Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trong một cuộc trò chuyện về chính trị, một người anh có than thở với tôi rằng : "anh biết chế độ này rồi sẽ sụp đổ, nhưng chế độ khác lên thì vẫn vậy thôi, các lãnh đạo hay các tổ chức khác cũng chỉ biết tới quyền lợi và quyền lực của mình thôi, chẳng có thay đổi gì nhiều cả". Anh khá mất niềm tin vào phong trào dân chủ. Suy nghĩ của anh cũng là suy nghĩ của khá nhiều người Việt, nó làm cho nhiều người mất hết ý chí đấu tranh và tạo ra tâm lý rã hàng cho nhiều người khác.

Phải nói là lo lắng này cũng hoàn toàn chính đáng. Lòng tham và ham muốn quyền lực nằm trong bản chất của mỗi con người và trong suốt dòng lịch sử đất nước ta, chưa có chính quyền nào thoát khỏi cám dỗ của nó, cứ chính quyền trước bị đánh đổ thì chính quyền mới dựng lên vẫn độc tài và tham nhũng không khác nhiều chính quyền trước. Thực tế chúng ta chưa bao giờ có một chính quyền trong sạch cả. Trong lịch sử thế giới gần đây, cũng không thiếu những cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài này chỉ để thay thế bằng một chế độ độc tài khác, và tình trạng tham nhũng cũng gần như nhau. Vậy có lý do gì để tin rằng cuộc cách mạng dân chủ của chúng ta sắp tới không đi vào vết xe đổ này ?

Khi nói tới cuộc cách mạng dân chủ sắp tới, nhiều người, kể cả những người được xem là người đấu tranh, đều cho rằng mục đích cuối cùng (cứu cánh) của cuộc cách mạng này là để thay đổi chính quyền và chế độ cộng sản. Quan điểm này sai. Nếu chỉ như thế thì nguy cơ về một chế độ vừa độc tài vừa tham nhũng được dựng lên sau chế độ cộng sản là rất lớn. Cứu cánh thật sự của cuộc cách mạng dân chủ là thay đổi văn hóa chính trị của dân tộc Việt Nam (rất ít người nhấn mạnh điều này). Việc thay đổi chế độ và chính quyền cộng sản chỉ là hệ quả của sự thay đổi về văn hóa chính trị. Chỉ khi chúng ta thay đổi được văn hóa nô lệ đã tồn tại cả ngàn năm trên đất nước ta bằng văn hóa dân chủ thì chúng ta mới có thể vượt lên trên số phận của mình. Nhiều người sẽ xem đó chỉ là lý thuyết, quá trừu tượng để người dân có thể hiểu, nhưng nó không trừu tượng chút nào nếu chúng ta đi sâu vào một vài ví dụ cụ thể.

sach1

Chỉ khi chúng ta thay đổi được văn hóa nô lệ đã tồn tại cả ngàn năm trên đất nước ta bằng văn hóa dân chủ thì chúng ta mới có thể vượt lên trên số phận của mình.

Thay đổi quan niệm về hoạt động chính trị

Từ trước tới nay chúng ta vẫn quan niệm mục đích của hoạt động chính trị là để được nổi tiếng, để làm quan, được giữ vai trò hay địa vị nào đó, để tìm kiếm công danh cho mình, hay nhiều người tham vọng hơn, để trở thành "anh hùng dân tộc", tất cả những mục đích này đều có nghĩa là vì bản thân mình. Dưới chế độ quân chủ có những đời vua có tới hàng chục, hàng trăm cuộc nổi dậy của người dân, chắc chắn là người dân có lý do chính đáng mới nổi dậy nhiều vậy, và tất cả những cuộc nổi dậy này đều bị đàn áp, thậm chí là bị tàn sát bởi "những người làm chính trị". Quan lại chỉ biết tới con đường công danh của mình chứ không biết tới cuộc sống của người dân, chỉ biết tới mình chứ không biết tới dân tộc.

Dưới chế độ cộng sản, tình trạng này cũng không khá hơn bao nhiêu. Đảng cộng sản luôn tự đặt mình lên trên đất nước, nhưng có bao nhiêu quan chức dám lấy quyết định khước từ mọi quyền lực và bổng lộc của chế độ và tham gia vào cuộc đấu tranh cho dân chủ, nghĩa là dám đặt đất nước lên trên bản thân mình ? Chẳng có bao nhiêu. Di sản này cũng góp phần tạo nên tình trạng xô bồ như hiện nay trong phong trào dân chủ, khi nhiều người vẫn xem việc tranh giành danh tiếng và địa vị là điều quan trọng nhất. Tất cả đều là hệ quả của quan niệm cho rằng mục đích của hoạt động chính trị là vì bản thân mình, dù nhiều người có thể không nhận ra hoặc không dám thú nhận.

Cuộc cách mạng dân chủ đòi hỏi một bước nhảy vọt về quan niệm này, thay vì xem mục đích của hoạt động chính trị là "vì mình", thì chúng ta phải tiến tới một nền văn hóa mới xem mục đích của hoạt động chính trị là để đóng góp vào thành công chung cho đất nước. Hệ quả tự nhiên khi chúng ta quan niệm như vậy là sự tìm kiếm con đường nhanh nhất và hiệu quả nhất để đóng góp cho thành công của dân chủ, của đất nước, nghĩa là ủng hộ hoặc tham gia vào các tổ chức chính trị dân chủ.

Bước nhảy vọt này là một bắt buộc để đất nước có thể tiến tới một tương lai mới, vì nếu vẫn quan niệm hoạt động chính trị là để tìm kiếm quyền lực và địa vị cho bản thân mình thì dù chế độ cộng sản sụp đổ, chúng ta sẽ chỉ xây dựng lên được một chế độ độc tài mới chứ không thiết lập được dân chủ, và nếu vẫn xem hoạt động chính trị là tìm kiếm danh lợi cho bản thân mình thì chúng ta cũng chỉ đóng góp xây dựng lên một chính quyền tham nhũng mới mà thôi.

Bước nhảy vọt này cũng là một bắt buộc nếu muốn đánh bại được chế độ cộng sản. Chúng ta đều phải đồng ý với nhau rằng chế độ này chỉ có thể bị đánh bại khi có một lực lượng đối lập mạnh làm đối trọng với nó. Nhưng nếu vẫn quan niệm làm chính trị là để nổi tiếng, để tìm kiếm quyền lực và địa vị cho mình, "vì mình", chúng ta sẽ không có lý do để ủng hộ cho các lực lượng chính trị đứng đắn, giúp các tổ chức đó mạnh lên vì họ có thể làm cho mình mờ nhạt đi và trở thành đối thủ tranh giành quyền lực với mình sau này. Hơn nữa một lực lượng chính trị cũng chỉ có thể mạnh lên khi những người tìm đến với lực lượng đó xem rằng hành động của mình là để đóng góp vào một thành công chung cho đất nước, còn nếu vẫn quan niệm mình làm chính trị để tìm kiếm một chỗ đứng cho bản thân mình thì chỉ làm cho tổ chức suy yếu, thậm chí là tan rã vì tranh giành và đấu đá. Tới khi nào chúng ta chưa đạt được bước nhảy vọt tư tưởng này thì khi đó đất nước chưa thể có dân chủ.

Thay đổi quan niệm về đất nước

Từ trước tới nay với dân tộc ta, đất nước chỉ là tài sản của một người, một dòng họ hay của một tổ chức… Đất nước chưa bao giờ được hiểu như là một thực thể của chung mọi người và cũng là của mỗi người cả. Chính vì thế mà lòng yêu nước của người Việt nói chung rất thấp, đơn giản là vì chúng ta không thể yêu một thứ không phải là của mình. Vì đất nước không phải là của mình nên chúng ta đã không thấy mình cần có trách nhiệm gì với đất nước. Nếu một người Việt Nam bỏ nước ra đi và được nhập tịch một quốc gia phương Tây nào đó, ít ai phiền lòng mà phần lớn đều chúc mừng họ, vì đó cũng là mơ ước của nhiều người khác. Nếu được lựa chọn từ bỏ tổ quốc Việt Nam để trở thành người Mỹ hay người Úc, tuyệt đại đa số người Việt sẽ không lưỡng lự. Đất nước gần như không có một chỗ đứng quan trọng nào trong suy nghĩ của người Việt, tinh thần dân tộc của chúng ta đã xuống rất thấp ; chính xác hơn, nó chưa bao giờ cao. Tình trạng này là một sản phẩm do sự tụt hậu nặng nề về tư tưởng chính trị gây ra và đã kéo dài quá lâu, đó là quốc gia Việt Nam, hiểu như là một thực thể của chung mọi người Việt Nam, vẫn chưa được khai sinh ra.

Chính vì chúng ta chưa có một quốc gia đúng nghĩa, nên tinh thần dân tộc của ta rất thấp, rồi chính nó lại làm cho mọi vấn đề khác đều bế tắc. Muốn xử lý những vấn đề như ô nhiễm môi trường, tham nhũng, tụt hậu hay độc tài, chúng ta cần những con người sẵn sàng tìm giải pháp chung cho cả đất nước thay vì chỉ cho bản thân mình, nghĩa là cần những người yêu nước thực sự. Nhưng tinh thần dân tộc thấp khiến chúng ta thiếu những con người như vậy và vì thế mà cả dân tộc lại tiếp tục phải chịu đựng ô nhiễm, tham nhũng, tụt hậu và độc tài… Càng thế thì người Việt lại càng không có lý do để yêu nước. Một vòng tuần hoàn đáng buồn vẫn lặp đi lặp lại cho tới nay. Làm sao để thoát khỏi nó ?

Tại sao phần lớn người Việt Nam lại muốn chia sẻ một tương lai chung với người Mỹ, người Úc, hay các dân tộc Châu Âu thay vì với những người đồng bào Việt Nam của mình ? Câu trả lời rất đơn giản : đó là vì nước Mỹ, Úc hay các nước Châu Âu có một dự án tương lai chung đáng mơ ước, đó là giấc mơ Mỹ, là những phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống, sức mạnh của quốc tịch Úc hay các nước Châu Âu. Còn chúng ta, chúng ta đã có dự án tương lai chung nào xứng đáng để mọi người Việt Nam đều mơ ước ? Thực tế là chúng ta chẳng có dự án tương lai chung nào cả, mạnh ai nấy sống, dẫm đạp lên nhau để vươn lên nếu cần. Thắng thì làm vua, nghĩa là thỏa sức cai trị và vơ vét ; thua thì làm giặc, nghĩa là phá hoại thật nhiều nếu có thể. Với một tình trạng như vậy thì ai muốn chia sẻ một tương lai chung với chúng ta ? Phần lớn người Việt có lý do để bỏ nước ra đi, để chia sẻ một tương lai chung với các dân tộc tiến bộ, hay ít nhất là gạt bỏ đất nước ra khỏi tâm thức để thực hiện dự án tương lai của riêng mình. Trên thực tế, nhiều người đã gần như sống "lưu vong" dù đang ở ngay trên đất nước Việt Nam.

Muốn chấm dứt được tình trạng này, chúng ta phải sáng tạo ra một dự án tương lai chung mới, một dự án tương lai chung đáng mơ ước để có thể động viên mọi người Việt Nam tham gia cùng xây dựng và chia sẻ thay vì bỏ đi tìm kiếm một dự án tương lai ở nước khác. Chúng ta phải định nghĩa lại (chính xác là định nghĩa đúng) ý niệm quốc gia như là một nguyện ước cùng sống chung, xây dựng và chia sẻ một tương lai chung với những người đồng bào Việt Nam của mình. Như vậy một dự án tương lai chung đáng mơ ước sẽ đặt nền tảng cho việc xây dựng một đất nước mới, cho mọi người Việt Nam một lý do để ở lại thay vì ra đi, để đấu tranh thay vì bỏ cuộc, để yêu quý thay vì ghét bỏ đất nước Việt Nam. Đó chính là thứ không có không được nếu muốn đổi dòng lịch sử, muốn xây dựng nên một tương lai mới cho mọi người Việt Nam. Và trách nhiệm sáng tạo ra dự án tương lai chung Việt Nam đó chắn chắn phải thuộc về các tổ chức chính trị thực sự có tấm lòng với đất nước. Có bao nhiêu tổ chức đã ý thức được trọng trách to lớn của mình ? (1)

Thay đổi về cách thức giải quyết những xung đột, mâu thuẫn trong xã hội

Trong hơn 50 năm đầu triều Nguyễn, trước khi người Pháp tới (1802-1858), chúng ta có tới hơn 400 cuộc nổi dậy của người dân, tất cả đều thất bại, phần lớn những người lãnh đạo những cuộc nội dậy này đều bị tàn sát, có những cuộc nổi dậy bị tàn sát tới cả ngàn người. Đó là cách mà chúng ta giải quyết những xung đột trong xã hội trong quá khứ. Có thể nói là chúng ta luôn trong một tình trạng nội chiến thường trực. Với tình trạng này thì thất bại của Việt Nam trước người Pháp là điều không thể tránh được. Một trong những nguyên nhân khiến nhà Nguyễn chấp nhận cắt 3 tỉnh miền đông Nam Kỳ cho Pháp là để dồn quân ra Bắc đàn áp cuộc khởi nghĩa của Tạ Văn Phụng, nghĩa là thỏa hiệp nhượng đất với người ngoài để có sức tàn sát những người Việt Nam chống đối. Tinh thần dân tộc và tình nghĩa đồng bào gần như đã không tồn tại trong thời kỳ nhà Nguyễn, và không chỉ trong thời kỳ này.

