Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chiến tranh sẽ nổ ra nếu Bình Nhưỡng thử nguyên tử tại Thái Bình Dương ?

Les Echos số ra ngày 25/09/2017 nhận định "Bình Nhưỡng có nguy cơ gây ra chiến tranh sau khi thử nguyên tử tại Thái Bình Dương", vì như vậy các cường quốc sẽ không còn có thể khoanh tay đứng nhìn.

chien1

Thủy quân lục chiến Hàn Quốc tập trận tại đảo Baengnyeong, gần biên giới trên biển với Bắc Triều Tiên ngày 07/09/2017, sau khi Bình Nhưỡng thử bom nguyên tử. Choi Jae-gu/Yonhap via Reuters

Tờ báo cho biết, các cố vấn ngoại giao của tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần khuyên ông đừng sỉ nhục cá nhân lãnh đạo Bình Nhưỡng trong bài diễn văn trước Liên Hiệp Quốc, nhưng một lần nữa ông Trump lại để ngoài tai. Trên diễn đàn Đại hội đồng, Kim Jong-un lại bị gọi là "Rocket Man", và Donald Trump còn đe dọa "hủy diệt toàn bộ" Bắc Triều Tiên.

Trước những lời lẽ đúng như tuyên truyền của Bình Nhưỡng lâu nay, là Mỹ muốn tiêu diệt Bắc Triều Tiên, tất nhiên là nhà độc tài trẻ phản ứng ngay. Hôm thứ Sáu, Kim Jong-un công khai tuyên bố Donald Trump là "găng-tơ", "côn đồ", "lão hóa trí tuệ", nhưng nhất là sẽ "kiên quyết trả đũa". Sau đó ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho loan báo có thể cho nổ một quả bom H trên Thái Bình Dương.

Một vụ thử nguyên tử như vậy sẽ là sự khiêu khích trắng trợn nhất từ trước đến nay của Bình Nhưỡng. Cho đến nay, Bắc Triều Tiên vẫn thận trọng, chỉ cho phóng các hỏa tiễn đạn đạo đến những vùng biển hoang vắng, và cho thử hạt nhân sáu lần tại các căn cứ ngầm dưới lòng đất, ngay trên lãnh thổ nước mình. Ông Daryl Kimball, chủ tịch Arms Control Association cảnh báo : "Một vụ nổ nguyên tử trên bầu trời Thái Bình Dương có thể gây ra một sự leo thang, vượt khỏi tầm kiểm soát của Washington và Bình Nhưỡng".

Có rất ít quốc gia (Trung Quốc, Liên Xô cũ, Hoa Kỳ) dám cho thử hạt nhân trên không vì rất nguy hiểm. Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA), vụ gần đây nhất do Bắc Kinh tiến hành hồi tháng 10/1980. Nhà nghiên cứu Morris Jones của Lowy Institute for International Policy viết : "Chưa nói đến vấn đề chiến lược, vụ nổ và các tác động điện từ của một quả bom như thế sẽ là thảm họa. Nếu thử bom H mà không báo trước, các phi cơ sẽ bị rơi từ trên trời xuống và các bộ phận điện tử bị rối loạn. Ngay cả các vệ tinh bay ở độ thấp cũng bị ảnh hưởng. Tác động đến môi trường đại dương và nguồn lợi hải sản sẽ nghiêm trọng".

Trước một cú đòn vang dội như vậy, khẳng định năng lực quân sự của chế độ Bình Nhưỡng, các cường quốc đặc biệt là Hoa Kỳ sẽ buộc phải có hành động mạnh mẽ chống lại Bắc Triều Tiên. Ông Van Jackson, chuyên gia về quốc phòng của trường đại học Victoria ở New Zealand lo lắng : "Khi thấy những con diều hâu ở Washington đã sẵn sàng lao vào cuộc chiến với Bắc Triều Tiên như thế nào, tôi không cho là ông Trump sẽ biết kềm chế trước một sự khiêu khích mới".

Lo sợ trước viễn cảnh này, các đối tác hiếm hoi của chế độ toàn trị Bình Nhưỡng hồi cuối tuần qua đã kêu gọi đôi bên xuống thang. Bắc Kinh đã tỏ rõ sự bực bội trước đồng minh khó chịu này, qua việc chính thức loan báo hạn chế xuất xăng dầu và ngưng nhập hàng dệt may của Bắc Triều Tiên.

Hậu quả chiến lược của bom nguyên tử Bắc Triều Tiên

Quả bom của Bắc Triều Tiên sẽ dẫn đến những hậu quả về mặt chiến lược như thế nào ? Le Figaro nhận định, cuộc khủng hoảng kể từ mùa hè năm nay không còn đơn giản là vấn đề răn đe, mà là một sự phổ biến vũ khí nguyên tử, có thể khiến một số nước khác chạy đua theo, đặc biệt là Iran.

Hậu quả đối với Hàn Quốc và Nhật Bản rất quan trọng. Quả bom H, sự tiến bộ ngoạn mục của Bình Nhưỡng đã khiến Seoul phải lao vào vòng tay của Washington, tuy lúc mới được bầu lên, tổng thống Moon Jae-in có ý định xích lại gần Bình Nhưỡng. Việc bố trí các vũ khí nguyên tử chiến lược Mỹ tại Hàn Quốc, vốn đã được rút đi từ khi bức tường Berlin sụp đổ, nay đang được Seoul bàn bạc với bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis. Tăng cường vũ khí phòng không nay là đề tài được đồng thuận tại cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản : Tokyo muốn mua các hỏa tiễn tấn công được Bắc Triều Tiên.

Nhưng việc siết chặt liên minh với Hoa Kỳ không phải là hậu quả duy nhất. Chuyên gia Valérie Niquet, phụ trách về Châu Á của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược nhận xét : "Việc Mỹ không phản ứng có thể thúc đẩy Bình Nhưỡng lao vào một cuộc phiêu lưu quân sự nhằm thống nhất bán đảo Triều Tiên bằng vũ lực. Đối với Kim Jong-un, quả bom cộng với việc thống nhất đất nước sẽ giúp ông ta trở thành người hùng". Thăng bằng chiến lược trong khu vực không còn nữa, các nước láng giềng đang phải xem xét lại chính sách của mình. Cú sốc còn lan xa hơn tại Thái Bình Dương, nhiều nước thậm chí cả Úc lo sợ hậu quả quân sự, chính trị và kinh tế của một cuộc khủng hoảng lâu dài.

Còn đối với Trung Quốc và Châu Âu ? Bắc Kinh và Bình Nhưỡng cùng chia sẻ một lợi ích chiến lược : đẩy Mỹ ra khỏi bán đảo Triều Tiên. Có thể đó là một trong những lý do khiến Trung Quốc đã "để cho vị thần thoát ra khỏi cây đèn", ít nhất là trong lúc này. Cũng theo bà Valérie Niquet, sự thiếu vắng phản ứng của Mỹ cũng có thể khiến "Bắc Kinh coi đây là một sự khuyến khích bành trướng trên Biển Đông", và cao giọng tranh giành Biển Hoa Đông với Tokyo. Thậm chí còn có thể lại đặt vấn đề đưa Đài Loan về với "đất mẹ" Hoa lục.

Về phía Châu Âu, cũng có thể trở thành mục tiêu tiềm năng của quả bom Bắc Triều Tiên. Ván cờ không còn như trước, nhất là đối với Pháp : một số lãnh thổ hải ngoại như Tân Calédonie nằm trong tầm ngắm của hỏa tiễn Bình Nhưỡng. Là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, Pháp còn nằm trong số những nước tham gia hiệp ước đình chiến năm 1953 trên bán đảo Triều Tiên. Và như vậy, theo chuyên gia Valérie Niquet, Paris "không còn có thể coi hồ sơ Bắc Triều Tiên chỉ đơn giản là một vấn đề ngoại giao".

Trong bối cảnh đó, liệu sẽ tái diễn chạy đua vũ khí nguyên tử hay không ? Nhiều người lo ngại Iran sẽ lại chế tạo bom hạt nhân, đặc biệt từ khi ông Donald Trump đe dọa xé bỏ thỏa thuận đã ký với Teheran. Ngoài ra, còn phải kể thêm Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên theo ông Bruno Tertrais, phó giám đốc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược, thì một khi Seoul và Tokyo còn tin vào cam kết bảo vệ an ninh của Mỹ, thì không phải lo lắng về nguy cơ này.

Thảm kịch Rohingya và chiến tranh tôn giáo

Cũng về Châu Á, Le Figaro nói về "Thảm kịch của người Rohingya", thiểu số người Hồi giáo được Hiến pháp 1947 của Miến Điện công nhận, nhưng bị tập đoàn quân sự tước quyền công dân năm 1982, trở thành một dân tộc vô tổ quốc.

Tác giả bài báo nhấn mạnh, không chỉ tấn công quân nổi dậy ARSA, quân chính phủ còn sát hại cả thường dân người Rohingya, khiến họ không còn chọn lựa nào khác : hoặc di tản, hoặc cái chết. Trong số 800.000 người Rohingya sống ở bang Arakan, đã có 420.000 người chạy trốn sang Bangladesh, và trong dòng người tị nạn có đến gần 250.000 là trẻ em có cha mẹ đã bị giết chết. Trên 220 ngôi làng bị đốt phá, đóng hẳn cánh cửa hồi hương. Thế nên Liên Hiệp Quốc mới coi đây là trường hợp điển hình của nạn thanh lọc chủng tộc.

Thảm nạn của người Rohingya đè nặng lên Bangladesh, một nước nghèo và đông dân, không thể tiếp đón và nuôi một triệu miệng ăn. Nó còn làm tăng số người tị nạn (65 triệu) và vô tổ quốc (10 triệu), có liên quan mật thiết đến nạn nô lệ và lao động cưỡng bức. Số trẻ mồ côi trong các trại tị nạn còn là miếng mồi ngon cho thánh chiến, vào lúc tổ chức Nhà nước Hồi giáo vươn vòi sang Châu Á.

Theo tác giả, Hoa Kỳ và Châu Âu cần hợp lực với nhau : ngưng tất cả viện trợ, hợp tác và bán vũ khí cho quân đội Miến Điện ; trừng phạt các thủ lãnh quân sự, các tổ chức và lãnh tụ Phật giáo cực đoan ; tạo điều kiện cho các tổ chức phi chính phủ và báo chí tại bang Arakan ; huy động viện trợ giúp Bangladesh hỗ trợ người tị nạn. Trong thế kỷ 20 đã diễn ra các cuộc chiến lớn nhân danh ý thức hệ, không nên để thế kỷ 21 trở thành thế kỷ của những cuộc diệt chủng, nhân danh chiến tranh tôn giáo.

ASEAN trước nguy cơ dân tộc chủ nghĩa pha trộn với tôn giáo

Cũng liên quan đến vấn đề này, nhà nghiên cứu Dominique Moisi trên Les Echos nhận định "Tín ngưỡng và dân tộc chủ nghĩa, một sự pha trộn có nguy cơ cao". Bi kịch của người Rohingya ở Miến Điện diễn ra trong bối cảnh nguy hiểm : bản sắc dân tộc và tín ngưỡng ngày càng có xu hướng pha trộn với nhau ở Đông Nam Á.

"Liệu một ngày nào đó Đông Nam Á có thể trở thành một Trung Đông mới hay không ?". Theo chuyên gia Moisi, chỉ riêng việc có thể đặt ra một câu hỏi như thế đã rất ý nghĩa, trước tình hình chủ nghĩa dân tộc mang màu sắc tôn giáo đang nổi lên tại vùng Viễn Đông : Phật giáo tại Miến Điện, và Ấn giáo tại Ấn Độ - từ khi đảng của ông Narendra Modi lên nắm quyền.

Ban đầu mang tầm vóc địa phương, nay thảm kịch của người Rohingya đã mang tầm khu vực – nếu không phải là quốc tế. Pakistan chẳng phải đã được thành lập để đón nhận thiểu số Hồi giáo của đế chế Ấn trước đây đó sao ? Làm thế nào một tổ chức như ASEAN có thể sống sót, khi bắt đầu nổi lên xu hướng chia rẽ, một bên là Phật giáo, một bên là Hồi giáo ?

Miến Điện và Thái Lan chủ yếu theo đạo Phật, còn Malaysia và Indonesia đạo Hồi – riêng Indonesia còn là quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới. Tác giả cho rằng đã đến lúc ngăn chận sự lệch hướng này, tránh để lây lan. Liên Hiệp Quốc cần có lời nói đi đôi với việc làm trong cuộc khủng hoảng người Rohingya, để tránh nguy cơ vùng Viễn Đông một ngày nào đó sẽ bị rối loạn như Trung Đông.

Angela Merkel, chiến lược gia đáng nể

Bầu cử lập pháp Đức và cuộc bầu cử bán phần Thượng Viện Pháp là hai đề tài thời sự được các báo Pháp đề cập nhiều hôm nay. Les Echos tóm tắt trong tựa trang nhất "Bà Merkel thắng được thử thách, phe cực hữu bứt phá". Le Figaro coi đây là một "Chiến thắng với dư vị đắng" cho thủ tướng Đức. Tương tự với La Croix : "Chỗ đứng hàng đầu đắng nghét cho bà Angela Merkel".

Thông tín viên Le Figaro tại Berlin mô tả "Angela Merkel, chiến lược gia đáng gờm". Cũng như các cựu thủ tướng Adenauer hay Kohl - những chính khách lớn trước đây - nữ thủ tướng Đức tiếp tục nhiệm kỳ thứ tư, nhưng bản thân bà vẫn là một ẩn số.

Không một sự kiện gì có thể tác động mạnh đến bà Merkel, từ những ngôn từ bốc lửa của Donald Trump, các thủ đoạn của Vladimir Putin cho đến làn sóng người tị nạn ồ ạt, hay đòi hỏi tổ chức lại Châu Âu của tổng thống Pháp… Hôm 24/09, bà đón nhận tin chiến thắng với cùng một sự bình thản, dù phe cực hữu lần đầu tiên lọt vào Quốc Hội có thể làm hoen ố nhiệm kỳ mới của bà.

Tất cả những ai từng tiếp xúc với Angela Merkel đều mô tả tính cách bà như nhau : thận trọng, giản dị, cụ thể, dễ mến. Khi tiếp ai, bà luôn đích thân dọn cà phê mời khách. Bà không có những bài diễn văn hùng hồn, nhưng vốn là một nhà khoa học, bà nghiên cứu tỉ mỉ các vấn đề.

Thật ra bà Merkel sinh ở Tây Đức, nhưng cha bà là một mục sư, đã quyết định sang Đông Đức cư ngụ ít lâu sau khi Angela Merkel sinh ra. Bà lớn lên mà không bao giờ nghĩ rằng bức tường Berlin có thể bị sụp đổ, và đêm 09/11/1989 lịch sử ấy, bà theo dòng người sang Tây Đức dạo chơi, rồi trở về đi ngủ sớm để sáng hôm sau còn đi làm. Vài tuần sau, Angela Merkel tham gia phong trào "Dân chủ mới". Kín đáo, chăm chỉ, hiệu quả, bà thăng tiến với tốc độ chóng mặt.

Là người tính toán lạnh lùng, bà loại dần từng đối thủ chính trị. Là người thực dụng, Merkel không đưa ra chủ thuyết mới nào, chỉ thích ứng theo với tình hình thực tế. Mang lại niềm tự hào cho Đức quốc, và nay đối mặt với công cuộc kiến tạo lại Châu Âu, trước nhiệm vụ lịch sử ấy, Angela Merkel vẫn điềm tĩnh một cách đáng phục.

