Trump bị chỉ trích vì gọi di dân bất hợp pháp là ‘súc vật’ (VOA, 18/05/2018)
Trong lúc lên án tiểu bang California vì cái gọi là ‘chính sách trú ẩn cho di dân’, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi những người vượt biên trái phép là ‘súc vật’. Phát ngôn này của ông đã khiến ông hứng chịu chỉ trích từ các lãnh đạo Dân chủ.
Những thành viên băng đảng MS-13 bị áp giải
Ông Trump đưa ra lời phát biểu này trong cuộc nói chuyện bàn tròn về chủ đề di dân sau khi Cảnh sát trưởng Hạt Fresno, bang California, Margaret Mims than phiền về những điều luật của tiểu bang hạn chế hợp tác với giới chức di trú liên bang. Trong cuộc thảo luận đó, ông Trump đã chào đón đến Tòa Bạch Ốc các thị trưởng, cảnh sát trưởng và các lãnh đạo địa phương khác của bang California vốn chống đối chính sách di dân của tiểu bang này và ca ngợi những nỗ lực cứng rắn của ông Trump về di dân.
"Chúng ta có những người vào đất nước này hay là tìm cách đi vào và chúng ta đã chặn được rất nhiều người trong số họ", ông nói. "Quý vị không thể tin là bọn người này tệ hại thế nào đâu. Chúng không phải là con người nữa. Chúng là súc vật".
Ông Trump đưa ra lời phát biểu này để đáp lại một bình luận về các thành viên băng đảng MS-13.
Ông Trump liên tục gọi thành viên các băng đảng bạo lực đường phố là ‘súc vật’ trong các bài diễn văn, các cuộc vận động và tại các sự kiện ở Tòa Bạch Ốc, theo hãng tin AP. Ông cũng dùng từ ngữ tương tự để mô tả những kẻ khủng bố và những kẻ xả súng ở trường học.
Phản ứng trước bình luận này của Tổng thống, ông Chuck Schumer, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện, đã viết trên Twitter rằng : "Khi tất cả những ông cố, ông sơ của chúng ta đến nước Mỹ họ không phải là súc vật, và những người này cũng vậy".
Còn lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện, bà Nancy Pelosi, phát biểu : "Cứ mỗi ngày trôi qua chúng ta cứ nghĩ rằng như thế là đã hết, vậy mà vẫn có thêm một biểu hiện nữa cho thấy tại sao những chính sách của họ lại bất nhân như vậy".
Phản ứng trước những chỉ trích này, ông Trump hôm thứ Năm ngày 17/5 đã nói rằng ông vẫn sẽ dùng cách nói như vậy để mô tả những thành viên băng đảng bạo lực.
Ông cho biết lời bình luận đó của ông ‘rõ ràng nhằm vào các thành viên băng đảng MS-13".
"MS-13, chúng là những con súc vật vào đất nước chúng ta", ông nói, "Khi bọn MS-13 vào đây, khi những thành viên băng đảng khác vào đất nước chúng ta, tôi sẽ gọi bọn chúng là súc vật. Và quý vị đoán điều gì không ? Tôi sẽ luôn nói như vậy".
Những vị khách trong cuộc gặp này với ông Trump đã phê phán đạo luật mà Thống đốc California Jerry Brown ký ban hành hồi năm ngoái vốn ngăn cảnh sát xét hỏi về tình trạng di trú hay giúp đỡ giới chức liên bang trong việc thực thi pháp luật di trú. Đạo luật này yêu cầu các quan chức nhà tù chỉ chuyển tù nhân cho giới chức di trú liên bang nếu họ bị kết luận phạm một trong 800 tội, chủ yếu là tội đại hình, chứ không phải là tội vặt.
Thống đốc Brown nhấn mạnh rằng đạo luật này không ngăn cản giới chức di trú liên bang thực thi trách nhiệm. Tuy nhiên chính quyền Tổng thống Trump đã kiện đòi bãi bỏ đạo luật này vì cho rằng nó ‘không hợp hiến và nguy hiểm’.
Đảng Cộng hòa đang xem phản ứng chống đối lại luật di trú của bang California là một điểm vận động cử tri tiềm năng trong cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới, nhất là với những cử tri chống di dân của ông Trump. Bản thân ông Trump cũng đã tổ chức nhiều sự kiện trong những tháng gần đây để hướng sự chú ý của mọi người đến các chính sách của bang California.
Phát biểu trong cuộc gặp hôm thứ Tư ngày 16/5, ông Trump đã khen ngợi những người có mặt là ‘đã dũng cảm kháng cự lại những đạo luật trú ẩn chết người và vi hiến của California’. Ông nói rằng những đạo luật này đã tạo điều kiện ‘thả ra những kẻ tội phạm là di dân bất hợp pháp, những kẻ buôn ma túy, các thành viên băng đảng và những kẻ hành hung vào cộng đồng’ và ‘cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho một số những tên tội phạm độc ác và hung hăng nhất trên Trái đất.’
Thống đốc Brown đáp trả trên Twitter rằng ông Trump "dối trá về nhập cư, dối trá về tội phạm và dối trá về các đạo luật của California".
"Đưa đến một nhóm những người Cộng hòa để nịnh bợ ông ấy và ca ngợi những chính sách liều lĩnh của ông ta không thay đổi gì cả. Chúng tôi, những người dân của nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, không thấy gì hay ho cả", ông viết.
Bộ trưởng Ngoại giao Mexico Luis Videgaray đã gọi lời bình luận này của ông Trump là ‘hoàn toàn không thể chấp nhận được’ và rằng ‘ông sẽ phản đối chính thức với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ’.
Cũng tại cuộc gặp tại Tòa Bạch Ốc, Trump đã thể hiện sự thù địch với Mexico, đất nước sẽ cùng với Mỹ và Canada đứng ra vận động giành quyền đăng cai Cúp bóng đá thế giới vào năm 2026.
"Mexico không làm gì cho chúng ta cả", ông Trump nói. "Mexico chỉ nói nhưng không làm gì cả, nhất là tại biên giới. Chắc chắn là họ không giúp gì nhiều cho chúng ta về thương mại".
*************************
Tổng thống Trump lại gây ồn ào dư luận khi gọi di dân lậu là "bọn thú vật" (CaliToday, 17/05/2018)
Khi không kiềm chế được sự tức giận của mình chống lại những chủ trương dung dưỡng di dân lậu của tiểu bang California, Tổng thống Trump đã gọi một số di dân lậu vượt biên giới vào Hoa Kỳ là ‘thú vật’, khiến lãnh đạo Dân Chủ có phản ứng mạnh.
Tổng thống Trump đã gọi một số di dân lậu vượt biên giới vào Hoa Kỳ là ‘thú vật’. Photo Credit : AP
Tổng thống Trump đưa ra nhận xét nảy lửa của mình trong một cuộc họp với các lãnh đạo địa phương của California về cách thức trả lời với ta than về tệ nạn băng đảng hoành hành.
Được biết Tổng thống Trump đã nói như sau : "Chúng ta thấy có nhiều di dân lậu đã đến đất nước này hay đang tìm cách xâm nhập qua biên giới, chúng ta đã bắt khá nhiều trong số họ, các bạn không thể hình dung những kẻ này xấu xa ra sao, họ không phải là con người, họ là những thú vật".
Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, Chủ tịch khối thiểu số Thượng Viện, đã trả lời ý kiến của Tổng thống Trump trên trang mạng Twitter như sau : "Khi tất cả tổ tiên của chúng ta đến Hoa Kỳ, họ không phải là thú vật và những con người đang vượt biên vào Mỹ cũng thế"
Trong cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc hôm qua với Tổng thống Trump có nhiều thị trưởng, các cảnh sát trưởng và nhiều lãnh đạo địa phương của tiểu bang California. Họ là những người phản đối chủ trương di dân của California và hoan nghênh những biện pháp cứng rắn đối phó với di dân lậu của Tổng thống Trump.
Họ đã chỉ trích một luật mà Thống đốc California Jerry Brown đã ký vào năm ngoái, theo đó lực lượng an ninh cảnh sát của tiểu bang khộng được tra vấn tình trạng di dân của một người bị cảnh sát chận lại xét hỏi, cả nhân viên di dân liên bang cũng không nhận được sự cộng tác của nhân viên địa phương, theo lệnh này.
Thống đốc Brown cũng trả lời ý kiến của Tổng thống Trump như sau : "Tổng thống Trump đã nói dối về di dân, đã nói dối về tình hình tội phạm hình sự và về những luật lệ của California".
Đào Nguyên
ProPublica, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên về báo chí điều tra phục vụ công chúng, tuần này đăng một bài báo (bản tiếng Việt ởđây) mô tả những mối quan hệ và sự dàn xếp đằng sau cuộc gọi điện thoại đầu tiên của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 12 năm 2016.
Bài báo tiết lộ người đứng sau cuộc gọi này là luật sư riêng của ông Trump, Marc Kasowitz, mà không có sự tham gia của Bộ Ngoại giao Mỹ, và ông Kasowitz cũng đại diện một thân chủ có lợi ích kinh doanh ở Việt Nam.
Nhà báo Justin Elliott của ProPublica
Trong một cuộc phỏng vấn với VOA Tiếng Việt, tác giả bài báo Justin Elliott cho biết thêm chi tiết về tường trình của anh đằng sau câu chuyện gây sửng sốt này.
VOA : Có phản ứng hay phản hồi mới nào không kể từ khi câu chuyện của anh được đăng lên ?
Justin Elliott : Tôi chưa nghe thấy điều gì mới từ bất kỳ người nào trong chuyện này. Tôi biết là độc giả rất quan tâm tới chuyện này nhưng tôi chưa nghe thấy bất kỳ điều gì mới từ những nhân vật chính trong câu chuyện.
VOA : Sao anh biết về liên lạc này ? Đầu mối đầu tiên của anh cho câu chuyện này là gì ?
Justin Elliott : Chúng tôi là ProPublica và WNYC, một đài phát thanh công cộng địa phương ở thành phố New York. Chúng tôi hiện đang hợp tác làm một podcast [chương trình phát thanh trên mạng] và nó được gọi là "Trump, Inc." Podcast này tập trung vào những hoạt động kinh doanh của Tổng thống Trump và những mâu thuẫn lợi ích tiềm năng và đại loại như vậy. Và một phần của podcast này là chúng tôi nhờ thính giả báo tin cho chúng tôi nếu họ biết hoặc nghe thấy bất cứ điều gì về bất cứ chuyện gì mà chúng tôi có thể quan tâm. Chúng tôi nhận được rất nhiều tin báo và câu chuyện về Việt Nam và sòng bạc khởi nguồn từ một người nghe podcast và người này đã nghe một tin đồn về chuyện đó. Tôi đi tìm hiểu tin đồn rồi viết bài báo này.
VOA : Một trong những điểm chính trong bài báo của anh là Bộ Ngoại giao Mỹ không tham gia thu xếp cuộc gọi này. Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam nghe tin về cuộc gọi này từ Hồ Tràm và họ biết được những gì đã được bàn bạc từ các quan chức Việt Nam. Việc này dường như phá vỡ nghi thức. Anh có thể giải thích chuyện này bất thường tới mức nào không ?
Marc Kasowitz, luật sư riêng của Tổng thống Donald Trump
Justin Elliott : Tôi đã nói chuyện với nhiều người từng tham gia quá trình chuyển tiếp quyền hành của ông Obama, lần chuyển tiếp gần đây nhất trước ông Trump vào năm 2008 và 2009. Tôi dẫn lời Susan Rice [cố vấn an ninh quốc gia từ 2013-2017] trong bài báo, bà ấy là một trong những nhân vật cao cấp trong quá trình chuyển tiếp của ông Obama. Bà ấy và những người khác nói với tôi rằng nói chung, ngay sau cuộc bầu cử sẽ có những cú điện thoại đầu tiên với các nhà lãnh đạo nước ngoài, nhưng bạn muốn làm điều đó một cách rất cẩn thận, thường là theo thứ tự chính xác ai được gọi trước tiên hoặc ai được gọi lại trước tiên.
Từ trước đến giờ việc này được suy tính cẩn thận, xem nước nào quan trọng hơn để gọi vì lý do này kia. Thường là Bộ Ngoại giao tham gia vào việc thu xếp các cuộc gọi này, báo cáo thông tin tổng quát cho tổng thống đắc cử và ghi chú. Bài báo của tôi tường trình rằng không có bất cứ việc nào trong số những việc nói trên diễn ra, trong trường hợp này là giữa ông Trump với thủ tướng Việt Nam. Và đây không phải là ví dụ duy nhất về một cuộc gọi bất thường.
Cũng đã có một cuộc gọi bất thường khác giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Đài Loan. Vào thời điểm đó hoặc không lâu sau đó thì lộtin cho hay cuộc gọi đó đã được thu xếp bởi một trong những người vận động hành lang cho Đài Loan, cựu thượng nghị sĩ Bob Dole. Cuộc gọi đó phá vỡ rất nhiều tiền lệ. Trung Quốc đã rất bực tức. Tất cả tường trình của tôi và tường trình của những người khác cho thấy giai đoạn chuyển tiếp hết sức hỗn loạn. Các nhà lãnh đạo nước ngoài và đại sứ quán nước ngoài khi đó đang hối hả tìm cách tiếp cận ông Trump bằng mọi cách có thể.
VOA : Anh dẫn lời phát biểu chính thức của bà Susan Rice trong bài báo. Anh có hỏi bà ấy là Nhà Trắng dưới quyền ông Obama biết về vụ việc này vào lúc nào không ?
Justin Elliott : Tôi không thể bình luận gì thêm ngoài phát biểu của bà ấy mà tôi dẫn ra trong bài báo.
VOA : Một số người có thể lập luận rằng đội ngũ của ông Trump không được chuẩn bị kỹ vì ít ai ngờ tới chiến thắng bầu cử của ông ấy. Họ không nắm hết các nghi thức, tất cả mọi chuyện diễn ra cùng lúc và quá trình chuyển tiếp, như anh nói, hết sức hỗn loạn. Anh có nghĩ chuyện phá vỡ nghi thức một phần là vì như vậy không ?
