Zelenskyy sẵn sàng bỏ qua lời đe dọa hạt nhân của Nga, nhưng chính quyền Biden vẫn cảnh giác với việc leo thang chiến tranh.
Bằng cuộc tấn công vào Kursk, Ukraine không chỉ vượt qua biên giới Nga mà còn vượt qua cả những lằn ranh đỏ được Washington đặt ra.
Kể từ khi Nga xâm lược toàn diện Ukraine, Mỹ đã liên tục nhấn mạnh rằng mục tiêu của họ là giúp Ukraine bảo vệ lãnh thổ và tồn tại như một quốc gia có chủ quyền. Bất kỳ gợi ý nào cho rằng cuộc chiến có thể diễn ra trên đất Nga đều bị xem là nguy hiểm.
Sau cuộc tấn công Kursk, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy của Ukraine đã xem thường những hạn chế mà Mỹ áp đặt lên các nỗ lực chiến tranh của Ukraine, lên án "khái niệm ngây thơ, ảo tưởng về cái gọi là lằn ranh đỏ của Nga, vốn chi phối cách một số đối tác của chúng tôi đánh giá về cuộc chiến." Theo Tổng thống Ukraine, quan điểm đó hiện đã "sụp đổ."
Nhưng liệu sự thật có phải vậy không ? Sự khác biệt giữa thái độ thận trọng ở Washington và mạo hiểm ở Kyiv không chỉ phản ánh sự khác biệt trong phân tích xem giới hạn của Vladimir Putin có thể bị đẩy đi xa đến mức nào. Nó cũng phản ánh sự khác biệt về mục tiêu chiến tranh.
Khi xung đột nổ ra, Tổng thống Joe Biden đã đặt ra cho chính quyền của mình hai mục tiêu. Mục tiêu đầu tiên là hỗ trợ Ukraine. Nhưng mục tiêu thứ hai là tránh chiến tranh thế giới thứ ba. Nếu buộc phải lựa chọn giữa hai mục tiêu đó, Mỹ rõ ràng sẽ chọn mục tiêu thứ hai.
Tuy nhiên, người Ukraine đang đấu tranh vì sự sống còn. Họ sẽ muốn có sự tham gia trực tiếp của Mỹ vào cuộc chiến với Nga. Theo một cuốn sách gần đây của David Sanger, Biden thậm chí còn gợi ý với các trợ lý của mình rằng Zelenskyy có thể đang cố tình lôi kéo Mỹ vào chiến tranh thế giới thứ ba.
Kết quả là, có một ngưỡng chấp nhận rủi ro khác nhau ở Washington và Kyiv. Mỹ luôn thận trọng về các loại vũ khí mà họ cung cấp cho Ukraine. Khi tên lửa tầm xa HIMARS lần đầu tiên được cung cấp cho Ukraine, chính quyền Biden đã đặt ra giới hạn về phạm vi sử dụng chúng. Mãi cho đến tháng 5 vừa qua, Washington mới cho phép sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để chống lại các mục tiêu bên trong nước Nga. Những lệnh cấm đó vẫn còn hiệu lực, dù Ukraine đang tìm mọi cách để chúng được dỡ bỏ.
Sự khác biệt trong khả năng chịu đựng rủi ro giữa Mỹ và Ukraine cũng được phản ánh trong phạm vi Châu Âu. Các quốc gia gần tiền tuyến và cảm thấy bị Nga đe dọa trực tiếp – chẳng hạn như Estonia và Ba Lan – đã kêu gọi cung cấp cho Ukraine nhiều vũ khí tiên tiến hơn và nhiều quyền tự do hơn để sử dụng chúng. Trong khi đó, Đức luôn chậm hơn rất nhiều trong việc hành động.
Người Ukraine từ lâu đã phàn nàn rằng sự thận trọng của các đồng minh hùng mạnh nhất có nghĩa là họ đang phải chiến đấu với một tay buộc sau lưng. Nga được tự do tấn công sâu vào bên trong Ukraine, nhưng Ukraine lại bị cấm đáp trả.
Cả chính phủ Ukraine và Mỹ đều tuyên bố rằng chính quyền Biden không được thông báo về cuộc tấn công Kursk trước khi nó diễn ra. Rõ ràng là Mỹ sẽ có lợi khi phủ nhận sự tham gia trực tiếp vào việc lập kế hoạch tấn công trên đất Nga, nhưng tuyên bố trên có thể đúng.
Với cuộc tấn công Kursk, người Ukraine đã học theo Israel – bằng cách thực hiện một chiến dịch quân sự chưa được Washington chấp thuận. Giả định của cả Ukraine và Israel là : nếu chiến dịch thành công, nó có thể được Mỹ chấp nhận sau. Còn nếu thất bại, thì sau cùng Mỹ cũng sẽ giúp họ giải quyết hậu quả.
Hiện tại, Washington có thái độ thận trọng lạc quan về cuộc tấn công Kursk – dù người ta vẫn nghi ngờ về việc lực lượng Kyiv có thể giữ vững được vùng đất đã chiếm và chống lại các cuộc tấn công của Nga ở miền Đông Ukraine hay không.
Nhưng một thành công của Ukraine cũng không có khả năng khiến Mỹ mất cảnh giác. Người Mỹ vẫn có ý định tránh xung đột trực tiếp với Nga và vẫn xem trọng mối đe dọa xung đột hạt nhân.
Mỹ biết rằng Putin đã công khai đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân và Nga đã liên tục thực hành sử dụng chúng trong các cuộc tập trận quân sự. Vào năm 2022, tình báo Mỹ đã đánh chặn và thu thập được các cuộc trò chuyện thường xuyên và đôi khi chi tiết giữa các quan chức quân sự Nga về việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Có thể một số cuộc trò chuyện đó đã được dàn dựng để bị nghe lén. Tuy nhiên, Mỹ đã xem những lời đe dọa công khai và những cuộc trò chuyện riêng tư của Nga đủ nghiêm trọng để Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Biden, cảnh báo Nga về "hậu quả thảm khốc" nếu nước này sử dụng vũ khí hạt nhân.
Người Mỹ đã dùng lời cảnh báo của Sullivan để bác bỏ ý tưởng rằng họ chỉ đơn giản là khuất phục trước mối đe dọa từ Nga. Thay vì tôn trọng các lằn ranh đỏ của Nga, Mỹ và các đồng minh đã dần dần vượt qua chúng – thử nghiệm xem Putin có thể bị đẩy đi xa đến mức nào thông qua việc leo thang dần dần.
Một số nhà phân tích phương Tây tin rằng cuộc tấn công Kursk hiện đã bác bỏ hoàn toàn mối đe dọa hạt nhân của Putin. Phillips O’Brien của Đại học St Andrews lập luận rằng việc xâm lược Nga "luôn được cho là lằn ranh đỏ cuối cùng của việc sử dụng vũ khí hạt nhân – và người Ukraine đang … vượt qua lằn ranh đó."
Nhưng Mỹ không tin rằng lằn ranh đỏ cuối cùng này đã thực sự bị vượt qua. Các cố vấn của Biden vẫn tiếp tục cho rằng – nếu Putin tin rằng chế độ của ông đang trên bờ vực thất bại hoàn toàn – thì người Nga có thể dùng đến vũ khí hạt nhân. Khi người Ukraine phàn nàn rằng các đồng minh của họ sợ hãi ý tưởng chiến thắng, họ đã nói đúng.
Gideon Rachman
Nguyên tác : "Ukraine has crossed Moscow’s and Washington’s red lines," Financial Times, 26/08/2024
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 31/08/2024
Liên Âu hưởng ứng lời kêu gọi tăng cường viện trợ quân sự của tổng thống Ukraine
Minh Phương, RFA, 30/08/2024
Các ngoại trưởng nhóm 27 nước Liên Hiệp Châu Âu và người đồng cấp Ukraine đã có cuộc họp hôm 29/08/2024, tại Bruxelles, Bỉ. Nhiều quốc gia thành viên đã bày tỏ quan ngại về tình hình chiến sự tại Ukraine và hưởng ứng lời kêu gọi tăng cường viện trợ quân sự của tổng thống Volodymyr Zelensky.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba (phải) và lãnh đạo ngoại giao Liên Âu Josep Borrell phát biểu với giới truyền thông tại trụ sở Hội Đồng Châu Âu ở Bruxelles, Bỉ, ngày 29/08/2024. © Virginia Mayo / AP
Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Pierre Benazet cho biết cụ thể về cuộc gặp :
"Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kouleba nhắc lại rằng các cuộc oanh kích lớn của Nga nhắm vào các thành phố và cơ sở hạ tầng của Ukraine được thực hiện bởi các máy bay ném bom, cất cánh từ các căn cứ không quân nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Và ông Kouleba đề nghị những người đồng cấp ở Liên Hiệp Châu Âu gây áp lực với Mỹ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của phương Tây để tấn công các căn cứ không quân này.
Theo ngoại trưởng Litva Gabrielus Landsbergis, châu Âu cũng phải nhanh chóng tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
"Lại một lần nữa chúng ta cảm thấy kinh hoàng trước cuộc tấn công tàn bạo của Nga vào các mục tiêu dân sự ở Ukraine. Nhưng cũng là một lần nữa chúng ta phải tự hỏi rằng phải chăng chính chúng ta cũng có một phần trách nhiệm? Cho đến nay, chưa có tổ hợp tên lửa Patriot nào mà Washington đã hứa được chuyển giao cho Ukraine. Không có lô đạn dược mới nào cho Ukraine kể từ tháng 6. Những chiếc F-16 đã được chuyển giao – chỉ có hai chiếc – cũng vừa mới bắt đầu được sử dụng. Chúng ta có thực sự coi trọng vấn đề này không?"
Và đối với ngoại trưởng Litva, cần thúc đẩy việc cắt đứt các nguồn tài chính của Nga. Theo tính toán của ông, chỉ riêng các khoản thuế mà Nga thu được từ việc bán một phần dầu khí cho một số quốc gia châu Âu cũng đủ để tài trợ cho việc chế tạo drone và tên lửa để thực hiện sáu cuộc tấn công như vụ hôm thứ Hai và thứ Ba vừa qua".
Về tình hình chiến sự, ít nhất 9 người bị thương và một cơ sở kinh doanh tại thành phố Sumy của Ukraine bị hư hại sau vụ oanh kích của Nga trong đêm qua. Một máy bay F-16 của quân đội Kiev đã bị bắn hạ, khiến một phi công thiệt mạng. Trong khi đó, Moskva thông báo đã bắn hạ 18 drone và ngăn chặn được nhiều cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga.
Minh Phương
********************************
Nhiều nước NATO muốn dỡ bỏ các hạn chế đối với Ukraine trong việc sử dụng vũ khí phương Tây
Phan Minh, RFI, 29/08/2024
Nhiều nước thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 28/08/2024, đã kêu gọi dỡ bỏ các hạn chế trong việc sử dụng vũ khí cung cấp cho Kiev, đặc biệt là tên lửa tầm xa, để giúp Ukraine tự vệ tốt hơn trước các cuộc tấn công đẫm máu của quân đội Nga.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại trụ sở của Liên Minh ở Bruxelles, Bỉ, ngày 14/06/2024. Reuters - Johanna Geron
Tổng thống Volodymyr Zelensky đã nhiều lần yêu cầu phương Tây dỡ bỏ các hạn chế nói trên để quân Ukraine có thể sử dụng vũ khí do các đồng minh viện trợ để tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga, nhắm vào những cơ sở mà Moskva sử dụng để oanh kích ồ ạt vào Ukraine từ đầu tuần này.
Hiện đang dự một cuộc họp không chính thức với các ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu ở Bruxelles hôm nay, ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã yêu cầu Liên Âu gây áp lực với Hoa Kỳ để Kiev được quyền sử dụng vũ khí của Mỹ tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga.
Trong cuộc họp của hội đồng NATO – Ukraine tại Bruxelles, Bỉ, lãnh đạo của Liên Minh, Jens Stoltenberg, được AFP trích dẫn, cho biết các thành viên NATO đã tái khẳng định cam kết "tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine".
Ông Stoltenberg tuyên bố : "Chúng ta phải tiếp tục cung cấp cho Kiev các thiết bị quân sự và đạn dược cần thiết để tự vệ trước cuộc xâm lược của Nga. Điều này rất quan trọng đối với việc duy trì khả năng chiến đấu của Ukraine".
Khối NATO cũng lên án các cuộc tấn công "bừa bãi" của quân đội Nga trên khắp Ukraine sau khi Moskva phóng hàng loạt drone và tên lửa sang nước láng giềng trong hai ngày 26 và 27/08, khiến ít nhất 11 người thiệt mạng và phá hủy mạng lưới năng lượng vốn đã bị suy yếu của Ukraine. Tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi lực lượng không quân châu Âu hỗ trợ Ukraine đánh chặn drone và tên lửa của Nga trong tương lai.
Về phần mình, điện Kremlin đã thẳng thừng bác bỏ "kế hoạch hòa bình" mà nguyên thủ Ukraine đề xuất hôm 27/08 với Hoa Kỳ nhằm "buộc Nga phải chấm dứt chiến tranh". Chính quyền Moskva khẳng định sẽ tiếp tục "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine cho đến khi đạt được mục tiêu.
Phan Minh
**************************
Nga đối mặt ‘cuộc chiến cam go’ để lấy lại vùng đất mà Ukraine đã chiếm giữ
Reuters, VOA, 29/08/2024
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ mở cuộc phản công để cố gắng giành lại lãnh thổ ở khu vực Kursk bị quân đội Ukraine chiếm giữ, nhưng lực lượng Nga sẽ phải đối mặt với "một cuộc chiến khó khăn", Phó giám đốc CIA David Cohen ngày 28/8 cho biết.
Phó giám đốc CIA David Cohen ngày 28/8/2024 nói Mỹ dự kiến việc chiếm lại Kursk sẽ là một cuộc chiến khó khăn đối với người Nga
Ông Cohen phát biểu tại một hội nghị về ngành an ninh quốc gia rằng vẫn còn chờ xem cuộc xâm nhập của Ukraine, đã tràn qua khoảng 777 km vuông của tỉnh Nga, có tầm quan trọng đáng kể ra sao.
Lực lượng Ukraine đã đột kích qua biên giới phía tây của Nga vào khu vực Kursk vào ngày 6 tháng 8 trong một cuộc tấn công bất ngờ còn đang tiếp diễn.
Trong khi Kyiv tuyên bố không có ý định sáp nhập khu vực đã chiếm được, quân đội Ukraine đang xây dựng các tuyến phòng thủ và có vẻ như họ có ý định giữ lại "một phần lãnh thổ đó trong một khoảng thời gian", ông Cohen phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về tình báo và an ninh quốc gia.
"Chúng ta có thể chắc chắn rằng ông Putin mở cuộc phản công để cố gắng giành lại lãnh thổ đó", ông Cohen nói. "Chúng ta dự kiến đó sẽ là một cuộc chiến khó khăn đối với người Nga".
Ông cho biết, ông Putin "không chỉ phải đối mặt với thực tế là hiện có một tiền tuyến trong lãnh thổ Nga mà ông ta sẽ phải giải quyết, mà còn phải giải quyết những phản ứng dữ dội trong xã hội của mình rằng họ đã mất một phần lãnh thổ của Nga".
Thành công của Ukraine ở Kursk "có khả năng thay đổi động lực" của cuộc xung đột "một chút trong tương lai", ông nói.
Ukraine đã tuyên bố chiếm được 100 khu định cư trong cuộc xâm nhập vào khu vực Kursk của Nga, trong khi lực lượng Nga vẫn tiếp tục tiến công ở khu vực Donetsk phía đông Ukraine.
