Ukraine sẽ phản ứng quyết liệt nếu Nga tấn công vào Ngày Độc lập
Reuters, VOA, 23/08/2022
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hôm 23/8 cảnh báo Moscow rằng họ sẽ phản ứng quyết liệt nếu quân Nga tấn công trong thời gian kỷ niệm Ngày Độc lập của Ukraine.
Tổng thống Ukraine Zelenskiy trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Ba Lan Duda ở thủ đô Kyiv
Ông Zelenskyy đã cảnh báo rằng Nga, nước đã khai mào cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24/2, có thể sẽ ‘làm điều gì đó tệ hại’ trong thời gian tiến tới Ngày Độc lập vào ngày 24/8, đánh dấu Ukraine tách ra khỏi sự cai trị của Liên Xô.
Khi được hỏi tại cuộc họp báo với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đang đến thăm về khả năng Nga tấn công tên lửa vào Kyiv, ông Zelenskyy nói rằng có mối hiểm họa tấn công hàng ngày và tình báo Ukraine đang làm việc với tình báo nước ngoài.
"Nga làm việc này mọi lúc. Liệu họ có tăng số lượng các cuộc tấn công không ? Có, họ có thể làm điều đó vào ngày 23-24/8", ông Zelenskyy nói.
"Ukraine sẽ làm gì nếu họ bắn phá Kyiv ? Sẽ làm như bây giờ. Bởi vì đối với tôi với tư cách là tổng thống, và đối với mọi người dân Ukraine, ở Kyiv, Chernihiv hay Donbas, tất cả đều như một. Người Ukraine sống ở Kyiv, cũng như ở Kharkiv, Zaporizhzhia".
Ông nói Ukraine sẽ phản ứng tương tự nếu bất kỳ thành phố nào của họ bị Nga tấn công.
"Nếu họ đánh chúng tôi, họ sẽ đối mặt phản ứng mạnh mẽ", ông Zelenskyy nói. "Tôi muốn nói rằng mỗi ngày... phản ứng này sẽ càng tăng về cường độ, nó sẽ ngày càng quyết liệt".
Trong lúc này, quân Ukraine đã nã pháo vào trụ sở chính quyền Donetsk do phe ly khai kiểm soát hôm 24/8, hãng tin TASS đưa tin, dẫn lời các quan chức chính quyền do Nga dựng lên.
Hai người đã thiệt mạng và ít nhất ba người đã bị thương trong một loạt các cuộc tấn công vào trung tâm Donetsk, nơi nằm trong sự kiểm soát của phe ly khai thân Nga kể từ năm 2014, cơ quan phòng vệ lãnh thổ của Donetsk cho biết trên Telegram.
Theo Reuters
**************************
Mỹ kêu gọi công dân rời Ukraine, cảnh báo Nga sắp tấn công Kyiv
Reuters, VOA, 23/08/2022
Mỹ hôm 23/8 kêu gọi công dân của mình rời khỏi Ukraine, cho biết họ tin rằng Nga đang chuẩn bị nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự và nhà nước trong vài ngày tới khi chiến sự đã bước qua tháng thứ sáu.
Lính danh dự Ukraine đang chuẩn bị lễ thượng quốc kỳ tại thủ đô Kyiv hôm 23/8
Cảnh báo này được đưa ra sau khi chính phủ Ukraine cấm các hoạt động ăn mừng ở thủ đô Kyiv nhân kỷ niệm ngày giành độc lập khỏi sự cai trị của Liên Xô vào ngày 24/8 do lo ngại bị tấn công.
Lãnh đạo hàng chục nước và tổ chức quốc tế hôm 23/8 dự kiến sẽ tham gia sự kiện gọi là Cương lĩnh Crimea Đoàn kết với Ukraine nhân dịp tròn sáu tháng cuộc xâm lăng của Nga. Hầu hết các lãnh đạo này sẽ tham gia qua truyền hình.
Nhưng đã được sáu tháng kể từ cuộc xâm lược Ukraine mà Nga mở màn vào ngày 24/2 và với hàng nghìn người chết và các thành phố bị tàn phá trên diện rộng, cuộc xung đột hiện đang trong tình trạng bế tắc.
Lo ngại Nga sẽ đẩy mạnh tấn công, Đại sứ quán Mỹ tại Kyiv hôm 23/8 kêu gọi công dân Mỹ rời đi nếu có thể.
"Bộ Ngoại giao có thông tin rằng Nga đang đẩy mạnh nỗ lực tấn công cơ sở hạ tầng dân sự và các cơ sở của chính phủ Ukraine trong những ngày tới", Đại sứ quán Mỹ ra thông cáo cho biết.
Công dân Mỹ nên rời khỏi Ukraine ‘ngay bây giờ’ bằng phương tiện của họ nếu an toàn, thông cáo viết.
Mặc dù đây không phải lần đầu tiên Hoa Kỳ đưa ra cảnh báo như vậy, nhưng cảnh báo lần này được đưa ra vào lúc Ukraine dự kiến đánh dấu 31 năm độc lập khỏi sự cai trị của Liên Xô vào ngày 24/8.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cũng nói rằng Moscow có thể thử ‘làm điều gì đó tệ hại’ trong thời gian tiến tới ngày kỷ niệm.
Kyiv nằm cách xa tiền tuyến và hiếm khi bị tên lửa Nga bắn tới kể từ khi Ukraine đẩy lùi một đợt tấn công trên bộ hồi tháng 3 nhằm chiếm thủ đô.
Hôm 23/8, người dân trong thành phố vẫn bình tĩnh, nhiều người vẫn tươi cười đi lại, nhưng dấu hiệu của đe dọa gia tăng có thể cảm nhận được.
Giới chức đã yêu cầu người dân Ukraine trên toàn quốc làm việc tại nhà nếu có thể từ ngày 23 đến 25/8, đồng thời cũng kêu gọi mọi người nghiêm túc tuân theo các cảnh báo không kích và tìm nơi trú ẩn khi còi báo động vang lên.
Chính quyền thành phố Kyiv đã cấm các cuộc tụ họp đông đúc ở nơi công cộng cho đến 25/8 do vì lo ngại đông đảo người dân ăn mừng cư dân có thể trở thành mục tiêu cho Nga tấn công tên lửa.
Theo Reuters
*************************
Liên Hiệp Quốc lo ngại tù binh Ukraine sắp bị phía thân Nga đưa ra xét xử
Reuters, VOA, 23/08/2022
Văn phòng nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm 23/8 bày tỏ quan ngại về kế hoạch xét xử tù binh Ukraine của chính quyền do Nga hậu thuẫn ở thành phố cảng Mariupol, có thể sẽ diễn ra trong vòng vài ngày tới, nói rằng bản thân tiến trình xét xử như vậy có thể trở thành tội ác chiến tranh.
Bà Ravina Shamdasani, phát ngôn nhân Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc
Các nhà chức trách được Nga hậu thuẫn dường như đã lắp các lồng sắt ở một hội trường ở Mariupol nằm trong kế hoạch thiết lập cái mà họ gọi là ‘tòa án quốc tế’, Ravina Shamdasani, phát ngôn nhân Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR), nói trong một cuộc họp báo.
"Chúng tôi rất lo ngại về cách thức thực hiện phiên tòa. Truyền thông đã đăng những bức ảnh chụp những chiếc lồng đang được xây dựng trong thính phòng của Mariupol, những chiếc lồng thực sự đồ sộ và dường như mục đích là để nhốt các tù nhân," bà Shamdasani nói, dẫn ra các hình ảnh trên mạng xã hội.
"Điều này không thể chấp nhận được, điều này thật nhục nhã".
Cố tình tước bỏ quyền của tù binh được xét xử công bằng chính là tội ác chiến tranh của Nga, bà nói, đồng thời nói thêm rằng các tù binh Ukraine được quyền được bảo vệ theo Công ước Geneva.
Bà Shamdasani cho biết OHCHR cũng lo ngại về các trường hợp Ukraine đưa tù binh Nga ra xét xử, bao gồm kết án một số người chỉ vì họ tham gia chiến sự.
Người đứng đầu chính quyền ly khai do Nga hậu thuẫn ở khu vực Donetsk, miền đông Ukraine, hồi đầu tháng này cho biết phiên tòa xét xử các chiến binh Trung đoàn Azov của Ukraine bị bắt sẽ diễn ra vào cuối mùa hè.
Bà Shamdasani nói rằng OHCHR, vốn có hàng chục giám sát viên ở Ukraine, đã không được phép tiếp cận các tù binh và không nghĩ họ có thể dự khán các phiên tòa đã được dự trù.
"Chúng tôi lo ngại việc không cho các giám sát viên độc lập tiếp cận sẽ khiến các tù binh có khả năng bị tra tấn đến mức phải nhận tội", bà nói thêm.
Nga phủ nhận việc tra tấn hay các hình thức ngược đãi tù binh khác.
Theo Reuters
Minh Anh, Thùy Dương, RFI, 24/08/2022
Tại Ukraine, 24/08/2022 là một ngày mang tính biểu tượng kép. Đó là ngày Độc Lập đánh dấu 31 năm thoát khỏi Liên Bang Xô Viết. Cũng vào ngày này cách nay sáu tháng, Nga xâm lược Ukraine. Trong thông điệp gửi đến dân chúng, được AFP trích dẫn, tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố Ukraine sẽ chiến đấu "đến cùng" mà "không có bất cứ nhượng bộ hay thỏa hiệp nào" với Nga.
Tổng thống Volodymyr Zelensky dự hội nghị Thượng đỉnh Crimea Platform tại Kiev, Ukraine, ngày 23/08/2022. AP - Andrew Kravchenko
Tổng thống Zelensky nhấn mạnh, Ukraine đã "trụ vững được 6 tháng" trước quân Nga. Ông khẳng định tình hình khó khăn nhưng nhấn mạnh người Ukraine "đang chiến đấu vì số phận" của chính họ và sẽ chỉ "giơ tay lên" để mừng "chiến thắng", chứ không phải để đầu hàng quân Nga.
Nguyên thủ Ukraine kêu gọi chiến đấu vì một đất nước Ukraine toàn vẹn lãnh thổ, với tất cả 25 vùng, tuyệt đối không nhượng bộ và không thỏa hiệp với Nga.
Tổng thống Zelensky hứa giành lại vùng Donbass ở miền đông từ phe ly khai thân Nga và cả bán đảo Crimea bị Nga sáp nhập năm 2014. Đối với tổng thống Zelensky, Ukraine "sẽ không tìm cách hòa hợp với những kẻ khủng bố".
Trả lời phỏng vấn RFI, tướng Pháp Dominique Trinquant nhận định về mục tiêu thu hồi lãnh thổ của tổng thống Ukraine :
"Đối với tổng thống Zelensky tuyên bố muốn thu hồi lại toàn bộ vùng lãnh thổ bị Nga xâm chiếm, thì đó không chỉ là những vùng mới bị Nga chiếm giữ gần đây, mà còn cả những nơi đã bị quân Nga xâm chiếm từ hồi năm 2014, bao gồm cả bán đảo Crimea. Sau nỗ lực hòa giải đầu tiên diễn ra ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ nhưng không thành công, người ta đã hiểu rằng có thể sẽ có những sự nhượng bộ về lãnh thổ, nhưng hiện giờ tổng thống Zelensky đề ra mục tiêu tối đa là giải phóng toàn thể các vùng lãnh thổ. Đó là nội dung trong bài phát biểu của tổng thống Zelensky, còn trên thực địa, đà tiến của Ukraine lại rất chậm. Mỗi bên tham chiến đều tìm cách chiến thắng nhiều nhất có thể trước khi mùa đông đến, bởi vì kể từ tháng 11 chắc chắn các hoạt động sẽ bị chậm lại".
Chính quyền Ukraine đã cấm người dân hôm nay tụ tập công khai ở thủ đô vì lo ngại nguy cơ Nga lại tấn công Kiev bằng tên lửa. Nhà chức trách kêu gọi người dân trong cả nước giữ tinh thần cảnh giác và xuống hầm trú ẩn trong trường hợp có còi báo động phòng không. Ở Kiev, trong sáng hôm nay đã có 2 hồi còi báo động vang lên.
Mục tiêu của Nga tại những vùng chiếm đóng ?
Nhìn từ phía Nga, câu hỏi đặt ra là tương lai các vùng mà quân đội Nga chiếm giữ ra sao ?
Từ Moskva, thông tín viên Anissa El Jabri giải thích :
"Trên lý thuyết, mục tiêu đặt ra rất rõ ràng, và hơn nữa cũng đã được thể hiện rõ qua nhiều tấm bảng tuyên truyền của chính quyền Mariupol tại Melitopol : "Nước Nga hiện diện mãi mãi ở đây". Những vùng lãnh thổ này có khả năng trở thành một phần lãnh thổ thuộc Nga. Mặt khác, quân đội Nga, trong chuyến tham quan báo chí được tổ chức tại những vùng lãnh thổ đó, đã thường xuyên để các phóng viên thấy cảnh người dân nhận hộ chiếu Nga.
Phương pháp do chính quyền thân Moskva tại chỗ đưa ra rất có thể sẽ là tổ chức trưng cầu dân ý. Câu hỏi đặt ra : Khi nào sẽ có trưng cầu dân ý ? Liệu Nga có muốn tổ chức chúng ngay khi đã chiếm được toàn bộ vùng Donbass hay không ? Hiện tại, tổng thống Vladimir Putin chưa hé lộ chút ý định nào của ông và không một tuần nào trôi qua mà thủ phủ của nước cộng hòa ly khai thân Nga Donetsk không bị Ukraine oanh kích đến tận trung tâm thành phố".
Minh Anh
*********************
Minh Anh, 24/08/2022
24/08/2022, là đúng sáu tháng tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" chống Ukraine. Một cuộc chiến mà cho đến giờ không ai biết được mục tiêu của Nga là gì. Cũng không ai có thể biết được cuộc chiến này sẽ còn kéo dài bao lâu. Nhưng theo giới quan sát, có một điều chắc chắn là trong bối cảnh bất định này, chủ nhân điện Kremlin vẫn đang làm chủ cuộc chơi.
Xe tăng của quân Nga bị tàn phá : chiến lợi phẩm được phô trương tại thủ đô Kiev trong ngành lễ Quốc Khánh Ukraine 24/08/2022. AP - Evgeniy Maloletka
Sáu tháng chiến tranh, hàng triệu người Ukraine phải di tản. Từ 70 – 80 ngàn binh sĩ Nga thiệt mạng, theo thẩm định của Lầu Năm Góc và hơn 9.000 lính Ukraine tử trận, theo tuyên bố của Kiev. Sáu tháng chiến dịch, quân Nga dường như không tiến được nhiều và chiến tuyến vẫn không mấy dịch chuyển.
Đại tá Peer de Jong, phó chủ tịch viện Themiis, trên đài truyền hình CNEWS của Pháp phân tích, tuyên bố "tạm ngưng chiến dịch" của Vladimir Putin có thể vì ba lý do : Thứ nhất, cuộc chiến này đã giết chết 15 ngàn binh sĩ Nga (theo như tình báo phương Tây) và ông Putin có thể lo ngại phản ứng của công luận. Thứ hai là trên bình diện ngoại giao. Nga bảo toàn thắng thế về lãnh thổ (Donbass, Crimea) để có được lợi thế thương lượng và phát triển các mối quan hệ với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Châu Phi… Giả thuyết thứ ba là về mặt quân sự : Quân đội Nga đã chịu tổn thất nặng nề và cần hồi phục sức mạnh.
