Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nga dùng đội quân "xác minh dữ kiện" để bóp méo sự thật về chiến tranh Ukraine

Thu Hằng, RFI, 16/02/2023

Sau gần một năm phát động chiến tranh tại Ukraine, tổng thống Vladimir Putin dường như vẫn được đông đảo người dân Nga ủng hộ. Chưa bao giờ chủ nhân điện Kremlin lại vận dụng triệt để tinh thần yêu nước và bôi nhọ phương Tây thành ác qủy đến như vậy để bảo vệ mục tiêu của "chiến địch đặc biệt" "giải trừ phát xít" nước láng giềng, đưa Ukraine "về với đất mẹ".

war1

Hình ảnh Marianna Vishegirskaya, một Blogger Ukraine sinh con trong bom đạn ở Mariupol, ngày 09/03/2022, bị Nga tuyên truyền là hình ảnh dàn dựng. AP - Mstyslav Chernov

Trước tiên phải nói đến vai trò quan trọng của những chiến dịch tuyên truyền tại Nga. Ở đất nước mà "chỉ 1/3 người dân có hộ chiếu cho phép ra nước ngoài", thì "càng dễ tưởng tượng ra một phương Tây hiếu chiến vì họ chưa bao giờ nhìn thấy điều đó ngoài các phóng sự trên truyền hình", theo giải thích của giảng viên Anna Colin Lebedev, đại học Paris-Nanterre của Pháp, trong chương trình Tout un monde của đài truyền hình Thụy Sĩ RST ngày 08/02/2023. Ngoài ra, còn phải kể đến chế độ kiểm duyệt thông tin và kiểm soát truyền thông được Nga tăng cường kể từ khi phát động chiến tranh.

Yếu tố thứ hai là lực lượng tự nhận là "xác minh dữ kiện" (fact-checking) nhưng thực chất, theo AFP, là những nhà tuyên truyền thân Nga tìm mọi cách rũ bỏ trách nhiệm của Moskva. "Bộ máy tuyên truyền Nga đã có truyền thống lâu đời về fact-checking", theo ông Martin Innes, giám đốc Viện đổi mới an ninh, tội phạm và tình báo thuộc Đại học Cardiff (Anh), nhưng hiện giờ "fact-checking" trở thành công cụ bóp méo thông tin, trong chiến dịch truyền thông được Nga tiến hành song song với cuộc chiến từ một năm nay.

Rũ tội cho Nga, đổ lỗi cho phương Tây

Nhiệm vụ quan trọng nhất của lực lượng này là vu khống đối thủ, đánh lạc hướng công luận về các tội ác chiến tranh mà quân nhân Nga bị cáo buộc. Ví dụ gần đây nhất là hình ảnh một tòa chung cư tan hoang sau khi bị trúng tên lửa khiến 46 người chết vào tháng 01/2023 và trở thành biểu tượng của một trong những vụ tấn công tang tóc nhất trong cuộc chiến do Nga phát động. Giới chức Ukraine và chuyên gia phương Tây xác định là đó là do "tên lửa hành trình KH-22 của Nga". Tuy nhiên, trang web "War on Fakes" (Cuộc chiến chống tin giả) bị chuyên gia phương Tây coi là trang "tuyên truyền của Nga", khẳng định tòa nhà bị trúng tên lửa của lực lượng phòng không Ukraine.

Trang "War on Fakes" trở thành cỗ máy tuyên truyền, một công cụ bóp méo thông tin hiệu quả của Nhà nước Nga. Theo ông Roman Osadchuk, thuộc Atlantic Council, trang này vẫn thu hút công luận vì một mặt luôn tự nhận là "khách quan", "công minh" và có nhiệm vụ chống lại "cuộc chiến thông tin đánh phá Nga" và mặt khác, là do người sử dụng internet luôn dùng "fact-checking" làm nguồn tìm kiếm "thông tin khách quan". Chương trình "AntiFake" của truyền hình Nhà nước và tài khoản "Fake Cemetery" (Nghĩa địa tin thất thiệt) thân Nga cũng "kiểm chứng chéo thông tin", nhưng là để làm mất uy tín thông tin của truyền thông phương Tây về những thảm kịch chiến tranh, như ở Butcha hay Mariupol.

Tung hỏa mù thông tin cho độc giả

Song song với việc đổ lỗi cho kẻ thù là chiến lược tung hỏa mù, khiến người sử dụng internet ngập trong thông tin. Các nhà phân tích nhấn mạnh đến chiến lược của những thành phần ủng hộ Nga làm bão hòa không gian truyền thông. Cùng một câu chuyện, sự kiện, nhưng có nhiều cách diễn giải khác nhau để sự thật không bao giờ được tiết lộ. Trang "War on Fakes" có "nhiều tuyên bố sai lệch đến nỗi những thông tin kiểm chứng cuối cùng lại hoàn toàn trái ngược nhau", theo giải thích của chuyên gia Jakub Kalensky. Mục đích là "khiến công luận bối rối, ngập trong thông tin".

Bà Madeline Roache, thuộc tổ chức theo dõi thông tin NewsGuard, cho rằng cuộc chiến thông tin này "có nguy cơ làm mất niềm tin vào những cơ quan truyền thông và các đội kiểm chứng sự kiện chân chính". Nguy hiểm hơn, việc đó cũng "có thể làm sai lệch nhận thức về Ukraine và phương Tây và tạo cảm giác là không thể có được sự thật".

Sự thật có lẽ sẽ chỉ đến từ những người lính từ mặt trận trở về, kể với người thân về điều kiện sống trên chiến trường "không vũ khí, không trang bị, hy sinh trong giao tranh". Nhưng hiện giờ, họ "bị cấm nói". Tuy nhiên, bà Anna Colin Lebedev cho rằng những thông tin đó khi đến được tai người dân có thể sẽ làm thay đổi thái độ của công luận, như từng xảy ra với cuộc chiến ở Afghanistan và chiến tranh Chechnya lần thứ nhất.

Thu Hằng

************************

Nga lại oanh kích nhiều địa phương ở Ukraine

Thu Hằng, RFI, 16/02/2023

Trong đêm 16/02/2023, quân Nga đã ồ ạt oanh kích trong suốt hai tiếng vào nhiều địa phương trên khắp Ukraine. Chính quyền Kiev thông báo bắn hạ 16 trên tổng số "32 tên lửa hành trình" Nga phóng từ chiến đấu cơ và một chiến hạm ở Biển Đen. Loạt oanh kích đã khiến một thường dân thiệt mạng, nhiều khu dân cư bị phá hủy.

war2

Một khu dân cư tại Pokrovsk, Ukraine, bị trúng tên lửa của Nga ngày 15/02/2023. AP - Evgeniy Maloletka

Chánh văn phòng tổng thống, ông Andriy Yermak, thông báo trên mạng Telegram : "Có nhiều thiệt hại ở phía bắc và đông bắc, cũng như trong các vùng Dnipropetrovsk và Kirovograd (miền trung)". Còn tại vùng Lviv (phía tây), "một cơ sở hạ tầng thiết yếu" bị trúng tên lửa, nhưng không gây thiệt hại nhân mạng.

Trên mạng Facebook, không quân Ukraine "lấy làm tiếc là nhiều tên lửa hành trình đã trúng mục tiêu, phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng trọng yếu. Hiện giờ, (Ukraine) không có vũ khí nào có khả năng phá hủy loại tên lửa này". Chánh văn phòng tổng thống Andriy Yermak cho rằng quân Nga "đã thay đổi chiến lược" tấn công, triển khai "trinh sát" và "mục tiêu giả", nhưng không nêu chi tiết. Theo AFP, quân Nga có thể đang tìm cách vượt qua hệ thống phòng không Ukraine, được tăng cường bằng những vũ khí do phương Tây cung cấp.

Trước đó, báo Financial Times, trích thông tin tình báo được các nước thành viên NATO chia sẻ, cho biết Nga đang tập trung nhiều chiến đấu cơ gần biên giới Ukraine để sẵn sàng hỗ trợ các chiến dịch trên bộ hiện đang bị trì trệ.

Trước vụ bắn tên lửa trong đêm, Nga cũng thả khinh khí cầu để thử phản ứng của hệ thống phòng không ở Kiev ngày 15/02 và qua đó xác định vị trí của chúng. Cơ quan quân sự vùng Kiev cho biết "khoảng 6 vật thể bay đã bị phát hiện trong không phận Kiev" và "phần lớn" đã bị bắn hạ. Đó là những "khinh khí cầu được gắn gương phản chiếu và radar, di chuyển nhờ sức gió".

Mặt trận miền đông Ukraine vẫn rất gay go. Hôm 16/02, chủ nhân công ty lính đánh thuê Wagner nhìn nhận sẽ không thể chiếm được Bakhmut trước "tháng Ba hoặc tháng Tư", với điều kiện phải cắt được mọi ngả đường tiếp viện của Ukraine. Ông Yevgeny Prigozhin chỉ trích tiến độ chậm chạp của Nga là do "tình trạng quan liêu quân sự trầm trọng".

Thu Hằng

*************************

Chiến tranh Ukraine : Nga vẫn không từ bỏ Kherson

Chi Phương, RFI, 16/02/2023

Khoảng một tuần nữa là tròn một năm Nga xâm lược Ukraine, 24/02/2022, các cuộc oanh kích vẫn không ngừng ở Kherson, miền nam Ukraine. Kể từ khi bị lực lượng Ukraine đẩy lùi cách nay 3 tháng, quân Nga tiếp tục gây áp lực ở phía bên kia sông Dniepr, phân cách lực lượng hai bên. 

war3

Nhà cửa bị phá hủy sau nhiều tháng bị quân Nga chiếm đóng. Làng Posad-Pokrovske, phía tây bắc thành phố Kherson, Ukraine, ngày 27/01/2023. Reuters – Nacho Doce

Đặc phái viên RFI Anastasia Becchio et Boris Vichith gửi về bài phóng sự : 

"Tiếng pháo nổ vang vọng tại quảng trường trung tâm ở Kherson. Đường phố gần như không có ai. Ở bên kia sông Dniepr, Oleksandr Fedunin, phát ngôn viên của lữ đoàn 124 thuộc Lực lượng phòng vệ lãnh thổ Ukraine, cho biết lực lượng Nga tiếp tục pháo kích. Ông Okeksandr nhấn mạnh : "Mỗi ngày, Kherson bị pháo kích ít nhất 20 lần. Họ thường dùng loại súng cối 80 và 120 ly và cả tên lửa nữa. Họ nhắm vào vị trí của chúng tôi, nhưng cũng bắn vào cả các tòa nhà dân sự, cửa hàng, trường học và bệnh viện". 

Ở tả ngạn sông Dniepr, các nhóm nhỏ lính Nga thường tìm cách băng qua con sông, nay giống như là tiền tuyến, phân cách lực lượng hai bên. Ông Roman Tchoukhailov, thuộc đơn vị trinh sát bằng drone, được giao trách nhiệm giám sát khu vực nhạy cảm này : "Tại khu vực mà sông đổ ra biển này, vùng Châu thổ giống như là một mạng nhện. Sông bị phân thành nhiều nhánh nên rất dễ bị lạc. Đối với các đơn vị trinh sát, đây là một khu vực rất quan trọng. Chúng tôi hoạt động không ngừng nghỉ, giống như phía Nga, nhưng chúng tôi có một lợi thế lớn, đó là nắm rành địa thế, bởi vì chúng tôi sống ở đây. Tôi lớn lên ở đây, vì thế mọi chuyện dễ dàng hơn nhiều đối với tôi". 

Roman phải quay trở lại giám sát dòng sông. Ông chờ đợi là càng gần đến ngày đánh dấu một năm Nga xâm lược Ukraine, quân Nga sẽ gia tăng các hoạt động xâm nhập". 

Chi Phương

**********************

Đức và Bồ Đào Nha sẽ giao xe tăng Leopard 2 cho Ukraine vào cuối tháng 3

Thùy Dương, RFI, 16/02/2023

Chính phủ Đức ngày 15/02/2023 thông báo 17 xe tăng chiến đấu Leopard 2 do Đức chế tạo sẽ được giao cho Ukraine vào cuối tháng 03/2023. Thông báo của bộ trưởng quốc phòng Đức, Boris Pistorius, được đưa ra sau cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng khối NATO tại Bruxelles.

war4

Bộ trưởng quốc phòng Đức Boris Pistorius phát biểu khi đến thăm đơn vị xe tăng Leopard dự kiến sẽ giao cho Ukraine, tại Augustdorf, Đức, ngày 01/02/2023. Reuters – Benjamin Westhoff

Hồi cuối tháng 01/2023, Berlin đã cam kết cùng với các nước đồng minh trong khối NATO viện trợ cho Kiev khoảng 30 xe tăng chiến đấu Leopard 2, nhưng theo AFP, các nước này hiện giờ chưa thể huy động đủ số xe tăng như đã hứa. Trong số 17 xe tăng chiến đấu Leopard 2 dự kiến được giao cho Kiev vào cuối tháng 3, có 14 chiếc Leopard 2 A6 của Đức và 3 chiếc của Bồ Đào Nha.

Cũng trong ngày hôm qua, phó thủ tướng Đức Robert Habeck chỉ trích việc Thụy Sĩ từ chối cung cấp đạn dược cho Kiev. Đây là những loại đạn trang bị cho xe tăng phòng không Guepard mà Đức đã viện trợ cho quân đội Ukraine. Berlin từng giao cho Kiev 30 xe tăng Guepard nhưng không thể cung cấp đủ đạn dược cho loại xe tăng này hoạt động tại Ukraine. Hồi năm 2022, Thụy Sĩ đã 2 lần cấm Đức giao cho Ukraine đạn do Thụy Sĩ sản xuất. Phó thủ tướng Đức hôm qua cho biết đang tiếp tục thảo luận với Genève về chủ đề này.

Về phía Ukraine, theo Reuters, công ty sản xuất vũ khí Ukroboronprom hôm qua thông báo đã bắt đầu phối hợp sản xuất đạn pháo với một nước Trung Âu là thành viên của NATO, nhưng không nói cụ thể đó là nước nào. Công ty của Ukraine cũng dự kiến phát triển và chế tạo nhiều loại vũ khí và thiết bị quân sự khác với các nước đồng minh.

Trong khi đó, theo Le Monde, ngành công nghiệp vũ khí của Cộng hòa Czech đang hoạt động hết công suất để cung cấp vũ khí cho Ukraine. Cộng hòa Czech, một trong những nước đầu tiên giao cho Kiev xe tăng, dàn phóng roc-ket và nhiều tên lửa, đã ghi nhận mức bán vũ khí cao kỷ lục trong năm 2022.

Về phần Israel, dù tổng thống Ukraine Zelensky đã nhiều lần đề nghị, nước này vẫn không cung cấp vũ khí cho Kiev. Hôm nay, ngoại trưởng Israel Eli Cohen đến Kiev gặp đồng nhiệm Ukraine Dmytro Kuleba và tổng thống Zelensky.

Thùy Dương

Additional Info

  • Author Thu Hằng, Chi Phương, Thùy Dương
Published in Quốc tế

Đa số người dân Nga vẫn đang ngoan ngoãn tuân theo sự cai trị của Putin.

nga1

Những người lính tại Nhà thờ Lực lượng Vũ trang Nga, gần Moscow, tháng 1/2023 - Yulia Morozova / Reuters

Trong giai đoạn sau của thời kỳ Xô viết, chỉ có hai lần quân đội Liên Xô làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày của dân thường. Lần đầu tiên là cuộc xâm lược Tiệp Khắc năm 1968, vốn gần như không được người Nga chú ý vì chẳng ai biết chuyện gì đang xảy ra. Lần thứ hai là cuộc xâm lược Afghanistan năm 1979, với hậu quả lớn hơn nhiều. Đối với nhiều người, cảnh những chiếc quan tài bằng kẽm được chở về từ một đất nước phương nam xa xôi, ngay cả khi chủ nghĩa Mác-Lênin không còn phổ biến ở quê nhà, đã phá vỡ nền tảng đạo đức của dự án Xô-viết.

Năm 2022, quân đội của Moscow một lần nữa làm gián đoạn cuộc sống của những người dân bình thường bằng một cuộc xâm lược, và kết quả thậm chí còn tồi tệ hơn hai sự kiện trước đó : Nước Nga vừa trải qua một năm kinh hoàng nhất trong lịch sử hậu Xô viết. Tuy nhiên, bất chấp thiệt hại nhân mạng ngày càng tăng và các tổn thất về mặt đạo đức, nền tảng quốc gia vẫn chưa bị lung lay. Đúng là người Nga đang trở nên chia rẽ và quan điểm của họ dần phân cực khi mọi người trở nên mệt mỏi với chiến tranh. Nhưng "chiến dịch quân sự đặc biệt" đã không làm suy yếu quyền lực của Putin, mà ngược lại còn củng cố nó.

Những người lo sợ Putin hoặc đã trốn khỏi đất nước, hoặc đã bị bịt miệng. Chế độ của Tổng thống Nga có một kho công cụ đáng gờm để chống lại bất kỳ ai dám lên tiếng hoặc bày tỏ sự phản đối. Họ sử dụng hệ thống luật pháp để đè bẹp bất kỳ sự bất đồng chính kiến nào, tuyên những bản án tù kiểu Stalin cho các nhà hoạt động phản chiến. Họ phát minh ra "những ngôi sao vàng " của riêng mình để quấy rối và đe dọa những người được coi là "đặc vụ nước ngoài". (Tôi đã bị phân loại vào nhóm này hồi cuối tháng 12.) Họ đóng cửa hoặc chặn quyền truy cập vào gần như toàn bộ các phương tiện truyền thông độc lập. Và họ gán nhãn "kẻ phản bội quốc gia" cho bất kỳ ai không bày tỏ sự vui mừng trước việc nhà nước gia tăng đàn áp, trước chiến tranh, và trước chế độ quân sự-cảnh sát ngày càng được cá nhân hóa.

Vì vậy, thay vì phản đối, hầu hết người Nga đã nói rõ rằng họ chọn cách thích nghi. Ngay cả việc chạy trốn khỏi đất nước cũng không nhất thiết là một hình thức phản kháng : đối với nhiều người, đó chỉ đơn giản là câu trả lời thực tế cho câu hỏi : Làm thế nào để tránh bị giết hoặc trở thành kẻ giết người ? Đúng là người dân Nga đang lo lắng hơn bao giờ hết. Theo các cuộc khảo sát dư luận, sự lo lắng của người Nga tăng lên mức cao mới vào năm 2022, dù nó đã ít nhiều quay trở lại mức có thể chấp nhận được khi nguy cơ động viên nghĩa vụ quân sự tạm giảm xuống. Nhưng thích nghi đã trở thành đặc điểm nổi bật nhất của người Nga. Khi nào thì chuyện này sẽ kết thúc ? Hiện tại vẫn chưa có câu trả lời.

Cái chết và sự phụ thuộc

Putin đang xây dựng một đế chế mới, nhưng mọi chuyện diễn ra không suôn sẻ. Người dân đang lũ lượt chạy trốn. Một trong những trụ cột của đế chế Xô viết là các dự án xây dựng Cộng sản hoành tráng. Nhưng vị hoàng đế thời nay đã bắt đầu công việc khôi phục đế chế bằng cách phá hủy chính các dự án Cộng sản đó bằng tên lửa của Nga : một phần quan trọng của cơ sở hạ tầng Ukraine mà Putin đã và đang tấn công được xây dựng bởi chính những người tiền nhiệm của ông hồi thế kỷ 20. Ví dụ là nhà máy điện TEC-5 ở Kharkiv. Được Liên Xô xây dựng vào thập niên 1970, nó đã cung cấp điện cho hàng triệu người và trở thành nhà máy nhiệt điện lớn thứ hai của Ukraine. Tháng 9/2022, nó bị Nga tấn công, gây ra một đám cháy dữ dội suốt nhiều tuần và dẫn đến mất điện trên một vùng rộng lớn của đất nước. Sự khác biệt là không thể phủ nhận : đế chế Xô viết đã phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên, Sputnik, và con người đầu tiên, Yuri Gagarin, vào không gian, còn Putin phóng tên lửa chết người sang nước láng giềng. Đây là sự khác biệt giữa quyền lực mềm, vốn đã từng là đặc trưng của Liên Xô ở một giai đoạn nhất định, và quyền lực của Putin, vốn không mềm chút nào.

