Đọc cuốn "Lửa và Cuồng nộ : Bên trong Nhà Trắng của Trump" của nhà báo Michael Wolff, chúng tôi liên tưởng ngay đến cuốn "Nhật ký người điên" của Lỗ Tấn, một nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc.
Chúng tôi nhớ lại bài "Tôi nghiên cứu về những người nói láo, và tôi chưa từng thấy một người như Tổng thống Mỹ Donald Trump" của bà Bella DePaulo, một nhà nghiên cứu về khoa học xã hội, đăng trên báo Wahington Post.
Chúng tôi lại liên tưởng đến bài nói về hội chứng "Malignant narcissism" của Trump, một hội chứng tâm lý tổng hợp sự quá yêu mình, nhân cách rối loạn chống xã hội, thích gây hấn và tàn ác… do John Gartner, một giáo sư về bệnh tâm thần tại Johns Hopkins University School of Medicine viết. v.v.
Báo Economist: Trump lên một tuổi !
Lỗ Tấn (1881-1936) đã dùng tác phẩm đầu tay của ông là cuốn "Nhật ký người điên" để nói về những bi thảm của chế độ phong kiến Trung Quốc thời ông sống, nay đọc lại thấy có nhiều điều sao mà gióng những gì đang xảy ra dưới chế độ Donald Trump quá ! Lỗ Tấn viết:
"Trước kia mình chỉ nghe ông ta (nhân vật trong chuyện) giảng, cũng hồ đồ cho qua đi. Bây giờ mới biết rằng ngay khi ông ta giảng, không những mép ông ta còn nhậy mỡ người mà bụng ông ta thì đang tơ tưởng đến chuyện ăn thịt người !".
Mới đây, bất chấp hiến pháp và luật pháp Hoa Kỳ, Donald Trump lại công khai bày tỏ tinh thần kỳ thị chủng tộc khi đề cập đến người di dân Haiti và Phi Châu!
Lửa và Thịnh nộ !
Bản tin nhanh của đài RFI ngày 14/01/2018 cho biết cuốn sách "Lửa và cuồng nộ trong Nhà Trắng của Trump" đã trở thành một hiện tượng không chỉ ở Mỹ, mà cả trên thế giới. Tới nay, đã có 1 triệu cuốn sách được in. Trên trang Amazon tại Mỹ, khách hàng phải chờ 1-4 tuần mới nhận được sách. Nhiều cư dân mạng sau khi đọc sách bán lại với giá 90 đô la, cao gấp 5 lần giá gốc. Ấn bản điện tử cũng đạt vài trăm ngàn bản. Nhiều nhà xuất bản tại các nước đang tìm cách mua bản quyền tác giả để in sách. Tại Pháp, một nhà xuất bản chi 100.000 euro mua bản quyền, sách đang được dịch sang tiếng Pháp và dự kiến hơn 100.000 cuốn sẽ được tung ra thị trường vào ngày 22/02/2018.
Michael Wolff cho biết, ông đã thực hiện hơn 200 cuộc phỏng vấn cho cuốn sách, trong đó miêu tả Tổng thống Donald Trump là một nhà lãnh đạo không ổn định trong một Nhà Trắng hỗn loạn. Một câu hỏi được đặt ra là thông thường các ký giả lẩn quẩn quanh Nhà Trắng đều bị đuổi ra, tại sao Michael Wolff lại có thể đi gặp nhưng người trong Nhà Trắng và phỏng vấn để viết ?
Theo Michael Wolff tiết lộ, ông đã quen biết Donald Trump ở New York trong vòng nhiều năm. Vào tháng 6/2016, ông đã phỏng vấn Trump để viết bài cho tờ The Hollywood Reporter. Trump đã khá hài lòng với bài phỏng vấn được đăng. Có lẽ vì thế, sau cuộc bầu cử năm 2016, Wolff ngỏ lời muốn được vào Nhà Trắng để tác nghiệp và được Trump chấp thuận vì Trump nghĩ rằng Wolff sẽ tiếp tục viết bài "bốc thơm" ông ta. Wolff cho biết chính Trump đã ủng hộ ý tưởng viết một cuốn sách !
Như thường lệ, sau lời phát biểu của Wolff, Trump liền phóng ra trên Twitter một cái tweet nói ngược lại : "Tôi không cho phép ông ấy vào Tòa Bạch Ốc (và thực ra đã từ chối ông nhiều lần) để làm tác giả một cuốn sách giả mạo ! Tôi chưa bao giờ nói chuyện với ông ta về cuốn sách. Đầy những lời nói dối, xuyên tạc, và trích các nguồn tin không hiện hữu".
Bà Sarah Sanders, phát ngôn viên Nhà Trắng cho rằng ông Bannon và các viên chức chính phủ Trump có nói chuyện với tác giả Wolff khoảng hơn chục lần, chủ yếu theo yêu cầu của cố vấn chiến lược Bannon.
Michael Wolff năm nay 64 tuổi, là cây bút viết bình luận trên các tờ báo có tiếng của Mỹ như New York Magazine, Vanity Fair... Ông có phong cách viết "hé cửa" cho người đọc những thông tin về nội bộ của các tổ chức truyền thông cũng như "nhân vật máu mặt" đứng đằng sau.
Những câu chuyện được chú ý
Cuốn Fire and Fury dày chỉ có 336 trang, được RFI gọi là đang "cháy hàng", tất nhiên đã có hàng triệu người đọc. Nội dung đã được nhiều cơ quan truyền thông Mỹ và quôc tế tóm lược, chúng tôi chỉ kể lại một số chuyện để giúp độc giả mua vui và hiểu rõ thêm về bản chất con người của Trump.
Tờ The Economist ngày 11/01/2018, dưới đầu đề "Trump lên một tuổi", đã đăng hình Trump đang ngồi trên chiếc xe của baby đưa tay vẩy chào.
1. Chuyện mái tóc vàng
Ivanka, ái nữ của Trump, vẫn thường chế giễu mái tóc của cha. Tại sao tóc của ông lại có màu vàng như thế ? Michael Wolff cho biết Ivanka Trump đã tiết lộ rằng cha cô từng phải phẫu thuật da đầu và dùng thuốc nhộm tóc có tên là Just for Men để nhuộm tóc. Sau khi bôi thuốc, phải để một thời gian ủ đủ để tóc có màu mong muốn. Nhưng tính Trump nóng nảy và thiếu kiên nhẫn, không đợi thời gian ủ kéo dài, ông đã vội đi gội dầu nên tóc ông đã có màu vàng cam chẳng giống ai hết.
Chuyện nhuộm tóc chỉ là một chuyện rất nhỏ, nhưng Trump cũng không có đủ kiên nhẫn để hoàn thành một cách tốt đẹp. Dĩ nhiên khi làm những chuyện quan trọng khác, Trump cũng thiếu kiên nhẫn nên đã làm hỏng nhiều việc.
2. Không ai thật sự tin vào chiến thắng
Theo nhà báo Micheal Wolff, chính Roger Aisles, chủ đài truyền hình Fox News - hiện đã qua đời – đã khuyến khích Trump ra tranh cử tổng thống. Trump chỉ muốn tạo tiếng tăm cho mình để quảng cáo cho một kênh truyền hình mới và nghĩ rằng ông "có thể trở thành người nổi tiếng nhất thế giới"...
Micheal Wolff cho biết "không ai thật sự tin vào chiến thắng" của nhà tỉ phú New York. Giám đốc nhóm vận động tranh cử Kellyanne Conway "tin chắc Donald Trump sẽ thất bại". Vì thế khi nghe tin Trump đắc cử, Donald Trump Jr. kể với một người bạn là cha mình cứ như đang nhìn thấy một bóng ma. Bà Melania Trump thì "khóc, nhưng không phải vì vui mừng"...
3. Không màng đến nghiên cứu Hiến pháp
Micheal Wolff nói rằng "một số (cố vấn) đánh giá ông Trump có trình độ học vấn cao lắm cũng chỉ trên mức trung bình". Ông chưa bao giờ làm chính trị hay tham gia chính quyền. Do đó, sau khi Trump đắc cử, các cố vấn nghĩ đến việc giúp ông tìm hiểu theo Hiến pháp Hoa Kỳ để biết tổng thống có những quyền hạn và trách nhiệm gì. Nhưng xem ra Trump "nuốt không vô" được.
Cố vấn Sam Nunberg chịu trách nhiệm tóm lược nội dung Hiến pháp cho Trump. Ông nhớ lại : "Tôi nói được đến điểm sửa đổi thứ 4 thì ông ấy tỏ ra mất tập trung và ngước mắt lên trời".
Tổng thống Trump cũng được miêu tả như là người "không chịu đọc, thậm chí là đọc lướt" và phản ứng theo bản năng. Ông ta tin rằng Tổng thống Mỹ là "Tề thiên Đại thánh", có thể hô phong hoán vũ, không cần biết hiến pháp và luật pháp là gì.
Bà Katie Walsh, cựu trợ lý của chánh văn phòng Nhà Trắng, đã từng bình luận : "Cứ như phải cố để hiểu được một đứa trẻ muốn gì" !
4. Rất sợ bị đầu độc
Trump vốn sợ đầu đọc từ nhiều năm trước. Ông đưa ra một vài luật lệ : Cấm sờ bất kỳ thứ gì trong phòng ngủ của ông, "ngay cả khi áo sơ mi của ông rơi dưới đất", và đặc biệt là cấm động vào bàn chải đánh răng. Micheal Wolff cho biết ngay khi vừa đặt chân vào Nhà Trắng, Trump đã yêu cầu thay khóa cửa, nhưng các nhân viên an ninh phản đối. Họ nói phải để họ có thể vào được phòng ngủ của ông trong trường hợp khẩn cấp.
Cũng vì sợ bị đầu độc, Tổng thống Trump rất thích đồ ăn nhanh của McDonald vì "không ai biết là ông sẽ đến và thức ăn được chuẩn bị bảo đảm".
5. Lo cho số phận của con trai Trump Jr.
Có lẽ những tiết lộ của cựu cố vấn đặc biệt Steve Bannon về vụ cậu Trump Jr đi gặp một luật sư Nga làm Trump lo lắng nhất, vì nó vi phạm đạo luật Logan Act, có thể bị truy tố.
Steve Bannon đã kể lại cuộc gặp ngày 9/6/2016 giữa nữ luật sư người Nga thân điện Kremlin là Natalia Veselnitskaya, với ba người bên phía nhà tỉ phú, gồm con trai Trump Jr., con rể Jared Kushner và giám đốc ban vận động tranh cử Paul Manafort.
Ông Steve Bannon kể lại : "Cả ba nhân vật quan trọng cho rằng gặp một chính phủ nước ngoài, không có luật sư, tại tầng 25 của tòa tháp Trump là một ý tưởng hay. Dù anh ta không cho đó là sự phản bội và một điều trái với quyền lợi tổ quốc cũng hoàn toàn điên rồ - còn tôi, thì coi đó là cả hai cùng lúc - lẽ ra họ phải gọi điện ngay cho FBI".
Hôm 03/01/2018 , Trump đã đưa Steven Bannon ra xài xể. Ông nói Steven Bannon bị sa thải (vào tháng 8/2017), "không chỉ mất việc làm, mà mất luôn cả lý trí".
6. Sa thải James Comey bằng mọi giá
Lúc đó FBI đang điều tra các cáo buộc về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và các dính líu của Trump với phía Nga. Trump cho rằng James Comey, Giám đốc FBI, cho mở cuộc điều tra này để hạ ông. Không biết gì vế luật pháp, Trump nghĩ rằng chỉ cần loại James Comey đi là vụ này bị dẹp bỏ. Nhưng loại cách nào ?
Trump đã có một cuộc họp to tiếng với Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions và Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein. Đây là một cuộc họp đầy xấu hổ cho cả hai ông Sessions và Rosenstein, khi Trump nhấn mạnh việc cả hai ông này đã không thể làm gì để điều khiển người của chính họ. Đồng thời, Trump ép họ phải tìm ra lý do để sa thải ông Comey.
Luật sư McGahn, cố vấn của Nhà Trắng, cố gắng giải thích cho Trump hiểu rằng thực tế là bản thân ông Comey không hề điều hành việc điều tra các lùm xùm liên quan đến Nga, và rằng ngay cả khi không có ông Comey thì cuộc điều tra này sẽ vẫn tiếp diễn. Trump nổi cơn thịnh nộ : "Comey là một kẻ phản thùng. Những kẻ phản thùng đang ở khắp nơi và phải tiêu diệt chúng. John Dean ! John Dean !".
(John Dean là luật sư Nhà Trắng của Tổng thống Richard Nixon đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra bằng chứng chống lại Nixon trong vụ bê bối Watergate).
Cuối cùng, Stephen Miller, một cố vấn khác của Trump thảo ra một lá thư nói về việc Comey xử lý cuộc điều tra Hillary Clinton, cáo buộc rằng nhân viên FBI không còn tin cậy Comey và nỗi ám ảnh chính của Tổng thống : việc ông Comey đã không chịu công khai xác nhận rằng ngài Tổng thống đang không bị điều tra… Đó là những lý do giải thích việc sa thải.
Nhân viên cận vệ riêng của ông Trump, Keith Schiller, giao lá thư cách chức cho văn phòng ông Comey tại tổng hành dinh FBI khi vừa qua 5 giờ chiều. Dòng thứ hai của lá thư là những chữ này : "Theo đó, ông bị đuổi việc và cách chức, quyết định có hiệu lực ngay tức thì".
Nhất định đóng cửa rút cầu ?
Hôm 11/01/2018, khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố "Vì sao chúng ta lại có những người từ các quốc gia hố xí đến đây ?", các nhà lãnh đạo trên thế đều coi ông thuộc loại "hết thuốc chữa".
Tổng thống Theodore Roosevelt đã từng tuyên bố : "Nói rằng không được chỉ trích Tổng thống, hoặc phải đi theo Tổng thống, cho dù ông ta đúng hay sai, thì không những không ái quốc và có tinh thần nô lệ, mà còn là phản bội dân tộc Hoa Kỳ".
Một số người Việt đã phải vượt qua nhiều nguy hiểm để được đón nhận vào đất nước này. Nhưng nay họ lại theo Trump, chủ trương "đóng cửa rút cầu" ngăn cản không cho nhũng người đi tìm tự do đến đất nước này, coi tất cả đều là "khủng bố".
Trong sứ điệp "Ngày thế giới người di dân và tị nạn" 2018, Giáo hoàng Francis đã nói :
"Mỗi người khách lạ gõ cửa nhà chúng ta là một cơ hội để chúng ta gặp Chúa Giêsu Kitô, Đấng đồng hóa mình với những người khách lạ được tiếp đón hay bị từ chối trong mọi thời... Đây là một trách nhiệm lớn lao mà Giáo hội muốn chia sẻ với tất cả các tín hữu và mọi người thiện chí".
Lữ giang
(19/01/2018)
Robert Mueller, công tố viên đặc biệt làm Trump đứng ngồi không yên
Nhật báo kinh tế Les Echos (17/01/2018) phác họa chân dung của công tố viên đặc biệt Robert Mueller, khiến tổng thống Trump đứng ngồi không yên. Hiếm khi cả hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa cùng đồng thuận như trong việc đề cử ông Mueller làm công tố viên đặc biệt vì suốt sự nghiệp, ông luôn hành động vì luật pháp và lợi ích chung.
Ông Robert Mueller, khi còn là giám đốc FBI, ảnh chụp tại Washington, ngày 13/06/2013. Reuters/Yuri Gripas/File Photo
Ông Mueller điều tra về nghi án Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016 và đã cho điều tra một số nhân vật thân cận của ứng viên Cộng Hòa lúc đó vì đã tiếp xúc với chính phủ nước ngoài. Dù bị áp lực tứ bề, công tố viên đặc biệt giữ bí mật gần như tuyệt đối, không để tiết lộ bất kỳ thông tin nào về tiến triển cuộc điều tra.
Vào tháng 12/2017, tổng thống Mỹ khẳng định không có ý định cách chức ông Mueller, nhưng đội ngũ của Nhà Trắng đang "bới lông tìm vết" vì biết rằng không thể tấn công công tố viên đặc biệt nếu không có bằng chứng vững chắc. Dĩ nhiên có một vài thắc mắc về mối quan hệ giữa một số cộng tác viên của ông Mueller, trong nội bộ đội ngũ mà ông thành lập… nhưng không đủ nghiêm trọng để viện cớ cách chức vị công tố viên đặc biệt này, vì "Mueller là người không thể mua chuộc được", theo tựa đề bài báo của Les Echos.
Có thể nói, ông đã trải qua rất nhiều biến cố lớn nhỏ tại Mỹ. Sinh ra tại New York, lớn lên ở Philadelphia, từ nhỏ ông đã được đào tạo trong một ngôi trường danh tiếng Saint-Paul, ở New Hampshire, nơi thành tích học tập được công khai để học sinh tự so sánh và ganh đua. Nhờ vậy, ông rèn luyện được đức tính kỷ luật và bền bỉ. Sau đó, ông theo học luật và khoa học chính trị tại Princeton trước khi gia nhập Hải Quân Mỹ. Tham chiến ở Việt Nam và bị thương ở đùi vào năm 1969, ông hồi hương một năm sau đó rồi xuất ngũ vì tôn trọng ý kiến của vợ. Tiếp tục học luật ở đại học Virginia rồi làm việc ở tòa án San Francisco và chuyển sang sống ở Boston để con gái được điều trị bệnh tại đây.
Dần dần từng bước, ông bắt đầu giữ những chức vụ quan trọng hơn. Năm 1988, khi Bush cha lên làm tổng thống, ông Mueller vào bộ Tư Pháp, làm việc ở bộ phận hình sự và góp phần hình thành đơn vị phòng chống tội phạm mạng đầu tiên của Mỹ. Khi trở thành tổng thống Mỹ, ông George W. Bush (Bush con) tìm một giám đốc mới cho FBI, lúc đó đang mất lòng tin ở dân, để cải tổ cục điều tra liên bang, ông Mueller ứng cử dù không có kinh nghiệm trong ngành cảnh sát. Bản điều tra về thân thế của ông Mueller ghi rõ ông là người trung thành, nhiệt tình, chăm chỉ và kín đáo. Đúng những tiêu chí mà tổng thống Bush tìm kiếm. Nhân viên của FBI cần phải trung thành, dũng cảm và toàn tâm toàn ý, Robert Mueller hội tụ đủ ba phẩm chất này.
