Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nga ban hành tình trạng khẩn cấp tại vùng Kursk sau các vụ đột kích của quân Ukraine

Thu Hằng, RFI, 08/08/2024

Nga ban hành tình trạnh khẩn cấp tại vùng Kursk sát biên giới Ukraine sau các vụ đột kích của quân Ukraine. Ngày 08/08/2024, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định đã "ngăn chặn" nhiều vụ tấn công bằng drone của Kiev nhắm vào các cơ sở của Nga. Còn thống đốc vùng Kursk cho biết các trận giao tranh với quân Ukraine vẫn tiếp diễn.

ngauk1

Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì một cuộc họp với bộ trưởng quốc phòng Andrei Belousov (phải), cố vấn an ninh quốc gia Alexander Bortnikov (trái) và thư ký Hội đồng An ninh (sát bên trái Putin) Sergei Shoigu về tình hình tại Kursk, ngày 07/08/2024. AP - Aleksey Babushkin

Theo Moskva, "có đến 1.000 lính Ukraine" cùng với vài chục xe tăng và xe bọc thép đã thâm nhập vào vùng Kursk từ ngày 06/08. Các trận giao tranh dữ dội đã khiến vài nghìn người dân ở cả hai phía phải sơ tán. Sáng 08/08, Bộ Quốc phòng Nga đăng một số hình ảnh và video để khẳng định đã phá hủy nhiều thiết bị của Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin lên án "một hành động gây hấn ở quy mô lớn" và cáo buộc quân Ukraine "bắn bừa bãi bằng mọi loại vũ khí, kể cả roc-két, vào các công trình dân sự, nhà ở và xe cứu thương". Còn tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov, trong buổi báo cáo tình hình cho tổng thống Putin, được tường thuật trên truyền hình, cho biết "đà tiến của kẻ thù vào sâu trong lãnh thổ đã bị chặn đứng nhờ không kích và pháo kích".

Tuy nhiên, theo thống đốc vùng Kursk, tình hình vẫn "rất khó khăn ở những khu vực sát biên giới", nơi tình mà trạng khẩn cấp đã được ban hành từ tối thứ Tư 07/08. Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga đã tăng cường bảo vệ nhà máy điện hạt nhân ở Kursk, chỉ cách Ukraine khoảng 60 km. Lực lượng hỗ trợ đến từ các vùng lân cận đã được triển khai ở vùng Kursk.

Trong khi đó, Kiev vẫn giữ im lặng về chiến dịch này. Rất nhiều quan chức cấp cao Ukraine được AFP đặt câu hỏi đã từ chối bình luận. Tối 07/08, khi tổng kết tình hình hàng ngày, tổng thống Volodymyr Zelensky đã hoan nghênh "lòng dũng cảm" của quân đội Ukraine, nhưng không nhắc đến vụ đột kích vào lãnh thổ Nga. Ông nhấn mạnh : "Chúng ta càng gây sức ép với Nga, chúng ta càng tiến gần đến hòa bình".

Hoa Kỳ dường như đã không được thông tin về chiến dịch này. Theo AFP, ngày 07/08, Washington cho biết đã liên lạc với Kiev để biết rõ hơn về "mục tiêu" của cuộc đột kích. Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre khẳng định Mỹ ủng hộ những hành động "hợp lý" của Ukraine để ngừng các cuộc tấn công của Nga.

Thu Hằng

***********************

Vùng biên giới chung : Lính Ukraine xâm nhập Nga và oanh kích gây nhiều thiệt hại nhân mạng

Thùy Dương, RFI, 07/08/2024

Nhà chức trách Nga khẳng định tình hình ở biên giới với Ukraine đang "căng thẳng". Hôm nay 07/04/2024, vùng Kursk của Nga lại bị Ukraine oanh kích bằng tên lửa và drone, một hôm sau khi chính quyền vùng biên này của Nga loan báo Kursk bị 300 lính Ukraine xâm nhập và oanh kích khiến 5 người chết và gần 30 người bị thương.

ngauk2

Cảnh đổ nát sau cuộc oanh kích của quân đội Ukraine nhằm vào Sudzha, vùng Kursk, Nga, hôm 06/08/2024. via Reuters – Acting Governor of Kursk Region

Trên mạng Telegram, thống đốc vùng Kursk, Alexei Smirnov, thông báo 2 tên lửa và 2 drone của Ukraine sáng nay đã bị phòng không Nga bắn hạ.

Về tình hình hôm qua, Bộ Quốc phòng Nga thông báo vùng Kursk, sát biên giới với Ukraine đã bị khoảng 300 lính Ukraine dùng 11 xe tăng và khoảng 20 xe bọc thép xâm nhập. Bộ quốc phòng Nga khẳng định phá hủy được 16 xe của đối phương. Về phía Kiev, khi được AFP hỏi về vụ xâm nhập, một phát ngôn viên của quân đội Ukraine từ chối bình luận về tình hình biên giới.

Dù Nga là nước tấn công xâm lược quốc gia láng giềng, khiến nhiều thường dân Ukraine thiệt mạng từ hơn hai năm qua, nhưng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, trên đài Sputnik hôm nay tố cáo vụ xâm nhập của lính Ukraine hôm qua là "một vụ khủng bố mới rõ ràng nhắm vào thường dân".

AFP nhắc lại là từ khi chiến tranh nổ ra, các chiến binh Ukraine có vũ trang đã nhiều lần xâm nhập Nga. Lần nào các lực lượng Nga cũng khẳng định đã đẩy lui các cuộc xâm nhập của đối phương, nhưng trong một số trường hợp Moskva đã phải huy động pháo binh và không quân.

Ngoài vùng Kursk, nhìn sang các vùng biên khác của Nga, Voronej và Belgorod cũng bị drone nhắm tới. Theo Le Monde, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định trong đêm qua rạng sáng nay hạ được 11 drone của đối phương trên bầu trời các vùng Voronej (2), Belgorod (3), Rostov (2).

Thùy Dương

****************************

Nga cáo buộc Ukraine mở "mặt trận thứ hai" ở Châu Phi

Thu Hằng, RFI, 07/08/2024

Ngày 07/08/2024, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc Ukraine ủng hộ "các nhóm khủng bố" và mở "mặt trận thứ hai" ở Châu Phi, sau khi tập đoàn bán quân sự Nga Wagner và quân đội Mali bị tổn thất nặng nề do bị các lực lượng ly khai và thánh chiến tấn công ở miền bắc Mali. Sau Mali, đến lượt Niger tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine.

ngauk3

Binh sĩ Wagner của Nga ở miền bắc Mali. Ảnh do quân đội Pháp cung cấp nhưng không ghi rõ ngày tháng. AP

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakhakova, được hãng thông tấn Ria Novosti trích dẫn, chỉ trích "không thắng được Nga trên chiến trường, chế độ tội phạm Zelensky đã quyết định mở "mặt trận thứ hai" ở Châu Phi và yểm trợ các nhóm khủng bố ở nhiều nước ủng hộ Nga trên Châu lục này".

Trước đó, lực lượng ly khai và thánh chiến Mali khẳng định 84 chiến binh của Wagner và 47 quân nhân Mali đã thiệt mạng cuối tháng 07 ở Tinzawatène, miền bắc Mali.

Theo Reuters, đây là tổn thất nặng nề nhất của Wagner tại Châu Phi kể từ năm 2022, khi nhóm này được triển khai, giúp tập đoàn quân sự Mali. Gần như cùng lúc, Andriy Yusov, người phát ngôn của cơ quan tình báo quân sự Ukraine, gián tiếp cho biết Ukraine đã cung cấp "những dữ liệu cần thiết giúp lực lượng nổi dậy (Mali) tiến hành các chiến dịch chống những kẻ tội phạm chiến tranh Nga".

Niger cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine để tỏ tình liên đới với Mali

Ngày 04/08, chính phủ chuyển tiếp Bamako đã lên án Ukraine "xâm phạm chủ quyền của Mali, vượt qua cả khuôn khổ can thiệp nước ngoài" và tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao ngay lập tức với Kiev. Hai ngày sau, ngày 06/08, đến lượt Niger thông báo cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine. Người phát ngôn của tập đoàn quân sự cầm quyền tại Niger giải thích trên truyền hình là quyết định được đưa ra để tỏ tình liên đới với chính phủ và người dân Mali.

Thu Hằng

Additional Info

  • Author Thu Hằng, Thùy Dương
Published in Quốc tế

Ukraine chính thức triển khai chiến đấu cơ F-16

Thu Hằng, RFI, 05/08/2024

Ukraine chính thức đưa F-16 vào biên chế lực lượng không quân. Ngày 04/08/2024, tổng thống Volodymyr Zelensky thông báo đã nhận được những chiến đấu cơ đầu tiên từ các nước đồng minh. Thông tin này có ý nghĩa cổ vũ quan trọng cho Ukraine trong bối cảnh nhiều địa phương ở vùng Donetsk miền đông đã bị rơi vào tay quân Nga và nhiều gia đình buộc phải sơ tán trong những ngày gần đây.

uk1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đứng trước chiến đấu cơ F-16 trong lễ kỷ niệm Ngày Lực lượng Không quân Ukraine tại một địa điểm không được tiết lộ, ngày 04/08/2024. Reuters - Valentyn Ogirenko

Phát biểu tại buổi lễ triển khai phi cơ F-16, được tổ chức ở một địa điểm bí mật, tổng thống Zelensky nhấn mạnh điều tưởng "không thể thực hiện được" giờ đã thành hiện thực. Ông thừa nhận số chiến đấu cơ nhận được là "không đủ", dù không nêu con số cụ thể, nhưng tỏ ra lạc quan rằng "điều tích cực là chúng ta đang đợi thêm nhiều máy bay F-16 khác" và "rất nhiều phi công của chúng ta đang được đào tạo".

Thông tín viên RFI Emmanuelle Chaze tại Kiev cho biết thêm :

"Thông tin được chính thức xác nhận : Một số máy bay F-16 được trông đợi từ lâu đã bay trên bầu trời Ukraine và theo truyền thông Ukraine, khoảng 10 chiến đấu cơ loại này đã được giao cho Kiev.

Sau tổng thống Volodymyr Zelensky, đến lượt tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Oleksandr Syrskyi xác nhận thông tin trên và đánh giá rằng những chiến đấu cơ này được đưa tới Ukraine đồng nghĩa với việc thêm nhiều máy bay và tên lửa Nga bị phá hủy. Trên thực tế, chiến đấu cơ F-16 giúp hiện đại hóa không quân Ukraine nhưng cũng sẽ phải cần thêm nhiều máy bay loại này hơn để hy vọng tạo khác biệt trên thực địa.

Theo chính quyền Kiev, Ukraine có lẽ cần ít nhất 130 chiến đấu cơ để đối phó với kẻ thù Nga một cách hiệu quả, có nghĩa là gần gấp đôi con số 79 chiến đấu cơ F-16 mà các đồng minh đã hứa chuyển giao. Ngoài việc tăng cường phòng không, Ukraine cũng hy vọng sử dụng F-16 trong tấn công, ví dụ tấn công vào các công trình hạ tầng và trang thiết bị Nga.

Nhưng để đạt được hiệu quả, Ukraine vẫn thiếu đủ thứ : không có đủ phi công được huấn luyện ở nước ngoài, Mỹ không cho phép sử dụng F-16 tấn công sâu vào lãnh thổ Nga và các công trình hạ tầng của Nga, trong đó có những căn cứ không quân. Đây là nơi xuất phát của những chiến đấu cơ Nga vẫn oanh tạc Ukraine".

Viện Nghiên cứu Chiến Tranh tại Washington cho rằng Ukraine sẽ sử dụng F-16 và vũ khí tầm xa do phương Tây viện trợ để tấn công những phương tiện phòng không của Nga và tại những vùng đất bị Nga sáp nhập. Còn theo trang web Military của Ukraine, chiến đấu cơ F-16 được trang bị một hệ thống cảnh báo sớm giúp phát hiện và chặn tên lửa của kẻ thù.

AFP nhắc lại ngày 10/07, ngoại trưởng Mỹ thông báo bắt đầu chuyển giao F-16 "từ Đan Mạch và Hà Lan". Tuần trước, Nga tuyên bố chiến đấu cơ do Mỹ sản xuất sẽ không "có tác động đáng kể" trên chiến trường và sẽ bị "bắn hạ".

Về tình hình chiến sự, không quân Ukraine cho biết đã bắn hạ toàn bộ 24 drone tự sát Shahed trong đêm 05/08 được Nga phóng từ hai vùng biên giới Primorsko-Akhtarsk và Kursk.

Mali cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine

Mali, nước đồng minh của Nga, thông báo cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine vì cáo buộc Kiev "can thiệp" và làm cho quân đội Mali thất bại nặng nề trong cuộc giao tranh với phe phiến quân hồi tháng 7 ở Tinzawatène, miền bắc Mali. Ngày 04/08, chính phủ chuyển tiếp ở Bamako lên án Ukraine "xâm phạm chủ quyền của Mali, vượt qua cả khuôn khổ can thiệp nước ngoài". Trước đó, phát biểu trên truyền hình, Andriy Yusov, người phát ngôn của cơ quan tình báo quân sự Ukraine, gián tiếp cho biết Ukraine đã cung cấp "những dữ liệu cần thiết giúp lực lượng nổi dậy (Mali) tiến hành các chiến dịch chống những kẻ tội phạm chiến tranh Nga". Trong khi đó, quân đội Mali có được sự ủng hộ của nhóm lính đánh thuê Nga Wagner. 

Thu Hằng

**********************

Ukraine gia tăng tấn công bằng drone nhằm vào các mục tiêu quân sự Nga

Minh Anh, RFI, 04/08/2024

Vào lúc quân Nga tiếp tục gia tăng áp lực lên quân đội Ukraine tại địa phận Pokrovsk ở vùng Donetsk, Ukraine cho biết đã giáng nhiều đòn mạnh cho kẻ xâm lược ở những vùng bị chiếm đóng cũng như là trên lãnh thổ Nga, gây ra nhiều thiệt hại cho hải quân và không quân Nga.

uk2

Tàu ngầm Rostov-on-Don)của Nga năm 2014. © CC / Mil.ru

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, hôm 03/08/2024, đã khen ngợi các lực lượng Ukraine sau cuộc tấn công nhắm vào những mục tiêu quân sự bên trong vùng lãnh thổ do Nga chiếm giữ.

Từ Kiev, thông tín viên đài RFI, Emmanuel Chaze tường thuật :

"Vào lúc tình hình trên chiến tuyến, như thừa nhận từ Kiev, là cực kỳ căng thẳng, quân đội Ukraine thông báo nhiều trận đánh lớn nhắm vào các cơ sở hạ tầng của Nga.

Đầu tiên, họ thông báo rằng căn cứ không quân Morozovsk nằm ở vùng Rostiv đã bị nhắm đến, tuy Kiev không cho biết rõ về những thiệt hại có thể gây ra cho các chiến đấu cơ của Nga nhưng khẳng định đã phá hủy một kho đạn dược và bom lượn.

Đây là những loại bom chết người mà Nga đã cho phóng vào các vị trí và thành phố của Ukraine cũng như là những bồn chứa dầu ở những vùng biên giới sát với Kursk và Belgorod.

Ukraine còn loan báo là đã đánh chìm tầu ngầm Rostov-on-Don neo đậu ở cảng Sevastopol, vốn dĩ đã bị hư hại hồi tháng 9/2023. Tầu ngầm trị giá 300 triệu đô la này được dùng để vận chuyển tên lửa hành trình bắn phá Ukraine.

Tại vùng Crimea bị chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 2014, bốn hệ thống phòng không của Nga dường như cũng đã bị hư hại. Những cuộc tấn công quy mô lớn này dường như cũng được phía Nga xác nhận bởi vì bộ Quốc Phòng Nga thông báo đã bắn chặn được 75 drone của Ukraine và thừa nhận nhiều cuộc oanh kích nhằm vào kho xăng dầu".

Theo kênh truyền hình Nhật Bản NHK, trong ngày hôm qua, 03/08, khoảng 50 người vợ và con của các binh sĩ Ukraine đã biểu tình tại Kiev, kêu gọi chính phủ có những biện pháp cho phép người thân của họ sớm được trở về. Cuộc tập hợp này diễn ra vào lúc quân đội Ukraine đang gặp khó khăn trong việc tuyển quân trong khi cuộc chiến xâm lược của Nga đang kéo dài.

Minh Anh

Additional Info

  • Author Thu Hằng, Minh Anh
Published in Quốc tế

Thay vì từ bỏ Kyiv, Washington nên cung cấp công cụ để Ukraine giành chiến thắng.

uk1

Quân đội Ukraine bắn vào một vị trí của Nga ở khu vực Donetsk, Ukraine, tháng 6/2024 - Alina Smutko / Reuters

Người Mỹ đã rơi vào bế tắc ở Ukraine. Cách tiếp cận từng bước của Tổng thống Joe Biden không hiệu quả. Thay vào đó, nó đã dẫn đến một cuộc chiến tiêu hao kéo dài và bi thảm. Thành tích chững lại của Ukraine trong năm qua đã làm dấy lên viễn cảnh nghiệt ngã về một chiến thắng của Nga, khiến Kyiv sụp đổ trước đế chế của Moscow.

