Hạ Viện Mỹ tách biệt các viện trợ cho Israel và cho Ukraine để biểu quyết
Chi Phương, RFI, 16/04/2024
Sau nhiều tháng trì hoãn, chủ tịch Hạ Viện Mỹ Mike Johnson hôm qua, 15/04/2024, cho biết sẽ tổ chức biểu quyết riêng biệt đối với các gói viện trợ cho "đồng minh Israel", cho Ukraine "để chống lại cuộc xâm lược của Nga" và các đồng minh khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương (bao gồm Đài Loan).
Trụ sở Quốc hội Mỹ trên Đồi Capitol, Washington, ngày 08/09/2022. AP - Jacquelyn Martin
Hồi tháng 2, Thượng Viện Hoa Kỳ đã thông qua gói viện trợ trị giá 95 tỷ đô la cho Ukraine (60 tỷ đô la), Israel (14 tỷ đô la) và cho Đài Loan. Trong đó, gói viện trợ cho Kiev đã bị phe đối lập đảng Cộng hòa, chiếm đa số ở Hạ Viện, phản đối quyết liệt từ nhiều tháng qua.
Theo Reuters, chủ tịch Hạ Viện Mike Johnson, thuộc đảng Cộng hòa cho biết các gói viện trợ được đưa ra thảo luận lần này có nội dung gần tương đương với những gì mà Thượng Viện Mỹ đã thông qua, nhưng sẽ thêm một số điều khoản, ví dụ như viện trợ dưới hình thức cho vay hoặc dùng đến các tài sản của Nga bị đóng băng. Theo quy định, các gói viện trợ này cần phải được xem xét trong vòng 72 giờ ở Hạ Viện. Cuộc biểu quyết có thể được tổ chức muộn nhất là vào thứ Sáu tuần này.
Trong bối cảnh Iran tấn công Nhà nước Do Thái để trả đũa và Ukraine phải chịu thiệt hại nặng nề trước đà tiến của Nga, trả lời Reuters, ông Johnson nhận định : "Chúng tôi biết rằng thế giới đang theo dõi chúng tôi sẽ phản ứng ra sao, liệu Hoa Kỳ có đứng ra bảo vệ các đồng minh của mình và vì lợi ích của Hoa Kỳ trên toàn cầu hay không. Chúng tôi sẽ làm như vậy".
Tuy nhiên, dù có tách riêng, nhưng không rõ liệu các viện trợ này có được thông qua hay không. Bởi vì, theo Le Monde, nhiều nghị sĩ phe Cộng hòa phản đối tất cả các viện trợ cho Ukraine. Trong khi đó, một số nghị sĩ trong phe Dân chủ ngày càng bày tỏ quan ngại với chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza, không đồng ý viện trợ vũ khí cho Israel.
Khi thông báo biểu quyết về viện trợ cho Ukraine, ông Mike Johnson cũng phải đối mặt với đe dọa mất chức chủ tịch Hạ Viện. Trả lời báo chí Hoa Kỳ, trang National Public Radio, sau cuộc họp ngày hôm qua, nghị sĩ đảng Cộng hòa Marjorie Taylor Greene cho rằng "ông Johnson đã chọn sai hướng đi cho đất nước" và sẽ xem xét có nên bỏ phiếu bất tín nhiệm ông làm chủ tịch hay không.
Chi Phương
*************************
Hạ viện Mỹ có thể bỏ phiếu về viện trợ cho Ukraine, Israel trong tuần này
Reuters, VOA, 16/04/2024
Hạ viện Hoa Kỳ sẽ xem xét các dự luật riêng rẽ về viện trợ cho Israel và Ukraine trong tuần này, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, người thuộc đảng Cộng hòa, nói hôm thứ Hai 15/4, hơn hai tháng sau khi Thượng viện đã thông qua dự luật bao hàm cả hai nội dung đó.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson
Ông Johnson nói rằng Hạ viện - với cán cân giữa hai đảng không chênh nhau nhiều - sẽ xem xét tổng cộng 4 dự luật trong đó cũng bao gồm vấn đề viện trợ cho Đài Loan, các đồng minh của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các ưu tiên an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Viện trợ của Mỹ đã bị trì hoãn do ông Johnson không sẵn lòng xem xét dự luật lưỡng đảng trị giá 95 tỷ đô la mà Thượng viện đã thông qua vào tháng 2, bao gồm 14 tỷ đô la cho Israel và 60 tỷ đô la cho Ukraine.
Ông Johnson cho hay các dự luật mới của Hạ viện cung cấp lượng viện trợ nước ngoài gần tương đương với dự luật của Thượng viện nhưng sẽ có một số điểm khác biệt, bao gồm một phần viện trợ sẽ dưới dạng tiền cho vay.
Đảng Cộng hòa đặt mục tiêu công bố nội dung sớm nhất là vào sáng 16/4 nhưng sẽ xem xét trong khoảng thời gian dài 72 giờ trước khi bỏ phiếu. Ông Johnson nói rằng cuộc bỏ phiếu thông qua có thể diễn ra trong tối thứ Sáu 19/4.
Sức ép đối với việc thông qua viện trợ trở nên cấp bách hơn sau khi Iran tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái hồi cuối tuần nhằm vào Israel, cho dù có sự phản đối gay gắt trong Quốc hội Mỹ bị chia rẽ sâu sắc.
3 trong số 4 dự luật mà ông Johnson đề cập đến sẽ bao gồm Ukraine, Israel và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hiện chưa rõ nội dung của dự luật thứ tư.
Ông Johnson hiện phải đối mặt với lời đe dọa từ những đảng viên Cộng hòa cực hữu là sẽ phế truất ông khỏi chức chủ tịch Hạ viện nếu ông để cho dự luận về viện trợ Ukraine có các bước tiến. Nhiều người cánh hữu, đặc biệt là những người liên minh chặt chẽ với cựu Tổng thống Donald Trump lâu nay vẫn hoài nghi về việc trợ giúp Kyiv trong cuộc chiến chống lại Nga, phản đối quyết liệt việc cấp thêm hàng tỷ đô la cho Ukraine.
Vấn đề này đang được ngành công nghiệp quốc phòng theo dõi chặt chẽ. Các nhà thầu quốc phòng của Hoa Kỳ có thể đang xếp hàng đợi nhận những hợp đồng lớn để cung cấp vũ khí, khí tài cho Ukraine và các đối tác khác của Hoa Kỳ nếu nguồn viện trợ bổ sung được thông qua. Những người ủng hộ viện trợ nhấn mạnh rằng việc thông qua dự luật về Ukraine sẽ tạo ra nhiều việc làm cho người Mỹ.
Ukraine hôm 15/4 lại kêu gọi các đồng minh thực hiện "những bước đi phi thường và táo bạo" để cung cấp các loại vũ khí phòng không nhằm giúp chống lại làn sóng không kích của Nga đánh vào hệ thống năng lượng của Ukraine trong những tuần gần đây.
Nguồn : VOA, 16/04/2024
*************************
Ukraine tăng cường lực lượng bảo vệ Tchasiv Yar
Thanh Hà, RFI, 15/04/2024
Tổng tư lệnh lực lượng Ukraine, tướng Oleksander Syrsky, hôm 14/04/2024 thông báo tăng viện, cấp thêm vũ khí cho binh sĩ tại Tchasiv Yar ở miền đông Ukraine vào lúc Nga muốn chiếm được thành phố chiến lược này trước ngày 09/05/2024, kỷ niệm 80 năm Liên Xô chiến thắng Đức Quốc Xã.
Lính tăng Ukraine Oleh, 26 tuổi, thuộc Lữ đoàn xe tăng 17, nhìn ra ngoài từ xe tăng T-64, trước trận chiến ở Chasiv Yar, 29/02/2024. AP - Efrem Lukatsky
Theo AFP và Reuters, trên mạng xã hội Facebook, tướng Syrsky tổng tư lệnh Ukraine cho biết "đã ban hành nhiều biện pháp nhằm tăng cường đáng kể, cung cấp thêm đạn dược, drone và các thiết bị quân sự cho các đơn vị đang chiến đấu tại điểm nóng Tchasiv Yar". Quyết định được đưa ra trong bối cảnh "tình hình ở khu vực miền đông Ukraine đang xấu đi nghiêm trọng", quân Nga "dồn dập tấn công vào Tchasiv Yar" với ý đồ chiếm được thành phố then chốt này trước ngày kỷ niệm 80 năm quân đội Liên Xô chiến thắng Đức Quốc Xã, ngày 9/5.
Ngoài ra, tổng tư lệnh Ukraine cũng cho biết thêm Nga đang tập trung nỗ lực để chọc thủng các đường phòng thủ ở phía đông thành phố Bakhmut, cách Tchasiv Yar khoảng 20 km và cách một thành phố lớn khác là Kramartosk chừng 30 km. Vẫn theo tướng Oleksander Syrsky, Nga đang tạo điều kiện để tiến sâu vào Kramatorsk.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (Study of War) của Mỹ ghi nhận "khả năng quân Nga lợi dụng tình huống vào lúc Ukraine đang thiếu đạn dược và hệ thống phòng không thưa thớt để ghi được những bàn thắng quan trọng trên trận địa". Mỹ càng chậm trễ giao vũ khí cho Ukraine thì càng giúp cho quân Nga có nhiều cơ hội để tiến sâu vào lãnh thổ Ukraine.
Cùng ngày 14/04 tổng thống Volodymyr Zelensky báo động Moskva đang chuẩn bị "một đợt tấn công ở quy mô lớn vào cuối mùa xuân hay vào mùa hè sắp tới" và có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga nhắm vào vùng Donetsk ở miền đông Ukraine. Tại thành phố Siversk, Donetsk, trong đêm qua rạng sáng nay, ít nhất 4 thường dân thiệt mạng trong các đợt oanh kích.
Thanh Hà
Nga : Những người lính chiến đấu ở Ukraine được tôn vinh là anh hùng
Nga cấp thêm đãi ngộ đặc biệt cho lính đi chiến đấu ở Ukraine ; Hơn nửa triệu trẻ em không được đến trường ở Gaza ; Pháp thử nghiệm công nghệ giám sát an ninh bằng camera tích hợp thuật toán trong kỳ Thế Vận Hội ; Dịch bệnh sốt xuất huyết ở Nam Mỹ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói chuyện với một người lính trong chuyến thăm một trung tâm huấn luyện quân sự ở Vùng Ryazan, Nga, ngày 20/10/2022 © Mikhail Klimentyev / AP
Tại Nga, trong tuần vừa qua, các phương tiện truyền thông Nga tiết lộ rằng những người tham gia vào chiến tranh Ukraine kể từ nay sẽ nhận được đãi ngộ đặc biệt khi đi máy bay, bên cạnh nhiều ưu tiên khác được đưa ra từ đầu cuộc chiến. Ở Nga, những người lính đi chiến đấu ở Ukraine được coi là anh hùng. Từ Moskva, thông tín viên Anissa el Jabri giải thích thêm :
"Ngày càng có nhiều người mặc quân phục tại các sân bay của Nga. Họ là quân nhân hoặc các tình nguyện viên đi nghỉ hoặc chuẩn bị đến các vùng chiến sự ở Ukraine. Có người kín tiếng, người thì cởi mở nói chuyện, họ đều biết là mình đang được hưởng những lợi ích nào, chẳng hạn như theo yêu cầu của chính phủ Nga, Cơ quan hàng không liên bang gửi công văn ghi rõ họ được hưởng dịch vụ ưu tiên.
Cụ thể là họ không cần xếp hàng khi làm thủ tục đăng ký và gửi hành lý, và có thể làm thủ tục kiểm tra an ninh trước tất cả mọi người hoặc được đăng ký đi một chuyến bay khác trong trường hợp chuyến bay của họ bị trễ hoặc bị hủy.
Các nhân viên cũng được yêu cầu xếp những ghế ngồi thoải mái nhất cho tất cả những ai mặc đồng phục, đặc biệt chú ý đến những hành khách này.
Cơ quan hàng không liên bang đã yêu cầu các công ty hàng không "có những trao đổi phù hợp với các nhân viên tại các sân bay và các phi hành đoàn". Có thể nói rằng tất cả những đãi ngộ đặc biệt này được đưa ra sau nhiều sự cố, một số trường hợp không có gì đáng nói cả, nhưng một số trường hợp khác thì lại có vẻ nghiêm trọng, cho thấy bầu không khí hiện nay, ví dụ trường hợp của một binh lính trở về từ Ukraine, bị cáo buộc hút thuốc trong nhà vệ sinh của máy bay. Theo thủ tục thông thường, người này đã bị trục xuất khỏi máy bay và bị cảnh sát phạt. Trong bối cảnh nước Nga hiện nay, đây là một sai lầm nghiêm trọng trong cách xử lý. Vụ việc đã được trình lên lãnh đạo cao nhất của Ủy ban điều tra, Alexandre Bastrykine, thường chỉ quan tâm đến những vụ việc lớn, chẳng hạn như vụ khủng bố tại nhà hát Crocus ở Moskva. Alexandre Bastrykine đã ra lệnh mở cuộc tố tụng hình sự đối với những người đã trục xuất người lính đó ra khỏi máy bay.
Phản ứng này, nói chung là những khuyến nghị này minh họa cho những gì đang xảy ra ở Nga từ nhiều tháng qua. Một khế ước xã hội đã được điều chỉnh : tôn vinh hùng người lính chiến đấu ở Ukraine như là những anh hùng. Theo chính quyền Nga, đó là những anh hùng mà xã hội Nga phải tỏ lòng tôn kính, ngay cả trong những khoẳng khắc đời thường nhất, dù họ có những hành động, cử chỉ nào đi chăng nữa".
Tại Nga, con cái của những người lính đi chiến đầu ở Ukraine cũng nhận được nhiều đãi ngộ đặc biệt, chẳng hạn như có chỗ ưu tiên tại các trường đại học, ngay cả tại những trường danh giá. Hồi đầu tháng này, 02/04, Quốc hội Nga đã thông qua một luật cấm sa thải những người trở thành góa phụ do chiến tranh Ukraine, vào năm mà họ mất chồng. Trước đó, lệnh cấm chỉ liên quan đến những phụ nữ có con nhỏ dưới 3 tuổi hoặc mẹ đơn thân có con dưới 14 tuổi, hoặc con bị khuyết tật dưới 18 tuổi.
Hơn 600 000 trẻ không được đến trường từ khi chiến tranh nổ ra
Liên quan đến cuộc chiến ở Gaza, sau 6 tháng chiến tranh, các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas vẫn bế tắc. Quốc tế vẫn tiếp tục thúc giục Israel mở cửa cho phép chuyển nhiều viện trợ vào Gaza, nơi mà những người Palestine đang cận kề nạn đói. Chính quyền Hamas thường xuyên cập nhật số liệu về thương vong và thiệt hại ở dải đất hơn 2 triệu dân. Israel đã rút quân ở một số khu vực nhưng vẫn tiếp tục các chiến dịch tấn công nhằm tiêu diệt Hamas. Kể từ đầu cuộc chiến cho đến nay, theo UNICEF, khoảng 635 000 trẻ em trong độ tuổi đến trường không được đến lợp một buổi nào.
Thông tín viên Rami Al Meghari từ Gaza và Sami Boukhelifa, từ Jerusalem, cho biết thêm thông tin :
"Tại dải Gaza, hiện gần như chỉ còn toàn đống đổ nát. 300 trường học, dù là trường trung học, đại học đều không còn hoạt động. Các cơ sở giáo dục đã bị phá hủy hoặc trở thành nơi lánh nạn của người dân. Line năm nay 12 tuổi. Ngày cuối cùng cô đến trường là từ tháng 10 năm ngoái, hồi đầu cuộc chiến. Cô bé nói : ‘Cháu nhớ trường lớp. Cháu muốn quay trở lại trường và gặp lại bạn bè, giáo viên. Cháu nhớ cảm giác được cầm bút và có thể viết, nhớ lúc mở sách ra và đọc. Cháu cũng rất muốn có thể làm những điều như vậy’. Bên cạnh Line là anh trai của cô, Saleh, một học sinh trung học. Saleh cho biết : ‘Trước kia, chúng tôi có thể sống đúng nghĩa. Chúng tôi có một căn nhà, chúng tôi không thiếu thốn gì. Nhưng nay, chúng tôi sống dưới một căn lều, thay vì đến trường, đi học, để có tương lai, chúng tôi dành thời gian hàng ngày để dọn dẹp, đi các chặng đường dài vác các bình nước, để có nước uống. Chúng tôi đã mất tất cả. Ở đây, mọi thứ đã bị phá hủy’. Tại Gaza, theo UNICEFF, 300 cơ sở giáo dục, tương đương với 92% không còn hoạt động được nữa".
Pháp thử nghiệm công nghệ giám sát an ninh tại Thế Vận Hội
Về thời sự nước Pháp, gần 100 ngày trước Thế Vận Hội Paris 2024, một báo cáo của Thượng Viện Pháp được công bố hôm thứ Tư, 10/04 vừa qua, chỉ ra rằng Pháp có thể "giành huy chương vàng về an ninh" tại sự kiện này. Theo AFP, đây sẽ là lần đầu tiên Pháp thử nghiệm giám sát video bằng thuật toán (VSA). Được Quốc hội Pháp chấp thuận vào năm ngoái, các camera đặc biệt này được tích hợp phần mềm phân tích hình ảnh. Không chỉ giám sát về giao thông, tại khu vực công cộng, nhà ga mà loại công nghệ này cũng có thể cho phép xác định các đợt bùng phát hỏa hoạn, sự di chuyển của đám đông, đồ thất lạc, hoặc sự hiện diện của phương tiện hoặc người trong khu vực cấm…
Hiện vẫn chưa rõ Paris sẽ lắp đặt bao nhiêu camera nhưng việc triển khai công nghệ này bị chỉ trích mạnh mẽ bởi các hiệp hội bảo vệ quyền tự do cá nhân, đặc biệt là với khả năng "nhận dạng khuôn mặt", theo Katia Roux, nhà hoạt động tại Tổ chức Ân xá Quốc tế Pháp, được AFP trích dẫn. Bà Katia cũng nhấn mạnh rằng "không có các đánh giá độc lập, minh bạch, chỉ ra hiệu quả của các loại công nghệ như vậy trong việc giảm tội phạm hay chống khủng bố". Bà nhắc lại rằng Thế Vận Hội 2012 ở Luân Đôn, ban tổ chức cũng đã triển khai các công nghệ giám sát, có cả nhận diện khuôn mặt, và sau sự kiện, các loại công nghệ này vẫn ở đó.