Justin Elliott : Ngay cả một số người tham gia trong chiến dịch tranh cử của ông Trump đã nói rằng họ ngạc nhiên về kết quả bầu cử. Tin tức loan tải vào thời điểm đó cho biết có rất nhiều sự hỗn loạn trong quá trình chuyển tiếp. Có một thời gian Chris Christie [thống đốc bang New Jersey, một trong những ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa bỏ cuộc và quay sang ủng hộ ông Trump] điều hành quá trình chuyển tiếp và rồi ông ta bị sa thải. Họ trải qua một loạt những thay đổi lãnh đạo chỉ trong khoảng thời gian sau cuộc bầu cử vào tháng 11 và lễ nhậm chức vào tháng 1. Tôi nghĩ đó là một bối cảnh quan trọng cho những gì mà chúng ta thấy đã xảy ra với một số cuộc gọi điện thoại này. Tôi nghĩ bối cảnh đó phần nào lý giải vì sao có các cuộc gọi điện thoại này. Và tôi nghĩ nhìn chung chính quyền Trump và đội ngũ của ông Trump, ngay cả trước khi họ nhận nhiệm sở, họ đã nói rằng họ sẽ gạt bỏ hết cách làm việc thông thường. Đây không phải là lĩnh vực duy nhất mà trong đó họ phá vỡ những quy chuẩn có từ lâu nay.
VOA : Tường trình của anh nhất quán với những gì chúng ta biết về việc chính quyền Trump kết hợp những lợi ích kinh doanh riêng tư với lợi ích của đất nước. Câu chuyện của anh gợi nhớ câu chuyện về Jared Kushner [con rể của ông Trump và cố vấn Nhà Trắng cao cấp] tìm cách thiết lập một kênh liên lạc ngầm với Nga thông qua đại sứ quán Nga và bỏ qua Bộ Ngoại giao. Anh có thấy nét tương đồng giữa tường trình của anh và tường trình đó không ?
Justin Elliott : Tôi không chắc. Tôi thực sự không thể bình luận vì tôi không viết về chuyện đó. Tôi biết về chuyện đó từ tin tức trên báo chí. Tôi nghĩ rằng chúng ta biết từ nhiều tường trình là có hàng loạt những liên lạc bất thường giữa đội ngũ của ông Trump và nhiều loại thực thể nước ngoài trong giai đoạn chuyển tiếp. Rõ ràng đã có rất nhiều bài báo viết về những tương tác với Israel và nghị quyết của Liên Hiệp Quốc đang được biểu quyết vào thời điểm đó. Rõ ràng là đã có một số những tương tác bất thường nhưng tôi không thể so sánh chúng vì tôi chỉ tường trình về chuyện này thôi.
Hoàng Long
Tối ngày 22/03/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo chọn John Bolton, con trai một lính cứu hỏa ở Baltimore để thay thế tướng H.R. McMaster làm cố vấn an ninh quốc gia. Ở tuổi 69, John Bolton đã xây dựng cho mình hình ảnh là một người nóng nảy và ồn ào và ông hoàn toàn chấp nhận như thế.
John Bolton, tân cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ Donald Trump. Reuters/Joshua Roberts
Vậy John Bolton là ai ? Le Figaro ngày 10/04/2018 có bài điều tra về ông đề tựa "Diều hâu John Bolton, cánh tay mặt của Donald Trump".
Ngày 29/03 vừa qua, bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis đứng trên bậc thềm trụ sở Bộ quốc phòng đã đón tiếp ông ta và nói mát : Tôi nghe nói ông là hiện thân của quỷ thần, do vậy tôi muốn gặp ông. John Bolton, 69 tuổi, đã nở nụ cười dưới hàm râu to trắng và không giấu sự hài lòng.
Khi Donald Trump thông báo lựa chọn ông làm cố vấn an ninh quốc gia, người thứ ba trong vòng 14 tháng, tòa nhà Eisenhower - văn phòng của các nhân viên, kế bên Nhà Trắng, trong bầu không khí choáng váng đã vắng bóng người hơn thường lệ. Tại Bộ ngoại giao cũng như tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, ở New York, những ai nhớ tới thời John Bolton làm việc ở đó, đã lôi bộ áo giáp của mình ra.
Kẻ đặt bom
Người thay thế tướng H.R McMaster, kể từ thứ Hai, 09/04, chưa bao giờ tỏ ra nổi trội hơn với các ý tưởng ôn hòa hoặc cách thức nhẹ nhàng. Mark Groombridge, trước đây là trợ lý của Bolton tại Bộ ngoại giao, báo trước :
"Phong cách của ông ta là lãnh đạo một Hội đồng An ninh quốc gia theo kiểu hoàng đế, các bộ ngành sẽ phải thực hiện chính sách do Nhà Trắng quyết định, mà không được phép bàn thảo".
Cuộc khủng hoảng do vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria gây ra sẽ thử thách ngay lập tức quan điểm của John Bolton về chức vụ cố vấn an ninh quốc gia. Ông John Bellinger, nguyên thành viên Hội đồng An ninh quốc gia và làm việc tại Bộ ngoại giao nhận xét :
"Bolton luôn luôn là kẻ khiêu khích. Nhưng người ta có thể nghĩ rằng một số hành động hung hăng mà ông ta chủ trương khi chưa ở trong chính phủ, có thể sẽ khác so với hiện nay, khi ông ta phải chịu trách nhiệm về các hậu quả".
Christopher Hill, một nhà ngoại giao lão luyện trong các cuộc thương lượng với Bắc Triều Tiên, nói với tạp chí The Atlantic rằng :
"Bolton đã được bổ nhiệm ở vị trí rất cao vì trước đây, ông ta chưa bao giờ có được chức trách ở tầm cỡ này. Trước đây, ông ta luôn luôn là một dạng phân tử dao động tự do, bông đùa nhưng không hề quả quyết. Giờ đây tất cả đã thay đổi".
Các nhà quan sát hay ngờ vực này chính là loại quan chức văn phòng mà tân cố vấn an ninh quốc gia coi thường - đây là một điểm mà ông giống với tổng thống. Trong cuốn Hồi Ký, Đầu hàng không phải là một sự lựa chọn (1), Bolton chỉ trích "những người tranh thủ kiếm chác lợi lộc ở Bộ ngoại giao được đào tạo để dĩ hòa và thỏa hiệp với nước ngoài, thay vì phải quyết liệt bảo vệ các lợi ích của nước Mỹ".
Không phải là tình cờ mà Steve Bannon, quán quân đấu tranh chống lại "Nhà nước ngầm" đã khuyến nghị tuyển dụng Bolton ngay khi lập chính phủ. Donald Trump không muốn vì lo ngại ông ta sẽ không được Thượng Viện chấp nhận như hồi năm 2005 - và dường như Bolton bị từ chối vì bộ ria mép không hợp thời. Thế nhưng chức cố vấn an ninh quốc gia lại không cần có sự chấp thuận của Thượng Viện.
"Đó là một kẻ đặt bom. Một gã hơi khùng khùng. Thế nhưng, các vị lại cần đến ông ta", dường như Bannon Roger Ailes, cố lãnh đạo đài truyền hình Fox News đã nói như vậy. Chắc chắn lời miêu tả này nói đến tính tình nóng nảy và thích tranh cãi nhưng cũng khéo léo làm hài lòng những kẻ quyền thế.
Kẻ nịnh trên nạt dưới
Donald Trump dường như bị thuyết phục qua nhiều lần Bolton xuất hiện trên kênh truyền hình bảo thủ này và không bao giờ tiết kiệm lời ca ngợi tổng thống. Trong một cuộc điều trần năm 2005 trước Thượng Viện để được chấp thuận làm đại sứ Hoa Kỳ bên cạnh Liên Hiệp Quốc - nhưng ông không qua được - Carl Ford, bên đảng Cộng Hòa, đã từng làm việc với Bolton ở Bộ ngoại giao đã miêu tả ông như sau : Đó là một kẻ nịnh trên nạt dưới.
Thế nhưng, John Bolton, con trai một lính cứu hỏa ở Baltimore, lại có nguồn gốc xuất thân khiêm tốn. Tốt nghiệp Đại học Yale, được đào tạo thành luật sư, ông chủ yếu làm việc trong chính quyền liên bang và phục vụ tất cả các đời tổng thống thuộc đảng Cộng Hòa, từ thời Reagan - hoặc trong các nhóm tư vấn bảo thủ, nơi được coi như là phòng chờ, trong thời gian đảng Dân Chủ cầm quyền.
Trong tư cách là thứ trưởng ngoại giao dưới thời George W. Bush, ông đã rút Hoa Kỳ ra khỏi Tòa án Hình sự quốc tế và đã thành công trong việc đưa ra chương trình Sáng kiến an ninh chống phổ biến hạt nhân (PSI- Proliferation Security Initiative). Với tư cách là quyền đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc - chỉ trong vòng 17 tháng vì chưa có sự phê chuẩn của Thượng Viện - ông đã thể hiện rõ quan điểm của mình về Liên Hiệp Quốc, một định chế có thể mất đi tới 10 tầng mà cũng chẳng hề hấn gì. Đại sứ đương nhiệm của Hoa Kỳ bên cạnh Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley, tuyên bố : Tôi biết là ông ta coi khinh Liên Hiệp Quốc và tôi chia sẻ quan điểm này.
Quá tự tin về sự nổi tiếng của mình, John Bolton, trong một giai đoạn ngắn, dự tính lao vào cuộc tranh cử tổng thống năm 2016. Để làm việc này, ông đứng tên, lập ra hai ủy ban hành động chính trị (PAC- Political Action Committee), và từ năm 2013, đã huy động được 15 triệu đô la. Thế nhưng, sau đó, ông đành bỏ lửng hai ủy ban này cũng như Quỹ An ninh và Tự do của nước Mỹ.
Nhà hảo tâm chủ chốt của John Bolton là tỷ phú Robert Mercer, cũng là nhà tài trợ của Bannon, cổ đông của công ty tư vấn và truyền thông Breibart News và công ty Cambridge Analytica. John Bolton là một những khách hàng đầu tiên tại Hoa Kỳ của Cambridge Analytica, và công ty này bị cáo buộc thao túng dữ liệu của 87 triệu tài khoản người dùng Facebook.
Hai lần kết hôn, có một cô con gái cũng theo học ở Yale như cha, John Bolton giữ kín đời tư trong bóng tối. Theo các tài liệu của vụ ly dị năm 1983, người vợ đầu tiên của ông đã tranh thủ một trong những lần ông vắng mặt, để bỏ gia đình và mang theo đồ đạc. Có một điểm chung, giống với tổng thống, là ông cũng bị cáo buộc quấy nhiễu tình dục. Khi được Roger Eugene Ailes, nguyên là chủ tịch tổng giám đốc đài truyền hình Fox News tiết lộ điều này, Bannon đáp lại : "Nếu tôi kể điều này cho Trump thì ông sẽ tuyển dụng ngay Bolton" (2).
Một thành phần hiếu chiến ?
Các nhà bình luận chính trị đã ngạc nhiên khi thấy vị tổng thống của "Nước Mỹ trước tiên" mà tư duy đơn phương hành động đôi khi bị coi là chủ trương biệt lập, lại tuyển dụng một nhân vật chủ trương can thiệp thuộc phe tân bảo thủ. Là người thân cận với cựu phó tổng thống Dick Cheney, John Bolton đã thúc đẩy cuộc xâm chiếm Iraq và cho đến nay, ông không bao giờ giấu giếm điều này, trong khi đó, Trump lại coi đó là "một quyết định tai hại".
Theo Jon Soltz, chủ tịch hiệp hội cựu chiến binh chiến tranh Iraq, thì "không có một cuộc chiến tranh nào nhằm thay đổi chế độ, ở bất kỳ nơi nào, mà John Bolton không ủng hộ". Đài truyền hình Fox News phong danh hiệu cho ông là "người có lập trường kiên quyết triệt để trong hồ sơ Bắc Triều Tiên".
Trong mục diễn đàn hồi tháng Hai, trên báo Wall Street Journal, John Bolton cho rằng "Hoa Kỳ hoàn toàn chính đáng đáp lại sự thách thức về hạt nhân của Bắc Triều Tiên bằng cách tấn công trước tiên". Sau khi tuyên bố rằng "nói chuyện với Kim Jong-un còn tồi tệ hơn là mất thời gian", ông ta lại vui mừng hoan nghênh cuộc gặp thượng đỉnh mà Donald Trump đã chấp nhận, bởi vì điều này "sẽ ngăn cản Kim Jong-un tìm cách kéo dài thời gian". Năm 2003, chính quyền Bush đã rút John Bolton ra khỏi nhóm đàm phán sau khi ông thóa mạ Kim Jong Il. Đáp trả, Bình Nhưỡng gọi ông là đồ "rác rưởi", "hút máu người".
Các nhà lãnh đạo Iran cũng coi John Bolton - và họ có lý - là người tìm cách phá hỏng hiệp định hạt nhân. Hồi tháng Giêng, ông nhắc lại lời tố cáo thỏa thuận hạt nhân, coi đó là một "bước đi sai lầm chiến lược quan trọng" và chủ trương là Hoa Kỳ "kết liễu cách mạng Hồi Giáo trước ngày kỷ niệm 40 năm" cuộc cách mạng này vào tháng Hai 2018.
Năm 2015, ông đã tư vấn như sau : "Để ngăn chặn Iran làm bom nguyên tử, thì chúng ta hãy ném bom Iran". Theo khuyến nghị của John Bolton, có thể Donald Trump sẽ làm theo "bản năng" của mình và sẽ rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định hạt nhân vào giữa tháng Năm tới.