Cựu Tổng thống Donald Trump đã hứa sẽ thay đổi cách tiếp cận của Mỹ nếu ông tái đắc cử vào tháng 11, đồng thời nhấn mạnh rằng ông có thể kết thúc chiến tranh "trong 24 giờ". Và người bạn đồng hành của Trump, Thượng nghị sĩ Mỹ J. D. Vance, đã viết rằng Ukraine nên triển khai một "chiến lược phòng thủ" để "bảo toàn nhân lực quân sự quý giá của mình, cầm máu và dành thời gian để bắt đầu các cuộc đàm phán". Giải pháp mà cả Trump và Vance dường như đang ủng hộ là một giải pháp thương lượng cho phép Washington tập trung sự chú ý và nguồn lực vào nơi khác.

Chiến tranh cần phải kết thúc – và kết thúc nhanh chóng. Câu trả lời không phải là cắt toàn bộ viện trợ của Mỹ hay vội vàng đi đến một thỏa thuận không cân xứng với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Mỹ vẫn có thể thoát khỏi tình thế không thể giải quyết được và tránh để Nga giành chiến thắng. Để ngăn các khoản chi tiêu không giới hạn của Mỹ và bảo vệ nền độc lập và an ninh của Ukraine, Mỹ và các đồng minh cần cho Kyiv một cơ hội nghiêm túc cuối cùng để giành chiến thắng – được định nghĩa không phải là quay trở lại biên giới năm 2013 của Ukraine (như Kyiv mong muốn) mà là một giải pháp bền vững, khôi phục lại biên giới năm 2021.

Để đạt được kết quả đó, Washington và các đồng minh cần cải thiện đáng kể và nhanh chóng vị thế quân sự của Ukraine với một lượng lớn vũ khí – và không đặt ra hạn chế nào trong việc sử dụng chúng. Cơ hội hòa bình thực tế nhất sẽ đến nếu quân đội Ukraine có thể phát động một đợt tấn công quyết định đẩy quân Nga quay trở lại ranh giới trước năm 2022.

Một tổng thống mới của Mỹ có thể trở thành chất xúc tác cho sự thay đổi chính sách để biến điều này thành hiện thực. Chẳng hạn, chính quyền mới của Trump có thể nắm bắt cơ hội để báo hiệu sức mạnh của Mỹ và chấm dứt xung đột, củng cố danh tiếng quốc tế của Mỹ, và cho phép Washington chuyển sang các ưu tiên khác. Nhưng bất kể ai bước chân vào Nhà Trắng, việc tăng cường viện trợ quân sự không hạn chế trong thời gian ngắn sẽ mang lại cơ hội tốt nhất cho hòa bình lâu dài ở biên giới Châu Âu.

Cuộc chiến không hồi kết

Chiến lược hiện tại của chính quyền Biden không bền vững đối với cả Mỹ lẫn Ukraine. Năm 2022, sau khi Nga tấn công và Ukraine thể hiện quyết tâm chống trả đáng kể, Washington và một số đồng minh đã bắt đầu gửi viện trợ quân sự cho Kyiv, đặt ra những hạn chế về cách thức và địa điểm mà các lực lượng Ukraine có thể sử dụng những loại vũ khí tiên tiến hơn. Họ lo ngại rằng một phản ứng kiên quyết hơn sẽ khiến Nga leo thang, nhiều khả năng sẽ mở rộng xung đột ra ngoài Ukraine và khiến phương Tây gặp nguy hiểm. Việc Putin đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân đã khiến các quan chức Mỹ và Châu Âu khiếp sợ đến nỗi dù họ tuyên bố tìm kiếm một chiến thắng cho Ukraine, nhưng trên thực tế, họ chỉ cung cấp hỗ trợ vừa đủ để giữ cho Kyiv không bị sụp đổ trước sự tấn công dữ dội của Nga. Mục tiêu rõ ràng không phải là đánh bại Nga trên chiến trường mà là duy trì sự tồn tại của Ukraine "chừng nào còn cần thiết" – nghĩa là hy vọng sẽ đến một ngày Moscow kết luận rằng việc gây hấn thêm sẽ là tự chuốc lấy thất bại và tự kết thúc chiến tranh.

Hơn hai năm tham chiến, Kyiv vẫn chưa gục ngã, nhưng các đối tác phương Tây cũng không cung cấp cho họ công cụ để giành chiến thắng. Một cuộc chiến tiêu hao kéo dài có thể sẽ kết thúc bằng sự sụp đổ của Ukraine. Kyiv không có đủ nhân lực để gửi quân tiếp viện đến các chiến hào trong những năm tới, và ở cách xa tiền tuyến, phần còn lại của đất nước đang gặp khó khăn. Ba phần tư doanh nghiệp Ukraine đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động vì di cư và nghĩa vụ quân sự (và những thương vong kéo theo đó). Ngành nông nghiệp mất đi diện tích đất trồng màu mỡ : đối với một số loại cây trồng, diện tích đất thu hoạch đã giảm khoảng 1/3. Việc mất các cảng, chẳng hạn như Mariupol, đã gây ra vấn đề nghiêm trọng cho các nhà sản xuất muốn xuất khẩu. Hồi tháng 2, một báo cáo do Ngân hàng Thế giới đồng tài trợ ước tính rằng việc xây dựng lại nhà ở, cơ sở hạ tầng và ngành công nghiệp của Ukraine sẽ cần khoảng nửa nghìn tỷ đô la. Theo thời gian, tình hình sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn.

Và thời gian cũng không đứng về phía các đối tác phương Tây của Ukraine. Các nước Châu Âu đã tuyên bố rằng cuộc chiến của Nga là mối đe dọa sống còn đối với lục địa này, nhưng các khoản đầu tư quân sự gần đây của họ vẫn rất khiêm tốn và họ vẫn rất chần chừ không muốn giải ngân những khoản tiền lớn để hỗ trợ nền kinh tế Ukraine. Ngoại lệ là các quốc gia ở tiền tuyến phía đông Châu Âu : Ba Lan sẽ chi hơn 4% GDP trong năm nay, và Phần Lan, một thành viên mới của NATO, có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng đạn pháo vào năm 2027. Nhưng ngay cả những quốc gia này cũng buộc phải nhận ra rằng với mỗi quả đạn pháo họ gửi đến Ukraine đang suy yếu thì lực lượng của chính họ sẽ mất đi một quả đạn có sẵn. Nếu Nga đạt được thêm lợi thế ở Ukraine và tăng cường các mối đe dọa đối với phương Tây, những quốc gia này có lẽ sẽ không còn chấp nhận sự đánh đổi như vậy nữa.

Đối với Mỹ, việc tài trợ cho một cuộc xung đột kéo dài sẽ không mang lại lợi ích gì. Chiến lược cung cấp viện trợ tăng dần của Biden sẽ không ngăn được sự hủy diệt sau cùng của Ukraine và còn khiến nước Mỹ sa lầy vào một cuộc chiến không có con đường dẫn đến chiến thắng. Nó cũng không bền vững về mặt chính trị : sau hàng thập kỷ để xảy ra "những cuộc chiến không hồi kết" không được lòng dân, các nhà lãnh đạo Mỹ không còn có thể hứa hẹn về các khoản chi tài chính và cung cấp vũ khí vô thời hạn trên cơ sở một chiến lược không có triển vọng thành công.

Mỹ cũng đang gặp phải những rủi ro chiến lược lớn hơn khi chỉ hỗ trợ vũ khí cho Ukraine theo kiểu trang bị tăng dần. Moscow có thể dựa vào nền kinh tế chiến tranh của mình và không chịu ngồi vào bàn đàm phán chừng nào họ còn tin rằng họ có thể khiến Ukraine phải đầu hàng và tồn tại lâu hơn sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Kyiv. Về phần mình, Ukraine cũng không thể đàm phán từ vị thế yếu kém hiện tại, sau khi mất lãnh thổ và quyền tiếp cận Biển Azov, một tuyến đường thủy quan trọng đối với xuất khẩu nông sản của nước này, và thiếu phương tiện để đảo ngược cả hai tổn thất. Điều này có nghĩa là chiến tranh sẽ kéo dài – và nó càng kéo dài thì Nga càng có nhiều thời gian để tạo ra vấn đề cho Châu Âu và Mỹ ở những khu vực khác trên thế giới. Moscow có thể mở rộng hợp tác với Triều Tiên bằng cách chia sẻ công nghệ vệ tinh và tên lửa đạn đạo, huy động thêm lực lượng quân sự để gây bất ổn cho các quốc gia ở Châu Phi cận Sahara và khu vực Địa Trung Hải rộng lớn hơn, cũng như gây nhiễu tín hiệu GPS trên một khu vực ngày càng rộng lớn ở Châu Âu. Trong khi đó, Trung Quốc đang xây dựng quân đội của riêng mình, và họ có thể lợi dụng sự bất ổn kéo dài ở Châu Âu để tiến lên ở Thái Bình Dương.

Đồng thời, Washington và các đối tác của họ không nên quá lo lắng về việc khiêu khích người Nga. Nỗi sợ hãi của phương Tây về việc Nga leo thang chiến tranh đã bị phóng đại. Trong suốt thời kỳ cầm quyền của mình, Putin đã cẩn thận để tránh xảy ra xung đột trực tiếp với phương Tây, có lẽ vì ý thức được sự kém phát triển về kinh tế và quân sự của Nga. Giờ đây, Moscow quan tâm đến việc giới hạn cuộc chiến ở Ukraine vì họ sẽ khó có thể sánh ngang với hỏa lực và lực lượng tổng hợp của phương Tây trong một cuộc chiến mở rộng. Nga có thể đe dọa leo thang nhưng sẽ lùi bước nếu phải đối đầu với sức mạnh. Tuy nhiên, vẫn có những giới hạn đối với những gì Mỹ và các đồng minh nên làm ; cụ thể là họ không nên thách thức quân đội Nga trên tiền tuyến bằng cách gửi quân của mình tới Ukraine.

Hành động quyết định

Thay vì kéo dài cuộc chiến này, mục tiêu của Mỹ nên là kết thúc nó nhanh chóng, giúp Ukraine đánh bại Nga và trong quá trình đó răn đe Moscow không được theo đuổi tham vọng đế quốc hơn nữa. Ổn định Châu Âu trước tiên sẽ cho phép Washington tập trung nỗ lực vào khu vực Châu Á, nơi họ đang phải đối mặt với mối đe dọa đang đến từ Trung Quốc, và giúp họ sắp xếp chiến lược của mình thay vì mạo hiểm đối đầu với hai cường quốc xét lại cùng một lúc.

Cách hợp lý nhất để đạt được mục tiêu này là tăng cường vũ khí cho Ukraine và không đặt bất kỳ hạn chế nào đối với việc sử dụng chúng. Ukraine cần pháo binh, thiết giáp, và không lực, đồng thời nước này phải có khả năng tấn công các mục tiêu quân sự ở Nga, như sân bay, kho đạn dược và nhiên liệu, cũng như các nhà máy quân sự. Bằng cách dỡ bỏ các hạn chế sử dụng vũ khí của phương Tây, đặc biệt là tên lửa tầm trung, Washington sẽ tạo cơ hội cho Kyiv làm suy yếu lực lượng Nga và ngăn chặn các cuộc tấn công quy mô lớn vào các thành phố và cơ sở hạ tầng của Ukraine. Quả thật, Ukraine không thể tự vệ từ phía sau chiến hào và với nguồn cung cấp các thiết bị phòng không đắt tiền đang ngày càng cạn kiệt.

Sự tăng cường vũ khí này sẽ mang lại cho Ukraine cơ hội cuối cùng để đạt được bước đột phá về mặt chiến thuật nhằm khôi phục hoàn toàn hoặc xấp xỉ đường biên giới lãnh thổ trước năm 2022. Từ vị trí này, các lực lượng Ukraine có thể tiếp tục đe dọa những thành quả mà Nga đạt được trong cuộc xâm lược năm 2014, đặc biệt là Crimea. Dù khát vọng giành lại biên giới trước năm 2014 của Kyiv là điều dễ hiểu, nhưng những tổn thất khủng khiếp và sự kiệt quệ của toàn đất nước khiến một định nghĩa ít tham vọng hơn về chiến thắng quân sự trở nên thực tế hơn nhiều.

Bằng cách làm suy yếu và đẩy lùi lực lượng Nga ra khỏi những vùng lãnh thổ mà họ đã chiếm từ đầu năm 2022, Kyiv sẽ giành được cho mình những lựa chọn chính trị. Một thành tích quân sự như vậy có thể gây ra tổn thất đủ lớn về vật chất và danh tiếng để buộc Nga phải ngồi vào bàn đàm phán. Ngay cả khi không có đàm phán, điều mà trong mọi trường hợp vẫn có thể không dập tắt được mong muốn khôi phục đế chế ở Châu Âu của Moscow, một chiến thắng nhanh chóng và mang tính quyết định trên chiến trường sẽ gây thiệt hại đủ lớn cho lực lượng Nga để Ukraine có thời gian xây dựng lại cơ sở hạ tầng và công nghiệp, giành lại những vùng đất màu mỡ cho sản xuất nông nghiệp, và tăng cường năng lực quân sự để ngăn chặn các cuộc tấn công tiếp theo của Nga.

Mỹ và các đồng minh sẽ có được nguồn lực để thực hiện chiến lược này vào thời điểm cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 trôi qua hoặc một tổng thống mới nhậm chức. Đến đầu năm 2025, năng lực sản xuất của phương Tây sẽ tăng lên đủ để cung cấp đủ số lượng đạn pháo cho lực lượng Ukraine. Các nhà máy của Mỹ đang trên đà sản xuất 80.000 quả đạn mỗi tháng vào cuối năm 2024 và sẽ đạt mức 100.000 quả đạn mỗi tháng vào năm 2025. Thêm vào đó là khoảng 100.000 quả đạn trở lên mỗi tháng mà ngành công nghiệp Châu Âu dự kiến sẽ sản xuất vào cuối năm 2025. Và Ukraine không thể chỉ phòng thủ các vị trí của mình, vốn cần khoảng 75.000 quả đạn mỗi tháng, nhưng họ cũng có thể bắt đầu các chiến dịch tấn công. Quân đội Mỹ cũng có rất nhiều thiết bị dư thừa, bao gồm các mẫu xe tăng và các phương tiện cũ đang được cất giữ trong kho. Cho đến nay, Mỹ chỉ mới gửi 31 xe tăng đến Ukraine, chủ yếu là để buộc Berlin phải cung cấp xe tăng, nhưng vẫn còn hàng trăm xe tăng khác trong kho có thể được tân trang lại và chuyển đi. Ukraine rõ ràng cần nhiều hơn những gì họ đã nhận được, vì tổn thất sẽ nhanh chóng làm cạn kiệt kho vũ khí của nước này. Trong những tháng tới, một số lượng nhỏ máy bay chiến đấu phương Tây nằm trong tay các phi công Ukraine cũng dự kiến tham gia chiến đấu, nhưng các nước Châu Âu vẫn còn có thể chuyển giao cho Kyiv nhiều máy bay hơn nữa. Ví dụ, Hy Lạp đang xem xét tặng hàng chục máy bay phản lực.

Dù Washington và các đồng minh không thể gửi binh sĩ của riêng mình tới Ukraine, nhưng họ có thể cung cấp huấn luyện quân sự bổ sung cho quân đội Ukraine. Nhân lực là một vấn đề ngày càng lớn đối với Kyiv. Những người Ukraine trong độ tuổi nhập ngũ đã di cư ra nước ngoài nên được kêu gọi trở về nước và tham gia chiến đấu. Ở các nước Châu Âu nơi nhiều người Ukraine di cư đang sinh sống, chính phủ có thể thành lập các đơn vị quân đội Ukraine và huấn luyện những tân binh trước khi gửi họ trở lại Ukraine.

Yếu tố quyết định sẽ là tốc độ và số lượng viện trợ sát thương. Nếu Ukraine có thể xoay chuyển tình thế trên tiền tuyến và buộc Nga phải quay trở lại hiện trạng lãnh thổ trước tháng 2/2022, họ có thể gây ra một thất bại rõ ràng cho Nga. Crimea sẽ vẫn bị Nga chiếm đóng, nhưng nó cũng sẽ là một điểm yếu mà quân đội Ukraine có thể nhắm mục tiêu để ngăn chặn Moscow tái khởi động một cuộc chiến quy mô lớn. Cảng Sevastopol, một số căn cứ quân sự của Nga, và cây cầu Eo biển Kerch (nối bán đảo Crimea với lục địa Nga) đã được chứng minh là dễ bị tổn thương trước máy bay không người lái của Ukraine và trong trường hợp của cây cầu là một xe tải bom. Ukraine nên được cung cấp nhiều khả năng hơn – chẳng hạn như tên lửa đạn đạo của Mỹ và tên lửa hành trình của Anh, Pháp và Đức – để tấn công những nơi này ngay bây giờ, và giữ chúng trong tình trạng bị đe dọa trong trường hợp ngừng bắn. Theo luật pháp quốc tế công nhận, chúng là một phần của lãnh thổ Ukraine, vì vậy các hoạt động quân sự ở đó sẽ không dẫn đến rủi ro leo thang như tấn công các mục tiêu ở chính Nga. Chỉ có Moscow (và một số ít nước nhỏ) xem Crimea là một phần của Nga, và khi Ukraine tấn công vùng đất này trong hai năm qua, phản ứng của Nga không khác gì phản ứng của họ đối với các cuộc tấn công của Ukraine trên tiền tuyến.