Về phần mình, bộ Nội Vụ Pháp khẳng định rằng các công ty phụ trách lắp đặt, triển khai loại công nghệ này đều không nêu ra khả năng nhận diện khuôn mặt hay biển số xe…
Dịch sốt xuất huyết lan rộng ở Châu Mỹ
Về thời sự Châu Mỹ, gần đây, nhiều nước Nam Mỹ như Brazil, Paraguay hay Achentina, theo AFP, đang phải đối mặt với dịch sốt xuất huyết trầm trọng, Trong vòng 3 tháng đầu năm, các cơ quan y tế tại khu vực đã ghi nhận 3,5 triệu ca nhiễm, hàng ngàn người tử vong do loại virus lây truyền qua vết đốt của muỗi mang mầm bệnh. Trong một báo cáo hồi đầu tháng Tư, Tổ chức Y tế Liên Mỹ đã kêu gọi các nước trong khu vực có hành động tập thể, cùng diệt trùng, xử lý các nơi muỗi sinh sản, tăng cường năng lực của các dịch vụ y tế, để chẩn đoán sớm và điều trị nhanh chóng, đồng thời giáo dục công chúng cách phòng ngừa và xác định các triệu chứng.
Tại Argentina, mùa hè nóng bức ẩm ướt là điều kiện lý tưởng cho muỗi phát triển. Đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết năm nay được cho là "kỷ lục", với hơn 230 000 người nhiễm bệnh. Quốc gia Nam Mỹ này cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu các sản phẩm diệt muỗi, chống muỗi. Chính phủ của Javier Milei ngày càng nhận nhiều chỉ trích vì thiếu hành động chống dịch.
Từ thủ đô Buenos Aires, thông tín viên Théo Conscience tường trình :
"Trên cửa kính của một hiệu thuốc tại trung tâm Buenos Aires, một tấm biểu được treo lên ghi bằng chữ in hoa : "Ở đây không có thuốc chống muỗi". Dược sĩ tại hiệu thuốc giải thích : "Chúng tôi không có bởi vì không có cách nào để nhập được hàng. Chúng tôi làm việc với ba nhà cung cấp nhưng cả ba đều không có hàng từ hơn một tháng qua". Ông Eloy Garnica quản lý hiệu thuốc này, bày tỏ bất bình trước sự thụ động của chính phủ khi phải đối mặt với dịch sốt xuất huyết đang hoành hành hiện nay, thiếu các chương trình phòng ngừa. Ông nói : "Chúng tôi không có bất cứ thông tin nào. Hôm trước, tôi nghe bộ trưởng Y Tế phát biểu, phải nói rằng tôi thấy rất xấu hổ vì những gì ông ta nói".
Vào tuần trước, bộ Y tế Argentina chỉ đề xuất người dân tránh mặc quần cộc, áo ngắn tay để tự bảo vệ khỏi bị muỗi cắn. Chính phủ cũng dỡ bỏ thuế nhập khẩu thuốc chống muỗi để giải quyết tình trạng thiếu hàng, nhưng đối với cô Sara, hiện đã đi khắp các cửa hàng để tìm thuốc, thì những hành động của chính phủ là chưa đủ. Cô nói : "Đối với tôi, Nhà nước cần phải hiện diện nhiều hơn. Các bệnh viện đã quá tải. Người ta phải đợi 5 tiếng khi đi đến khu cấp cứu và rồi lại bị trả về nhà. Chính phủ không làm gì cả, phải nói rằng họ không quan tâm".
Chính phủ Argentina cũng từ chối đưa thuốc của viện nghiên cứu Takeda vào chiến lược tiêm chủng quốc gia, mặc dù loại thuốc này đã được cơ quan y tế phê duyệt và được sử dụng ở Brazil. Trước tình trạng Nhà nước thiếu hành động, nhiều tỉnh của Achentina đã tự mua thuốc và bắt đầu phân phát miễn phí cho người dân.
Hồng Kông trục xuất đại diện của tổ chức Phóng viên không biên giới
Nhìn sang Châu Á, vài tuần sau khi chính quyền đặc khu hành chính thân Bắc Kinh tăng cường Luật an ninh quốc gia, được cho là để chống lại "các đe dọa từ nước ngoài", một đại diện của tổ chức Phóng viên Không biên giới đã bị trục xuất khỏi Hồng Kông hôm thứ Tư vừa qua.
Từ Hồng Kông, thông tín viên Florence de Changy, cho biết thêm thông tin : "Vài phút sau khi Cedric Alviani, phụ trách khu vực Châu Á của tổ chức Phóng viên Không biên giới qua khu vực hải quan mà không gặp bất cứ vấn đề gì, thì ông nhận được thông báo bà Aleksandra Bielakowska, mang quốc tịch Bồ Đào Nha, giám đốc của tổ chức phi chính này, đã bị giữ lại. Ông Alvani cho biết : "Tôi nghĩ rằng lý do duy nhất mà bà Aleksandra mà không phải tôi bị nhắm vào là vì bà ấy đến dự phiên xử của Lê Trí Anh (Jimmy Lai) và truyền thông cũng nhắc đến tên của bà. Tôi cũng không biết luật Hồng Kông ra làm sao, liệu họ có lập một danh sách đen những người không được chào đón và đưa cho hải quan hay không, và yêu cầu phải thông báo với cơ quan an ninh quốc gia nếu gặp vấn đề gì"
Sau vài phút kiểm tra kỹ lưỡng và màn thẩm vấn kỹ lưỡng, Aleksandra Bielakowska đã phải ký một văn bản chỉ ra rằng bà ấy đã bị giữ lại tại cửa khẩu, và bị trục xuất, một vài giờ sau đó, bà được đưa trở lại máy bay. Bà nói : "Họ đã đưa tôi trở lại máy bay và đưa giấy tờ của tôi cho phi hành đoàn và bảo rằng tôi không được giữ chúng cho đến khi hạ cánh ở Đài Loan. Trong chuyến bay, phi hành đoàn rất tử tế với tôi, nhưng trước khi lên máy bay, tôi bị đối xử như một tội phạm".
Từ vài năm qua, Hồng Kông đã từ chối nhập cảnh đối với nhiều nhà nghiên cứu (có cả người Pháp), những nhà bảo vệ nhân quyền hoặc ít nhất là một nhà báo Nhật Bản. Chính quyền từ chối giải thích các vụ trục xuất này một cách có hệ thống".
Chi Phương
Mỹ : Trung Quốc đang giúp Nga phát triển công nghiệp quân sự
Thanh Phương, RFI, 13/04/2024
Trung Quốc đang giúp Nga phát triển công nghiệp quân sự với quy mô lớn nhất kể từ thời Liên Xô và với tốc độ lớn hơn mức mà Hoa Kỳ nghĩ là có thể, kể từ khi Moskva bắt đầu cuộc chiến xâm lược Ukraine. Đó là cảnh báo của một quan chức cao cấp của Mỹ hôm qua, 12/04/2024.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tiếp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Moskva ngày 20/03/2023. AFP – Sergei Karpukhin
Theo hãng tin AFP, quan chức này thúc giục Bắc Kinh thay vì tiếp sức cho Moskva nên đóng "vai trò mang tính xây dựng" trong cuộc xung đột Ukraine. Ông nói thêm : "Chúng tôi hy vọng các đồng minh của chúng tôi sẽ tham gia cùng chúng tôi". Washington đặc biệt hy vọng các nước Châu Âu sẽ gây áp lực với Trung Quốc để Bắc Kinh giảm bớt hỗ trợ quân sự cho Nga. Lời kêu gọi này được đưa ra vào lúc thủ tướng Đức Olaf Scholz đến Bắc Kinh hôm nay, mở đầu trong chuyến thăm ba ngày. Đức có mối quan hệ kinh tế rất chặt chẽ với Trung Quốc.
Một quan chức cao cấp khác của Mỹ nêu lên việc Moskva mua với số lượng lớn các linh kiện điện tử, máy công cụ và chất nổ của Trung Quốc, đồng thời khẳng định "các công ty Trung Quốc và Nga đang hợp tác để cùng sản xuất drone" trên đất Nga.
Cả hai quan chức Mỹ nói trên đều xin miễn nêu tên.
Theo hãng tin AFP, những thông tin mà chính quyền Biden nắm được cho thấy trong ba tháng cuối năm 2023, "hơn 70% lượng máy công cụ nhập khẩu của Nga là đến từ Trung Quốc", nhờ vậy mà Nga đã có thể tăng cường sản xuất tên lửa đạn đạo.
Các quan chức cao cấp của Mỹ được trích dẫn còn cho biết các tập đoàn của Trung Quốc đã cung cấp các hệ thống quang học được sử dụng chẳng hạn như trong các xe tăng của Nga. Bắc Kinh cũng cung cấp cho Nga các động cơ của drone và hệ thống đẩy cho tên lửa hành trình, cũng như nitrocellulose, một vật liệu được Nga sử dụng để chế tạo đạn pháo.
Một quan chức cao khác cấp của Mỹ cho rằng : "Một trong những cách mang tính chất quyết định nhất để giúp Ukraine hiện nay là thuyết phục Trung Quốc ngừng giúp Nga xây dựng lại công nghiệp quân sự của họ".
Trong thời gian qua, Hoa Kỳ đã liên tục cảnh báo Bắc Kinh và vấn đề hỗ trợ quân sự cho Nga đã là một trong những chủ đề thảo luận trong cuộc đối thoại gần đây giữa tổng thống Joe Biden với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong khi đó Hoa Kỳ và Anh hôm 12/04/2024 đã cùng mở rộng lệnh cấm nhập khẩu kim loại của Nga, nhằm làm suy giảm nguồn thu quan trọng của Nga sau cuộc xâm lược Ukraine năm 2022. Bộ Tài chính Mỹ thông báo kể từ nay cấm nhập khẩu nhôm, đồng và niken có nguồn gốc từ Nga vào Hoa Kỳ, đồng thời hạn chế việc sử dụng các kim loại đó trên các sàn giao dịch kim loại toàn cầu, dựa trên các hành động trước đây của chính phủ Hoa Kỳ và Vương quốc Anh.
Theo Bộ Tài Chính Mỹ , thông báo này có nghĩa là các sàn giao dịch kim loại như Sàn giao dịch kim loại Luân Đôn và Sàn giao dịch hàng hóa Chicago sẽ bị cấm chấp nhận bất kỳ nhôm, đồng và niken mới nào do Nga sản xuất. Theo tuyên bố của chính phủ Anh, kim loại là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Nga sau năng lượng, tuy giá trị xuất khẩu của những mặt hàng này đã giảm từ 25 tỷ đôla vào năm 2022 xuống còn 15 tỷ đôla vào năm ngoái.
Thanh Phương
***************************
Ukraine : Tình hình tại mặt trận miền Đông đang "xấu đi nghiêm trọng"
Thanh Hà, RFI, 13/04/2024
Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrsky ngày 13/04/2024 báo động quân đội Nga đang "dồn dập tấn công" và "trong những ngày qua tình hình đã xấu đi rất nhiều" trên mặt trận miền Đông. Các đơn vị của Nga với sự yểm trợ của những thiết giáp đang tấn công vào các vị trí của quân Ukraine tại các vùng Lyman, Bakhmut và Pokrovsk.
Thị trấn Lyptsi vùng Kherson sau đợt oanh kích đêm 10/04/2024 via Reuters – Oleh Syniehubov / Telegram
Vẫn theo tổng tư lệnh Oleksandr Syrsky, được AFP trích dẫn, Nga đang triển khai thêm nhiều đơn vị thiết giáp mới để giành được ưu thế trên trận địa. Riêng thành phố Tchassiv Yar "liên tục bị oanh kích". Tchassiv Yar ở miền đông Ukraine, cách Kramatosk 30 km về hướng đông nam, là một thành phố lớn có vai trò quan trọng về hậu cần đối với quân đội Ukraine.
Về phía Nga, từ cuối tháng 3/2024, Moskva tập trung đánh vào hệ thống điện lực của Ukraine. 80% các nhà máy nhiệt điện Ukraine và hơn một nữa các nhà máy thủy điện bị tấn công. Bộ Năng lượng Ukraine nói đến những thiệt hại chưa từng thấy từ đầu chiến tranh đến nay.
Thông tín viên RFI Stéphane Siohan từ Kiev tường thuật từ một nhà máy điện của Ukraine đã hoàn toàn bị hư hại :
"Hôm 22/3 vừa qua, lúc 5 giờ sáng, Yevhen người điều hành nhà máy đang có mặt tại phòng điều khiển. Tám tên lửa của Nga trút xuống nhà máy nơi ông công tác từ 20 năm qua. Yevhen kể lại ‘khi thấy khu vực đầu tiên trong nhà máy ngừng hoạt động, tôi tự nhủ là phải chạy đi ngay. Tên lửa rơi đúng ngay vào các tur-bin, gây ra hỏa hoạn và tàn phá tất cả. Hệ thống điện lực của cả nước hoàn toàn kết nối với nhau và sau đợt tấn công hôm 22/3, một vụ khác ngày 29, rồi lại một vụ khác nữa hôm 11/4, sản xuất điện của Ukraine bị chựng lại. Hiện tại các nhà máy nhiệt điện mất một nửa công suất và không thể khắc phục được những mất mát này’.
Hầu như tất cả các nhà máy điện sử dụng than đá và khí đốt trên toàn quốc đều bị hư hại và hệ thống cung cấp điện của Ukraine có nguy cơ sụp đổ. Bà Halyna, đặc trách về truyền thông của nhà máy, cho rằng ưu tiên giờ đây là sửa chữa, cứu vãn những gì còn có thể cứu được. Bà đánh giá ‘để một trung tâm điện lực có thể hoạt động trở lại đòi hỏi nhiều thời gian, có thể là từ 6 đến 18 tháng và thậm chí phải mất hai năm. Tất cả tùy thuộc vào khả năng tìm được các thiết bị và kể cả vào khả năng phòng không của Ukraine. Chúng tôi cứ sửa chữa, khắc phục hậu quả, thế nhưng nếu các cơ sở thiết yếu của Ukraine không được bảo vệ thì cũng vô ích. Chúng tôi cần được bảo đảm là một khi các toán kỹ sư khắc phục được hậu quả thì nhà máy phải tiếp tục sản xuất điện’.
Giờ đây các giới chức Ukraine kêu gọi phương Tây cung cấp thêm những phương tiện để bảo vệ bầu trời, tránh để toàn bộ ngành năng lượng của Ukraine hoàn toàn bị phá hủy".
Thanh Hà
**************************
Ukraine có thể thua trong năm 2024 - tướng Anh cảnh báo
Frank Gardner, BBC, 13/04/2024
Cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Lực lượng Hỗn hợp của Vương quốc Anh cảnh báo Ukraine có thể phải đối mặt với thất bại trước quân Nga trong năm 2024.
Người Ukraine đã chống lại cuộc xâm lược toàn diện của Nga trong hơn hai năm
Đại tướng về hưu Sir Richard Barrons nói với BBC rằng có "nguy cơ lớn" Ukraine sẽ thua trong cuộc chiến năm nay.
Ông nói lý do là "vì Ukraine có thể cảm thấy họ không thể thắng".
"Và đến lúc đó, tại sao binh lính lại muốn chiến đấu và hy sinh nữa, chỉ để bảo vệ những thứ không thể giữ được ?"
Ukraine vẫn chưa ở vào thời điểm đó.
Nhưng quân đội nước này đang cạn kiệt nghiêm trọng về đạn dược, binh lính và hệ thống phòng không. Cuộc phản công được ca ngợi nhiều vào năm ngoái đã thất bại trong việc đánh bật quân Nga khỏi vùng đất bị chiếm giữ và hiện Moscow đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào mùa hè.
Cuộc tấn công của Nga sẽ như thế nào và có mục tiêu chiến lược là gì ?
"Hình hài cuộc tấn công sắp tới của Nga là khá rõ ràng", Đại tướng Barrons nói.
"Chúng ta đang thấy Nga tấn công mạnh ở tiền tuyến, tận dụng lợi thế 5 chọi 1 về pháo binh, đạn dược và nguồn nhân lực dồi dào được tăng cường nhờ sử dụng vũ khí mới".
Những vũ khí này bao gồm bom lượn FAB, một loại "bom ngu" từ thời Liên Xô được cải tiến và trang bị cánh tản nhiệt, thiết bị dẫn đường GPS và 1.500kg chất nổ mạnh, đang tàn phá hệ thống phòng thủ của Ukraine.
"Vào một thời điểm nào đó trong mùa hè này, chúng ta dự kiến sẽ thấy một cuộc tấn công lớn của Nga, với mục tiêu không chỉ là đột kích mạnh để giành những thắng lợi nhỏ mà là tìm cách chọc thủng các phòng tuyến của Ukraine", Đại tướng Barrons nói.
