Trên nhiều mạng tự do truyền đi lá thư của ông Hữu Thỉnh chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam gửi nhà văn - nhà báo Phan Nhật Nam thời Việt Nam Cộng Hòa hiện sống ở Hoa Kỳ, và lá thư công khai trả lời của tác giả "Mùa hè đỏ lửa".
Biểu tình tại Hà Nội chống Trung Quốc. "Hãy hòa giải với hàng trăm công dân đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, chống bành trướng đang bị cầm tù".
Hai bức thư rất đáng đọc và suy nghĩ, cả người Việt sống trong nước và người Việt sống ở hải ngoại cần tìm đọc, trên trang Facebook của nhà văn Trần Mạnh Hảo.
Phải chăng lãnh đạo đảng cộng sản nghiêm chỉnh muốn thăm dò để thực hiện việc hòa giải và hòa hợp dân tộc họ cố tình bỏ quên suốt 42 năm nay ?
Tại sao bộ máy trong nước làm rùm beng về việc trong sách giáo khoa mới, các danh từ "ngụy quân, ngụy quyền" không còn được dùng, thay vào đó là "chính quyền, quân đội của Việt Nam Cộng Hòa" ? một sự chậm trễ đến hơn 40 năm ?
Phải chăng lãnh đạo đảng đã thành thật sám hối về việc bội ước, nuốt chửng lời hứa "Hòa hợp hòa giải dân tộc" mà họ đã cam kết trên giấy trắng mực đen trong Hiệp ước Geneve 1954, và lắp đi lắp lại trong Hiệp ước đình chỉ chiến sự ký tại Paris năm 1973 ? nhất là lời cam kết "tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam, không dùng vũ lực để thôn tính nhau"… và nay họ chủ động giang tay thân thiết để thật sự hòa giải và hòa hợp anh em ruột thịt với nhau nhằm chung sức xây dựng đất nước thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh ?
Tôi từng sống chung gần gũi với Hữu Thỉnh khi báo Quân đội Nhân dân và tạp chí Văn nghệ Quân đội của Hữu Thỉnh ở sát bên nhau, chung một bếp ăn trên đường Lý Nam Đế, Hà Nội. Tôi rất hiểu, Hữu Thỉnh không có được cái tâm của nhà văn Nguyễn Minh Châu khi cất tiếng lên án "nền văn học minh họa", không có cái dũng của các nhà văn Chế Lan Viên, Nguyễn Khải… cuối đời thương xót ăn năn cho ngòi bút tay sai viết thuê tệ hại của mình.
Tôi cũng từng nhiều lần gặp Phan Nhật Nam, từ tháng 1/1973 trong 60 ngày ở Sài Gòn trong Ban liên hợp 4 bên, cùng đi trên trực thăng đến Qui Nhơn, Cần Thơ, Pleiku, lại cùng đi trên C130 ra Hà Nội, thăm trại giam Hỏa Lò, cùng ăn cơm trên đường Bà Triệu với những trao đổi có lúc căng thẳng, cũng có lúc rất thư giãn, trong lòng không hề hận thù nhau, có lúc còn tâm sự với nhau rằng, chúng mình là con đẻ của thời thế (thời thế thế nào tất mình phải thế), rằng nếu cậu ở miền Bắc cậu sẽ có thể như mình, nếu mình ở miền Nam sẽ có thể như cậu…
Để rồi đến khi sang Hoa Kỳ gặp lại nhau, chúng tôi trở thành thân quen, khi Phan Nhật Nam kết rất thân với nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, ở chung một nhà, Nam hay gọi tôi là "ông anh đáng quý" và tâm sự với nhau.
Tôi rất hiểu Nam. Anh sống giản dị, rất tình nghĩa, ngay thật với chính mình, ngay thật với mọi người. Đúng là người lính cầm bút, vâng lệnh đồng bào của mình, tổ quốc của mình, trung thành đến cùng với trách nhiệm.
Phải chăng đến nay ông tổng Trọng và Bộ chính trị đang bị bủa vây bởi quá nhiều vấn đề nan giải, hóc búa, bế tắc về kinh tế, tài chính, môi trường, đối ngoại, xã hội… nên phải tìm ra lối thoát, vuốt ve, gạ gẫm theo kiểu chiêu hồi khi Nghị quyết tranh thủ bà con hải ngoại từ mấy năm trước đã tan thành mây khói ? Nhưng chậm quá rồi !
Lá thư của Hữu Thỉnh yếu thế lắm. Viết văn, làm văn học mà ngớ ngẩn vụng dại, sơ hở đến thế là cùng. Vẫn là kiểu chiêu hồi cũ rích. Vẫn là kiểu trịch thượng cố hữu vô duyên, không có cách nào từ bỏ. Lại còn mồi chải thớ lợ, sẽ chi các khoản vé máy bay, ở khách sạn, chi tiêu cho khách đặc biệt…
Lẽ ra phải có lời xin lỗi, hay như lời của Giáo sư Đào Công Tiến, là phải có lời sám hối và xin lỗi vì đảng cộng sản đã chủ động gây nên cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, phải chịu trách nhiệm chính về biết bao chết chóc, thương vong, đau khổ, mất mát cho dân tộc, của các bên, kéo quá dài, quá sức chịu đựng của nhân dân. Đây là món nợ máu do sùng bái bạo lực, sùng bái học thuyết Mác-Lênin đã bị toàn thế giới lên án là tội ác chống nhân loại.
Cho nên Người lính-cầm bút trả lời rất thẳng thừng, chững chạc, dứt khoát, đá lại quả bóng về phía đối phương.
Nếu các ông muốn hòa giải, hòa hợp, xin hãy hòa giải trước hết với những người đã chết. Hãy để bà con ở hải ngoại về chăm sóc các nghĩa trang Biên Hòa, Thừa thiên – Huế, mộ các chiến sĩ chống Trung Quốc xâm lược ở Hoàng Sa, Trường Sa, Gạc Ma… Hãy hòa giải với hàng trăm công dân đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, chống bành trướng đang bị cầm tù ở trong nước. "Nếu được vậy, chúng tôi sẽ về ngay, về rất đông, về hết".
Có nhà bình luận cho rằng nhà văn Phan Nhật Nam đã trả lời rõ ràng, như một cái tát đích đáng, lịch sự, vả vào mặt nhà văn Hữu Thỉnh.
Một cái tát làm cho ông tổng Lú cũng cảm thấy đau lây trên chiếc má hom hem của mình.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 23/09/2017
Gần đây dưới sự lãnh đạo của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chính quyền đảng trị đã có một hình thức kỷ luật mới đối với những cán bô đảng viên họ cho là có khuyết điểm nghiêm trọng.
Ông Vũ Kim Cự bị cách chức, bãi miễn tư cách Đại biểu quốc hội nhiệm kỳ vừa qua, đồng thời bị cách chức Ủy viên Ban thường vụ đảng ủy tỉnh Hà Tĩnh cách đây 8 năm.
Đó là hình thức "cách chức những chức vụ" mà đương sự đã từng trải qua trong quá khứ, "miễn nhiệm chức vụ chính quyền" đương sự đã đảm nhiệm trong một hay vài nhiệm kỳ trong quá khứ.
Hình thức kỷ luật này lần đầu tiên được áp dụng cho ông Vũ Huy Hoàng - nguyên bộ trưởng Bộ Công Thương từ năm 2007 đến năm 2016, đã về hưu - theo quyết định của Chủ tịch nước tháng 4/2016 : "miễn nhiệm ông Vũ Huy Hoàng trong chức vụ Bộ trưởng Công thương trước đây ;" cùng thời điểm này, Ban Bí thư TƯ cũng ra quyết định "cách chức Bí thư Ban cán sự đảng bộ bộ Công Thương từ năm 2011 đến năm 2016" của ông Vũ Huy Hoàng, "nay đã về nghỉ hưu".
Người thứ 2 chịu hình thức kỷ luật này là ông Vũ Kim Cự trong vụ án phá hủy môi trường ven biển miền Trung của Công ty Formosa, bị Ban Thường vụ Quốc hội "cách chức, bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ vừa qua", đồng thời bị Ban bí thư ra quyết định "cách chức Ủy viên Ban thường vụ đảng ủy tỉnh Hà Tĩnh" mà ông Cự từng đảm nhiệm cách đây 8 năm.
Hình thức kỷ luật cách chức, bãi miễn, thu hồi các chức trách, tư cách cấp ủy, đại biểu quốc hội trong quá khứ là hình thức chưa từng có, ở Việt Nam cũng như ở bất cứ nơi nào khác. Bởi vì nó vô lý, không có cơ sở thực tiễn.
