Nga lại ồ ạt tấn công nhiều thành phố và cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraine
Thùy Dương, RFI, 10/02/2023
Một ngày sau chuyến công du Châu Âu của tổng thống Ukraine Zelensly, Kiev hôm 10/02/2023 cho biết nhiều thành phố và cơ sở năng lượng thiết yếu lại hứng chịu một loạt vụ tấn công ồ ạt của quân Nga bằng tên lửa và drone phát nổ.
Người dân trú ẩn tại một trạm tàu điện ngầm ở Kiev, khi Nga bắn tên lửa vào thủ đô Ukraine, ngày 10/02/2023. AP - Efrem Lukatsky
Theo Không quân Ukraine, Nga đã phóng 71 tên lửa, trong đó có tên lửa hành trình Kalibr, tên lửa dẫn đường S-300, và drone Shahed nhắm vào các vùng Kiev, Kharkiv và Zaporijjia. Không quân Ukraine khẳng định đã tiêu diệt được 61 tên lửa mà Nga bắn ra. Chính quyền Kiev chưa cho biết các thiệt hại nhân mạng.
Công ty điện Ukraine Ukrenergo sáng nay thông báo nhiều cơ sở hạ tầng điện cao thế tại các vùng miền đông, tây và nam đã bị ảnh hưởng, gây hỏng mạng điện tại một số vùng. Ukrenergo đã buộc phải cắt điện khẩn cấp nhiều nơi để đề phòng mạng lưới điện quốc gia quá tải.
Hội đồng thành phố Zaporijjjia thông báo Zaporijjjia đã hứng chịu 17 vụ oanh kích trong sáng hôm nay, nhiều chưa từng có nếu tính từ đầu chiến tranh đến nay. Một phần thành phố Zaporijjia đã bị cắt điện trong vòng 1 giờ đồng hồ. Tại thành phố Kharkiv, miền đông bắc, sát Nga, thống đốc vùng cho biết nhiều vụ cháy đã nổ ra sau khi trúng tên lửa của quân Nga.
Ngoài ra, Kiev cũng xác nhận 2 tên lửa đã đi qua không phận của Romania, nước thành viên của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Bộ quốc phòng Romania ngay sau đó đã bác bỏ thông tin này và cho biết một tên lửa đã bay cách lãnh thổ của Romania 35 km.
AFP nhắc lại từ tháng 10/2022 tới nay, sau nhiều thất bại trên chiến trường, Moskva đã chuyển hướng chiến lược, nhắm mục tiệu tấn công vào các cơ sở năng lượng được xem là thiết yếu của Ukraine, đẩy hàng triệu người dân Ukraine vào cảnh mất điện và không được sưởi ấm trong bối cảnh mùa đông lạnh giá khắc nghiệt.
Thùy Dương
***********************
Nga khoanh vùng chiến sự, tìm chiến thắng chính trị
Thanh Hà, RFI, 09/02/2023
Tổng thống Ukraine đã công du chớp nhoáng Anh, Pháp ngày 08/02/2023 và đến Bruxelles họp thượng đỉnh bất thường với 27 nước Châu Âu ngày 09/02. Tại Luân Đôn, ông Zelensky kêu gọi Anh cung cấp chiến đấu cơ. Còn tại Paris, ông kêu gọi tổng thống Pháp và thủ tướng Đức cung cấp thêm vũ khí, đặc biệt là xe tăng hạng nặng. Theo tổng thống Zelensky, chỉ những loại vũ khí chiến lược đó mới có thể giúp quân đội Ukraine đối phó với cuộc tấn công mùa Xuân mà Nga đang chuẩn bị.
Soledar, vùng Donetsk, Ukraine, thành phố được Nga tuyên bố "giải phóng". Ảnh chụp qua màn ảnh truyền hình ngày 08/01/2023. via Reuters – State Border Guard Service of UKRAINE
Ngày 07/02, đích thân bộ trưởng quốc phòng Nga Serguei Shoigu thông báo những "thành công" trên chiến trường trong những ngày gần đây, nhiều thành phố "được giải phóng" (Sodedar, Klishchiivka, Podgornoe, Krasnopolye, Blagodatnoe, Lobkove và Nikolaevka). Đây là những bước chuẩn bị cho cuộc tấn công lớn của Nga, mà tổng thống Zelensky dự báo sẽ diễn ra khoảng 24/02, đúng một năm tổng thống Vladimir Putin phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" xâm lược Ukraine.
Hai dấu hiệu quan trọng được nhà phân tích quân sự Sim Tack, công ty Forces Analysis, nêu với trang France 24 đó là số quân nhân và vũ khí được Nga điều ra chiến trường. Thứ nhất, "rất nhiều đơn vị được tái triển khai ở nhiều nơi trên chiến tuyến". Quân nhân được tăng viện chủ yếu là những người nhập ngũ trong đợt động viên một phần vào tháng 09/2022 và được huấn luyện ở Belarus, nhưng số quân này không phải là 500.000 như số liệu mà Ukraine đưa ra. Theo nhà phân tích này, chính quyền Kiev có thể thổi phồng con số đó để thúc các nước phương Tây khẩn trương cung cấp thêm vũ khí.
Dấu hiệu thứ hai là Nga cũng điều thêm pháo binh, xe tăng đời mới ra mặt trận, "chủ yếu là xe tăng T-90 hiện đại, được triển khai ở đa số các khu vực đang giao tranh", từ Kupiansk (vùng Kharkiv) đến Vouhledar (phía nam vùng Donetsk). Đây là khu vực có thành phố Bakhmut, nơi giao tranh đang diễn ra ác liệt và dường như quân Nga đang chiếm được từng tấc đất. Xe tăng T-90 cũng được đưa đến vùng Luhansk lân cận, "nơi tập trung lính dù Nga", một lực lượng tinh nhuệ.
Tuy nhiên, theo ông Sim Tack, "dù có nhiều dấu hiệu cho thấy đúng là Moskva đang củng cố các vị trí", nhưng "rất khó biết được Nga đang chuẩn bị gì". Dường như Moskva không dồn hết các đơn vị mới quanh một thành phố hay một mục tiêu quân sự đặc biệt. Hoạt động của các đơn vị cũng không cho thấy sẽ có một cuộc tấn công tức thì ở khu vực miền nam Zaporijjia, như khả năng được nhiều nhà phân tích nêu trước đó.
Có thể là Moskva không mở một mặt trận mới. Cuộc tấn công mùa Xuân, vẫn được Nga nói úp mở, có thể là "sự tập trung nỗ lực ở nơi mà Moskva tìm cách buộc quân Ukraine phải nhượng bộ". Đây cũng là ý kiến của tướng Dominique Trinquand trên đài RFI hôm 07/02 : "Đó là một cuộc tấn công bị giới hạn", chứ không phải là "một cuộc tấn công làm người ta nghĩ là Nga sẽ chiếm lại Ukraine". Theo cựu trưởng phái bộ quân sự Pháp tại Liên Hiệp Quốc, "có thể Nga sẽ gặm nhấm nhiều địa phương ở vùng Donbass để tổng thống Putin có thể thông báo rằng sau một năm chiến tranh, ông đã bảo vệ cộng đồng người nói tiếng Nga ở khu vực lân cận mà ông đã sáp nhập".
Thực ra Nga đã chuẩn bị cuộc tấn công này ngay khi rút khỏi Kherson vào giữa tháng 11/2022 để tập trung lực lượng bảo vệ mục tiêu được điện Kremlin ấn định : "Kiểm soát vùng Donetsk vào mùa xuân". Trong chiến dịch này, Bakhmut trở thành nút quan trọng đối với quân đội Nga. Ông Sim Tack giải thích "chiếm được thành phố này là mở đường xuống phía nam, đến được những địa phương chính của vùng Donetsk mà Nga chưa chiếm được, như những khu vực quanh các thành phố Kramatorsk và Sloviansk".
Nga đang hối hả giành chiến thắng trên chiến trường trước khi quân Ukraine nhận được thêm vũ khí và xe tăng từ phương Tây. Một chiến thắng, dù nhỏ ở miền đông Ukraine, vẫn là một thông điệp chính trị quan trọng để tổng thống Putin ca ngợi trong dịp kỷ niệm một năm phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" để dẹp trừ "phát xít" ở nước láng giềng.
Thu Hằng
*********************
Vụ rớt máy bay MH17 : Một số bằng chứng cho thấy Putin cấp tên lửa cho quân ly khai Ukraine
Trọng Thành, RFI, 09/02/2023
Cuộc điều tra về vụ máy bay số hiệu MH17 bị bắn hạ tại Ukraine năm 2014, khiến 298 hành khách và nhân viên phi hành đoàn thiệt mạng, đã tạm khép lại. Hôm 08/02/2023, trong cuộc họp báo tại La Haye, công tố viên Hà Lan Digna van Boetzelaer, đứng đầu nhóm điều tra, khẳng định có "nhiều chỉ dấu quan trọng" cho thấy tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định cấp cho lực lượng ly khai tại miền đông Ukraine loại tên lửa Buk, được dùng để bắn hạ máy bay.
Các mảnh vỡ của chiếc máy bay MH17 rơi xuống Donetsk, Ukraine. Ảnh chụp ngày 22/07/2014. Reuters/Maxim Zmeyev/File Photo
Thông tín viên Pierre Bénazet tường trình từ Bruxelles :
Các nhà điều tra đã công bố nhiều đoạn ghi âm các quan chức Nga hoặc các thành phần ly khai tại Ukraine nêu tên tổng thống Nga Vladimir Putin, cũng như đoạn ghi âm một cuộc trò chuyện với chính tổng thống Nga. Những yếu tố mà các nhà điều tra thu thập được chỉ ra rằng chủ nhân của điện Kremlin chịu trách nhiệm quyết định cấp các hệ thống tên lửa địa đối không cho quân ly khai ở tỉnh Donestk.
Đối với các nhà điều tra, có "nhiều chỉ dấu quan trọng" cho thấy ông Putin đã đích thân phê chuẩn việc chuyển giao cho quân ly khai Ukraine các hệ thống tên lửa Buk của Nga, bao gồm cả dàn phóng đã được sử dụng để bắn hạ chuyến bay MH17 vào tháng 7/2014. Đây chỉ là một giả định và dẫu sao thì luật Hà Lan không cho phép truy tố nguyên thủ quốc gia.
Các nhà điều tra đã xác định được dàn phóng tên lửa Buk nói trên và trung đoàn Nga quản lý dàn phóng này, nhưng đã không thể xác định được ai bắn tên lửa này hoặc viên chỉ huy nào đã ra lệnh khai hỏa. Họ không nêu tên của bất kỳ nghi phạm nào khác ngoài những nhân vật đã được biết. Bởi chỉ khi có những lời khai mới thì mới có thể khởi động lại cuộc điều tra".
Cho đến nay, chính quyền Moskva khăng khăng phủ nhận mọi can dự dẫn đến việc chuyến bay MH17 bị tên lửa Nga bắn hạ. Hôm nay, ngoại trưởng Úc và lãnh đạo cơ quan công tố Úc khẳng định Nga đã nhiều lần ngăn cản cuộc điều tra, khiến việc tập hợp các bằng chứng liên quan đến Nga là "không thể". Theo thủ tướng Hà Lan Mark Ruth, cuộc điều tra tìm công lý cho các nạn nhân vụ máy bay MH17 bị bắn rơi "sẽ tiếp tục", và "Liên Bang Nga phải trả giá về vai trò của mình trong thảm kịch này".
Trọng Thành
Ukraine : Ngôi sao quần vợt quốc tế trở về nước chiến đấu ở Bakhmut
Đặc phái viên Le Figaro thuật lại tình hình "Ở mặt trận gần Bakhmut, với một ngôi sao quần vợt quốc tế" nay là chiến sĩ. Sergiy Stakhovsky, cựu vận động viên tennis từng gây khó khăn cho Roger Federer, đã thay cây vợt bằng khẩu súng AR-15 để tham gia bảo vệ tổ quốc.
Cựu ngôi sao quần vợt người Ukraine Sergiy Stakhovsky. AFP – Sergei Supinsky
Từ tay vợt thứ 31 thế giới đến chiến binh vô danh
Đơn vị của anh đã rời Bakhmut cách đây sáu ngày để triển khai cách đó vài cây số về phía tây. Gọi là "tiểu đoàn", nhưng thực ra chỉ là một nhóm khoảng 20 người, hỗ trợ cho lữ đoàn phản ứng nhanh số 4 của Vệ binh Quốc gia ở tiền phương - đang phải chịu đựng những đợt tấn công dồn dập của quân Nga ở ngoại ô Bakhmut.
Stakhovsky thổ lộ, những tuần lễ gần đây, tình hình đột ngột xấu đi. Họ đã mất vài vị trí ở gần Soledar, do lực lượng ít ỏi và cũng do thiếu kinh nghiệm. Nếu quân Nga tiếp tục tấn công với cường độ dữ dội như hiện nay, họ không biết sẽ giữ được bao lâu. Nhưng với số lượng lính Nga tử trận mỗi ngày, cũng không thể biết Nga kéo dài được đến đâu.
Cách đây một năm, Sergiy Stakhovsky, tay vợt tennis thứ 31 thế giới, có lần đánh bại huyền thoại Roger Federer ở giải Wimbledon năm 2013, chuẩn bị gác vợt để trở thành nhà sản xuất rượu vang. Nhưng ngày 24/02, khi những đợt hỏa tiễn đầu tiên ập xuống Kiev, Kharkiv, Mariupol và Odessa, người đã nhiều lần tranh Cúp Davis dưới lá cờ hai màu xanh vàng đã có quyết định khác. Stakhovsky từ Dubai ghé qua Budapest, nơi anh cư ngụ với vợ và ba con, rồi đến Bratislava lấy một chiếc áo giáp, và lên đường đến Ukraine. Dòng người và xe chạy loạn trên đường càng củng cố thêm quyết tâm kháng chiến của anh.
Thiếu đạn, mỗi khẩu moọc-chê không được bắn quá ba phát
Stakhovsky lần lượt tham gia vào nhiều lữ đoàn tư nhân do các doanh nhân tài trợ để giúp sức cho đất nước, rồi xin vào lực lượng đặc biệt, và đến tháng Chín gia nhập đơn vị hiện nay. Nhóm cơ động này chuyên quấy nhiễu quân Nga bằng những phát mortier 82 ly và 120 ly, để chận bước tiến của địch ở tây nam Bakhmut. Họ nhận lệnh và đạn dược từ quân đội chính quy.
Dù có phương Tây giúp sức, các quân nhân Ukraine vẫn thiếu nhiều vũ khí và nhất là đạn. Sergiy Stakhovsky cho biết đơn vị anh chỉ có thể bắn ba quả đạn một ngày cho mỗi khẩu súng. Để tránh lãng phí, họ được lệnh không nhắm vào những vị trí có dưới ba lính Nga. Dù tình hình ngày càng khó khăn, cựu vận động viên khẳng định sẽ chiến đấu lâu dài để đuổi quân xâm lược khỏi bờ cõi, nhất là khi đã nhìn thấy những gia đình tìm kiếm trong tuyệt vọng xác người thân ở Bucha.
Bakhmut, mặt trận ác liệt nhất
Cũng tại Bakhmut, đặc phái viên Le Monde tả lại cuộc chiến dữ dội để bảo vệ thành phố thuộc vùng Donbass - đã trở thành biểu tượng cho cuộc chiến tranh. Nhà báo Pháp nhìn thấy một xe tăng Nga bắn những phát đại bác. Một thượng sĩ của lữ đoàn đặc biệt 518 mang tên "Ivan Bohun" - người hùng cô-dắc thế kỷ 17 - giải thích, quân Nga bắn vào những bãi mìn để mở ra một hành lang, sau đó bộ binh tiến lên. Và đúng là sau đó những loạt súng tự động nổ ran.
Người hạ sĩ quan trên nói thêm, đợt tấn công đầu tiên là lính đánh thuê Wagner và tân binh, những "bia đỡ đạn" này thường bị giết chết hầu hết. Đợt thứ hai là những lính Nga có kinh nghiệm. Trong mùa đông, quân Nga tăng cường thêm xe tăng, lính dù, tấn công dài theo toàn tuyến.
Các chiến binh Ukraine đều kiệt sức sau những trận đánh không kể ngày đêm, họ không còn khái niệm về thời gian. Điều an ủi cho người chỉ huy đơn vị là theo báo cáo của tình báo, một địch quân bị bắn hạ hôm trước được phía Nga cố lấy xác bằng mọi giá, mất cả một xe bọc thép, là một sĩ quan cao cấp chỉ huy đại đội. Nhờ đó trận giao tranh tạm ngưng, họ được nghỉ ngơi 12 tiếng đồng hồ. Cũng theo báo cáo, đại đội này có 250 lính, sau trận đánh chỉ còn 60. Người chỉ huy tiểu đoàn "Dnipro-1" mỉa mai, quân Nga hy sinh cả ngàn người và khi tiến được 500 mét, họ rêu rao "thắng lớn".
Brexit : Dân Anh hối tiếc
Vẫn ở Châu Âu, xã luận của Le Monde nói về "Anh quốc vào thời Bregret", nuối tiếc đã chọn lựa "Brexit" - ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (EU). Ba năm đã trôi qua, nay có đến 57% người Anh muốn quay lại. Cựu thủ tướng Boris Johnson lâu nay vẫn cho rằng Covid là nguyên nhân khiến kinh tế nước Anh đi xuống, nhưng nay không còn có thể đổ cho con virus. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố dự báo : trong số những nền kinh tế quan trọng trên thế giới, Anh quốc là nước duy nhất bị suy thoái trong năm 2023.
Khi tái lập việc kiểm soát hải quan, Brexit gây trở ngại cho trao đổi với đối tác chính là EU khiến thương mại giảm mất 15%, chuỗi cung ứng rối loạn, đầu tư chậm lại. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu lao động, lạm phát tăng, đình công liên tục diễn ra. Dấu hiệu cho thấy thời thế đã thay đổi : người Anh sáng tạo ra chữ mới "rejoiner" để chỉ những người muốn quay lại với EU.
Khinh khí cầu gián điệp khiến công luận Mỹ nhìn rõ mối đe dọa Trung Quốc
Về quan hệ Mỹ-Trung, chuyên gia Bruno Tertrais của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược trên Libération nhận thấy "Đối với công luận Mỹ, vụ khinh khí cầu đã cụ thể hóa "mối đe dọa Trung Quốc". Theo ông Tertrais, Mỹ không thể không bắn hạ khí cầu trên vì phải cho Bắc Kinh thấy là không thể thách thức Hoa Kỳ theo kiểu này, đồng thời để phe Cộng hòa không có lý do tố cáo ông Joe Biden là nhu nhược. Những khinh khí cầu tân tiến bổ sung cho vệ tinh vì có thể mang theo những thiết bị nặng và ở yên phía trên mục tiêu lâu hơn, gần hơn, ghi được những liên lạc mà vệ tinh không thu được.
Tại sao lại gởi đi một thiết bị gián điệp như vậy, chỉ vài ngày trước chuyến công du quan trọng của ngoại trưởng Mỹ ? Ông Bruno Tertrais cho rằng đây là câu hỏi chính. Khó thể coi là một sự trùng hợp, vả lại Trung Quốc vẫn có thói khiêu khích trước những sự kiện ngoại giao lớn như cho thử nguyên tử, thử hỏa tiễn tầm xa, oanh tạc cơ tân tiến... Tuy nhiên, ông không nghĩ rằng Bắc Kinh muốn phá hoại chuyến thăm, mà có thể đã vô tình đi quá xa. Cũng như vụ Sputnik của Liên Xô, vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới đã bay trên lãnh thổ Hoa Kỳ năm 1957, sự kiện này có thể là nhân tố chính của một cuộc chiến tranh lạnh mới.
Phiên tòa xử 47 nhà đối lập Hồng Kông
Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Monde và Les Echos chú ý đến sự kiện hầu như tất cả các nhà đối lập Hồng Kông đều phải ra trước vành móng ngựa từ hôm qua. Bốn mươi bảy nhà hoạt động dân chủ, trong đó hai phần ba bị giam giữ từ hai năm qua, bị cáo buộc "âm mưu nổi dậy" vì đã tham gia vào cuộc bầu cử sơ bộ hồi tháng 7/2020.