"Và nếu điều đó xảy ra, sẽ có nguy cơ lực lượng Nga chọc thủng phòng tuyến và sau đó thọc sâu vào các khu vực của Ukraine nơi lực lượng vũ trang Ukraine không thể ngăn cản họ".
Nhưng Nga sẽ tấn công ở đâu ?
Năm ngoái, quân đội Nga đã biết chính xác địa điểm lực lượng Ukraine có khả năng phản công - từ hướng Zaporizhzhia về phía nam tới Biển Azov. Họ đã lên kế hoạch phù hợp và ngăn chặn thành công cuộc tiến công của Ukraine.
Bây giờ tình thế đã ở một chiều hướng khác khi Nga thì tập trung lực lượng còn Kyiv thì đang phải đoán xem đối phương sắp tấn công ở đâu.
"Một trong những thách thức mà Ukraine phải đối mặt là quân đội Nga có thể chủ động chọn nơi họ triển khai lực lượng", tiến sĩ Jack Watling, nhà nghiên cứu về chiến tranh trên bộ tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), nói.
"Đường chiến tuyến rất dài và quân Ukraine cần phải có khả năng phòng thủ được trên toàn bộ tuyến đầu ấy".
Điều mà họ đương nhiên không thể.
"Quân đội Ukraine sẽ thất thế", tiến sĩ Watling nói. "Câu hỏi đặt ra là : thất thế tới mức nào và những khu dân cư nào sẽ bị ảnh hưởng ?"
Rất có thể Bộ Tổng tham mưu Nga vẫn chưa xác định rõ đâu là hướng tấn công chính của họ. Nhưng họ có thể nhằm vào ba khu vực rộng lớn.
Kharkiv
"Kharkiv chắc chắn dễ bị tổn thương", tiến sĩ Watling nhận định.
Là thành phố lớn thứ hai của Ukraine, nằm gần biên giới Nga tới mức nguy hiểm, Kharkiv là một mục tiêu hấp dẫn đối với Moscow.
Thành phố hiện đang chịu các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga mỗi ngày, trong khi Ukraine không có đủ lực lượng phòng không để ngăn chặn sự kết hợp chết người giữa thiết bị bay không người lái, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo nhằm vào thành phố này.
Nga tấn công Kharkiv hằng ngày bằng thiết bị bay không người lái, tên lửa và pháo
"Tôi nghĩ rằng cuộc tấn công năm nay sẽ có mục tiêu đầu tiên là vượt ra khỏi vùng Donbas và nhắm tới Kharkiv, cách biên giới Nga khoảng 29 km, một mục tiêu lớn", Đại tướng Barrons nói thêm.
Ukraine vẫn chịu đựng được nếu Kharkiv sụp đổ ? Đúng, các nhà phân tích nói, nhưng đó sẽ là một đòn thảm khốc đối với cả tinh thần và nền kinh tế của nước này.
Vùng Donbas
Khu vực miền đông Ukraine được gọi chung là Donbas đã xảy ra chiến tranh kể từ năm 2014, khi phe ly khai được Moscow hậu thuẫn tự xưng họ là các nước "cộng hòa nhân dân".
Vào năm 2022, Nga đã sáp nhập bất hợp pháp hai tỉnh thuộc vùng Donbas là Donetsk và Luhansk. Đây là nơi hầu hết các cuộc giao tranh trên bộ đã diễn ra trong 18 tháng qua.
Điều gây tranh cãi là Ukraine đã thực hiện những nỗ lực lớn, cả về nhân lực và nguồn lực, để trước tiên cố gắng giữ thị trấn Bakhmut và sau đó là Avdiivka.
Họ đã mất cả hai thị trấn này, cũng như một số lực lượng chiến đấu tốt nhất của mình, trong nỗ lực ấy.
Kyiv nói rằng sự phản kháng của họ đã gây thương vong lớn cho quân Nga.
Đúng vậy, những trận chiến ở vùng này được mệnh danh là "máy xay thịt".
Nhưng Moscow có nhiều quân lính hơn để tham gia cuộc chiến - còn Ukraine thì không.
Tuần này, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Châu Âu, Đại tướng Christopher Cavoli, cảnh báo rằng nếu Mỹ không gửi thêm vũ khí và đạn dược tới Ukraine thì lực lượng Kyiv sẽ bị áp đảo về hỏa lực với tỷ lệ 10 :1 trên chiến trường.
Quân số là vấn đề quan trọng. Chiến thuật, khả năng lãnh đạo và trang bị của quân đội Nga có thể kém hơn Ukraine, nhưng họ có ưu thế về quân số, đặc biệt là pháo binh. Năm nay nếu không làm gì khác thì họ sẽ cứ việc tiếp tục đẩy lùi lực lượng Ukraine về phía tây, chiếm hết làng này đến thôn khác.
Zaporizhzhia
Đây cũng là một phần thưởng hấp dẫn đối với Moscow.
Thành phố miền nam Ukraine với hơn 700.000 dân (trong thời bình) nằm sát chiến tuyến Nga một cách nguy hiểm.
Đây cũng là một cái gai đối với Nga vì đây là thủ phủ của một tỉnh cùng tên mà Nga đã sáp nhập bất hợp pháp, tuy nhiên thành phố này vẫn tự do trong quyền kiểm soát của Ukraine.
Nhưng hệ thống phòng thủ đáng gờm mà Nga đã xây dựng ở phía nam Zaporizhzhia vào năm ngoái, khi họ dự báo chính xác về cuộc phản công của Ukraine, giờ đây sẽ khiến cuộc tiến công của Nga từ phía này thêm đa dạng.
Cái gọi là Phòng tuyến Surovikin, bao gồm ba lớp phòng thủ, được bao quanh bởi bãi mìn lớn và dày đặc nhất trên thế giới. Nga có thể dỡ bỏ một phần bãi mìn nhưng sự chuẩn bị của họ có thể sẽ bị phát hiện.
Mục tiêu chiến lược của Nga năm nay thậm chí có thể không phải là vấn đề lãnh thổ. Họ có thể chỉ đơn giản là muốn bóp nát tinh thần chiến đấu của Ukraine và thuyết phục những người ủng hộ phương Tây rằng cuộc chiến này là một sự thất bại.
Tiến sĩ Jack Watling tin rằng mục tiêu của Nga là "cố gắng tạo ra cảm giác tuyệt vọng".
"Cuộc tấn công lần này của Nga sẽ không dứt khoát chấm dứt xung đột, bất kể diễn biến của hai bên như thế nào".
Đại tướng Barrons nghi ngờ khả năng Nga sẽ mặc nhiên tung ra một cuộc tấn công quyết định, dù rằng Ukraine đang ở trong tình thế nguy nan.
"Tôi cho rằng kết cục dễ xảy ra nhất là Nga sẽ giành được những thắng lợi, nhưng không chọc thủng được phòng tuyến".
"Họ sẽ không có lực lượng đủ lớn hoặc đủ khả năng để tấn công đến tận sông [Dnipro]... Nhưng cuộc chiến sẽ có lợi cho Nga".
Có một điều chắc chắn : Tổng thống Nga Putin không có ý định từ bỏ việc tấn công Ukraine.
Ông Putin giống như một người chơi bài poker đánh cược hết số tiền của mình để giành chiến thắng. Nhà lãnh đạo Nga đang trông chờ vào việc phương Tây không cung cấp cho Ukraine đủ vũ khí để tự vệ.
Cũng có thể ông ta đúng, bất chấp các cuộc họp thượng đỉnh NATO, các hội nghị và các bài phát biểu ồn ào.
Frank Gardner
Nguồn : BBC, 13/04/2024
Nga không kích phá hủy nhà máy điện Kyiv, làm hư hại các cơ sở khác
Reuters, VOA, 11/04/2024
Tên lửa và máy bay không người lái của Nga đã phá hủy một nhà máy điện lớn gần Kyiv và tấn công các cơ sở điện ở một số khu vực của Ukraine hôm 11/4, các quan chức cho biết.
Khói lửa bốc lên từ địa điểm xảy ra vụ tấn công tên lửa vào nhà máy điện Trypilska ở vùng Kyiv, Ukraine, ngày 11/4/2024. Ảnh Reuters chụp màn hình từ một video trên mạng xã hội.
Vụ việc làm tăng áp lực lên hệ thống năng lượng vốn đang bị bao vây khi Kyiv sắp cạn kiệt năng lực phòng không.
Đây là một cuộc tấn công lớn trong hơn hai năm kể từ khi xảy ra cuộc xâm lược toàn diện của Nga. Một quan chức cấp cao của công ty điều hành cơ sở này nói với Reuters rằng nó đã đã phá hủy hoàn toàn nhà máy nhiệt điện chạy bằng than Trypilska gần thủ đô.
Đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy ngọn lửa đang hoành hành tại cơ sở lớn có từ thời Liên Xô và khói đen bốc lên từ đó. Reuters có thể xác nhận vị trí trong đoạn video là trạm Trypilska.
"Chúng tôi cần hỗ trợ phòng không và các hỗ trợ phòng thủ khác, chứ không phải các cuộc thảo luận vô tâm kéo dài", Tổng thống Volodymyr Zelenskyy nói trên Telegram, đồng thời lên án các cuộc tấn công này là "khủng bố".
Bộ Quốc phòng Nga hôm 11/4 cho biết họ đã tấn công các cơ sở nhiên liệu và năng lượng ở Ukraine trong cái mà họ mô tả là một cuộc tấn công trả đũa quy mô lớn bằng cách sử dụng máy bay không người lái và vũ khí tầm xa, có độ chính xác cao từ trên không và trên biển.
Tuyên bố của Bộ này nói rằng cuộc tấn công là nhằm đáp trả các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine nhằm vào các cơ sở dầu khí và năng lượng của Nga.
Lời kêu gọi của Kyiv về nguồn cung cấp phòng không khẩn cấp từ phương Tây ngày càng trở nên tuyệt vọng kể từ khi Nga nối lại các cuộc tấn công trên không tầm xa vào hệ thống năng lượng của Ukraine vào tháng trước.
Các cuộc tấn công nhằm vào các nhà máy nhiệt điện và thủy điện đã gây ra lo ngại về khả năng phục hồi của hệ thống năng lượng vốn đã bị trục trặc bởi chiến dịch không kích của Nga trong mùa đông đầu tiên của cuộc chiến.
Tư lệnh lực lượng không quân Ukraine cho biết lực lượng phòng không đã bắn hạ 18 tên lửa và 39 máy bay không người lái. Quân đội cho biết cuộc tấn công đã sử dụng tổng cộng 82 tên lửa và máy bay không người lái.
Nhà máy điện bị phá hủy bên ngoài Kyiv là nhà cung cấp điện chính cho các khu vực Kyiv, Cherkasy và Zhytomyr. Đây là cơ sở thứ ba và cuối cùng thuộc sở hữu của công ty năng lượng nhà nước Centrenergo.
"Mọi thứ đều bị phá hủy", người đứng đầu ban giám sát của công ty, Andriy Gota, nói khi được hỏi về tình trạng tại Centrenergo.
Nhà máy Trypilska là cơ sở năng lượng lớn nhất gần Kyiv và được xây dựng để có công suất 1.800 megawatt giờ, nhiều hơn nhu cầu trước chiến tranh của thành phố lớn nhất Ukraine.
Ukraine đã cảnh báo rằng họ có thể hết đạn dược phòng không nếu Nga tiếp tục duy trì cường độ tấn công và rằng họ đang phải đưa ra những quyết định khó khăn về những gì cần bảo vệ.
Ukraine cho biết, viện trợ quan trọng của phương Tây đang bị chậm lại và một gói viện trợ lớn của Mỹ đã bị đảng Cộng hòa tại Quốc hội chặn lại trong nhiều tháng qua.
VOA, 11/04/2024
******************************
Quân Nga tiến hành các cuộc tấn công chết chóc ở miền nam, miền bắc Ukraine
Reuters, VOA, 11/04/2024
Các quan chức nói rằng các lực lượng Nga tiến hành các cuộc tấn công chết chóc hôm hôm thứ Tư 10/4 nhằm vào các mục tiêu quen thuộc ở miền nam và miền bắc Ukraine, ở hai khu vực Kharkiv và Odesa, khiến 7 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.
Hoạt động cứu hộ diễn ra tại tòa nhà dân cư bị Nga không kích ở làng Lyptsi, vùng Kharkiv, Ukraine, 10/4/2024.
Thống đốc khu vực Oleh Kiper cho hay tại quận Odesa ở miền nam, một cuộc tấn công bằng tên lửa vào lúc rạng sáng đã khiến 4 người thiệt mạng, trong đó có một bé gái 10 tuổi và 14 người khác bị thương.
Viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram, Kiper cho biết trong số những người bị thương có 4 người bị thương nặng và các bác sĩ đang "chiến đấu để cứu mạng họ". Một người đàn ông đã bị cắt cụt hai chân.
Thống đốc khu vực Oleh Synehubov nói rằng ở Kharkiv thuộc miền đông bắc, nơi bị Nga tấn công dữ dội vào các thành phố và các cơ sở năng lượng trong những tuần gần đây, một cuộc tấn công vào hiệu thuốc đã giết chết một bé gái 14 tuổi và hai phụ nữ ở làng Lyptsi.
Hai người bị thương và lực lượng cứu hộ đang dọn đống đổ nát để tìm những nạn nhân khác.
Synehubov cho hay hai quả bom có điều hướng đã tàn phá một phòng khám ở làng Vovchansk, khiến một người bị thương. Theo Bộ Nội vụ, quân đội Nga đã thả chất nổ xuống một chiếc xe buýt, khiến một người đàn ông bị thương.
Ở bên kia biên giới Nga, Roman Starovoyt, thống đốc vùng Kursk, nói rằng 3 người, trong đó có 2 trẻ em, đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine nhằm vào một ô tô.
Reuters không thể kiểm chứng độc lập các thông tin về chiến trường từ hai bên.
Tại Odesa, Kiper cho biết tên lửa, được cho là loại tên lửa đạn đạo Iskander-M, đã tấn công vào khoảng giữa 6h và 6h30 chiều (15h00-15h30, giờ chuẩn quốc tế GMT) và gây hư hại cơ sở hạ tầng giao thông, bao gồm cả những chiếc xe tải gần đó.
Quân đội Ukraine viết trên Telegram : "Những người đi ô tô và đi bộ đang về nhà vào cuối ngày làm việc và họ trở thành nạn nhân của một cuộc tấn công kép nguy hiểm".
Một trạm xăng đã bị trúng đạn và vẫn cháy vào buổi tối. Các cửa hàng, nhà kho và tòa nhà hành chính đều bị thiệt hại.
Odesa, một trong những cảng nhộn nhịp nhất Ukraine, thường xuyên là mục tiêu tấn công của Nga trong cuộc chiến kéo dài 25 tháng.
Tổng thống Volodymyr Zelenskyy lên án hậu quả chết chóc trong bài phát biểu qua đường truyền video hàng đêm, ông nói rằng "Hành vi khủng bố của Nga vẫn diễn ra cả ngày lẫn đêm ở biên giới của chúng ta và ở các khu vực tiền tuyến".
Ông Zelenskyy nói rằng ông đã thảo luận về việc Ukraine sản xuất tên lửa trong nước tại cuộc họp giữa các chỉ huy hàng đầu và các quan chức ngành công nghiệp quân sự, ông cho rằng ngành công nghiệp Ukraine đã đạt được "những kết quả cần thiết".
VOA, 11/04/2024
****************************
Tướng Mỹ cảnh báo Ukraine bên bờ vực bị Nga áp đảo
VOA, 11/04/2024
Sự kiên trì của quân đội Ukraine chẳng mấy chốc nữa sẽ không thể sánh được với nhân lực và phi đạn của Nga nếu các nhà lập pháp Mỹ không chấp thuận hỗ trợ an ninh bổ sung cho Ukraine, vị tướng hàng đầu của Mỹ ở Châu Âu cảnh báo giới lập pháp Mỹ.
Tướng Christopher Cavoli, chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Châu Âu của Hoa Kỳ cho rằng việc các nhà lập pháp Hoa Kỳ không chấp thuận gói an ninh bổ sung trị giá 60 tỷ đô la đã mang lại cho Nga một lợi thế đáng kể.
Các quan chức quân sự Mỹ đã nhiều lần cảnh báo trong những tuần gần đây rằng các lực lượng Nga có thể đạt được nhiều thắng lợi ở Ukraine và nếu không có sự hậu thuẫn mới của Mỹ, lực lượng Ukraine cuối cùng sẽ thua cuộc.
Khai chứng trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện ngày 10/4, chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Châu Âu của Hoa Kỳ đã mô tả chiến trường một cách thẳng thắn.
Tướng Christopher Cavoli nói : "Nếu chúng ta không tiếp tục hỗ trợ Ukraine, Ukraine sẽ hết đạn pháo và máy bay đánh chặn phòng không trong thời gian khá ngắn". Tướng Christopher Cavoli giải thích rằng Kyiv phụ thuộc vào Mỹ để có những loại vũ khí quan trọng đó.
Ông nói : "Tôi không thể đoán trước được tương lai, nhưng tôi có thể làm một phép toán đơn giản. Dựa trên kinh nghiệm của tôi trong hơn 37 năm phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ, nếu một bên có thể bắn và bên kia không thể bắn trả, bên nào không bắn trả sẽ thua".
Ông Cavoli cũng cho rằng việc các nhà lập pháp Hoa Kỳ không chấp thuận gói an ninh bổ sung trị giá 60 tỷ đô la đã mang lại cho Nga một lợi thế đáng kể.
Ông nói với các nhà lập pháp : "Họ [Ukraine] hiện đang bị phía Nga dẫn trước 5 :1". "Con số đó sẽ ngay lập tức tăng lên thành 10 :1 trong vài tuần".