Ông Cohen cho biết Nga đã đạt được những thành quả đó "với thiệt hại cực lớn" về quân số và trang thiết bị và "có thể hoặc không thể" chiếm được thành phố trung tâm hậu cần quan trọng của Ukraine là Pokrovsk.
"Nhưng xét cho cùng, không có gì trong số đó là yếu tố thay đổi cuộc chơi theo nghĩa chiến lược" đối với người Nga, ông nói tiếp.
Hôm 27/8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết cuộc chiến với Nga cuối cùng sẽ kết thúc bằng đối thoại, nhưng Kyiv phải ở vị thế vững chắc và ông sẽ trình bày một kế hoạch cho Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và hai người kế nhiệm tiềm năng của ông Biden.
Ông Putin đã nói rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng cần bắt đầu bằng việc Ukraine chấp nhận "thực tế trên thực địa", điều đó sẽ giúp Nga sở hữu các phần đáng kể của bốn khu vực ở Ukraine cũng như Crimea.
Ukraine cho biết họ đã kiểm soát hơn 1.200 km vuông của khu vực Kursk.
Nguồn : VOA, 29/08/2024
Kyiv : Nga tấn công Ukraine bằng tên lửa, máy bay không người lái trong ngày thứ hai liên tiếp
Reuters, VOA, 27/08/2024
Nga đã tiến hành một số đợt tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái nhắm vào nhiều khu vực của Ukraine và giết chết ít nhất 4 người, quân đội Ukraine cho biết vào sáng sớm 27/8, một ngày sau cuộc không kích lớn nhất của Moscow vào nước láng giềng.
Khói đen bốc lên sau một vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Nga vào Kyiv hôm 26/8.
Hai người đã thiệt mạng khi một khách sạn bị "xóa sổ" ở thành phố Kryvyi Rih, miền trung Ukraine, các quan chức khu vực cho biết. Hai người chết trong các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào thành phố Zaporizhzhia, phía đông Kryvyi Rih.
Các hệ thống phòng không của khu vực Kyiv đã được triển khai nhiều lần trong đêm để đẩy lùi tên lửa và máy bay không người lái nhắm vào thủ đô của Ukraine, chính quyền quân sự khu vực cho biết trên Telegram.
Các nhân chứng của Reuters cho biết ít nhất có ba loạt vụ nổ xảy ra trong đêm ở Kyiv.
Hôm 26/8, Nga đã phóng hơn 200 tên lửa và máy bay không người lái, giết chết ít nhất 7 người và làm hư hại cơ sở hạ tầng năng lượng trong một cuộc tấn công bị Tổng thống Mỹ Joe Biden lên án là "đáng hổ thẹn".
Các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington viết trong một bài phân tính cuối ngày 26/8 rằng Moscow "có thể thiếu năng lực công nghiệp quốc phòng để duy trì các cuộc tấn công lớn như vậy ở quy mô tương tự một cách đều đặn".
Một số blogger quân sự Nga, như tập thể ủng hộ chiến tranh dưới tên Rybar, gọi các cuộc tấn công ở Moscow là một "hành động trả đũa" cho việc Ukraine bất ngờ xâm nhập vào lãnh thổ Nga – hành động đầu tiên như vậy kể từ Thế chiến II.
Điện Kremlin hôm 26/8 cho biết sẽ có phản ứng đối với hành động của Ukraine ở Kursk, nhưng ba tuần sau vụ xâm nhập, Kyiv tuyên bố vẫn tiếp tục tiến thêm. Moscow cho biết họ tiếp tục tấn công quân đội Ukraine ở đó – nhưng vẫn không thể đẩy họ ra khỏi lãnh thổ của mình.
Hiện chưa rõ ngay quy mô của các cuộc tấn công hôm 27/8 và tác động đầy đủ của chúng, nhưng lực lượng không quân Ukraine cho biết họ đã ghi nhận việc triển khai một số nhóm máy bay không người lái và việc cất cánh từ các sân bay Nga của máy bay ném bom chiến lược Tu-85 và máy bay đánh chặn siêu âm MiG-31.
Reuters không thể xác minh độc lập các thông tin này.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng của họ đã thực hiện một cuộc tấn công vũ khí có độ chính xác cao vào Ukraine qua đêm, hãng thông tấn Interfax đưa tin.
Điện Kremlin phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường trong cuộc chiến mà Tổng thống Vladimir Putin phát động chống lại nước láng giềng nhỏ hơn của Nga bằng một cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2 năm 2022.
Bộ Quốc phòng Nga nói rằng các cuộc tấn công hôm 26/8 đã đánh trúng "tất cả các mục tiêu cụ thể" thuộc cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của Ukraine.
Kryvyi Rih, Kyiv và các khu vực miền trung và miền đông Ukraine đã được đặt trong tình trạng báo động không kích suốt đêm, bắt đầu từ khoảng 8 giờ tối giờ GMT hôm 26/8.
Serhiy Lisak, thống đốc vùng Dnipropetrovsk nơi có thành phố Kryvyi Rih, cho biết trên Telegram rằng hai thường dân có thể vẫn còn nằm dưới đống đổ nát của khách sạn ở Kryvyi Rih và năm người bị thương trong vụ tấn công.
Ông cho biết thêm rằng 6 cửa hàng, 4 tòa nhà cao tầng và 8 ô tô cũng bị hư hại ở đó.
Tại Zaporizhzhia, hai người đã thiệt mạng và bốn người bị thương trong đêm, Ivan Fedorov, thống đốc vùng Zaporizhzhia, cho biết trên Telegram.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết hôm 27/8 rằng Kyiv sẽ trả đũa Nga vì các cuộc tấn công của nước này. Ông đã yêu cầu các đồng minh xem xét các hoạt động phòng không chung và cung cấp khả năng tầm xa sau khi Nga tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine bằng hơn 200 tên lửa và máy bay không người lái hôm 26/8.
Reuters
**************************
Nga tấn công Ukraine bằng máy bay không người lái và tên lửa trên diện rộng
VOA, 26/08/2024
Các quan chức Ukraine cho biết Nga đã thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa trên diện rộng nhắm vào Ukraine hôm 26/8, khiến ít nhất ba người thiệt mạng và làm mất điện ở một số khu vực của một số thành phố.
Bức ảnh trích xuất từ video do Bộ Quốc phòng Nga công bố hôm 25/8 cho thấy hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung tự hành Buk-2M của Quân đội Nga khai hỏa vào các mục tiêu trên không ở một địa điểm không được tiết lộ tại Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết Nga đã sử dụng hơn 100 tên lửa và khoảng 100 máy bay không người lái trong cuộc tấn công, nhắm vào "cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng".
Ông Zelenskyy cho biết trên Telegram rằng lực lượng Ukraine không thể bị hạn chế khả năng thực hiện các cuộc tấn công tầm xa khi Nga không phải đối mặt với những hạn chế như vậy. Các quan chức Ukraine từ lâu đã tìm kiếm sự tự do hơn từ các nhà cung cấp vũ khí để sử dụng những vũ khí đó nhằm tấn công các mục tiêu quân sự bên trong nước Nga, vốn được sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái nhắm vào Ukraine.
"Mỹ, Anh, Pháp và các đối tác khác của chúng tôi có đủ khả năng giúp chúng tôi ngăn chặn vụ khủng bố này", ông Zelenskyy cho biết. "Giờ là lúc có hành động quyết đoán".
Thống đốc Dnipropetrovsk Serhiy Lysak báo cáo rằng một người đã thiệt mạng và nhiều ngôi nhà bị hư hại trong khu vực của ông.
Tại thành phố Lutsk ở phía tây, một cuộc tấn công của Nga đã giết chết một người và làm hư hại một tòa nhà dân cư.
Ivan Fedorov, thống đốc khu vực Zaporizhzhia, cho biết một người đã thiệt mạng tại đó, trong khi các cuộc không kích của Nga cũng nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng.
Thị trưởng Kyiv Vitaliy Klitschko báo cáo tình trạng mất điện ở một số khu vực của thủ đô Ukraine, cùng với việc gián đoạn nguồn cung cấp nước.
Các quan chức ở Lviv báo cáo tình trạng mất điện trong khu vực của họ sau các cuộc tấn công của Nga nhắm vào các cơ sở năng lượng.
Thống đốc Poltava Philip Pronin báo cáo các cuộc tấn công của Nga nhắm vào một cơ sở công nghiệp và làm năm người bị thương.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã bắn hạ máy bay không người lái của Ukraine vào sáng sớm ngày 26/8 trên vùng Bryansk và Yaroslavl.
Thống đốc Yaroslavl Mikhail Yevrayev cho biết một trong những máy bay không người lái đã bị bắn hạ khi nó tìm cách tấn công một nhà máy lọc dầu.
Vùng Saratov của Nga là mục tiêu chính của các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine qua đêm, trong khi Bộ Quốc phòng Nga báo cáo rằng họ đã phá hủy chín máy bay không người lái. Các quan chức ở Saratov cho biết các mảnh vỡ rơi xuống đã làm hỏng một khu dân cư và làm một người bị thương.
Thống đốc vùng Belgorod của Nga báo cáo có hai người bị thương do một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào một chiếc ô tô.
Bộ Quốc phòng cho biết lực lượng phòng không Nga cũng đã bắn hạ máy bay không người lái của Ukraine trên vùng Kursk, Tula, Oryol và Ryazan.
(Một số thông tin trong bản tin này được cung cấp bởi AP, AFP và Reuters)
Cuối năm 2023, quân đội Nga đã có cơ hội để thay đổi cục diện chiến tranh ở Ukraine. Lực lượng mặt đất của Kyiv đã kiệt sức trong cuộc phản công ở phía nam. Ukraine thiếu đạn dược và hệ thống đánh chặn phòng không, đồng thời gặp khó khăn trong việc tiếp tế. Cùng với đó, dự luật gây tranh cãi về việc mở rộng lệnh động viên quân sự bị trì hoãn ở quốc hội Ukraine, khi tình trạng thiếu nhân lực của Kyiv trở nên trầm trọng. Dự luật chỉ được thông qua vào tháng Tư sau nhiều tháng tranh luận và có hiệu lực vào tháng Năm. Tại Mỹ, sự ủng hộ dành cho Ukraine đang bị chia rẽ theo đảng phái, khiến gói viện trợ 61 tỷ USD bị trì hoãn tại Quốc hội.
Binh lính Ukraine tham gia một cuộc tập trận quân sự ở khu vực Kherson, tháng 7/2024 - Ivan Antypenko / Reuters
Tuy nhiên, trong sáu tháng qua, Nga nhìn chung đã không tận dụng được những cơ hội này. Nga đã tiến hành các cuộc tấn công bằng không quân và tên lửa vào lưới điện của Ukraine, làm giảm đáng kể khả năng sản xuất điện của nước này, và khủng bố dân thường. Tuy nhiên, lực lượng mặt đất của Nga chỉ chiếm được một phần nhỏ lãnh thổ. Tổng cộng, diện tích lãnh thổ Nga chiếm được kể từ tháng 1 năm 2024 chỉ khoảng 360 dặm vuông, bằng khoảng hai phần ba diện tích của thành phố New York. Thật khó để coi những thành quả này là một thành công khi chúng phải trả giá bằng hơn 180.000 thương vong của Nga, theo ước tính của tình báo phương Tây.
Lực lượng của Moscow vẫn chưa kết thúc cuộc tấn công. Nga tiếp tục tấn công trên nhiều mặt trận trên bộ và ném bom cơ sở hạ tầng của Ukraine từ trên không. Nhưng ngay cả những tổ chức quân sự lớn nhất và có năng lực nhất cũng không thể duy trì các cuộc tấn công mãi mãi, và sau khi mất quá nhiều quân, cơ hội của Nga có thể sẽ sớm không còn. Những người lính đã chết trong chiến đấu chủ yếu là những người giỏi nhất của Nga. Nguồn dự trữ thiết bị của Nga cũng đang dần cạn kiệt. Cuối cùng Moscow sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tạm dừng cuộc tấn công và tập hợp lại lực lượng.
Trong quân sự, điều này được gọi là điểm cực hạn: thời điểm lực lượng tấn công cạn kiệt nhân lực, trang thiết bị và khả năng cần thiết để hoạt động hiệu quả. Thời điểm của các điểm cực hạn rất khó dự đoán, và Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như cảm thấy thoải mái khi tiếp tục cuộc tấn công này càng lâu càng tốt. Nhưng Nga đã tấn công hơn nửa năm nay và có lẽ chỉ có thể duy trì tốc độ hiện tại thêm một hoặc hai tháng nữa. Quân đội có thể sẽ thực hiện một số cuộc tấn công trên bộ và trên không sau đó, nhưng với tốc độ giảm đáng kể.
Điều đó có nghĩa là Ukraine phải bắt đầu lập kế hoạch để tận dụng tốt nhất sự suy yếu sắp tới của Nga. Làm như vậy sẽ không dễ dàng: người dân Ukraine đang đau khổ, và nhiều yếu tố quyết định thành công của Kyiv nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Ví dụ, Kyiv không thể xác định thời điểm hoặc địa điểm quân đội Nga sẽ đạt đến cực hạn, và họ không thể chắc chắn rằng phương Tây sẽ cung cấp hỗ trợ liên tục. Nhưng Ukraine có thể nghiên cứu chặt chẽ chiến trường để tìm dấu hiệu yếu kém của Nga. Ukraine có thể bắt tay với NATO để đào tạo và chuẩn bị cho các cuộc tấn công mới. Ukraine có thể quản lý các kỳ vọng từ bên ngoài. Và họ có thể nghĩ ra một học thuyết chiến thắng mới- một học thuyết khiến vị thế quân sự của Nga thực sự không thể trụ vững. Khi và chỉ khi đó, Ukraine mới có thể đàm phán với các điều khoản thuận lợi và đảm bảo một chiến thắng lâu dài.
Mọi chuyện vẫn chưa chắc chắn
Ukraine có thể sẽ có những ngày tươi sáng hơn phía trước. Tuy nhiên, các nhà phân tích không nên nhầm lẫn: sáu tháng qua là thời kỳ khó khăn nhất của đất nước này. Moscow đã không đạt được những bước tiến lớn về lãnh thổ trong cuộc tấn công gần đây, nhưng Ukraine đã mất một lượng lớn quân đội trong cuộc phòng thủ kiên cường của mình. Mặc dù Mỹ cuối cùng đã thông qua một gói viện trợ mới vào tháng Tư, nhưng dòng chảy vũ khí và đạn dược của phương Tây vẫn chưa trở lại mức như hầu hết thời gian trong năm 2023, trước khi viện trợ của Mỹ cho Kyiv bị trì hoãn trong các cuộc tranh luận đảng phái tại Quốc hội. Ukraine phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các hệ thống phòng không và ngân sách quốc gia của họ đang gặp khó khăn. Các nhà máy điện và máy phát điện của Ukraine chỉ hoạt động một nửa công suất cần thiết để đáp ứng nhu cầu của người dân Ukraine trong mùa đông này.