Tinh thần nội chiến không phải bắt đầu từ thời nhà Nguyễn mà có lẽ đã bắt đầu ngày từ khi lập quốc của đất nước ta, những cuộc nổi dậy trở thành thường thực, cường độ bạo lực luôn tăng lên thay vì giảm đi, với những cuộc chiến không ngớt giữa Đại Việt và Champa (hai vương quốc cấu thành nên nước Việt Nam ngày nay), rồi Nam - Bắc Triều, Trịnh - Nguyễn phân tranh, rồi Tây Sơn và cao điểm là nội chiến Quốc - Cộng, người Việt đã cầm vũ khí lên tàn sát nhau trong 30 năm làm chết hơn 5 triệu người. Tinh thần nội chiến này đã làm cho đất nước ta kiệt quệ về mọi mặt, trong nhiều trường hợp còn mất cả chủ quyền. Đáng buồn là tinh thần này vẫn còn rất nặng tới nay, người Việt vẫn chia rẽ, thù hận, vẫn mạt sát, khinh ghét nhau vì những lý do về tôn giáo, quan điểm chính trị, vùng miền, sắc tộc, phe nhóm… thay vì thương yêu nhau. Người Việt biết nhưng không chịu hiểu, tất cả chúng ta, dù có khác biệt, đều là người Việt Nam.

Ngược lại với tinh thần này, cuộc cách mạng dân chủ sắp tới đòi hỏi chúng ta có một tinh thần mới. Dân chủ sẽ khai sinh ra ý niệm quốc gia như là một thực thể của chung mọi người và cũng là của mỗi người, của những người cầm quyền và cả những người đối lập, của người Công giáo và cũng là của người Phật giáo, của người Kinh và cả các sắc tộc khác, người Bắc hay Nam, giàu hay nghèo, một quốc gia của những người dân chủ và cả những người cộng sản… đất nước là của tất cả chúng ta. Nhưng làm sao để xây dựng nên một tinh thần như vậy khi mà hận thù giữa các thành phần dân tộc vẫn chồng chất ? Chắc chắn là chúng ta phải thay đổi tinh thần nội chiến bằng một tinh thần mới, tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc.

Hòa giải là tháo gỡ những mâu thuẫn và thù hận giữa những người Việt Nam với nhau để tiến tới hòa hợp dân tộc, nghĩa là để người Việt Nam quý mến nhau, nâng đỡ nhau để cùng vươn lên, cùng xây dựng một tương lai chung như những người anh em. Dân chủ đa nguyên chắc chắn là điều kiện bắt buộc để thực hiện tinh thần này, vì hòa giải đòi hỏi phải sòng phẳng với quá khứ, sự thật phải được nói lên, phải chấm dứt mọi hình thức phân biệt đối xử, phải bồi thường thiệt hại, phục hồi danh dự cho các nạn nhân… Những thứ đó chỉ có một chính quyền dân chủ mới làm được. Nhưng đó chỉ là một nửa chặng đường, phần còn lại khó khăn hơn nhiều. Cố gắng hòa giải trong lòng người đòi hỏi thủ phạm gây ra những đổ vỡ thành tâm xin lỗi, nhận sai với những nạn nhân và được nạn nhân tha thứ. Đây là cách hành xử chưa từng có trong văn hóa của dân tộc ta. Và nó rất khó khăn để có thể thực hiện vì có những đổ vỡ rất rất khó để có thể hàn gắn, rất khó để có thể tha thứ. Nó là một bước nhảy vọt về văn hóa của dân tộc ta, có thể chúng ta sẽ phải mất hàng thế hệ mới thực hiện được trọn vẹn tinh thần này.

Dù là rất khó nhưng vẫn phải làm, phải nêu cao tinh thần này ngay từ bây giờ, nếu không chúng ta sẽ không có tương lai. Một dân tộc mà mọi người chỉ tìm cách thù ghét nhau, hãm hại nhau, chơi xấu nhau thay vì quý mến nhau, giúp đỡ nhau, nâng đỡ nhau để vươn lên, thì chúng ta sẽ không vươn lên được, sẽ không có tương lai nào cả. Đây cũng có thể di sản lớn nhất mà chúng ta nên để lại cho các thế hệ mai sau, chúng ta đã kế thừa một đất nước đầy đổ vỡ, hận thù chồng chất, vậy thì chúng ta hãy để lại cho các thế hệ sau một đất nước của sự bao dung và hòa giải, của tình anh em tìm lại, của tình nghĩa đồng bào.

Vừa rồi là ba ví dụ cụ thể mà cuộc cách mạng sắp tới phải làm, khi thực hiện được cuộc cách mạng văn hóa này chúng ta không chỉ thay đổi được chế độ và chính quyền cộng sản mà còn có thể xây dựng được một đất nước tốt đẹp hơn nhiều. Còn nếu không thì chúng ta vẫn sẽ "ổn định" với số phận của mình, như anh bạn tôi và nhiều người Việt Nam lo lắng, sau độc tài vẫn là độc tài, sau tham nhũng vẫn là tham nhũng, sau thù hận vẫn là thù hận...

Thay đổi các giá trị văn hóa nền tảng là điều rất đau nhức, đó là một cuộc đấu tranh với chính mình, tự chất vấn mình - điều mà trong hàng ngàn năm ông cha chúng ta đã không làm được. Tuy vậy chúng ta không chỉ thay đổi những giá trị nền tảng như trong ba ví dụ trên, chúng ta còn cần phải thay đổi nhiều giá trị nền tảng khác, như về liên đới xã hội, về cách tổ chức xã hội, những quan niệm về hoạt động kinh tế, thay đổi cả cách chúng ta đối xử với đất nước Việt Nam và với những người Việt Nam khác, và nhất là thay đổi nhận thức về các giá trị đạo đức nền tảng xứng đáng được tôn vinh trong xã hội. Đó là một cuộc cách mạng về văn hóa và tư tưởng chính trị to lớn và toàn diện, sẽ thay đổi số phận của 100 triệu người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, một cuộc cách mạng mà một cá nhân, dù xuất sắc tới đâu cũng không thể nào làm được. Chỉ có những tổ chức đủ mạnh và mang trong mình những giá trị này mới có thể chuyên chở và lan tỏa chúng bằng một dự án tương lai chung, để chúng trở thành những giá trị nền tảng cho dân tộc Việt Nam.


Trần Hùng

(22/10/2019)

(1) Các bạn đọc có thể tham khảo dự án tương lai chung (Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai) mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đề xuất cho đất nước ở đây : Bit.ly/KSKNTH

Published in Quan điểm

Nếu chú ý quan sát truyền thông nhà nước trong thời gian gần đây, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy giọng điệu của chính quyền Việt Nam đối với Trung Quốc đã thay đổi. Tần suất nhắc đến những vấn nạn có nhãn Trung Quốc trên đất Việt Nam tăng nhanh, hơn nữa báo chí có thể công khai chỉ trích và mỉa mai bộ ngoại giao Trung Quốc : "Cảnh Sảng, đừng ngụy biện nữa !" Họ không cần chờ nói theo, như con vẹt, các phát ngôn chính thức của bộ ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng như trước đây.

quanheVT1

Sự đổi giọng cho ta có quyền nhận xét đang có sự chuyển trục của đảng cộng sản Việt Nam từ Trung Quốc qua Mỹ.

Việc đổi giọng của đảng cộng sản Việt Nam từ "môi hở răng lạnh" qua "bành trướng Bắc Kinh" rồi đến "bốn tốt mười sáu chữ vàng" chắc không ai còn lạ. Sự đổi giọng cho ta có quyền nhận xét đang có sự chuyển trục của đảng cộng sản Việt Nam từ Trung Quốc qua Mỹ. Điều đáng buồn là, cái đảng luôn vỗ ngực xưng tên là đảng của nhân dân (trong thực tế nó luôn luôn là trên dân) nhưng lại luôn phải dựa vào thế lực bên ngoài. Để duy trì quyền lực lên người dân, đảng cộng sản luôn phải ôm chân thế lực ngoại bang. Đảng cộng sản Việt Nam chưa bao giờ tự đứng trên đôi chân của mình. Hết từ Liên xô sang Tàu, chửi Tàu đi với Liên xô, rồi muối mặt ôm chân Tàu là một quá khứ hoàn toàn không xa.

Câu nói "Đi với Tàu mất nước nhưng không mất đảng. Đi với Mỹ mất đảng nhưng không mất nước" không thể đến một cách tự nhiên, nó đến từ văn hóa chính trị nhược tiểu của đảng. Vì sự tồn vong của đảng họ sẵn sàng hy sinh cả dân và nước. Đáng ngạc nhiên là vấn đề tội phạm Trung Quốc dồn dập không chỉ về số sự vụ mà còn ở quy mô và số lượng lẫn loại hình như : buôn ma túy, sản xuất ma túy, đánh bạc, lừa tiền, giết người đến ấu dâm v.v...

Không thể nói rằng tất cả các vấn đề đột ngột xuất hiện, đột ngột gia tăng, mà phải nói rằng nó từ lâu đã có trên đất Việt Nam. Vậy điều gì đã xảy ra ? An ninh, công an Việt Nam đột ngột tài giỏi ? Không. Không có phép màu đó. Những tệ nạn đó đã bám sâu vào Việt Nam trong sự bảo kê của công quyền Việt Nam. Đất nước, con người Việt Nam chỉ là vùng độc quyền cướp phá của cán bộ cộng sản để xây dựng tương lai của chúng ở vùng đất khác.

Chuyện gì đã xảy ra ? Đảng cộng sản đã nhận ra câu thần chú "Đi với Tàu mất nước nhưng không mất đảng" đã không còn hiệu nghiệm. Trung Quốc không còn là chỗ dựa cho Đảng cộng sản Việt Nam. Thực ra Trung Quốc sắp khủng hoảng và bắt đầu tiến trình sụp đổ, cố bám lấy Trung Quốc không chỉ chắc chắn làm mất đảng mà còn làm mất đảng sớm hơn, một cách ô nhục hơn. Đảng cộng sản Trung Quốc cũng đang phải tự cứu mình sau một quá trình phát triển một cách hoang dại.

Cần nói rõ thêm một điều là không có gì thực sự mất cho ai cả. Ngay cả Đảng cộng sản cũng không bị cấm trong một nước Việt Nam dân chủ đa nguyên. Việc họ có được nhân dân Việt Nam tín nhiệm qua một cuộc bầu cử tự do hay không lại là chuyện khác. Còn ngoài ra không ai có lý do gì để lo ngại. 

Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã nói rất rõ : "... mọi đảng viên cộng sản và viên chức nhà nước cộng sản hoàn toàn không có lý do chính đáng nào để lo ngại sự cáo chung của chế độ độc tài đảng trị cả, trái lại họ còn có mọi lý do để vui mừng trước những thắng lợi của dân chủ. Danh dự, nhân phẩm và những quyền lợi hợp pháp của họ sẽ được tôn trọng. Hơn thế nữa, họ còn trút bỏ được mặc cảm tội lỗi tiếp tay cho một chế độ tồi dở và gian trá. Họ sẽ có niềm tự hào đóng góp đưa đất nước tiến lên với phúc lợi càng ngày càng lớn cho mọi người, kể cả chính họ..." (Chương VII) Hòa Giải và Hòa Hợp Dân Tộc không phải là luận điệu bây giờ mới xuất hiện mà là một lập trường nền tảng của Tập Hợp từ ngày thành lập, 37 năm trước.

Một yếu tố quan trọng của nước Mỹ đó là tổng thống Donald Trump, người đã tuyên bố nước Mỹ trên hết, bất chấp chuyện thế giới và nhân quyền. Điều này mở ra cho Đảng cộng sản Việt Nam một hy vọng đi với Mỹ chưa chắc mất đảng.