Gần phân nửa những khuôn mặt trước tòa là những cột trụ trong đời sống chính trị Hồng Kông, từ thủ lãnh các đảng, dân biểu kỳ cựu như Đái Diệu Đình (Benny Tai), Mao Mạnh Tĩnh (Claudia Mo), Âu Nặc Hiên (Au Nok Hin), Lương Quốc Hùng (Leung Kwok Hung) cho đến những người trẻ từ cuộc Cách mạng Dù, cuộc nổi dậy chống luật dẫn độ như Hoàng Chi Phong.
Luật sư Dennis Kwok, cựu dân biểu cho rằng đây là vụ đàn áp chính trị, một trò đùa theo mọi nghĩa. Peter Stano, phát ngôn viên Ủy ban Châu Âu nhận thấy đây là vụ án lớn nhất trong khuôn khổ luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt. Các bị cáo có thể lãnh án đến chung thân, theo đạo luật được đặt ra để bóp nghẹt mọi dạng thức phản kháng. Phiên tòa kéo dài 90 ngày, bên công tố sẽ phải cố chứng tỏ việc tổ chức bầu cử sơ bộ là nhằm lật đổ trưởng đặc khu, như vậy là hành động nổi dậy - một lý lẽ mà theo các luật gia là khó đứng vững.
Sự kiện rất được chờ đợi là phiên tòa dành cho nhà tỉ phú truyền thông Lê Trí Anh (Jimmy Lai), chủ báo Apple Daily đã bị đóng cửa. Ông bị cáo buộc là thông đồng với nước ngoài, do đã yêu cầu quốc tế trừng phạt Hồng Kông và Trung Quốc. Lẽ ra phiên xử đã diễn ra hồi tháng 12/2022 nhưng bị dời lại vì chính quyền Hồng Kông nhờ Bắc Kinh cấm một luật sư Anh đại diện cho ông. Trong ngày khai mạc phiên tòa 47 nhà hoạt động, nhiều nước trong đó có Pháp đã gởi đại diện lãnh sự đến dự khán.
Trí thông minh nhân tạo : Ai hưởng lợi ?
Trên lãnh vực khoa học, Les Echos đánh giá từ khi ChatGPT bắt đầu được đưa vào hoạt động ngày 18/11/2022, thế giới sững sờ nhận thấy trí thông minh nhân tạo (AI) cần phải được xếp vào hàng những phát minh công nghệ lớn nhất xưa nay như điện, động cơ nổ... AI có thể được sử dụng trong nhiều sản phẩm và dịch vụ, từ đơn giản như ra lệnh miệng cho máy pha cà phê, đến máy công cụ, máy nông nghiệp tự động. Một cơ quan nghiên cứu ước tính thị trường của trí thông minh nhân tạo vào năm 2030 lên đến 15.000 tỉ đô la. Đó là một cuộc cách mạng chỉ xảy ra một, hai lần trong thế kỷ.
Các chuyên gia vi tính có thể dùng ChatGPT để lập trình, chỉnh sửa những ứng dụng phức tạp nhất, giúp nhanh chóng số hóa nhiều lãnh vực. Bên cạnh đó là việc lập mô hình tài chánh, quy trình sản xuất, dịch trực tiếp... chưa kể những viễn cảnh đầy hứa hẹn trong giáo dục và y tế. Nhưng bên cạnh đó còn có nỗi sợ trí thông minh nhân tạo chiếm mất việc của con người, dự báo có 15 triệu chỗ làm ở Hoa Kỳ bị đe dọa.
Tuy nhiên, theo Les Echos, vấn đề chính là lợi nhuận từ hiệu quả mà AI tạo ra có được tái phân phối hay không. Bởi vì trong kỷ nguyên công nghiệp hóa trước đây, trước khi các phong trào nghiệp đoàn và những quy định giúp cho giai cấp trung lưu phát triển mạnh mẽ, một thời gian dài các nhà tài phiệt đã thủ lợi đầy túi.
Đình công, động đất : Hai sự kiện chiếm trang nhất báo Pháp
Hôm nay các nghiệp đoàn tiếp tục đình công đến lần thứ ba để chống lại kế hoạch cải cách chế độ hưu trí của chính phủ Pháp, nhưng hai trận động đất 7,8 và 7,5 độ Richter làm ít nhất 5.000 người chết là thời sự được đề cập đến nhiều nhất. Le Monde ra từ chiều hôm trước nhấn mạnh "Tuần lễ quyết định cho cải cách hưu trí" nhưng cũng kịp đăng ảnh về thảm họa trên trang nhất. Tương tự, Le Figaro chạy tựa chính "Những nhượng bộ của thủ tướng Elisabeth Borne không xoa dịu được Quốc hội", nhưng ảnh trang nhất là cảnh cứu người bị nạn.
La Croix đăng ảnh một người cha ôm con chạy tìm chỗ trú, với dòng tít "Thổ Nhĩ Kỳ và Syria : Lời kêu gọi giúp đỡ". Trang nhất Libération là hình ảnh những người cứu hộ hối hả đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường, với tòa nhà sụp đổ phía sau, chạy tựa "Động đất ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ : Bi kịch". Riêng nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến "Renault và Nissan cuối cùng cũng đạt được thỏa thuận". Ở trang trong, tất cả các báo đều có bài tường thuật cụ thể về thảm họa này, bên cạnh chiến sự Ukraine.
Thiên tai và tình người trong hoạn nạn
Libération tự hỏi, còn bao nhiêu người đang bị vùi dưới đống đổ nát ? Có thể hàng ngàn người, vì chưa đánh giá nổi tầm cỡ của thảm họa. Vào lúc 4 giờ 17 phút sáng thứ Hai, trận động đất đầu tiên 7,8 độ Richter xảy ra ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ gần biên giới Syria, mạnh đến nỗi Greenland ở cách tâm chấn trên 5.000 kilomet còn ghi nhận được.
Hàng ngàn căn nhà, hàng trăm tòa nhà thi nhau sụp đổ, khiến rất nhiều người bị mắc kẹt ngay trong đêm. Tiếp theo là cả trăm dư chấn, và trận động đất thứ hai 7,5 độ Richter gây thêm khó khăn cho việc cứu hộ. Ở bên kia biên giới là nơi cư ngụ tạm bợ của hàng ngàn người tị nạn Syria, các nhà báo Libération ghi nhận sự khốn khổ của những con người phải chịu đựng hết giặc giã lại đến thiên tai.
La Croix nhận định, trận địa chấn này là một trong những trận thảm khốc nhất từ 20 năm qua. Những gương mặt hoảng loạn, những khối bê-tông bị xé rời, những đống đổ nát nhìn thấy từ không ảnh, chỉ mới vài giờ trước là nhà cửa, làng mạc. Một cư dân Aleppo cho biết tình hình còn tệ hại hơn bao năm dưới bom đạn chiến tranh.
Trong hoàn cảnh đó, những xung đột đã được gác sang một bên. Israel gởi viện trợ khẩn cấp cho Syria, trong khi Damascus chưa bao giờ chịu công nhận Nhà nước Do Thái. Những đội cứu hộ từ khắp nơi đổ đến, từ Châu Âu hay Ấn Độ, Iran, Mỹ, Nga... để tìm kiếm nạn nhân trong giá lạnh và tuyết. Tình tương thân tương ái đã vượt qua sự ích kỷ quốc gia, chứng tỏ cộng đồng quốc tế không chỉ đơn thuần là một khái niệm.
Thụy My
Nga tăng cường oanh kích Ukraine tìm thắng lợi kỷ niệm 1 năm "chiến dịch quân sự đặc biệt"
Thu Hằng, RFI, 05/02/2023
Chiến sự ở miền đông Ukraine diễn ra căng thẳng do Nga tìm cách giành ưu thế nhân chuẩn bị tròn một năm tấn công nước láng giềng. Trong buổi điểm tin tối 04/02/2023, tổng thống Volodymyr Zelensky thừa nhận tình hình "phức tạp" trên chiến trường. Sáng 05/02, Nga đã bắn hai tên lửa vào trung tâm thành phố Kharkiv (đông bắc Ukraine), trong đó một tên lửa rơi vào một tòa chung cư, gây hỏa hoạn, khiến 5 người bị thương.
Ảnh trích từ video của bộ quốc phòng Nga công bố ngày 03/02/2023, cho thấy pháo binh Nga tấn công các vị trí, không nêu tên, của Ukraine. AP
Chiến sự ở miền đông Ukraine diễn ra căng thẳng do Nga tìm cách giành ưu thế nhân chuẩn bị tròn một năm tấn công nước láng giềng. Trong buổi điểm tin tối 04/02/2023, tổng thống Volodymyr Zelensky thừa nhận tình hình "phức tạp" trên chiến trường. Sáng 05/02, Nga đã bắn hai tên lửa vào trung tâm thành phố Kharkiv (đông bắc Ukraine), trong đó một tên lửa rơi vào một tòa chung cư, gây hỏa hoạn, khiến 5 người bị thương.
Trong buổi điểm tin thường nhật, tổng thống Zelensky thừa nhận Ukraine đang phải đối mặt với "thời điểm phức tạp" do "quân chiếm đóng huy động ngày càng đông đảo lực lượng để phá vỡ tuyến phòng thủ của chúng ta. Tình hình rất khó khăn ở Bakhmut, Vuhledar, Lyman (miền đông) và ở nhiều vùng khác".
Lực lượng biên phòng Ukraine cho biết đã đẩy lùi "một cuộc tấn công của kẻ thù" khỏi ngoại ô Bakhmut sau khi nhận được thông trinh sát trên không rằng "kẻ thù chuẩn bị tấn công" thành phố hiện trở thành tâm điểm các cuộc giao tranh ở Ukraine. Trong thông cáo, được AFP trích dẫn, quân đội Ukraine đã bắn súng cối vào "khu vực tập trung quân chiếm đóng" và "buộc họ rút lui".
Nga cũng tăng cường oanh kích ở miền nam, nhắm vào thành phố Kherson và "nhiều công trình hạ tầng dân sự" ở 26 địa phương tại tỉnh Zaporijia.
Ukraine đã trải qua 346 ngày chiến tranh và lo ngại Nga sẽ mở một đợt tấn công quy mô lớn để đánh dấu tròn một năm phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt". Chính quyền Kiev chủ yếu dựa vào viện trợ quân sự của phương Tây, đặc biệt là xe tăng hạng nặng và rocket tầm xa, để chống cự. Ngày 04/02, Canada đã giao xe tăng Leopard 2 đầu tiên trong tổng số xe hứa cung cấp cho Kiev.
Tổng thống Zelensky cũng cho biết đang chuẩn bị với thủ tướng Anh Rishi Sunak "nhiều việc rất quan trọng" nhưng không cho biết chi tiết. Nhiều quân nhân Ukraine "đã bắt đầu được huấn luyện sử dụng xe tăng Challenger tại Anh". Luân Đôn hứa giao 14 xe tăng loại này cho Kiev.
Thu Hằng
***********************
Giao tranh ‘ác liệt’ ở phía bắc thành phố Bakhmut của Ukraine
Reuters, VOA, 05/02/2023
Người đứng đầu lực lượng dân quân tư nhân Wagner của Nga cho biết hôm Chủ nhật rằng giao tranh ác liệt đang diễn ra ở phía bắc thành phố Bakhmut của Ukraine, nơi là tâm điểm của các lực lượng Nga trong nhiều tuần qua.
Thị trấn Bakhmut, Ukraine, bị Nga tấn công ngày 27/12/2022.
Ông Yevgeniy Prigozhin, người sáng lập và là lãnh đạo nhóm Wagner, cho biết các chiến binh của ông đang "chiến đấu vì từng con phố, từng ngôi nhà, từng cầu thang" trước lực lượng Ukraine không chịu rút lui.
Các lực lượng Nga đã cố gắng bao vây và đánh chiếm Bakhmut, một thành phố ở vùng Donbas phía đông, trong nhiều tuần, và dường như đang đạt được tiến độ chậm chạp, khó khăn và tốn kém.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã nhiều lần nói trong những ngày gần đây rằng tình hình xung quanh thành phố rất khó khăn.
"Không ai sẽ từ bỏ Bakhmut. Chúng tôi sẽ chiến đấu lâu nhất có thể. Chúng tôi coi Bakhmut là pháo đài của mình", ông nói hôm thứ Sáu tuần trước.
Bộ Quốc phòng Anh hôm Chủ nhật cho biết rằng Nga đã đạt được "những bước tiến nhỏ" trong nỗ lực bao vây Bakhmut.
Nếu các lực lượng Nga chiếm được thành phố, nơi đã bị tàn phá sau nhiều tháng hứng chịu pháo kích, thì đó sẽ là bước tiến chiến lược quan trọng nhất của họ kể từ mùa hè năm ngoái, khi một cuộc tấn công ban đầu qua miền đông Ukraine bị chững lại và cuối cùng bị đảo ngược trong một loạt các cuộc phản công ấn tượng của Ukraine trong nửa cuối năm 2022.
Ông Prigozhin bác bỏ các tin tức trên các phương tiện truyền thông Nga rằng quân đội Ukraine đang từ bỏ Bakhmut.
"Các lực lượng Ukraine không rút lui ở bất cứ đâu. Họ đang chiến đấu đến người cuối cùng", ông nói trong một tuyên bố đăng trên kênh Telegram của mình.
Ông nói thêm : "Các trận chiến ác liệt đang diễn ra ở các khu vực phía bắc vì từng con phố, từng ngôi nhà, từng cầu thang".
(Reuters)
***********************
Zelensky nói tình hình ở miền đông Ukraine đang gay cấn
Alys Davies, BBC, 05/02/2023
Ông Zelensky cho biết quân đội Ukraine đang đối mặt với tình thế vô cùng khó khăn tại ba thị trấn có giao tranh quyết liệt ở Donetsk - Bakhmut, Vuhledar và Lyman.
Tổng thống Volodymyr Zelensky nói tình hình ở tiền tuyến phía đông của Ukraine đang trở nên gay cấn.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết lính Ukraine đang bị cô lập ở Bakhmut.
Tin tức về chiến sự đưa trong lúc Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine nhắc lại quan điểm rằng một cuộc tấn công mới của Nga dự kiến sẽ diễn ra trong tháng này.
Tại một cuộc họp báo, ông Oleksiy Reznikov cho biết không phải tất cả vũ khí của phương Tây sẽ được chuyển đến vào thời điểm đó, nhưng Ukraine có nguồn dự phòng để ngăn chặn lực lượng Nga.
Ông Reznikov cho biết ông hy vọng cuộc tấn công dự kiến của Nga sẽ ưu tiên chiếm toàn bộ khu vực phía đông Donbas và tạo ra một hành lang trên bộ xuyên qua các khu vực mà Nga chiếm đóng bằng cách tiến hành các cuộc tấn công ở phía nam và phía đông Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng cũng xác nhận rằng quân đội sẽ bắt đầu huấn luyện trên xe tăng Leopard do Đức sản xuất từ thứ Hai.
Ông Reznikov cũng cho biết Ukraine đã đàm phán về việc cung cấp các tên lửa tầm xa mới có tầm bắn 150 km và cam kết không sử dụng chúng chống lại lãnh thổ Nga - chỉ chống lại các đơn vị Nga ở các khu vực chiếm đóng của Ukraine.
Người đứng đầu lực lượng lính đánh thuê Wagner của Nga cho biết đang có những cuộc chiến khốc liệt để giành từng con phố ở một số khu vực của Bakhmut.
Các lực lượng Nga đã cố gắng giành quyền kiểm soát thị trấn trong nhiều tháng - khiến đây là trận chiến dài nhất kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine gần một năm trước.
Việc chiếm lấy khu vực này có ý nghĩa quan trọng đối với Nga trong việc thúc đẩy mục tiêu kiểm soát toàn bộ khu vực Donbas ở phía đông Ukraine. Điều đó cũng sẽ thể hiện một sự thay đổi trong tương quan giao tranh của Nga sau khi mất phần đất Nga đã chiếm đóng ở Ukraine trong những tháng gần đây.
Bất chấp việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine, Nga đã giành được một số khu vực xung quanh vùng Bakhmut trong những ngày gần đây khi quân đội Nga ngày càng đưa nhiều binh sĩ vào giao tranh.
Trong bài phát biểu hàng đêm của mình, Tổng thống Zelensky nói : "Trong suốt 346 ngày của cuộc chiến này, tôi thường phải nói rằng tình hình ở mặt trận rất khó khăn. Và tình hình ngày càng trở nên khó khăn hơn.
"Bây giờ lại là thời điểm đó. Thời điểm mà phe chiếm đóng ngày càng tung nhiều lực lượng hơn để phá vỡ hàng phòng thủ của chúng ta".
Bộ Quốc phòng Anh cho biết các lực lượng Ukraine ở Bakhmut đang ngày càng bị cô lập khi phía Nga tiếp tục tiến thêm được trong nỗ lực bao vây thị trấn và rằng hai con đường chính vào Bakhmut có khả năng bị đe dọa bởi hỏa lực trực tiếp.
Nhóm lính đánh thuê bán quân sự của Nga Wagner đã dẫn đầu phần lớn các cuộc giao tranh trong vùng này.
Các trận chiến ở tiền tuyến diễn ra trong lúc Nga phóng nhiều tên lửa tấn công các khu vực ở miền đông Ukraine.
Trong các diễn biến khác :
• Tại thành phố đông bắc Kharkiv, năm người bị thương sau khi các cuộc không kích đánh trúng các tòa nhà dân sự trong thành phố, chính quyền địa phương cho biết.
• Năm người khác bị thương ở khu vực Donetsk trong các cuộc tấn công bằng tên lửa, theo ông Pavlo Kyrylenko, lãnh đạo vùng này.
*************************
Báo Mỹ tiết lộ Trung Quốc cung cấp công nghệ cho quân đội Nga phục vụ chiến tranh Ukraine
Thanh Hà, RFI, 05/02/2023
Theo báo The Wall Street Journal hôm 04/02/2023 bất chấp lệnh trừng phạt quốc tế, Trung Quốc vẫn cung cấp công nghệ cần thiết cho quân đội Nga. Các tập đoàn trong ngành quốc phòng của Trung Quốc xuất khẩu thiết bị hoa tiêu hàng hải, công nghệ làm nhiễu sóng rada, linh kiện phục vụ chế tạo chiến đấu cơ cho các đối tác Nga.
Chiến đấu cơ SU 35 của quân đội Nga trong một lần diễn tập 28/11/2021. AP
Căn cứ trên các dữ liệu do tổ chức C4ADS, một cơ quan tư vấn có trụ sở tại thủ đô Washginton, báo The Wall Street Journal ghi nhận : 84.000 lô hàng Trung Quốc được đưa sang Nga kể từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra ngày 24/02/2022. Trong số này có nhiều mặt hàng lưỡng dụng - quân sự và dân sự như linh kiện bán dẫn, phụ tùng máy bay...
Bài viết nêu bật trường hợp cụ thể : "Ngày 31/08/2022 tập đoàn quốc doanh Trung Quốc Poly Technologies đã cung cấp cho đối tác Nga JSC Rosoboronexpor thiết bị dẫn đường trang bị cho trực thăng M-17 của Nga". Tháng 10/2022 Trung Quốc bán linh kiện để Nga chế tạo máy bay phản lực Su-35, trị giá hợp đồng 1,2 triệu đô la. Gần đây hơn, công ty điện tử Fujian Nanan Baofeng Electronic Co. cũng đã cung cấp cho cùng một đối tác Nga, qua trung gian một hãng Ouzbekistan ăng ten quân sự để làm nhiễu sóng liên lạc của đối phương.
Liên quan đến những công ty Trung Quốc và Nga vi phạm lệnh cấm vận, "có khoảng hơn một chục hãng của Nga và Trung Quốc nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ". Vẫn theo tờ The Wall Street Journal, hàng của Trung Quốc được đưa sang Nga chủ yếu thông qua một số trung gian như Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.
Bắc Kinh bác bỏ các thông tin trên và chỉ trích báo tài chính Mỹ "suy đoán và thổi phồng sự thật". Về phía Matxcơva phát ngôn viên của phủ tổng thống ông Dmitri Peskov cho rằng Nga có đủ công nghệ để bảo đảm an ninh và tiến hành chiến dịch đặc biệt (tại Ukraine)".
Thanh Hà
George Kennan đã tiên tri chính xác về quan hệ Nga-Ukraine như thế nào ?
