Chiến tranh Ukraine quá ác liệt, phương Tây lo cạn kho vũ khí
Cuộc chiến tranh cường độ cao ngốn mất một lượng lớn vũ khí của cả hai bên. Mỹ đã viện trợ cho Ukraine 2/3 số hỏa tiễn Javelin, Stinger trong kho và vừa đặt hàng hơn nửa tỉ đô la tên lửa dùng cho Himars. Sản xuất khó thể theo kịp tiến độ cuộc chiến – có lúc Nga bắn 60.000 đạn pháo/ngày. Công cuộc chống xâm lăng của Kiev lại cần số lượng lớn khí tài thông thường. Đây là một trong những đề tài chính được báo chí Pháp hôm 23/11/2022 quan tâm
Các quân nhân Ukraine bắn moọc-chê tại tiền tuyến, trong lúc Nga tiếp tục tấn công ở Donetsk. Ảnh của lữ đoàn cơ giới 93 Ukraine ngày 20/11/2022 via Reuters – Ukrainian Armed Forces
Nga dội bão lửa, Mỹ mở kho giúp Ukraine đạn pháo, hỏa tiễn
Chín tháng sau khi Nga tấn công vào Ukraine, lo ngại đang tăng lên về khả năng đồng minh duy trì nhịp độ cung cấp vũ khí cho Kiev. Le Monde chạy tựa trang nhất "Kho vũ khí phương Tây dưới áp lực". Theo các chuyên gia quân sự, trong giai đoạn cao điểm vào mùa hè, Nga đã bắn đi 60.000 quả đạn pháo mỗi ngày, Ukraine 20.000 quả. Sau đó con số này giảm xuống "chỉ" còn 20.000 một ngày phía Nga và 7.000 phía Ukraine. Trang web Oryx chuyên đếm số vũ khí bị phá hủy của mỗi bên dựa theo bằng chứng video, ước lượng quân đội Nga đã mất trên 1.500 xe tăng kể từ ngày 24/02, tức phân nửa số xe đang hoạt động.
Để giúp Kiev đối phó với những trận bão lửa của Nga, phương Tây đã mở kho vũ khí, đứng đầu là Hoa Kỳ, chiếm 2/3 quân viện. Lầu Năm Góc đã chuyển giao trên 1 triệu quả đạn pháo : 924.000 quả loại 155 ly, 125.000 quả 120 ly, 180.000 quả 105 ly... Về vũ khí cơ động, rất hiệu quả trong những trận cận chiến, Ukraine đã nhận gần 50.000 hỏa tiễn chống tăng trong đó có 8.500 Javelin đã giúp chận đứng đoàn xe tăng Nga hướng về Kiev. Bên cạnh đó còn có khoảng 1.600 hỏa tiễn phòng không Stinger, 3.000 drone Switchblade (Dao găm), Phoenix Ghost (Bóng ma Phượng hoàng).
Nhà nghiên cứu Mark Cancian của CSIS ước lượng một số dự trữ vũ khí của Mỹ đã xuống đến mức tối thiểu cần thiết cho chiến tranh và huấn luyện. Hoa Kỳ đã chuyển cho Kiev 2/3 số hỏa tiễn Javelin và Stinger. Dự trữ hỏa tiễn GMLRS dùng cho Himars vốn rất hữu ích cho Ukraine cũng xuống thấp. Báo cáo của Center for a New American Security (CNAS) ngày 17/11 cho biết : "Để giúp Ukraine, Hoa Kỳ đã tận dụng lượng vũ khí thiết yếu của mình".
"Cạn vốn", Moskva đưa cả xe tăng nửa thế kỷ trước ra trận
Về phía Moskva cũng không hơn gì. Theo La Croix, kỹ nghệ quốc phòng Nga đang hụt hơi, khó thể theo kịp nhịp độ cuộc chiến, nhất là đang bị phương Tây trừng phạt. Áo giáp chống đạn không thể tìm ra, vũ khí rỉ sét, lính tráng buộc phải tự mua trang bị... Quân đội Nga đứng trước vô vàn khó khăn về hậu cần, không thể trong ngày một ngày hai trang bị được cho cả trăm ngàn tân binh. Ngoài số lính bị động viên, còn phải duy trì cường độ của chiến dịch - tưởng rằng chỉ vài ngày nhưng nay đã bước vào tháng thứ mười. Chuyên gia Samuel Bendett nhận xét, Moskva không chuẩn bị cho một cuộc chiến cần đến nhiều nguồn lực như vậy, và cũng không chắc rằng có thể tiếp tục cùng một nhịp độ trong những tháng tới.
Số lượng xe tăng Nga bị tiêu diệt lớn gấp 6 lần tổng số xe tăng mà quân đội Pháp hiện có. Kho vũ khí khổng lồ thời Liên Xô vơi quá nhanh, Moskva phải huy động cả những chiếc T-62 cổ lỗ sĩ từ thập niên 60. Về đạn pháo, chuyên gia Pavel Louzine hồi tháng 8 ước tính chỉ trong 6 tháng pháo binh Nga đã bắn đi 7 triệu quả. Theo tình báo Mỹ, Nga phải quay sang mua hàng triệu quả đạn của Bắc Triều Tiên, nhưng cả Moskva lẫn Bình Nhưỡng đều chối cãi.
Các loại vũ khí thông minh còn cạn nhanh hơn nên phải dùng các hỏa tiễn kém chính xác, và nay mua drone Shahed-136 của Iran để tấn công cơ sở hạ tầng Ukraine. Moskva thúc giục các công ty quốc phòng phải sản xuất nhiều hơn. Những tháng gần đây các quan chức cao cấp liên tục đi thăm các nhà máy, hăm dọa ban giám đốc. Nhưng theo các nhà quan sát, vẫn không thể đủ cho cuộc chiến dữ dội này, nhất là không còn mua được phụ tùng thay thế cho nhiều loại máy công cụ của phương Tây.
Đã viện trợ 2/3 số hỏa tiễn cơ động cho Kiev, Mỹ tăng tốc sản xuất
Quay lại với dự trữ vũ khí phương Tây. Le Monde lý giải, sau khi Liên Xô sụp đổ, chỉ phải đối mặt với những địch thủ yếu hơn như Iraq, Afghanistan, Somalia, Libya, Syria, các nhà lãnh đạo cắt giảm dần chi tiêu quân sự để dùng vào những việc khác.
Trong những thập niên gần đây, phương Tây chú tâm chế tạo những loại vũ khí tân tiến, như hỏa tiễn thông minh hay đạn pháo chính xác. Hiệu quả hơn nhưng đắt tiền hơn, nên các bộ tham mưu hạn chế lượng đặt hàng. Chuyên gia Thibault Fouillet của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS) giải thích : "Các quân đội phương Tây ngỡ rằng có thể dùng công nghệ thay cho số lượng. Nhưng tuy vũ khí thông minh rất hữu ích ở Ukraine, cuộc chiến này cho thấy các loại pháo cổ điển vẫn là chính".
Quân đội Mỹ hôm 14/11 đã giao cho Lockheed Martin hợp đồng 521 triệu đô la để tăng số hỏa tiễn GMLRS dùng cho Himars. Trước đó, Washington còn muốn mua 100.000 quả đạn 155 ly của Hàn Quốc. Các dây chuyền phương Tây đã giảm quy mô vì số hợp đồng của quân đội ít dần, không theo kịp tốc độ. Hai tập đoàn Lockheed Martin và Raytheon không thể sản xuất hơn 2.100 hỏa tiễn Javelin/tháng.
Ông Cancain hôm 16/11 nhấn mạnh, Hoa Kỳ đã xuất kho số vũ khí trị giá 10 tỉ đô la cho Ukraine, nhưng chỉ đặt hàng thêm 1,2 tỉ đô. Phải mất nhiều năm nữa số vũ khí này mới tới tay các đơn vị. Tuy nhiên không phải loại vũ khí nào cũng trong tình trạng căng thẳng. Đối với đạn cỡ nhỏ, Mỹ đã cấp cho Kiev 81 triệu và có thể sản xuất 8 tỉ băng đạn/năm.
Phía Pháp còn vội vã hơn, đã đặt hàng 18 khẩu đại pháo Caesar theo "thủ tục đơn giản hóa", nhà sản xuất Nexter phải rút ngắn thời gian sản xuất từ 18 tháng còn 12 tháng. Paris cũng cho kiểm toán kỹ nghệ quốc phòng để nhận ra những doanh nghiệp nào còn thiếu máy móc, nhân lực nhằm hỗ trợ. Bộ Quân lực cam kết bảo đảm đặt hàng lâu dài, dấu hiệu cho thấy Pháp cũng như các nước phương Tây khác đã bước vào kinh tế thời chiến.
Ukraine, cuộc chiến tranh hao mòn
Đó là một "Cuộc chiến tranh tiêu hao", La Croix nhấn mạnh trên trang nhất, với khuôn mặt một chiến binh Ukraine đầy ưu tư, đang trên chiến xa cùng với đồng đội. Đặc phái viên của tờ báo tại Donbass và Kherson cho biết binh sĩ Ukraine trên tiền tuyến đều vui mừng trước chiến thắng mới đây, nhưng họ không ảo tưởng. Một người lính thuộc lữ đoàn cơ giới 53 đóng gần Bakhmut thổ lộ mặt trận này rất ác liệt, họ cầm chân quân Nga từ hơn bốn tháng qua trước áp lực dữ dội của lính đánh thuê Wagner hung ác, nhưng luôn cố gắng "đánh nhanh, rút gọn".
Tại Mykolaiv, Roman Kostenko, một cựu quân nhân trở thành dân biểu rồi lại cầm súng khi đất nước bị xâm lăng, tính toán quân Nga đã năm lần phải rút chạy : Kiev, Sumy, Tchernihiv, Kharkiv, Kherson. Nhưng anh không nghĩ rằng chiến thắng Kherson sẽ lặp lại ở các nơi khác, vì đặc điểm địa hình, bên cạnh đó Nga vẫn còn nhiều đạn pháo và chiến xa, lại ở thế thủ nên ít vất vả hơn. Điều nghịch lý là những vũ khí tân tiến của phương Tây chỉ đến được tiền tuyến nhờ đội ngũ đông đảo những tình nguyện viên, từ quần áo cho đến kính hồng ngoại, áo giáp, đôi khi cả xe bọc thép. Các chiến sĩ Ukraine sau 9 tháng chiến đấu đã quá mệt mỏi, họ chỉ được nghỉ phép ngắn ngày.
Phải chăng đây là lúc để đàm phán ? Trả lời Le Monde, ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billström cho rằng chỉ một quốc gia duy nhất có thể kêu gọi hòa đàm, đó là Ukraine. Phương Tây cần phải nhắm đến mục tiêu Nga thất bại trên chiến trường, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine được tái lập kể cả Crimea. Đành rằng nhờ có viện trợ của Mỹ và Châu Âu, nhưng Ukraine đã giành được những thắng lợi vẻ vang nhờ chiến đấu anh dũng, với nhiều đau thương và nỗ lực ; thế nên không ai có quyền ra lệnh cho Kiev nên bắt đầu thương lượng khi nào và ở đâu.
Nạn nhân liên đới Moldova được Châu Âu tiếp sức
Nỗi lo chiến tranh cũng đè nặng lên nước láng giềng Moldova, có đường biên giới chung với Ukraine, lệ thuộc nặng nề vào khí đốt Nga, hơn nữa còn có 2.000 quân Nga đang đóng ở Transnistria. Le Figaro ghi nhận "Trước mối đe dọa từ Nga, Châu Âu hỗ trợ Moldova", Le Monde cũng nói về "Trợ giúp mới cho an ninh của Moldova". Hiếm khi đất nước nhỏ bé, là một trong những nước nghèo nhất Châu Âu, nằm giữa Romania và Ukraine, lại được chú ý nhiều như thế. Lần thứ ba kể từ 8 tháng qua, quốc gia 2,6 triệu dân là trung tâm cuộc hội nghị viện trợ hôm 21/11 ở Paris, tập hợp 34 nước trong đó có Hoa Kỳ, và 15 tổ chức quốc tế. Mục tiêu là khẩn cấp giúp người dân vượt qua mùa đông, trong cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng nhất kể từ 30 năm qua. Đồng thời hỗ trợ nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ trên con đường gia nhập Liên Hiệp Châu Âu (EU).
Moldova là nạn nhân liên đới của cuộc xâm lăng Ukraine. Trước chiến tranh, 100% khí đốt tiêu thụ nhập từ Nga, nhưng từ khi nữ tổng thống thân Châu Âu Maia Sandu được bầu lên, Gazprom vừa giảm cung cấp lại vừa tăng giá, nhằm bóp nghẹp nước này. Bộ trưởng Nội vụ Ana Revenko cho biết đến phân nửa ngân sách quốc gia được dành để mua năng lượng : giá khí đốt tăng gấp 7 lần, điện tăng gấp 4, Moldova có nguy cơ sụp đổ trong mùa đông. Điện cúp triền miên - Kiev không còn xuất khẩu điện sang vì bị Moskva oanh tác cơ sở hạ tầng. Lạm phát lên đến 35%, bên cạnh đó Chisinau còn phải tiếp nhận 90.000 người Ukraine tị nạn.
Trước nguy cơ bị Nga tấn công, Moldova quyết định tăng cường phòng vệ. Quân đội Moldova chỉ có 5.000 người, Pháp sẽ giúp huấn luyện, và EU viện trợ 30 triệu euro làm tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng. Ít nhất đã ba lần bị các mảnh hỏa tiễn Nga rơi xuống lãnh thổ, Moldova cũng mong được viện trợ hệ thống chống tên lửa. Ukraine phản công thắng lợi, đẩy lùi quân Nga làm giảm bớt mối đe dọa lên Moldova, nhưng nữ bộ trưởng Revenko nhấn mạnh vẫn phải chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài. Ngay cả nếu Ukraine chiến thắng, Nga vẫn không sớm trở thành nước dân chủ, và Moldova luôn phải đối phó với chế độ độc tài sát cạnh.
Moldova : Tỉ phú thân Nga mướn người biểu tình phá rối hàng tuần
Phóng sự của Le Figaro cho biết thêm "Moskva dùng một tài phiệt nhiều ảnh hưởng để phá rối chính phủ Moldova". Tỉ phú Ilan Shor và đảng mang tên ông ta chi tiền để tổ chức các cuộc biểu tình hàng tuần kể từ tháng 9 ở Chisinau. Từ sáng sớm, những chiếc minibus đã tỏa đi khắp nơi, thu gom những nông dân lớn tuổi về khu trung tâm để biểu tình. Hướng về phía Quốc hội, họ diễn trò tiễn biệt người "quá cố" : Maia Sandu, đương kim tổng thống thân Châu Âu. Những câu khẩu hiệu tố cáo bà Sandu không giữ lời hứa, giá khí đốt tăng do quay lưng lại với Nga, ông Shor bị chèn ép...
Đến cuối buổi chiều người biểu tình trở về nhà, như xong một ngày làm việc. Phóng viên Le Figaro tiếp cận Anton, một thanh niên vừa tham gia, anh xác nhận được đảng Shor trả cho 20 euro mỗi lần biểu tình, và đây là lần thứ tư. Khoảng mấy ngàn "biểu tình viên" hàng tuần có được "việc làm" nhờ ông Shor. Sống lưu vong ở Israel từ 2019, Ilan Shor giàu to từ năm 2014 trong vụ được người dân Moldova gọi là "vụ cướp thế kỷ" : biển thủ gần 1 tỉ euro của ba ngân hàng, số tiền này tương đương 8% GDP cả nước.
"Có tiền mua tiên cũng được", năm 2015 chỉ sau vài tháng quản thúc tại gia, ông ta trở thành thị trưởng Orhei, một thành phố nhỏ nhanh chóng trở nên thành lũy để mở rộng ảnh hưởng trên khắp Moldova. Đường sá được sửa sang lại, thị trưởng bỏ tiền túi trả chi phí đèn đường, gởi sâm banh và kẹo tặng cho dân ngày sinh nhật... Viên ngọc của vương quốc Shor nằm ở ngoại ô, đó là một khu giải trí nhìn sang một hồ nhân tạo, nước được các xe xi-tẹc đưa về từ Hắc Hải.
Công khai ủng hộ Moskva, nhà tài phiệt 35 tuổi cưới Jasmin, một nữ ca sĩ Nga từng được Vladimir Putin đích thân gắn huy chương. Hôm 26/10, Bộ Tài chính Hoa Kỳ trừng phạt hai vợ chồng vì "phá rối chính trị tại Moldova, được sự hỗ trợ của Nga" và mưu toan "phá hoại việc Moldova gia nhập Liên Hiệp Châu Âu". Trên mạng xã hội và hai kênh thân Nga do người thân của Shor nắm, tháng nào cũng có tin "NATO và Romania sắp xâm lăng Moldova".
Thụy My
Kiev khó chấp nhận đàm phán với Nga vì đang có ưu thế trên chiến trường
Liệu Ukraine có thể chấp nhận đàm phán với Nga trong lúc đang ở thế mạnh trên chiến trường ? Nga liên tục phạm tội ác chiến tranh tại Ukraine. Khai mạc Cúp bóng đá thế giới 2022 tại Qatar. Đó là những chủ đề nổi bật trong làng báo Pháp hôm 21/11/2022.
Một thiếu nữ trong hàng người chờ lãnh thực phẩm cứu trợ sau khi quân Nga rút khỏi Kherson, với chiếc khăn quàng cổ mang dòng chữ "Crimea thuộc về Ukraine". Ảnh chụp ngày 17/11/2022. Reuters – Murad Sezer
Kherson trước nỗi lo bị Nga oanh kích
Đặc phái viên La Croix cho biết về "Nỗi sợ bị trả đũa sau khi Kherson được giải phóng". Một tuần sau khi quân đội Ukraine tiến vào thành phố chiến lược Kherson, chấm dứt 8 tháng chiếm đóng, niềm vui vẫn rộn ràng nơi người dân Kherson, nhưng xen lẫn với mối lo nay trở thành tiền tuyến. Một số cư dân tìm cách rời thành phố. Một người dân nói : "90% cư dân di tản theo Nga trước đây vì tin rằng nếu quân Nga rút qua bên kia sông Dniepr, Moskva sẽ cho oanh tạc Kherson và thành phố sẽ trở thành Mariupol thứ hai". Cùng ngày, hỏa tiễn Nga đã tấn công vào xưởng đóng tàu của thành phố và một làng gần đó làm năm người bị thương.
Với 90.000 dân, Kherson là thành phố lớn nhất được tái chiếm, so với Izyum chỉ 17.000 dân. Hiện nay Kherson không có xăng dầu, điện nước, chỉ có một ít khí đốt. Hôm 06/11, chỉ bốn ngày trước khi đơn vị đầu tiên của Ukraine tiến vào, quân Nga đã phá hủy hai trạm biến điện 250 tấn ở trung tâm thành phố, khiến Kherson chìm trong bóng tối. Một số dịch vụ như bưu điện được tái lập và sáng sớm 19/11 đã có chuyến xe lửa đầu tiên nối Kiev với Kherson. Mùa đông đang đến gần, cả nước đang bị đe dọa mất điện, chính phủ Ukraine nay đứng trước thách thức quản lý một thành phố có mấy chục ngàn dân sinh sống cần khẩn cấp cứu trợ nhân đạo, và đang trong tầm bắn của pháo binh địch.