John Bolton vẫn tiếp tục cho rằng cần phải trừ khử Saddam Hussein - như ông đã gợi ý sau đó là làm tương tự với Kadhafi, với triều đại nhà Kim và các giáo chủ ở Tehran. Điều mà ông chê bai, đó là những nỗ lực phù phiếm được thực hiện sau đó nhằm dân chủ hóa. Theo bình luận gia Kmele Foster, người đã từng làm việc với John Bolton ở Fox News, thì "có lẽ thích hợp nhất là thay thế Saddam Hussein bằng một nhà độc tài khác, đi theo Mỹ, đồng thời vẫn nắm giữ nguồn dầu lửa, như gợi ý của Donald Trump. Giống như Trump, ông ta không quan tâm đến các hành động độc tài hoặc vi phạm nhân quyền, chừng nào các hành động này không đe dọa Hoa Kỳ".
"Một diều hâu trong số các diều hâu"
Trong nhãn quan của Bolton, thế giới chia làm hai phe, chư hầu và đối thủ. Năm 1994, ông nói : "Liên Hiệp Quốc không tồn tại. Chỉ có cộng đồng quốc tế tồn tại và có thể ngẫu nhiên do một cường quốc thực sự duy nhất trên thế giới lãnh đạo, nếu như điều này phục vụ lợi ích của chúng ta".
Tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, niềm tin vào việc "dùng vũ lực để có hòa bình", ngờ vực các quy tắc và định chế quốc tế, ưa thích các thỏa thuận song phương và các liên minh tự nguyện, tất cả những yếu tố này hoàn toàn phù hợp với tổng thống Mỹ, vì hồi tháng 11/2015, Donald Trump đã tuyên bố : "Theo một nghĩa nào đó, tôi rất thích chiến tranh".
Cũng giống như Donald Trump, "tư tưởng thực dụng trơ tráo" của John Bolton gây chia rẽ. Nhật báo New York Times viết về ông như sau : "Đó là một nhân vật diều hâu trong số các chính trị gia diều hâu, một nhân vật cực đoan triệt để làm nức lòng phe bảo thủ và làm cho các chính trị gia ôn hòa rùng mình".
Tờ New Yorker tặng ông danh hiệu "nhà ngoại giao Mỹ cay độc nhất thế kỷ 21". Thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ Chris Murphy thảng thốt : "Trời ạ. Người đầu tiên vào phòng Bầu Dục và cũng là người cuối cùng ra khỏi nơi đó, lại tin tưởng một cách cuồng nhiệt vào các cuộc chiến tranh trừng phạt phòng ngừa".
Thế nhưng, chính trị gia Lindsey Graham, thuộc đảng Cộng Hòa phản bác : việc bổ nhiệm John Bolton "là một tin tốt đẹp đối với các đồng minh của Mỹ và là một tin dữ đối với những kẻ thù của Hoa Kỳ. Ông ta có một sự hiểu biết vững chắc về các mối đe dọa mà chúng ta đang phải đối mặt".
Còn Michael Rubin, đồng nghiệp của Bolton tại viện nghiên cứu chính trị American Enterprise Institute, thì nhận định : "Trên góc độ tổ chức, trí tuệ, chính trực, dấn thân, và bảo vệ các lợi ích của nước Mỹ, Bolton có thể nổi lên như là cố vấn an ninh quốc gia tuyệt vời nhất trong một thế hệ".
Mặc dù đánh giá John Bolton là "thông minh, có học, có nguyên tắc và kinh nghiệm", bình luận gia bảo thủ George Will cho rằng chức vụ mới của John Bolton làm cho ông ta trở thành người Mỹ thứ hai thuộc loại "nguy hiểm nhất", sau tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Trong một tài liệu gửi cho các khách hàng, cơ quan tư vấn Eurasia Group đã nhận định việc bổ nhiệm John Bolton ngắn gọn như sau : "Nước Mỹ trước tiên được tiêm thuốc kích thích".
RFI tiếng Việt
(1) Surrender is Not an Option, Threshold Ed., 2007 / Đầu hàng không phải là một sự lựa chọn, nxb Threshod, 2007.
(2) Le Feu et la Fureur, de Michael Wolff, Ed. Robert Laffont, 2018 / Lửa và cuồng nộ. Tác giả Michael Wolff, nxb Robert Laffont, 2018.
Câu chuyện xoay quanh quan hệ ngoài hôn nhân của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump với diễn viên phim người lớn Stormy Daniels- ‘Daniels Bão tố’, là một bí mật đã được ‘bật mí’ trong giới truyền thông từ nhiều tuần qua.
Tư liệu : Ảnh ghép Tổng thống Trump và nữ diễn viên Stormy Daniels. AFP
Luật sư lâu năm của Tổng thống Trump Michael Cohen thừa nhận đã trả cho bà Daniels, tên thật là Stephanie Clifford, 130.000 đôla để giữ im lặng về vụ ngoại tình ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016.
Tạp chí InTouch hồi tháng Hai đã đăng một bài phỏng vấn chi tiết về câu chuyện của bà Clifford. Tuy nhiên trong bối cảnh các nhân vật chính hoặc bác bỏ câu chuyện, hoặc giữ im lặng, chuyện này đã bị gạt sang bên lề các bản tin của giới truyền thông chính mạch cho tới ngày thứ Tư 7/3, khi Tòa Bạch Ốc lần đầu tiên công nhận ông Trump có liên hệ theo cách nào đó với nữ diễn viên phim người lớn.
Trong một cuộc họp báo ngày 7/3, người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc Sarah Huckabee Sanders tìm cách gạt sang một bên một câu hỏi về vụ tai tiếng bằng cách nói rằng Tổng thống Trump đã thắng cuộc chiến pháp lý liên quan tới trường hợp này.
Đề cập tới lệnh trọng tài tuần trước, cấm bà Clifford lên tiếng công khai về vụ được cho là ngoại tình với ông Trump, đồng thời cấm bà kiện Tổng thống, bà Sanders nói : "Trường hợp này đã được giải quyết trong một thỏa thuận trọng tài".
Bà Sanders nói thêm rằng bà không biết liệu Tổng thống Trump có biết nữ diễn viên Clifford đã được trả tiền hay không.
Tuy nhiên bà Clifford đã làm ngơ lệnh này, và hôm thứ Ba 6/3, bà tuyên bố thỏa thuận cấm bà tiết lộ câu chuyện đi kèm với khoản tiền thanh toán 130.000 đôla, coi như vô hiệu, bởi vì ông Trump không hề ký vào thỏa thuận. Trong hồ sơ khiếu kiện, bà cho hay đã bắt đầu có "quan hệ thân mật" với ông Trump từ mùa hè 2006, và mối quan hệ đó kéo dài sang năm 2007.
Michael Cohen, luật sư của Tổng thống Donald Trump vừa bước ra khỏi xe taxi tại điện Capitol hôm 17/9/2017.
Theo hồ sơ, luật sư của ông Trump đã đệ đơn kiện qua thủ tục tòa trọng tài chống bà Clifford hồi tuần trước để xin lệnh cấm, không cho bà "lên tiếng", và "bảo vệ ông Trump".
Luật sư của bà Clifford, ông Michael Avenatti, nói với chương trình tin tức đài ABC, rằng ông Trump "chắc chắn phải biết" về khoản tiền thanh toán cho thân chủ của ông. Ông nói : "Bất kể ý kiến nào cho rằng ông ấy không biết gì đến khoản tiền này, nói thẳng ra, là điều phi lý".
Luật sư Avenatti nói ông Trump đã cố tình không ký vào tài liệu để sau này ông có thể chối bỏ là câu chuyện có xảy ra.
Theo thỏa thuận trọng tài, số tiền 130.000 đôla được trả vào trương mục của luật sư bà Clifford lúc đó. Để đánh đổi, bà Clifford đồng ý không tiết lộ chi tiết riêng tư nào về ông Trump hoặc các bạn tình của ông Trump cho bất cứ ai, ngoại trừ vài cá nhân mà bà đã từng nói chuyện, hoặc chia sẻ những thông điệp hoặc hình ảnh đến từ ông Trump. Thỏa thuận này còn quy định "phải thương lượng trong vòng riêng tư để đạt thỏa thuận trọng tài đối với tất cả những vụ tranh cãi có thể xảy ra giữa các bên".
Thỏa thuận còn quy định rằng bất cứ vụ tranh tụng nào cũng phải được giải quyết bởi một trọng tài "trung lập, duy nhất" tại một trong hai công ty tư. Một trong hai công ty đó là Action Dispute Resolution Services, đã ra lệnh cấm vừa kể chống bà Clifford.
Trong thỏa thuận, ông Trump được đề cập đến dưới tên David Dennison (DD), và bà Clifford dưới tên Peggy Peterson. Trong thư đính kém của thỏa thuận, lý lịch thật của "DD" bị bôi đen, nhưng Luật sư Avenatti nói nhân vật đó là ông Trump. Mỗi tài liệu đều chừa một chỗ trống nơi nhân vật "DD" phải ký tên, nhưng trong cả hai tài liệu, chỗ chữ ký đều bị bỏ trống.
Việc tài liệu không có chữ ký là nền tảng của vụ kiện của bà Clifford. Bà nói bà không bị buộc phải tuân thủ lệnh cấm tiết lộ thông tin, giữ im lặng và nhờ trọng tài giải quyết, bởi vì ông Trump chưa hề đặt bút ký, khiến thỏa thuận trở nên vô hiệu lực.
Nếu tòa đồng ý với bà Clifford và vô hiệu hóa thỏa thuận, thì bà Clifford có quyền đưa vụ tai tiếng tình dục liên quan tới Tổng thống Mỹ lên trang nhất của các bản tin quốc tế.
Khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và thế giới nổ ra (RFI, 04/03/2018)
Nếu nổ ra một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với một phần còn lại của thế giới, ai được, ai thua ? Đó có phải là một cuộc chiến vừa "tốt, vừa dễ thắng" cho Hoa Kỳ như lời tổng thống Trump đã khẳng định hay không ?
Khi nổ ra một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với một phần còn lại của thế giới, kinh tế toàn cầu sẽ ra sao ? ? Reuters
Nguyên nhân chiến tranh thương mại ?
Từ một tuần qua, chính quyền Trump đơn phương thông báo kế hoạch đánh thuế 25 % và 10 % nhắm vào thép và nhôm bán sang Mỹ. Tất cả các đối tác thương mại của Washington đều phẫn nộ. Nhiều bên đòi kiện Hoa Kỳ ra trước Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Liên Hiệp Châu Âu báo trước, "đáp trả một cách tương xứng" và đã chuẩn bị danh sách một loạt các mặt hàng của Mỹ nhập sang Châu Âu sẽ bị áp thuế. Trung Quốc nhấn mạnh sẽ có "những biện pháp cần thiết để bảo vệ lĩnh vực xuất khẩu" của nước này.
Chiến tranh thương mại ảnh hưởng gì đến kinh tế toàn cầu ?
Một phần lớn tăng trưởng của thế giới tùy thuộc vào các hoạt động giao thương. Tổng thống Trump lên cầm quyền vào tháng 1/2017, rút nước Mỹ ra khỏi hiệp định TPP đòi xét lại một loạt các thỏa thuận tự do mâu dịch với các đồng minh thân thiết nhất như Canada, Hàn Quốc …
Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế liên tục khuyến cáo Nhà Trắng tránh dùng các biện pháp bảo hộ làm phương hại tới tăng trưởng của toàn cầu và của bản thân nước Mỹ. Tân thống đốc ngân hàng trung ương Hoa Kỳ ông Jerome Powell bằng một ngôn ngữ rất ngoại giao cho rằng "tăng thuế nhập khẩu không là biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ kinh tế Mỹ".
Chính sách bảo hộ gây thiệt hại cho người tiêu dùng
Tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm đẩy giá thành các sản phẩm cần sử dụng hai loại nguyên liệu này lên cao. Hãng xe Nhật Toyota báo trước : các nhà máy của Toyota tại Mỹ mà phải mua nhôm và thép đắt hơn, giá thành của mỗi chiếc xe bán ra trên thị trường Hoa Kỳ sẽ tăng cao, bất lợi cho người Mỹ. Giá cả đắt đỏ hơn, người tiêu dùng nản lòng. Không có tiêu thụ, tăng trưởng của Mỹ qua đó bị tác hại lây.
Bảo hộ, biện pháp "tốt đối với nước Mỹ" ?
Ngày 02/03/2018 để biện minh cho quyết định tăng thuế nhập khẩu đánh vào thép và nhôm, Donald Trump trên Twitter viết : "Chúng ta cần bảo vệ đất nước và người lao động Mỹ". Đây là một "cuộc chiến vừa tốt, vừa dễ giành thắng lợi".
Tại Hoa Kỳ, năm 2016 có khoảng 83.000 người làm việc trong các nhà máy sản xuất thép và nhôm. Trong khi đó, những ngành công nghệ và công nghiệp sử dụng nhôm và thép bảo đảm công việc làm cho 6,5 triệu người lao động Mỹ. Ai được, ai thua ?
Tổng thống Trump chưa chính thức ban hành sắc lệnh về thuế nhập khẩu nhôm, thép, Hiệp hội nông gia Mỹ than phiền, Nhà Trắng muốn bảo vệ các nhà máy nhôm, thép mà quên mất rằng các đối tác thương mại của Hoa Kỳ có thể trả đũa, ngưng mua vào nông phẩm made in USA hay đánh thuế lúa mì, thịt bò, ngũ cốc … của Mỹ. Trung Quốc là thị trường lớn nhất mua vào đậu tương của Mỹ.
Trong thời gian từ tháng 3/2002 đến cuối 2013, trong 18 tháng, chính quyền Bush tăng thuế đánh vào thép bán cho Mỹ. Hậu quả là 200.000 người lao động Hoa Kỳ bị vạ lây, theo như nghiên cứu của Viện kinh tế Oxford.
Đàm phán lại NAFTA : Bài toán thêm nan giải
Từ tháng 8/2017, Hoa Kỳ và Canada-Mexico đàm phán lại Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ NAFTA vốn có hiệu lực từ 1994. Các bên đã trải qua sáu vòng đàm phán gay go mà kết quả vẫn chưa đi tới đâu. Vào lúc các bên họp lại lần thứ 7 ở Mexico, phái đoàn Mỹ đang đau đầu vì nhiệm vụ của họ càng khó được hoàn thành khi mà tổng thống Trump tuyên chiến trên mặt trận nhôm và thép với Canada và cả Mexico. Canada là nguồn cung cấp số 1 cho nước Mỹ còn Mexico đứng hàng thứ tư.
