quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí và độc lập tư pháp càng khiến các nhà nước độc tài thẳng tay đàn áp bất đồng chính kiến và đối lập, mà không sợ chỉ trích từ Hoa Kỳ.

Chính quyền Hoa Kỳ đã luôn tin rằng bảo vệ nhân quyền và vận động dân chủ sẽ mang lại lợi ích và an ninh với người dân Mỹ. Không chỉ có Hoa Kỳ, mà đông đảo các quốc gia dân chủ như Thụy Sĩ, Na Uy, Đức, Pháp, Canada, Hà Lan… cũng luôn có các chương trình vận động dân chủ và nhân quyền. Các nước dân chủ văn minh tin rằng một thế giới càng nhiều các quốc gia dân chủ và tôn trọng nhân quyền càng mang lại an ninh và lợi ích cho chính quốc gia họ, góp phần xây dựng một thế giới hòa bình và hạnh phúc.

Lịch sử thế giới đã chứng minh các chế độ độc tài hung bạo thực sự lo sợ khi các nước đồng minh dân chủ hợp tác, đề ra các chính sách và nghị quyết cụ thể như cấm vận kinh tế, không bán vũ khí, hoặc chấm dứt các kế hoạch đầu tư ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế. Đồng thuận hợp tác thúc đẩy dân chủ và nhân quyền luôn là sức mạnh mềm của các quốc gia dân chủ, tạo sức ép đáng kể khiến các nhà nước độc tài không dám thẳng tay đàn áp người dân.

Ai cũng có thể bị ám sát như Jamal

Thổ Nhĩ Kỳ mô tả cuộc ám sát nhà báo Jamal là một chiến dịch "nhanh chóng, phức tạp" và cũng cáo buộc nhóm sát thủ Saudi đã "cưa thi thể" Khashoggi để đưa ra khỏi lãnh sự quán. Cái chết đầy đau đớn của nhà báo Jamal thật đáng thương tâm. Cảnh tượng bọn sát thủ Arab cưa sống Jamal quá rùng rợn. Chính quyền Thổ cũng cho biết đã nghe đoạn băng thu âm tiếng nhà báo Jamal van nài xin tha mạng. Jamal chắc sợ hãi và đau đớn thể xác đến tột cùng.

trump3

Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc nhóm sát thủ Saudi đã "cưa thi thể" Khashoggi để đưa ra khỏi lãnh sự quán.

Chỉ vì muốn người dân Arab có nhân quyền, bình đẳng như nhiều dân tộc khác, mà Jamal phải trả giá bằng chính mạng sống mình. Tôi thương Jamal vô vàn bởi những gì xảy ra với Jamal cũng có thể xảy ra với chính tôi, hoặc bất kỳ nhà bất đồng chính kiến nào, là công dân ở các nước độc tài hung bạo.

Chỉ cần xét góc độ Jamal là một con người, cũng đủ để cho Trump hoặc người có lương tri phải nổi giận và lên án hành vi giết người man rợ của Saudi. Đáng nói, có 1 số người Việt vì muốn bênh vực Trump, nên cho rằng việc Saudi "cưa sống" Jamal là "chuyện nhỏ".

Giết hại dã man một con người tại đất nước khác mà là chuyện nhỏ, thì chuyện gì mới là chuyện lớn ? Giả sử người nhà của họ cũng bị chế độ cộng sản Việt Nam, sát hại man rợ y như vậy, thì họ có còn cho là "chuyện nhỏ" hay không ? Giả sử Đảng cộng sản Việt Nam cũng ám sát một nhà bất đồng chính kiến tại một đất nước khác, thì đó có là chuyện lớn hay không ?

Bất kỳ kẻ nào bênh vực cho hành vi CỰC KỲ TÀN ÁC của hoàng gia Saudi chỉ có thể hoặc bệnh hoạn hoặc không có trái tim của một con người. Nếu chúng ta chỉ biết thương những người quen biết, hoặc cùng một làng xóm, một quốc gia thì chúng ta có gì khác biệt so với loài vật ? Chẳng phải, rất nhiều loại vật hung dữ nhất còn biết "thương" đồng loại của chúng kia hay sao ? Khi tình yêu cho sự thật và lẽ phải không còn quan trọng nữa, thì cuộc sống này còn có ý nghĩa gì nữa ? Ăn tiền để tồn tại ? Khi đạo đức tối thiểu chẳng còn có ý nghĩa gì, thì cái gì sẽ đủ sức ngăn con người ta không làm điều ác, điều xấu ?

Theo kết quả của nhiều cuộc khảo sát uy tín trong nhiều năm qua, phần lớn người dân Mỹ ủng hộ cuộc vận động dân chủ và nhân quyền. Đặc tính nổi bật của phần đông người Mỹ là lòng nhân đạo và cảm thông với những người khốn khổ. Vì thế, họ không chỉ chăm lo cho đất nước Hoa Kỳ, mà còn dành một sự quan tâm và ủng hộ đặc biệt cho dân chủ và nhân quyền trên thế giới. Và chính điều này đã khiến Hoa Kỳ vĩ đại.

Trump phớt lờ những vi phạm nhân quyền hết sức nghiêm trọng của hoàng gia Saudi không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài của Hoa Kỳ, nhưng còn ảnh hưởng xấu đến cuộc vận động dân chủ và nhân quyền toàn cầu.Thế giới mà bọn độc tài ngang nhiên ám sát đối lập, không lo sợ hậu quả, là một thế giới đầy bất ổn và nguy hiểm cho nhiều người.

Mai V. Phạm

(25/11/2018)

Tham khảo :

Finland, Denmark and Germany stop arm sales to Saudi Arabia after Khashoggi's death

Bộ Dân chủ, Nhân quyền, và Lao động

Trump and Saudi Arabia Financial Interests

Trump says selling weapons to Saudi Arabia will create a lot of jobs. That’s not true.

Published in Quan điểm
samedi, 17 novembre 2018 10:55

Tổng thống đi Tây

Trong mưa tầm tã, hơn sáu chục lãnh tụ thế giới – tổng thống và thủ tướng, vua và hoàng tử, từ một phần ba số quốc gia toàn cầu – đã cùng nhau đi dưới những cái dù đen trong mưa trên Đại Lộ Champs-Élysées ở Paris hôm Chủ Nhật, 11 tháng Mười Một vừa qua. Họ đã tụ tập để kỷ niệm 100 năm ngày ký kết Hiệp Định Đình Chiến vốn chấm dứt Đệ Nhất Thế Chiến và để bày tỏ đoàn kết toàn cầu.

tongthong1

Tổng thống Donald Trump tại nghĩa trang và đài kỷ niệm quân đội Mỹ Suresnes, cách thủ đô Paris chừng năm dặm về phía Tây, trước khi trở về Washington, hôm 11 tháng Mười Một, 2018. (Hình : Saul Loeb/AFP/Getty Images)

Nhưng cuộc tuần hành có tính biểu tượng đó thiếu sự có mặt của một người, tổng thống Hoa Kỳ, người mà đáng lẽ là lãnh tụ của thế giới. Ông đã đến dự nghi thức ở ngôi mộ người lính vô danh chôn ở ngay dưới Khải Hoàn Môn trong sự ấm áp và khô ráo của cái xe limousine. Tòa Bạch Ốc nói sợ an ninh. Đe dọa duy nhất mà người ta thấy là một nhà tranh đấu không vũ trang topless phản kháng chạy qua gần đoàn limousine của tổng thống, và trên ngực của cô là hàng chữ "Fake News" và bị cảnh sát chặn.

Ngày hôm trước tổng thống cũng làm đúng như vậy, hủy bỏ chuyến đi để vinh danh hơn 2.000 quân nhân Hoa Kỳ được chôn cất ở Nghĩa trang Hoa Kỳ Aisne-Marne, khoảng 50 mile cách trung tâm Paris. Cũng xin nhắc lại là tổng cộng có 50.000 quân nhân Hoa Kỳ tử trận trong Đệ Nhất Thế Chiến.

Phản ứng rất nhanh và trên ngay chính phương tiện mà tổng thống thích. Sir Nicholas Soames, cháu gọi bằng ông của cố Thủ Tướng Winston Churchill và một dân biểu bảo thủ của Quốc Hội Anh, tweet : "Họ chết mặt hướng về kẻ thù và cái @realDonaldTrump thảm hại hoàn toàn không đủ khả năng không thể bỏ qua thời tiết để đến nghiêng mình trước những người đã hy sinh". Rồi ông thêm "ông ta không đáng đại diện cho đất nước vĩ đại này".

Sử gia Michael Beschloss, chuyên nghiên cứu về các tổng thống, tweet tấm hình Tổng thống John F. Kennedy và Tổng thống Charles de Gaulle đội mưa (không có ai che dù) ở Paris khi họ vinh danh những tử sĩ hồi năm 1961. Có vô số những lời chế nhạo trên Twitter, kể cả của một người từ @votevets, hỏi không hiểu quyết định đó có dính gì đến mái tóc của tổng thống hay không.

Cũng ngày hôm đó, mặc dầu trời mưa, hai lãnh tụ Pháp và Đức đã đến thăm Compiègne – cũng 50 mile cách thủ đô Paris – nơi mà thỏa thuận đình chiến được ký trong một toa xe lửa cách đây một thế kỷ.

tongthong2

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức đã cùng đến thăm khu kỷ niệm Thỏa thuận đình chiến Thế Chiến Thứ Nhất tại Compiègne ngày 11/11/2018 - Ảnh France 24

Tổng thống đã cùng tùy tùng bay hơn 4.000 mile cho một cuộc tưởng niệm nhưng có vẻ không chú ý gì đến việc này cả. Ông ăn trưa với các vị nguyên thủ và đưa ra một lời tuyên bố ngắn ngủi ở một nghĩa trang Hoa Kỳ khác. Ngoài ra, đây là một chuyến đi vô bổ.

Tổng thống cũng không đến dự khóa khai mạc của Diễn đàn Hòa bình Paris – tạo ra để nuôi dưỡng những hành động tập thể toàn cầu – vốn được sự tham dự của tất cả những lãnh tụ còn lại, sau nghi thức kỷ niệm hôm Chủ Nhật. Tổng thống Emmanuel Macron của Pháp, chủ nhà và cũng là chủ trì hội nghị, nói : "Liệu hôm nay có phải là một biểu tượng cho hòa bình bền vững hay là giây phút cuối của đoàn kết trước khi thế giới rơi vào vòng xáo trộn hơn nữa ?" Và ông trả lời với thách thức đối với các vị quốc trưởng khác : "Nó hoàn toàn trông cậy vào chúng ta".

Đề tài chính của diễn đàn là nhu cầu có một cộng đồng để ngăn ngừa Thế Chiến Thứ Ba. Thủ Tướng Angela Merkel của Đức hỏi : "Nếu cô lập không phải là giải pháp cách đây một trăm năm, làm sao nó có thể là giải pháp hôm nay, trong một thế giới kết nối ?" Khi bà lên tiếng tổng thống đã đáp phi cơ Air Force One, trên đường trở về Washington.

Ông Ivo Daalder, đồng tác giả của một cuốn sách mang cái tên "Ngai vàng bỏ trống : Sự từ ngôi lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ", tổng thống "không thấy Hoa Kỳ như là một quốc gia lãnh đạo những quốc gia khác hướng về một mục tiêu chung".

Một cựu đại sứ Hoa Kỳ ở NATO than thở với tạp chí The New Yorker : "Việc quá lộ liễu vào cuối tuần ở Paris, nơi mà một tổng thống Mỹ nào khác (từ cố Tổng thống Wilson đến Tổng thống Obama) sẽ đọc bài diễn văn chính, định nghĩa vấn đề, đưa ra giải pháp, thay vì một ông Macron cố gắng tìm cách lấp đầy cái hố trống khổng lồ đó".

Liên hệ của tổng thống với các đối tác hải ngoại ngày càng sụp đổ. Cái hố giữa Hoa Kỳ và Âu Châu – nơi nhiều trăm ngàn người Mỹ đã chết để bảo vệ – có lẽ chưa bao giờ sâu đến thế. Cái hố rất rộng về những vấn đề sinh tử (biến đổi khi hậu) đến đe dọa toàn cầu (Nga) và chiến tranh và hòa bình. Kể từ khi tổng thống nhậm chức, Âu Châu đã có những cuộc thảo luận về việc tạo nên một quân đội và những định chế tài chánh ở ngoài vòng kiểm soát của Hoa Kỳ.

Ngay cả "tình bạn thắm thiết" (bromance) với ông Macron cũng đã kết thúc. Tuần rồi, tổng thống Pháp nói Âu Châu cần một quân đội vùng, bởi vì không còn có thể trông cậy vào Hoa Kỳ như là một partner nữa. Trên Twitter, tổng thống bảo "vô cùng sỉ nhục". Hai bên đã cố làm hòa ở Paris. Nhưng trong bài diễn văn nhân ngày Đình Chiến, lãnh tụ Pháp công khai lên án nghị trình America First của tổng thống.

Ông Macron nói với các lãnh tụ thế giới : "Chủ nghĩa dân tộc hay quốc gia là một sự phản bội lòng ái quốc. Bằng cách nói ‘quyền lợi của tôi đi trước – ai cần những người khác dâu ?’ chúng ta đã xóa bỏ điều mà một quốc gia coi trọng nhất, cho nó sự sống, cho nó sự vinh dự, và điều quan trọng nhất : giá trị đạo đức của nó". Ông Macron khuyến cáo đến một con quái vật cổ xưa trở lại và đang tung ra xáo trộn. Khi ông lên tiếng đến đó, Tổng thống Trump nhăn mặt.

Lãnh tụ duy nhất của thế giới mà tổng thống có vẻ có liên hệ ở nghi thức kỷ niệm là với Tổng thống Vladimir Putin của Nga, vốn cũng xuất hiện trễ. Khi tổng thống đến tham gia nghi lễ hai ông cười với nhau và ông Putin đưa tay chào thành công.

Mặc dầu ông không thích nhưng tổng thống cần có khai phá về chính sách ngoại giao vì những sáng kiến ngoại giao lớn nhất của ông hoặc là bị mắc kẹt hoặc là đang sụp đổ. Hội nghị Thượng đỉnh Helsinki với ông Putin, hồi tháng Bảy, đã không cho thấy kết quả gì về kiểm soát vũ khí, Ukraine, hay Syria.

Kế hoạch hòa bình Trung Đông do ông Jared Kushner soạn thảo vẫn tiếp tục bị trì hoãn. Kể từ cuộc họp thượng đỉnh ở Singapore hồi tháng Sáu, lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un đã không cung cấp thống kê về số vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học hay số hỏa tiễn đạn đạo – chứ đừng nói đến chuyên bàn về cách và nơi chúng bị phá hủy.

Cuộc họp dự trù hôm tuần rồi giữa Ngoại trưởng Mike Pompeo và Ngoại trưởng Bắc Hàn Kim Yong-chol, đã bị hủy đột ngột – và nay sẽ chờ đến sang năm. Đầu tháng này, Bắc Hàn đe dọa sẽ tái tục "xây dựng lực lượng hạt nhân" nếu cấm vận Hoa Kỳ không được sớm hủy bỏ.

Tổng thống cũng bỏ lỡ những cơ hội ngoại giao. Ông từ chối tham dự hai hội nghị thượng đỉnh ở Á Châu, nơi tối cần thiết trước sự gia tăng hung hăng của Trung Cộng và sáng kiến về Bắc Hàn. Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu Thái Bình Dương – 21 thành viên dọc theo vùng lòng chảo Thái Bình Dương – chiếm đến 40% GDP của thế giới.

Diễn đàn APEC năm nay họp ở Papua Tân Guinea. Một hội nghị thượng đỉnh nhỏ hơn của Hiệp Hội các Quốc gia Đông Nam Á, đã họp ở Singapore. Những lãnh tụ thế giới khác, kể cả ông Putin lẫn ông Tập Cận Bình đều đến dự một hay cả hai hội nghị thượng đỉnh. Tổng thống đã giao cho Phó Tổng thống Mike Pence đại diện.

Thử thách tới của tổng thống để xem ông có lấy được một thành công ngoại giao nào hay không là cuộc họp thượng đỉnh G20 của các nền kinh tế lớn nhất thế giới – dự trù ở Buenos Aires vào 30 tháng Mười Một. Ông dự trù sẽ gặp cả ông Putin lẫn ông Tập.

Sử gia Daalder giải thích : "Chính qua những hội nghị song phương, nơi mục đích của ông là chiến thắng, sẽ là chú tâm của ông. Có nhiều việc cho ông làm lắm, ngay c".

Lê Phan

Nguồn : Người Việt, 17/11/2018

Published in Diễn đàn

Trong một buổi họp báo tại Nhà Trắng vào ngày 1/11/2018, Tổng thống Trump dọa bắn vào đoàn di dân từ Trung Mỹ đang đi bộ lên biên giới Hoa Kỳ - Mễ Tây Cơ. Ông nói nguyên văn như sau : "Chúng ta sẽ không cam chịu điều này. Di dân muốn ném đá vào quân đội của chúng ta, quân đội của chúng ta sẽ đánh lại. Tôi đã nói với quân đội rằng hãy xem đá là súng. Khi họ ném đá như họ đã từng làm với quân đội và cảnh sát Mễ Tây Cơ, hãy xem đó là súng". May mắn là ngày hôm sau ông Trump đã nói lại rằng nếu di dân ném đá vào quân đội Hoa Kỳ hay nhân viên tuần tra biên giới, họ sẽ không bị bắn, nhưng họ "sẽ bị giam giữ một thời gian dài".

donald1

Tổng thống Donald Trump nói "Di dân muốn ném đá vào quân đội của chúng ta, quân đội của chúng ta sẽ đánh lại. Tôi đã nói với quân đội rằng hãy xem đá là súng".