Những thách thức này chỉ là điểm khởi đầu cho Kyiv. Thật không may, các quan chức Ukraine sẽ phải đối mặt với những trở ngại khác – những trở ngại nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Đầu tiên trong số này là kẻ thù của họ: Moscow. Bất chấp những tổn thất to lớn về nhân sự và trang thiết bị, quân đội Nga vẫn cực kỳ nguy hiểm. Nga đang sản xuất tên lửa và rocket tầm xa có thể bắn phá cơ sở hạ tầng của Ukraine. Giờ đây, Nga có thể bù đắp những thiếu sót của chính mình bằng cách tìm nguồn cung cấp vũ khí từ các đối tác Iran và Triều Tiên, tạo thành một kho vũ khí của các nhà cầm quyền độc đoán. Moscow có thể mua các công nghệ lưỡng dụng – hàng hóa có mục đích dân sự và quân sự, chẳng hạn như vi mạch – từ Trung Quốc. Người Nga cũng đã chứng minh rằng họ có thể học hỏi và thích nghi ở cấp độ chiến thuật và chiến lược; câu châm ngôn "kẻ thù luôn có ảnh hưởng" (the enemy always get a vote) vẫn luôn đúng. Và cho đến nay, Mỹ hay Châu Âu vẫn chưa làm gì để thay đổi suy nghĩ của Putin hay chiến lược hủy diệt của ông ta đối với Ukraine.
Mỹ và Châu Âu cũng có thể là những đối tác không đáng tin cậy. Quyết định của họ, giống như của Nga, sẽ định hình khả năng của Ukraine vào năm 2025. Bị đánh thức khỏi giấc ngủ hậu Chiến tranh Lạnh bởi một nước Nga hung hãn và một ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa hoài nghi về NATO là Donald Trump, hầu hết các nước châu Âu đã tăng ngân sách quốc phòng của họ. Khả năng sản xuất quốc phòng của lục địa này cũng đang mở rộng. Nhưng sự tăng trưởng này sẽ không tự nó đáp ứng được các yêu cầu hiện tại của quân đội Ukraine, chứ đừng nói đến các yêu cầu lớn hơn nhiều của bất kỳ cuộc tấn công nào vào năm 2025.
Khả năng một đảng viên Dân chủ tiếp tục ở lại Nhà Trắng đã tăng lên kể từ khi Tổng thống Joe Biden rút khỏi cuộc bầu cử tháng 11 của Mỹ. Tuy nhiên, kết quả của cuộc đua vẫn chưa chắc chắn, vì vậy đối với Ukraine, Washington thậm chí còn là một dấu hỏi lớn hơn cả Châu Âu. Cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew vào tháng 7 cho thấy sự chia rẽ trong việc ủng hộ Ukraine giữa các cử tri Dân chủ và Cộng hòa: chưa đến 15% đảng viên Dân chủ tin rằng Mỹ đang cung cấp quá nhiều hỗ trợ cho Ukraine, nhưng gần một nửa đảng viên Cộng hòa lại nghĩ như vậy. Nếu Trump thắng trong cuộc đua tổng thống và đảng Cộng hòa giành được Thượng viện và Hạ viện, Nga có thể thấy mình ở vị thế thuận lợi một cách đáng ngạc nhiên cho năm tới. Cả Trump và Thượng nghị sĩ Ohio JD Vance, người được ông chọn làm phó tổng thống, đều đã chỉ ra rằng họ ủng hộ việc giảm hỗ trợ của Mỹ và theo đuổi một giải pháp thương lượng để chấm dứt chiến tranh.
Nếu Trump và Vance thắng cử, họ có thể, theo lẽ tự nhiên, sẽ thay đổi hướng đi. Thật dễ dàng để tưởng tượng Trump, thất vọng vì Putin không sẵn sàng đàm phán nghiêm túc về Ukraine, chuyển sang ủng hộ Kyiv. Nhưng các nhà hoạch định chính sách của Ukraine và NATO phải xem xét khả năng Washington sẽ không giúp ích được nhiều.
Trên thực tế, ngay cả khi đảng Dân chủ chiến thắng, Ukraine có thể thấy sự ủng hộ của Mỹ giảm xuống, tùy thuộc vào những gì xảy ra ở các khu vực khác trên thế giới. Cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7 tháng 10 đã làm giảm đáng kể tầm nhìn toàn cầu về cuộc chiến ở Ukraine, ảnh hưởng đến sự ủng hộ dành cho Kyiv. Mặc dù các loại đạn dược mà Lực lượng Phòng vệ Israel yêu cầu thường khác với những loại mà Ukraine yêu cầu, nhưng nhu cầu của IDF đã khiến các nhà hoạch định chính sách ở Washington và những nơi khác dành nhiều thời gian và nguồn lực hơn cho Trung Đông, khiến Kyiv nhận được ít hơn. Cuộc chiến ở Gaza cũng thúc đẩy sự chuyển hướng chú ý của giới truyền thông khỏi Ukraine, điều này lại có tác động tiêu cực đến sự ủng hộ của người dân đối với đất nước này. Nếu các cuộc xung đột ở Trung Đông mở rộng, điều đó sẽ chỉ làm cạn kiệt thêm nguồn lực và sự chú ý của Ukraine – đặc biệt là nếu cuộc chiến của Israel với Hezbollah nóng lên. Một cuộc xung đột toàn diện giữa Hezbollah và Israel sẽ tiêu tốn gần như chính xác các loại pháo và vũ khí phòng không mà Ukraine cần, chẳng hạn như đạn 155 mm, đạn xe tăng và thậm chí cả bom chính xác thả từ máy bay. Giao tranh mở rộng với Iran hoặc Houthis có thể tiêu tốn những nguồn cung cấp tương tự.
Chỉ huy và kiểm soát
Ukraine không thể kiểm soát địa chính trị toàn cầu, và họ có ít ảnh hưởng đến chính trị nội bộ của các đối tác của mình. Tuy nhiên, phần lớn những gì sẽ định hình năm 2025 nằm trong tầm kiểm soát của Kyiv. Xét đến, ví dụ như huấn luyện. Lực lượng mặt đất mà Ukraine triển khai ở miền Nam đã không nhận đủ chỉ dẫn tập thể cấp cao trước các cuộc phản công năm 2023, với rất ít chiến dịch cấp tiểu đoàn hoặc lữ đoàn được tiến hành đồng thời. Các đội hình giàu kinh nghiệm nhất được giữ lại ở miền đông Ukraine, và đơn giản là không có đủ thời gian để nâng cấp và huấn luyện các lữ đoàn mới để họ có năng lực cao trong các hoạt động phối kết hợp đồng thời ở cấp cao hơn. Để có bất kỳ cơ hội nào cho các cuộc tấn công thành công vào năm 2025, Ukraine sẽ phải khắc phục thiếu sót này. Một số sẽ bao gồm yêu cầu sự hỗ trợ của Mỹ và các đối tác NATO, đặc biệt là khi nói đến việc đào tạo các nhà lãnh đạo và các nhà hoạch định chính sách cấp cao hơn. Nhưng Kyiv có thể đi đầu trong việc đào tạo tốt hơn cho các tân binh cơ bản. Do đó, Ukraine sẽ cần tìm ra các giải pháp nhanh chóng và hiệu quả để nâng cao và hướng dẫn thêm nhiều binh sĩ cá nhân cũng như trang bị cho các lữ đoàn mới.
Ukraine cũng có quyền tự quyết đối với các trận quyết chiến ở tầm chiến dịch và chiến lược của mình. Ukraine đã phát triển một khả năng tấn công mạnh mẽ, bao gồm các loại tên lửa tự sản xuất; các hệ thống không người lái tầm xa, đặc biệt là drone; tên lửa phương Tây, chẳng hạn như tên lửa được bắn từ Hệ thống Tên lửa Chiến thuật của Quân đội Mỹ và tên lửa Storm Shadow của Châu Âu; và một số vũ khí còn sót lại từ thời Liên Xô. Khả năng này cũng sử dụng kết hợp dữ liệu cảm biến của Ukraine và NATO. Và Ukraine đã học cách sử dụng học thuyết nhắm mục tiêu chung của NATO, một phương pháp tiêu chuẩn hóa để lập kế hoạch, tiến hành và đánh giá các hoạt động tấn công tầm xa.
Tổ hợp tấn công của Kyiv hiện đang được sử dụng để chống lại ba mục tiêu chính: ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga; khí tài quân sự tiêu chuẩn, chẳng hạn như sân bay, trụ sở chính, lực lượng dự bị, phòng không và trung tâm hậu cần; và Crimea và Hạm đội Biển Đen của Nga. Trong vài tháng tới, Ukraine sẽ phải đưa ra những đánh đổi khó khăn về cách ưu tiên các mục tiêu này và họ nên giữ bao nhiêu vũ khí dự trữ. Nhưng những lựa chọn này hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của Ukraine.
Các quyết định về thời gian và địa điểm của các chiến dịch tấn công trong tương lai cũng vậy. Các lựa chọn cuối cùng của Ukraine sẽ phải được giữ bí mật chặt chẽ để mang lại cho Kyiv cơ hội tốt nhất để gây bất ngờ cho Moscow. Điều đó sẽ không dễ dàng với các công nghệ hiện tại, vốn đã cung cấp cho Nga mạng lưới cảm biến rộng khắp. Nhưng như người Nga đã thể hiện trong cuộc tấn công Kharkiv năm 2024 của họ và như người Ukraine đã thể hiện trong cuộc phản công Kharkiv năm 2023 của họ, điều đó là có thể – đặc biệt là khi nói đến thời gian. Việc giữ bí mật về địa lý sẽ khó hơn, nhưng Ukraine vẫn có thể thận trọng và khôn ngoan về nơi họ tiến hành các cuộc phản công.
Kyiv không thiếu các mục tiêu tiềm năng. Họ có thể chọn bắt đầu ở Donbas, để cản trở mục tiêu của Putin là chiếm toàn bộ miền đông Ukraine. Họ có thể chọn Kharkiv, để đảm bảo rằng thành phố lớn thứ hai của Ukraine vẫn nằm ngoài tầm bắn của pháo binh Nga. Các khả năng khác bao gồm các phần của miền nam Ukraine, vì tầm quan trọng kinh tế của nó, hoặc thậm chí cả Crimea.
Khi Ukraine cân nhắc thời điểm và địa điểm để bắt đầu chiến đấu, một trong những yếu tố quan trọng nhất sẽ là cơ hội. Tình báo Ukraine, phối hợp với NATO và các đối tác khác, sẽ theo dõi sức mạnh và tinh thần của quân đội Nga, lượng đạn dược quan trọng của Nga và lực lượng dự bị của Nga để tìm dấu hiệu yếu kém trên các mặt trận khác nhau. Kyiv có thể chọn bắt đầu chiến dịch dọc theo nhiều trục khác nhau để tạo ra sự mơ hồ về hướng chính của chiến dịch hoặc để tìm ra mặt trận nào dễ bị tổn thương nhất. Nhưng mọi khu vực tiềm năng sẽ đều khó khăn, xét tới việc Moscow hiện sở hữu nhiều lực lượng ở Ukraine và mạng lưới phòng thủ dày đặc mà họ đã xây dựng trên khắp miền đông và miền nam. Một cuộc phản công thành công ở bất cứ đâu sẽ đòi hỏi các hoạt động tấn công, tình báo quan trọng và dự trữ được thực hiện một cách bền vững. Việc huấn luyện và diễn tập cho các lực lượng quân sự tham gia ở mỗi khu vực sẽ hơi khác nhau.
Như thường lệ ở tất cả các quốc gia dân chủ, nhà lãnh đạo được bầu của Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky, sẽ có tiếng nói cuối cùng về cả địa điểm và thời gian của các cuộc tấn công của Ukraine. Do đó, Zelensky và các cố vấn thân cận nhất của ông sẽ đánh giá cẩn thận khả năng của Nga cũng như khả năng của chính họ, và tìm kiếm những cơ hội tốt nhất có thể. Ông sẽ nhận được lời khuyên từ Oleksandr Syrsky, tổng tư lệnh của Ukraine. Ở cấp độ chính trị và chiến lược của việc ra quyết định thời chiến, không có cái gọi là quyền tự chủ quân sự. Sự tương tác giữa nhân viên dân sự và quân sự có thể cải thiện kế hoạch quân sự bằng cách thử nghiệm các lựa chọn khác nhau từ các quan điểm khác nhau.
Khi đưa ra lựa chọn, Zelensky và nhóm của ông cũng sẽ theo dõi sự hỗ trợ của phương Tây, bao gồm thông qua các cuộc thăm dò và bình luận từ các chính trị gia phương Tây. Nhóm của ông sẽ làm việc để quản lý kỳ vọng của các nước đối tác. Trước cuộc phản công ở miền Nam năm 2023, người Mỹ và người châu Âu tin rằng Kyiv sẽ thành công, nhờ các bản tin truyền thông, tuyên bố của các chính trị gia, dòng thiết bị mới đổ vào và chiến thắng của Kyiv vào cuối năm 2022. Thật không may, những kỳ vọng này đã bị dập tắt trên chiến trường. Sự thất vọng này đã gây ra những hậu quả chính trị đáng kể. Cuộc tranh luận kéo dài của Mỹ về việc có nên tiếp tục hỗ trợ Ukraine hay không có lẽ đã bị ảnh hưởng bởi kết quả này. Cuộc khủng hoảng dân-quân sự của Kyiv vào cuối năm 2023, dẫn đến việc Valery Zaluzhny, tổng tư lệnh của đất nước khi đó bị sa thải vào tháng Hai, cũng vậy. Ukraine không thể để tình trạng sa sút như vậy xảy ra một lần nữa, vì vậy họ sẽ cần phải làm việc với NATO và các nhà lãnh đạo nước ngoài để kiểm soát nhận thức tốt hơn. Các chiến dịch quân sự của Kyiv cũng phải đạt được kết quả chính trị và đảm bảo rằng Ukraine được đặt ở vị trí tối ưu nếu họ buộc phải tham gia các cuộc đàm phán sớm.
Chuẩn bị và cơ hội
Các quyết định cụ thể về địa lý, hậu cần, chiến thuật và thời gian của Ukraine đều rất quan trọng. Nhưng cuối cùng, thành công của đất nước này sẽ phụ thuộc vào việc Kyiv có thể phát triển một học thuyết chiến thắng dựa trên nguồn lực của chính mình và của những quốc gia ủng hộ hay không.
Học thuyết chiến thắng này có khả năng sẽ có các cấu phần quân sự, kinh tế, ngoại giao và thông tin. Học thuyết này sẽ hướng đến một kết quả chính trị – bao gồm việc giải phóng toàn bộ lãnh thổ Ukraine, Crimea và Donbas – nhưng nó phải xem xét hàng loạt các thực tế chiến lược và chiến dịch được thể hiện bởi tình trạng hiện tại của cuộc chiến. Học thuyết này sẽ đòi hỏi những chiến thắng trên chiến trường trên bộ, trên không và trên biển, ít nhất là tăng gấp đôi số thương vong mà Ukraine hiện đang gây ra cho Nga. Làm như vậy là cần thiết để buộc Moscow, hiện đang tuyển mộ binh lính với số lượng tương đương với số thương vong, phải đưa ra những lựa chọn chính trị khó khăn hơn về việc ai sẽ được tuyển dụng hoặc nhập ngũ. Do đó, Ukraine sẽ cần phát triển các học thuyết quân sự tấn công mới, hiệu quả hơn và kết hợp nhiều hệ thống không người lái hơn cả trên không và trên bộ. Các hoạt động phòng thủ hiện là hình thức chiến tranh chủ yếu của Ukraine, nhưng Kyiv sẽ cần các cuộc tấn công mới để tiếp cận và đột phá các tuyến phòng thủ của Moscow. Phần lớn phụ thuộc vào việc Ukraine phát triển thành công các khái niệm như vậy trước Nga.
Họ phải làm như vậy với sự giúp đỡ của NATO. Trên thực tế, Ukraine nên phối hợp toàn bộ lý thuyết chiến thắng mới của mình với phương Tây. Lý thuyết này không thể chỉ tập trung vào việc bảo vệ Ukraine; nó cũng phải tập trung vào việc đánh bại Nga. Điều đó sẽ đòi hỏi sự gia tăng về nguồn lực và đào tạo của phương Tây và sự thay đổi trong tư duy của phương Tây. Theo đó, Kyiv phải thuyết phục được những người ủng hộ mình.