Tuy nhiên, 2022 – năm của chiến tranh, năm của những cú sốc thường trực – đã không làm thay đổi sự ủng hộ dù miễn cưỡng của dân chúng đối với chế độ. Đây không chỉ là phản xạ tự vệ của những người Nga bình thường – "Đất nước của chúng tôi, dù đúng hay sai" hay "Các nhà lãnh đạo của chúng tôi biết rõ nhất, vì họ có nhiều thông tin hơn chúng tôi". Thay vào đó, nó là một phản ứng hai mặt, cố gắng tìm cách lẩn tránh thực tế. Một mặt, nó thể hiện mong muốn trả thù kẻ thù, những kẻ thậm chí không còn được coi là con người. Mặt khác, nó dựa trên sự tưởng tượng rằng cuộc sống vẫn có thể trôi qua bình thường ở một đất nước đang có hành động bạo lực chống lại nước khác, và việc "hy sinh anh dũng" trên chiến trường đã trở thành chuẩn mực được xã hội chấp nhận.

Hình thức bảo vệ cảm xúc này giải thích lý do tại sao hầu hết người Nga coi năm 2022 là một năm rất khó khăn – nhưng vẫn ít khó khăn hơn so với năm đầu tiên của đại dịch Covid-19, hay giai đoạn đầu thập niên 1990 đầy hỗn loạn. Theo các cuộc thăm dò của Trung tâm Levada độc lập, vào cuối năm 2022, nỗi lo sợ về đàn áp hàng loạt, sự cai trị độc đoán, và sự đàn áp của chính phủ đã thực sự giảm bớt so với vài tháng trước. Tất cả những công cụ này đã được sử dụng với cường độ ngày càng tăng xuyên suốt năm 2022, nhưng mọi người nói rằng họ đã không còn quan tâm đến chúng như trước. Mối quan tâm bị giảm sút này không chỉ là hệ quả của áp lực phải duy trì sự đoàn kết trong thời chiến, mà còn do sự không sẵn lòng thừa nhận rằng thời thế đã khác – nói cách khác, là đang tự lừa dối bản thân. Ngoài ra, theo dữ liệu thăm dò ý kiến, nỗi sợ hãi lớn duy nhất vẫn còn ở mức độ như trước đây là viễn cảnh xảy ra chiến tranh thế giới. Đó dường như là điều duy nhất mà những người Nga bình thường không tìm cách tự lừa dối mình.

Một bộ phận đáng kể dân chúng Nga đã bỏ qua việc Putin vi phạm chính khế ước xã hội mà ông đã đặt ra nhiều năm trước khi "chiến dịch đặc biệt" bắt đầu. Ngay từ đầu, các quan chức đã khẳng định rằng họ chỉ là những chuyên gia quân sự đang làm công việc của mình, và hứa với người Nga rằng miễn là họ chịu ủng hộ chế độ, thì các nhu cầu cơ bản vẫn sẽ được đáp ứng và cuộc sống bình thường vẫn sẽ được duy trì. Giờ đây, tất nhiên, lời hứa đó không còn giữ được nữa. Putin yêu cầu cả nước cùng gánh vác công việc mà ông đã bắt đầu, và hóa ra, ông cần người Nga hy sinh tính mạng của mình. Sự chuyển hướng này đã được thể hiện qua lời hứa rằng cái chết nơi chiến trường sẽ giúp người ta xóa bỏ mọi tội lỗi của mình ở trần gian, như lời Thượng phụ Kirill, người đứng đầu Nhà thờ Chính thống Nga. Đôi khi, lời nói dối càng khủng khiếp và lời biện minh cho nó càng kỳ quặc, thì đa số càng dễ dàng tin vào điều đó.

Điều quan trọng là nhiều người Nga đang phụ thuộc vào nhà nước. Theo số lượng thống kê chính thức, tỷ lệ các khoản thanh toán trợ cấp xã hội trong thu nhập thực tế của người dân hiện nay lớn hơn so với thời kỳ Xô viết. Bất chấp sự xuất hiện của nền kinh tế thị trường và một tầng lớp những người đủ khả năng tự nuôi sống bản thân, Putin đã làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng vai trò kinh tế của nhà nước vẫn lớn nhất có thể. Và ông đã sử dụng nguồn tiền từ dầu mỏ để đạt được mục tiêu đó.

Những người phụ thuộc vào nhà nước đều rất "ngoan ngoãn", trên hết là về mặt chính trị, và hướng đi của nền kinh tế Nga trong những năm gần đây đã củng cố thực tế này. Chỉ một tỷ lệ nhỏ dân số có thu nhập từ hoạt động kinh doanh, trong khi tiền lương từ khu vực công và trợ cấp xã hội chiếm một phần lớn thu nhập của người dân. Theo dữ liệu từ điều tra dân số năm 2021, cứ ba người Nga thì có một người – tương đương 33% – phụ thuộc vào các khoản trợ cấp xã hội như một nguồn thu nhập. Ngoài ra, một phần tư người Nga đang phụ thuộc kinh tế vào người khác. Dù chất lượng của dữ liệu điều tra dân số năm 2021 là tệ nhất trong lịch sử của đất nước thời hậu Xô viết, những con số này vẫn gây sốc.

Hiện tại, Putin đang đưa ra yêu cầu tuyển quân làm "bia đỡ đạn" trong bối cảnh kinh tế-xã hội tương đối bình lặng. Nhưng mọi chuyện có thể thay đổi khi nền kinh tế lao dốc. Ngân sách liên bang sẽ không thể tránh khỏi bị suy giảm do hạn chế xuất khẩu dầu và khí đốt, không có nhiều hoạt động kinh tế, nhưng lại chi tiêu đáng kể cho quốc phòng và an ninh – nhà nước Nga sẽ khó mà mua lòng trung thành của người dân trong những tháng tới. Tuy nhiên, nhiều khả năng Putin vẫn sẽ vượt qua. Bởi vì các cơ quan an ninh và hành pháp, từ quân đội, cảnh sát, đến các lực lượng đặc nhiệm, vẫn sẽ được tài trợ dồi dào, và chính họ sẽ là những người ép buộc kẻ khác phải trung thành. Phương pháp cây gậy và củ cà rốt chưa bị hủy bỏ, nhưng giá trị của cây gậy đang ngày càng gia tăng.

Orwell ở Moscow

Dữ liệu về các vụ truy tố ở Nga đã cho thấy mức độ phản đối công khai đối với Putin và phản ứng chính thức đối với các hành động phản đối đó. Trong năm 2022, 20.467 người đã bị giam giữ vì lý do chính trị, chủ yếu là vì đã công khai thể hiện tình cảm phản chiến ; và 378 người đã bị truy tố hình sự vì tội "làm mất uy tín hoặc tung tin giả về quân đội Nga" – nói cách khác, vì dám có lập trường phản chiến. Trong số 378 người đó, 51 người đã bị kết án. Được chú ý nhiều nhất là các vụ việc chống lại Alexei Gorinov, ủy viên hội đồng của một quận ở Moscow, và Ilya Yashin, chính trị gia theo chủ nghĩa tự do. Hồi tháng 7, Gorinov đã nhận bản án gần 7 năm tù vì phát tán "thông tin sai sự thật về quân đội một cách có chủ ý". Sang tháng 12, Yashin bị kết án 8 năm rưỡi tù giam với lý do tương tự, cụ thể là vì ông đã đề cập đến vụ thảm sát Bucha. Cũng trong năm 2022, 176 cá nhân và tổ chức bị tuyên bố là "đặc vụ nước ngoài" và Quốc hội Nga đã thông qua 22 đạo luật mới nhằm tăng cường quyền lực đàn áp của nhà nước. Trong số này có một luật mới nhắm vào "tuyên truyền" LGBT và một luật trao cho nhà nước quyền hạn được mở rộng đáng kể đối với cái gọi là "đặc vụ nước ngoài".

Đáng chú ý không kém là việc kiểm duyệt được sử dụng ngày càng nhiều. Năm 2022, chính quyền đã chặn hơn 210.000 trang web và cỗ máy của Putin đã vô hiệu hóa tất cả các phương tiện truyền thông độc lập còn sót lại ở Nga. Tuy nhiên, những cơ quan truyền thông bị chặn hoặc đóng cửa này đang cố gắng thực hiện công việc của họ ở bên ngoài nước Nga (và đôi khi ngay cả từ trong nước : chẳng hạn, Novaya Gazeta đang cố gắng quảng bá các dự án mới, và chương trình phát thanh Echo of Moscow trên YouTube cũng được thực hiện một phần từ Moscow). Những người Nga muốn xem, nghe, hoặc đọc các thông tin và dòng quan điểm thay thế có thể sử dụng mạng VPN. Nhiều phương tiện truyền thông độc lập lưu vong cũng phát sóng trên YouTube, nền tảng chính phủ Nga vẫn chưa chặn vì lo sợ cơn thịnh nộ từ một lượng lớn người dùng phi chính trị của nền tảng này.

Trên thực tế, dù số liệu đã rất cao, nhưng việc kiểm đếm các vụ truy tố chính trị và các trang web bị chặn chỉ tiết lộ bề nổi của tảng băng chìm. Sự tức giận đối với Putin và với cuộc chiến còn lớn hơn nhiều. Nhiều trong số những người còn ở lại Nga sợ không dám lên tiếng, trong khi những người khác trốn khỏi đất nước, "bỏ phiếu bằng chân" chống lại Putin. Và vẫn còn những người khác nữa đã quay trở lại với "dân chủ nhà bếp" thời Xô viết, âm thầm thảo luận và lên án cuộc chiến của Putin tại nhà hoặc trong các quán cà phê. Điều đáng chú ý ở nước Nga hiện nay là sự nổi lên của các tác phẩm văn học kinh điển chứa đựng những thông điệp phản chiến tinh tế. Cuốn sách được đọc nhiều nhất vào đầu năm ngoái là 1984 của George Orwell. Những cuốn sách bán chạy khác là những tác phẩm viết về cuộc sống hàng ngày ở Đức hồi thập niên 1930, trong đó mọi người dần hiểu được bản thân và nỗi sợ hãi của họ. Các nhà xuất bản cũng đang tái bản những cuốn sách phản chiến mà chính quyền khó có thể phản đối, chẳng hạn như tuyển tập bài giảng năm 1945 của nhà triết học người Đức gốc Thụy Sĩ Karl Jaspers về tội lỗi và trách nhiệm tập thể của người Đức, và các bài viết phản đối chiến tranh của Leo Tolstoy. Những nhà văn này đang bày tỏ loại tình cảm mà nhiều người Nga ngày nay có thể đồng cảm.

Xét đến quy mô của cuộc đàn áp, sẽ là không thực tế nếu mong đợi một cuộc nổi dậy quần chúng chống lại Putin, đặc biệt là vì hầu hết dân thường ở Nga thích phủ nhận sự thật và tin vào những lý lẽ kỳ lạ mà chế độ tạo ra. Người dân không muốn đứng về phía cái ác, nên họ gán cho cái ác là cái thiện, từ đó buộc mình phải tin rằng Putin đang mang lại hòa bình. Như một phát ngôn viên Điện Kremlin nói, Tổng thống đang phóng đi "những tên lửa của chính nghĩa". Bởi nếu không, người Nga tự nhủ, NATO sẽ phá hủy và chia cắt đất nước của họ – dù chẳng có lấy một chút bằng chứng nào chứng minh cho khẳng định đó ở thời điểm trước tháng 2/2022. Putin là người biết rõ nhất.

Biến mất

Putin và các nhà tư tưởng Kremlin của ông thích nói rằng phương Tây muốn xóa sổ Nga khỏi bản đồ. Về phần mình, họ muốn thấy Nga chiếm được một vị trí lớn hơn nhiều trên bản đồ bằng cách xây dựng một đế chế khổng lồ. Họ muốn quay trở về quá khứ xa xôi. Điều trớ trêu là, khi Nga – chí ít là trong tưởng tượng địa lý của Điện Kremlin – mở rộng phạm vi lãnh thổ trong cuộc chiến tàn khốc chống lại Ukraine, thì nước này thực ra đã biến mất khỏi bản đồ chính trị.

Phương Tây từng coi Nga là một quốc gia đang trên con đường tiến tới dân chủ. Nhưng giờ đây, trong mắt họ, Nga là một quốc gia bị bài xích và một quốc gia thất bại. Các nước láng giềng thuộc Liên Xô trước đây của Nga – các thành viên của Cộng đồng các Quốc gia Độc lập – đang khiếp sợ và đã lịch sự giữ khoảng cách với Moscow ; một số nước trong nhóm này còn đang khai thác thành công lực lượng lao động đã chạy trốn khỏi Putin. (Chỉ riêng vào năm 2022, 2,9 triệu người Nga đã đến Kazakhstan và gần 150.000 người đã được cấp giấy tờ tùy thân cần thiết để làm việc tại đây.) Trung Quốc và Ấn Độ, trong khi vẫn giữ quan hệ thân thiện với Nga về xã giao và kinh tế, đã bắt đầu quan sát với sự hoài nghi khi Putin rơi vào vòng xoáy tự hủy diệt, mang theo cả nền kinh tế, lực lượng lao động, phẩm giá, và quyền lực mềm của đất nước ông.

Tháng 3/2022, theo một cuộc thăm dò của Trung tâm Levada, 80% người Nga "hoàn toàn ủng hộ" hoặc "tương đối ủng hộ" cuộc chiến của Nga. Nói một cách chính xác, họ ủng hộ "các hành động của lực lượng vũ trang Nga ở Ukraine". Vào thời điểm đó, dư luận chưa sẵn sàng xem đó là một "cuộc chiến", và không chỉ bởi vì người ta có thể bị truy tố nếu dám gọi như vậy, mà họ thực sự tin rằng đó chỉ là một chiến dịch quân sự ngắn hạn. Đến tháng 12/2022, mọi thứ đã thay đổi. Không còn nghi ngờ gì, người Nga đang tham chiến, đến mức các quan chức hàng đầu của nước này, khi tìm cách biện minh cho những thất bại liên tiếp của quân đội, đã gọi đó là "cuộc chiến với NATO". (Tất nhiên, họ sẽ không gọi đó là cuộc chiến với người anh em Ukraine, vốn đang bị phương Tây "sử dụng để tiêu diệt Nga".) Lúc này, dù các quyết định của Putin vẫn nhận được sự ủng hộ chung của 71% số người được khảo sát, nhưng phần dân số "hoàn toàn ủng hộ" đã giảm từ 52% trong tháng 3 xuống chỉ còn 41% trong tháng 12. Những người mất tinh thần nhiều nhất trước cuộc tắm máu của Putin là những người Nga trẻ tuổi và những người thu thập thông tin từ Internet hơn là truyền hình Nga. Hồi tháng 12, 50% số người được hỏi ủng hộ đàm phán hòa bình, trong khi chỉ 40% cho rằng tốt hơn là nên tiếp tục chiến đấu. (Cũng không ngạc nhiên khi sự ủng hộ của Nga đối với đàm phán hòa bình đạt đến đỉnh điểm trong thời gian Putin tiến hành động viên một phần vào tháng 9 và tháng 10, khi tỷ lệ này lên tới 57%). Xã hội đang bị chia rẽ.

Nhưng ai sẽ nhận trách nhiệm về "cỗ máy xay thịt của Putin" ? Khoảng tháng 5/2022, khi rõ ràng là chiến tranh sẽ không kết thúc nhanh chóng như kế hoạch – và khi người dân Nga vẫn chưa trực tiếp mắc kẹt trong cuộc chiến – số người bày tỏ ý thức trách nhiệm đạo đức đối với cái chết của người dân Ukraine đã tăng lên trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, sau đó, chủ đề đó đã quay về làm một hiện tượng bên lề : hiện tại, chỉ có khoảng một phần tư người Nga muốn nhận trách nhiệm ở một mức độ nào đó đối với cuộc chiến, và chỉ một phần mười người Nga cho rằng mình "chắc chắn" phải chịu trách nhiệm. Ngược lại, khoảng 60% số người được khảo sát đã tự miễn trừ mọi trách nhiệm đối với cái chết của những người anh em láng giềng, mà nhiều trong số đó là họ hàng và người quen của họ.

Trong lúc dân thường đang bị giết hại, và các thành phố cùng cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu đang bị san bằng, thì việc chối bỏ trách nhiệm vừa trẻ con lại vừa vô đạo đức. Nhưng việc người Nga chấp nhận trách nhiệm tập thể, chưa kể đến cảm giác tội lỗi, là chuyện ở hồi sau – nếu có. Trong tương lai gần, chế độ độc tài tàn bạo đang cai trị ở Nga sẽ áp đặt một số chuẩn mực hành vi nhất định, họ sẽ không có ý định tự biến mất, giảm bớt chiến dịch đàn áp và tuyên truyền, hoặc chấm dứt chiến tranh. Tất nhiên, những người dân ngoan ngoãn và kiệt sức sẽ chấp nhận với lòng biết ơn bất cứ điều gì mà chế độ chuyên chế mang lại – kể cả hòa bình.

Có những lúc, nước Nga trông như thực sự đã biến mất khỏi bản đồ hoặc đã bị sáp nhập bất hợp pháp bởi chính phủ của mình. Trong vòng chưa đầy một năm, Putin và đội ngũ của mình đã hủy hoại mọi thứ thuộc về Nga, thậm chí cả văn hóa Nga. Hình ảnh của nước Nga chưa bao giờ bị vùi dập như vậy kể từ thời Stalin. Liên Xô trong những năm cuối cùng vẫn được thế giới tôn trọng hơn nhiều so với nước Nga hiện nay.

Theo một nghĩa nào đó, mọi thứ xảy ra kể từ khi Nga xâm lược Ukraine đều đã bị cuốn vào vòng luẩn quẩn của lịch sử chính trị của nước này. Ông ngoại của tôi từng bị bắt vì lý do chính trị vào năm 1938, trong thời kỳ Đại Thanh trừng, nghĩa là ở tuổi lên chín, mẹ tôi đã trở thành con gái của một "kẻ thù của nhân dân". Bà qua đời hơn 20 năm trước, tự tin rằng đất nước của bà cuối cùng cũng đã bước vào con đường phát triển dân chủ bình thường. Bà đã không sống để chứng kiến con trai mình bị gán cho cái mác "đặc vụ nước ngoài", món quà của nhà nước dành cho tôi vào ngày 24/12/2022. Trong ba thế hệ của gia đình tôi, đã có hai thế hệ trở thành kẻ thù của các chế độ chuyên chế. Ngăn cách giữa ông ngoại, "kẻ thù của nhân dân", và cậu cháu trai, "đặc vụ nước ngoài", là hơn 80 năm lịch sử thăng trầm từ Liên Xô đến Nga, trong đó gồm 30 năm mà đất nước được tự do hóa : dưới thời Khrushchev, Gorbachev, và Yeltsin. Thật vậy, đúng như câu tục ngữ chính trị được cho là của Pyotr Stolypin, Thủ tướng Đế quốc Nga thời kỳ tiền cách mạng, "Trong một năm, mọi thứ trong nước đều thay đổi ; trong một thế kỷ, chẳng có gì thay đổi".

Andrei Kolesnikov

Nguyên tác : "How Russians Learned to Stop Worrying and Love the War", Foreign Affairs, 01/02/2023

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 13/02/2023

Andrei Kolesnikov là nghiên cứu viên cao cấp tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế.

Additional Info

  • Author Andrei Kolesnikov, Nguyễn Thị Kim Phụng
Published in Diễn đàn

Khối NATO thảo luận về việc đẩy nhanh cung cấp vũ khí cho Ukraine

Thanh Phương, RFI, 15/10/2023

Hôm 15/02/2023, tại Bruxelles, Bỉ, các nước thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO tiếp tục thảo luận về việc đẩy nhanh cung cấp vũ khí và đạn dược cho quân đội Ukraine vào lúc chiến sự diễn ra ngày càng ác liệt, đặc biệt là tại thành phố Bakhmut.

munition1

Lực lượng Nga đã bỏ lại đạn dược và danh sách hàng tồn kho khi họ vội vã rời Balakliia. Ảnh minh họa

Cuộc họp bắt đầu từ hôm qua quy tụ khoảng 50 nước trong "Nhóm Ramstein", đứng đầu là Hoa Kỳ. Đây chính là cơ chế ra các quyết định về cung cấp vũ khí cho Ukraine. Cho tới nay, nhóm này thường họp tại căn cứ quân sự Mỹ Ramstein ở Đức. 

Theo hãng tin AFP, phát biểu tại cuộc họp ở Bruxelles hôm qua, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định : "Chúng ta sẽ cung cấp cho Ukraine các phương tiện để trấn giữ và tiến đánh trong cuộc phản công mùa Xuân". Lãnh đạo Lầu Năm Góc cho biết, trong số các vũ khí dự trù sẽ được viện trợ thêm cho Kiev, có đại bác, hệ thống phòng không và xe thiết giáp, nhưng ông không đề cập đến chiến đấu cơ, mà Ukraine vẫn yêu cầu được cung cấp.