Không có internet, thực phẩm cứu trợ đến chậm
Tương tự, đặc phái viên Le Figaro ở Kherson nhận thấy cư dân đang phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống thường nhật. Hàng ngàn người dân hôm 12 và 13/11 đã vui mừng tập hợp hát những bài ca yêu nước. Bốn ngày sau, những con người mệt mỏi, run rẩy vì lạnh, xếp những hàng dài trong nhiều tiếng đồng hồ để chờ đợi được sạc điện thoại hay xe chở hàng cứu trợ. Do không có internet, giờ giấc và địa điểm phát hàng nhân đạo chỉ được truyền miệng, có khi không chính xác. Việc kiểm soát gắt gao ngõ vào thành phố khiến xe của các tổ chức cứu trợ chỉ có thể vào nhỏ giọt, các cửa hàng thực phẩm không được giao hàng từ hai tuần qua và không có điện để bảo quản đồ tươi.
Ngược lại, hệ thống xe buýt công cộng trong đó có 21 chiếc model mới bị quân Nga trưng dụng, bắt đầu hoạt động trở lại. Việc chuyển đổi từ đồng rúp sang đồng tiền quốc gia hrivna dễ dàng vì quân Nga chưa bao giờ kiểm soát được ngân hàng, máy chủ đặt ở Kiev. Tờ báo cho biết một phụ nữ phụ trách quỹ hưu bổng đã giấu được một số lượng lớn tiền mặt, bất chấp nguy hiểm, và nhiều người dân đã đến đổi số tiền thưởng bằng rúp của Kremlin thưởng ra đồng hrvina, tặng một phần cho quân đội Ukraine – một hành động kháng chiến.
Vết tích trại giam kinh hoàng ở Kherson
Le Monde nói về tình hình ở bệnh viện Tropinka ở Kherson trong thời gian quân Nga chiếm đóng. Trong giai đoạn đầu, bác sĩ giám đốc Leonid Remiga vẫn điều hành bệnh viện, chữa trị cho thường dân và vài lính Nga. Nhưng đến ngày 07/06, Nga bổ nhiệm những kẻ nằm vùng thân Nga lên phụ trách lãnh vực y tế, họ hống hách hơn nhiều so với binh sĩ Nga. Bác sĩ Remiga vì từ chối ký giấy tuyên thệ trung thành với Moskva nên bị còng tay để tống giam, nhưng đúng lúc đó ông Remiga lên cơn đau và trở thành bệnh nhân trong chính bệnh viện mình. Các đồng nghiệp cố kéo dài thời gian chữa trị để ông không bị bắt vào tù.
Gần hai tháng sau, bác sĩ Remiga trốn thoát nhưng bị gài bẫy bắt được, bị nhốt vào trại giam số 3 đường Teploenerhetikiv, hàng ngày bị thẩm vấn và đánh đập. Nhờ chữa trị cho các tù nhân, ông được vào các xà lim khác và được biết đã có nhiều người bị tra tấn đến chết, và theo lời đồn đãi thì xác của họ bị quăng xuống sông Dniepr. Bác sĩ Remiga nhớ lại trong một buổi thẩm vấn ông đã từng bị đe dọa "sẽ chết tại đây, xác bị liệng xuống dòng sông Dniepr và không ai có thể tìm thấy".
Những người làm việc ở bệnh viện Tropinka và siêu thị gần đó là nhân chứng cho nạn tra tấn trong nhà tù này. Đặc phái viên Libération có bài viết mang tựa đề "Chúng tôi nghe thấy những tiếng kêu la : Tại Kherson, tám tháng khủng bố". Những tù nhân sống sót kể lại cụ thể việc quân Nga hành hạ vô cùng dã man người tù, những câu chuyện khiến người nghe phải rùng mình vì sự tàn ác của quân chiếm đóng.
Quay lại ranh giới trước 24/02 : Quá trễ, Nga đã gây quá nhiều tội ác !
Trong bài "Ukraine : Không thể nào đạt được thỏa thuận", Les Echos nhận định chiến thắng Kherson cách đây hai tuần giúp Ukraine tiến lại gần Crimea hơn, còn Nga thấy giấc mơ chiếm Odessa rời xa. Đó là bước ngoặt chiến lược mang tính biểu tượng, với những hình ảnh gợi nhớ ngày giải phóng Paris tháng 8/1944. Tuy nhiên không có nghĩa là thời điểm đàm phán đã đến.
Cho tới khi tái chiếm Kherson, vẫn còn có thể mong chờ một sự thương thảo về lãnh thổ, trên cơ sở quay lại với nguyên trạng trước ngày 24/02. Nhưng giờ đây khả năng này không còn nữa. Đối với Kiev, cái mốc phải là tháng 1/2014, trước khi Moskva dùng thủ đoạn và vũ lực xâm chiếm Crimea.
Trong 9 tháng chiến tranh với gần 100.000 nạn nhân ở mỗi bên, hàng triệu người Ukraine phải di tản, những thành phố bị oanh kích, cơ sở hạ tầng bị phá hủy, Nga liên tục phạm tội ác chiến tranh nếu không muốn nói là tội ác chống nhân loại. Không đọ sức nổi với lực lượng Ukraine đông hơn, trang bị tốt hơn (nhờ viện trợ của phương Tây) và nhất là quyết tâm hơn, Moskva bèn ra sức làm cho thường dân Ukraine sống trong đói rét và chia rẽ các đồng minh của Kiev.
Đến nay, chiến lược này tỏ ra phản tác dụng. Sau khi Kherson sụp đổ và hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Nga không chỉ bị cô lập trên thế giới, mà người ta còn nghiêm túc tự hỏi bản thân Putin có bắt đầu bị cô lập ở Moskva hay không. Trung Quốc và Ấn Độ đã đứng ra xa hơn.
Dù bất đồng với Putin, người Nga vẫn giữ tâm lý nước lớn
"Chiến dịch quân sự đặc biệt" của Putin sẽ lưu lại trong biên niên sử như là một phản mô hình hoàn hảo, một bản tổng kết tất cả những gì không nên làm, đặc biệt khi là một bạo chúa - rất dễ sụp đổ trong trường hợp bị bại trận. Putin muốn nhập Ukraine vào vòng kiềm tỏa của Moskva, để tránh xu hướng thân phương Tây ảnh hưởng đến mô hình toàn trị của Nga. Nói cách khác, người Ukraine lại phải trở thành "Nga" để người Nga sau này không bỏ phiếu cho dân chủ như người Ukraine.
Tuy nhiên thực tế không đơn giản. Tác giả bài viết, Dominique Moisi cách đây vài ngày đã ăn tối với những người Nga di tản sang Latvia, đối với họ Putin hết sức tồi tệ, là hiện thân của Stalin. Nhưng về Ukraine, họ tỏ ra nhập nhằng : việc tái chiếm Kherson chỉ là "triệt thoái chiến thuật", như tuyên truyền của Kremlin. Rõ ràng không có chuyện Nga từ bỏ mọi tham vọng thống trị.
Sự gắn bó của người Nga với bản sắc đế quốc, là sức mạnh đồng thời là điểm yếu của Putin, và là chướng ngại vật trên con đường đàm phán. Đòi hỏi Nga quay lại với đường biên giới năm 1991 - khi Ukraine độc lập - như Zelensky đã nói, không khác nào đặt điều kiện cho hòa bình là Putin phải ra đi. Liệu có nhà lãnh đạo Nga nào có thể tại vị nếu "mất Crimea, nếu không phải là cả Ukraine" ? Nhưng nhà lãnh đạo nào của Ukraine có thể tự bằng lòng với đường biên trước 24/02, sau những hy sinh vô bờ bến và những chiến thắng ngoạn mục đã đạt được ?
Không thể có thỏa thuận nào làm hài lòng cả đôi bên
Một thỏa thuận về lãnh thổ theo kiểu Triều Tiên năm 1953 không thể được Kiev chấp nhận, và quay lại với biên giới 1991 cũng bất khả đối với Moskva. Nga không ở cùng tình cảnh của Đức quốc xã hồi năm 1945, cho dù cách xử sự không mấy khác. Nga là cường quốc nguyên tử, Đức thời đó không có, và Moskva có thể trông cậy vào Trung Quốc dù Bắc Kinh ngày càng lạnh nhạt hơn.
Các đồng minh của Kiev giờ đây phải tôn trọng hai nguyên tắc thực tiễn. Thứ nhất, và quan trọng nhất, là duy trì bằng mọi giá và không giới hạn thời gian chủ trương viện trợ cho Ukraine và trừng phạt Moskva. Tương lai của Châu Âu còn là tương lai thế giới. Không thể chấp nhận việc một quốc gia, hơn nữa còn là thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, vi phạm luật pháp quốc tế qua việc dùng vũ lực sửa đổi các biên giới. Ông Moisi cho rằng rất sai lầm khi một số người nói rằng cuộc chiến tranh này không phải của chúng ta, và giúp Ukraine là phục vụ cho lợi ích của Mỹ. Thứ hai, cần hiểu tính chất sâu xa của quyền lực Nga. Không thể tìm cách đối thoại cho bằng được với một con người như Putin, vốn chỉ biết đến sức mạnh.
Làm thế nào có được một giải pháp ngoại giao mang lại cho Ukraine cảm giác "chiến thắng", và với Nga là cảm giác không "thất bại" ? Nhiệm vụ chừng như bất khả thi. Trong khi chờ đợi, trước những khiêu khích liên tục của Nga, tác giả cho rằng Ukraine và các đồng minh cần phải kiên nhẫn, bình tĩnh.
Gáo nước lạnh trong sa mạc cho Qatar
Ngoài tình hình Ukraine, hội nghị COP27 và World Cup là các đề tài được chú ý nhất hôm nay. Libération nhận thấy sau lễ khai mạc vắng bóng những người nổi tiếng, nước chủ nhà thua ngay trong trận mở màn (0-2) trước Ecuador, dù đây chỉ là đội bóng thứ 44 (theo xếp hạng của FIFA. Số thẻ vàng còn nhiều hơn những cú sút vào gôn, sáu tháng tập dượt ở nước ngoài của đội Qatar chẳng thay đổi được gì. Khán đài trong hiệp đầu được cứu vãn với sự hiện diện của 5.000 người Ecuador, đến hiệp hai trở nên hoàn toàn thưa thớt vì cổ động viên Qatar bỏ về từ phút thứ 60.
Tuy vậy trước khi bước vào sân cỏ, ngày mà Qatar chờ đợi từ 12 năm qua đã bắt đầu rất tuyệt vời. Từ đầu giờ chiều, métro Doha bắt đầu chuyển thành nhiều màu sắc, tất nhiên là màu áo vàng của đội Qatar nhưng cả những màu áo đội Argentina, Úc, Hà Lan… Đến trạm cuối, cổ động viên được trung chuyển đến sân vận động cách đó 50 km, hơn 100 xe buýt hoạt động không ngơi nghỉ. Cỏ xanh ngút mắt, tại một đất nước chỉ có mưa khoảng 9 ngày trong năm. Buổi lễ khai mạc là một màn trình diễn ngoạn mục, nhưng cuộc thi đấu của các cầu thủ Qatar lại tệ hại.
Macron đề nghị "con đường thứ ba" với Châu Á-Thái Bình Dương
Les Echos và Le Monde cùng đề cập đến việc Pháp muốn đóng một vai trò tích cực hơn trong khu vực. Phát biểu trước các chủ doanh nghiệp lớn họp lại cuối tuần qua ở Bangkok nhân Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng cạnh tranh chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có nguy cơ gây thiệt hại cho các nước khác. Ông ví von : "Trong rừng có hai con voi lớn ngày càng bị kích động, có thể bắt đầu gây chiến, ảnh hưởng đến muông thú" và kêu gọi "những loài thú khác như cọp, khỉ… hãy hợp tác với nhau".
Paris không có ý định dẫn đầu một liên minh các nước không liên kết, nhưng có thể giúp các quốc gia mới nổi đi theo "con đường thứ ba" giữa hai khối, tránh đối đầu. Cũng trong logic này, Pháp tiếp xúc trở lại với Úc về vấn đề tàu ngầm. Thủ tướng Úc nói rằng không có ý định đặt lại vấn đề về đối tác với Mỹ, đại cường quân sự duy nhất có thể đối mặt với Trung Quốc. Quân đội Mỹ có 93.000 quân nhân và 86.000 thủy quân lục chiến, hàng trăm phi cơ và mấy chục chiến hạm trong khu vực, còn Pháp chỉ có 8.000 quân. Điện Élysée cho biết sắp tới Paris sẽ gia tăng quân số tại Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Joe Biden, tổng thống 80 tuổi đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ
Nhìn sang bên kia bờ đại dương, La Croix lưu ý "Hoa Kỳ lần đầu tiên có một tổng thống 80 tuổi". Ông Joe Biden ở tuổi 80 vào ngày 20/11, nhưng buổi lễ duy nhất tại Nhà Trắng mà người Mỹ được nghe vào cuối tuần này lại là lễ cưới của Naomi, cháu gái ông.
Tổng thống già nhất trong lịch sử Hoa Kỳ không muốn thu hút sự chú ý vào tuổi tác của ông, là nguồn gốc những lo ngại và tranh cãi, vào lúc Biden cân nhắc ra tranh cử tiếp năm 2024. Trong trường hợp tái đắc cử, khi kết thúc nhiệm kỳ, Joe Biden sẽ 86 tuổi, vượt quá kỷ lục của Ronald Reagan đến 9 năm. Theo thăm dò của CNN, 67% cử tri Midterms không muốn ông ứng cử tiếp, trong số đó đa số cử tri Dân chủ cho biết lo lắng nhất là về tuổi của ông.
Joe Biden có thói quen đáp trả bằng câu "Watch me !" ("Hãy nhìn tôi xem !"). Vấn đề là người Mỹ không an tâm trước những gì họ nhìn thấy. Nhiều video với những cảnh ông Biden nhầm lẫn, quên trước quên sau, vấp té... được đối thủ Cộng hòa khai thác. Một trong những tình huống phiền toái nhất xảy ra hồi tháng 9 trong một cuộc họp ở Nhà Trắng. Tổng thống cảm ơn cử tọa và đưa mắt tìm kiếm một dân biểu Cộng hòa là Jackie Walorski, đã qua đời cách đó một tháng. "Jackie có ở đây không ? Jackie đâu rồi ? Có lẽ bà ấy vắng mặt". Cú lỡ bộ này được giới truyền thông bảo thủ đưa tin rộng rãi, trong khi phát ngôn viên Nhà Trắng vất vả bênh vực ông sếp.
Thụy My
Mỹ hối thúc Ukraine đàm phán với Nga để rảnh tay đối phó với Trung Quốc ?
Minh Anh, RFI, 21/11/2022
Thời gian gần đây, Mỹ liên tục thúc giục Kiev nên tiến tới đàm phán với Nga nhằm chấm dứt chiến tranh. Theo giới quan sát, trong ván cờ tay ba giữa Nga – Mỹ – Trung, nước Nga của ông Vladimir Putin xem như đã bị loại, giờ Hoa Kỳ muốn tập trung nguồn lực cho cuộc đấu tay đôi với Trung Quốc trong tương lai.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin (T) và tổng tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ Mark Milley họp báo tại Lầu Năm Góc ở Arlington, Virginia, Hoa Kỳ ngày 16/11/2022. Reuters – Tom Brenner
Washington những ngày qua đưa ra nhiều tín hiệu rõ ràng và mạnh mẽ, kêu gọi Kiev nên bắt đầu nghĩ đến đàm phán hòa bình. Tướng Mark Milley, phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế New York tuần rồi cho rằng đôi bên nên "nắm bắt lấy thời điểm" khi mùa đông đang tới, mọi chiến dịch quân sự cũng sẽ bị chậm lại. Nếu như nguồn hậu thuẫn của Mỹ đối với Ukraine không suy giảm, thì sự ủng hộ này cũng ngày càng hướng đến việc kết thúc chiến tranh hơn là tiếp tục một cuộc chiến mà Washington đánh giá là cả Nga và Ukraine khó có thể giành được chiến thắng quân sự.
Lời kêu gọi này được đưa ra trong bối cảnh Kiev vẫn có tham vọng thu hồi toàn bộ các vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng, kể cả vùng bán đảo Crimea, bị sáp nhập vào Nga từ năm 2014. Nhưng khát vọng tái chinh phục bán đảo Crimea của Ukraine đang làm dấy lên những lo lắng từ nhiều nước phương Tây đứng đầu là Hoa Kỳ.
Theo nhận định từ đại tá Peer de Jong, phó chủ tịch Viện Thémis, chuyên gia địa chính trị với kênh truyền hình Franceinfo TV, để thực hiện chiến dịch này, Kiev sẽ cần rất nhiều đến nguồn hỗ trợ khí tài và tin tình báo từ Mỹ. Đối với Washington, dù không công nhận việc sáp nhập bán đảo Crimea, nhưng trợ giúp Ukraine tái chiếm Crimea rất có thể là bước tiến tới "đoạn tuyệt" bang giao với Nga.
Armelle Charrier, cây bút xã luận về quan hệ quốc tế trên kênh France 24 lưu ý, trong cuộc chiến tranh Ukraine này, không chỉ có thách thức giữa Nga và Mỹ, mà còn có một thách thức Mỹ - Trung. Trong tính toán của Mỹ, chính quyền Biden hậu thuẫn Ukraine vì "cuộc đấu tranh dân chủ", và do vậy chấp nhận tạm đẩy lùi cuộc đối đầu trực tiếp với Trung Quốc. Bất chấp cuộc gặp thượng đỉnh vừa qua, cả Mỹ và Trung Quốc đều hiểu rằng họ sẽ là kẻ thù của nhau trong tương lai, trên bình diện kinh tế và chính trị.
Theo hướng này, Joe Biden không thể đến nói chuyện với Tập Cận Bình trong một thế yếu. Hoa Kỳ phải có một nền kinh tế vững mạnh cũng như là một đội quân hùng mạnh. Nếu Ukraine quyết định đánh chiếm lại bán đảo Crimea, điều đó cũng đồng nghĩa với việc chiến tranh Ukraine sẽ kéo dài, có nguy cơ làm tổn hại đến những kho vũ khí chiến lược vì phải tiếp tục cung cấp đạn dược cho Ukraine.
Đây chính là điểm khiến Washington lo lắng. "Nếu phải cung cấp quá nhiều vũ khí và tài chính cho Ukraine, Hoa Kỳ có nguy cơ tự làm suy yếu mình. Những loại vũ khí mà Washington đặt trên lãnh thổ Châu Âu có nhiều rủi ro rơi vào tay quân Nga, để rồi bị bán lại cho Trung Quốc và có nguy cơ bị Trung Quốc sao chép, và sau này rất có thể bị Trung Quốc sử dụng để chống lại phương Tây", theo như giải thích của bà Armelle Charrier.
