Cuộc xâm lăng Ukraine làm bộc lộ một nước Nga băng hoại đạo đức
Kẻ sát nhân thành lính đánh thuê chết trên chiến trường Ukraine được coi như liệt sĩ. Thượng phụ Chính thống giáo khuyến khích tín đồ, chết ở Ukraine sẽ "rửa hết những tội đã phạm". Quân đội dùng hỏa tiễn diệt hàng không mẫu hạm để đánh vào dân thường, xâm lăng được gọi là "giải phóng" … Làm thế nào mà đất nước của Dostoievski và Tolstoi có thể đảo điên như thế ?
Một tòa nhà ở Dnipro (Ukraine) sau khi bị quân Nga dùng hỏa tiễn Kh-22 do Liên Xô chế tạo để diệt hàng không mẫu hạm bắn trúng ngày 14/01/2023, chôn vùi 45 cư dân dưới đống đổ nát. AP
Chủ tịch nước mất chức : Sự kiện hiếm hoi ở Việt Nam
Tại Châu Á, The Economist có bài viết mang tựa đề "Tham nhũng và Covid : Chiến dịch bài trừ tham nhũng làm chủ tịch nước Việt Nam mất chức". Khi bị Covid tấn công năm 2020, Việt Nam nhanh chóng đóng cửa biên giới. Hàng mấy chục ngàn công dân bị kẹt ở nước ngoài, được tổ chức hồi hương trên 800 chuyến bay.
Nhưng sau đó được biết nhiều người phải trả cái giá cắt cổ để trở về, từ đầu năm 2022 các nhà điều tra bắt đầu thẩm vấn những viên chức đòi hối lộ, khoảng mấy chục người bị khởi tố trong đó có hai cựu bộ trưởng. Đến 17/01, chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ chức vì trách nhiệm trong xì-căng-đan này. Tuần báo Anh nhận xét nếu tham nhũng là phổ biến ở Việt Nam, thì việc chủ tịch nước từ chức là hết sức hiếm hoi.
Trường hợp ông Phúc cho thấy đại dịch đã đẩy mạnh tầm mức chiến dịch "đốt lò" của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng như thế nào. Cũng như Tập Cận Bình bên Trung Quốc, ông Trọng dùng chiến dịch chống tham nhũng để tích lũy thêm quyền lực cho bản thân và cho đảng cộng sản. Theo ông Nguyễn Khắc Giang, Trung tâm Kinh tế Chiến lược Việt Nam ở Hà Nội, trước đó có sự cân bằng giữa đảng và nhà nước, các quan chức tham nhũng hầu hết do các cơ quan chính phủ xử lý, nay đảng nhiều quyền hành hơn.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, 78 tuổi, đang trong nhiệm kỳ thứ ba, thuộc lớp thế hệ lãnh đạo cuối cùng thời chống Mỹ. Ông được cho là người có lòng tin thực sự, muốn quét sạch nạn tham nhũng đang hoành hành kể từ khi Việt Nam áp dụng kinh tế thị trường trong thập niên 90. Những kẻ lợi dụng Covid để làm giàu lần lượt vào tù.
Việt Nam thăng hạng chống tham nhũng, nhưng nhiều dự án đình trệ
Tháng 12/2021, tổng giám đốc công ty trang thiết bị y tế Việt Á bị buộc tội hối lộ để bán bộ xét nghiệm Covid, các quan chức đồng lõa bị bắt trong đó có cả bộ trưởng y tế và bộ trưởng khoa học-công nghệ. Nhân viên các đại sứ quán từ Angola cho đến Nhật Bản bị trừng phạt vì nhũng nhiễu, làm tiền trong các chuyến bay hồi hương. Ngày 05/01, hai phó thủ tướng mất chức trong đó có ngoại trưởng, được cho là có thể trở thành thủ tướng tương lai. Lãnh vực tài chánh cũng bị tấn công. Tháng 4, các nhà quản lý một tập đoàn địa ốc lớn bị bắt, tháng 10 đến lượt giám đốc một công ty bất động sản khác.
Chiến dịch tương đối thành công, thứ hạng về chỉ số tham nhũng của Việt Nam trong bảng xếp hạng của Minh bạch Quốc tế từ hạng 111 đã lên 87. Quốc gia này đang áp dụng các tiêu chuẩn kế toán theo các thỏa thuận bảo vệ nhà đầu tư với Mỹ và Châu Âu. Về mặt tiêu cực, tiến sĩ Oliver Massmann cho biết với việc hạch toán chặt chẽ hơn, các quan chức tham nhũng không có lợi lộc gì trong việc thực hiện các dự án đầu tư vì không "ăn" được, còn người đàng hoàng thì sợ tai tiếng không dám phê duyệt. Hệ quả là tỉ lệ giải ngân vốn nhà nước sụt giảm, các dự án hạ tầng thiết yếu bị chậm lại. Cao tốc Bắc-Nam vẫn đang là những mảng chắp vá, métro ở Sài Gòn vẫn chưa hoạt động sau 10 năm xây dựng.
Trước mắt, tăng trưởng của Việt Nam chưa bị ảnh hưởng, đạt tỉ lệ 7,5% trong năm 2022 và dự báo năm nay 6%. Với xu hướng tách khỏi Trung Quốc, các nhà sản xuất Mỹ và Châu Âu đang gia tăng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam. Ông Trọng muốn đất nước trở thành quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2030, và để khả thi, các viên chức trung thực cần có khả năng phê duyệt dự án mà không sợ bị bắt.
Ukraine mong xe tăng mới, Nga còn kho "đồ cổ" khổng lồ
Nhìn sang Châu Âu, cuộc chiến tranh ở Ukraine được các báo đề cập theo nhiều góc độ. Le Point giải thích "Vì sao cần phải chuyển giao xe tăng cho Ukraine". Tuần báo nhận xét, từ run sợ đến khom lưng chỉ cách có một bước. Cứ chần chừ mãi về việc này, sẽ bị coi là khiếp nhược. Đó là vì cuộc chiến ở Ukraine ngày càng trở thành cuộc chiến của phương Tây, mỗi ngày trôi qua lại càng dấn sâu hơn : giúp đỡ tài chánh, vũ khí hạng nặng, thông tin tình báo.
Theo một phân tích được rất nhiều người đồng tình, việc Barack Obama lùi bước sau khi Bachar Al Assad vượt qua lằn ranh đỏ đã thúc đẩy Vladimir Putin thao túng Donbass một năm sau đó và sáp nhập Crimea. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Nga chiếm ưu thế sau khi Kiev bị phương Tây từ chối cung cấp xe tăng hạng nặng ? Đó sẽ là tin tuyệt vời cho Iran, Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Phóng sự của đặc phái viên Le Point tại mặt trận Bakhmut ác liệt mô tả các chiến binh Ukraine phải tận dụng những phương tiện eo hẹp có được, họ nóng lòng chờ đợi những chiếc Leopard của Đức. Tuy nhiên tuần báo cũng lưu ý "Đối mặt với xe tăng phương Tây là kho dự trữ vô tận của Nga". Trang web Oryx cho biết ít nhất 40% chiến xa (MBT, Main Battle Tank) của đôi bên đã bị phá hủy hay không còn sử dụng được, trong đó Kiev mất khoảng 400 chiếc, Moskva 1.500 chiếc – tức phân nửa so với thời kỳ đầu cuộc chiến.
Nhưng Nga có đến 10.000 xe tăng thời Liên Xô cũ đang ngủ quên trong các nhà kho, bãi chứa trên khắp nước, và cũng có thể Moskva không thống kê cụ thể được. Một trang web Ukraine khai thác dữ liệu vệ tinh ước tính khoảng 2.000 xe tăng Nga có thể sửa chữa, 1.300 chiếc khác bảo quản trong tình trạng tốt, chưa kể số xe tăng mà vệ tinh không phát hiện được. Tuy chiến xa Mỹ, Đức hiệu quả hơn hẳn, nhưng trong cuộc chiến cường độ cao có thể số lượng ăn đứt chất lượng. Theo L’Express, Ukraine nay đang mơ đến các chiến đấu cơ Mirage 2000 của Pháp và F-16 của Mỹ, khi các nước Châu Âu chuyển sang thế hệ mới hơn.
Tại sao phải lo Putin bại trận ?
Dành hẳn một hồ sơ gồm nhiều trang, L'Express nhấn mạnh "Hãy chấm dứt việc cứ hình dung ra những điều tệ hại nếu Putin bại trận". Phe không muốn viện trợ vũ khí hạng nặng cho Kiev đưa ra nhiều lý lẽ : sợ bị trả đũa bằng nguyên tử, sợ chế độ Putin sụp đổ - có thể xuất hiện một nhà độc tài khát máu hơn, thậm chí nước Nga bị chia nhỏ với sự đối đầu giữa những tỉnh có vũ khí hạt nhân.
L'Express đề nghị hãy đặt vấn đề kiểu khác : Ai có lợi trước những suy nghĩ này, nếu không phải là chính Vladimir Putin ? Triết gia Ukraine Constantin Sigov nói : "Phương Tây sợ rằng tình hình sẽ tệ hơn nếu Putin biến mất, nhưng đó là sai lầm ! Nếu ông ta biến đi, nguồn gốc của nỗi sợ này cũng mất theo".
Như vậy hãy dẹp sang một bên kiểu biện luận được dùng làm bảo hiểm nhân thọ cho Putin, để nghĩ đến một tương lai không có ông ta. Có thể là quá sớm, nhưng không việc gì phải tưởng tượng ra những điều tồi tệ. Cung cấp vũ khí cần thiết cho Ukraine để đánh đuổi quân Nga khỏi lãnh thổ, biết đâu có thể tạo được cú sốc để linh hồn Nga chuộc lỗi, đứng dậy rũ khỏi bùn lầy đạo đức mà bạo chúa Putin đã nhấn chìm.
Những kẻ bán linh hồn cho quỷ
Trong bài "Sự băng hoại đạo đức của nước Nga", L'Express nêu ví dụ đám tang của Serguei Molodtsov, tù hình sự gia nhập lực lượng đánh thuê Wagner và chết trên chiến trường Ukraine. Bị ngồi tù nhiều năm vì sát hại dã man người mẹ của mình, nhưng trong nước Nga của Vladimir Putin, Molodtsov không phải là kẻ giết người mà là anh hùng, được chôn cất với nghi thức liệt sĩ.
Cũng như anh ta, trên 30.000 người tù đã ký hợp đồng bán linh hồn cho quỷ. Thủ lãnh Wagner, Yevgeny Prigozhin trơ tráo ca ngợi "những người con ưu tú của Nga". Bản thân ông ta cũng từng ăn cơm tù vì lừa đảo và tổ chức mại dâm cho người vị thành niên. Thậm chí còn có ý kiến cho họ vào đại học, cho làm dân biểu... Dùng những kẻ sát nhân để tạo thành lớp tinh hoa cho quốc gia ? Một trong những ví dụ cho sự biến thái nguy hiểm của Nga. Những tuyên bố của các nhà lãnh đạo mà mới cách đây vài năm còn được Châu Âu trân trọng đón tiếp, gây choáng váng.
Để tuyên truyền luận điệu Moskva bị phương Tây "suy đồi" tấn công, tổng thống Nga có thể dựa vào những quần thần hăng hái. Dimitri Medvedev, người từng đổi vai cho Putin một thời gian, liên tục đưa bom nguyên tử ra dọa nạt. Dimitri Peskov, phát ngôn viên Kremlin nói rằng Nga "chưa bao giờ tấn công ai cả", còn ngoại trưởng Sergeyi Lavrov giàu kinh nghiệm so sánh việc phương Tây chống lại Moskva với "giải pháp cuối cùng" - kế hoạch diệt chủng người Do Thái của Đức quốc xã.
Đất nước của Dostoievski và Tolstoi, vì đâu nên nỗi ?
Làm thế nào mà đất nước của Dostoievski và Tolstoi có thể chết chìm như thế ? Tatiana KastouévaJean, giám đốc Trung tâm Nga của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp nhận xét : "Phương Tây bàng hoàng trước những gì mà cuộc chiến tranh đã bộc lộ : bạo lực lan tràn, nuôi dưỡng thù hận, cổ vũ diệt chủng, coi mạng người như cỏ rác. Nhưng người Nga lại nhìn qua một lăng kính khác".
Đó là cái nhìn của một xã hội mà các giá trị đều đảo lộn. Đi xâm lăng được gọi là "giải phóng". Và để quảng bá, còn gì tốt hơn là sự ủng hộ của giáo hội Chính thống giáo ? Thượng phụ Kirill ở Moskva từng khuyến khích tín đồ, chết ở Ukraine "rửa hết những tội đã phạm". Một thông điệp khiến người ta nghĩ đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo hơn là Chúa Kitô.
Theo thăm dò gần nhất của viện Levada, có trên 71 % dân Nga ủng hộ "chiến dịch quân sự đặc biệt", chỉ có 21% chống lại, nhưng khó thể biết được suy nghĩ thật của họ. L’Express cho rằng Vladimir Putin hoàn toàn nắm được lớp người nghèo và người lớn tuổi. Giai cấp trung lưu chia rẽ, người chạy khỏi đất nước, người ở lại ủng hộ chế độ vì tin vào tuyên truyền.
Tuy nhiên cũng có một nước Nga khác, cảm thấy xâm lược là sai trái nhưng chẳng biết làm gì khác. Le Monde số cuối tuần kể về những người Nga ở Moskva đến đặt hoa và đèn cầy dưới chân tượng nhà thơ Lessia Ukrainka ở đại lộ mang tên "Ukraine" để tưởng niệm các nạn nhân ở Dnipro. Một phụ nữ thổ lộ trong nước mắt : "Tôi hèn, nhưng ít nhất việc này thì tôi làm được". Courrier International dịch bài phóng sự của The New York Times tại Kiev, nói về những tình nguyện quân từ Nga và các nước Trung Á. Họ là những người Chechnya, Tatar, Gruzia sang chiến đấu cho Ukraine để trả thù chế độ Moskva.
Quân đội và tội ác chiến tranh
Quân đội Nga thì không còn giới hạn nào. Khi giải phóng được những vùng đất Ukraine bị chiếm, thế giới kinh hoàng trước những hành động tra tấn, hành quyết, hãm hiếp của lính Nga. L'Express nhấn mạnh đến "Một quân đội gồm các tội phạm chiến tranh". Hỏa tiễn Kh-22 được chế tạo thời Liên Xô để phá hủy hàng không mẫu hạm, hôm 14/01 đã xé toang một tòa nhà trong khu dân cư ở Dnipro khiến 45 thường dân thiệt mạng trong đó có 6 trẻ em. Từ đầu cuộc xâm lăng, quân Nga không hề quan tâm đến mạng sống người dân, chưa kể những vụ thảm sát như ở Bucha, Irpin. Các nạn nhân trong vụ vây hãm Mariupol có thể lên đến hàng mấy chục ngàn.
Nhà sử học Françoise Thom nhắc nhở, Hồng quân được lập ra dựa trên bạo lực, lính kỳ cựu đã quen hành hạ tân binh. Sự xuống cấp tinh thần thời Stalin càng nặng nề hơn dưới thời Putin. Ông chủ điện Kremlin dùng vũ lực ở Chechnya, Syria, Gruzia rồi Ukraine, giao những chức vụ chủ chốt cho các siloviki (cựu KGB, FSB và các lực lượng an ninh khác). Để hợp pháp hóa tội ác, ông ta khơi dậy chủ nghĩa dân tộc, tự cho rằng mình có chính nghĩa. Truyền thông Nga từ nhiều năm qua chuẩn bị tinh thần cho chiến tranh cũng phải chịu trách nhiệm nặng nề.
Quân đội Nga không chỉ phá sản về tinh thần, mà theo một nguồn tin quân sự Pháp, còn mất đến trên 40.000 lính ở Ukraine, cao hơn cả số tử trận trong hai cuộc chiến Chechnya và Afghanistan. Từ tháng Bảy đến nay, quân Nga chỉ chiếm được thành phố nhỏ bé Soledar, phải bỏ chạy khỏi Kharkiv và Kherson. Nhà nghiên cứu Vincent Tourret cho biết, những đội quân tinh nhuệ như nhảy dù chỉ còn lại vài đơn vị. Nga cũng mất những sĩ quan giỏi nhất, như chuyên gia chiến tranh điện tử, tướng Simonov, tử thương trong vụ oanh kích vào sở chỉ huy.
Còn có một đội quân khác của Putin trên Telegram. Lâu nay chuyên lũng đoạn các cuộc bầu cử nước ngoài, các dư luận viên này kể từ 24/02/2022 chỉ chuyên tập trung vào cuộc xâm lăng Ukraine. Trong nghiên cứu được công bố ngày 23/12/2022, cơ quan IDS Partners nhận diện gần 2.000 kênh ủng hộ chiến tranh, xuất xứ của 8 triệu bản tin trên mạng này, những kênh phổ biến nhất thường có liên hệ với cơ quan an ninh Nga. Bên cạnh đó là những điệp viên "bất hợp pháp". L’Obs kể ra hai trường hợp mới nhất : hai gián điệp Nga đội lốt công dân Brazil nhiều năm trời, trong đó một người vừa được chấp nhận thực tập tại Tòa án Hình sự Quốc tế.
Chuẩn bị chiến tranh để có hòa bình
Nhìn rộng hơn, L’Obs ghi nhận ngân sách quốc phòng bùng nổ khắp nơi trên thế giới do cuộc xâm lăng Ukraine và Trung Quốc đe dọa Đài Loan. Trật tự quốc tế nay đành nhường bước cho mạnh được yếu thua như ngày xưa, nên các nước phải chạy đua vũ trang.
Tại Pháp, tổng thống Emmanuel Macron tăng gấp đôi ngân sách cho quân đội trong 11 năm, một nỗ lực chưa từng thấy kể từ thập niên 60. Paris đầu tư để chuyển đổi một quân đội chống khủng bố ở những chiến địa xa xôi thích ứng với một cuộc chiến tranh "cường độ cao" ngay tại châu lục. Ba Lan hy vọng trở thành quân đội mạnh nhất Châu Âu, chẳng hạn với lực lượng xe tăng gấp bốn lần Pháp. Cũng không thể quên loan báo về ngân sách 100 tỉ euro cho quân đội của Đức sau khi quân Nga tràn sang Ukraine, một "Zeitenwende" (bước ngoặt lịch sử).
Châu Á còn đi trước Châu Âu một bước, với chi quân sự tăng cao ở Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, dấu hiệu chứng tỏ căng thẳng tăng lên tại Ấn Độ-Thái Bình Dương. Chi quốc phòng tăng không có nghĩa là xung đột không thể tránh khỏi. Trong thời chiến tranh lạnh, ngân sách quân sự còn lớn hơn nhiều, sự thăng bằng sức mạnh đã giúp duy trì nền hòa bình chung.
Tuy nhiên cần phải tránh "sleepwalking" (bước đi trong ngái ngủ) về phía chiến tranh như thời Đệ nhất Thế chiến, mà ngày nay có thể là xuất phát từ sự cao ngạo về ưu thế công nghệ hay phân tích sai về tương quan sức mạnh. Vladimir Putin đã phạm sai lầm lịch sử khi tiến đánh láng giềng Ukraine. "Chiến tranh thật ngu xuẩn", như Jacques Prévert đã viết, nhưng trong bối cảnh quốc tế hiện nay, "nếu muốn hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh".
Tựa chính các tuần báo Pháp
Courrier International tuần này chạy tựa "Hưu trí : Sự so găng", với hình vẽ tổng thống Pháp trong bộ đồ siêu nhân đang cầm gươm, ưỡn ngực trước một tảng đá. Le Point đăng ảnh năm chính khách trong đó có cả tổng thống, kê ra những vấn đề cải cách hưu trí, bất bình đẳng, nhập cư, nguyên tử... và dòng tít "Những kẻ dối trá". L'Obs dùng nền đỏ cho trang bìa với chủ đề công ty điện lực Pháp "EDF : Điều tra về một thất bại Pháp". L'Express nêu ra những vấn đề chiến tranh, tôn giáo, tuyên truyền và các giá trị, trong hồ sơ "Nga : Sự phá sản đạo đức".
Thụy My
"Liệu pháp xe tăng" cho cuộc chiến tranh ủy nhiệm của phương Tây ở Ukraine
Chiến xa phương Tây sẽ xuất hiện trên chiến trường Ukraine, đó là sự kiện được tất cả các báo Pháp ra hôm nay bàn luận. Le Monde chạy tựa trang nhất "Ukraine : Đồng minh quyết định giao chiến xa hạng nặng", Le Figaro nhấn mạnh "Phương Tây đưa xe tăng vào cuộc chiến chống lại Nga".