Câu chuyện trên đây chỉ là việc thay đổi ý kiến chớp nhoáng trong vòng 24 giờ của Tổng thống Trump, hậu quả của vấn đề phát ngôn bừa bãi. Tội trạng xem ra nặng nề hơn đối với những trường hợp nói sai sự thực (false or misleading claim), bịa đặt (fabricated stories) hay nói dối (lies).

Báo Washington Post, một trong những tờ báo lớn và uy tín nhất ở Hoa Kỳ, vào ngày 2/11/2018 viết rằng Tổng thống Trump đã nói 6,420 điều sai lầm hoặc không đúng sự thật (false or misleading claims) trong 649 ngày, nghĩa là trung bình khoảng 10 điều sai trái mỗi ngày. Phân tích kỹ hơn người ta thấy ông Trump ngày cáng nói không đúng sự thật nhiều hơn. Cũng theo báo Washington Post, trong chín tháng đầu của nhiệm kỳ tổng thống, ông Trump nói sai lệch (misleading) trung bình 5 điều mỗi ngày. Trong bẩy tuần lễ gần đây trước ngày bầu cử giữa nhiệm kỳ, ông tuyên bố sai lệch trung bình 30 điều mỗi ngày.

Tổng thống Trump có khuynh hướng bẻ quẹo dữ kiện (twist data) và bịa đặt (fabricate) những câu chuyện nhất là tại những buổi tập hợp tranh cử. Ông từng bịa đặt rằng Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal (Dân chủ, Connecticut) tự cho mình là anh hùng trong trận đánh ở Đà Nẵng, Việt Nam và đặt cho ông này cái tên mới "Richard Da Nang". Sự thật, ông Blumenthal không hề tuyên bố như vậy và không tham gia một trận đánh nào ở Đà Nẵng.

Ông nói sai 120 lần rằng ông đã thực hiện một việc giảm thuế lớn nhất trong lịch sử, 80 lần rằng kinh tế Hoa Kỳ hiện nay tốt nhất trong lịch sự và bức tường biên giới (border wall) đã đang được xây cất. Sự thực là Quốc hội mới chuẩn chi 1,6 tỉ Mỹ kim để xây hàng rào (fence). Chưa có một ngân khoản nào được chấp thuận để xây tường biên giới như ông Trump thường xuyên đề cập tới.

Trong một cuộc phỏng vấn của báo Wall Street Journal, Tổng thống Trump nói rằng ngoại trừ thuế nhập cảng nhỏ nhoi ông áp đặt trên thép, không có thuế nhập cảng nào khác. Để phản biện, Wall Street Journal đã in một danh sách những hàng nhập cảng vào Hoa Kỳ đã bị trả thuế tổng cộng là 305 tỉ Mỹ kim.

Càng gần đến ngày bầu cử giữa nhiệm kỳ, Tổng thống Trump càng tấn công Đảng Dân Chủ mạnh hơn và càng thiếu chính xác (inaccurate) trong những tuần vừa qua. Vào ngày 4/10/2018 ông Trump tuyên bố :

"Họ [Đảng Dân Chủ] muốn xóa bỏ những thành quả của chúng ta và đẩy đất nước của chúng ta vào cơn ác mộng của sự tê liệt, nghèo khổ, hỗn loạn và một cách thẳng thắn là tội ác, bởi vì đó là hậu quả tất yếu. Đảng Dân Chủ là xã hội chủ nghĩa cực đoan, Venezuela và mở cửa biên giới. Đảng này bây giờ được gọi là, đối với tôi - quý vị chưa bao giờ nghe đến trước đây, một Đảng Tội Ác (Party of Crime). Đó là một Đảng Tội Ác, chính là như thế. Và [chúng ta] sẽ phải trả giá cho chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa này sẽ tàn phá đất nước của chúng ta".

New York Times, một tờ báo có ảnh hưởng lớn, nổi tiếng khác ở Hoa Kỳ, mới đây trong một bài xã luận báo động rằng thói quen nói dối của tổng thống là một bệnh truyền nhiễm (Presidential Lying Is Contagious). Nó đã lan rộng trong chánh quyền của Tổng thống Trump. Ông Brock Long, Giám đốc Federal Emergency Management Agency (FEMA) được New York Times đem ra làm thí dụ đầu tiên. Trong một lần nói chuyện với báo chí về trận bão Florence, báo chí đã hỏi ông ta về trận bão Maria tàn phá Puerto Rico vào năm ngoái khiến 2.975 người thiệt mạng theo con số thống kê chính thức, dựa vào cuộc điều tra của một nhóm chuyên gia thuộc George Washington University, được mướn để làm việc này một cách độc lập. Nhưng Tổng thống Trump cho rằng con số này do Đảng Dân Chủ chế ra để làm cho ông bẽ mặt. Ông Brock Long bênh vực Tổng thống Trump, bác bỏ phương pháp điều tra của George Washington University và cho rằng có sự gian lận về con số. Ông Long giải thích rằng con số có thể gồm cả những người chết vì bệnh đau tim do sự buồn phiền, leo lên sửa mái nhà rồi rớt xuống, đèn đường hư chưa sửa kịp gây ra tai nạn lưu thông, v.v.

Ông Brock Long bị điều tra vì sử dụng tài nguyên bao gồm nhân viên, xe của nhà nước bất hợp pháp trong khi di chuyển giữa Washington và nhà riêng ở North Carolina. Ông Long có thể không bị phạt hình sự, không bị mất việc, nhưng phải bồi hoàn chi phí liên quan đến việc sử dụng xe của chính phủ bất hợp pháp.

New York Times cũng nhắc đến trường hợp Thư ký Báo chí của Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders, một người được Tổng thống Trump sử dụng để hướng dẫn sai lệch quần chúng về nhiều vấn đề từ việc trả tiền cho tài tử điện ảnh tình dục Stormy Daniels cho đến cuộc họp tại Trump Tower giữa Donald Trump, Jr. và những người Nga.

donald2

Ông Larry Kudlow, Giám Đốc Hội Đồng Cố Vấn Kinh Tế Quốc Gia

Một vài nhân vật khác trong chánh quyền Trump được báo chí đưa lên bàn mổ bao gồm Bộ trưởng Thương mại Wilbur, Bộ trưởng An ninh quốc nội Kirstjen Nielsen, Bộ trưởng Nội vụ Ryan Zinke, nhưng nổi bật hơn cả là trường hợp ông Larry Kudlow, Cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump, vào cuối tháng 6, 2018 đã tuyên bố không đúng sự thật rằng "kinh tế Hoa Kỳ phát triển mạnh mẽ, mang lại những khối lợi tức lớn lao từ thuế mới và làm giảm thiếu hụt ngân sách quốc gia nhanh chóng". Ông nói nguyên văn bằng tiếng Mỹ như sau :

"The deficit – which was one of the other criticisms [of the Republican tax law] – is coming down, and it’s coming down rapidly. It’s throwing up enormous amounts of new tax revenue".

Nhưng sự thực hoàn toàn trái ngược.

Kinh tế chỉ phát triển 2,3% trong năm 2017, 2,2% trong quý 1/2018, 4,2% trong quý 2/2018, và 3,5% trong quý 3/2018, không đạt được mức 5%-6% như mong đợi để bù đắp vào việc cắt giảm thuế. Ngân sách quốc gia của tài khóa 2018 (1/10/2017 – 30/09/2018) vừa kết thúc như sau. Chi : 4.108 tỉ Mỹ Kim. Thu : 3.329 tỉ Mỹ Kim. Thiếu hụt : 779 tỉ Mỹ kim. Quốc hội đã phải tài trợ 19% ngân sách 2018 bằng cách vay nợ.

Những con số thống kê chính thức của chính phủ và những nhà phân tách phi đảng phái tiên đoán rằng thiếu hụt ngân sách tiếp tục gia tăng trong ngắn hạn và dài hạn. Văn phòng Ngân sách Quốc hội (Congressional Budget Office – CBO) cho biết rằng "thiếu hụt ngân sách, so với kích thước của kinh tế, sẽ gia tăng đáng kể trong vài năm tới, ổn định trong một ít năm, sau đó sẽ gia tăng trong những năm còn lại của một giai đoạn 30 năm". Một cách cụ thể, CBO tiên đoán thiếu hụt ngân sách so với tổng sản phẩm nội địa (gross domestic product – GDP) sẽ tăng từ 3,9% vào năm 2018 lên tới 9,5% vào 2048.

CBO nhận định rằng Đạo luật Thuế 2017 (2017 Tax Law) sẽ làm thiếu hụt ngân sách tăng thêm 1,27 ngàn tỉ Mỹ kim trong một thập niên tới, bao gồm cả những ảnh hưởng tích cực của chính sách giảm thuế này đối với nền kinh tế. Vi thiếu hụt ngân sách, chính phủ sẽ phải vay để chi tiêu. Hậu quả trực tiếp là nợ công sẽ gia tăng. Nợ công hiện nay là 16 ngàn tỉ Mỹ kim hay là 127.000 Mỹ kim cho mỗi gia đình của nước Mỹ. Trong vòng 10 năm, món nợ này sẽ lớn bằng với GDP theo CBO.

Nếu trí nhớ của chúng ta không quá ngắn ngủi, khi tranh cử tổng thống, ông Trump tuyên bố sẽ xóa nợ quốc gia trong vòng tám năm (nghĩa là hai nhiệm kỳ tổng thống). Nhưng thực tế nợ quốc gia lớn hơn bao giờ hết. Nợ công nếu tiếp tục gia tăng sẽ làm giảm đầu tư, giảm phát triển kinh tế, áp đặt gánh nặng trên các thế hệ tương lai và gia tăng rủi ro khủng hoảng tài chánh.

Ông Erskine Bowles, đồng Chủ tịch Ủy hội Quốc gia về Trách nhiệm thuế khóa (National Commission on Fiscal Responsibility), một tổ chức nghên cứu kinh tế lưỡng đảng, từng nói rằng : "Tôi nghĩ, chỉ cần làm một con toán giản dị thôi, chúng ta thấy rõ ràng rằng đường hướng tài chánh hiện nay giản dị là sẽ không bền vững. Nếu tôi có thể đưa ra một trường hợp tương tự, tôi có thể nói rằng ngân sách thiếu hụt thật sự giống như những căn bệnh ung thư, và qua thời gian, chúng sẽ hủy diệt đất nước chúng ta từ bên trong".

Một trong những nguy hiểm nhất Hoa Kỳ có thể phải đối phó nếu nợ công của Hoa Kỳ tiếp tục gia tăng là những nhà đầu tư mất tin tưởng vào tình trạng tài chánh của Hoa Kỳ. Họ sẽ đòi hỏi lãi suất cao để mua công phiếu của Hoa Kỳ hoặc đầu tư vào những nơi khác. Hoa Kỳ sẽ phải trả một giá đắt hơn để có thể tiếp tục vay nợ. Hoa Kỳ sẽ rơi vào vòng xoáy nợ (debt spiral).

Ngân sách quốc gia của năm 2017 cho thấy rằng Hoa Kỳ chi tiêu 23% vào an sinh xã hội (social security), 15% vào bảo hiểm y tế Medicare, 9% vào bảo hểm y tế cho người nghèo Medicaid, 15% vào những chương trình bắt buộc khác, 15% vào quốc phòng, 14% vào những chương trình phi quốc phòng và 7% vào tiền lời. Để giảm ngân sách thiếu hụt chỉ có hai cách là giảm chi tiêu và tăng thuế. Tổng thống Trump chủ trương giảm thuế. Vậy chỉ còn giảm chi tiêu vào các chương trình an sinh xã hội và y tế và tăng tuổi về hưu. Liêu những người ủng hộ Tổng thống Trump có bằng lòng hi sinh quyền lợi của họ hay không ?

Ông Marc Goldwein, Phó Chủ tịch của Ủy ban Trách nhiệm Ngân sách liên bang (Committee for a Responsible Federal Budget), một tổ chức nghiên cứu phi đảng phái, nhận định rằng "Thiếu hụt ngân sách sẽ không đi xuống mà sẽ đi lên".

Người dân Hoa Kỳ muốn có một chánh quyền tôn trọng sự thật, cho dân biết sự thật, chứ không muốn bị hướng dẫn một cách lêch lạc. Người dân không thể sống bằng bánh vẽ. 

Nguyễn Quốc Khải

Nguồn : facebook, khai.nguyen, 05/11/2018

Tham khảo :

1. AFP, "Trump Threatens to Shoot Migrants Who Throw Stones at US Military", November 1, 2018.

2. Kimberly Amadeo, "Current U.S. Federal Budget Deficit – Four Reasons the U.S. Deficits is Out of Control", September 21, 2018.

3. AP, "The Latest : Trump Says Troops Won’t Shoot Migrants at Border", November 2, 2018. 

4. Martin Neil Baily, "Trump’s Formula for Growing the U.S. Economy – What Will Work and What won’t", Brookings, February 16, 2018.

5. Ryan Bort, "Trump’s Closing Message : Racism, Violence, And Plenty of Lies", Rolling Stones, November 5, 2018.

6. CBS, "Federal Budget Deficits Hits 6-Year High in Donald Trump’s First Fiscal Year as President", October 15, 2018.

7. E.J. Dionne Jr. "Trump’s Lies. And Lies. And Lies", The Washington Post, July 25, 2018.

8. The Editorial Board, "President Lying Is Contagious", New York Times, September 23, 2018.

9. Chris Edwards, "Why Federal Debt is Damaging", Cato Institute, October 17, 2018.

10. John Harwood, "The Numbers Are In, And Trump’s Tax Cut Didn’t Reduce The Deficit – Despite His Many Promises", CNBC, October 16, 2018.

11. Glenn Kessler, Salvador Rizzo, Meg Kelly, "President Trump Has Made 6,420 False or Misleading Claims Over 649 Days", The Washington Post, November 2, 2018.

12. James McBride, Jonathan Masters, "The National Debt Dilemma", Council on Foreign Relations, May 31, 2018.

13. Jeff Stein, "Trump’s Top Economic Adviser Says Deficit ‘Is Coming Down Rapidly", Contradict Virtually All Available Data", The Washington Post, June 29, 2018.

14. Irwin M. Stelzer, "Trump’s Debt", The Weekly Standard, October 20, 2018.

15. Michael D. Tanner, "Budget Deficits Are Only Getting Bigger Under Trump", National Review, July 25, 2018.

Nguyễn Quốc Khải

Nguồn : facebook, khai.nguyen, 05/11/2018

Published in Diễn đàn
lundi, 05 novembre 2018 23:59

Những tiết lộ của Donald Trump

Cái nhìn trìu mến của thế giới dành cho nước Mỹ đã nhường chỗ cho cái nhìn ngao ngán đối với một dân tộc có thể bầu một người như Trump lên làm tổng thống. Dù chắc chắn Trump sẽ không được tái cử năm 2020 sự kính trọng của thế giới đối với Mỹ đã mất và không thể phục hồi hoàn toàn, như một ly nước đã đổ xuống đất.

********************

Ngày mai Mỹ sẽ có cuộc bầu cử chính giữa nhiệm kỳ tổng thống, bầu lại Hạ viện và 1/3 Thượng viện. Theo các cuộc thăm dò dư luận thì Đảng Dân Chủ sẽ giành được một đa số khít khao trong Hạ viện nhưng Đảng Cộng Hòa, hiện đang kiểm soát cả hai viện, vẫn giữ được đa số trong Thượng viện. Nếu như thế, và ngay cả nếu Đảng Dân Chủ được một đa số đáng kể hơn trong Hạ viện, thì có thể coi cuộc bầu của này là bình thường chứ không phải là một thất bại của Donald Trump. Có điều là lần này phải coi chừng, điều quan trọng và nghiêm trọng nhất có thể chính là điều bình thường.

mid1

Donald Trump trong một cuộc vận động bầu cử giữa kỳ 2018 - Ảnh minh họa

Hiện tượng Trump

Cá nhân tôi nghĩ đa số dân chủ trong Hạ viện mới sẽ khá hơn dự đoán bởi vì nhiều người chống Trump sẽ cảm thấy có bổn phận phải đi bầu, Đảng Đân Chủ có thể hơn Đảng Cộng Hòa trên 40 ghế trong Hạ viện, nhưng ngay cả như thế cũng không phải là thất bại cho Donald Trump. Các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ từ trước tới nay vẫn thường bất lợi cho đảng cầm quyền và mặt khác kết quả tại các địa phương tùy thuộc ở uy tín của các ứng cử viên hơn là cảm tình mà cử tri dành cho tổng thống trừ khi sự ủng hộ hay phản đối tổng thống quá mạnh. Trump chỉ có thể bi coi là thất bại nếu Đảng Cộng Hòa thảm bại, thí dụ như thua xa tại Hạ viện và mất luôn đa số tại Thượng viện, nhưng điều này rất khó xẩy ra. Trump có một khối cử tri khá lớn ủng hộ ông đến cùng và bằng mọi giá.

Không phải người ta không có lý do lớn nào để phản đối Trump. Trái lại người ta có rất nhiều lý do rất chính đáng và rất nghiêm trọng. Ông là một người dối trá và vô đạo đức, đi chơi gái rồi trả tiền để mua sự im lặng và hoàn toàn không biết xấu hổ. Ông không hề quan tâm tới những giá trị dân chủ và nhân quyền, ông ca tụng Putin và Kim Jong-un, coi Châu Âu là kẻ thù của nước Mỹ, mạt sát và đối xử tàn bạo với những người di dân muốn tới Mỹ để tìm một cuộc sống mới cho họ và cho con cái. Từ chối những người di dân là điều có thể hiểu được, đối xử với họ như Trump là một điều rất khác. Một người có tâm hồn sạch sẽ không thể chấp nhận phong cách đó.

