RFA, 12/12/2023
Sự đàn áp khốc liệt của chính quyền khiến những người bất đồng chính kiến không thể hiện những hành động cụ thể phản đối chuyến thăm Hà Nội của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong hai ngày 12-13/12 cho dù tâm lý chống sự bành trướng của Trung Quốc vẫn hiện diện trong dân chúng.
No-U FC
Đó là ý kiến của một số nhà hoạt động mà Đài Á Châu Tự Do (RFA) ghi nhận được trong ngày 12/12, ngày đầu tiên trong chuyến thăm lần thứ ba của nhà lãnh đạo tối cao Trung Quốc tới Việt Nam kể từ năm 2010 khi ông bắt đầu ở cương vị tổng bí thư đảng cầm quyền nhiệm kỳ thứ nhất.
Trong chuyến thăm đầu tiên diễn ra vào tháng 11 năm 2015, ở cả Hà Nội lẫn thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra một số cuộc biểu tình phản đối ông Tập Cận Bình và Trung Quốc. Các cuộc biểu tình diễn ra ôn hoà, nhiều người biểu tình bị bắt và bị đánh đập nhưng sau đó đều được trả tự do.
Lần đến Việt Nam thứ hai của ông Tập Cận Bình diễn ra vào tháng 11/2017 dịp Việt Nam tổ chức Hội nghị APEC. Trong chuyến thăm này tuy không diễn ra cuộc biểu tình nào nhưng một số người đã thể hiện sự phản đối, bằng những hành động khác nhau.
Một số người bất đồng chính kiến đã cùng nhau chụp hình với những chiếc áo có dòng chữ "No Xi" (Tẩy chay Tập Cận Bình-PV) ở nơi công cộng.
Tuy nhiên, trong lần thứ ba sang Việt Nam của ông Tập ngoài những lời phản đối trên mạng xã hội, cho đến thời điểm này RFA chưa ghi nhận một hành động phản đối nào ở nơi công cộng.
Một nữ trí thức ở Hà Nội, người tham gia nhiều hoạt động chống Trung Quốc từ 2011, cho rằng việc chính quyền Việt Nam bỏ tù nhiều người tích cực chống Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông trong nhiều năm gần đây làm nhiều người cẩn trọng hơn.
Bà này cho hay, những người công khai lên tiếng trong những năm 2015 hoặc 2017 đã bị bắt hoặc lui về ở ẩn nên không còn ai công khai phản đối nữa.
Trong vài năm trở lại đây, các toà án ở Việt Nam tuyên các bản án dài hạn hơn đối với các nhà hoạt động có tên tuổi, đồng thời lực lượng công an cũng tăng cường răn đe, phạt tiền đối với các trường hợp chia sẻ các bài đăng trên mạng xã hội chỉ trích chính quyền Việt Nam hay phản đối Trung Quốc.
Một thành viên của Phong trào No-U (Nói không với đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông) ở Hà Nội, nói với RFA trong tin nhắn :
"Người chống chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc bị chính quyền Việt Nam dùng công an các loại đàn áp dã man, người nặng thì tù, người nhẹ hơn thì chúng theo dõi theo dõi phá hoại việc làm ăn, nên nhiều người nản lòng.
Bản thân tôi liên tục bị chặn, có lần bị công an đánh đập nghiêm trọng ở ngay cửa nhà.
Việc ngăn chặn không cho đi làm ăn buộc nhiều người phải buông xuôi, mặc kệ cho việc Trung Quốc với Việt Nam đến đâu thì đến".
Theo cựu tù nhân lương tâm Lê Anh Hùng, chuyến thăm Việt Nam lần này của ông Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang có những diễn biến phức tạp, chỉ ba tháng sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Biden cùng sự kiện Việt-Mỹ nâng cấp quan hệ ngoại giao lên tầm Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Ông nói với RFA :
"Trung Quốc không ngừng trỗi dậy ngày càng hung hăng và đang gây sức ép với ban lãnh đạo Việt Nam để Hà Nội nâng cấp quan hệ với Bắc Kinh lên trên cả mức Đối tác Chiến lược Toàn diện (tức là vượt lên trên tất cả các quốc gia khác) và tham gia vào cái gọi là Cộng đồng chung vận mệnh và Sáng kiến Vành đai-Con đường".
Theo ông, trong bối cảnh đó, người Việt Nam cần phải tỏ rõ thái độ của mình đối với hiểm hoạ Trung Quốc nói chung và chuyến thăm này của Tập Cận Bình nói riêng.
"Nhưng đáng tiếc là ngoài màn đón tiếp linh đình, đặc biệt trọng thị của Hà Nội dành cho nguyên thủ Trung Quốc thì người ta hầu như không nghe thấy một tiếng nói phản đối nào của người dân Việt Nam, ngay cả trong giới bất đồng chính kiến.
Đây rõ ràng là một thắng lợi ngoạn mục của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Và họ sẽ càng dễ gây áp lực, càng dễ đạt được mục đích thâm hiểm của mình đối với Việt Nam".
Tuy bị chính quyền Việt Nam đàn áp khi cất lên tiếng nói phản đối Trung Quốc nhưng người dân vẫn quan ngại về âm mưu thôn tính biển đảo Việt Nam của Bắc Kinh, vẫn theo nữ trí thức ở Hà Nội.
Bà nói người dân và giới bất đồng chính kiến vẫn quan tâm và bày tỏ sự thiếu lòng tin đối với chính quyền Trung Quốc nhiều hơn trên các diễn đàn trên mạng xã hội cho dù không có các hành động phản kháng trực tiếp như xuống đường biểu tình.
Tuy nhiên, theo bà, dân ngày càng có thái độ cảnh giác đối với Bắc Kinh có thể thấy qua các việc như phản ứng với việc đưa tiếng Trung vào dạy từ lớp 3 hoặc công khai chỉ trích đường sắt Cát Linh-Hà Đông, một dự án phát triển cơ sở hạ tầng với vốn vay ODA từ Trung Quốc và do nhà thầu đến từ quốc gia này thực hiện nhưng liên tục trễ hẹn và đội vốn gấp nhiều lần.
Ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình của cựu sỹ quan tình báo quân đội Vũ Minh Trí. Ông nói trong tin nhắn gửi RFA :
"Tôi nghĩ so với hồi 2017, thái độ của người dân Việt Nam đối với Trung Quốc và cá nhân ông Tập Cận Bình đã thay đổi theo chiều hướng thực tế hơn, đó là không phản đối chung chung mà tập trung phản đối những chủ trương, chính sách, hành động… gây hại cho lợi ích của dân tộc Việt Nam từ phía Trung Quốc.
Người ta không trưng khẩu hiệu ‘No China’ hay ‘No Xi’ nữa, mà tập trung vào từng chương trình, dự án có sự tham gia của Trung Quốc, vào các hành động gây hấn và lấn chiếm mà Bắc Kinh đang tiến hành".
Nói về chuyến thăm này, ông Trí cho rằng Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, có chung đường biên giới cả trên bộ lẫn trên biển, có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đặc biệt là về chính trị và về kinh tế, thương mại, do vậy việc lãnh đạo hai nước thăm viếng lẫn nhau là rất bình thường.
Theo ông, chính phủ cần duy trì và phát triển quan hệ với Trung Quốc theo hướng đôi bên cùng có lợi, không phủ định sạch trơn các mặt tích cực, có lợi cho Việt Nam của mối quan hệ này.
Ông cho rằng trước một nước láng giềng lớn, mang nặng tư tưởng bành trướng, bá quyền như Trung Quốc thì để không bị thôn tính, Việt Nam không được phép sợ hãi mà phải vừa hợp tác, vừa đấu tranh.
Ông có nhận xét càng ngày càng có nhiều người thấy rõ rằng muốn thoát Trung, trước hết Việt Nam phải thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản.
Trước khi chuyên cơ của ông Tập Cận Bình hạ cánh xuống Hà Nội vào trưa 12/12, chính quyền địa phương tổ chức diễn tập an ninh và áp dụng việc cấm giao thông ở nhiều tuyến phố của Hà Nội, khiến việc ùn tắc giao thông ở thủ đô vốn đã nghiêm trọng trở nên trầm trọng hơn.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đưa lực lượng an ninh tới canh gác gần tư gia của nhiều người bất đồng chính kiến và thân nhân tù nhân lương tâm.
Trong số những người bất đồng chính kiến bị an ninh canh gác gần nhà có nhà báo kỳ cựu Nguyễn Đình Ấm (Long Biên) và bà giáo Trần Thị Thảo (phường Bách Khoa- quận Hai Bà Trưng) trong khi an ninh cũng theo sát bà Phạm Thị Lân - vợ của tù nhân lương tâm Nguyễn Tường Thụy, cô Nguyễn Thanh Mai - con gái của nhà hoạt động về quyền đất đai Nguyễn Thị Tâm, và Đỗ Thị Lê Na - vợ nhà báo độc lập Lê Trọng Hùng.
Tuy nhiên, an ninh chỉ canh gác gần nhà hoặc bám theo mỗi khi họ đi công việc, chứ không có những hành động khiếm nhã nào.
RFA, 12/12/2023
***************************
Giới đấu tranh dân chủ trong nước : Việt Nam cần cảnh giác trong mối quan hệ với Trung Quốc
RFA, 11/12/2023
Những tiếng nói và hành động công khai phản đối Trung Quốc có thể giảm đi do bị đàn áp nhưng tinh thần chống Trung Quốc vẫn rất mạnh mẽ trong xã hội Việt Nam, bởi láng giềng phương Bắc luôn là mối đe doạ đối với Việt Nam.
Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Phủ Chủ tịch hồi năm 2017 - Reuters
Một số người dân đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở trong nước nói với RFA như vậy trước chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 12 và 13/12 sắp tới.
"Cần cảnh giác với Trung Quốc"
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, phát biểu với truyền thông trong nước rằng chuyến thăm này mang kỳ vọng về một "định vị mới, tầm mức mới" của quan hệ hai nước, trên cơ sở thành quả quan trọng của 15 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong cuộc họp báo rằng chuyến đi của ông Tập tới Hà Nội sẽ tập trung vào các lĩnh vực an ninh chính trị, các vấn đề đa phương và hàng hải, đồng thời thúc đẩy hợp tác chiến lược hơn nữa.
Cựu nhà báo Tạp chí Cộng sản Nguyễn Vũ Bình, hiện đang ở Hà Nội, nhận định với RFA rằng ông không muốn Việt - Trung thắt chặt thêm mối quan hệ. Bởi, theo ông, Hà Nội luôn bị láng giềng phía Bắc o ép trong mọi lĩnh vực :
"Tôi không mong muốn nhiều về mối quan hệ mật thiết giữa Việt Nam và Trung Quốc. Bởi vì, trong mối quan hệ đó thì Việt Nam bị o ép rất nhiều, kể cả trên biển Đông và trên đất liền hay trong quan hệ giao thương".
Ông Lê Anh Hùng, một cựu tù nhân lương tâm vừa được mãn hạn tù hồi giữa năm nay, cho rằng Việt Nam cần phải luôn đề cao cảnh giác trong mối quan hệ với Trung Quốc :
"Trung Quốc không chỉ là mối đe dọa mà còn là hiểm họa đối với Việt Nam và Việt Nam cần phải cảnh giác trong mọi mối quan hệ đối với Trung Quốc.
Ông Lê Anh Hùng lấy ví dụ về trường hợp nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 ở Tuy Hoà, Bình Thuận :
"Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nhận được ưu đãi từ sáng kiến Vành đai - Con đường, nhiêu đó đủ thấy rằng là Trung Quốc họ muốn dụ dỗ Việt Nam tham gia vào sáng kiến Vành đai - Con đường. Các dự án này đều tiềm ẩn mối nguy hại về an ninh quốc phòng cho Việt Nam".
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 do các công ty Trung Quốc nắm đến 95% tổng số vốn đầu tư. Đây là lĩnh vực được Bộ Quốc phòng Việt Nam xếp vào các lĩnh vực đặc biệt do có liên quan tới an ninh trật tự, quốc phòng an ninh.
Trong khi đó, theo Đài phát thành Quốc tế Trung Quốc Tiếng Việt cho biết nhà máy này là "dự án trọng điểm thúc đẩy kết nối cơ sở hạ tầng năng lượng hợp tác kinh tế - thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam dưới sáng kiến Vành đai - Con đường".
Sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI) của Trung Quốc được chính thức công bố từ 2013, đến nay đã 10 năm. Dự án có quy mô toàn cầu này nhận được cảnh báo về những nguy hại khôn lường, trong đó có nhiều ý kiến coi đó là một "bẫy nợ" Trung Quốc dành cho các nước nghèo.
Thúc ép tham gia "Cộng đồng chung vận mệnh"
Luật sư Nguyễn Văn Đài, từ nước Đức nhận định với RFA qua ứng dụng tin nhắn rằng lần này, Trung Quốc sẽ cố gắng thúc ép Việt Nam phải gia nhập "Cộng đồng chung vận mệnh".
Theo luật sư Đài, từ xưa tới nay, Trung Quốc luôn coi Việt Nam là sân sau hay nước phên giậu để bảo vệ họ từ xa.
Vào tháng 9 vừa qua, Việt Nam đã nâng cấp "nhảy cóc" quan hệ với Mỹ từ Đối tác toàn diện lên Đối tác chiến lược toàn diện, ngang hàng quan hệ với Trung Quốc. Điều này, theo lậu sư Đài, đã làm Trung Quốc không hài lòng.
Tuy nhiên, nếu để làm vừa lòng Trung Quốc mà Việt Nam tham gia vào "Cộng đồng chung vận mệnh" là một hành động không thể chấp nhận được :
"Nếu nhà cầm quyền Việt Nam tham gia "Cộng đồng chung vận mệnh" với Trung Quốc thì họ đã trói buộc cả đất nước và dân tộc Việt Nam với Trung Quốc. Tôi coi đó là hành động bán nước của nhà cầm quyền Việt Nam".
"Cộng đồng chung vận mệnh" là chính sách đối ngoại cốt lõi của Trung Quốc trong tương lai. Chính sách này, trong một bài viết được đăng trên The Diplomat, cho rằng dưới thời của Tập Cận Bình thì Trung Quốc sẽ đóng vai trò như là một nước lớn và tham gia tích cực vào việc cải cách và phát triển hệ thống quản trị toàn cầu.
South China Morning Post trong một bài viết hôm 11/12 cho biết Bắc Kinh đã thúc đẩy ý tưởng này, ít nhất là từ năm 2015. Kể cả khi Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đến Việt Nam vào ngày 1/12 vừa qua cũng nhấn mạnh rằng hai nước Xã hội chủ nghĩa "có chung khát vọng và vận mệnh".
Mạng báo này cũng dẫn lời nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế Nguyễn Khắc Giang rằng trong khi một số quốc gia Đông Nam Á khác đã chấp nhận ý tưởng "chung vận mệnh" của Trung Quốc thì "Việt Nam dường như vẫn gặp khó khăn trong việc thực hiện nó một cách trọn vẹn", ông lưu ý đến những tranh chấp lãnh thổ lâu đời giữa hai nước.
Ở Đông Nam Á, hiện đã có bốn nước tham gia "Cộng đồng chung vận mệnh" là Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan.
Tinh thần chống Trung Quốc
Ông Trương Dũng biểu tình phản đối khi Tập Cận Bình sang Việt Nam năm 2015. Ảnh : Citizen
Ông Tập Cận Bình, trên cương vị là Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc đã đến thăm chính thức Việt Nam hai lần, hồi năm 2015 và 2017 nhân Hội nghị Thượng đỉnh APEC được tổ chức tại Việt Nam.
Vào năm 2015, các cuộc biểu tình phản đối chuyến thăm ông Tập Cận Bình đã diễn ra ở cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Hàng chục người đã xuống đường, giương cao các khẩu hiệu như "Phản đối Tập Cận Bình sang Việt Nam", "Phản đối lệ thuộc Trung Cộng"… đi qua các con đường trong thành phố. Chính quyền Hà Nội khi đó ngay lập tức đàn áp, đánh đập và bắt bớ, câu lưu những người biểu tình.
Trong số những người tham gia tuần hành năm đó, có rất nhiều cái tên hiện đang bị chính quyền Hà Nội bỏ tù, bao gồm Nguyễn Lân Thắng, Hoàng Bình, Bùi Tuấn Lâm, Đỗ Nam Trung, Trần Bang, Nguyễn Thúy Hạnh, Trương Văn Dũng… Những người này bị khởi tố theo nhiều tội danh khác nhau, như "Lợi dụng quyền tự do dân chủ", "Tuyên tuyền chống nhà nước", "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền"…
Ông Lê Anh Hùng nhận thấy, trước chuyến thăm của ông Tập lần này, tình hình có vẻ im ắng, mọi người khá e dè trước sự đàn áp khốc liệt từ chính quyền Hà Nội trong những năm qua, chỉ còn một số tiếng nói phản đối lẻ tẻ trên mạng xã hội :
"Lần thứ ba thì lần này phong trào đấu tranh gần như là đã bị dập tắt, chỉ còn những tiếng nói phản ứng dè chừng ở trên Facebook trên mạng xã hội chứ hầu như không còn những hoạt động biểu tình như trước đây nữa".
Tuy nhiên, ông khẳng định, tinh thần chống Trung Quốc trong xã hội Việt Nam chưa bao giờ giảm sút :
"Phong trào dân chủ nói chung và chống Trung Quốc nói riêng trong những năm gần đây bị đàn áp mạnh cho nên bị lắng xuống, chứ còn tinh thần chống Trung Quốc và cảnh giác đối với Trung Quốc thì ngày càng nâng lên trong mặt bằng chung của xã hội".
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết từ đầu tháng 11, những nhà hoạt động ở khu vực Hà Nội đã bị đe dọa không được tổ chức hội họp hay biểu tình phản đối chuyến thăm của Tập cận Bình.
Ông Đài cho rằng mọi người Việt Nam vẫn yêu nước nhưng trước sự đàn áp của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thì họ phải kìm chế lòng yêu nước mà không thể thể hiện ra bên ngoài.
Nguồn : RFA, 11/12/2023
Việt Nam trải thảm đỏ đón tiếp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Minh Anh, RFI, 12/12/2023
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cùng phu nhân và đông đảo quan chức cao cấp chính phủ Trung Quốc hôm nay, 12/12/2023, đến Việt Nam, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước hai ngày theo lời mời của tổng bí thư Đảng cộng sản và chủ tịch nước của Việt Nam.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viên tới sân bay Nội Bài, Hà Nội, bắt đầu thăm chính thức Việt Nam ngày 12/12/2023. AP - Luong Thai Linh
Lãnh đạo Đảng cộng sản và nhà nước Trung Quốc được các đồng nhiệm Việt Nam chào đón theo những nghi lễ long trọng nhất : Đích thân thủ tướng Phạm Minh Chính cùng nhiều quan chức cao cấp chính phủ đến đón chủ tịch Tập Cận Bình cùng phu nhân Bành Lệ Viên tại sân bay trên nền thảm đỏ, với cờ hoa chào đón dọc theo đường từ sân bay vào trung tâm Hà Nội. Lễ đón tiếp lãnh đạo Trung Quốc theo nghi thức nhà nước cao nhất do tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chủ trì diễn ra chiều hôm nay tại phủ chủ tịch.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết trong hai ngày thăm Việt Nam, ông Tập Cận Bình sẽ lần lượt có các cuộc hội đàm với tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, thủ tướng Phạm Minh Chính và chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Theo dự kiến, nhân chuyến thăm lần này của ông Tập Cận Bình, Việt Nam và Trung Quốc sẽ ký kết nhiều thỏa thuận nhằm thắt chặt hơn nữa hợp tác trong nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, công nghệ… và nhất là có nhiều khả năng trong lĩnh vực khai thác và chế biến đất hiếm.