Được thiết kế bởi nhà sản xuất Krauss-Maffei của Đức và được chế tạo hàng loạt từ cuối những năm 1970, xe tăng Leopard 2 kết hợp hỏa lực, tính cơ động và khả năng bảo vệ. Wojtek Radwanski Agence France-Presse
Món quà Noël đến trễ nhưng hào phóng
Libération cho rằng món quà Noël đến hơi trễ, nhưng hào phóng hơn người ta tưởng. Berlin chính thức thông báo viện trợ 14 chiếc Leopard II A6, và mở đường cho Ba Lan, Tây Ban Nha, Na Uy chuyển giao mấy chục chiếc nữa cho Ukraine. Vẫn chưa hết, vài giờ sau tổng thống Mỹ Joe Biden loan báo gởi 31 xe tăng M1 Abrams, thuộc loại mới nhất và tân tiến nhất. Ông nói rằng đó không phải là "mối đe dọa tấn công chống lại Nga". Nhưng ai có thể tin được ? Chắc chắn không thể là nhân vật chính Vladimir Putin, người cách đây gần một năm nghĩ rằng sẽ nuốt gọn Ukraine, và giờ đây phải đối mặt với những chiến xa sát thủ được chế tạo để khắc chế xe tăng Nga.
Nhà sản xuất Leopard là Rheinmetall nói rằng có thể nhanh chóng giao 139 chiếc loại I và II đang có sẵn. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hoan nghênh một "bước ngoặt", Kiev nói về "một ngày lịch sử, một trong những thời điểm quyết định cho chiến thắng tương lai". Nhật báo công giáo La Croix cho biết thứ trưởng ngoại giao, cựu đại sứ Ukraine ở Berlin, Andriï Melnyk khi nghe tin đã thốt lên : "Alléluia ! Chúa Giêsu Kitô, tạ ơn Chúa !". Tất nhiên là "liên minh Leopard" khiến Moskva tức tối. Phát ngôn viên Kremlin Dimitri Peskov thề rằng những chiến xa phương Tây "sẽ bị đốt cháy như tất cả những xe tăng khác".
Leopard, khắc tinh của xe tăng Nga
Tướng Pháp Michel Yakovleff khẳng định "Leopard hiệu quả hơn các xe tăng Nga". Đó là loại chiến xa tiêu biểu ở Châu Âu, hiện có 14 quốc gia đang sở hữu, chất lượng hơn hẳn về mặt bảo vệ, cơ động, hỏa lực và thông tin. Leopard tác xạ chính xác ở khoảng cách 4.000 mét khi ở tại chỗ và 2.000-2.500 mét khi đang di chuyển. Chiến xa này có thể chạy nhanh khỏi nơi nguy hiểm, động cơ diesel 1.500 mã lực tiêu thụ ít nhiên liệu hơn Abrams của Mỹ. Tốt nhất là có hẳn một tiểu đoàn gồm 40 đến 50 xe tăng cùng loại.
Tuy nhiên hệ thống thông tin và chỉ huy mỗi nước mỗi khác về tần số, mã hóa... nên tạo phần mềm liên kết giữa 3 kiểu Leopard của 8 nước mất nhiều thời gian. Giao 12 xe tăng, phải kèm theo khoảng năm chục container phụ tùng. Thợ cơ khí có sách hướng dẫn dày bằng cả một ram giấy soạn bằng tiếng Đức hay tiếng Ba Lan, và phải thành thạo phần mềm quản lý để tìm ra món mình cần. Có thể coi như tặng một máy giặt nhưng chưa ráp, và tài liệu chỉ dẫn thì bằng tiếng Hoa.
Xe tăng Leclerc của Pháp nhanh nhẹn hơn Leopard, có thể chiến đấu trong thời tiết lạnh, tiêu thụ nhiên liệu nhiều hơn một chút. Cũng cần phải chi viện 50 chiếc Leclerc mới hiệu quả, tức 1/4 số mà Pháp hiện có. Dây chuyển sản xuất Leclerc đã ngưng hoạt động, có nghĩa là một trung đoàn Pháp sẽ phải... đi bộ trong 20 năm - thời gian để cho ra đời một loại xe tăng Pháp-Đức mới. Khả năng phòng vệ của Pháp sẽ giảm hẳn, nhưng phải đáp ứng yêu cầu khẩn cấp nhất. Nếu Ukraine có thể phản công với 200 xe tăng phương Tây, Nga phải vất vả đối phó, và biết đâu Kiev sẽ giành được chiến thắng. Nhưng trong lúc này, chỉ mới là loan báo.
Liệu pháp mạnh cho cuộc chiến tranh ủy nhiệm
Trong bài "Ukraine, cuộc chiến ủy nhiệm của phương Tây", Le Figaro ví von, trước một căn bệnh được chẩn đoán quá trễ, phương tiện chữa trị sẽ nặng nề hơn, mang tính xâm lấn hơn và đôi khi rủi ro hơn. Đó là những gì đã diễn ra với cuộc xâm lăng của Nga. Nếu phương Tây xử lý khối u khi vừa mới xuất hiện trong cuộc chiến Gruzia năm 2008 hay Crimea năm 2014, toa thuốc có lẽ không cần đến chiến xa hạng nặng. Nhưng vào thời đó, đa số vẫn thích làm ngơ, cho rằng sẽ khỏi bệnh một cách tự nhiên.
Chiến tranh có những động lực riêng của nó, và cuộc chiến Ukraine đã trượt dần trong 11 tháng qua. Tuy Washington, Berlin, Paris luôn bác bỏ, nhưng nay với các xe tăng hạng nặng, phương Tây đã bước qua một thời kỳ mới, kết thúc giai đoạn đi dây vất vả từ một năm qua. Đối với Hoa Kỳ, đó có nghĩa là duy trì một cam kết lâu dài tại Châu Âu. Với Đức, là sự thay đổi mô hình chính trị-quân sự đã lỗi thời. Và với Pháp, vốn đã khai mào với việc chi viện xe tăng hạng nhẹ AMX, là hồi kết của tình trạng vừa muốn Ukraine chiến thắng nhưng lại e ngại sự bại trận của Nga. Camille Grand, cựu viên chức NATO nay làm việc tại Hội đồng Đối ngoại Châu Âu (ECFR) nhận xét, phương Tây nay đã thấy lời nói cần phải đi đôi với hành động. Không thể nói rằng muốn Ukraine thắng nhưng lại từ chối giúp.
Những lý do dẫn đến bước ngoặt
Điều gì đã khiến các nước thay đổi ý kiến ? Trước hết là nhu cầu của Kiev đã phải thích ứng với đặc tính các cuộc tấn công của Nga. Người Ukraine bằng sự kháng cự anh dũng gây bất ngờ, đã chứng tỏ quyết tâm và khả năng chiến đấu. Tiếp theo là niềm tin - đến trễ tràng đối với một số nước - rằng nếu Ukraine bại trận sẽ dẫn đến hậu quả hết sức nặng nề vừa cho an ninh khu vực, vừa cho tương lai của Liên Hiệp Châu Âu (EU), của các nền dân chủ và luật pháp quốc tế. Bên cạnh đó là những lằn ranh đỏ của Kremlin không ngừng bị lùi lại, cộng với việc Vladimir Putin không hề có ý định đàm phán dù quân Nga liên tiếp thất bại. Phương Tây hiểu rằng cuộc chiến còn kéo dài. Cuối cùng, cú hãm thắng của Đức và sự thận trọng của Pháp mang lại hình ảnh một Tây Âu đi ngược chiều lịch sử, uy tính chính trị và quân sự lung lay.
Le Figaro trong bài xã luận nhận định, khi nói rằng Ukraine là chiến trường của một cuộc xung đột rộng lớn hơn với phương Tây và NATO, Vladimir Putin đã "cầu được ước thấy". Đức do dự không muốn một mình đấu với Nga, thì nay Washington đã "bảo kê" khi hứa tặng M1 Abrams, có thể mùa thu này mới đến nơi. Từ đây đến đó, những chiếc Leopard từ khắp Châu Âu sẽ lăn bánh xích trên vùng đất sình lầy Donbass.
Nước Đức là trung tâm của giai đoạn mới. Không chỉ vì những chiến xa Leopard của Đức là loại duy nhất có số lượng đủ để đóng vai trò quan trọng trên chiến địa, mà còn vì tại Berlin xu hướng chống lại việc gia tăng quân viện cho Ukraine là mạnh mẽ nhất. Trước áp lực từ khắp nơi kể cả trong liên minh cầm quyền, thủ tướng Olaf Scholz không còn có thể kháng cự. Camille Grand giải thích : "Quyết định của Mỹ, Anh và Pháp được đưa ra để đi kèm hoặc thúc đẩy quyết định của Đức".
Cuộc chiến sẽ đi về đâu ?
Cũng như vào đầu cuộc xâm lăng, các nước Đông Âu dẫn đầu là Ba Lan, Baltic và Phần Lan đóng vai trò tích cực trong giai đoạn mới này, qua việc thúc giục các đồng minh chuyển giao xe tăng hạng nặng. Hoàn toàn không phải là những nước sáng lập, đã sai lầm trong việc đánh giá chế độ Vladimir Putin. Camille Grand cũng cho rằng việc giao Leopard và các xe tăng hạng nặng khác đến hơi chậm. Mất đến hai tháng trời vô ích cho tiến trình, rốt cuộc Đức bị phê phán trong khi đã viện trợ quân sự cho Ukraine rất nhiều.
Theo Le Figaro, dù vậy Paris, Berlin và Washington vẫn không từ bỏ nguyên tắc tránh tham gia cuộc chiến với Nga. Hoa Kỳ vẫn còn bị ám ảnh bởi thất bại ở Iraq và Afghanistan, còn Pháp thì Libya, Mali. Không ai muốn nhận lấy nguy cơ khởi động Đệ tam Thế chiến. Một nguồn tin ngoại giao Pháp nói rằng việc giao xe tăng hạng nặng cho Ukraine không phải là hành động leo thang vì không tác động vào lãnh thổ Nga và cung cấp thiết bị quân sự không phải là "đồng tham chiến".
Nhưng mai đây thì sao, khi từ tối qua Ukraine đã yêu cầu đồng minh cung cấp chiến đấu cơ ? Hà Lan nói rằng sẵn sàng vượt qua ngưỡng mới, và tại Hoa Kỳ đang có tranh luận về việc viện trợ hỏa tiễn tầm xa. Cuộc chiến do Nga khởi động ở Ukraine sẽ còn đi đến đâu ? Không ai có thể trả lời câu hỏi này. Nhưng như chuyên gia về thế giới hậu Liên Xô Anna Colin Lebedev đã nhận định : "Cuộc chiến tranh này dạy cho chúng ta một điều : không nên loại trừ những giả thiết cực đoan, không tự cho rằng Kremlin sẽ không ra một quyết định vì nó thiếu thực tế hoặc đi ngược lại lợi ích của chính họ".
"Đồng tham chiến" ? Nỗi lo không có cơ sở
Về mối quan ngại trở thành bên tham chiến, Libération dẫn lời Olivier Corten, giáo sư luật quốc tế của Đại học Tự do Bỉ, nhấn mạnh dưới cái nhìn về mặt pháp lý, thì những tranh luận kiểu này không nên diễn ra. Nga không có bất kỳ cơ sở pháp luật nào để tấn công các nước viện trợ cho Kiev. Ngược lại, theo luật về chiến tranh, phương Tây buộc phải ngăn chận kẻ tấn công.
Không có văn bản nào nói cụ thể về khái niệm "đồng tham chiến". Các luật gia dựa vào Công ước Genève và Hiến chương Liên Hiệp Quốc, nhất là điều 51 chương VII liên quan đến "hành động trong trường hợp hòa bình bị đe dọa, bị phá vỡ và tấn công". Julia Grignon, giáo sư luật đại học Laval ở Canada cho rằng việc tài trợ, trang bị, hoặc có công dân tham gia chiến đấu với tư cách cá nhân không thể được coi là tham chiến đối với một Nhà nước. Như vậy theo Libération, việc chuyển giao vũ khí và hỗ trợ hậu cần nằm trong khuôn khổ tự vệ tập thể chính đáng.
Chuyên gia Wiktor Stoczkowski, giám đốc nghiên cứu của EHESS (Viện Khoa học Xã hội) trên Le Monde nhấn mạnh "Chiến tranh ở Ukraine là thách thức đối với các nền dân chủ". Dù luật pháp có định nghĩa như thế nào đi nữa, ai cũng biết rằng chiến tranh hiện đại không hạn chế ở những cuộc giao tranh, mà cần cả một hệ thống hậu cần rộng lớn. Nỗi lo trở thành "đồng tham chiến" là thảm hại, khi Nga đã tuyên bố chiến đấu lâu dài với liên minh khoảng 50 nước đang ủng hộ Ukraine. Và bên cạnh Nga là một liên minh khác, vì Belarus, Iran, Bắc Triều Tiên vẫn đang tiếp tay về quân sự.
Cuộc xâm lăng Ukraine trên thực tế đã trở thành đại chiến thế giới
Cũng theo ông Stoczkowski trên Le Monde, cuộc chiến mà chúng ta đang chứng kiến thực chất đã là đại chiến thế giới, lần thứ ba kể từ 1914, cho dù chỉ có người Ukraine phải đổ máu. Một điểm khác biệt nữa : cách đây 80 năm, để chống lại chế độ toàn trị diệt chủng của nước Đức thời Hitler, các nước dân chủ phải hợp tác với chế độ toàn trị diệt chủng của Liên Xô thời Stalin. Ngày nay không còn nỗi xấu hổ này ; Moskva được một nhúm chế độ độc tài ủng hộ tích cực, trong khi phe yểm trợ Ukraine gồm toàn những nước dân chủ. Đó là một cuộc chiến giữa hai chế độ chính trị. Cái gọi là mục tiêu "phi phát-xít hóa" Ukraine do Vladimir Putin đưa ra, trên thực tế nhằm vào "phi dân chủ hóa" Ukraine, có nghĩa là tiêu diệt một nền dân chủ non trẻ, thay vào đó là một chính quyền độc tài thần phục Moskva.
Kết cuộc sẽ cho thấy chế độ chính trị nào có thể chiến thắng trong cuộc đụng độ vừa về quân sự lẫn hậu cần và kinh tế hiện nay. Thất bại của Ukraine sẽ là thất bại của toàn bộ các nền dân chủ, chứng tỏ độc tài có thể thắng được thế giới tự do với điều kiện : quân sự hùng mạnh, vô đạo đức, và dẫm đạp lên luật pháp quốc tế. Tiếp theo, Putin sẽ làm cho Châu Âu bị chia rẽ về chính trị, yếu đi về quân sự, kinh tế lệ thuộc vào dầu khí Nga. Một khi Châu Âu yếu ớt trở thành công viên giải trí cho tài phiệt Nga, Putin và những người kế nhiệm sẽ tha hồ tung hoành ở Cận Đông và Châu Phi.
Hệ quả từ chiến thắng của phe dân chủ cũng mang tính toàn cầu, sẽ thay đổi bộ mặt Châu Âu. Hungary năm 1956, Tiệp Khắc năm 1968, Gruzia năm 2008 đã bị bỏ rơi. Năm 2022, lần đầu tiên phương Tây đoàn kết thành một khối phía sau một đất nước chiến đấu cho dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ. Nếu Ukraine thắng được cuộc chiến này, sẽ là hồi chuông báo tử cho các chế độ độc tài cuối cùng ở Châu Âu. Ý nghĩa sâu sắc của cuộc chiến là như thế. Một Châu Âu mạnh mẽ hơn, đoàn kết hơn sau chiến tranh Ukraine, có thể hy vọng đến một ngày nào đó bên sườn phía đông không phải là nước Nga bại trận, mà là một nước Nga dân chủ, tự do và thịnh vượng.
Thụy My
Tham nhũng, quả bom từ hậu phương cản trở cuộc chiến đấu của Ukraine
Xe tăng hạng nặng đóng vai trò quan trọng trong những trận đánh sắp tới của Ukraine, và Đức vừa bật đèn xanh. Nhưng lại xuất hiện trở lực khác cho tổng thống Volodymyr Zelensky : những vụ tham nhũng quy mô khiến hàng loạt quan chức phải ra đi. Đề tài này được các báo Pháp hôm 25/01/2023 chú ý.
Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết chính phủ của ông sẽ có biện pháp mạnh chống tham nhũng - Reuters
Bakhmut tan hoang dưới mưa pháo kích
Về chiến sự ở Ukraine, Libération nhận thấy "Những trận bão đạn pháo không ngừng rơi xuống Bakhmut". Nga dùng chiến lược biển người, tung một số lượng lớn lính đánh thuê Wagner vào để chiếm cho bằng được, bất chấp thiệt hại khủng khiếp.
Các trận đánh tiếp diễn, tập trung vào chiến tuyến từ đông bắc xuống miền nam, từ Luhansk đến Zaporijia, Kherson. Sắp tới sẽ chẳng còn gì ở Bakhmut, thành phố 70.000 dân trước chiến tranh. Từ 5 tháng qua, lính đánh thuê Wagner trong đó có nhiều tù hình sự tấn công liên tục nhưng vẫn không chiếm được. Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), bị chận ở đông bắc, quân Nga tiến được đôi chút từ hướng tây nam để toan cắt đường tiếp tế, nhưng hiện khó thể bao vây được Bakhmut. Nga đặt nhiều kỳ vọng vào đây, tuyên truyền ầm ĩ nhưng thực tế không như mong muốn.
Đồng minh Mỹ cho rằng nếu kéo dài, quân Nga đông đảo hơn và nhiều đạn pháo hơn có cơ chiếm được thành phố, nhưng không phải là bước ngoặt trong cuộc chiến. Quân đội Ukraine có thể lui lại bảo vệ những vị trí khác, nếu những con thiêu thân Wagner cứ lao vào cối xay thịt.
Xe tăng hạng nặng cho Ukraine, một ngưỡng mới đã được vượt qua
Phía Đức rốt cuộc đã chấp nhận chuyển giao 14 xe tăng Leopard 2 cho Ukraine, Kiev cũng sẽ nhận được khoảng 100 chiếc từ 12 nước. Le Monde nhận thấy thái độ lừng khừng của Berlin làm phức tạp thêm quan hệ Pháp-Đức. Nhìn từ Berlin, tổng thống Emmanuel Macron được cho là yếu hơn năm 2017 do chỉ có đa số tương đối trong Quốc hội, tuy nhiên vẫn là người quyết định. Pháp thì thấy thủ tướng Olaf Scholz tuy giữ chức vụ cao nhất nhưng thường quyết định dưới áp lực của các đối tác trong liên minh cầm quyền. Vào thời Angela Merkel, mọi việc dễ dàng hơn.
Về việc Berlin bật đèn xanh cho việc giao xe tăng hạng nặng cho Ukraine, La Croix trong bài xã luận "Hướng về vô định" nhận thấy sau các cuộc phản công thắng lợi giòn giã vào mùa thu, Ukraine phải chịu đựng những cuộc oanh kích quy mô của quân Nga. Kiev chờ đợi thời tiết tốt hơn để có những đột phá, và trong giai đoạn mới này, xe tăng đóng vai trò quan trọng.
Sự do dự của thủ tướng Đức Olaf Scholz là do nhiều yếu tố. Dư luận Đức chia đôi, phân nửa phản đối, còn đảng SPD của ông vẫn còn khá nhiều người có xu hướng chủ hòa. Và về căn bản, Đức cũng như Pháp đều tự hỏi liệu có thể đi xa đến đâu. Chuyển biến đã có được từ hôm qua 24/01, Châu Âu chuẩn bị bước qua một ngưỡng mới. Một bước hướng về vô định, theo La Croix, nhưng vẫn còn tốt hơn là viễn cảnh quân của Vladimir Putin nghiền nát Ukraine.
Ukraine : Phát hiện những vụ tham nhũng lớn
Sự kiện một số thành viên chính phủ Kiev và thống đốc vùng bị cách chức vì tham nhũng được các báo chú ý. Tất cả cho rằng đây là điều đáng tiếc, trong lúc chính phủ Volodymyr Zelensky đang cần có sự hỗ trợ của quốc tế trong cuộc chiến. La Croix nhận định lần đầu tiên sau 11 tháng chiến tranh, Ukraine gặp phải xì-căng-đan tham nhũng quy mô.
Vassyl Lozynkyi, thứ trưởng phát triển và cơ sở hạ tầng, bị Cơ quan quốc gia chống tham nhũng (NABU) cáo buộc bỏ túi 400.000 đô la trong các hợp đồng mua thiết bị và máy phát điện, bị cách chức ngay lập tức. Vụ thứ hai, báo chí tố cáo Bộ Quốc phòng giao cho một công ty gói thầu thực phẩm cho quân đội 13,16 tỉ hryvnia (330 triệu euro), trong đó giá cả được nâng lên. Cụ thể, Les Echos dẫn bài viết đăng ngày 21/01 trên Nashi Groshi (Tiền bạc của chúng ta), báo mạng chuyên điều tra tài chánh, khẳng định trong hợp đồng mua thực phẩm cho quân đội, một số mặt hàng như trứng, khoai tây cao gấp ba so với giá trong siêu thị. Active Company, một công ty bình phong, được giao thầu không thông qua nền tảng điện tử ProZorro. Thứ trưởng phụ trách hậu cần Viacheslav Shapovalov liền bị cách chức.