Trump cũng thiếu ngay cả những kiến thức cơ bản phải có của một người lãnh đạo chính trị. Ông rút khỏi thỏa ước COP21 về khí hậu mà Mỹ đã ký với cả thế giới và rút ra với những lời lẽ rất khiếm nhã. Ông đòi phục hồi kỹ nghệ than mà không biết rằng kỹ nghệ này đàng nào cũng không thể phục hồi. Ông bất chấp lẽ phải và dư luận khiêu khích và biến cả khối Ả Rập thành thù địch với Mỹ làm phí uổng không biết bao nhiêu cố gắng ngoại giao, chỉ để lấy lòng Israel. Trump không chỉ nói những câu vô duyên thô lỗ mà còn nói không đúng nơi, thí dụ như huênh hoang khoe rằng trong hai năm ông đã làm được nhiều hơn tất cả mọi tổng thống trong lịch sử nước Mỹ trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc, làm cả hội trường phải phì cười. Thật xấu hổ cho nước Mỹ.

Những người ủng hộ Trump không thể phủ nhận ông thiếu kiến thức, đạo đức và văn hóa, những yếu tố đáng lẽ phải đủ để khiến một người phải bị loại bỏ tức khắc và không nể nang khỏi mọi vai trò lãnh đạo chính trị, nhưng họ bất chấp. Họ biện bạch rằng ông đã đạt được những kết quả tốt.

Nhưng kết quả nào ? Kết quả rõ nét nhất là ông đã gây thiệt hại cho cả thế giới, buộc tất cả mọi quốc gia, kể cả Mỹ, phải điều chỉnh lại những tiên liệu về tăng trưởng kinh tế theo chiều hướng sút giảm, đã làm liên minh Châu Âu – Mỹ - Nhật gần như tan rã, đã khiến Mỹ bị cô lập và thù ghét, đã khiến các chế độ bạo ngược tại Nga, Trung Quốc, Venezuela và Việt Nam trở thành bớt ghê tởm. Trái với khẩu hiệu Make America great again của ông, Donald Trump đã làm nước Mỹ cô lập, yếu đi và nhỏ lại.

Khó có thể thuyết phục những người ủng hộ Trump một cách cuồng nhiệt, chiếm quá phân nửa tổng số người bầu cho ông, bởi vì họ không ủng hộ Trump vì những lý do mà họ nêu ra, họ ủng hộ Trump để phản đối một trật tự quốc gia và thế giới làm họ tức giận vì đang gạt họ và những giá trị mà họ trân trọng ra ngoài lề. Cuộc cách mạng 4.0 mà chúng ta đang sống hàng ngày đã khiến quá nhiều người trở thành vô dụng và lạc lõng trong một đất nước mà họ đã góp công xây dựng ra và cảm thấy có quyền đòi lại. Đối với họ không thể lý luận rằng hành động của Trump có lợi hay có hại cho nước Mỹ và thế giới bởi vì nước Mỹ này và thế giới này không còn là của họ nữa.

Trump không phải là hiện tượng riêng của nước Mỹ. Ông chỉ là một trong những biểu tượng của một phong trào dân túy toàn cầu phẫn nộ trước một phong trào toàn cầu hóa không phương hướng. Nó không chỉ đưa Trump lên cầm quyền tại Mỹ mà còn đưa Erdogan lên cầm quyền tài Turkey, Duterte tại Philippines và cách đây vài ngày Bolsonaro tại Brazil. Nó cũng đã đưa nhiều đảng dân túy tới ngưỡng cửa quyền lực tại nhiều nước dân chủ khác. Đặc tính chung của các lãnh tụ dân túy, ngày nay cũng như ngày xưa, là họ đều lợi dụng một sự phẫn nộ có thực và chính đáng để đề nghị một giải pháp giản dị nhưng độc hại cho một thực tế xã hội phức tạp cần được xét lại một cách thận trọng để cải tiến.

Vấn đề trung tâm hiện nay là thế giới dân chủ dần dần lẫn lộn các giá trị và không còn phân biệt được phải trái. Trong chiến tranh lạnh –từ sau thế chiến II đến khi bức tường Berlin sụp đổ- ít ra còn có tranh luận giữa hai phe dân chủ và cộng sản về thế nào là đúng hay sai trong tổ chức xã hội, nhưng từ ba thập niên qua, khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, cuộc thảo luận này đã chấm dứt. Chủ nghĩa phóng khoáng (liberalism) tự coi là đã toàn thắng không còn gì để thảo luận nữa và chính trị đã xuống cấp. Đồng tiền trở thành cứu cánh thay vì phương tiện. Và những Trump, Erdogan, Duterte, Bolsonaro xuất hiện. Họ không phải là giải pháp mà chỉ là những mối nguy, các giá trị đạo đức và nhân bản cần được phục hồi chứ không thể bị gạt đi. Nhưng họ cũng đồng thời là những tiếng còi báo động.

Những gì đang và sắp diễn ra ?

Thay đổi lớn và nghiêm trọng mà cuộc bầu cử ngày mai tại Mỹ sẽ chính thức xác nhận, trừ khi có một bất ngờ rất lớn, nghĩa là Trump và Đảng Cộng Hòa thua rất nặng, là Mỹ không còn là nước lãnh đạo khối các nước dân chủ nữa. Trump và những người "cuồng Trump" không muốn Mỹ đảm nhiệm vai trò này, hay chỉ chấp nhận đảm nhiệm mà không có trách nhiệm với bất cứ ai, nhưng bây giờ thì chính thế giới cũng không còn chấp nhận để Mỹ đảm nhiệm vai trò này nữa.

Sự kiện cần được lưu ý để hiểu những gì đang và sắp diễn ra là cho tới nay thế giới và nhất là Châu Âu yêu nước Mỹ và người Mỹ, dù đôi khi có chế nhạo để đùa giỡn trên một vài điểm. Đặc biệt là Châu Âu do quan hệ chủng tộc, văn hóa và lịch sử. Châu Âu yêu Mỹ và áp đặt tình yêu này lên thế giới. Người Châu Âu nhìn nước Mỹ như một phần của chính quê hương mình, như một ước mơ và một cơ hội. Họ nhìn người Mỹ như một người anh em năng động và tốt bụng. Người Mỹ là một người Âu đã ra đi và người Âu là một người Mỹ chưa lên đường. Một thanh niên Châu Âu sau khi được đào tạo một cách rất tốn kém tại những trường đại học danh tiếng nhất có thể thoải mái sang lập nghiệp tại Mỹ và trở thành công dân Mỹ mà không hề cảm thấy như vậy là bội bạc với đất nước đã nuôi nấng và đào tạo ra mình. Gia đình và bè bạn cũng tuyệt đối không có cảm giác đó và rất vui vẻ chúc anh ta may mắn. Chính vì liên hệ tình cảm này mà Châu Âu đã góp phần quyết định tạo ra sức mạnh và sự giầu có của nước Mỹ, và ngược lại Mỹ đã hai lần hy sinh xương máu để bảo vệ Châu Âu. Trong trao đổi phải nói là Châu Âu, mặc dù hai cuộc thế chiến và chương trình Marshall, đã đóng góp cho Mỹ hơn hẳn Mỹ cho Châu Âu. Riêng trao đổi chất xám thì chỉ có một chiều từ Châu Âu qua Mỹ. Người ta có thể thấy là phần lớn những phát minh lớn của Mỹ đã do những người di dân từ Châu Âu, hay có cha mẹ là những người di dân từ Châu Âu. Donald Trump không nhìn thấy điều này khi nói Châu Âu là kẻ thù của Mỹ.

Chính quan hệ máu thịt này đã khiến Châu Âu chấp nhận và ủng hộ vai trò lãnh đạo của Mỹ để bảo vệ một trật tự dân chủ, lôi kéo theo Nhật, Canada, Úc và nhiều quốc gia khác. Nhưng ngày nay, với Trump làm tổng thống Mỹ, cái nhìn của Châu Âu và thế giới, về nước Mỹ đã thay đổi. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy có gần 80% người Châu Âu và một tỷ lệ gần như thế tại các nước dân chủ khác khinh bỉ Trump. Cái nhìn trìu mến đã nhường chỗ cho cái nhìn ngao ngán đối với một dân tộc có thể bầu một người như Trump lên làm tổng thống. Dù chắc chắn Trump sẽ không được tái cử năm 2020 sự kính trọng của thế giới đối với Mỹ đã mất và không thể phục hồi hoàn toàn, như một ly nước đã đổ xuống đất.

Trật tự thế giới sẽ ra sao ? Có còn một trật tự đân chủ nào không hay từ nay các chế độ độc tài bạo ngược sẽ tha hồ chà đạp nhân quyền ? Đó là những câu hỏi lớn, rất lớn.

Thế giới đang bước vào một giai đoạn đầy bất trắc nhất là khi Trung Quốc của Tập Cận Bình vừa đang lộng hành vừa đang tiến sát tới một cuộc khủng hoảng kinh tế rất lớn và có thể có những hành động điên rồ. Trái với ngộ nhận của nhiều người, Trung Quốc không hề khốn đốn vì cuộc "chiến tranh thương mại" mà Trump gây ra. Thuế của Trump trên hàng nhập khẩu cùng lắm chỉ gây thiệt hại tối đa 62 tỷ USD, thực sự có lẽ vào khoảng 40 tỷ, cho Trung Quốc. Không thấm tháp gì so với số tiền gần 1.000 tỷ USD mà Trung Quốc phải trả hàng năm cho tiền lãi của món nợ khổng lồ trên 30.000 tỷ USD, hay khoảng 500 tỷ USD đào thoát khỏi Trung Quốc mỗi năm. Kinh tế Trung Quốc sẽ suy sụp không phải vì Trump mà mặc dù có Trump.

Tuy vậy không nên đổ hết trách nhiệm cho Donald Trump. Ông chỉ là sản phẩm của một tiến trình xuống cấp về tư tưởng và đạo đức chính trị đã bắt đầu từ ba thập niên qua tại Mỹ. Trump chỉ tiết lộ và báo động rằng sự xuống cấp này đã đạt tới mức độ nguy kịch.

Trump và người Việt

Donald Trump đồng thời cũng tiết lộ về tình trạng tâm thần của người Việt. Một thăm dò dư luận cách đây không lâu cho thấy người Việt Nam là một trong một vài dân tộc rất hiếm hoi tại Châu Á ủng hộ Trump, không những thế người Việt Nam còn ủng hộ với một đa số áp đảo. Một cuộc thăm dò khác mới đây tại Mỹ cho thấy là 2/3 người Mỹ gốc Châu Á chống Trump trong khi 2/3 người Mỹ gốc Việt ủng hộ Trump.

Dù ở trong nước hay ngoài nước, người Việt Nam chúng ta quả là không giống ai. Phải chăng đó chính là lý do khiến chúng ta không vươn lên được ?

Nguyễn Gia Kiểng

(05/11/2018)

Published in Quan điểm

Hẳn chúng ta ai cũng đã nghe nói đến một đoàn nhiều ngàn di dân và người xin tị nạn đang từ từ đi bộ từ Trung Mỹ đến Hoa Kỳ. Tổng thống Donald Trump đã biến cuộc hành trình của họ trở thành tin tức hàng đầu, cả quyết họ là một đe dọa cho an ninh quốc gia.

caravan1

Đoàn di dân "caravan" với hàng ngàn người bên ngoài thị trấn Arriaga, tiểu bang Chiapas, Mexico, hôm Thứ Bảy, 27 Tháng Mười, 2018, chuẩn bị tiến vào Hoa Kỳ. (Hình: AP Photo/Rebecca Blackwell)

Và để chứng tỏ lý luận của mình, ông đã đưa ra khuyến cáo thường xuyên mà ông vẫn đưa ra để khuyến cáo người Mỹ: Hãy nhìn vào cái mà ông gọi là "total mess" mà di dân đã tạo ra cho Âu Châu.

Những người Âu Châu không hiểu tổng thống nói gì. Nhưng cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi tổng thống nghĩ Âu Châu là một vùng đại nạn. Ông đã từng cáo buộc Luân Đôn như là "một bãi chiến trường," nói là một người bạn bí mật của ông tên là Jim không đi đến thủ đô nước Pháp nữa vì "Paris không còn là Paris nữa," và nói đến những biến cố kinh khủng ở Thụy Điển vốn chưa từng xảy ra.

Một số người Pháp hỏi là nếu tổng thống "sợ Paris" đến thế thì tại sao tổng thống nhận lời mời đến dự cuộc duyệt binh ngày 14 tháng Bảy của Tổng thống Emmanuel Macron. Còn dân Luân Đôn thì hỏi "bãi chiến trường nào vậy" khi mà Luân Đôn là một trong những nơi tiếp đón nhiều du khách nhất thế giới với năm 2017 thành phố tiếp đón 19,1 triệu du khách quốc tế. So với thủ đô Washington DC, vốn năm 2017 chỉ có 2 triệu du khách quốc tế đến thăm và ngay cả New York cũng chỉ có 13,1 triệu khách quốc tế đến thăm.

Nhưng tổng thống đã có thành kiến với Âu Châu và nay khi cuộc bầu cử giữa kỳ gần kề, tổng thống lại nhắc lại hình ảnh kinh khủng của di dân ở Âu Châu để biện minh cho những biện pháp nghiêm ngặt ở Hoa Kỳ.

Thực sự thì mức độ của tình hình dọc theo biên giới Hoa Kỳ và Mexico chưa bao giờ đến mức của vấn đề mà Âu Châu đối diện năm 2015 và 2016. Chỉ xin đơn cử một vài con số. Năm 2015 có hơn 1,3 triệu đơn xin tị nạn chính trị ở Âu Châu so với chỉ có 331.700 đơn ở Hoa Kỳ.

Vả lại hầu hết sự xáo trộn về di dân không phải là về di dân mà là về sự tranh cãi bên trong Liên Hiệp Âu Châu giữa các quốc gia vì có quốc gia cảm thấy gánh nặng chấp nhận và trông nom cho di dân không được chia sẻ công bằng – và rằng chính sách biên giới của liên hiệp không đủ để đối phó với vấn đề. Là một quốc gia thống nhất, Hoa Kỳ sẽ không bao giờ phải đối phó với những chia rẽ như vậy.

Cũng là một sự hiển nhiên là Âu Châu không sụp đổ trong một thứ xáo trộn và rối loạn mà chúng ta sẽ nghĩ nếu chỉ đọc các tweet của tổng thống. Ở Đức, nơi nhiều trăm ngàn di dân và người tị nạn đã tràn vào trong làn sóng đến Âu Châu năm 2015, thống kê chính thức cho thấy là số tội phạm giảm 10% trong năm đó.

Trong khi dân tị nạn và di dân có thể là một gánh nặng ngắn hạn cho ngân quỹ của các quốc gia Âu Châu, cũng có bằng cớ là về lâu về dài di dân có thể đóng góp. Thực vậy, ở Thụy Điển, họ có vẻ đang giúp làm nền kinh tế tăng trưởng.

Kinh tế gia Lars Christensen nói với Bloomberg Businessweek vào mùa Hè năm nay : "Những người tị nạn và di dân đến vào thời điểm đúng nhất", bởi vì Thụy Điển đang thiếu công nhân. Nhờ số di dân này là nền kinh tế Thụy Điển tăng trưởng 3% so với tốc độ trung bình của Âu Châu là 2%.

Chính trị cũng cho thấy một hình ảnh pha trộn không đơn giản. Trên toàn lục địa, những đảng mỵ dân chống di dân đã tìm cách lợi dụng. Một số đã đạt được thành công trong bầu cử – đáng kể nhất là Liên Minh Phương Bắc, đảng đang là một phần của chính phủ liên hiệp ở Ý. Sự thành công của UKIP trong việc thúc đẩy lá phiếu Brexit cũng là một thí dụ thứ nhì. Một số đã thúc đẩy các đảng dòng chính hãy có những lập trường cứng rắn hơn để giữ phiếu bài di dân của cử tri.

Nhưng đó cũng không hẳn là một chiến lược tốt. Đảng Liên đoàn Xã hội Ki-tô Giáo gọi tắt là CSU, đảng đàn em của Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo của Thủ tướng Angela Merkel ở Bavaria, đã chọn một chính sách cứng rắn về di dân để chống lại đảng cực hữu và duy trì vị thế mà đảng đã chế ngự ở Bavaria từ nhiều năm nay. Thay vì vậy, trong cuộc bầu cử địa phương hôm 14 tháng Mười, cử tri bỏ chạy. Trong khi cánh cực hữu AfD thắng khá, nhưng đảng ủng hộ di dân, đảng Xanh còn thắng hơn nữa, dành vị thế thứ nhì.

Lãnh tụ đảng Xanh Tarek Al-Wazir ở bang Hesse giải thích : "Chúng tôi là đảng duy nhất đã không bị thúc đẩy trở thành khùng điện vì chủ nghĩa dân túy cánh hữu".

Nhưng có lẽ tổng thống tin là một lập trường cứng rắn về di dân vẫn tiếp tục là một vấn đề ăn khách ở Hoa Kỳ. Tạp chí online Politico nói là tổng thống và toán thăm dò dư luận của ông tin là những dữ liệu cho thấy biên giới và di dân vẫn còn nhiều âm hưởng đối với cử tri, đặc biệt là trong các cuộc bầu khít khao. Politico viết: "Những người đã nói chuyện với ông về việc này nói ông thề là sẽ đưa ra đề tài đoàn người dầu ở đâu và lúc nào, ngay cả khi ông không bị nhắc nhở bởi những người khác".

Trong tờ The Atlantic, nhà bình luận bảo thủ David Frum viết : "Đối với Tổng thống Trump, đoàn người này tiêu biểu cho một cơ hội chính trị. Đây là loại vấn đề kích thích những người Mỹ bảo thủ – và cho ông được quyền trở thành người bênh vực tức giận và hung hăng cho họ".