Không phải tự nhiên truyền thông nhà nước có giọng điệu cứng rắn với Trung Quốc. Với bản chất nhu nhược, phản ứng này chỉ nói lên một điều : sự cầu viện vào Mỹ của Đảng cộng sản Việt Nam đã được chuẩn thuận. Không phải bây giờ, mà từ lâu, Đảng cộng sản Việt Nam đã nhận ra không còn có thể bám vào Trung Quốc nên đã âm thầm vận động phía Mỹ. Biểu hiện rõ nét nhất là lần đầu tiên Quốc hội Mỹ đề cập tới Biển Đông trong tháng 9 vừa qua, mà không chỉ bàn, Quốc hội Mỹ đã đưa ra cả nghị quyết về Biển Đông. Hơn thế nữa, theo báo cáo của thứ trưởng ngoại giao, trong vấn đề này, Mỹ không đơn phương. Đã có sự vận động quốc tế và sự đồng thuận của Anh, Pháp, Đức, Canada, Nam Hàn và Nhật Bản.

Sự cấp tập tin tức là hệ quả của việc chuyển trục từ Trung Quốc sang Mỹ, kèm theo nó là sự giải phẫu quyết liệt trong đảng cộng sản.

Đi với Mỹ có cứu được đảng không ?

Trong tức thời dường như dựa lưng vào Mỹ, một siêu cường, sẽ nâng vị thế của Đảng cộng sản lên. Nhưng, đi với Mỹ cũng không cứu được đảng. Tổ chức chính trị cũng như một cơ thể sống, nó có phần xác và phần hồn. Phần xác của nó là thực thể cơ cấu tổ chức và các thành viên, phần hồn của nó chính là tư tưởng. Đảng cộng sản cũng vậy, nó có đời sống riêng của nó. Một thời, tư tưởng cộng sản từng là lý tưởng của nhiều người, khi phần xác và phần hồn còn có sự gắn bó, người ta sẵn sàng hiến cả thân cho lý tưởng. Nó đã giúp cho đảng cộng sản thành công trong chiến tranh, giành được quyền kiểm soát trên toàn lãnh thổ để thực thi lý tưởng của họ.

Những người bồng bột cách mạng không nhận thấy sai lầm của lý tưởng cộng sản qua lý thuyết thì sau đó đã nhận ra sự thật qua thực hành trong thời bình. Họ đã cất lên lời cảnh tỉnh như Trần Xuân Bách, Trần Độ… Khi đó đảng cộng sản có cơ may để tiếp nhận tư tưởng mới, sửa chữa và bắt đầu một đời sống mới. Nhưng không, họ bách hại những con người thành thật đó. Đảng cộng sản dứt khoát chọn con đường bất chính.

Những "đồng chí" quay lưng, im lặng trước sự đày đọa những con người trung thực là họ đã bắt đầu sự tha hóa. Những "đồng chí" chủ trương bách hại người trung thực là những kẻ bất lương. Đây là thời điểm đánh dấu Đảng cộng sản Việt Nam không còn khả năng sửa chữa. Tôi nhớ, cuối những năm 80, chúng tôi nói với người bạn sinh viên đang là cảm tình đảng "mày vào đảng đi để trong sạch quần chúng". Vào đảng từ đây thuần túy là sự luồn lách. Tư tưởng cộng sản không còn là lý tưởng, nó chỉ là giấy phép cho sự tranh giành quyền lực.

Đảng chính trị không còn lý tưởng là đảng chết. Trong đảng không còn niềm tin, không còn sự kính trọng nhau, chỉ còn sự thần phục và sự thống trị. Thân xác còn lại của nó hóa thân thành băng đảng, một băng đảng gắn bó tạm bợ với nhau chỉ vì quyền lợi cá nhân. Từ thời điểm mấu chốt đó, băng đảng đã đi một chặng đường dài thanh lọc ngược. Sự thăng tiến trong băng đảng không dựa trên tài năng đức độ mà dựa trên tài luồn lách, thượng đội hạ đạp.

Ngày nay không ai tin đốt lò là chống tham nhũng, cũng như không ai tin có cán bộ không tham nhũng. Đơn giản đó là chuyện đấu đá nội bộ, chuyện phân chia lại quyền lợi, quyền lực bất minh, đấu đá mang tính băng đảng mafia, đấu đá triệt tiêu không khoan nhượng. Một quá trình tự hủy không tránh khỏi.

Đảng cộng sản đã đi tới sự tận cùng của tha hóa, Mỹ cũng không cứu nổi, họa chăng kéo dài thêm chút đời sống thực vật.

Đỗ Xuân Cang

THDCDN (7/10/2019)

Published in Quan điểm

Trước tiên, chúng ta cần thống nhất và khẳng định với nhau rằng đấu tranh chính trị là đấu tranh có tổ chức và chỉ có tổ chức mới có thể đấu tranh chính trị. Trong đấu tranh, một tổ chức chính trị có thể thắng có thể thua, nhưng nếu không có tổ chức thì chắc chắn thất bại. Muốn đấu tranh để thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam từ độc tài cộng sản sang dân chủ đa nguyên, người đấu tranh nhất quyết phải lựa chọn đứng vào một tổ chức chính trị dân chủ có sẵn hoặc tự thành lập tổ chức chính trị.

THDCDN0

Công cuộc đấu tranh cho dân chủ đa nguyên ở Việt Nam rơi vào bế tắc vì đa số người đấu tranh dân chủ cả trong và ngoài nước không lựa chọn con đường đấu tranh chính trị có tổ chức mà lựa chọn phương pháp đấu tranh cá nhân.

Trong những năm qua đã có không ít tổ chức chính trị ra đời để đấu tranh với đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng, phần lớn, sau một thời gian ngắn, đã bị đánh phá hoặc tự tan rã. Công cuộc đấu tranh cho dân chủ đa nguyên ở Việt Nam rơi vào bế tắc vì đa số người đấu tranh dân chủ cả trong và ngoài nước không lựa chọn con đường đấu tranh chính trị có tổ chức mà lựa chọn phương pháp đấu tranh cá nhân.

Tại sao ?

Theo tôi, có ba nguyên nhân chính :

1. Không đủ kiến thức chính trị để hiểu đấu tranh chính trị phải cần có tổ chức.

2. Lúng túng không lựa chọn được cho bản thân một tổ chức chính trị tử tế.

3. Chịu ảnh hưởng dân tộc tính một cách vô thức nên còn nhiều thói tính xấu như : bảo thủ, độc tài, cá nhân ích kỷ, thiếu trách nhiệm, lười, vô kỷ luật… nên đặt cái tôi cao hơn đất nước. Do đó không thể làm việc trong một tổ chức mà chỉ có thể hành động riêng lẻ theo cung cách được chăng hay chớ, văn nghệ và thụ động trông chờ.

Giải pháp cho nguyên nhân thứ nhất : Các tổ chức chính trị, các trí thức, học giả cần viết nhiều bài viết về kiến thức chính trị, làm rõ các khái niệm với ngôn ngữ đơn giản, phổ cập để nhiều người đọc hiểu và học.

Giải pháp cho nguyên nhân thứ hai : Các tổ chức chính trị cần mạnh dạn hơn và hiệu quả hơn trong việc giới thiệu tổ chức mình cho quần chúng biết. Tiếp cận khéo léo với các thành phần trong xã hội thông qua các bài viết giới thiệu tư tưởng, dự án chính trị, phương hướng hoạt động ; đồng thời có những hoạt động thiết thực để quần chúng nhìn thấy, từ đó quần chúng có cơ sở để đặt niềm tin và lựa chọn.

Giải pháp cho nguyên nhân thứ ba : Các tổ chức chính trị, trí thức, học giả phải dẫn đạo tư duy, hướng dẫn quần chúng thông qua các bài viết và việc làm để xóa bỏ lối tư duy cũ, thay đổi thói xấu, tiếp cận học hỏi cách suy nghĩ và làm việc mới. Để làm được điều này, cần tinh thần bao dung, yêu thương, chia sẻ thay vì chỉ trích, xúc phạm và xa lánh quần chúng cũng như những người đấu tranh cá nhân.

Qua nguyên nhân và giải pháp, ta có thể thấy trong đó cách thức hòng nhận diện, đánh giá và lựa chọn cho mình một tổ chức tử tế để tham gia.

Cụ thể, một tổ chức chính trị tử tế có :

1. Có tư tưởng, dự án chính trị rõ ràng đặt trên nền tảng đạo đức

Bất kỳ ai cũng có thể kết hợp với những người khác để thành lập một tổ chức chính trị, nhưng không phải ai và tổ chức nào cũng có thể đưa ra tư tưởng, dự án chính trị, càng hiếm tổ chức đặt đạo đức chính trị lên hàng đầu để làm nền tảng. Có rất nhiều tổ chức lập ra không hề có dự án chính trị, không có cả kế hoạch cụ thể cho mỗi hoạt động. Chỉ tập trung vào các hoạt động tạo sự kiện truyền thông để lấy hình ảnh và tiếng vang. Không quan tâm đến đạo đức khi cứ hô hào mọi người tham gia nhưng không hề hướng dẫn kiến thức chính trị cho thành viên. Không chú trọng hướng dẫn thành viên cách thức để giữ an toàn trong bối cảnh đảng cộng sản luôn mạnh tay đàn áp. Đó là những tổ chức gây hại, không phải tổ chức tử tế.

Người Việt do thiếu kiến thức chính trị nên thường hiểu sai về khái niệm chính trị, từ đó cho rằng làm chính trị là phải gian xảo, lươn lẹo, quyến dụ, nói một đàng làm một ngã. Không phải vậy. Chính trị, đơn giản là tham gia vào việc chung của đất nước. Và để tham gia vào việc chung của đất nước thì phải có kiến thức chính trị, có trăn trở suy tư để làm cho việc chung tốt hơn. Người làm chính trị phải là người có đạo đức, sẵn sàng đặt lợi ích bản thân dưới lợi ích của đất nước, dân tộc.

Một tổ chức chính trị tử tế là một tập hợp gồm những con người có kiến thức chính trị, có ý thức tổ chức, có trách nhiệm, có đạo đức chính trị. Họ cùng nhau xây dựng và thực hiện một dự án chính trị đặt trên nền tảng đạo đức để thay đổi và xây dựng đất nước đem lại những điều tốt đẹp nhất cho dân tộc.

2. Có những lời nói và hành động nhất quán với nhau

Một tổ chức chính trị tử tế không thể nói một đàng làm một ngã. Ta biết, nói lúc nào cũng hay nhưng thực hiện thì khó khăn hơn nhiều. Có không ít tổ chức đưa ra những tuyên bố, kêu gọi lật đổ đảng cộng sản với những lời lẽ đao to búa lớn nhưng trên thực tế họ chỉ có vài người ở tận Mỹ, live stream ăn nói ngông cuồng và không chịu bất cứ trách nhiệm nào đối với chính lời họ tuyên ngôn cũng như với người trong nước. Họ hứa hẹn đủ điều để khuyến dụ quần chúng nhưng họ không có một hành động cụ thể nào để chứng minh họ có thể thực hiện những lời hứa hẹn. Hãy tránh xa chúng ra.

Hãy quan sát các tổ chức và thành viên của tổ chức để xem họ có nhất quán giữa lời nói và hành động không. Nếu họ nói "Chúng tôi tôn trọng dân chủ đa nguyên" nhưng ta thấy họ đánh phá các tổ chức chính trị tử tế khác thì hãy tránh xa họ ra. Nếu họ nói "Chúng tôi đấu tranh vì nước Việt" nhưng họ chửi dân ngu thì cái tuyên ngôn "đấu tranh vì nước Việt" là một lời dối trá. Nếu họ bảo, "Chúng tôi đấu tranh bất bạo động" nhưng hễ ai có quan điểm trái ý họ liền hăm dọa đòi giết, rủa xả..thì đó là tổ chức giả danh…

Một tổ chức chính trị có sự nhất quán giữa lời nói và hành động, giữa trước và sau là một tổ chức ta có thể hoàn toàn tin tưởng. Trước mắt, trong tình hình khó khăn, có thể tổ chức ấy còn yếu, còn va vấp, còn thiếu lực lượng ; hoặc cho dù có bị đánh phá, mất mát thành viên thì tổ chức ấy vẫn sẽ xây dựng lại được bởi họ có những thành viên trung thành, nhất quán với tư tưởng, triết lý và dự án chính trị của họ. Họ nhất định thành công. Hãy lựa chọn hoặc ít ra là ủng hộ họ.

3. Có sự đoàn kết gắn bó và tình yêu thương

Một tổ chức chính trị tử tế nhất định phải có tính đoàn kết gắn bó và yêu thương giữa các thành viên, giữa tổ chức với quần chúng.