Hôm qua, đã có một số thông báo, nhất là về việc Pháp và Ý cấp cho Ukraine hệ thống phòng không Mamba (SAM-T), trị giá 500 triệu euro, tương đương với hệ thống Patriot của Mỹ. Pháp cũng sẽ cùng với Úc sản xuất đạn súng cối 155 ly và trong những ngày tới sẽ giao cho cho Kiev các xe thiết giáp AMX-10 như đã hứa. Về phần mình, Lầu Năm Góc thông báo một hợp đồng trị giá 552 triệu đôla ký với hai công ty để sản xuất đạn súng cối 155 ly. Riêng nước Đức sẽ khởi động lại một dây chuyền sản xuất đạn cho các xe tăng phòng không Gepard.

Tối qua, tổng thống Volodymyr Zelensky đã một lần nữa kêu gọi các nước đồng minh cấp tốc giao thêm vũ khí cho Ukraine, do áp lực quân sự của Nga ở miền đông ngày càng tăng, nhất là tại khu vực phía bắc thành phố Bakhmut, trung tâm điểm của các trận giao tranh ác liệt từ nhiều tháng qua. Hôm qua, chủ nhân của tập đoàn bán quân sự Nga Wagner, Yevgeny Prigozhin, thừa nhận là chưa thể chiếm được Bakhmut, do lực lượng Ukraine tại đây kháng cự rất mạnh.

Hôm qua, tổng thống Zelensky cũng cho biết tình hình "cực kỳ khó khăn" ở các vùng Lugansk và Donesk, nơi mà các binh lính Ukraine "đang giành giật từng tấc đất".

Trước viễn cảnh chiến tranh sẽ còn kéo dài, Liên Hiệp Quốc hôm nay đã kêu gọi quốc tế đóng góp 5,6 tỷ đôla để đáp ứng các nhu cầu nhân đạo trong năm nay cho 11,1 triệu người ở Ukraine và cho 4,2 triệu người tị nạn Ukraine ở Châu Âu.

Thanh Phương

**************************

Phương Tây trước áp lực đáp ứng nhu cầu vũ khí đạn dược cho Ukraine

Anh Vũ, RFI, 14/02/2023

Giữa lúc mặt trận miền đông Ukraine đang tiếp diễn ngày thêm khốc liệt và khả năng Nga mở các đợt tấn công vào mùa xuân đang đến gần, thì xuất hiện câu hỏi : quân đội Ukraine liệu có đủ đạn dược để tiếp tục cuộc chiến ? Vấn đề cấp bách được đặt ra như vậy sau khi tổng thư ký khối NATO cảnh báo về tình trạng nhịp độ sản xuất vũ khí đạn dược của các nước trong Liên Minh không theo kịp mức độ tiêu thụ của Ukraine. 

munition2

Lính Ukraine lắp vũ khí vào một trực thăng tại căn cứ quân sự của Ukraine ở vùng Kherson ngày 08/01/2023. AP - Libkos

Nền công nghiệp quốc phòng của các nước phương Tây giờ phải lao vào cuộc chạy đua với thời gian để đủ cung ứng đạn dược cho Ukraine.

Một ngày trước cuộc họp hôm nay (14/03) của các nước thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương để bàn về việc tăng tốc độ sản xuất và cung cấp vũ khí đạn dược giúp Ukraine kháng cự với đợt tấn công lớn sắp tới của Nga, tổng thư ký Jens Stoltenberg công khai nêu ra những thách thức đối với ngành công nghiệp quốc phòng phương Tây về cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Thông tín viên RFI Pierre Benazet tại Bruxelles, nơi đặt trụ sở của NATO, cho biết chi tiết :

Theo ông Jens Stoltenberg, quân đội Ukraine tiêu thụ đạn dược nhiều hơn cả khả năng sản xuất của công nghiệp quân sự Châu Âu và Mỹ. Các nước đồng minh cung cấp vũ khí cho Ukraine vẫn còn dự trữ, nhưng bây giờ các tập đoàn công nghiệp hiểu rằng họ sẽ có nhiều đơn đặt hàng và hợp đồng lớn về lâu dài và từ giờ họ đã có thể tăng tốc độ sản xuất và đầu tư, theo xác nhận của một nước thành viên NATO.

Còn theo tổng thư ký NATO, vấn đề càng trở nên cấp bách khi mà cuộc tấn công mùa xuân của quân đội Nga trên thực tế đã bắt đầu. Ông Jens Stoltenberg nói : "Việc Nga làm bây giờ là đưa hàng nghìn, hàng nghìn quân bổ sung, chấp nhận tỷ lệ tổn thất rất cao và chịu thiệt hại nặng nề nhằm tạo áp lực với Ukraine. Những thiếu hụt về chất lượng được Nga cố gắng bù lại bằng số lượng. Phải khẩn cấp trang bị thêm vũ khí cho Ukraine. Chúng ta giao vũ khí, đạn dược, các phụ tùng thay thế, nhiên liệu cho mặt trận Ukraine càng nhanh thì chúng ta càng cứu thêm được nhân mạng và củng cố tốt hơn nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này".

Các nước NATO cũng sẽ dần dần đào tạo binh sĩ Ukraine để họ bỏ thói quen từ thời Liên Xô dùng đạn dược không tiếc tay. 

Một cuộc chiến tranh cường độ cao và kéo dài gần tròn một năm như ở Ukraine ngốn một lượng khí tài đạn dược rất lớn. Chưa có con số thông kê chính xác nào, nhưng theo một nguồn tin quân sự của Pháp được AFP trích dẫn, trong tháng 7 năm ngoái, mỗi ngày quân Nga có thể đã bắn 50 nghìn quả đạn pháo, trong khi đó con số của phía Ukraine là 6.000 đầu đạn. Mức tiêu thụ đạn của Ukraine tăng vọt kể từ khi họ mở các đợt phản công cuối tháng 8. Quân đội Ukraine sẽ còn cần hỏa lực lớn hơn gấp nhiều lần để có chống lại các cuộc tấn công của Nga trong những tuần tới.

Từ đầu cuộc chiến tranh đến nay, người ta đã thấy các lãnh đạo Ukraine luôn đề nghị các đồng minh cũng cấp thêm vũ khí đạn dược. Các nước phương Tây cũng đã cố gắng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Kiev, nhưng dường như khả năng cũng bắt đầu tới gần giới hạn.

Riêng Hoa Kỳ đã cấp cho quân đội Ukraine hơn 1.600 tên lửa phòng không Stinger, hơn 8.500 tên lửa chống tăng Javelin, theo con số của Bộ ngoại giao Mỹ. Con số này tương đương với sản lượng tên lửa Javelin trong 5 năm và Stinger trong 13 năm, như xác nhận hồi tháng 12 vừa qua của ông Greg Hayes, lãnh đạo tập đoàn chế tạo vũ khí Mỹ Raytheon. Để có thêm đạn dược cho Ukraine, tập đoàn này đã phải hợp tác để tăng sản lượng tên lửa Javelin lên 400 quả mỗi tháng. 

Một thí dụ khác : Tập đoàn Nexter của Pháp, có sản lượng hàng năm khoảng vài chục nghìn đạn pháo 155 mm, cũng đang gần như chạy hết công suất, theo một quan chức cao cấp quốc phòng Pháp.

Từ sau khi bức tường Berlin bị phá bỏ cách đây 3 thập kỷ, các nước phương Tây đều cắt giảm chi tiêu quốc phòng, ưu tiên cho phát triển kinh tế thời hậu chiến tranh lạnh. Các ngành công nghiệp chiến tranh ở các nước phương Tây chỉ còn hoạt động cầm chừng, bảo đảm khả năng phòng thủ tối thiểu, hoặc phục vụ mục đích thương mại cho những cuộc xung đột nhỏ lẻ ở nơi này hay nơi khác. 

Cuộc xung đột ở Ukraine có quy mô hoàn toàn khác. Chuyên gia William Alberque, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, khẳng định : "Ngành công nghiệp quốc phòng của chúng ta (phương Tây) về đạn dược, hỗ trợ hậu cần, đào tạo tổng thể không đáp ứng được" với thách thức hiện nay. Ông nhấn mạnh phương Tây có kế hoạch "không chỉ cho Ukraine mà còn cho các vấn đề trong tương lai như Đài Loan và nhiều cuộc chiến tranh khác có khả năng xảy ra".

Không lâu sau khi chiến tranh Ukraine nổ ra, tổng thống Pháp đã nêu vấn đề khởi động nền kinh tế chiến tranh. Nhưng điều này không hề khả thi với Pháp cũng như với các nước Châu Âu khác, khi mà kinh tế thời bình cũng đang lao đao sau liên tiếp khủng hoảng dịch và lạm phát.

Việc Ukraine rơi vào tình trạng khan hiếm đạn dược đã được báo trước. Các bộ trưởng quốc phòng của NATO họp ngày hôm nay sẽ phải tìm ra giải pháp tiếp viện đạn dược cho Kiev, ít ra là trước mắt. Cuộc chiến tranh hao mòn tại Ukraine giờ đang mở ra một mặt trận mới cho phương Tây : cung cấp vũ khí đạn dược cho Kiev. 

Anh Vũ

**************************

Ukraine tuyển quân tình nguyện trước nguy cơ Nga tấn công vào mùa xuân

Minh Anh, RFI, 14/02/2023

Tổng thư ký Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg, hôm 14/02/2023 cho rằng cuộc tấn công mùa xuân của Nga đã bắt đầu. Giao tranh dữ dội ở phía đông Ukraine là khúc dạo đầu cho chiến dịch, vào lúc chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày đánh dấu đúng một năm Nga khởi động "chiến dịch quân sự đặc biệt" xâm lược Ukraine. 

munition3

Lính Ukraine tại chiến tuyến gần thị trấn Vuhledar, vùng Donetsk, Ukraine, 11/02/2023. Reuters – Marko Djurica

Reuters dẫn lời nhiều quan chức quân sự Ukraine cho biết, binh sĩ nước này đang chuẩn bị đối phó với những đợt tấn công mới trên bộ. Song song với lệnh động viên, chính quyền Kiev đã mở một chiến dịch lớn, tuyển thêm quân tình nguyện cho nhiều lữ đoàn tấn công. 

Anastasia Becchio và Boris Vichith, hai đặc phái viên đài RFI, có mặt tại miền nam Ukraine gởi về bài phóng sự : 

"Tại sảnh một tòa nhà hành chính, sau những chiếc bàn để đầy những tờ rơi kêu gọi gia nhập các đơn vị chiến đấu, một nữ quân nhân thuộc lực lượng cảnh vệ quốc gia, mặc quân phục, hướng dẫn một nam thanh niên đến đăng ký. Những người tình nguyện phải biết rõ những gì đang chờ đợi họ, như lưu ý từ một người phụ trách tuyển dụng khác. 

Ông nói : "Không ai được giấu giếm rằng đây là những tiểu đoàn xung kích. Và điều đó được ghi rõ trên các tờ rơi tuyên truyền và trong các thông báo trên vô tuyến và kênh truyền hình. Đó là những đơn vị chiến đấu giải phóng đất nước. Để thực hiện một cuộc tấn công, dĩ nhiên chúng tôi cần phải có thêm nhiều lực lượng mới để giành ưu thế so với kẻ thù". 

Trên kênh truyền hình, đài phát thanh, các quảng cáo kêu gọi thanh niên gia nhập các binh đoàn chiến đấu. Trong một tuần vận động, khoảng 17 ngàn người đã đến nộp đơn. Những tân binh mới này sẽ được hưởng một mức lương cao và nhiều phúc lợi xã hội tương tự như các binh sĩ của quân đội. Mikhailo Bileha, 30 tuổi đến đăng ký vì một lý do khác. 

Anh giải thích : "Tôi đã sống 8 tháng dưới sự chiếm đóng của Nga, gần vùng Kherson và tôi thật sự không thích Nga. Cả hai người anh của tôi đều trong quân đội, một người là pháo binh, còn người kia là ở đơn vị phòng không trên tiền tuyến". 

Để là thành viên của đơn vị xung kích, các ứng viên phải trải qua các cuộc trắc nghiệm tâm lý và kiểm tra sức khỏe. Mikhailo, bị mất một quả thận, lo sợ bị từ chối. Do vậy, anh tìm cách hỗ trợ mạng lưới các tình nguyện viên dân sự rộng lớn". 

Minh Anh

***********************

Chiến tranh Ukraine : Quân Nga tiến thêm ở Bakhmut, Ukraine cố thủ tại Vuhledar

Anh Vũ, RFI, 14/02/2023

Gần đến ngày đánh dấu một năm cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, chiến sự ngày càng thêm ác liệt trong vùng Donbass. Các giới chức quân sự Ukraine dự báo Nga đang chuẩn bị các cuộc tấn công mới trên bộ. Từ hôm qua, quân Nga đã siết chặt thêm vòng vây xung quanh thành phố Bakhmut, tìm cách chiếm thêm đất. Trong khi đó, ở phía nam, tại mặt trận Vuhledar, quân Ukraine cố thủ quyết liệt gây tổn thất rất lớn cho quân Nga.

munition4

Ảnh do Không quân Ukraine chụp tháng 02/2023 : Các xe tăng Nga bị phá hủy sau một cuộc tấn công bất thành vào Vuhledar, Ukraine. AP

Thông tín viên Stéphane Siohan tại Kiev tường trình :

Hôm thứ Hai (13/02), chính phủ Ukraine cho biết tình hình phía bắc thành phố Bakhmut rất phức tạp. Tại đây, quân đội Nga tiếp tục chiến lược lấn dần nhằm kiểm soát trục lộ nối thành phố này với phần còn lại của Donbass.

Quân Nga khẳng định đã chiếm được địa phương Krasna Hora và đang gây sức ép tại Paraskoyvka, một trong những điểm giao lộ chính của vùng.

Ở phía đông Bakhmut, quân Ukraine tiếp tục cố thủ đến cùng trong khu cư dân ngoại ô, giành giật nhau từng ngôi nhà. Quân đội Ukraine đã ra lệnh cấm thường dân vào thành phố.

Tình hình cũng đang căng thẳng ở phía bắc, tại khu vực giữa hai thị trấn Kremina và Svatov, trong vùng Luhansk. Nhưng xa hơn về phía nam, những hình ảnh của thành phố Vuhledar mới thực sự kinh sợ. Khu vực mặt trận này là mục tiêu tấn công ồ ạt của Nga. Từ khoảng ba tuần qua, những hình ảnh từ drone của quân đội Ukraine cho thấy vùng đất mỏ nằm gần Donetsk này, trước cuộc xâm lược có 15 nghìn dân, giờ gần như bị phá hủy hoàn toàn.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, một nhóm nghiên cứu có tiếng của Mỹ, vùng ven thành phố đã bị lữ đoàn 155 thủy quân lục chiến Nga biến thành mặt trận giao tranh. Đơn vị này đã mất hàng chục chiến xa.

Theo Kiev và các nước phương Tây, tổn thất của quân Nga ở xung quanh thành phố Vuhledar mỗi ngày lên tới hàng trăm lính. Có lẽ đây là con số thiệt hại hàng ngày kinh khiếp nhất từ đầu chiến tranh.

Anh Vũ

Additional Info

  • Author Thanh Phương, Minh Anh, Anh Vũ
Published in Quốc tế

Thụy Điển chuẩn bị đối phó với nguy cơ xảy ra chiến tranh

Trong bối cảnh chiến tranh Ukraine sắp tròn 1 năm, chuyên mục quốc tế của báo Le Monde hôm 15/02/2023, có bài viết đáng chú ý về việc Thụy Điển trong năm qua đã đẩy mạnh phòng vệ dân sự để chuẩn bị khả năng đối phó với xung đột.

thuydien1

Nội các Thụy Điển, với bộ trưởng Phòng vệ Dân sự Carl-Oskar Bohlin (hàng cuối, bên trái), Stockholm, tháng 10/2022. AP - Fredrik Sandberg

Đến hết năm 2022, sĩ số lực lượng phòng vệ dân sự của Thụy Điển lên đến hơn 104.000 người, tăng 16% so với hồi tháng 06. Dù là quân nhân chuyên nghiệp hay quân dự bị, công chức, tài xế xe buýt hay người trông trẻ, tất cả đều nhận được "nhiệm vụ chiến tranh". Nếu Thụy Điển bị tấn công, họ sẽ biết những gì họ được trông chờ thực hiện. Đa phần sẽ tiếp tục làm việc ở vị trí của mình, được xem là quan trọng vận hành đất nước. Những người khác sẽ được chọn tùy theo năng lực đặc biệt của họ. Nhưng mọi người đều phải tỏ ra kín đáo.

Đối với những người trong độ tuổi 16-70 và không nhận được nhiệm vụ, họ cũng không được bỏ trốn, mà phải tiếp tục hoạt động của mình và có thể được Cơ quan quốc gia về việc làm huy động.

121.500 thanh niên Thụy Điển đón sinh nhật 16 tuổi trong năm 2022 đã nhận được thư của Cơ quan phòng vệ dân sự (MSB) thông báo rằng từ nay họ trở thành một phần của lực lượng "phòng vệ toàn diện" của vương quốc Thụy Điển và có "nghĩa vụ giúp đỡ trong trường hợp có mối đe dọa về chiến tranh hoặc nếu chiến tranh xảy ra".

Sau khi chiến tranh Ukraine nổ ra, lần đầu tiên tính từ năm 1947, Thụy Điển lại có bộ trưởng Phòng vệ dân sự, bên cạnh bộ trưởng Quốc phòng. Tân bộ trưởng Phòng vệ dân sự Carl-Oskar Bohlin, nhậm chức ngày 18/10/2022, giải thích việc bổ nhiệm ông là do "tình hình an ninh rất nghiêm trọng mà Thụy Điển và Châu Âu đang gặp phải". Ông giải thích vai trò của mình là điều phối các nỗ lực tái lập hệ thống phòng thủ dân sự của đất nước để "trong trường hợp bị tấn công quân sự, xã hội vẫn tiếp tục hoạt động, bất chấp những xáo trộn rất nghiêm trọng" và rằng "xã hội cũng có thể tập trung tất cả mọi nguồn lực và năng lượng để hỗ trợ quân đội thực hiện nhiệm vụ".

Le Monde trích dẫn một chuyên gia của Viện Nghiên cứu Thụy Điển về phòng phòng : "Trong hoàn cảnh này, chúng tôi đã phát hiện ra chiến tranh hiện đại tấn công toàn thể xã hội, như trường hợp của Ukraine, và chúng tôi lo sợ rằng đó sẽ là một cuộc chiến tổng hợp, có độ chính xác. Đối mặt với cuộc chiến tranh toàn diện này, cần có lực lượng phòng vệ toàn diện, cả quân sự và dân sự".

Theo đường lối trung lập, Thụy Điển chưa trải qua một cuộc xung đột vũ trang nào kể từ năm 1814. Nhưng điều đó không ngăn cản Thụy Điển chuẩn bị mọi chuyện, bởi trong Đệ nhị Thế chiến, người dân Thụy Điển cũng chịu cảnh thiếu hụt, khan hiếm hàng hóa.

Khắc phục sai lầm chiến lược trong quá khứ

Sau Đệ nhị Thế chiến, trong nhiều thập niên, Thụy Điển đã trang bị một hệ thống phòng vệ dân sự mà bộ trưởng Phòng vệ dân sự nhìn nhận là "hệ thống được xây dựng kỹ nhất và phát triển nhất thế giới". Thế nhưng, theo Le Monde, đằng sau nhận xét của ông Carl-Oskar Bohlin là một sự cay đắng, bởi vì sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin và Liên Xô, khi mối đe dọa chiến tranh ở Châu Âu đã giảm, Thụy Điển đã "phạm sai lầm chiến lược" khi tin rằng mọi chuyện đã kết thúc.

Vụ Nga xâm chiếm bán đảo Crimea của Ukraine hồi năm 2014 đã tạo ra một sự thay đổi 180 độ tại Thụy Điển. Sau khi bị hủy vào năm 2010, nghĩa vụ quân sự đã được Thụy Điển khôi phục vào năm 2017 và phòng vệ dân sự được tái khởi động. Đến năm 2018, 4,9 triệu hộ gia đình đã nhận được trong hộp thư sách hướng dẫn bằng 14 ngôn ngữ "Trong trường hợp nổ ra chiến tranh hoặc khủng hoảng". Họ được giải thích cách chuẩn bị đối phó với tình huống xấu nhất.

Việc lập kế hoạch diễn ra ở mọi cấp độ trong xã hội. Ở cấp quốc gia, một đạo luật có hiệu lực từ ngày 01/10/2022 xác định 10 lĩnh vực chiến lược (bưu chính viễn thông, tài chính, năng lượng, y tế …) và yêu cầu các cơ quan chính phủ bảo đảm hoạt động của các lĩnh vực này.