Có một điều giống nhau giữa những di dân đến Âu Châu và Hoa Kỳ ngày nay – nhưng có lẽ lại là điều mà tổng thống không muốn nhắc đến.

Ông Nick Miroff của tờ Washington Post viết : "Thời đại của di dân hàng loạt của những công nhân lao động người Mexico đổ vào California và vùng sa mạc của Arizona đã qua rồi" kết thúc từ những chính sách khắt khe hơn và tăng cường phòng vệ biên giới.

Đó là những người tìm đến để làm những công việc như hái rau trái, cắt cỏ, làm vườn. Họ không thực sự là di dân hay dân tị nạn. Nhiều khi họ sang Hoa Kỳ một thời gian rồi trở về quê với một số vốn. Thay vì vậy, những di dân đang đến Hoa Kỳ ngày càng giống những người đến Âu Châu trong những năm gần đây: Những người xin tị nạn, mang theo với họ "những câu chuyện về tra tấn, bị tuyển vào các băng đảng tội ác, bị tống tiền bởi cảnh sát tham nhũng".

Như Âu Châu đã học được, đối phó với những người xin tị nạn vốn có những câu chuyện có thể tin được về bị đàn áp là một tiến trình phức tạp – không những chỉ vì những lý do đạo lý, mà còn về hành chánh nữa. Số những vụ đang chờ ở các tòa án di dân Hoa Kỳ nay lên trên 750.000 hồ sơ và ông Miroff giải thích là những người nộp đơn phải chờ lâu mới có hẹn ra tòa.

Kể cũng mỉa mai là định kiến của tổng thống về di dân bất hợp pháp có thể giúp tạo nên những vấn đề mà nay đang làm ông nổi giận. Việc ông đã làm ồn lên về một đoàn người nhỏ hơn hồi tháng Ba có vẻ đã giúp thúc đẩy đoàn người lớn hơn đang tiến về Hoa Kỳ, trong khi chính sách chia cách gia đình không đủ để làm người ta sợ hãi.

Điệu này rồi Hoa Kỳ có thể gặp một cuộc khủng hoảng di dân kiểu Âu Châu mà tổng thống đã vô tình tạo nên.

Lê Phan

Nguồn : Người Việt, 27/10/2018

Published in Diễn đàn

Chính trị nước Mỹ luôn ảnh hưởng đến chính trị thế giới và luôn ảnh hưởng mạnh đến chính trị Việt Nam.

Tổng thống Trump người đứng đầu nước Mỹ lại liên tục thay đổi cách hành sử và thay đổi thành phần nhân sự trong chính quyền, đến độ có người cho rằng ông đã trở thành một nhà độc tài.

Thực hư thế nào về vai trò của Tổng thống Mỹ, về hệ thống phân quyền và liệu Tổng thống Trump có thể trở thành độc tài hay không ?

trump1

Tổng thống Trump có thể trở thành độc tài hay không ?

Tổng thống Trump thắng cử…

Mỹ là một quốc gia dân chủ kiểu mẫu, mọi công dân Mỹ có quyền tự do chính trị bao gồm quyền tự do tham gia mọi khuynh hướng, mọi đảng chính trị, quyền tự do ứng cử và bầu cử.

Để thắng cử ông Trump phải vượt trội 16 ứng cử viên đảng Cộng hòa và bà Hillary Clinton đại diện cho đảng Dân chủ.

Ông Trump phải công khai tranh luận và minh bạch hầu như mọi quan điểm chính trị, mọi điều về cá nhân, về cá tính, mọi hứa hẹn và phải thuyết phục được dân Mỹ đi bầu và bầu cho đảng Cộng hòa.

Không riêng ông Trump, mọi ứng cử viên Tổng thống Mỹ đều phải trải qua quá trình tuyển cử hết sức khắc khe để được dân Mỹ ban cho cơ hội đứng đầu nước Mỹ.

Nếu ông Trump không thỏa mãn nguyện vọng cử tri, người Mỹ sẽ tước dần quyền lực ông.

Bằng ngược lại người dân sẽ ban thêm cho ông quyền lực để ông trở thành một Tổng thống mạnh thực hiện được các chính sách ông đề ra. Đó chính là hệ thống chính trị dân chủ kiểu Mỹ.

Tổng thống Trump điều hành hành pháp…

Hiến pháp trao quyền hành pháp cho Tổng thống, muốn điều hành tốt việc đầu tiên mọi tân tổng thống phải ổn định hành pháp.

Điển hình là cựu Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius được Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm, đã công khai bất đồng với chính sách của ông Trump và đã xin từ chức vài tháng sau khi ông Trump nhậm chức.

Mỗi tân Tổng thống cần đến vài ngàn các thành viên nội các, các chức vụ lãnh đạo hành chánh, các đại sứ để bổ nhiệm vào các chức vụ.

Những người được bổ nhiệm giữ vai trò chuyên môn, đồng thời với vai trò chính trị điều hành việc hành chánh, nên đều có thể được xem như các "chính trị gia".

Muốn bổ nhiệm hay sa thải một thành viên chính quyền, Tổng thống phải đưa ra và phải được Thượng viện chấp thuận.

Nhiều người được Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm vẫn chưa hết nhiệm kỳ hay được Tổng thống Trump lưu nhiệm.

Tổng thống Mỹ có thể bổ nhiệm người có chuyên môn và khả năng không cùng chung đảng chính trị hay khuynh hướng chính trị, miễn là khi các vị được bổ nhiệm không đi ngược với chính sách quốc gia.

Các công chức Mỹ đều độc lập với chính trị. Họ lại có quyền từ chối thi hành công vụ nếu họ chứng minh công việc được giao mâu thuẫn với lợi ích cá nhân hay lợi ích công cộng (conflict of interest).

Mặc dù Chính quyền liên bang đảm nhận trách nhiệm rộng lớn hơn trong những lĩnh vực như y tế, giáo dục, phúc lợi, giao thông, gia cư và phát triển đô thị.

Các Chính quyền tiểu bang lại độc lập với chính quyền liên bang và lại là định chế có ảnh hưởng lớn nhất trên đời sống hằng ngày của người dân Mỹ.

Đa số các tiểu bang lại có một hệ thống hành pháp với nhiều thành viên của ngành hành pháp được người dân trực tiếp bầu lên.

Những vị dân cử này hoàn toàn độc lập với cả liên bang lẫn tiểu bang, họ không chịu sự kiềm chế hay chi phối của ngay cả Thống đốc, và Thống đốc cũng không thể bãi chức họ.

Vì thế Tổng thống Mỹ thường chỉ giữ vai trò chính yếu về mặt đối ngoại, quân sự và thương mãi quốc tế, vai trò đối nội được phân chia cho các dân cử thuộc chính phủ tiểu bang.

Muốn trở thành một Tổng thống ở vị thế lãnh đạo mạnh một Tổng thống không những cần thuyết phục cử tri Mỹ mà còn cần thuyết phục cả hệ thống hành chánh từ liên bang xuống đến tiểu bang.

Với cách phân quyền này quyền lực hành chánh sẽ không bao giờ có thể tập trung vào cá nhân Tổng thống, ông ta không bao giờ có thể trở nên độc tài.

Quốc hội Hoa Kỳ

Quốc hội giữ vai trò kiểm tra và giám sát Tổng thống và công việc Hành Pháp.

Ở Mỹ quyền lực Quốc hội được chia sẻ giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ. Một Tổng thống Mỹ chỉ có thể được xem là một lãnh đạo mạnh khi đảng của ông nắm cả Lưỡng viện Quốc hội.

Hệ thống chính trị Mỹ lại cho phép các dân biểu và nghị sĩ quốc hội quyền công khai "bất đồng chính kiến" với Tổng thống có cùng một đảng.

Điển hình là cố Thượng nghị sĩ John McCain cùng đảng Cộng hòa nhưng thường xuyên có quan điểm đối ngược với Tổng thống Trump.

Vì thế mặc dầu đảng Cộng hòa kiểm soát cả Hạ viện lẫn Thượng viện như hiện nay, nhưng không phải mọi chính sách Tổng thống Trump đưa ra đều được Quốc hội thông qua.

Đầu năm nay mặc dù Hạ viện đã bỏ phiếu thuận 230-197 dự luật ngân quỹ cho năm 2018, nhưng lại không được thông qua ở Thượng viện với tỷ lệ 50-49.

Điều đáng nói là có năm đảng viên Cộng hòa đã bỏ phiếu chống lại dự luật, trong khi đó lại có năm đảng viên Dân chủ ủng hộ thông qua.

Các Dân biểu hay Nghị sĩ thường có khuynh hướng thông qua ngân sách khi nhận thấy ngân sách có lợi cho Quận hay Tiểu bang mình đại diện.

Kết quả là đúng kỷ niệm 1 năm ông Trump nhậm chức ngày 20/8/2018 chính phủ Hoa Kỳ đã phải đóng cửa trong vòng 3 ngày. Hàng trăm ngàn nhân viên liên bang phải nghỉ phép không lương.

Chính phủ chỉ mở cửa lại khi đảng Cộng hòa chấp nhận một số thương lượng để có đủ 60 nghị sĩ thông qua đạo luật về ngân sách.

Chính trị Hoa Kỳ là thế !!!

Ngược lại trong trò chơi chính trị Tổng thống Trump nhiều lần "đe dọa" sẵn sàng chấp nhận việc chính phủ đóng cửa để Quốc hội phải đồng ý thông qua ngân sách.

Truất phế Tổng thống

Quốc hội còn nắm giữ đặc quyền luận tội và truất phế Tổng thống.

Thủ tục luận tội khá dễ dàng chỉ cần một dân biểu đưa cáo trạng cho Ủy ban tư pháp Hạ viện. Nếu được đa số ủy viên của Ủy ban tư pháp đồng ý, quyết định sẽ đưa ra Hạ viện biểu quyết.

Khi đa số Hạ viện đồng ý truất phế, một ủy ban truất phế được thành lập để đưa quyết định lên Thượng viện.

Thượng viện sẽ mở một phiên tòa và nếu 2/3 Thượng nghị sĩ đồng ý thì thủ tục truất phế sẽ được tiến hành.

Tổng thống Andrew Johnson và Tổng thống Bill Clinton đã bị Hạ viện luận tội nhưng không ai bị Thượng viện truất phế. Còn Tổng thống Richard Nixon xin từ chức trước khi bị Hạ viện luận tội.

Bất cứ điều gì Tổng thống Trump đã, đang và sẽ làm nếu vi phạm luật pháp Hoa Kỳ đều có thể bị Hạ viện mang ra luận tội. Và nếu đảng Cộng hòa không còn chiếm đa số ở Hạ viện và đa số trong Ủy ban tư pháp Hạ viện như hiện nay thì việc luận tội Tổng thống Trump nhiều cơ hội sẽ có thể xảy ra.

Chính trị Hoa Kỳ cũng là thế !!!

Trò chơi chính trị là con dao hai lưỡi ngay cả khi ông Trump bị Hạ viện luận tội mà cử tri vẫn yêu mến và ủng hộ ông thì sẽ ảnh hưởng rất nặng đến uy tín của đảng Dân chủ.

Bởi thế việc đe dọa đưa Tổng thống ra luận tội thường được đem ra hù dọa làm mất uy tín chính trị nhau hơn là thực sự xảy ra.

Điểm tích cực là các Tổng thống luôn cân nhắc mọi quyết định trong công vụ để không xảy ra lạm quyền như Tổng thống Andrew Johnson hay bê bối như Tổng thống Richard Nixon và Tổng thống Bill Clinton.

Tư pháp và Tối cao Pháp viện

Tối cao Pháp viện giữ quyền lực cao nhất về tư pháp trong Chính phủ Hoa Kỳ, có thẩm quyền giải thích Hiến pháp, tuyên bố các đạo luật liên bang, đạo luật tiểu bang là vi hiến, hoặc tuyên bố các hoạt động của hành pháp liên bang và tiểu bang là vi hiến.

Tối cao Pháp Viện gồm chín thẩm phán được bổ nhiệm trọn đời bởi Tổng thống và được phê chuẩn bởi Thượng viện. Một thẩm phán được bầu làm chánh án. Chánh án John Roberts và 4 thẩm phán khác thuộc cánh bảo thủ ủng hộ đường lối của ông Trump.

Trong trường hợp Tổng thống bị Quốc hội luận tội và truất phế, Chánh án Tối cao Pháp Viện sẽ là Chủ tịch ủy ban truất phế.

Tổng thống Trump trong vòng chưa tới 2 năm đã bổ nhiệm được hai thẩm phán là các ông Neil Gorsuch và ông Brett Kavanaugh.

Việc thẩm phán Brett Kavanaugh được Quốc hội chấp nhận là 1 thắng lợi lớn giúp ông Trump vận động các cử tri bảo thủ tích cực đi bầu và bầu cho các ứng cử viên đảng Cộng hòa trong kỳ bầu cử giữa kỳ vào ngày 6 tháng 11 sắp tới.

Vận động hành lang

Tại Hoa Kỳ việc vận động nhằm ảnh hưởng các chính sách của chính phủ là việc làm công khai và hợp pháp.

Điển hình là chính sách trừng phạt thương mãi một số công ty sẽ được hưởng lợi trong khi nhiều công ty khác bị thiệt hại. Các công ty bị thiệt hại sẽ tìm cách vận động hành lang để giảm thiểu thiệt hại cho công ty mình.

Chiến tranh thương mãi Mỹ - Trung có lợi cho một số tiểu bang nhưng lại bất lợi cho một số tiểu bang khác, nhất là các tiểu bang sản xuất và xuất cảng nông nghiệp và các tiểu bang có hải cảng trực tiếp xuất nhập cảng.

Tổng thống Trump sử dụng 2 đạo luật có sẵn trong việc trừng phạt thương mãi Bắc Kinh.

Mục 232 Đạo luật Thương mại mở rộng năm 1962 (Trade Expansion Act 1962) về an ninh quốc gia và Mục 301 Đạo luật Thương mại năm 1974 (Trade Act 1974) về trả đũa những hành vi thương mại không công bằng của nước khác.

Nếu đảng Dân chủ kiểm soát được Quốc hội, họ có thể ra những đạo luật mới để giới hạn khả năng trừng phạt thương mãi của Tổng thống Trump.

Vì thế không lạ gì khi các công ty bị thiệt hại do chiến tranh thương mãi (và có thể cả nước ngoài) đang đổ tiền tài trợ cho các ứng cử viên dân biểu và nghị sĩ mà họ tin rằng khi thắng cử sẽ có thể xoay chuyển thế cờ giới hạn quyền hạn của Tổng thống Trump.

Đệ tứ quyền

Chính Phủ Hoa Kỳ hoàn toàn không có cơ quan truyền thông riêng. Các cơ quan truyền thông như VOA, RFA,… nhận ngân sách chính phủ nhưng đều là các cơ quan truyền thông độc lập. Các cơ quan truyền thông khác đều là cơ quan truyền thông tư nhân.

Chi phí nặng nhất trong việc tranh cử là chi phí truyền thông quảng cáo. Ứng cử viên nào vận động được nhiều tài trợ thì có nhiều tiền để quảng cáo tranh cử và nhiều cơ hội hơn để thắng cử.

Tổng thống Trump lại có một "lịch sử" khác thường là khi ra tranh cử không chịu chi tiền quảng cáo và thường xuyên "đối chọi" với truyền thông.

Đương nhiên cách hành sử của ông Trump càng "khiêu khích" giới truyền thông để ý đến ông và tìm mọi cách để giảm thiểu quyền lực của ông.

Thế lãnh đạo mạnh

Nói tóm lại quyền lực của Tổng thống Mỹ do cử tri ban cho và nếu họ không thực hiện lời họ đã hứa thì cử tri sẽ lấy lại nên không Tổng thống nào có thể trở nên độc tài.

Tổng thống Trump đã thực hiện được hầu hết những điều ông hứa khi ra tranh cử như cắt giảm thuế, tạo thêm công ăn việc làm, giúp tăng lương, tiêu diệt khủng bố ISIS, trừng phạt thương mãi Bắc Kinh, bảo vệ Biển Đông.

Những điều ông không làm được là do quyền lực của ông bị Quốc hội giới hạn.

Tổng thống Trump thực hiện được các điều ông đã hứa một phần là nhờ bản tính cương quyết và cứng rắn nhưng khôn khéo trong việc đàm phán chính trị và ngoại giao.

Phần khác là nhờ Tổng thống Trump lãnh đạo Hoa Kỳ trong thế mạnh khi cả Hạ viện lẫn Thượng viện đều do đảng Cộng hòa nắm giữ và Tối cao Pháp viện nay thuộc cánh bảo thủ.

Liệu Tổng thống Trump có còn tiếp tục lãnh đạo Hoa Kỳ trong thế mạnh hoàn toàn tùy thuộc và cuộc bầu cử giữa kỳ vào ngày 06/11/2018 sắp tới đây.

Có giữ được thế lãnh đạo mạnh Tổng thống Trump mới có thể tiếp tục bao vây Trung Quốc về các mặt kinh tế, chính trị, quân sự và ý thức hệ.

Có thay đổi được ý thức hệ của tầng lớp lãnh đạo Bắc Kinh mới mong tránh khỏi việc thị trường thương mãi bị bóp méo, bán phá giá, đánh cắp bản quyền, ép các công ty Hoa Kỳ chuyển giao tài sản trí tuệ, và hạn chế tiền lương và các quyền lao động công nhân, bành trướng tại Biển Đông và ra thế giới.

Đồng thời thế giới sẽ có tự do, dân chủ và nhân quyền hơn.