Nỗi lo này của Mỹ không hẳn là vô căn cứ. Moskva và Tehran, gần đây đã đúc kết được một thỏa thuận, theo đó, Iran cung cấp linh kiện và công nghệ cho Nga để chế tạo drone tự sát trên lãnh thổ Nga. Đổi lại, Moskva sẽ giao cho Tehran ba chiếc tên lửa do Mỹ và Anh sản xuất để nước này có thể sao chép, chế tạo và sử dụng cho các cuộc xung đột trong tương lai.
Minh Anh
Nguồn : RFI, 21/11/2022
************************
Kiev : Đàm phán với Nga về chiến tranh Ukraine có nghĩa là "đầu hàng"
Thanh Hà, RFI, 20/11/2022
Trả lời phỏng vấn AFP, cố vấn của tổng thống Ukraine, Mykhailo Podoliak đánh giá "đàm phán với Nga vào thời điểm này là một sự đầu hàng". Tuyên bố này được đưa ra vào lúc tổng tham mưu trưởng Hoa Kỳ, tướng Mark Milley khuyên Kiev "cần tính tới khả năng đàm phán" để vãn hồi hòa bình.
Cuộc đàm phán đầu tiên Ukraine (trái) và Nga tại Belarus (giáp với Ba Lan), ngày 07/03/2022, khi cuộc chiến tranh mới nổ ra. AP
Trong cuộc trả lời dành cho hãng tin Pháp ngày 20/11/2022, Mykhailo Podoliak nhận định việc phương Tây tìm cách thuyết phục Kiev đàm phán với Nga hơi "lạ kỳ" vào lúc mà quân đội Ukraine đang giành được những thắng lợi quan trọng về mặt quân sự. Đòi Ukraine đàm phán với bên đã đem quân xâm lược nước này không khác gì bắt chính quyền Kiev phải "đầu hàng".
Vẫn theo cố vấn của tổng thống Volodymyr Zelensky, Ukraine tự vệ đánh đuổi ngoại xâm ra khỏi lãnh thổ của mình thì tại sao lại phải đầu hàng trước trong lúc mà quân Nga đang thua và phải bỏ chạy. Hơn nữa theo Mykhailo Podoliak, một cố vấn thân cận với tổng thống Ukraine, hiện tại "Moskva chưa trực tiếp đưa ra bất kỳ một đề xuất nào" về khả năng đàm phán. Nga chỉ đánh tiếng qua một số trung gian và thậm chí còn nêu lên khả năng "ngừng bắn".
Kiev coi đây là kế hoãn binh để chuẩn bị cho những đợt tấn công sắp tới. Đây cũng sẽ là thời gian cần thiết để quân đội Nga đào tạo tân binh, tìm kiếm thêm các nguồn cung cấp vũ khí. Trước khi kết thúc cuộc nói chuyện dành cho hãng tin Pháp AFP, Mykhailo Podoliak cho rằng "thời kỳ mà Nga là một đối tác đáng tin cậy đã qua". Chiến tranh sẽ kết thúc khi mà "Ukraine giành lại được quyền kiểm soát biên giới"
Truyền thông Mỹ gần đây đưa tin nhiều quan chức cao cấp Hoa Kỳ, như là tổng tham mưu trưởng Mark Milley, cho rằng trong tình huống hiện tại, "một cơ hội đang mở ra cho các cuộc đàm phán". Để giải quyết xung đột, ngoài sức mạnh quân sự, các bên còn cần đến những giải pháp về chính chính trị và ngoại giao. Nhà Trắng cách nay hai ngày xác định lại : đàm phán hay không là quyết định tùy thuộc duy nhất vào tổng thống Volodymyr Zelensky.
Thủ tướng Anh khẳng định quyết tâm yểm trợ Ukraine
Thủ tướng Anh, Rishi Sunak hôm 19/11/2022 dành chuyến xuất ngoại đầu tiên đến Kiev. Ông cam kết tăng viện trợ vũ khí cho Ukraine, đặc biệt là giúp Kiev "tăng cường khả năng phòng không". Tương tự như hai người tiền nhiệm là Boris Johnson và Liz Truss, ông Sunak đã nhắc lại Luân Đôn luôn sát cánh với Kiev cho đến khi nào "hòa bình và an ninh được vãn hồi tại Ukraine". Thủ tướng Sunak thông báo thêm một khoản viện trợ nhân đạo 16 triệu bảng Anh và 50 triệu viện trợ quân sự cho Ukraine. Thông cáo của phủ thủ tướng Anh nói rõ, trong đó bao gồm 125 hệ thống đại bác phòng không và nhiều phương tiện kỹ thuật, như radar, thiết bị điện tử chống drone nhằm đánh chặn drone của Iran do Moskva sử dụng.
Chiều nay (20/11), bộ trưởng Quốc phòng New Zealand, Peeni Henare đến Kiev. Wellington mạnh mẽ lên án Nga "bất hợp pháp" xâm lược Ukraine. New Zealand gửi nhân viên quân sự sang Anh Quốc đóng góp với Luân Đôn trong công tác đào tạo cho các quân nhân Ukraine và đã viện trợ cho Ukraine hơn 37 triệu đô la để đối mặt với chiến tranh.
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 20/11/2022
Ở thế thượng phong hậu Kherson, chiến thắng trong tầm tay Ukraine ?
Sau khi giải phóng Kherson, Ukraine đang trên đà tiến, quân Nga trong tình trạng thảm hại. Phương Tây cần giúp thêm đạn dược cho Kiev, không để cho Moskva có thời gian lấy lại sức. Nhưng các đồng minh vừa không muốn chạm đến giới hạn trở thành bên tham chiến, lại vừa lo Nga mạnh lên sẽ lật ngược thế cờ. Hậu Kherson sẽ là gì ? Ba hướng tiến được dự báo, và ba kịch bản được đưa ra cho năm 2023.
Đoàn xe tăng và xe quân sự Ukraine trên một con đường ở Kherson, trong lúc Nga tiếp tục các cuộc oanh kích sau khi rút khỏi thành phố. Ảnh chụp ngày 18/11/2022. Reuters -–Stringer
Sau chiến thắng Kherson, Ukraine sẽ tấn công những nơi nào ?
L'Express đặt câu hỏi "Sau khi giải phóng Kherson, quân đội của Kiev sẽ còn tiến đến đâu ?". Rất nhiều ngày sau khi quân Nga đã rút đi hôm 11/11, cư dân Kherson tiếp tục tập hợp tại quảng trường Tự Do, phất những lá cờ màu xanh vàng mừng chiến thắng. Ukraine mong có được những cảnh vui tươi như vậy trong những tháng tới, sau khi đã giành lại được hơn phân nửa số diện tích bị chiếm từ sau ngày 24/02.
Trong bài phát biểu trước G20, tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định sẽ tiếp tục tiến công để ngăn trở Nga "tăng cường lực lượng". Cựu tướng Úc Mick Ryan nhận xét "Ukraine đang ngon trớn, ở thế chủ động và không muốn lãng phí. Tôi nghĩ rằng sắp tới sẽ có những cuộc tấn công. Mùa đông làm chậm lại chiến dịch, nhưng không ngăn được họ".
Khả năng vượt sông Dniepr khó thể diễn ra : sông rộng, những chiếc cầu đã bị phá, đạn pháo Nga từ bên kia sông. Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, quân đội Ukraine có thể tăng cường kiểm soát hữu ngạn, để lại đủ lực lượng để ngăn quân Nga đồng thời điều quân cho các mặt trận khác. Sau Kherson, Ukraine có ba hướng để nhắm đến : Donetsk, Lugansk và Zaporijia.
Cựu đại tá thủy quân lục chiến Pháp Michel Goya cho rằng hướng Donetsk rất khó khăn vì Nga đã củng cố từ 2014. Tại Lugansk tuy cũng không dễ dàng nhưng nếu chiếm được thành phố Statove, sẽ mở được hướng này. Ukraine cũng có thể nỗ lực hơn về phía Melitopol ở Zaporijia, vùng đất có địa hình bằng phẳng thuận lợi, chưa có cuộc tấn công lớn nào từ tháng Ba.
Kiev đang thắng thế trước quân Nga
Về phía Nga có thể tập trung cho Bakhmut. Andry Zagorodniuk, cựu bộ trưởng quốc phòng Ukraine cho rằng "Chỉ có lời hứa về một thắng lợi ở miền đông mới giúp tướng Surovikin thuyết phục được Putin cho rút quân khỏi Kherson. Ukraine phải chuẩn bị cho sự leo thang ở miền đông trong những tuần lễ tới". Theo Michel Goya, đợt đầu tiên Moskva sẽ điều ngay 100.000 tân binh tới giữ chân Ukraine và làm dê tế thần, trong khi 200.000 lính động viên còn lại được huấn luyện và trang bị.
Ông nói với L’Express : "Nga hy vọng nhờ đó sẽ tăng thêm sức mạnh, nhưng cần có cơ sở hạ tầng vững chắc, và tôi không tin vào điều này". Ông Goya nhận thấy từ tháng 8 Ukraine đã có nhiều đơn vị tác chiến hơn Nga và giỏi hơn về chiến thuật. "Thêm hai chiến thắng nữa trong mùa đông sẽ làm chấn động quân đội Nga, những thắng lợi tiếp theo vào mùa xuân có thể dẫn đến chế độ Moskva sụp đổ, như Đức năm 1918". Ngày càng thiếu tự tin, Nga bắt đầu đào công sự dọc theo các tuyến hướng về Crimea.
The Economist nhấn mạnh "Ukraine đang trong đà tiến sau Kherson, và đang cần đạn dược". Phương Tây nên giúp Kiev chiến đấu, không để cho Nga có thời gian lấy lại sức. Việc giải phóng Kherson chưa thể kết thúc cuộc chiến, Nga vẫn chiếm 70% diện tích tỉnh này ở bên kia sông Dniepr, chưa kể những phần lãnh thổ ở Zaporijia láng giềng cũng như Donetsk và Lugansk ở miền đông. Nhưng theo tổng thống Zelensky trên đường phố Kherson vừa sạch bóng quân địch, đây là "khởi đầu của hồi kết".
Tuần báo cho rằng quân đội Nga đang ở trong tình trạng thảm hại, thiếu đạn pháo nghiêm trọng, chẳng hạn trong kho chỉ còn 120 hỏa tiễn Iskander, theo tình báo Ukraine. Hồi tháng 3, mọi nhà phân tích giàu kinh nghiệm đều có thể chế giễu khi có ai nói rằng tám tháng sau, Ukraine vẫn đứng vững, rằng quân đội nước này loại ra khỏi vòng chiến 80.000 lính Nga, soái hạm Nga sẽ chìm xuống đáy Hắc Hải và không Ukraine vẫn hoạt động. Kiev đã vượt quá mọi sự chờ đợi và đang trên đà chiến thắng.
Thế lưỡng nan của phương Tây
Le Figaro cuối tuần cũng nhận định lực lượng của tổng thống Volodymyr Zelensky đang thắng Nga trên chiến trường, nhưng cần có thêm sự hỗ trợ của phương Tây. Chiến tranh kể cả ủy nhiệm ẩn chứa nhiều rủi ro. Từ khi khởi đầu cuộc xâm lăng, phương Tây luôn cố gắng không vượt qua giới hạn trở thành bên tham chiến, chỉ giúp để Kiev không sụp đổ và trừng phạt Moskva.
Nhưng nay quân đội Ukraine ở thế thượng phong, chiến thắng dường như không còn xa. Crimea sắp tới nằm trong tầm pháo của Ukraine, trong khi đối với Moskva, bán đảo này hết sức quan trọng. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin bối rối cho rằng vấn đề Crimea "do lãnh đạo Ukraine cân nhắc và quyết định".
Không thể áp đặt Ukraine phải đàm phán hay định ra các lằn ranh đỏ, khả năng duy nhất là "bày tỏ quan ngại" về nguy cơ leo thang. Phương Tây trong thế lưỡng nan. Kiev đang quá hăng hái, nếu giảm viện trợ để làm chậm lại, sẽ đối mặt với nguy cơ Nga phản công. Còn nếu Ukraine bại trận, cũng sẽ là thất bại của phương Tây, Putin ca khúc khải hoàn trước thế giới dân chủ. Một điều không thể chấp nhận được.
Theo tướng Milley, tổng tham mưu trưởng Mỹ, về quân sự Ukraine có thể đuổi được quân Nga trên toàn lãnh thổ và về chính trị, thời điểm đàm phán trên thế mạnh có thể đến sớm hơn với Kiev. Những lời khuyên nên hòa dịu khó thể được lắng nghe tại Ukraine, nơi người dân phải khóc thương những người đã thiệt mạng trong cuộc chiến. Tại Moskva cũng vậy, Vladimir Putin vẫn ngoan cố tiếp tục chiến tranh. Hòa bình không thể kết thúc bằng ủy nhiệm.
Ba kịch bản cho chiến trường Ukraine năm 2023
The Economist đưa ra ba khả năng cho năm tới. Kịch bản thứ nhất : Nga giành phần thắng vào phút chót. Quân Nga giữ được những chiến tuyến trong mùa đông, đồng thời lập ra các tiểu đoàn mới từ những tân binh được bổ sung. Trong khi đó đảng Cộng hòa chặn những gói quân viện mới cho Ukraine, viện trợ từ Châu Âu gần cạn. Kỹ nghệ quốc phòng Nga thiếu chip bán dẫn và phụ tùng chuyên biệt, nhưng sản xuất đủ xe bọc thép và các loại pháo căn bản để trang bị.
Đến mùa xuân các đơn vị mới của Nga bắt đầu tấn công, đẩy lùi lực lượng Ukraine đã mệt mỏi sau nhiều tháng chiến đấu, drone Iran tiếp tục tiêu hủy cơ sở hạ tầng của Ukraine. Ukraine đành rút lui vào mùa hè. Nga chiếm Kryvyi Rih, thành phố công nghiệp quan trọng ở bắc Kherson ; chiếm Sloviansk, Kramatorsk ở Donetsk. Phương Tây thúc giục Kiev chấp nhận ngưng bắn, tổng thống Zelensky đành chấp nhận. Trong những tháng, những năm sau đó, Nga ra sức tái vũ trang để đánh Ukraine lần nữa.
Kịch bản thứ hai nhiều khả năng diễn ra hơn : Ngõ cụt ! Nga huy động hàng trăm ngàn thanh niên, nhưng họ không thể chiến đấu hiệu quả. Tất cả những người huấn luyện đều phải ra trận, những binh sĩ dày dạn đều đã chết hay đang ở chiến trường. Tân binh được xếp vào những đơn vị bộ binh không có xe bọc thép và không thể chuyển sang tấn công, nhưng có thể đào hào cố thủ. Tại Kherson, dòng sông Dniepr chận đường khiến Ukraine tiến chậm, mỗi kilomet lãnh thổ tái chiếm đều phải trả giá đắt.
Không thắng nổi trên chiến địa, Vladimir Putin cố gắng kéo dài để kinh tế Ukraine suy sụp, đánh vào cơ sở hạ tầng dân sự nhằm làm người dân hoang mang và các đối tác nản chí. Châu Âu không kiếm đủ khí đốt dự trữ cho năm 2023, khiến phải cúp điện luân phiên trong mùa đông. Putin muốn dằng dai cho đến 2024, hy vọng Donald Trump chiếm lại Nhà Trắng và ngưng hỗ trợ Kiev. Nhưng như vậy ông đánh cược với dư luận Nga đang phản đối chiến tranh, kinh tế ảm đạm.
Kịch bản thứ ba tươi sáng hơn cho Ukraine, nhưng có lẽ cũng nguy hiểm hơn. Kiev giữ nguyên đà tiến, giáng những đòn nặng nề lên quân Nga rồi hướng Himars vào Crimea lần đầu tiên. Mặt trận Nga ở Lugansk bị vỡ, Ukraine tái chiếm Severodonetsk rồi nhanh chóng tiến sang miền đông. Số tử trận phía Nga tăng cao, lính mới từ chối chiến đấu. Phương Tây nhanh chóng cung cấp thêm nhiều hệ thống phòng không, làm giảm tác động chiến thuật khủng bố của Nga.
Đến mùa xuân, tổng thống Zelensky ra lệnh mở mặt trận mới ở Zaporijia. Năm lữ đoàn xuyên thủng phòng tuyến Nga, cắt đứt chiếc cầu sang Crimea, bao vây Mariupol vào mùa hè. Ukraine chuyển các giàn Himars sang miền nam, nhắm vào các cảng, căn cứ và kho hậu cần của quân Nga, đe dọa tiến vào Crimea. Putin ra tối hậu thư : hoặc ngưng lại hoặc sẽ dùng vũ khí nguyên tử. Chiến thắng trong tầm tay, nhưng cũng bao hàm nguy cơ.
Thủ lãnh Wagner : Từ đầu bếp thành tỉ phú nhờ Putin ưu ái
Cũng liên quan đến Nga, L'Express quan tâm đến việc "Prigozhin, thủ lãnh Wagner ra khỏi bóng tối". Bài viết mở đầu bằng câu trả lời của Yevgeny Prigozhin khi một nhà báo hỏi tại sao Wagner chiêu mộ quân từ các trại giam : "Hoặc là tù nhân, hoặc là con cháu các vị !". Câu nói biểu lộ sự hung hăng, hầu như dọa nạt của ông ta, thản nhiên đến trơ tráo về một sự việc bất hợp pháp. Đáng ngạc nhiên là Prigozhin không còn chối cãi mối quan hệ với công ty lính đánh thuê.
Vài ngày sau, ông ta còn đi xa hơn khi công khai nhìn nhận đã thành lập Wagner năm 2014, khi Nga can thiệp vào Donbass. Chỉ trong vài tuần lễ, Yevgeny Prigozhin đã bước ra ngoài ánh sáng để chứng tỏ mình là ngôi sao đang lên trong hệ thống Putin. Một sự trả thù của con người từng ngồi tù 9 năm trong thời Liên Xô vì tội trộm cắp, băng đảng và "xúi giục người vị thành niên bán dâm", trước khi lao vào làm ăn trong thập niên 90 và trở thành sở hữu chủ nhiều nhà hàng sang trọng.
Năm 2001, Vladimir Putin ăn trưa cùng với tổng thống Pháp Jacques Chirac trong một nhà hàng của Prigozhin, ông ta đích thân phục vụ và làm hài lòng tổng thống Nga. Đó là khởi đầu cho sự thăng tiến của Yevgeny Prigozhin. Công ty bếp ăn tập thể Concord Catering của ông nhận được nhiều trăm triệu rúp từ công quỹ để cung cấp bữa ăn cho các trường học và các bộ, rồi toàn quân đội. "Đầu bếp của Putin" trở thành tỉ phú, nhưng cũng thành mục tiêu điều tra của nhà đối lập Alexei Navalny. Vào thời đó Prigozhin muốn đứng sau cánh gà, tuy nhiên những hoạt động mới do Kremlin giao phó khiến ông ta dần lộ mặt.