Chuyến thăm Việt Nam lần thứ ba của lãnh đạo Trung Quốc còn nhằm đánh dấu 15 năm quan hệ "đối tác chiến lược toàn diện" giữa hai nước, cấp cao nhất trong bậc thang quan hệ ngoại giao ở Việt Nam.
Chuyến công du này của ông Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh Việt Nam cũng vừa nâng cấp quan hệ với Mỹ lên thành "đối tác chiến lược toàn diện" nhân chuyến thăm cấp nhà nước của tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 9/2023, và gần đây nhất là nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất với Nhật Bản trong tháng 11 vừa qua.
Minh Anh
**************************
Chủ tịch Tập Cận Bình sang thăm để cải thiện quan hệ Trung-Việt 'vừa yêu vừa ghét'
Jonahan Head, BBC, 12/12/2023
Dự kiến cuộc gặp giữa Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng vào hôm nay 12/12, trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Hà Nội, sẽ được chào đón với những tràng bình luận đầy hoa mỹ giữa hai quốc gia láng giềng theo chủ nghĩa cộng sản.
Chuyến thăm cấp nhà nước này đánh dấu lần thứ ba ông Tập đến Hà Nội trong cương vị là người đứng đầu Đảng và Nhà nước Trung Quốc, sau chuyến đi năm 2017 và 2015
Tổng bí thư Trọng đã có chuyến công du đến Bắc Kinh cách đây một năm và được trao tặng Huân chương Hữu nghị, tấm huy chương cao quý bậc nhất của CHND Trung Hoa tặng cho người nước ngoài. Khi đó ông Tập đã mô tả mối quan hệ với họ là "vừa là đồng chí, vừa là anh em", hai quốc gia "núi liền núi, sông liền sông, như môi với răng".
Việt Nam được cho sẽ công bố tham gia "Cộng đồng Chung Vận mệnh" do ông Tập khởi xướng, một khái niệm phần lớn mang tính biểu tượng, với Trung Quốc giữ vai trò trọng tâm, được xem là một thách thức trước trật tự thế giới hiện do Hoa Kỳ dẫn đầu và thống lĩnh.
Một cách khéo léo, động thái này sẽ khiến Trung Quốc đi trước Mỹ một bước trong việc làm nồng ấm hơn mối quan hệ với Việt Nam, sau khi Mỹ, trong một bước đi gây ngạc nhiên, đã nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên mức "Đối tác Chiến lược Toàn diện" trong chuyến thăm của của Tổng thống Biden đến Hà Nội hồi tháng 9 vừa qua. Bước nâng cấp này đã đưa Washington lên mức ngang mức với Bắc Kinh trong thang bậc ngoại giao được Việt Nam cẩn trọng xem xét.
Trong chuyến công du đến Việt Nam vào tuần này, lãnh đạo Trung Quốc sẽ mang đến công nghệ đường sắt cao cấp để trợ giúp Việt Nam nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông. Điều này bao gồm một tuyến đường sắt từ miền nam Trung Quốc để cảng Hải Phòng, qua một trong những khu vực có nguồn đất hiếm dồi dào nhất của Việt Nam - Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu đất hiếm lớn nhất thế giới và đây là một thành phần rất cần thiết để sản xuất xe điện và nguồn năng lượng tái tạo.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội vào năm 2015
Điều mà họ sẽ chắc chắn không nói đến, ít nhất là công khai, đó là tranh chấp lãnh thổ gây gắt giữa hai quốc gia này, liên quan đến các quần đảo trên Biển Đông, hay mối quan hệ song phương khá lạnh lẽo trong các thập niên 1970 và 1980, gồm Chiến tranh Biên giới bùng phát hồi năm 1979, khiến hàng ngàn binh lính hai nước thiệt mạng.
Hai bên chắc chắn sẽ không đề cập đến thời gian Trung Quốc đô hộ Việt Nam, thời kỳ "nghìn năm bắc thuộc", hay lời chỉ trích từ Việt Nam liên quan đến những tác động từ các đập thủy điện của Trung Quốc xây dựng ở sông Mekong.
Nhưng những điểm bất đồng này đang được thảo luận trên mạng tại Việt Nam, nơi internet ít bị siết chặt hơn Trung Quốc.
"Chúng tôi chỉ muốn hòa bình, vì thế Chủ tịch Tập làm ơn, đừng đến,' một người dùng Facebook ở Việt Nam viết.
"Nếu Tập Cận Bình xóa đường 'chín đoạn', thì hai quốc gia có thể ngay lập tức trở thành anh em," một người khác viết, đề cập đến tuyên bố của Trung Quốc khi tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ khu vực trên Biển Đông.
Những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông đã làm nổ ra một số cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam. Hình ảnh cuộc biểu tình vào 14/3/2016 ở Hà Nội, nhân kỷ niệm cuộc hải chiến Hoàng Sa vào năm 1988
Tâm lý công chúng tại Việt Nam có thể được xem là chống Trung Quốc gay gắt hơn bất kỳ nơi nào khác tại Đông Nam Á. Thái độ này được khuấy động từ chủ nghĩa dân tộc đầy kiêu hãnh sau khi Việt Nam đánh thắng cả người Pháp và người Mỹ, và từ nỗi sợ hãi về láng giềng khổng lồ phương bắc. Tâm lý quần chúng này luôn được ban lãnh đạo cộng sản của Việt Nam giải quyết cẩn trọng.
Trong những năm qua, đôi khi xảy ra các cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Thậm chí có các cuộc biểu tình phản đối năm 2014, khiến vài người chết và phá hủy hàng chục nhà máy nước ngoài, sau khi Trung Quốc đặt giàn khoan [HD-981] trên khu vực mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Vài năm trước, các cửa hàng bắt đầu xuất hiện ở Hà Nội, hứa hẹn chỉ bán hàng hóa do Việt Nam sản xuất, không bán hàng từ Trung Quốc.
Nhưng vào thời gian gần đây, cả hai nước đã tránh xảy ra những vụ gây khiêu khích như đặt giàn khoan hồi năm 2014, khiến tâm lý người dân được cải thiện hơn liên quan đến những vấn đề này, nhưng không bao giờ có thể lắng dịu hoàn toàn. Các cảm xúc liên quan đến 'Đường chín đoạn' – mà ở Việt Nam bị gọi căm ghét là đường "lưỡi bò" - dâng cao trong năm nay, đến nỗi chính quyền đã cấm phim Barbie, bởi vì dường như có cảnh một bản đồ có "Đường chín đoạn" trên đó.
Việt Nam cũng dường như chần chừ trong việc chấp thuận đầu tư từ Trung Quốc theo Sáng kiến "Vành đai và Con đường" của ông Tập, một phần bởi vì rủi ro những nguồn đầu tư này có thể làm dấy lên tâm lý chống đầu tư từ Trung Quốc.
Và tỷ trọng đầu tư này vô cùng lớn - quá lớn để bất kỳ nhà lãnh đạo Việt Nam nào có thể dám liều lĩnh gây tổn hại, bất chấp người dân suy nghĩ ra sao về Trung Quốc.
Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việr Nam với thương mại song phương đạt mức 200 tỷ USD một năm. Trung Quốc còn là một nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, vượt qua Mỹ. Điều này xảy ra cho dù có câu chuyện được nói tới rằng Việt Nam có thể trở thành một trung tâm sản xuất cho các công ty Mỹ dọn sang khi họ tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Một số khoản đầu tư của Trung Quốc lại được thúc đẩy từ chính sách chia tách [decoupling] khỏi Trung Quốc của Mỹ, khi mà các công ty Trung Quốc chuyển việc sản xuất sang Việt Nam để xoay sở trước các lệnh hạn chế mới từ Hoa Kỳ.
Trên hết ở đây vẫn là sự gắn kết ý thức hệ giữa lãnh đạo hai nước ; cả hai ông Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng đều là những người kiên định lập trường trong hệ tư tưởng chuyên chế trong đảng cộng sản, khó chịu trước những giá trị dân chủ Phương Tây và kiên quyết dùng bàn tay sắt để giữ quyền lực của đảng cộng sản trong đời sống chính trị ở nước họ.
Thế nhưng vẫn luôn luôn có sự khác biệt sâu sắc trong tầm nhìn chiến lược giữa hai nước.
Trung Quốc, một siêu cường đang trỗi dậy, quyết tâm thách thức trật tự đơn cực do Mỹ dẫn đầu thời hậu Chiến tranh Lạnh và sẽ có sức ảnh hưởng mang tầm ảnh hưởng trong khu vực. Việt Nam thì lại thuộc nhóm quốc gia quyền lực tầm trung, khai thác tối đa lợi ích và an ninh trong lúc vẫn cân bằng quan hệ Mỹ - Trung trong khi vẫn coi trọng giao hảo truyền thống lịch sử với Liên bang Nga.
Ông Trọng gọi đây là "ngoại giao cây tre", một chính sách ngoại giao linh hoạt, tuân theo chính sách "Bốn Không", định hình cách tiếp cận của Việt Nam, sau thời bị cô lập bởi chính sách thân Liên Xô, chấm dứt vào năm 1986 ; không tham gia liên minh quân sự ; không liên kết với nước này để chống nước kia ; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác ; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Ý tưởng này là làm bạn với tất cả và không là thù với bất kỳ ai. Nhưng Trung Quốc cũng thừa hiểu rằng mối quan hệ Mỹ - Việt được nâng cấp trong năm nay chỉ là bước đi hạn chế rủi ro trước ảnh hưởng và thái độ cứng rắn của Trung Quốc trong khu vực.
Đối với giới lãnh đạo Việt Nam, mặc dù không cần phải là người dân, Trung Quốc sẽ được đặt lên đầu tiên trong số các mối quan hệ hữu nghị khác mà Việt Nam đang tìm kiếm.
Thế nhưng mối quan hệ này sẽ luôn bị lung lay trước các sự kiện khó lường ; như căng thẳng nổ ra trên Biển Đông, hoặc các hành vi khác của Trung Quốc bị người Việt Nam xem là thói chơi nước lớn.
Jonathan Head
Nguồn : BBC, 12/12/2023
**************************
VOA, 12/12/2023
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang ở Việt Nam trong một chuyến thăm cấp nhà nước từ ngày 12 tới 13 tháng 12.
Trong một bài viết đăng trên báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Việt Nam, ông trình bày viễn kiến của mình cho việc xây dựng "cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam có ý nghĩa chiến lược."
VOA đối chiếu một số phát biểu gây chú ý của ông trong bài viết này với những hành động trên thực tế của Trung Quốc trong thời gian gần đây :
"Hai bên ủng hộ lẫn nhau trên các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi và mối quan tâm trọng đại của nhau, phối hợp mật thiết trong các cơ chế hợp tác quốc tế và khu vực."
Thực tế : Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng Biển Đông, nơi mà Việt Nam và các nước khác cũng có những tuyên bố chủ quyền chồng lấn. Tàu Trung Quốc đã nhiều lần đi vào vùng biển của Việt Nam. Vào tháng 5 và tháng 6 năm nay, một tàu khảo sát của Trung Quốc và các tàu hộ tống đi lại trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam suốt gần một tháng bất chấp nhiều lần Việt Nam lên tiếng yêu cầu rời đi. Một phát ngôn viên của bộ ngoại giao Trung Quốc nói các tàu này thực hiện "các hoạt động nghiên cứu bình thường trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc" và rằng "không có chuyện đi vào vùng đặc quyền kinh tế của nước khác."
"Để xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại, trước hết phải bắt đầu từ Châu Á […] Châu Á là ngôi nhà chung của chúng ta, các nước láng giềng không thể tách rời nhau, giúp đỡ láng giềng chính là giúp đỡ bản thân. Người thân mong người thân tốt, láng giềng mong láng giềng tốt."
Thực tế :Vào tháng 8 năm nay, các ngư dân từ tỉnh Quảng Ngãi bị một tàu mang cờ hiệu Trung Quốc tấn công bằng cách xịt vòi rồng suốt từ 5 giờ sáng đến 3 giờ chiều khi họ đánh bắt gần Quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Vụ tấn công gây hư hỏng nặng cho tàu cá trong khi một thuyền viên bị gãy tay và một thuyền viên khác bị chấn thương vùng đầu.
"Hai bên nên thực hiện tốt nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, kiểm soát thỏa đáng bất đồng trên biển, cùng tìm giải pháp hai bên đều có thể chấp nhận được."
Thực tế : Trong những năm qua, ASEAN và Trung Quốc đã nỗ lực tạo ra một khuôn khổ để đàm phán về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, một kế hoạch đã có từ năm 2002, nhưng tiến độ vẫn chậm chạp. Trung Quốc nói việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông là nhiệm vụ quan trọng đối với nước này và các nước ASEAN. Một số chuyên gia đã cáo buộc Trung Quốc cố tình trì hoãn quy trình tạo ra bộ quy tắc mang tính ràng buộc, lưu ý rằng nước này sử dụng các chiến thuật vùng xám và sự mơ hồ về chiến lược để thúc đẩy các yêu sách lãnh thổ của mình.
"Bất cứ thế giới có những thay đổi như thế nào, Trung Quốc luôn kiên trì đi theo con đường chính nghĩa."
Thực tế : Ông Tập vào tháng 9 năm 2015 tại Nhà Trắng nói với Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng Trung Quốc không có ý định quân sự hóa các đảo nhân tạo mà nước này kiểm soát ở vùng Biển Đông có tranh chấp. Ngày nay, Trung Quốc đã biến các bãi đá chìm thành các cơ sở quân sự được trang bị radar, đường băng và hệ thống phi đạn, một số nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, theo Reuters.
Vào tháng 5 năm nay, các cơ quan tình báo phương Tây và hãng Microsoft cho biết một nhóm tin tặc Trung Quốc được nhà nước bảo trợ đã và đang do thám nhiều tổ chức nắm cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ, từ viễn thông cho đến các trung tâm vận tải. Đây được cho là một trong những chiến dịch gián điệp trên mạng lớn nhất của Trung Quốc từng được biết đến nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ.
Một báo cáo của cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc vào năm 2022 kết luận người Uighur thiểu số theo Hồi giáo ở khu vực Tân Cương hẻo lánh của Trung Quốc chịu "những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng" có thể cấu thành tội ác chống lại loài người. Các tổ chức nhân quyền cáo buộc Bắc Kinh có những hành vi ngược đãi, bao gồm cả việc sử dụng lao động cưỡng bức hàng loạt trong các trại giam giữ. Mỹ cáo buộc Trung Quốc diệt chủng.
"Trung Quốc sẽ duy trì tính liên tục và tính ổn định của chính sách ngoại giao láng giềng, tức là kiên trì thân thiện với láng giềng, làm bạn với láng giềng, theo đuổi phương châm phát triển quan hệ tốt đẹp, hài hòa, an toàn, cùng giàu có với láng giềng".
Thực tế : Philippines hôm 9 tháng 12 lên án "các hành động bất hợp pháp và hung hăng" của Trung Quốc ở Biển Đông, nói rằng lực lượng hải cảnh của họ đã xịt vòi rồng vào một tàu của cục ngư nghiệp Philippines đang thực hiện nhiệm vụ tiếp tế thường xuyên. Lực lượng đặc nhiệm Philippines cho biết tàu đang thực hiện nhiệm vụ tiếp tế để cung cấp dầu và tạp hóa cho hơn 30 tàu cá Philippines gần bãi cạn Scarborough thì bị vòi rồng Trung Quốc xịt ít nhất tám lần, làm hư hỏng thiết bị liên lạc và dẫn đường. Bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines. Trung Quốc chiếm giữ bãi cạn này vào năm 2012.
Nguồn : VOA, 12/12/2023
Đến thăm Việt Nam, Tập Cận Bình tìm cách chống lại ảnh hưởng của Mỹ
Minh Anh, RFI, 12/12/2023
Ngày 12/12/2023, chủ tịch, tổng bí thư Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước Việt Nam lần đầu tiên trong sáu năm. Theo nhiều nhà quan sát, lãnh đạo Trung Quốc tìm cách đảm bảo rằng đối tác Châu Á quan trọng về mặt chiến lược này không tiến quá gần đến Mỹ.
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đón lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình theo nghi lễ cao nhất tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 12/12/2023. AP - Nhac Nguyen
Chuyến công du Hà Nội lần này diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt : Việt Nam vừa nâng cấp quan hệ với Mỹ và Nhật Bản lên mức "đối tác chiến lược toàn diện", cấp cao nhất trong bậc thang quan hệ ngoại giao ở Việt Nam. Nhân những sự kiện này, Việt Nam đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với Mỹ và Nhật trong nhiều lĩnh vực từ chất bán dẫn đến an ninh quốc phòng.
Theo đánh giá từ Lye Liang Fook, nhà nghiên cứu Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS – Yusoft Ishak, Singapore, được tạp chí Time của Anh trích dẫn, "Trung Quốc muốn gây áp lực để Việt Nam không đi quá xa với các nước khác".
Một mặt, Bắc Kinh sẽ giương "củ cà rốt kinh tế" khi đề xuất sẵn sàng cung cấp "viện trợ không hoàn lại" cho các dự án nâng cấp tuyến đường sắt Côn Minh – Hải Phòng cùng nhiều tuyến giao thông khác từ miền nam Trung Quốc đến Hà Nội.
Nếu được xác nhận, đây sẽ là một nhượng bộ lớn từ phía Việt Nam, vốn dĩ hay do dự trước những khoản vay lớn từ Bắc Kinh. Tuy nhiên, Reuters lưu ý là vẫn chưa rõ các khoản viện trợ này có đi kèm với các khoản vay hay không. Hãng tin Anh cũng cho rằng đây có thể còn là một đòn giáng mạnh vào Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây khác, cũng ủng hộ các dự án cơ sở hạ tầng giảm sử dụng than ở Việt Nam, nhưng bằng các khoản vay theo giá thị trường.
Điều đáng chú ý là dự án đường sắt Côn Minh – Hải Phòng sẽ đi qua khu vực có mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam và được ước tính có trữ lượng chiếm hàng thứ hai thế giới, nhưng chưa thể được khai thác do thiếu công nghệ.
Liệu Trung Quốc – quốc gia sản xuất và tinh chế đất hiếm lớn nhất thế giới – có thông qua thỏa thuận hợp tác nào với Việt Nam hay không ? Đây vẫn còn là câu hỏi lớn, do việc Trung Quốc thường miễn cưỡng chia sẻ công nghệ tinh chế, trong khi Việt Nam vẫn ngăn cản xuất khẩu đất hiếm chưa qua chế biến.
Mặt khác, theo tạp chí Time, Bắc Kinh có thể lôi kéo Hà Nội về phía mình bằng cách gây áp lực buộc Việt Nam phải ủng hộ tầm nhìn chính sách đối ngoại khi đưa cụm từ "cộng đồng chung vận mệnh" trong tuyên bố chung để mô tả mối quan hệ giữa hai nước.