Cử tri Mỹ sẽ quyết định tương lai nước Mỹ và tương lai thế giới trong cuộc bầu cử sắp tới.

Nguyễn Quang Duy

Melbourne, Úc Đại Lợi, 16/10/2018

Published in Diễn đàn

Trong khi Hoa Kỳ đang tập trung một cách cận thị vào việc chuẩn thuận một thẩm phán cho tòa án tối cao, chính phủ Donald Trump bị cáo buộc đang làm khách bàng quan cho tình trạng vô luật lệ trên toàn thế giới.

Sự biến mất của chủ tịch tổ chức điều phối cảnh sát quốc tế Interpol, ông Mạnh Hoành Vĩ, mà sau cùng được nhà cầm quyền Trung Cộng công nhận đã cầm giữ.

tongthong1

Tổng thống thường tweet đủ thứ, vụ mất tích của ông Khashoggi đã vắng bóng trên địa chỉ Twitter của ông. (Hình : Mark Wilson/Getty Images)

Trong khi đó ngày càng có thêm những bằng cớ cho thấy sự liên hệ của Moscow đối với vụ đầu độc bằng hóa chất ở Salisbury bên Anh.

Rồi đến vụ án mạng kinh khủng của ông Jamal Khashoggi, nhà báo Saudi Arabia đã mất tích mà nhà chức trách ở Thổ Nhĩ Kỳ nghi đã bị một toán công an bên trong tòa tổng lãnh sự của vương quốc ở Istanbul thủ tiêu và chặt thành nhiều mảnh.

Tất cả những sự kiện này đều chỉ cho chúng ta đến một thế giới rối loạn, vô trật tự : của một sự đang thụt lùi về một giai đoạn biến động ; một thời đại mới của những chính quyền độc tài cá nhân trị và sự thối lui của luật pháp quốc tế.

Cũng phải thêm đó là thế giới trước thế chiến, thời đại của những giai đoạn ngoại giao tàu chiến (gun boat diplomacy) khi một quốc gia đem quân tới buộc một quốc gia khác phải tuân thủ ý muốn của mình. Nhưng sau Đệ Nhị Thế Chiến, Hoa Kỳ đã coi mình trở thành kẻ bảo vệ cho tiêu chuẩn, một sự lãnh đạo đạo đức qua làm gương, cảnh sát cho một thế giới để bảo vệ cho những hành vi xấu không được dung túng.

Dĩ nhiên đó là một lý tưởng mà không quốc gia nào có thể đạt được, nhưng dầu sao chăng nữa, thế giới vẫn coi Hoa Kỳ là ngọn hải đăng, là thánh đường lý tưởng trên đỉnh đồi. Việt Nam cộng sản thường tức tối nói đến Hoa Kỳ như là "một sen-đầm quốc tế", nhưng chính nhờ có người "sen đầm" – nói trại của chữ gendarme – mà thế giới đã có mấy thập niên ổn định và Hoa Kỳ đã trở thành cường quốc số một của thế giới, không phải chỉ nhờ vũ lực mà còn vì một sức mạnh đạo đức và tâm linh.

Nhưng mấy tuần lễ vừa qua đã đẩy thế giới đến một sự thức tỉnh là Tổng thống Donald Trump không muốn đóng vai trò đó nữa. Nó cũng cho chúng ta thấy là chủ thuyết ái quốc của ông đang có nguy cơ bị những quốc gia khác diễn dịch như là chủ thuyết cho tự do hành động, muốn làm gì thì làm.

Phải chăng trong cái đỏ, trắng, và xanh của chính sách America First, những quốc gia khác đã thấy một sự bật đèn xanh cho họ hành động mà không sợ phải trả giá.

Hôm thứ Tư, 10 tháng Mười, tổng thống Trump diễn tả vụ mất tích của ông Jamal Khashoggi là "rất nghiêm trọng" và nói chính phủ của ông đã nêu vấn đề này "ở cấp cao nhất" với Riyadh. Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, và con rể kiêm cố vấn cho vùng Trung Đông Jared Kushner, đã điện đàm với Thái tử Mohammed bin Salman, người hiện nay cầm đầu Saudi Arabia trên thực tế. Những kế hoạch cũng được dự trù cho ý trung nhân của nhà báo, cô Hatice Cengiz được tiếp kiến ở Tòa Bạch Ốc.

Nhưng tổng thống đã ngưng lại không lên án hay chỉ trích Saudi Arabia, ngay cả khi tờ Washington Post tường thuật là tình báo Hoa Kỳ đã có được những thông tin liên lạc giữa các viên chức Saudi âm mưu vụ bắt cóc ông Khashoggi, một nhà bình luận của tờ Post và là một nhà chỉ trích nổi tiếng chính quyền Saudi Arabia. Trong khi tổng thống thường tweet đủ thứ, vụ mất tích của ông Khashoggi đã vắng bóng trên địa chỉ Twitter của ông, vốn là phương tiện mà ông thích nhất để bày tỏ tức giận.

Ông đã không nhắc nhở gì đến những chuyện này ở trong các cuộc vận động tranh cử, một diễn đàn mà ông thường sử dụng để bày tỏ những cảm giác thầm kín nhất của ông. Tuy ông cười hôm tối thứ ba khi những người ủng hộ ông ở Iowa đưa ra lời hô "Lock Her Up" với Thượng nghị sĩ Diane Feinstein, người đứng đầu bên đảng Dân chủ trong Ủy ban Tư pháp Thượng viện, ông không đả động gì đến sự mất tích của nhà báo.

Rõ ràng là Tòa Bạch Ốc muốn tránh chuyện vội vàng kết án và nói là họ đang "đòi hỏi" trả lời từ Riyadh. Nhưng cũng có thể là sự né tránh này của tổng thống chỉ là để che giấu việc tránh không muốn khiển trách các đồng minh Saudi chăng ? Cho một vị tổng thống vốn chưa bao giờ tỏ ra ngần ngại, nó dễ dàng được coi như là cố tình trì hoãn và một sự từ chối trách nhiệm lãnh đạo truyền thống của Hoa Kỳ.

Ngay cả các nhân vật Cộng hòa của tổng thống ở Điện Capitol còn lên án nặng nề hơn. Thượng nghị sĩ Bob Corker, chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Thượng viện, nói là "sẽ chắc chắn có hậu quả" nếu nó thực sự là do phía Saudi thực hiện. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, bạn đánh golf với tổng thống và một người đã mạnh mẽ bênh vực thẩm phán Kavanaugh, nói nó sẽ "tai hại" cho liên hệ Saudi-Hoa Kỳ. Không có một khuyến cáo công khai nào như vậy đến từ Tòa Bạch Ốc.

Tổng thống Trump đã làm bạn với thái tử, và đã vô cùng cương quyết trong sự ủng hộ của ông cho hàng lãnh đạo ở Saudi. Chuyến công du quốc tế đầu tiên của ông là đến Saudi Arabia, nơi ông đã tham dự vào một nghi thức hầu như là thần bí trong đó ông đã đặt tay lên một quả cầu rực sáng. Chính phủ Trump đã ủng hộ chương trình bỏ bom do Saudi lãnh đạo ở Yemen, một phần trong cuộc chiến gián tiếp của Riyadh với Tehran.

Hồi tháng Mười Một năm ngoái, tổng thống đã ủng hộ một cuộc thanh trừng trong các hoàng tử, nhà kinh doanh và bộ trưởng dưới chiêu bài của một cuộc chiến chống tham nhũng. Ông cũng đã chấp thuận một chương trình bán vũ khí 1 tỷ USD cho vương quốc. Ngay thứ Tư vừa qua, tổng thống đã nhắc lại sự cảm phục của ông cho thái tử 33 tuổi, gọi ông là "một người tốt". Ông tiếp tục nói về thái tử với một sự tự hào hầu như là của một người cha.

Một trong những yếu tố nổi bật của chính sách ngoại giao của tổng thống đã là việc ông miệt thị những đồng minh thân cận nhất và chào đón những lãnh tụ nào nịnh bợ ông, bất chấp thành tích nhân quyền của họ.

Hiện nay, ngoại trưởng Mike Pompeo đang tổ chức một hội nghị thượng đỉnh thứ nhì với nhà độc tài Kim Jong-un. Và tuy là nhà độc tài này đã bị cáo buộc những hành vi tàn bạo trong đó có dùng súng phòng không để xử tử và bắt giam đến 130.000 người Bắc Hàn trong các trại tập trung, tổng thống đã nói với một cuộc meeting bầu cử ở West Virginia hôm tuần trước là ông đã "cảm thấy yêu mến" lãnh tụ Bắc Hàn ở Hội nghị Thượng đỉnh Singapore. Không hiểu tổng thống có nhớ đây cũng chính là người đã ra lệnh cho nhân viên ám sát người anh cùng cha khác mẹ bằng vũ khí hóa học.

Tổng thống cũng ca tụng tổng thống độc tài Abdel Fattah al-Sissi, người đã đàn áp không nương tay mùa Xuân Ả Rập ở Ai Cập, diễn tả ông là "một người tuyệt vời". Ông cũng ca tụng ông Rodrigo Dutertes, tổng thống Philippines, cho "một công việc khó tin về vấn đề ma túy", mặc dầu cái gọi là cuộc chiến chống ma túy, theo Human Rights Watch, đã giết chết 12,000 người mà nhà cầm quyền bảo là những kẻ buôn ma túy và người sử dụng ma túy, nhưng rất nhiều là vô tội.

Ông cũng cho ông Recep Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ "điểm rất cao", mặc dầu ông Erdogan đang làm hết sức để phá hủy nền dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Và dĩ nhiên không thể không nhắc đến sự việc là ông từ chối chỉ trích ông Vladimir Putin. Có lẽ chúng ta phải quay trở lại những ngày mà tổng thống mới nhậm chức. Trong cuộc phỏng vấn với ông Bill Reilly của Fox News, khi ông Reilly nói "Putin là một kẻ sát nhân", tổng thống bèn gân cổ lên cãi : "Có rất nhiều kẻ sát nhân. Chúng ta có rất nhiều kẻ sát nhân. Bộ anh tưởng là đất nước của chúng ta vô tội lắm hả?"

Ngoài chuyện vô lý khi đề nghị một sự cân bằng đạo đức giữa cái trò côn đồ của điện Kremlin với hành động của nhiều chính phủ Hoa Kỳ, lời nói của ông đã đưa ra một chỉ dấu chấm dứt một sự khác biệt của Hoa Kỳ, ý tưởng là Hoa Kỳ phải bắt các quốc gia khác tuân theo một tiêu chuẩn đạo đức cao hơn và chính Hoa Kỳ là biểu tượng cho tiêu chuẩn cao quý đó.

Sự ra đi của bà Nikki Haley cũng là một điều đáng ghi nhận. Khi bà rút khỏi chức vụ đại sứ Liên Hiệp Quốc vào cuối năm nay, chính phủ sẽ mất đi một trong những người bênh vực công khai nhất cho các tiêu chuẩn quốc tế.

Không phải bất cứ tội ác quốc tế nào cũng không bị trừng phạt. Hai lần tổng thống đã ra lệnh cho không kích giới hạn vào chính quyền Assad để trả đũa cho việc họ sử dụng vũ khí hạt nhân.

Nhưng tổng thống cũng thường ngần ngại sử dụng những biện pháp trừng phạt với các kẻ vi phạm luật lệ quốc tế. Trong cuốn "Fear", ông Bob Woodward nói là tổng thống đã nổi giận khi các phụ tá thúc đẩy ông trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga và tình nghi gián điệp để trả đũa cho vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Salisbury. Ông muốn một phản ứng giới hạn hơn.

Nó cũng không giúp gì cho đạo đức thế giới khi tổng thống đã tấn công mãnh liệt vào những cơ quan truyền thông đứng đắn nhất của Hoa Kỳ, gọi họ là "kẻ thù của nhân dân". Tờ Washington Post và tờ New York Times là tệ nhất. Cũng vậy, sự tấn công vào báo chí tự do được diễn dịch trên toàn thế giới bởi những nhà độc tài là họ tha hồ đàn áp đối lập.

Thời gian gần đây Hoa Kỳ còn tấn công Tòa Án Hình Sự Quốc tế. Ông John Bolton đã khuyến cáo tòa là nếu họ điều tra Hoa Kỳ hay Israel thì chính phủ sẽ cấm các thẩm phán và công tố viên của tòa vào Hoa Kỳ, chiếm dụng ngân quỹ của họ và đưa họ ra trước tòa án Hoa Kỳ.

Và ngay cả ngành tư pháp Hoa Kỳ nữa. Thật là đáng ngạc nhiên khi thấy lễ tuyên thệ nhậm chức của Thẩm Phán Brett Kavanaugh ở Tòa Bạch Ốc đã trở thành một cuộc meeting chính trị của đảng Cộng Hòa. Chả trách vài vị thẩm phán đã tỏ ra ngượng ngùng trước sự công khai chính trị hóa một tòa án trên nguyên tắc phải đứng trên chính trị.

Và tuần này tổng thống nói đến những kẻ "evil", một chữ mà những vị tiền nhiệm của ông, như Tổng thống Ronald Reagan dùng để chỉ đế quốc Liên Xô, hay Tổng thống George W. Bush gọi Bắc Hàn. Nhưng không phải ông nói đến những kẻ độc hại cho thế giới mà là về những người đã cáo buộc người mà ông đề cử vào Tối Cao Pháp Viện.

Thế ra ngày nay, những lời nguyền rủa mạnh mẽ nhất của tổng thống Hoa Kỳ là dành cho những người mà ông coi là kẻ thù trong nước. Thật đáng buồn Hoa Kỳ không có khái niệm "Đối lập trung thành" bởi vì cái đà này có ngày tổng thống cảm thấy đối lập đáng bỏ tù hết.

Lê Phan

Nguồn : Người Việt, 13/10/2018

Published in Diễn đàn

Trump nói về chủ nghĩa xã hội : giới bất đồng chính kiến 'hả hê' (BBC, 28/09/2018)

Tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm qua, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chỉ trích xã hội chủ nghĩa.

trump1

Ông Trump vừa có cuộc họp báo vào ngày 26/9

Ông đặc biệt dẫn chứng Venezuela, và rằng "chủ nghĩa xã hội đã làm phá sản một quốc gia giàu dầu mỏ và đẩy người dân nước này vào cảnh nghèo đói cơ cực".

"Gần như ở nơi nào mà chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản đã được thử nghiệm, chúng cũng gây ra đau khổ, tham nhũng và mục nát. Cơn khát quyền lực của chủ nghĩa xã hội dẫn đến sự bành trướng, thôn tính và đàn áp".

"Tất cả các quốc gia trên thế giới cần chống lại chủ nghĩa xã hội và sự bần cùng mà nó mang lại cho tất cả mọi người".

Nội dung này trong bài phát biểu không được báo chí Việt Nam đưa tin, tuy nhiên, được giới bất đồng chính kiến liên tục chia sẻ trên mạng xã hội.

Giới bất đồng chính kiến 'hả hê'

"[Giới bất đồng chính kiến] phát điên về ông ấy khi ông ấy nói về chủ nghĩa xã hội", nhà văn Đoàn Bảo Châu nói với BBC 27/9 về bài phát biểu của ông Trump.

"Tôi rất tâm đắc, bởi điều ấy là một sự thật mà cả thế giới đều biết. "

Ông Châu cho rằng giới đối lập chính quyền ở Việt Nam bắt đầu quan tâm đến ông Trump kể khi vị tổng thống Hoa Kỳ phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

"Điều khiến tôi thích Trump là ông ấy có cách tư duy mạch lạc về thương mại, ông ấy nhìn ra được bản chất của [Trung Quốc] và việc đòi lại sự công bằng thương mại cho Mỹ rất tốt".

"Người Việt thích ông Trump bởi ông ấy thể hiện một sự thẳng thắn, mạnh mẽ và thái độ ấy sẽ thay đổi được thế giới tốt hơn. Nếu Mỹ mạnh lên thì sự nguy hiểm của Trung Quốc với thế giới cũng được giảm đi", ông Châu nói.

"Là công dân Việt Nam tôi trân trọng và có phần quý mến ông Trump", Trịnh Bá Phương nói với BBC hôm 27/9.

"Tôi đã đọc toàn văn phát biểu của ông Trump tại Liên Hiệp Quốc, tôi đánh giá cao bài phát biểu này", vì bài phát biểu "lột tả bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, việc ông nêu minh chứng về Venezuela đã cho nhiều người không còn nghi ngờ gì về sự thối nát, tham nhũng, độc tài của những chế độ xã hội chủ nghĩa".

trump2

Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương

Và anh "hoan nghênh" việc ông Trump đang thực hiện những đòn trừng phạt Trung Quốc.

"Trung Quốc là nhà nước độc tài luôn muốn làm bá chủ Biển Đông, và xâm chiếm lãnh hải của Việt Nam ! Sự can thiệp mạnh mẽ của Mỹ tại Biển Đông khiến tôi hi vọng sẽ ổn định lại tình hình, ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc".

Anh Nguyễn Trường Sơn, người phụ trách vận động cho khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), cũng cho rằng :

"Bài phát biểu của ông Trump khiến rất nhiều người trong giới bất đồng chính kiến hả hê, họ sử dụng bài phát biểu của ông ấy để chế nhạo và thách thức chính quyền việt Nam hiện tại".

"Dễ hiểu thôi vì người thường hiếm khi được nghe ý kiến chỉ trích chủ nghĩa xã hội, vốn được Đảng Cộng sản chọn để xây dựng mô hình chính trị. Rất ít khi các chỉ trích xuất hiện trong các bản tin và hệ thống giáo dục tại Việt Nam.