Ngay cả trong trường hợp tốt nhất, cũng không có lý do gì để mong đợi một thất bại kịch tính của Nga đến mức làm thay đổi căn bản quan điểm chiến lược của Moscow. Nga sẽ vẫn là một cường quốc hạt nhân hùng mạnh, nuôi dưỡng khát vọng sâu sắc nhằm khôi phục lại sự vĩ đại của đế chế. Nhưng để đạt được mục tiêu đó, họ cần Ukraine, nơi sẽ mang lại cho họ khả năng đe dọa phần còn lại của Châu Âu và gây ảnh hưởng lên nền chính trị Châu Âu. Không có Ukraine, Nga chỉ là một cường quốc Châu Á đang nhanh chóng mất chỗ đứng vào tay Trung Quốc. Kyiv không thể thay đổi các mục tiêu chiến lược của Moscow bằng những chiến thắng trên chiến trường, nhưng họ có thể ngăn cản Nga kiểm soát các vùng đất của mình. Một nguồn cung vũ khí phương Tây nhanh chóng và đáng kể sẽ mang lại cho Ukraine cơ hội tốt nhất để đẩy lùi lực lượng Nga và tạo ra không gian cũng như thời gian cần thiết để tái thiết, tái trang bị, và răn đe trước một bước tiến khác của Nga. Không có lý do chiến lược nào để Washington kéo dài xung đột bằng việc cung cấp vật tư nhỏ giọt, bởi các chính sách được thiết kế chủ yếu để tránh leo thang sẽ không cứu được Ukraine hay đảm bảo ổn định ở biên giới phía đông Châu Âu. Thay vào đó, đã đến lúc tổng thống Mỹ tiếp theo phải có hành động quyết đoán.

Jakub Grygiel

Nguyên tác : "The Right Way to Quickly End the War in Ukraine", Foreign Affairs, 25/07/2024

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 02/08/2024

Jakub Grygiel là giáo sư chính trị tại Đại học Công giáo Mỹ, cố vấn cấp cao tại Sáng kiến Marathon, và nghiên cứu viên tại Viện Hoover. Ông cũng từng là cố vấn cấp cao của Văn phòng Hoạch định Chính sách Bộ Ngoại giao Mỹ từ năm 2017 đến 2018.

Additional Info

  • Author Jakub Grygiel, Nguyễn Thị Kim Phụng
Published in Diễn đàn

Putin tăng gấp đôi tiền thưởng cho ai tình nguyện chiến đấu ở Ukraine

Reuters, VOA, 01/08/2024

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 31/7 tăng gấp đôi khoản chi trả trước cho những người tình nguyện chiến đấu ở Ukraine, một động thái nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển quân nhưng có khả năng tạo ra sự mất cân bằng trong nền kinh tế mà sản xuất không đáp ứng với nhu cầu.

uk1

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 31/7/2024 tăng gấp đôi khoản chi trả trước cho những người tình nguyện chiến đấu ở Ukraine.

Tất cả người Nga ký hợp đồng với quân đội hiện sẽ nhận được khoản thanh toán trả trước là 400.000 rúp (4.651 đô la). Sắc lệnh cũng khuyến nghị rằng các chính quyền khu vực phải đối ứng khoản thanh toán này từ ngân sách của họ với ít nhất cùng một số tiền.

Với mức thanh toán tối thiểu hàng tháng cho một binh nhì tham gia vào cái mà Nga gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" được ấn định ở mức 204.000 rúp, sắc lệnh mới này sẽ tăng mức lương tối thiểu thường niên trong năm đầu tiên phục vụ lên 3,25 triệu rúp (37.791 đô la).

Mức lương hàng tháng cho các sĩ quan cao hơn và phụ thuộc vào cấp bậc của họ. Tất cả tân binh cũng nhận được thêm tiền khi tham gia các cuộc tấn công hoặc phá hủy xe tăng và máy móc khác của địch.

Đầu tháng này, thị trưởng Moscow đã ấn định khoản thanh toán trả trước cho cư dân thành phố đăng ký chiến đấu ở Ukraine là 1,9 triệu rúp (21.777 đô la) từ ngân sách thành phố, nâng mức lương hàng năm của họ trong năm đầu tiên phục vụ lên 5,2 triệu rúp.

Mức tăng mới nhất có nghĩa là mức lương tối thiểu hàng năm cho những người lính hợp đồng của Nga chiến đấu ở Ukraine sẽ vượt quá mức lương trung bình ở Nga hơn gấp ba lần.

Các khoản thanh toán như vậy đã giúp Nga tránh được một cuộc động viên toàn quốc mới sau một chiến dịch gặp khó khăn vào năm 2022 dẫn đến tình trạng di cư hàng loạt của người dân sang các nước láng giềng. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho rằng các khoản thanh toán này đang tạo ra một vòng xoáy tiền lương trong nền kinh tế.

Việc tăng lương cũng được hỗ trợ bởi một loạt các biện pháp khác, chẳng hạn như miễn trừ các khoản thanh toán lãi suất hàng tháng đối với các khoản vay tiêu dùng dành cho tình nguyện viên và bảo lãnh của nhà nước đối với các khoản vay như vậy trong trường hợp tử vong.

Các biện pháp này đã khuyến khích những người tình nguyện tham gia vay vốn tiêu dùng và góp phần vào sự tăng trưởng liên tục trong hoạt động cho vay tiêu dùng, mặc dù ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất chủ chốt để hạ nhiệt nền kinh tế.

Các quan chức Nga cho biết tính đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 190.000 người tình nguyện tham gia chiến đấu ở Ukraine, so với 490.000 hợp đồng được ký kết vào năm 2023.

Reuters

*************************

Kiev lần đầu nhận chiến đấu cơ F-16 : Hy vọng và thách thức trên chiến trường Ukraine

Thùy Dương, RFI, 01/08/2024

Chỉ ít giờ sau khi báo Mỹ The Wall Street Journal hôm 30/07/2024 loan báo Washington chấp nhận trang bị các loại vũ khí tối tân, trong đó có tên lửa do Mỹ chế tạo và nhiều loại vũ khí hiện đại khác, cho các chiến đấu cơ F-16 mà phương Tây viện trợ cho Ukraine, các hãng tin quốc tế uy tín như AP, Reuters, AFP, báo Mỹ Bloomberg… hôm 31/07 - 01/08 đều đưa tin là Ukraine đã nhận được những chiếc F-16 đầu tiên từ một số nước thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO.

uk01

Các chiến đấu cơ F-16 của Hà Lan bay trên một căn cứ không quân ở Volkel, Hà Lan, ngày 09/06/2023. Reuters - Piroschka Van De Wouw

Như vậy là sau một năm chờ đợi và nhiều lần hối thúc đồng minh, cuối cùng Kiev cũng đã được trang bị những chiếc chiến đấu cơ tối tân do Mỹ chế tạo để có thể cải thiện năng lực phòng không, đối phó với các tên lửa, drone và phi cơ của Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hy vọng những chiếc F-16 sẽ có vai trò then chốt giúp quân đội Ukraine đẩy lùi sự thống trị trên không của Nga và "giải tỏa không phận" Ukraine. Như vậy cũng có nghĩa là trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu của quân đội Ukraine chưa phải là triển khai phi đội F-16 để oanh tạc các lực lượng trên mặt đất của đối phương hay các nguồn lực quân sự khác của Nga gần mặt trận.

Trước đây, giới lãnh đạo Ukraine cũng như phương Tây từng kỳ vọng là chiến đấu cơ F-16 tối tân do Mỹ chế tạo có thể giúp Kiev xoay chuyển cục diện chiến tranh, nhưng nay dựa trên tình hình thực tế, các nhà quan sát nhận định là các tác động trên chiến trường sẽ khó được trông thấy ngay, do số chiến đấu cơ F-16 giao cho Ukraine đợt này không nhiều. Số lượng cụ thể hiện vẫn chưa được công bố chính thức.

Le Monde ngày 29/07 cho biết thêm là cũng mới chỉ có 6 phi công Ukraine đang được huấn luyện lái  F-16. Các nhà quan sát vẫn đang đặt câu hỏi về khả năng các phi công Ukraine điều khiển loại chiến đấu cơ tối tân này trên thực địa.

Chưa nói đến việc triển khai phi đội F-16 là một thách thức lớn, có thể xem là quan trọng nhất đối với Ukraine hiện nay : Làm sao bảo vệ được những chiến đấu cơ có giá trị này, trong khi Nga đã đề phòng, chuẩn bị đối đầu từ nhiều tháng qua. Cuộc chơi "trốn - tìm" giữa phe bảo vệ và phe tìm diệt F-16 chắc chắn không thể tránh khỏi. 

Ngày càng có nhiều người lo ngại là những chiếc F-16 đó sẽ bị Nga tấn công và triệt hạ ngay từ khi mới được Ukraine tiếp nhận. Quả thực, mối lo này không phải là không có cơ sở. Những tháng gần đây, quân Nga đã đánh vào một số sân bay quân sự của Ukraine. Chỉ riêng trong tháng 7 này, có ít nhất 3 sân bay của Ukraine đã bị đối phương tấn công : sân bay Myrhorod và Kryvyi Rih ở miền trung và một sân bay ở vùng Odessa, miền nam Ukraine. Phía Moskva khẳng định đã phá hủy ít nhất 6 chiến đấu cơ của Ukraine. Kiev không phủ nhận nhưng cố tìm cách giảm thiểu thiệt hại. Không quân Ukraine nhấn mạnh trên mạng xã hội là những máy bay và hệ thống phòng không bị Nga phá hủy thực chất chỉ là mồi nhử khiến Moskva phải tốn nhiều tên lửa Iskander đắt tiền.

Giáo sư Justin Bronk, chuyên gia chính về sức mạnh hàng không và công nghệ, thuộc Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (Royal United Services Institute - RUSI), lưu ý là cho đến nay, không quân Ukraine chủ yếu dựa vào "các hoạt động phân tán", thường xuyên di chuyển các máy bay và thiết bị bên trong hoặc giữa các căn cứ, để bảo đảm chiến đấu cơ không bị bắn trúng khi đang đậu ở mặt đất. Thế nhưng, đối với phi cơ F-16, Ukraine không thể áp dụng mãi chiến thuật này, bởi cần có đường băng hoàn toàn bằng phẳng, không có những mảnh đá hoặc các mảnh vụn nhỏ khác, nếu không thì có nguy cơ động cơ F-16 bị hư hại.

Nhưng theo giáo sư Bronk, bất cứ nỗ lực nào của Ukraine để cải thiện cơ sở hạ tầng các căn cứ không quân cũng sẽ bị máy bay trinh sát hay các vệ tinh của Nga phát hiện. Hiện nay quân Nga đã được trang bị nhiều drone trinh sát tinh vi như Zala, Supercam và Orlans, có khả năng truyền hình ảnh trực tiếp theo thời gian thực từ bên trong lãnh thổ Ukraine, có khả năng bay lâu mà không bị các hệ thống điện tử của Ukraine phát hiện và gây nhiễu.

Thêm vào đó, từ tháng 5 đến nay, Nga đã không ngừng cải tiến các phi cơ. Chẳng hạn chiến đấu cơ Su-30 đã có khả năng mang tên lửa tầm xa R-37, thậm chí phiên bản tân tiến hơn là R-37M. Trước Su-30, chỉ có máy bay tiêm kích Su-57, Su-35, Mig-35 và Mig-31 có khả năng mang loại tên lửa tầm xa này.

Loại bom bay đời mới của Nga FAB – UMPK, với thiết bị dẫn đường, cũng là một mối nguy khó lường cho phi đội F-16 của Ukraine. Chính thiết bị dẫn đường UMPK giúp bom FAB khó bị phát hiện và đánh chặn. Sức công phá của bom bay FAB - UMPK là rất lớn, chẳng hạn bom FAB-1500 có thể chứa đến 675kg chất nổ TNT, bom FAB-3000 có khả năng mang tới 1,4 tấn thuốc nổ. Hồi tháng 03/2024, bộ trưởng Quốc Phòng Nga thông báo sản xuất hàng loạt bom FAB-3000. Thực hư như thế nào thì chưa rõ, nhưng những bước chuẩn bị của Nga trong thời gian qua cho thấy có lẽ việc bảo vệ những chiếc F-16 của Ukraine sẽ không hề dễ dàng.

Thùy Dương

***************************

Sau một năm chờ đợi, Kiev nhận những chiếc F-16 đầu tiên

Thùy Dương, RFI, 01/08/2024

Sau một năm chờ đợi và hối thúc các nước đồng minh phương Tây đẩy nhanh tiến độ chuyển giao để cải thiện năng lực phòng không, lần đầu tiên Ukraine nhận được từ một số nước thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO những chiến đấu cơ tối tân F-16 do Mỹ chế tạo.

uk1

Chiến đấu cơ F-16 của lực lượng Không Quân Na Uy tập luyện trong vùng biển Baltic ngày 20/05/2015. Reuters - Ints Kalnins

F-16 là loại chiến đấu cơ tối tân, mang tính biểu tượng, được khối NATO và nhiều lực lượng không quân trên khắp thế giới lựa chọn trong 50 năm qua để đưa lên tuyến đầu.

Theo Reuters sáng nay, 01/08/2024, một quan chức Mỹ xin ẩn danh nói là đợt giao chiến đấu cơ F-16 lần này cho Ukraine đã hoàn tất. Theo báo Pháp La Dépêche ngày 31/07, hạn chót đợt giao chiến đấu cơ F-16 đầu tiên cho Ukraine được ấn định là cuối tháng 07/2024, có nghĩa là các nước đồng minh của Kiev đã giao theo đúng lịch trình. Tuy nhiên, phải chờ thêm một thời gian thì các phi công Ukraine được huấn luyện từ vài tháng nay mới có thể lái những chiếc phi cơ tối tân này để bảo vệ không phận quốc gia.

Không quân Ukraine hiện vẫn chưa hồi đáp yêu cầu bình luận của Reuters. Chính phủ Mỹ cũng chưa khẳng định chính thức. Nhưng trên mạng X, ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis hôm qua viết : "Chiến đấu cơ F-16 tại Ukraine. Thêm một điều tưởng như bất khả đã hoàn toàn trở thành có thể".

Xin nhắc lại, tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 08/2023 đã bật đèn xanh để viện trợ chiến đấu cơ F-16 cũ cho Ukraine, nhưng Hoa Kỳ không cung cấp bất kỳ máy bay nào. Tổng cộng 80 chiến đấu cơ F-16 đã được các nước Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy hứa viện trợ cho Kiev, nhưng Ukraine sẽ còn phải chờ thêm nhiều thời gian mới nhận đủ số máy bay này.

Về phản ứng của Nga, theo AFP, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov, hôm nay 01/08 tuyên bố những chiếc F-16 mà phương Tây giao cho Ukraine sẽ bị "bắn rơi" và việc phương Tây giao chiến đấu cơ này cho Kiev sẽ không có tác động đáng kể đến tình hình chiến sự. Ông Peskov còn cho rằng sẽ không có "phương thuốc thần kỳ" nào giúp Kiev đối phó được với Nga.

Thùy Dương

****************************

Nga bắt đầu giai đoạn 3 tập trận hạt nhân chiến thuật tại quân khu giáp Ukraine

Trọng Thành, RFI, 31/07/2024

Bộ Quốc phòng Nga hôm nay, 31/07/2024, thông báo quân đội nước này đã bắt đầu giai đoạn ba cuộc tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật. Tập trận diễn ra tại hai quân khu, quân khu trung tâm và quân khu miền nam, giáp với Ukraine.

uk2

Ảnh do Bộ Quốc phòng Nga công bố hôm 21/05/2024 : Một tên lửa Iskander được triển khai tại một địa điểm bí mật của Nga trong một cuộc tập dượt sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật của quân đội Nga. AP

AFP dẫn lại thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho hay, trong giai đoạn 3 của cuộc tập trận có sự tham gia của các hệ thống tên lửa địa đối địa Iskander-M, có tầm bắn từ 50 đến 200 km. Các quân nhân được huấn luyện để tiếp nhận và sử dụng những loại đạn "đặc biệt" cho các hệ thống tên lửa và phi cơ chiến đấu.

Quân khu miền nam Nga, nơi diễn ra cuộc tập trận này, bao gồm nhiều nước Cộng hòa tự trị thuộc Nga trong vùng Kavkaz, bán đảo Crimea của Ukraine bị Nga chiếm từ năm 2014, và bốn tỉnh miền đông và miền đông nam của Ukraine, mà Nga sáp nhập từ tháng 9/2022. Sở chỉ huy chiến dịch tấn công Ukraine, nằm tại thành phố Rostov trên sông Don, cũng thuộc quân khu nói trên.

Đây là lần đầu tiên Nga tập trận với vũ khí hạt nhân chiến thuật. Giai đoạn một và hai diễn ra hồi tháng 5 và tháng 6/2024. Theo điện Kremlin, quyết định tập trận hạt nhân chiến thuật được đưa ra hồi đầu tháng 5 để trả đũa việc một số nước phương Tây, trước hết là Pháp, tuyên bố có thể "đưa quân" hỗ trợ Ukraine, và việc chính quyền Anh cho phép Kiev sử dụng tên lửa do Luân Đôn cung cấp để tấn công sang đất Nga. Song song với cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật tại quân khu miền Nam, Nga cũng tiến hành một số đợt tập trận hạt nhân chiến thuật với quân đội Belarus trên lãnh thổ Belarus.

Theo chuyên gia quân sự Olivier Lepick, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược FRS, Nga có khoảng 2.000 đầu đạn hạt nhân chiến thuật trên tổng số gần 6.000 đầu đạn hạt nhân nói chung, so với khoảng 200 đầu đạn hạt chiến thuật của Mỹ. AP cho hay, hiện không có bất cứ cơ chế kiểm soát nào đối với loại vũ khí hạt nhân này. Vũ khí hạt nhân chiến thuật có sức công phá từ dưới một kiloton (kt) đến 50 kt. Một kt có sức công phá tương đương với 1.000 tấn thuốc nổ TNT. Trái bom nguyên tử phá hủy Hiroshima có sức công phá khoảng 15 kt.