Theo nhiều cơ quan truyền thông, dường như giới chức Trung Quốc đang thúc bách Việt Nam tán thành khẩu hiệu này, thể hiện "mức độ quan hệ song phương cao nhất đối với chính quyền Tập Cận Bình". Đây cũng là phản ứng đối với việc Hà Nội nâng cấp quan hệ gần đây với Washington.
Trang mạng The Diplomat nhắc lại, Trung Quốc đã thành lập một "cộng đồng chung vận mệnh" với Lào, Cam Bốt và Miến Điện, nhưng Việt Nam vẫn phản đối vì sợ bị xem như là một thành viên trong chính sách của Trung Quốc liên minh chống Mỹ. Giới quan sát chờ xem Việt Nam có chấp nhận yêu cầu này của Trung Quốc hay không.
Có đường biên giới dài gần 1.300 km với nước láng giềng khổng lồ, quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc chưa bao giờ dễ dàng được cân bằng. Tuy có cùng hệ tư tưởng và sự tương đồng về hệ thống chính trị, những tranh chấp lãnh thổ ở biên giới trên bộ và nhất là ở Biển Đông luôn là chiếc gai trong quan hệ Việt – Trung.
Việt Nam sử dụng chính sách "ngoại giao cây tre" để giữ cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc. Vào lúc thế giới đang tái định hình các chuỗi cung ứng, Hà Nội xích lại gần Mỹ, nhưng vẫn cố gắng dàn xếp với Trung Quốc, một người láng giềng cồng kềnh nhưng không thể thiếu.
Tờ South China Morning Post dẫn lời ông Lê Thế Mỹ, nguyên vụ trưởng Vụ Chính sách Đối ngoại, Viện Nghiên cứu Trung Quốc ở Hà Nội, kết luận rằng, chuyến thăm Việt Nam của Tập Cận Bình gởi đi một thông điệp rất rõ ràng : "Trung Quốc muốn duy trì mối quan hệ hữu hảo với Việt Nam miễn là Việt Nam không vượt qua lằn ranh đỏ bằng cách ngả theo Mỹ quá nhiều hay đi theo Mỹ !".
Minh Anh
Nguồn : RFI, 12/12/2023
***************************
Tập Cận Bình muốn gì và sẽ được gì trong chuyến thăm Việt Nam ?
Lê Quốc Quân, VOA, 11/12/2023
Trung Quốc đang tận dụng vị thế cường quốc của mình để gây sức ép rất lớn lên hệ thống chính trị Việt Nam, đặc biệt trong chuyến đi lần này của ông Tập Cận Bình.
Ông Tập trong chuyến thăm Việt Nam hồi năm 2017.
Vào ngày thứ 3, chuyên cơ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ hạ cánh tại sân bay Nội Bài trong một chuyến thăm Việt Nam 2 ngày.
Với một thời gian chỉ dài hơn chút đỉnh so với tổng thống Biden ở Hà Nội 3 tháng trước, ông Tập có tham vọng tẩy xóa những "di sản" mà tổng thống Mỹ vừa mới để lại, hầu giành ưu thế tuyệt đối trong quan hệ với Việt Nam. Một tuyên bố về một "Vận mệnh tương quan" có thể xuất hiện sau15 năm là Đối tác Chiến lược Toàn diện (CSP).
Nhưng mọi chuyện cũng không đơn giản. Tên gọi là quan trọng, nội hàm quan trọng hơn nhưng quan trọng nhất là hành động trong thực tế. "Cây tre" Việt Nam đủ sức lắt léo để biết khi nào đứng thẳng, khi nào cong, và kỹ thuật lập ngôn của họ đã thành thần, để có thể làm hài lòng tất cả.
Những động thái "áp sát" của Trung Quốc
Trung Quốc đang tận dụng vị thế cường quốc của mình để gây sức ép rất lớn lên hệ thống chính trị Việt Nam, đặc biệt trong chuyến đi lần này :
Về kinh tế Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Báo Công thương, dẫn nguồn từ Tổng cục Hải quan cho biết"Đến hết tháng 9/2023, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 42,86 tỷ USD, trong đó có 10 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ Trung Quốc trong 9 tháng đạt 79,2 tỷ USD".
Đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng tăng vọt, theoReuters "trong 11 tháng đầu năm nay vốn FDI đăng ký từ Trung Quốc và Hồng Kông kết hợp đã tăng lên 8,2 tỷ USD, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam".
Một tuyến đường sắt từ Côn Minh (Trung Quốc) đến thành phố cảng Hải phòng của Việt Nam sẽ được nâng cấp, đi qua huyện Tam Đường (Tỉnh Lai Châu) nơi có mỏ đất hiếm Đông Pao với trữ lượng lớn nhất của Việt Nam. Đây là kết quả của Ngoại trưởng Vương Nghị trongchuyến đi tiền trạm chỉ mới cách đây một tuần.
Quan trọng nhất là câu chuyện chính trị với khái niệm"Cộng đồng chung vận mệnh - CCD". Nó đã được Tập Cận Bình nhắc đến hơn 100 lần kể từ năm 2012, và ít nhất 3 lần với lãnh đạo Việt Nam. Mặc dù đây chỉ là một khái niệm chung chung chưa rõ nội hàm nhưng đã thu hút được nhiều quốc gia trong khu vực tham gia và Việt Nam một mục tiêu tối hậu cần thu phục trong chuyến đi này của ông Tập.
Trước đây Tập Cận Bình nhắc nhở lãnh đạo Việt Nam không được quên "cội nguồn ban đầu" của tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước, giờ đây, trước ống kính, Ông muốn cho thế giới thấy rằng quan hệ Trung Quốc và Việt Nam luôn luôn đặc biệt nhất. Tất cả là dưới "phân" dù có cùng là "Đối tác chiến lược toàn diện".
Cách phản ứng của Việt Nam
Việt Nam đang nỗ lực kháng cự lại một cách khôn ngoan những ảnh hưởng đến từ Trung Quốc, nhưng họ phải thừa nhận sẽ vô cùng bất lợi nếu như không làm vừa lòng người anh khổng lồ đến từ Phương Bắc.
Nhìn vào bản đồ trên xuống, ta thấy rằng cả một ngọn núi khổng lồ đè đất nước hình chữ S nhỏ nhoi, nhưng nếu lật ngược quả địa cầu lại và nhìn lại, chúng ta thấy Việt Nam như mầm cây được mọc lên từ một mảnh đất Trung Hoa khổng lồ. "Nguy" hay "cơ" là cách Việt Nam biết ứng biến như thế nào trong quan hệ với Trung Quốc.
Về kinh tế Việt Nam nỗ lực thu hút vốn nước ngoài trên mọi phương diện và tăng cường xuất khẩu ra thế giới, đặc biệt đến Hoa Kỳ. Dù đầu tư nước ngoài của Hoa Kỳ vào Việt Nam sụt giảm so với năm trước nhưng Hoa Kỳ hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trườngxuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch trong 11 tháng của năm 2023 đạt 88 tỷ USD.
Ngoài ra CSP với Nhật Bản vừa mới được ký kết sẽ cho phép Việt Nam tăng cường quan hệ một cường quốc ở Châu Á, đồng minh của Hoa Kỳ và đang có nhữngtranh chấp chủ quyền nhất định với Trung Quốc. Nhật Bản là một thành viên của Tứ giác kim cương và đang ủng hộ Việt Nam trên hầu hết các phương diện.
Việt Nam cũng biết dùng những lần nâng cấp quan hệ gần đây với Ấn Độ hay Hàn Quốc góp phần "pha loãng" sự thân thiết với Hoa Kỳ, nhằm giảm áp lực với người láng giềng "núi liền núi, sông liền sông".
Về quân sự, một mặt Việt Nam kiên định chính sách quốc phòng 4 không, mặt khác nỗ lực tham gia các diễn đàn quốc tế, các định chế song và đa phương. Dù luôn luôn xác định Nga và Trung Quốc là nguồn hỗ trợ quân sự lớn, Việt Nam cũng đã đa dạng hóa nguồn cung bằng việc mua của Israel và đang ráo riết tiếp cận nguồn cung vũ khí ngày càng nhiều từ Hoa Kỳ.
Mặc dù Cộng đồng chung vận mệnh - CCD là mối bận tâm lớn của Chủ tịch Tập trong chuyến đi nhưng Việt Nam đang tỏ ra hờ hững với khái niệm này, đặc biệt nó đã không được nhắc đến trong chuyến thăm của chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới Bắc Kinh cách đây 2 tháng, tuy đã một lần "ghi nhận" trong tuyên bố chung với lãnh đạo Trung Quốc tại chuyến đi trước đó của thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ cách đây chưa đầy 3 tháng. Dù vậy, nay đã đến lúc cũng phải có "một cái gì đó".
Vẫn là vận mệnh tương quan
Còn nhiều điều chắc chắn Việt Nam phải hết sức đau đầu và đề phòng với nước láng giềng, mà đã từng xuất hiện trong lời nói đầu của Hiến Pháp năm 1980, là "kẻ thù". Nhưng vấn đề an ninh của Đảng và chế độ vẫn là điều mà người cộng sản đặt lên ưu tiên cao nhất.
Trong một Audio do Thứ trưởng Hà Kim Ngọc phát biểu tại Câu lạc bộ Thăng Long được "leak" ra gần đây có đề cập 3 vấn đề an ninh quan trọng của Việt Nam" : 1. An ninh của đảng và chế độ ; 2. An ninh chủ quyền lãnh thổ quốc gia và 3. An ninh nội bộ trong nước".
Đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là đảm bảo sự lãnh đạo của đảng và an toàn của chế độ, điều mà người anh cả Trung Quốc luôn ủng hộ, dù họ cũng là kẻ thù tiềm tàng nguy hiểm nhất cho mức an ninh thứ hai là "Chủ quyền quốc gia".
Từ năm 1999, Hai tổng bí thư là Giang Trạch Dân và Lê Khả Phiêu đã từng tuyên bố về16 chữ vàng "Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông, Văn Hóa tương đồng, Vận mệnh tương quan". Dịch cách nào ra tiếng Việt thì cũng là "chung vận mệnh", ít nhất là giữa Hai đảng cộng sản và hai chế độ độc tài toàn trị, cùng đi theo mô hình Xã Hội chủ nghĩa và lý tưởng Mác Lênin.
Đó là bản chất và chưa từng và sẽ không thay đổi. Cho nên giữa hai bên sẽ có một tuyên bố như thứ trưởng ngoại giao Phạm Minh Vũ đã đề cập trêntrang thông tin đối ngoại. Theo ông Vũ thì chuyến thăm sẽ mang đến "định vị mới" và "tầm mức mới" của quan hệ song phương. Thực sự chưa biết ngôn ngữ diễn đạt sẽ như thế nào, nhưng chắc chắn là nội hàm về một "vận mệnh chung" giữa hai đảng cộng sản sẽ được khẳng định.
Ông Vũ cũng khẳng định"Một lượng lớn văn kiện trên nhiều lĩnh vực có thể sẽ được ký, tạo cơ sở quan trọng để các cơ quan, địa phương, người dân và doanh nghiệp triển khai hợp tác hiệu quả". Điều này có thể hiểu là từ lĩnh vực giáo dục tiếng Trung ở cấp 1 đến đào tạo cán bộ nguồn chuyên trách chính trị ở cấp Huyện sẽ được cam kết triển khai sâu rộng.
Vừa hợp tác vừa cảnh giác cao độ
Chuyến thăm sẽ kết thúc tốt đẹp. Một văn bản hợp tác với tầm vóc "lịch sử" sẽ ra đời nhưng Việt Nam cũng cảnh giác cao độ.
Họ sẽ theo Trung Quốc để diễn đạt một thứ ngôn ngữ làm hài lòng lãnh đạo và không xúc phạm tâm lý của nhân dân. Đồng thời có thể "thòng" những câu, những tính từ phi định lượng hoặc "chủ từ" không có tính xác quyết.
Ông Tập đã đến Hà Nội giới thiệu bước về một "phe" để đối đầu với Phương Tây bằng những ngôn từ vô cùng đẹp đẽ và hợp thời. Thế nhưngsách trắng quốc phòng Việt Nam đã công bố 4 không và cũng đã có hàng ngàn năm kinh nghiệm trả giá bằng máu của tiền nhân.
Đặc biệt, kỹ xảo ngôn ngữ của Việt Nam cũng ở bậc thượng thừa, cho nên sẽ có một tuyên bố mà các bên đều có thể mỉm cười, cùng ghi điểm, củng cố cho sự chính danh và mức độ tín nhiệm của lãnh đạo nhưng cũng dễ dàng "quên" đi khi cần thiết.
Đó là thứ ông Tập có được khi ra về, trước khi khép lại một năm ngoại giao vô cùng sôi động của Việt Nam với các nước lớn.
Lê Quốc Quân
Nguồn : VOA, 11/12/2023
****************************
Chủ tịch Tập Cận Bình muốn thấy Việt Nam trong 'bức tranh' của trật tự Trung Hoa
Hà Hoàng Hợp, BBC, 11/12/2023
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện sẽ đến thăm Việt Nam từ ngày 12-13/12, chuyến thăm được đánh giá là nhằm thúc đẩy mối quan hệ 'mật thiết' giữa hai quốc gia do đảng cộng sản lãnh đạo.
Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng
Chuyến thăm cấp nhà nước này đánh dấu lần thứ ba ông Tập đến Hà Nội trong cương vị là người đứng đầu Đảng và Nhà nước Trung Quốc, sau chuyến đi năm 2017 và 2015.
Nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp từ Hà Nội nhận định với BBC News tiếng Việt rằng, chuyến thăm của Chủ tịch Tập lần này đến Việt Nam được coi là đáp lễ chuyến thăm Trung Quốc cuối tháng 10/2022 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo đó, ông Tập mong muốn thúc đẩy quan hệ hai đảng cầm quyền.
Bên cạnh đó, người đứng đầu nước Trung Quốc cũng muốn đưa Việt Nam vào những "bức tranh" như Sáng kiến Vành đai & Con đường ; Cộng đồng chung vận mệnh.
Báo Nhật Bản Nikkei Asia viết rằng hàng loạt dự án nhiều tỷ USD đã và đang được ký kết, liên quan tới nguồn đất hiếm. Các hoạt động nâng cấp cả tuyến đường sắt Hải Phòng-Côn Minh cũng được quan chức hai phía gián tiếp xác nhận.
Vậy hiện tại, mối quan hệ của Việt Nam và Trung Quốc đang trong tình trạng thế nào ?
Về chính trị, an ninh
Năm 2023 đánh dấu 15 năm quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Như vậy, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên ký mức ngoại giao cao nhất với Việt Nam.
Tuy nhiên, với sự quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc, Việt Nam cũng đã cân bằng các chân kiềng ngoại giao của mình bằng việc nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với các nước khác như Nga (2012), Ấn Độ (2016).
Đáng chú ý, chỉ trong vòng năm 2022 và 2023, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Hàn Quốc (cuối năm 2022), Hoa Kỳ (tháng 9/2023), và Nhật Bản (tháng 11/2023).
Việc nâng cấp này, theo chuyên gia Hà Hoàng Hợp, có hàm ý thúc đẩy hợp tác an ninh sâu rộng hơn với Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... nhằm giảm rủi ro an ninh từ Trung Quốc.
Vì lẽ đó, dù cùng chung ý thức hệ nhưng Việt Nam và Trung Quốc vẫn tồn tại những bất đồng sâu sắc về chủ quyền biển đảo, tiêu biểu là việc Trung Quốc vẫn tiếp tục có những động thái gây hấn ở Biển Đông, bất chấp tuyên bố chung của hai nước sau chuyến thăm năm 2022 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh.
Trong Tuyên bố Chung của chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, vẫn có câu "Trung Quốc cam kết sẽ xử lý thỏa đáng các vấn đề tồn tại liên quan đến Biển Đông".
Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, ông Tập đến Hà Nội với mong muốn thúc đẩy quan hệ hai nước sao cho có lợi hơn đối với Trung Quốc, nhất là về các vấn đề Biển Đông.
"Thỏa đáng có nghĩa là chủ quyền ở Biển Đông thuộc về Trung Quốc, không nhân nhượng, không thỏa hiệp, không công nhận luật pháp quốc tế về biển và lãnh thổ. Trung Quốc nói rằng sẽ không để mất lãnh thổ ở Biển Đông, dù chỉ một li", Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp phân tích.
Chuyến công du của ông Tập đến Hà Nội được đánh giá là chuẩn bị tỉ mỉ, với các đoàn cấp cao Bộ Ngoại giao Trung Quốc sang Việt Nam trong vòng hai tháng trước đó, tiêu biểu như trợ lý Ngoại trưởng Nông Dung, Thứ trưởng Tôn Vệ Đông và kế tiếp là Ngoại trưởng Vương Nghị.
Tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Phủ Chủ tịch ngày 1/12, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng gần gũi, có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa, cùng kiên trì đi lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản.
Ông Thưởng nói rằng Việt Nam luôn coi quan hệ với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong tổng thể chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa.
Trong bài phân tích về Việt Nam trong quan hệ Trung-Mỹ, Tiến sĩ Bích Trần của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (cộng sảnIS) viết rằng, sau sự sụp đổ của Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, Trung Quốc và Việt Nam nằm trong số năm quốc gia vẫn duy trì độ cộng sản còn lại trên thế giới.
Đối với Việt Nam hay Trung Quốc, sự tồn vong của chế độ đi liền với lợi ích an ninh quốc gia và thời điểm này, Hà Nội coi Bắc Kinh là đồng minh, cùng bảo vệ "chủ nghĩa xã hội".
Từ năm 2003, Đảng cộng sản Việt Nam đã đề ra "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong hình hình mới", áp dụng một khái niệm mới được gọi là "vừa hợp tác, vừa đấu tranh" và chiến lược này đã được quán triệt trong mười năm kế tiếp. Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã phải xác định rõ "đối tượng" và "đối tác" để đưa ra hành động tối ưu hơn đối với từng quốc gia, trong đó có Trung Quốc và Mỹ.
Nhìn chung, hiện quan hệ Việt Nam - Trung Quốc sẽ tiếp tục là mối quan hệ vừa hợp tác, vừa đấu tranh, theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp.
Cộng đồng chung vận mệnh
Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, mười năm nay, ngôn ngữ ngoại giao của Trung Quốc đối với Việt Nam không thay đổi.
"So với thời Giang Trạch Dân, Trung Quốc không dùng "16 chữ vàng, 4 tốt" nữa, mà áp dụng lý luận "Trung Quốc trỗi dậy" và "giấc mơ Trung Quốc", trong đó có "cộng đồng chung vận mệnh".
"Cộng đồng chung vận mệnh" là thuật ngữ được cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sử dụng đầu tiên trong báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 17 của ông vào năm 2007, nhằm nói đến vấn đề Đài Loan, ý chỉ rằng hai thực thể chính trị khác nhau có thể có quan hệ tương đối tốt đẹp bất chấp những sự khác biệt.