Thiếu vắng tính đoàn kết gắn bó, tổ chức chỉ là cái vỏ của những con người chưa trưởng thành, còn đặt lợi ích cá nhân lên trên tổ chức và vì vậy họ không thể đạt được những mục tiêu lớn trong đấu tranh chính trị ; song song đó họ cũng không thể đặt lợi ích đất nước, dân tộc lên trên cá nhân hoặc tổ chức của họ. Họ chỉ lợi dụng danh nghĩa tổ chức để đạt mục đích cá nhân mà thôi.

Thiếu vắng tình yêu thương, tính nhân bản trong triết lý của tổ chức, trong mỗi thành viên thì tổ chức đó chỉ là tập hợp những kẻ cơ hội, thủ đoạn nhằm mục đích đem lại lợi ích cá nhân, nếu thành công họ sẽ là những kẻ gây hại lớn cho đất nước và dân tộc (như đảng cộng sản.)

Không khó để nhận diện một tổ chức dân chủ tử tế, chỉ cần quan sát kỹ bằng kiến thức chính trị là có thể đánh giá. Hãy cẩn trọng trong việc quan sát, đừng để tâm trạng nóng vội thúc đẩy đánh giá một tổ chức là yếu dở khi ta thấy họ chưa đạt được thành tựu nhất định. Hãy tìm hiểu triết lý, tư tưởng của tổ chức ; quan sát các yếu tố định hình tổ chức ; tham gia tranh luận, thảo luận để đánh giá các yếu tố. Khi đã nhận diện được đâu là tổ chức dân chủ tử tế và đâu là tổ chức không tử tế thì việc cần làm là bài trừ các tổ chức không tử tế và ủng hộ các tổ chức tử tế.

Một tổ chức chính trị tử tế không thể tự thân lớn mạnh nếu thiếu đi sự ủng hộ của trí thức, học giả, quần chúng. Khi quyết định tham gia vào một tổ chức chính trị, hãy tham gia với tinh thần đóng góp sức mình để tổ chức lớn mạnh hơn, không phải với tinh thần đòi hỏi tổ chức phải mạnh sẵn để đem lại điều gì đó cho mình và khi chưa nhận thấy thành quả thì quay ra chỉ trích.

Dù là thành viên của tổ chức Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, một tổ chức có dự án chính trị rõ ràng trên nền tảng tư tưởng đấu tranh bất bạo động, hòa giải hòa hợp dân tộc, nhưng tôi không đưa ra lời kêu gọi các anh chị hãy tham gia cùng tôi. Bài viết này là bài tham khảo, nhằm giúp các anh chị nhận diện như thế nào là một tổ chức dân chủ tử tế để lựa chọn tham gia hoặc ủng hộ. Dù anh chị lựa chọn tham gia, ủng hộ tổ chức Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên hay một tổ chức chính trị tử tế nào khác thì đó cũng là điều đáng mừng, bởi anh chị đã thống nhất với chúng tôi một điểm quan trọng trên con đường đấu tranh dân chủ cho đất nước : Đấu tranh chính trị phải có tổ chức.

Công cuộc đấu tranh dân chủ đa nguyên cho đất nước có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào những lựa chọn của các anh chị ở thời điểm hiện tại. Chúng ta không còn nhiều thời gian để đấu tranh theo lối văn nghệ mãi được. Đã đến thời điểm mỗi người buộc phải trăn trở, suy tư và đưa ra quyết định lựa chọn tham gia vào các tổ chức chính trị tử tế vì chỉ có cách đó chúng ta mới thành công.

Việt Văn

(4/10/2019)

Published in Quan điểm

Tôi dùng từ ‘chúng ta’ ở đây với ý nghĩa như là tiếng gọi thân thương của những con người Việt Nam còn lạc quan, hy vọng hay ít nhất còn có một chút nào đó mong mỏi một sự thay đổi tích cực cho tương lai của đất nước chúng ta.

Chắc hẳn là thời gian gần đây, không ít người cảm thấy vô cùng lo lắng, sợ hãi, hay có cả bất mãn trước những tin tức về sự ô nhiễm không khí ở hai thành phố lớn Việt Nam như Hà Nội và Sài Gòn. Ngay lúc này thì các chỉ số không khí của Hà Nội cũng ở mức ô nhiễm báo động nghiêm trọng đến mức mà hít thở bình thường con người cũng có thể gặp bụi nhỏ hay các tạp chất độc hại. Và đống bụi mịn đó sẽ còn đọng lại lâu dài trong phổi mỗi thế hệ người Việt Nam chúng ta.

Nhưng không chỉ có môi trường. Ai là người quan tâm đến tình hình đất nước hiện nay cũng không lạ gì với tình trạng suy đồi và tan nát trên mọi khía cạnh, mọi địa hạt và đời sống của người dân cũng như tình hình của đất nước. Môi trường, y tế, giáo dục ô nhiễm, xuống cấp. Sự ô nhiễm len lỏi vào cả không khí lẫn đạo đức của những con người Việt Nam. Quá nhiều chuyện buồn thảm mà tôi không thể kể hết tên, từ những chuyện bây giờ ra đường ai ai cũng đeo khẩu trang như là ninja ngay trên chính quê hương mình, đến cả các cụ già tập thể dục buổi sáng cũng được khuyên là không nên vì có nhiều bụi mịn trong không khí, hay cho đến chuyện học sinh và nhà giáo đánh lộn lẫn nhau, những điểm số được mua bán hay cái chết của một bé học sinh bị ‘bỏ quên’ trên xe, rồi những vụ án giết người mà hung thủ cực kỳ manh động với sự đa dạng về mức độ cũng như số lượng… chắc hẳn làm cho đại đa số người dân cảm thấy rằng đây là một xã hội mà không còn sự an toàn ở bất kỳ nơi đâu. Con người ta hoảng loạn, con người ta trở nên tò mò, nghi ngờ tất cả mọi thứ ở xã hội ngoài kia, nghi ngờ giữa những người đồng bào và ở ngay tại quê nhà. Ai là người không khỏi xót xa trước những thực trạng đó ?

Rồi còn các chỉ số kinh tế và tình hình ở Việt Nam. Biết rằng báo chí của đảng cộng sản luôn ra rả nói rằng kinh tế đi lên, dấu hiệu khởi sắc… Toàn những ngôn từ hào nhoáng, nhưng sự thật tôi nghĩ rằng đến một người buôn bán bình thường cũng biết rằng đó chỉ là giả dối. Đành rằng cứ cho là có thể có một sự tích cực rất ít nào đó, nhưng một nền kinh tế khởi sắc để làm gì trong khi đánh đổi lấy một môi trường mà đến hít thở người ta cũng gặp nguy hại cho sức khỏe của chính họ ? Đó là chưa kể các con số về kinh tế của Việt Nam chỉ là ảo vọng và nhằm che mắt người dân. Một sự thật tồn tại là mô hình kinh tế của Việt Nam chỉ là một sự sao chép hời hợt y hệt như Trung Quốc trong khi chính Trung Quốc cũng gặp vấn đề từ chính mô hình đó và rồi Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Trước tình hình như vậy, có rất nhiều trí thức trong và ngoài nước đã đưa ra các giải pháp cho các vấn đề tồn đọng. Tôi rất đồng ý và tán thành với những giải pháp đó. Nhưng dường như, các trí thức và các vị nhân sĩ đó vẫn rất sai ở trong những giải pháp của họ. Vì những giải pháp của họ, như là cơ cấu là nền kinh tế, cân bằng lại các ngành kinh tế, chuyển dịch cơ cấu, kiểm soát việc in tiền tệ hay là trồng nhiều cây xanh, chuyển sang năng lượng sạch hay là đề xuất bỏ, gộp các kỳ thi, cải cách giáo dục, chăm lo đời sống giáo viên… tất cả những giải pháp đó, các vị vẫn sẽ chỉ giải quyết được phần ngọn của bài toán.

Căn nguyên, hay gọi là mẫu số chung của bài toán này vẫn là dân chủ hóa đất nước. Những giải pháp kia chỉ có thể khả dĩ thực hiện được và thực hiện một cách thuận lợi ở một chế độ, một nhà nước pháp trị, dân chủ đa nguyên, nơi mà các quyền cơ bản của con người được tôn trọng, pháp luật nghiêm minh, tự do báo trí, các nguồn lực được khai phóng nhằm phục vụ sự tiến bộ của xã hội…chứ không phải dưới một nhà nước độc tài, chuyên chế kiểm soát toàn diện đời sống của người dân và gần như là tước đoạt các quyền căn bản của con người. Mọi ý kiến mà trái với lợi ích của đảng cầm quyền đều bị gạt đi hoặc bỏ ngỏ, một đảng cầm quyền không đặt lợi ích của quốc gia lên hàng đầu mà chỉ chạy theo một thứ chủ nghĩa lỗi thời và tội ác.

Mẫu số của bài toán này có thể nói một cách khác chính là sự tồn tại của đảng cộng sản. Họ chính là nguyên nhân của các vấn đề kia. Muốn giải bài toán này, phải giải quyết từ mẫu số. Trong thời đại này, làn sóng dân chủ thứ 4 vẫn đang tràn tới làm lung lay vị thế của các chế độ độc tài cuối cùng. Đảng cộng sản Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Tội của họ là làm mất thời giờ của đất nước, cản đà thay đổi tiến về tương lai của quốc gia, mà trong kỷ nguyên này, thời gian là vàng bạc.

Đã đến lúc chúng ta cần một giải pháp cho tất cả toàn bộ bài toán kia và đó cũng chính là bài toán lớn của cả quốc gia. Cần đồng ý và đồng thuận với nhau rằng, chỉ một con đường sáng là phải đấu tranh có tổ chức, tức là ủng hộ hoặc dấn thân vào các tổ chức chính trị với phương pháp đấu tranh bất bạo động để buộc đảng cộng sản phải nhượng bộ và ngồi vào bàn tròn trong cuộc chuyển giao và chuyển hóa đất nước về dân chủ. Cuộc chiến này sẽ là cuộc chiến lớn nhất của mỗi người, cùng bắt tay nhau để mang lại một tương lai tươi sáng cho đất nước của tất cả chúng ta.

GP1

Cần đồng ý và đồng thuận với nhau rằng, chỉ một con đường sáng là phải đấu tranh có tổ chức, tức là ủng hộ hoặc dấn thân vào các tổ chức chính trị với phương pháp đấu tranh bất bạo động để buộc đảng cộng sản phải nhượng bộ

Chúng ta không nên mất quá nhiều thời vào những giải pháp trên ngọn nữa mà nên cùng bắt tay nhau để giải quyết tận gốc rễ của vấn đề đó là ủng hộ cho các tổ chức chính trị thật sự để đấu tranh thiết lập một nhà nước dân chủ đa nguyên với tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc.

Việt Thủy

(30/09/2019)

Published in Quan điểm
vendredi, 27 septembre 2019 21:35

Gặp nhau vì đất nước và dân chủ

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên và Nghĩa Hội Tự Do Việt Nam

trân trọng kính mời các thân hữu tham dự

Bữa ăn trưa văn nghệ và khiêu vũ hàng năm

gây quỹ yểm trợ anh em dân chủ trong nước

Chủ Nhật 08-12-2019, từ 12 giờ đến 19 giờ

Salle des Fêtes Associatives

Allée Lech Walesa, 77185 Lognes

afficheVNL2019

Cuộc vận động dân chủ dân chủ hóa nước đang đi vào một khúc quanh lịch sử.

Đảng cộng sản đã nhận ra là Trung Quốc không còn là một chỗ dựa. Sai lầm của mô hình chính trị ngày càng đưa Trung Quốc tới gần khủng hoảng và càng cần khiêu khích trên Biển Đông để cố che giấu những bế tắc bên trong. Chế độ cộng sản Việt Nam đang bị bắt buộc phải chuyển hướng, tách dần khỏi ảnh hưởng Trung Quốc và tăng cường quan hệ hợp tác với các nước dân chủ. Anh em dân chủ trong nước đang đối diện với một tình huống hoàn toàn mới tràn đầy hy vọng nhưng cũng rất nhiều thử thách. Tại hải ngoại, mọi người Việt Nam còn quan tâm tới đất nước đều có nghĩa vụ đồng hành với họ.

Mục đích của cuộc họp mặt này, cũng như mọi năm, là để yểm trợ họ.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên mong đợi sự hưởng ứng của các thân hữu.

Đây cũng là dịp cuối năm để chúng ta gặp nhau trong không khí thân mật của một bữa cơm trưa vui vẻ tiếp theo bằng một phần văn nghệ đặc sắc với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tài danh, để trao đổi về tình hình đất nước, thăm hỏi nhau, chúc nhau và chúc đất nước một năm 2020 thắng lợi.