"Mà đặc biệt đây lại là một tổng thống Mỹ, chỉ trích rất công khai trước Liên Hiệp Quốc. Đó là tin sốt dẻo khiến người bình thường cũng phải quan tâm, dù ít hay nhiều".

Ý đồ chính trị

Tuy nhiên, theo anh Sơn, bài phát biểu của ông Trump có mục đích chính trị, và muốn nhắm vào người dân Mỹ hơn người Việt Nam hay các quốc gia chủ nghĩa xã hội.

"Thứ nhất, ông ấy dùng từ administration thay vì nước Mỹ, ông ấy muốn nói đến nội các của ông ấy. Thứ hai, ông ấy chỉ trích chủ nghĩa xã hội, vì ông cho rằng Đảng Dân chủ, đối lập đảng ông ủng hộ chủ nghĩa xã hội".

trump3

Nguyễn Trường Sơn, Tổ chức Ân xá Quốc tế

"Cuộc bầu cử giữa kỳ tại Hoa Kỳ sắp diễn ra, đây là thời điểm rất gay go để chiếm lấy tình cảm của cử tri Mỹ cho nên tôi nghĩ rằng bài phát biểu của ông ấy là thông điệp gửi đến người dân Mỹ và hạ bệ Đảng Dân chủ".

Thêm vào đó, "không khí hả hê" chỉ xảy ra trong nhóm bất đồng chính kiến, chứ không chắc chắn phản ánh được quan điểm cả phần lớn người Việt Nam, anh Sơn nói.

"Vì phần đông dân số Việt Nam, sự quan tâm đến học thuyết chính trị, về chủ nghĩa xã hội là khá mờ nhạt, vì từ chủ nghĩa xã hội nó đi sâu vào tiềm thức người Việt Nam từ mấy đời nay rồi, nhất là với những người sinh sau 1975".

Nhưng dù sao thì "tình cảm của người Việt Nam dành cho Donald Trump rất tích cực" vì sự cứng rắn của ông Trump đối với Trung Quốc.

"Đại đa số người Việt Nam không có thiện cảm với Trung Quốc vì lịch sử phức tạp giữa hai quốc gia cũng như tranh chấp chủ quyền biển đảo đang diễn ra. Nên theo phản xạ tự nhiên, nếu có ai đó thay mặt mình 'trừng trị' một đối thủ trước giờ vẫn hay bắt nạt mình thì mình luôn vui vẻ ủng hộ người đó", anh Sơn nói.

Chính vì vậy, nhiều nhà hoạt động dân sự tại Việt Nam ủng hộ ông Trump bất chấp việc ông luôn bị các nhóm hoạt động dân sự tại Hoa Kỳ chỉ trích mạnh mẽ về các vấn đề như nữ quyền, quyền lợi của LGBT, nạn phân biệt chủng tộc hay vấn đề về môi trường.

Ông Sơn cho rằng giới bất đồng chính kiến ở Việt Nam ủng hộ ông Trump hầu hết vì thái độ của ông ấy với Trung Quốc và cuộc chiến thương mại do ông phát động, vì "coi trọng yếu tố chống Trung Quốc hơn các vấn đề khác".

Về điều này, chính nhà văn Đoàn Bảo Châu cũng thừa nhận rằng :

"Mọi người ghét Trump về những vấn đề ấy nhưng tôi quan tâm nhất tới việc làm sao để nước Mỹ mạnh lên, bởi nước Mỹ là nước tôn trọng dân chủ, nhân quyền. Nước Mỹ cần phải thật mạnh để giúp thế giới này chống lại Trung Quốc".

****************

Trump kêu gọi chống chủ nghĩa xã hội, người Việt ‘thấm thía’ và ‘mong thành hiện thực’ (VOA, 27/09/2018)

Trong cả bài din văn dài hơn 3500 t mà Tng thng Hoa Kỳ Donald Trump đc trước Đi hi đng Liên Hip Quc hôm 25/9, đon phát biu kêu gi các nước trên thế gii "chống li ch nghĩa xã hi và nhng đau kh mà nó đã gây ra cho mi người" đã thu hút s chú ý đc bit ca người Vit Nam. Mt s người nói vi VOA rng h ng h và mong ý tưởng ca Tng thng M sm tr thành hin thc, vì "hơn ai hết, chúng tôi rt thm thía nỗi kh mà chủ nghĩa xã hội gây ra cho người dân".

trump4

Một người ph n đi bên cnh bc tường mang biểu tượng ca Đng Cng sn trên mt con ph Thượng Hi, Trung Quc.

Đơn c trường hp Venezuela, Tng thng Donald Trump nói đây là mt "bi kch ca nhân loi" vi "hơn 2 triu người trn chy khi đt nước vì chế đ xã hội chủ nghĩa Maduro và s hu thun ca Cuba".

"Cách đây không lâu, Venezuela là một trong nhng quc gia giàu nht thế gii. Ngày nay, ch nghĩa xã hi đã gây phá sn quc gia du m và khiến người dân rơi vào cnh nghèo đói", Tng thng M nói trong bài phát biu Liên Hip Quc.

Ông cho rằng vic "th nghim" chủ nghĩa xã hội đã "tạo ra đau kh, tham nhũng và phân rã", đng thi kêu gi "tt c các quc gia trên thế gii nên chng li ch nghĩa xã hi và đau kh mà nó gây ra cho mi người".

Phần phát biu này ca ông Trump đã gây chú ý đc bit đi vi người dân đang sng mt trong số ít i các quc gia vn đang theo chủ nghĩa xã hội là Vit Nam.

Nhà báo tự do Võ Văn To Nha Trang nói vi VOA rng ông mong ý tưởng ca ông Trump "tr thành hin thc" và "được c thế gii ng h", mc dù ông tha nhn lâu nay "không my cm tình vi ông Donald Trump" vì cho rằng ông ch là mt thương gia, không phi là chính tr gia và cũng không quan tâm ti nhân quyn.

"Nhưng din văn hôm qua ca ông khiến tôi hết sc bt ng. Là mt người dân quc gia tuyên b đi theo chủ nghĩa xã hội c na thế k nay, hơn ai hết, chúng tôi chịu nhiu cay đng và rt thm thía ni kh mà chủ nghĩa xã hội gây ra cho người dân", ông To nói.

Từ Hà Ni, blogger-nhà hot đng Nguyn Chí Tuyến cũng chia s quan đim ca ông To. Ông Tuyến nói ông không mun gii thích "dài dòng" lý do ông ng h ông Trump, nhưng "nếu ai đã tng sng dưới mt chế đ như chế đ chúng tôi đang sng thì s hiu".

Trên mạng xã hi, nhiu người Vit Nam gi li "cm ơn ông Trump" v "ý tưởng tuyt vi" này. Thm chí, Facebooker Tuyết Hoàng còn nguyn "ly mt phn tui th của tôi trao cho ông y".

Theo phân tích của nhà báo Võ Văn To, mc dù mang tiếng là quc gia theo chủ nghĩa xã hội, nhưng trên thc tế, Vit Nam và Trung Quc đã "xa ri" mô hình đã được Quc tế Cng sn đnh nghĩa t lâu, "ch còn gi mi đc đim đu tiên là đc quyền Đng Cng sn cai tr thôi, nhng cái khác thì đã xóa hết ri".

"Cũng may mắn cho hai dân tc ca hai quc gia này vì ban lãnh đo đã xa ri bt ch nghĩa xã hi, ch không thì cũng gay go", nhà báo Võ Văn To nói.

Ngoài ra, theo nhà báo Việt Nam, quan điểm tp trung ngun lc cho các doanh nghip nhà nước cũng là mt yếu t đang "phá hoi rt ln" nn kinh tế Vit Nam.

Ông nói : "Ở Vit Nam, đã có nhng bài hc đau đn v Vinashin, Vinalines, bt c Vina nào h r đến đu b thâm thng hàng trăm, hàng nghìn t. Thế nhưng đng Cng sn Vit Nam vn c ch trương kinh tế nhà nước làm ch đo thì cái đó phá hoi sc sn xut rất ghê gm".

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, mt nhà quan sát và vn đng cho xã hi dân s ti Vit Nam, li cho rng Vit Nam ch mang v bc chủ nghĩa xã hội, còn t lâu đã là mt nn kinh tế tư bn ch nghĩa.

"Ở Vit Nam, người ta đã b cái đó 30 năm nay ri. Thc s nếu xét các hoạt đng kinh tế ca Vit Nam bây gi thì Vit Nam đã là mt nn kinh tế tư bn ch nghĩa, ch có điu không phi là nn kinh tế tư bn ch nghĩa hin đi, mà còn đang trong thi kỳ quá đ rt đau kh đ tiến lên ch nghĩa tư bn hin đi mà thôi"

Trong một thư ng gn đây gi Ch tch nước Trn Đi Quang, người va qua đi vài ngày trước, Giám mc Công giáo Hoàng Đc Oanh cm thán than : "Sao Vit Nam kh thế ! Mi th xung cp, c đo đc ! Người người vô cm vi nhau ! Mạng người r như bèo ! Bnh tt nhiu, ung thư nhiu ! Chết nhiu ! Tù nhiu ! Như ci cách rung đt 1956 ? Như Mu Thân 1968 ? Ri 1975 ? Mt mát nhiu đến thế ! Do đâu ?"…

Ông đề ngh các lãnh đo Vit Nam hãy "b cái đuôi ‘đnh hướng theo chủ nghĩa xã hội’" đ tháo g mọi vấn đ và giúp đt nước phát trin.

"Bởi vì như ông Tng bí thư Nguyn Phú Trng tng nói ‘đến cui thế k này cũng chưa biết chủ nghĩa xã hội đi ti đâu, thành hình như thế nào’, mà bây gi mình mông lung như vy", Giám mục Hoàng Đc Oanh nói vi VOA.

Theo nhà báo Võ Văn Tạo, mc dù có nhiu người, đc bit là gii trí thc, Vit Nam ng h ý tưởng b chủ nghĩa xã hội, nhưng mt s đông vn hài lòng và yên phn vi tình trng hin ti vì đi sng kinh tế đã được ci thin nhiu so vi trước đây.

Ông phân tích thêm : "Rõ ràng phải công nhận so vi nhng năm 1980 thì đi sng Vit Nam tt hơn, nhưng so vi tim năng ca Vit Nam thì rt lãng phí. Đáng l Vit Nam phi là quc gia dn đu Đông Nam Á và ngang nga Nht Bn, vượt Hàn Quc na, ch không phi như bây gi vi bình quân thu nhập tính trên đu người mi hơn 3.000 đôla, theo thng kê ca nhà nước Vit Nam".

Phát biểu "chng ch nghĩa xã hi" ca ông Trump cũng rt được quan tâm ti Trung Quc, láng ging "4 tt" ca Vit Nam.

Khi được yêu cu bình lun v phát biu ca Tng thống M trong cuc hp báo Bc Kinh hôm 26/9, phát ngôn viên Cnh Sng ca B Ngoi Giao Trung Quc nói rng "Mi quc gia đu có quyn chn con đường phát trin và h thng xã hi phù hp vi mình", và cho rng vic "to ra s thù đch và đi đu" da trên khác biệt v ý thc h là đc đim ca thi Chiến tranh Lnh.

Việt Nam hin vn chưa có phn ng hay bình lun gì v phát biu ca Tng thng Mỹ.

Khánh An

*******************

Kiên định chủ nghĩa xã hội : Chỉ còn là chiếc áo khoác cho quyền lực của một chế độ (RFA, 27/09/2018

Cụm từ "Kiên định Chủ nghĩa Xã hội" hoặc tương tự, "trung thành với đường lối Cách Mạng" vài ngày gần đây được nhắc đến khác nhiều từ những người lãnh đạo cấp cao của các nước xã hội chủ nghĩa còn lại trên thế giới, trong đó, lẽ đương nhiên, có Việt Nam.

trump5

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng bí thư nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội năm 2017 - AFP

Những lời khẳng định này thể hiện điều gì trong tư tưởng lãnh đạo quốc gia và chính sách phát triển quốc gia trong giai đoạn toàn cầu hoá hiện tại ?

Chứng tỏ sự bảo thủ

Một lần nữa, chính ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến cụm từ "Kiên định Chủ nghĩa xã hội" trong bài điếu văn cho cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang hôm thứ Năm, 27 tháng 9.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống, nguyên Trưởng khoa Xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội khẳng định cùng RFA :

"Ông Trọng từ trước đến nay vẫn nổi tiếng là người bảo thủ, là người kiên định chủ nghĩa xã hội, kiên định Chủ nghĩa Mác – Lênin. Có cái dịp nào nói được là ông ấy cứ nói ra thôi, để khẳng định với toàn dân đấy là con đường kiên định ông ấy đi như thế, nhân dân đừng hy vọng vào việc đổi mới gì cả".

Lần này, tại đám tang của cố Chủ tịch Trần Đại Quang cũng thế, theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, cũng chính là một dịp để toàn dân thấy rõ sự bảo thủ của ông Tổng bí thư.

Không chỉ riêng Giáo sư Nguyễn Đình Cống có ghi nhận về việc rất nhiều lần cụm từ "kiên định xã hội chủ nghĩa" được ông Tổng bí thư sử dụng, mà nhà văn, blogger Nguyễn Tường Thụy cũng có cùng quan điểm. Đặc biệt, ông nhấn mạnh cột mốc thời gian là từ lúc ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư cho đến giờ.

"Ổng nói là theo thói quen chứ còn phân tích rằng tại sao phải kiên định theo chủ nghĩa xã hội thì ông ấy cũng không phân tích được. Tôi nghĩ như vậy".

Nhớ lại cách đây 2 năm, ngay từ ngày khai mạc Đại hội Đảng lần thứ 12, hãng tin AFP từng đưa tin cho biết ông Nguyễn Phú Trọng, được xem là một người thân Bắc Kinh đã phát biểu rằng, con đường Xã hội Chủ nghĩa vẫn phù hợp cho thực tế ở Việt Nam.

trump6

Karl Marx, người kiên định với định luật : Đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội. AFP

Đó là chuyện nước nhà. Về chuyện của thế giới thì cũng vô tình, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba ông Miguel Diaz-Canel khẳng định tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khoá 73 rằng sự thay đổi thế hệ trong Chính phủ Cuba "chỉ là sự tiếp nối, không phải là cắt đứt".

Báo trong nước còn trích dẫn thêm lời nhấn mạnh của ông : "bất chấp sự bao vây phong toả của Mỹ, cách mạng Cuba vẫn sống động và mạnh mẽ, trung thành với đường lối cách mạng".

Cũng xin nhắc thêm, vào cuối tháng 7 vừa qua, Quốc hội Cuba đã thảo luận dự thảo Hiến pháp mới trong đó không có Chủ nghĩa Cộng sản mà chỉ khẳng định "tập trung vào chủ nghĩa xã hội".

Chỉ còn ý nghĩa ở "Quyền lực"

Câu hỏi được đặt ra những lời phát biểu "như đinh đóng cột" của ông Tổng bí thư Việt Nam cũng như lời khẳng định của ông Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba có thật sự phù hợp đúng với thực tế phát triển trong quốc gia của họ hay không ?

Theo ý kiến của Giáo sư Nguyễn Đình Cống dành cho RFA thì lời nói đó chỉ đúng một phần, thể hiện chiếc áo khoác bên ngoài của một chế độ.

"Theo như ông Trọng nói và cũng như đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, người ta kiên định chủ nghĩa xã hội thì người ta chỉ kiên định phần chính trị thôi, kiên định cái phần bảo vệ quyền lợi của Đảng thôi, kiên định đường lối đấu tranh giai cấp, kiên định đường lối chuyên chính vô sản thôi. Còn về những mặt khác thì không có nữa đâu".

Một ví dụ cho những mặt khác đó được Giáo sư Nguyễn Đình Cống nhắc đến đó là vấn đề kinh tế. Ông nhấn mạnh "làm gì có chủ nghĩa xã hội nữa"

"chủ nghĩa xã hội nói rằng không phát triển kinh tế tư nhân nhưng bây giờ thì phát triển kinh tế tư nhân. Như thế còn gì là ‘xã hội’ nữa ? Thành ra chủ nghĩa xã hội mà ông Trọng nói là phải hiểu rằng, đấy là ổng muốn duy trì quyền lực của Đảng. Thế thôi ! Chứ còn nói rằng chủ nghĩa xã hội mà theo những vấn đề của Marx thì không thấy nữa".

Với quan sát và nhận định của Giáo sư Nguyễn Đình Cống, Việt Nam bây giờ chỉ là Công sản hình thức. Và sự tồn tại của Cộng sản Việt Nam hiện nay chỉ với mục đích duy nhất là bảo vệ quyền lợi và độc quyền của những người trong Đảng. Thực tế, cái gọi là chủ nghĩa xã hội hoàn toàn không tồn tại.

Đây cũng chính là ý kiến của nhà văn/blogger Nguyễn Tường Thụy chia sẻ với RFA.

"Chủ nghĩa Cộng sản ở VN, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đâu có còn theo nguyên lý của chủ nghĩa Marx nữa đâu. Có những cái nguyên lý người ta đã bỏ hết cả rồi. Bây giờ người ta chỉ còn giữ lại cái của chủ nghĩa Marx là một chế độ chuyên chính vô sản, một chế độ độc trị độc quyền, độc đảng của chủ nghĩa Marx mà thôi chứ không phải là họ giữ chủ nghĩa Marx.

Còn về mặt kinh tế xã hội người ta bỏ qua hết rồi".

Nhấn mạnh thêm, ông kết luận "kiên định chủ nghĩa xã hội" chỉ còn ý nghĩa đối với họ chỉ còn ở chỗ là "Quyền lực".