Frank Costigliola, Nguyễn Thị Kim Phụng, Nghiên cứu quốc tế, 03/02/2023
Tham vọng, bất ổn, và những hiểm họa của nền độc lập
George Kennan, nhà ngoại giao xuất chúng và nhà quan sát quan hệ quốc tế người Mỹ, đã trở nên nổi tiếng nhờ dự báo về sự sụp đổ của Liên Xô. Một dự báo ít được biết đến hơn của ông là lời cảnh báo năm 1948, rằng sẽ không có chính phủ Nga nào chấp nhận nền độc lập của Ukraine. Đoán trước được bế tắc giữa Moscow và Kyiv, vào thời điểm đó, Kennan đã đưa ra những gợi ý chi tiết về cách Washington nên giải quyết cuộc xung đột giữa một Ukraine độc lập với Nga. Ông trở lại với chủ đề này nửa thế kỷ sau đó. Kennan, khi ấy đang trong độ tuổi 90, đã cảnh báo rằng việc NATO mở rộng về phía đông sẽ hủy hoại nền dân chủ ở Nga và châm ngòi cho một cuộc Chiến tranh Lạnh khác.
Kennan có lẽ biết rõ về nước Nga hơn bất kỳ ai từng phục vụ trong chính phủ Mỹ. Ngay từ trước khi đến Moscow vào năm 1933 với tư cách là một phụ tá 29 tuổi của đại sứ Mỹ đầu tiên tại Liên Xô, ông đã thông thạo tiếng Nga ở trình độ như người bản xứ. Ở Nga, Kennan đắm mình trong báo chí, công văn, văn học, các chương trình phát thanh, sân khấu, và phim ảnh. Ông tiệc tùng đến kiệt sức trong những bữa tiệc thâu đêm suốt sáng với các nghệ sĩ, trí thức, và quan chức Nga cấp thấp. Ăn mặc như người Nga chính hiệu, Kennan đã nghe lỏm những cư dân Moscow trên xe điện hoặc ở rạp hát. Ông còn có những chuyến đi leo núi hoặc trượt tuyết ở vùng nông thôn để thăm những viên ngọc quý của kiến trúc Nga thời kỳ đầu. Thái độ khinh bỉ của ông đối với chế độ độc tài Joseph Stalin, đặc biệt là sau khi cuộc thanh trừng đẫm máu năm 1935-1938 nổ ra, cũng là bởi mong muốn được gần gũi với người dân Nga và nền văn hóa của họ. Năm 1946, sau khi gửi cho Bộ Ngoại giao Mỹ Bức điện Dài nổi tiếng, cảnh báo về mối đe dọa từ Liên Xô, Kennan được mời về Washington. Một năm sau, ông nhận được sự chú ý của cả nước nhờ bài báo trên tạp chí Foreign Affairs kêu gọi ngăn chặn sự bành trướng của Liên Xô.
Kennan là người có một không hai. Khi Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Dean Acheson nói với một đồng nghiệp rằng Kennan được dự kiến sẽ đứng đầu Ban Hoạch định Chính sách mới được thành lập, người đồng nghiệp đó trả lời rằng "một người như Kennan sẽ rất phù hợp với công việc đó". Acheson đáp, "Một người như Kennan ? Làm gì có ai như Kennan". Làm việc trong văn phòng ngay cạnh văn phòng bộ trưởng ngoại giao, Kennan đã giúp xây dựng Kế hoạch Marshall và nhiều sáng kiến lớn khác của thế kỷ trước.
Vận may của Kennan tàn dần sau năm 1949, khi ông phản đối xu hướng quân sự hóa trong chính sách đối ngoại của Mỹ, nhưng ông vẫn được tôn sùng như một chuyên gia về Nga. Chính quyền Truman đã xin lời khuyên của ông khi họ sợ kích động Nga tham gia Chiến tranh Triều Tiên. Chính quyền Eisenhower tìm đến ông sau cái chết của Stalin, còn chính quyền Kennedy là trong Khủng hoảng Berlin năm 1961. Bất chấp sự phản đối được công khai trên truyền hình của ông đối với Chiến tranh Việt Nam và cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân, Kennan vẫn được các quan chức trong Bộ Ngoại giao và CIA hỏi ý kiến vào những năm 1990. Năm 2003, ông tổ chức một cuộc họp báo phản đối cuộc xâm lược Iraq. Dù là một nhân vật tinh hoa bị ảnh hưởng bởi những định kiến xấu mà ông từng tiếp xúc vào đầu thế kỷ 20, Kennan vẫn là một nhà phân tích chính sách đối ngoại sáng suốt cho đến khi ông qua đời vào năm 2005.
Về góc độ chuyên môn, chúng ta nên xem xét cả sự hoài nghi của Kennan về nền độc lập của Ukraine và đề xuất của ông về cách Washington nên phản ứng trước một cuộc tấn công của Nga chống lại một Ukraine độc lập.
Sự ngờ vực về Ukraine
Trong một bài viết về chính sách có tựa đề "Các mục tiêu của Mỹ đối với Nga" (U.S. Objectives with Respect to Russia) được hoàn thành vào tháng 8/1948, Kennan đã trình bày các mục tiêu quan trọng nhất của Mỹ trong trường hợp người Nga xâm lược Ukraine. Ông nhận ra rằng người Ukraine "căm ghét sự thống trị của Nga ; và các tổ chức dân tộc chủ nghĩa của họ đã hoạt động tích cực và công khai ở nước ngoài". Do đó, sẽ "dễ dàng đi đến kết luận" rằng Ukraine nên được độc lập. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng Mỹ không nên khuyến khích sự chia rẽ đó.
Kennan đã đánh giá quá thấp ý chí tự quyết của người Ukraine. Tuy nhiên, hai vấn đề được ông chỉ ra từ 75 năm trước vẫn tồn tại cho đến ngày nay, đặc biệt là trong tâm trí của giới lãnh đạo Nga. Kennan hoài nghi về việc có thể dễ dàng phân biệt người Nga và người Ukraine về mặt sắc tộc. Ông viết trong một bản ghi nhớ của Bộ Ngoại giao rằng "không có ranh giới phân chia rõ ràng giữa Nga và Ukraine, và sẽ không thể thiết lập một ranh giới như vậy". Thứ hai, nền kinh tế Nga và Ukraine gắn bó chặt chẽ với nhau. Việc thành lập một Ukraine độc lập "sẽ là thiếu thực tế và có tính hủy diệt giống như một nỗ lực nhằm tách Vành đai Ngô, bao gồm cả khu vực công nghiệp Ngũ Đại Hồ, ra khỏi nền kinh tế Mỹ".
Bài viết "U.S. Objectives with Respect to Russia" của Kennan.
Kể từ năm 1991, người Ukraine đã cố gắng thiết lập một đường phân chia lãnh thổ và sắc tộc trong khi củng cố nền kinh tế độc lập khỏi gã khổng lồ Nga. Moscow đã làm suy yếu những nỗ lực này bằng cách kích động bất mãn ở các khu vực nói tiếng Nga tại miền đông Ukraine, thúc đẩy các phong trào đòi độc lập, và hiện tại đã chính thức sáp nhập bốn khu vực ly khai. Sau nhiều năm gây áp lực bằng chính trị và kinh tế và giờ đây là bằng sự tàn bạo về quân sự, người Nga đã cố gắng ngăn cản Ukraine độc lập về kinh tế bằng cách hủy hoại các đường ống dẫn khí đốt, ngành xuất khẩu ngũ cốc và vận tải của nước này.
Ngay cả ở giai đoạn đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, Kennan vẫn nhấn mạnh rằng "chúng ta không thể thờ ơ với cảm xúc của người Đại Nga". Bởi người Nga vẫn là "nhân tố sắc tộc mạnh nhất" trong khu vực, nên bất kỳ "chính sách dài hạn khả thi nào của Mỹ cũng phải dựa trên sự chấp nhận và hợp tác của họ". Một lần nữa, Kennan so sánh quan điểm của Nga về Ukraine với quan điểm của Mỹ về miền Trung Tây. "Cuối cùng thì", một Ukraine độc lập, riêng biệt chỉ có thể "được duy trì bằng vũ lực". Vì tất cả những lý do này, một chiến thắng của người Mỹ không nên tìm cách áp đặt nền độc lập của Ukraine đối với một nước Nga đang suy yếu.
Kennan khuyên Bộ Ngoại giao Mỹ rằng nếu người Ukraine tự mình giành được độc lập, thì Washington không nên can thiệp, chí ít là trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, điều gần như không thể tránh khỏi là một Ukraine độc lập "cuối cùng sẽ bị Nga thách thức". Nếu trong cuộc xung đột đó "xuất hiện một bế tắc không mong muốn", thì Mỹ nên thúc đẩy "việc hòa giải những khác biệt dựa trên đường lối của một chủ nghĩa liên bang hợp lý".
Bất chấp những thăng trầm trong 75 năm qua, lời khuyên của Kennan vẫn còn phù hợp cho đến ngày nay. Một liên bang cho phép quyền tự trị khu vực ở miền đông Ukraine và thậm chí là ở Crimea có thể giúp cả hai bên cùng tồn tại. Nhiều nhà phân tích có xu hướng miêu tả cuộc xung đột hiện tại là "cuộc chiến của Putin", nhưng Kennan tin rằng bất kỳ nhà lãnh đạo cứng rắn nào của Nga cuối cùng cũng sẽ phản đối việc Ukraine giành độc lập. Cuối cùng, thực tế về nhân khẩu học và địa lý cho thấy rằng, về lâu dài, Nga vẫn sẽ là cường quốc chính ở nơi thường là "vùng đất đẫm máu" đầy bi kịch này. Vì sự ổn định khu vực và vì an ninh lâu dài của nước Mỹ, Washington cần duy trì một sự đồng cảm kiên định và sáng suốt đối với lợi ích của người Nga cũng như của người Ukraine và các quốc gia khác.
Nhà tiên tri bị phớt lờ
Khác với Kennan, nhiều nhà Kremlin học đã không dự đoán được sự sụp đổ của Liên Xô. Ông được ca ngợi như một nhà tiên tri vào cuối Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, trong cuộc tranh luận về việc mở rộng NATO diễn ra sau đó, ông chỉ được vinh danh chứ không thực sự được lắng nghe. Nghịch lý này được minh họa vào năm 1995, khi cố vấn về Nga của Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Strobe Talbott, tìm cách tỏ lòng kính trọng với Kennan, người mà ông vô cùng ngưỡng mộ. Talbott đã mời Kennan bay cùng tổng thống tới Moscow để dự lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng ở Châu Âu (Ngày 9/5, ngày Đức Quốc Xã đầu hàng). Hồi năm 1945, Kennan, quan chức cấp cao của Mỹ tại Moscow, đã nồng nhiệt chào đón những người Nga vào tòa đại sứ quán. Tuy nhiên, vào năm 1995, người đàn ông 91 tuổi đã từ chối lời mời vì lý do sức khỏe yếu, mà tốt hơn hết, ông nên từ chối lời mời.
Kennan có lẽ sẽ cảm thấy mình bị lợi dụng nếu ông biết được toàn bộ chương trình của chuyến đi. Trong một bản ghi nhớ gửi cho Clinton, Talbott đã mô tả ngày sau lễ kỷ niệm là "Ngày 10/5 : Khoảnh khắc của Sự thật". Trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Boris Yeltsin, Clinton đã làm theo gợi ý của Talbott và gây áp lực buộc người Nga phải chấp nhận cả sự mở rộng của NATO lẫn việc Moscow tham gia vào Đối tác vì Hòa bình (Partnership for Peace), một dàn xếp được mô tả đúng nhất là "NATO bản nhẹ" được tạo ra để xoa dịu những lo ngại của Nga. Talbott thừa nhận với Clinton rằng "hầu như tất cả những nhân vật quan trọng ở Nga, thuộc mọi thành phần chính trị, đều phản đối sâu sắc, hoặc chí ít cũng lo lắng sâu sắc, về việc mở rộng NATO".
Năm 1997, Kennan ngày càng lo lắng trước quyết định của Washington khi để NATO không chỉ kết nạp Cộng hòa Czech, Hungary, và Ba Lan, mà còn bắt đầu hợp tác quân sự và hải quân với Ukraine. Đường phân chia đông-tây mới đã buộc Ukraine và các quốc gia khác phải chọn phe. Kennan cảnh báo Talbott trong một bức thư riêng : "Không ở đâu mà sự lựa chọn này lại nghiêm trọng và hàm chứa những hậu quả định mệnh như trong trường hợp của Ukraine".
Bức thư gửi Talbott của Kennan
Ông đặc biệt lo lắng về Sea Breeze, một cuộc tập trận hải quân chung giữa Ukraine và NATO, kích động nỗi lo thường trực của Nga về các tàu chiến nước ngoài hiện diện trong vùng nước hẹp ở Biển Đen. Dù được mời tham gia tập trận nhưng người Nga đã giận dữ từ chối. Tranh chấp đang diễn ra vào thời điểm đó giữa Kyiv và Moscow về căn cứ hải quân Sevastopol ở Crimea chỉ làm căng thẳng gia tăng. Kennan hỏi Talbott, làm sao mà cuộc tập trận hải quân này có thể phù hợp với nỗ lực của Washington "nhằm thuyết phục Nga tin rằng việc mở rộng NATO về phía biên giới Nga ở Đông Âu không có ý nghĩa gì về quân sự ?"
Dù tôn trọng những nghi ngờ của Kennan, Talbott vẫn giữ vững lập trường. Ông cho rằng sự sa sút về kinh tế của Nga có nghĩa là nước này sẽ phải tự điều chỉnh theo cách của phương Tây. Talbott viết cho Kennan rằng "Nga sẽ phải thoát ra khỏi thói quen suy nghĩ và hành xử đã ăn sâu trong tâm trí họ" bằng cách hợp tác thay vì thống trị các nước láng giềng. Người Nga phải điều chỉnh và chấp nhận sức mạnh của Mỹ trên biên giới của mình. Chính quyền Clinton dự định "không ngừng hợp tác với Ukraine, nhưng sẽ tăng gấp đôi nỗ lực để gắn kết với Nga".
Bên cạnh dòng chữ mà Talbott nhắc lại "kế hoạch tập trận năm nay ở Trung Á cũng như vùng Baltic", Kennan, 93 tuổi, bực tức viết hai dấu chấm than. Moscow một lần nữa từ chối tham gia các cuộc tập trận quân sự do phương Tây dẫn đầu, vốn nằm ở những khu vực thuộc quyền kiểm soát của họ chỉ vài năm trước đó.
Các dự đoán thường sai lầm một cách thảm hại. Kennan đã đánh giá thấp mức độ của chủ nghĩa dân tộc Ukraine. Nhưng những dự đoán năm 1948 của ông về sự kiên định của Nga trong vấn đề Ukraine, và những lời cảnh báo hồi thập niên 1990 của ông về sự vô cảm và tham vọng của Mỹ vẫn đúng cho đến ngày nay. Đề xuất của ông về một hệ thống liên bang và quyền tự trị khu vực ở các lãnh thổ đang tranh chấp vẫn đầy hứa hẹn, dù chúng đang ngày càng khó trở thành hiện thực.
Vấn đề quan trọng nhất ở đây là điều mà nhà sử học Paul Kennedy của Đại học Yale gọi là sự dàn trải sức mạnh quá mức của đế quốc (imperial overstretch). Quay trở lại Thế chiến II, Kennan đã dành thời gian trên những chuyến bay đường dài bằng những chiếc máy bay chở hàng lạnh cóng băng qua Đại Tây Dương để đọc sách của Edward Gibbon về cách Đế chế La Mã suy tàn và sau đó sụp đổ. Kennan luôn hoài nghi về khả năng tồn tại lâu dài của ngay cả những quốc gia hùng mạnh nhất đang duy trì lực lượng quân sự đóng ở nước ngoài. Do đó, ông đã đánh giá thấp tác dụng duy trì ổn định của việc quân đội Mỹ đóng tại Tây Âu trong Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, kể từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay, biên giới quân sự của Mỹ đã tiến xa hơn nhiều về phía đông. Dù cuộc chiến tàn khốc của Nga ở Ukraine có kết thúc như thế nào, Mỹ cũng đã cam kết duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ ngay trước sân nhà của Nga. Nếu còn sống đến ngày nay, Kennan sẽ lên tiếng về mối nguy hiểm khi dồn người Nga vào đường cùng đến mức họ phải phản kháng. Ông cũng sẽ chỉ ra nhiều vấn đề trong nước của Mỹ và tự hỏi làm thế nào sự hiện diện quân sự ở Đông Âu lại phù hợp với lợi ích đối nội và đối ngoại lâu dài của người dân Mỹ.
Frank Costigliola
Nguyên tác : "Kennan’s Warning on Ukraine", Foreign Affairs, 27/01/2023
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 03/02/2023
Frank Costigliola là Giáo sư Lịch sử tại Đại học Connecticut và là tác giả cuốn "Kennan : A Life between Worlds".
****************************
George Kennan : Người bày mưu đánh bại Liên Xô
Hoàng Anh Tuấn, Nghiên cứu quốc tế, 02/02/2015
Đối với nhiều thế hệ quan chức ngoại giao Mỹ từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay, George Kennan (sinh ngày 16/2/1904 và mất ngày 17/3/2005) được coi là nhà ngoại giao kỳ cựu và vĩ đại nhất. George Kennan được coi là cha đẻ của một trong những chiến lược lớn nhất, dài nhất, tốn kém nhất và được thực thi liên tục bởi nhiều đời Tổng thống Mỹ trong suốt 45 năm, từ năm 1946-1990, đó là Chiến lược Kiềm chế (Containment Strategy – hay còn gọi là Chiến lược Ngăn chặn).
George Kennan được coi là cha đẻ của một trong những chiến lược lớn nhất, dài nhất, tốn kém nhất và được thực thi liên tục bởi nhiều đời Tổng thống Mỹ trong suốt 45 năm, từ năm 1946-1990, đó là Chiến lược Kiềm chế (Containment Strategy – hay còn gọi là Chiến lược Ngăn chặn).
George Kennan gia nhập Bộ Ngoại giao Mỹ năm 1926 ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Princeton. Kennan đã chọn “nghiệp” nghiên cứu về Liên Xô, làm việc tại nhiều phái đoàn ngoại giao Mỹ ở châu Âu, đọc thông viết thạo tiếng Nga, hiểu được tâm lý, văn hóa Nga và nhanh chóng trở thành chuyên gia hàng đầu về Nga, Liên Xô của Bộ Ngoại giao Mỹ nói riêng và nước Mỹ nói chung.
Trong thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ hai, quan hệ giữa Liên Xô với Mỹ và Anh là quan hệ đồng minh và ba nước này là nòng cốt của phe Đồng minh chống lại Khối trục Phát-xít (gồm Nhật, Italia và Đức). Thực ra đây là một liên minh có tính tình thế với mục đích đánh bại các nước Phát-xít vì sự tồn tại của chính mình, chứ kỳ thực các lợi ích, giá trị chung để gắn kết quan hệ liên minh 3 nước không nhiều.
Do đó, sau khi kẻ thù chung là phe Phát-xít bị đại bại, các nghi ngờ về ý đồ chiến lược cũng như sự rạn nứt liên minh giữa Liên Xô với Mỹ, Anh và Phương Tây là đương nhiên. Lúc này cả hai phe do Mỹ và Liên Xô cầm đầu đều có nhu cầu tập hợp đồng minh, bảo vệ khu vực ảnh hưởng đã được phân chia theo các Hiệp định Yalta và Postdam, đồng thời cạnh tranh quyết liệt về quyền lực và ảnh hưởng tại các khu vực khác trên thế giới.
Tuy nhiên, do quan hệ đồng minh và hợp tác Mỹ-Anh-Xô được xây dựng và củng cố trong suốt cuộc chiến, nên người dân các nước này có thái độ hữu nghị và tình cảm tương đối tốt với nhau. Trong bối cảnh mới khi không còn coi nhau là “bạn”, là “đồng minh”, và vì cuộc chiến sinh tồn mới nên cả hai phía đều phải tìm các lý do “hợp lý” để có thể coi nhau như những kẻ thù không đội trời chung.
Đặc biệt nước Mỹ cần tìm một “con ngáo ộp” đủ lớn, đủ mạnh để tập hợp lực lượng đồng minh, củng cố sự thống nhất và đoàn kết cả bên trong lẫn bên ngoài nhằm thiết lập một trật tự mới do Mỹ lãnh đạo. Trong bối cảnh đó Mỹ rất cần có một sự đánh giá mới về Liên Xô nhằm xây dựng chiến lược mới.