Năm nay chúng ta sẽ thưởng thức tài nghệ của :

Tố Nga, Tố Liên, Minh Nguyệt, Băng Nhân, Khắc Dũng

Sự hiện diện của quý vị là một tình cảm đối với những anh chị em đang chấp nhận gian lao vì tương lai đất nước. Họ đã biểu lộ phẩm giá của dân tộc và rất xứng đáng được dành mọi ưu ái.

Liên lạc :    06 60 07 68 00 & 01 64 80 58 27

hoặc

                    06 63 21 54 42 & 06 51 77 44 64

Lộ trình :

Từ Paris, Porte de Bercy

Lấy Xa lộ A4 hướng Metz-Nancy

Sortie VAL MAUBUEE CENTRE

giữ tay mặt để vào N104 (direction Pontault Combault)

Lấy Sortie N° 13 (direction Lognes)

Tới đèn đỏ, quẹo tay mặt vào Boulevard Courcerin

Khoảng 1 Km sau đó, quẹo tay trái vào Allée Lech Walésa

Published in Quan điểm

Quý độc giả kính mến,

Trước hết kính chúc quý độc giả cùng gia đình những ngày hè vui vẻ năm 2019 và niềm vui tham khảo trang website của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.

Với thư này, Ban biên tập báo Thông Luận online xin thông báo cùng quý độc giả : trang website thongluan-rdp.org sẽ giảm hoạt động từ ngày 21/08/2019 đến 09/09/2019 vì lý do nghỉ hè. Trong suốt thời gian này hoạt động đăng tải những bài viết và mục tin tức sẽ giảm cường độ. Chúng tôi cố gắng duy trì sinh hoạt của trang website nhưng ở mức độ tối thiểu, nghĩa là mỗi ngày chỉ đăng một vài bài mới trên Trang chủ, trang Video và phần Điểm báo.

he1

Cũng nhân dịp hè, kính mời quý độc giả tham khảo trang Tư liệu để đọc những bài viết về lịch sử, văn hóa, nhất là những bài về "Những thỏa thuận hậu Thành Đô", đặc biệt là những bài số 1số 3. Tất cả những sự kiện liên quan đến sự hiện diện của người Trung Quốc cũng như những diễn biến trên Biển Đông gần đây đều đã được tiến hành theo đúng những lộ trình đã được công bố trong những Tuyên bố chung và Thông cáo chung giữa hai Đảng cộng sản và chính quyền Việt Nam và Trung Quốc.

Nếu người Việt Nam không có một hành động nào cưỡng lại, số phận chư hầu và lệ thuộc sẽ bao phủ tương lai con cháu chúng ta. Tin rằng dân tộc Việt Nam không xứng đáng với số phận đó. Những mong ước gần Mỹ xa Trung là của dư luận trong nước chứ không phải là lô gích của Đảng cộng sản Việt Nam.

Kính chúc quý độc giả sức khỏe và bình an.

Thay mặt Ban biên tập

Nguyễn Văn Huy

Published in Quan điểm
mercredi, 31 juillet 2019 13:10

Chung một giấc mơ ?

Làm thế nào để có một giấc mơ Việt Nam chung thay vì mỗi người một giấc mơ riêng ? Không khó. Cái khó là phải mơ. Nếu mỗi người tạm từ bỏ cái tôi để trở về với mình và thành thực nghĩ về những gì mà mình có thể mơ ước cho đất nước Việt Nam rồi viết ra giấc mơ Việt Nam của mình họ sẽ thấy giấc mơ đó không khác bao nhiêu giấc mơ của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.

giacmo0

Thế giới đã biết đến Việt Nam như là nạn nhân của hận thù và chia rẽ, của óc độc quyền lẽ phải thì thế giới sẽ phải biết đến Việt Nam sau này như là vùng đất của sự bao dung, như là một mẫu mực thành công của tình anh em tìm lại, của sự hồi sinh từ điêu tàn và đổ nát. Ảnh minh họa 

Một người bạn hỏi tôi "tại sao các vị lại kết thúc dự án chính trị của các vị bằng chương "Chung một giấc mơ Việt Nam". Các ngài định đấu tranh hay mơ mộng ?"

Không biết anh hỏi thực hay hỏi đùa nhưng những từ "các vị", "các ngài" chắc chắn cũng có hàm ý trêu chọc là chúng tôi, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, không thực tế và vì thế không phù hợp với chính trị. Câu hỏi khiến tôi khựng lại. Không phải vì không có câu trả lời mà vì không biết phải trình bày nó như thế nào. Dù Giấc Mơ Việt Nam đã là kết luận của các dự án chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên từ mấy chục năm nay nhưng đây là lần đầu tiên có người hỏi chúng tôi như vậy. Sau một lúc chần chừ tôi quyết định bắt đầu bằng cách hỏi lại anh : "Tôi sẽ trả lời nhưng trước hết xin hỏi lại là ngài có giấc mơ nào cho Việt Nam không ?". Đến lượt anh bạn lúng túng. Anh là một trí thức lớn, uyên bác và chân chính.

Nhưng giấc mơ là gì ? Nó không giản dị như người ta thoạt tưởng.

Ở nghĩa thông thường nhất giấc mơ chỉ là một sản phẩm của hoạt động của khối óc trong giấc ngủ. Các nơ-rôn chuyển động, va chạm và kết hợp với nhau tạo ra các diễn biến ảo –hình ảnh, âm thanh, cảm xúc v.v.- hoàn toàn không có thực mà bình thường chính người mơ cũng không biết và không nhớ. Tất cả đến và đi trong giấc ngủ. Đôi khi người ta nhớ được khúc cuối, lúc sắp thức dậy, khi giấc ngủ đã mất cường độ và ý thức đã dần dần trở lại. Người ta gọi những gì còn nhớ được là giấc mơ. Đặc tính chính của giấc mơ là người mơ hoàn toàn không chủ động. Đó không phải là giấc mơ Việt Nam mà anh em chúng tôi theo đuổi.

Giấc mơ Việt Nam của chúng tôi là một giấc mơ trong lúc thức tỉnh, cả trí tuệ lẫn tâm hồn. Giấc mơ này giống như một ước mơ, nghĩa là những gì chúng ta muốn thấy, xuất phát từ thực tại mà chúng ta đang sống và ý muốn vượt lên thay đổi thực tại đó và đạt tới một thực tại khác đẹp hơn. Tuy vậy nó vẫn là một giấc mơ chứ không phải là một ước mơ bởi vì, khác với một ước mơ, nó vượt thoát hẳn khỏi thực tế và không thể đạt tới được một cách trọn vẹn trong một thời gian dự trù được. Trong giấc mơ không có kết quả cụ thể, cũng không có quyền lợi và tham vọng cá nhân, ngay cả tham vọng chính đáng. Nó là phẩm chứ không phải là lượng, một hướng đi chứ không phải một cột mốc, một lý tưởng chứ không phải một mục tiêu.

Và tại sao phải mơ ?

Trước hết là vì giấc mơ, dù hiểu theo nghĩa nói trên, trong lúc tỉnh, hoàn toàn không có sự giả dối. Lý do là vì không ai bắt mình mơ, mình tự ý mơ trong một khoảng khắc bình yên và chỉ đối diện với chính mình cho nên tuyệt đối không có nhu cầu nói dối. Giấc mơ vì vậy bao giờ cũng là một khoảng khắc chân thành và khiến người ta trong sạch hơn.

Nó cũng khiến người ta gắn bó với đất nước hơn bởi vì người ta luôn luôn mơ bằng tiếng mẹ đẻ. Một điều có thể nhận thấy là các thế hệ di dân thứ hai –con của những người vừa tới định cư ở một nước mới- thường ít mơ mộng. Họ có thể rất năng động và thành công ngoạn mục trong học hành cũng như trong nghề nghiệp nhưng họ ít mơ mộng. Không phải vì phải phấn đấu nhiều và không còn thời giờ để mơ mộng như họ thường nói mà vì không có tiếng mẹ đẻ để mơ. Họ được cha mẹ chăm nom trong những năm đầu đời cho nên tiếng mẹ đẻ vẫn là tiếng của cha mẹ, nhưng rồi họ đi học và sau đó đi làm bằng tiếng của nước nhập cư và dần dần quên đi tiếng mẹ đẻ hay chỉ còn giữ lại được một chút ít không đủ để mơ. Họ không thể mơ vì đã mất tiếng mẹ đẻ. Đó là một thiệt thòi lớn vì mơ mộng là một điều kiện cần để sống hạnh phúc.

giacmo2

Giấc mơ cũng khiến người ta gắn bó với đất nước hơn bởi vì người ta luôn luôn mơ bằng tiếng mẹ đẻ. Ảnh minh họa 

Quan trọng hơn, giấc mơ làm đẹp tâm hồn và gắn bó những con người.

Giấc mơ chỉ có thể đẹp và hiền hòa. Một người Cao Ly có thể nguyền rủa Kim Jong-un, rất mong ước hắn bị lật đổ và trừng trị thật đích đáng nhưng người ta không thể mơ như thế. Giấc mơ chỉ có thể có những điều tốt và đẹp. Và vì nó vừa thành thực vừa tốt và đẹp nên nên nó khiến chúng ta cùng hướng về cái Tốt, cái Đẹp và cái Đúng. Nó khiến chúng ta gắn bó với nhau trong sự chia sẻ những điều mà ai cũng muốn. Điều này tổ tiên ta đã biết ngay từ một ngày rất xa xưa. Các cụ gọi những kết hợp tạm bợ là "đồng sàng dị mộng" (cùng một chiếu nhưng không cùng một giấc mơ). Như vậy các cụ đã biết từ lâu điều mà nhiều người đấu tranh chính trị ngày nay, ngay cả những người rất thông thái, không ý thức được một cách rõ ràng là người ta chỉ có thể chung sức hành động lâu dài nếu cùng chia sẻ một giấc mơ. Như vậy giấc mơ tuy xa vời nhưng lại là một nhu cầu rất cụ thể cho một kết hợp bền vững.

Có cần những bằng chứng cụ thể cho những khẳng định này không ?

Hai tôn giáo lớn quen thuộc với chúng ta, Phật Giáo và Kitô Giáo, đã gắn bó hàng tỷ người trong hàng ngàn năm trong một giấc mơ chung là sẽ được vào Niết Bàn, hay lên Thiên Đàng cũng thế vì hai tôn giáo này là anh em (1). Ngày nay cả hai đều đang gặp khó khăn bởi vì giấc mơ đó, ít nhất theo cách mô tả cổ điển, không còn được chia sẻ nồng nhiệt như trước nữa.

Một thí dụ khác, cũng là một thảm kịch cho nhiều dân tộc trong đó có chúng ta, là phong trào cộng sản. Cũng như tất cả mọi đảng cộng sản đã từng xuất hiện trên thế giới và hầu hết đã tiêu vong, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã được xây dựng trên danh nghĩa như là một phương tiện để tiến tới giấc mơ Thế Giới Đại Đồng không giai cấp, tuyệt đối bình đẳng và liên đới trong đó mỗi người làm theo khả năng và hưởng theo nhu cầu. Giấc mơ này rất đẹp cho nên có lúc đã động viên được hàng tỷ người và hàng triệu người đã say mê đến độ sẵn sàng chết cho nó và sẵn sàng giết người vì nó. Tại Việt Nam nó đã qui tụ được một số người không nhiều cũng không có trình độ hiểu biết nào đáng kể, chủ yếu theo cộng sản vì mù quáng, nhưng cuồng nhiệt chia sẻ giấc mơ chung đó và đã có thể lôi kéo hoặc cưỡng bức nhiều người khác theo họ và hy sinh cho họ. Sau cùng họ đã thắng trước một phe chống cộng tuy đông hơn, kiến thức cao hơn, phương tiện dồi dào hơn, nhưng đồng sàng dị mộng. Đó là một trong những bài học lịch sử lớn nhất.

Sau cùng phong trào cộng sản thế giới đã sụp đổ khi giấc mơ tan biến. Lý tưởng này tuy đẹp nhưng không có đường đi tới. Đường đi tới được đưa ra là tư tưởng Mác-Lênin sai cả về phương pháp lý luận lẫn chính lý luận. Và giấc mơ đã chỉ là ác mộng. Các chế độ cộng sản và các đảng cộng sản đã tiêu vong, chỉ còn lại hai chế độ cộng sản Trung Quốc và Việt Nam và hai chế độ khốn cùng là Triều Tiên và Cuba. Nhưng cả hai chế độ cộng sản Trung Quốc và Việt Nam đều đã chấp nhận kinh tế thị trường và không những thế còn tạo ra một tình trạng chênh lệch giầu nghèo thách đố hơn cả các nước tư bản. Giấc mơ cộng sản đã bị chối bỏ, hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam không thú nhận chỉ vì gian trá và ngụy biện mà thôi. Sự sụp đổ của cả hai chế độ là chắc chắn bởi vì những người cộng sản không còn giấc mơ chung.