Thụy My

Published in Quốc tế

Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên : Donald Trump "mắc chứng hoang tưởng, tự đại" (RFI, 24/09/2017)

Khẩu chiến giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ vẫn tiếp tục. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát biểu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc là Bắc Triều Tiên đang có hành động tự sát. Hôm 23/09/2017, phát biểu trước Liên Hiệp Quốc, ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong-ho đã đáp trả, gọi ông Donald Trump là "một người mắc chứng hoang tưởng, tự đại".

my1

Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong-ho phát biểu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, New York, ngày 23/09/2017 -Reuters

Từ New York, thông tín viên RFI Marie Bourreau tường thuật :

Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên tiến về phía bục phát biểu lát đá cẩm thạch xanh, mắt nhìn thẳng, trên ngực áo cài một huy hiệu in hình các lãnh đạo họ Kim. Dưới ánh nhìn chăm chú của các thành viên phái đoàn Hoa Kỳ đang cầm bút để ghi chép, lãnh đạo ngoại giao Bắc Triều Tiên phác thảo vài nét tính cách của tổng thống Mỹ : Có một thực tế phi lý là nước Mỹ đang nằm dưới sự lãnh đạo của một người như ông Trump, một người tâm thần bất ổn, mắc chứng hoang tưởng, tự đại, đầy sự hợm hĩnh, một người bị chính người dân Mỹ gọi là chúa nói phét và tổng thống dối trá.

Rồi sau đó, ngoại trưởng Ri Yong-ho nhắc lại việc ông Donald Trump đã hứa hủy diệt hoàn toàn Bắc Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng đe dọa lãnh thổ Mỹ hay các đồng minh của Hoa Kỳ. Ông Ri Yong-ho phát biểu : Ông Trump đã phạm một sai lầm không thể sửa chữa được, chắc chắn lãnh thổ Hoa Kỳ sẽ bị tên lửa bắn vào.

Ngoại trưởng Ri Yong-ho cũng khẳng định rằng Bình Nhưỡng đang ở giai đoạn cuối trước khi trở thành một Nhà nước có vũ khí hạt nhân và đừng ai mơ rằng các biện pháp trừng phạt lại có thể làm Bắc Triều Tiên bị lung lay. Ông nói : Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là đạt được sự cân bằng lực lượng với Hoa Kỳ". 

Thùy Dương

******************

Mỹ điều oanh tạc cơ chiến lược bay gần bờ biển Bắc Triều Tiên (RFI, 24/09/2017)

Hôm 23/09/2017, vài giờ trước khi ngoại trưởng Bắc Triều Tiên, tại Liên Hiệp Quốc, tố cáo tổng thống Mỹ đã có những phát biểu chống lại Bình Nhưỡng, coi nguyên thủ Hoa Kỳ là một "kẻ tâm thần", "hoang tưởng tự đại" và "trùm nói dối", chính quyền Mỹ đã điều máy bay ném bom B1, được tiêm kích F15 đi hộ tống, đã bay qua Nhật Bản, gần bờ biển Bắc Triều Tiên. Theo Washington, đây là một thông điệp gửi tới Bình Nhưỡng.

my2

Tiêm kích Mỹ và Hàn Quốc bay trên không phận bán đảo Triều Tiên, ngày 18/09/2017 (Ảnh do bộ Quốc Phòng Mỹ công bố ngày 23/09/2017) - Steven SCHNEIDER / US ARMY / AFP

Từ Washington, thông tín viên Jean Louis Pourtet gửi về bài tường trình :

"Kim Jong-un và Donald Trump không ngớt thóa mạ nhau : Lãnh đạo kính yêu của Bắc Triều Tiên gọi thủ lĩnh thế giới tự do là một lão già lẩm cẩm tâm thần, còn Donald Trump thì mỉa mai đó là một kẻ điên khùng và đặt cho cái tên người tên lửa nhỏ nhoi, ngụ ý nói đến sở thích bắn tên lửa đạn đạo của lãnh đạo Bắc Triều Tiên.

Hôm qua, sự gia tăng khẩu chiến này đi kèm với việc Hoa Kỳ biểu dương sức mạnh : Được hộ tống bởi các tiêm kích F-15 xuất kích từ căn cứ quân sự Okinawa, Nhật Bản, các máy bay ném bom B1 cất cánh từ Guam đã bay qua không phận Nhật Bản, ở phía đông bờ biển Bắc Triều Tiên.

Dana White, phát ngôn viên của bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết, trong thế kỷ 21, chưa bao giờ các máy bay của Mỹ lại tiến gần đến Bắc Triều Tiên như vậy. Bà giải thích, Washington muốn chứng tỏ là đang xem xét nghiêm túc hành vi nguy hiểm của Bình Nhưỡng và đồng thời có nhiều lựa chọn về mặt quân sự sẵn sàng được sử dụng để bảo vệ Hoa Kỳ và các đồng minh.

Tuy nhiên, chưa chắc là Kim Jong-un bị ấn tượng bởi chính sách pháo hạm này đến mức ngừng bắn thử tên lửa".

Còn tại Bắc Triều Tiên, hôm qua, chính quyền nước này đã cho tổ chức một cuộc biểu tình tại quảng trường Kim Nhật Thành, ở Bình Nhưỡng, với sự tham gia của hàng chục ngàn người, để bày tỏ sự ủng hộ đối với lãnh đạo Kim Jong-un. Theo giới quan sát, những cuộc biểu tình kiểu này thường xuyên được chính quyền Bình Nhưỡng tổ chức.

Cũng trong ngày hôm qua, một trận động đất với cường độ 3,5 trên bậc thang Richter, đã xẩy ra ở Bắc Triều Tiên, gây lo ngại là Bình Nhưỡng có thể tiến hành một vụ thử hạt nhân mới.

Tuy nhiên, cho đến hôm nay, giới chuyên gia quốc tế vẫn có những dự đoán khác nhau. Theo Tổ chức Hiệp ước cấm hoàn toàn thử hạt nhân (OTICE), thì đó là thể là dư chấn của vụ thử hạt nhân ngày 03/09.

Còn thông cáo của Cơ quan địa chất Hoa Kỳ (USGS) thẩm định, vụ động đất này xẩy ra ở độ sâu 5 km, dường như tại nơi mà Bắc Triều Tiên đã tiến hành các thử hạt nhân trước đây và cách nơi mà Bình Nhưỡng thử bom nhiệt hạch ngày 03/09 khoảng hai chục km.

Trong khi đó, các chuyên gia Hàn Quốc và Trung Quốc cho rằng đây chỉ là một vụ động đất tự nhiên.

RFI tiếng Việt

****************

Máy bay ném bom Mỹ 'lượn gần' Bắc Hàn (BBC, 24/09/2017)

Các máy bay ném bom của Hoa Kỳ lượn gần bờ biển phía đông của Bắc Hàn để chứng tỏ Mỹ luôn có sẵn lựa chọn quân sự để đánh bại bất kỳ mối đe dọa nào, Lầu Năm góc cho biết.

my3

Phi cơ ném bom B-1B Lancer

Bộ quốc phòng Mỹ cho biết chuyến bay chạm đến điểm xa nhất của vùng phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên.

Các phi cơ ném bom B-1B Lancer của Hoa Kỳ có các chiến đấu cơ F-15C Eagle hộ tống lần đầu tiên trong Thế kỷ 21 đã bay sát vào bờ biển Bắc Hàn để thể hiện sức mạnh.

Quân lực Hoa Kỳ đăng trên Twitter hình một chiếc phi cơ trong chuyến bay đêm còn phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, bà Dana White xác nhận đây là cách Tổng thống Trump có biện pháp quân sự trong nhiều biện pháp đáp trả đe doạ.

Chuyến bay về phía Bắc đường Phi Quân sự ở Vĩ tuyến 38 độ Bắc vẫn nằm trong không phận quốc tế nhưng gần bờ biển Bắc Hàn.

Các máy bay ném bom đến từ Guam còn các máy bay F-15 bay lên hộ tống từ căn cứ của Hoa Kỳ tại đảo Okinawa, Nhật Bản.

Căng thẳng gia tăng gần đây do chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

my4

Biểu tình chống Mỹ tại Bình Nhưỡng hôm 23/9

Phát biểu trong phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Ngoại trưởng Bắc Hàn nói rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tiến hành "sứ mệnh tự sát".

Bình luận của ông Ri Yong-ho bắt chước lời của ông Trump tại Liên Hiệp Quốc hôm 19/9, khi ông gọi nhà lãnh đạo Kim Jong-un là "gã tên lửa đang trong sứ mệnh tự sát".

Ông Ri nói thêm rằng "những lời xúc phạm" của ông Trump cho thấy ông này "bị loạn trí và mắc chức vĩ cuồng" - và là "sai lầm không thể đảo ngược" khiến các tên lửa của Bình Nhưỡng sẽ nhắm vào lãnh thổ Hoa Kỳ.

Ông Ri cảnh báo ông Trump sẽ phải "trả giá đắt" cho bài phát biểu nói "tiêu diệt hoàn toàn" Bắc Hàn nếu Washington buộc phải tự bảo vệ nước Mỹ hoặc các đồng minh.

Tổng thống Mỹ đáp trả trên Twitter rằng ông Ri và ông Kim sẽ "không tồn tại được lâu" nếu họ tiếp tục phát ngôn như vậy.

*************************

Hải quân Hoa Kỳ và Nhật tập trận trong tình hình căng thẳng Triều Tiên (RFA, 22/09/2017)

Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của Hoa Kỳ đang tiến hành tập trận với tàu chiến Nhật Bản tại vùng biển phía nam Bán đảo Triều Tiên.

my5

Tàu chiến hạm USS Ronald Reagan tại căn cứ hải quân Yokosuka, Kanagawa. STR / JIJI PRESS / AFP

Thông cáo của Quân đội Nhật cho biết tin này vào ngày 22 tháng 9. Theo đó hàng không mẫu hạm Ronald Reagan, đóng tại Nhật, cùng với các tàu hộ tống từ ngày 11 tháng 9 vừa qua bắt đầu hoạt động tập trận với tàu của Hải Quân Nhật. Hoạt động diễn ra tại vùng biển phía nam và tây những đảo chính của Nhật Bản.

Phía Nhật tham gia có hàng không mẫu hạm chở trực thăng, Ise, và hai khu trục hạm.

Đợt diễn tập kéo dài đến ngày 28 tháng 9.

Thông cáo của Quân đội Nhật còn cho biết nhóm tàu tác chiến Ronald Reagan sẽ tiến hành một cuộc diễn tập khác với Hải quân Hàn Quốc vào tháng 10 tới đây.

Published in Quốc tế

Kim Jong-un nói cần vũ khí hạt nhân vì Trump 'loạn trí' (BBC, 22/09/2017)

Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un nói những lời phát biểu của Tổng thống Hoa Kỳ "loạn trí", Donald Trump, chứng tỏ ông đã đúng khi phát triển vũ khí hạt nhân cho Bắc Hàn.

donald2

Hôm 21/9, thông tấn xã Bắc Hàn công bố hình ảnh ông Kim đưa ra lời tuyên bố cá nhân

Trong một tuyên bố cá nhân hiếm thấy, thông qua KCNA, thông tấn xã nhà nước Bắc Hàn, lãnh đạo Bắc Hàn nói ông Trump sẽ "phải trả giá đắt" cho bài phát biểu gần đây trước Liên Hợp Quốc.

Tổng thống Hoa Kỳ hôm thứ Ba đã nói Hoa Kỳ sẽ "hủy diệt hoàn toàn" Bắc Hàn nếu phải tự vệ bản thân và các đồng minh.

Ông Trump cũng nhạo báng ông Kim, gọi ông là "anh hùng hỏa tiễn" trong một "sứ mệnh tự tử".

Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Hàn Ri Yong-ho, đã so sánh bài phát biểu của ông Trump với "tiếng chó sủa", và cảnh báo Bình Nhưỡng có thể thử nghiệm một quả bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương để đáp lại lời đe dọa của tổng thống Mỹ, theo hãng tin Yonhap.

Trong bản tuyên bố cá nhân, ông Kim nói ông Trump "loạn trí' và nói rằng bài phát biểu của Tổng thống Hoa Kỳ "đã thuyết phục tôi, chứ không hề ngăn chặn hay làm tôi lo sợ, rằng con đường mà tôi lựa chọn là đúng và tôi sẽ theo đuổi đến cùng".

Ông Kim nói thêm rằng "Giờ Trump đã phủ nhận sự tồn tại và xúc phạm tôi và đất nước tôi trước mắt của thế giới và đã đưa ra một tuyên bố khiêu chiến táo tợn nhất trong lịch sử", Bắc Hàn sẽ xem xét "biện pháp đáp trả mức cao nhất" để khiến ông Trump "phải trả giá đắt cho bài phát biểu của mình ".

Ông kết thúc bài tuyên bố cá nhân rằng "chắc chắn và nhất định phải kiểm soát gã lẩm cẩm rối loạn thần kinh người Mỹ này bằng lửa".

Mỹ ký thêm sắc lệnh mới trừng phạt Bắc Hàn

Trong khi đó hôm thứ Năm, ông Trump vừa ký một sắc lệnh mới lên Bắc Hàn.

Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã được ủy quyền nhắm vào các công ty và tổ chức tài chính tiến hành giao thương với Bắc Hàn.

Tổng thống cũng nói rằng Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã chỉ thị cho các ngân hàng Trung Quốc khác ngừng việc kinh doanh với Bình Nhưỡng.

Trong buổi thông báo về sắc lệnh mới trừng phạt Bắc Hàn, Tổng thống Trump nói rằng các biện pháp này được thiết kế để "cắt đứt các nguồn thu nhập tài trợ cho nỗ lực phát triển vũ khí nguy hiểm nhất của Bắc Hàn đối với nhân loại".

Ông nói : "Trong một thời gian quá dài Bắc Hàn đã được phép lạm dụng hệ thống tài chính quốc tế để tạo điều kiện tài trợ cho các chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân".

Ông nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt chỉ nhắm vào "một quốc gia, và đó là Bắc Hàn".

Bộ trưởng tài chính, Steven Mukuchin, sau đó nói với các phóng viên : "Các tổ chức tài chính nước ngoài hiện đang nhận được thông báo rằng họ có thể lựa chọn kinh doanh với Hoa Kỳ hoặc với Bắc Hàn, nhưng không phải cả hai".

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cảnh báo Liên Hiệp Quốc, và gián tiếp nói đến Hoa Kỳ, rằng "sự hiếu chiến quân sự" vì các cuộc thử nghiệm hạt nhân của Bắc Hàn sẽ chỉ dẫn đến "thảm hoạ".

Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói với Bình Nhưỡng rằng không nên đi theo hướng "nguy hiểm" và nói với Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm thứ Năm rằng không nên có vũ khí hạt nhân mới trên bán đảo Triều Tiên "cho dù đó là ở phía bắc hay nam".

Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã gặp ông Trump bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, một sự kiện hàng năm tập hợp các nhà lãnh đạo của 193 quốc gia thành viên.