Như thế, nói một cách đơn giản, phải chăng cụm từ "kiên định chủ nghĩa xã hội" là thể hiện một sự cố chấp bảo vệ quyền lực của một chế độ độc đảng hay không ? Nhà văn/blogger Nguyễn Tường Thụy đồng tình, thậm chí bày tỏ thêm quan điểm của ông là :

"Không có một ông đảng viên nào, đặc biệt là ở Bộ Chính trị, Ban chấp hành TW, Ban lãnh đạo, chắc kể cả ông Trọng cũng không tin vào chủ nghĩa xã hội, nhưng cứ rao như vậy để cũng cố vị trí quyền lực của các ông ấy. Chứ bây giờ không bám vào chủ nghĩa xã hội thì bám vào cái gì ?"

‘Nơi nào còn chủ nghĩa xã hội, nơi đó nghèo nàn lạc hậu’

Một sự vô tình rất thú vị, khi tại Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Việt Nam là quốc gia kiên định chủ nghĩa xã hội, thì ngay tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 25/9, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có một bài diễn văn làm "bùng nổ" cộng đồng mạng Việt Nam, khi ông kêu gọi các nước trên thế giới "chống lại chủ nghĩa xã hội và những đau khổ mà nó đã gây ra cho mọi người".

Như thế, liệu lời phát biểu của Tổng thống Donald Trump gây "phấn khích" cho dư luận những ngày qua có phải là một quan ngại cho Việt Nam trong bước đường hội nhập toàn cầu hoá hay không ?

Để trả lời câu hỏi này, blogger Nguyễn Tường Thụy nói về hệ quả của sự tồn tại của chủ nghĩa xã hội :

"Nơi nào có chủ nghĩa xã hội là ở nơi đấy nghèo nàn, lạc hậu. Ngay cả bây giờ, khi mà chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu bây giờ đã thay đổi sang thể chế dân chủ rồi, thì người ta nghĩ về thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các quốc gia này người ta vẫn còn kinh hoàng".

Trong một bài bình luận của ông, ông có viết rằng : "Sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa vào thập niên cuối của thế kỷ trước là quá ngoạn mục. Sự phá sản của chủ nghĩa Mác là một thực tế trông thấy".

Nhà Triết học người Úc Peter Singer, cũng là Giáo sư khoa Đạo Đức Học ở Đại học Princeton, Melbourne nêu rõ về tư tưởng Marx, do nhà biên dịch Nguyễn Huy Hoàng chuyển ngữ : "Những thất bại của chủ nghĩa cộng sản chỉ ra một lỗ hổng sâu sắc hơn : Cái nhìn sai lầm của Marx về bản chất con người".

Cát Linh

Published in Quốc tế
mardi, 18 septembre 2018 23:12

Trump đang làm nước Mỹ nhỏ lại ?

Ngày 1/9/2018, khi làm lễ truy điệu cho Thượng nghị sĩ John McCain tại Washington National Cathedral, trước sự hiện diện của khoảng 3.000 quan khách, cô Meghan McCain, con gái của Thượng nghị sĩ McCain đã nói : "Nước Mỹ không cần phải được làm cho vĩ đại trở lại, bởi vì nước Mỹ luôn luôn vĩ đại". 

McCain

Meghan McCain nói : "Nước Mỹ không cần phải được làm cho vĩ đại trở lại, bởi vì nước Mỹ luôn luôn vĩ đại" - Ảnh Wbur News

Còn Giáo sư Danielle Allen, một nhà nghiên cứu về lý thuyết chính trị của Đại học Harvard viết trên tờ Washington Post : "Ngày này qua ngày khác, Trump đang làm cho nước Mỹ nhỏ hơn".

Bình luân gia Gilbert Schramm cũng viết tương tự : "Từ tuần này qua tuần khác, chúng ta thấy đất nước chúng ta trở thành nhỏ hơn" (Week after week we watch our country become smaller)...

Nhưng hôm 15/08/2018, Donald Trump đã ca cải lương trên Twitter : "Tôi đã làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, chỉ cần nhìn vào thị trường vốn, tỷ lệ thất nghiệp, lực lượng vũ trang và chúng tôi sẽ còn làm tốt hơn nữa". 

Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund, viết tắt IMF) và Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (Congressional Budget Office, viết tắt là CBO), một cơ quan liên bang độc lập thuộc Quốc hội Hoa Kỳ, lại công bố những tài liệu cho thấy những gì mà Donald Trump đã khoe khoang về phát triển kinh tế dưới thời ông là không đúng với sự thật và có khi còn trái ngược lại. IMF nói rằng biện pháp áp thuế của Trump có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại dến 430 tỷ USD.

Về đối nội, Trump đã làm nợ công và thâm hụt ngân sách Mỹ ngày càng trở nên trầm trọng. Về đối ngoại, với chính sách áp thuế, Trump đã gây rối loạn trên thế giới và thiệt hại cho Hoa Kỳ. Các đồng minh lâu đời của Mỹ đã tách ra khỏi Mỹ, còn các đối thủ của Mỹ lại củng cố và phát triển thế lực để bành trướng và tranh giành chỗ đứng của Mỹ trên thế giới.

Tự nhận là công của mình

Theo công bố của Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết hôm 27/07/2018, mức tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm nội địa) của tam cá nguyệt thứ nhì là 4,1%, so với tam cá nguyệt thứ nhất chỉ có 2,2%. Donald Trump ca cải lương ngay : "Đã có tiên đoán từ trước là 3,8% đến 5,3% - không ai nghĩ là tốt đẹp đến thế...".

Hôm 3/8/2018, Bộ Lao động cho biết tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 4% xuống còn 3,9%. Tỷ lệ này đã giảm xuống gần tới 3,8% vào tháng 5 vừa qua, một mức thấp nhất trong 18 năm. Tổng thống Trump đắc thắng phát biểu trong một hội nghị tại Texas : "Tỷ lệ thất nghiệp như chúng ta thấy ngày hôm nay lần đầu tiên nằm dưới mức 4% kể từ đầu thế kỷ 21".

1. Tranh luận về những con số

Từ ngày nhận chức đến nay, Trump chưa đưa ra một kế hoạch nào có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của Mỹ, ngoại trừ biện pháp cắt giảm thuế cho nhà giàu. Ông cho rằng biện pháp đó sẽ làm cho kinh tế Mỹ tăng trưởng, nhưng các chuyên gia về kinh tế chẳng ai tin điều đó và giả sử như có, thì cũng phải mất ít nhất năm hay bảy năm nữa mới có.

Tất cả những diễn biến kinh tế hiện nay đều chỉ là "di sản" của kế hoạch "Nới lỏng định lượng" (Quantative Easing) với khoảng 7.500 tỷ USD mà Cục Dự trữ Liên Bang (FED) và Tổng thống Obama đã đưa ra để cứu vãn nền kinh tế Mỹ sắp sụp đổ dưới thời Tổng thống Bush (2007-2009). Các chuyên gia cho rằng mức phát triển hiện nay là giai đoạn cuối của chu kỳ.

Một viên chức cao cấp của Tòa Bạch Ốc đã viết trên tờ New York Times hôm 6/9/2018 rằng các mục tiêu đang đạt được mặc dù có Trump, chứ không nhờ Trump.

Về sự gia tăng của GDP ở quý hai năm nay là 4,1% được Trump ca tụng là "tốt đẹp đến thế". Nhưng nhìn vào bản tổng kê về sự thăng trầm của GDP từ 2010 đến 2018 vừa được công bố, chúng ta hấy rằng ngay dưới thời Tổng thống Obama, có lúc GDP đã sụt xuống còn 0,5% nhưng cũng có lúc đã tăng lên đến 5,5% (2010) hay 5,6% (2014), v.v.

my2

Sự tăng giảm của GDP từ 2010 đến 2018 - MSN.com

Các chuyên gia nói rằng sở dĩ GDP quý 2 năm nay tăng cao hơn quý 1 là vì nông gia Mỹ đã vội bán đậu nành để tránh biện pháp áp thuế mới của Trump sắp áp dụng. GDP trung bình cuối năm rồi cũng chỉ khoảng 3%.

Tỷ lệ thất nghiệp trước đây cũng có lúc đã tăng đến 10%, nay hạ xuống còn 3,9%, nhưng theo các chuyên gia, đó là một dấu hiệu của lạm phát sắp xảy ra. Trong cuốn "Đánh đổi giữa lạm phát và thất nghiệp", (Trade-Off between Inflation and Unemployment), kinh tế gia A.W. Phillips cho biết có thể mua một mức độ thất nghiệp thấp hơn nếu sẵn sàng trả giá bằng một tỷ lệ lạm phát cao hơn.

Dự trù lạm phát từ 2% đầu năm nay, sẽ tăng lên 2,1% ở cuối năm và 3% vào năm 2020. Nhưng cũng có tài liệu cho biết mức lạm phát hiện nay đã lên đến 2,9%, một mức cao nhất trong vòng 6 năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008.

Lãi suất dưới thời Obama là 0%. Vì sự gia tăng lạm phát nói trên, FED đã phải tăng lãi suất 7 lần để làm giảm khối lượng tiền tệ lưu hành, tránh lạm phát xảy ra. Sau khi nâng lãi suất thêm 0,25% vào ngày 13/06/2018, lãi suất hiện nay là 1,75% - 2%.  

2. Trump muốn đối đầu với FED

Trump chẳng hiểu gì về điều hành kinh tế, nên ông đã chỉ trích FED về gia tăng lãi suất. Hôm 20/08/2018 ông nói : "Tôi không hài lòng với việc ông ấy (Jerome Powell) tăng lãi suất. Tôi không hài lòng. FED nên hỗ trợ tôi phần nào". Trump nói sẽ chỉ trích FED nếu cơ quan này tiếp tục tăng lãi suất.

Đài VOA của Mỹ cho rằng trong những thập niên vừa qua, các Tổng thống Mỹ hiếm khi phê phán FED bởi vì FED là cơ quan độc lập, có nhiệm vụ làm cho nền kinh tế Mỹ ổn định. Ông Trump đã tách mình ra khỏi truyền thống này và nói rằng ông sẽ không né tránh chỉ trích nếu FED tiếp tục nâng lãi suất.

Dĩ nhiên, FED cũng chẳng quan tâm đến những phê phán của ông, vì FED hành động vì quyền lợi của nước Mỹ chớ không vì ý muốn của bất cứ tổng thống nào. Lãi suất có thể sẽ được FED tăng thêm 2 lần trong năm nay và 3 lần trong năm 2919.

Làm nợ công và thâm thủng ngân sách tăng cao

1. Nợ công Mỹ gia tăng mạnh

Giữa tháng 2/2018, Tổng thống Trump đã ký quyết định tăng nợ trần. Quyết định này có hiệu lực vào đầu tháng 3 và đã đẩy mức nợ công thêm 1.000 tỷ USD, chạm ngưỡng 21.000 tỷ. Cho đến ngày 15/3, tổng số nợ công đã đạt mức 21.031 tỷ USD.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) hồi tháng 6 đã vẽ ra một bức tranh ảm đạm về tình hình tài chính Mỹ khi dự báo nợ công của nước này đang tiến tới mức cao nhất trong lịch sử và nhiều khả năng sẽ tăng mạnh trong 30 năm tới. Theo CBO, nợ công của chính phủ liên bang sẽ ở mức 78% GDP trong năm tài chính này, mức cao nhất trong gần 70 năm, trước khi lên tới 152% vào năm 2028.

Ông Keith Hall, Giám đốc CBO, nhận định nguy cơ nợ công tăng cao gây rủi ro lớn cho Mỹ và đặt ra những thách thức đáng kể đối với những nhà hoạch định chính sách. Chẳng hạn, nợ công có thể khiến Mỹ gặp khó khăn hơn khi đối phó với một cuộc khủng hoảng tài chính thông qua giảm thuế hoặc tăng chi tiêu ngân sách.

2. Gia tăng thâm hụt ngân sách

Theo thông báo của Bộ Tài chính Mỹ, thâm hụt ngân sách tài khóa năm 2016 của chính quyền Obama, kết thúc ngày 30/9 ở mức 587 tỷ USD, đã tăng lên 666 tỷ USD năm 2017 và sẽ vượt thu tới 804 tỷ USD trong năm 2018. Trong năm 2019, số thâm hục sẽ lên tới 981 tỷ USD.

Những người chỉ trích chính sách kinh tế của Trump nói rằng khoản thâm hụt ngân sách này là kết quả của gói giảm thuế trị giá 1.500 tỷ USD mà Tổng thống Trump đưa ra cho Quốc hội thông qua hồi tháng 12 năm ngoái. Ông Trump đã phản bác lại rằng việc cắt giảm thuế này sẽ có tác dụng cân bằng lại ngân sách khi sự tăng trưởng của kinh tế Mỹ được củng cố trong những năm kế tiếp.

Nhưng CBO cho biết thâm hụt ngân sách của nước này sẽ vượt 1.000 tỷ USD vào năm 2020 do việc cắt giảm thuế và tăng chi tiêu. Khi bị chỉ trích về thâm hụt ngân sách quá lớn, ông Trump nói : "Chúng ta sẽ có quân đội mạnh nhất mà chúng ta từng có. Chúng ta chăm lo cho quân đội theo cách chưa từng có trước đây".

Để giảm bớt các chỉ trích về chi tiêu, Trump đã cho cắt giảm gần 15 tỷ USD tiền của Chính phủ chưa sử dụng cho bảo hiểm y tế của trẻ em và các chương trình khác, tức lấy của nhà nghèo đem cho nhà giàu.

Làm cho nước Mỹ nhỏ lại

Sau khi chế độ Liên Xô sụp đổ và chiến tranh lạnh chấm dứt, thế giới lưỡng cực trở thành đơn cực, một mình Hoa Kỳ lãnh đạo thế giới. Nhưng từ khi Donald Trump lên nắm chính quyền và áp dụng chính sách "Nước Mỹ trước hết" (America first), nước Mỹ bắt đầu nhỏ lại dần.

1. Thâm hụt mậu dịch : công cụ của Mỹ

Về thương mại, Trump đã coi thâm hụt mậu dịch như là một hình thức "ăn cắp" của Hoa Kỳ và đòi phải trả lại công bằng. Mặc dầu các chuyên gia đã giải thích cho ông biết trong bang giao và thương mại quốc tế, thâm hụt mậu dịch còn mang nhiều ý nghĩa khác, nên từ lâu Hoa Kỳ đã khai thác nó để giữ vững vai trò lãnh đạo thế giới và đem về cho Hoa Kỳ những mối lợi to lớn.

Một thí dụ cụ thể : Thâm hụt mậu dịch giữa Việt Nam và Mỹ 2017 lên đến -38,3 tỷ USD. Khi tranh cử, Trump liệt Việt Nam vào danh sách các nước bị đánh thuế nặng. Nhưng sau khi đắc cử, các chuyên gia khuyến cáo, nếu bị đánh thuế nặng Việt Nam sẽ bỏ Mỹ và đứng hẳn về phía Trung Quốc, Mỹ sẽ mất luôn cả vùng Đông Nam Á, nên họ đã không cho Trump tăng thuế Việt Nam. 

Trung Quốc là nước có thặng dư mậu dịch với Mỹ lớn nhất, nhưng hiện có hàng trăm công ty Mỹ đang đầu tư tại Trung Quốc, sản xuất vô số hàng Mỹ "Made in China" với giá rẻ để bán tại thị trường nội địa có trên 1 tỷ dân, bán ra các nước Châu Á và bán về Mỹ..., hàng năm đưa về cho nước Mỹ những khoản lợi tức lớn. Nếu đem các công ty này về sản xuất tại Mỹ với hàng giá cao hơn nhiều, ai sẽ mua loại hàng đó ? 

2. Biến đồng minh thành kẻ thù

Trong cuộc phỏng vấn của CBS News ngày 15/07/2018 tại Helsinki Donald Trump đã tuyên bố rằng Liên Âu là kẻ thù (I think the European Union is a foe) và cho rằng "họ thực sự đã lợi dụng chúng tôi", vì thâm thùng mậu dịch với Liên Âu khá lớn.

Ngày 31/05/2018 Chính quyền Trump tuyên bố sẽ áp thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Châu Âu, Canada và Mexico kể từ ngày 1/6. Hôm 2/7/2018, Liên Hiệp Châu Âu (EU) cảnh báo rằng 300 tỷ USD hàng hóa Mỹ sẽ bị áp thuế trả đũa trên toàn cầu nếu Tổng thống Trump thực thi lời đe dọa dựng hàng rào thuế quan đối với xe hơi nhập khẩu vào Mỹ và cho biết sẽ đưa nội vụ ra trước Tổ chức Thương mại thế giới (WHO). Cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Liên Âu bắt đầu.

Ông Joschka Fisher, cựu ngoại trưởng Đức, đã tuyên bố : "Rốt cuộc thì Châu Âu phải trở thành một thế lực độc lập".

3. Đồng minh và đối thủ kết hợp chống Trump

Khi Donald Trump gọi Liên Âu là kẻ thù và ăn cắp của Mỹ, Liên Âu phải đi tìm đối tác khác để làm ăn, Nga nhảy vào liền. Trước hết, Liên Âu gia tăng về nhập khẩu khí đốt từ Nga. Hiện nay, Nga đang xây dựng hai dự án ống dẫn để đưa khí đốt từ Nga đến các nước Liên Âu.

- Dự án thứ nhất là "Dòng chảy Phương Bắc 2" (North Stream 2) dài hơn 1.200 km, sẽ đưa vào hoạt động cuối năm 2019. 

- Dự án thứ hai có tên là "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" gồm hai nhánh với công suất 15,75 tỷ m3 nhánh/năm.