Để thành công, Ukraine nên nhắc nhở các đối tác của mình rằng không có cách nào để chấm dứt chiến tranh chừng nào Putin còn tin rằng ông ta có thể thắng. Moscow có thể đồng ý đàm phán ngay hôm nay, nhưng nếu Putin vẫn tự tin, ông ta sẽ chỉ đơn giản là sử dụng bất kỳ lệnh ngừng bắn nào để tái vũ trang trước khi tấn công trở lại – như ông ta đã làm ở Chechnya và bằng cách xâm lược Ukraine vào năm 2022, vi phạm các hiệp định hòa bình ở Donbas. Đúng là hầu như tất cả các cuộc chiến đều kết thúc bằng đàm phán. Nhưng các cuộc đàm phán tốt nhất là những cuộc đàm phán mà kẻ thù phải quỳ gối, như Đức và Nhật Bản vào cuối CTTG II, hoặc những cuộc đàm phán mà kẻ thù kiệt sức đến mức rút lui là lựa chọn thực sự duy nhất, như Liên Xô ở Afghanistan. Ukraine sẽ phải khiến cuộc chiến trở nên không thể chịu đựng và không bền vững đối với Nga đến mức Nga sẵn sàng đồng ý không chỉ một thời gian nghỉ ngơi tạm thời mà còn chấm dứt thực sự chiến tranh.
Kyiv có những gì cần thiết để thành công. Bất chấp phải đối mặt với vô vàn làn sóng tấn công, họ đã khiến quân đội Nga vốn có nhiều lợi thế phải thất bại. Ukraine đã làm được như vậy trong khi gặp phải tình trạng thiếu hụt đáng kể về nhân lực và hỏa lực. Giờ đây, cơ hội tối đa hóa của Moscow đã gần như qua đi. Trong những tháng tới, khi đà của Nga suy yếu, Ukraine sẽ chuẩn bị, tái cấu trúc và theo dõi các cơ hội. Thành công không bao giờ là chắc chắn trong chiến tranh, nhưng Ukraine sẽ có vị thế tốt hơn vào năm 2025 so với năm nay để giải phóng lãnh thổ và thuyết phục Nga rằng cái giá của chiến tranh là không xứng đáng. Nhưng để giành chiến thắng, Kyiv sẽ phải xây dựng lại năng lực tấn công của mình, thực hiện các nỗ lực ngoại giao, gây ảnh hưởng đến các hoạt động và đưa ra một học thuyết mới về cách giành chiến thắng.
Mick Ryan
Nguyên tác : "Can Ukraine Get Back on the Offensive ?", Foreign Affairs, 08/08/2024
Viên Đăng Huy biên dịch
Nguyễn Thế Phương hiệu đính
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 26/08/2024
Mick Ryan là Nghiên cứu viên Cao cấp về Nghiên cứu Quân sự tại Viện Lowy ở Sydney, Nghiên cứu viên Phụ trợ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, đồng thời là Thiếu tướng đã nghỉ hưu trong Quân đội Australia.
Một cách chính thống, chúng ta thấy rằng đã từ lâu không có đàm phán Ukraine-Nga về chiến tranh. Tuy nhiên, thực tế là đã có đàm phán bí mật giữa hai bên, theo tờ Washington Post ngày 17/08/2024. Qatar là quốc gia trung gian cho những cuộc đàm phán này.
Chiến tranh Ukraine-Nga, thực tế là vẫn có đàm phán bí mật giữa hai bên - Ảnh minh họa
Những cuộc đàm phán bí mật này không có mục đích giải quyết tất cả những vấn đề cơ bản của cuộc chiến lập lại hòa bình, nhưng cũng ít nhiều có một mục đích nào đó để giảm thiểu cường độ chiến tranh hay đạt được một sự ngưng bắn nào đó.
Như các bạn đã biết, trong một thời gian dài vừa qua, lửa đã bùng cháy lên ở khắp nơi trên đất nước Nga, đặc biệt là ở những nơi lọc và chứa dầu. Trước đây, khi hệ thống phòng không của Ukraine chưa được tốt, Nga đã nhắm bắn rất nhiều vào các cơ sở phát điện hay các trạm biến thế của Ukraine, gây thiệt hại đáng kể cho sinh hoạt kinh tế, làm đảo lộn cuộc sống của người dân và ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của nhân dân Ukraine. Hiện nay, Ukraine dùng các drone tự chế đánh thẳng vào các bể dầu, nhà máy lọc dầu, kho vũ khí, và cả sân bay nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Có bể dầu cháy cả tuần nay không dập tắt được. Giá dầu ở Nga tăng, Nga phải xem xét lại việc xuất khẩu dầu… Nói chung, rất là bí bách. Nga cú lắm mà chưa có cách nào chữa cháy.
Cách đây ít lâu, Nga rất vui mừng là sẽ có thể ký kết được một thỏa thuận lịch sử chấm dứt các cuộc tấn công của hai bên vào các cơ sở hạ tầng của năng lượng và điện. Hai bên sẽ gặp nhau vào cuối tháng 8/2024. Nhưng nhưng cách đây 2 tuần, Ukraine lại mở một cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, trong địa bàn tỉnh Kursk chiếm hơn 1.200 km2 với 93 địa danh. Thế là hy vọng của Nga trở thành mây khói.
Cuộc đàm phán cuối tháng 8 này sẽ không xẩy ra và bị lùi lại không biết đến bao giờ. Nga tạm thời chấm dứt đàm phán, nhưng cũng không tuyên bố bỏ hẳn đàm phán. Tất nhiên là Nga đổ hết lỗi cho Ukraine với nhiều tuyên bố rất ngớ ngẩn và vu khống. Tôi không muốn mất thì giờ đưa lên đây. Ngược lại, phía Ukraine lại cho rằng chính cuộc tấn công của Ukraine vào Kursk lại càng làm cho Nga cần phải đàm phán. Đương nhiên là vậy chứ còn gì.
Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã nhận được một loại vũ khí tấn công mới có tên là Palianytsia, được mô tả là sự kết hợp giữa tên lửa và máy bay không người lái.
Đã thế, Ukraine lại vừa trình làng một loại drone mới Made in Ukraine, có khả năng bay rất xa, có rất nhiều tính năng vượt trội và chính nó đã là tác giả của vài vụ cháy ngút trời gần đây. Tên của nó là "Ổ bánh mì" (Palianytsia). Theo thông tin của nhiều nguồn khác nhau thì đây là một loại drone ngon, bổ rẻ. Khi sử dụng không phải xin phép bất cứ, không phạm đến lằn ranh đỏ nào.
Cho đến hôm nay, Putin chưa có một hành động cụ thể nào để chiếm lại Kursk mà chỉ hạ lệnh phải giải phóng Kursk trước ngày 01/10/2024. Còn một tháng nữa, hãy chờ xem !
Hoàng Quốc Dũng
(25/08/2024)
Không đẩy được quân đội Ukraine khỏi Kursk, Nga sẽ hành động ra sao ?
Les Echos ngày 22/08/2024 dẫn nguồn từ tình báo quân đội Ukraine cho biết đang chuẩn bị cho việc Moskva trả đũa lại chiến dịch Kursk. Kiev nhận định Kremlin sắp trả thù cho nỗi nhục phải chịu đựng từ khi quân đội Ukraine tiến vào Kursk hôm 06/08.
Ảnh vệ tinh của Planet Labs PBC cho thấy đám cháy từ một kho xăng dầu của Nga gần Proletarsk sau khi bị drone Ukraine tấn công, ngày 19/08/2024. AP - Planet Labs PBC
Quân Nga ở Kursk và Belgorod vẫn chưa chặn nổi Ukraine
Sau hơn hai tuần lễ chiến đấu, Ukraine vẫn luôn kiểm soát trên 1.200 km² lãnh thổ Nga, và hôm qua Moskva chịu đựng một làn sóng tấn công của drone cảm tử. Ông Vadym Skibitsky, nhân vật số hai của tình báo quân đội Ukraine khẳng định "Nga có kế hoạch, chúng tôi biết", và từ chối nói thêm chi tiết. Nhưng không thể loại trừ việc Nga lại tung ra một đợt oanh kích quy mô trong những ngày tới, vì Ukraine mừng Quốc khánh ngày thứ Bảy 24/08.
Trong khi chờ đợi, quân Nga ở Kursk và Belgorod vẫn không chận nổi bước tiến của Ukraine dù đã chậm lại trong những ngày gần đây. Với tình trạng như hiện nay, có vẻ Nga không thể lấy lại được vùng đất đã bị Ukraine chiếm trong hai tuần qua. Hầu hết là lính quân dịch ít được huấn luyện và trang bị sơ sài, cùng với các lực lượng trực thuộc Bộ Nội vụ, rất nhiều lính Nga đã bị bắt làm tù binh ngay trong những giờ đầu tiên xâm nhập, và có thể đang bị giam tại Sumy. Tổng thống Volodymyr Zelensky hàm ý số tù binh này có thể trao đổi lấy những người Ukraine bị bắt.
Theo tướng Oleksandr Syrsky, tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine, quân của ông đã vào sâu từ 28 đến 35 kilomet tại tỉnh Kursk, đến thứ Ba đã kiểm soát 1.263 km² đất và 93 khu định cư. Moskva điều nhiều đơn vị từ các mặt trận khác về để tăng cường và như vậy theo Ukraine, Nga thiếu lực lượng dự bị có thể phản ứng nhanh trong trường hợp khẩn cấp. Trên 122.000 dân Kursk đã phải di tản. Nhưng chiến lược đưa chiến tranh sang đất Nga không chỉ nhắm vào Kursk. Hôm qua theo Bộ Quốc phòng Nga, 45 drone Ukraine tấn công Moskva đã bị bắn hạ - những con số không thể kiểm chứng độc lập. Về phía Ukraine khẳng định đã tiêu diệt 50/69 drone Nga nhắm vào nhiều thành phố trong đêm thứ Ba rạng sáng thứ Tư.
Moskva và Kiev đều đang chuẩn bị những đòn tầm cỡ ?
Trả lời phỏng vấn của Libération, nhà chính trị học Tatiana Stanovaia cho rằng tuy việc Ukraine xâm nhập vào Kursk và dùng drone tấn công Moskva khiến Kremlin tức tối, nhưng về căn bản không thay đổi được ván cờ. Dù sao đi nữa Ukraine cũng không thể tấn công đại quy mô, Moskva không thể chiếm Kiev, phương Tây không giúp nổi Ukraine tống xuất được quân Nga chiếm đóng. Tất cả đều trong ngõ cụt, nên lối thoát là phải thương lượng. Nhưng thế trận mới đã làm tắt hy vọng này. Tại sao Putin phản ứng chậm như vậy ? Theo bà Stanovaia, chắc chắn là ông ta chuẩn bị một cuộc trả đũa tầm cỡ. Các blogger chiến trường cũng nghi ngờ việc tiến đánh Kursk chỉ nhằm đánh lạc hướng, Kiev thực ra sắp sửa làm một cú rất lớn ở Crimea.
Dưới cái nhìn của Moskva, để giữ hơn 1.000 cây số vuông chiếm được, Kiev khó thể tìm được nguồn lực cho một mặt trận thứ hai. Nga cho rằng đây chỉ là hoạt động truyền thông, vấn đề đối với Kremlin mang tính chiến thuật là phải hành động như thế nào ? Vấn đề lính quân dịch hết sức gai góc. Putin không thể gởi các tân binh này lên tuyến đầu, nhưng tập trung họ tại các vùng biên giới. Đã hai tuần quân đội Ukraine ở trên đất Nga, nhưng cuộc sống vẫn bình thường nhất là tại thủ đô. Một khi mà cư dân vẫn tiếp tục đi xem hát, đi nhà hàng, đi làm, đưa con đến trường mà không có nguy cơ bị tử thương thì chẳng có gì thay đổi, và sẽ còn kéo dài.
Đối với Kremlin tình trạng hiện nay hết sức khó chịu, ảnh hưởng đến uy tín. Nhưng trong đầu Putin vẫn tin rằng có phương Tây phía sau. Biết rằng Ukraine giăng ra cái bẫy để làm giảm áp lực ở Donbass, Putin không rút bớt quân tại đây. Và theo cách nghĩ của Putin thì Kiev đã làm mất đi cơ hội thương lượng.
Lo ngại cho nhà máy điện nguyên tử Kursk
Trong khi đó đặc phái viên Le Figaro cho biết "Ở cách vùng chiến sự 50 kilomet, nhà máy điện nguyên tử Kursk trong tình trạng báo động". Từ hai tuần qua, địa điểm được xây dựng cùng lúc với Tchernobyl đang được bảo vệ an ninh chặt chẽ. Nhà máy này cung cấp điện cho Kursk và cả Belgorod, Briansk. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Nga khẳng định Ukraine đang chuẩn bị tấn công, "kêu gọi Liên Hiệp Quốc và AIEA lên án những hành động khiêu khích của chế độ Kiev", tuy quân Nga đang chiếm nhà máy điện nguyên tử Zaporijia của Ukraine từ tháng 3/2022.
Thị trưởng Igor Korpunkov nói rằng "có vài drone nhỏ" rơi xuống gần nhà máy, không gây thiệt hại gì nhưng dù sao cũng nguy hiểm. Ít thấy sự hiện diện của lính tráng, có lẽ cũng như ở Kursk, chính quyền không muốn dân chúng sợ hãi. Trên đường từ Kursk đến Kurchatov, phải vượt qua nhiều trạm kiểm soát, có những toán tuần tra suốt đêm. Những trận đụng độ dữ dội gần nhà máy Zaporijia tuần trước khiến Rafael Grossi, tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế phải cảnh báo. Tuy nhiên Kursk khác hẳn Zaporijia : chưa có dấu hiệu gì cho thấy lực lượng Ukraine muốn chiếm nhà máy điện nguyên tử này.
Tình báo Nga tìm cách xâm nhập điện thoại ngoài mặt trận
Trên trận địa, tại Ukraine điện thoại thông minh vừa là vũ khí vừa là mục tiêu của chiến tranh mạng, và Nga tìm cách xâm nhập smartphone của các chiến binh Ukraine. Đối với lính Nga, từ cuối tháng 7 Duma (Quốc hội) đã cho phép các chỉ huy đơn vị trừng phạt những ai dùng thiết bị điện tử trên mặt trận ngoài khuôn khổ các chiến dịch quân sự. Năm ngoái, quân đội Ukraine đã định vị được một cuộc tập hợp ở Rohove nhờ liên lạc điện thoại của quân Nga, và dùng ATACMS tấn công làm mấy chục người chết.
Theo Le Figaro, điện thoại di động luôn rất cần để truyền lệnh và trao đổi, điều khiển và phát hiện drone. Từ đầu cuộc chiến, một sĩ quan Pháp nhận định "Người chiến binh của tương lai cần được trang bị súng và điện thoại". Tuy nhiên điện thoại di động đã trở thành mục tiêu khai thác dữ liệu. Nhà nghiên cứu Dan Black cho biết các đơn vị tin tặc Nga không chỉ muốn làm rối loạn mạng lưới và cơ sở hạ tầng Ukraine, mà còn xâm nhập vào các thiết bị ngoài mặt trận, để giành lợi thế chiến thuật ngắn hạn.