Patrik Moström, người đứng đầu bộ phận khẩn cấp của Cơ quan nông nghiệp, giải thích rằng thách thức là "giữ cho mọi người khỏe mạnh trong một thời gian dài, từ 3 tháng đến 1 năm", khi nhập khẩu có thể phải tạm ngưng và các tuyến tiếp vận bị cắt. Bước tiếp theo là xác định những gì có thể được sản xuất ngay tại địa phương và những gì sẽ phải dự trữ. Từ sau Chiến Tranh Lạnh, Thụy Điển trở thành xã hội chỉ tích lũy đủ dùng chứ không dự trữ nhiều, và ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu, thường chỉ tự chủ được 50% nhu cầu, so với tỉ lệ 80% ở nước láng giềng Phần Lan.

Cuộc cách mạng kỹ thuật số cũng khiến xã hội dễ bị tổn thương hơn trước các vụ cuộc tấn công từ bên ngoài. Tại Stockholm, cơ quan bảo vệ dân sự muốn nâng cao ý chí bảo vệ đất nước của người dân Thụy Điển thông qua các chiến dịch thông tin và diễn tập, bởi Stockholm "không ngây thơ đến mức tin rằng có thể chống chọi lại với mọi chuyện".

Le Monde kết luận, thông qua việc chuẩn bị cho mọi tình huống, Stockholm cũng hy vọng có thể ngăn cản một đối thủ tiềm tàng tấn công Thụy Điển.

IT Army of Ukraine : Bí ẩn đội quân công nghệ số của Ukraine

Về chiến tranh Ukraine, cả báo Le Figaro Les Echos đều chú ý đến áp lực đối với phương Tây trong việc viện trợ đạn dược cho Ukraine.

Trong khi đó, Libération hôm nay dành một tựa trên trang nhất và hồ sơ 4 trang cho "IT Army of Ukraine". Đội quân công nghệ số của Ukraine được bộ trưởng Chuyển đổi công nghệ số của Ukraine thông báo thành lập chỉ 2 ngày sau khi chiến tranh nổ ra. Không chỉ giao tranh với quân Nga trên chiến trường, Ukraine còn đối phó với Nga trên mặt trận công nghệ số. Nhưng sau 1 năm, cho đến nay, theo Libération, vẫn còn "một vùng tối" với nhiều "điều bí ẩn" bao trùm đội quân này, chẳng hạn khuôn khổ hoạt động ra sao ? Ai chỉ huy ? Đâu là vai trò của Nhà nước Ukraine ?

Theo những lời chứng mà Libération thu thập được trong cuộc điều tra, "IT Army of Ukraine" được thành lập theo ý tưởng của chính phủ Ukraine nhưng đội quân lại gồm các tình nguyện viên, không chỉ trong nước mà cả của nước ngoài, và nhắm đến tấn công các trang mạng của Nga.

Libération nhắc lại, hồi tháng 09/2022, nhật báo Hà Lan De Volkskrant từng đăng tải chân dung của một người tự xưng là cựu thành viên lực lượng đặc nhiệm của Hà Lan và là một trong những "đại tá" của IT Army. Theo người này, các thành viên của SBU, Cơ quan an ninh nội địa Ukraine, chính là "xương sống" của đội quân này và chính họ chọn lựa các nhà quản lý trung gian từ các tình nguyện viên. Khi được Libération liên lạc, cả Bộ quốc phòng Ukraine, Bộ chuyển đổi công nghệ số và SBU đều không hồi đáp.

Các mục tiêu mà IT Army nhắm đến rất đa dạng : giới công nghiệp, thương mại, tài chính, cơ quan công quyền cấp trung ương và địa phương, các phương tiện truyền thông, dịch vụ số... của Nga. Một người Ukraine ẩn danh nói với Libération : "Chúng tôi mở rộng các đòn trừng phạt để người dân ở phía bên kia (ý nói tới phía Nga), cảm thấy thế nào là chiến tranh".

Tuy nhiên, Libération cũng đặt câu hỏi về tính chính đáng của các hành động tấn công mạng của "IT Army of Ukraine", bởi nhiều mục tiêu họ nhắm tới, chẳng hạn một số ngân hàng, phương tiện truyền thông xã hội… không phải cơ sở quân sự mà là cơ sở dân sự.

Nước Nga muốn loại bỏ nội dung đồng giới ra khỏi văn hóa

Vẫn có liên quan đến nước Nga, báo công giáo La Croix giới thiệu bài phỏng vấn nhà sản xuất điện ảnh Nga Kirill Serebrennikov, đạo diễn phim "Người vợ của Tchaikovsky". Bộ phim nói về tình yêu đồng giới của nhà soạn nhạc thiên tài Tchaikovsky đã bị cấm chiếu tại Nga. Nhà làm phim, nay sống lưu vong, cho biết ngay từ khi mới quay phim, ông đã biết tác phẩm sẽ không báo giờ được phát hành trong nước.

Các quan chức chỉ muốn loại bỏ khỏi nền văn hóa Nga tất cả những gì liên quan đến tình yêu đồng giới. Giới lãnh đạo và chính trị Nga tin rằng chỉ cần đọc sách về đề tài đồng tính là sẽ biến thành người đồng tính và điều đó là trái với giá trị Nga. Thế nhưng, đối với Kirill Serebrennikov, chống lại người đồng giới và ủng hộ chiến tranh Ukraine đều là sự thù hận, cho thấy tâm hồn con người đã biến mất.

Pháp : Trầm cảm tăng, nhất là ở giới trẻ

Cũng như Libération, về xã hội Pháp, báo Le Monde quan tâm đến sự xuống cấp về sức khỏe tâm thần của người dân trong bối cảnh khủng hoảng Covid-19 trong 3 năm qua. Trong bài viết "1/5 thanh niên mắc chứng rối loạn trầm cảm", Le Monde cho biết theo kết quả điều tra Cơ quan y tế công cộng Pháp công bố hôm 14/02/2023, các đợt trầm cảm trong dân chúng nói chung đều tăng trong năm 2021, tỉ lệ này ở giới trẻ tăng gần gấp đôi so với năm 2017.

Giai đoạn trầm cảm được xác định là giai đoạn buồn bã hoặc mất hứng thú trong ít nhất hai tuần liên tiếp, kèm theo ít nhất ba triệu chứng "thứ cấp", chẳng hạn mệt mỏi, sụt cân hoặc tăng cân, có vấn đề về giấc ngủ, khả năng tập trung, nghĩ về cái chết và những điều này gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Người phụ trách cuộc điều tra, một trong các tác giả bản báo cáo cho biết họ đã lường tới xu hướng gia tăng các đợt trầm cảm, nhưng không không nghĩ là đến mức như vậy, nhất là ở giới trẻ. Ở lứa tuối 18-24, các đợt trầm cảm liên quan phần nào đến tình hình công việc, gia đình và tài chính, bởi cuộc sống của họ rõ ràng là bấp bênh hơn trong khủng hoảng dịch bệnh.

Một tác giả khác của báo cáo giải mã : "Sự tách biệt xã hội do các đợt phong tỏa, sự bất định trong học tập và tương lai, sự bấp bênh được bộc lộ rõ hơn trong đại dịch, và có thể là bối cảnh rất đáng lo ngại, với khủng hoảng khí hậu, chiến tranh, tình hình kinh tế, đã đè nặng lên những người trẻ tuổi nhất". Có tiền sử rối loạn tâm thần cũng là một yếu tố gây nguy cơ trầm cảm.

Nghiên cứu của Cơ quan y tế công cộng Pháp ghi nhận những người sống ở các thành phố lớn, đặc biệt là ở Paris và vùng phụ cận bị ảnh hưởng nhiều nhất, cũng như những người không dư dả về tài chính, những người sống một mình hoặc trong gia đình có cha mẹ sống đơn thân, hoặc người thất nghiệp. Nhiễm Covid-19 với triệu chứng mắc bệnh, căng thẳng chưa từng có do đại dịch gây ra và các biện pháp kiểm soát đại dịch được xem là những yếu tố chính gây trầm cảm. Phụ nữ bị tác động nhiều hơn, bất kể lứa tuổi, vì điều kiện sống phức tạp hơn, thu nhập thấp hơn, và dễ gánh chịu bạo lực hơn.

Điều khiến giới chuyên môn y tế lo ngại nhất là nhiều người bị rối loạn trầm cảm không đi khám bệnh, trong khi điều quan trọng nhất để thoát khỏi trầm cảm là họ phải có thể nói chuyện, chia sẻ với người thân hoặc bác sĩ.

Tiktok : Công cụ tuyên truyền và "ngu hóa giới trẻ Tây phương" của Bắc Kinh ?

Nhìn sang báo công giáo La Croix, cả trang nhất, bài xã luận và chuyên mục Sự kiện đều dành cho mạng xã hội Tiktok của Trung Quốc.

Trong bài xã luận "Thôi miên", La Croix cho biết mỗi ngày, hàng tỉ người dùng trên toàn thế giới xem trên mạng Tictok các video có tổng thời lượng lên đến một trăm ngàn năm. Riêng tại Pháp, một nửa số trẻ em 8-11 tuổi đăng ký sử dụng Tiktok. 2/3 số người dùng Tiktok tại Pháp là thanh thiếu niên dưới 25 tuổi. Do mạng video Trung Quốc đã bị tố cáo thiếu minh bạch, do mức độ ảnh hưởng đến giới trẻ, do những tác động liên quan đến nhiều lĩnh vực : giáo dục, sức khỏe tâm thần, bảo vệ dữ liệu, thông tín bị làm sai lệch… Tiktok sẽ bị đưa ra trước một ủy ban điều tra của Thượng Viện Pháp vào đầu tháng 03/2023.

Trong bài viết "Tiktok, mạng xã hội gây nghiện nhất", La Croix cho biết một số nhà khoa học coi mạng video do tập đoàn Byte Dance của Trung Quốc tạo ra hồi năm 2016 là chất "ma túy công nghệ số". Nhịp độ dồn dập của các video thúc đẩy quá trình tiết ra dopamine, chất tạo ra cảm giác sảng khoái và như bị thôi miên. Nhưng đằng sau đó là những rối loạn giấc ngủ và rối loạn trí nhớ và sự giảm sút khả năng tập trung.

Ủy ban gồm 19 thượng nghị sĩ Pháp sẽ có 6 tháng điều tra về một số cáo buộc nhắm vào Tiktok, đặc biệt là về việc khai thác dữ liệu cá nhân và khả năng Tiktok có một chiến lược nhằm gây hại cho người dùng ngoại quốc. Theo La Croix, một số người thậm chí cho rằng Tiktok là công cụ của Bắc Kinh để làm giới trẻ Tây phương trở nên xuẩn ngốc hơn.

Sau 7 năm phát triển, giờ đây ngày càng nhiều video mang nội dung chính trị trên Tiktok, kể cả về chiến tranh Ukraine các vụ xả súng ở Mỹ. Công ty khởi nghiệp NewsGuard nhận định hồi tháng 09/2022, là 20% video trên mạng Tiktok là tin giả. Theo một báo cáo hồi năm 2020 của Viện Úc về chiến lược chính trị, chỉ có 1/10 video liên quan đến Tân Cương có nội dung không ủng hộ chính sách của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ. Vì thế, một số nhà quan sát không ngần ngại gọi TikTok một "công cụ tuyên truyền" của Bắc Kinh. Tuy nhiên, theo La Croix, Ủy ban điều tra của Thượng Viện Pháp có thể sẽ khó chứng minh điều đó.

Cam Bốt : Thủ tướng Hun Sen "bịt miệng" tự do báo chí

Nhìn sang Châu Á, Le Figaro cho biết chỉ 5 tháng trước cuộc bầu cử lập pháp Cam Bốt, thủ tướng Hun Sen lại "bịt miệng tự do báo chí", cho đóng cửa báo mạng tiếng Anh và tiếng Khmer, Tiếng Nói Dân chủ (VOD), một trong những phương tiện truyền thông độc lập cuối cùng tại Cam Bốt.

Hôm qua, giấy phép hoạt động của VOD đã bị Bộ thông tin thu hồi, vài ngày sau khi VOD cho đăng tải một bài báo gây tranh cãi khi đặt câu hỏi về vai trò của Hun Manet, con trai thủ tướng Hun Sen, trong bộ máy nhà nước. Việc công bố thông tin đã khiến người quyền lực nhất Cam Bốt suốt 38 năm nay nổi giận. Ban đầu, thủ tướng Cam Bốt cho VOD 72 giờ để đưa ra lời xin lỗi công khai, sau đó giảm xuống còn 24 giờ. Ban lãnh đạo của tổ chức phi chính phủ Trung tâm truyền thông độc lập của Cam Bốt, cơ quan giám sát VOD, đã thực sự bày tỏ "sự hối tiếc" và xin lỗi qua 2 lá thư, nhưng Hun Sen vẫn thông báo đóng cửa VOD để "bảo vệ danh dự" của ông.

Điều đáng nói là, theo Le Figaro, luật báo chí 1995 không quy định về kịch bản nói trên. Nhưng một nhà báo của VOD than thở : "Ở Cam Bốt, ngay khi quý vị không ủng hộ chính phủ, điều này có thể xảy ra". Theo bảng xếp hạng của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới về quyền tự do báo chí, Cam Bốt từ hạng 128 đã tụt xuống hạng 142 trên tổng số 180 nước.

Thùy Dương

Additional Info

  • Author Thùy Dương
Published in Quốc tế

Ukraine cố bảo vệ chiến tuyến ở vùng Donetsk, kháng cự mạnh quanh Bakhmut

Thùy Dương, RFI, 12/02/2023

Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang Ukraine Valeriy Zaluzhnyi hôm thứ Bảy 11/02/2023 tuyên bố các lực lượng Ukraine đang duy trì phòng thủ dọc theo chiến tuyến ở vùng Donetsk, miền đông nam đất nước, kể cả ở thành phố Bakhmut, với nhiều trận chiến khốc liệt để bảo vệ các thành phố Vuhledar và Maryinka.

uk1

Trung tâm thành phố Bakhmut (Ukraine) bị trúng pháo kích của Nga ngày 10/02/2023. Dòng chữ viết trên tường ghi : "Bakhmut yêu Ukraine". AP – Libkos

Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang Ukraine Valeriy Zaluzhnyi cho biết hàng ngày quân Nga tiến hành khoảng 50 vụ tấn công tại vùng Donetsk, nơi Matxcơva luôn tìm cách chiếm được toàn bộ. Trên mạng tin nhắn Telegram, sau cuộc điện đàm với tướng Mỹ Mark Milley, tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang Ukraine viết : "Các trận đánh ác liệt vẫn đang tiếp diễn tại các địa phương Vuhledar và Maryinka", "chúng tôi đang tổ chức phòng thủ một cách chắc chắn. Tại một số nơi ở mặt trận, chúng tôi đã thành công trong việc giành lại được các vị trí từng bị mất trước đây và chúng tôi trụ ở đó".

Tuy nhiên, chỉ huy Valeriy Zaluzhnyi không cho biết cụ thể đâu là những vị trí mà họ đã giành được thắng lợi. Liên quan đến Bakhmut, ông khẳng định vẫn giữ được thành phố và đang nỗ lực ổn định tình hình ở đường chiến tuyến quanh thành phố.

Về phía Nga, cũng trong ngày hôm qua, ông chủ công ty lính đánh thuê Wagner, Evguéni Prigojine, tuyên bố lực lượng này đang phải đối phó với sự kháng cự mạnh mẽ của quân Ukraine quanh thành phố Bakhmut. Đến sáng nay 12/02, theo Reuters, Evguéni Prigojine khẳng định lực lượng Wagner đã chiếm quyền kiểm soát làng Krasna Hora, ngay sát phía bắc Bakhmout. Hãng tin Anh Reuters cho biết chưa thể kiểm chứng thông tin qua các nguồn tin độc lập.

Nhìn đến Kharkiv, miền đông Ukraine, thống đốc vùng, ông Oleh Sinehubov cho biết tối hôm qua quân Nga lại oanh kích Kharkiv bằng tên lửa. Một cơ sở hạ tầng trong vùng bị hư hại. Thông tin về số nạn nhân và tầm mức thiệt hại vẫn đang trong quá trình được xác minh. Nhưng theo thống đốc Sinehubov, các lực lượng Ukraine đã bắn hạ được 3 tên lửa S-300 của Nga.

Thùy Dương

**************************

Vũ khí của Anh có thể được sản xuất tại Ukraine ?

Minh Anh, RFI, 12/02/2023

Truyền thông Anh hôm 12/02/2023, đưa tin vũ khí và các phương tiện quân sự của Anh rất có thể sẽ được sản xuất tại Ukraine theo giấy phép, nhằm giúp Kiev giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung quân sự từ các đồng minh phương Tây. 

uk2

Chiến xa Challenger 2, một trong những loại vũ khí biểu tượng của viện trợ quân sự Anh Quốc dành cho Ukraine © STR New / Reuters

Theo nguồn tin từ Telegraph, giám đốc điều hành ngành công nghiệp quốc phòng Anh đã đến Kiev để thảo luận kế hoạch thành lập một liên doanh sản xuất vũ khí và phương tiện quân sự tại chỗ. Cũng theo báo mạng Anh, hiện cũng có nhiều nước Châu Âu khác đang thảo luận với Kiev về chủ đề này. 

Tuy nhiên, tờ Telegraph cũng lưu ý thêm rằng, bất kỳ một liên doanh công nghiệp quốc phòng nào đều phải có sự chấp thuận của chính phủ Anh, và một động thái như vậy sẽ càng khiến Matxcơva tức giận. Hiện phủ thủ tướng Anh từ chối bình luận về thông tin này. 

Reuters nhắc lại, trong chuyến công du Luân Đôn và Paris hôm thứ Tư, 08/02, tổng thống Ukraine đã kêu gọi phương Tây cung cấp thêm vũ khí như chiến đấu cơ hiện đại và vũ khí tầm xa hạng nặng để đẩy lùi quân xâm lược Nga. 

Tuy nhiên, đòi hỏi này của Kiev từ bao lâu nay hiện vẫn vấp phải sự từ chối của phương Tây do e sợ Ukraine có thể sử dụng những loại vũ khí tối tân này để tấn công sâu vào trong lãnh thổ Nga. Đại sứ Nga tại Anh còn cảnh rằng bất kỳ một hành động chuyển giao chiến đấu cơ nào của Anh cho Ukraine đều sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về quân sự và chính trị. 

Trong trước mắt, theo tuần báo Times của Anh hôm qua, thì Luân Đô đang xem xét khả năng cấp thêm tên lửa chống hạm tầm xa Harpoon hay địa đối không Storm Shadow cho quân đội Ukraine. 

Minh Anh

************************

Quân đội Ukraine bắn cháy xe tăng 'Kẻ hủy diệt" của Nga

Trung Khoa, Thoibao.de, 12/02/2023

Một chiếc xe bọc thép chở quân "Kẻ hủy diệt", được Putin ca ngợi nhiều đã bị pháo binh Ukraine bắn trúng và phải nhận những đòn nặng nề. Đây là một đòn nặng nề giáng vào bộ máy tuyên truyền của Putin.

uk3

Xe tăng chở quân "Terminator" tối tân của Nga

Lần đầu tiên Ukraine phá hủy được xe chiến đấu bộ binh BMPT Terminator tối tân của Nga. Con quái vật nặng 47 tấn, hiện nay mới chỉ có vài chiếc, đã được quân đội Nga sử dụng chiến đấu lần đầu tiên ở Ukraine. Không rõ bây giờ có bao nhiêu "Kẻ hủy diệt".

Trong nhiều video tuyên truyền, truyền hình nhà nước Nga đã chiếu "Kẻ hủy diệt" để thể hiện "ưu thế kỹ thuật" của nó. Xe tăng có nhiều loại vũ khí hiện đại như tên lửa, súng máy và cảm biến. Tiêu diệt "Kẻ hủy diệt" là một thất bại tuyên truyền đối với Nga. Gần đây nhất, "Kênh đầu tiên" của Nga đã theo xe chiến đấu bộ binh vào các khu rừng phía đông Kreminna thuộc vùng Luhansk. Quân đội Nga đã cố gắng tiến tới đó trong hai tuần, nhưng chỉ đạt được ít thành công. Xe chiến đấu bộ binh "Kẻ hủy diệt" được dự định giúp lật ngược tình thế. Nhưng con quái vật tuyên truyền cuối cùng đã bùng cháy. Đầu tiên, chiếc xe tăng bị mắc kẹt trên một con đường trước khi pháo binh tiêu diệt "Kẻ hủy diệt". Cũng không rõ liệu bên trong con quái vật còn binh lính hay không. Có một điều chắc chắn : vụ hủy diệt là một thất bại tuyên truyền của "Kẻ hủy diệt" được cho là ưu việt. Tại thành phố Bakhmut phía đông Ukraine (trước khi bắt đầu chiến tranh : 74.000 cư dân), quân đội Nga cũng đã chịu tổn thất nặng nề. Quân phòng thủ Ukraine giữ trung tâm thành phố và phía tây thành phố. Quân đội Nga cùng với lính đánh thuê Wagner tìm cách bao vây quân đội Ukraine. Nhưng cho đến nay chỉ giành được rất ít thành công. Lực lượng Ukraine phát hiện các vị trí của Nga bằng máy bay không người lái và sau đó bắn pháo. Cho đến nay, người Ukraine đã sử dụng chiến thuật này để bảo vệ thành phố chiến lược quan trọng này. Nhưng quân đội Nga vẫn tiếp tục đưa binh lính vào thành phố để chọc thủng các tuyến phòng thủ của Ukraine.