Tổng thống phải thẳng tay, cả với những vụ khác. Phó công tố viên trưởng Oleksiy Symonenko bị cách chức sau khi đi nghỉ 10 ngày ở Marbella (Tây Ban Nha) - một thái độ không thể chấp nhận tại một đất nước mà nam giới từ 18 đến 60 tuổi bị cấm xuất ngoại. Một vụ từ chức bất ngờ : Kyrylo Timoshenko, phó văn phòng tổng thống, nằm trong số những người thân tín của ông Zelensky, chuyên theo dõi các dự án tái thiết các cơ sở bị Nga oanh kích. Les Echos cho biết Timoshenko bị báo chí tố cáo là di chuyển bằng chiếc xe địa hình được General Motors tặng cho Kiev để dùng vào mục đích nhân đạo. Theo "The New Voice of Ukraine", ông còn thuê một cơ ngơi rộng 1.200 mét vuông của một tài phiệt địa ốc với giá 6.000 đô la, thấp hơn giá thị trường rất nhiều.
Những "quả bom" từ hậu phương
Libération và Le Monde gọi đó là những quả bom vừa phát nổ ở hậu phương, một tệ nạn từ "chế độ cũ để lại". Sau những tiết lộ này, tổng thống Volodymyr Zelensky được bầu lên năm 2019 với lời hứa diệt trừ tham nhũng, cam đoan sẽ có những biện pháp mạnh mẽ. Tổng cộng bốn thống đốc, một phó văn phòng tổng thống, bốn thứ trưởng, hai giám đốc cơ quan chính phủ, một phó công tố viên trưởng bị sa thải.
Ukraine đang mong mỏi được gia nhập Liên Hiệp Châu Âu (EU), biết rằng cần sự giúp đỡ của phương Tây hơn bao giờ hết để bảo vệ tổ quốc. Theo Centre for Economic Strategy, viện trợ quốc tế trong năm nay lên đến 100 tỉ đô la, trong đó trên 40 tỉ dành cho quân đội. Cựu thẩm phán Mykhailo Zhernakov nói với Libération, "từ lâu tham nhũng không còn được dung thứ, nhưng những xì-căng-đan này mang tầm vóc lớn hơn vì là những vụ đầu tiên liên quan đến chiến tranh và sự tồn vong của Ukraine". Tymofiy Mylovanov, cựu bộ trưởng kinh tế cho Le Monde biết khi ông còn tại chức cách đây hai năm, mở điều tra thì dễ nhưng hiếm khi dẫn đến việc bắt giam, nhưng nay thì khác. Phát ngôn viên Ủy ban Châu Âu Ana Pisonero hôm qua hoan nghênh việc xử lý "nghiêm túc" của Kiev.
Cuộc xâm lăng của Nga đã gây phức tạp cho các nhà điều tra của Cơ quan quốc gia chống tham nhũng. Theo một nhà báo Ukraine, "20% điều tra viên của NABU đã nhập ngũ. Trong số 40 công tố viên chuyên về chống tham nhũng, 12 người đang chiến đấu ngoài mặt trận". Dù vậy trong 6 tháng đầu năm 2022, đã khởi tổ 61 nghi can tham nhũng, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021.
Quân đội Nga cố khắc phục tình trạng bát nháo
Về phía Moskva, Le Monde chú ý đến việc quân đội Nga đang siết chặt kỷ luật. Một số quân lao sẽ được đặt bên cạnh các trại lính.Nghị định được âm thầm công bố hôm 30/12/2022 sắp có hiệu lực trong thời gian tới, về một biện pháp đã từ bỏ từ 20 năm qua. Các "gaouptvakhty" là nơi giam cầm không cần thông qua xét xử, những người lính bị cáo buộc vi phạm kỷ luật nặng nề, như từ chối chiến đấu hay rời khỏi vị trí trong căn cứ quân sự. Văn bản nêu cụ thể các quân lao này có thể là các container, xe tải nhẹ, nhưng không thể là hầm nhà hay hang hố "trừ phi để bảo vệ mạng sống".
Tờ báo cho rằng quy định này có ý nghĩa vì trong mùa thu 2022 những tin tức rò rỉ cho thấy tình trạng lính Nga bị nhốt trong các căn hầm ở Donetsk và Luhansk, đôi khi mấy chục người chen chúc trong nhiều tuần lễ. Nghị định trên tuy đưa vào quy củ một thực tế hiện có, nhưng gây xúc động cho các gia đình quân nhân, đồng thời thêm một dấu hiệu cho thấy Moskva quyết tâm theo đuổi "chiến dịch quân sự đặc biệt", tổ chức lại quân đội. Sẽ hạn chế việc cấp phát quân phục không đồng bộ, dùng xe dân sự hay điện thoại cá nhân, buộc hớt tóc ngắn, cạo râu.
Bộ tham mưu dường như quyết tâm làm quên đi những cảnh hỗn loạn sau lệnh động viên : đánh nhau, chết vì tai nạn, nhậu nhẹt tại các căn cứ quân sự, xung đột giữa tân binh với sĩ quan… được hàng ngàn điện thoại di động ghi lại. Một số bản án đã được đưa ra để làm gương. Chẳng hạn tân binh Alexander Leshkov, quê ở Omsk (Siberia) cách đây hai tháng xô xát với một sĩ quan vì nón sắt và áo giáp chất lượng tồi tệ. Lúc đó chuyện này là bình thường, quân đội cũng đã nhìn nhận sai sót, nhưng nay anh tân binh Leshkov lãnh án 5 năm rưỡi khổ sai.
Bản án cho các quân nhân đào nhiệm cũng nặng nề hơn, hầu như đều là tù giam trong khi trước đây chỉ tù treo. Không ít thương binh bị đưa ra mặt trận trở lại tuy chưa có ý kiến của bác sĩ. Tại vùng Yaroslavl, khoảng 30 lính nhờ người thân kêu cứu : theo lệnh cấp trên, họ lùi lại khi bị Ukraine oanh kích nhưng nay người chỉ huy chối phắt, họ bị cáo buộc đào ngũ. Sợ tai tiếng, ban chỉ huy không kỷ luật mà phân tán những người lính này sang nhiều đơn vị khác nhau.
Nhiều loại dược phẩm đang khan hiếm tại Châu Âu
Về y tế, Le Monde chạy tựa trang nhất "Châu Âu thiếu trầm trọng dược phẩm". Paracetamol, amoxilline… trở nên khó kiếm tại nhiều nước, hậu quả của chiến tranh ở Ukraine và đại dịch Covid. Tại Tây Ban Nha, có 672 loại thuốc không còn hiện diện tại các tiệm thuốc tây, tại Thụy Sĩ con số này là 773, trên 3.000 ở Ý… Tại Pháp đến 23/01, đã ghi nhận gần 320 dược phẩm sắp cạn nguồn cung. Những loại thuốc đang thiếu nhiều nhất là kháng sinh, kháng viêm, trị ung thư, tiểu đường, thần kinh, tim mạch… đặc biệt những loại générique (thuốc thông dụng).
Trước hết, cuộc xâm lăng Ukraine khiến nhôm, thủy tinh, carton… dùng làm bao bì bị đứt nguồn cung. Kế tiếp, việc chuyển dịch sản xuất sang các nước khác như Ấn Độ, và nhất là Trung Quốc khiến nhiều hợp chất không thể tìm thấy sau ba năm phong tỏa. Trước chính sách chú trọng vào thuốc générique rẻ tiền hơn, các công ty dược phẩm không muốn đầu tư cho sản xuất tại Châu Âu. Một số pharmacie ở Pháp đã tự sản xuất kháng sinh amoxicilline, chẳng hạn ở quận 6 Paris, một nhà thuốc đã huy động đến 70 nhân viên để bào chế, tạm thời đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân. Viện Dược phẩm Quốc gia khuyến cáo nên lập danh sách các loại thuốc thiết yếu, ấn định giá trung bình toàn Châu Âu và dự trữ, có thể dưới dạng bán thành phẩm.
ChatGPT, robot thông minh thiên tả ?
Trên lãnh vực trí thông minh nhân tạo (AI), Le Figaro đặt câu hỏi "Có nên lo sự trước sự tiến triển của ChatGPT ?". Nhà nghiên cứu Laurence Devillers nhận thấy cỗ máy thông minh này khiến "nỗi sợ máy móc thay thế con người lại sống dậy". Tính chất cách mạng ở đây là "mở ra cho công chúng một công cụ đa chức năng có thể tóm lược một văn bản, trả lời những câu hỏi, lập ra một chương trình vi tính, làm bài tập". Từ khi xuất hiện, chuyên gia và cư dân mạng thi nhau gài bẫy công cụ này để xem có những câu trả lời logic hay không.
Theo tạp chí Mỹ National Review, ChatGPT có xu hướng "woke", bênh vực những "giá trị thiên tả". Tờ báo yêu cầu robot này kể lại câu chuyện trong đó cựu tổng thống Mỹ Donald Trump chiến thắng Joe Biden trong cuộc bầu cử, nhưng bị từ chối, nói rằng "những chuyện sai lạc về bầu cử bị cấm". Ngược lại, khi Le Figaro đề nghị kể chuyện bà Hillary Clinton thắng Donald Trump, thì robot này không ngần ngại đáp ứng. ChatGPT cũng không chịu kể những chuyện tiếu lâm về người Do Thái, người da đen, đồng tính luyến ái…
Thụy My
Nga tập trận phòng không tại vùng Moskva : Lo ngại thực hay thủ đoạn tuyên truyền ?
Trọng Thành, RFI, 22/01/2023
Bộ quốc phòng Nga hôm 21/01/2023, thông báo tổ chức tập trận phòng không tại vùng Moskva, nằm sát thủ đô Moskva. Chính quyền Nga muốn truyền đi thông điệp tập trận phòng không để bảo vệ "các cơ sở hạ tầng" Nga trong trường hợp xung đột với Ukraina lan rộng.
Tên lửa phòng không S-300 của Nga trong lễ diễu binh tại Quảng trường Đỏ, Moskva, Nga ngày 09/05/2009. RFI
AFP dẫn thông báo của Bộ quốc phòng Nga cho biết : "các cuộc tập trận được tổ chức tại vùng Moskva, với các lực lượng thuộc lữ đoàn tên lửa phòng không của quân khu miền tây, nhằm đẩy lùi các cuộc tấn công bằng đường không, nhắm vào các cơ sở hạ tầng quân sự, công nghiệp và hành chính". Theo Bộ quốc phòng Nga, tên lửa phòng không S-300 được huy động trong cuộc tập trận này. Tổng cộng hơn 150 binh sĩ và 30 phương tiện quân sự tham gia tập trận, Bộ quốc phòng Nga cho biết thêm. Chính quyền Nga không cho biết cuộc tập trận diễn ra vào thời điểm nào.
Hôm 20/01, phát ngôn viên điện Kremlin, ông Dmitri Peskov, từ chối trả lời câu hỏi của báo giới về việc liệu Nga có lo ngại Moskva là mục tiêu tấn công hay không. Trong những tháng gần đây, chính quyền Nga khẳng định đã có nhiều cuộc tấn công của quân đội Ukraina nhắm vào một số tỉnh biên giới, với các hoạt động phá hoại, với drone hoặc bằng hỏa tiễn.
Triển khai phòng không nhằm duy trì "không khí căng thẳng"
Trong những ngày gần đây, có nhiều hình ảnh được lưu truyền cho thấy quân đội Nga triển khai nhiều hệ thống phòng không ngay trên mái của nhiều tòa nhà cao tầng tại thủ đô Moskva. Theo Le Monde, những hình ảnh đầu tiên xuất hiện vào ngày thứ Năm 19/01. Hình ảnh clip cho thấy cả một tên lửa Pantsir S-1 đang được cần cẩu đưa lên trên một tòa nhà văn phòng ở trung tâm thành phố. Tên lửa phòng không cũng được bố trí trên nóc nhà Bộ tổng tham mưu, hay trên một xưởng in… Ít nhất 7 hệ thống phòng không được bố trí trong vòng hai ngày trên các mái nhà và trên mặt đất.
Chính quyền Nga đưa ra các thông điệp trái ngược về việc này. Le Monde dẫn lời nghị sĩ Evgueni Lebedev, ủy ban quốc phòng Hạ Viện Nga, khẳng định các thông tin trên là "dàn dựng, là fake news". Ngược lại, nhiều phương tiện truyền thông nhà nước ở địa phương tiếp tục nêu bật chủ đề này, và đưa thêm nhiều hình ảnh của riêng họ.
Việc để cho không khí mơ hồ bao trùm dường như là chủ trương của chính quyền Nga. Hôm qua, Viện Nghiên cứu chiến tranh ISW, có trụ sở tại Hoa Kỳ, nhận định rằng việc triển khai hệ thống tên lửa phòng không ở vùng Moskva và thủ đô Moskva có mục tiêu tạo một không khí "căng thẳng", để tập cho dư luận Nga "quen với một cuộc xung đột lâu dài".
Moskva không công khai xác nhận việc bố trí tên lửa tại trung tâm thủ đô, nhưng ngoại trưởng Nga Sergueï Lavrov hôm 18/01 một lần nữa lên án quân đội Ukraina bố trí hệ thống phòng không ngay trong các khu dân cư.
Trọng Thành
*************************
Các quan chức Mỹ khuyến nghị Ukraine khoan vội tiến công
Reuters, VOA, 22/01/2023
Các quan chức cấp cao của Mỹ đang khuyến nghị Ukraine khoan phát động một cuộc tiến công lớn nhắm vào các lực lượng Nga cho đến khi vũ khí mới nhất mà Mỹ cung cấp đến nơi và việc huấn luyện hoàn tất, một quan chức cao cấp của chính quyền Biden cho biết ngày thứ Sáu.
Binh lính Ukraine lái xe tăng gần thành phố tiền tuyến Bakhmut, ở vùng Donetsk, Ukraine, ngày 20 tháng 1 năm 2023.
Quan chức này, nói chuyện với một nhóm nhỏ các phóng viên với điều kiện ẩn danh, cho biết Mỹ vẫn giữ nguyên quyết định không cung cấp xe tăng Abrams cho Ukraine vào thời điểm này, trong lúc đang có tranh cãi với Đức về xe tăng.
Tổng thống Joe Biden, người đã phê duyệt gói vũ khí mới trị giá 2,5 tỉ đôla cho Ukraine trong tuần này, nói với các phóng viên tại Nhà Trắng, "Ukraine sẽ nhận được mọi sự trợ giúp mà họ cần", khi được hỏi liệu ông có ủng hộ ý định của Ba Lan gửi xe tăng Leopard do Đức sản xuất tới Ukraine hay không.
Các cuộc hội đàm của Mỹ với Ukraine về bất cứ cuộc phản công nào trước giờ vẫn diễn ra trong bối cảnh bảo đảm rằng phía Ukraine dành đủ thời gian trước tiên cho việc huấn luyện với vũ khí mới nhất do Mỹ cung cấp, quan chức này cho biết.
Các quan chức Mỹ tin rằng một cuộc tiến công sẽ có nhiều cơ may thành công hơn nếu phía Ukraine tận dụng được lợi thế của việc huấn luyện và lượng vũ khí mới đáng kể đang đổ vào.
Mỹ ngày thứ Năm thông báo sẽ gửi hàng trăm xe thiết giáp tới Ukraine để sử dụng trong cuộc chiến.
Một phái đoàn cao cấp của Mỹ bao gồm Phó Bộ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman và Phó cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jon Finer đã có mặt ở Kyiv trong những ngày gần đây để hội đàm với các quan chức Ukraine.
Washington cho rằng Ukraine đã dốc nguồn lực đáng kể để bảo vệ thành phố Bakhmut nhưng có nhiều phần chắc là Nga cuối cùng sẽ đẩy lùi Ukraine ra khỏi thành phố đó, quan chức này nói.
Nếu điều đó xảy ra, nó sẽ không dẫn đến bất cứ sự thay đổi chiến lược nào trên chiến trường, quan chức này cho biết.
Theo quan chức này, một điều cần cân nhắc đối với người Ukraine là họ tiếp tục đổ bao nhiêu nguồn lực vào việc phòng thủ Bakhmut vào thời điểm họ đang chuẩn bị cho một cuộc tiến công nhằm đánh bật quân Nga ra khỏi các khu vực mà họ nắm giữ ở miền nam Ukraine.
Các quan chức Mỹ đang làm việc với phía Ukraine về sự đánh đổi này, quan chức này cho biết.
Ở một mặt trận khác, các quan chức Mỹ đang khuyên Ukraine điều chỉnh cách thức tiến hành cuộc chiến của Kyiv thay vì cố gắng đối đầu một chọi một với Nga bằng hỏa lực pháo binh vì cuối cùng Moscow sẽ giành được lợi thế thông qua tiêu hao, quan chức này nói.
Đây là lý do tại sao nguồn cung cấp vũ khí mới nhất của Mỹ bao gồm xe thiết giáp, bởi vì nó sẽ giúp Ukraine thay đổi cách họ tiến hành cuộc chiến, quan chức này nói.
Thời tiết mùa đông bất lợi đã cản trở giao tranh ở tiền tuyến, mặc dù một đợt lạnh làm mặt đất đóng băng và cứng lại có thể mở đường cho một trong hai bên tiến hành một cuộc tiến công bằng thiết bị hạng nặng, Serhiy Haidai, thống đốc khu vực Luhansk của Ukraine, cho biết.
Quan chức này nói Mỹ không có kế hoạch gửi xe tăng Abrams tới Ukraine vào thời điểm này vì chúng rất tốn kém và khó bảo trì.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius ngày thứ Sáu phủ nhận việc Berlin đơn phương chặn việc vận chuyển xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard tới Ukraine nhưng cho biết chính phủ sẵn sàng nhanh chóng gửi chúng nếu có sự đồng thuận giữa các đồng minh.
**************************
Vì sao Ukraine muốn có xe tăng Leopard của Đức ?
BBC, 21/01/2023
Các đồng minh phương Tây vẫn chưa nhất trí được về việc cung cấp xe tăng cho Ukraine sau cuộc họp tại căn cứ không quân Mỹ Ramstein đặt ở Đức hôm thứ Sáu.
Xe tăng Leopard 2A4 của Ba Lan diễn tạp tại thao trường Hohenfels ở Đức tháng 1/2022. Ảnh : US Army.
Đức đã trở thành trung tâm của cuộc tranh luận về xe tăng. Ukraine cho biết họ muốn xe tăng Leopard do Đức sản xuất và xe tăng M1 Abrams của Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng mới của Đức, Boris Pistorius, cho biết Berlin sẽ "cân bằng tất cả những ưu và nhược điểm trước khi chúng tôi quyết định".
Trong nhiều tháng, Ukraine đã đòi phương Tây cung cấp hàng trăm xe tăng chiến đấu.
Áp lực đang gia tăng đối với Đức trong việc gửi xe tăng chiến đấu Leopard 2 của mình để giúp Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga.
Berlin cũng cần cho phép thì các quốc gia khác mới có thể gửi vũ khí do Đức sản xuất tới Ukraine.
Bất chấp những lời kêu gọi liên tục về thiết bị quân sự mới từ Kyiv, chính phủ Đức lo ngại những động thái bất ngờ có thể khiến Moscow leo thang xung đột hơn nữa.
Đức đã nói rằng họ sẽ gửi xe tăng Leopard, nếu Hoa Kỳ cũng gửi xe tăng M1 Abrams.
Hoa Kỳ đã từ chối, nói rằng thiết bị của Mỹ rất ngốn xăng nên sẽ không hữu ích trong môi trường của Ukraine.
Leopard 2 có gì hay ?
Leopard 2 do Đức sản xuất là một trong những loại xe tăng chiến đấu nổi tiếng nhất thế giới, có lẽ chỉ đứng sau xe tăng M1 Abrams do Mỹ sản xuất.
Leopard 2 ban đầu được thiết kế vào những năm 1970 cho quân đội Tây Đức nhằm đối phó với các mối đe dọa của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.
Chúng được chế tạo để di chuyển nhanh chóng trên nhiều loại địa hình.
Trong số các quốc gia vận hành Leopard 2 có Ba Lan, quốc gia đã cam kết gửi 14 xe tăng Leopard 2 tới Ukraine nhưng phải chờ sự chấp thuận của Đức mới được thực hiện.
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, xe tăng đã trở nên nổi bật trên chiến trường.
Ukraine chủ yếu dựa vào xe tăng T-72 từ thời Liên Xô.
Phương Tây đã cung cấp các phương tiện bọc thép khác và cam kết sẽ gửi thêm, bao gồm xe chiến đấu Bradley và xe chiến đấu Stryker từ Mỹ, và một lô hàng xe tăng Challenger 2 mới được công bố từ Anh.
Nhưng không có chiếc nào kết hợp giữa độ chính xác, hỏa lực và tính cơ động như xe tăng chiến đấu hiện đại do Đức và Mỹ chế tạo.
Chiến thắng lớn nhất của Nga trong cuộc chiến cho đến nay là kiểm soát lãnh thổ Ukraine giữa Donbas và Crimea.
Nga đã kiểm soát Crimea kể từ khi sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014.
Trước cuộc xâm lược năm 2022, kết nối duy nhất giữa Crimea với Nga là một con đường dài và cầu đường sắt.
Sau khi Nga chiếm giữ Mariupol và vùng đất xung quanh, các lực lượng Nga về cơ bản đã thiết lập một cây cầu trên bộ từ Nga và vùng Donbas của Ukraine đến Crimea.
Nếu có xe tăng từ phương Tây, Ukraine có thể tạo ra lữ đoàn bọc thép xuyên thủng các tuyến phòng thủ của Nga.