Lần đầu tiên ông Tập Cận Bình sử dụng khái niệm này là vào cuối năm 2012, và nó đã tiếp tục định hình cách tiếp cận của Trung Quốc đối với quản trị toàn cầu, đưa ra các đề xuất và biện pháp hỗ trợ tăng trưởng cho tất cả mọi người.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng, ý đồ của Trung Quốc là phác họa một bức tranh về thế giới, thách thức trật tự quốc tế đã có từ sau Thế Chiến II, kết thúc năm 1945.
Ý đồ này gồm hai phần : Trung Quốc muốn bỏ trật tự quốc tế sau 1945, thay bằng viễn tượng của Trung Quốc, và Trung Quốc muốn dẫn dắt, lãnh đạo một trật tự mới được dựng lên từ bức tranh này.
"Chữ nghĩa ở đây không rõ ràng, lãnh đạo Trung Quốc rất biết, nhưng họ coi đây là khẩu hiệu có lợi cho họ, nên đi đâu cũng tác động đối tác công nhận. Từ năm 2015 đến nay, Trung Quốc đã sáu lần đề nghị Việt Nam "tham gia" "Cộng đồng chung vận mệnh", ba lần do Vương Nghị tác động, ba lần do ông Tập đề nghị", theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa tham gia "cộng đồng chung vận mệnh của Trung Quốc" dù Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan, đã gia nhập trong vòng vài năm qua.
Cuối tháng 6, trong thông cáo chung sau chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tới Bắc Kinh, Hà Nội nói rằng họ "đánh giá cao" sáng kiến "Cộng đồng chung vận mệnh" và một số sáng kiến khác của Trung Quốc, nhưng không khẳng định sẽ ủng hộ hoặc sẽ tham gia mà chỉ nói thêm rằng "hai bên sẽ đi sâu trao đổi về các biện pháp cụ thể hơn".
Hồi cuối tháng 10, Chủ tịch Võ Văn Thưởng thăm Bắc Kinh hồi tháng 10 để dự Diễn đàn cấp cao Vành đai và Con đường lần thứ 3 và khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến Hà Nội vào ngày đầu tháng 12, hãng thông tấn Tân Hoa của Trung Quốc đều trích đăng lời các lãnh đạo nước này nói Việt Nam cần hợp tác với họ để xây dựng "cộng đồng chung vận mệnh".
Tuy nhiên, đối lập với sự rầm rộ của báo chí Trung Quốc thì báo chí nhà nước Việt Nam hoàn toàn không đề cập đến điều này.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp chỉ ra rằng, trong toàn bộ Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc dài hơn 6.000 từ nhân chuyến thăm của Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc năm ngoái, hoàn toàn không có lời nào đề cập đến sáng kiến "cộng đồng chung vận mệnh".
Sáng kiến Vành đai & Con đường
Ngày 12/11/2017, nhân dịp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam và tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Bản ghi nhớ giữa Chính phủ hai nước về thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai" với sáng kiến "Vành đai và Con đường".
Dù Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến Bắc Kinh tham gia Diễn đàn BRI nhưng ông Thưởng chỉ nói rằng tiếp tục thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai" với sáng kiến "Vành đai và Con đường", như đã thể hiện trong Biên bản Ghi nhớ năm 2017.
Hai hành lang và một vành đai kinh tế là thỏa thuận song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đáng chú ý, phía Việt Nam chỉ nói rằng sẽ kết nối dự án này với BRI, chứ chưa ký tham gia BRI.
Việt Nam nhận được 670 triệu USD vốn vay của Trung Quốc cho dự án đường sắt đô thị lớn ở Hà Nội. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn chưa chính thức xếp bất kỳ dự án cơ sở hạ tầng mới nào trong khuôn khổ BRI.
Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông tại Việt Nam bắt đầu vào năm 2011 nhưng phải đối mặt với sự chậm trễ và chi phí đội lên nhiều lần. Cuối cùng nó đã đi vào hoạt động vào tháng 11 năm 2021.
Phóng viên Sylvia Chang thuộc BBC tiếng Trung viết rằng, thời gian xây dựng tuyến metro này là ví dụ tiêu cực cho các dự án cơ sở hạ tầng khác trong nước và làm suy giảm niềm tin của công chúng - mặc dù cần lưu ý rằng thời gian xây dựng các dự án tương tự ở các nước phương Tây có thể chậm như vậy hoặc thậm chí lâu hơn.
Vì lẽ đó, trong tương lai, Sáng kiến Vành đai và Con đường có vẻ sẽ phải đối mặt với những thách thức khó khăn tương tự.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng, sẽ là sự thất bại, nếu Trung Quốc muốn có dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam vì ít nhất, chưa ai quên dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông với chi phí đội lên hơn hai lần.
Nguồn : BBC, 11/12/2023
****************************
Chủ tịch Tập sang thăm : Tiền đầu tư, tình đồng chí và các khẩu hiệu
BBC, 11/12/2023
Trước ngày Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện thăm Việt Nam (12-13/12), truyền thông nước chủ nhà đồng loạt đăng các bài ca ngợi sự kiện này, chuẩn bị dư luận cho quyết định "nâng cấp quan hệ" lên trên mức hiện có.
Chủ tịch Tập Cận Bình bước ra từ chuyên cơ Trung Quốc trong một chuyến thăm quốc tế - hình minh họa
Tuy thế, truyền thông nước ngoài cho rằng Việt Nam đã cố gắng "đón tiếp với nhiều nghi lễ cao nhất" khi bị Trung Quốc bắt phải chấp nhận khái niệm "cộng đồng chung vận mệnh".
Báo Việt Nam dùng nhiều 'khái niệm mới'
Trang VOV trích lời một thứ trưởng ngoại giao Việt Nam nói hai bên sẽ "nâng cấp định vị mới cho quan hệ song phương".
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nói rằng trong chuyến thăm sắp tới của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ [có] kỳ vọng về một "định vị mới", "tầm mức mới" của quan hệ song phương Việt Nam – Trung Quốc.
Các bản tiếng Anh của VietnamPlus cũng đăng bài phỏng vấn với ông Nguyễn Minh Vũ gợi ý về việc đẩy lên cao hơn nữa quan hệ Trung Việt mà giới quan sát nước ngoài cho là sẽ đưa Việt Nam vào ‘cộng đồng chung vận mệnh’ với Trung Quốc. Tuy thế, ngôn từ chính thức, cụ thể của ‘tầm mức’ mới này ra sao thì còn phải chờ những công bố cụ thể.
Tiếng Hán cũng xâm nhập văn bản tiếng Việt với khái niệm ‘định vị’ mới vốn chưa thấy được dùng phổ biến cho tới nay.
Phong cách Trung Hoa điểm ra các con số khi nói về chính sách đang được đồng loạt đăng tải trên truyền thông nhà nước Việt Nam.
Ví dụ VOV dùng cụm từ "ba kỳ vọng", còn Thanh Niên trích Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba nói về "bốn mới" trong quan hệ mà ông cho là "hết sức đặc biệt và có thể nói là hiếm thấy trên thế giới".
Theo đại sứ Trung Quốc, bốn điều mới là "định vị mới, phương hướng mới, triển vọng mới và động lực mới".
Ông Hùng Ba còn nói tới quan hệ "nhớ nhau" của hai vị lãnh đạo hai đảng cộng sản, Tổng bí thư Tập Cận Bình và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng :
""Đây là sự kiện mà hai tổng bí thư đều rất mong chờ, vì hai người đều rất nhớ nhau và mong được gặp nhau", ông Hùng Ba nói, tuy không nêu chi tiễt hai nhà lãnh đạo "nhớ nhau" thế nào.
Nhà ngoại giao Trung Quốc cho rằng "tình hữu nghị giữa hai nhà lãnh đạo cũng là tài sản chung quý báu của hai nước. Do đó hai bên đều rất mong chờ chuyến thăm lần này", theo trích dẫn của tờ Thanh Niên ngày 11/12.
Quan hệ mật thiết của hai đảng cộng sản cầm quyền ở hai quốc gia châu Á được các báo Việt Nam nhấn mạnh.
Ông Tập Cận Bình quay trở lại Hà Nội sau gần sáu năm, tính từ 2017, ở cương vị Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc.
Các đoàn tiền trạm đông đảo của Trung Quốc đã tới thủ đô Việt Nam từ trước, thể hiện sự hùng hậu của sức mạnh Trung Hoa.
Trang báo mạng Tiền Phong phục vụ bạn đọc bằng bài và chùm ảnh ghi lại những thời điểm quan trọng trong hai chuyến thăm trước của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Hà Nội, năm 2015 và 2017.
Tờ báo viết đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam lần thứ ba của ông Tập với tư cách người đứng đầu Đảng cộng sản Trung Quốc và Nhà nước CHND Trung Hoa.
VietnamNet thì nhắc rằng cá nhân ông Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm Việt Nam lần thứ tư.
Hồi năm 2011, khi làm Phó Chủ tịch nước Trung Quốc, ông đã tới Việt Nam lần đầu.
Chủ tịch Tập (phải) mời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng uống trà ở Bắc Kinh năm 2017
Một số đánh giá từ bên ngoài và vấn đề kinh tế
Sự kiện Tổng bí thư Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam nhiều hơn một số quốc gia láng giềng được báo chí Việt Nam cho là điều thể hiện sự quan tâm đặc biệt coi trọng Việt Nam của ban lãnh đạo Trung Quốc thời ông Tập.
Nhưng ở một góc độ khác thì việc ông phải sang thăm Việt Nam liên tục cho thấy các động lực trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam có thể khiến nhà lãnh đạo Trung Quốc không thể không chú ý.
Chẳng hạn theo đánh giá của Tiến sĩ Trương Đăng Hoa từ Đại học Quốc gia Australia trong một bài viết năm 2018 (sau hai lần ông Tập thăm Việt Nam) thì chính quan hệ Trung-Việt là vấn đề khó khăn cho Trung Quốc khi triển khai chiến lược ‘láng giềng tốt’ nhằm tạo vùng ảnh hưởng cận biên (zhoubian).
Trang France24 của Pháp đặt chuyến thăm của ông Tập sang Hà Nội vào bối cảnh quan hệ Mỹ-Việt được nâng cao và trích lời giới nghiên cứu nói Trung Quốc phải tỏ ra là họ "chưa mất Việt Nam cho phe đối thủ" (rival camp).
Một số báo tiếng Anh như The Diplomat (08/12) thì nói như vậy Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới đón cả tổng thống Hoa Kỳ (Joe Biden) và chủ tịch Trung Quốc (Tập Cận Bình) sang thăm trong chỉ một năm 2023.
Trang web này, trong bài tuần qua của Sebastian Strangio cũng nói "giao tiếp dồn dập trong quan hệ Trung-Việt sẽ lên đỉnh điểm bằng nghi lễ cao cấp, hoành tráng" (ash of interactions between China and Vietnam will reach their culmination in the high pageantry) khi ông Tập tới Việt Nam.
Ông Strangio nói các tin tức cho tới nay nói "Trung Quốc ép Việt Nam chấp nhận khẩu hiệu (slogan) "cộng đồng chung vận mệnh" (CCD) từ lâu nay.
Đây là khái niệm rất quan trọng với cá nhân ông Tập nhưng với cộng đồng quốc tế thì nó bị cho là "mơ hồ", thậm chí "trống rỗng" (empty).
GS Carl Thayer, một nhà quan sát tình hình Việt Nam lâu năm, trong bài đăng trên trang tư vấn của ông -Thayer Consultancy – hôm 09/12 dự báo rằng cụm từ "cộng đồng chung vận mệnh" nhiều khả năng sẽ xuất hiện trong Tuyên bố chung Trung-Việt tuần này.
Bằng việc đó, "Trung Quốc muốn tỏ ra là quan hệ với Việt Nam có tính chất đặc biệt, khác quan hệ đối tác chiến lược mà Việt Nam đã ký với Hoa Kỳ", GS Thayer viết.
Tuy thế, bên cạnh vấn đề ngôn từ vốn có ý nghĩa trọng đại với Đảng cộng sản Trung Quốc thì phần chính vẫn là các dự án của Trung Quốc.
Báo Nhật Bản Nikkei Asia đã viết rằng hàng loạt dự án nhiều tỷ USD đã và đang được ký kết, liên quan tới nguồn đất hiếm.
Quan chức hai bên cũng gián tiếp xác nhận điều này, và nêu ra các hoạt động nâng cấp cả tuyến đường sắt Hải Phòng - Côn Minh và nhiều kết nối trên không, trên biển khác nữa.
Trung Quốc sẽ nhân chuyến thăm công bố việc mở cửa thị trường cho một số mặt hàng Việt Nam thêm nữa.
Việc mở cho hàng Việt Nam vào thị trường hơn 1 tỷ dân này, theo Tiến sĩ Vũ Minh Khương từ Singapore (trả lời báo Dân Trí), sẽ tạo cơ hội to lớn cho kinh tế Việt Nam.
Hiện Việt Nam đang nhập từ Trung Quốc 120 tỷ USD/năm, nhiều hơn xuất sang nước láng giềng đông dân (58 tỷ USD), theo các nguồn chính thống.
Mặt khác, với dự án Vành đai & Con đường (BRI) tiến triển mạnh, có thể nói toàn bộ khu vực kinh tế miền Bắc Việt Nam đang dần đóng vai trò thành bộ phận của khu vực kinh tế năng động phía Nam nước Trung Quốc.
Đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam đạt hơn 2,5 tỷ USD với 555 dự án, đưa Trung Quốc thành nhà đầu tư FDI lớn thứ 4 tại Việt Nam. Và chỉ từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt các doanh nghiệp có khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu đã tăng cường khảo sát đầu tư tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam, theo trang Quân đội Nhân dân.
Trao đổi thương mại hai bên với kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 140 tỷ USD chỉ trong 10 tháng của năm 2023 – theo trang Dân Trí- cho thấy đây mới là động lực chính của mối giao thương.
Nguồn : BBC, 11/12/2023
Joe Biden nói cho người Mỹ nghe. Ở nước Mỹ, nói đến cộng sản thì ai cũng hiểu đó là một chế độ độc tài !
Khi gặp mặt Tập Cận Bình, Joe Biden nói, "Tôi thấy hai chúng ta nói chuyện với nhau là rất quan trọng, để hai bên hiểu lẫn nhau, giữa hai người lãnh đạo, không còn hiểu lầm và bị thông tin sai lạc".
Một tỷ bốn trăm triệu người Trung Hoa không ai dám công khai gọi ông Tập Cận Bình là một nhà độc tài. Sang Mỹ mới thấy có người dám nói, chính là ông tổng thống Mỹ. Sau khi gặp Chủ tịch Tập Cận Bình ở San Francisco hôm rồi, nhà báo hỏi bây giờ ông còn nghĩ ông Tập là một nhà độc tài hay không, Joe Biden nói sõng ba chữ : "Look, he is" – dịch ra tiếng Việt nghe nhẹ nhàng hơn : "Coi kìa, ông ấy là thế".
Nếu khôn khéo, ông Biden có thể hỏi ngược lại nhà báo : "Quý vị nghĩ thế nào ?".
Ông có thể làm bộ ngạc nhiên : "Tôi đã nói thế à ?". Ông cũng có thể nói lảng : "Dù mình gọi bằng danh hiệu nào thì ông Tập Cận Bình – chứ không phải là ông Kim Jong-un – vẫn đứng đầu một tỷ bốn trăm triệu dân" ! Hoặc Biden cứ nói đùa : "Để tôi hỏi ý kiến Chủ tịch Tập Cận Bình xong sẽ trả lời quý vị" !
Điều đáng ngạc nhiên là Đảng cộng sản Trung Quốc lại nổi giận ! Họ không chấp nhận lãnh tụ xứ mình là độc tài ! Trung Quốc đã phản ứng dữ dội. Phát ngôn viên Mao Ninh (Mao Ning, 毛宁) phát ngôn rất mạnh : "Lời phát biểu này sai cùng cực và là một thủ đoạn chính trị vô trách nhiệm" !
Bà Mao Ninh kết án người gọi ông Tập là độc tài : "Chúng ta phải biết rằng có những kẻ mang sẵn ý đồ chọc phá và làm tổn thương cuộc bang giao giữa Mỹ và Trung Quốc" ! Bà báo trước : "Chắc chắn họ sẽ thất bại" ! Trong tất cả lời tuyên bố dài dòng đó, bà Mao Ninh không hề nói ai là "tác giả lời phát biểu" bị bà công kích. Cũng vì bà không muốn "làm tổn thương" cuộc gặp gỡ giữa Tập và Biden !
Bởi vì Tập Cận Bình cần cuộc gặp gỡ này hơn Joe Biden. Vì muốn trình diễn cho dân Trung Hoa thấy mình vẫn là một chính khách lớn, ra nước ngoài được kính nể. So với lần gặp Biden năm ngoái, vị thế của họ Tập hiện đang xuống thấp hơn nhiều.
Khi hai người gặp nhau năm ngoái tại hội nghị G-20 ở Bali, Indonesia, Tập Cận Bình đang phấn khởi vì hy vọng kinh tế sắp phục hồi sau khi chấm dứt cảnh cấm đoán vì bệnh Covid. Ngồi ở địa vị một lãnh tụ toàn quyền, trong đảng không ai là đối thủ, nhiệm kỳ không giới hạn, Tập họp mặt với 20 vị nguyên thủ quốc gia khác, rất đường vệ.
Năm nay tình thế thay đổi hoàn toàn. Kinh tế Trung Quốc vẫn chưa ngóc dậy được dù không còn bị cấm đoán, khó khăn như thời bệnh dịch. Dân không muốn tiêu xài, các cửa hàng và nhà máy ứ đọng. Tỷ lệ thất nghiệp trong giới thanh niên và trung niên lên cao nhất từ 30 năm nay. Thị trường địa ốc lâm khủng hoảng, công ty Hằng Đại (Evergrande) phá sản sớm nhất. Những người muốn đầu tư, mua nhà trước khi xây, bỗng thấy các công trường xây cất ngưng hoạt động, vì hết tiền. Họ bèn thôi, không góp tiền trả trước nữa, công ty càng túng, chủ tịch Hằng Đại đang bị điều tra, cấm ra khỏi nhà.
Nay lại đến lượt Bích Nhai Viên (Country Garden) hết tiền trả nợ. Theo công ty tài chánh Nomura, Bích Nhai Viên đang phải bỏ giở dang 20 triệu căn hộ, không xây nữa. Vẫn theo tin Nomura, muốn tiếp tục hoạt động, cần 3,2 ngàn tỷ đồng nguyên (440 tỷ đô la), khó kiếm được người cho vay. Các công ty xây cất khác ở Trung Quốc cũng gặp cảnh nhà cửa đang xây phải ngừng, tổng số nhà bỏ giở không hoàn tất lớn tới 400 triệu ; vì người mua không chịu góp tiền hàng tháng nữa. Cuối cùng, lại phải moi tiền nhà nước !
Tình cảnh trì trệ trên khiến các công ty ngoại quốc càng thêm mất tin tưởng vào thị trường Trung Quốc. Họ còn bị chính quyền gây khó khăn với các luật lệ thay đổi tùy tiện. Nhiều công ty rút tiền lời về và không đầu tư thêm ; số vốn rút ra ngoài lên cao nhất từ trước đến nay.