Moskva hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật

Theo giới quan sát, cho đến nay vũ khí hạt nhân chiến thuật chưa từng được sử dụng trên thực địa. Kể từ đầu chiến tranh xâm lược Ukraine, Nga liên tục đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để gây áp lực răn đe phương Tây, nhằm hạn chế các hậu thuẫn quân sự của đồng minh cho Kiev. Về mặt chính thức, học thuyết hạt nhân của Nga chỉ cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân, bao gồm vũ khí hạt nhân chiến thuật, để "tự vệ" trong trường hợp Nga bị tấn công bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt, hay các cuộc tấn công bằng vũ khí quy ước "đe dọa sự tồn tại của Nhà nước Nga".

Tuy nhiên, gần đây Nga đã hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo Reuters, trong giai đoạn 1 của cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật đầu tiên cuối tháng 5/2024, Bộ Quốc phòng Nga cho biết mục đích của tập trận là để sẵn sàng "sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược nhằm ứng phó và bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ".

Trọng Thành

Additional Info

  • Author VOA, Thùy Dương, Trọng Thành
Published in Quốc tế

Bầu cử tổng thống Mỹ và tương lai Ukraine

Le Figaro ngày 29/07/2024 chạy tít trang nhất "Tương lai Ukraine bị ngưng đọng theo cuộc bầu cử tổng thống Mỹ". Trong khi chiến trường không có mấy biến chuyển, mọi sáng kiến chính trị, ngoại giao đều tạm ngưng trong khi chờ đợi kết quả cuộc song đấu giữa Kamala Harris và Donald Trump.

ukraine1

Ảnh minh họa : Một dây chuyền sản xuất đạn 155 ly tại Scranton, Pennsylvania, Hoa Kỳ, ngày 16/04/2024. Reuters - Kevin Lamarque

Chiến trường Ukraine gần như đóng băng

Cứ mỗi bốn năm, tất cả những hồ sơ quốc tế lớn đều được phủ lên một lớp băng, chỉ tan ra khi tên người chủ mới của Nhà Trắng được biết. Những bất ngờ liên tiếp trong chiến dịch bầu cử Mỹ và tình hình u ám trên chiến trường làm lớp băng này càng dày hơn thường lệ - ngoại trừ tại Crimea, nơi mà Ukraine tiếp tục tảo thanh, hầu như đã đuổi được toàn bộ Hạm đội Hắc Hải.

Quân Nga dù rất nỗ lực mặc cho số tử trận mỗi ngày từ 1.000 đến 1.200 lính ở đỉnh điểm trận Kharkiv, vẫn không xuyên phá được, chỉ gặm nhấm đất từ từ. Và không có vũ khí mầu nhiệm nào thay đổi được tình thế - theo chuyên gia Tatiana Kastoueva của IFRI. Từ đầu năm, phương Tây tỏ ra chần chừ. Viện trợ Mỹ còn tùy thuộc vào chiến thắng của đảng Dân Chủ, còn Châu Âu biết rằng không thể thay chân.

Giám đốc IFRI Thomas Gomart nhận định, Nga gặp khó trên chiến trường nhưng thắng lợi về ngoại giao với "các nước phương Nam". Nhiều nước lên án cuộc xâm lăng nhưng lại không trừng phạt Nga. Moskva kéo dài được cuộc chiến là nhờ có sự hỗ trợ về vũ khí, thiết bị quân sự của Trung Quốc, Iran và Bắc Triều Tiên ; còn về kinh tế Kremlin né được cấm vận nhờ ba nước trên cùng với Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Những "ổ khóa" được Biden đặt sẵn để bảo vệ Kiev

Trong bối cảnh trên, tổng thống Volodymyr Zelensky, mà uy tín không còn ở đỉnh cao như trước, đề nghị hội nghị hòa bình lần tới có sự tham gia của Nga - một hội nghị theo điều kiện của Ukraine. Không có chuyện chấp nhận từ bỏ chủ quyền bốn vùng lãnh thổ bị Nga chiếm bất hợp pháp và Crimea, cũng như việc gia nhập NATO – vì như vậy có nghĩa là đầu hàng. Quan điểm của ông được 83% dân chúng ủng hộ. Theo Le Figaro, với đề xướng này, tổng thống Ukraine vừa đánh tan tuyên truyền của Moskva rằng ông là trở ngại cho hòa bình, vừa tìm kiếm thêm ủng hộ của phương Nam, đồng thời đặt Nga trước trách nhiệm.

Nếu Donald Trump đắc cử, hầu như chắc chắn Ukraine sẽ bị ảnh hưởng. Chính quyền Biden đã đặt sẵn vài ổ khóa phòng hờ việc quay ngược chính sách đối ngoại, và luật ngày 16/12/2023 quy định nếu muốn đột ngột rời NATO phải có sự đồng ý của ít nhất 2/3 Thượng Viện. Tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington, các đồng minh cũng đã "NATO hóa" các kênh viện trợ quân sự để bảo vệ Ukraine. Nhưng Donald Trump vẫn có thể rời xa dần NATO, chần chừ trong việc áp dụng Điều 5. Joe Biden có lẽ là một trong những người đại diện cuối cùng cho khuynh hướng truyền thống coi trọng quan hệ với Châu Âu. Ở Hoa Kỳ, thế hệ mới nhìn sang Châu Á, hay chỉ chú tâm đến nội tình nước Mỹ.

Để Ukraine rơi vào tay Putin là xúi giục Trung Quốc chiếm Đài Loan  

Trong bài xã luận "Cái giá của hòa bình", Le Figaro nhận xét tuy quen thuộc với những sự kiện quốc tế, Volodymyr Zelensky rốt cuộc từ chối không đến Paris dự lễ khai mạc Thế vận hội. Có lẽ ông nghĩ rằng không khí lễ hội quá tương phản với những gì mà các chiến binh đang phải chịu đựng ở Ukraine, vốn không hề biết đến "ngưng bắn thế vận".

Con đường dẫn đến chiến thắng ngày càng bất định, người dân cảm thấy mỏi mệt, và một mùa đông trong bóng tối, giá lạnh đang chờ đón. Vladimir Putin, vốn trông cậy vào sự nản chí của phương Tây, có thể xoa tay hài lòng. Viễn cảnh Donald Trump quay lại, cộng thêm chủ trương biệt lập của J.D. Vance, gi ra cái giá mà phương Tây phi tr để mang li hòa bình. Trump nói rng ch cn 24 gi, có th hiu ngm rng qua vic buc Kiev phi nghe theo mnh lnh Kremlin. Còn Vance, ch mi chp chng v các vn đề quc tế, đòi "reset" (tái lp quan h) vi Moskva, để tp trung đối phó vi Trung Quc.

Phải chăng ông ta không biết số phận của Đài Loan và thái độ Bắc Kinh tùy thuộc vào sự ủng hộ Ukraine của phương Tây ? Từ bỏ hồ sơ này sẽ bị coi là dấu hiệu yếu đuối, với hậu quả cũng tai hại như vụ rút khỏi Afghanistan, được Putin cho là bật đèn xanh cho việc tấn công Ukraine. Đối với Châu Âu, thúc giục Kiev thương lượng đồng thời khóa chiếc vòi viện trợ sẽ là thảm họa địa chính trị. Chỉ có một nền hòa bình công chính cho Ukraine mới bảo đảm được sự thăng bằng trước trục Nga-Trung. Và hồi kết cho cuộc chiến chỉ có thể đạt được với điều kiện : vô cùng kiên quyết trước Putin.

Bốn yếu tố cần thiết cho Zelensky nếu đàm phán

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn Le Monde, tổng thống Phần Lan Alexander Stubb, vốn là người ủng hộ Ukraine, cho rằng đã đến lúc khởi đầu đàm phán. Ông khẳng định thương lượng không có nghĩa là phải nhượng bộ. Zelensky cần có bốn yếu tố trong tiến trình này. Trước hết là các lãnh thổ đang bị Nga chiếm, chỉ mình ông có thể quyết định. Tiếp theo, Ukraine cần bảo đảm an ninh,  phương Tây có thể giúp qua các hiệp định song phương và sắp tới là việc gia nhập NATO, Liên Hiệp Châu Âu (EU). Thứ ba là truy tố các tội phạm chiến tranh Nga và cuối cùng Zelensky cần được hỗ trợ để tái thiết đất nước.

Rõ ràng là Nga phải rút quân khỏi Ukraine, nhưng theo ông Stubb, đây không phải là điều kiện tiên quyết. Đang trong thế mạnh trước Nga, nếu muốn chấm dứt chiến tranh, Tập Cận Bình có thể gọi điện cho Putin để nói "Vậy đủ rồi !". Thực tế là 141 nước đã lên án việc Nga xâm lăng Ukraine tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, nhưng chỉ có khoảng 40 nước trừng phạt Moskva, trong số đó không có quốc gia nào ở Châu Mỹ la-tinh và Châu Phi. Tại Châu Á, chỉ có Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore áp dụng trừng phạt.

Tổng thống Phần Lan không quá lo sợ trước viễn cảnh Donald Trump chiến thắng. Hoa Kỳ là đồng minh quá quan trọng, nên vì lợi ích của đất nước, cần phải thích ứng với người đứng đầu nước Mỹ dù là ai. Nếu nhìn một cách lạc quan, Trump có lý khi buộc Châu Âu phải tăng ngân sách quân sự. Năm 2014, chỉ có 3 nước dành 2% GDP cho quốc phòng, nhưng nay con số này đã là 23. Trên thực tế, Trump đã gia tăng sự hiện diện của Mỹ tại Châu Âu trong nhiệm kỳ của ông. Tuy vẫn chủ trương biệt lập, nhưng siêu cường Mỹ vẫn cần Châu Âu để phát huy sức mạnh ở Trung Đông, Châu Á và Châu Phi. Kể cả Donald Trump.

Nguồn lực đang cạn dần

Tiền tuyến dần rạn vỡ trước sức ép của quân Nga, nhiều nơi chỉ vì Ukraine không có đủ nhân lực để trấn giữ, theo nhận xét của Le Figaro. Trên chiến trường, hai bên đều lo đón đầu sự xuất hiện của F-16. Không quân Ukraine tất bật chuẩn bị các căn cứ. Lâu nay Kiev vẫn chia nhỏ lực lượng, các phi cơ thường xuyên thay đổi địa điểm. Nhưng việc bảo trì F-16 cần những cơ sở hạ tầng đặc thù và phi đạo hoàn hảo, những hoạt động này có thể bị tình báo địch nhận ra. Những tuần lễ gần đây Nga liên tục tấn công vào các căn cứ không quân của Ukraine như Starokostiantyniv hay Myrhorod.

Phóng sự của Le Monde cho biết việc tìm diệt drone Nga là thách thức lớn nhất của Ukraine hiện nay. Lực lượng hùng hậu những cỗ máy do thám của Nga có mặt khắp nơi khiến khó thể che giấu vũ khí và các chiến binh, cũng như việc chuẩn bị vào trận. Trong khi đó, nguồn tiền đóng góp của người dân giảm dần. Một người lính ở Kharkiv cho biết họ rất cần xe hơi để chuyển đạn dược : mỗi hộp đạn nặng 16 ký, các chiến binh phải đi hai, ba cây số trong đêm để tải đạn ra mặt trận. Không có xe cơ giới, họ đành phải chuyển đạn bằng xe đạp.

Paris chấp nhận thử thách

Về Thế vận hội Paris 2024, bên cạnh những khen ngợi về lễ khai mạc, cũng có không ít chỉ trích về một số điểm trong chương trình.  Xã luận của Le Monde cho rằng "Chấp nhận thách thức, ‘Paris vẫn là lễ hội’". Hồi năm 2008, Trung Quốc đã tránh mưa bằng cách bắn lên trời hàng trăm hỏa tiễn chứa hóa chất để đuổi đi những đám mây đe dọa lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh. Hôm thứ Sáu 26/07, Paris đã để tự nhiên, nhưng trận mưa trút xuống sông Seine không làm giảm đi nhiệt tình của các vận động viên lẫn nghệ sĩ.

Lần đầu tiên trong lịch sử Thế vận hội được tổ chức bên ngoài sân vận động, lại bị phá hoại, Paris vẫn vượt qua thách thức. Tờ báo hoan nghênh 2.000 diễn viên, các thần tượng thể thao tham gia chương trình, hàng mấy chục ngàn người Pháp và người ngoại quốc, lực lượng an ninh với nụ cười thường trực và trao đổi bằng tiếng Anh, đã đội mưa dọc theo bờ sông Seine chào đón vận động viên các nước.

Lễ khai mạc thế vận bị chỉ trích vì drag-queen nhại "Tiệc ly"

Nhưng hoạt cảnh nhại lại bức tranh "Tiệc ly" (Cène/Ultima Cena) nổi tiếng đã làm dấy lên một làn sóng chỉ trích trong và ngoài nước Pháp. Trong khi tờ báo thiên tả Libération bênh vực, nhật báo công ciáo La Croix chỉ đề cập một cách nhẹ nhàng, còn nhật báo cánh hữu Le Figaro thuật lại đầy đủ các phản ứng.

Trọng tâm của những phê phán là việc đặt DJ Leslie Barbara Butch, một nhà đấu tranh LGBT và là người đồng tính nữ, ngồi ở vị trí giữa chiếc bàn dài với hào quang trên đầu như Chúa Giêsu, hai bên là mười mấy drag-queen, như mười hai thánh tông đồ trong bức tranh bậc thầy của Leonardo da Vinci. Trước quy mô của cuộc tranh luận, các nhà tổ chức Paris 2024 đành lên tiếng xin lỗi, nói rằng "không có ý định thiếu tôn trọng trước các nhóm tôn giáo".

Giám đốc nghệ thuật Thomas Jolly biện minh là ông không lấy cảm hứng từ Tiệc ly - bữa tiệc cuối cùng giữa Chúa Giêsu và các tông đồ trước khi bị đóng đinh trên thập giá - mà từ Dionysos, thần của lễ hội và rượu vang. Nhưng drag-queen Piche, người tham gia hoạt cảnh, thì đó là nhằm "mang lại một cái nhìn mới", và phàn nàn đã có nhiều màn diễn lại nhưng không bị chỉ trích như giới LGBT.

Làm tổn thương người Công giáo, nhưng liệu có dám với Hồi giáo ?

Ngay khi buổi lễ chưa kết thúc, trên mạng xã hội đã sôi sục. Marion Maréchal, chính khách cực hữu viết trên X : "Gởi đến tất cả những người Công giáo trên thế giới đang xem lễ khai mạc và cảm thấy bị lăng nhục khi các drag-queen chế giễu Tiệc ly, nên biết rằng đó không phải là nước Pháp đang nói với các bạn". Lãnh tụ cực tả Jean-Luc Mélenchon dù không chỉ trích việc báng bổ, đặt câu hỏi : "Gây tổn thương cho các tín đồ để làm gì ?".

Hôm sau, Hội đồng giám mục Pháp tỏ ý tiếc về "sự quá đáng và khiêu khích", giám mục Emmanuel Gobilliard chuyên trách trong Thế vận hội nói rằng ông cảm thấy bị thương tổn sâu sắc. "Quyền báng bổ, không sao cả, nhưng trong khuôn khổ một vở kịch thông thường tại nhà hát". Nhiều người bất bình vì diễn ra trong tầm vóc toàn cầu của sự kiện. Tương tự đối với nhiều đại diện của giáo hội các nước. Linh mục Guillermo Serra ở Madrid cho biết rất ngạc nhiên, và tự hỏi liệu có dám hành động tương tự với Coran và Mahomet hay không, rõ ràng là không.

Bên kia Đại Tây Dương, chủ tịch Hội đồng giám mục Mỹ Andrew Cozzens tố cáo một màn trình diễn "thô bỉ", trong khi có liên quan đến Bí tích Thánh Thể rất thiêng liêng của người Công giáo. Vẫn ở nước ngoài, đến lượt những người không theo đạo cũng lên tiếng, được Le Figaro trích dẫn. Ngoài tỉ phú Elon Musk, chủ tịch Hạ Viện Mỹ Mike Johnson tố cáo : "Cuộc chiến chống lại đức tin và các giá trị truyền thông nay không còn giới hạn nào nữa". Ông kết luận bằng một câu của Thánh Gioan trong Kinh Thánh : "Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không thắng nổi ánh sáng".

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế

Mỹ cấp thêm 1,7 tỷ đô la viện trợ quân sự cho Ukraine

Chi Phương, RFI, 30/07/2024

Quan chức Mỹ hôm qua, 29/07/2024, thông báo Washington sẽ cấp thêm 1,7 tỷ đô la viện trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm các loại đạn cho hệ thống phòng không, các tên lửa chống tăng và chống hạm.

uk1

Dàn phóng tên lửa HIMARS của Mỹ được sử dụng tại Ukraine vào đầu cuộc chiến chống xâm lược Nga. Ảnh được cung cấp cuối tháng 6/2022. © Pavlo Narozhnyy via Reuters

Trong gói viện trợ này, 1,5 tỷ đôla là tài trợ thông qua các hợp đồng dài hạn trong khuôn khổ Sáng kiến ​​H tr An ninh Ukraine và s được đặt hàng để sn xut. 200 triu đôla là vin tr quân s ngay lp tc, được trích trc tiếp t kho vũ khí ca Lu Năm Góc. Bộ Quốc phòng M nêu rõ là s cung cp cho Kiev các loi tên la như Himars, Javelin, hay h thng tên la địa đối không NASAMS.