Xe tăng có thể cho phép bộ binh hoạt động hiệu quả hơn. Ở địa hình trống trải, xe tăng có thể dẫn đầu, bộ binh bám theo an toàn.
13 quốc gia Châu Âu, bao gồm Ba Lan và Phần Lan, đã sở hữu xe tăng Leopard 2 hiện đại của Đức.
Nguồn : BBC, 21/01/2023
Nghịch lý của phương Tây : Muốn Ukraine thắng nhưng sợ hậu quả việc Nga bại trận
Phương Tây loay hoay không biết làm thế nào để chấm dứt cuộc chiến tranh : muốn Kiev thắng nhưng lo ngại viễn cảnh Moskva thất bại ! Tâm trạng này giải thích thái độ của hai nhà lãnh đạo Pháp, Đức. Ukraine cần phải được tiếp sức trong cuộc chiến đấu chính nghĩa nhằm giành được chiến thắng, càng sớm càng tốt.
Các xe thiết giáp Anh tiến về căn cứ quân sự Tapa ở Estonia ngày 19/01/2023. Luân Đôn tuyên bố chi viện cho Ukraine ít nhất ba khẩu đội pháo AS-90, xe bọc thép, đạn dược, 600 hỏa tiễn Brimstone, một đại đội xe tăng Challenger 2. AP - Pavel Golovkin
L'Express tuần này tỏ ra lo lắng trước tình trạng lớp thanh thiếu niên quá lệ thuộc vào mạng xã hội, L'Obs dành hồ sơ cho việc cải cách chế độ hưu trí. Le Point tìm hiểu "Vì sao Iran chĩa mũi dùi vào nước Pháp", còn Courrier International đặt vấn đề "Trung Quốc quay lại, nhưng với cái giá nào ?"
Trung Quốc trả giá nặng nề sau ba năm đóng cửa
Tờ Á Châu Chu San (Yazhou Zhoukan) ở Hồng Kông trong bài "Một nền kinh tế báo động đỏ" được Courrier International trích dịch, đã mô tả : Ngân sách địa phương trống rỗng, điều kiện sống của các gia đình và lợi tức của kỹ nghệ thụt lùi sau ba năm zero Covid. Tập Cận Bình trước đại hội đảng 20 đã răn đe : "Ai không dồn hết sức lực cho tái thúc đẩy kinh tế thì nên từ chức". Các tỉnh, thành phố lớn như Quảng Đông, Chiết Giang, Giang Tô, Sơn Đông, Phúc Kiến, Thượng Hải từ lâu vẫn đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước. Nhưng nửa đầu năm 2022, tất cả 31 đơn vị hành chánh cấp tỉnh đều gặp khó khăn.
Một số tỉnh quan trọng ngay từ đầu tháng 12 đã khởi động đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Đây là "bài thuốc" quen thuộc vẫn dùng, nhưng nhiều người nghi ngờ về tác động thúc đẩy nền kinh tế. Chẳng tổng sản phẩm nội địa (GDP) tính theo đầu người của Trung Quốc chỉ bằng 1/6 của Hoa Kỳ, nhưng mạng lưới xa lộ dài gấp đôi. Tương tự, Nhật Bản có GDP gấp 4 lần, nhưng mạng lưới đường xe lửa cao tốc chưa bằng 1/10 Trung Quốc. Các chính quyền địa phương ngập trong nợ nần.
Ngoài cơ sở hạ tầng, sản xuất hàng hóa là một trong những động cơ của nền kinh tế Trung Quốc. Những năm gần đây, đầu tư tư nhân giảm hẳn do mất niềm tin vào tương lai. Nhu cầu tiêu thụ giảm nên hàng tồn còn nhiều, ưu tiên sắp tới là đẩy số hàng này đi thay vì gia tăng sản xuất. Yếu tố đáng lo ngại nữa là lần đầu tiên dân số Hoa lục sụt giảm kể từ 60 năm qua. L’Express giải thích : giá sinh hoạt tăng, học hành tốn kém, phụ nữ sinh con muộn hơn… Lão hóa dân số ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và cả địa chính trị : số thanh niên có thể đi lính giảm xuống và còn phải chăm sóc nhiều người già hơn.
Bắc Kinh vô trách nhiệm với sinh mạng người dân
Về mặt dịch tễ, L’Express lo ngại đợt "xuân vận" dịp Tết với hàng trăm triệu người về quê sẽ làm Covid lây lan mạnh hơn. Kịch bản lạc quan nhất mà Bắc Kinh chờ đợi là đến cuối tháng Hai sẽ đạt miễn dịch tập thể. Kỳ họp Quốc Hội sẽ diễn ra suông sẻ vào đầu tháng Ba, để chính thức hóa nhiệm kỳ thứ ba của Tập Cận Bình và bổ nhiệm các chức vụ trong tân chính phủ.
Nhưng con đường hậu Covid còn nhiều trắc trở. Một bác sĩ Trung Quốc dự báo : "Như tất cả các nước trên thế giới đã trải qua, sau đợt lây nhiễm đầu tiên sẽ đến đợt thứ hai rồi thứ ba, liên quan đến các biến thể". Khi đột ngột kết thúc "zero Covid" mà không hề chuẩn bị, Tập Cận Bình đã lao vào một cuộc phiêu lưu nguy hiểm. Một thái độ hết sức vô trách nhiệm.
Vì sao ông Tập bất ngờ quay ngoắt 180 độ như vậy ? Báo mạng Đoan Truyện Môi (Duanchuanmei) ở Singapore được Courrier International trích dịch cho rằng, trước đó đảng cộng sản Trung Quốc đã thấy là việc phong tỏa khắt khe không thể chận được virus lan tràn. Trung ương loay hoay tìm lối thoát, và mỉa mai thay, chính những cuộc biểu tình chống zero Covid đã cung cấp cho đảng một cái cớ. Các giáo sư Elizabeth Perry, Timothy Cheek (đại học Harvard), Joseph Fewsmith (Boston) đều nhận định, chẳng cần phải dùng chính quyền địa phương làm vật tế thần, Trung Nam Hải có thể đổ mọi tội lỗi lên đầu người biểu tình. "Tốt, các vị đã muốn thì chúng tôi dỡ bỏ, ráng mà chịu hậu quả !".
Bakhmut và Soledar : Quân tình nguyện Ukraine đối mặt với tù hình sự Nga
Liên quan đến Ukraine, Courrier International dịch bài viết của The Time "Tình nguyện quân đối mặt với tù hình sự Nga". Tại mặt trận đẫm máu nhất là Bakhmut, những người tình nguyện Ukraine phải chiến đấu với lính đánh thuê Wagner hung dữ và hàng ngàn tù nhân Nga. Phía bên kia là những kẻ sát nhân, trộm cắp, đã nhiều năm ở trong những nhà tù tệ hại của Nga, Wagner tuyển mộ 40.000 tù nhân, giao cho những khẩu kalachnikov. Tuy không được huấn luyện, những người này ra mặt trận với hy vọng nếu còn sống sót sau 6 tháng, được trả tự do như lời hứa. Nếu lùi bước, chạy trốn, các tù nhân này sẽ bị bắn hạ.
Về phía những chiến sĩ Ukraine cũng không hề có kinh nghiệm trận mạc. Phóng viên tờ báo đã gặp Roman, một người dân Kiev 45 tuổi, cách đây một năm làm việc trong một công ty xây dựng các cơ sở spa, Alex, 40 tuổi, biệt danh "Casino" vì từng làm ở phòng chơi bài trên một tàu du lịch… Nếu các đơn vị tinh nhuệ của Ukraine được trang bị những vũ khí tối tân như Himars, những chiến binh tình nguyện chỉ có những khẩu súng thông thường và một ít lựu đạn, họ ao ước những cặp kính hồng ngoại để thấy được quân địch ban đêm.
Ý thức rằng cuộc chiến còn dài, chính quyền Kiev giữ những đơn vị thiện chiến nhất xa khỏi Soledar và Bakhmut. Chiến trường ác liệt này đang do quân tình nguyện bảo vệ, trong đó có những chí nguyện quân quốc tế từ Châu Âu, Canada, Mỹ, người Daghestan, Chechnya… chống Putin, và nhất là người dân Ukraine bình thường nay cầm súng chống giặc.
Xe tăng hạng nặng cho Kiev : Vẫn còn hy vọng
Về việc viện trợ quân sự cho Ukraine, mọi cái nhìn đều hướng về hội nghị Ramstein ở Đức. Tuy đều cam kết chuyển giao một lượng lớn vũ khí cho Kiev, các đồng minh vẫn không đạt được đồng thuận về xe tăng hạng nặng. Theo Le Monde cuối tuần, Đan Mạch từ hôm thứ Năm 19/01 đã gây ngạc nhiên với loan báo sẽ tặng toàn bộ 19 khẩu đại pháo Caesar cho Ukraine, kể cả những khẩu chưa được nhà sản xuất Nexter của Pháp giao, giúp tăng gấp đôi số Caesar hiện có trên trận địa. Thụy Điển quyết định chi viện đại bác Archer, tương tự như Caesar, và 50 xe bọc thép chiến đấu CV90, Phần Lan gởi pháo và đạn.
Anh hứa tặng 600 hỏa tiễn chống tăng Brimstone có tầm bắn 60 kilomet, Litva 2 trực thăng Mi-8, Latvia 2 trực thăng Mi-17, Estonia giải ngân thêm 110 triệu euro để mua đại bác, xe tải, giàn phóng rốc-kết. Hà Lan viện trợ một giàn Patriot. Hoa Kỳ loan báo gói quân viện mới 2,5 tỉ đô la, trong đó có 59 xe bọc thép nhẹ Bradley, 90 thiết vận xa Stryker, nhưng không có các xe tăng hạng nặng Abrams. Đức thì vẫn do dự không muốn gởi xe tăng Leopard 2, khiến nhiều đối tác Châu Âu bực tức.
Trước đó, xã luận của L’Express kêu gọi "Để đẩy lùi quân Nga, Ukraine cần nhận được những chiến xa". Trước quyết tâm xâm lược của Kremlin, nếu Kiev có được số lượng lớn Leopard 2, xe tăng chiến đấu của Đức mà 13 nước Châu Âu đang trang bị - trong đó Ba Lan và Phần Lan sẵn sàng gởi sang - sẽ được tăng sức mạnh đáng kể. Chuyên gia Marc Chassilan cho biết : "Kiểu chiến xa này được chế tạo để khắc chế những loại xe tăng chính của Liên Xô cũ, có thể nhìn xa, bắn xa hơn và nhanh hơn. Với hỏa lực trang bị, Leopard 2 sẽ giúp xuyên thủng phòng tuyến địch".
Cánh cửa vẫn chưa đóng lại. Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin hàm ý tình hình có thể thay đổi trong những tuần lễ tới, khi Kiev bắt đầu đợt phản công. Từ nay cho đến lúc đó, những gói viện trợ bổ sung được nhiều nước hứa sẽ lần lượt đến tay lực lượng Ukraine. Hà Lan hôm 20/01 loan báo tham gia "một nhóm nước, trong đó có Đức" nghiên cứu các khả năng chi viện xe tăng hạng nặng cho Kiev, kể cả việc huấn luyện. Đồng nhiệm Ba Lan của ông Lloyd, Mariusz Blaszczak nói rằng ông tin tưởng rốt cuộc đồng minh cũng sẽ giao Leopard 2 cho Ukraine.
Nghịch lý phương Tây : Muốn Ukraine thắng nhưng sợ hậu quả khi Nga bại trận
Trong bài xã luận "Làm thế nào kết thúc chiến tranh ở Ukraine", Le Point nhấn mạnh lợi ích của Châu Âu là Nga phải bại trận. Tờ báo nhận định phương Tây vẫn không biết làm thế nào để chấm dứt cuộc chiến : muốn Kiev thắng nhưng lo ngại viễn cảnh Moskva thất bại !
Thế lưỡng nan này giải thích thái độ chần chừ của tổng thống Pháp Emmanuel Macron hay thủ tướng Đức Olaf Scholz, làm mờ đi tầm nhìn về một cuộc chiến sắp bước sang năm thứ hai, và về một dạng thức giải quyết hòa bình. Ông Macron và những lãnh đạo Châu Âu có cùng quan điểm, né tránh bằng cách nói rằng, chỉ có người Ukraine mới quyết định được bao giờ và làm thế nào giải giới. Tờ báo cho rằng như vậy là rũ bỏ trách nhiệm, vì dù hết sức dũng cảm, không có phương Tây Kiev sẽ chẳng có vũ khí lẫn đạn dược để chiến đấu. Ukraine có quyền chủ quyền và để thực thi, cần phải giành được chiến thắng, càng sớm càng tốt.
Bị oanh tạc không thương tiếc, cơ sở hạ tầng của Ukraine đang trong tình trạng thảm hại. Hàng triệu người phải chạy khỏi đất nước, hoạt động Nhà nước gần như sụp đổ. Nguồn lợi kỹ nghệ từ Donbass mất hẳn, nông sản khó xuất khẩu. Nga thiệt hại ít hơn dù bị trừng phạt, có dân số đông đảo hơn nhờ đó có thể động viên ồ ạt, trong khi quân đội của Kiev khó thể bù đắp được số quân nhân tử trận. Vladimir Putin nghĩ rằng thời gian đứng về phía mình, và ông ta có lý. Cuộc xung đột càng kéo dài, sự ủng hộ của phương Tây càng giảm đi, chẳng hạn tại Hoa Kỳ, các dân biểu Cộng hòa chỉ trích quy mô viện trợ của Joe Biden.
Đối phó với một nước Nga "đã tự rời thế giới văn minh"
Quyết định giao xe bọc thép hạng nhẹ AMX-10 RC của Pháp và tương đương của Đức, Mỹ là chiều hướng tốt, nhưng Ukraine cần khẩn cấp những chiến xa hạng nặng như Leclerc (Pháp), Leopard 2 (Đức). Các chiến đấu cơ cũng giúp cán cân nghiêng về phía những người vệ quốc. Không nên đẩy Vladimir Putin vào ngõ cụt, dẫn đến nguy cơ leo thang nguyên tử ? Kiev chưa hề yêu sách một lãnh thổ nào của Nga đã được quốc tế công nhận. Săng-ta nguyên tử nên được nhìn đúng bản chất của nó : một sự bắt bí.
Không chỉ Moskva, mà Ankara và Bắc Kinh có thể thấy rằng dùng vũ lực đánh chiếm sẽ mang lại lợi ích. Lý sự "bảo đảm an ninh" cho Nga, "không làm mất mặt" Kremlin là không tính đến thực tế đã được ông Volodymyr Zelensky mô tả : "Một bức màn sắt đã buông xuống, chia cách nước Nga với thế giới văn minh". Cho dù không tham chiến, mối quan hệ với Nga đã kết thúc, Kremlin và tay sai nay coi Paris là kẻ thù. Truyền hình nhà nước Nga công khai đe dọa xóa bỏ nước Pháp trên bản đồ thế giới !
Một khi nước Nga dân chủ chưa xuất hiện - còn cần rất nhiều thời gian - cần phải tự vệ trước chủ nghĩa đế quốc Nga, và không thể sáng tạo ra định chế nào tốt hơn là NATO. Giấc mơ của Macron về một "cơ cấu an ninh Châu Âu" trong đó gồm cả Nga, hiện chỉ là hoang tưởng. Ngay trong Đệ nhị Thế chiến, ngày 09/02/1941, thủ tướng Anh Winston Churchill nài nỉ Hoa Kỳ : "Hãy cho chúng tôi công cụ, và chúng tôi sẽ làm nhiệm vụ". Ngày nay Volodymyr Zelensky cũng chỉ xin Châu Âu có vậy. Le Point kết luận, để mang lại hòa bình mà duy trì tiếng nói trên các vấn đề thế giới, đây chính là lúc mà Châu Âu phải đáp lời.
"Ánh sáng cuối đường hầm" cho cuộc chiến Ukraine
Cũng liên quan đến Ukraine, bà Mona Juul, nguyên đại sứ Na Uy tại Liên Hiệp Quốc trên The Economist cho rằng hãy còn quá sớm cho hòa đàm giữa Nga và Ukraine, nhưng cần chuẩn bị ngay từ bây giờ. Nhiều năm về trước tại Jerusalem, tại bàn đàm phán với một bộ trưởng chính phủ Israel, bà cố gắng khuyến khích chấp nhận một thỏa thuận, theo đó người Palestine cũng cảm thấy Jerusalem cũng là thủ đô của họ. Vị bộ trưởng này trả lời, đó là thủ đô không thể chia cắt của Israel trong 3.000 năm qua và 3.000 năm tới. Mona Juul nghĩ rằng nhiệm vụ của mình là bất khả thi. Nhưng sau một tiến trình phức tạp, rốt cuộc đã có được hiệp ước Oslo năm 1993.
Trong cuộc chiến tàn bạo của Nga đánh vào Ukraine, các bên không sẵn sàng đàm phán hay ngưng bắn. Kẻ xâm lược, Vladimir Putin, quyết tâm tiếp tục khủng bố, bất chấp luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Về phía Ukraine, Volodymyr Zelensky đã đưa ra kế hoạch gồm 10 điểm. Trong cuộc trao đổi mới đây với The Economist, chánh văn phòng tổng thống nói rằng đàm phán là bước cuối cùng để đạt được hòa bình, chứ không phải là bước đầu tiên. Kiev rất rõ ràng trong mục đích và phải tự quyết định cách tốt nhất để chống xâm lăng. Na Uy đã giúp đỡ khá nhiều về quân sự, kinh tế, và cũng có thể hỗ trợ về chính trị, ngoại giao vì có khá nhiều kinh nghiệm làm trung gian thương thảo.
Bài học chính của Na Uy trong 30 năm qua là không bao giờ quá sớm để chuẩn bị cho một cuộc đối thoại. Bài học thứ hai : các kênh liên lạc phải được thiết lập càng sớm càng tốt. Những tiếp xúc theo với thời gian sẽ giúp có được khởi đầu thuận lợi, như ở Colombia. Không có cuộc chiến nào giống cuộc chiến nào, nên trong giai đoạn này khó thể nói kinh nghiệm nào có thể áp dụng cho Ukraine. Nhưng bà Mona Jull nhớ lại ở Israel, vào một trong những lúc bế tắc nhất, bà hỏi một ngoại trưởng liệu có thể có ánh sáng ở cuối đường hầm không. Ông ấy nói có, nhưng vấn đề là chẳng có đường hầm ! Cựu đại sứ cho rằng cộng đồng quốc tế và Liên Hiệp Quốc cần gây áp lực lên Moskva để chấm dứt cuộc chiến phi nghĩa, giúp đỡ Ukraine kháng chiến, và tạo điều kiện khi họ cần đến một "đường hầm".
Putin bám ghế đến cùng
Về ông chủ điện Kremlin, nhà hoạt động kiêm nhà văn người Mỹ Joshua Rubenstein, tác giả cuốn "Những ngày cuối cùng của Stalin", khi trả lời L’Express nhấn mạnh : "Ngược với Stalin, chế độ Putin không có ý thức hệ". Ông cho việc so sánh Vladimir Putin với Stalin là không ổn. Tuy cũng duy trì tôn sùng lãnh tụ, nhưng Putin không viết sách, không đi xa hơn việc để ngực trần chụp ảnh đang cỡi ngựa. Nắm được quyền hành, làm giàu cá nhân mới quan trọng. Chính vì vậy mà ông ta khởi động chiến tranh với Ukraine. Putin không chịu được ý tưởng một Ukraine độc lập, dân chủ và thịnh vượng.
Nếu chế độ vẫn đứng vững sau cái chết của Stalin, đó là vì ý thức hệ cộng sản vượt quá tham vọng cá nhân, nói cách khác, chế độ xô-viết hiện hữu độc lập với Stalin. Đó không phải là trường hợp nước Nga của Vladimir Putin hiện nay. Putin có thể trông cậy vào sự trung thành của một nhóm người thân tín, nhưng vòng tròn khép kín này không dựa vào ý thức hệ mà là tiền và quyền. Sẽ là ảo tưởng khi tin rằng tất cả những cộng sự thân cận của Putin để ủng hộ cuộc chiến với Ukraine, không phải được tung ra do khác biệt ý thức hệ với đảng.
Stalin không chỉ định người kế vị, liệu Putin sẽ phạm cùng một sai lầm ? Rubenstein không nghĩ rằng Putin có ý định lui vào bóng tối, để lại cho Medvedev hay một ai khác sống trong căn nhà tráng lệ của mình, hưởng thụ cuộc sống sang cả mà quyền lực mang lại. Ông ta cũng biết mình có quá nhiều kẻ thù. Có thể Volodymyr Zelensky có lý khi nói rằng Vladimir Putin muốn tại vị cho đến ngày cuối cùng, vì không có chọn lựa nào khác. Ông ta có thể đi lưu vong ở đâu ? Trung Quốc hay Mar-a-Lago ?
Thụy My
Putin chuẩn bị một cuộc đại chiến mới với Ukraine ?
Chiến sự Ukraine, diễn đàn Davos, dân số giảm gây lo ngại cho quỹ hưu bổng là các chủ đề chính trên báo chí hôm nay. Libération là tờ báo duy nhất có bài viết về Việt Nam với tựa đề "Đảng cộng sản lo việc "đốt lò"". Được tổng bí thư tiến hành từ mười năm qua, chiến dịch chống tham nhũng vừa làm chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mất ghế.