Chẳng hạn Center 16 của FSB tìm cách bẻ khóa ứng dụng Signal, Sandworm của GRU cung cấp cho các đơn vị Nga phương tiện để khai thác các điện thoại lấy được của Ukraine. Bên cạnh đó là nguy cơ tin tặc Nga chiếm quyền kiểm soát các camera giám sát. Các quân đội phương Tây và đại tập đoàn công nghệ như Microsoft, Amazon, Google đã trợ giúp Kiev từ đầu cuộc xâm lăng, và theo một nguồn tin quân sự Pháp, thì "phòng thủ đã chiếm lợi thế so với tấn công".
Chính thống giáo và nguy cơ "đội quân thứ năm" ở Ukraine
Về mặt tôn giáo, La Croix và Les Echos cùng giải thích vì sao Ukraine cấm giáo hội Chính thống giáo liên kết với Moskva hoạt động, theo một dự luật vừa được Quốc hội thông qua. Với 265 phiếu thuận và chỉ có 29 phiếu chống, đây là một quyết định lịch sử. Tổng thống Ukraine hoan nghênh một đạo luật bảo đảm "độc lập về tín ngưỡng" của đất nước.
Từ đầu cuộc xâm lăng, các đại diện giáo hội Chính thống giáo Ukraine liên quan đến Tòa thượng phụ Moskva nói rằng đã tách rời khỏi giáo quyền Nga, đặc biệt là thượng phụ Kirill, người ủng hộ nhiệt thành của Vladimir Putin, rao giảng biện minh cho việc xâm lược. Nhưng tác giả Jean-François Colosimo cho biết thật ra họ vẫn giữ liên hệ. Tình hình này khó thể chấp nhận đối với Ukraine, vì một số hàng giáo phẩm từng có bạn học là tình báo Nga FSB, muốn Moskva chiến thắng. Họ là kẻ thù từ bên trong.
Với luật mới, giáo hội Chính thống giáo Ukraine sẽ phải ra khỏi vùng xám. Khoảng 20 thành viên đã bị lãnh án vì nhận tiền hay vũ khí của kẻ xâm lăng, hoặc tuyên truyền cho Nga. Các tổ chức tôn giáo có 9 tháng để chứng minh họ không có quan hệ lệ thuộc dù là về chính trị, hành chánh, tín ngưỡng, tài chánh hay ý thức hệ với Moskva. Nhà nghiên cứu Antoine Arjakovsky, nhấn mạnh, tự do tín ngưỡng ở Ukraine không hề bị đe dọa, mà chỉ cấm đội quân thứ năm đột lốt tôn giáo để hoạt động.
Chất độc da cam : Cuộc chiến không mệt mỏi của bà Trần Tố Nga
La Croix nói về "Cuộc chiến đấu lâu dài của bà Trần Tố Nga chống lại chất độc màu da cam". Hôm nay tòa phúc thẩm Paris ra phán quyết về vụ kiện 14 tập đoàn hóa chất nông nghiệp Mỹ trong đó có Monsanto đã sản xuất ra chất diệt cỏ chứa dioxine dùng trong chiến tranh Việt Nam.
Người phụ nữ 82 tuổi mang hai quốc tịch Việt-Pháp nói rằng dù quyết định của tòa ra sao đi nữa, bà sẵn sàng hy sinh thêm vài năm trong cuộc sống. Từ miền bắc vào nam kháng chiến trong chiến khu, một hôm bà ra khỏi hầm trú ẩn khi máy bay đang rải hóa chất. Bà mất đứa con đầu tiên lúc 17 tháng tuổi, hai đứa sau đều dị tật về tim, còn bà bị phát hiện ung thư vú, tiểu đường và lao. Mãi sau này bà mới cho là do chất độc da cam, báo cáo Stellman năm 2003 cho biết 4 triệu người Việt bị nhiễm chất này.
Ông Võ Đình Kim, người sáng lập hội Vietnam Dioxine năm 2004 cho biết ông rất sốc khi biết con số nạn nhân. Năm 2009, một tòa án dư luận được Vietnam Dioxine tổ chức, bà Trần Tố Nga lên kể lại câu chuyện của mình và gặp luật sư Pháp William Bourdon. Nếu ở Hoa Kỳ, mọi dự định kết án các tập đoàn Mỹ đều thất bại, luật sư và Vietnam Dioxine muốn kiện tại Pháp nhưng phải có một nạn nhân Pháp. Bà Nga chính là tiếng nói để vận động.
Luật sư William Bourdon cảnh báo là sẽ rất khó khăn, nhưng bà Nga suy nghĩ nếu mình không hành động, tội ác về chất độc da cam sẽ bị chôn vùi vĩnh viễn trong lịch sử. Phiên tòa đầu tiên năm 2021 tại Évry (Essonne), nơi Trần Tố Nga cư ngụ, nhưng tòa bác vì không thể xác định yếu tố các công ty này "hành động theo lệnh Nhà nước Hoa Kỳ". Bertrand Repolt, một trong các luật sư của bà nói, nếu lần này tòa phúc thẩm chấp nhận, sẽ mở ra một phiên tòa thực sự. Trong mười năm qua, bà Nga trở thành biểu tượng cho cuộc tranh đấu, bà khẳng định mình không có quyền mệt mỏi vì các nạn nhân đang trông cậy.
Kamala Harris, thành lũy chặn Donald Trump
Thời sự hôm nay khá phong phú, nên tít trang nhất các báo cũng đa dạng. Le Figaro đưa tít "Sau sự hưng phấn Thế vận hội, nước Pháp chuẩn bị cho một làn sóng các môn thể thao". Các liên đoàn bơi lội, judo... sắp sửa đón nhận thêm nhiều người đăng ký, với mối băn khoăn làm thế nào cơ sở hạ tầng đáp ứng được.
Về y tế, Le Monde cho biết các bệnh viện đang căng thẳng : từ tháng 11 sẽ thiếu 1.000 bác sĩ nội trú. Dù tình hình sẽ không kéo dài quá một năm, nhưng cần có những cải cách. Bên cạnh đó, khoa cấp cứu của khoảng 50 bệnh viện đang quá tải, đây sẽ phải là hồ sơ hàng đầu của chính phủ mới. Về lãnh thổ hải ngoại, Les Echos báo động "Tân Calédonie bên bờ vực sụp đổ kinh tế", giới kinh doanh lo ngại một đợt nổi loạn mới. Tại Châu Âu, La Croix nhận xét dù còn một số trở ngại, nhiều hành khách vẫn thích dùng xe lửa để di chuyển.
Đề cập đến bầu cử Mỹ, Libération đăng ảnh hai ứng cử viên tổng thống, chạy tít "Kamala xuất hiện, Donald run rẩy". Trong khi đại hội đảng Dân Chủ đầy hào hứng với Harris, ông Trump chật vật chưa thích ứng được chiến dịch tranh cử. Xã luận Libération dẫn lời cựu tổng thống Barack Obama tối thứ Ba ở Chicago, nhấn mạnh ứng cử viên Dân Chủ là thành lũy duy nhất chống lại một nước Mỹ của Donald Trump vốn sẵn sàng làm mọi cách để tránh thất bại, trong một đất nước mà ông góp phần làm chia rẽ.
Tờ báo nhắc lại hồi 2004 trong bài diễn văn đầu tiên tại đại hội đảng Dân Chủ, Obama khẳng định "không có một nước Mỹ bảo thủ hay cấp tiến, nhưng một đất nước duy nhất là Hoa Kỳ". Tuy nhiên đó là cách đây 20 năm, mà như nhiều thế kỷ. Lần này Obama nói ngược lại, nhằm củng cố tính chính danh cho Kamala Harris - phó tổng thống bỗng chốc được đẩy lên thành đối thủ của một ứng cử viên có tính cách mạnh mẽ. Bà Harris cần chứng tỏ xứng đáng với làn sóng hy vọng mới này.
Thụy My
Kiev dùng bom bay Mỹ tấn công căn cứ quân sự Nga tại Kursk
Anh Vũ, RFI, 22/08/2024
Ukraine đẩy mạnh các cuộc tập kích vào sâu trong lãnh thổ Nga. Kiev xác nhận, ngày 22/08/2023 không quân Ukraine đã tấn công một căn cứ quân sự Nga trong vùng Kursk bằng bom bay của Mỹ GBU-39.
Ảnh vệ tinh do công ty Mỹ Planet Labs PBC công bố cho thấy khói lửa bốc lên từ một kho dầu gần Proletarsk (Nga) bị drone của Ukraine tấn công, ngày 21/08/2024. AP - Planet Labs PBC
Trên Telegram, tư lệnh không quân Ukraine Mykpla Olechtchouk cho biết, vụ tấn công đã nhắm trúng một sở chỉ huy drone và một đơn vị chiến tranh điện tử của Nga, phá hủy nhiều vũ khí khí tài và khoảng bốn chục quân Nga đã thương vong. Kèm theo thông tin trên là một đoạn video ghi lại cuộc tấn công, theo chỉ huy Ukraine, diễn ra vào lúc 16 giờ chiều ngày hôm qua. Đây là lần đầu tiên Kiev thừa nhận công khai sử dụng vũ khí hạng nặng của Mỹ để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Moskva sáng hôm qua xác nhận đã chặn được nhiều đợt tấn công bằng drone và tên lửa của Ukraine trong vùng phía tây, chủ yếu trong vùng Volgograd. Tại đó một cơ sở của bộ Quốc Phòng đã bị cháy.
Cũng trong ngày 22/08, theo chính quyền địa phương, một xà lan chuyên chở nhiên liệu đã bị đánh chìm trong cảng Kavkaz của Nga, đối diện với bán đảo Crimea sau khi bị Ukraine oanh kích. Đây là cảng nằm trong eo biển Kertch giữa phần lục địa của Nga và bán đảo Crimea của Ukraine đã bị Moskva Nga sáp nhập từ năm 2014.
Cây cầu được Nga xây dựng nối hai vùng lãnh thổ, tuyến đường tiếp viện hậu cần quan trọng cho quân đội Nga này cũng đã nhiều lần là mục tiêu tấn công của Ukraine.
Theo một quan chức của Crimea, vụ tấn công diễn ra vào khoảng 16 giờ 30 giờ địa phương.
Đáp trả các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng, Ukraine tăng cường nhắm vào các cơ sở đầu khí nằm sâu trong lãnh thổ Nga, có nơi cách biên giới hàng trăm km.
Chủ nhật vừa rồi, Kiev đã oanh kích vào một kho nhiên liệu tại thành phố Proletarsk, trong vùng Rostov, gây ra một vụ cháy cực lớn kéo dài nhiều ngày.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua, trong một cuộc họp chính phủ và lãnh đạo các vùng biên giới đã tố cáo Ukraine đang tìm cách tấn công chiếm nhà máy điện hạt nhân trong vùng Kursk. Ông nói thêm là đã thông báo cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế.
Anh Vũ
****************************
Nga tuyên bố đã ngăn chặn một cuộc tấn công lớn của Ukraine tại miền tây
Chi Phương, RFI, 22/08/2024
Một quan chức Nga hôm nay, 22/08/2024, xác nhận đã đẩy lùi nhiều cuộc tấn công bằng drone và tên lửa từ Ukraine tại miền tây nước này, đặc biệt là vùng Volgograd.
Một người lính Nga dùng súng chống drone tại một địa điểm không xác định ở vùng Donetsk, Ukraine. Ảnh được công bố ngày 18/06/2024. AP
Trên mạng xã hội Telegram, thống đốc vùng Volgograd, Andreï Botcharov, khẳng định "đã ngăn chặn hầu như toàn bộ các tên lửa và drone của Ukraine", tuy nhiên các mảnh vỡ rơi xuống đã gây hỏa hoạn tại một cơ sở của bộ Quốc Phòng Nga tại Marinovka. Đám cháy hiện đã được dập tắt và không có thương vong nào. Theo AP, dữ liệu từ các vệ tinh của NASA, chuyên dùng để phát hiện cháy rừng, cho thấy các đám cháy bùng phát xung quanh sân đỗ của căn cứ không quân tại Marionovka.
Tại miền tây của Nga, vùng Briansk, theo AFP, quan chức địa phương khẳng định đã ngăn một nhóm "phá hoại" của Ukraine xâm nhập vào lãnh thổ nước này. Vùng Briansk nằm cách vùng Kursk khoảng 240 km, nơi mà quân đội Ukraine đã mở một cuộc tấn công lớn từ ngày 06/08.
Còn tại vùng Kursk, thống đốc Alexei Smirnov cho biết hai tên lửa và một drone của Ukraine đã bị lực lượng phòng không bắn chặn. Theo Reuters, quan chức địa phương này hôm nay đã bắt đầu cho xây dựng các nơi trú ẩn cho thường dân trước các cuộc tấn công của Kiev.
Về phía nam Nga, vùng Rostov, 5 drone được cho là của Ukraine cũng đã bị lực lượng Nga phá hủy.
Tại thủ đô Moskva, thị trưởng Sergei Sobianine cho biết trong đêm Thứ ba rạng sáng thứ Tư, thành phố đã phải hứng chịu một trong những cuộc tấn công lớn nhất từ Ukraine. Bộ Quốc Phòng Nga nêu rõ là 11 thiết bị đã bị phá hủy tại Moskva.
Chi Phương
*************************
Quân Nga tiếp tục đà tiến về trung tâm hậu cần chiến lược Pokrovsk, miền đông Ukraine
Thùy Dương, RFI, 22/08/2024
Bất chấp cuộc tấn công của đối phương vào vùng biên Kursk, quân Nga vẫn tiếp tục đà tiến về hướng thành phố Pokrovsk, một trung tâm hậu cần cho quân đội Ukraine ở miền đông, sau khi chiếm các làng ở vùng Donbass.
Một khu dân cư bị quân đội Nga oanh kích ở Pokrovsk, vùng Donetsk, Ukraine, ngày 20/08/2024. © AP - Yevgeny Maloletka
Theo AFP, hôm 21/08/2024, Moskva thông báo quân đội đã chiếm thêm được 1 làng cách Pokrovsk 20 km. Tình hình căng thẳng khiến chính quyền địa phương phải kêu gọi người dân khẩn cấp di tản. Các gia đình có con bắt buộc phải đi sơ tán.
Từ Kiev, thông tín viên Emmanuelle Chaze gửi về bài tường trình :
"Trước đà tiến của quân Nga ở vùng Donetsk, trẻ em của 90 xã và thị trấn đã được di tản, nhưng hiện vẫn còn hơn 4.000 em ở ngay gần chiến tuyến, nhất là ở các khu vực Bakhmut và Kramatorsk, theo thống đốc vùng Donetsk, ông Vadym Filashyn.
Trong số hàng ngàn người phải đi sơ tán ngay trong nước, có nhiều người đến hoặc trung chuyển qua Pokrovsk, như Valeria, một bà mẹ cùng 3 con đến từ Myrnohrad.
Valeria chia sẻ : "Chúng tôi buộc phải sơ tán bởi vì sống ở thị trấn Myrnohrad. Mặc dù từ trước đó chúng tôi đã dự kiến di tản, nhưng chúng tôi không nghĩ tình hình diễn biến nhanh đến vậy. Thật khó cho chúng tôi khi phải ra đi, phải từ bỏ nhà cửa. Hơn nữa đó lại là ngôi nhà cha tôi để lại, nơi tôi đã trải qua cả thời thơ ấu. Thế nhưng, cuộc sống của các con tôi đang bị đe dọa, điều kiện ở đó không thể sống được : không có vườn trẻ, không có trường học, từ lâu nay hoàn toàn chẳng còn gì cả.