Trung Khoa (Tổng hợp)

**************************

Mỹ giúp Ukraine điều phối mục tiêu tấn công

Trung Khoa, Thoibao.de, 12/02/2023

Trong trường hợp tấn công bằng hệ thống tên lửa do phương Tây cung cấp, quân đội Ukraine rõ ràng có thể dựa vào sự hỗ trợ của Mỹ. Theo nghiên cứu của Washington Post, quân đội Mỹ đang cung cấp tọa độ theo yêu cầu.

The Ukrainian Armed Forces on July 5, 2022 shows the soldiers set up U.S supplied High Mobility Artillery Rocket Systems, or

Xe phóng đạn HIMARS Ukraine triển khai chiến đấu hồi đầu tháng 7. Ảnh: Reuters.

Theo một báo cáo, Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Ukraine điều phối các cuộc tấn công chống lại quân đội Nga. Trong phần lớn các cuộc tấn công sử dụng hệ thống tên lửa tiên tiến của Mỹ, Mỹ hoặc các đồng minh được cho là cung cấp hoặc xác nhận tọa độ của các mục tiêu tấn công, Washington Post viết, trích dẫn các nguồn tin giấu tên ở Ukraine và Mỹ. Thông tin sẽ được cung cấp bởi quân đội Hoa Kỳ ở Châu Âu.

Tờ báo cho biết các kho đạn dược hoặc doanh trại của Nga trên đất Ukraine là mục tiêu tấn công và dẫn lời một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ đã xác nhận "vai trò quan trọng của Hoa Kỳ". Do đó, để hỗ trợ xác định mục tiêu được sử dụng để đảm bảo độ chính xác và đạt được hiệu quả tối đa với nguồn cung cấp đạn dược hạn chế, Mỹ chỉ cung cấp tọa độ và thông tin mục tiêu chính xác với vai trò cố vấn và không cho phép tham gia vào các cuộc tấn công.

Washington Post dẫn tuyên bố từ Lầu Năm Góc cho biết : "Người Ukraine chịu trách nhiệm tìm mục tiêu, sắp xếp thứ tự ưu tiên và cuối cùng là quyết định tấn công mục tiêu nào. Mỹ không phê duyệt mục tiêu, chúng tôi cũng không tham gia vào việc lựa chọn hay triển khai mục tiêu". Theo thời gian, cách thức trao đổi thông tin được tối ưu hóa để hỗ trợ các yêu cầu và "quy trình mục tiêu" của Ukraine với tốc độ được cải thiện và trên quy mô lớn hơn.

Mỹ là đồng minh quan trọng nhất của Ukraine, nước này đã liên tiếp tung ra nhiều gói viện trợ vũ khí và đạn dược lớn. Người Mỹ đã cung cấp nhiều hệ thống vũ khí hạng nặng khác nhau cho Kiev hoặc đã hứa với họ, bao gồm cả bệ phóng tên lửa đa năng HIMARS. Cuối tháng 1, sau nhiều lần qua lại và song song với cam kết cung cấp xe tăng Leopard cho Kiev của Đức, chính phủ Mỹ cũng tuyên bố sẽ chuyển giao 31 xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams cho Ukraine. Theo chính phủ, những vũ khí này dự kiến sau nhiều tháng nữa mới tới được Ukraine.

Trung Khoa (Tổng hợp)

************************

Ukraine : Tổng thống Zelensky tiếp tục thanh lọc hàng ngũ quân sự

Minh Anh, RFI, 12/02/2023

Trong khuôn khổ cuộc chiến chống tham nhũng trong bộ máy chính phủ, tổng thống Ukraine, hôm 11/02/2023, thông báo bãi nhiệm một quan chức quân sự cao cấp. 

uk5

Cựu bộ trưởng Nội Vụ Arsen Avakov (phải), ở đây đi cùng với tổng thống Zelensky, là một trong những người bị thanh lọc vào đầu tháng 02/2023 khi Kiev đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng. AFP – Aleksey Filippov

Tổng thống Volodymyr Zelensky trong bài phát biểu tối qua cho biết đã cách chức phó chỉ huy đội hiến binh, Rouslan Dziouban nhưng không nêu rõ lý do vì sao.

Tuy nhiên, ông khẳng định chiến dịch thanh lọc bộ máy chính phủ sẽ được tiếp tục, khi tuyên bố : "Chính phủ sẽ tiếp tục hiện đại hóa các định chế, các tiến trình và quy trình. Sự minh bạch trong công việc tại các cơ cấu nhà nước phải được bảo đảm không những bởi các thể chế nhà nước mà còn bởi sự tôn trọng sự minh bạch và tính trách nhiệm". 

Trong một cuộc họp với các đại diện của tổ chức tài chính Mỹ JP Morgan, ông Zelensky cũng bày tỏ nguyện vọng được gia nhập Liên Hiệp Châu Âu trong vòng hai năm tới đây và được vào khối NATO ngay khi có được chiến thắng quân sự trước quân Nga. 

Nga lại nói sẵn sàng đàm phán với Ukraine 

Về phía Nga, thứ trưởng ngoại giao Sergey Vershinin, hôm qua, 11/02/2023, trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Zvesta, phát biểu : "Bất kỳ mọi cuộc xung đột nào đều kết thúc bằng các cuộc đàm phán, và lẽ đương nhiên, như chúng tôi đã từng nói, Nga sẵn sàng cho những cuộc đàm phán như thế, khi và chỉ khi nào đó là những cuộc đàm phán vô điều kiện tiên quyết, những cuộc đàm phán phải được dựa trên tình hình thực tế".

Cũng theo thứ trưởng ngoại giao Nga, "những quyết định không được đưa ra ở Kiev, mà tại những nước khác, chủ yếu ở là Washington và Bruxelles. Đề nghị đàm phán phải được gởi đến những nơi đó". 

Ngay lập tức, cố vấn của tổng thống Zelensky, ông Mykhailo Podolyak đã có phản ứng mạnh mẽ trên mạng xã hội Twitter khi tuyên bố "Không có chuyện đàm phán !" 

Trong khi đó, lãnh đạo tập đoàn bán quân sự tư nhân Wagner, ông Yevgeny Prigozhin, trong một đoạn video đăng trên mạng Telegram tối thứ Sáu 10/02 đã tự ấn định một thời hạn là trong khoảng từ một năm rưỡi đến hai năm nữa là sẽ chiếm hết toàn bộ vùng Donbass, lõi công nghiệp của Ukraine. 

Minh Anh

Additional Info

  • Author Thùy Dương, Minh Anh, Trung Khoa
Published in Quốc tế

Tướng Pháp : Với nhịp độ hiện nay, 100 năm nữa Putin mới chiếm được Ukraine !

Tướng Pháp Jérôme Pellistrandi cảnh báo Nga đang tăng tốc ở Donbass trước khi xe tăng viện trợ đến được Ukraine. Các trận đánh gia tăng cường độ, nhưng quân Nga mỗi tuần tiến được vỏn vẹn 1 kilomet. Nhà báo Mỹ Anne Applebaum hình dung ra kịch bản thảm họa "Nếu Nga chiến thắng" trong đợt tấn công Kiev cách đây một năm.

uk1

Một nữ quân nhân Ukraine phất cao quốc kỳ trên một xe tăng Nga bị phá hủy tại Kiev, ngày 10/06/2022. AP - Natacha Pisarenko

Trang bìa các tuần báo Pháp kỳ này được dành cho những nhân vật khác nhau. L'Express đăng ảnh "Jancovici, giáo chủ khí hậu", L'Obs đề cập đến "Hưu trí, chiếc chìa khóa của Laurent Berger", tổng thư ký nghiệp đoàn CFDT, Le Point nói về bà Brigitte Macron, đệ nhất phu nhân Pháp. Courrier International quan tâm đến "Israel, luật của cực hữu", còn tuần báo Anh The Economist chú trọng "Các chatbot và cuộc chiến tìm kiếm trên mạng". Nhưng bao trùm lên tất cả vẫn là cuộc chiến tranh đang diễn ra tại Ukraine.

Ukraine, "giấc mộng 100 năm" của Vladimir Putin ?

Thống đốc Luhansk, ông Serhiy Haidai cho rằng Nga chuẩn bị tiến công quy mô. Quân Nga tập trung ở ba trục chính : Kreminna, Svatove-Koupiansk và Belogorovka, cố gắng xuyên thủng phòng tuyến Ukraine. Giờ đây Nga học theo chiến thuật của Kiev là tấn công bằng những nhóm nhỏ cơ động. Trả lời L'Express, tướng Pháp Jérôme Pellistrandi, tổng biên tập tạp chí Quốc Phòng cảnh báo Nga đang tăng tốc ở Donbass, nhất là thành phố Bakhmut, trước khi xe tăng viện trợ đến được Ukraine.

Thực tế Bakhmut không có giá trị chiến lược lớn, nhưng chỉ vì Putin muốn có bằng được một chiến thắng. Tân binh Nga được đưa đến ồ ạt nhằm làm thay đổi cán cân lực lượng, nhưng Nga chỉ gặm nhấm một ít đất đai chứ không làm được những cú đột phá. Nga chiếm được làng Soledar đã trở thành bình địa, với cái giá rất đắt. Cũng như Stalin, Putin không coi trọng sinh mạng người lính. Dân số cũng là vũ khí, và Putin biết rằng ông ta có rất nhiều người.

Các trận đánh gia tăng cường độ, nhưng quân Nga mỗi tuần tiến được có 1 kilomet. Tướng Pháp Pellistrandi đánh giá với nhịp độ này, phải mất 100 năm nữa Putin mới chiếm được Ukraine, chưa kể bị phản công ! Về phía Ukraine, có nguy cơ lại rơi vào thế thủ nếu Nga dồn sức tổng tấn công trước mùa xuân. Cũng không loại trừ khả năng Moskva tiến đánh từ Belarus. Hiện tổng thống Alexander Lukashenko vẫn chưa muốn cho mượn đường, nhưng nếu nhượng bộ Putin và quân Nga lại bị thua, ông ta sẽ là người đầu tiên phải ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế.

Không muốn viện trợ vì sợ Kiev sớm thất thủ

Anne Applebaum, nhà báo Mỹ chuyên về Đông Âu và Trung Âu từng được giải thưởng Pulitzer, trên L'Express hình dung ra kịch bản thảm họa "Nếu Nga chiến thắng" trong đợt tấn công Kiev cách đây một năm.

Đến ngày 24/02/2023 sẽ đúng 12 tháng, 52 tuần lễ, 365 ngày quân đội Ukraine phải chiến đấu. Các quân nhân và người tình nguyện đã cứu được thủ đô, bảo vệ được phần lớn lãnh thổ, đẩy lùi quân Nga khỏi những vùng đất đã chiếm được trong những ngày đầu. Tổng thống Volodymyr Zelensky trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới, Ukraine được nể phục trong cuộc kháng chiến vệ quốc. Nhưng cần phải nhắc nhở rằng tháng Hai năm ngoái, ít ai nghĩ rằng Kiev có thể đứng vững, ông Zelensky sống sót và Ukraine tiếp tục là một quốc gia có chủ quyền.

Trước đó, một số chuyên gia Mỹ khuyến cáo không viện trợ quân sự cho Ukraine vì chiến tranh sẽ kết thúc sớm, Nga nhanh chóng chiếm được nước láng giềng và người Ukraine thậm chí không có dịp dùng vũ khí được gởi đến. Số khác ở Châu Âu và Hoa Kỳ lặp lại tuyên truyền của Nga, tự hỏi Ukraine có đáng hiện hữu hay được bảo vệ. Một số chính khách phương Tây đến nay vẫn tiếp tục có cách nghĩ này. Chuyện gì sẽ diễn ra nếu xu hướng này thắng thế, nếu một tổng thống ít quan tâm đến Châu Âu được bầu lên ở Nhà Trắng ? Nếu một tổng thống khác không bảo vệ chính nghĩa của đất nước mình một cách thuyết phục như thế, hay chẳng muốn chiến đấu, được bầu lên ở Ukraine ? Hãy hình dung về một thế giới không có lòng can đảm của người Ukraine hay vũ khí phương Tây, và sự đoàn kết của các nền dân chủ.

Nếu Nga chiếm được Ukraine từ những ngày đầu…

Nếu không kháng cự, Kiev bị chiếm chỉ trong vài ngày. Zelensky và vợ con sẽ bị sát hại bởi một trong những đội đặc nhiệm sát thủ. Các cộng sự của Putin vốn đã chọn trước những căn hộ cho mình tại thủ đô Kiev, sẽ nắm lấy những chức vụ trong Nhà nước Ukraine. Từng thành phố một, quân Nga sẽ tiễu trừ tàn quân Ukraine cho đến khi chiếm trọn cả nước, đến tận biên giới Ba Lan. Bộ tham mưu Nga hồi đầu nghĩ rằng tất cả chỉ mất sáu tuần.

Ukraine ngày nay sẽ đầy những trại tập trung cải tạo, phòng tra tấn và nhà tù, như đã phát hiện ở Bucha, Izyum, Kherson và tất cả những vùng tạm chiếm đã được quân đội Ukraine giải phóng. Cả một thế hệ nhà văn, nghệ sĩ, chính khách, nhà báo, lãnh đạo xã hội dân sự Ukraine - Nga đã chuẩn bị danh sách với đầy đủ tên tuổi - bị chôn trong các hố tập thể. Sách vở Ukraine bị loại ra khỏi tất cả trường học và thư viện, tiếng Ukraine bị cấm ở những nơi công cộng. Thêm hàng trăm ngàn trẻ em bị tách khỏi gia đình đưa sang Nga, hoặc trở thành nạn nhân buôn người.

Lính Nga phấn khởi trước chiến thắng, đặt đồn bót, đào giao thông hào gần biên giới Ba Lan. NATO rơi vào hỗn loạn, buộc lòng phải chi ra nhiều tỉ đô la để chuẩn bị cho Warszawa, Vilnius, Berlin chống xâm lăng. Bên trong Ukraine bị chiếm đóng, nam thanh niên bị buộc phải gia nhập quân đội Nga để chinh phục tiếp những nước khác. Hàng triệu người Ukraine sống trong những trại tị nạn trên khắp Châu Âu, không có hy vọng trở về. Làn sóng thương cảm trong những ngày đầu đã lắng xuống, tiền bạc đã cạn. Kinh tế Moldova sụp đổ, một chính quyền thân Nga chuẩn bị sáp nhập vào một liên bang mới Nga-Belarus-Ukraine như một tuyên truyền quá sớm của Nga vào ngày 26/02.

…Nguy cơ luật rừng thống trị thế giới

Thảm họa này không giới hạn ở Châu Âu. Bắc Kinh chuẩn bị xâm lăng Đài Loan vì cho rằng Mỹ bị sa lầy trong cuộc chiến lâu dài với nước Nga hung hăng, sẽ không cứu vớt hòn đảo ở Thái Bình Dương. Các giáo sĩ Iran loan báo đã có bom nguyên tử. Từ Venezuela tới Zimbabwe, các chế độ độc tài gia tăng đàn áp, từ nay bất chấp các luật lệ cũ như Công ước về nhân quyền và diệt chủng, cấm dùng vũ lực thay đổi đường biên giới. Thế giới dân chủ chao đảo.

May thay, tất cả những điều trên đã không diễn ra. Bởi vì Zelensky vẫn ở lại Kiev, "cần đạn dược chứ không cần taxi". Bởi vì các chiến binh Ukraine chiến đấu can trường, được người dân ủng hộ, mọi tầng lớp dân cư đều rất sáng tạo trong hoàn cảnh ngặt nghèo. Sự ngoan cường của dân tộc này khiến người Mỹ gác lại "America First", Châu Âu hỗ trợ về quân sự và nhân đạo.

Nhờ đó Kiev vẫn ngẩng cao đầu, người Ukraine vẫn kiểm soát phần lớn đất nước, huyền thoại về quân đội thứ nhì thế giới tan vỡ, các nước dân chủ thêm mạnh mẽ. Khi thăm Washington, tổng thống Ukraine đã cảm ơn Hoa Kỳ và Châu Âu, nhưng theo tác giả, thực ra chính phương Tây phải cảm ơn quốc gia dũng cảm này.

Cuộc chiến Ukraine trên mạng xã hội : Óc sáng tạo đấu với tin giả

Về mặt truyền thông, Kiev chiến thắng giòn giã trước hệ thống "fake news" của Nga trên mạng xã hội. Khác với thời trước, cuộc chiến thông tin năm 2023 phức tạp hơn bao giờ hết. Mạng xã hội giúp mỗi bên chạm đến một lượng công chúng đông đảo chưa từng thấy, cả trong nước lẫn trên thế giới. Nhưng số lượng bài đăng trên internet (1,7 triệu bài mỗi phút trên Facebook, 350.000 tweet…) khiến những chủ đề nghiêm túc nhanh chóng bị những "trend" linh tinh trên TikTok làm chìm khuất.

Ukraine bèn tập trung cho cuộc chiến truyền thông, bình luận liên tục về những bước tiến và thiệt hại của địch để làm nản lòng đối thủ. Họ kêu gọi các Nhà nước (và cả những tập đoàn như Microsoft, Space X…) hỗ trợ mạnh hơn, dân chúng đăng tải hình ảnh, video về thực tế cuộc chiến – những mạng sống bị cướp đi, thành phố điêu tàn… Lần đầu tiên một cuộc chiến tranh được phô bày rộng rãi đến thế trên mạng.

Những video, hình ảnh, bình luận đầy sáng tạo với óc hài hước tế nhị của phía Ukraine thu hút được rất nhiều chú ý : chỉ hai giây là hiểu ý (và có thể bật cười). Trong đó một phần do một bộ phận chuyên môn phụ trách. Một năm sau cuộc xâm lăng, các bài viết về Ukraine trên internet vẫn lên đến 4,4 triệu mỗi tuần. Kết quả theo Backbone Consulting : 2/3 người được hỏi tại 13 nước tiếp tục muốn trừng phạt Nga về dầu khí, 57% muốn hỗ trợ Ukraine cho đến khi quân Nga phải thu quân.

Vì sao Pháp chưa muốn chuyển giao xe tăng Leclerc cho Ukraine ?

Liên quan đến Pháp, L'Express có bài điều tra "Xe tăng Leclerc : Chuyện kể về một thất bại kỹ nghệ và quân sự". Trong khi phương Tây đề nghị "120 đến 140" xe tăng hạng nặng cho Ukraine, Pháp vẫn chưa dứt khoát chuyển giao xe tăng Leclerc như tổng thống Zelensky đã đòi hỏi. Tuy Élysée khẳng định "không loại trừ khả năng này" nhưng hiện vẫn là zero Leclerc. Những lý do được đưa ra là thời gian huấn luyện lâu, rắc rối trong bảo dưỡng… Theo tuần báo, đó không phải là lý do duy nhất. Pháp hiện có 200 chiếc Leclerc đang hoạt động, một số ở Romania, số khác phải cải tiến. Nhưng nhất là dây chuyền sản xuất ở Roanne đã đóng cửa từ năm 2008, như vậy chiếc xe tăng tân tiến này sắp tuyệt chủng.

Vào cuối thập niên 70, quân đội Pháp ấn định mục tiêu sản xuất 1.500 chiếc Leclerc tại 14 địa điểm, một số nhà máy có đến trên 1.000 công nhân. Nhưng rồi bức tường Berlin sụp đổ, viễn cảnh chiến tranh ở Châu Âu rời xa, ngân sách quốc phòng ngày càng bị cắt giảm. Thị trường xuất khẩu đã tràn ngập xe tăng Leopard của Đức. Trong số 800 chiếc xuất xưởng, Paris bán được phân nửa cho Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, số còn lại để cho quân đội Pháp sử dụng. Dù nay đã được tăng ngân sách, nhưng khó thể đầu tư nhiều tỉ euro trong ba, bốn năm để gầy dựng lại dây chuyền sản xuất.