Trước đó, ông Moon nói rằng nước ông không muốn miền Bắc sụp đổ, và cũng không muốn thống nhất bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, ông nói các biện pháp trừng phạt là cần thiết để đưa Bình Nhưỡng tới bàn đàm phán và buộc nó phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

*********************

Bắc Triều Tiên dọa thử bom H ở Thái Bình Dương (RFI, 22/09/2017)

donald2

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đe dọa sẽ "dùng lửa để khuất phục lão già tâm thần người Mỹ". KCNA via Reuters

Chịu áp lực ngày càng mạnh từ Liên Hiệp Quốc, lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng Kim Jong-un tiếp tục thách thức thế giới. Hôm nay, 22/09/2017, ông tuyên bố sẽ khiến tổng thống Mỹ Donald Trump phải "trả giá đắt" về lời đe dọa "hủy diệt hoàn toàn" Bắc Triều Tiên. Trong khi đó, ngoại trưởng nước này nêu lên khả năng thử bom H ở Thái Bình Dương.

Thông tín viên Frederic Ojardias tường trình từ Seoul :

"Trump đã sỉ nhục tôi và đất nước tôi trước toàn thể thế giới". Trong một tuyên bố chưa từng có được nhật báo chính thức của chế độ công bố, "lãnh đạo tối cao" Bắc Triều Tiên đã đích thân đáp lời tổng thống Mỹ. Ông Kim Jong-un - được tổng thống Trump mệnh danh là "Người hỏa tiễn" – đe dọa sẽ "dùng lửa để khuất phục lão già tâm thần người Mỹ". "(Các đe dọa của Trump), thay vì làm tôi sợ hãi, chỉ càng khiến cho tôi tin tưởng con đường mình chọn là đúng đắn và tôi sẽ đi đến cùng", Kim Jong-un kết luận và hứa hẹn những đòn trả đũa "ở mức cao nhất".

Trong chuyến công du New York để tham dự Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, ngoại trưởng Bắc Triều Tiên đã cho biết cụ thể : Hành động trả đũa có thể là một vụ thử bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương. Đây là một đe dọa chưa từng có và hết sức nghiêm trọng.

Những lời bốc lửa nói trên cho thấy những tuyên bố nẩy lửa của tổng thống Mỹ Donald Trump tại Liên Hiệp Quốc hoàn toàn phản tác dụng. Thái độ này đã tạo cho Kim Jong-un một diễn đàn để ứng xử bình đẳng với Hoa Kỳ. Điều này cũng cho phép lãnh đạo Bắc Triều Tiên biện minh cho chương trình hạt nhân và củng cố thế lực trong nội bộ".

Trong cuộc họp báo hôm nay ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cảnh báo rằng tình hình ở bán đảo Triều Tiên đang trở nên "trầm trọng" và kêu gọi tất cả các bên phải kềm chế, thay vì khiêu khích lẫn nhau.

RFI tiếng Việt

**********************

Iran tuyên bố sẽ tăng cường quân lực và hỏa tiễn đạn đạo (RFI, 22/09/2017)

donald3

Tổng thống Iran Hassan Rohani phát biểu tại Teheran, 22/09/2017. Reuters/Stephanie Keith

Tổng thống Iran Hassan Rohani; hôm 22/09/2017, loan báo sẽ tăng cường năng lực quân sự và tên lửa đạn đạo, bất chấp những chỉ trích của Hoa Kỳ và Pháp. Lời tuyên bố này được đưa ra nhân một cuộc diễu binh kỷ niệm cuộc chiến tranh Irak-Iran năm 1980.

Trong bài diễn văn được trực tiếp truyền hình, ông Rohani khẳng định : "Dù quý vị có muốn hay không, chúng tôi sẽ tăng cường năng lực quân sự cần thiết để răn đe. Không chỉ phát triển các hỏa tiễn mà cả các lực lượng không quân, hải quân và lục quân. Để bảo vệ tổ quốc, chúng tôi không cần xin phép ai cả". Tổng thống Iran nhấn mạnh : "Năng lực quân sự của chúng tôi không nhằm tấn công các nước khác".

Teheran đã triển khai một chương trình hỏa tiễn đạn đạo rộng lớn trong những năm gần đây, gây lo ngại cho Hoa Kỳ, Ả Rập Xê Út - đối thủ chính của Iran trong khu vực, Israel – kẻ thù xưa nay của Teheran, và một số nước Châu Âu trong đó có Pháp, tuy Iran luôn khẳng định là nhằm tự vệ.

Trong phiên họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên án Iran về chương trình nguyên tử cũng như tên lửa đạn đạo. Với giọng điệu ôn hòa hơn, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng với các nước Châu Âu đã bênh vực cho việc áp dụng hiệp định nguyên tử đã ký giữa Iran và các cường quốc, nhưng nguyên thủ Pháp cho rằng hiệp định này chưa đầy đủ, cần phải bắt buộc Iran giảm bớt chương trình đạn đạo và các hoạt động trong khu vực.

Ông Rohani cũng bác bỏ mọi thay đổi về quan điểm chính trị của Iran đối với khu vực, khẳng định sẽ "bảo vệ các dân tộc bị áp bức ở Yemen, Palestine và Syria". Iran hiện đang yểm trợ chế độ Syria, các nhóm Hồi Giáo Palestine và quân nổi dậy Houthi ở Yemen.

Thụy My

********************

Hạt nhân BTT : Donald Trump đánh mạnh vào túi tiền Bình Nhưỡng (RFI, 22/09/2017)

donald4

Ảnh của hãng tin Nhà nước Bắc Triều Tiên, với lời chú "lãnh đạo Kim Jong-un thăm chợ hoa quả ở tỉnh Hwanghae", công bố ngày 21/09/2017. Reuters

Sau đả kích chế độ Kim Jong-un, hôm 21/09/2017, tổng thống Mỹ thông báo một loạt biện pháp trừng phạt mới đánh vào nguồn sinh lực của Bắc Triều Tiên : hàng dệt may, ngư nghiệp, công nghệ thông tin và kỹ nghệ chế biến. Những công ty kinh doanh với Bắc Triều Tiên bị cấm hoạt động tại Mỹ.

Từ New York, Achim Lippold tường thuật :

Biện pháp nào hiệu quả nhất để gây sức ép với Bắc Triều Tiên ? Câu hỏi này luôn luôn gây tranh cãi giữa các nước liên can : một bên là Mỹ và bên kia là Trung Quốc và Nga, bênh vực chế độ Bình Nhưỡng.

Trong khi Washington sử dụng lời lẽ cứng rắn thì Moskva khuyến cáo chống lại "cuồng khích quân sự". Đó là tuyên bố của ngoại trưởng Nga tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, ngày hôm qua, gián tiếp đáp trả Donald Trump. Cũng tại diễn đàn này vài giờ trước, tổng thống Mỹ cao giọng đe dọa "hủy diệt toàn thể Bắc Triều Tiên".

Về phần Seoul, tổng thống Moon Jae-in giữ thái độ thận trọng : "Chúng tôi không muốn chế độ Bắc Triều Tiên sụp đổ". Tuy nhiên, lãnh đạo Hàn Quốc thúc giục cộng đồng quốc tế tăng cường các biện pháp trừng phạt, nếu Bình Nhưỡng tiếp tục khiêu khích.

Không một chút chậm trễ. Một giờ sau phát biểu của ngoại trưởng Nga, tổng thống Donald Trump ban hành những biện pháp mới trừng phạt Bình Nhưỡng.

Mục tiêu của Donald Trump là nhắm vào những cá nhân, những công ty và ngân hàng kinh doanh với Bắc Triều Tiên. Quyết định này cho thấy là dù có đe dọa dùng vũ lực, tạm thời, tổng thống Mỹ vẫn dành cho ngoại giao một ít thời gian.

Tú Anh

**********************

Bắc Hàn nói phát biểu của Trump là 'tiếng chó sủa' (BBC, 21/09/2017)

Quan chức ngoại giao hàng đầu của Bắc Hàn gọi bài phát biểu của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ở Liên Hiệp Quốc là "tiếng chó sủa".

donald5

Ông Trump gọi nhà lãnh đạo Bắc Hàn là "Anh hùng hỏa tiễn"

Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 20/9, ông Trump nói rằng ông sẽ "hủy diệt toàn bộ" Bắc Hàn nếu Bình Nhưỡng đe dọa Hoa Kỳ hoặc các đồng minh của nước này.

Bình luận của Ngoại trưởng Bắc Hàn Ri Yong-ho là phản ứng chính thức đầu tiên của Bắc Hàn đối với bài phát biểu của ông Trump.

Bắc Hàn vẫn tiếp tục phát triển các chương trình hạt nhân và vũ khí của mình, mặc cho lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc.

Ông Ri nói với các phóng viên gần trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York rằng : "Có một câu nói : Chó cứ sủa, đoàn người cứ đi".

"Nếu [Trump] nghĩ sẽ làm chúng tôi ngạc nhiên với tiếng chó sủa thì rõ ràng là ông ta đang nằm mơ".

Trước đó tại bài phát biểu ở Liên Hợp Quốc, ông Trump đã gọi nhà lãnh đạo Bắc Hàn là "Anh hùng hỏa tiễn đang lèo lái đất nước vào phi vụ tự sát".

Khi được hỏi ông nghĩ gì về ông Trump gọi ông Kim là "anh hùng hỏa tiễn", ông Ri trả lời : "Tôi cảm thấy tiếc cho phụ tá của ông ta".

Ông Ri dự kiến sẽ phát biểu tại Liên Hiệp Quốc vào thứ Sáu, 22/9.

Các chuyên gia nói Bắc Hàn có những tiến bộ đáng kinh ngạc trong việc phát triển tên lửa tầm xa và chương trình hạt nhân.

Hôm 3/9, Bắc Hàn cũng tuyên bố tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 và là cuộc thử nghiệm lớn nhất.

Vài ngày sau đó, Liên Hợp Quốc đã thông qua một loạt các lệnh trừng phạt mới đối với nước này bằng việc hạn chế nhập khẩu dầu và cấm xuất khẩu hàng dệt may - một nỗ lực nhằm cắt nguồn nhiên liệu và thu nhập cho các chương trình vũ khí của Bắc Hàn.

***********************

"Thỏa thuận hạt nhân Iran" có nguy cơ bị xóa sổ ? (RFI, 21/09/2017)

donald6

Tổng thống Iran Rouhani đến họp báo bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 20/09/2017. Reuters

Tương lai thỏa thuận hạt nhân Iran chưa bao giờ trở nên bất định như lúc này. Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa hủy bỏ thỏa thuận. Trong khi đó, Iran kiên quyết từ chối mở lại đàm phán.

Hôm 20/09/2017, bầu không khí tại Liên Hiệp Quốc rất căng thẳng. Nhân khóa họp thường niên Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 72, ngoại trưởng Iran và sáu cường quốc tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân (Anh, Nga, Pháp, Mỹ, Trung Quốc và Đức) đã có phiên họp đầu tiên kể từ sau thắng lợi bầu cử của ông Donald Trump.

Cuộc họp kéo dài một giờ, nhưng các bên đã không giải tỏa được bế tắc trước lời đe dọa ngày càng quyết liệt của tổng thống đòi hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran mà chính quyền Barack Obama đã ký.

Đây cũng là lần đầu tiên hai ngoại trưởng Rex Tillerson của Hoa Kỳ và Mohammad Javad Zarif của Iran gặp nhau và có những "trao đổi trực tiếp" khá lâu. Tuy nhiên, AFP nhận thấy cho dù "cần thiết" lắng nghe quan điểm của các bên, như lời ngoại trưởng Mỹ, cuộc họp hôm qua vẫn không xóa tan được mối ngờ vực về các dụng ý của Hoa Kỳ.

Theo ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, thỏa thuận hạt nhân Iran "có nhiều vấn đề lớn". Tổng thống Donald Trump vẫn luôn khẳng định đây là "một trong những hiệp định tồi tệ nhất mà Hoa Kỳ từng tham gia" và ông nhiều lần đe dọa hủy bỏ văn bản này.

Như để trấn an Hoa Kỳ, một số nước, trong đó có Pháp, đề xuất thương lượng lại về một vài thời điểm áp dụng các nội dung của thỏa thuận, cũng như các chủ đề phụ có liên quan như vai trò của Iran tại Trung Đông. Theo tổng thống Pháp Emmanuel Macron, các bên không hẳn là "thương thuyết lại" thỏa thuận, mà chỉ là "bổ sung" thêm.

Thế nhưng, trên diễn đàn Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, tổng thống Iran Hasan Rohani đã dập tắt mọi hy vọng mở lại đàm phán. Ông cho rằng thảo luận với một chính phủ Mỹ chuyên "chà đạp các cam kết quốc tế của chính mình" chỉ làm "phí thời gian". Tổng thống Iran nhắc lại rằng "từng chữ từng câu" trong thỏa thuận đã được các bên tham gia ký kết tranh luận gay gắt, đồng thời cảnh báo nguy cơ "chỉ cần một viên gạch bị rút, cả một tòa nhà có thể sụp đổ ".

Giờ đây, với tuyên bố trước báo giới "Tôi đã có quyết định" và đe dọa hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran, Donald Trump đang làm cho cả thế giới lo ngại. Vì từ đây đến ngày 15/10/2017, tổng thống Mỹ phải "tuyên bố" trước Quốc Hội là Teheran có đã tuân thủ các cam kết hay không. Nếu Donald Trump không làm việc này thì Hoa Kỳ sẽ lại ban hành các biện pháp trừng phạt vốn đã được xóa bỏ trong khuôn khổ thoả thuận hạt nhân Iran 2015, và hành động này được coi như là " khai tử chính trị" thỏa thuận, theo nhận định của các nhà ngoại giao.

Mặt khác, giới ngoại giao lo ngại rằng thái độ quay ngoắt 180 độ của Hoa Kỳ trong hồ sơ Iran sẽ gây ra những tác động tiêu cực khác : Khả năng lôi kéo Bắc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán phi hạt nhân hóa càng thêm xa vời.

Các chuyên gia về Bắc Triều Tiên cảnh báo : Bình Nhưỡng theo dõi sát sao xem "hồ sơ Iran được xử lý ra sao", để có thể dự phóng được "số phận của chính họ nếu như nước này một ngày nào đó phải chấp nhận từ bỏ vũ khí hạt nhân ".

Minh Anh

********************

Hạt nhân : Tổng thống Iran đáp trả công kích của tổng thống Mỹ (RFI, 21/09/2017)

Hôm 20/09/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố đã "có quyết định" về thỏa thuận tên lửa với Iran, nhưng không cho biết nội dung. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Teheran gia tăng, sau khi tổng thống Mỹ công kích mạnh mẽ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và gọi chính quyền Teheran là "Nhà nước côn đồ", độc tài, thối nát, yểm trợ khủng bố. Ngay sau đó, tổng thống Iran Hassan Rohani đã lên tiếng đáp trả.

donald7

Tổng thống Iran Hassan Rohani phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 20/09/2017. Reuters

Hôm 20/09/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố đã "có quyết định" về thỏa thuận tên lửa với Iran, nhưng không cho biết nội dung. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Teheran gia tăng, sau khi tổng thống Mỹ công kích mạnh mẽ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và gọi chính quyền Teheran là "Nhà nước côn đồ", độc tài, thối nát, yểm trợ khủng bố. Ngay sau đó, tổng thống Iran Hassan Rohani đã lên tiếng đáp trả.

Đặc phái viên Achim Lippold tường trình từ New York :

"Phát biểu trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, với thái độ bình tĩnh, nhưng cương quyết, tổng thống Iran Hassan Rohani đã trả lời tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Tư. Không, chúng tôi không ủng hộ khủng bố, chúng tôi tôn trọng quyền con người và chúng tôi sẽ không vi phạm thỏa thuận hạt nhân. Một lát sau, trước báo chí, tổng thống Rohani nhấn mạnh rằng thỏa thuận này là không thể tái đàm phán.