Một xe tăng Nga bị phá hủy ngập trong tuyết trắng tại một khu rừng ở Kharkiv, ngày 14/01/2023. AP - Evgeniy Maloletka
Ông Nguyễn Xuân Phúc phải ra đi sau khi hai phó thủ tướng mất chức
Cuộc thanh trừng là không có giới hạn. Thậm chí còn mang tính lịch sử, cho thấy một cơn sốt bất thường trong chính trường Việt Nam đầy biến động : chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc từ chức hôm qua sau khi bị các đồng chí trong Đảng cáo buộc đã để cho thuộc cấp có những "vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng". Sự ra đi chưa từng thấy của nhân vật số hai của Nhà nước, chỉ sau tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đi kèm với việc từ bỏ các chức trách trong Bộ Chính Trị và Trung ương Đảng.
Một cuộc họp bất thường của Quốc hội được triệu tập hôm nay, thứ Tư, để phê chuẩn. Và thông qua việc cải tổ Ủy ban Trung ương Đảng, có thể một số quan chức an ninh - vốn đông đảo trong các cơ quan chính phủ - được thăng chức, và một số chức sắc khác ra đi. Theo nhà phân tích Zachary Abuza, việc ông Phúc bất ngờ từ chức đánh dấu một bước leo thang quan trọng trong việc "đốt lò", tức chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng do ông Trọng phát động cách đây một thập niên. Có ít nhất 168.000 đảng viên đã bị trừng phạt, trên 7.300 bị truy tố.
Cũng theo Libération, ông Phúc vốn là thủ tướng được tín nhiệm trong việc thúc đẩy cải cách kinh tế, sau đó lên làm chủ tịch nước do xử lý tốt đại dịch Covid, là quan chức cấp cao nhất bị nhắm đến trong cuộc thanh trừng gần đây. Trước đó vào đầu tháng Giêng, hai phó thủ tướng đã bị cách chức.
Ông Vũ Đức Đam, người chịu trách nhiệm chính trong việc chống dịch, đang phụ trách lãnh vực y tế khi tổng giám đốc công ty Việt Á thú nhận đã chi hoa hồng cho các quan chức để bán bộ xét nghiệm Covid với giá trên trời cho bệnh viện và trung tâm y tế. Xì-căng-đan này khiến bộ trưởng y tế Nguyễn Thanh Long, chủ tịch Hà Nội và là cựu bộ trưởng Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh mất chức và bị bắt giam tháng 6/2022. Phó thủ tướng thứ nhì là Phạm Bình Minh, rơi đài vì vụ khác. Ngay trong đại dịch, khi Việt Nam đóng cửa biên giới vào đầu 2020, ông giám sát chiến dịch hồi hương các công dân từ 60 nước. Khoảng 40 nhà ngoại giao và công an đã bị bắt vì nhận tiền để ưu tiên cho một số hành khách được về nước trong 800 chuyến bay đặc biệt.
Chống tham nhũng đồng thời đấu tranh quyền lực, phe công an ở thế thượng phong
Theo tác giả bài viết, công cuộc chống tham nhũng sâu rộng tại Việt Nam cũng như tại nước láng giềng Trung Quốc thường là dịp để chế độ củng cố quyền lực, loại các đối thủ cạnh tranh và tạo lòng tin nơi dân chúng. Chuyên gia Benoît de Tréglodé của IRSEM nhấn mạnh : "Sự kiện ông Phúc bị buộc từ chức có nghĩa là các nhân vật trong ngành công an, vốn có quan hệ mật thiết với các đồng nghiệp Trung Quốc, nắm lại bộ máy chính trị. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn bảo vệ ý thức hệ và vai trò của Đảng".
Ông Trọng, trước đây được coi là một nhà lãnh đạo cởi mở trong Phòng Bầu dục của Barack Obama, đã chật vật đạt được nhiệm kỳ thứ ba trong Đại Hội Đảng năm 2021, với "đấu đá nội bộ tăng lên". Libération cho rằng đến tháng Tư ông sẽ 79 tuổi, sức khỏe kém và chịu áp lực, có khả năng ông rời chức vụ trước thời hạn dự kiến năm 2026.
Cũng theo chuyên gia Benoît de Tréglodé, ông Trọng "lo ngại sự phản kháng trong nội bộ, một dân số trẻ muốn mở cửa và một loạt hoạt động ngoại giao của nhiều nước ở Ấn Độ-Thái Bình Dương nhằm kìm hãm Trung Quốc, trong khi ông muốn giữ sự gần gũi ý thức hệ với Bắc Kinh". Việc cách chức phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Phạm Bình Minh được cho là một sự bảo đảm đối với Bắc Kinh. Vẫn theo Tréglodé : "Ông Minh thân phương Tây, cởi mở, tốt nghiệp các trường đại học danh giá. Ông tượng trưng cho một sự hiện đại hóa thực sự, nhưng bị cách chức, thậm chí còn bị cho ra khỏi Trung ương Đảng và Bộ Chính trị".
Phe công an đã nắm lấy chiến dịch chống tham nhũng mà thực tế là cuộc chiến giành quyền kế vị. Một cái tên "cộm cán" nổi lên : ông Tô Lâm, đương kim bộ trưởng công an và có lẽ là nhân vật quyền lực của Việt Nam. Năm nay 65 tuổi, tại vị đã gần 8 năm, ông tiêu biểu cho tình trạng công an chiếm toàn quyền. Benoît de Tréglodé cho rằng : "Tô Lâm đã đạt được việc bổ nhiệm một phó thủ tướng thân cận với mình. Mục tiêu của ông là chức chủ tịch, trước khi thành tổng bí thư". Chống tham nhũng khó thể đụng tới ông, tuy Tô Lâm đã từng bị ghi lại cảnh ăn thịt bò rắc vàng giá gần 2.000 đô la. Cư dân mạng đặt câu hỏi, làm thế nào ông thanh toán bữa ăn này với lương tháng khoảng 660 đô la ? Có lẽ khát khao quyền lực biện minh cho phương tiện.
Kiev mong Berlin bật đèn xanh về chiến xa Leopard
Liên quan đến Ukraine, Le Figaro có đến bốn bài viết mô tả tình hình chiến trường và các bài phân tích. Trước hết là bài phóng sự của đặc phái viên ở Tchernihiv, nói về "Những chiến binh Ukraine trấn giữ trong những khu rừng gần biên giới Belarus", nơi sương mù che khuất tầm nhìn và tuyết trắng bao phủ mọi nơi. Le Monde dành một trang khổ lớn cho phóng sự ảnh tại Dnipro, nơi "cuộc sống bị ngưng đọng trong đống đổ nát sau vụ oanh tạc của Nga" làm 45 thường dân thiệt mạng, 72 căn hộ bị phá hủy. Vũ khí được dùng là một hỏa tiễn hành trình loại Kh-22 được chế tạo từ thập niên 60 để tấn công hàng không mẫu hạm. Hôm thứ Bảy 14/01, Nga bắn 5 quả Kh-22 vào lãnh thổ Ukraine. Hỏa tiễn này chứa đến 1 tấn thuốc nổ có thể hủy diệt bất cứ tòa nhà nào của thường dân, chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu tố cáo "tội ác chiến tranh".
Le Figaro nhận thấy "Với các xe tăng hạng nặng, Kiev hy vọng có được bước tiến chiến thuật". Vừa được bổ nhiệm, tân bộ trưởng quốc phòng Đức Boris Pistorius sẽ phải nhanh chóng quyết định có chi viện chiến xa Leopard 2 cho Ukraine hay không. Việc Berlin bật đèn xanh còn giúp các nước Châu Âu khác có thể chuyển giao các xe tăng này cho Kiev, theo quy định xuất khẩu. Ưu điểm chính của Leopard 2 là có số lượng nhiều tại Châu Âu. Ba Lan sở hữu khoảng 100 chiếc Leopard 2 loại A4, Phần Lan và Đức có trên 200 chiếc A5. Việc cung cấp phụ tùng và sửa chữa sẽ dễ dàng hơn, và nhất là các chiến xa này được trang bị đại bác 120 ly.
Les Echos cho biết Boris Pistorius, 62 tuổi, xuất thân là luật gia, tuy chưa hề làm việc trong lãnh vực quốc phòng, nhưng là chính khách rất giàu kinh nghiệm về an ninh nội địa. Ông là một trong những bộ trưởng được cảm tình nhiều nhất ở bang Niedersachsen (Basse-Saxe theo tiếng Pháp), có quan điểm cứng rắn, chủ trương củng cố lực lượng cảnh sát, quản lý chặt các phần tử Hồi giáo cực đoan. Le Monde lưu ý, cho dù Boris Pistorius kêu gọi nên thận trong trong cuộc chiến tranh Ukraine, ông là một trong những nhân vật hiếm hoi trong đảng SPD hồi tháng 5/2022 đã nói rõ "Ukraine phải thắng trong cuộc chiến này".
Xe tăng hạng nặng là ưu thế, nhưng không quyết định chiến trường
La Croix đặt vấn đề "Phương Tây giúp xe tăng hạng nặng cho Ukraine có thể thay đổi thế trận hay không ?". Nhà nghiên cứu Léo Péria-Peigné của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) nhận định việc Hoa Kỳ và Đức viện trợ khoảng 100 xe bọc thép Bradley và Marder rất hữu ích. Cho đến nay bộ binh Ukraine chỉ có thể tấn công với sự yểm trợ của các xe chống mìn được bọc thép rất ít, dẫn đến những thiệt hại đáng kể mà lẽ ra tránh được.
Xe tăng hạng nặng là biểu tượng mạnh mẽ cho một quân đội tân tiến. Về mặt bảo trì, người ta thường nói rằng cứ một xe tăng hoạt động thì một chiếc khác đang bảo dưỡng và một chiếc nữa để lấy phụ tùng thay thế. Như vậy nếu phương Tây giao dưới 50 chiếc chỉ phản tác dụng, vì Ukraine phải mất thời gian lo hậu cần và huấn luyện. Le Monde dẫn lời tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine, tướng Valeri Zaloujny, ước tính nhu cầu là 300 xe tăng.
Theo ông Péria-Peigné, xe tăng hạng nặng giúp thêm ưu thế nhưng không phải là yếu tố quyết định. Sẽ không là bước ngoặt, trừ phi phương Tây viện trợ hẳn một sư đoàn thiết giáp : 400 chiếc xe bọc thép, 200 xe tăng và thợ sửa chữa. Trong khi đó khó thể giao được trên 200 xe tăng trong thời gian ngắn. Nếu Nga huy động thêm nửa triệu quân, Ukraine cần một số lượng lớn khẩu pháo, giàn phóng rốc-kết đa nòng Himars và đạn dược.
Đối với nhà nghiên cứu Camille Grand, cựu phó tổng thư ký NATO, động thái này mang ý nghĩa chính trị quan trọng. Phương Tây giúp Kiev không chỉ kháng cự như trong thời kỳ đầu, mà còn giành lại những lãnh thổ bị quân Nga chiếm. Chuyên gia cho rằng lằn ranh đỏ duy nhất là sự hiện diện của quân đội NATO trên đất Ukraine. Vấn đề là trong những tháng tới phương Tây có thể cung cấp dồi dào trong thời gian dài hay không, khi đảng Cộng Hòa nắm Hạ Viện Mỹ còn ở Pháp, các đảng cực hữu và cực tả không ủng hộ.
Nga chuẩn bị tấn công đại quy mô vào Ukraine ?
Về phía Nga, Le Figaro cho biết cựu cố vấn của Vladimir Putin, Andreï Illarionov hiện đang sống tại Washington, trong một cuộc phỏng vấn trên YouTube hôm Chủ nhật đã cảnh báo về "trận đại chiến" mà ông chủ điện Kremlin đang chuẩn bị cho năm 2023. Nói rằng có những nguồn tin khả tín, Illarionov khẳng định Nga đã rút được những bài học về thảm họa của năm 2022, có thể gây bất ngờ qua việc đánh mạnh từ đông bắc, tức là thông qua Belarus ; những tuyến đường tiếp liệu và đường xe lửa huyết mạch nối Lviv của Ukraine với Châu Âu.
Từ 17/09, ngày thông báo động viên, và nhất là từ 15/12, Putin cùng với bộ tham mưu "làm việc 24/24" để hoạch định các chi tiết của chiến lược mới. Hôm 17/12, tổng thống Nga đi thăm bộ chỉ huy chiến dịch đặc biệt rồi đến Minsk "để thanh sát đoàn quân trong trường hợp tấn công từ phía bắc". Cuối tháng 12, ông ta duyệt lại bộ quốc phòng và đầu tháng Giêng đến Luhansk, Donetsk, hiện diện trong lễ hạ thủy chiến hạm Gorshkovle hôm 04/01. Các quân nhân mặc treilli bao quanh Vladimir Putin trong dịp chúc mừng năm mới cũng là dấu hiệu cho chuẩn bị tổng động viên.
Việc bổ nhiệm tổng tham mưu trưởng quân đội Valery Guerassimov chỉ huy chiến dịch Ukraine cho thấy Kremlin muốn tăng tốc. Ba viên phó của Guerassimov phụ trách ba hướng chính của cuộc chiến (đông bắc, đông và nam) là những người giỏi. Nhất là việc tướng Saliukov đến Belarus, với nhiệm vụ "cắt đứt quân đội Ukraine khỏi phương Tây", còn tướng Serguei Surovikine lo duy trì áp lực lên Donbass. Cũng theo Illarionov, Guerassimov nghiên cứu kế hoạch tạo gọng kềm ở miền nam nhằm cắt đường tiếp viện từ phương Tây, bằng cách đưa lực lượng đến Boudjak, phía tây Odessa với sự hỗ trợ của hạm đội ở Novorossiisk. Sau đó đột phá về phía Moldova.
Các nhà chiến lược phương Tây tỏ ra nghi hoặc về những kế hoạch tham vọng như thế, do màn trình diễn thảm hại của quân Nga trong năm 2022. Chuyên gia quân sự Na Uy Katarzyna Zysk cho biết hiện không quan sát thấy một sự tập trung quân nào. Tuy vậy cũng không nên đánh giá thấp : Nga đang rút tỉa kinh nghiệm từ những sai lầm về tình báo, kế hoạch tác chiến, hệ thống chỉ huy. Viện Nghiên cứu Chiến tranh khẳng định năm 2023 Moskva sẽ có "hành động chiến lược quyết định" để thay đổi chiều hướng cuộc chiến. Bà Zysk cho rằng Nga có thể đưa quân số lên 1,5 triệu nhưng thiếu trầm trọng sĩ quan để huấn luyện. Về trang bị, "Nga vẫn còn xe bọc thép, nhưng tình trạng như thế nào ? Đó là cả một ẩn số".
Cựu tổng thống Pháp François Hollande : Putin nói dối không ngượng miệng
Về bản thân tổng thống Nga, trong bài "Cuộc chiến tranh qua cái nhìn của một ‘nhà Putin học’ mang tên François Hollande", Le Figaro chú ý đến việc cựu tổng thống Pháp khẳng định Vladimir Putin "có khả năng nói dối vô hạn định". Ông François Hollande, khách mời nói chuyện thời sự quốc tế trước sinh viên trường đại học Sorbonne, nhận định "sự nói dối trắng trợn đôi khi gây sững sờ, khiến người ta hoang mang tự hỏi phải chăng là sự thật".
Cựu tổng thống Pháp đã nhiều lần tiếp xúc với Vladimir Putin trong nhiệm kỳ 2012-2017, từng thấy Putin thao túng hồ sơ vũ khí hóa học ở Syria và bẻ cong thỏa thuận Minsk có lợi cho Nga. Chính François Hollande, sau nhiều đắn đo, đã hủy hợp đồng bán tàu chở trực thăng Mistral cho Moskva, sau khi Nga chiếm Crimée năm 2014. Nếu không viên ngọc của Hải quân Pháp giờ đây chắc chắn được dùng tấn công Ukraine trên Hắc Hải và biển Azov, Paris sẽ vô cùng khó ăn khó nói.
Ông François Hollande nhớ lại, khi nêu ra công ty lính đánh thuê Wagner, Putin đã vờ ngây thơ : "Wagner nào ? Ông nói về cái gì vậy ?" Năm 2014, ông chủ điện Kremlin khẳng định "không quen phe ly khai", nhưng vào cuối cuộc họp, ông hứa sẽ gọi cho họ - có nghĩa là có sẵn số điện thoại. Theo cựu tổng thống Pháp, cuộc xâm lăng năm 2022 không phải bất thần xảy ra do căng thẳng giữa Nga và Ukraine, mà là cả một tiến trình bắt đầu từ 2014 với ý đồ thay đổi trật tự thế giới. Nếu Moskva thắng, sẽ tiếp tục dòm ngó những nước láng giềng, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ được khuyến khích bành trướng. Ông cảnh báo "Những gì diễn ra ở Ukraine không đơn giản là việc chinh phục lãnh thổ, mà ảnh hưởng đến vận mệnh thế giới".
Thụy My
Nga bắn đợt tên lửa mới vào Ukraine và phá cơ sở hạ tầng năng lượng
Paul Adams từ Dnipro & Alexandra Fouché từ London, 15/01/2023
Nga đã tiến hành các đợt tấn công tên lửa mới trên khắp Ukraine hôm thứ Bảy, giết chết ít nhất 20 người trong một cuộc tấn công vào một khu chung cư ở thành phố Dnipro.
Các đội cứu hộ làm việc trong đống đổ nát của tòa nhà dân cư bị hư hại do pháo kích ở Dnipro
Một số thành phố khác, bao gồm Kyiv, Kharkiv và Odesa, cũng bị tấn công.
Phần lớn Ukraine hiện đang trong tình trạng mất điện khẩn cấp sau khi tên lửa tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng ở một vài thành phố.
Trước đó, Vương quốc Anh cho biết sẽ gửi xe tăng Challenger 2 tới Ukraine để hỗ trợ quốc phòng nước này.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết Challengers, xe tăng chiến đấu chủ lực của quân đội Anh, sẽ giúp lực lượng Kiev "đẩy lùi quân đội Nga".
Nga phản ứng bằng cách nói rằng việc cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine sẽ dẫn đến các hoạt động tăng cường của Nga và thêm nhiều thương vong dân sự hơn.
Hôm thứ Bảy (14/1), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết các cuộc tấn công của Nga vào các mục tiêu dân sự chỉ có thể dừng lại nếu các đối tác phương Tây của Ukraine cung cấp vũ khí cần thiết.
"Điều gì là cần thiết ? Những vũ khí đang nằm trong kho của các đối tác của chúng tôi và là thứ mà các binh sĩ của chúng tôi đang rất trông đợi", ông nói trong bài phát biểu hàng đêm qua video, đồng thời cho biết thêm rằng lực lượng của ông đã bắn hạ hơn 20 trong số 30 tên lửa của Nga bắn vào Ukraine.
Cuộc tấn công tàn khốc ở Dnipro đã đánh trúng lối vào của một tòa nhà 9 tầng, biến nhiều tầng thành đống đổ nát đang cháy âm ỉ, và khiến 73 người bị thương, trong đó có 14 trẻ em, các quan chức Ukraine cho biết, đây có thể là vụ tấn công tồi tệ nhất trong nhiều tháng.
Nhiều người đã tụ tập để theo dõi nỗ lực cứu hộ tại địa điểm xảy ra cuộc tấn công, trong khi những người khác tham gia cùng các nhân viên cứu hộ trong cuộc tìm kiếm những người sống sót trong tuyệt vọng. Có những cuộc gọi khẩn cấp, hàng đoàn người tình nguyện dọn dẹp đống đổ nát và những ngọn đuốc xuyên qua những đám khói bụi dày đặc.
Trong bài phát biểu của mình, ông Zelensky cho biết việc dọn dẹp đống đổ nát ở Dnipro sẽ tiếp tục suốt đêm : "Chúng tôi đang chiến đấu vì mọi người, mọi mạng sống". Cho đến nay, 38 người đã được giải cứu khỏi tòa nhà, trong đó có 6 trẻ em, giới chức cho biết.
Vẫn chưa có thông tin về lý do tại sao khu chung cư lại là mục tiêu của sự tàn phá như vậy, vì nó nằm cách xa một cơ sở năng lượng gần nhất.
Vào một ngày mà Nga dường như có ý định, một lần nữa, nhằm vào mạng lưới năng lượng của Ukraine, vụ tấn công này có thể là một trong những tên lửa kém chính xác trong kho vũ khí của Nga, hoặc thứ gì đó do hệ thống phòng không của Ukraine bắn hạ - mặc dù nhìn bề ngoài, đây có vẻ là một giải thích ít có khả năng xảy ra.
Đã hai tuần trôi qua kể từ đợt tấn công cuối cùng của Nga vào mạng lưới điện của Ukraine. Khi nói về các cơ sở hạ tầng năng lượng bị tấn công hôm thứ Bảy, ông Zelensky cho rằng tình hình khó khăn nhất là ở khu vực Kharkiv và Kyiv.
Công ty năng lượng nhà nước Ukraine Ukrenergo trước đó cho biết giới hạn tiêu thụ trong cả ngày đã được thiết lập cho tất cả các khu vực cho đến nửa đêm giờ địa phương.