Kinh tế Nga : Phía sau những con số đẹp đẽ, thuốc độc đang ngấm dần

Trên lãnh vực kinh tế, L'Obs trong bài "Phía sau những con số "khả quan" của Nga" nhận định, thực ra Moskva không giỏi chống chọi như người ta tưởng. Cuối tháng Giêng, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết dù bị trừng phạt, tổng sản phẩm nội địa (GDP) Nga chỉ giảm 2,2% trong năm 2022. Dự báo cho hai năm tới cũng đáng ngạc nhiên : tăng 0,3% năm 2023 và 2,1% vào năm 2024. Dầu thô của Nga tuy bị trừng phạt nhưng vẫn xuất sang Châu Á, khí đốt giảm sản lượng nhưng bù lại giá cả tăng lên.

Theo L'Obs, không thể dự báo chính xác trong thời chiến. Một mặt, dữ liệu của Nga hoặc dối trá hoặc không đầy đủ. Chẳng hạn tỉ lệ thất nghiệp dưới 4% che giấu tình trạng bùng nổ xin nghỉ không lương, chưa kể hàng trăm ngàn người Nga đã chạy ra nước ngoài để khỏi đi lính. Nhất là nền kinh tế dựa trên một động cơ đặc thù là chiến tranh. Năm 2022, kỹ nghệ vũ khí hoạt động hết tốc lực để cho ra xe tăng, súng trường, quân phục… những thứ đang nằm bẹp dí hay cháy thành than trên những cánh đồng Ukraine.

Kế tiếp, cấm vận là thứ thuốc độc chỉ ngấm từ từ. Năm 2022, đối với những mặt hàng bị cấm nhất là chất bán dẫn, Nga có thể mua từ Ấn Độ, Trung Quốc hay qua các trung gian khác (Armenia nhập smartphone gấp 10 lần), gắn chip máy giặt vào hỏa tiễn, xe hơi bán ra không có gối hơi... một sự giảm sút chất lượng không thể hiện trong GDP. Kiểu xoay sở này có những giới hạn của nó. Với cả trăm ngàn người lao động bỏ mạng trên chiến trường, hàng trăm ngàn người lưu vong trong đó có không ít kỹ sư, kỹ thuật viên, sản lượng xe hơi giảm đến 80%... bức tranh kinh tế Nga khá ảm đạm.

Thái Lan lo âu khi nông dân Thái trồng gạo Việt

Tại Đông Nam Á, Courrier International dịch bài viết của Nikkei Asia phàn nàn "Gạo Thái không còn là gạo Thái". Ở quốc gia xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới, giống gạo Việt Nam nhập vào không theo con đường chính ngạch, dễ trồng với chi phí thấp hơn, đang đe dọa ngành lúa gạo Thái Lan.

Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, trên 1 triệu "rai" (160.000 hecta) ở miền trung nước Thái đang trồng giống lúa Việt Nam. Không ai phân biệt được gạo Thái và gạo Việt. Khuynh hướng này đặt lại vấn đề toàn bộ chiến lược tiếp thị cho xuất khẩu gạo, một sản phẩm từ nhiều năm vẫn được quảng cáo là thuần chủng và phẩm chất hàng đầu. Thái Lan có luật rất nghiêm khắc về bảo vệ đa dạng thực vật, cấm nhập những loại gạo khác vào vương quốc.

Nhưng một nhà nông ở tỉnh Nakhon Sawan nhận xét, giống gạo Việt Nam rất tốt : dễ trồng, chống được sâu rầy, chất lượng ngon đáp ứng nhu cầu thị trường. Có thể đó là giống Jasmin 85, gặt được sau 90 ngày và có thể trồng nhiều vụ, nhất là miền trung có hệ thống tưới tiêu đầy đủ. Gạo Thái như giống Hom Mali thơm hơn nhưng 120 ngày mới chín, chỉ trồng được ở một số cánh đồng vùng đông bắc và mỗi năm chỉ một vụ. Năng suất ở Thái Lan chỉ 300-400 ký một "rai" (0,16 hecta), so với 800 ký tại Việt Nam và Ấn Độ.

Khinh khí cầu gián điệp Trung Quốc : Thất bại mới của Tập Cận Bình

Về quan hệ Mỹ-Trung, Le Point và The Economist cùng rút ra "Bài học về khinh khí cầu gián điệp". Theo Le Point, vụ này là thất bại mới của Tập Cận Bình. Chiếc khinh khí cầu xuất hiện trên bầu trời nước Mỹ, ngỡ rằng mang lại lợi thế cạnh tranh cho Bắc Kinh, nhưng đã bị bắn rơi ngoạn mục trước mắt mọi người, phô bày hoạt động do thám của Bắc Kinh. Hình ảnh Trung Quốc càng thêm tệ hại đối với người Mỹ, vốn rất nhạy cảm trước mọi mối đe dọa lãnh thổ từ sau vụ Trân Châu Cảng (1941) và Al Qaeda tấn công vào trung tâm nước Mỹ (2001).

Trong khi ông Tập đang ở thế bất lợi sau các cuộc biểu tình chống zero Covid, tăng trưởng kinh tế chỉ 3%, dân số giảm mất 850.000 người. Trừng phạt của Mỹ về chip bán dẫn dội gáo nước lạnh cho hy vọng tiến nhanh về công nghệ, đối tác Putin sa lầy ở Ukraine. Tập Cận Bình cố gắng cho thấy Bắc Kinh đã thay đổi sau ba năm phong tỏa, trải thảm đỏ cho thủ tướng Đức và đang chờ đợi tổng thống Pháp, thủ tướng Ý nhằm chứng tỏ vị thế quốc tế.

Washington Post cho biết, hoạt động gián điệp trên đây được điều hành từ đảo Hải Nam, các khinh khí cầu dùng để thu thập tin tức quân sự từ Việt Nam, Đài Loan, Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ. The Economist nói về một cuộc chiến tranh lạnh mới, cho rằng tình trạng căng thẳng Mỹ-Trung có kéo dài hay không tùy thuộc vào thông tin các viên chức Mỹ có được từ những mảnh vỡ của khí cầu được người nhái của Hải quân Mỹ thu thập, và những gì họ quyết định tiết lộ.

Vì sao lại gởi khinh khí cầu gián điệp vào thời điểm ngoại trưởng Mỹ sắp sang Trung Quốc ? Khiêu khích để làm bẽ mặt chính quyền Biden, đòn phá rối của phe cực đoan ở Bắc Kinh, trắc nghiệm khả năng phát hiện của Washington, hay chỉ đơn giản là tính toán sai thời điểm ? Dù sao đi nữa, sự kiện đã củng cố lý lẽ của những người tin rằng Trung Quốc không muốn hợp tác mà chỉ thích thống trị. Ngược lại, những chính khách ở Berlin, Paris hay Bruxelles muốn lôi kéo Bắc Kinh về phía tự do đã phải trả giá ; không còn hy vọng phê chuẩn hiệp định đầu tư.

ChatGPT và bộ máy kiểm duyệt của Bắc Kinh 

Các tuần báo cũng đề cập đến công cụ trí thông minh nhân tạo (AI) ChatGPT đang làm mưa làm gió, và sắp có những cỗ máy khác ra đời để cạnh tranh. Các tập đoàn Alibaba, Baidu, Wangyi, Jingdong của Trung Quốc đều loan báo sẽ cho ra sản phẩm tương tự. Courrier International nhận thấy nhiều người lo ngại công nghệ này sẽ vấp phải bức tường kiểm duyệt.

Trang web China Digital Times ở Mỹ ghi nhận, khi đặt câu hỏi "Tập Cận Bình có phải là nhà độc tài không ?" bằng chữ giản thể (sử dụng ở Hoa lục), ChatGPT trả lời "Không. Tập Cận Bình không phải là nhà độc tài. Trung Quốc là Nhà nước đa đảng, tôn trọng Hiến pháp và pháp luật". Nhưng nếu câu hỏi viết bằng chữ phồn thể (phổ biến tại Đài Loan, Hồng Kông, Macao), câu trả lời khác hẳn. "Vâng, Tập Cận Bình là người thống trị Trung Quốc. Nhiều nhà quan sát cho rằng Trung Quốc là hệ thống chính trị độc tài ở một mức nào đó". Điều thú vị là sau đó ChatGPT đã nhanh chóng học hỏi, phối hợp hai loại ý kiến này trong một câu "ba phải" hơn.

Nhà nghiên cứu Philip J. Cunningham cho biết tại Hoa lục, người ta huấn luyện cho trí thông minh nhân tạo không chỉ trích Tập Cận Bình và Đảng cộng sản Trung Quốc. Cựu nhà báo Vương Chí An (Wang Zhi’an) viết trên Twitter, ông nóng lòng chờ cỗ máy của Baidu ra đời. Những câu hỏi đầu tiên sẽ là "Có bao nhiêu người đã chết trong sự kiện Thiên An Môn năm 1989, và trong số đó sinh viên chiếm bao nhiêu ?". Hay "Tập Cận Bình sẽ trị vì đến bao giờ ? 

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế

Phương Tây trang bị vũ khí cho Ukraine đến chừng nào cho đủ ?

Thời sự thu hút nhiều sự chú ý của các báo Pháp ra hôm 10/02/2023 chuyến công du Châu Âu của tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky,  chủ yếu hối thúc các đồng minh ở Châu Âu cung cấp thêm vũ khí hạng nặng để Ukraine có thể chống lại các cuộc tấn công của Nga.

uk1

Các xe chiến đấu bộ binh Bradley tại bến tàu Bắc Charleston, S.C, Hoa Kỳ trước khi được vận chuyển đến Ukraine, ngày 25/01/2023. AP - Oz Suguitan

Nhật báo Le Monde chạy tựa rõ ràng : "Zelensky thúc ép các đồng minh cung cấp máy bay". Chuyến đi thứ 2 của tổng thống Zelensky ra nước ngoài từ đầu cuộc chiến tranh xâm lược của Nga (cách đây gần một tròn một năm) lần này bắt đầu từ Luân Đôn, hôm 08/02 qua Paris và đến Bruxelles ngày 09/02. Đi đến đâu, tổng thống Ukraine cũng kêu gọi các lãnh đạo Châu Âu hậu thuẫn mạnh mẽ hơn nữa. Ông Zelensky dùng đủ ngôn từ cố gắng thuyết phục các nước cung cấp cho Ukraine chiến đấu cơ và vũ khí hạng nặng tầm xa "càng sớm càng tốt" để quân đội Ukraine chống đỡ với đợt tấn công sắp tới của Nga và để giành chiến thắng cuối cùng.

Lãnh đạo và chính giới Anh, Pháp, Đức và các nước khác trong Liên Âu, đã tiếp đón tổng thống Zelensky nồng nhiệt nhất cùng với những cam kết ủng hộ Ukraine không hề thay đổi. Tuy nhiên, các nước vẫn để ngỏ khả năng cung cấp chiến đấu cơ cũng như các loại vũ khí tầm xa cho quân đội Ukraine, như theo yêu cầu của tổng thống Zelensky.

Nhật báo Le Figaro ghi nhận : "Tổng thống Ukraine đã được đón tiếp như người hùng ở Bruxelles nhưng không một nước thành viên Liên Âu nào cam kết chắc chắn đáp ứng tất cả những đòi hỏi của ông" cho dù ông Zelensky đã nhấn mạnh trước khi tham dự cuộc họp thượng đỉnh với Liên Âu rằng "tôi không thể đơn giản trở về nhà mà không mang được kết quả nào".

Kết quả, theo Le Figaro, vẫn dừng lại ở lời hứa của Luân Đôn sẽ đào tạo phi công chiến đấu cho Ukraine, còn các nước Liên Âu vẫn khẳng định sự ủng hộ không suy chuyển đối với cuộc chiến đấu chống xâm lược của nhân dân Ukraine.

Le Figaro cũng nhận thấy, trong lúc ông Zelensky kêu gọi đòi hỏi được các nước Châu Âu cung cấp thêm vũ khí để bảo vệ đất nước, quân đội Nga đang dồn mọi nguồn lực trên chiến trường và đang chiếm dần dần thêm đất ở vùng Donbass tạo thêm ưu thế chiến trường những ngày qua. Nhiều dấu hiệu cho thấy quân Nga đang chuẩn bị đợt tấn công lớn sắp tới hy vọng đè bẹp quân đội Ukraine trước khi vũ khí hạng nặng của phương Tây tới tay Kiev. Nga hiểu rõ, quân đội Ukraine phụ thuộc hoàn toàn vào sự hậu thuẫn của các nước phương Tây.

Vũ khí cho Ukraine bao nhiều thì đủ ?

Trong cảnh hiện nay, khi mà phương Tây cam kết hậu thuẫn về quân sự lâu dài cho Ukraine, nhưng vẫn dè dặt cung cấp chiến đấu cơ, mục tranh luận của báo La Croix đặt câu hỏi lớn : "Cần phải vũ trang đến mức nào cho Ukraine ?"

Vấn đề đặt ra là làm sao để ngăn không cho Nga giành chiến thắng mà phương Tây vẫn không phải đối đầu trực diện với Moskva. Tờ báo đăng ý kiến phân tích của ông Michel Goya, nhà sử học, cựu đại tá quân đội Pháp, cho thấy phương Tây đang ở thế khó : làm sao để tránh không bị Nga coi bên "đồng tham chiến". Nếu tiếp tục đi xa hơn nữa, đáp ứng mọi đòi hỏi về quân sự của Kiev, phương Tây sẽ rơi vào đối đầu trực diện với Moskva. Theo chuyên gia Michel Goya, "sau những đầu tư lớn cho Ukraine, đến giờ một thất bại của Ukraine sẽ cũng là thất bại lớn cho vị thế của các nước phương Tây trên thế giới và cũng là thất bại của luật pháp quốc tế. Mối đe dọa Nga có thể sẽ yếu đi vào một lúc nào đó vì nỗ lực chiến tranh, hoặc có thể bị cuốn vào cuộc chiến tranh du kích không hồi kết ở Ukraine, nhưng mối đe dọa này sẽ còn lâu dài đối với Châu Âu, giờ đã bị Nga coi là đối thủ. Tiếp tục giúp Ukraine, ồ ạt nhất có thể sẽ tốt hơn nếu ta muốn có kết quả quyết định trong thời gian không quá lâu".

Trên trang tranh luận của La Croix cũng đăng ý kiến của Philippe Folliot, thượng nghị sĩ vùng Tarne của Pháp. Ông khẳng định quân đội Ukraine sẽ không thể chống chọi được với Nga nếu không có hậu thuẫn của phương Tây, "sự hỗ trợ ồ ạt của phương Tây lúc này sẽ là cách tốt nhất để thúc đẩy Vladimir Putin ngồi vào bàn đàm phán". 

ChatGPT mối lo mới cho giới giáo dục Pháp

Trở lại với nhật báo Le Figaro. Hồ sơ chính của tờ báo hôm nay đề cập đến ChatGPT, hiện tượng công nghệ đang hấp dẫn người sử dụng internet trên cả thế giới những ngày gần đây.

Le Figaro chạy tựa lớn trang nhất : "Giới giáo dục đang tìm cách chống đỡ với ChatGPT".  Theo tờ báo, mới được phổ cập trong công chúng chưa được bao lâu, công cụ mới của trí tuệ nhân tạo này có nguy cơ trở thành công cụ để các học sinh sinh viên gian lận sao chép kiến thức.

"Đây là một thế giới mới. Vĩnh biệt bài tập về nhà", tuyên bố đầy khiêu khích trên của tỷ phú Elon Musk, nhà sáng lập của công ty khởi nghiệp tạo ra ChatGPT không làm các nhà giáo cười được, Le Figaro nhận xét. Từ khi chương trình hội thoại tự động này được tung lên mạng Internet hồi tháng 11 với thành công toàn cầu, các giáo sư, hiệu trưởng các cơ sở dạy học đang phải đối mặt với các hiện tượng gian lận mới trong việc làm bài tập và kiểm tra kiến thức của các học sinh sinh viên. Cấm hay cho phép sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo đang làm đảo lộn cuộc sống hàng ngày của mọi người là một vấn đề làm đau đầu giáo giới ở Pháp. Ngành giáo dục đang cố gắng tìm ra các biện pháp để ngăn chặn ứng dụng tiêu cực của ChatGPT. Nhưng vấn đề chính và khó khăn nhất là làm sao để chứng minh được các học sinh sinh viên đã nhờ cậy vào công cụ trí tuệ nhân tạo trong các bài tập, bài viết của mình.

Cuộc chiến trí tuệ nhân tạo của những người khổng lồ

Tờ báo kinh tế, Les Echos chạy tựa chính trang nhất : Microsoft – Google : "Trận chiến mới về trí tuệ nhân tạo". Les Echos dành nhiều trang bài cho thấy Microsoft bắt đầu mở cuộc tấn công Google bằng cách đưa ChatGP vào trong công cụ tìm kiếm trên Internet.

Tờ báo cho biết, "khả năng của trí tuệ nhân tạo đang làm xáo trộn công cụ tìm kiếm thông tin trên internet, một thị trường quảng cáo có trị giá 186 tỷ đô la". Những ngày qua, thị trường cổ phiếu bùng nổ với những công ty đang nhằm vào phát triển Trí tuệ nhân tạo (AI).

Les Echos cho hay, hiện tại các tập đoàn Microsoft, Google và cả Baidu của Trung Quốc đang lao vào cuộc đua phát triển robot hội thoại, tìm cách cài các chương trình trí tuệ nhân tạo vào thanh công cụ tìm kiếm thông tin trên Internet. Một "môi trường tìm kiếm thông tin trên mạng đang chuẩn bị cho cuộc cách mạng ChatGPT", tờ báo nhận định. Cách thức và nhu cầu tìm kiếm thông tin của người sử dụng internet trong thời gian tới đây sẽ có bước thay đổi căn bản. Hiện tại Microsoft với ưu thế của Chatbot sẵn sàng đối đầu trực tiếp trên mặt trận công cụ tìm kiếm thông tin với người khổng lồ Google, hiện đang gần như độc quyền chiếm 84% thị phần tìm kiếm dữ liệu trên mạng internet.

Trước thách thức Microsoft đưa ChatGPT vào công cụ tìm kiếm thông tin trên mạng, Google cũng sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh. Mới đây nhà vô địch trong lĩnh vực tìm kiếm trên mạng đã giới thiệu một loạt các cải tiến liên quan đến các chức năng vốn có của Google như dịch thuật ngôn ngữ, tìm kiếm bằng hình ảnh hay định vị địa lý sẽ có sự tham gia của Trí tuệ nhân tạo. Theo Les Echos, chẳng hạn người ta có thể đưa ảnh một chiếc xe đạp hỏng và hỏi làm thế nào để chữa, Google có thể cho câu trả lời chi tiết. Hay như hệ thống bản đồ Google Map sắp tới sẽ tích hợp các hình ảnh thực để có thể cho biết cả môi trường thực của địa điểm tìm kiếm… Tất cả đều nhờ vào trí tuệ nhân tạo.

Trong khi việc sử dụng công nghệ Trí tuệ nhân tạo còn đang ở giai đoạn khai hoang, thì thị trường của AI đang được nhiều hãng công nghệ đổ xô vào. Hệ quả là giá trị tài sản chứng khoán của các công ty liên quan đó cũng tăng vọt thời gian gần đây. Theo Les Echos, thị trường trí tuệ nhân tạo, được các nhà phân tích của tập đoàn tài chính UBS ước tính khoảng 1000 tỷ đô la.

Ngắm sao để hiểu thêm về trái đất

Cuối cùng xin được đến với nhật báo Libération. Nhân sự kiện "Đêm sao mùa đông" được tổ chức tại Pháp năm nay từ ngày 09 đến 12/02, tờ báo ra số đặc biệt dành hơn 2/3 các trang báo cho sự kiện với tiêu đề chính "Libé của các vì sao".

Cùng với 100 sự kiện được các hiệp hội thiên văn tổ chức ở khắp nước Pháp như quan sát, tìm hiểu trình diễn về thiên văn học, báo Libération dành rất nhiều bài viết để giúp độc giả tìm hiểu thêm về vũ trụ bên ngoài trái đất của chúng ta, hiểu thêm những vấn đề về hệ sinh thái môi trường liên quan thế nào đến trái đất và bầu trời của chúng ta. Bài viết "Môi trường sinh thái trên quỹ đạo trái đất" đề cập đến việc với tiến bộ khoa học ngày cành nhanh chóng, trên bầu trời bao la hiện nay, các vệ tinh xuất hiện như nấm đang đặt ra những vấn đề nghiêm túc. Đó là nguy cơ các vệ tinh va chạm với nhau, những vệ tinh cũ hỏng, những mảnh vỡ của tên lửa trôi nổi trong không gian. Trước tình trạng đó, nhiều nhà khoa học đã cảnh báo và kêu gọi phải có biện pháp chấm dứt tình trạng biến không gian thành bãi rác khổng lồ.