Trong trường hợp Hoa Kỳ bãi bỏ thỏa thuận này thì sao ? Tổng thống Hassan Rohani cảnh báo : "Nếu Mỹ quyết định phá vỡ thỏa thuận, điều đó có nghĩa là Iran sẽ toàn quyền hành động trong mọi phương án. Chúng tôi sẽ rảnh tay lựa chọn mọi hành động có lợi cho Iran và cả đất nước sẽ cùng đưa ra quyết định".

Tuy nhiên, tổng thống Iran loại trừ mọi phương án hạt nhân vì mục đích quân sự. Theo ông, Hoa Kỳ sẽ mất nhiều uy tín, nếu Washington rút khỏi thỏa thuận quốc tế này.

Về câu hỏi liệu vẫn có thể có một cuộc hội đàm với Washington không ? Tổng thống Hassan Rohani trả lời là chưa phải lúc này. Ngoài ra, ông cũng yêu cầu tổng thống Mỹ xin lỗi vì đã công kích Iran".

Tối hôm qua, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và đồng nhiệm Iran Mohammad Javad Zarif đã họp chung với đại diện 5 quốc gia khác ký kết thỏa thuận 2015 (Pháp, Anh, Nga, Đức, Trung Quốc). Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao cho hay, đây là cuộc họp đầu tiên có sự tham gia của hai ngoại trưởng Mỹ và Iran kể từ khi tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền. Hai bên đã nói chuyện "trực tiếp và khá lâu".

Lãnh đạo ngoại giao Châu Âu Federica Mogherini, chủ tọa phiên họp, nhấn mạnh cho đến nay thỏa thuận đã được tất cả các bên tôn trọng và không cần phải thương lượng lại thỏa thuận này. Tuy nhiên, cuộc họp nói trên không xua đi được các hoài nghi của công luận xung quanh thái độ của tổng thống Mỹ. Sau cuộc họp nói trên, không có ngoại trưởng nào trả lời các câu hỏi của phóng viên.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Nhật Bản hôm 19/09/2017 triển khai bổ sung một hệ thống lá chắn tên lửa trên hòn đảo Hokkaido. Kế hoạch này được thực hiện chỉ vài ngày sau khi Bắc Triều Tiên phóng tên lửa qua không phận Nhật Bản.

nhat1

Tên lửa Patriot PAC - 3 tại căn cứ không quân Mỹ Yokota, ở Fussa, Nhật Bản (Ảnh chụp ngày 29/08/2017) Reuters/Issei Kato/File Photo

Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Nhật Bản, ông Kensaku Mizuseki, cho biết Tokyo dự kiến bắt đầu trong ngày hôm nay lắp đặt một lá chắn tên lửa PAC-3 tại một căn cứ quân sự trên đảo Hokkaido.

Trước đó, chính phủ Nhật Bản đã cho triển khai một hệ thống lá chắn tên lửa Patriot PAC-3 tại một nơi khác trên hòn đảo này. Tuy nhiên, theo AFP, vì lý do bảo mật, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Nhật Bản từ chối tiết lộ các lá chắn tên lửa Patriot khác được bố trí ở những nơi nào trên lãnh thổ Nhật Bản.

Việc Nhật Bản tăng cường hệ thống phòng thủ diễn ra trong bối cảnh chỉ trong vòng một tháng, Bắc Triều Tiên đã tiến hành thêm một vụ thử nghiệm hạt nhân và bắn thêm hai tên lửa qua không phận Nhật Bản.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố Tokyo không bao giờ dung thứ cho các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng. Ông Abe cũng kêu gọi quốc tế gia tăng sức ép buộc Bắc Triều Tiên ngưng các hành động khiêu khích nói trên.

Trong khi đó, Bắc Kinh hôm nay thông báo ngoại trưởng Trung Quốc và đồng nhiệm Nga, trong cuộc gặp ở New York, nhân Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, đã kêu gọi tìm kiếm "một giải pháp hòa bình" để thoát khỏi "vòng luẩn quẩn" về cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Theo một thông cáo của bộ Ngoại Giao Trung Quốc, ngoại trưởng Nga Lavrov khẳng định Moskva "hoàn toàn đồng thuận" với Bắc Kinh trong hồ sơ Bắc Triều Tiên.

Thùy Dương

Published in Châu Á

Tấn công Bắc Triều Tiên : Chiến thắng quân sự có thể thành ''cạm bẫy''

Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc khai mạc ngày mai, 19/09/2017, với các diễn văn được trông đợi của tổng thống Mỹ, tổng thống Pháp ; mô hình Đức với những điểm mạnh yếu, trong bối cảnh cử tri bầu Quốc Hội mới cuối tuần này là các chủ đề lớn của báo Pháp hôm nay. Nhưng trước hết, xin giới thiệu bài phân tích "Những kịch bản của một cuộc chiến ‘‘mới’’ trên bán đảo Triều Tiên" của nhà báo Philippe Pons trên Le Monde, vào lúc dường như không có dấu hiệu gì cho thấy trừng phạt quốc tế làm thay đổi mục tiêu hạt nhân của Bình Nhưỡng.

tancong1

Truyền hình Nhật thông tin về vụ bắn thử tên lửa Bắc Triều Tiên, Tokyo, 10/08/2017.REUTERS/Toru Hanai

Phản ứng của Bắc Triều Tiên ngay sau loạt trừng phạt mới của Hội Đồng Bảo An, với vụ bắn thử tên lửa xuyên qua không phận Nhật Bản, ngày 15/08, cho thấy Hoa Kỳ phải tính đến các biện pháp mạnh hơn. Washington tuyên bố : "Mọi biện pháp đều đang được bàn tính". "Đụng độ quân sự" Mỹ - Bắc Triều Tiên có thể xảy ra, theo nhận định của cựu thứ trưởng ngoại giao Nhật Bản, ông Hitoshi Tanaka, người từng đàm phán cho thủ tướng Nhật công du Bắc Triều Tiên năm 2002.

Trước viễn cảnh này, nhà báo Philippe Pons lưu ý đến một điều trớ trêu là một cuộc chiến như vậy, nếu có xảy ra, thì thật ra không phải là "mới", bởi cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953 trên thực tế chỉ được ngưng lại, với một thỏa thuận hòa bình tạm thời. Để có một cuộc chiến mới, thì cần phải "kết thúc cuộc chiến cũ".

Thêm vào đó, để mở ra một cuộc can thiệp quân sự chống chế độ Bình Nhưỡng, Hoa Kỳ đang đứng trước nhiều trở ngại. Global Times – một tờ báo chính thống của đảng cộng sản Trung Quốc – khẳng định Bắc Kinh sẽ không can thiệp, nếu Bình Nhưỡng tấn công trước, ngược lại sẽ không khoanh tay trong trường hợp ngược lại. Nước Nga láng giềng, trước nguy cơ hỗn loạn tại Bắc Triều Tiên, cũng sẽ không ngồi im. Về phần mình, chính quyền Hàn Quốc tuyên bố Seoul phải có tiếng nói quyết định trong bất cứ một dự án can thiệp quân sự nào.

Bên cạnh đó, nhật báo Le Monde cũng lưu ý một điều là, nếu như kết cục của một cuộc chiến Mỹ-Bắc Triều Tiên có thể dễ dàng đoán trước, theo "tương quan sức mạnh", thế nhưng kinh nghiệm cho thấy "chiến thắng về quân sự có thể trở thành một chiếc bẫy đối với bên chiến thắng", như trường hợp Iraq và Afghanistan. Bắc Triều Tiên rất có nguy cơ trở thành như vậy, do cư dân Bắc Triều Tiên vốn "thống nhất về mặt văn hóa và sắc tộc", lại liên tục sống trong một bầu không khí tuyên truyền về một đất nước bị vây hãm, cự tuyệt mọi can thiệp bên ngoài.

Can thiệp quân sự để ủng hộ cho các thay đổi bên trong là điều khó xảy ra. Hy vọng về "một Mùa Xuân Ả Rập" tại Bắc Triều Tiên là viễn cảnh gần như không thể có, do mọi phản kháng đều bị bóp nghẹt ngay từ đầu ; giới tinh hoa trong xã hội, do tin tưởng hoặc do sợ hãi, trong hiện tại tỏ ra hết sức trung thành với chế độ.

Hai bí ẩn lớn

Khép lại bài viết, Philippe Pons lưu ý đến hai hệ quả khác, mà ông gọi là "hai bí ẩn lớn", cần phải tính kỹ, nếu Hoa Kỳ muốn can thiệp quân sự. Thứ nhất là, trong trường hợp Kim Jong-un bị lật đổ, ai sẽ có thể cầm đầu một xã hội như Bắc Triều Tiên ? Rất nhiều khả năng đó sẽ là một nhân vật dân tộc chủ nghĩa thậm chí còn cuồng nhiệt hơn.

Bí ẩn thứ hai, nếu như chế độ Bắc Triều Tiên sụp đổ, thì vũ khí hạt nhân sẽ rơi vào tay ai ? Viễn cảnh bí mật hạt nhân lọt ra bên ngoài là điều nhãn tiền… Tác giả nhấn mạnh là, với "trường hợp phức tạp Bắc Triều Tiên", cần phải suy tính rất kỹ lưỡng trước khi dấn bước vào một cuộc phiêu lưu, có thể dẫn đến một tình hình rắc rối hơn nhiều so với hiện nay.

Cải cách Liên Hiệp Quốc dưới áp lực của Donald Trump

Bắc Triều Tiên chắn chắn sẽ lại một chủ đề chính tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Nhưng cộng đồng quốc tế hiện tại đang phải đối mặt với áp lực "cải tổ sâu sắc" Liên Hiệp Quốc, do Hoa Kỳ thúc đẩy. Le Figaro giới thiệu với độc giả về cuộc "tiểu thượng đỉnh" về cải cách, được tổ chức hôm nay, tại New York, do Mỹ chủ trì. 120 quốc gia tham gia sáng kiến của Mỹ dự kiến sẽ ký kết một tuyên bố chung 10 điểm, ủng hộ cải cách.

Hoa Kỳ đóng góp 10 tỉ đô la/năm, tương đương 25% ngân sách Liên Hiệp Quốc, 28% chi phí cho lực lượng gìn giữ hòa bình, 40% của các tổ chức Cao Ủy Tị Nạn, Chương Trình Lương Thực Thế Giới (PAM) và Tổ Chức Di Cư Quốc Tế (OIM). Để không bị mất nguồn tài chính quan trọng này, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Guterres sốt sắng ủng hộ dự án cải cách của tổng thống Mỹ. Bản thân ông Guterres cũng là người từ lâu đã ủng hộ một cuộc cải cách sâu rộng nhiều định chế của Liên Hiệp Quốc, mà ông cho rằng cồng kềnh, thiếu hiệu quả, tốn kém.

Khó hy vọng tổng thống Mỹ có một tầm nhìn toàn cầu

Tuy nhiên, xã luận Le Figaro tỏ ra hết sức nghi ngờ về khả năng tổng thống Mỹ Donald Trump đưa được một tầm nhìn toàn cầu, bởi phong cách của ông Trump vốn là phản ứng theo từng vụ việc. Donald Trump từng hứa "một xáo trộn lớn, nhưng điều đó đã không xảy ra… Về hàng loạt chủ đề như NATO, Nga, Syria hay Trung Quốc, ông Trump thường đưa những tuyên bố vừa mạnh mẽ, vừa trái ngược. Và trên thực tế, rất ít hiệu quả. Chưa kể đến vấn đề Bắc Triều Tiên, sự bất lực của nước Mỹ là hiển hiện. Nhìn chung, tổng thống Mỹ đưa rất nhiều bất ổn vào hệ thống".

Tuy nhiên, Le Figaro cũng lưu ý là thực tế này cũng có mặt tích cực, đó là để ngỏ những không gian mới cho các đối tác khác thử nghiệm những hướng đi mới, ví như như tổng thống Pháp.

Về Liên Hiệp Quốc, Les Echos dành sự chú ý cho ba nhân vật mới "Trump, Macron và Guterres". Theo tờ báo kinh tế Pháp, nếu như tổng thống Pháp Emmanuel Macron có được một hình ảnh tốt trong con mắt của cộng đồng quốc tế, thì tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có một cuộc chơi khó khăn tại Liên Hiệp Quốc.

Liên Hiệp Quốc vẫn là "câu lạc bộ" không thể thay thế

Với khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết", chống lại quan điểm hợp tác đa phương, ông Trump đang có nguy cơ bị cô lập trong một loạt hồ sơ, trước hết trong vấn đề khí hậu, mà Hoa Kỳ đe dọa rút khỏi. Chính bản thân Liên Hiệp Quốc cũng bị ông Trump đe dọa tẩy chay, khi gọi đây là một "câu lạc bộ để những kẻ rỗi hơi tập hợp, ba hoa".

Tuy nhiên, theo xã luận của báo công giáo La Croix, "Liên Hiệp Quốc (là) ‘‘một câu lạc bộ’’ không thể thay thế được". Hiển nhiên, "có nhiều lý do để nghi ngờ về tính có ích" của định chế quốc tế này, "nhưng cùng lúc đó, cũng cần đặt câu hỏi, làm thế nào có thể không có nó". Chắc chắn là phải đấu tranh chống lại tệ quan liêu ở đây, nhưng cùng lúc đó, cần phải tiếp tục sứ mệnh cơ bản của Liên Hiệp Quốc, nơi cộng đồng quốc tế phối hợp vì "lợi ích chung của nhân loại" (như một thông điệp của giáo hoàng Francis).

La Croix, trong bài "tại Liên Hiệp Quốc, tương lai của quan điểm hợp tác đa phương là tâm điểm thảo luận", đặt câu hỏi liệu tổng thống Pháp Emmanuel Macron có sử dụng được dịp này để khẳng định viễn kiến riêng của ông về những vấn đề hệ trọng của nhân loại : "Khí hậu, hòa bình, các quyền tự do căn bản, văn hóa và giáo dục".

"Kỷ nguyên vàng" của Đức

Trước bầu cử Quốc Hội Đức, trong bối cảnh nữ thủ tướng Angela Merkel gần như chắc chắn giành chiến thắng, tờ Le Figaro tập trung phân tích "Kỷ nguyên vàng của nước Đức". Cuộc viếng thăm một trường đào tạo nghề, trong chuyến công du Đức hôm thứ Sáu tuần trước, để lại ấn tượng mạnh cho thủ tướng Pháp Edouard Philippe. Theo thủ tướng Pháp, hệ thống đào tạo nghề là một trong những chìa khóa thành công kinh tế của Đức.

Đức, từng bị coi là "kẻ ốm yếu của Châu Âu" đầu những năm 2000, nhưng giờ đây quốc gia này trở thành đầu tầu của Liên Hiệp, với thất nghiệp gần 6% (thấp nhất kể từ 25 năm nay), trong lúc dân cư trong độ tuổi lao động ở mức cao nhất, với 44 triệu người. Mức tăng trưởng năm ngoái 1,9%, cao nhất từ 5 năm nay. Thặng dư ngoại thương chưa từng có, với 253 tỉ euro.

Theo Le Figaro, mạng lưới các doanh nghiệp vừa và nhỏ có sức cạnh tranh cao là bí quyết thành công của Đức, kết quả của các cải cách được tiến hành từ 15 năm trước.

Theo một số chuyên gia kinh tế, nước Đức đang ở trong "những năm tháng tươi đẹp nhất", nhưng đồng thời dự đoán tình hình sẽ khó khăn hơn trong 10 năm nữa.