Chủ công ty lính đánh thuê tìm kiếm tiền hay quyền lực ?
Bóp méo thông tin và đánh thuê là hai mặt của đế chế Prigozhin, trở thành cánh tay vũ trang ở những nơi Nga không muốn chính thức hiện diện, từ Trung Phi đến Syria, Libya và Donbass. Cuộc xâm lăng Ukraine đã dẫn đến sự thay đổi tầm vóc. Quân Wagner cố sống cố chết để chiếm bằng được Bakhmut nhằm gây tiếng vang. Theo nhà sử học Nicolai Mitrokhine, Wagner có từ 5.000 đến 10.000 quân trên chiến trường Ukraine, được trang bị xe tăng, pháo, trực thăng, thậm chí máy bay riêng, tóm lại là một quân đội tư nhân thực sự.
Prigozhin luôn xuất hiện với ba chiếc mề-đay trên ngực : huy chương Anh hùng Liên bang Nga, Anh hùng Cộng hòa Donetsk và Lugansk. Doanh nhân 61 tuổi không có danh khoản trên Twitter, Facebook… nhưng các tuyên bố của ông ta đầy khắp mạng xã hội nhờ mạng lưới truyền thông của ông và nhất là hàng mấy trăm tài khoản Nga, mô tả Prigozhin như chỉ huy quân sự duy nhất có tài. Sự thô bạo khiến ông ta nổi tiếng trong giới dân tộc chủ nghĩa cực đoan. Nhà chính trị học Nga Andrey Pertsev thắc mắc, tham vọng của ông ta là gì, kiếm nhiều tiền hơn hay được trở thành nhân vật quan trọng ?
Nhiều nguồn tin cho biết "Đầu bếp của Putin" không nằm trong vòng thân tín nhất của ông chủ điện Kremlin, chỉ là người thừa hành chứ không phải bạn bè. Trong môi trường "siloviki", những nhân vật xuất thân từ quân đội, công an, tình báo không ưa thái độ ngông nghênh, cách nói năng kiểu xã hội đen của ông ta. Còn về "hậu Putin" ? Prigozhin đừng hòng mơ tới quyền lực, giới tinh hoa không bao giờ bầu cho ông. Nhưng ngược lại ông ta là đồng minh nặng ký của các ứng cử viên kế nhiệm như Dimitri Medvedev hay chủ tịch đảng cầm quyền Andrei Tourchak.
Tác giả nhật ký ZOV : Tham nhũng bào mòn quân đội Nga
Nhắc đến Prigozhin trong cuộc trả lời phỏng vấn L'Express, Pavel Filatiev, người lính dù Nga tác giả cuốn nhật ký ZOV đang tị nạn chính trị tại Pháp, nói về nạn tham nhũng trong quân đội Nga.
Tham nhũng có ở mọi cấp, nhưng ở tầm mức của mình, Filatiev chỉ đưa ra vài ví dụ. Chẳng hạn ở căng-tin, người lính được nhận cơm nguội với phân nửa suất xúc-xích, vì phân nửa kia đã bị lấy cắp : Việc cung cấp bữa ăn cho quân đội do công ty của Yevgeny Prigozhin phụ trách. Quân phục cũng vậy, không bao giờ tìm được đúng kích cỡ, và chất lượng rất tồi. Thế nên lính hợp đồng phải tự mua cho phù hợp. Xe cộ hay hư hỏng nhưng thiếu phụ tùng, cũng người lính tự lo để có thể sống sót.
Với tư cách công dân, anh cho rằng cần một quân đội mạnh, chuyên nghiệp để bảo vệ người dân, bảo vệ đất nước chứ không phải để đi xâm lăng nước khác. Cuộc chiến với Ukraine là vô nghĩa : tại sao phải làm như vậy trong khi Nga còn vô số vùng đất chưa khai thác hết ? Theo Pavel Filatiev, đúng ra quân đội Nga cần chuẩn bị cho một cuộc xung đột với Trung Quốc. Cuốn sách của anh kêu gọi chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine, hướng đến không chỉ người Nga mà với tất cả, vì ngay tại phương Tây cũng có những người ủng hộ Putin.
Giải Nobel Hòa bình Matviichuk : Putin vinh danh tội phạm chiến tranh ở Kremlin !
Cũng trên L’Express, giải Nobel Hòa bình Oleksandra Matviichuk nhấn mạnh, các tội ác chiến tranh đang được Vladimir Putin cổ vũ. Luật sư nhân quyền cùng với những cộng sự thuộc Trung tâm vì Dân chủ (CLC) từ 2014 thu thập bằng chứng tội phạm chiến tranh của Nga ở Ukraine từ sau vụ chiếm đóng Crimea và xúi giục ly khai ở Donbass. Trong nhiều năm qua, công việc tỉ mỉ này không được ai chú ý, cứ như tiếng kêu giữa sa mạc. Cho đến khi tổ chức phi chính phủ đặt ở Kiev được nhận giải Nobel Hòa bình 2022 cùng với nhà đấu tranh Ales Bialiatski (Belarus) và tổ chức Memorial (Nga).
Bài phỏng vấn dài không dành cho những người yếu tim, một số ví dụ về tra tấn rùng rợn được kể lại trong hàng ngàn câu chuyện đã được ghi nhận. Tại Bucha, nhiều nhà báo và người sống sót đã chứng kiến những xác thường dân trên đường phố, trong những khu vườn, những phòng tra tấn, hố chôn tập thể…Thế giới văn minh bị sốc. Thế nhưng Putin lại phân phát huy chương cho các đơn vị đóng ở Bucha, chẳng khác nào khuyến khích binh sĩ tra tấn, hãm hiếp, giết người.
Theo bà Matviichuk, Putin và đồng bọn không hề có ý niệm về tôn trọng phẩm giá con người. Ngay cả trong thời chiến, cũng không thể hãm hiếp phụ nữ đang mang thai, nhảy lên ngực một ông già đạp cho chết hẳn, rút móng tay người tù…như những bằng chứng mà CLC có được. Cuộc chiến ở Ukraine không phải là giữa hai Nhà nước mà là hai hệ thống độc tài và dân chủ. Không thể có thái độ trung lập trước nỗi đau của con người, vi phạm nhân quyền, tội ác chiến tranh. Những ai nói mình trung dung chỉ là những người vô cảm.
Cộng đồng người Nga tị nạn tại Gruzia, nước từng bị Moskva xâm lăng
Về những người Nga chạy trốn chiến tranh, Courrier International dịch bài viết của trang OKO ở Ba Lan cho biết tại Gruzia, một cộng đồng Nga mới ở thủ đô Tbilissi gây lo ngại cho người dân địa phương, vì Nga từng xâm lăng nước này. Đối với người Nga, đây là nơi thích hợp để sống vì an toàn, ở một năm không cần xin visa, có thể làm việc, mở tài khoản ở ngân hàng và lập công ty, giá sinh hoạt lại rẻ. Nhiều câu lạc bộ, quán xá dành cho người Nga xuất hiện ở Tbilissi. Một nữ nhà báo Gruzia đi nhầm vào một trong những quán cà phê loại này, người phục vụ không hiểu tiếng địa phương lẫn tiếng Anh khiến bà bất bình vì không sử dụng được ngôn ngữ nước mình ngay trên đất Gruzia.
Từ 01/03 đến 01/08 người Nga đã mở 45.000 tài khoản ngân hàng và nhận được 187 triệu đô la, mua 3.000 căn nhà ở đất nước nhỏ bé Gruzia. Tất nhiên là có những phản kháng. Câu lạc bộ nổi tiếng Basiani không cho người Nga vào, bar Deda Ena buộc đánh dấu vào một tờ khai gồm 8 điểm như : không bầu cho Putin, lên án cuộc chiến tranh ở Ukraine… và câu cuối cùng là "Slava Ukraini !" (Vinh quang cho Ukraine !).
World Cup ở Qatar, tình báo, tiền ảo : Tựa chính các tuần báo
Là nơi sắp diễn ra Cúp bóng đá thế giới, Qatar chiếm trang nhất hai tuần báo Pháp kỳ này. Courrier International chạy tựa "Qatar, hiệu ứng boomerang". Có thể nói đây là một trong những World Cup bị chỉ trích nhiều nhất trong lịch sử, sau Achentina 1978. L'Obs nói về Qatar với "những đồng đô la từ dầu lửa, thiệt hại môi trường, nô lệ thời hiện đại...". Hồi năm 2010 khi FIFA trao quyền tổ chức cho Qatar, ý thức về khủng hoảng khí hậu chưa cao, và những vụ vi phạm nhân quyền không thể cản trở "soft power" ngày càng lớn của đất nước vùng Vịnh. Mười hai năm sau, trước khi hồi còi khai mạc thổi lên ở Doha ngày 20/11, rất nhiều tiếng nói phê phán cuộc tranh tài trong sa mạc, ở những sân vận động trang bị điều hòa tối đa, với cái giá hàng ngàn sinh mạng lao động nhập cư. Nhưng vương quốc Hồi giáo đã đầu tư trên 200 tỉ đô la cho sự kiện, đã có hoạt động truyền thông rất thành công.
L'Express đặt vấn đề "Chiến tranh bí mật, Nga, CIA... tình báo Pháp liệu có xứng tầm", trước mối đe dọa đánh cắp bí mật kinh tế, tin tặc, thánh chiến, gián điệp Nga và Trung Quốc ? Le Point quan tâm đến việc tổng thống Pháp Emmanuel Macron tìm cách cứu vãn nhiệm kỳ bằng cách liên minh với cánh hữu. The Economist đưa tít lớn "Tiền ảo lao dốc". Phải chăng đây sẽ là hồi kết của tiền điện tử ? Việc FTX phá sản là thảm họa cho uy tín và tham vọng của đồng tiền kỹ thuật số.
Thụy My
Một nửa các nhà máy điện Ukraine bị hư hại, Kiev cầu viện Liên Âu
Thanh Hà, RFI, 19/11/2022
Tiếp phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Valdis Dombrovski tại Kiev hôm 18/11/2022, thủ tướng Ukraine Denys Chmygal cho biết gần một nửa số cơ sở điện lực Ukraine bị hư hại sau các đợt oanh kích của Nga từ tháng 10 tới nay. Kiev kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu trợ cấp thêm cho Ukraine để đối phó với tình hình.
Một số cơ sở năng lượng trọng yếu của Ukraine trúng không kích khiến nước này bị thiếu điện nghiêm trọng (Ảnh : AP).
Theo lời tổng thống Volodymyr Zelensky "10 triệu người Ukraine" không có điện để sưởi, nhiều nhà máy điện "không còn hoạt động".
Vào lúc phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu đến Kiev thị sát tình hình thì tại Bruxelles, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, bà Ursula von der Leyen, cho biết Liên Âu cùng với các đối tác "nghiên cứu khả năng ban hành các biện phát trừng phạt mới nhắm vào Iran". Tehran bị cáo buộc cung cấp cho Moskva các drone, công cụ để quân đội Nga tấn công vào những cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine, chủ yếu là các nhà máy điện.
Liên quan đến viễn cảnh Nga và Ukraine tạm ngừng giao tranh, tổng thống Zelensky xua tan mọi ý tưởng về một đợt hưu chiến, dù ngắn ngày. Phát biểu trong khuôn khổ một diễn đàn an ninh tổ chức tại Halifax, Canada, hôm 18/11/2022, Volodymyr Zelensky nhấn mạnh : "Hòa bình chỉ có thể trở thành thực sự, vững bền, một khi diệt trừ được sự hung hăng của Nga". Kiev cho rằng mọi đề nghị hưu chiến chỉ là kế hoãn binh để quân Nga phục hồi sức lực.
Trước đó, Nhà Trắng nhắc lại, "chỉ có một mình tổng thống Ukraine" có thể quyết định đàm phán với Nga hay không, hòng vãn hồi hòa bình. Washington bác bỏ mọi hàm ý cho rằng Mỹ đang gây sức ép để buộc chính quyền Zelensky đối thoại với Nga. Những cáo buộc này đã dấy lên sau khi tư lệnh Mỹ, tướng Mark Milley, đã hai lần nhấn mạnh rằng những chiến thắng của quân đội Ukraine trên trận địa từ tháng 9 tới nay là "cơ hội" khởi động đàm phán, nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại Ukraine.
Nga và Ukraine cùng bị cáo buộc đối xử vô nhân đạo
Cũng liên quan đến chiến tranh Ukraine, theo nghiên cứu của đạo học Yale, Hoa Kỳ, được công bố hôm 18/11, hơn một trăm công dân Ukraine bị quân Nga bắt giữ và đã "mất tích" tại Kherson. Nhóm nghiên cứu Conflict Observatory của trường đại học Mỹ, Yale nêu bật trường hợp của 226 người bị giam giữ và đã "mất tích" ở Kherson ; hơn một trăm người vẫn chưa được trả tự do và hiện không ai biết số phận của họ ra sao từ khi quân Nga rút khỏi thành phố này hôm 11/11/2022. Một phần tư trong số đó bị tra tấn, 4 người tử vong.
Về phía Nga, Bộ Quốc phòng hôm qua tố cáo Ukraine đã sát hại thô bạo hơn một chục lính Nga đào ngũ. Moskva coi đây là một "tội ác chiến tranh". Cáo buộc này được đưa ra vào lúc trên các mạng xã đang rộ lên 2 đoạn video với hình ảnh lính Nga bị bắn chết. Hãng tin Pháp AFP nói rõ các đoạn video khoảng 30 giây này do Nga cung cấp. Theo Hội đồng nhân quyền, trực thuộc điện Kremlin, các vụ sát hại nói trên dường như đã diễn ra tại Makiivka, trong vùng Donetsk, miền đông Ukraine. Nga yêu cầu cộng đồng quốc tế cho mở điều tra và đòi tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, phải "trả lời" về những hành vi "tra tấn và sát hại tù binh Nga".
Thanh Hà
***********************
Nga tiếp tục bắn tên lửa vào hạ tầng cơ sở Ukraine, hơn 10 triệu dân mất điện
Minh Anh, RFI, 18/11/2022
Quân đội Nga hôm 17/11/2022, tiếp tục chiến dịch bắn tên lửa vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Hậu quả là hơn 10 triệu dân Ukraine bị mất điện vào lúc tuyết bắt đầu rơi, nhiệt độ trong những ngày tới được dự báo có thể xuống đến -10°C.
Lực lượng cứu hỏa Ukraine dập lửa tại một cơ sở sản xuất điện (Ảnh : AFP)
Trong buổi phát biểu truyền hình thường nhật, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xác nhận, hơn 10 triệu người dân trong cảnh mất điện, nhất là tại vùng Kiev. Ông lên án "một cuộc tấn công khủng bố khác của Nga" khi biến các cơ sở dân sự là mục tiêu chính. Theo ông, "Nga mở cuộc chiến đánh vào hệ thống điện và sưởi dành cho người dân bằng cách cho nổ tung các nhà máy điện và nhiều cơ sở hạ tầng năng lượng khác".
Điện Kremlin đáp lại rằng những thống khổ mà người dân Ukraine đang hứng chịu là do chính quyền Kiev từ chối đàm phán. Phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov tuyên bố : "Đây chính là hệ quả của việc thiếu thiện chí giải quyết vấn đề từ phía Ukraine, để khởi động đàm phán, từ chối tìm kiếm một điểm đồng thuận".
Theo AFP, những đợt oanh kích mới này diễn ra vào lúc tuyết bắt đầu rơi từ ngày hôm qua. Thống đốc vùng Kiev Oleksii Kouleba hôm thứ Tư 16/11, cảnh báo những tuần tới sẽ "khó khăn", nhiệt độ ngoài trời có thể xuống đến -10°C, trong khi đó, nhà máy điện quốc gia Ukrenergo thông báo kéo dài tình trạng cắt điện. Nguyên nhân là "trời lạnh đột ngột, mức tiêu thụ điện tăng đột biến", khiến cho tình trạng mạng lưới điện, vốn dĩ đã khó khăn, thêm phần phức tạp.
Minh Anh
**************************
Kiev cáo buộc Nga bắn khoảng 100 tên lửa, phá hủy lưới điện của Ukraine
Chi Phương, RFI, 17/11/2022
Không quân Ukraine cáo buộc Nga đã bắn gần 100 tên lửa vào Ukraine hôm 16/11/2022. Nhiều cơ sở hạ tầng năng lượng thiết yếu của nước này đã bị hư hại. Hàng triệu người Ukraine bị mất điện.
Một nhà máy phát điện bị trúng tên lửa của Nga, Kiev, Ukraine, ngày 15/11/2022. Reuters - Stringer
Theo AFP, cuộc tấn công đã khiến ít nhất một người thiệt mạng. Thị trưởng Kiev cho biết hai tòa nhà dân sự bị hư hại và hơn một nửa cư dân thủ đô tối qua không có điện. Theo phó văn phòng tổng thống Ukraine, Kyrulo Tymochenko, khoảng 7 triệu người trên khắp Ukraine bị cắt điện. Tình trạng này cũng xảy ra ở Moldova, giáp biên giới Ukraine. Ngoại trưởng Moldova, Nicu Popescu, viết trên Twitter : "Mỗi quả bom rơi xuống Ukraine đều ảnh hưởng đến Moldova và nhân dân chúng tôi".
Phát biểu trên truyền hình Ukraine tối qua, phát ngôn viên lực lượng không quân Ukraine, Iouri Ignat, cho biết "khoảng 100 tên lửa được phóng đi từ biển Caspi, vùng Rostiv của Nga và từ biển Đen". Trên mạng xã hội, chính quyền nhiều thành phố như Lviv, Kharkiv, Odessa hay Krementchouk … lần lượt thông báo tình hình thiệt hại sau vụ tấn công.
Hãng tin Reuters trích dẫn nhận định của tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tối hôm qua, tố cáo Nga biết họ đang làm gì vì đã tính toán về những hậu quả. Ông Zelensky cũng cáo buộc Nga đã bắn tên lửa sang Ba Lan, khu vực gần biên giới Ba Lan - Ukraine, khiến hai người thiệt mạng : "Bắn tên lửa vào lãnh thổ NATO, những tên lửa của Nga tấn công vào an ninh chung. Đây là một sự leo thang mạnh và chúng ta cần phải hành động".
Chi Phương
Yevgeny Prigozhin : Từ "bếp trưởng" đến "đồ tể" và ý đồ hậu Putin
Trang nhất của các nhật báo Pháp ra ngày 18/11/2022 chú ý đến thời sự Pháp. Le Monde đề cập đến khủng hoảng năng lượng và vấn đề trợ giá năng lượng. Les Echos phỏng vấn thủ tướng Borne về "năng lượng, đổi mới, sức mua".
Yevgeny Prigozhin, chủ công ty lính đánh thuê Wagner bên cạnh tổng thống Nga Vladimir Putin năm 2011. AP - Misha Japaridze
Le Figaro phản ánh sự chán nản của người Pháp về phương tiện công cộng, vấn đề thiếu niên nhập cư trên tầu Ocean Viking cập cảng Pháp bỏ trốn. Libération lưu ý đến mảng văn hóa với loạt phim truyền hình dài tập nổi tiếng sắp kết thúc. Riêng La Croix đưa Giải Vô địch Bóng đá Thế giới Qatar 2022 đầy tranh cãi lên trang đầu.