Một dấu hiệu cho thấy dân Trung Hoa bất mãn là người ta rủ nhau tổ chức tưởng niệm cựu thủ tướng Lý Khắc Cường (Li Keqiang). Năm 1989, các vụ tưởng niệm Hồ Diệu Bang, mất ngày 13/4 đã đưa tới cuộc biểu tình ở Thiên An Môn ngày 4/6 đe dọa cả chế độ. Đảng cộng sản phải ra lệnh các mạng xã hội, hạn chế không cho ca ngợi Lý Khắc Cường "quá đáng" ! Những lời nồng nhiệt ca ngợi người quá cố "biết lo đến đời sống dân chúng" trên mạng khiến mọi người so sánh thấy Tập chỉ biết nói mà không biết lo như Lý !
Để tự nâng uy tín với dân, Tập Cận Bình phải chứng tỏ mình vẫn là một lãnh tụ được thế giới bên ngoài kính nể. Hơn nữa, cũng cần giảm bớt tình trạng căng thẳng với Mỹ để chuyên tâm vào các vấn đề trong nước. Cần gặp Joe Biden, trước cuối năm nay, vì sang năm dân Mỹ đi bầu ; các ứng cử viên cả hai đảng sẽ chạy đua coi ai đả kích Trung Quốc mạnh hơn ! Còn Joe Biden gặp Tập Cận Bình bây giờ thì chẳng lợi lộc gì mà có thể còn thiệt hại nếu bị đảng Cộng hòa chỉ trích là mềm yếu đối với Trung Quốc.
Sau những năm guồng máy tuyên truyền đã kích Mỹ không hết lời, Tập Cận Bình cần chuẩn bị dư luận trước. Cho nên, các báo đài của nhà nước mở chiến dịch "Nói tốt về nước Mỹ". Ngày Thứ hai vừa rồi, Tân Hoa Xã đã viết một bài dài, kể chuyện Tập Cận Bình đã sống trong một gia đình nông gia Mỹ ở Iowa năm 1985, khi còn chưa lên hàng lãnh đạo. Bài báo 1.500 chữ kể rằng dân Iowa khen ngợi lãnh tụ có nụ "cười tươi không bao giờ nghỉ".
Có bức hình Tập ở trong phòng của người con trai nhà này ; hình Tập ngồi trên cái máy kéo cầy với chủ nhà. Tân Hoa Xã còn công bố một loạt 5 bài với tựa đề : "Bình thường hóa quan hệ Trung-Mỹ". Các báo, đài khác cho chiếu lại hình ảnh Ban vũ Ballet Mỹ và Giàn nhạc Giao hưởng Philadelphia mới qua Trung Quốc. Tháng này, một cựu phi công Mỹ đã chiến đấu bên cạnh quân Trung Quốc trong thời kháng Nhật mới được mời qua thăm lại các chiến trường xưa, báo chí khắp nước đều ca ngợi. Lại đăng một bức hình cũ cho thấy Joe Biden và Tập Cận Bình bốc sô cô la ra ăn từ cùng một cái hộp.
Khi gặp mặt Tập Cận Bình, Joe Biden nói, "Tôi thấy hai chúng ta nói chuyện với nhau là rất quan trọng, để hai bên hiểu lẫn nhau, giữa hai người lãnh đạo, không còn hiểu lầm và bị thông tin sai lạc".
Sau cuộc gặp gỡ, tổng cộng bốn giờ đồng hồ kể cả một lần tản bộ trong vườn, hai bên có vẻ "hiểu lẫn nhau" thật. Và khi hiểu rồi, Joe Biden vẫn không bỏ được cái tật nói sự thật. Cho nên lúc nhà báo hỏi ông còn nghĩ Tập Cận Bình là một nhà độc tài hay không, Biden nói ngay, "Yes" !
Lần trước Biden phát biểu ý kiến này là vào tháng 2, nhân vụ một khinh khí cầu gián điệp của Trung Quốc "bay lạc" vào không phận Mỹ, bay qua cả các phi trường và căn cứ quân sự. Khi đó bộ ngoại giao Bắc Kinh đã tố cáo đó là một lời "vu khống và khiêu khích" ! Lần này, Biden còn giải thích : "Ông ta là một nhà độc tài bởi vì đang cai trị một nước cộng sản, một chế độ khác hẳn nước ta".
Joe Biden nói cho người Mỹ nghe. Ở nước Mỹ, nói đến cộng sản thì ai cũng hiểu đó là một chế độ độc tài !
Các lãnh tụ cộng sản không muốn nhận họ là độc tài, mặc dù trên cương lĩnh vẫn đề cao chủ trương "chuyên chế vô sản" theo lối của Lenin. Chuyên chế khác độc tài thế nào ? Chữ thứ nhất nói về một chế độ, chữ sau thường chỉ vào cá nhân một lãnh tụ ! Nói chế độ chuyên chế thì người ta thấy đó là một câu chuyện lý thuyết, trừu tượng. Lãnh tụ độc tài thì nghe cảm thấy nhột !
Nhưng đã chuyên chế thì làm sao tránh độc tài ? Chuyên chế tức là chỉ có một đảng được nắm quyền sinh sát trên hàng tỷ con người. Trong đảng này, họ lại chuyên chế với nhau, trên bảo dưới nghe, đố đứa nào dám cãi ! Thế thì phải gọi người nắm quyền cao nhất là cái gì nếu không gọi là độc tài ?
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 17/11/2023
Giới tỉ phú Trung Quốc tháo chạy
Với sự trấn áp thô bạo bằng hình thức "đánh tư sản" theo "phiên bản Tập Cận Bình", giới tỉ phú Trung Quốc đang tẩu tán tài sản và bản thân họ cũng chạy ra nước ngoài – theo ghi nhận của The Guardian ngày 30/10/2023.
Tháng 9/2023, Hứa Gia Ấn, người sáng lập tập đoàn bất động sản khổng lồ Evergrande, bị bắt bởi những tội danh chưa xác định (ảnh : VCG/VCG via Getty Images)
Số lượng người siêu giàu ở Trung Quốc đang giảm. Khảo sát mới nhất của Forbes cho biết, trong 2.640 tỷ phú ước tính trên thế giới, hiện có ít nhất 562 ở Trung Quốc, giảm so với con số 607 năm 2022. Các cuộc đàn áp giới tài chính cùng với bầu không khí chính trị hỗn loạn trong nội bộ chính trị Trung Quốc khiến giới giàu có Trung Quốc ngày càng tìm cách trốn chạy ra nước ngoài.
Trong thực tế, giới giàu sụ nứt đố đổ vách Trung Quốc chưa bao giờ an tâm và tin tưởng hệ thống chính trị quốc gia và họ luôn tìm mọi cách tẩu tán tài sản và tiền bạc ra nước ngoài. Về mặt chính thức, người Trung Quốc chỉ được phép chuyển 50.000 USD ra khỏi nước họ mỗi năm nhưng có nhiều kênh không chính thức giúp họ chuyển hàng triệu đôla ra ngoại quốc.
Tháng Tám 2023, cảnh sát Thượng Hải đã bắt năm người tại một công ty tư vấn nhập cư, trong đó có chủ công ty, bị tình nghi luồn lách thực hiện các giao dịch ngoại hối bất hợp pháp vượt quá 100 triệu nhân dân tệ. Một bài báo của truyền thông nhà nước mới đây cũng viết rằng "giao dịch ngoại hối bất hợp pháp đã phá vỡ nghiêm trọng trật tự thị trường tài chính quốc gia". Theo ước tính của Ngân hàng Natixis, trước đại dịch Covid-19, trung bình mỗi năm có khoảng 150 tỷ USD chảy ra khỏi Trung Quốc. Các nhà kinh tế cho biết, lãi suất cao của Mỹ và nhân dân tệ suy yếu cũng là động lực mạnh để giới giàu có Trung Quốc chuyển tiền ra khỏi đất nước.
Nửa đầu năm 2023, báo cáo chính thức cho biết, cán cân thanh toán Trung Quốc thiếu hụt 19,5 tỷ USD. Dữ liệu này được các nhà kinh tế sử dụng làm chỉ báo về tình trạng tháo vốn, trong khi giá trị thực của số tiền không chính thức được rút khỏi nền kinh tế có thể cao hơn. Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương thuộc Natixis, cho biết tâm lý bất an về các chính sách kinh tế trong tương lai cùng với cơ hội kinh doanh không ổn định là vài yếu tố khiến người giàu chuyển tiền ra hải ngoại.
Năm 2021, Tập Cận Bình đề cập cái gọi là "sự thịnh vượng chung". Với ngôn ngữ của Đảng cộng sản Trung Quốc, khái niệm "chung" phải được hiểu là giới tư bản phải "chia sẻ" tài sản của họ. Đó là thời điểm mà Alibaba, công ty công nghệ do Jack Ma thành lập, phải cắn răng "quyên góp" 100 tỷ nhân dân tệ cho "sự thịnh vượng chung".
Với Tập Cận Bình, giới tư bản tinh hoa là những kẻ không đáng tin, đặc biệt khi hơn 600 tỷ USD chảy ra khỏi nền kinh tế vào năm 2015, sau khi nhân dân tệ bị mất giá. Bắt đầu từ đó, Bắc Kinh tìm cách siết cổ "đám nhà giàu". Không chỉ vấn đề tiền của bị tuồn ra nước ngoài, "bọn nhà giàu" còn có thể khuynh đảo, tạo ra quyền lực và khống chế hệ thống chính trị. Đây là nguyên nhân chính khiến Tập Cận Bình phải "triệt" tư sản mại bản. Một trong những gương mặt đầu tiên được chọn để "thí điểm" là tỷ phú Jack Ma.
Giờ đây, khẩu hiệu "thịnh vượng chung" mờ nhạt dần khi kinh tế quốc gia nhuốm màu bi đát. Bắc Kinh đang quảng bá Trung Quốc như một nơi mở rộng cửa kinh doanh sau giai đoạn siết chặt bởi Covid. Tuy nhiên, áp lực lên giới tư bản trong thực tế vẫn không giảm. Tháng 9/2023, Hứa Gia Ấn (Hui Ka Yan, 许家印) người sáng lập tập đoàn bất động sản khổng lồ Evergrande ("Trung Quốc Hằng Đại tập đoàn") và từng là người giàu nhất Châu Á, đã bị bắt bởi những tội danh chưa xác định.
Bao Phàm (Bao Fan, 包凡), một chủ ngân hàng đầu tư nổi tiếng từng được coi là ông vua trong thế giới giao dịch công nghệ, bị bắt vào Tháng Hai 2023. Bao Phàm biến mất khỏi "giang hồ" từ đó đến nay. Tuyệt đối không ai biết tông tích đương sự. Nhiều giám đốc điều hành cũng bị cấm xuất cảnh.
Nhậm Chí Cường bị án 18 năm tù (ảnh : Getty Images)
Môi trường làm ăn hiện nay đã thay đổi rõ rệt so với thập niên 1990 và đầu những năm 2000, khi Trung Quốc chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001. Đó là thời điểm Bắc Kinh đưa ra loạt cải cách thị trường hấp dẫn, cho phép doanh nhân tích lũy khối tài sản khổng lồ. Nhà nước khuyến khích "nhà nhà làm giàu, người người làm giàu". Báo chí vinh danh giới doanh nhân, "đúc tượng vàng" cho họ như thể họ là những người cứu rỗi dân tộc. Họ trở thành đại diện cho một thế hệ "chiến sĩ" mới, trên mặt trận xung kích kinh tế đưa quốc gia tiến đến sự thịnh vượng mà đảng luôn khát khao. Tuy nhiên, khi Tập Cận Bình lên ngai vàng, sự kiểm soát chính trị, thay vì tự do kinh tế, trở thành ưu tiên hàng đầu.
Theo dữ liệu từ công ty bất động sản OrangeTee, hơn 10% căn hộ cao cấp được bán ở Singapore trong ba tháng đầu năm 2023 thuộc về người mua Trung Quốc đại lục, tăng khoảng 5% so với Quý I-2022. Công ty tư vấn nhập cư Henley & Partners cho biết thêm, khoảng 13.500 cá nhân có thu nhập cao dự kiến rời Trung Quốc trong năm nay, tăng từ 10.800 so với năm ngoái.
David Lesperance, nhà tư vấn độc lập chuyên hỗ trợ thành phần giàu có Trung Quốc muốn "tái định cư", cho biết ông nhận được ngày càng nhiều yêu cầu từ các doanh nhân muốn chuyển toàn bộ đội ngũ nhân viên ra khỏi Trung Quốc, không chỉ gia đình họ. Trung Quốc trong "kỷ nguyên Tập Cận Bình" không còn là vùng đất của cơ hội. Năm 2017, mỗi tuần Trung Quốc sản sinh hai tỷ phú mới. Bây giờ, những người muốn giàu thì đã giàu. Họ quý mạng sống hơn. Và ra nước ngoài là một chọn lựa.
Tỷ phú Quách Quảng Xương (ảnh : CFOTO/Future Publishing via Getty Images)
Có quá nhiều "tiền lệ" khiến họ phải ra đi. Chỉ riêng năm 2015, ít nhất năm giám đốc điều hành tên tuổi lừng lẫy đã "biến mất" một cách mờ ám, trong đó có Quách Quảng Xương (Guo Guanchang, 郭广昌), Chủ tịch Fosun International, tập đoàn nổi tiếng ở phương Tây bởi sở hữu câu lạc bộ bóng đá Ngoại hạng Anh Wolverhampton Wanderers. Quách Quảng Xương đột ngột biến mất và vài tháng sau xuất hiện, nói rằng mình sẵn sàng hợp tác điều tra với nhà chức trách.
Hai năm sau, doanh nhân người Canada gốc Hoa Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua, 肖建华) – từng là một trong những người giàu nhất Trung Quốc – bị đưa khỏi một khách sạn sang trọng ở Hong Kong và sau đó bị bỏ tù vì tội tham nhũng. Tháng 3/2020, trùm bất động sản Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang, 任志强) biến mất sau khi dám gọi "Tập hoàng đế" là "tên hề" trong cách xử lý đại dịch. Cuối năm đó, sau phiên tòa một ngày, "Tòa án nhân dân" kết án Nhậm 18 năm tù vì tội tham nhũng.
Tháng 3/2023, Quốc hội Trung Quốc công bố thành lập Ủy ban Tài chính Trung ương, một ‘siêu cơ quan quản lý’ có nhiệm vụ giám sát và cải tổ toàn bộ khu vực tài chính. Cơ quan mới sẽ do chính Tập Cận Bình làm chủ tịch. Đây là chỉ dấu rõ nhất rằng Tập đang kiểm soát mọi thứ một cách tuyệt đối, và "đảng của Tập" mới thật sự là nơi kiểm soát và điều hành kinh tế quốc gia chứ không phải bất kỳ bộ ngành nào khác.
Minh An
Nguồn : SaigonnhoNews, 31/10/2023
Ý nghĩa thực sự của việc các tướng lĩnh Trung Quốc biến mất là gì ?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thị sát quân đội ở Hồng Kông, tháng 6/2017 - Damir Sagolj / Reuters
Trong hai tháng qua, hàng loạt tướng lĩnh cấp cao của Trung Quốc đã biến mất khỏi tầm mắt công chúng, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng và ban lãnh đạo lực lượng phụ trách tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBMs) của Trung Quốc. Những vụ việc này gây ngạc nhiên nếu xét đến quan điểm cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nắm quyền kiểm soát Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) và việc ông cam kết loại bỏ tận gốc những hành vi sai trái trong nhiệm kỳ của mình. Trên thực tế, những hành vi sai trái không chỉ tiếp diễn mà còn ảnh hưởng đến một số bộ phận nhạy cảm nhất của PLA, cho thấy giới hạn quyền lực của Tập Cận Bình.
Tập, và nói rộng hơn là Đảng cộng sản Trung Quốc, từ lâu đã trao cho PLA quyền tự chủ đáng kể để điều hành công việc riêng của tổ chức. Cho phép PLA có mức độ độc lập cao giúp đảm bảo sự tuân thủ chính trị của họ với Tập và đảng. Tuy nhiên, vì không có kiềm chế đối trọng về phía dân sự, nên quyết định này cũng tạo điều kiện cho các hành vi sai trái và trách nhiệm giải trình kém. Dù chưa có thông tin chi tiết về các cuộc thanh trừng gần đây, nhưng chúng phản ánh sự thiếu tin tưởng của Tập đối với một số quan chức cấp cao nhất của mình.
Những nghi ngờ về năng lực của cấp dưới và về những đơn vị mà họ đã không quản lý tốt có thể gây áp lực lên tính toán của Tập về những rủi ro khi khơi mào một cuộc xung đột – khiến ông không thể đảm bảo rằng quyết định sử dụng vũ lực sẽ đạt kết quả như mong đợi. Chừng nào Tập còn nghi ngờ những câu chuyện mà các tướng lĩnh kể cho ông nghe về khả năng của họ, thì sự ngờ vực của ông đối với quân đội có thể sẽ đóng vai trò ngăn chặn chiến tranh.
Biến mất
Các vụ biến mất đã bắt đầu kể từ tháng 8, khi tư lệnh và chính ủy của Quân chủng Tên lửa được thay thế bằng những cái tên đến từ lực lượng hải quân và không quân, một động thái hết sức bất thường và đã bỏ qua việc đề bạt các sĩ quan cấp thấp hơn của Quân chủng Tên lửa. Điều này trùng hợp với những tin đồn đang lan truyền về nạn tham nhũng và việc bán các bí mật quân sự ở các cấp cao hơn của đơn vị này, dù không có cáo buộc nào được công khai. Vụ việc tiếp theo xảy ra khi người đứng đầu tòa án quân đội bị Quốc hội Trung Quốc cách chức. Sau đó, sang tháng 9, các nhà quan sát nhận thấy Bộ trưởng quốc phòng Lý Thượng Phúc đã nhiều lần không xuất hiện theo lịch trình, xác thực tin đồn rằng ông cũng đang bị điều tra về tội nhận hối lộ về vấn đề mua sắm thiết bị. Lý từng là Cục trưởng Cục Phát triển Thiết bị từ năm 2017 đến năm 2022.
Những vụ biến mất này gây bất ngờ cho nhiều nhà quan sát. Tập thường được miêu tả là người đứng đầu quân đội Trung Quốc quyền lực nhất kể từ khi Đặng Tiểu Bình làm Chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC) vào những năm 1980. Tập đã hoạt động tích cực trong các vấn đề quân sự ngay từ trước khi được bổ nhiệm làm chủ tịch CMC vào năm 2012. Ông là con trai của một chỉ huy Hồng Quân và đồng minh của Mao Trạch Đông, từng là Thư ký Bộ trưởng Quốc phòng vào đầu những năm 1980, thường xuyên phối hợp với quân đội trong vấn đề huy động nghĩa vụ khi còn là quan chức cấp tỉnh vào những năm 1990 và 2000, đồng thời giữ chức Phó Chủ tịch CMC dưới thời Chủ tịch Hồ Cẩm Đào từ năm 2010 đến năm 2012. Tập đã đánh bóng uy tín của mình thông qua cái gọi là hệ thống trách nhiệm của Chủ tịch CMC, vốn cho rằng chủ tịch là người chịu trách nhiệm cuối cùng trong các quyết định quân sự quan trọng. Tập cũng đã dành nhiều thời gian hơn những người tiền nhiệm trong việc thanh tra các đơn vị quân đội và đã xuất bản một số chuyên luận quân sự mà các quân nhân bắt buộc phải đọc.