Tuy nhiên, theo CNN, điều làm cho một số nhà quan sát ngạc nhiên nhất chính là khả năng "xuyên tạc", bóp méo thực tế của Nga.
Thứ nhất là trên bình diện tuyên truyền, theo đó, các tầu chiến của Nga không bị tên lửa của Ukraine đánh chìm và các căn cứ của Nga bị nổ là do tai nạn. Chính vì vậy, các số liệu thăm dò cho thấy sự ủng hộ của công luận Nga đối với "chiến dịch quân sự đặc biệt" và với chủ nhân điện Kremlin là rất cao. Cả hai viện thăm dò, một của nhà nước (WCIOM) và một cơ quan độc lập (Levada – Center) đều đưa ra một con số là trên 80%, bất chấp việc kiểm duyệt gắt gao báo chí độc lập cũng như việc bắt bớ những người phản đối chiến tranh.
Thứ hai, trong bối cảnh Moskva bị cô lập đối với nền kinh tế toàn cầu do các lệnh trừng phạt, và phần lớn các nguồn đầu tư của phương Tây vào Nga đã rời đất nước, làm ảnh hưởng nhiều lĩnh vực kinh tế như hàng không… nhưng hệ thống tài chính của Nga vẫn chưa sụp đổ và sự lo lắng của người tiêu dùng cũng chưa biến thành bất ổn chính trị như dự báo của lãnh đạo Viện Yale School of Management gần đây.
Đó là vì từ nhiều năm qua, nguyên thủ Nga cùng với các nhà kỹ trị đã nghiên cứu tìm cách chống đỡ các trừng phạt kinh tế, cho thay thế nhập khẩu bằng cách phát triển các sản phẩm nội địa, "cây nhà lá vườn" và một hệ thống thanh toán để tránh bị cô lập về tài chính. Và đặc biệt là cho dù ông Putin có thể là người quyết định mọi việc, bất kể hậu quả kinh tế có ra sao do các lệnh trừng phạt, thì hàng ngũ các nhà tài phiệt Nga ủng hộ ông Putin vẫn không hề tan rã.
Trước những khả năng kháng cự cũng mạnh mẽ không kém gì người dân Ukraine, những nước ủng hộ Ukraine và cả chính quyền Kiev đành phải chuyển sang gây khó với người dân Nga mà một trong những biện pháp đang được nhắm tới là ngưng cấp thị thực nhập cảnh cho công dân Nga. Liệu rằng giải pháp này có thể làm thay đổi hành vi của người dân Nga hay không ? Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong một phát biểu tại Oslo cảnh báo các lãnh đạo Châu Âu nên tách bạch rõ ràng về vấn đề này vì hành động gây chiến với Ukraine là "cuộc chiến của ông Putin" chứ không phải là từ "người dân Nga".
Trong bức tranh ảm đạm này, theo CNN, rõ ràng Vladimir Putin vẫn sống sót trước sự hắt hủi, tẩy chay của nhiều nhà lãnh đạo thế giới. Nguyên thủ Nga sẵn sàng chơi một trò chơi dài hơi với Mỹ và phương Tây. Ông Putin tin rằng trong sáu tháng tới, người dân Châu Âu sẽ phải trả giá năng lượng cao hơn, có khả năng gây áp lực với các chính phủ của họ trong việc thúc đẩy Ukraine phải tuân theo một thỏa thuận hòa bình theo ý của Nga.
Minh Anh
***********************
Thu Hằng, RFI, 24/08/2022
Trung Quốc là một trong những nước hiếm hoi không lên án cuộc chiến do tổng thống Nga phát động ở Ukraine. Bị phương Tây cô lập và trừng phạt, Nga ngày càng xích lại gần với Trung Quốc. Mối quan hệ song phương từng được lãnh đạo ngoại giao hai nước khẳng định "vững như bàn thạch". Chủ tịch Tập Cận Bình có thể gặp tổng thống Vladimir Putin vào tháng 11/2022 bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia.
Tổng thống Nga, V. Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 04/02/2022 : 20 này trước cuộc xâm lược Ukraine. © AP - Alexei Druzhinin
Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh tổng kết mối quan hệ Nga-Trung trong sáu tháng vừa qua :
"Đó có thể là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập Cận Bình sau gần 3 năm dịch Covid dù thông tin vẫn chưa được chính thức xác nhận. Lời mời đã được tổng thống Indonesia chuyển tới ông Tập ở Bắc Kinh vào tháng 7. Nếu chủ tịch Tập Cận Bình đến Bali vào tháng 11, ông sẽ gặp đồng nhiệm Nga, dù hình ảnh sẽ không giống như hồi tháng 02, khi Trung Quốc tìm cách phá vỡ thế khá cô lập do các nước phương Tây tẩy chay ngoại giao lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông.
Sau 6 tháng chiến tranh ở Ukraine, sự phụ thuộc của nền kinh tế Nga vào thị trường Trung Quốc, mà nhiều người gọi là "chư hầu", ngày càng rõ nét. Moskva gia tăng cơ hội xuất hiện với cường quốc thứ hai thế giới. Nhưng trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ về vấn đề Đài Loan, Trung Quốc dựa được vào đồng minh Nga để chống lại điều mà Bắc Kinh coi là "bao vây chiến lược" của Mỹ tại Châu Á-Thái Bình Dương.
Cùng phô trương sức mạnh quân sự và mối quan hệ chặt chẽ ở thượng tầng Nhà nước, ông Tập Cận Bình và ông Vladimir Putin đã gặp nhau trực tiếp khoảng 20 lần. Hai nhà lãnh đạo có chung tham vọng hồi sinh và tìm lại sức mạnh, đối lập với điều mà họ gọi là một "trật tự đơn phương" đến hồi suy tàn".
Thu Hằng
Đúng sáu tháng trước, ngày 24/02/2022, một cuộc chiến mà không ai có thể hình dung trong thế kỷ 21 đã diễn ra : quân Nga kéo sang xâm lược nước láng giềng Ukraine. Le Figarochạy tựa trang nhất "Chiến tranh ở Ukraine : Nguy cơ sa lầy", La Croixnhấn mạnh "Người Ukraine đoàn kết trong cuộc chiến", Les Echosnói về "Những bài học gay go của sáu tháng chiến tranh", cònLibérationđưa tựa lớn trên trang bìa "Cuộc sống thời chiến".
Các xe quân sự Nga bị phá hủy được trưng bày lại trung tâm thủ đô Kiev, nhân ngày kỷ niệm Ukraine độc lập, 24/08/2022. AP - Evgeniy Maloletka
Xã luận củaLa Croix ghi nhận 24/08 là ngày kỷ niệm Ukraine giành độc lập, đồng thời đánh dấu sáu tháng của một cuộc chiến đã gây bất ngờ cho mọi người. Tuy nhiên tổng thống Volodymyr Zelensky đã cảnh báo, không có chuyện để hở sườn cho quân Nga tấn công do người Ukraine mất cảnh giác. Mừng lễ sau vẫn không muộn. Sáng nay còi báo động phòng không rền vang trên cả nước, trừ Kherson và Crimea đang bị "tạm chiếm". Một cuộc triển lãm các xe tăng, đại bác, xe quân sự Nga… được tổ chức ngay đại lộ trung tâm Khreshchatyk của Kiev.
Trên chiến trường miền đông và miền nam, cuộc chiến đang ngưng đọng, đôi bên đều thiệt hại nhiều. Riêng Ukraine, nước bị tấn công hiện chỉ sống bằng nhịp độ viện trợ và tín dụng của Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ. Châu Âu đã gởi vũ khí cho Kiev từ mùa đông năm ngoái, nay chuẩn bị một chương trình huấn luyện cho các quân nhân Ukraine, tổng cộng trên 84 tỉ euro được hứa hẹn. Nhật báo cho rằng cần ghi nhận sự hỗ trợ này trong lúc toàn thế giới đang phải chịu đựng cú sốc kinh tế từ cuộc xâm lăng của Nga.
Trên Les Echos, nhà kinh tế Ukraine Vadym Syrota ước tính "Chiến tranh sẽ làm giảm phân nửa tổng sản phẩm nội địa của Ukraine". Nước này đã bị mất trắng tài sản nhiều tỉ đô la ở những vùng đất đang bị Nga chiếm đóng, nhiều cơ sở hạ tầng và trung tâm logistic bị quân Nga phá hủy. Nếu cấm vận sẽ ảnh hưởng đến Nga về lâu về dài, thì sự hủy diệt từ chiến tranh đã khiến Ukraine đang chịu thiệt nặng nề trong hiện tại. Thất nghiệp khoảng 35%, đã có 5 đến 9 triệu trong số 40 triệu dân di tản khỏi đất nước, thu ngân sách chỉ đủ trang trải 30% nhu cầu trong khi chi quân sự bùng nổ, chiếm 30% GDP, nợ công tăng cao. Hồi tháng Bảy, Ukraine bị đánh sụt điểm tín nhiệm, suýt bị coi là mất khả năng chi trả nếu các nước chủ nợ không cho hoãn đến 2024.
La Croixnhận thấy "Dù mệt mỏi, người Ukraine vẫn đoàn kết". Tương tự, Les Echos nói về "Quyết tâm của người Ukraine trước Nga vẫn nguyên vẹn sau sáu tháng xung đột". Bất kỳ lúc nào, ngày cũng như đêm, những hồi còi báo động phòng không cũng có thể vang lên cắt đứt những cuộc đối thoại, việc mua bán ở siêu thị và đè nặng lên tâm trí. Bên cạnh đó là lệnh giới nghiêm vẫn đang có hiệu lực, những tin tức bay về từ tiền tuyến, những người lính ngã xuống hàng ngày. Trẻ em vẫn tiếp tục học từ xa vì trường học không có hầm trú ẩn.
Trong một đất nước hoàn toàn tập trung cho chiến tranh, đường phố tràn ngập những lá cờ hai màu xanh, vàng, áp-phích cổ vũ kháng chiến và vinh danh những người lính Ukraine. Dân chúng sẵn sàng đối mặt dù nỗi lo về một cuộc chiến kéo dài và một mùa đông giá rét vẫn hiển hiện. Nhà chính trị học Volodymyr Fessenko nói với La Croix : "Trong suốt 30 năm độc lập, chưa bao giờ thấy người dân đồng lòng với chính phủ như thế". Có đến 91% cho biết ủng hộ tổng thống Volodymyr Zelensky, và 98% khẳng định tin tưởng vào chiến thắng chung cuộc.
Bài xã luận "Sau sáu tháng chiến tranh ở Ukraine, một tổng kết đẫm máu và một cuộc xung đột ngưng đọng" của Libération nhận định, tuy những thiệt hại nhân mạng dù khó đếm được đều rất đáng kể cho cả hai bên, nhưng trong tình thế hiện nay vẫn khó thể ngưng chiến.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine Valeri Zaloujny tuần này nhìn nhận đã mất khoảng 9.000 chiến sĩ, chưa kể số thường dân bị thiệt mạng trong các trận bom của Nga. Bản tổng kết gần đây nhất của Nga nói rằng có 1.351 lính tử trận, chưa kể 3.200 quân ly khai Donbass. Đối với tình báo Mỹ mà đến nay hiếm khi lầm lẫn, thiệt hại của Nga lớn gấp 10 lần.
Trong bài "Thiệt hại nhân mạng, một cuộc chiến khác", Libérationghi nhận hai bên tham chiến đều đưa ra những con số rất khác nhau. Có rất nhiều số liệu về cuộc chiến tranh : danh sách thiết bị được cung cấp hay bị phá hủy, số vụ tấn công mỗi ngày, số đạn bắn ra… nhưng được chú ý nhất là về nhân mạng – số lính tử trận, bị thương, bị bắt. Riêng số lính Nga chết trận được tranh cãi nhiều nhất. Bộ tổng tham mưu Ukraine ước lượng trên 45.000, còn theo CIA và tình báo Anh thì khoảng 15.000. Thứ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ hôm 08/08 cho rằng sáu tháng qua có 70.000 đến 80.000 quân Nga bị loại khỏi vòng chiến, nếu tính cả số bị thương.
Bên cạnh những ước tính trên lý thuyết, các nhà điều tra còn có nhiều cách kiểm tra khác. Trang web độc lập Nga Mediazona và BBC tiếng Nga thu thập mọi cáo phó trên những tờ báo địa phương và internet. Họ nhận thấy tử trận nhiều nhất là lính từ Cộng hòa Buryatia (ở Siberia) và Daguestan (vùng Kapkaz), hai vùng đất nghèo nàn của người thiểu số, mà đăng lính thường là phương cách duy nhất để có được việc làm. Riêng lực lượng lính dù tinh nhuệ bị thiệt hại nặng trong trận đánh Hostomel ở ngoại ô Kiev, chiếm đến 18% trong danh sách của Mediazona. Ít nhất 879 sĩ quan cao cấp Nga đã thiệt mạng, và theo New York Times, lính đánh thuê Wagner chiếm 1/4 số tử trận phía Nga, được cho là 20.000.
Nhưng một cuộc chiến không đơn giản chỉ có thể chiến thắng trên chiến trường, mà còn phải tìm cách chinh phục công luận. Các phóng sự của Libération mô tả tại Nga, trẻ em leo lên các xe tăng trong Công viên Ái Quốc, và bên kia biên giới, các em nhỏ ngồi trên những chiếc xe tăng chiếm được của kẻ thù được Ukraine trưng bày ở trung tâm thủ đô. Trong số những em bé này, có bao nhiêu sẽ trở thành trẻ mồ côi ?
Phía Kremlin, bước tiến của quân Nga hoàn toàn không tương xứng với mục tiêu loan báo ban đầu của Vladimir Putin, còn với tổng thống Volodymyr Zelensky, mùa đông đang đến : các đồng minh Châu Âu có nguy cơ giảm mạnh trợ giúp dưới áp lực từ những cử tri đang phải trả giá năng lượng đắt đỏ. Tổng thống Emmanuel Macron đã đúng khi hôm qua ông tái khẳng định "ủng hộ lâu dài" Ukraine, và nhấn mạnh sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này. Nhật báo thiên tả còn muốn nói thêm "bằng bất cứ giá nào".
Trả lời phỏng vấn Libération, nhà nghiên cứu Vincent Tourret cho rằng cho đến nay Nga vẫn phải trả giá cho những "sai lầm khủng khiếp" trong những ngày đầu cuộc xâm lược. Ông nhấn mạnh, "Với sự hỗ trợ thường xuyên của phương Tây, Kiev có lợi thế về lâu về dài".
Chuyên gia này chia cuộc chiến ra làm ba giai đoạn. Trước tiên là cuộc tấn công đầy lộn xộn của quân Nga cho đến khi rút khỏi Kiev và Tchernihiv đầu tháng Tư. Sau đó Moskva tập trung vào vùng Donbass nhưng vẫn chưa chiếm nổi. Những tuần lễ vừa qua cuộc xung đột chuyển qua giai đoạn thứ ba một cách không chính thức, quân Nga kiệt lực còn Ukraine tuy có mạnh lên nhưng không thể tái chiếm các lãnh thổ đã mất. Mùa đông sắp tới sẽ còn gây trở ngại cho các hoạt động.