Khi nhậm chức giám đốc FBI, Robert Mueller vừa điều trị xong ung thư tuyến tiền liệt. Không có kinh nghiệm thì học, nhưng chỉ sau tám ngày nhậm chức, sự kiện 11/09/2001 là thử thách lớn đầu tiên trong vai trò lãnh đạo FBI của vị tân giám đốc. Ông Mueller làm việc cật lực và guồng máy cũng làm việc theo nhịp độ của ông. Nhờ đó, FBI đã lấy lại được lòng tin của người dân Mỹ, hiện đại hóa và hướng đến lĩnh vực chống khủng bố. Uy tín của ông Mueller có thể được tóm gọn trong việc tổng thống Barack Obama đã triển hạn thêm hai năm nhiệm kỳ giám đốc FBI cho Robert Mueller, dù ông đã hết hai nhiệm kỳ 10 năm.
Điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ : "Đặc vụ cuối cùng" ?
Được Rod Rosenstein, trợ lý bộ trưởng quốc phòng Jeff Sessions, bổ nhiệm làm công tố viên đặc biệt. Vụ điều tra nghi án Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có lẽ là "đặc vụ cuối cùng" trong sự nghiệp của ông Mueller. Đích thân ông tuyển chọn đội ngũ của mình, với những nhân vật nổi tiếng là kiên trì và trung thực : James Quarles từng tham gia vụ Watergate ; Aaron Zebley, hung thần của al-Qaeda ; Andrew Weissmann từng đứng đầu cuộc điều tra về Enron ; Ryan Dickey, một trong những chuyên gia giỏi nhất về tội phạm mạng… Ngoài ra, đây còn là một đội ngũ trình độ cao, quy tụ nhiều luật gia và các nhà điều tra giỏi nhất Hoa Kỳ mà ông Robert Mueller từng tiếp xúc hoặc làm việc chung trước đó.
Sau tám tháng điều tra, dường như công tố viên đặc biệt Mueller và nhóm cộng sự đã có những tiến triển dù chủ yếu là các cuộc thẩm vấn, vì gần như không có thông tin nào bị tiết lộ. Gọng kìm đang dần siết chặt quanh những người thân cận của tổng thống Donald Trump : hai cố vấn đã bị buộc tội, hai người khác thừa nhận đã nói dối FBI. Tuy nhiên, cho đến nay, khó có thể khẳng định là công tố viên đặc biệt Mueller có đủ yếu tố để quy tội tổng thống Mỹ, hoặc liệu có chuyện cản trở tư pháp, thông đồng với nước ngoài… Đối với phe của tổng thống Trump, thế là đã quá giới hạn. Còn với Mueller, chắc chắn còn chưa đủ.
Châu Âu vẫn phụ thuộc vào khí đốt của Nga
Một điều trớ trêu, Châu Âu tiếp tục trừng phạt kinh tế Nga nhưng phải sưởi ấm nhờ vào khí đốt của nước này. Theo thông báo vào tuần trước của tập đoàn dầu khí Gazprom, các nước Châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhập khầu 194 tỉ mét khối vào năm 2017, cho thấy ngày càng "phụ thuộc hơn vào khí đốt Nga", theo nhận định của nhật báo kinh tế Les Echos.
Đức và Áo là hai nước phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt của Nga. Trong khi đó, Pháp, dù đã đa dạng hóa nguồn cung cấp, cũng phải tăng thêm 7% lượng khí nhập khẩu từ Nga. Nguyên nhân chính là quyết định đóng cửa một số nhà máy điện hạt nhân. Ngoài ra, sự phục hồi của nền kinh tế Châu Âu cũng là một lý do giải thích nhu cầu gia tăng này. Nhờ vậy, khí đốt của Nga chưa bao giờ lại lấn át như vậy trên thị trường Châu Âu, chiếm 35% thị phần trên toàn Liên Hiệp.
Nhưng "ngoài Ba Lan và một số nước vùng Baltic tiếp tục theo đuổi chính sách đa dạng hóa, Châu Âu không thật sự hành động", theo nhận định của một chuyên gia thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (Ifri) vì khí đốt của Nga giá rẻ. Sắp tới, thế thống trị của Gazprom trên thị trường Châu Âu sẽ chấm dứt vì Novatek, một tập đoàn khác của Nga, đã đưa vào hoạt động khu chế xuất khí đốt trên bán đảo Yamal, ở Siberia, và tập đoàn Pháp Total là một đối tác.
Miến Điện : Hai năm để hồi hương người Rohingya
Thời sự Châu Á được chú ý là số phận của người Hồi Giáo Rohingya tị nạn tại Bangladesh. Theo thỏa thuận ký ngày 15/01/2018 giữa hai chính phủ Miến Điện và Bangladesh, khoảng 655.000 "người Rohingya sẽ được hồi hương trong vòng hai năm".
Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ tỏ ra hoài nghi, theo nhận định của nhật báo La Croix. Còn nhật báo Libération đánh giá "kế hoạch hồi hương có vẻ đánh lừa" để xoa dịu cộng đồng quốc tế. Cụ thể, theo giải thích của Ro Nay San Lwin, một nhà đấu tranh Rohingya tại Châu Âu, với nhịp độ xét 300 đơn mỗi ngày theo kế hoạch, thì cần đến 10 năm mới giải quyết được hết yêu cầu của người Rohingya tị nạn, chứ không phải 2 năm được nêu trong thỏa thuận.
Tổ chức phi chính phủ Hành động chống nạn đói (Action contre la faim) cũng dự đoán : "Tình hình liên quan đến hơn 650.000 người không thể giải quyết trong vài tuần. Các tổ chức phi chính phủ hiểu rằng họ còn ở lại Bangladesh trong nhiều năm nữa".
Cả Libération và La Croix đều cho biết phía Miến Điện đã thông báo xây 5 khu trại tại bang Rakhine nơi người Rohingya sinh sống. "Trong những ngày tới, người tị nạn có thể bắt đầu đăng kí hồi hương", theo phát biểu của đại sứ Bangladesh tại Miến Điện. Thời gian có vẻ cấp bách vì người tị nạn sống trong điều kiện rất bấp bênh ở Cox’s Bazar, trong khi mùa mưa sắp đến vào tháng Tư.
Dân số : "Nước Pháp già"
Theo thống kê được cơ quan Insee công bố ngày 16/01/2018, tỉ lệ sinh con ở phụ nữ Pháp tiếp tục giảm trong vòng ba năm liên tiếp, thay vì trung bình 2 con hiện chỉ còn 1,88 con. Chủ đề này được các nhật báo Pháp đề cập.
Với Le Monde, "Tỉ lệ sinh đẻ : Trường hợp đặc biệt Pháp đến hồi kết thúc". Le Figaro đánh giá trên trang nhất : "Sự sụt giảm đáng lo ngại về tỉ lệ sinh đẻ tại Pháp". Tương tự, với Les Echos "Tỉ lệ sinh đẻ tiếp tục giảm tại Pháp". Ngoài bài xã luận đánh giá "Nước Pháp già cỗi", La Croix cũng lo ngại "nguy cơ suy giảm dân số".
Theo các nhật báo, dù dân số Pháp vẫn tăng trong năm 2017 và hiện là 67,2 triệu người, nhưng không còn tăng theo nhịp độ của những năm trước (tăng 0,3%, so với +0,5% giữa những năm 2008 và 2013). Sự chênh lệch giữa tỉ lệ sinh và từ là 164.000 người, đuợc coi là mức thấp nhất kể sau chiến tranh.
Vậy đâu là những nguyên nhân chính ? Nhật báo Le Monde nêu một số lý do : công việc bấp bênh, chính sách gia đình, cách sống… Tuy nhiên, bài xã luận của nhật báo La Croix lại cho rằng cha mẹ Pháp sinh con không phải để được hưởng phúc lợi xã hội hoặc đảm bảo tương lai cho hệ thống hưu trí.
Trang nhất các nhật báo
Ngoài chủ đề dân số Pháp được các nhật báo đề cập, chính sách nhập cư và chuyến thị sát của tổng thống Pháp Macron về tình trạng người nhập cư tập trung ở Calais được nhật báo Le Monde và La Croix chú ý.
Người đứng đầu nhà nước Pháp thể hiện tham vọng kết hợp "nghĩa vụ nhân đạo" trong việc tiếp đón người nhập cư nhưng đồng thời tôn trọng "trật tự của nền cộng hòa", ông cũng nhấn mạnh là nước Pháp không thể đón hết được người nhập cư trên thế giới. Le Monde cũng cho biết số người nhập cư đến và bị trục xuất cũng tăng mạnh trong năm 2017.
Thời sự quốc tế nổi bật là số phận của nhân viên công ty sản xuất xi măng Pháp Lafarge ở Syria được Libération dành trọn trên trang nhất cùng với 6 trang điều tra.
Thu Hằng
Sau một năm cầm quyền, Tổng thống Cộng hòa Donald Trump đã phạm nhiều lỗi lầm ngoại giao khiến nước Mỹ mất vai trò lãnh đạo trên thế giới.
Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence ngày 14/01/2018 - Ảnh Brendan Smialowski/Getty
Ông Trump cũng hành động bất nhất, ăn nói văng mạng, gây chia rẽ, bị lên án là "kỳ thị chủng tộc" mà không cần biết hậu quả sẽ ra sao. Ông cũng là tổng thống đầu tiên sử dụng điện thoại để gửi đi các thông điệp chứa đựng nhiều ngôn từ khinh miệt, khích bác và bịa đặt để hạ uy tín đối phương, kể cả đối với các nghị sĩ và dân biểu Dân chủ và Cộng hòa. Ông Trump cũng đã làm mất lòng lãnh tụ một số nước đồng minh qua những lời nói mất thân thiện và thiếu ngoại giao khiến cho uy tín của chức vị Tổng thống được kính trọng nhất thế giới bị tụt xuống hạng chót so với các đời Tổng thống Mỹ tiền nhiệm.
Tai nạn vạ miệng "lịch sử" để đời của ông Trump đã gây bất bình lớn nhất ở Liên Hiệp Quốc và nhiều nước trên thế giới, xảy ra vào ngày 11/01/2018, tại cuộc họp kín ở Tòa Bạch Ốc với một số dân biểu và nghị sĩ về vấn đề di dân.
Lời nói của ông Trump được một số nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa hiện diện thuật lại, theo đó khi bàn về số di dân đến từ các nước Phi Châu, Haiti và El Salvador, ông nói : "Why are we having all these people from shithole countries come here ? … The United States should instead bring more people from countries such as Norway…" (Tạm dịch : Tại sao chúng ta lại phải nhận những thứ người từ các nước hố xí này ?… Thay vào đó, Hoa Kỳ nên nhận thêm những cư dân từ các nước như Norway…).
Ngay lập tức Tổng thống Trump đã bị phần lớn cơ quan báo chí, đài phát thanh và truyền hình danh tiếng Mỹ, trong đó có CNN, CBS, ABC, NBC, New York Times, Washingtion Post v.v… gọi đích danh ông "racist" (kỳ thị chủng tộc).
Một tuyên bố của Liên Hiệp Quốc nói : "Không có lời diễn dịch nào khác dành cho lời nói của ông ta (Trump), ngoài chữ "racist" (kỳ thị). Tòa thánh Vatican gọi lời nói của Donald Trump bất lịch sự và xúc phạm. (In a strongly-worded statement, the UN said it was impossible to describe his remarks as anything other than racist, while the Vatican decried Trump’s words as "particularly harsh and offensive").
Trong khi đó, khối 55 quốc gia trong Liên Hiệp Châu Phi (African Union) tuyên bố, "lời nói rõ ràng là kỳ thị" (the remarks were "clearly racist").
Tín nhiệm thấp
Về chủ trương "đặt quyền lợi Mỹ lên trên hết" trong mọi hành động, và chỉ "hợp tác kinh tế song phương cùng có lợi" với từng quốc gia, ông Trump đã cô lập Hoa Thịnh Đốn với các nước chủ trương "hợp tác mậu dịch đa phương´ và "hội nhập toàn cầu", trong đó có đối tác quan trọng Trung Quốc.
Vì vậy, trong cuộc thăm dò ý kiến sau 1 năm cầm quyền của ông Trump do đài Truyền hình CBS thực hiện, có đa số 2 chống 1 người Mỹ đồng ý tình hình kinh tế tuy khá hơn, nhưng có tới 3 trong số 4 người Mỹ cho rằng nước Mỹ chia rẽ hơn và 6 trong số 10 người không tin tưởng vào hệ thống chính trị của nước Mỹ, và 6 trong số 10 người Hoa Kỳ cho rằng tình trạng phân hóa chủng tộc đã gia tăng… Nhìn chung thì số người Mỹ cho rằng có Donald Trump ở cương vị Tổng thống đã khiến họ thiếu lạc quan, tăng cao hơn 1 năm trước đây.
(By a two to one margin, more say that the country is doing well economically than that it isn’t. But three in four Americans say the country is divided, six in 10 don’t have much confidence in the U.S. political system and six in 10 say racial tensions have increased… Overall, the number of Americans who say having Donald Trump as president makes them feel "pessimistic" is higher than it was a year ago".
(CBS Poll on Jan 14/2018)
Trong khi đó, Viện thăm dò nổi tiếng Gallup cho biết, sau một năm chỉ có 38% người dân Mỹ chấp thuận đường lối lãnh đạo của ông Trump, so với từ 58 đến 60% chống. Gallup cũng nói, so với các đời Tổng thống từ 1938 đến 2018 thì trung bình các vị Tổng thống khác được dân chấp thuận tới 53% trong năm thứ nhất.
Như vậy, ông Trump là người được chấp thuận thấp nhất. (Gallup, 16/01/2018)
Đó là lý do tại sao cuộc thăm dò ý kiến của báo điện tử nổi tiếng Politicol/ Morning Consult, phổ biến trước ngày một năm của Donald Trump, cho biết trên 35% người dân Mỹ đã cho ông Trump điểm "F". Số còn lại thì cho điểm "C" (14%) và "D" (11%). (Politicol, 16/01/2018)
Mất uy tín quốc tế
Ngoại giao Mỹ-EU : Trước và sau khi vào Bạch Ốc, từ ứng cử viên thành Tổng thống, Donald Trump đã có nhiều lời nói gây mất lòng khối Liên Hiệp Châu Âu (European Union, EU), cách riêng đối với các Tổng thống Pháp, Thủ tướng Anh và đặc biệt Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel là những đồng minh cật ruột và lâu đời của Mỹ. Đến nỗi bà Merkel phải nói với khối EU rằng "chúng ta không còn tin vào Hoa Kỳ như trước đây nữa mà chúng ta phải tự tìm đường mà đi". Lập trường của bà Merkel đã đưa uy tín của bà lên cao hơn ông Trump ở Châu Âu.
Sự lạnh nhạt của EU đối với ông Trump còn dẫn chứng bởi không ai muốn tự ý mời ông Trump thăm nước họ, ít ra trong năm đầu tiên vì đã có một bộ phận dân biểu và lãnh tụ đảng phái không muốn tiếp đón Donald Trump.
Tuy nhiên, ông Trump đã không dám cắt quan hệ quốc phòng và ngoại giao với khối Liên Minh Bắc Đại tây Dương (NATO, North Atlantic Treaty Organization). Và mặc dù Donald Trump từng chỉ trích các nước NATO đã không đóng góp đủ mức 2% tổng lợi tức quốc gia vào ngân sách bảo vệ NATO mà chỉ biết trông chờ vào Mỹ, Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn âm thầm tiếp tục các khoản chi tiêu cho ngân sách NATO.
Theo nhiều viên chức EU thì điều mà khối NATO quan ngại là, liệu Mỹ có phản ứng quyết liệt nếu một trong số các nước NATO bị Nga tấn công trong tương lai.
Về tình hình Trung Đông : Khả năng hòa bình và một giải pháp chính trị hai quốc gia Do Thái và Palestine có thể sống bên nhau như từng trông đợi, đã tiêu tan khi ông Trump tuyên bố nhìn nhận Jerusalem là Thủ đô của Do Thái, một việc mà các đời tổng thống Mỹ trước đây không bao giờ nghĩ đến.
Bằng chứng là cả khối Ả Rập đã nổi loạn chống Donald Trump và đốt cờ Mỹ để phản đối, đồng thời lên án ông Trump đã thiên vị Do Thái. Khối Ả Rập coi Donald Trump là người cản trở hòa bình ở Trung Đông.
Đối với tình hình Syria, chính quyền Trump đã từ bỏ đòi hỏi Tổng thống Bashar Hafez al-Assad, người cầm quyền từ năm 2000, phải ra đi trong khi cuộc nội chiến vẫn diễn ra giữa quân đội chính phủ, có Nga và Iran yểm trợ. Tuy Assad vẫn còn đó, nhưng nước Syria đã tan tác. Khoảng từ 250 đến 300 ngàn dân Syria bị chết sau 6 năm nội chiến. Quân đội chính phủ được Nga và Iran yểm trợ không thắng nổi quân nhà nước Hồi giáo (ISIS) và các phe kháng chiến thân Turkey, Jordan và Iraq chống Tổng thống Assad.
Tuy nhiên, sau khi Nga tuyên bố cuộc chiến đã nghiêng chiến thắng về quân đội chính phủ, và sẽ rút quân khỏi Syria thì Mỹ cũng tuyên bố để cho ông Assad nắm quyền cho đến năm 2021, khi có cuộc bầu cử mới ở Syria.
Không ai biết liệu đây có phải là thỏa hiệp ngầm về Syria giữa Mỹ và Nga hay không, nhưng nước Mỹ đã thấy rõ là muốn thay Assad ngay không phải là chuyện dễ, nếu không là bất khả thi vì phe kháng chiến cũng không có ai nổi trội hơn Assad, trong khi chiến trường vẫn bất phân thắng bại.
Từ TPP đến khí hậu
Về những vấn đề quốc tế khác, chỉ 3 ngày sau nhận chức, ngày 23/01/2017, ông Trump đã ký lệnh rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP (Trans-Pacific Partnership), Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương. TPP coi như đã chết vì mất nền kinh tế hàng đầu trong nhóm 12 nước ký Hiệp định này.
Khối kinh tế này, nếu hoạt động, sẽ có trị giá 28.000 tỷ dollars ($28 trillion dollars), chiếm lối 40% tổng sản lượng của thế giới và là một khối kinh tế hùng mạnh, có khả năng cầm chân Trung Quốc.
11 Quốc gia còn lại gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Japan, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru, và Việt Nam.
Nhật Bản, Úc và Tân Tây Lan đang nỗ lực tập hợp 11 quốc gia để định hướng cho tương lai hợp tác, dưới hình thức khác không có Mỹ. Khi nào thì sự biến dạng này sẽ thành hình và sẽ có sức mạnh kinh tế ra sao, thì hãy còn quá sớm để định hình.