Chúng tôi đã phải ngồi trong cảnh tối tăm suốt một tuần. Những quả bom rơi xuống cách chỗ chúng tôi chỉ vài dãy phố. Thật là đáng sợ ! Nhưng tôi không muốn ra nước ngoài, sống ở một nơi nào đó ngay tại Ukraine vẫn hơn là đến một đất nước khác mà tôi không biết ngôn ngữ. Nhưng đối với tôi, điều này thật khó khăn, bởi vì tôi có 3 đứa con. Tốt hơn là nên ở đâu đó ngay tại Ukraine, gần gia đình".
Thế nhưng, thời gian để Valeria tạm nghỉ ngơi rất ngắn. Ngay tại Pokrovsk, thành phố mà cách nay một tháng vẫn có 60.000 dân sinh sống, chính quyền cũng đã cho người dân thời hạn 1 tuần để di tản, bởi vì quân Nga đã tiến đến cách Pokrovsk chỉ 10km".
Thùy Dương
***************************
Putin cáo buộc Ukraine tấn công nhà máy điện hạt nhân Kursk
Reuters, VOA, 22/08/2024
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/8 cáo buộc Ukraine tìm cách tấn công nhà máy điện hạt nhân Kursk của Nga trong một chiến dịch qua đêm và cho biết Moscow đã thông báo tình hình cho cơ quan giám sát an toàn hạt nhân của Liên Hợp Quốc.
Hiện trường vụ không kích của Ukraine vào vùng Kursk của Nga
Ông Putin nói như vậy tại một cuộc họp của các quan chức cấp cao nhưng không đưa thêm chi tiết về vụ việc hoặc cung cấp bằng chứng tư liệu để chứng minh cho khẳng định của mình.
Ukraine không bình luận ngay lập tức về phát biểu này của ông Putin. Kyiv hôm 6/8 đã phát động cuộc tấn công chớp nhoáng vào Kursk, cuộc tấn công lớn nhất của nước ngoài vào Nga kể từ Đệ nhị Thế chiến với hàng nghìn binh lính Ukraine tràn qua biên giới phía tây của Nga và rõ ràng đã khiến Moscow bất ngờ.
Ông Alexei Smirnov, quyền thống đốc vùng Kursk, nói với ông Putin tại cuộc họp rằng tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Kursk đã ổn định.
Nguồn : VOA, 22/05/2024
Dân Nga thờ ơ, chiến binh Ukraine tại Kursk vẫn cảnh giác
Sau khi Kiev làm cả thế giới kinh ngạc và " sương mù chiến tranh " lúc ban đầu, nay phóng viên Pháp đã có thể theo chân các chiến binh Ukraine vượt qua biên giới sang vùng đất Kursk của Nga. La Croix ngày 20/08/2024 nhấn mạnh, chiến dịch táo bạo khởi đầu từ ngày 06/08 đã giúp Ukraine kiểm soát được 82 khu định cư ở Nga và 1.150 kilomet vuông lãnh thổ.
Một quân nhân Ukraine tuần tra tại thành phố Sudzha vừa chiếm được thuộc tỉnh Kursk của Nga, ngày 16/08/2024. AP
Dân làng ở Kursk : "Họ đã bỏ rơi chúng tôi !"
Vedmid (tức Gấu theo tiếng Ukraine), người chỉ huy đơn vị nói đùa "Chúng ta đang ở nước Cộng hòa Nhân dân Kursk". Những hào chống tăng do phía Ukraine đào trước đây đã được lấp, con đường được gỡ mìn. Sáng thứ Hai 19/08, ngôi làng Darino gồm vài chục căn nhà bao quanh một trục đường nhựa, chỉ có một đàn ngỗng qua lại. Nhà cửa không mang dấu vết nào của một trận đánh, trừ cửa kiếng của một tiệm buôn. Trường làng được sơn ba màu xanh trắng đỏ của cờ Liên bang Nga và tòa nhà hành chánh đối diện bị hư hại, mà theo Vedmid là do bom lượn của Nga. Có vẻ là đúng như vậy, xét về kích thước hố bom và sự tàn phá xung quanh.
Làng Obukhovka cách đó 5 kilomet về phía tây bắc thì sống động hơn. Aleksei, người đàn ông 64 tuổi đặt lên xe đẩy hai bình nước nặng nề lấy từ giếng làng, tỏ ra bình thản dù gần đó là các quân nhân Ukraine vũ trang. Ông ta tức giận về chính quyền của mình : "Chúng tôi không có nước, không điện, không có khí đốt, họ làm cuộc sống thành khốn khổ ! Sống sao bây giờ ? Tôi bị ung thư... Họ để người già ở lại, chạy đi hết rồi. Họ bỏ rơi chúng tôi".
Kẹt lại trong vùng đất hẻo lánh này, người nông dân chỉ lo làm sao sống sót. "Tôi chẳng quan tâm việc người Ukraine kiểm soát. Tôi sinh ở Moldova, học ở Odessa và sống ở đây từ 27 năm. Ai làm chủ đất này cũng vậy, dân đều phải đóng thuế cả !". Aleksei cho biết phải sống dưới hầm nhà phân nửa thời gian trong ngày vì đạn pháo.
Binh sĩ Ukraine : "Chẳng thấy dân Nga ra đường biểu tình"
Cũng như ở Darino, tại làng Obukhovka không có công trình nào treo cờ Nga lẫn Ukraine. Sự hiện diện quân sự của Kiev chỉ tối thiểu, không có chính quyền nào quản lý. Dân số 270 người nay còn 50. Bà Tatiana, 73 tuổi cho biết "không sợ binh sĩ Ukraine". "Họ cho đàn gà của chúng tôi ăn, chẳng làm gì hại cả". Xưa kia bà vẫn sang Sumy của Ukraine mua sắm. "Người Ukraine bảo vệ lãnh thổ của họ", và nói thêm "Đây là đất Nga".
Những người lính Ukraine hoàn toàn ý thức điều này, họ luôn cảnh giác. Hãy còn vài lính Nga mặc xi-vin quanh quẩn đâu đây. Các quân nhân Ukraine không tự coi mình là người chiếm đóng vì chỉ chuyển cuộc chiến sang đất kẻ xâm lăng, không cướp bóc, hãm hiếp như quân Nga trên đất Ukraine. Hiện thời lực lượng Ukraine không gặp bất kỳ sự kháng cự nào từ dân Nga, dù là vũ trang hay ôn hòa. Người dân hoàn toàn thờ ơ, "Không ai ra đường biểu tình hay chận chúng tôi lại".
Mỗi khi chiếm được một ngôi làng, binh sĩ Ukraine kiểm tra từng nhà một, sợ rằng lính Nga còn ẩn núp, và hỏi han người dân về nhu cầu của họ cũng như thu thập thông tin. Nhờ lực lượng chính quy hỗ trợ, đơn vị của Vedmid dễ dàng chiếm được một vị trí địch, quần áo vẫn còn phơi đầy cho thấy lính Nga vội vã bỏ chạy. Ở ba điểm gần đó, một lính Nga tử thương, 18 bị bắt và 9 bơi qua sông trốn thoát. Chiến tranh đã trải rộng sang bên kia biên giới.
Phấn khích khi tiến sang phần đất kẻ xâm lược
Phóng sự của Le Figaro tại Sumy, vùng biên giới của Ukraine nằm sát Kursk, nhận xét "Đối với các chiến binh Ukraine, cuộc tiến công sang Nga là "một kiểu trả thù". Trên con đường từ Sumy đến Sudzha, thành phố vừa chinh phục được, cứ vài phút lại thấy chạy qua những chiếc xe tăng phủ lưới ngụy trang, thiết giáp của Mỹ, và nhiều xe vận tải mang dấu hiệu hình tam giác trắng, biểu tượng của chiến dịch. Thỉnh thoảng có những chiếc xe từ phía Nga chạy về, tam giác trắng thay cho "Z" chứng tỏ đây là chiến lợi phẩm.
Một người lính tên Petro tươi cười cho biết được điều đi một cách bất ngờ, anh "cảm thấy vui sướng, đó là một kiểu trả đũa thậm chí trả thù". Và là một sự sỉ nhục cho Nga : Cách đây 81 năm, cũng tại nơi này trận đánh Kursk là một bước ngoặt cho Châu Âu, Liên Xô đẩy lùi được phe quốc xã. Tất cả các quân nhân mà phóng viên Pháp gặp được ở biên giới Nga đều nói rằng chiến dịch "được chuẩn bị rất tốt", giữ bí mật đến phút cuối cùng. Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 18/08 tuyên bố : "Nhiệm vụ chính là phá hủy càng nhiều càng tốt tiềm năng chiến tranh của Nga, phản công tối đa kể cả tạo ra một vùng đệm".
Kiev đã chiếm được một phần đường xe lửa quan trọng cho hậu cần Nga và điểm trung chuyển khí đốt, thậm chí lập chính quyền quân quản ở thành phố Sudzha để lo cho một ít dân Nga còn ở lại, đa số đã di tản. Điều mỉa mai là bộ Tái hòa nhập các vùng đất bị chiếm đóng của Ukraine nay phụ trách các vùng đang chiếm của Nga, loan báo sẽ lập hành lang nhân đạo theo đúng luật quốc tế. Các chiến binh rất quyết tâm, cho biết Nga cố gắng đẩy lùi họ nhưng không thành công. Từ xa, những quả bom lượn vẫn đe dọa và drone Nga vẫn rình rập.
Người Nga sợ bị động viên tiếp
Từ Moskva, thông tín viên Le Monde cho biết "Sau khi chiến tranh bất ngờ lan sang Nga, người dân lo sợ một đợt động viên mới". Nằm cách mặt trận mới mở ra 500 kilomet, nhưng dân thủ đô Nga người thì dửng dưng, người lại lo sợ theo dõi "cuộc chiến tranh không nói ra ở Kursk".
Một làn sóng những áp-phích hai màu xanh lơ và xanh lá cây được dán ở lối vào các cửa hàng và các tòa nhà, nhắc nhở những công dân nam ở tuổi đi chiến đấu là Tòa đô chánh Moskva và Bộ Quốc phòng thưởng 5,2 triệu rúp (trên 50.000 euro) cho tất cả những người tình nguyện ra mặt trận. Một người dân tên Piotr nói : "Họ không ngừng tăng tiền thưởng, nhưng sắp tới khó tìm được người chịu ký hợp đồng và tất nhiên chính quyền sẽ phải ra thêm lệnh động viên. Mặt trận Kursk chứng tỏ cuộc chiến có thể mở rộng. Biên giới không được bảo vệ vì thiếu người và phương tiện, quân đội ngày càng cần thêm quân...".
Phe dân tộc chủ nghĩa đòi phải tổng động viên, tố cáo bộ tham mưu che giấu tình trạng nghiêm trọng ở Kursk. Nhưng Kremlin và bộ máy truyền thông muốn trấn an, gọi việc phản công ở Kursk đơn giản là "chiến dịch chống khủng bố", đã bắt đầu đẩy lùi "khủng bố xâm nhập". Các kênh truyền hình và mạng xã hội phục vụ chính quyền đưa hình ảnh những chiến binh Ukraine bị bắt, xe tăng bị phá hủy. Mỗi ngày lại tung ra những con số thiệt hại của "kẻ thù" và video tiêm kích Nga tấn công các mục tiêu, nhưng vô hình trung đã xác nhận bước tiến của Ukraine. Hôm thứ Bảy 17/08, Kremlin tố cáo Kiev dùng vũ khí phương Tây, có thể là Himars để phá một cây cầu.
Những trang tin độc lập như Agentstvo bắt đầu tiết lộ tầm cỡ của việc đưa lính quân dịch từ nhiều vùng đến hỗ trợ quân Nga ở Kursk. Nhưng trước máy truyền hình, công chúng Nga vẫn mơ hồ. Một nguồn tin thân cận Kremlin nói rằng những hình ảnh tô vẽ trên ti vi che giấu được sự thực với 90% dân Nga, Putin vẫn được tín nhiệm. Tổng thống Nga không đến vùng chiến sự, thỉnh thoảng thấy họp với các quan chức nhưng không hề có những bài diễn văn ái quốc hùng hồn. Các kênh thân chế độ tuyên truyền rằng quốc xã lại tấn công vào lãnh thổ nhưng Nga sẽ thắng, rằng Ukraine chỉ là nô lệ của NATO. Không ít người tin rằng lính Ukraine có sự hỗ trợ của "lính đánh thuê" phương Tây.
Kamala Harris : Tầm nhìn nào cho Mỹ quốc ?
Về bầu cử tổng thống Mỹ, Le Figaro chạy tựa trang nhất "Kamala Harris, thách thức của đảng Dân Chủ để chiến thắng Donald Trump". Trong bài xã luận "Kamala Harris, tầm nhìn nào cho nước Mỹ ?", tờ báo nhận xét tình hình đang thay đổi, bà phó tổng thống đang đuổi theo sát nút Donald Trump kể cả tại những bang then chốt. Harris chừng như huy động được giới trẻ và phụ nữ, hai thành phần quan trọng để chiến thắng. Bà đề nghị một loạt biện pháp kinh tế mang tính dân túy để làm tăng mức sống giới trung lưu.
Nhưng phe Dân Chủ vẫn chưa thấy mang lại một tầm nhìn về tương lai. Dù thích hay ghét Donald Trump, vẫn thấy rõ đường hướng của đất nước nếu ông quay lại Nhà Trắng. Còn Harris lại thường xuyên thay đổi ý kiến, tạo ấn tượng là người cơ hội - mà những người ủng hộ gọi là thực dụng. Bà mang nặng khuyết điểm là một người Dân Chủ ở California, vốn là bang có vô số điều quá đáng của xu hướng "woke" ; trong khi trận chiến quyết định là nơi vài bang người Mỹ trung lưu. Kamala Harris cần thuyết phục được cử tri bà là người cấp tiến về quyền cá nhân, ôn hòa trong các chọn lựa kinh tế.
Dân đói kém, Kim Jong-un hô hào "cách mạng vĩ đại"
Tại Châu Á, Bắc Triều Tiên đang có nguy cơ thiếu đói. Le Monde nhận xét tuy Hàn Quốc vừa kỷ niệm 79 năm kết thúc chế độ quân phiệt Nhật, nhưng mối quan tâm chủ yếu lại hướng sang Bình Nhưỡng. Ảnh hưởng của trận lụt ở biên giới với Trung Quốc cùng với thời tiết xấu có thể làm sản lượng nông sản thu hoạch giảm hẳn, trong khi dân Bắc Triều Tiên tiếp tục bị suy dinh dưỡng.
Chương trình thúc đẩy sản xuất được Kim Jong-un đưa ra năm 2013 không đạt kết quả mong muốn. Bằng chứng là 72% người Bắc Triều Tiên đào thoát sang Hàn Quốc từ 2016 đến 2020 cho biết tiêu chuẩn lương thực hàng ngày do chính quyền phân phối chỉ còn 400 gram một người, thay vì 600 gram như khuyến cáo của Liên Hiệp Quốc.
Năm nay tình hình sẽ còn tệ hại hơn, dù Moskva đã cung cấp 1.270 tấn bột mì và 1.000 tấn bắp trong sáu tháng đầu năm. Sau đợt băng giá vào mùa xuân, cuối tháng 7 Bắc Triều Tiên bị mưa lũ tại các tỉnh Bắc Pyongan, du Chagang và Ryanggang làm 1.000 người thiệt mạng, 3.000 hecta đất nông nghiệp bị ngập lụt. Kim Jong-un đích thân đến vùng thiên tai và huy động đông đảo nhân lực, nói về "công trình tái thiết vĩ đại của cách mạng". Tuy nhiên Bình Nhưỡng từ chối viện trợ từ bên ngoài, nhất là đề nghị giúp đỡ của Hồng thập tự Hàn Quốc.