Vì các chức vụ mà các đương sự đã từng đảm nhiệm, gắn bó với mọi việc làm trong quá khứ đã trôi qua là những sự thật hiển nhiên, không ai có thể xóa bỏ, thay đổi, xuyên tạc hay phủ nhận được. Đó là những sự thật cứng đầu, bướng bỉnh, tồn tại mãi như nó từng có, làm sao có thể đi ngược giòng thời gian để xóa bỏ, bãi miễn bằng quyết định chủ quan của bất cứ ai, nếu người đó không bị điên rồ, lú lẫn, mất nhận thức về sự thật.
Cũng do đó mà không có hình thức kỷ luật nào, không có một pháp luật nào quy định một hình thức xử lý sai lầm, tội lỗi, vi phạm nào vô lý, kỳ lạ như thế.
Thời gian là một hiện tượng chảy xuôi, từ quá khứ, qua hiện tại, đến tương lai như dòng chảy của một con sông. Con người tồn tại chỉ có thể chấp nhận quá khứ, chịu đựng quá khứ, tác động đến hiện tại, đến tương lai, chứ không thể thay đổi được quá khứ như nó đã từng có.
Chính do đó mà ông luật sư Trần Quốc Thuận đã phải nhận xét hình thức kỷ luật như trên là "nhập nhằng pháp lý". Các đương sự bị kỷ luật do phạm sai lầm trong khi đảm nhận các chức vụ, nay cách chức, bãi miễn các chức vụ ấy coi như không có thật, sao lại còn kết tội họ. Thật là luẩn quẩn, phi lý.
Rất mong sẽ có nhiều nhà ngôn ngữ học, xã hội học, pháp luật học, chính trị học phát biểu về hình thức kỷ luật "mới mẻ", "sáng tạo", "độc đáo" này.
Mong rằng sau này sẽ không có chuyện ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bị cách chức, bãi miễn chức tổng bí thư từ năm 2011 đến năm 20…, do thất bại nặng nề trong cam kết quét sạch nạn nội xâm tham nhũng, và do cái trọng tội hèn với giặc ác với dân, để nhân dân Việt Nam phải chịu ách thống trị Bắc thuộc khi ông là nhân vật lãnh đạo số 1 của đất nước.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 20/09/2017
Việc chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đích thân chỉ đạo đã có dấu hiệu nhúc nhích theo hướng tiến lên.
Nguyễn Phú Trọng : Chống tham nhũng phải kiên trì, làm đi làm lại như đánh răng rửa mặt hàng ngày - Ảnh VietnamNet
Tòa án xét xử vụ án tham ô tại ngân hàng Đại dương – Ocean Bank đã tuyên án tử hình đối với nguyên Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Sơn, án tù chung thân đối với nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị Hà văn Thắm và các đồng phạm khác từ 27 năm đến 3 năm tù giam.
Thế nhưng có những vụ án tham nhũng lớn hơn vẫn dẫm chân tại chỗ, thậm chí đã bị truy tố từ lâu, vẫn chưa được xét xử.
Về trách nhiệm rất lớn của Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý cả hệ thống ngân hàng trong nước, mới có nguyên phó Thống đốc Đặng Thanh Bình bị khởi tố, còn người có trách nhiệm chính là nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Bình vẫn chưa bị đụng đến, phải chăng vì ông là Ủy viên Bộ Chính trị ?
Tại Bộ Công thương, vụ án cực lớn dưới thời nguyên bộ trưởng Vũ Huy Hoàng (từ năm 2011 đến năm 2016) với hàng chục dự án thất thoát đến 30.000 tỷ đồng vẫn chưa bị khởi tố. Ông Vũ Huy Hoàng mới chỉ bị kỷ luật theo một cách thức kỳ lạ, không bình thường là bị "xóa tư cách nguyên bộ trưởng công thương" mà ông từng đảm nhiệm và đã về hưu, cũng như bị "cách chức Bí thư ban cán sự đảng ủy Bộ công thương" mà ông từng đảm nhiệm từ năm 2011 đến năm 2017, do sai lầm đưa ông Trịnh Xuân Thanh về công tác ở Bộ do ông phụ trách và đã đề bạt con trai Vũ Quang Hải làm giám đốc một công ty dưới quyền ông. Ông cũng bị giữ không cho xuất cảnh, nhưng chưa bị truy tố.
Vụ án quan trọng hơn nữa là vụ đại án Trịnh Xuân Thanh tham nhũng làm thất thoát hơn 3.000 tỷ đồng mà ông Tổng bí thư quyết cho một tốp mật vụ sang tận Berlin bắt cóc về để trị tội, vẫn chưa được xử.
Trong tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì Ủy ban phòng chống tham nhũng và hạ quyết tâm xét xử xong các đại án trong năm 2017.
Sao lại có tình hình đình trệ trong việc mở các phiên tòa xét xử các vụ án lớn nhất khi các bị can có người đã bị khởi tố và bắt giữ, chờ để ra tòa ?
Câu trả lời chỉ có thể là ông Tổng bí thư và Bộ Chính trị vừa đánh tham nhũng lại vừa run. Các vụ án có sự đối xử khác nhau, theo các tốc độ, thước đo khác nhau, tùy theo đối tượng, theo phe cánh.
Vì có gì đảm bảo là những Nguyễn Văn Bình, Đinh La Thăng, Vũ Huy Hoàng, Trịnh Xuân Thanh… khi bị truy hỏi trước tòa không phun ra hết mọi thủ đọan đút lót, ăn chia, tung hê ra công luận mọi sự thật về những đường giây, ngõ ngách, cung cách ăn vụng rồi chùi sạch mép trong bộ máy của đảng và nhà nước mà tệ tham nhũng lan tràn như bệnh dịch, được các cơ quan điều tra quốc tế xếp vào loại hàng đầu của thế giới và khu vực ?
Các quan lớn trong bộ máy đảng trị quen ngồi trên pháp luật mới đây không khỏi giật mình khi bà đại biểu quốc hội Châu Thị Thu Nga, tổng giám đốc công ty nhà đất Housing Group, bị truy tố bắt giam hơn một năm nay về tội kinh doanh bất chính, vừa ra tòa, khai báo giữa tòa rằng bà đã chi 30 tỷ đồng, để lo lót cho các cấp để được trúng cử Đại biểu quốc hội của thủ đô, tuy bà là công dân xứ Huế, rồi được vào Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, làm phó chủ tịch hội doanh nghiệp trẻ. Bà chưa dám, hay chưa muốn kể tên họ các quan chức trung ương và địa phương đã nhận hàng trăm phong bì của bà. Chắc chắn có nhiều quan lớn giật mình lo sợ bị kể tên. Và ông Tổng bí thư và Bộ Chính trị không khỏi mất ngủ về sự kiện này.
Cho nên khó lòng cả 12 vụ đại án định dứt điểm trong năm 2017 khó lòng hoàn thành đúng kỳ hạn. Cái lò chống tham nhũng của cụ Tổng lú có khi cháy thật to, có khi như bị dội nước cho nguội lạnh là vì sao ?
Riêng vụ Trịnh Xuân Thanh bị giam giữ lâu, mất hoàn toàn tự do, không cho tiếp xúc với bố, con, anh em, bạn bè, luật sư, dù chưa bị tuyên án tù, là điều phạm luật, khó giải thích trôi chảy cho dư luận xã hội cũng như cho công luận quốc tế, nhất là cho Cộng hòa liên bang Đức, các nước Liên Âu và toàn thế giới.
Ông tổng bí thư và Bộ Chính trị từng hứa hẹn, cam kết thẳng tay xử lý nghiêm minh kẻ tội phạm tham nhũng, bất kỳ ở đâu, có chức vụ gì, không có khu vực cấm, vùng cấm, cứ chiếu theo kỷ luật và pháp luật.
Vậy tại sao lại e ngại, chậm trễ, vừa đánh lại vừa run đối với các vụ án lớn nhất đụng đến các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương, nguyên bộ trưởng…, lẽ ra phải ưu tiên xét xử công khai, đàng hoàng, những vụ án phạm pháp, gây nên những tổn thất to lớn nhất cho đất nước và làm mất uy tín quốc gia trước thế giới cũng như làm mất niềm tin của đông đảo nhân dân.
Theo tin của Bộ giáo dục, một giáo trình giảng dạy về nhân quyền sẽ được thực hiện từ cấp mẫu giáo cho đến cấp đại học, được thí nghiệm kể từ năm 2018 cho đến năm 2025 thì hoàn chỉnh.