"Chúng tôi không nói về tháng. Chúng tôi không nói chuyện giả thuyết", ông Cavoli nói.
Nhiều quan chức Mỹ đã cảnh báo rằng quân đội Ukraine đã buộc phải phân bổ lực lượng pháo binh và phòng không khi Kyiv chờ các nhà lập pháp Mỹ chấp thuận viện trợ bổ sung.
Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng Celeste Wallander nói với ủy ban, khai chứng cùng với ông Cavoli của Bộ Tư lệnh Châu Âu Hoa Kỳ : "Chúng ta đã nhìn thấy hậu quả của việc không thông qua viện trợ bổ sung".
Bà nói : "Chúng ta không cần phải tưởng tượng" và bà quy trách nhiệm cho việc thiếu pháo binh do Mỹ cung cấp là nguyên nhân tại sao "các cuộc tấn công của Nga thành công".
Gói hỗ trợ quốc phòng bổ sung đó đã được Thượng viện Hoa Kỳ thông qua vào tháng 2, nhưng lãnh đạo Hạ viện cho đến nay vẫn từ chối đưa dự luật này ra để biểu quyết.
Trong cuộc họp báo ở Điện Capitol ngày 10/4, Chủ tịch Hạ viện thuộc Đảng Cộng hòa Mike Johnson cho biết các nhà lập pháp đang tiếp tục "tích cực thảo luận về các lựa chọn của chúng tôi trên con đường phía trước".
"Đó là một vấn đề rất phức tạp vào thời điểm rất phức tạp. Đồng hồ đang điểm và mọi người ở đây đều cảm thấy sự cấp bách của điều đó", ông Johnson nói. "Nhưng điều cần thiết là bạn phải đạt được sự đồng thuận về vấn đề đó và đó là điều chúng tôi đang nỗ lực thực hiện".
Tuy nhiên, các đảng viên Đảng Dân chủ tại Hạ viện đã bày tỏ sự thất vọng với việc ông Johnson từ chối kêu gọi bỏ phiếu.
Dân biểu Adam Smith, đảng viên Đảng Dân chủ hàng đầu trong Ủy ban Quân vụ Hạ viện, nói : "Hạ viện đã chờ đợi nhiều tháng nay để thông qua gói an ninh nhằm giúp bảo vệ Ukraine". "Chúng ta đã quá trễ từ nhiều tuần trước, và bây giờ mỗi ngày chúng ta đều phải trả giá đắt cho khả năng ngăn chặn Nga của chúng ta".
Một thành viên Đảng Dân chủ khác trong ủy ban, Dân biểu Elissa Slotkin, đã mắng ông Johnson, nói rằng ông cần kêu gọi một cuộc bỏ phiếu bất chấp sự phản đối của một nhóm nhỏ đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện.
Bà nói : "Chúng ta cần phải về vạch đích". "Tôi chấp nhận rằng ông ấy có nguy cơ mất việc vì lựa chọn đó, nhưng khả năng lãnh đạo là như vậy - đó là sự quyết đoán và đưa ra những lựa chọn khó khăn".
Một số thành viên Đảng Cộng hòa đã trừng phạt các nhà lập pháp bên Đảng Dân chủ vì những gì họ mô tả là những ưu tiên sai lầm.
Dân biểu Đảng Cộng hòa Cory Mills mỉa mai : "Chúng ta có hàng trăm nghìn người Mỹ đang chết dần chết mòn, việc sử dụng fentanyl quá liều, việc buôn người và buôn bán tình dục trẻ em, chưa kể hơn 178 quốc gia đang vượt qua biên giới của chúng ta. Nhưng hãy chờ đã, đó không phải là ưu tiên hàng đầu, mà hãy bảo vệ biên giới của Ukraine".
VOA, 11/04/2024
Chiến tranh Ukraine : Mỹ cảnh báo Trung Quốc về việc tăng cường hợp tác với Nga
Thanh Phương, RFI, 10/04/2024
Hoa Kỳ, hôm 09/10/2024, cảnh báo Trung Quốc sẽ phải chịu trách nhiệm nếu Nga giành thêm lãnh thổ ở Ukraine, sau khi Bắc Kinh nhắc lại cam kết hợp tác với Moskva trong chuyến thăm Trung Quốc của ngoại trưởng Nga.
Ông Kurt Campbell, Điều phối viên phụ trách các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, thứ trưởng ngoại giao Mỹ, phát biểu tại Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện Mỹ, tại Washington, ngày 07/12/2023. AP - Mariam Zuhaib
Theo hãng tin AFP, tuyên bố với Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ-Trung, thứ trưởng ngoại giao Mỹ Kurt Campbell cho biết duy trì hòa bình và ổn định ở Châu Âu là "sứ mệnh quan trọng nhất trong lịch sử" đối với Mỹ. Ông cảnh báo rằng việc Nga giành được lãnh thổ có thể "làm thay đổi thế cân bằng quyền lực ở Châu Âu" theo cách "không thể chấp nhận được", sau hai năm chiến tranh ở Ukraine và trong lúc viện trợ của Mỹ cho Kiev vẫn bị Quốc hội chặn từ nhiều tháng qua.
Ông Campbell nói thêm : "Chúng tôi đã trực tiếp nói với Trung Quốc rằng việc họ tiếp tục tăng cường hợp tác với Nga sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Chúng tôi sẽ không ngồi yên cứ như là "mọi chuyện vẫn ổn".
Quan chức ngoại giao cao cấp của Mỹ đã có phản ứng như trên khi được hỏi về chuyến thăm Trung Quốc của ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm qua, và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết ông sẵn sàng tăng cường sự phối hợp giữa hai nước.
Ông Campell nhắc lại Hoa Kỳ đã nhiều lần đe dọa trừng phạt Trung Quốc nếu nước này hỗ trợ đáng kể cho Nga. Theo Washington, Nga đang ngày càng chuyển sang sử dụng vũ khí từ Bắc Triều Tiên và Iran, hai quốc gia đang bị trừng phạt, để tiến hành cuộc chiến ở Ukraine.
Đáp lại lời cảnh cáo của ông Campell, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh hôm nay tuyên bố Trung Quốc bác bỏ mọi "chỉ trích hay áp lực" về quan hệ giữa Bắc Kinh với Moskva. Bà Mao Ninh khẳng định : "Trung Quốc và Nga có quyền có quan hệ hợp tác bình thường về kinh tế và thương mại".
Cũng theo hãng tin AFP, Hoa Kỳ vừa cho phép bán cho Ukraine các thiết bị quân sự trị giá 138 triệu đôla để sửa chữa và nâng cấp các hệ thống tên lửa Hawk với hy vọng số thiết bị này sẽ giúp Ukraine tăng cường khả năng phòng thủ trước các cuộc oanh kích bằng tên lửa của Nga. Từ nhiều tháng qua, Kiev vẫn yêu cầu các đồng minh phương Tây cấp thêm đạn dược và hệ thống phòng không để chống trả quân Nga.
Về tình hình chiến sự, trong đêm qua, quân Nga đã oanh kích vào hai cơ sở năng lượng ở miền nam Ukraine, khiến 2 người bị thương, theo thông báo của quân đội Ukraine. Từ nhiều tuần qua, quân Nga oanh kích liên tục vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, nhất là tại miền đông bắc, khu vực chung quanh thành phố Kharkiv, gây ra nhiều vụ cúp điện trên diện rộng.
Thanh Phương
******************************
Chiến tranh ở Ukraine : Nga có đủ quân cho cuộc "tổng tấn công mùa Xuân" ?
Thanh Phương, RFI, 10/04/2024
Trong lúc quân Ukraine đang ở thế yế, thiếu đạn dược và vũ khí, viện trợ của Mỹ cho Kiev thì vẫn bị chặn ở Quốc hội, quân Nga dường như đang chuẩn bị cho một cuộc "tổng tấn công mùa Xuân". Nhưng theo trang France 24, hiện có nhiều ý kiến khác nhau về những mục tiêu mà Nga có thể đạt được, cũng như các phương tiện mà họ có thể sử dụng để thực hiện các mục tiêu đó.
Một nhà máy điện bốc cháy sau khi bị quân Nga oanh kích, Kharkiv, Ukraine, ngày 22/03/2024. AP - Yakiv Liashenko
Mục tiêu Kharkiv : Liệu có khả thi ?
Từ nhiều ngày qua, quân Nga đã gia tăng oanh kích vào Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, cách không xa biên giới với Nga. Theo chính quyền Ukraine, kể từ ngày 03/04/2024, các cuộc tấn công bằng tên lửa và drone đã khiến hơn 10 thường dân thiệt mạng. Tổng thống Volodymyr Zelensky thậm chí còn xem thành phố là một biểu tượng trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 07/04, hy vọng nỗi thống khổ của thường dân trong thành phố "cuối cùng sẽ được cộng đồng quốc tế lắng nghe". Đối với tổng thống Zelensky, Kharkiv sẽ minh họa điều mà chính quyền Kiev đã cảnh báo trong nhiều tuần qua : Nếu không có viện trợ bổ sung của phương Tây, hệ thống phòng thủ của Ukraine sẽ không đủ sức để chống trả quân Nga.
Các đợt oanh kích dồn dập vào Kharkiv diễn ra vào lúc ngày càng có nhiều đồn đoán về một cuộc tấn công quy mô lớn của Nga. Chính tổng thống Zelensky khi trả lời phỏng vấn kênh CBS của Mỹ đã dự báo quân Nga sẽ gia tăng cường độ tấn công vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Trang mạng điều tra độc lập Meduza của Nga khẳng định điện Kremlin hy vọng sẽ sớm chiếm được thành phố Kharkiv. Tuy nhiên, ông Frank Ledwidge, một chuyên gia về các vấn đề quân sự của Nga tại Đại học Portsmouth, Anh Quốc, nhận định : "Đó là một ván bài đầy rủi ro, nếu thành công sẽ mang lại nhiều mối lợi cho tổng thống Nga, nhưng ông sẽ trả giá rất đắt nếu cuộc tấn công thành phố này thất bại".
Trên thực tế, theo ông Huseyn Aliyev, chuyên gia về chiến tranh Ukraine tại Đại học Glasgow, Kharkiv chính là biểu tượng "một thành phố anh hùng của Ukraine". Quân đội Nga đã tiến sát Kharkiv khi bắt đầu cuộc tấn công lớn vào năm 2022, nhưng đã gặp sự kháng cự quyết liệt của quân Ukraine và đã phải rút về bên kia biên giới vào tháng 9, cho thấy những khó khăn của Nga khi muốn thực hiện cuộc xâm lược "chớp nhoáng".
Không đủ quân số
Chính tờ báo Novaya Gazeta, một cơ quan truyền thông độc lập của Nga, cho rằng một cuộc tấn công quy mô vào thành phố lớn thứ hai của Ukraine có vẻ "gần như không thể". Đơn giản là vì Nga không đủ quân số ở khu vực Kharkiv để có thể tính đến một cuộc tấn công vào thành phố này.
Theo chuyên gia ông Huseyn Aliyev, hầu hết lực lượng hiện có là đóng ở miền nam, tại các vùng Donetsk và Zaporijjia. Moskva chắc có thể quyết định từ nay đến mùa hè tái triển khai một phần lực lượng của họ tới Belgorod, ở Nga, để biến nơi này thành hậu cứ cho một cuộc tấn công mới vào Kharkiv. Nhưng đây cũng là kịch bản khó xảy ra, theo cái nhìn của chuyên gia quân sự Sim Tack, chuyên phân tích các ảnh vệ tinh về chiến tranh Ukraine.
Theo chuyên gia này, sau hai năm chiến tranh, quân đội hai bên đều kiệt sức và nay chỉ chiến đấu với nhau từ các chiến hào, giành nhau từng km vuông. Tổ chức lại mặt trận để có đủ quân cho một cuộc tấn công vào Kharkiv đòi hỏi một nỗ lực rất lớn về hậu cần. Cho dù có "huy động 300.000 quân dự bị", quân Nga chưa chắc có đủ lực lượng để hạ gục Kharkiv.
Nhưng điều đó không có nghĩa là Nga không có đủ phương tiện để tiến hành một cuộc tấn công lớn vào đầu mùa hè. Chuyên gia Huseyn Aliyev nhấn mạnh : "Nga đã tích lũy đủ đạn dược và thiết bị ở khu vực Donetsk để cân nhắc một cuộc tấn công lớn". Chuyên gia Sim Tack dự báo : Nhiều khả năng nhất sẽ là quân Nga sẽ tấn công ở khu vực xung quanh Bakhmut, nơi đóng quân của một số sư đoàn nhảy dù, vốn vẫn được coi là những sư đoàn giỏi nhất trong quân đội Nga.
Giao tranh hiện đang diễn ra ở vùng lân cận Tchassiv Yar, phía tây Bakhmut. Theo chuyên gia Huseyn Aliyev, giải tỏa được chốt chặn này sẽ mở đường cho quân Nga đến Kramatorsk, thành phố mà nếu chiếm được, điện Kremlin có thể tuyên bố họ kiểm soát toàn bộ khu vực Donetsk, một trong những mục tiêu của Moskva trong cuộc chiến xâm lược Ukraine.
Thực lực của Nga bị đánh giá thấp
Nhưng có một điểm cần được lưu ý : Các nhà quan sát đã đánh giá sai về thực lực của Nga, theo chuyên gia Frank Ledwidge : "Sự hỗ trợ hậu cần từ một số quốc gia như Bắc Triều Tiên dành cho Nga không được đánh giá đúng và tác động của các lệnh trừng phạt quốc tế hiện giờ cũng không mạnh như dự kiến".
Chẳng hạn như về đạn dược, chuyên gia Huseyn Aliyev ước tính : "Với những gì Nga sản xuất và những gì nhận được, họ có thể tiếp tục với tốc độ chiến đấu này trong hơn hai năm". Cũng theo chuyên gia Huseyn Aliyev, Nga nay "cũng đã chiếm thế thượng phong đối với Ukraine trong việc sử dụng drone". Các chuyên gia được France 24 phỏng vấn đều cho rằng một phần chính vì đánh giá sai khả năng phục hồi của Nga mà Ukraine bị chậm trễ trong việc xây dựng các tuyến phòng thủ.
Thanh Phương
***************************
Nga lại cáo buộc Mỹ hỗ trợ các hoạt động "khủng bố" của Ukraine
Trọng Thành, RFI, 10/04/224
Hôm 09/04/2024, Moskva tiếp tục tìm cách quy kết Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây hỗ trợ Ukraine tiến hành "các vụ khủng bố" tại Nga. Ủy ban Điều tra Liên bang Nga mở điều tra về "các tài trợ cho khủng bố", với đích ngắm chính là ông Hunter Biden, con trai của tổng thống Mỹ, nguyên là thành viên ban lãnh đạo một công ty dầu mỏ Ukraine. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ ngay lập tức lên án các cáo buộc nói trên là "hồ đồ".
Đám cháy và khói trên nóc nhà hát Crocus City Hall ở phía tây thủ đô Moskva, Nga, ngày 22/03/2024. AP – Sergei Vedyashkin
AFP dẫn lại thông báo của Ủy ban Điều tra Nga, cho biết mục tiêu của điều tra là xem xét "các hoạt động cung cấp vốn lên đến hàng triệu đô la" với sự cộng tác của "chính quyền, tổ chức công và tổ chức thương mại của nhiều quốc gia phương Tây". Công ty Burisma bị cáo buộc là tổ chức đóng "vai trò trung gian" trong hoạt động cấp tiền "cho các hoạt động khủng bố tại Nga và nước ngoài nhằm ám sát một số nhân vật có tên tuổi" trong những năm gần đây.
Ông Hunter Biden, con trai tổng thống Joe Biden, là thành viên ban lãnh đạo công ty này từ năm 2014 đến 2019.
Theo Ủy ban Điều tra Nga, cuộc điều tra đã được khởi động theo yêu cầu của một dân biểu Nga về "việc giới chức cao cấp của Hoa Kỳ và các nước NATO tài trợ cho các hoạt động khủng bố". Trong thông báo hôm qua, phía Nga đã không nêu ra các vụ ám sát cụ thể nào bị tình nghi là có bàn tay của Ukraine.
Con trai của tổng thống Biden cũng là mục tiêu tấn công của phe Cộng Hòa Mỹ từ nhiều năm nay. Cho đến nay, các điều tra về cáo buộc tham nhũng nhắm vào ông Hunter Biden đã không mang lại bằng chứng nào cho phép buộc tội.
Hồi tháng 2 vừa qua, theo cơ quan điều tra Mỹ, một cựu nhân viên chỉ điểm của Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI, ông Alexander Smirnov, 43 tuổi, thú nhận là đã sử dụng "các thông tin bịa đặt về gia đình tổng thống Biden, do tình báo Nga cung cấp", để đưa ra các cáo buộc tham nhũng giả mạo nhắm vào tổng thống Biden và con trai.
Trọng Thành
**********************
Mỹ chuyển cho Ukraine các vũ khí tịch thu được từ Iran
Reuters, VOA, 10/04/2024
Quân đội Mỹ hôm 9/4 cho biết nước này đã chuyển cho Ukraine hàng nghìn vũ khí bộ binh và hơn 500.000 viên đạn bị thu giữ từ hơn một năm trước khi Iran vận chuyển chúng cho lực lượng Houthi ở Yemen, theo Reuters.
Súng trường tấn công AK/47.
Các vũ khí này được đưa đi hồi tuần trước, là khoản hỗ trợ quân sự mới nhất mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cung cấp cho Kyiv trong cuộc chiến giành lại lãnh thổ bị Nga chiếm đóng.