Các vũ khí được viện trợ trong hợp đồng dài hạn bao gồm đạn tầm ngắn và tầm trung cho các hệ thống phòng không, cùng các thiết bị tác chiến điện tử, hệ thống liên lạc an toàn và dịch vụ hình ảnh vệ tinh thương mại. Tuy nhiên, do quá trình ký hợp đồng phức tạp, các vũ khí và phương tiện này phải đợi nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, mới được đưa ra chiến trường ở Ukraine.

Với gói viện trợ thứ 9 này, như vậy là Hoa Kỳ đã hỗ trợ Ukraine tổng tộng 55,4 tỷ đôla, tính từ đầu cuộc xâm lược của Nga vào năm 2022. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng John Kirby, được AFP trích dẫn, nhận định "có nhiều lo ngại chính đáng về khả năng Nga đạt những bước đột phá chiến lược trên chiến trường vào mùa hè này, nhưng kể từ khi gói viện trợ cho Ukraine được thông qua cuối tháng 4 vừa qua, khả năng phòng thủ của Ukraine đã được tăng cường, lực lượng Ukraine cũng đã đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của Moskva".

Về hình hình chiến sự, hôm nay, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã chiếm thêm một làng ở vùng Donetsk, miền đông Ukraine, sau khi hôm qua cho biết đã "giải phóng" một làng khác cũng tại vùng này. Quan chức Kiev cho biết lực lượng Nga đã tăng cường tấn công, tiến đến gần đô thị Pokrovsk chiến lược, tại mặt trận miền đông, đe dọa tuyến đường cung cấp hậu cần cho binh lính Ukraine.

Chi Phương

*************************

Nhiều cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga bị drone Ukraine nhắm trúng

Thùy Dương, RFI, 29/07/2024

Trong đêm Chủ nhật rạng sáng thứ Hai 29/07/2024, nhiều vụ tấn công của Ukraine bằng drone đã nhắm trúng các cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga gần biên giới với Ukraine.

uk2

Khói bốc lên sau cuộc tấn công bằng drone của Ukraine vào nhà máy lọc dầu Tuapse, vùng Krasnodar, Nga, ngày 22/07/2024 © Video Obtained by Reuters/via Reuters

Theo kênh Telegram Pepel Belgorod, được báo Pháp Le Monde trích dẫn, một vụ hỏa hoạn đã bùng lên tại một trạm biến áp ở Tomarovka, gần Belgorod. Kênh Telegram Astra loan tin người dân cho biết đã nhìn thấy drone bay trong đêm và nghe thấy những tiếng nổ. Cũng trong đêm qua, Andrei Klitchkov, thống đốc vùng Oriol của Nga, thông báo các vụ tấn công bằng drone đã làm hư hại một nhà máy điện ở thành phố Glazunovka. Thống đốc vùng Kursk cho biết một kho chứa dầu đã bốc cháy vào sáng Chủ nhật 28/07 sau một vụ tấn công bằng drone của Ukraine.

Bộ quốc phòng Nga thì thông báo đêm qua đã hạ được 19 drone của Ukraine trên bầu trời các vùng biên. Xin nhắc lại là các vụ tấn công bằng drone của các lực lượng Ukraine nhắm vào các kho dầu, nhà máy lọc dầu hoặc các cơ sở năng lượng ở Nga diễn ra thường xuyên, đặc biệt là ở các vùng biên.

Hôm nay, Le Monde cũng trích dẫn báo Mỹ Washington Post, theo đó, những chiến đấu cơ F-16 chuẩn bị được chuyển đến Ukraine, nhưng số lượng không được tiết lộ. Tổng cộng 80 chiến đấu cơ F-16 đã được các nước Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy hứa viện trợ cho Kiev, nhưng đa phần sẽ phải chờ vài năm mới được giao.

Washington Post nhấn mạnh các lãnh đạo Ukraine và phương Tây trước đây từng kỳ vọng là F-16 của Mỹ có thể giúp Kiev làm thay đổi cục diện, nhưng thực tế là sẽ có khó tác động ngay lập tức trên chiến trường, do số chiến đấu cơ hạn chế (dưới 20) và sẽ chỉ có 6 phi công Ukraine hoàn thành khóa huấn luyện ngay từ mùa hè này. Điều này có nghĩa là những chiến đấu cơ F-16 đầu tiên Ukraine nhận được sẽ được dùng để tăng cường năng lực phòng không của Ukraine, bắn hạ các mục tiêu trên không như tên lửa, drone và phi cơ, chứ không phải để tấn công các lực lượng trên mặt đất của Nga và các nguồn lực quân sự khác của đối phương gần mặt trận.

Trong khi đó, hôm qua tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tổng kết trong tuần qua Nga đã tấn công Ukraine với khoảng 700 quả bom dẫn đường và hơn 100 drone Shahed. Ông Zelensky kêu gọi các nước đồng minh chuyển thêm cho Ukraine tên lửa tầm xa và các hệ thống phòng không.

Thùy Dương

****************************

Lực lượng tên lửa của Ukraine đánh trúng căn cứ không quân Nga ở Crimea

VOA, 27/07/2024

Ukraine nói hôm thứ Sáu 26/7 rằng lực lượng tên lửa của họ đã tấn công một sân bay quân sự của Nga ở Crimea, nơi được sử dụng cho các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào Ukraine. Đây là trận đánh mới nhất trong một loạt những đòn tấn công nhằm vào quân đội Nga trên bán đảo bị chiếm đóng.

crimea1

Những hình ảnh do công ty Planet Labs thu thập cho thấy có vẻ như 8 máy bay chiến đấu bị phá hủy ngày 9/8/2022. Planet Labs PBC / AP - Ảnh minh họa

Ukraine đã đẩy mạnh các cuộc tấn công tầm xa vào Crimea trong những tháng gần đây và nói rằng Hạm đội Biển Đen của Hải quân Nga, có bản doanh ở Sevastopol, đã buộc phải di chuyển các tàu chiến của họ đến bến cảng an toàn hơn ở nơi khác.

Bộ tham mưu quân đội Ukraine nói trong một tuyên bố rằng sân bay Saky của Nga ở phía tây Crimea là mục tiêu mới nhất bị tấn công và họ đang đánh giá kết quả.

"Đây là một trong những sân bay đang hoạt động mà Nga sử dụng để kiểm soát không phận, đặc biệt là Biển Đen, và để tiến hành các cuộc không kích vào lãnh thổ Ukraine", cơ quan tham mưu này nói.

Tuyên bố không cho biết loại vũ khí nào đã được sử dụng nhưng cho hay cuộc tấn công do lực lượng tên lửa Ukraine tiến hành cùng với các lực lượng dự phòng khác. Bộ Quốc phòng Nga chưa đưa ra bình luận ngay lập tức, các quan chức địa phương do Moscow dựng lên cũng vậy.

Tổng thống Volodymyr Zelenskyy ngầm xác nhận về cuộc tấn công trong bài phát biểu bằng video hàng đêm của ông, khen ngợi "những người lính của chúng ta đang tấn công các căn cứ và hậu cần của Nga trên lãnh thổ bị chiếm đóng".

"Gửi tới các chàng trai, các chiến sĩ của chúng ta, tôi cảm ơn về đòn đánh chính xác của các bạn".

Gần 2 năm rưỡi diễn ra cuộc xâm lược toàn diện của Nga, Ukraine tuyên bố trong những tháng gần đây là họ đã tấn công một loạt hệ thống phòng không Nga được triển khai ở Crimea, như các đơn vị S-300 và S-400.

Hôm 23/7, Ukraine cho hay họ đã làm hư hại đáng kể chiếc phà chở hàng cuối cùng của Moscow có khả năng chở các toa tàu từ vùng Krasnodar của Nga tới Crimea, gây trở ngại cho các tuyến tiếp liệu của Nga tới bán đảo này.

Kyiv nói rằng phà này đã được sử dụng cho mục đích quân sự. Hải quân Ukraine cũng nói rằng cuộc tấn công đã buộc Nga phải rút toàn bộ tàu chiến khỏi Biển Azov.

Ukraine cho biết họ đã diệt hoặc làm hư hại 27 tàu chiến Nga ở Biển Đen và gần Crimea trong chiến tranh. Người phát ngôn hải quân Ukraine hồi đầu tháng nói rằng người ta nhìn thấy tàu tuần tiễu hải quân cuối cùng của Nga đã rời khỏi bán đảo.

Nguồn : VOA, 27/07/2024

Additional Info

  • Author VOA tiếng Việt
Published in Quốc tế

Ukraine đổi chiến lược "vừa đánh vừa đàm" với Nga vì nhiều đồng minh phương Tây bị khủng hoảng ?

Thu Hằng, RFI, 17/07/2024

Sau hai năm gạt Nga ra bên lề do thất bại của cuộc đàm phán không chính thức ở Thổ Nhĩ Kỳ, mùa xuân 2022, cũng như không mời Nga tham dự Thượng đỉnh về Hòa bình cho Ukraine, tổ chức ở Thụy Sĩ, tháng 06/2024, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky giờ đây muốn mời Nga tham dự Thượng đỉnh lần thứ hai, tổ chức tháng 11 năm nay. Nga tỏ ra dè chừng nhưng không bác bỏ. Phải chăng Ukraine muốn "vừa đánh vừa đàm" trong bối cảnh không thuận lợi về quân và ngoại giao ?

uk1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy phát biểu trước các quân nhân khi đến thăm một trung tâm huấn luyện pháo binh, trong bối cảnh Nga tấn công Ukraine, tại một địa điểm không được tiết lộ ở Ukraine ngày 3/11/2023. via Reuters – Server Presidential Ukrainian

Lần đầu tiên kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, tổng thống Zelensky "dịu giọng". Trả lời họp báo ngày 15/07, khi đề cập đến hội nghị vì hòa bình nguyên thủ Ukraine cho rằng nên có sự tham dự của "đại diện phía Nga" mà không đặt ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào, ví dụ yêu cầu quân Nga rút hết khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Ukraine.

Thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine lần thứ nhất đã không mang lại kết quả cụ thể, ngoài những lời động viên, hứa sát cánh và hỗ trợ Ukraine. Theo giới phân tích, điều này dễ hiểu vì Nga, bên tham chiến trực tiếp, không có mặt và nhiều đối tác của Nga không tham dự.

Ukraine : Nạn nhân của các đấu đá chính trị ở nhiều nước đồng minh

Chỉ trong vòng một tháng, cục diện chính trị ở những nước ủng hộ chủ chốt bị xáo trộn theo hướng bất lợi cho Kiev. Pháp rơi vào khủng hoảng chính trị từ sau cuộc bầu cử Hạ Viện đầu tháng 07, và hiện nay gần như vô chính phủ. Sẽ không có một quyết định nào về viện trợ cho Ukraine được đưa ra từ nay cho ít nhất đến hết Thế Vận Hội. Liên Hiệp Châu Âu có Nghị Viện mới với phe cực hữu thân Nga và phản đối viện trợ cho Ukraine chiếm nhiều ghế hơn.

Hoa Kỳ vừa trải qua cú sốc sau vụ ám sát hụt cựu tổng thống Donald Trump. Ông được đảng Cộng hòa chính thức đề cử ra tranh chức tổng thống, với số phiếu gần như tuyệt đối. Việc ông lựa chọn thượng nghĩ sĩ trẻ J. D. Vance của bang Ohio, liên danh phó tổng thống thể hiện rõ ý định đoạn tuyệt với chính sách trợ giúp hào phóng cho Ukraine. Tại Hội nghị An ninh Munich tháng 02/2024, thượng nghị sĩ Vance thẳng thừng phản đối viện trợ quân sự cho Ukraine và đe dọa châu Âu không nên trông đợi vào Mỹ để bảo vệ lục địa. Đương kim tổng thống Joe Biden, người ủng hộ mạnh mẽ Ukraine, đang phải đối mặt với những lời kêu gọi rút lui khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng vì tình trạng sức khỏe.

Phương Tây tiếp tục ủng hộ chính trị và quân sự cho Ukraine được bao lâu trong bối cảnh khủng hoảng nội bộ như vậy ? Một số nhà phân tích, được AP trích dẫn ngày 16/07, cho rằng "hai đến ba tháng tới rất có thể là những tháng khó khăn nhất trong năm nay đối với Ukraine".

Viện trợ vũ khí bị chậm vì khủng hoảng chính trị

Ukraine cần tới 25 hệ thống phòng không Patriot để bảo vệ toàn bộ không phận, nhưng sắp tới chỉ nhận được 4 hệ thống từ Mỹ và các đồng minh. Kho đạn dược bị tiêu hao cũng cần thời gian để được bổ sung trong khi vũ khí, khí tài lại là yếu tố giúp Ukraine kháng cự phần nào trên chiến trường. Chỉ riêng khoảng thời gian 6 tháng chậm viện trợ từ phía Mỹ đã giúp Nga mở thêm mặt trận ở vùng Kharkiv, đông bắc Ukraine, trong khi vẫn duy trì áp lực ở vùng Donetsk miền đông và Zaporijjia ở miền nam. Gần 20% diện tích Ukraine hiện bị Nga chiếm giữ.

Để kéo dài thời gian trong khi chờ đợi tiếp viện, Ukraine đổi sang chiến lược phòng thủ "đàn hồi", có nghĩa là buộc quân Nga phải tiêu hao lực lượng để chiếm được một số địa phương. Nhưng theo giới phân tích, đây không phải là chiến lược "khôn ngoan" vì tổng thống Putin tự tin rằng cuộc chiến tiêu hao sẽ làm nhụt chí phương Tây gửi hàng chục tỉ đô la viện trợ cho Kiev, trong khi Nga không tiếc tiền và nhân mạng để quyết tâm giành chiến thắng.

Ngày 15/07, khi được hỏi về phát biểu của tổng thống Ukraine, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nhắc lại "nếu họ (Ukraine) muốn mời Nga họp thượng đỉnh, chúng tôi (Hòa Kỳ) sẽ ủng hộ họ". Nhưng nếu nhìn vào phát biểu ngày 15/07 của tổng thống Zelensky, không có chuyện "đình chiến" trong "kế hoạch" cho "hòa bình công bằng" ở Ukraine. Ông nhấn mạnh vào ba chủ đề lớn : an ninh năng lượng của Ukraine, tự do lưu thông ở Biển Đen - vấn đề quan trọng đối với xuất khẩu của Ukraine và trao đổi tù binh.

Điện Kremlin chưa chính thức trả lời nhưng theo giới quan sát, hiện giờ rất khó hình dung ra được viễn cảnh hòa bình vì các điều kiện mà Nga và Ukraine đưa ra quá khác nhau.

Thu Hằng

**************************

Nga dè chừng ý tưởng tổ chức họp thượng đỉnh "vì hòa bình" của Ukraine

Thu Hằng, RFI, 17/07/2024

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai vì hòa bình vào tháng 11/2024 và mời đại diện Nga tham gia để trình bày "một kế hoạch" cho "một nền hòa bình công bằng". Ngày 16/07, Moskva không phản đối nhưng tỏ ra dè chừng về ý tưởng này.

uk2

Phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitry Peskov, trong một cuộc họp báo, Moskva, ngày 05/07/2024. Reuters - Evgenia Novozhenina

Thông tín viên RFI Anissa El Jabri tại Moskva cho biết thêm về phản ứng của Nga :

Moskva vẫn thường xuyên chê bai hội nghị vì hòa bình được tổ chức vào tháng 6 ở Thụy Sĩ. Trước cả khi diễn ra, Nga đã đánh giá hội nghị này là "vô ích" và không thể có kết quả nếu không có họ tham gia. Đến trước ngày diễn ra hội nghị, tổng thống Vladimir Putin lại tìm cách phá cuộc đàm phán ngoại giao khi nhắc lại những yêu cầu của Nga, được đánh giá như là những đòi hỏi buộc Kiev và các đồng minh của Ukraine đầu hàng.

Lần này, về đề nghị của tổng thống Ukraine tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh với các đại diện của Nga, phía Moskva không thể từ chối thẳng thừng nhưng rất thận trọng. Người phát ngôn điện Kremlin Dimitri Peskov phát biểu : "Thượng đỉnh về hòa bình đầu tiên không phải là một thượng đỉnh về hòa bình. Vì vậy, rõ ràng trước tiên phải hiểu được ý ông ấy (Zelensky) muốn nói gì".

Phát biểu của ông Peskov rất ngắn vì hiện giờ rất khó để hình dung ra được viễn cảnh hòa bình. Điều kiện được mỗi bên đưa ra rất khác nhau. Trong khi tại Nga, mọi ánh mắt đổ dồn về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ".

Cựu tổng thống Nga Dmitri Medvedev, hiện là phó chủ tịch Hội đồng An ninh, vẫn nổi tiếng với những phát biểu "diều hâu", tuyên bố rằng việc Ukraine gia nhập NATO đồng nghĩa với lời tuyên chiến chống Moskva. Trong cuộc trả lời phỏng vấn tuần báo Argumenty I Fakty, đăng ngày 17/07, ông Medvedev cảnh báo "càng có nhiều âm mưu như vậy, cách đáp trả của chúng ta càng cứng rắn hơn. Việc này có thể khiến hành tinh bùng nổ hay không chỉ phụ thuộc vào sự thận trọng bên phía NATO".