Poster của tổ chức VOICE nhân thời điểm tổ chức UPR của Liên Hiệp Quốc từ 15 tháng Chín.
Đây là một tin làm dư luận xã hội bàn tán theo các xu thế khác nhau. Có ý kiến hoan nghênh, vì cho đó là một tiến bộ, một thiện chí của chế độ muốn hội nhập với thế giới văn minh hiện đại.
Trái lại dư luận nổi lên nhiều nghi ngờ, và đặt ra nhiều câu hỏi. Một chế độ hèn với giặc, ác với dân, đàn áp thô bạo mọi người có chính kiến khác mình, chuyên vi phạm nhân quyền, nay lại dám đề ra việc giảng dạy nhân quyền có hệ thống, liệu có đáng tin hay không ?
Trước hết tin này được đưa ra đúng vào lúc Liên Hợp Quốc chuẩn bị cuộc rà soát định kỳ phổ quát (5 năm 1 lần) về thực hiện quyền con người trên toàn thế giới, gọi tắt là cuộc rà soát UPR- Universal Periodic Review, trong đó có việc xem xét tình trạng tôn trọng quyền con người tại Việt Nam. Theo yêu cầu của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Việt Nam sắp phải lên mâm để Hội đồng xem xét hạnh kiểm về mặt này, trong khi các cơ quan quốc tế như bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bộ Ngoại giao Cộng hòa liên bang Đức, Bộ Ngoại giao Hà Lan, tổ chức Amnesty International, Phóng viên không biên giới RSF… đều phàn nàn là Việt Nam đang xuống cấp một cách tệ hại, tự do ngôn luận bị cấm đoán, có quá nhiều tù chính trị trá hình là tù hình sự, nhiều công dân bị tra tấn đến chết trong đồn công an… Họ đòi phải đưa Việt Nam trở lại là nước CPC – Đáng quan tâm đặc biệt (Country of Particular Concern) về tôn trọng nhân quyền.
Cũng đúng vào lúc này Việt Nam Thông tấn xã ra một bản tin tổng hợp kể lể về «Việt Nam đã tôn trọng ra sao cam kết tôn trọng nhân quyền trong mấy năm qua", khoe khoang trâng tráo không biết hổ thẹn là gì, theo kiểu lừa bịp, nói lấy được, nhưng vải thưa không sao che được mắt thiên hạ.
Nếu như thật sự chính quyền độc đảng muốn đưa việc giáo dục giảng dạy nhân quyền vào nhà trường từ cấp mẫu giáo lên đến cấp đại học, thì trước tiên Bộ Chính trị và Quốc hội hãy làm gương mẫu.
Hãy ban hành sớm Luật về biểu tình, về Lập hội, lập Công đoàn độc lập bị trì hoãn quá lâu, làm cho việc thi hành nhiều điều khoản then chốt của Hiến pháp bị đình trệ suốt 70 năm nay.
Hãy phục hồi gấp quyền sở hữu đất đai đồng ruộng cho nông dân bị đảng tịch thu theo chính sách «đất đai thuộc quyền sở hữu của toàn dân, do Nhà nước thay mặt quản lý» để cướp ruộng đất của nông dân, dưới danh nghĩa «thu hồi» và bồi thường rẻ mạt.
Hãy trả ngay tự do cho hàng trăm tù nhân chính trị và tôn giáo, như Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Anh Kim, Nguyễn Hữu Vinh, Mẹ Nấm – Như Quỳnh, Trần Thúy Nga… những chiến sĩ tiêu biểu kiên cường đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ của nhân dân và chống bọn ngoại xâm bành trướng Trung Quốc.
Đây là những việc làm cấp bách của Bộ Chính trị và Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi Liên Hợp Quốc sắp xem xét nghiêm khắc hạnh kiểm Nhân quyền trong cuộc rà soát kiểm điểm định kỳ UPR, và khi Việt Nam sắp đăng cai cuộc họp quốc tế APEC cuối năm nay, nếu không muốn bị cô lập và tẩy chay.
Chỉ sau khi làm những việc trên, sự giảng dạy về nhân quyền trong các trường học mới có cơ sở chân thực đáng hoan nghênh, giữa lúc một số sinh viên trong nước vừa đứng ra lập nên "Hội Sinh viên Nhân quyền" để đấu tranh giành quyền con người và nhân phẩm bị chà đạp. Một việc làm đúng lúc, đáng ca ngợi.
Việc tôn trọng nhân quyền càng trở nên cấp bách khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ Cộng hòa liên bang Đức và vụ doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình kiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra trước vành móng ngựa của Tòa trọng tài Quốc tế đang phơi bày rõ hơn bao giờ hết bộ mặt nhọ nhem rất khó coi của một nhà nước độc đảng ngang nhiên chà đạp nhân quyền có hệ thống, coi thường các cam kết quốc tế của mình giữa thế giới văn minh, hiện đại.
Tôi có anh bạn Mỹ khá thân, Thomas Bass, giáo sư tiếng Anh, giảng dạy môn báo chí Đại học Albany ở bang New York, Hoa Kỳ.
Tác giả Thomas Bass.
Chúng tôi quen nhau từ năm 1976, khi cùng nhau gặp Trung tá Hai Trung – Phạm Xuân Ẩn, cán bộ tình báo huyền thoại, tại Sài Gòn để viết bài.
Năm 1955, khi được cử ở lại miền Nam, thâm nhập bộ máy Việt Nam Cộng Hòa, Ẩn là thiếu tá tình báo. Hai Trung là bí danh của Trung tá Phạm Xuân Ẩn năm 1975. Tháng 1 năm 1976 được phong Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân, cuối năm 1979 mới được lên cấp Đại tá. Cuối năm 1990 được phong Thiếu tướng, khi chuẩn bị về hưu ; mất tháng 9/2006 do bệnh ung thư phổi. Theo lời Ẩn, họ phong Anh hùng, Thiếu tướng cho ông không phải do đánh giá cá nhân ông, mà chủ yếu là để khoe thành tích nổi bật của ngành tình báo ! Họ rất dè xẻn khi phong cấp cho ông, do ông đi xe Renault 4, nuôi con chó berger, sống kiểu tư sản !
Cuối năm 1976, tại Đại hội đảng toàn quân, khi nghỉ giải lao, tôi có dịp dẫn Phạm Xuân Ẩn đến chào, gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người từng nhận nhiều bản báo cáo tình báo quý giá của Hai Trung, nay mới có dịp gặp mặt.
Đã có nhiều bài báo và cuốn sách viết về Phạm Xuân Ẩn.
Nổi bật nhất là cuốn "X6 - Perfect Spy" - X6 - Điệp viên hoàn hảo, của Larry Berman ra mắt tại Hoa Kỳ tháng 10/2007, được dịch sang tiếng Việt tháng 9/2013 – nhà xuất bản Trí Việt. Cuốn sách này được dịch nguyên văn, do trúng theo "gu" khoe khoang – đẹp đẽ phô ra - của Hà Nội. Tác phẩm này đang được chuyển sang bộ phim dài nhiều tập, cũng do L. Berman viết kịch bản.
Trong nước, Nguyễn Thị Ngọc Hải ra cuốn "Phạm Xuân Ẩn – tên người như cuộc đời" ăn khách, ca ngợi một chiều theo kiểu tô vẽ, bốc đồng.
Cuốn sách tiếng Anh thứ 2 về Phạm Xuân Ẩn là "The spy who loved us – The Viet Nam war and Pham Xuan An’s dangerous game" – "Điệp viên yêu chúng ta – Chiến tranh Việt Nam và trò chơi nguy hiểm của Phạm Xuân Ẩn" của Thomas Bass, do Public Affairs xuất bản năm 2009, sinh động, chân thật.
Chính cuốn sách này khi được dịch sang tiếng Việt do nhà xuất bản Nhã Nam - Hồng Đức ở trong nước đảm nhiệm gặp rắc rối với tác giả, sau khi ra mắt năm 2009 với tít sách là "Điệp viên Z21- Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ".
Tháng 8/2017 vừa qua, Thomas Bass đã sang Pháp gặp tôi để tâm sự về chuyện dịch cuốn sách của anh tại Việt Nam, sự không hài lòng của anh về lưỡi kéo kiểm duyệt của ngành an ninh văn hóa và thái độ cố chấp rất đáng trách của các biên tập viên nhà xuất bản Nhã Nam.