Còn đối lập dân chủ Việt Nam ?

Phải nói thật vắn tắt và quả quyết : muốn đánh bại được sự ngoan cố của Đảng Cộng Sản phải có một tổ chức dân chủ mạnh và muốn có một tổ chức dân chủ mạnh chúng ta cũng cần một giấc mơ Việt Nam chung. Chúng ta thiếu một giấc mơ Việt Nam và vì thế không thấy cần có một tư tưởng chính trị để chứng minh rằng có đường đi tới lý tưởng đó và một dự án chính trị để biết phải đi tới như thế nào. Mỗi người theo đuổi một ước vọng cá nhân, có khi chỉ tầm thường như được đóng một vai trò nào đó hay được thừa nhân một tư cách nào đó. Hậu quả là đấu tranh nhân sĩ hoặc đồng sàng dị mộng. Chính vì thế mà chúng ta vẫn chưa có nổi một tổ chức dân chủ có tầm vóc, cuộc vận động dân chủ vẫn dậm chân tại chỗ và chính quyền cộng sản vẫn còn tồn tại dù đã mất lý tưởng, đã phân hóa cùng cực, đã trở thành một lực lượng chiếm đóng cướp bóc và đã thất bại trên mọi phương diện. Nhiều người có thể nghĩ giấc mơ xa vời, nhưng cũng chính vì thế mà nó đoàn kết chúng ta một cách lâu dài.

Sau một hồi trao đổi anh bạn nói : "Thú thực là mình không có một giấc mơ nào cho Việt Nam, chỉ ghét bọn cầm quyền hiện nay vì chúng nó quá nhảm nhí thôi. Có lẽ là vì trong thâm tâm mình cũng không yêu nước lắm". Anh là một người hiểu biết và chân thực, anh thành công lớn, được mọi người quý trọng ; các con anh cũng đều rất thành đạt, nhưng họ chủ yếu quan tâm tới cuộc sống cá nhân.

Rồi anh hỏi tôi làm thế nào để có một giấc mơ Việt Nam chung thay vì mỗi người một giấc mơ riêng ?

Không khó. Cái khó là phải mơ. Nếu mỗi người tạm từ bỏ cái tôi để trở về với mình và thành thực nghĩ về những gì mà mình có thể mơ ước cho đất nước Việt Nam rồi viết ra giấc mơ Việt Nam của mình họ sẽ thấy giấc mơ đó không khác bao nhiêu giấc mơ của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên :

     Nước Việt Nam sẽ là một nước lớn.

     Làm người Việt Nam cho tới nay đã là một điều bất hạnh thì làm người Việt Nam trong một tương lai gần sẽ phải là một niềm vui, một may mắn và một nguồn hãnh diện.

     Thế giới đã biết đến Việt Nam như là nạn nhân của hận thù và chia rẽ, của óc độc quyền lẽ phải thì thế giới sẽ phải biết đến Việt Nam sau này như là vùng đất của sự bao dung, như là một mẫu mực thành công của tình anh em tìm lại, của sự hồi sinh từ điêu tàn và đổ nát.

Giấc mơ chung đó chắc chắn sẽ nhanh chóng khiến cuộc vận động dân chủ khởi sắc.

Nguyễn Gia Kiểng

(31/07/2019)

-----------------

Đề nghị đọc thêm :

(1) Trên núi Phúc nghĩ về một vết thương của dân tộc

(2) Nhìn lại chủ nghĩa Mác-Lênin

Published in Quan điểm
lundi, 29 juillet 2019 12:29

Tưởng nhớ Nguyễn Thanh Giang

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang vừa qua đời sáng nay, 28/07/2019, tại Hà Nội, thọ 83 tuổi.

ntg0

Một trong những trí thức dân chủ đầu tiên trưởng thành dưới chế độ cộng sản, Nguyễn Thanh Giang, bằng những lý luận sắc bén đã góp phần quan trọng cho phong trào dân chủ Việt Nam. Ông đã gặp rất nhiều gian truân khi chọn lưa đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền nhưng đã không nao núng.

ntg3

Ông cũng đã hợp tác với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên để sáng lập và đảm nhiệm vai trò tổng biên tập đầu tiên của bán nguyệt san Tổ Quốc, tờ báo vận động dân chủ đầu tiên đã phát hành đều đặn trong mười năm ngay trong lòng chế độ cộng sản. Tờ báo đã nhanh chóng chiếm được cảm tình và sự hậu thuẫn của nhiều vị lão thành của chế độ và khiến họ trở thành những người tích cực vận động dân chủ.

ntg2

Xin nghiêng mình kính cẩn tiễn đưa Nguyễn Thanh Giang và chia buồn cùng gia đình và các thân hữu.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên 

Published in Quan điểm

Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang đứng trước một khúc quanh, một ngã rẽ quan trọng. Chúng ta có thể thấy mấy điểm nổi bật như sau.

Sự từ nhiệm vai trò lãnh đạo độc tôn của Mỹ. Sau năm 1945 thì Mỹ trở thành quốc gia lãnh đạo của phe dân chủ và sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991 thì Mỹ gần như là lãnh đạo số 1 của thế giới. Tiếng nói của Mỹ là tiếng nói quyết định và các nước dân chủ luôn ủng hộ Mỹ. Việc đồng đô-la Mỹ được thừa nhận như là đồng tiền chung của thế giới đã giúp chia sẻ gánh nặng về quân sự với Mỹ và giúp nền kinh tế Mỹ phát triển mạnh mẽ. Vai trò lãnh đạo độc tôn của Mỹ đã kết thúc với việc Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ với chính sách "nước Mỹ trên hết".

taphop0

Không nên coi thường sức mạnh của tư tưởng và việc đồng thuận với nhau trên những lập trường và giá trị nền tảng.

Phong trào dân túy nổi lên khắp thế giới do tư tưởng chính trị không theo kịp đà phát triển của khoa học kỹ thuật (chúng ta quen gọi là cách mạng 4.0). Sự thiếu hụt tư tưởng lần này cũng như sự thiếu vắng tư tưởng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (cuối thế kỷ 18) khiến chủ nghĩa cộng sản và phát-xít ra đời. Các chính trị gia dân túy đã khai thác chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi thay vì thảo luận một cách nghiêm túc và minh bạch trên các vấn đề nền tảng do cuộc cách mạng 4.0 mang lại. May mắn là làn sóng dân túy đã bị "chặn đứng" tại Châu Âu qua cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu hôm 26/6/2019 vừa qua (1).

Cuộc thư hùng giữa Mỹ-Trung đang đến hồi gay cấn. Việc Mỹ và Châu Âu chạy theo chủ nghĩa thực tiễn khi chấp nhận làm ăn với Trung Quốc và bỏ qua nhân quyền đã khiến Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ. Sự trỗi dậy đó không hề "hòa bình" và không hề cải thiện tình hình dân chủ tại Trung Quốc. Càng lớn mạnh Trung Quốc càng trở thành mối đe dọa cho hòa bình thế giới và trực tiếp đe dọa ngôi vị số 1 của Mỹ. Sự bất đồng giữa Mỹ-Trung là không thể thỏa hiệp và chỉ leo thang ngày càng khốc liệt. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chỉ là khúc dạo đầu cho cuộc thư hùng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc trong tương lai.

Nước Nga của Putin vẫn bị Châu Âu và Mỹ cấm vận kinh tế sau khi sát nhập bằng vũ lực bán đảo Crimea của Ukraine vào Nga. Kinh tế nước Nga phụ thuộc vào việc bán tài nguyên thô như dầu khí và khí đốt nhưng thời đại của dầu khí sắp đi qua khi năng lượng sạch từ gió và mặt trời đang dần thay thế.

Cuộc biểu tình khổng lồ của hơn 2 triệu người dân Hồng Kông chống lại luật dẫn độ về Trung Quốc trong hai ngày giữa tháng 6/2019 vừa qua gây chấn động thế giới. Các cuộc biểu tình đã thành công vì được tổ chức rất chặt chẽ, nhịp nhàng, ăn ý với một văn hóa rất cao. Tuyệt vời hơn cả là sự chuẩn bị và tổ chức của họ đã đạt đến mức mà những người lãnh đạo không cần ra mặt (để tránh bị mắt bớ như hồi 2014).

Các chế độ độc tài đang bị công phá khắp mọi nơi và đang sống những ngày cuối khó khăn. Chế độ cộng sản Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Họ đã thất bại hoàn toàn trên mọi lãnh vực. Chế độ này sắp phải kết thúc nên đất nước cần có một giải pháp khác để thay thế. Phong trào dân chủ Việt Nam cần tập hợp lực lượng để nhận lãnh trách nhiệm trước lịch sử và dân tộc. Muốn thế thì người dân Việt Nam nói chung và trí thức nói riêng cần tham gia hoặc ủng hộ cho một tổ chức chính trị nào đó hoặc tự mình thành lập đảng mới vì đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh có tổ chức và giữa các tổ chức chính trị với nhau.

Nếu một người nào đó muốn tham gia vào Tập Hợp Dân chủ Đa Nguyên thì cần những đức tính gì ? Có hai tiêu chí căn bản.

1. Đạo đức và lương thiện

Đạo đức là gì ? Đó là những giá trị được đúc kết trong hàng ngàn năm và được sự xác quyết của trí tuệ nhân loại là đúng đắn, cao quí và cần thiết. Những giá trị đó quyết định và chi phối cho cách suy nghĩ và hành động của đa số mọi người trên trái đất. Những giá trị của đạo đức đó là tôn trọng sự thật và lẽ phải, lễ độ, tự trọng, trung thực, dũng cảm, bao dung, giữ chữ tín, có lương tâm và danh dự… (2).

Chính trị là đạo đức ứng dụng vào trong xã hội và cuộc sống. Không có đạo đức thì không thể làm và không nên làm chính trị. Một người dù có giỏi đến đâu mà không có đạo đức thì cũng vứt. Tiêu chí này là quan trọng nhất.

Lương thiện để không làm những việc thiếu đạo đức như phá hoại và phản bội tổ chức. Khi phải gò bó trong khuôn khổ một tổ chức một thời gian dài thì không phải ai cũng đủ kiên nhẫn đi đến cùng. Nên chia tay văn minh và lịch sự thay vì phá hoại tổ chức lúc ra đi. Lương thiện là "chỉ nói những điều mình thực sự nghĩ sau khi đã cố gắng học hỏi và tìm hiểu, trong thiện chí sẵn sàng thay đổi ý kiến, chứ không phải nói theo cảm tính, nói theo phe phái, hay nói hồ đồ. Thái độ thiếu lương thiện thường gặp là bóp méo các sự kiện để biện hộ cho một lập trường mà mình đã sẵn có từ trước".

Làm chính trị không phải tìm kiếm thành công cá nhân mà để cống hiến cho một lý tưởng quảng đại vì dân tộc và đất nước cho nên không thể gian trá và thủ đoạn. Chính trị phải là nơi sạch sẽ nhất chứ không phải chốn nhơ bẩn như nhiều người nghĩ.

Người Việt Nam, do bị ảnh hưởng bởi văn hóa Khổng giáo nên vẫn cho rằng chính trị là xấu xa, nhơ bẩn vì thế cần phải tránh xa. Đây cũng là luận điệu bịp bợm của chế độ cộng sản hiện nay và giai cấp thống trị ngày xưa. Khi người dân nghĩ và xem chính trị là xấu và tránh xa thì chúng lại làm ngược lại là xông vào, lăn xả vào chính trị bằng mọi cách, mọi giá và tha hồ "múa gậy vườn hoang" để trục lợi cho bản thân và phe nhóm.