Chỉ thấy hiển nhiên một điều là giờ đây, nhờ vào quyết định của ông Trump mà vai trò lãnh đạo kinh tế trong khu vực Châu Á và Thái Bình Dương của Trung Quốc càng nổi lên hơn bao giờ hết. Trung Quốc hiện đang thúc đẩy thành hình khối kinh tế 16 nước được gọi là Regional Comprehensive Economic Partnership (RCEP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Ngay từ đầu, không có Mỹ vì Hoa Thịnh Đốn tin rằng TPP sẽ thành công và đáp ứng được các điều kiện về lao động, môi trường, nhất là các quyền tự do của công nhân như được lập nghiệp đoàn tự do và được bảo đảm quyền được thông tin và thông tin. Nói chung là các quyền cơ bản của con người mà Hoa Kỳ vẫn thường xuyên cổ võ và thúc đầy các nước trên thế giới làm theo đều chứa đựng trong TPP.
Giờ đây, sau khi Tổng thống Trump đình chỉ TPP và chưa biết chính quyền này sẽ thương thảo các hiệp ước thương mại "song phương" như thế nào với từng quốc gia ở Châu Á và các nước khác thì hy vọng của người lao động Việt Nam rất mơ hồ.
Dù có mất TPP nhưng Việt Nam vẫn có chân trong khối RCEP, cùng với 9 nước khác của AQSEAN, Hiệp hội các nước Đông Nam Á và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ.
Về mặt kinh tế thì Việt Nam còn nhiều thoả hiệp hợp tác kinh tế với Hoa Kỳ, Châu Âu, Nam Hàn, Nhật Bản, Ấn Độ và nhiều nước khác. Nhưng về mặt chính trị thì chắc chắn những gì TPP có triển vọng đem lại cho Việt Nam trong tương lai đã biến mất sau chữ ký của ông Trump hôm 23/01/2017.
Vì vậy, các cá nhân tranh đấu cho dân chủ, tự do, quyền con người và phong trào Xã hội Dân sự non trẻ ở Việt Nam từng nuôi hy vọng vào TPP sẽ tạo những áp lực đối với cộng sản Việt Nam để các hoạt động của giới dân chủ dễ dàng hơn, từ nay sẽ phải tự gồng mình để đối phó với quyết định của ông Donald Trump.
Khi Mỹ rút khỏi TPP thì không những ông Trump đã mở ra một sinh lộ bành trướng kinh tế mới cho Trung Quốc mà còn lấy đi gánh nặng bị ràng buộc vào dân chủ và nhân quyền của TPP cho cả nhà nước cộng sản Việt Nam.
Ông Trump cũng đã hủy bỏ chính sách hợp tác kinh tế rộng khắp của nhiều đời Tổng thống Mỹ để co cụm lại với mục đích mọi hành động và mọi thỏa hiệp phải bảo đảm cho quyền lợi của Mỹ trên hết.
Chủ trương bảo hộ này đã được ông Trump cổ võ khi tranh cử và ngay trong diễn văn nhậm chức ngày 10/01/2017, Tổng thống Trump đã nhắc lại nhiều lần khẩu hiệu "America First".
Đối với Thỏa hiệp làm sạch khí hậu (Paris climate accord), đã được 196 nước đồng ý vào tháng 12/2015, tại kỳ họp thứ 21 của Conference of the Parties of the UNFCCC in Paris (United Nations Framework Convention on Climate Change), Donald Trump cho biết Hoa Kỳ sẽ rút lui vì tiêu chuẩn gỉam khối lượng chất than trong không khí có hại cho phát triển kinh tế.
Quyết định của Trump đã bị các nước lên án vì Mỹ là một trong số nước đứng đầu kinh tế thế giới đã không muốn làm gương cho các nước khác.
Thỏa hiệp này có thời hạn đến năm 2020 để cho các nước ký tham gia, trong đó có Mỹ. Cho đến tháng 1/2018, đã có 173 nước ký tên trong tổng số 197 nước tham gia hội nghị Paris năm 2015.
Nhiều viên chức chính quyền Trump nói bóng gió, có thể Mỹ sẽ xét lại quyết định sơ khởi và "rất có thể sẽ ngối lại, thay vì rút lui". Tuy nhiên, thời gian 2 năm còn lại cho Mỹ quyết định lại rơi vào đúng thời gian nước Mỹ có các cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống năm 2020. Do đó, chưa biết ông Donald Trump sẽ chọn con đường nào.
Châu Á – Thái Bình Dương
Trong khi nước Mỹ còn tiến thối lưỡng nan thì chính sách "không tìm cách kìm hãm Trung Quốc ở Châu Á - Thái Bình Dương, kể cả các hoạt động quân sự hóa của Bắc Kinh ở Biển Đông", của ông Trump đã đảo ngược chủ trương của thời Tổng thống Dân chủ Barack Obama.
Dưới thời 8 năm cầm quyền của ông Obama, chính sách chuyển trục Quốc phòng từ Tây sang Đông của Mỹ đã được thực hiện nhằm ngăn chặn sự bành trướng quân sự ở Châu Á-Thái Bình Dương của Trung Quốc. Hạm đội số 7 của Mỹ được tăng cường quân số, vũ khí và máy bay để tuần tra lưu thông và bảo vệ an ninh hàng hải ở vùng biển chiến lược quan trọng này. Bởi lẽ trị giá hàng hóa vận chuyển qua vùng biển này được ước tính là 5 ngàn tỷ dollars và là đường biển huyết mạch thương mại từ Châu Á sang Châu Âu.
Vì vậy, nếu có xung đột quân sự ở Biển Đông thì thiệt hại kinh tế vả ảnh hưởng quốc phòng sẽ vô lường. Vì vậy, từ thời Tổng thống Obama và dưới thời các Tổng thống tiền nhiệm, việc bảo vệ lưu thông hàng hải và trên không ở Biển Đông luôn luôn được đặt lên hàng đầu, qua theo dõi hành động của Trung Quốc trong ý đồ "quân sự hóa" các vùng chiếm đóng bất hợp pháp ở Hoàng Sa, Trung Sa (Macclesfield Bank) và Trường Sa.
Tuy nhiên qua thời Donald Trump thì hầu như Hoa Kỳ không còn coi việc "coi chừng" Trung Quốc là việc ưu tiên hàng đầu khiến các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực quan ngại. Nhật Bản, Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã Lai Á, Tân Gia Ba, Thái Lan, Ấn Độ, Úc và Tây Tây Lan đã từng kín đáo thuyết phục chính quyền Trump không nên lơ là với Bắc Kinh.
Ngược lại thì chính quyền Trump lại tạo ra một lo ngại mới trong khu vực khi công khai đe dọa Bắc Triều Tiên vì nước này không muốn từ bỏ kế họach chế tạo vũ khí nguyên tử và thử hỏa tiễn có tầm bắn xa, có thể tấn công thẳng sang lục địa Mỹ. Tuy nhiên, chưa có chỉ dấu nào cho thấy lãnh tụ trẻ tuổi Kim Jong-un của Bắc Hàn sẽ sẵn sàng đương đầu với Donald Trump.
Ông Trump từng kêu gọi Trung Quốc dùng biện pháp kinh tế để kiềm chề Bắc Hàn vì Bắc Triều Tiên phải lệ thuộc vào Bắc Kinh để tồn tại. Phản ứng của Bắc Kinh không rõ rệt, nhưng trong diễn văn về an ninh và ngoại giao ngày 18/12/2017, ông Trump vẫn coi cả Nga và Trung Quốc là "đối thủ quyền lực" ("rival powers"), đang tìm cách chống lại ảnh hưởng, giá trị và sự giầu mạnh của Hoa Kỳ.
(Trump called Russia and China "rival powers" who "seek to challenge American influence, values and wealth" (theo CNN, 19/12/2017).
Nhân quyền không bằng dollar
Song song với thay đổi chính sách ở Biển Đông, chính quyền Trump đã làm cho một số đông nạn nhân của các chính phủ cai trị hà khắc, phi dân chủ và vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, Việt Nam và Phi Luật Tân bất mãn. Bởi vì ông Trump đã bằng hành động và lời nói không coi chuyện vi phạm quyền con người của các chính phủ này là chuyện của nước Mỹ.
Ngược lại, Donald Trump đã gạt nhân quyền sang một bên để mưu cầu cho quyền lợi kinh tế toàn cầu của Mỹ. Bộ ngoại giao Mỹ, thời Donald Trump, biện hộ cho hành động "rút lui vào hậu trường" là cách làm kín đáo để đạt nhiều kết quả hơn.
Tuy nhiên, sau một năm cầm quyền, mọi việc đã chứng minh Donald Trump không coi nhân quyền là vũ khí lợi hại của Mỹ vẫn được các đời Tổng thống Mỹ tiền nhiệm sử dụng mỗi khi muốn áp lực ngoại giao với Bắc Kinh, Hà Nội hay các nước khác.
Hành động của ông Trump không những chỉ diễn ra trong Diễn văn trước 20 nhà lãnh đạo các nền kinh tế của khối Châu Á-Thái Bình Dương (APEC, Asia-Pacific Economic Cooperation) tham dự hội nghị tại Đà Nẵng ngày 10/11/2017, mà còn trong Tuyên bố chung Việt-Mỹ, đưa ra tại Hà Nội ngày 12/11/2017 sau chuyến viếng thăm chính thức Việt Nam.
Lập trường coi nhân quyền không quan trọng và cần thiết bằng đồng dollar của Chính quyền Trump còn diễn ra ở Bắc Kinh, nơi ông Trump gặp và thảo luận hợp tác kinh tế với Chủ tịch, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình nhưng không hề nói gì về nhân quyền, trước khi sang Việt Nam. Thay vào đó là 15 thỏa thuận kinh tế trị giá 250 tỷ dollars đã được ký kết giữa các Công ty Mỹ và Công ty Trung Quốc.
Và sau đó, vào ngày 12/11/2017, khi thăm chính thức Phi Luật Tân, ông Trump cũng không hé răng nửa lời về những vụ tàn sát khoảng 7.000 người Phi trong chiến dịch bài trừ băng đảng và ma túy hơn năm qua của Tổng thống Rodrigo Duterte. Nhiều nhà lập pháp Mỹ và các tổ chức nhân quyền của Mỹ và thế giới đã lên án ông Duerte hà khắc, coi thường mạng sống con người vì đa số các nạn nhân đã bị vây bắt để hành quyết ngay tại những khu nhà ổ chuột, trước mặt mọi người mà không được đưa ra xét xử trước tòa án.
Tại cả 3 nước Việt Nam, Trung Quốc và Phi Luật Tân, ông Trump, một tỷ phú giàu lên vì biết "có tiền mua tiên cũng được" nên đã không ngại quay lưng trước những ánh mắt đau khổ và gương mặt tang thương của nhiều tầng lớp người dân bị chính phủ của họ cướp đi quyền sống và các quyền tự do ở Việt Nam, Trung Quốc và Phi Luật Tân.
Vì vậy hành động của ông Trump đã xóa đi tất cả những thành tích bảo vệ và tôn trọng quyền con người là điều kiện quan trọng trong quan hệ ngoại giao với Mỹ mà các vị Tổng Thống Hoa Kỳ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã đặt ra với Chính phủ Việt Nam trong 24 năm, từ thời Tổng thống Bill Clinton (Dân chủ), George W. Bush (Cộng hòa) và Barack Obama (Dân chủ).
Rất tiếc ông Trump đã bịt mắt, che tai trước những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Trung Quốc, Việt Nam và Phi Luật Tân để dành thời gian kiếm bạc cắc cho các công ty Mỹ và nước Mỹ.
Sau Đà Nẵng, ông Trump đến Hà Nội để chính thức thăm Việt Nam hai ngày, 11 và 12/11/2017. Trong thời gian ngắn ngủi này, đoàn Mỹ đã tập trung vào ký kết các thỏa thuận thương mại trị giá 12 tỷ dollars với Việt Nam.
Trong tất cả các cuộc họp chính thức với Chủ tịch nước cộng sản Việt Nam Trần Đại Quang, hay 2 cuộc thăm xã giao với Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vấn đề nhân quyền và nhu cầu tự do, dân chủ của người dân Việt Nam đã không được nói tới.
Trong Tuyên bố chung 14 điểm phổ biến trước giờ Donald Trump rời Hà Nội, hai bên chỉ ghi 19 chữ ngắn ngủi : "Lãnh đạo hai nước ghi nhận tầm quan trọng của việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người".
Thật tẻ nhạt và tầm thường. Tổng thống một cường quốc đứng đầu thế giới về bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do căn bản của con người mà chỉ biết "ghi nhận" thì sự quan tâm về tình hình nhân quyền ở Việt Nam của ông Trump quá tệ hại, hay là ông ta đã bị Trần Đại Quang xỏ mũi lôi đi mà vẫn thỏa mãn với chuyến đi Việt Nam đầu tiên trong cuộc đời ông ?
Tuy nhiên, khi hành động như thế, ông Trump đã chà đạp lên những giá trị truyền thống của nước Mỹ về quyền con người. đồng thời cũng dung dưỡng nhà nước cộng sản Việt Nam được tự do đàn áp những ai chống chính sách cai trị độc tài và phản dân chủ của đảng cộng sản Việt Nam.
Càng nghiêm trọng và mất thể diện hơn là chủ trương không quan tâm đến những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam của ông Trump đã đi ngược với lập trường của Bộ Ngoại giao Mỹ trong phúc trình đưa ra hồi tháng 3/2017, sau 2 tháng ông Trump bước vào Bạch ốc.
Bản phúc trình về tình hình nhân quyền ở Việt Nam năm 2016 viết rằng :
"Những vấn đề nổi bật nhất về quyền con người ở Việt Nam là sự hạn chế nghiêm ngặt của chính quyền đối với quyền chính trị của công dân, đặc biệt là quyền của công dân trong việc thay đổi chính quyền thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng ; hạn chế các quyền tự do của công dân bao gồm tự do hội họp, tự do lập hội và tự do biểu đạt ; chưa có sự bảo vệ đầy đủ đối với các quyền về quy trình tố tụng hợp pháp của công dân, bao gồm sự bảo vệ chống giam giữ tùy tiện. Những vi phạm quyền con người khác bao gồm việc tước đoạt sinh mạng tùy tiện và trái luật ; công an tấn công và dùng nhục hình ; bắt giữ người và giam cầm tùy tiện do các hoạt động chính trị ; công an tiếp tục ngược đãi nghi can trong quá trình bắt và giam giữ, kể cả việc sử dụng vũ lực làm chết người, cũng như các điều kiện khắc khổ của trại giam ; từ chối quyền được xét xử nhanh chóng và công bằng".
Bản phúc trình viết tiếp :
"Chính quyền hạn chế tự do ngôn luận và trấn áp những người bất đồng quan điểm ; thực hiện kiểm soát và kiểm duyệt báo chí ; hạn chế quyền tự do sử dụng Internet và tự do tôn giáo ; duy trì việc theo dõi chặt chẽ thường xuyên các nhà hoạt động ; tiếp tục hạn chế quyền riêng tư và quyền tự do hội họp, tự do lập hội, tự do đi lại. Chính quyền tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký của các tổ chức phi chính phủ (NGO), trong đó có các tổ chức nhân quyền. Nhà chức trách hạn chế sự thăm viếng của các tổ chức phi chính phủ về nhân quyền"
(Trích bản tiếng Việt của Sứ quán Mỹ ở Hà Nội, Việt Nam).
Thất vọng
Ngoài ra, khi ông Trump coi các mối lợi kinh tế to hơn bảo vệ quyền con người cho các dân tộc bị đàn áp, như trường hợp Việt Nam, thì ông còn bôi tro trát phấn vào mặt 17 tổ chức phi chính phủ và 40 học giả trên thế giới. Họ là số người đã gửi thư yêu cầu ông Trump và lãnh đạo các nước APEC đặt vấn đề vi phạm nhân quyền với nhà cầm quyền Việt Nam và đòi Hà Nội trả tự do cho những nhà đấu tranh đang bị giam giữ, đặc biệt hai bà Trần Thị Nga, và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm. Bà Quỳnh, bị bắt hồi tháng 10 năm 2016 và bị kết án 10 năm tù, trong khi bà Nga, bị bắt hồi tháng giêng năm nay, bị tuyên án 9 năm tù.
Như vậy, khi Donald Trump chỉ cần đồng ý không đào sâu hay công khai đặt vấn đề những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam và Trung Quốc mà được tới 12 tỷ dollars thương mại với Hà Nội và 250 tỷ dollars với Bắc Kinh thì chính sách đặt quyền lợi "nước Mỹ trên hết" của Chính quyền Trump đã thành công vượt bậc khi ông ta sẵn sàng hy sinh danh dự của một cường quốc nổi tiếng dân chủ và nhân quyền bậc nhất trên Thế giới.
Giờ đây, khi bước sang năm 2018, ông Donald Trump tiếp tục phải đối phó với 2 "cơn bão chính trị" lớn sẽ ảnh hưởng đến 3 năm còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống.
Thứ nhất là, cuộc điều tra của ông Robert Mueller đối với cá nhân ông Trump sẽ bước vào giai đoạn khẩn trương và đào sâu hơn vào chi tiết. Ông Trump và các cộng sự viên trong Ủy ban Tranh cử tổng thống năm 2016 đang bị điều tra xem "có" hay "không" việc họ toa rập với Nga để phá hoại và lũng đoạn cuộc tranh cử chống ứng cử viên Dân chủ, bà Hillary Clinton.
Và, nếu có thông đồng giữa đôi bên thì nước Nga đã giúp ông Trump thắng cử bằng những biện pháp nào, và những người "phạm tội" sẽ bị trừng phạt ra sao ?
Thứ hai là, cuộc bầu cử lại tất cả 435 Dân biểu Hạ viện và 33 Thượng nghị sỹ. Phe Cộng hòa chiếm đa số ở cả hai viện, nhưng vì cách hành xử chức Tổng thống của ông Trump sau một năm đã gây bất mãn và thất vọng cho những cử tri từng ủng hộ phe Cộng hòa. Nhiều ứng cử viên Cộng Hòa không muốn ông Trump dính vào cuộc tranh cử của họ vì sợ vạ lây, nên nhiều chuyên gia bầu cử Mỹ dự đoán phe Dân chủ có nhiều hy vọng chiếm lại đa số ở Thượng viện. Hiện nay Cộng hòa có 51 ghế, Dân chủ 47 và 2 ghế Độc lập nhưng các Nghị sĩ Độc lập luôn luôn bỏ phiếu theo Dân chủ nên con số thật sẽ là 49.
Các lãnh tụ Cộng hòa còn công khai lo ngại sẽ mất quyền kiểm soát Quốc hội, nếu số cử tri nồng cốt và độc lập không đi bỏ phiếu hay nghiêng về phe Dân chủ trong cuộc bầu cử ngày 6/11/2018.
Phạm Trần
(16/01/2018)
Tại sao cử tri Hoa Kỳ – ít nhất là một số trong đó – lại hứng thú với ý tưởng thêm một nhân vật của kỹ nghệ giải trí lên làm tổng thống Hoa Kỳ ?