Một số khuyết tật của Đức là đầu tư ít vào các cơ sở hạ tầng giao thông, trong lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số, hay những nhu cầu mới trong giáo dục. Tình trạng dân số sụt giảm cũng là mối đe dọa đối với Đức trong tương lai. Năm 2025, dân trong độ tuổi lao động của Đức sẽ giảm 2,5 triệu. Mặt khác, mặt trái của thành công Đức được xây dựng trên tình trạng bất bình đẳng gia tăng mạnh. Tỉ lệ người nghèo gia tăng mạnh trong những năm gần đây, chiếm 16% dân số, dân có thu nhập thấp chiếm 20% trên tổng số người làm công.

Báo Le Monde cũng dành chủ đề chính cho mô hình Đức, nhưng thiên về "những điểm yếu", mà tiêu biểu là các bê bối động cơ xe hơi diesel gian lận, cho thấy "tính đạo đức giả" và "những khuyết tật của mô hình Đức".

Sức mạnh thực sự của Merkel

Về thành công của nước Đức, báo kinh tế Les Echos chú ý đến "Sức mạnh thực sự của thủ tướng Merkel". Bài xã luận Les Echos lưu ý là điều cơ bản của sức mạnh Đức là "vai trò lãnh đạo tinh thần". Về mặt chính trị quốc tế, nước Đức không có tham vọng trở thành thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An, về mặt quân sự, Berlin cũng không có chủ trương đầu tư ào ạt. Tuy nhiên, trong thời gian cầm quyền của thủ tướng Merkel, tiếng nói của nước Đức được cộng đồng quốc tế lắng nghe.

Theo Les Echos, sức mạnh và sự may mắn của nước Đức là gần như luôn luôn được lãnh đạo bởi những nhà lãnh đạo có quan điểm nhất quán, như Konrad Adenauer với quan điểm hòa giải với "phương Tây", Willy Brandt hòa giải với "phương Đông", Helmut Kohl và "sự thống nhất của nước Đức", Gerhard Schroder và "cuộc cải cách cấu trúc của nền kinh tế". Giờ đây đến lượt bà Merkel, bởi lập trường "coi trọng các giá trị đạo lý hơn mọi quan điểm ý thức hệ".

Bà Merkel đã biết cách nói chuyện cứng rắn với tổng thống Nga Putin, khẳng định các nguyên tắc của mình một cách khôn khéo trước tổng thống Mỹ. Đối với Trung Quốc, bà Merkel rất được trọng nể. Les Echos nhấn mạnh đến quan hệ hợp tác hệ trọng, mang tính phối hợp, bổ sung linh hoạt giữa Pháp-Đức, đặc biệt kể từ khi ông Emmanuel Macron đắc cử tổng thống. Việc ông Macron trở thành tổng thống Pháp được coi là một hậu thuẫn cho thắng lợi được báo trước của thủ tướng Đức.

Khác biệt rất lớn về tính cách, phong cách, về tuổi tác, giữa cặp Macron-Merkel hoàn toàn có thể coi là một thế mạnh của quan hệ Pháp-Đức, một khi được phối hợp tốt. Tấm gương của Đức thúc đẩy Pháp trên con đường cải cách, và hợp tác Pháp-Đức chính là "giải pháp tuyệt vời" cho một Châu Âu "đang trên đường tìm kiếm chính mình, trong một thế giới thay đổi mạnh mẽ", theo Les Echos.

Tăng thuế các tập đoàn internet : "Thành công đầu" của Pháp

Vẫn về nước Pháp và Châu Âu, trang nhất của Les Echos dành cho chủ đề "Đánh thuế các tập đoàn internet : Thắng lợi đầu tiên của Paris". Hôm thứ Bảy tuần trước, trong cuộc họp các bộ trưởng tài chính Châu Âu, tại Talinn, chín quốc gia Châu Âu, trong đó có Đức, Ý, Tây Ban Nha, đã ủng hộ quan điểm đánh thuế của Pháp, tăng thuế các tập đoàn tin học hàng đầu - Google, Apple, Facebook, Amazon (nhóm GAFA).

Tuy nhiên, cải cách thuế Châu Âu để được thực hiện phải có sự ủng hộ của toàn bộ 28 quốc gia thành viên. Điều gần như không thể được, do sự phản đối của nhiều nước, trong đó có Ireland, quốc gia được hưởng nhiều lợi ích kinh tế từ các tập đoàn internet. Dù sao, ủng hộ của 10 nước đối với dự án Pháp đủ để mở ra triển vọng cải cách trên phạm vi một nhóm nước Châu Âu, theo một quy định của Liên Hiệp.

Phim "Chiến tranh Việt Nam" hay "Việt Nam, sau ngày tận thế"

Kể từ tối 19/09/2017, kênh truyền hình Pháp-Đức Arte bắt đầu chiếu bộ phim tài liệu về Chiến tranh Việt Nam ("Vietnam War"), dài 18 giờ, của hai đạo diễn Mỹ Lynn Novick và Ken Burns. Le Monde có bài phóng sự "Việt Nam, sau ngày tận thế".

Điểm độc đáo của bộ phim – được thực hiện trong 10 năm - là tập hợp những quan điểm và hồi ức từ tất cả các bên, từ phía cựu binh và thường dân miền Bắc (cộng sản) và miền Nam (đồng minh với Hoa Kỳ), cũng như các nhân chứng Mỹ.

Nhờ sự hỗ trợ của các sử gia, giai đoạn lịch sử từ trận chiến Điện Biên Phủ 1954 đến "Sài Gòn sụp đổ" 30/4/1975 trở nên một truyện kể mà các bên - vốn có quan điểm đối địch – có thể chia sẻ.

Hai đạo diễn Mỹ - có kinh nghiệm với các bộ phim lịch sử dài tập về Nội chiến Mỹ hay Thế chiến Hai – đã từng sửng sốt trước quy mô của dự án "Vietnam War". Mục tiêu của các tác giả là mang đến cho khán giả Mỹ "một cái nhìn mới" về cuộc chiến và những hệ quả của nó đối với xã hội Mỹ.

Trò chuyện với phóng viên Le Monde, khi vừa trở về sau 6 tháng chiếu phim trên 30 thành phố trên khắp nước Mỹ, đạo diễn Ken Burns tâm sự : "Chiến tranh Việt Nam là một biến cố quan trọng nhất kể từ Thế chiến Hai, và hiện nay, nếu nước Mỹ ít tin tưởng vào bản thân, chính vì những phân hóa sâu sắc mà cuộc chiến để lại. Bộ phim tiếp tục dẫn đến những quan điểm khác biệt và tranh luận, bởi không có một sự thật duy nhất về cuộc chiến này".

Ông Peter Kukurba, một cựu binh 71 tuổi, đến xem phim, cho biết "trong một thời gian dài, ông không thể hòa giải được nỗi hổ thẹn đã tham gia vào cuộc chiến và niềm tự hào được phục vụ đất nước". Còn sử gia và cựu chiến binh Jim Willnaks, cố vấn của phim, thì không chắc là bộ phim có thể hòa giải được "hai nước Mỹ". Theo ông, còn rất nhiều người Mỹ không hiểu Chiến tranh Lạnh là gì.

Theo Le Monde, chính quyền Việt Nam quyết định để phim được chiếu trên mạng, kể từ hôm qua, với lời dịch bằng tiếng Việt. Theo đạo diễn Lynn Novick, nhà chức trách Việt Nam bảo đảm "phim sẽ không bị kiểm duyệt".

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Kim Jong-un tuyên bố sắp nắm trong tay vũ khí nguyên tử (RFI, 16/09/2017)

Chỉ vài giờ sau khi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc lên án vụ bắn thử tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng, hôm nay, 16/09/2017, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố sắp nắm trong tay vũ khí nguyên tử và mục tiêu tối hậu của nước này là đạt được "cân bằng lực lượng" với Hoa Kỳ.

btt1

Ảnh của hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA cung cấp, ngày 16/09/2017, với lời chú : lãnh đạo Kim Jong-un xem bắn thử tên lửa Hwasong-12. Reuters không có phương tiện để thẩm định tính xác thực của bức ảnh. KCNA via Reuters

Hãng tin chính thức của Bắc Triều Tiên KCNA trích lời của ông Kim Jong-un nói thêm rằng vụ bắn thử tên lửa Hwasong-12 hôm qua qua không phận Nhật Bản đã là một thành công, giúp nâng cao "khả năng hạt nhân quân sự" của nước này.

Đối với chuyên gia David Wright, hội Union of Concerned Scientists, được AFP trích dẫn hôm nay, Bắc Triều Tiên đã chứng tỏ là họ có thể bắn tên lửa đến đảo Guam (nơi có những cơ sở quân sự chiến lược của Mỹ), tuy rằng hiện chưa ai biết tên lửa đó mang đầu đạn cỡ nào và có độ chính xác bao nhiêu.

Theo nhà phân tích Yang Uk, thuộc Diễn đàn Quốc phòng và An ninh Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên sẽ không thể nào đạt "cân bằng lực lượng hạt nhân" với Hoa Kỳ, nhưng ông nhấn mạnh là Bình Nhưỡng đã đạt tiến bộ nhanh chóng về chương trình hạt nhân.

Như vậy là lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã bất chấp tuyên bố của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc sau cuộc họp kín hôm qua, "cực lực lên án" vụ Bình Nhưỡng bắn tên lửa hôm qua, yêu cầu nước này chấm dứt ngay lập tức những hành động khiêu khích như vậy.

Từ trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, thông tín viên RFI Marie Bourreau tường trình :

"Chỉ trong chưa đầy một giờ đồng hồ, các thành viên Hội Đồng Bảo An đã đạt được đồng thuận về một tuyên bố nhất trí lên án vụ bắn thử hỏa tiễn mới nhất của Bắc Triều Tiên mà Hội Đồng Bảo An đánh giá là "khiêu khích nghiêm trọng".

Một lần nữa, Hội Đồng Bảo An kêu gọi Bình Nhưỡng ngừng ngay lập tức các hành động gây phẫn nộ này. Tuy nhiên, theo đại sứ Ethiopia, đảm nhiệm chức chủ tịch Hội Đồng Bảo An trong tháng 9, thì hiện tại không đặt ra vấn đề đe dọa, trừng phạt thêm. Ông nói :

"Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh đến việc là toàn bộ các quốc gia thành viên phải thi hành đầy đủ và ngay lập tức các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về Bắc Triều Tiên. Đồng thời Hội Đồng Bảo An khẩn thiết nhấn mạnh là Bình Nhưỡng cần ngay lập tức thể hiện thiện chí hướng đến từ bỏ vũ khí hạt nhân".

Áp lực đòi thương lượng trực tiếp

Về phần mình, đại sứ Nga Vassily Nebienzia – sau cuộc họp này – lên án xu hướng ngày càng đi vào bế tắc. Đại sứ Nga kêu gọi tạo ra một động lực mới, thông qua các thương lượng trực tiếp : "Cứ một nghị quyết được đưa ra, lại một khiêu khích, rồi lại một nghị quyết, một khiêu khích mới. Nhiều người cho rằng đến một lúc nào đó cũng cần phải thay đổi cách nghĩ".

Vấn đề Bắc Triều Tiên sẽ là chủ đề trung tâm của cuộc họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, sẽ khai mạc ngày thứ Ba tuần tới. Ngày thứ Năm, tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ có cuộc hội kiến với hai thủ tướng Nhật Bản và Hàn Quốc.

Áp lực thương lượng trực tiếp với Bình Nhưỡng đang ngày càng trở nên mạnh mẽ, kể cả từ phía các đồng minh của Hoa Kỳ, như Pháp".

Trước cuộc thảo luận dự kiến với lãnh đạo hai nước Hàn Quốc và Nhật Bản về hồ sơ Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc vào tuần tới, tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua đã một lần nữa cảnh cáo Bình Nhưỡng là Hoa Kỳ có nhiều phương án quân sự "mạnh mẽ" để đáp lại thái độ của Bắc Triều Tiên "xem thường" các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế.

Trong khi đó, hôm qua, hai tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Nga Vladimir Putin đã kêu gọi mở các cuộc "thương lượng trực tiếp" với Bắc Triều Tiên, nhấn mạnh là chỉ nên dùng các phương tiện ngoại giao và chính trị để giải quyết tình hình "cực kỳ phức tạp" này.

RFI tiếng Việt

******************

Bắc Kinh cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng, dù không muốn chế độ này sụp đổ (RFI, 15/09/2017)

Ngay cả trước khi Bắc Triều Tiên lại bắn tên lửa đạn đạo ngang qua Nhật Bản Bắc Kinh đã tỏ thái độ cứng rắn hơn với đồng minh Bình Nhưỡng. Theo báo chí quốc tế, các ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc đã được lệnh ngưng mở tài khoản mới cho các cá nhân và công ty, tổ chức Bắc Triều Tiên. Biện pháp này như vậy là mạnh hơn cả các biện pháp trừng phạt mà Hội Đồng Bảo An vừa thông qua sau vụ thử hạt nhân lần thứ sáu của Bình Nhưỡng.

btt2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mất kiên nhẫn với Kim Jong-un ? Ảnh minh họa. Reuters/Jason Lee

Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn cố không để cho chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ hay nổ ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, gây ra một cuộc khủng hoảng người tị nạn tràn qua biên giới Trung Quốc. Chủ trương của Bắc Kinh vẫn là kêu gọi các bên trở lại bàn đàm phán, kêu gọi Hoa Kỳ và Hàn Quốc ngưng các cuộc tập trận chung để có thể thuyết phục Bắc Triều Tiên ngưng thử hạt nhân và tên lửa.

Nhưng việc Bình Nhưỡng liên tiếp thử nghiệm vũ khí, lại đúng vào lúc sắp diễn ra những sự kiện lớn ở Trung Quốc, chẳng hạn như là Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10/2017 khiến Bắc Kinh càng khó xử với đồng minh bất trị này. Trong khi đó thì Hoa Kỳ gia tăng áp lực lên Trung Quốc cả trên vấn đề Bắc Triều Tiên lẫn thương mại.

Trong một bài viết đăng ngày 15/09/2017, trang mạng Quartz cho biết là, trước thái độ khiêu khích quốc tế của Bình Nhưỡng, trong giới học giả Trung Quốc ngày càng có nhiều người yêu cầu Bắc Kinh phải có thái độ cứng rắn hơn với Bắc Triều Tiên, nhất là vì vụ thử hạt nhân mới đây khiến Bắc Kinh quan ngại về nguy cơ ô nhiễm phóng xạ ở vùng biên giới giữa hai nước. Họ kêu gọi Trung Quốc phải thi hành những biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề hơn với Bình Nhưỡng, chẳng hạn như cấm các ngân hàng Trung Quốc làm ăn với các công ty Bắc Triều Tiên.

Chính chủ tịch Tập Cận Bình là người trực tiếp đề ra chính sách về Bắc Triều Tiên. Việc Trung Quốc bỏ phiếu thuận cho các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc và lệnh cấm các ngân hàng mở tài khoản mới cho người Bắc Triều Tiên cho thấy là lãnh đạo họ Tập dường như nay đã hết kiên nhẫn với Kim Jong-un.

Hơn nữa, đối với chính quyền Donald Trump, Bắc Triều Tiên và mậu dịch song phương là hai vấn đề gắn liền nhau. Khi bỏ phiếu thuận cho các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc đối với Bình Nhưỡng, Bắc Kinh hy vọng sẽ giải tỏa được áp lực của Hoa Kỳ trên vấn đề trao đổi thương mại, mà Trung Quốc vẫn bị cáo buộc là có những lạm dụng.