Chiến sự tại Ukraine vắng bóng trên báo Pháp. Ngược lại, một nhân vật "diều hâu" Nga, thân cận của tổng thống Vladimir Putin được Le Monde phác họa rất chi tiết trong bài : "Tại Nga, tham vọng chính trị của ông chủ công ty Wagner". Yevgeny Prigozhin dường như sắp thành lập một phong trào bảo thủ, phục vụ cho những tham vọng của chính ông, sau thất bại dấn thân vào chính trường năm 2020.
Yevgeny Prigozhin : Bước ra ánh sáng
Ông chủ của công ty lính đánh thuê Wagner hội tụ đủ điều kiện để làm chính trị ở Nga : sự tán đồng của điện Kremlin, một đế chế truyền thông, tiền, khả năng khiêu khích, tính chính đáng nhờ can dự vào "chiến dịch quân sự đặc biệt" của tổng thống Putin tại Ukraine, uy tín về hiệu quả của lực lượng lính đánh thuê. Cửa ải cuối cùng phải vượt qua là "xuất đầu lộ diện", thoát khỏi hình ảnh "huyền bí" mà ông xây dựng trước đây khi luôn phủ nhận, thậm chí là kiện tội phỉ báng, sự tồn tại của công ty bán quân sự tư nhân Wagner, vì bị cấm ở Nga.
Cuộc chiến ở Ukraine thành bàn đạp đưa ông lên tuyến đầu. Hình ảnh một Yevgeny Prigozhin năng nổ, dấn thân, được đăng trên vô số trang web do ông kiểm soát : bước xuống từ máy bay trực thăng, tay cầm bản đồ chỉ huy, huy chương gắn đầy trên ngực. Tháng 09, ông nhận là người thành lập Wagner. Gần đây, ông tự hào nhận nhiều lần can thiệp vào bầu cử Mỹ. Từ năm 2014, Yevgeny Prigozhin và Concord, công ty chính của ông, nằm trong danh sách trừng phạt của Washington và Bruxelles.
"Bếp trưởng của Putin" - biệt danh xuất phát từ việc ông mở nhiều nhà hàng sang trọng ở Saint-Peterburg trong thập niên 1990 và những hợp đồng với Bộ Quốc phòng - trở nên nổi tiếng vì thường xuyên chỉ trích gay gắt bộ chỉ huy quân sự Nga, vẫn bị cáo buộc "nhu nhược" ở Ukraine. Nhờ vào liên minh tình thế với nhà lãnh đạo Chechenya Ramzan Kadyrov, ông chủ của Wagner đã loại được tướng Alexandr Lapin, bị quy trách nhiệm về thất bại thảm hại ở Kharkiv. Ngược lại, ông hoan nghênh quyết định rút quân khỏi Kherson là "có trách nhiệm", theo đúng những yêu cầu của điện Kremlin.
Quá khứ tù tội vì trộm cướp trở thành kinh nghiệm tuyển quân của ông chủ của Wagner vì theo ông, "tù nhân có ý thức cao hơn thành phần tinh hoa Nga". Trang Meduza cho rằng Yevgeny Prigozhin đang hướng đến nước Nga ở những địa phương nhỏ vì, vẫn theo ông, giới tinh hoa Nga "đã chọn tiện nghi hơn là điều tốt cho dân tộc", khi từ chối đưa con cháu ra chiến trường.
Củng cố quyền lực
Sự nghiệp của Yevgeny Prigozhin dựa trên sự pha trộn giữa việc công và tư, tung tin giả, hoạt động quân sự và cố vấn ở nước ngoài (Syria, Libya, Cộng hòa Trung Phi), hiện tìm cách mở rộng hoạt động ở Châu Âu và Hoa Kỳ, với việc thành lập những tổ chức phi chính phủ trá hình về bảo vệ nhân quyền và chống bạo lực cảnh sát.
Những dự án đó, ít nhiều bị điện Kremlin kiểm soát gián tiếp hoặc trực tiếp, đã giúp ông giầu có, ví dụ, ông kiểm soát dầu lửa ở Syria, kim cương ở Trung Phi, và không ngừng gia tăng ảnh hưởng trong chính quyền, kể cả tại Nga khi công khai chỉ trích thống đốc Saint-Peterburg Alexander Beglov, cáo buộc đối thủ này là "phản quốc". Ông chủ của Wagner cũng chuyển thông điệp cứng rắn khi quân của ông hành quyết dã man một người đào tẩu, được tuyển từ trại giam. Chuyện này không có gì mới vì theo Le Monde, tên của Prigozhin gắn với bạo lực, từ những đe dọa các nhà báo, đầu độc một nhà đối lập đến ám sát ba nhà báo Nga ở Trung Phi năm 2018.
Tham vọng hậu Putin
Vậy Prigozhin muốn gì ? Theo nhiều nhà chính trị học Nga, ông chủ của Wagner đang tìm chỗ đứng trong viễn cảnh hậu Putin. Ông Alfred Koch, một cựu thứ trưởng thời Boris Yeltsin, hiện sống lưu vong cho rằng "Prigozhin và Kadyrov (lãnh đạo Chechenya) là sức mạnh sẽ điều hành Nga thời hậu Putin. Và Putin chỉ sống, khỏe mạnh cho đến khi cặp bài trùng này cảm thấy mạnh hơn quân đội. Ngay khi thời điểm này tới, họ sẽ cầm ống hít và một chiếc khăn quàng (ý muốn nói đến vụ ám sát sa hoàng Paul năm 1801) và sẽ lập tức tới các căn hộ của Putin".
Dù dự đoán đó có nghiêm túc hay không, việc Yevgeny Prigozhin nổi như cồn đang khiến nội bộ quân đội Nga cay đắng, đó là chưa kể đến mối hận thù sâu sắc của nhiều nhân viên an ninh FSB và nỗi sợ ngày một lớn trong giới tinh hoa.
Tuy nhiên, Le Monde cho rằng những kiểu người cực đoan, như Prigozhin, vẫn tồn tại dưới thời ông Putin, để làm bình phong cho khuynh hướng "ôn hòa" của tổng thống.
NATO cần bảo vệ sườn đông sau vụ tên lửa rơi xuống Ba Lan
Vụ tên lửa do Nga sản xuất rơi xuống lãnh thổ Ba Lan nhưng có thể do Ukraine bắn, đã buộc NATO họp khẩn. Theo nhật báo Le Monde, "NATO : vấn đề bảo vệ sườn đông của Châu Âu lại được thảo luận".
Tổng thư kí NATO Jens Stoltenberg hoan nghênh "cách phối hợp bình tĩnh, chừng mực" giữa các nước thành viên. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra : Tại sao hệ thống phòng không của NATO lại không phát hiện được ? Theo ông Jens Stoltenberg, đó là vì tên lửa rơi xuống Ba Lan "không có đặc điểm của loại tên lửa tấn công", ý muốn nói đến tên lửa hành trình hoặc tên lửa đạn đạo. Tổng thư kí NATO cố tìm cách dập mọi tranh luận khi khẳng định rằng không phản ứng "không thể hiện gì về khả năng tự vệ của chúng ta trước những vụ tấn công có chủ ý nhắm vào lãnh thổ của NATO".
Phải nói rằng NATO đã "tăng cường đáng kể sự hiện diện ở sườn đông của Liên minh, đặc biệt là từ cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2, cùng với lực lượng bộ binh, và phải kể đến sức mạnh không quân và hải quân đáng kể". Từ 5.000 quân năm 2021, hiện giờ có đến 40.000 quân hoạt động cho NATO, đó là chưa kể đến quân Mỹ, hoạt động dưới sự chỉ huy trực tiếp của Washington.
Sau sự cố Ba Lan, ông Piotr Bura, phụ trách phòng nghiên cứu về Ba Lan của Trung tâm European Council on Foreign Relations, cho rằng "cách đáp trả của NATO là phải tăng cường phòng không ở Ba Lan và những nước trên tuyến đầu, để hạn chế những rủi ro tương tự, gây thiệt hại trong tương lai. NATO cần xem xét thảo luận về mở rộng phòng không để có thể phá hủy tên lửa của Nga trong không phận Ukraine khi những tên lửa này hướng đến biên giới NATO".
Dù hiện giờ, không một nước nào có ý định gửi thêm quân đến sườn đông, nhưng Bộ Quốc phòng Pháp cho rằng "NATO có thể quyết định tăng cường toàn bộ thế răn đe". Có nghĩa là nếu mối đe dọa gia tăng, lực lượng răn đe cũng sẽ được củng cố tương ứng.
Tập Cận Bình dàn dựng sự trở lại của Trung Quốc trên trường ngoại giao
Hai nhật báo Les Echos và Le Figaro chú ý đến sự trở lại của chủ tịch Trung Quốc trên trường quốc tế. Sau hơn 1.000 ngày "cách ly", ông Tập Cận Bình tham dự G20 ở Bali, sau đó là APEC ở Bangkok, liên tiếp gặp gỡ các nhà lãnh đạo nước ngoài. Ông tìm cách tái lập uy tín của chế độ, bị xói mòn vì các chính sách hung hăng và trấn an các nhà đầu tư.
Theo nhật báo Les Echos, ông "Tập Cận Bình dàn dựng sự trở lại của Trung Quốc trên trường quốc tế" với quyền lực được củng cố sau Đại hội đảng Cộng sản. "Giờ ông nắm toàn quyền kiểm soát và đã loại bỏ mọi sự phản kháng", theo nhận định của giáo sư Stephen Nagy, Đại học Công giáo ở Tokyo.
Cả một danh sách nhà lãnh đạo thế giới chờ gặp chủ tịch Trung Quốc. Nhà phân tích Richard McGregor của Viện Lowy nhận định "Kiểu sự kiện họp thượng đỉnh lớn như vậy là cơ hội lý tưởng vì cho phép liên tiếp các cuộc họp song phương trong thời gian ngắn". Đây cũng là cơ hội lý tưởng để tránh những chuyến công du, hiện còn quá nhạy cảm với công luận. Một chuyên gia của chính quyền Trung Quốc nêu ví dụ : "Hiện giờ không thể lên kế hoạch một chuyến công du Hoa Kỳ cho ông Tập Cận Bình hoặc một chuyến công du đến Nhật Bản. Vì thế, gặp nhau ở một nước thứ ba là rất tiện, như vẫn diễn ra vào thời Chiến tranh lạnh".
Trung Quốc quyết định tái kích hoạt những mối quan hệ ngoại giao vì đang rất cần. Giáo sư Stephen Nagy nhận định "nước này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng niềm tin thực sự trên bình diện quốc tế" : chính sách Zero Covid hà khắc, ngoại giao "chiến lang" tấn công tất cả những ai dám chỉ trích chế độ, dùng vũ lực đe dọa Đài Loan…
Về kinh tế, vẫn theo giáo sư Nagy, "nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức thật sự về cơ cấu. Ông Tập phải đến truyền tải thông điệp trấn an. Nói rằng Trung Quốc vẫn là nơi ổn định để dự kiến đầu tư". Trong các cuộc họp song phương, phái đoàn Trung Quốc đã hứa hẹn nhiều dự án hợp tác, những thỏa thuận trao đổi thương mại mới. Đó là những liều thuốc từng giúp Trung Quốc tăng trưởng trong suốt 20 năm.
Nhật báo Le Figaro đưa ra nhận định : "Tập Cận Bình đánh cược vào thế tấn công ngoại giao" dù ông trấn an không có ý định "đặt lại vấn đề về trật tự thế giới". Sự tái xuất hiện này cho thấy sự điều chỉnh chiến thuật vào lúc Bắc Kinh thấy bất trắc về cuộc chiến của tổng thống Putin ở Ukraine và viễn cảnh suy thoái toàn cầu. Quá ngả về phía Nga gây tác động ngược đối với các nhà đầu tư, đang tìm cách tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Moskva, và bất an về tương lai của họ tại công xưởng thế giới bị đình trệ vì chính sách Zero Covid.
Mỹ : Đảng Cộng hòa, bị chia rẽ, nắm quyền kiểm soát Hạ Viện
Về thời sự Mỹ, sự kiện đảng Cộng hòa chiếm đa số ở Hạ Viện được hai báo Le Monde và Les Echos đề cập. Le Monde dùng những từ "đảng Cộng hòa bị chia rẽ", "chiến thắng mong manh, thêm vị đắng, mất thời gian và ít hào hứng". Với 218 ghế, đảng Cộng hòa sẽ chống Joe Biden trên nhiều mặt trận.
Trong giai đoạn chuyển tiếp, đảng Dân Chủ, hiện vẫn chiếm đa số, cố gắng thông qua nhiều đạo luật nhất có thể : Thứ Tư 16/11, một dự thảo luật về luật hôn nhân đồng giới và đa chủng tộc đã được Thượng Viện thông qua, với sự ủng hộ của 12 thượng nghị sĩ Cộng hòa, sau đó cũng nhanh chóng được thông qua ở Hạ Viện. Trong số những ưu tiên khác của đảng Dân Chủ, còn có nỗ lực tránh tính trạng hết ngân sách hoạt động "shutdown" vào ngày 16/12, nâng mức trận nợ, thêm gói viện trợ mới 37,3 tỉ đô la cho Ukraine, trong đó 21,7 tỉ đô la là viện trợ quân sự, và hoàn tất báo cáo của Ủy ban điều tra vụ tấn công đồi Capitol ngày 06/01/2021.
Nhật báo kinh tế Les Echos cũng đưa tin về "Đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ Viện sau kỳ bầu cử giữa kỳ". Tuy nhiên, theo Les Echos, tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn có thể dựa vào đa số của đảng Dân chủ ở Thượng Viện trong hai năm cuối nhiệm kỳ. Ông muốn thông qua nhiều đạo luật trước tháng 01/2023 khi những tân nghị sĩ chính thức nhậm chức.
Qatar 2022 : Cup vô địch bóng đá của mọi kỷ lục
"Một Cup Bóng đá Thế giới trị giá hơn 200 trỉ đô la" là chủ đề của Les Echos. Còn La Croix đưa trang nhất "Giải Vô địch về tranh cãi".
Les Echos nêu những con số kỷ lục cho một mùa Vô địch Bóng đá Thế giới : khoản chi phí khổng lồ (200 tỉ đô la, so với 11 tỉ của Nga năm 2018 hoặc 15 tỉ tại Brazil năm 2014), bị chỉ trích nhiều nhất, lần đầu tiên tổ chức vào cuối năm (từ 20/11 đến 18/12), nước chủ nhà rất nhỏ, trận khai mạc diễn ra tại sân vận động Al Bayt (60.000 chỗ), một trong số 7 sân vận động mới được xây trong những năm gần đây, trận chung kết diễn ra ở "thành phố tương lai" Lusail nằm giữa sa mạc và chưa hoàn thiện.
Đối trang nhất của La Croix, đó là "Giải Vô địch về tranh cãi". Bài xã luận "Kiệt sức" nêu những điều kiện xã hội tồi tệ liên quan đến cơ sở hạ tầng : nhiều sân vận động được lắp điều hòa giữa sa mạc. Giải vô địch diễn ra lệch so với thời gian thông thường cũng khiến các cầu thủ thiếu chuẩn bị vì vẫn đang thi đấu tại các giải vô địch quốc gia.
Thu Hằng
Hỏa tiễn rơi ở Ba Lan : NATO kềm chế, Putin tỏ ra vô trách nhiệm
Phương Tây và Nga đã tránh được cơn ác mộng xung đột lan rộng. Chính phủ Ba Lan và NATO tỏ ra kềm chế. Cho dù đó là hỏa tiễn Ukraine bắn chặn Nga, trách nhiệm cuối cùng vẫn thuộc về kẻ xâm lăng, đồng thời đặt lại vấn đề bảo vệ vùng trời Ukraine nói riêng và Châu Âu nói chung
Các nhà lãnh đạo phương Tây họp thượng đỉnh G20 tại Bali (Indonesia) ngày 16/11/2022 bàn bạc về vụ hỏa tiễn do Nga sản xuất rơi xuống Ba Lan. Reuters - BPA
Tựa chính của Les Echos hôm naynói về áp lực lên doanh nghiệp, La Croix về những xoay sở của người nghèo, Le Figaro đề cập đến chủ trương bảo hộ của Mỹ. Libération dùng nền đen cho trang nhất, với bức ảnh một phụ nữ cầm cây đèn cầy leo lét sau khung cửa, với dòng tít "Ukraine, nỗi sợ mùa đông".Le Monde chạy tựa "Hỏa tiễn rơi xuống Ba Lan, NATO căng thẳng".Các báo đều dành nhiều trang trong hoặc xã luận cho sự kiện này, tất cả đều có cùng nhận định : NATO đã tỏ ra kềm chế.
Ba Lan xử sự bình tĩnh trước Putin vô trách nhiệm
Le Monde cho biết cụ thể : Lúc 15 giờ 40 ngày thứ Ba 15/11 tại làng Przewodow có 500 dân thuộc quận Hrubiezow, nằm cách biên giới Ukraine 6 cây số. Một xe máy cày đang chạy trên đồng bị một vật thể đánh trúng, các nhân chứng nghe thấy hai tiếng nổ, tạo ra một hố bề ngang 5 mét, sâu 2 mét, hai người nông dân 50 và 60 tuổi tử nạn. Le Figaro nhận xét, đó là cơn ác mộng của phương Tây kể từ đầu cuộc chiến : xung đột mở rộng trong trường hợp Nga tấn công vào một nước NATO, dù không cố ý đi nữa.
Xã luận của La Croix cho rằng lịch sử đầy những ví dụ chiến tranh nổ ra ngoài ý muốn của các bên nhưng sau đó đã lan rộng. Sự kiện vừa rồi cho thấy mối đe dọa lên toàn Châu Âu kể từ khi Nga xâm lăng Ukraine. Libération nhấn mạnh, lần đầu tiên cuộc chiến ảnh hưởng trực tiếp đến một thành viên NATO. Trong vòng vài tiếng đồng hồ mọi người đều lo ngại điều tệ hại nhất. Người ta chờ đợi phản ứng của các nhà lãnh đạo, đọc lại Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, nhất là điều 4 và điều 5 xác định những nghĩa vụ trong trường hợp một thành viên bị tấn công.
Áp lực nhanh chóng giảm xuống. Sau Hoa Kỳ, đến lượt tổng thống Ba Lan tuyên bố "không có gì cho thấy đây là một cuộc tấn công cố tình". Giả thiết khả tín nhất là pháo phòng không của Ukraine. Kiev đòi hỏi đến tận nơi để điều tra, nhưng vì đang chiến tranh, sự kiện không quan trọng bằng cách nhìn nhận vấn đề. Theo xã luận của La Croix, điều chính yếu là NATO chọn lựa không leo thang, và đặc biệt chính phủ Ba Lan tỏ ra rất bình tĩnh. Thái độ này tương phản hẳn với một Vladimir Putin vô trách nhiệm. Lạc lối trong một chiến lược không có tương lai, một lần nữa ông ta đã chọn cách khủng bố, oanh tạc ồ ạt Ukraine.