Nhánh thứ nhất cung cấp khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2018. Nhánh thứ hai cung cấp cho các nước Nam Âu và Đông Nam Âu sẽ hoạt động năm 2019. Theo Ủy ban Châu Âu (EC), hiện nay Liên Âu đang nhập khẩu 69% khí đốt để đáp ứng nhu cầu của mình, trong đó có 37% nhập khẩu từ Nga, 33% từ Na Uy và 11% từ Algeria.

Về thương mại, Đức đứng dầu trong việc phát triển thương mại với Nga. Số liệu của Cục Thống kê Liên bang Đức công bố ngày 5/3/2018 cho thấy sau khi Trump gây chiến, ngoại thương của Đức với Nga đã tăng trưởng mạnh. Trong năm 2017, Đức xuất khẩu số hàng hóa trị giá 25,9 tỷ euro sang Nga, và nhập khẩu gần 32 tỷ euro từ Nga.

Tại Châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc đã âm thầm đứng lên thay thế Mỹ. So với Donald Trump, Tập Cận Bình là con cáo già, còn Trump chỉ là con cừu non háu đá. Các nhà phân tích cho biết trước những tuyên bố áp thuế của Trump, Tập Cận Bình có 5 phương cách hữu hiệu để chống lại, trong đó có biện phá giá đồng nhân dân tệ và bán trái phiếu nợ Mỹ trên thị trường, nhưng Tập Cận Bình chỉ phản ứng giới hạn để tình hình đừng trở nên quá nghiêm trọng. Trong khi đó, Tập đi tiếp thu các thị trường trong vùng đang bị Trump đe dọa trừng phạt và mở rộng thị trường mới.

Hiện nay, hầu hết các nước trong vùng Đông Nam Á đã bỏ Mỹ đi theo Trung Quốc như Philippines, Mã Lai, Brunei, Lào, Cambodia, Thái Lan, Miến Điện, Bangladesh và Sri Lanka, còn Việt Nam và Indonesia chơi trò bắt cá ba tay. Trung Quốc đã bỏ ra 1.000 tỷ USD để xây dựng hạ tầng cơ sở nối liền Nam Châu Á qua Ấn Đô Dương, tới Trung Đông và Châu Phi. Ngày 3/9/2018 vừa qua, 53 lãnh đạo Châu Phi đã đến dự thượng đỉnh "Diễn đàn hợp tác Trung Quốc – Châu Phi" lần thứ 7 tại Bắc Kinh. Trung Quốc nay đang trở thành cường quốc số 1 ở Châu Phi.

Trump đang gây thiệt hại

Hôm 12/9/2018, hơn 60 tập đoàn công nghiệp Mỹ tuyên bố thành lập một liên minh nhằm công khai phản đối chính sách của Trump được cho là gây hậu quả vượt xa so với dự kiến. Đa số thành phần của Liên Hiệp là các công ty hàng đầu như ExxonMobil, Chevron, Hiệp hội Các tập đoàn bán lẻ Mỹ như Amazon, Macy Walmart, Target, Autozone, v.v. Liên minh cho rằng chính sách áp thuế của Trump đã làm căng thẳng thương mại leo thang, sẽ gây phương hại cho các doanh nghiệp Mỹ.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định trong một báo cáo ra ngày 16/07/2018 : "Căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 430 tỷ USD, trong đó Mỹ 'đặc biệt dễ tổn thương' nếu cuộc chiến tranh thuế quan leo thang xa hơn".

Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế, bà Christine Lagarde phát biểu rằng trong cuộc chiến thương mại xuất phát từ tăng thuế nhập khẩu, không ai là người chiến thắng, và nhìn chung cả hai bên đều thua.

Ngày 17/9/2018

Lữ Giang

Published in Diễn đàn

Thương chiến Mỹ -Trung đã sang hồi 2, và đúng với phương án hai mà các học giả Trung Quốc dự đoán, theo một nhà báo từ Bắc Kinh nói với tôi.

soi1

Ông Trump nghĩ gì khi đứng ở Tử Cấm Thành hồi thăm Bắc Kinh tháng 11/2017 ?

Tôi quen anh bạn người Giang Tô trong một lần đến giảng tại trường cũ là Goldsmiths College, University of London.

Chen Zhiqun (Trần Chí Quân) học một năm lấy bằng thạc sỹ ngành global communications ở Anh rồi về nước làm việc.

Nay anh quay lại cùng làn sóng bành trướng sang Châu Âu của truyền thông Trung Quốc, và làm sub-editor cho một trang tin song ngữ Anh-Hoa.

Gặp lại nhau, chúng tôi chia sẻ chuyện trường cũ rồi tất nhiên là không thể tránh khỏi nói về cuộc thương chiến Mỹ - Trung.

Chen cũng hỏi tôi về Brexit, về chuyện EU và Trung Quốc.

Tôi bảo Chen" nói về Anh Quốc thì bạn cứ tạm quên đi, chừng nào cái đống mess về Brexit này xong đã", và tôi nói thêm, "mà cũng chưa biết bao giờ nó xong".

Khả năng cao là sẽ khó có thỏa thuận gì cụ thể trong năm nay mà sẽ là đi từ 'chuyển tiếp' này sang 'chuyển tiếp' khác.

Bà Theresa May sẽ cố tại vị đến tháng 3/2019 và khi Anh không còn trong EU nhưng vẫn có 21 tháng 'transition' thì ai lên thay bà sẽ phải lo có một 'deal'.

Chen hỏi tôi :

"Anh đã sống ở nhiều nước Châu Âu vậy cho tôi biết tại sao họ không thích Trung Quốc ? Đầu tư vào Hy Lạp để cứu kinh tế của họ cũng có người phản đối, bỏ tiền vào Ba Lan, Hungary cũng có kẻ ghét, vì sao thế, hay là họ phân biệt chủng tộc (racist) ?".

Tôi nghĩ một lúc rồi đáp và bảo Chen là đây chỉ theo trải nghiệm riêng thôi :

"Người Châu Âu, không kể các nhóm bài ngoại, cực hữu đang nổi lên, thì đa số là thân ái, tôn trọng công bằng, có tinh thần dân chủ, và không phân biệt chủng tộc như chúng ta hiểu ở Châu Á".

"Nhưng họ có vấn đề cố hữu là phân biệt và tự tôn văn hóa".

Chen ngạc nhiên :

"Nghĩa là sao ?"

"Nghĩa là dù người Châu Á, kể cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, có nỗ lực đến đâu, thì đa số người Âu vẫn rất tự hào và tự tôn văn hóa, và chuyện Trung Quốc các bạn mở viện Khổng tử, quảng bá văn hóa Hán, sẽ vô ích thôi. Dân bản xứ có thể coi đó là thứ là lạ, có chút thiện cảm, nhưng bảo họ bị ảnh hưởng và đi theo thì sẽ không xảy ra".

Tôi phải nói thêm cho người bạn Trung Quốc rằng sự phân biệt văn hóa đầu tiên là sự phân biệt giữa nước này với nước kia ở Châu Âu.

Người Áo và Thụy Sĩ tìm mọi cách để tỏ ra họ không phải người Đức dù vẫn dùng tiếng Đức.

Người Ba Lan hiểu rõ người Nga, người Czech nhưng lại quý... người Hungary hơn.

Người Irish vừa chào xong đã nhấn mạnh trong câu thứ nhì họ không phải là người Anh.

Đại loại như vậy.

Tôi cho Chen một ví dụ là yoga và võ thuật Nhật, Hàn, Trung và Việt vào Châu Âu vài chục năm qua kể cũng là một thành công của người Đông Á.

soi2

Lễ hội Prometheia ở Litochoro, Hy Lạp. Dù cần tiền đầu tư từ Trung Quốc, các xã hội Châu Âu vẫn giữ truyền thống văn hóa mà họ tự hào

Nhưng tư tưởng và nếp sống hàng ngày của người Âu vẫn theo truyền thống Hy Lạp, La Mã và các tôn giáo lớn của họ : Công giáo La Mã, Tin Lành, Chính thống giáo... cộng với hai kỷ nguyên Phục hưng, Khai sáng và thời công nghiệp hóa đã sang thế hệ ba.

Không kể EU mà các xứ còn nghèo như Albania, Ukraine cũng tự hào với di sản Châu Âu của họ.

Đầu tư Trung Quốc có thể thành công về kinh tế nhưng chỉ dừng ở đó.

Sẽ khó có chuyện người Châu Âu đi theo đạo giáo, cách dạy con, chơi đàn, thể thao của Trung Quốc.

Chen đồng ý và cho hay chính giới nhà giàu ở Trung Quốc đang 'phát rồ' với đàn piano, với tennis, với đua xe F1.

Sự nhìn nhận từ Phương Tây vẫn là niềm khao khát, và lời phê phán to hay nhỏ từ Âu Mỹ đều là điều nhạy cảm ở Trung Quốc.

Chúng ta đang ở phương án 2

Sang chuyện thương chiến, Chen bảo tôi, ngay từ khi Trump bắt đầu đe dọa đánh thuế, các học giả Trung Quốc đã dự báo ba phương án (scenario) :

- Một là Trung Quốc thủ thúc, không đáp trả, cố bảo vệ đồng nhân dân tệ và mạng lưới xuất khẩu ;

- Hai là Trung Quốc sẽ đáp trả vừa phải, chờ xem có cách nào tốt hơn, tốt nhất là 'vừa đàm vừa đánh' ;

- Ba là hai bên đánh nhau bằng kinh tế tới cùng (all-out war).

Vào lúc tôi và Chen nói chuyện thì phương án một coi như không còn vì Trung Quốc đã đáp trả bằng vài chục tỷ USD thuế quan lên hàng Trung Quốc.

Như thế chúng ta đang sống trong phương án 2 và cuộc giao đấu cũng vào giai đoạn 2.

Các đợt tariffs, ban đầu chỉ đánh vào hàng thép, công nghiệp nặng nhưng nay nhắm tới sản phẩm tiêu dùng, hàng nông sản.

soi3

Trung Quốc đang cố giải mã 'nụ cười Trump'

Nghe nói đậu nành của Mỹ cũng đang "trúng chưởng" từ Trung Quốc.

Cuộc chiến này sẽ đi về đâu, có tàn phá nhiều nền kinh tế hay không thì không ai dám đoán trước.

Nhưng câu chuyện Chen kể thì lại là vấn đề tâm lý, là cuộc chiến cân não Trump - Tập.

Khi ông Trump mới lên, người Trung Quốc vui mừng vì nghĩ ông ta không biết gì, và mạng xã hội còn nhạo ông.

Tên chính thức của Trump là Te-Lang-Pu (特朗普) bị gọi là 'Chuan Pu'(川普) với Chuan như Xuyên trong Tứ Xuyên, ám chỉ kẻ quê mùa, từ vùng sâu vùng xa chui ra.

Nhưng nay thì Trump hiện rõ là tay chơi quỷ quyệt, một 'sói già' không e ngại tung đủ mọi đòn mà không ai lường trước được.

Các cuộc thăm viếng lẫn nhau, thưởng trà, tiệc tối, bữa trưa, với bà Bành và bà Melania khoe váy dài áo đẹp tưởng như đã chinh phục được nhà Trump.

Nay thì rõ là không phải như vậy.

Ông Tập Cận Bình hiện mắc kẹt ở hai điểm.

Một là trong quá trình thu quyền bính về một mối, ông đã hạ gục hết các đối thủ nội bộ vùng miền, phe Thượng Hải, Quảng Đông, Trùng Khánh nên chính trị Trung Quốc mất đi tính đa dạng.

Ông Tập cũng trở nên cô đơn vì 'duy nhất đúng'.

Chen bảo nhiều báo cáo "dâng lên" chỉ để vừa lòng ông trong khi nợ công ngoài khu vực tài chính của các tỉnh, đô thị nay lên tới 250% GDP, rất đáng lo ngại.

Hai là, ông Tập đi lên từ một cán bộ trường Đảng trung ương, đã xây dựng hình ảnh của mình như một 'nhà đức trị' (man of virtue).

Điều này hóa ra là một cản trở, vì ông không thế nói ngược nói xuôi tùy lúc như ông Trump và không dùng mạng xã hội.

Chính phủ Trung Quốc liên tiếp bị choáng bởi những phát biểu bất ngờ trên mạng xã hội của ông Trump, về Bắc Hàn, về Biển Đông, về Trung Quốc.

Mà hệ thống của họ vận hành theo kiểu truyền thống, vẫn phải đợi duyệt qua nhiều cấp : Đảng, tuyên giáo, an ninh, rồi mới cho Bộ Ngoại giao phát biểu định kỳ.

Còn ông Trump, cứ 4 giờ sáng giờ bờ Đông nước Mỹ vì khó ngủ hay sao mà liên tục bắn ra các cú Twitter.

Điều này khiến cá nhân ông Tập Cận Bình đang lúng túng.

Ông Tập không có tài khoản mạng xã hội Weibo, WeChat tuy Chen bảo một số nhân vật và cơ quan không chính thức đôi khi bắn tin ra thay cho ông.

Cái được và mất của ông Trump thật khó định nghĩa, còn cái mất đầu tiên của ông Tập mà ông lo nhất là 'mất mặt', tỏ ra yếu.

CEO hay Chủ tịch của China Inc ?

Vụ tan rã của các mạng tín dụng tư (P2P lending platform) cho thấy nếu Trung Quốc là một đại tập đoàn thì cần có một chủ tịch hội đồng quản trị vững về tầm nhìn xa, và một CEO rất quyền biến, linh hoạt.

Nay cả hai chức này gộp vào một vị trí của ông Tập, và Lý thủ tướng chỉ còn là phụ tá.

Và bài toán thương chiến đang diễn ra khá phức tạp.

Các đợt thuế ông Trump tung ra đầu tiên để làm vừa lòng cử tri ủng hộ ông trong tinh thần "Hoa Kỳ là trên hết".

Nhưng nay người ta cảm thấy ông Trump muốn đánh qụy và phá vỡ (disrupt) cả mạng lưới sản xuất - chế biến - xuất khẩu, là xương sống của kinh tế Trung Quốc.

Trung Quốc hoàn toàn có thể 'ém quân' bằng cách chuyển sản xuất sang Đông Nam Á, sang Châu Phi như đang làm, nhưng khó làm nhanh.

Để xuất khẩu, Trung Quốc cần công nghệ cao từ Hoa Kỳ, nhưng Trump đã ra lệnh "chặn lương" nguồn này, bất kể nó có tác động xấu đến chính một số công ty Mỹ.

Với ông Trump, kinh tế, quân sự và công nghệ có nhiều liên quan.

Ông ký Luật Chính sách Quốc phòng (NDAA-National Defense Authorization Act) trị giá 716 tỷ USD, văn bản bị coi là thù địch nhất với Trung Quốc từ Chiến tranh Lạnh.

Luật này có mục đánh cả vào ZTE và Huawei.

Ông vứt cam kết từ xưa và ve vãn Đài Bắc, khiến các công ty Hoa Kỳ cũng 'định hướng lại' cùng chính trị : Google, Facebook, IBM nay đầu tư ồ ạt vào Đài Loan.

Tôi hỏi Chen vậy giới trẻ Trung Quốc nghĩ gì ?

Anh cho biết họ sợ Trung Quốc không đủ tiền để bước vào phương án 3, 'chơi tới bến' với ông Trump trong cuộc thương chiến.

Về cảm quan cá nhân, anh nói sau hai ba thế hệ Khai phóng, hàng chục triệu người Trung Quốc đã biết quá rõ hết những điều hay dở trong và ngoài nước.

soi4

Bà Bành Lệ Viện tặng bà Melania Trump chữ 'Phúc'

Tất nhiên, họ phải tự khôn ngoan chọn cho mình và con cái.

Giới còn trẻ thì đang tìm "cơ hội ở Trung Quốc, cuộc sống ở bên ngoài".

Ai đã đi cũng muốn về Trung Quốc kiếm tiền nhất là khi chính quyền và doanh nghiệp đang kêu gọi nhân tài, đầu tư tiền tỷ vào AI, vào công nghệ sinh học.

Nhưng tốt nhất thì vẫn có một lối quay lại Âu, Mỹ, Úc, và người giàu cũng tìm một vị trí công việc, bất động sản, cơ sở bên ngoài để khi cần khi đi.

Không chỉ dân trung lưu mà không ít doanh nghiệp đang tìm cách lặng lẽ chuyển đi nơi khác.

Điều họ lo là Trung Quốc sẽ còn lâu mới có nhà nước pháp quyền.

Một doanh nhân thành đạt, một diễn viên xinh đẹp nổi danh có thể bị gọi đi đâu đó, bị 'biến mất' vài tuần, vài tháng, hoặc mất hút luôn, mà không ai biết.

Nhà nước có thể ra lệnh cho mạng xã hội xóa mọi dấu vết về sự tồn tại trên thế giới ảo của họ.

Nói chuyện với Chen tôi hiểu thêm về một nước Trung Quốc năng động, phức tạp, con người tài năng, nhiều tham vọng nhưng cũng không ít lo âu.

Đúng năm nay là năm kỷ niệm vụ ngân hàng Lehman Brothers tan rã, khởi đầu cho một cuộc khủng hoảng kinh tế, bắt đầu từ tài chính.

Gặp Chen sau vài hôm thì tôi đọc được Niall Ferguson viết rằng nhìn lại Khủng hoảng 2008, người ta nghĩ ngay đến Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay.

Và biết đâu sẽ đến lượt Trung Quốc, ông Ferguson từ Harvard nêu vậy.

Tôi thì nghĩ Trung Quốc đã liên kết sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, nên một Trump 'phá lệ' chưa chắc đã lật lại được cả cuộc chơi to của chủ nghĩa tư bản.

Nhưng mô hình Nhất nhân trị của Trung Quốc đang bộc lộ nhiều bất cập trước một Trump đầy bất trắc.

Nguyễn Giang

Nguồn : BBC, 17/09/2018

Published in Diễn đàn