Nga đánh giá quá thấp sự kháng cự của Ukraine và tổ chức quá kém, kể cả chiến dịch nghiêm túc nhất nhằm chiếm phi trường Hostomel. Lực lượng Ukraine đã làm được kỳ tích là đẩy lui kẻ thù hùng hậu, chủ yếu nhờ hỗ trợ của NATO về tình báo khiến họ vận dụng được tối ưu sức mạnh.
Thất bại chiến lược ở Kiev tạo ra tác động không thể nào đảo ngược trong cuộc chiến, Nga sẽ không bao giờ bù đắp nổi : những đơn vị ưu tú nhất bị tiêu diệt, những vũ khí tinh vi bị phá hủy từ những tuần lễ đầu tiên. Còn Ukraine thất bại ở miền nam do mất thành phố Kherson, mà theo ông Tourret vì một phần lực lượng tại đây đã được điều đi tăng viện cho Kiev, nhưng cũng do nội gián.
Về quân số, Nga điều khoảng 100.000 lính, thấp hơn dự báo vì từ chối nhìn nhận đây là một cuộc chiến tranh, ngỡ rằng có thể bù lại bằng hỏa lực mạnh mẽ. Moskva huy động thêm các lực lượng ly khai, đề nghị những hợp đồng ngắn hạn nhưng béo bở cho "quân tình nguyện", nhất là các công ty lính đánh thuê như Wagner, các đội dân quân Chechenya. Cơ cấu này không tốt cho chất lượng quân đội trong tương lai, trừ phi Putin tuyên bố tổng động viên, nhưng sẽ rất mất lòng dân.
Nga thiếu quân nhưng không thiếu vũ khí, phía Ukraine thì ngược lại. Đông đảo người dân tình nguyện nhập ngũ để bảo vệ tổ quốc, họ có chính nghĩa và đoàn kết hơn hẳn từ khi bị xâm lược. Yếu tố mà Kiev đang thiếu là thời gian để bổ sung lực lượng, và nếu có sự ủng hộ không mệt mỏi của phương Tây về huấn luyện tân binh hay viện trợ vũ khí, Ukraine sẽ có lợi thế, tuy về ngắn và trung hạn ưu thế đang ở về phía Nga. Pháp đã gởi một phần tư số đại bác Caesar của mình cho Ukraine, Bulgaria và Romania cho khởi động lại các nhà máy vũ khí, nhưng không thể đủ. Chỉ có sự hỗ trợ của Mỹ mới thay đổi được ván cờ.
Về vấn đề này,Les Echostrong bài phân tích "Sự ủng hộ không gì lay chuyển nổi của Washington đối với Ukraine" đánh giá, từ khi cảnh báo việc Vladimir Putin đang cho chuyển quân, đến viện trợ nhiều tỉ đô la vũ khí cho Kiev, Hoa Kỳ tỏ ra nhất quán và đạt được đoàn kết quốc gia.
Không có nước nào hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine nhiều đến thế, tính ra ít nhất đã viện trợ quân sự 11 tỉ đô la. Trước vụ tấn công hôm 24/02, Mỹ cũng đã viện trợ 2 tỉ đô la sau khi Ukraine bị cướp mất Crimea năm 2014. Washington còn đe dọa trừng phạt đường ống dẫn khí Nord Stream 2. Với cuộc chiến Ukraine, Joe Biden đã xóa mờ những chỉ trích về cuộc triệt thoái hỗn loạn khỏi Afghanistan năm 2021, mang lại được ý nghĩa cho NATO. Các đồng minh cũng thấy Hoa Kỳ vẫn tiếp tục chủ trương ủng hộ Kiev mà không phải đối đầu trực diện với Moskva.
Về đối nội, Washington đã thành công khi trưng ra một khuôn mặt thống nhất về hồ sơ Ukraine, trong một đất nước vốn chia rẽ nặng nề về chính trị. Hạ Viện thông qua trong thời gian kỷ lục gần 14 tỉ đô la vào tháng Ba, rồi 40 tỉ đô trong tháng Năm, cao hơn cả đề nghị của Nhà Trắng. Và tháng Tám Thượng Viện bật đèn xanh cho việc Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO với đa số áp đảo. Sáu tháng sau khi Nga khởi đầu cuộc xâm lược, những lá cờ hai màu xanh vàng vẫn luôn phấp phới trên các thành phố nước Mỹ. Ông Steven Pifer, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine cho rằng một khi tìm được lối ra cho cuộc chiến, Hoa Kỳ sẽ phải thúc giục Kiev cải cách. Trong thập niên 90, Ba Lan và Ukraine tương đương nhau về GDP tính trên đầu người, nhưng nay Ba Lan đã cao gấp bốn lần.
Các báo không quên số phận con người trong chiến tranh. Libérationnhận thấy "Tại Kiev, tuy tỏ ra bình thường nhưng mọi người dân đều nghĩ đến chiến tranh", trong khi ở Moskva Nhà nước ồ ạt tuyên truyền. Le Figaro nói về những cuộc đời bình dị bị đảo lộn, trộn lẫn giữa tinh thần kháng chiến, thâm hụt tài chánh với khủng hoảng về tương lai. Chẳng hạn Vitaly Loukouv, phó thị trưởng Mykolaiv không còn nghĩ đến tham vọng chính trị mà suốt ngày chỉ lo việc thay những cửa kính vỡ, đã lên đến số 10.000, trước mùa đông lạnh giá sắp tới. Doanh nhân Dimitri ở Odessa gác việc làm ăn, dùng những kiến thức về xuất nhập khẩu của mình để quản lý việc cung cấp hàng thiết yếu cho người tị nạn…
Riêng với những người xưa nay chỉ quen nói tiếng Nga như ở Mykolaiv, Kramatorsk, Kherson, cuộc vây hãm thô bạo Mariupol, những vụ thảm sát, tra tấn, hãm hiếp ở phía bắc Kiev và những thành phố khác là yếu tố quyết định giúp họ "thoát Nga" trong một sớm một chiều. Khi muốn "giải phóng" người dân Ukraine, Moskva đã khiến họ đứng hẳn về phía Kiev.
Vụ ám sát Daria Duguina : Thất bại của FSB
Về vụ con gái một nhà tư tưởng cực đoan Nga thiệt mạng vì xe bị đặt bom, La Croix nhận định "FSB đang ở thế thủ sau vụ ám sát Daria Duguina". Le Figaro cho biết "Daria Duguina được phe diều hâu dân tộc chủ nghĩa ở Nga nâng lên hàng ‘tử đạo’". Hầu như tất cả các nhân vật bảo thủ nhất, chủ trương tấn công Ukraine đều có mặt trong đám tang hôm qua tại Moskva. Kể cả người thân cận với Vladimir Putin là nhà tỉ phú Yevgeny Prigozhin có liên quan đến tổ chức lính đánh thuê Wagner, hiếm khi xuất hiện trước công chúng, cũng đến dự.
Chưa đầy 48 giờ sau cái chết của cô này, cơ quan tình báo Nga FSB loan báo thủ phạm là Natalia Vovk, một phụ nữ Ukraine 43 tuổi là thành viên trung đoàn Azov. Theo đó, Natalia Vovk vào Nga cùng với con gái 12 tuổi, mướn căn hộ trong cùng tòa nhà với Daria Duguina và đi theo cô ta đến lễ hội của phe bảo thủ hôm 20/08, rồi kích hoạt chất nổ đặt dưới gầm xe. Sau đó Vovk sang Estonia trên chiếc xe Mini Cooper đã được thay đổi nhiều bảng số. Kết quả chóng vánh này làm cư dân mạng nghi ngờ về tính xác thực : đã 2.733 ngày sau vụ ám sát cựu bộ trưởng Boris Nemtsov và 5.798 ngày sau cái chết bí ẩn của nhà báo Anna Politkovskaia, cuộc điều tra vẫn dậm chân tại chỗ.
Bernard Lecomte, chuyên gia về Nga nhận xét, các video trong đó Natalia Vovk đang đi qua biên giới hay dưới chân một tòa nhà không thể chứng minh được bà là người đặt bom. Ngược lại, có thể coi là "lời thú nhận thất bại của FSB, vì đã để một điệp viên nước ngoài tiến hành khủng bố ngay trên lãnh thổ Nga". Ông cho rằng "Nếu các vụ tương tự diễn ra, chúng ta bước vào một giai đoạn mới của xung đột, đặt lại vấn đề cho nền tảng quyền lực của Putin : bảo đảm được an ninh cho người dân".
Mỹ hỗ trợ thêm cho Ukraine, lần đầu tiên gửi drone do thám và xe chống mìn
Reuters, VOA, 20/08/2022
Gói hỗ trợ an ninh mới nhất của Tổng thống Joe Biden dành cho Ukraine bao gồm máy bay không người lái do thám và lần đầu tiên có xe chống mìn, một quan chức quốc phòng cao cấp của Mỹ cho biết ngày thứ Sáu.
Các binh sĩ Ukraine bắn vào các vị trí của Nga từ một khẩu lựu pháo M777 do Mỹ cung cấp ở khu vực Donetsk, miền đông Ukraine, ngày 18 tháng 6 năm 2022.
Kể từ khi quân Nga tràn qua biên giới Ukraine vào tháng 2 trong điều mà Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt", cuộc xung đột đã chuyển sang chiến tranh tiêu hao diễn ra chủ yếu ở miền đông và miền nam Ukraine.
Quan chức này, phát biểu với điều kiện ẩn danh, nói gói hỗ trợ sẽ trị giá 775 triệu đôla và bao gồm thêm đạn dược và 16 hệ thống lựu pháo 105mm.
Gói này sẽ bao gồm 15 drone do thám Scan Eagle, 40 MaxxPro MRAP (xe chống phục kích chịu được mìn) và khoảng 1.000 phi đạn chống tăng Javelin.
Dù đây là lần đầu tiên Mỹ cung cấp các drone Scan Eagle, một nước khác đã cung cấp chúng cho Ukraine trước đây, quan chức này nói, không cho biết thêm chi tiết.
Gói này sẽ nâng tổng số viện trợ quân sự của Mỹ gửi cho Ukraine lên 10,6 tỉ đôla kể từ khi Nga xâm lược nước láng giềng vào ngày 24 tháng 2.
Các vụ nổ đã xảy ra trong đêm gần các căn cứ quân sự nằm sâu trong các khu vực do Nga chiếm giữ ở Ukraine và trong cả lãnh thổ Nga. Nó dường như cho thấy khả năng của Kyiv phá hoại hậu cần của Moscow nằm cách xa tiền tuyến đang tăng lên nhanh chóng.
Kể từ tháng trước, Ukraine vẫn tiếp tục nhận được các loại phi đạn tiên tiến do phương Tây cung cấp để tấn công đằng sau phòng tuyến của Nga. Các vụ nổ trong đêm ở Crimea và Belgorod nằm ngoài tầm đạn mà các nước phương Tây thừa nhận đã gửi cho đến nay.
Trong những ngày gần đây, Kyiv đã đưa ra cảnh báo đối với người Nga ở Crimea, một điểm đến nghỉ hè được nhiều người ưa chuộng, rằng không có nơi nào trên bán đảo này an toàn hễ mà nó còn bị chiếm đóng.
***************************
Thanh Phương, RFI, 22/08/2022
Hôm 21/08/2022, lãnh đạo các nước Hoa Kỳ, Pháp, Đức và Anh đã kêu gọi các bên giữ thái độ "kiềm chế" tại khu vực nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia của Ukraine, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Châu Âu, hiện bị quân Nga chiếm giữ.
Hình ảnh vệ tinh từ Maxar Technologies cho thấy 6 lò phản ứng hạt nhân ở Zaporijjia, Ukraine, ngày 19/08/2022. AP
Theo phát ngôn viên của thủ tướng Đức Olaf Scholz, được hãng tin AFP trích dẫn, trong một cuộc điện đàm, lãnh đạo chính phủ Berlin cùng với tổng thống Mỹ Joe Biden, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã kêu gọi "nhanh chóng" gửi phái đoàn thanh tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) đến tận nơi. Theo thông báo của phủ tổng thống Pháp hôm thứ Sáu tuần trước, tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý cho các thanh tra của AIEA đến thanh tra nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia.
Các trận giao tranh tại khu vực nhà máy điện hạt nhân gia tăng, mà cả quân Nga và Ukraine đổ lỗi cho nhau, đã gây lo ngại về nguy cơ xảy ra vụ Tchernobyl thứ hai.
Trong cuộc điện đàm hôm qua, bốn nhà lãnh đạo phương Tây đồng ý với nhau là vẫn tiếp tục yểm trợ Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga.
Theo hãng tin AFP, cũng hôm qua, tổng thống Volodymyr Zelensky cảnh báo là Nga sẽ có một bước khiêu khích mới với việc đưa các binh sĩ Ukraine ra xử đúng vào ngày Kiev kỷ niệm 31 năm nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này giành độc lập 24/08/1991. Ông Zelensky trích dẫn thông tin của báo chí cho biết ngày thứ Tư tới, Moskva sẽ ra xử công khai các binh sĩ Ukraine bị bắt trong cuộc bao vây thành phố cảng Mariupol. Ngày 24/08 cũng sẽ đánh dấu đúng 6 tháng cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Nga.
Hôm qua, chính quyền Kiev đã ra lệnh cấm mọi cuộc tập hợp cho đến thứ Năm vì sợ sẽ có những hành động khiêu khích của phía Nga nhân ngày độc lập của Ukraine (24/08).
Thanh Phương
***********************
Trọng Nghĩa, RFI, 21/08/2022
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào hôm 20/08/2022, đã kêu gọi người dân Ukraine đề cao cảnh giác trong tuần tới, khi họ chuẩn bị kỷ niệm Ngày Độc Lập 24/08, trùng với thời điểm 6 tháng Nga xâm lược Ukraine.
Lính cứu hỏa đang đập lửa tại một khu nhà bị quân Nga oanh kích, Kharkov, ngày 17/08/2022. © Vitalii Hnidyi / Reuters
Trong bài phát biểu hàng ngày, ông Zelensky lưu ý dân chúng Ukraine rằng trong tuần tới, khi đất nước kỷ niệm 31 năm ngày giành lại độc lập, thoát khỏi sự cai trị của Liên Xô hôm 24/08, "Nga có thể cố làm một điều gì đó đặc biệt xấu xa, một điều gì đó đặc biệt thâm hiểm". Ngày 24/08 tới đây cũng đáng chú ý vì đó là ngày đánh dấu 6 tháng Nga xâm lược Ukraine.
Như để hưởng ứng lời cảnh báo của tổng thống Ukraine, chính quyền địa phương khu vực Kharkov, thành phố lớn thứ hai của Ukraine cho biết là lệnh giới nghiêm ở nơi này sẽ được kéo dài cả ngày 24/08, thay vì chỉ vào ban đêm, từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng như hiện nay. Thành phố ở miền đông bắc Ukraine thường xuyên bị Nga pháo kích.