Nghi vấn Ukraine bắn chặn hỏa tiễn Nga nhưng bị trượt mục tiêu
Tướng Michel Yakovleff, cựu phó tổng tham mưu trưởng bộ chỉ huy NATO nhận thấy sự kiện hỏa tiễn rơi xuống làng Przewodow làm mờ nhòa đi cuộc oanh kích khốc liệt mà Ukraine là nạn nhân. Theo nhà nghiên cứu Pierre Grasser của đại học Sorbonne, rất có thể đó là một hỏa tiễn địa-không 5V55 bắn đi từ giàn phóng S-300 ở căn cứ không quân Jytomyr tại Ukraine, để chặn một hỏa tiễn Nga đang bay về hướng biên giới Ba Lan. Hỏa tiễn địa-không này có thể đã bắn trượt mục tiêu, hay vượt khỏi sự kiểm soát của radar do mất tín hiệu, nên tiếp tục đường bay đến Ba Lan.
Sự cố này không phải là cá biệt. Nhiều hình ảnh lâu nay vẫn cho thấy các mảnh vỡ tên lửa trên khắp Ukraine, các hỏa tiễn và drone Nga bay lạc sang Moldova, các drone của cả hai bên tham chiến tìm thấy ở Romania, những hỏa tiễn rơi xuống Hắc Hải được Thổ Nhĩ Kỳ vớt lên.
Phòng không Ukraine chủ yếu dựa vào hệ thống S-300 thời Liên Xô cũ, các giàn phòng không tịch thu được của Nga, SA-8, SA/11 và hỏa tiễn Stinger của Mỹ. Chỉ riêng ngày thứ Ba hôm ấy, Kiev đã chặn được 73 hỏa tiễn hành trình trong số gần 100 tên lửa đánh vào 18 thành phố Ukraine, một đợt tấn công quy mô chưa từng thấy. Ông Pierre Grasser nhấn mạnh, S-300 vẫn giúp chặn được máy bay và tên lửa Nga, nhưng hỏa tiễn bắn ra không có cơ chế tự hủy nếu trượt mục tiêu. Vả lại Ukraine không có đủ đạn dược.
Nhóm tiếp xúc phụ trách điều phối quân viện cho Ukraine hôm qua đã họp lại tại căn cứ Mỹ ở Ramstein, Đức, có sự hiện diện của bộ trưởng quốc phòng Ukraine OleksyReznikov. Phương Tây giao chậm một phần do thiếu các giàn phòng không và thời gian huấn luyện khá lâu. Đức đã chuyển giao một giàn Iris-T SLM, hệ thống thứ hai trước cuối năm ; Hoa Kỳ hứa 8 giàn Nasams và đã giao 2, Pháp cung cấp 4 giàn Crotale, Ý, Tây Ban Nha cũng loan báo trợ giúp. Trong khi chờ đợi, Ukraine vẫn rất dễ tổn thương trước các hỏa tiễn đạn đạo Iskander, hỏa tiễn hành trình Kalibr và drone của Nga.
Lá chắn chống hỏa tiễn cho Châu Âu ?
Về phía Ba Lan tuy tỏ ra chừng mực trước sự cố, nhưng các chuyên gia lo lắng về những lỗ hổng phòng không. La Croix dẫn lời Malgorzata Bonikowska, giám đốc Trung tâm Quan hệ Quốc tế ở Warszawa : "Chúng tôi ngỡ mình ở sườn phía đông NATO, nay nhận ra rằng đang ở mặt trận phía đông (...). Cho dù vụ Przewodow không phải do cố ý tấn công, nhưng vẫn có những vật thể giết người từ trên trời rơi xuống". Nhiều nhà bình luận Ba Lan cùng khẳng định, cho dù hỏa tiễn là của Ukraine, trách nhiệm về cái chết của các nạn nhân chính là Nga, kẻ đã gây chiến. Họ đòi hỏi phải bố trí thêm nhiều hệ thống phòng không, có người còn đề nghị NATO lập vùng cấm bay, để bắn hạ các hỏa tiễn Nga bay đến gần Ba Lan, Romania.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh : "Cần nói rõ, không phải lỗi của Ukraine mà trách nhiệm cuối cùng là ở Nga, đã theo đuổi một cuộc chiến tranh bất hợp pháp với Ukraine". Tương tự đối với Nhà Trắng, còn thủ tướng cực hữu Ý Giorgia Meloni tuyên bố Nga hoàn toàn phải chịu trách nhiệm "cho dù đó là hỏa tiễn phòng không Ukraine nhằm ngăn chặn tội ác oanh kích vào thường dân".
Sự kiện xảy ra vào lúc Ukraine hứng chịu những vụ tấn công liên tục của Nga, càng cho thấy mong muốn có được hệ thống phòng không vững chắc của Kiev là chính đáng. Những gì Ukraine đang có cách xa một trời một vực so với hệ thống "Vòm Sắt" ở Israel. Chuyên gia François Heisbourg ngạc nhiên khi Đức "đặt cái cày trước con trâu", muốn lập lá chắn chống tên lửa bao phủ 14 nước Châu Âu (nhưng không có Pháp, Ba Lan, Ý), bằng cách mua thiết bị của Mỹ và Israel. Libération dẫn lời ông Heisbourg cho rằng Berlin nên cung cấp hệ thống chống tên lửa cho Kiev, thay vì lao vào một dự án dài hạn.
"Hầu hết" thành viên G20 lên án Nga : Thắng lợi của phương Tây
Ở cách Kiev 10.000 cây số, các nhà lãnh đạo G20 đang họp ở Bali không thể không lên tiếng. Các báo đều có cùng ghi nhận là dù có những bất đồng, nhưng 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn lên án cuộc xâm lăng Ukraine của Nga. Theo Les Echos, chỉ một chữ tiếng Anh gồm bốn mẫu tự đã làm nên sự khác biệt : "most" (hầu hết). Những nước ngại va chạm với Moskva ban đầu chỉ muốn dùng chữ "many" (nhiều).
Sau năm ngày đêm thương lượng với các quốc gia mới trỗi dậy, mà ngày cuối cùng đến tận nửa đêm, phương Tây đã thành công trong việc đưa vào thông báo chung cuộc của G20 câu : "Hầu hết thành viên G20 kiên quyết lên án cuộc chiến tranh Ukraine đã gây nhiều đau khổ cho con người, và làm tăng tính dễ tổn thương của kinh tế thế giới". Ngay cả các nhà đàm phán Nga cũng phải đồng ý vì sợ bị cô lập so với 19 nước khác.
Phía Pháp cho rằng nay có thể tìm được những điểm chung với Trung Quốc và Ấn Độ. Việc lên án Nga cho thấy các nước mới nổi bắt đầu nhận ra cuộc chiến tranh Ukraine đè nặng lên nền kinh tế nước mình. Riêng nước chủ nhà Indonesia, giá một gói mì ăn liền 3.000 rupi (20 xu euro) trong những tháng tới có thể tăng gấp ba vì ảnh hưởng chiến tranh Ukraine lên giá lúa mì.
Ukraine, mùa đông gian lao trong thành phố và trên chiến địa
Xã luận của Libération tố cáo "Nga muốn làm thường dân Ukraine khốn đốn trong mùa đông". Phải chăng "Tướng quân Mùa Đông" vẫn là yếu tố quyết định đối với các nhà chiến lược trong lịch sử, từ Thành Cát Tư Hãn cho đến Adolf Hitler hay Napoléon Đệ nhất ? Các nhà sử học cho rằng điều kiện thời tiết chỉ có ảnh hưởng hạn chế lên các chiến dịch quân sự.
Nhưng cuộc xâm lăng Ukraine của Vladimir Putin không giống các chiến dịch khác, quân đội Nga không phải đang bảo vệ lãnh thổ nước mình, những người lính tinh thần sa sút và nhất là thiếu thốn trang bị. Moskva quay sang chiến lược làm người dân Ukraine không thể sống nổi trong mùa đông, oanh kích liên tục cơ sở hạ tầng để họ không còn điện nước, hệ thống sưởi, trong khi nhiệt độ một số nơi xuống dưới -20°C.
Trên chiến trường, bên nào có lợi trong mùa đông này ? Theo Libération, khi các bình nguyên biến thành một biển bùn lầy, quân Nga với hậu cần và trang bị kém có thể rất vất vả, còn lực lượng Ukraine tuy phải tiến chậm lại nhưng có khả năng tranh thủ tình hình.
Tướng Vahur Karus của Estonia giải thích, tuyết có thể cản trở việc tổ chức các chiến dịch lớn, môi trường khắc nghiệt đến nỗi việc sống còn của người lính và bảo vệ khí tài còn quan trọng hơn. Cảnh vật trong tuyết trắng khiến khó ngụy trang, thân nhiệt được radar nhận ra, cái lạnh làm người lính mệt mỏi, vũ khí dễ hư hỏng, việc tiếp tế bị băng giá và bùn lầy cản trở trong khi số lượng nhiên liệu phải vận chuyển tăng lên. Các đồng minh của Ukraine hiểu được điều đó.
Lính quân dịch Nga : Thảm dày chỉ 3 ly để chống chọi với giá rét !
Chỉ riêng Canada, đất nước đầy kinh nghiệm trong lãnh vực này, đã cung cấp nửa triệu bộ đồ mùa đông gồm áo khoác, giày bốt, găng tay. Anh hứa tặng túi ngủ và lều được sưởi ấm. Ngược lại phía Nga nhiều đơn vị quen chiến đấu trong băng giá đã bị xóa sổ trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, như lữ đoàn cơ giới 200. Về phần 300.000 lính bị động viên, đa số phải tự trang bị cho mình, quân đội hầu như không cung cấp gì.
Trong một video trên mạng xã hội, một người ở vùng Arkhangelsk (miền bắc) mới bị bắt lính cay đắng cho biết những gì được phát : một tấm thảm tập yoga dày 3 milimet, một đôi bốt cao su và một túi ngủ mùa hè "có thể nhìn xuyên qua được nếu trời sáng". Giáo sư Julien Théron của Sciences-Po Paris nhắc nhở với nhiệt độ -20°C, trang bị đầy đủ không chỉ nhằm làm tăng hiệu quả mà còn giúp người lính sống sót.
Đôi bên đều lo chuẩn bị một giai đoạn khó khăn. Nhà quan sát Michael Kofman cho rằng Nga hy vọng vào số lính động viên để bổ sung lực lượng, cố sản xuất thêm thiết bị và có thể mua đạn dược từ Bắc Triều Tiên ; Ukraine thì nhờ vào các loại pháo có tầm bắn xa và chính xác để làm tiêu hao quân Nga. Lính Nga phải nhanh chóng đào hào trước khi mặt đất bị đông cứng, như đã thấy ở bên kia sông Dniepr và đến tận Crimea.
Julien Théron nhận định cuộc chiến càng kéo dài, Nga càng ít cơ hội chiến thắng. Về chính trị cũng vậy, ngay cả trong một chế độ độc tài, phản kháng cũng sẽ càng tăng. Về phía Ukraine thì lệ thuộc vào vũ khí, đạn dược của đồng minh, kinh tế đi xuống vì Nga tấn công vào cơ sở hạ tầng. Cả hai bên đều phải cố gắng tăng tốc trước mùa đông.
Việt Nam đứng đầu danh sách các đối tác mới của Đức
Nhìn sang Châu Á, Le Monde phân tích "Những tham vọng mới của Đức" tại khu vực này. Mười ngày sau chuyến thăm Trung Quốc gây tranh cãi, thủ tướng Olaf Scholz lại công du Châu Á, nhắc nhở rằng đối với Berlin "Châu Á-Thái Bình Dương quan trọng hơn Trung Quốc". Tuyên bố trên tại Singapore ngày 14/11 cho thấy Đức kỳ vọng nhiều vào khu vực lâu nay bị bỏ rơi.
Trong 16 năm làm thủ tướng, bà Angela Merkel công du Trung Quốc tới 12 lần, nhưng chỉ một lần đến Việt Nam, Singapore, Indonesia. Đi thăm những nước này, ông Scholz muốn tái cân bằng. Hồi cuối tháng Tư, tân thủ tướng cũng chọn Tokyo làm điểm đến đầu tiên ở Châu Á thay vì Bắc Kinh. Và thực ra ngay từ tháng 9/2020 chính phủ Đức đã công bố tài liệu chiến lược 72 trang mang tên "Các hướng chỉ đạo về Ấn Độ-Thái Bình Dương", trong đó nhấn mạnh "khu vực này đang trở thành chìa khóa cho việc xác định trật tự quốc tế thế kỷ 21". Hai năm sau,chiến tranh Ukraine và sự ràng buộc vào khí đốt Nga khiến Berlin càng quyết tâm không lặp lại sai lầm này đối với Trung Quốc.
Đa dạng hóa nguồn cung là mục tiêu của chuyến thăm Hà Nội. Là nước giàu tài nguyên đất hiếm, Việt Nam đứng đầu danh sách các đối tác mới mà Đức mong muốn tăng cường quan hệ để bớt lệ thuộc vào Bắc Kinh. Về địa chính trị, hồi kết của "những năm Merkel" bắt đầu với việc gởi chiến hạm Bayern sang Ấn Độ-Thái Bình Dương làm nhiệm vụ trong 8 tháng, do "tự do hàng hải bị đe dọa" vì "một số thích dùng luật của kẻ mạnh". Sau đó là điều các chiến đấu cơ Eurofighter tham gia tập trận trên không phận Úc cùng 17 nước khác. Chuyên gia Mathieu Duchâtel nhận thấy Đức tiếp tục tăng cường sự hiện diện trong khu vực đồng thời hiệu chỉnh lại mối quan hệ với Bắc Kinh.
Thụy My
Chiến tranh Ukraine : Pháp hoài công kêu gọi Trung Quốc đóng vai trò "trung gian"
Họp báo tại Bali kết thúc thượng đỉnh G20 chiều ngày 16/11/2022, tổng thống Pháp đã một lần nữa mong muốn Trung Quốc "đóng vai trò trung gian quan trọng hơn" để giải quyết chiến tranh Ukraine. Nhưng giới quan sát báo trước thất bại của Paris, vì tới nay Trung Quốc chưa bao giờ lên án Nga xâm chiếm Ukraine, tránh sử dụng hai chữ "chiến tranh" mà chỉ nói tới một cuộc "khủng hoảng" mà phương Tây, NATO phải chịu trách nhiệm.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, ngày 15/11/2022. AFP – Ludovic Marin
Trước khi rời Bali, Indonesia đến Bangkok dự thượng đỉnh Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á - Thái Bình Dương APEC với tư cách khách mời và sẽ gặp lại chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Macron nhấn mạnh đến khả năng "trong những tháng tới đây, Trung Quốc sẽ đóng một vai trò trung gian" tránh để "xung đột trở nên khốc liệt hơn". Paris tin vào một sự đồng thuận nào đó giữa các nước phương Tây với các nền kinh tế đang trỗi dậy như Ấn Độ và Trung Quốc để "thúc đẩy Nga hạ nhiệt tình hình" Ukraine. Paris đồng thời nêu lên khả năng tổng thống Macron công du Trung Quốc vào đầu 2023.
Emmanuel Macron kêu gọi Bắc Kinh can thiệp và thuyết phục Moskva ngừng cỗ máy chiến tranh, đúng vào lúc hơn 85 tên lửa của Nga dội xuống Ukraine trong một ngày, nhưng mọi mọi chú ý lại dồn về quả tên lửa rơi xuống lãnh thổ Ba Lan, sát biên giới với Ukraine.
Trước mắt, giới quan sát đồng loạt cho rằng Pháp sẽ hoài công trong nỗ lực ngoại giao. Đến nay Trung Quốc vẫn không lên án Nga xâm chiếm Ukraine, không ban hành lệnh cấm vận kinh tế Nga.
Trên tạp chí chuyên đề về Chính trị quốc tế, số ra mùa thu năm 2022, chuyên gia về Đông Bắc Á thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp Antoine Bondaz giải thích : Liên quan đến hồ sơ Ukraine, Bắc Kinh "không tìm cách bảo vệ Nga, mà đây là cơ hội để Trung Quốc khẳng định vị trí đối đầu với Mỹ".
Trung Quốc "muốn khai thác" cuộc chiến đang diễn ra trên lãnh thổ Châu Âu như một công cụ tấn công vào "uy tín của Hoa Kỳ, của phương Tây, của mô hình dân chủ tự do" đồng thời để bảo đảm cho sự tồn tại của chính chế độ cộng sản Bắc Kinh.
Cũng ông Bondaz nhắc lại Trung Quốc không lên án Moskva xâm chiếm Ukraine chẳng phải vì "một sự gần gũi về mặt ý thức hệ" với nước Nga của ông Vladimir Putin.
Bắc Kinh và Moskva dễ dàng xích lại gần nhau, bởi đôi bên đều không xem đối phương là một mối đe dọa trực tiếp. Dù vậy những tính toán cả về chính trị lẫn lợi ích của Nga và Trung Quốc quá khác xa với nhau để có thể kết luận rằng đây là một "liên minh". Thái độ của giới lãnh đạo Bắc Kinh từ tháng 02/2022 tới nay phản ánh những tính toán rất "thực tiễn" và mang tính "cơ hội chủ nghĩa".
Dưới áp lực của phương Tây, ông Tập Cận Bình chỉ tìm cách dung hòa hai mục tiêu : một là không lên án Vladimir Putin xâm chiếm Ukraine để hưởng lợi kinh tế với đối tác Nga, nhưng đồng thời Bắc Kinh cũng "ngừng lại đúng lúc" tránh các biện pháp trừng phạt của phương Tây tác động đến quyền lợi của các tập đoàn Trung Quốc.
Mục tiêu thứ nhì của Bắc Kinh, như Antoine Bondaz đã giải thích, đó là "tìm cách gây phương hại đến uy tín và lợi ích" của Âu, Mỹ.
Do vậy, ngay cả sau cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình với tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm Thứ hai 14/11/2022, cũng chẳng một ai cho rằng đây là điểm khởi đầu của một sự "tan băng" giữa Bắc Kinh với Washignton. Về phần tổng thống Macron, ông không có được "hào quang" như đồng nhiệm Mỹ, cho nên nghĩ rằng Paris đủ sức thuyết phục Bắc Kinh "can gián" Vladimir Putin chấm dứt chiến tranh, hay "bỏ rơi" nước Nga là điều không tưởng.
Nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, cho rằng Châu Âu nói chung và Pháp nói riêng cần ý thức được rằng, điểm gắn kết hai ông Vladimir Putin và Tập Cận Bình là cả hai đều đấu tranh vì sự tồn tại của chế độ, cả hai cùng xem "mô hình dân chủ, tự do" là mối đe dọa chính.