Ngày 3/2/1946, Bộ Ngoại giao Mỹ gửi Bức điện mật số 284 cho Sứ quán Mỹ tại Moscow, yêu cầu phân tích và đánh giá 5 điểm sau về Liên Xô:
Khi đó George Kennan là Đại biện lâm thời của Mỹ tại Moscow (do Đại sứ vắng mặt) và đây là lúc Kennan thể hiện dấu ấn và khả năng của mình. Ngày 22/2/1946, George Kennan đích thân thảo một bức điện dài (gần 20 trang). Đây là một điều rất không bình thường. Vì do lý do bảo mật nên giữa Bộ Ngoại giao các nước và các Sứ quán bên ngoài hiếm khi trao đổi các bức điện dài như vậy. Và cũng chính vì lý do này nên bức điện trả lời của George Kennan được gọi là The Long Telegram (Bức điện tín dài).
Trong bức điện này, George Kennan không chỉ trả lời cặn kẽ các câu hỏi trên, mà còn phân tích một cách toàn diện về các vấn đề sau: (i) Tư duy đối ngoại của Nga/Liên Xô; (ii) Tại sao Nga/Liên Xô lại có tư duy này; (iii) Tư duy này được thể hiện ra sao trên thực tế và Liên Xô sẽ hành động như thế nào; (iv) Chiến lược mới mà Liên Xô sẽ áp dụng có các tác động và hệ quả ra sao đối với Mỹ và đồng minh; (v) Mỹ cần có các chiến lược gì để đối phó với Liên Xô.
Cụ thể, George Kennan cho rằng:
Một, tư duy đối ngoại của Liên Xô xuất phát từ truyền thống tư duy lâu đời của người Nga hình thành từ hình thể địa lý đất nước, truyền thống văn hóa và tâm lý, đó là luôn ở trong trạng thái bất an, cho rằng các đế quốc châu Âu luôn tìm cách làm suy yếu nước Nga. Ý thức hệ không tác động nhiều đến tư duy này.
Hai, người Nga không có văn hóa thỏa hiệp chính trị kiểu Mỹ-Anh, do đó không thể chung sống theo kiểu “cùng tồn tại hòa bình” với Mỹ và Anh, mà chỉ có kiểu đấu tranh “một mất, một còn”. Do đó, Mỹ và phương Tây sẽ không thể chung sống hòa bình với Liên Xô, mà quan hệ sẽ là đối đấu cho đến khi một trong hai bên bị sụp đổ. Cuộc đấu này sẽ kéo dài và Liên Xô rất kiên trì, do đó Mỹ cần phải chuẩn bị một chiến lược dài hơi.
Ba, để đối phó với Liên Xô, Kennan cho rằng Mỹ cần xây dựng một chiến lược mới, đó là Chiến lược Kiềm chế nhằm kiềm chế Liên Xô một cách toàn diện. Kennan cũng cho rằng Mỹ cần phải củng cố trận địa của mình là 3 trung tâm gồm Mỹ, Nhật, và châu Âu. Kennan dự đoán sự cạnh tranh ảnh hưởng diễn ra khốc liệt nhất tại Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Phân tích này là một trong các nguyên nhân đưa đến sự ra đời của Kế hoạch Marshall giúp phục hồi kinh tế Nhật và châu Âu sau chiến tranh.
Bốn, Kennan cho rằng việc kiềm chế chỉ tập trung chủ yếu trong lĩnh vực chính trị và kinh tế. Theo Kennan, Liên Xô cũng có điểm yếu về tâm lý là “ngại” đối đầu trực diện, do đó nếu Mỹ và phương Tây thi hành chính sách kiềm chế một cách kiên định không ngại va chạm và kiên quyết giành giật ảnh hưởng với Liên Xô thì Liên Xô sẽ phải chùn bước.
Bức điện sau khi gửi đã gây “chấn động” trong giới ngoại giao Mỹ. Tuy nhiên, phần lớn nội dung vẫn chưa được phản ánh đầy đủ lên giới lãnh đạo cấp cao. Thất vọng nhưng không bỏ cuộc, George Kennan lấy phần lớn nội dung trong bức điện gửi ngày 22/3/1946 sửa lại thành bài báo ký bút danh “X” và đăng trên Tạp chí Foreign Affairs số tháng 7/1947. Từ đây, bài báo đã gây lên một cơn “địa chấn” trong giới nghiên cứu chiến lược và hoạch định chính sách Mỹ và giúp định hình ra Chiến lược Kiềm chế của Mỹ sau này.
Mặc dù được coi là cha đẻ của Chiến lược kiềm chế, nhưng điều trớ trên là chính Kennan đã có lúc bị những kẻ “Diều hâu” (the Hawks) chỉ trích là “Bồ câu” (the Dove) do: (i) quá “mềm yếu” với Liên Xô; (ii) không chủ trương đối đầu về quân sự, mà chỉ chủ yếu đối đầu về ngoại giao, chính trị và kinh tế; (iii) Chiến lược Kiềm chế của Kennan chủ yếu mang tính phòng thủ.
Sau đó Chiến lược Kiềm chế của Kennan bị giới “Diều hâu” trong chính giới Mỹ bắt cóc, và được Paul Nitze, người thay Kennan làm Vụ trưởng Chính sách đối ngoại tại Bộ Ngoại giao bổ sung thêm yếu tố kiềm chế quân sự, còn Ngoại trưởng khét tiếng “diều hâu” John Foster Dulles dưới thời Tổng thống Dwight Eisenhower thì “bác bỏ” Chiến lược kiềm chế của Kennan, mà đòi chuyển sang Chiến lược đẩy lui Chủ nghĩa cộng sản (Rollback). Còn bản thân Kennan vẫn không thay đổi lập trường “bồ câu”, chỉ trích mạnh mẽ sự can thiệp quân sự của Mỹ tại Triều Tiên và Afghanistan.
Cho đến nay, sau khi Liên Xô và khối Đông Âu đã sụp đổ gần một phần tư thế kỷ, nhìn lại chính sách của Mỹ và phương Tây hiện nay đối với Nga rõ ràng có lý do để tin rằng các đánh giá của Mỹ và phương Tây về Nga không có nhiều thay đổi và dường như Chiến lược kiềm chế đang “đội mồ” sống dậy trở lại.
Hoàng Anh Tuấn
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 25/02/2015
Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam. Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân, không phải quan điểm của cơ quan nơi tác giả công tác.
Tướng Mỹ : Ukraine nên tái chiếm Crimea, đàm phán lúc này là sai lầm
Theo tướng về hưu Ben Hodges của Mỹ, nếu Ukraine đàm phán với Nga vào lúc này sẽ là dại dột, vì đang có khả năng tái chiếm Crimea. Moskva không bao giờ chịu trả lại bán đảo quan trọng này, và một khi Crimea còn trong tay Nga, Ukraine khó thể thắng được cuộc chiến. Ông đề nghị phương Tây giúp vũ khí tầm xa, thay vì thúc hối Kiev thương lượng.
Lửa khói bốc lên từ chiếc cầu Kerch nối bán đảo Crimea với Nga ngày 08/10/2022, được cho là đòn tấn công của Kiev. Cây cầu là đường tiếp liệu chính cho quân Nga ở miền nam Ukraine. AP
Trang nhất L’Obs tuần này được dành cho "ChatGPT và chúng ta : Trí thông minh nhân tạo đã thay đổi cuộc sống của ta như thế nào ?". L’Express nói về thời sự nước Pháp, chạy tựa "Vì sao tổng thống Macron phải cảnh giác trước bà Le Pen", thủ lãnh đảng cực hữu. Le Point cảnh báo nguy cơ tổ chức Nhà nước Hồi giáo quay lại. Courrier International ra số đầu tiên khởi đầu một tháng đặc biệt mang màu sắc Ukraine, chạy tựa lớn "Chiến tranh sẽ còn đi đến đâu ?"
Với ảnh bìa hai màu xanh vàng – màu cờ Ukraine, chủ đề của Courrier International kỳ này là sự kiện phương Tây quyết định chi viện xe tăng hạng nặng cho Kiev, đối đầu trực diện hơn với Nga, một năm sau khi Putin khởi động cuộc xâm lăng. Từ nay cho đến cuối tháng, dù thời sự các nơi khác vẫn sôi nổi, tuần báo Pháp tập trung cho cuộc chiến tranh ở Ukraine và dành hẳn một đặc san vào tháng Ba.
Bao tang thương chỉ vì sự điên rồ của một con người : Vladimir Putin
Cách đây một năm, ai có thể nghĩ rằng cuộc chiến này còn kéo dài nhiều tháng trời, và không thể hình dung ra hồi kết ? New York Times lo lắng khi chiến tranh bước vào một giai đoạn dữ dội hơn. Courrier International trích dịch : "Sắp tới, những cánh đồng bùn lầy mênh mông ở Ukraine sẽ lại là chiến trường của những giao thông hào và trận đấu xe tăng". Kiev và đồng minh hy vọng với những vũ khí mới, sẽ có cơ đẩy lùi được quân Nga. Cho đến bao giờ ?
Điều hiếm hoi là tờ báo hướng về người dân Nga : nhân danh họ mà tổng thống Nga tiến hành cuộc chiến khủng khiếp và vô ích này ; con trai, chồng và cha họ bị giết chết, bị thương tật ; cuộc sống họ trở nên bấp bênh trong một Nhà nước bị ngờ vực và thù oán tại nhiều nơi trên thế giới. Tất cả chỉ vì sự điên rồ của một con người : Vladimir Putin ! Những bài diễn văn hùng hồn không thể biện minh cho việc hủy diệt những thành phố, làng mạc, sát nhân, hãm hiếp, cướp bóc, tấn công vào mạng lưới điện nước trên khắp Ukraine.
The Guardian cho rằng việc phương Tây chi viện xe tăng không có nghĩa là chiến tranh sắp kết thúc, mà có thể kéo dài nhiều tháng, nếu không nói là nhiều năm nữa. Nhật báo Anh nhận định sự thay đổi ở đây là phương Tây đã cứng rắn hơn, xe tăng có thể làm nên lợi thế quân sự cho Kiev. Nhưng liệu phương Tây có sẵn sàng đi xa hơn không ? Theo tờ Dziennik Gazeta Prawna được Courrier International trích dẫn, Ba Lan đã bí mật chuyển cho Ukraine nhiều chiến đấu cơ MiG-29 dưới dạng phụ tùng thay thế.
Putin phải hiểu không thể thắng nổi cuộc chiến
L’Express nhấn mạnh "Cần phải cho Putin thấy là ông ta sẽ không thắng được cuộc chiến này". Xe tăng hạng nặng vừa được hứa tặng, giai đoạn mới đã được bàn đến. Đối với Hà Lan, chi viện chiến đấu cơ cho Kiev không còn là điều cấm kỵ, Pháp cũng không loại trừ, và Nhà Trắng cho biết chủ đề này sẽ được thảo luận cẩn thận. Đã hẳn ông Joe Biden mới đây phản đối việc gởi F-16 cho Ukraine, nhưng chủ trương này còn được giữ đến bao giờ ? Những lằn ranh đỏ mà phương Tây tự ấn định vào lúc đầu, lần lượt được vượt qua. Liệu mai đây sẽ đến lượt hỏa tiễn tầm xa ?
Tuy loan báo trên có tác động lớn, nhưng các xe tăng phương Tây khó thể làm thay đổi chiều hướng cuộc chiến. Washington cũng biết rằng cần phải có hơn 31 chiếc Abrams (trong số trên 4.000 chiếc Hoa Kỳ đang có) để đột phá phòng tuyến Nga, cộng thêm cả trăm xe tăng Leopard mà Đức và một số nước Châu Âu sẽ chuyển giao. Khi viện trợ các vũ khí ngày càng tối tân hơn cho Kiev, Mỹ muốn thuyết phục Vladimir Putin rằng ông ta không thể nào chiến thắng được, nếu leo thang cái giá phải trả sẽ rất đắt.
Nhưng leo thang đã diễn ra rồi, những tháng tới sẽ giao tranh dữ dội, bên nào cũng nghĩ là mình sẽ thắng. Ukraine với sự trợ giúp của phương Tây, Nga qua việc gởi hàng trăm ngàn tân binh - bia đỡ đạn thời hiện đại. Khoác lên huyền thoại Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Putin sẵn sàng hy sinh mạng sống của họ. Dưới mắt ông ta, mấy chục ngàn nạn nhân có đáng gì so với hàng triệu người Liên Xô ngã xuống trước Đức quốc xã ?
Phương Tây viện trợ thêm nhiều vũ khí cho Kiev
L’Express e ngại phát súng cảnh cáo của Washington không có mấy tác động với ông chủ điện Kremlin. Vì vậy mà các nước Đông Âu như Ba Lan thúc giục viện trợ mạnh mẽ hơn. Nhưng theo Thomas Gomart, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, Biden muốn "níu tay Ukraine lại để không vói đến đất Nga" bằng vũ khí phương Tây. Joe Biden đang bước đi trên một sợi dây mong manh và ngày càng khó giữ thăng bằng.
Trả lời tuần báo L'Obs, cựu tướng lục quân Olivier Kempf nay là nhà nghiên cứu lưu ý "Chỉ vũ khí không thôi khó thể làm nên chiến thắng". Thách thức đối với phương Tây là duy trì tình liên đới tuyệt vời hiện nay, bất chấp nguy cơ leo thang. Hôm 20/01, đại diện khoảng 50 nước họp tại Ramstein (Đức) đã hứa cho rất nhiều thứ : đại bác, radar, hỏa tiễn, đạn pháo, xe tăng hạng nặng. Tuy không nói ra, nhưng mọi người đều nghĩ "Không thể để cho những người bạn Ukraine thất bại". Quân Nga đang chiếm đóng 15-20% lãnh thổ Ukraine. Theo ông Kempf, có thể hy vọng quay lại với tình trạng trước chiến tranh, thậm chí Ukraine tái chiếm được toàn bộ Donbass, nhưng Nga khó thể hoàn toàn bại trận.
Nhà nghiên cứu về an ninh Châu Âu Pierre Haroche trên L’Express cho rằng Pháp nên gởi các chiến đấu cơ Mirage 2000 cho Kiev. Đã chần chừ không muốn chi viện xe tăng Leclerc, giờ đây Paris không nên để lỡ thêm cơ hội thứ hai. Hơn nữa về mặt kỹ thuật, những chiếc Mirage 2000 sẽ được rút lại dần để nhường chỗ cho Rafale. Trong một cuộc chiến tranh, những dịp tốt thường hiếm hoi, và nghệ thuật của chiến lược gia là biết nắm lấy thời cơ, vì đây còn là một cuộc chiến tranh vì Châu Âu chứ không chỉ vì Ukraine.
Tướng Valeri Zaloujny, người hùng của Ukraine
Riêng về phía nhà cầm quân, L’Express coi tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine, Valeri Zaloujnylà "người đã làm nhục Putin". Nếu không có ông, cờ Nga đã phấp phới bay trên thủ đô Kiev. Ngày 23/02/2022, hầu như không có ai trên thế giới hình dung ra chỉ vài giờ sau, Vladimir Putin khởi động cuộc chiến tranh quy mô chưa từng thấy từ sau Đệ nhị Thế chiến. Trừ tình báo Anh-Mỹ, tướng Valeri Zaloujny và ban tham mưu của ông là những người duy nhất chuẩn bị đối phó cuộc xâm lăng, chỉ vì từ tám năm qua họ vẫn chiến đấu ở Donbass, 15.000 chiến binh Ukraine đã hy sinh.
Với tinh thần quyết chiến, kinh nghiệm dồi dào và sự thông tin trên chiến trường, ông đã chặn được quân Nga trong sáu ngày, tặng cho Vladimir Putin một cái tát đau điếng nhất từ trước đến nay. Tướng Zaloujny giăng ra một cái bẫy : để cho quân địch cứ tiến về Kiev, rồi tấn công bằng các lực lượng cơ động theo kiểu du kích. Không thể tiến xa hơn, quân Nga đành rút về phía bắc. Sau đó "vị tướng sắt" còn thắng thêm nhiều trận nữa. Đột phá bất ngờ ở Kharkiv, tái chiếm Kherson là những trận đã đi vào bài bản chiến thuật quân sự.
Tướng Úc Mick Ryan ca ngợi : "Dưới sự chỉ huy của ông ấy, các tướng lãnh Ukraine có thể xây dựng định chế quân sự hiệu quả nhất Trái Đất". Zaloujny vừa là nhà chiến lược, chuyên gia hậu cần vừa là nhà quản trị. Hàng ngày chỉ đạo chiến trường, ông vẫn không quên việc huấn luyện binh sĩ, và duy trì không khí tin cậy với thuộc cấp – trước hết là tham mưu trưởng lục quân Oleksandr Syrsky, người làm nên trận thắng Kharkiv. Trong khi các quân đội chiến thắng thường tạo lập được mối quan hệ tốt đẹp giữa các cấp. Đó là điều trái ngược với tổng tham mưu trưởng Nga Valeri Guerassimov, dù Zaloujny vẫn tôn trọng đối thủ.
Ít được quốc tế biết đến hơn Volodymyr Zelensky, nhưng là người hùng trong nước, tướng Zaloujny ý tứ tránh làm chìm khuất tổng thống. Cuối tháng Giêng, ông càng được cảm tình hơn khi một tỉ phú Mỹ gốc Ukraine tặng 1 triệu đô la, vị tướng liền tặng lại ngay cho quân đội. Ông Mick Ryan ví cặp Zelensky-Zaloujny như tổng thống Franklin Roosevelt với tướng Marshall thời Đệ nhị Thế chiến.
Đàm phán là sai lầm, Nga không bao giờ chịu trả Crimea
Trên The Economist, tướng Mỹ về hưu Ben Hodges nhấn mạnh, Ukraine nên tái chiếm Crimea. Một năm qua, hàng ngàn thường dân vô tội và binh sĩ cả hai bên đã thiệt mạng, khiến có những ý kiến kêu gọi thương lượng với Moskva. Tuy nhiên tướng Hodges nhận định tinh thần chiến đấu của người Ukraine vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Sẽ là sai lầm lớn nếu Ukraine đàm phán với Nga vào lúc này. Có nhiều lý do khiến việc ngồi vào bàn thương lượng với Moskva là điều dại dột.
Các thỏa thuận Minsk ký kết sau khi Nga đưa quân vào Ukraine năm 2014 đều dẫn đến một cuộc xung đột đóng băng, và Vladimir Putin làm tan băng vào thời điểm mà ông ta muốn. Nhưng quan trọng nhất là hiện nay Ukraine đang có cơ hội chiếm lại Crimea. Đó là mảnh đất trọng yếu, mang tính quyết định cho cuộc chiến. Kiev biết rằng một khi Moskva còn nắm giữ Crimea, Ukraine sẽ còn dễ tổn thương trước các cuộc tấn công, và không thể gầy dựng lại nền kinh tế. Nga có thể can thiệp vào hoạt động tất cả các cảng của Ukraine, làm gián đoạn việc vận chuyển từ những địa điểm như Odessa, phong tỏa lối vào biển Azov.
Đối với Moskva, Crimea là nơi trú đóng của hạm đội Hắc Hải, phóng đi các drone và những loại vũ khí khác, là trung tâm hậu cần, thương cảng cho các tàu buôn Nga. Vì tính chất quan trọng của Crimea, và vì ngày càng rõ là quân đội Ukraine có thể giải phóng bán đảo, nên Kiev không nên thương lượng lúc này. Nga sẽ không bao giờ chịu nhả Crimea ra. Thay vào đó, Ukraine cần chiến đấu để giành lại.
Cô lập và oanh kích liên tục cho đến khi quân Nga phải bỏ chạy
Trước hết là cô lập Crimea bằng việc phối hợp vũ khí chính xác tầm xa và thiết giáp. Việc này sẽ gây rối loạn, tiếp đến là cắt đứt hai con đường nối Crimea với Nga : cầu Kerch, và cầu đường bộ chạy từ Rostov (Nga) đi qua Mariupol và Melitopol (Ukraine) đến Crimea. Thứ đến, phải tấn công chính xác các mục tiêu quan trọng ở Crimea trong nhiều tháng, cho đến khi nào lục quân, không quân và hải quân Nga không còn có thể đóng tại đây.