Đây là nếp tư duy thủ cựu cực đoan, không muốn học hỏi gì ở nơi khác trong khi hội nhập với thế giới văn minh, tự mình đủ tài giỏi, ta không thua kém ai !
Anh cho biết anh không thể chịu đựng được thái độ độc đoán như thế, và vì lẽ phải, vì yêu quý nhân dân Việt Nam anh buộc phải lên tiếng trong một cuốn sách nhan đề "Tệ nạn kiểm duyệt", dày hơn 200 trang mà anh có nhã ý cho tôi đọc trước bản thảo, hiện đang in.
Anh đã đi về Hoa Kỳ - Việt Nam hơn 16 chuyến bay đề bàn luận, tranh cãi về bản dịch cuốn sách của anh, cố hòa giải cho êm thấm nhưng… không thành. Anh đành để họ cứ in bản dịch theo ý họ, nhưng anh giữ quyền nói lên sự thật về tệ kiểm duyệt "khủng khiếp" ở Việt Nam, một nét văn hóa cực kỳ lạc hậu, phải nói là man rợ, giữa thế kỷ 21 này.
Trong khi nhấm nháp cà phê và bánh ngọt, Thomas kể với phong cách dí dỏm trào lộng riêng của anh, không pha một chút giận dữ cay đắng nào, rằng lưỡi kéo an ninh văn hóa dã man đã "thiến" chừng hơn 220 câu và đoạn văn trong nguyên tác của anh, làm cho tác phẩm anh rách nát không còn là của anh nữa. Họ xóa bỏ sạch trơn 3 chương quan trọng, chương nói về cuộc Di tản của hàng triệu thuyền nhân Việt Nam bất hạnh và các trại tỵ nạn ; chương nói về cuộc Chiến tranh biên giới phía Nam và phía Bắc Việt Nam – Trung Quốc năm 1979 ; chương nói về tướng Giáp lên tiếng trong vụ tố cáo Tổng Cục II, một vụ án siêu nghiêm trọng, và về chuyện tướng Giáp lên tiếng chống lại việc khai thác mỏ Bau-xít rất nguy hiểm cho môi trường trên Cao nguyên, mà lãnh đạo không hề trả lời.
Họ cắt nát các đoạn tác giả kể về thái độ thân thiện, quý mến của nhà báo Phạm Xuân Ẩn đối với nền báo chí tự do, tiên tiến, nhân văn Hoa Kỳ, đối với các bạn thân của ông ở các báo Mỹ Time, New York Herald Tribune, Christian Science
Monitor và Reuters… Họ cắt tất cả các câu nói lên nỗi buồn dai dẳng thấm thía của ông Ẩn khi ông bị ngăn chặn không cho phép tiếp xúc tự do với các bạn nhà báo Mỹ - Pháp tại ngay Sài Gòn, khi ông không được phép sang Hoa Kỳ dự một cuộc họp theo lời mời chính thức cuối năm 1997 dù đã được phong Thiếu tướng.
Họ thiến luôn những đoạn ông Ẩn nói về các lớp học buồn ngủ, giáo điều, thô thiển ở trường đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc Trung Ương ở Hà Nội, - theo lời kể lại của nhà báo Bùi Tín, do trong thời gian học, không có ai quen ở gần Hà Nội dù ông quê gốc ở Hải Dương nên thường ngày Chủ Nhật ông về nhà ông Bùi Tín chơi. (Tôi quen ông Ẩn từ sáng ngày 1/5/1975 khi tôi ghé qua phòng ông làm việc, trụ sở của báo Time tại khách sạn Continental đường Đồng Khởi - Catinat, khi ấy tôi chỉ biết ông làm việc cho báo Mỹ, chưa biết ông là nhà tình báo huyền thoại).
Tôi rất hiểu con người Phạm Xuân Ẩn vì tin nhau, quý trọng nhau, hợp nhau trên nhiều lĩnh vực. Nhà báo phải có tư duy độc lập. Ta là ta, không cần theo đuôi ai. Phải ngay thật, trung thực với chính mình. Cộng sản dùng anh, nhưng luôn nghi ngờ anh. Anh là Trung tá Hai Trung, khi được phong Anh hùng vẫn cứ là trung tá, khi bao nhiêu sĩ quan được lên cấp ngay sau 30/4/1975. Mãi đến khi gần nghỉ hưu mới được phong Thiếu tướng, nhưng không được đi Mỹ theo mong muốn tha thiết của anh. Họ nghi ngờ anh cũng như họ nghi ngờ mọi người có thời gian tiếp xúc với Hoa Kỳ, làm việc với Hoa Kỳ, với đối phương, cũng như họ đày đọa không chút thương tiếc mọi quân nhân miền Bắc vào Nam từng bị chiêu hồi rồi về sau trở ra miền Bắc.
Họ nghi ngờ, cho mật vụ dò la các mối quan hệ của anh, các cú gọi và nhận điện thoại viễn liên, dù cho anh đã là anh hùng, thiếu tướng, vì anh từng là điệp viên 4 mặt, làm việc cho an ninh quân đội Pháp, làm báo cho Mỹ, chơi thân với Trần Kim Tuyến trùm an ninh Sài Gòn và săn tin cho Hà Nội. Sự đa nghi cố tật.
Sự chia tay của ông với các biên tập viên – an ninh văn hóa tại nhà xuât bản Nhã Nam là dứt khoát, khi một mực họ áp đặt cái tít cho cuốn sách là "Điệp viên Z21- Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ". Điều này phản ánh não trạng đã cố định, đóng băng thành lập trường chính trị không lay chuyển của lãnh đạo Đảng cộng sản là phải coi Hoa Kỳ là kẻ thù, ít nhất là trong chiến tranh. Một ông tướng cộng sản không có thể, không được phép "yêu nước Mỹ", yêu các đồng nghiệp, bạn bè là người Mỹ. Chỉ được yêu đảng ; yêu nhân dân. Yêu tự do cũng bị cấm.
Khi chia tay tôi, Thomas hẹn 2 tháng nữa sẽ trở lại Paris để tặng tôi cuốn sách "Nạn kiểm duyệt tệ hại". Ông có cô con gái tốt nghiệp trường Pháp và lấy chồng người Pháp nên thường sang Pháp. Ông từng gặp các nhà văn, nhà báo Dưong Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Phạm Chí Dũng, Đoan Trang…
Theo tôi, từng được đọc sơ qua bản thảo, đây sẽ là cuốn sách bổ ích, lý thú cho công luận, cho làng báo quốc tế, nhất là cho các nhà báo trẻ Việt Nam trong khi đất nước đang cố gắng hội nhập với thế giới văn minh thế kỷ XXI.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 13/09/2017
Năm 2017 đang đi vào những tháng cuối. Tình hình nổi bật là có nhiều vấn đề cần giải quyết rõ ràng minh bạch, khi có cuộc họp Quốc hội cuối năm để tổng kết năm nay và chuẩn bị năm 2018, đặc biệt là có cuộc họp Trung ương VI giữa nhiệm kỳ sẽ họp trong vài tuần.
Ở Việt Nam thì ngay cả Tết cổ truyền cũng bị "chính trị hóa", và Hà Nội cũng không phải là ngoại lệ.
Tình hình kinh tế tài chính ngày càng khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói đến "sụp đổ tài khóa quốc gia", khi thu không đủ chi, ngân sách thâm thủng, phải đưa ra nhiều thứ thuế mới, thuế VAT, thuế đất phi nông nghiệp, thuế BOT giao thông rộng khắp, vét nạo tận đáy túi đến cạn kiệt của giai cấp trung lưu và dân nghèo. Quỹ an ninh được ưu đãi, vậy mà phụ cấp mỗi ngày cho một tên chỉ điểm, canh gác rình rập quanh các chiến sĩ dân chủ, đã phải giảm, từ 500 ngàn đồng mỗi ngày xuống 300 ngàn (cấp thành phố), từ 300 xuống 100 ngàn (cấp quận), và xóa bỏ hẳn ở cấp xã phường. Các chiến sĩ dân chủ cảm thấy dễ thở hơn.
Sưu cao thuế nặng là lời kêu than khắp nơi. Vượt qua thời trước, người dân hiện chịu đến 424 lại thuế trực thu, gián thu, đến mức một đại biểu quốc hội phải kêu lên là 1 quả trứng đến tay người tiêu dùng phải qua 18 loại thuế, phí.