Thanh Hà
*********************
Trung Quốc cảnh báo "chiến tranh thương mại" với Mỹ (RFI, 04/03/2018)
Bắc Kinh không muốn lao vào một cuộc chiến thương mại với Washington nhưng sẽ "không khoanh tay ngồi nhìn" nếu như quyền lợi của Trung Quốc bị đe dọa. Phát ngôn viên Quốc hội Trung Quốc, Trương Nghiệp Toái (Zhang Zesui) tuyên bố như trên vào hôm nay, 04/03/2018, một ngày trước lễ khai mạc kỳ họp đầu tiên trong năm của Quốc hội khóa 13.
Nhôm thép của thế giới trong tầm ngắm bảo hộ mậu dịch của tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh : Một xưởng chế biến nhôm tấm tại Đức. TOBIAS SCHWARZ / AFP
Đây là lần đầu tiên một quan chức cao cấp Trung Quốc lên tiếng cảnh cáo Hoa Kỳ muốn áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch, áp thuế nhôm và thép, cho dù là trên cả hai thị trường này, Trung Quốc không là một nguồn cung cấp quan trọng của Mỹ.
Trả lời báo chí, ông Trương Nghiệp Toái nhấn mạnh, Trung Quốc không muốn "nổ ra chiến tranh thương mại" tuy nhiên "những quyết định dựa trên những giả thuyết hay do việc đánh giá tình hình sai lệch có thể đem lại những hậu quả mà không một bên nào mong muốn".
Theo giới quan sát lời lẽ này phản ánh quan điểm từng được Bắc Kinh liên tục đưa ra từ nhiều tháng qua đó là Trung Quốc không khơi mào một cuộc chiến thương mại nhưng trong trường hợp "cần thiết" sẽ có những biện pháp thỏa đáng để bảo vệ các doanh nghiệp của nước này trước chính sách bảo hộ của chính quyền Trump.
Theo Tân Hoa Xã, cố vấn kinh tế của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là ông Lưu Hà (Liu He), đang có mặt tại Washington, cho biết qua các cuộc trao đổi với phía Hoa Kỳ, đôi bên đồng ý là nên giải quyết các tranh chấp thương mại bằng con đường "hợp tác hơn là đối đầu".
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, hôm 03/03/2018 cho rằng Mỹ viện cớ "an ninh quốc gia" để giới hạn thép và nhôm nhập vào Hoa Kỳ là một quyết định "không có cơ sở"
Úc là một trong những nguồn cung cấp nguyên liệu quan trọng cho Hoa Kỳ cũng cho rằng "chiến tranh thương mại sẽ làm suy yếu đà tăng trưởng của toàn cầu".
Hiệp hội các tập đoàn luyện kim của Hàn Quốc cho biết đang đàm phán để nhôm và thép của họ xuất sang thị trường Hoa Kỳ được miễn trừ thuế nhập khẩu.
Thanh Hà
*********************
Trump dọa đánh thuế xe hơi Châu Âu, leo thang khẩu chiến thương mại (VOA, 04/03/2018)
Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng áp lực lên các đối tác thương mại hôm thứ Bảy, đe dọa áp thuế nhập khẩu lên các nhà sản xuất xe hơi của Châu Âu nếu EU trả đũa kế hoạch của ông định áp thuế lên nhôm và thép.
Phát biểu mới nhất của tổng thống Mỹ cho thấy ông không chịu lùi bước trước các lợi ích kinh doanh của Mỹ và các đối tác thương mại lo lắng về viễn cảnh một cuộc chiến tranh thương mại.
Dòng tweet của ông Trump cho thấy ông không chịu lùi bước trước các lợi ích kinh doanh của Mỹ và các đối tác thương mại lo lắng về viễn cảnh một cuộc chiến tranh thương mại, vốn đã làm kinh động thị trường tài chính trong tuần này.
"Nếu EU muốn tăng thêm thuế nhập khẩu đã hết sức to lớn của họ và các rào cản đối với các công ty Mỹ làm ăn ở đó, thì chúng ta sẽ chỉ cần áp thuế lên xe hơi của họ đang ồ ạt đổ vào thị trường Mỹ", ông Trump viết trên Twitter. "Họ làm xe hơi của chúng (và những thứ khác nữa) không bán được ở đó. Bất bình đẳng thương mại lớn !".
Đe dọa của ông Trump được đưa ra giữa lúc căng thẳng bùng lên ở hai bờ Đại Tây Dương về thương mại.
Hôm thứ Năm, ông Trump nói Mỹ sẽ áp mức thuế 25 phần trăm đối với thép nhập khẩu và 10 phần trăm đối với nhôm nhập khẩu để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước.
Ngày hôm sau, Chủ tịch Ủy hội Châu Âu Jean-Claude Juncker nói trên truyền hình Đức rằng "Chúng tôi sẽ áp thuế lên Harley-Davidson (xe môtô), rượu bourbon và quần jean xanh của Levi’s".
Canada cũng nói rằng họ sẽ trả đũa bất kỳ mức thuế nhập khẩu nào của Mỹ đối với thép và nhôm.
Ông Trump hôm thứ Sáu tweet rằng chiến tranh thương mại là điều tốt và "dễ thắng". Thị trường tài chính ở Mỹ chao đảo ngay sau đó.
Vào tháng 1 năm 2017, ông Trump đã cảnh báo các công ty sản xuất xe hơi của Đức rằng ông sẽ áp đặt một khoản thuế biên giới 35 phần trăm lên xe nhập khẩu vào thị trường Mỹ.
Donald Trump cô đơn trong Nhà Trắng (RFI, 03/03/2018)
13 tháng kể từ khi bước vào Nhà Trắng, các cộng tác viên thân tín nhất với tổng thống Hoa Kỳ thứ 45, Donald Trump lần lượt bị cách chức hay từ chức. Vị thế của chồng cô Ivanka Trump là Jared Kushner cũng bị suy yếu.
Bà Hope Hicks vừa thông báo từ chức giám đốc truyền thông của phủ tổng thốn, cô đơn trong Nhà Trắng. Ảnh ngày 01/03/2018. Reuters/Kevin Lamarque
Từng được cho là "người trung thành nhất trong số những người trung thành" với Donald Trump, bà Hope Hicks vừa thông báo từ chức giám đốc truyền thông của phủ tổng thống. Giới phân tích coi đây là một đòn đau đối với tổng thống Mỹ và là một "bước ngoặt" trên chính trường Mỹ. Bởi lẽ tới nay bà Hicks là một trong những người hiếm hoi đã tìm được cách để tiếp cận với lãnh đạo Hoa Kỳ, trấn an được một vị nguyên thủ có tính khí thất thường, điều hành đất nước qua Twitter.
Việc bà Hope Hicks - nguyên là người được con gái tổng thống cô Ivanka Trump tín nhiệm - từ chức, diễn ra vào một thời điểm bất lợi cho tổng thống Hoa Kỳ. Cuộc điều tra về nghi án Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ do Robert Mueller tiến hành ngày càng "tiến lại gần sát đến những người thân cận của ông Trump".
Nhìn lại bức ảnh hôm ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức 21 tháng Giêng 2017, những gương mặt đứng sát cạnh ông hôm ấy, nay chẳng còn lại là bao.
Cố vấn chiến lược Steve Bannon, người được coi là nắm giữ tay hòm chìa khóa của Nhà Trắng Reince Priebus ; bà Omarosa Manigault, cố vấn của tổng thống về quan hệ với giới truyền thông, hay phát ngôn viên phủ tổng thống Sean Spicer, cũng như là cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn… đều đã mất việc.
Còn lại Jared Kushner, chồng trưởng nữ Ivanka. Nhưng chiếc ghế cố vấn của Jared cũng đang thực sự bị đe dọa, tương lai chính trị của anh con rể tổng thống Trump "mù mờ hơn bao giờ hết". Con rể của tổng thống mất quyền tiếp cận với những hồ sơ mật vì bị nghi ngờ thiếu minh bạch trong các vụ làm ăn riêng tư với quyền lợi quốc gia. Jared Kushner đang là đối tác chính của Hoa Kỳ để giải quyết xung đột giữa Israel và Palestine.
Giới quan sát cho rằng, chính ông Trump phải chịu một phần trách nhiệm về tình cảnh này. Nhà tỷ phú Mỹ luôn có thói quen bắt các cộng tác viên của ông phải ganh đua với nhau, như thể khi Donald Trump còn điều hành một công ty. Đó là chưa kể Nhà Trắng chưa bao giờ chứng kiến cảnh một vị tổng thống Hoa Kỳ mạt sát bộ trưởng Tư Pháp của mình như Donald Trump đã đối xử với ông Jeff Sessions.
Anthony Scaramucci, nguyên giám đốc truyền thông của tổng thống Trump dự báo : sẽ còn có nhiều người phải cuốn gói ra đi khỏi Nhà Trắng.
Với tỷ lệ tín nhiệm đang rơi xuống mức tệ hại chưa từng thấy, ông Donald Trump lại có ý đồ ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai. Tất cả mọi người đều nhận thấy là tổng thống Hoa Kỳ cần nhanh chóng tìm ra một hướng đi mới để đảo ngược thế cờ.
Thanh Hà
*******************
Hoa Kỳ : Giám đốc truyền thông của tổng thống Donald Trump từ chức (RFI, 01/03/2018)
Hôm 28/02/2018, một trong những người thân cận, trung thành với tổng thống Mỹ Donald Trump, bà Hope Hicks, giám đốc truyền thông của Nhà Trắng đã từ chức.
Ảnh minh họa : Bà Hope Hicks, giám đốc truyền thông của Nhà Trắng, sau buổi điều trần trước một tiểu ban của Quốc Hội, ngày 27/02/2018. Reuters/Leah Millis
Đây là vị giám đốc truyền thông thứ tư từ chức, kể từ khi ông Trump lên làm tổng thống. Hôm thứ Ba, 27/02, bà Hope Hicks, 29 tuổi, vốn rất kín đáo, đã phải ra điều trần tại Quốc Hội lưỡng viện trong khuôn khổ nghi án Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Những cố vấn quan trọng nhất của Tổng thống Donald Trump đã từ chức và rời bỏ Nhà Trắng từ sau ngày 20/01/2017. Ảnh LP/INFOGRAPHIE
Từ New York, thông tín viên Grégoire Pourtier cho biết thêm thông tin :
"Spicer, Dubke, rồi lại Spicer, Scaramucci và giờ đây là Hope Hicks… phụ trách truyền thông cho Donald Trump không phải là dễ và trong vòng có hơn một năm, tổng thống Mỹ phải tìm vị giám đốc truyền thông thứ năm.
Ba vị đầu tiên ra đi trong bối cảnh bất đồng với văn phòng tổng thống, nhưng người ta không rõ vì sao Hope Hicks, nguyên là người mẫu, phục vụ gia đình Trump từ lâu, lại rời khỏi Nhà Trắng.
Phải chăng đó là hệ quả của vụ Rob Porter, cố vấn và là nhân tình của bà giám đốc truyền thông, đã bị sa thải khi người ta phát hiện ra các cáo buộc là ông có những hành vi bạo lực trong gia đình đối với hai người vợ trước đây ? Hay là vụ từ chức này có liên quan tới việc bà Hicks, hôm thứ Ba, phải ra điều trần trước một tiểu ban của Quốc Hội đang điều tra về vụ Nga can thiệp vào chiến dịch vận động tranh cử tổng thống. Trong cuộc điều trần, bà Hicks thừa nhận rằng do làm giám đốc truyền thông, bà đã buộc phải có những lời khai gian không nghiêm trọng, không gây hậu quả gì và không có liên hệ gì với cuộc điều tra. Tuy nhiên, bà đã từ chối trả lời các câu hỏi hóc hiểm.
Hôm 28/02, nhiều nhân viên của Nhà Trắng khẳng định là từ nhiều tuần qua, việc từ chức này đã được trù tính và tổng thống Trump tỏ ra thật sự lấy là tiếc về quyết định từ chức và sẽ không quên người phụ nữ 29 tuổi này. Bởi vì cho đến nay, trong số hàng chục cố vấn bị sa thải hoặc rời bỏ Nhà Trắng, bà Hope Hicks là người vẫn luôn luôn trung thành với ông Trump. Và giờ đây, tổng thống lại phải tìm kiếm một "viên ngọc quý hiếm" khác, có khả năng thích ứng với kiểu thông tin bất lường và kém chính thống của ông".
RFI tiếng Việt
Mỹ có thể trở lại TPP nếu có lợi (VOA, 26/01/2018)
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/1 loan báo Hoa Kỳ sẽ tham gia hiệp định thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương với 11 nước nếu hiệp định này có thể đạt thỏa thuận tốt hơn những gì đạt được trước đây.
Bộ trưởng Thương mại 11 nước thành viên còn lại của TPP tham dự cuộc hopc cấp bộ trưởng bên lề APEC , Đà Nẵng, 9/11/2017.
"Tôi sẽ chấp nhận TPP nếu chúng ta có thể đạt một thỏa thuận tốt hơn", ông Trump nói với CNBC trong lúc tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ.
"Thỏa thuận trước đây thật kinh khủng ; kết cấu thật kinh khủng. Nếu thật sự có một thỏa thuận khá hơn, tôi sẽ mở ngỏ khả năng vào TPP".
Ông Trump không nêu rõ những nội dung nào mà ông cho là bất cập trong TPP, thỏa thuận mất rất nhiều năm thương lượng. Năm ngoái, ông Trump đã rút Mỹ ra khỏi TPP.
Ông Trump tỏ ý ủng hộ các thỏa thuận thương mại tay đôi với các nước và ngoài TPP, ông còn nêu nghi vấn về lợi ích của Mỹ trong Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ NAFTA với Mexico và Canada.
"Tôi thích song phương, bởi nếu có vấn đề, thì hủy", ông Trump nói. "Còn khi ở trong một hiệp định với nhiều nước như TPP, 12 nước nếu tính cả chúng ta, không có lựa chọn tương tự như thế".