Lực lượng Nga có dấu hiệu sẵn sàng tấn công vào những nhà máy điện hạt nhân. Vào hôm qua, một tên lửa của Nga đã bắn trúng một khu dân cư của một thị trấn miền nam Ukraine, cách nhà máy điện hạt nhân không xa, khiến 14 dân thường bị thương.
Theo các quan chức Ukraine, tấn công nhắm vào nhà máy điện hạt nhân Pivdennoukrainsk (nam Ukraine) và nhiều vụ pháo kích mới gần nhà máy điện nguyên tử Zaporijjia (đông nam), lớn nhất Châu Âu, đã làm dấy lên những mối lo ngại mới về một tai nạn hạt nhân trong chiến tranh.
Trong bối cảnh đó, bộ Quốc Phòng Nga hôm qua đã cáo buộc Ukraine là đã đầu độc một số lính Nga tại khu vực Zaporijjia vào cuối tháng Bảy. Nhưng một cố vấn của bộ Nội Vụ Ukraine cho rằng quân nhân Nga rất có thể là đã ăn thịt hộp hết hạn sử dụng.
Trọng Nghĩa
Cáo buộc Kiev đứng sau vụ đặt bom vào xe của nhà tư tưởng dân tộc chủ nghĩa Nga Aleksandr Dugin, phe diều hâu ở Moskva đòi phải phản ứng mạnh. Trong khi đó cơ quan an ninh Ukraine đang tập trung điều tra về tội ác chiến tranh của quân Nga đối với thường dân.
Các điều tra viên xem xét hiện trường vụ nổ chiếc xe gần Moskva làm thiệt mạng Darya Dugina, con gái nhà tư tưởng cực đoan Aleksandr Dugin, ngày 20/08/2022. AP
Vụ nổ khiến con gái một nhà tư tưởng cực đoan thân cận với Putin bị thiệt mạng, mùa hè cuối cùng của tâm trạng vô tư lự trước khủng hoảng khí hậu và là một mùa tựu trường gay go cho chính phủ Pháp, đó là những chủ đề chính của báo chí Paris hôm nay. Đặc phái viên Les Echos tại Nga đưa tin "Vụ đánh bom ở Moskva : Diều hâu Nga cáo buộc Kiev". Thông tín viên của La Croix và Le Figaro cũng có cùng nhận xét : phe cực đoan ở Moskva nhanh chóng lên tiếng đòi Kremlin phản ứng mạnh mẽ với Ukraine.
Tối thứ Bảy 20/08, Darya Dugina, 30 tuổi đang cầm lái chiếc Toyota Land Cruiser của người cha Aleksandr Dugin tại một vùng ngoại ô cách Moskva khoảng 40 kilomet thì chiếc xe phát nổ. Cả hai cha con vừa tham dự lễ hội "Truyền thống", một sự kiện chính trị văn hóa dành cho những người ủng hộ bảo thủ nhất của Vladimir Putin. Aleksandr Dugin, 60 tuổi vốn có chủ trương dân tộc chủ nghĩa vô cùng cực đoan, đôi khi được coi là bộ óc của "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine. Bị Mỹ cấm vận năm 2014 sau vụ sáp nhập Crimée, từ lâu Aleksandr Dugin vẫn cổ vũ việc Moskva chiếm các lãnh thổ khác của Ukraine và tất cả những vùng đất nói tiếng Nga. Ông ta bảo vệ chủ thuyết "Âu-Á", một liên minh giữa Châu Âu và Châu Á dưới sự lãnh đạo của Nga.
Ủy ban điều tra khẳng định chất nổ được đặt dưới gầm xe. Những người thân cận Aleksandr Dugin cho biết nhà tư tưởng nổi tiếng này lẽ ra cầm lái tối hôm đó, nhưng vào phút chót ông ta giao chìa khóa cho con gái để lên chiếc xe khác. Như vậy vụ ám sát nhắm vào ông ta chứ không phải cô con gái, dù cô này có cùng chủ trương với cha. Là nhà báo và nhà chính trị học, Darya Dugina thường xuyên tham gia các chương trình truyền hình của những kênh do Kremlin kiểm soát kể từ đầu cuộc xâm lược. Chứng kiến cái chết của con gái, Aleksandr Dugin bị sốc phải nhập viện.
Zakhar Prilepin, nhà văn dân tộc chủ nghĩa tố cáo tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã "bật đèn xanh" cho vụ sát hại. Vladimir Soloviov, một trong những tiếng nói tuyên truyền cho Kremlin tuyên bố "đứng sau vụ này là những kẻ khủng bố", cho dù trong quá khứ chế độ Putin từng tiến hành những vụ tấn công rồi đổ cho địch thủ. Theo Soloviov, "bây giờ không còn cần đến lời nói mà là hành động". Những tuyên bố tương tự cho thấy Moskva có thể sẽ cứng rắn hơn với Kiev, nhất là về quân sự.
Cũng liên quan đến Ukraine,Libérationchú ý đến việc điều tra tội ác chiến tranh của Nga. Tại phía tây thủ đô Kiev, các nhà điều tra thu thập các bằng chứng về những vụ oanh kích, sát nhân, mất tích... Các tổ chức phi chính phủ cũng tham gia, dù đôi khi làm phức tạp thêm công việc của tư pháp.
Ở Makariv, trên 800 tòa nhà đã bị pháo của Nga phá hủy. Quân Nga chiếm đóng thành phố suốt 33 ngày cho đến 01/04 mới rút đi, và cảnh sát tìm được trên 200 xác thường dân trên đường phố hoặc trong nhà. Có những thi thể không còn nguyên vẹn hoặc đã bị thú vật xâu xé, hay hoàn toàn bị cháy thành than do bom, phải xác định bằng ADN. Cảnh sát Makariv thường chỉ xử lý 3 đến 5 vụ một ngày, nhưng trong tháng Tư nhận gần 150 cuộc gọi mỗi ngày sau khi quân Nga triệt thoái. Trên 80 hồ sơ đã được chuyển cho tổng chưởng lý Kiev và cuối cùng được giao cho cơ quan an ninh Ukraine SBU.
Trước lượng hồ sơ quá lớn, tất cả các điều tra viên đều được huy động, từ cơ quan chống tham nhũng đến cho đến tình báo. Tại SBU Kiev, mỗi nhà điều tra phụ trách khoảng 100 hồ sơ. Theo Kiev, trên 3.000 hỏa tiễn Nga đã nhắm vào các thành phố Ukraine, còn các vụ bắn pháo thì vô số kể. Thách thức cho các nhân viên SBU là nhận dạng các tội phạm chiến tranh. Có khoảng 6.500 lính Nga đã bị phát hiện nhờ những người sống sót ở những vùng bị chiếm đóng.
Igor Khomenko, giám đốc cơ quan điều tra SBU vùng Kiev dẫn ra trường hợp nhiều lính Nga bịt mặt đã hãm hiếp một phụ nữ rồi cướp điện thoại của cô để gọi sang Nga. Khi họ rút đi, nạn nhân làm lại thẻ SIM có cùng số điện thoại, và tham khảo được lịch sử các cuộc gọi mã hóa để nhận diện. Phức tạp nhất là hồ sơ các vụ oanh tạc, khó thể xác định được đơn vị và phi công đã thả bom. Những vụ bắn pháo đôi khi dễ hơn một chút vì quân địch đóng trên lãnh thổ Ukraine, có thể tìm thấy những tài liệu bỏ quên, các hộp đạn có đánh số...
Tại quận Fastiv, các thành viên của liên minh "Tòa án cho Putin" tập hợp khoảng 30 hiệp hội tham gia thu thập các chứng cứ. Tập thể này đã ghi nhận trên 12.000 tội ác chiến tranh. Tuy nhiên văn phòng chưởng lý Ukraine cảnh báo các tổ chức phi chính phủ nên tránh phỏng vấn các nạn nhân, đặc biệt là các vụ cưỡng hiếp, tra tấn để khiến họ bị chấn thương. Các bằng chứng phải do cơ quan chức năng thu thập, nếu không khó thể đứng vững.
Hiện nay trên 28.000 hồ sơ đã được lập nhưng chỉ có 135 lính Nga bị nhận diện là tội phạm chiến tranh, và 7 trong số 15 nghi can đang bị giam giữ ở Ukraine lãnh án. Alexeï Khomenko, chưởng lý Kiev khẳng định mỗi ca đều có đầy đủ bằng chứng vững chắc, quyền biện hộ của bị cáo được tôn trọng vì Ukraine là một đất nước thượng tôn pháp luật.
Trên chiến trường, Le Figaroghi nhận "Tại Donbass, những người lính kiệt sức thuật lại cảnh địa ngục" mà họ phải chịu đựng, trong khi " Việc chuyển giao vũ khí đang chậm lại ". Một nhóm chiến binh Ukraine giấu tên vừa trở về sau hai tuần chiến đấu ở tiền tuyến cho biết Nga nã pháo liên hồi, bắn sang tất cả những loại đạn có được từ moọc-chê 120 ly cho đến rốc-kết Grad, thậm chí dùng máy bay thả bom. Mảnh đất nhỏ bé mà họ phải bảo vệ bị bắn pháo "40 đến 60 lần một ngày". Ban đêm lại còn tệ hơn, Nga dùng cả đạn phốt-pho để oanh kích.
Chiến lược của quân Nga luôn đơn giản và tàn bạo : tiền pháo hậu xung. Phía Ukraine bắn trả chỉ khoảng hơn chục lần trong ngày. Tại vùng đất này ở Donbass, những khẩu Caesar, M-777 hay Himars chỉ là mơ ước, các chiến sĩ Ukraine phải dùng đại bác thời Liên Xô kém chính xác hơn, một cách tiết kiệm. Kho vũ khí của Châu Âu cũng cạn dần, không thể tiếp tế nhiều cho Kiev. Washington đã tặng 16 giàn phóng rốc-kết Himars nhưng Ukraine cần đến 100 để có thể tổ chức phản công !
Nhìn sang Châu Á, Le Monde nói về bản án 13 năm tù dành cho Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua), "nhà băng của các thái tử đỏ" Trung Quốc. Bản án nặng nề mà tòa án Thượng Hải dành cho Tiêu Kiến Hoa hôm 19/08 còn kèm theo món tiền phạt khổng lồ 945.000 euro đối với cá nhân ông và 8 tỉ euro cho tập đoàn Tomorrow của nhà tỉ phú Canada gốc Hoa, mà sự sụp đổ cũng đầy kịch tính như quá trình thăng tiến. Tiêu Kiến Hoa mới 14 tuổi đã vào đại học. Là chủ tịch Hội sinh viên chính thức, ông ta chống lại phong trào biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989 và được Nhà nước ưu ái. Từ thập niên 90, Tiêu Kiến Hoa bắt đầu bán các máy tính Dell, IBM gần trường đại học cũ, và chỉ trong vài năm đã có gia tài trên 100 triệu euro.
Nhờ các mối quan hệ, ông lập một quỹ đầu tư mà một trong các cổ đông là đại học Bắc Kinh, đầu tư tiền bạc của các nhà giàu Hoa lục vào nhiều lãnh vực từ tài chánh, địa ốc cho đến công nghệ, năng lượng, thủ lợi từ làn sóng tư nhân hóa. Cũng nhờ đó mà hai ủy viên Bộ Chính trị là Tăng Khánh Hồng (Zeng Qinghong) và Giả Khánh Lâm (Jia Qinglin) đã làm giàu. Khi Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2013, Tiêu mua lại phần vốn của chị và anh rể ông Tập trong một công ty đầu tư với giá 2,4 triệu đô la. Năm 2016, Tiêu Kiến Hoa được bảng xếp hạng Hồ Nhuận (Hurun) coi là người giàu thứ 32 của Trung Quốc với 6 tỉ đô la.
Nhưng gió bắt đầu đổi chiều qua chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi" của Tập Cận Bình. Được báo tin sẽ bị bắt khẩn cấp, Tiêu Kiến Hoa chuyển sang ngụ tại khách sạn Four Season ở Hồng Kông – lãnh thổ tự trị trên lý thuyết. Nhưng đêm 26 rạng 27/01/2017, một nhóm người đột nhập vào phòng suite và ông Tiêu bị giải đi trên xe lăn, đầu trùm một chiếc túi – như camera giám sát của khách sạn cho thấy. Suốt năm năm rưỡi sau đó, không hề có tin tức gì về Tiêu Kiến Hoa, cho đến khi ông xuất hiện trước tòa án Thượng Hải hôm 04/07. Chính quyền Canada tiết lộ về vụ xử nhưng không được tham dự, báo chí Hoa lục cho biết nhiều đại biểu Quốc hội Trung Quốc theo dõi phiên tòa và thứ Sáu tuần rồi ông bị kết tội huy động vốn bất hợp pháp, lạm dụng tín nhiệm và tham nhũng.
Le Monde nhận thấy việc Tập Cận Bình cho bắt ông Tiêu diễn ra lúc sắp đến Đại hội Đảng thứ 19 nhằm chứng tỏ muốn chấm dứt "sự bành trướng vô trật tự của tư bản". Và lần này tuyên bản án nặng cho nhà tỉ phú ngay trước Đại hội Đảng 20 có thể để dằn mặt phe Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Các đối thủ của Tập Cận Bình sẽ phải dè chừng, vì chắc chắn Tiêu Kiến Hoa nắm giữ rất nhiều bí mật.
Tại Trung Đông, một bản án khác khó tưởng tượng khác được Saudi Arabia dành cho Salma Al-Chehab, một phụ nữ 34 tuổi có bằng tiến sĩ nha khoa : 34 năm tù kèm theo lệnh cấm xuất cảnh với thời gian tương tự, chỉ vì những bài viết ngắn trên Twitter cổ vũ nữ quyền !
Bà mẹ hai con ghi danh học ở đại học Leeds, Anh quốc, đã bị bắt vào tháng Giêng 2021 khi đi nghỉ tại Saudi Arabia. Trong phiên sơ thẩm hồi tháng Sáu, Salma Al-Chehab bị kết án 6 năm tù vì "ủng hộ khủng bố và gây rối trật tự xã hội", nhưng lần này tòa phúc thẩm cho rằng bản án trên "quá khoan hồng". Trong khi đó bà sử dụng tên thật trên Twitter, và có không đến 2.000 người theo dõi. Để so sánh, bản án nặng nhất dành cho các thành viên đội đặc nhiệm đã sát hại và phân xác nhalys khai Khashoggi chỉ là 14 năm tù.
Le Monde nhận định, các thẩm phán đã đánh bại mọi kỷ lục, và Saudi Arabia không cần ai nói xấu vì bản án gây xúc động đến tận Liên Hiệp Quốc, đồng thời khiến các nhà lãnh đạo phương Tây chủ trương thực dụng phải bối rối.
Trên lãnh vực kinh tế, thành công của công ty dược phẩm đã chế tạo vac-xin chống Covid (hợp tác với tập đoàn Mỹ Pfizer) đã giúp thành phố Mayence (Mainz trong tiếng Đức), thủ phủ bang Rheinland-Pfanz thoát được cảnh nợ nần. Khi con số trên 1 tỉ euro tiền thuế doanh nghiệp được công bố, tất cả đều sững sờ, nhất là chỉ do một công ty duy nhất đóng góp. Mayence, một trong những thành phố nợ nần nhiều nhất nước Đức đã trả được nợ với tốc độ ánh sáng, nhờ thành công của BioNTech, một start-up thành lập năm 2008 tại đây.