Những cuộc oanh kích chính xác vào Sevastopol, Dzhankoi và Saky sẽ khiến các căn cứ quân sự và địa điểm hậu cần trở nên vô dụng với lực lượng Nga. Như vậy thay vì một cuộc tấn công quy ước trực diện, vẫn có thể đuổi được quân Nga ra khỏi Crimea. Theo tướng Ben Hodges, với năng lực và ý chí của mình, Ukraine hoàn toàn có thể thành công, với điều kiện là phương Tây cung cấp những gì cần thiết. Chẳng hạn hỏa tiễn chiến thuật có tầm bắn 300 kilomet, bom loại nhỏ phóng đi từ mặt đất có tầm xa 150 kilomet.
Nếu phương Tây hành động nhanh chóng, Ukraine có thể giải phóng Crimea vào cuối tháng Tám. Về nguy cơ Putin dùng đến vũ khí nguyên tử, ông cho rằng Kremlin cũng biết là không mang lại lợi thế chiến trường : quân đội Ukraine phân tán ở nhiều nơi, Nga không có lực lượng lớn được trang bị để hoạt động ở vùng bị nhiễm xạ. Trên thực tế, vũ khí nguyên tử của Nga chỉ hiệu quả khi không được sử dụng thực sự ! Thay vì thúc đẩy các nhà lãnh đạo Ukraine đến bàn đàm phán, Mỹ và các nước Châu Âu nên giúp chính phủ Kiev giành lại Crimea.
Đông Nam Á không thể khoanh tay nhìn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông
Nhìn sang Châu Á, The Economist nhận thấy những láng giềng trên biển của Trung Quốc, tuy lo sợ trước sự hung hăng của Bắc Kinh, nhưng không nhường bước về chủ quyền. Trong số các quốc gia ven Biển Đông, chỉ có Trung Quốc là yêu sách hầu như toàn bộ vùng biển này, nghênh ngang như trong ao nhà của mình. Bắc Kinh quân sự hóa các đảo, dùng lực lượng hải cảnh và dân quân biển hùng hậu hà hiếp ngư dân các nước, ngăn cản việc khai thác tài nguyên.
Tuy nhiên lần đầu tiên kể từ một thập niên, Trung Quốc không còn có thể làm mưa làm gió như trước. Các quốc gia cùng đòi hỏi chủ quyền gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Brunei khẳng định luật pháp quốc tế phải là cơ sở cho các tranh chấp, không công nhận đường lưỡi bò 9 đoạn do Bắc Kinh tự vẽ. Những đề nghị khác nhau của Trung Quốc cho từng nước như cùng đánh cá, khai thác dầu khí đều bị bác. Bắc Kinh cũng không thuyết phục được mười nước ASEAN ký kết Bộ quy tắc về ứng xử trên Biển Đông theo ý mình.
Malaysia năm 2019 đã phản ứng về thềm lục địa, và nhất là mới đây Việt Nam cùng với Indonesia đã ký một thỏa thuận xác định vùng đặc quyền kinh tế - một mô hình quan trọng để giải quyết các tranh chấp. Việt Nam củng cố các tiền đồn ở Trường Sa, Philippines cho Mỹ sử dụng thêm bốn căn cứ quân sự. Không quốc gia ASEAN nào muốn công khai thách thức Trung Quốc, nhưng họ ngày càng có ý định kháng cự lại mưu đồ bành trướng của Bắc Kinh.
"Huyền thoại" Trung Hoa 5.000 năm lịch sử
Cũng liên quan đến Trung Quốc, nhà báo Bill Hayton, chuyên gia về Việt Nam và Biển Đông khẳng định với Le Point, "văn minh Trung Quốc 5.000 năm" chỉ là câu chuyện mới được xây dựng gần đây. Một huyền thoại được các nhân vật dân tộc chủ nghĩa Trung Hoa dựng lên, trong đó có Tôn Dật Tiên (Sun Yat Sen), người khai sinh Trung Hoa Dân Quốc năm 1912. Bởi vì trước đó, Trung Hoa không hiện hữu, ngoại trừ… trong đầu của người Châu Âu.
Đầu thế kỷ 20, nhà văn Chương Bỉnh Lân (Zhang Binglin) nêu ra ý tưởng người Hán là hậu duệ của triều đại từ 5.000 năm trước, nhằm củng cố bản sắc Hán, đối chọi với nhà Mãn Thanh. Nhưng 5.000 năm này không hề liên tục, bị cắt rời bởi những cuộc xâm lăng của ngoại bang như Mông Cổ, Mãn Thanh. Nhà Tần (Qin) cách đây 2.200 năm không phải là Trung Hoa, không gồm một số vùng đất ngày nay như Tây Tạng, và cũng không tự gọi là "Trung Hoa".
Nhà Minh trước 1644 chỉ có 15 tỉnh, bị nhà Mãn Thanh lật đổ rồi quân Thanh chiếm tiếp Tân Cương, Tây Tạng, Mông Cổ. Như vậy không phải là đế quốc Hán mà là đế quốc Mãn Thanh. Đến năm 1912 nhà Thanh bị lật, và mãi đến khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949-1950, Tân Cương và Tây Tạng đã độc lập từ bốn thập niên mới bị sáp nhập. Về xuất xứ của "đường lưỡi bò", chuyên gia Bill Hayton cho biết có nguồn gốc từ một loạt những lầm lẫn trong quá khứ.
Khinh khí cầu dọ thám : Trung Quốc mất cơ hội tan băng với Mỹ
Trước sự kiện mới nhất là Mỹ phát hiện khinh khí cầu dọ thám của Trung Quốc, Le Figaro cuối tuần đặt câu hỏi, quả cầu này chú ý đến những gì trên bầu trời xanh lơ của Montana ? Phải chăng là 150 hỏa tiễn nguyên tử liên lục địa đang được dự trữ ở bang miền tây bắc nước Mỹ ?
Rõ ràng chế độ Bắc Kinh đã quá vụng về, để cho bị bắt quả tang. Washington bèn hoãn lại chuyến thăm rất được chờ đợi của ngoại trưởng Antony Blinken nhằm làm dịu bớt căng thẳng giữa đôi bên. Lầu Năm Góc quyết định không phá hủy khinh khí cầu này vì những mảnh vỡ có thể gây thiệt hại cho thường dân, nhưng liệu có để nó ra đi không ? Chưa chắc. Theo tờ báo, dù cuộc chiến tranh ở Ukraine thu hút mọi chú ý, nhưng đối với Washington, đối thủ thực sự không phải là Moskva mà là Bắc Kinh.
Và chiến tranh lạnh có nghĩa là gián điệp. Sự hiếu chiến của Trung Quốc đã quá rõ, khiến phương Tây phải mở mắt. Mỹ từng phát hiện khinh khí cầu dọ thám của Trung Quốc bay trên Hawai hay Guam, nhưng lần này trên lục địa. Khi công bố những hình ảnh ở Montana, Hoa Kỳ ở thế thượng phong, vì Trung Quốc cố gắng ổn định quan hệ song phương và câu giờ để tái thúc đẩy kinh tế, với mục tiêu nuốt chửng Đài Loan vào khoảng năm 2028. Mưu toan này có thể bị trắc trở nếu chiến tranh lạnh trở nên "nóng" do một tính toán sai lầm.
Thụy My
Chuyển giao xe tăng Leopard và Abrams cho Ukraine, nan giải khâu vận tải
Anh Vũ, RFI, 31/01/2023
Đức đã thông báo giao chiến xa hạng nặng Leopard 2 cho Ukraine, đợt đầu tiên trong khoảng "cuối tháng Ba đầu tháng Tư". Như vậy có nghĩa là quân đội Ukraine sẽ chỉ được sử dụng xe tăng trên chiến trường vào mùa xuân tới. Việc giao các xe tăng tấn công hạng nặng này cho Ukraine chỉ là công đoạn đầu tiên trong một hành trình phức tạp và lâu dài để đưa xe tăng ra chiến trường.
Vận chuyển xe tăng Abrams của Mỹ tại Vilnius, Litva hôm 21/10/2019. AP - Mindaugas Kulbis
Berlin và Washington đã thỏa thuận về nguyên tắc. Phần còn lại giờ là các công việc thực hiện : Làm sao để đưa an toàn và nhanh nhất những chiến xa hạng nặng của Đức và Mỹ này vào mặt trận ở Ukraine. Trong phát biểu hôm 25 tháng Giêng vừa rồi, tổng thống Volodymyr Zelensky đã nhắc lại rằng : Ukraine cần tăng viện không chậm trễ để hy vọng ngăn được cuộc tấn công của Nga sắp tới, dự kiến vào mùa xuân này. Đức đã đưa ra lịch trình giao hàng từ khoảng "cuối tháng Ba đầu tháng Tư".
Đến giờ, các nước phương Tây đã giao suôn sẻ các khí tài quân sự trị giá hàng chục tỷ đô la cho Ukraine. "Về mặt chính thức Nga chưa hề đánh được vào đoàn xe chở vũ khí của Ukraine. Các chuyên gia vẫn gọi đó là trò mèo đuổi chuột mà Ukraine đang thắng", nhật báo Mỹ New York Times ghi nhận trong một bài đăng hôm 25 tháng Giêng.
Những cỗ xe đồ sộ khó giấu
Nhưng các xe tăng Leopard 2 mà Đức hứa giao, cũng như loại xe Abrams của Mỹ được xác định là những mục tiêu ưu tiên tiêu diệt của Moskva. Ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên điện Kremlin đã cảnh cáo sẽ "thiêu rụi" các xe tăng đó.
Các cỗ xe đồ sộ, nặng 55 tấn đó khó có thể giấu được khi vận chuyển trên các tuyến đường ở Ukraine. Ông Jeff Hawn, chuyên gia về các vấn đề quân sự Nga, tư vấn cho New Lines Institute, một trung tâm nghiên cứu địa chiến lược Mỹ, cho rằng "Đó thực sự là một thách thức hậu cần"
"Những chi tiết của một chiến dịch như vậy phải là bí mật tuyệt đối của cuộc chiến này", nhật báo New York Times khẳng định. Trước tiên cần phải quyết định địa điểm giao hàng. Chuyên gia Jeff Hawn nhận định : "Vì lý do an ninh, việc trao tận tay cho Ukraine sẽ có thể tiến hành trong những nước Châu Âu thuộc khối NATO và là những nước láng giềng của Ukraine (Ba Lan, Hungary, Romania, Slovakia)". Người Mỹ hay người Đức chắc chắn không muốn nhân viên của họ có thể bị Nga tập kích trên lãnh thổ Ukraine.
Ngay khi quân đội Ukraine có được các loại tăng Leopard 2 và Abrams, họ sẽ còn phải tự mình lo liệu làm sao đưa được những chiến xa bọc thép đó ra mặt trận. Với các loại chiến xa tấn công cực kỳ hiện đại như vậy, chắc chắn không thể đơn giản là lái xe chạy thẳng tới tận vùng Donbass.
Chuyên gia Jeff Hawn kết luận : "Với các loại tăng Leopard 2 của Đức thao tác vận hành và bảo dưỡng đơn giản hơn một chút vì chúng có thiết kế khá gần với loại mà quân đội Ukraine đã sử dụng. Nhưng với loại xe tăng Abrams, thì đó là một môi trường điện tử hoàn toàn mới, với động cơ rất đặc biệt và sử dụng nhiên liệu đặc biệt".
Đoàn vận tải không chỉ chuyên chở các xe tăng không. Thêm vào đó các loại phụ tùng thay thế trong trường hợp hỏng hóc, các bình chứa nhiên liệu và nhân sự được huấn luyện đặc biệt để bảo dưỡng và vận hành hàng ngày những cỗ máy chiến tranh đó.
Thiết bị máy móc như vậy sẽ chiếm nhiều chỗ và dễ dàng bị quân Nga định vị được mục tiêu. Vì thế quân đội Ukraine có thể sẽ không đưa tất cả các chiến xa hạng nặng mà họ dự kiến có thể nhận được – 31 tăng Abrams, 14 Leopard 2 - bằng một lần đến trận tuyến. Họ sẽ chuyển dần từ 4 đến đến 6 xe mỗi lần, theo chuyên gia Jeff Hawn.
Đường sắt hay đường bộ ?
Tiếp đó, phải chọn phương tiện để vận chuyển. Đây là vấn đề đau đầu thực sự. Ông Huseyn Aliyev, chuyên gia về xung đột Ukraine-Nga thuộc Đại học Glasgow nhận xét : "Đường sắt có vẻ là phương tiện khá hấp dẫn nhưng người Nga nắm rõ hệ thống đường sắt Ukraine và họ có thể theo dõi rất kỹ nếu thực sự họ muốn phá hủy các xe tăng đó".
Đường bộ không phải là giải pháp thay thế hay lắm. Đơn giản là một số tuyến đường không chịu được trọng tải lớn của các chiến xa đó. Như theo chuyên gia Huseyn Aliyev, "ở Ukraine, có những cây cầu được xây dựng để chịu tải tối đa một chiếc xe tăng Liên Xô, nhẹ hơn nhiều so với các mẫu xe mới của phương Tây".
Giải pháp có thể sẽ là phải đi qua các tuyến đường lớn vững chắc, nhưng cũng lộ liễu nhất. Đó là chưa tính đến việc sẽ phải huy động các loại xe chuyên dụng để vận chuyển bởi người ta không thể cho các chiến xa đó chạy, bởi cần phải tiết kiệm tối đa sử dụng nhiên liệu riêng cho các loại tăng đó.
Trong hoàn cảnh như vậy, các chuyên gia được hỏi đều nhận định sẽ phải sử dụng phương tiện hỗn hợp để vận chuyển. Một chút bằng đường sắt, rồi chuyển sang đường bộ hoặc ngược lại… nhưng phải vận chuyển vào đêm và ngụy trang kỹ lưỡng nhất có thể, chuyên gia Huseyn Aliev nhấn mạnh.
Lộ trình vận chuyển sẽ phải được soạn thảo kỹ lưỡng nhất. Có thể người Ukraine đang lên nhiều kế hoạch có thể thay đổi tùy theo diễn tiến việc chuyển đoàn xe bọc thép.
Có kịp chuẩn bị cho đợt tấn công mùa xuân ?
Đây là một tiến trình tuần tự nhiều bước, cần rất nhiều thời gian, theo chuyên gia Jeff Hawn. Đó là nguồn lực quý mà Ukraine chỉ có được một số lượng rất ít.
Với trường hợp của xe tăng Abrams, việc chuyển giao cho Ukraine "có thể mất đến hơn một năm", theo các quan chức quân sự Mỹ được báo New York Times phỏng vấn. Nhưng đó là đối với các xe tăng chuyển từ Mỹ tới. May mắn cho Kiev là "một phần các chiến xa đó đang nằm trong các kho ở Châu Âu, như ở Đức", ông Jeff Hawn cho biết.
Ngoài ra, cần phải tính đến thời gian đào tạo sử dụng các chiến xa Mỹ cực kỳ hiện đại. Việc này có thể kéo dài nhiều tháng. Nhưng ông Huseyn Aliev tin rằng "việc thông báo công khai chuyển chiến xa chỉ là xác nhận quyết định trong hậu trường. Các khóa đào tạo người Ukraine sử dụng xe tăng Leopard và Abrams đã bắt đầu cách đây nhiều tháng.
Như thế có đủ đảm bảo rằng các thiết bị quân sự đến kịp thời để tham gia phòng thủ trước cuộc tấn công mùa xuân có thể xảy ra của quân đội Nga?
(Theo france24.com)
Anh Vũ
*************************
Tổng thống Mỹ Biden bác bỏ khả năng giao chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine
Thùy Dương, RFI, 31/01/2023
Sau khi thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định Berlin không cấp chiến đấu cơ cho Ukraine, nguyên thủ Mỹ cũng phản đối khả năng giao chiến đấu cơ F-16 do Mỹ chế tạo cho Kiev.
Chiến đấu cơ của không quân Mỹ F-16 trong cuộc tập trận đa quốc gia CRUZEX, tại Brazil, ngày 21/11/2018. Reuters – Paulo Whitaker
Tại Nhà Trắng, hôm qua 30/01/2023, trả lời một nhà báo về khả năng cung cấp các loại vũ khí theo đề nghị của giới lãnh đạo Ukraine, tổng thống Mỹ Joe Biden đã trả lời "Không". Trước đó, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thúc đẩy các nước phương Tây viện trợ tên lửa tầm xa và chiến đấu cơ cho Kiev.
Tuy nhiên, theo báo kinh tế Pháp Les Echos, Lokheed Martin, tập đoàn công nghiệp quốc phòng Mỹ cho biết sẽ tăng cường sản xuất F-16 tại Greenville, Nam Carolina, Mỹ, để cung cấp cho các nước muốn giao loại chiến đấu cơ này cho Ukraine.
Pháp - Hà Lan tỏ ra thận trọng về việc giao phi cơ cho Kiev
Cũng vào hôm qua, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, trong cuộc họp báo chung tại La Haye, đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Kiev, nhưng vẫn tỏ ra thận trọng về việc giao phi cơ cho Ukraine. Tuy nhiên, tổng thống Pháp Macron cũng cho biết thêm : "Về nguyên tắc, không có gì cấm cản".
Từ La Haye, thông tín viên Antoine Mouteau gửi về bài tường trình :
Sau một số lời khen ngợi về điều mà ông gọi là "mối quan hệ Pháp-Hà Lan tốt đẹp", thủ tướng Mark Rutte đã nhanh chóng đi vào tâm điểm của vấn đề hiện đang được bàn tán nhiều ở cả Hà Lan và phần còn lại của Châu Âu. Thủ tướng Hà Lan nói : "Chỉ bằng cách cùng nhau, tại Châu Âu, cũng như Pháp và Hà Lan, chúng ta mới có thể cố gắng hết sức để giúp đỡ Ukraine, và cũng là để bảo đảm rằng Ukraine sẽ thắng cuộc chiến này, còn Nga sẽ thua".
Tuy nhiên, khi một nhà báo hỏi về khả năng Hà Lan giao chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine, thủ tướng Mark Rutte trả lời rằng hiện giờ điều này vẫn chưa được đặt ra. Về khả năng chuyển giao máy bay chiến đấu của Pháp, tương tự, tổng thống Emmanuel Macron cũng tỏ ra thận trọng : "Tôi sẽ nói rất đơn giản với quý vị là trên nguyên tắc, không có gì bị loại trừ và chúng tôi luôn đánh giá mọi điều dựa theo ba tiêu chí. Đầu tiên là đó là điều được yêu cầu, hữu ích, có tính đến thời gian tập huấn và giao cho quân đội Ukraine. Tiêu chí thứ hai là điều đó không gây leo thang căng thẳng, tức là các trang thiết bị chúng tôi cung cấp không thể chạm đến đất Nga. Tiêu chí thứ ba là việc này không làm suy yếu khả năng của quân đội Pháp trong việc bảo vệ lãnh thổ của chính chúng tôi và các công dân của chúng tôi."
Chuyến đi của tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến La Haye diễn ra vài ngày sau chuyến thăm của ngoại trưởng Đức. Bà đã đề nghị lập một tòa án đặc biệt để truy tố các nhà lãnh đạo Nga".
Thùy Dương
**************************
Nga đẩy cuộc chiến Ukraine sang ‘giai đoạn khác’
VOA, 28/01/2023
Vị tướng hàng đầu của Liên Hiệp Châu Âu ngày 27/1 tuyên bố Nga đang đẩy cuộc chiến ở Ukraine sang một ‘giai đoạn khác’, tiến hành các cuộc tấn công bừa bãi nhắm vào dân thường và các thành phố, như một phản ứng đối với các quyết định gần đây của các đồng minh NATO gửi vũ khí tiên tiến tới hỗ trợ Ukraine.
Thị trấn Bakhmut, Ukraine, bị Nga tấn công ngày 27/12/2022.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Tokyo, Tổng thư ký Cơ quan Hành động Đối ngoại Châu Âu Stefano Sannino nhận xét Nga không còn tập trung vào các mục tiêu quân sự mà đang thực hiện các cuộc tấn công bừa bãi vào các thành phố và người dân.
"Tôi nghĩ rằng diễn biến mới nhất này về mặt tiếp tế võ trang chỉ là một tiến hóa của tình hình và cách Nga bắt đầu chuyển cuộc chiến sang một giai đoạn khác", ông nói.