Về phần tổng thống Emmanuel Macron, ông kêu gọi Bắc Kinh giúp cộng đồng quốc tế làm "hạ nhiệt" hồ sơ Ukraine, không lẽ Paris từ gần một năm qua, không trông thấy rằng trên hồ sơ này, Trung Quốc chưa đưa ra bất kỳ một sáng kiến nào để ngăn chặn cỗ máy chiến tranh ? Bắc Kinh đã có sáng kiến nào để bảo đảm an ninh lượng thực cho thế giới ?
Marc Julienne, Viện Quan hệ quốc tế Pháp IFRI, thì cho rằng Tập Cận Bình đến dự đỉnh G20 vừa qua tại Bali và diễn đàn APEC ở Bangkok trong hai ngày sắp tới chẳng qua chỉ nhằm gửi đi một thông điệp chính : Trung Quốc không để cho Hoa Kỳ và các nước đồng minh độc quyền mở rộng ảnh hưởng tại Châu Á - Thái Bình Dương. Riêng về thái độ của tổng thống Macron muốn thuyết phục Bắc Kinh gây sức ép với Nga vì quyền lợi của Trung Quốc, Marc Julienne cho rằng Paris quả là "ngây thơ" và thậm chí là "trịch thượng", bởi Đảng cộng sản Trung Quốc biết rất rõ "đâu là những lợi ích" của quốc gia này và từ đầu cuộc chiến Ukraine tới nay, ông Tập Cận Bình luôn giữ nguyên lập trường với nước Nga.
Thanh Hà
Tên lửa rơi xuống Ba Lan : Zelensky "không biết chuyện gì đã xảy ra".
Thanh Phương, RFI, 18/11/2022
Về vụ tên lửa rơi vào lãnh thổ Ba Lan khiến hai người thiệt mạng hôm 15/11, sau mấy ngày nhất quyết khẳng định đó là tên lửa do quân Nga bắn sang, bất chấp những tuyên bố ngược lại của Hoa Kỳ và NATO, hôm 17/11/2022, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận ông "không biết chuyện gì đã xảy ra".
Cảnh sát Ba Lan tìm kiếm mảnh vỡ tên lửa rơi xuống làng Przewodow gần biên giới với Ukraine hôm 15/11/2022. © Evgeniy Maloletka / AP
Theo một thông cáo của phủ tổng thống Ukraine, ông Zelensky nói thêm : "Chỉ sau khi điều tra xong thì mới có thể đưa ra các kết luận về nguồn gốc của vụ bắn tên lửa".
Theo thông báo của ngoại trưởng Kouleba trên mạng Twitter, hôm 17/11, các chuyên gia của Ukraine đã đến Ba Lan để tham gia vào cuộc điều tra nhằm xác định xem tên lửa đã được bắn từ đâu.
Cho tới nay, Nga đã nhiều lần khẳng định không hề bắn tên lửa nói trên. Trong khi đó, Ba Lan cho rằng "có rất nhiều khả năng" đây là một tên lửa của hệ thống phòng không Ukraine. Hoa Kỳ và khối NATO cũng nêu giả thuyết tương tự.
Cho dù kết quả điều tra như thế nào, tuyên bố tại Bangkok hôm qua, trước cuộc họp thượng đỉnh diễn đàn APEC, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đánh giá rằng, trong vụ tên lửa rơi vào lãnh thổ Ba Lan, "trách nhiệm sau cùng" vẫn thuộc về Nga.
Thanh Phương
**********************
Vụ tên lửa rơi xuống Ba Lan : Tổng thống Ukraine vẫn khẳng định là do Nga bắn
Thanh Hà, RFI, 17/11/2022
Phản bác tuyên bố của NATO và Mỹ, hôm 16/11/2022, tổng thống Ukraine khẳng định tên lửa rơi xuống lãnh thổ Ba Lan cách nay hai ngày là "vũ khí của Nga". Kiev đòi được quyền tham gia vào cuộc điều tra và tiếp cận các thông tin mà phương Tây thu thập được sau vụ tên lửa rơi xuống làng Przedodow sát biên giới Ba Lan và Ukraine, khiến hai thường dân Ba Lan thiệt mạng.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev, Ukraine, ngày 08/09/2022. AP - Genya Savilov
Đặc phái viên Taline Oudnjian của đài truyền hình France 24 tại Ukraine tường thuật :
"Hôm Thứ Tư, Ukraine đòi lập tức được quyền tiếp cận khu vực mà tên lửa đã rơi xuống, sát đường biên giới với Ba Lan. Các giới chức Ukraine khẳng định có bằng chứng đây là tên lửa của Nga, nhưng không đi sâu vào chi tiết. Tổng thống Zelensky tuyên bố ông tin chắc, đây là vũ khí của Nga. Tuy nhiên, để tham gia vào cuộc điều tra, Kiev phải được Ba Lan và Mỹ chấp thuận. Kịch bản này khó có thể xảy ra, bởi vì NATO thẩm định tên lửa rơi xuống lãnh thổ Ba Lan là thuộc ‘hệ thống phòng không của Ukraine’.
Về phía công luận Ukraine, mọi người tiếp tục quy trách nhiệm cho quân đội Nga. Theo họ, lính Nga bắn tên lửa để người dân Ukraine phải sống trong sợ hãi. Dù rất phẫn nộ nhưng người dân tại đây cam chịu. Mọi người đã biết trước là Moskva sẽ phản công theo kiểu này bởi đây là chiến lược quân đội Nga luôn áp dụng mỗi khi thua trận. Kịch bản này từng xảy ra sau khi quân Nga thất thủ ở Kiev, rồi Kharkiv và giờ đây là ở Kherson. Dù sao đi chăng nữa, các giới chức Ukraine cũng đã báo động rằng các đợt tấn công tương tự ở quy mô lớn sẽ còn tiếp diễn".
Ngay từ hôm qua, vài giờ sau vụ tên lửa rơi xuống lãnh thổ Ba Lan, tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO Jens Stoltenberg đã khẳng định "Có nhiều khả năng sự cố do hệ thống phòng không của Ukraine gây nên".
Chính tổng thống Andrzei Duda cũng đã nhìn nhận không có bằng chứng đây là "một vụ cố ý tấn công nhắm vào Ba Lan". Trong ngày họp cuối cùng thượng đỉnh G20 tại Bali, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đánh giá "ít có khả năng" tên lửa rơi xuống lãnh thổ Ba Lan là do Nga phóng đi.
Dù không phải là một vụ "tấn công nhắm vào Ba Lan", nhưng bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ cũng như thủ tướng Đức và Ý đều cho rằng, trong sự cố vừa qua, "trách nhiệm sau cùng cũng thuộc về Nga". Lý do là Nga đã ồ ạt bắn tên lửa phá hoại các cơ sở hạ tầng của Ukraine, nên Kiev phải tự vệ. Lầu Năm Góc cũng lên án Nga "gieo rắc kinh hoàng" trên lãnh thổ Ukraine.
Anh Vũ, RFI, 16/11/2022
Hôm 15/11/2022, giữa lúc Nga tiến hành các cuộc tập kích ồ ạt vào Ukraine, một đầu đạn tên lửa đã rơi xuống một làng ở phía đông nam Ba Lan, gần với biên giới Ukraine. Vụ việc ngay lập tức đã làm dấy lên những lo ngại trong các nước phương Tây, bởi Ba Lan là thành viên của NATO cũng như của Liên Hiệp Châu Âu. Nhưng các phản ứng đều tỏ ra thận trọng, để không đẩy sự việc đi quá xa.
Vụ đầu đạn tên lửa hôm 15/11/2022 rơi xuống làng Przewodów của Ba Lan, gần biên giới với Ukraine, đã làm dấy lên nhiều mối lo ở phương Tây. © RFI
Đối với Ba Lan, tất nhiên đây là một diễn biến nghiêm trọng, lần đầu tiên đầu đạn tên lửa rơi xuống lãnh thổ của mình làm hai người dân thiệt mạng trong lúc xung đột Nga - Ukraine diễn ra dữ dội. Ngay tối hôm qua, chính phủ Ba Lan đã triệu tập họp khẩn cấp với nỗi lo bị lôi vào cuộc xung đột. Sau cuộc họp, Warszawa không đưa ra kết luận nào, ngoài thông cáo cho biết : "Đầu đạn do Nga chế tạo đã rơi xuống làng Prezewodow, làm 2 công dân Ba Lan thiệt mạng". Quyết định duy nhất của chính phủ Ba Lan là mở điều tra, cùng việc nâng mức báo động một số đơn vị quân đội.
Các nước phương Tây, đồng minh của Ba Lan cũng như của Ukraine, nhận thông tin về vụ việc trên với những lo ngại thực sự. Hàng loạt cuộc điện thoại của các lãnh đạo như Pháp, Mỹ, Anh gọi đến chính phủ Ba Lan, trước tiên là để tỏ tình đoàn kết với đồng minh, sau là để nắm tình hình thực tế. Lãnh đạo các nước G7 đang có mặt tại Indonesia dự thượng đỉnh G20 đã có cuộc họp khẩn về diễn biến bất ngờ ở Ba Lan. Ngay tối qua, tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã trao đổi điện thoại với đồng nhiệm Mỹ Joe Biden và ông Jens Stoltenberg, tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Cuộc họp thường lệ của Hội đồng NATO hôm nay, được chuyển thành cuộc họp khẩn. Giả thuyết Nga tấn công Ba Lan đều có trong suy nghĩ của các lãnh đạo phương Tây.
Những lo ngại của các nước phương Tây, ít nhiều cũng là tác nhân can dự trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, là hoàn toàn có thể lý giải được. Ngay từ đầu cuộc chiến tranh tại Ukraine, các phương Tây cũng như Liên Hiệp Châu Âu, dù ủng hộ gần như vô điều kiện Kiev, nhưng đã cố gắng để không trở thành một bên tham chiến, không để bị lôi vào cuộc xung đột quân sự trực tiếp với Nga. Trong khi đó, Ba Lan, thành viên của Liên Hiệp Châu Âu và NATO, từ đầu cuộc xung đột, luôn kề vai sát cánh ủng hộ toàn diện Ukraine. Ai cũng biết Ba Lan là cơ sở hậu cần không thể thiếu cho quốc gia láng giềng chống lại cuộc xâm lược của Nga. Nhưng Warszawa không hề có ý định đối đầu quân sự với Moskva.
Ba Lan không chỉ được che chắn bởi hiệp ước phòng vệ tập thể của Liên Âu mà còn được bảo vệ bằng điều 5 của Hiệp ước Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, theo đó khi một trong những nước thành viên bị tấn công thì Liên Minh (gồm 30 nước) sẽ phải có trách nhiệm hành động bảo vệ. Tuy nhiên, sự việc xảy ra hôm qua trên lãnh thổ của Ba Lan có vẻ như không đi quá xa đến như vậy.
Trong phiên họp khẩn hôm nay của NATO, Ba Lan có thể đề nghị Liên Minh kích hoạt điều 4 của Hiệp ước. Theo điều khoản này, các cuộc trao đổi tham vấn của các nước thành viên có thể được tổ chức khi Liên Minh nhận thấy "toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, độc lập chính trị và an ninh" của nước thành viên đó bị đe dọa. Các cuộc tham vấn này nhằm tìm ra những phản ứng chung phù hợp với tình hình. Rõ ràng nếu giả thuyết đó là cuộc tấn công Ba Lan do Nga tiến hành được khẳng định thì cuộc xung đột tại Ukraine sẽ trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết.
Sau những bất ngờ và có phần lo ngại ban đầu, chính phủ Ba Lan và các đồng minh phương Tây dường như đã trấn tĩnh lại. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua đã đánh giá ít có khả năng tên lửa bắn đi từ đất Nga. Trong khi đó, Pháp kêu gọi "phải rất thận trọng" về nguồn gốc tên lửa rơi xuống Ba Lan. Thông cáo của phủ tổng thống Pháp còn nhấn mạnh "xác định được chủng loại tên lửa chưa hẳn là xác định được tác nhân đã bắn tên lửa đó".
Theo Le Figaro, hôm nay tổng thống Ba Lan Andrzej Duda trong một cuộc báo đã nhận định "có nhiều khả năng" đầu đạn tên lửa rơi xuống làng gần biên giới Ba Lan hôm qua là của lực lượng phòng không Ukraine sử dụng để đánh chặn tên lửa Nga. Giả thuyết này cũng đã được bộ trưởng Quốc Phòng Nga, cũng như Bỉ, xác nhận trong ngày. Tổng thống Ba Lan khẳng định : "Không có gì cho thấy đó là một cuộc tấn công có chủ định nhằm vào Ba Lan". Ông đánh giá "có lẽ đây là một tai nạn không may, đáng tiếc !".
Các chuyên gia điều tra chưa có kết luận chính thức, nhưng có thể nói, chưa đầy một ngày sau sự việc xảy ra, phương Tây và có thể cả Nga đã có thể xả bớt nỗi lo về một cuộc chiến tranh mở rộng. Phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov, hôm nay tuyên bố với báo giới "cần phải ghi nhận phản ứng rất kiềm chế và chuyên nghiệp của phía Mỹ" trong vụ này.
Vụ tên lửa rơi xuống Ba Lan chắc sẽ hạ nhiệt trong những ngày tới, nhưng cũng có thể coi đây là bài trắc nghiệm mới cho phương Tây trong xử lý khủng hoảng với Nga.
Anh Vũ
***********************
NATO họp khẩn sau vụ tên lửa rơi xuống Ba Lan
Anh Vũ, RFI, 16/11/2022
Ngay sau khi có tin tên lửa rớt xuống lãnh thổ Ba Lan, gần biên giới Ukraine, làm 2 người thiệt mạng, một loạt các nước phương Tây, hầu hết đang có mặt tại hội nghị G20 tại Indonesia, đã tỏ tình đoàn kết với Ba Lan và có những phản ứng lo ngại, dù không đưa ra kết luận nào về sự việc.
Cờ của các nước thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương tại trụ sở NATO, Bruxelles, ngày 11/06/2021. Reuters – François Lenoir
Ba Lan là nước thành viên của NATO, nên tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương đã thông báo triệu tập cuộc họp khẩn cấp đại sứ trong ngày hôm nay, 16/11, để xem xét tình hình.
Thông tín viên Pierre Benazet tại Bruxelles tường trình :
"Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Charles Michel, cho biết ông bị sốc về vụ nổ xảy ra tại làng Przewodów, đồng thời đề nghị một cuộc họp phối hợp với các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu, bên lề hội nghị G20. Đề xuất này được Pháp đặc biệt ủng hộ. Các nước vùng Baltic yêu cầu hành động nhanh và Hungary cũng triệu tập họp Hội đồng Quốc phòng.
Nhưng mọi cái nhìn đều hướng về NATO. Tổng thư ký Liên Minh, ông Jens Stoltenberg, đã cảnh báo phải có đầy đủ sự thật trước khi đưa ra mọi quyết định. Cuộc họp của Hội đồng Bắc Đại Tây Dương trong ngày hôm nay được chuyển thành cuộc họp khẩn. Hội đồng quy tụ 30 đại sứ của khối NATO là cấp có thẩm quyền chính trị thường trực cao nhất của Liên Minh. Trong cuộc họp hôm nay, Ba Lan sẽ phải đề nghị kích hoạt điều 4 của Hiệp ước Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Điều này nằm ngay trước điều 5, một điều khoản cho phép phát động phòng vệ chung trong trường hợp bị tấn công. Còn điều 4 có thể được viện đến trong trường hợp an ninh, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của một nước thành viên bị đe dọa. Trong quá khứ, việc kích hoạt điều 4 đã dẫn đến việc triển khai các phương tên lửa phòng không cho Thổ Nhĩ Kỳ".
Sau cuộc họp với các lãnh đạo khối G7 bên lền hội nghị G20 tại Bali, Indonesia, tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định, "không chắc tên lửa được bắn đi từ Nga" và ông khẳng định cần xác định chính xác những gì đã xảy ra trước khi quyết định phản ứng. Pháp cũng kêu gọi thận trọng về nguồn gốc của tên lửa rơi xuống Ba Lan. Hôm nay, qua lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, Bắc Kinh lên tiếng kêu gọi các nước liên quan "bình tĩnh, kiềm chế, nhằm tránh leo thang căng thẳng".
Anh Vũ
***********************
Ba Lan nâng mức báo động sau vụ tên lửa rơi vào lãnh thổ
Anh Vũ, RFI, 16/11/2022
Chiều 15/11/2022, hai vụ nổ xảy ra tại một trang trại của Ba Lan sát gần biên giới với Ukraine. Sau cuộc họp khẩn cấp của chính phủ đêm qua, Bộ Ngoại giao Ba Lan khẳng định vụ nổ do một "đầu đạn do Nga sản xuất" đã làm hai người chết. Phía Nga bảo đảm không tiến hành cuộc tấn công nào nhằm vào mục tiêu gần lãnh thổ Ba Lan. Ngày 16/11, quân đội Ba Lan được đặt trong tình trạng báo động tăng cường.
Một chốt kiểm tra gần nơi xảy ra vụ nổ ở Przewodow, Ba Lan, ngày 16/11/2022. AP - Evgeniy Maloletka
Thông tín viên RFI Martin Chabal từ Warszawa tường trình :
"Theo phía Mỹ, có thể đó là một tên lửa do Ukraine đánh chặn một trong những tên lửa của Nga trong các vụ tấn công ồ ạt vào Ukraine ngày hôm qua, nhưng trượt mục tiêu. Sau đó, có thể tên lửa đã rớt xuống bên kia biên giới, tại Ba Lan, làm hai người thiệt mạng.
Tối qua, chính phủ Ba Lan đã họp khẩn, tỏ ra thận trọng trong các kết luận, nhưng vẫn đưa ra các biện pháp đề phòng : Nâng mức báo động quân đội và tăng cường giám sát không phận.
Song song đó, Warszawa thảo luận với các đồng minh NATO. Liên minh sẽ nhóm họp trong ngày hôm nay để bàn về vụ tên lửa rơi. Nếu Nga tấn công vào các đồng minh NATO, cuộc xung đột Ukraine sẽ bị đẩy lên một quy mô, tầm vóc khác. Vẫn còn sớm để kết luận chắc chắn về xuất xứ của đầu đạn. Cuộc điều tra đang được tiến hành và các nhóm chuyên gia vẫn tiếp tục tới hiện trường vụ nổ.
Dù lo lắng cuộc xung đột sẽ mở rộng, nhiều người Ba Lan muốn tưởng nhớ đến hai nạn nhân thiệt mạng trong vụ nổ. Họ kêu gọi chính phủ không quên các nạn nhân cho dù tầm mức của sự việc ra sao đi chăng nữa".
Moskva phủ nhận tên lửa Nga rớt xuống lãnh thổ Ba Lan
AFP cho biết, ngay chiều tối hôm qua, trước các thông tin cho rằng tên lửa của Nga đã bắn vào Ba Lan - thành viên liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO và Liên Hiệp Châu Âu, Bộ Ngoại giao Nga đã đánh giá những thông tin trên là "khiêu khích".