Sau khi ông Trump rút Mỹ ra khỏi TPP, các nước còn lại tiếp tục đàm phán, định hình lại hiệp ước và đặt tên là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương.
**********************
11 nước 'sẽ ký CPTPP vào tháng Ba' (BBC, 25/01/2018)
Quan chức 11 quốc gia thành viên của Thái Bình Dương vừa kết thúc phiên đàm phán CPTPP và dự kiến sẽ chính thức ký kết vào tháng Ba tại Chile.
12 bộ trưởng cùng cựu thủ tướng New Zealand John Key sau một buổi đàm phán TPP hồi tháng 2/2016, khi Hoa Kỳ vẫn còn là một thành viên
Theo AFP, Thủ tướng Canada Justin Trudeau gọi hiệp định này là "một thỏa thuận đúng đắn" và CPTPP đánh dấu "ngày của nền thương mại tiến bộ trên thế giới".
Trong hai hôm 22-23/1, các quan chức thương mại của 11 nước đã hội đàm tại Tokyo để giải quyết các vấn đề còn vướng mắc giữa các bên.
Việt Nam có những vướng mắc gì ?
Theo báo Thanh Niên, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nói hôm 23/1 rằng phía Mexico đã yêu cầu Việt Nam cải cách vấn đề quyền để người lao động đàm phán tập thể và thành lập công đoàn công sở.
Nhưng ông Tuấn Anh lập luận rằng với trình độ của Việt Nam, cộng với quy trình làm luật của Việt Nam thì cần thời gian nhất định để thực thi các điều kiện này.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh (trái) và Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi sau buổi họp báo về TPP trưa 11/11
Vì vậy theo thỏa thuận sau đàm phán, Việt Nam sẽ có khoảng 5 năm "miễn trừ trừng phạt thương mại" và thêm hai năm "rà soát pháp lý".
"Với nỗ lực của nước chủ nhà Việt Nam cùng với sự tích cực của Nhật thì các nước CPTPP cũng đã đi đến thống nhất và ghi nhận những điểm khác biệt về cơ chế giám sát dệt may, tranh chấp lao động và công đoàn, sở hữu trí tuệ, khác biệt văn hóa".
Thêm vào đó, theo ông, CPTPP có thể sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng thêm khoảng 2% GDP.
Vẫn mở cửa chào đón Hoa Kỳ ?
Theo Reuters, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi nói CPTPP hay TPP-11 sẽ là "động lực vượt qua chủ nghĩa bảo hộ" đang nổi lên ở một số nơi trên thế giới.
Ông nói rằng Nhật Bản sẽ giải thích tầm quan trọng của thỏa thuận này với Washington với hi vọng có thể thuyết phục Hoa Kỳ tham gia trở lại.
Thủ tướng Úc Malcom Turnbull nói vào tuần trước rằng thỏa thuận mới vẫn sẽ vẫn mở cửa chào đón sự tái gia nhập của Hoa Kỳ.
Việt Nam bị các nước thành viên CPTPP yêu cầu cải cách quyền của người lao động
Kể từ khi Hoa Kỳ rút khỏi TPP, Nhật Bản thay thế vai trò dẫn dắt thúc đẩy các bên đạt đến thỏa thuận.
Đây cũng là một chiến thắng cho chính phủ của ông Shinzo Abe, người cho rằng hiệp định này sẽ thúc đẩy phát triển và cải cách cho Nhật Bản.
Ông Abe cũng cho rằng CPTPP là biểu tượng của sự cam kết cho một thị trường thương mại tự do và đa phương trong bối cảnh Tổng thống Trump ưu tiên chính sách "Nước Mỹ trên hết".
TPP thành CPTPP như thế nào ?
Hồi tháng Một 2017, ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump ra quyết định rút Hoa Kỳ khỏi hiệp định của 12 nước thành viên thuộc Thái Bình Dương.
TPP, trở thành TPP-11 và đổi tên thành CPTPP tại Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra tại Việt Nam vào tháng 11.
CPTPP, đầy đủ là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, đã thay thế Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Hiện tại có 11 thành viên từ các nước : Canada, Úc, Brunei, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Khi đó các bộ trưởng thương mại đã gần như thống nhất về các nguyên tắc cơ bản và quyết định đi đến thỏa thuận dù không có Hoa Kỳ.
Nhưng vì các yêu cầu về các chính sách bảo vệ việc làm và môi trường của Canada, khiến buổi đàm phán cuối cùng không thành công.
Nhưng hôm 23/1, Reuters dẫn lời ông Motegi nói, Việt Nam và Canada sẽ trao đổi thư từ với các bên liên quan về các vấn đề trên tại buổi ký kết.
Đừng đánh giá Tổng thống Trump chỉ dựa trên bề ngoài
Sự kiện chính quyền Mỹ buộc phải cắt giảm nhiều hoạt động do Quốc hội lưỡng viện không thông qua được ngân sách liên bang, đúng vào dịp tổng thống Mỹ mừng một năm vào Nhà Trắng, là chủ đề lớn của báo Le Monde hôm nay. Tình trạng mâu thuẫn, hỗn loạn cao độ trong chính quyền Mỹ dưới sự lãnh đạo của tổng thống Donald Trump là điều đã rõ ràng, nhưng xã luận của Le Monde cũng cảnh báo "các đối thủ" của tổng thống Mỹ sẽ phạm phải sai lầm chết người, nếu không chú ý đến những gì mà chính quyền Trump thực sự đã làm trên bình diện đối nội, cũng như đối ngoại.
Chuẩn bị hình nộm tổng thống Mỹ Donald Trump cho cuộc diễu hành Carnaval ở Nice (từ 17/2 đến 3/3), Pháp, ngày 19/01/2018. Reuters/Eric Gaillard
Bài "Đừng đánh giá Donald Trump dựa trên bề ngoài" nhấn mạnh là một chính quyền ít tuân thủ các quy tắc truyền thống như chính quyền của ông Trump chỉ có thể gây ra hỗn loạn, tại Hoa Kỳ cũng như ở mọi nơi trên thế giới. Kể từ khi lên nắm quyền đến nay, tổng thống Mỹ ở trong tình trạng bên bờ vực, liên tục đứng trước nguy cơ bị mất tính chính danh, thậm chí có khả năng bị phế truất, đặc biệt do hồ sơ Nga thao túng bầu cử Mỹ. Dư luận cũng liên tục đặt câu hỏi về "sức khỏe tâm thần" của nguyên thủ Mỹ.
Tuy nhiên, nếu bị hút vào những khía cạnh nói trên, người ta sẽ quên đi một điều là "tỉ phú bất động sản Donald Trump đã chiến thắng trong một cuộc bầu cử", về thực chất là "cuộc đua tranh dân chủ", chứ không phải là một cuộc đánh giá về năng lực và tư cách. Được bầu cho một nhiệm kỳ bốn năm, và vừa được bác sĩ của Nhà Trắng đánh giá là có sức khỏe "tuyệt vời", ông Donald Trump hiện đang nhắm đến một nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, ở ngưỡng cửa 2020.
Xã luận Le Monde nhận xét là, cho dù phong cách cầm quyền đặc biệt của ông Trump gây nhiều náo loạn, tổng thống Mỹ cũng đã đạt được một số mục tiêu của mình trong giai đoạn nắm quyền đầu tiên, như cải cách thuế, thắt chặt quy định về nhập cư, bổ nhiệm ồ ạt các thẩm phán liên bang cho nhiều thập niên tới. Và đặc biệt là, cho dù bị mất lòng dân chưa từng thấy trong 12 tháng cầm quyền đầu tiên, Donald Trump vẫn là tổng thống của một nền kinh tế "đang tăng trưởng". Ông Trump một ngày nào đó rất có thể sẽ được coi là người có công lớn vực dậy nền kinh tế Mỹ, thành tích mà cho đến nay Donald Trump vẫn phải chia sẻ với tiền nhiệm Obama, người mà ông ta vốn "ghét cay, ghét đắng".
Theo Le Monde, cũng cần chú ý đến "một số bóng đen" che phủ bức tranh kinh tế sáng sủa nói trên. Đó là nghi án Nga can thiệp tiếp tục đeo bám Nhà Trắng, là quyết tâm của ông Trump liên tục thách thức "các thế cân bằng quốc tế mong manh" với "những trắc nghiệm gây sốc", từ vấn đề cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, thương mại quốc tế, hay hồ sơ hạt nhân với Iran, xung đột Israel-Palestine. Tóm lại, khuyến nghị của Le Monde là có rất nhiều hồ sơ cần được xem xét kỹ lưỡng để đánh giá được đúng "ông Trump đã làm gì, và ông ta là người như thế nào", hơn là để bị thu hút vào "các huyên náo", sau các thông điệp sáng sớm của tổng thống Mỹ trên mạng Twitter ưa thích.
"Ba trở ngại" nội bộ với tổng thống Mỹ
Vẫn về tổng thống Mỹ Donald Trump, mục "Thảo luận" của Le Monde giới thiệu quan điểm của hai nhà nghiên cứu. Ông Denis Lacore, chuyên gia về chính trị Mỹ (Học viện Chính trị Paris), nhận xét là hiện thời đảng Cộng Hòa vẫn dành sự ủng hộ cho tổng thống Trump, nhưng trong cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa kỳ vào cuối năm nay, phần thắng có thể sẽ thuộc về đảng Dân Chủ.
Chuyên gia Pháp ghi nhận "ba trở ngại lớn" trong hệ thống chính trị Mỹ mà tổng thống Trump phải đối mặt. Thứ nhất là, đảng Cộng Hòa không có đủ 60 /100 ghế tại Thượng Viện để phê chuẩn các quyết định của tổng thống. Thứ hai là tư pháp liên tục đưa ra các biện pháp ngăn cản những biện pháp bị coi là vi hiến của nguyên thủ, và thứ ba là tính chất liên bang của nước Mỹ khiến chính quyền các tiểu bang có thể đưa ra các quyết định đi ngược lại quyết tâm của Washington.
Các hệ phái Phúc Âm : "Khối cử tri vững chắc" của Donald Trump
Về phần mình, giáo sư chính trị Samuel Goldam, Đại học George Washington, đánh giá : tổng thống Trump đã không làm được gì đáng kể, nhưng ngược lại ông ta có được sự hậu thuẫn của "một khối cử tri vững chắc". Nhà chính trị học Mỹ nêu bật một số nghịch lý như nhiều cử tri dành sự ủng hộ cho Donald Trump, không phải vì đồng ý với các ý tưởng của tổng thống Mỹ, mà vì "phong cách nói thẳng tuột" của ông ta.
Nhà chính trị học đại học Washington cũng nhấn mạnh đến sự ủng hộ lớn dành cho Donald Trump từ phía các lực lượng bảo thủ trong các phái Tin Lành Phúc Âm. Các giáo phái Phúc Âm, đã trở nên thiểu số trên đất Mỹ từ nhiều thập niên nay, đang cần đến một người bảo trợ, họ cảm thấy tổng thống Trump mang lại điều này. "Donald Trump – biểu tượng mới của nước Mỹ Phúc Âm" là một phóng sự của Le Figaro hôm nay.
Trung Quốc : "Nhà tù lớn" của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương
Về Trung Quốc, báo Le Monde có hồ sơ lớn : "Trung Quốc : Nhà tù lớn của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương", cho biết người thiểu số theo đạo Hồi ở Tân Cương là nạn nhân của "các đàn áp khốc liệt" của chính quyền Bắc Kinh dưới danh nghĩa "chống ly khai, khủng bố, cực đoan tôn giáo".
Phóng viên Le Monde ghi nhận sự hiện diện quân sự bất thường của Trung Quốc trên trục đường chính xuyên qua khu tự trị Tân Cương, nối liền thủ phủ Urumqi với thành phố Kashgar (hay Khách Thập). Trên tuyến đường dài gần 1.500 km này, phóng viên đã nhìn thấy ít nhất 36 xe quân sự, một đoàn tàu chở xe thiếp giáp ngang qua. Binh sĩ mang vũ khí hiện diện ở khắp nơi. Trên đường phố, người Duy Ngô Nhĩ có thể bị kiểm tra, khám xét nội dung điện thoại cầm tay bất cứ lúc nào. Mọi liên lạc với gia đình ở nước ngoài bị nghi ngờ. Tất cả những người Duy Ngô Nhĩ được hỏi đều cho biết không còn giữ các tiếp xúc với bên ngoài thông qua mạng We Chat, mạng tin nhắn bằng tiếng Trung, hay bất cứ mạng nào khác.
Theo tổ chức bảo vệ nhân quyền HRW, từ mùa hè vừa qua chính quyền Trung Quốc – thông qua các cuộc thăm khám sức khỏe trá hình – đã thu thập các dữ liệu nhân trắc học (trong đó có thông tin về ADN) của toàn bộ cư dân Duy Nhĩ.
Theo Le Monde, các đàn áp, kiểm soát siết chặt nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương diễn ra trong sự thờ ơ của người dân sắc tộc Hán, hiện đã trở thành sắc tộc đa số tại vùng đất lâu đời của người Duy Ngô Nhĩ.
Can thiệp Thổ Nhĩ Kỳ : Bước ngoặt trong cuộc chiến Syria
Can thiệp quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tại miền bắc nước Syria hai đang trong nội chiến là một tâm điểm thời sự quốc tế. Les Echos nhận xét can thiệp của Ankara vào cuối tuần qua là một "bước ngoặt trong cuộc chiến tại Syria".
Thổ Nhĩ Kỳ muốn lập một hành lang sâu khoảng 30 km suốt dọc biên giới để đẩy lực lượng Kurdistan, mà họ cho là khủng bố, ra xa khỏi lãnh thổ nước này. Quyết định được đưa ra sau khi Hoa Kỳ tuyên bố hỗ trợ lực lượng Kurdistan xây dựng các nhóm bảo vệ an ninh biên giới, với khoảng 30.000 người. Ankara coi đây là hành động đe dọa chủ quyền nước này. Theo Les Echos, với can thiệp quân sự này, Thổ Nhĩ Kỳ thêm trở nên xa cách với các đồng minh phương Tây. Hôm nay, một cuộc họp khẩn của Hội Đồng Bảo An về vấn đề này được triệu tập, theo đề nghị của Paris.