Địa ốc Trung Quốc khủng hoảng, kinh tế Úc bị vạ lây
Tác động domino từ kinh tế Trung Quốc tiếp tục diễn ra, và lần này thì Úc, nước xuất khẩu quặng sắt nhiều nhất thế giới phải rung chuông báo động. Bộ trưởng Tài chánh Jim Chalmers hôm qua cho biết ngân sách quốc gia có thể thiệt hại nhiều tỉ đô la. Những khó khăn của lãnh vực bất động sản Trung Quốc, đặc biệt là sự sụp đổ của tập đoàn Evergrande (Hằng Đại) dẫn đến việc xây dựng nhà ở giảm xuống, kéo theo nhu cầu vật liệu giảm. Hậu quả là giá quặng sắt sụt mất 38% kể từ đầu năm. Hồi tháng 5/2021 một tấn quặng sắt giá 230 đô la, đến ngày 15/08/2024 chỉ còn 100 đô la !
Trong khi kỹ nghệ này là then chốt cho kinh tế Úc ; năm 2023 Úc xuất khẩu 935 triệu tấn quặng sắt, chiếm 40% nhu cầu thế giới, và chỉ riêng Trung Quốc đã tiêu thụ 70% sản lượng. Cổ phiếu của Rio Tinto và BHP, hai nhà sản xuất lớn nhất của Úc sụt mất 20% kể từ đầu năm. Tập đoàn thép số một thế giới Bảo Vũ (Baowu) cảnh báo vấn đề sẽ còn kéo dài và trầm trọng hơn dự kiến. Trước tình hình u ám, Canberra sẽ phải xét lại chiến lược kinh tế, đa dạng hóa các đối tác thương mại và giảm lệ thuộc vào Trung Quốc.
Thụy My
Chiến đấu cơ F-16 liệu có giúp Ukraine đột phá ?
Jeremy Howell, BBC, 21/08/2024
Ukraine sắp đưa vào sử dụng lô chiến đấu cơ F-16 đầu tiên do các nước phương Tây cung cấp. Nước này dự kiến sẽ nhận được tổng cộng 65 chiếc F-16 trong hai năm 2024 và 2025.
Tổng thống Ukraine Voldymyr Zelensky phát biểu trước một chiến đấu cơ F-16 mà Ukraine nhận được vào tháng 7/2024
Trong hơn hai năm qua, lãnh đạo Ukraine đã kêu gọi các nước phương Tây viện trợ loại máy bay do Mỹ sản xuất.
Tuy nhiên, có những lo ngại rằng số lượng F-16 được cung cấp có thể quá ít ỏi để Ukraine tạo ra sự khác biệt lớn trong cuộc chiến chống lại Nga.
Tại sao việc chuyển giao F-16 lại mất nhiều thời gian ?
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lần đầu tiên kêu gọi các nước phương Tây cung cấp tiêm kích F-16 - một loại máy bay chiến đấu siêu thanh - ngay sau cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2/2022.
Ông Zelensky muốn những chiếc F-16 này đuổi máy bay chiến đấu của Nga ra khỏi không phận và mang lại ưu thế trên không cho quân đội Ukraine.
Bốn quốc gia Châu Âu gồm Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy đã đề nghị tặng cho Ukraine một số tiêm kích F-16 mà họ mua từ Mỹ.
Bỉ là một trong những nước phương Tây viện trợ F-16 cho Ukraine
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden lo ngại rằng việc cung cấp cho Ukraine những máy bay tiên tiến và có sức mạnh đáng gờm như vậy sẽ chọc giận Nga và phải đến tháng 8/2023, ông mới cho phép các nước Châu Âu xuất khẩu các chiến đấu cơ này.
Bốn nước nói trên đang chuyển giao những chiếc F-16 cho Ukraine sau khi thay thế bằng dòng máy bay chiến đấu F-35 tiên tiến hơn trong lực lượng không quân của họ.
Lô máy bay đầu tiên, được cho là gồm 10 chiếc, đã được chuyển giao cho Ukraine vào cuối tháng 7/2024.
Các quốc gia phương Tây đã cam kết cung cấp cho Ukraine tổng cộng 65 chiếc F-16. Dự kiến, một số chiếc sẽ được giao trong năm nay, và số còn lại sẽ được giao cho tới cuối năm 2025.
Thời gian chuyển giao máy bay cho Ukraine kéo dài không phải do thiếu F-16 mà do thiếu phi công được đào tạo, theo giáo sư Justin Bronk từ Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) có trụ sở tại London.
"Phải mất từ 4 đến 5 tháng để đào tạo một phi công lái F-16 và mất nhiều năm để học tất cả các kỹ thuật cần thiết để điều khiển loại chiến đấu cơ này trong chiến đấu", ông nói. "Ukraine đã kỳ vọng các nước phương Tây sẽ đào tạo hàng trăm phi công cùng lúc, nhưng đơn giản là họ không có đủ năng lực đó".
Ukraine có thể sử dụng F-16 như thế nào ?
Chiến đấu cơ F-16, được đưa vào sử dụng từ năm 1978, được thiết kế để bắn tên lửa và đánh chặn máy bay địch. Loại tiêm kích này cũng có thể yểm trợ gần cho lực lượng mặt đất bằng cách tấn công vào phòng tuyến của kẻ thù.
Tuy nhiên, Phillips O’Brien, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học St Andrews ở Scotland, cho biết : "Ukraine sẽ sử dụng F-16 chủ yếu để phòng thủ".
F-16 có thể giúp chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga, chẳng hạn cuộc tấn công vào Kyiv hồi tháng 7/2024
Máy bay F-16 được trang bị tên lửa không đối không, mà theo ông O’Brien, có thể được sử dụng để bảo vệ trước các cuộc tấn công trên không của Nga nhằm vào quân đội Ukraine và các mục tiêu dân sự. Những máy bay này sẽ hoạt động cùng với các hệ thống phòng không hiện có của Ukraine, chẳng hạn như các tổ hợp tên lửa đất đối không.
"Các tên lửa mà Mỹ cung cấp cho Ukraine cho máy bay F-16 của họ tương đối hiện đại", giáo sư Bronk cho biết. "Những tên lửa này không phải là loại tiên tiến nhất mà Mỹ có, nhưng chúng có thể bắn hạ tên lửa hành trình và thiết bị bay không người lái của Nga".
"Người dân Ukraine sẽ hoan nghênh chiến đấu cơ F-16 nếu chúng có thể ngăn chặn tên lửa Nga làm hư hại các nhà máy điện và các cơ sở sưởi ấm khác, để họ có thể giữ ấm trong mùa đông sắp tới", Giáo sư O'Brien nhận định.
Cũng theo ông, những chiếc F-16 còn được trang bị tên lửa không đối đất, có thể được sử dụng để tấn công các trung tâm chỉ huy quân đội và các kho tiếp tế của Nga từ xa.
"Tuy nhiên, chiến đấu cơ F-16 có thể sẽ không được sử dụng để hỗ trợ gần cho quân đội Ukraine trên chiến trường. Lực lượng phòng không của Nga quá mạnh nên các máy bay này khó tiếp cận tuyến đầu", chuyên gia này đánh giá.
Và vũ khí mà tiêm kích F-16 được trang bị có thể gặp khó khăn trong việc bắn hạ bom lượn, loại bom mà Nga đang sử dụng ngày càng nhiều để tấn công quân đội và các thành phố của Ukraine, Giáo sư O'Brien nhận định.
Người Ukraine và Ba Lan trong một cuộc biểu tình ở Ba Lan yêu cầu Mỹ cấp cho Ukraine chiến đấu cơ F-16
Phương Tây có cung cấp đủ F-16 cho Ukraine ?
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức nghiên cứu ở Mỹ, đã công bố một báo cáo nói rằng Ukraine cần nhiều hơn 65 chiếc F-16 mà nước này đang có mới có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể trong cuộc chiến.
Báo cáo cho rằng những chiếc F-16 không nên chỉ được sử dụng để phòng thủ trước các cuộc tấn công trên không của Nga mà còn để tấn công các hệ thống phòng không của Nga ở Ukraine và đuổi các máy bay như trực thăng của Nga ra khỏi chiến trường.
"Ukraine cần gần 12 phi đội chiến đấu để đạt được sự hỗ trợ trên không cần thiết cho cuộc chiến trên bộ", báo cáo của CSIS viết. "Để đạt được mục tiêu này cần tới 216 chiếc F-16, với 18 máy bay trong mỗi phi đội".
Tuy nhiên, theo Giáo sư Bronk, các lực lượng không quân phương Tây chỉ có thể bàn giao F-16 cho Ukraine sau khi họ có chiến đấu cơ thay thế và cho những chiến đấu cơ này ngưng hoạt động.
"Đây mới chỉ là sự khởi đầu. Việc xây dựng đội máy bay F-16 của Ukraine sẽ là một dự án dài hạn", ông kết luận.
Jeremy Howell
Nguồn : BBC, 21/08/2024
*************************
Moskva hứng chịu một trong những cuộc tấn công bằng drone Ukraine lớn nhất từ trước đến nay
Thanh Phương, RFI, 21/08/2024
Theo thông báo hôm nay 21/08/2024 của thị trưởng Moskva, Sergei Sobyanin, thủ đô Nga trong đêm qua đã là mục tiêu của một trong những cuộc tấn công bằng drone của Ukraine quy mô nhất trong lịch sử nhắm đến thành phố này.
Đêm 20 rạng sáng 21/08/2024, thủ đô Nga bị nhiều drone Ukraine tấn công. (Ảnh minh họa chụp ngày 26/03/2024 cho thấy binh sĩ Ukraine chuẩn bị phóng drone Poseidon H10) AP - Efrem Lukatsky
Hãng tin AFP trích nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong đêm qua, 11 drone đã bị bắn hạ trên vùng trời thủ đô Moskva và vùng phụ cận. Theo thị trưởng Moskva, do bị bắn hạ nên các drone của Ukraine đã không gây thương vong cũng như thiệt hại vật chất.
Nằm cách biên giới Ukraine hơn 500 km, Moskva và vùng phụ cận đã từng bị tấn công bằng drone, như vào mùa hè năm ngoái, các drone đã bị bắn chặn trên không phận thủ đô và trước đó, vào tháng 5/2024, hai drone cũng đã bị phá hủy trước khi bay đến mục tiêu.
Cuộc tấn công bằng drone nói trên diễn ra trong bối cảnh Nga đã phải đối đầu với một chiến dịch tấn công chưa từng có của quân Ukraine vào vùng biên giới Kursk từ ngày 06/08.
Trong khi đó, quân Nga, được trang bị tốt hơn và có quân số đông hơn đối phương, tiếp tục đà tiến ở vùng Donetsk, miền đông Ukraine. Hôm qua, họ thông báo đã chiếm được thành phố New York ở vùng này. Đây là một trong những trung tâm hậu cần quan trọng của quân Ukraine.
Thành phố này mang tên New York cho đến năm 1951, khi chính quyền Liên Xô đổi tên thành Novgorodskoïe. Chỉ đến năm 2021, thành phố mới lấy lại tên cũ là New York.
Cũng vào hôm qua, lần đầu tiên kể từ năm 2011, tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến Chechnya, nước Cộng hòa thuộc Nga ở vùng Kavkaz, mà lãnh đạo là Ramzan Kadyrov, một đồng minh của chủ nhân điện Kremlin. Để chống trả cuộc tấn công của quân Ukraine vào vùng Kursk, lực lượng Chechnya đã được triển khai tại vùng này để hỗ trợ quân Nga.
Thanh Phương
***********************
Giữ được "vùng đệm" ở Kursk : Thách thức to lớn đối với quân Ukraine ở Nga
Thanh Phương, RFI, 21/08/2024
Hai tuần sau khi phát động chiến dịch tấn công vào vùng biên giới Kursk của Nga, một thách thức to lớn đang được đặt ra cho quân Ukraine : Làm sao giữ được "vùng đệm" tại khu vực này ?
Một người lính Ukraine đi bộ ở khu vực trung tâm Sudzha, vùng Kurst của Nga, ngày 16/08/2024. AP
Hôm Chủ Nhật 18/08/2024, tức là ngày thứ 12 của cuộc đột kích, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi thành lập một "vùng đệm" ở khu vực Kursk. Đối với ông, nhiệm vụ của quân Ukraine rất rõ ràng : "Tiêu diệt càng nhiều tiềm năng chiến tranh của Nga càng tốt và thực hiện càng nhiều cuộc phản công càng tốt".
Khi tấn công vào vùng Kursk, Kiev hy vọng sẽ buộc được Moskva rút bớt lực lượng khỏi Donbass ở miền đông Ukraine, nơi mà từ nhiều tháng qua tình hình chiến sự thuận lợi hơn với quân Nga. Nhưng trong khi quân Ukraine tiếp tục đà tiến ở vùng biên giới Kursk, chưa ai biết phạm vi của "vùng đệm" tại khu vực này sẽ như thế nào và quân Ukraine có thể giữ được "vùng đệm" đó trong bao lâu khi mà Moskva đã thề sẽ "đánh đuổi quân thù ra khỏi lãnh thổ" ?
Giống như các vùng Bryansk và Belgorod giáp với Ukraine, vùng Kursk trong 30 tháng qua là hậu cứ của quân Nga trong cuộc chiến tranh xâm lược nước láng giềng, tức là nơi có nhiều kho vũ khí, đạn dược và các cơ sở hạ tầng khác cần thiết cho cuộc chiến. Nay Ukraine đã chuyển cuộc chiến sang lãnh thổ Nga và "đó là một mức độ áp lực hoàn toàn khác" theo giải thích của ông Guillaume Ancel, cựu sĩ quan quân đội, với trang Franceinfo của Pháp.
Hôm thứ Hai vừa qua, tổng thống Zelensky tuyên bố lực lượng của Kiev đã kiểm soát hơn 1.250 km2 lãnh thổ và 92 địa phương ở vùng Kursk, nơi mà hàng ngàn thường dân Nga đã chạy lánh nạn kể từ tuần đầu tiên của tháng 8. Nhưng đà tiến đó chắc rồi cũng sẽ dừng lại, chứ quân Ukraine không có đủ phương tiện và chắc là cũng không có ý định tiến quá sâu vào trong lãnh thổ Nga.
Trong chiến dịch đột kích vào vùng Kursk, quân Ukraine đã phá hủy 3 cây cầu bắc qua sông Seim, nên đã cô lập hoàn toàn quận Glucochevo, phần phía tây của vùng bị đánh chiếm. Theo nhận xét của cựu sĩ quan Guillaume Ancel, "chiến dịch dường như đã được Kiev chuẩn bị rất kỹ lưỡng", huy động "khoảng 10.000 binh sĩ Ukraine".
Hiện giờ đang tiếp tục di chuyển, lực lượng của Kiev vẫn tránh được các cuộc oanh kích của quân đội Nga. Thật ra thì Moskva cũng khó mà nã pháo dồn dập vào vùng Kursk do sự hiện diện của nhiều thường dân Nga. Như ghi nhận của ông Jérôme Pellistrandi, cựu tướng quân đội Pháp và tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng : "Bắn phá Ukraine bất kể thiệt hại vật chất không giống như đánh vào lãnh thổ của chính mình".
Tuy nhiên, ông Pellistrandi lưu ý, về lâu dài, quân Ukraine sẽ khó mà bám trụ. Họ sẽ phải nấp dưới hầm để tránh hỏa lực pháo binh đối phương một khi các vị trí đã được cố định. Lực lượng của Kiev cũng phải có một hệ thống phòng không vững chắc để chống trả các cuộc không kích của Nga.