Trên Telegram, bộ Quốc Phòng Nga cho rằng "các phát biểu của truyền thông Ba Lan và nhiều quan chức Nhà nước về vụ được cho là tên lửa Nga rớt xuống gần địa phương Przewodow thể hiện một hành động khiêu khích có chủ ý nhằm mục đích tạo ra leo thang xung đột".
Moskva khẳng định "không một vụ tấn công nào được tiến hành nhắm vào các mục tiêu gần vùng biên giới Ba Lan - Ukraine". Những hình ảnh "mảnh vỡ được đăng trên các phương tiện truyền thông Ba Lan từ địa điểm xảy ra vụ việc tại Przewodow chẳng liên quan gì" đến các tên lửa của Nga.
Anh Vũ
Giải phóng thành phố Kherson, Ukraine bước vào thế trận mới
Ukraine nay kiểm soát toàn bộ 4.500 kilomet vuông trước đây bị Nga chiếm đóng ở hữu ngạn. Sử dụng các loại pháo tầm xa chính xác được phương Tây viện trợ, Kiev đã cắt đứt hậu cần, buộc quân xâm lược phải lùi bước ; Crimea không còn đe dọa được miền nam Ukraine mà phải lo phòng thủ. Chiến thắng Kherson là bước ngoặt lớn trong cuộc chiến Ukraine, và Kiev đang hướng về các mục tiêu mới. Các nạn nhân ở Kherson bị quân Nga tra tấn cũng chờ đợi công lý được thực thi.
Người dân Kherson đón chào tổng thống Volodymyr Zelensky đến thăm sau chiến thắng, ngày 14/11/2022. AP
Nga bị cô lập tại hội nghị được Zelensky gọi là "G19"
Chiến tranh Ukraine, hội nghị G20, Trái Đất có 8 tỉ cư dân, vấn đề di dân tại Châu Âu, đó là các chủ đề chiếm trang nhất báo Pháp hôm nay. Les Echos cho biết Nga bị lên án "mạnh mẽ" tại G20, bị cô lập hơn bao giờ hết. Theo dự thảo thông cáo chung, "đa số các nước thành viên" họp tại Bali tố cáo những hậu quả tai hại của cuộc chiến đối với thế giới. Chữ "chiến tranh" đã được sử dụng, trước thất vọng của phía Moskva - vẫn tiếp tục nói về "chiến dịch quân sự đặc biệt".
Trước khi công bố dự thảo, tổng thống Ukraine đã cổ vũ G20 vượt qua những bất đồng để chấm dứt cuộc chiến tranh "hủy diệt" này. Trở về từ Kherson, ông Volodymyr Zelensky là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên phát biển qua video trước hội nghị mà ông gọi là "G19", dù Nga vẫn được đại diện bằng ngoại trưởng Sergey Lavrov. Tổng thống Ukraine trình bày kế hoạch nhằm mang lại hòa bình và "cứu hàng ngàn sinh mạng" : không nên tin Nga, không dung thứ "săng-ta nguyên tử" của Moskva, và trao đổi toàn bộ tù binh.
Tổng thống nước chủ nhà, Joko Widodo trong diễn văn khai mạc cũng kêu gọi "không để thế giới bước vào một cuộc chiến tranh lạnh mới". Mọi cái nhìn đều hướng về chủ tịch Trung Quốc, vốn luôn từ chối lên án cuộc xâm lăng và không tham gia trừng phạt Nga. Theo Paris, bắt đầu đã có những chuyển biến : Tập Cận Bình ủng hộ xuống thang, kêu gọi không biến vấn đề thực phẩm và năng lượng thành "công cụ".
Mỹ-Trung : Một sự tan băng tạm thời
Đặc phái viên Le Figaro nhận định "Bóng dáng Ukraine bao trùm lên hội nghị G20". Nếu sự vắng mặt của Vladimir Putin làm giảm nguy cơ xảy ra những sự cố dưới ánh đèn flash của các phóng viên, thì đấu tranh vẫn dữ dội phía sau hậu trường. Các nước phương Tây muốn cứng rắn hơn trong vấn đề Ukraine, số khác muốn tránh chủ đề nóng bỏng này, theo sự thúc giục của Bắc Kinh và Moskva, để tập trung vào vấn đề kinh tế. Nhưng theo Élysée, "không thể hợp tác kinh tế nếu không có chủ quyền về chính trị".
Tờ báo nhận thấy "Đài Loan, Ukraine, Bắc Triều Tiên... Tập Cận Bình và Joe Biden cùng ấn định những lằn ranh đỏ", trong ba tiếng rưỡi đồng hồ trực tiếp trao đổi trong một khách sạn năm sao tại Bali. Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ thăm Trung Quốc vào đầu năm 2023 - một bước tiến sau hai năm thiếu vắng đối thoại. Cuộc gặp đầu tiên với Tập Cận Bình kể từ khi ông Biden nhậm chức, cho đến trước hôm khai mạc vẫn chưa xác nhận, nay các nhà quan sát thở phào nhẹ nhõm. Ông Biden đã năm lần điện đàm, đề nghị gặp trực tiếp, nhưng ông Tập đều "lẩn tránh" sau bức tường cách ly, chuẩn bị cho đại hội đảng.
Chiến thắng của Tập Cận Bình, tại vị thêm nhiệm kỳ thứ ba, và thành công tương đối của Joe Biden trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ đã giúp hai nhà lãnh đạo đến Bali trong tư thế kẻ mạnh. Quan hệ Mỹ-Trung xấu đi, bóng ma xung đột Đài Loan cộng thêm chiến tranh Ukraine lâu nay làm các nước Đông Nam Á lo ngại. Một sự tan băng nhẹ nhàng tuy về lâu về dài vẫn là đối đầu, từ Biển Đông đến nhân quyền, công nghệ, nhưng cũng giúp làm giảm căng thẳng tại G20, đang đứng trước mối đe dọa suy thoái.
Cục diện mới giữa Nga-Ukraine sau chiến thắng Kherson
Về tình hình Ukraine, Le Monde nói về "Những mục tiêu mới của Kiev sau khi tái chiếm Kherson" : Ukraine tiếp tục tấn công nhưng không bác bỏ việc đàm phán trong tương lai. Dòng sông Dnieper nay chia đôi hai phe đối địch, vẫn quan sát lẫn nhau bằng kính viễn vọng phía trên làn nước đang cuộn chảy. Không có những bẫy rập như lo ngại, Kiev kiểm soát toàn bộ 4.500 kilomet vuông trước đây bị Nga chiếm đóng ở hữu ngạn. Ukraine giành được chiến thắng mà không thiệt hại sinh mạng thường dân. Từ tháng 8, sử dụng giàn phóng rốc-kết Himars nổi tiếng, đại pháo Caesar của Pháp, M777 của Mỹ, PzH 2000 của Đức... Ukraine đã cắt đứt hậu cần, buộc quân xâm lược phải lùi bước.
Cuộc phản công vốn không dễ dàng tại một khu vực bằng phẳng, ít cây cối nên khó thể xâm nhập, lại thêm trở ngại thiên nhiên là sông Inhulets. Lực lượng Ukraine không áp đảo về quân số và không đủ xe bọc thép để bảo vệ. Chiến thắng Kherson là kết quả của tin tình báo và vũ khí phương Tây, đã giúp Kiev tấn công chính xác quân Nga ở khoảng cách xa đến 70 kilomet, nhưng nhất là tinh thần quyết chiến bảo vệ lãnh thổ của những chiến sĩ Ukraine.
Phía Nga lần này ít nhất cũng rút quân thành công, nhờ bắt đầu sớm từ giữa tháng 10 - theo hình ảnh vệ tinh của trang Skhemi. Không mang theo được vũ khí hạng nặng, Nga đã phá hủy một ít, số còn lại thành chiến lợi phẩm của Ukraine. Nay mặt trận đối với Nga đã rút bớt đến 300 kilomet, và nếu Ukraine vượt sông để tấn công qua tả ngạn sẽ chịu nhiều rủi ro. Moskva sẽ đưa tân binh đến tăng viện cho Bakhmut ở miền đông, và củng cố 500 kilomet tiền tuyến còn lại, gây khó khăn cho cuộc phản công của Ukraine ở Luhansk và Zaporijia.
Crimea, nơi xuất phát tấn công nay phải đào hào phòng thủ
Trong khi đó Kiev không hề muốn dừng tay vào mùa đông để giúp Nga có thời gian hồi sức và tung ra đợt tấn công mới sang năm. Pháo binh Ukraine đã bắt đầu "làm việc" ở tả ngạn : đêm thứ Bảy rạng sáng Chủ nhật, một loạt vụ nổ được nghe thấy ở Chaplynka cách phía nam dòng sông 45 kilomet. "Vùng đệm" ở hữu ngạn biến mất khiến một loạt cơ sở hạ tầng ở Crimea nay nằm trong tầm bắn của Ukraine. Đoạn đầu của kênh dẫn nước ngọt sang Crimea có thể bị moọc-chê nhắm đến, đường xe lửa Donetsk-Melitopol-Djankoi, tuyến tiếp liệu chính của quân Nga có thể là mồi ngon cho Himars.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy từ một tuần qua nhiều chiến hào đã được đào ở phía bắc Crimea. Vốn là đầu cầu đe dọa toàn miền nam Ukraine, bán đảo này giờ đây phải lo phòng thủ. Tình hình trên biển không làm Moskva an tâm : Kiev hôm Chủ nhật loan báo thành lập đội drone hải chiến, loại drone tự sát từng tấn công các chiến hạm Nga hôm 29/10. Các thành phố lớn Mykolaiv, Kryvy Rih tạm thời không còn bị pháo binh Nga đe dọa như tuần trước, tuy cũng như mọi nơi khác, nỗi lo về drone Iran và hỏa tiễn hành trình vẫn còn đó. Thống đốc Mykolaiv đã bắt đầu công việc tái thiết, theo ông việc mở lại các cảng không còn xa.
Trước chiến thắng của quân đội, tổng thống Zelensky bắt đầu đề cập đến điều cấm kỵ lâu nay. Ông nói : "Chúng tôi sẵn sàng nói chuyện với Nga, nhưng chỉ với một nước Nga thực sự muốn hòa bình". Kiev không vội vã. Dân biểu David Arakhamia, từng là trưởng phái đoàn đàm phán với Nga nói rằng việc thương lượng "có thể mở lại vào nửa cuối năm 2023". Điều kiện tiên quyết : "Tái lập toàn vẹn lãnh thổ, bồi thường tất cả những thiệt hại, đưa ra tòa các tội phạm chiến tranh, và bảo đảm sẽ không tái diễn". Mùa đông này vũ khí tiếp tục lên tiếng và máu vẫn sẽ đổ. Theo Le Monde, nếu coi số phận Vladimir Putin gắn liền với chiến tranh Ukraine, sau khi ông ta đã đóng mọi cánh cửa ngoại giao, chiến thắng Kherson có thể là "bước ngoặt" chính trị ở Nga. Quyết định của Evgueni Prigojin, chủ công ty Wagner công bố vụ xử tử tàn bạo một người lính đánh thuê bị cáo buộc đào ngũ, cho thấy mối nguy cuộc chiến sẽ càng trở nên man rợ.
Những tù nhân sống sót ở Kherson
Tại thành phố Kherson vừa được giải phóng, đã xuất hiện những bằng chứng quân Nga tra tấn người dân trước khi rút chạy. Tại nhà tù số 3 đường Teploenergetikiv, không thể biết được có bao nhiêu tù nhân đã bị sát hại, bị mất tích hoặc lưu đày. Hai tuần trước khi quân Nga rút đi, ba chiếc xe buýt và một xe tải đã đến vào ban đêm, chở đi tất cả. Những người sống gần đó cho Le Monde biết những người tù được thả ra đều kiệt lực, tàn tạ, bước đi thất thểu, họ thường phải mang cho một ít thức ăn. Theo một tù nhân, "nếu địa ngục tồn tại trên Trái Đất, thì chính là ở đây".
Vitaliy Serdyuk, 65 tuổi, là cư dân duy nhất trong khu phố bị nhốt tại đây. Vào cuối tháng Tám, như thường lệ, ông đến căn nhà bỏ trống của người con trai đang chiến đấu trong quân đội Ukraine để cho chó mèo ăn. Khoảng mười mấy lính Nga bỗng ập vào nhà đánh đập, lục soát, tịch thu điện thoại, chụp một chiếc túi lên đầu và còng tay, bắt ông đi, nhốt chung với bảy người khác. Quân Nga có danh sách cụ thể, nhờ họ ông mới biết là người con trai binh nhì nay đã lên trung sĩ !
Mỗi lần lính Nga bước vào xà lim, những người tù phải hô "Vinh quang cho nước Nga ! Vinh quang cho Putin ! Vinh quang cho Shoigu !". Quân Nga tra khảo, Vitaliy bị chích điện đến chết đi sống lại. May mà những đối thoại với con trai trong điện thoại đều chỉ là chuyện mèo chó. Ông được thả, bị gãy xương bàn tay phải, nhưng cho biết tất cả bạn tù đều bị đánh gãy xương sườn hoặc ngón tay.
Một người sống sót khác ở Kherson là Ihor Bondarenko, nhà báo 45 tuổi. Ông bị bắt hôm 10/08 trên đường di tản, quân Nga có sẵn danh sách. Những trao đổi qua Telegram cách đó mấy tháng dù đã bị xóa nhưng vẫn được phục hồi. Biết sẽ nguy hiểm đến tính mạng, Ihor phải tỏ ra ủng hộ Nga. Nhờ trước đó có những bài viết phê phán chính quyền địa phương, hai tuần sau ông được thả. "Đối với quân Nga, nếu chỉ trích Ukraine có nghĩa là đứng về phía Nga". Lặng lẽ chứng kiến đồng bào mình tưng bừng mừng Kherson giải phóng, Ihor vẫn chờ đợi cảnh sát Ukraine tìm kiếm những người mất tích, truy lùng những kẻ chỉ điểm. Kherson vẫn chưa bộc lộ hết những bí mật trong thời kỳ chiếm đóng.
Cuộc xâm lăng Ukraine làm tái sinh khái niệm phương Tây
Trên bình diện địa chính trị, Le Figaro nói về sự tỉnh thức của phương Tây trước những thách thức toàn cầu. Cuộc xâm lăng Ukraine đã làm tái sinh khái niệm phương Tây. Trong thời chiến tranh lạnh, Châu Âu và Hoa Kỳ hợp thành khối phương Tây vững chải, đặt dân chủ, tự do và thịnh vượng là trung tâm các giá trị. Khái niệm này sau đó đã phai nhạt tại Tây Âu vì những đảo lộn ý thức hệ trong thập niên 60. Theo nhà sử học Françoise Thom, đó là do xu hướng mác-xít trong các trường đại học, sự phát triển của thế giới thứ ba, phong trào phản kháng năm 1968. Chính những trí thức Đông Âu lưu vong đã nhắc nhở phương Tây sức mạnh của mô hình. Năm 1991 sau khi Liên Xô sụp đổ, Tây Âu đã ngủ quên trên chiến thắng.
Được đánh thức bởi Al Qaeda rồi Daesh - hai tổ chức thánh chiến - khái niệm phương Tây tái sinh nhờ cuộc chiến tranh của Vladimir Putin tại Ukraine. Chỉ trong vài tháng, ba làn sóng ập đến. Đầu tiên từ Moskva, nơi chế độ Putin coi phương Tây là nguồn gốc của mọi cái xấu. Thứ hai là từ Kiev, nơi người Ukraine chiến đấu nhân danh Châu Âu với những giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền. Tại Kherson vừa tái chiếm, những ngôi sao Châu Âu phấp phới bên cạnh lá cờ Ukraine. Lòng can đảm và quyết tâm của người Ukraine dù bị thảm sát, dù khốn đốn vì chiến tranh, là bài học cho các nước Tây Âu, vẫn ngỡ rằng hòa bình là vĩnh viễn.
Đợt sóng thứ ba là từ Washington, đã tái cam kết với Châu Âu, ủng hộ Kiev ngay từ đầu cuộc xâm lăng. Cũng như thời chiến tranh lạnh, khối Âu-Mỹ lại tái hợp, NATO được thổi luồng sinh khí mới, mở cửa cho Thụy Điển và Phần Lan. Một lần nữa Trung Âu và Đông Âu vốn đã quá hiểu cộng sản và đế quốc, lại lên tuyến đầu, thêm vào đó mối đe dọa từ Trung Quốc là chất xi-măng gắn kết. Vấn đề là sự đoàn kết này kéo dài đến bao giờ. Các nước phương Tây liệu có hỗ trợ đến cùng một nền dân chủ mới khai sinh, mong manh nhưng kiên quyết, trước mưu toan tiêu diệt của Putin hay không ?
Nhà cải cách Bào Đồng qua đời mà không thấy được Trung Quốc dân chủ
Nhìn sang Trung Quốc, Le Monde có bài viết tưởng niệm ông Bào Đồng (Bao Tong), một trong những quan chức hiếm hoi ủng hộ các sinh viên biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989, vừa qua đời tại Bắc Kinh ở tuổi 90. Tác giả bài báo, chuyên gia Jean-Philippe Béja nhắc lại cách đây bốn năm khi gặp gỡ, Bào Đồng nói rằng ông tự hỏi liệu có thấy được một Trung Quốc dân chủ lúc còn sống hay không. Nay ông đã ra đi mà chỉ thấy "Bước thụt lùi vĩ đại" của Tập Cận Bình.
Bào Đồng là thư ký riêng kiêm cố vấn của thủ tướng cải cách Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang) năm 1980, là phó chủ tịch ủy ban cải tổ kinh tế. Năm 1987, ông tổ chức rất nhiều cuộc họp với các tầng lớp xã hội : công nhân, trí thức, sinh viên…Ông là người soạn thảo báo cáo của ông Triệu Tử Dương trong đại hội đảng thứ 13, đề nghị tách rời cơ quan đảng khỏi các tổ chức chính phủ, nhưng bị Đặng Tiểu Bình phản đối. Khi Đặng áp đặt thiết quân luật, ông Triệu đã yêu cầu ông Bào viết giúp thư từ chức. Triệu Tử Dương bị quản thúc, Bào Đồng bị bắt và kết án 7 năm tù vì tiết lộ bí mật Nhà nước, trong khi ông chỉ biết về quyết định thiết quân luật nhờ coi ti vi !
Sau khi được "trả tự do", ông không ngừng yêu cầu phục hồi danh dự cho phong trào 1989, tiếp cận Các bà mẹ Thiên An Môn, ký Hiến chương 08 đòi dân chủ hóa Trung Quốc, ủng hộ phong trào biểu tình Hồng Kông tuy vẫn luôn bị quản thúc và bị cắt internet. Để gặp chuyên gia Pháp, ông bị ba an ninh bám theo – một đi bộ, một trên xe gắn máy và một bằng xe hơi. Bào Đồng than phiền sự lãng phí tiền dân khi bố trí ít nhất ba nhân viên theo dõi ông 24/24 trong suốt hai mươi mấy năm qua. Cho đến cuối đời, ông vẫn khẳng định niềm hạnh phúc được nói lên sự thật.
Thụy My