Như lời giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương thuộc Đại học Lĩnh Nam, Hồng Kông, Bắc Kinh muốn "dạy cho Bắc Triều Tiên một bài học, nhưng không nặng đến mức làm sụp đổ chế độ này". Một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân Dân Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh, cũng cho rằng Trung Quốc muốn Bắc Triều Tiên ăn đòn đau, nhưng đồng thời vẫn mở ngỏ cho Bình Nhưỡng trở lại bàn thương lượng.

Nhưng theo ông, đây là một chính sách đầy rủi ro, bởi vì nếu Bắc Triều Tiên tiếp tục có những hành động khiêu khích quốc tế, Bắc Kinh sẽ lâm vào thế kẹt. Hoa Kỳ lại còn có lý do để buộc Trung Quốc phải chấp nhận một lệnh cấm vận dầu hỏa "toàn diện và ngay lập tức", một biện pháp có thể đe dọa đến sự sống còn của chế độ Bình Nhưỡng.

Thanh Phương

*********************

Quốc tế lên án Bắc Triều Tiên về vụ thử tên lửa (RFI, 15/09/2017)

Họp báo sáng ngày 15/09/2017, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh (Hua Chungying) tuyên bố Bắc Kinh "phản đối Bắc Triều Tiên vi phạm nghị quyết của Hội Đồng Bảo An, sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo".

btt3

Quốc tế khó xử vì lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh minh họa. KCNA via Reuters

Trung Quốc hứa sẽ "thi hành đầy đủ và nghiêm túc các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc". Nhưng đồng thời kêu gọi "các bên liên quan tỏ thái độ kềm chế". Từ Bắc Kinh, thông tín viên đài RFI Heike Schmidt cho biết thêm :

"Vào lúc 6 giờ 53, giờ địa phương, Tân Hoa Xã thông báo ngắn gọn Bắc Triều Tiên lại bắn tên lửa về hướng Tây. Tuy nhiên, vụ thử ngày hôm nay minh chứng cho điều mà Bắc Kinh vẫn nhắc đi nhắc lại : Kim Jong-un sẽ không để cho cộng đồng quốc tế bắt nạt.

Thậm chí, một số các chuyên gia ở Bắc Kinh còn cho rằng, trong thế cô lập và bị dồn vào chân tường, lãnh đạo Bắc Triều Tiên có thể đe dọa cả đồng minh truyền thống là Trung Quốc. Họ tin rằng Kim Jong-un phát triển vũ khí hạt nhân bằng mọi giá, bởi ông tin chắc đó là lá bùa hộ mạng. Trung Quốc nhìn nhận không thể ngăn cản được cuộc chạy đua vũ trang điên rồ của nước láng giềng.

Không chắc là Bắc Kinh hài lòng trước lời kêu gọi của ngoại trưởng Mỹ, Rex Tillerson, đòi cả Trung Quốc lẫn Nga cùng trực tiếp gia tăng láp lực với chế độ Bình Nhưỡng. Đến nay, Bắc Kinh luôn từ chối mọi quyết định đơn phương trên hồ sơ vào Bắc Triều Tiên. Trung Quốc cho rằng mọi biện pháp phải được thông qua trong khuôn khổ của Liên Hiệp Quốc.

Bắc Kinh mong mỏi trên hết giải quyết tranh chấp bằng đối thoại. Ít ra là cho tới thời điểm này, Trung Quốc không chấp nhận ban hành lệnh cấm vận dầu hỏa một cách toàn diện, tránh để xảy ra kịch bản chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ. Đó là điều chẳng có lợi gì cho Trung Quốc".

Hàn Quốc tập trận tấn công cơ sở phóng tên lửa Bắc Hàn

Hàn Quốc đã có phản ứng ngay lập tức. Seoul thông báo tập trận bắn đạn thật và thử hỏa tiễn hướng ra biển. Theo hãng tin Mỹ NBC, mục tiêu của các đợt thao diễn sáng nay 15/09/2017 là cơ sở phóng tên lửa ở miền Bắc.

Quân đội được lệnh sẵn sàng chuẩn bị đối phó với các thách thức mới, bao gồm vũ khí sinh - hóa học và vũ khí xung điện từ.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, vốn là người chủ trương để ngỏ cánh cửa đối thoại với Bình Nhưỡng, tuyên bố đối thoại trong hiện tại là "không thể được", và cho rằng gia tăng áp lực là cần thiết, để buộc Bắc Triều Tiên phải ngồi vào bàn thương lượng.

Về phía Tokyo, AFP dẫn lời của chánh văn phòng chính phủ Nhật Bản Yoshihide Suga, tuyên bố Nhật Bản "sẽ không dung thứ các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại" của Bắc Triều Tiên, đồng thời khẳng định sẽ phối hợp với Hoa Kỳ, Hàn Quốc và các nước liên quan để khẩn trương có các biện pháp tương thích. Theo bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản, mục tiêu của các vụ bắn thử tên lửa Bắc Triều Tiên chính là đảo Guam của Mỹ.

Mỹ kêu gọi Trung Quốc và Nga gia tăng áp lực với Kim Jong-un

Về phía nước Mỹ, ngoại trưởng Rex Tillerson ra thông cáo hối thúc các lãnh đạo Trung Quốc và Nga gia tăng áp lực đối với chế độ Bình Nhưỡng. Thông cáo nhấn mạnh Trung Quốc là quốc gia cung cấp dầu mỏ cho Bắc Triều Tiên và Nga là nơi sử dụng nhiều nhất "lao động Bắc Triều Tiên bị cưỡng bức". Ngoại trưởng Mỹ đồng thời kêu gọi mỗi quốc gia có những sáng kiến mới để gây sức ép.

Tổng thư ký khối NATO, Jens Stoltenberg, gọi chế độ Bắc Triều Tiên là "một mối đe dọa lớn đối với hòa binh và an ninh quốc tế" và yêu cầu một "phản ứng toàn cầu". Về phần mình, bộ trưởng Quân Lực Pháp, Florence Parly khẳng định hỏa tiễn Bắc Triều Tiên có thể đe dọa trực tiếp Châu Âu và vụ bắn tên lửa nói trên là một hành động thách thức an ninh quốc tế.

RFI tiếng Việt

*******************

Bắc Triều Tiên lại bắn tên lửa ngang qua Nhật Bản (RFI, 15/09/2017)

Đáp lại các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc, ngày 15/09/2017, Bắc Triều Tiên lại bắn tên lửa đạn đạo ngang qua Nhật Bản, với một khoảng cách được cho là xa chưa từng có. Căng thẳng trong khu vực càng gia tăng. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc lại họp khẩn cấp ngay chiều nay.

btt4

Bắc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đao ngang qua không phận Nhật Bản. Ngày 15/09/2017. Reuters

Từ Seoul, thông tín viên RFI Frédéric Ojardias gởi về bài tường trình :

"Tên lửa của Bắc Triều Tiên được phóng đi từ bãi bắn nằm gần sân bay Bình Nhưỡng, bay ngang qua không phận đảo Hokaido của Nhật Bản trước khi rơi xuống vùng biển Bắc Thái Bình Dương. Theo phía Hàn Quốc, tên lửa đã đạt độ cao 770 km và trên hành trình dài 3.700 km.

Vụ bắn tên lửa có lẽ đã thành công và đây là một thành công đáng kể : lần đầu tiên một tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên được bắn xa như thế. Hai tên lửa liên lục địa được thử nghiệm vào tháng 7/2017 đã được bắn lên rất cao, nhưng không đi được xa.

Vụ bắn tên lửa diễn ra chỉ 4 ngày sau khi Hội Đồng Bảo An ban hành các biện pháp trừng phạt rất nặng nề nhắm vào nền kinh tế Bắc Triều Tiên. Chắc là Bình Nhưỡng muốn chứng tỏ cho thấy là không dễ để bị bắt nạt.

Nhưng vụ bắn thử này cũng nhằm mục tiêu kỹ thuật, vì nó giúp cho các kỹ sư Bắc Triều Tiên tiếp tục thu thập những thông tin để nâng cao trình độ công nghệ tên lửa đạn đạo. Trước những áp lực ngày càng tăng, chế độ Bình Nhưỡng muốn nhanh chóng chế tạo được một tên lửa đạn đạo có thể sử dụng được ngay".

Theo Bộ Tư Lệnh các Chiến Dịch Quân Sự Mỹ ở Thái Bình Dương (PACOM), tên lửa được Bắc Triều Tiên bắn hôm nay là một tên lửa đạn đạo tầm trung và chưa phải là mối đe dọa đối với lãnh thổ lục địa Hoa Kỳ hay đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Theo thông báo của Ethiopia, quốc gia hiện nắm chức chủ tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, cơ chế này sẽ họp khẩn cấp vào chiều nay 15/09/2017 sau vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên. Theo một nhà ngoại giao, đây sẽ là một phiên họp kín.

Thanh Phương

Published in Quốc tế

Trừng phạt Bắc Triều Tiên : Chiến thuật "đàm phán thần tốc" của Mỹ (RFI, 12/09/2017)

Được Nga và Trung Quốc ủng hộ, nghị quyết trừng phạt Bắc Triều Tiên được xem là nghiêm khắc nhất đã được Hội Đồng Bảo An, thông qua ngày 11/09/2017. Bình Nhưỡng tuyên bố Mỹ sẽ trả giá bằng "khổ đau kinh khủng nhất". Bằng cách nào mà Washington, chỉ trong vòng 7 ngày, thành công thuyết phục được Bắc Kinh và Moskva ủng hộ đợt trừng phạt mới, đánh thẳng vào các nguồn ngoại tệ chính của Kim Jong-un ? AFP tường thuật kế hoạch "bốn bước" của đại sứ Nikki Haley.

bac1

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley phát biểu trong phiên họp HĐBA thông qua trừng phạt mới với Bắc Triều Tiên ngày 11/09/2017 tại New York. Reuters/Stephanie Keith

Dọa đánh

Ngày 04/09, một ngày sau khi Bình Nhưỡng thông báo thử quả bom hạt nhân thứ sáu, nữ đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc triệu tập các thành viên của Hội Đồng Bảo An. Để cho các đồng sự lên tiếng trước, vào giờ chót, bà Nikki Haley cao giọng tuyên bố : Đã đến lúc phải chấm dứt các biện pháp nửa vời. Bà còn gây bất ngờ khi loan báo : Tuần sau sẽ biểu quyết một văn kiện mới, nghị quyết 2375, tăng cường các biện pháp trừng phạt của nghị quyết 2371, thông qua hồi tháng 8.

Treo giá

Hai hôm sau, ngày 06/09, Hoa Kỳ chuyển đến 14 thành viên còn lại của Hội Đồng Bảo An dự thảo nghị quyết gồm những biện pháp mạnh nhất : Cấm triệt để nhập khẩu dầu khí, xuất khẩu hàng may mặc, than đá, sắt, hải sản, phong tỏa tài sản của Kim Jong-un, trục xuất toàn thể lao động Bắc Triều Tiên ở nước ngoài, khoảng 93.000, đông nhất là ở Trung Quốc.

Công bố dự thảo nghị quyết với toàn thể Hội Đồng Bảo An là một động thái chiến lược. Khi đặt giá rất cao, Washington buộc Bắc Kinh và Moskva vào tư thế phải trả lời và chấp nhận thương lượng. Mỹ đốt giai đoạn "tham khảo" tay đôi, tay ba không biết bao giờ kết thúc.

Thay vào đó, 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết bắt đầu đàm phán và đến thứ sáu 08/09, Nga và Trung Quốc tuyên bố bác bỏ hết danh sách đề nghị của Mỹ ngoại trừ biện pháp cấm vận hàng may mặc, công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Bắc Triều Tiên. Bắc Kinh và Moskva đòi phải nhấn mạnh nhu cầu "tìm một giải pháp hoà bình".

Tăng tốc

Ngay buổi tối thứ Sáu hôm đó, Washington "xô đẩy" các thành viên khác với thông báo : Biểu quyết dự thảo nghị quyết, được viết lại, vào thứ hai 11/09. Theo AFP, đây là một chiến thuật gây sức ép của Washington để nắm thế chủ động, chấp nhận rủi ro thách thức Bắc Kinh và Moskva.

Một nhà ngoại giao xin giấu tên phân tích : Mỹ gián tiếp cảnh báo Trung Quốc và Nga là không còn gì để thương lượng. Hai đồng minh của Bắc Triều Tiên cũng bị áp lực phải đạt được một nghị quyết hầu tránh làm tình hình căng thẳng thêm và phô bày tình trạng phân hóa giữa các đại cường. Để thuyết phục Nga và Trung Quốc, phía Mỹ đưa ra lập luận rằng "đây là giải pháp hoà bình mà quý vị mong muốn".

Hệ quả là trong hai ngày cuối tuần, Mỹ-Nga-Trung đàm phán trong tinh thần "xây dựng". Dự thảo được thêm bớt : Duy trì cấm vận hàng dệt may nhưng hạn chế cấm vận dầu khí. Thanh tra tàu bè phải có sự đồng ý của quốc gia liên quan. Không phong tỏa tài sản của Kim Jong-un nhưng thêm vào danh sách đen tên ông Pak Yong Sik, chuyên gia hạt nhân của Bắc Triều Tiên, và ba cơ quan có liên hệ với chương trình hạt nhân.

Cưỡng ép tinh thần

Đến 10 giờ đêm Chủ nhật, phái bộ Mỹ cung cấp dự thảo chung cuộc cho 15 thành viên với tuyến bố "biểu quyết" ngày hôm sau cho dù Trung Quốc chưa kịp cho ý kiến. Sáng thứ Hai, Bắc Kinh bật đèn xanh. Vài giờ sau, nghị quyết 2375 được xem là "lời cảnh báo nghiêm khắc, cân đối và vững chắc" được 15 thành viên Hội Đồng Bảo An thông qua.

Các biện pháp mới, một khi được thực thi sẽ gây tổn thất nặng nề cho ngành xuất khẩu hàng may mặc, than đá, quặng sắt và hải sản của Bắc Triều Tiên ít nhất 1 tỷ đôla mỗi năm. Xuất khẩu lao động cũng bị hạn chế , phải được chấp thuận của Liên Hiệp Quốc, có thể làm thất thu 200 triệu đôla mỗi năm. Về năng lượng, Bắc Triều Tiên bị cấm nhập khẩu 6 triệu thùng dầu thô và sản phẩm hóa dầu trên tổng 17 triệu thùng. Tuy chỉ độ 30% nhưng "chiến thuật cấm vận năng lượng Bắc Triều Tiên theo lối "cuốn chiếu" đã được Mỹ bố trí".

Tú Anh

***************

LHQ đồng thuận trừng phạt Bình Nhưỡng sau vụ thử hạt nhân (RFI, 12/09/2017)

Ngày 11/09/2017, dưới sự thúc đẩy của Mỹ, toàn thể 15 thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua một loạt biện pháp mới trừng phạt Bắc Triều Tiên sau vụ thử bom hạt nhân ngày 03/09 : Cấm xuất khẩu sản phẩm dệt may và hạn chế nhập khẩu dầu khí. Phương Tây hy vọng phong tỏa đến 90% xuất khẩu của Bình Nhưỡng và 30% nguồn năng lượng nhập khẩu để buộc Kim Jong-un phải đình chỉ chương trình hạt nhân, vũ khí quy ước đe dọa an ninh thế giới và trở lại bàn đàm phán.

bac2

Đại diện các nước tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc biểu quyết trừng phạt lần thứ 9 Bắc Triều Tiên, ngày 11/09/2017, New York. Reuters/Stephanie Keith

Nghị quyết trừng phạt lần thứ 8 của Liên Hiệp Quốc được hai nước đồng minh của Bắc Triều Tiên là Nga và Trung Quốc ủng hộ sau khi Mỹ chấp nhận giảm nhẹ. Đối với Hoa Kỳ, Anh, Pháp, nghị quyết được biểu quyết nhất trí hôm thứ Hai rất "cân đối và vững chắc", cho phép Liên Hiệp Quốc xác định "quyết tâm và đoàn kết" trong thông điệp cảnh tỉnh chế độ Bình Nhưỡng.