Loại bỏ các quan chức cấp cao tham nhũng hoặc có lòng trung thành chính trị đáng ngờ (hoặc cả hai) là nhiệm vụ chính của Tập kể từ khi ông bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch CMC vào năm 2012. Chiến dịch chống tham nhũng của ông đã nhắm vào ít nhất 45 quan chức quân sự cấp cao từ năm 2013 đến năm 2016, cũng như các quan chức quân đội đã nghỉ hưu như các cựu phó chủ tịch CMC Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng. Kể từ đó, các cuộc điều tra chống tham nhũng đã trở nên thưa dần, thúc đẩy quan điểm rằng những nỗ lực thanh lọc nội bộ ban đầu của Tập phần lớn đã thành công. Tập vẫn can dự vào các cuộc bổ nhiệm trong quân đội, được cho là người nắm quyền thăng cấp tính từ cấp cao xuống đến cấp thiếu tướng. Tại Đại hội Đảng lần thứ 20 năm ngoái, Tập đã chọn một nhóm quan chức mới cho CMC, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Lý. Những người được chọn được cho là đáng tin cậy, có năng lực, và trung thành.
Những vụ biến mất này càng gây bất ngờ vì chức vụ mà các sĩ quan này đảm nhiệm. Quân chủng Tên lửa chịu trách nhiệm về lực lượng ICBM của Trung Quốc và do đó là lực lượng nhạy cảm nhất của PLA. Tòa án quân đội là một bộ phận của bộ máy kiểm soát nội bộ trong quân đội, và giống như bất kỳ hệ thống tư pháp quân sự nào, nó đòi hỏi ban lãnh đạo phải là người trong sạch để thực hiện nhiệm vụ của mình. Bộ trưởng Quốc phòng là một trong sáu sĩ quan quân đội là thành viên của CMC và là nhà ngoại giao quốc phòng hàng đầu của Trung Quốc, quản lý các mối quan hệ với quân đội Nga và các lực lượng khác. Vì lẽ đó, các ứng viên cho từng vị trí này đều phải trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt nhất có thể và phải được đích thân Tập chấp thuận. Việc ông không đảm bảo tuân thủ quy trình tuyển dụng cho các vị trí quan trọng này đã đặt ra câu hỏi về sự thành công của ông trong việc quản lý quân đội.
Thỏa thuận ngầm
Những vụ biến mất này cũng cho thấy Tập Cận Bình không thực sự nắm toàn quyền kiểm soát PLA như chúng ta nghĩ. Chúng cũng phản ánh cấu trúc cơ bản của quan hệ dân sự-quân sự ở Trung Quốc, giúp giải thích tại sao các trường hợp tham nhũng và quản lý kém vẫn có thể tiếp diễn ngay cả ở những bộ phận rất nhạy cảm của PLA. Dù Tập tự khẳng định mình là một Chủ tịch CMC đầy quyền lực, nhưng về cơ bản, PLA vẫn là một tổ chức tự quản. Khác với quân đội phương Tây, quân đội Trung Quốc không chịu cơ chế kiềm chế đối trọng nào từ bên ngoài, chẳng hạn như sự giám sát của Quốc hội, cơ quan tư pháp độc lập, hoặc phóng viên điều tra. Hơn nữa, chỉ trừ vài ngoại lệ, Tập đã không đưa các trợ lý thân cận từng làm việc cùng ông trong suốt sự nghiệp vào hàng ngũ quân đội – điểm này khác với hệ thống của Mỹ, nơi các tổng thống đã xây dựng bộ máy quân đội từ những người trung thành về chính trị.
PLA vốn đã luôn tách biệt, nhưng họ đã đạt được mức độ tự chủ đặc biệt cao trong giai đoạn 1980. Một thập niên trước đó, dưới thời Mao, PLA đã tham gia sâu vào việc điều hành đất nước và các sĩ quan cấp cao trong quân đội đã nắm giữ các vị trí hàng đầu trong đảng. Trong khi đó, Đặng Tiểu Bình ưa thích các nhà kỹ trị dân sự hơn và đã ra lệnh cho PLA quay trở lại doanh trại, nơi họ chỉ tập trung vào việc hiện đại hóa quân đội. Ông cũng yêu cầu họ thực hiện điều này với nguồn ngân sách eo hẹp (quân đội là bước cuối cùng trong "bốn hiện đại hóa " của ông). Thoả thuận ngầm ở đây là PLA sẽ được tự do hoạt động theo ý mình nếu họ chấp nhận sự cai trị của đảng và không trở thành một mối đe dọa ; các nhà lãnh đạo dân sự đã đồng ý trao cho quân đội quyền tự quyết rộng rãi trong hệ thống. Đặng cũng cho phép PLA vận hành nhiều đế chế kinh doanh, dẫn đến những vụ án khét tiếng hồi thập niên 1990, khi các nhân viên thu mua của quân đội đã nhập khẩu và bán xe hơi hạng sang. Những người kế nhiệm Đặng, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, đã gặp khó khăn lớn trong việc thuyết phục PLA rút khỏi những hoạt động kinh doanh như vậy.
Tập đã khuyến khích PLA trở nên trong sạch và chuyên nghiệp hơn, tiếp tục đường lối của những người tiền nhiệm. Trong bài phát biểu mang tính bước ngoặt năm 2014 tại Cổ Điền, địa điểm diễn ra hội nghị nổi tiếng năm 1929, trong đó thiết lập nguyên tắc "đảng chỉ huy quân đội", Tập đã khuyến khích tính kỷ luật trong các sĩ quan PLA, những người mà ông cáo buộc đã "quá lơ là" trong nhiệm vụ của họ và quá tập trung vào việc đề cao cá nhân hơn là trách nhiệm nghề nghiệp "chiến đấu và giành chiến thắng trong các cuộc chiến". Cùng với chiến dịch chống tham nhũng, Tập đã tổ chức lại bộ máy quân đội để thúc đẩy quản lý tốt hơn, bao gồm việc trao thêm quyền cho các kiểm toán viên tài chính và thanh tra chống hối lộ. Tuy nhiên, Tập đã không thay đổi thỏa thuận giữa Đặng và quân đội. Ông vẫn cho phép PLA tiếp tục tự quản mà không có sự can thiệp từ các cơ quan chức năng bên ngoài. Vương Kỳ Sơn, người giám sát các cuộc thanh trừng chống tham nhũng trong bộ máy dân sự, không có thẩm quyền làm điều tương tự trong quân đội (trớ trêu thay, các thành viên quân đội lại góp mặt trong cơ quan giám sát các cuộc điều tra dân sự).
Lý do chính cho quyền tự chủ này là Tập Cận Bình cần giành được và duy trì sự ủng hộ từ PLA. Dù quyết tâm loại bỏ tận gốc mạng lưới các sĩ quan tham nhũng và có khả năng không trung thành, ông vẫn cần sự hỗ trợ từ giới lãnh đạo quân đội để củng cố quyền lực của mình và để thực hiện kế hoạch tái cơ cấu quân đội ở quy mô lớn nhất kể từ những năm 1950. Sự thay đổi đó bao gồm việc cắt giảm 300.000 nhân sự và giảm tỷ lệ lực lượng mặt đất có ảnh hưởng chính trị từ hơn 2/3 xuống còn chưa đến 1/2 lực lượng. Sự phản kháng từ bộ máy đã ngăn cản Giang và Hồ thực hiện các kế hoạch cải cách quân sự đầy tham vọng tương tự, nhưng Tập có thể làm được những cải cách như vậy vì ông đã nhận được sự ủng hộ từ các lãnh đạo quân đội và cho phép PLA gần như không chịu sự giám sát từ bên ngoài. Ngoài ra, còn một "củ cà rốt" khác. Tập đã tuân theo các quy định về thăng chức và nghỉ hưu đã tồn tại từ lâu, tìm kiếm vị trí mới cho các quan chức cấp cao bị thay thế trong quá trình tái tổ chức quân đội, và cho phép họ thực hiện nhiệm kỳ của mình với đầy đủ phúc lợi.
Việc giám sát lỏng lẻo PLA đi đôi với việc tiếp tục gia tăng ngân sách quốc phòng. Từ năm 2012 đến năm 2022, chi tiêu quốc phòng chính thức của Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi, từ 670 tỷ lên 1,45 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 106 tỷ lên 230 tỷ USD). Khoảng 40% trong số này được phân bổ cho ngân sách mua sắm, theo đó được dùng vào các hạng mục tốn kém như tàu sân bay, hiện đại hóa máy bay chiến đấu, và mở rộng đáng kể kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Những cá nhân như lãnh đạo Quân chủng Tên lửa, Cục trưởng Cục Phát triển Thiết bị, và những người chịu trách nhiệm giám sát đều có khả năng thu lợi. Họ có phương tiện, động cơ và cơ hội để thu lợi cá nhân, bất chấp những lời lẽ của Tập về chống tham nhũng và chuyên nghiệp hóa.
Khủng hoảng niềm tin
Việc hiểu những cuộc thanh trừng gần đây qua lăng kính quan hệ quân sự-dân sự độc đáo của Trung Quốc sẽ cho thấy khả năng quản lý bộ máy quân đội đang suy yếu của Tập Cận Bình. Nó cũng giúp giải thích tại sao những trường hợp tham nhũng vẫn tồn tại suốt một thập niên kể từ khi Tập lên nắm quyền và ở những vị trí nhạy cảm. Lợi ích chính trị của Tập khi trao cho PLA quyền tự chủ cũng có thể giúp giải thích các trường hợp đáng ngạc nhiên khác, trong đó quân đội dường như hoạt động ngoài giới hạn kiểm soát dân sự. Ví dụ là các kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng gây tranh cãi ở khu vực Doklam của Bhutan, vốn gây ra khủng hoảng ngoại giao với Ấn Độ năm 2017 và có lẽ cũng gây bất ngờ cho giới lãnh đạo Trung Quốc ; hoặc sự cố khinh khí cầu do thám hồi tháng 2 cũng có thể cho thấy PLA đã tiến hành các chương trình bí mật mà không có sự giám sát hoặc phối hợp. Ở một số khía cạnh, PLA vẫn duy trì cái mà nhà khoa học chính trị Andrew Scobell gọi là bề ngoài "nổi loạn" (roguish outfit) – ít có khả năng tiến hành đảo chính nhưng cũng không được giám sát đầy đủ.
Sự mất niềm tin rõ ràng vào một số lãnh đạo hàng đầu của PLA đã đặt ra những câu hỏi mới – đối với các nhà quan sát bên ngoài, về bản thân Tập và cả những quan chức dân sự khác trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị của Đảng cộng sản Trung Quốc – về mức độ tham nhũng của hệ thống mua sắm thiết bị, và liệu quân đội còn đang che giấu điều gì về chi tiêu và hoạt động của mình. Bên cạnh nền kinh tế đang suy thoái, các vấn đề về quản lý yếu kém trong PLA có thể sẽ đòi hỏi Tập phải dành nhiều thời gian và sự chú ý hơn.
Sự thiếu tin tưởng vào quân đội nhiều khả năng cũng tác động đến những cân nhắc của đảng về việc sử dụng vũ lực trong thời gian tới. Xét đến kinh nghiệm của ông, Tập Cận Bình có lẽ nhận thức được rằng PLA là một tổ chức dễ xảy ra bê bối và khó kiểm soát, bất chấp những nỗ lực tuyên truyền và các chiến dịch chống tham nhũng định kỳ. Những vụ việc gần đây chỉ làm tăng thêm nghi ngờ rằng PLA có thể đang che giấu những khiếm khuyết khác, bao gồm cả thông tin về những thiết bị quan trọng được mua trong 10 năm qua. Điều này cuối cùng có thể tác động đến sự sẵn sàng của quân đội, hoặc chí ít là nhận thức của giới tinh hoa dân sự về khả năng và độ tin cậy của các lực lượng này trong một cuộc xung đột. Họ sẽ phải đặt câu hỏi điều gì có thể xảy ra nếu PLA được yêu cầu hành động vượt khỏi những màn phô trương sức mạnh mang tính biểu tượng, chẳng hạn như gửi máy bay chiến đấu đến gần Đài Loan và tham gia vào một cuộc xung đột thực sự chống lại một kẻ thù có năng lực. Những lo ngại như vậy sẽ ảnh hưởng đến các quyết định mà Tập và Thường vụ Bộ Chính trị đưa ra về việc có nên tham gia xung đột với Mỹ và Đài Loan ngay từ đầu hay không.
Tập có thể nhận công lao vì đã xây dựng một quân đội hùng mạnh trong thời bình, đặt ra những thách thức không thể phủ nhận đối với Đài Loan và các đối thủ khác trong khu vực. Nhưng chính vì ông cần sự ủng hộ về thể chế từ PLA, nên ông đã do dự trong việc làm đảo lộn guồng máy của quân đội. Hiểu biết của Tập về tính bí mật và sự quản lý yếu kém đã ăn sâu trong bộ máy của PLA có thể khiến ông nghi ngờ khả năng hoạt động của lực lượng này trong một cuộc khủng hoảng hoặc xung đột. Trong khi người Mỹ lo lắng tìm kiếm cách tốt nhất để ngăn chặn một cuộc xâm lược của Trung Quốc, thì biện pháp kiềm chế tối quan trọng có thể nằm ở ngay bên trong nước này.
Joel Wuthnow
Nguyên tác : "Why Xi Jinping Doesn’t Trust His Own Military", Foreign Affairs, 26/09/2023.
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 04/10/2023
Joel Wuthnow là nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia thuộc Đại học Quốc phòng Mỹ. Các quan điểm trong bài viết là quan điểm cá nhân của ông.
Tại bữa tiệc chiêu đãi trước lễ kỷ niệm 74 năm thành lập nước Trung Quốc hiện đại hôm thứ Năm (28/9), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi cả nước "đoàn kết" trong một bài phát biểu thường được Thủ tướng đọc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trong đại yến tại Đại lễ đường Nhân dân trước Ngày Quốc khánh Trung Quốc ở Bắc Kinh vào ngày 28 tháng 9 năm 2023.
Kể từ khi nhậm chức chủ tịch nước vào tháng 3/2013, ông Tập trước đây đã hai lần đọc bài phát biểu tại tiệc chiêu đãi hàng năm, thường được tổ chức vào đêm trước Quốc khánh 1/10. Trong những năm khác, bài phát biểu đều do Thủ tướng của ông đưa ra.
Lần đầu tiên, ông Tập đọc bài phát biểu là vào năm 2014 trong một buổi chiêu đãi với hơn 3.000 khách, nhiều hơn nhiều so với con số bình thường là 1.200 người vào thời điểm đó. Năm 2019, ông Tập một lần nữa có bài phát biểu tại tiệc chiêu đãi, năm đó đánh dấu kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Lần thứ ba là vào thứ Năm, ba ngày trước lễ kỷ niệm 74 năm.
"Tương lai của chúng ta tươi sáng nhưng con đường phía trước sẽ không bằng phẳng", ông Tập nói với khoảng 800 quan khách, trong đó có một số nhà ngoại giao nước ngoài, tại Đại lễ đường Nhân dân ở trung tâm Bắc Kinh.
Khi Tập Cận Bình bắt đầu nhiệm kỳ chủ tịch nước thứ ba chưa từng có tiền lệ vào năm 2023, bối cảnh chính trị trong nước của Trung Quốc đã thay đổi, chẳng hạn như sự biến mất không rõ nguyên nhân của hai Bộ trưởng nội các và các chỉ huy quân sự hàng đầu.
Sự thay đổi như vậy trong các cấp cao nhất của chính phủ Trung Quốc đã khuấy động các cuộc thảo luận giữa các nhà ngoại giao và học giả về các cuộc thanh trừng chính trị, với tính khó lường ngày càng tăng có khả năng che mờ những kỳ vọng về hoạch định chính sách và cản trở sự tham gia với các chính phủ nước ngoài.
Quan chức mới nhất biến mất khỏi mắt công chúng một cách khó hiểu là Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc. Người ta nhìn thấy ông lần cuối ở Bắc Kinh vào ngày 29/8, khi ông có bài phát biểu quan trọng tại một diễn đàn an ninh với các quốc gia châu Phi.
Không rõ ai sẽ đại diện cho quân đội Trung Quốc khi Bắc Kinh tổ chức sự kiện ngoại giao quốc phòng lớn nhất, Diễn đàn Tương Sơn, vào ngày 29-31/10.
Tại tiệc chiêu đãi hôm thứ Năm, ông Tập nói với các vị khách rằng Trung Quốc phải tiếp tục vượt qua "những trở ngại", trong khi Thủ tướng hiện tại của ông, Lý Cường, chăm chú lắng nghe tại bàn tiệc, theo đoạn phim được đài truyền hình quốc gia Trung Quốc phát sóng.
"Sức mạnh của chúng ta đến từ sự đoàn kết, và sự tự tin thậm chí còn quý hơn vàng", ông Tập nói.
(Reuters)
Nguồn : VOA, 28/09/2023
Tập Cận Bình có thực sự kiểm soát được quân đội Trung Quốc ?
Le Monde ngày 27/09/2023 nhận định "Tập Cận Bình đối mặt với sai lầm của chính mình trong việc bố trí nhân sự cho quân đội Trung Quốc". Mười năm sau khi lên cầm quyền, liệu ông Tập có thực sự kiểm soát được quân đội ? Việc thay hai tướng lãnh của quân chủng hỏa tiễn và sự mất tích của bộ trưởng quốc phòng Lý Thượng Phúc khiến người ta phải đặt ra câu hỏi này.
Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình và tân tư lệnh Quân chủng hỏa tiễn Vương Hậu Bân (trái), chính ủy Từ Tây Thịnh (phải), sau khi cả hai được phong tướng. Ảnh của Tân Hoa Xã ngày 31/07/2023. AP - Li Gang
Chống tham nhũng trong quân đội : Chưa có hồi kết
Suốt cả thập niên qua, Tập Cận Bình nắm trong tay cả ba vị trí tổng bí thư, chủ tịch nước và chủ tịch Quân ủy Trung ương - cơ quan lãnh đạo quân đội. Theo tác giả Bates Gill của Asia Society Policy Institute, trước thời ông Tập, trong những năm 1990 và 2000, quân đội Trung Quốc trở nên độc lập hơn và phi chính trị. Tham nhũng lan tràn trong việc quản lý các quán bar, nhà thổ, công ty vận tải… ; tham ô, mua quan bán tước phổ biến ở mọi cấp.
Từ 2014, Tập Cận Bình cho bắt giam hai tướng Từ Tài Hậu (Xu Caihou) và Quách Bá Hùng (Guo Boxiong), đều là phó chủ tịch Quân ủy. Tổng cộng trong mười năm qua đã có 13.000 quân nhân bị kỷ luật, trong đó có hơn một chục tướng. Tập cũng sắp xếp lại đội ngũ để phá vỡ quyền lực của những ông trùm, cho tăng ngân sách nhưng giảm bớt 300.000 quân để duy trì lực lượng hành động ở con số 2 triệu. Những động thái này khiến Tập Cận Bình gây không ít bất mãn trong quân đội.