Với việc lực lượng Ukraine sắp cạn kiệt vũ khí và đạn dược, đặc biệt là đạn pháo hạng nặng, Mỹ và các đồng minh đang tìm kiếm những cách mới để trang bị vũ khí cho Kyiv.
Số vũ khí được Mỹ chuyển đến Kyiv hôm 4/4 "đủ trang bị" cho một lữ đoàn Ukraine, Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ (CENTCOM) cho hay trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội X.
Một lữ đoàn bộ binh thường bao gồm 3.500 đến 4.000 quân, nhưng không rõ con số chính xác.
Phái bộ thường trực của Iran tại Liên Hiệp Quốc nói : "Chúng tôi không thể bình luận về các vũ khí và khí giới chưa bao giờ thuộc về chúng tôi".
CENTCOM cho biết các vũ khí này bao gồm hơn 5.000 súng trường tấn công AK/47, súng máy, súng bắn tỉa và đạn chống tăng phản lực cùng hơn 500.000 viên đạn.
Số đạn này bị thu từ 4 con tàu "không quốc tịch" bị tàu hải quân Hoa Kỳ và tàu của các lực lượng đối tác chặn lại - không rõ là lực lượng của những nước nào - trong khoảng thời gian từ ngày 22/5/2021 đến ngày 15/2/2023, CENTCOM cho hay.
Vẫn theo CENTCOM, số vũ khí này được Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran chuyển đến lực lượng Houthi.
Reuters
Nga thay đổi chiến thuật, "gặm nhấm" lực lượng Ukraine
Chi Phương, RFI, 09/04/2024
Gần đây, Nga đã áp dụng các chiến thuật mới trong cuộc chiến ở Ukraine kéo dài từ hơn hai năm qua. Trong lúc Kiev vẫn mong đợi thêm viện trợ quân sự từ phương Tây, Nga gặm nhấm từ từ lãnh thổ Ukraine, làm tiêu hao nguồn lực của Kiev ; đồng thời, Nga thực hiện các bước tấn công "hiệu quả" hơn, như trong đợt tấn công quy mô lớn vào hạ tầng năng lượng của Ukraine.
Quân nhân Ukraine được chụp lại qua kính nhìn ban đêm (NVG), trên tiền tuyến gần Avdiivka, vùng Donetsk, Ukraine, ngày 20/03/2024. AP - Alex Babenko
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW), kể từ tháng 10/2023, Nga đã chiếm được 505 km2 từ lãnh thổ Ukraine. Tuần báo Pháp Le Point nhận định rằng sự tiến triển của lực lượng Nga khá chậm chạp, nhưng lại duy trì cường độ. Hôm 30/03/2024, lần đầu tiên trong vòng 6 tháng, Ukraine đã đẩy lùi được một tiểu đoàn Nga ở gần Adiivka, đây là một nỗ lực đáng kể khi thành phố Adiivka rơi vào tay Nga từ giữa tháng Hai. Mặc dù đã phá hủy được nhiều xe bọc thép của Nga, nhưng quân đội Ukraine đã phải rút lui về giữ thế thủ trên nhiều mặt trận. Báo cáo của ISW cũng chỉ ra rằng khả năng tấn công của quân đội Nga đã buộc Ukraine phải tiêu hao nhiều lực lượng, cả về nhân lực và nguồn lực vốn đã hạn chế để tự vệ.
Trên thực tế, nhà tư vấn về rủi ro toàn cầu, Stéphane Audrand, trả lời Le Point, cho rằng "Nga đang tập trung gặm nhấm quân đội Ukraine hơn là lãnh thổ nước này". Từ nhiều tháng qua, các đơn vị của Kiev trên chiến tuyến không có sự luân chuyển quân, những tổn thất về nhân lực (bị giết, bị thương, hay bị quân Nga bắt giữ), lại không được thay thế. Gần đây, Ukraine đã hạ tuổi nhập ngũ từ 27 xuống còn 25 tuổi. Điều này cho thấy Ukraine đang rất cần nguồn lực.
Trên chiến trường, Kiev thiếu hụt đạn dược và lợi thế vẫn luôn nghiêng về phía Nga. Không quân Nga cũng hoạt động tích cực, thực hiện hàng trăm phi vụ mỗi ngày. Loại bom FAB-250 và FAB-500 được trang bị thêm cánh và cho phép bay xa đến 70 km đến gần mục tiêu hơn. Các máy bay ném bom của Nga vẫn nằm ngoài tầm bắn của các hệ thống phòng không Ukraine. Các máy bay này tấn công vào tiền tuyến, đặc biệt là các trung tâm chỉ huy và các kho hậu cần của Ukraine, theo như nhận định của Stéphane Audrand.
Theo Le Point, nếu nhận được các chiến đấu cơ F-16, và các tên lửa không đối không, áp lực đối với quân đội Ukraine có thể sẽ giảm đi. Cuộc săn lùng đạn dược, do CH Séc khởi xướng, sẽ cung cấp cho Ukraine 800 000 đạn pháo loại 150 152 mm. Trong lúc chờ đợi viện trợ, Kiev tăng cường sử dụng drone để chống đỡ các vụ tấn công của Nga. Nhiều video cho thấy các drone loại FPV(First Person View) đã tấn công các xe bọc thép và lính Nga trên bộ.
Nga cải tiến kho vũ khí cũ
Tuy nhiên, những thiệt hại của quân Nga trên chiến trường lại thường xuyên được bù đắp. Các kho vũ khí của Nga được cải tiến, ví dụ như các xe tăng cũ được trang bị thêm vỏ bọc và các thiết bị điện tử. Các vũ khí này không phải chất lượng cao nhưng dẫu sao cũng làm tăng thêm số xe tăng trong kho vũ khí của Nga.
Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Anh (IISS), được công bố vào tháng 2, Nga vẫn còn đủ số xe bọc thép chất lượng thấp hơn trong kho, để bù đắp tổn thất trong khoảng ba năm nữa.
Gần đây, Nga cũng tăng cường sử dụng các thiết bị hạng nhẹ nhưng mang tính cơ động hơn, theo như nhận định của Alexander Clarkson, giảng viên tại King’s College London. Loại xe địa hình AVT ( all-terrain vehicle) do Trung Quốc sản xuất, xuất hiện trên chiến tuyến ở Ukraine vào cuối năm 2023, ngày càng được Nga sử dụng nhiều hơn trong thời gian gần đây. Mặc dù không được bọc thép, những chiếc xe AVT này thường bị các drone của Ukraine phát hiện nhanh chóng. Tuy nhiên, khả năng di chuyển nhanh chóng, không tạo ra nhiều bụi, có thể khéo léo hạ gục đối thủ một cách bất ngờ. Trang World Reviews Politics, trích dẫn nhận định của nhà phân tích quân sự Rob Lee, thuộc tổ chức tư vấn Foreign Policy Research Institute, cho rằng "việc tăng cường sử dụng loại xe AVT và các thiết bị hạng nhẹ khác hiệu quả hơn, cho thấy các đơn vị của Nga vẫn có thể thích ứng với những thách thức mới, bất chấp những rối loạn trong chế độ Putin". Sau nhiều sai sót đẫm máu khi lái AVT, lính Nga dần thích nghi và học được những cách lẫn tránh drone của Ukraine, dễ dàng di chuyển trên chiến tuyến.
Theo báo cáo của Viện Nghiên Cứu chiến tranh, vốn theo dõi thường nhật cuộc xung đột, Nga cũng đã sử dụng nhiều phương tiện hơn so với quan sát trước đây trong các cuộc tấn công chiến thuật, "quân đội Nga có thể không còn bị hạn chế hoặc lo ngại về tổn thất xe bọc thép và xe tăng".
Về phía Ukaina, các xe tăng Leopard, Abrams hay Challenger dĩ nhiên là hiện đại hơn, có khả năng phòng thủ tốt hơn, nhưng số lượng lại ít hơn. Phần lớn các vũ khí của Ukraine chủ yếu có từ thời Liên Xô. Do đó mà Ukraine phải tăng cường phòng thủ, xây dựng các chiến hào và các boongke ngầm ở miền đông đất nước.
Thay đổi chiến lược tấn công vào cơ sở năng lượng của Ukraine
Từ cuối tháng Ba, Nga cũng đã tăng cường các chiến dịch tấn công vào các cơ sở năng lượng của Ukraine, với quy mô lớn chưa từng có kể từ khi xâm lược Ukraine. Giới chuyên gia cho rằng Nga đã thay đổi chiến lược. Thay vì tấn công vào dịp cuối năm, trước mùa đông, khi Ukraine đã có sự chuẩn bị, phòng thủ, quân đội Nga nay thực hiện công tác trinh sát trước, xác định rõ mục tiêu và thiệt hại của cuộc tấn công, cũng như các vị trí phòng thủ của các cơ sở năng lượng, và thường chọn những nơi ít phòng thủ. Trước kia, Nga dùng 3 drone và hai tên lửa tấn công vào mục tiêu, thì nay, Nga phóng 6 tên lửa và 15 drone vào mục tiêu đó. Nhiều cơ sở năng lượng có thể sẽ không được sửa chữa kịp thời trước mùa đông năm sau.
Theo báo Financial Times, trong đợt tấn công phá hủy lưới điện Ukraine, Nga sử dụng các loại vũ khí hiện đại hơn, thay vì "đánh bừa" như trước kia. Ví dụ như vụ tấn công vào một nhà máy điện than, Nga sử dụng tên lửa đạn đạo dẫn đường trị giá 100 triệu đô la, và để bắn hạ thì chỉ có thể sử dụng hệ thống phòng không Patriot mà Ukraine không có nhiều.
Đội ngũ "tân binh" Nga
Thêm vào đó, còn một mối nguy khác đang rình rập Kiev. Sắc lệnh tuyển lính nghĩa vụ quân sự của Vladimir Putin, hồi cuối tháng Ba vừa qua, cho phép huy động khoảng 150 000 lính từ 18 đến 30 tuổi. Khả năng tác chiến của lực lượng "tân binh" này chắc chắn sẽ chưa tốt, nhưng đủ để tiến vào một mặt trận mà Ukraine ít phòng thủ hơn. Như vậy, Nga có thể nhanh chóng thành lập một đội ngũ mới sẵn sàng chiến đấu ngay mùa hè này và đe dọa Kharkiv, thành phố lớn thứ hai Ukraine.
Kharkiv có khoảng 1,5 triệu dân sinh sống trước chiến tranh, với vị trí chiến lược, là trạm trung chuyển về đường bộ và đường sắt ở miền đông Ukraine. Nơi đây cũng tập trung nhiều hoạt động công nghiệp, nhất là các nhà máy sản xuất vũ khí.
Theo nguồn tin từ tình báo Ukraine, được The Economist trích dẫn, Nga đang thực hiện đợt huấn luyện quy mô lớn ở Siberia, với sự tham gia của khoảng 120 000 binh lính. Đầu tháng Tư, 03/04, tổng thống Ukraine dự báo khả năng Nga có thể huy động thêm 300 000 lính. Kharkiv được coi là một trong những mục tiêu tấn công của Nga. Dù đây chỉ là một khả năng, nhưng truyền thông Nga đã nhiều lần đưa tin và mục đích có thể là gieo rắc nỗi sợ hãi cho cư dân Kharkiv, những người vẫn ở lại, hoặc là để xoa dịu phe ủng hộ chiến tranh, sau các cuộc tấn công của Ukraine ở Belogrod.
The Economist nhận định rằng có thể Nga sẽ khó chiếm được Kharkiv, nhưng không loại trừ khả năng quân đội của điện Kremlin sẽ "làm liều", "phá huỷ thành phố, như là trường hợp ở Aleppo".
Chi Phương
Đọc thêm
Ukraine tìm cách "lôi kéo" các nước Tây Balkan cùng sản xuất đạn dược
*******************************
Hội đồng IAEA sẽ họp về vụ tấn công Zaporizhzhia vào ngày 11/4
Reuters, VOA, 09/04/2024
Một cuộc họp bất thường của Hội đồng Điều hành gồm 35 quốc gia của cơ quan giám sát hạt nhân Liên Hiệp Quốc, vốn được Nga triệu tập, để thảo luận về các cuộc tấn công vào Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia do Nga nắm giữ ở Ukraine sẽ được tổ chức vào thứ Năm (11/4), Reuters dẫn nguồn tin từ bốn nhà ngoại giao cho biết.
Thiết bị bị hư hỏng trên nóc lò phản ứng tại Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia tại Ukraine, do Nga kiểm soát, sau khi bị một máy bay không người lái tấn công vào ngày 7/4/2024.
Các máy bay không người lái đã tấn công nhà máy lớn nhất Châu Âu vào Chủ nhật, trúng vào một tòa nhà chứa lò phản ứng, Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế (IAEA) cho biết, đồng thời nói thêm rằng an toàn hạt nhân không bị ảnh hưởng.
Nga và Ukraine đã nhiều lần cáo buộc nhau nhắm vào Zaporizhzhia. Cả hai bên đều phủ nhận đã làm như vậy.
Đại sứ Nga tại IAEA, Mikhail Ulyanov, nói vào tối thứ Hai rằng nước ông đã triệu tập một cuộc họp Hội đồng khẩn cấp "liên quan đến các cuộc tấn công và hành động khiêu khích gần đây của lực lượng vũ trang Ukraine chống lại #ZNPP".
Quy định của Hội đồng quy định rằng bất kỳ quốc gia nào trong đó, kể cả Nga, đều có thể triệu tập một cuộc họp. Thứ Tư là ngày nghỉ lễ tại Liên Hiệp Quốc ở Vienna, lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo đánh dấu kết thúc tháng Ramadan.
Hội đồng là cơ quan ra quyết định hàng đầu của IAEA, họp nhiều lần mỗi năm. Nga có thể sẽ lại đổ lỗi cho Ukraine về các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái gần đây tại Zaporizhzhia nhưng khó có thể nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ Hội đồng, vốn đã thông qua nghị quyết vào tháng trước kêu gọi Nga rút khỏi nhà máy.
IAEA không đổ lỗi cho bên nào về các cuộc tấn công nhưng yêu cầu họ dừng lại.
Giám đốc IAEA Rafael Grossi nói hôm Chủ nhật : "Những cuộc tấn công liều lĩnh như vậy làm tăng đáng kể nguy cơ xảy ra tai nạn hạt nhân lớn và phải chấm dứt ngay lập tức".
Reuters
*************************
Tổng thống Zelensky cảnh báo : "Mất viện trợ của Mỹ, Ukraine bại trận"
Thanh Hà, RFI, 08/04/2024
"Nếu Hạ Viện Mỹ không giúp Ukraine, Ukraine sẽ bại trận" và thất bại của Kiev sẽ mở đường cho Vladimir Putin tấn công thêm "nhiều quốc gia khác nữa". Tổng thống Volodymyr Zelensky mạnh mẽ tuyên bố như trên hôm Chủ Nhật 07/04/2024 và một lần nữa thúc hối phương Tây tăng cường viện trợ quân sự giúp Ukraine chống quân Nga xâm lược.
Tổng thống Ukraine Zelensky thị sát phòng tuyến mới gần biên giới Nga ở vùng đông bắc Sumy, ngày 27/03/2024 via Reuters - Ukrainian Presidential Press Ser
Vì những lý do chính trị nội bộ của Hoa Kỳ, từ cuối năm ngoái, khoản viện trợ 60 tỷ đô la mà chính quyền Biden cam kết vẫn bị dân biểu đối lập đảng Cộng Hòa chặn lại.
Phát biểu qua cầu truyền hình trước các đại sứ của nhóm United24, quy tụ những quốc gia đang huy động vốn hỗ trợ Ukraine, ông Zelensky đánh động chính giới Hoa Kỳ vào lúc quân đội Ukraine "khó lòng giữ được các thành trì như ở Chasiv Yar", một thị trấn gần Bakhmut, miền đông Ukraine. Ông Zelenksy đặc biệt quan ngại trước các đợt tấn công đang "gia tăng cường độ ở Kharkiv" - đông bắc Ukraine, nơi mà "hàng ngày, quân đội Nga sử dụng bom có trang bị hệ thống dẫn đường để tấn công vào thường dân", nhắm vào các cơ sở hạ tầng thiết yếu và nhà máy điện. Hơn 400.000 hộ gia đình bị mất điện.
Nga báo động "drone Ukraine" oanh kích nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia
Cũng ngày hôm qua, Nga tố cáo Ukraine sử dụng drone tấn công nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Châu Âu tại Zaporijjia. Nga đã chiếm được quyền kiểm soát nhà máy này từ đầu chiến tranh. Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế AIEA ghi nhận "nhiều vết tích cho thấy nhà máy Zaporijjia bị tấn công bằng drone, kể cả một vụ tấn công nhắm vào một trong 6 lò phản ứng" của quần thể này.
Trong thông cáo hôm qua giám đốc AIEA Rafael Grossi "kêu gọi các giới chức quân sự tránh mọi hành động vi phạm những nguyên tắc cơ bản bảo vệ các cơ sở hạt nhân". Tập đoàn Rosatom của Nga cũng nói đến một "sự cố nghiêm trọng" đe dọa an toàn của các lò phản ứng ở Zaporijjia. Từ đầu cuộc chiến, hơn hai năm nay, Nga và Ukraine đã nhiều lần quy trách nhiệm cho đối phương đe dọa an toàn của khu vực nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia.