"[Tổng thống Nga Vladimir] Putin đã chuyển từ khái niệm về [một] chiến dịch [quân sự] đặc biệt sang khái niệm về một cuộc chiến chống lại NATO và phương Tây", ông Sannino lưu ý.
Các bình luận được đưa ra khi Đức và Hoa Kỳ tuyên bố trong tuần này rằng họ sẽ gửi xe tăng chiến đấu tiên tiến tới Ukraine, với hy vọng đối đầu với sức mạnh hỏa lực mà Nga có trên mặt đất.
Dường như để đáp trả, chính quyền Ukraine báo cáo rằng Nga đã tiến hành các cuộc tấn công phi đạn mới vào một số địa điểm của Ukraine, giết chết 11 người hôm 26/1 và 10 người khác vào ngày 27/1, làm bị thương hàng chục người khác.
Vị tướng EU cho biết nguồn cung cấp mới từ phương Tây không phải là một sự leo thang, mà là một nỗ lực để tạo cơ hội cho Ukraine tự vệ. Ông cho biết những diễn biến đã buộc ông Putin phải thay đổi cách nói ban đầu của mình, trong đó ông mô tả cuộc xâm lược là một ‘chiến dịch đặc biệt’ nhằm giải phóng Ukraine khỏi chế độ Đức Quốc xã.
"Bây giờ chúng ta đang nói về một cuộc chiến với NATO và phương Tây. Câu chuyện khác rồi", ông Sannino nói.
Trong bài phát biểu hàng ngày trước quốc dân hôm 26/1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ lòng biết ơn đối với việc ngày càng có nhiều quốc gia cam kết cung cấp vũ khí tiên tiến, bao gồm cả xe tăng, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh việc cung cấp các hệ thống vũ khí đã hứa.
Ông Zelensky nói cách duy nhất để ngăn chặn ‘sự gây hấn của Nga’ là có ‘vũ khí phù hợp’. Ông nhấn mạnh, "Nhà nước khủng bố sẽ không hiểu bất cứ điều gì khác".
Tổng thống Ukraine cũng đánh giá cao các nguồn cung cấp của phương Tây để bảo vệ thêm khỏi các cuộc tấn công mới nhất.
"Hôm nay, nhờ các hệ thống phòng không cung cấp cho Ukraine và sự chuyên nghiệp của các chiến binh của chúng tôi, chúng tôi đã bắn hạ được hầu hết các phi đạn Nga và máy bay không người lái Shahed của Iran", ông Zelensky nói trong bài phát biểu của mình.
"Thật không may, rất khó để bảo vệ 100% chỉ với phòng không. Đặc biệt là khi những kẻ khủng bố sử dụng phi đạn đạn đạo", ông nói thêm.
Trong một bài đăng trên Telegram, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal nói : "Các lực lượng của Moscow tiếp tục nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine vào giữa mùa đông, một nỗ lực nhằm làm mất tinh thần người dân Ukraine. Mục tiêu chính là các cơ sở năng lượng, cung cấp ánh sáng và nhiệt cho người Ukraine".
Thị trưởng Kyiv, Vitali Klitschko, cho biết một người thiệt mạng ở thủ đô Ukraine và hai người khác bị thương khi một phi đạn rơi trúng một tòa nhà. Văn phòng tổng công tố nhà nước cho biết ba người đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng ở Zaporizhzhia, nơi đặt nhà máy hạt nhân lớn nhất Châu Âu, và đã có báo cáo về các cuộc tấn công ở khu vực Vinnytsia ở phía tây Ukraine và bên ngoài Odessa.
Robot Nga sắp đối đầu xe tăng hạng nặng phương Tây trên chiến trường Ukraine ?
Estonia cảnh báo, đối với Moskva, số 600 lính Nga tử trận mỗi ngày là con số có thể chấp nhận được để làm kiệt quệ Ukraine. Về vũ khí, Le Figaro đặt câu hỏi, liệu robot chống tăng "Marker" của Nga có thể "thiêu cháy" các xe tăng hạng nặng phương Tây mà Kiev sắp nhận được, như Moskva tuyên bố hay không ?
Ảnh tư liệu chụp ngày 20/05/2019 : Xe tăng Leopard 2 A7 của quân đội Đức trong một cuộc tập trận. AFP – Patrik Stollarz
Tham mưu trưởng quân đội Estonia : Nga còn nhiều vũ khí
Liên quan đến tình hình Ukraine, tướng Martin Herem, tổng tham mưu trưởng quân đội Estonia khi trả lời phỏng vấn Le Figaro đã nhận xét "Nga vẫn còn nhiều nguồn lực" cho một cuộc chiến lâu dài. Trước chiến tranh Nga đã sản xuất 1,7 triệu quả đạn pháo, và số dự trữ còn trên 10 triệu quả. Với lệnh động viên, Moskva có thể tăng gấp đôi sản lượng. Ngoài ra vẫn còn nhiều loại hỏa tiễn khác nhau như S300, hỏa tiễn chống hạm X22, được sử dụng để làm lực lượng phòng không Ukraine kiệt sức.
Trong một, hai tháng nữa khi thời tiết tốt hơn, Nga có thể lại tấn công. Không nên ngồi chờ, vì vậy mà Kiev cần phương Tây hỗ trợ rất nhiều. Nếu Ukraine có được nhiều xe tăng hạng nặng tốt hơn các xe tăng thời Liên Xô hay do Nga sản xuất hiện có, sẽ tạo được sự khác biệt trên chiến trường, nhưng phải đi kèm với pháo, thiết giáp và phòng không. Giờ đây là một cuộc chạy đua chuẩn bị giữa hai phe. Phương Tây nên giúp cho Kiev các phương tiện tấn công tầm xa hơn 20 kilomet và giúp huấn luyện.
Tuy nhiên tướng Herem cảnh báo, nếu đánh giá tình hình theo cách nhìn của phương Tây, thì Nga mỗi ngày đều chịu thiệt hại, thậm chí coi như đã bại trận. Nhưng đối với Moskva, số 600 lính Nga tử trận mỗi ngày là con số có thể chấp nhận được, để làm kiệt quệ Ukraine. Trước cái chết, Nga và phương Tây có thái độ không giống nhau. Ông Herem nói : "Từ khi người Nga mất đi một người anh em, người cha hay con trai vì Ukraine và sự yểm trợ của các nước, họ thù oán chúng ta". Vladimir Putin lại được ủng hộ nhiều hơn.
Về các kế hoạch mới đang được NATO thảo luận, Estonia chờ đợi những chi tiết cụ thể trong phân bố lực lượng với Ba Lan, Romania để đối phó trong trường hợp khủng hoảng. Tướng Martin Herem tin rằng một khi có dịp, lực lượng quy ước của Nga sẽ vượt qua biên giới nước ông trong hai, ba năm tới. Quân Nga không cần chiếm thủ đô, mà chỉ tấn công một thời gian ngắn để gây rối loạn ở Estonia và trong khu vực.
Bakhmut : Nga truy lùng sĩ quan và đội ngũ y tế Ukraine
Trên thực địa, đặc phái viên của Libération tại Bakhmut mô tả ở chiến trường khốc liệt này, "quân Nga truy lùng các sĩ quan và nhân viên y tế". Áp lực của Nga ngày càng gia tăng với những trận bom không ngơi nghỉ, thương vong của phía Ukraine rất lớn.
Dưới tầng hầm của một căn cứ, khoảng 30 chiến binh của một đơn vị vô danh lo tháo gỡ những chiếc giường tầng để di chuyển sang một địa điểm khác. Người chỉ huy cho biết Nga tấn công dữ dội hơn từ khi chiếm được làng Soledar. Từ khi mất ngôi làng này, mỗi ngày phải chăm sóc khoảng 30 thương binh thay vì 5 như trước. Giờ đây quân Nga đánh vào Bakhmut đồng thời từ ba hướng : vùng ngoại ô Bakhmutka ở phía đông, làng Opytne ở phía nam, và từ Soledar phía bắc.
Một đơn vị y tế khác dời từ Soledar sang cách đây một tuần, đang trú ngụ bên trong một cửa tiệm. Sasha, một nhân viên nói rằng số bị thương nhiều đến nỗi đôi khi xe không đủ chỗ chứa. Anh rơi nước mắt cho biết lực lượng Ukraine thiệt hại đến 75%. Đơn vị này chịu trách nhiệm duy trì sự sống cho thương binh cho đến khi đưa họ tới bệnh viện dã chiến mới, được dời khỏi Bakhmut sau khi bị một hỏa tiễn S300 làm hư hại và giết chết bốn nhân viên y tế. Gmenka nói với nhà báo, quân Nga dùng các drone để theo dõi, và nhắm vào hai mục tiêu chính là các sĩ quan và đơn vị y tế Ukraine.
Ở Bakhmut vẫn còn lại 8.000 thường dân, sống với nhịp độ bom đạn không ngừng rơi. Đi bộ hay đi xe đạp, họ cố tránh những hố bom, những quả đạn chưa nổ, những mảnh kính vỡ rải đầy trên những con đường của thành phố trước đây có 73.000 dân. Họ sống sót bằng thực phẩm, thuốc men do các tổ chức tình nguyện cung cấp, và với ngôi chợ nằm lọt trong những đống đổ nát. Có người cho rằng không thể để mất Bakhmut vì như vậy sẽ mở đường cho Nga tiến vào Kramatorsk và Sloviansk, hai thành phố chính ở Donetsk đang do Ukraine kiểm soát. Người khác lại cho rằng vẫn có thể rút khỏi Bakhmut và tái chiếm sau đó khi thuận tiện, "hy sinh mạng người là chiến lược của Wagner chứ không phải của chúng tôi".
Robot Nga đối đầu xe tăng hạng nặng phương Tây ?
Về phương tiện chiến đấu, Le Figaro đặt câu hỏi, robot chống tăng "Marker" của Nga liệu có thể "thiêu cháy" các xe tăng hạng nặng phương Tây mà Kiev sắp nhận được hay không ?
Xe tăng đấu với robot ? Lời đáp trả của Nga trước việc Đức, Mỹ, Anh chi viện cho Ukraine, theo tờ báo, mang màu sắc khoa học giả tưởng. Ngày 29/01, Dimitri Rogozhin, người lãnh đạo Roscosmos (tức NASA của Nga) loan báo gởi đến Donbass trong tháng Hai, bốn drone mặt đất chống tăng "Marker". Những robot này sau khi tập dượt sẽ chiến đấu với các xe tăng hạng nặng được phương Tây chuyển giao cho Ukraine. Tuyên bố trên đây được đưa ra một ngày sau khi thủ tướng Đức Olaf Scholz rồi đến tổng thống Mỹ Joe Biden bật đèn xanh cho việc cung cấp xe tăng Leopard 2 và Abrams. Phát ngôn viên Kremlin Dimitri Peskov dọa sẽ "thiêu cháy" tất cả.
Đốt cháy bằng robot chăng ? Chuyên gia vũ khí Marc Chassillan nhận định, dùng chữ cỗ máy điều khiển từ xa đúng hơn là robot, vì đó là những mô hình thí nghiệm. Các robot quân sự mặt đất ở Nga cũng như các nơi khác vẫn chưa hoàn chỉnh để có thể tự đi chiến đấu, khác với các drone trên không và dưới nước. "Marker" là thiết giáp không người điều khiển tương đối nhẹ, với 6 bánh xe hoặc bánh xích, nặng 3 tấn thay vì 40 tấn như xe hạng nặng ; trang bị súng máy, súng phóng lựu và nhất là hỏa tiễn chống tăng.
Chỉ là tiểu thuyết viễn tưởng
Loại drone mặt đất này có thể điều khiển từ xa, hoặc tự hành nhờ trí thông minh nhân tạo. Vẫn cần đến hai người để vận hành, một cho việc di chuyển, người thứ hai lo về hệ thống vũ khí. Cho đến nay, các cảm biến và thuật toán dùng để xử lý vẫn chưa thể giúp drone mặt đất chọn lựa đường đi và đối phó chướng ngại vật. Chúng chỉ được sử dụng như lính canh hoặc lính tuần tra, phải học thuộc lòng lộ trình để bảo vệ một địa điểm, và chỉ biết có thế. Cũng với nhiệm vụ này mà "Marker" được dùng lần đầu năm 2021 tại sân bay vũ trụ Vostochny.
Dimitri Rogozhin khoe với RIA Novosti, ngay khi Abrams và Leopard bắt đầu được giao, "Marker" sẽ được tải hình các xe tăng này về và có thể tự động tấn công bằng ATGM (hỏa tiễn chống tăng thông minh). Marc Chassillan cho rằng đó chỉ là lời khoác lác, tuy vậy Nga cũng có lợi khi cho các drone mặt đất thử nghiệm trên chiến trường thực sự. Theo nhà nghiên cứu Christian A. Andersson, Nga, Trung Quốc và Hoa Kỳ đang chạy đua phát triển robot cho những cuộc chiến tranh tương lai. Từ năm 2016, Nga đã đưa sang Syria các drone chiến đấu mặt đất Uran-9, drone chống mìn Uran-6 và drone cứu hỏa Uran-14.
Le Figaro kết luận, ít nhất có một điều chắc chắn là "Marker" của Nga không thể "đốt cháy" Leopard, Challenger và Abrams. Lợi ích của Moskva nằm ở chỗ khác. Thay vì đưa vào hoạt động các xe tăng loại mới Armata, hiện chỉ đếm được trên đầu ngón tay, Nga cần phải phối hợp thành công giữa các xe tăng Tu-72, Tu-80, Tu-90, các loại pháo cơ động và pháo kéo, trực thăng chiến đấu Mi-28 và Ka-52, chiến đấu cơ Su-25, drone tự hủy Lancet.
Dùng chiến thuật "biển vũ khí", Nga có hy vọng đối phó được với công nghệ tân tiến của phương Tây. Còn phía Ukraine đối mặt với những khó khăn trước số vũ khí đa dạng, cách điều khiển phức tạp. Chiến trường thực sự dữ dội, chứ không như việc "làm truyền thông" và sáng tác tiểu thuyết viễn tưởng.
Pháp & Úc hòa giải, sản xuất đạn 155 ly cho Ukraine
Cũng về vũ khí, Les Echos cho biết "Pháp và Úc sẽ cùng sản xuất đạn pháo cho Ukraine". Đây là một trong những dấu hiệu đầu tiên về sự hòa giải giữa hai nước. Hàng ngàn quả đạn 155 ly mà Kiev đang rất cần sẽ được tập đoàn Pháp Nexter sản xuất, Úc cung cấp thuốc súng. Đợt hàng đầu tiên của hợp đồng nhiều triệu đô la sẽ được giao vào cuối quý I.
Tuy Pháp không có chỗ trong liên minh AUKUS, nhưng Paris và Canberra cùng nhìn về tương lai, nhất là trong lãnh vực vũ trụ, drone giám sát hàng hải. Bên cạnh đó là cuộc tập trận chung Pitch Black tại Nam Thái Bình Dương, nơi Pháp muốn tăng cường sự hiện diện quân sự.
Ấn Độ bị Trung Quốc lấn dần lãnh thổ ở Himalaya
Tại Châu Á, Le Monde chú ý đến tình trạng "Ấn Độ đang chịu sự đe dọa của Trung Quốc ở Himalaya". Đó là một cuộc xung đột ít được truyền thông đưa tin rộng rãi như cuộc đối đầu giữa Bắc Kinh với Đài Loan.
Những cuộc đàm phán từ hai năm rưỡi qua vẫn trong ngõ cụt. Dường như Bắc Kinh đã chiếm thêm được 1.000 đến 2.000 kilomet vuông nữa, quân đội Ấn Độ không còn có thể tuần tra và dân du mục cũng không thể chăn thả đàn gia súc.
Ấn Độ đứng trước thế lưỡng nan : leo thang quân sự gây lo ngại, nhưng không phản ứng sẽ bị Trung Quốc gặm nhấm dần và chắc chắn sẽ mất hẳn đất đai. Giáo sư Happymon Jacob của Hội đồng Nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng nhận định thái độ của New Delhi trước Bắc Kinh giống như "nhắm mắt và tự nhủ rằng đang là ban đêm".
Bắc Kinh héo tàn giấc mơ đuổi kịp công nghệ Mỹ
Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos nhận định "Bắc Kinh thấy hy vọng rút ngắn khoảng cách về công nghệ bị các trừng phạt của Mỹ đe dọa". YMTC (Yangtze Memory Technologies Co), tập đoàn hàng đầu Trung Quốc về chip điện tử sắp sửa được Apple nhận làm nhà cung cấp, thì có tin "sét đánh" : bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho vào danh sách đen cùng với 35 công ty Trung Quốc khác. Các công ty Mỹ bị cấm buôn bán với những đơn vị trong danh sách, trừ phi xin được giấy phép. Biện pháp này đã từng hạ gục tập đoàn viễn thông Hoa Vi (Huawei) đang làm mưa làm gió trên thị trường hồi năm 2019.
Được thành lập năm 2016 với sự hỗ trợ tài chánh của nhà nước, YMTC nhanh chóng vươn lên hàng đầu về bộ nhớ. Bộ chip thế hệ mới 3D NAND của hãng này với 232 lớp, kém đối thủ Hàn Quốc đôi chút (238 lớp) nhưng rẻ hơn 20%, được Apple dự định dùng cho iPhone. Nhưng tất cả đã sụp đổ, Apple nhanh chóng nói lời từ biệt và các khách hàng ngoại quốc khác bắt đầu chuyển hợp đồng sang các nhà cung cấp ngoài Hoa lục. Theo South China Morning Post hôm qua, YMTC có thể phải sa thải 10% nhân viên.
Bắc Kinh đã đầu tư nhiều tỉ đô la vào công nghệ chất bán dẫn, tạo ra các công ty hàng đầu như SMIC et YMTC, thúc đẩy các lãnh vực chiến lược như bộ vi xử lý cần thiết cho trí thông minh nhân tạo. Nhưng đòn tấn công của Mỹ có thể làm chiến lược này sụp đổ, nhất là Washington đã thuyết phục được Nhật Bản và Hà Lan cùng hạn chế bán thiết bị sản xuất chất bán dẫn tân tiến cho Trung Quốc - lãnh vực đang được thống trị bởi hai công ty không phải của Mỹ. Tập đoàn ASML của Hà Lan hiện chiếm 90% thị trường thiết bị "in" chip vi mạch, và Nikon của Nhật chiếm số còn lại. Cơ quan tư vấn Gavekal cho rằng dù chi tiết chưa được công bố, thỏa thuận này khiến Trung Quốc rất khó duy trì những tiến bộ mới đây về các loại chip cao cấp.
Đình công chống cải cách hưu trí chiếm trang nhất báo Pháp
Hôm nay 31/01/2023 ngày tổng đình công để phản đối cải cách hưu trí, đề tài này được đề cập nhiều nhất bên cạnh chiến sự Ukraine. Nhật báo Le Figaro cánh hữu chạy tựa trang nhất "Trước những phản đối, Macron tỏ ra cứng rắn", Libération thiên tả đăng hình vẽ nhân vật Obélix đang cõng tảng đá quen thuộc trên đó có những người Gô-loa, xông tới tấn công phe cải cách, chân đạp lên tấm vải có mang con số "64" mà chú chó đang ngậm, hăng hái kêu gọi "Hưu trí : Toàn bộ xứ Gaule phản đối". Le Monde giải thích "Hưu trí : Những chiếc chìa khóa trong cuộc chiến ở Quốc hội". Các dân biểu đảng cầm quyền muốn sửa đổi một số điều khoản liên quan đến phụ nữ và thâm niên, thủ tướng Elisabeth Borne nhấn mạnh tuổi về hưu 64 là "không thể thương lượng".
Thụy My
Vì sao chiến tranh ở Ukraine sẽ không trở thành Đệ tam Thế chiến ?
Nguy cơ chiến tranh Ukraine biến thành xung đột toàn cầu không phải là không có, nhưng vô cùng thấp. "Chúng ta đang tiến đến Đệ tam Thế chiến" - từ nhiều tháng qua, mối lo này vẫn được nhấn mạnh, chủ yếu từ những người muốn phương Tây giảm bớt ủng hộ Ukraine - nếu không phải trực tiếp từ Kremlin.