Giao thông công cộng từ nay miễn phí, thuế đánh vào chó (cao nhất nước Đức) được giảm xuống, trợ cấp xã hội tăng lên… Ưu tiên được dành cho môi trường, chính quyền đặt mua các xe buýt điện, tu bổ và mở rộng mạng lưới tramway, nâng cấp các nhà vệ sinh công cộng… Mayence nay thu hút đến 30.000 sinh viên, tương đương 15% dân số. Trước nhu cầu phát triển mạnh mẽ lãnh vực công nghệ sinh học, sắp tới các quân nhân tại một doanh trại quân đội sẽ phải nhường chỗ cho các nhà nghiên cứu : chỉ riêng BioNTech đã cần tuyển dụng thêm 2.000 người.
Thụy My
Ngày 24/08/2022, đánh dấu sáu tháng kể từ khi Nga đem quân xâm lược Ukraine, một cuộc chiến tranh tàn khốc, với những cuộc giao tranh hay những vụ pháo kích đẫm máu của Nga vẫn tiếp tục diễn ra hàng ngày. Theo các nhà phân tích được hãng tin Pháp AFP hôm 22/08 trích dẫn, thì, cuộc chiến Ukraine đang bước vào giai đoạn sa lầy và có thể kéo dài nhiều năm, làm cả Nga lẫn Ukraine kiệt quệ.
Người dân Ukraine đến tham quan một đại lộ trưng bày các loại vũ khí của Nga bị phá hủy trong các cuộc giao tranh giữa hai bên, ngày 20/08/2022. AP - Andrew Kravchenko
Ghi nhận đầu tiên của giới phân tích là sau gần nửa năm, cuộc chiến vẫn ác liệt và không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy là hai bên có thể ngưng chiến, không bên nào chiếm được thượng phong trong lúc vẫn duy trì các lập trường cực kỳ xung khắc với nhau, khiến cho hai bên chưa thể thỏa hiệp hay đàm phán hòa bình.
Theo bà Marie Dumoulin, giám đốc chương trình Wider Europe của Hội Đồng Châu Âu về Quan Hệ Đối Ngoại ECFR, một tổ chức tư vấn, thì cuộc chiến Ukraine có thể "sẽ kéo dài ít nhất là đến năm 2023", khi hai nước chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2024.
Nhà phân tích chính trị Nga Konstantin Kalachev cũng cho rằng xung đột có thể kéo dài "vài năm nữa". Theo chuyên gia này : "Nga đang thiếu quân và bị sa lầy" nhưng Ukraine cũng vậy, "thiếu nhân lực để phản công và không có vũ khí tấn công hạng nặng".
Tình hình lúc này là như vậy, nhưng sắp tới đây ra sao, liệu người Ukraine có thể tiếp tục kháng cự thành công hay không ? đặc biệt là trong bối cảnh mùa đông sắp đến, với các khó khăn gia tăng do tình trạng cúp điện và cúp hệ thống sưởi vì thiếu nhiên liệu.
Theo bà Dumoulin, chính quyền đang quyết tâm giành được một số chiến thắng, ít ra là về mặt chiến thuật từ nay đến khi mùa đông tới, bởi vì điều đó sẽ có tác dụng khích lệ tinh thần quân đội và dân chúng trong nước, đồng thời biện minh cho các yêu cầu trợ giúp gởi đến các đối tác phương Tây.
Ông Dimitri Minic, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI, cho rằng rằng quân đội Ukraine hiện có hai lợi thế : Có nguồn cung cấp vũ khí và thiết bị của phương Tây, hiện đại và có thể vượt trội hơn so với những gì quân đội Nga hiện sử dụng, và có quân đội có tinh thần chiến đấu cao hơn.
Theo chuyên gia này, cho đến nay, người dân Ukraine vẫn thể hiện đoàn kết, nghe theo chính quyền Ukraine, không bị dao động hay bất mãn trước chủ trương tiếp tục chiến đấu.
Về phía Nga, câu hỏi quan trọng nhất là họ có thể đối phó thế nào đối với liên minh của hầu như toàn khối phương Tây ủng hộ Ukraine và nhất là áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Trên vấn đề này, ông Chris Weafer, người sáng lập công ty tư vấn Macro-Advisory thẳng thắn khẳng định : "Nền kinh tế Nga hiện không bị khủng hoảng" và chính quyền Moskva vẫn có thể sử dụng được các nguồn thu ngân sách từ các chương trình kinh tế và công nghiệp để tài trợ cho quân đội hay các chương trình xã hội khác.
Tuy nhiên, bà Marie Dumoulin lưu ý rằng tác động của các lệnh trừng phạt "đang bắt đầu được thấy trong một số lĩnh vực nhất định", và những khó khăn sẽ được cảm thấy rõ hơn kể từ mùa thu này.
Vấn đề tuy nhiên là khó khăn kinh tế sẽ không làm Nga chùng bước tại Ukraine. Theo bà Dumoulin : "Tôi không nghĩ rằng Vladimir Putin sẽ từ bỏ cuộc chiến của mình chỉ vì hoạt động kinh tế đi xuống".
Còn chuyên gia Nga Kalachev thì lưu ý rằng "dự trữ kiên nhẫn" của người Nga "lớn hơn nhiều so với của người Châu Âu", và "Nước Nga hy vọng sẽ giành thắng lợi trong cuộc chiến tiêu hao".
Đối với bà Dumoulin, việc chiến tranh Ukraine bị sa lầy có nguy cơ tác hại đến Ukraine vì các đồng minh phương Tây của họ có thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, nhất là khi các chính phủ Âu-Mỹ phải đối phó với tâm lý bất mãn của người dân trong nước, trước tình trạng giá năng lượng và lương thực tăng vọt.
Chuyên gia Dumoulin cho rằng : "Sẽ đến lúc Putin đánh cược vào sự mệt mỏi này của phương Tây và sẽ đưa ra các quyết định cởi mở hơn và khuyến khích giới lãnh đạo phương Tây gây áp lực lên Ukraine để chấm dứt xung đột, theo các điều kiện của Nga".
Trọng Nghĩa
Quan chức phương Tây : Một nửa số chiến đấu cơ của hạm đội Biển Đen Nga vô dụng
Reuters, VOA, 19/08/2022
Một quan chức phương Tây cho biết hôm thứ Sáu 19/8 rằng các vụ nổ tại căn cứ không quân Saky ở bán đảo Crimea đầu tháng này đã khiến hơn một nửa số máy bay chiến đấu của hạm đội Biển Đen không còn sử dụng được.
Căn cứ Saky của Nga ở Crimea bị tấn công hôm 9/8.
Căn cứ không quân gần Novofedorivka ven biển phía tây của bán đảo mà Nga sáp nhập từ tay Ukraine hồi năm 2014 đã hứng chịu nhiều vụ nổ vào ngày 9/8.
Quan chức không muốn nêu tên cho biết Ukraine hiện đang liên tục đạt được "hiệu ứng động học" ở sâu trong vùng hậu tuyến của Nga, điều này gây tác động cụ thể đến nguồn hậu cần của Nga và "ảnh hưởng tâm lý đáng kể đến giới lãnh đạo Nga".
Quan chức này nói : "Hiện chúng tôi đánh giá rằng các sự kiện xảy ra ở sân bay Saky vào ngày 9/8 đã khiến hơn một nửa số máy bay chiến đấu của hạm đội Biển Đen không sử dụng được".
Vào ngày 12/8, Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong bản tin tình báo cập nhật của họ rằng tuy chỉ một phần nhỏ trong số các máy bay chiến đấu Nga bị phá hủy trong vụ nổ, song năng lực không quân của hải quân đã bị suy giảm nghiêm trọng.
Quan chức này cho biết hạm đội Biển Đen đang chật vật để hoạt động nhiều hơn chứ không chỉ là "một đội phòng thủ duyên hải" chỉ thỉnh thoảng tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa. Vẫn quan chức này nói tiếp rằng nỗ lực của Nga hăm dọa tấn công đổ bộ vào Odessa đã bị cản trở.
Quan chức này nói thêm rằng nhìn chung, cuộc chiến đang ở "thời điểm mà các hoạt động gần như dậm chân tại chỗ".
"Lực lượng trên bộ của cả hai bên đều không có đủ sức mạnh chiến đấu tập trung trên bộ để tiến hành các hành động tấn công hiệu quả, theo bất kỳ cách nào gây ra được ảnh hưởng cụ thể đến chiều hướng của cuộc chiến", quan chức này nói.
(Reuters)
**********************
Thanh Hà, RFI, 19/08/2022
Chiều ngày 18/08/2022 kho đạn của Nga ở tỉnh Belgorod cách biên giới Ukraine khoảng 50 km bị cháy. Dân cư tại hai ngôi làng lân cận được lệnh sơ tán. Cùng lúc, bốn vụ nổ đã xảy ra gần một căn cứ không quân của Nga tại Belbek, sát cạnh thành phố Sevastopol trên bán đảo Crimea.
Khói bốc lên tại khu vực xảy ra vụ nổ tại một kho đạn của Quân đội Nga gần làng Mayskoye (Crimea), ngày 16/08/2022. AP
Reuters nhắc lại, Sevastopol thuộc bán đảo Crimea của Ukraine đã bị Nga thôn tính từ 2014. Trên mạng Telegram, thống đốc Sevastopol, Mikhaïl Razvojaïev cho biết không ghi nhận bất kỳ một "thiệt hại" nào. Tuy nhiên theo một số nguồn tin từ Crimea "ít nhất bốn vụ nổ đã xảy ra chiều qua gần một căn cứ không quân của Nga tại Belbek, cách không xa thành phố Sevastopol". Từ khi thôn tính bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014, Nga đặt căn cứ của Hạm đội Biển Đen tại Sevastopol.
Cũng chiều qua, Nga khởi động hệ thống phòng không gần thành phố Kerch, Crimea. Đây là nơi có cây cầu nối liền bán đảo Crimea với phần lãnh thổ của Nga. Từ tuần trước, nhiều căn cứ không quân và kho đạn của Nga tại Crimea liên tục bị tấn công. Cách nay hai ngày, Moskva đã cách chức tư lệnh Hạm đội Biển Đen.
Còn ngay trên lãnh thổ của Nga, trong khu vực Belgorod, sát biên giới Ukraine, chiều qua, dân cư tại hai ngôi làng đã được lệnh sơ tán sau vụ cháy một kho đạn. Trong thông cáo, lãnh đạo tỉnh Belgorod, Viatcheslav Gladkov cho biết tai nạn không gây ra thiệt hại nhân mạng. Nhưng dân cư tại các làng Tomonovo và Soloti được đưa về những nơi "an toàn".
Kể từ khi tổng thống Vladimir Putin đưa quân xâm chiếm Ukraine, Moskva đã nhiều lần tố cáo Kiev "tấn công" Belgorod. Tháng trước chính quyền địa phương cho biết tên lửa Ukraine cướp đi sinh mạng của bốn dân cư tỉnh này.
Mỹ tăng cường viện trợ cho Ukraine
Cũng Reuters trích dẫn ba nguồn tin khác nhau tại Washignton cho biết rất có thể nội trong ngày hôm 19/08/2022 chính quyền Biden tháo khoán thêm 800 triệu đô la viện trợ cho Ukraine, trong đó bao gồm luôn cả khoản viện trợ vũ khí.
Thanh Hà
*********************
Cầu lửa nhấn chìm kho đạn Nga gần biên giới Ukraine
Linh Đan, Công an nhân dân, 19/08/2022
Nhiều video về vụ nổ kho đạn mới nhất của Nga gần biên giới Ukraine đã được chia sẻ rộng khắp các mạng xã hội. Hình ảnh từ những video này cho thấy, quả cầu lửa khổng lồ đang nhấn chìm kho đạn và kèm theo cột khói đen dày đặc.
Vụ nổ ở Belgorod xảy ra chỉ ít ngày sau hàng loạt vụ nổ liên tiếp tại Crimea. Ảnh : Twitter.
Thống đốc vùng Belgorod của Nga Vyacheslav Gladkov tối 18/8 cho biết: "Một kho đạn và vũ khí đã bốc cháy tại khu vực làng Timonovo thuộc huyện Valuysky. Theo những báo cáo mới nhất, vụ cháy không gây thương vong về người. Chính quyền địa phương đang sơ tán người dân tại các làng Timonovo và Soloti đến nơi trú ẩn an toàn".
Các video về vụ việc được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy nhiều tiếng nổ lớn liên tiếp vang lên tại kho đạn, tạo nên quả cầu lửa khổng lồ. Lực lượng cứu hỏa địa phương đã ngay lập tức có mặt tại hiện trường để tiến hành công tác dập lửa và cứu hộ.
Vụ nổ nêu trên xảy ra chỉ ít ngày sau các vụ tấn công liên tiếp của Ukraine nhằm vào các căn cứ của Nga tại Crimea. Hiện nguyên nhân của vụ nổ đang được điều tra làm rõ.
Kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga được tiến hành, nhiều vụ pháo kích của Ukraine nhằm vào các chốt kiểm soát tại vùng Belgorod đã được ghi nhận. Do đó, giới chức địa phương không loại trừ khả năng đây là một vụ tấn công của các lực lượng thân Ukraine.
Phía Moscow trước đó mô tả việc các kho đạn và sân bay quân sự ở Crimea nổ lớn liên tiếp là hành động phá hoại, chủ yếu được thực hiện bởi máy bay không người lái và súng cối, khiến cơ sở hạ tầng bị hư hại và gây thương vong cho dân thường.
Được biết, cùng ngày, các cột điện cao thế kết nối với nhà máy điện hạt nhân Kursk tại khu vực miền Nam nước Nga cũng đã bị phá hủy. Không những vậy, nhiều tiếng nổ lớn đã được ghi nhận tại trung tâm chỉ huy của quân đội Nga ở thành phố Melitopol, miền Nam Ukraine.
Linh Đan
************************
Trọng Thành, RFI, 17/08/2022
Hôm 16/08/2022, một kho đạn và nhiều cơ sở hạ tầng ở bán đảo Crimea, vùng lãnh thổ của Ukraine hiện do Nga kiểm soát, bị phá hủy. Chính quyền Nga thừa nhận đây là hành động "phá hoại".
Khói bốc lên sau vụ nổ ở làng Mayskoye, thuộc Dzhankoim, Crimea, ngày 16/08/2022 © Reuters - Stringer
Thông tín viên Jean-Didier Revoin tường trình từ Moskva :
"Một kho đạn tạm thời ở phía bắc bán đảo Crimea bị nổ. Trái ngược với lý do sơ suất đã dẫn đến vụ nổ kho đạn dành cho không quân hồi tuần trước, chính quyền Nga thừa nhận đây là một hành động phá hoại, tuy không nói rõ là thủ phạm đã được xác định hay chưa.
Theo quân đội Nga, nhiều cơ sở hạ tầng dân sự, bao gồm một đường dây điện cao thế, một nhà máy điện, một tuyến đường sắt, cũng như một số ngôi nhà đã bị hư hại. Theo thống đốc bán đảo Crimea, Sergei Aksionov, đã đến hiện trường, có hai thường dân bị thương, và họ đã tổ chức sơ tán cư dân của một ngôi làng lân cận.