Vẫn về cuộc can thiệp Thổ Nhĩ Kỳ, báo Le Figaro cho hay Ankara dự kiến sẽ "một chiến dịch phức tạp và kéo dài". Đà tiến quân của phía Thổ sẽ phụ thuộc vào khả năng kháng cự của từ 8.000 đến 10.000 chiến binh Kurdistan có mặt tại Afrin. Nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế Ahmet Kasim Han (Đại học Kadir Has ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ) dự đoán người Kurdistan sẽ kéo quân Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc chiến đô thị tại một địa bàn mà họ đã kiểm soát từ lâu, và đã rất quen thuộc trong kiểu tác chiến này.
Tunisia : "Nỗi giận" của dân chúng và "niềm hy vọng" của dân chủ
Vẫn liên quan đến khu vực Trung Cận Đông, Les Echos có bài phóng sự : "Iran – Tunisia : Nỗi giận xuyên thấu", nhấn mạnh đến một điểm chung mà chính quyền hai nước Iran và Tunisia đang phải đối mặt, cho dù thể chế chính trị tại mỗi nước là rất khác nhau. Điểm chung đó là sự bất bình của dân chúng, đặc biệt là giới trẻ, đang lâm vào các điều kiện sống ngày càng khó khăn hơn.
Về mặt "địa chính trị", vị trí của Tunisia là ít quan trọng hơn nhiều so với Iran, bên cạnh đó là diện tích và dân số của quốc gia Bắc Phi cũng đều ít ỏi hơn. Thế nhưng theo Les Echos, khủng hoảng tại Tunisia hiện nay cần phải được coi là quan trọng, không chỉ với Châu Âu, mà còn đối với toàn bộ khu vực Bắc Phi và Trung Cận Đông.
Liên Hiệp Châu Âu - với thể chế dân chủ - hiện đang đối mặt với đe dọa của các chế độ độc tài từ bên ngoài, và làn sóng dân túy từ bên trong, cần "bảo vệ các giá trị và lợi ích của mình chính thông qua việc ủng hộ các nguyên tắc của nền dân chủ". Ủng hộ nền dân chủ tại Tunisia chính là gửi một thông điệp mạnh đến nước Nga, quốc gia từng mưu toan làm suy yếu nền dân chủ tại Anh Quốc hay Tây Ban Nha, cũng là một thông điệp gửi đến các thế lực chính trị dân túy Châu Âu tại Hungary hay Ba Lan.
Les Echos nhấn mạnh là "tương lai của Tunisia có một giá trị biểu tượng mang tính toàn cầu". Vào lúc nền dân chủ tại Thổ Nhĩ Kỳ đang chao đảo, điều quan trọng là Tunisia tiếp tục đứng vững, như đã từng như vậy kể từ năm 2011, để tiếp tục là "ốc đảo hy vọng" trong một khu vực đang khủng hoảng nặng nề.
Đức – Pháp muốn gia tăng hợp tác xóa nhòa biên giới
Nỗ lực tăng cường quan hệ Pháp – Đức, trụ cột của dự án phục hưng Châu Âu, là một chủ đề chính của Les Echos.
Les Echos đặc biệt chú ý đến việc Quốc hội hai nước hôm nay chuẩn bị thông qua một nghị quyết đẩy mạnh hợp tác, trong đó có dự án thực nghiệm xây dựng "các khu xuyên biên giới", được coi là "chưa từng có". Nghị quyết - được đưa ra đúng vào dịp kỉ niệm 55 năm hiệp định Elysée, mở đầu cho kỷ nguyên hữu nghị Pháp – Đức.
Khu vực giáp biên giới Pháp – Đức vốn là nơi các đảng dân túy đang dành nhiều ảnh hưởng trong thời gian gần đây. Theo chuyên gia về quan hệ Pháp Đức Claire Demesmay (Viện Chính Trị Đối Ngoại Đức DGAP), nếu được thực hiện đây sẽ là một bước vọt đầy tham vọng của sự hội nhập Pháp-Đức, và Châu Âu nói chung.
Nghị quyết của Quốc hội Pháp – Đức kêu gọi chính quyền hai bên dành thêm cho nhiều đơn vị hành chính xuyên biên giới Pháp-Đức (gọi là "eurodistrict") các quy chế riêng ; chế độ thuế tại những nơi này cũng khác phần còn lại của quốc gia. Dự án các vùng xuyên biên giới Pháp-Đức cho phép dân cư hai bên biên giới phối hợp chặt chẽ để giải quyết các vấn đề đặt ra với đời sống địa phương, không phân biệt quốc gia, lãnh thổ. Một trong các kế hoạch tiêu biểu của dự án này là xây dựng các trường học hỗn hợp Pháp-Đức, nơi việc giảng dạy được tiến hành đồng đều bằng cả hai thứ tiếng.
Trọng Thành
Tròn một năm sau khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ, những người ủng hộ ông, trong đó có ông Phạm Ngọc Cửu, một cử tri từ thành phố Orlando bang Florida, nhìn thấy nhiều lý do để ăn mừng.
Nền kinh tế Mỹ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng đều đặn, tỉ lệ thất nghiệp giữ ở mức thấp, niềm tin của người tiêu dùng tăng cao trong khi chỉ số thị trường chứng khoán Dow Jones liên tục phá kỷ lục mới sau khi luật cải tổ thuế sâu rộng nhất trong nhiều năm qua được Quốc hội do phe Cộng hòa kiểm soát thông qua.
Nhìn xuống phía nam, số di dân bất hợp pháp bị bắt vì tìm cách lẻn qua biên giới từ Mexico vào Mỹ đã tụt xuống mức thấp nhất trong vòng 46 năm qua, theo một báo cáo của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ. Bên kia bờ Đại Tây Dương và xa hơn nữa, các nước đồng minh cũng như kẻ thù của Mỹ đang phải điều chỉnh những tính toán và chiến thuật đối mặt với một tổng thống Mỹ không thể đoán định được.
Đối với ông Cửu, đó là những thành tựu to lớn khẳng định rằng khẩu hiệu tranh cử "Make America Great Again" (Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại) của ông Trump không phải là lời hứa suông để kiếm phiếu.
Ông Cửu hài lòng rằng bản thân đã có một quyết định đúng đắn khi bỏ phiếu cho ứng cử viên Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống 2016. Hơn một năm sau, niềm tin và sự ủng hộ của ông dành cho vị Tổng thống Cộng hòa không hề suy suyển.
"Nói về chuyện ổng làm cho nước Mỹ thì tôi thấy trong thời gian một năm ổng làm được hơn nhiệm kỳ của nhiều ông trước lắm", ông Cửu nói. "Nó giống như một cuộc cách mạng. Người ta nói cách mạng là một sự thay đổi. Quả thật là nước Mỹ đang trong cuộc cách mạng đó".
Chính quyền Trump một năm qua đã từng bước bãi bỏ hoặc đảo ngược hàng loạt những quy định và chính sách của chính quyền tiền nhiệm. Những thay đổi diễn ra trong mọi mặt đời sống, đa phần thầm lặng nhưng đôi khi cũng rùm beng : từ việc bãi bỏ những quy định an toàn bổ sung để hạn chế mức phơi nhiễm berili (một chất độc hóa học cho mô phổi) ở những công nhân trong ngành xây dựng và đóng tàu, cho tới việc ông Trump đảo ngược lập trường của Mỹ suốt 70 năm qua với loan báo công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, khơi lên sự phẫn nộ và các cuộc biểu tình khắp thế giới.
Nhưng Tòa Bạch Ốc dưới quyền ông Trump chứng kiến một sự hỗn loạn chưa từng thấy và là trung tâm của hầu hết những biến động làm rung chuyển Washington. Văn phòng Tổng thống của quốc gia hùng mạnh nhất thế giới trở thành tâm điểm khiến người ta chú ý với sự ra đi của hàng loạt phụ tá cao cấp trong suốt năm 2017.
Tướng John Kelly, cựu Bộ trưởng An ninh Nội địa và là một người được ông Trump nể trọng, đã phần nào giúp chỉnh đốn trật tự trong Cánh Tây Tòa Bạch Ốc khi ông được đưa vào chức Chánh Văn phòng, nhưng ông đã tuyên bố không thể kiểm soát được những phát ngôn của ông chủ Donald Trump, vốn thường khơi lên những cơn bão lửa chính trị.
"Nếu mục tiêu của Tổng thống Trump là làm cho trật tự toàn thế giới xáo trộn thì có lẽ đó là cái mà Tổng thống Trump đã đạt được thành quả rồi", anh Vũ Bảo Kỳ, tư vấn tài chính quốc tế ở thành phố Atlanta, Georgia, nói.
Từng là cố vấn cho Tổng thống George W. Bush về người Mỹ gốc Á, anh Bảo Kỳ hồi năm 2016 tuyên bố từ chức đại cử tri của bang Georgia với lý do lương tâm anh không chấp nhận Donald Trump là ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa. Ông Trump chiến thắng ở bang Georgia trong cuộc tổng tuyển cử, giành trọn 16 phiếu đại cử tri.
Trò chuyện với VOA hơn một năm trước trong giai đoạn chuyển tiếp chính quyền, anh Bảo Kỳ không giấu nỗi lo ngại về thành phần nội các cũng như đường hướng sắp tới của tổng thống đắc cử, người đã vận động tranh cử với những chủ trương trái ngược với các lý tưởng truyền thống của Đảng Cộng hòa mà anh theo đuổi.
Một năm đầy biến động và tranh cãi dưới chính quyền Trump đã không làm những lo ngại của anh tan biến, nếu không phải làm trầm trọng hơn. Anh nói những hy vọng ban đầu của anh rằng ông Trump sẽ thay đổi tính khí bốc đồng đã không thành hiện thực. Anh nhìn thấy nhiều vấn đề trong những chính sách được ban hành, và việc ông Trump tiếp tục những luận điệu lúc tranh cử trên cương vị tổng thống hiện thời khiến anh cảm thấy bất an.
"Tôi không có sự tôn trọng dành cho Tổng thống này bởi vì tôi tin chắc rằng ông ta vẫn chưa hành xử như một tổng thống", anh Bảo Kỳ thừa nhận.
Chưa có Tổng thống Mỹ nào mà cung cách hành xử khi tại nhiệm lại thu hút nhiều sự chú ý như ông Trump. Xuất thân là một tỉ phú bất động sản và cựu ngôi sao truyền hình thực tế, ông Trump trên cương vị tổng thống đã phá vỡ những tiền lệ và chuẩn mực vốn được trông đợi ở nhà lãnh đạo quyền lực bậc nhất thế giới với những phát biểu khơi ra nhiều tranh cãi, chủ yếu phát đi trên nền tảng truyền thông yêu thích của ông – Twitter.
Ông hăng say sử dụng 140 (và rồi 280) ký tự của một dòng tweet để loan báo những chính sách, đả kích truyền thông chính thống (nhưng ca ngợi Fox News), phản pháo những người chỉ trích, hay để đốp chát nảy lửa với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un khiến căng thẳng tăng cao tại một trong những khu vực tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh lớn nhất thế giới.
Những lời lẽ thẳng thừng đôi lúc hung hăng này có sức thu hút lớn đối với những ủng hộ viên nòng cốt của ông và cũng góp phần gia tăng áp lực lên nỗ lực chế tài Triều Tiên, song những người ủng hộ nhiệt thành nhất của ông đôi khi cũng không mấy hài lòng về thói quen này.
"Tôi nghĩ ổng cũng phải ‘tu tâm dưỡng tính’ lại chút", ông Cửu cười nói. "Đừng có tuyên bố cương lên rồi làm cho nó trở thành hỗn loạn trên chính trường".
Trong khi những người ủng hộ thích những phát ngôn bộc trực của ông Trump, những người khác nói rằng chúng tiếp tục đào sâu thêm hố ngăn cách giữa những người ủng hộ và những người chống đối ông, và ông đã không hề nỗ lực để hàn gắn những vết thương trong xã hội Mỹ vốn đã bị chia rẽ trầm trọng sau cuộc bầu cử năm 2016.
"Chưa bao giờ trong thời hiện đại mà một người chiếm giữ Phòng Bầu dục dường như lại khước từ một cách triệt để quan niệm rằng nghĩa vụ của một Tổng thống là đoàn kết đất nước", nhà báo kỳ cựu Peter Baker của tờ The New York Times chuyên tường trình về Tòa Bạch Ốc viết trong một bài phân tích. "Luôn muốn gây hấn, rạo rực bởi tranh cãi, quyết đáp trả bất cứ lời xỉa xói nào, Ông Trump đã tự biến mình thành tông đồ của sự giận dữ, phó tế của sự chia rẽ".
Nhiều trong số những phát biểu của ông nhắm thẳng vào một trong những vấn đề nhạy cảm nhất trong đời sống Mỹ, chủng tộc, dù đó là tuyên bố đánh đồng cả hai phía đều có "những người rất tốt" sau khi những kẻ chủ trương thượng đẳng da trắng gây bạo loạn ở thành phố Charlottesville bang Virginia, hay phát biểu gọi Haiti và các nước Châu Phi là "những quốc gia hố phân" (tiếng Anh : shithole countries) khi ông nói về người nhập cư từ các nước này.
Bà Lý Kim Hà, cư dân thành phố Woodbridge bang Virginia, người bỏ phiếu cho ứng cử viên Dân chủ Hillary Clinton, đã sớm chấp nhận ông Trump sau khi ông đắc cử và bày tỏ mong muốn ông sẽ đoàn kết nước Mỹ tiến về phía trước. Nhưng sau một năm cầm quyền, ông đã không thể làm vơi bớt những "ưu tư, vướng mắc nan giải" của bà mà ngược lại càng củng cố những ấn tượng tiêu cực của bà về ông thời còn vận động tranh cử.
"Ông đã tăng cường điều kiện để những thành phần thiểu số kì thị chủng tộc lên tiếng nói rất là mạnh mẽ, và đã gây ra một thảm trạng của một sự phân chia trầm trọng", cựu nhân viên Sở Xã hội đã về hưu này nói.