Các quan chức, ở phương Tây và Ukraine, đã bắt đầu tự hỏi liệu "cuộc chiến năng lượng" của Nga có thể sắp kết thúc hay không, do khả năng thiếu hụt tên lửa phù hợp và thực tế rõ ràng là chiến lược này vẫn chưa lay chuyển được tinh thần của Ukraine.
Các cuộc tấn công hôm thứ Bảy cho thấy Moscow vẫn nghĩ rằng đó là một chiến thuật đáng để theo đuổi.
Paul Adams (Dnipro) & Alexandra Fouché (London)
Nguồn : BBC, 15/01/2023
************************
Vụ tấn công chung cư ở Dnipro khiến dân Ukraine phẫn nộ muốn tiêu diệt nhà nước Nga
Trọng Thành, RFI, 15/01/2023
Cuộc tấn công của quân đội Nga nhắm vào một chung cư tại thành phố miền trung Dnipro, Ukraine, hôm thứ Bảy 14/01/2023, khiến ít nhất 20 người thiệt mạng, làm gia tăng phẫn nộ trong dân chúng Ukraine. Đối với nhiều người Ukraine, đây không phải là tội ác chiến tranh đầu tiên của Nga, nhưng cuộc tấn công này khiến nỗi phẫn uất dâng lên đến mức chưa từng có.
Dnipro, thành phố lớn thứ ba của Ukraine. © wikimedia.org
Giờ đây, đối với nhiều người Ukraine, giải pháp duy nhất để giúp kết thúc chiến tranh là chấm dứt sự tồn tại của chính quyền Nga. Phóng sự của thông tín viên Stéphane Siohan gửi về từ Kiev :
"Việc một chung cư ở thành phố Dnipro bị phá hủy hôm qua, khiến đông đảo người dân Ukraine hết sức phẫn nộ. Bên cạnh việc kháng chiến chống lại quân xâm lược Nga, giờ đây đông đảo người Ukraine kêu gọi tấn công trực tiếp vào đất Nga, đập tan chế độ hiện hành tại Nga.
Một nam blogger nhận xét : "Mỗi lần tôi nghĩ rằng không thể căm thù hơn nữa, thì những kẻ khủng bố người Nga lại cho thấy rằng tôi đã lầm. Bọn họ là hiện thân của cái ác. Không có gì tả nổi nỗi căm hờn của tôi".
Một phụ nữ nổi tiếng trong các hoạt động thiện nguyện bày tỏ : "Tôi đã quá ngán ngẩm về thái độ kiềm chế. Giờ đây, cần phải ấn định một nguyên tắc : "một thường dân Ukraine bị giết hại thì sẽ phải được đáp trả bằng việc một căn cứ quân sự tại Nga bị tấn công". Người phụ nữ này nói thêm là bà mong muốn Liên bang Nga không còn tồn tại trên mặt đất, và đây không phải là một phát biểu mang tính hận thù, mà là mệnh lệnh của công lý.
Những lời lẽ nói trên là từ miệng của những người dân Ukraine vốn thuộc nhóm ôn hòa. Giờ đây, chấn thương do chiến tranh đã trở nên sâu sắc đến mức mà nhiều người Ukraine không còn nhìn thấy lối thoát nào khác hơn cho chiến tranh là nghiền nát chế độ hiện hành tại Nga.
Tối hôm qua, khắp nơi trên các mạng xã hội, để đáp trả thảm kịch tại Dnipro, dân chúng kêu gọi các nước phương Tây cung cấp thêm cho người Ukraine những vũ khí cần thiết, để tự họ có thể chấm dứt tấn bi kịch đang diễn ra này".
Trọng Thành
***********************
Chiến tranh Ukraine : Nga hủy diệt 1 khu chung cư ở Dnipro, ít nhất 25 người chết
Minh Anh, RFI, 15/01/2023
Bộ tổng tham mưu quân đội Ukraine, hôm 14/01/2023, cho biết, quân đội Nga đã tiến hành ba cuộc không kích, phóng đi khoảng 50 tên lửa nhằm vào nhiều vùng của Ukraine. Một tòa nhà chung cư gồm 72 căn hộ ở thành phố Dnipro, miền trung Ukraine, sụp đổ sau khi bị trúng tên lửa Nga. Ít nhất 25 người thiệt mạng.
Cứu hộ tại tòa nhà chung cư bị Nga tấn công bằng tên lửa, Dnipro, Ukraine, ngày 14/01/2023 © via Reuters / Ukrainian Presidential Press Service
Trên mạng Telegram, ông Valentyn Reznichenko, chỉ huy quân sự tỉnh Dnipropetrovsk, thương xót cho những nạn nhân vô tội. Theo ông, vụ oanh kích này còn làm 73 người khác bị thương, và chưa rõ số phận của hơn 40 người còn lại. Ông khẳng định công tác cứu hộ vẫn đang tiếp tục.
Phủ tổng thống Ukraine cho biết thêm, loạt tấn công này của Nga làm cho từ 100 đến 200 người dân rơi vào tình trạng vô gia cư. Nếu tính gộp cả những vùng ngoại ô Dnipro, tổng cộng có khoảng 1.7000 người dân tỉnh Dnipro không còn điện và sưởi.
Đặc phái viên đài RFI Aabla Jounaidi và Boris Vichith, có mặt tại hiện trường ghi nhận những thiệt hại :
"Tại Dnipro, khi còi hụ báo động tên lửa vang lên, lúc ấy là khoảng gần 16 giờ. Và một tiếng nổ lớn làm rung chuyển trung tâm thành phố. Tại khu dân cư đối diện với sông Dniepr, cả một dãy nhà đã bị đổ sập. Một lỗ hổng khổng lồ có thể thấy rõ ngay tại vị trí tòa nhà, giờ đã thành tro bụi.
Giữa đống đổ nát, nhân viên cứu hộ và người tình nguyện đang bận rộn. Xe cứu thương đến rồi đi. Những vệt máu lớn loang trên mặt đất, thi thể của một nạn nhân đã được cáng đi.
Người dân kêu gào gọi người thân. Một người đàn ông hét to "bố ơi" trong khoảng trống. Một phụ nữ khóc nức nở, nguyền rủa quân Nga. Nhưng con gái và chồng bà sống sót. Họ đang ở trong tòa nhà, bên cạnh lỗ hổng.
Nhân viên cứu hộ xua những người đang vây kín xung quanh. Các tình nguyện viên ít nhất sẽ phải dành cả đêm để dọn dẹp núi đổ nát này, với hy vọng tìm thấy những người còn sống sót".
Quân đội Ukraine vẫn kháng cự tại Soledar
Thị trấn Soledar, tỉnh Donetsk, miền đông, vẫn "nằm dưới sự kiểm soát" của Ukraine, theo thống đốc Pavlo Kyrylenko. Trong một phát biểu hôm qua, thống đốc Pavlo Kyrylenko, khẳng định thị trấn này và thị xã Bakhmut kế bên tiếp tục là "các điểm nóng nhất" trong số các mặt trận ở Ukraine. Gần thị trấn Soledar, phóng viên AFP ghi nhận các ê kíp cấp cứu chăm sóc các binh sĩ Ukraine bị thương được đưa về từ mặt trận. Vadim, một nhân viên cấp cứu cho biết "tình hình khó khăn, nhưng các lực lượng Ukraine vẫn bám trụ".
Mảnh vỡ tên lửa Nga tại Moldova
Chính quyền Moldova khẳng định nhiều mảnh tên lửa Nga được tìm thấy trên lãnh thổ nước này sau đợt tấn công hôm qua của Quân đội Nga tại Ukraine. Tổng thống Moldova, bà Maia Sandu, tố cáo : "cuộc chiến tranh tàn bạo của Nga chống lại Ukraine, một lần nữa tác động đến Moldova". Theo chính quyền Moldova, các mảnh tên lửa được tìm thấy gần làng Larga, giáp biên giới phía bắc.
Minh Anh
***************************
Ba người chết, 15 người bị thương trong vụ nổ đạn dược ở khu vực của Nga gần Ukraine
Reuters, VOA, 15/01/2023
Một vụ nổ đạn dược do việc xử lý "bất cẩn" một quả lựu đạn ở vùng Belgorod của Nga, giáp biên giới với Ukraine, đã khiến 3 người thiệt mạng và 15 người khác bị thương, các hãng thông tấn Nga đưa tin hôm 15/1.
Hình vệ tinh lực lượng Nga gần biên giới với Ukraine, ngày 5/12/2021. [Ảnh minh họa]
Vụ nổ xảy ra tại một trung tâm văn hóa được tái sử dụng cho các lực lượng vũ trang Nga cất giữ đạn dược, các cơ quan thông tấn nhà nước đưa tin, dẫn các cơ quan dịch vụ cấp cứu địa phương về thiệt hại nhân mạng.
Vùng Belgorod giáp Ukraine và là nơi đặt một số căn cứ quân sự và cơ sở huấn luyện của Nga.
Các kênh 112 và Baza Telegram, vốn có liên hệ với các cơ quan thực thi pháp luật của Nga, đưa tin rằng những người chết và bị thương là lính nghĩa vụ được huy động để chiến đấu ở Ukraine.
Các kênh này đưa tin rằng vụ nổ xảy ra sau khi một binh sĩ cấp cao xử lý sai một quả lựu đạn trước mặt các cấp dưới, vô tình làm nó phát nổ. Hãng tin TASS nói rằng "việc xử lý đạn dược bất cẩn" đã gây ra vụ nổ.
Các tin tức không cho biết vụ việc xảy ra khi nào.
Belgorod giáp với phía đông bắc Ukraine, ngay đối diện thành phố Kharkiv, nơi đã là mục tiêu của nhiều cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga kể từ cuộc xâm lược của nước này vào Ukraine vào tháng 2 năm ngoái.
Reuters
Ukraine từ chối tặng "chiếc cúp" Soledar cho Putin
Ukraine là chủ đề thời sự nóng, liên tục được các báo Pháp quan tâm. Vladimir Putin muốn chiếm lấy Kiev, Odessa hay Kharkiv, nhưng rốt cuộc lại có hy vọng giành được Soledar. Khó thể tin được thành phố ngoại ô chưa đầy 12.000 dân lại là ưu tiên số một trong danh sách các mục tiêu, vào lúc bắt đầu cuộc xâm lăng. Ukraine muốn làm cho Kremlin hiểu, không dễ tấn công vào các biểu tượng của người cô-dắc.
Các chiến binh Ukraine tuần tra tại Bakhmut ngày 12/01/2023. AP - LIBKOS
Về thời sự nước Pháp, vấn đề cải cách hưu trí tiếp tục được tranh cãi trước cuộc đình công do các nghiệp đoàn kêu gọi vào thứ Năm tới. Nhật báo thiên tả Libération cho rằng hồ sơ này gây "phẫn nộ" lớn, trong khi nhật báo cánh hữu Le Figaro mỉa mai "hội chứng Pavlov" của các tổ chức công đoàn - một lần nữa khiến người lao động phải khốn đốn.
Tình hình chiến sự ở Ukraine, mối đe dọa từ Trung Quốc vẫn là trung tâm chú ý của báo chí. Les Echos ghi nhận "Nga thắng được trận đầu tiên kể từ bảy tháng qua", trong khi Libération thấy Soledar là "chiếc cúp mà Ukraine từ chối tặng cho Kremlin".
Soledar, vì sao ?
Theo Les Echos, diễn tiến ở Soledar gợi nhớ đến trận Severodonetsk mùa hè qua : sau hai tháng giao tranh dữ dội, quân Nga chiếm được thành phố 100.000 dân này với cái giá rất đắt về sinh mạng và vũ khí. Vào lúc đó, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) nhận định những thiệt hại của Nga là quá lớn so với giá trị chiến lược "hạn chế" của thành phố. Đối với Libération, Kiev không thể để cho Kremlin và Wagner giành được mảnh đất nhỏ này, dù không phải là chiến trường quan trọng nhất.
Vladimir Putin muốn chiếm lấy Kiev, Odessa hay Kharkiv nhưng rốt cuộc chỉ có Soledar. Tuy vậy hôm qua ông chủ điện Kremlin vẫn khoe "mọi việc diễn ra đúng theo như kế hoạch của bộ quốc phòng và bộ tổng tham mưu". Libération cho rằng khó thể tin được thành phố chưa đầy 12.000 dân lại nằm trên cùng của danh sách các mục tiêu ưu tiên vào đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt" hồi tháng 2/2022.
Một người tình nguyện phụ trách về drone của hai lữ đoàn trong khu vực giải thích : "Tại sao họ cố chịu đấm ăn xôi ở Soledar ? Có một chút ngẫu nhiên và yếu tố địa lý. Chỉ vì quân Nga đã "vỡ mặt" ở Bakhmut, sau nhiều tháng tấn công trực diện vẫn không chiếm nổi. Trong khi Wagner hết sức cần mang về một chiếc cúp, nên bèn lao vào Soledar như chó nhìn thấy xương".
Nga đánh thức những bóng ma Bakhmut, tiền đồn cô-dắc thế kỷ 17
Đó là lý do khiến vào cuối tháng 12, lực lượng của Yevgeny Prigozhin tập trung mọi nỗ lực vào vùng ngoại ô nhỏ bé cách Bakhmut 10 kilomet. Thành phố này hiện diện trong tất cả nhà bếp Ukraine dưới dạng những gói nhỏ hai màu xanh trắng mang nhãn hiệu Artyomsol, nhà sản xuất muối chính của đất nước. Năm 2015, Nga cấm nhập muối Ukraine do ban giám đốc công ty này ủng hộ một thỏa thuận với Liên Hiệp Châu Âu.
Libération nhắc lại cách đây 8 năm, vào tháng Giêng 2015, một trung tâm kiểm soát chung về ngưng bắn và giải giới đã được thành lập tại Soledar, theo thỏa thuận Minsk năm 2014. Hai vị tướng Alexander Rozmanin của Ukraine và Alexander Viaznikov của Nga vẫn lịch sự dùng bữa với nhau, dù Kiev biết rằng Moskva quen nói dối như một tên lang băm, về việc quân đội Nga tham gia các trận đánh.
Bakhmut là một nút giao thông hữu ích ở vùng Donbass, trong khi quân Nga chẳng có gì khác để gặm nhấm. Tuy nhiên quân đội Ukraine, phấn khích sau những chiến thắng mùa thu, coi Bakhmut là biểu tượng. Nga đã đánh thức những bóng ma của pháo đài Bakhmut, tiền đồn kiên cố của người cô-dắc hồi thế kỷ 17. Họ kháng cự bằng mọi giá. Soledar chỉ là phụ. Nhưng tại sao Ukraine không rút khỏi thành phố này sớm hơn ? Một cố vấn tổng thống Ukraine giải thích, vì muốn tránh bằng mọi giá việc Bakhmut bị bao vây. Hai lữ đoàn Dù 46 và 77 và các đơn vị tinh nhuệ khác nhân dịp này dùng pháo tiêu diệt quân địch trú ẩn tại những căn nhà còn đứng vững. Theo cựu đại tá Ukraine Oleg Zhdanov, cần phải làm cho Moskva hiểu rằng không thể tiến hành tấn công được nữa.
Vũ khí hạng nặng cho Kiev : Lằn ranh đỏ lùi dần
Các báo đều chú ý đến việc NATO loan báo sẽ sớm viện trợ vũ khí hạng nặng, và sự kiện Nga oanh kích vào Dnipro ở miền đông Ukraine làm ít nhất 40 thường dân thiệt mạng. Libération nói về "Xe tăng, vũ khí răn đe hàng loạt". Khi bất ngờ thăm Washington vào dịp Giáng Sinh, Volodymyr Zelensky không chỉ nhằm cảm ơn hàng mấy chục tỉ đô la viện trợ của Hoa Kỳ, mà còn đưa yêu cầu cho "ông già Noel" Mỹ : các loại vũ khí hạng nặng.
Chiến đấu cơ và xe tăng là biên giới mới mà Kiev hy vọng được phương Tây dỡ bỏ, để có thể tăng cường phản công ở đông bắc và miền nam, tiến tới Crimea vào thời điểm thích hợp. Lằn ranh đỏ này từ lâu tưởng chừng không thể vượt qua. Ban đầu những chuyến hàng Lầu Năm Góc gởi cho Kiev đều được cân nhắc kỹ lưỡng. Nhưng từ chỗ viện trợ nhỏ giọt, Mỹ và Châu Âu dần dần tỏ ra hào hiệp hơn trước sự dũng cảm và sức kháng cự của Ukraine. Lý lẽ lâu nay là sợ Kremlin lấy cớ để mở rộng xung đột, theo Libération, hoặc có đôi chút nghịch lý, hoặc đạo đức giả, vì hàng triệu băng đạn được giao không phải để bắn chỉ thiên.
Đợt tấn công ồ ạt của quân Nga mới đây đã khiến sau loan báo gởi khoảng 100 xe bọc thép của Pháp, Mỹ, Đức, Luân Đôn phá vỡ cấm kỵ khi chính thức công bố sắp viện trợ trực thăng chiến đấu và nhất là 14 xe tăng Challenger 2. Đây sẽ là những chiếc xe tăng tân tiến đầu tiên do phương Tây sản xuất mà Kiev có được, sau khi đã nhận 300 chiếc thời Liên Xô. Washington chưa muốn chi viện M1 Abrams, mà theo phía Mỹ là hao xăng và khó bảo dưỡng, Ukraine đang chờ đợi các chiến xa Leopard 2, tuy Berlin đang do dự.
Kiev lạc quan cho rằng chỉ là vấn đề thời gian : ban đầu chỉ gởi sang có… 5.000 nón sắt, nhưng dưới áp lực dư luận và các đồng minh, Đức đã trở nên một trong những nước Châu Âu viện trợ quân sự nhiều nhất. Thủ tướng Olaf Scholz cũng chịu sức ép ngay trong liên minh cầm quyền. Mới đây, Rofl Mützenich, thủ lãnh nhóm nghị sĩ SPD tuyên bố "Ukraine có quyền đạt được những gì cần thiết để tự vệ", và theo ông, "lằn ranh đỏ" đã là quá khứ.
Lo bữa ăn cho lính chiến, nỗi đau đầu của Ukraine
Cũng về Ukraine, La Croix chạy tựa trang nhất "Cung cấp thực phẩm cho mặt trận, một cuộc chiến đấu thường nhật". Tờ báo đăng bài phóng sự công phu của các đặc phái viên tại Kherson, Zaporijjia, Dnipro và Kiev ; đặt vấn đề trong thời chiến làm thế nào có thể lo bữa ăn cho một quân đội có quân số tăng gấp ba lần chỉ trong vài tháng ? Từ đầu cuộc xâm lăng, trong 327 ngày qua cả 600.000 chiến sĩ Ukraine đều được ăn ngày ba bữa, tính ra hơn nửa tỉ phần ăn. Các doanh nghiệp và những người tình nguyện đã trở thành mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng bị chiến tranh gây rối loạn.
Ở Kherson, các tình nguyện viên giúp các chiến binh có được bữa trưa nóng sốt thay vì phải nhai lương khô suốt ngày. Tại Zaporijia, Konstantin-Tchernikov, chuyên viên thảo chương mới 24 tuổi mà tóc đã điểm bạc, chỉ huy đội ngũ tình nguyện tuổi đôi mươi nhưng chín chắn, trong hai tháng đầu góp sức vào hệ thống hậu cần của quân đội đang bị đảo lộn, nhưng sau đó nhu cầu vẫn rất lớn. Họ phân biệt ba loại : những người lính đóng trong thành phố thì không phải lo, binh sĩ ở tuyến đầu phải hoàn toàn tùy thuộc khẩu phần lính chiến, và thứ ba là những quân nhân giữ tuyến hai và tuyến ba, thường chia thành những đơn vị 30-40 người. Tuy thường xuyên bị oanh tạc, không có chỗ chứa thực phẩm, nhưng những người lính này vẫn có thể nấu nước sôi.
Olena Berejnaia, giáo sư vật lý xung phong làm việc ngày sáu tiếng đồng hồ trong nhà bếp, nghĩ ra cách giúp chiến sĩ có món bortsch truyền thống. Người tình nguyện xắt nhỏ bắp cải, củ hành, cà rốt, củ cải đỏ rồi sấy khô bằng thiết bị cho một mạnh thường quân Canada giúp, đóng gói gởi ra mặt trận. Chỉ cần nấu chín khoai tây rồi thêm thịt hộp, trộn với rau củ sấy là họ có bữa trưa ngon lành. Viktor Chalavan, cố vấn quân sự bộ nội vụ Ukraine khẳng định : "Những người lính của chúng tôi có thể chịu bẩn thỉu, rét mướt, nhưng không bao giờ bị đói". Chiến binh trên các mặt trận được La Croix tiếp xúc đều xác nhận điều này, dù có những bếp ăn phải thường xuyên di dời để tránh bị Nga tấn công.
Covid chấm dứt giấc mơ bá chủ thiên hạ của Bắc Kinh
Về Châu Á, Le Figaro trong bài "Trung Quốc sau zero Covid" nhận thấy tuy không có bầu cử nhưng vẫn còn công luận. Và những vụ biểu tình dữ dội chống phong tỏa đã buộc Tập Cận Bình phải lùi bước, ngay sau chiến thắng trong Đại hội đảng 20 giúp ông ta có thể trị vì suốt đời. Chỉ vài ngày sau, các biện pháp hạn chế đã được dỡ bỏ, biên giới mở cửa trở lại.