Về chiến sự trên toàn nước Ukraine, Kiev loan báo đã bắn chặn được 17 trong số 24 drone của Nga đêm qua và trong 24 giờ qua, 76 cuộc giao tranh đã diễn khắp nơi, drone và tên lửa Nga nhắm vào hơn 100 địa điểm trên toàn lãnh thổ. Những điểm nóng vẫn là Donetsk, Kherson hay Mykolaiv, Soumy, Kharkiv…
Thanh Hà
Chiến tranh Ukraine đã làm Pháp thay đổi cách nhìn với NATO
Anh Vũ, RFI, 05/04/2024
Là một thành viên sáng lập của tổ chức quân sự Bắc Đại Tây Dương nhằm đối phó với mối đe dọa của Liên Xô, nước Pháp sau một thời gian dài sao nhãng vì mất lòng tin với Liên minh giờ đây đang trở lại với hình ảnh của một thành viên năng nổ của NATO. Chiến tranh Ukraine và mối đe dọa của Nga, bị mất dần ảnh hưởng phải triệt thoái quân sự ở Châu Phi có thể là những lý do để Paris thay đổi quan điểm về liên minh quân sự của phương Tây.
Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron tại thượng đỉnh NATO Madrid. Ảnh ngày 30/06/2022. AP - –hristophe Ena
Đại sứ của Pháp tại NATO, bà Muriel Domenach xác nhận với AFP rằng "Pháp đang ngày càng tích cực chủ động và đưa ra nhiều giải pháp và cũng được lắng nghe nhiều hơn về mối quan hệ tương hỗ giữa NATO và quốc phòng Châu Âu".
Vào thời điểm tình hình địa chính trị ở Châu Âu, cũng như tình hình chính trị ở những nước thành viên chủ chốt của Liên minh, đặc biệt Hoa Kỳ đang có xu hướng biến động khó lường, giới quan sát nhận thấy nước Pháp đang tìm kiếm xây dựng một nhóm nước nòng cốt trong Liên Âu để có thể đóng vai trò đầu tàu trong khối NATO.
Trong lịch sử 75 năm hình thành và phát triển, vai trò và những đóng góp của Pháp trong Liên Minh cũng đã có nhiều thay đổi.
Là thành viên sáng lập của Liên minh Đại Tây Dương ra đời năm 1949 để đối mặt với mối đe dọa từ Liên Xô. Giữa chiến tranh lạnh Đông- Tây, năm 1966, theo sự chỉ đạo của tướng de Gaulle, do bất đồng với Hoa Kỳ, Pháp đã rời bỏ bộ chỉ huy quân sự hỗn hợp, cơ quan xác định chiến lược của NATO. Đến năm 2009, Paris đã trở lại cơ quan này nhưng với vai trò mờ nhạt.
Cách đây không lâu, cuối năm 2019, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra những đánh giá bi quan rằng "NATO đang trong tình trạng chết não", là một tổ chức không còn khả năng phối hợp hành động. Những phát ngôn tổng thống Pháp không chỉ gây xôn xao dư luận mà còn làm dấy lên những ngờ vực đối với đồng minh Pháp, đặc biệt là từ các thành viên Đông Âu, những nước mà an ninh phụ thuộc chủ yếu vào Hoa Kỳ và NATO.
Theo nhận định của nhà nghiên cứu người Pháp Pierre Haroche, giảng viên về an ninh quốc tế tại Đại học Queen Mary ở Luân Đôn, nước Pháp giờ đây "gần như liên kết chặt chẽ với Ba Lan và các nước vùng Baltic".
Cuối tháng Hai năm nay, một lần nữa tổng thống Emmanuel Macron lại làm dậy sóng dư luận khi tuyên bố "không loại trừ khả năng" đưa quân của NATO vào tham chiến hỗ trợ Ukaina để không cho phép Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh hiện nay. Ý tưởng của tổng thống Pháp chủ yếu mang tính giả định và chứa đựng nhiều hàm ý khác, trong đó có thể thấy sự ghi nhận tầm quan trọng nhất định của Liên minh và mong muốn chứng tỏ vai trò trách nhiệm của Pháp trong hồ sơ Ukraine.
Do đâu mà Pháp đã có sự thay đổi rõ rệt về quan điểm lập trường với liên minh quân sự. Giới quan sát đều có thể dễ dàng nhận ra đó là cuộc xâm lược Ukraine của Nga hôm 24/02/2022 đã làm thay đổi toàn bộ bàn cờ Châu Âu.
Tướng Jérôme Goisque, trưởng đại diện quân sự thường trực của Pháp tại Liên Hiệp Châu và NATO, nhận định, ngày nay, Pháp được coi là một đồng minh "dấn thân mạnh mẽ về quân sự. Mọi người đều nhận thấy các quân nhân Pháp đã trở lại".
Thực tế, chỉ bốn ngày sau cuộc xâm lược của Nga, Pháp đã triển khai 500 lính ở Rumani, gần biên giới với Ukraine. Hiện có hơn 1.000 binh sĩ Pháp ở đó và một cuộc tập trận liên quân đồng minh dự kiến vào năm 2025 là để chuẩn bị triển khai một lữ đoàn (hơn 6.000 người), dưới sự lãnh đạo của Pháp.
Pháp là nước đóng góp tài chính lớn thứ 4 cho Liên minh sau Hoa Kỳ, Đức và Vương quốc Anh, với mức 203 triệu euro vào năm 2022 và có thể chi khoảng 830 triệu euro vào năm 2030, theo một báo cáo của Thẩm Kế Viện Pháp.
Pháp luôn tham gia các cuộc diễn tập và các nhiệm vụ của NATO. Nhưng vì hơn bốn chục năm qua buông lơi, không coi trọng tổ chức, Pháp vắng mặt trong nhiều cấp quyết định của NATO và có rất ít các chuyên gia quân sự cao cấp trong Liên minh. NATO chưa từng có một tham mưu trưởng các lực lượng quân đội là người Pháp.
Tình hình sẽ thay đổi cùng mối quan tâm với NATO và sự can dự của Pháp ngày càng sâu vào các hồ sơ quốc tế và đặc biệt trong bối cảnh mối đe dọa từ Nga ngày càng lớn.
Anh Vũ
*************************
Tổng thống Pháp lên án những lời lẽ "dọa dẫm" của Nga
Minh Anh, RFI, 05/04/2024
Ngày 04/04/2024, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên án Nga có những bình luận "thô thiển và dọa dẫm" sau cuộc điện đàm giữa hai bộ trưởng quốc phòng Pháp – Nga một ngày trước đó.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, khánh thành bể bơi Olympic tại Saint Denis. Ảnh ngày 04/04/2024. AFP – Gonzales Fuentes
Hôm thứ Tư, 03/4, bộ trưởng Quân lực Pháp Sebastien Lecornu đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với người đồng cấp Nga Serguei Shoigu, lần đầu tiên kể từ tháng 10/2022.
Theo AFP, cuộc trao đổi này do Paris đề xuất liên quan đến vấn đề chống khủng bố, sau cuộc tấn công nhằm vào nhà hát Crocus City Hall ở ngoại ô Moskva hôm 22/3 mà nhóm Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daesh đã nhận trách nhiệm.
Sau cuộc điện đàm, Paris và Moskva đã cho công bố cuộc trao đổi với những nội dung hoàn toàn khác nhau. Phía Nga đặc biệt bày tỏ hy vọng là các cơ quan tình báo Pháp không can dự vào cuộc tấn công khủng bố làm ít nhất 144 người chết.
Đến dự lễ khai trương trung tâm bơi lội mới cho Thế Vận Hội Paris, ở Saint-Denis, ngoại ô Paris, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã xem những bình luận trên của Nga là "điều nực cười", những phát biểu "thô thiển và dọa dẫm".
Một điểm khác cũng khiến Pháp khó chịu là bộ quốc phòng Nga hôm thứ Tư còn khẳng định rằng Pháp và Nga "sẵn sàng đối thoại" về cuộc xung đột Ukraine, mà điểm xuất phát có thể là "Sáng kiến Istanbul về hòa bình".
Bộ trưởng Quân lực Pháp Sebastien Lecornu ngay lập tức lên tiếng phản bác và khẳng định rằng ông đã "lên án không chút do dự cuộc chiến xâm lược mà Nga tiến hành ở Ukraine".
Sáng kiến trao đổi này của Paris đã làm dấy lên nhiều phản ứng. Cựu tổng thống Pháp François Hollande đã khuyến nghị chính phủ Macron không duy trì "bất kỳ tiếp xúc" nào với Nga sau hành động thao túng thông tin này của Moskva.
Minh Anh
Tổng thống Ukraine tuyên bố ưu tiên số một là bảo vệ bầu trời Kharkiv và Sumy
Anh Vũ, RFI, 05/04/2024
Sau khi chiếm được thành phố Avdiivka cuối tháng 3/2024, quân Nga tiếp tục lấn dần trên mặt trận Donbass, tuy đà tiến dường như đang chững lại. Hôm 04/03/2024, tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định quân đội Ukraine đã ổn định được tình hình trên một số mặt trận nhưng ông báo động phải khẩn cấp gia tăng hệ thống phòng không của cả nước trong khi Nga đẩy mạnh các cuộc không kích bằng tên lửa, bom bay và drone, đặc biệt trong vùng đông bắc đất nước.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhân một cuộc họp báo tại Kiev ngày 25/02/2024. AP - Evgeniy Maloletka
Để bảo vệ bầu trời, ưu tiên số một hiện nay, Kiev cần có thêm nhiều tên lửa Patriot. Stéphane Siohan tại Kiev cho biết thêm thông tin :
Hôm thứ Năm (04/03), tổng thống Volodymyr Zelensky đã trao đổi khá lâu với chỉ huy quân đội, tướng Oleksandr Syrsky. Sau cuộc gặp, lãnh đạo Ukraine cho biết quân đội Kiev đã làm giảm được đà tiến của Nga trên mặt trận Donbass, mặc dù bị thiếu thốn đạn dược trầm trọng.
Những ngày qua, quân đội của Moskva thực hiện chiến thuật lấn dần nhưng nhiều cuộc tấn công bằng xe bọc thép của Nga đã gặp khó khăn trước sự phòng thủ của Ukraine, đặc biệt bằng cách dùng drone tấn công FPV oanh kích ồ ạt, đôi khi hầu như không có pháo binh.
Tuy nhiên, sức mạnh hỏa lực của Ukraine có thể tăng thêm chút ít vào mùa xuân này khi đạn pháo 155 ly do liên minh quốc tế dẫn đầu là Cộng Hòa Czech cung cấp đang dần dần chuyển tới. Trong khi đó Ukraine tiếp tục củng cố chiến tuyến của mình bằng mọi giá.
Trong bối cảnh đó, các lãnh đạo Ukraine đặt trọng tâm vào phòng không, vào lúc các vùng biên giới Kharkiv và Sumy đang bị chìm trong lửa đạn từ Nga phá hủy hạ tầng có sở và gây nhiều thương vong cho dân thường.
Hôm 04/03, ông Volodymyr Zelensky tuyên bố bảo vệ bầu trời Kharkiv và Sumy là cấp thiết và khẩn cấp và mục tiêu số 1 của ngoại giao Ukraine là tìm kiếm viện trợ hệ thống tên lửa Patriot.
Anh Vũ
*************************
Liên tục thay đổi chỉ huy Hải quân Nga : Putin hết kiên nhẫn sau nhiều thất bại ở Biển Đen
Thanh Hà, RFI, 05/04/2024
Trong chưa đầy ba tuần lễ, điện Kremlin thay thế tư lệnh Hải quân, bổ nhiệm người mới chỉ huy Hạm đội Phương Bắc và Hạm đội Biển Đen. Những thay đổi về nhân sự nói trên diễn ra vào lúc lực lượng hải quân Nga tại Biển Đen trong thế thủ từ mùa thu 2023, "chịu nhiều tổn thất" : 20% tiềm lực của Nga trong vùng biển này đã bị tê liệt.
Ảnh Bộ Quốc phòng Nga công bố ngày 26/01/2022, gần một tháng trước chiến tranh Ukraine về một cuộc tập trận tại Biển Đen. AP
Phải chăng đây là dấu hiệu điện Kremlin "hết kiên nhẫn" trước những thất bại liên tiếp trên biển vào lúc Ukraine đang nới lỏng gọng kềm của Nga ở Biển Đen ?
Sau nhiều tuần lễ rộ lên tin đồn tư lệnh Hải quân Nga Nikolai Yevmenov bị mất chức, hôm 19/03/2024 tổng thống Vladimir Putin cất nhắc đô đốc Aleksandr Moiseev, chỉ huy hạm đội phương Bắc vào chức vụ tư lệnh Hải quân Nga, thay thế Nikolai Yevmenov, người giữ chức vụ này từ năm 2019.
Đến ngày 02/04/2024 bộ trưởng Quốc Phòng Sergei Shoigu bổ sung thêm danh sách nhân sự mới trong hàng ngũ lãnh đạo Hải quân Nga. Chuẩn đô đốc Konstantin Kabantsov có trách nhiệm chỉ huy Hạm đội Phương Bắc. Hạm đội Biển Đen giờ đây được đặt dưới quyền chuẩn đô đốc Sergei Pinchuk, 53 tuổi sinh quán tại Sébastopol, Crimée.
Bí mật chung quanh vị tư lệnh bị thất sủng
Trong bối cảnh chiến tranh Ukraine giới quan sát quân sự phương Tây chú ý nhiều đến tân chỉ huy Hạm đội Biển Đen. Sergei Pinchuk từng điều hành Hải đội Caspi, trước khi được điều về khu vực Biển Đen, đảm nhiệm hai vai trò tham mưu trưởng và phó tư lệnh thứ nhất của Hạm đội Biển Đen. Giờ đây, người con của Sébastopol này chính thức lên thay thế tư lệnh Viktor Sokolov.
Chuẩn đô đốc Sokolov không xuất hiện trước công chúng từ tháng 9/2023 sau vụ tổng hành dinh của Hạm đội Biển Đen Nga tại Sébastopol bị Ukraine oanh kích. Giữa tháng 2/2024 nhiều blogger của Nga theo dõi các hoạt động quân sự, đã loan báo Sokolov bị "mất chức". Tình báo Ukraine thậm chí còn đưa tin chỉ huy Hạm đội Biển Đen của Nga Vikto Sokolov và 33 sĩ quan đã "thiệt mạng trong vụ oanh kích nhắm vào tổng hành dinh ở Sébastopol hôm 22/09/2023". Cũng từ sau vụ tấn công nói trên, nhiều chiếm hạm của Nga đã phải rời cảng Sébastopol và được đưa về căn cứ Novorossiyk, nơi được cho là "an toàn hơn".
Hải quân Nga không thuận buồm xuôi gió
Khác hẳn với các lực lượng trên bộ, Hải quân Nga gặp khó khăn trên biển. Tháng 4/2022 tàu chiến lớn nhất, mạnh nhất của Hạm đội Biển Đen, tuần dương hạm Moskova bị trúng tên lửa và nhấn chìm trong lúc trên tàu có gần 500 thủy thủ. Bộ Quốc Phòng Nga khẳng định toàn bộ các thuyền viên được đưa vào bờ an toàn. Thông tin từ phía Kiev nói đến nhiều tổn thất nhân mạng nghiêm trọng trong đó có chỉ huy soái hạm Moskova.
Gần hai năm sau con tàu Moskova xấu số, đầu tháng 3/2024 Hải quân Nga lại phải chịu một tổn thất nặng nề : tàu tuần duyên thuộc đời mới nhất của Nga, Sergei Kotov bị trúng drone biển của Ukraine ở ngay khu vực eo biển Kertch giữa bán đảo Crimée với nước Nga. Vụ tấn công này do "tình báo quân sự GUR và Hải quân Ukraine cùng tiến hành". "Một vố đau đối với Nga" như giới quan sát ghi nhận bởi chiếc tàu Kotov mới bắt đầu hoạt động từ 2021.
Cuối tháng 3 vừa qua, Ukraine một lần nữa lại phô trương thành tích nhắm tới hai tàu đổ bộ cỡ lớn của Nga trong đêm 24 rạng sáng ngày 25/03/2024 và mục tiêu lần này là tàu Yamal và Azov.
Vũ khí "rẻ tiền mà hiệu quả"
Theo các nguồn tin thông thạo, như thường lệ Ukraine dùng drone tự sát, có mang theo chất nổ để tấn công các tàu chiến của đối phương vào ban đêm. Drone biển là những "công cụ tấn công ít tốn kém nhưng rất lợi hại và có hiệu quả".
Đầu tháng 2 vừa qua, Kiev thẩm định là "hơn 1/3 các tàu chiến của Nga ở Biển Đen bị hư hại" và nhờ đó Ukraine đã "mở lại được các hành lang xuất khẩu ngũ cốc". Giới bình luận quân sự tại Moskva dường như không mấy vội vã "bác bỏ điều này".
Nguyên đô đốc Pascal Ausseur của Hải quân Pháp trả lời tuần báo L’Express lưu ý : không nhiều phương tiện nhưng Ukraine đã "biến Biển Đen thành một khu cực kỳ nguy hiểm đối với các lực lượng của Nga".
Chiến tranh du kích biển
Trong cuộc đọ sức bất cân xứng này lá chủ bài của Kiev là "drone biển với khả năng hoạt động xa bờ hàng trăm cây số". Với những công cụ thô sơ và "rẻ tiền" đó, Ukraine đã "lôi kéo Nga vào thế phải rà soát lại chiến lược" hải quân.