Khẩu hiệu "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại", lời hiệu triệu một liên minh đưa ông Trump tới chiến thắng ít ai ngờ tới, giờ khơi lên trong bà hình ảnh một nước Mỹ của người da trắng thuần chủng nơi mà những di dân như bà không được chào đón. Nó cho thấy chính quyền này "muốn bôi xóa đi tính nhân đạo của một đất nước đóng vai trò lãnh đạo thế giới", bà nói.
"Người ta cứ nói là ‘Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại’ trước hết mình phải định nghĩa thế nào là một ‘nước vĩ đại,’" ông Dương Đức Vĩnh, cư dân ở Macomb bang Michigan, nói. "Một ‘nước vĩ đại’ là con người cũng phải có tình người, đối xử với nhau bằng tình người, đối xử với các nước bằng tình người".
Vị cựu Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Quốc gia Michigan nói ông tán đồng chủ trương của ông Trump là đặt nhu cầu của người dân Mỹ và công việc nội bộ của nước Mỹ lên hàng đầu, so sánh với việc một cá nhân có nghĩa vụ chăm lo gia đình của chính mình trước tiên. Nhưng ông nói điều đó không có nghĩa là mình dè bỉu hàng xóm.
Vào lúc ông Trump khép lại năm đầu tiên trên cương vị tổng thống, các cuộc khảo sát ý kiến công chúng cho thấy tỉ lệ ủng hộ dành cho ông hiện đang ở mức thấp nhất so với bất cứ Tổng thống Mỹ nào trong lịch sử hiện đại khi họ kết thúc năm đầu tiên. 57 phần trăm người được khảo sát không bằng lòng với cách điều hành đất nước của ông so với 39 phần trăm bằng lòng, theo một cuộc khảo sát của đài NBC và báo The Wall Street Journal công bố hôm thứ Sáu.
Dưới quyền của ông Trump, sự ủng hộ của thế giới đối với sự lãnh đạo của Mỹ đã giảm mạnh, theo một cuộc khảo sát 137 quốc gia của Gallup công bố hôm thứ Năm. Chỉ có 30 phần trăm thế giới bằng lòng về sự lãnh đạo của Mỹ trong năm đầu Tổng thống Trump tại nhiệm, tụt xuống từ mức 48 phần trăm vào năm cuối của chính quyền Tổng thống Barack Obama vào năm 2016, theo cuộc khảo sát.
"Tôi hy vọng Tổng thống sẽ thay đổi thay vì dồn quá nhiều thì giờ để chỉ trích người này người kia", ông Đỗ Quang Tỏa, một cư dân thành phố Fairfax bang Virginia, nói. Ông mô tả những phát ngôn bốc đồng và gây tranh cãi của ông Trump như một "đám mây đen" che phủ những thành tích mà chính quyền ông đang đạt được.
"Nếu mà Tổng thống không thay đổi…thì tôi nghĩ là đám mây đen này sẽ không tan biến mà tôi chỉ sợ là nó càng ngày càng đen lại", ông nói thêm.
Dù thách thức lớn nhất vẫn là chính mình, ông Trump trong năm 2018 sẽ đối mặt với những thách thức khác ngoài tầm kiểm soát của ông mà có thể làm chính quyền của ông chao đảo. Cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về sự thông đồng khả dĩ giữa ban vận động tranh cử của ông với Nga hồi năm 2016 đang gia tăng cường độ và đang nhắm mục tiêu vào những nhân vật thân tín nhất của ông Trump, trong khi quyền kiểm soát Quốc hội của phe Cộng hòa đang lâm nguy trước một đợt sóng thần đang manh nha hình thành ở phe Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ toàn quốc vào tháng 11 tới đây.
Hoàng Long
********************
Tổng thống Trump : Một năm sau (VOA, 19/01/2018)
Tổng thống Donald Trump đánh dấu năm đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông vào ngày thứ Bảy 20/1. Năm đầu tiên đầy sóng gió trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump không giống với bất kỳ nhiệm kỳ Tổng thống nào khác trong lịch sử cận đại của Hoa Kỳ, và năm 2018 có lẽ cũng không có gì khác.
Tổng thống Trump, một năm sau khi lên nhậm chức (VOA)
Đối với vị Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, nhiệm kỳ Tổng thống của ông khởi sự với một tuyên bố mạnh mẽ :
"Từ ngày này trở đi nước Mỹ sẽ được đặt lên trên hết, nước Mỹ trên hết !"
Tổng thống Trump nhanh chóng cắt bỏ các luật lệ của thời Tổng thống Obama và chọn người điền vào một chỗ trống tại Toà án Tối cao.
Một phụ nữ xếp hàng chờ vào hội trường nơi Tổng thống Trump sẽ phát biểu trong một cuộc tập họp tương tự như lúc còn vận động tranh cử. Ảnh chụp ngày 22/8/2017.
Chiến thắng lớn nhất của ông - một dự luật cắt giảm thuế có ảnh hưởng sâu rộng- đến vào tháng 12, 11 tháng từ khi nhiệm kỳ tổng thống của ông bắt đầu.
Tổng thống Trump nói :
"Đây là dự luật (cắt giảm thuế), ngay tại đây, chúng tôi rất tự hào về nó. Dự luật này sẽ là một điều tuyệt vời cho nhân dân Mỹ. Và cũng sẽ rất tốt cho nền kinh tế".
Nhà phân tích John Fortier thuộc Trung tâm nghiên cứu Chính sách Lưỡng đảng, nói thông qua dự luật thuế có thể giúp Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử quốc hội năm nay.
"Các đảng viên Cộng hòa đã thông qua luật thuế thành công, một dự luật quan trọng về thuế hồi tháng Mười Hai, đó là một thành quả lớn đối với họ, và vì vậy là điều đã đặt họ theo một hướng đi tốt hơn".
Nhưng năm đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump cũng đã vấp phải nhiều thất bại.
Một người biểu tình giương biểu ngữ trong một cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Trump và các chính sách của ông tại Quảng trường Quốc gia ở thủ đô Washington, ngày 3/6/2017.
Nỗ lực bãi bỏ luật Chăm sóc Sức khỏe Giá phải chăng của Tổng Thống Obama, còn gọi là Obamacare, đã thất bại. Những lời lẽ giận dữ tung lên trang mạng Twitter, và đôi khi những luận điệu gây bất bình của ông Trump, kể cả những từ ngữ thô tục mà ông Trump đã thốt ra về Haiti và các nước ở Châu Phi đã khiến các đảng viên Đảng Dân chủ, kể cả Thượng nghị sĩ Cory phẫn nộ.
Ông Booker nói :
"Những từ ngữ đó sẽ không tan biến như sương khói, chúng ung mủ, rồi thành chất độc, tạo điều kiện cho tinh thần bất khoan dung và lòng hận thù nổi lên ở trong nước".
Nhà phân tích John Hudak nhận định rằng phong cách lãnh đạo gây chia rẽ và tranh cãi của ông Trump tiếp tục tác động tới mức độ ủng hộ của người dân trong các cuộc thăm dò ý kiến công chúng, bất chấp nền kinh tế phát triển mạnh.
Ông Hudak thuộc Viện nghiên cứu Brookings :
"Tôi nghĩ mọi người đang đánh giá ông dựa trên nhiều yếu tố khác hơn là kinh tế, điều đó giải thích vì sao mức ủng hộ dành cho ông khá thấp".
Theo nhà phân tích Larry Sabato, mức ủng hộ thấp kỷ lục trong lịch sử của ông Trump có thể có lợi cho đảng Dân chủ trong các cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 11 năm nay.
Nhà phân tích Sabato thuộc Đại học Virginia nói với VOA qua Skype :
"Khi một làn sóng tràn tới thì nước sẽ không phân biệt giữa những người đi theo quan điểm của một ông tổng thống không được ưa thích, với những người cố gắng đặt ra một khoảng cách giữa họ với vị tổng thống đó".
Năm 2018, ông Trump hy vọng nền kinh tế hùng mạnh sẽ cải thiện mức ủng hộ dành cho ông trong các cuộc thăm dò.
Tuy nhiên, viễn ảnh thất bại trong các cuộc bầu cử tháng 11, và một cuộc thăm dò vẫn đang tiếp diễn về vai trò của Nga trong cuộc bầu cử Mỹ, có thể khiến cho năm thứ nhì trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump còn nhiều thử thách hơn cả năm đầu tiên.
Jim Malone
*******************
Donald Trump : Một năm cầm quyền đầy sóng gió 'RFI, 20/01/2018)
Ngày 20/01/2018 là đúng một năm ông Donald Trump nhậm chức tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, sau khi đã bất ngờ vượt qua các đối thủ trong đảng Cộng Hòa và đắc cử với khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết".
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Vườn Hồng, Nhà Trắng, ngày 19/01/2018. Reuters/Carlos Barria
Trong một năm cầm quyền, ông Trump đã thi hành chính sách cứng rắn hơn về nhập cư và đã đề ra dự án xây bức tường giữa Hoa Kỳ và Mexico để ngăn chận nhập cư bất hợp pháp từ láng giềng Trung Mỹ.
Về xã hội, tổng thống Trump đã tìm cách xóa bỏ nhưng không thành công hệ thống bảo hiểm y tế mà người tiền nhiệm Barack Obama đã thiết lập để bảo đảm người nghèo ở Mỹ được chăm sóc y tế đàng hoàng. Nhưng về thuế khóa, ông đã thành công trong việc giảm thuế tổng cộng 1.500 tỷ đôla.
Về chính trị nội bộ, chính quyền Trump trong một năm qua đã phải vất vả đối đầu với nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Do nghi án này mà tổng thống Trump đã cách chức giám đốc FBI James Comey, nhưng nhiều nhân vật thân cận của ông đã bị điều tra hoặc truy tố.
Cũng theo tinh thần của khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết", tổng thống Trump, một người vẫn hoài nghi về biến đổi khí hậu, đã rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định Paris, vì cho rằng hiệp định này bất lợi cho Mỹ.
Về kinh tế, ông Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, vì hiệp định cũng bị ông xem là bất lợi cho nước Mỹ.
Về địa chính trị quốc tế, chính quyền Trump trong một năm qua đã phải đối phó với khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên và ngày càng quan ngại về khả năng của Bình Nhưỡng tấn công bằng vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo vào lãnh thổ Hoa Kỳ.
Bản thân ông Trump cũng đã gây ra một khủng hoảng khác. Đầu tháng 12/2017, trái với ý kiến của toàn thế giới, ngoại trừ của Israel, tổng thống Trump thông báo công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, trong khi đây là thánh địa của toàn bộ các tôn giáo trong khu vực. Quyết định này đã khiến dân Palestine phẫn nộ, dẫn đến nhiều vụ biểu tình bạo động và khiến cho vùng Trung Đông nóng trở lại.
Nói chung, trong năm cầm quyền đầu tiên, tính khí bốc đồng của ông Trump, thể hiện chủ yếu qua những tin nhắn trên mạng Twitter, đã liên tục gây sóng gió trên chính trường quốc tế.
Thanh Phương
Năm I của nước Mỹ thời Donald Trump : Dấu ấn của sự thái quá
Phát hành vào đúng dịp kết thúc năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ Donald Trump, các tuần báo Pháp dĩ nhiên đã dành nhiều trang bài điểm lại một năm cầm quyền của người lãnh đạo cường quốc số một trên thế giới. Nổi bật nhất là hồ sơ chính của Courrier International, trong đó tuần báo Pháp nêu bật sự kiện là những hành động "thái quá" của ông Trump trong vai trò lãnh đạo nước Mỹ đã gây chấn động khắp nơi.
Ảnh chụp màn hình trang bìa Courrier International (18-24/01/2018), thể hiện tác phẩm hội họa Tiếng Hét (Le Cri) của danh họa Na Uy Edvard Munch. RFI / Tiếng Việt
Trang bìa của Courrier International rất ấn tượng : Trên nền cờ Mỹ, người ta thấy hình vẽ một người ôm đầu, mắt và miệng đều mở to, ngay bên cạnh dòng tựa "Làm người Mỹ dưới thời Trump" và câu hỏi bên dưới : "Làm sao để sống ở một đất nước đã bầu lên một tổng thống như thế". Bức hình mô phỏng tấm tranh nổi tiếng Tiếng Thét (Le Cri) của danh họa Na Uy Edvard Munch vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, thường được cho là thể hiện nỗi lo âu, tuyệt vọng.
Trong hồ sơ chính bên trong, Courrier International trước hết đã trích dịch một bài viết của nhà văn Canada Omar El-Akkad đăng trên báo The Globe and Mail, ghi nhận rằng một năm sau ngày nhậm chức, chủ nhân Nhà Trắng vừa gây lo ngại, vừa kích động một nước Mỹ bị chia rẽ giữa hai xu hướng bảo thủ và chủ nghĩa tiến bộ.
Về câu hỏi làm sao để sống trong một quốc gia đã bầu một người như ông Trump lên làm tổng thống, một người có tính tình dễ nổi nóng và tính khí thất thường, người Mỹ đã có những phản ứng khác nhau, người thì tìm cách trường kỳ kháng chiến, kẻ thì nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đặt lại vấn đề lịch sử và bản sắc Mỹ.
Một điều chắc chắn, theo Courrier International, là người Mỹ trong thời Donald Trump không dễ dàng chút nào.
Donald Trump và sự thái quá
Trong bài xã luận tựa đề : "Vị tổng thống thái quá", Courrier International cho rằng một năm cầm quyền của ông Trump quả đúng là một năm của những sự quá đáng. Tổng thống Mỹ không chỉ thái quá trong ngôn từ, với những tin nhắn Twitter hay lời lẽ đầy tính chất khiêu khích, kỳ thị chủng tộc hay thô lỗ, mà ông còn chạm đến điểm sâu xa nhất của nước Mỹ.
Theo tờ báo Pháp, thực tế hàng ngày thời tổng thống Trump là một sự xúc phạm đến cử tri Mỹ, đến hình ảnh nước Mỹ.