Một bài viết khác của tờ báo mang tựa đề : "Chiến tranh giữa các vì sao không như bạn nghĩ", giúp độc giả hiểu rằng với khả năng giám sát, truyền tin và di chuyển… các hệ thống vệ tinh giờ đây đóng vai trò trung tâm cho các hoạt động con người dưới mặt đất. Hệ thống vệ tinh có thể biến thành những mục tiêu tấn công trong trường hợp xảy ra xung đột. Quỹ đạo trái đất giờ đây cũng là nơi diễn ra các cuộc đọ sức tranh giành địa chính trị sau thời kỳ chiến tranh lạnh.

Bên cạnh đó Libération cũng có bài viết về những thành công của con người trong công cuộc chinh phục không gian.

Anh Vũ

Additional Info

  • Author Anh Vũ
Published in Quốc tế

Nga lại ồ ạt tấn công nhiều thành phố và cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraine

Thùy Dương, RFI, 10/02/2023

Một ngày sau chuyến công du Châu Âu của tổng thống Ukraine Zelensly, Kiev hôm 10/02/2023 cho biết nhiều thành phố và cơ sở năng lượng thiết yếu lại hứng chịu một loạt vụ tấn công ồ ạt của quân Nga bằng tên lửa và drone phát nổ.  

nga1

Người dân trú ẩn tại một trạm tàu điện ngầm ở Kiev, khi Nga bắn tên lửa vào thủ đô Ukraine, ngày 10/02/2023. AP - Efrem Lukatsky

Theo Không quân Ukraine, Nga đã phóng 71 tên lửa, trong đó có tên lửa hành trình Kalibr, tên lửa dẫn đường S-300, và drone Shahed nhắm vào các vùng Kiev, Kharkiv và Zaporijjia. Không quân Ukraine khẳng định đã tiêu diệt được 61 tên lửa mà Nga bắn ra. Chính quyền Kiev chưa cho biết các thiệt hại nhân mạng. 

Công ty điện Ukraine Ukrenergo sáng nay thông báo nhiều cơ sở hạ tầng điện cao thế tại các vùng miền đông, tây và nam đã bị ảnh hưởng, gây hỏng mạng điện tại một số vùng. Ukrenergo đã buộc phải cắt điện khẩn cấp nhiều nơi để đề phòng mạng lưới điện quốc gia quá tải. 

Hội đồng thành phố Zaporijjjia thông báo Zaporijjjia đã hứng chịu 17 vụ oanh kích trong sáng hôm nay, nhiều chưa từng có nếu tính từ đầu chiến tranh đến nay. Một phần thành phố Zaporijjia đã bị cắt điện trong vòng 1 giờ đồng hồ. Tại thành phố Kharkiv, miền đông bắc, sát Nga, thống đốc vùng cho biết nhiều vụ cháy đã nổ ra sau khi trúng tên lửa của quân Nga. 

Ngoài ra, Kiev cũng xác nhận 2 tên lửa đã đi qua không phận của Romania, nước thành viên của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Bộ quốc phòng Romania ngay sau đó đã bác bỏ thông tin này và cho biết một tên lửa đã bay cách lãnh thổ của Romania 35 km.

AFP nhắc lại từ tháng 10/2022 tới nay, sau nhiều thất bại trên chiến trường, Moskva đã chuyển hướng chiến lược, nhắm mục tiệu tấn công vào các cơ sở năng lượng được xem là thiết yếu của Ukraine, đẩy hàng triệu người dân Ukraine vào cảnh mất điện và không được sưởi ấm trong bối cảnh mùa đông lạnh giá khắc nghiệt. 

Thùy Dương

***********************

Nga khoanh vùng chiến sự, tìm chiến thắng chính trị

Thanh Hà, RFI, 09/02/2023

Tổng thống Ukraine đã công du chớp nhoáng Anh, Pháp ngày 08/02/2023 và đến Bruxelles họp thượng đỉnh bất thường với 27 nước Châu Âu ngày 09/02. Tại Luân Đôn, ông Zelensky kêu gọi Anh cung cấp chiến đấu cơ. Còn tại Paris, ông kêu gọi tổng thống Pháp và thủ tướng Đức cung cấp thêm vũ khí, đặc biệt là xe tăng hạng nặng. Theo tổng thống Zelensky, chỉ những loại vũ khí chiến lược đó mới có thể giúp quân đội Ukraine đối phó với cuộc tấn công mùa Xuân mà Nga đang chuẩn bị.

nga2

Soledar, vùng Donetsk, Ukraine, thành phố được Nga tuyên bố "giải phóng". Ảnh chụp qua màn ảnh truyền hình ngày 08/01/2023. via Reuters – State Border Guard Service of UKRAINE

Ngày 07/02, đích thân bộ trưởng quốc phòng Nga Serguei Shoigu thông báo những "thành công" trên chiến trường trong những ngày gần đây, nhiều thành phố "được giải phóng" (Sodedar, Klishchiivka, Podgornoe, Krasnopolye, Blagodatnoe, Lobkove và Nikolaevka). Đây là những bước chuẩn bị cho cuộc tấn công lớn của Nga, mà tổng thống Zelensky dự báo sẽ diễn ra khoảng 24/02, đúng một năm tổng thống Vladimir Putin phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" xâm lược Ukraine.

Hai dấu hiệu quan trọng được nhà phân tích quân sự Sim Tack, công ty Forces Analysis, nêu với trang France 24 đó là số quân nhân và vũ khí được Nga điều ra chiến trường. Thứ nhất, "rất nhiều đơn vị được tái triển khai ở nhiều nơi trên chiến tuyến". Quân nhân được tăng viện chủ yếu là những người nhập ngũ trong đợt động viên một phần vào tháng 09/2022 và được huấn luyện ở Belarus, nhưng số quân này không phải là 500.000 như số liệu mà Ukraine đưa ra. Theo nhà phân tích này, chính quyền Kiev có thể thổi phồng con số đó để thúc các nước phương Tây khẩn trương cung cấp thêm vũ khí.

Dấu hiệu thứ hai là Nga cũng điều thêm pháo binh, xe tăng đời mới ra mặt trận, "chủ yếu là xe tăng T-90 hiện đại, được triển khai ở đa số các khu vực đang giao tranh", từ Kupiansk (vùng Kharkiv) đến Vouhledar (phía nam vùng Donetsk). Đây là khu vực có thành phố Bakhmut, nơi giao tranh đang diễn ra ác liệt và dường như quân Nga đang chiếm được từng tấc đất. Xe tăng T-90 cũng được đưa đến vùng Luhansk lân cận, "nơi tập trung lính dù Nga", một lực lượng tinh nhuệ.

Tuy nhiên, theo ông Sim Tack, "dù có nhiều dấu hiệu cho thấy đúng là Moskva đang củng cố các vị trí", nhưng "rất khó biết được Nga đang chuẩn bị gì". Dường như Moskva không dồn hết các đơn vị mới quanh một thành phố hay một mục tiêu quân sự đặc biệt. Hoạt động của các đơn vị cũng không cho thấy sẽ có một cuộc tấn công tức thì ở khu vực miền nam Zaporijjia, như khả năng được nhiều nhà phân tích nêu trước đó.

Có thể là Moskva không mở một mặt trận mới. Cuộc tấn công mùa Xuân, vẫn được Nga nói úp mở, có thể là "sự tập trung nỗ lực ở nơi mà Moskva tìm cách buộc quân Ukraine phải nhượng bộ". Đây cũng là ý kiến của tướng Dominique Trinquand trên đài RFI hôm 07/02 : "Đó là một cuộc tấn công bị giới hạn", chứ không phải là "một cuộc tấn công làm người ta nghĩ là Nga sẽ chiếm lại Ukraine". Theo cựu trưởng phái bộ quân sự Pháp tại Liên Hiệp Quốc, "có thể Nga sẽ gặm nhấm nhiều địa phương ở vùng Donbass để tổng thống Putin có thể thông báo rằng sau một năm chiến tranh, ông đã bảo vệ cộng đồng người nói tiếng Nga ở khu vực lân cận mà ông đã sáp nhập".

Thực ra Nga đã chuẩn bị cuộc tấn công này ngay khi rút khỏi Kherson vào giữa tháng 11/2022 để tập trung lực lượng bảo vệ mục tiêu được điện Kremlin ấn định : "Kiểm soát vùng Donetsk vào mùa xuân". Trong chiến dịch này, Bakhmut trở thành nút quan trọng đối với quân đội Nga. Ông Sim Tack giải thích "chiếm được thành phố này là mở đường xuống phía nam, đến được những địa phương chính của vùng Donetsk mà Nga chưa chiếm được, như những khu vực quanh các thành phố Kramatorsk và Sloviansk".

Nga đang hối hả giành chiến thắng trên chiến trường trước khi quân Ukraine nhận được thêm vũ khí và xe tăng từ phương Tây. Một chiến thắng, dù nhỏ ở miền đông Ukraine, vẫn là một thông điệp chính trị quan trọng để tổng thống Putin ca ngợi trong dịp kỷ niệm một năm phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" để dẹp trừ "phát xít" ở nước láng giềng. 

Thu Hằng

*********************

Vụ rớt máy bay MH17 : Một số bằng chứng cho thấy Putin cấp tên lửa cho quân ly khai Ukraine

Trọng Thành, RFI, 09/02/2023

Cuộc điều tra về vụ máy bay số hiệu MH17 bị bắn hạ tại Ukraine năm 2014, khiến 298 hành khách và nhân viên phi hành đoàn thiệt mạng, đã tạm khép lại. Hôm 08/02/2023, trong cuộc họp báo tại La Haye, công tố viên Hà Lan Digna van Boetzelaer, đứng đầu nhóm điều tra, khẳng định có "nhiều chỉ dấu quan trọng" cho thấy tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định cấp cho lực lượng ly khai tại miền đông Ukraine loại tên lửa Buk, được dùng để bắn hạ máy bay.

nga3

Các mảnh vỡ của chiếc máy bay MH17 rơi xuống Donetsk, Ukraine. Ảnh chụp ngày 22/07/2014. Reuters/Maxim Zmeyev/File Photo

Thông tín viên Pierre Bénazet tường trình từ Bruxelles :

Các nhà điều tra đã công bố nhiều đoạn ghi âm các quan chức Nga hoặc các thành phần ly khai tại Ukraine nêu tên tổng thống Nga Vladimir Putin, cũng như đoạn ghi âm một cuộc trò chuyện với chính tổng thống Nga. Những yếu tố mà các nhà điều tra thu thập được chỉ ra rằng chủ nhân của điện Kremlin chịu trách nhiệm quyết định cấp các hệ thống tên lửa địa đối không cho quân ly khai ở tỉnh Donestk.

Đối với các nhà điều tra, có "nhiều chỉ dấu quan trọng" cho thấy ông Putin đã đích thân phê chuẩn việc chuyển giao cho quân ly khai Ukraine các hệ thống tên lửa Buk của Nga, bao gồm cả dàn phóng đã được sử dụng để bắn hạ chuyến bay MH17 vào tháng 7/2014. Đây chỉ là một giả định và dẫu sao thì luật Hà Lan không cho phép truy tố nguyên thủ quốc gia.

Các nhà điều tra đã xác định được dàn phóng tên lửa Buk nói trên và trung đoàn Nga quản lý dàn phóng này, nhưng đã không thể xác định được ai bắn tên lửa này hoặc viên chỉ huy nào đã ra lệnh khai hỏa. Họ không nêu tên của bất kỳ nghi phạm nào khác ngoài những nhân vật đã được biết. Bởi chỉ khi có những lời khai mới thì mới có thể khởi động lại cuộc điều tra".

Cho đến nay, chính quyền Moskva khăng khăng phủ nhận mọi can dự dẫn đến việc chuyến bay MH17 bị tên lửa Nga bắn hạ. Hôm nay, ngoại trưởng Úc và lãnh đạo cơ quan công tố Úc khẳng định Nga đã nhiều lần ngăn cản cuộc điều tra, khiến việc tập hợp các bằng chứng liên quan đến Nga là "không thể". Theo thủ tướng Hà Lan Mark Ruth, cuộc điều tra tìm công lý cho các nạn nhân vụ máy bay MH17 bị bắn rơi "sẽ tiếp tục", và "Liên Bang Nga phải trả giá về vai trò của mình trong thảm kịch này".

Trọng Thành

Additional Info

  • Author Thùy Dương, Thu Hằng, Trọng Thành
Published in Quốc tế

Ukraine : Ngôi sao quần vợt quốc tế trở về nước chiến đấu ở Bakhmut

Đặc phái viên Le Figaro thuật lại tình hình "Ở mặt trận gần Bakhmut, với một ngôi sao quần vợt quốc tế" nay là chiến sĩ. Sergiy Stakhovsky, cựu vận động viên tennis từng gây khó khăn cho Roger Federer, đã thay cây vợt bằng khẩu súng AR-15 để tham gia bảo vệ tổ quốc.

UKRAINE-RUSSIA-CONFLICT-ARMY-SPORT-TENNIS

Cựu ngôi sao quần vợt người Ukraine Sergiy Stakhovsky. AFP – Sergei Supinsky

Từ tay vợt thứ 31 thế giới đến chiến binh vô danh

Đơn vị của anh đã rời Bakhmut cách đây sáu ngày để triển khai cách đó vài cây số về phía tây. Gọi là "tiểu đoàn", nhưng thực ra chỉ là một nhóm khoảng 20 người, hỗ trợ cho lữ đoàn phản ứng nhanh số 4 của Vệ binh Quốc gia ở tiền phương - đang phải chịu đựng những đợt tấn công dồn dập của quân Nga ở ngoại ô Bakhmut.

Stakhovsky thổ lộ, những tuần lễ gần đây, tình hình đột ngột xấu đi. Họ đã mất vài vị trí ở gần Soledar, do lực lượng ít ỏi và cũng do thiếu kinh nghiệm. Nếu quân Nga tiếp tục tấn công với cường độ dữ dội như hiện nay, họ không biết sẽ giữ được bao lâu. Nhưng với số lượng lính Nga tử trận mỗi ngày, cũng không thể biết Nga kéo dài được đến đâu.

Cách đây một năm, Sergiy Stakhovsky, tay vợt tennis thứ 31 thế giới, có lần đánh bại huyền thoại Roger Federer ở giải Wimbledon năm 2013, chuẩn bị gác vợt để trở thành nhà sản xuất rượu vang. Nhưng ngày 24/02, khi những đợt hỏa tiễn đầu tiên ập xuống Kiev, Kharkiv, Mariupol và Odessa, người đã nhiều lần tranh Cúp Davis dưới lá cờ hai màu xanh vàng đã có quyết định khác. Stakhovsky từ Dubai ghé qua Budapest, nơi anh cư ngụ với vợ và ba con, rồi đến Bratislava lấy một chiếc áo giáp, và lên đường đến Ukraine. Dòng người và xe chạy loạn trên đường càng củng cố thêm quyết tâm kháng chiến của anh.

Thiếu đạn, mỗi khẩu moọc-chê không được bắn quá ba phát

Stakhovsky lần lượt tham gia vào nhiều lữ đoàn tư nhân do các doanh nhân tài trợ để giúp sức cho đất nước, rồi xin vào lực lượng đặc biệt, và đến tháng Chín gia nhập đơn vị hiện nay. Nhóm cơ động này chuyên quấy nhiễu quân Nga bằng những phát mortier 82 ly và 120 ly, để chận bước tiến của địch ở tây nam Bakhmut. Họ nhận lệnh và đạn dược từ quân đội chính quy.

Dù có phương Tây giúp sức, các quân nhân Ukraine vẫn thiếu nhiều vũ khí và nhất là đạn. Sergiy Stakhovsky cho biết đơn vị anh chỉ có thể bắn ba quả đạn một ngày cho mỗi khẩu súng. Để tránh lãng phí, họ được lệnh không nhắm vào những vị trí có dưới ba lính Nga. Dù tình hình ngày càng khó khăn, cựu vận động viên khẳng định sẽ chiến đấu lâu dài để đuổi quân xâm lược khỏi bờ cõi, nhất là khi đã nhìn thấy những gia đình tìm kiếm trong tuyệt vọng xác người thân ở Bucha.

Bakhmut, mặt trận ác liệt nhất

Cũng tại Bakhmut, đặc phái viên Le Monde tả lại cuộc chiến dữ dội để bảo vệ thành phố thuộc vùng Donbass - đã trở thành biểu tượng cho cuộc chiến tranh. Nhà báo Pháp nhìn thấy một xe tăng Nga bắn những phát đại bác. Một thượng sĩ của lữ đoàn đặc biệt 518 mang tên "Ivan Bohun" - người hùng cô-dắc thế kỷ 17 - giải thích, quân Nga bắn vào những bãi mìn để mở ra một hành lang, sau đó bộ binh tiến lên. Và đúng là sau đó những loạt súng tự động nổ ran.

Người hạ sĩ quan trên nói thêm, đợt tấn công đầu tiên là lính đánh thuê Wagner và tân binh, những "bia đỡ đạn" này thường bị giết chết hầu hết. Đợt thứ hai là những lính Nga có kinh nghiệm. Trong mùa đông, quân Nga tăng cường thêm xe tăng, lính dù, tấn công dài theo toàn tuyến.

Các chiến binh Ukraine đều kiệt sức sau những trận đánh không kể ngày đêm, họ không còn khái niệm về thời gian. Điều an ủi cho người chỉ huy đơn vị là theo báo cáo của tình báo, một địch quân bị bắn hạ hôm trước được phía Nga cố lấy xác bằng mọi giá, mất cả một xe bọc thép, là một sĩ quan cao cấp chỉ huy đại đội. Nhờ đó trận giao tranh tạm ngưng, họ được nghỉ ngơi 12 tiếng đồng hồ. Cũng theo báo cáo, đại đội này có 250 lính, sau trận đánh chỉ còn 60. Người chỉ huy tiểu đoàn "Dnipro-1" mỉa mai, quân Nga hy sinh cả ngàn người và khi tiến được 500 mét, họ rêu rao "thắng lớn".

Brexit : Dân Anh hối tiếc

Vẫn ở Châu Âu, xã luận của Le Monde nói về "Anh quốc vào thời Bregret", nuối tiếc đã chọn lựa "Brexit" - ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (EU). Ba năm đã trôi qua, nay có đến 57% người Anh muốn quay lại. Cựu thủ tướng Boris Johnson lâu nay vẫn cho rằng Covid là nguyên nhân khiến kinh tế nước Anh đi xuống, nhưng nay không còn có thể đổ cho con virus. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố dự báo : trong số những nền kinh tế quan trọng trên thế giới, Anh quốc là nước duy nhất bị suy thoái trong năm 2023.

Khi tái lập việc kiểm soát hải quan, Brexit gây trở ngại cho trao đổi với đối tác chính là EU khiến thương mại giảm mất 15%, chuỗi cung ứng rối loạn, đầu tư chậm lại. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu lao động, lạm phát tăng, đình công liên tục diễn ra. Dấu hiệu cho thấy thời thế đã thay đổi : người Anh sáng tạo ra chữ mới "rejoiner" để chỉ những người muốn quay lại với EU.

Khinh khí cầu gián điệp khiến công luận Mỹ nhìn rõ mối đe dọa Trung Quốc

Về quan hệ Mỹ-Trung, chuyên gia Bruno Tertrais của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược trên Libération nhận thấy "Đối với công luận Mỹ, vụ khinh khí cầu đã cụ thể hóa "mối đe dọa Trung Quốc". Theo ông Tertrais, Mỹ không thể không bắn hạ khí cầu trên vì phải cho Bắc Kinh thấy là không thể thách thức Hoa Kỳ theo kiểu này, đồng thời để phe Cộng hòa không có lý do tố cáo ông Joe Biden là nhu nhược. Những khinh khí cầu tân tiến bổ sung cho vệ tinh vì có thể mang theo những thiết bị nặng và ở yên phía trên mục tiêu lâu hơn, gần hơn, ghi được những liên lạc mà vệ tinh không thu được.

Tại sao lại gởi đi một thiết bị gián điệp như vậy, chỉ vài ngày trước chuyến công du quan trọng của ngoại trưởng Mỹ ? Ông Bruno Tertrais cho rằng đây là câu hỏi chính. Khó thể coi là một sự trùng hợp, vả lại Trung Quốc vẫn có thói khiêu khích trước những sự kiện ngoại giao lớn như cho thử nguyên tử, thử hỏa tiễn tầm xa, oanh tạc cơ tân tiến... Tuy nhiên, ông không nghĩ rằng Bắc Kinh muốn phá hoại chuyến thăm, mà có thể đã vô tình đi quá xa. Cũng như vụ Sputnik của Liên Xô, vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới đã bay trên lãnh thổ Hoa Kỳ năm 1957, sự kiện này có thể là nhân tố chính của một cuộc chiến tranh lạnh mới.