Silvio Berlusconi và Donald Trump - Ảnh minh họa
Đứng bên này bờ Đại Tây Dương, người Âu Châu chỉ nhớ đến tấm bi hài kịch của nước Ý khi ông Silvio Berlusconi, một tỷ phú truyền thông, không hiểu làm sao lên làm được đến thủ tướng Ý, mà lại còn là vị thủ tướng tại chức lâu năm nhất trong thời hậu chiến ở Ý. Nhưng Âu Châu vẫn thường coi Ý như một thứ ngoại lệ.
Ở một khía cạnh nào đó, ông Berlusconi rất giống Tổng thống Donald Trump, và cũng như tổng thống, ông từ chối bán cổ phần của mình trong Mediaset, hệ thống truyền thông mà ông làm chủ và ông đã hứa sẽ bán nếu đắc cử. Có dư luận còn bảo ông tham chánh để tránh khỏi bị đi tù, và khi hết tham chánh ông quả đã phải đi tù về tội trốn thuế.
Nhưng ở nhiều khía cạnh khác, ông không giống tổng thống. Ông gian xảo hơn và cũng hữu hiệu hơn. Vả lại ông chỉ là một nhà kinh doanh chứ chưa từng làm tài tử. Hơn thế, chính trị dân chủ Ý trẻ trung, mới thực sự hình thành từ Đệ Nhị Thế Chiến, và cũng vì vậy dễ khuynh đảo hơn.
Nhưng Hoa Kỳ, một trong những nền dân chủ cổ nhất của thời hiện đại, đã bầu lên một vị tổng thống vốn đã phá hủy một tiêu chuẩn là tất cả các vị tổng thống Hoa Kỳ đều phải có, đó là kinh nghiệm đã từng giữ những chức vụ trong quân ngũ hay trong chính trị.
Ngay cả đến Tổng thống Ronald Reagan cũng từng có kinh nghiệm làm thống đốc tiểu bang California. Một Tổng thống Trump chưa đủ hay sao mà nay một số người dân chủ đang mơ tưởng tới ứng cử viên Oprah Winfrey.
Bà Winfrey giàu có, nổi danh và được yêu mến, và hôm chủ nhật trước, bà đã đọc một bài diễn văn hùng hồn vốn đã châm ngọn lửa cho hy vọng và ước mơ trong một số cử tri Dân Chủ như là ngọn lửa cháy rừng vậy.
Một phần của việc này có thể là vì Tổng thống Trump đã phá lệ là một ứng cử viên tổng thống có thể thắng mà không có kinh nghiệm chính trị hay chỉ huy quân sự. Bà Winfrey lại là một nhân vật độc đáo với một số fan có thể nói là như một số tín đồ.
Và ý tưởng một ứng cử viên và tổng thống Winfrey nay đã mọc mầm trong đầu của nhiều người kể cả một số những nhà bình luận. Ông Bill Kristol, bình luận gia của tờ New York Times, nhận xét "Oprah : về kinh tế khá hơn Bernie Sanders, hiểu nước Mỹ trung bình hơn Elizabeth Warren, ít nhạy cảm hơn Joe Biden, dễ chịu hơn Andrew Cuomo, và có nhiều hấp lực hơn John Hickenlooper". Rồi ông kết luận với #ImWithHer.
Thực sự tôi không mấy quen thuộc với bà Winfrey. Trong những năm bà nổi tiếng, tôi hoặc là còn mắc kẹt trong nước, hoặc là còn đang bận rộn với những điều khác hơn là một người chủ trì một chương trình Talk Show ở Hoa Kỳ, nhưng tôi cũng đồng ý với ông Thomas Chatterson Williams viết trong tờ New York Times : Tổng thống Winfrey là một ý kiến dở.
Ý tưởng là chức vụ tổng thống của cường quốc đứng đầu trên thế giới có thể trở thành món phần thưởng của những nhân vật nổi tiếng không có một chút kinh nghiệm cai trị hay chính trị – mặc dầu có thể có cùng lập trương chính trị với mình – là một điều vô cùng nguy hiểm.
Nếu năm đầu tiên của Tổng thống Trump có dạy cho chúng ta điều gì thì đó là kinh nghiệm, kiến thức, giáo dục, và hiểu biết chính trị vô cùng quan trọng. Cai trị không phải là vận động tranh cử. Cai trị cũng không phải là kinh doanh giỏi. Và có lẽ, quan trọng hơn, những nhân vật này không làm một quốc trưởng tốt. Chức vụ tổng thống không phải là một chương trình reality tv hay một talk show.
Nếu bà Winfrey có ra ứng cử thì chắc chính là vì sự thành công của tổng thống. Ông đã là người đi tiên phong trong các nhân vật nổi bật, các celebrities, một người đã chứng minh được là một nhãn hiệu có thể tạo một hấp lực ngoài việc lôi cuốn khán giả.
Ông cũng chứng tỏ cho thấy rất nhiều những khuyến cáo về sự rối loạn vốn là kết quả của một tổng thống không có chuẩn bị cho chức vụ nay đã là quá đúng. Có thể và tôi thực sự hy vọng là đến năm 2020, dân chúng Hoa Kỳ đã quá chán việc cứ phải thức giấc với những tin tức nảy lửa phát xuất từ những cái tweet của một vị tổng thống không ý thức được rằng lời nói của một vị tổng thống Hoa Kỳ được cả thế giới chú ý vì đó sẽ là chính sách của đại cường Hoa Kỳ. Có thể họ muốn một ai ít kích động hơn để họ có thể quên đi chính trị và ngoại giao tweet cho vài ngày hay vài tuần hay cả vài tháng nữa.
Chức vụ tổng thống Hoa Kỳ là một trong những chức vụ khó khăn nhất trên thế giới của chúng ta ngày nay. Giáo sư Chris Edelson, một giáo sư chính trị học của Viện đại học American University, giải thích "Ngay cả những người có kinh nghiệm cũng gặp khó khăn".
Cũng thật khó có thể đoán được là thực sự bao nhiêu cử tri muốn thấy triển vọng của một Tổng thống Winfrey theo Giáo sư Edelson. Hiện nay những người thích bà rất nhiều, nhưng đó không phải là tất cả. Theo cuộc thăm dò của viện nghiên cứu dư luận Gallup, bà Hillary Clinton vẫn là người phụ nữ được ngưỡng mộ nhất Hoa Kỳ. Và khi bà Winfrey tuyên bố ra ứng cử thì con số ủng hộ có thể đi xuống.
Kể từ khi nào Hoa Kỳ đã trở thành một quốc gia nơi mà sự nổi tiếng trở thành điều kiện tiên quyết cho chức vụ cao nhất nước. Những chuyện khó xảy ra đó nay đã trở thành hiện thực. Sự pha trộn của nổi tiếng và quyền lực – như ở Ý – đã là hoàn toàn mới với Hoa Kỳ.
Có lẽ vấn đề nay là một số người Mỹ coi cơ chế đảng phái như là xấu xa, hay không hữu hiệu, hay khó tiếp cận, Giáo sư chính trị học Steven White của trường Maxwell School of Citizenship của Viện đại học Syracuse ở New York giải thích. Ông thêm : "Họ coi sự nổi tiếng như là một cái gì có thể tạo nên một khai phá".
Cũng có thể là truyền hình và truyền thông xã hội đã khiến cử tri ít chú ý hơn đến chính sách của một tổng thống và tập trung nhiều hơn vào khía cạnh trình diễn. Dưới trào của Tổng thống Trump, Tòa Bạch Ốc quả là nhiều kịch tính và có tính trình diễn hơn nhiều. Cứ nhớ đến những nghi thức mà ông bày ra khi ăn mừng thông qua được đạo luật thuế".
Tiến sĩ White bảo "Cũng có thể là một số nhiều người nay coi tổng thống như là một phát ngôn nhân cho quốc gia, và lập trường cũng như những giá trị của nó. Họ có thể coi Oprah là người có thể có một lập trường có thể kích thích họ".
Nhưng như tờ Christian Science Monitor chỉ ra là bà Winfrey có thể thực sự gặp khó khăn hơn trong việc được đảng Dân Chủ đề cử hơn là người ta dự tính. Các lãnh tụ đảng Dân Chủ có nhiều quyền kiểm soát tiến trình chọn ứng cử viên hơn bên Cộng Hòa, vì cái gọi là "siêu đại biểu", vốn thường là những viên chức dân cử. Họ có thể nghĩ là một chính trị gia thực sự, tuy "boring", nhưng sẽ là một đối thủ tốt cho ông Trump hơn là lại một nhân vật nổi tiếng và không có kinh nghiệm nữa.
Các công dân của phần còn lại của thế giới, tuy không có quyền bỏ phiếu ở Hoa Kỳ nhưng nếu được hỏi ý kiến thì chắc hẳn sẽ khuyên những người bạn Mỹ của mình : một tổng thống không có kinh nghiệm, không có khả năng, đã quá đủ rồi, xin đừng trở lại vết xe đổ nữa. Ấy là nếu từ giờ đến năm 2020 không có chuyện gì xảy ra.
Lê Phan
Nguồn : Người Việt, 13/01/2018
Tổng thống Mỹ ra tối hậu thư đòi sửa đổi thỏa thuận hạt nhân Iran (RFI, 13/01/2018)
Thỏa thuận hạt nhân Iran tiếp tục có hiệu lực sau quyết định được tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hôm 12/01/2018, khẳng định không thay đổi ngay lập tức chính sách, nhưng đe dọa rằng nếu các đối tác Châu Âu không hợp tác trong vòng 120 ngày tới để đàm phán lại, Washington sẽ rút khỏi thỏa thuận này.
Ngoại trưởng Iran, Mohammad Javad Zarif. Reuters Alexander Zemlianichenko/Pool
Theo AFP, tổng thống Mỹ một lần bị buộc phải chấp nhận triển hạn việc đình chỉ các trừng phạt kinh tế đối với Iran, trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân 2015, nhưng trong thông điệp hôm qua, ông Trump nhấn mạnh đây là lần cuối cùng.Tổng thống Trump đòi các cường quốc Châu Âu phải hợp tác với Mỹ, để đưa ra một thỏa thuận mới cứng rắn hơn với Tehran, nhằm "sửa chữa các khiếm khuyết khủng khiếp" của bản thỏa thuận hiện hành.
Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ rút ra khỏi thỏa thuận về hạt nhân Iran vào bất cứ thời điểm nào, nếu bản thân ông không cảm thấy một thỏa thuận sửa đổi là "nằm trong tầm tay". Donald Trump đưa ra quyết định nói trên đúng một hôm sau khi Pháp, Anh, Đức (ba cường quốc cùng ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran) và Liên Hiệp Châu Âu ra một kêu gọi chung gởi đến Hoa Kỳ để bảo vệ thỏa thuận này.
Theo AFP, song song với tuyên bố nói trên, tổng thống Mỹ một lần nữa hối thúc Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua một đạo luật nhằm đơn phương siết chặt các đòi hỏi với Iran, và cho phép Washington tự động tái lập các trừng phạt, nếu Iran không tuân thủ các đòi hỏi. Nhóm Diplomacy Works – do cựu ngoại trưởng John Kerry thành lập để bảo vệ thỏa thuận Vienna 2015 – nhận định các yêu sách mà tổng thống Mỹ đưa ra là "phi thực tế".
Về phản ứng của Tehran, sau thông báo của tổng thống Mỹ, thông tín viên Siavosh Ghazi từ Tehran cho biết :
"Với một thông điệp trên Twitter, lãnh đạo ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif đã cáo buộc tổng thống Mỹ Donald Trump tìm cách phá hoại thỏa thuận hạt nhân Iran "một cách vô vọng".
Ngoại trưởng Iran viết : "Chính sách của ông Trump và tuyên bố vừa được đưa ra cho thấy các nỗ lực tuyệt vọng nhằm phá hoại một thỏa thuận đa phương vững chắc. Thỏa thuận hạt nhân này là không thể thương thuyết lại".
Đối với Tehran, đe dọa của Mỹ là không thể chấp nhận được, các lãnh đạo Iran cũng khẳng định trong những tuần gần đây là họ sẽ có những biện pháp trả đũa, nếu Hoa Kỳ không tôn trọng các cam kết – tức cam kết dỡ bỏ các trừng phạt, theo thỏa thuận hạt nhân".
Về quyết định của tổng thống Mỹ, trả lời RFI, chuyên gia Benjamin Hautecouverture (Fondation pour la recherche stratégique) nhận xét : "Chúng ta đã quen với việc, cứ ba tháng một lần đặt câu hỏi về tương lai của thỏa thuận hạt nhân, bởi tổng thống Mỹ không ngừng nhắc lại điều này". Chuyên gia Pháp cũng khẳng định là theo thỏa thuận 2015, "quyền thanh tra quốc tế đối với các cơ sở hạt nhân Iran là thuộc loại nghiêm ngặt nhất thế giới trong hiện tại".
Trọng Thành
********************
Trump miễn chế tài hạt nhân cho Iran lần cuối (VOA, 13/01/2018)
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phê chuẩn các chế tài mới nhắm vào Iran hôm thứ Sáu, và đây là lần thứ ba ông thôi không tái áp đặt các chế tài khắc nghiệt nhằm thúc Tehran từ bỏ nghiên cứu về vũ khí hạt nhân.
Tư liệu - Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng ở Washington, ngày 10 tháng 1, 2018.
Ông Trump nói ông miễn các chế tài hạt nhân lần này là lần cuối cùng để cho Quốc hội và các đồng minh Châu Âu 120 ngày cải thiện thỏa thuận hạt nhân đã ký kết với Iran, hoặc phải đối mặt với việc Mỹ từ bỏ thỏa thuận này.
Các đề xuất của Tổng thống nhằm "sửa chữa các sai sót thảm họa của thỏa thuận" bao gồm việc Iran phải đồng ý ngay lập tức mở tất cả các địa điểm cho các thanh sát viên quốc tế và bảo đảm rằng Tehran sẽ không bao giờ phát triển vũ khí hạt nhân.
Theo Tòa Bạch Ốc, bất kỳ thỏa thuận mới nào với Iran sẽ phải bao gồm các phi đạn đạn đạo của nước này và hạn chế thời gian đột khởi hạt nhân vô thời hạn.
"Không có một thỏa thuận như vậy, Mỹ sẽ không miễn trừ các chế tài nữa để ở lại trong thỏa thuận hạt nhân với Iran. Và nếu bất cứ lúc nào tôi xét thấy một thỏa thuận như vậy không nằm trong tầm tay, tôi sẽ rút khỏi thỏa thuận đó ngay lập tức", ông Trump nói trong một phát biểu.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã áp đặt các biện pháp chế tài mới nhắm mục tiêu vào các doanh nghiệp và cá nhân Iran về các vi phạm nhân quyền. Trong số 14 thực thể và cá nhân Iran bị chế tài, nổi bật nhất là người đứng đầu hệ thống tư pháp của nước này, Sadegh Amoli Larijani. Bộ Tài chính liên kết ông Larijani với "các cáo buộc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng" đối với người dân Iran.
Trong số các thực thể bị liệt vào danh sách đen có đơn vị không gian mạng của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo. Chính quyền Trump nói rằng lực lượng này đã bóp nghẹt mạng xã hội mà người biểu tình có thể sử dụng để giao tiếp.
Các quan chức chính quyền cho biết các biện pháp trừng phạt là một phần trong nỗ lực rộng lớn nhằm chống lại hành vi "liều lĩnh" và "gây bất ổn" của Iran, bao gồm các hành động liên quan đến việc đàn áp những người biểu tình khiến ít nhất 21 người thiệt mạng trong tháng này.
Theo luật, chính quyền phải chứng nhận với Quốc hội mỗi 90 ngày một lần về việc liệu Iran có đang tuân thủ thỏa thuận năm 2015 ký kết với cộng đồng quốc tế để hạn chế chương trình hạt nhân hay không.
Tháng 10 vừa qua, ông Trump từ chối tái chứng nhận thỏa thuận này, nói rằng Tehran đã không tuân thủ đúng tinh thần của thỏa thuận năm 2015, có tên chính thức là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung, nhưng lại trì hoãn tái áp đặt các chế tài nghiêm trọng nhắm vào ngân hàng trung ương và ngành năng lượng của Iran trước đây. Ông Trump dự kiến tái chứng nhận thỏa thuận này vào tuần sau.
********************
Iran sẽ 'trả đũa' lệnh trừng phạt của Trump (BBC, 13/01/2018)
Iran nói rằng Mỹ đã "vượt qua mọi lằn ranh đỏ" bằng cách áp đặt lệnh trừng phạt với người đứng đầu cơ quan tư pháp của nước này, Ayatollah Sadeq Amoli Larijani.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump là người chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận quốc tế về hạt nhân với Iran được ký năm 2015 và gọi đây là 'sai lầm' và 'thảm họa', theo truyền thông Mỹ
Bộ Ngoại giao Iran nói sẽ trả đũa, nhưng không nói hành động trả đũa sẽ dưới dạng thức cụ thể nào.
Iran cũng bác bỏ việc có bất kỳ thay đổi nào của nước này trong thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc thế giới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, người chỉ trích thỏa thuận năm 2015, hôm 12/01/2018 nói ông sẽ gia hạn một lần cuối việc giảm nhẹ các chế tài trừng phạt sau khi các bên đạt được thỏa thuận lịch sử.
Nhưng, đồng thời Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt mới với 14 cá nhân và các tổ chức vì các cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Tổng thống Trump nói cho Châu Âu và Mỹ "một cơ hội cuối cùng" để sửa chữa "sai sót khủng khiếp" trong thỏa thuận hạt nhân đã được Iran và sáu cường quốc thế giới ký kết vào năm 2015.
Nhà Trắng muốn các nước ký kết thoả thuận thuộc EU đồng ý với các chế tài trừng phạt thường xuyên nhắm vào việc làm giàu uranium của Iran.
Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc thế giới ký kết năm 2015 được coi là một thỏa thuận lịch sử
Theo thỏa thuận hiện tại, các chế tài này sẽ hết hạn vào năm 2025. Ông Trump cũng muốn xử lý chương trình hỏa tiễn đạn đạo của Iran.
Tổng thống Trump từng nhiều lần công khai nói : "Iran sẽ không được phép trở thành một mối đe dọa nhật nhân như Bắc Hàn".
'Từng thất bại nhiều lần'
Mặc dù Mỹ đã đình chỉ các biện pháp trừng phạt đối với Iran sau thỏa thuận về hạt nhân, Nhà Trắng vẫn áp đặt các biện pháp trừng phạt về các vấn đề như khủng bố, nhân quyền và phát triển hỏa tiễn đạn đạo.
Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ra một tuyên bố hôm thứ Sáu, 12/01, nói rằng Ayatollah Amoli Larijani là người chịu trách nhiệm về các hành vi "tra tấn hoặc đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc trừng phạt của tù nhân ở Iran, bao gồm việc cắt cụt các chi của tù nhân".
Ông Ayatollah Amoli Larijani bị cáo buộc đã kêu gọi một chiến dịch truy quét những kẻ "nổi loạn" và " phá hoại" sau khi diễn ra một loạt các cuộc biểu tình phản đối, chống chính phủ gần đây ở nhiều thành phố của Iran.
Iran đã phàn nàn rằng các chế tài trừng phạt của Mỹ, vốn không liên quan các hoạt động hạt nhân, đã gây ra tác động làm triệt tiêu 'bất kỳ lợi ích tài chính' nào mà Tehran mong đợi từ thỏa thuận năm 2015.
Nhà Trắng chỉ trích mạnh mẽ Iran vì đã đàn áp các cuộc biểu tình chống chính phủ gần đây
Bộ Ngoại giao Iran trong dịp cuối tuần đã ra một tuyên bố, trong đó có đoạn nói :
"Hành động thù địch đã vượt qua mọi lằn ranh đỏ về ứng xử trong cộng đồng quốc tế và là một sự vi phạm luật pháp quốc tế và chắc chắn sẽ nhận được sự đáp trả bằng một phản ứng nghiêm trọng của nước Cộng hòa Hồi giáo".
Tuyên bố này buộc tội ông Trump "tiếp tục có các biện pháp thù địch chống lại người dân Iran và lặp lại các mối đe dọa đã từng thất bại nhiều lần".
Đề cập đến các đe dọa của ông Trump nhằm loại bỏ thỏa thuận hạt nhân, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Iran nói rằng nước này "sẽ không chấp nhận bất kỳ sửa đổi nào trong thỏa thuận này, dù là hiện tại hay trong tương lai, và Iran sẽ không cho phép bất kỳ các vấn đề khác liên kết với JCPOA [Kế hoạch hành động phối hợp tổng thể]".
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif hôm thứ Sáu nói quyết định của ông Trump là một "nỗ lực tuyệt vọng" nhằm làm suy yếu một thỏa thuận "vững chắc".
***********************
Một báo cáo Liên Hiệp Quốc khẳng định Iran vi phạm cấm vận vũ khí (RFI, 13/01/2018)
Như để thêm củi lửa cho khả năng Washington tăng cường trừng phạt Tehran, một ủy ban điều tra Liên Hiệp Quốc mới đây xác định là Iran đã vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của quốc tế khi không ngăn chặn việc cung cấp tên lửa đạn đạo cho phiến quân Houthi tại Yemen để bắn vào Saudi Arabia. Theo hãng tin Pháp AFP ngày 12/01/2018, đây là kết luận của một bản báo cáo gởi lên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc từ hôm 09/01, nhưng chưa được công bố.
Không Quân Saudi Arabia bắn chận một hỏa tiễn Scud của phe Houthi bắn đi từ Yemen. Reuters /Ronen Zvulun
Theo nhóm chuyên gia điều tra : "Những mảnh vụn của tên lửa, thiết bị quân sự và máy bay không người lái (tìm thấy trên hiện trường) đều có xuất xứ từ Iran và đã được đưa vào Yemen sau khi (Liên Hiệp Quốc) áp đặt lệnh cấm vận vũ khí có chọn lọc" vào năm 2015.
Dù không xác định đích danh nguồn cung cấp các loại vũ khí này, bản báo cáo dầy 79 trang mà AFP đọc được, tuy nhiên vẫn quy trách nhiệm cho chính quyền Iran, và kết luận rằng : "Cộng Hòa Hồi Giáo Iran không tuân thủ điều 14 của nghị quyết 2216", yêu cầu cấm bán vũ khí cho Yemen.
Cho đến nay, Iran đã cực lực phủ nhận việc họ cung cấp vũ khí cho lực lượng Houthi tại Yémen, và mới đây đã cáo buộc đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley, là đã đưa ra bằng chứng "ngụy tạo" về việc tên lửa chế tạo tại Iran được dùng để bắn vào sân bay Riyad tại Saudi Arabia hôm 10/01 mới đây.
Ngay từ tháng 12, bà Haley đã tuyên bố với Hội Đồng Bảo An là Mỹ sẽ thúc đẩy hành động chống lại Iran liên quan đến các vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào Saudi Arabia, nhưng Nga đã bắn tin ngay lập tức là họ sẽ không ủng hộ kế hoạch đó.
Trong bản báo cáo, nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo rằng vụ tấn công bằng tên lửa vào sân bay Riyad đã thay đổi quy mô cuộc xung đột, có nguy cơ biến một tranh chấp địa phương thành một xung đột khu vực.
Ủy ban này cũng cho biết là họ đang điều tra xem là liệu Iran có gửi "cố vấn" qua giúp lực lượng Huthi trong cuộc chiến chống lại liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu hay không.
Trọng Nghĩa
Trump bênh vực năng lực tâm thần, tự gọi mình là ‘thiên tài rất ổn định’ (VOA, 07/01/2018)
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Bảy lên Twitter bênh vực năng lực tâm thần của mình, nói rằng ông là một "thiên tài rất ổn định" trong khi bác bỏ những cáo buộc của một tác giả viết một cuốn sách lập luận rằng ông Trump không đủ năng lực tâm thần để làm tổng thống.
Tổng thống Donald Trump, phát biểu trước giới truyền thông sau khi tham gia một cuộc họp với các lãnh đạo phe Cộng hòa Quốc hội tại khu nghỉ dưỡng tổng thống ở Trại David, bang Maryland, ngày 6 tháng 1, 2017.
Michael Wolff, người được cho phép tiếp cận rộng rãi một cách bất thường với nhiều quan chức trong Nhà Trắng trong năm đầu tiên của ông Trump, phát biểu trong khi đi quảng bá cuốn sách của ông rằng ông Trump không đủ năng lực cho chức vụ tổng thống.
Ông Trump, trong một loạt dòng tweet sáng thứ Bảy, nói rằng những người chỉ trích thuộc phe Dân chủ và giới truyền thông tin tức ở Mỹ đang lôi "bổn cũ Ronald Reagan ra soạn lại và la làng về sự ổn định tâm thần và trí thông minh" vì họ không thể lôi ông xuống bằng những cách khác.
Ông Reagan, tổng thống Mỹ thuộc Đảng Cộng hòa từ năm 1981-1989, được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer vào năm 1994 và qua đời vào năm 2004.
"Thực ra là suốt cuộc đời tôi, hai tài sản lớn nhất của tôi là sự ổn định tâm thần và trí thông minh", ông Trump, cựu ngôi sao truyền hình thực tế và nhà phát triển địa ốc, nói.
"Tôi đã đi từ một doanh nhân RẤT thành công tới ngôi sao truyền hình hàng đầu... cho tới Tổng thống Hoa Kỳ (trong lần thử đầu tiên). Tôi nghĩ đó không phải là thông minh mà là thiên tài... và một thiên tài rất ổn định !"
Ông Trump, 71 tuổi, đăng những dòng tweet này từ khu nghỉ dưỡng tổng thống tại Trại David, bang Maryland, nơi ông hội họp với các nhà lãnh đạo Quốc hội và nhiều bộ trưởng Nội các về nghị trình lập pháp của họ cho năm nay.
Cuốn sách của ông Wolff, "Fire and Fury - Inside the Trump White House" (Lửa và Thịnh nộ : Bên trong Nhà Trắng của Trump), khắc họa ông Trump là người không tập trung, thiếu chuẩn bị và nhỏ mọn trong khi làm chủ Tòa Bạch Ốc đầy hỗn loạn.
Ông Trump, trả lời câu hỏi của phóng viên tại Trại David sau đó, gọi ông Wolff là "kẻ lừa đảo" và nói cuốn sách "hoàn toàn là một tác phẩm hư cấu".
"Tôi nghĩ đó là một nỗi ô nhục", ông nói.
Ông Trump nói ông không bao giờ cho phép ông Wolff phỏng vấn cho cuốn sách này và quy trách cựu cố vấn Steve Bannon, người mà ông gọi là "Steve Lôi thôi", cho ông Wolff quyền tiếp cận tại Nhà Trắng.
Những dòng tweet này là một dấu hiệu nữa cho thấy sự bực bội của ông Trump đối với điều mà ông xem là sự đối xử bất công của giới truyền thông tin tức đối với nhiệm quyền tổng thống của ông, giữa lúc đang có một cuộc điều tra liên bang về việc liệu ông hay những phụ tá vận động tranh cử của ông có thông đồng với Nga hay không trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Ông Trump, được hỏi về một bài báo của tờ The New York Times loan tin các phụ tá của ông đã gây áp lực yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions không rút khỏi cuộc điều tra về Nga, nói : "Tất cả những gì tôi làm là thỏa đáng 100 phần trăm".
Cuốn sách của ông Wolff là một chấn động nữa đối với ông Trump và các trợ lý hàng đầu của ông, ngay khi ông mới bắt đầu năm thứ nhì tại chức.
Tác giả Michael Wolff nói tất cả các phụ tá của ông Trump coi ông như một đứa trẻ.
Ông Wolff nói với Đài phát thanh BBC trong một cuộc phỏng vấn phát sóng hôm thứ Bảy rằng, dựa trên các cuộc phỏng vấn của ông với những người xung quanh ông Trump, ông tin rằng ông Trump không đủ năng lực cho chức vụ tổng thống.
Ông nói với NBC News hôm thứ Sáu rằng các nhân viên Nhà Trắng coi ông Trump như một đứa trẻ.
Ông Trump theo lịch trình sẽ được khám sức khỏe lần đầu tiên vào ngày 12 tháng 1. Cuộc kiểm tra này được công bố vào ngày 7 tháng 12 sau khi có những thắc mắc về sức khỏe của ông khi ông nói líu nhíu một phần bài phát biểu loan báo Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
*******************
Tổng thống Trump : Cuốn sách mới là 'hư cấu' và 'lừa đảo' (BBC, 06/01/2018)
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã bác bỏ những nghi ngờ về sức khoẻ tâm thần của mình trong một quyển sách mới xuất bản với tựa đề "Lửa và giận giữ : Bên trong Tòa Bạch ốc", mô tả cuốn sách là "hư cấu" và tác giả của nó là một kẻ "lừa đảo".
Tổng thống Donald Trump phản bác, phủ nhận cuốn sách mới xuất bản mà ông coi là 'hư cấu', còn tác giả của nó là 'lừa đảo'
Cuốn sách của Michael Wolff kể về năm đầu tiên của chính quyền cho thấy những người thân cận nhất với ông Trump cũng đặt dấu hỏi về việc ông có phù hợp với việc làm Tổng thống hay không.
Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp với các đảng viên Cộng hòa cao cấp tại Trại David, tổng thống đã đưa ra những phản bác.
Ông nói ông là một "sinh viên xuất sắc" và là một "thành công to lớn".
'Phủ bóng cuộc họp quan trọng'
Ông Trump định ngăn việc xuất bản cuốn Lửa và Thịnh nộ giữ nhưng không thành
Trước đó, vào thứ Bảy 06/01/2018, ông Trump đã phản bác lại nội dung của cuốn sách trên Twitter, cho rằng ông là một "thiên tài rất ổn định", người có "hai tài sản lớn nhất là sự "ổn định về tâm thần" và "thực sự thông minh".
Cuốn sách "Lửa và Thịnh nộ : Bên trong Tòa Bạch ốc" - mà tính chính xác đã bị Nhà Trắng tranh cãi và những người khác cản trở - phác họa đương kim tổng thống Mỹ như một người thiếu kiên nhẫn và không thể nắm bắt được chính sách, dễ bị mắc kẹt và tự lặp lại.
Cuốn sách của ông Wolff với những điều được cho là tiết lộ 'thâm cung bí sử' và tranh cãi về nó đã phủ bóng, làm lu mờ cuộc họp ở Trại David - một cuộc gặp của các đảng viên chủ chốt của đảng Cộng hòa nhằm bàn thảo, vạch ra những ưu tiên lập pháp cho năm 2018.
************************
Tác giả sách về Trump lên tiếng, nói tất cả phụ tá coi Trump ‘như trẻ con’ (VOA, 06/01/2018)
Tác giả của một cuốn sách phơi bày nội tình Nhà Trắng trong năm đầu tiên dưới quyền Tổng thống Trump hôm thứ Sáu cho biết ông có nói chuyện với Tổng thống trong khi viết cuốn sách này. Phát biểu này mâu thuẫn với lời khẳng định của ông Trump rằng ông chưa bao giờ nói chuyện với tác giả và không cho phép bất kỳ sự tiếp cận nào.
Cuốn sách của Michael Wolff ngay tức thì trở thành cuốn sách bán chạy nhất vào ngày thứ Sáu. Nhà xuất bản quyết định phát hành sớm mấy ngày so với dự định sau khi một số trích đoạn được đăng tải trong tuần này khơi ra một cơn bão lửa chính trị.
Cuốn sách của Michael Wolff "Fire and Fury : Inside the Trump White House" (Lửa và Thịnh nộ : Bên trong Nhà Trắng của Trump) ngay tức thì trở thành cuốn sách bán chạy nhất vào ngày thứ Sáu. Nhà xuất bản quyết định phát hành sớm mấy ngày so với dự định sau khi một số trích đoạn được đăng tải trong tuần này khơi ra một cơn bão lửa chính trị, những đe dọa kiện tụng từ luật sư của ông Trump và một nỗ lực nhằm ngăn cuốn sách xuất bản.
Cuốn sách, bị ông Trump bác bỏ là đầy những lời dối trá, cho thấy một Nhà Trắng hỗn loạn, một tổng thống thiếu chuẩn bị sau khi giành chiến thắng bầu cử năm 2016, và những phụ tá dè bỉu khả năng của ông Trump. Ông Wolff nói với đài NBC hôm thứ Sáu rằng tất cả các phụ tá của ông Trump đều nói với ông rằng họ coi ông ta như một đứa trẻ.
"Tôi hoàn toàn có nói chuyện với tổng thống. Dù ông ấy có nhận ra đó là cuộc phỏng vấn hay không, tôi không biết, nhưng chắc chắn nó không phải là thông tin được yêu cầu không công khai", ông Wolff nói trên chương trình "Today" của NBC. Ông nói thêm rằng ông đã nói chuyện với những người nói chuyện với ông Trump hàng ngày, "đôi khi hàng phút".
Khi được yêu cầu làm rõ ý của ông là gì khi ông viết toàn bộ những người trong nhóm nội bộ của ông Trump đều nêu nghi vấn về việc ông có đủ năng lực cho chức vụ tổng thống, ông Wolff nói, "100 phần trăm những người xung quanh ông ta... Tất cả họ đều nói ông ta như trẻ con".
Tối thứ Năm, ông Trump viết trên Twitter, "Tôi không hề cho phép tác giả cuốn sách ba láp này (thật ra từ chối ông ta mấy lần) tiếp cận Nhà Trắng ! Tôi chưa bao giờ nói chuyện với ông ta cho cuốn sách này".
"Toàn nói láo, trình bày không đúng sự thật và những nguồn không hề tồn tại", ông Trump nói thêm.
Những trích đoạn công bố trước đó cũng gây rạn nứt công khai giữa tổng thống và Steve Bannon, cựu chiến lược gia trưởng của ông và từng là một phụ tá vận động tranh cử hàng đầu, liên quan tới những bình luận của ông Bannon trong cuốn sách về ông Trump và gia đình ông.
Phản ứng của ông Bannon trước vụ việc vẫn bình lặng. Trong các cuộc phỏng vấn với trang tin cánh hữu Breitbart News sau khi tin tức loan đi, ông gọi ông Trump là "người tuyệt vời" và cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ chủ trương của tổng thống.
Nhà Trắng nói cuốn sách này đầy lỗi và các quan chức chính quyền cũng như chiến dịch tranh cử đã phản bác những sự kiện được mô tả trong cuốn sách.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders, người gọi cuốn sách này là rác rưởi, hôm thứ Sáu rằng ông Wolff chỉ nói chuyện ngắn gọn với tổng thống và không được tiếp cận rộng rãi.
"Đây là người bịa ra rất nhiều chuyện để cố gắng bán sách", bà Sanders nói trong một cuộc phỏng vấn trên kênh Fox News.
Trong một dòng tweet hôm thứ Sáu, ông Trump gọi cuốn sách này là một nỗ lực nữa nhằm bôi nhọ ông vì bất kỳ sự thông đồng nào giữa chiến dịch tranh cử của ông và Nga "đang cho thấy hoàn toàn là một vụ bịp bợm".
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đang điều tra sự thông đồng khả dĩ như một phần trong cuộc điều tra rộng hơn về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016. Ông chưa loan báo bất kỳ kết luận nào.
************************
Mỹ : Cuốn sách khiến Trump nổi giận bán chạy như tôm tươi (RFI, 06/01/2018)
Cuốn sách Fire and Fury : Inside the Trump White House (tạm dịch : Lửa và Cuồng nộ : Bên trong Nhà Trắng của Trump) của nhà báo chính trị Micheal Wolff nói về những tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump. Nhà Trắng đã tìm các ngăn cản việc phát hành những cuối cùng cuốn sách được chính thức phát hành tại Mỹ ngày 05/01/2018 và đứng đầu danh sách bán chạy nhất trên trang Amazon.
Sách "Fire and Fury : Inside the Trump White House" của tác giả Michael Wolff bày bán tại một nhà sách New York ngày 05/01/2018. Reuters/Shannon Stapleton
Thông tín viên RFI Anne Corpet có mặt tại hiệu sách Politics and Prose, ở Washington cho biết, bất chấp nhiệt độ -10°C, khoảng 20 độc giả đứng chờ trước hiệu sách và chỉ trong vòng 13 phút, tất cả đã được bán hết sạch. Chủ hiệu sách, Bradley Graham, giải thích ngay cả nhà xuất bản cũng không dự đoán được nhu cầu cao đến như vậy của độc giả : "Đây là một thành công khác thường, chỉ một chốc một chiều, và hiếm có đối với một cuốn sách về chính trị".
Một độc giả thì cho rằng điều bất ngờ đối với tác phẩm này "không phải là nội dung bên trong, mà là phản ứng do cuốn sách gây nên. Donald Trump bỗng quảng cáo cho cuốn sách khi ông ấy muốn cấm phát hành".
Hãng tin AFP cho biết ngay trong ngày phát hành cuốn Lửa và Cuồng nộ, khi trả lời đài CNN, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khẳng định "chưa bao giờ đặt vấn đề và chẳng có lý do gì để nghi ngờ khả năng tinh thần" của tổng thống Trump, và nói thêm : "Ông ấy không giống như những tổng thống tiền nhiệm".