Thu Hằng

************************

Tổng thống Zelensky muốn Nga tham dự hội nghị hòa bình cho Ukraine

Minh Phương, RFI, 16/07/2024

Hôm 15/07/2024, trong cuộc họp báo ở Kiev, tổng thống Volodymyr Zelensky lần đầu tiên tuyên bố muốn Moskva tham dự hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine vào tháng 11 tới. Nhưng phía Nga tỏ vẻ nghi ngờ về đề xuất của ông Zelensky. 

uk3

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky họp báo tại Kiev ngày 15/07/2024. AP - Efrem Lukatsky

Trước đó, hội nghị đầu tiên đã được tổ chức vào giữa tháng 6 tại Thụy Sĩ, với sự tham dự của hàng chục quốc gia, nhưng Nga đã không được mời.

Ông Zelensky cho biết : "Tôi nghĩ rằng các đại diện của Nga nên tham gia hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai này". Sau gần hai năm rưỡi chiến tranh, đây là lần đầu tiên tổng thống Ukraine thể hiện mong muốn đàm phán với Moskva mà không đặt điều kiện tiên quyết là Nga phải rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine. Trước đây, ông từng tuyên bố không muốn thảo luận với Moskva chừng nào Vladimir Putin còn nắm quyền và thậm chí còn ký sắc lệnh xem việc đàm phán với Nga là "bất hợp pháp". 

Tổng thống Zelensky cũng khẳng định đặt mục tiêu là đến tháng 11 tới, Kiev sẽ đưa ra "một kế hoạch đầy đủ" cho "một nền hòa bình công bằng". Nguyên thủ Ukraine không nói đến việc chấm dứt chiến sự, mà chỉ đề cập đến việc thiết lập kế hoạch về ba lĩnh vực chính : an ninh năng lượng, sau khi các cơ sở hạ tầng của Ukraine bị tàn phá do các vụ ném bom của Nga, tự do hàng hải ở Hắc Hải, một vấn đề quan trọng đối với xuất khẩu của Ukraine và cuối cùng là trao đổi tù binh. Theo AFP, Nga hiện vẫn chiếm đóng gần 20% lãnh thổ Ukraine và triển vọng về một lệnh ngừng bắn hay hòa bình lâu dài giữa Kiev và Moskva sẽ khó có thể xảy ra ở giai đoạn hiện nay. 

Đáp lại đề xuất của tổng thống Zelensky, phía Nga tỏ vẻ nghi ngờ và cho biết trước tiên họ cần hiểu hội nghị hòa bình mà Kiev nhắc tới là gì, trước khi chấp nhận tham gia đàm phán. Trên kênh truyền hình Nga Zvezda, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm nay trả lời : "Hội nghị thượng đỉnh hòa bình đầu tiên hoàn toàn không phải là hội nghị thượng đỉnh hòa bình. Vì vậy, có lẽ trước hết cần phải hiểu ý của ông ấy (Zelensky) là gì".

Cũng trong ngày hôm qua, trả lời phỏng vấn đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, tướng Pat Ryder tái khẳng định rằng Hoa Kỳ không cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa mà Mỹ đã cấp cho quân đội Kiev để oanh kích vào lãnh thổ Nga. Ông nói : "Gần đây chúng tôi đã cho phép Ukraine sử dụng đạn pháo của Mỹ ở phía bên kia biên giới để đáp trả và phòng thủ. Nhưng chính sách của chúng tôi về tên lửa tầm xa vẫn không thay đổi (…) Chúng tôi muốn tránh những hậu quả không lường trước được, như một sự leo thang căng thẳng có thể biến cuộc xung đột này thành một cuộc đối đầu rộng hơn, vượt ra ngoài biên giới Ukraine".

Về tình hình chiến sự, Ukraine cho biết máy bay Nga hôm qua đã thả hai quả bom nặng 250 kg xuống tỉnh Donetsk khiến 5 người bị thương, ba cơ sở kinh doanh, một cơ sở hạ tầng và một ngôi nhà đã bị hư hại nặng. 

Minh Phương

Additional Info

  • Author Thu Hằng, Minh Phương
Published in Quốc tế

Thượng đỉnh NATO ở Washington đưa ra những cam kết mới hỗ trợ Ukraine

Thanh Phương, RFI, 12/07/2024

Hội nghị thượng đỉnh của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO đánh dấu 75 năm tồn tại của khối quân sự này đã bế mạc hôm qua, 11/07/2024, tại Washington, Hoa Kỳ, sau khi đưa ra nhiều cam kết mới yểm trợ Ukraine chống quân xâm lược Nga. 

240710g-summit-nac

Lần đầu tiên, một bức ảnh tại hội nghị thượng đỉnh Washington chụp lại toàn bộ phái đoàn của 32 quốc gia thành viên NATO (9/7/2024)

Các nước đồng minh đã thông báo sắp chuyển giao cho Kiev các chiến đấu cơ F-16 do Mỹ chế tạo, các hệ thống phòng không mới, cam kết một khoản viện trợ quân sự ít nhất là 40 tỷ euro, đồng thời xác định tiến trình Ukraine gia nhập NATO là "không thể đảo ngược được". 

Theo hãng tin AFP, là khách mời danh dự của thượng đỉnh Washington, tổng thống Volodymyr Zelensky hôm qua đã bày tỏ hy vọng là 5 hệ thống phòng không mà khối NATO hứa cung cấp sẽ nhanh chóng được đưa đến Ukraine, để giúp Kiev chống trả các cuộc oanh kích của quân Nga. Ông cũng kêu gọi các nước thành viên của Liên Minh bãi bỏ các hạn chế về việc sử dụng vũ khí của những nước này để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga. 

Nhiều nước trong NATO cho tới nay vẫn hạn chế việc sử dụng các vũ khí mà họ cung cấp cho Kiev. Ví dụ Đức lo ngại leo thang xung đột với Nga. Riêng Hoa Kỳ thì đã nới lỏng các hạn chế, nhưng vẫn không để cho lực lượng Ukraine toàn quyền sử dụng các vũ khí của Mỹ.

Trong một tuyên bố, các lãnh đạo khối NATO đã bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" về "vai trò mang tính quyết định" của Trung Quốc yểm trợ Nga kể từ khi tổng thống Putin phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine. 

Bên lề thượng đỉnh NATO, Nhà Trắng hôm qua thông báo kể từ 2026, Hoa Kỳ sẽ triển khai trên lãnh thổ nước Đức các tên lửa tầm xa, có thể bắn tới các mục tiêu xa hơn so với hệ thống tên lửa của Mỹ hiện được bố trí ở Châu Âu. 

Đối với Nga, các thông báo nói trên cũng như việc NATO tăng cường yểm trợ cho Ukraine là bằng chứng cho thấy khối quân sự này đã can dự "trực tiếp" vào Ukraine và quay trở lại thời kỳ "Chiến tranh lạnh". 

Thanh Phương

***********************

NATO trực tiếp công kích Trung Quốc giúp Nga xâm lược Ukraine

Thanh Hà, RFI, 11/07/2024

Trung Quốc đã hỗ trợ Nga trong chiến tranh Ukraine và hành động này mang tính "quyết định". Trong cuộc họp báo hôm 10/07/2024, tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO đã nêu rõ "trách nhiệm" của Bắc Kinh trong cuộc xung đột mà Nga tiến hành "một cách bất hợp pháp". Phát biểu này được đưa ra một ngày trước khi 32 thành viên khối NATO thảo luận với các đối tác Châu Á -Thái Bình Dương.

nato2

Tại Trung tâm Hội nghị Washington, Washington DC, Mỹ vào ngày 10/7/2024, các nguyên thủ của các quốc gia thành viên NATO chụp ảnh chung trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập NATO. (Nguồn ảnh : Ludovic Mảin/AFP via Getty Images)

Theo hãng tin Anh Reuters, trong thông cáo chung của thượng đỉnh được tổ chức tại Washington đánh dấu 75 năm thành lập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, các bên nhấn mạnh đối tác chiến lược giữa Nga và Trung Quốc đang làm dấy lên "mối quan ngại sâu sắc". Những hỗ trợ từ phía Bắc Kinh mang tính "quyết định" tăng thêm sức mạnh cho cỗ máy chiến tranh của tổng thống Vladimir Putin. Lập trường cứng rắn chưa từng thấy của NATO đã được thể hiện qua phát biểu của tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg với báo chí hôm qua : 

"Trung Quốc cung cấp các thiết bị lưỡng dụng, từ vi mạch điện tử đến nhiều công cụ khác để giúp Nga chế tạo tên lửa, bom, máy bay và nhiều loại vũ khí dùng để tấn công Ukraine. Một khi điều này chính thức được phơi bày ra ánh sáng, tất cả các đồng minh trong NATO đều biết, thì đây là một thông điệp quan trọng gửi đến Trung Quốc.

Đương nhiên đối với chúng tôi, mọi việc không thể tiếp tục như vậy mà không ảnh hưởng gì đến lợi ích, đến uy tín của Trung Quốc. Dù vậy, quyết định sau cùng tùy thuộc vào mỗi thành viên. Theo tôi, thông điệp mà NATO đưa ra nhân thượng đỉnh lần này rất rõ ràng và rất mạnh. Và chúng tôi nêu bật trách nhiệm của Trung Quốc trong cuộc xâm lược Ukraine mà Nga tiến hành".

Như chính ông Stoltenberg vừa giải thích, NATO không có thẩm quyền trừng phạt Trung Quốc, nhưng khối này yêu cầu Bắc Kinh ngừng hỗ trợ Moskva cả về vật chất lẫn chính trị. Ngoài ra, NATO đánh giá Bắc Kinh tiếp tục đặt ra những "thách thức có hệ thống", đặc biệt là trong các lĩnh vực không gian, hạt nhân.

Phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc

Trung Quốc hôm 11/07/2027 đã lập tức đáp trả. Thông cáo của bộ Ngoại Giao nước này chỉ trích NATO có những lời lẽ hung hăng "như vào thời kỳ chiến tranh lạnh". Bắc Kinh cho rằng Liên Minh Bắc Đại Tây Dương khơi dậy mối đe dọa Trung Quốc để kích động những xung đột và đối đầu trên thế giới. Cũng theo quan điểm của Bắc Kinh, thay vì lên án Trung Quốc hỗ trợ Nga xâm chiếm Ukraine, phương Tây "nên nghĩ lại xem nguồn gốc cuộc xung đột này là từ đâu".

Căng thẳng bùng lên vào ngày cuối của hội nghị Washington, với 32 thành viên NATO họp với 4 nước Châu Á Thái Bình Dương Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand. Bắc Kinh coi cuộc họp bên lề thượng đỉnh Washington này là "một cái cớ để NATO mở rộng ảnh hưởng sang Châu Á".

Thanh Hà

***************************

NATO liên tiếp thông báo viện trợ quân sự cho Ukraine chống Nga

Thu Hằng, RFI, 11/07/2024

Ukraine sắp nhận được những chiến đấu cơ F-16 đầu tiên và sẽ nhận thêm 40 tỉ euro viện trợ cho năm 2025, việc nước này gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO là "tiến trình không thể đảo ngược được". Ngày 10/07/2024, trong ngày họp đầu tiên của thượng đỉnh NATO ở Washington, tổng thống Volodymyr Zelensky đã nhận được những cam kết vững chắc từ các đồng minh để ngăn cản Nga giành chiến thắng.

nato3

Tổng thống Joe Biden phát biểu trong phiên khai mạc thượng đỉnh NATO ngày 10/07 2024, tại Washington, Hoa Kỳ. AP - Evan Vucci

Theo AFP, ngay trong phiên khai mạc, nhiều nước thông báo đã bắt đầu chuyển chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine. Cụ thể, theo ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, những chiến đấu cơ này đến từ Đan Mạch, Hà Lan và "sẽ bay trên bầu trời Ukraine mùa hè này". Hoa Kỳ và Ukraine cũng đàm phán về khả năng cho phép sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất để tấn công lãnh thổ Nga.

Ngoài ra, hệ thống phòng không Ukraine sẽ được củng cố nhờ nhiều thiết bị khác mà Bỉ và Na Uy cam kết cung cấp để ngăn các vụ tấn công liên tiếp bằng tên lửa của Nga nhắm vào các thành phố, công trình hạ tầng cơ sở ở Ukraine. Trước đó, tổng thống Joe Biden cho biết Kiev sẽ nhận được thêm 5 hệ thống phòng không, trong đó có 4 hệ thống Patriot, và nhiều tên lửa địa đối không được cho là có thể bắn chặn hiệu quả tên lửa của Nga. Đức, Hà Lan, Rumani và Ý cũng sẽ tham gia hỗ trợ Ukraine, nhưng hiện chưa có thông tin chi tiết.

Tuyên bố chung của NATO thông báo khoản viện trợ quân sự cho Ukraine năm 2025 lên tới 40 tỉ euro. Về mong muốn được mời gia nhập NATO, Ukraine sẽ còn phải chờ, do nhiều nước, trong đó có Mỹ, phản đối. Tuy nhiên, NATO trấn an rằng việc Ukraine gia nhập NATO là "tiến trình không thể đảo ngược được". Thủ tướng Đức Olaf Scholz đánh giá những quyết định được NATO đưa ra "thể hiện lập trường rõ ràng mà Ukraine cần".

Thu Hằng

***************************

Nga tổ chức lại công nghiệp quốc phòng : Cơn ác mộng của NATO

Thanh Hà, RFI, 11/07/2024

Trong diễn văn khai mạc hội nghị thượng đỉnh NATO tại Washington, tổng thống Joe Biden khẳng định Liên minh Bắc Đại Tây Dương "hùng mạnh hơn bao giờ hết". Hoa Kỳ cũng hài lòng thấy 23 trong số 32 thành viên NATO dành đến 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng.

nato4

Đoàn xe tăng Nga tiến về Nam Ossetia của Gruzia ngày 09/08/2008, chỉ bốn tháng sau khi hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bucarest quyết định chưa kết nạp hai nước Ukraine và Gruzia. AP - Musa Sadulayev

Thế nhưng, theo giới quan sát, vẫn có nhiều yếu tố khiến phương Tây lo ngại. Ngành công nghiệp phòng thủ của Nga đã hồi sinh, trong lúc các nhà sản xuất của Châu Âu và Mỹ vẫn gặp nhiều chậm trễ. Đó là chưa kể đến ẩn số chính trị tại Châu Âu cũng như tại Hoa Kỳ có thể làm thay đổi chiến lược tự chủ về quốc phòng của phương Tây. 

Tháng 2/2022, trong những ngày đầu cuộc chiến, giới phân tích đã nói đến sự yếu kém và lệ thuộc của các nhà sản xuất vũ khí Nga vào phụ tùng hay công nghệ của phương Tây. Nhưng tháng 4/2024, tướng Christopher Cavoli, điều phối toàn bộ các lực lượng của Hoa Kỳ tại Châu Âu, báo động Moskva đang tiến gần đến mục tiêu sản xuất "1.200 chiến xa, cung cấp 3 triệu đầu đạn và roket một năm". Khối lượng này "lớn gấp ba lần so với thẩm định của Âu Mỹ hồi đầu 2022". Chỉ riêng về đạn dược, "khả năng sản xuất của một mình nước Nga còn lớn hơn so với của 32 thành viên NATO cộng lại".

Để có được kết quả này, Moskva đã tổ chức lại toàn bộ cỗ máy công nghiệp : trong nhiều lĩnh vực, các nhà máy hoạt động ngày đêm. Chính quyền đồng thời khởi động lại nhiều cơ sở đang chìm vào quên lãng. Điều này giải thích một phần lý do tháng 5/2024 tổng thống Vladimir Putin chỉ định Andrei Belooussov, một nhà kinh tế, vào chức vụ bộ trưởng Quốc Phòng.

Thêm vào đó, như nhận định của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (Institute for the Study of War của Mỹ), Moskva có thể trông chờ vào một số đối tác như Iran, Trung Quốc hay Bắc Triều Tiên để lách cấm vận của phương Tây. Từ mùa thu 2022, Nga ồ ạt sử dụng drone do Iran chế tạo. Về đạn dược, Bình Nhưỡng là một nguồn cung cấp. Theo các số liệu của Washington, trong năm 2023, Bắc Triều Tiên đã chuyển giao 2,5 triệu đạn pháo cho Nga, đủ để dùng trong "nhiều tháng" trên chiến trường Ukraine. Tháng 6/2024, "hiệp ước hợp tác quân sự hỗ tương", được tổng thống Vladimir Putin và chủ tịch Kim Jong Un ký kết, lại càng gắn chặt hai quốc gia này với nhau.

Nhìn đến điểm tựa thứ ba, có lẽ quan trọng nhất, của Moskva là Bắc Kinh, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS giải thích, ngay từ khi đưa quân xâm chiếm Ukraine, Nga đã dựng nên cả một hệ thống hợp tác tinh vi với Trung Quốc. Chính quyền Tập Cận Bình không trực tiếp chuyển giao vũ khí sát thương hay thiết bị quân sự cho Nga, nhưng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga riêng trong năm 2022 tăng 26 % và trong số các mặt hàng bán cho Nga có rất nhiều sản phẩm "lưỡng dụng", tức là được sử dụng cả trong lĩnh vực dân sự lẫn quân sự.