Những diễn biến mới đây cho thấy việc tổ chức lại quân đội vẫn chưa kết thúc. Theo Washington, bộ trưởng Lý Thượng Phúc bị điều tra vì tham nhũng. Vốn là kỹ sư, ông Lý là một trong những người chủ trì chương trình không gian Trung Quốc. Năm 2017, ông được bổ nhiệm làm chủ nhiệm bộ Phát triển Trang bị của Quân ủy, có nghĩa là giám sát mọi việc mua bán vũ khí. Cũng vì mua vũ khí Nga nên Lý Thượng Phúc bị Hoa Kỳ trừng phạt.
Sau thanh trừng đối thủ, đến lượt tay chân thân tín
Thế nhưng cuối tháng Bảy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương mở điều tra về bộ phận này. Liệu Ủy ban sẽ lần đến những năm trước cái mốc 2017 hay không ? Người tiền nhiệm của Lý Thượng Phúc là thượng tướng Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia), dù đã 73 tuổi vẫn được ông Tập cho lưu giữ chức vụ phó chủ tịch Quân ủy. Trên thực tế, Trương Hựu Hiệp là tướng lãnh quyền lực nhất, là gạch nối giữa Tập Cận Bình và quân đội. Nếu đến lượt ông Trương bị điều tra tham nhũng, sẽ là một trận động đất trong giới quân nhân.
Trương Hựu Hiệp không xuất hiện trước công chúng từ ngày 08/09 đến nay, gây ra nhiều đồn đãi. Nhất là cùng lúc đó ông Tập lại trảm cả đầu não lực lượng rất chiến lược là hỏa tiễn, bổ nhiệm hai tướng từ hải quân và không quân lên thay. Nếu trong những năm đầu, việc thanh trừng nhắm vào các đối thủ chính trị của Tập Cận Bình, thì những nhân vật bị kỷ luật hiện nay do chính ông Tập đưa lên. Bates Gill kết luận, chừng như tham nhũng vẫn dai dẳng, như vậy cần đặt dấu hỏi về khả năng áp đặt của ông Tập lên đế chế Giải phóng quân.
Bất đồng về việc đánh chiếm Đài Loan ?
Nhưng phải chăng chỉ có vấn đề duy nhất là tham nhũng ? Marc Julienne, Viện Quan hệ Quốc tế cho rằng, với vị trí và chuyên môn của Lý Thượng Phúc trong lãnh vực không gian, khó thể đơn giản như vậy. Tương tự, việc thay người, đưa hai sĩ quan chưa hề có kinh nghiệm trong lãnh vực hỏa tiễn lên lãnh đạo quân chủng chiến lược này cho thấy có thể do bất đồng chính trị nên những "con chiên lạc" mới bị loại ra ngoài.
Nhà Trung Quốc học Alex Payette chỉ ra nhiều cái tên trong danh sách "mất tích", ngoài Trương Hựu Hiệp, Lưu Á Châu (Liu Yazhou) cựu chỉ huy lực lượng hỏa tiễn và Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao) cựu chính ủy Đại học Quốc phòng, "không mấy hào hứng về một chiến dịch quân sự chống Đài Loan". Dù ý kiến các chuyên gia có khác nhau, nhưng chứng tỏ Tập Cận Bình đã sai lầm trong việc bố trí nhân sự, và không ai kể cả những người thân cận ông ta có thể tránh được việc bất ngờ bị thất sủng.
Kinh tế Trung Quốc lao đao, dân Hoa lục vẫn tiêu xài
Về kinh tế, Le Monde cảnh báo đừng vội "chôn vùi" Trung Quốc quá sớm. Đã đành là nhiều công ty địa ốc mất khả năng chi trả, chính quyền các địa phương nợ nần rất nhiều, hơn 1/5 thanh niên thành phố thất nghiệp... nhưng không thể nói là Trung Quốc đang sụp đổ. Tại Bắc Kinh và các thành phố lớn, các nhà hàng, trung tâm thương mại vẫn đông khách, khó tìm mua vé xe lửa trong kỳ nghỉ Trung Thu.
Mặc cho xu hướng dân tộc chủ nghĩa và mẫu Huawei mới nhất Mate 60 Pro vừa ra, người tiêu dùng vẫn chen chúc trước các cửa hàng Apple để mua iPhone 15. Tóm lại, dù Trung Quốc đang lao đao, người dân Hoa lục vẫn bình thường. Sau ba năm bị phong tỏa do chính sách zero Covid, số tiền tiết kiệm của các hộ gia đình đã tăng thêm 2.500 tỉ đô la trong năm 2022. Và do dân số sút giảm nên GDP tính theo đầu người tăng lên, thế nên việc mua iPhone không quá khó, kể cả Tesla.
Tư lệnh Hạm đội Hắc Hải còn sống hay đã chết ?
Liên quan đến chiến tranh ở Ukraine, đô đốc Nga Sokolov được Ukraine cho là đã tử thương, nhưng lại xuất hiện trong một video của Nga, sự thật ra sao ? Libération phân tích trong mục Check News. Ngày 25/09 danh khoản Telegram của lực lượng đặc biệt Ukraine thông báo đô đốc Viktor Sokolov đã thiệt mạng trong vụ oanh kích ngoạn mục hôm 22/09 trúng ngay tổng hành dinh Hạm đội Hắc Hải ở Crimée, AFP và nhiều tờ báo đã đưa lại thông tin này. Nhiều video nghiệp dư quay tại Sevastopol cho thấy cảnh các hỏa tiễn Scalp tấn công, và những hình ảnh vệ tinh xác nhận tòa nhà đã bị phá hủy. Tuy nhiên giám đốc tình báo Ukraine Kyrylo Budanov hôm 23/09 vẫn tỏ ra thận trọng chưa xác nhận.
Về phía Nga ban đầu chần chừ không nói gì về số nạn nhân trong vụ oanh kích. Nhưng đến hôm 26/09 ông Sokolov tái xuất hiện trong một cuộc họp qua video với bộ trưởng quốc phòng Sergey Shoigu. Lực lượng đặc biệt Ukraine cho biết "đang làm rõ thông tin" vì nhiều xác biến dạng chưa thể nhận diện. Libération không thể khẳng định tính xác thực của video trên, nhưng giờ được ghi là 11 giờ 20 ngày 26/09, bối cảnh và dạng thức phù hợp với các video trước đó của bộ quốc phòng Nga. Ông Sokolov được zoom cận cảnh nhiều lần, khác hẳn với những cuộc họp bình thường, có lẽ nhằm chứng minh ông ta còn sống.
Đây không phải là lần đầu tiên "người chết sống lại" đối với phía Nga, như trường hợp thủ lãnh Chechnya, Ramzan Kadyrov. Moskva cũng đã nhiều lần loan tin tổng tham mưu trưởng quân đội Valeri Zalujny hay giám đốc tình báo Kyrylo Budanov của Ukraine đã thiệt mạng.
Lãnh hai đòn ở Hắc Hải, Nga cay cú trả đũa vào Odessa
Cũng về Ukraine, phóng sự của Le Monde mô tả "Odessa, một đêm dưới bom Nga". Một trận mưa hỏa tiễn và drone đã trút xuống thành phố cảng Ukraine làm hai người chết và gây nhiều thiệt hại nặng nề. Vào khoảng 12 giờ rưỡi khuya Chủ nhật 24/09, đêm Odessa bốc lửa trong suốt nửa tiếng đồng hồ. Bầu trời rực đỏ, những tiếng nổ vang rền khi phòng không chặn được hỏa tiễn Nga và khi chúng đạt được mục tiêu, ánh sáng của những lằn đạn nhắm vào các drone.
Chỉ riêng trong đêm hôm đó, Nga đã phóng đi 19 drone Shahed và hai hỏa tiễn hành trình P-800 Oniks, thêm 12 hỏa tiễn Kalibr. Một tàu ngầm Nga tham gia chiến dịch này. Ukraine khẳng định đã bắn hạ tất cả các drone Nga trong đêm, nhưng một trong số các hỏa tiễn Kalibr và Oniks đã xuyên qua được lưới phòng không.
Đó là chuyện thường ngày tại nhiều thành phố Ukraine từ đầu cuộc xâm lăng, nhưng cho đến nay Odessa chưa hề bị oanh kích ồ ạt như vậy. Nga nói rằng chỉ nhắm vào những nơi có "lính đánh thuê nước ngoài", nhưng không đưa ra được bằng chứng nào. Theo tờ báo, Moskva trả đũa hai sự kiện : một chuyến tàu thứ hai chở lúa mì Ukraine đến Istanbul theo một hành lang trên Hắc Hải bất chấp đe dọa của Nga, và vụ oanh kích vào tổng hành dinh Hạm đội Hắc Hải làm 34 sĩ quan Nga tử thương.
Xe tăng Abrams của Mỹ đã hiện diện trên chiến địa
Trên chiến trường, các xe tăng Abrams của Mỹ sẽ mang lại những gì cho Kiev ? Đã nhiều tháng những chiếc Challenger của Anh và Leopard của Đức có mặt trên chiến địa, và cuối cùng những chiếc Abrams M1A1 rất được chờ đợi cũng đến nơi. Le Figaro cho rằng 31 chiến xa đầu tiên là sự hỗ trợ quý giá, vào lúc lực lượng Ukraine gặp nhiều khó khăn trong việc vượt qua phòng tuyến của Nga.
Đó không phải là phiên bản M1A2 tân tiến nhất, vì luật liên bang cấm xuất khẩu những vũ khí nhạy cảm để tránh rơi vào tay địch. Vả lại Moskva đã hứa thưởng nhiều triệu rúp nếu phá hủy và nhất là tịch thu được xe tăng của phương Tây. Tuy vậy xe tăng nổi tiếng Abrams của Mỹ vượt trội loại T-80. Ưu điểm trước hết là hỏa lực, với đại bác nòng trơn 120 ly có thể đạt tới mục tiêu cách 4 kilomet. Kế tiếp là tính cơ động : với loại tua-bin mới, chiến xa này có thể vừa chạy vừa khai hỏa một cách chính xác.
Chuyên gia Yann Boivin, cựu chỉ huy một trung đoàn xe tăng Leclerc giải thích, Abrams được chế tạo để tiến công thay vì để thủ trước Hồng quân, sẽ hữu ích cho lực lượng Ukraine ở Robotyne nhằm vượt qua phòng tuyến thứ nhì của Nga. Cần chú ý xem Hoa Kỳ chuyển giao những thiết bị nào kèm theo, chẳng hạn những ru-lô phá mìn sẽ là một ưu thế rất lớn. Ngược lại, kiểu M1A1 có những nhược điểm như lớp bảo vệ chưa thật chắc chắn, phải bảo trì thường xuyên và uống nhiều xăng, gần 7 lít/kilomet ; nên phải có nhiều phụ tùng thay thế và xe bồn đi kèm. Đó cũng là một trong những lý do khiến Washington do dự.
Vĩnh biệt Thượng Karabakh, quê hương nay đã thành quá khứ !
Về cuộc di tản của cả trăm ngàn dân Thượng Karabakh, báo chí Pháp thuật lại trong các bài phóng sự với rất nhiều thương cảm. Les Echos mô tả "Thượng Karabakh vắng hẳn và Armenia rung chuyển", La Croix cho biết "Tại Goris, dòng người tị nạn thường xuyên đổ về từ Thượng Karabakh". Le Monde nói đến "Cuộc chạy trốn khẩn cấp của người Armenia", Libération dẫn lời một người chạy loạn "Tôi biết rằng sẽ không bao giờ trở lại Thượng Karabakh".
Họ phải tha hương vì không có cách nào khác, Baku đã ra lệnh hoặc trở thành dân Azerbaijan, hoặc ra đi. Tổng thống Azerbaijan, Ilham Aliev nói về "tái hòa nhập một cách hòa bình", nhưng ai có thể tin được khi sau cuộc chiến năm 2020, chính ông ta đã đòi truy lùng họ "như những con chó". Nỗi lo một cuộc thanh lọc chủng tộc lớn hơn bao giờ hết khi những bài viết thù địch nở rộ trên các kênh Telegram của Azerbaijan, cổ vũ việc sát hại, tra tấn cư dân Artsakh, thậm chí thưởng tiền. Những người dân cuối cùng chạy khỏi Thượng Karabakh nhìn thấy người Azerbaijan phá hủy những cây thánh giá, các giáo đường, đốt nhà dân…
Đến hôm qua, hơn 50.000 người đã sang đến Armenia, hầu hết chỉ kịp mang theo vài món đồ dùng cá nhân. Cốp xe của gia đình Jrahars Petrossian trống rỗng, họ chỉ có đôi dép mang trong nhà, cho Le Monde biết phải chạy trốn lúc các xe tăng đã bao vây. Robert Sarkissian nói với Libération : "Tôi có hai căn nhà ở Stepanakert, và giờ đây tất cả những gì tôi còn lại là trên chiếc xe này".
Một nữ giáo viên cho biết : "Tất cả mọi người đều ra đi, đây là hồi kết của Thượng Karabakh. Trừ một bà cụ vừa mất đứa con trai trong cuộc chiến mới đây, bà muốn luôn ở gần mộ con". Những người phải rời bỏ vùng đất sinh sống từ nhiều đời biết rằng họ sẽ chẳng bao giờ được quay lại. Baghdassar, 36 tuổi, nghẹn ngào : "Làm thế nào các vị hiểu được tâm trạng một kẻ bị mất quê hương ?"
Thụy My
Cuộc thanh trừng trong hàng ngũ quân đội và sự bất mãn âm ỉ đã khiến các vị tướng về hưu phải họp mật nghị.
Tướng về hưu Chi Haotian, trái, để Zeng Qinghong phát biểu thay mặt các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc tại mật nghị hồi tháng 8, khi Chủ tịch Tập Cận Bình có rất nhiều điều để lắng nghe. (Ảnh dựng phim của Nikkoi/Nguồn ảnh của Getty Images và Yusuke Hinata)
Tại một cuộc họp ở khu nghỉ mát ven biển Bắc Đới Hà hồi mùa hè này, một nhân vật hàng đầu trong quân đội, 94 tuổi, đã ngồi im lặng trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình và những người ra quyết định hàng đầu khác của Đảng Cộng sản Trung Quốc cẩn trọng lắng nghe một đảng viên lão thành đã nghỉ hưu khác nhận xét về tình hình đất nước.
Mật nghị hàng năm tại thành phố biển tỉnh Hà Bắc là không gian cho các lãnh đạo đảng đương nhiệm và lão thành trao đổi quan điểm về các vấn đề quan trọng một cách không chính thức. Nhưng năm nay thì khác. Chỉ có một đảng viên lão thành lên tiếng, trong khi các quan chức đương nhiệm lắng nghe.
Các nguồn tin quen thuộc với những vấn đề nội bộ của Trung Quốc đã tiết lộ một số thông tin hiếm hoi về cuộc họp, "Chỉ có một số đảng viên lão thành quyền lực và được lựa chọn mới có mặt tại Bắc Đới Hà vào mùa hè này". "Một trong những nhân vật này đến từ Quân đội Giải phóng Nhân dân". "Sau cuộc gặp với các đảng viên lão thành, Tập đã trút giận lên các trợ lý thân cận".
Đại diện của nhóm đảng viên lão thành là cựu Phó Chủ tịch Trung Quốc, Tăng Khánh Hồng, 84 tuổi, như đã đưa tin trong chuyên mục này hai tuần trước. Nhưng một nhân vật nổi bật khác cũng có mặt.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 15/09. Khoảng một tháng trước đó, Tập có thể đã nghĩ rằng ông đang cho các quan chức đã nghỉ hưu một cơ hội để "xả bức xúc". (Nguồn ảnh Telegram của Thủ tướng Campuchia/AP) © AP
Ngồi cạnh Tăng là Trì Hạo Điền, một đảng viên lão thành xuất thân từ Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA). Vừa 94 tuổi vào mùa hè này, ông đã giữ các chức vụ chủ chốt trong quân đội suốt nhiều năm.
Trì Hạo Điền đã dành phần lớn sự nghiệp quân sự để tham gia vào các vấn đề chính trị với tư cách là Tham mưu trưởng của PLA. Sau đó, ông giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng trong 10 năm.
Ông cũng đồng thời giữ chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, một vị trí lãnh đạo hàng đầu trong quân đội, và còn là Uỷ viên Quốc vụ, chức vụ tương đương cấp phó thủ tướng, trong phần lớn thời gian làm Bộ trưởng Quốc phòng.
Nhờ sự nghiệp quân sự xuất sắc của mình, Trì được nhiều người xem là một cố vấn đáng kính, luôn theo dõi sát sao quân đội.
Ngày 23/03/1998, trong giai đoạn làm Bộ trưởng Quốc phòng, Trì đã gặp Yuji Fujinawa, lúc đó là Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản. Trì nói với Fujinawa rằng việc trao đổi quốc phòng sẽ giúp hai bên tin tưởng lẫn nhau và đóng góp cho an ninh khu vực.
Hình ảnh của Trì Hạo Điền chụp vào tháng 3/1998, khi ông còn là Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc. (Ảnh của Katsuji Nakazawa)
Bức ảnh trên đây, được chụp ngay trước cuộc gặp đó, đánh dấu thời kỳ mà quân đội Trung Quốc còn khá công khai, chứ không bí mật như bây giờ. Trong lúc chờ Fujinawa, Trì đã vui vẻ làm theo yêu cầu của các nhà báo Nhật Bản muốn chụp ảnh ông.
Nhưng đó là vào 25 năm trước. Mùa hè này, Trì Hạo Điền đến Bắc Đới Hà cùng với Tăng Khánh Hồng và ngồi cạnh cựu phó chủ tịch. Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết vị đảng viên lão thành trong quân đội đã không nói một lời nào. Sự im lặng của ông thật thú vị.
Sau khi trở thành Chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC), Tập đã đưa ra một khẩu hiệu định hướng cho quân đội "nghe và làm theo mệnh lệnh của đảng". CMC hiện là cơ quan giám sát hàng đầu của PLA.
Nếu khẩu hiệu mới – "nghe và làm theo mệnh lệnh của đảng" – được hiểu theo đúng nghĩa đen, thì nghĩa là quân đội trước đây từng không tuân theo mệnh lệnh đảng. Tuy nhiên, PLA được thành lập để bảo vệ đảng, và trong những ngày đầu thành lập, quân đội chính là đảng.
Năm 1989, PLA đã đàn áp các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ của sinh viên để bảo vệ đảng. Sự việc khiến nhiều người thiệt mạng nhưng chế độ độc đảng vẫn được duy trì.
Đây là một điểm quan trọng. Khi nhìn lại, có thể nói rằng Tập đang sử dụng khẩu hiệu mới để kêu gọi lòng trung thành tuyệt đối với chính ông.
Quả thực, Tập đã quyết tâm loại bỏ các phe phái thân cận với hai cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân ra khỏi quân đội. Ngay từ đầu nhiệm kỳ của Tập, một cuộc điều tra nghiêm ngặt đã được tiến hành đối với các cựu quân nhân đã nghỉ hưu, trong đó có Từ Tài Hậu, cựu phó chủ tịch CMC, về vấn đề tham nhũng.
Nhiều đảng viên lão thành trong quân đội bị Tập nhắm đến đã bị kết án tù chung thân. Từ cũng bị giam giữ, nhưng đã qua đời vào tháng 3/2015 tại một bệnh viện, nơi ông được điều trị sau khi bệnh ung thư bàng quang di căn sang các bộ phận khác trên cơ thể.