Cũng theo cựu tướng Pellistrandi, một cái gai khác đối với quân Ukraine trên lãnh thổ Nga, đó là "trận chiến hình ảnh". Ông giải thích : "Kiev phải làm sao để thường dân được bảo vệ tốt nhất có thể và chứng tỏ binh lính Ukraine đến đó với tư cách là những người giải phóng chứ không phải những kẻ chiếm đóng". Ông Pellistrandi cũng cảnh báo nếu lực lượng của Kiev hiện diện lâu dài ở vùng Kursk, họ sẽ gặp các vấn đề về bảo vệ an ninh trật tự và quản lý dân sự.
Đối với cựu sĩ quan Guillaume Ancel, phải rất cẩn trọng với dự án lập "vùng đệm". Tuy nhiên, theo ông, nhờ chiến dịch đột kích này mà Kiev có thể sắp xếp lại quân bài để đàm phán với Moskva trong thế mạnh. Trong những ngày đầu tiên của cuộc tấn công, quân Ukraine đã bắt giữ hàng trăm tù binh Nga. Số tù binh này sẽ rất hữu ích trong các cuộc thương lượng để trao đổi với những người lính Ukraine bị Nga bắt.
Nhưng có lẽ đó sẽ là tác động duy nhất. Cựu tướng Pellistrandi lưu ý, về việc buộc quân Nga phân bổ lại lực lượng trên tiền tuyến, "hiệu quả của cuộc tấn công không thực sự rõ ràng". Cho đến nay, không có sự điều động đáng kể nào của quân Nga từ vùng Donbass ở miền đông Ukraine hay từ vùng đồng bằng Dniepr ở miền nam được ghi nhận.
Thanh Phương
*****************************
Ukraine đề nghị đồng minh cho sử dụng vũ khí tầm xa tấn công lãnh thổ Nga
Chi Phương, RFI, 20/08/2024
Quân đội Nga tiếp tục tấn công ở miền đông Ukraine và Moskva loại bỏ khả năng đàm phán với Kiev do quân đội Ukraine đánh sang lãnh thổ Nga. Tối hôm qua, 19/08/2024, trong cuộc gặp các đại sứ Ukraine ở nước ngoài, tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi các đối tác cho phép Kiev sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công vào lãnh thổ Nga, gây sức ép với quân đội Nga ở mặt trận phía đông Ukraine.
Ảnh tư liệu do quân đội Mỹ cung cấp: Chuẩn bị đưa tên lửa chiến thuật ATACMS lên hệ thống phóng rốc-két cơ động cao HIMARS, tại Queensland, Úc, ngày 26/07/2023. AP - Sgt. 1st Class Andrew Dickson
Trong bài phát biểu, tổng thống Ukraine khẳng định rằng chỉ có thể chặn đà tiến của quân Nga trên chiến trường nhờ vào quyết định duy nhất mà Kiev chờ đợi từ các đồng minh : đó là quyết định cho dùng vũ khí tầm xa tấn công sang Nga.
Nếu như tình hình ở Kursk, lãnh thổ Nga mà Kiev tuyên bố "đạt được mục tiêu", kiểm soát được 1250 km2 và 92 khu vực, thì hầu hết các trận chiến căng thẳng với quân đội Nga diễn ra tại miền đông Ukraine. Hôm qua, lực lượng Nga cho biết đã tiến hành hàng chục cuộc tấn công xung quanh Toretsk và Pokrovsk, được coi là trung tâm hậu cần của Kiev.
Theo AP, khoảng 53 000 người hiện vẫn sống ở Pokrovsk. Trước các cuộc tấn công của Nga, hôm qua, lãnh đạo quân sự khu vực này, Serhiy Dobriak, đã kêu gọi thường dân đi sơ tán ngay lập tức. Phóng sự của AP cho thấy nhiều người mang hành lý cá nhân, xếp hàng lên các xe bus hoặc lên tàu đi lánh nạn, được các quân nhân hỗ trợ.
Trong đêm qua, rạng sáng hôm nay, theo Le Monde, Nga cũng đã tấn công vào nhiều khu vực ở Ukraine. Hai tên lửa đạn đạo bắn vào vùng Voronej, một tên lửa hành trình ở vùng Brianks và các tên lửa dẫn đường ở vùng Zaporijia và Kursk. Tại Kiev, lực lượng Ukraine đã bắn hạ được 28 drones của Nga. Quân đội Nga cũng tấn công vào thành phố Koupiansk Vouzlovyï, ngoại ô Kharkiv.
Trên mạng Telegram, lãnh đạo quân sự vùng Donetsk cho biết 3426 người, trong đó có 302 trẻ em đã được sơ tán khỏi chiến tuyến vào hôm qua. Các cuộc tấn công của Nga đã khiến 3 người thiệt mạng tại Kramatorsk , và một người thiệt mạng và 3 người khác bị thương tại Dzerjynsk.
Chi Phương
****************************
Ukraine cấm các tổ chức tôn giáo hợp tác thân thiện với Nga
Minh Phương, RFI, 20/08/2024
Hôm 20/08/2024, Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu thông qua dự luật cấm các tổ chức tôn giáo có quan hệ hợp tác thân thiện với Nga. Thực ra, đối tượng chính của văn bản này là Giáo hội Chính Thống Ukraine thuộc Tòa Thượng phụ Moskva vì bị nghi ngờ hợp tác với Điện Kremlin. Tổng thống Volodymyr Zelensky ca ngợi quyết định lịch sử, thể hiện "sự độc lập tinh thần của người dân Ukraine" khi đối mặt với Nga.
888888888888888888888888888
Những tín đồ Ukraine theo Chính Thống giáo thuộc Tòa Thượng phụ Moskva cầu nguyện ở lối vào tu viện Các hang động Kiev ngày 20/08/2024. Sergei Supinsky / AFP
Trong những năm gần đây, Ukraine, đất nước với đại đa số người dân theo Chính Thống giáo, đã dần quay lưng với Giáo hội Chính Thống thuộc Tòa Thượng phụ Moskva. Đỉnh điểm là vào vào tháng 02/2022, khi Thượng phụ Nga Kirill công khai ủng hộ cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine.
Từ Kiev, thông tín viên RFI Emmanuelle Chaze cho biết cụ thể về luật mới này :
Các tổ chức tôn giáo hợp tác hoặc thân thiện với Nga sẽ không thể tiếp tục hoạt động ở Ukraine, đây là điều mà đạo luật mới quy định. Văn bản này đặc biệt nhắm vào Giáo hội Chính Thống Ukraine thuộc Tòa Thượng phụ Moskva, chứ không phải là Giáo hội Chính Thống Ukraine vì giáo hội này không liên quan đến Nga.
Luật được đa số thông qua sau khi xuất hiện nhiều nghi ngờ đối với một số giáo sĩ thuộc Giáo hội Chính Thống liên quan tới Moskva. Những người này bị nghi hợp tác với Điện Kremlin và biện minh cho cuộc chiến tranh của Nga tại Ukraine, đặc biệt là sau khi phát hiện ra các tài liệu tuyên truyền và hộ chiếu Nga trong một số nhà thờ vào tháng 01/2023. Vào thời điểm đó, Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia Ukraine đã đề xuất cấm tất cả các tổ chức tôn giáo liên quan đến Moskva. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã hứa bảo đảm sự độc lập hoàn toàn giữa Nhà nước Ukraine và Giáo hội.
Luật được thông qua hôm nay có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày công bố, và Giáo hội Chính Thống Ukraine thuộc Tòa Thượng phụ Moskva sẽ có 9 tháng để chứng minh rằng họ đã cắt đứt mọi liên hệ với Điện Kremlin.
Đáp lại, Giáo hội Chính Thống Nga đã lên án quyết định này, gọi đây là "hành động bất hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản về tự do tín ngưỡng và nhân quyền."
Minh Phương
Vì sao Đức cắt giảm ngân sách viện trợ quân sự cho Ukraine ?
Anh Vũ, RFI, 19/08/2024
Là một trong những nước Châu Âu hàng đầu đóng góp viện trợ quân sự cho Ukraine, nước Đức vừa quyết định giảm nửa khoản tiền viện trợ trong năm tới cho Kiev.
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner (trái), bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Robert Habeck (giữa) và thủ tướng Chancellor Olaf Scholz trong một cuộc họp Quốc hội, Berlin, 13/12/2023. AP - Michael Kappeler
Vào thời điểm gặp khó khăn trên chiến trường miền đông và quân đội Ukraine đang tiến hành một cuộc tấn công xâm nhập đầy rủi ro vào tỉnh biên giới Kursk của Nga, Đức đã thông báo cắt giảm mạnh nguồn viện trợ quân sự mới cho Ukraine. Các khoản tín dụng đã thông qua vẫn sẽ được thực hiện. Giới quan sát nhận thấy dấu hiệu dường như Berlin bắt đầu thoái thác dần trách nhiệm hậu thuẫn Kiev.
Nhật báo Đức Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung hôm thứ Bảy 17/08/2024 xác nhận, sau một cuộc thảo luận về ngân sách đầy khó khăn, chính phủ Đức quyết định ngân khoản viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine cho năm 2025 sẽ chỉ còn 4 tỷ euro, giảm một nửa so với con số của năm 2024. Theo báo Đức, Berlin còn dự tính tiếp tục hạ dần mức trần viện trợ cho Ukraine trong những năm tiếp theo, dự kiến 2026 còn 3 tỷ, đến 2027 và 2028 sẽ chỉ còn một nửa tỷ euro mỗi năm.
Quyết định khá đột ngột của Đức được đưa ra vì lý do cân đối ngân sách, đối phó với nguy cơ thâm hụt tài chính. Động thái của chính phủ Olaf Scholz chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm đặc biệt của Kiev và Matxcơva cũng như những nước giàu có ở Châu Âu đang cùng với Hoa Kỳ gánh vác hậu thuẫn cho cuộc chiến của Ukraine chống Nga xâm lược từ hơn 2 năm nay.
Theo tính toán của Viện Nghiên cứu Kinh tế Thế giới của Đức Kiel, từ đầu cuộc chiến tranh Ukraine đến hết tháng 6 năm nay, khoản đóng góp hỗ trợ quân sự của Đức là 14,69 tỷ euro viện trợ trực tiếp và 8,87 tỷ thông qua các quỹ của Châu Âu. Tuy khoản tiền này không thể so với 75 tỷ euro của Hoa Kỳ nhưng vẫn cao hơn nhiều đóng góp của các đồng minh khác như Anh hay Pháp. So với tỷ lệ GDP thì Đức vẫn là nhà tài trợ hào phóng hàng đầu trong các nước phương Tây.
Nhìn vào bảng thống kê các thiết bị quân sự cho Kiev, được viện Kiel công bố trên trạng mạng của mình thì thấy Đức đã cung cấp cho Ukraine 8 giàn phóng rốc-két đa nòng, 73 xe tăng hạng năng Leopard, 26 khẩu đội chống tên lửa đất đối không. Đức đã cung cấp 1/3 trong số các hệ thống phòng không đắt tiền cho Ukraine.
Viện trợ quân sự của Đức là không hề nhỏ, nhu cầu của Ukraine là cấp bách. Sự thay đổi của chính phủ Đức này là một đòn nặng nề đối với chính quyền Volodymyr Zelensky, luôn kêu gọi được cấp thêm các vũ khí hiện đại để chống đỡ với các cuộc tập kích bằng tên lửa và drone của Nga, diễn ra gần như hàng ngày suốt nhiều tháng nay.
Ngay hôm thứ Bảy vừa rồi, đại sứ Ukraine tại Đức, Oleksii Makeiev đã tỏ rõ lo lắng khi tuyên bố với báo chí rằng : "An ninh của Châu Âu phụ thuộc vào khả năng và quyết tâm chính trị của Đức tiếp tục đóng vai trò hàng đầu trong hậu thuẫn cho Ukraine".
Không thể nói Berlin hết quyết tâm chính trị hậu thuẫn cho Kiev. Dường như đây là vấn đề chủ yếu mang tính nội bộ của chính nước Đức. Theo truyền thông Đức, ngân sách của Đức vẫn có nguy cơ bị thâm hụt 12 tỷ euro. Từ năm 2011, vấn đề ngăn chặn thâm hụt chi tiêu đã được quy định trong Hiến pháp Đức, theo đó không được phép vượt quá 0,35% GDP hàng năm, trừ trường hợp có khủng hoảng lớn. Trong khi đó, chính phủ của Olaf Scholz là chính phủ liên minh ba đảng. Cân đối ngân sách quốc gia luôn là vấn đề gai góc, gây nhiều tranh cãi, là cơ hội để các đảng tấn công nhau, vì thế thường phải tìm những thỏa hiệp nhất định. Đặc biệt, trong bối cảnh nước Đức đang chuẩn bị bước vào kỳ bầu cử cấp vùng.
Trên phương diện đối ngoại, nhiều nhà phân tích cho rằng việc cắt giảm nguồn lực hỗ trợ cho Kiev, một cách gián tiếp đó cũng là cách để Berlin đặt trách nhiệm hỗ trợ Ukraine đối với các đồng minh khác, chẳng hạn như Pháp vẫn luôn bị Berlin chỉ trích là nói nhiều nhưng chẳng cho được bao nhiêu.
Anh Vũ
**************************
Đức giảm một nửa viện trợ quân sự cho Ukraine trong năm tới
Anh Vũ, RFI, 18/08/2024
Đức là đồng minh đứng thứ 2 sau Hoa Kỳ về đóng góp viện trợ quân sự cho Urkraine. Chính phủ liên minh của nước này vừa dự trù cắt giảm một nửa hỗ trợ tài chính cho Kiev trong năm 2025. Báo chí Đức cuối tuần này tiết lộ bức thư của bộ trưởng Tài chính gửi người đồng cấp bên Bộ Quốc phòng yêu cầu tôn trọng mức trần các chi tiêu dự trù cho Ukraine trong năm tới, không được thêm một đồng nào.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và thủ tướng Đức Olaf Scholz, tại Berlin, ngày 11/06/2024. AP - Britta Pedersen
Thông tín viên RFI tại Berlin, Ludovic Piedtenu
Tám tỷ euro viện trợ của năm nay, sang năm tới còn 4 tỷ. Nói một cách khác là chỉ còn phân nửa khoản viện trợ quốc phòng cho Ukraine hiện tại của Đức. Với những đơn hàng vũ khí đang thực hiện thì có vẻ như viện trợ của năm 2025 đã đạt mức trần.
Chính phủ liên bang không muốn bị nợ nần vì về mặt hiến pháp nước Đức không cho phép bị thâm hụt tài chính. Mặc dù đã có nhiều biện pháp kinh tế, trong đó có cả việc cắt giảm viện trợ nói trên, Đức vẫn còn thiếu 12 tỷ euro trong kế hoạch ngân sách được chính phủ liên minh ba đảng cố lập cho được và sẽ còn phải được thảo luận tại Nghị viện.
Các dân biểu của tất cả các đảng phái đều không tán thành. Một dân biểu của đảng Xã hội-Dân Chủ, đảng của thủ tướng Scholz khẳng định : "Chúng ta không thể vì Ukraine mà không kìm hãm được nợ".
Giới thân cận với bộ trưởng Tài chính cố trấn an bảo đảm rằng chính phủ đang nghiên cứu để vào tháng Một năm tới giải tỏa khoản vay 46 tỷ euros đã được các nước G7 và Liên Hiệp Châu Âu hứa hẹn, khoản tiền này dự trù trích từ tiền lãi thu từ các tài sản Nga bị phong tỏa. Nguồn viện trợ sẽ không còn tồn tại nếu không nhanh chóng vượt qua các bất đồng về cách thức thực hiện.
Anh Vũ