Từ New York, thông tín viên Marie Bourreau phân tích :

Hoa Kỳ muốn cắt đứt triệt để nguồn dầu khí nhập khẩu của Bắc Triều Tiên. Lệnh cấm vận chỉ ảnh hưởng có một phần và áp dụng từng bước. Lãnh đạo Kim Jong-un cũng không bị phong tỏa tài sản.

Tuy nhiên, Washington cũng đạt được một số mục tiêu như là cấm Bình Nhưỡng xuất khẩu hàng dệt may và hạn chế nhập khẩu khí đốt cũng như tăng cường kiểm soát thương thuyền Bắc Triều Tiên và hạn chế số nhân công ra nước ngoài lao động.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, Nikki Haley, khen ngợi thái độ ủng hộ của Trung Quốc và Nga, biểu hiện sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế. Bà nói : Ngày hôm nay, chúng tôi nói rằng thế giới không bao giờ chấp nhận một nước Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân. Và hôm nay, Hội Đồng Bảo An tuyên bố rằng nếu chế độ Bắc Triều Tiên không ngưng chương trình hạt nhân của họ thì chính chúng tôi sẽ ra tay hành động".

Dù vậy, trái với lời tuyên bố bốc lửa hồi tuần trước, bà Nikki Haley tìm cách xoa dịu tình hình khi cho rằng còn có cơ hội thương thuyết : Chúng tôi không chọn giải pháp chiến tranh. Chế độ Bắc Triều Tiên chưa vượt qua giới hạn không thể đảo ngược. Nếu Bình Nhưỡng chấp nhận chấm dứt chương trình hạt nhân thì họ có một tương lai trước mặt".

Lời tuyên bố này làm hài lòng Nga và Trung Quốc. Hai nước này lúc đầu không tin vào hiệu quả của giải pháp trừng phạt mới và một lần nữa họ kêu gọi các bên xung khắc tự kềm chế để mở lại càng sớm càng tốt vòng đàm phán sáu bên.

Tú Anh

********************

Bắc Hàn chịu thêm các lệnh trừng phạt của LHQ (BBC, 12/09/017)

Trung Quốc và Nga đã nhất trí với lá phiếu của LHQ áp dụng các hình thức trừng phạt mới đối với Bắc Hàn sau lần thử hạt nhân lần thứ sáu mới đây.

bac3

Bình Nhưỡng tuyên bố đã chế tạo bom nhiệt hạch.

Hội đồng Bảo an đã bỏ phiếu 15-0 ủng hộ nghị quyết do Hoa Kỳ soạn thảo cấm Bắc Hàn xuất khẩu than, chì và hải sản.

Bình Nhưỡng tuyên bố đã chế tạo một quả bom nhiệt hạch và từng dọa sẽ tấn công Hoa Kỳ.

Bắc Hàn hiện đang chịu các lệnh trừng phạt của LHQ nhằm buộc giới lãnh đạo nước này cắt giảm các chương trình vũ khí của họ.

Các biện pháp trừng phạt mới được thông qua hôm thứ Hai sau khi Hoa Kỳ bỏ một số đề xuất khắt khe mà họ tuyên bố hồi tuần trước, bao gồm lệnh cấm vận dầu và các biện pháp đóng băng tài sản của nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un.

Các biện pháp, bao gồm cả cấm xuất khẩu dệt may, nhằm đánh vào ngân sách của Bình Nhưỡng dùng để chi cho chương trình hạt nhân của nước này.

Đây là nghị quyết thứ chín được LHQ đồng loạt thông qua từ năm 2006.

Đại sứ Trung Quốc tại LHQ, ông Lưu Kết Nhất, thúc giục Bắc Hàn "nghiêm túc" trước nghị quyết mới nhất và kêu gọi tất cả các bên "tỉnh táo".

Trong khi đó, Đại sứ Nga tại LHQ, Vasily Nebenzya, nói rằng đã có "một sai lầm lớn khi đánh giá thấp" một sáng kiến ​​của cả Trung Quốc và Nga đưa ra.

Hai nước này đề xuất việc Bình Nhưỡng ngưng thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân đồng thời Hoa Kỳ và Nam Hàn ngưng các cuộc tập trận trong khu vực.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump từng cảnh báo rằng Hoa Kỳ có thể cắt quan hệ thương mại với các nước làm ăn với Bắc Hàn.

Vào tháng Tám, một loạt lệnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ đã cấm Bắc Hàn xuất khẩu than, có trị giá 1 tỷ đô la, chiếm khoảng 1/3 tổng xuất khẩu của nước này.

**********************

Trung Quốc trừng phạt Bắc Triều Tiên nhưng vẫn muốn đối thoại (RFI, 12/09/2017)

Nghị quyết của Hội Đồng Bảo An do Hoa Kỳ soạn thảo đã được Nga và Trung Quốc chấp nhận với điều kiện phải bỏ đi những đoạn cứng rắn nhất. Cũng như những lần trước, Bắc Kinh, đồng minh chính của Bình Nhưỡng, là nước đầu tiên phải áp dụng các biện pháp trừng phạt. Theo Reuters hôm nay 12/09/2017, bốn trong số những ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đã ngưng cung cấp dịch vụ tài chính cho các khách hàng mới từ Bắc Triều Tiên.

bac4

Đại sứ Trung Quốc Lưu Kết Nhất (Liu Jieyi) tại phiên họp Hội Đồng Bảo An về trừng phạt Bắc Triều Tiên, New York ngày 11/09/2017. Reuters/Stephanie Keith

Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt nhận định :

Bắc Kinh có thể hoan nghênh nghị quyết trừng phạt thứ 8 đối với Bình Nhưỡng. Trung Quốc đã thành công trong việc bác bỏ hai biện pháp mà mình không muốn : Trong văn bản được thông qua, không có việc cấm vận hoàn toàn dầu lửa, cũng như việc phong tỏa tài sản của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un.

Tuy vậy, vẫn phải giảm gần một phần ba lượng dầu lửa bán cho Bình Nhưỡng, và ngưng nhập khẩu hàng dệt may Bắc Triều Tiên với tổng giá trị khoảng 670 triệu euro. Tân Hoa Xã cho biết "90% hàng xuất khẩu của Bắc Triều Tiên nay bị cấm nhập", nhắc lại rằng than đá, hải sản, sắt và quặng sắt đã bị cho vào danh sách đen của Liên Hiệp Quốc.

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc tuyên bố : "Trung Quốc hy vọng nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc sẽ được thực hiện toàn bộ". Nhưng phát ngôn viên Cảnh Sảng nhắc lại, bên cạnh trừng phạt, Bắc Kinh còn trông cậy vào đối thoại. Một giải pháp hòa bình là cần thiết. Trung Quốc sẽ không cho phép chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên.

Reuters dẫn nguồn tin từ nội bộ các ngân hàng Xây Dựng (CCB), Công Thương (ICBC), Nông Nghiệp (AgBank) và chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (BoC) tại Đan Đông khẳng định các khách hàng mới từ Bắc Triều Tiên không thể mở tài khoản. AFP trích báo cáo của công ty an ninh mạng FireEye cho biết, tin tặc Bắc Triều Tiên đã tấn công các trang web trao đổi bitcoin của Hàn Quốc ít nhất ba lần kể từ tháng Năm để đánh cắp tiền ảo, nhằm tránh né cấm vận. Còn theo Yonhap hôm nay, giá dầu tại Bắc Triều Tiên đã tăng lên.

Thụy My

********************

Bắc Triều Tiên : Hội Đồng Bảo An thông qua những biện pháp trừng phạt mới (RFI, 11/09/2017)

Hôm 11/09/2017, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc sẽ thông qua những biện pháp trừng phạt nặng nề mới đối với Bắc Triều Tiên, trong đó có một lệnh cấm vận dầu hỏa "với mức độ tăng dần". Nhưng bản dự thảo nghị quyết theo đề nghị của Hoa Kỳ đã được sửa đổi để có thể được Nga và Trung Quốc chấp nhận.

bac5

Hội Đồng Bảo An họp về Bắc Triều Tiên ngày 4/09/2017, nagy sau khi Bình Nhưỡng thử Bom H. Reuters/Joe Penney

Để trừng phạt Bình Nhưỡng về vụ thử hạt nhân lần thứ sáu ngày 03/09 vừa qua, hôm thứ tư tuần trước, Washington đã đề nghị bản dự thảo nghị quyết đầu tiên. Bản nghị quyết này dự trù cấm vận toàn diện và ngay lập tức đối với dầu hỏa, các sản phẩm chế biến từ dầu khí của Bắc Triều Tiên, gởi trả về Bắc Triều Tiên toàn bộ những người lao động ở nước ngoài (50 ngàn người, theo LHQ), phong tỏa tài sản của lãnh đạo Kim Jong-un, cấm nhập hàng vải sợi Bắc Triều Tiên và thanh tra, với vũ lực nếu cầu, các tàu bị nghi chở hàng bị LHQ cấm.

Nhưng sau 4 ngày thương lượng gay go với Trung Quốc và Nga, hai quốc gia vẫn yểm trợ Bắc Triều Tiên và đều có biên giới chung với nước này, Hoa Kỳ đã phải chấp nhận sửa đổi nội dung bản nghị quyết. Cụ thể là lệnh cấm vận dầu hỏa sẽ không "toàn diện và ngay lập tức", mà sẽ được thực hiện "với mức độ tăng dần", tùy theo thái độ của chế độ Bình Nhưỡng.

Cũng theo yêu cầu của Bắc Kinh và Moskva, dự thảo nghị quyết không còn dự trù phong tỏa tài sản của Kim Jong-un. Hai biện pháp về người lao động Bắc Triều Tiên ở nước ngoài và về việc thanh tra các tàu bị nghi chở hàng cấm cũng đã được giảm nhẹ, theo lời các nhà ngoại giao. Nhưng lệnh cấm nhập hàng vải sợi Bắc Triều Tiên thì đã được cả 5 thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An, tức các nước có quyền phủ quyết, chấp thuận.

Vài giờ trước cuộc biểu quyết của Hội Đồng Bảo An, hôm nay, Bình Nhưỡng cảnh báo Hoa Kỳ là sẽ giáng cho họ "những đòn đau đớn nhất", nếu vẫn đòi Liên Hiệp Quốc gia tăng trừng phạt chế độ Kim Jong-un.

Trong khi đó tại Tokyo hôm nay, thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố sẽ tăng cường các phương tiện phòng thủ, trước mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng từ Bắc Triều Tiên. Ông Abe còn đề nghị bộ trưởng Quốc Phòng Itsunori Onodera chuẩn bị một dự thảo chiến lược quốc phòng trong trung hạn.

Về phần mình, Bắc Kinh hôm qua thông báo là mức độ phóng xạ tại những vùng biên giới với Bắc Triều Tiên "không có gì bất thường", một tuần sau vụ thử hạt nhân lần thứ sáu của Bình Nhưỡng. Cho nên bộ Môi Trường của nước này đã chấm dứt các cuộc "kiểm tra khẩn cấp" mức độ ô nhiểm phóng xạ ở biên giới giữa hai nước.

Thanh Phương

*********************

Cấm vận dầu hỏa Bắc Triều Tiên : Một chiến lược hiệu quả ? (RFI, 07/09/2017)

Sau du lịch và kiều hối của lao động ở nước ngoài, Hoa Kỳ đề nghị cấm vận dầu hỏa với Bắc Triều Tiên. Giới chuyên gia nhận định đấy có lẽ sẽ là "một đòn chí mạng" nhắm vào chế độ Bình Nhưỡng, nhưng rất khó thuyết phục được Bắc Kinh.

bac6

Họp Hội Đồng Bảo An ngày 04/09/2017 sau vụ thử hạt nhân mới nhất của Bắc Triều Tiên. Reuters/Joe Penney

Theo một dự thảo nghị quyết được công bố ngày 06/09/2017, Hoa Kỳ đề nghị cấm vận nguồn nhập khẩu dầu lửa và tất cả các sản phẩm từ dầu hỏa và khí hóa lỏng. Nếu được áp dụng, đây sẽ là một "cú đánh đau" vào chế độ Kim Jong-un.

Trên thực tế, Bắc Triều Tiên hầu như lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn dầu hỏa nhập khẩu. Cơ Quan Thông Tin Năng Lượng EIA trụ sở tại Hoa Kỳ ước tính Bình Nhưỡng nhập khẩu mỗi ngày khoảng 10.000 thùng dầu, với mức giá là 50 đô la/thùng, tương đương với khoảng 180 triệu đô la/năm. Phần lớn nguồn cung ứng dầu đến từ Trung Quốc, nhưng không ai biết chính xác khối lượng được giao, bởi vì kể từ năm 2014, Bắc Kinh đã ngừng công bố các số liệu.

Còn theo Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế (ITC), trực thuộc Tổ Chức Thương Mại Thế Giới của Liên Hiệp Quốc, riêng trong năm 2016, Bắc Triều Tiên đã nhập khẩu từ Trung Quốc 115 triệu đô la các sản phẩm từ dầu hỏa, bao gồm xăng dầu và nhiên liệu cho máy bay. Bên cạnh đó, còn phải tính đến lượng nhập khẩu đến từ Nga, trị giá khoảng 1,7 triệu đô la mỗi năm.

Nếu quốc tế thực thi nghiêm túc lệnh trừng phạt này, người dân Bắc Triều Tiên sẽ là nạn nhân đầu tiên gánh lấy hậu quả, theo như đánh giá của Viện Nautilus. Với chiến lược "songun" (quân đội trước hết), chế độ Bình Nhưỡng sẽ siết chặt ngay lập tức nguồn nhiên liệu cung cấp cho người dân. Hệ quả là người dân sẽ phải đi bộ thay vì đi xe buýt ; điện thắp sáng trong nhà sẽ ít hơn ; và tệ hại nhất là tình trạng phá rừng để lấy than củi, dẫn đến hiện tượng "xói mòn, sạt lở đất, ngập lụt và nạn đói".

Về phía quân đội, báo cáo của Viện Nautilus đánh giá, trước mắt, lệnh trừng phạt nhắm vào nguồn nhập khẩu dầu hỏa có lẽ sẽ chỉ có một "tác động gần như không hoặc hạn chế" lên quân đội Bắc Triều Tiên và các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Bởi vì với kho dự trữ chiếm đến một phần ba nhập khẩu dầu lửa, quân đội nước này có đủ khả năng cầm cự chí ít trong vòng "một năm với mức tiêu thụ như dưới thời bình" và có thể chiến đấu trong vòng một tháng.