Tình hình này buộc phía Nga phải quy hoạch lại nhiều tuyến đường sắt nối với lãnh thổ Nga, vào thời điểm có rất nhiều du khách đi nghỉ chuẩn bị trở lại Nga trước khi học sinh tựu trường.
Cho dù quân đội không nói về việc này, chúng ta có thể tưởng tượng được rằng các vụ phá hoại nói trên cũng có thể làm gián đoạn việc gởi quân tiếp viện cho "chiến dịch quân sự đặc biệt" đang tiếp tục ở Ukraine. Về mặt chính thức, đường ray đã được sửa chữa, nhưng sẽ không có chuyến tàu khách nào chạy trên tuyến này trong ngày hôm nay".
Bán đảo Crimea, bị Moskva sáp nhập vào năm 2014, đóng vai trò là hậu phương cho quân đội Nga trong các cuộc tấn công vào các vùng lãnh thổ khác của Ukraine. Các vụ nổ trong những ngày gần đây có khả năng làm suy yếu cơ sở hậu cần của Nga.
Về phần mình, chính quyền Ukraine vẫn tỏ ra mơ hồ xung quanh các vụ nổ nói trên, không chính thức xác nhận hay phủ nhận vai trò của quân đội Ukraine đằng sau các vụ nổ này. Trong lúc một số giới chức Ukraine hoan nghênh các cuộc tấn công có độ chính xác cao"như thợ kim hoàn" của quân đội Ukraine, thì tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky tỏ ra thận trọng.
Trên mạng Telegram tối 6/08, tổng thống Ukraine kêu gọi người Ukraine rời xa các căn cứ quân sự Nga do các vụ nổ, đồng thời khẳng định những kẻ chiếm đóng đang phải rời khỏi bán đảo Crimea. Ông Zelensky kết luận : "Họ cần phải hiểu rằng đó không phải là vùng đất của họ".
Về mặt chính thức, các dàn phóng tên lửa đa nòng mà nhiều nước phương Tây cung cấp cho Ukraine để tự vệ chống Nga có tầm bắn 80 km. Chính quyền Kiev từng cam kết không sử dụng loại vũ khí này để tấn công lãnh thổ Nga.
Một chiến sĩ Ukraine tại chiến hào ở Kherson, ngày 12/06/2022 © Genya Savilov/AFP
Chiến sự Ukraine, vụ ám sát hụt nhà văn Salman Rushdie, vị thế thống trị trong đảng Cộng hòa của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, tham vọng xâm lăng Đài Loan của Trung Quốc là những vấn đề được đề cập nhiều nhất trên các tuần báo kỳ này.
The Economist trong bài"Hãy bình tĩnh ở Kherson" lý giải vì sao Ukraine không nên vội vã tìm cách tái chiếm toàn bộ tỉnh này. Theo tuần báo Anh, trong những năm tới, các lực lượng vũ trang NATO sẽ phải xếp hàng trước Bộ tổng tham mưu Ukraine để học hỏi làm cách nào ngăn chận được quân Nga ở Kiev và Odessa và loại khỏi vòng chiến 60.000 địch quân trong sáu tháng chiến tranh. Nhưng một trắc nghiệm quan trọng vẫn còn ở phía trước : Ukraine muốn thu hồi lãnh thổ của mình.
Người ta đang nói nhiều về việc quân đội Ukraine đang chuẩn bị phản công bên trong và xung quanh thành phố Kherson ở miền nam. Họ đã phá hư hầu hết những cây cầu nối Kherson với các lãnh thổ khác đang do Nga kiểm soát, cô lập quân Nga ở phía tây sông Dniepr, oanh kích các kho đạn và sở chỉ huy. Một tướng lãnh Ukraine nói rằng có thể giải phóng thành phố vào cuối năm nay.
Tuy nhiên thực tế phức tạp hơn nhiều. Nga đã đổ quân vào Kherson và đào nhiều công sự ở đây, chiến tranh đô thị thì chậm chạp và tốn kém. Nga đã chiếm Mariupol, Severodonetsk cũng như một số các thành phố khác của Ukraine và không ngần ngại san bằng thành bình địa, còn Kiev mong giữ cho Kherson được nguyên vẹn. Một cuộc phản công hiệu quả rất có thể là chiến dịch bao vây, dùng chiến lược tiêu hao kéo dài thay vì tấn công chớp nhoáng.
Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng phải cân nhắc. Các đồng minh phương Tây, đặc biệt là Châu Âu đang phải chịu đựng giá khí đốt tăng cao, thiếu thốn nguồn cung. Ông cần chứng tỏ một ít tiến triển, và muốn phá vỡ kế hoạch tổ chức cuộc trưng cầu dân ý giả tạo của Nga nhằm sáp nhập Kherson. Zelensky hứa sẽ giải phóng tất cả, nhưng thực tế Ukraine cần có thêm thời gian để huấn luyện binh sĩ, nhận thêm nhiều vũ khí và làm yếu đi trận địa phòng thủ của Nga.
Hiện thời cuộc chiến dường như trong ngõ cụt. Đà tiến của quân Nga ở Donbass thuộc miền đông chậm lại, những động thái thăm dò của Ukraine ở bắc Kherson cũng không mang lại kết quả. Đôi bên đều cần gầy dựng lại lực lượng sau sáu tháng chiến đấu. Trong những tháng tới, Moskva sẽ tăng cường phòng thủ, tiếp tế cho binh lính và tăng viện bằng quân tình nguyện được trả lương cao.
Nhưng theo chiều hướng hiện nay, Ukraine đang ở thế thượng phong để thoát khỏi bế tắc vào đầu năm tới. Khoảng 10.000 tân binh đang được Anh giúp huấn luyện sẽ bổ sung vào lực lượng, và mỗi tuần đều có thêm vũ khí được chuyển giao. Hôm 08/08, Mỹ loan báo đợt viện trợ lớn nhất trong đó có thêm đạn dược cho các giàn rốc-kết Himars đang gây kinh hoàng cho quân Nga.
Đồng minh của Ukraine cần kiên nhẫn, những cuộc chiến tranh tiêu hao không thể kết thúc trong một sớm một chiều. Các chính phủ phương Tây có thể vất vả trong việc duy trì sự ủng hộ của công chúng đối với Ukraine khi hóa đơn khí đốt tăng vọt trong mùa đông, Vladimir Putin đang trông cậy vào sự mệt mỏi này. Nhưng giành lại Kherson không phải là giải pháp duy nhất. Những cuộc tấn công đầy ấn tượng vào Crimea trong tháng này, mới nhất là vụ tiêu diệt một kho đạn lớn hôm 16/08 ở xa hơn hẳn tầm bắn của những vũ khí đang có, chứng tỏ sự quyết tâm và giàu sáng kiến của Kiev. Việc phá hủy có phương pháp sức mạnh quân sự của Nga rốt cuộc sẽ mở ra con đường tái chiếm các lãnh thổ như Ukraine mong ước.
Cũng theo The Economist, những trận chiến lớn trong thế kỷ 20 đều xoay quanh những cuộc phản công. Chẳng hạn sự kiện phe đồng minh đổ bộ vào Normandie, vụ tấn công bất ngờ của tướng Douglas MacArthur vào Inchon trong chiến tranh Triều Tiên, cú đánh thọc sườn từ bên trái của tướng Norman Schwarzkopf để cắt đứt lực lượng Iraq, giúp giải phóng Kuwait.
Ngày nay Ukraine với 1/5 lãnh thổ đang bị Nga chiếm đóng, hy vọng tiếp nối danh sách này. Các vụ tấn công của Himars làm yếu đi pháo binh Nga, hôm 13/08 một chiếc cầu trên đập Nova Kakhovka, siết thêm gọng kềm xung quanh Kherson. Nhưng chỉ có bộ binh mới tái chiếm được lãnh thổ.
Những tuần lễ gần đây Nga đã rút lực lượng ở Izyum đến tăng cường cho Kherson, từ 13 cụm tác chiến cấp tiểu đoàn (BTG) đã tăng lên 25 đến 30. Lực lượng tấn công phải đông gấp ba quân phòng thủ, mà lợi thế này của Ukraine không còn nữa, năm lữ đoàn thiện chiến nhất đã bị thương vong rất nhiều, đạn dược cũng phía tấn công cũng tiêu tốn nhiều hơn phòng vệ.
L’Express dẫn lời một tình nguyện quân nước ngoài cho biết, lính Nga hết sức tệ hại khi chiến đấu trong thành phố, nhưng vấn đề là họ quá đông. Theo chuyên gia Chris Dougherty, tốt nhất Ukraine nên cô lập Kherson, ngăn chặn đường tiếp tế của quân Nga.
Tuy nhiên những tuyên bố sẽ nhanh chóng phản công cũng có mặt lợi là nâng cao tinh thần người dân ở Kherson và khiến quân Nga luôn bị căng thẳng, Moskva phải điều quân từ Donbass sang khiến áp lực lên Sloviansk giảm đi. Phóng đại về cuộc phản công rồi không thực hiện rốt cuộc có thể gây thất vọng, nhưng nếu tấn công và thất bại thì còn tệ hơn. Một chiến dịch vì mục đích chính trị, bất chấp thực tế quân sự sẽ rất tai hại.
Riêng về cuộc sống ở thành phố Kherson bị chiếm đóng vô cùng nghiệt ngã, theo lời kể của những người tị nạn được The Economist ghi lại. Lính Nga, mật vụ và những cảnh sát trung thành với quân xâm lược buộc tập trung những cựu quân nhân Ukraine và những người bị nghi ngờ là phá hoại. Ở vùng quê, còn bị khám từng nhà để truy lùng các cựu binh. Theo Human Rights Watch, ít nhất 600 người dân Kherson đã mất tích, số khác bị tra tấn và người ta nghi ngờ cùng chung số phận với Bucha.
Những tờ truyền đơn ghi tên người mất tích được người dân treo lên những cành cây trong thành phố, trung tâm thương mại lớn nhất chỉ còn là đống gạch vụn. Các công ty bắt đầu trả lương bằng đồng rúp, người Ukraine có thể mở tài khoản ở hai ngân hàng mới mở của Nga, nhưng chỉ khi họ có hộ chiếu Nga. Các số điện thoại di động của Ukraine không còn hoạt động, nên những ai có internet tại nhà thường đặt bộ tiếp sóng gần cửa sổ để người qua đường kết nối được.
Trường học chuẩn bị dạy theo chương trình Nga, những ai chống đối đã bị sa thải. Các pa-nô ghi dòng chữ "Nga sẽ ở lại đây vĩnh viễn", một blogger ngậm ngùi "Chúng tôi đã bị thụt lùi 30 năm". Người Nga dọn vào cư ngụ tại các căn hộ mà chủ nhân đã di tản. Một chiến binh Ukraine đóng gần Kherson cho biết cư dân vẫn hỗ trợ quân đội bằng cách cung cấp thông tin về các vị trí Nga, nhưng đôi khi những người dân yêu nước phải trả cái giá rất đắt.
Về phía Nga trên khía cạnh kinh tế, L’Express cho biết "Hàng không, xe hơi, công nghệ… Nga đang lao đao". Dù trước mắt cú sốc cấm vận có được giảm nhẹ nhờ những biện pháp chống đỡ của Moskva, nhưng viễn cảnh rất u ám. Hy vọng tránh được suy thoái lùi xa, sức mua sụt hẳn, dự trữ của doanh nghiệp giảm dần, chảy máu chất xám. Trên 30% máy bay không thể hoạt động vì thiếu phụ tùng, lượng xe hơi bán ra sụt 70% và trang bị nghèo nàn, sản xuất hàng điện tử tiêu dùng giảm phân nửa… Về lâu về dài, tình trạng này sẽ còn nặng nề thêm.
Nhìn sang Châu Á, Courrier International nhận định "Bắc Kinh quyết tâm chiếm Đài Loan hơn bao giờ hết". Cuốn Sách Trắng về Đài Loan đầu tiên kể từ 22 năm qua nói rõ ý định sử dụng vũ lực để "thống nhất" hai nước, cho dù vẫn ưu tiên cho giải pháp hòa bình. Bạch Thư được công bố hôm 10/08 tái khẳng định "Đài Loan thuộc về Trung Quốc, đó là thực tế". Văn bản đổ lỗi cho chính quyền Đài Bắc và đặc biệt là đảng Dân Tiến "hủy hoại hòa bình và ổn định" ở eo biển, cho rằng đảng này là"chướng ngại vật cần loại bỏ" trong tiến trình thống nhất theo chính sách "nhất quốc, lưỡng chế" như Hồng Kông.
Theo Hoàn cầu Thời báo, đây là Sách Trắng "cứng rắn nhất từ trước tới nay" về Đài Loan. Trong hai Bạch Thư năm 1993 và 2000, chữ "Đài Loan độc lập" được nhắc đến 5 lần, còn lần này đến 36 lần và giọng điệu cũng nghiêm trọng hơn. Nhưng tờ Liên hiệp Tảo báo (Lianhe Zaobao) của Singapore cho rằng cho dù căng thẳng xảy ra từ chuyến thăm của bà Nancy Pelosi, Đảng cộng sản Trung Quốc không thay đổi chính sách đối ngoại do sắp đến Đại hội Đảng lần thứ 20.
Cựu thủ tướng Úc Kevin Rudd, nói rành tiếng quan thoại và là chuyên gia về văn hóa Trung Quốc, khi trả lời L’Express đã phán đoán Tập Cận Bình tự ra cho mình kỳ hạn 15 năm để chiếm được đảo quốc, tức trong lúc tại vị. Ông Tập có tham vọng nắm giữ quyền lực đến tận năm 2037, tức là thêm ba Đại hội Đảng nữa, khi đó ông ta đã 84 tuổi. Tập tuyên bố công cuộc "đại phục hưng Trung Quốc" - sẽ đạt đỉnh vào 2049 nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước - không thể thiếu việc "thống nhất" Đài Loan.
Về mối đe dọa Hồi giáo cực đoan, sự kiện nhà văn Salman Rushdie bị ám sát được tất cả các tuần báo quan tâm. L’Express chạy tựa trang nhất "Hồi giáo chống lại tự do", Courrier International nhận xét "Salman Rushdie, nỗi xúc động trên toàn thế giới". Le Point đăng chân dung nhà văn trên trang bìa với chú thích "Salman Rushdie, 33 năm trong hành lang tử thần Hồi giáo" và chạy tựa lớn"Lời cảnh báo" về "một cuộc chiến tranh đang chờ đợi chúng ta".
Tờ báo cho rằng những nhát dao đâm vào Rushdie ở New York là cảnh báo cho mọi người : hành lang tử thần của Hồi giáo chưa hề bị lãng quên. Ba mươi ba năm sau lệnh trừng phạt "fatwa" của giáo chủ Khomeyni, một tín đồ mê muội thậm chí chưa sinh ra vào thời đó, đã thực thi. Tại Hoa Kỳ cũng như Châu Âu đang có xu hướng thu mình lại như đà điểu. Sau vụ khủng bố Charlie Hebdo năm 2015, Hội Văn Bút danh giá đã tặng giải thưởng can đảm cho tuần báo này, nhưng bị phản đối bởi… trên 200 hội viên !