Theo điều tra của nhật báo Pháp Le Figaro (06/03/2024) sau hai năm đưa quân xâm chiếm Ukraine "20% tàu chiến của Nga ở Biển Đen đã bị hư hại hoặc phá hủy" và thành công đó có được nhờ chiến thuật "chiến tranh du kích biển của Ukraine". Tác giả cuộc điều tra chỉ ra rằng trong số 6 tàu ngầm của Nga trong vùng biển này, 1 chiếc đã bị hư hại. Soái hạm duy nhất là chiếc Moskova thì đã vùi mình dưới lòng biển ; 2 trong số 16 tàu hộ tống bị vô hiệu hóa ; Hạm đội Biển Đen chỉ còn có thể trông cậy vào 3 trong số 4 tàu tuần tra sau khi chiếc Kotov bị khai tử. Nhìn đến số lượng tàu đổ bộ thì ba chiếc bị phá hủy, hai bị hư hại và trong hai năm vừa qua Nga cũng đã để mất một chiếc tàu dò mìn. Tổng cộng 11 trên tổng số 51 tàu chiến đủ loại của Hải quân Nga trong vùng biển này đã bị tấn công.
Hỏa lực của Hạm đội Biển Đen vẫn nguy hiểm
Song như cây bút của tạp chí quân sự DSI (Défense&Czechurité Internationale), Benjamin Gravisse ghi nhận, hỏa lực của Hải quân Nga trong vùng Biển Đen gần như không bị suy xuyển gì nhiều. Trong số các chiến hạm có trang bị tên lửa hành trình Kalibr – với khả năng bắn trúng mục tiêu cách xa đến hơn 2.000 cây số trong đất liền, chỉ có 2 chiếc bị hư hại. Điều đó cũng có nghĩa là "những thành công đáng ghi nhận của Kiev trên biển không tác hại đến khả năng của Nga sử dụng tên lửa hành trình nhắm vào Ukraine".
Tàu của Nga tuy không tiến được vào gần bờ của đối phương nhưng vẫn có thể bắn trúng mục tiêu từ vị trí ở phía nam Biển Đen". Vả lại "Nga không lệ thuộc vào đội tàu khi cần bắn tên lửa vào Ukraine".
Igor Delanoe, phó giám đốc Đài Quan Sát Pháp -Nga tại Matxcơv Moskvaa trong một nghiên cứu gần đây đánh giá : "Chỉ có chừng 12,5% tên lửa Kalibr của Nga nhắm vào Ukraine là được phóng đi từ các tàu chiến trong vùng Biển Đen trong giai đoạn từ 01/01-31/03/2023" Nói cách khác, dù 20% lực lượng hải chiến của Nga trong vùng biển này bị tê liệt nhưng Ukraine vẫn là nạn nhân của tên lửa Kilibr.
Điểm khiến Ukraine có thể an tâm là 5 trên tổng số 9 tàu đổ bộ của Nga trong vùng biển này bị vô hiệu hóa, tạm thời xua tan mối đe dọa lính Nga tràn vào bờ của Ukraine. Đây từng là kịch bản Kiev muốn tránh được bằng mọi giá vào những ngày đầu cuộc chiến.
Thanh Hà
***************************
Ukraine thông báo phá hủy nhiều máy bay quân sự Nga trong một cuộc tấn công
Minh Anh, RFI, 05/04/2024
Bộ Quốc Phòng Ukraine hôm nay, 05/04/2024, cho biết đã phá hủy "ít nhất 6 máy bay quân sự Nga" trong một cuộc tấn công nhằm vào căn cứ không quân Morozovsk, vùng Rostov. Trong khi đó, Nga khẳng định trước đó đã vô hiệu hóa được 53 drone của Ukraine trên lãnh thổ nước này.
Chùm ảnh cho phép phân tích về khả năng Nga mất hai chiến đấu cơ "quan trọng". RFI tập hợp và tạo ảnh ngày 16/01/2024. © Captures d'écran/ Jets Photo/ Montage RFI
AFP dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết thêm trong "chiến dịch đặc biệt" được thực hiện trong đêm qua, Cơ quan An ninh SBU và quân đội Ukraine còn làm hư hại đáng kể tám chiếc máy bay quân sự khác.
Căn cứ Morozovsk là nơi trú đóng của các oanh tạc cơ được Nga dùng để không kích các vị trí của quân đội Kiev và nhiều thành phố Ukraine nằm gần với đường chiến tuyến.
Tuy không cho biết rõ cuộc tấn công được thực hiện bằng cách nào nhưng Kiev nhấn mạnh là kết quả "quan trọng" này sẽ "giảm thiểu đáng kể tiềm năng" của không quân Nga.
Phía Moskva đã không nhắc đến vụ tấn công này. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga trước đó loan báo một trong số các cuộc tấn công lớn bằng drone của Ukraine diễn ra tại nhiều vùng, kể cả vùng Rostov trong đêm qua rạng sáng hôm nay.
Theo đó, tổng cộng có 53 drone của Ukraine đã bị phá hủy, trong đó có 44 chiếc tại vùng Rostov.
Minh Anh
Tấn công nguồn xăng dầu : Ukraine, Mỹ đánh vào hầu bao của Nga
Thu Hằng, RFI, 03/04/2024
Nguồn thu từ xuất khẩu dầu lửa của điện Kremlin bị xáo trộn do cùng lúc phải đối mặt với sức ép từ Kiev và Washington. Drone của Ukraine liên tục tấn công vào các nhà máy lọc dầu, thậm chí rất sâu trong lãnh thổ Nga. Trong khi đó, Mỹ gây sức ép đối với các ngân hàng, đặc biệt là của Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, còn giao dịch với Nga.
Khói bốc lên từ một nhà máy lọc dầu của Nga sau khi bị drone của Ukraine tấn công, trong vùng Ryazan, Nga, ngày 13/03/2024. via Reuters - Video Obtained By Reuters
Ukraine "đốt" hầu bao dầu lửa Nga
Từ đầu năm 2024, Ukraine tập trung vào "một mặt trận mới" : Tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Nga để ngăn nguồn cung ứng nhiên liệu cho chiến trường và đánh thẳng vào hầu bao của điện Kremlin. Mở màn cho chiến dịch là vụ tấn công ngày 21/01 nhắm vào hai cơ sở khí đốt và dầu mỏ của Novatek ở cảng Ust-Luga, bên bờ biển Baltic, cách Kiev cả nghìn cây số. Tiếp theo là nhà máy lọc dầu của Rosneft ở thành phố Tuapse, miền nam Nga, bị tê liệt sau vụ tấn công ngày 25/01.
Theo thẩm định của Bloomberg ngày 19/02, các vụ tấn công của Ukraine làm Nga mất khoảng 18% khả năng lọc dầu thô. Còn bộ trưởng Năng lượng Nga thừa nhận "khối lượng lọc dầu giảm 7% kể từ đầu năm". Sang tháng 3, nhiều nhà máy quan trọng bị tấn công ở Ryazan, Novochakhtinsk, Kirichi, Nijni Novgorod, tiếp theo là ở vùng Samara. Sức ép gia tăng vào lúc Nga chuẩn bị bầu cử tổng thống, do đó chủ nhân điện Kremlin lại mang vũ khí nguyên tử ra dọa. Tuy nhiên, vụ tấn công mới nhất, diễn ra ngày 02/04, cho thấy sự lợi hại của drone Ukraine. Nhà máy Taneco của tập đoàn Tatneft, một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất của Nga với khả năng sản xuất 360.000 thùng dầu mỗi ngày, nằm cách Moskva đến 1.300 km về phía đông nam, bị trúng drone Ukraine.
Tấn công sâu, nhắm vào những cơ sở năng lượng đánh dấu sự thay đổi chiến lược lớn của Kiev. Một sĩ quan của Bộ Quốc phòng Ukraine khẳng định với CNN là chiến lược "được lên kế hoạch tỉ mỉ" nhằm "giảm nguồn thu của kẻ thù (Nga) và làm giảm nguồn tiền đến từ dầu lửa và chất đốt được Nga sử dụng trực tiếp để tài trợ cho cuộc chiến". Số lượng đạn pháo được Nga sản xuất hàng tháng cao gấp ba lần khả năng cung ứng của NATO cho Ukraine.
Vẫn theo Bloomberg, được trang Geo trích dẫn ngày 14/03, "đánh trực tiếp vào túi tiền của Moskva dường như là chiến lược mang lại hiệu quả" trong khi "năng lực tài chính của điện Kremlin có dấu hiệu mệt mỏi" và tổng thống "Vladimir Putin bắt đầu đào vào kho dự trữ quốc gia".
Trừng phạt của Mỹ : "Mưa dầm thấm lâu"
Gần như cùng lúc, các tập đoàn dầu khí Nga không thu được ngay tiền xuất khẩu dầu lửa, nhiên liệu. Các ngân hàng ở Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất - những nước vẫn giữ giao dịch với Nga - đã tăng cường kiểm tra trong những tuần gần đây để tránh bị Mỹ "phạt vạ". Đối với đối tác lớn là Hoa Kỳ, cũng như giao dịch trên thế giới chủ yếu bằng đô la, các ngân hàng không còn biện pháp nào khác ngoài tuân thủ yêu cầu của Washington.
Theo một nguồn tin của Reuters, "từ khoảng tháng 12/2023, các ngân hàng và doanh nghiệp hiểu ra rằng mối đe dọa từ các biện pháp trừng phạt thứ cấp của Mỹ là hiện hữu". Ngày 22/12/2023, Bộ Tài chính Mỹ thông báo áp dụng trừng phạt đối với các ngân hàng lách giá trần áp dụng với dầu lửa Nga và yêu cầu các ngân hàng tuân thủ.
Thực ra, mua dầu của Nga không vi phạm trừng phạt của phương Tây nếu áp dụng mức giá trần 60 đô la/thùng. Tám nguồn tin độc quyền, được Reuters trích dẫn ngày 27/03, cho biết nhiều ngân hàng ở ba nước trên đã tăng cường kiểm tra, yêu cầu khách hàng xác nhận bằng văn bản là không một cá nhân hoặc thực thể nào nằm trong danh sách công dân bị chỉ định đặc biệt - SDN (Special Designated Nationals) của Mỹ có liên quan đến các giao dịch hoặc là bên thụ hưởng.
Do đó, theo nguồn tin của Reuters, giao dịch bị đình trệ, "việc thanh toán cho Nga bị chậm" từ vài tuần đến vài tháng, "kể cả giao dịch trực tiếp bằng nhân dân tệ hay bằng rúp, cũng mất vài tuần", thậm chí nhiều lệnh chuyển tiền cho Moskva bị hủy. Và đây chính là mục đích của Washington : Khiến nguồn thu của điện Kremlin trở nên thất thường, làm đảo lộn nguồn tài trợ cho cuộc chiến của Nga.
Chiến lược tấn công vào lãnh thổ Nga được Ukraine cho là chính đáng, dù không được Mỹ ủng hộ. Tuy nhiên, tấn công vào các cơ sở lọc dầu Nga có nguy cơ làm đảo lộn nguồn cung ứng toàn cầu và làm tăng giá dầu lửa, trong khi khối OPEC+ không có ý định tăng sản lượng sau cuộc họp ngày 03/04 nhằm ổn định giá.
Thu Hằng
****************************
Viện trợ quân sự cho Ukraine : NATO bàn lập quỹ 100 tỉ euro
Trọng Thành, RFI, 03/04/2024
Các ngoại trưởng thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) họp tại Bruxelles, Bỉ, trong hai ngày 03/04 và 04/04/2024, nhân dịp kỉ niệm 75 năm thành lập khối. Một nội dung chính của hội nghị là xem xét lập quỹ 100 tỉ euro viện trợ quân sự cho Ukraine. Cho đến nay, NATO không trực tiếp viện trợ vũ khí sát thương cho Kiev, do lo ngại căng thẳng bùng phát với Nga.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trình bày báo cáo thường niên của liên minh tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ ngày 14/3/2024. Reuters - Yves Herman
Sáng kiến lập quỹ 100 tỉ euro nói trên, được tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đề xuất, có mục tiêu huy động các nguồn lực nhằm hỗ trợ quân sự "mạnh mẽ hơn, ổn định và dài hạn" cho Ukraine, theo một giới chức NATO.
Hãng tin Reuters dẫn lời một số nhà ngoại giao cho hay, theo sáng kiến này, NATO sẽ có thể đảm đương một số nhiệm vụ của Nhóm Tiếp xúc Quốc phòng Ukraine, tập hợp hơn 50 quốc gia đồng minh, đối tác của Kiev. Nhóm Tiếp xúc được thành lập tháng 4/2022, chịu trách nhiệm chính trong việc điều phối các nỗ lực hậu thuẫn Kiev về quân sự.
Chủ trương lập quỹ 100 tỉ euro, do NATO điều phối, được xem như một biện pháp chuẩn bị cho khả năng Mỹ thay đổi chính sách với Ukraine, đặc biệt nếu Donald Trump đắc cử tổng thống. Tuy nhiên, một nguồn tin ngoại giao ẩn danh cho biết "sẽ không có một quyết định nào được đưa ra trong các cuộc họp cấp bộ vào tháng Tư này, các thảo luận sẽ tiếp tục cho đến thượng đỉnh NATO tại Washington vào tháng 7/2024". Quyết định của NATO cần phải được tất cả 32 thành viên chấp thuận.
Theo AFP, ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, trong cuộc họp báo với đồng cấp Pháp Stéphane Séjourné tại Paris ngày hôm qua, 02/04, tuyên bố, thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập NATO sẽ là dịp để "xác định một cách cụ thể và rõ ràng" lộ trình gia nhập khối của Ukraine.
Cho đến nay, NATO thường nhấn mạnh là Ukraine sẽ gia nhập NATO trong tương lai, nhưng Kiev chỉ có thể được kết nạp một khi chiến tranh kết thúc.
Trọng Thành
***************************
Ukraine hạ tuổi nhập ngũ từ 27 xuống 25
Phan Minh, RFI, 03/04/2024
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, hôm qua 02/04/2024, đã ký phê duyệt dự luật hạ độ tuổi nhập ngũ từ 27 xuống 25 để đáp ứng nhu cầu của quân đội trong cuộc chiến chống Nga. Quy định này bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay 03/04.
Binh sĩ Ukraine luyện tập tại một căn cứ ở vùng Kiev, Ukraine, ngày 27/09/2023. Reuters - Gleb Garanich
Dự luật này đã được các dân biểu Ukraine bỏ phiếu ủng hộ cách đây một năm và chỉ còn chờ tổng thống Zelensky phê duyệt. Trong 6 tháng tới, chính phủ Ukraine sẽ phải ban hành các văn bản mới về quy định hạ tuổi nhập ngũ.
Chủ đề nhập ngũ đã được tranh luận nhiều tháng ở Ukraine trong bối cảnh quân đội nước này phải chịu nhiều tổn thất, nhưng mức độ thiệt hại vẫn được giữ bí mật.
Tháng 12/2023, Volodymyr Zelensky cho biết quân đội đã đề nghị huy động thêm tới 500.000 người, tuy nhiên, tổng tư lệnh quân đội Ukraine, Oleksandr Syrsky, đã giảm con số này.
Về tình hình chiến sự, quân đội Ukraine, hôm nay, đã nhận trách nhiệm về vụ oanh kích các nhà máy sản xuất vũ khí và lọc dầu tại vùng Tatarstan của Nga. Cuộc tấn công được Kiev tiến hành hôm qua đã khiến 13 người bị thương.
Từ Kiev, thông tín viên Pierre Alonso cho biết thêm chi tiết :
Các drone của Ukraine đã di chuyển hơn 1.000 km trên lãnh thổ Nga trước khi nhắm trúng mục tiêu : một nhà máy sản xuất vũ khí ở thị trấn Yelabuga và một nhà máy lọc dầu ở Nizhnekamsk.
Tình báo quân đội Ukraine, cơ quan thực hiện chiến dịch này, khẳng định nhà máy sản xuất vũ khí nói trên được sử dụng để lắp ráp drone Shahed, vũ khí mà Nga sử dụng hàng ngày để tấn công các thành phố của Ukraine.
Chính quyền Tatarstan phủ nhận mọi thiệt hại nghiêm trọng, nhưng ghi nhận 13 người bị thương.
Nhà máy lọc dầu Nizhnekamsk là một trong năm nhà máy lớn nhất ở Nga. Với việc tấn công nhà máy này, Ukraine thể hiện quyết tâm đánh vào hầu bao của Nga. Tuần trước, cánh tay phải của tổng thống Zelensky đã tố cáo "hàng tỷ đô la lợi nhuận từ dầu mỏ thúc đẩy chủ nghĩa đế quốc của điện Kremlin".
Bài viết của ông được đăng trên báo chí dường như nhằm đáp lại những phản đối do Washington đưa ra trong các cuộc gặp riêng, vốn lo ngại về tác động của những chiến dịch của Kiev đối với ngành dầu mỏ của Nga gây ảnh hưởng đến giá dầu thế giới.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba thông báo người dân Ukraine đã bắt đầu yêu cầu Nga bồi thường thiệt hại mà họ phải gánh chịu trong 2 năm chiến tranh giữa Kiev và Moskva. Yêu cầu bồi thường được gửi tới cơ quan tiếp nhận đơn đòi bồi thường thiệt hại chiến tranh Ukraine, có trụ sở tại La Haye, Hà Lan.
Phan Minh
***************************
Mỹ cam kết làm mọi cách để ngăn chặn Nga nhập khẩu vũ khí từ bên ngoài
Trọng Thành, RFI, 03/04/2024
Cuộc chiến Ukraine chống xâm lược Nga là trọng tâm chuyến công du Pháp của ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm qua, 02/04/2024. Trong cuộc họp báo cùng người đồng cấp Pháp Stephane Séjourné, lãnh đạo ngoại giao Mỹ tuyên bố : Ukraine cần được hỗ trợ khẩn cấp các phương tiện để tự vệ, đồng thời Hoa Kỳ đang nỗ lực để ngăn chặn việc chuyển vũ khí từ bên ngoài vào Nga.
Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejjourné họp báo cùng đồng nhiệm Mỹ Antony Blinken, tại trụ sở Bộ Ngoại giao Pháp, Paris, Pháp, ngày 02/04/2024. Reuters - Benoit Tessier
Ông Blinken nhấn mạnh : "Chúng tôi đang nỗ lực ngày đêm để ngăn cản một cách hiệu quả việc vận chuyển vũ khí và trang thiết bị đến Nga nhằm hậu thuẫn cỗ máy chiến tranh của Moskva, và phục vụ cho nền công nghiệp quân sự Nga". Lãnh đạo ngoại giao Mỹ cho biết thêm : "Về các tên lửa của Iran xuất sang Nga, chúng ta sẽ nỗ lực cùng nhau chặn đứng, mọi hỗ trợ kiểu này sẽ phải bị trừng phạt, cho dù là Iran hay Bắc Triều Tiên, và kể cả Trung Quốc".
Ông Blinken nhấn mạnh : cung cấp vũ khí cho Nga "không chỉ là một đe dọa với Ukraine, mà còn với cả an ninh của toàn thể Châu Âu". Trong cuộc họp báo với ngoại trưởng Pháp, ông Blinken cũng cho biết sẽ nêu vấn đề ngăn chặn các nguồn vũ khí nhập vào Nga tại cuộc họp các ngoại trưởng NATO ở Bruxelles. Pháp là chặng dừng chân duy nhất của lãnh đạo ngoại giao Mỹ trước khi đến Bruxelles dự cuộc họp ngoại trưởng NATO.
Ngoại trưởng Mỹ trả lời đài Pháp LCI
Bên lề các cuộc làm việc chính thức, nhà lãnh đạo ngoại giao Mỹ cũng có một số phát biểu đáng chú ý bên lề. Trả lời kênh tin tức Pháp LCI hôm qua, ông Blinken khẳng định Nga sẽ không bao giờ đạt mục tiêu chiếm được Kiev và "xóa sổ được quốc gia này". Cùng lúc đó, ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Mỹ "hậu thuẫn Kiev, nhưng tránh xảy ra chiến tranh với Nga", và lập trường của Washington là "sẽ không để một người lính Mỹ nào đặt chân lên đất Ukraine", nhưng Hoa Kỳ cùng các đồng minh sẽ bảo vệ "từng tấc đất" lãnh thổ các quốc gia thành viên NATO.
Về khả năng ngừng bắn tại Ukraine, theo ông Blinken, Hoa Kỳ không buộc Ukraine phải thỏa hiệp, đánh đổi đất bị mất lấy hòa bình, nhưng Washington "sẽ ủng hộ bất cứ quyết định nào" của Kiev về vấn đề này. Theo LCI, trả lời câu hỏi của phóng viên về khả năng hai lãnh đạo Mỹ - Nga gặp nhau, ngoại trưởng Mỹ cho biết, không có gì cấm cản Mỹ và Nga nối lại đối thoại, và "chính sách của Nga sẽ quyết định phản ứng của Mỹ, chứ không phải cá nhân người ra chính sách".
Trọng Thành
*****************************
Drone tập kích vào sâu trong lãnh thổ Nga khiến nhiều người bị thương
Minh Phương, RFI, 02/04/2024
Hôm 02/04/2024, một cuộc tấn công bằng drone nhằm vào một khu công nghiệp tại Cộng Hòa Tatarstan, Nga đã khiến ít nhất hai người bị thương. Khu vực này nằm cách biên giới Nga-Ukraine hơn 1100 km. Một nguồn tin quốc phòng Ukraine đã xác nhận cơ quan tình báo quân sự nước này thực hiện vụ tấn công.
Một tòa nhà bị hư hại sau cuộc tấn công bằng drone của Ukraine, ở Yelabuga, Tatarstan, Nga, ngày 02/04/2024. via Reuters - Ostorozhno Novosti
Theo một thông báo trên mạng Telegram, lãnh đạo Cộng Hòa Tatarstan, ông Rustam Minnikhanov khẳng định vụ tấn công "không gây thiệt hại nghiêm trọng, quy trình công nghệ của các công ty cũng không bị gián đoạn. […] nhưng rất tiếc đã có một số người bị thương". Khu công nghiệp nằm cách thị trấn Yelabouga khoảng 10 km, bị nhắm mục tiêu vào khoảng 02g45 (giờ quốc tế) tập trung các nhà máy chuyên sản xuất hóa chất, cơ khí và gia công kim loại.
AFP trích lời một nguồn tin quốc phòng Ukraine cho biết đây "là hoạt động của GUR", cơ quan tình báo quân sự Ukraine từng nhận trách nhiệm về nhiều cuộc tấn công kiểu này nhằm vào các nhà máy hoặc nhà máy lọc dầu của Nga. Một mục tiêu khác được nhắm tới là một nhà máy lọc dầu lớn ở thành phố Nizhnekamsk thuộc Cộng hòa Tatarstan, Nga. Tuy nhiên theo chính quyền địa phương, hệ thống gây nhiễu điện tử đã vô hiệu hóa và làm rơi chiếc drone, không gây ra thiệt hại gì.
Các cuộc tấn công bằng drone của Ukraine nhắm vào các cơ sở năng lượng của Nga đã gia tăng trong những tháng gần đây, gây ra các vụ hỏa hoạn lớn, đặc biệt là tại các nhà máy lọc dầu. Kiev tuyên bố sẽ thực hiện các cuộc giao tranh trên đất Nga để đáp trả các vụ đánh bom vào lãnh thổ Ukraine, nhất là khi mà trước đó, Moskva đã tăng cường tấn công vào mạng lưới năng lượng của Ukraine vào mùa xuân, dẫn đến tình trạng cắt điện thường xuyên, ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn dân thường.
Cũng trong ngày hôm nay, cơ quan an ninh Nga (FSB) thông báo đã thu giữ tổng cộng 70 kg chất nổ tự chế cũng như các thiết bị cải tiến được giấu trong các lô hàng mang biểu tượng Chính thống giáo. Theo FSB, chất nổ được vận chuyển từ Ukraine qua Romania, Hungary, Slovakia, Ba Lan, Litva và Latvia để đến Nga. Cơ quan này khẳng định "tất cả những tổ chức và đồng phạm thực hiện tội ác này, bao gồm cả công dân nước ngoài, đều bị truy nã và truy tố theo luật pháp Nga".
Minh Phương
Pháp sẽ gửi cho Ukraine hàng trăm xe bọc thép cũ và tên lửa phòng không Aster
Chi Phương, RFI, 31/03/2024
Trả lời báo La Tribune, Chủ nhật, 31/03/2024, bộ trưởng quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu cho biết sẽ chuyển giao cho Kiev nhiều thiết bị quân sự, chủ yếu là các mẫu mã cũ, để hỗ trợ Ukraine chống lại Nga.
Một khẩu đại bác CAESAR mà Pháp cung cấp cho Ukraine, 25/05/2023. AP - Sergei Grits
Trong gói hỗ trợ quân sự mới cho Ukraine, theo AFP, bộ trưởng Sébastien Lecornu giải thích "quân đội Ukraine cần các loại thiết bị để chiến đấu trên những chiến tuyến rộng lớn"…, các thiết bị cũ như xe bọc thép VAB để chở binh lính, hay các tên lửa Aster 30 (phòng không và chống đạn đạo), "dù là những thiết bị đời cũ những vẫn hoạt động và có thể mang lại lợi ích cho Ukraine". Lãnh đạo Bộ Quốc phòng Pháp cho biết sẽ thúc đẩy sản xuất tên lửa Aster và có thể chuyển giao hàng trăm thiết bị này cho Kiev trong năm nay hoặc đầu năm 2025.
Về tình hình chiến sự ở Ukraine, sáng nay, lực lượng không quân của Kiev cho biết Nga đã bắn 16 tên lửa và 11 drone vào lãnh thổ nước này trong đêm qua. Tại Lviv, ít nhất một người đã thiệt mạng trong vụ oanh kích của Nga.
Từ hơn một tuần qua, Nga đã tăng cường các chiến dịch không quân, tấn công vào các cơ sở năng lượng của Ukraine. Hôm thứ Bảy, công ty năng lượng DTEK, lớn nhất của nước này cho biết 5 trong số 6 nhà máy đã bị hư hại, ảnh hưởng đến 80% công suất sản xuất điện của nhà máy, và việc sửa chữa thiệt hại có thể mất 18 tháng. Hôm thứ Sáu 29/3, các cuộc tấn công của Nga đã làm hư hại nhiều nhà máy nhiệt điện, khiến ít nhất 4 vùng của Ukraine bị mất điện.
Chi Phương
***************************
Nga : Quân đội thông báo bắt đầu đợt đăng ký nghĩa vụ quân sự mùa xuân
Anh Vũ, RFI, 30/03/2024
Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga hôm qua, 29/03/2024, cho biết chiến dịch đăng ký nghĩa vụ quân sự mùa xuân sẽ bắt đầu vào thứ Hai tuần tới. Đối tượng của đợt tuyển quân này là hàng chục ngàn thanh niên có độ tuổi từ 18 đến 30. Phần đông người dân Nga lo ngại sẽ có một làn sóng động viên quân thứ 2, trong khi hơn 600 nghìn quân Nga đã được đưa sang chiến trường Ukraine.
Những người lính nghĩa vụ diễu hành trước Nhà thờ Trinity ở St. Petersburg, Nga, trước khi lên đường tới các đơn vị quân đội. Ảnh ngày 23/05/2023. AP - Dmitri Lovetsky
Mỗi năm quân đội Nga có hai đợt tuyển quân. Phó đô đốc Vladimir Tsimlianski, một chỉ huy trong Bộ Tham Mưu quân đội Nga cho báo chí biết "chiến dịch đăng ký nghĩa vụ quân sự mùa xuân sẽ bắt đầu ngày 01/04".
Tuy nhiên, quân đội bảo đảm rằng các tân binh sẽ không bị đưa đến Ukraine. Ông Vladimir Tsimlianski khẳng định, tất cả các lính mới sẽ thực hiện nghĩa vụ quân sự trong một năm, trên "lãnh thổ của Liên Bang Nga", họ "sẽ không bị đưa đến các vị trí quân đội đang triển khai tại các vùng mới của Nga", tức 4 vùng của Ukraine Donetsk, Lougansk, Kherson và Zaporijjia, mà Nga đã sáp nhập hồi 2022, đồng thời họ cũng "sẽ không tham gia chiến dịch đặc biệt" của Nga.
Cuộc chiến tranh mà Nga phát động tại Ukraine đã kéo dài hơn hai năm. Hồi mùa thu năm 2022, Nga đã ban hành lệnh động viên hơn 300 nghìn người. Người dân Nga lo sợ sẽ có đợt động viên quân lần thứ 2, cho dù tổng thống Vladimir Putin, vừa tái đắc cử trong tháng này, đã trấn an rằng lệnh động viên quân là "không cần thiết".
Trong hai đợt đăng ký nghĩa vụ quân sự mùa xuân và mùa thu năm 2023, đã có hơn 270 nghìn người gia nhập quân đội Nga, theo số liệu Bộ Quốc phòng Nga công bố. Vẫn chưa thể biết có bao nhiêu thanh niên phải đi lính trong đợt đăng ký lần này. Hồi mùa hè năm ngoái, chính quyền Nga đã thông qua bộ luật, theo đó từ ngày 01/01/2024, giới hạn tuổi đăng ký nghĩa vụ quân sự từ 27 tuổi sẽ được kéo dài lên 30 tuổi.
Những tháng gần đây, quân Nga cho biết đã tiến thêm trên nhiều mặt trận ở Ukraine, trong hoàn cảnh quân đội Ukraine đang thiếu vũ khí, đạn dược do viện trợ của phương Tây bị đình trệ. Trong cuộc họp báo hồi tháng 12 vừa qua, tổng thống Nga Vladimir Putin đã xác nhận có 617 nghìn quân tham gia chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Anh Vũ
***********************
Thủ tướng Ba Lan hối thúc Liên Âu đầu tư quốc phòng vì Châu Âu bước vào "thời tiền chiến"
Thu Hằng, RFI, 30/03/2024
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho rằng Châu Âu đã bước vào "thời tiền chiến" và "mối lo lớn nhất hiện nay là mọi kịch bản đều có thể xảy ra". Trong buổi phỏng vấn ngày 29/03/2024 với báo chí Châu Âu, ông Tusk khẳng định "không phóng đại" nhưng "nếu Ukraine thua, không một ai ở Châu Âu có thể cảm thấy an toàn". Một lần nữa, ông kêu gọi Châu Âu cần phải "độc lập và tự chủ" về mặt quốc phòng.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk (phải) và Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal (trái) trong cuộc gặp song phương tại phủ Thủ tướng ở Warszawa, Ba Lan, ngày 28/03/2024. AP - Czarek Sokolowski
Thông tín viên Martin Chabal tại Warszawa tường trình :
« Tôi không muốn làm bất kỳ ai phải sợ nhưng chiến tranh không còn là khái niệm của quá khứ nữa". Đây là lời cảnh báo rõ ràng từ phía thủ tướng Ba Lan Donald Tusk. Nằm ngay sát nước Ukraine đang có chiến tranh, chính quyền Warszawa sợ sẽ phải đối phó với nguy cơ Nga xâm lược sau khi Moskva tiến hành tương tự với nước láng giềng.
Đối với Ba Lan, mối đe dọa Nga thêm hiện hữu mỗi ngày. Vào đầu tuần, một tên lửa Nga đã thâm nhập không phận Ba Lan trong vòng 39 giây, sau đó rơi xuống Ukraine. Hôm qua, một chiến dịch chống gián điệp đã được tiến hành ở thủ đô để phá một mạng lưới gây ảnh hưởng của Nga.
Nhưng điều mà Ba Lan lo lắng hơn cả là khả năng phản ứng của Châu Âu trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Với kinh nghiệm riêng, Ba Lan hy vọng đánh động ý thức của các nước láng giềng Châu Âu. Thủ tướng Ba Lan kêu gọi đầu tư nhiều hơn cho chi tiêu quân sự, trong đó có thiết bị và đạn dược. Ba Lan đã làm việc này kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Warszawa đã chi gần 4% GDP để có được một đội quân hùng mạnh, có khả năng hành động.
Ông Donald Tusk hy vọng Châu Âu sẽ đưa ra những quyết định cần thiết mà không cần phải chờ đến kỳ bầu cử tổng thống Mỹ với viễn cảnh ông Donald Trump trở lại nắm quyền và sẽ làm suy yếu quốc phòng của NATO".
Thu Hằng
***************************
Không có viện trợ của Mỹ, lực lượng Ukraine sẽ buộc phải rút lui
Reuters, VOA, 30/03/2024
Tổng thống Volodymyr Zelenskyy của Ukraine nói trong một cuộc phỏng vấn được đăng hôm 29/3 rằng nếu nước ông không nhận được viện trợ quân sự đã hứa của Mỹ, đang bị ngăn lại do những bất đồng ở Quốc hội Mỹ, các lực lượng của Ukraine sẽ buộc phải rút lui "theo từng bước ngắn".
Tổng thống Ukraine Zelenskyy (phải) gặp binh sĩ hồi năm 2022 (Ukrainian Presidential Press Office via AP)
Ông Zelenskyy nói với tờ Washington Post : "Nếu không có sự trợ giúp của Mỹ, điều đó có nghĩa là chúng tôi không có hệ thống phòng không, không có tên lửa Patriot, không có thiết bị gây nhiễu cho tác chiến điện tử, không có đạn pháo 155 mm".
Ông nói tiếp : "Điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ quay đầu, rút lui, từng bước một, từng bước ngắn. Chúng tôi đang cố gắng tìm cách nào đó để không rút lui".
Theo ông, tình trạng thiếu đạn dược có nghĩa là "ta phải hành động với nguồn lực ít hơn. Làm thế nào đây ? Tất nhiên là quay trở lại. Làm cho chiến tuyến ngắn hơn. Nếu vỡ trận, quân Nga có thể tiến đến các thành phố lớn".
Tổng thống Joe Biden, người thuộc đảng Dân chủ, đã kêu gọi Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát hãy thông qua gói viện trợ tài chính và quân sự, nhưng Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đã trì hoãn vấn đề này trong nhiều tháng, viện lý do cần ưu tiên các vấn đề trong nước.
Ông Zelenskiy nói với ông Johnson trong một cuộc điện đàm hôm 28/3 rằng việc phê duyệt gói viện trợ này là điều rất quan trọng.
Trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống Ukraine nói rằng Ukraine đang bù đắp tình trạng thiếu tên lửa bằng hệ thống vũ khí và phòng không sản xuất trong nước, "nhưng vẫn chưa đủ".
Sau hơn 2 năm chiến tranh, giờ đây quân đội Ukraine không thể tiến lên và ông Zelenskyy nói rằng Kyiv có chủ trương tìm cách tấn công vào các mục tiêu ở Nga, bao gồm cả các nhà máy lọc dầu.
Ông cho hay phản ứng của Washington về làn sóng tấn công của Ukraine là "không tích cực", nhưng Kyiv đang sử dụng máy bay không người lái của chính họ.
Ông nói với tờ báo Mỹ : "Chúng tôi đã sử dụng máy bay không người lái của mình. Không ai có thể nói với chúng tôi rằng chúng tôi không thể. Nếu không có lực lượng phòng không để bảo vệ hệ thống năng lượng của chúng tôi và phía Nga tấn công nó, câu hỏi của tôi là : Tại sao chúng tôi không thể đáp trả họ ?".
"Xã hội của họ phải học cách sống không có xăng, không dầu diesel, không điện. Khi Nga dừng hành động của họ, chúng tôi sẽ dừng lại", tổng thống của Ukraine nói.
Nguồn : VOA, 30/03/2024