Công cuộc chống tham nhũng, con ngựa chiến của ông Tổng Trọng, bỗng nhiên hụt hơi, với 12 đại án khó lòng kết thúc như đã hẹn. Vì mỗi vụ là khối bòng bong, do thời gian dài, quá nhiều hồ sơ, tài liệu, thống kê thật giả khó xác minh, liên quan quá nhiều quan chức viên chức cũ, mới, đã thuyên chuyển hay chết. Riêng vụ án Hà Văn Thắm – Ngân hàng Đại Dương, đã có 750 nhân chứng, 50 luật sư, một núi tài liệu. Chưa biết xử đến bao giờ.
Vụ đại án Petro Vietnam ly kỳ nhất, to lớn nhất, lại mắc ngẽn. Có cho Trịnh Xuân Thanh xuất hiện trước tòa ? Ông Trọng rất mong trị tội kẻ đã ngạo mạn tuyên bố "ra đảng vì không còn tin tổng bí thư", lại sợ trước tòa Thanh sẽ khai tung hê ra tất cả các quan tham chia chác ra sao thì còn gì là mặt mũi của chế độ.
Mà giam riêng cách ly mãi Thanh, không cho gặp bố, con, bạn bè, luật sư thì phạm luật vì "nghi can chỉ bị coi là có tội, mất tự do sau khi Tòa tuyên án". Chẳng lẽ thủ tiêu Thanh thì ăn nói ra sao với dân, với thế giới ?
Vừa qua Hà Nội đã cử thứ trưởng ngoại giao sang Berlin hòng xoa dịu, hòa giải với phía Cộng hòa liên bang Đức nhưng không thành. Phía Đức giữ vững yêu cầu đưa Thanh trở lại Đức, còn bất bình khi Hà Nội không nhận ra sai trái bắt cóc người trên đất Đức, không biết xin lỗi. Họ dọa sẽ trừng phạt tiếp, khó lòng khối Liên Âu thông qua Hiệp ước tự do mậu dịch đã ký với Việt Nam. Từ nay, khó lòng các lãnh đạo và quan chức Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ sang thăm, làm việc với 27 nước Liên Âu, trong một thời gian khá dài, cho đến khi chịu nhận sai lầm và xin lỗi.
Hội nghị APEC sắp đến do Việt Nam đăng cai rất có thể nhạt nhẽo bẽ bàng do uy tín quốc tế giảm sút, trong lúc vụ doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình nếu thắng kiện tại Tòa Trong tài Quốc tế sẽ làm cho uy tín của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sứt mẻ thêm khá nặng, các nhà đầu tư e ngại và rút lui, khó lòng quay lại.
Điều làm u ám ảm đạm thêm bầu không khí chính trị trong nước là cuộc đấu đá giữa các phe phái trong đảng khi cuộc Hội nghị trung ương VI sắp khai mạc. Bao giờ vấn đề nhân sự cũng nổi lên quyết liệt.
Ông Tổng Trọng có còn ở chức vụ Tổng bí thư đến năm 2021 ? khi ông đã 73 tuổi, sức yếu, tư duy còm cõi, nhưng vẫn nuôi ảo tưởng kiêm Chủ tịch nước !
Ông đang tự tin sau khi loại được người đồng chí thù địch Ba X, tự cho là không ai thay mình được. Nhưng ông cũng bị chê trách rất nhiều, rất nặng, tiêu biểu là Giáo sư Tương Lai tuyên bố dứt tình với cái đảng lạc hậu, ù lỳ, mê muội của ông tổng Trọng, không còn tư cách và khả năng đứng đầu đảng và chế độ.
Trong Bộ Chính Trị, ai sẽ đi, ai sẽ ở, ai sẽ vào, cũng là chuyện đấu tranh gay gắt giữa các phe phái. Ông Đinh Thế Huynh đã bị loại do sức khỏe. Ông Đinh La Thăng đã bị loại do kỷ luật. Ông Nguyễn Văn Bình, ủy viên Bộ chính trị, trưởng Ban Kinh tế trung ương, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có thể bị khai trừ khỏi đảng để ra hầu tòa. Ông Trọng đang củng cố phe cánh của mình cùng ông Trần Quốc Vượng, một cận thần tin cẩn. Ông Trần Đại Quang trải qua một cuộc ẩn mình hơn một tháng không có lời giải thích, bị phe ông Trọng lật tẩy ăn gian 6 tuổi, nay đã 68 tuổi nhưng tự khai 61, khó lòng tồn tại nguyên chức. Phe cánh ông Ba X trong Quân đội, Công an, Ngân hàng, miền Nam có thể đồng loạt nổi dậy phản kích, làm cho tình hình có thể xáo trộn một thời gian.
Trong Bộ Chính Trị, ai sẽ đi, ai sẽ ở, ai sẽ vào, cũng là chuyện đấu tranh gay gắt giữa các phe phái.
Chưa bao giờ tình hình chính trị trong nước lại chia rẽ, u ám, ảm đạm, bấp bênh như những tháng cuối năm nay. Cái yếu nhất của chế độ chính trị hiện nay là nạn tham nhũng tràn lan đến cực điểm, phân phối thu nhập cực kỳ bất công, đa số nhân dân sống trong nghèo đói, lo âu, môi trường khó thở, xã hội bất an tật bệnh, giáo dục lạc hậu, y tế bệ rạc. Điều nguy hiểm chết người là Bộ Chính trị quyết tâm duy trì mật ước Thành Đô tự nguyện chịu sự đô hộ của chế độ Bắc thuộc ô nhục mà không sao thóat ra nổi.
Rõ ràng những tháng cuối năm nay chế độ độc đảng toàn trị sẽ phơi bày thêm bản chất thối nát, tham ô, hỗn loạn, quay lưng lại với nhân dân, biểu diễn nhưng cảnh đấu đá tàn bạo với nhau để tranh ăn, tranh chức.
Đây cũng là dịp tốt hiếm có để nhân dân, anh chị em trí thức, tuổi trẻ, lao động, nông dân mất đất, các doanh nhân tự do vừa và nhỏ, các đảng viên ở cơ sở không quyền lực, thành viên các tôn giáo, các sĩ quan quân nhân Quân đội và Công an có lương tâm cùng nhau tâp họp, đấu tranh ôn hòa nhưng quyết liệt, rũ bỏ mọi thế lực đen tối, lỗi thời đã lộng hành hơn 70 năm qua, mở ra kỷ nguyên mới dân chủ, văn minh, độc lập, tự do, đi với thời đại tiên tiến ngay nay.
Đó là thế cùng tất biến, một quy luật phổ biến của tạo hóa, trong thiên nhiên cũng như trong cuộc sống xã hội. Nước đun đến độ nào đó sẽ sôi. Nước sông lên đến mức nào thì vỡ đê, ngập lụt. Gió mạnh đến mức nào sẽ thành bão. Con người có tư duy lành mạnh biết phân biệt đúng sai, phải trái, khi thời thế hiểm nghèo, luôn tự tìm ra cho mình con đường đến tự do, hòa bình và hạnh phúc.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 09/09/2017
Vậy là cuối cùng ông Tương Lai, một trí thức khá nổi tiếng trong nước đã rời bỏ đảng cộng sản, nhưng với một quyết định nửa vời, nghĩa là không dứt khoát, tự cho vẫn còn là đảng viên đảng Lao Động Việt Nam của ông Hồ Chí Minh.
Giáo sư Tuong Lai tại tư gia tại Sài Gòn.
Tôi rất quý trọng ông Tương Lai (tên thật là Nguyễn Phước Tương) một trí thức hiếm hoi đất Thừa thiên - Huế, khá uyên bác, học nhiều, hiểu biết uyên thâm, có tư duy độc lập, gần đây nổi tiếng về các bài viết "Mông mênh thế sự, để gió cuốn đi…" sưu tầm tài liệu khá công phu, đặc sắc, tôi vẫn chờ để đọc kỹ hàng tuần. Gần đây nghe nói ông ốm, nhưng bút lực vẫn sung sức, tỏ ra ông đã khỏe.
Tôi mừng khi biết tin ông bỏ đảng cộng sản hiện nay mà ông gọi là đảng của Nguyễn Phú Trọng, khi đảng đã thoái hóa, biến chất thành những nhóm đặc quyền, đặc lợi tranh giành nhau quyền lực và tài sản.