Việc vội vã ra khỏi zero Covid mà không chuẩn bị, ngay trong mùa đông và sắp đến Tết âm lịch, trong khi không có miễn dịch tập thể và vac-xin nội địa kém hiệu quả, hệ thống y tế yếu kém, giúp con virus hoành hành, sẽ dẫn đến nhiều triệu người chết. Đại dịch không chỉ đánh dấu sự phá sản của quyền lực tuyệt đối Tập Cận Bình, mà còn chặn đứng cuộc chạy đua giành quyền lãnh đạo thế giới với Mỹ.
Bốn thập niên huy hoàng của Trung Quốc đã kết thúc. Tốc độ lão hóa dân số cũng nhanh chóng như sinh suất, trình độ học vấn không cao – thời gian đi học trung bình 9,2 năm và chỉ 5,8% dân số vào đại học. Dưới thời Tập Cận Bình, tăng trưởng từ 9,5% sụt xuống còn 3% một năm do sự hỗn loạn của chuỗi logistic vì zero Covid, quốc doanh bóp nghẹt tư nhân, khủng hoảng địa ốc. Tóm lại, Trung Quốc đã phá vỡ chu trình phát triển, bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Thất thế, Trung Quốc càng nguy hiểm ?
Mô hình kinh tế xã hội còn tiếp tục lao dốc. Dân số giảm khiến không thể tái định hướng vào thị trường nội địa, xuất khẩu lao dốc do căng thẳng địa chính trị vì chính sách ngoại giao hung hăng của Bắc Kinh. Vốn đầu tư, doanh nghiệp, nhân tài ồ ạt ra khỏi một đất nước đã trở nên nguy hiểm và bất định. Chính sách quá "tả" cộng với giám sát kỹ thuật số chận đứng mọi cải cách trong những lãnh vực chủ chốt. Chế độ Bắc Kinh gây sợ hãi nhưng đã mất đi tính chính danh. Ngược lại ảnh hưởng Hoa Kỳ không ngừng tăng lên nhờ dân số tăng, chủ động năng lượng, thực phẩm, lãnh vực công nghệ và vũ khí năng động, vai trò của đồng đô la, pháp luật mang tính xuyên biên giới nhờ siết chặt quan hệ đồng minh ở Châu Âu lẫn Châu Á.
Trong bối cảnh đó, nguy cơ Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm Đài Loan càng cao. Bắc Kinh cần đến một Đài Loan giàu có với GDP bình quân đầu người 35.500 đô la, dự trữ ngoại hối 550 tỉ đô la và công nghệ mũi nhọn, đặc biệt là chất bán dẫn. Là trung tâm ổn định và tăng trưởng trong thời kỳ toàn cầu hóa, Bắc Kinh đã trở thành nguồn trì trệ, gây căng thẳng. Không phải là do phương Tây, mà vì sự quay lại với cung cách mao-ít của Tập Cận Bình. Tác giả cho rằng phương Tây cần ngăn chặn tham vọng đế quốc của chế độ toàn trị Bắc Kinh, thông qua việc tái lập năng lực răn đe quân sự, ưu thế công nghệ.
Dùng "an ninh quốc gia" để ngăn Bắc Kinh chiếm công nghệ nhạy cảm
Cũng liên quan đến kinh tế, trong bài "Trung Quốc đối mặt với "thương mại giữa bạn bè"" đăng trên Le Monde, luật gia Isabelle Feng nhận định Mỹ và các đồng minh giờ đây nêu ra lý do "an ninh quốc gia" để ngăn chặn đầu tư Trung Quốc. Hôm 12/12/2022, Bắc Kinh đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì Hoa Kỳ "dùng biện pháp bảo hộ", hạn chế ngặt nghèo việc xuất khẩu chất bán dẫn.
Luân Đôn thì áp dụng National Security and Investment Act có hiệu lực từ tháng 1/2023 để hủy việc bán một trong những nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất cho Trung Quốc. Trước đó vào tháng 7 và 8/2022, nước Anh cũng đã hủy việc bán công nghệ quan sát tự động của đại học Manchester và một công ty tạo mẫu điện tử ở Bristol. Động thái của Anh quốc xưa nay luôn chú trọng tự do mậu dịch khiến Bắc Kinh kêu gào là đất nước quê hương của Adam Smith "vi phạm nguyên tắc kinh tế thị trường và quy định thương mại quốc tế".
Nhà nước độc đảng giận dữ vì đã quen với việc được trải thảm đỏ chào đón. Nhưng gió đã đổi chiều, và chừng như nỗi truân chuyên của các nhà đầu tư từ Hoa lục chỉ mới bắt đầu. Đức hôm 09/11/2022 đã chặn không cho bán hai nhà sản xuất chip cho Bắc Kinh. Ottawa ngày 02/11/2022 ra lệnh cho ba tập đoàn khoáng sản nhà nước Trung Quốc phải bán lại cổ phần trong các công ty khai khoáng của Canada, theo một luật vừa thông qua trước đó vài ngày. Pháp và Ý từ chối không cho người Trung Quốc thò tay vào các công ty bán dẫn. Ngay cả Ủy ban Bruxelles vốn chủ trương tự do, từ tháng 10/2020 cũng thanh lọc đầu tư nước ngoài.
Bảo hộ hay chỉ chia sẻ giữa những nước dân chủ ?
Nếu Châu Âu tránh nêu tên đối tác thương mại hàng đầu, thì Quốc hội Hoa Kỳ công khai coi Trung Quốc là "nước đáng lo ngại" trong Foreign Investment Risk Review Modernization Act (FIRRMA) được tổng thống Donald Trump phê chuẩn, có hiệu lực từ tháng 2/2020. Từ lâu trong bóng tối, Ủy ban về Đầu tư nước ngoài ở Hoa Kỳ (Committee on Foreign Investment in the United States - CFIUS) bỗng có quyền lực lớn hơn nhiều. To mồm tố cáo nước khác bảo hộ, có vẻ như Trung Quốc quên mất rằng từ bốn thập niên qua chính mình vẫn áp đặt nhiều biện pháp ngặt nghèo với tư bản ngoại quốc. Họ luôn bị loại khỏi những lãnh vực từ khai thác khoáng sản, xây dựng phi trường, viễn thông cho đến thể thao, giáo dục, sân khấu...
Cái nhãn "chủ nghĩa bảo hộ" có phù hợp không, khi một quốc gia đặt an ninh lên trên ngoại thương ? Trong kỷ nguyên đối đầu giữa hai đại cường, chữ "friend-shoring" tỏ ra chính xác hơn. Đầu tiên được bộ trưởng tài chánh Mỹ Janet Yellen sử dụng, sau đó đồng nhiệm Canada Chrystia Freeland nâng lên hàng lý thuyết trong một hội nghị ở Washington tháng 10/2022 : chỉ buôn bán với những nước cùng chia sẻ các giá trị dân chủ.
Trung Quốc của Tập Cận Bình khó thể hoan nghênh khái niệm này, vì lâu nay làm giàu nhờ hoạt động thương mại với các nước có giá trị đối nghịch. Trong một thế giới đa cực, định nghĩa về những giá trị này vẫn còn tranh cãi, nhưng dấu hiệu chủ yếu là nhìn nhận tính chất xuyên biên giới của luật pháp giữa các nước "bạn bè". Chẳng hạn năm 2016, công ty bán dẫn Aixtron của Đức sắp bị một tập đoàn Trung Quốc mua, thì nhờ sự hiện diện của một chi nhánh ở California, Barack Obama đã ngăn được.
Kỳ cuối feuilleton của gần 250 công ty Trung Quốc niêm yết ở Hoa Kỳ cho thấy quyết tâm của Washington trong việc thanh lọc "bạn hữu". Holding Foreign Companies Accountable Act có hiệu lực từ tháng 1/2022 khiến các công ty này chỉ có cách hoặc chấp hành luật Mỹ, hoặc cuốn gói về nước. Ngày 15/12/2022, Ủy ban Quản lý Chứng khoán Hoa Kỳ đắc thắng loan báo, Bắc Kinh "hoàn toàn" tuân thủ yêu cầu minh bạch. Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn vẫn là "bạn" của nước Mỹ chăng ?
Thụy My
Chiến tranh ở Ukraine : Còn lá bài nào cho Putin ?
Đánh chiếm Soledar, Bakhmut cho bằng được để lấy tiếng bất chấp mạng lính, tiếp tục tấn công vào thường dân Ukraine… Vị Sa hoàng đỏ Vladimir Putin được cho là bất bại, nay trong ngõ cụt.
Thủ lãnh Wagner Yevgeny Prigozhin dự đám tang của lính đánh thuê tại nghĩa trang Beloostrovskoye, ngoại ô Saint-Petersbourg (Nga) ngày 24/12/2022. AP
Đấu tranh quyền lực giữa quân đội Nga và lính đánh thuê
L'Express nhận thấy trong trận đánh mang tính biểu tượng ở Soledar, ông chủ Wagner, Yevgeny Prigozhin cố gắng chứng tỏ lính đánh thuê của mình giỏi hơn quân đội chính quy Nga, với cái giá phải trả hết sức nặng nề. Hôm thứ Sáu 13/01 Nga vừa loan báo chiếm được thành phố 11.000 dân ở miền đông, thì chỉ vài phút sau quân đội Ukraine đã cải chính. Hai ngày trước, mọi việc cũng diễn ra y như vậy. Khoe khoang chiến thắng quá sớm, "đầu bếp của Putin" đã bị cả Moskva và Kiev dội gáo nước lạnh. Soledar có thể sẽ thất thủ, nhưng sự vội vã này cho thấy Wagner hết sức nóng lòng có được kết quả sau nhiều tháng giao tranh ác liệt.
Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhaïlo Podoliak nói rằng những trận đánh ở Bakhmut và Soledar là đẫm máu nhất từ trước đến nay, và quân Nga thiệt hại "khủng khiếp". Libération nhấn mạnh "Soledar, một biểu tượng cho Moskva với cái giá một núi xác chết". Theo ước tính của Mỹ, trong số gần 50.000 lính đánh thuê, đã có hơn 4.100 chết và 10.000 bị thương. Tuy nhiên Wagner có số lượng dự trữ lớn để thay thế : các nhà tù Nga. Tổ chức phi chính phủ Gulagu.net cho biết ít nhất 30.000 tù nhân đã được Wagner tuyển mộ để đưa sang Ukraine. Tướng Dominique Trinquand cho rằng họ chỉ là những tấm bia thịt để làm kiệt quệ những chiến binh Ukraine.
Về chiến thuật, giành được Soledar Nga có thể bao vây Bakhmut, còn Wagner chiếm mỏ muối đáng giá. Prigozhin có thể tặng chiến thắng này cho Putin hay không ? Wagner đã tung hết mọi phương tiện vào thành phố không còn dấu vết của sự sống này. Cũng theo tướng Trinquand, trong một chiến dịch tầm cỡ, sự đoàn kết của bộ chỉ huy là quan trọng, nhưng phía Nga lại không có. Một số chuyên gia cho rằng việc Kremlin hôm 11/01 chỉ định tổng tham mưu trưởng quân đội Valeri Guerasimov thay Sergey Surovikin vốn thân cận với Prigozhin, là một cách nhắc nhở. Bên ngoài chiến trường, đấu tranh quyền lực vẫn gay gắt.
Thay ngựa giữa dòng thường xuyên : Putin độc quyền quyết định
Le Point cho rằng "Việc thay đổi liên tục các tướng lãnh cho thấy điểm yếu trong ban tham mưu Nga : sự độc đoán của Putin". Valeri Guerasimov, 67 tuổi, là quân nhân chuyên nghiệp, cả đời dành cho binh nghiệp và trung thành với truyền thống xô-viết. Là tướng lãnh cao cấp nhất trong quân đội Nga, ông cũng là nhân vật trung thành với Vladimir Putin và Sergey Shoigu, tác giả của chủ thuyết mang tên ông. Guerasimov từng thành công ở Syria, Chechnya và Crimea – ông chỉ huy chiến dịch "những người áo xanh" không quân hàm quân hiệu chiếm bán đảo này năm 2014. Theo nhiều nhà phân tích Nga, việc bổ nhiệm này là một món quà tẩm thuốc độc, vì nay Guerasimov sẽ trực tiếp hoạch định và chỉ đạo các chiến dịch.
Phải chăng Surovikin bị loại vì thất bại ? Nhận nhiệm vụ từ tháng Chín, Sergey Surovikin là tác giả chiến lược oanh kích cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, nhưng không dẫn đến việc Kiev sụp đổ. Hơn nữa, tên ông lại gắn liền với việc rút lui khỏi Kherson, và thảm kịch Makiivka đã làm hàng trăm lính Nga chết, cũng như việc huy động quân dự bị một cách vô tổ chức. Tướng Jérôme Pellistrandi cho rằng với việc bổ nhiệm Valeri Guerasimov phụ trách chiến trường Ukraine, Kremlin đã thu gọn về một mối. Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) nhận định có thể nhằm tổ chức những cuộc tấn công lớn trong năm 2023. Theo tướng Trinquand, cứ sau mỗi thất bại Putin lại thay tướng, rốt cuộc cho thấy chỉ có Putin là người quyết định.
Tướng Pháp : Zelensky lãnh đạo hiệu quả hơn ông chủ điện Kremlin
Tướng Henri Bentégeat, cựu tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp khi trả lời phỏng vấn của Le Point đã nhận định "Zelensky tỏ ra là thủ lãnh quân sự hiệu quả hơn Putin". Nhưng điều đó vẫn chưa đủ, nguồn lực chính đến từ lòng ái quốc của người dân và quân đội Ukraine. Ông nhận xét quân đội Nga, vốn đã từng thành công tại Syria, ròng rã gần 11 tháng qua không chiếm nổi Ukraine là một bất ngờ rất lớn, trong khi CIA dự báo chỉ hai tuần là Kiev đầu hàng. Việc Nga không kiểm soát được không phận Ukraine cũng là một ngạc nhiên lớn. Trong những tháng đầu tiên, Nga đã bị mất một số lớn trực thăng cho những toán quân cơ động.
Trong cuộc chiến Ukraine, ông Bentégeat không thấy điểm gì mới, pháo binh vẫn là chủ đạo, các drone không phải là một cuộc cách mạng. Sự tham gia của lính đánh thuê cũng không mới, chỉ có điều Wagner can thiệp trực tiếp một cách quy mô, và đặc biệt rất siêng năng trong cuộc chiến tranh thông tin. Tất nhiên không có sự hỗ trợ của quốc tế, Ukraine khó chống chọi nổi với quân đội Nga mạnh và đông đảo hơn nhiều. Theo ông, không có một nước nào có thể đơn độc kháng cự một cuộc chiến tranh quy mô như thế.
Những lá bài cuối cùng của Putin
Le Point phân tích về "Những lá bài cuối cùng của Putin". Tổng động viên, dùng đến vũ khí nguyên tử... tổng thống Nga có thể làm gì để tránh bị đánh bại ở Ukraine ? Vladimir Putin muốn chấm dứt loạt thất bại, qua việc động viên thêm 300.000 quân, sáp nhập bốn tỉnh của Ukraine. Kèm theo là việc đả kích dữ dội phương Tây, từ nay được mô tả là địch thủ thực sự của Nga – Putin không thể thú nhận thất bại trước nước láng giềng nhỏ yếu hơn. Vị Sa hoàng đỏ được cho là bất bại, nay trong ngõ cụt. Quân Nga chiến đấu từ nhiều tháng qua đã mỏi mệt, không được tăng viện. Cần hai, ba tháng nữa mới huấn luyện và trang bị được cho tân binh, trừ phi đưa thẳng họ ra chiến trường làm bia đỡ đạn.
Tổng động viên dân Nga như Stalin năm 1941 ? Nhưng thời đó để chống lại quân Đức, còn nay Moskva là bên đi xâm lược. Che giấu tầm vóc của thất bại qua việc tìm kiếm ngưng bắn ? Nhưng ở Moskva không ai bị lừa, và Kiev cũng chẳng muốn. Trước mắt chỉ còn cách tiếp tục "lấn đất giành dân". Việc dùng vũ khí nguyên tử chiến thuật cũng đặt ra nhiều vấn đề : nhắm vào quân đội thì lực lượng Ukraine đang đan xen với quân Nga, hay một thành phố Ukraine, một trục giao thông ? Theo Le Point, điều quan trọng là răn đe Moskva để khả năng này không xảy ra.
Phía Hoa Kỳ cũng tỏ ra kềm chế. Hiện có hai luồng ý kiến khác nhau : hoặc tăng cường vũ trang cho Ukraine kể cả chiến đấu cơ, hoặc có những biện pháp từ lập vùng cấm bay trên không phận Ukraine cho đến oanh kích hạm đội Hắc Hải của Nga ở Sevastopol. Dù sao đi nữa, Putin ngày càng có ít chọn lựa, không phương án nào bảo đảm được chiến thắng cho ông ta.
Phương Tây cần viện trợ xe tăng hạng nặng cho Ukraine
Trong bối cảnh đó, The Economist nhấn mạnh "Phương Tây nên cung cấp xe tăng cho Ukraine", cho rằng đồng minh quá thận trọng trong việc trao những phương tiện để chống lại cuộc xâm lược của Nga. Rốt cuộc cũng có tin vui là Pháp, Mỹ, Đức bắt đầu gởi các loại xe bọc thép hạng nhẹ, nhưng như vậy chưa đủ, Kiev cần những chiến xa thực sự như Abram (Mỹ), Leopard (Đức) và các hỏa tiễn tầm xa. Những vũ khí như Himars đang làm quân Nga sợ hãi sẽ tạo cơ hội cho Ukraine đột phá, đưa Nga trở lại những giới tuyến trước ngày 24/02. Không thể nói rằng giao xe bọc thép Marder sẽ ít nguy hiểm hơn Leopard. Chiến tranh là nguy hiểm, và Kiev cần công cụ để hoàn thành công việc.
Một số tiếng nói ở phương Tây lo ngại sẽ dẫn đến việc NATO tham chiến. Những lo lắng này không phải là không có cơ sở, nhưng những "lằn ranh đỏ" của Putin đã nhiều lần bị vượt qua mà chẳng có chuyện gì xảy ra. Thời gian không còn nhiều, nhiệt độ ở Kharkiv đã xuống đến âm 10°C. Nếu Ukraine không nhanh chóng thoát khỏi tình trạng này, Moskva có thể tấn công tiếp sau khi giành được toàn bộ miền đông. Dù không đạt mục đích chiếm trọn Ukraine đi nữa, nhưng Vladimir Putin cũng ngăn cản được quốc gia này trở thành một đất nước dân chủ, thịnh vượng, đây cũng là một kiểu chiến thắng.
Chiến tranh Ukraine : Mỹ, Trung Quốc được lợi, Armenia bị bỏ quên
Đối với ông Thomas Gomart, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), "Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ hưởng lợi từ cuộc chiến tranh ở Ukraine". Vị trí của Bắc Kinh được củng cố : Nga lệ thuộc vào Trung Quốc về năng lượng lẫn hàng hóa. Hoa Kỳ tạm thời không can thiệp được ở Châu Á-Thái Bình Dương, nhưng gián tiếp đánh bại một đối thủ chiến lược và chứng tỏ sự bất cập về quân sự của Nga. Washington nắm trong tay an ninh Châu Âu và lại trở thành trung tâm địa chính trị thế giới, 18 tháng sau thất bại ở Afghanistan.
Nói về những nước được lợi, Le Point và Le Figaro cuối tuần không quên nhắc đến một dân tộc bị thiệt thòi vì cuộc xâm lăng Ukraine : Armenia. Khoảng 120.000 dân Armenia ở Artsakh, vùng đất nhỏ bé nằm kẹt giữa Azerbaijan từ một tháng qua hoàn toàn bị phong tỏa. Hành lang Latchine, ngõ duy nhất để sang Armenia bị đóng với cớ ô nhiễm. Cư dân theo Thiên chúa giáo từ 17 thế kỷ qua bỗng bị cắt rời với thế giới, không được tiếp tế và bị cúp điện, bị bóp nghẹt ngay giữa mùa đông. Trong ba thập niên qua, Armenia vẫn dựa vào sự bảo vệ quân sự của Nga và sự ủng hộ tinh thần từ phương Tây. Nhưng nay tất cả đều bị cuốn hút vào chiến tranh Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ bèn lợi dụng để vũ trang cho đồng minh Hồi giáo Azerbaijan. Liên Hiệp Châu Âu vừa tăng gấp đôi nhập khẩu khí đốt của Azerbaijan, khó thể trừng phạt chế độ này.
Covid và "bức tường than khóc" của dân Hoa lục
Liên quan đến Châu Á, trả lời phỏng vấn của L'Express, ông Ryan Hass, cựu cố vấn của Barack Obama chỉ trích "Sự ngoan cố của Tập Cận Bình trước vac-xin ngoại quốc gây thiệt hại nhân mạng lớn lao". Ông ta nhất quyết từ chối nhập vac-xin ARN thông tin hiệu quả hơn vac-xin nội địa, coi rẻ sinh mạng người dân, chỉ vì ba năm qua đã lỡ tuyên truyền khoác lác.