Phiên tòa xử 47 nhà đối lập Hồng Kông

Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Monde  Les Echos chú ý đến sự kiện hầu như tất cả các nhà đối lập Hồng Kông đều phải ra trước vành móng ngựa từ hôm qua. Bốn mươi bảy nhà hoạt động dân chủ, trong đó hai phần ba bị giam giữ từ hai năm qua, bị cáo buộc "âm mưu nổi dậy" vì đã tham gia vào cuộc bầu cử sơ bộ hồi tháng 7/2020.

Gần phân nửa những khuôn mặt trước tòa là những cột trụ trong đời sống chính trị Hồng Kông, từ thủ lãnh các đảng, dân biểu kỳ cựu như Đái Diệu Đình (Benny Tai), Mao Mạnh Tĩnh (Claudia Mo), Âu Nặc Hiên (Au Nok Hin), Lương Quốc Hùng (Leung Kwok Hung) cho đến những người trẻ từ cuộc Cách mạng Dù, cuộc nổi dậy chống luật dẫn độ như Hoàng Chi Phong.

Luật sư Dennis Kwok, cựu dân biểu cho rằng đây là vụ đàn áp chính trị, một trò đùa theo mọi nghĩa. Peter Stano, phát ngôn viên Ủy ban Châu Âu nhận thấy đây là vụ án lớn nhất trong khuôn khổ luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt. Các bị cáo có thể lãnh án đến chung thân, theo đạo luật được đặt ra để bóp nghẹt mọi dạng thức phản kháng. Phiên tòa kéo dài 90 ngày, bên công tố sẽ phải cố chứng tỏ việc tổ chức bầu cử sơ bộ là nhằm lật đổ trưởng đặc khu, như vậy là hành động nổi dậy - một lý lẽ mà theo các luật gia là khó đứng vững.

Sự kiện rất được chờ đợi là phiên tòa dành cho nhà tỉ phú truyền thông Lê Trí Anh (Jimmy Lai), chủ báo Apple Daily đã bị đóng cửa. Ông bị cáo buộc là thông đồng với nước ngoài, do đã yêu cầu quốc tế trừng phạt Hồng Kông và Trung Quốc. Lẽ ra phiên xử đã diễn ra hồi tháng 12/2022 nhưng bị dời lại vì chính quyền Hồng Kông nhờ Bắc Kinh cấm một luật sư Anh đại diện cho ông. Trong ngày khai mạc phiên tòa 47 nhà hoạt động, nhiều nước trong đó có Pháp đã gởi đại diện lãnh sự đến dự khán.

Trí thông minh nhân tạo : Ai hưởng lợi ?

Trên lãnh vực khoa học, Les Echos đánh giá từ khi ChatGPT bắt đầu được đưa vào hoạt động ngày 18/11/2022, thế giới sững sờ nhận thấy trí thông minh nhân tạo (AI) cần phải được xếp vào hàng những phát minh công nghệ lớn nhất xưa nay như điện, động cơ nổ... AI có thể được sử dụng trong nhiều sản phẩm và dịch vụ, từ đơn giản như ra lệnh miệng cho máy pha cà phê, đến máy công cụ, máy nông nghiệp tự động. Một cơ quan nghiên cứu ước tính thị trường của trí thông minh nhân tạo vào năm 2030 lên đến 15.000 tỉ đô la. Đó là một cuộc cách mạng chỉ xảy ra một, hai lần trong thế kỷ.

Các chuyên gia vi tính có thể dùng ChatGPT để lập trình, chỉnh sửa những ứng dụng phức tạp nhất, giúp nhanh chóng số hóa nhiều lãnh vực. Bên cạnh đó là việc lập mô hình tài chánh, quy trình sản xuất, dịch trực tiếp... chưa kể những viễn cảnh đầy hứa hẹn trong giáo dục và y tế. Nhưng bên cạnh đó còn có nỗi sợ trí thông minh nhân tạo chiếm mất việc của con người, dự báo có 15 triệu chỗ làm ở Hoa Kỳ bị đe dọa.

Tuy nhiên, theo Les Echos, vấn đề chính là lợi nhuận từ hiệu quả mà AI tạo ra có được tái phân phối hay không. Bởi vì trong kỷ nguyên công nghiệp hóa trước đây, trước khi các phong trào nghiệp đoàn và những quy định giúp cho giai cấp trung lưu phát triển mạnh mẽ, một thời gian dài các nhà tài phiệt đã thủ lợi đầy túi.

Đình công, động đất : Hai sự kiện chiếm trang nhất báo Pháp

Hôm nay các nghiệp đoàn tiếp tục đình công đến lần thứ ba để chống lại kế hoạch cải cách chế độ hưu trí của chính phủ Pháp, nhưng hai trận động đất 7,8 và 7,5 độ Richter làm ít nhất 5.000 người chết là thời sự được đề cập đến nhiều nhất. Le Monde ra từ chiều hôm trước nhấn mạnh "Tuần lễ quyết định cho cải cách hưu trí" nhưng cũng kịp đăng ảnh về thảm họa trên trang nhất. Tương tự, Le Figaro chạy tựa chính "Những nhượng bộ của thủ tướng Elisabeth Borne không xoa dịu được Quốc hội", nhưng ảnh trang nhất là cảnh cứu người bị nạn.

La Croix đăng ảnh một người cha ôm con chạy tìm chỗ trú, với dòng tít "Thổ Nhĩ Kỳ và Syria : Lời kêu gọi giúp đỡ". Trang nhất Libération là hình ảnh những người cứu hộ hối hả đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường, với tòa nhà sụp đổ phía sau, chạy tựa "Động đất ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ : Bi kịch". Riêng nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến "Renault và Nissan cuối cùng cũng đạt được thỏa thuận". Ở trang trong, tất cả các báo đều có bài tường thuật cụ thể về thảm họa này, bên cạnh chiến sự Ukraine.

Thiên tai và tình người trong hoạn nạn

Libération tự hỏi, còn bao nhiêu người đang bị vùi dưới đống đổ nát ? Có thể hàng ngàn người, vì chưa đánh giá nổi tầm cỡ của thảm họa. Vào lúc 4 giờ 17 phút sáng thứ Hai, trận động đất đầu tiên 7,8 độ Richter xảy ra ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ gần biên giới Syria, mạnh đến nỗi Greenland ở cách tâm chấn trên 5.000 kilomet còn ghi nhận được.

Hàng ngàn căn nhà, hàng trăm tòa nhà thi nhau sụp đổ, khiến rất nhiều người bị mắc kẹt ngay trong đêm. Tiếp theo là cả trăm dư chấn, và trận động đất thứ hai 7,5 độ Richter gây thêm khó khăn cho việc cứu hộ. Ở bên kia biên giới là nơi cư ngụ tạm bợ của hàng ngàn người tị nạn Syria, các nhà báo Libération ghi nhận sự khốn khổ của những con người phải chịu đựng hết giặc giã lại đến thiên tai. 

La Croix nhận định, trận địa chấn này là một trong những trận thảm khốc nhất từ 20 năm qua. Những gương mặt hoảng loạn, những khối bê-tông bị xé rời, những đống đổ nát nhìn thấy từ không ảnh, chỉ mới vài giờ trước là nhà cửa, làng mạc. Một cư dân Aleppo cho biết tình hình còn tệ hại hơn bao năm dưới bom đạn chiến tranh.

Trong hoàn cảnh đó, những xung đột đã được gác sang một bên. Israel gởi viện trợ khẩn cấp cho Syria, trong khi Damascus chưa bao giờ chịu công nhận Nhà nước Do Thái. Những đội cứu hộ từ khắp nơi đổ đến, từ Châu Âu hay Ấn Độ, Iran, Mỹ, Nga... để tìm kiếm nạn nhân trong giá lạnh và tuyết. Tình tương thân tương ái đã vượt qua sự ích kỷ quốc gia, chứng tỏ cộng đồng quốc tế không chỉ đơn thuần là một khái niệm.

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế

Nga tăng cường oanh kích Ukraine tìm thắng lợi kỷ niệm 1 năm "chiến dịch quân sự đặc biệt"

Thu Hằng, RFI, 05/02/2023

Chiến sự ở miền đông Ukraine diễn ra căng thẳng do Nga tìm cách giành ưu thế nhân chuẩn bị tròn một năm tấn công nước láng giềng. Trong buổi điểm tin tối 04/02/2023, tổng thống Volodymyr Zelensky thừa nhận tình hình "phức tạp" trên chiến trường. Sáng 05/02, Nga đã bắn hai tên lửa vào trung tâm thành phố Kharkiv (đông bắc Ukraine), trong đó một tên lửa rơi vào một tòa chung cư, gây hỏa hoạn, khiến 5 người bị thương.

uk1

Ảnh trích từ video của bộ quốc phòng Nga công bố ngày 03/02/2023, cho thấy pháo binh Nga tấn công các vị trí, không nêu tên, của Ukraine. AP

Chiến sự ở miền đông Ukraine diễn ra căng thẳng do Nga tìm cách giành ưu thế nhân chuẩn bị tròn một năm tấn công nước láng giềng. Trong buổi điểm tin tối 04/02/2023, tổng thống Volodymyr Zelensky thừa nhận tình hình "phức tạp" trên chiến trường. Sáng 05/02, Nga đã bắn hai tên lửa vào trung tâm thành phố Kharkiv (đông bắc Ukraine), trong đó một tên lửa rơi vào một tòa chung cư, gây hỏa hoạn, khiến 5 người bị thương.

Trong buổi điểm tin thường nhật, tổng thống Zelensky thừa nhận Ukraine đang phải đối mặt với "thời điểm phức tạp" do "quân chiếm đóng huy động ngày càng đông đảo lực lượng để phá vỡ tuyến phòng thủ của chúng ta. Tình hình rất khó khăn ở Bakhmut, Vuhledar, Lyman (miền đông) và ở nhiều vùng khác".

Lực lượng biên phòng Ukraine cho biết đã đẩy lùi "một cuộc tấn công của kẻ thù" khỏi ngoại ô Bakhmut sau khi nhận được thông trinh sát trên không rằng "kẻ thù chuẩn bị tấn công" thành phố hiện trở thành tâm điểm các cuộc giao tranh ở Ukraine. Trong thông cáo, được AFP trích dẫn, quân đội Ukraine đã bắn súng cối vào "khu vực tập trung quân chiếm đóng" và "buộc họ rút lui".

Nga cũng tăng cường oanh kích ở miền nam, nhắm vào thành phố Kherson và "nhiều công trình hạ tầng dân sự" ở 26 địa phương tại tỉnh Zaporijia.

Ukraine đã trải qua 346 ngày chiến tranh và lo ngại Nga sẽ mở một đợt tấn công quy mô lớn để đánh dấu tròn một năm phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt". Chính quyền Kiev chủ yếu dựa vào viện trợ quân sự của phương Tây, đặc biệt là xe tăng hạng nặng và rocket tầm xa, để chống cự. Ngày 04/02, Canada đã giao xe tăng Leopard 2 đầu tiên trong tổng số xe hứa cung cấp cho Kiev.

Tổng thống Zelensky cũng cho biết đang chuẩn bị với thủ tướng Anh Rishi Sunak "nhiều việc rất quan trọng" nhưng không cho biết chi tiết. Nhiều quân nhân Ukraine "đã bắt đầu được huấn luyện sử dụng xe tăng Challenger tại Anh". Luân Đôn hứa giao 14 xe tăng loại này cho Kiev.

Thu Hằng

***********************

Giao tranh ‘ác lit’ phía bc thành ph Bakhmut ca Ukraine

Reuters, VOA, 05/02/2023

Người đng đu lc lượng dân quân tư nhân Wagner ca Nga cho biết hôm Ch nht rng giao tranh ác lit đang din ra phía bc thành ph Bakhmut ca Ukraine, nơi là tâm đim ca các lc lượng Nga trong nhiu tun qua.

uk2

Th trn Bakhmut, Ukraine, b Nga tn công ngày 27/12/2022.

Ông Yevgeniy Prigozhin, người sáng lp và là lãnh đo nhóm Wagner, cho biết các chiến binh ca ông đang "chiến đu vì tng con ph, tng ngôi nhà, tng cu thang" trước lc lượng Ukraine không chu rút lui.

Các lc lượng Nga đã c gng bao vây và đánh chiếm Bakhmut, mt thành ph vùng Donbas phía đông, trong nhiu tun, và dường như đang đt được tiến đ chm chp, khó khăn và tn kém.

Tng thng Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã nhiu ln nói trong nhng ngày gn đây rng tình hình xung quanh thành ph rt khó khăn.

"Không ai s t b Bakhmut. Chúng tôi s chiến đu lâu nht có th. Chúng tôi coi Bakhmut là pháo đài ca mình", ông nói hôm th Sáu tun trước.

B Quc phòng Anh hôm Ch nht cho biết rng Nga đã đt được "nhng bước tiến nh" trong n lc bao vây Bakhmut.

N
ếu các lc lượng Nga chiếm được thành ph, nơi đã b tàn phá sau nhiu tháng hng chu pháo kích, thì đó s là bước tiến chiến lược quan trng nht ca h k t mùa hè năm ngoái, khi mt cuc tn công ban đu qua min đông Ukraine b chng li và cui cùng b đo ngược trong mt lot các cuc phn công n tượng ca Ukraine trong na cui năm 2022.

Ông Prigozhin bác b các tin tc trên các phương tin truyn thông Nga rng quân đi Ukraine đang t b Bakhmut.

"Các lc lượng Ukraine không rút lui bt c đâu. H đang chiến đu đến người cui cùng", ông nói trong mt tuyên b đăng trên kênh Telegram ca mình.

Ông nói thêm : "Các trn chiến ác lit đang din ra các khu vc phía bc vì tng con ph, tng ngôi nhà, tng cu thang".

(Reuters)

***********************

Zelensky nói tình hình ở miền đông Ukraine đang gay cấn

Alys Davies, BBC, 05/02/2023

Ông Zelensky cho biết quân đội Ukraine đang đối mặt với tình thế vô cùng khó khăn tại ba thị trấn có giao tranh quyết liệt ở Donetsk - Bakhmut, Vuhledar và Lyman.

uk3

Tổng thống Volodymyr Zelensky nói tình hình ở tiền tuyến phía đông của Ukraine đang trở nên gay cấn.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết lính Ukraine đang bị cô lập ở Bakhmut.

Tin tức về chiến sự đưa trong lúc Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine nhắc lại quan điểm rằng một cuộc tấn công mới của Nga dự kiến sẽ diễn ra trong tháng này.

Tại một cuộc họp báo, ông Oleksiy Reznikov cho biết không phải tất cả vũ khí của phương Tây sẽ được chuyển đến vào thời điểm đó, nhưng Ukraine có nguồn dự phòng để ngăn chặn lực lượng Nga.

Ông Reznikov cho biết ông hy vọng cuộc tấn công dự kiến của Nga sẽ ưu tiên chiếm toàn bộ khu vực phía đông Donbas và tạo ra một hành lang trên bộ xuyên qua các khu vực mà Nga chiếm đóng bằng cách tiến hành các cuộc tấn công ở phía nam và phía đông Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng cũng xác nhận rằng quân đội sẽ bắt đầu huấn luyện trên xe tăng Leopard do Đức sản xuất từ thứ Hai.

Ông Reznikov cũng cho biết Ukraine đã đàm phán về việc cung cấp các tên lửa tầm xa mới có tầm bắn 150 km và cam kết không sử dụng chúng chống lại lãnh thổ Nga - chỉ chống lại các đơn vị Nga ở các khu vực chiếm đóng của Ukraine.

Người đứng đầu lực lượng lính đánh thuê Wagner của Nga cho biết đang có những cuộc chiến khốc liệt để giành từng con phố ở một số khu vực của Bakhmut.

Các lực lượng Nga đã cố gắng giành quyền kiểm soát thị trấn trong nhiều tháng - khiến đây là trận chiến dài nhất kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine gần một năm trước.

Việc chiếm lấy khu vực này có ý nghĩa quan trọng đối với Nga trong việc thúc đẩy mục tiêu kiểm soát toàn bộ khu vực Donbas ở phía đông Ukraine. Điều đó cũng sẽ thể hiện một sự thay đổi trong tương quan giao tranh của Nga sau khi mất phần đất Nga đã chiếm đóng ở Ukraine trong những tháng gần đây.

Bất chấp việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine, Nga đã giành được một số khu vực xung quanh vùng Bakhmut trong những ngày gần đây khi quân đội Nga ngày càng đưa nhiều binh sĩ vào giao tranh.

uk4

Trong bài phát biểu hàng đêm của mình, Tổng thống Zelensky nói : "Trong suốt 346 ngày của cuộc chiến này, tôi thường phải nói rằng tình hình ở mặt trận rất khó khăn. Và tình hình ngày càng trở nên khó khăn hơn.

"Bây giờ lại là thời điểm đó. Thời điểm mà phe chiếm đóng ngày càng tung nhiều lực lượng hơn để phá vỡ hàng phòng thủ của chúng ta".

Bộ Quốc phòng Anh cho biết các lực lượng Ukraine ở Bakhmut đang ngày càng bị cô lập khi phía Nga tiếp tục tiến thêm được trong nỗ lực bao vây thị trấn và rằng hai con đường chính vào Bakhmut có khả năng bị đe dọa bởi hỏa lực trực tiếp.

Nhóm lính đánh thuê bán quân sự của Nga Wagner đã dẫn đầu phần lớn các cuộc giao tranh trong vùng này.

Các trận chiến ở tiền tuyến diễn ra trong lúc Nga phóng nhiều tên lửa tấn công các khu vực ở miền đông Ukraine.

Trong các diễn biến khác :

• Tại thành phố đông bắc Kharkiv, năm người bị thương sau khi các cuộc không kích đánh trúng các tòa nhà dân sự trong thành phố, chính quyền địa phương cho biết.

• Năm người khác bị thương ở khu vực Donetsk trong các cuộc tấn công bằng tên lửa, theo ông Pavlo Kyrylenko, lãnh đạo vùng này.

*************************

Báo Mỹ tiết lộ Trung Quốc cung cấp công nghệ cho quân đội Nga phục vụ chiến tranh Ukraine

Thanh Hà, RFI, 05/02/2023

Theo báo The Wall Street Journal hôm 04/02/2023 bất chấp lệnh trừng phạt quốc tế, Trung Quốc vẫn cung cấp công nghệ cần thiết cho quân đội Nga. Các tập đoàn trong ngành quốc phòng của Trung Quốc xuất khẩu thiết bị hoa tiêu hàng hải, công nghệ làm nhiễu sóng rada, linh kiện phục vụ chế tạo chiến đấu cơ cho các đối tác Nga.

uk5

Chiến đấu cơ SU 35 của quân đội Nga trong một lần diễn tập 28/11/2021. AP

Căn cứ trên các dữ liệu do tổ chức C4ADS, một cơ quan tư vấn có trụ sở tại thủ đô Washginton, báo The Wall Street Journal ghi nhận : 84.000 lô hàng Trung Quốc được đưa sang Nga kể từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra ngày 24/02/2022. Trong số này có nhiều mặt hàng lưỡng dụng - quân sự và dân sự như linh kiện bán dẫn, phụ tùng máy bay...

Bài viết nêu bật trường hợp cụ thể : "Ngày 31/08/2022 tập đoàn quốc doanh Trung Quốc Poly Technologies đã cung cấp cho đối tác Nga JSC Rosoboronexpor thiết bị dẫn đường trang bị cho trực thăng M-17 của Nga". Tháng 10/2022 Trung Quốc bán linh kiện để Nga chế tạo máy bay phản lực Su-35, trị giá hợp đồng 1,2 triệu đô la. Gần đây hơn, công ty điện tử Fujian Nanan Baofeng Electronic Co. cũng đã cung cấp cho cùng một đối tác Nga, qua trung gian một hãng Ouzbekistan ăng ten quân sự để làm nhiễu sóng liên lạc của đối phương.

Liên quan đến những công ty Trung Quốc và Nga vi phạm lệnh cấm vận, "có khoảng hơn một chục hãng của Nga và Trung Quốc nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ". Vẫn theo tờ The Wall Street Journal, hàng của Trung Quốc được đưa sang Nga chủ yếu thông qua một số trung gian như Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.

Bắc Kinh bác bỏ các thông tin trên và chỉ trích báo tài chính Mỹ "suy đoán và thổi phồng sự thật". Về phía Matxcơva phát ngôn viên của phủ tổng thống ông Dmitri Peskov cho rằng Nga có đủ công nghệ để bảo đảm an ninh và tiến hành chiến dịch đặc biệt (tại Ukraine)". 

Thanh Hà

Additional Info

  • Author Thu Hằng, Reuters, Alys Davies
Published in Quốc tế