Vào lúc mà cỗ máy công nghiệp quốc phòng của Nga đã được tổ chức lại để phục vụ chiến tranh, những tên tuổi lớn trong ngành tại Mỹ đã hoạt động hết công suất. Tại Châu Âu, trong khi một số quốc gia như Pháp, Đức tập trung vào việc bảo đảm "tự chủ công nghiệp, tự chủ về quốc phòng", thì một số nước khác như Ba Lan gấp rút ký hợp đồng mua thiết bị của Hàn Quốc để nâng cao khả năng phòng thủ vì sợ rằng, sau Ukraine, Warszawa sẽ là mục tiêu kế tiếp mà Moskva nhắm tới.

Song, sau hơn 2 năm chiến tranh Ukraine, các nhà máy sản xuất vũ khí của Châu Âu vẫn chậm trễ trong việc chuyển giao đạn dược và các hệ thống phòng thủ cho Kiev. Các nhà máy của Pháp chỉ mới được khởi động lại và chưa bắt kịp được thời gian đã mất.

Ẩn số chính trị tại Âu, Mỹ

Thêm vào đó là yếu tố chính trị tại cả Châu Âu lẫn Hoa Kỳ cùng gây hoang mang. Mỹ sẽ bầu lại tổng thống vào tháng 11 năm nay. Tổng thống mãn nhiệm Joe Biden, 81 tuổi, đang trong thế yếu trước ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump. Trong nhiệm kỳ đầu, Trump đã không ngớt lời khen ngợi Putin và quan niệm Mỹ không có trách nhiệm phải bảo vệ Châu Âu, thậm chí Washington có thể rút khỏi NATO.

Trong khi đó, trên Lục địa già (Châu Âu), chủ trương tự chủ về quốc phòng cho toàn khối Liên Âu mà Paris đề xướng từ 2017 vẫn không thể thành hiện thực, kể cả sau khi Nga đưa quân xâm chiếm Ukraine, chiến tranh xảy ra ngay sát cạnh biên giới Liên Âu. Trước khả năng sau bầu cử Mỹ, Donald Trump trở lại cầm quyền Liên Âu muốn thúc đẩy trở lại kế hoạch tự chủ về quốc phòng của tổng thống Pháp. Hiềm nỗi, sau cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu tháng 6/2024, tổng thống Emmanuel Macron giải tán Quốc hội, đẩy nước Pháp vào một thời kỳ "bất định" về chính trị, và suýt nữa thì đảng cực hữu bài ngoại và thân Nga đã lên cầm quyền. Tại Pháp, cũng như tại nhiều nước khác trong Liên Hiệp Châu Âu, các đảng cực hữu đang lên như diều gặp gió và ngoại trừ đảng cực hữu của Ý, phần còn lại trong số này chủ trương dĩ hòa vi quý với nước Nga của Putin.

Thêm một điểm khác khiến các lãnh đạo NATO đang họp tại Washington lo lắng, đó là từ nay đến cuối năm 2024 Hungary giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu. Thủ tướng nước này, Viktor Orban, được coi là "cánh tay nối dài" của điện Kremlin trong Liên Âu. 

Tại Moskva, những thông tin về quân số, về những người lính tử vong trên chiến trường Ukraine cũng như những phương tiện trên bộ, trên không hay trên biển được huy động sang Ukraine thuộc diện bí mật quốc gia. Các nhà phân tích phương Tây khó thẩm định được một cách chính xác tiềm lực quân sự của Nga ở thời điểm hiện tại, nhưng họ biết rất rõ về thực lực, về tiềm năng huy động các phương tiện quân sự của các nước đồng minh trong NATO, về những nguy cơ rình rập các nền dân chủ qua các kỳ bầu cử…

Có lẽ những thông tin và dự phóng liên quan trực tiếp đến các nước phương Tây mới chính là điều khiến NATO lo ngại, hơn cả những báo cáo về khả năng quân sự của nước Nga.

Thanh Hà

Nguồn : RFI,11/07/2024

**************************

Thủ tướng Nhật Bản tăng cường hợp tác với NATO

Thu Hằng, RFI, 11/07/2024

Sự hỗ trợ của Trung Quốc và Bắc Triều Tiên cho Nga trong cuộc xâm lược Ukraine cho thấy hai khu vực từ giờ kết nối với nhau về mặt chiến lược. Theo thủ tướng Nhật Fumio Kishida, "không thể tách rời an ninh của Châu Âu-Đại Tây Dương với an ninh của vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương". Trong ngày thứ hai của thượng đỉnh Washington, 11/07/2024, các nước thành viên NATO họp với bốn đối tác Châu Á-Thái Bình Dương gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand để thắt chặt hợp tác.

nato5

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Wasshington, Mỹ, ngày 10/07/2024. Ảnh AP - Susan Walsh

Thông tín viên RFI Frédéric Charles tại Tokyo cho biết thêm :

Thủ tướng Fumio Kishida lo sợ rằng "Ukraine ngày hôm nay sẽ là Đông Á ngày mai". Đối với Nhật Bản, thắt chặt quan hệ giữa NATO và các đối tác ở Châu Á-Thái Bình Dương trở thành một ưu tiên. Tokyo đang tham gia cùng với các nước phương Tây trừng phạt Nga, đồng thời viện trợ kinh tế và cung cấp thiết bị quân sự "không sát thương" cho Ukraine.

Bên lề thượng đỉnh NATO, các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand dự kiến họp bốn bên để tái khẳng định sự hợp tác nhằm đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Nga ở vùng eo biển Đài Loan và ở vùng Thái Bình Dương.

Cả bốn đồng minh của Mỹ khẳng định không hề có ý định thiết lập một liên minh theo kiểu NATO ở Thái Bình Dương. Trung Quốc vẫn là một đối tác thương mại quan trọng đối với các doanh nghiệp của những nước này, nhưng thái độ nguy hiểm và hiếu chiến của Bắc Kinh ở trong vùng đã khiến những nước này gia tăng tập trận chung và chia sẻ thông tin tình báo.

Nhật Bản muốn NATO mở văn phòng liên lạc ở Tokyo. Yêu cầu này càng cấp thiết hơn kể từ khi Trung Quốc trở thành một mối đe dọa chung cho Châu Âu và Châu Á.

Thu Hằng

**************************

Thượng đỉnh NATO khai mạc : Hậu thuẫn Ukraine chống Nga xâm lược là chủ đề trọng tâm

Trọng Thành, RFI, 10/07/2024

Thượng đỉnh của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO khai mạc hôm qua, 09/07/2024, tại Washington, Hoa Kỳ, đúng vào dịp khối này kỷ niệm 75 năm thành lập. Tổng thống Mỹ Joe Biden có bài diễn văn tái khẳng định sự hậu thuẫn mạnh mẽ của NATO giúp Ukraine chống Nga xâm lược. 

nato6

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại thượng đỉnh NATO, Washington, Hoa Kỳ, ngày 09/07/2024. AP - Evan Vucci

Thông tín viên Guillaume Naudin tường trình từ Washington :

"Như mọi nguyên thủ quốc gia, tổng thống Joe Biden coi trọng các biểu tượng. Ông đã có bài diễn văn tại chính nơi mà Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương được ký kết năm 1949. Mục tiêu là để nhấn mạnh rằng NATO giờ đây hùng mạnh hơn xưa và liên minh cần có Hiệp ước này để đối mặt với các thách thức hiện tại, như trong việc hậu thuẫn đối tác Ukraine. Kiev sẽ nhận được thêm 5 hệ thống phòng không để chống xâm lược Nga.

Tổng thống Biden nói : "Putin không muốn gì hơn là Ukraine bị khuất phục hoàn toàn, là kết liễu nền dân chủ tại Ukraine, hủy diệt nền văn hóa Ukraine, xóa Ukraine khỏi bản đồ thế giới. Chúng ta cũng biết là chế độ Putin sẽ không dừng lại ở Ukraine. Nhưng quý vị đừng lầm, Ukraine có thể và sẽ chặn đứng được bước tiến của Putin".

Phát biểu của tổng thống Biden có mục tiêu trấn an các đồng minh về cam kết của Mỹ. Nhưng ông Biden cũng hiểu rằng các đồng minh lo ngại về khả năng nếu đắc cử Donald Trump có thể đầu tư ít hơn cho liên minh. Về vấn đề này, tổng thống Mỹ tìm cách trấn an : "Trong lưỡng đảng Hoa Kỳ, đại đa số hiểu rằng NATO giúp chúng ta được bảo đảm hơn về mặt an ninh. Việc các đại diện của các đảng Dân chủ và Cộng hòa có mặt tại đây là minh chứng cho điều này".

Ông Biden cũng cho biết khi ông kế nhiệm Donald Trump, mới chỉ có 9 quốc gia đạt được mục tiêu dành 2% GDP cho chi phí quân sự như đòi hỏi của tổng thống Mỹ tiền nhiệm, nhưng hiện tại đã có 23 nước".

Tối hôm qua, tổng thống Mỹ cùng các lãnh đạo Đức, Ý, Hà Lan và Rumani đã ra một thông cáo chung, cho biết cấp thêm cho Kiev nhiều hệ thống phòng không mới, trong đó có 5 hệ thống Patriot, loại vũ khí đặc biệt hiệu quả trong việc đánh chặn các tên lửa đạn đạo của Nga. Theo Reuters, như vậy phương Tây đã cung cấp đủ số lượng hệ thống tên lửa phòng không Patriot tối thiểu cần thiết, theo yêu cầu của Kiev.

Trọng Thành

**************************

Thượng đỉnh ở Washington : Ukraine hy vọng NATO hứa kết nạp trong tương lai

Phan Minh, RFI, 10/07/2024

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, hôm qua 09/07/2024, đã tới Washington để tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO, kỷ niệm 75 năm thành lập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, kéo dài đến ngày mai 11/07. Nguyên thủ Ukraine hy vọng các quốc gia thành viên NATO đưa ra những cam kết cụ thể về việc kết nạp Kiev, cũng như tăng cường viện trợ vũ khí cho Ukraine để chống quân Nga xâm lược.

nato7

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại Viện Ronald Reagan, bên lề thượng đỉnh NATO tại Washington, Hoa Kỳ, ngày 09/07/2024. AP - Jose Luis Magana

Từ Kiev, thông tín viên Stéphane Siohan tường trình :

Gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương một ngày nào đó là mục tiêu chiến lược của Nhà nước Ukraine, nhưng triển vọng này vẫn không có gì chắc chắn và các nhà lãnh đạo Ukraine hy vọng rằng vào cuối hội nghị thượng đỉnh, các nước thành viên NATO sẽ đưa ra lời hứa rằng kết nạp Ukraine trong tương lai là một điều "không thể đảo ngược được".

Ngoài ra, một ngày trước khi khởi hành đến Washington, Volodymyr Zelensky đã nêu ra các ưu tiên của Ukraine trong hội nghị thượng đỉnh này. Trước hết, Ukraine sẽ kêu gọi các đối tác cung cấp cho Kiev thêm nhiều hệ thống phòng không để bảo vệ các thành phố Ukraine và cơ sở hạ tầng quan trọng bị hư hại do các cuộc không kích liên tục.

Sau đó, Zelensky cũng sẽ kêu gọi các đồng minh trong NATO cung cấp thêm chiến đấu cơ F-16 trong 2 năm tới. Những chiếc F-16 đầu tiên dự kiến từ Hà Lan sắp tới Ukraine, nhưng quân đội Ukraine sẽ cần thêm F-16 nếu muốn chống lại ưu thế trên không của Nga.

Cuối cùng, hơn bao giờ hết, phái đoàn Ukraine sẽ tìm cách thuyết phục phương Tây cho phép quân đội Ukraine tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Liên Bang Nga bằng vũ khí phương Tây, giải pháp duy nhất để Kiev ngăn chặn những cuộc oanh kích không ngừng nghỉ như hôm thứ Hai vừa qua.

Phan Minh

Additional Info

  • Author Thanh Phương, Thanh Hà, Thu Hằng, Trọng Thành, Phan Minh
Published in Quốc tế

Tội ác mới của Nga : Bắn hỏa tiễn vào bệnh viện nhi ở Kiev

Chính trường nước Pháp sau bầu cử Quốc hội, hội nghị thượng đỉnh nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập NATO là các chủ đề chính của báo chí hôm nay 09/07/2024. Tại Ukraine, sự kiện gây xúc động lớn là một bệnh viện nhi ở Kiev bị hỏa tiễn hành trình của Nga tấn công làm nhiều người thiệt mạng trong đó có các trẻ em. Libération nhấn mạnh "Tại Ukraine, một trận mưa hỏa tiễn trước thượng đỉnh NATO".

crime1

Những người cứu hộ tại bệnh viện nhi Ohmatdyt ở Kiev bị hỏa tiễn Nga tàn phá ngày 08/07/2024. Reuters - Gleb Garanich

Oanh kích bệnh viện nhi Kiev : Không thể là tình cờ

Theo Libération, đó là đợt tấn công quy mô nhất kể từ nhiều tháng qua. Ba mươi tám hỏa tiễn đủ loại, từ đạn đạo, hành trình đến loại địa-không Kinjal đã đánh vào nhiều thành phố Ukraine sáng hôm qua, gây thiệt hại nhân mạng nặng nề. Thủ đô Kiev bị thiệt hại nhiều nhất, với ít nhất 32 người thiệt mạng theo AFP do nhiều hỏa tiễn tấn công, trong đó có bệnh viện nhi lớn nhất nước với 720 giường, thực hiện 10.000 cuộc phẫu thuật một năm.

Phá hủy khoa chạy thận và truyền máu cho trẻ em lúc các bác sĩ và y tá đang chăm sóc bệnh nhi, đó là thành tích của quân đội Vladimir Putin. Bệnh viện Ohkmatdyt nổi tiếng xưa nay, nhất là khoa ung thư, có quy mô tương đương với bệnh viện Necker của Paris. Các y tá vẫn tiếp tục truyền dịch cho các em, không chạy xuống hầm tránh những đợt tấn công khác. Dmytro, bác sĩ nội trú nói với Libération, rõ ràng quân Nga nhắm vào bệnh viện, không thể là vô tình vì Ohkmatdyt được biết tiếng trên toàn Liên Xô cũ. Có nhiều tòa nhà xung quanh, nhưng khu đất của bệnh viện đủ rộng trên bản đồ để một hỏa tiễn đạn đạo không thể lầm lẫn mục tiêu.

Giải Nobel hòa bình Oleksandra Matviichuk bất bình viết trên mạng X : "Một vụ tấn công hỏa tiễn của Nga vào bệnh viện cho trẻ em ở Kiev là đáng buồn, nhưng bình thường. Ngược lại, cho phép Ukraine dùng vũ khí phương Tây đánh vào các phi trường quân sự Nga, nơi các chiến đấu cơ Nga cất cánh để bắn hỏa tiễn vào các bệnh viện nhi, lại bị coi là leo thang". Logic của các nhà quản trị phương Tây quả là khó hiểu !

Nga dùng hỏa tiễn hành trình tấn công trẻ em ?

Thông tín viên La Croix mô tả, thủ đô Kiev trên lý thuyết được bảo vệ nhiều nhất, từ nhiều tuần qua cư dân đã làm quen với việc cúp điện thường xuyên vì Nga đánh vào cơ sở hạ tầng. Nay họ phải trở lại với tình trạng còi báo động rền vang, tiếng nổ của những hỏa tiễn bị phòng không bắn rơi từ trời, những phát súng nhắm vào drone địch… và hồi hộp chờ đợi trong các trạm métro được biến thành hầm trú ẩn. Moskva chối không nhắm vào thường dân nhưng đến chiều, Bộ Quốc phòng Nga thay đổi giọng điệu, nói rằng thiệt hại ở bệnh viện nhi là do "một hỏa tiễn phòng không của Ukraine bị rơi". Tuy nhiên nhiều video cho thấy rõ một hỏa tiễn bay đến tấn công bệnh viện Okhmadyt. Đại diện Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Ukraine, Danielle Bell cho rằng Nga đã bắn trực tiếp vào bệnh viện bằng hỏa tiễn loại Kh-101.

Khi phóng viên đến nơi, những hàng dài người dân đã giúp đào bới từ đống gạch vụn, cứu được khoảng 40 trẻ em còn sống. Bệnh viện nay không còn nước uống, điện, oxy dự trữ nên phải sơ tán toàn bộ. Ngay chiều hôm qua, tổng thống Volodymyr Zelensky lên án vụ tàn sát, đòi hỏi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn. AFP dẫn lời một viên chức cao cấp Liên Hiệp Quốc gọi đây là "tội ác chiến tranh". Les Echos ghi nhận hội nghị thượng đỉnh NATO tại Washington khai mạc từ hôm nay đề ra mục tiêu tăng cường hỗ trợ cho Ukraine.

Sau bầu cử, vất vả tìm kiếm một đa số trong Quốc hội Pháp

Chính trường nước Pháp sau bầu cử Quốc hội là chủ đề chính của báo chí hôm nay. Le Monde ra từ chiều hôm trước tóm tắt tình hình : "Cánh t v đầu nhưng không đạt đa s, mt trn cng hòa khiến RN tht bi". Le Figarođưa tít "Macron : Liên minh không tìm thy", La Croixnói về "Mt liên minh cn phi sáng tác ra",trong khi Libération thiên tả đưa tít trang nhất đầy khiêu khích "Allo, Macron", với ảnh những nhân vật cánh tả đang chờ nắm quyền. Nhật báo kinh tế Les Echos đề cập đến "Ni s bt n" của doanh nghiệp : Mối đe dọa cực hữu đã được gác sang một bên, giới chủ nay sợ chính sách kinh tế nghiêng sang tả.