Ở Pháp, một số nhân vật cánh tả trước đây ủng hộ nhà văn nay không dám đề cập đến chủ đề này, chẳng hạn thủ lãnh cực tả Jean-Luc Mélenchon hoàn toàn im lặng, số khác thậm chí có thái độ đồng lõa để kiếm phiếu. Có những dân biểu thuộc đảng Nước Pháp Bất Khuất (LFI) lên tiếng bảo vệ tu sĩ Hồi giáo Hassan Iquioussen khi ông này có nguy cơ bị trục xuất vì tuyên truyền bài Do Thái, phụ nữ phải chịu khuất phục… thay vì bênh vực Salman Rushdie.
Nhà văn Kamel Daoud cho biết : "Khi là một người Algérie sống sót trước Hồi giáo cực đoan vũ trang, người ta hiểu được tính chất toàn trị của họ : Nếu chịu thua trước một luật lệ tưởng tượng, một ngày nào đó bạn không còn được quyền viết, đọc…". Nhà báo kiêm nhà văn gốc Maroc Leila Slimani viết : "Tôi mới 8 tuổi khi lệnh fatwa được đưa với Salman Rushdie, và đáng buồn thay, từ đó đến nay Hồi giáo cực đoan đã thắng trong cuộc chiến văn hóa tại nhiều nước. Bảo thủ, cố chấp, thù ghét thân thể, những đức hạnh giả tạo làm băng hoại xã hội chúng ta và bóp nghẹt ý hướng tự do". Giải Nobel văn chương người Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk cho biết riêng việc phát biểu ý kiến trên Le Point không phải là không rủi ro. Vài người bạn đã khuyến cáo nên cẩn thận, dù biết rằng ông có vệ sĩ bảo vệ. Bài học về vụ này thật cay đắng : Rushdie vẫn còn sống, nhưng phe sát nhân không hoàn toàn thất bại mà thậm chí còn có đôi chút thắng lợi.
Liên quan đến Hoa Kỳ, The Economist đăng ảnh bìa là cựu tổng thống Trump đang cầm sợi dây dẫn một chú voi con đội chiếc nón đỏ và đặt câu hỏi ở trang trong "Liệu Donald Trump có tái tranh cử ?".Nếu vậy, đảng Cộng Hòa có đề cử ông hay không ? Le Point nhận định việc FBI khám nhà ông ở Florida, đã phản tác dụng, giúp sức thêm cho Donald Trump.
Đây là sự kiện chưa từng thấy đối với một cựu tổng thống Mỹ, bị đối xử như một tên trộm, nhất là tiến hành bất ngờ và không hề tôn trọng sự riêng tư. Đành rằng từ khi rời Nhà Trắng hôm 20/01/2021, ông Trump luôn từ chối yêu cầu của cơ quan lưu trữ quốc gia đòi chuyển giao mọi tài liệu chính thức, theo như luật pháp quy định. Có thể ông đã đem về nhà, nhưng nhiều nhân chứng khẳng định Trump có thói quen xé bỏ giấy tờ. Tuần báo cánh hữu cho rằng ở đây không đơn thuần là nhu cầu lưu trữ, mà còn nhằm tìm kiếm những bằng cớ về quan hệ được cho là giữa Donald Trump và những người thân cận với những người chiếm điện Capitol hôm 06/01/2021.
Cuộc tập kích của FBI khiến cựu tổng thống phẫn nộ trước hành động "săn lùng phù thủy", và đảng Cộng hòa kịch liệt phản đối. Le Point dẫn nguồn Fox News nhận định mỗi lần FBI hay bộ Tư pháp tấn công ông Trump, lại củng cố thêm niềm tin của cử tri ông là giới tinh hoa muốn hạ bệ Donald Trump bằng mọi cách. Tương tự, Courrier International trích dẫn trang Politico cho rằng Trump sẽ nhân vụ này để tập hợp các đồng minh. "Nếu khả năng Donald Trump sẽ tái tranh cử năm 2024 là 99%, thì giờ đây đã thành 100 %".
Chuyển sang lãnh vực xã hội, tuần báo L’Obs dành trang bìa và hồ sơ cho"Liệu pháp thú nuôi", những người bạn trung thành đã giúp cho đời sống con người thêm dễ chịu. Từ đầu cuộc xâm lược, vô số hình ảnh người tị nạn Ukraine lê bước trên đường, tay ôm chú chó berger Đức hay vuốt ve con mèo đang run rẩy trong hầm trú ẩn, đã được truyền đi khắp thế giới. Nhiều người di tản còn từ chối ra đi nếu không được mang theo người bạn bốn chân của mình. Chưa bao giờ một cuộc chạy loạn lại in đậm hình ảnh chó mèo đến thế, chứng tỏ vị trí của vật nuôi đã khác hẳn.
Sau nhiều thế kỷ được nuôi để giữ nhà, bắt chuột, chó mèo nay được coi như thành viên của gia đình. Theo viện Statista, hơn phân nửa người Pháp sở hữu thú cưng, và trong thời kỳ phong tỏa vì Covid, không ít người nhờ chúng mà vượt được nỗi cô đơn. SPA (cơ quan bảo vệ súc vật) ghi nhận số lượng chó mèo được nhận nuôi trong năm 2020 đạt mức kỷ lục, đến nỗi Vatican còn lo sợ thú cưng sẽ thế chỗ cho trẻ em.
Chó mèo nay ngủ trên giường, được cho mặc quần áo nhiều khi là hàng hiệu, không còn ăn đồ thừa mà là bánh khô bio (sinh thái), uống nước suối. Hàng loạt dịch vụ dành cho chúng như khách sạn, massage, hồ bơi…, thị trường thực phẩm, chăm sóc thú cưng tại Pháp có doanh số vượt quá 5 tỉ euro. Có người vay mượn để mua chó mèo thuần chủng, cắt bớt ngân quỹ nghỉ mát để chữa bệnh cho thú nuôi, cho chó đi học.
Và nhân vật nhiều ảnh hưởng năm 2022 là một… chú mèo. Stepan, một chàng mèo Ukraine hiện có 2,4 triệu người theo dõi trên TikTok và Instagram. Mèo Stepan nổi tiếng cách đây hai năm sau khi cô chủ đăng tấm hình đang đường hoàng ngồi gác tay lên bàn bên cạnh một ly rượu vang và dĩa bánh blini. Mùa đông vừa qua khi chiến tranh nổ ra, cuộc chạy trốn khỏi Kharkov của chú mèo được đưa tin liên tục trên mạng xã hội, và đến tháng Năm, Stepan được trao tận… chân giải thưởng nhân vật trong năm, bên lề Đại hội Điện ảnh Cannes.
Thụy My
Crimea, bán đảo chiến lược ở miền nam Ukraine bị Nga chiếm năm 2014 vốn không hề hấn gì vào đầu cuộc xâm lăng, nay đang trong tầm ngắm của Kiev. Một kho đạn lớn tại phía tây đã bị nổ tung hôm thứ Ba 16/08/2022, và trước đó vào ngày 09/08, một phi trường quân sự đã bị tấn công. Ukraine dùng drone, cho lực lượng đặc nhiệm xâm nhập hay sử dụng các hỏa tiễn tự sản xuất được nâng cấp bằng công nghệ của đồng minh ?
Hình ảnh tiêu biểu của năm 2022 : các du khách Nga đang nằm phơi nắng trên bãi biển Crimea trong khi đằng xa một cột khói đen khổng lồ đang cuồn cuộn trên bầu trời.
Le Mondechạy tựa trang nhất "Ukraine : Chiến tranh đã lan đến Crimea". Le Figaronói về "Sự bối rối của Moskva sau một loạt vụ ‘phá hoại’ tại Crimea được cho là do Kiev thực hiện". Một bức ảnh có thể được xếp vào những hình ảnh tiêu biểu của năm 2022 : các du khách Nga đang nằm phơi nắng trên bãi biển Crimea trong khi đằng xa một cột khói đen khổng lồ đang cuồn cuộn trên bầu trời.
Nhiều vụ nổ đã phá hủy kho đạn của không quân Nga hôm 09/08. Bộ Quốc phòng Nga nói rằng do "vi phạm quy định phòng cháy", báoKommersantnói do "bất cẩn khi hút thuốc lá". Nhưng ảnh vệ tinh chứng tỏ phi trường bị thiệt hại nặng, theo CNN có 7 chiến đấu cơ bị phá hủy trong đó có tiêm kích Su-30 và oanh tạc cơ Su-24.
Với vụ thứ hai, các hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy kho đạn quan trọng ở làng Maiskoie bị nổ lớn từ sáng sớm, gây thiệt hại trong khu vực rộng vài trăm mét. Thống đốc "Cộng hòa Crimea" sau đó nhìn nhận có hai người bị thương và phải sơ tán trên 3.000 dân, đường xe lửa nối bán đảo với Nga ở gần đó cũng bị ảnh hưởng khiến việc vận chuyển hành khách và hàng hóa đều phải ngưng lại.
Tuy đã lấp liếm rằng vụ Ukraine tấn công vào căn cứ không quân Saky chỉ là tai nạn, lần này Moskva đành phải thông báo vụ kho đạn Djankoi bị nổ là "hành động phá hoại" nhưng không cho biết cụ thể. Về phía Kiev xác nhận vụ nổ nhưng không nhận đã tấn công. Trên lý thuyết, các địa điểm ở Crimea bị nhắm đến đều nằm ngoài tầm oanh kích của quân đội Ukraine. Căn cứ không quân Saky và kho đạn Djankoi cách tiền tuyến hơn 200 kilomet, quá xa đối với giàn phóng rốc-kết đa nòng Himars có tầm bắn 80 kilomet. Washington cũng tái khẳng định không viện trợ cho Ukraine hỏa tiễn đạn đạo ATACMS có thể bắn xa 300 kilomet.
Nếu giả thiết dùng drone hay lực lượng đặc nhiệm xâm nhập không thuyết phục được các chuyên gia quân sự, nhiều người tin rằng các hỏa tiễn do Ukraine sản xuất được nâng cấp bằng công nghệ của đồng minh. Một số nêu ra "hai hoặc ba giàn phóng" được công ty hàng không Ukraine Yuzhnoye State Design Office chế tạo, có thể bắn đi những hỏa tiễn đạn đạo trang bị hệ thống dẫn đường của các nước bạn.
Điều chắc chắn duy nhất là các vụ tấn công vào Crimea nằm trong chiến lược của Ukraine nhằm quấy phá các tuyến đường và kho hậu cần của Nga ở hậu phương, nhờ có các giàn phóng rốc-kết phương Tây. Yohann Michel, nhà nghiên cứu của IISS khẳng định "Crimea là một điểm logistic rất quan trọng với Nga, đã tập trung vô số vật liệu kể từ đầu năm 2021 để cung ứng cho toàn bộ mặt trận miền nam, từ Kherson đến Zaporijia".
Khi đánh vào các kho đạn và đường xe lửa, quân đội Ukraine hy vọng buộc Nga phải giảm lượng tiếp tế cho chiến trường, rút ngắn khoảng cách về hỏa lực mà họ phải chịu đựng từ đầu cuộc xâm lăng. Các cuộc tấn công cũng gây áp lực lên hạm đội Nga ở Hắc Hải. Đóng tại Sebastopol ở tây nam Crimea, hạm đội này phong tỏa đường biển khiến Ukraine không thể xuất khẩu ngũ cốc. Các chiến hạm và tàu ngầm Nga cũng bắn hỏa tiễn đạn đạo vào lãnh thổ Ukraine.
Tấn công sâu vào Crimea có thể buộc Moskva phải dời các chiến hạm xa khỏi quân cảng nằm cách tiền tuyến 250 kilomet. Bộ Quốc phòng Anh hôm thứ Ba nhận xét, việc này sẽ hạn chế chiến lược xâm lăng của Nga, nhất là vô hiệu hóa mối đe dọa đổ bộ vào Odessa. Nhờ đó Ukraine có thể tập trung nguồn lực để gia tăng sức ép lên bộ binh Nga ở những nơi khác.
Ngoài ra các vụ tấn công còn mang tính chính trị : chứng tỏ Ukraine không từ bỏ mục tiêu tái chiếm Crimea dù đã bị Nga chiếm đóng suốt 8 năm qua. Tetyana Ogarkova, phụ trách về quốc tế của Ukraine Crisis Media Center ở Kiev khẳng định nhờ đó tinh thần của người Ukraine lên y dựng rất cao. Nga đã xây dựng Crimea thành pháo đài, coi là bất khả xâm phạm, nhưng nay người Ukraine chứng minh rằng họ không còn sợ hãi nữa. "Khi xâm lược Ukraine, Nga đã phạm sai lầm chiến lược. Mỗi ngày trôi qua nhân dân Ukraine càng nung nấu quyết tâm thu hồi tất cả lãnh thổ bị chiếm, kể cả Donbass và Crimea".
Khi tấn công sâu như vậy vào một vùng mà nhiều người Nga đến nghỉ mát, Kiev cũng gởi thông điệp đến công luận Nga. Sau khi căn cứ Saky bị đánh, các video trên mạng xã hội cho thấy cảnh kẹt xe trên những con đường dẫn đến cầu Crimea nối bán đảo với lãnh thổ Nga, được Vladimir Putin khánh thành năm 2018. Theo Tetyana Ogarkova, những hình ảnh dân Nga đua nhau bỏ chạy chứng tỏ người Nga không sẵn sàng chiến đấu vì Crimea, họ chỉ coi đây là địa điểm thư giãn, và sự thống trị vùng đất này chỉ là giả tạo.
Le Monde nhắc lại, Moskva đã sáp nhập chớp nhoáng Crimea năm 2014 trong vòng hai tuần lễ, sau cuộc cách mạng Maidan khiến tổng thống thân Nga Viktor Yanukovich mất chức. Nhờ đó Nga có được sự hiện diện quân sự chiến lược trên Hắc Hải, khiến Ukraine khó thể gia nhập Liên Hiệp Châu Âu và NATO, làm hài lòng dân Nga và gia tăng uy tín cho Vladimir Putin. Tại Crimea, tất cả cư dân đều được cấp quốc tịch Nga, thậm chí bắt buộc. Với thời gian, người dân rốt cuộc coi như bán đảo này không còn thuộc về Ukraine.
Một bước ngoặt đã diễn ra vào tháng 2/2021, từ sáng kiến của Volodymyr Zelensky, được bầu làm tổng thống hai năm trước đó. Ông lập ra "nền tảng Crimea" nhằm đưa chủ đề này ra quốc tế, phối hợp thương thảo để "đóng góp vào việc giải tỏa tình trạng chiếm đóng" bán đảo. Hội nghị quốc tế đầu tiên hôm 23/08/2021 tập hợp 46 đại diện các quốc gia và tổ chức quốc tế, đã lên án vụ sáp nhập bất hợp pháp này. Hội nghị thứ hai dự kiến đúng một năm sau, ngày 23/08/2022 trong bối cảnh căng thẳng cực độ, sáu tháng sau cuộc xâm lược, và Crimea bắt đầu rơi vào cuộc chiến.