Nếu diễn văn của ông không thay đổi từ khi được bầu, vẫn xen kẽ giọng điệu hùng hồn thời vận động tranh cử với những tuyên bố công phẫn đầy tính chất dân túy, thì bảng sơ kết một năm cầm quyền của ông cho thấy một sự thụt lùi ngày càng xa trên bình diện xã hội.
Trong diễn văn nhậm chức ngày 20/01/2017, ông đã hứa : "Mỗi quyết định về thương mại, thuế khóa, nhập cư, ngoại giao sẽ được đưa ra vì lợi ích của các gia đình, các người lao động Mỹ". Thế nhưng, ông đã nuốt lời hứa. Không những người lao động Mỹ bị phớt lờ mà chính sách của tổng thống còn chia rẽ thêm nước Mỹ và chỉ quan tâm đến những kẻ giàu có.
Còn ở nước ngoài thì quả là thảm hại. Cứ mỗi một tuần là có một vụ tai tiếng mới. Nước Mỹ của ông Trump đã trở về "thời đại của lửa và sự cuồng nộ" như tuần báo Đức Der Spiegel đã chạy tựa. Và người ta rất muốn nói (như trong phim) "Washington, we’ve got a problem - Washington ơi, chúng tôi đang có chút vấn đề" nhưng không phải là một cách hóm hỉnh.
Nền dân chủ Hoa Kỳ trong cơn hấp hối ?
Cũng đánh giá về nước Mỹ sau một năm cầm quyền của tổng thống Trump như Courrier International, nhưng tuần báo L’Obs lại rất bi quan, và ở trang quốc tế đã cho rằng "Nền dân chủ Hoa Kỳ đang thoi thóp".
Tờ báo ghi nhận là cho đến giờ này, mọi sự đều êm ả, theo quan điểm của một phần nước Mỹ, không chỉ ở những người ủng hộ ông Trump, mà cả ở nhiều người khác, từng sợ rằng Hoa Kỳ sẽ gặp thảm họa. Nhìn chung, kinh tế vẫn tăng trưởng, thị trường chứng khoán vẫn khỏi sắc, không một cuộc chiến nào nổ ra, kể cả chiến tranh thương mại.
Đối với L’Obs, các cơ chế của nền dân chủ Mỹ vẫn vận hành tốt, nhưng câu hỏi đặt ra là với cách hành xử hiện nay của tổng thống Trump, liệu các cơ chế này còn vững vàng được hay không.
Trong lãnh vực đối ngoại cũng thế, L’Obs công nhận là thế giới không bùng nổ trong năm 2017, nhưng trong năm 2018 này, không có gì là chắc chắn cả. Theo tuần báo Pháp : "Trump đã rải ra nhiều quả mìn, đến mức mà ngày nay, ta chỉ còn cách cầu trời cho những trái mìn đó đừng nổ".
Và L’Obs nêu bật ba ví dụ : Bắc Triều Tiên, với trò "nút bấm của tôi lớn hơn nút bấm của anh", vùng Trung Đông với ưu tiên quan hệ với Saudi Arabia, với ý định phá hủy hiệp định hạt nhân Iran, và với việc đứng hẳn về phe Israel trong cuộc tranh chấp với Palestine.
Theo tạp chí Pháp, trên trường quốc tế, chưa bao giờ có tổng thống Mỹ nào bị cô lập như ông Trump hiện nay, và ông sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thành lập một liên minh quân sự nếu chiến tranh bùng lên.
Mặt khác, đường lối ngoại giao của ông không chỉ thiếu nhất quán đối với các đồng minh của Mỹ, mà còn mở rộng cửa cho Nga, và nhất là cho Trung Quốc, vốn rất sung sướng khi được dịp chiếm lấy quyền lãnh đạo thế giới 10 năm sớm hơn thời hạn mà chính Bắc Kinh dự trù.
Nhật Bản : Nghề làm thế thân
Riêng về châu Á, Courrier International trích tờ báo Mỹ The Atlantic, đã nhìn sang Nhật Bản và chú ý đến một hiện tượng xã hội ngày càng phổ biến : Đó là thuê người đóng đủ vai trò từ bạn bè, đồng nghiệp cho đến người thân, thậm chí người chồng… để giữ thể diện hoặc do nhu cầu hành chính !
Phóng viên của báo The Atlantic đã gặp một nhân vật đảm trách dịch vụ này : Yuichi Ishii, 36 tuổi, đã đóng rất thành thạo những vai từ bạn đời, cha, anh, người thân buồn bã trong đám tang...
Cách đây 8 năm, Yuichi đã thành lập công ty Family Romance, cung cấp dịch vụ nói trên với khoảng 800 diễn viên chuyên nghiệp - có cả trẻ em lẫn người già - đóng đủ mọi vai trò trong đời sống riêng tư. Công ty rất hãnh diện cho là có thể đáp ứng mọi yêu cầu, trong mọi tình huống có thể tưởng tượng được, giúp lấp những khoảng thiếu vắng quá nặng nề hay những khoảng trống mà nhiều người xem như những thất bại trong cuộc đời họ. Trong một xã hội mà cuộc sống ngày thêm cô độc, thì loại dịch vụ này phát triển vô cùng nhanh chóng.
Trả lời phóng viên The Atlantic, Yuichi kể lại rằng vai đầu tiên của anh, là đã đóng vai người chồng cho một cô bạn gái, một người mẹ đơn thân muốn ghi tên cho con trai vào một trường tư thục nhưng bị từ chối vì lý do duy nhất là đứa bé không có cha. Bất bình trước bất công xã hội này, Yuchi đã đóng vai người cha đứa bé. Nhưng lần đó anh đã không thành công, không thuyết phục được nhà trường.
Chính sau sự kiện đó mà Yuchi đã nghĩ đến thành lập công ty dịch vụ và đã gặt hái thành công đầu tiên. Khách hàng cũng là một bà mẹ đơn thân, tìm người đóng vai người cha cho cô gái 12 tuổi, thường bị sách nhiễu vì không có cha.
Yuchi Ishii đã đóng vai này 8 năm nay và là người cha duy nhất mà cô bé biết đến. Nay cô bé này đã học xong trung học, và bà mẹ vẫn không cho biết sự thật. Yuchi sẽ phải tiếp tục vai trò của mình, có lẽ cho đến khi cô bé lấy chồng và sau đó đóng nốt vai trò ông ngoại !
Nếu cô bé khám phá sự thật thì sẽ là một cú sốc, cho nên câu hỏi đầu tiên đối với khách hàng là có thể nói dối lâu dài được không. Đây là khó khăn lớn nhất. Đối với cô bé gái nói trên khả năng cô khám phá sự thật không phải không có. Tại Family Romance mỗi diễn viên chỉ có thể đóng song song 5 vai mà thôi, để bí mật được giữ kín…
Trung Quốc : Sách sử bỏ chương về Cách Mạng Văn Hóa
Courrier International trích các trang mạng và báo Hồng Kông tiết lộ thông tin về sách sử mới cho học sinh trung học, bỏ đi chương về Cách Mạng Văn Hóa thời Mao như giảng dậy hiện nay.
Thông tin này đã được tiết lộ trên trang mạng Giảng Sử Đường (Jiangshitang) ngày 10/01 và đã được cư dân mạng phố biến nhanh chóng, gây tranh luận sôi nổi, theo website Hồng Kông HK01. Trang tiết lộ thông tin đã bị kiểm duyệt chỉ sau 4 tiếng đồng hồ, tài khoản bị đóng.
Trong sách giáo khoa mới sắp được sử dụng thì giai đoạn 1966-1976, giai đoạn mà Trung Quốc bị xáo trộn dữ dội, một thời kỳ tai ác, sẽ được nêu ngắn trong 6 đoạn, đưa vào mục thời khởi đầu của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (từ năm 1949).
Chi tiết ít hơn, ca ngợi nhiều hơn
Các quyết định của Mao trong thời gian này không còn được cho là "sai lầm" như trong bản cũ. Sách mới khẳng định là việc khởi động Cách Mạng Văn Hóa "đã có những nguyên nhân lịch sử và xã hội phức tạp" và đối với với Đảng cộng sản Trung Quốc đó là "một đường vòng trong những mò mẫm (của đảng)" và kết luận "trong thế giới này, không có gì tiến triển chỉ dưới một ngọn gió thuận lợi, lịch sử thế giới kinh qua những diễn tiến ngoằn ngoèo, những thành công và thất bại".
Theo tờ Minh Báo Hồng Kông, sách sử mới do bộ Giáo Dục Trung Quốc biên soạn và dĩ nhiên là phần phân tích thì họ đã đưa bộ Tuyên Truyền đọc lại. Do đó người ta có thể tự hỏi là sự thay đổi này có phải là dấu hiệu một sự chuyển biến chính trị chính thức hay không ?
Đối với tờ báo Hồng Kông, "Việc bình thường hóa Cách Mạng Văn Hóa là một ý định không tốt, vào lúc kỷ niệm cải cách thì không nên quên lịch sử". Tạp chí Courrier International nhắc lại là năm 2018 đánh dấu 40 năm cải cách của ông Đặng Tiểu Bình.
L’Obs : Nữ văn sĩ bí ẩn với 2 triệu độc giả
Trở lại với trang bìa và hồ sơ đặc biệt của các tuần báo Pháp, L’Obs tuần này đã giới thiệu bài phỏng vấn độc quyền một nữ văn sĩ Ý với tựa lớn : "Rốt cuộc Elena Ferrante đã lên tiếng", bên cạnh một tiểu tựa mang tính giải thích : "Người mà không ai biết với 2 triệu độc giả".
Ở trang trong, L’Obs nói rõ hơn : "Kể từ khi công bố tập đầu tiên của tiểu thuyết "Người bạn gái phi thường" vào năm 2011, nữ tiểu thuyết gia người Ý đã gặt hái thành công lớn trên toàn thế giới. Thế nhưng, bà không đồng ý tiết lộ danh tính của mình".
Tuy nhiên, nhân dịp tập thứ tư trong tiểu thuyết của mình ra mắt độc giả, nhà văn đã dành riêng cho tuần báo L’Obs bài phỏng vấn duy nhất tại Pháp. Ba tập đầu tiên của tiểu thuyết Người bạn gái phi thường của Elena Ferrante dịch ra tiếng Pháp, đã bán được cả triệu bản.
Pháp : Hơn 600 công chức có lương cao hơn tổng thống Macron
Về nước Pháp, L’Obs có một hồ sơ rất thú vị, tìm hiểu về những công chức cao cấp có mức lương cao hơn cả tổng thống Emmanuel Macron.
Tuần báo đã giới thiệu quyển biên khảo Những kẻ bất khả xâm phạm trong guồng máy Nhà Nước của Vincent Jauvert, phóng viên của L’Obs chuyên theo dõi những vấn đề liên quan đến giới công chức cao cấp.
Ghi nhận của nhà báo này rất cay đắng khi phát hiện ra sự suy đồi, bất chấp các quy tắc đạo đức của giới trên nguyên tắc là phải phục vụ Nhà Nước. Nhà báo đã nêu ví dụ của những người nguyên là "trùm sò" tại Bercy, tức là bộ Kinh Tế Tài Chánh, đã "bán mình" cho các công ty đa quốc gia để chỉ cho những ông chủ mới của họ tất cả những kẽ hở trong luật thuế do chính họ đề ra.
Nhà báo cũng tiết lộ mức lương khổng lồ của các công chức cao cấp, với hơn sáu trăm người có mức cao hơn cả mức lương của tổng thống Pháp, từng được ấn định từ thời tổng thống François Hollande là 150.000 euro mỗi năm.
Theo số liệu của năm 2012, có sáu trăm người kiếm được hơn khoản tiền nói trên, đứng đầu là các công chức Bộ ngoại giao, với 300 người. Còn năm 2015, riêng Bộ kinh tế - tài chánh, cũng đã có 150 người được khoản lương cao ngất ngưởng.
L’Express gáy vang về kinh tế Pháp !
Cũng chú ý đến nước Pháp, nhưng tuần báo L’Express đã nhấn mạnh đến khía cạnh kinh tế, với hình trên trang bìa là một con gà trống với lông ba màu xanh trắng đỏ của quốc kỳ Pháp. Đặc điểm là con gà này đang chống nạng để đi. L’Express giải thích bằng hàng tựa lớn "Vực dậy rồi, nhưng mà…", ý muốn nói đến sự hồi phục kinh tế.
Tiểu tựa ở trang bìa L’Express nói rõ thêm : "Tăng trưởng kinh tế vẫn mong manh, các doanh nghiệp vẫn tuyển dụng thêm người một cách khó khăn". Bên trang trong, tuần báo còn đi sâu vào phân tích các "lợi thế và khuyết điểm" của kinh tế Pháp.
Thế nhưng, L’Express vẫn rất lạc quan khi ghi nhận uy tín của nước Pháp bắt đầu tăng cao trở lại trên trường quốc tế : "Phải chăng thời kỳ nước Pháp bị bêu riếu đã qua rồi ? Dẫu sao thì trong khoảng thời gian vài tháng nay, tình yêu nước Pháp ở ngoại quốc đã trở lại, thậm chí láng giềng Anh Quốc, thường khi hay đả kích những "Froggies" ("Lũ ếch", biệt danh người Anh dùng để chỉ người Pháp, nổi tiếng là thích ăn đùi ếch), cũng phải công nhận thực tế đó".
Theo L’Express, trên bình diện chính trị, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã được các tờ báo và tạp chí lớn ở Anh, Mỹ và Đức đưa lên trang nhất để khen ngợi. Kết quả là nước Pháp đã vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng thường niên Soft Power 30 của các nước có ảnh hưởng nhất trên thế giới, vượt qua cả Mỹ.
Kết quả này đã được công bố trước khi Paris giành được quyền tổ chức Thế Vận Hội 2024, trước lúc Viện Bảo Tàng Louvre ở Abu Dhabi mở cửa hồi tháng 11/2017, và trước cả ngày công bố số liệu rất tốt về thành tích của điện ảnh Pháp ở nước ngoài.
Mai Vân