Cũng trong ngày 05/01, hai thượng nghị sĩ Cộng Hòa, Chuck Grassley và Lindsey Graham, đã yêu cầu tư pháp Mỹ mở điều hình sự đối với cựu gián điệp người Anh, Christopher Steele, người tiến hành điều tra, trong thời gian vận động tranh cử tổng thống Mỹ 2016, nghi án thông đồng giữa nhóm vận động của Trump và Nga.
Thượng Viện Mỹ tiến hành một trong ba cuộc điều tra nghị viện về nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, song không có quyền truy tố tư pháp, tuy nhiê, họ có thể yêu cầu bộ Tư Pháp làm việc này. Đây là lần đầu tiên các thượng nghị sĩ công khai đệ trình lên tư pháp một nhân vật có liên quan đến nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ.
Thu Hằng
Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa kiện cựu cố vấn Bannon (RFI, 05/01/2018)
Về cuốn sách gây sốc "Lửa và thịnh nộ", theo Reuters, các luật sư của tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Tư 03/01/2018, đã gửi đến cựu cố vấn của tổng thống Steve Bannon thư thông báo kiện, sau khi sách có kế hoạch ra mắt.
Ông Steve Bannon trong một cuộc mít tinh tại Fairhope, Alabama, Hoa Kỳ, ngày 05/12/2017 - Reuters/Jonathan Bachman/File Photo
Theo các luật sư, ông Bannon đương sự đã "phản bội" cam kết, khi trả lời phỏng vấn nhà báo Michael Wolff về Donald Trump, về gia đình tổng thống Mỹ và chương trình tranh cử tổng thống 2016. Các luật sư cũng cáo buộc ông Steve Bannon tội "vụ khống".
Charles Harder, luật sư của ông Trump, cho hay, các biện pháp pháp lý sẽ "sớm được khởi sự".
Nhà xuất bản Henry Holt&Co quyết định tổ chức buổi ra mắt cuốn sách ngay trong hôm nay, 05/01, tức là sớm hơn bốn ngày, thay vì vào thứ Ba tuần tới, theo dự kiến, với lý do "có một nhu cầu chưa từng thấy" từ phía độc giả.
Theo các nhà quan sát, tổng thống Mỹ Donald Trump đã tìm nhiều cách để ngăn chặn việc cuốn sách ra mắt. Trên thực tế, sách "Lửa và thịnh nộ" đã có rất đông khách hàng trên mạng Amazon. Việc các luật sư của tổng thống Trump khiếu kiện cựu cố vấn Steve Bannon chắc chắn góp phần gây thêm tò mò từ phía công chúng.
Trọng Thành
******************
Mỹ : Cuộc chiến giữa Tổng thống Trump và cựu cố vấn Bannon bùng nổ (RFI, 05/01/2018)
Cuộc chiến giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và cựu cố vấn Steve Bannon đã nổ ra. Cuốn sách của Steve Bannon dự kiến ra mắt vào tuần tới, nhưng một số trích đoạn đã được công bố vào ngày hôm qua 03/01/2018. Trong cuốn sách, ông Steve Bannon gọi Donald Trump Junior - con trai cả của tổng thống Donald Trump - là "kẻ phản bội". Và điều này đã khiến chủ nhân Nhà Trắng "nổi cơn thịnh nộ".
Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Steve Bannon, lúc đó đang là cố vấn cho tổng thống, Nhà Trắng, 22/01/2017. Reuters/Carlos Barria
Từ Washington, thông tín viên RFI Anne Corpet cho biết thêm chi tiết :
"Lửa và thịnh nộ" là tiêu đề tuyệt vời nhất cho cuốn sách, cho dù chưa kịp ra mắt đã khiến tổng thống Mỹ giận điên người. Trong cuốn sách đầy tiết lộ về những ngày đầu tiên của ông Donald Trump ở Nhà Trắng, ông Steve Bannon, cựu cố vấn của tổng thống, dùng từ "phản bội" để nói tới cuộc gặp gỡ giữa Donald Trump Junior và một nhóm người Nga hồi tháng 06/2016 tại New York.
Trong một thông cáo, tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố : "Steve Bannon không chỉ mất chức vì bị Nhà Trắng sa thải, mà ông ta còn bị mất trí nữa". Khi được hỏi, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders đã khẳng định tổng thống đang rất giận dữ. Bà Sarah Sanders phát biểu : "Tôi tin rằng tức giận và chán ngấy là những gì người ta có thể cảm thấy khi những tuyên bố gây sốc và hoàn toàn sai lệch được đưa ra nhằm chống lại tổng thống, ê kíp làm việc của tổng thống cũng như gia đình của ông ấy".
Mâu thuẫn giữa tổng thống và cựu cố vấn Steve Bannon có thể gây ra các hậu quả chính trị. Steve Bannon đã thông báo rằng ông sẽ bầu cho các ứng viên mà ông ủng hộ, để chống lại các ứng viên của đảng Cộng Hòa trong kỳ bầu cử Quốc Hội giữa nhiệm kỳ tới đây".
Thùy Dương
***********************
Trump : Sách của Michael Wolff 'đầy dối trá' (BBC, 05/01/2018)
Cuốn "Lửa và Thịnh nộ : Bên trong Tòa Bạch Ốc" do nhà bình luận chính trị nổi tiếng Michael Wolff viết, dự kiến ra mắt vào thứ Ba 9/1 nhưng việc xuất bản đã xong trước hôm thứ Sáu 5/1 và hiện đang được bán.
Ông Trump được mô tả trong cuốn sách là sốc khi giành chức chức tổng thống Hoa Kỳ
Luật sư của ông Trump đã cố gắng ngăn chặn việc phát hành sách.
Cuốn sách trích lời cựu cố vấn cao cấp lý Steve Bannon mô tả một cuộc họp có mặt con trai ông Trump với một nhóm người Nga là "phản quốc".
Cuốn này cũng mô tả ông Trump ngạc nhiên khi giành chức Tổng thống.
Ông Trump nói ông không cho ông Wolff quyền tiếp cận Tòa Bạch Ốc, đồng thời nói cuốn sách "đầy những dối trá, thông tin sai lệch và những nguồn không tồn tại".
"Hãy xem những gì xảy ra với anh ta và Steve tùy tiện !", ông Trump viết trên Twitter.
Ông Trump nói trước đó rằng ông Steve Bannon - người bị sa thải hồi tháng 8 - đã "mất trí" sau khi mất việc khỏi Tòa Bạch Ốc.
Trong một số tuyên bố mang tính bùng nổ, ông Bannon được cho là đã đề cập đến một cuộc họp của Trump với nhóm vận động bầu cử và các quan chức Nga khi nói rằng : "Họ sẽ đập Don Junior như một quả trứng trên truyền hình quốc gia".
Cuộc gặp có liên quan tới con trai cả của ông Trump, ông Donald Trump Jr, hiện đang được điều tra bởi Công tố viên đặc biệt Robert Mueller về khả năng ông Trump thông đồng với giới vận động bầu cử và các quan chức Nga để giành ghế tổng thống.
Ông Trump bác bỏ tất cả các cáo buộc thông đồng.
Trong chương trình phát thanh Breitbart hôm thứ Tư 3/1, ông Bannon đáp lại chỉ trích của tổng thống bằng cách nói rằng ông Trump là một "người vĩ đại" và rằng "sẽ vẫn tiếp tục ủng hộ ông Trump".
Sau khi Tổng thống gặp các thượng nghị sĩ Cộng hòa trong Phòng Bầu dục để thảo luận về vấn đề nhập cư hôm thứ Năm 4/1, một phóng viên hỏi ông Trump có phải nhà chiến lược cũ của ông đã phản bội ông. Vị tổng thống trả lời : "Tôi không biết, tối qua ông ta gọi tôi là một người tuyệt vời nên rõ ràng là ông ta rất dễ thay đổi giọng điệu".
Luật sư của ông Trump nói gì ?
Thông cáo pháp lý đã được Washington Post đăng tải, yêu cầu tác giả Michael Wolff và nhà xuất bản "ngay lập tức ngừng bất kỳ việc in ấn, phát hành hoặc phổ biến sách".
Thông cáo này cáo buộc Wolff đưa ra "nhiều tuyên bố sai lệch và / hoặc không có căn cứ" về ông Trump và cho biết các luật sư đang xem xét những cáo buộc mang tính phỉ báng.
Luật sư viết thông báo này là Charles J Harder. Ông cũng đã gửi một bức thư tới ông Bannon hôm thứ Tư 3/1, nói rằng ông này đã vi phạm một thỏa thuận không tiết lộ.
Có gì trong cuốn sách ?
Cuốn sách của Wolff đưa ra nhiều tuyên bố, bao gồm :
- Đội vận động bầu cử của ông Trump đã sốc và bàng hoàng bởi chiến thắng của ông
- Vợ ông, Melania, khóc lóc vì buồn rầu vào đêm bầu cử
- Ông Trump giận dữ vì các ngôi sao hạng A thờ ơ với buổi tuyên thệ nhậm chức của ông.
- Tổng thống mới "thấy Nhà Trắng phiền hà và thậm chí hơi đáng sợ"
- Con gái ông Trump, Ivanka, có kế hoạch với chồng, Jared Kushner, rằng cô sẽ là "nữ tổng thống đầu tiên"
- Ivanka Trump chế giễu kiểu tóc "chải ngược" của bố và "thường mô tả cách chải cho bạn bè"
Cuốn sách được hình thành dựa trên hơn 200 cuộc phỏng vấn nhưng một số trích đoạn bị chỉ trích và đặt câu hỏi.
Tuy nhiên, ngay cả khi chỉ chứa đựng một nửa sự thật, cuốn sách cũng vẽ nên bức chân dung tồi tệ của một tổng thống hoang tưởng và một Nhà Trắng hỗn loạn, biên tập BBC ở Bắc Mỹ Jon Sopel nói.
Cơ hội quảng cáo sách 'tiền không mua được'
Anthony Zurcher của BBC tại Washington viết :
Nhờ lá thư yêu cầu "chấm dứt và chấm dứt" của luật sư, ông Trump đã trao cho Michael Wolff và cuốn sách cơ hội quảng cáo khổng lồ mà tiền cũng không mua được.
Các cáo buộc mang tính chỉ trích dẫn dắt mọi chương trình tin tức và trang nhất các báo (và chôn vùi những thông tin mới nhất về kinh tế khởi sắc của Hoa Kỳ).
Đe dọa kiện là một thủ thuật phổ biến của ông Trump, có từ hồi ông còn là một nhà kinh doanh bất động sản ở New York. Rất hiếm khi ông theo dõi các động thái của tòa án. Trong trường hợp này, thái độ như vậy là đặc biệt nguy hiểm.
Để có thể kết tội [tác giả cuốn sách] theo luật phỉ báng của Hoa Kỳ, tổng thống sẽ phải tự đưa mình vào các cuộc điều tra của giới luật sư đối lập, những người đang muốn chứng minh rằng các các cáo buộc của Wolff có thật hoặc chí ít thì ông ta tin rằng nó đúng.
Chính quyền Trump đã bảo vệ chính mình như thế nào ?
"Steve Bannon không liên quan gì đến tôi hoặc nhiệm kỳ tổng thống của tôi", ông Trump nói trong một tuyên bố hôm thứ Tư.
Thư ký báo chí Sarah Sanders bác bỏ cuốn sách và nói đây là một "cuốn sách lá cải hoang đường" "đầy những điều giả dối và gây nhầm lẫn từ những cá nhân không có quyền tiếp cận hoặc ảnh hưởng với Tòa Bạch Ốc".
Người phát ngôn của Melania Trump nói rằng Đệ nhất phu nhân đã động viên chồng tranh cử tổng thống. "Bà ấy tự tin rằng ông ấy sẽ chiến thắng và rất hạnh phúc khi ông ấy làm được như vậy", bà này nói hôm thứ Tư.
Hôm thứ Năm, Tòa Bạch Ốc cho biết họ đã cấm các thiết bị cá nhân, kể cả điện thoại di động, từ Cánh Tây, với lý do an ninh.
Ngày 18/12/2017, Tổng thống Trump đã công bố Chiến lược An ninh Quốc gia (National Security Strategy - NSS) để làm "kim chỉ nam" cho chính quyền Mỹ dưới nhiệm kỳ của ông. Bản chiến lược này đã gây nhiều tranh luận. Nga đã đổ lỗi cho chiến lược an ninh quốc gia mới của Trump như là "kẻ theo chủ nghĩa đế quốc" (imperialist), trong khi Trung Quốc lên án chiến lược đó nhằm thúc đẩy "Tâm thức Chiến tranh Lạnh" (Cold War Mentality) của Mỹ.
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc họp bác bỏ quyết định của Trump về Jerusalem
Có rất nhiều bản phân tích của các chuyên gia về chiến lược này giúp cho chúng ta thấy rõ hơn những mặt trái đàng sau của chiến lược. Tiến sĩ Terry F. Buss, giáo sư về chính sách công, hiện tham gia vào nhiều viện nghiên cứu như Carnegie Mellon University, National Academy of Public Administration, v.v., đã viết một bài nhận xét rất gọn gàng nhưng đầy đủ, mô tả đó là "một chiến lược mơ hồ, rất mâu thuẫn" (ambiguous, very controversial).
Trong bài này, chúng tôi chưa đi vào những chi tiết gây tranh luận trong bản chiến lược mới, chúng tôi chỉ nói đến điều mà Nga và nhiều nhà lãnh đạo đang quan tâm : Có phải Trump đang theo đưổi chủ nghĩa đế quốc hay không ? Tham vọng đó có thực hiện được không và sẽ đưa nước Mỹ đi về đâu ?
Đế quốc và chủ nghĩa đế quốc
Trong chiến tranh Việt Nam, Đảng cộng sản Việt Nam thường gọi Hoa Kỳ là "Đế quốc Mỹ".
Đế quốc là danh từ Hán Việt, dịch từ chữ "Empire" của Anh, ngày xưa được dùng để chỉ một nước được cai trị bởi một "hoàng đế" (emperor). Ngày nay Đế quốc thường dùng để chỉ các quốc gia lớn mạnh, có tầm ảnh hưởng quốc tế lớn, thống trị nhiều vùng lãnh thổ rộng hoặc chi phối được nhiều quốc gia.
Chủ nghĩa đế quốc trong tiếng Anh là "Imperialism" có nguồn gốc từ chữ "imperium" trong tiếng Latin, mang nghĩa cai trị các vùng lãnh thổ rộng lớn. Chủ nghĩa đế quốc là "chính sách mở rộng quyền lực và tầm ảnh hưởng của một quốc gia thông qua hoạt động thuộc địa hóa bằng vũ lực hoặc các phương thức khác". Ngày nay chủ nghĩa đế quốc là một thuật ngữ được dùng để đề cập đến sự thống trị về mặt kinh tế và chính trị của các quốc gia phương Tây.
Trong cuốn "A History of American Imperialism from Benjamin", sử gia Richard H. Immerman cho rằng "Mỹ đã, và luôn luôn là một đế quốc". Con sử gia Elizabeth Cobbs Hoffman nói : "Sự tồn tại của đế quốc Mỹ là một thực tế không thể phủ nhận".
Kể từ khi mở cuộc chiến Iraq, đế quốc Mỹ đã tiến xa hơn nhiều. Trong cuốn "New Imperialism : Toward a Holistic Approach", hai sử gia Steven Kettell và Alex Sutton đã đặt ra vấn đề : "Sức mạnh vô song và các hoạt động của Mỹ, đặc biệt là những bước đi của họ trong cuộc chiến chống khủng bố, có thể đã cấu thành một dạng ‘chủ nghĩa đế quốc mới’" cho phép họ gây ảnh hưởng hoặc ép buộc đối với các quốc gia khác.
Lá cờ hoa chỉ cắm trên những nơi yêu chuộng nhân quyền
Đến đời tổng thống thứ 45 của Mỹ, "chủ nghĩa đế quốc mới" lại tiến xa hơn. Người ta có cảm tưởng Donald Trump đang nghĩ rằng với sức mạnh của Mỹ, ông có thể muốn làm gì trên thế giới này thì làm, không cần quan tâm đến Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế. Ý tưởng này là một sai lầm rất nguy hại. Mọi sự sơ suất đều có thể đưa tới tình trạng chiến tranh hay biến loan. Nhưng thế giới ngày nay không còn là đơn cực mà đang trở thành đa cực, nên Mỹ không thể tự do hành động.
Một hình thức đi ăn cướp
Khi đang tranh cử, tâm thức đế quốc của Donald Trump cũng đã xuất hiện. Ông tuyên bố Mỹ rút ra khỏi Iraq là một sai lầm. Ông sẽ cho đem 150.000 quân chiếm lại Iraq và ở đó lâu dài để công ty Exxon Mobil có thể khai thác dầu lửa.
Vừa nhận chức, hôm 21/1/2017, khi giới thiệu Dân biểu Mike Pompeo làm Giám đốc CIA tại tổng hành dinh của cơ quan này, Donald Trump nói ngay : "Bây giờ tôi nói về các lý do kinh tế. Nhưng nếu ông nghĩ về điều đó ông Mike à, nếu chúng ta chiếm lấy dầu, chắc ông sẽ không còn lo đến bọn ISIS nữa vì rằng chúng kiếm đâu ra tiền ở nơi đầu tiên, do đó chúng ta phải chiếm lấy dầu. Nhưng, được, có thể chúng ta sẽ có cơ hội khác". Ông Pompeo nguyên là Chủ tịch Công ty Thiết bị Dầu mỏ Sentry International.
Chính phủ Iraq và các quốc gia Arập đã lên tiếng phản đối rất mạnh nên sau đó Bộ trưởng quốc phòng James Mattis tuyên bố rằng quân đội Mỹ không đến Iraq để chiếm lấy tài nguyên dầu lửa của nước này.
Hôm 19/9/2017, phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên nếu nước này không dừng các hành động khiêu khích. Ông nói : "Mỹ có sức mạnh và nhiều kiên nhẫn, nhưng nếu buộc phải bảo vệ chính mình cũng như bảo vệ các đồng minh, chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác là hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên" (AFP).
"Chủ nghĩa đế quốc mới" bị ngăn chặn
Vấn đề Iraq và vấn đề Bắc Triều Tiên mới chỉ là những lời tuyên bố suông. Khi đi vào vấn đề của Do Thái, ông là người đang theo "chủ nghĩa đế quốc mới" bằng hành động.
Như chúng tôi đã nói trong bài "Trump và lá bài Jerusalem", sau cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967, Israel đã chiếm bán đảo Sinai của Ai Cập, đồi Golan của Syria và Ɖông Jerusalem của Jordan.
Ngày 30/7/1980 Israel ban hành Jerusalem Law, một đạo luật lập quy chế Jerusalem là thủ đô "vĩnh viễn và không chia cắt được" của Israel.