Tôi biết đây là một quyết định không đơn giản, khá dằn vặt, đau đớn, khi chế độ đã phong ông là Giáo sư, là Viện trưởng Viện Xã hội học, Tổng biên tập tạp chí Xã hội học, một thời là cố vấn cho các thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải. Hồi chuẩn bị cho Đại hội XII của đảng cộng sản, ông Tương Lai đã cùng 125 trí thức - phần lớn là đảng viên cộng sản, viết thư yêu cầu đổi tên của đảng cộng sản và đổi tên nước, không gọi là đảng cộng sản và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa nữa. Đây là một đòi hỏi rất chính đáng, phù hợp với ý muốn của đông đảo nhân dân, của lẽ phải, hợp thời đại. Rất tiếc là Bộ chính trị đã khinh thị bỏ qua yêu cầu này.
Tôi rất đồng ý với ông Tương Lai khi ông lên tiếng phê phán ông Trọng một cách nghiêm khắc chính đáng. Tôi chia sẻ sự đánh giá rất ngay thật công bằng của ông vì bản thân tôi cũng đã có lần gặp gỡ, trò chuyện với ông Trọng hồi 1988 – 1989 khi ông Trọng là ủy viên ban biên tập của Tạp chí Cộng sản, khi tôi là phó Tổng biên tập nhật báo Nhân Dân kiêm Tổng biên tập tuần báo Nhân dân Chủ nhật. Ông đã 2 lần ghé nhà tôi để yêu cầu viết bài cho tạp chí về cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ năm 1988 sau khi tôi dự họp ở Liên hợp Quốc – New York về. Khi ấy ông đi chiếc xe đạp cũ, ghé qua nhà tôi, hỏi chuyện về Hoa Kỳ và chăm chú nghe tôi kể về Hoa Kỳ, về cuốn sách "the best and the brightest" của David Halberstam tôi đang đọc về những bộ óc tài giỏi xuất sắc nhất của nước Mỹ đã bế tắc ở Việt Nam. Ông tỏ ra rất kém hiểu biết về phương Tây vì mới học ở trường đảng Nguyễn Ái Quốc và mới biết có nước Nga, khi tiếng Nga ông nói chưa sõi, sai cả danh từ và văn phạm, còn không biết chút gì về tiếng Pháp, tiếng Anh. Tôi rất lo ngại một con người còn thấp kém, thiếu tư duy, hiểu biết như thế mà lại là lãnh tụ số 1 của Đảng và Nhà nước thì nguy hiểm quá ! Một con người cô đặc giáo điều máy móc cực đoan, không thể có ai bảo thủ hơn !
Trái lại tôi rất tiếc là ông Tương Lai còn sùng bái ông Hồ Chí Minh. Ông đã tự mâu thuẫn với mình, không nhất quán với chính mình khi ông tự bảo công bằng, tôn trọng sự thật lịch sử.
Với thời gian, mọi thần tượng giả tạo, bản chất thật của ông Hồ đã lồ lộ rõ ràng. Một trí thức có tư duy độc lập không thể mù quáng lâu.
Ông Tương Lai có biết ai đã mang tên Trần Dân Tiên để viết nên tiểu sử tự tâng bốc mình là "Cha già dân tộc", còn vĩ đại hơn Trần Hưng Đạo, Quang Trung ?
Ai đã quỵ lụy xin phép Staline và vâng lời Mao để tiến hành Cải cách ruộng đất theo chỉ đạo của đoàn Cố vấn Tàu, giết hại 17.000 trung nông – trí thức yêu nước kháng chiến chống Pháp, bị vu cáo là địa chủ - ác ôn, bị bắn chết và chôn sống.
Ai trong thâm tâm không muốn xuất khẩu bạo lực vào miền Nam, ai không muốn coi vũ trang là bảo bối theo phương châm của Mao "chính quyền ở đầu ngọn súng", ai e ngại cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968 là mạo hiểm, giá sinh mạng qua đắt, mà không dám can ngăn, không dám ra mặt chống lại bộ ba khát máu Lê Duẩn - Lê Đức Thọ - Nguyễn Chí Thanh, là Chủ tịch đảng, là lãnh tụ số 1, là Chủ tịch nước mà ươn hèn, không dám có lập trường vững, để mặc cho bọn gian thần lộng hành mang lại thương vong hàng triệu sinh linh trẻ của 2 miền Nam Bắc, ông Hồ thật sự đáng chê trách, đáng lên án nặng nề nhất.
Hồi ấy tôi rất gần tướng Giáp. Ông rất tiếc là ông Hồ không nghe ông để can ngăn những quyết định "chủ quan, ngông cuồng, nguy hiểm khôn lường của 2 ông họ Lê", khi ông Giáp, cùng tướng Hoàng Văn Thái và tướng Lê Trọng Tấn đều suy nghĩ như nhau, coi Tổng tiến công tổng khởi nghĩa là chủ quan, liều lĩnh. Chỉ có ông Hồ là có quyền ngăn cản cuộc manh động phiêu lưu.
Cái rất đáng trách là ông Hồ chịu để cho bọn hiếu chiến cực đoan coi miền Nam ruột thịt là kẻ tử thù, đuổi ông sang Tàu nghỉ ngơi, đuổi ông Tổng tư lệnh Giáp sang Hungari dưỡng bệnh, để chúng tư do mở ra cuộc chiến Mậu Thân đẫm máu, một cuộc tự sát bi đát, chà đạp lên cam kết quốc tế "tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân Nam Việt Nam", cam kết "không dùng vũ lực để thôn tính nhau giữa 2 miền" ghi rõ trong Hiệp Định Gieneve 1954.
Thật là buồn cười khi ông Tương Lai muốn trở lại khôi phục đảng Lao Động Việt Nam ! Tôi phải nói thật là ông lẩm cẩm rồi ! Lẽ ra ông phải nhìn về tương lai phía trước – như chính tên ông – thì ông lại ngoái cổ về quá khứ ! Đảng Lao Động ai chả biết ra đời tháng 2/1951 chỉ là cái mặt nạ của đảng cộng sản Đông Dương, giả vờ giải tán ngày 11/11/1945, thật ra là rút lui vào bí mật. Chính dưới cái mặt nạ đảng Lao Động mà đảng cộng sản đã làm cuộc Cải cách ruộng đất đẫm máu người yêu nước, làm cho nông thôn, nông dân và nền nông nghiệp điêu đứng cho đến ngày nay. Chính dưới danh nghĩa đảng Lao Động mà đảng cộng sản làm hợp tác hóa - cải tạo nông thôn, cải tạo công - thương - nghiệp, rồi tự đề ra phương châm’’ đất đai là thuộc quyền sở hữu toàn dân, do Nhà nước thay mặt quản lý’’ để cướp ruộng đất của nhân dân, để tự cho mình quyền thu hồi với đền bù rẻ mạt.
Và cũng dưới cái mặt nạ đảng Lao Động mà quân cộng sản đã lao vào xâm lược miền Nam, một quốc gia có chủ quyền được nhiều nước công nhận hơn miền Bắc, ngang nhiên chà đạp cam kết quốc tế tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam, không dùng bạo lực, sẽ thống nhất qua Tổng tuyển cử tư do, sẽ có Hội đồng Hòa giải dân tộc có 3 thành phần ở miền Nam.
Và cũng dưới mặt nạ đảng Lao Động Việt Nam, đảng cộng sản đã trả thù, bỏ tù hàng lọat không phân biệt mọi sỹ quan, viên chức, chính đảng thuộc Việt Nam Cộng Hòa qua cái gọi là hàng trăm trại cải tạo cực kỳ tàn bạo bất nhân.
Vậy thì mong anh Tương Lai không nên quyến luyến gì cái quá khứ tàn bạo tội ác ấy, tuy mang chiếc mặt nạ lao động hiền lành nhưng lại là thời kỳ tàn bạo nhất, hung hãn nhất, đẫm máu, tội ác nhất, để đến năm 1976 đảng toàn trị mới lấy lại cái tên cộng sản, khi cao trào cộng sản bắt đầu suy thoái theo tốc độ rơi tự do, dẫn đến bức tường Berlin tưởng là lâu bền sụp đổ trong một đêm cuối năm 1989, và thành trị cộng sản Liên Xô tan vỡ tan bành cuối năm 1991, để cho Đảng cộng sản Việt Nam sớm cảm thấy đơn côi, phải lép về đầu hàng ô nhục đảng cộng sản Trung Quốc những mong được yên thân từ sự kiện đi đêm với mật ước Thành Đô tháng 9/1990.
72 năm là quá đủ cho mọi người có lương tri, có tư duy độc lập, có sự trung thực trí thức - probité intellectuelle – ngay thật với chính mình, bênh vực lẽ phải, thật lòng yêu nước mình, thật lòng thương dân mình, cùng nhân dân tìm ra lối thoát.