2. Có quyết tâm và niềm tin

Làm gì cũng phải có quyết tâm và quyết tâm đó phải đủ lớn thì mới có thể dấn thân tranh đấu nhằm thay đổi tương lai đất nước. Chỉ có những người quyết tâm cao độ mới có thể tham gia và đóng góp vào việc thay đổi tương lai bằng cách thông qua một tổ chức chính trị. Sự quyết tâm liên quan mật thiết với niềm tin. Không thể có quyết tâm nếu không có niềm tin vào việc mình làm. Niềm tin chỉ có được nếu có kiến thức. Trước khi lấy quyết định tham gia vào một tổ chức chính trị thì mỗi người phải hiểu mục đích và lý do dấn thân của mình bằng cách trả lời hai câu hỏi :

1. Cứu cánh và bản chất của cuộc đấu tranh dân chủ là gì ?

2. Trong cuộc đấu tranh này những khả năng và đức tính nào là cần thiết, cần được nhận diện, tìm kiếm và trân trọng ? (3)

Cứu cánh (mục đích sau cùng) của Tập Hợp Dân chủ Đa Nguyên là ‘chiến thắng độc tài và xây dựng dân chủ cho Việt Nam’. ‘Như thế đức tính đầu tiên và bắt buộc của một người đấu tranh cho dân chủ là phải có văn hóa tổ chức, nghĩa là phải biết xây dựng tổ chức và đấu tranh trong khuôn khổ của tổ chức, biết chấp nhận hy sinh tham vọng cá nhân, tư kiến và lòng tự ái để đóng góp cho sức mạnh của tổ chức. Tiếp theo là những khả năng và đức tính mà mọi người đấu tranh chính trị phải có : lương thiện, quyết tâm, kiên trì và bản lãnh chính trị -nghĩa là hiểu biết những vấn đề đặt ra cho đất nước và những giải pháp’.

Khi những người dân chủ Việt Nam đồng ý với nhau trên hai câu hỏi và hai câu trả lời nền tảng nêu trên thì khi đó chúng ta mới có thể tham gia vào một tổ chức và cũng chỉ khi đó chúng ta mới có thể đồng ý với nhau trên những vấn đề cụ thể như việc phân công trách nhiệm một cách đúng đắn cho từng người cũng như vai trò của mỗi người trong tổ chức. Việc đồng thuận trên những lập trường căn bản của tổ chức cũng giúp các thành viên không bị chệnh hướng và phân tâm bởi các biến cố nhỏ xảy ra trên hành trình tranh đấu của mình. Những sự kiện và những ‘vấn đề cụ thể’ xảy ra thường xuyên tại Việt Nam, nếu không có tư tưởng chính trị để làm la bàn và giúp giữ vững lộ trình tranh đấu thì nhiều người sẽ sa đà vào các ‘sự cố’ khiến họ phân tâm và chạy theo các biến cố đó và đánh mất mục tiêu chính. Ví dụ sự kiện giáo dân Hà Tĩnh biểu tình phản đối công ty Formosa gây ô nhiễm hồi tháng 10/2016 hay cuộc biểu tình chống Luật Đặc khu cách đây một năm (10/6/2018)... đã làm mê hoặc không ít người tranh đấu và khiến họ tưởng rằng thời cơ đã chín muồi.

Mọi người trước khi gia nhập Tập Hợp Dân chủ Đa Nguyên đều được khuyến cáo đọc kỹ và hiểu rõ hai tài liệu là Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai và ‘Qui ước sinh hoạt’ của tổ chức. Không nên coi thường sức mạnh của tư tưởng và việc đồng thuận với nhau trên những lập trường và giá trị nền tảng. Chính vì xem nhẹ tư tưởng chính trị nên một số thành viên Tập Hợp trong quá khứ đã hành động sai trái và thiếu đạo đức khi tham gia làm ‘đảo chính’, chống lại tổ chức thay vì chia tay một cách văn minh. Họ không hiểu rằng đấu tranh chính trị chủ yếu là truyền thông, bằng lời nói, diễn đạt, viết báo…

Lời nói là hành động và là hành động quan trọng nhất ngay cả trong đấu tranh cách mạng bạo động. Ngày nay, khi vấn đề đấu tranh bằng bạo lực không còn đặt ra nữa, lời nói gần như là vũ khí duy nhất’ (4).

"Chúng ta đang ở trong giai đoạn xây dựng lực lượng dân chủ trong đó hành động chủ yếu là thuyết phục và kết hợp’’. ‘Thuyết phục’ người dân là công việc lâu dài và bền bỉ nhưng không thể không làm, không thể đốt cháy giai đoạn. Một cuộc vận động tư tưởng phải đi trước mở đường cho một cuộc cách mạng. Sau khi đã ‘thuyết phục’ được đa số dân chúng và nhất là thuyết phục được một số trí thức tinh hoa thì việc tiếp theo sẽ là cùng ‘kết hợp’ với nhau trong một tổ chức. Khi có tổ chức hùng mạnh rồi thì mới tính đến chuyện ‘hành động’.

Trí thức Việt Nam có ba điểm yếu khiến họ không thể tham gia hay ủng hộ cho các tổ chức chính trị. Thứ nhất là họ không có khả năng làm việc chung trong một tổ chức. Thứ hai, họ không có kiến thức thực sự về chính trị nên không có niềm tin và quyết tâm để dấn thân. Thứ ba, họ thiếu đạo đức chính trị để có thể làm một thành viên bình thường trong một tổ chức. Các tổ chức tranh đấu tại Việt Nam ngày càng rã rượi vì mất sức thu hút hơn là vì bị đàn áp.

Trong suốt dòng lịch sử Việt Nam chưa từng có tổ chức chính trị nào... có tổ chức trước khi dành được chính quyền (đảng cộng sản Việt Nam là một ngoại lệ vì nó là một phân bộ của quốc tế cộng sản. Mọi đường lối và phương tiện đều được khối cộng sản huấn luyện và cung cấp), chính vì thế mà các tổ chức chính trị của người Việt Nam trong quá khứ lẫn hiện tại đã thất bại vì không có thực chất. Các tổ chức chính trị chỉ có thể hình thành và có ý nghĩa khi chưa dành được chính quyền vì chỉ khi đó những người đến với tổ chức mới là những người có ý chí và quyết tâm thực sự. Khi một tổ chức đã dành được chính quyền thì những người đến với tổ chức rất nhiều nhưng rất khó để biết được ai là thật lòng, ai là cơ hội.

Tập Hợp Dân chủ Đa Nguyên đang cố gắng để xây dựng một tổ chức chính trị thật sự và đúng nghĩa nhưng vì người Việt Nam chưa hề có kinh nghiệm về tổ chức nên họ không hiểu, không hình dung ra được hình thù và những đặc tính cần có của một tổ chức như vậy nên chưa dành cho Tập Hợp những quan tâm và ủng hộ cần thiết. Nếu một người có các đức tính trên (đạo đức, lương thiện, quyết tâm và niềm tin) thì có thể hoàn toàn yên tâm tham gia vào Tập Hợp Dân chủ Đa Nguyên, những chuyện còn lại như kiến thức chính trị và phương pháp hành động sẽ được tổ chức cung cấp và hướng dẫn.

Một lý do nữa khiến người Việt dành sự ủng hộ cho các cá nhân thay vì tổ chức là vì họ cho rằng trong quá khứ đã bị lừa dối nhiều lần và vì thế nên mất lòng tin. Điều này không sai nhưng cũng có một phần tại sự nông nổi và thiếu hiểu biết của chính họ. Trước khi ủng hộ cho tổ chức nào đó thì cần tìm hiểu kỹ về tổ chức đó. Để có niềm tin và không bị lừa dối thì người dân Việt Nam nên chú ý vào tư tưởng, đường lối, lộ trình và đội ngũ cán bộ của tổ chức đó. Phải đặt những giá trị như đạo đức, sự lương thiện, quyết tâm, sự hiểu biết, bao dung và cách làm việc có nghiên cứu và có phương pháp lên hàng đầu.

Lịch sử sắp sang trang, nếu không có niềm tin và không ủng hộ cho các tổ chức chính trị đứng đắn thì chắc chắn Việt Nam sẽ bị các nhóm tư bản đỏ và tài phiệt cướp lấy chính quyền và chúng ta lại tiếp tục sống trong chế độ độc tài dù tên gọi có thể khác và rất hoành tráng.

Việt Hoàng

(23/6/2019)

(1) Nguyễn Gia Kiểng, "Tương lai nào cho Liên Hiệp Châu Âu và thế giới ?

(2) Có một thiểu số định nghĩa khác về đạo đức ví dụ "đạo đức cộng sản", họ định nghĩa đạo đức là những gì có lợi cho cách mạng dù phải nói dối hay giết người. Dù đạo đức là đúng đắn và được lý trí xác quyết nhưng lại không thể thuyết phục người khác bằng lý luận nếu người cần thuyết phục không có những kiến thức nền tảng cần thiết. Có những giá trị đạo đức thay đổi theo thời gian ví dụ quan niệm về hôn nhân. Đây là một chủ đề lớn và còn tranh cãi lâu dài.

(3) https://www.thongluan.blog/2018/02/cuu-nguy-phong-trao-dan-chu-nguyen-gia.html

(4) https://www.thongluan.blog/2018/08/chung-ta-ang-can-gi-nhat-nguyen-gia.html

Published in Quan điểm

Tổng thống 45 của Mỹ, Donald Trump đã để lại "dấu ấn lịch sử" trong chính trường Mỹ chỉ 2 năm sau ngày nhậm chức. Dấu ấn lịch sử đó không phải là bức tường mới (có thể xây) giữa Mỹ và Mexico, cũng không phải là đã làm cho "nước Mỹ vĩ đại trở lại"… mà có lẽ là làm nước Mỹ chia rẽ hơn bao giờ hết.

my1

Dấu ấn lịch sử đó không phải là bức tường mới giữa Mỹ và Mexico… mà có lẽ là làm nước Mỹ chia rẽ hơn bao giờ hết.

Di sản buồn mà Trump để lại đối với nước Mỹ đã đành, không những thế Trump còn để lại cả dấu ấn trong cộng đồng người Việt Nam (cả ở Mỹ lẫn ở trong nước) đó là làm cho người Việt Nam cũng chia rẽ thành "hai phe", phe ủng hộ và phe phản đối Trump.

Với một số người thì Tập Hợp (Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên) thuộc về "phe phản đối Trump" nhưng khác với những người "cùng phe" là Tập Hợp chỉ trích Trump ngay từ khi ông ta lọt vào vòng chung kết đại diện cho đảng Cộng hòa để tranh chức tổng thống với Hilary Clinton. Chúng tôi không thích Trump và cũng không thích cả Hilary vì nhận thấy là cả hai ứng cử viên đều không đưa ra được một cương lĩnh chính trị thực sự có ích lợi cho thế giới trong đó có Việt Nam. Đừng quên là tổng thống Mỹ, đồng thời cũng là lãnh đạo của khối các nước dân chủ, luôn có ảnh hưởng trên qui mô toàn cầu. Buồn thay, các ưu tư của các tổng thống Mỹ chỉ đơn thuần bó hẹp trong phạm vi nước Mỹ.

Khi chúng tôi đưa ra đề nghị mô hình chính trị cho Việt Nam trong tương lai là "dân chủ nghị viện và tản quyền" thay vì mô hình chính trị "tổng thống chế" (bầu một người thay vì bầu một chính đảng) thì đã không nhận được sự chia sẻ của trí thức và người dân Việt Nam. Nước Mỹ, cường quốc số một thế giới đang bị khủng hoảng vì mô hình "tổng thống chế", sự tê liệt và xuống cấp của các chính đảng đã cho phép những người không có kiến thức về chính trị trở thành tổng thống như trường hợp Trump. Chính mô hình "tổng thống chế" đã buộc các ứng cử viên phải "dân túy" bằng cách mị dân và hứa hẹn mang lại những điều ngoài khả năng của họ. Ví dụ Trump hứa lấy tiền của Mexico để xây dựng bức tường mới ngăn cách hai nước, kế hoạch mang các công ty của Mỹ trở về Mỹ hay ngay cả cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc, Mỹ-EU… Cũng đã gần như thất bại hoàn toàn.