Từ Tài Hậu (trái) cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, là một trong số các quan chức quân đội đã nghỉ hưu bị điều tra về vấn đề tham nhũng. (Ảnh của Katsuji Nakazawa)
Cuộc thanh trừng các quan chức quân đội vẫn tiếp tục. Tháng 11/2017, Trương Dương, Chủ nhiệm Ban Công tác Chính trị Quân ủy Trung ương, đã treo cổ tự tử tại nhà riêng trong lúc bị quản thúc tại gia vì nghi ngờ vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.
Cuộc thanh trừng tàn bạo nhằm loại bỏ các thế lực cũ ra khỏi quân đội vẫn tiếp tục cho đến tận hôm nay.
Kỷ luật vẫn được duy trì. Các quan chức quân đội dù bất mãn đến đâu cũng không thể bày tỏ sự bất bình, một phần vì lòng kiêu hãnh của họ với tư cách là người bảo vệ đảng.
Điều này khiến các cựu quân nhân đã nghỉ hưu buộc phải truyền đạt cho các nhà lãnh đạo đảng biết rằng tình hình quân đội ngày nay đã nghiêm trọng đến mức nào.
Nhưng Tập hiện là nhà lãnh đạo tối cao của Ban Chấp hành Trung ương đảng. Ngay cả đối với những quân nhân lão thành có ảnh hưởng lớn như Trì, việc đưa ra bất kỳ chỉ trích nào ngay trước mặt Tập cũng là điều cấm kỵ. Đó là lý do tại sao Trì lại để Tăng, gương mặt đại diện cho các đảng viên lão thành, lên hàng đầu, trong khi bản thân ông giữ im lặng.
Sự hiện diện của một nhân vật nặng ký trong quân đội có lẽ đã đủ để Tập khó chịu, vì điều đó khiến Tập không thể phớt lờ lời khuyên của Tăng.
Năm nay, các đảng viên lão thành đã trao đổi quan điểm từ trước khi diễn ra mật nghị Bắc Đới Hà, nhiều khả năng họ đã họp ở ngoại ô Bắc Kinh.
Trong quá khứ, Tập rất ghét việc các đảng viên lão thành gặp riêng hoặc trao đổi quan điểm với nhau. Nếu những nhận xét chỉ trích Tập trong các cuộc thảo luận như vậy được phổ biến rộng rãi trong công chúng, chúng có thể ảnh hưởng đến cơ sở quyền lực của ông.
Do đó, Tập đã đưa ra "thông báo chính thức" cảnh báo nhóm đảng viên lão thành không được gặp riêng nhau. Ông cũng tận dụng tối đa các trợ lý thân cận của mình để giám sát các đảng viên lão thành.
Tuy nhiên, một nguồn tin cho biết cuộc gặp trước thềm Bắc Đới Hà của các đảng viên lão thành "không hẳn là một cuộc họp bí mật". Thật ra, nó đã được lãnh đạo đảng chấp thuận, vì thực sự không còn lựa chọn nào khác.
Tập nhận thức được rằng tình hình chính trị, kinh tế và xã hội Trung Quốc đang rơi vào khó khăn nghiêm trọng. Với tỷ lệ thất nghiệp cao chưa từng thấy, thanh niên đã sẵn sàng nổi loạn. Khi phong trào biểu tình "giấy trắng" của giới trẻ lan rộng vào cuối năm ngoái, nó đã gây chấn động trong đảng.
Để tránh xảy ra hỗn loạn, trong chừng mực nào đó, giới lãnh đạo đảng cần phải lắng nghe tiếng nói của các đảng viên lão thành. Tập có lẽ nghĩ rằng ông chỉ đơn giản trao cho các quan chức đã nghỉ hưu một cơ hội để "xả bức xúc".
Tuy nhiên, thay vì "xả bức xúc", lời khuyên mà Tăng truyền đạt lại từ các đảng viên lão thành khác dường như đã gây được tiếng vang lớn trong các tổ chức đảng trên toàn quốc suốt gần một tháng.
Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc tham dự Đối thoại IISS Shangri-La ở Singapore ngày 2/6. Ông đã không xuất hiện trước công chúng kể từ cuối tháng 8. © Reuters
Chưa có thông báo chính thức nào về tình hình hiện tại của Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc. Nhưng các tin tức cho rằng ông đã bị thanh trừng đang lan truyền khắp thế giới.
Giống như Tần Cương , người đã bị cách chức Ngoại trưởng hồi tháng 7, Lý là một nhân vật quan trọng, kiêm nhiệm chức Ủy viên Quốc vụ, ngang hàng với phó thủ tướng.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Tập phát động cuộc thanh trừng trong quân đội hoàn toàn dựa trên mục đích chính trị của riêng ông, hay ông bị buộc phải hành động do có tác động từ bên ngoài.
Nhưng có một điều rõ ràng. Quân đội Trung Quốc đang ở trong tình trạng hỗn loạn. Những sự kiện bất thường quan trọng đã xảy ra trong quân đội vào khoảng thời gian diễn ra mật nghị Bắc Đới Hà và cuộc họp của các đảng viên lão thành ngay trước đó.
Ngày 01/08, người ta đưa tin chỉ huy Quân chủng Tên lửa, cơ quan giám sát kho vũ khí tên lửa và hạt nhân của Trung Quốc, đã bị bắt.
Những thay đổi nhân sự được công bố một ngày trước đó cho thấy rằng tư lệnh và chính ủy, hai quan chức hàng đầu của Quân chủng Tên lửa, đã bị thay thế.
Ngoài ra, một cựu phó chỉ huy Quân chủng Tên lửa được đưa tin đã qua đời vào đầu tháng 7, nhiều khả năng là do tự sát, theo nhận định của một số người. Thêm nữa, có thông tin cho rằng một vụ rò rỉ thông tin nhạy cảm nghiêm trọng đã kích động sự hỗn loạn này.
Chỉ huy và chính ủy mới của Quân chủng Tên lửa lần lượt đến từ Hải quân và Không quân. Người ngoài chẳng thể nào nhanh chóng tiếp quản Quân chủng Tên lửa, bởi đơn vị này cần phải được vận hành một cách chuyên nghiệp.
Không khó để tưởng tượng rằng trong hàng ngũ quân đội đang có những bất mãn lớn.
Nếu Lý Thượng Phúc, người phụ trách toàn bộ công tác hành chính và quan hệ đối ngoại của quân đội, bị cách chức, tình trạng hỗn loạn trong tổ chức chắc chắn sẽ ngày càng sâu rộng.
Thú vị hơn nữa, người ta tin rằng Tập đã đích thân bổ nhiệm Lý, 65 tuổi, làm Bộ trưởng Quốc phòng và Ủy viên Quốc vụ, bất chấp tuổi tác của ông.
Những cuộc thanh trừng bất thường, tình trạng hỗn loạn và sự bất mãn âm ỉ trong quân đội có thể có liên quan đến sự hiện diện thầm lặng của Trì Hạo Điền, người vẫn luôn theo dõi sát sao quân đội Trung Quốc, tại cuộc họp Bắc Đới Hà mùa hè này.
Katsuji Nakazawa
Nguyên tác : "Military elder put silent pressure on Xi at Beidaihe", Nikkei Asia, 21/09/2023
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 25/09/2023
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.
Tập Cận Bình muốn ở vị thế hoàng đế Trung Hoa : Lãnh đạo các nước phải đến tận nơi gặp ông ta ?
Sau ngoại trưởng Tần Cương, đến lượt bộ trưởng Quốc Phòng Lý Thượng Phúc "đột ngột biến mất" khỏi chính trường trong nhiều ngày, gây ra những lời đồn đoán về khủng hoảng trong nội bộ chế độ Tập Cận Bình, cũng như những nghi vấn về chính sách ngoại giao và quân sự của Bắc Kinh. Tuy nhiên, chính việc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vắng mặt "không lời giải thích" tại nhiều sự kiện quốc tế tầm cỡ trong thời gian qua cũng khiến các nhà quan sát đặt nhiều câu hỏi.
Ảnh đăng trên kênh Telegram của thủ tướng Cam Bốt : Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp ông Hun Manet, tại Bắc Kinh, ngày 15/09/2023. AP - Cambodia Prime Minister Telegram
Lục đục nội bộ ?
Nhà nghiên cứu về Trung Quốc, Pierre-Antoine Donnet, trong bài viết "Từ BRICS đến G20, xung đột trường kỳ giữa Trung Quốc và Mỹ" đăng trên trang mạng nghiên cứu về Châu Á Asialyst, nhắc lại là sự vắng mặt của Tập Cận Bình tại thượng đỉnh G20 vừa qua ở New Delhi, Ấn Độ, là chưa từng có tính từ khi ông Tập lên nắm quyền điều hành đất nước hồi năm 2012. Vốn luôn duy trì thái độ mập mờ, không rõ ràng, chính quyền Trung Quốc đã không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào, khiến các nhà quan sát về Trung Quốc đưa ra nhiều giả thuyết.
Nhiều người cho rằng chủ tịch Trung Quốc không muốn rời Bắc Kinh do những căng thẳng trong bộ máy của đảng cộng sản Trung Quốc. Báo Nhật Nikkei Asia, trích dẫn các nguồn không xác định, phỏng đoán Tập Cận Bình là đối tượng bị các quan chức Đảng đã về hưu chỉ trích trong hội nghị thường niên truyền thống ở Bắc Đới Hà, một khu nghỉ mát ven biển miền đông bắc đất nước, nơi các nhà lãnh đạo của chế độ cộng sản Trung Quốc họp kín vào mùa hè hàng năm.
Nhà nghiên cứu Pierre-Antoine Donnet trích dẫn Katsuji Nakazawa, cựu thông tín viên của báo Nhật Nikkei Aisia, tại Bắc Kinh :
Có những dấu hiệu về sự lục đục trong chính trị nội bộ Trung Quốc. Bầu không khí của mật nghị này có những khác biệt lớn so với 10 hội nghị Bắc Đới Hà mà Tập Cận Bình từng tham dự kể từ khi ông ta trở thành tổng bí thư đảng cộng sản hồi năm 2012. Tại hội nghị năm nay, một nhóm cựu lãnh đạo của Đảng, đã trách cứ vị lãnh đạo tối cao (Tập Cận Bình) với những ngôn từ mà cho đến nay họ chưa từng sử dụng. Tập Cận Bình sau đó đã bày tỏ nỗi tức giận với các trợ lý thân cận nhất : "Tôi đã dành cả thập kỷ qua để giải quyết những vấn đề này, ấy vậy mà chúng vẫn cứ tồn tại dai dẳng mà không có giải pháp. Tôi có đáng bị trách cứ không ?".
Nhà báo này cho biết cụ thể là những vị cựu lãnh đạo Đảng nói trên đã gặp nhau trước khi diễn ra hội nghị Bắc Đới Hà. Trong hội nghị này, các vị cựu quan chức, đứng đầu là Tăng Khánh Hồng (Zeng Qinhong), cựu phó chủ tịch Trung Quốc và cũng là cánh tay phải của cựu chủ tịch Giang Trạch Dân (người mới qua đời), nhấn mạnh rằng nếu không nhanh chóng đưa ra các biện pháp để đối phó với tình hình chính trị - kinh tế - xã hội rối ren hiện nay, đảng cộng sản Trung Quốc có thể sẽ mất đi sự ủng hộ của quần chúng. Các cựu lãnh đạo Đảng nói : "Chúng ta sẽ không thể đối phó với tình trạng hỗn loạn hơn hiện nay".
Chủ ý của Tập Cận Bình ?
Trên thực tế, trong những tháng qua, đây thực ra cũng không phải là lần đầu tiên chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gây chú ý vì vắng mặt tại những sự kiện quan trọng. Hồi cuối tháng 8, ông Tập đã không có mặt tại một cuộc họp được tổ chức bên lề thượng đỉnh BRICS với các doanh nhân, một cuộc họp vốn được chờ đợi. Không một lời giải thích, bài phát biểu của ông Tập đã được bộ trưởng Thương Mại Vương Văn Đào (Wang Wentao) đọc.
Trong số những lý lẽ khác được xem là hợp lý để lý giải sự vắng mặt của Tập Cận Bình là việc ông Tập không muốn tỏ ra yếu thế trước các nhà lãnh đạo G20 khác trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang trải qua những biến động rất mạnh. Theo một giả thuyết khác, chủ tịch Trung Quốc không muốn gặp Joe Biden do mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đặc biệt đã trở nên căng thẳng trong những tháng gần đây.
Còn một giả thuyết khác mà nhà nghiên cứu Pierre-Antoine Donnet cho rằng không nên xem nhẹ : Tập Cận Bình chủ ý không đến New Delhi vì ông ta muốn đánh tín hiệu với thế giới rằng, từ giờ trở đi, Trung Quốc sẽ từ chối mọi quy tắc được thiết lập theo trật tự quốc tế mà Hoa Kỳ đã áp đặt từ cuối Đệ nhị Thế chiến. Và Tập Cận Bình muốn thay thế các quy tắc đó bằng chính quy tắc do Bắc Kinh đề ra. Ít nhất đây cũng là luận điểm của một số phương tiện truyền thông Anh ngữ, trong đó có tờ báo in hàng tháng của Mỹ, The Atlantic. Michael Schuman, một nhà báo Mỹ làm việc tại Bắc Kinh và am hiểu Trung Quốc, giải thích : "Tẩy chay G20 chỉ là bước khởi đầu. Trung Quốc muốn thay thế G20. Tẩy chay hội nghị thượng đỉnh này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Ông Tập hiện giờ coi đất nước của mình là một đối thủ đã được tuyên bố, sẵn sàng thành lập khối riêng của mình để chống lại Mỹ và các đồng minh của Hoa Kỳ, cũng như chống lại các tổ chức quốc tế mà các nước này đang ủng hộ", cụ thể là Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Tổ Chức Thương Mại Thế giới.
Chí ít thì đó cũng là giả thuyết mà Japan Times ủng hộ. Theo tờ báo của Nhật, sự vắng mặt của Tập Cận Bình ở thượng đỉnh G20 tại New Delhi, Ấn Độ, đã "củng cố hình ảnh của ông với tư cách là nguyên thủ quốc gia toàn cầu. Đối xử theo kiểu bề trên với khối G20 đánh dấu một bước chuyển từ một nguyên thủ quốc gia lên thành một vị hoàng đế Trung Hoa". Theo Japan Times, bước ngoặt chính trị này cũng củng cố nỗi lo sợ ngày càng lớn ở phương Tây về một nhà lãnh đạo đang ngày càng trở nên khó đoán, khó ngờ, bởi vì trong thời gian qua Trung Quốc đã gây ra những thách thức ngày càng lớn.
Các lãnh đạo nước ngoài phải đến tận Trung Quốc gặp hoàng đế đỏ ?
Bước tiếp theo của Tập Cận Bình là vào tháng 10/2023, với một diễn đàn ở Bắc Kinh để kỷ niệm 10 năm dự án "Những con đường tơ lụa mới", với sự tham dự đã được khẳng định của tổng thống Nga Vladimir Putin, cũng là nhà lãnh đạo đã vắng mặt tại thượng đỉnh G20. Alfred Wu, giảng viên thỉnh giảng tại School Public Policy, Đại học Singapore, được Japan Times trích dẫn, nhận định ông Tập Cận Bình "hiện mang tâm thế của một vị hoàng đế đang chờ các quan chức nước ngoài đến gặp mình", kiểu như các vị hoàng đế Trung Quốc xưa kia đang chờ người đứng đầu các nước chư hầu đến quỳ gối trước mình.
Dù ông Tập không dự thượng đỉnh G20 tại Ấn Độ, nhưng chuyên gia Pierre-Antoine Donnet, trích dẫn François Danjou trên trang mạng thông tin Pháp ngữ về thời sự Trung Quốc, Question Chine, theo đó Trung Quốc đã ghi điểm tại thượng đỉnh BRICS hồi cuối tháng 08/2023 tại Johannesburg.
Quả thực, gần một phần tư thế kỷ sau khi Ngân hàng Goldman Sachs nhắc tới khối BRICS và xem việc đầu tư vào "các nước mới trỗi dậy" sẽ mang lại lợi nhuận, dự báo khối BRICS sẽ có một tương lai hưng thịnh, từ một từ viết tắt (tên 5 nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), BRICS đã trở thành biểu tượng của "một sự chống đối toàn cầu nhắm vào ảnh hưởng của Hoa Kỳ và phương Tây".
Trong suốt thượng đỉnh lần thứ 15 của BRICS, bên cạnh các cuộc thảo luận về việc mở rộng thành viên mới, bao trùm các cuộc trao đổi vẫn là tinh thần phản kháng chống lại phương Tây, ở nhiều mức độ khác nhau, đặc biệt là trong các phát biểu của Tập Cận Bình. Chủ tịch Trung Quốc đề xuất 3 dự án quy mô toàn cầu : Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI), Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI) và Sáng kiến Văn hóa Toàn cầu (GCI), nhấn mạnh vào việc Trung Quốc quan tâm đến hòa bình, làm nổi bật điểm khiến ông ta khác biệt với Vladimir Putin, người đã phát động cuộc chiến tàn khốc xâm lược Ukraine.
Xem Washington là kẻ hiếu chiến, và cũng như Moskva, gieo rắc suy nghĩ về trách nhiệm của Mỹ và NATO trong cuộc chiến Ukraine, chỉ trích việc mở rộng Liên Minh Bắc Đại Tây Dương đến tận Ấn Độ - Thái Bình Dương, chủ tịch Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ bá quyền nhờ "sức mạnh cơ bắp và mạnh miệng", coi Mỹ là "một quốc gia bị ám ảnh về việc duy trì thế bá chủ, làm mọi cách có thể để làm tê liệt các thị trường mới trỗi dậy và các nước đang phát triển".
Việc BRICS kết nạp 6 thành viên mới (Acchentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất) đã củng cố ảnh hưởng của Tập Cận Bình trong khối. Trong bối cảnh căng thẳng Trung-Mỹ ngày càng nghiêm trọng, Tập Cận Bình đã xem việc mở rộng khối như phương tiện để phản bác sự thắng thế của Washington và phương Tây. François Danjou viết :"Chủ tịch Trung Quốc, cùng với Vladimir Putin, đã trở thành thủ lĩnh của xu hướng bác bỏ phương Tây", bởi vì việc mở rộng khối BRICS "khẳng định lập trường của Tập Cận Bình, người giương cao lá cờ chống phương Tây và Washington bằng việc đi đường vòng qua "các nước phương Nam" (ý nói đến các nước đang phát triển).
Với sự gia tăng cạnh tranh toàn cầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, câu hỏi ngày càng được đặt ra là liệu Tập Cận Bình có đến San Francisco, Mỹ, vào tháng 11/2023 dự thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) hay không. Tổng thống Mỹ Joe Biden coi đây là cơ hội gặp gỡ đồng nhiệm Trung Quốc. Đây sẽ là chuyến đi đầu tiên của Tập Cận Bình tới Hoa Kỳ kể từ năm 2017, nhưng hiện giờ, không có gì chắc chắn rằng chuyến đi của ông Tập sẽ diễn ra.
Thùy Dương
Nguồn : RFI, 20/09/2023