Những chiến sĩ Ukraine trên đường ra mặt trận ở Donetsk ngày 28/01/2023. AP - Andriy Dubchak
Thế giới thay đổi, nghiệp đoàn Pháp vẫn từ chối cải cách
Các nghiệp đoàn lại kêu gọi đình công phản đối cải cách chế độ hưu trí ở Pháp, chiến tranh Ukraine, căng thẳng ở Đông Jerusalem, bạo lực cảnh sát ở Mỹ, đó là các đề tài thời sự được đề cập nhiều nhất hôm nay. Les Echos chạy tựa trang nhất "Cải cách hưu trí : Những điều chỉnh cuối cùng", La Croix nhấn mạnh "Hưu trí : Phụ nữ bị bất lợi", Le Monde giải thích "Vì sao việc cải cách trở nên phức tạp".
Xã luận của Le Figaro nhận định từ những ngày qua, phe ôn hòa tìm cách tránh cho phong trào đi quá xa, nhưng những người cực đoan nhất mà đứng đầu là nghiệp đoàn CGT vẫn đổ dầu vào lửa, mơ diễn lại kịch bản tổng đình công năm 1995. Nhưng nước Pháp năm 2023 với những rạn vỡ, khả năng làm việc từ xa, mạng xã hội, lạm phát… khác hẳn thời xưa. Thế giới đã thay đổi rất nhiều từ gần 30 năm qua, nhưng các nghiệp đoàn này vẫn luôn từ chối mọi cải cách, đối thoại, bắt chẹt công dân Pháp qua việc phong tỏa các nhà máy lọc dầu, và thường xuyên nhất là làm cho giao thông công cộng bị đình trệ.
Nga : Phạm đại tội vẫn được xóa án sau khi phục vụ Wagner
Le Monde chú ý đến sự kiện "Tại Nga, những tù nhân đầu tiên từ chiến trường trở về đời sống dân sự tự do". Đó là những tội phạm hình sự đã hoàn tất sáu tháng hợp đồng với lực lượng đánh thuê Wagner. Một số phương tiện truyền thông khu vực và trang web Nga lưu vong thuật lại những câu chuyện này.
Chẳng hạn Alexandr Tiutin, doanh nhân ở Saint-Petersburg bị bắt năm 2008 khi đang chuẩn bị hạ sát cô cháu gái. Ông ta đã từng mướn người dùng búa giết chết một đối tác làm ăn cùng với vợ con người này. Bị lãnh án 23 năm tù vào năm 2021, Tiutin tham gia Wagner và nay tự do trở về Saint-Petersburg. Hay Kirill Neglin, bị kết án vì tội buôn ma túy và đánh đập vợ, trước tòa từng thề sẽ giết người vợ khi ra tù, nay cũng được tự do.
Sát nhân, trộm cướp, băng nhóm tội phạm... sau sáu tháng cầm súng tại Ukraine đều được xóa án. Ông chủ Wagner, Yevgeny Prigozhin thích nhắc đi nhắc lại : "Chỉ có ba người đưa được các bạn ra khỏi nhà tù : Allah, Thượng đế và tôi". Trên thực tế, Vladimir Putin là người duy nhất có thể ân xá cho một tội phạm.
Prigozhin kín tiếng một cách bất thường, từ chối trả lời khi Le Monde hỏi về Trung tâm Wagner mới khai trương ở Saint-Petersburg, cũng như tổng số tù nhân được trả tự do. Không ai biểt được sự thực ra sao, có vẻ như con số này rất thấp so với số lượng được huy động ồ ạt để làm bia đỡ đạn. Tờ báo ghi nhận một chi tiết : hôm 25/01, chủ tịch Duma Vyacheslav Volodin yêu cầu các dân biểu chuẩn bị một luật liên quan đến tội danh "làm mất uy tín những người tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt". Dự luật được đo ni đóng giày để làm hài lòng ông Prigozhin, cấm nói cụ thể những tội ác đã phạm của một cựu lính đánh thuê.
Ai có lợi khi kéo dài chiến tranh Ukraine ?
Libération đặt vấn đề, ai có lợi khi chiến tranh kéo dài ở Ukraine ? Nếu Vladimir Putin chiến thắng, sẽ là cơn ác mộng cho Ukraine, cho Châu Âu và thế giới. Một bức màn sắt mới sẽ buông xuống châu lục, độc tài thắng dân chủ. Nhưng tuy nhất thiết không thể để Putin thắng cuộc, toàn bộ quân Nga phải rút khỏi Ukraine, cũng không nên để cho thất bại của nhà độc tài ở điện Kremlin dẫn đến sự tan vỡ của Liên bang Nga. Do vậy các đồng minh của Kiev tự đặt ra những lằn ranh đỏ : không có cố vấn Âu Mỹ ở Ukraine, không tấn công vào các thành phố Nga, chỉ cung cấp vũ khí ở mức độ tương đương với Nga chứ không hơn. Cho đến nay, Putin vẫn chưa thấy trả đũa.
Quyết định chuyển giao xe tăng hạng nặng vừa được đưa ra, tổng thống Zelensky và cộng sự không để mất một giây nào, đề nghị xin hỗ trợ chiến đấu cơ và bom thông minh, để duy trì ưu thế trước một nhà độc tài chọn lựa cuộc chiến kéo dài, nhằm làm kiệt quệ người Ukraine và khiến dư luận Châu Âu chán nản. Vladimir Putin sẽ huy động thêm hàng trăm ngàn tân binh để đè bẹp đối thủ, theo truyền thống biển người xô-viết. Giai đoạn mới này sẽ phục vụ cho việc tranh cử tổng thống năm 2024 của ông ta. Những ngày, những tháng càng trôi qua, đất nước Ukraine càng bị phá hủy, thêm nhiều người chết, và thời gian chừng như đứng về phía Putin.
Độc tài, dân túy không hứa hẹn tương lai mà quay về quá khứ
Về mặt chính trị, Les Echos ghi nhận "Lòng hoài nhớ phục vụ cho các nhà dân túy và bạo chúa". Để chinh phục, họ không còn hứa hẹn một "tương lai huy hoàng", mà là việc quay lại với một "quá khứ vẻ vang". "Make America Great Again" (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) là câu khẩu hiệu hết sức thành công của ông Donald Trump năm 2016, nhất là đối với những người "cổ xanh" hay lớp trung lưu, vốn cảm thấy bị "xuống cấp" trong một nước Mỹ ngày càng bớt "trắng". "Take Back Control" (Nắm lại quyền kiểm soát) là câu châm ngôn đắc thắng của những người ủng hộ Brexit tại Anh. Lá phiếu của họ ẩn chứa sự nuối tiếc về thế giới của ngày hôm qua, một thế giới mà đế quốc Anh làm bá chủ đại dương. Không chỉ phe dân túy, mà các nhà độc tài như Vladimir Putin cũng lợi dụng. Tuy tỏ ý nuối tiếc Liên Xô cũ, nhưng thực ra ông ta tự coi là người kế tục của Peter đại đế, dù với sự hoang tưởng ngày càng tăng, Putin giống Stalin hơn.
Làm thế nào mà ở thế kỷ 21, hoài niệm quá khứ lại vượt lên trên niềm hy vọng về tương lai ? Phải chăng có yếu tố biến đổi khí hậu, đại dịch và nay là chiến tranh quay lại Châu Âu ? Les Echos nhắc nhở, bên cạnh quá khứ huy hoàng còn có quá khứ đáng xấu hổ. Thái độ ngần ngại của thủ tướng Đức Olaf Scholz phải chăng có phần nào từ sự ân hận : trong Đệ nhị Thế chiến, những xe tăng Panzer Đức đã gây khốn đốn cho người xô-viết. Tác giả bài viết cho rằng nên suy nghĩ ngược lại, chính vì vậy mà nước Đức ngày nay càng phải làm mọi cách để khống chế nước Nga của Putin - là bản sao của Hitler thời trước.
Gieo hoang mang về nguy cơ đại chiến chỉ có lợi cho Nga
Nhìn chung về địa chính trị, Les Echos giải thích "Ukraine : Vì sao đại chiến thế giới lần thứ ba sẽ không xảy ra". Theo tờ báo, nguy cơ chiến tranh Ukraine biến thành xung đột toàn cầu không phải là không có, nhưng vô cùng thấp.
"Chúng ta đang tiến đến Đệ tam Thế chiến" - từ nhiều tháng qua, mối lo này vẫn được nhấn mạnh, chủ yếu từ những người muốn phương Tây giảm bớt ủng hộ Ukraine - nếu không phải trực tiếp từ Kremlin. Theo họ, việc chuyển giao vũ khí cho Kiev nhất là các xe tăng hạng nặng, có thể gây ra phản ứng nguy hiểm của Nga. Hôm thứ Năm 26/01 Kremlin nói rằng phương Tây "trực tiếp liên can" đến xung đột, dù vậy vẫn không dùng chữ "đồng tham chiến" - khái niệm trong luật quốc tế, đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực của những người lính trong các trận đánh.
Liệu có thể dần dần gây ra cuộc xung đột thế giới 3.0, với nguy cơ tận thế vì bom nguyên tử ? Rất ít khả năng. Trước hết, thế chiến có nghĩa là cả thế giới đều liên can. Thời Đệ nhị Thế chiến, có khoảng 60 quốc gia cùng với thuộc địa trên cả năm châu tham gia. Trong khi nếu xung đột xảy ra giữa phương Tây với Nga, có đến 3/4 nhân loại và 130 nước vẫn đứng ngoài, với thái độ nhập nhằng.
Hai cường quốc nguyên tử không khi nào trực tiếp đối đầu
Cũng trên Les Echos, chuyên gia Olivier Kempf của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược lưu ý là không còn những khối như trước, Nga không có được sức mạnh và ảnh hưởng như Liên Xô cũ. Phương Tây cũng không có khả năng lôi kéo phần lớn thế giới đứng sau lưng mình - như sự vắng mặt của nhiều nước Châu Phi, Châu Á, Nam Mỹ tại Liên Hiệp Quốc. Tiếp đến, là điều cấm kỵ từ 75 năm qua : không bao giờ một nước có bom nguyên tử lại đối đầu với một nước cũng sở hữu loại vũ khí đáng sợ này, kể cả trong chiến tranh quy ước.
Lý do là một cuộc xung đột như vậy có thể không giới hạn ở việc bắn pháo qua lại ở cấp lữ đoàn và để không bị mất mặt, những kẻ hiếu chiến sẽ leo thang. Một hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật bắn đi có thể bị trả đũa bằng vũ khí chiến lược (một quả bom mạnh hơn), cho đến khi thế giới bị hủy diệt. Nói rõ hơn, nếu lính Nga và phương Tây đối mặt trên chiến địa, họ sẽ đi qua một ngã tư dẫn đến nhiều con đường, trong đó có ít nhất một ngả đường thảm khốc cho văn minh nhân loại. Chính vì coi là nghiêm túc, nên không chỉ tránh né kịch bản nguyên tử mà cả việc đối đầu cổ điển.
Nếu xung đột giữa Liên Xô và phương Tây luôn diễn ra theo kiểu ủy nhiệm, thông qua các chế độ đồng minh ở Châu Phi, Mỹ la-tinh hay Châu Á, phải nhìn nhận rằng những quân nhân Nga và Mỹ trên thực tế đã bắn nhau nhiều lần. Trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), hàng trăm MiG-15 Trung Quốc và Bắc Triều Tiên do phi công Liên Xô lái, nhưng được lệnh không được dùng ngôn ngữ của Dostoïveski trong điện đàm. Họ đã bắn hạ hàng trăm phi cơ Mỹ, và cũng chịu thiệt hại tương đương. Những sự cố như vậy, dù hiếm hoi, cũng được ghi nhận tại Việt Nam. Nhưng về mặt chính thức không phải là đối đầu trực tiếp : Moskva và Washington đã ngầm thỏa thuận giữ bí mật, chỉ bị tiết lộ sau khi Liên Xô sụp đổ, nhờ vài nhà sử học kiên trì.
Tấn công NATO, quân đội Nga sẽ bị tiêu diệt
Không trực tiếp đối mặt giữa các cường quốc nguyên tử, điều cấm kỵ này vẫn nguyên vẹn trong 40 năm chiến tranh lạnh, và những căng thẳng khắp nơi trên thế giới. Rủi ro đầy dẫy, nhưng mỗi lần lý trí đều chiến thắng, có khi vào phút chót như khủng hoảng hỏa tiễn Cuba năm 1962. Các quốc gia có vũ khí nguyên tử khác cũng vậy, như Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc. Những người lính Ấn và Trung Hoa thỉnh thoảng lại giao tranh tại Himalaya bằng cách... ném đá và phang gậy. Súng ống để lại trong tủ !
Les Echos cho hay, chỉ có một ngoại lệ ít được biết đến, là cuộc chiến biên giới (200 đến 20.000 người chết) năm 1969 giữa Liên Xô và Trung Quốc trên đảo Damanski/Trân Bảo (Zhenbao) của một nhánh Hắc Long Giang. Nhà nghiên cứu Olivier Kempf coi đó là "một sự cố hạn chế giữa Liên Xô và một cường quốc nguyên tử còn phôi thai".
Nếu điều cấm kỵ này bỗng chốc bị phá vỡ, vẫn khó thể diễn ra chiến tranh quy ước giữa Nga và NATO. Cũng theo ông Olivier Kempf, phương Tây không thể cùng Ukraine tấn công vì nhiều lý do. Về pháp lý, không được ủy nhiệm chính thức. Về hậu cần, rất khó khăn với một mặt trận dài đến 1.500 kilomet. Về hoạt động quân sự, sẽ chịu nhiều thiệt hại, về chính trị, không được dư luận ủng hộ. Và về chiến lược, vì mức trần nguyên tử. Còn nếu quân Nga - vốn đã tập trung sức lực cả tháng trời mới chiếm được ngôi làng hẻo lánh Soledar - tấn công Ba Lan hay một quốc gia Baltic theo lệnh Kremlin để mở rộng xung đột, sẽ là thảm họa.
Quân đội Nga, đã mất phân nửa số xe tăng tại Ukraine và số binh sĩ tử trận gấp ba lần so với chiến trường Afghanistan trong suốt mười năm, sẽ bị tiêu diệt bởi không quân, hạm đội và các hỏa tiễn của NATO. Các tướng lãnh Nga từ nay đã hiểu được điều này.
Thụy My
Như vậy, cuộc chiến xâm lược của Nga tiến hành trên lãnh thổ Ukraine đã bước qua ngày thứ 340.
Cả thế giới đã đứng bên cạnh Ukraine trong cuộc chiến chính nghĩa, chống xâm lược và bảo vệ nền dân chủ non trẻ của mình.
So với kế hoạch lúc đầu của Putin khi xua quân tràn vào trên toàn tuyến biên giới Nga – Ukraine - Belarus là cuộc chiến sẽ chỉ cần 3 ngày, để rồi sau đó đội quân nhạc và duyệt binh đi theo sẽ bắt đầu cho việc duyệt binh mừng chiến thắng của quân đội Nga tại Kyiv đã trễ so với kế hoạch đến hơn 113 lần thời gian đã định.
Mặc dù vậy, thì đến nay, đội quân xâm lược ấy đã không còn cái thế chẻ tre và khí thế ban đầu, trái lại đội quân đó đã thể hiện sự yếu nhược, rệu rã sau khi đã có những trận thua với danh nghĩa "rút lui thiện chí", "tái bố trí lực lượng"… hoặc chỉ đơn giản là "rút quân chiến thuật" và đang rút về phòng thủ bị động.
Trái lại, dù bị tổn thất rất lớn trong chiến đấu giữ nước, thì quân đội và nhân dân Ukraine đã bước đi những bước ngoạn mục, khơi dậy cho cả thế giới những cảm hứng đầy phấn khích và sự cảm phục đến mức ngạc nhiên, qua đó thu được nhiều thắng lợi không chỉ trên chiến trường, mà trên mọi mặt trận khác từ chính trị, ngoại giao, nội trị và cả những vấn đề hiện tại lẫn tương lai của đất nước.
Cuộc chiến đã thể hiện rất nhiều dấu ấn khác nhau về nhiều mặt, ở đó có những điều mà cả thế giới không ngờ, cả những điều mà thế giới bất ngờ, cũng như có những điều mà người ta không thể tưởng tượng được nếu như cuộc chiến không kéo dài theo chừng đó năm tháng.
Trong tất cả những điều gây sự ngạc nhiên đối với cả thế giới mà chỉ có qua thực tế cuộc chiến, người ta mới nhận ra sự thật khác xa những lời lẽ tuyên truyền của hệ thống tuyên truyền Nga được thừa kế theo đúng nguyên lý của hệ thống tuyên truyền Xô viết cũ để lại.
Người ta thấy sự thay đổi đến chóng mặt từ phía nhà cầm quyền Nga, từ lãnh đạo cao nhất của Nga là Tổng thống Vladimia Putin cho đến bộ sậu tay chân của Putin ở Điện Kremlin về lý do, mục đích, thành công, thất bại… của cuộc chiến.
Tất cả đều thay đổi như chong chóng trước gió.
Trước hết, là những tuyên bố của Nga về việc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, con bài tẩy, con ngáo ộp mà Nga luôn quan niệm rằng sẽ làm cho cả thế giới kinh sợ.
Putin nói rằng Nga "sẽ sử dụng tất cả các phương tiện theo ý của chúng tôi" - được nhiều người hiểu là mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân - để bảo vệ lãnh thổ của đất nước.
Những lời đe dọa
Người ta nhớ rằng :
Ngay khi xua hàng trăm ngàn quân qua biên giới, tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24/2/2022 với sự tự tin đến mức thái quá, Putin đã hành động ngỗ ngược và trắng trợn, bất chấp luật pháp quốc tế và coi thường chủ quyền mọi quốc gia với lời tuyên bố ngạo mạn : Hãy tránh ra, nếu không muốn nhận những hậu quả chưa bao giờ có. Một ngầm ý rất rõ về sự đe dọa hạt nhân.
Những tưởng đội quân xâm lược sẽ được đón chào, những tưởng người dân và quân đội Ukraine sẽ quay mũi súng để "đầu hàng nước Nga vĩ đại" – một cường quốc với sức mạnh quân sự tự xưng đứng thứ 2 thế giới. Và nhất là với lực lượng như chẻ tre, đội quân hùng hậu đó của một "đại cường quốc" có thể nhanh chóng nghiền nát đội quân Ukraine và bắt sống chính quyền Ukraine để hoàn thành cái gọi là "Phi quân sự hóa" và "Phi phát xít hóa" đất nước Ukraine.
Thế nhưng ngay từ khi bắt đầu bước chân đến đất nước Ukraine, đội quân xâm lược đã vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của quân dân Ukraine.
Những tưởng rằng Tổng thống Ukraine, một Tổng thống non trẻ sẽ hoảng sợ mà bỏ chạy trước một Putin cáo già, một cộng sản nòi và là một sĩ quan KGB khét tiếng. Nhưng không, thay vì bỏ chạy khi yếu thế như đã từng xảy ra ở Afganistan, ở Miền Nam Việt Nam năm 1975, chính phủ Ukraine mà đứng đầu là Tổng thống Zelensky đã từ chối "những chuyến xe đi nhờ" để bỏ chạy, mà yêu cầu vũ khí để chiến đấu.
Và chính sự quật cường, anh dũng của Chính phủ và nhân dân Ukraine đã làm nên những bất ngờ, sửng sốt với toàn thế giới.
Để rồi sau sự bỡ ngỡ ban đầu, cộng đồng quốc tế bừng tỉnh và bày tỏ thái độ rõ ràng trước hành động xâm lăng trắng trợn của chính quyền Putin. Chính vì thế, một phong trào đoàn kết với người dân Ukraine, căm phẫn hành động xâm lăng của Nga đã dâng lên khắp thế giới.
Thế nên, chỉ mấy ngày sau, ngày 28/2, Putin đã ra lệnh cho các lực lượng hạt nhân của Nga chuyển sang "chế độ tác chiến đặc biệt", tình trạng báo động cao.
Sự đe dọa hạt nhân này đã đặt cả thế giới trước sự lựa chọn khá khó khăn. Bởi một bên là đất nước và người dân Ukraine dưới họa xâm lăng, một bên là một kẻ bất chấp luật pháp quốc tế với hàng loạt bom hạt nhân trong tay mà chỉ cần một cái bấm nút, thì cả thế giới bỗng chốc tiêu tan.