Tuy nhiên, theo quan sát của giới chuyên gia, đòn trừng phạt được cho là "chí mạng" này đối với chế độ Bình Nhưỡng khó có thể được Trung Quốc thông qua. Cắt nguồn cung dầu hỏa có nguy cơ làm sụp đổ chế độ Kim Jong-un. Một kịch bản khiến Bắc Kinh sợ "tái mặt", như phân tích của ông Jean-Vincent Brisset, Viện Quan Hệ Quốc Tế Và Chiến Lược, được AFP trích dẫn.

Bình Nhưỡng sụp đổ, Bắc-Nam Triều Tiên thống nhất, kéo theo dòng người di tản và sự hiện diện của lính Mỹ ngay sát biên giới Trung Quốc. Và Bắc Triều Tiên không còn là quốc gia đệm nữa và như vậy "Trung Quốc sẽ mất mọi quyền lợi".

Do đó, theo quan điểm của cựu thứ trưởng ngoại giao Hàn Quốc, Kim Sung Han, cách thức tốt nhất để thuyết phục Trung Quốc đồng ý thông qua lệnh cấm vận dầu hỏa là đe dọa các lợi ích riêng của nước này, thông qua việc trừng phạt các doanh nghiệp nào của Trung Quốc có làm ăn với Bắc Triều Tiên như Hoa Kỳ đề xuất.

"Nói thì dễ, làm thì khó". Năm 2016, tổng giá trị hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ vào thị trường Trung Quốc là 115,6 tỷ đô la. Liệu Hoa Kỳ có dám thực hiện ý tưởng của mình hay không khi mà Boeing hôm qua còn dự báo trong vòng 20 năm tới, thị trường hàng không Trung Quốc sẽ phải cần đến 2 000 chiếc máy bay ? Một thị trường béo bở mà hai hãng lớn nhất thế giới là Boeing và Airbus đang cạnh tranh gay gắt.

Minh Anh

Published in Châu Á

Đa số người dân Nam Hàn nghĩ rằng Bắc Hàn không có khả năng phát động chiến tranh, nhưng tỷ lệ người dân miền Nam lo ngại cuộc chiến có thể sẽ xảy ra cũng chẳng phải là nhỏ.

namhan1

Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un (ở giữa) đang theo dõi vụ bắn thử tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 tại một địa điểm gần Bình Nhưỡng hôm 29/8/2017 - AFP Photo/KCNA Via KNS

Kết quả cuộc thăm dò do Viện Gallup thực hiện cho thấy 58% người dân Nam Hàn nghĩ rằng miền Bắc sẽ không khởi chiến, nhưng 37% người được hỏi cho hay họ vẫn âu lo chiến tranh có thể sẽ xảy ra.

Cuộc thăm dò được thực hiện chỉ vài ngày sau khi Bình Nhưỡng thành công trong vụ nổ thử nghiệm bom nhiệt hạch, đồng thời báo trước là sẽ tiếp tục chương trình phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo và phát triển võ khí hạt nhân, cho tời khi nào Hoa Kỳ ngưng những hành động mà họ gọi là gây hấn, muốn lật đổ chính phủ đương quyền Bắc Hàn bằng võ lực.

Liệu chiến tranh có xảy ra hay không cũng là điều được báo chí nêu lên với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong cuộc tiếp xúc ngắn ở Nhà Trắng ngày hôm qua.

Theo Tổng thống Mỹ, tất cả mọi biện pháp đáp trả đều được cân nhắc, bao gồm cả hành động quân sự, và nếu điều này xảy ra, "đó sẽ là một ngày buồn thảm" cho Bắc Hàn.

Tổng thống Hoa Kỳ từng nói có thể trả đũa Bắc Hàn "bằng lửa và mức giận dữ" thế giới chưa từng thấy, nhưng đồng thời ông cũng cho biết giải pháp quân sự không phải là giải pháp đầu tiên ông nghĩ đến khi bàn thảo về những điều phải làm để giải quyết căng thẳng đang xảy ra trên bán đảo Triều Tiên. Vì thế khi được hỏi là liệu có thể tránh được chiến tranh hay không, Tổng thống Trump trả lời rằng "không có chuyện gì là không thể tránh khỏi".

Các giới chức Nhà Trắng xác nhận Bắc Hàn là một trong những điều Tổng thống Hoa Kỳ muốn giải quyết, và hiện Washington đang cùng với một số nước đồng minh Châu Âu soạn thảo bản nghị quyết lên án những hành động gây rối mà Bắc Hàn đã làm, đồng thời đưa ra những biện pháp cấm vận gắt gao hơn đối với Bình Nhưỡng, bao gồm cả việc phong tỏa tài sản lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un có ở nước ngoài.

Nghị quyết này sẽ được đệ trình trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và ngày thứ Hai tuần tới.

Một diễn biến liên quan cũng được nói tới là hôm nay, mùng 8 tháng Chín 2017, Bộ quốc phòng Hoa Kỳ thông báo hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đã rời Nhật Bản dể thực hiện đợt tuần tra thường kỳ, hoạt động ngay vùng biển nằm giữa Nhật và bán đảo Triều Tiên.

Published in Châu Á

Mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên với những vụ phóng hỏa tiễn đạn đạo và các tiến bộ trong chương trình hạt nhân đã thúc đẩy trở lại cuộc tranh luận về việc có nên triển khai vũ khí nguyên tử Mỹ tại Nhật Bản và Hàn Quốc hay không.

nguyentu1

Biểu tình chống triển khai hệ thống chắn tên lửa THAAD ở Hàn Quốc, ngày 7/09/2017. Min Gyeong-seok/News1 via Reuters

Tại Nhật, ông Shigeru Ishiba, một trong những nhân vật uy tín thuộc đảng Tự Do Dân Chủ (PLD) của thủ tướng Shinzo Abe, là người đã tiên phong đặt ra câu hỏi này. Cựu bộ trưởng Quốc Phòng, được cho là có khả năng kế nhiệm ông Shinzo Abe, đã không ngần ngại đặt lại vấn đề "ba nguyên tắc" - được đề ra năm 1967 và công bố năm 1971, đã mang lại giải Nobel hòa bình cho thủ tướng thời đó là Eisaku Sato. Đó là "không phát triển, không sở hữu, không triển khai vũ khí nguyên tử".

Trong một chương trình truyền hình, ông Ishiba đặt thẳng câu hỏi : "Vậy thì không nói gì cả về vũ khí hạt nhân luôn, như thế liệu có nên hay không ?"

Ông Takehido Yamamoto, trường đại học Waseda nhận định : "Các chính khách diều hâu dùng những hành động khiêu khích ngày càng nhiều của Bình Nhưỡng làm đòn bẩy, để khai mào cuộc tranh luận, với lý do lá chắn hạt nhân của Mỹ chưa hẳn bảo đảm được, và kêu gọi nước Nhật phải tự bảo vệ".

Cho dù nhìn nhận rằng việc để cho Hoa Kỳ bố trí vũ khí nguyên tử trên đất Nhật là một chủ đề nhạy cảm, dễ gây xúc động, ông Ishiba nói thêm : "Liệu có đúng đắn khi nói rằng chúng ta muốn được bảo vệ bởi vũ khí nguyên tử Mỹ, nhưng lại không muốn đặt trên lãnh thổ chúng ta ?"

Phát ngôn viên chính phủ Yoshihide Suga tuyên bố với báo chí : "Cho đến nay, chúng ta không thảo luận việc đặt lại vấn đề "ba nguyên tắc", và cũng không nghĩ đến việc này". Bộ trưởng Quốc Phòng Itsunori Onodera nói tiếp : "Chính phủ luôn hành động trong khuôn khổ ba nguyên tắc trên, quan điểm chúng ta không thay đổi".

Đối với chuyên gia Yamamoto, cho dù Nhật Bản sở hữu "công nghệ hạt nhân và có đủ lượng plutonium để sản xuất ra vài chục quả bom nguyên tử, nhưng cuộc tranh luận khó thể đi xa đến như thế", do những vết thương mà hai quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945 vẫn còn gây nhức nhối trong công luận.

Tuy bác bỏ thẳng thừng ý tưởng Nhật Bản, "quốc gia duy nhất phải hứng chịu bom nguyên tử"nay trang bị vũ khí hạt nhân, nhưng ông Ishiba vẫn cho rằng "chiếc dù chắn hạt nhân của Mỹ đã bị chọc thủng" và cần phải hành động.

Phản ứng tương tự cũng diễn ra ở Hàn Quốc. Các dân biểu đối lập thuộc phe bảo thủ đã trình lên một nghị quyết đòi hỏi đất nước phải sở hữu vũ khí nguyên tử của chính mình. Nhật báo Donga Ilbo hôm thứ Hai 4/9 viết : "Chúng ta không thể nào luôn trông cậy vào chiếc dù chắn hạt nhân của Hoa Kỳ".

Cho dù theo các cuộc thăm dò, dư luận Hàn Quốc thuận lợi hơn Nhật Bản về vấn đề này, ngoại trưởng Kang Kyung Wha nhấn mạnh rằng Seoul luôn tôn trọng các cam kết về Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Các chuyên gia khẳng định, nếu chọn lựa vũ khí nguyên tử, sẽ tai hại cho Hàn Quốc. Seoul có nguy cơ bị quốc tế trừng phạt, gây thiệt hại kinh tế nặng nề và các nhà máy điện nguyên tử của Hàn Quốc có thể không còn được cung ứng nhiên liệu.

Đối với Robert Dujarric, giám đốc nghiên cứu Châu Á đương đại của trường đại học Temple ở Tokyo, cuộc tranh luận chỉ đơn thuần là lý thuyết. Ông nói : "Chúng ta không thể xuất hiện với vài hỏa tiễn hành trình có gắn đầu đạn nguyên tử, như thể là đến nhà bạn chơi, mang theo nước uống và xúc xích. Cần có những khu vực được giữ an ninh cao độ, với những người lính có nhiệm vụ duy nhất là bảo vệ chống những kẻ phá hoại, các đội đặc nhiệm của kẻ thù, những người biểu tình, v.v…"

Hơn nữa, công luận cũng không hề sẵn sàng cho một sự triển khai như thế. Ông Dujarric nhấn mạnh : "Có những tiếng nói phản đối tại Nhật Bản. Những người sống gần nơi đặt vũ khí nguyên tử lo sợ sẽ bị quân địch tấn công đầu tiên". Ông cũng đặt vấn đề về lợi ích chiến lược của vũ khí hạt nhân: "Có nên tiêu hao năng lượng để thuyết phục hay không, vì nó không làm tăng thêm sức mạnh răn đe. Những hỏa tiễn, oanh tạc cơ Mỹ đặt trên đất Nhật, trên những tàu ngầm ngoài khơi Bắc Triều Tiên hay trên những máy bay ném bom ở Mỹ, vẫn không làm thay đổi tương quan lực lượng".

Thụy My

Nguồn : RFI, 08/09/2017

Published in Diễn đàn
mercredi, 06 septembre 2017 21:08

Giải pháp nào cho bán đảo Triều Tiên ?

Lãnh đạo thế giới đau đầu tìm giải pháp ngoại giao cho vấn đề Triều Tiên (VOA, 06/09/2017)

Các nhà lãnh đạo thế gii đang c gng tìm gii pháp đ tránh mt cuc chiến tranh khc lit trên Bán đo Triu Tiên, nơi mà chế đ Kim Jong-un đã khiến dư luận quc tế phn n v v th ht nhân mi nht. Trong khi đó, tin nói Bình Nhưỡng li tiếp tc đe da Washington. Phóng viên Bill Gallo ca đài VOA có bài tường trình chi tiết sau đây.

bachan1

Đại s Triu Tiên ti Liên Hiệp Quốc Han Tae Song.

Chỉ vài ngày sau cuc th ht nhân mi nht, Triu Tiên li đưa ra mt mối đe da khác. Đi s Triu Tiên ti Liên Hiệp Quốc nói rng Triu Tiên có th tiến hành mt cuc th nghim mi.

Đại s Triu Tiên ti Liên Hiệp Quốc Han Tae Song nói :

"Hoa Kỳ sẽ nhn được nhiu gói quà t đt nước ca chúng tôi nếu Hoa Kỳ còn khiêu khích, thiếu thn trng và còn những n lc vô ích gây áp lc lên Triu Tiên".

Mỹ và các đng minh đã gic Hi đng Bo an Liên Hiệp Quốc tht cht các bin pháp chế tài đi vi Bình Nhưỡng sau v th ht nhân ln th 6.

Đại s Hoa Kỳ ti Liên Hiệp Quốc Nikki Haley cnh báo áp lc kinh tế là la chn hiệu qu nht.

Bà Haley nói : "Chúng ta có nghĩ liệu thêm các bin pháp trng pht Triu Tiên s có tác dng ? Không nht thiết như vy. Nhưng chế tài đ làm gì ? Các bin pháp chế tài ct ngun thu nhp tài chánh mà Bình Nhưỡng dùng đ phát trin tên la đn đo".

Không phải mi người đu đng ý, trong đó có Tng thng Nga Vladimir Putin. Ông Putin nói rng trng pht nhiu hơn cũng "vô dng". Trung Quc cũng t ra hoài nghi, thay vào đó cnh báo c hai bên tránh leo thang căng thng.

Nhưng ông Donald Trump không lùi bước.

...ông viết trên Twitter rng ông s cho phép Nht Bn và Hàn Quc mua thêm thiết b quân s.

Nhưng mi vic có th không d dàng như vy... theo nhn đnh ca ông James Schoff thuc Vin Carnegie Endowment for International Peace.

"Điều này không đơn thuần là tng thng cho bán vũ khí, mà nó còn ph thuc vào vic Nht Bn và Hàn Quc có ngân sách đ mua các h thng vũ khí đó hay không, liu h có cn nhng vũ khí đó hay không, h đt nhu cu đó mc ưu tiên nào. Ngoài ra còn cn Quc hi M bãi min nhiều trường hp cm chuyn giao nhng công ngh đc bit".

Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cũng cnh báo rng M có áp dng các bin pháp hn chế thương mi đi vi các nước đang giao thương vi Triu Tiên.

********************

Nga cân nhắc một giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên (VOA, 06/09/2017)

bachan2

Tổng thng Nga Vladimir Putin (phi) và Tng thng Hàn Quc Moon Jae-inin.

Tổng thng Nga Vladimir Putin lên án vic Triu Tiên th nghim ht nhân mi đây nht, trong khi cân nhc mt gii pháp kh thi cho cuộc khng hong này.

Phát biểu sau cuc hp vi Tng thng Hàn Quc Moon Jae-inin ti thành ph cng Vladivostok ca Nga, ông Putin kêu gi đàm phán vi Triu Tiên. Ông nói các bin pháp trng pht không phi là gii pháp cho cuc khng hong ht nhân và tên lửa ca Triu Tiên.

Tổng thng Vladimir Putin-Nga nói :

Rõ ràng là không thể gii quyết được các vn đ trên Bán đo Triu Tiên bng cách ch áp dng chế tài và áp lc. Chúng ta không nên tùy nghi và dn Triu Tiên vào đường cùng. Mi người nên bình tâm và tránh các bước dn đến căng thng leo thang. Tht khó có th đt được tiến b trong tình hình hin ti mà không có các công c chính tr và ngoi giao. Không có các công c này thì thc s tôi tin rng chúng ta khó có kh năng thc hin được".

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kêu gi Moscow ng h các lnh trng pht mnh m hơn đi vi Bình Nhưỡng.

Nga và Trung Quốc, đi tác thương mi chính ca Triu Tiên, nht trí rng vic tiếp tc tht cht các bin pháp trng pht đi vi Bình Nhưỡng s ít có tác dng làm gim nh căng thng trên bán đo Triu Tiên.

Published in Châu Á