The Economist cho biết chính quyền Bắc Kinh vẫn tiếp tục đàn áp những người từng biểu tình chống zero Covid. Danh khoản Vi Bác (Weibo) của Lý Văn Lượng (Li Wenliang), bác sĩ trẻ đã báo động về virus corona và qua đời sau đó, trở thành một loại "bức tường than khóc" của dân Hoa lục. Đến giữa năm 2020, đã vượt quá 1 triệu lời bình và không được đếm nữa, nhưng hai nhà nghiên cứu của đại học Phục Đán ghi nhận một năm sau khi tử vong vì Covid, số bài đăng lên đến 1,34 triệu.
Muốn tỏ ra hòa hoãn với thế giới, nhưng Bắc Kinh lại che giấu dịch bệnh
Về mặt đối ngoại, The Economist nhận thấy do thiếu minh bạch về Covid khiến các nước ngờ vực, Trung Quốc đã tự gây khó khăn cho mình trong nỗ lực tái hòa nhập với thế giới. Trong bài diễn văn năm mới, Tập Cận Bình có giọng điệu chừng mực một cách bất thường, không kêu gọi thống nhất Đài Loan như những năm trước, không thấy cảnh báo về "các thế lực thù địch nước ngoài". Trả lời Washington Post hôm 04/01, tân ngoại trưởng Tần Cương "đánh giá cao người dân Mỹ thân thiện và chăm làm".
Các nhà quan sát cho rằng ông Tập muốn sửa chữa những thiệt hại do chính sách đối ngoại, nhất là thái độ phía Mỹ và một số nước khác ngày càng cứng rắn. Tuy nhiên kế hoạch này có lỗ hổng lớn : Bắc Kinh không muốn chia sẻ đầy đủ các dữ liệu về làn sóng Covid đang hoành hành, khiến các chuyên gia y tế không thể đánh giá mức độ nguy hiểm cũng như khả năng biến đổi của con virus. Ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thường ngại chỉ trích Bắc Kinh hôm 11/01 cũng phải nói rằng Trung Quốc công bố số tử vong "vô cùng thấp" so với sự thật.
Nhiều chính phủ hạn chế cho nhập cảnh khách từ Hoa lục, Trung Quốc trơ tráo cáo buộc "động cơ chính trị", trong khi chính Bắc Kinh đòi hỏi khách nước ngoài phải có xét nghiệm PCR âm tính. Hạ Viện Mỹ rục rịch lập một ủy ban điều tra về nguồn gốc con virus, và thái độ ôn hòa của Châu Âu có thể thay đổi nếu một biến thể từ Trung Quốc lây lan sang.
Cam Bốt : Ream, căn cứ quân sự của Trung Quốc trong 30 năm ?
Tại Đông Nam Á, Libération cuối tuần có bài viết "Ream, căn cứ nhỏ ở Cam Bốt và căng thẳng lớn". Trung Quốc tài trợ và giám sát việc mở rộng căn cứ quân sự Cam Bốt ở vịnh Thái Lan, mà một phần được Bắc Kinh dùng để đóng quân, với nguy cơ làm đảo lộn tương quan lực lượng trong khu vực.
Chuyên gia Gregory B. Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải nhận thấy việc xây dựng đã tăng tốc rất nhanh trong năm qua. Những hình ảnh vệ tinh mà Libération tham khảo cũng chứng tỏ những công trình lớn đang hình thành như đường sá, các tòa nhà... và căn cứ rõ ràng đã được chia đôi để dành cho Trung Quốc nửa phía bắc.
Từ tháng 7/2019 Wall Street Journal đã tiết lộ một thỏa thuận bí mật, theo đó Cam Bốt cho Trung Quốc sử dụng căn cứ Ream trong 30 năm. Cả Bắc Kinh lẫn Phnom Penh đều chối cãi, nhưng không ai lạ gì về mối quan hệ chư hầu này. Sau lễ khai mạc chính thức được tưng bừng tố chức ngày 08/06/2022, bộ trưởng quốc phòng Cam Bốt Tea Banh và đại sứ Trung Quốc Vương Văn Thiên (Wang Wentian) đã cùng bơi trong vịnh biển.
Nhà phân tích quân sự Tom Shugart phát hiện một con đường ở đầu mút phía đông căn cứ có những khoảng đã được dọn sạch, dùng cho những giàn phóng hỏa tiễn địa-không SAM HQ-9. Chuyên gia Phương Nguyễn ở Úc dự đoán Trung Quốc sắp tới có thể triển khai tại Ream các radar và những phương tiện C4ISR (chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, tin học, tình báo, giám sát, trinh sát).
Mối đe dọa cho Việt Nam, và điểm tựa của Bắc Kinh trên Biển Đông
Cuối 2018, phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã gởi thư cho ông Hun Sen bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc lập căn cứ quân sự tại đây. Phía Cam Bốt nói rằng Bắc Kinh chỉ giúp nạo vét mở rộng cảng, nhưng sau đó bất ngờ cho phá hủy những công trình do Mỹ xây dựng, và cho di dời Nhà hữu nghị - kỷ niệm Việt Nam giúp giải phóng Ream khỏi quân Khmer Đỏ năm 1979.
Theo Phương Nguyễn, đây là mối đe dọa cho Việt Nam ở sườn phía tây nam cũng như những nước khác. Bộ quốc phòng Hoa Kỳ khẳng định Ream sẽ là căn cứ quân sự đầu tiên của Bắc Kinh ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, giúp quân Trung Quốc tiếp cận eo biển Malacca, đe dọa căn cứ Mỹ ở Singapore, và là điểm tựa quý giá ở phía nam Biển Đông. Không ai quên câu nói của Tập Cận Bình hồi tháng 9/2015 tại Nhà Trắng trước Barack Obama, rằng Trung Quốc không có ý định quân sự hóa các đảo trên Biển Đông. Một sự dối trá trắng trợn, vì ngay sau đó Bắc Kinh đã ồ ạt xây dựng các cơ sở quân sự tại Trường Sa và Hoàng Sa.
Một điểm đáng lo ngại nữa là công ty Trung Quốc Union Development Group có liên hệ mật thiết với quân đội đã được nhượng quyền trong 99 năm để xây dựng một phức hợp du lịch, trong đó có phi trường quốc tế Dara Sakor với phi đạo dài 3.400 mét có thể tiếp nhận những phi cơ vận tải lớn, và cả tiêm kích. Phương Nguyễn cảnh báo phi trường này có thể được không quân Trung Quốc dùng làm nơi xuất phát các phi vụ tuần tra trên toàn bộ vịnh Thái Lan. Gregory B. Poling nói thêm, Dara Sakor cũng có khả năng thành nơi trung chuyển cho các phi cơ tiêm kích trên hàng không mẫu hạm Trung Quốc. Việc xây dựng bị chậm trễ do Covid và khó khăn kinh tế, sẽ tiếp tục từ tháng Sáu. Chuyện dài Ream còn tiếp diễn.
Tựa chính các tuần báo Pháp
Trang bìa của L'Express tuần này đăng ảnh tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tập trung bài vở cho cải cách hưu trí. Cũng với ảnh ông Macron và đồng nhiệm Algeria, Le Point chạy tựa "Pháp và Algérie, di sản đáng buồn". Hồ sơ của Courrier International được dành cho "Brexit, giờ phút tiếc nuổi". L'Obs nói về "Thế giới theo như ông Musk". Ông chủ của Tesla, SpaceX và nay là Twitter định cứu vớt nhân loại bằng cách chiếm lĩnh vũ trụ, hoặc giải quyết những cuộc khủng hoảng địa chính trị lớn. Với ý tưởng tự do, nhà tỉ phú tin rằng công nghệ có thể hóa giải tất cả.
Thụy My
Ukraine : Nga khẳng định đã chiếm được Soledar và nhìn nhận công lao của Wagner
Thanh Hà, RFI, 14/01/2023
Bộ quốc phòng Nga tối 13/01/2023 khẳng định quân đội "hoàn toàn chinh phục được Soledar, giải phóng thành phố" trong vùng Donetsk này tại khu vực miền đông Ukraine. Lần đầu tiên Moskva nhìn nhận đóng góp của nhóm bán quân sự Wagner trên mặt trận này. Lập tức Kiev bác bỏ tin Soledar thất thủ. Tổng thống Zelensky khẳng định "những trận đánh ác liệt" vẫn đang diễn ra trong vùng.
Hình ảnh vệ tinh không ghi ngày tháng do Maxar Technologies cung cấp ngày 10/01/2023 cho thấy những thiệt hại nặng nề ở Soledar, Ukraine. AP
Ngoại trưởng Dmytro Kuleba một lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế viện trợ thêm vũ khí và trang thiết bị quân sự hiệu quả để đẩy lùi quân Nga ra khỏi lãnh thổ Ukraine. Cho đến tận trưa ngày 14/01/2023, tình hình tại Soledar vẫn chưa ngã ngũ, điều đó không cấm cản Moskva từ ba ngày qua liên tục tuyên bố đã giành được thắng lợi tại thành phố này và chính thức công nhận vai trò của lực lượng bán quân sự Wagner.
Tuyên bố này cũng khép lại hiềm khích âm ỉ giữa bên quân đội Nga với tổ chức do Yevgeny Prigozhin, một nhân vật thân cận với tổng thống Vladimir Putin, lập ra. Thông tín viên đài RFI từ thủ đô Moskva Anissa El Jabri nói đến một bước ngoặt quan trọng và cũng là một thắng lợi của lực lượng lính đánh thuê Wagner :
"Lần đầu tiên Wagner được nhắc đến trong thông cáo chính thức của quân đội Nga. Và cũng lần đầu tiên, nhiều đài truyền hình mở đầu phần tin thời sự với tình hình ở Soledar mà tại đây mọi người coi như là một chiến thắng nhờ có công lao của nhóm lính Wagner. Đội lính đánh thuê này như vậy đã đến được từng nhà trên toàn nước Nga trong vinh quang.
Thông cáo cuối ngày hôm qua của bộ quốc phòng về tình hình tại Soledar nhắc đến công lao của Wagner như sau : Thắng lợi đó có được là "nhờ hành động dũng cảm và bất vụ lợi của một nhóm chiến binh tự nguyện Wagner". Hôm qua là một ngày đáng ghi nhớ đối với tổ chức này, bởi trong thời gian gần đây hiềm khích giữa Wagner và bên quân đội đã tăng cao, và trong một thời gian dài, tại Nga không ai nhắc đến tổ chức này, nhưng rồi "chiến dịch quân sự đặc biệt", từ ngữ điện Kremlin sử dụng khi nói về chiến tranh Ukraine đã làm thay đổi tình thế.
Một trong những nhà tuyên truyền nổi tiếng nhất tại Nga cách nay hai tuần đã cùng với các chiến binh Wagner có mặt tại khu vực đang xảy ra giao tranh và đã thực hiện một chương trình đặc biệt được phát đi hôm Thứ Sáu vừa qua. Một đại biểu quốc hội thuộc đảng Nước Nga Thống Nhất, là tướng Gurulev thậm chí còn cho rằng "người của Wagner phục vụ tại Ukraine hoàn toàn có lý do chính đáng để trở thành đại biểu quốc hội".
Kiev lại bị tấn công
Liên quan đến tình hình tại Kiev, phủ tổng thống Ukraine sáng 14/01 cho biết "nhiều vụ nổ" xảy ra tại Kiev và đây là một vụ "tấn công bằng tên lửa" nhắm vào nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu của Ukraine.
Chiến tranh Ukraine : Liên Hiệp Quốc ghi nhận, "ngoại giao, cánh cửa rất hẹp"
Thanh Hà, RFI, 14/01/2023
Chiều ngày 13/01/2023 Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp lại một lần nữa về tình hình Ukraine sau 11 tháng chiến sự. Trong cuộc họp báo, phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Rosemary Dicarlo tuyên bố "Ukraine, Nga và thế giới không thể để chiến tranh tiếp diễn" cho dù hiện tại "cánh cửa rất hẹp cho mọi đối thoại" và trước mắt cộng đồng quốc tế "chưa trông thấy dấu hiệu nào cho phép chấm dứt xung đột".
Binh sĩ Ukraine thuộc lữ đoàn Phòng thủ Lãnh thổ Volyn tham gia một cuộc tập trận gần biên giới với Belarus, trong bối cảnh Nga tấn công Ukraine, ở vùng Volyn, Ukraine ngày 23/01/2023. Reuters – Gleb Garanich
Như để minh họa cho tuyên bố của nhân vật số hai tại Liên Hiệp Quốc, cùng ngày 13/01/2023 bộ trưởng quốc phòng Ukraine Oleksii Rezniko trên đài BBC từ Luân Đôn tuyên bố ông tin tưởng "trong một tương lai không xa, Ukraine sẽ gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO".
Lời lẽ này đưa ra vào lúc liên minh quân sự thông báo điều máy bay trinh sát AWACS và khoảng 180 quân nhân đến Romania. Chuyến bay đầu tiên dự trù bắt đầu vào ngày Thứ Ba 17/01/2023 với mục đích "hỗ trợ và đẩy mạnh công tác giám sát các hoạt động quân sự của Nga" trong khu vực.
Phát ngôn viên NATO Oana Lungescu trong thông cáo cho biết thêm AWACS có khả năng phát hiện các vật thể bay cách xa hàng trăm cây số và đây là công cụ phòng thủ của NATO. Các đơn vị sẽ được điều tới Romania dự trù đóng tại căn cứ không quân Otopeni, gần thủ đô Bucarest.
Hãng tin AFP nhắc lại NATO liên tục tăng cường khả năng phòng thủ ở sườn đông bằng cách trang bị vũ khí hạng năm cho các đơn vị đồn trú trong vùng, đồng thời triển khai chiến đấu cơ, máy bay trinh sát, máy bay tiếp liệu cho các quốc gia thành viên của Liên Minh sát cạnh Ukraine.
Từ tháng 2/2023 máy bay trinh sát AWACS của NATO "thường xuyên tuần tra" tại Đông Âu và trong vùng biển Baltic để theo dõi các chiến đấu cơ của Nga áp sát các vùng không phận của các thành viên NATO.
Tổng thống Ukraine cam kết "làm tất cả" để bảo vệ Soledar và Bakhmut
Thanh Hà, RFI, 13/01/2023
Cho đến ngày 13/01/2023 quân đội Ukraine vẫn "cố thủ" để giữ được Soledar sau một đêm "kinh hoàng". Tổng thống Zelensky cam kết cung cấp tất cả những gì cần thiết cho binh sĩ tại hai điểm nóng là Soledar và Bakhmut ở miền đông Ukraine. Kiev tin rằng giành lại được hai thành phố này sẽ làm thay đổi cục diện chiến tranh.
Chỉ huy Lục quân Ukraine, Oleksandr Syrskyi, thăm một đơn vị ở tiền tuyến Soledar, vùng Donetsk, Ukraine. Ảnh phát hành hôm 09/01/2023 via Reuters – Ukrainian Grpund Forces
Cố vấn của tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolik, nhìn nhận các giao tranh tại Soledar và Bakhmut gây "nhiều thiệt hại nghiêm trọng". Trên mạng Telegram, thứ trưởng quốc phòng Ukraine, bà Ganna Maliar, viết "sau một đêm giao tranh khốc liệt" quân đội vẫn "kềm tỏa" được đà tiến của đối phương mặc dù là Nga đã "dốc toàn lực nhắm về phía tỉnh Donetsk và duy trì đà tấn công ở cấp cao. (...) Chiến sự tiếp diễn".
Tối qua, tổng thống Volodymyr Zelensky cam kết cung cấp tất cả những gì cần thiết, tiếp viện cho quân đội để kháng cự tại Soledar và Bakhmut. Hai thành phố này cách nhau 15 km và từ nhiều tháng qua, quân đội Nga tìm cách giành lại quyền kiểm soát.
Theo phân tích của chuyên gia quân sự Anatoli Khramtchikhine, được AFP trích dẫn, về mặt tâm lý, chiếm được Soledar sẽ cho phép Nga hô hào chiến thắng sau hàng loạt thất bại quân sự từ tháng 10 tới nay.
Điều chắc chắn là, tại khu vực này, cả quân đội Nga và Ukraine cùng đang phải đối mặt với mùa đông giá rét, như tường thuật của các thông tín viên RFI, Aabla Jounaidi và Boris Vichitch, từ Khramatorsk :
Ngày hôm đó trên mặt trận Bakhmut, hàn thử biểu ghi là âm 15°C. Tại căn cứ của tiểu đoàn 28, binh sĩ đốt bếp củi để sưởi. Giá rét vừa là đồng minh vừa là kẻ thù đối với những chiến binh. Viên chỉ huy Serguei cho biết : "Chúng tôi cung cấp củi cho binh sĩ để sưởi, nhưng đốt lửa thì đối phương sẽ trông thấy khói và họ sẽ nhắm vào chúng tôi. Chính vì thế mà chúng tôi cấp bếp dầu cho lính. Các binh sĩ tìm đủ mọi cách để sưởi. Nhiều tổ chức phi chính phủ đã gửi cho chúng tôi nến, những cái túi sưởi tay và những tấm lót giày đặc biệt để giữ ấm"
Đất đang đóng băng tạo thuận lợi cho xe thiết giáp. Đây là thời điểm thuận lợi để cung cấp chiến xa cho Ukraine, các binh sĩ dưới quyền chỉ huy của Sherhii đã gợi ý như vậy. Trong khi chờ đợi, mọi người ở đây phải cố thủ trên các đường chiến tuyến bất định, và trong những điều kiện rất khắc nghiệt. "Trong thời chiến, mọi việc không hề đơn giản chút nào. Nếu như trời lạnh như hôm nay, đất đóng băng cứng khoảng cả thước. Để đào lũy hào, chúng tôi cần một loại mìn đặc biệt. Máy móc không giúp ích được gì bởi vì chúng tôi đang ở tuyến đầu, và sẽ bị trúng ngay rocket của đối phương".
Hỏa lực của quân đội Nga vẫn liên tiếp dồn dập. Bác sĩ quân y của tiểu đội này cho biết nhiều người bị thương, nhiều người bị thương nhẹ, mình mẩy bầm tím, người thị bị cảm lạnh. Tinh thần chiến đấu của những người lính ở Bakhmut vẫn cao.
Thanh Hà
*************************
Ba Lan khẳng định ủng hộ hết mình cuộc chiến của Ukraine chống Nga
Anh Vũ, RFI, 13/01/2023
Chuyến thăm Kiev của tổng thống Ba Lan Andrzej Duda hôm 11/01/2023 được ghi dấu ấn bằng thông báo Warszawa sẽ cung cấp cho Ukraine nhiều xe tăng hạng nặng Leopard-2 do Đức sản xuất. Ba Lan ngày càng khẳng định là đồng minh Châu Âu chủ chốt của Ukraine, luôn đi đầu hỗ trợ mọi mặt, đặc biệt về quân sự để giúp Ukraine chống lại các cuộc tấn công của Nga, có thể sẽ dữ dội hơn vào cuối mùa đông này.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nồng nhiệt đón tiếp đồng nhiệm Ba Lan Andrzej Duda, Lviv, ngày 11/01/2023. AFP - Handout
Chuyến đi ngắn của tổng thống Duda được chính phủ cũng như người dân Ukraine đón chào nồng nhiệt với lòng biết ơn.
Thông tín viên RFI tại Kiev, Stéphane Siohan, tường trình :
Trước khi trở về Warszawa, tối thứ Tư (11/01), ông Andrzej Duda dừng lại vài phút trên quảng trường Chợ Lviv. Ngay lập tức, nguyên thủ Ba Lan được đám đông người dân Ukraine vây quanh. Họ gọi tên ông, giơ tay bắt, ôm hôn và nói lời cảm ơn ông bằng tiếng Ba Lan.
Lý do là bởi hôm thứ Tư, ông Andrzej Duda đã thông báo Ba Lan sẽ giao cho Ukraine cả đơn vị gồm hơn chục chiến xa hạng nặng Leopard-2 do Đức chế tạo. Tổng thống Ba Lan nhấn mạnh cần phải có một liên minh quốc tế để cung cấp cho Ukraine nhanh chóng nhất các loại xe bọc thép hạng nặng mà nước này đang cần để ngăn chặn cuộc tấn công của Nga.
Còn phải xem liệu Berlin có đồng ý hay không, nhưng Ba Lan ngày càng khẳng định như là một đồng minh chính của Ukraine tại Châu Âu. Hơn nữa, từ 10 tháng qua, cuộc chiến tranh đã thúc đẩy nhanh tiến trình xích lại gần nhau về mặt chính trị giữa Ukraine, Ba Lan và Litva. Đây là những nước đã từ lâu có chung hoàn cảnh địa lý và lịch sử.
Người dân Ukraine vô cùng biết ơn Ba Lan về sự trợ giúp tài chính và quân sự cũng như việc Ba Lan đã tiếp đón hành triệu người tị nạn. Việc Andrzej Duda được dân chúng chào đón nồng nhiệt ở Lviv chứng tỏ một cộng đồng chính trị và nhân văn đang hình thành giữa hai nước đồng minh này. Đó cũng là một cực địa chính trị ở phía đông lục địa Châu Âu.
Anh Vũ