Ngày 20/8/1980, Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc ban hành Nghị quyết 478 lên án Israel âm mưu sáp nhập Đông Jerusalem và kêu gọi các nước có cơ quan ngoại giao tại Jerusalem rời khỏi thành phố. Theo Liên Hiệp Quốc, quy chế cuối cùng của Jerusalem phải do các bên liên quan đàm phán.
Ngày 23/10/1995, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Đại sứ quán Jerusalem (Jerusalem Embassy Act) quy định sứ quán Mỹ ở Tel-Aviv phải được chuyển đến Jerusalem. Tuy nhiên, có một điều khoản trong luật này cho phép Tổng thống Mỹ đương nhiệm hoãn thời hạn áp dụng luật này. Mục tiêu của đạo luật này là muốn chứng tỏ cho các quốc gia ả rập biết Mỹ sẽ bảo vệ Jerusalem, chớ đụng đến nó. Nói cách khác, đây chỉ là một hình thức đe dọa. Vì thế, các tổng thống tiền nhiệm Mỹ như Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama cứ 6 tháng một lần, đã ký lệnh hoãn áp dụng luật nói trên, chứ không bao giờ thực hiện. Vào tháng 06/2017, Donald Trump cũng đã làm như vậy.
Đùng một cái, hôm 6/12/2017, Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Tòa Bạch Ốc : "Tôi cho rằng đã đến lúc chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel". Ông cũng chỉ đạo Bộ Ngoại giao Mỹ "bắt đầu việc chuẩn bị để chuyển sứ quán Mỹ từ thành phố Tel Aviv tới Jerusalem".
Tổng thống Donald Trump cho rằng đã đến lúc chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn cấp sáng 7/12/2017 tại New York để phê phán quyết định của Trump. Năm nước Châu Âu đã đưa ra tuyên bố : "Tình trạng của Jerusalem cần phải được định đoạt bằng con đường đàm phán giữa Israel và Palestine để có được thỏa thuận cuối cùng" và Liên Hiệp Âu Châu sẽ không công nhận chủ quyền của Israel trên toàn bộ thành phố Jerusalem.
Trong cuộc họp ngày 18/12/2017, 14 thành viên của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết do Ai Cập soạn. Nghị quyết nói "bất kỳ quyết định và hành động nào nhằm thay đổi tính chất, tình trạng hay sự cấu thành địa lý của thành phố Jerusalem linh thiêng không có hiệu lực pháp lý, vô giá trị, vô ích, và phải được hủy bỏ tuân thủ các nghị quyết liên hệ của Hội đồng Bảo an".
Vị trí Jerusalem trên bản đồ Do Thái và Trung Cận Đông
Nghị quyết cho rằng quyết định mới đây liên quan đến tình trạng của Jerusalem là điều hết sức đáng tiếc, kêu gọi tất cả các nước tránh thiết lập phái bộ ngoại giao ở Jerulalem và kêu gọi Washington rút lại tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Chỉ có một mình Hoa Kỳ chống lại.
Bà Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, đã phủ quyết nghị quyết nói trên. Bà nói : "Những gì đang diễn ra tại Hội đồng Bảo An là một sự xúc phạm, sẽ không bao giờ quên". Bà nhấn mạnh :
"Sự phủ quyết để bảo vệ chủ quyền nước Mỹ và bảo vệ vai trò của Mỹ trong tiến trình hòa bình Trung Đông không phải là điều gây xấu hổ cho chúng tôi mà là một sự xấu hổ đối với những thành viên còn lại trong Hội đồng Bảo an".
Bà Nikki Haley vốn không phải là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, nhưng ông Trump rất thích vóc dáng của bà ta nên đã quyết định chọn bà làm Bộ trưởng ngoại giao, nhưng bà không dám nhận vì chưa biết gì về ngoại giao. Trump liền cử bà ta làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc :
Vì chưa bao giờ làm ngoại giao, nên từ thái độ đến cách ăn nói của bà thường giống một Thẩm phán Công tố hơn là một Đại sứ. Đó là một thái độ thiếu ngoại giao và có khi còn xấc láo.
Nikki Haley và Trump đe dọa
Nội vụ được đưa ra trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc biểu quyết hôm 21/12/2017. Bà Nikki Haley đã viết trên Twitter : "Hoa Kỳ sẽ lấy tên" (the US will be taking names) của các quốc gia ủng hộ nghị quyết. Trong bức thư gửi tới hơn 180 Đại sứ Hoa Kỳ tại các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, bà nói bà sẽ báo cáo lại với Trump về cách họ bỏ phiếu : "Chúng tôi sẽ lưu ý đến từng cuộc bỏ phiếu về vấn đề này".
Bà Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, đã phủ quyết nghị quyết hôm 21/12/2017.
Như một cặp "bồ tèo", Donald Trump đã bênh vực bà Nikki Haley. Hôm 20/12/2017, Donald Trump đã nói với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc :
"Tôi thích thông điệp mà Nikki gửi ngày hôm qua tại Liên Hợp Quốc cho tất cả các quốc gia nào nhận tiền của chúng tôi, và sau đó họ bỏ phiếu chống lại chúng tôi tại Hội đồng Bảo an, hoặc họ có thể bỏ phiếu chống lại chúng tôi tại Đại hội đồng.
"Họ nhận hàng trăm triệu đô la và thậm chí hàng tỷ đô la, và sau đó họ bỏ phiếu chống lại chúng tôi. Vâng, chúng tôi đang xem những phiếu bầu này. Hãy để họ bỏ phiếu chống lại chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiết kiệm rất nhiều. Chúng tôi không lo" (Let them vote against us. We’ll save a lot. We don’t care).
"Đây không phải là nơi mà họ có thể bỏ phiếu chống lại bạn, và sau đó bạn trả cho họ hàng trăm triệu đô la và không ai biết họ đang làm gì. Vì vậy, Nikki, đó là quyền.
"Đây không phải là nơi mà họ có thể bỏ phiếu chống lại bạn, và sau đó bạn trả cho họ hàng trăm triệu đô la và không ai biết họ đang làm gì. Vì vậy, Nikki, đó là thông điệp đúng đắn mà bạn và tôi đã đồng ý gửi đi vào ngày hôm qua.
"Và tôi đã có rất nhiều nhận xét tốt về nó, hãy tin tôi. Mọi người đang mệt mỏi vì Hoa Kỳ - những người sống ở đây, những công dân vĩ đại yêu đất nước này - họ đang mệt mỏi vì đất nước này bị lợi dụng, và chúng ta sẽ không còn bị lợi dụng lâu nữa".
Rõ ràng là Donald muốn dùng tiền để đòi hỏi lòng trung thành chứ không dùng lẽ phải. Đó là cách làm ăn của một con buôn chứ không phải một nhà lãnh đạo chân chính. Ông coi các quốc gia trên thế giới giống các tên "ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa" ở Sài Gòn năm 1963 đã nhận tiền của Mỹ để làm đảo chánh.
Một sự thất bại thê thảm
Tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc hôm 21/12/2017, trước khi bỏ phiếu, bà Haley lại nói :
"Mỹ sẽ nhớ ngày này, cái ngày mà Mỹ bị đem ra công kích tại Đại hội đồng vì hành động thực hiện quyền của chúng tôi trong tư cách một quốc gia có chủ quyền".
"Chúng tôi sẽ không quên khi chúng tôi được kêu gọi một lần nữa cung cấp khoản đóng góp lớn nhất thế giới cho Liên Hiệp Quốc ; và rất nhiều quốc gia tới kêu gọi chúng tôi, như họ vẫn thường làm, đóng góp nhiều hơn nữa và dùng ảnh hưởng của chúng tôi vì lợi ích của họ".
Nhưng Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã bác bỏ quyết định của Tổng thống Trump tuyên bố xem Jerusalem là thủ đô của Isreal với 128 phiếu thuận và 9 phiếu chống, 35 quốc gia không bỏ phiếu. Tất cả 5 cường quốc là Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc đều đứng về phía nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Nhìn lại 9 quốc gia bỏ phiếu chống, ngoài Hoa Kỳ và Israel, người ta thấy đó có 7 quốc gia nhỏ bé có lẽ đã được Mỹ vận động và hứa hẹn để đỡ mất mặt, đó là Guatemala, Honduras, Marshall Island, Micronesia, Nauru, Palau và Togo.
Một vài nhận xét
Nỗ lực thực hiện chủ nghĩa đế quốc mới của chính phủ Trump đã thất bại. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói :
"Thưa Tổng thống Trump, ngài không thể dùng đôla của ngài để mua mong ước dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi cũng có lời kêu gọi toàn thế giới : đừng bán rẻ mong ước và cuộc đấu tranh vì dân chủ của mình bằng vài đồng đôla".
Ông Elliott Abrams, người từng nắm giữ những vị trí quan trọng trong chính quyền Ronald Reagan và George W. Bush, cho rằng việc trừng phạt giảm tiền viện trợ với những nước không nghe theo Mỹ là "chuyện không thể làm được", bởi những khoản viện trợ đó đảm bảo lợi ích sống còn về mặt an ninh quốc gia của Mỹ trong khu vực.
Trong bản tuyên bố ngày 10/12/2017, Tòa Thánh Vatican nhắc lại niềm tin tưởng vững chắc của Tòa Thánh rằng "chỉ có một giải pháp thương thảo giữa người Do Thái và người Palestine mới có thể mang lại hòa bình ổn định và lâu dài, bảo đảm sự chung sống hòa bình của hai quốc gia trong những ranh giới được quốc tế công nhận".
Ngày 29/12/2017
Lữ Giang
Năm 2017, Donald Trump làm thế giới choáng váng (RFI, 26/12/2017)
Bất ngờ đắc cử tổng thống của cường quốc số một thế giới với khẩu hiệu "Nước Mỹ trước tiên", ông Donald Trump với tính khí khó lường đã có một năm 2017 gây náo động thế giới bởi những quyết định chưa từng có, khi thì tấn công vào cả hệ thống thế giới đa phương, lúc thì không ngần ngại châm ngòi làm bùng nổ rối loạn ở nơi này nơi kia.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh ngày 24/12/2017. Reuters/Carlos Barria
Năm 2017 sắp qua, cùng với các nhà quan sát chính trị thế giới, chúng ta nhìn lại một năm đầy biến động trên cương vị tổng thống của ông Donald Trump.
Chính thức bước chân vào Nhà Trắng tháng Giêng, ngay lập tức vị tổng thống tỷ phú Mỹ đã không để trống thời gian, liên tục đưa ra các quyết định không chỉ gây lo ngại cho các đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ, mà còn làm cả thế giới sững sờ. Đó là sắc lệnh chống nhập cư, thông báo rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận Paris về khí hậu và hiệp ước tự do mậu dịch xuyên Đối tác Thái Bình Dương (Thành phố P)… Chưa hết, ông Trump còn dọa lật lại thỏa thuận hạt nhân đã được chính quyền Obama và các cường quốc khó khăn lắm mới ký được với với Iran. Cuối cùng, mới đây nhất là quyết định đơn phương công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, làm cho "thùng thuốc súng Trung Đông" trở nên nóng rực và Hoa Kỳ thì bị đồng thanh lên án trước Liên Hiệp Quốc.
Có thể nói đó là những quyết định gây sốc nhất của tổng thống Donald Trump trên trường quốc tế. Chuyên gia Célia Belin, thuộc viện Brookings Instution, Washington, nhận thấy điều tồi tệ nhất mà người ta có thể lo ngại ở chính sách Trump, đó là việc cường quốc hàng đầu thế giới rút ra ngoài thế giới đa phương hiện nay. Tuy nhiên, theo bà Belin, ba thông báo được cho là ồn ĩ nhất, "mạnh mẽ và gây hậu quả nặng" lại chỉ có tác dụng chiều lòng cử tri Mỹ nhiều hơn là hiệu quả thực thi.
Việc rút khỏi Thỏa thuận Paris chỉ có thể hoàn tất vào cuối nhiệm kỳ của ông ; Thỏa thuận Iran vẫn có hiệu lực ; Chuyện đặt sứ quán Mỹ ở Jerusalem cũng còn phải mất nhiều năm nữa, hết nhiệm kỳ này của ông Trump chưa chắc đã xong.
Vậy có gì gọi là "chiến lược hay phương pháp" trong các quyết định của tổng thống Trump ? Theo chuyên gia, Célia Belin, "phương pháp Trump chính là sự đoạn tuyệt tượng trưng gây phản ứng rất mạnh". Mục tiêu là để cả thế giới nghe được thông điệp : "Nước Mỹ đang trở lại hùng mạnh", như ông đã huênh hoang khoe trong diễn văn trình bày "chiến lược an ninh quốc gia" của Mỹ cách đây ít ngày.
Còn nhà phân tích Barbara Slavin, thuộc cơ quan tư vấn Atlantic Council, thì nhận thấy "có vẻ như ông Trump nghĩ rằng sức mạnh quân sự và kinh tế của nước Mỹ là đủ để cho phép làm bất cứ điều gì họ muốn". Thế nhưng, theo chuyên gia này, "Hoa Kỳ chỉ thực sự là cường quốc khi hành động làm sao để tạo ra đồng thuận quốc tế".
Trên thực tế, các đồng minh của Mỹ đã nhiều lần không khỏi sững sờ với phong cách của vị tổng thống tỷ phú. Vừa tung lên tweet những dòng lên án mạnh mẽ với Trung Quốc chưa được bao lâu, ông đã lại quay sang ve vãn nịnh nọt Bắc Kinh trong một dòng tin nhắn khác. Hay việc ông Trump, tổng thống một cường quốc thế giới, trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc đã dọa "hủy diệt hoàn toàn" Bắc Triều Tiên….
"Tính khí bốc đồng của tổng thống Trump, cách thức lãnh đạo không lường trước được và những dòng tweet đã làm náo động nhiều chính phủ các nước", theo như nhận định của ông Paul Stare, người vừa thực hiện một điều tra hàng năm về nguy cơ xung đột trên thế giới qua tham khảo ý kiến của 400 chuyên gia và nhà ngoại giao quốc tế. Báo cáo điều tra trên đã xếp Washington lên tuyến đầu trước hai nguy cơ đối đầu quân sự lớn trong năm 2018 : Bắc Triều Tiên và Iran.
Theo chuyên gia Célia Belin, trên hồ sơ Bắc Triều Tiên cũng như hồ Iran, "khẩu khí chống Iran của ông Trump rất mạnh, nhưng hiện tại không có hành động nào cụ thể và hiệu quả". Ban đầu có bị sửng sốt và hơi choáng với những tuyên bố của ông Donald Trump, nhưng rồi các nước, đặc biệt là đồng minh của Mỹ, cũng quen dần. Hơn nữa, trên nhiều hồ sơ, từ việc chỉ trích NATO cho đến đe dọa chiến tranh thương mại với Trung Quốc, ông Trump cũng không thể bỏ qua được thực tế và tính liên tục của vấn đề.
Cách đây hơn một năm, tin ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ đã gây náo động cả thế giới, cũng với nhiều hoài nghi, lo ngại. Đến giờ ông Trump đã có không ít tuyên bố và cả những quyết định cụ thể đúng theo những gì ông đã hứa với cử tri của mình. Có lẽ, Donald Trump là vị tổng thống hiếm hoi của nước Mỹ chỉ chăm chắm mục tiêu vì một đất nước hùng mạnh cho người Mỹ, chứ không phải cho thế giới. Vì nhãn quan đó cộng với tính khí cá nhân bộc trực, cho nên tổng thống Mỹ có thể là một trong những nhân vật chính trị gây sốc nhất trong năm 2017. Nhưng cũng chưa thể đến mức làm đảo lộn cả thế giới.
Anh Vũ
**********************
Hoa Kỳ thông báo ngân sách Liên Hiệp Quốc sẽ bị cắt giảm mạnh (RFI, 26/12/2017)
Hôm 25/12/2017, Hoa Kỳ thông báo ngân sách hoạt động của Liên Hiệp Quốc sẽ bị cắt giảm. Số tiền cắt giảm là 285 triệu đôla trong vòng 2 năm tới, lớn hơn so với con số được dự trù trước đó. Như vậy là ngân sách năm nay của Liên Hiệp Quốc thấp hơn 5,3 % so với năm trước. Quyết định này là một chiến thắng của chủ nhân Nhà Trắng Donald Trump, người chưa từng giấu giếm thái độ coi thường định chế quốc tế lớn nhất này.
Trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New-York.Getty Images
Thông tín viên Grégoire Pourtier tường trình từ New York
Trong thông cáo của mình, Hoa Kỳ khẳng định "sự kém hiệu quả và những khoản chi tiêu quá mức của Liên Hiệp Quốc là rõ ràng", đồng thời nói thêm rằng Hoa Kỳ "sẽ không để định chế này trong tình trạng không kiểm soát hoặc lợi dụng lòng hào phóng của người dân Mỹ nữa".
Những lời lẽ này càng trở nên nặng nề hơn, vài ngày sau một cuộc bỏ phiếu tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, chỉ có 7 nước ủng hộ Hoa Kỳ và Israel, trong khi 128 quốc gia còn lại bỏ phiếu chống.
Nếu việc giảm ngân sách của Liên Hiệp Quốc được thực hiện, khoản tiền 285 triệu đôla này sẽ là mức cắt giảm cao nhất trong phương án được dự trù.
Từ vài tuần nay, Liên Hiệp Châu Âu đã vận động cho một khoản cắt giảm 170 triệu đôla, trong khi Hoa Kỳ muốn cắt giảm 250 triệu đôla.
Nhưng cuối cùng mức cắt giảm lại cao hơn thế.
Ban thư ký Liên Hiệp Quốc sử dụng 40 000 nhân viên trên khắp thế giới, và những khoản cắt giảm này có thể sẽ khiến Liên Hiệp Quốc ngưng tuyển dụng và tăng lương. Một số hoạt động chính trị, khâu truyền thông, thậm chí cả trợ giúp phát triển cũng sẽ bị ngưng trệ.
Hoa Kỳ là nước có phần đóng góp nhiều nhất, chiếm đến 22 % khoản ngân sách này, đồng thời cũng là quốc gia chi trả nhiều nhất cho các chiến dich duy trì hòa bình.
Việc gìn giữ hòa bình sẽ càng trở nên tốn kém hơn, cho dù vào tháng 6, Liên Hiệp Quốc đă quyết định cắt giảm 600 triệu đôla. Nhưng đó vẫn chưa phải là điều Washington muốn, vì họ đòi cắt giảm đến 1 tỷ đôla.
Duy Anh
Trong cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc hôm 6/12/2017, Tổng thống Donald Trump phát biểu : "Tôi cho rằng đã đến lúc chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Các tổng thống trước kia của Mỹ coi đây là một cam kết trong chiến dịch tranh cử của họ, nhưng cuối cùng không thực hiện được. Giờ đây, tôi sẽ hiện thực hóa nó". Ông cũng chỉ đạo Bộ Ngoại giao Mỹ "bắt đầu việc chuẩn bị để chuyển sứ quán Mỹ từ thành phố Tel Aviv tới Jerusalem".