Trong bài xã luận "Thách thức của Zelensky tại Crimea", Le Monde nhận định không có gì lay chuyển được quyết tâm của tổng thống Volodymyr Zelensky, dù bị kẻ xâm lăng hùng mạnh áp đặt một cuộc chiến tranh bất đối xứng từ nửa năm qua. Hai vụ tấn công lần lượt mà Kiev không chính thức nhận trách nhiệm, đã viết nên một phiên bản mới : cuộc xâm lược không phải bắt đầu từ ngày 24/02/2022 mà tận 8 năm trước, ngày 27/02/2014 khi Nga chiếm Crimea, và sau đó hợp thức hóa bằng cuộc "trưng cầu dân ý" chưa bao giờ được Liên Hiệp Quốc công nhận.
Khi cố gắng đặt lại số phận Crimea trên bản đồ quân sự và lập ra "Hội đồng về giải tỏa tình trạng chiếm đóng", Volodymyr Zelensky chứng tỏ sự táo bạo. Khi tuyên bố hôm 09/08 "Cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu từ Crimea và sẽ phải kết thúc bằng việc giải phóng Crimea", ông đã đưa ra một lá bài mới. Vladimir Putin một lần nữa phải tính đến sự bền bỉ của Kiev. Đã lỡ coi Crimea là lằn ranh đỏ, Putin không có cách nào khác là phải lên tiếng nếu các cuộc tấn công được cho là của Ukraine tiếp tục, và như vậy ông ta làm nổi rõ cuộc chiến vốn muốn che giấu với dân chúng.
Về mặt huấn luyện quân sự, đặc phái viên Le Monde cho biết "Anh quốc giúp đào tạo những tân binh do Kiev gởi đến". Tờ báo mô tả khung cảnh : những vụ nổ diễn ra bên phải một tòa nhà, những loạt đạn rền vang. Các chiến sĩ lao vào, một người xem xét cửa vào có bị gài mìn hay không trong lúc đồng đội bắn yểm trợ, người khác xông lên tầng trên… dưới sự giám sát của huấn luyện viên, một thông dịch viên chạy tới lui để truyền các mệnh lệnh. Cuộc tập luyện này diễn ra hôm 15/08 tại một căn cứ quân sự ở đông nam nước Anh. Đây là ngày thứ tư và là ngày cuối cùng về cận chiến đô thị, trong khuôn khổ cuộc huấn luyện quân sự vài tuần lễ.
Từ 2015, khi bắt đầu xung đột ở Donbass, quân đội Anh đã đào tạo 22.000 quân nhân Ukraine nhưng tại các căn cứ của Kiev. Sau khi Nga kéo quân sang hôm 24/02, những căn cứ này trở nên nguy hiểm vì thường xuyên bị đánh bom nên Luân Đôn cho dời về bốn căn cứ của Anh và huy động khoảng 1.000 quân nhân để trợ giúp. Các nước khác như Hà Lan, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển cũng gởi các huấn luyện viên tăng cường.
Một người phụ trách cho biết đó chỉ là những kỹ thuật căn bản để giúp tạo phản ứng theo bản năng. Nhưng tất cả các huấn luyện viên đều rất ấn tượng trước tinh thần chiến đấu của các tân binh Ukraine chưa từng cầm súng xuất thân từ đủ mọi giới, từ 18 đến 55 tuổi trong đó có rất nhiều phụ nữ. Họ thực sự muốn học hỏi, và buổi tối tự tập lại những gì đã được dạy. Với lòng ái quốc mạnh mẽ, họ tin rằng Ukraine sẽ chiến thắng, vấn đề chỉ là thời gian.
Bên cạnh tình hình Crimea, sự kiện dân biểu Liz Cheney đại bại trước một ứng cử viên thân Trump là đề tài được báo chí Pháp đề cập nhiều hôm nay. Libérationnhận thấy "Chống lại Donald Trump, Liz Cheney thất bại". Le Figarocho rằng "Bại trận nhưng Liz Cheney vẫn không xuôi tay". Tương tự vớiLe Monde "Thất cử, Liz Cheney tiếp tục cuộc chiến chống Trump", cònLes Echos vẽ nên chân dung con gái của cựu phó tổng thống Dick Cheney, nhân vật số 3 của đảng Cộng hòa.
Le Figaro nhận định thế là chỉ còn sót lại có 2 trong số 10 dân biểu Cộng hòa ủng hộ truất phế ông Donald Trump sau vụ xâm nhập vào điện Capitol hôm 06/01/2021. Libérationđếm ngược lại : đã có 8 người hoặc bị đánh bại, hoặc rút lui khỏi chính trường, 2 người thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc nhờ cách chỉ định ứng viên của tiểu bang họ, nhưng đều có nguy cơ thua cuộc trong kỳ bầu cử tháng 11. Donald Trump đã trả được mối thù.
Dù đã dự đoán trước, nhưng cái tát quả là đau điếng. Cho đến phút cuối, phe Cheney đặt trọn hy vọng vào lá phiếu của những người Dân chủ và độc lập, nhưng chiến dịch gõ cửa từng nhà ở bang Wyoming vẫn không tạo được phép lạ. Đối thủ Harriet Hageman được cựu tổng thống Trump ủng hộ đã bỏ xa Liz Cheney đến 37 điểm, ngay tại lãnh địa mà bà đã ngự trị suốt 3 nhiệm kỳ và trước đó người cha Dick Cheney cũng được tín nhiệm trong 10 năm. Le Mondeghi nhận, bà bị coi là "con rối của Pelosi" do chấp nhận đề nghị của Nancy Pelosi – một trong những khuôn mặt bị phe Cộng hòa ghét nhất – giữ chức phó chủ tịch ủy ban điều tra về vụ tấn công Capitol.
Liz Cheney không cho biết sẽ ra tranh cử tổng thống năm 2024 hay không, nhưng cha bà không giấu giếm ý định là bà sẽ "đi đến cùng để ngăn cản Donald Trump tiến lại gần Phòng Bầu Dục". Theo trang web Cowboy State Daily ở Wyoming, Liz Cheney nhắm xa hơn, đến năm 2028, khi Donald Trump chỉ còn là kỷ niệm. Tuy nhiên bà có nguy cơ khó thoát được cái nhãn "kẻ phản bội", do sẵn sàng bầu lại cho Joe Biden thay vì ủng hộ đảng của mình, và trở thành con số không trên chính trường như Donald Trump đã "trù ẻo".
Nhìn sang Châu Á, Le Monde chú ý đến việc "Quá cảnh gây tranh cãi của một tàu ‘gián điệp’ Trung Quốc ở Sri Lanka". Ấn Độ và Hoa Kỳ đã gây áp lực để ngăn cản chiếc tàu "Viễn Vọng 5" (Yuan Wang 5) và 2.000 thủy thủ của nó neo đậu ở cảng Hambantota, nhưng không thành công.
Báo chí Ấn Độ dẫn lời các chuyên gia cho biết chiếc tàu thám sát dài 222 mét mà Bắc Kinh nói rằng "không phải là tàu quân sự", thực ra được sử dụng để bổ sung cho các trạm mặt đất theo dõi việc phóng vệ tinh, hỏa tiễn và hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa của quân đội Trung Quốc. Về địa chính trị, Hambatota nằm trên tuyến đường nối Đông Nam Á với Châu Phi và Đông Á. Cảng nước sâu này là thành phần của Con đường tơ lụa mới, đồng thời là biểu tượng cho bẫy nợ Trung Quốc đã làm Sri Lanka mất khả năng chi trả.
Sự kiện trên đây là thất bại cho chính sách ngoại giao của Ấn Độ, tuy đã hào hiệp với đất nước có tên cũ là Tích Lan từng là thuộc địa Anh, với nhiều món tín dụng. Đối với Sri Lanka, bị kẹt giữa hai láng giềng khổng lồ, phải chiều theo Trung Quốc vì sợ chủ nợ Bắc Kinh phá rối cuộc thương lượng với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để vay món tiền mà nước này đang khẩn cấp cần đến.
Thụy My
Nga oanh kích gần nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia miền trung Ukraine
Trọng Thành, RFI, 1/08/2022
Cuộc oanh kích của quân Nga trong đêm ngày thứ Ba qua ngày thứ Tư 10/08/2022, tại khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia, 14 người chết và 13 người bị thương, theo chính quyền tỉnh Dnipropetrovsk.
Một hố tên lửa do Nga oanh kích vào khu định cư Kushuhum, ở vùng Zaporijjia (Ukraine) ngày 10/08/2022. Reuters - Stringer
Hãng tin Pháp AFP dẫn lời thống đốc tỉnh Dnipropetrovsk, ông Valentin Reznitchenkoa, phát biểu trên mạng Telegram, theo đó quân đội Nga dùng tên lửa đa nòng Grad oanh kích thị xã Marganets, đối diện với nhà máy hạt nhân, bên kia sông Dniepr, và ngôi làng Vychtchetarassivka. Sáng ngày 10/08, làng Kuchugum gần đó cũng là mục tiêu tấn công của 4 tên lửa. Theo thống đốc tỉnh, bốn ngôi nhà dân đã "hoàn toàn bị phá hủy. Hàng chục ngôi nhà khác không còn mái, và cửa sổ. Điện và nước bị cắt đứt". Tổng cộng 80 trái hỏa tiễn đã được bắn đi, và quân Nga "đã cố tình bắn vào một số khu dân cư, nơi nhiều người đang ngủ tại nhà mình".
Sau cuộc oanh kích nói trên, tối ngày 10/08, tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, trong buổi họp báo hàng ngày, tuyên bố "các đơn vị vũ trang Ukraine, các lực lượng tình báo và an ninh Ukraine sẽ có các biện pháp đáp trả sau cuộc tấn công của quân Nga nhắm vào thị xã Marganets.
Nhà máy Zaporijjia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Châu Âu. Hôm qua, nhóm 7 cường quốc công nghiệp phát triển (G7) đã ra thông cáo yêu cầu Nga "trao trả ngay lập tức" toàn bộ quyền kiểm soát hợp pháp nhà máy điện này cho chính quyền Kiev. G7 cảnh báo : Nếu Nga tiếp tục kiểm soát nhà máy điện nói trên, an ninh toàn khu vực sẽ "lâm nguy".
Trong tuần qua, hai chính quyền Kiev và Moskva cáo buộc nhau về việc khu vực nhà máy điện hạt nhân bị oanh kích. Hiện tại, không có nguồn tin độc lập nào để xác minh thông tin của các bên. Theo một số nguồn tin, chiều hôm nay, theo yêu cầu của Nga, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc có cuộc họp khẩn về chủ đề này.
Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (AIEA), Rafael Grossi, đã thông báo với Hội đồng Bảo an về tình trạng "hết sức nghiêm trọng" tại nhà máy điện hạt nhân. Về phần mình, tổng thống Ukraine cảnh báo nguy cơ xảy ra một tai nạn hạt nhân, như kiểu vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Tchernobyl, miền bắc Ukraine, vào năm 1986, dưới thời Liên Xô.
Trọng Thành
**********************
Thùy Dương, RFI, 09/08/2022
Trong bối cảnh Moskva và Kiev vẫn tiếp tục đổ lỗi cho nhau về các vụ tấn công vào nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia ở miền nam Ukraine, nhà máy điện nguyên tử lớn nhất Châu Âu và hiện đang bị quân Nga chiếm giữ, Kiev hôm 08/08/2022 kêu gọi thiết lập vùng phi quân sự quanh nhà máy Zaporijjia và cho rằng cần có sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại khu vực này.
Nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia tại Enerhodar, vùng Zaporjijia, Ukraine, ngày 04/08/2022. Reuters – Alexander Ermochenko
Phát biểu trên truyền hình hôm 08/08, ông Petro Kotine, lãnh đạo tập đoàn năng lượng Nhà nước Ukraine Ernergoatom, kêu gọi "cộng đồng quốc tế và mọi đối tác" của Ukraine "làm mọi điều cần thiết" để "quân xâm lược rút khỏi khu vực có nhà máy điện hạt nhân" và để "lập một khu vực phi quân sự hóa". Quan chức Ukraine nhận định, một khi lực lượng mũ nồi xanh kiểm soát khu vực này thì sự hiện diện của họ sẽ cho phép giải quyết mối lo cơ sở hạt nhân bị tấn công.
Trong khi đó, theo AFP, cũng trong ngày hôm qua, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói đến nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân Zaporijjia như vụ nổ Tchernobyl hồi năm 1986. Mọi chuyện còn có thể tồi tệ hơn nhiều bởi Tchernobyl chỉ bị nổ 1 lò hạt nhân, còn nhà máy Zaporijjia thì có tới 6 lò hạt nhân.
Về phía Mỹ, phát ngôn viên Nhà Trắng, Karine Jean Pierre, hôm qua kêu gọi "Nga ngưng mọi chiến dịch quân sự trong và xung quanh các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine và trao trả lại quyền kiểm soát" những nơi này cho Ukraine.
Thùy Dương
***********************
Minh Anh, RFI, 08/08/2022
Nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia của Ukraine là cơ sở lớn nhất Châu Âu, lần thứ hai bị bắn phá trong vòng hơn 24 giờ. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, đang công du Nhật Bản, hôm 08/08/2022 kêu gọi "chấm dứt mọi cuộc tấn công tự sát" và tạo thuận lợi cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử AIEA tiếp cận địa điểm để thanh sát.
Một quân nhân, với quân phục có hình cờ Nga, đứng gác gần nhà máy điện hạt nhân Zaporijiia, ngoại ô thành phố Enerhodar do Nga kiểm soát ở vùng Zaporijiia, Ukraine ngày 04/08/2022. Reuters - Alexander Ermochenko
Theo AFP, giống như các cuộc pháo kích hôm thứ Sáu 05/08 nhắm vào cơ sở hạt nhân nằm ở phía nam Ukraine, rơi vào tay quân Nga hồi đầu tháng Ba năm nay, hôm qua, Chủ nhật, 07/08, cả Nga và Ukraine đều quy trách nhiệm cho nhau về vụ tấn công.
Chính quyền thành phố Energodar do Nga dựng lên, tố cáo quân đội Ukraine đã nã pháo trùm trong đêm thứ Bảy rạng sáng Chủ nhật bằng loại pháo đa nòng Ouragan. Theo lời giới chức thành phố, "các mảnh vỡ và động cơ của đạn pháo trùm nằm cách một lò phản ứng có 400m", và vụ oanh kích này đã làm hỏng nhiều tòa nhà hành chính và bắn trúng vào "vùng cất giữ các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng".
Về phần mình, tập đoàn năng lượng Nhà nước Ukraine Energoatom thông báo một nhân viên đã bị thương phải nhập viện do "tiếng nổ từ một quả đạn pháo do Nga bắn tối thứ Bảy". Cũng theo cơ quan này, "ba thiết bị giám sát bức xạ xung quanh địa điểm đã bị hư hại (…) Hậu quả là không thể đo được mức độ phóng xạ cao và khó thể can thiệp đúng lúc".
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) hôm thứ Bảy đánh giá tình hình "đáng báo động" trước những thông tin đến từ trung tâm hạt nhân. Đang thăm Tokyo, Nhật Bản, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres tuyên bố : "Mọi cuộc tấn công nhắm vào các trung tâm hạt nhân là một hành động tự sát. Tôi hy vọng rằng các cuộc tấn công này sẽ chấm dứt. Đồng thời, tôi cũng mong rằng AIEA có thể tiếp cận được trung tâm Zaporijjia"
Minh Anh