Xây dựng chính phủ liên minh : Thiếu kiến trúc sư

Le Figaro ví việc lập chính phủ liên minh với "tái thiết nhưng không có kiến trúc sư". Việc giải tán Quốc hội đã tạo ra một phương trình với hai ẩn số. Trước hết là sự thiếu vắng đa số tuyệt đối trong Quốc hội mới với ba khối tách biệt, và thiếu những tên tuổi có thể áp đặt phương pháp hay lịch trình ra khỏi khủng hoảng.

Trên lý thuyết, tổng thống Emmanuel Macron có quyền quyết định. Hiến pháp dành cho ông, và chỉ mình ông quyền chỉ định thủ tướng. Nhưng cánh tả không hề muốn thương lượng, chỉ muốn áp đặt, và những nhân vật trong đảng của Macron nay cũng không muốn ông toàn quyền ấn định nội các. Đây cũng không phải là vấn đề cá nhân mà là một sự chuyển đổi về định chế : mọi người tin rằng Quốc hội mới sẽ đưa ra giải pháp và tổng thống phải chấp nhận.

Cánh tả từ tối Chủ nhật đã xênh xang ca khúc khải hoàn, sau khi bất ngờ về đầu mà chính phe này cũng ngạc nhiên. Về đầu, chứ không phải là chiến thắng. Chỉ cần nhớ lại những gì mà các lãnh đạo cánh tả đã nói cách đây hai năm : với "ch" 259 dân biu, đảng ca Macron là thiu s cm quyn. Còn nay vi 180 dân biu, phe t li đòi toàn b quyn lc không tranh cãi ! Hơn na ngay trong Mt trn Bình dân Mi cũng chia r, không có được mt lãnh t như Jospin năm 1997 mà tt c đều quy phc. V phía nhng người đứng đầu phe đa số mãn nhiệm, người muốn làm việc với cánh hữu, người muốn tạo dựng một cụm dân chủ-xã hội. Nhưng quá nhiều ứng viên cho vai kiến trúc sư trưởng không bảo đảm được sự vững chắc của công trình.

Chia rẽ trong từng khối

Le Monde cho rằng thay vì làm rõ tình hình như Macron mong muốn, cuộc bầu cử làm đất nước chìm trong sương mù. Chỉ duy nhất một điểm rõ ràng : người Pháp cho thấy không muốn đảng Tập Hợp Dân Tộc lên cầm quyền, mặt trận chống cực hữu dù lập nên vội vã đã chiến thắng.

Quốc hội mới khó thể điều khiển, ngoại trừ có được thỏa thuận giữa Mặt trận Bình dân Mới và Ensemble - dù nhiều năm qua kịch liệt đối đầu - đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (LR) và Tập Hợp Dân Tộc (RN) đều đã tuyên bố không liên minh với đảng Macron. Trong nội bộ cả hai khối cũng chia rẽ về ý tưởng lẫn chiến lược. Ở cánh tả, Jean-Luc Mélenchon ngày càng bị chống đối, khối cánh trung bị thiệt mất gần trăm dân biểu cũng bất đồng giữa những người khuynh tả và khuynh hữu.

Điều mỉa mai của lịch sử là việc giải tán Quốc hội đã mở đường cho dân chủ nghị viện, với sự quay lại của nhiều tên tuổi cũ (François Hollande, Laurent Wauquiez, Elisabeth Borne, Gabriel Attal…). Tổng thống đành phải chấp nhận trung tâm quyền lực chuyển sang Quốc hội, và sống chung với một thủ tướng khác. Nhưng dù sao Emmanuel Macron tránh được kịch bản tệ hại nhất : nếu cực hữu chiến thắng, Marine Le Pen và Jean-Luc Mélenchon chắc chắn đòi ông từ chức.

Ngoài RN bị thất bại, khối trung dung vui mừng vì kết quả không tệ như dự báo, cánh tả qua chiến thắng bất ngờ đòi chức thủ tướng và phải áp dụng chương trình của mình. Ngay cả LR đang sa sút cũng đã khởi sắc hơn. Nhưng dường như tất cả đều quên rằng cử tri trước hết muốn chặn đường cực hữu chứ không phải trao cho họ thượng phương bảo kiếm. Ngoài ra, đảng của Jordan Bardella từ 8 dân biểu năm 2017 và 89 năm 2022 nay đã vọt lên 143, là nhóm lớn nhất ở Hạ Viện. Cử tri của đảng này giận dữ vì chiến thắng ngỡ đã trong tầm tay, sẽ huy động trong kỳ bầu cử tổng thống 2027.

Những "con chiên lạc" góp phần vào thất bại của cực hữu

Về thất bại của đảng Tập Hợp Dân Tộc (RN), La Croix dẫn lời các chuyên gia nhận định đảng này luôn gây sợ hãi. Nỗi sợ một chính phủ cực hữu đã khiến cử tri đi bỏ phiếu đông đảo, với tỉ lệ 66,7 %, cao nhất kể từ 1997. Thủ lãnh đảng này, Jordan Bardella đả kích "liên minh đáng xu h". Nhưng thc ra chiến lược rút các ng c viên ca các đảng để li người có th đương đầu vi RN, tuy hiu qu nhưng không phi là yếu t chính. Chiến dch tranh c chp nhoáng đã bc l nhng khiếm khuyết ca RN.

Trước hết là cương lĩnh : Đảng này nhiều lần gây thất vọng cho cử tri mình vì mập mờ về cải cách hưu trí, đổi chiều về một số biện pháp chủ yếu trước đó như hủy bỏ thuế VAT cho 100 mặt hàng thiết yếu. Nhưng gây bất bình nhiều nhất là phân biệt đối xử với người song tịch, Bardella không ngờ gây tranh cãi nhiều như vậy.

Vấn đề lớn khác là một số ứng cử viên cực hữu có những tuyên bố phân biệt chủng tộc, kỳ thị người đồng tính, bài Do Thái. RN tỏ ra bất lực trong việc tìm những ứng viên bình thường. Theo chuyên gia Jean-Yves Camus, Jordan Bardella nói về "bn, năm con chiên lc" nhưng thc ra s chiên lc lên đến khong năm chc ! Nhng ng c viên này làm vòng hào quang bình thường hóa ca RN b tn thương.

Từ 2022, Marine Le Pen áp đặt "chiến lược cà vạt» cho các dân biu phe mình, phi có b ngoài đứng đắn. Nhưng t kính đẹp đẽ này đã b phá v bi các ng c viên bt tài, thiếu chun b, cc đoan, bo lc, thm chí không biết đến đơn v bu c được giao. Bên cnh đó là thiếu n lc vn động : Jordan Bardella ch ri Paris có mt ln trong sut chiến dch để đến Loiret. Hình ca ng c viên nhiu khi còn không th thy trong áp-phích tranh c, ch có nh tht ln ca cp LePen-Bardella.

Hiến Pháp đã trang bị sẵn "vũ khí" cho chính thể

Les Echos phân tích "Nhng vũ khí nguyên t ca Hiến Pháp". Đó là những điều khoản cho đến nay chưa được áp dụng, nhưng sắp tới có thể được vận dụng trong vấn đề hóc búa là ngân sách chẳng hạn.

Trước hết là Điều 8 : "Tng thng b nhim th tướng", và hoàn toàn không có ràng buc gì khác. Trong bi cnh phi sng chung, tng thng François Mitterrand và Jacques Chirac đã ch định th tướng thuc đảng đối lp. Nhưng ln này Mt trn Bình dân Mi không có được đa s ln th lãnh, nên bt li hơn. Trong điu kin này, Emmanuel Macron khó th giao phó chìa khóa cho mt người đã tuyên b tăng cao lương ti thiu và lương công chc ngay khi bước vào đin Matignon.

Hoặc với Điều 47, nếu bị Quốc hội chặn ngân sách, chính phủ vẫn có thể tiếp tục chi tiền bằng các nghị định, và tiếp tục thu ngân sách với điều kiện "khẩn cấp đòi Quốc hội cho phép thu thuế". Điu 16 cho phép tng thng tung ra "vũ khí nguyên t" nm trn quyn lc nhưng ch khi nào nước Pháp "b đe da trm trng ngay lp tc", và Hi đồng Bo hiến giám sát các phương pháp được áp dng, hp toàn th Quc hi. Còn nếu tng thng lm dng Điu 16, Quc hi có vũ khí nguyên t khác là Điu 68 : trut phế tổng thống nếu đạt được tỉ lệ 2/3.

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế

Quan chc NATO : Nga thiếu đn, thiếu quân đ m cuc tn công ln Ukraine

Reuters, VOA, 10/07/2024

Trao đi vi báo gii trước khi khai mc hi ngh thượng đnh thường niên ca NATO, quan chc này cho biết các cuc tn công đt phá, âm mưu ám sát và phá hoi gn đây Châu Âu là mt phn trong chiến dch bí mt ca Tng thng Nga Vladimir Putin nhm làm suy yếu s ng h ca công chúng dành cho Ukraine.

nga1

Nga thiếu đn dược và binh lính đ khi s mt cuc tn công ln Ukraine và s cn ngun cung cp đn dược đáng k t các quc gia khác ngoài nhng gì h đã có đ thc hin điu đó, mt quan chc cp cao ca NATO cho biết hôm 9/7.

Trên chiến trường, quan chc này cho biết, Nga đang b tn tht "rt cao" trong lúc vt ln đ khai thác nhng lãnh th nh thâu tóm được và thiếu binh lính cũng như đn dược đ tiến hành mt cuc tn công quy mô ln.

Quan chc n danh này cho biết : "Nhng gì h phi làm là ra lnh cho các đơn v thiếu người điu khin, thiếu kinh nghim di chuyn vào các khu vc đ đt được các mc tiêu phi thc tế".

Vn theo li ông, duy trì các hot đng tn công thc s, chúng tôi nghĩ rng Nga s phi có được ngun cung cp đn dược đáng k t các quc gia ngoài nhng gì h đã nhn được t Iran và Triu Tiên".

"Và ông Vladimir Putin s phi ra lnh huy đng quân quy mô ln".

Các quan chc phương Tây và Ukraine cho biết Iran cung cp máy bay không người lái t sát cho Nga và Triu Tiên đã cung cp đn pháo và phi đn cho Moscow. C Iran và Triu Tiên đu ph nhn các cáo giác này.

Quan chc va k cho biết : "Chúng tôi đã thy h thng phòng th ca Ukraine được ci thin đáng k", đng thi cho biết thêm rng Kyiv cũng chu tn tht quân s đáng k.

Ông ước tính rng Nga s có th duy trì nn kinh tế thi chiến ca mình trong ba đến bn năm na.

Lc lượng ca Ukraine đã thế yếu trên chiến trường trong nhiu tháng khi quân đi Moscow duy trì áp lc tn công nng n và tiến chm phía đông Ukraine.

NATO bt đu hi ngh thượng đnh ba ngày ti Washington hôm 9/7 mà Tng thng Ukraine Volodymyr Zelenskyy s tham d.

Quan chc này cho biết "s mt mt thi gian" trước khi Ukraine tích lũy đ vũ khí và nhân lc cn thiết đ thc hin các hot đng tn công quy mô ln khác.

"Chúng tôi đang thy h đang ci thin tng ngày", ông cho biết thêm.

Nguồn : VOA, 10/07/2024

****************************

M, đng minh công b cp thêm h thng phòng không cho Ukraine  

Reuters, VOA, 10/07/2024

Trong mt tuyên b chung ti hi ngh thượng đnh NATO, lãnh đo các nước trong khi cho biết M và các đng minh s chuyn thêm cho Ukraine 5 h thng phòng không, bao gm c h thng tên la Patriot và các b phn ca Patriot.

nga2

Tng thng Joe Biden phát biu ti hi ngh NATO th đô Washington DC, ngày 9/7/2024.

Các nhà lãnh đo nói thêm rng trong nhng tháng ti h có ý đnh cung cp cho Ukraine hàng chc h thng phòng không chiến thut.

Nga đã phát đng cuc chiến xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022.

Hoa Kỳ, nước ng h to ln nht cho Ukraine, đã cung cp hơn 50 t USD vin tr quân s k t năm 2022. Nhưng vin tr quân s ca M đã b trì hoãn ti Quc hi trong nhiu tháng trong mùa đông 2023 và Tng thng Ukraine Volodymyr Zelenskyy nói rng tình trng thiếu vũ khí bên phía Ukraine đã giúp Nga chiếm thế thượng phong.

Sau khi các chiến tuyến phn ln vn bt di bt dch k t đu cuc xung đt, Moscow đã tiến quân được mt chút min đông Ukraine trong nhng tháng gn đây. Ông Zelenskyy kêu gi các chính ph phương Tây tăng cường và tăng tc vin tr quân s cho các lc lượng ca Kyiv.

Đo lut ca M đã được thông qua vào tháng 4, cung cp vin tr 61 t USD cho Ukraine. Hi tun trước, ông Zelenskyy nói ông mun tăng gp đôi năng lc phòng không ca Ukraine trong mùa hè này.

Tng thng Joe Biden đưa ra thông báo nêu trên trong bài phát biu ti hi ngh thượng đnh NATO. Mt tuyên b chung sau đó đã được các nhà lãnh đo M, Hà Lan, Romania, Ý, Đc và Ukraine đưa ra.

"Chúng tôi s cung cp thêm cho Ukraine các h thng phòng không chiến lược, bao gm các khu đi Patriot b sung do Hoa K, Đc và Romania tài tr; các b phn Patriot do Hà Lan và các đi tác khác tài tr đ đưa thêm mt khu đi Patriot vào hot đng; và mt h thng SAMP-T do Ý tài tr", tuyên b chung viết.

T trước đến nay, Ukraine đã nhiu ln kêu gi các đi tác h tr thêm v phòng không khi nước này phi đi mt vi các cuc tn công t Nga vào các thành ph và cơ s h tng năng lượng.

Nguồn : VOA, 10/07/2024

****************************

Chuyên gia Liên Hip Quc : bnh vin nhi Kyiv ‘b Nga tn công trc tiếp’

Reuters, VOA, 09/07/2024

Mt phái b nhân quyn ca Liên Hp Quc hôm 9/7 cho biết có kh năng cao là bnh vin nhi chính Kyiv đã b tên la ca Nga đánh trúng trc tiếp trong lot không kích vào các thành ph ca Ukraine, mc dù Đin Kremlin tiếp tc ph nhn s liên quan.

nga3

Hậu quả vụ tấn công tên lửa của Nga vào Kiev

Ukraine treo c r trong ngày quc tang đ đ tang cái chết ca 41 người đã thit mng trên khp đt nước trong các cuc không kích hôm 8/7, trong đó có bn tr em và hai người ln ti bnh vin nhi Okhmatdyt th đô Kyiv.

"Phân tích các đon video và đánh giá thc đa được ti đa đim xy ra cuc không kích cho thy kh năng cao là bnh vin nhi b tn công trc tiếp ch không phi b đn lc t h thng vũ khí đánh chn", người đng đu Phái b Giám sát Nhân quyn ca Liên Hp Quc ti Ukraine nói.

Cơ quan an ninh Ukraine cho biết h có bng chng không th chi cãi rng bnh vin nhi này đã b trúng tên la hành trình Kh-101 ca Nga trong lot cuc tn công đm máu nht trong nhiu tháng, đng thi công b hình nh v cái mà h nói là mnh v ca đng cơ vũ khí.

Đin Kremlin thì nói không có bng chng rng chính ha lc chng tên la ca Ukraine, ch không tên la Nga, đã bn trúng bnh vin nhi, mt trong nhng vin nhi ln nht Châu Âu điu tr cho nhng bnh nhi mc các bnh nghiêm trng như ung thư và bnh thn.

Khi NATO hôm 9/7 đã khai mc hi ngh thượng đnh kéo dài ba ngày ti Washington, vi s tham d ca Tng thng Ukraine Volodymyr Zelenskiy đ tìm cách giành được cam kết t các đng minh đ cng c h thng phòng không ca Ukraine và tăng cường h tr quân s cho h.

Quân Nga đang dn tiến lên và hôm 9/7 đã tuyên b chiếm được làng Yasnobrodivka vùng Donetsk min đông.

Các nhân viên cu h đã kết thúc hot đng ti bnh vin nhi trước đó hôm 9/7. nhng nơi khác th đô Kyiv, năm thi th đã được tìm thy t đng đ nát ca mt tòa nhà nơi có 12 người thit mng, Th trưởng Vitali Klitschko cho biết.

Ông Zelenskiy đưa ra con s 38 người chết trong v tn công hôm 8/7 và 190 người b thương, mc dù thng kê thương vong t các đa đim b tn công các vùng khác nhau đã nâng tng s người chết lên ít nht 41.

Tng giám đc bnh vin Okhmatdyt, ông Volodymyr Zhovnir, nói vi các phóng viên rng mt trong nhng bác sĩ tr ca h đã thit mng, rng khu chy thn đã b phá hy hoàn toàn và h không còn ngun đin.

"Ít nht bn tòa nhà ca bnh vin đã b phá hy mt phn", ông nói.

Ti Kyiv, ông Oleksandr Baraboshko, 34 tui, mt nhà tư vn truyn thông chiến lược, cho biết các cuc không kích như vy ch giúp đoàn kết người dân Ukraine chng Nga.

"H không làm chúng tôi s. Ngược li, h đang khiến chúng tôi chiến đu mnh m hơn na", anh Baraboshko, vn giúp điu phi vi mt ca hàng đa phương đ phân phát găng tay và dng c cho các tình nguyn viên dn dp đng đ nát ti bnh vin, cho biết.

Nguồn : VOA, 09/07/2024

Additional Info

  • Author Reuters, VOA tiếng Việt
Published in Quốc tế