Ngày 06/12/2017, Tổng thống Donald Trump tuyên bố chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel
Quyết định này đã gây ra những phản ứng dữ dội. Các nước Hồi giáo trên thế giới, từ Ai Cập đến Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia hay Malaysia đều đồng loạt phản đối. Châu Âu lo ngại bạo động lại dấy lên tại vùng Cận Đông, và bạo động đang thật sự xảy ra.
Tại sao Tổng thống Trump lại đưa ra một quyết định như thế trong lúc này ? Ít ai có thể hiểu được, vì ông ta có thói quen cứ thích là nói, thích là làm, chẳng coi luật pháp ra gì... Nếu có bị ai phê bình thì ông ngụy biện để tự bào chữa !
Vài nét về lịch sử Do Thái
Thánh kinh mô tả về dân Do Thái, đất Do Thái và thành Jerusalem với rất nhiều chi tiết. Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ lược qua một vài nét chính để độc giả có thế thấy biến cố mà Donald Trump vừa gây ra một cách rõ ràng hơn.
Tổ tiên người Do Thái (Hebrews) đã hiện diện trên vùng đất có tên là Canaan từ khoảng năm 1800 trước công nguyên (TCN). Vùng đất này ngày nay nằm trong lãnh thổ của Israel, West Bank và một phần Jordan. Đến đời Jacob, Thượng đế đã chúc phúc và đặt tên cho ông là Israel, có nghĩa là "Kẻ chiến đấu với Thượng đế". Và kể từ Jacob, người Hebrew được gọi là dân Israel.
Thành Jerusalem ngày xưa theo Kinh Cựu Ước
Thời cực thịnh của Do Thái là dưới thời vua David. Năm 1003 TCN vua David chọn Jerusalem làm kinh đô của Do Thái. Jeru có nghĩa là Thành thánh và Salem là Hòa bình. Vua Salomon, người kế nghiệp vua David, đã cho xây dựng một Đền Thánh nguy nga, lộng lẫy. Trong hơn 3.000 năm lịch sử, Jerusalem đã từng bị phá hủy 2 lần, bị bao vây 23 lần, bị tấn công 52 lần, và 44 lần bị chiếm rồi tái chiếm. Ngày nay, Jerusalem vẫn là vùng đất ẩn chứa nhiều căng thẳng. Sau đây là các diễn biến chính.
Do Thái đã bị các đế quốc Assyrian (720 TCN), Babylonians (khoảng năm 580 TCN), Ba-Tư và Hy-Lạp (khoảng năm 320 TCN) xâm chiếm. Hầu hết người Do Thái phải bỏ vùng đất Canaan ra đi lưu vong. Khoảng năm 200 TCN, người Do Thái phục hồi lại được vương quốc của họ quanh vùng Palestine và thủ phủ Jerusalem ngày nay. Đến năm 61 TCN, đế quốc Roma đến xâm chiếm cả vùng này, trục xuất người Do Thái ra khỏi Jerusalem và năm 70 đã phá hủy thành Jerusalem.
Để cắt đứt sự quan hệ giữa người Do Thái và vùng đất Canaan, đế quốc Roma đã đổi tên vùng này thành Syria Palestina. Tên Palestine có từ đó. Nhưng người Do Thái vẫn tin chắc rằng Jerusalem sẽ mãi mãi là của người Do Thái, vì Thánh Kinh đã nói như thế.
Thánh Vịnh 147 được mở đầu bằng câu "Lauda Jerusalem Dominun" (Hởi Jeeusalem hãy ngợi khen Thiên Chúa). Câu thứ 2 nói rất rõ : "Thiên Chúa xây lại Jerusalem, quy tụ dân Israel lưu lạc về". Đây là thánh vịnh được nhiều nhạc sĩ danh tiếng trên thế giới phổ nhạc.
Sau đế quốc Roma, đến lượt đế quốc Byzantine của Syrian chiếm cứ và cai trị vùng Palestine cho đến thế kỷ thứ 7 thì bị Hồi giáo đánh đuổi. Đế quốc Hồi giáo Ottoman ở Thổ Nhĩ Kỳ chinh phục toàn bộ Trung Đông năm 1517 và tồn tại cho đến khi Đệ nhất Thế chiến kết thúc. Đế chế Hồi giáo đã cai trị Jerusalem kéo dài trong 12 thế kỷ.
Tái lập lại nước Israel
Sau Thế chiến Thứ nhất (1914 - 1918), nước Anh đánh bại đế quốc Ottoman, đuổi Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi vùng Ả-rập và quản lý vùng này. Qua nhiều cuộc vận động ráo riết của người Do Thái lưu lạc ở khắp nơi, ngày 2/11/1917 Ngoại trưởng Anh là Arthur James Balfour tuyên bố sẽ cho lập một nước Do Thái trên đất Palestine. Thật ra, từ lâu các quốc gia Tây phương đã nghĩ đến việc phân chia khối Hồi giáo Trung Đông ra thành nhiều mảnh và thiết lập một trọng điểm có thể đối kháng với sự vùng dậy của khối này. Israel đã được chọn để làm trọng điểm đó.
Năm 1922, chính phủ Anh đã chia vùng đất mà người Ả-rập và Do Thái đang cư ngụ ở hai bên bờ sông Jordan ra làm 2 vùng : Vùng phía Tây sông Jordan kéo ngang qua tới Địa Trung Hải được giao cho người Do Thái. Vùng phía Đông sông Jordan dành cho người Palestine. Người Ả-rập không chấp nhận sự phân chia của Anh. Họ nhất định đòi lại Jerusalem và dải Gaza.
Không giải quyết được sự tranh chấp, Anh đưa nội vụ ra Đại Hội Đồng Liên Quốc xin giải quyết. Ngày 29/11/1947, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã họp và biểu quyết nghị quyết số 181, phân chia lại lãnh thổ của người Do Thái và Palestine : Lấy vùng West Bank và dải Gaza thành lập một quốc gia Ả-rập mới, sau này đổi thành Palestine. Phần còn lại cho thành lập quốc gia Do Thái.
Bản đồ Israel ngày nay (màu vàng)
Riêng thành phố Jerusalem, Liên Hiệp Quốc đặt dưới một quy chế đặc biệt (special regime) do Liên Hiệp Quốc quản trị. Năm 1948 thành phố Jerusalem cũng được chia làm hai, nữa phía Tây thuộc về Israel, nữa phía Đông và Cổ thành do Jordan chiếm giữ.
Bản đồ phân chia Jerusalem năm 1948
Với cách phân chia này, Do Thái và Palestine nằm lẫn lộn nhau, giống như những ốc đảo ở trên biển, Việc giao thông giữa các vùng gặp rất nhiều khó khăn.
Cuộc chiến bùng nổ
Có 5 quốc gia bao quanh lãnh thổ Do Thái, trong đó Ai Cập, Jordan và Syria quyết ăn thua đủ với Do Thái, còn Lebanon và Saudi Arabia vì có quan hệ với Anh nên không muốn gây sự.
Khi tướng Gamal Abdel Nasser lên làm Tổng thống Ai Cập, ông cho thành lập Phong trào Giải phóng Palestine (PLO) và dùng quân này để quấy rối. Đầu tháng 5 năm 1967, Ai Cập yêu cầu quân Liên Hiệp Quốc rút khỏi vùng biên giới giữa dải Gaza và bán đảo Sinai. Cả Liên Hiệp Quốc lẫn Do Thái đều hiểu rằng Ai Cập chuẩn bị khai chiến.
Khoảng 8 giờ sáng ngày 5/6/1967, Do Thái bất thần mở cuộc tấn công vào bán đảo Sinai và các vùng đóng quân của Jordan và Syria. Phi cơ Do Thái đã phá tan hết các phi cơ chiến đấu và chuyên chở của Ai Cập trên bán đảo Sinai, sau đó cho xe tăng và quân tiến vào, chiếm được thành phố Jerusalem, đuổi quân Jordan ra khỏi vùng Judea và Samaria. Quân Ai Cập không kịp phản ứng đã bỏ chạy. Có khoảng 10.000 quân Ai Cập bị giết và 5000 quân bị bắt làm tù binh. Ngày 10/6/1967, lệnh đình chiến do Liên Hiệp Quốc ban ra đã cứu được người Ả-rập.
Kết quả, Israel chiếm bán đảo Sinai của Ai Cập, đồi Golan của Syria và Ɖông Jerusalem của Jordan.
Ngày 30/7/1980 Israel ban hành Jerusalem Law, một đạo luật lập quy chế Jerusalem là thủ đô "vĩnh viễn và không chia cắt được" của Israel.
Ngày 20/8/1980 Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ban hành Nghị quyết 478 lên án Israel âm mưu sáp nhập Đông Jerusalem và kêu gọi các nước có cơ quan ngoại giao tại Jerusalem rời khỏi thành phố. Theo Liên Hiệp Quốc, quy chế cuối cùng của Jerusalem phải do các bên liên quan đàm phán.
Mưu đồ của Hoa Kỳ và Do Thái
Mặc dầu đã có nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc như trên, năm 1995, tổng thống Bill Clinton đã ký một sắc lệnh công nhận : "Từ 1950, Jerusalem là thủ đô của nhà nước Israel".
Ngày 23/10/1995 Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Đại sứ quán Jerusalem (Jerusalem Embassy Act) quy định sứ quán Mỹ ở Tel-Aviv phải được chuyển đến Jerusalem. Tuy nhiên, có một điều khoản trong luật này cho phép Tổng thống Mỹ đương nhiệm hoãn thời hạn áp dụng luật này.
Để hoãn việc di dời tòa đại sứ và chờ thời gian thích hợp, các tổng thống tiền nhiệm Mỹ như Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama cứ 6 tháng một lần, đã ký lệnh hoãn áp dụng luật nói trên. Vào tháng 06/2017, Donald Trump cũng đã làm như vậy.
Đùng một cái, ngày 05/12/2017, chính phủ Israel ra tuyên bố tái xác định : "Jerusalem là thủ đô của dân tộc Do Thái từ 3.000 năm và là thủ đô của Israel từ 70 năm nay".
Jerusalem được nhắc đến ở đây gồm cả phần phía Tây và phần phía Đông của Jerusalem.
Qua ngày 06/12/2017 Tổng Thống Donald Trump cũng tuyên bố xác định Jerusalem là thủ đô không thể chia cắt được của Nhà nước Israel.
Tại sao Trump đã có hành động đột ngột như vậy ?
Những cố gắng giải thích
Ngày 03/12/2017, Jared Kushner, con rể kiêm cố vấn của Tổng thống Trump giải thích về kế hoạch mới của Mỹ như sau : "Rất nhiều nước Trung Đông muốn cùng một điều : tiến bộ kinh tế, hòa bình cho dân tộc của họ. Họ nhận thấy các mối đe dọa trong vùng và tôi nghĩ rằng họ nhìn thấy Israel, một kẻ thù truyền kiếp, thực ra đã trở thành một đồng minh tự nhiên của họ vì Iran, vì tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Trung Đông". Ngày 8/12/2017, Donald Trump lại nói : "Tôi đã giữ lời hứa khi tranh cử. Những người khác thì không".
Cả Donald Trump và con rể đều ngụy biện. Các nước Hồi giáo trong vùng dù là Sunni hay Shia đều coi Jerusalem là thánh địa bất khả nhượng của họ. Vì thế, người Hồi giáo Sunni không bao giờ vì lo sợ sự tấn công của Iran mà trao thánh địa Jerusalem cho Israel và đứng về phe Israel. Ngày 10/12/2017, Tổng thống Iran là Hassan Rohani đã lên tiếng khẳng định rằng Iran "sẽ không dung thứ cho việc xâm phạm các thánh địa" và kêu gọi "người Hồi giáo phải đoàn kết trước âm mưu lớn này".
Trong thực tế, Jerusalem hiện nay là di sản của ba tôn giáo độc thần : Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo.
"Đạo luật Đại sứ quán Jerusalem" là do Quốc Hội Mỹ ban hành ngày 23/10/1995 chứ không phải do Trump làm. Mục đích của đạo luật này là báo cho các nước Ả-rập biết Mỹ sẽ bảo vệ Israel, chớ có mưu đồ lấn chiếm. Việc khi nào sẽ dời tòa đại sứ đến Jerusalem là tùy thuộc vào tình thế, chứ không phải do "giữ lời hứa" hay không. Vào tháng 6/2017 Trump cũng đã ký lệnh hoãn thi hành như 3 tổng thống tiền nhiệm.
Sự phản đối mạnh mẽ của khối Hồi giáo cho thấy quyết định của Trump không phải là động lực nối kết khối Sunni lại với Israel để chống Iran và ISIS như cậu Jared Kushner đã giải thích.
Nhiều người tin rằng do sự vận động của cậu con rễ gốc Do Thái là Jared Kushner nên Trump đã tuyên bố như trên để lấy lòng Do Thái và lấy le, không cần biết luật pháp và các hậu quả sẽ như thế nào. Một số chuyên gia khác lại coi vấn đề dời Tòa đại sứ Mỹ từ Tel-Aviv tới Jerusalem cũng nằm trong chiến lược "Một Trung Đông Mới" của Hoa Kỳ, nên các chiến lược gia Mỹ đã để cho Donald Trump làm như vậy. Xem ra Donald đang bị biến thành cho lá bài thí cho việc triển khai chiến lược Một Trung Đông Mới.
Mở con đường đi tới ?
Như chúng tôi đã nói, trong kế hoạch "Một Trung Đông Mới" Mỹ đã quyết định chia 5 nước trung tâm của Hồi giáo ra thành 14 nước. Ba nước Iraq, Libya và Syria đã bị xé ra làm ba và Yemen đã bị vỡ ra làm hai. Vậy nước thứ 5 là nước nào ? Nhiều người tin rằng nước sau cùng sẽ là Saudi Arabia, vì đây là nước giàu có về dầu mỏ, thi hành luật Hồi giáo một cách khắt khe nhất, đã từng huấn luyện và yểm trợ các tổ chức khủng bố Hồi giáo trên thế giới, nổi bật nhất là al-Qaeda và ISIS. Các tên khủng bố trong vụ 911 đều phát xuất từ Saudi Arabia…
Chúng tôi xin nhắc lại, ngày 14/7/2015, một hiệp ước về hạt nhân giữa Iran và Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ, Đức đã được thỏa thuận. Hiệp ước này đã thả Iran ra để nước này có thể củng cố và lãnh đạo khối Hồi giáo Shia đối đầu với khối Hồi giáo Sunni đang do Saudi Arabia lãnh đạo, tạo thành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm.
Trong khi dó, Mỹ lại tìm cách nối kết giữa Saudi Arabia và Israel để chia rẽ khối Hồi giáo Sunni. Trang nhà Stratfor, một tổ chức chuyên nghiên cứu về địa chính trị tại Mỹ và trên toàn thế giới, đã phân tích sự liên minh bất thường giữa Israel và Saudi Arabia : "Bên ngoài là kẻ thù, Bên trong là đồng minh" (Public foes, Secret allies) đang đưa Trung Đông vào tình thế mới. Cũng có thể Saudi Arabia đã liên minh với Israel để khỏi bị đập bể làm ba như Iraq, Libya và Syria
Trong cuộc trả lời phỏng vấn hôm 16/11/2017, ông Eisenkot, Bộ trưởng quốc phòng Israel đã tuyên bố trên truyền hình Saudi Arabia rằng Israel sẵn sàng chia sẻ thông tin tình báo về Iran với Saudi Arabia. Sau đó, Bộ trưởng năng lượng Israel Yuval Steinit xác nhận mối quan hệ giữa Israel và vương quốc này đang ngày càng được củng cố.
Sự tiết lộ này đã đưa tới nhiều hậu quả nghiêm trọng, trước hết là làm suy giảm niềm tin giữa các quốc gia Hồi giáo trong Liên đoàn Ả-rập với Saudi Arabia, sau đó tạo ra sự xung đột giữa các quốc gia này với Saudi Arabia, vì nước này đã liên kết với Israel, "kẻ thù truyền kiếp" của họ. Đây là vấn đề chúng tôi sẽ trình bày sau.
Trăm dâu đổ xuống đàu Trump !
Chiến lược Một Trung Đông Mới sẽ diễn biến như thế nào, ít ai được biết. Nhưng tiếng phản đối Trump đang lan tràn khắp nơi. Tất cả đều cho rằng quyết định của Trump vi phạm quốc tế công pháp và nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Biểu tình chống quyết định của Trump về Jerusalem
Chiều 06/12, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã mạnh mẽ lên án một quyết định "đơn phương" từ phía Hoa Kỳ về Jerusalem. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn cấp sáng 7/12/2017 tại New York để phê phán quyết định của Trump. Năm nước Châu Âu đã đưa ra tuyên bố : "Tình trạng của Jerusalem cần phải được định đoạt bằng con đường đàm phán giữa Israel và Palestine để có được thỏa thuận cuối cùng" và Liên Hiệp Âu Châu sẽ không công nhận chủ quyền của Israel trên toàn bộ thành phố Jerusalem.
Ngày 10/12/2017, trong cuộc họp của 22 các nước thành viên tại Cairo, Ai Cập, Liên đoàn Ả-rập đã đưa ra tuyên bố nói rằng quyết định của của Tổng thống Trump hôm 6/12 là "sự vi phạm nguy hiểm luật quốc tế", không có ảnh hưởng về pháp lý và "vô giá trị".
Phản ứng gay gắt nhất đến từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay hôm 06/12/2017, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thông báo triệu tập đại diện 57 nước thành viên của Tổ Chức Hợp Tác Hồi giáo vào ngày 13/12 tại Istanbul để bàn về quyết định của Mỹ về quy chế Jerusalem. Rõ ràng là Erdogan muốn dẫn đầu phong trào chống lại "đồng minh" của mình là Washington. Bộ trưởng tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng quyết định của Hoa Kỳ về Jerusalem là một "đám cháy khó dập tắt".
Saudi Arabia, một "đồng minh truyền thống" của Hoa Kỳ, cũng phải lên án hành động "vô trách nhiệm" của Trump. Còn Iran nói tới viễn cảnh một "cuộc chiến ném đá Intifada" khác sắp mở ra.
Quyết định dời Tòa đại sứ Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem của Trump là một chuyện phiêu lưu và không cho thấy có lợi ích thực tế nào trong hiện tại, nhưng nó đang cô lập Mỹ.
Một lần nữa Trump lại chọc cho người ta chửi ! Chơi lá bài Jerusalem, Trump đang thua đậm.
Ngày 14/12/2017
Lữ Giang