Trước những lời lẽ hung hăng đe dọa đó từ Nga. Những cường quốc hạt nhân trên thế giới, các quan chức Hoa Kỳ và nhiều nước khác đã nói thẳng rằng : "Một lãnh đạo đất nước có bom hạt nhân mà sử dụng những lời đe dọa bừa bãi như vậy là sự vô trách nhiệm".
Hai tháng sau, Nga cho thử hệ thống đạn đạo mới loại tên lửa Sarmat có thể mang tới 15 đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn 35.000 km (22.000 dặm) với những lời lẽ đầy sự đe dọa với cả thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ rằng : Tên lửa mới có thể đánh bại bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào và nó sẽ khiến các quốc gia đe dọa Nga phải "suy nghĩ lại".
Ngày 24/4 ngoại trưởng Nga Sergey Viktorovich Lavrov tuyên bố rằng sự hỗ trợ thêm cho Ukraine có thể gây ra căng thẳng có thể dẫn đến một kịch bản Thế chiến III liên quan đến kho vũ khí đầy đủ của Nga - tức là hàm ý Nga sẽ sử dụng vũ khí nguyên tử.
Rồi để phản ứng lại việc Đức có thể triển khai xe tăng vũ trang tới Ukraine, Putin tuyên bố rằng Nga sẽ đáp trả bất kỳ hành động khiêu khích quân sự nào từ bên ngoài Ukraine bằng các hành động khẩn cấp chỉ có thể với kho vũ khí hạt nhân duy nhất của Nga.
Thế nhưng, những lời đe dọa tưởng chừng làm thế giới hoảng sợ, đã không hù dọa được ai. Cả thế giới vẫn đứng bên cạnh Ukraine trong cuộc chiến chính nghĩa, chống xâm lược và bảo vệ nền dân chủ non trẻ của mình.
Thế rồi đến khi Putin sáp nhập 4 vũng lãnh thổ vừa chiếm cướp được của Ukraine vào Nga. Ngày 21/9, trước sự phản ứng giận dữ, sự phẫn nộ của cộng đồng quốc tế, Putin một lần nữa chơi con bài của Chí Phèo : Đe dọa "sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ của đất nước". Putin nói rằng Nga "sẽ sử dụng tất cả các phương tiện theo ý của chúng tôi" - được nhiều người hiểu là mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân - để bảo vệ lãnh thổ của đất nước.
Không chỉ Putin, những người có trách nhiệm khác ở Nga đã thi nhau hù dọa bằng bom hạt nhân. Trong đó có thể kể đến Medvedev – nguyên Tổng thống Nga – hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh Liên bang Nga. Medvedev đã liên tục đe dọa việc sử dụng vũ khí hạt nhân như một biện pháp cần thiết đối với việc khuất phục cả thế giới với cơn giận dữ của họ trước những hành động ngang ngược và trắng trợn của Nga.
Thế nhưng, trước sự hù dọa rất bừa bãi của giới lãnh đạo Nga, cả thế giới mới thấy rằng không thể đùa bỡn với một quốc gia có dàn lãnh đạo với bản chất Chí Phèo này, cả thế giới đã nghiêm khắc cảnh cáo đối với lãnh đạo Nga. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã nhắc nhở rằng Nga đừng đùa với chuyện muốn đưa cả thế giới vào địa ngục. Còn Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết rằng : Những hậu quả đối với Nga nếu nước này sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến với Ukraine đã được chuyển tải tới ông Putin.
Như vậy là đã rõ, cả thế giới không hoảng sợ trước con ngáo ộp vũ khí hạt nhân của Nga và sẵn sàng đối đầu không khoan nhượng nếu Nga cắn càn.
Như vậy là mảnh vỏ chai trong tay Chí Phèo đã không dọa được ai và mất tác dụng ở trường hợp này.
Trước những sự cứng rắn của cả thế giới, Nga đã thấy rằng con bài Chí Phèo sử dụng ở thời buổi này quả là không mấy có tác dụng khi mà cả thế giới đồng lòng, cảnh giác.
Và đến khi đó, thì ngày 27/10/2022, Tổng thống Nga Putin đã lập tức đổi giọng mà tuyên bố rằng : "Moscow chưa bao giờ "cố ý nói bất cứ điều gì" về việc sử dụng vũ khí hạt nhân".
Và Medvedev cũng lập tức đổi giọng, ông ta cho rằng : "Những điều mà Phương Tây nói về sự de dọa vũ khí hạt nhân của Nga là sự hoang tưởng".
Nghĩa là phía Nga đã phủ nhận và nói ngược lại những điều mà chính họ đã sử dụng từ đầu cuộc chiến đến nay.
Và cả thế giới lại được cơn ngạc nhiên mới. Người ta thấy lạ.
Sự lạ đó, nếu chỉ bởi sự thay đổi này thì chưa hẳn, bởi cả thế giới đã quen sự lật lọng của Nga trong những lời nói của mình được chứng kiến từ đầu cuộc chiến cho đến nay. Nhưng điều lạ, là ở chỗ : Vũ khí hạt nhân, là hy vọng cuối cùng của Nga trong cuộc chiến xâm lược. Nếu không được sử dụng thực tế, thì ít nhất cũng có tác dụng dọa nạt mà ép Ukraine vào bàn đàm phán.
Nhưng ngược lại, Tổng thống Ukraine đã lập tức giải tán nhóm đàm phán khi Putin tuyên số sáp nhập, cướp lãnh thổ Ukraine. Và bây giờ họ chỉ còn có một quyết tâm : Chiến đấu đến cùng cho nền độc lập, tự do của đất nước.
Và đến đây, thì Putin vào thế bí.
Bí lối khi mà quân đội thì thất bại liên tục trên chiến trường và tốc độc tiêu hao quân số đến mức kinh hoàng.
Bí lối khi cả thế giới quay đầu lại với Nga, coi quốc gia này như một nhóm khủng bố và điên cuồng bạo lực, là tội phạm quốc tế. Mọi cửa ngõ làm ăn đã bị bịt kín.
Bí lối, vì vũ khí đạn dược đã cạn kiệt, sự sĩ diện hão của một Cường quốc quân sự cũng đã rơi mất từ khi muối mặt đi mua vũ khí rẻ tiền của Iran.
Và từ chỗ cao ngạo rằng : Ukraine chỉ có một con đường là hạ vũ khí đầu hàng mới được đàm phán với Nga, nếu không thì càng ngày yêu cầu của Nga càng cao. Cho đến nay, Putin nhiều lần cầu cạnh muốn đàm phán đã không được Ukraine đếm xỉa đến.
Một khu chung cư trong thành phố Dnipro bị tên lửa chống hàng không mẫu hạm của Nga bắn sập, làm thiệt mạng 44 người trong đó có 5 trẻ em
Thế rồi cuộc chiến xâm lược của Nga đã được chuyển hóa thành cuộc chiến khủng bố bằng những trận tấn công vào công trình dân sự và dân chúng Ukraine. Putin tưởng rằng với những cuộc bắn phá, khủng bố đó, người dân Ukraine sẽ khuất phục.
Nhưng không, điều đó, chỉ làm cho cả thế giới thấy rõ hơn bộ mặt thật của nước Nga và người dân Ukraine thêm ý chí chiến đấu giải phóng đất nước mình.
Những sai lầm không lối thoát
Một điều mà ai cũng nhận thấy, rằng Nga đã đánh giá hết sức sai lầm không chỉ về khả năng của mình, mà còn là sự tính toán khôn lỏi, láu cá vặt về lợi ích ích kỷ của mình mà không hiểu rằng : Thế giới ngày nay đã khác xưa, và thế giới còn lại khác nước Nga, cả người dân và chính phủ.
Thậm chí, Medvedev còn nói : "Tôi tin NATO sẽ không can thiệp vào cuộc xung đột trong kịch bản này. Sự an toàn của Washington, London, Brussels quan trọng hơn là số phận của một Ukraine vô dụng, đang diệt vong".
Đó là sai lầm lớn nhất của Nga đã không lường được sự đoàn kết chặt chẽ, đồng lòng chung sức với người dân Ukraine trước việc ngang ngược bất chấp đạo lý và luật pháp quốc tế để giở cái trò cá lớn nuốt cá bé.
Và hàng loạt những khối vũ khí, tiền của, những sự ủng hộ về tinh thần, vật chất đổ về Ukraine trong sự ghẻ lạnh, khinh bỉ và cô lập đối với Nga đã làm cho những lãnh đạo Kremlin ngấm đòn của sự nhục nhã và đau đớn.
Thủ tướng Sanna Marin của Phần Lan đến thăm Tổng thống Zelznsky tại thủ đô Kiev
Thế rồi, cả thế giới đã dần dần bước qua và xóa đi những cái gọi là "lằn ranh đỏ" mà Nga đã bao lần vẽ ra, để đe dọa và chỉ để đe dọa mà thôi. Bởi ai cũng biết được thực lực và khả năng của Nga đến đâu sau gần một năm trên chiến trường Ukraine – Một cái cối xay thịt những thanh niên Nga trong đội quân xâm lược của Putin.
Và đến hôm nay, những gói viện trợ vũ khí hạng nặng, xe tăng, đạn pháo, tên lửa và các loại vũ khí hiện đại của NATO, của Châu Âu và Hoa Kỳ đã được các quốc gia ngang nhiên tuyên bố sẽ đưa đến Ukraine để giúp họ đuổi quân xâm lược.
Và đến đây, thì cả thế giới đang đẩy Putin vào góc cuối của con đường, đối diện với những khó khăn mà Putin khó có thể vượt qua nổi.
Mới đây, Medvedev, cựu Tổng thống Nga, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga đã tuyệt vọng nói rằng : "Một quốc gia có vũ khí hạt nhân sẽ không bao giờ thua trong cuộc chiến".
Điều này thể hiện cái thói kiêu ngạo cộng sản vốn đã ngấm vào xương máu của Putin và dàn lãnh đạo Kremlin vốn là điều khó khăn nhất để Putin và tay chân của y có thể quay đầu.
Vâng, Nga không chỉ là một "Quốc gia có bom hạt nhân" mà còn là một "Cường quốc quân sự đứng thứ 2 thế giới", và còn là đàn anh trong khối các quốc gia thuộc Liên Xô cũ vốn quen bắt nạt các quốc gia độc lập yếu thế lân cận.
Vậy thì con đường trở lại của Nga là vô cùng khó khăn.
Mà đường đi phía trước đang hứa hẹn nhiều thất bại to lớn và nhục nhã trước sự anh dũng và quyết tâm của toàn thế giới tiến bộ.
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 29/01/2023
Hệ quả chiến lược và chính trị đối với phương Tây
Không dễ để trao chiến xa hạng nặng - main battle tanks- cho Ukraine bởi ở đây đặt ra cùng lúc ba vấn đề : hiệu quả về mặt tác chiến của các loại "vũ khí hạng nặng" đó và những tác động chiến lược, chính trị từ cuộc chiến Ukraine do Nga khởi động.
Leopard2 xe tăng hiện đại của Đức : Berlin thông báo cuối tháng 3 đầu tháng 4/2023 những chiếc đầu tiên sẽ được chuyển tới Ukraine. © Commons.creative
Trong bài tham luận đặng trên trang mạng của Viện Quan hệ quốc tế và Chiến lược hôm 19/01/2023, Jean-Pierre Maulny phó giám đốc IRIS đặc trách về vấn đề quốc phòng thuộc trung tâm nghiên cứu này tập trung vào những hệ quả về mặt "Chiến lược và Chính trị" một khi phương Tây chuyển giao chiến xa hạng nặng cho Ukraine.
Tại sao Đức và nhất là Mỹ đã mất nhiều tuần lễ để cân nhắc trước khi đồng ý cung cấp Leopard 2 và hay Abrams M1, những loại xe tăng hiện đại nhất hiện nay ?
Phương Tây tránh né Nga
Tác giả bài viết không vòng vo : Âu, Mỹ, NATO đều có một mối băn khoan duy nhất, đó là Nga. "Mọi người thấy rõ là từ đầu xung đột, phương Tây cố gắng kềm chế trong các quyết định chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Liên Minh Bắc Đại Tây Dương cố ý chứng minh rằng tổ chức quân sự này không là một bên tham chiến, quân đội của các nước phương Tây đứng ngoài giao tranh". Các khoản viện trợ vũ khí cho Ukraine nhằm giúp nước này tự vệ.
Song ở đây phân biệt "vũ khí tấn công với vũ khí tự vệ" là điều không có cơ sở, như ghi nhận của chuyên gia Pháp, bởi "vũ khí tự vệ" được dùng để tiêu hủy trang thiết bị quân sự của đối phương do vậy "một cách trực tiếp hay gián tiếp" vũ khí của Âu, Mỹ cũng nhằm "hỗ trợ một hành động tấn công". Trong chiều ngược lại, một loại "vũ khí tấn công" cũng có thể là một công cụ để tự vệ, để bảo vệ lãnh thổ trước những hành vi xâm lược.
Ngoài ra khi nhìn vào thực chất "trang thiết bị quân sự" mà phương Tây cung cấp cho chính quyền Kiev, thì rõ ràng là đã có một sự leo thang. Một cột mốc quan trọng là thời điểm Mỹ giao hệ thống pháo phản lực cơ động cao Himars và các hệ thống phòng thủ chống tên lửa tối tân Patriot. Đương nhiên, theo ông Maulny ẩn số duy nhất là Ukraine dùng các loại vũ khí đó như thế nào. Phương Tây, đứng đầu là Mỹ, tuyệt đối muốn tránh để các loại vũ khí đó đe dọa "toàn vẹn lãnh thổ của Nga".
Thế rồi trong tháng Giêng 2023, Pháp thông báo cấp xe bọc thép hạng nhẹ AMX 10RC, lập tức Mỹ và Đức phụ họa theo với những thông báo Bradley và Marder cũng sẽ hiện diện trên chiến trường Ukraine. Đương nhiên về "hỏa lực và khả năng phòng thủ" các loại xe bọc thép này không thể sánh bằng chiến xa hạng nặng … Lập tức tổng thống Zelensky, đòi có được "vũ khí nặng hơn". Ba Lan, rồi Phần Lan ủng hộ quan điểm của Kiev và hưởng ứng đòi hỏi này. Anh Quốc cũng đã sốt sắng thông báo cấp cho Ukraine 14 chiếc xe tăng chiến đấu Challenger2. Luân Đôn thậm chí thúc hối Berlin cấp Leopard2 giúp Ukraine tự vệ.
Nhà Trắng muốn tránh tạo cảm tưởng, Mỹ phải một mình gánh vác trọng trách giúp Ukraine
Berlin đã chần chừ và chờ đợi phản ứng của Mỹ. Tại Washington chính quyền Biden cũng cần có thời gian để cân nhắc. Thứ trưởng quốc phòng Colin Kahl phản đối ý tưởng cung cấp xe tăng AbramsM1 cho Ukraine.
Phó giám đốc viện IRIS giải thích : thái độ thận trọng đó của chính quyền Biden cũng dễ hiểu vì những yếu tố chính trị của nội bộ Hoa Kỳ. Washington muốn rằng Châu Âu phải tham gia nhiều hơn vào nỗ lực quân sự, tránh để công luận Mỹ nhận thấy rằng, mọi nỗ lực yểm trợ Ukraine chỉ do một mình Hoa Kỳ gánh vác.
Thế nhưng trước Mỹ, Luân Đôn thông báo giao 14 chiếc Challenger2 của Anh cho Ukraine. Bộ trưởng quốc phòng Anh Ben Wallace kêu gọi Berlin noi gương mình bởi Luân Đôn biết rằng, 14 chiếc xe tăng dù là hạng nặng và thuộc dòng "hiện đại nhất" là quá ít để cho phép Ukraine đảo ngược thế cờ trên trận địa. Bản thân nước Anh cũng chỉ có chừng 200 chiếc – mà không ít trong số đó đang trong giai đoạn "trùng tu" và "hiện đại hóa", tức là không thể hoạt động, và Luân Đôn dù có muốn cũng không thể cấp nhiều hơn Chellenger2 cho Ukraine.
Tuy nhiên về mặt chính trị, theo phó giám đốc Viện Quan hệ quốc tế và Chiến lược của Pháp, Jean–Pierre Maulny, cử chỉ của Anh mang nhiều ý nghĩa : một là để chứng minh rằng, Anh Quốc là điểm tựa lớn của Ukraine, hai là chứng tỏ "dù đã ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, Anh Quốc vẫn rất gắn bó với khối này, vẫn là đồng minh thân thiết nhất của các nước Bắc và Đông Âu". Thông điệp thứ ba của Luân Đôn có thể là một tín hiệu nhắn gửi đến Pháp : Anh có Challenger2 thì Pháp có xe tăng hạng nặng Leclerc, với số lượng tương tự như của Anh và hiện tại thì cũng có cả trăm chiếc Leclerc đang được sửa chữa. Cả hai cùng thuộc dòng hiện đại và nếu có cấp cho Ukraine loại chiến xa này, theo nhà nghiên cứu Maulny, Paris cũng sẽ bị hạn chế từ 10 đến 12 chiếc mà thôi. Hơn một chục chiếc xe tăng hạng nặng giúp Ukraine đánh đuổi quân Nga ra khỏi bờ cõi và số này quá ít có thể Anh hay Pháp có thể bị Moskva coi là một mối "đe dọa". Vả lại, đến nay, Paris chủ trương hỗ trợ Ukraine một cách "hiệu quả" nhưng đồng thời Pháp cũng muốn "kín đáo", tránh khiêu khích Nga. Jean- Pierre Maulny dự báo "có nhiều khả năng, Paris dừng lại ở việc cung cấp xe bọc thép AMX 10 RC" .
Berlin trong thế tiến thoái lưỡng nan
Đối với Đức, bài toán khó hơn nhiều do yếu tố chính trị quá lớn. Trên thế giới hiện có 2.700 chiếc xe tăng loại Leopard2 mà Berlin đang nắm giữ hoặc đã bán cho nhiều đối tác Châu Âu và kể cả là cho Thổ Nhĩ Kỳ, Canada... Chính quyền của thủ tướng Olaf Scholz đã chịu áp lực của cả công luận trong nước lẫn từ phía các đối tác Châu Âu để cung cấp chiến xa hạng nặng cho Ukraine. Nếu noi gương Luân Đôn mỗi quốc gia đang có Leopard2 cũng dành ra đến 5 % khối lượng xe tăng đang có của mình để chia cho Kiev, thì có nghĩa là chỉ nay mai, sẽ có tới khoảng 150 chiếc Leopart2 do Đức chế tạo được điều sang các mặt trận khác nhau trên chiến trường Ukraine. Đây là một con số rất lớn – hơn hẳn 31 chiếc AbramsM1 của Mỹ, hay chỉ 14 chiếc Challenger2 của Anh… Chuyên gia về các vấn đề quốc phòng thuộc viện IRIS kết luận "150 chiếc xe tăng hạng nặng sẽ đóng một vai trò nhất định về mặt tác chiến, đây không còn đơn thuần là một sự yểm trợ mang tính tượng trưng".
Tác giả gián tiếp chỉ ra rằng : Chấp thuận để các quốc gia đang sở hữu Leopard2 tùy nghi sử dụng thì hậu quả kèm theo là đẩy Berlin vào thế kẹt với Moskva. Trái lại, ngăn cản các khách hàng của Đức huy động xe tăng hiện đại này sang trận địa Ukraine thì cũng không ổn bởi "ở đây đặt ra vấn đề liên quan đến ảnh hưởng của Đức tại Châu Âu về mặt phòng thủ". Phó giám đốc IRIS -Viện Quan Hệ Quốc Tế do vậy cho rằng : Berlin sẽ chỉ quyết định giao xe tăng hạng nặng cho Ukraine "nếu như về mặt quân sự tình hình có thể xấu đi và có chiều hướng bất lợi cho phía Ukraine". Khi đó hành động này được hiểu như là một cử chỉ để "tự vệ" và chắc chắn là "Mỹ sẽ có tiếng nói quyết định" trên hồ sơ này.
Thêm vào đó, các bên – Âu, Mỹ, "cũng sẽ tìm cách trình bày vấn đề như thể đây chỉ là một bước tiếp theo sau khi Berlin, Washington và Paris đã đồng ý giao xe bọc thép Marder, Bradley và AMX 10 RC. Về mặt chính thức, phương Tây vẫn chủ trương kềm chế, tránh nói tới hiện tượng leo thang về mặt quân sự".
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 27/01/2023