Không có lối thoát nào khác là từ bỏ dứt khoát, một lần cho mãi mãi một tổ chức mất gốc dân tộc, vay mượn từ nước ngoài những học thuyết sai lầm, ảo tưởng, cùng nhau dựng lên một tổ chức chính trị mới, trong sạch, hợp lòng dân hợp thời đại, ví như linh mục Nguyễn Văn Lý từng đề xướng là Tập Họp Quốc Dân Việt Nam.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 06/09/2017
Vụ án Trịnh Xuân Thanh sẽ giải quyết ra sao ? Đây là điều nhức đầu nhất hiện nay của Bộ Chính trị và chế độ độc đảng quen ngồi trên luật pháp.
Trịnh Xuân Thanh trên VTV.
Vụ án trở nên gay gắt, cấp bách, phức tạp vì dính đến quan hệ với Cộng hòa liên bang Đức, cường quốc hàng đầu trong khối Liên Âu có 27 nước thành viên.
Việt Nam bỗng phải đối đầu về mặt pháp lý quốc tế với một cường quốc phương Tây trong một vi phạm nghiêm trọng quả tang dùng bạo lực phi pháp trong một quốc gia có chủ quyền, xong lại không chịu nhận lỗi, do đó có thể bị trừng phạt nặng nề.
Bộ Chính trị hiện có 3 lựa chọn : thứ nhất là "kiên định nói dối", một mực phủ định lập luận của phía Cộng hòa liên bang Đức là Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc, khẳng định Thanh tự về đầu thú, bất chấp những bằng chứng, hình ảnh quá rõ. Kiểu lỳ lợm, cù cưa, lý sự cùn quen thuộc lần này khó có tác dụng với thế giới dân chủ văn minh. Sẽ bị ăn đòn tới tấp không kịp đỡ, cả về chính trị, kinh tế, tư pháp… Sẽ là tự dẫn mình vào bãi lầy bi đát nhất.
Hai là "thành khẩn nhận tội" với Cộng hòa liên bang Đức, với nhân dân, đã có hành động bạo lực phi pháp, bắt cóc trên đất Đức, trao trả lại Trịnh Xuân Thanh cho Cộng hòa liên bang Đức như họ yêu cầu, xin lỗi về hành động phi pháp này, hứa sẽ xử lý kẻ phạm tội một cách nghiêm minh theo luật pháp và kỷ luật. Điều này rất khó vì cái "bệnh sĩ" hơi bị nặng trong cơ quan lãnh đạo cộng sản. Nền văn hóa nhận tội và xin lỗi không có mặt trong phong cách ứng xử cộng sản. Vả lại nhận Trịnh Xuân Thanh, phía Đức chỉ vớ được thêm một nhân vật cồng kềnh khó xử.
Mới đây Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Xuân Phú có một bài viết dài hơn 10 trang nghiên cứu khá công phu về giải pháp cho vụ án nóng bỏng này. Giáo sư Phú là nhà toán học kiệt xuất, lãnh đạo Viện Toán học Việt Nam, cũng là nhà báo lão luyện, là Tổng biên tập tập san Toán Học ở Hà Nội. Ông tốt nghiệp với đẳng cấp cao nhất tại Cộng hòa liên bang Đức, thành viên Viện Hàn lâm Toán học Đức và thành viên Liên đoàn Toán học quốc tế.
Trong bài báo dài được phổ biến khá rộng trên các mạng Chuyển Hóa, Thông Luận, Tiếng Dân "Những điều cần trao đổi nhân vụ án Trịnh Xuân Thanh", Giáo sư Phú mở rộng đề tài, phân tích sâu các đạo luật của Cộng hòa liên bang Đức liên quan đến dẫn độ, xử án, án hình sự, kinh tế và án chính trị, đến sự kiểm soát quyền lực ứng vào vụ án này. Cuối cùng ông nhận xét rằng phía Việt Nam có vẻ lựa chọn giải pháp "kiên định lừa dối", lý sự cùn rất nguy hiểm.
Ông cũng cho rằng phía Việt Nam thiếu dũng khí để dám chọn giải pháp "thành khẩn nhận tội" tuy rằng đó là lối thoát danh dự, khôn ngoan, gọn ghẽ để sửa mình, đổi mới thật sự, tận gốc nền tư pháp độc đảng.
Do đó nhà toán học đề ra biện pháp mà ông cho rằng tối ưu hiện nay là giải pháp thứ 3, giải pháp "win – win", hai bên cùng thắng, hai bên có thể chấp nhận.
Theo giải pháp này, phía Việt Nam thương lượng với phía Cộng hòa liên bang Đức, nhận sai lầm và xin lỗi về vụ bắt cóc, hứa trừng phạt kẻ làm sai, nhưng yêu cầu được giữ Trịnh Xuân Thanh lại trong nước để xét xử, với thỏa thuận cam kết sẽ có mặt đại diện Cộng hòa liên bang Đức, các luật gia Đức, các luật sư riêng người Đức đang bảo vệ Trịnh Xuân Thanh khi xử án. Hai bên cùng thắng, có nghĩa là có mặc cả, nhân nhượng nhau để đi đến thỏa thuận, vui vẻ cả.
Phía Việt Nam thắng ở chỗ giữ được Thanh ở trong nước, không phải thả hổ về rừng, phía Cộng hòa liên bang Đức thắng khi đòi được chứng kiến các vụ xử án công bằng, theo luật, buộc phía Việt Nam phải vào khuôn phép, không được tùy tiện xử án như xưa nay.
Đây là lối ra khỏi bế tắc không phải chỉ có 2 bên – Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa liên bang Đức – cùng thắng, mà nhân dân Việt Nam sẽ là bên thắng to nhất. Từ nay sẽ không còn có thể có những phiên xử tàn nhẫn như kết án 10 năm tù cô gái yêu nước kiên cường Mẹ Nấm - Như Quỳnh có mẹ già con dại, kết án 9 năm tù cô Nguyễn Thị Thúy 9 năm tù, như kết án nhà kinh doanh Trịnh Vĩnh Bình 11 năm tù và cướp đoạt hết tài sản.
Rất nên mời nhà toán học Hoàng Xuân Phú về Phủ Thủ tướng làm cố vấn chính trị và tư pháp, hoặc về làm quân sư cho ông Tổng Trọng, thì thật là may mắn hạnh phúc cho đất nước và nhân dân.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 29/08/2017
Vụ án nhà kinh doanh Trịnh Vĩnh Bình khởi kiện chính quyền Việt Nam được Tòa án Trọng tài quốc tế của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC–International Chamber of Commerce), xét xử tại Paris từ ngày 21/8, đang làm xôn xao dư luận nước Pháp.
Tòa Trọng Tài Quốc Tế - ICC - International Chamber of Commerce.
Báo chí Pháp cho biết ICC được thành lập gần 100 năm, từ năm 1923, cùng với cơ quan phụ thuộc là Tòa án Trọng tài Quốc tế do ICC chỉ định Hội Đồng Trọng tài để xét xử các vụ án liên quan đến buôn bán và kinh doanh quốc tế theo Luật quốc tế và các hợp đồng thỏa thuận giữa các quốc gia và các nhà kinh doanh của 137 quốc gia đã chính thức tham gia ICC. Việt Nam là một nước tham gia ICC.
Tòa án Trong tài quốc tế hàng năm thụ lý và xét xử hàng nghìn vụ kiện cáo, và tuyên án của Tòa là bắt buộc các bên phải tuân theo. Riêng trong năm 2016, Tòa thụ lý và xét xử 966 vụ án kinh tế và tài chính.
Các phiên tòa có khi ngắn vài ngày, có khi kéo dài đến mươi hôm do phải thẩm tra, đối chiếu, tranh tụng các bên, mỗi bên đều thuê những công ty pháp luật và luật sư tài giỏi nhất.
Vụ án Trịnh Vĩnh Bình kiện Nhà nước Việt Nam được Mạng Đối thọai ở trong nước và đài VOA ở Hoa Kỳ đăng bài nhiều kỳ, tả lại khá chi tiết về vụ án lớn. Ông Trịnh Vĩnh Bình cũng trả lời nhiều cuộc phỏng vấn dài, lần này ông đòi Nhà nước Việt Nam đền bù thiệt hại về kinh tế tài chính, thêm đền bù những năm tháng bị tù đầy ác nghiệt, trong phòng tối thiếu dưỡng khí, bị cùm tay, không cho tắm rửa giữa mùa Hè.