Tập Hợp đã phân tích trong nhiều bài viết rằng tư tưởng chính trị của thế giới nói chung và của nước Mỹ nói riêng đã không theo kịp với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và kinh tế. Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì trí tuệ nhân tạo và máy móc đã thay thế rất nhiều cho con người trong nhiều lĩnh vực. Nhiều ngành nghề ăn nên làm ra nếu biết khai thác kỹ thuật mới như các công ty Apple, Facebook, Google, Amazon…Trong khi đó rất nhiều ngành nghề khác bị đi xuống nhất là những ngành dùng nhiều lao động chân tay như nông nghiệp, bưu điện hay đóng tàu, lắp ráp ô tô…

Rõ ràng là các chính trị gia thế hệ cũ đã lỗi thời vì không thay đổi kịp thời cuộc dù đó là Hilary Clinton hay các chính trị gia đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa. Trump xuất hiện và lấp vào khoảng trống đó bằng những lời hứa bạt mạng mà các chính trị gia truyền thống không dám phát ngôn. Sau khi Trump đắc cử và trở thành tổng thống Mỹ thì các chính trị gia Mỹ mới tá hỏa và tìm mọi cách "hạn chế" ông ta. Việc tống vào tù gần chục cộng sự đắc lực của Trump là nỗ lực nhằm hạn chế các hành động thất thường và mang tính răn đe với Trump nhưng có lẽ vì đôi lúc đảng Dân chủ quá "soi mói" và nặng lời với Trump khiến cho Trump càng được ‘thông cảm’ và ủng hộ bởi những người yêu mến. Họ cho rằng Trump là nạn nhân của một âm mưu phế truất vì cay cú của đảng Dân chủ…

Dù bản báo cáo của công tố viên đặc biệt Robert Mueller vừa được công bố kết luận là Trump không "thông đồng" với Nga nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử hồi 2016 nhưng điều đó không có nghĩa là Trump được yên thân. Chỉ riêng việc một tổng thống đương nhiệm bị nghi ngờ là thông đồng với "kẻ thù" truyền thống là Nga cũng đã là một sỉ nhục ghê gớm với Trump. Thật khó hình dung nếu bản kết luận của Mueller là ngược lại, khi đó bộ mặt của nước Mỹ sẽ giấu vào đâu ?

Uy tín của nước Mỹ bị sứt mẻ nghiêm trọng và hoàn toàn không thể phục hồi, kể cả sau khi Trump đã ra đi. Một ví dụ là vào đầu năm 2021 người Mỹ phải xin visa khi vào Châu Âu. Hay một ví dụ khác là Châu Âu và các nước Nam Mỹ đã không ủng hộ đúng mức và cần thiết cho tổng thống đối lập của Venezuela Juan Guaido, người được Trump công khai hậu thuẫn và cho dù cuộc ‘cách mạng’ này gần như đã thành công chỉ vì lý do là họ không thích Trump. Xin nhắc lại, Trump hoàn toàn đúng trong việc này.

Tập Hợp là tổ chức chính trị đầu tiên lên tiếng chỉ trích Trump ngay từ khi ông ta chưa thành tổng thống Mỹ. Chúng tôi không thù ghét hay liên quan gì đến ông ta mà chỉ vì ông ta không tôn trọng các giá trị đạo đức mà Tập Hợp cổ xướng và theo đuổi. Không chỉ có thế, Trump còn đi ngược lại và bỏ bê các giá trị tinh thần dân chủ đã làm nên một nước Mỹ vĩ đại như ngày hôm nay từ những Locke, Jefferson, Stuart Mills, De Tocqueville, James v.v.

Trump là lãnh đạo của nước Mỹ cũng đồng thời là đại diện cho thế giới văn minh vì vậy mọi người đều có quyền chỉ trích ông ta. Vấn đề yêu ghét không nên đặt ra khi tranh luận về Trump hay bất cứ ai. Cái cần đặt ra nhất là lý lẽ, là lý trí, là sự phân tích đúng sai, hay dở chứ không phải vì ông ta là một doanh nhân giỏi, có vợ đẹp hay làm việc không lương. Dù sao thì Trump cũng chỉ là một cơn gió thoảng qua lịch sử nước Mỹ, ông đến rồi ông đi. Giờ đây khi đã có nhiều tiếng nói chỉ trích và phê phán Trump trong cộng đồng người Việt Nam thì chúng tôi lại có ý kiến mới rằng Trump, sau những tiêu cực mang lại cho nước Mỹ và thế giới tự do thì sự "xuất hiện" của ông ấy lại đang mang lại những "tích cực" cần thiết cho nước Mỹ và thế giới.

Rồi họ (người dân và giới chính trị Mỹ) sẽ thấy được sự tai hại của những nhà lãnh đạo dân túy, rồi họ sẽ thấy được mô hình tổng thống có rất nhiều hạn chế, rồi họ sẽ thấy để một người "tay mơ" về chính trị lên làm lãnh đạo đất nước là nguy hại như thế nào, rồi họ sẽ thấy vai trò quan trọng của các giá trị đạo đức nền tảng mới làm cho nước Mỹ vĩ đại chứ không phải những lời lời đao to búa lớn và lỗ mãng, rồi họ sẽ thấy vai trò của các chính đảng là quan trọng như thế nào, rồi họ sẽ thấy một dự án chính trị là cần thiết ra sao kể cả đối với một quốc gia dù đã hùng mạnh như nước Mỹ, rồi họ sẽ thấy uy tín nước Mỹ đã bị hủy hoại như thế nào…Để rồi từ đó họ tìm cách để sửa chữa và khắc phục. Sự ưu việt của các thể chế dân chủ là chúng có cơ chế để thay đổi và sửa chữa mọi khiếm khuyết.

Tập Hợp quan niệm rằng lẽ phải và sự thật là tối thượng, thậm chí trên cả Thượng đế. Bảo vệ lẽ phải và những điều đúng đắn là việc bắt buộc phải làm và nên làm. Tập Hợp chưa bao giờ ngần ngại hay phân vân vì sợ nói ra sự thật và bảo vệ lẽ phải sẽ làm mất lòng ai đó. Chúng tôi chấp nhận "mất lòng" khi phê phán "đối lập dân chủ Việt Nam", trí thức Việt Nam hay Donald Trump. Vì Trump mà Tập Hợp mất đi một số thân hữu và một lượng người theo dõi trang Fanpage của Tập Hợp trên Facebook. Có người bày tỏ sự "tiếc nuối" khi thấy Tập Hợp phản đối Trump khiến họ phải "chia tay" Tập Hợp. Chúng tôi cũng lấy làm tiếc nhưng không thể làm khác. Chúng tôi không có gì thay đổi, chúng tôi vẫn là chúng tôi của hơn 30 năm về trước, nếu có khác thì chỉ là chúng tôi chín chắn hơn, trưởng thành hơn và "biết" nhiều hơn.

Làm chính trị là hò hẹn với tương lai, tức là phải có khả năng tiên liệu những điều có thể xảy ra trong tương lai để từ đó có đối sách và sự chuẩn bị. Một tổ chức chính trị mà không có viễn kiến, không tiên liệu được tương lai thì khó lòng có…tương lai. Tất nhiên sự tiên liệu không phải lúc nào cũng đúng nhưng đó là điều bắt buộc. Nếu không thì cũng sẽ giống như các nhân sĩ suốt ngày chạy theo các sự kiện, chạy theo các biến cố và rồi vì không "biết mình, biết địch" nên hành động và phát ngôn hời hợt và vô duyên, cuối cùng bị cả chính quyền lẫn người dân coi thường và phê phán.

Tập Hợp luôn đưa ra các nhận định về tình hình thế giới và sự ảnh hưởng của chúng đến Việt Nam suốt ba thập niên qua, từ dự đoán Liên Xô sẽ sụp đổ cho đến…Trung Quốc trong một tương lai gần. Nếu độc giả nào theo dõi Tập Hợp thường xuyên thì sẽ nhận thấy là hầu hết các dự đoán của chúng tôi đều đúng.

Thái độ của Tập Hợp sẽ không thay đổi, sẽ luôn đề cao các giá trị đạo đức, lẽ phải, sự lương thiện, bao dung với sự thẳng thắn trong tinh thần tương kính, lắng nghe và luôn sẵn sàng đối thoại. Chúng tôi hy vọng là những người hiểu lầm về thái độ của Tập Hợp với Trump sẽ hiểu ra vấn đề và tiếp tục ủng hộ chúng tôi trong tương lai khi mà mọi việc về Trump được rõ ràng và cụ thể.

Một điều mà tôi muốn tâm sự nhân việc nói về Trump, đó cũng là điều làm chúng tôi ngạc nhiên là chỉ vì không đồng ý với nhau về Trump mà nhiều người bỗng trở nên dữ tợn, hằn học và "tấn công" những ý kiến khác về Trump rất thô bạo ? Tại sao phải như thế ? Tại sao chỉ vì một người xa lạ (chắc không mấy người là bạn bè thực ngoài đời của Trump) mà lại sỉ vả nhau cạn tàu ráo máng như vậy ? Chúng ta có còn là đồng bào, là người Việt Nam nữa hay không ? Bản chất của xã hội dân chủ là tôn trọng mọi chính kiến khác biệt. Làm sao chúng ta có thể xây dựng một nước Việt Nam dân chủ mà lại không tôn trọng dân chủ ? Chắc gì ý kiến về chính trị của một cá nhân lại có thể đúng hơn ý kiến của một tập thể làm chính trị chuyên nghiệp ?

Có lẽ Việt Nam vẫn chưa có được dân chủ là vì người dân còn ngộ nhận nhiều thứ và mâu thuẫn với chính mình. Không ít người ủng hộ Trump, khi nói về Trump, họ không phân tích lý lẽ mà chỉ đưa ra lập luận rằng ông ta kinh doanh giỏi, vợ đẹp, sẵn sàng làm việc không lương…Mấy thứ đó có liên quan gì đến các hoạt động chính trị đâu ? Hầu hết các chính trị gia kiệt xuất đều không phải là doanh nhân và nếu vợ đẹp thì Melania đâu phải là hoa hậu ? Có lẽ tư duy "làm chính trị là tìm kiếm thành công cho bản thân" đã ăn sâu vào trong tâm hồn người Việt. Tâm lý này khiến 2/3 cộng đồng người Việt tại Mỹ ủng hộ Trump trong khi các sắc dân thiểu số Châu Á khác chỉ là 1/3. Chúng ta là một dân tộc không giống ai.

Tư duy bị ảnh hưởng nặng nề từ văn hóa Khổng giáo khiến người Việt luôn ủng hộ cho các "cá nhân làm chính trị" thay vì ủng hộ cho các "tổ chức làm chính trị" bất chấp là các cá nhân mà họ ủng hộ có muốn hay không. Họ cho rằng chỉ cần một cá nhân nổi tiếng là có thể mang lại thành công chứ không cần một tổ chức. Điều này hoàn toàn sai vì đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh giữa các tổ chức với nhau chứ không phải giữa các cá nhân.

Suốt bao năm qua người Việt chỉ ủng hộ cho các cá nhân hoạt động chính trị chứ không mấy quan tâm đến các tổ chức chính trị. Một ai đó bị đi tù vì lý do chỉ trích chính quyền lập tức được nhiều người tung hô như một người hùng có thể "cứu nhân độ thế", tuy nhiên một người thì có thể làm được gì ? Bao nhiêu người đi tù được tung hô lên tận mây xanh nhưng sau khi ra tù hay được bảo lãnh ra được ngoài thì cũng đâu làm được gì hơn ?

Mâu thuẫn lớn ở đây là dư luận luôn ủng hộ và muốn "đôn" những người không có ý định hay khả năng làm chính trị trở thành "người dẫn đường", đứng lên "phất cờ khởi nghĩa" trong khi những tổ chức chính trị chuyên nghiệp lại không nhận được sự ủng hộ cần thiết đáng ra phải có đó. Việc này cũng giống như khi một người bị bệnh nan y, thay vì tìm đến bệnh viện với ê-kip các bác sĩ có chuyên môn cao thì họ đi tìm một thầy lang. Nhiều người ngụy biện "các tổ chức chính trị của người Việt Nam hiện nay không xứng đáng, chưa đủ trình, chưa thuyết phục…" nhưng khi hỏi vậy ai, tổ chức nào mới xứng đáng thì họ không có câu trả lời. Hoặc có người chê bai tất cả các tổ chức nhưng khi được hỏi sao không tự mình thành lập một tổ chức mới đi thì họ cũng không có câu trả lời...

Một tổ chức chính trị chuyên nghiệp và có thâm niên hoạt động, dù chưa thực sự hùng mạnh thì vẫn hơn tất cả những cá nhân và tổ chức mới ra đời. Kinh nghiệm, khả năng, tầm nhìn và uy tín của một tổ chức chính trị là những thứ không tự nhiên mà có được mà phải được chứng minh, thể hiện qua một quá trình dài. Nếu cho rằng vẫn có những người hay tổ chức khác có khả năng hơn, giỏi hơn nhưng chẳng qua là chưa muốn "xuất hiện"…vậy làm sao biết và kiểm chứng được họ là như thế nào ?

Thế giới thay đổi từng ngày trong khi tư duy về chính trị của người Việt Nam vẫn đang ngủ vùi trong giấc ngủ hơn hai ngàn năm của văn hóa Khổng giáo. Đã đến lúc người Việt phải thức dậy và lấy quyết định ủng hộ cho các tổ chức chính trị chuyên nghiệp, đứng đắn, cùng đồng hành với các tổ chức đối lập đó để mang lại dân chủ cho Việt Nam.

Việt Hoàng

(27/03/2019)

Published in Quan điểm