Sáng 21 và 22/8 chúng tôi đến trước trụ sở Tòa Trọng Tài Quốc Tế, tại 112, đường Kleber, Quận XIV giữa Paris, khi Tòa đang làm việc những buổi đầu, nghe kín 2 bên trình bày. Một số bà con người Việt ở Pháp, đến từ CHLB Đức, Hà Lan… mang cờ Việt Nam Cộng Hòa và biểu ngữ đòi công bằng cho doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình. Bà con sau đó ghé các quán cà phê, bàn luận sôi nổi về vụ án này, hy vọng Tòa sẽ mở công khai những phiên cuối. Nhiều bạn trẻ giải thích vụ án cho các bạn Pháp quan tâm.
Trên đại thể, có những nhận định, phán đoán như sau.
Qua vụ án lớn xử giữa thủ đô Ánh Sáng Paris, các nhược điểm của chế độ độc đảng toàn trị kiểu vô sản chuyên chính sẽ được phơi bày nguyên vẹn. Nạn tham nhũng dưới nhiều hình thức - trắng trợn, công khai, thành từng nhóm lợi ích ở các địa phương là phổ biến, mang tính chất mafia, khinh thường luật pháp suốt hàng chục năm, ngày một nặng nề hơn.
Nền tư pháp do đảng lũng đoạn nắm chặt là công cụ để chà đạp công lý và quyền lợi hợp pháp của công dân, của các nhà kinh doanh. Các cường hào mới - quan chức cộng sản tham ăn vô - lăm le cướp tiền của, cướp đất, cướp nhà, cướp ruộng vườn, vàng bạc của quý của nhân dân, giúp nhau tẩu tán nhanh, truyền tay nhau nhanh để mất tăm tích.
Điều bi đát nhất là của cải tham ô cực lớn này đều biệt tăm biệt tích, phân tán, tan nát không sao truy ra để thu hồi, dù chỉ một phần nhỏ.
Cuối cùng là dân đen phải è lưng gánh chịu hết. Họ đã mất một phần tài sản lương thiện của mình, nay mọi khoản tiền phạt lớn hàng tỷ hay vài tỷ đô la đền bù cho nhà kinh doanh họ Trịnh cũng sẽ lấy từ ngân sách quốc gia, là mồ hôi nước mắt của hàng chục triệu lao động, nông dân, trí thức lương thiện, bị bóc lột một lần nữa trong khi bọn tham nhũng xưa và nay vẫn sống nhởn nhơ, phè phỡn trong các biệt thự xa hoa sang trọng. Hai lần bất công !
Trong thời hội nhập hơn 40 năm nay, chế độ và Nhà nước Việt Nam đã được hưởng nhiều điều lợi lớn, vài trăm tỷ đôla FDI và ODA, thì nay ắt phải được giáo dục chu đáo để mở mắt thấy thật rõ thế nào là nền pháp quyền quốc tế, thế nào là một nền tư pháp nghiêm minh, độc lập, công bằng cho mọi người.
Một chế độ cổ hủ, vô pháp, vô đạo, tối tăm đã đến lúc phải cáo chung, nhường chỗ cho một chế đô dân chủ - pháp quyền, nghiêm minh, trong sạch, xứng đáng với dân tộc vốn chuộng công bằng và lòng nhân ái.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 23/08/2017
Ông Trần Đại Quang, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bỗng nhiên mất hút từ ngày 25/7, đến nay gần một tháng.
Ông Trần Đại Quang.
Hoạt động cuối cùng của ông là đến thăm và đưa quà cho thương binh liệt sỹ nhân dịp Ngày Thưong binh 27/7, một bài báo "Uống nước nhớ nguồn" ký tên ông trên báo Nhân Dân và Quân đội Nhân dân ; và gần nhất là ngày 20/8 lại có thêm một bài đăng báo, cũng được ký tên ông, nhan đề "Tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong tình hình mới", trên VietnamNet.
Chủ tịch nước, đứng đầu chế độ bỗng nhiên biến mất, không có một tăm hơi, không một thông báo, không một tin tức chính thức, từ Bộ Chính trị mà ông là nhân vật số 2, từ Phủ Chủ tịch trên đường Hùng Vương, từ bà Phó Chủ tịch nước Ngọc Thịnh, người thay ông khi ông vắng mặt, từ Ban Bảo vệ sức khỏe trung ương, từ báo Nhân Dân, tiếng nói của đảng Cộng Sản.
Thật là kỳ lạ, thật là bí hiểm, thật là khó hiểu.
Chỉ có những dự đoán, phán đoán, và cả tưởng tượng, ly kỳ nhất.
Ông bị ốm chăng ? bệnh gì nặng và bí hiểm chăng ?
Hay ông bị hãm hại do đấu tranh nội bộ trong đảng, các phe cánh "thịt nhau" để dành nhau cái ghế Tổng bí thư do ông Tổng Trọng đã 73 tuổi, ốm yếu, hứa sẽ về nghỉ giữa nhiệm kỳ ?
Hay ông bị bọn bành trướng hãm hại từ chuyến thăm Bắc Kinh trước đây vì trung thành chưa đủ mức, mặn mà chưa đủ "đô" với thiên triều phương Bắc ?
Hay là ông đã cao chạy xa bay sang một nước nào đó khi bị phe ông Trọng chiếu tướng về ăn gian 6 tuổi trên giấy tờ, chữa năm sinh 1950 thành 1956.
Nhưng điều kỳ lạ hơn cả là trong xã hội có bao nhiêu người có liên hệ hàng ngày với ông, mà không một ai dám tiết lộ, dám nói lên sự thật mình biết rõ. Vợ con, thân nhân của ông là người biết rõ nhất cũng vẫn câm lặng với bạn bè, người quen. Họ bị bịt chặt mồm, cấm khẩu. Vì sao ?
Tôi biết ở trong Phủ Chủ tịch có hơn 60 cán bộ và nhân viên phục vụ, hàng ngày có quan hệ với ông Chủ tịch. Văn phòng Chủ tịch có 1 chánh và 2 phó, có một số trợ lý theo dõi các lĩnh vực đối nội, đối ngoại, liên hệ với Chính phủ, Quốc hội, với báo chí và nhân dân, có vài phiên dịch tiếng Trung, Nga, Anh, Pháp, Nhật… Lại có một bác sỹ và một y tá riêng trong Ban Bảo vệ sức khỏe trung ương, có một số người phục vụ : đi chợ, nấu nướng, hầu bàn, lo phòng ngủ, vệ sinh, thể thao, giải trí, làm vườn, tưới cây, chăm sớc ao cá, đội xe riêng có hơn 1 chục xe và người lái… chưa kể đến một trung đội Cảnh sát vũ trang bảo vệ. Tất cả hơn 60 người ấy tất có nhiều người phải biết rất rõ thủ trưởng của mình hiện ra sao, hiện đang ở đâu, làm gì. Có nhà báo nào tò mò tiếp cận họ và tìm hiểu sự thật ra sao ?
Việt Nam là một xã hội khép kín theo kiểu hội kín, ít ai dám tò mò về những điều bí mật thâm cung bí sử của đảng, vì đụng đến có thể chết người, mang họa vào thân.
Đành phải chờ thôi. Chả lẽ một Nhà nước cứ mất đầu mãi, không biết ông Chủ tịch nước đang ở đâu làm gì, thì kỳ quặc quá, phi lý quá. Với nhân dân, còn với thế giới nữa chứ.
Do chế độ khép kín, nên để ngỏ cho những phán đoán ly kỳ giàu tưởng tượng nhất. Nào là nhóm lãnh đạo Nam Định – Ninh Bình đang bị thải loại.
Ly kỳ hơn là tin tức về nhóm Ba Dũng đang tụ họp ở Quân Khu IX – thủ phủ là Cần Thơ, để … đảo chính.
Khi không có tin thật, người ta đồn đoán và tin vào tin đồn. Mà tin đồn là sản phẩm của trí tưởng tượng vốn không có giới hạn. Sẽ còn nhiều đồn đoán ly kỳ nữa, cho đến khi chế độ độc đảng hết ngậm tăm và hé mở tấm màn đen. Vài ngày nữa ? Và sẽ có một vài đại biểu Quốc hội lên tiếng chất vấn Chính phủ là ông Chủ Tịch Nước ở đâu, làm gì, có khỏe không ?
Chả lẽ bà Chủ tịch Quốc hội Kim Ngân cũng ú ớ mù tịt ?
Một Nhà Nước không đầu quá lâu, chuyện ly kỳ có một không hai trên thế giới văn minh.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 22/08/2017